Ngày 21-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kho báu Nước Trời là Đức Kitô
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:06 21/07/2011
Chúa Nhật 17 thường niên A

Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai mọc lên trên ruộng đất và Chúa nhật hôm nay là kho báu chôn giấu trong ruộng lúa.

Palestine là miền đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập: chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ…hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc sống của người dân. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.

Dụ ngôn ‘Kho báu chôn dấu trong thửa ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương tự như thế.

Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải một cái hố nhỏ. Bực mình, anh ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên.

Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ :

- Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.

Kho tàng ấy là của một ai đó đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận vùi đất lại, trở về nhà, thu góp tiền bạc, bán tất cả những đồ đạc, để gom cho đủ số tiền hầu mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.

Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy, dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định : kể từ ngày làm chủ mảnh đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những gì có trong mảnh đất ấy.

Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện bình dân này để nói về Nước Trời.

Ý nghĩa của dụ ngôn chính là thái độ của người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi cách như bán tất cả đồ đạc, thậm chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều, dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.

Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy. Đây là một sự lựa chọn đáng ca ngợi và khích lệ.

Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.

1. Nước Trời có một giá trị tối thượng

Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng và thương gia dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó (GLCG # 546). Tính chất cao quý ấy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von. Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông không ai như ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”. Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.

2. Chọn lựa và quyết định.

Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định. Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).

Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).

Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu ; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.

3.Tìm được Nước Trời là niềm vui cuộc đời

Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.

Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.

Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có được. Câu chuyện Phúc âm “Người thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo : “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”. Làm sao bán hết Chúa ơi khi con đã một đời vất vả tảo tần để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay ? Làm sao vui mừng để từ chối một mối tình vụng trộm mà con mới cất công xây nên ? Làm sao con từ bỏ một thói đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự biếng lười ? Làm sao con có thể bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ để giữ luật Ngày Chúa Nhật ? Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có thể bỏ học thêm để dành cho việc học giáo lý?...Và cuối cùng chắc con cũng sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều tham vọng và của cải…

Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng không có viên đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những Phanxicô Xavie, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta…bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng tin mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống...

Điều quan nhất là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.

Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại. Ai chân thành với Đức Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.
 
Lịch Phụng vụ tháng Tám
LM Anphong Trần Đức Phương
11:51 21/07/2011
Chúng ta đang sống trong Mùa Thường Niên. Trong tháng 8 này, chúng ta sẽ mừng các Chúa Nhật 19, 20, 21 và 22, năm A. Ngoài ra chúng ta cũng long trọng mừng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày Thứ Hai 15/8 và Lễ Đức Maria Nữ Vương vào Thứ Hai 22/8. Đặc biệt trong tháng 8 nầy, chúng ta sẽ hướng về Đại Hội Giới trẻ Thế giới tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) từ ngày thứ Ba 16 đến Chúa Nhật 21. Hiện đã có hơn 400 ngàn giới trẻ ở khắp nơi ghi danh, cộng thêm với những người trong gia đình đi theo, chắc sẽ có cả triệu người hiện diện( Xin xem bài viết riêng).

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN: Trong cuộc sống, nhiều khi gặp những thử thách, bịnh tật, đau khổ… chúng ta hay nãn lòng, thất vọng; nhưng Chúa vẫn ở với chúng ta, gia đình chúng ta; miễn là chúng ta kiên nhẫn cầu nguyện và tin tưởng phó thác vào bàn tay uy quyền của Thiên Chúa là cha chúng ta. Rồi gió sẽ yên, biển lặng và thuyền đời chúng ta lại gặp được sự bình an. Bài đọc 1 (Sách Các Vua I: 19: 9, 11-13): Thiên Chúa đã hiện ra với tiên tri Êlia ở trên Núi Horeb… không phải trong cơn gió bão, trong cơn động đất, trong lửa cháy, nhưng trong cơn gió nhè nhẹ đem lại sự an bình. Bài đọc 2 (Thơ Rôma 9:1-5): Thánh Phaolô tỏ nỗi buồn lòng vì những người Do Thái không tin nhận Chúa Giêsu Kitô, dù họ đều là dòng dõi các tổ phụ Israel qua lời hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ của họ. Bài Phúc Âm (Matthêu 14:22-33): ghi lại việc Chúa Giêsu sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, Ngài giải tán họ và lên núi cầu nguyện; sau đó Ngài đi trên nước để đến với các Tông Đồ đang chèo thuyền trong đêm tối lúc gió ngược; các Tông Đồ hoảng sợ tưởng là ma, nhưng Chúa Giêsu trấn an các ông “Thầy đây đừng sợ!” Thánh Phêrô xin đi trên nước đến với Chúa Giêsu, nhưng thiếu lòng vững tin, nên suýt bị chìm, Chúa Giêsu đã cứu ông và lên thuyền với các Tông Đồ, rồi gió yên, biển lặng. Lúc đó các ông cùng thờ lạy Chúa Giêsu và tôn xưng Ngài là “Con Thiên Chúa.”

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN: Mọi người đều do Chúa dựng nên, đều là con cái của Chúa và Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước vào gia đình Giáo Hội để được ơn cứu độ. Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho những ai khiêm tốn và tuyệt đối tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa, dù khi gặp thử thách nặng nề. Đức tin là cánh cửa mở vào con đường cứu độ, con đường đi vào gia đình Giáo Hội. Bài đọc 1 (Sách Isaia 56:1, 6-7): Qua Tiên tri Isaia, Thiên Chúa mời gọi mọi người hãy theo Chúa, hãy giữ lề luật của Chúa, thực thi công bình, bác ái để được gia nhập dân Chúa và cùng hiệp lời chúc tụng, tạ ơn Chúa. Bài đọc 2 (Thơ Rôma 11:13-15,29-32): Thiên Chúa thương xót hết mọi người, dù là Do Thái hay ngoài Do Thái (Dân Ngoại), tất cả đều đã được Thiên Chúa dựng nên và đều là con cái Chúa, đều đáng được hưởng ơn cứu độ; miễn là phải có niềm tin và sống theo Lời Chúa. Thánh Phaolô tự nhận mình là người được Thiên Chúa gọi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho những dân tộc ngoài Do Thái (Tông Đồ Dân Ngoại). Bài Phúc Âm (Mátthêu 15:21-28): Chúa Giêsu đã thử thách Đức Tin của người đàn bà Canaan và bà vẫn khiêm nhường vững tin nơi tình thương của Chúa; vì thế Chúa Giêsu đã khen ngợi Đức Tin của bà và nhận lời bà van xin.

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI (15/8): Hôm nay chúng ta long trọng mừng Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa cả hồn lẫn xác lên trời, sau cả cuộc đời đau khổ để đồng công cứu chuộc nhân loại cùng với con của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô. Tín điều Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố vào ngày 01 tháng 11 năm 1950. Đức Maria đã được ơn phúc Vô Nhiễm Nguyên Tội và hoàn toàn trinh trong khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, và vì thế khi qua khỏi đời này, Mẹ được cất về trời cả hồn lẫn xác. Còn mọi người chúng ta đều mắc tội nguyên tổ (và được thanh tẩy qua Bí Tích Rửa Tội), nên khi qua đời, nếu chúng ta xứng đáng, linh hồn chúng ta sẽ được về trời, còn phần xác đều phải “trở về bụi tro” cho đến ngày tận thế mới được đưa về trời cả xác và hồn.

THÁNH LỄ VỌNG: Bài Đọc 1 (1 Ký sự 15:3-4, 15-16; 16:1-2); Bài Đọc 2 (1 Corintô 15:54-57); Bài Phúc Âm (Luca 11:27-28). THÁNH LỄ CHÍNH: Bài Đọc 1 (Sách Khải Huyền 11:19; 12:1-6, 10); Bài Đọc 2 (1 Corintô 15:20-27); Bài Phúc Âm (Luca 1:39-56).

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Ngài đã xuống thế làm người và mặc lấy bản tính nhân loại, chịu thai trong lòng Mẹ Maria đồng trinh do quyền năng của Chúa Thánh Thần, và đã sinh ra như một con người trong gia đình Nagiarét, nước Do Thái. Ngài chính là Đấng Kitô muôn dân mong đợi. Nhưng Ngài sinh ra làm người không phải để làm vua chúa trần gian, để “xây dựng nước trần gian này”; nhưng để rao giảng Phúc Âm tình thương cho mọi người, nhất là những người nghèo khó, khổ đau; rồi chấp nhận chịu bao đau khổ và chịu chết để đền vì tội lỗi chúng ta. Ai muốn theo Ngài phải sẵn sàng “bỏ mình đi và vác Thánh Giá theo chân Ngài.” Bài Đọc 1 (Isaia 22:19-23): qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa lên án phạt Sobna quan cai đền thờ và chọn Êliacim để đóng và mở cửa Nhà Chúa, và không ai có thể đóng và mở tùy ý. Bài Đọc 2 (Roma 11:33-36): Thiên Chúa là Đấng cao sâu mầu nhiệm, không ai có thể biết được ý định mầu nhiệm của Chúa; không ai có thể biết được đường lối của Chúa. Mọi sự do Chúa dựng nên và hướng dẫn theo thánh ý Chúa. Bài Phúc Âm (Mátthêu 16:13-23): Thánh Phêrô đã long trọng công khai tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống…” Vì thế Chúa Giêsu đã chúc phúc cho Thánh Phêrô và đặt ông làm nền tảng xây dựng Giáo Hội “Con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy…”, rồi Chúa trao “chìa khóa Nước Trời cho ông và ban cho ông quyền “cầm buộc và tháo gỡ.” Nhưng Chúa Giêsu cũng nghiêm khắc cảnh cáo Thánh Phêrô vì ông định ngăn cản Chúa đi vào cuộc khổ nạn đau thương để cứu chuộc nhân loại. Thánh Phêrô vì mến thương Chúa Giêsu, không muốn Chúa “phải chịu nhiều đau khổ và chịu chết…” vì ông đã không hiểu rõ ý định và những gì thuộc về Thiên Chúa…”

LỄ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG (Thứ Hai 22/8); Bài Đọc 1 (Isaia 9:1-6); Bài Phúc Âm (Luca 1:26-38): Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thành lập vào năm 1950 và mừng vào ngày 31/ 5 (ngày cuối cùng của tháng Đức Mẹ); nhưng nay được chuyển vào tuần Bát Nhật Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời. Mẹ Maria đã được Chúa đưa lên trời cả xác lẫn hồn và làm Nữ vương muôn loài trên trời dưới đất. Mẹ là Nữ Vương trên trời dưới đất không phải để thống trị, nhưng để yêu thương mọi người chúng ta như người MẸ luôn yêu thương săn sóc đoàn con; vì trong các tước hiệu tôn vinh Mẹ, tước hiệu “MẸ” là chính.

Có nhiều kinh đọc và những bản thánh ca để tôn vinh tước hiệu Nữ Vương của Đức Mẹ, như Kinh “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành…” Hoặc khi chúng ta tôn vinh Mẹ qua Bài Hát của Cha Hoài Đức: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ Vương, là trạng sư là Mẹ con…” Ngoài ra còn rất nhiều bài hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để tôn vinh tước vị Nữ Vương của Mẹ; như các bài hát bằng tiếng Latinh: Salve Regina, Regina Caeli, Ave Regina Caelorum…

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ hằng hướng chúng ta về Nước Chúa và xin Mẹ giúp chúng ta luôn sống xứng đáng là con của Mẹ.

CHÚA NHẬT 22 MÙA THƯỜNG NIÊN: Khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã lên án phạt; nhưng cũng hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc nhân loại. Đấng Cứu Thế (Đấng Kitô) đã đến cách đây hơn 2000 năm. Nhưng cho đến nay, người Do Thái vẫn chưa tin là Đấng Cứu Thế đã đến qua con người của Chúa Giêsu. Hơn nữa họ tin là Đấng Kitô đến trong vinh quang để giải phóng Dân tộc Do Thái khỏi mọi ách thống trị của Đế quốc Rôma và sẽ xây dựng một Nước Do Thái uy hùng. Họ không thể quan niệm Đấng Kitô đến trong con người nghèo khó, phải chịu đau khổ và chịu chết khổ nhục. Ngay cả Thánh Phêrô, dù tin Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” đã đến để cứu độ trần gian, nhưng không thể ‘chấp nhận’ Chúa Giêsu “phải chịu đau khổ và chịu chết” trước khi sống lại trong vinh quang. Vì thế Thánh Phêrô đã ngăn cản Chúa “Lạy Thầy không thể như thế được. Thầy không phải chịu như vậy đâu!...” Chúa Giêsu đã quở trách Thánh Phêrô không hiểu được chương trình của Thiên Chúa mà chỉ lý luận theo ý hướng của loài người. Sau đó Chúa nói với dân chúng và mọi người chúng ta nếu muốn theo Chúa phải từ bỏ mọi danh lợi thế gian cùng vác Thánh giá với Chúa, trước khi được cùng hưởng vinh quang với Chúa. Không phải vinh quang ở đời nầy, nhưng là cuộc đời sau trên Nước Chúa. Đó là hành trình Đức tin mà chúng ta phải theo để được sống đời đời. Bài đọc 1 ( Tiên tri Giêrêmia 20:7-9): Tiên tri Giêrêmia đã theo Chúa và rao giảng lời của Chúa, nhưng dân chúng không chấp nhận ông vì ông đi ngược tham vọng thế gian của họ. Họ đã chế nhạo và sỉ nhục ông. Bài đọc 2 ((Thơ Rôma 12:1-2): Thánh Phaolô bảo chúng ta đừng sống theo thói thế gian; nhưng hãy luôn “canh tân” đời sống chúng ta và sống theo đường lối của Chúa, và làm những gì đẹp lòng Chúa. Bài Phúc Âm (Matthêu 16:21-27): Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài trước khi sống lại trong vinh quang; nhưng các môn đệ, kể cả ông Phêrô cũng không hiểu nỗi và không chấp nhận điều đó xảy ra với Chúa. Chúa Giêsu đã quở trách Thánh Phêrô và nhắc nhở các môn đệ cũng như mọi người chúng ta là “hãy từ bỏ mọi sự thế gian, và cùng vác Thánh giá theo chân Chúa để được sống đời đời.” Khi Thiên Chúa đến trong vinh quang, Ngài sẽ phán xét để thưởng công người lành và phạt kẻ dữ, Ngài sẽ thưởng phạt tùy theo cuộc sống của mọi người.

Chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria và các Thánh chuyển cầu, cho chúng ta luôn biết khiêm tốn, nhận ra Thánh ý Chúa và chấp nhận đau khổ theo Thánh ý Chúa.

Đặc biệt chúng ta cầu nguyện cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid được thành công tốt đẹp, giúp giới trẻ thêm Đức Tin kiên cường và cùng trở về quê hương xứ sở để chung tay xây dựng tự do, nhất là tự do Tôn Giáo, xây dựng Công Lý và Hòa Bình nơi mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Xin Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành cho chúng ta và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn. Amen! Alleluia! Alleluia!
 
Giá trị của viên ngọc quý đức tin thể hiện nơi đời sống cộng đoàn
Lm Jude Siciliano OP
20:14 21/07/2011
CHÚA NHẬT 17 MÙA THƯỞNG NIÊN A
1 Các Vua 3: 5, 7-12; Tv 119; Roma 8: 28-30; Matthêu 13: 44-52

Một người bạn tôi thuê một bộ phim có tên là "Everest" đây là tên của một ngọn núi cao nhất thế giới. Phim này dựa vào một câu chuyện thật nói về một nhóm leo núi, khi leo, gặp một cơn bão thình lình đổ ập tới. Họ bị mắc kẹt lại trên núi; một số đã chết và có một người sống sót nhưng phải bị cắt cụt ngón tay và ngón chân vì chúng bị đông đá.
Đối với tôi, họ là những người thật điên rồ, có lẻ vì tôi là người sợ độ cao. Người ta hỏi người còn sống sót: "Ông còn muốn leo lên núi Everest nữa không?" ông ta lập tức trả lời: "Dĩ nhiễn, là tôi sẽ leo lại" Người ta hỏi tiếp: "tại sao?". Người leo núi trả lời: "Ông cứ leo thử một lần rồi sẽ hiểu. Khi lên tới đó, chúng ta mới thấy quý từng giây phút của cuộc sống, vì sự sống có được tuỳ thuộc vào kinh nghiệm leo núi của bạn. Khác với cuộc sống hằng ngày mà bạn thường thấy nơi gia đình, ngoài sở làm và cả những việc trong xã hội; nó có một nhận thức khác với khi chúng ta leo núi; đối diện với cái chết trong từng giây phút. "
Tôi không hiểu điều đó. Tôi biết những người leo núi có một khái niệm khác về đời sống, đó là một thế giới khác với thế giới của tôi. Những người leo núi khác cũng đều gật đầu đồng ý với người leo núi được phỏng vấn. Những người đó hình như sống một thế giới khác hẳn với thế giới của tôi. Họ là những người sống trong thế giới của họ, và tôi là người đứng bên ngoài nhìn vào thế giới của những người đó.
Trong những dụ ngôn Chúa Giêsu nói với các môn đệ, hình như có những người đứng bên trong và những người đứng bên ngoài nhìn vào. Chúa Giêsu có kinh nghiệm về Thiên Chúa và về đời sống bên trong của Thiên Chúa và Ngài muốn chia sẻ với các môn đệ. “là người đứng bên trong” đang bắt đầu hiểu ý của Chúa Giêsu về đời sống và về Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu kể những chuyện dụ ngôn cho những người đứng bên ngoài, thì những người đó không hiểu được. Đối với những người đứng bên ngoài dụ ngôn là những chuyện điên rồ, họ không thể hiểu được. Nhưng đối với chúng ta, những môn đệ muốn theo chân Chúa Giêsu, mặc dù chúng ta không phải là những người thông thái về Kinh Thánh, và không hoàn toàn là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đã vào bên trong nơi phụng vụ này là nơi chúng ta có tai của đức tin và chúng ta biết Chúa Giêsu muốn dạy những gì. Đây là đời sống mà chúng ta đã chấp nhận mặc dù có thể nguy hiểm, vì chúng ta đã tin đó là sự thật. Những dụ ngôn này có sự khôn ngoan mà chúng ta không thể tự mình có được.
Vì thế khi nghe những dụ ngôn Chúa Giêsu dạy ngày hôm nay: Một người gặp được một kho báu dấu trong một thửa ruộng. Khi người đó gặp được kho báu thì như đời sống của ông ta thay đổi và cho ông ta nhiều hứa hẹn, vì ông ta bán hết những tài sản ông ta có để mua thửa ruộng có kho báu. Và chuyện nữa, một người thương gia tìm được một viên ngọc quý, ông ta bán đi tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc quý ấy.
Chúng ta cũng như hai người trong dụ ngôn, chúng ta đã hy sinh mọi sự của mình vì chúng ta đã tìm được kho báu quý giá mà chúng ta có thể tìm được. Như bài đáp ca nói, chúng ta là những “hố đất”, chúng ta chứa đựng một kho quý giá, và chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để gìn giữ kho quý giá ấy. Chúng ta “mua tất cả thửa ruộng”.
Chúng ta không sống theo những giá trị chung quanh: chúng ta chọn lòng thành thật, mặc dù chúng không thêm lợi ích gì trong công ăn việc làm; đối với tất cả mọi người chúng ta đem đến lòng thương yêu không những chỉ gia đình chúng ta, mà còn với những người khác mặc dù họ cho rằng những người đó không đáng được chúng ta thương yêu; chúng ta trung thành với người bạn đường trong hôn nhân hay trong tình bằng hữu, mặc dù thế gian không trung thành với lời hứa; chúng ta giúp những người cần đến chúng ta, mặc dù chúng ta không nợ nần gì với họ; chúng ta nhìn vào tương lai với lòng đầy hy vọng, mặc dù có nhiều điều làm chúng ta chán nản và thất vọng; chúng ta tha thứ những người đã làm phiền lòng chúng ta, mặc dù trong thế gian thường người ta không dễ quên những điều phiền lòng họ v.v...
Tất cả những điều vừa nói trên không có ý nghĩa gì đối với những người đứng bên ngoài, vì họ không hiểu. Như việc leo núi Everest không có ý nghĩa gì đối với tôi, nhất là khi có những người bị chết vì leo núi. Điều đó không đáng để hy sinh. Nhưng khi Chúa Giêsu nói đến những chuyện tìm được kho báu, hay viên ngọc quý, tôi đánh liều hy sinh tất cả để có thể giữ được kho báu và viên ngọc quý đó. Tôi cảm thấy tôi đã tìm được điều gì quý báu mà tôi đã tìm kiếm suốt đời, mặc dù tôi không nghĩ đến. Tôi đã gặp một kho báu và tôi đã cố gắng hy sinh tất cả những gì tôi đã có để đạt được kho báu ấy, như hai người trong dụ ngôn đã bán hết tài sản mình để có được của quý họ đã gặp.
Đó là điều nguy hiểm, có thể nguy hiểm hơn leo núi, vì tôi đánh liều dựa trên Chúa Kitô và những gì Chúa Kitô hứa hẹn với tôi hàng ngày, và đôi khi tôi phải hy sinh rất nhiều. Nhưng thường thì những hy sinh hàng ngày không đến nỗi nặng nhọc mấy, nhưng là những hy sinh luôn tiếp tục. Tất cả đều để đạt kho báu quý giá. Thật ra thì có những thứ khác mà thế gian cho là quý giá, như những lợi tức cho tài sản riêng mình với bất kỳ giá nào, dùng thời gian để tận hưởng khoái lạc riêng cho mình. Tôi sẵn sàng bỏ qua những “viên ngọc” đó mỗi khi tôi cảm thấy chúng cản trở tôi đạt được viên ngọc quý giá hơn tất cả.
Trong Kinh Thánh viên ngọc là hình ảnh của sự khôn ngoan. Và trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa cho vua Sa-lô-mon chọn điều gì vua muốn Thiên Chúa cho mình. Thiên Chúa sẽ cho vua. Vua đã chọn và xin sự khôn ngoan, và đó là điều chúng ta cầu xin ngày hôm nay. Nếu có ai hỏi vì sao chúng ta họp nhau trong phụng vụ hôm nay, chúng ta có thể trả lời “chúng ta là những người đi tìm và đã gặp kho quý báu, và chúng ta vui mừng vì của đó”
Chúng ta xin được ơn khôn ngoan để giúp chúng ta chọn điều phải hàng ngày, để chúng ta biết chúng ta phải tránh xa điều gì để sống theo đường lối của Thiên Chúa; để biết chúng ta phải chọn những điều gì để gìn giữ kho quý báu chúng ta đã tìm được; để biết chúng ta phải thay đổi điều gì kể cả những điều nhỏ mọn để chúng ta có thể kinh nghiệm nhiều hơn đời sống với Thiên Chúa; để chúng ta biết phải làm gì để tìm những liên hệ tốt, và để biết những liên hệ nào có thể làm hại mà chúng ta cần phải bỏ đi; để biết chúng ta nên dùng thời giờ và năng lực chúng ta có để phục vụ Thiên Chúa là kho quý báu của chúng ta. Cũng như vua Sa-lô-mon, chúng ta ao ước và cầu xin cho được ơn khôn ngoan. Và Thiên Chúa sẽ ban ơn ấy cho chúng ta, như Ngài đã ban cho vua Sa-lô-mon.
Vì sao chúng ta họp mặt ở đây? Vì chúng ta không muốn bị đánh lừa vì viên ngọc giả hay vì vàng giả. Thật không đáng tỵ nào cả! Chúng ta muốn của quý thật trong đời sống chúng ta, và chúng ta biết những của ấy là gì. Chúng ta đã tìm gặp được kho báu và chúng ta biết ngay là những của khác không đáng giá bằng kho báu ấy.
Trong phúc âm Chúa Giêsu nói đến những người “bé mọn”. Họ là những người có ơn khôn ngoan, không bởi sức riêng của họ, hay bởi địa vị hay học vấn riêng của họ. Những người bé mọn ấy như có linh cảm biết Chúa Giêsu muốn dạy những điều gì, và họ sống theo sự khôn ngoan họ đã lãnh nhận.
Tôi còn nhớ, một hôm tôi hỏi cha tôi là ông muốn quà gì vào lễ Giáng Sinh. Ông trả lời “Ông muốn một cái thiệp có chữ ký của bà và các con cháu của ông, và ông muốn tất cả mọi người trong gia đình có mặt xung quanh bàn ăn dịp lễ “Giáng Sinh”. Lúc đó tôi làm linh mục đã được 10 năm. Nhưng tôi còn phải học hỏi nhiều điều về kho báu, và cha tôi đã 80 tuổi đã là thầy dạy khôn ngoan cho tôi. Ông tôi đã tìm được “viên ngọc quý giá” và đã chia sẻ với tôi.
Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

17th SUNDAY IN ORDINARY TIME (A)
1 Kings 3: 5, 7-12; Psalm 119; Romans 8: 28-30; Matthew 13: 44-52

A friend of mine rented a movie called, "Everest" and recommended I see it. It’s based on a true story about the mountain climbing expedition that went bad when an unexpected storm came up. They got stranded, some died and one man, whom they thought was dead, survived, but he had his toes and fingers amputated because of frostbite.
To me all this seems like a risky and crazy thing to do, especially since I am afraid of heights! They asked one survivor, "Will you climb again?" His response, without a pause, "Absolutely!" The person interviewing him asked, "But why? You almost died on that mountain!" The climber’s response, "You just have to be there. It makes each minute of life so alive, so precious. Your whole life is affected by your experience on that mountain. You see everyday things, including your family, job and life choices, in a different light. You become more aware, once you’ve climbed, and nothing is ever the same in your life."
I don’t get it. It’s obvious to me that climber has another perspective on life–worlds apart from my own. As did the other climbers listening to the interview, for they nodded their heads in agreement. They seemed to live in a completely different world than I do. They were insiders and I was looking into their world from the outside.
Something like that insider/outsider dynamic was working when Jesus told parables to his disciples. He has an experience of God and life that he is sharing with those "insiders" who are beginning to understand his view of life and God. When he lays out these stories to people looking from the outside, they don’t get it. To them the parables don’t make sense and even sound crazy. But for disciples like us, we may not be biblical scholars and are far from complete and perfect followers, but we have come inside to this place of worship where we hear with ears of faith and know what Jesus is describing. It is about a way of believing and living which, though risky, we have accepted, for we have come to know it as true. These parables have a wisdom we wouldn’t get on our own.
So we listen to the stories Jesus tells us today. A man stumbles on a treasure hidden in a field. When he found the treasure it had to have changed his life and held out great promise, for he sells all that he has and buys the field to possess the treasure hidden there. And again, when that merchant finds a pearl of great price, he too goes and sells all that he has and buys it. His life has been changed by the treasure he has found and no sacrifice is too great to possess it.
We are like the people in these parables who have made personal sacrifices, for what we have found is truly the most valuable possession we could ever have. As the hymn reminds us, we are "earthen vessels." But we hold a treasure and are willing to make sacrifices to hold on to that treasure. We "buy the whole field."
We do not live according to the prevalent standards around us: we choose honesty, even when it means not making extra profits on the job; we treat all people, not just family, in a loving way, even if others don’t think these people are worth it; we are faithful in marriage and friendships, even though the world treats promises, spoken and unspoken, casually; we help people who need us, even if we don’t owe them anything; we have hope as we look into the future, even though there is a lot that could make us despair; we forgive those offend us, even though our world keeps a long memory of wrongs, etc.

None of this makes sense to outsiders, they don’t get it; the way climbing Everest doesn’t make any sense to me, especially since some died there! That gamble just isn’t worth it. But when Jesus tells stories about finding treasures and a pearl of great price, I gamble and make the sacrifices necessary to receive and hold on to the treasure. I sense I have stumbled onto something very valuable, what I’ve searched for all my life, even though I hadn’t realized it. I have stumbled on a treasure and I will try to let go of whatever holds me back from embracing it – like the two in the parables who sell all they have for their new-found treasures.
That’s risky, maybe even more risky than mountain climbing, because I have to risk and take a chance on Christ and what he is offering me each day of my life; sometimes in large ways requiring big sacrifices. But mostly, the daily risks are little, but constant. It’s all for the sake of the treasure. In fact, while there are other things that the world considers valuable, like personal gain, possessions at any cost, time and certain pleasures, I’m willing to let all those "pearls" go whenever I sense they keep me from having the pearl more valuable than all the rest.
In the Bible the pearl is a symbol of wisdom. And in our first reading today Solomon is given a choice to ask for anything and God would give it to him. He chose and prayed for wisdom and that’s what we pray for today. If someone were to ask us why we have come together in worship today, we might respond: "We are searchers who have found a great treasure and we want to celebrate that!
We pray for wisdom: to help us make good decisions each day; to know what we have to the detach ourselves from in order to live in God’s way; to know what choices we must make in favor of the treasure that we hold; to know what changes, even the little ones, we must make to experience more of God; to know what to do to build up the relationships we have that are good and to know what relationships we have that are destructive and we need to let go of; to know where to invest our precious time and energy in ways that serve God, our treasure. Like Solomon, we desire and pray for wisdom. And like Solomon, God will grant it to us.
Why are we here? Because we don’t want to be tempted by fake pearls or fool’s gold. It’s just not worth it. We want the real thing in our lives and we sense what it is. We have stumbled on a treasure and know everything else isn’t worth what the treasure we have found is worth.
Jesus speaks of the "little ones" in the gospel. They are the ones who have the gift of wisdom, not based on a person’s achievement, status, or even education. These simple ones know, as if by instinct, what Jesus is speaking about and they live according to the wisdom they have been given.
I remember once asking my aged father what he wanted for Christmas. He said, "I want a Christmas card with my wife, children and grand children’s signatures and I want all of my family around the Christmas dinner table." I had been ordained 10 years at that time, but there was a lot I still had to learn about treasures and my 80-year-old father was once again a wise teacher for me. He had found "a pearl of great price" and he freely shared it with me.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các linh mục Ái Nhĩ Lan phản đối đề nghị là họ phải phá vỡ cam kết của bí tích hòa giải
Bùi Hữu Thư
05:43 21/07/2011
DUBLIN (CNS) -- Nhóm đại diện cho các linh mục Ái Nhĩ Lan nói lời cam kết giữ bí mật của phép giải tội phải được bảo vệ, mặc dầu chính phủ cho rằng những lời nói khi xưng tội sẽ không được miễn lệ và phải bắt buộc báo cáo các vụ lạm dụng tính dục trẻ em.

Bộ Trưởng Bộ Nhi Đồng Frances Fitzgerald nói: "Vấn đề là có một một đạo luật quốc gia, và tất cả mọi người đều phải tuân hành. Không có ngoại lệ, không có miễn lệ."

Linh mục P.J. Madden, phát ngôn viên của Hiệp Hội các Linh Mục Công Giáo nhấn mạnh là cam kết của bí tích hòa giải "vượt trên tất cả mọi sự" và không được phá vỡ dù cho có một hối nhân xưng ra một tội phạm.

Cha Madden nói cha mạnh dạn kêu gọi và yêu cầu hối nhân -- dù đó là một linh mục hay một người nào khác -- hãy thú nhận một tội phạm với cảnh sát để lãnh nhận hình phạt về hình sự, nhưng cha không đồng ý về việc phải báo cáo những gì được xưng ra trong tòa giải.

Cha nói: "Nếu tôi vi phạm luật lệ thì sẽ có người phải tìm cách để đói phó với tôi về vụ này. .. nhưng trong quyền hạn của tôi là một linh mục, tôi hiểu rằng cam kết giữ bí mật của tòa giải tội phải vượt trên tất cả mọi sự."

Cha Madden nhấn mạnh: "Sự cam kết giữ bí mật của tòa giải là một điều thiêng liêng vì nhiều lý do khác nhau vượt trên một vấn đề duy nhất, dù cho vấn đề duy nhất này có trầm trọng đến mức nào."

Chính phủ Ái Nhĩ Lan nói sẽ ban hành đạo luật bắt buộc các linh mục phải tiết lộ các chi tiết về các vụ lạm dụng trẻ em, mặc dầu đây là điều được biết đến trong tòa giải tội. Hình phạt khi vi phạm có thể tới 5 năm tù.

Chính phủ đã tuyên bố như vậy sau khi một uỷ ban tư pháp điều tra Giáo Phận Cloyne cho biết các vụ lên án về lạm dụng đã không được hành xử đúng đắn và đã che dấu cảnh sát, gần đây nhất là năm 2008.

Thủ Tướng Ái Nhĩ Lan Enda Kenny nói ngày 14 tháng 7 là Luật Giáo Hội không được phép vượt trên và thay thế luật quốc gia.

Bà Bộ Trưởng Fitzgerald nói chính phủ không quan tâm đến "những quy luật áp dụng cho bất cứ một ai."

Bà nói: "Đây là vấn đề luật lệ quốc gia. Đây là vần đề bảo vệ trẻ em. Nếu như một trẻ em bị lâm nguy về vụ lạm dụng tính dục thì không phải báo cáo? Chúng ta không thể nói như vậy. Luật quốc gia rất rõ ràng và minh bạch."

Đức Giám Mục John McAreavey giáo phận Dromore nói với Catholic News Service là các giám mục sẽ chờ đợi sự ban hành đạo luật trước khi có sự giám định. Tuy nhiên, ngài nói, ngài cảm thấy "không đúng khi nói rằng sự cam kết giữ bí mật của tòa giải đã ngăn cản việc báo cáo những vụ lạm dụng trẻ em."

Đạo luật mới này sẽ không được phổ biến vào Mùa Thu này, và nguồn tin thân cận với Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho hay sẽ có những chiến dịch vận động mạnh mẽ để bảo đảm rằng sẽ có dự liệu cho một sự miễn lệ thích hợp.

David Quinn, giám đốc nhóm nghiên cứu (think-tank) của Viện Iona Institute, nói rằng đề nghị này "chưa từng có bao giờ."

Ông Quinn nói với Catholic News Service: "Điều này sẽ làm cho chúng ta là quốc gia độc nhất trong thế giới Tây Phương ban hành một đạo luật như vậy. Ngay tại nước Pháp trong thời cách mạng với những bạo lực ghê gớm nhất đối với giáo hội cũng đã không ban hành một đạo luật đòi hỏi phải phá vỡ cam kết khi giải tội."

Ông nói chính phủ "rõ ràng đã bỏ quên một điều mà tất cả mọi chính phủ khác đều có thể thấy, đó là, tối thiểu thì một đạo luật như vậy không thể đưa dẫn tới một vụ kết án nào cả, và tối đa, thì đạo luật này sẽ có thể làm cho việc kết án khó khăn hơn thay vì dễ dàng hơn, và sẽ làm cho xã hội bất an hơn thay vì an toàn hơn."

Ông tiếp: "Không có một người lạm dụng trẻ em nào lại đi xưng tội với một linh mục, biết rằng linh mục này bị đòi hỏi phải thông báo cho cảnh sát. Nhưng ngăn cản một người lạm dụng trẻ em đi xưng tội sẽ khiến cho người này càng ít thố lộ cho một người nào khác, để được khuyên bảo phải làm một bước kế tiếp."
 
Chúa Giêsu, việc làm và Nước Thiên Chúa
Vũ Văn An
05:42 21/07/2011
Tuần qua, tại Swanwick, Anh, diễn ra hội nghị thường niên của Mạng Lưới Công Lý và Hoà Bình Quốc Gia với chủ đề “Công lý tại nơi làm việc – nơi an toàn, nơi hoàn thành và phát triển?” (Justice at work - A place of safety, fulfillment and growth?). Khoảng 400 đại biểu của Anh và Wales đã tham dự hội nghị trong ba ngày gồm các buổi nói truyện, các buổi tập huấn, cầu nguyện và tập hợp có tính xã hội. Nhân dịp này, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã lên tiếng ca ngợi hội nghị trong việc nhấn mạnh tới công lý như điều kiện thiết yếu cho hòa bình, hoàn thành và phát triển.

Hội nghị được nghe nhiều diễn giả trình bày các khía cạnh khác nhau của công lý tại nơi làm việc. Dân biểu Jon Cruddas nói về phẩm giá của việc làm. Frances O’Grady, Phó Tổng Thư Kỳ Tổng Công Đoàn, nói tới những cách cổ vũ công lý khác nhau của Tổng Công Đoàn. Riêng David McLoughlin, Giảng Sư Thần Học kỳ cựu tại Trường Cao Đẳng Newman và là giảng sư danh dự của Đại Học Birmingham, đồng thời cũng là đồng sáng lập viên của Phong Trào Thợ Thuyền Kitô Giáo, đã đọc một tham luận về quan điểm việc làm thời Chúa Giêsu. Tựa bài tham luận là “Chúa Giêsu, việc làm và Nước Thiên Chúa”. Tài liệu do hãng tin Independent Catholic News cung cấp ngày 18 tháng 7 vừa qua.


Theo McLoughlin, Galilê thời Chúa Giêsu bị phân rẽ vì các căng thẳng có tính cơ cấu. Đó là các căng thẳng về xã hội, chính trị và kinh tế, các phân rẽ giữa người Do Thái Giáo và dân ngoại, giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa người giầu và người nghèo. Sự phân rẽ này là hậu quả của hai chế độ cai trị được áp đặt lên dân: vương chế của Hêrốt và đế chế của Rôma. Nên khi Chúa Giêsu rao giảng một vương chế khác, Người liền thu hút được nhiều lỗ tai của quảng đại quần chúng sẵn sàng lắng nghe. Nhưng đồng thời, Người cũng gây lo ngại lớn cho những kẻ vốn đầu tư nặng nề vào việc duy trì cả hai chế độ kia.

Vì là người có tay nghề, một tekton, Chúa Giêsu và Thánh Giuse hẳn đã góp phần vào việc xây dựng Sepphoris, chỉ cách Nadarét 6 cây số. Bị Quintilius Varus phá hủy năm 4 trước công nguyên, thành này được Herod Antipas tái thiết làm thủ đô vào thời Chúa Giêsu, cho tới năm 19 công nguyên, khi ông ta lập Tiberius, bên bờ hồ Galilê, làm tân thủ đô của vùng này. Sepphoris có một nhà hát chứa được 5,000 khán giả và một vương cung thánh đường có dáng y hệt những Tescos lớn! Mặc dù địa điểm của nó cho thấy nhiều thực hành nghi lễ cổ truyền của Do Thái (như Miqweh/tắm theo nghi thức), nhưng nó lại có đầy đủ các đặc điểm của nền văn hóa Hy Lạp tân tiến. Lời giảng của Chúa Giêsu chắc chắn cho thấy Người rất biết đến tính “đóng kịch/giả hình” (Mt 6:2, 5, 16; Mc 7:6; Lc 13:15) của nghề ngân hàng trong dụ ngôn nén bạc (Lc 19:11 tt), và của những tòa án nợ nần mà theo Josephus từng đặt cơ sở tại Sepphoris. Đó là những nét đặc thù đối với nền văn hóa Hy Lạp, chứ không hẳn nền văn hóa Do Thái. Nên sự im lặng của Chúa Giêsu đối với Sepphoris là điều làm ta bỡ ngỡ.

Đất đai, người giầu và người nghèo

Phần lớn nền kinh tế truyền thống tại Galilê tùy thuộc canh nông và nghề đánh cá. Quyền sở hữu đất đai, vì thế, là yếu tố chủ chốt, giống như ở bất cứ xã hội nông nghiệp nào khác. Tuy nhiên, ở Palestine, đất đai còn có thêm ý nghĩa tôn giáo nữa, vì trước nhất nó là hồng ân do Thiên Chúa ban và như thế, xét tới cùng, nó thuộc về Thiên Chúa và dân Do Thái nói chung trong tư cách được Thiên Chúa chọn làm người tá canh. Các khám phá khảo cổ học tại Galilê cho thấy có sự chuyển dịch tiệm tiến từ những nông trại nhỏ tới những nông trang lớn có tính tập trung. Josephus nói tới sự chuyển dịch này trong cuốn Vita, 71 của ông. Ngay ở phía bắc Sepphoris, không xa Nadarét, người ta thấy có những nông trang vĩ đại. Ông cho hay: các làng xã chung quanh Gischala phải đóng một phần thu hoạch của mình để trả thuế Đế Quốc.

Ta biết rằng các thành viên trong đại gia đình của Chúa Giêsu chỉ là những tiểu nông gia. Vì Eusebius, trong cuốn Lịch Sử Giáo Hội (3, 20,1-6) kể lại rằng hoàng đế Domitian có cho triệu các cháu của Giuđa, một trong các con trai của Thánh Giuse, tức là cháu của Chúa Giêsu, tới để tra vấn xem họ có thực sự thuộc dòng dõi Vua Đavít và Đấng Kitô có sắp sửa xuất hiện hay không. Họ nhìn nhận thuộc dòng dõi Vua Đavít nhưng Hoàng Đế quyết định để họ được thong dong, vì xem ra họ không phải là những người quan trọng. Lý do? Vì họ có rất ít đất đai và bàn tay cũng như thân hình họ cho thấy họ chỉ là những người lao động chân tay tầm thường. Như thế, đại gia đình của Chúa Giêsu chỉ gồm những lao công nông nghiệp tầm thường như phần đông dân làng khác. Ta nghe Tin Mừng nói nhiều tới những thợ thủ công và ngư phủ vì họ là những loại lao công có ý nghĩa duy nhất khác. Chúa Giêsu là một bác thợ mộc mà theo Thánh Justin Tử Đạo, những người thợ này hay sản xuất các loại cày và ách cho trâu bò. Tuy nhiên, loại thợ này cũng có thể chế tạo các đồ dùng bằng đá hay bằng gỗ, dù gỗ là thứ hiếm tại Palestine.

Sự thông đồng của Đền Thờ và hàng Tư Tế

Điều đáng lưu ý là mặc dù người dân Galilê phải đóng thuế cho Hêrốt và nhiều thứ thuế đánh trên sản phẩm cho Rôma, họ còn bị giai cấp tư tế quí tộc ở Giêrusalem buộc phải nộp “thuế” thập phân (tithes) và nhiều của lễ khác cho Đền Thờ và hàng tư tế. Các sách Tin Mừng khởi đầu với hình ảnh Chúa Giêsu như người con trai ngoan đạo của một gia đình ngoan và sùng đạo lên đường hành hương Giêrusalem và quả là việc tự nhiên đối với Người khi sống trên đời là phải tham khảo với hàng tư tế và trưởng lão lúc tròn 12 tuổi. Nhưng khi thừa tác vụ công khai của Người bắt đầu mở rộng, thì việc Người chỉ trích Đền Thờ và các thao túng của nó cũng mỗi ngày mỗi trở nên nghiêm khắc hơn. Về khía cạnh này, Người quả đã đi trước thời đại của mình. Sách Talmud, một tuyển tập thực hiện sau này để thu thập túi khôn Do Thái thời hậu Đền Thờ, từng có lời than thở sau đây:

“Khốn cho tôi vì nhà Boethus
Khốn cho tôi vì gậy gộc của họ.
Khốn cho tôi vì nhà Annas
Khốn cho tôi vì những rỉ tai của họ.
Khốn cho tôi vì nhà Kathos
Khốn cho tôi vì ngòi bút của họ.
Khốn cho tôi vì nhà Ishmael ben Piabi
Khốn cho tôi vì những nắm đấm của họ.
Vì họ đều là thượng tế, con trai họ là thủ qũy, con rể họ đều là giám thị đền thờ, và tôi tớ họ đánh người bằng gậy” (b. Pesahim57a; t. Menahot 13:21)

Dẹp bỏ truyền thống vĩ đại

Quan điểm của Chúa Giêsu quả đã đi trước những lời than thở trên. Những than thở ấy đề cập tới việc dùng bạo lực, giữ sổ nợ, thao túng chức vụ Đền Thờ, dùng tin đồn để kiểm soát. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu đã khai triển nhiều tệ nạn ấy. Khi làm như thế, Người quả đã thách thức “Truyền Thống Vĩ Đại” mà đối với các nhà lãnh đạo đương thời vốn là cương lãnh của sự việc, là lịch sử từ trên cao, là ý thức hệ bó buộc dùng để hợp pháp hóa ách thống trị quần chúng của giai cấp giầu có và quyền thế. “Truyền Thống Vĩ Đại” gần như lúc nào cũng có cơ sở đô thị và thuộc chữ viết vì bản văn viết luôn được coi là có thẩm quyền và dĩ nhiên cần đến những nhà giải thích, những luật sĩ, ký lục. Vào thời Chúa Giêsu, tại tâm điểm của Truyền Thống Vĩ Đại là việc nhấn mạnh tới nét tinh sạch của nghi lễ và việc tuân theo mọi lề luật của ngày Sabát; đó chính là dấu chỉ thực sự của con cháu Ápraham. Gioan Tẩy Giả vốn từng xỉ vả sự sa đọa được hợp pháp hóa đó trong Luca 3:7-9 : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham’; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Chúa Giêsu sẽ đề cập tới việc sử dụng Ápraham theo lối của giai cấp ưu tú trong Truyền Thống Vĩ Đại này và sẽ đánh đổ nó trong dụ ngôn Người Giầu Có và Ladarô mà ta sẽ bàn sau này. Điều Chúa Giêsu đưa ra được một số học giả gọi là “truyền thống nhỏ bé”, tức truyền thống truyền khẩu của nông dân, là truyền thống được họ thân thiết đồng hóa với như tâm cốt, cũng là truyền thống phản kháng của các tiên tri, và của chính Thiên Chúa Tạo Hóa và giao ước của Người với Sáng Tạo. Chúa Giêsu luôn tìm cách làm sắc bén và sâu sắc hơn điều các nông dân vốn đã biết. Nhờ làm như thế, Người đã đánh thức để họ lưu ý tới những phạm vi đức tin vốn bị coi thường hay lãng quên; Người đem họ trở lại với chính lịch sử của họ, một cảm thức về chính họ dưới sự dìu dắt của Thiên Chúa, nhưng đó không phải là Đấng Thiên Chúa mà họ tìm cách giao tiếp qua ngả thao túng của thẩm quyền Đền Thờ ở Giêrusalem, mà đúng hơn là đấng tạo hóa hết sức gần gũi với họ như người Cha thân yêu và là Đấng muốn lập họ thành những đứa con ưa thích. Người luôn tìm cách đập tan hình ảnh tiêu cực mà những người kiểm soát họ vốn áp đặt lên họ và chính họ đã một phần nội tâm hóa, thí dụ người giầu được Thiên Chúa chúc phúc còn người nghèo là vì Thiên Chúa muốn họ nghèo.

Các dụ ngôn nói về một vương quốc khác

Ta hãy xem một số dụ ngôn của Chúa Giêsu và đọc chúng dưới ngữ cảnh trên. Điều đáng ghi nhớ là Người luôn dạy các dụ ngôn này cho các nhóm, các đám đông và các cộng đoàn. Nhằm mục đích khuyến khích việc thảo luận, mạn đàm, khơi lên ý thức. Các dụ ngôn ấy, vì thế, là khởi điểm cho một diễn trình chứ không phải là đích điểm. Chúng giúp người ta đạt tới những giây phút ‘rạng sáng’ chung. Các giây phút ấy sẽ đem tới nhiều hậu quả khác. Nhóm nào nhìn ra hệ luận của một dụ ngôn, nhóm ấy sẽ nhìn việc làm của họ khác đi và buộc phải chọn lựa, một là tiếp tục theo đường quen cũ hai là ra hẳn con đường ấy để bước vào lối nhìn sự vật theo “vương quốc” mới.

Người phú hộ và Ladarô: Người giầu bẩn thỉu và người nghèo mạt rệp Luca 16:19-31

Ở đây, ta có một đại diện cho giai cấp quyền thế trong một lãnh thổ của quần áo là lượt, những quần áo tốn hàng chục nghìn đồng mới có, những quần áo của hàng vua chúa quan quyền, những gấm vóc mua tận từ Ai Cập, từ nước ngoài. Trong khi đó, Ladarô được mô tả như một ptokõs, xác xơ, chỉ còn da bọc xương, một thứ xác chết làm mồi cho chó dại. Dù trên thực tế, những con chó dại này là những con vật duy nhất tỏ ra tử tế với anh ta, liếm láp các vết thương do cảnh thiếu ăn tạo ra của anh ta. Sự khác nhau giữa hai con người này quả không còn gì lớn hơn và như để nhấn mạnh điều ấy, Chúa Giêsu nói đến chiếc cổng lớn giữ cho Ladarô tách biệt hẳn với người kia, dù tên Ladarô vốn có nghĩa là “người Chúa giúp”. Chỉ cần chiếc cổng ấy mở ra, thì kết cục câu truyện đã ra khác rồi. Đàng này, người giầu chết đi và được chôn cất trọng thể.

Cho tới lúc này, ta mới chỉ thấy quan điểm của Truyền Thống Vĩ Đại về trật tự sự việc, nhưng Chúa Giêsu kể tiếp câu truyện và một trật tự khác sẽ được vén mở. Giờ đây, ta thấy thiên đàng, nơi đó, trong tư cách khách qúi dự tiệc, Ladarô được tựa vào lòng Ápraham. Còn người phú hộ thì đang bị hành khổ trong âm phủ; không hẳn là hỏa ngục, mà là nơi chờ đợi để được sống lại và để học các bài học mà đáng lý ra người ta nên học khi còn sống ở trên đời. Nhưng người phú hộ đã học được gì? Ông ta xin Ápraham truyền cho Ladarô đem đến cho ông ta chút nước nhưng Ápraham nhắc để ông ta nhớ lại cuộc sống trước đây của ông ta và đây là hậu quả của cuộc sống ấy. Ở đây ta thấy có trò chơi chữ giữa chiếc cổng mà đáng lý người phú hộ nên mở ra bất cứ lúc nào để an ủi Ladarô và hố thẳm vĩ đại hiện đang phân cách họ. Kế đến, người phú hộ xin Ápraham sai Ladarô về nói chuyện với anh em mình để họ tránh được số phận hẩm hiu của ông ta. Ápraham nói để ông ta hiểu rằng anh em ông ta đã có đủ những gì họ cần, tức giáo huấn của Môsê. Ta nên để ý điều này: người phú hộ vẫn tiếp tục coi Ladarô như tên nô lệ vô nghĩa. Ông ta chưa học được bài học nào. Thế rồi, ông ta đưa lý chứng “ngoại thường” nhưng nghịch thường này: “nếu có ai đó từ cõi chết trở về, họ sẽ ăn năn”. Ápraham cho ông ta hay: nếu họ đã khinh thường Môsê và các tiên tri, là những người dùng lời Chúa mà nói, thì có lý do gì họ lắng nghe một người từ cõi chết trở về!

Suốt trong diễn trình trên, Ápraham tìm cách để người phú hộ nhận ra Ladarô cũng là một đứa con của Thiên Chúa. Thực vậy, từ ngữ được tổ phụ dùng gọi người phú hộ là teknon (con) và chính người phú hộ cũng gọi Ápraham là cha, nhưng ông ta khư khư bám lấy giai cấp cũng như ý thức gia tộc riêng của mình; ông ta chỉ biết quan tâm tới anh em ông ta. Không nhận ra: cả Ladarô nữa cũng là con Ápraham và, do đó, là anh em ông ta. Đây chính là giáo huấn của Ngũ Kinh (Torah) trong đó, đất đai là dành cho mọi người: sản phẩm của đất đai không được tích trữ nhưng phải mang ra chia sẻ, để cả các bà góa, khách trú và cô nhi cũng được no đủ (Lv 25; Đnl 15:1-18). Kể truyện này, Chúa Giêsu tự đặt mình trọn vẹn vào truyền thống tiên tri trong Isaia 1:16-17; Giêrêmia 5:23-29; 21:11-14; Am 2:6-11; 5:10-24; và Mikha 3:1-3, 9-12, một truyền thống luôn kết án cảnh bóc lột của những triều vua khởi đầu. Truyền thống này cũng cho thấy quyền lợi giai cấp và gia tộc trong nền kinh tế mới đã phá sập cảm thức liên đới ra sao giữa người với người.

Dụ ngôn trên giúp người ta cách giải thích xã hội hai tầng của thời đó với Hêrốt và giai cấp điền chủ ưu tú tại Galilê cũng như hàng tư tế qúi phái tại Giêrusalem và Giuđêa. Sự phân cách vĩ đại giữa giầu và nghèo chính là hậu quả trực tiếp của cảnh cho vay nặng lãi, của sưu cao thuế nặng. Các dụ ngôn nhằm mở toang thực tại ấy nhưng đồng thời cũng mời gọi người ta suy nghĩ: phải làm gì để thay đổi khác đi? Trong dụ ngôn người phú hộ và Ladarô, Chúa Giêsu biến Ápraham thành một ông thầy. Ngài dạy ta: điều cần là tái lập cảm thức hỗ tương, tái lập mối liên hệ hay tình thân thuộc có tính nền tảng. Không có điều ấy, người giầu vẫn cứ tiếp tục bóc lột người nghèo, vẫn cướp giật đất đai và xây nên những nông trại khổng lồ nhờ thao túng các khoản nợ nần. Không gian chung mà ngày xưa họ cùng cư ngụ trong tư cách dân riêng của Chúa đã bị phá hoại. Nhưng đâu phải chỉ bị phá hoại, mà còn bị giải thích sai lạc nữa: phải cho người nghèo tin rằng thánh ý Thiên Chúa muốn vậy.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn trên để đảo ngược lại tình thế; kẻ rách bươm ở đường phố sẽ trở thành khách qúy tại bàn tiệc nước trời. Chuyện này làm sao có được? Một là có điều gì sai ở đời này hai là có điều gì sai ở đời sau. Câu truyện thật lạ tai vì nó bao gồm cả thế giới bình thường hàng ngày với người hành khất bên cửa và thế giới của giai cấp giầu sụ đầy ưu đãi, vốn không thuộc thế giới hàng ngày. Nhưng khi kể câu truyện này, các thính giả của Chúa Giêsu bỗng thấy ra mối liên hệ giữa sự giầu có tột bực của thiểu số giầu sụ và cảnh nghèo mỗi ngày một gia tăng của đại đa số quần chúng. Họ cũng nhận ra điều có thể thay đổi hiện trạng: tuức phải tái khám phá và tái khẳng nhận quan điểm thân thuộc và hiếu khách của Môsê và các tiên tri. Quả là thích hợp khi Chúa Giêsu sử dụng Ápraham trong câu truyện vì tổ phụ vốn là người được giai cấp ưu tú sử dụng làm biểu tượng cho giai cấp và cho sự tinh ròng về sắc tộc của họ, và là người hợp pháp hóa sự thống trị của họ (Lc 3:7-9). Nhưng trong câu truyện của Chúa Giêsu, Ápraham lại là người lập lại tình thân thuộc và tính hiếu khách chân thực cho những người rách rưới (Lc 13:28-29).

Ta hãy xem một thí dụ khác:

Thợ làm vườn nho: Liên đới mà mất đi thì áp bức sẽ xuất hiện, Mátthêu 20:1-16

Trong câu truyện này, ta có những người làm công ban ngày. Một số là những tiểu điền cố gắng cải thiện mức sống khiêm nhường của mình, một số không có đất đai và nghèo xơ xác, không được đại gia đình hay cộng đoàn hỗ trợ, một số lang thang và do đó xa lạ với người địa phương. Tóm lại, ở đây, ta gặp đủ nhóm lao công cạnh tranh nhau để dành số công việc ít ỏi. Cảm thức liên đới, vì thế, khó có thể hiện diện nơi những con người như thế này.

Bình thường, chính người quản lý sẽ thuê họ, vì các chủ điền có khuynh hướng sống tại các thị trấn mới, ít khi lưu tâm đến những việc quản lý thường nhật nhưng Chúa Giêsu cố ý nói tới chủ điền ở đây, để một lần nữa nhấn mạnh tới mối liên kết giữa những người trên đỉnh xã hội và những người ở đáy xã hội ấy. Giai cấp ưu tú vốn vô hình thì ở đây họ đã thành hữu hình và do đó, có trách nhiệm phải phải tính sổ.

Đang đến lúc thu hoạch nho và mùa thu hoạch này kể là lớn, chủ nhân phải thu hoạch vào lúc thích hợp nhất đối với hoa lợi, nên ông phải lui tới phố chợ nhiều lần hòng tìm đủ người làm cho vụ thu hoạch này. Chủ nhân hứa trả cho nhóm làm công đầu tiên một đồng đênariô, một số tiền hợp lý cho một ngày công, nhưng không có chi rộng lượng, chỉ đủ nuôi một gia đình nhỏ. Khi ông trở lại, ông chỉ nói với nhóm làm công thứ hai tới làm việc cho ông và hứa sẽ trả công họ xứng đáng. Không thấy có việc thương lượng nào. Nhóm sau đó cũng được mời đến làm mà không nói gì tới việc trả công. Nhất là nhóm cuối cùng, được mời tới làm chỉ có một giờ. Lúc nào, chủ nhân cũng hoàn toàn giữ quyền kiểm soát.

Đến lúc thanh toán, chủ nhân bảo người quản lý trả công theo thứ tự ngược lại nhưng tất cả đều nhận được một đồng đênariô chứ không theo tỷ lệ số giờ làm việc. Xem ra chủ nhân muốn chơi người làm công, một cử chỉ khinh miệt, phỉ báng, hàm ý: người làm suốt ngày cũng không có gì đáng giá hơn những người chỉ làm một giờ. Sự phỉ báng ấy làm họ tức giận đến nỗi người làm công lên tiếng phản đối, vì nếu không phản đối, hóa ra giá trị lao công của họ trên thị trường bị mất hết và mặc nhiên họ phải chấp nhận quyền của chủ nhân được trả ít hơn vào lần sau.

Nên nhớ: chủ nhân không nói chuyện với cả nhóm, ông chỉ nói với một người làm công: “tôi đâu làm anh thiệt, há anh không thoả thuận với tôi một đồng đênariô đó sao?” Như thể đã có một khế ước được thoả thuận với nhau từ trước. Rồi ông ta đuổi người lao công ấy đi “Hãy nhận những gì của anh và đi đi”. Anh ta bị đuổi và chắc chắn không được thuê lại. Ông chủ bề ngoài tốt bụng đã hiện hình thành một người khác hẳn: hợm hĩnh và đầy thao túng.

Rồi ông ta quay qua nói với cả nhóm và biện minh cho hành động của mình: “tôi có quyền cho người đến sau cùng số tiền tôi cho những người đến đầu tiên”. Món tiền vì thế trở thành quà tặng của ông ta, chứ không phải tiền công nữa. Ông cho rằng lời khiếu nại của họ là điều xấu, vì chống lại lòng tốt của ông ta (nguyên văn: “phải chăng mắt bạn xấu vì tôi tốt bụng chăng?”). Lời ông ta như thể muốn nói: đất đai là của ông ta và ông ta có quyền kiểm soát hoa lợi của nó, trong khi ấy, Ngũ Kinh quả quyết đất đai là của Chúa và chỉ một mình Chúa có quyền phân phối hoa lợi cho dân. Ngũ Kinh đòi phải tái phân phối lúc gặp đói kém và kết án việc tích trữ để kiếm lời... Câu truyện của Chúa Giêsu đưa thính giả của Người vào tâm điểm giao ước và việc giải phóng của nó. Câu truyện này nhấn mạnh đến việc giai cấp giầu có hủ hóa giao ước, đồng thời cho thấy việc người nghèo đánh mất tình liên đới với nhau: người giầu có thể cô lập một công nhân để làm câm họng sự phản đối ban đầu của nhóm...

Cũng nên để ý tới điều Chúa Giêsu nhấn mạnh một lần nữa trong dụ ngôn này. Người sử dụng kinh nghiệm của người ta, khích động để họ nhìn rõ thế giới của họ, dĩ nhiên với một tầm nhìn canh tân, tầm nhìn “Nước Thiên Chúa”, và do đó, mời gọi họ trở thành chủ thể của chính lịch sử của họ. Người động lực hóa người bị bóc lột, người bị áp bức để họ dành lại lịch sử của họ, nhìn lịch sử ấy cách mới hẳn, và tham dự vào việc tạo ra nó. Khi đọc các bản văn này trong nhà thờ, ta thường hay có nguy cơ thiêng liêng hóa chúng đến quên khuấy cả sứ điệp bản thân của chúng: chúng có nghĩa gì đối với tôi? Và tệ hơn nữa, ta còn quên cả lời chúng kêu gọi phải đổi mới cách nhìn tập thể của ta đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa, trong đó, mọi hữu thể đều có giá trị như nhau, việc phân phối của cải trái đất và chia sẻ chúng cũng như tình liên đới trong phục vụ luôn chiếm tâm điểm trong quan tâm tập thể của ta chứ không phải việc tích lũy lợi nhuận và an toàn bản thân. Trên hết, đây là các bản văn khích lệ ta suy nghĩ, thảo luận và tranh luận tập thể, khởi đi từ thực tại tranh chấp của ta hiện nay.

McLouglin kết luận rằng điều nguy hiểm là khi các bản văn này trở thành độc quyền của giai cấp ưu tú, của những vị thụ phong mà thôi. Vì như thế, chúng dễ rơi vào những Truyền Thống Vĩ Đại khác vốn ít ăn có với thực tại của đại đa số quần chúng. Và điều còn nguy hiểm hơn nữa là khi cộng đồng dân Chúa có cùng một “chính nghĩa” với một kế hoạch chính trị vĩ đại, một thứ Đại Xã Hội. Như một câu phương ngôn xưa vốn nói: khi uống chung với qủy, bạn cần chiếc muỗng dài.
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được coi như làm biến đổi cuộc đời
Bùi Hữu Thư
06:10 21/07/2011
Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các tham dự viên có những kinh nghiệm tốt đẹp

MADRID, Spain, 20 tháng 7, 2011 (Zenit.org).- Chín trong số mười người trẻ được một viện nghiên cứu Tây Ban Nha phỏng vấn nói họ coi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là "một kinh nghiệm làm biến đổi cuộc đời."

Gabinete de Análisis Demoscópico thuộc Văn Phòng Phân Tích Dư Luận Quần Chúng (Office of Analysis of Public Opinion: GAD), thăm dò ý kiến của 1.800 giới trẻ trên toàn thế giới đã theo dõi các tin tức về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Dự án này được ông Gonzalo González Sanz, một chuyên gia về xã hội học điều khiển.

Kết quả có hai loại: một loại là phân tích lý do người ta muốn tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và loại thứ hai là những kỳ vọng sẽ gặt hái được khi tham dự.

Các dữ kiện thâu lượm được cho hay có chín trong số mười người trẻ cho hay họ tìm kiếm để có "một kinh nghiệm mới" (93%), để "rao truyền sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô" (92%), để "bầy tỏ sự cam kết của họ đối với Giáo Hội" (90%), và để "thỏa mãn những ưu tư của họ về tâm linh" (90%).

Trong số những người được phỏng vấn có đa số dưới 30 tuổi, và cứ bốn người thì có một người đã tham dự một Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới trước đây. Trên 60% đã tham dự tại Cologne, Đức (năm 2005), và 44% đã tới Sydney, Úc (năm 2008).

Trên 98% của những người đã tham dự một Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được phỏng vấn cho hay họ đánh giá kinh nghiệm này tốt đẹp (80% rất tốt đẹp và 18% tốt đẹp).

Giới trẻ nói họ cũng tham dự các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới để gặp gỡ người khác (87%) và để tiếp xúc với những người cùng chia sẻ các giá trị tinh thần (88%).

Về tầm quan trọng của đức tin trong đời sống của họ, 85% những người được phỏng vấn cho rằng đức tin nơi Chúa Kitô giúp họ tha thứ cho kẻ khác, 80% nói đức tin khiến cho họ có tình liên đới và muốn giúp đỡ những ai thiếu thốn, và 7% cảm nghiệm rằng đức tin cần thiết để trưởng thành và trở nên một con người tốt hơn.
 
Tài liệu hỏi-đáp liên quan đến các vụ phong chức bất hợp pháp tại Trung Quốc
Nguyễn Trọng Đa
10:41 21/07/2011
Tài liệu hỏi-đáp do Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc soạn thảo liên quan đến các vụ phong chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc

"Vì một số lý do nghiêm trọng, linh mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin) không được bổ nhiệm làm Giám Mục"

Lạc Sơn, Trung Quốc - Đây là một tài liệu hỏi-đáp do Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc soạn thảo, thảo luận tuyên bố ngày 4-7 của Tòa Thánh về việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp diễn ra ngày 29-6 tại Lạc Sơn.

Tài liệu này được công bố trên blog CatholicsInChina của hãng tin Fides.


* * *

Lưu ý sơ khởi:

- Đây là câu trả lời của Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc cho các câu hỏi được nêu ra bởi các tín hữu tại Trung Quốc, liên quan đến Tuyên bố của Tòa Thánh (4-7-2011) về lễ tấn phong Giám mục bất hợp pháp tại Lạc Sơn (29-6-2011).

- Câu trả lời ở đây là về mối quan tâm mục vụ thuần túy.

- Một số chuyên viên Giáo luật đã được tham vấn trong việc soạn thảo câu trả lời.

--- --- ---

Về Linh mục Phaolô Lôi Thế Ngân

Hỏi: Giờ đây, Cha Phaolô Lôi Thế Ngân ở trong tình trạng vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) không?

Đáp: Có. Bằng hành động được tấn phong Giám mục mà không có sự chuẩn thuận của ĐTC Biển Đức XVI, Cha Phaolô Lôi Thế Ngân đã mắc vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae, Xem Giáo luật 1382), vốn được Tòa Thánh "tuyên bố" công khai sau đó. Vạ tuyệt thông là một hình thức trừng phạt rất nặng trong Giáo Hội, vốn loại trừ người bị vạ tuyệt thông ra khỏi sự hiệp thông hữu hình của các tín hữu.

Hỏi: Việc tuyên bố công khai hình phạt nặng này có nghĩa là gì?

Đáp: Một tuyên bố công khai về hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) trong Giáo Hội là nhằm nói rõ ràng với người phạm tội rằng người ấy đã vi phạm Giáo luật, và làm cho các tín hữu biết được tình hình phạm luật của người ấy. Trong trường hợp này, nó cũng có nghĩa là kêu gọi cha Phaolô Lôi Thế Ngân sám hối ngay lập tức bằng cách tiếp cận với Tòa Thánh (Giáo luật 1382). Đồng thời, tuyên bố công khai kêu gọi Giáo Hội tại Trung Quốc (cụ thể là các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, và Giáo Dân) có hành động mạnh mẽ chống lại mọi hình thức tấn phong Giám mục bất hợp pháp. Tòa thánh phải đưa ra lời tuyên bố phạt vạ tuyệt thông, nếu hoàn cảnh bắt buộc vào thời gian nào đó, và trên hết, khi lợi ích của các linh hồn bị đe dọa nghiêm trọng.

Hỏi: Người bị vạ tuyệt thông có bị trục xuất khỏi Giáo Hội không?

Đáp: Không. Giáo Hội có cả chiều kích xã hội hữu hình và chiều kích mầu nhiệm vô hình. Người bị vạ tuyệt thông đến một mức độ nào đó bị loại trừ khỏi sự tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng Công Giáo, trong một nghĩa xã hội hữu hình với mọi hệ quả pháp lý của nó (Giáo luật 1331). Nhờ bí tích Rửa tội người ấy vẫn còn là một thành viên của Giáo Hội – Nhiệm thể của Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao người ấy vẫn có thể tiếp cận Tòa Thánh, nơi duy nhất người ấy có thể đến để xin sự hòa giải.

Hỏi: Xin cho biết các hệ quả pháp lý của khoản giáo luật 1331?

Đáp: Người mắc vạ tuyệt thông bị cấm cử hành Thánh Lễ, cấm cử hành và nhận lãnh các bí tích, hoặc cấm hành sử bất cứ chức vụ nào trong Giáo hội. Mặc dù được tấn phong Giám mục, người ấy không có quyền cai quản giáo phận. Vì vậy, các linh mục và tín hữu (ngoại trừ nguyên nhân nghiêm trọng, chẳng hạn lúc nguy tử) không những phải tránh nhận các bí tích từ người ấy, nhưng còn không cho người ấy cử hành mọi hình thức phụng vụ hoặc nghi lễ Giáo hội, và đình chỉ người ấy cử hành phụng vụ hoặc nghi lễ, trong trường hợp người ấy không thi hành việc cấm. Tóm lại, hình phạt vạ tuyệt thông làm cho người ấy mất đi một số lợi ích thiêng liêng, để nhờ hình phạt “điều trị” này, người ấy có thể sớm ăn năn hối lỗi thật sự.

Hỏi: Cha Phaolô Lôi Thế Ngân có thể được tha thứ không?

Đáp: Có chứ. “Tuyên bố công khai” có nghĩa chính xác là nhằm cho điều đó. Cha Phaolô Lôi Thế Ngân phải ngay lập tức tiếp cận với Tòa Thánh để xin tha thứ. Kế tiếp, cha phải thực hiện tỉ mỉ các hướng dẫn do Tòa thánh nói với cha. Sau đó, ĐTC Biển Đức XVI, dựa trên sự ăn năn thật sự của cha, sẽ loại bỏ vạ tuyệt thông cho cha. Cho đến lúc đó, cha sẽ vẫn còn mắc vạ tuyệt thông.

Hỏi: Khi vạ tuyệt thông của cha được xóa bỏ, liệu cha Phaolô Lôi Thế Ngân có được tự động thi hành sứ vụ Giám mục không?

Đáp: Không, cha không thể thi hành sứ vụ được. Việc loại bỏ vạ tuyệt thông là một chuyện; và việc bổ nhiệm Giám mục lại là chuyện khác. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Tòa Thánh đã nói rõ rằng do một số lý do nghiêm trọng, cha Phaolô Lôi Thế Ngân không thể được bổ nhiệm làm Giám mục. Nói cách khác, ngay cả khi bị vạ tuyệt thông của cha được loại bỏ, cha không được hành xử như một Giám mục, không đeo phù hiệu của Giám mục, và không phát biểu như một Giám mục.

--- --- ---

Đối với các Giám Mục chủ phong và phụ phong

Hỏi: Tình trạng hiện nay của bảy Giám mục tấn phong cho cha Phaolô Lôi Thế Ngân là như thế nào?

Đáp: Các vị đã tự đặt mình vào biện pháp trừng phạt nghiêm trọng do luật của Giáo Hội đưa ra (Tuyên bố ngày 4-7-2011). Điều này có nghĩa rằng "một khi đã có sự vi phạm bên ngoài, thì sự quy trách được suy đoán, trừ khi đã rõ cách nào khác” (Giáo luật 1321, § 3). "Sự quy trách được suy đoán" có nghĩa là có một lý do đầy đủ để xác định rằng các Giám mục thực sự phạm một lỗi nặng của vô kỷ luật, qua việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp, và do đó, được suy đoán là bị vạ tuyệt thông, trừ khi được chứng minh ngược lại.

Hỏi: Các vị có thể tiếp tục sứ vụ Giám mục bình thường không?

Đáp: Không, các vị không thể làm như vậy, bao lâu mà "sự quy trách được suy đoán” của các vị không được loại bỏ.

Hỏi: Các vị nên làm gì?

Đáp: Trước hết và trên hết, nhiệm vụ của các vị là tiếp xúc ngay với Tòa Thánh để xin tha thứ, và để giải thích các lý do mà họ đã tham gia lễ tấn phong Giám mục bất hợp pháp, và chờ câu trả lời của Tòa Thánh.

Hỏi: Nếu một Giám mục tấn phong, trong lương tâm của ngài, cho rằng ngài không bị vạ tuyệt thông, thì sao?

Đáp: "Lương tâm" là một nơi thiêng liêng, nơi đó vị Giám mục liên quan phải thành thực với Chúa. Tuy nhiên, những người khác không thể nhìn thấy qua lương tâm của ngài. Bao lâu "sự quy trách được suy đoán” chưa được loại bỏ, vị Giám mục liên quan phải tránh tất cả các sứ vụ công khai. Trong khi đó, ngài vẫn buộc phải tiếp cận Tòa Thánh.

Hỏi: Các linh mục và tín hữu nên tránh lãnh nhận các bí tích do các Giám mục này ban không?

Đáp: Có, họ nên tránh, không phải vì các linh mục và tín hữu ở một vị trí để xét đoán lương tâm của vị Giám mục liên quan, nhưng vì "sự quy trách được suy đoán" chưa bị loại bỏ.

Hỏi: Các linh mục và tín hữu có thể làm gì khác, khi "sự quy trách được suy đoán" của một Giám mục liên quan chưa bị loại bỏ?

Đáp: Trước hết, họ cần phải kiên vững trong đức tin của họ, và tiếp tục duy trì sự hiệp nhất của cộng đoàn. Đối với vị Giám mục của họ có "sự quy trách được suy đoán", các linh mục và tín hữu được khuyến khích nhiều để cầu nguyện cho ngài, và để nhắc nhở ngài, khi cần thiết, giáo huấn của Giáo Hội. Việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp này không chỉ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật hoặc xáo trộn giáo lý của Giáo hội, nhưng trên hết làm tổn thương sự hiệp thông của Giáo Hội.

Việc cầu nguyện là quan trọng nhất để cho các mục tử của chúng ta luôn luôn được vững mạnh, và đi theo Chúa. Trong thực tế, ở Trung Quốc có các Giám mục đáng ngưỡng mộ. ĐTC Biển Đức XVI nói: " Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện cố định này - không phải là không có đau khổ- của các Giám Mục đã nhận phép truyền chức phù hợp với truyền thống Công Giáo, nghĩa là có thông công với Đức Giám Mục Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, và được đặt tay trên đầu bởi Giám mục được tấn phong hợp pháp theo như nghi thức của Giáo Hội Công Giáo”. (Số 8, Tông Thư của ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo Hội tại Trung Quốc). (Zenit 19-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Xem bộ phim ''Đừng khóc cho tôi Sudan'' về Cha Lee Tae-suk
KBS1
10:11 21/07/2011
Xin đừng khóc cho tôi – phần 1:



Xin đừng khóc cho tôi – phần 2:



Xin đừng khóc cho tôi – phần 3:



Xin đừng khóc cho tôi – phần 4:



Xin đừng khóc cho tôi – phần 5:



Xin đừng khóc cho tôi – phần 6:

 
Top Stories
First National Leadership Summit Sets New Direction For Vietnamese American Community
VaSummit
08:17 21/07/2011
WASHINGTON DC - At the Inaugural National Summit of Vietnamese American Leaders, held at the Capital Hilton in Washington, DC on July 2, 2011, over two hundred leaders, with a large proportion from the second generation of Vietnamese Americans, joined hands to develop a national platform to advance the community in the next decade.

Summit Delegates from 20 states enthusiastically called for the next Summit
Nearly 250 delegates from 20 states participated in three tracks to draft national strategies for community empowerment in all three sectors of society: political, economic, and social. "To build a strong foundation for our future in America, we need effective and committed leaders in all three sectors and sustainable civic institutions - both of which are currently lacking in our community," said Shandon Phan, Chair of the Summit's Organizing Committee.

Through an organizing model of local delegations and national steering committees and months of intense pre-Summit planning, Summit leaders aim to develop a comprehensive national strategy on July 2nd. In addition, teams of leaders are ready to implement projects afterward in different local communities across the country.

In the political empowerment track, delegates introduced a plan to set up a national Political Action Committee (PAC) focusing on candidate recruitment and mentoring, fundraising, and voter registration, education and mobilization. The national PAC will also help establish and coordinate a network of local PACs. Among delegates attending this track, 21 volunteered to work on the national PAC and 12 expressed interest in running for public office at some point. The delegates set their initial fundraising goal at $100,000 to start up the effort.

In the economic empowerment track, delegates put forth a strategy to build chambers of commerce capable of meeting the development needs of approximately 230,000 Vietnamese American small businesses. In particular, they will focus their efforts to strengthen the Vietnamese American National Chamber of Commerce (VietAmCham), which was established in early 2009, and strengthen or build local chambers of commerce.

In the community building track, delegates will focus on developing leadership capacity and resources for the Vietnamese American community across the country. BPSOS, the largest Vietnamese American community organization which spearheads, hosts, and serves as the trustee of the Summit project, introduced two national initiatives to advance that mission: (1) Vietnamese American Research Institute (VARI); and (2) "500 in 5 Years" Leadership Development Initiative, aimed to develop the next corps of leaders for the community in all three sectors.

"500 In 5 Years" will be officially deployed early in 2012 with the aim of training 100 young leaders each year nationwide. Curriculum is being tested with six participants in Alabama and Mississippi.

"Through practical, hands-on projects, "500 in 5" participants will develop their own leadership capacity while providing the manpower to implement the national strategies in all three tracks," said LanAnh Nguyen, who presented the strategy for community building.

The Summit receives strong support from some of America's best leaders, such as Frances Hesselbein, Chairman of Leader to Leader Institute; Dr. Robert Ivany, President of University of Saint Thomas and retired U.S. Army general; JD Hokoyama, President of Leadership Education for Asian Pacifics (LEAP); and John Anner, Executive Director of East Meets West Foundation.

Asked whether they support having the next Summit, all delegates stood up to show their enthusiastic support for the second summit in the summer of 2012. A location will be voted on within the next few months.

"In 12 months, if each of us just gathered four more like-minded individuals, we would have a thousand participants in 2012," Dr. Nguyen Dinh Thang, Executive Director of BPSOS and the Summit's key strategist, called on all delegates. "And aim for five thousand in 2013. Together, we can build that force for change in our community."

(Source: http://vasummit2011.org/)
 
Les mouvements de jeunesse en Papouasie demandent aux autorités indonésiennes de faire cesser les violences dans leur province
Églises d'Asie
10:05 21/07/2011
Les mouvements de jeunesse en Papouasie demandent aux autorités indonésiennes de faire cesser les violences dans leur province


Le 20 juillet à Djakarta, au siège de la Commission pour les disparus et les victimes de violence, les dirigeants du Forum indépendant des étudiants papous ont appelé le gouvernement à stopper l’escalade de la violence dans leur province, l’attitude des forces de sécurité dans la région ne faisant qu’aggraver les violations des droits de l’homme qui y sont commises. « Le gouvernement doit sans délai changer son approche, abandonner l’option militaire et choisir la voix du dialogue », a déclaré devant les journalistes Elias Petege, président du Forum.


Elias Petege a notamment fait état d’une opération de l’armée dans le district de Puncak Jaya, en Papouasie, où, depuis le 4 juillet, 600 hommes d’un bataillon des forces armées indonésiennes, connu pour ses violations des droits de l’homme, traquent les rebelles indépendantistes. Le 12 juillet, un accrochage a eu lieu et les militaires ont rapporté que cinq des leurs avaient été tués. De son côté, la Commission nationale pour les droits de l’homme rapporte qu’une femme et trois enfants papous ont été blessés ou tués par balles tandis que des opérations de ratissage étaient menées par l’armée dans les villages dans le sous-district de Tingginambut.

Selon Elias Petege, qui fait également partie de la Commission ‘Justice et Paix’ du diocèse catholique de Jayapura, ces récents incidents démontrent l’inefficacité de l’approche militaire choisie par les autorités, laquelle ne contribue qu’à permettre de nouvelles atteintes aux droits de l’homme. « Les droits fondamentaux sont d’autant moins respectés en Papouasie que la présence militaire y est importante », a déclaré le leader étudiant, ajoutant que son mouvement allait saisir la Commission nationale pour les droits de l’homme afin de faire traduire en justice les auteurs de ces exactions.

La prise de position du Forum indépendant des étudiants papous intervient à la veille d’une visite de trois jours que la secrétaire d’Etat américaine, Hillary Clinton, effectue en Indonésie du 21 au 24 juillet. Sa visite prend place un an après celle du secrétaire à la Défense Robert Gates au cours de laquelle les Etats-Unis avaient annoncé la reprise de leur coopération militaire avec l’armée indonésienne, notamment les forces spéciales Kopassus, de sinistre réputation au vu de leur passé en matière de violation des droits fondamentaux. Selon Human Rights Watch, la visite d’Hillary Clinton devrait être l’occasion pour les Etats-Unis de faire pression sur Djakarta pour que cessent les atteintes à la liberté religieuse dans le pays (430 lieux de culte chrétiens attaqués depuis 2004, date de l’arrivée au pouvoir du président Susilo Bambang Yudhoyono, et des attaques meurtrières contre les Ahmadis) et pour que soit mis fin à l’impunité dont jouissent les auteurs de violation des droits de l’homme, notamment les militaires. L’organisation américaine de défense des droits de l’homme cite à cet égard les peines minimales prononcées contre trois soldats qui avaient torturé deux villageois papous en mai 2010 ; en dépit des évidences – la scène avait été filmée –, les trois soldats n’avaient pas été condamnés pour actes de torture mais seulement pour désobéissance à leurs supérieurs (1).

Selon Andreas Harsono, collaborateur de Human Rights Watch, « les violations des droits de l’homme commises par les forces armées à l’encontre des villageois papous restent le plus souvent non documentées », mais il note que ce conflit, ancien et meurtrier, largement absent des écrans sur la scène internationale, revient sur le devant de la scène « grâce à de jeunes militants et étudiants, rompus aux technologies modernes de communication et capables de mettre sur Internet les preuves des abus commis sur le terrain ».

Dans la jungle et les montagnes de Papouasie, la rébellion armée demeure toujours aussi peu armée mais ses chefs semblent plus unis qu’auparavant et en lien avec les politiques exilés à l’étranger. Toutefois, met en garde Andreas Harsono, sur le terrain, les combats ne peuvent qu’aller en s’intensifiant si rien ne change politiquement.

Les étudiants papous demandent à Djakarta et aux leaders indépendantistes d’ouvrir des pourparlers, mais, souligne encore Andreas Harsono, un obstacle de taille se dresse : si la rébellion papoue souhaite une médiation internationale pour entamer des négociations, le gouvernement indonésien ne veut absolument pas en entendre parler. En Australie, des Eglises protestantes ont proposé d’agir en médiateur, en vain.

Située à l’extrémité orientale de l’Indonésie, la Papouasie occidentale (1) se démarque des autres provinces indonésiennes par ses composantes ethniques et religieuses. Peuplée essentiellement de populations aborigènes, malgré l’afflux récent de « colons » venus des autres îles d’Indonésie, elle est également majoritairement chrétienne (surtout protestante) au sein du premier pays musulman au monde (240 millions d’habitants dont 86 % appartiennent à l’islam). Dans le combat que les Papous mènent pour faire reconnaître leurs droits, les Eglises chrétiennes, si elles s’aventurent rarement sur un terrain directement politique, sont très présentes auprès de la population et des leaders papous pour la défense des droits fondamentaux. En septembre 2010, face à la recrudescence d’attaques visant des chrétiens, des pasteurs protestants s’étaient rendus en délégation à Djakarta pour menacer de se ranger du côté des indépendantistes au cas où le respect des libertés n’était plus assuré en Papouasie (2). Plus récemment, le Rév. Benny Giay, de la Christian Tabernacle Church (KIN GMI Church), a dû démentir des informations parues dans la presse australienne selon lesquelles son Eglise utilisait des fonds gouvernementaux indonésiens pour financer les indépendantistes. Il s’est avéré que la source de ces informations était un commandant local de l’armée indonésienne qui cherchait à fabriquer un prétexte pour réprimer la dénomination évangélique en question et son leader, jugés par les militaires trop influents parmi les Papous. Le Rév. Benny Giay est également à la tête du Synode des Eglises chrétiennes de Papouasie.

Notes

(1) Voir dépêche EDA du 22 février 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/indonesie/denoncant-une-repression-grandissante-les-chretiens-de-papouasie-demandent-au-gouvernement-la-fin-du-ab-statut-d2019autonomie-speciale-bb?SearchableText=papouasie
(2) Voir dépêche EDA du 5 octobre 2010 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/indonesie/papouasie-occidentale-victimes-d2019attaques-repetees-les-protestants-menacent-le-gouvernement-de-faire-secession-si-la-liberte-de-religion-n2019est-pas-respectee?SearchableText=papouasie
 
Bangladesh: Augmentation du nombre des fatwas: les chrétiens tirent la sonnette d’alarme
Églises d'Asie
10:07 21/07/2011
BANGLADESH: Augmentation du nombre des fatwas : les chrétiens tirent la sonnette d’alarme

Face à l’augmentation alarmante du nombre des fatwas (décrets religieux) révélant la persistance de l’application de la charia par les conseils de village musulmans, des chrétiens militants pour les droits de l’homme demandent aux autorités de tenir leur promesse d’éradiquer ces pratiques qui coûtent la vie à des dizaines de personnes chaque année, essentiellement des femmes.

En 2010, la Haute Cour du Bangladesh a déclaré en illégaux les jugements émis par ces conseils de village, des tribunaux informels mais à l’autorité incontestée qui font la loi dans les zones rurales, avec la complicité bien souvent, des autorités et de la police locales. Depuis pourtant, rien n’a changé. Et le double langage du gouvernement de Sheikh Hasina qui vient de rétablir l’islam comme religion officielle, malgré sa promesse de restaurer la laïcité de l’Etat dans la Constitution (1), n’a fait qu’accentuer la conviction au sein de la population que le pouvoir restait de facto entre les mains des imams de village qui continuent d’appliquer la charia et de lancer des fatwas en toute illégalité et totale impunité.

Quant aux femmes, qui sont les premières victimes de ces sanctions extrajudiciaires, elles ne bénéficient toujours d’aucune protection, dénoncent une nouvelle fois les Eglises chrétiennes et les ONG. « Les femmes, particulièrement dans les milieux ruraux et peu éduqués (2), subissent régulièrement de graves violations des droits de l’homme », explique à l’agence Ucanews Me Faustina Pereira, avocate catholique. « Selon la loi islamique, seul un mufti (clerc musulman) est habilité à prononcer des fatwas. Mais celles-ci sont utilisées pour régler des conflits locaux de façon totalement illégale », ajoute-t-elle.

Faustina Pereira, qui est également directrice du service d’aide juridique et sociale du BRAC (3), énumère les « sanctions » les plus fréquentes décidées de façon arbitraire par ces assemblées de village : elles vont de l’amende ou du rasage de la tête à la flagellation ou la bastonnade, ces dernières équivalant souvent à une sentence de mort.

Pour l’avocate catholique, les autorités doivent impérativement prendre en compte le dernier rapport de l’organisation internationale Human Rights Watch paru le 6 juillet dernier. Dans ce document, l’ONG basée aux Etats-Unis critique très sévèrement le gouvernement du Bangladesh pour ne pas avoir suivi les préconisations répétées de la Haute Cour depuis 2010 : sanctionner les responsables de ces exactions « cruelles, inhumaines et dégradantes », mettre en place des campagnes de prévention dans toutes les écoles, collèges et madrasas, et informer l’ensemble de la population par les médias comme par les institutions locales de l’illégalité de ces sanctions extrajudiciaires. En mai dernier, la Cour suprême, la plus haute instance judiciaire du pays, s’était même prononcée à son tour, décrétant qu’« aucune sanction ou acte de violence physique comme psychologique ne pouvait être infligée à qui que ce soit au nom d’une fatwa », laquelle ne pouvait être émise que par « les personnes habilitées ».

Ces préconisations ont été cependant ignorées et, malgré ses promesses, le gouvernement n’a pris aucune mesure, déplore encore Me Pereira. « Il n’a aucune excuse » à avoir laissé se commettre d’autres crimes en toute impunité, poursuit l’avocate, faisant référence à l’affaire qui a choqué le pays en janvier dernier lorsque les médias ont révélé la mort par flagellation d’une adolescente de 14 ans. La sentence de 100 coups de fouet avait été prononcée par un tribunal informel constitué des autorités islamiques de son village en réparation d’un « crime d’honneur », à savoir son viol quelques heures plus tôt par son propre cousin (4).

Cette affaire, suivie de plusieurs cas d’exécutions et de suicides dus aux fatwas illégales, avait permis aux différentes ONG travaillant pour la défense des droits de l’homme, comme Nijera Kori, Bangladesh Mahila Parishad (BMP) ou encore Bangladesh Legal Aid and Services Trust (BLAST), d’amorcer des campagnes de sensibilisation dans le pays. Ain-o-Salish Kendra (ASK), une organisation humanitaire locale, avait recensé pour sa part plus de 330 cas de fatwas illégales prononcées durant ces dix dernières années, un chiffre que l’ONG avait précisé être largement sous-estimé, les victimes n’osant pas se plaindre de peur des représailles.

Human Rights Watch conclut son rapport du 6 juillet en enjoignant le gouvernement de prendre les mesures nécessaires pour sanctionner les auteurs des fatwas et indemniser les victimes. L’ONG considère également comme urgente et nécessaire la mise en place de centres d’hébergement comme d’un soutien juridique et psychologique pour les victimes, avec une priorité pour les femmes particulièrement vulnérables des zones rurales isolées.

Rappelant que le Bangladesh est membre depuis novembre dernier de la branche onusienne consacrée aux droits de femmes (UN Women), Human Rights Watch ne manque pas en outre de souligner que Dacca se doit d’« assumer son nouveau rôle dans l’arène internationale » en prouvant sa capacité à améliorer la protection des droits des femmes sur son propre territoire (5).

(1) Voir dépêche EDA du 24 juin 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud/bangladesh/malgre-ses-promesses-de-restaurer-la-laicite-le-gouvernement-maintient-officiellement-l2019islam-comme-religion-d2019etat

(2) Au Bangladesh, le taux d’alphabétisation des adultes est estimé à environ 55 % (Amnesty International, rapport 2011).

(3) Le Bangladesh Rural Advancement Committee (BRAC) a été créé au Bangladesh en 1972. Cette ONG, qui emploie aujourd’hui plus de 120 000 personnes dans le monde entier, a pour but l’aide au développement économique et social, éducatif et médical du Bangladesh.

(4) Hena a été violée à Chamta, un village du district de Shariatpur, dans la nuit du 30 janvier par un cousin âgé d’une quarantaine d’années. Le lendemain, des habitants du village, dont un membre de l’union parishad (unité administrative locale), un enseignant de la madrasa locale et l’imam de la mosquée, s’étaient réunis en un tribunal improvisé pour juger l’affaire selon la charia. Ils avaient émis une fatwa, condamnant le violeur à verser une amende et à recevoir 200 coups de fouet en public, et ordonnant également la victime à subir 100 coups de fouet en public pour « participation au crime ». La sentence de Mahbub fut réduite à 100 coups de fouet, mais Hena ne put échapper à l’application du châtiment et perdit conscience au bout d’une soixantaine de coups. Ses proches la conduisirent à l’hôpital où elle décéda quelques heures plus tard. Voir EDA 545.

(5) Human Rights Watch, rapports du 6 juillet et 10 mai 2011 ; The Daily Star, 7 juillet 2011 ; Ucanews, 13 juillet 2011 ; Amnesty International, rapport 2011.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
TCV Lê Bảo Tịnh tổ chức kỳ thi tuyển sinh niên khóa mới
Jos. Kế Nguyễn
08:05 21/07/2011
“Ai muốn trở thành Linh mục thì trước tiên phải trở thành người của Chúa”. (Đức Benedicto XVI viết trong thư gởi cho các Chủng Sinh năm 2010).

THANH HÓA - Đến hẹn lại lên, mấy năm gần đây cứ mối độ hè về các bạn trẻ của giáo phận Thanh Hóa lại hồ hởi chào đón những chương trình mục vụ thú vị sôi động và ý nghĩa như: Men Phục Sinh, khóa Thánh nhạc, khóa điện dân dụng,… Nhưng có lẽ điều mà nhiều “Nam Thanh” mong muốn và chờ đón hơn cả chính là kỳ thi tuyển sinh vào Tiểu Chủng Viện (TCV).

Xem hình ảnh

Xuất phát từ nhu cầu Giáo Hội cần phải có những Linh mục tương ứng với đòi hỏi mục vụ cho thời đại mới, mỗi năm giáo phận Thanh Hóa tổ chức tuyển sinh một lần nhằm tìm kiếm và đào tạo những Linh mục cho giáo phận trong tương lai. Hôm qua 20.07.2011, vào lúc 14g00, TCV Lê Bảo Tịnh – Thanh Hóa đã chính thức khai mạc kỳ thi tuyển sinh niên khóa 2011 - 2012. Hiện diện trong Lễ khai mạc có Cha Giuse Vũ Thanh Long - Chủ tịch Ủy ban Ơn gọi, Trưởng ban tuyển sinh; Cha Phaolô Trần Ngọc Loan - Linh Hướng của TCV; quý Cha thành viên trong Ban Tuyển sinh: Cha Raphael Đỗ Minh Tuấn - Thư ký Ban tuyển sinh; Cha Giuse Nguyễn Văn Bình; quý Thầy trong Ban Giám thị, cùng với 49 thí sinh tham gia thi tuyển.

Trong đó, Giáo hạt: Chính tòa 4 thí sinh; Ba làng 6 thí sinh; Mỹ điện 17 thí sinh; Nga sơn 8 thí sinh; Sông chu 7 thí sinh; Sông mã 7 thí sinh. Về độ tuổi của thí sinh từ 18 - 26. Trong số thí sinh dự thi năm nay có: 30 bạn thi lần đầu, 19 bạn thi lần hai và có 2 bạn đã học xong Đại học, 4 bạn học xong Cao đẳng – Trung cấp, còn lại là các thí sinh đã tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tuyển sinh năm nay diễn ra trong hai ngày 20 - 21.07.2011. Các thí sinh sẽ tham gia thi 3 môn (Văn, Giáo Lý và Toán), cùng với đó các thí sinh sẽ lần lượt gặp các Cha trong Ban Tuyển sinh để được thẩm định về Ơn gọi. Trước đó, chiều ngày 19. 07. 2011 các thí sinh đã tập chung về Tòa Giám Mục giáo phận để hoàn tất các thủ tục thi: đăng ký, nhận thẻ, khám sức khỏe, nghe phổ biến lịch thi,…

Trong lời khai mạc, Cha Giuse Vũ Thanh Long đại diện cho Ban Tuyển sinh đọc bản định hướng và mục đích của việc tuyển sinh: “xuất phát từ đòi hỏi cần phải có những Linh mục xứng tầm với thời đại và thế giới hôm nay, cũng như chỉ dẫn của HĐGM Việt Nam về thời kì đào tạo trước khi vào Chủng viện. TCV hàng năm tổ chức thi tuyển Ứng sinh để lựa chọn những ứng viên có thể đáp ứng được yêu cầu mà Giáo Hội đặt ra”. Cha cũng cho biết rằng, kết quả sẽ được công bố cho các Linh mục quản xứ và thí sinh vào dịp Tĩnh tâm tháng 8 năm 2011 của Linh mục đoàn giáo phận.

Về dự Lễ khai giảng kì thi tuyển sinh năm nay, Cha Linh hướng Phaolô Trần Ngọc Loan cũng có những lời nhắn nhủ tới các thí sinh: “Mỗi người chúng ta hãy thành thật trước mặt Chúa và thành thật với nhau. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để các bạn tìm được con đường mà Chúa muốn cho mình đi. Các bạn hãy coi đây như là một cuộc khảo hạch mang tính thiêng liêng vì lòng mến Chúa và yêu mến Giáo Hội, nên nó khác với những cuộc thi ngoài xã hội. Vậy, mỗi người cần phải thành thật và hãy thi bằng khả năng của chính mình, tuyệt đối không gian dối trong khi thi.”

Đáp lại những chia sẻ, những hướng dẫn của quý Cha và quyết tâm có một kỳ thi công bằng và hiệu quả, một thí sinh đã đại diện cho 49 thí sinh dự thi nói lên lời quyết tâm thực hiện tốt mọi quy định của Ban Tuyển sinh đề ra.

Ngay sau Lễ khai giảng, các thi sinh đã tham gia làm bài thi môn Văn; và sáng hôm nay 21. 07. 2011, các thí sinh bước vào thi hai môn cuối cùng đó là Giáo Lý và Toán Học.

Kỳ thi diễn ra nghiêm túc trong sự ý thức của các thí sinh và kiểm tra chặt chẽ của Ban Giám thị. Các thí sinh ngoài thời gian làm bài, ôn bài thi còn được tham dự Thánh Lễ, các giờ phụng vụ với các Chủng sinh và Ứng sinh. Sau khi đã hoàn tất các phần thi, và sau bữa cơm trưa nay tại TGM, các thí sinh lên đường trở về với giáo xứ của mình.

Cầu chúc các bạn thí sinh có được sự bình an và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
WYD 2011: Việc chụp hình trong các cử hành Phụng Vụ bên trong nhà thờ
Lm. Eduardo de la Fuente Serrano
00:54 21/07/2011
Lm. Eduardo de la Fuente Serrano

Departamento Comunicación Jornada Mundial de la Juventud Madrid 2011

Các gian cung thánh tại Tây Ban Nha có một cấu trúc rất độc đáo. Thêm vào đó, với đà phát triển nhanh chóng của khoa học điện toán, các máy ảnh số (digital camera) ngày càng rẻ. Dân Tây Ban Nha lại rất thích chụp hình. Thành ra, trong các thánh lễ ở Tây Ban Nha, có một thời, vị chủ tế có thể thấy mình như một siêu sao ca nhạc bị bủa vây bởi hàng trăm cái flashes cùng một lúc từ những hàng ghế của giáo dân. Chúng tôi nói “có một thời” bởi vì ngày nay nhiều nhà thờ tại Tây Ban Nha đã có gắn một tấm bảng rất lớn: “Không được chụp hình trong các thánh lễ”.

Nguyên tắc chung cần nhớ ở đây là: Các cử hành Phụng Vụ trước hết và trên hết là để thờ phượng Chúa – không phải để chụp hình. Chúng ta cần phải tôn trọng những người khác đang hiện diện và tập trung chiêm ngắm, suy niệm mầu nhiệm vượt qua và phục sinh đang được tái diễn trên bàn thờ. Quan trọng hơn, chính chúng ta phải thể hiện sự tôn trọng của chính chúng ta với Chúa Giêsu. Thật là đáng buồn khi chúng ta được mời đến bàn tiệc nhưng không dự tiệc, không nói một lời nào, lặng lẽ (hay thường khi là ồn ào) chụp một lô hình rồi chuồn.

Như đông đảo người Tây Ban Nha, bản thân tôi là một người rất mê nhiếp ảnh. Chụp hình trong các thánh lễ không hẳn là một điều cấm kỵ. Vấn đề là làm sao việc chụp ảnh của chúng ta không làm chia trí người khác và không ảnh hưởng đến việc thờ phượng của chính bản thân chúng ta.

Nhìn theo một hướng tích cực hơn, trong bối cảnh của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, không phải bạn trẻ nào cũng có điều kiện tài chính và thời gian để tham dự các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Thành ra, nếu các bạn trẻ có thể chụp những hình ảnh đẹp, ghi lại những giây phút cảm động, và linh thánh trong thời gian WYD thì đó cũng là một cách để nhân rộng các thành quả của WYD và góp phần trong công cuộc truyền giáo chung của Giáo Hội.

Giáo Hội tại Tây Ban Nha không có tài liệu nào đưa ra những hướng dẫn cụ thể của việc nhiếp ảnh trong các cử hành Phụng Vụ. Chúng tôi hy vọng rằng những chỉ dẫn dưới đây có thể giúp ích phần nào cho các bạn trẻ, những người phần đông là lần đầu cầm máy ảnh.

1) Không chạy loạn trong nhà thờ.

Nếu muốn chụp những tấm hình đẹp, các bạn nên đến sớm và chọn một chỗ ngồi gần gian cung thánh. Trong suốt thánh lễ không nên di chuyển vì sẽ làm chia trí anh chị em khác, kể cả vị chủ tế đang dâng thánh lễ.

2) Không nên chụp hình trong lúc truyền phép.

Giây phút truyền phép trong việc cử hành thánh thể là giây phút linh thánh nhất khi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Giây phút đó là lúc chúng ta, như những tín hữu Kitô cần kết hiệp mật thiết trong chiêm ngắm và tôn thờ. Chụp hình, nhất lại là flash tới tấp vào mặt vị chủ tế trong giây phút này quả là điều tối kỵ.

3) Tắt cái flash đi.

Gian cung thánh trong các đại thánh đường của Tây Ban Nha thông thường vượt quá cái flash range. Flash trở thành vô dụng lại làm cho tấm hình tối thui một cách thê thảm. Đồng thời làm chia trí người khác nghiêm trọng.

Dù bạn có mang cái máy ảnh “gồ ghề” tới cỡ nào mà chụp hình bằng flash thì nói theo kiểu Tây Ban Nha thì bạn là kẻ có tiền mua máy, không phải là nhiếp ảnh gia.

Kỹ thuật chụp hình căn bản cần phải nhớ trong bối cảnh “low light” bên trong nhà thờ là:

3.1 Bạn cần phải có fast lenses. Nghĩa là ống kính ảnh phải cho phép bạn chọn aperture (con ngươi của máy ảnh – nói như thế cho dễ nhớ) ở mức f2.8 hay f1.8 hay f1.4 càng tốt. Thông thường, những “kit lenses” tức là những ống kính đi kèm với máy thường là f3.6 đến f5.6 và khi bạn “zoom vô” thì tình trạng càng tệ.

3.2 Bạn cần set ASA hay ISO phù hợp. Bên ngoài nhà thờ, trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ nắng chói chang và ở Madrid thì đến 9 tối thì mặt trời mới lặn. Bạn có thể set ASA/ISO 200. Trong bóng râm có thể set là 400. Bên trong nhà thờ nên set là 640 hay 800. Trên mức 800 thông thường sẽ bị “hạt” (những chấm nhỏ li ti trên tấm hình).

3.3 Shutter speed. Trong bối cảnh “low light” bên trong các đại thánh đường của Tây Ban Nha, ống kính càng mở lâu (tức là Shutter speed chậm) thì hình càng rõ. Tuy nhiên, ở mức 1/20 trở đi những giao động do bạn cầm máy không vững hay khi có những di chuyển trên bàn thờ sẽ gây ra “blurry image” (hình nhòe đi). Tốt nhất, không nên vượt quá mức 1/30.

3.4 Flash gắn thêm trên máy. Trong suốt thánh lễ, như đã nói ở trên không nên dùng Flash. Tuy nhiên, sau thánh lễ nếu bạn muốn chụp hình kỷ niệm bên trong nhà thờ thì có thể theo chỉ dẫn sau hình sẽ đẹp và tránh được “red eyes”.

- Nếu trần nhà thờ thấp và các bức tường chung quanh có mầu sáng: set flash ở chế độ TTL (through the lens), dùng cái diffuser (để cản bớt ánh sáng) và hướng cái flash lên trần nhà. Ánh sáng sẽ toả chiếu đều chung quanh và tấm hình sẽ đẹp.

- Nếu trần nhà thờ thấp và các bức tường chung quanh có mầu tối: set flash ở chế độ TTL (through the lens), ĐỪNG dùng cái diffuser (nghĩa là ĐỪNG cản bớt ánh sáng) và hướng cái flash lên trần nhà. Ánh sáng sẽ toả chiếu đều chung quanh và tấm hình sẽ đẹp.

- Nếu trần nhà thờ cao và các bức tường chung quanh có mầu sáng: set flash ở chế độ full power manual, ĐỪNG dùng cái diffuser (nghĩa là ĐỪNG cản bớt ánh sáng) và hướng cái flash lên trần nhà. Ánh sáng sẽ toả chiếu đều chung quanh và tấm hình sẽ đẹp.

- Nếu trần nhà thờ cao và các bức tường chung quanh có mầu tối: set flash ở chế độ full power manual, hướng thẳng vào đối tượng muốn chụp và ĐỪNG dùng cái diffuser (nghĩa là ĐỪNG cản bớt ánh sáng) nếu đối tượng đứng xa quá 3m. Nếu gần hơn thì phải cản bớt ánh sáng bằng diffuser.

Nguyễn Việt Nam dịch
 
Thông Báo
San Jose tổ chức tiệc gây quỹ giúp Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội
Đức Ông Đỗ Văn Đĩnh
10:42 21/07/2011
Tiệc gây quỹ giúp Đại Chủng Viện Hà Nội
 
Văn Hóa
Trường Ca Maria của Phạm Đức Huyến và Vũ Đình Ân
Bùi Hữu Thư
06:28 21/07/2011
Xin hân hạnh giới thiệu Trường Ca Maria của NS Phạm Đức Huyến và Vũ Đình Ân





 
Vinh danh Mẹ Maria
Jos. Tú Nạc, NMS
07:52 21/07/2011
Tên của Người sao khôn ví với trần gian,
Giáo Hội tôn vinh Mẹ Thiên Chúa là Người,
Người tự vượt xa phẩm hạnh thiên đàng,
Người một mực trung thành tôi tá Chúa!
Người cưu mang Đấng Cứu Độ nhân trần,
Con Trai Người đã cứu chuộc nhân gian.
Ngôn ngữ trần gian không đủ vinh danh,
Cọ thế nhân nào khắc họa dung nhan,
Bút trung kiên chẳng diễn tả được Người,
Không tiếng gọi tự thiên đàng vang vọng,
Người vẫn được toàn thế giới tôn vinh,
Người được biết bởi bao người cùng khổ,
Kẻ đớn hèn và con trẻ đáng thương.
Chính Người là tình yêu và nhân hậu,
Mẹ nhân lành và nhân ái của ta,
Người cho ta Cổng hạnh phúc thiên đàng,
Đầy hy vọng và ngọt ngào vui sướng,
Trái tim Người nhận mọi điều Thiên Phúc,
Người Chở Che và An Ủi đời ta.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trời Chiều
Đặng Đức Cương
21:41 21/07/2011
TRỜI CHIỀU
Ảnh của Đặng Đức Cương
Uớc mơ mỏng như cánh cò ẻo lả
Băng ngang đồng lúc dạ ánh hoàng hôn.
(Trích thơ của Băng Nguyệt)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền