Ngày 05-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những điều Thiên Chúa che giấu những người khôn ngoan và mặc khải cho những người bé mọn
Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap.
07:07 05/07/2008
Bài chú giải Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap

Roma, ngày 4 tháng 7, năm 2008 (Zenit.org).- Bài Tin Mừng Chúa Nhật này là một trong những đoạn Tin Mừng xúc tích và sâu sắc nhất, nó gồm 3 phần: một lời cầu nguyện –“Lạy Cha, con chúc tụng Cha” -- một lời công bố của Chúa Giêsu về chính Mình – “Mọi sự Cha Ta đã ban cho Ta” -- và một lời mời gọi – “Hãy đến cùng Ta tất cả những ai lao nhọc.”

Tôi sẽ giới hạn những nhận xét của tôi vào yếu tố thứ nhất, lời cầu nguyện, bởi vì nó hàm chứa một mặc khải quan trọng phi thường: “"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.”

Năm Thánh Phaolô vừa bắt đầu và chú giải hay nhất cho những lời này của Chúa Giêsu là điều Thánh Phaolô nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrinthô: “Khi anh em nghĩ lại ơn kêu gọi của mình thì không mấy ai trong anh em khôn ngoan theo kiểu loài người, không mấy ai quyền thế, không mấy ai quý phái.

“Nhưng Thiên Chúa đã chọn những gì điên dại trong thế gian để làm cho những kẻ khôn ngoan phải xấu hổ, và Thiên Chúa đã chọn những gì yếu kém trong thế gian để làm cho những kẻ hùng mạnh phải bẽ bàng. Và những gì hèn mọn trong thế gian, những gì bị khinh miệt, những gì không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, để không một người nào dám tự hào trước mặt Thiên Chúa” (1 Cor 1:26-29).

Những lời của Đức Kitô và Thánh Phaolô chiếu cùng một tia sáng vào thế giới hôm nay. Đó là một hoàn cảnh được lập lại. Những người khôn ngoan và thông thái đang tránh xa đức tin, họ thường nhìn bằng cặp mắt thương hại đến đám đông đang cầu nguyện, là những người tin vào phép lạ, những người vây quanh Cha Thánh Piô. Chắc chắn rằng không phải tất cả các học giả đều làm như thế, và đương nhiên là không phải đa số những người trong họ, nhưng không thể nghi ngờ là những người đang làm như vậy, là những người có ảnh hưởng nhất, là những người có cái máy phát thanh mạnh nhất, nhóm người có thể có những phương tiện truyền thông chính.

Nhiều người trong họ là người lương thiện và thông minh, nhưng quan điểm của họ là hậu quả của giáo dục, môi trường và kinh nghiệm sống hơn là chống lại chân lý. Cho nên tôi không phán đoán những cá nhân. Tôi biết một số những người như thế và tôi rất tôn trọng họ. Nhưng điều ấy không cấm chúng ta vạch ra trọng tâm của vấn đề. Việc đóng kín lòng đối với mọi mặc khải từ bên trên, và như thế cũng đóng lòng với đức tin, lý do không phải vì thông minh mà vì kiêu ngạo, một sự kiêu ngạo đặc biệt chối từ mọi sự lệ thuộc và đòi một sự tự trị tuyệt đối.

Họ cố thủ sau chữ “lý trý” có ma lực nhưng trong thực tế nó không phải là cái “lý trí thuần túy” là lý trí đòi sự tự trị ấy, mà nó cũng không bị đòi hỏi bởi một lý do “tối cao.” Trái lại nó bị đòi hỏi bởi một lý do nô lệ, bởi những đôi cánh đã bị cắt lông.

Hãy xét đến điều mà một số triết gia, là những ngườì không thể bị kết án là thiếu thông minh và khả năng biện luận, đã nói về lý do này. Ông Blaise Pascal đã quan sát: “Hành động quan trọng nhất của lý trý là trong việc nhận ra có vô số những điều nó không thể hiểu nổi.”

Soren Kierkegaard đã viết: “Người ta luôn nói rẳng khoa học, là khoa học tìm sự hiểu biết, không thỏa mãn khi nó cho rằng điều này hay điều kia không thể hiểu được. Đây là sự sai lầm. Phải nói ngược lại: nếu khoa học của con người không muốn nhìn nhận rằng có một điều nào đó nó không thể hiểu được, hoặc – nói cách chính xác hơn –có một điều nào đó nó ‘hiểu cách rõ ràng là nó không thể hiểu được,’ Thì như thế có những vấn đề. Cho nên công tác của sự hiểu biết của con người là hiểu rằng có những điều là những điều nó không thể hiểu được.”

Những người không nhìn nhận khả năng vượt trên [lý trí] là đóng khung lý trí vào một giới hạn và làm nhục nó. Nhưng đó không phải là điều mà người có niềm tin làm bởi người ấy mở lòng trí ra cho tình trạng có thể có sự siêu việt này.

Điều tôi vừa nói giải thích tại sao những tư tưỡng hiện đại, sau Nietzsche, đã thay thế giá trị của “chân lý,” bằng việc “theo đuổi” chân lý và vì vậy thay thế cho sự chân thành. Đôi khi thái độ này được coi là một thái độ khiêm nhường (bằng lòng với một “tư tưởng yếu”!), và thái độ của những người có niềm tin vào chân lý tuyệt đối được coi là tự phụ, nhưng đó là một phán đoán rất nông cạn.

Bao lâu một người còn tìm kiếm thì người ấy là vai chính, là người đưa ra luật cho trò chơi. Nhưng một khi đã tìm thấy chân lý thì nó lên ngôi và người tìm kiếm phải cúi đầu trước chân lý, và khi là một chân lý siêu việt thì giá phải trả là “hy sinh trí năng”.

Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan, “Thầy là Chân Lý”; “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”; “Hãy đến cùng Ta tất cả những ai lao nhọc và gồng gánh nặng nề, và Ta sẽ cho các người nghỉ ngơi” là những lời khiêu khích đối với nền văn hóa hiện đại của chúng ta. Nhưng những lời ấy là lời mời gọi, chứ không phải lời khiển trách và cũng được nói với những người đang mệt nhọc vì tìm kiếm mà không tìm được gì cả, với những người mà cuộc đời đang bị hành hạ mỗi lần chạm trán với khối đá không thể hiểu được của sự huyền nhiệm.

Nhà tâm lý học C.G. Jung nói trong sách của ông rằng tất cả mọi bệnh nhân ở một lứa tuổi nào đó đến với ông đã bị một loại bệnh có thể được gọi là “thiếu khiêm nhường” và không thể chữa được cho đến khi họ học được một thái độ tôn trọng đối với một thực tại lớn hơn họ, đó là một thái độ khiêm nhường.

Chúa Giêsu cũng lập lại cùng nhiều người lương thiện, thông minh và khôn ngoan của thế giới hôm nay lời mời gọi đầy tình yêu của Người: “Hãy đến với Ta tất cả những ai lao nhọc và gồng gánh nặng nề và Ta sẽ cho các người, và sự bình an mà các người đang uổng công tìm kiếm trong suy luận trong giằn vặt được nghỉ ngơi.”

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Cái vạy
Lm Vũđình Tường
07:39 05/07/2008
Cái vạy hay cái ách hình cong vòng cung để vào cổ trâu hoặc bò kèm thêm hai sợi giây thòng ra sau giúp kéo cái cộ. Cộ là một loại xe kéo có hai bánh dùng để chuyên chở những vật nặng. Thay vì dùng sức người thì dùng sức loài vật giúp chuyên chở thay người.

Có nhiều cách khác nhau giúp di chuyển hàng hoá. Mỗi động tác vất vả, mất nhiều thời gian, công sức mà chỉ một chữ ngắn gọn, đủ diễn tả hình ảnh lao tác như các động từ đội, khuân, đeo, gánh, vác. Chỉ cần nhắc đến một chữ người nghe có thể mường tượng ra động tĩnh, nhìn ra hình ảnh người đang làm việc. Các động tác trên đều cần đến sức người. Tuỳ hoàn cảnh, nơi chốn, loại đường mà xử dụng cách nào cho thuận tiện.

Hình ảnh khá thân thương là hình ảnh người mẹ cõng hoặc đeo đứa nhỏ trên người. Đứa nhỏ ngồi trong cái túi, hai chân thòng xuống, người mẹ đeo sau lưng hay trước ngực vừa coi con an toàn vừa làm công việc cần thiết. Hình ảnh gần nhất là hình ảnh kangaroo mẹ đeo con trong túi trước ngực.

Hình ảnh phổ thông khác là cảnh các cô, các bà đội trên đầu thúng rau, trái cây, lúa gạo. Vật nặng đè trên cổ, toàn thân chịu sức nặng đè xuống. Một số địa phương thay vì đội thúng các bà, cô đội vò nước đi lại thoải mái lên đồi xuống dốc vò nước vẫn không đổ. Đội trên đầu dường như phổ thông cho nữ giới, ít khi thấy các ông đội.

Trong khi đó gánh lại là cách chuyên chở chung cho cả hai giới. Đi từ cổ xuống vai. Đòn gánh trên vai. Đòn gánh là một khúc cây, hay tre dài độ hai thước, hai đầu có móc hai cái thúng dùng để gánh rau, lúa, gạo, vật dụng hoặc ngay cả gánh đất người miền quê gánh đổ nền nhà, đắp đập chặn nước hoặc đào mương dẫn nước.

Khuân vác

Khi cần di chuyển một vật nặng trong một đoạn đường ngắn việc khuân vác trở thành thông dụng. Bắp thịt của hai cánh tay nâng vật nặng lên lệ khệ di chuyển đến chỗ muốn. Hình ảnh khác là vác trên vai. Miền quê có lẽ không ai là không nhìn thấy cảnh vác bao lúa xuống thuyền hay vác bao xi măng từ thuyền lên bến. Khuân và vác là các công việc phổ thông nơi các ông, có ít bà đôi khi làm công việc khuân vác nhưng đa số vẫn là các ông.

Miền núi lại có hình ảnh người tiều phu chiều chiều vác bó củi trên đường về nhà từ nương rẫy. Hình ảnh quen thuộc gắn liền với cuộc sống miền sơn cước. Trong Cựu Ước sách Sáng Thế Kí chương 22 có kể câu chuyện thương tâm hai cha con Abraham và Isaac vác củi theo cha lên núi thánh hiến tế con mình cho Chúa. Trong Tân Ước phúc âm thánh Luca chương 15 kể câu chuyện nổi tiếng về lòng thương xót Chúa diễn tả Đức Kitô khi tìm được chiên lạc vác trên vai mang về đàn. Cõng vác có một lịch sử lâu dài trong thánh kinh và là một việc dùng sức người, dù là công việc nặng nhọc, nhưng diễn tả trọn vẹn ý nghĩa hy sinh và yêu thương.

Khi cần mang vật nặng cổ không chịu nổi người ta nghĩ ra cách gánh trên vai. Công việc nặng nhọc hơn nữa trí khôn con người nghĩ ra cách kéo sau lưng và rồi nhờ súc vật làm thay người như kéo cầy, cộ lúa hoặc dùng xe bò kéo những khúc củi khổng lồ từ rừng về xưởng cưa xẻ.

Vạy đôi

Trong số những cách khuân, kéo, gánh, vác thì kéo là cách mang được nhiều nhất và nhẹ nhất. Tưởng tượng chất trên lưng trâu bò mười bó lúa con vật sẽ không chịu được sức nặng trên lưng và sẽ không thể bước đi nhưng quị ngã. Tuy nhiên nếu chất lên một cộ mười bó lúa con vật vừa kéo cộ, dọc đường thấy ngọn cỏ ngon nó vẫn có thể ăn ngọn cỏ. Nhiều buổi chiều thấy con vật kéo cộ lúa đi lại trông thảnh thơi, nhẹ nhàng.

Một vài nơi còn nghĩ ra cách dùng hai con vật kéo đôi, cộ đôi, cầy đôi. Hai con vật chung một ách, một vạy. Hẳn nhiên hai con cùng kéo sẽ tăng thêm sức mạnh, sức mạnh của hai, cùng chung con đường, chung sức nặng và hỗ trợ nhau. Khi cả hai cùng kéo con vật ít mệt hơn và như thế vừa mau hoàn thành công việc cho chủ, lại bớt vất vả mệt mỏi cho vật.

Mang chung ách

Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi thì êm ái, và gánh của tôi thì nhẹ nhàng Mt 11,30.

Lời mời gọi gợi lên hình ảnh mang chung ách, chung vạy, cùng kéo chung với nhau, cùng chia sẻ gánh nặng. Gánh nặng không còn phải một mình tự mang nữa nhưng có Chúa mang cùng. Điều rõ ràng Chúa nói là hãy mang lấy ách. Chúa không nói là sẽ cất ách đó đi nhưng mời gọi hãy mang chung một ách, hai người cùng mang chung, cùng kéo chung, sướng khổ, nặng nhẹ cùng chịu chung. Không phải một người mà cả hai cùng mang.

Chung ách gánh nặng sẽ nhẹ đi vì gánh nặng trước đây do một người mang bây giờ chia ra mỗi người một phần nên gánh phải nhẹ hơn trước bội phần. Tất nhiên Chúa sẽ mang nhiều hơn ta nên có thể bốn sáu, có thể bảy ba, không rõ nhưng chắc chắc Chúa sẽ rộng lượng trong việc đỡ nâng.

Không những Chúa mang chung ách với ta mà con ban thêm sức mạnh, bồi dưỡng để ta có thêm sức tiếp tục cùng với Ngài mang gánh nặng. Thánh Phao lô trong thư thứ hai gởi tín hữu Corintô cho biết ơn Chúa đủ cho ta vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối của ta. Trong Cựu Ước tiên tri Isaiah 40,29 cũng xác tín điều này.

Chúa ban sức cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực

Người làm cho nên cường tráng……

Những người cậy trông nơi Chúa thì được thêm sức mạnh

Như thể chim bằng, họ tung cánh

Chạy hoài không mệt mỏi, đi mãi chẳng chùn chân.


Được ban thêm sức mạnh, gánh nặng được chia ra và còn cho nghỉ ngơi lấy lại sức. Tất cả những điều trên đều qui vào kết quả

ách trở nên êm ái, gánh trở nên nhẹ nhàng.

Khi chung ách như thế chắc chắn phải chung đường vì không thể cùng một ách mà mỗi người đi một hướng. Chia sẻ cùng con đường nên trong hai có một làm chỉ đạo. Công việc lại nhẹ hơn nữa vì người hướng dẫn luôn tiến bước trước, kéo trước người kia phụ hoạ theo. Như thế mang chung ách với Chúa ách sẽ trở nên nhẹ hơn, dễ dàng hơn. Mang chung ách với Chúa là sống thực thi ý Chúa. Làm chung công việc Chúa đang làm. Gánh nặng của riêng cá nhân ta biến thành gánh nặng của Chúa. Kẻ làm phụ lại thành chánh, đang là thợ vác chánh biến thành thợ vác phụ.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Niềm tin Việt Nam: Mắt toét!
Nguyễn Trung Tây, SVD
08:52 05/07/2008

Niềm tin Việt Nam: Mắt toét!

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.
Người mù thành Giêricô, Ảnh Nguyễn Trung Tây


— Bác đi đâu mà nom vội vàng thế kia?

— Còn đi đâu nữa, đi gặp bà Cả Lễ nhờ bà ấy giác hơi cho đôi mắt…

— Chết chửa! Mắt bác làm sao mà phải đi gặp nhà bà Cả Lễ?

— (Càu nhàu) Thì nào có biết gì đâu. Hai ngày rồi, mắt nó cứ đỏ ké lên như người say rượu. Sáng ngủ dậy, mắt mở không ra, hai mí dính chặt như bị người ta quệt hồ vào mắt.

— (Quả quyết) Bác bị đau mắt rồi!

— (Nóng nảy) Ông chỉ có hão. Cứ làm như mình là đốc tờ. Sao ông biết tôi bị đau mắt?

— Khổ quá! Nào em có phải bác sĩ gì đâu để biết bác đau mắt hay đau tai. Nhưng nom đôi mắt bác đỏ ké như thế kia thì không đau mắt còn là cái chi? Mà nom đấy, dử bám đầy cả hai vành mắt ra rồi, nhìn cứ như cơm cháy bám dính đáy nồi. Thôi chết! Cái này chắc là đau tợn lắm rồi. Dám mắt toét chứ chẳng chơi. Đừng, đừng có đưa tay lên dụi mắt. Tay thì cứ ưa tí toáy ngoáy chỗ này móc chỗ nọ, vi trùng bám đầy vào mắt bây giờ!

— (Đấu dịu) Ừ nhỉ, ông nói cũng đúng đấy! Không biết làm sao mà bắt đầu từ tối hôm qua, dử nó cứ đùn đầy lên cả đôi con mắt… Sáng nay phải đun nước nóng pha muối hột chườm sát mãi mới mở được cặp mắt. Rõ là khổ. Chỉ vì con vợ tiếc của, đang lợn lành bỗng hóa ra lợn què. Không khéo lại mất cả một đống của cho mà coi! Bỏ mất hai buổi cày rồi. Nào có nom thấy chi nữa đâu mà cày với bừa. Tối hôm qua ngồi ăn cơm, tay cầm đôi đũa tính gắp miếng đậu phộng rán đưa vào bát nhưng hóa ra lại gắp nhằm ngay cọng rau muống. Thiệt khổ!

— Mà làm sao bác lại đau mắt? Bị gió độc hay sao? Hay lại rình coi gà đẻ?

— Ông mới là vớ vẩn! Ở đâu ra mà có gió độc với gà đẻ ở đây! Cơ khổ, tuần trước ông bác ở trên mạn ngược có chuyện ghé xuống. Dân trên mạn ngược thì ông biết rồi đấy, vệ sinh họ kém lắm. Thấy mắt mũi kèm nhèm của ông bác là tôi nghi rồi. Tôi dặn nhà tôi là đừng có tiếc xót cái khăn rửa mặt làm chi, cứ đưa hẳn hoi cho ông bác một cái khăn riêng để ông ấy xài. Đã dặn dò cẩn thận như thế mà nhà tôi nó có thèm nghe đâu. Đã vậy nó còn quay lại mắng tôi mấy mắng, “Lại chết vì cái sĩ diện!”. Thế là nó đưa luôn cái khăn mặt của tôi cho ông bác xài chung. Đến khi khám phá ra ông bác đang xài chung khăn với tôi thì mắt mình đã đỏ ké lên rồi. Hai ngày rồi, mắt nó cứ cồm cộm xót xa như có quân hằn quân thù tung hẳn một đám cát vào thẳng ngay mắt. Sáng mở mắt ra, đố có nom thấy gì, cứ như ông mù ở cửa đình...

— Ông mù nào mà ở ngoài cửa đình?

— Ơ hay, bộ ông quên rồi sao, mới tháng trước, có cái ông mù không biết gốc gác ở đâu mà vác bị đâm xầm vào ngay cửa đình. Ông từ vội vàng lên bẩm trình ông Lý Thơm. Mà ông biết rồi, ông Lý nhà ta thì chỉ được cái mạnh miệng với dân, chứ gặp quan huyện thì khúm núm một bề. Cho nên nghe ông từ trình có dân nhập cư bất hợp pháp, Lý Thơm hốt hoảng cả lên, tính xua chó đuổi đi. Nhưng phước mấy đời cho cái ông mù, lúc đó lại có cụ đang ngồi uống cốc nước vối trong nhà ông Lý. Cụ mới giơ tay cản, nói, “Thôi, giờ người ta cũng đã đi nhầm vào cửa đình, mà Chúa cũng đã dậy, ‘Thương người có mười bốn mối, thương xác bẩy mối, thứ năm cho khách đỗ nhà…’”. Có nhời cụ nói vào, Lý Thơm mới thôi, không còn ọ oẹ, lại còn phải chịu để cái ông mù ở tạm mấy ngày trong đình. Rồi cụ lại còn sai tôi mang cơm nhà thờ tới cho ông mù, nhờ thế tôi mới biết ông mù hồi xưa cũng đâu phải gốc ăn mày, cũng nhà cửa đàng hoàng như ai. Nhưng tự nhiên mắt đỏ sưng tấy cả lên, rồi gặp phải người ham công tiếc việc, cứ lần chần không chịu đi chữa. Tới khi tròng mắt toét toẹt cả ra mới hốt hoảng chạy đi tìm thầy tìm thuốc. Nhưng trễ quá rồi! Có thuốc tiên thì may ra. Cứ thế, hết ruộng nương lại tới nhà cửa, bán tất tật. Nhưng tiền thì vẫn mất, mà tật thì vẫn cứ mang. Vậy là đang từ nhà cửa đàng hoàng mà chỉ một sớm một chiều hóa ra bị gậy… Rõ khổ!

— Ấy, cho nên giờ bác mới chạy đông chạy tây kiếm thầy chữa bệnh!

— Chứ chẳng phải…

— Lúc nãy bác nói đi kiếm ai để chữa đôi mắt? Em nghe chửa rõ.

— Thì còn ai, tôi đang đi kiếm nhà bà Cả Lễ nhờ bà ấy giác hơi cho đôi mắt. Nghe vợ tôi với mấy người trong xóm họ nói bà Cả Lễ mát tay lắm. Cảm cúm vang váng đầu tới gặp bà Cả, bà ấy giác hơi cho một bận là người toát mồ hôi ra, khỏe lại ngay.

