Ngày 02-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 14 Mùa Quanh Năm 03/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:25 02/07/2022


BÀI ĐỌC 1 Is 66:10-14c

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đức Chúa phán thế này:

“Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,

hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!

Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,

hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,

để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,

được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang,

như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.

Vì Đức Chúa phán như sau:

Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,

và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.

Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,

được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.

Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy;

tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.

Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc,

thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh.

Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Gl 6:14-18

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

Thưa anh em, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.

Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.

Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su. Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Cl 3:15a,16a

Alleluia. Alleluia.

Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Ki-tô ban tặng bình an, và ước chi lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em.

Alleluia.



TIN MỪNG Lc 10:1-12,17-20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.

Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’

Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”

Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Đó là Lời Chúa.
 
Chúa ban Bình An chan chứa Niềm Vui
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:12 02/07/2022
Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ CHÚA BAN BÌNH AN CHAN CHỨA NIỀM VUI

 
Anh Em ra đi loan báo Tin Mừng
Lm. Thái Nguyên
06:20 02/07/2022


ANH EM HÃY RA ĐI

Chúa Nhật 14 Thường niên năm C: Lc 10, 1-12.17-20

Suy niệm

Tường thuật của thánh Luca cho thấy không riêng gì các tông đồ, mà tất cả các môn đệ đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý nghĩa này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà sách Sáng Thế chương 10 đã liệt kê.

Đức Giêsu sai đi "Từng nhóm hai người", vì việc loan Tin Mừng không thể mang tính cá nhân, mà là việc của cộng đoàn, không thể độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên kết với nhiều người khác. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng trước tiên không phải là một phương thức hành động, mà là lời “cầu xin” Thiên Chúa, chủ mùa gặt, Đấng sai phái và điều động mọi người trong cánh đồng nhân gian. Chính Thánh Thần sẽ tác động, soi sáng và hướng dẫn. Nhưng Đức Giêsu cũng cho các môn đệ biết trước những hiểm nguy và thù nghịch mà họ sẽ gặp trên đường, chẳng khác nào“chiên non vào giữa sói rừng".

Đây là sứ mạng cấp bách, nên Đức Giêsu căn dặn: "đừng chào ai dọc đường" nghĩa là không nán lại hay chần chừ. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng:“Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra để ‘ra đi’.” (Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014). Ra đi để trao ban bình an, vì môn đệ Chúa là "con cái của sự bình an”, nên chủ yếu của việc loan Tin Mừng là đem đến bình an: "Bình an cho nhà này", bình an với Chúa và giữa mọi người với nhau. Loan báo Tin Mừng mà không mang lại bình an thì thật là vô nghĩa.

Còn nhiều chi tiết khác mà Đức Giêsu căn dặn, nhưng điều quan trọng là "Ra đi" chứ không phải "ở lại", đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Thầy Giêsu là một hành trình: sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Thầy luôn lên đường và không ngừng ra đi, nên Thánh Gioan Phaolô II khẳng định: "Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, cũng không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc" (RM 3). Nhưng loan báo hữu hiệu nhất là đời sống chứng tá của họ. Đúng như L. Moody đã nói: "Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng".

Hiện nay dân số Châu Á chiếm gần 2/3 thế giới, nhưng số người nhận biết Chúa chỉ có 2, 5%. Còn dân số Việt Nam hiện giờ gần 90 triệu, chỉ có 6 triệu rưỡi Kitô hữu = 7,2%. Đúng là cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt. Nhưng công cuộc truyền giáo hiện thời đang ra sao? Dường như giáo dân, nếu không dám nói là phần đông các Linh mục, Tu sĩ, ngày càng ít quan tâm đến vấn đề truyền giáo, ngày càng quên rằng mình là người đươc sai đi. Để cắt nghĩa cho tình trạng ngày, cha Trần Kim Ngọc đã đưa ra 5 lý do là: thiếu nhân lực truyền giáo; thiếu đào tạo; thiếu tổ chức; thiếu mục tiêu; thiếu cộng tác.

Thực ra, 5 điều trên chưa phải là lý do, mà chỉ là những yếu tố của một tình trạng: là tình trạng thiếu trưởng thành trong đời sống đức tin. Ngoài ra, trong một lá thư của cha Chân Tín gửi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cho thấy chính quyền muốn các nhà tu hành lao đầu vào việc xây dựng những nhà thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, bày ra những cuộc ăn uống linh đình để quên đi, hoặc hoàn toàn dửng dưng trước sứ mạng mà Chúa Giêsu đã truyền cho Giáo Hội.

Chúng ta quen sống an nhàn trong một tổ chức quá đầy đủ, một Giáo Hội cơ chế quá an toàn, nên dần mất đi tấm lòng và tính cách của Đức Giêsu: một tấm lòng khao khát cho mọi người được ơn cứu độ, và một tính cách luôn ra đi phục vụ với tất cả tình yêu. Con người hôm nay mong thấy được khuôn mặt Đức Kitô nơi chúng ta: khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường, với lối sống khó nghèo, thanh bạch, không túi tiền, không giầy dép, không bao bị. Người Châu Á hôm nay rất dễ đón nhận người tông đồ biết sống khổ hạnh, thoát tục, trầm tư, nhân từ, phục vụ. Với khuôn mặt của Đức Kitô, chúng ta mới tỏa ngát hương thơm của của Ngài, để có thể nâng con người lên với Đấng Tuyệt Đối.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Chúa đã sai chúng con vào thế giới,

tùy hoàn cảnh mỗi người ở giữa đời,

để con loan Tin Mừng khắp mọi nơi.

Nhưng xem ra con chưa quan tâm tới,

vẫn còn giữ đạo mông lung xa vời,

chỉ muốn sống đời mình cách thảnh thơi,

chẳng tha thiết tới điều Chúa mong đợi.

Xung quanh con có nhiều người dân ngoại,

sống bơ vơ trong tình cảnh lạc loài,

không tìm được ý nghĩa trong hiện tại,

chẳng thấy đâu lẽ sống của ngày mai.

Bao người đói khát cơm áo gạo tiền,

nhưng không bằng họ đói khát tình thương,

còn hơn nữa đói khát Chúa thiên đường,

cuộc đời họ biết bao là gai chướng.

Họ mong được tự do và kính trọng,

muốn là mình trong tình nghĩa đệ huynh,

nên cần gặp được ai biết đoái hoài,

có trái tim bao dung và quảng đại,

biết sống chân tình đem lại an vui,

khơi sáng niềm tin đã bị dập vùi.

Cuộc đời con đã là Ki-tô hữu,

nên đừng quá bận tâm về chính mình,

mà phải thấy được chương trình của Chúa,

thấy ân ban và sứ mạng đã trao,

để hăng say và hăm hở đi vào,

là loan báo Tin Mừng cho thụ tạo.

Cho con thấy đời mình đẹp biết bao,

vì Tin Mừng mà con đi loan báo,

xin cho con được trở nên nhân chứng,

dám sống điều mà mình đã tuyên xưng. Amen.
 
Ơn An Bình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:06 02/07/2022
Ơn An Bình

Chúa Nhật XIV TN C

“Ôi Thần Linh thân ái, xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”. Lời ca Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Axidi như đã ghi tạc vào lòng Kitô hữu Việt Nam chúng ta. Ơn bình an là một ơn trong những mà Kitô hữu thương khát mong. Và sự khát mong ấy được thể hiện qua các ý lễ của tín hữu Công Giáo thường xin dâng Lễ.

Một linh mục bạn tôi dí dỏm rằng lần kia ngài đi cử hành Bí tích Xức Dầu bệnh nhân cho vợ của một người giáo dân trung niên trong xứ. Xức dầu xong, vừa về, chưa kịp vào nhà xứ, bỗng thấy anh trung niên ấy “hớn hỡ” chạy theo, trên tay cầm một phong thư, lắp bắp: “Thưa cha, cho con xin lễ, xin tạ ơn”.“Gì vậy anh, chị nhà khỏe lại hả?” “Thưa cha, nhà con đi rồi”. Tôi bèn phụ họa. Không bằng chuyện xứ mình. Cũng một lần nọ đi “xức dầu” cho vợ một trung niên về. Lát sau đó anh ta đến nhà xứ, tay cũng cầm phong bì xin lễ. “Sao đó, chị nhà khỏe lại rồi chứ?” “Thưa cha, nhà con khỏe lại rồi. Còn ăn uống và nói chuyện nữa chứ”. “Xin Lễ hả. Xin tạ ơn chứ gì?” “Thưa cha không. Xin cha dâng Lễ cầu bình an”.

Hẳn nhiên câu chuyện sau là chuyện không có thật. Nhưng cảnh đời giữa người với người cũng có thể có thật. Tha nhân cũng có thể là “hỏa ngục” hay là“sói dữ” như cách nói của triết gia Jean Paul Sartre.

Được bình an hay có nền hòa bình là một trong những khát mong cháy bỏng của con người xưa lẫn nay. Trước đây khái niệm bình an hay hòa bình vốn thường được hiểu theo nghĩa là không có những sự tiêu cực, xấu xa. Chẳng hạn như hòa bình là tình trạng không có chiến tranh. Bình an là tình trạng không gặp phải những điều khó khăn, bất trắc như tai ương, hoạn nạn…Ngày nay người ta quan niệm sự bình an hay hòa bình theo chiều kích tích cực hơn. Đó là tình trạng hài hòa trong các mối tương quan giữa người với người, giữa tập thể với tập thể, giữa người với môi trường sống, với vũ trụ vạn vật…

Thánh Kinh cho chúng cái nhìn sâu xa hơn về sự bình an. Ngôn sứ Isaia vẽ nên quang canh an bình như sau: “Này Ta tuôn đổ xuống thành Giêrusalem ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy.”(Is 66,12-13). Khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi gieo rắc ơn an bình thì Chúa Giêsu đã truyền lệnh các ngài “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Sự bình an đích thực không hệ tại ở vật chất đủ đầy. Cha ông chúng ta đã từng cảm nghiệm “đa phú, đa ưu”. Tiền của càng chồng chất thì nổi lo càng thêm nhiều. Chức cao, quyền trọng cũng không phải là những cái đem lại sự an bình. Thuyền to thì sóng lớn. Đây là một thực tế khá phổ biến mà ít ai tranh biện.

Sự bình an đích thực là tình trạng cảm nhận mình được yêu thương. Đó là tình trạng được sống trong tình yêu, cảm nhận mình được yêu thương vượt quá sự xứng đáng của mình, từ đó thúc đẩy mình nỗ lực sống yêu thương với một tình yêu vượt quá tình cảm tự nhiên thường tình. Người có sự bình an, khi được tha nhân đón nhận thì tự nhiên ở lại với họ, tự nhiên “dùng những gì người ta dọn cho”, nếu người ta không tiếp đón thì ra đi. Nhưng khi ra đi họ không quên rao truyền chân lý là “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Sự bình an đích thực cũng không hệ tại ở những thành công, thành quả gặt hái được, cho dù đó là sự khuất phục của Satan. Các hiền nhân xưa đã từng chỉ dạy rằng điều quan trọng không phải ở chỗ thành công mà là thành nhân. Người có được ơn an bình là người xác tín mình được Thiên Chúa đoái thương nhận làm nghĩa tử. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”(Lc 10,20).

