Ngày 05-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dấu ấn Ba Ngôi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:02 05/06/2020

Mỗi ngày ta ghi dấu thánh giá lên thân thể mình đi liền với việc tuyên xưng mầu Nhiệm một Chúa Ba Ngôi nhiều lần.

Như vậy, khi ghi hình thánh giá đồng thời với việc tuyên xưng, chúng ta vừa ghi khắc Thánh Danh cực trọng, vừa ước nguyện được Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần lưu dấu sự thánh thiện của Người trên thân thể, trên mọi hoạt động và trên cả cuộc đời của ta.

Chúa Giêsu dạy ta biết mầu nhiệm một Chúa duy nhất Ba Ngôi. Cha là Đấng yêu Con và hằng sinh ra Con. Con là Đấng được yêu và được Cha sai vào thế gian. Thánh Thần là tình yêu nối kết Cha Và con.

Như vậy Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một ngôi vị đơn độc, nhưng là Ba Ngôi hiệp thông chặt chẽ với nhau. Ba Ngôi chia sẻ cho nhau mọi sự mình có: “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (Ga 16, 15).

Thiên Chúa vừa là một, vừa là ba. Hội Thánh cũng vừa duy nhất, vừa đa dạng. Nhờ đó sự duy nhất của Hội Thánh không đơn độc, không nghèo nàn, và sự đa dạng cũng không trở thành cớ chia rẽ.

Nếu sống là sống với tha nhân, sống cho tha nhân, sống nhờ tha nhân, thì Ba Ngôi là mẫu mực cho ta. Mỗi Ngôi đều không tìm mình, nhưng luôn hướng đến hai Ngôi còn lại và hướng về thụ tạo để trao ban chính mình cho thụ tạo. Từ đó tạo ra kuôn mặt riêng của từng Ngôi vị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện của Ba Ngôi ở nơi chính mình. Vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi các con” (Ga 14, 23); “Thánh Thần ở bên và ở trong các con” (Ga 14, 17). Đây là tin mừng quá đỗi lớn lao: Thiên Chúa siêu việt, xa thẳm lại ở rất gần chúng ta, ở kề bên chúng ta. Chỉ cần quay vào nội tâm của chính mình, ta sẽ gặp được Ngài.

Dù đang sống trên trần thế, mỗi người cần ghi khắc: mình có vận mạng đời sau. Vận mạng ấy cắm chặt vào tình yêu, sự hiện diện, quyền năng của Ba Ngôi.

Vì thế, hôm nay còn sống trên đời, chúng ta cần đặt Thiên Chúa trước mắt mình, trong trung tâm của đời sống mình, để bất luận làm gì, nghĩ gì, thể hiện điều gì, thì luôn là những hoạt động trong Chúa, hoạt động với tình yêu, hoạt động để càng ngày càng tiến tới sự thánh thiện, và nhằm đích đến là muôn đời sống trongThiên Chúa.

Hãy nhớ, chỉ những hoạt động nhân danh Ba Ngôi tình yêu, được khơi nguồn từ chính nguồn mạch tình yêu Ba Ngôi, được thúc đẩy bởi tình yêu Ba Ngôi, được nuôi dưỡng bằng tình yêu Ba Ngôi, được thực hiện vì tình yêu tuyệt đối ấy, ta mới thực sự được giải phóng khỏi mọi cám dỗ, khỏi sự dữ gieo rắc tội lỗi, từ đó bản thân mới có thể đổi mới mình, đổi mới xã hội, và mang lại cho trần đời sự sống và hạnh phúc đích thực.

Khi làm được những điều ấy, ta mới thực sự sống mầu nhiệm Ba Ngôi một cách đúng đắn và tích cực. Và chỉ như thế, mầu nhiệm cực trọng này mới trở thành trung tâm niềm tin của chính bản thân ta.

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau, để tình yêu của chúng con cũng trở thành mẫu mực của tình yêu cho thế giới.

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa sâu thẳm trong tâm hồn chúng con, để khi biết rằng chính Chúa ngự trong tâm hồn mình, chúng con biết xa lánh tội lỗi, xa lánh mọi cám dỗ. Nhờ đó chúng con xứng đáng lãnh nhận hồng ân sự sống Ba Ngôi và có thể chứng minh tình yêu của Chúa cho thế giới chúng con đang đồng hành.


 
Vị Thiên Chúa yêu thương và gần gũi
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:06 05/06/2020

Lễ Chúa Ba Ngôi
Xh 34, 4b-6.8-9; 2 Cr 13, 11-13; Ga 3, 16-18

Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13, 13).

Đây là lời chào mà thánh Phaolô đã gửi tới các Kitô hữu ở Côrintô trong bài đọc II của đại lễ Ba Ngôi chí thánh. Một lời chào chúc chứa đựng niềm tin Ba Ngôi. Tôi muốn gửi tới mọi người chúng ta chính lời cầu chúc ấy. Quả thật, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa được nói tới, đó là Chúa Cha (Thiên Chúa), Chúa Con (Đức Giêsu Kitô) và Chúa Thánh Thần.

Đời sống Kitô hữu được diễn ra trong tình yêu quan phòng và sự hiện diện của Ba Ngôi. Từ lúc khởi đầu cuộc sống, chúng ta được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, ” và khi kết thúc cuộc đời, chúng ta cũng ra đi trong lời cầu nguyện: “Con ra đi nhân danh Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng nên con, và Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc con và Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa con.”

Ba Ngôi là cung lòng mà trong đó chúng ta được tác thành, bởi vì Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ để chúng ta được trở nên con cái Người theo hình ảnh của Chúa Con (x. Ep 1, 4), Ba Ngôi là quê hương để tất cả chúng ta phải trở về; Ba Ngôi là “đại dương bình an” mà từ đó tất cả mọi sự phát xuất và đổ về.

Vì thế, Ba Ngôi không phải là một mầu nhiệm xa lạ và không mấy quan trọng đối với đời sống mỗi ngày của chúng ta. Ngược lại, Ba Ngôi là vị Thiên Chúa rất “gần gũi” với mỗi người chúng ta. Quả thật, Ba Ngôi không phải ở ngoài chúng ta, nhưng ở trong chúng ta. Ba Ngôi “cư ngụ trong chúng ta” (x. Ga 14, 23), bởi vì chúng ta là đền thờ của Ba Ngôi.

Vậy tại sao người Kitô hữu tin vào Chúa Ba Ngôi? Tại sao chúng ta lại phải tin rằng có một Thiên Chúa nhưng có ba ngôi vị? Ngày nay, có nhiều người thích gạt sang một bên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, để có thể đối thoại tốt hơn với Do Thái Giáo và Hồi Giáo là những người tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất.

Câu trả lời là: các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa là có Ba Ngôi, bởi vì chúng ta được Chúa Giêsu mạc khải rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1 Ga 4, 8). Đây là mạc khải đến từ Thiên Chúa nên buộc chúng ta phải đón nhận và tin vào Ba Ngôi. Chứ không phải là một phát minh của con người. Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một khái niệm, một ý tưởng như các nhà triết gia đã hình dung và trình bày, nhưng là một Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị rõ ràng, phân biệt nhưng hiệp nhất với nhau như một cộng đoàn. Đức Giêsu đến mạc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Kinh Thánh nói như thế. Rõ ràng nếu là tình yêu, Thiên Chúa phải có ai đó để yêu. Không có tình yêu nếu không có ai đó để yêu và được yêu. Nếu Thiên Chúa chỉ yêu mình thì không thể định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Bởi vì yêu mình thì không phải là tình yêu, nhưng là sự ích kỷ hay ái kỷ (narcissism). Tình yêu đích thực thì luôn hướng về người khác.

Và đây là câu trả lời của mạc khải Kitô giáo và Giáo Hội đã đón nhận và giải thích. Thiên Chúa là tình yêu trước khi có thời gian, vũ trụ và loài người, bởi vì từ đời đời Chúa Cha đã có Chúa Con, Ngôi Lời, Đấng mà Người hằng yêu mến bằng một tình yêu vô biên, đó là Chúa Thánh Thần. Trong tình yêu thần linh luôn có ba thực tại hay ba đối tượng: Đấng yêu thương, Đấng được yêu và là Tình Yêu hiệp nhất các Ngôi Vị nên một.

Thiên Chúa Kitô giáo là “một” và là “ba” nhờ sự hiệp thông của tình yêu. Trong tình yêu, các Ngôi Vị hòa hợp với nhau trong hiệp nhất và khác biệt; tình yêu tạo nên sự hiệp nhất trong khác biệt: hiệp nhất về ý hướng, tư tưởng, ước muốn; khác biệt về chủ thể, tính cách, vai trò hay theo phạm vi nhân loại, khác biệt giới tính.
Thần học dùng hạn từ “bản tính” (natura) để chỉ sự hiệp nhất của Thiên Chúa và hạn từ “ngôi vị” (persona) để chỉ về sự phân biệt trong Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Giáo huấn Kitô giáo không phải là một sự biến dạng, hay một sự hòa trộn giữa độc thần và đa thần. Ngược lại, đây là một bước tiến mới mẻ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta biết về Người.

Mặt khác, giáo huấn này giúp chúng ta chống lại sự mâu thuẫn sâu xa của chủ nghĩa vô thần hiện đại. Theo Karl Mark và nói chung theo tất cả những người vô thần hiện đại, Thiên Chúa không là gì khác ngoài sự phỏng chiếu của con người. Như một nhà tư tưởng vô thần nọ cho rằng: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình, nhưng chính con người đã tạo dựng Thiên Chúa theo hình ảnh con người. Giống như hình ảnh của một người bị thay đổi khi soi mình trên mặt nước của một dòng sông.