— Bác nói nghe đến là hay nhỉ. Bà Cả Lễ nổi tiếng là đấm bóp giác hơi cho người bị cảm cúm. Chứ bà ấy có biết chi về mắt mủi mà bác đòi mò đến nhà gặp bà Cả Lễ…

— Thì nào có biết chi đâu, nghe cái nhà ông Thìn Thông Manh ở xóm trên nói bữa nọ ông ấy hơi vang váng đầu, tới gặp bà Cả Lễ, bà ấy mới giác hơi cho, rồi tiện tay bà ấy lại nấu cho một nồi thuốc xông mắt. Về tới nhà, hai con mắt sáng hẳn ra, lông quặm không chọc vào hai tròng con ngươi nữa.

— Bác mới là vớ vẩn. Đã biết là cái ông mù ở đậu cửa đình tháng trước phải bán nhà bán cửa để tìm thầy chạy thuốc chữa đôi mắt. Giờ tới phiên mình đau mắt thì lại chạy đi gặp bà Cả Lễ chuyên xông hơi để chữa bệnh mắt. Đến là khéo! Thôi, leo lên đây, em đèo bác lên gặp ông đốc tờ ở trên phố.

— (Ngần ngừ) Có tiện cho ông không đấy?...

— (Dứt khoát) Không tiện thì cũng phải chịu thôi. Mắt mũi chứ đâu phải là chuyện bỡn…

— Thì đã hẳn. Nhưng tôi ngại lên phố lắm.

— Ơ hay! Bác ngại cái gì? Có ai trên phố ăn tỏi ăn hành bác đâu mà mặt tái xanh như thế kia! (Chép miệng) Bộ bác quên cái ông mù ở đậu cửa đình tháng trước rồi hay sao? Khổ, vừa mới chính miệng mình kể chuyện, mà giờ lại quên rồi. Đấy, cứ lần chần tham công tiếc việc mà hỏng bét luôn cả đôi mắt. Thôi, em xin quan bác, đừng có tham một buổi cầy rồi lại mù dở. Cứ bỏ đấy, không cầy thì ruộng nó vẫn nằm ở đó, đằng nào cũng mất hai bữa cầy rồi. Nhanh, nhanh lên nào, lên đây em đèo… Đó, ngồi sát lại gần em một chút, hai tay ôm bụng em cho chặt vào. Xong chưa, thôi, mình đi lên đó cho kịp giờ, kẻo không người ta đóng cửa. Nếu bác còn hãi thì cứ đọc năm chục kinh cho em. Bác đọc tới Kinh Nữ Vương thì tới phố là vừa…

Ngồi phía đằng sau, người đàn ông nhắm chặt đôi mắt bám đầy dử lại. Mắt ông xót xa như kim đâm, nhưng trong lòng ông xót xa như muối sát. Ông vẫn thấp thổm lo sợ dám kỳ này lại phải bán trâu để trả tiền thuốc như chơi! Đã mấy lần, ông cứ nhấp nhổm, như chực mở miệng chỉ muốn nói, “Thôi! Chú cứ đèo tới thẳng nhà bà Cả Lễ cho tôi!”.

Lời Chúa
Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôam mà rửa (Silôam có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được (John 9:6-7).

Suy Niệm 1
Người mù thể xác không nhìn thấy chi, bởi thế người mù không có khả năng nhận ra nhân dạng của người đồng loại.

Ông nhà giàu trong Luca là một người mù bởi ông không bao giờ nhận ra nhân dạng của ông hàng xóm Lazarô ngay trước cửa nhà. Bởi lòng ích kỷ, ông nhà giàu đã trở nên mù lòa.

Người mù tâm hồn là người không có khả năng nhận ra chân dung Thiên Chúa trên những khuôn mặt nhân gian.

Từ em bé mặc quần đùi thủng đáy lê la trên phố bán đậu phộng rang buổi tối, cho tới người chạy bàn tất bật trong quán càfe buổi sáng,

Từ ông hành khất quần áo bốc mùi hôi nằm lê la bên vệ đường, cho tới cô gái giang hồ nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền đang ngồi hút thuốc lá trước cửa quán rượu đợi chờ khách,

Từ người không cùng một ngôn ngữ, cho tới người khác một màu da,

Từ trẻ thơ, cho tới cụ già,

Từ người tù chân bị cùm nằm trong xà lim chờ ngày bị xử bắn, cho tới người ăn trộm bị tạm giam trong khám đường chờ ngày ra tòa lãnh án,

Từ người lỗi lầm chối Chúa ba lần như Phêrô, cho tới người đang tâm bán Chúa với giá ba mươi đồng như Giuđa,

Từ người mắc bệnh hiểm nghèo đang nằm chờ chết, cho tới người cùi phong hủi ăn cụt rụng hết mười đầu ngón chân,

Từ người con đã bao nhiêu năm nay bỏ không thờ phượng Chúa, cho tới người vô thần không tin tưởng vào đời sống ngày sau,

Tất cả đều mang trên dung nhan và trong tâm hồn thiên diện và thiên tính của Thiên Chúa.

Nếu tôi không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trên khuôn mặt đồng loại, tôi và người mù cũng giống như nhau. Thật ra chúng tôi chỉ là một!

Suy Niệm 2
Ngày xưa người mù gặp Chúa Giêsu, và Chúa chữa lành đôi mắt mù lòa của họ.

Ngày hôm nay người bị đau mắt, họ gặp bác sĩ nhỏ thuốc, giải phẫu chữa lành lại đôi mắt.

Riêng người mù tâm hồn, họ đi gặp ai và uống thuốc gì để họ thôi không mù lòa nhưng nhận ra thiên dung trên từng khuôn mặt nhân gian?

www.nguyentrungtay.com
 
Học suốt cả đời
LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:33 05/07/2008

Học suốt cả đời



Những bậc đàn anh trưởng thượng đã sống trải qua kinh nghiệm trường đời thường nói với con cháu đàn em: chúng ta phải học suốt cả đời!

Những phát minh thay đổi về kỹ thuật, về cách làm ăn sinh hoạt mỗi thời điểm mỗi khác, khiến chúng ta phải theo dõi học hỏi thích nghi luôn mãi. Có thế mới theo kịp đà tiến, công việc làm mới đứng vững được, bước đường tiến thân vươn lên mới có cơ hội rộng mở!

Học suốt cả đời sống có liên quan gì tới việc sống đức tin đạo giáo không?

Trong đời sống Giáo Hội Công giáo chúng ta cũng có những thay đổi trong cung cách sống đức tin. Đức tin vào Thiên Chúa trước sau vẫn là một, nhưng cách thực hành cũng đã có nhiều đổi mới trong những thời gian gần đây.

Với những người lớn tuổi, ngày xưa Thánh lễ cử hành bằng tiếng latinh, bàn thờ quay lên Thánh gía Chúa Giêsu, nhưng từ ngày có Công đồng Vatican thứ hai, Thánh lễ cử hành bằng tiếng địa phương mỗi xứ sở đất nước, bàn thờ quay xuống Giáo dân. Và rồi từ ngày đó đến nay còn hằng có nhiều biến chuyển thay đổi nữa, như Thánh lễ mục vụ riêng cho trẻ con, cho thánh thiếu niên bạn trẻ, cho người bệnh tật, cho giới thể thao…

Trong cách sống thực hành sống ở trong Giáo Hội thì như thế, vậy phải chăng trong nhân lõi của Đức tin cũng có những thay đổi?

Học suốt cả đời sống, trong cách sống đức tin còn có khía cạnh thứ hai nữa. Chúa Giêsu đã nói: anh em hãy học cùng Thầy. Vì Thầy có lòng hiền lành và khiêm nhượng trong tâm hồn! ( Mt 11,19).

Như thế học suốt cả đời sống về sống hiền lành khiêm nhượng, như Chúa là một đòi hỏi thách đố luôn mãi.

Phải chăng đây không là một đòi hỏi thay đổi từ nơi chính mình sao. Và ai là con người có thể nói là đã đạt tới mức đầy đủ trọn vẹn về sống lòng hiền lành khiêm nhượng rồi?

Ngay tự nơi bản thân, chúng ta cảm thấy mình còn phải học nơi Chúa Giêsu nhiều nữa. Vì càng ngày ta càng nhận ra nơi mình những khiếm khuyết thiếu xót, những thiên vị theo ý riêng mình nhiều hơn, những điều nhiều khi muốn đề cao mình hơn người khác!

Học suốt cả đời sống không chỉ cho nghề nghiệp sinh sống trong xã hội, nhưng còn cho cả đời sống tinh thần trong tương quan với Thiên Chúa và với con người giữa nhau.

Học suốt cả đời sống giữ giới luật yêu thương bác ái như Chúa truyền dậy có lẽ cũng không bao giờ đủ, nhưng không phải là chuyện không thể làm được.

Vì như Chúa nói „mỗi khi anh em làm cho người bé nhỏ nhất, là anh em làm cho chính Thầy! „
 
Hiền lành và khiêm nhường
Lm. Phêrô Nguyễn Hương
10:36 05/07/2008
Chúa Nhật 14 Thường niên A

Hiền lành và khiêm nhường

Lời Chúa hôm nay thật là phong phú, mỗi câu là một đề tài đáng suy nghĩ. Chúng ta chỉ tập trung suy niệm một câu thôi: “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính căn bản và nền tảng mà mỗi người chúng ta phải có để làm người.

1. Người hiền lành (meek)

Vậy người hiền lành là ai? Trước hết người hiền lành là người có đức độ, lương thiện (good); có lòng thương người (helpful); người tỏ ra kiên nhẫn (patient), dễ tùng phục (submissive), tử tế và hòa nhã với người khác (kind). Người ở hiền thì sẽ có hậu: “Ở hiền gặp lành”, “Cha mẹ hiền lành thì để đức cho con” (ngạn ngữ Việt nam).

Trái nghịch với hiền lành là người độc ác, ích kỷ, nóng tính (nóng tính thì hỏng việc!); người thích mệnh lệnh, ưa “ăn trên ngồi trốc”; người “giận cá bằm thớt”; người hay gây lộn “thượng cảng chân hạ cẳng tay!”; người hay “bới lông tìm vết”; người hay nói xiên nói xỏ, nói móc nói me, gây chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, xã hội, vv và vv…!

2. Người khiêm nhường (humble)

Còn người khiêm nhường là ai? Người khiêm nhường là người biết mình, biết người, biết sự vật đúng như nó là; người không khoe khoang, không phô trương, dù có thành công (not proud or arrogant although successful); người biết tôn trọng người khác và nhường - nhận người khác hơn mình.

Ngược với khiêm tốn là người kiêu ngạo: người tự coi mình là hơn người, khoe khang, nói quá sự thật, hay “vơ đũa cả nắm”, kiểu “cả vú lấp miệng em!”, lúc nào cũng cho mình đúng còn người khác thì sai vv…!

3. Gương khiêm nhường

Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy học cùng Người, hãy học trường Giêsu. Bởi nơi Người, chúng ta gặp một mẫu gương đích thực về sự hiền lành và khiêm nhường: Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình mặc lấy thân phận tôi đòi (Phil 2,6), là vị Thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Người hiền lành như chiên con bị xén lông mà chẳng mở miệng (Is 53,5-7), và Người đã sống sự khiêm tốn tới tột cùng là cái chết nhục nhã trên thập giá. Nhưng sự hiền lành và khiêm tốn đó lại trở thành dũng lực, là sức mạnh của Tình Yêu và ơn cứu độ cho chúng ta. Người được Thiên Chúa tôn vinh với danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (Phil 2,9). Đúng là “ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên” (Lc 18,14)!

Khi nói về những vị thánh đã học được gương của Chúa Giêsu, ta nhớ tới câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII: Tên thật ngài Roncalli, trước khi làm giáo hoàng, ngài là khâm sứ ở Bungari và Thổ. Trong khi thi hành công vụ, ngài nhận được một bức thư của một linh mục chỉ trích ngài đủ mọi thứ. Ngài đọc thư và không nói gì. Sau đó ngài làm Hồng Y, rồi làm Giáo Hoàng (1958). Về sau vị linh mục đó cùng với giáo dân sang Rôma để yết kiến Đức Giáo Hoàng. Vị linh mục này kể lại buổi yết kiến này: trong khi đứng chờ, đầu óc của ngài cứ nghĩ tới bức thư đó và vừa hối hận vừa lo sợ. Thời gian lâu rồi chắc Đức Thánh Cha đã quên. Không ngờ tới liền, Đức Thánh Cha kéo lá thư trong cuốn sách kinh ra. Cha hoảng sợ, chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi? Nhưng Đức Giáo Hoàng ôn tồn nói: “Con đừng sợ, Cha cám ơn Con. Cha để lá thư trong sách để mỗi ngày đọc và xét mình. Hầu dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại và tránh những lầm lỡ có thể xảy ra trong tương lai. Mỗi lần như thế Cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.

Các thánh thật hiền lành và khiêm tốn như Chúa Giêsu! Chúng ta chưa giống Chúa vì chúng ta chưa học và sống sự hiền lành và khiêm nhường Người. Nên hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Người và học nơi Người. Khi chúng ta học được sự hiền lành và khiêm nhường thì lòng chúng ta, gia đình và xã hội sẽ có bình an. Amen!
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
10:42 05/07/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (39)

381. Chúa Giêsu dạy những ai theo ngài, phải sống hiền lành

sống hiền lành như những con chiên hiền lành giữa đàn sói dữ: "Thầy sai các con đi như sai các con chiên đến giữa đàn sói” (Mt 10,16) / không chống cự lại với những ai đối xử độc ác với mình: "Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với người ác, trái lại, nếu ai vả má bên phải các con, các con hãy giơ cả má bên trái ra cho họ vả nữa ” (Mt 5,39) / cái gì còn cứu vớt được thì cứu vớt, không được đạp đổ và vất bỏ cái gì hết: "Cây lau bị giập, chớ đành bẻ gảy; tim đèn còn leo lét, chớ nỡ tắt đi” (Mt 12,20) / cầu nguyện và làm ơn cho những ai bắt bớ mình, cho những ai làm hại mình: "Các con hãy yêu kẻ thù và hãy làm ơn cho kẻ ghét các con. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con và hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống các con” (Lc 6,27-28) / đi làm hòa với ai đang giận mình, dù họ giận mình vì những lý do không chính đáng: "Nếu khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24) / tha thứ luôn luôn, tha thứ cho mọi người bất kỳ ai, tha thứ ngay lập tức, và tha thứ vô điều kiện: "Nếu các con tha thứ cho người ta, Cha các con trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha thứ cho người ta, Cha các con trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con” (Mt 6,14-15).

382. Đừng giữ lòng giận ai khi mặt trời đã lặn và đêm tối đã về

Thánh Phaolô dạy giáo dân Êphêsô đừng tích lòng giận ai, nhất là khi mặt trời đã lặn và đêm tối đã về, kẻo trong đêm, phải chết khi lòng mình còn giận ai chăng?: "Các con nổi nóng sao? Đừng nổi nóng mà phạm tội. Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để cho ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Êp 4,26-27).

383. Ai cũng xa lánh những kẻ nóng nảy, khó tính

Có kẻ, từ cách nói đến cách cư xử, đều tàn bạo.
Trong cuộc sống hằng ngày, họ hống hách, chua cay.
Họ nói toàn những lời chỉ trích kẻ khác.
Bầu không khí quanh họ rất khó thở.
Ít ai muốn đến với họ vì thấy họ khó tính, nóng nảy.

384. Hãy điều khiển một cách hiền lành nhưng cương quyết

Để điều khiển, ta không cần gì phải to tiếng khi không cần thiết.
Nếu ý chí của ta mạnh mẽ, nếu tinh thần kỷ luật của ta cứng cát, thế nào bên ngoài của ta cũng êm dịu, hiền lành, tế nhị từ lời nói đến cử chỉ hành vi.
Chúng ta nên nhớ rằng sự cộc cằn, thô bạo, chỉ gây thiệt hại, sứt mẻ, xa cách và thất bại mà thôi.

385. Ở đời, ai cũng ưa dịu ngọt.

Ta đừng đối xử cộc cằn, hung bạo với ai.
Ở đời, ai cũng ưa dịu ngọt cả.
Ruồi đâu có chết trong giấm chua, nhưng chết trong mật ngọt. Nước bao giờ cũng làm cho lửa sợ.
Ta hãy luôn lấy lời êm dịu để sai khiến, sửa lỗi và dạy dỗ kẻ khác.

386. Hiền lành, chứ không phải là nhu nhược.

Hiền lành, chứ không phải là nhu nhược, yếu đuối hay nhát sợ.
Người biết sống hiền lành là người rất cương quyết.
Lời nói của người hiền lành tuy êm dịu, thái độ của họ tuy nhẹ nhàng, nhưng ai cũng kính phục họ.

387. Bề trên phải cư xử hiền lành với bề dưới

Nếu bề trên cư xử nóng nảy với bề dưới, thì họ giống như người đi cứu kẻ chết trôi, nhảy xuống sông và chết trôi cùng với kẻ chết trôi.

388. Đầu óc của người hiền lành

Trong đầu óc của mình, người hiền lành không có những tư tưởng tức tối, giận hờn, ghen ghét, oán thù, tẩy chay, lên án.
Trong đầu óc của mình, người hiền lành luôn luôn nuôi lấy những tư tưởng đại độ, cao thượng, xét đoán rộng rãi, xét đoán ngay lành, xét đoán những mặt tốt của tha nhân.

389. Lời nói của người hiền lành

Người hiền lành không nói những lời chỉ trích, hống hách, cay chua, hiểm hóc, sâu độc, tức tối, hung bạo, tục tằn, thô lỗ.
Người hiền lành nói những lời dịu dàng, lễ phép, êm ái, cao thượng, thành tâm, thông cảm, tha thứ.

390. Thái độ của người hiền lành

Người hiền lành không có những thái độ thô lỗ, tàn bạo, hống hách, khinh dễ, ngạo mạn, la ó, mặt hầm hầm, mắt trợn dọc, hùm hổ, doạ nạt, nổi tam bành lục tặc, tay tát, chân đá.
Thái độ của người hiền lành là nhịn nhục khi thấy kẻ khác chưởi bới tức tối mình, là im lặng tha thứ khi thấy kẻ khác làm mất lòng mình, là nhã nhặn và lễ phép đối với những kẻ mình không thích.
 
May mắn cuộc đời
Gioan Lê Quang Vinh
10:58 05/07/2008
MAY MẮN CUỘC ĐỜI

Câu chuyện Tái Ông mất ngựa muốn nhắn nhủ rằng ở đời trong cái rủi có cái may. Mất một con ngựa, Tái ông lại được một con ngựa mới, có con ngựa mới, con ông lại bị té gãy chân… Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, hết may đến rủi, hết rủi đến may. Nhưng xét trong toàn bộ cuộc đời ta, đặt trong chương trình mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa, thì cuộc đời tự nó đã là hồng ân bao la, nghĩa là một sự may mắn kéo dài và vô bờ. Như vậy, xét trong nhãn giới này thì không có khái niệm “rủi ro”.

Chúng ta là zéro trong cõi vô cùng. Và nếu Thiên Chúa không yêu thương gọi chúng ta vào trong cuộc đời này thì chúng ta cũng không có quyền gì để trách Ngài (mà ta có mặt đâu mà trách với móc!). Việc Thiên Chúa cho chúng ta bước vào và bước đi trong cõi nhân sinh là một hồng ân mà dù có chịu đựng tất cả hệ lụy cơ cực của cuộc đời này thì chúng ta cũng chưa tạ ơn cho đủ. Một người bị tai nạn sắp chết, bỗng may mắn có người ra tay cứu sống, sẽ nói lời gì nếu không phải là “vô cùng cám ơn ông đã cứu mạng tôi. Cả cuộc đời này tôi sẵn sàng chấp nhận làm tất cả những gì ông muốn, dù là làm kiếp tôi mọi”. Tại sao người ta sẵn sàng làm tôi mọi như thế đối với người cứu mạng mình? Thưa vì sự sống là cao trọng hơn tất cả.

Chúng ta chưa thể và muôn đời sẽ không thể tạ ơn Thiên Chúa cho xứng đáng vì hồng ân được làm người. Vậy thì cuộc sống tự nó là hạnh, là phúc nghĩa là may mắn và ơn huệ. Khi chúng ta gặp may mắn trong cuộc đời, từ chuyện nhỏ xíu như có một niềm vui khi nhận quà, cho tới may mắn lớn hơn, như thành công trong tài chánh, hay hơn nữa, may mắn gặp một người bạn, một người yêu tuyệt vời, và lớn hơn nữa là được mời gọi vào cuộc sống ân sủng làm bạn hữu Đấng Tạo Hóa, thì cuộc đời quả là trọn vẹn, và lời tạ ơn của mỗi người, cho dù kéo dài suốt đời cũng chỉ là một giọt nước trong đại dương hồng ân.

