Ngày 23-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 17 Mùa Thường Niên 24/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:43 23/07/2022


BÀI ĐỌC 1 St 18:20-32

Bài trích sách Sáng thế.

Khi ấy, Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.” Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham.

Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?”

Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.”

Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.”

Ông nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như tìm được hai mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.”

Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Cl 2:12-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Thưa anh em, anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.

Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 5:3

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử,

nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: “Áp-ba! Cha ơi!” Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 11:1-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;

xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.’

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Đó là Lời Chúa.
 
Cha
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
03:11 23/07/2022

CHA
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Ở quê tôi, người ta đọc kinh rất nhiều. Mỗi giờ kinh (nên gọi là "giờ kinh" thay vì gọi là "giờ cầu nguyện"), tôi không thể nhớ bao nhiêu kinh được đọc. Đọc tràng giang. Đọc rất nhanh. Chưa "amen" kinh này thì đã gắn vào kinh khác... Nhanh đến nỗi, chỉ cần vài cái chớp mắt là đã xong kinh Lạy Cha.

Tôi không gọi đó là buổi cầu nguyện. Hình như người ta không cầu nguyện. Chẳng ai chú ý đến lời kinh mình đọc. Không ai cần hiểu nội dung lời kinh. Đọc từ đầu đến hết kinh thì thuộc, nhưng cắt ngang và bảo đọc phần cắt ngang, không thuộc. Thậm chí đọc sai từ ngữ, sai nội dung vẫn... vui vẻ đọc từ thế hệ này đến thế hệ khác...

Dù kinh Lạy Cha là lời kinh có một không hai, lời kinh độc đáo, quan trọng, gồm tóm mọi lời cầu nguyện, được rút ra từ chính kinh nghiệm cầu nguyện của Chúa Giêsu..., người ta vẫn đọc... cái vèo, chẳng khác mọi lời kinh.

Vì thế, từ đọc thuộc lòng đến thực hành lời kinh không là điều dễ. Nhất là lời kinh của Chúa - kinh Lạy Cha - tôi càngtâm niệm, đó là lời kinh mà chính tôi phải thận trọng, phải ý thức để thánh ý Chúa phải được thể hiện trong cuộc đời mình, nếu không nhiều thì cũng ở mức tối thiểu.

Nơi kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu tỏ bày một mạc khải quan trọng chưa từng có: THIÊN CHÚA LÀ CHA. Thiên chúa là một Người CHA không hơn, không kém. Trên mọi danh hiệu, "CHA" là danh hiệu đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, chất chứa đầy niềm hy vọng.

Thiên Chúa không là thần minh xa vời, nghiêm nghị, ưa trừng phạt, ưa thể hiện uy quyền, ưa những kiểu sai khiến để phân biệt hai chiều kích luôn đối lập nhau: thần minh và thụ tạo.

Nhưng Thiên Chúa lại là CHA. Thiên Chúa bước vào đời sống thụ tạo nhẹ nhàng và kính trọng, nâng niu và gần gũi. Thiên Chúa gìn giữ loài thụ tạo như chính bản thân mình.

Thiên Chúa thân mật với thụ tạo đến độ phá bỏ mọi khoảng cách, không còn bất cứ ranh giới nào, dù nhỏ nhất. Từ nay, Thiên Chúa chỉ đơn giản là CHA, loài thụ tạo này là con. Từ nay, loài người đến với Thiên Chúa trở nên nhẹ và tự nhiên đến mức: người con đến với CHA mình. Từ nay, chúng ta gọi Thiên Chúa là CHA với tất cả niềm yêu, sự trìu mến, lòng thảo hiếu và đơn sơ.

Mạc khải về CHA cũng là mạc khải thuộc về chiều sâu nói lên mối liên hệ thâm sâu, ân tình giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Đó cũng là lời diễn tả chiều kích thiêng liêng mà thụ tạo được tham dự vào, để sống thân mật và liên kết nên một với Chúa Cha trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu.

CHA không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Gọi tiếng CHA triều mến gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa hạnh phúc, vừa cho thấy sự an bình nhưng cũng huyền nhiệm vô cùng.

Được làm con của CHA, đó là phẩm giá siêu phẩm giá của những người con. Đó là hồng ân cao quý trên mọi thứ cao quý. Bởi ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản, cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Con.

Đó là tư cách rất riêng thuộc về môn đệ của Chúa Con. Không có Chúa Con là đầu, không làm môn đệ của Chúa Con, ta không thể lãnh hội ơn gọi này, không thể đạt tới lối sống hiếu thảo với CHA và huynh đệ với tha nhân.

Chúng ta là con cùng một Cha, Chúng ta là anh em. Tình Cha con và tình em được Chúa Giêsu mạc khải hài hòa qua kinh lạy Cha. Không bao giờ chúng ta thưa "Lạy CHA" mà lại xưng là "con", nhưng luôn xưng là "chúng con". Cả nhân loại chỉ có một Cha, tất cả đều là anh chị em của nhau.

Hãy học lấy thái độ của thánh Phaolô để đến với CHA mình: "Tôi quỳ gối trước mặt Thiên Chúa là CHA, là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên Trời dưới đất. Tôi nguyện xin Thiên Chúa CHA, thể theo sự phong phú của vinh quang Người, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức KITÔ ngự trong tâm hồn. Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức KITÔ, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa" (Êph 3,14-19).

Thánh Phaol cho thấy, dù gắn chặt trong tình phụ tử của Thiên Chúa CHA, tương quan của chúng ta không chỉ là tương quan mãnh liệt với Ngôi Thứ Nhất, nhưng luôn được "củng cố mạnh mẽ" nhờ Chúa Thánh Thần trong lòng tin vào Chúa Kitô và "được Đức Kitô ngự trong tâm hồn".

Do đó, khi nói đến tình phụ tử của Thiên Chúa CHA, ta phải hiểu cả tình phụ tử của Thiên Chúa Con và Đấng là mối dây làm nên sự bền chặt, sự nên một tuyệt đối là Thiên Chúa Ngôi Ba.

Bởi không có tương quan nào, không có kỳ công nào, không có công trình nào mà không là quyền năng của Ba Ngôi: Cha - Con - Thánh Thần. Bởi lẽ Ba Ngôi, dù phân biệt thế nào, thì đó vẫn chỉ là MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT.

Vậy, từ đây, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, dù trong thánh lễ, trước bữa ăn, khi lần chuỗi, khi khấn nguyện, hay bất cứ trường hợp nào, trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, với bất cứ lý do gì, chúng ta hãy đọc khoan thai, chú ý từng lời cầu nguyện của mình. Hãy để tâm hướng về Thiên Chúa mà nâng hồn, nâng lòng yêu mến, nâng tình yêu thảo hiếu của mình lên Thiên Chúa.

Nói cách khác, chúng ta hãy cầu nguyện khi đọc kinh. Hãy biến giờ kinh của mình thành giờ cầu nguyện đúng nghĩa.

 
CN 17C : Thân Cha, phận con
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
11:48 23/07/2022
CN 17C : Thân Cha, phận con

Hôm nay Chúa dạy về cầu nguyện. Nhưng ta không khai triển đề tài cầu nguyện, mà triển khai một góc nhỏ, nhưng là đỉnh lớn của nội dung lời nguyện. Chúa dạy cầu nguyện. Và cầu nguyên bằng kinh Lạy Cha. Ta chỉ dừng lại tiếng xưng hô “Lạy Cha” đó mà thôi.

I. Phận con
1. Chúng ta không phải là anh em mồ côi.
Câu chúng ta thường nghe “tứ hải giai huynh đệ” : khắp bốn bể đều là anh em, câu này thoạt nghe tưởng là hay, nhưng suy nghĩ lại, lại thiếu một yếu tố quan trọng : tất cả là anh em, nhưng lại là anh em … mồ côi, vì không có cha. Quan là “dân chi phụ mẫu,” thì quan đó cũng chỉ là cha mẹ của một góc nhỏ dân: dân Tàu, dân Việt… chứ bốn bể làm gì có ông quan nào làm chủ được để gọi là mẹ là cha của cả và thiên hạ (đúng ra, “phụ mẫu chi dân” thì chính dân mới là cha mẹ). Còn suy ra từ kinh Lạy Cha, thì chúng ta là anh em, và không mồ côi vì có chung một Cha trên trời. Anh cũng đọc Lạy Cha, tôi cũng đọc lạy Cha, chị cũng xướng Lạy Cha… và là một Cha thôi, nên tất cả trở thành anh em. Tứ hải giai huynh đệ nhi đồng nhất phụ. Để có thể bao phủ cả bốn bể, chỉ có bầu trời. Để có thể làm cha anh em trong bốn bể chỉ có Ông Trời. Và chính Ông Trời này là Cha của chúng ta. Lạy Cha, Đấng ngự trên Trời.

2. Ai cho ta quyền này? Quyền gọi Ông Trời, Chúa Trời là Cha chúng ta? Hẳn ai cũng trả lời được. Chính Chúa Giêsu qua Thánh Thần. Không có Ngài chẳng ai dám gọi Chúa Trời là Cha.
Trong Thánh lễ, trước kinh Lạy Cha, chúng ta nghe lời dẫn thế nào? Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo Lời Người dạy, chúng ta “dám” (cả dám, cả gan, gan cùng mình) nguyện rằng. Một chỗ khác Chúa nói rõ, “Thầy đi về cùng Cha của Thầy và cũng là Cha của anh em.” Không phải Cha của Thầy khác Cha chúng ta, mà Chúa Giêsu và chúng ta có chung một Cha, nên ta là anh em với nhau, và là em (dẫu bảy tám mươi tuổi, dẫu sinh ra trước khi Đức Giêsu xuống thế làm người, thời ông Bành Tổ cổ lai) tất cả đều là em của Đức Giêsu. Ngài là Trưởng Tử, của một đàn em đông đúc (Rm 8,29 : “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”).
Và Chúa Giêsu chỉ cho ta quyền này thông qua Chúa Thánh Thần. Chính nhờ nước và Thánh Thần, tức Phép Thánh Tẩy, mà Thánh Thần, tức vị thần thánh hoá, biến ta thành thánh, hoá ta thành thần, để ta dám, cả dám cùng với Thánh Thần trong ta, kêu lên abba, Cha ơi Cha. (Gl 4,6 : Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Áp-ba, Cha ơi !")
Vậy mà chúng ta có thấy chói tai và mâu thuẫn không, khi vào xưng tội, có linh mục nói cách rất tự nhiên: để đền tội, con hãy đọc 3 kinh Lạy Cha. Làm như đọc Kinh Lạy Cha là một hình phạt, như để đền tội phá trong lớp, hãy quì gối trên vỏ sầu riêng một giờ !
Đọc Kinh Lạy Cha, được kêu “Cha ơi Cha” là một ân phúc, đâu phải ai muốn cũng được. Phải những kẻ đã được tái sinh trong Phép Rửa bằng nước và Thánh Thần mới được kêu mà !
Thời nguyên thuỷ Kitô giáo, và nay khi Công Đồng muốn trở về nguồn đã chia thành nhiều giai đoạn khi cử hành bí tích thánh tẩy, thì, dự tòng chỉ được trao kinh Lạy Cha vào giai đoạn cuối cùng (Kinh Tin Kính được trao trong giai đoạn trước), ngay trước khi lãnh nhận Phép Rửa, để khi được thánh tẩy xong là trở thành em Chúa Giêsu, thành con Chúa Cha, để vinh hạnh đọc kinh Lạy Cha, gọi Chúa Trời là "Cha ơi Cha", "Bố à Bố".
Trong một lớp học về phụng vụ khi còn ở Chicago, tôi có nêu lên lưu ý này : tại sao lại nói : để đền tội, hãy đọc kinh Lạy Cha. (đọc Kinh Lạy Cha là ân phúc chứ có phải là hình phạt đâu). Cả lớp thấy có lý và cuối giờ ông thầy vẫn còn tâm đắc cho nên nói với cả lớp, for penalty say Glory to the Father one time (để đền tội hãy đọc Kinh Sáng Danh một lần) !
Chị thánh Têrêxa chẳng bao giờ đọc hết câu đầu của kinh Lạy Cha chứ đừng nói là hết cả kinh. Bởi vì mới đọc được hai chữ Lạy Cha, mà tiếng ngoại quốc thì có thể hiểu thân mật hơn: cha ơi, Bố ơi, Ba ơi… là chị không đọc thêm được nữa, vì nghĩ mình là ai : nhỏ bé, thấp hèn, tội lỗi, mà được phép gọi Chúa Tể đất trời là Ba ơi. Không thể hiểu nổi ! Chị ngất ngây với tiếng kêu Cha ơi, mà không thể đọc thêm được danh Cha cả sáng nước Cha trị đến gì nữa…
Các chị nữ và các bà mẹ đừng buồn, khi thấy Chúa chỉ được gọi là Cha. Vậy Ngài không là Mẹ hay sao?
Trong khoá họp THĐGM về gia đình ở Roma, tháng 10-1980, ĐGM Nguyễn văn Hoà có phát biểu: Khi chúng ta gọi Chúa là Cha, chúng ta mới gọi được 50% phẩm tính, danh xưng của Chúa. Sau buổi họp, một chuyên viên Kinh Thánh, và một chuyên gia về luật đến nói với đức cha : ngài nói đúng. Nhưng tiếc thay cho đến nay ta chưa tìm được cách nào để vượt ra khỏi, bởi bản văn Kinh Thánh ghi rõ ràng Abba, Cha ơi Cha (chứ không phải Imma : má à má).
ĐGH Gioan Phaolô I hình như còn đi xa hơn khi vào đầu triều đại của ngài, ngài đã nói: Chúa là Cha, hơn thế nữa, Chúa là Mẹ. Vậy là “hơn thế nữa” có thể Chúa là Mẹ 60, Chúa là Cha 40 (tứ lục) ! Ta không lạm bàn thêm vì là vấn đề khá nóng bỏng, nhất là tại các nước phương Tây. Họ gọi Chúa là «She or He».
Vậy là ta cứ phải theo truyền thống gọi Chúa là Cha nhưng vẫn ngầm hiểu “hơn thế nữa Ngài là Mẹ,” bởi lẽ để diễn tả tình yêu (chứ không phải uy quyền) thì lòng Mẹ vẫn là biểu tượng vượt trội hơn ý chí của Cha.

II. Thân Cha

Nếu Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, thì ta cũng có thể nhìn vào ta mà suy ra Chúa.
Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi : Bố ơi, tôi bủn rủn cả chân tay, một luồng điện cực mạnh chạy khắp cơ thể, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.” Quả thật. Gọi ai là cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ cha, ta nhận được món quà tặng quý giá nhất đó là sự sống.
Tôi có một anh bạn, cùng lớp thời chủng viện, nay anh làm bố đời, tôi làm cha đạo. Anh ở vùng quê Cái Sắn, nhiều nắng lắm sương vất vả nuôi nấng gia đình. Anh nói, “mỗi ngày đi làm ruộng về, mệt muốn chết, nhưng khi về đến nhà nghe đứa nhỏ kêu lên : ba về, bố về… thấy mệt mỏi chạy mất tiêu.”
Vậy khi ta gọi Chúa là “Cha ơi Cha,” ta đã suy xét trong phần I rằng đó là một ân phúc lớn lao, không sao cảm tạ, thì trong phần II này, ta thử “chơi cha” một chút, khi ta gọi Chúa là Cha, Chúa có sung sướng quên đi mệt mỏi, xúc phạm của ta như hai bố đời, bố trần gian trên đây tâm sự không? Có được phép áp dụng tâm trạng của bố dưới trần cho Cha trên trời không? Hẳn là được. Vì ta được tạo dựng giông giống như Chúa mà.
Bởi đó khi cầu nguyện, xin ơn gì, chỉ cần kêu ba ơi ba là Cha trời sẽ “bủn rủn tay chân, sẽ quên hết lỗi lầm của ta, mà ban cho ta hết ơn này đến ơn kia.” Chính bài Tin Mừng đoạn cuối cho ta biết điều này “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?"
Không cần nói nhiều lời, Cha trên trời cũng ban ơn dư dật.
Để minh hoạ cho điều này có rất nhiều mẫu gương. Chuyện kể cũng nhiều mà tiểu sử thánh nhân cũng không thiếu. Nên chỉ nhắc đến một, mà là một chuyện :
Số là chàng tu sinh kia đi sớm, quên mang sách kinh để cầu nguyện. Thế là chàng nảy ra lời nguyện này : “Cha ơi, con quên sách rồi, bây giờ con đọc cho Cha 24 mẫu tự, ba lần. Cha muốn ghép (giống chương trình “chiếc nón kì diệu”) chữ nào vào ô nào cho đúng cho đẹp ý Cha thì Cha cứ ghép."
Chúa Cha trên trời phán với triều thần : Từ trước tới nay Ta chưa hề nghe được lời cầu nguyện nào hay như thế.
Hay ở chỗ phó thác hết cho Cha, cho Bố. Bố muốn làm gì Bố làm.
Ta đang sống trong giai đoạn chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về « hiệp hành ». Tất cả như trong một gia đình. Gia đình lớn, gia đình nhỏ. Gia đình nào cũng có cha có con. Những gia đình nào gặp khó khăn, thử kêu đến Cha trên trời của ta, "Cha ơi Cha," chắc chắn Cha trên trời sẽ ban cho ta Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta sống xứng danh là con ở trần gian này, để mai sau được gặp Cha cũng trong tư cách là con. Amen

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:33 23/07/2022

10. Đức ái thì hướng dẫn người ta đến trước tòa Thiên Chúa, rất cao siêu và là con đường chắc chắn.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:34 23/07/2022
47. CÁ BẠC NẠP MẠNG

Cá bạc, còn có tên là cá mì sợi, hể ra khỏi nước là chết ngay. Một hôm, long vương mừng sinh nhật, các loài thủy tộc đều đến chúc thọ, tê giác nước vì thường vào trong biển để bàn luận việc ngoại giao với long vương, cho nên cũng đến chúc mừng.