Có lẽ họ có lý khi nói những điều này, bởi lẽ, con người hôm nay đã tạo ra vị thiên chúa theo ý muốn và sở thích của mình. Nhưng đây không phải là Thiên Chúa của Kitô giáo. Con người không nghĩ ra mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con người cũng không thể phóng chiếu hình ảnh mình thành Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng đây là giáo huấn được Chúa Giêsu mạc khải cho con người biết. Nên tự thân mầu nhiệm này là liều thuốc giải độc tốt nhất cho chủ nghĩa vô thần hiện đại.

Chúng ta rút ra một số bài học áp dụng từ việc chiêm ngắm mầu nhiệm này. Trước hết, Ba Ngôi là khuôn mẫu cho mỗi cộng đoàn nhận loại, bắt đầu từ cộng đoàn nhỏ bé và cơ bản, là gia đình, rồi tới cộng đoàn lớn hơn là Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta thấy có điều rất đặc biệt mà một gia đình có thể học từ khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi. Nếu chúng ta chăm chú đọc Tân Ước, nơi mà Ba Ngôi được mạc khải, chúng ta thấy một quy luật sống. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi thần linh không hề nói về mình nhưng là nói về Ngôi khác, không lôi kéo sự chú ý về mình, nhưng là hướng về Ngôi Vị khác.

Quả thế, trong Tin Mừng, mỗi lần Thiên Chúa Cha nói thường là để mạc khải điều gì đó về Chúa Con: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7b); hoặc: “Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12, 28). Đến lượt mình, Chúa Giêsu không làm gì khác ngoài việc nói về Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng vậy, khi ngự trong lòng các tín hữu, Người không bắt đầu với việc tôn xưng danh của mình. Tên của Người trong tiếng Do Thái là Ruah. Nhưng Người không dạy chúng ta xưng rằng: Ruah! Ngược lại Người dạy chúng ta thưa “Ápba – Cha ơi, ” đó là tên của Chúa Cha và Người dạy chúng ta cầu xin Maranatha, đó là một lời cầu xin trực tiếp tới Chúa Kitô để nói rằng “Lạy Chúa, xin hãy đến!”

Từ những suy nghĩ này, chúng ta có thể áp dụng cách sống đó vào trong đời sống gia đình. Người cha không còn lo lắng nhiều để khẳng định quyền bính của mình, người mẹ cũng thế. Người mẹ trước khi dạy cho người con thơ mình gọi mẹ ơi, thì hãy dạy cho nó gọi cha ơi. Đó là quy luật của tình yêu! Đức Maria đã sống như thế để hoàn thiện chính mình. Khi lo lắng cho Chúa Giêsu, sau khi tìm thấy con mình trong đền thờ, Mẹ nói với Chúa: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2, 48b). Ngài đã đặt nỗi lo lắng của chồng trước nỗi lo lắng của mình. “Cha con và mẹ” chứ không phải “mẹ và cha con.”

Xem ra đây là một điều rất nhỏ bé nhưng nếu chúng ta áp dụng, nó có thể thay đổi rất nhiều đời sống của các gia đình và các cộng đoàn! Chúng trở thành sự phản chiếu về Ba Ngôi trên trái đất, khi mà lề tình yêu hướng dẫn mọi sự. Khi mỗi người hướng về người khác, tôn trọng và coi người khác hơn mình, cũng như biết hiến mình phục vụ người khác. Khi đó những thiên đàng nhỏ trên trái đất sẽ xuất hiện.

Ba Ngôi đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống. Có một dấu chỉ nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện này và giúp chúng ta đặt mình liên hệ với Ba Ngôi đó là dấu thánh giá. Khi ghi dấu thánh giá trên mình, chúng ta tưởng nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, chúng ta đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, ” chúng ta tuyên xưng Ba Ngôi. Chúng ta phải khám phá vẻ đẹp và sự hiệu quả của cử chỉ nhỏ bé này. Mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá sốt sắng, có ý thức, chúng ta phó thác cho Ba Ngôi, cầu xin Ba Ngôi bảo vệ chúng ta để chống lại những kẻ thù bên trong và bên ngoài, chúng ta làm sống động niềm tin. Những phép lạ và nhiều ơn lành thường xảy ra với việc làm dấu thánh giá. Và nhiều người làm dấu thánh giá để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa như các cầu thủ bóng đá thường làm.

Như thế, thật là đẹp đẽ và ý nghĩa khi thấy một người cha hay một người mẹ dạy cho con mình làm dấu thánh giá. Đó là dấu sẽ bảo vệ và gìn giữ con cái khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy kết thúc và hãy làm dấu thánh giá để tuyên xưng Ba Ngôi: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen!”

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa Ba Ngôi nối kết tin yêu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:10 05/06/2020

Đạo Công Giáo tin một Thiên Chúa duy nhất nhưng lại có 3 ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Ba Ngôi là một màu nhiệm mặc dù rất cao siêu, nhưng cũng rất gần gũi. Gần gũi vì người Công Giáo từ trẻ tới già ngày nào cũng nhiều lần làm dấu thánh giá, đó là lúc chúng ta tuyên xưng màu nhiệm Chúa Ba Ngôi không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cử chỉ vẽ hình thánh giá lên chính thân thể chúng ta: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Màu nhiệm Chúa Ba Ngôi gần gũi nữa bởi vì đã kết nối Thiên Chúa với con người, kết nối trời cao với đất thấp như lời Phúc Âm công bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.” Thế nên, tin Chúa Ba Ngôi là sống mối liên hệ yêu thương gần gũi mật thiết với Chúa.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy không chỉ nội tại trong 3 ngôi Thiên Chúa, nhưng tình yêu ấy đã mở rộng ra với nhân loại, với vũ trụ. Vì quá yêu thương nhân loại nên Chúa đã tặng ban Con Một, đó là món quà vĩ đại nhất, quý giá nhất. Và Con Chúa lại trao ban cả mạng sống để cứu độ nhân loại. Sự trao ban trọn vẹn của Thiên Chúa đã làm nên định luật của tình yêu, đó là: yêu nhau luôn muốn tặng quà cho nhau. Khi yêu hết mình thì trao tặng tất cả.

Quà tặng được trao ban thì cũng rất cần có người đón nhận. Thiên Chúa đã rộng lòng ban tặng Con của Ngài cho chúng ta. Và chúng ta cần mở lòng ra để đón nhận Ngài vào lòng dạ mình, vào cuộc đời mình, vào gia đình mình. Được như thế, Chúa sẽ biến đổi chúng ta trở thành quà tặng đem niềm vui hạnh phúc cho nhau. Và điều kỳ diệu của tình yêu là khi tặng quà người ta không thấy mất mà lại thấy được chan chứa niềm vui hạnh phúc.

Như thế, tin yêu Chúa Ba Ngôi là chúng ta hân hoan sống mối liên hệ yêu thương thân thiết với Chúa và với nhau, để trở nên quà tặng dâng lên Chúa và trao cho nhau. Amen.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:47 05/06/2020

44. Dựa vào cây Thánh Giá chứ không để Thánh Giá dựa vào mình.

(Thánh Philiphê Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:53 05/06/2020
40. BÁO CÁO KHÁCH ĐẾN

Có người ở thôn quê được làm chức tuần bổ tại Tuần An phủ. Một hôm, đến phiên anh ta trực ban canh gác cổng, gặp lúc thái thú đi đến gặp Tuần An, anh ta bèn đi vào quỳ trước án báo cáo:

- “Thái lão quan nhân đến”. (Người thôn quê tôn kính gọi thái thú là thái lão quan)

Tuần An nổi giận, sai thị vệ đánh anh ta mười hèo nơi mông.

Ngày hôm sau, thái thú lại đến, tuần bổ lại vào báo cáo:

- ”Thái công tổ lại đến.” (Cấp dưới tôn trọng gọi thái thú là công tổ)

Tuần An lại giận dữ kêu người đánh anh ta mười hèo nơi mông.

Ngày thứ ba, thái thú lại đến, anh tuần bổ ấy bèn nghĩ: “Nói tiếng của người thôn quê thật thô thiển thì không thể được, mà nói lời văn nhã thì cũng không xong”.

Bèn đi vào báo cáo:

- “Người hôm trước đến, người hôm qua đến, hôm nay lại đến nữa !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 40:

Người ta ai cũng thích người dễ tính, ai cũng thích người không câu nệ tiểu tiết, bởi vì khó tính và hay chấp xét câu nệ tiểu tiết chính là sản phẩm của sự kiêu ngạo mà ra.

Người được thưa bẩm nhiều nhất có lẽ là các linh mục, bởi vì các ngài coi sóc nhiều giáo dân, bởi vì thiên chức của các ngài thật cao quý nên có nhiều giáo dân và ngay cả người ngoại cũng kính trọng và...thưa bẩm. Có một vài linh mục trẻ thân thể to lớn khoẻ mạnh nhưng con mắt hình như bị mù, nên không thấy cụ già giáo dân cúi đầu thưa bẩm với mình, nên cứ ngước mặt lên trời mà đi; có một vài linh mục thích giáo dân thưa bẩm với mình, nên lấy làm khó chịu khi giáo dân chỉ cúi đầu chào ngài mà thôi, cho nên không lạ gì có nhiều giáo dân vì sợ thưa bẩm với các ngài mà bỏ đi lễ nhà thờ khác cho...khoẻ hơn.

Thưa bẩm là chuyện của cấp dưới kính trọng cấp trên của mình, nhưng nếu các linh mục trẻ hoặc các tu sĩ nam nữ trẻ biết thưa bẩm với người lớn tuổi đáng bậc cha ông của mình trước khi họ (giáo dân) cúi đầu chào mình, thì đó là sự khiêm tốn rất dễ thương vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hãy yêu đi rồi sẽ biết sự thật
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:26 05/06/2020
LỄ CHÚA BA NGÔI

Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16, 13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.

Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến đám đông dân chúng và nhiều người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đã ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10, 31-33; Mt 26, 62-66).

Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.

“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17, 3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4, 6). “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12, 3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân? …

Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi u buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.

Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.

Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:

1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.

2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.

3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.

Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sau khi thực hiện nghĩa cử Quì Gối, vị Giám Mục miền biên giới được Đức Giáo Hoàng khen ngợi.
Trần Mạnh Trác
10:56 05/06/2020
(Theo CNS ngày 4 tháng 6 năm 2020) Cử chỉ gọi là Quì Gối thường được nhiều thể tháo gia chuyên nghiệp sử dụng để công khai phản đối sự tàn bạo của cảnh sát trong nhiều năm qua.

Gần đây, cả các cảnh sát viên ở khắp nước cũng chứng tỏ tình đoàn kết với những người phản đối bằng cách quỳ gối trước những cuộc biểu tình chống cảnh sát vì vụ giết chết George Floyd ngày 25 tháng 5.

Nhưng cho đến ngày 1 tháng Sáu, chưa có vị giám mục Công Giáo nào công khai làm cử chỉ này cho đến khi Đức cha Mark J. Seitz ở El Paso, Texas, trở thành người đầu tiên.

Bao quanh bởi nhiều linh mục cuả giáo phận, ngài quỳ xuống trong khi cầm một bích chương Black Lives Matter, ngay tại bãi cỏ cuả Công viên El Paso, nơi mà một cuộc biểu tình đã diễn ra ngày bôm trước.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3 tháng 6 với CNS (Dịch vụ Tin tức Công Giáo) Ngài cho biết là một giám mục thì những gì nên làm là một việc thực sự khó khăn. “Nhưng tôi có một số cố vấn, là những giáo dân và linh mục xuất sắc. Tôi cố gắng lắng nghe họ, lắng nghe trái tim tôi. Đôi khi, bạn cần thực hiện một bước nhảy vọt vào một tương lai bí ẩn.”

Bức ảnh vị giám mục quỳ gối đã lan truyền đi khắp thế giới qua Twitter và được đăng trên một trang web của Ý ở Giáo phận Rome. Có lẽ ở đó, vị cha chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhìn thấy nó.

Vào ngày 3 tháng Sáu, ngay sau khi Đức Giám Mục kết thúc Thánh lễ hàng ngày tại El Paso, Đức Giáo Hoàng đã gọi.

“Tôi trả lời điện thoại và một giọng nói bằng tiếng Anh cho biết người đầu giây là thư ký của Đức Thánh Cha, ” Đức Cha Seitz nói. “Đức Thánh Cha muốn nói chuyện với tôi. Tôi muốn nói chuyện bằng tiếng Ý hay là tiếng Tây Ban Nha? ”

ĐGM Seitz chọn tiếng Tây Ban Nha.

“Đức Thánh Cha nói rằng ngài chúc mừng tôi vì những gì tôi đã nói. Ngài cũng đã gọi cho Đức Tổng Giám Mục (Jose H.) Gomez ở Los Angeles. Tôi nói với Ngài rằng tôi cảm thấy là rất quan trọng tại thời điểm này là thể hiện sự đoàn kết với những người đang đau khổ. Tôi nói với Ngài rằng tôi vừa kết thúc Thánh lễ và tôi đã cầu nguyện cho Ngài và tôi luôn luôn làm thế. Ngài cảm ơn tôi và nói rằng bất cứ khi nào chúng tôi cử hành thánh lễ, chúng tôi đang cầu nguyện cùng nhau, dù cho Ngài ở bên đó và tôi ở vùng biên giới. Tôi nói với Ngài rằng tôi rất vinh dự được phục vụ ở đây.”

“Những cuộc điện đàm với các giám mục ở Mỹ cho thấy Đức Thánh Cha đang theo dõi những gì xảy ra ở đất nước này và rất lo lắng để cho Giáo Hội có thể đáp ứng bằng những công việc mục vụ, và tỏ tình đoàn kết với những người bị phân biệt chủng tộc, ” theo lời ĐGM Seitz.

Trong một tuyên bố công khai ngày 4 tháng 6 về vụ giết ông Floyd, ĐGM Seitz đã phản ánh một hình ảnh mà ngài nhìn thấy trên video là tại một cuộc biểu tình gần toà Bạch Cung, một người phụ nữ trẻ da trắng đã lấy thân mình làm rào cản cho một thiếu niên da đen đang quỳ gối khi những người cảnh sát dã chiến tiến tới gần cậu ta.

Như Chuá Giêsu đã nói, 'Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu’, ĐGM Seitz viết. “Đây là một cảnh đoàn kết và tự hiến đã diễn ra trên khắp đất nước rất nhiều lần trong tuần qua. Ở El Paso, có hai sĩ quan cảnh sát trẻ đã quỳ xuống với những người biểu tình ở đây và nó đã giúp giải toả sự căng thẳng. Có một cái gì đó rất sâu sắc về điều đó và tôi đã được cảm hứng từ những người trẻ tuổi đó. Họ đang dạy chúng tôi nhiều điều.”

Năm ngoái, ĐGM Seitz đã viết một lá thư mục vụ về phân biệt chủng tộc, vài tuần sau vụ xả súng ngày 3 tháng 8 tại tiệm Walmart ở El Paso, một sự kiện đẫm máu mà chính quyền tin là nhắm vào người Latin. Cho đến khi xảy ra đại dịch, ĐGM vẫn thường xuyên đến thăm những người sống sót trong bệnh viện và an ủi gia đình nạn nhân trong sự kiện mà ngài gọi là ‘la matanza, ’ nghĩa là ‘tàn sát’ trong tiếng Tây Ban Nha.

Bà Guillermo Garcia, 36 tuổi, một nạn nhân, là người mà ĐGM Seitz đã đến thăm, đã qua đời vào ngày 27 tháng 4, làm cho con số thiệt mạng trong vụ việc lên tới 23.

“Sự kiện 'la matanza', đã cho tôi nhìn thấy có những người có lối suy nghĩ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những định kiến về chủng tộc và đó không phải là một vấn đề tầm thường vì là một vấn đề có thể dẫn đến cái chết, ” ngài nói với CNS. “Vì vậy, nó đã cho tôi một cảm giác mới, rằng đây không chỉ là một vấn đề trừu tượng, mà là một vấn đề có tác động to lớn đến cuộc sống của mọi người. Và đó không chỉ có tác hại vật lý mà thôi, mà còn tác hại đến khả năng phát triền của con người.”

Ngài nói rằng để một người đạt được tiềm năng như Chúa dự định, họ cần được những người chung quanh nhìn thấy họ như Chúa thấy họ, nhưng khi những người khác nhìn họ với sự ngờ vực, không có sự tốt lành mà Chúa nhìn thấy ở họ, thì chính người đó cũng vì thế mà đâm ra hoài nghi chính mình và ngài nghĩ đây là một việc tuy nhỏ bé nhưng cực kỳ quan trọng là những ‘định kiến có hệ thống’ gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Vì vậy, ngài cảm thấy điều quan trọng là thể hiện sự đoàn kết.

“Đức Giáo Hoàng, từ ngày đầu tiên, đã gọi Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến. Vậy thì vào một thời điểm, vừa có COVID vừa có việc giết chết George Floyd, chính là lúc mà Giáo Hội phải có mặt trong sự đoàn kết và hỗ trợ cho mọi người, ” ĐGM Seitz nói. “Chúng ta cần thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn và đáp lại lời kêu gọi hành động một cách hòa bình, mang đến cho họ sự hỗ trợ mà họ cần.”

ĐGM Seitz nghĩ rằng khi ngài quỳ xuống, khi ngài tham gia việc Quì Gối, là ngài đang tham gia vào một việc giống như thực hành một nghi thức phụng vụ.

“Tôi đã dạy phụng vụ trong chủng viện. Trong phụng vụ, đức tin của chúng tôi được đưa vào cuộc sống. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta thấy diễn ra trong vài ngày qua có lẽ hơi giống như phụng vụ, ” ngài nói. “Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta có thể rơi vào cái bẫy nghĩ rằng Kitô giáo là một tôn giáo giáo diều. Là về những điều xảy ra từ lâu hoặc về các từ ngữ trên một trang giấy.”

“Nhưng mỗi ngày trong Thánh lễ, khi tôi quỳ xuống trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, tôi đều được nhắc nhở rằng Người còn sống và đang hiện diện. Kitô giáo là một sự kiện xảy ra ngay bây giờ. Lịch sử về sự cứu rỗi là một cái gì đó diễn ra hằng ngày. Và tất cả chúng ta đều có một vai trò.”
 
Các nhà thờ tại Hoa Lục bị buộc rao giảng chủ nghĩa xã hội nếu muốn mở trở lại
Đặng Tự Do
15:04 05/06/2020
Theo thông tấn xã UCANews, người Công Giáo tại Hoa Lục bất bình về một chỉ thị của bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc, buộc các linh mục phải thuyết giáo về chủ nghĩa xã hội, mà chúng gọi trại đi là “rao giảng lòng yêu nước”, như một điều kiện để mở lại các cử hành phụng vụ, bị đình chỉ năm tháng trước vì đại dịch Covid-19.