Còn giả sử có một người mà sự không may, hay là sự xui xẻo, sự bất hạnh cứ dồn dập ập đến thì sao? Bây giờ chúng ta hãy giả định, một người bị bệnh, thì chúng ta nghĩ họ không may. Nhưng tại sao chúng ta không có cái nhìn ngược lại, chính Chúa đã giữ họ để họ không bị bệnh nặng hơn. Một ví dụ khác. Tôi còn nhớ một Đêm Giáng Sinh nhiều năm về trước khi Cha Phêrô Nguyễn Quang Duy, hiện là Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, và Cha Sang còn coi một họ đạo thuộc giáo phận Vĩnh Long, là họ Cái Tàu. Lễ Giáng Sinh năm ấy, anh Hưng, Phúc, em tôi và tôi từ Sa đéc xuống mừng Lễ với hai Cha. Nửa đêm xong lễ, chúng tôi đạp xe đạp về Sa đéc trên đường liên tỉnh tối như mực. Bỗng một chiếc xe đạp bị bể lốp tại Nha mân, cách Sa đéc khoảng 6 cây số, và chúng tôi đành dắt xe lội bộ. Một người trong chúng tôi nói: “Xui quá, bị bể lốp xe giữa đường trong đêm thế này”. Tôi vốn hài hước bèn nói: “Xui gì mà xui, cũng còn may mắn hơn là bị bể cả hai bánh xe”. Đúng là câu nói đùa, chẳng duyên dáng gì, nhưng có một sự thật ở trong đó. Sự thật là ở chỗ bao giờ con người cũng có thể nhìn thấy khía cạnh may mắn, khía cạnh ân huệ trong mọi tình huống của cuộc đời mình. Trường hợp một người bị tai nạn cũng vậy thôi. Cách đây mười năm tôi bị đụng xe vào buổi tối, bị bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện ngay tức khắc nhờ một cô bạn học cũ tình cờ có mặt trên đường lúc ấy, và tai nạn cũng không nghiêm trọng lắm. Đọc đến đây, ai cũng nhận ra ngay tai nạn là sự không may, nhưng việc một người quen có mặt bất ngờ, việc được đưa vào bệnh viện đúng lúc và bao nhiêu những điều tốt lành sau đó chính là những hồng ân mà chỉ Thiên Chúa, Đấng điều khiển vạn vật và nắm quyền sinh tử của mỗi sinh linh mới có thể làm cho các tạo vật yêu dấu của Ngài.

Chúng ta đã chứng kiến hoặc đã nghe nhiều tai ương, hoạn nạn, bệnh tật dẫn đến cái chết. Sự chết là sự dữ cuối cùng và lớn nhất trong kiếp người. Nhưng tại sao khi báo tin cái chết, người ta vẫn ghi: “Trong niềm tin vào Chúa Kytô Phục Sinh…”, “Khi Chúa thương gọi con về…”, hay “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”? Ấy là bởi vì lương tri con người và niềm tin Kitô giáo giúp con người nhận ra rằng cái chết là một ân huệ bởi vì chính qua cái chết, con người được mời gọi bước qua cánh cửa hồng ân để về với Cha của mình. Còn nếu xét trên bình diện tự nhiên, thì quả thật cái chết cũng không hề là sự rủi ro. Như trên đã nói, sự sống tự nó đã là ân huệ. Người bi quan cho rằng chết là chấm dứt một ân huệ. Nhưng hãy nhìn với cái nhìn lạc quan hơn, những năm tháng được sống đã là hồng ân, và sống càng lâu là ơn huệ càng nhiều. Cho nên vấn đề không phải là may hay rủi, mà là vấn đề cái may mắn kéo dài bao lâu. Trong nhận thức này, chúng ta có thể hiểu được Lời Chúa Giêsu nói với những người thợ làm vườn nho được gọi từ giờ thứ nhất: “Bạn và tôi đã thỏa thuận một đồng tiền công”. Mà nói thỏa thuận là nói theo lòng quảng đại của người chủ vườn nho chứ anh thợ có là gì mà đòi thỏa thuận. Được gọi vào làm việc, được sống một ngày bình an, có ăn có mặc, được hưởng niềm vui cộng tác vào mầu nhiệm sáng tạo đã là hồng phúc vô biên rồi.

Là những người tin vào Tình Yêu của Cha trên Trời, chúng ta chỉ biết “xin dâng lời cảm tạ”, bởi vì “tất cả là hồng ân”. Mẹ của chúng ta đã hoàn toàn hiểu và sống điều ấy từ ngày Mẹ ca lên: ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều cao trọng. Danh Ngài là Thánh”.

Sàigòn, cuối tháng Thánh Tâm 2008
 
Làm sao đến với Chúa để được bổ sức
LM. Trần Bình Trọng
14:18 05/07/2008

LÀM SAO ÐẾN VỚI CHÚA ÐỂ ÐƯỢC BỔ SỨC



Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A
Dcr 9:9-10; Rm 8:9,11-13; Mt 11:25-30


Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay là một trong những lời lẽ an ủi và khích lệ nhất trong Thánh kinh. Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời. Còn những người khôn ngoan thông thái lại không lãnh hội được. Ðiều được tiết lộ cho những người này thì lại bị giấu kín khỏi những người khác. Vậy đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt? Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người qua Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh kinh để đọc, nếu có tiền.

Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, chỉ có những người khiêm tốn trước Ðấng tối cao, mới có thể lãnh hội được lời Chúa. Ðó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11:25). Chẳng thế mà văn hào Pascal mới nói: Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và Giacóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia và những nhà thông thái. Pascal là nhà toán học, vật lý học và triết học mà đã nói lên điều đó.

Vậy có phải Thiên Chúa giấu, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không? Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bình với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái. Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ. Thực sự thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn mới lãnh hội được mà thôi. Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Và khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm nước Trời bị cất giấu khỏi họ. Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào. Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm nước Trời. Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn. Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.

Ðể có thể đến với Chúa và đặt niềm tin phó thác vào Người như trẻ con phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ: đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác. Khi lớn lên với những của cải giàu sang, sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành, người ta có thể bớt tùy thuộc vào Chúa hay không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa hoặc vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí. Ðặc biệt hôm nay Chúa mời gọi loài người: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).

Có khi nào ta cảm thấy vất vả vì công việc bổn phận trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội, khiến ta muốn thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống không? Có khi nào ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?

Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời ta với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng còn mời gọi ta mang lấy ách của Người: Hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Vậy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng như thế nào? Lời Chúa trong sách ngôn sứ Dacaria có mô tả về Ðấng Cứu thế sẽ đến như sau: Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Drc 9:9). Lừa là con vật hiền lành và dễ chịu khuất phục. Khi vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá, Chúa Giêsu đã thể hiện lời tiên tri về Người mà cưỡi trên lưng lừa con (Mt 21:7), chứ không cưỡi trên lưng ngựa mặc dầu có ngựa ở Giêrusalem thời bấy giờ. Ðiều đó nói lên ý muốn của Người là sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận khổ hình thập giá, để làm giá cứu chuộc loài người.

Và Chúa bảo đảm với ta: Ách của tôi thì êm ái, gánh của tôi thì nhẹ nhàng (Mt 11:30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nêu lý do tại sao ách ta vác không được êm ái, và gánh ta mang không được nhẹ nhàng là vì ta không sống theo Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8:10). Ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống khi ta dựa vào sức riêng mà không cậy dựa vào ơn Chúa giúp cho ta vượt qua. Có bao giờ ta phàn nàn rằng Thiên Chúa và đạo giáo không đem lại ích lợi gì cho cuộc sống không? Nếu đạo giáo không mang lại được gì ích lợi cho cuộc sống, thì đạo phải tới ngày tàn lụi. Tuy nhiên đạo vẫn đứng vững được cho tới ngày nay và đã đem lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống muôn vàn người tín hữu. Nếu người ta không đạt được lợi ích thiêng liêng đó, thì lỗi tại đâu?

Vậy ta cần xét đâu là động lực thúc đẩy khiến cho ách mà ta vác trở nên êm ái, gánh nặng ta mang trở nên nhẹ nhàng? Thưa chính tình yêu của Ðức Kitô đã khiến cho ách của Người trở nên êm ái, và gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô cũng đã nhận ra hệ quả của tình yêu khi đặt bút viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như người ta vẫn cảm thấy khổ, người ta lại chấp nhận cái khổ đó vì yêu. Ðến với Chúa, tâm hồn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng như Chúa hứa (Mt 11:29) và như thánh Augustinô đã xác nhận: Tâm hồn ta sẽ thao thức khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.

Lời cầu nguyện xin được bổ sức:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa bồi bổ sức mạnh và nghị lực,
cho những ai vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống.
Xin dâng lên Chúa những người đau khổ về thân xác và tâm hồn;
những người lo lắng sợ hãi; những người mỏi mệt và chán sống;
những người phải mang tủi hổ và mặc cảm trong cuộc đời.
Xin ban cho họ thêm can trường và hi vọng.
Còn những khó khăn và khắc khoải của đời con,
con cũng xin dâng lên Chúa với lòng trông cậy. Amen.
 
Chúa van cho người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời
Lm Trần Bình Trọng
15:02 05/07/2008
Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A (Dcr 9:9-10; Rm 8:9,11-13; Mt 11:25-30)

Chúa van cho người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay là một trong những lời lẽ an ủi và khích lệ nhất trong Thánh kinh. Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời. Còn những người khôn ngoan thông thái lại không lãnh hội được. Ðiều được tiết lộ cho những người này thì lại bị giấu kín khỏi những người khác. Vậy đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt? Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người qua Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh kinh để đọc, nếu có tiền.

Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, chỉ có những người khiêm tốn trước Ðấng tối cao, mới có thể lãnh hội được lời Chúa. Ðó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11:25). Chẳng thế mà văn hào Pascal mới nói: Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và Giacóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia và những nhà thông thái. Pascal là nhà toán học, vật lý học và triết học mà đã nói lên điều đó.

Vậy có phải Thiên Chúa giấu, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không? Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bình với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái. Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ. Thực sự thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn mới lãnh hội được mà thôi. Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Và khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm nước Trời bị cất giấu khỏi họ. Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào. Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm nước Trời. Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn. Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.

Ðể có thể đến với Chúa và đặt niềm tin phó thác vào Người như trẻ con phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ: đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác. Khi lớn lên với những của cải giàu sang, sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành, người ta có thể bớt tùy thuộc vào Chúa hay không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa hoặc vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí. Ðặc biệt hôm nay Chúa mời gọi loài người: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).

Có khi nào ta cảm thấy vất vả vì công việc bổn phận trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội, khiến ta muốn thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống không? Có khi nào ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?

Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời ta với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng còn mời gọi ta mang lấy ách của Người: Hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Vậy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng như thế nào? Lời Chúa trong sách ngôn sứ Dacaria có mô tả về Ðấng Cứu thế sẽ đến như sau: Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Drc 9:9). Lừa là con vật hiền lành và dễ chịu khuất phục. Khi vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá, Chúa Giêsu đã thể hiện lời tiên tri về Người mà cưỡi trên lưng lừa con (Mt 21:7), chứ không cưỡi trên lưng ngựa mặc dầu có ngựa ở Giêrusalem thời bấy giờ. Ðiều đó nói lên ý muốn của Người là sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận khổ hình thập giá, để làm giá cứu chuộc loài người.

Và Chúa bảo đảm với ta: Ách của tôi thì êm ái, gánh của tôi thì nhẹ nhàng (Mt 11:30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nêu lý do tại sao ách ta vác không được êm ái, và gánh ta mang không được nhẹ nhàng là vì ta không sống theo Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8:10). Ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống khi ta dựa vào sức riêng mà không cậy dựa vào ơn Chúa giúp cho ta vượt qua. Có bao giờ ta phàn nàn rằng Thiên Chúa và đạo giáo không đem lại ích lợi gì cho cuộc sống không? Nếu đạo giáo không mang lại được gì ích lợi cho cuộc sống, thì đạo phải tới ngày tàn lụi. Tuy nhiên đạo vẫn đứng vững được cho tới ngày nay và đã đem lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống muôn vàn người tín hữu. Nếu người ta không đạt được lợi ích thiêng liêng đó, thì lỗi tại đâu?

Vậy ta cần xét đâu là động lực thúc đẩy khiến cho ách mà ta vác trở nên êm ái, gánh nặng ta mang trở nên nhẹ nhàng? Thưa chính tình yêu của Ðức Kitô đã khiến cho ách của Người trở nên êm ái, và gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô cũng đã nhận ra hệ quả của tình yêu khi đặt bút viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như người ta vẫn cảm thấy khổ, người ta lại chấp nhận cái khổ đó vì yêu. Ðến với Chúa, tâm hồn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng như Chúa hứa (Mt 11:29) và như thánh Augustinô đã xác nhận: Tâm hồn ta sẽ thao thức khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.

Lời cầu nguyện xin được bổ sức:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa bồi bổ sức mạnh và nghị lực,
cho những ai vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống.
Xin dâng lên Chúa những người đau khổ về thân xác và tâm hồn;
những người lo lắng sợ hãi; những người mỏi mệt và chán sống;
những người phải mang tủi hổ và mặc cảm trong cuộc đời.
Xin ban cho họ thêm can trường và hi vọng.
Còn những khó khăn và khắc khoải của đời con,
con cũng xin dâng lên Chúa với lòng trông cậy. Amen.
 
Khổ và giải khổ
LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT
17:28 05/07/2008

KHỔ VÀ GIẢI KHỔ



Đời là bể khổ. Chúng ta ai cũng mang gánh nặng nề. Đó là gánh nặng nề của chuyện cơm áo gạo tiền. Giữa lúc kinh tế khủng hoảng, vật giá leo thang, việc làm khan hiếm, đồng lương ít ỏi, đảm bảo được cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình là hết sức khó khăn. Đó là gánh nặng nề của việc học hành. Mùa thi đã và đang đến. Những ngày này biết bao nhiêu học trò căng thẳng. Bao nhiêu bậc cha mẹ mất ăn mất ngủ cùng con cái. Bao nhiêu thí sinh có biểu hiện thần kinh bất thường. Chúng ta ở nay còn bao nhiêu gánh nặng nề khác nữa? Gánh nặng nề của cuộc sống chung nhiều va chạm. Gánh nặng nề của cuộc sống xa quê nhiều thiếu thốn. Gánh nặng nề của tuổi già bệnh tật, của con cái hư hỏng, của thân nhân bất hoà, của tình duyên lỡ dở, của vợ goá con côi. Vân vân và vân vân. Đi tu lại có gánh nặng đi tu. Lập gia đình có gành nặng của chuyện vợ chồng. Chúng ta đã chẳng từng nghe có ông than rằng “lấy vợ như nợ vào thân” và có bà than rằng “chồng con là cái nợ đời” đó sao! Trên hết mọi gánh nặng và cũng là nguyên nhân của mọi gánh nặng là tội lỗi. Tv 37 nói: “Tội lỗi như gánh nặng vượt quá sức con/ Thân lom khom rã rời kiệt sức/ Cả ngày con thiểu nã lang thang? Ngay lưng đầy lửa bỏng/ Xương cốt con rã rời từng khúc”.

Mỗi cây mỗi hoa. Mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có gánh nặng nề riêng của mình. Không gánh nào giống gánh nào. Những gánh nặng khiến ta oằn lưng, dung nhan ta tàn tạ, vóc dáng ta tiều tuỵ từng ngày. Những gánh nặng khiến ta lam lũ hơn trâu cày. Vì trâu cày còn có mùa chỉ ăn với ngủ, giữa thời vụ cày bừa cũng còn có lúc thảnh thơi được nằm nhại lại trên bờ đê, vạt ruộng. Trong khi con người chúng ta không lúc nào được ở yên. Lúc nào cũng quay cuồng. Gánh nặng khiến chúng ta còn sống mà như đã chết. Thử nhìn dòng người đi lại sớm chiều trên phố mà xem. Đâu rồi nét tuơi vui, hồn nhiên, trong sáng của con người? Đâu rồi vẻ mặt bình an sâu xa của một cuộc sống đáng yêu đầy thi vị? Thử nhìn lại đời mình xem mấy lúc chúng ta được nghỉ ngơi thật sự? Nhiều khi quá khốn quẫn, chúng ta thốt lên: “Trời ơi sao tôi khổ thế này? Trời có biết chăng?”

Thưa rằng Trời biết. Chỉ có con người mê muội không biết Trời biết thôi. Trời biết cho nên mới mời gọi chúng ta đến cùng Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Trời là địa chỉ đầu tiên và cuối cùng chúng ta phải đến. Là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chúng ta phải gặp. Tai Trời đủ rộng để ghe được tiếng than van của chúng ta. Mắt Trời đủ sáng để thấy những cảnh lầm than của chúng ta. Tay Trời đủ rộng để ôm choàng lấy chúng ta. Vai Trời đủ sức để gánh vác lấy những nhọc nhằn của chúng ta. Lòng Trời đủ rộng để yêu thương và đón nhận chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám trút gánh nặng cho Trời không. Tin mừng hôm nay nói: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. TV 54 nói: Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa. Người sẽ đỡ đần cho. Chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ. Biết tin tưởng và phó thác vào Chúa những gánh nặng của mình và của cuộc đời, mình sẽ đứng vững. Mình sẽ bình an. Sẽ là chính nhân.

Sở dĩ chúng ta còn bất hạnh và chúng ta hay than trách trời khi phải mang gánh nặng nề vì chúng ta thường đến sai địa chỉ. Trước nhất chúng ta loại trừ Trời và chỉ cậy dựa vào người. Ở Miền Bắc chúng ta nhiều người còn nhớ cuộc sống điêu tàn của những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi còn làm ruộng tập thể trong các hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Ở làng Phúc Nhạc quê tôi hồi đó, tôi thấy người ta kẻ khẩu hiệu trên tường UBND và HTX rằng: “Anh trời đi chỗ khác chơi. Để cho nông hội chúng tôi làm trời”. “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. “Nghiêng sông tát nước vào đồng”. Tất nhiên những khẩu hiệu kia chỉ là một cách nói. Nhưng cách nói ấy phản ánh tinh thần chung của xã hội lúc bấy giờ: Tinh thần cố tình không tin có Trời; tinh thần muốn loại trời ra khỏi cuộc sống của mình. Nhưng khốn thay, chính lúc đấy là lúc kiệt quệ nhất, đói khổ nhất, lầm than nhất. Là lúc người nai lưng kéo cày thay trâu mà vẫn không đủ ăn. Kết luận ở đây là: Khi chúng ta muốn tự mình giải quyết những vấn đề của mình, chính là khi chúng ta tự cao, tự đại, kiêu ngạo; chính là khi chúng ta muốn làm trời, chiếm đoạt địa vị của Trời. Khi ấy gánh nặng của chúng ta vẫn còn nguyên và tình trạng của chúng ta sẽ bi đát hơn. Đấy là một kiểu đến sai địa chỉ. Cũng ở đây chúng ta mới biết cái khiêm nhường thật mà Chúa muốn chúng ta phải học cùng Chúa là thái độ biết cậy dựa, tin tuởng và phó thác vào Chúa. Vì khi ấy mình biết mình là chỉ người và biết Chúa mới thật là Chúa Trời.

Chúng ta cũng thường sai địa chỉ khi chúng ta tìm đến với những sảm phẩm do con người tạo nên. Chúng ta than khổ cũng là phải thôi. Vì khi mệt mỏi, căng thẳng, đau khổ, trống vắng, thay vì đến cũng Chúa, nhiều người trong chúng ta lại đến với ma tuý, với tình dục, với rượu bia. Chúa nói đến với Chúa, chứ đâu có nói đến với ma tuý, với tình dục, với rượu bia. Nếu chúng ta đến đó là chúng ta lạc lối rồi. Là chúng ta đang đi vào chỗ chết vậy. Chúng ta cũng đừng chỉ đến với các trò giải trí. Lành mạnh như âm nhạc mà thử hỏi khi nghe những bài hát mà chúng ta gọi là nhạc trẻ hiện nay, có thật chúng ta cảm thấy lòng bình an hơn chăng? Hướng thiện hơn chăng? Thấy đời đáng yêu hơn chăng? Lạc quan hơn chăng? Hay chúng ta lòng bất an hơn? Xốn xang hơn? Buồn hơn? Yếu đuối hơn? Tăm tối hơn? Tôi không tin rằng con người, các liệu pháp do con người nghĩ ra, hay các trò giải trí của con người có thể cất đi gánh nặng nề của con người, mang lại hanh phúc và bình an bền vững sâu xa cho con người! Con người mà chỉ biết dừng lại nơi chính mình sẽ bất hạnh và tuyệt vọng!

Chúa mời chúng ta hãy đến với Chúa, hãy trút bỏ gánh nặng nề của mình cho Chúa. Chỉ trong Chúa con người ta mới được nghỉ ngơi, được bình an. Muốn hạnh phúc mà lại loại trừ Chúa, mà lại chỉ biết đi tìm đến với con người, với những phương tiện do con người tạo ra, là kiêu ngạo, là mê lầm. Bao nhiêu gương xưa nay cho thấy điều ấy. Xem nhạc sĩ Đức Huy thời còn ăn chơi trác táng anh có hạnh phúc không? Không! Vì như lời anh chia sẻ: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi/ Một mình tôi về nhiều lần ướt mi!”. Xem gương thánh Augustino cũng cho ta thấy như vậy. Thánh nhân ăn chơi đủ đường tìm vui trong lạc thú mà có vui đâu! Tìm thoả mãn trong tri thức triết học mà có được thoả mãn đâu. Ngài chia sẻ: “Lạy Chúa tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Chúng ta chú ý chân lý hàm chứa trong lời thánh nhân: Hạnh phúc là sự hoà hợp của đất trời. Là sự hoà hợp của con người với Chúa Trời. Không có chuyện tìm được hạnh phúc chân thật bên ngoài Chúa Trời.

Cách đây gần 10 năm chúng tôi được xem bộ phim tài liệu Chuyện từ một góc công viên. Bộ phim đoạt giải nhất của liên hoan phim quốc gia Việt Nam. Bộ phim nói về cuộc sống của gia đình anh Sơn. Anh Sơn là cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam 1954-1975, anh làm nghề chụp hình dạo ở công viên Lê Nin. Cha anh là cựu chiến binh thời chiến tranh Pháp-Việt 1946-1954. Mẹ anh bán nước chè ở vỉa hè Hà Nội. Con gái cả của anh sống như thực vật cho đến thời điểm làm phim là gần 20 năm. Con trai thứ của anh bị mù cả hai mắt. Vợ anh làm may tại nhà để chăm sóc các con. Thế mà gia đình ấy hạnh phúc. Bao trùm bộ phim là một bầu khí yêu thương đầm ấm và một sự bình an khôn tả toát ra từ vẻ mặt và giọng nói của mỗi thành viên. Về sau, Tu viện chúng tôi có mời ông Trần Văn Thuỷ, đạo diễn bộ phim đến nói chuyện. Ông chia sẻ rằng: Chính vẻ mặt bình an và phúc hậu lạ lùng của những con người trong gia đình anh Sơn đã hấp dẫn ông và khiến ông thực hiện bộ phim.

Chúng ta xem: Tại sao những con người phải mang gánh nặng nề thế kia mà lại không cay đắng, giận dữ, nổi loạn? Tại sao những con người tưởng chừng mất hết cơ hội hanh phúc kia mà lại vẫn sống bình an, hiên hoà và đầm ấm đến thế? Kết thúc bộ phim là cảnh mẹ và vợ anh Sơn đứng đọc kinh trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức của nhà thờ Hàm Long, Hà Nội.

Tôi tin là các thành viên trong gia đinh anh Sơn đã bắt đầu được nghỉ ngơi bồi dưỡng, đã học được bí quyết của hạnh phúc. Bí quyết đấy là biết đến với Chúa, cùng nhau phó thác gánh nặng nề của mình cho Chúa. Cầu chúc cho chúng ta ai cũng được như vậy. Amen.

Hà Nội 06..07.2008.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:44 05/07/2008
CÚ MÈO THÍCH XƯỚNG CA

N2T


Ngày xưa, có một con cú mèo đẹp sinh sống trong một khu rừng lớn. Khi những ánh sao treo đầy bầu trời vào ban đêm, thì nó đứng trên đầu cành cây hát ca, tiếng hát khi thì thanh thót khi thì dịu dàng, do đó, các động vật đều gọi nó là “nhà xướng ca của rừng”.

Do có ngoại diện mê người và tiếng ca làm cảm động người nghe, nên cú mèo bắt đầu kiêu ngạo, nó cảm thấy mình có thiên phận như thế thì càng nên giành được sự tán thưởng và vỗ tay nhiều hơn, thế là cú mèo thay đổi quy luật sống trước đây, nó bắt đầu bay ra vào ban ngày để hát ca.

Bạn tốt của cú mèo là con dơi lo lắng nói: “Này anh bạn của tớ, anh không cảm thấy ban ngày bay ra để hát ca là nguy hiểm sao ? Nếu có người xấu muốn tập kích bạn thì làm sao đây ? Bạn thay đổi quy luật sống như thế để thỏa mãn lòng hư vinh của mình là không đúng đâu nhé.”

Cú mèo hất hàm ngạo mạn nói: “Con dơi nhỏ, mày có biết tiếng hát của tớ rất được nhiều người hoan nghênh chứ ? Nhất định là mày ghen ghét với tớ vì tớ đẹp hơn mày, xướng ca nghe cũng hay hơn mày ! Giống như mày cái đồ xấu xí ấy chỉ phù hợp với với cuộc sống trong đêm tối như mực ấy, khiến cho mọi người chán ghét !” con dơi nghe con cú mèo nói như thế thì trong lòng rất thương tâm vội vàng bay đi.

Từ đó về sau, cú mèo đi đến đâu thì xướng ca đến đó, danh tiếng càng ngày càng lớn. Người trong thôn trang ở gần đó thấy đây là cơ hội phát tài, bèn lập thành từng toán đi vào trong rừng bắt nó, cú mèo thấy rất nhiều người đến “thưởng thức” tiếng hát của mình nên nó càng phấn khởi hát hơn nữa.

Kết quả, những người ấy không tốn sức mà cũng bắt được cú mèo và đem nó nhốt vào trong cái lồng. Thật tội nghiệp cho cú mèo vì vậy mà mất đi tự do, nó không còn được đứng trên đầu cành cây mà hát ca nữa, và cũng không còn nghe được lời tán thưởng của các động vật nữa.

Lúc ấy, nó mới nghĩ đến lời nói của con dơi nên rất buồn mà chảy nước mắt.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Lời góp ý và khuyên bảo thành thật của bạn bè có lẽ nghe thật chói tai, khó mà chấp nhận được, nhưng đó là những lời có thể giúp các em sống tốt đẹp hơn, bởi vì lời nói thật thì lúc nào cũng đau lòng.

Các em có thể chấp nhận lời nói thẳng thắn của cha mẹ, của thầy cô hay của một người nào đó có trách nhiệm với các em, nhưng có lẽ các em ít khi chấp nhận lời nói thẳng thừng chân thật của bạn bè, vì các bạn ấy cùng ngang tuổi như các em. Tuy nhiên, thành thực mà nói, nếu các em không có tâm hồn cầu tiến khiêm tốn, thì chắc chắn không một lời nói thật nào khiến các em vui lòng ghi nhận.

Con cú mèo đã ngạo mạn với con dơi là bạn thân của mình, lại còn cho con dơi là vì ganh ghét nên mới nói những lời can ngăn thành thật. Kết quả là cú mèo bị người ta tóm gọn nhốt vào lồng đợi ngày chết vì sự khoe khoang của mình.

Kiêu ngạo là đầu mối của sự dữ và tai họa.

Các em thực hành:

- Biết mình có tài năng thì phải khiêm tốn với mọi người.

- Không vì kiêu ngạo mà thay đổi cách sống, cách sinh hoạt sẵn có của mình.

- Biết lắng nghe lời khuyên bảo và nhắc nhở của mọi người.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:45 05/07/2008
N2T


40. Khi suy niệm, tất cả các loại tạp niệm không cố ý, đều không cản trở những ích lợi thần thiêng mà linh hồn nhận được khi suy niệm.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Khổ và giải khổ
LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải
17:59 05/07/2008
KHỔ VÀ GIẢI KHỔ

Đời là bể khổ. Chúng ta ai cũng mang gánh nặng nề. Đó là gánh nặng nề của chuyện cơm áo gạo tiền. Giữa lúc kinh tế khủng hoảng, vật giá leo thang, việc làm khan hiếm, đồng lương ít ỏi, đảm bảo được cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình là hết sức khó khăn. Đó là gánh nặng nề của việc học hành. Mùa thi đã và đang đến. Những ngày này biết bao nhiêu học trò căng thẳng. Bao nhiêu bậc cha mẹ mất ăn mất ngủ cùng con cái. Bao nhiêu thí sinh có biểu hiện thần kinh bất thường. Chúng ta ở nay còn bao nhiêu gánh nặng nề khác nữa? Gánh nặng nề của cuộc sống chung nhiều va chạm. Gánh nặng nề của cuộc sống xa quê nhiều thiếu thốn. Gánh nặng nề của tuổi già bệnh tật, của con cái hư hỏng, của thân nhân bất hoà, của tình duyên lỡ dở, của vợ goá con côi. Vân vân và vân vân. Đi tu lại có gánh nặng đi tu. Lập gia đình có gành nặng của chuyện vợ chồng. Chúng ta đã chẳng từng nghe có ông than rằng “lấy vợ như nợ vào thân” và có bà than rằng “chồng con là cái nợ đời” đó sao! Trên hết mọi gánh nặng và cũng là nguyên nhân của mọi gánh nặng là tội lỗi. Tv 37 nói: “Tội lỗi như gánh nặng vượt quá sức con/ Thân lom khom rã rời kiệt sức/ Cả ngày con thiểu nã lang thang? Ngay lưng đầy lửa bỏng/ Xương cốt con rã rời từng khúc”.

Mỗi cây mỗi hoa. Mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có gánh nặng nề riêng của mình. Không gánh nào giống gánh nào. Những gánh nặng khiến ta oằn lưng, dung nhan ta tàn tạ, vóc dáng ta tiều tuỵ từng ngày. Những gánh nặng khiến ta lam lũ hơn trâu cày. Vì trâu cày còn có mùa chỉ ăn với ngủ, giữa thời vụ cày bừa cũng còn có lúc thảnh thơi được nằm nhại lại trên bờ đê, vạt ruộng. Trong khi con người chúng ta không lúc nào được ở yên. Lúc nào cũng quay cuồng. Gánh nặng khiến chúng ta còn sống mà như đã chết. Thử nhìn dòng người đi lại sớm chiều trên phố mà xem. Đâu rồi nét tuơi vui, hồn nhiên, trong sáng của con người? Đâu rồi vẻ mặt bình an sâu xa của một cuộc sống đáng yêu đầy thi vị? Thử nhìn lại đời mình xem mấy lúc chúng ta được nghỉ ngơi thật sự? Nhiều khi quá khốn quẫn, chúng ta thốt lên: “Trời ơi sao tôi khổ thế này? Trời có biết chăng?”

Thưa rằng Trời biết. Chỉ có con người mê muội không biết Trời biết thôi. Trời biết cho nên mới mời gọi chúng ta đến cùng Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Trời là địa chỉ đầu tiên và cuối cùng chúng ta phải đến. Là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chúng ta phải gặp. Tai Trời đủ rộng để ghe được tiếng than van của chúng ta. Mắt Trời đủ sáng để thấy những cảnh lầm than của chúng ta. Tay Trời đủ rộng để ôm choàng lấy chúng ta. Vai Trời đủ sức để gánh vác lấy những nhọc nhằn của chúng ta. Lòng Trời đủ rộng để yêu thương và đón nhận chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám trút gánh nặng cho Trời không. Tin mừng hôm nay nói: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. TV 54 nói: Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa. Người sẽ đỡ đần cho. Chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ. Biết tin tưởng và phó thác vào Chúa những gánh nặng của mình và của cuộc đời, mình sẽ đứng vững. Mình sẽ bình an. Sẽ là chính nhân.

Sở dĩ chúng ta còn bất hạnh và chúng ta hay than trách trời khi phải mang gánh nặng nề vì chúng ta thường đến sai địa chỉ. Trước nhất chúng ta loại trừ Trời và chỉ cậy dựa vào người. Ở Miền Bắc chúng ta nhiều người còn nhớ cuộc sống điêu tàn của những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi còn làm ruộng tập thể trong các hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Ở làng Phúc Nhạc quê tôi hồi đó, tôi thấy người ta kẻ khẩu hiệu trên tường UBND và HTX rằng: “Anh trời đi chỗ khác chơi. Để cho nông hội chúng tôi làm trời”. “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. “Nghiêng sông tát nước vào đồng”. Tất nhiên những khẩu hiệu kia chỉ là một cách nói. Nhưng cách nói ấy phản ánh tinh thần chung của xã hội lúc bấy giờ: Tinh thần cố tình không tin có Trời; tinh thần muốn loại trời ra khỏi cuộc sống của mình. Nhưng khốn thay, chính lúc đấy là lúc kiệt quệ nhất, đói khổ nhất, lầm than nhất. Là lúc người nai lưng kéo cày thay trâu mà vẫn không đủ ăn. Kết luận ở đây là: Khi chúng ta muốn tự mình giải quyết những vấn đề của mình, chính là khi chúng ta tự cao, tự đại, kiêu ngạo; chính là khi chúng ta muốn làm trời, chiếm đoạt địa vị của Trời. Khi ấy gánh nặng của chúng ta vẫn còn nguyên và tình trạng của chúng ta sẽ bi đát hơn. Đấy là một kiểu đến sai địa chỉ. Cũng ở đây chúng ta mới biết cái khiêm nhường thật mà Chúa muốn chúng ta phải học cùng Chúa là thái độ biết cậy dựa, tin tuởng và phó thác vào Chúa. Vì khi ấy mình biết mình là chỉ người và biết Chúa mới thật là Chúa Trời.

Chúng ta cũng thường sai địa chỉ khi chúng ta tìm đến với những sảm phẩm do con người tạo nên. Chúng ta than khổ cũng là phải thôi. Vì khi mệt mỏi, căng thẳng, đau khổ, trống vắng, thay vì đến cũng Chúa, nhiều người trong chúng ta lại đến với ma tuý, với tình dục, với rượu bia. Chúa nói đến với Chúa, chứ đâu có nói đến với ma tuý, với tình dục, với rượu bia. Nếu chúng ta đến đó là chúng ta lạc lối rồi. Là chúng ta đang đi vào chỗ chết vậy. Chúng ta cũng đừng chỉ đến với các trò giải trí. Lành mạnh như âm nhạc mà thử hỏi khi nghe những bài hát mà chúng ta gọi là nhạc trẻ hiện nay, có thật chúng ta cảm thấy lòng bình an hơn chăng? Hướng thiện hơn chăng? Thấy đời đáng yêu hơn chăng? Lạc quan hơn chăng? Hay chúng ta lòng bất an hơn? Xốn xang hơn? Buồn hơn? Yếu đuối hơn? Tăm tối hơn? Tôi không tin rằng con người, các liệu pháp do con người nghĩ ra, hay các trò giải trí của con người có thể cất đi gánh nặng nề của con người, mang lại hanh phúc và bình an bền vững sâu xa cho con người! Con người mà chỉ biết dừng lại nơi chính mình sẽ bất hạnh và tuyệt vọng!

Chúa mời chúng ta hãy đến với Chúa, hãy trút bỏ gánh nặng nề của mình cho Chúa. Chỉ trong Chúa con người ta mới được nghỉ ngơi, được bình an. Muốn hạnh phúc mà lại loại trừ Chúa, mà lại chỉ biết đi tìm đến với con người, với những phương tiện do con người tạo ra, là kiêu ngạo, là mê lầm. Bao nhiêu gương xưa nay cho thấy điều ấy. Xem nhạc sĩ Đức Huy thời còn ăn chơi trác táng anh có hạnh phúc không? Không! Vì như lời anh chia sẻ: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi/ Một mình tôi về nhiều lần ướt mi!”. Xem gương thánh Augustino cũng cho ta thấy như vậy. Thánh nhân ăn chơi đủ đường tìm vui trong lạc thú mà có vui đâu! Tìm thoả mãn trong tri thức triết học mà có được thoả mãn đâu. Ngài chia sẻ: “Lạy Chúa tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Chúng ta chú ý chân lý hàm chứa trong lời thánh nhân: Hạnh phúc là sự hoà hợp của đất trời. Là sự hoà hợp của con người với Chúa Trời. Không có chuyện tìm được hạnh phúc chân thật bên ngoài Chúa Trời.

Cách đây gần 10 năm chúng tôi được xem bộ phim tài liệu Chuyện từ một góc công viên. Bộ phim đoạt giải nhất của liên hoan phim quốc gia Việt Nam. Bộ phim nói về cuộc sống của gia đình anh Sơn. Anh Sơn là cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam 1954-1975, anh làm nghề chụp hình dạo ở công viên Lê Nin. Cha anh là cựu chiến binh thời chiến tranh Pháp-Việt 1946-1954. Mẹ anh bán nước chè ở vỉa hè Hà Nội. Con gái cả của anh sống như thực vật cho đến thời điểm làm phim là gần 20 năm. Con trai thứ của anh bị mù cả hai mắt. Vợ anh làm may tại nhà để chăm sóc các con. Thế mà gia đình ấy hạnh phúc. Bao trùm bộ phim là một bầu khí yêu thương đầm ấm và một sự bình an khôn tả toát ra từ vẻ mặt và giọng nói của mỗi thành viên. Về sau, Tu viện chúng tôi có mời ông Trần Văn Thuỷ, đạo diễn bộ phim đến nói chuyện. Ông chia sẻ rằng: Chính vẻ mặt bình an và phúc hậu lạ lùng của những con người trong gia đình anh Sơn đã hấp dẫn ông và khiến ông thực hiện bộ phim.

Chúng ta xem: Tại sao những con người phải mang gánh nặng nề thế kia mà lại không cay đắng, giận dữ, nổi loạn? Tại sao những con người tưởng chừng mất hết cơ hội hanh phúc kia mà lại vẫn sống bình an, hiên hoà và đầm ấm đến thế? Kết thúc bộ phim là cảnh mẹ và vợ anh Sơn đứng đọc kinh trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức của nhà thờ Hàm Long, Hà Nội.

Tôi tin là các thành viên trong gia đinh anh Sơn đã bắt đầu được nghỉ ngơi bồi dưỡng, đã học được bí quyết của hạnh phúc. Bí quyết đấy là biết đến với Chúa, cùng nhau phó thác gánh nặng nề của mình cho Chúa. Cầu chúc cho chúng ta ai cũng được như vậy. Amen.
 
Cuộc trở lại của người theo bè Tam Điểm
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
19:08 05/07/2008
CUỘC TRỞ LẠI CỦA NGƯỜI THEO BÈ TAM ĐIỂM

... Một ngày, tôi đến thăm vị Linh Mục thừa sai cao niên, người Đức. Đang ngồi nói chuyện trong phòng khách, bỗng nhìn lên, tôi trông thấy bức tranh Đức Mẹ MARIA tuyệt đẹp, treo trên tường. Ngạc nhiên tôi hỏi:

- Cha làm sao có được bức tranh cổ vừa đẹp vừa quý như thế này?

Đôi mắt đăm chiêu mơ màng, như sống lại những ngày xuân trẻ, ngược xuôi trên cánh đồng truyền giáo mênh mông, vị Linh Mục lão thành ung dung kể chuyện. Ngài nói:

Trong cuộc đời thừa sai, có lần tôi sang truyền giáo tại Memel - tên mới của hải cảng Klaipeda - thuộc cộng hòa Lituani, nằm trong vùng Baltique.

Tôi làm Cha Sở xứ đạo tại Memel trong vòng 16 năm trời. Nói thế có nghĩa là tôi biết rõ từng gia đình, từng con chiên bổn đạo của tôi. Một ngày, người ta mời tôi đến thăm một bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối đời. Nhưng tên người này hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tuy vậy, tôi vẫn mau mắn đi ngay.

Đến nơi, tôi bước vào một ngôi nhà thật sang trọng. Chủ nhà ân cần tiếp đón và đưa tôi vào phòng bệnh nhân. Bằng giọng nói mệt nhọc và chậm rãi, người bệnh nói với tôi:

- Thưa Cha Sở, con không còn là tín hữu Công Giáo, nhưng là người đi theo bè tam điểm. Con mời Cha đến để biếu Cha bức tranh Đức Mẹ THIÊN CHÚA. Con không muốn bức tranh tuyệt đẹp rơi vào tay người thân trong gia đình con, bởi vì, tất cả mọi người trong gia đình con đều bỏ đạo Công Giáo và đi theo bè tam điểm. . Suốt đời, con có lòng đặc biệt sùng kính Đức Mẹ MARIA. Đây là tâm tình tích cực duy nhất còn rơi rớt lại trong tâm hồn tội lỗi của con. .

Nghe bệnh nhân nói thế, tôi thật cảm động và hết lời cám ơn vì món quà quý giá. Rồi tôi nhã nhặn nói tiếp:

- Đây là bức tranh tuyệt đẹp nhưng câu chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp hơn, nếu ông sẵn sàng trao phó linh hồn ông trong tay THIÊN CHÚA, để đền bù mọi lỗi lầm trong quá khứ.

Người bệnh ngạc nhiên hỏi lại tôi:

- Có thật như vậy không Cha? Không phải là đã quá trễ rồi sao?

Tôi giải thích:

- Đây là chuyện có thể xảy ra và không bao giờ quá trễ, đối với lòng Từ Bi thương xót vô biên của THIÊN CHÚA. Điều quan trọng trước nhất trong lúc này là ông hãy bằng lòng viết ngay tờ giấy công khai từ bỏ hội tam điểm. Chính ông ký vào đó. Tiếp đến, ông hãy dọn mình xưng tội. Tôi sẽ giúp ông và sẽ ban phép giải tội cho ông.

Sau một phút suy nghĩ, người bệnh sẵn sàng làm theo lời tôi khuyên nhủ.

Cánh tay run run, ông tự viết lời tuyên bố từ bỏ hội tam điểm. Xong, ông sốt sắng dọn mình lãnh Bí Tích Giải Tội. Sau đó, tôi trở lại mang Mình Thánh Chúa cho ông và ban Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho ông. Một thời gian ngắn sau đó, ông êm ái trút hơi thở cuối cùng, trong tâm tình ngoan đạo của một tín hữu Công Giáo. . Thật là phép lạ của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA, Hiền Mẫu Thiên Quốc không bao giờ bỏ rơi con cái mình.

... ”Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một con rồng lớn, đỏ như lửa, có 7 đầu và 10 sừng, trên 7 đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con rồng đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh xong là nó nuốt ngay Con Bà. Bà đã sinh được một Người Con, một Người Con Trai, Người Con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con Bà được đưa ngay lên THIÊN CHÚA, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó THIÊN CHÚA đã dọn sẵn cho Bà một chỗ ở, để Bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Khải Huyền 12,1-6).