Nó đi đến bên bờ chuẩn bị xuống nước, đột nhiên nhìn thấy trong nước một đàn cá bạc ngẫng cao đầu nói với nó:

- “Chúng tôi sắp đi long cung chúc thọ, vì bơi quá chậm nên khổ, e rằng đến không kịp tham dự các lễ nghi. Bác hành động thần tốc, xin cho chúng tôi bám vào thân bác thì có thể đến được long cung rất nhanh, ân đức của bác suốt đời không quên.”

Tê giác nước gật đầu ưng thuận.

Đàn cá bạc chia thành từng tốp trèo lên lưng tê giác nước, bám đầy từ đầu cho đến chân của tê giác nước. Không ngờ khi tê giác nước lội trong nước, hai cái sừng nó làm nước rẻ đôi nên trên thân nó không có một giọt nước, tất cả đám cá bạc bám trên lưng nó đều chết khô. Tê giác đến trước cổng long cung, dừng lại ngó lui vẩy tay nói cá bạc đi vào trong cung, nhưng nó đâu có biết là cá bạc đã chết sạch không còn một mống.

Tê giác nước thở dài nói:

- “Cái lũ tiểu yêu quái dốt nát vô tri này, chỉ biết bợ đỡ lấy lòng, nóng vội, vui vẻ sung sướng đem nạp mạng cách vô duyên”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 47:

Thời nay có những chàng trai cô gái yêu vội yêu vàng, nên cũng vội vàng li dị, tự mình đem đau khổ đến cho mình, đó là “cập bất lợi”; thời nay có những người nghèo nhưng muốn làm giàu cho nhanh, bằng cách đem hết số vốn cỏn con còn lại đi đánh bài bạc, một ăn một thua, thế là “cập bất lợi”, nghèo càng nghèo hơn...

Bầy cá bạc vì muốn đi thật nhanh để kịp mừng thọ long vương, nhưng quên mất mình là loài sẽ chết nếu rời khỏi nước, thế là chết cả đám cách vô duyên, “cập bất lợi”.

Có một vài người Ki-tô hữu cũng “cập bất lợi” như thế: họ muốn chừa tội ngay nhưng cuộc sống của họ chưa quen với cái “chừa ngay” như thế, thế là một tuần sau họ lại phạm tội, mà phạm cách tàn bạo hơn nữa. Họ như người muốn cai nghiện thuốc, cai rượu, họ lập tức cai nghiện nhưng chưa chuẩn bị gì, thế là chỉ vài ba ngày sau thì hút thuốc, uống rượu “tợn” hơn nữa.

Chừa bỏ tội lỗi thì cũng như cai nghiện vậy, quyết tâm nhưng có phương pháp tiệm tiến, nay quyết tâm bỏ một chút, mai quyết tâm bỏ một chút, mỗi ngày đều quyết tâm chừa tội thì có hiệu quả hơn, bởi vì ơn của Thiên Chúa không lập tức ào ạt tuôn xuống rồi chấm dứt, nhưng đều đều như sương sa, thấm gội từ từ và làm cho vạn vật tốt tươi.

“Cập bất lợi” thì chắc chắn không có lợi lâu dài, mà đường đi đến Nước Trời thì không dài không ngắn, chỉ là trong giây phút hiện tại mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngã giá
Lm. Minh Anh
23:01 23/07/2022

NGÃ GIÁ
“Ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhưng xin bao nhiêu, tìm bao lâu, và gõ bao lần mới đủ? Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến việc ‘ngã giá!’. Abraham ‘ngã giá’, Chúa Giêsu ‘ngã giá’, và Chúa Cha trên trời cũng ‘ngã giá!’.

Bài đọc Sáng Thế là một cuộc đối thoại hiếm hoi giữa con người với Thiên Chúa khi Abraham mặc cả với Ngài; ông ‘ngã giá’, chèo kéo với Chúa, một sự chèo kéo chỉ có giữa những người bạn! Abraham thoáng biết ý định nghiêm phạt Sôđôma và Gômôra của Chúa; vì thế, ông nại vào một số người lành, để xin Ngài tha cho hai thành. Ông không cầu cho bản thân, nhưng xin cho tha nhân; không cầu cho người nhà, nhưng xin cho người xa lạ; tuyệt hơn, không cầu cho người lành, nhưng xin cho kẻ dữ, “Vậy Chúa sắp tiêu diệt người công chính với kẻ tội lỗi sao?”.

Ông ‘ngã giá’ từ 50 xuống 10 người khiến ai đọc cũng đều cảm thấy xấu hổ. Nhưng, thật tiếc, Abraham không dám đi đến cùng! Dường như ông đã kiệt sức, và chỉ dừng lại đó. Ông không dám đánh cược với Chúa một lần nữa, ông không dám tiến xa hơn, tiến vào cõi vô bờ của trái tim Ngài để nói với Chúa rằng, ông không tìm ra ngay cả một người... Và nhất là ông không biết rằng, nguyên việc ông đứng ra cầu xin cho người tội lỗi, có thể cũng đủ để Thiên Chúa thứ tha cho cả hai thành. Thế nhưng, bài học ở đây chính là mối tương quan tuyệt vời của Abraham với Chúa, một tương quan của con với cha; của một người bạn với một người bạn!

Thánh Phaolô trong thư Côlôssê cũng nói đến việc Chúa Giêsu ‘ngã giá’ để chuộc lấy chúng ta. Giá Ngài đưa ra là mạng sống Ngài; thập tự của Ngài là giá cứu độ, thứ tha mọi tội lỗi của chúng ta. Vì thế, ai dìm mình vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, người ấy sẽ mặc lấy sự sống mới, sự sống con cái Thiên Chúa và trở nên nghĩa thiết với Ngài.

‘Nên nghĩa thiết’ với Ngài là sống mối tương quan giữa những người bạn, vốn được Chúa Giêsu minh hoạ qua dụ ngôn một người bạn đến để ‘ngã giá’, ngồi lì, quấy rầy một người bạn giữa đêm khuya hầu có bánh mang về cho một người bạn khác; ‘nên nghĩa thiết’ với Ngài còn là sống tương quan giữa con với cha; “Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá?”. Chúa Giêsu kết luận, “Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời; Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”. Thật bất ngờ, chính Thiên Chúa đem cả Thánh Thần của Ngài ra để ‘ngã giá!’.

Một người đưa tin đến một toà nhà cũ kỹ, anh nhấc thanh gõ và gõ cửa. Không ai trả lời! Anh lại gõ… vẫn im ắng. Nhưng anh biết trong nhà có người, vì thấy họ thấp thoáng trên cửa sổ. Giận sôi lên, anh lại gõ cả chục lần. Một người bước ra, ôn tồn hỏi xem anh có muốn vào không. Vị khách nói như mê sảng, “Này ông, chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi?”. Chủ nhà từ tốn trả lời, “Ồ, ông biết đấy, có nhiều trẻ con đến đây, chúng gõ cửa rồi bỏ chạy, nên chúng tôi không cần để ý. Nhưng khi nghe ông gõ, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa!”.

Anh Chị em,

“Ai gõ thì sẽ mở cho!”. Là con cái của Cha trên trời, hãy như Abraham, chúng ta tha thiết, kiên trì để cầu xin cho người xa lạ và cho kẻ có tội! Thiên Chúa ước mong chúng ta là những con người “thực sự muốn vào” để thông truyền sự sống mới, ban Nước Trời và Thánh Thần cho chúng ta; thế mà nhiều khi chúng ta lại như các trẻ nhỏ, gõ cửa rồi bỏ chạy! Hãy kiên trì gõ và “ước mong vào thực sự!”. Thiên Chúa sẽ đổ Thánh Thần tình yêu của Ngài cho chúng ta; và đây quả là ân ban tuyệt vời trên tất cả mọi sự. Vì thế, đừng ngại xin, gõ và ‘ngã giá’ với Ngài! Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con gõ lộn cửa, tìm nhầm người, và xin điều không đúng. Cho con yêu mến việc cầu nguyện, vui thích cầu nguyện và khát khao cầu nguyện!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giới thiệu đất nước và Giáo Hội tại Canada nhân chuyến tông du thứ 37 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
16:24 23/07/2022

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Canada từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Bẩy. Đây là chuyến tông du thứ 37 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ năm sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng. Đây là chuyến tông du thứ hai của ngài trong năm nay, sau khi đã viếng thăm Malta trong hai ngày mùng 2 vả 3 tháng Tư vừa qua.

Tổng quan

Canada là quốc gia có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, và nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Lãnh thổ Canada gồm 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây, và giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc. Canada giáp với lục địa Hoa Kỳ ở phía nam, và giáp với tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ ở phía tây bắc. Biên giới chung của Canada với Hoa Kỳ về phía nam và phía tây bắc là đường biên giới dài nhất thế giới. Ở phía đông bắc của Canada là đảo Greenland thuộc Vương quốc Đan Mạch. Ở ngoài khơi phía nam đảo Newfoundland của Canada có quần đảo Saint-Pierre và Miquelon thuộc Pháp.

Canada là một liên bang gồm có mười tỉnh và ba lãnh thổ. Các đơn vị hành chính này có thể được nhóm thành bốn vùng chính: Tây bộ Canada, Trung bộ Canada, Canada Đại Tây Dương, và Bắc bộ Canada. Các tỉnh có quyền tự trị lớn hơn các lãnh thổ, chịu trách nhiệm đối với các chương trình xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục, và phúc lợi. Tổng thu nhập của các tỉnh nhiều hơn của chính phủ liên bang. Sử dụng quyền hạn chi tiêu của mình, chính phủ liên bang có thể bắt đầu các chính sách quốc gia tại các tỉnh, như Đạo luật Y tế Canada; các tỉnh có thể chọn ở ngoài chúng, song hiếm khi làm vậy trên thực tế. Chính phủ liên bang thực thi thanh toán cân bằng nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống nhất hợp lý về các dịch vụ và thuế được thi hành giữa các tỉnh giàu hơn và nghèo hơn.

Theo ước tính, hiện nay Canada có 38,233,000 triệu dân. Thủ đô Canada là Ottawa với dân số khoảng 1.4 triệu người. Tuy nhiên, thành phố lớn nhất là Toronto với dân số hơn 6.3 triệu người.

Theo tổng diện tích, Canada là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nga, với tổng diện tích lên đến 9,984,670 km2; trong đó diện tích đất là 9,093,507 km2 và diện tích lãnh hải là 891,163 km2.

Phần lớn vùng Bắc Cực thuộc Canada bị băng và tầng đất đóng băng vĩnh cửu bao phủ. Canada có đường bờ biển dài nhất trên thế giới, với tổng chiều dài là 202,080 km.

Tên gọi Canada bắt nguồn từ kanata trong ngôn ngữ của người Iroquois Saint Lawrence, nghĩa là “làng” hay “khu định cư”. Năm 1535, các cư dân bản địa của khu vực nay là thành phố Québec sử dụng từ này để chỉ đường cho nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier đến làng Stadacona. Cartier sau đó sử dụng từ Canada để nói đến không chỉ riêng ngôi làng, mà là toàn bộ khu vực; đến khoảng năm 1545, các sách và bản đồ tại châu Âu bắt đầu gọi khu vực này là Canada.

Lịch sử cận đại

Nhiều dân tộc Thổ dân cư trú tại lãnh thổ nay là Canada trong hàng thiên niên kỷ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, người Anh và người Pháp thành lập các thuộc địa trên vùng duyên hải Đại Tây Dương của khu vực. Sau các xung đột khác nhau, Anh Quốc giành được, rồi lại để mất nhiều lãnh thổ tại Bắc Mỹ, và đến cuối thế kỷ XVIII thì còn lại phần lãnh thổ chủ yếu thuộc Canada ngày nay. Căn cứ theo Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh vào ngày 1 tháng 7 năm 1867, ba thuộc địa hợp thành thuộc địa liên bang tự trị Canada. Sau đó thuộc địa tự trị dần sáp nhập thêm các tỉnh và lãnh thổ. Năm 1931, theo Quy chế Westminster 1931, Anh Quốc trao cho Canada tình trạng độc lập hoàn toàn trên hầu hết các vấn đề. Các quan hệ cuối cùng giữa hai bên bị đoạn tuyệt theo Đạo luật Canada 1982.

Chính trị

Canada là một nền dân chủ đại nghị liên bang và một quốc gia quân chủ lập hiến, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Bà cũng đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia của 15 quốc gia khác và là nguyên thủ của mỗi tỉnh tại Canada.

Đại diện cho Nữ vương là Toàn quyền Canada, hiện nay là Bà Mary Simon, người thực hiện hầu hết các chức trách của quân chủ liên bang tại Canada. Bà Mary Simon sinh ngày 21 tháng 8 năm 1947, nguyên là một công chức Canada, nhà ngoại giao và cựu phát thanh viên. Bà đã giữ chức vụ Toàn quyền Canada thứ 30 của Canada kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2021. Simon là Inuk, khiến bà trở thành người bản địa đầu tiên giữ chức vụ này.

Thủ tướng, người nắm thực quyền tại Canada, hiện nay là Ông Justin Pierre James Trudeau, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1971 là một chính trị gia Công Giáo, là thủ tướng thứ 23 kể từ năm 2015. Ông là nhà lãnh đạo của Đảng Tự do từ năm 2013. Trudeau là thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử Canada sau Joe Clark; ông cũng là người đầu tiên là con hoặc họ hàng khác của một người giữ chức vụ trước đó, với tư cách là con trai cả của Pierre Trudeau.

Canada là một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Canada là quốc gia song ngữ trong đó tiếng Anh và tiếng Pháp được sử dụng tại cấp liên bang. Do tiếp nhận người nhập cư quy mô lớn từ nhiều quốc gia, Canada là một trong các quốc gia đa dạng sắc tộc và đa nguyên văn hóa nhất trên thế giới, với dân số xấp xỉ 35 triệu người vào tháng 12 năm 2012. Canada có nền kinh tế rất phát triển và đứng vào nhóm hàng đầu thế giới, kinh tế Canada dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và hệ thống thương mại phát triển cao. Canada có quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ, mối quan hệ này có tác động đáng kể đến kinh tế và văn hóa của quốc gia.

Canada là một cường quốc và quốc gia phát triển, đồng thời luôn nằm trong số các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người cao thứ tám toàn cầu, và chỉ số phát triển con người cao thứ 11. Canada được xếp vào hàng cao nhất trong các so sánh quốc tế về giáo dục, độ minh bạch của chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, và tự do kinh tế. Canada tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và liên chính phủ về kinh tế: G8, G20, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Canada là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

Giáo Hội Công Giáo tại Canada

Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2022 của chính quyền 39% người Canada nhận mình là tín hữu Công Giáo, con số này là 44.4% theo niên giám thống kê của Tòa Thánh tính đến ngày 31 tháng 12, 2020. Các giáo phái Tin Lành chiếm 20.3%, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6.1%), tiếp theo là Anh giáo 5%, và Báp-tít, 1.9%, Lutheran 1.5%. Bên cạnh đó, còn có 3.2% dân số theo Hồi Giáo; 1.1% theo Phật Giáo; và 1% theo Do Thái Giáo.

Quan thầy của Giáo Hội Canada là Thánh Giuse, Thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và các thánh tử đạo Canada.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng 12, 2020, Giáo Hội tại Canada có 16,858,000 tín hữu sinh hoạt trong 19 tổng giáo phận, 51 giáo phận, 2 giáo phận Đông phương, một giáo phận quân đội, và một giáo hạt tòng nhân.

Giáo Hội tại Canada có tổng cộng 3881 giáo xứ, 557 trung tâm mục vụ khác; và 35 tu hội đời.

Giáo Hội Canada có 4 vị Hồng Y là các Đức Hồng Y Thomas Christopher Collin, Tổng Giám Mục Toronto, Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám Mục Quebéc, Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ.

Giáo Hội tại Canada có 134 Giám Mục, 6,222 linh mục bao gồm 4,117 linh mục triều, và 2,105 linh mục dòng. Giáo Hội Canada cũng có 1,217 phó tế vĩnh viễn, 1,032 nam tu sĩ không có chức linh mục, 9,620 nữ tu, 18,761 giáo lý viên, 99 giáo dân truyền giáo.

Về mặt đào tạo, Giáo Hội Canada có 497 tiểu chủng sinh, 352 đại chủng sinh. Giáo Hội sở hữu 2,179 trường mẫu giáo và tiểu học với 516,821 học sinh; 451 trường trung học với 276,218 học sinh; và 45 trường Đại Học với 28,074 sinh viên.

Giáo Hội cũng sở hữu 64 bệnh viện, 3 trung tâm chăm sóc sức khoẻ, 140 nhà dưỡng lão, 54 cơ sở dành cho trẻ mồ côi, 72 trung tâm cố vấn gia đình, 30 trung tâm xã hội, và 72 cơ sở xã hội khác.

Vấn đề các các trường nội trú dành cho người bản địa

Từ các tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Canada, gọi tắt là CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Đức Giáo Hoàng sẽ đến Canada để dự lễ Thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu, được tôn kính bởi một nền văn hóa tôn trọng người cao tuổi.

Hai tuần sau khi thông báo hoãn chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Phi Châu vì lý do đầu gối của ngài, Vatican đã xác nhận chuyến công du của ngài tới Canada từ ngày 24 đến 30 tháng Bảy bằng cách đưa ra chương trình chính thức.

Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Edmonton, Thành phố Quebec, và Iqaluit trong chuyến đi kéo dài sáu ngày, đã được sắp xếp với lịch trình có phần nhẹ nhàng hơn bình thường, vì lý do sức khỏe của Đức Giáo Hoàng 85 tuổi.

Vào ngày 10 tháng 6, Đức Giáo Hoàng đã phải hủy chuyến công du tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, dự kiến diễn ra từ mùng 2 đến mùng 7 tháng 7, vì ngài đang tiến hành trị liệu cho vấn đề đầu gối của mình, khiến ngài có lúc phải sử dụng xe lăn. Để tránh bị hủy bỏ lần nữa, việc chuẩn bị cho chuyến đi đã được thông báo đến Canada phải tính đến sức khỏe của Đức Giáo Hoàng: Các giám mục địa phương bảo đảm rằng các sự kiện công cộng mà ngài sẽ tham gia sẽ được giới hạn trong một giờ.

Một chuyến đi tập trung vào Người bản địa

Chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo qua Đại Tây Dương là một phần của quá trình thống hối và hòa giải do Giáo hội ở Canada khởi xướng, một quá trình đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ nhưng được khởi động trở lại sau khi phát hiện ra các ngôi mộ tập thể vào năm 2021 của các trường dành cho người bản địa, một số do Giáo hội quản lý trong thế kỷ 19 và 20.

Vào cuối tháng 3, Đức Giáo Hoàng đã tiếp ba phái đoàn gồm các dân tộc thổ dân tại Vatican, do các giám mục Canada dẫn đầu. Trong sự kiện này, ngài đã lắng nghe những lời chứng của họ, chính thức cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ của các thành viên của Giáo hội, và bày tỏ mong muốn được đến thăm vùng đất của họ.

Chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô bao gồm nhiều cuộc gặp gỡ và thăm viếng có liên quan trực tiếp đến vấn đề trường học dành cho người bản địa, công việc tưởng nhớ, chữa lành và tha thứ, và quảng bá văn hóa của các dân tộc thổ dân.

Chương trình chính thức

Theo chương trình chính thức do Tòa thánh Vatican công bố

Ngày Chúa Nhật 24 tháng 7

Ngày Chúa Nhật 24 tháng 7, lúc 9g sáng Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma.

Lúc 11:20 máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Edmonton, tỉnh Alberta. Tại đây sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Không có gì khác được lên kế hoạch trong ngày, để cho phép Đức Giáo Hoàng nghỉ ngơi sau chuyến bay kéo dài 10 giờ và thay đổi những múi giờ khác nhau, các giám mục Canada cho biết như trên trong tuyên bố của các ngài.

Ngày thứ Hai, 25 tháng 7

Ngày thứ Hai, 25 tháng 7, lúc 10g sáng, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Maskwacis, ngôi nhà của trường dành cho người bản địa Ermineskine trước đây, một trong những trường lớn nhất trong nước, cách Edmonton khoảng 100 km. Ngài sẽ gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit và sau đó kết thúc một ngày tại Nhà thờ First Nations ở Edmonton. Tòa nhà gần đây đã được phục hồi sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2020.

Lúc 4g45 chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các thổ dân và cộng đoàn Công Giáo địa phương tại nhà thờ Thánh Tâm ở Edmonton.

Ngày thứ Ba 26 tháng 7

Ngày thứ Ba 26 tháng 7, lễ kính Hai Thánh Joachim và Anna, Đức Giáo Hoàng dự kiến cử hành thánh lễ tại sân vận động của Edmonton - có sức chứa 65,000 người vào lúc 10g15 sáng.

Sau đó, lúc 17g, ngài sẽ đến Hồ Thánh Anna, cách thủ đô của Alberta 75 km. Một cuộc tụ họp Công Giáo đã được tổ chức ở đó hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anna, vị thánh bảo trợ của người Canada. Theo truyền thống, sẽ có hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, là những người có lòng sùng kính đặc biệt đối với bà ngoại của Chúa Giêsu, tượng trưng cho tầm quan trọng của hình bóng người cao tuổi trong cộng đồng của họ.

Ngày thứ Tư 27 tháng 7

Ngày thứ Tư 27 tháng 7, lúc 9g sáng, Đức Giáo Hoàng sẽ ra phi trường quốc tế Edmonton để bay đến Thành phố Québec, cách đó 3,000 km về phía đông.

Lúc 15g05, ngài sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Quebéc. Lúc 15g40, Đức Thánh Cha sẽ được tiếp đón tại Dinh thự của Toàn quyền Canada, Mary Simon, gọi là dinh Citadelle de Québec.

Lúc 16g Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp riêng với Toàn quyền Canada, Mary Simon.

Ngài sẽ gặp riêng Thủ tướng Justin Trudeau, lúc 16g20 trước khi có cuộc gặp gỡ với các cơ quan dân sự của đất nước, và các đại diện của thổ dân lúc 16g45.

Ngày Thứ Năm 28 tháng 7

Thứ Năm 28 tháng 7, lúc 10g sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré. Dự kiến sẽ có từ 10.000 đến 15.000 người tham dự địa điểm hành hương này, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm.

Vào buổi chiều, lúc 17g15, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, những người sống đời thánh hiến, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Quebéc.

Ngày cuối cùng, Thứ Sáu 29 tháng 7

Thứ Sáu 29 tháng 7, lúc 9g sáng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các thành viên của Dòng Tên tại Tòa Giám Mục Quebéc.

Cũng tại đây, lúc 10g45, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các đại diện thổ dân Quebéc.

Lúc 12g45, Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường quốc tế Quebéc để bay đến Iqaluit, cách đó 2,000 km về phía bắc và sẽ đến nơi lúc 15g50.

Lúc 16g15, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các học sinh cũ của trường dành cho người bản địa. Cũng tại đây, lúc 17g, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các kỳ lão và các thanh niên. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của chuyến đi.

Lúc 18g15, sẽ có nghi thức tạm biệt tại phi trường quốc tế Iqaluit. Máy bay sẽ cất cánh đưa ngài về Rôma lúc 18g45.

Tổng cộng có bốn bài phát biểu, bốn bài giảng trong các cử hành Phụng Vụ và một lời chào được lên kế hoạch trong chuyến đi kéo dài sáu ngày, với phương châm là “Cùng nhau tiến bước”. Logo đại diện bao gồm một chiếc nhẫn màu xanh và trắng hợp nhất các biểu tượng động vật hoang dã.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Nhật ký trừ tà số 199: Ma quỷ ám ảnh bằng sự trầm cảm và tuyệt vọng
Đặng Tự Do
19:30 23/07/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #199: Demonic Obsessions with Depression and Despair”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 199: Ma quỷ ám ảnh bằng sự trầm cảm và tuyệt vọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những chuyên gia trừ tà của chúng tôi đã chia sẻ trải nghiệm gần đây: “Đêm qua, tôi cảm thấy chán nản và tuyệt vọng. Tôi hầu như không nhận thức được điều đó ngay từ đầu; nó bắt đầu một cách tinh vi. Cuối cùng, tôi thấy mình đang ở giữa nỗi tuyệt vọng tăm tối. Tôi cảm thấy mất hết năng lượng và buông xuôi. Điều này thật đáng ngạc nhiên đối với tôi vì tôi thực sự không có tiền sử trầm cảm. Cuối cùng tôi đã nhận ra: nó có thể là một ám ảnh ma quỷ và ra lệnh cho những linh hồn trầm cảm xấu xa rời đi. Sau một vài lời cầu nguyện giải cứu, tâm trạng xấu xa đã được cải thiện.”

Mỗi tháng một lần Trung tâm Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cung cấp một buổi trừ tà trực tuyến trực tiếp. Những buổi học này được đánh giá cao với hàng nghìn người tham dự. Sau các phiên họp, chúng tôi thường nhận được rất nhiều email làm chứng về việc chữa bệnh, tạ ơn Chúa. Một trong những trải nghiệm phổ biến nhất là xua tan tâm trạng chán nản hoặc lo lắng. Ví dụ, đây là một số đoạn trích:

* Tôi bắt đầu lo lắng, sợ hãi và trầm cảm. Bây giờ tôi cảm thấy bình yên. Cảm ơn các bạn!

* Rất phấn khởi. Tôi vui hơn. Ít cảm thấy bị đè năng hơn. Cảm ơn các bạn.

* Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và biết ơn về buổi học này. Tôi đã phải chịu đựng những vấn đề về sự lo lắng và tức giận. Cảm ơn các bạn.

* Cơ thể tôi cảm thấy như tôi đang mang một tảng đá nặng trên vai. Sau buổi học, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như tảng đá được gỡ bỏ.

* Trong suốt buổi học, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng và sự đổi mới như thể một loại điện đang truyền qua cơ thể tôi. Hiện tại tôi đang chứng kiến năng lượng tràn đầy hơn bao giờ hết. Cảm ơn các bạn.”

* Tôi cảm thấy nới lỏng những ràng buộc của bệnh trầm cảm... và sự chia rẽ trong gia đình chúng tôi. Cảm ơn các bạn!”

* Tôi đã trải qua một niềm vui bên trong và sự bình yên và hy vọng. Sự hiểu biết rằng Chúa Giêsu đã giải thoát tôi khỏi những băn khoăn, lo lắng và buồn bã của tôi và Ngài đang nhìn tôi với tình yêu thương.”

Trong hầu hết các trường hợp, cảm giác trầm cảm và lo lắng đều có nguồn gốc tâm lý và cần được điều trị ở mức độ tự nhiên. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng những ám ảnh ma quỷ luôn đi kèm theo cảm giác chán nản, lo lắng và tuyệt vọng mà chúng ta ít khi nhận ra.

Bốn dấu hiệu cho thấy tâm trạng có nguồn gốc ma quỷ là: thứ nhất, nó bất thường so với tính cách cố hữu của một người. Thứ hai, nó bắt đầu và kết thúc mà không có sự kích hoạt tự nhiên. Thứ ba, nó dữ dội một cách bất thường. Thứ tư, nó suy giảm hay tan biến theo sau một lời cầu nguyện. Trong những trường hợp này, thuốc và liệu pháp tâm lý có thể có một số tác dụng hạn chế nhưng cuối cùng không hoàn toàn thành công. Chỉ có lời cầu nguyện và sự chữa lành tâm linh mới giải thoát được.

Trong những trường hợp căng thẳng hơn, những người đau khổ có thể có sự kết hợp của bệnh lý tâm lý và ám ảnh ma quỷ. Satan là một kẻ cơ hội và lợi dụng những điểm yếu tâm lý của chúng ta. Nó sẽ phóng đại những động lực tự nhiên và dày vò tâm hồn với một tâm trạng chán nản và lo lắng dữ dội. Những người này cần cả các biện pháp chữa bệnh tự nhiên như liệu pháp tâm lý và thuốc men, cộng với một chế độ tâm linh chữa bệnh.

Sau đó, nhà trừ tà nói: “Trải nghiệm của tôi khiến tôi nhớ đến một người mới tìm đến tôi, là người cũng phải chịu những ám ảnh ma quỷ dữ dội với chứng trầm cảm, tuyệt vọng và ý nghĩ tự tử. Có lẽ kinh nghiệm của tôi là cách Chúa cho phép tôi giúp đỡ người ấy bằng cách mang một chút gánh nặng của cô ta. Tôi cầu nguyện cho cô ta mỗi ngày”.
Source:Catholic Exorcism
 
Các nhà lãnh đạo Đức ngạc nhiên về cảnh báo mới nhất của Tòa thánh liên quan đến Tiến Trình Công Nghị
Đặng Tự Do
19:31 23/07/2022
Cảnh báo mới nhất của Tòa Thánh về nguy cơ bùng phát một cuộc ly giáo mới từ Đức phát sinh từ “Tiến Trình Công Nghị” đã bị các nhà tổ chức bác bỏ. Họ cho rằng họ “kinh ngạc”, và cáo buộc Rôma không hoạt động như một Giáo hội đồng nghị.

Tuy nhiên, ít nhất một giám mục người Đức và một nhóm cải cách đã hoan nghênh sự can thiệp mới từ Vatican, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Sau tuyên bố của Tòa Thánh hôm thứ Năm, các chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức (ZdK) cho biết họ rất sửng sốt trước sự can thiệp này.

“Theo sự hiểu biết của chúng tôi, một Giáo hội đồng nghị là một cái gì đó khác!” Giám mục Georg Bätzing của Limburg và Irme Stetter-Karp đã tuyên bố đáp lại sự can thiệp của Vatican. “Điều này cũng áp dụng cho thông báo đưa ra ngày hôm nay, đó là một nguồn gây ngạc nhiên cho chúng tôi.”

Họ nói thêm, “Đó không phải là một ví dụ điển hình về giao tiếp trong Giáo hội, khi các tuyên bố được công bố mà không có chữ ký tên.”

Trong khi đó, một giám mục người Đức, là Đức Cha Bertram Meier của Augsburg, hoan nghênh tuyên bố từ Rôma, và nói rằng mối quan tâm về sự thống nhất rõ ràng là “mạnh mẽ”. Các nhà tổ chức “Tiến Trình Công Nghị” cáo buộc Vatican thiếu thiện chí giao tiếp: “Thật không may, cho đến nay Ủy ban Thượng hội đồng đã không được mời tham gia một cuộc thảo luận với các cơ quan của Vatican.”

Trong tuyên bố hôm thứ Năm, Tòa Thánh cho biết: “Tiến Trình Công Nghị ở Đức không có quyền buộc các giám mục và tín hữu áp dụng các hình thức quản trị mới và các định hướng mới về giáo lý và luân lý.”

Công hàm của Vatican cho biết dường như “cần phải làm rõ” điều này, để “bảo vệ quyền tự do của dân Chúa và việc thực thi chức vụ giám mục.”

Tuyên bố ngày 21 tháng 7 cảnh báo: “Không được phép đưa ra các cơ cấu hoặc học thuyết chính thức mới trong các giáo phận trước khi đạt được thỏa thuận ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, điều này sẽ tạo thành một sự vi phạm sự hiệp thông của Giáo hội và là một mối đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.”

Trước phản ứng của Bätzing và Stetter-Karp, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Bắc Âu, là một nữ tu người Đức, đã đặt ra câu hỏi liệu chính quá trình gây tranh cãi có mắc phải “vấn đề giao tiếp” hay không.

Sơ Anna Mirijam Kaschner đã chỉ ra một nhận thức rõ ràng rằng quá trình này đang tìm cách thay đổi - hoặc rời bỏ, theo “đường lối riêng” của mình - giáo huấn của Giáo hội về một số vấn đề, bao gồm luật độc thân linh mục, phong chức phụ nữ và luân lý tình dục.

Mối lo ngại về nguy cơ rời khỏi giáo huấn của Giáo hội phổ quát về “Tiến Trình Công Nghị” - hay Synodaler Weg theo tiếng Đức - lần đầu tiên được các Giám Mục trên thế giới nêu ra vào năm 2019, khi Đức Hồng Y Reinhard Marx bắt đầu quá trình này.

Trong tuyên bố gần đây nhất của Giám Mục, những lo ngại như vậy một lần nữa bị Bätzing và Irme Stetter-Karp bác bỏ: “Chúng tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Đức sẽ không đi theo một 'con đường đặc biệt của Đức', họ nói. “Tuy nhiên, chúng tôi thấy nhiệm vụ của mình là phải trình bày rõ ràng những khía cạnh chúng tôi tin rằng những thay đổi là cần thiết.”

Tương tự, Sơ Kaschner lưu ý, Bätzing cho đến nay đã bác bỏ các mối quan tâm của hàng trăm giám mục; những mối quan tâm cũng được nêu ra bởi những người Công Giáo ở Đức.

Bätzing trước đây cũng đã bày tỏ sự thất vọng của mình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngay sau khi cảnh báo mới nhất này được công bố, nhà báo và người đồng sáng lập “Khởi đầu mới”, một sáng kiến của Đức chỉ trích “Tiến Trình Công Nghị”, nói rằng Vatican đã kéo “phanh khẩn cấp” đối với quá trình” Bernhard Meuser nói.

Ngay từ năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về tình trạng mất đoàn kết trong bức thư gửi người Công Giáo Đức.

Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học người Đức được coi là thân cận với Giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 6 năm 2022 đã cảnh báo rằng quá trình này có nguy cơ “tự bẻ cổ nó” nếu nó không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều giám mục trên khắp thế giới.

Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi quá trình này có thể dẫn đến ly giáo.

Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư nặng lời từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.
Source:Catholic News Agency
 
Tìm hiểu Hành trình Hòa giải Lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô với Người bản địa Canada
J.B. Đặng Minh An dịch
23:26 23/07/2022

Trong bài “Understanding Pope Francis’ Historic Voyage of Reconciliation to Canada’s Indigenous People”, nghĩa là “Tìm hiểu Hành trình Hòa giải Lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô với Người bản địa Canada”, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, đã trình bày những nhận định về chuyến tông du hoàn toàn có một không hai trong gần 50 năm tông du nước ngoài của các vị Giáo hoàng trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến các trường nội trú dành cho người bản địa tại quốc gia này. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu một chuyến tông du hoàn toàn có một không hai trong gần 50 năm tông du nước ngoài của các vị Giáo hoàng.

Đây sẽ là một cuộc hành hương không phải dành cho toàn bộ Giáo hội ở Canada, mà tập trung chặt chẽ vào các dân tộc bản địa. Nó sẽ có một tính cách “sám hối”, như Đức Thánh Cha đã mô tả nó trong bài huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tuần trước. Và trong khi hầu hết các chuyến đi của các vị Giáo hoàng có nhiều chủ đề - lịch sử, gia đình, tuổi trẻ, truyền giáo, công lý, v.v. - thì chủ đề này chỉ nhằm mục đích thúc đẩy “hòa giải” vì thuật ngữ đó đã được hiểu trong chính trị Canada.

Một chút lịch sử để mọi sự được rõ ràng. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, người dân Canada bắt đầu nghe thấy tiếng nói của người bản địa về “trường nội trú của người da đỏ”, một phần lịch sử của Canada mà phần lớn vẫn bị che giấu.

Trong những thập kỷ gần đây, thuật ngữ “Da đỏ” - được sử dụng trong hầu hết lịch sử Canada - đã được thay thế bằng “thổ dân” và bây giờ là “Bản địa”

Vào cuối thế kỷ 19, chính phủ Canada đã thiết lập chính sách trường nội trú cho trẻ em bản địa. Nền giáo dục sẽ truyền đạt khả năng đọc viết và làm toán cơ bản nhưng cũng có một khía cạnh văn hóa, một phần của dự án đồng hóa được thể hiện một cách khét tiếng nhất là “giết chết người da đỏ trong đứa trẻ”. Trẻ em bản địa thường bị cấm nói tiếng bản địa của họ hoặc mặc trang phục truyền thống của họ.

Lúc đầu, việc đi học là tự nguyện, nhưng vào đầu thế kỷ 20, nó trở thành bắt buộc, đồng nghĩa với việc trẻ em bị buộc phải tách khỏi gia đình. Hầu hết các trường đóng cửa vào những năm 1960, mặc dù một số trường vẫn tồn tại trong những năm 1980. Hiện nó được mọi người - các nhà lãnh đạo Giáo hội, tiểu bang và Người bản xứ - coi như một chương đen tối trong lịch sử Canada.

Trong khi các trường học được thành lập và tài trợ bởi chính phủ Canada, hoạt động của các trường học được giao cho các Giáo Hội. Người Công Giáo điều hành khoảng hai phần ba số trường học; phần ba còn lại do những người theo đạo Tin lành điều hành. Phần lớn các trường Công Giáo do Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI, điều hành.

Lời khai của những người ngày nay được công nhận là “những người sống sót” bắt đầu vào năm 1990. Họ kể về bệnh tật và điều kiện vệ sinh không đầy đủ, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cũng như tệ hại hơn, về lạm dụng thể chất và tình dục.

Trong hơn 30 năm, người Canada đã cống hiến sức lực đáng kể cho di sản trường nội trú. Đã có một quyết toán tài chính vào năm 2006 gần 4 tỷ đô la, trong đó cả chính phủ và Giáo Hội đều tham gia.

Có một lời xin lỗi chính thức từ chính phủ Canada tại Hạ viện ở Ottawa vào năm 2008. Đã có một lời xin lỗi từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tới một phái đoàn của các nhà lãnh đạo bản địa tại Vatican vào năm 2009.

Sau đó Ủy ban Sự thật và Hòa giải, gọi tắt là TRC, mở một cuộc điều tra do chính phủ liên bang thành lập. Ủy ban đã báo cáo vào năm 2015 và đưa ra một danh sách các “lời kêu gọi hành động”. Bất kể đã có lời xin lỗi năm 2009 từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, TRC yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phải xuất hiện ở Canada “trong vòng một năm” để xin lỗi một lần nữa.

Giáo Hội ở Canada đã chọn không bảo vệ lời xin lỗi của Đức Bênêđíctô, cũng như hàng chục lời xin lỗi theo đúng nghĩa đen đã được đưa ra bởi các thực thể Công Giáo khác nhau có liên quan, bắt đầu bằng lời xin lỗi toàn diện của OMI vào năm 1991, rất lâu trước khi hầu hết người dân Canada thậm chí còn chưa biết đến lịch sử trường nội trú dành cho người bản địa.

Vào năm 2015, người ta cho rằng vấn đề này sẽ nằm im, và trong khi đó, công việc hợp tác hàng ngày ở cấp địa phương vẫn sẽ tiếp tục.

Việc phát hiện ra những ngôi mộ không được đánh dấu tại các điểm dân cư-trường học cũ vào tháng 5 năm 2021 đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ quốc tế về những gì đôi khi được báo cáo là “mồ chôn tập thể”, ngụ ý một vụ thảm sát trẻ em bản địa. Điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng thông tin sai lệch lớn đã tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt khiến cả chính phủ Canada và các giám mục Công Giáo chấn động.

Chính phủ liên bang đã cam kết hàng trăm triệu đô la cho việc thăm dò các ngôi mộ. Cho đến nay, không có cuộc thăm dò nào như vậy đã diễn ra.

Sự tức giận đối với Giáo Hội Công Giáo không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn qua hành động phá hoại tại hàng chục nhà thờ Công Giáo, bao gồm cả vụ hỏa hoạn tại một số nhà thờ ở các khu bảo tồn của Người bản xứ.

Do đó, các giám mục của Canada đã một lần nữa tập hợp các lời xin lỗi cá nhân khác nhau của các ngài thành một tuyên bố thống nhất vào tháng 9 năm ngoái và cam kết quyên góp 30 triệu đô la cho các dự án hòa giải trong 5 năm tới. “Hòa giải” là một thuật ngữ chung để đối phó với di sản của các trường nội trú dành cho người bản địa.

Và, mang tính biểu tượng nhất, các giám mục đã cam kết yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Canada để xin lỗi trên mảnh đất của Người bản địa, như TRC đã yêu cầu vào năm 2015.

Trước khi phát hiện ra những ngôi mộ có thể xảy ra vào năm 2021, các giám mục đã làm việc trong một cuộc họp lần thứ hai của Đức Giáo Hoàng ở Rome, để làm mới lại lời xin lỗi mà Đức Bênêđíctô đưa ra vào năm 2009. Điều đó đã bị trì hoãn bởi đại dịch, nhưng cuối cùng đã được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4 năm 2022, khi Đức Thánh Cha dành năm giờ chưa từng có với các nhóm Bản địa trong suốt cả tuần. Sau đó, ngài đã đưa ra một lời xin lỗi sâu sắc và mạnh mẽ và cam kết sẽ đến thăm Canada.

Đức Thánh Cha đã chọn tháng Bảy cho chuyến viếng thăm nhằm kỷ niệm ngày lễ Thánh Anna, 26 tháng Bảy, với những người Công Giáo bản địa, những người có lòng sùng kính đối với bà ngoại của Chúa Giêsu phù hợp với sự tôn trọng mà họ dành cho người lớn tuổi. Cuộc hành hương Công Giáo hàng năm tại Hồ Thánh Anna gần Edmonton là sự kiện tôn giáo hàng năm lớn nhất dành cho người Canada bản địa, đa số là các tín hữu Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự vào thứ Ba.

Đức Giáo Hoàng sẽ dành sáu ngày ở Canada, trong đó ngày đầu tiên dành hoàn toàn để nghỉ ngơi. Ngài sẽ đến Edmonton vào Chúa Nhật và sau đó có bốn sự kiện trong hai ngày, tất cả đều được giới hạn trong một giờ vì sức khỏe giảm sút gần đây của Đức Thánh Cha.

Vào ngày thứ Tư, ngài sẽ đến Thành phố Quebec, giáo phận Công Giáo đầu tiên ở Bắc Mỹ. Với bốn sự kiện khác trong ba ngày ở đó, ngài dự kiến sẽ đề cao lịch sử 200 năm của Công Giáo-Bản địa có trước trường nội trú đầu tiên. Thật vậy, Thánh François de Laval, giám mục đầu tiên của Canada, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh một cách nhanh chóng một phần vì ngài bảo vệ phẩm giá của các dân tộc Bản địa.

Vào ngày cuối cùng của mình ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi đến cực bắc để gặp người Inuit ở Iqaluit trước khi trở về Rôma trong đêm.

Lời xin lỗi của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican - một cách chân thành, cẩn thận về mặt thần học và diễn đạt một cách hùng hồn - dường như đã khiến chuyến thăm thực sự trở nên thoái trào khỏi cực điểm. Những gì Đức Thánh Cha sẽ nói thì ngài đã nói rồi - và đã được những người khác nói trong hơn 30 năm. Trong khi chuyến thăm của Giáo hoàng luôn là thời điểm đầy ân sủng, các nhà lãnh đạo Công Giáo nói một cách bán chính thức về chuyến đi như một bước cần thiết mà các ngài mong muốn hoàn thành và vượt qua.

Về phía Người bản xứ, đã có một số người thiếu quan tâm đến các sự kiện của Đức Giáo Hoàng và thiếu sự phối hợp đối với những người muốn tham dự, mặc dù chính phủ liên bang đã cam kết 35 triệu đô la để đưa những người sống sót đến gặp Đức Giáo Hoàng.

Các giám mục Công Giáo sẽ tài trợ chi phí 15 triệu đô la cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, ngoài cam kết trước đó cho các dự án hòa giải. Điều đó sẽ không dễ dàng, vì phần lớn các giáo phận Canada đều bị hạn chế về tài chính.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ làm nổi bật hai thực tế đối kháng.

Điều sẽ thu hút sự chú ý nhất là mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo chính trị Bản địa và các giám mục Công Giáo - một mối quan hệ căng thẳng được đánh dấu bởi sự nghi ngờ về động cơ xấu của cả hai bên. Thực tế khác là các mối quan hệ tốt đẹp thực tế ở cấp giáo xứ và giáo phận đã đánh dấu cuộc sống của hầu hết người Công Giáo Bản địa, nơi mà việc hòa giải đã được diễn ra trong ba thập kỷ.

Đây sẽ là chuyến thăm thứ tư của Đức Giáo Hoàng tới Canada. Thánh Gioan Phaolô II đã thực hiện một chuyến đi xuyên quốc gia, 12 ngày - một trong những chuyến đi dài nhất của ngài đến một quốc gia duy nhất - vào năm 1984. Trong chuyến đi đó, thời tiết xấu đã ngăn cản ngài đến thăm những người Canada bản địa ở cực bắc, vì vậy ngài đã trở lại vào năm 1987 cho mục đích đó. Chuyến đi thứ ba của ngài là vào năm 2002 cho Ngày Giới trẻ Thế giới ở Toronto. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã không đến thăm Canada.
Source:National Catholic Register
 
VietCatholic TV
Quân Nga kinh sợ HIMARS, Duma khoe đã có cách, lập tức 5 sở chỉ huy, 2 kho đạn tan tành như xác pháo
VietCatholic Media
03:05 23/07/2022


1. Năm sở chỉ huy, hai kho đạn dược của Nga ở phía nam bị nổ tung

Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 23 tháng 7, Bộ Chỉ Huy các lực lượng phía Nam Ukraine cho biết: Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện hơn 230 phi vụ hỏa lực ở miền nam Ukraine vào ngày 21 tháng 7. Bên cạnh đó, các máy bay Ukraine đã tung ra 8 cuộc tấn công vào các vị trí và khu dự bị của đối phương.

“Địch tiếp tục phòng ngự, giữ chặt các đường rút lui. Sau khi bị tổn thất, các binh sĩ của lữ đoàn súng trường cơ giới biệt lập số 34 của Nga đã phản chiến. Họ từ chối chiến đấu. Vào buổi tối, quân Nga tung ra một cuộc không kích liều lĩnh gần Potiomkyne. Vấp phải hỏa lực mạnh mẽ của chúng tôi, quân Nga đã phải rút lui.”

Bộ Chỉ Huy các lực lượng phía Nam Ukraine nói thêm rằng các máy bay Ukraine đã thực hiện tám cuộc tấn công vào các vị trí và khu dự bị của đối phương, với năm cuộc tấn công bằng máy bay ném bom và máy bay cường kích và ba cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng.

Các lực lượng Ukraine đã tấn công năm sở chỉ huy và hai kho đạn của Nga ở các quận Skadovsk và Beryslav trong vùng Kherson, cũng như nơi tập trung binh lính của đối phương ở khu vực Mykolaiv.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện hơn 230 nhiệm vụ khai hỏa, loại khỏi vòng chiến 35 lính Nga và phá hủy một hệ thống pháo tự hành Msta-S, hai máy bay không người lái trinh sát, ba xe bọc thép và tám phương tiện giao thông.

Ở Hắc Hải, quân Nga giữ hai tàu chiến trang bị 16 hỏa tiễn hành trình Kalibr.

“Theo hướng Transnistrian, tình hình được kiểm soát ổn định bởi lực lượng phòng thủ. Biên giới quốc gia được bảo vệ một cách đáng tin cậy. Hoạt động của các lực lượng dự bị quân sự trên lãnh thổ của quốc gia láng giềng không được ghi nhận.”

2. Mỹ và Đồng minh có thể trao máy bay chiến đấu cho Ukraine

Ukraine có thể được phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu và đào tạo phi công để giúp lực lượng của họ chống lại Nga, theo một nhân vật quân sự cấp cao của Mỹ.

Mạc Tư Khoa có ưu thế trên không so với các loại máy bay thời Liên Xô như MiG-29 và các máy bay thời Chiến tranh Lạnh khác của không quân Ukraine.

Tuy nhiên, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Charles Brown, thừa nhận rằng Mỹ và các đồng minh đang xem xét cung cấp cho Ukraine các máy bay mới.

Một động thái như vậy sẽ đẩy mạnh sự can dự của phương Tây vào cuộc chiến và đánh dấu sự khởi đầu từ khi chính quyền Biden bác bỏ một thỏa thuận trong đó các máy bay chiến đấu MiG của Ba Lan sẽ được trao cho Ukraine để đổi lấy những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất.

Đây cũng sẽ là một động thái trực tiếp hơn của các đồng minh NATO nhằm thách thức sự xâm lược của Nga sau nhiều tháng cố gắng kềm chế không leo thang cuộc chiến ở Ukraine.

Bác bỏ kế hoạch của Ba Lan vào tháng 3, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết tình báo Mỹ tin rằng việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG cho Ukraine “có thể bị nhầm lẫn là hành động leo thang” và “có thể dẫn đến phản ứng đáng kể của Nga làm tăng triển vọng leo thang quân sự với NATO.”

Nhưng Brown nói với Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado vào hôm thứ Tư rằng có một số “các chiến đấu cơ khác nhau có thể đến Ukraine”, khi ông nhắc đến các máy bay phản lực Gripen từ Thụy Điển, Dassault Rafale do Pháp sản xuất và Eurofighter Typhoon.

Khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu của Mỹ hay không, Brown trả lời: “Tôi không thể cho bạn biết chính xác nó sẽ như thế nào.”

Brown đã nói với Reuters trước đó rằng Mỹ và các đồng minh muốn giúp Ukraine xây dựng lực lượng không quân.

Nó diễn ra sau một động thái của Hạ viện Mỹ vào tuần trước nhằm đưa ra một biện pháp mà nếu được thông qua, sẽ ủy quyền 100 triệu USD để đào tạo các phi công Ukraine và những người bảo dưỡng các máy bay chiến đấu của Mỹ.

Vào tháng 3, ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm lược của Vladimir Putin, Ukraine đã bay khoảng 56 máy bay chiến đấu trong tối đa 10 giờ mỗi ngày, theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ.

Mặc dù không bình luận về luật được đề xuất trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ, Brown nói với Reuters rằng sẽ “khó hơn một chút” để chuyển một phi công Ukraine từ hệ thống của Liên Xô sang máy bay chiến đấu của Mỹ trong thời gian đào tạo từ 2 đến 4 tháng..

Tuy nhiên, ông nói rằng kinh nghiệm huấn luyện phi công Ukraine của các đồng minh NATO có thể “giúp họ tìm ra cách thực hiện tốt nhất quá trình chuyển đổi đó”.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley nói trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin “chưa có quyết định chính thức nào” về việc cung cấp máy bay phản lực phương Tây hay đào tạo phi công Ukraine nhưng các quan chức đang xem xét “nhiều lựa chọn khác nhau. “

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để đưa ra bình luận.

3. Nga trấn an rằng họ có thể 'đối phó' với HIMARS của Mỹ sau khi chịu tổn thất nặng nề

Hôm thứ Năm, Nga đã khoe khoang rằng họ có thể “chống lại” Hệ thống Hỏa tiễn Cơ động Cao M142 do Mỹ cung cấp - được gọi là HIMARS - ngay sau khi Washington cho biết Hoa Kỳ sẽ bổ sung thêm 4 chiếc nữa vào kho vũ khí của Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra.

“Người ta không nên sợ HIMARS, người ta nên chiến đấu với nó. Nó không phải là thuốc chữa bách bệnh, nó là một trong những vũ khí mà quân Nga đang sử dụng hiện nay”, Andrei Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện Nga, nói với TASS hôm thứ Năm. Trong một nhận xét hàm ý khinh miệt khả năng của quân đội Ukraine, Kartapolov cho rằng người Ukraine không có khả năng điều khiển các hệ thống HIMARS. Ông nói: “Đồng thời, tôi muốn nhấn mạnh rằng chính các chuyên gia nước ngoài, hay vắn tắt là lính đánh thuê, là những xạ thủ. Tôi không loại trừ những quân nhân Mỹ đang làm việc ở đó”.

“Hệ thống này là vấn đề nghiêm trọng, nhưng có một biện pháp đối phó – là các hệ thống phòng không của chúng ta,” nhà lập pháp nói thêm, tuyên bố rằng hôm thứ Tư, lực lượng phòng không của Nga đã bắn hạ 12 hỏa tiễn bắn vào cầu Antonivka, còn được gọi là Cầu Antonovsky, ở miền nam Ukraine trong Khu vực Kherson, nơi hiện đang bị quân Nga chiếm đóng.

Trong khi đó, tờ The Kyiv Post đưa tin hôm thứ Tư rằng các lực lượng vũ trang của Ukraine đã phá hủy một phần cây cầu quan trọng bằng pháo binh, lưu ý rằng cây cầu này nối Kherson với các khu vực bị chiếm đóng bên cạnh Bán đảo Crimea.

Kirill Stremousov, người đứng đầu chính quyền tạm thời do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn trong khu vực, cho biết quân đội Ukraine đã tấn công cây cầu dài gần 2km bằng HIMARS.

Trái ngược với Kartapolov, Kirill Stremousov cho biết: “Ukraine đã nã pháo vào cây cầu bắc qua Dnipro ở vùng Kherson ngày thứ hai liên tiếp từ nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng của HIMARS. Mười hai quả hỏa tiễn đã được bắn, và 11 quả trong số đó bắn trúng cây cầu.”

Hôm thứ Tư, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cũng đã chia sẻ một đoạn video trên kênh Telegram của mình mà ông nói rằng các lực lượng phòng không của Nga “ cố gắng bắn hạ hỏa tiễn HIMARS đang bay về phía” một kho đạn ở Skadovsk, miền nam Kherson của Ukraine nhưng không thành công.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine hôm thứ Tư rằng Washington sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 4 HIMARS.

Austin lưu ý rằng quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã “sử dụng hiệu quả” các HIMARS mà họ đã có và các vũ khí tầm xa “đã tạo nên sự khác biệt trên chiến trường”.

Các nguồn cung cấp mới sẽ nâng tổng số HIMARS ở Ukraine lên con số 16. Vào ngày 9 tháng 7, cố vấn tổng thống Ukraine và nhà đàm phán hòa bình Mykhailo Podolyak đã chỉ định HIMARS là một trong ba vũ khí Ukraine cần để lật ngược tình thế chiến tranh.

Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai nói với Newsweek vào tuần trước rằng người Nga đang ở “trạng thái hoảng sợ” trước các cuộc tấn công của HIMARS.

“Như cả thế giới đã thấy trong hơn một tuần qua, chúng tôi có thể gây ra thiệt hại lớn cho các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và cơ sở lưu trữ đạn dược của họ ở sâu sau chiến tuyến của quân Nga,” Haidai nói.

Ông nói, điều này chủ yếu là do sự đa dạng của các loại vũ khí mà chúng tôi đã nhận được từ phương Tây gần đây. Và khi chúng tôi có đủ số lượng vũ khí như vậy, chúng tôi sẽ có thể thực hiện các cuộc phản công tiếp theo “.

Newsweek đã liên hệ với các nhà chức trách Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

4. Giám đốc tình báo Anh cho biết khả năng do thám của Nga ở Âu Châu đã bị cắt giảm một nửa

Người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Anh tin rằng Nga đã mất “một nửa” khả năng do thám ở Âu Châu, sau khi trục xuất hơn 400 sĩ quan tình báo Nga khỏi các thành phố trên khắp Âu Châu và bắt giữ một số gián điệp bí mật đóng giả là dân thường.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, các nước Âu Châu đã trục xuất “400 sĩ quan tình báo Nga hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao” trên toàn khối, Richard Moore, người đứng đầu MI6, cơ quan tình báo nước ngoài của Anh, nói với Jim Sciutto của CNN tại Diễn đàn An ninh Aspen.

Ông Moore nói: “Và chúng tôi cho rằng, ở Anh, điều đó có thể đã làm giảm một nửa khả năng hoạt động của họ trong việc do thám Âu Châu,” Moore nói.

Ông nói thêm, một số “kẻ bất hợp pháp” hoặc gián điệp Nga hoạt động dưới vỏ bọc thâm sâu và giả dạng dân thường, cũng đã bị lộ diện và bị bắt giữ trong những tháng gần đây.

Khi được hỏi liệu cuộc chiến ở Ukraine có khiến Nga trở thành “môi trường giàu mục tiêu” để Anh và các đồng minh tuyển dụng các gián điệp tiềm năng hay không, Moore chỉ nói rằng “hy vọng của chúng tôi” là những người Nga trong ngành tình báo và ngoại giao sẽ “suy ngẫm những gì họ đang chứng kiến ở Ukraine “và quyết định” tấn công lại hệ thống “như nhiều người đã làm trong Mùa xuân Praha năm 1968.

“Cánh cửa của chúng tôi luôn mở,” ông nói.

5. Người phụ nữ nằm bên xác chồng đã chết sau cuộc không kích của Nga ở Ukraine

Những bức ảnh đau buồn cho thấy một người phụ nữ đau buồn nằm bên người chồng đã chết của mình sau khi anh ta bị giết trong cuộc không kích của Nga ở Ukraine hôm thứ Năm - khi cuộc xâm lược không ngừng của đất nước gần chạm mốc 5 tháng. Người phụ nữ nhất quyết không cho đưa thi thể của người chồng đi, trong khi hàng xóm rưng rưng nước mắt trước tình cảnh quá bi thương.

Thương vong dân sự mới nhất ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp người Ukraine bị sát hại trong các cuộc oanh tạc của Nga. Các cuộc không kích vào tòa nhà dân cư này đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 19 người khác bị thương.

Những bức ảnh thương tâm về hậu quả của vụ tấn công cho thấy một người phụ nữ đang than khóc cho cái chết của chồng mình khi thi thể đẫm máu của anh ta nằm trên mặt đất. Người vợ đau đớn vật vã bên cạnh người chồng, trong khi những người khác gần đó cố gắng an ủi cô ấy một cách vô ích.

Các bức ảnh cho thấy sự tàn phá trên diện rộng khiến những người khác phải khóc lóc bất lực trên đường phố.

Oleh Synehubov, thống đốc vùng Kharkiv, xác nhận những trường hợp tử vong và bị thương mới nhất. Ông nói, bốn trong số 19 người bị thương đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Nga đã tiếp tục phủ nhận việc cố tình tấn công vào dân thường kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 – mà đến nay Tổng thống Vladimir Putin vẫn gọi là “một cuộc hành quân đặc biệt”.

Trong khi đó, các cuộc tấn công đã khiến nhiều thị trấn và thành phố của Ukraine rơi vào đống đổ nát.

CNN đưa tin rằng Thị trưởng của Kharkiv, Ihor Terekhov, cho biết trên Telegram rằng một trong những khu vực đông dân cư nhất của thành phố đang bị tấn công.

Terekhov nói: “Người dân đang phải dừng phương tiện giao thông công cộng” trong ngày thứ hai liên tiếp vì quá nguy hiểm.

Nhưng bất chấp các cuộc pháo kích liên tục vào Kharkiv và xung quanh Kharkiv kể từ tháng 5, Synehubov cho biết các lực lượng Nga đã “không chiếm được lãnh thổ mới nào - một mét cũng không”.

“Các lực lượng của chúng tôi đang giữ vị trí của họ và cố gắng tiến lên phía trước,” Synehubov nói. “Nhưng quân Nga tập trung sự chú ý chính xác vào việc bảo vệ các vị trí của chúng. Họ không rời khỏi vùng Kharkiv một cách tự nguyện đâu”.

Các cuộc oanh tạc của Nga cũng làm hư hại một trường học ở Kramatorsk. Lực lượng cấp cứu đã có mặt tại địa điểm ở vùng Donetsk của Ukraine hôm thứ Năm để sàng lọc đống đổ nát. Không có thông tin ngay lập tức về thương vong liên quan đến vụ tấn công.

Tại Donbas - trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine - các lực lượng Nga đang tiến công một nhà máy điện lớn ở Vuhlehirska.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Năm cho biết cuộc tấn công ở Donetsk là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mạc Tư Khoa nhắmm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine, cũng như nỗ lực lấy lại động lực ở Donbas, nơi những bước tiến của Nga đã chậm lại.

Các cuộc tấn công diễn ra sau khi văn phòng tổng thống Ukraine cho biết ít nhất 13 thường dân đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương do các cuộc bắn phá của Nga trên khắp đất trong vòng 24 giờ qua.

Trong một hoàn cảnh thương tâm khác, ba người Ukraine đã thiệt mạng hôm thứ Tư, trong đó có một cậu bé 13 tuổi. Cha cậu bé, ngồi bên xác đứa con đã chết của mình khi thi thể cậu được phủ một tấm bạt trước một nhà chờ xe buýt đã tàn ở Kharkiv. Người cha ngồi đó đọc kinh hàng mấy tiếng đồng hồ. Một người đàn ông 69 tuổi và vợ cũng chết trong vụ tấn công.

6. Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đưa khía cạnh nhân bản của cuộc chiến đến với Mỹ

Rebeccah Heinrichs là thành viên cấp cao tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Hudson của Hoa Kỳ có bài viết sau đăng trên tờ New York Post. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Volodymyr Zelenskiy trông giống như một chiến binh, sẵn sàng và có thể bảo vệ quê hưi7ng nếu chúng ta gửi vũ khí cho ông ấy để làm điều đó. Ông nói rõ ý nghĩa cuộc tấn công của Nga đối với Âu Châu và NATO, và những gì Ukraine cần để ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc của Nga.

Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska, phát biểu trước Quốc hội hôm thứ Tư, đã mang những trái tim của người Ukraine đến Hoa Kỳ.

Báo chí quốc tế, từng hào hứng với cuộc xâm lược vô cớ của Nga, đang nhạt dần trong việc đưa tin về cuộc chiến này. Và người Mỹ đang bắt đầu mệt mỏi với chi phí tài chính và dường như không có mục tiêu chiến lược nào về phía NATO. Bài phát biểu của Zelenska đòi hỏi sự chú ý của Thế giới Tự do.

Cô ấy mang theo khía cạnh nhân bản trong cuộc chiến này. Đứng ở Điện Capitol, cô liệt kê tên và mô tả của những cô bé mà bản thân cô biết là mục tiêu của vũ khí Nga. “Nhưng làm sao tôi có thể nói về các vấn đề hòa bình khi một cuộc chiến tranh khủng bố xâm lược vô cớ đang được tiến hành chống lại đất nước của tôi? Nga đang hủy hoại người dân của chúng tôi”, Zelenska nói.

Cô nhấn mạnh rằng cô cảm ơn sự ủng hộ của người Mỹ cho cuộc chiến cho đến nay và cô yêu cầu thêm vũ khí, đặc biệt là phòng thủ. Cô ấy nói “Tôi đang yêu cầu một thứ mà tôi không bao giờ muốn xin, tôi đang yêu cầu vũ khí. Vũ khí sẽ không được sử dụng để gây chiến trên đất của người khác mà để bảo vệ ngôi nhà của người dân và quyền được tỉnh dậy còn sống trong ngôi nhà đó.”

Vũ khí tấn công vẫn cần thiết để đẩy Nga ra khỏi Ukraine và chấm dứt cuộc chiến này. Đúng thế, Ukraine vẫn cần ngày càng nhiều loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Hệ thống hỏa tiễn HIMARS đang cho thấy những hệ thống, có khả năng hơn, thực sự có thể ngăn chặn bước tiến của Nga như thế nào. Tướng Valery Zaluzhny, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, đã ca ngợi các hệ thống này. Theo ông, họ đã tạo điều kiện cho các lực lượng Ukraine tấn công các kho chứa nhiên liệu và đạn dược của Nga.

Nhưng để giảm tàn sát, hạn chế thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Ukraine, họ cần nhiều hệ thống phòng thủ hơn để đánh chặn hỏa tiễn. “Tôi đang yêu cầu các hệ thống phòng không để hỏa tiễn không giết chết trẻ em trong xe đẩy của chúng và giết toàn bộ gia đình.”

Zelenska lưu ý rằng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, Vladimir Putin đã phóng hơn 3.000 hỏa tiễn hành trình khác nhau chống lại Ukraine.

Một điểm cuối cùng về lời cầu xin trang nghiêm của đệ nhất phu nhân: đó là cần xóa tan huyền thoại rằng việc Nga không thể chiếm được Kyiv trong một ngày chứng tỏ rằng “Âu Châu có thể tự mình đối phó với các vấn đề của Âu Chau” nếu Hoa Kỳ đơn giản là rút lui. Các hệ thống do Mỹ sản xuất là phần lớn vũ khí mà Ukraine có và cần để tự vệ và đẩy Nga ra ngoài. Và chính việc huấn luyện các lực lượng Ukraine do Mỹ đứng đầu đã giúp họ thực hiện rất tốt nhiệm vụ bảo vệ gia đình và quốc gia của mình một cách đầy ấn tượng. Nếu Mỹ giúp Ukraine chiến đấu nhiều hơn như NATO, Ukraine thậm chí có thể thành công trong việc đẩy lùi Nga.

“Tôi biết rằng các bạn, thưa quý vị và các bạn, một tuần nữa sẽ đến kỳ nghỉ giải lao truyền thống của Quốc hội,” Zelenska nói. “Và tất cả các bạn sẽ có thể trở lại văn phòng của mình vào mùa thu, và có lẽ tất cả các bạn đã có lịch trình của mình cho tháng 9. Điều này là bình thường. Và đó chính là điều bình thường mà người Ukraine chúng tôi đang bị tước đoạt bây giờ.:

Sẽ không có gì là bình thường cho đến khi chiến tranh của Nga kết thúc. Cầu mong lời nói của Zelenska không vô ích.

7. Zelenskiy nói Ukraine có “tiềm năng đáng kể” để tiến trên chiến trường

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đội ngũ an ninh quốc gia của ông tin rằng “chúng ta có tiềm năng đáng kể trên mặt trận và sẽ gây ra những tổn thất mới đáng kể cho quân xâm lược Nga.”

Zelenskiy đưa ra lập trường trên trong video hàng ngày của mình sau cuộc họp với các cục trưởng tình báo, chỉ huy lực lượng vũ trang và các Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ trong một số khu vực chiến thuật để củng cố các vị trí của mình. Và chúng tôi cũng đã giải quyết kỹ lưỡng vấn đề cung cấp vũ khí hiện đại cho quân đội - cường độ các cuộc tấn công vào quân Nga cần được tăng lên mạnh mẽ”, Zelenskiy nói.

Ông nói rằng cố vấn trưởng Andriy Yermak và tư lệnh lực lượng vũ trang, tướng Valery Zaluzhny đã có một cuộc trò chuyện khác với cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, tướng Mark Milley.

Liệt kê các địa điểm bị lực lượng pháo binh và hỏa tiễn của Nga tấn công hôm thứ Năm, Zelenskiy cho biết mỗi cuộc tấn công “là một lý lẽ để Ukraine nhận thêm HIMARS và các loại vũ khí hiện đại và hiệu quả khác”.

Ông cũng hoan nghênh một nghị quyết được đề xuất tại Thượng viện Mỹ sẽ công nhận các hành động của Nga chống lại Ukraine là hành động diệt chủng.
 
Thế chiến thứ ba đã xảy ra chưa? Nhận định của Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh về tương lai
VietCatholic Media
05:26 23/07/2022


Một thế giới xung đột

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher là Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh về quan hệ với các quốc gia trong bảy năm rưỡi qua. Ngài đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên Gerard O'Connell của tờ American Magazine của Dòng Tên tại Vatican, trong đó ngài nói về tình hình địa chính trị trên thế giới, cuộc chiến ở Ukraine và quan hệ giữa Nga và Vatican.

Ngài cũng thảo luận về thỏa thuận tạm thời của Tòa Thánh với Trung Quốc về việc đề cử giám mục, việc Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt, mối quan tâm của Vatican về tình hình ở Thánh Địa, quan hệ giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ, việc Tòa Thánh gia nhập Liên Hiệp Quốc, công ước về biến đổi khí hậu, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Canada và các chuyến thăm có thể của Đức Giáo Hoàng tới các nước khác. Ngài kết luận bằng cách mô tả những phát triển mà ngài muốn thấy trên thế giới trong vòng hai đến ba năm tới.

Phát biểu về vị trí thuận lợi của mình tại Vatican và các cuộc gặp trong nhiều năm với các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng chính phủ cấp cao và các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp các châu lục, Đức Tổng Giám Mục Gallagher bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những xung đột và phân cực ở các quốc gia trên toàn cầu. “Chúng ta đang gặp phải một tình huống rất nguy hiểm trên toàn thế giới, và mọi thứ sẽ nhanh chóng tồi tệ hơn nữa trong một thế giới xung đột”. Ngài nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết “làm cho các thể chế đa phương của chúng ta hoạt động tốt hơn” và ủng hộ sự can dự mạnh mẽ ở cấp độ chính trị, ngoại giao và Giáo Hội để “hàn gắn” các xung đột.

Ngài nói về cuộc chiến ở Ukraine và chuyến thăm gần đây của ngài tới quốc gia đó, cũng như mối quan hệ giữa Vatican và Điện Cẩm Linh. Ngài nói: “Rất khó để nhìn thấy một giải pháp trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho hy vọng đối thoại và thương lượng tồn tại”. Ngài xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng dự định đến thăm Kyiv, có lẽ sớm nhất là vào tháng Tám.

Là Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh kể từ tháng 11 năm 2014, Đức Tổng Giám Mục đã có được một cái nhìn tổng thể đặc biệt về tình hình trên toàn cầu. Đức Tổng Giám Mục đọc thấy tình hình địa chính trị trên thế giới hiện nay như thế nào?

Tôi nghĩ đó là một tình huống xung đột và phân cực chưa từng có. Quay trở lại với phát biểu ban đầu của Đức Giáo Hoàng rằng chúng ta đang trải qua “Chiến tranh thế giới thứ ba”, mọi người đều nghĩ rằng ngài đang nói những điều vô nghĩa hoặc ít nhất là rất thiếu thận trọng, nhưng tất cả đều được chứng minh là đúng. Một ngày nọ, tôi đã nói chuyện với một nhóm nữ tu, và chúng tôi đã chụp bốn bản đồ của các vùng khác nhau trên thế giới. Tôi đã lược qua các quốc gia với họ, và thật ngạc nhiên là hầu như khắp mọi nơi trên thế giới đều có một số hình thức xung đột; có thể không phải là một cuộc chiến tranh, nhưng nó có thể là sự phân cực xã hội hoặc xung đột giữa các hệ thống chính trị khác nhau trong một quốc gia.

Nhưng, chắc chắn, điều đáng lo ngại nhất, mối nguy hiểm thực sự là bạn có các trung tâm xung đột trên khắp thế giới, và có nguy cơ bạn bị lây nhiễm chéo và tất cả các dấu chấm đột nhiên kết hợp với nhau, và chúng ta thấy mình trong một thế giới xung đột, không chỉ khu vực hay quốc gia và lục địa, mà là một thế giới xung đột. Tôi nghĩ đó là thực tế ngày nay. Tôi nghĩ rằng đó là những gì chúng ta phải làm, cho dù chúng ta đang làm việc ở cấp độ chính trị hay cấp độ ngoại giao hay cấp độ Giáo Hội, chúng ta phải nhận ra thực tế của cuộc xung đột này và cố gắng hàn gắn nó.

Thưa Đức Tổng Giám Mục: Đức Giáo Hoàng đã nói rằng chúng ta đã có Chiến tranh thế giới thứ ba một cách thực tế. Có phải như vậy không?

Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã chính thức có Thế chiến ba bởi vì để có một cuộc chiến, bạn phải tuyên chiến. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta đang gặp phải một tình huống rất nguy hiểm trên toàn thế giới, và như chúng ta đã biết, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta sẽ chứng kiến mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải làm việc ngay bây giờ, không chỉ nói thôi, vì nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong một vài năm tới, có lẽ chúng ta phải làm điều gì đó.”

Chúng ta phải cố gắng làm cho các thể chế đa quốc gia, đa phương của chúng ta hoạt động tốt hơn. Chúng ta phải cố gắng để Liên Hiệp Quốc quyết tâm đối mặt và giải quyết một số vấn đề trên thế giới. Và nếu cần thiết, có thể các thể chế này phải được cải tổ. Ví dụ, ở Âu Châu, Tổ chức An ninh và Hợp tác ít nhiều bị tê liệt. Tôi nghĩ, chúng ta phải làm việc này, theo một cách nào đó, làm cho chúng hiệu quả và chủ động hơn.

Đức Tổng Giám Mục có đồng ý rằng chủ nghĩa đa phương đã sụp đổ ở một mức độ lớn trong bảy năm rưỡi kể từ khi ngài trở thành Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh không?

Sụp đổ không phải là từ đúng, nhưng tôi nghĩ nó đã bị suy nhược nghiêm trọng. Ít nhất, chúng ta vẫn có các tổ chức, chúng ta vẫn có một số thiện chí; nhưng, vâng, thế giới có thể đã không được phục vụ tốt bởi các tổ chức này. Đức Giáo Hoàng, tuy nhiên, rất cam kết với chủ nghĩa đa phương. Ngài tin tưởng vào hệ thống đa phương, ngay cả khi, theo tôi, ngài tin tưởng vào một hệ thống đa phương được cải cách và đổi mới, đáp ứng tốt hơn với những thách thức của thế kỷ 21.

Mọi người luôn nói về các tổ chức dựa trên quy tắc, nhưng, rõ ràng, mọi người đã trở thành chọn lọc với các quy luật: Tôi tuân theo các quy luật nếu nó phù hợp với tôi; nếu không, tôi không tuân thủ. Và điều này rất nguy hiểm. Thật không may, trong bảy năm rưỡi này, nơi tôi đã làm việc, mặc dù nhiều thứ đã tiến triển ở một số phương diện, nhưng đồng thời, nói chung, quan hệ quốc tế đang có một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Bằng cách nhận ra cuộc khủng hoảng và quay trở lại ý nghĩa cũ của khủng hoảng, chúng ta phải nắm bắt những cơ hội mà cuộc khủng hoảng hiện tại mang lại, chúng ta cố gắng hết sức để thực hiện các cải tiến và làm cho mọi thứ hoạt động hiệu quả.

Tình hình Ukraine

Thưa Đức Tổng Giám Mục, ngài đã đến thăm Ukraine vào tháng Năm. Ngài đã học được điều gì từ chuyến thăm đến đất nước chưa từng biết trước đó?

Đó là lần đầu tiên tôi đến Ukraine, và tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi đã học được rất nhiều điều về nhà nước Ukraine. Tôi đã học được rất nhiều về Giáo Hội và tôn giáo ở Ukraine. Nhưng, rõ ràng, tôi đã đến thăm Ukraine trong bối cảnh chiến tranh và xâm lược, và ở đó, điều tôi nghĩ rằng tôi học được là sự kiên cường của người dân, lòng dũng cảm của họ. Nhưng tôi cũng đã biết về mức độ đau khổ ở đó. Tôi đã ở những nơi khác, nơi có bạo lực và xung đột và chết chóc.

Nhưng ở đó, mặc dù cá nhân tôi không nhìn thấy một số điều được mô tả là đã xảy ra ở Ukraine trong những tháng này, tôi đã đến một số nơi mà những điều đó đã xảy ra và thấy mức độ tàn phá ở Irpin và điều hiển nhiên là tình trạng đau thương của thị trấn Bucha, nơi chúng tôi đến thăm nơi chôn cất các thi thể và tham quan triển lãm ảnh trong nhà thờ Chính thống giáo ở đó. Điều khiến tôi kinh ngạc nhất khi đi vào các tòa nhà chính phủ, tất cả đều bị mất điện, và người dân đang sống ở tầng dưới của các tòa nhà với đèn và lối đi rất thô sơ, và mọi thứ được bảo vệ bằng bao cát. Có nhiều điều để trải nghiệm. Và sau đó tôi cho rằng từ kinh nghiệm đó, tôi học hỏi được nhiều thứ.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, ngài đọc tình hình hôm nay ở Ukraine như thế nào?

Rõ ràng, chiến tranh vẫn tiếp tục. Ở một mức độ nào đó, người ta mô tả nó như một cuộc chiến tiêu hao. Nhưng có một thiệt hại lớn về nhân mạng. Thật khó để nhìn thấy một giải pháp trên đường chân trời. Rõ ràng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng một giải pháp sẽ ra đời và nó sẽ xảy ra thông qua đàm phán và ngoại giao, là điều mà người Ukraine chắc chắn đã cam kết. Nhưng rất khó để người Ukraine có thể hình dung các cuộc đàm phán thực sự vào lúc này vì mức độ sâu sắc của nỗi đau và sự tổn thương của người dân. Tôi e rằng nó sẽ tiếp diễn với tổn thất cho cả hai bên.

Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm duy trì hy vọng đối thoại, hy vọng đàm phán. Và tôi nghĩ đó chắc chắn là một phần vai trò của Tòa Thánh vào thời điểm này, không bỏ qua bạo lực và xung đột, đồng thời nói, “Cuối cùng, chúng ta phải nói chuyện; cuối cùng, phải có thương lượng; cuối cùng, cần phải có sự phục hồi hòa bình. “

Thưa Đức Tổng Giám Mục, ngài có thấy bất kỳ ý hướng nào từ Mạc Tư Khoa liên quan đến hòa giải không?

Không, không có gì là chính thức. Chúng tôi duy trì liên lạc với đại sứ quán cạnh Tòa thánh. Ở một mức độ nào đó, chúng tôi duy trì các mối liên hệ với các cơ quan chính phủ thông qua sứ thần Tòa thánh ở Mạc Tư Khoa. Nhưng không có lời mời rõ ràng nào gửi đến Tòa thánh từ Mạc Tư Khoa liên quan đến hòa giải.

Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói rằng vào những thời điểm khác nhau, kể cả khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Đại sứ quán Liên bang Nga, Vatican đã đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau với Điện Cẩm Linh. Điện Cẩm Linh có phản ứng tích cực nào đối với bất kỳ yêu cầu nào trong số này không?

Tôi nghĩ rằng phản hồi cho những hành động này là vị thế của Tòa Thánh được đánh giá cao. Sự sẵn lòng của Tòa thánh được đánh giá cao, nhưng họ đã không đi xa hơn. Họ chỉ nói rằng, “Vâng, chúng ta hãy nói về một sự hỗ trợ có thể có, một sự hòa giải có thể cùng với phía Ukraine.”

Và không có lời mời nào từ Mạc Tư Khoa dành cho Đức Giáo Hoàng, phải không thưa Đức Tổng Giám Mục?

Không, rõ ràng không có gì cả. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng đã có một số ồn ào tốt đẹp, một số nhận xét tích cực, nhưng không có gì rõ ràng như thể một lời mời.

Khi Đức Tổng Giám Mục ở Kyiv, ngài mô tả Nga là “kẻ xâm lược” Ukraine, và ngài nói rằng Tòa thánh ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Con hiểu rằng Đức Tổng Giám Mục đang nói nhân danh Đức Giáo Hoàng.

Tôi đang nói nhân danh Tòa Thánh, và cho đến nay Đức Thánh Cha vẫn chưa sửa chữa tôi về những gì tôi đã nói thay cho ngài. Tôi nên chỉ ra rằng khi chúng tôi nói về việc Tòa thánh ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đó là lập trường của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng điều đó cũng phù hợp với quan điểm của chính phủ Ukraine. Bây giờ đó là một điểm khởi hành. Người Ukraine phải đàm phán với những người khác, rõ ràng là với người Nga. Bây giờ, nếu họ muốn sửa đổi sự toàn vẹn lãnh thổ của họ, thì điều đó tùy thuộc vào họ. Nhưng đối với những gì chúng tôi đề cập đến, tôi hiểu rằng đó là quan điểm của họ cho đến ngày nay, và chúng tôi tôn trọng điều đó.

Đó là một nguyên tắc được áp dụng trên diện rộng. Ví dụ, trong nhiều thập kỷ, chúng tôi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Baltic trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng. Chúng tôi không bao giờ thay đổi quan điểm của mình về điều đó, và điều đó được các nước đó đánh giá rất cao, đặc biệt là khi họ giành lại độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ.

Như thế Tòa Thánh sẽ không công nhận các tuyên bố độc lập đơn phương của các khu vực Donetsk và Luhansk?

Không, chúng tôi sẽ không công nhận bất kỳ tuyên bố độc lập đơn phương nào như vậy.

Đức Tổng Giám Mục đã nói trên truyền hình nhà nước Ý vài ngày trước rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đến Kyiv vào tháng Tám? Điều đó thực tế như thế nào?

Tôi không biết. Tôi không phải là giáo hoàng. Tôi không phải là bác sĩ của Giáo hoàng. Và chúng tôi vẫn chưa thực hiện chuyến thăm đến Canada. Nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng đang có tinh thần tốt. Ngài chắc chắn đã tiến bộ rất nhiều trong khả năng đi lại của ngài. Có thể khi chúng tôi trở về từ Canada, và sắp tới là tháng 8, có thể ngài sẽ muốn bắt đầu xem xét điều đó một cách nghiêm túc và lập một số kế hoạch.

Nhưng từ những gì Đức Tổng Giám Mục biết, Đức Thánh Cha có quyết tâm đi hay không?

Có chứ, ngài rất muốn; ngài rất muốn và cảm thấy nên đến Ukraine.

Nếu Mạc Tư Khoa không mời thì sao?

Ngài cũng sẽ đi Ukraine. Tôi sẽ nói như vậy! Hai điều không được liên kết với nhau. Nó có thể là một điều tốt nếu chúng được liên kết với nhau. Nhưng tôi nghĩ ưu tiên chính của Đức Giáo Hoàng lúc này là thực hiện chuyến thăm Ukraine, gặp gỡ chính quyền Ukraine, gặp gỡ người dân Ukraine và với Giáo Hội Công Giáo Ukraine.
Source:American Magazine

 
Hai tướng công an Nga qua đời bí ẩn. Đưa thẳng tân binh Nga ra chiến trường, vài bước là tới nhà xác
VietCatholic Media
16:27 23/07/2022


1. Báo cáo chính thức của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ: Ukraine HIMARS phá hủy hơn 100 mục tiêu 'giá trị cao' của Nga

Ukraine đã sử dụng thành công Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, để tiêu diệt hơn 100 mục tiêu “giá trị cao” của Nga bao gồm kho đạn, vị trí pháo tầm xa, sở chỉ huy, địa điểm phòng không và các radar cũng như các hệ thống liên lạc. Hai quan chức tình báo quân sự cấp cao của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là John Huth và Kevin Ryder đã cho biết như trên.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine HIMARS như một phần của khoản hỗ trợ quân sự hàng tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine khi nước này tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Mạc Tư Khoa. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc chiến bị quốc tế lên án gần 5 tháng trước vào ngày 24 tháng 2, tuyên bố một cách kỳ lạ rằng chính phủ của Kyiv do Đức Quốc xã lãnh đạo. Trên thực tế, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, là người Do Thái và có các thành viên trong gia đình bị giết trong Holocaust.

Phát biểu với các nhà báo hôm thứ Sáu, các quan chức Bộ Quốc Phòng Mỹ nói rằng HIMARS đang có tác động đáng kể trong cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga. Cụ thể, hơn một trăm mục tiêu “có giá trị cao” đã bị quân đội Ukraine tiêu diệt bằng hệ thống vũ khí.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ này nói rằng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến “hàng trăm” sĩ quan cấp tá, “nhiều” tướng lãnh và “hàng nghìn” sĩ quan cấp úy.

“Người Nga không thể duy trì cuộc chiến này mãi mãi. Họ đã sử dụng rất nhiều loại bom, đạn chính xác cao của mình.... Khả năng của họ ngày càng kém đi.”

Hôm thứ Tư, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với các phóng viên rằng việc Ukraine sử dụng HIMARS đang “làm suy giảm” năng lực của Nga.

Milley nói: “Những cuộc tấn công này đang làm suy giảm dần khả năng của Nga trong việc cung cấp quân đội, chỉ huy và kiểm soát các lực lượng của họ và thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược phi pháp của họ”. Ông cũng nói rằng Mạc Tư Khoa cho đến nay vẫn chưa phá hủy được bất kỳ hệ thống hỏa tiễn nào. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thông báo rằng nhiều HIMARS cũng sẽ được gửi đến Ukraine.

Trung tướng Igor Konashenkov, đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, mới đây đã nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng quân đội Mạc Tư Khoa đã phá hủy một bệ phóng và phương tiện vận tải của một chiếc HIMARS do Mỹ sản xuất. Hôm thứ Sáu, Nga tuyên bố đã phá hủy bốn HIMARS.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

2. Máy bay không người lái kamikaze của Ukraine tấn công các vị trí của Nga gần Zaporizhia

Quân đội Ukraine đã tấn công các vị trí của quân xâm lược Nga gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và 12 người bị thương.

Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 23 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Một chiếc máy bay không người lái kamikaze đã được sử dụng để tấn công một thành phố lều và thiết bị của quân Nga, đặc biệt là trên một chiếc ô tô với súng phòng không và hệ thống phóng hỏa tiễn BM-21 Grad. Theo dữ liệu hiện có, ba binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong vụ tấn công và 12 người bị thương.”

Theo tin tức tình báo, thành phố lều đã bị phá hủy bởi một ngọn lửa mà quân xâm lược không thể dập tắt trong một thời gian dài.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ ngày 4 tháng 3. Có khoảng 500 binh sĩ Nga và một lượng lớn thiết bị quân sự tại nhà máy

3. Hai tướng công an Nga qua đời một cách bí ẩn

Một cựu giám đốc tình báo người Nga được phát hiện đã chết trong cầu thang của một căn hộ trong một vụ có vẻ là tự sát. Diễn biến này xảy ra chỉ vài tuần sau khi cấp trên của ông chết trong cùng một hoàn cảnh bí ẩn như thế.

Cả hai người đàn ông được tìm thấy đã chết bên cạnh một khẩu TT-30 Tokarev, là một khẩu súng lục bán tự động được sản xuất dưới thời Liên Xô và không còn được sản xuất nữa. Cả hai cái chết đều được chính quyền Nga giải thích một cách mơ hồ là do ra những rắc rối về “tài chính”.

Vợ anh ta gọi cảnh sát nói rằng chồng cô đã đi dạo vào buổi sáng nhưng không bao giờ trở về nhà.

Tờ FTimes của Nga đưa tin rằng người đàn ông quyền lực một thời của KGB đã bị các vấn đề về sức khỏe và gặp “khó khăn về tài chính”.

“Nguyên nhân cái chết là do tự sát”, một nguồn tin nói với cơ quan truyền thông nhà nước Nga TASS.

Nguồn tin tuyên bố rằng Thiếu Tướng Lobachev đã tự bắn mình bằng súng lục TT-30, còn được gọi là Tokarev, một loại súng lục phục vụ thời Liên Xô được phát hành từ năm 1930 đến năm 1952 khi nó được thay thế bằng khẩu Makarov.

Các cơ quan thực thi pháp luật được cho là đang điều tra cái chết, có những điểm tương đồng kỳ lạ với cái chết của một cựu điệp viên khác cách đây chưa đầy một tháng.

Ngày 15/6, cựu Thiếu tướng Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Lev Sotskov được phát hiện đã chết trong căn hộ của mình.

Ông đã 90 tuổi và theo các nguồn tin chính thức của Nga, ông cũng bị các tình trạng sức khỏe không xác định.

Được KGB tuyển dụng vào năm 1959, Sotskov đã làm gián điệp hơn 40 năm và tham gia vào các hoạt động xác định và tấn công các chính trị gia và gián điệp Anh.

Cũng như trong trường hợp Lobachev, một khẩu súng lục TT-30 được tìm thấy bên cạnh thi thể của ông ta.

Tờ International Business Times đưa tin trong một thư tuyệt mệnh được phát hiện tại hiện trường, Sotskov viết rằng ông đã sử dụng vũ khí cổ xưa vì nó có ý nghĩa đặc biệt với ông, được tặng như một món quà khi ông còn là đặc phái viên của cơ quan mật vụ Mông Cổ.

Ghi chú viết: “Khẩu súng lục là di vật của các trận chiến trên sông Khalkhin-Gol. Tôi đã nhận được nó khi còn là phái viên của cơ quan mật vụ Mông Cổ, nhân dịp kỷ niệm 500 năm thành lập Ulan-Bator, vào năm 1989.

Lobachev và Sotskov là những nhân vật cấp cao mới nhất của Nga được phát hiện đã chết trong những hoàn cảnh bí ẩn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine.

Vào tháng 4, thi thể của một chủ ngân hàng hàng đầu của Nga và gia đình ông ta đã được phát hiện tại căn hộ của ông ta ở Mạc Tư Khoa, sau khi ngân hàng này bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vladislav Avayev, 51 tuổi, được phát hiện đã chết cùng vợ Yelena, 47 tuổi và con gái 13 tuổi Maria tại nhà riêng ở thủ đô nước Nga.

Avayev trước đây là phó chủ tịch của Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga và là một trong những kênh thanh toán chính cho dầu khí của Nga.

Một số nhà tài phiệt Nga đã chết kể từ đầu cuộc xung đột, trong đó có ít nhất 4 giám đốc điều hành ngành khí đốt.

4. Đại sứ Ukraine tại Mỹ cho biết: Một người cha ở Kharkiv cầu nguyện hàng giờ trước xác chết của con trai

Cha của một cậu bé 13 tuổi đã thiệt mạng do pháo kích của Nga ở Kharkiv hôm thứ Tư đã cầu nguyện bên thi thể đứa con đã chết của mình trong nhiều giờ, theo một quan chức hàng đầu của Ukraine.

Đại sứ Ukraine tại Mỹ, Oksana Markarova, cho biết hôm thứ Năm, em gái của cậu bé cũng bị thương trong vụ pháo kích.

“Người cha Ukraine, người đang nắm tay đứa con trai 13 tuổi bị giết bởi trận pháo kích của Nga ở Kharkiv hôm nay. Em gái cậu cũng bị thương. Người cha đọc kinh cầu nguyện cho con trai mình trong hai giờ. Sau cuộc tấn công, ba người đã thiệt mạng. Chúng ta phải ngăn chặn nước Nga tội phạm và khủng bố ngay bây giờ,” Đại Sứ Markarova nói.

Markarova cũng đưa ra hai bức ảnh cho thấy người cha nắm tay đứa con trai đã chết của mình khi thi thể cậu bé nằm trên mặt đất được phủ một tấm vải bạt màu đỏ.

Theo Oleh Synehubov, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực, cậu thiếu niên nằm trong số ba nạn nhân của một cuộc tấn công của Nga ở quận Saltivskyi của Kharkiv. Vụ pháo kích cũng giết chết một người đàn ông và một phụ nữ.

5. Các nhà lập pháp Nga đều là những người có ăn học lại đưa ra một câu chuyện hết sức hoang đường

Các nhà lập pháp Nga vừa lên tiếng phẫn nộ tuyên bố rằng đội quân khổng lồ của họ đã không thể giao Ukraine cho Tổng thống Vladimir Putin vì Nga đang phải chiến đấu chống lại những siêu binh lính thử nghiệm, là những người đã bị các nghiên cứu của Mỹ biến thành “cỗ máy giết người tàn ác”.

Hai nhà lập pháp Nga nói với các phóng viên rằng Điện Cẩm Linh đang điều tra máu của các tù nhân chiến tranh Ukraine và đã tìm thấy “bằng chứng” về cuộc thử nghiệm này, tờ Kommersant của Nga đưa tin.

Thượng nghị sĩ Nga Konstantin Kosachev nói với báo chí rằng máu của các tù nhân Ukraine có chứa dấu vết của mầm bệnh mà ông cho là “không điển hình” đối với Ukraine.

Kosachev tuyên bố đây là bằng chứng về “các thí nghiệm” đang được tiến hành trên các quân nhân Ukraine.

IrIrina Yarovaya, Phó chủ tịch Duma Quốc gia, tức là Hạ Viện Nga, tuyên bố thêm rằng các thí nghiệm được cho là tập trung vào việc tạo ra nhiều binh lính hung ác hơn.

“Chúng tôi thấy rằng sự tàn ác và tàn bạo mà quân nhân Ukraine hành xử, những tội ác mà họ gây ra đối với dân thường, những tội ác khủng khiếp mà họ gây ra đối với các tù nhân chiến tranh, xác nhận rằng tất cả đây là một hệ thống kiểm soát và tạo ra những cỗ máy giết người tàn ác nhất,” cô ta nói.

Những tuyên bố này chỉ là một phần nhỏ trong những thuyết âm mưu được Nga tung ra và bị thế giới phản bác rộng rãi. Chúng được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn qua các tuyên bố cho rằng Mỹ và Ukraine đang bí mật phát triển vũ khí sinh học cùng nhau.

Cả Yarovaya và Kosachev đều phục vụ trong Ủy ban Nghị viện của Điện Cẩm Linh về Phòng thí nghiệm Biola ở Ukraine, nơi thúc đẩy lý thuyết này.

6. Tân binh được đưa thẳng ra chiến trường rồi vào thẳng nhà xác

Các tân binh Nga đang được gấp rút ra tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại Ukraine của Vladimir Putin mà không cần huấn luyện hoặc rất ít.

Hãng tin độc lập MediaZona hồi tháng 6 đưa tin Yevgeny Chubarin, 24 tuổi, đã thiệt mạng khi ở vùng Kharkiv của Ukraine, chỉ vài ngày sau khi anh ta được chuyển đến Belgorod, gần biên giới Ukraine, theo hợp đồng 3 tháng với quân đội Nga.

Mẹ của anh, Nina Chubarina, cho biết con trai bà đã nói với bà qua WhatsApp rằng anh và các tân binh khác được đưa từ Belgorod đến một căn cứ quân sự ở Valuyki, được cấp vũ khí và quân phục, rồi gửi đến Ukraine.

“Không có đào tạo,” mẹ của anh ấy nói với MediaZona. “Họ đến nơi, có đồng phục và súng máy — và thế là xong, tiếp tục đi.”

Những người lính Nga bị quân Ukraine bắt và bị giam giữ trong một trại tạm giam gần Dnipro, Ukraine, nói với tờ The Sun trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng 5 rằng quân đội không được huấn luyện trước khi được triển khai chiến đấu trong cuộc chiến của Putin, bắt đầu vào ngày 24/2.

“Rất nhiều người nghĩ rằng đó là đội quân thứ hai trên thế giới, nhưng chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi không được đào tạo, không có trang thiết bị và thật là tội hình sự khi nói điều đó ở Nga”, một người lính 26 tuổi, tên Vadim, nói.

Anh nói thêm: “Họ không quan tâm đến người của mình. Họ đối xử với chúng tôi như những con chó “.

Một người lính bị bắt khác, Ivan, 22 tuổi, nói với tờ The Sun “Chúng tôi chỉ tập trận trên thực địa hai lần một năm,”, giải thích rằng quân đội chưa chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến.

“Chúng tôi đi xa một tháng, hai lần một năm và tập bắn, nhưng chúng tôi không được huấn luyện đối phó phục kích. Người ta không cho là pháo binh có thể bị phục kích.”

Các tân binh khác cũng chia sẻ kinh nghiệm tương tự, nói rằng họ đã được triển khai chiến đấu ở Ukraine với sự huấn luyện tối thiểu.

Một người lính nói chuyện với tờ Mạc Tư Khoa Thời Báo với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, cho biết anh chỉ có 5 ngày huấn luyện trước khi quân đội Nga cử anh tới chiến đấu ở Ukraine.

“Có một người lính trong đại đội của chúng tôi không biết cách điều khiển súng máy. Vì vậy, tôi đã dạy anh chàng đó cách tháo rời và lắp ráp một khẩu súng máy. Tôi không muốn ở cạnh anh ấy trong trận chiến. Làm sao bạn có thể chiến đấu như vậy được?” anh nói trong một cuộc phỏng vấn vừa được công bố hôm thứ Tư.

“Họ huấn luyện chúng tôi trong năm ngày, chúng tôi đợi thêm năm ngày để luân chuyển lực lượng và sau đó chúng tôi đến vị trí chiến đấu,” Ivan nói, lưu ý rằng các tân binh đã thực hiện một số bài tập huấn luyện không chính thức trong thời gian đó, bao gồm cả kỹ năng chiến đấu, phòng thủ xung quanh, làm việc trong các đội chiến đấu, y tế dã chiến, di tản và điều trị thương binh.

Hãng tin độc lập tiếng Nga trích dẫn trang web của Bộ Quốc phòng Nga cho biết bất kỳ ai ký hợp đồng với quân đội Nga đều phải trải qua 4 tuần huấn luyện vũ khí chuyên sâu kết hợp với một khóa học “sống sót”.

Sergei Krivenko, giám đốc nhóm nhân quyền Citizen chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các binh sĩ Nga, nói với tờ Mạc Tư Khoa Thời Báo rằng anh ta thường xuyên được các bậc cha mẹ có con ký hợp đồng quân sự tiếp cận, nhưng họ thường kết thúc ở Ukraine chỉ một tuần sau đó.

Trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết công ty quân sự khét tiếng của Nga Wagner Group đang hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng sau những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến chống Ukraine.

Nga đã sử dụng Wagner để tăng cường lực lượng tiền tuyến và để “giảm thiểu sự thiếu hụt nhân lực và thương vong”.

“Wagner đang hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng, tuyển dụng những kẻ bị kết án và những cá nhân trước đây đã bị đưa vào hồ sơ đen. Họ được đào tạo rất hạn chế. Bộ Quốc Phòng Anh cho biết và nói thêm rằng điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong tương lai của tập đoàn.

Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết khoảng 38.850 lính Nga đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Nga hiếm khi tiết lộ thương vong trong chiến tranh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

7. Nga thêm Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết chính phủ Nga đã mở rộng danh sách “các quốc gia không thân thiện”, thêm Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia, theo sau một sắc lệnh do Thủ tướng Mikhail Mishustin ký.

Các nhà chức trách Nga coi “các quốc gia không thân thiện” là các quốc gia “thực hiện các hành động không thân thiện” chống lại Nga. Danh sách trước đây bao gồm Cộng hòa Tiệp và Mỹ.

Theo sắc lệnh về các quốc gia không thân thiện do Tổng thống Vladimir Putin ký hồi tháng 4 năm ngoái, các quốc gia này bị hạn chế khả năng thuê nhân công làm việc trên lãnh thổ Nga cho các đại sứ quán, lãnh sự quán và văn phòng đại diện của các cơ quan nhà nước.

Nghị định cho biết thêm, Hy Lạp có giới hạn tuyển dụng 34 người, Đan Mạch là 20 người và Slovakia là 16 người. Slovenia và Croatia sẽ không thể thuê nhân viên cho các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của họ, như trường hợp của Mỹ.
 
Nhà trừ tà cảnh báo: Ma quỷ thường làm ta chán đời và tuyệt vọng. Nhận định của Tòa Thánh về Nga và Putin
VietCatholic Media
19:29 23/07/2022


1. Một linh mục bản xứ làm chủ chăn tại Campuchia

Hôm 15 tháng Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Pierre Suon Hangly, người Campuchia, làm Phủ doãn Tông tòa Kompong Cham tại nước này, kế nhiệm cha Bruno Cosme thuộc Hội thừa sai Paris.

Đây là người bản xứ thứ ba được Tòa Thánh bổ nhiệm cai quản một đơn vị của Giáo Hội Công Giáo tại Campuchia, sau Đức Cha Joseph Chhmar Salas được bổ nhiệm làm giám mục đại diện tông tòa thủ đô Phnom Penh, ngày 14 tháng Tư năm 1975, tức là ba ngày trước khi thủ đô của Campuchia rơi vào tay Khmer Đỏ. Đức Cha đó đã chết vì kiệt lực trong cuộc bách hại của Khmer Đỏ. Cùng tử nạn trong những biến cố này, có cha Paul Tep Im Sotha Phủ Doãn Tông tòa Battambang. Từ bảy năm nay, có tiến trình điều tra để phong chân phước cho hai vị.

Cha Pierre Suon Hangly sinh cách đây 50 năm (1972) tại Phnom Penh, thụ phong linh mục năm 2001 khi được 28 tuổi. Sau đó làm cha sở tại Kampot/Takeo. Từ năm 2007 đến 2015, cha được gửi du học tại Học viện Công Giáo Paris và đậu cao học thần học linh đạo. Trở về nước, cha làm cha sở khu vực mục vụ Thmey ở Phnom Penh, và những năm gần đây cha làm Tổng đại diện của Hạt đại diện Tông tòa Phnom Penh kiêm Giám đốc chủng viện ở địa phương.

Đức Cha Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa Phnom Penh, vị giám mục duy nhất tại Campuchia, đã thông báo tin bổ nhiệm cha Suon Hangly và cám ơn cha vì công tác phục vụ trong những năm qua, đồng thời mời gọi các tín hữu cầu nguyện, xin Chúa ban cho vị chủ chăn mới của Kompong Cham được “một đức tin mạnh mẽ, đầy đức mến và hy vọng, như một mục tử nhiệt thành”.

Việc bổ nhiệm một người bản xứ coi sóc Phủ doãn Tông tòa Kompong Cham được coi là một bước tiến quan trọng đối với Cộng đoàn Công Giáo tại Campuchia, hồi sinh từ hơn 20 năm nay và hiện có khoảng 20.000 tín hữu trên tổng số hơn 16 triệu dân cư.

2. Nhật ký trừ tà số 199: Ma quỷ ám ảnh bằng sự trầm cảm và tuyệt vọng

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #199: Demonic Obsessions with Depression and Despair”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 199: Ma quỷ ám ảnh bằng sự trầm cảm và tuyệt vọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những chuyên gia trừ tà của chúng tôi đã chia sẻ trải nghiệm gần đây: “Đêm qua, tôi cảm thấy chán nản và tuyệt vọng. Tôi hầu như không nhận thức được điều đó ngay từ đầu; nó bắt đầu một cách tinh vi. Cuối cùng, tôi thấy mình đang ở giữa nỗi tuyệt vọng tăm tối. Tôi cảm thấy mất hết năng lượng và buông xuôi. Điều này thật đáng ngạc nhiên đối với tôi vì tôi thực sự không có tiền sử trầm cảm. Cuối cùng tôi đã nhận ra: nó có thể là một ám ảnh ma quỷ và ra lệnh cho những linh hồn trầm cảm xấu xa rời đi. Sau một vài lời cầu nguyện giải cứu, tâm trạng xấu xa đã được cải thiện.”

Mỗi tháng một lần Trung tâm Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cung cấp một buổi trừ tà trực tuyến trực tiếp. Những buổi học này được đánh giá cao với hàng nghìn người tham dự. Sau các phiên họp, chúng tôi thường nhận được rất nhiều email làm chứng về việc chữa bệnh, tạ ơn Chúa. Một trong những trải nghiệm phổ biến nhất là xua tan tâm trạng chán nản hoặc lo lắng. Ví dụ, đây là một số đoạn trích:

* Tôi bắt đầu lo lắng, sợ hãi và trầm cảm. Bây giờ tôi cảm thấy bình yên. Cảm ơn các bạn!

* Rất phấn khởi. Tôi vui hơn. Ít cảm thấy bị đè năng hơn. Cảm ơn các bạn.

* Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và biết ơn về buổi học này. Tôi đã phải chịu đựng những vấn đề về sự lo lắng và tức giận. Cảm ơn các bạn.

* Cơ thể tôi cảm thấy như tôi đang mang một tảng đá nặng trên vai. Sau buổi học, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như tảng đá được gỡ bỏ.

* Trong suốt buổi học, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng và sự đổi mới như thể một loại điện đang truyền qua cơ thể tôi. Hiện tại tôi đang chứng kiến năng lượng tràn đầy hơn bao giờ hết. Cảm ơn các bạn.”

* Tôi cảm thấy nới lỏng những ràng buộc của bệnh trầm cảm... và sự chia rẽ trong gia đình chúng tôi. Cảm ơn các bạn!”

* Tôi đã trải qua một niềm vui bên trong và sự bình yên và hy vọng. Sự hiểu biết rằng Chúa Giêsu đã giải thoát tôi khỏi những băn khoăn, lo lắng và buồn bã của tôi và Ngài đang nhìn tôi với tình yêu thương.”

Trong hầu hết các trường hợp, cảm giác trầm cảm và lo lắng đều có nguồn gốc tâm lý và cần được điều trị ở mức độ tự nhiên. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng những ám ảnh ma quỷ luôn đi kèm theo cảm giác chán nản, lo lắng và tuyệt vọng mà chúng ta ít khi nhận ra.

Bốn dấu hiệu cho thấy tâm trạng có nguồn gốc ma quỷ là: thứ nhất, nó bất thường so với tính cách cố hữu của một người. Thứ hai, nó bắt đầu và kết thúc mà không có sự kích hoạt tự nhiên. Thứ ba, nó dữ dội một cách bất thường. Thứ tư, nó suy giảm hay tan biến theo sau một lời cầu nguyện. Trong những trường hợp này, thuốc và liệu pháp tâm lý có thể có một số tác dụng hạn chế nhưng cuối cùng không hoàn toàn thành công. Chỉ có lời cầu nguyện và sự chữa lành tâm linh mới giải thoát được.

Trong những trường hợp căng thẳng hơn, những người đau khổ có thể có sự kết hợp của bệnh lý tâm lý và ám ảnh ma quỷ. Satan là một kẻ cơ hội và lợi dụng những điểm yếu tâm lý của chúng ta. Nó sẽ phóng đại những động lực tự nhiên và dày vò tâm hồn với một tâm trạng chán nản và lo lắng dữ dội. Những người này cần cả các biện pháp chữa bệnh tự nhiên như liệu pháp tâm lý và thuốc men, cộng với một chế độ tâm linh chữa bệnh.

Sau đó, nhà trừ tà nói: “Trải nghiệm của tôi khiến tôi nhớ đến một người mới tìm đến tôi, là người cũng phải chịu những ám ảnh ma quỷ dữ dội với chứng trầm cảm, tuyệt vọng và ý nghĩ tự tử. Có lẽ kinh nghiệm của tôi là cách Chúa cho phép tôi giúp đỡ người ấy bằng cách mang một chút gánh nặng của cô ta. Tôi cầu nguyện cho cô ta mỗi ngày”.
Source:Catholic Exorcism

3. Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Gallagher về Nga

Thưa Đức Tổng Giám Mục, ngài có thấy bất kỳ ý hướng nào từ Mạc Tư Khoa liên quan đến hòa giải không?

Không, không có gì là chính thức. Chúng tôi duy trì liên lạc với đại sứ quán cạnh Tòa thánh. Ở một mức độ nào đó, chúng tôi duy trì các mối liên hệ với các cơ quan chính phủ thông qua sứ thần Tòa thánh ở Mạc Tư Khoa. Nhưng không có lời mời rõ ràng nào gửi đến Tòa thánh từ Mạc Tư Khoa liên quan đến hòa giải.

Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói rằng vào những thời điểm khác nhau, kể cả khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Đại sứ quán Liên bang Nga, Vatican đã đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau với Điện Cẩm Linh. Điện Cẩm Linh có phản ứng tích cực nào đối với bất kỳ yêu cầu nào trong số này không?

Tôi nghĩ rằng phản hồi cho những hành động này là vị thế của Tòa Thánh được đánh giá cao. Sự sẵn lòng của Tòa thánh được đánh giá cao, nhưng họ đã không đi xa hơn. Họ chỉ nói rằng, “Vâng, chúng ta hãy nói về một sự hỗ trợ có thể có, một sự hòa giải có thể cùng với phía Ukraine.”

Và không có lời mời nào từ Mạc Tư Khoa dành cho Đức Giáo Hoàng, phải không thưa Đức Tổng Giám Mục?

Không, rõ ràng không có gì cả. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng đã có một số ồn ào tốt đẹp, một số nhận xét tích cực, nhưng không có gì rõ ràng như thể một lời mời.

Khi Đức Tổng Giám Mục ở Kyiv, ngài mô tả Nga là “kẻ xâm lược” Ukraine, và ngài nói rằng Tòa thánh ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Con hiểu rằng Đức Tổng Giám Mục đang nói nhân danh Đức Giáo Hoàng.

Tôi đang nói nhân danh Tòa Thánh, và cho đến nay Đức Thánh Cha vẫn chưa sửa chữa tôi về những gì tôi đã nói thay cho ngài. Tôi nên chỉ ra rằng khi chúng tôi nói về việc Tòa thánh ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đó là lập trường của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng điều đó cũng phù hợp với quan điểm của chính phủ Ukraine. Bây giờ đó là một điểm khởi hành. Người Ukraine phải đàm phán với những người khác, rõ ràng là với người Nga. Bây giờ, nếu họ muốn sửa đổi sự toàn vẹn lãnh thổ của họ, thì điều đó tùy thuộc vào họ. Nhưng đối với những gì chúng tôi đề cập đến, tôi hiểu rằng đó là quan điểm của họ cho đến ngày nay, và chúng tôi tôn trọng điều đó.

Đó là một nguyên tắc được áp dụng trên diện rộng. Ví dụ, trong nhiều thập kỷ, chúng tôi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Baltic trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng. Chúng tôi không bao giờ thay đổi quan điểm của mình về điều đó, và điều đó được các nước đó đánh giá rất cao, đặc biệt là khi họ giành lại độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ.

Như thế Tòa Thánh sẽ không công nhận các tuyên bố độc lập đơn phương của các khu vực Donetsk và Luhansk?

Không, chúng tôi sẽ không công nhận bất kỳ tuyên bố độc lập đơn phương nào như vậy.

Đức Tổng Giám Mục đã nói trên truyền hình nhà nước Ý vài ngày trước rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đến Kyiv vào tháng Tám? Điều đó thực tế như thế nào?

Tôi không biết. Tôi không phải là giáo hoàng. Tôi không phải là bác sĩ của Giáo hoàng. Và chúng tôi vẫn chưa thực hiện chuyến thăm đến Canada. Nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng đang có tinh thần tốt. Ngài chắc chắn đã tiến bộ rất nhiều trong khả năng đi lại của ngài. Có thể khi chúng tôi trở về từ Canada, và sắp tới là tháng 8, có thể ngài sẽ muốn bắt đầu xem xét điều đó một cách nghiêm túc và lập một số kế hoạch.

Nhưng từ những gì Đức Tổng Giám Mục biết, Đức Thánh Cha có quyết tâm đi hay không?

Có chứ, ngài rất muốn; ngài rất muốn và cảm thấy nên đến Ukraine.

Nếu Mạc Tư Khoa không mời thì sao?

Ngài cũng sẽ đi Ukraine. Tôi sẽ nói như vậy! Hai điều không được liên kết với nhau. Nó có thể là một điều tốt nếu chúng được liên kết với nhau. Nhưng tôi nghĩ ưu tiên chính của Đức Giáo Hoàng lúc này là thực hiện chuyến thăm Ukraine, gặp gỡ chính quyền Ukraine, gặp gỡ người dân Ukraine và với Giáo Hội Công Giáo Ukraine.
Source:American Magazine