Không ai có thể trao ban điều mình không có. Để trao ban sự an bình cho tha nhân, để xây dựng hòa bình cho thế gian, chúng ta cần phải có sự bình an đích thực tận đáy tâm hồn. Để được điều này, thiết tưởng chúng ta cần noi gương thánh Tông Đồ dân ngoại, ngước nhìn, chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô. “Thưa anh em, ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để luôn xác tín rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Khi đã có sự an bình đích thực thì chúng ta sẽ được thôi thúc trao ban nó cho tha nhân. Trong tình yêu chính khi trao ban là lúc lãnh nhận, càng trao ban thì càng được đón nhận lại nhiều lần hơn. “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được goi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Sai hai người một
Lm. Alf.Nguyễn Công Minh
11:26 02/07/2022
CN 14C TN

Sai hai người một

Hôm nay bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng, và sai các ông đi từng hai người một. "Sai đi từng hai người một," đó là đề tài hôm nay. Chúa có ý gì khi sai từng hai người một?

1. Để hỗ trợ

Chắc chắn là để hỗ trợ (nhau). Chị ngã em nâng. (chứ không phải: Tưởng rằng chị ngã em nâng

Ai ngờ chị ngã em bưng miệng cười !).

Nếu đi một mình thì khi gặp khó khăn -chẳng hạn khi bị người đời từ chối không tiếp- các ông sẽ không biết bàn hỏi với ai, không được ai khích lệ ủi an, nên sẽ dễ nản lòng bỏ cuộc. Hơn nữa có lúc Chúa còn nói rõ, Thầy sai anh em đi như chiên giữa sói rừng, nên cần có nhau chống đỡ kẻ dữ là điều hiển nhiên.

Trong Bộ Giáo Luật mới, có một hình thức coi xứ mà trước đó đã manh nha một vài nơi, đó là coi xứ tập thể. Nhiều cha sở thay vì ở một mình tại xứ, thì cùng với các cha xứ khác, ở chung một nơi, rồi toả đi các xứ. Về ăn chung, nghỉ đêm cùng một nhà. Có thời gian nâng đỡ trò chuyện hỏi han nhau. VN chưa thấy nhưng nhà dòng thì có nhiều.

Nhưng cho dẫu được sai đi một mình, thì đâu phải một mình mình đi, mà có Chúa ở cùng. Có Chúa ở cùng nào ta sợ chi. Côn trượng Ngài làm ta an lòng. Thánh Vịnh 22 cho ta biết điều đó. Cho nên Chúa sai từng hai người một để nâng đỡ nhau chưa hẳn là lý mạnh. Lý mạnh là: Cần hai người để làm chứng.

2. Để làm chứng

Có hai điều cần làm chứng.

1) làm chứng cho sự thật. Trong Luật Mô-sê mà Chúa Giêsu có lần nhắc tới, nói rằng: chứng của hai người là chứng thực… Cho dẫu là chứng gian, nhưng hai người cùng làm chứng như nhau thì người ta tin là thật. Câu chuyện bà Suzanna bị hai ông già” dê, tuổi mùi, ước muốn phạm tội với bà mà không được bà đáp trả, nên đã cáo gian bà phạm tội với một chàng trai nào đó, mạnh khoẻ chạy nhanh quá nên hai ông già không chụp bắt được chàng, là một ví dụ về chứng hai người thì hiệu quả đến mức nào. Chỉ cần hai người tố cáo y một tội là bà Suzanna bị đưa đi ném đá chết ngay. Cũng may mà câu bé Daniel được Chúa soi sáng để giải oan cho bà Suzanna bằng một câu hỏi, hỏi riêng từng ông: bà Suzanna phạm tội dưới gốc cây nào, thì, ông già Dê trả lời dưới gốc cây chò, ông lão Mùi trả lời dưới gốc cây tùng. Thế là chỉ còn có một chứng. Một chứng cây tùng, một chứng cây chò. Nên không đủ 2 chứng. Nên cũng lộ ra là chứng gian luôn.

Hai người đi rao giảng, cùng nói về một điểm, cùng kêu gọi sám hối, thì người ta tin là cần phải sám hối thật, hơn là chỉ một tiếng kêu, gọi mời hoán cải.

Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một anh em trong dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang con đường bên phải, rẽ phải con đường bên trái, rồi ung dung đi con đường khác trở về nhà dòng. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?”

Giá như Phanxicô chỉ đi có một mình. Làm sao làm chứng mạnh mẽ được như đi hai người, ăn mặc giống nhau, thái độ giống nhau, mắt nhìn về một hướng, để kêu gọi người ta hoán cải.

Cần có ít là hai người để làm chứng cho sự thật.

Nhưng đó có lẽ cũng chưa phải là lý mạnh lắm để Chúa Giêsu sai từng hai người một. Lý mạnh để Chúa sai đi từng hai người một là: làm chứng cho yêu thương.

2) làm chứng cho yêu thương. Cần ít là hai người ngang nhau thì mới diễn tả yêu thương được chứ. Có cấp bậc chỉ là thương, xót thương. Ý thức được điều đó, nên đức TGM Saigon trước đây không cử các cha phó xứ, mà chỉ gửi bài sai các cha phụ tá. Bởi vì cũng có cả ngàn lẻ một chuyện giữa cha chính và cha phó. Còn giữa cha sở và linh mục phụ tá, thì nằm ở hai cấp độ xa nhau, nên ít xảy ra chuyện này chuyện kia hơn. Cha phó là gần ngang với cha chánh. Mà hai cha này, nơi nào chẳng may không yêu thương nhau thì càng phản chứng hơn là thà chỉ có một mình cha xứ. Đó cũng là lý lẽ mà các cha triều dọn bài giảng không thấy khai thác đề tài sai đi từng hai người một. Linh mục dòng thì nói được, vì luôn có cộng đoàn là những anh em ngang hàng hỗ trợ, chẳng khác gì sai đi từng hai người một. Sai đi từng hai người một là để làm chứng cho yêu thương. Người không cùng máu mủ ruột thịt nhưng yêu thương nhau như thế đó.

Khi các nhà truyền giáo đến Việt-Nam giảng đạo và có người theo. Các người không theo, nhìn những người theo, xem đặt tên cho họ là đạo gì, vì lúc đó chưa chữ Kitô, chưa có tiếng Thiên Chúa như sau này, thì … quả là điều tốt lành cho đạo ta: những người không theo đạo gọi những người theo đạo là họ theo “đạu yêu nhău,” vì thấy họ yêu thương nhau dường nào (ví như cộng đoàn tiên khởi mà Luca mô tả trong sách Công Vụ). Đây là chi tiết chúng ta biết được nhờ nhà thừa sai Gaspar d’Amaral gửi báo cáo về cho bề trên của mình ở Bồ Đào Nha.

Có một giám mục đến thêm sức cho một xứ đạo. Trước khi thêm sức, ngài hỏi vài câu giáo lý xem trình độ tới đâu. Ngài hỏi: cái gì là dấu hiệu của đạo chúng ta. Không cánh tay nào giơ lên. Ngài hỏi lại cộng với gợi ý như ghi dấu thánh giá trên mình. Chợt một cánh tay giơ lên, và nói: yêu thương. Đức cha bịp miệng mình kịp trước khi phát ra tiếng wrong: sai. Mà đâu có sai. Quá đúng.

Chúa Giêsu nói người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy: là các con yêu nhau, chứ đâu phải là các con vác thánh giá, là các con nhăn mặt lại chịu khổ đau. Này ta ban điều răn mới, điều răn của riêng ta, là yêu thương, chứ không phải đau khổ.

Sai đi từng hai người một là để làm chứng cho sự thật và nhất là làm chứng cho yêu thương.

Chúng ta không được sai đi để truyền giáo ở đâu xa, nhưng chúng ta ở trong gia đình. Một gia đình chứng tá, là một gia đình mà chồng và vợ, hai người bình đẳng yêu thương nhau, chứ không phải chồng chúa thương xót vợ tôi, hay vợ là trời thương hại chồng là đất. Yêu chứ không chỉ là thương. Như thế mới xứng danh là gia đình Công Giáo, mà cốt tuỷ của đạo là yêu thương và Chúa sai đi từng hai người một cũng là để làm chứng cho yêu thương.

Trong một cuộc hội thảo về truyền giáo, nhiều học giả phát biểu hùng hồn, nhiều thừa sai kể ra kinh nghiệm. Một người da đen ngồi ở góc, cuối cùng cũng được mời phát biểu. Chị nói : ở đất nước tôi, Phi Châu, khi truyền giáo cho một vùng nào, người ta gửi tới đó một gia đình Công Giáo.

Kìa họ yêu thương nhau biết là chừng nào. Đó là lời giảng hùng hồn nhất. Tại nhà thờ các linh mục thương yêu nhau, (một linh mục thì khó làm chứng được điều này), tại nhà mình cha mẹ yêu thương nhau, thế là Chúa đã sai đi từng hai người một.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 02/07/2022

18. Bất cứ hy vọng nào cũng không thể nói nó là tột cùng, và cũng không thể nói là quá mức, hy vọng của chúng ta càng lớn thì cái được càng nhiều.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 02/07/2022
100. CHUẨN BỊ TRƯỚC.

Tham quân Hoàn Đạo Cung, mỗi lần đi săn cùng Nam quận công Hoàn Huyền, nơi lưng đều mang một sợi dây thừng đỏ thắm mềm mại, Hoàn Huyền hỏi ông ta:

- “Ông già rồi, mang sợi dây thừng làm gì vậy?”

Hoàn Đạo Cung trả lời:

- “Mỗi lần ngài đi săn, nếu có chút gì đó không phấn khởi, thì thích trói tay thủ hạ. Tôi dự liệu cho mình, không sớm thì muộn cũng sẽ bị ngài trói, cho nên đã chuẩn bị trước sợi dây thừng này, lỡ ngài dùng sợi dây thừng vừa thô vừa gai mà trói thì đau lắm !”

(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 100:

Người khôn ngoan là người biết chuẩn bị trước.

Các thánh là những người luôn chuẩn bị trước cho cuộc hành trình về quê trời của họ, hành trang của họ gồm có:

Gậy là đức cậy,

Giày là đức mến,

Lương thực là Thánh Thể,

Dụng cụ y tế là bí tích giải tội,

Y phục là bác ái,

Nón an toàn là khiêm tốn.

Tất cả những thứ cần dùng này đều được các ngài bỏ vào trong ba-lô là đức tin.

Đã được chuẩn bị đầy đủ và lên đường với ân sủng của Chúa, nên các thánh đã đi tới mục tiêu của mình, dù cho trên đường đi gặp nhiều khó khăn và đôi lúc hầu như mất phương hướng.

Những người Ki-tô hữu là những người đang trên đường về quê trời, họ cũng được trang bị trước một số hành trang như các thánh, nhưng đi tới đích hay không thì đều hệ tại họ có kiên nhẫn bền chí với ơn gọi nên thánh và sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống của mình hay không mà thôi.

Thiên Chúa đã chuẩn bị trước cho tôi một ba-lô đức tin và những thứ cần thiết ở trong ba lô đức tin ấy làm hành trang, tôi đã sử dụng nó để tiến về quê trời, hay sử dụng nó vào những cuộc du ngoạn vô ích ở cõi hồng trần, và có khi nguy hiểm đến sự sống đời đời của tôi?