Cộng sản cố ý đánh đồng yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội. Chúng thường nói “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, như thể ở bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới, nơi không ai yêu chủ nghĩa xã hội thì không có ai yêu nước cả. Lập luận một cách ngu xuẩn như thế nên tại các nước cộng sản, thuyết giáo về lòng yêu nước về bản chất là xúi dại người ta yêu mến một cái chủ nghĩa lỗi thời, cướp mất tự do, nhân phẩm và xô đẩy loài người vào các cuộc chiến tranh kinh hoàng như ta thấy trong thế kỷ qua. Những điều như thế đối kháng triệt để với các giá trị của Tin Mừng.

Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc và ủy ban quản lý giáo dục Công Giáo Trung Quốc của tỉnh Chiết Giang đã cùng ban hành một thông báo vào ngày 29 tháng 5 về việc nối lại các hoạt động phụng vụ.

Các địa điểm tôn giáo đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự từ ngày 2 tháng Sáu, với điều kiện phải thuyết giảng về lòng yêu nước.

Cha Lưu ở Hà Bắc cho biết: “Tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự chắc chắn là một điều tốt. Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên trong thông báo là dạy một bài học hay về chủ nghĩa cộng sản là sai. Là thành viên của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, chúng tôi không thể chấp nhận việc tôn vinh những sai lầm của cộng sản được che đậy dưới chiêu bài ‘yêu nước’”, ngài nói với UCA News.

Jacob Chung, một giáo dân ở Ôn Châu, cho biết động thái của bọn cầm quyền đã can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của tôn giáo.

Một nhà quan sát các hoạt động của Giáo Hội ở Trung Quốc, cho biết chính phủ đang buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo thêm chủ nghĩa xã hội và Trung Quốc hóa như một phần của giáo lý tôn giáo.

“Trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với các quốc gia khác và suy thoái kinh tế tại quê nhà, Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ một cuộc phản cách mạng. Vì vậy, họ muốn mọi người giữ vững tinh thần yêu chủ nghĩa cộng sản, ” ông nói.

Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đàn áp và biến đổi Giáo hội để phụ họa các giai điệu cộng sản với bọn cầm quyền hầu ngăn chặn họ chỉ trích chế độ.

Các hoạt động tôn giáo đã dần được nối lại kể từ ngày 2 tháng 6 tại tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Thiểm Tây và Thượng Hải sau khi Hội nghị chung của các tổ chức tôn giáo quốc gia tổ chức một cuộc họp video vào ngày 30 tháng 5 về kế hoạch mở lại các địa điểm tôn giáo.

Tuy nhiên, các điều khoản khác trong thông báo do chính quyền Chiết Giang đưa ra có liên quan đến các biện pháp phòng ngừa chống lại đại dịch Covid-19.

Thông báo yêu cầu các nhà thờ tránh các hoạt động tôn giáo không thiết yếu, giảm số lượng người tham gia và rút ngắn các hoạt động tôn giáo.

Ở một số tỉnh như Tứ Xuyên, Kitô hữu buộc phải làm đơn xin phép bọn cầm quyền địa phương nếu muốn tái tục các lớp giáo lý.

Philip, một giáo dân Thượng Hải, nói với UCA News rằng các nhà thờ địa phương có kế hoạch mở cửa trở lại vào ngày 13 tháng Sáu.

Giáo phận Thượng Hải đã ban hành thông tư giới hạn số lượng người tham gia các dịch vụ và phác thảo các biện pháp phòng ngừa chống lại đại dịch.

Ông Phaolô Phương thuộc Giáo phận Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang cho biết giáo dân đã mong chờ được tái tục Thánh lễ. Giáo xứ của ông đã mua máy kiểm tra nhiệt độ, mặt nạ, chất khử trùng và các mặt hàng khác.

“Vì số lượng người có hạn, linh mục giáo xứ đã quyết định tăng số lượng các Thánh lễ hàng ngày, ” ông Phương nói.

Cha Giuse của tỉnh Thiểm Tây cho biết khả năng mọi người tham dự Thánh Lễ vẫn tốt hơn là phải xem trực tuyến.


Source:UCAN
 
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Hương Cảng cần một phép lạ
Đặng Tự Do
15:58 05/06/2020
Cơ quan lập pháp của Trung Quốc, gọi là Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, vào ngày 28 tháng Năm đã phê chuẩn một nghị quyết áp đặt luật an ninh mới đối với khu vực tự trị Hương Cảng. Đó là một diễn biến mà những người biểu tình ủng hộ dân chủ và người Công Giáo ở nước này lo ngại sẽ làm suy yếu các quyền tự do của Hương Cảng, bao gồm cả tự do tôn giáo. Trước diễn biến này, hôm 4 tháng Sáu, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân vừa dành cho tờ Crux một cuộc phỏng vấn. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói với tờ Crux rằng luật an ninh mới đặt quyền tự trị của thành phố vào nguy cơ, và phàn nàn về sự im lặng của Vatican về vấn đề này như một sự nhượng bộ chính trị bất kể đức tin.

“Chúng tôi đang lo lắng, chúng tôi đang rất lo lắng, ” Đức Hồng Y nói với tờ Crux khi đề cập đến luật an ninh mới mà Bắc Kinh vừa áp đặt tại Hương Cảng. “Chúng tôi cần một phép lạ; chúng tôi cần một phép lạ từ thiên đường.”

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, năm nay 88 tuổi, từng là Giám mục Hương Cảng từ 2002 đến 2009.

Trong hơn một năm, Hương Cảng đã và đang là nơi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ khổng lồ, đôi khi đã trở nên bạo lực để phản kháng một một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Mặc dù dự luật cuối cùng đã được rút lại, các cuộc biểu tình, thường bị nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả là “khủng bố”, đã chỉ dừng lại với sự bùng phát đại dịch coronavirus kinh hoàng đầu năm nay.

Căng thẳng đã tăng vọt một lần nữa đối với nghị quyết an ninh đối với Hương Cảng được Bắc Kinh thông qua ngày 31 tháng 5, trong đó cấm các tội mà bọn cầm quyền gọi là phản quốc, ly khai, dụ dỗ, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố.

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ phản đối dự luật đã dẫn đầu các cuộc biểu tình kể từ khi nó được công bố lần đầu tiên cách đây vài tuần, mặc dù có những hạn chế do coronavirus. Một số người biểu tình, hầu hết là thanh niên, đã bị bắt giữ.

Khi Hương Cảng chuyển từ Anh sang Trung Quốc vào năm 1997, thành phố này đã được phép giữ lại hầu hết các quyền tự do dân sự của mình - bao gồm tự do ngôn luận và tôn giáo - dưới chính sách “một nước, hai thể chế”.

Đức Hồng Y lưu ý về một dự luật về an ninh được đề xuất trước đây vào năm 2003 và cuối cùng đã được rút lại sau khi có các cuộc biểu tình quy mô lớn. Tuy nhiên, Đức Hồng Y nói nhiều người tin rằng “luật mới này còn tồi tệ hơn cái dự luật hồi năm 2003 rất nhiều.”

“Chắc chắn nó sẽ làm hỏng tính tự chủ của chúng tôi, ” ngài nói và lưu ý rằng nhiều chi tiết về luật mới vẫn còn mù mờ. “Ví dụ, khi thực hiện luật đó, cơ chế nào sẽ làm điều đó, và người bị cho là phạm tội sẽ bị xét xử tại Hương Cảng, bởi tòa án Hương Cảng, hay bị đưa sang Trung Quốc.”

“Tất cả những điều này làm cho chúng ta rất lo lắng, ” Đức Hồng Y nói. “Điều này sẽ phá hủy hoàn toàn những gì họ hứa với Hương Cảng về quyền tự chủ.”

Lưu ý rằng Hương Cảng cũng là một trung tâm tài chính quốc tế quan trọng, Đức Hồng Y nói các nhà đầu tư cũng lo ngại về ý nghĩa của luật mới và chính Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị chia rẽ về luật này.

Đức Hồng Y bày tỏ hy vọng rằng các thành viên ôn hòa của Đảng Cộng sản sẽ can thiệp, khuyên bọn cầm quyền Bắc Kinh nên chú ý đến những lời chỉ trích đến từ cộng đồng quốc tế và nới lỏng dự luật an ninh. Tuy nhiên, khả năng điều này xảy ra, theo ngài, là rất nhỏ.

“Chúng tôi không có ảnh hưởng nhiều đối với Bắc Kinh, họ không lắng nghe chúng tôi. Họ coi chúng tôi như là kẻ thù, rắc rối là chỗ đó. Tôi nghĩ rằng thực sự, chúng tôi đang mong đợi một cái gì đó khủng khiếp.”

Đức Hồng Y Quân nhiều lần tỏ ra bất đồng với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về thỏa thuận tạm thời của Tòa Thánh với Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các Giám Mục, mà đến nay những chi tiết về thỏa thuận này vẫn chưa được công khai. Bây giờ ngài đang chỉ trích sự im lặng của Vatican về luật an ninh mới và các cuộc biểu tình ở Hương Cảng.

“Tôi xin lỗi để nói rằng chúng tôi không có gì để mong đợi từ Vatican. Trong những năm qua, họ chưa bao giờ nói bất cứ điều gì để lên án Trung Quốc về sự bách hại tại Hoa Lục.”

“Ở Hương Cảng, trong tất cả các thời điểm hỗn loạn này, với rất nhiều người trẻ phải gánh chịu sự tàn bạo của cảnh sát, không có một lời nào từ Vatican.” Theo Đức Hồng Y, Vatican dường như “luôn luôn cố gắng để làm hài lòng chính phủ Trung Quốc.” Đức Hồng Y nhận định rằng chính sách này là “dại dột, bởi vì những người cộng sản không bao giờ cấp cho ta bất cứ điều gì, họ chỉ muốn kiểm soát.”

Đức Hồng Y tiên đoán một cách bi quan rằng theo thời gian, Hương Cảng sẽ trở thành một thành phố như bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc đại lục, và nó sẽ mất đi vị thế đặc biệt.

Về phương diện bách hại tôn giáo và sự mất mát các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và hội họp, ngài không tin rằng những điều này sẽ bị loại bỏ ngay lập tức, nhưng “chắc chắn từng chút một, tự do của chúng tôi sẽ bị xói mòn.”

“Thông qua sự im lặng của mình, Vatican đã để cho điều này xảy ra, ” Đức Hồng Y nói, và lưu ý rằng trong hơn một năm qua, Hương Cảng không có Giám Mục, nhưng đã được cai quản bởi một vị Giám Quản Tông Tòa sau cái chết bất ngờ của Đức Cha Michael Dương Minh Chương vào tháng Giêng, 2019.

“Tìm được một người cai quản giáo phận này thì có gì mà khó, ” ngài nói thêm, và giải thích rằng có một ứng cử viên sáng giá, nhưng vị này quyết liệt chống lại nhà cầm quyền Bắc Kinh trong các cuộc biểu tình năm ngoái, khi vị ấy lên tiếng ủng hộ “các quyền của người dân và đề nghị rằng nhà cầm quyền tại Hương Cảng phải ôn hòa hơn.”

Một ứng cử viên được Bắc Kinh ưa chuộng hơn hiện đang được xem xét, nhưng vẫn chưa được bổ nhiệm. Theo Đức Hồng Y, thất bại trong việc bổ nhiệm Giám Mục Hương Cảng chỉ ra rằng Vatican, ở một mức độ nào đó, nhận thức được rằng việc bổ nhiệm một Giám Mục Hương Cảng thân Bắc Kinh “có thể không tốt cho Giáo hội vào thời điểm này.”

“Tôi không nghĩ rằng việc lựa chọn của một Giám Mục phải được hướng dẫn bởi những lý do chính trị. Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng, ” Đức Hồng Y nói thêm, “Có lẽ Tòa Thánh không tuân theo các tiêu chuẩn của đức tin, nhưng lệ thuộc vào những cân nhắc chính trị, và đó là rất nguy hiểm cho giáo phận của chúng tôi.”


Source:Crux
 
Hậu đại dịch: Con đường đồng nghị để canh tân cả Giáo Hội và Xã hội
Vũ Văn An
20:22 05/06/2020

Sau đây là bài viết trên tờ L’Osservatore Romano ngày 30 tháng 5, 2020 của Alessandro Gisotti (https://www.osservatoreromano.va/it/news/2020-05/uno-stile-sinodale-come-antidoto-alla-chiusura.html):



Đức Cha Mario Grech, Giám quản giáo phận Gozo và là Phó Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, vừa viết cho hàng giáo sĩ trong giáo phận ngài rằng “Người ta sẽ tự tử, nếu, sau đại dịch này, họ lại trở lại với các mô hình mục vụ y như cũ”. Suy nghĩ này nảy sinh từ các thách đố và giới hạn gần đây đối với công trình mục vụ trong thời gian đại dịch Covid-19. Tờ L’Osservatore Romano Vatican News tường trình rằng cuộc khủng hoảng này “...đã làm rúng động các nền tảng chúng ta vốn nghĩ là không thể rung chuyển được, như chúng ta đã nhìn thấy trong các lãnh vực kinh tế, khoa học, và chính trị”. Tình thế chưa hề có trước đây này cũng ảnh hưởng tới Giáo Hội. Đức cha Grech nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục lời kêu gọi của ngài về việc phải hoán cải trong thời gian đại dịch, khi chúng ta đắm chìm trong các “cảm nghiệm mới mẻ thúc đẩy chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô”.

Đức Cha Grech cảnh cáo việc giản lược sinh hoạt mục vụ của “Giáo Hội vào phòng áo lễ, xa rời khỏi đường phố, hoặc chỉ bằng lòng với việc phóng chiếu đời sống của phòng áo lễ lên các đường phố”. Ngài nhận định rằng trong ít tháng bị cô lập, đau khổ và đau đớn vừa qua, chúng ta được dành cho “một cơ hội (một hoàng thời) để canh tân và có óc sáng tạo về mục vụ”, một cơ hội cho chúng ta thấy thực tại này là chúng ta không thể trở lại “các thực hành vốn giới hạn chúng ta trước đại dịch”. Một thời cho thấy nơi một số Kitô hữu, cả thánh hiến lẫn giáo dân, “một khuôn thước giáo sĩ trị mạnh mẽ”. Đức Cha Grech trích dẫn lời của tác giả nổi tiếng người Pháp là Georges Bernanos nói về ‘thứ Kitô giáo thối rữa’: “Người ta đặt câu hỏi, làm thế nào việc tuyên xưng đức tin này có ý nghĩa cho được, khi cùng một đức tin này đã không trở thành chất men để biến đổi chất bột cuộc sống? ”

Từ viễn ảnh trên, Đức Cha Grech chuyển qua ý niệm ‘Giáo Hội tại gia’ vốn được lên sinh lực và được cảm nghiệm một cách mới mẻ trong thời gian bị cấm cửa này. Ngài nhận định rằng một thứ giáo sĩ trị nào đó từ thế kỷ thứ tư đã dần tan biến đi trước “bản chất và đặc sủng gia đình trong tư cách Giáo Hội tại gia”. Người ta tìm thấy một sự phục hồi và phát triển nền thần học về Giáo Hội tại gia trong thời gian Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong các đoạn số 10 và số 11 của hiến chế Lumen Gentium. Đức Cha Grech cho rằng “giống như trong các thế kỷ đầu tiên, gia đình ngày nay có thể, một lần nữa, trở nên nguồn suối của đời sống Kitô hữu”. Hơn nữa, “vì cơ cấu nền tảng của Giáo Hội có tính thánh thiêng và phụng vụ, nên người ta phải làm sống lại vị trí của họ trong gia đình như là domus ecclesiae [nhà của Giáo Hội]”. Rút tỉa từ các tầm nhìn thấu suốt của Thánh Augustinô và của Thánh Gioan Kim Khẩu, cũng như nền văn hóa Do Thái, “gia đình nên là nơi trong đó, đức tin được cử hành, được suy tư và đem ra sống. Cộng đồng giáo xứ phải giúp gia đình trở thành một trường giáo lý và một lớp học phụng vụ, nơi người ta có thể bẻ bánh tại bàn ăn của tổ ấm gia đình. Do chính ơn thánh của bí tích hôn nhân, cha mẹ là ‘các thừa tác viên lo việc thờ phượng này’ bên trong tổ ấm, họ khai mở Lời Chúa và cầu nguyện bằng Lời Chúa, để biến đổi đức tin của con cái họ”. Đức Cha Grech hy vọng rằng Chúa sẽ nhân thừa các mẫu gương “sáng tạo trong yêu thương” của các gia đình, những gia đình sẵn sàng “tạo không gian để cầu nguyện trong tinh thần cởi mở đón chào những người nghèo khổ và thiếu thốn nhất giữa chúng ta”. Điều cũng quan trọng như thế sau cơn đại dịch lần này sẽ là “thừa tác vụ phục vụ”, coi diakonia (phục vụ) như nẻo đường ‘mới’ để phúc âm hóa. “Người ta không thể cử hành việc bẻ bánh Thánh Thể và khai mở Lời Chúa, nếu họ không chia sẻ với ‘người nghèo, những người, theo thần học, vốn là khuôn mặt của Chúa Kitô’”. Diakonia hay phục vụ “là nẻo đường chắc chắn để cảm nghiệm được tình yêu Kitô giáo. Người ta thông truyền Tin Mừng không chỉ bằng cách rao giảng mà còn bằng cách phục vụ. Giáo Hội vươn tới người ta không chỉ qua việc dạy giáo lý mà còn qua trải nghiệm phục vụ thừa tác nữa. Như Đức Giáo Hoàng vốn nói, nếu ta đi lại giữa những người nghèo, chúng ta sẽ khám phá ra Thiên Chúa”. Đức Cha Grech chia sẻ một bức thư viết cho ngài bởi một nhân viên nhân đạo sau khi cứu một nhóm di dân ở biển với sự giúp đỡ của giáo phận ngài. “Chẳng may, trong quá khứ, con thường chứng kiến việc không hiểu nhau giữa Giáo Hội và người ta, cũng như của những người thiện chí không phải là Kitô hữu. Ngày nay, sự việc đang thay đổi và nay họ cảm thấy Giáo Hội là một người bạn biết nghe tiếng kêu than của người nghèo và tìm cách tới giúp đỡ họ”.

Theo Đức Cha Grech, trong ‘cuộc đổi thời’ này “sự đóng góp mà Giáo Hội có thể cung ứng, hay đúng hơn, chúng ta phải cung ứng, là việc công bố Chúa Giêsu Kitô cho thế giới và niềm vui Tin Mừng”. Có thể hiểu sự đóng góp này dưới ánh sáng các lời chúc giáng sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho Giáo triều Rôma, ngày 21 tháng 12 năm 2019. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng ở Âu Châu và phần lớn Phương Tây, đức tin Kitô giáo đang sống trong một kỷ nguyên mới. “Chúng ta thấy mình đang sống ở một thời khi việc thay đổi không còn theo đường thẳng (linear) nữa, mà có tính thời đại (epochal). Nó đem theo các quyết định mau chóng biến đổi lối sống của chúng ta, cách chúng ta liên hệ với nhau, lối chúng ta truyền thông và suy nghĩ, làm thế nào các thế hệ khác nhau liên hệ với nhau”. Đức Cha Grech tiếp nối suy nghĩ của De Lubac trong cuốn The Drama of Human Atheism (Bi kịch của Chủ Nghĩa Vô thần Nhân bản). “Quả không đúng, như người ta thường nói, là nếu không có Thiên Chúa, con người không thể tổ chức thế giới. Điều quả đúng là, nếu không có Thiên Chúa, con người chỉ có thể tổ chức nó để chống lại con người”. Tương tự như thế, cơn đại dịch hoàn cầu này cho thấy có lúc, “các lợi ích kinh tế và tài chánh được dành nhiều ưu thế hơn ích chung”.Tính năng động này cần được điều chỉnh.

Trong cuộc đàm luận với các phương tiện truyền thông Vatican, Đức Grech tập chú vào “hồng phúc đồng nghị (synodality) như nẻo đường sinh hoạt của Giáo Hội”, một hồng phúc được Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết rằng “Con đường đồng nghị là nẻo đường Thiên Chúa mong chờ nơi Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba này. Như một tính năng động hiệp thông, tính đồng nghị, trên hết, là việc tích hợp đầy cảm giới mọi tham dự viên, trong tinh thần đối thoại, để mọi người đạt được một điểm đồng thuận... Mặc dù, tính đồng nghị thuộc từ vựng của Giáo Hội, nó có giá trị cho cả xã hội nói chung. Được chấp nhận làm nguyên tắc làm việc cho thế giới thế tục, tính đồng nghị có thể là phong thái hợp tác cho các mối liên hệ liên ngã và tình huynh đệ nhân bản. Tính đồng nghị là thuốc chữa chống việc cô lập, giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của cộng đồng nhân bản. Cùng nhau bước đi không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng, bất kể là đối với Giáo Hội hay đối với xã hội, nhưng tất cả chúng ta đều cần phải thực thi thực hành này, vốn có tính hết sức chủ yếu đối với tương lai”. Nhìn trước tới Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về chủ đề đồng nghị, Đức Cha Grech hy vọng rằng “sẽ có nhiều suy tư về tính đồng nghị trước khi cử hành chính Thượng Hội Đồng để các nghị phụ Thượng Hội Đồng có thể cung ứng phần đóng góp sâu sắc hơn cho chủ đề này”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:20 05/06/2020
Người tín hữu Chúa Giesu Kitô tin vào Thiên Chúa. Nhưng không nhìn thấy Thiên Chúa. Vì Ngài vô hình.

Trong nếp sống đức tin của Công Giáo có những hình vẽ khắc tạc Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần. Nhưng cũng chỉ là chân dung hình tượng về Thiên Chúa do con người phác họa vẽ ra.

Thiên Chúa Cha có ai nhìn thấy bao giờ và cũng chẳng có hình ảnh chụp về Ngài cả.

Chúa Giêsu, ngôi hai Thiên Chúa, xuống trần gian làm người, có thân xác hình hài. Nhưng cũng chẳng có chân dung hình ảnh nào chụp hay phác họa vẽ để lại lúc Ngài còn sống ở trên trần gian.

Còn Chúa Thánh Thần lại càng bí ẩn mầu nhiệm nữa. Đấng được trình bày diễn tả như làn gío, như không khí…

Vì thế, để nâng đỡ đức tin con người, Giáo hội qua các nhà danh họa, điêu khắc, đã dựa trên nền tảng Kinh Thánh phác họa vẽ nên hình ảnh Thiên Chúa Cha như một người cha già đầy quyền năng uy tín cùng chan hòa tình thương yêu, Chúa Giêsu Kitô như một người còn trẻ sinh động với vẻ nét uy quyền, và Chúa Thánh Thần nhẹ nhàng bay lượn trong chân trời không gian dưới hình dạng chim bồ câu hay hình ngọn lửa.

Trong dòng lịch sử các tôn giáo xưa nay những hình ảnh về các Thần Thánh cũng là những hình dung tưởng tượng tạc vẽ dùng vào việc thờ phượng tôn kính, như nơi các tôn giáo miền Trung Đông, bên Aicập, bên Hylạp, và thời Roma xa xưa.

Trong Kinh thánh cựu ước nói đến“ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.“ ( St 1, 27).

Và có luật cấm : „Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.( Xh 20, 4).

Kính thờ Thiên Chúa do con người tác tạo nên, hay hình vẽ ảnh tượng về Thiên Chúa do con người nghĩ tưởng chế biến vẽ ra đều không có gía trị. Chỉ một mình Thiên Chúa thôi.

Trong kinh thánh tân ước nói khác: „ Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo“ ( Thư Colosseo 1, 15). Do đó hình ảnh về Thiên Chúa được nhìn nhận sống động nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đấng xuống trần gian làm người. Và như thế, theo bài tường thuật kinh thánh „ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh ngài“ được hiện thực trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người.

Người tín hữu Do Thái giáo với lòng kính sợ không chỉ không vẽ tạc hình tượng Thiên Chúa, mà còn không dám nói tên của Thiên Chúa. Khi cầu nguyện họ chỉ kêu cầu Ngài là Đấng hằng sống, đấng vĩnh cửu, đấng toàn năng.

Người tín hữu Chúa Kitô có tượng ảnh vẽ phác họa về Thiên Chúa, cũng diễn tả trình bày ngài là Chúa tể., đấng toàn năng hằng hữu.

Tâm trí con người không thể mường tượng suy nghĩ về Thiên Chúa. Vì điều đó vượt qúa khả năng con người. Như thánh Tiên tri Mose đã thốt lên: "ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.“ ( Xh 34, 6).

Trí khôn con người không thể suy hiểu nổi Thiên Chúa, đấng sinh thành nuôi dưỡng mình. Nhưng không vì thế mà không có hình ảnh mường tượng hình dung về Ngài. Trái lại trong trái tim tâm hồn lòng tin, Thiên Chúa là Đấng chan chứa tình yêu thương, đấng trung thành với những gì ngài tạo dựng nên.

Thiên Chúa là người cha và người mẹ của con người. Chúng ta con người là con cái của Thiên Chúa.

Nơi Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth Thiên Chúa đã làm người. Chúng ta cùng được chia sẻ thông phần với Ngài.

Và đời sống con người sống động được là do hơi thở thần linh của Thiên Chúa tác động từ lúc đầu tiên thành hình sự sống cho tới hơi thở cuối cùng. Cả sau khi qua đời cũng hơi thở thần linh Thiên Chúa đó đánh thức vực dậy cho vào sống trong nước Thiên Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Ngọn Lửa Tình Yêu
Đinh Văn Tiến Hùng
20:28 05/06/2020
Tháng 6 kính Thánh Tâm Chúa Giê-su- Lễ trọng 19/6/20
“ Thày đã đến đem ngọn lửa xuống thế gian và Thày mong muốn biết bao cho ngọn lửa bùng cháy lên “
( Lc.12 : 49- 53 )


*Hỡi Ánh Sáng gieo vui vào thế giới,
Là từ bi là nhựa sống cho đời,
Đổ máu đào làm giá chuộc bày tôi,
Khỏi thần chết hỡi Ki-tô Cứu Chúa.

Giây phút đầu tiên con người phát sinh ra lửa,
Cất tiếng reo vui tràn ngập ngọn lửa thiên ân,
Lửa chiếu sáng, tinh luyện đời, sưởi ấm xác thân,
Đó là lúc khởi đầu cho một niềm tin mới.

Cột lửa hướng dẫn It-ra-en luôn tiến tới,
Dù phải trải qua đường dài khổ cực gian nan,
Ánh sáng soi đường là Tình yêu Chúa trao ban,
Suốt bốn mươi năm lang thang tìm về Đất Hứa.

Ngôn sứ Moi-sê thấy trong bụi gai bốc lửa,
Thiên Chúa ban lệnh truyền giải thoát dân Ngài,
Biết mình yếu đuối nhưng tin vào Chúa an bài,
Bừng ngọn lửa tin yêu nên không còn do dự.

Sau khi Chúa chết môn đồ buồn rầu khiếp sợ,
Trong phòng kín dâng lời cầu nguyện và đợi trông,
Bỗng xuất hiện trên đầu các ngài ngọn lửa hồng,
Chính là ngọn lửa Chúa Thánh Thần ban sức mạnh.

Hãy nhìn vào Ngọn lửa nơi Trái Tim Cực Thánh,
Đang bốc cháy vì tha thiết cứu độ loài người,
Chúa hạ sinh khó nghèo trong hang đá Be-lem,
Chết khổ nhục đớn đau treo mình trên thập giá.

Ôi Lạy Chúa! Cuộc sống con tối tăm sa đọa,
Bao năm tháng qua, một lãng tử đi hoang,
Đi đi mãi ngụp lặn trong lớp bụi trần gian,
Xin soi sáng hồn con với tình yêu tha thứ.

Ôi Lạy Chúa! Ngọn lửa đang thiêu đốt nhân loại,
Không phải lửa yêu thương mà là lửa hận thù,
Lửa kiêu ngạo bá quyền làm bùng phát chiến tranh
Xin ngọn lửa yêu thương dập tan lòng thù hận.

*Đời con cay đắng đã nhiều,
Hận thù danh lợi đốt thiêu cõi lòng,
Hồn con mong mỏi sạch trong,
Mái chèo buông nhẹ theo dòng thuyền trôi.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Trích dẫn Thánh Thi Phụng Vụ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Sa Mạc
Joseph Ngọc Phạm
15:55 05/06/2020
HOA SA MẠC
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Dù cho nắng cháy đất khô
Nhưng hoa sa mạc vẫn phô sắc mầu
Bàn tay Thượng đế nhiệm mầu
(bt)
 
VietCatholic TV
Cả một khu phố chung quanh bốc cháy, ngôi nhà thờ còn nguyên. Tạ ơn Chúa.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:13 05/06/2020

1. Cả một khu phố chung quanh bốc cháy, ngôi nhà thờ còn nguyên. Tạ ơn Chúa.

Câu chuyện ngôi nhà thờ Thánh Albertô Cả, tiếng Anh là St. Albert the Great, đang là một trong những đề tài được báo chí tại Mỹ hết lời ca ngợi.

Sáng sớm ngày thứ Năm 28 tháng Năm, Chi Cảnh sát quận Ba của thành phố Minneapolis bị bao vây và ném đá dữ dội. Đây là nơi làm việc của 4 cảnh sát viên dính líu vào vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của anh George Floyd. Cả 4 cảnh sát viên Derek Chauvin, Thomas Lane, Alexander Kueng và Tou Thao đều đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát nhưng chưa ai bị bắt. Vì thế, những người biểu tình rất tức giận. Gạch đá và đủ các thứ được ném vào chi cảnh sát.

Vào lúc 11:30 sáng, cảnh sát đồn trú tại đây được lệnh kéo cờ xuống và tìm cách triệt thoái khỏi cơ sở này để tránh thương vong.

Lúc chiều tối những người biểu tình đã đốt chi cảnh sát. Ngọn lửa cố nhiên lan ra cả những căn nhà gần bên. Và có một nguy cơ rất nghiêm trọng là ống ga có thể hư hại và toàn khu phố có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào.

Để tránh cho khu phố khỏi bị nổ tung, các công ty điện và ga đã cúp hết nguồn phân phối. Toàn khu vực chìm trong bóng đêm và trong tình cảnh hoàn toàn vô chính phủ vì các lực lượng bảo vệ trị an đã rút lui khỏi khu vực.

Những kẻ thừa nước đục thả câu đã lợi dụng tình hình này để cướp phá khu vực, đặc biệt là dọc theo đường Lake và đại lộ Minnehaha.

Trong bối cảnh hỗn loạn và nguy hiểm như vậy, một giáo xứ nhỏ ở Minneapolis đã trở thành nơi nương thân cho những người dân lo sợ không dám ở trong nhà của họ: Ga nổ cũng chết, cháy nhà chạy không kịp cũng chết, bị cướp giết cũng chết.

Giáo xứ Công Giáo Thánh Albertô Cả, nằm trong khu Longfellow, cách chi cảnh sát quận 3 khoảng 1.5km, đã che chở cho 34 người khi cuộc bạo loạn đang cuồng nộ phá hủy các doanh nghiệp ở xung quanh và nhiều nhà đã bị

Cha Joe Gillespie, chánh xứ Thánh Albertô Cả, đã hào hiệp mở rộng cửa nhà xứ khi được dân chúng yêu cầu, bất kể hành động như thế có thể dẫn đến nguy hiểm cho bản thân ngài và ngôi nhà thờ giữa cơn cuồng nộ của đám đông. Sau khi nhận được tin từ cơ quan Volunteers of America yêu cầu hỗ trợ, ngài đã chào đón những người lánh nạn vào trong hội trường, chỉ yêu cầu họ mang theo chăn mền riêng để ngủ.

Nhà thờ là một địa điểm dự phòng cho cơ quan Volunteers of America trong những trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, bão tố.

Mặc dù sự hợp tác của giáo xứ với Volunteers of America đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng nhà thờ chưa từng được sử dụng vào mục đích cứu tế này cho đến khi cuộc khủng hoảng liên quan đến cái chết của anh George Floyd xảy ra.

Cô thư ký cuả giáo xứ Thánh Albertô Cả là Erin Sim cho biết đã nhận được điện thoại từ Volunteers of America và ngay lập tức chuẩn bị tầng hầm cuả nhà thờ cho họ.

“Bạn không thể chỉ giúp người cuả mình mà thôi, bạn phải sẵn sàng giúp đỡ mọi người, ” cô nói.

Khi bạo lực leo thang, các cư dân trú ẩn trong nhà thờ đã tự tổ chức an ninh cho họ. Họ thay phiên nhau canh chừng tòa nhà, chung sức với một nhóm người Mỹ bản địa, là những người luôn canh gác một trường học dành riêng cho người Mỹ bản địa ở gần đấy.

Tuy nhiên, với một số ít người như thế, họ thật sự không thể bảo vệ nổi cho mình. Cha Joe Gillespie nhận thức rõ điều đó. Cho nên, đối với ngài phương thế hữu hiệu nhất trong hoàn cảnh này là cầu nguyện. Ngài đã làm như thế trước Thánh Thể.

Cô Sim cho biết “Chúng tôi đã thoát nạn một cách kỳ diệu so với sự tàn phá xung quanh nhà thờ.”

Ngoài giáo xứ Thánh Albertô Cả, Cha Joseph Williams của nhà thờ Thánh Stêphanô ở Minneapolis cũng giúp đỡ một gia đình giáo dân ẩn náu trong nhà thờ. Gia đình ông Sanchez-Ponce, sống trong khu vực cuả chi cảnh sát quận Ba, đã trú ẩn trong nhà xứ vào đêm 28 tháng 5, theo bản tin của tờ báo The Catholic Spirit cuả tổng giáo phận.

Mô tả tình hình trong những ngày qua. Cha Gillespie nói:

“Ở đây giống như đang có chiến tranh. Chúng tôi bị bao vây.”

Trong lúc bạo lực xẩy ra, Cha Gillespie nói rằng thông điệp về sự đoàn kết trong đại dịch coronavirus cần phải áp dụng cho tình huống này.

“Chúng ta cùng chung một số phận, ” Cha Gillespie lặp lại khẩu hiệu cuả đại dịch, “Chúng ta cần mọi người trong khu phố chung sức. Đó không chỉ là nhà của tôi hay nhà thờ của tôi, mà là nhà thờ và nhà của chúng ta.”

“Nhà thờ Thánh Albertô Cả luôn luôn là một giáo xứ chào đón, ” cha Gillespie nói. Nhà thờ đã ở trong khu phố này được 85 năm và là nơi mà cộng đồng tìm tới mỗi khi họ cảm thấy bị đe dọa.

Cộng đồng giáo xứ Thánh Albertô Cả đã nhận được một số quyên góp lớn để phân phát cho những người có nhu cầu, bao gồm nước, đồ dùng vệ sinh, dụng cụ vệ sinh và thực phẩm. Cha Gillespie cho biết đã nhận được ba khoản tiền đáng kể vào sáng ngày 1 tháng Sáu.

Giúp đỡ những người có nhu cầu là một việc làm từ lâu của giáo xứ Thánh Albertô Cả. Ngay cả trước khi xảy ra vụ bạo loạn tàn phá nặng nề khu phố, giáo xứ đã giúp cung cấp thực phẩm và tiền thuê nhà cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tưởng cũng nên nhắc lại, liên quan đến 4 cảnh sát viên dính líu đến cái chết của anh George Floyd, chiều ngày 3 tháng Sáu, Bộ Tư Pháp tiểu bang Minnesota đã có cuộc họp báo cho biết cả 4 viên chức cảnh sát dính líu trong vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của anh George Floyd đều bị truy tố.

Các cáo buộc chống lại Derek Chauvin đã được nâng lên thành tội giết người cấp hai sau khi công tố viện xem qua các tài liệu thu thập được cho đến nay.

Ba viên chức cảnh sát khác, trước đây không bị buộc tội, nay sẽ phải đối mặt với tội giúp đỡ và đồng lõa giết người.

Cái chết của Floyd đã làm dấy lên những cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Mỹ chống lại nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ da đen.

Phần lớn các cuộc biểu tình trong tám ngày qua đã diễn ra hòa bình, nhưng một số đã trở nên bạo lực và lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại một số thành phố.

Khi thông báo về các cáo buộc mới, ông Keith Ellison, Bộ trưởng Tư Pháp Minnesota, nói rằng những cáo buộc mới nhằm phục vụ cho công lý.

Ban đầu Derek Chauvin phải đối diện với cáo buộc giết người cấp ba và ngộ sát cấp hai.

Ba viên chức cảnh sát bị sa thải khác là Thomas Lane, Alexander Kueng và Tou Thao. Tất cả họ đều phải đối diện với cáo buộc giúp đỡ và đồng lõa giết người cấp hai, cũng như giúp đỡ và đồng lõa trong tội ngộ sát cấp hai.

Ông Amy Klobuchar, Thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota nói trên Twitter rằng các cáo buộc mới nhất là một bước quan trọng đối với công lý.

Luật sư của gia đình Floyd, ông Benjamin Crump, nói trong một tuyên bố: “Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường dẫn đến công lý và chúng tôi rất hài lòng rằng hành động quan trọng này đã được đưa ra trước khi cơ thể của George Floyd được yên nghỉ.”

Nhưng sau đó ông nói với CNN rằng gia đình tin rằng cáo buộc chống lại Derek Chauvin phải là giết người cấp 1 và họ đã được thông báo rằng cuộc điều tra đang diễn ra và các cáo buộc có thể còn thay đổi hơn nữa.

Tại một cuộc họp báo, mục sư Al Sharpton của Tin Lành Baptist và cũng là một nhà hoạt động nhân quyền nói rằng vụ Floyd phải dẫn đến một đạo luật liên bang.

Ông nói: “Nếu chúng ta thoát ra khỏi tất cả những điều này mà không có sự thay đổi nào trong luật liên bang thì chúng ta vẫn không thể bảo vệ các công dân khỏi các chính sách địa phương. Trong trường hợp đó, tất cả những điều bi thảm này vẫn không có hồi kết thúc. Thảm kịch trên đường phố này phải hướng đến sự thay đổi cơ bản về pháp lý.”

Ông Ellison nói rằng ông không hề ảo tưởng rằng việc truy tố thành công các cựu viên chức cảnh sát sẽ dễ dàng.

“Giành được một bản án sẽ khó khăn lắm. Lịch sử cho thấy có những thách thức rõ ràng, “ ông nói.

Cho đến trước cuộc họp báo này, chỉ có một viên chức cảnh sát ở Minnesota đã bị kết án giết một thường dân trong khi đang làm nhiệm vụ.

Ông Ellison cho biết George Floyd “được gia đình ông yêu quý, cuộc sống của ông có giá trị” và ông thề rằng “chúng tôi sẽ tìm kiếm công lý cho bạn và chúng tôi sẽ tìm được”.

Ông nói rằng việc mang lại công lý cho xã hội nói chung sẽ là công việc chậm chạp và khó khăn và người Mỹ không nên chờ kết thúc vụ án Floyd mới bắt tay vào việc.

“Ngay bây giờ, chúng ta cần viết lại các quy tắc cho một xã hội công bằng, “ ông nói.

Giết người cấp một và cấp hai theo luật của tiểu bang Minnesota đòi hỏi phải trưng ra được bằng chứng rằng bị cáo có ý định giết người. Cấp độ thứ nhất trong hầu hết các trường hợp đòi hỏi phải có sự suy tính trước (premeditation, tiếng Pháp: malice prépensée); trong khi mức độ thứ hai liên quan nhiều hơn đến tội ác vì nóng giận tức thời, không có suy tính trước (crime of passion, tiếng Pháp crime passionnel).

Một cáo buộc giết người cấp ba sẽ không yêu cầu bằng chứng rằng bị cáo muốn nạn nhân chết, chỉ cần hành động của họ là nguy hiểm và được thực hiện mà không đoái hoài đến mạng sống của con người.

Bị cáo bị kết tội giết người cấp hai có thể lãnh một bản án lên tới 40 năm tù, nghĩa là 15 năm dài hơn so với giết người cấp ba với mức án tối đa 25 năm tù.

Cho dù bị buộc tội giết người cấp 1, Derek Chauvin cũng không thể bị tử hình. Thật vậy, hình phạt tử hình tại tiểu bang Minnesota đã bị bãi bỏ vào năm 1911.

Từ năm 1860 đến 1906, 27 người đã bị xử tử bằng cách treo cổ ở Minnesota. Sau vụ hành quyết tên giết người William Williams vào năm 1906, dư luận trong tiểu bang đã chống lại án tử hình. Năm 1911, một dự luật bãi bỏ đã được ký thành luật, đặt ra ngoài vòng pháp luật án tử hình ở Minnesota.

Kể từ năm 1911, đã có 23 nỗ lực khôi phục hình phạt án tử hình ở Minnesota, với lần gần đây nhất là vào năm 2005, nhưng không có dự luật nào trong số này được cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho các Giám Mục Hoa Kỳ, âu lo về tình trạng hiện nay

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho Đức Giám Mục Mark Seitz của Giáo phận El Paso, Texas, sau khi vị Giám mục tham gia một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc để cầu nguyện cho anh George Floyd.

Đức Cha Seitz nói với trang web tin tức địa phương El Paso Matters rằng ngài đã nhận được cú gọi kéo dài từ hai đến ba phút từ Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng ngày 3 tháng Sáu.

Hai vị đã nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với nhau. Đức Cha Seitz cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô “nói ngài muốn chúc mừng tôi.”

“Tôi bày tỏ với Đức Thánh Cha rằng tôi cảm thấy bắt buộc phải thể hiện tình đoàn kết của chúng tôi đối với những người đang đau khổ” trong một hoàn cảnh quá bi thương.

Floyd đã bị giết ngày 25 tháng Năm trong một vụ bắt giữ bởi cảnh sát thành phố Minneapolis. Anh ta bị bắt vì tội sử dụng tờ tiền giả $20. Đoạn phim về vụ việc được lưu hành rộng rãi trên mạng. Anh ta đã bị ấn vào xe cảnh sát nhưng cảnh sát viên Derek Chauvin đã kéo Floyd ra khỏi ghế hành khách, khiến anh ta ngã xuống đất. Anh nằm đó, úp mặt, vẫn bị còng tay. Chauvin quỳ đầu gối trái giữa đầu và cổ Floyd. “Tôi không thể thở được, xin đừng giết tôi, “ Floyd liên tục van xin. Chauvin vẫn quỳ ghì chặt đầu Floyd trong 8 phút và 46 giây, báo cáo của các công tố viên cho biết.

Floyd được đưa đến một bệnh viện địa phương, nơi đã xác nhận anh qua đời, tuy nhiên, có lẽ anh đã chết ngay tại hiện trường. Cái chết của anh đã kéo theo các cuộc biểu tình lan rộng, cũng như cướp bóc và bạo loạn ở nhiều thành phố.

Đức Cha Seitz là giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đầu tiên tham gia các cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của Floyd.

Cùng với một nhóm các linh mục trong giáo phận mình, Đức Cha Seitz đã quỳ trong im lặng cầu nguyện tưởng nhớ anh Floyd ngày 1 tháng Sáu. Ngài cũng cầm một tấm bảng với hàng chữ “Sinh mạng người da đen đáng giá.”

Cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Jose Gómez của Los Angeles, và cũng là chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ những âu lo của ngài, những lời cầu nguyện và tình đoàn kết của ngài với người dân Mỹ trong thời kỳ bất ổn quốc gia.

“Đức Thánh Cha nói rằng ngài đang cầu nguyện, đặc biệt cho Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda và Giáo hội địa phương tại Minneapolis và St. Paul, ” Đức Tổng Giám Mục Gómez đã viết trong một lá thư ngày 03 tháng sáu gởi cho tất cả các giám mục Hoa Kỳ.

“Ngài cảm ơn các giám mục về những phát biểu mang tính mục vụ về phản ứng của Giáo Hội với các cuộc biểu tình trên khắp đất nước và hành động của chúng ta sau cái chết của anh George Floyd. Ngài bảo đảm với chúng ta về những lời cầu nguyện và sự gần gũi trong những ngày tới, ” Đức Cha Gómez nói thêm.


Source:Catholic News Agency

3. Bất chấp các cấm đoán hàng ngàn tưởng niệm vụ Thiên An Môn tại Hương Cảng

Hàng ngàn người biểu tình ở Hương Cảng đã tổ chức các buổi cầu nguyện công khai để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn vào thứ hôm Năm, bất chấp lệnh của cảnh sát cấm các cuộc tụ họp lớn.

Vào tối ngày 4 tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hương Cảng để tưởng niệm vụ thảm sát năm 1989 và để phản đối luật an ninh mới do Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Tầu Cộng áp đặt lên khu vực này.

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã nổ súng vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, giết chết ít nhất hàng trăm người và làm bị thương hàng ngàn người khác. Việc tưởng niệm tội ác dã man này của cộng sản bị cấm triệt để tại Hoa Lục, nhưng những buổi cầu nguyện hàng năm để ghi nhớ sự kiện này vẫn được tổ chức hàng năm tại Hương Cảng, một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc.

Một buổi cầu nguyện công khai cho tưởng niệm vụ thảm sát này ban đầu đã được lên kế hoạch tổ chức tại Công viên Victoria vào ngày 4 tháng 6, nhưng cảnh sát đã ngăn chặn sự kiện này dưới chiêu bài những hạn chế về sức khỏe cộng đồng trong đại dịch coronavirus.

Hàng ngàn người vẫn trèo qua hàng rào cảnh sát vào công viên vào tối thứ Năm, thắp nến và im lặng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn.

Ở những nơi khác ở Hương Cảng, một số người biểu tình đã chặn đường và đụng độ với cảnh sát, trong khi những người khác tập trung tại các khu vực khác của thành phố, hô vang ủng hộ dân chủ và chống lại luật an ninh mà Quốc Hội Trung Quốc đang cố áp đặt tại thành phố này.

Một phát ngôn viên của giáo phận Hương Cảng nói với Catholic News Service rằng “Thánh lễ đặc biệt” đã được cử hành vào tối ngày 04 tháng 6, và nhấn mạnh rằng sắc lệnh của cảnh sát chống lại cuộc tụ họp tại Victoria Park “không thể ngăn cản các buổi cầu nguyện trong các thánh đường và những nơi khác.”

Theo South China Morning Post, hơn 3, 000 cảnh sát viên chống bạo động đã được điều động án ngữ các vị trí trọng yếu trong thành phố.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của CNA, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, cho biết ngài lo lắng rằng các luật mới sẽ được sử dụng để bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo mà người Hương Cảng hiện đang được hưởng.

Hương Cảng đã có những biện pháp bảo vệ rộng rãi cho tự do tín ngưỡng và truyền giáo, trong khi ở Trung Quốc đại lục, thì lại có một lịch sử đàn áp lâu dài đối với các Kitô hữu từ phía những người điều hành nhà nước.

Điều cần thiết nhất vào lúc này là cầu nguyện, Đức Hồng Y Quân nói.

“Chúng tôi không có gì tốt để hy vọng. Hương Cảng hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Chúng tôi phụ thuộc vào Trung Quốc ngay cả vấn đề thực phẩm và nước uống. Nhưng chúng tôi đặt mình vào tay Chúa, “ Đức Hồng Y Quân nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn ngày 27 tháng Năm.

Hương Cảng là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc, nghĩa là nó có chính phủ riêng nhưng vẫn thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Hương Cảng từng là thuộc địa của Anh cho đến năm 1997, khi nó được trả lại cho Trung Quốc dưới nguyên tắc một quốc gia, nhưng hai hệ thống, cho phép Hương Cảng có hệ thống lập pháp và kinh tế của riêng mình.


Source:Catholic News Agency