(Albert Pfleger ”Fioretti de la Vierge Marie”, Mambre Editeur-Diffuseur, 1990, trang 67-68)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC đề cập tới sự Cấp Bách của việc Bảo Vệ Sự Sống và Gia Đình
Anthony Lê
01:02 05/07/2008
Đức Thánh Cha đề cập tới sự Cấp Bách của việc Bảo Vệ Sự Sống và Gia Đình

Vì Theo Đức Thánh Cha Hiện Nay "Có Rất Nhiều Thế Lực Đang Cố Làm Suy Yếu Sự Sống và Gia Đình"

BRINDISI, Ý Quốc (LifeSiteNews.com) - Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã đề cập đến việc bảo vệ sự sống và gia đình trong bài diễn văn Ngài đọc cho các công dân và những người trẻ thuộc thành phố cảng Brindisi nằm ở phía đông nam của Ý Quốc vừa qua.

Trước một đám đông khoảng trên 70,000 người tụ tập tại Quãng Trường Lenio Flacco, Đức Thánh Cha đã cám ơn các bạn trẻ vì sự nhiệt tình ủng hộ của họ và Ngài đề cập đến những nhu cầu của họ, nhất là các vấn đề có liên quan đến gia đình và sự sống.

Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng:

"Việc tôn trọng sự sống, và đặc biệt là mối dây liên hệ nối kết với gia đình, hiện nay đang phải gánh chịu rất nhiều thế lực vốn muốn làm suy yếu đi hai nền tảng quan trọng đó của xã hội. Điều quan trọng cấp bách hơn hết, mặc cho phải diện đối với những thách đố, chính là tất cả mọi người có thiện chí hãy tự họ cam kết vào việc bảo tồn gia đình - một nền tảng vững chắc để từ đó mà cuộc sống của xã hội được dựng xây nên.

Một nền tảng khác của xã hội các con chính là đức tin Kitô Giáo, mà cha ông của chúng con xem đó như là một trong những yếu tố hình thành nên căn tính của Brindisi. Cha nguyện mong các con hãy luôn biết bám chặt vào Phúc Âm, hòng qua đó các con sẽ được đổi mới và sống trong tinh thần trách nhiệm cao độ, để giúp cho các con biết đối mặt với những trắc trở và thử thách của hiện tại với sự tín thác và quan phòng của Thiên Chúa.

Nguyện cho đức tin khích lệ chúng con để chúng con dám đáp trả mà không hề biết khoan nhượng về những mong đợi chính đáng của những mối âu lo về sự sống và xã hội nơi thành phố của chúng con."

Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ rằng:

"'Những tiếng nói cởi mở và mong ước được sống còn' của các con đã nói lên sự tin tưởng của các con rồi, và Cha rất ý thức đến gánh nặng mà rất nhiều trong chúng con đang gánh phải vì vấn nạn thất nghiệp ở vùng phía Nam của Ý Quốc này."

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Cha biết tuổi trẻ của chúng con đã và đang bị đe dọa bởi lời kêu gọi mau chóng làm giàu, bởi những lời cám dỗ để tìm sự ẩn náu trong một thiên đường ảo tưởng hay tất cả những dạng có sức thu hút của sự thỏa mãn vốn đã bị thứ chủ nghĩa tiêu thụ bóp méo. Các con hãy đừng để mình rơi vào những nanh vuốt của tội lỗi! Các con hãy hướng nhìn đến một cuộc sống vốn tràn đầy các giá trị đích thực, để từ đó làm khai sinh ra một xã hội công chính và cởi mở hơn trong tương lại. Các con hãy biết tận dụng thật đúng những ơn huệ mà Thiên Chúa đã phú ban xuống cho chúng con, đó chính là: sức mạnh, sự thông minh, lòng can đảm, sự nhiệt tình và mong ước được sống, mà Ngài đã trao ban một cách rộng lượng và nhưng không cho các con. Và cách sống thiện hảo đó có một cái tên mà như chúng con đều biết đến: nó được gọi là tình yêu."

Đức Thánh Cha kết luận bằng cách nêu ra rằng:

"Niềm hy vọng vốn bắt nguồn trong tình yêu thương đích thực và tình yêu thương của Thiên Chúa mới thật sự đúng là 'gương mặt nhân từ và đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu Kitô'. Chúa Kitô chính là câu trả lời cho những câu hỏi và vấn nạn của các con, và Ngài bảo vệ tất cả những mong ước chính đáng và thành thật của nhân loại con người."
 
Thiên Chúa thu xếp tính hèn yếu của con người bằng Ân Huệ của Người
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:36 05/07/2008
Vatican (H2ONews, Agenzia Fides) - Hôm 03/07/2008, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đã diễn ra Thánh Lễ tấn phong giám mục của Tổng Giám mục Piergiuseppe Vacchelli. Trong Thánh Lễ, Đức Hồng y Cardinal Tarcisio Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, người chủ sự thánh lễ tấn phong cho hay: “Các Giám Mục có sứ mạng trở thành người phục vụ Giáo Hội: Giáo Hội được lập nên của tất cả mọi người, không phân biệt dành cho một quốc gia hay một nền văn hóa cụ thể nào”.

Đức Tổng Giám Mục Vacchelli là Tổng Thư ký Hội đồng Giám Mục Ý quốc và là Chủ tịch Ủy ban Công tác Từ thiện cho các nước dang phát triển, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng Trưởng của Thánh Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc và Chủ tịch Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền giáo. Ngài cho hay: “Gia nhập vào Thánh Bộ là chịu trách nhiệm trực tiếp với 1.100 giáo phận toàn cầu, 2.000 giám mục và vô số các giáo sĩ, nam tu và nữ tu. Trên hết, vấn đề chính không chỉ là nghèo đói, nhưng là xây dựng một đời sống theo đường lối Kitô giáo. Vì thế phạm vi rộng lớn hơn nhiều”.

Đối mặt với công việc đồ sộ như thế nhưng Đức Tổng Giám vẫn tràn trề hy vọng: “Khi anh làm việc cho Thiên Chúa, Người luôn đi trước anh, thu xếp tính hèn yếu của anh bằng Ân Huệ của Người”.

Đức Tân Tổng Giám Mục sinh ngày 04/02/1937 ở Longardore di Sospiro, Ý quốc, được phong chức linh mục ngày 27/05/1961 và được gửi đi Rôma học Giáo Luật và đạt bằng cấp về ngành học này. Sau đó, ngài trở về giáo phận của mình phục vụ vào năm 1967. Ngài đã trải qua các công tác mục vụ: trợ lý giáo phận về Người Trưởng Thành của Công Giáo Tiến Hành; thư ký của Giám Mục Amari, Giám Mục Chưởng Ấn; Tổng thư ký Giáo phận về Công Giáo Tiến Hành; Tổng Đại diện Giáo phận; Tổng Thư ký Công nghị Giáo phận; Linh mục chánh xứ và Giáo Luật Nhà thờ Chánh tòa Cremona. Ngài dạy Giáo Luật cho chủng viện giáo phận và dạy về tôn giáo và văn chương cho Học viện Tôn Giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Scuola Magistrale Parificata. Từ tháng Mười, 1996, ngài phục vục với chức vụ Tổng Thư ký Hội đồng Giám Mục Ý và là Chủ tịch Ủy ban Công tác Từ thiện cho các nước dang phát triển. Ngày 24/05/2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Trợ lý Tổng Trưởng của Thánh Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc và Chủ tịch Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền giáo.
 
Thái Lan: Làm chứng đức tin bằng cách noi gương Thánh Phaolô.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:37 05/07/2008
Bangkok (AsiaNews) - Để đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về “hiệp nhất Kitô giáo”, Giáo Hội Thái Lan đã tiến tới cử hành Năm Thánh Phaolô. Một Thánh lễ trọng thể đã được cử hành hôm 29/06 tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Lên Trời Băng Cốc, Đức Hồng y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Băng Cốc chủ trì Thánh Lễ. Đức Cha Salvatore Pennacchio, Khâm sứ Tòa Thánh tại Thái Lan và chín vị giám mục địa phương cũng tham dự Thánh Lễ này.

Đức Hồng y Kitbunchu nói rằng: “Giáo Hội Thái Lan kết hiệp về mặt tinh thần và hiệp thông với Giáo Hội Hoàn vũ nhân dịp khai mạc Năm Thánh Phaolô. Khi Đức Thánh Cha nói rằng theo gương vị Tông Đồ và suy ngẫm về những bài viết của ngài thì chúng ta có thể canh tân sức sống để công bố đức tin. Thánh Phaolô đóng vai trò một nhân vật tinh thần then chốt và cảm ơn công việc loan báo Lời Chúa của ngài để phổ biến rộng rãi trong các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên”.

Đứng Hồng y cũng đọc một tuyên bố của Hội đồng Giám Mục Thái Lan lặp lại mối liên hệ giữa Năm Thánh Phaolô và Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vatican II. Các giám mục nói rằng mỗi tín hữu giữ một phận sự để thực hiện công cuộc truyền giáo mà họ gọi là “làm chứng chứng cho Tin Mừng”. Hơn thế nữa, họ mời gọi người Công Giáo Thái Lan “luôn tạo nên những mối dây thắt chặt giữa các cộng đoàn tín hữu”.

Đức Cha Salvatore Pennacchio, Khâm sứ Tòa Thánh tại Thái Lan cũng nói rằng triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một lời kêu gọi kiên định để các nguyên tắc luân lý dẫn dắt đời sống Kitô hữu, bằng cách nhấn mạnh đến giá trị “phẩm giá con người” và thăng tiến hòa bình thế giới.

Nhân dịp Năm Thánh Phaolô, các giám mục cũng thúc giục suy ngẫm lời Chúa, tổ chức học hỏi chung với các giáo phái Kitô khác.

Nghị trình cũng bao gồm các sáng kiến phát thảo cho việc loan truyền đức tin trong xã hội Thái Lan, thêm vào đó là việc hành hương đến các nhà thờ Thánh Phaolô ở Thái Lan và những nơi có liên hệ với vị Tông Đồ như Thánh Địa, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Rôma.
 
Toà Thánh công bố chương trình ĐTC Bênêđitô XVI viếng thăm Pháp Quốc
Đặng Thế Dũng
10:46 05/07/2008
VATICAN - Hôm thứ sáu, mùng 4 tháng 7, Phòng Báo Chí Toà Thánh đã chính thức công bố chương trình ĐTC Bênêđitô XVI viếng thăm Pháp Quốc, từ ngày 12 đến 15 tháng 9 tới đây, nhân dịp mừng 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Chuyến viếng thăm sẽ diễn ra tại hai địa điểm là thủ đô Paris và Lộ Đức.

ĐTC đến thủ đô Paris lúc 10 giờ sáng thứ sáu 12 tháng 9, sẽ được Tổng Thống Pháp, Ông Nicolas Sarkozy, tiếp tại Điện Élysée lúc 12 trưa.

Chiều thứ sáu, ĐTC có ba cuộc gặp gỡ quan trọng, với Cộng Đoàn Do Thái tại Toà Sứ Thần Toà Thánh, với những đại diện của Giới Văn Hoá Pháp tại Học Viện Bernardins, và cuối cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, các bạn trẻ trong giờ kinh Chiều, tại Nhà Thờ Chính Toà Paris.

Sáng thứ bảy, 13 tháng 9, ĐTC đến viếng thăm Học Viện Pháp (Collège de France), một nơi lịch sử có trụ sở của 5 Hàn Lâm Viện Pháp, trong đó có Hàn Lâm Viện các Khoa Học Luân Lý và Chính Trị mà Đức Thánh Cha đã được chọn làm thành viên ngoại quốc, từ năm 1992, khi còn là hồng y Joseph Ratzinger.

Sau đó, lúc 10 giờ sáng, ĐTC cử hành thánh lễ cho dân chúng tại Công Trường Les Invalides.

Vào buổi chiều thứ bảy, 13 tháng 9, lúc 16.30 phút, ĐTC sẽ đáp máy bay đi Lộ Đức, cao điểm của chuyến viếng thăm để kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ Hiện Ra cho Bernadette.

ĐTC sẽ lưu lại tại Lộ Đức từ chiều thứ bảy cho đến sáng thứ hai 15 tháng 9, và sẽ có những sinh hoạt quan trọng, như tham dự cuộc rước kiệu vào tối thứ bảy, cử hành Thánh Lễ cùng với các Giám Mục Pháp đồng tế, để mừng Kỷ Niệm 150 năm Đức Mẹ Hiện Ra cho Bernadette vào sáng Chúa Nhật 14 tháng 9, và gặp các giám giám mục Pháp vào lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật.

Sáng thứ hai, 15 tháng 9, ĐTC cử hành Thánh Lễ đặc biệt dành cho các bệnh nhân lúc 8.45 phút sáng, và lúc 12.30 phút trưa, ĐTC đáp máy bay trở về Roma.

Tưởng nên nhắc lại nơi đây rằng hôm thứ tư 18 tháng 6 vừa qua, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, đã mở cuộc họp báo giải thích trước về ý nghĩa của chuyến viếng thăm này của ĐTC. ĐHY đã cho biết chủ đề chung của chuyến viếng thăm là “Hồng Ân Sự Sống”, và mục tiêu của chuyến viếng thăm, nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, là nhắm “đào sâu tương quan thuộc về Giáo Hội công giáo nơi người Pháp” vừa đồng thời “suy niệm về đặc tính phổ quát của Giáo Hội”
 
Bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 2008
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
13:59 05/07/2008
Đối với Thánh Phaolô, đi Rôma là diễn tả sứ vụ của ngài

Vatican, ngày 30 tháng 6, năm 2008 (Zenit.org). – Đây là bản dịch Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ Kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, là ngày Chúa Nhật, ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Đức Thương Phụ Giáo Chủ Barthôlômêô I cũng hiện diện trong buổi lễ.

Thưa Đức Thượng Phụ và các Đại Biểu thân hữu,

Quý Đức Hồng Y,

Quý hiền huynh giám mục và linh mục,

Anh chi em thân mến

Ngay từ thời sơ khai, Hội Thánh tại Rôma đã mửng đại lễ hai Tông Đồ Cả Phêrô và Phaolô như một lễ trong cùng một ngày, ngày 29 tháng 6. Các ngài trở thành anh em qua cuộc tử đạo của các ngài; hai vị đã cùng nhau là những người sáng lập Kitô giáo mới ở Rôma. Người ta đã hát như thế để kính hai vị trong bài thánh thi của kinh chiều thứ nhì, ngay từ thời Paulinô Aquileia (+806): “O Roma felix – Ôi hạnh phúc thay Rôma, được trang hoàng bằng màu đỏ thẫm của máu châu báu của những hoàng tử vĩ đại như thế, ngươi vượt trên mọi vẻ đẹp của thế gian, không phải vì công trạng riêng của ngươi, nhưng nhờ cộng trạng của các thánh mà ngươi đã giết bằng lưỡi gươm đẫm máu”. Máu các vị tử vì đạo không đòi báo thù, nhưng hòa giải. Máu ấy không phải là một lời tố cáo mà là một “ngọn đèn bằng vàng” theo lời của thánh thi trong kinh chiều thứ nhất. Nó tỏ mình ra như quyền năng của tình yêu, là tình yêu thắng vượt hận thù và bạo lực, bằng cách ấy thiết lập một thành phố mới, một cộng đồng mới.

Nhờ cuộc tử đạo của các ngài, hai Thánh Phêrô và Phaolô, bây giờ là phần tử của Rôma. Qua tử đạo, ngay cả Thánh Phêrô cũng trở thành công dân Rôma đến muôn đời. Nhờ cuộc tử đạo và tình yêu của các ngài, hai vị tông đồ chỉ cho chúng ta thấy hy vọng hệ tại đâu, và là hai đấng sáng lập một loại thành phố mới, là loại thành phố phải tiếp tục được tái tạo trên thành phố cũ của loài người, là thành phố tiếp tục bị đe dọa bởi những quyền lực của tội lỗi và tính ích kỷ của con người.

Vì cuộc tử đạo của các ngài mà Thánh Phêrô và Phaolô có quan hệ hỗ tương mãi mãi. Một hình ảnh được nhiều người ưa thích trong nghệ thuật ảnh thánh của Kitô giáo là hính hai vị tông đồ ôm nhau trên đường tuẫn giáo. Chúng ta có thể nói rằng, chính cuộc tử đạo của hai vị, trong thực chất sâu thẳm nhất của nó, là sự thể hiện cái ôm huynh đệ. Hai vị đã chết cho cùng một Đức Kitô và trong những chứng từ mà các ngài đã làm trong cuộc đời, các ngài là một. Trong các bản văn Tân Ước, chúng ta cũng có thể nói thế, theo sau sự phát triển của cái ôm của các ngài, là sự hợp nhất trong việc làm chứng và trong sứ vụ.

Mọi sự bắt đầu khi Thánh Phaolô, ba năm sau khi trở lại, đã đi Giêrusalem để “hỏi ý kiến Kêpha” (Gal 1:18). Mười bốn năm sau, ngài lại lên Giêrusalem để giải thích Tin Mừng mà ngài rao giảng “cho những người đáng kính nhất để ngài không gặp nguy cơ ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích” (Ga 2:1 tt). Sau buổi gặp gỡ này, Thánh Giacôbê, Kêpha và Gioan đã đưa tay phải cho ngài, như thế xác nhận sự hiệp thông đã hợp nhất các ngài lại trong một Tin Mừng duy nhất của Đức Chúa Giêsu Kitô (Gal 2:9). Một dấu chỉ tuyệt mỹ cho cái ôm nội tâm càng ngày càng lớn mạnh này, được phát triển bất kể sự khác biệt về tính tình và công tác. Tôi tìm thấy trong thực tế những cộng sự viên được nhắc đến trong cuối thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, Silvanô và Marcô, cũng là những người cộng taá gần gũi của Thánh Phaolô. Việc có cùng những cộng tác viên này làm cho sự hiệp thông của một Hội Thánh duy nhất, cái ôm của các vị tông đồ cả, trở nên hữu hình một cách rất cụ thể.

Thánh Phêrô và Phaolô đã gặp nhau ít ra là hai lần ở Giêrusalem; và cuối cùng, những chặng đường của các ngài đưa các ngài đến Rôma. Tại sao? Có phải có lẽ đây còn hơn việc chỉ là sự tình cờ không? Có lẽ có một sứ điệp nào trường cửu ở trong đó không? Thánh Phaolô đã đến Rôma như một tù nhân, đồng thời cũng như một công dân Rôma, là người sau khi bị bắt ở Giêrusalem, vì là một công dân Rôma nên đã khiếu nại lên hoàng đế, và đã được dẫn về toà án của hoàng đế. Nhưng theo một nghĩa sâu xa hơn, Thánh Phaolô tự nguyện đi Rôma. Bằng một lá thư quan trọng nhất của ngài, ngài đã lại gần thành phố này trong lòng: Ngài đã trình bày với Hội Thánh ở Rôma bằng văn tự, dài hơn là tất cả các nơi khác, trong đó tổng hợp toàn thể lời rao giảng đức tin của ngài. Ở lời chào hỏi đầu thư, ngài đã nói rằng cả thế giới đã nói về đức tin của các Kitô hữu ở Rôma và rằng vì thế đức tin này được khắp nơi công nhận là xuất xắc (Rom 1:8). Rồi ngài viết: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em không biết rằng tôi thường dự tính đến cùng anh em, nhưng đến bây giờ tôi vẫn bị trở ngại” (11:13). Ở cuối thư, ngài đã trở lại đề tài này, bấy giờ ngài nói đền dự tính đi Tây Ban Nha. “Tôi hy vọng khi đi Tây Ban Nha, tôi sẽ tiện đường ghé thăm anh em, và được anh em tiễn chân, sau khi tôi đã thoả mãn phần nào vì được ở cùng anh em” (15:24). “Và tôi biết rằng, khi đến thăm anh em, tôi sẽ đến với phúc lành trọn vẹn của Ðức Kitô” (15:29). Có hai điều rõ ràng ở đây: Đối với Thánh Phaolô Rôma là một chặng trên đường đi Tây Ban Nha, theo quan niệm của ngài về thế giới, đến đó là đến tận cùng trái đất. Ngài coi sứ vụ của mình là chu toàn công tác mà ngài đã nhận được từ Đức Kitô, là đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Rôma nằm trên con đường này. Trong khi Thánh Phaolô thường đi đến những nơi mà Tin Mừng chưa được rao giảng, Rôma là một luật trừ. Ở đó ngài đã tìm thấy một Hội Thánh mà đức tin của Hội Thánh này được cả thế giới nói đến. Đi Rôma là một phần của sứ vụ truyền giáo phổ quát của ngài như một người được sai đến với muôn dân. Con đường đi đến Rôma, là con đường mà ngài đã hành trình bên trong bằng bức thư của ngài trước khi hành trình bên ngoài, là một phần của công tác đem Tin Mừng đến với muôn dân của ngài, là công tác thiết lập Hội Thánh, công giáo và phổ quát. Đối với ngài đi Rôma là diễn tả tính phổ quát của sứ vụ của ngài. Rôma phải làm cho cà thế giới thấy đức tin của mình, phải là nơi gặp gỡ của đức tin duy nhất này.