Ai hiểu thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Vũ Văn An
01:34 02/07/2022

Nhân dịp lễ hai thánh Phêrô và Phaolô năm nay, ngày 29 tháng 6, 2022, Đức Phanxicô đã ban hành tông thư tựa là Desiderio Desideravi [Thầy những khát khao] về phụng vụ. Khác với cung giọng khi đề cập đến thánh lễ cổ truyền trong Traditionis custodis, theo Cha de Souza, Desiderio Desideravi có một cung gọng và bản chất khác hẳn. Nghĩ cho cùng cũng đúng thôi vì nội dung chính của tông thư là về việc đào tạo phụng vụ, dựa trên hai thế giá nổi bật là hiến chế Sacrosanctum Concilium của Vatican II và học giả linh mục Guardini. Sau đây là nguyên văn tông thư dựa theo bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Gửi Các Giám mục, các Linh mục và Phó tế, Các Người Thánh hiến Nam nữ, và Các Tín hữu Giáo dân

Về việc đào tạo Phụng vụ cho dân Chúa

Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình (Lc 22:15)

1. Anh chị em thân yêu nhất của tôi,

Với lá thư này, tôi mong muốn vươn tới tất cả anh chị em - sau khi chỉ viết cho các giám mục lúc công bố Tự sắc Traditionis custodes - và tôi viết để chia sẻ với anh chị em một số suy tư về phụng vụ, một chiều kích căn bản cho đời sống của Giáo hội. Chủ đề này rất rộng lớn và luôn đáng được xem xét chu đáo về mọi khía cạnh của nó. Mặc dù vậy, với bức thư này, tôi không có ý định bàn đến vấn đề này một cách thấu đáo. Tôi chỉ mong muốn cung cấp một số nhắc nhở hoặc gợi ý cho những suy tư có thể hỗ trợ cho việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý của việc cử hành Kitô giáo.

Phụng vụ: “ngày nay” của lịch sử cứu độ

2. “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22:15) Những lời này của Chúa Giêsu, mà với chúng, tường thuật Bữa Tiệc Ly là cửa hé mở qua đó chúng ta được ban cho khả thể đáng ngạc nhiên là trực giác được chiều sâu tình yêu của các ngôi trong Ba Ngôi Cực Thánh dành cho chúng ta.

3. Phêrô và Gioan được sai đi chuẩn bị cho bữa ăn Lễ Vượt Qua đó, nhưng trên thực tế, tất cả sáng thế, tất cả lịch sử - mà cuối cùng đang trên đà tự bộc lộ là lịch sử cứu rỗi - là một sự chuẩn bị to lớn cho Bữa tối đó. Phêrô và những người khác có mặt tại chiếc bàn đó, không hề hay biết nhưng cần thiết. Cần thiết vì mỗi món quà, để là món quà, phải có người sẵn sàng để nhận nó. Trong trường hợp này, sự bất cân xứng giữa sự mênh mông của món quà và sự nhỏ bé của người nhận nó quả là vô hạn, và nó không thể không làm chúng ta ngạc nhiên. Tuy nhiên, nhờ lòng thương xót của Chúa, món quà được ủy thác cho các Tông đồ để nó được mang đến cho mọi người nam nữ.

4. Không ai đã từng kiếm được một chỗ trong Bữa tối hôm đó. Tất cả đã được mời. Hay nói đúng hơn: tất cả đã bị lôi kéo đến đó bởi ước muốn cháy bỏng này là Chúa Giêsu phải ăn Lễ Vượt Qua với họ. Người biết Người là Chiên Con của bữa ăn Vượt Qua đó; Người biết rằng Người là Lễ Vượt Qua. Đây là điều mới tuyệt đối, điều độc đáo tuyệt đối, của Bữa Tối đó, điều mới thực sự duy nhất trong lịch sử, làm cho Bữa Tối đó trở thành duy nhất và vì lý do này là “Bữa Tối Sau Cùng”, không thể lặp lại. Tuy nhiên, ước muốn vô hạn của Người là tái lập sự hiệp thông với chúng ta, vốn đã và vẫn là thiết kế ban đầu của Người, sẽ không được thoả mãn cho đến khi mọi người nam nữ, từ mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc và mọi quốc gia (Kh 5: 9), sẽ được ăn Mình và uống Máu Người. Và vì lý do này, cũng một Bữa Tối đó sẽ được làm cho hiện diện trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể cho đến khi Người trở lại lần nữa.

5. Thế giới vẫn chưa biết điều này, nhưng mọi người được mời đến dự bữa tối trong đám cưới Chiên Con (Kh 19: 9). Để được vào dự tiệc, chỉ cần có áo cưới đức tin phát xuất từ việc nghe Lời Người (xem Rm 10:17). Giáo Hội may chiếc áo như thế để vừa với mỗi người, với màu trắng của áo được tắm trong máu của Chiên Con. (Kh 7:14). Chúng ta không được phép cho mình nghỉ ngơi, dù trong một lúc, khi biết rằng vẫn không phải ai cũng nhận được lời mời tham dự Bữa Tối này hoặc biết rằng những người khác đã quên khuấy mất nó hoặc đã lạc lối trong cuộc sống xoay vần của kiếp nhân sinh. Đó là điều tôi muốn nói khi nói, “Tôi mơ về một ‘giải pháp truyền giáo', nghĩa là, một sự thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các phong tục, cách thức làm việc, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cấu trúc của Giáo hội có thể được gom góp một cách thích hợp cho việc phúc âm hóa thế giới ngày nay hơn là cho sự tự bảo tồn của mình. " (Evangelii gaudium, số 27). Tôi muốn điều này để tất cả mọi người được ngồi vào Bữa Ăn Tối lễ hy sinh của Chiên Con và được sống nhờ Người.

6. Trước khi chúng ta đáp lại lời mời của Người - trước nhiều! – là sự mong muốn của Người đối với chúng ta. Chúng ta thậm chí có thể không nhận thức được điều đó, nhưng mỗi khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ, lý do đầu tiên là chúng ta bị lôi cuốn bởi mong muốn của Người dành cho chúng ta. Về phần chúng ta, đáp ứng khả hữu - cũng là chủ nghĩa khổ hạnh khắt khe nhất - luôn là, đầu hàng tình yêu này, để bản thân được Người lôi cuốn. Thật vậy, mọi cuộc rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã được Người mong muốn trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng.

7. Nội dung của tấm bánh được bẻ ra là thánh giá của Chúa Giêsu, sự hy sinh vâng phục của Người vì tình yêu đối với Chúa Cha. Nếu chúng ta không có Bữa Ăn Tối Sau Cùng, nghĩa là, nếu chúng ta không có nghi thức dự ứng về cái chết của Người, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được việc Người bị kết án tử hình trên thực tế là hành động thờ phượng hoàn hảo, đẹp lòng Chúa Cha, hành động thờ phượng chân chính duy nhất, phụng vụ chân chính duy nhất. Chỉ vài giờ sau Bữa Ăn Tối Sau Cùng, các tông đồ, nếu chịu đựng được sức nặng của nó, đã có thể nhìn thấy trong thập giá của Chúa Giêsu điều Chúa Giêsu nói có nghĩa gì, "mình bị nộp," "máu đổ ra." Chính đó là điều chúng ta làm để tưởng niệm trong mỗi Bí tích Thánh Thể. Khi Đấng Phục Sinh trở lại từ cõi chết để bẻ bánh cho các môn đệ tại Emmâu, và cho các môn đệ của Người đi đánh cá chứ không phải đi cá người trên Biển Galilê trở về, thì chính cử chỉ bẻ bánh đó đã mở mắt họ ra. Nó chữa họ khỏi sự mù lòa do sự kinh hoàng của thập giá gây ra, và nó khiến họ có khả năng “nhìn thấy” Đấng Phục sinh, tin vào sự Phục sinh.

8. Nếu bằng cách nào đó, chúng ta đến Giêrusalem sau Lễ Ngũ Tuần và cảm thấy khao khát không những có thông tin về Chúa Giêsu thành Nadarét mà còn mong muốn được gặp Người, thì chúng ta không có khả thể nào khác ngoài khả thể tìm kiếm các môn đệ của Người để có thể nghe được lời Người và thấy những cử chỉ của Người, sống động hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ không có khả thể nào khác được thực sự gặp gỡ Người ngoài cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng đang cử hành. Vì lý do này, Giáo hội luôn bảo vệ mệnh lệnh của Chúa, “Hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy,” như kho tàng quý giá nhất của mình.

9. Ngay từ ban đầu, Giáo Hội đã ý thức rằng đây không phải là vấn đề diễn tả lại Bữa Ăn Tối của Chúa, dù thánh thiêng đến đâu. Nó không hề có ý nghĩa gì, và không ai có thể nghĩ đến việc “dàn dựng” khoảnh khắc cao quý nhất trong cuộc đời của Thầy, nhất là trước mắt Đức Maria, Mẹ của Chúa. Ngay từ thuở sơ khai, được Chúa Thánh Thần soi sáng, Giáo hội đã nắm được điều hiển hiện nơi Chúa Giêsu, có thể nhìn thấy bằng mắt và chạm được bằng tay, các lời nói và cử chỉ của Người, tính cụ thể của Ngôi Lời nhập thể - mọi điều của Người đã được chuyển qua việc cử hành các bí tích. [1]

Phụng vụ: nơi gặp gỡ Chúa Kitô

10. Ở đây có tất cả vẻ đẹp mạnh mẽ của phụng vụ. Nếu sự sống lại đối với chúng ta chỉ là một khái niệm, một ý tưởng, một suy nghĩ; nếu Đấng Phục sinh đối với chúng ta chỉ là sự hồi tưởng của những người khác, dù có thẩm quyền, chẳng hạn như của các Tông đồ; nếu chúng ta không được ban cho khả thể gặp gỡ thật sự với Người, thì việc công bố tính mới mẻ của Ngôi Lời đã thành xác thịt trở thành vô ích. Thay vào đó, việc Nhập thể, ngoài việc là sự kiện luôn luôn mới mẻ duy nhất mà lịch sử biết đến, còn là chính phương pháp mà Ba Ngôi Chí Thánh đã chọn để mở ra cho chúng ta con đường hiệp thông. Đức tin Kitô giáo hoặc là một cuộc gặp gỡ với Đấng còn sống, hoặc nó không hiện hữu.

11. Phụng vụ bảo đảm cho chúng ta khả thể xảy ra cuộc gặp gỡ như vậy. Đối với chúng ta, một ký ức mơ hồ về Bữa Ăn Tối Sau Cùng sẽ chẳng ích lợi gì. Chúng ta cần có mặt trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng đó, để có thể nghe tiếng Người, để ăn Mình và uống Máu Người. Chúng ta cần Người. Trong Bí tích Thánh Thể và trong tất cả các bí tích, chúng ta được bảo đảm khả thể gặp gỡ Chúa Giêsu và khả thể được quyền năng của Mầu nhiệm Vượt qua của Người đến với chúng ta. Quyền năng cứu độ của lễ hy sinh của Chúa Giêsu, các lời nói, các cử chỉ, ánh mắt và cảm giác của Người đến với chúng ta qua việc cử hành các bí tích. Tôi là Nicôđêmô, là người phụ nữ Samaria bên giếng, người bị quỷ ám ở Caphácnaum, người bại liệt trong nhà Phêrô, người đàn bà tội lỗi được ân xá, người đàn bà bị băng huyết, con gái của Giaia, người mù thành Giêricô, Giakêu, Ladarô, tên trộm và Phêrô đều được ân xá. Chúa Giêsu, Đấng không chết nữa, Đấng sống đời đời với các dấu chỉ cuộc Khổ nạn của Người [2] tiếp tục tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, cứu chúng ta bằng quyền năng của các bí tích. Đó là cách cụ thể Người yêu chúng ta nhờ việc nhập thể của Người. Đó là cách để Người thỏa mãn cơn khát của chính Người đối với chúng ta, cơn khát mà Người đã tuyên bố từ trên thập giá (Ga 19:28).

12. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với cuộc vượt qua của Người là biến cố đánh dấu cuộc đời của mọi tín hữu: Phép Rửa của chúng ta. Đây không phải là sự tán đồng đối với suy nghĩ của Người hay sự đồng ý đối với quy tắc ứng xử do Người áp đặt. Đúng hơn, đó là việc lao mình vào nỗi thống khổ, cái chết, sự phục sinh và thăng thiên của Người, lao mình vào hành động vượt qua của Người. Nó không phải là ma thuật. Ma thuật trái ngược với luận lý của các bí tích vì ma thuật tự cho mình có quyền năng đối với Thiên Chúa, và vì lý do này nó phát xuất từ Tên Cám Dỗ. Hoàn toàn liên tục với việc Nhập thể, chúng ta có khả thể chết và sống lại trong Chúa Kitô nhờ sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần.

13. Cách điều này xảy ra cảm động xiết bao. Lời cầu nguyện khi làm phép nước rửa tội [3] cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã tạo ra nước chính vì Người đã nghĩ tới Bí tích Rửa tội. Điều này có nghĩa là khi Thiên Chúa tạo ra nước, Người đã nghĩ đến Phép Rửa của mỗi người chúng ta, và cùng một ý nghĩ này đã đồng hành cùng với Người trong suốt hành động của Người trong lịch sử cứu rỗi mỗi khi, với ý định chính xác, Người dùng nước cho công việc cứu rỗi của Người. Giống như thể sau khi tạo ra nước ngay lần đầu, Người đã muốn hoàn thiện nó bằng cách biến nó thành nước của Phép Rửa. Vì vậy, Người muốn đổ đầy nó với sự chuyển động của Chúa Thánh Thần là là bay trên mặt nước (St 1: 2) để nó có thể chứa ẩn bên trong quyền năng thánh hóa. Người đã dùng nước để tái tạo loài người qua trận lụt (St 6: 1-9,29). Người đã kiểm soát nó, tách nó ra để mở con đường tự do qua Biển Đỏ (x. Xh 14). Người đã thánh hiến nó tại sông Giócđan, bằng cách dìm vào đó thịt của Ngôi Lời từng được thấm đẫm Chúa Thánh Thần. (xem Mt 3: 13-17; Mc 1: 9-11; Lc 3: 21-22). Cuối cùng, Người hòa nó với máu Con Người, hồng phúc của Chúa Thánh Thần kết hợp một cách không thể phân ly với hồng phúc sự sống và sự chết của Chiên Con đã bị giết vì chúng ta, và từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, Người đã đổ nó ra trên chúng ta (Ga 19:34) Và chính trong dòng nước này, chúng ta đã được ngâm mình để nhờ quyền năng của nó, chúng ta được lồng vào Mình Chúa Kitô và cùng với Người trỗi dậy để sống bất tử (xem Rm 6: 1-11).

Giáo hội: Bí tích của Nhiệm thể Chúa Kitô

14. Như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta (x. Sacrosanctum Concilium, n. 5), bằng cách trích dẫn sách thánh, các Giáo phụ và Phụng vụ - những trụ cột của Truyền thống đích thực - chính từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Người ngủ giấc ngủ của thần chết trên thập giá đã xuất hiện "bí tích kỳ diệu là toàn thể Giáo hội." [4] Sự song hành giữa Ađam đầu tiên và Ađam mới rất nổi bật: từ cạnh sườn Ađam đầu tiên, sau khi đã đưa ông vào giấc ngủ thật ngon, Thiên Chúa đã kéo Evà ra thế nào, thì từ cạnh sườn của A-đam mới, đang ngủ giấc ngủ của thần chết trên thập giá, đã sinh ra Evà mới, là Giáo hội như vậy. Sự kinh ngạc đối với chúng ta nằm ở những lời mà chúng ta có thể tưởng tượng Ađam mới đã nhận làm của riêng khi nhìn chằm chằm vào Giáo hội: “Đây cuối cùng là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2:23). Nhờ tin vào Lời Người và lội xuống nước Phép Rửa, chúng ta trở nên xương bởi xương và thịt bởi thịt Người.

15. Không có sự nhập thân này thì không thể có việc sống trọn vẹn sự thờ phượng Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có một hành động thờ phượng, hoàn hảo và đẹp lòng Chúa Cha; tức là sự vâng phục của Chúa Con, mà thước đo là cái chết của Người trên thập giá. Khả thể duy nhất để có thể tham gia vào lễ dâng của Người là trở thành “những người con trong Chúa Con”. Đây là hồng phúc chúng ta đã nhận được. Chủ thể hoạt động trong Phụng vụ luôn luôn và duy nhất là Chúa Kitô-Giáo hội, tức Nhiệm thể Chúa Kitô.

Cảm thức thần học về Phụng vụ

16. Chúng ta nợ Công đồng - và phong trào phụng vụ đi trước nó - việc tái khám phá sự hiểu biết thần học về Phụng vụ và tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo hội. Vì các nguyên tắc chung được nêu ra trong hiến chế Sacrosanctum Concilium là nền tảng cho việc cải cách phụng vụ, nên chúng tiếp tục là nền tảng cho việc cổ vũ việc cử hành đầy đủ, có ý thức, tích cực và hữu hiệu đó (xem Sacrosanctum Concilium, n. 11; 14), trong phụng vụ, “nguồn đệ nhất và không thể thiếu mà từ đó các tín hữu dẫn khởi được tinh thần Kitô giáo đích thực” (Sacrosanctum Concilium, n.14). Với lá thư này, tôi chỉ muốn mời gọi toàn thể Giáo hội khám phá lại, bảo vệ và sống sự thật và sức mạnh của việc cử hành Kitô giáo. Tôi muốn vẻ đẹp của việc cử hành Kitô giáo và những hậu quả tất yếu của nó đối với đời sống của Giáo hội không bị hư hoại bởi sự hiểu biết hời hợt và rút ngắn về giá trị của nó, hoặc tệ hơn, bởi việc nó bị lợi dụng để phục vụ cho một tầm nhìn ý thức hệ nào đó, bất kể màu sắc ra sao. Lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng để tất cả nên một (Ga 17:21) lên án mọi chia rẽ của chúng ta xung quanh Bánh được bẻ ra, quanh Bí tích lòng thương xót, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái [5].

Phụng vụ: thuốc giải độc cho sự độc hại của tính thế gian thiêng liêng

17. Vào nhiều dịp khác nhau, tôi đã cảnh cáo về cơn cám dỗ nguy hiểm cho đời sống của Giáo Hội, mà tôi gọi là “tính thế gian thiêng liêng”. Tôi đã nói về điều này một cách dài dòng trong tông huấn Evangelii gaudium (nn. 93-97), xác định chính xác Thuyết Ngộ đạo và thuyết Tân Pêlagiô như hai phiên bản được nối kết giữa chúng với nhau để nuôi dưỡng tính thế gian thiêng liêng này.

Thuyết thứ nhất thu hẹp đức tin Kitô giáo thành một chủ nghĩa chủ quan “cuối cùng khiến người ta bị giam cầm trong những suy nghĩ và cảm xúc của chính họ” (EG 94). Thuyết thứ hai loại bỏ vai trò của ân sủng và “thay vào đó dẫn đến chủ nghĩa ưu tú tự yêu mình thái quá và độc đoán, theo đó thay vì truyền giảng Tin Mừng, người ta phân tích và phân loại người khác, và thay vì mở cửa cho ân sủng, người ta vắt kiệt sức lực của họ trong kiểm tra và xác minh” (EG 94).

Những hình thức méo mó của Kitô giáo này có thể gây ra những hậu quả tai hại cho đời sống của Giáo hội.

18. Từ những gì tôi đã nhắc lại ở trên, điều rõ ràng là, tự bản chất của nó, Phụng vụ là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất chống lại những chất độc này. Hiển nhiên, tôi đang nói về Phụng vụ theo nghĩa thần học của nó và, như Đức Piô XII đã khẳng định, chắc chắn không phải Phụng vụ như những nghi lễ trang trí hay chỉ là một tổng số luật lệ và giới luật chi phối việc phụng tự [6].

19. Nếu thuyết Ngộ đạo chuốc độc chúng ta bằng chất độc của chủ nghĩa chủ quan, thì việc cử hành phụng vụ giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của sự tự quy chiếu được nuôi dưỡng bởi lối lý luận của riêng người ta và cảm quan riêng của họ. Hành động cử hành không thuộc về cá nhân mà thuộc về Chúa Kitô-Giáo hội, tức là toàn thể các tín hữu hiệp nhất trong Chúa Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà là “chúng ta” và bất cứ giới hạn nào đối với bề rộng của chữ “chúng ta” này luôn luôn là của ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta một mình tìm kiếm một điều được cho là hiểu biết cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đúng hơn, nó cầm tay chúng ta, cùng nhau, như một cộng đoàn, dẫn chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm mà Ngôi Lời và các dấu chỉ bí tích mạc khải cho chúng ta. Và, nhất quán với mọi hành động của Thiên Chúa, nó thực hiện điều này theo con đường Nhập thể, tức là bằng ngôn ngữ biểu tượng của thân xác, vốn vươn tới các sự vật trong không gian và thời gian.

20. Nếu chủ nghĩa tân Pêlagiô làm say mê chúng ta với giả định về một ơn cứu độ có được nhờ nỗ lực của chính chúng ta, thì việc cử hành phụng vụ thanh tẩy chúng ta, công bố tính nhưng không của ơn cứu độ nhận được trong đức tin. Tham dự vào hy tế Thánh Thể không phải là thành quả của riêng chúng ta, như thể vì nó mà chúng ta có thể khoe khoang trước Thiên Chúa hoặc trước anh chị em của chúng ta. Khởi đầu của mỗi cử hành nhắc nhở tôi rằng tôi là ai, yêu cầu tôi thú nhận tội lỗi của mình và mời tôi khẩn cầu Đức Maria đầy ơn phúc mãi mãi đồng trinh, các thiên thần, các thánh và tất cả anh chị em của tôi cầu nguyện cho tôi với Chúa là Thiên Chúa của chúng ta. Chắc chắn, chúng ta không xứng đáng vào nhà Người; chúng ta cần một lời của Người để được cứu. (xem Mt 8: 8) Chúng ta không có gì khác để khoe khoang ngoài thập giá của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô (x. Gl 6:14). Phụng vụ không liên quan gì đến chủ nghĩa duy luân khổ hạnh. Nó là hồng phúc Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa, một hồng phúc, nếu được đón nhận một cách ngoan ngoãn, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên mới mẻ. Phòng Tiệc Ly chỉ được vào nhờ sức hấp dẫn của Người muốn ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta: Desiderio desideravi hoc Pascha manducare vobiscum, antequam patiar (Lc 22:15).

Còn tiếp
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Thánh Mẫu La Vang tại Orange ngày thứ hai
Người Việt
09:20 02/07/2022
 
Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tại giáo phận Orange
ChristCathedralCalifornia
20:55 02/07/2022
 
VietCatholic TV
Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Nga và Đại Đội Chỉ Huy tử trận vì trọng pháo M777. Quang cảnh thật kinh hoàng
VietCatholic Media
02:52 02/07/2022


1. Trung tá Dù Nga tử trận vì trọng pháo M777. Quang cảnh thật kinh hoàng

Putin mất sĩ quan cấp tá thứ 57 chỉ sau hơn 4 tháng chiến tranh. Trong một diễn biến cho thấy các phương tiện truyền thông Nga có sự thay đổi cái nhìn đối với cuộc chiến của Putin, tờ Delovoy Petersburg đã cho đăng những bức ảnh thê lương sau vụ tấn công của quân Ukraine và đưa ra một nhận xét nhân bản rằng cuộc chiến nên được sớm kết thúc.

Trung tá Pavel Kislyakov, 40 tuổi, là sĩ quan cấp tá thứ 57 của Nga tử trận tại Ukraine. Cái chết của ông cho thấy sự mất mát nặng nề của các sĩ quan cấp cao mà Nga phải gánh chịu. Biến cố này diễn ra sau khi quân đội Ukraine công bố tin tức về một trận pháo kích vào một căn cứ của Nga. Ukraine cho rằng trọng pháo M777 do phương Tây cung cấp đã được sử dụng trong cuộc tấn công.

Trung tá Pavel Kislyakov, 40 tuổi, đã được an táng hôm thứ Sáu với đầy đủ các nghi thức danh dự của quân đội Nga tại quê nhà ở vùng Mạc Tư Khoa.

Cuộc chiến, hiện đã kéo dài hơn 4 tháng, cũng đã chứng kiến cái chết của ít nhất 11 tướng lĩnh Nga - mặc dù con số thiệt mạng thực sự có thể cao hơn do chính quyền Nga có xu hướng che giấu con số tử vong thực sự.

Theo Delovoy Petersburg, khi các lực lượng ứng cứu đến được hiện trường, một quang cảnh kinh hoàng bày ra trước mắt họ. Hầu hết, 80 binh sĩ trong đại đội chỉ huy của Lữ Đoàn Dù số 11, có trụ sở chính ở Buryatia, đã thiệt mạng, chỉ còn một ít người sống sót. Trong một nhận xét hết sức nhân bản, tờ báo viết: “Chiến tranh có khuôn mặt thực sự rất khác với những điều được mô tả trên các phương tiện truyền thông. Nó rất đáng sợ.”

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đã mất khoảng 35.600 quân, 1.573 xe tăng, 3.726 phương tiện chiến đấu bọc thép, 790 đơn vị pháo, 246 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 104 hệ thống phòng không, 217 máy bay chiến đấu, 185 máy bay trực thăng, 641 máy bay không người lái, 143 hỏa tiễn hành trình, 14 tàu chiến, và 2.602 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Được sản xuất bởi bộ phận Hệ thống chiến đấu toàn cầu của BAE Systems, M777 là loại pháo hạng nhẹ có khả năng bắn đạn cao, có thể bắn đạn pháo ở cự ly hiệu quả lên đến 25 dặm và có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công các mục tiêu của Nga trong thời gian dài- phạm vi.

Quan chức quận Denis Semenov của thủ đô Mạc Tư Khoa cho biết tại lễ tang rằng Trung tá Pavel Kislyakov, 40 tuổi, là cha của hai đứa trẻ khi mô tả ông là 'một anh hùng thực sự và người bảo vệ Tổ quốc'.

Cái chết của ông đẩy số quan chức quân sự cấp cao của Nga bị giết trong vụ việc lên gần 60 người, và diễn ra chỉ ba ngày sau khi Nga thông báo rằng Đại tá Andrey Vasilyev, cũng là một chỉ huy nhảy dù, đã bị giết.

Vasilyev đã bị giết trong một cuộc tấn công khi Ukraine sử dụng hỏa tiễn HIMARS tầm xa do Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi tới Ukraine.

Vị đại tá này trước đó đã được trao tặng Huân chương Dũng cảm của Nga và là chỉ huy Lữ Đoàn Dù Cận vệ 137 thuộc Sư đoàn Dù Cận vệ 106.

2. Tổng Tham Mưu Trưởng Ukraine bác bỏ tuyên bố Nga rút khỏi Đảo Rắn vì thiện chí

Quân đội Ukraine cáo buộc Nga thực hiện các cuộc không kích sử dụng bom phốt pho gây cháy trên Đảo Rắn hôm thứ Sáu, chỉ một ngày sau khi Mạc Tư Khoa rút lực lượng khỏi tiền đồn chiến lược ở Hắc Hải. Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng 4 sao Valerii Zaluzhnyi cho biết trong cuộc họp báo vào tối ngày thứ Sáu mùng một tháng 7:

“Hôm nay vào khoảng 6 giờ chiều, máy bay SU-30 của không quân Nga đã hai lần tiến hành các cuộc không kích bằng bom phốt pho trên đảo Zmiinyi”. Tưởng cũng nên biết thêm: Đảo Zmiinyi là một tên khác của Đảo Rắn.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm mô tả việc rút lui là “một cử chỉ thiện chí” nhằm báo hiệu rằng Nga sẽ không cản trở các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc tổ chức xuất khẩu ngũ cốc được bảo hộ từ Ukraine.

Tướng Valerii Zaluzhnyi bác bỏ tuyên bố này và cho biết Nga đã thua trong cuộc chiến tại Đảo Rắn, và tháo chạy để lại hàng loạt các khí tài chiến tranh.

Vũ khí phốt pho, để lại một vệt trắng đặc trưng trên bầu trời, là vũ khí gây cháy mà việc sử dụng chống lại dân thường bị cấm theo một công ước quốc tế nhưng được phép sử dụng cho các mục tiêu quân sự.

Ukraine đã cáo buộc Nga sử dụng chúng nhiều lần kể từ khi mở xâm lược vào cuối tháng Hai, bao gồm cả các khu vực dân sự.

3. Putin triệu tập một tướng Nga về hưu quá mập trở lại chiến trường

Một bức ảnh về một tướng Nga đã nghỉ hưu trong quân đội của Vladimir Putin đã làm dấy lên những đồn đoán cho rằng Mạc Tư Khoa đang kêu gọi tái nhập ngũ các quân nhân đã nghỉ hưu để tham gia cuộc chiến chống Ukraine vì những tổn thất quá lớn trong cuộc chiến tại miền Donbas.

Một nguồn tin tình báo cấp cao nói với Daily Star hôm Chúa Nhật rằng ông Putin đã ra lệnh cho Tướng Pavel, 67 tuổi, trở lại phục vụ tại ngũ để lãnh đạo các lực lượng đặc biệt của Nga hoạt động ở Ukraine.

Nguồn tin cho biết Pavel đã nghỉ hưu cách đây 5 năm và sống ở ngoại ô Mạc Tư Khoa cho đến khi được gọi trở lại lãnh đạo một đơn vị sau khi một cựu chỉ huy bị thương nặng trong một cuộc tấn công bằng pháo binh.

Hình ảnh của vị tướng về hưu đã lan truyền trên mạng xã hội, với những người dùng Twitter, bao gồm cả Đại diện Hoa Kỳ Adam Kinzinger, một đảng viên Đảng Cộng hòa, chế giễu ngoại hình và cân nặng của ông ta.

Nguồn tin tình báo cấp cao cho biết: “Putin hiện đang thiếu tướng lãnh. Hầu hết các chỉ huy cấp cao giỏi nhất và thiện chiến nhất của ông ta đều đã bị giết hoặc bị thương trong trận chiến ở Ukraine, vì vậy ông ấy đang cầu viện đến các sĩ quan hạng hai ra mặt trận, những người chắc chắn không tồn tại được lâu”.

Nguồn tin tiếp tục: “Ông ấy hiện đang lôi kéo các tướng lĩnh nghỉ hưu và một trong số đó là Tướng Pavel.”

“Putin giống như một trùm mafia không ai có thể từ chối phục tùng. Nếu một vị tướng về hưu nhận được tin nhắn từ Putin nói rằng nước Nga cần bạn chiến đấu ở Ukraine thì bạn không thể làm được gì nhiều. Bây giờ thoát khỏi Nga cũng không phải là dễ vì các lệnh trừng phạt. “

Bức ảnh được xác nhận bởi Reddit, là mạng xác minh tính chất xác thực của các câu chuyện trên Internet. Theo Reddit, vị tướng này đã đi lính hơn 40 năm và trở thành chỉ huy lực lượng đặc biệt của Nga. Ông ta cũng phục vụ ở Syria và đã có một thời gian hoạt động ở Afghanistan.

Các nguồn tin cho biết cả Nga và Ukraine đều đang hứng chịu rất nhiều thương vong và kho đạn dược chiến tranh “đang ở mức rất thấp”.

“Nga cũng đã mất một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép và đây là những thiết bị phức tạp không thể dễ dàng thay thế.”

4. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhận được danh hiệu Công dân danh dự của Odesa

Hôm thứ Sáu, thị trưởng Odesa Henadiy Trukhanov đã ký một lệnh trao tặng cho Thủ tướng Johnson Huy hiệu danh dự Hryhoryia Marazly bằng cấp I, II, III, và tự động trao danh hiệu cho ông.

Theo Trukhanov, nếu phần còn lại của thế giới có cùng quan điểm chống lại Nga như người dân Anh đã làm kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng Hai, thì Ukraine đã đánh bại Nga từ lâu.

Trong một diễn biến khác Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh vào thứ Sáu nhằm nỗ lực giành được sự ủng hộ từ Mỹ Latinh trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga của đất nước ông.

“Tôi tiếp tục thiết lập quan hệ với một khu vực quan trọng - Mỹ Latinh,” Zelenskiy cho biết như trên trong video gởi quốc dân đồng bào liên quan đến các cuộc trò chuyện của ông với các nhà lãnh đạo của Á Căn Đình và Chí Lợi.

Các cuộc trò chuyện với Alberto Fernández của Á Căn Đình và Gabriel Boric của Chí Lợi diễn ra sau khi Zelenskiy nói chuyện với tổng thống Ecuador Guillermo Lasso và tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei hơn hai tuần trước.

Vào thời điểm đó, Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu rằng các cuộc trò chuyện với Lasso và Giammattei đánh dấu “sự khởi đầu của chính sách mới của chúng tôi về khôi phục quan hệ với Mỹ Latinh.”

Fernández đã tổ chức một cuộc gọi kéo dài 35 phút với nhà lãnh đạo Ukraine, trong đó ông đề nghị giúp đỡ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra với Nga, theo thông cáo báo chí của chính phủ Á Căn Đình.

Với tư cách là người đứng đầu hiện tại của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Fernández nói với Zelenskiy, “Mỹ Latinh là lục địa hòa bình từ chối sử dụng vũ lực và thúc đẩy đối thoại để giải quyết xung đột”.

Trước chiến tranh, Fernández đang tiến tới cải thiện quan hệ với Nga. Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa vào đầu tháng 2, Fernández nói rằng Á Căn Đình nên trở thành “cánh cửa dẫn vào Mỹ Latinh” cho Nga. Fernández sau đó đã lên án cuộc xâm lược của Nga.

Boric sau đó đã viết rằng trong cuộc trò chuyện với Zelenskiy, ông “bày tỏ sự đoàn kết của tôi và sự sẵn sàng của chúng tôi để hỗ trợ các tổ chức quốc tế lên án cuộc xâm lược,” nói thêm rằng Ukraine “có một người bạn ở Nam Mỹ”.

Zelenskiy viết rằng ông cảm ơn Boric vì sự hỗ trợ của Chí Lợi tại Liên Hiệp Quốc và “đã thảo luận về khả năng mời các chuyên gia Chí Lợi tham gia rà phá bom mìn”.

5. Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, đã lên án Nga về vụ tấn công hỏa tiễn vào khu vực Odesa khiến 21 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, đã lên án cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một tòa nhà dân cư ở Odesa khiến 21 người thiệt mạng. Dịp này, ông khẩn khoản xin các đồng minh phương Tây viện trợ khẩn cấp các hệ thống phòng không.

Theo chính quyền địa phương, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một tòa nhà dân cư và khu nghỉ dưỡng ở Odesa đã tăng lên ít nhất 21 người.

Phát ngôn nhân quân đội của Odesa, Sergei Bratchuk, nói với truyền hình Ukraine rằng 21 người đã được xác nhận đã thiệt mạng. Một cậu bé 12 tuổi nằm trong số những người thiệt mạng, ông nói thêm.

Cơ quan an ninh Ukraine trước đó đưa ra con số thiệt mạng là 19. Hai trẻ em trong số những người thiệt mạng và sáu người khác trong số hàng chục người bị thương, các quan chức cho biết.

Các nhà chức trách cũng cho biết 41 người đã được giải cứu khỏi chung cư nơi 152 người sinh sống.

Bratchuk cho biết các hỏa tiễn “rất nặng và rất mạnh” được phóng bởi máy bay bay tới từ Hắc Hải.

“Tình huống xấu nhất đã xảy ra và hai máy bay ném bom chiến lược đã đến khu vực Odesa”.

Điện Cẩm Linh đã phủ nhận việc tấn công vào dân thường. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên đầu ngày hôm nay: “Tôi muốn nhắc các bạn về lời nói của tổng thống rằng các lực lượng vũ trang Nga không tấn công các mục tiêu dân sự.

6. Ukraine đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một tàu chở hàng mang cờ Nga chở ngũ cốc Ukraine

Văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết con tàu có tên Zhibek Zholy đã tham gia vào việc “xuất khẩu trái phép ngũ cốc của Ukraine” từ cảng Berdiansk do Nga chiếm đóng và hướng đến Karasu, Thổ Nhĩ Kỳ, với 7.000 tấn hàng hóa. Văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết như trên trong một bức thư gửi Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Ukraine cũng cho biết con tàu đã bốc hàng hóa đầu tiên khoảng 4.500 tấn ngũ cốc từ Berdiansk, mà quan chức này cho biết thuộc về Ukraine.

Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Nga ăn cắp ngũ cốc từ các khu vực bị chiếm đóng. Điện Cẩm Linh đã bác bỏ thông tin rằng Nga đã đánh cắp bất kỳ loại ngũ cốc nào của Ukraine.

7. Thêm hai người Anh bị bắt ở Ukraine có thể phải đối mặt với án tử hình

Nga đã buộc tội cựu quân nhân Andrew Hill và Dylan Healy, với tội danh chiến đấu như lính đánh thuê.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, thêm hai người Anh bị lực lượng ủy nhiệm của Nga giam giữ ở miền đông Ukraine đã bị buộc tội đánh thuê, và cho rằng họ có thể phải đối mặt với án tử hình trong một nỗ lực có khả năng gây áp lực buộc các nước phương Tây phải đạt được thỏa thuận nhằm trả tự do cho họ.

Theo một hãng thông tấn nhà nước ở Donetsk do Nga kiểm soát, anh Andrew Hill trú quán ở Plymouth và anh Dylan Healy ở Huntingdon cũng bị buộc tội “âm mưu cướp chính quyền” và đang trải qua khóa huấn luyện “khủng bố”.

Trước đó, hai người Anh và một người đàn ông Maroc đã bị chính quyền ở Donetsk do Nga kiểm soát kết án tử hình vào tháng trước với các tội danh tương tự. Không có ngày nào được ấn định cho các bản án được thực hiện, và ít nhất hai trong số những người đàn ông đang kháng cáo bản án.

Anh Hill, được xác định là cha của 4 đứa con từ Plymouth, đã được diễu hành trên truyền hình Nga. Trong đoạn clip, anh ta dường như đã được thông báo rằng anh ta có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự, và những kẻ giam giữ nói với anh rằng anh đang bị “giam giữ ở đây với tư cách là một kẻ tình nghi là lính đánh thuê”.

Hill, người được cho là đã từng phục vụ trong trung đoàn Lancaster của quân đội Anh, lần đầu tiên được chiếu trên truyền hình Nga sau khi bị bắt vào cuối tháng 4. Trong video, người đàn ông 35 tuổi có vẻ bị thương nặng, đầu bị băng bó và cánh tay trái bó bột và được hỗ trợ bởi một chiếc địu.

“Tôi muốn về nhà, về quê hương, về với gia đình, về với các con của tôi,” anh nói trong đoạn clip gần đây, có vẻ như được quay trong sự ép buộc. “Tôi chỉ muốn về nhà. Tôi sẽ nói cho họ biết sự thật “.

Người đàn ông còn lại, Dylan Healy, được cho là đã làm việc ở Ukraine với tư cách là một tình nguyện viên viện trợ nhân đạo. Anh ta và một người Anh khác, tên là Paul Urey, được cho là đã bị giam giữ gần Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine khi đang lái xe để giúp một phụ nữ và hai trẻ em di tản.

Một người bạn nói với ITV rằng anh ấy tin rằng Healy đã đến Ukraine để “cố gắng giúp đỡ và tạo ra sự khác biệt”.

Trong phiên tòa trước đó, cả ba người đàn ông đều bị kết tội chiến đấu như lính đánh thuê mặc dù họ đã từng là lính nhập ngũ trong Lữ đoàn 36 Thủy Quân Lục Chiến Ukraine và được hưởng sự bảo vệ của các công ước Geneva.

Chính phủ Nga cho biết họ cũng đang lên kế hoạch tổ chức một tòa án lớn hơn cho các binh sĩ Ukraine bị bắt tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

 
Daniel Ortega trục xuất các nữ tu. Các linh mục tử đạo Ba Lan. Mỹ lên án Putin ăn nói vô trách nhiệm
VietCatholic Media
05:49 02/07/2022


1. Daniel Ortega ra lệnh trục xuất Hội Thừa sai Bác ái khỏi Nicaragua

Cơ quan hành pháp Nicaragua đã ra lệnh đóng cửa 101 tổ chức phi chính phủ khác; tổng cộng cho tới nay nó đã yêu cầu đóng cửa 758 tổ chức

Trong cuộc tấn công mới của tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega, vào Giáo Hội Công Giáo, ông ta đã ra lệnh đóng cửa Hội Thừa sai Bác ái của Dòng Mẹ Teresa thành Calcutta. Hội Thừa sai Bác ái đã có mặt tại quốc gia Trung Mỹ này trong 40 năm qua, cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn cho những người nghèo nhất. Đây là một đòn gây thất vọng sâu xa trong dư luận quần chúng đối với các động thái của chính phủ.

Cuối tuần này, nhà lập pháp Sandinista Filiberto Rodríguez đã công bố một sắc lệnh buộc 101 hiệp hội phi lợi nhuận - bao gồm cả Hội Thừa sai Bác ái – phải đóng cửa trên cơ sở “khẩn cấp”.

Hội Thừa sai Bác ái được thành lập tại Nicaragua vào ngày 16 tháng 8 năm 1988, dưới chế độ Ortega đầu tiên kéo dài từ 1979 đến 1990, sau chuyến thăm đất nước của Mẹ Teresa thành Calcutta. Các nữ tu đã hình thành nên những Ngôi nhà Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria, bắt đầu từ thành phố Granada: ở đó họ chào đón những trẻ vị thành niên bị bỏ rơi và giúp họ tái hòa nhập cuộc sống.

Các nữ tu cũng có một viện dưỡng lão ở thủ đô Managua; một dự án củng cố trường học cho các học sinh gặp rủi ro, và một nhà trẻ cho các gia đình không có nguồn lực.

Daniel Ortega đã không đề xuất bất kỳ giải pháp thay thế nào khi quyết định trục xuất Hội Thừa sai Bác ái, khiến tất cả những người dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ việc cống hiến bác ái của các chị em sẽ gặp rủi ro.


Source:/www.eldebate.com

2. Cơ quan lịch sử nhà nước Ba Lan mở lại các trường hợp linh mục chết dưới chế độ cộng sản

Cơ quan lịch sử nhà nước của Ba Lan, Viện Tưởng niệm Quốc gia, gọi tắt là IPN, một cơ quan có quyền công tố, nói rằng họ đang chuẩn bị tiếp tục điều tra về cái chết của các linh mục đã chết trong hoàn cảnh đáng ngờ trong thời kỳ cộng sản.

“Các cuộc phân tích sâu hơn về các trường hợp các linh mục bị sát hại trong những năm 1980 và các nhà hoạt động đối lập chống cộng từ một số thành phố đang được tiến hành”, chủ tịch của IPN, Karol Nawrocki, nói với đài phát thanh Polskie Radio, và nói thêm rằng ông hy vọng việc chính thức nối lại các cuộc điều tra sẽ sớm được công bố.

Trong khi ông nói rằng có rất nhiều trường hợp chết không rõ nguyên nhân đang chờ các công tố viên kiểm tra lại, Nawrocki đã nêu tên ba linh mục - tất cả đều liên quan đến phe đối lập chống cộng và tất cả đều chết vào năm 1989 - như những trường hợp mà ông đã tự vấn bản thân.

Một trong số các ngài, là Cha Stanisław Suchowolec, một linh mục có liên hệ với phong trào Đoàn kết, đã chính thức được xác nhận là nạn nhân của vụ ngộ độc khí carbon monoxide. Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các công tố viên phát hiện ra rằng cái chết của ngài thực chất là do bị hãm hại, nhưng họ không xác định được bất kỳ nghi phạm nào.

Cha Sylwester Zych, một linh mục trước đây đã từng bị bỏ tù vì các hoạt động chống cộng, được tìm thấy đã chết tại một bến xe buýt với nhiều vết thương trên cơ thể. Tuyên truyền của cộng sản miêu tả ngài là một kẻ nghiện rượu đã chết sau một đêm uống rượu say, và các công tố viên đã ngừng điều tra về cái chết của ngài vào năm 1993.

Vị linh mục thứ ba, Cha Stefan Niedzielak, là một nhân vật nổi bật trong việc tưởng niệm vụ Liên Xô thảm sát các sĩ quan Ba Lan tại Katyn. Cái chết của ngài vào năm 1989 được chính thức cho là một tai nạn, nhưng người ta tin rằng ngài đã bị cố tình giết chết bởi các dịch vụ an ninh, những người trước đó đã đe dọa ngài.

Nawrocki nói: “Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể thông báo về việc nối lại các cuộc điều tra làm dấy lên những nghi ngờ trong lịch sử của tôi. Đây là những cuộc điều tra mà theo quan điểm của tôi đã không được giải thích theo cách mà lẽ ra chúng phải như vậy.”

“Tất nhiên, quan điểm của nhà sử học hoàn toàn khác với quan điểm của các công tố viên,” ông nói thêm. “Đây không phải là một nỗ lực để điều chỉnh quan điểm lịch sử của tôi với nhu cầu tố tụng hoặc pháp lý, nhưng một số nghi ngờ khiến tôi quay trở lại những vấn đề chưa được khám phá.”

Một phát ngôn viên của IPN, Rafał Leśkiewicz, nói với dịch vụ tin tức Niezależna rằng, mặc dù hiện tại rất khó ước tính khi nào sẽ có kết luận đầu tiên về các trường hợp này, nhưng rất có thể đó là vấn đề trong vài tháng.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân cũng thừa nhận rằng “ở giai đoạn này, rất khó để nói liệu có đạt được gì trong vấn đề này hay không”. Nhưng “chắc chắn ít nhất chúng ta phải thử”.
Source:notesfrompoland.com

3. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nhận xét rằng ngôn ngữ của Putin về hỏa tiễn có mang đầu đạn hạt nhân là “vô trách nhiệm”

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, đã gọi ngôn ngữ “thản nhiên” của Tổng thống Nga Vladimir Putin xung quanh các hệ thống hỏa tiễn có khả năng hạt nhân mà ông ta cam kết trao cho Belarus là “vô trách nhiệm”.

“Các lực lượng chiến lược của chúng tôi luôn theo dõi mọi thứ về vấn đề đó,” Tướng Kirby cho biết trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi chắc chắn đang xem xét điều đó một cách nghiêm túc và đã xem xét mối đe dọa đó một cách nghiêm túc ngay từ đầu.”

“Chắc chắn rằng bất cứ khi nào ai sử dụng từ hạt nhân, bạn đều phải có mối quan tâm. Thành thật mà nói, khi một nhà lãnh đạo quốc gia nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và làm như vậy một cách thản nhiên thì nói chung đó là một hành vi vô trách nhiệm.”

Hôm thứ Bẩy 25 tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko rằng Nga sẽ cung cấp cho Belarus các hệ thống hỏa tiễn có khả năng hạt nhân.

Theo Reuters, trong cuộc gặp tại St.Petersburg, ông Lukashenko đã nêu quan ngại về các hành động “gây hấn” và “đối đầu” của các nước láng giềng như Ba Lan và Lithuania. Ông cũng thảo luận về các chuyến bay có trang bị vũ khí hạt nhân gần biên giới Belarus đang được thực hiện bởi liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu và được tường trình là đã yêu cầu Putin giúp đỡ Belarus có khả năng đưa ra một “phản ứng cân xứng”.

Putin nói rằng Nga sẽ chuyển giao “hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Iskander-M cho Belarus, có thể sử dụng cả hỏa tiễn hành trình và đạn đạo, cả ở phiên bản hạt nhân và thông thường”.

Iskander-M là hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn do Nga chế tạo có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường với tầm bắn tối đa lên tới 500 km.

Iskander-M được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2008 trong cuộc xung đột Nga-Gruzia, khi Quân đội Nga sử dụng nó để tấn công các mục tiêu ở Gori.


Source:CNN
 
Ukraine pháo tới tấp vào các bộ chỉ huy Nga. Phần Lan: Thế chiến khó tránh. Na Uy cho Ukraine tỷ USD
VietCatholic Media
15:55 02/07/2022


1. Hoa Kỳ nhận định: Ukraine đã thành công trong việc sử dụng hệ thống phóng hỏa tiễn để tấn công các sở chỉ huy của Nga

Khi Mỹ chuẩn bị gửi một lô hàng đạn dược mới cho Ukraine để dùng cho hệ thống hỏa tiễn tiên tiến được gọi là Hệ thống Hỏa tiễn Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho biết các lực lượng Ukraine đang có “rất nhiều thành công” khi sử dụng hệ thống này nhằm vào mục tiêu của Nga đặc biệt các cơ quan chỉ huy và làm suy giảm khả năng của họ trên chiến trường.

“Người Ukraine có thể lựa chọn cẩn thận các mục tiêu sẽ làm suy yếu nỗ lực của Nga một cách có hệ thống hơn so với những gì họ có thể làm với các hệ thống pháo tầm ngắn hơn”, Tướng Kirby nói trong cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu.

Ông thừa nhận rằng Ukraine vẫn đang trong giai đoạn đầu sử dụng HIMARS, nhưng cho đến nay họ đã sử dụng nó một cách hiệu quả sau một thời gian huấn luyện ngắn vừa kết thúc. Ít nhất bốn HIMARS đã vào Ukraine, và hứa hẹn sẽ có thêm bốn chiếc nữa.

HIMARS có tầm bắn khoảng 80 km, cho phép Ukraine tấn công từ xa với độ chính xác cao hơn so với các loại pháo tầm ngắn.

Tướng Kirby cho biết: “Những gì bạn thấy là người Ukraine đang thực sự lựa chọn một cách có hệ thống các mục tiêu, và sau đó tấn công các mục tiêu này một cách chính xác, và như thế đưa ra phương pháp hiệu quả làm suy giảm khả năng của Nga”.

Tướng Kirby cũng cho biết Nga đã biết rõ rằng họ đã tấn công một trung tâm mua sắm vào đầu tuần này ở thị trấn Kremenchuk, khi bác bỏ tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng họ không tấn công các mục tiêu dân sự.

“Họ chắc chắn biết nó là gì và họ chắc chắn biết rằng nó có thể đã gây ra thiệt hại tài sản và nhân mạng như thế nào”

Theo phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài hỏa tiễn được sử dụng trong cuộc tấn công, được thiết kế như một vũ khí chống hạm, không nhằm mục đích sử dụng trong môi trường đô thị đông đúc.

2. Zelenskiy cảm ơn Hoa Kỳ về gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ thông qua gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không hiện đại.

Trong video gởi quốc dân đồng bào vào tối thứ Sáu mùng 1 tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

“Tôi khen ngợi quyết định lịch sử của Hoa Kỳ trong việc cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ an ninh mới, bao gồm các hệ thống phòng không hiện đại. Xin cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược. Cùng nhau hướng tới chiến thắng!”

Như đã đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Sáu đã thông báo phân bổ 820 triệu USD hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine.

3. Phần Lan cho biết chiến tranh lan ra bên ngoài Ukraine 'tất nhiên' là một khả năng rất cao

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Pekka Haavisto, đã nói rằng chiến tranh ở Âu Châu lan ra bên ngoài Ukraine “tất nhiên” là một khả năng và kêu gọi các nước hỗ trợ Kyiv.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Haavisto được hỏi liệu Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga hay không. Anh ấy đã trả lời:

“Họ có thể duy trì tình hình và theo nghĩa đó, họ có thể giành chiến thắng trong trận chiến này. Tôi nghĩ rằng họ, tất nhiên, có tinh thần rất cao. Họ rất đoàn kết.”

Hôm thứ Ba, Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ chung về các biện pháp an ninh để đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với tư cách thành viên NATO của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, sau đó cho biết Phần Lan và Thụy Điển phải giữ lời hứa về việc dẫn độ được đưa ra trong các cuộc đàm phán, nếu không việc phê chuẩn tư cách thành viên Nato của các quốc gia Bắc Âu sẽ không được gửi tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu ngày hôm nay, Haavisto nói trong một cuộc họp báo rằng Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thảo luận về việc dẫn độ bất kỳ cá nhân hoặc nhóm người cụ thể nào trong các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào đầu tuần này.

Đề cập đến cuộc điện thoại với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlüt Çavuşoğlu, Haavisto nói với các phóng viên:

“Chúng tôi đã đồng ý rằng bây giờ chúng tôi có một văn bản đã ký và mọi thứ chúng tôi đã ký đều có trong văn bản. Ở Madrid, chúng tôi không thảo luận về bất kỳ cá nhân hoặc bất kỳ danh sách nào với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Haavisto nói với CNN rằng Phần Lan không thể duy trì sự trung lập khi nước láng giềng Nga trở thành một mối đe dọa an ninh.

Ông Haavisto nói:

“Tôi nghĩ đó là một thực tế mới. Tôi thực sự nghĩ rằng các kiến trúc an ninh Âu Châu đã bị phá vỡ. Đó là một tình huống mới. Có một loại bức tường sắt mới giữa Nga và các nước khác. Và tất nhiên, nó dựa trên sự gây hấn của Nga đối với nước láng giềng Ukraine”.

Ông nói thêm, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine “đã thay đổi bầu không khí an ninh”.

4. Nga đã đe dọa đóng cửa đại sứ quán ở Bulgaria sau khi Sofia tuyên bố sẽ trục xuất 70 nhân viên ngoại giao Nga.

Đại sứ Nga tại Bulgaria, Eleonora Mitrofanova, cho biết việc đóng cửa đại sứ quán Nga chắc chắn sẽ dẫn đến việc đóng cửa đại sứ quán của Bulgaria tại Mạc Tư Khoa.

Đầu tuần này, Thủ tướng Bulgaria, Kiril Petkov, cho biết nước ông sẽ trục xuất 70 nhân viên ngoại giao Nga vì lo ngại các hoạt động gián điệp. Động thái này là vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga lớn nhất của Sofia trong những năm gần đây và làm giảm hơn một nửa quy mô ngoại giao của Mạc Tư Khoa tại Bulgaria.

Mitrofanova gọi việc trục xuất là một bước “thù địch chưa từng có” và cho biết đã thuyết phục Bulgaria đảo ngược quyết định của mình vào giữa trưa ngày thứ Sáu.

Trong một tuyên bố do đại sứ quán công bố hôm nay, Mitrofanova cho biết:

Thật không may, lời kêu gọi của chúng tôi đối với Bộ Ngoại giao Bulgaria đã bị phớt lờ.

Bà nói thêm:

Tôi dự định sẽ nhanh chóng đặt vấn đề về việc đóng cửa đại sứ quán của Nga tại Bulgaria trước giới lãnh đạo đất nước của tôi, điều này chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của Bulgaria tại Mạc Tư Khoa.

Mitrofanova nói, trách nhiệm về “hậu quả nghiêm trọng của bước này” sẽ thuộc về chính phủ của Thủ tướng Petkov.

5. Vương quốc Anh lên án việc “lợi dụng” tù nhân vì “mục đích chính trị” sau khi các công dân Anh bị buộc tội ở Donetsk

Hôm thứ Sáu, Bộ Trưởng Ngoại Giao Liz Truss của Vương quốc Anh đã lên án hành vi “lợi dụng” tù nhân vì “mục đích chính trị” sau khi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, gọi tắt là DPR, buộc tội hai công dân Anh khác là “lính đánh thuê nước ngoài”.

“Chúng tôi lên án việc lợi dụng các tù nhân chiến tranh và dân thường vì mục đích chính trị và đã nêu vấn đề này với Nga”

“Chúng tôi liên lạc thường xuyên với Chính phủ Ukraine về các trường hợp của họ và hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong nỗ lực giành lại tự do cho họ”

Nhà cầm quyền của DPR hôm thứ Sáu cho biết họ đã buộc tội hai công dân Anh khác là “lính đánh thuê”

“Một cuộc điều tra hiện đang được tiến hành đối với lính đánh thuê người Anh Dylan Healy và Andrew Hill. Họ bị buộc tội theo các điều khoản tương tự như ba lính đánh thuê bị kết án trước đó. Một cuộc điều tra đang được tiến hành và các cáo buộc đã được đưa ra”, Thông tấn xã Donetsk dẫn lời một quan chức DPR.

Vào ngày 9 tháng 6, người Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner, cùng với Brahim Saadoune, quốc tịch Maroc, đã bị kết án tử hình sau khi họ bị một tòa án ở DPR kết tội là “lính đánh thuê” cho Ukraine

Nhà chức trách DPR nói rằng ba người đàn ông là chiến binh nước ngoài đã bị lực lượng Nga bắt giữ ở thành phố Mariupol của Ukraine vào tháng Tư. RIA Novosti nói rằng Pinner, Aslin và Saadoune sẽ bị xử tử bằng cách xử bắn, và họ phải nộp đơn kháng cáo trước ngày 9 tháng 7.

6. Tin tặc Nga bị cáo buộc tấn công vào công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine

Tin tặc Nga đã thực hiện một “cuộc tấn công mạng” vào tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine để trả đũa việc chủ sở hữu của nó phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, công ty cho biết hôm thứ Sáu.

DTEK Group, công ty sở hữu các nhà máy nhiệt điện và than ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine, cho biết mục tiêu của vụ tấn công là “làm mất ổn định quy trình công nghệ” của các công ty phân phối và phát điện, và “khiến người tiêu dùng Ukraine không có điện.”

Tác động thực sự của vụ hack và hệ thống máy tính nào đã bị xâm phạm, vẫn chưa rõ ràng. Hiện chưa có báo cáo về tình trạng mất điện do sự việc gây ra. DTEK đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Vụ hack được tiết lộ vài ngày sau khi Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine và là chủ sở hữu của DTEK, đã kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền Âu Châu vì cáo buộc khiến Akhmetov thiệt hại hàng tỷ đô la về quyền tài sản.

Một nhóm hack nói tiếng Nga có tên XakNet tuyên bố đã xâm phạm mạng của DTEK trong tuần này và đăng ảnh chụp màn hình trên ứng dụng Telegram về dữ liệu DTEK để làm bằng chứng. Theo một cố vấn của chính phủ Mỹ và đồng minh, nhóm tấn công này nổi lên vào tháng 3 và tuyên bố tấn công vào các quan chức Ukraine như một cố gắng để ủng hộ cuộc chiến của Putin.

Alden Wahlstrom, nhà phân tích cấp cao của công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ, cho biết XakNet có mối liên hệ với chính phủ Nga.

Theo DTEK, vụ tấn công trùng hợp với vụ pháo kích của Nga trong tuần này nhằm vào một nhà máy nhiệt điện thuộc sở hữu của DTEK ở Kryvyi Rih, miền trung Ukraine. Theo DTEK, nhà máy này sử dụng 56.000 người.

Microsoft trong một báo cáo hồi tháng 4 đã đưa ra trường hợp rằng hack của Nga đôi khi được sử dụng song song với các cuộc tấn công quân sự. Báo cáo cho biết một cuộc tấn công mạng đã tấn công một công ty phát sóng của Ukraine vào ngày 1 tháng 3, cùng ngày với cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào một tháp truyền hình ở Kyiv.

7. Na Uy cam kết 1 tỷ euro để hỗ trợ “những người dũng cảm của Ukraine”, theo Thủ tướng Na Uy

Na Uy đã cam kết tài trợ một tỷ euro để hỗ trợ “những người dũng cảm” của Ukraine, Thủ tướng nước này Jonas Gahr Støre thông báo trong chuyến công du tới Kyiv hôm thứ Sáu.

Phát biểu trước các nhà báo trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Gahr Støre cho biết ông “phải đến Ukraine để bày tỏ tình đoàn kết của Na Uy với người dân Ukraine”.

“Tôi đến Kyiv hôm nay để nói sau hơn 4 tháng chiến tranh khủng khiếp rằng Na Uy sẽ cam kết đoàn kết với người dân Ukraine. Và chúng tôi sẽ cam kết hỗ trợ một tỷ euro cho đất nước và người dân của các bạn trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023,” Thủ tướng Na Uy nói.

Theo Gahr Støre, nguồn tài trợ này sẽ được sử dụng để cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ các nỗ lực tái thiết và quốc phòng của Ukraine.

Zelenskiy cảm ơn Thủ tướng Na Uy về gói hỗ trợ, nói rằng Ukraine đánh giá cao rằng họ có “những người bạn thực sự” bên cạnh.

Zelenskiy gọi Na Uy là “thành viên cần mẫn và hợp lý của cộng đồng quốc tế”, đề cập đến quyết định của nước này ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với Nga mặc dù Ukraine không phải là thành viên của khối.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đáp trả cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thành phố cảng Odesa được thực hiện vào đầu giờ ngày thứ Sáu, gọi đây là một ví dụ khác về “hành động khủng bố nhằm vào các thành phố của chúng tôi”.

“Sự tàn bạo này của Nga một lần nữa khẳng định quyết định đúng đắn của các đối tác của chúng tôi trong việc hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí phòng thủ. Không có quốc gia nào bị bỏ mặc một mình chống lại tệ nạn này và tôi biết ơn Na U”, Zelenskiy tiếp tục nhấn mạnh cách đất nước này đã hỗ trợ Ukraine” ngay lập tức.

8. Tình báo Mỹ nhận định các cuộc tấn công vào các quan chức thân Nga ở miền nam Ukraine cho thấy phong trào phản kháng ngày càng tăng

Các quan chức Mỹ cho biết ba vụ ám sát nhắm vào các quan chức thân Nga trong hai tuần qua cho thấy một phong trào phản kháng đang bùng phát nhằm chống lại các chính quyền thân Nga đang chiếm đóng các vùng phía nam Ukraine.

Các quan chức Mỹ cho rằng cuộc kháng chiến có thể phát triển thành một cuộc phản kích rộng lớn hơn, điều này sẽ đặt ra một thách thức đáng kể đối với khả năng của Nga trong việc kiểm soát các vùng lãnh thổ mới chiếm được trên khắp Ukraine.

Điện Cẩm Linh “phải đối mặt với hoạt động đảng phái đang gia tăng ở miền nam Ukraine”, Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia, cho biết trong một hội nghị ở Washington, DC.

Mỹ cho rằng Nga không có đủ lực lượng ở Kherson để chiếm đóng và kiểm soát khu vực một cách hiệu quả, đặc biệt là sau khi phải rút các lực lượng khỏi khu vực cho cuộc chiến ở phía đông ở Donbas. Động thái này có thể đã cung cấp cho các đảng phái Ukraine một cơ hội để tấn công các quan chức Nga được cài đặt tại địa phương.

Ukraine cũng đang tiến hành các cuộc phản công gần Kherson, khiến các lực lượng Nga thêm căng thẳng.

Khu vực này rất quan trọng đối với việc Nga nắm giữ bờ Hắc Hải của Ukraine và kiểm soát việc tiếp cận bán đảo Crimea. Không rõ có bao nhiêu lực lượng Nga đang ở trong hoặc gần Kherson, nhưng một cuộc chiếm đóng trong một khu vực nơi người dân địa phương có tâm tình thù địch với những kẻ xâm lược đòi hỏi nhiều binh lính hơn là một cuộc chiếm đóng lãnh thổ một cách hòa bình.
 
Nhà trừ tà tiết lộ: Sa tan thường xúi các thầy phù thủy nguyền rủa, trù ếm các linh mục địa phương
VietCatholic Media
17:22 02/07/2022


1. 400 năm Propaganda Fide

Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, mà Tông Hiến mới chuyển thành Bộ Phúc âm hóa, sau khi được hợp nhất với Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, sẽ kỷ niệm 400 năm thành lập vào năm nay.

Vào ngày 6 tháng Giêng năm 1622, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 15 đã thành lập cơ quan điều phối này của Tòa Thánh cho tất cả các sáng kiến đang được thực hiện tại các lục địa khác nhau nhằm loan báo Tin Mừng và hình thành sự hiện diện của Giáo Hội trong các lãnh thổ truyền giáo.

Mục tiêu kép là thúc đẩy sự hiệp nhất của các Kitô hữu và truyền bá đức tin Công Giáo trong các lãnh thổ không thuộc Kitô giáo mới được khám phá và khai phá.

Trong bốn thế kỷ, các hoạt động của các nhà truyền giáo vẫn tiếp tục được tổ chức từ cung điện nằm ở Piazza di Spagna, trung tâm Rôma. Propaganda Fide có quyền sở hữu bất động sản để duy trì các trường đại học, các hoạt động nhân đạo và cơ sở y tế trên khắp thế giới.

Hiện tại, Bộ Phúc âm hóa thực thi quyền tài phán đối với tổng số 1117 miền truyền giáo của Giáo Hội, bao gồm hầu hết toàn bộ Á Châu, ngoại trừ Phi Luật Tân, toàn bộ Phi Châu ngoại trừ Ai Cập và Tunisia, Alaska, Tây Ấn và một số lãnh thổ ở Balkan.


Source:Aleteia

2. 144 thánh đường và cơ sở tôn giáo tại Ukraine đã bị phá hủy

Tính đến ngày 24 tháng Sáu vừa qua, Bộ văn hóa và thông tin của Ukraine đã ghi nhận có 396 trường hợp về các tội ác chiến tranh của Nga chống gia sản văn hóa của Ukraine, trong số này có 144 thánh đường và cơ sở tôn giáo.

Thông cáo của Bộ này nói rằng: “Quân Nga đang phá hủy những gì người Ukraine đã kiến tạo trong nhiều thế kỷ, làm thiệt hại 123 địa điểm gia sản văn hóa của Ukraine. Những cuộc tấn công liên tục bằng đạn rockét và bom đã phá hủy 21 đền đài có tầm quan trọng quốc gia, 95 đền đài có tầm quan trọng trên bình diện địa phương và 6 đền đài mới được coi là di sản văn hóa. Có 144 cơ sở tôn giáo bị hư hại, trong đố này 51 cơ sở được ghi nhận có giá trị về lịch sử, kiến trúc.

Thứ trưởng văn hóa và thông tin của Ukraine, bà Yekaterina Chueva, nói rằng “mỗi mất mát gia sản văn hóa của Ukraine cũng là một mất mát cho văn hóa và lịch sử thế giới. Những người Nga man rợ phải trả lời về mọi tội ác chiến tranh tại đất nước chúng tôi”.


Source:The Moscow Times

3. Nhật ký trừ tà số 196: Các linh mục bị phù thủy nguyền rủa

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #196: Priests Cursed by Witches”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 196: Những linh mục bị phù thủy nguyền rủa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mẹ của “Sarah” là một nữ tu sĩ satan cao cấp, người đã đưa cho con gái mình vào nghề phù thủy khi cô còn rất nhỏ. Sarah cho biết mỗi tuần sáu phù thủy tụ tập để nguyền rủa các linh mục và giám mục, nêu đích danh các vị. Họ ngồi xung quanh một hình nộm của các linh mục và nguyền rủa các ngài một cách có nghi thức hẳn hoi. Cô ấy nói thêm rằng có rất nhiều nhóm phù thủy trong khu vực của cô ấy và tất cả đều đang nguyền rủa các linh mục hàng tuần.

Sarah đã hành nghề phù thủy trong hai mươi năm và cô ấy đang phải gánh chịu hậu quả. Cô ấy không ngủ được. Cô đã có những giấc mơ kinh khủng. Cô không có năng lượng. Cô ấy là một đống đổ nát về tinh thần và cảm xúc. Cô muốn ra ngoài và tìm kiếm sự giúp đỡ từ một linh mục trừ tà. Ngài chào đón cô và cầu nguyện cho cô hàng tuần trong suốt một năm. Cô ấy đã bị chiếm hữu hoàn toàn nhưng cuối cùng, cô ấy đã được giải thoát.

Trong khi thực hành phép thuật phù thủy, Sarah đã không nhận ra rằng người đầu tiên và quan trọng nhất bị nguyền rủa bởi các nghi lễ của cô là chính mình. Cô không biết rằng “sức mạnh” của họ thực sự đến từ hành động của ác quỷ. Cô đã vô tình trở thành người hầu của Satan. Khi được giải phóng, cô rất biết ơn Chúa đã giải thoát cho cô.

Linh mục trừ tà chia sẻ với cô rằng một trong những biện pháp can thiệp mạnh mẽ nhất trong các buổi trừ tà là lần hạt. Ngài nói, “Nó giống như đổ xăng vào lửa” - những con quỷ rú lên trong đau đớn. Có vẻ như sự thánh thiện của Mẹ Đồng trinh, với tư cách là người phụ nữ và người mẹ hoàn hảo, là đặc biệt đáng ghét đối với những con quỷ đã quảng bá hình ảnh méo mó và xấu xa của người phụ nữ.

Các linh mục (hoặc bất kỳ ai) sống một đời sống Kitô vững chắc với các bí tích và đức hạnh phần lớn được bảo vệ khỏi lời nguyền của phù thủy, mặc dù có thể xảy ra một số sự quấy rối. Chúng tôi biết rằng chúng tôi thường xuyên bị nguyền rủa. Nếu một người bước ra khỏi sự bảo vệ của Giáo hội hoặc sa vào tội lỗi, những lời nguyền rủa có thể dễ dàng bén rễ và gây ra sự tàn phá.

Số người hành nghề phù thủy ở nước ta đang tăng lên theo cấp số nhân. Số lượng linh mục đang giảm. Có những thời điểm khó khăn về tinh thần ở phía trước. Nhưng, trong phân tích cuối cùng, tất cả các phù thủy trên thế giới đều bất lực trước sự hiện diện của Chúa Kitô.
Source:Catholic Exorcisms