Nhưng tại sao Thánh Phêrô lại đi Rôma? Tân Ước không nói gì trực tiếp về điều này. Nhưng cho chúng ta một vài dấu chỉ. Tin Mừng Thánh Marcô, có thể được coi là phản ảnh việc rao giảng của Thánh Phêrô, được quy hướng một cách mật thiết vào giây phút khi mà viên bách đội trưởng Rôma trước cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, nói rằng, “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (15:39). Mầu nhiệm của Chúa Giêsu được tỏ ra bên Thánh Giá. Dưới chân Thánh Giá Hội Thánh của dân ngoại được khai sinh: viên bách đội trưởng của nhóm lý hình Rôma nhận ra Con Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Sách Tông Đồ Công Vụ diễn tả tình tiết của ông Cornêliô, viên bách đội trưởng của đạo quân Ý, như bước quyết định để Tin Mừng đi vào thế giới lương dân. Theo lệnh Thiên Chúa, ông đã sai người đến cùng Thánh Phêrô,và Thánh Phêrô cũng theo lệnh Thiên Chúa, vào nhà viên bách đội trưởng và rao giảng. Khi ngài còn đang nói thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên cộng đồng tại gia tụ họp tại đó và Thánh Phêrô nói: “Ai có thể cấm rửa tội bằng nước cho những người này, là những người đã nhận được Chúa Thánh Thần như chúng ta không?” (Tđcv 10:47).

Cho nên, trong Công Đồng của các Tông Đồ, Thánh Phêrô đã trở nên người bầu cử cho Hội Thánh của lương dân là những người không cần Lề Luật bởi vì Thiên Chúa đã “thanh tẩy tâm hồn họ bằng đức tin” (Tđcv 15:9). Rõ ràng là trong Thư gửi tín hữu Galatê, Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa ban cho Thánh Phêrô sức mạnh để làm việc mục vụ tông đồ giữa những người được cắt bì, còn chính Thánh Phaolô, thì lo mục vụ giữa dân ngoại (Gal 2:8). Nhưng công tác này chỉ có hiệu lực bao lâu Thánh Phêrô còn ở với nhóm 12 tại Giêrusalem trong niềm hy vọng rằng tất cả dân Israel sẽ theo Đức Kitô. Đương đầu với những phát triển sau đó, nhóm 12 đã nhận ra thời điểm các ngài cũng phải ra đi vào thế gian để rao giảng Tin Mừng cho nó. Thánh Phêrô, là người đầu tiên đã theo lệnh Thiên Chúa mở cửa cho dân ngoại, giờ đây để cho Thánh Giacôbê Hậu lãnh đạo Hội Thánh của Kitô hữu gốc Do Thái, ngõ hầu ngài có thể dấn thân vào sứ vụ thật sự của ngài: là mục vụ duy trì sự hợp nhất của Hội Thánh Duy Nhất của Thiên Chúa gồm cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Ước muốn đi Rôma của Thánh Phaolô nhấn mạnh trên hết, như chúng ta đã thấy, từ “catholica” [“công giáo”] giữa những đặc tính của Hội Thánh.

Cuộc hành trình đi Rôma của Thánh Phêrô, như người đại diện dân chúng thế giới, trên hết là liên quan đến từ “una” [“duy nhất]”: ngài có công tác tạo nên sự “hợp nhất” của “công giáo” của Hội Thánh gồm có người Do Thái và dân ngoại, Hội Thánh của mọi người. Và đây là sứ vụ thường trực của Thánh Phêrô: đảm bảo rằng Hội Thánh không bao giờ được tự đồng hóa với một dân tộc, một nền văn hóa hay một quốc gia nào cả. Rằng nó luôn luôn phải là Hội Thánh của tất cả mọi người. Rằng nó liên kết nhân loại vượt ra ngoài mọi biên cương, và làm cho bình an của Thiên Chúa, là quyền năng hòa giải của tình yêu Ngài, được hiện diện giữa sự chia rẽ của thế giới này. Vì chúng ta có cùng kỹ một thuật khắp nơi, vì hệ thống thông tin toàn cầu, và cũng vì sự liên quan giữa những lợi ích chung, có một kiểu hợp nhất mới trên thế giới, tạo ra nhiều chống đối mới và cung cấp cho những chống đối cũ một động lực mới. Giữa những sự hợp nhất bề ngoài, dựa vào những điều vật chất, chúng ta lại càng cần phải có sự hợp nhất bên trong là sự hợp nhất đến từ bình an của Thiên Chúa, sự hợp nhất của tất cả mọi người đã trở thành anh chị em nhờ Đức Kitô. Đó là sứ vụ thường trực của Thánh Phêrô cũng như là công tác đặc biệt được trao phó cho Hội Thánh Rôma.

Anh em trong hàng Giám Mục thân mến! Giờ đây tôi muốn bày tỏ với những người trong anh em đến Rôma để nhận pallium là biểu tượng của thứ bậc và trách nhiệm của anh em như Tổng Giám Mục trong Hội Thánh của Đức Chúa Giêsu Kitô. Pallium được đan bằng lông của những con chiên mà Giám Mục Rôma đã chúc lành mỗi năm vào Lễ Kính Toà Thánh Phêrô, như vậy chúng được để riêng, nói như thế, để trở thành biểu tưởng cho đàn chiên của Đức Kitô mà các anh em chủ trì.

Khi chúng ta đeo pallium trên vai của mình, cử chỉ này nhắc nhở chúng ta về Vị Mục Tử là Đấng đặt con chiên lạc trên vai mình, con chiên lạc không thể tự mỉnh tìm thấy đường về nhà, và đem nó về ràn chiên. Các Giáo Phụ của Hội Thánh đã thấy ở con chiên này hình ảnh của tất cả nhân loại, của toàn bộ bản tính loài người, đang đi lạc và không tìm thấy đường về. Vị Mục Tử đem con chiên về nhà chỉ có thể là Ngôi Lời, Lời Vĩnh Cửu của Chính Thiên Chúa. Trong việc Nhập Thể, Người đã đặt tất cả chúng ta, con chiên là nhân loại, trên vai Người. Người, Lời Vĩnh Cửu, Vị Mục Tử chân chính của nhân loại, đang mang chúng ta trên vai; trong bản tính nhân loại của Người, người mang mỗi người chúng ta trên đôi vai của Người. Trên đường Thập Giá, Người vác chúng ta về nhà, Người đưa chúng ta về nhà. Nhưng Người cũng muốn có những người cùng “vác” với Người. Là một mục tử trong Hội Thánh của Đức Kitô có nghĩa là chia sẻ công tác này, đó là điều mà pallium nhắc nhở. Khi chúng ta đeo nó, Người hỏi chúng ta: “Con cũng sẽ cùng Thầy vác những kẻ thuộc về Thầy? Con sẽ mang chúng đến với Thầy, đến với Đức Chúa Giêsu Kitô?” Điều kế tiếp chúng ta nghĩ đến là mệnh lệnh mà Thánh Phêrô đã nhận được tứ Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng nối liền cách bất khả phân ly lệnh “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” với câu hỏi “Con có yêu Thầy không? Con có yêu Thầy hơn tất cả những người khác không?” Mỗi lần chúng ta đeo pallium mục tử của đàn chiên Đức Kitô, chúng ta phải nghe câu hỏi này, “Con có yêu Thầy không?” và chúng ta phải tự hỏi về tình yêu “hơn” mà Người ước mong từ các mục tử.

Như thế pallium trở thành biểu tượng tình yêu của chúng ta đối với Vị Mục Tử Kitô và việc chúng ta cùng yêu thương với Người, nó trở thành biểu tượng của lời mời gọi yêu thương con người như Người yêu thương, cùng với Người: những ai đang tìm kiếm, những ai đang thắc mắc, những người tự tin và khiêm nhường, những người đơn thành và cao sang; nó trở thành biểu tượng cho lời mời gọi yêu thương tất cả mọi người trong họ bằng sức mạnh của Đức Kitô và trong cái nhìn của Người, ngõ hầu họ có thể tìm thấy Người, và trong Người, họ tìm thấy chính mình. Nhưng cái pallium mà anh em sẽ nhận được “từ” mộ Thánh Phêrô còn có một ý nghĩa khác, liên quan và không thể tách rời khỏi ý nghĩa trước. Để hiểu điều này, cần sự giúp đỡ của một lời từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô. Trong lời khuyên các linh mục nuôi dưỡng đàn chiên cách đúng đắn, Thánh Phêrô tự nhận là “synpresbyterios”, (“đồng linh mục”) (5:1). Công thức này chứa đựng cách tàng ẩn việc xác nhận nguyên tắc kế vị tông đồ: những mục tử sau ngài là những mục tử giống ngài; cùng với ngài, họ thuộc về mục vụ chung của các mục tử của Hội Thánh của Đức Chúa Giêsu Kitô, một mục vụ tiếp tục trong họ. Nhưng chữ “co-“ (trong đồng-linh mục) còn có hai nghĩa khác. Nó cũng diễn tả thực tại mà chúng ta ám chỉ hôm nay bằng điều mà chúng ta gọi là “tập thể tính” của các giám mục. Tất cả chúng ta đều là “đồng linh mục”. Không ai tự mình là một mục tử. Việc chúng ta tiếp nối các tông đồ chỉ có được nhờ ở trong sự hiệp thông với tập thể mà trong đó tập thể của các tông đồ tìm thấy sự tiếp nối. Sự hiệp thông, cái “chúng tôi” của các mục tử là một phần của việc làm mục tử, bởi vì chỉ có một đàn chiên duy nhất, là Hội Thánh Duy Nhất của Đức Chúa Giêsu Kitô. Sau cùng, chữ “co-“ này cũng ám chỉ sự hiệp thông giữa Thánh Phêrô và những người kế vị ngài như là một đảm bảo cho hiệp nhất. Như vậy, pallium nói với chúng ta về tính công giáo của Hội Thánh, về sự hiệp thông phổ quát của mục tử và đàn chiên. Nó nhắc cho chúng ta về tông truyền: để hiệp thông với đức tin của các tông đồ mà trên đó Chúa thiếp lập Hội Thánh. Nó nói cho chúng ta về “Hội Thánh” là Hội Thánh “duy nhất”, “công giáo”, “tông truyền,” và đương nhiên là nối kết chúng ta với Đức Kitô, nó nói cho chúng ta sự thực rằng Hội Thánh là “Thánh,” và công việc của chúng ta là phục vụ sự thánh thiện này.

Cuối cùng, điều này đưa tôi trở lại với Thánh Phaolô và sứ vụ truyền giáo của ngài. Ở chương 15 của Thư gửi tín hữu Rôma, trong một đoạn tuyệt mỹ, ngài đã diễn tả bản chất sứ vụ của ngài, cũng như lý do sâu xa nhất cho việc ngài ao ước đi Rôma. Ngài biết rằng ngài đã “được mời gọi để trở thành một ‘leitourgos’ [chủ tế] của Đức Kitô cho Dân Ngoại, phục vụ Tin Mừng của Thiên Chúa như một tư tế, để của lễ của các Dân Ngoại được thánh hoá bởi Chúa Thánh Thần trở nên đẹp lòng Thiên Chúa” (15:16). Chỉ trong câu này Thánh Phaolô dùng từ “hierourgein”, phục vụ như một tư tế, cùng với chữ “leitourgos” [chủ tế]: ngài nói về Phụng Vụ vũ trụ, trong đó thế chính giới của loài người phải trở thành sự tôn thờ Thiên Chúa, khi trong thực thể của nó, nó phải trở thành sự tôn thờ, khi ấy nó sẽ đạt được cùng đích của nó, nó sẽ được chữa lành và cứu độ. Và đó là mục đích tối hậu của sứ vụ tông đồ của Thánh Phaolô và của chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta đến cùng một mầu nhiệm như thế. Chúng ta hãy cầu nguyện trong giờ này để Người giúp chúng ta thực thi sứ vụ này đúng cách và trở thành những leitourgos thật sự của Đức Kitô. Amen.
 
ĐTC ban ơn toàn xá cho những ai tham dự các sinh hoạt Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney
Linh Tiến Khải
19:06 05/07/2008
VATICAN - Sáng thứ bảy 5-7-2008 Đức Hồng Y James Francis Stafford Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh cho biết Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban ơn toàn xá cho các tín hữu tham dự một trong các lễ nghi hay nghi thức đạo đức và thánh lễ kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ diễn ra tại Sydney trong các ngày từ 15 đến 20 tháng 7 này.

Đức Thánh Cha cũng ban ơn tiểu xá cho tất cả những ai ở bất cứ đâu trên thế giới, với tâm lòng thống hối, dâng lời cầu xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các bạn trẻ sống tình bác ái, và ban cho họ sức mạnh loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống của họ.

Tín hữu được hưởng ơn toàn xá với các điều kiện thông thường là chân thành thống hối, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Để cho các tín hữu dễ dàng lãnh nhận được các ơn Chúa ban trong dịp này, sắc lệnh cũng mời gọi các linh mục được chỉ định giải tội trong dịp này quảng đại tiếp đón tín hữu đến lãnh bí tích Hòa Giải và đề nghị với họ các lời nguyện chung cầu cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được nhiều kết qủa.

Đức Hồng Y Stafford đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến ngày 21-6-2008 và truyền ban sắc lệnh này. Sắc lệnh đã được Đức Hồng Y ký ngày 28 tháng 6 vọng lễ hai thánh Phêrô Phaolô Tông Đồ.

... Liên quan tới NGày Quốc Tế Giới Trẻ, Đức TGiám Mục Josef Clemens, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về giáo dân cầu mong người trẻ thế giới sống kinh nghiệm sâu đậm chia sẻ lòng tin, trao đổi văn hóa và tình huynh đệ đại đồng trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney từ ngày 15 đến 20 tháng 7 này.

Trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng hôm mùng 4 tháng 7 vừa qua, Đức Cha Clemens cho biết bầu khí chờ đợi tại Sydney rất là hứng khởi. Thành phố Sydney sẽ tràn ngập cờ và huy hiệu của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Các đề tài truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, làm chứng tá cho Chúa Kitô là các đề tài quan trọng có thể cống hiến cho người trẻ nhiều kinh nghiệm hay và quan trọng. Theo Đức Cha Giáo Hội Công Giáo đã đầu tư rất nhiều cho giới trẻ. Các chính quyền chính trị dân sự trên thế giới nói nhiều, nhưng hầu như không làm gì để trợ giúp người trẻ. Giáo Hội biết các vấn đễ và khó khăn của người trẻ, và Giáo Hội hoạt động trên bình diện giáo dục, luân lý đạo đức để giúp họ chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.

Đức Cha Clemnens cũng cho biết 200 ngàn bạn trẻ đến từ gần 200 nước trên thế giới. Sydney sẽ là một thế giới thu hẹp với các phái đoàn đại diện cho các dân nước. Với các buổi học giáo lý và đối thoại trực tiếp với các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cùng tham dự các lễ nghi phụng vụ, các buổi cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm lòng tin và giao lưu văn hóa, kinh nghiệm sống đại đồng này sẽ ghi đậm dấu trong ký ức và cuộc sống người trẻ, biến họ thành muối men giữa đời và là các chứng nhân của Chúa Kitô.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Việt Nam tăng Mỹ giảm
Vũ Văn An
23:51 05/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Việt Nam tăng, Mỹ giảm

Một con số kỷ lục các khách hành hương Việt Nam sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm nay nhưng con số khách hành hương Mỹ lại giảm. Trong khi ấy, 50 khách hành hương của Angola hiện đang bị kẹt ở Sydney thay vì phải có mặt tại Adelaide vì những người tổ chức chuyến đi cho họ lầm tưởng Adelaide chỉ cách Sydney một giờ xe buýt.

Tờ The Sydney Morning Herald cho hay một vị giám mục Angola và 50 khách hành hương của nước này đang bị kẹt ở Sydney sau khi cho rằng nơi họ phải đến trước nhất, tức Adelaide, chỉ cách đây có một giờ xe

Theo chương trình, Đức cha Almeida Kanda, 5 linh mục và các khách hành hương Angola phải tới Adeliade trước để tham dự Các Ngày Ở Giáo Phận, là những ngày diễn ra trước biến cố chính tại Sydney. Mỗi người trong đoàn đã phải đóng 3,800 dollars để bay tới Sydney, tin rằng cuộc hành trình tiếp theo đó tới Adelaide chỉ là chuyện nhỏ.

Đức cha Greg O’Kelly, giám mục phó của Adelaide cho hay: “Người ta cho nhóm này hay Adelaide không cách xa Sydney là bao, nhưng tôi nghĩ đôi khi khó mà hiểu được khoảng xa ở Úc. Hình như họ nghĩ chỉ cách nhau một hai giờ". Nào ngờ, sau đó, nhóm mới ngớ ra là hai thành phố này cách nhau 1,500 cây số, phải mất 20 giờ chạy xe buýt. Nên ban tổ chức WYD của giáo phận Adeliade và giáo xứ Croydon Park, vốn là giáo xứ bảo trợ nhóm này, đang cố gắng quyên góp số tiền 20,000 dollars để đưa nhóm này tới Adelaide.

Con số kỷ lục khách hành hương Việt Nam

Đức cha Joseph Vũ Văn Thiên, Chủ tịch Ủy ban Giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cho hãng UCA News vào ngày 29 tháng Sáu hay: 3 giám mục, 70 linh mục, 50 tu sĩ nam nữ và 244 giáo dân thuộc 26 giáo phận của Việt Nam đã đăng ký với ủy ban.

Đức cha cho biết: "Con số 364 đại biểu chính thức là con số kỷ lục đối với các phái đoàn Việt Nam, vì chỉ chừng mấy chục đại biểu đã tham dự các cử hành của WYD trước đây”

Đức cha Thiên còn cho hay nhiều người khác vốn không đăng ký với ủy ban cũng sẽ bay qua Sydney tham dự WYD. Họ sẽ nhập cảnh Úc trong tư cách du khách, hay đi thăm thân nhân. Ngài ước tính tổng cộng sẽ có 600 người Việt Nam tham dự biến cố này.

Vị giám mục này cũng nhận định rằng nhiều người tham dự WYD vì giá vé máy bay thấp, người ta khá giả hơn về phương diện kinh tế, và cũng dễ cho người địa phương có được thông hành và chiếu khán.

Ngài còn nói thêm các người Úc gốc Việt sẽ bảo trợ các căn lều miễn phí chung quanh thành phố, thực phẩm và chi phí chuyên chở tới lui các biến cố WYD.

Ông Pierre Nguyễn Công Lịch, một giáo dân thuộc giáo phận Vinh cho hãng UCA News hay 3 linh mục và 7 giáo dân tuổi từ 20 tới 55 thuộc giáo phận miền Bắc này sẽ bay tới Melbourne vào ngày 2 tháng Bẩy.

Ông Lịch, 47 tuổi, người từng cung cấp miễn phí nơi ở và huấn luyện vi tính cho các người khuyết tật tại nhà trong nhiều năm qua, cho hay: “Phần lớn chúng tôi sẽ đi ngoại quốc và tham dự cuộc tụ họp quốc tế lần đầu tiên, nên chúng tôi sẽ ráng học hỏi được điều gì đó hữu ích từ cuộc cử hành và thực hành đức tin của người trẻ từ các quốc gia khác".

Người đàn ông có hai trong ba đứa con bị khuyết tật này nói rằng ông ta sẽ ghi nhớ các biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới để chia sẻ với các thanh thiếu niên sở tại.

Mỹ giảm

Tuy nhiên, tờ Herald cho hay nguồn tin Mỹ xác nhận họ sẽ chỉ gửi 15,000 khách hành hương tới WYD tại Sydney mà thôi. Đây là con số thấp nhất được giáo hội này gửi tới WYD trong mười năm nay. Con số ước lượng trong tháng Ba là 21,000 người.

Phí tổn du lịch lên cao, nền kinh tế xuống dốc, đồng dollars Úc lên giá và cuộc viếng thăm Mỹ còn nóng hổi của Đức Bênêđíctô XVI được viện dẫn như là lý do tạo nên sự giảm xút này.

Giáo hội Mỹ vào ngày hôm qua thông báo rằng con số trên thuộc 1,140 nhóm, đến từ nhiều giáo phận và giáo xứ cũng như hội dòng và trường học khác nhau. Ngoài ra còn có hơn 500 cá nhân khác đi riêng nữa. Tổng cộng lại, phái đoàn Mỹ vẫn là phái đoàn quốc gia đông nhất tới Sydney. Cùng đi với các khách hành hương, có 50 vị giám mục, trong đó có Đức HỒng Y Francis George, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mỹ.

Các cử hành cấp quốc gia tại WYD

Ban tổ chức WYD cho hay nhiều cử hành cấp quốc gia sẽ diễn ra trong các ngày WYD. Con số có thể lên tới 30, khắp các nơi tại Sydney

Khoảng 3,000 khách hành hương Pháp sẽ cử hành Ngày Bastille, 14 tháng Bẩy, tại Sydney Convention and Exhibition Centre. Trong khi đó, 10,000 thân hữu Phanxicô sẽ gặp nhau tại Bondi Beach và 8,000 bạn trẻ Á Châu sẽ hội ngộ tại Olympic Park.

Cha Mark Podesta, phát ngôn viên của WYD08, cho hay: "Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một cơ hội cho các khách hành hương tổ chức những buổi cử hành lớn với những người cùng thuộc một dòng tu hay một ngôn ngữ mà nếu không có nó cũng khó cho họ có dịp gặp nhau và chia sẻ đức tin cho nhau. Lấy thí dụ Phong Trào Tân Dự Tòng, hay nhóm bạn trẻ Pháp chẳng hạn, họ có thể cử hành bằng ngôn ngữ của họ, mời các diễn giả Pháp nói chuyện với các cử tọa gồm người đến từ Pháp, từ Phi Châu và Thái Bình Dương, cũng như chính người Úc nói tiếng Pháp. Các bạn trẻ Ý cũng có thể làm như vậy. Khoảng 140,000 khách hành hương sẽ tham dự một trong các cuộc tụ họp có tính quốc gia hay cộng đồng như thế”.

Hãng thông tấn AFP thì cho hay hôm thứ Tư vừa qua, một trường học Hồi Giáo Úc cho hay họ sẽ dành trường làm địa điểm cư ngụ cho hàng trăm khách hành hương Công Giáo tới Sydney vào tháng này khi đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đến đây chủ toạ WYD.

Trường Hồi Giáo Malek Fahd, tọa lạc tại một khu ngoại ô tây nam Sydney là Greenacre, sẽ chứa khoảng 350 khách hành hương từ ngày 14 tháng Bẩy cho đến ngày Đức Giáo Hoàng kết thúc chuyến viếng thăm của Ngài bằng một thánh lễ lôi cuốn đến 500,000 người vào ngày 20 tháng Bẩy. Enas Darwich, phối trí viên về phúc lợi và kỷ luật của nhà trường cho hay: "Chúng tôi vốn thường xuyên can dự váo cuộc đối thoại liên tôn với các trường khác và chúng tôi nghĩ đây thực sự là nghĩa vụ của chúng tôi. Nên không do dự chi hết khi làm việc này”.

CathNews, 4 tháng Bẩy 2008
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân về tình hình giáo phận Lạng Sơn
Nguyễn Việt Nam
12:17 05/07/2008
Trong khuôn khổ ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, vị Giám Mục trẻ nhất đang cai quản một giáo phận đầy thử thách bậc nhất của Giáo Hội Việt Nam đã đến Úc tối thứ Năm rạng ngày thứ Sáu 4/7/2008.

Tối thứ Bẩy, Đức Cha đã dâng thánh lễ tại giáo xứ Chúa Chiên Lành tại tổng giáo phận Perth cùng với các linh mục thuộc tổng giáo phận Perth và các linh mục trong đoàn hành hương từ Việt Nam sang.

Đức Cha đã dành cho VietCatholic buổi phỏng vấn sau thánh lễ. Đức Cha đã nêu lên những tâm tình của ngài khi về nhận một giáo phận đầy những thử thách, một giáo phận nghèo nàn và đầy khó khăn về mọi phương diện.

Theo Đức Cha Ngân, giáo phận Lạng Sơn, một giáo phận trải dài hơn 500 km nhưng lại có một con số giáo dân khiêm tốn nhất nước với khoảng 6200 giáo dân do 8 linh mục coi sóc, trong đó có một linh mục đang theo học tại Phi Luật Tân, với sự giúp đỡ của 24 nữ tu.

Giáo phận Lạng Sơn với những khó khăn tiêu biểu của một vùng đất giáp biên giới phía Bắc nơi nhiều nhà thờ bị tàn phá trong chiến tranh và nhiều cách sống đạo chưa đúng như lòng mong muốn của Giáo Hội, vẫn giữ được một đức tin sắt son dù trải qua biết bao thử thách. Theo Đức Cha Ngân, đó là dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Ngài và quyền năng tác động của Thánh Thần.

Chúng ta hãy để lòng lắng đọng để nghe những lời tâm tình của một vị mục tử cai quản một giáo phận đầy thách đố trên quê hương Việt Nam. Những lời chia sẻ chân thành của ngài là một lời mời gọi chúng ta suy tư về sự hiệp nhất trong Giáo Hội, về lệnh truyền của Chúa Kitô ủy thác cho chúng ta trong sứ mạng truyền giáo.
 
Phỏng vấn các linh mục tu sĩ Sàigòn, Kontum, Lạng Sơn tham dự WYD 2008
Nguyễn Việt Nam
13:17 05/07/2008
Trong khuôn khổ ngày Quốc Tế Giới Trẻ, một số các linh mục, tu sĩ, và các bạn trẻ thuộc tổng giáo phận Sàigòn, giáo phận Lạng Sơn, giáo phận Kontum đã đến Perth trong chương trình ngày các giáo phận.

Tối thứ Bẩy, quý cha, quý tu sĩ và các bạn trẻ đã đến dâng thánh lễ Chúa Nhật 14 Mùa Thường Niên, tại nhà thờ Chúa Chiên Lành tại Lockridge, Perth cùng với Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám Mục Lạng Sơn, và đông đảo anh chị em giáo dân Úc Việt.

Trong bài phóng sự này, chúng tôi đã ghi lại những tâm tình của một số vị trong đoàn Việt Nam ngay sau thánh lễ.
 
200 bạn trẻ đã từ Việt Nam đã đến Úc tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Nguyễn Tiến Đức
15:11 05/07/2008
MELBOURNE - Sau 12g bay, chiếc Cathay Pacific mang nhãn hiệu CX 764 đã đưa đòan giới trẻ Việt Nam thuộc tổng giáo phận Sài gòn, từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Melbourne lúc 13g hôm nay ngày 04/07/08.

Mấy ngày hôm nay, có khỏang 200 bạn trẻ thuộc các đòan Việt Nam từ ba miền Bắc, Trung, Nam đã đến nước Úc để tham dự chương trình sinh họat của giới trẻ Công Giáo Việt Nam trong tuần lễ trước đại hội giới trẻ thế giới. Theo ước tính của ban tổ chức, sẽ có 700 bạn trẻViệt Nam và khách hành hương đến dừng chân tại Melbourne trước khi sang Sydney.

Bay dưới bầu trời trong xanh, đất nước Úc xinh đẹp đã trải dài dưới chân của đòan đến từ Việt Nam. Bước ra khỏi khu vực cách ly của sân bay Melbourne, đòan đã được chào đón bởi những bạn trẻ tình nguyện viênViệt Nam với hàng chữ: “WYD 2008 welcome nhóm 1964 Việt Nam”. Sau những giây phút tay bắt mặt mừng, đòan có xe đưa rước về trung tâm sinh họat là nhà xứ thánh Giuse Springvale, ở Victoria.

Bà con Việt kiều ở giáo xứ này và những vùng lân cận đã hồ hởi đến đón và đưa các bạn trẻ Việt Nam về nhà mình ăn ở trong những ngày diễn ra đại hội. Họ đã tạo ra một nhịp cầu chia sẻ nối liền những quả tim chung một dòng máu cũng như chung một đức tin.

Tất cả những bạn trẻ này đã họp nhau đông đủ tham dự thánh lễ tạ ơn bằng tiếng Việt Nam trên đất Úc vì sau một chuyến bay mất nửa ngày và những máy bay đã hạ cánh an tòan. Đòan linh mục Việt Nam với 30 cha đồng tế đông chưa từng có tại nhà thờ này. Cộng đòan gồm các bạn trẻ, các tu sĩ trẻ người Việt trong cũng như ngòai nước tham dự đông đủ trong thánh lễ.

Trong bài giảng lễ, cha Gioan Lê quang Việt, trưởng nhóm1964, nhóm chính thức đăng ký của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ: như hai người trẻ yêu nhau có thể dễ dàng nhận ra tín hiệu của nhau, Mathêu cũng nhận ra được tín hiệu của Đức Giêsu giữa nơi thu thuế ồn ào và đã từ bỏ nghề để bước đi theo Chúa. Các bạn trẻ Việt Nam phải chăng đã như Mathêu và đã tới có mặt ở nơi đây(?)

Nhằm nối kết những người trẻ Việt Nam đến từ ba miền trong nước cũng như người Việt ở nước ngòai, cha chủ tế kêu gọi mọi người chúc bình an bằng cách thân mật bắt tay nhau. Qúi cha và cộng đòan đã rời bỏ chỗ mình, đến bắt tay nhiều người khác. Các bạn trẻ cảm thấy trong cái bắt tay chúc bình an này thật ấm lòng giữa mùa đông lạnh buốt ở Melbourne!

Trong bài hát kết lễ- “Năm xưa trên cây sồi…”- cộng đòan đã dủ lòng thống hối nghe ba lời Mẹ nhắn nhủ: cải thiện đời sống, lần hạt mân côi, tôn sùng trái tim Mẹ. Hướng về đất mẹ, cộng đòan cũng tha thiết xin với Mẹ Maria cho đồng bào Việt Nam, cho quê hương nước Việt được “xinh tươi - đức tin sáng ngời”.
 
Thông Báo
Thư ngỏ của Nhóm Bông Hồng Xanh giúp học sinh nghèo
Bông Hồng Xanh
22:34 05/07/2008
THƯ NGỎ CHƯƠNG TRÌNH BÔNG HỒNG XANH
NĂM HỌC MỚI 2008 – 2009


Kính thưa Quí Ân nhân và độc giả VietCatholic

Năm học vừa qua, được sự trợ giúp của quí cha và quí vị, nhiều
em học sinh vùng sâu vùng xa đã có những thuận lợi trong việc học tập.
Năm học 2008 – 2009 này, các em học sinh Việt nam
sẽ được khai giảng năm học mới sớm hơn, vào đầu tháng 8 này.

Nhóm công tác xã hội Bông hồng Xanh kính mời quí cha
và quí vị chung tay trợ giúp học sinh nghèo
ở một số vùng mà nhóm Bông Hồng Xanh đã có mói liên hệ trong những năm qua như
vùng Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Xuyên Mộc (Bà Rịa ),
Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Mỹ Tho.
Đặc biệt năm nay, một hai nơi ở Cần Thơ và Sông Bé đang chờ đợi được giúp sức.
Cơn bão giá hiện nay đã làm cho cuộc sống vùng quê Việt Nam
vốn không thuận lợi lại càng khó khăn hơn.

Sự trợ giúp của quí cha và quí vị sẽ góp phần chống bỏ học của thanh thiếu niên,
một sự việc mà xã hội Việt Nam đang báo động.
Chúng con cũng sẽ báo cáo chi thu tài chánh sau khi công tác
để qúi Ân nhân và qúi độc giả được am tường về công tác phục vụ của Nhóm chúng con.

Xin nhận nơi đây lòng biết ơn của chúng con.

Kính thư
Nhóm CTXH Bông Hồng Xanh

Xin liên hệ:
Maria Vũ Loan, email: yeutrehepho@yahoo.com
Số 154/69 đường Phạm Văn Hai
Phường 3 quận Tân Bình, TP HCM VIỆT NAM
Phone: 0985 279910
 
Văn Hóa
Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sơ lược lịch sử Giáo Hội Úc (2)
Vũ Văn An
02:27 05/07/2008
Sơ lược lịch sử Giáo Hội Úc (tiếp theo)

11. Người Công Giáo và Đảng Lao Động

Đảng Lao Động tại Úc khởi sự trong thập niên 1890 từ phong trào nghiệp đoàn. Từ đầu thế kỷ 20, lúc Liên Bang trở thành một thực tế, đại đa số người Công giáo gia nhập Đảng Lao Động. Vì các nhóm Thệ Phản chống báng Công giáo mạnh mẽ thích gia nhập các đảng phái khác để ra tranh cử, nên nhiều người Công giáo tin rằng Đảng Lao Động là chính đảng duy nhất không thiên vị chống lại người Công giáo. Xuất thân từ phong trào nghiệp đoàn, Đảng Lao Động cũng ủng hộ những người thuộc giai cấp thấp về xã hội và kinh tế tại Úc và làm việc cho những con người tầm thường. Khởi đầu nó được miêu tả là Đảng Xã Hội, một thứ triết lý bị Giáo hội kết án. Tuy nhiên, năm 1905, trong một thư mục vụ gửi giáo dân, các Giám mục Úc tuyên bố rằng Đảng Lao Động chỉ duy xã hội trong vấn đề sửa sai những bất công và khốn cùng của giai cấp thợ thuyền nghèo khổ mà thôi.

12. Thất vọng với Đảng Lao Động

Đến năm 1910, lúc Đảng Lao Động thắng các cuộc bầu cử cấp Tiểu và Liên Bang, thì hiển nhiên là nhờ khối lượng đông đảo người Công giáo mà họ đạt được chiến thắng đó. Cùng năm ấy, nhà vô thần và xã hội chủ nghĩa Joseph McCabe đi du thuyết tại Úc và được Thủ Hiến Lao Động chiêu đãi tại Melbourne. Các người Công giáo từng làm việc và bỏ phiếu cho Lao Động hết sức tức giận. Rõ ràng là Đảng Lao Động lợi dụng lòng trung thành của người Công giáo, còn các niềm tin và lý tưởng Công giáo thì không được tôn trọng chút nào trong nội bộ Đảng này. Các dân biểu Công giáo không dám chống đối những mâu thuẫn công khai đối với đức tin Công giáo. Dư luận chung cho rằng người Công giáo không dám đầu phiếu cũng như suy nghĩ công khai với tư cách Công giáo. Đức tin của họ chỉ thuộc cuộc sống cá nhân mà thôi, người ta nghĩ vậy. Người Công giáo chỉ được chấp nhận về phương diện xã hội nếu họ không hành xử cách công khai như người Công giáo. Bất hạnh thay, phần lớn người Công giáo không công khai phản đối việc này, mà vẫn tiếp tục phí sức cho những tranh chấp giữa các hệ phái Kitô giáo mỗi ngày một trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn này.

13. Tiến sĩ Mannix và Liên Đoàn Công Giáo

Đức TGM D. Mannix
Người Công giáo trong Đảng Lao Động duy trì một phương thức ôn hòa, lui vào bóng tối, không muốn thách thức các hành động của Đảng dù chúng đi ngược với các xác tín tôn giáo của mình. Tuy nhiên, khá nhiều người Công giáo cảm thấy thất vọng chua cay vì sự ủng hộ Đảng Lao Động của mình đã không đạt được việc chính phủ chịu trợ cấp ngân khoản cho các trường Công giáo. Năm 1911, tại Victoria, Liên Đoàn Công Giáo đã được thành lập với sự ủng hộ của các Giám mục. Nó mau chóng phát triển qua các tiểu bang khác và chỉ trong hai năm đã có 100,000 đoàn viên. Mục đích của Liên Đoàn Công Giáo là đoàn kết người Công giáo Úc lại với nhau, để giúp nhau đứng lên tranh đấu cho các nguyên tắc và niềm tin của mình giữa lòng xã hội.

Năm 1913, Tiến sĩ Daniel Mannix, cựu giám đốc Học Viện Maynooth, Ái Nhĩ Lan, tới Melbourne làm Giám mục phó cho vị tổng Giám mục Thomas Carr tuổi đã cao. Ngài khá khác với Hồng y Moran. Trong khi Moran tìm hòa hoãn với đối phương trong các vấn đề đức tin, thì Tiến sĩ Mannix từ khước mọi thỏa hiệp với bất cứ ai tìm cách bịt miệng người Công giáo trong lãnh vực công. Ngài thúc giục người Công giáo đứng lên bảo vệ các nguyên tắc và tỏ ra cương nghị đối với các niềm tin của mình. Ngài là người cương nghị và nói thẳng, say mê tin tưởng vào nền giáo dục Công giáo, và vào quyền của người Công giáo phải được chính phủ tài trợ trong việc chọn trường cho con em mình. Ngài quan tâm sâu sắc đến công bằng xã hội và hoàn toàn ủng hộ Liên Đoàn Công Giáo trong cuộc đấu tranh dành công bằng giáo dục của họ. Trong vòng một năm từ khi tới Melbourne, ngài đã kéo công luận lưu tâm đến vấn đề trên đến nỗi một tờ báo đã mệnh danh ngài là “vị giáo chủ Công giáo hung hăng và gây hấn nhất tại Úc” (Trích trong O’Farrell,P. (1968) The Catholic Church in Australia: A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Ltd, tr.201)

.

Người Công giáo ở Melbourne rất yêu mến ngài, nhận ra nơi ngài một nhà lãnh đạo sẵn sàng đứng bên cạnh họ chống lại ‘địch thù’, tức chính phủ từng từ khước họ sự công bằng trong giáo dục. Hãy nghe một giáo dân nhận định về ngài:

“Đức Tổng Giám mục Mannix quả là một vị Hoàng Tử của Giáo Hội, ít nhất đối với chúng tôi. Ngài thường tham dự các nghi lễ tại giáo xứ chúng tôi, luôn luôn mặc phẩm phục trang trọng. Ngài mang áo mũ rực rỡ và chống gậy mục tử bằng vàng với vòng gậy quay ra ngoài để chỉ rằng mình là một Giám mục không từ một dòng tu mà là từ một giáo phận. Tôi từng là trẻ nữ tung hoa khi ngài theo kiệu Thánh Thể” (Arnold, J. (1985).Being a Catholic in the 1950s. Melbourne: Collins Dove, tr.79-80).

14. Thế Chiến I và vấn đề giáo dục

Khi Thế chiến I bùng nổ, người Công giáo cương quyết ủng hộ các cố gắng chiến tranh, mặc dù họ cảm thấy cái đất nước họ đang ủng hộ ấy đã khước từ họ sự công bình trong giáo dục. Với chiến tranh đang tiếp diễn, những người Úc khác không coi các đòi hỏi của người Công giáo đối với việc trợ giúp các trường của họ là quan trọng, nhưng tiến sĩ Mannix vẫn nhấn mạnh đến vấn đề này.

Đối với chúng ta, vấn đề hàng đầu và chủ yếu là liệu các trường Công giáo của chúng ta có còn duy trì được đặc tính Kitô giáo của chúng hay không, và liệu Úc, với năm tháng trôi qua, có mỗi ngày mỗi trở nên một lãnh thổ Kitô giáo hay càng ngày càng trở nên một mảnh đất ngoại đạo. (Dr Mannix. 1914. Trích trong O’Farrell,P. (1968). The Catholic Church in Australia: A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Aus. Ltd. Tr.210)

Dù đang chiến tranh, Mannix vẫn nhất định tranh đấu chống bất công giáo dục. Năm 1914, được sự ủng hộ của Liên Đoàn Công Giáo tại Victoria, ngài bắt đầu chiến dịch vận động người Công giáo không bỏ phiếu cho các chính trị gia chống Công giáo trong mọi cuộc tuyển cử, dù thuộc đảng Lao Động hay không. Mannix cảnh cáo đảng Lao Động rằng nếu họ không trợ giúp nền giáo dục Công giáo, người Công giáo sẽ rút lại sự ủng hộ của họ và sẽ thành lập chính đảng riêng để thăng tiến quyền lợi Công giáo. Năm 1915, Hiệp Hội Thợ Thuyền Công Giáo Victoria, một nhóm đảng viên đảng Lao Động, được thành lập với sự ủng hộ của các Giám mục để hành động bên trong đảng Lao Động dành công bằng giáo dục. Tiến sĩ Mannix hiểu ra rằng trừ khi một chính trị gia bị đe doạ mất phiếu, không tài nào có thể thuyết phục ông ta thay đổi ý kiến. Lá phiếu được coi là tối yếu. Như chính Tiến sĩ Mannix đã nói:

Lý luận với một chính trị gia trung bình, trừ phi đồng thời anh bỏ phiếu chống lại ông ta, thì chỉ là chuyện ném hoa giấy vụn vào một con tê giác mà thôi. (Dr Mannix. Trích lại trong O’Farrell, P. (1968). The Catholic Church in Australia. A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Aus. Ltd. Tr. 212).

Niềm hoài nghi và sợ sệt người Công giáo đối với lập trường cương nghị trên đã được tờ Daily Telegraph ở Sydney và các tờ báo khác nói lên:

Các công dân Công giáo của tiểu bang này đang mưu toan thiết lập ách thống trị bè phái lên toàn bộ cộng đồng và khuất phục trọn bộ nền chính trị dân sự dưới ách cai trị của giáo hội. (Daily Telegraph, 1914).

Tiến sĩ Mannix thấy rằng trong khi người Công giáo chiếm một phần tư dân số Úc, họ chỉ hưởng một phần mười sự thịnh vượng của cả nước. Ngài tin rằng họ phải lợi dụng nền giáo dục đại học mới mong có chỗ đứng trong mọi giai tầng xã hội. Nên ngài đã bảo trợ việc xây Học Viện Newman trong Đại Học Melbourne, một học viện trú sở cho các sinh viên Công giáo học tại đại học này, và cổ động nhiều cuộc tranh biện trí thức giữa các sinh viên Công giáo.

15. Tiến Sĩ Mannix và vấn đề động viên

Chiến tranh càng tiếp diễn, người Công giáo càng cảm thấy mình là người ngoại cuộc tại Úc. Sự mất tin tưởng giữa chính phủ và cộng đồng Công giáo cũng như giữa cộng đồng Công giáo và các giáo hội khác càng ngày càng gia tăng. Đến năm 1916, các mối liên hệ ấy căng thẳng đến nỗi người Công giáo bị tố cáo là không chia sẻ gánh nặng chiến tranh và tránh né không gia nhập quân ngũ.

Tháng Tư năm 1916, tại Ái Nhĩ Lan, có cuộc nổi loạn chống lại chính quyền Anh, và người Công giáo tại Úc tin rằng chính người Anh đã gây hấn khiến xẩy ra như vậy. Họ không thể ủng hộ cả người Ái Nhĩ Lan lẫn Đế quốc Anh. Người Công giáo Úc bèn quyên tiền gửi về Dublin tái thiết thành phố hoang tàn này. Điều ấy làm những người trung thành với Anh tức giận.

Vào thời gian này, chính phủ Úc muốn tổng động viên, buộc mọi thanh niên Úc phải gia nhập quân ngũ. Tiến sĩ Mannix cực lực phản đối việc này, đặt câu hỏi tại sao người Ái Nhĩ Lan tại Úc lại phải chiến đấu cho chính phủ Anh khi chính chính phủ này không đem lại tự do cho Ái Nhĩ Lan. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Úc cần thanh niên để xây dựng đất nước này thay vì chiến đấu cho Anh.

Lập trường của Tiến sĩ Mannix cũng được Tiến sĩ Maurice O’Reilly và nhiều nhà lãnh đạo Công giáo nổi tiếng khác phát biểu rõ ràng và mạnh mẽ tại Sydney. Mặc dù không phải người Công giáo nào cũng đồng ý với lập trường của Tiến sĩ Mannix, vấn đề động viên dường như đã biểu tượng cho sự đàn áp mà người Công giáo cảm nhận lâu nay trong xã hội Úc. Tiến sĩ Mannix chỉ nói lên điều nhiều người Công giáo cảm nhận trong lòng, đó là đàn áp và bất công. Ngài là phát ngôn viên của giáo dân Công giáo trong vấn đề này, vì đa số các Giám mục và linh mục Công giáo cũng chống đối động viên. Vấn đề ấy đã gây chia rẽ trong Đảng Lao Động và 24 đảng viên trong Quốc hội Liên Bang đã bỏ đảng Lao Động vì nó. 21 người trong số ấy là Thệ Phản và sự kiện này làm người Công giáo bên trong Đảng Lao Động trở nên càng quan trọng hơn nữa.

Nói rằng vấn đề động viên gây chia rẽ người Công giáo Úc thì không hẳn đúng, nhưng quả nó gây ra ngưng trệ. Một số người Công giáo giầu có và có địa vị bất đồng với quan điểm của Mannix, và với thái độ cương nghị của ngài, nên đã cố gắng để ngài im tiếng. Cuối cùng Mannix ra mặt trực tiếp kình chống thủ tướng William Hughes và điều này càng làm ngài trở nên anh hùng.

Cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về động viên bị đánh bại. Trước đó, người ta vốn coi động viên là trung thành với Đế Quốc, và việc nó bị đánh bại bởi một nhà lãnh đạo Công giáo chỉ là một suy đoán, không chính xác, nhưng đã làm nhiều giới trong xã hội Úc coi Tiến sĩ Mannix như một thế lực nguy hiểm và gây loạn.

Dưới đây, một sử gia Công giáo đã tóm lược vấn đề của thời ấy như sau:

Điều căn bản trở thành vấn đề vào thời điểm này… không hẳn là động viên mà là chỗ đứng của người Công giáo trong xã hội Úc. Vấn đề căn bản này đã, và luôn luôn, liên hệ chặt chẽ với vấn đề nhà nước nhìn nhận các yêu sách giáo dục của Công giáo. (O’Farrell, P. (1968). The Catholic Church in Australia: a Short History, 1878-1967.Sydney: Thomas Nelson Ltd. Tr. 229)

16. Nhiều cảm quan chống Công Giáo khác

Việc đánh bại cuộc trưng cầu động viên dẫn tới làn sóng chống Công giáo khắp Úc. Giáo hội Công giáo bị tố cáo không trung thành với Đế Quốc, và người ta đồn đại là Giáo hội ấy nhận tiền bạc và trợ giúp từ Đức Quốc. Vấn đề gây tức giận nhiều nhất cho Chính phủ Úc là Giáo hội Công giáo tiếp tục hỗ trợ người Ái Nhĩ Lan trong cuộc nổi loạn chống sự cai trị của Anh. Tháng Năm 1920, Tổng Giám mục Mannix lên đường qua thăm Rome và Ái Nhĩ Lan. Ngài được nồng nhiệt tiếp đón tại Mỹ, nhưng trước khi tới Ái Nhĩ Lan, tầu chở ngài bị các chiến hạm Anh chặn đường và ngài không được phép tới Ái Nhĩ Lan cũng như các thành phố Anh có đông dân Ái Nhĩ Lan. Trở lại Úc năm 1921, ngài là tâm điểm cuộc đấu tranh về việc mang cờ Union Jack trong cuộc diễn hành ngày Thánh Patrick. Năm kế tiếp, Hội Đồng Thành Phố Melbourne ra lệnh cấm không cho diễn hành nữa, nhưng lệnh cấm này bị coi là bất hợp pháp, nên cuộc diễn hành vẫn được tổ chức. Dù vấn đề Ái Nhĩ Lan đã lắng đọng, qua năm 1922, lòng thù ghét người Công giáo trong xã hội Úc mạnh đến độ các nhà đấu tranh Thệ Phản đã kiểm soát được chính phủ và ban hành Đạo Luật Hôn Nhân, đi ngược hẳn lại sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng cũng về vấn đề này vừa được ban hành từ Rome. Cộng đồng Công giáo cương quyết tiến hành việc xây dựng các trường học và tuân giữ các luật về hôn nhân của mình. Đến năm 1954, không còn những tranh luận giữa Giáo hội và nhà nước tại Úc.

17. Công giáo tiến hành

Cộng đồng Công giáo tại Úc giờ đây lớn mạnh và rất sinh động. Có những câu lạc bộ xã hội, kịch nghệ và thể thao và rất nhiều nhóm sinh hoạt khác nhau, nơi đó, người Công giáo có thể đào sâu đức tin và có cơ hội thực hành đức tin ấy. Thanh Lao Công, Hiệp Sĩ Sao Phương Nam, các nhóm Phụ Nữ Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ, Liên Minh Thánh Tâm, Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô chỉ là một số thí dụ. Giáo hội là trung tâm điểm cho nhiều sinh hoạt Công giáo và từ các nhóm cũng như các câu lạc bộ Công giáo của mình, họ tham dự vào nhiều vấn đề quan trọng của thời đại. Giáo hội điều hành nhiều bệnh viện và dịch vụ phúc lợi xã hội mở cửa cho mọi người, và dạy rằng mọi người Công giáo, vì đức tin của mình, đều được mời gọi hành động vì lợi ích của người khác. Từ ngữ thường dùng để chỉ hành động đó là Công Giáo Tiến Hành và trong Thế Chiến II, có rất nhiều nhóm Công Giáo Tiến Hành khác nhau, được các Giám mục bảo trợ và hoạt động vì nhiều chính nghĩa khác nhau.

18. Chủ nghĩa Cộng Sản

Chủ nghĩa Cộng sản dựa trên lý thuyết của hai triết gia chính trị Marx và Lenine, và là cách tổ chức xã hội để không còn quyền tư hữu nữa. Mọi sự, mọi kỹ nghệ và dịch vụ, đều do nhà nước sở hữu. Chủ nghĩa Cộng sản hướng tới một xã hội không giai cấp, không sở hữu và không có nhà nước trong đó mọi người đều bình đẳng. Người Cộng sản tin rằng cách thực hiện được điều trên là dùng cách mạng, và truyền bá lý thuyết Cộng Sản trên khắp thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Chủ nghĩa này bác khước mọi niềm tin tôn giáo, coi chúng như ảo tưởng. Vì điều ấy, các chế độ cộng sản đã bách hại các người theo tôn giáo và giết hại nhiều Kitô hữu. Giáo huấn xã hội Công giáo luôn luôn bênh vực quyền của người ta được sở hữu tài sản riêng,và do đó tích cực chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Từ năm 1989, phần lớn các quốc gia từng bị chủ nghĩa Cộng Sản thống trị trước đây đã từ bỏ chủ nghĩa này, nhưng nó đã là một lực lượng thế giới mạnh mẽ trong hầu hết thế kỷ 20.

19. Phong Trào (the Movement)

Bob Santamaria


Trong thời gian Thế Chiến II, người ta thấy rõ trong các nghiệp đoàn công nhân Úc có nhiều đảng viên Cộng Sản hoạt động. Họ đi tuyển các công nhân Úc và làm cho các đảng viên của mình được bầu vào các chức vụ lãnh đạo trong các nghiệp đoàn. Nhiều người sợ người Cộng sản sẽ nắm trọn quyền Đảng Lao Động. Người Công giáo được báo động và được kêu gọi đưa ra một đáp ứng có tổ chức chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Ông Bob Santamaria, người vốn dấn thân rất nhiều trong Công giáo Tiến hành, đã qui tụ quanh ông một nhóm người, khởi đầu khá bí mật để tránh sự dòm ngó của công chúng, đặt tên là Phong trào Công giáo Nghiên cứu Xã hội (the Catholic Social Study Movement) gọi tắt là Phong Trào (the Movement). Đến năm 1954, con số đoàn viên là 5,000 người. Phong trào này khuyến khích người Công giáo tham gia các nghiệp đoàn để đấu tranh chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản từ bên trong. Phong trào thành công đến độ năm 1954, tiến sĩ Evatt, lãnh tụ đảng Lao Động tại Quốc hội Liên bang, phải tố cáo Phong trào, nhất là Bob Santamaria và tiến sĩ Mannix là âm mưu tiếm quyền trong đảng Lao Động.

Việc trên dẫn đến nhiều tranh luận, đố kị và tố cáo cuồng tín chưa từng thấy trong xã hội Úc trước đây. Giữa các năm 1954 và 1957, những ai là đoàn viên của Phong trào hay từng ủng hộ nó đều bị trục xuất hay rời bỏ đảng Lao Động, và sau cùng đã thành lập một đảng chính trị mới gọi là Đảng Lao Động Dân Chủ (Democratic Labor Party, viết tắt là DLP). Cương lãnh chính của DLP là chống chủ nghĩa Cộng sản. Dù nó quá nhỏ chưa bao giờ được bầu vào chính phủ, nhưng cũng đã thành công đưa được một số đảng viên vào Thượng Viện Liên Bang. Đôi lúc, những đảng viên này giữ được cán quân quyền lực tại Thượng Viện và nhờ thế có được lá phiếu quyết định trong một số vấn đề. Thêm vào đó, DLP phân phối số phiếu ưu tiên của mình cho đảng Tự Do (Liberal Party), và việc này làm cho đảng Lao Động không nắm được quyền kiểm soát chính phủ cho đến mãi cuộc bầu cử đưa Whitlam lên cầm quyền năm 1972. Đến lúc đó, chủ nghĩa Cộng sản không còn được coi như một đe dọa nghiêm trọng nữa, và do đó DLP cũng không còn là một lực lượng chính trị quan trọng nữa từ thập niên 1970 trở đi.

II. Giáo hội Công Giáo tại Úc ngày nay

20. Các ràng buộc của Úc với Anh

J.D. Burns, tác giả bài thơ sau đây, là người Úc thuộc thế hệ thứ ba. Ông được giáo dục tại Scotch College ở Melbourne. Khi Thế chiến I bùng nổ, ông đi lính và năm 1915 bị tử trận khi đang chiến đấu ở Gallipoli. Bài thơ của ông, viết trước khi ông tham chiến, được đăng trên tập san của Scotch College mà ông là chủ bút.

Gửi Anh Quốc

Kèn đồng Anh Quốc vang dội biển khơi

Như từng vạn niên, nay tới tai tôi.

Lay tỉnh hồn tôi khỏi giấc mơ dài,

Kèn đồng Anh Quốc-Làm sao tránh né?

Cờ hiệu Anh Quốc, phất phới biển khơi

Gió lộng cờ đào vẫy gọi thân tôi.

Bão táp, trận đè, khói mốc xám đen

Cờ hiệu Anh Quốc – Làm sao tránh né?

Ôi Anh Quốc, ta nghe tiếng gọi chết cho ngươi

Như tiếng đại cầm vang vọng biển mùa đông.

Bao người sống chết và hân hoan lên đường

Anh Quốc, hỡi Anh quốc – làm sao tránh né?

(To England

The bugles of England were blowing o’ver the sea

As they had called a thousand years, calling now to me.

They woke me from dreaming in the dawning of the day

The bugles of England – and how could I stay?

The banners of Engalnd, unfurled across the sea

Floating out upon the wind wre beckoning to me.

Storm-rent and batlle-torn, smoke stained and grey

The banners of England – and how could I stay?

O Engtland, I heard the cry of those that died for thee,

Sounding like an organ voice across the winter sea.

They lived and died for England, and gladly went their way

England, o England – how could I stay?)

Có lẽ người thanh niên này chưa bao giờ thấy nước Anh, tuy nhiên khi chiến tranh xẩy ra, anh vẫn cảm thấy phải chiến đấu cho nó. Dù sinh ra trên đất Úc, anh vẫn hân hoan ra trận vì nước Anh, cảm thấy như nước ấy đang kêu gọi anh, và anh là con dân nước ấy. Bài thơ trên giúp ta hiểu ra nhiều người Úc đã có cảm tình mạnh mẽ xiết bao đối với nước mẹ, và họ yêu nước ấy biết chừng nào dù sinh ra tại một nơi khác hẳn. Đối với nhiều người Úc trong 150 năm đầu tiên kể từ ngày người da trắng định cư, Anh là nơi trái tim họ thuộc về.

21. Di trú sau chiến tranh

Thánh Gia-Biểu Hiệu Của Cơ Quan Di Dân Công Giáo Quốc Tế


Thành phần Giáo hội Công giáo tại Úc thay đổi đáng kể trong nửa sau thế kỷ 20 (1950-2000) do các di dân đến đây từ khắp mọi nơi trên thế giới. Sau Thế chiến II, Úc khởi sự một chương trình di trú đại qui mô, dưới thời Arthur Calwell, là vị Tổng trưởng Di trú đầu tiên của chính phủ Liên bang Úc. Darwin và một số khu vực dọc bờ biển bị bỏ bom trong chiến tranh, và xét chung người ta sợ rằng một đất nước với dân cư thưa thớt không thể tự phòng thủ được. Người ta cũng rõ cần có nhiều công nhân có tay nghề để xây dựng các kỹ nghệ cho Úc và giúp đất nước cạnh tranh với các nước khác. Khẩu hiệu tăng dân hay bị tiêu diệt (populate or perish) đã được dùng để thuyết phục dân chúng Úc rằng họ cần phải tiếp nhận các di dân vào xứ sở họ.

Tuy nhiên, thoạt đầu, các loại di dân được vào Úc khá hạn chế. Năm 1901, chính phủ ban hành Đạo Luật Hạn Chế Di Dân, tục gọi là Chính Sách Nước Úc Da Trắng (the White Australia Policy). Điều này có nghĩa: chỉ người da trắng mới được nhận nhập cư. Tuy nhiên, đến cuối hai thập niên 1940 và 1950, Calwell nhận thấy không thể tuyển đủ con số di dân đã định từ quần đảo Anh và các nước ưu tuyển khác, nên ông ta phải chấp nhận các người tị nạn chiến tranh từ Âu Châu. Giữa các năm 1947 và 1951, khoảng 180,000 người tị nạn nói trên đã được trợ giúp để đến Úc với điều kiện phải làm việc hai năm tại bất cứ nơi nào chính phủ gửi tới. Cuối thập niên 1940, các người tị nạn từ Đông Âu Châu tới, và từ các nước vùng Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia. Sau đó, họ tới từ các nước Nam Âu Châu, như Ý và Hylạp, cũng như Bắc Âu Châu như Đức và Hòa Lan.

Trong thập niên 1950, các di dân từ Nam Âu Châu ngang số với các di dân từ các nước nói tiếng Anh. Ưu tiên dành cho các công nhân có tay nghề có thể xây dựng nhà cửa và phát triển hạ tầng cơ sở quan trọng như dự án thủy điện Snowy Mountains. Trong thập niên 1960, con số các di dân từ nam và bắc Âu Châu giảm dần, và di dân Anh lại một lần nữa chiếm số đông nhất trong số những người nhập cư vào Úc.

22. Người Công Giáo Âu Châu

Đầu thập niên 1950, Giáo hội Công giáo Úc phát triển nhanh chóng một phần nhờ việc ‘được mùa trẻ sơ sinh’ (baby boom) sau chiến tranh. Nhiều giáo xứ mới được thành lập, con số tu sĩ nam nữ gia tăng và nhờ nền giáo dục họ tiếp nhận nơi các trường Công giáo, người Công giáo Úc thăng tiến trong mọi nghề nghiệp và kinh doanh. Số người tham dự thánh lễ Chúa nhật rất cao, và các việc sùng kính như Chầu Thánh Thể cũng được đông người tham dự. Nhiều người Công giáo tham gia các hội đoàn tại giáo xứ nơi họ cầu nguyện với nhau và hoạch định các hành động xã hội. Các gia đình đọc kinh Mân côi với nhau buổi tối, đọc kinh dâng mình buổi sáng với nhau, và kiêng thịt ngày thứ sáu để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Giáo hội Công giáo ổn định, phồn thịnh và rất Ái Nhĩ Lan.

Đến cuối thập niên 1950 và 1960, tất cả đều thay đổi, khi hơn một triệu người nhập cư từ Ý, Hylạp, Đức, Hòalan, Malta, Hungialợi và nhiều nơi khác nữa. Lối sống Công giáo của họ đôi khi rất khác với người Ái Nhĩ Lan. Họ có những cách phát biểu khác về đức tin; họ thích cầu nguyện với các thánh của xứ sở họ và có những ý niệm khác về việc tham dự thánh lễ. Họ cần người hiểu họ, các linh mục cùng quốc tịch, và các trường học cho con em họ. Số học sinh các trường Công giáo vì thế tăng lên gấp bội, có khi một lớp có đến cả trăm em. Nhưng học tại các trường Úc đôi khi rất xa lạ và khó khăn cho con em các di dân này. Một học sinh công giáo Ý kể như sau về kinh nghiệm của em lúc đó:

“Tôi học trường Công giáo thập niên 1950. Trong lớp tôi, tôi biết là mình rất khác, không hẳn chỉ vì tên tôi không phải là O’Reilly hay O’Leary, và má tôi không chịu đến giúp việc cho cửa hàng bánh kẹo, và tôi không có những miếng bánh mì kẹp thịt mỏng, trắng, phết vegemite trong hộp ăn trưa, nhưng tôi cảm thấy mình rất khác vì mặc dù giả thiết mình phải là người Công giáo La Mã (thực sự gia đình tôi là người Công giáo La Mã từ Ý) nhưng phải là thứ Công giáo La Mã của các trẻ gái Úc cơ, chứ không phải là thứ Công giáo La Mã của tôi hay của các trẻ gái Ý.

Cha mẹ tôi ít biết đến Thánh Patrick – hình như ông thánh này chẳng có ‘thá’ gì trong gia đình tôi cả. Chúng tôi đặt tin tưởng nhiều nơi Thánh Antôn thành Padua. Chúng tôi cử hành Lễ Phục Sinh với nhiều nghi lễ phức tạp của gia đình, mà tôi chả dám kể cho Nữ Tu Teresita hay sợ bà chê là phù phép.Mà quả chúng tôi có tin vào Befana, một bà già giống như phù thủy chuyên phân phối quà vào ngày 6 tháng Giêng. Điều ấy đã thành lệ rồi!

Cha mẹ tôi chưa từng nghe nói hay lưu tâm gì tới những Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng và những tuân giữ đạo đức tương tự. Khi về nhà, hễ tôi giải thích lý do phải gia nhập Hội Con Đức Mẹ hay phải để ý các mưu đồ của Thệ Phản, là các vị nhìn tôi cách ngạc nhiên hết sức, không thể tin được. Với thời gian, tôi học được cách cất kỹ trường tôi, tôn giáo của tôi và tôn giáo của gia đình tôi trong những chiếc hộc khác nhau. Nhưng trong tâm trí tôi, tôi biết lúc ở nhà tôi phải trung thành với điều gì”. (Trích trong Crawford, M. & Rossiter, G. 1988. Missionaries to a Teenage Culture. Christian Brothers Province Resource Group. Strathfield, NSW tr.45)

Dưới đây là ba trích đọan do các di dân Ý viết về kinh ngiệm tôn giáo của họ tại Úc:

* Có nhiều điều khi mới đặt chân tới Úc, người Ý không thể hiểu nổi. Điều đầu tiên trong số ấy là thái độ của người Úc đối với tôn giáo.. . Ở Úc, ngoài Giáo Hội Công Giáo, tôn giáo có phần rất nhỏ trong đời sống cá nhân và không có phần nào trong đời sống quốc gia.

* Ở Ý, toàn bộ dân chúng đều đặt tâm hồn trong tôn giáo. Ở đây chỉ có số nhỏ.

* Tôn giáo tại Úc giống như canh không bỏ muối. (Trích trong Pittarello, A. 1980. Soup without Salt. The Australian Catholic Church and the Italian Migrant. Centre for Migration Studies. Sydney).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tắm Mát
Dominic Đức Nguyễn
01:58 05/07/2008

TẮM MÁT



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Tình sâu không quản đường xa

Nhà anh cao rộng cũng là nhà em

Nhà anh có con sông êm

Cho em tắm mát giữa đêm mùa hè.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền