Ngày 27-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/07: Tương quan với Thiên Chúa và tương quan với anh chị em –Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:33 27/07/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Đức Giê-su nói: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần của Chúa sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Đức Giêsu hỏi “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Các môn đệ thưa: “Thưa hiểu.” Đức Giêsu bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

Khi đó Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.

Đó là lời Chúa
 
Một Tiếng Yêu Xin Trao Cho Nhau
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:02 27/07/2022

Một Tiếng Yêu Xin Trao Cho Nhau”.
CN 18 C

Nhạc sĩ Phó Tế Vũ Thành An viết và hát ca khúc “Rồi cũng già” thật tâm tình với những triết lý nhân sinh. (x.youtube.com/watch?v=4YPgb9Z_XgQ).

Ngày mai rồi mình cũng già, không thể nào níu lại nữa.
Ngày xưa như mới hôm qua, một cánh hoa trong cơn phong ba.
Thời gian tựa cánh chim bay, tiếng cầu kinh đời đời vẫn vậy.
Từ nghìn trùng ta gặp nhau đây, rồi thiên thu mãi mãi xum vầy.

Ngày mai rồi mình cũng già, thân thể này sẽ tàn úa.
Được thua thì cũng thế thôi, một tiếng yêu xin trao cho nhau.
Còn dăm ngày nữa vui chơi, hãy nhìn xem vẻ đẹp cõi đời,
được làm người ôi diệu kỳ thay, tạ Ơn Trên cho sống chốn này.

Ngày mai rồi mình cũng già, nhưng đời người không thể hết.
Hồn ta là đốm tinh hoa về viễn phương bay xa.. bay xa..

Là con người, ai ai rồi cũng đến lúc già nua, bệnh tật, cuối cùng là về với Thiên Chúa tình yêu. Của cải, tiền bạc và quyền lực không phải là cùng đích của đời người. Mỗi người không thể mang theo bất cứ gì ngoài công đức của mình.

Sống ở đời, mỗi người đều phải làm việc để nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình, đó là bổn phận tự nhiên. Tiết kiệm, dành dụm phòng khi cơ nhỡ là việc chính đáng. Kiếm được nhiều tiền để cuộc sống thư thái, được thưởng thức những niềm vui lành mạnh, làm tăng chất lượng cuộc sống, cũng là điều được khích lệ. Nhưng Chúa muốn các môn đệ ghi nhớ về mục đích tối hậu cần phải đạt tới của những người theo Chúa là sự sống đời đời, chứ không phải chỉ chăm chăm thu tích của cải trần thế.

Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn ông phú hộ dại khờ. Ông phú hộ nghĩ rằng: tiền bạc, của cải là tài sản có giá trị tuyệt đối. Với nhiều tài sản, ông tưởng rằng bản thân mình từ nay sẽ được sung sướng, được an toàn mạng sống. Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến. Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. Tài sản không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. “Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, mọi điều ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Tiền bạc, của cải, quyền lực, danh vọng, cuối cùng vẫn chỉ là phù vân (Gv 1,2), chẳng có nghĩa lý gì hết nếu người ta không biết sử dụng nó. Người ta làm việc mong kiếm được thật nhiều của cải để hưởng thụ. Nhưng chính sự sống, điều kiện để có thể thụ hưởng công lao mình làm ra lại không thuộc quyền quyết định của con người chúng ta. “Vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12,15).

Những dự định ông phú hộ cho là khôn ngoan thì Chúa Giêsu lại bảo đó dại khờ.

Nói về chuyện “khôn dại, dại khôn” ai cũng nhớ chuyện vua Salômon. Vua Salômon xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo : “Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh... mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác : nhờ khôn ngoan nên sau đó ông trở thành minh quân, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh... và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.

Ông phú hộ dại khờ vì không phân định đâu là tài sản đích thực và đâu là tài sản tạm thời chóng qua, mau hư nát. Dại khờ vì ông nghĩ rằng có thể xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng của cải nhưng nó chỉ là những thứ chóng tàn phai, nay còn mai mất. Dại khờ vì ông chỉ nghĩ đến của cải vất chất mà quên mất Thiên Chúa.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy: Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Chúa Giêsu, luôn "yêu thương, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng" (Cl 3,12) và "trên tất cả là lòng mến, giềng mối của mọi trọn lành" (Cl 3,14). "Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương" (Cn 22,1).Trong cuộc đời này, có biết bao người giàu tình thương, tự nguyện chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, cô nhi, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái và thăng tiến con người...

Có thể nói được là không ai giàu có, tự do, và mạnh mẽ hơn ‘người giàu trước mặt Chúa”, người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên trên mọi tài sản trần gian, vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu”(Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời : “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8). Phải biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang phú quý. Tiền bạc rồi sẽ hết. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết. Có chăng là tình yêu thương đã chia sẻ với tha nhân nơi trần thế này để trở nên "giàu có trước mặt Thiên Chúa" trên Thiên Quốc. Hãy sống quảng đại, mở rộng trái tim, mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy : “Hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau”.

Ai có thể được coi là ‘giàu có’ trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng là các bậc tài cao học rộng, những người đạo đức thánh thiện, hay các vị chân tu đạo sĩ…? Đối với một thương gia thì ‘làm giàu’ là làm ra nhiều tiền của; đối với một nghệ nhân thì giàu là phát triển tài năng thiên phú; đối với nhà thông thái thì lại là trau dồi học thức uyên thâm…Còn ‘làm giàu trước mặt Chúa’ thì cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm chúng ta có về Thiên Chúa. Cựu Ước đề cao hình ảnh một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, khôn ngoan, công minh. Các mẫu người ‘giàu trước mặt Thiên Chúa’ như Môsê hùng mạnh, như Êlia thánh thiện, như Salômôn khôn ngoan, như Đavít công minh… Chúa Giêsu khi kêu gọi hãy ‘lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa’, Ngài đang nói hình ảnh nào về Thiên Chúa? Thiên Chúa mà Đức Giêsu phác họa chắc chắn không thiếu các ưu phẩm trên. Nét nổi bật và độc đáo nhất mà Cựu Ước chưa hề có, hoặc mới chỉ được các ngôn sứ phác thảo chưa rõ ràng, đó là: Thiên Chúa nhân ái và đầy lòng xót thương, một Thiên Chúa cứu độ. Đây mới là nét chân dung trung thực nhất về Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu, và chỉ duy nhất mình Ngài nói đến. Đó đồng thời cũng là bản chất của ‘vương quốc’ giàu sang mà Ngài công bố và mời gọi chúng ta hết lòng chăm lo tìm kiếm cho bằng được. Hiểu như thế: ‘làm giàu trước mặt Thiên Chúa’ theo cách nói của Đức Giêsu, còn cao xa hơn cả sống thánh thiện, khôn ngoan, công chính, làm phép lạ…nó phải là nội dung trung thực nhất của đời sống Kitô hữu; đó chính là đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện Thiên Chúa ban và thực thi lòng nhân ái đó cách quảng đại đối với tha nhân. (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty).

Khi bận tâm thu tích của cải, con người để lòng mình bị trần thế giam cầm, không còn được tự do tìm kiếm Thiên Chúa, ý nghĩa đích thực của đời mình. Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Sự giàu có những giá trị Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có đời sống tốt hơn, thì với việc đó thôi cũng đã đủ để làm thành lễ vật đời tôi rồi” (GE 274).

Thánh Phaolô diễn tả: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa…Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao. Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới đất nơi mối mọt rúc rỉa? Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3,1-2). Của cải duy nhất đáng cho chúng ta tích luỹ là của cải của tâm hồn. Một tâm hồn quảng đại là một kho tàng. Có tâm hồn quảng đại là luôn “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Giáo huấn của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 gởi tín hữu Côlôsê là: anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá. Đấng Tạo Hoá là Chân Thiện Mỹ. Hướng về Chân Thiện Mỹ, mọi người đều được nâng cao, trở nên con người đúng nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, gần với Thiên Chúa hơn, giống Chúa Giêsu hơn.

Xin Chúa cho chúng ta đừng trở thành người dại mà phải nên người khôn trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta biết tích luỹ của cải đời sau bằng cách sẵn sàng cho đi với lòng mến, “một tiếng yêu xin trao cho nhau”.
 
Kho báu, chốn con nương mình
Lm. Minh Anh
06:08 27/07/2022

KHO BÁU, CHỐN CON NƯƠNG MÌNH
“Chúa là chốn con nương mình!”; “Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy!”.

Oswald Chambers viết, “Ngay phút thức dậy đầu tiên trong ngày, nếu bạn học biết mở cửa đón Chúa Giêsu đi vào, mọi thứ công khai sẽ được đóng dấu sự hiện diện của Ngài! Một ngày hạnh phúc? Một ngày tân khổ? Bạn sẽ hiểu sâu sắc lời Thánh Vịnh, “Chúa là chốn con nương mình!””.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa là chốn con nương mình!”. Cùng với Tin Mừng, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cho thấy, hành trình cuộc đời mỗi người là hành trình đi tìm một kho báu; nói cách khác, đi tìm một chốn nương thân. Có chốn nương thân tạm bợ; có chốn nương thân vững bền! Và Chúa Kitô là kho báu đáng nương thân nhất, đáng tìm kiếm nhất; bởi lẽ, Ngài là ‘kho báu, chốn con nương mình!’.

Sự bồn chồn trong trái tim của mỗi người cũng có thể được sánh với một cuộc đi tìm kho báu. Theo những cách khác nhau, tất cả chúng ta đều trải qua những khát khao về một tình yêu vô điều kiện; một bảo đảm hạnh phúc đời này và đời sau; một câu trả lời cho tất cả các nan đề khúc mắc nhất. Trong Chúa Kitô, món quà Chúa Cha tặng ban, Thiên Chúa đã đến; trong Ngài, Chúa Cha tự hiến cho con người! Vì thế, Chúa Kitô là kho báu lớn nhất của mỗi người. Hãy đào sâu ý thức về sự vĩ đại của món quà tình bạn của Ngài, và củng cố tình bạn này bằng sự cởi mở trước tình yêu của Ngài; và chúng ta sẽ nghiệm ra, Ngài là ‘kho báu, chốn con nương mình!’.

Qua quà tặng Giêsu, chúng ta cảm nghiệm lòng nhân ái tín trung tuyệt đối của Thiên Chúa. Trong lòng thương xót của Chúa Kitô, chúng ta khám phá cuộc sống của mình có giá trị vô hạn trong mắt Thiên Chúa; trong lời dạy dỗ của Chúa Kitô, chúng ta khám phá sự khôn ngoan để xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững bền; và trong ân sủng Chúa Kitô, chúng ta nhận được sức mạnh để lớn lên trong tình yêu và sự thánh thiện! Kho báu Giêsu là chốn nương thân; nơi đầu tư một tương lai đích thực; nơi mỗi người có thể sống ơn kêu gọi ‘cho sự vĩ đại’ của mình. Vì thế, hãy gác lại mọi mối bận tâm khác để thực sự sở hữu cho được Ngài! Bỏ qua một bên bất cứ điều gì tìm cách mang lại cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo ngoài Ngài. Vì lẽ, không chỉ là chốn nương thân, Ngài còn là Đấng biến đổi những ai nương thân nơi Ngài!

Giêrêmia, qua bài đọc thứ nhất hôm nay, cũng nói lên niềm xác tín đó khi coi Thiên Chúa như kho báu, coi Lời Ngài như của ăn, “Lạy Chúa các đạo binh, con lấy lời Chúa làm của ăn”; và Chúa phán, “Họ sẽ giao chiến với con, nhưng không thắng được con, vì Ta ở cùng con để giải thoát và cứu chữa con!”; đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là chốn con nương mình!”.

Đọc lại Augustinô, chúng ta sẽ hiểu thế nào là sức mạnh của sự chữa lành! Ngài viết, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”; và Augustinô kết luận, “Lãng quên Thiên Chúa, có nghĩa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa, có nghĩa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa, có nghĩa là sống!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”.

Anh Chị em,

“Chúa là chốn con nương mình!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”. Chúa Giêsu hẳn đã xác tín về Chúa Cha như thế, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”; ngược lại, Chúa Giêsu càng là kho báu của Cha Ngài, “Đây là Con Ta rất yêu dấu!”. Và “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một!”. Ai sở hữu Giêsu, người ấy sở hữu Thiên Chúa, sở hữu thiên đàng; Augustinô sở hữu Giêsu, ngài được biến đổi, biến đổi trong Thánh Thần. Như vậy, một con tim không hoán cải, một con tim không gì có thể dịch chuyển, là con tim của người đánh mất khả năng cảm nhận mình được yêu; đánh mất khả năng đó, bấy giờ, sẽ là đánh mất một kho tàng! Bạn và tôi, hãy như một Augustinô, một khi tìm được Giêsu, hãy cố ôm chặt Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con ngày càng nghèo đi những gì thuộc về thế gian, và giàu có thêm những gì thuộc về Chúa. Xin biến đổi con; vì Chúa là ‘kho báu, chốn con nương mình!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Giữ mình tránh mọi thứ tham lam
Lm. Đan Vinh
06:12 27/07/2022

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN C
Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
GIỮ MÌNH TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 12,13-21

(13) Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. (14) Người đáp : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (15) Và Người nói với họ : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. (16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng : “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu ! (18) Rồi ông ta tự bảo : “Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : Hồn ta hỡi. Mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”. (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.

2. Ý CHÍNH :
Một chàng thanh niên đến yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để anh trai phải chia gia tài cho anh, nhưng Người đã từ chối can thiệp. Nhân dịp này Người đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy tiền bạc sẽ bảo đảm cho tương lai đời mình. Rồi Đức Giê-su kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải để làm giàu cho bản thân. Điều đó thật dại khờ ! Vì chính lúc anh ta tưởng của cải sẽ bảo đảm cho tương lai mình sẽ được an nhàn hưởng thụ, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì tài sản anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai? Cuối cùng Người kêu gọi mọi người hãy lo làm giàu về nhân nghĩa có giá trị trước tòa Chúa phán xét sau này.

3. CHÚ THÍCH :
- C 13-15 : + “Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” : Luật Mô-sê qui định : trong việc thừa kế, chỉ con trai mới được chia gia tài. Trưởng nam được hưởng trọn phần di sản về bất động sản như đất đai nhà cửa, và còn được gấp đôi phần động sản như tiền bạc, hoa màu... nữa (x. Đnl 21,17). Vậy có một người anh cả kia sau khi cha chết đã chiếm hết tài sản cha để lại và không chia cho người em phần nhỏ bé mà lẽ ra anh ta được hưởng. Thời Đức Giê-su người Do thái thường yêu cầu một luật sĩ đứng ra làm trọng tài khi có sự tranh chấp về luật pháp. + Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? : Tuy “là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,42), nhưng Đức Giê-su đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này, vì điều cấp bách mà Người phải lo chu toàn là đi lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, nên Người không muốn mất thì giờ vào việc riêng cá nhân, vốn thuộc thẩm quyền của các đầu mục Do thái (x. Xh 2,14). + Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam... : Tuy từ chối can thiệp, nhưng Đức Giê-su không nhắm mắt làm ngơ. Nhân dịp này Người nêu quan điểm về thái độ người ta phải có đối với tiền bạc của cải là: phải tránh lòng tham và đừng tin vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai đời mình.
- C 16-19 : + Có một nhà phú hộ kia : Dụ ngôn cho thấy ông phú hộ đã thành công trong công việc làm ăn. Ông mở rộng thêm nhà kho để tích trữ thóc lúa dư thừa cho an toàn. + Ta sẽ nhủ lòng : đồng nghĩa với : “Tôi sẽ bảo hồn tôi”. Danh từ “hồn” có nghĩa là một con người sống động.+ Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã ! : Của cải vật chất đã tác động làm cho ông nhà giàu không những chi lo làm giàu, mà còn dẫn ông ta đến chỗ ăn chơi sa đọa và lười biếng làm việc, đồng thời trông cậy số tài sản lớn lao đã tích trữ được kia sẽ bảo đảm cho tương lai cuộc đời của mình.
- C 20-21 : + Đồ ngốc : Cựu ước dùng kiểu nói “ngốc, ngu dại” để ám chỉ những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa như lời Thánh vịnh đã viết : “Kẻ ngu si tự nhủ: Làm chi có Chúa Trời” (x. Tv 14,1). Người phú hộ này được coi là kẻ ngu dại, vì đã lãng quên Thiên Chúa, do quá bon chen tìm kiếm của cải vật chất. + Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi : Có nghĩa là đêm nay Thiên Chúa sẽ gọi ngươi ra khỏi thế gian bằng cái chết. + Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? : Thiên Chúa mới là chủ của sự sống và sự chết chứ không phải tiền bạc. Của cải trần gian không thể bảo đảm cho người ta được sống mãi. Khi chết thì cả người anh giàu có khờ dại và đứa em nghèo khó đều không thể mang tiền đó sang thế giới bên kia được. Như thế : Lòng tham lam và sự tích trữ của cải là một hành động khờ dại và vô ích ! + Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó : Đức Giê-su nhắn nhủ về việc sử dụng của cải. Nếu dùng của cải để hưởng thụ một mình thì sẽ bị trắng tay khi giờ chết đến. Nhưng nếu dùng của cải để làm việc thiện, quảng đại chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, thì đó là cách để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng đời sau (x. Lc 12,33; 18,22; 16,9; Mt 25,40).

4. CÂU HỎI :
1) Tại sao người em lại yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để người anh chia gia tài cho mình?
2) Đức Giê-su đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này vì lý do gì?
3) Đức Giê-su đã khuyên bảo thế nào về thái độ phải có đối với tiền bạc của cải trần gian?
4) Tại sao Đức Giê-su gọi kẻ chỉ biết thu tích của cải và trông cậy vào giá trị của tiền bạc là “đồ ngốc”?
5) Người muốn chúng ta dùng của cải trần gian thế nào để được hạnh phúc?

I. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).

2. CÂU CHUYỆN :

1) LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY :
TOLSTOI kể rằng một bác nông dân kia tên là Pakhom rất thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh ta rất mừng khi tậu được một mảnh đất rộng tới 40 mẫu tây. Nhưng rồi sau đó, anh lại muốn sở hữu một mảnh đất khác rộng hơn. Anh liền chịu khó làm lụng vất vả, rồi bán đi mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, và cuối cùng đã mua được một mảnh đất 80 mẫu tây. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn, muốn có một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người mách bảo rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân liền đi sang vùng đất phía bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói : "Anh chỉ cần đặt cọc trước 1000 rúp là có thể sở hữu được vùng đất mà anh đi vòng quanh được trong ngày hôm đó. Nhưng phải nhớ kỹ điều kiện này là phải xuất phát từ 6 giờ sáng và đến đúng 6 giờ chiều phải quay trở lại điểm đã xuất phát. Nếu về không kịp một giây thì không những anh sẽ không được gì mà còn mất trắng luôn số tiền đã đặt cọc 1000 rúp kia nữa !"
Đêm hôm đó anh nông dân cảm thấy thật sung sướng không sao ngủ được. Vừa rạng sáng anh đã có mặt để nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu đi. Càng đi anh càng sung sướng khi nhìn thấy phần đất của mình mỗi lúc một rộng ra thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên cả dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi ăn uống. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh liền hốt hoảng quay trở về. Nhưng vì đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Khi chạy về tới điểm đã xuất phát thì anh bị ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng : "Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh". Nhưng người nông dân kia đã không thể đứng dậy được nữa để nhận lấy phần đất của mình, vì anh đã chết !

2) TỪ “MỘT TÊN SÁT NHÂN” TRỞ THÀNH ĐẠI ÂN NHÂN CỦA THẾ GIỚI.
Cách đây khá lâu, vào một buổi sáng sớm, khi mở mấy tờ báo hằng ngày ra đọc, ON-PHIT NÔ-BƠN (Alfred Nobel) vô cùng sửng sốt khi thấy trên nhiều tờ báo hằng ngày có số phát hành rất lớn, đã đồng loạt đưa tin về cái chết của ông với những hàng tít trên trang nhất, kèm theo những lời bình luận đầy ác cảm đối với ông. Họ dùng những từ có tính bôi nhọ, hạ nhục cá nhân như : “Nô-bơn, ông vua cốt mìn đã chết !”, “Tên đồ tể Nô-bơn đã bị tiêu đời !”, “Nô-bơn, một tên sát nhân đã chế tạo các thứ vũ khí giết người hàng loạt giờ đây không còn nữa !”... Sau đó dư luận mới té ngửa ra rằng : người chết không phải là Nô-bơn nhưng là người anh ruột có tên gần giống với tên ông. Mặc dù các tờ báo kia sau đó đã phải đính chính và xin lỗi về việc loan tin thất thiệt. Nhưng dù sao các bài bình luận đó cũng là một cú “sốc” đối với Nô-bơn. Nó đánh thức lương tâm khiến ông phải suy nghĩ tự hỏi : “Tại sao báo chí lại coi ta là một tên đồ tể giết người như vậy? Tại sao dư luận lại ác cảm và thù hận ta như thế? Tại sao chẳng thấy ai nói một lời an ủi thông cảm và lấy làm tiếc về cái chết của ta?” Sau thời gian này, Nô-bơn đã quyết định phải thay đổi hình ảnh xấu dư luận đang có về mình. Ông đã nhờ luật sư lập tờ di chúc để trao tặng toàn bộ số tài sản kếch sù gửi trong ngân hàng, số tiền ông kiếm được nhờ bán các phát minh khoa học về cốt mìn cho chính phủ. Từ đó mỗi năm một ủy ban quốc tế đã lấy ra số tiền lời, chia thành 5 phần thưởng có giá trị lớn để trao tặng cho những người có công phát minh về các lãnh vực: hòa bình, vật lý, hóa học, y học và văn chương. Nô-bơn đã thành công trong việc sử dụng tiền của vào việc tốt. không những làm cho ông lấy lại quân bình về tinh thần, mà nó còn giúp ông biến đổi dư luận đang coi ông là “một tên đồ tể giết người”, để công khai nhận ông là một vị đại ân nhân của nhân loại.

3) VỀ BA NGƯỜI BẠN THÂN CỦA CHÚNG TA :
Một người kia có 3 người bạn, trong đó hai người là bạn rất thân còn người thứ ba chỉ là bạn thân bình thường. Nhưng rồi đến một ngày nọ, ông ta bị quân lính đến bắt và bị đưa ra trước quan tòa. Ông ta liền xin 3 người bạn thân kia đi theo ra trước tòa án biện hộ cho mình. Nhưng anh bạn thân thứ nhất liền từ chối và dứt khoát không chịu đi theo ông, viện cớ đang bận nhiều công việc không thể đi được. Anh bạn thứ hai thì bằng lòng đi theo ông, nhưng khi đến nơi, anh ta liền dừng lại không dám theo ông vào nghe tòa xử. Chỉ có anh bạn thứ ba tuy không được ông mấy yêu thích, nhưng đã tỏ thái độ trung thành khi sẵn sàng ra trước tòa án để biện hộ cho ông cuối cùng được trắng án và còn được ban thưởng nữa.
Mỗi người chúng ta cũng có ba người bạn giống như người trong câu chuyện trên : Anh bạn thứ nhất là Tiền Bạc Của Cải: Khi chúng ta chết, anh bạn Tiền Bạc này lập tức bỏ rơi chúng ta, chỉ để lại cho chúng ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Anh bạn thứ hai chính là các Thân Bằng Quyến Thuộc. Họ yêu thương khóc lóc tiễn đưa chúng ta ra tới nghĩa trang, nhưng sau đó đã quay về nhà. Chỉ duy anh bạn thứ ba là các Việc Lành Phúc Đức. Chúng sẵn sàng đi theo chúng ta ra trước tòa Chúa phán xét và cầu xin cho chúng ta được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

4) THAM THÌ THÂM :
Người ta kể rằng ở miền rừng núi, dân Thượng có một lối bẫy khỉ rất đơn giản. Họ làm một cái lồng có nhiều lỗ nhỏ vừa tay con khỉ. Rồi họ buộc lồng vào một gốc cây và bỏ vào đó ít hạt bắp rang. Các chú khỉ ngửi mùi bắp thơm thì thò cả hai tay vào bốc. Lúc đó người bẫy khỉ ngồi xa xa cứ việc tiến lại bắt chú khỉ. Con khỉ cuống cuồng muốn thoát chạy nhưng không được, vì hai tay còn đang nắm chặt hai nắm hạt bắp.

5) ỨNG XỬ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC? :
Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương ra nghênh đón và chúc vua rằng : “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói : “Đừng chúc thế !” Viên quan lại chúc : “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại nói : “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa : “Xin chúc nhà vua đông con trai”. Vua Nghiêu lại nói : “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua : “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?” Vua Nghiêu đáp : “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối.
Viên quan tâu : “Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử.
Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc : Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ?
Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì việc gì phải lo?
Ăn uống chừng mực, thức ngủ điều độ, lòng luôn thanh thản. Vui cái vui của thiên hạ, trăm tuổi nhắm mắt về trời. Một đời chẳng gây tai họa gì, thì có gì là nhục?”
Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau : Vua Nghiêu vì quá thận trọng nên chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông.

6) HÃY QUẢNG ĐẠI CHO ĐI CỦA CẢI NGAY LÚC CÒN ĐANG SỐNG :
Có một người nọ rất giàu có và có lòng thương người nghèo. Ông đã làm di chúc trao phân nửa tài sản lớn lao của ông cho công việc từ thiện. Tuy vậy ông vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì đi đâu cũng chỉ nhận được những cái nhìn soi mói, coi thường và khinh miệt của người chung quanh. Ông liền tìm đến hỏi một người nổi tiếng là khôn ngoan : “Tôi bị nhiều người coi thường và khinh miệt. Họ cho tôi là người keo kiệt bủn xỉn? Họ đâu biết rằng tôi đã làm di chúc hiến phân nửa gia tài làm công việc từ thiện”.
Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện như sau : Một chú heo than thở cùng chị bò cái : “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Nhưng tại sao họ lại tỏ ra thân thiện với chị và khinh thường xa lánh tôi?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời : “Cả hai chúng ta đều cống hiến thịt mình làm thức ăn cho loài người sau khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ tỏ vẻ quí mến tôi hơn chú, có lẽ là do tôi đã cho họ được uống sữa tươi mỗi ngày”.

3. THẢO LUẬN :
Có hai cách sử dụng đồng tiền : Nếu dùng tiền của cách ích kỷ thì ta sẽ bị mất sự sống ở đời sau. Ngược lại nếu biết dùng tiền của đời này cách bác ái vị tha thì ta sẽ có cuộc sống vĩnh hằng sau này. Vậy bạn sẽ sử dụng tiền bạc thế nào để mang lại lợi ích thực sự cho mình?

4. SUY NIỆM :

1) GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM :
Nhân có người yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để người anh ruột chia gia tài cho anh ta. Người trả lời : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Nhân dịp này Người đã kể dụ ngôn về một nhà phú hộ đã lo làm giàu rồi lo phải hưởng thụ thế nào số tài sản đã kiếm được… để dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ như sau :
-Thói tham lam : Lòng tham của nhà phú hộ biểu lộ qua sự tính toán làm giàu. Tính toán để làm tăng thêm lợi nhuận tiền bạc qua câu nói : “Ta sẽ phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”.
-Thói ích kỷ : Lẽ ra nhà phú hộ có thể làm được biết bao việc tốt cho tha nhân với số tài sản lớn lao đó như : giúp đỡ những người nghèo khổ sống bên cạnh nhà ông, tăng lương cho những người làm công cho ông; Đóng góp xây dựng trường học tại địa phương để trẻ em có nơi học hành tử tế; Góp phần tu bổ hội đường của làng mà ông đang ở cho khang trang tốt đẹp hơn... Nhưng ông đã không làm như thế, mà chỉ quan tâm dùng tiền để thỏa mãn lạc thú ích kỷ qua sự suy nghĩ như sau : “Thôi, hãy cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”

2) GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA TIỀN BẠC LÀ GÌ? :
a) Người ta thường gán cho tiền bạc nhiều giá trị cao quý như sau :
- “Đồng tiền liền khúc ruột” và “Của đau, con xót” …
- “Có tiền mua tiên cũng được” hoặc “Kim ngân phá lề luật”.
- “Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là đồng chí thật thân thương; Là đồng hương rất thân cận; Là thời vận tuổi thanh xuân…
Tóm lại tiền bạc được coi là nguyên nhân cho người ta được vui mừng hạnh phúc !

b) Nhưng Lời Chúa dạy hôm nay lại không dạy như thế ! :
- Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã nhắn nhủ về giá trị chóng qua của đồng tiền : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.
- Trong bài đọc II, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu khi nhờ bí tích Rửa Tội trở nên thụ tạo mới, được mặc lấy Đức Ki-tô và thuộc về Người thì : “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.
- Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cũng dạy : “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Vì những kẻ giàu có mà thiếu lòng nhân ái thì thật khờ dại như lời Chúa phán với tên phú hộ trong dụ ngôn : “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi thì lúc đó những của cải ngươi tích trữ kia sẽ để lại cho ai?”.
- Thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê và cũng là khuyên chúng ta hôm nay như sau : “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1 Tm 6,7).

3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ? :
- Hành trang cần mang theo khi chết : Một vị thừa sai tại Phi châu cũng cho biết như sau : Có một số dân tộc Phi châu hiện vẫn giữ tục lệ này : Khi một người trong bộ lạc chết, trước khi liệm xác vào quan tài, họ sẽ lột bỏ tất cả y phục kẻ đó đang mặc rồi mới đem đi chôn. Tục lệ này nói lên sự thật này là : chúng ta sẽ rời bỏ thế gian mà không mang theo được gì như tiền bạc châu báu và mọi thứ khác !
- Đừng ăn cắp tiền của người nghèo : Thánh Tô-ma A-qui-nô quả quyết : “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”. Có thể nói, chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta thu lợi quá mức trên sức lao động của kẻ khác; Khi chúng ta giữ lại đồ đạc tiện nghi mà chẳng bao giờ dùng đến; Khi chúng ta ăn chơi, mua sắm hoang phí giống như ném tiền qua cửa sổ. Thánh Ba-si-li-ô nói : “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đang đói khát, chiếc áo mà bạn cất trong va-li là của kẻ không có đủ quần áo che thân”.
- Hãy biến đồng tiền vật chất thành đồng tiền thiêng liêng đời sau : Chúng ta cần ưu tiên “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách :
Quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật, như lời Chúa phán : “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ xét xử chúng ta dựa vào những việc bác ái chúng ta đã làm cho tha nhân như sau : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta ” (Mt 25,34-36.40).

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con “mưa thuận gió hòa”, cho con người biết nghĩ tới nhau và biết chia sẻ cho nhau đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Xin Chúa soi sáng cho người giàu biết thực hành Lời Chúa hôm nay để biết làm giàu cả về phần thiêng liêng, bằng cách quan tâm chia sẻ cơm áo vật chất cho những người đói khổ bất hạnh. Xin cho người nghèo đừng chỉ miệt mài đi tìm kiếm tiền của như lẽ sống đời mình. Xin cho mọi người chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy : “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các sự khác như ăn gì mặc gì thì Người sẽ thêm cho chúng con sau” (Mt 6,33).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Bám víu vào ai và cái gì ?
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:26 27/07/2022
Bám víu vào ai và cái gì?

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII Năm – C

(Lc 12,13-21)

"Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1,2). Lời của ông Côhelét khiến chúng ta suy nghĩ. Côhelét là ai vậy? Ông tự xưng mình là con vua Đavít, vua ở Giêrusalem. Chỉ có Salomon con vua Đavít là vua Giêrusalem thôi. Nhưng tại sao ông lại bảo mình là Côhelét? Côhelét có nghĩa là "cộng đoàn". Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy. Ông suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, mà Salomon làm tổ phụ nổi tiếng về lẽ khôn ngoan.

Lẽ sống ở đời

Có người đặt câu hỏi : Khôn ngoan gì mà viết "Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1,2), xem ra có vẻ yếm thế.

Tác giả nói đến công lao khó nhọc, vận dụng tay chân, trí óc ra để xây dựng cơ đồ, và giờ đây tự hỏi : công trình ấy sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là hư không sao?

Tác giả không có bi quan, yếm thế mà chỉ khắc khoải. Ông không hề tiếc vì đã lao nhọc. Ông không buồn vì đã trổ tài khôn ngoan. Ông chỉ ưu tư thắc mắc : sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc chắn người nào đó không khó nhọc làm nên sẽ hưởng dùng. Rồi người làm ra nó sẽ đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì đáng sống; rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn tay không? Nhưng đó không phải là ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.

Điều mà tác giả sách Giảng viên khuyên chúng ta không nên thiển cận chỉ biết ngày hôm nay, sống và bám víu với cái tạm bợ, nhưng phải nhìn xa về tương lai. Phải nhìn cao hơn bình diện đời này, để xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành hư không. Ðó cũng là ý tưởng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay.

Cái tạm thời

Một hôm, Đức Giêsu đi ngang qua dòng người, ở giữa đám đông vây quanh Người, với tất cả khổ đau và kêu cứu. Một người trong nhóm họ lên tiếng thưa : "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi" (Lc 12, 13). Đức Giêsu bỗng dưng bị đặt làm trọng tài giữa hai người trong tương quan nhân loại. Có người hỏi : vì lý do gì mà người kia lại thưa với Đức Giêsu một điều như thế, Người đâu phải là một quan tòa chuyên xử các vụ chia cắt gia tài của các gia đình? Chúng ta không vội kết án người này. Anh ta có hai lần đúng khi chạy đến nhờ Đức Giêsu. Trước hết đối với Đức Giêsu không có gì vô nghĩa, thứ đến Đức Giêsu với tư cách là Thầy, Người hoàn toàn có quyền làm trọng tại để giải quyết cho anh vấn đề anh nêu ở trên, nên chạy đến Người cầu cứu!

Tuy nhiên Đức Giêsu nhanh chóng gạt đi và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện như thế : "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi? " (Lc 12,14). Đức Giêsu không can thiệp, nhưng Người lại chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn đề đó với tinh thần nào : "Các ngươi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc 12,15).

Cái bền vững

Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới mà chúng ta đang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời. Nhưng cũng thật sai lầm khi để mình bị giam hãm trong sự phi lí của thế gian này. Thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta tìm kiếm những sự cao siêu trên trời (x. Cl 3, 1).

Câu hỏi được đặt ra : chúng ta đang bám víu vào ai và cái gì? Dụ ngôn Đức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là những người, đang tiêu tan cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế giời này là hư không (ý nghĩa văn chương hư không có nghĩa là hơi nước đọng lại, phù du), chúng ta hy vọng sẽ thỏa mãn và ổn định lâu dài. Một ngày kia, người giầu tỉnh giấc, đau buồn vì của cải thế gian này không còn là của ông nữa.

Người nhà giầu bị trách là “ngu dại”, không phải vì ông thu góp của cải. Những của cải, vật chất đời này không phải là xấu, nhưng tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững. Xấu ở chỗ lòng ông bám víu trọn vẹn vào chúng mà quên đi cái được cái mất và ý nghĩa cuộc đời. Ông muốn "nghỉ ngơi", ông muốn bình an "trong nhiều năm" (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục đích cuộc đời của ông không? Và tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngơi vui chơi không? Những thứ mà ông đang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui không? " Đó chính là lý do Đức Giêsu gọi ông là "kẻ ngu dại" (Lc 12,20). Vì hạnh phúc bền lâu không đến từ thế gian này mà đến từ Thiên Chúa. Ông đã nhầm khi chọn cái tạm bợ (đời này) làm chỗ dựa bền vững.

Mỗi lần "kẻ ngu dại" trong Tin Mừng xuất hiện là một lần Thánh Phaolô hỏi chúng ta về vấn đề này : trong cuộc đời, chúng ta có "bê tha, nhơ bẩn, dục vọng, ước muốn xấu và thèm khát hưởng thụ không?" Chúng ta có chắc rằng "Hư không trên hết các sự hư không?" Trong đời ta có còn những thần tượng tạm bợ ở đời này không? Đây là lúc chúng ta gạt bỏ "những thủ đoạn của người xưa", vì ngu dại chọn lựa sự hư không khi Đức Kitô trao ban cho chúng ta những phương tiện để xây dựng trên sự bền vững.

Đức Giêsu và tác giả Sách Giảng Viên nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là hư không, là lầm lẫn khi con người chỉ lo tìm địa vị, quyền hành và đặt hết tin tưởng của mình vào những sự vật chóng qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc lành phúc đức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Vì một ngày kia, khi chết, chúng ta sẽ làm được gì với những thứ của cải vật chất chúng ta từng ký cóp cả đời? Chúng ta đã trang bị, sửa soạn cho mình được những gì khi phải ra trước tòa Thiên Chúa? Mọi vất vả khó nhọc của những kẻ sống như thế sẽ hoàn toàn hư không!

Đây là một lời dạy khôn ngoan luôn mang tính thời sự. Vì trong thời đại chúng ta, nhiều người lãng quên các giá trị tinh thần vĩnh cửu và cố chạy theo tìm kiếm cái tạm thời mau qua và chóng hết.

Thánh Gioan Maria Vianey nói: "Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi... danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió. "

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và tích lũy những thực tại của Nước Chúa. Amen.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:53 27/07/2022

14. Do nhân ái mà được toàn bộ, do bạo lực mà mất tất cả.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 27/07/2022
52. KHÍ PHÁCH KIÊN CƯỜNG CỦA SÚC SINH

Học trò của Khổng tử là Công Dã Trường tinh thông ngôn ngữ của loài chim, Công Dã Đoạn thì tinh thông ngôn ngữ của loài cầm thú.

Một hôm, Công Dã Đoạn đi lên núi thì thấy con cọp muốn bắt con trâu để ăn, trâu nói:

- “Mày không thấy hai cái sừng nhọn trên đầu của ta sao?”

Con cọp nói:

- “Hai cái sừng của mày có ích gì chứ?”

Con trâu đáp:

- “Sừng là xương đầu, chỉ cần nhờ điểm này thì đủ để chứng minh ta có khí phách kiên cường !”

Con cọp nói:

- “Mày quả có khí phách thật đấy, ta đương nhiên kính trọng mày, nên không muốn ăn mày”,

Trâu bèn bỏ đi.

Một lúc sau có con dê đến, con cọp chăm chú nhìn nó thật kỷ một hồi rồi nói:

- “Cái thứ này không lớn như con trâu, nhưng vẫn cho là có khí phách kiên cường đây.”

Bèn để cho nó đi.

Cuối cùng, có một con lợn lúc lắc lúc lắc cái đuôi đi đến, thịt béo nung núc con cọp nhìn chịu không nổi, nói:

- “Đây là cái thứ không có chút kiên cường khí phách nào cả.”

Nói xong thì nhảy ra vồ con lợn mà ăn.

Công Dã Đoạn nghe xong thì thở dài, nói:

- “Không ngờ súc sinh mà lại biết kính trọng kẻ khí phách kiên cường”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 52:

Chính đức tin là “cái sừng” đầy uy lực làm cho người Ki-tô hữu đầy khí phách hiên ngang trước cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Cho nên có thế nói, người Ki-tô hữu là những người có khí phách kiên cường nhất, bởi vì giữa cảnh đời bon chen với biết bao là cám dỗ của thế gian ma quỷ và bị bách hại, nhưng họ vẫn cứ hiên ngang tin vào Đức Chúa Giê-su -Đấng mà họ không nhìn thấy bằng con mắt xác thịt, nhưng lại thấy rất rõ ràng bằng con mắt đức tin-

Con cọp tượng trưng cho ma quỷ đang rình mò chực bắt con người ta để ăn, con trâu con dê tượng trưng cho người Ki-tô hữu có đức tin mạnh mẻ, và con heo thì tượng trưng cho những Ki-tô hữu chỉ biết lo cho phần xác mập ú nung núc, nhưng phần hồn thì đói meo, mà con heo mập ú thì nhất định là miếng mồi ngon của con cọp...

Người Ki-tô hữu nào chỉ biết lo cho thân xác ăn no ngủ kỷ, hưởng thụ vật chất, nuông chiều thân xác mà không lo chăm sóc phần hồn, thì cũng sẽ có ngày làm mồi ngon cho ma quỷ, mà ma quỷ thì không như con cọp đói chỉ ăn cái thân xác, mà nó còn xơi luôn cả phần hồn nữa đấy, đến lúc đó thì hết đường sống lại với Đức Chúa Giê-su. Ôi, buồn thật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chuyện Biết Rồi Vẫn Cứ Nói
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:23 27/07/2022
Chuyện Biết Rồi Vẫn Cứ Nói

(Chúa Nhật XVIII TN C)

Tiền, bạc, của cải là một trong những chủ đề mà tín hữu Kitô dường như nghe giảng quá nhiều. Oái ăm thay, những người thường lên giọng về đề tài của cải, tiền bạc thì hầu như ít bị chi phối bởi đồng tiền bát gạo kiểu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay ‘dãi dầm mưa nắng’ để có cái lót dạ và sinh hoạt cho bản thân và gia đình.

Cuộc đời thật lắm điều trớ trêu. Chuyện nghịch lý như không còn là chuyện lý thuyết. Người hô hào “vô sản” thì của tiền hằng hà vô số. Người cam kết sống khó nghèo thì thật khó mà nghèo. Người chủ trương duy vật thì rất chi là chủ quan, duy ý chí, lại còn mê tín đủ điều. Người mong được rỗi linh hồn thì quá lo lắng chuyện nhà cửa, tiện nghi vật chất, cơ sở…Dù nghịch lý hay trớ trêu, thì chúng ta cũng phải đối diện với Lời hằng sống truy vấn chúng ta về thái độ của chúng ta với của cải, bạc tiền.

Ngài Côhêlét lớn tiếng: “Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân”(x.Gv 1,2). Của cải, bạc tiền thảy đều chóng qua như gió thổi, như mây nổi, như chim bay. Thưa Ngài Côhêlét: Phù vân đấy, chóng qua đấy, nhưng cuộc đời này không thể thiếu gió, vắng mây. Hễ bắt tay làm việc gì, dù lớn nhỏ, dù xây Nhà Thờ, nhà xứ hay lo cho con cái sắp vào niên học mới… thì thảy đều phải bước qua ngưỡng cửa “đầu tiên” là “tiền đâu?” Phù vân mà rất thân thiết, vì đồng tiền dính liền khúc ruột.

Thánh Tông đồ dân ngoại nói với tín hữu Côlôxê rằng hãy hướng lòng trí đến những gì thuộc về thượng giới và đừng chú tâm đến những gì thuộc về hạ giới. Thưa thánh nhân: “đói thì đầu gối phải bò”; “có thực mới vực được đạo”… Đôi tay ngài đã không từng sần sùi, chai sạm với nghề dệt lều vải đấy ư? Và ngài đã không từng kết án những người lười biếng, không chịu lao động đấy sao?

Quả thật vẫn có đủ đầy những luận lý để bào chữa cho thái độ sống quyến luyến với của cải vật chất. Dĩ nhiên chẳng ai dám to gan nói xóc, nói xỉa ngài Côhêlét hay thánh Tông đồ dân ngoại, nhưng vẫn có đó những lời nói cạnh, nói khía đến các “đấng bậc làm thầy” trong Giáo Hội. Các ngài đâu có lo bữa mai chạy bữa hôm như chúng mình. Các ngài đâu có quặn thắt khi con cái ốm đau hay phải chịu cái cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng dù có biện bạch cách này cách khác thì chúng ta cũng phải chân nhận sự cám dỗ của đồng tiền và sức mạnh của vật chất. Chúng có thể huỷ hoại hạnh phúc chúng ta ngay trong cuộc đời này và có thể làm nguy hại hạnh phúc vĩnh cửu. Trong thực tiễn, dù lắm khi sức mạnh của đồng tiền như “là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng…”, nhưng chính Chúa Kitô đã từng minh định: Không được làm tôi hai chủ. Không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của (x.Mt 6,24). Và Người còn cảnh tỉnh chúng ta rằng người giàu có vào Nước Trời khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24).

Của cải, tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là tốt đẹp vì đều do Thiên Chúa dựng nên. Thế nhưng cần phân biệt những cái tốt mang tính giới hạn, vì nó chỉ là phương tiện chứ không phải là cùng đích. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”(Lc 12,15). Và cũng chắc chắn rằng không phải nhờ của tiền dư giả mà hạnh phúc vĩnh cửu được bảo đảm. Theo thánh Phaolô thì tham lam là một hình thức thờ ngẫu tượng. Ngẫu tượng chỉ có thể dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong. Xin đừng quên tham lam là mối tội thứ hai trong “bảy mối tội đầu”.

Thiên Chúa không hề chỉ dạy chúng ta xem thường của cải vật chất và cũng chẳng bảo chúng ta khinh rẻ các tiện nghi vật chất. Người đã minh nhiên truyền lệnh cho chúng ta lao tác không chỉ để có cái sinh nhai mà còn để có điều kiện phát triển và hoàn thiện đúng phận người, loài thọ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình mà Người đã dựng nên, vốn là hình ảnh của Người (x.St 1,27). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tìm kiếm vật chất, của tiền với mục đích gì? Điều đáng trách của người phú hộ trong câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể đó là đã không biết trả lời câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”(Lc 12,20).

Cái “ngốc”của người phú hộ là khi ra sức thu tích của cải mà “không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Nếu giả như viên phú hộ trả lời rằng của cải của con sẽ để lại cho con cháu hầu giúp chúng có điều kiện phát triển hoặc để phần nào đó giúp cho người bất hạnh thoát cảnh nghèo khổ thì có lẽ ông ta chẳng bị nguyền rủa là “đồ ngốc”.

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa chính là chiếc chìa khoá giúp chúng ta thoát ra khỏi sự tham lam vị kỷ. Hạn từ giàu khiến chúng ta liên tưởng đến sự phong phú, đến tình trạng được có nhiều hơn. Ai là người giàu có trước mặt Thiên Chúa? Không chút ngại ngần, xin thưa đó là người có tấm lòng quảng đại, vị tha. Vẫn từng có đó những con người lắm tiền, nhiều của cải mà con tim luôn rộng mở, tấm lòng rất quảng đại, vì Danh Chúa, vì hạnh phúc của đồng loại như ông Tôbia, hoặc như bà Gioanna, vợ ông Khuda, bà Sudana và nhiều bà khác mà tin mừng Luca ghi lại (x.Lc 8,3). Tuy nhiên, sự cám dỗ của vật chất cũng đã và đang làm nhiều người băng hoại. Cha ông chúng ta vốn cảm nghiệm rằng khi của tiền càng phình ra thì con tim thường bị bó hẹp lại. Biết bao nghĩa tình mẹ cha con cái, bao nghĩa tình huynh đệ đã nhạt nhòa, đổ vỡ chỉ vì chút của tiền, chút lợi lộc đang nhan nhãn trước mắt chúng ta đây đó.

Để nên giàu có ở đời này thì hoạ hiếm mới có chuyện đột xuất như trúng số độc đắc mà thường là do quá trình kinh doanh, tích lũy có mục tiêu, có phương pháp và biện pháp thích hợp, hữu hiệu. Cũng vậy, để nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, tức là ngày càng biết sống quảng đại, vị tha, vì Danh Chúa và vì hạnh phúc đồng loại thì không gì hơn hãy tìm phương thế và biện pháp để mở rộng tấm lòng của mình. Một kinh nghiệm sống từng được chia sẻ như sau: một giáo dân thú nhận rằng mình rất ngại ngần với chuyện “làm phúc, bố thí” cho người ăn xin. Tìm cặn kẽ nguyên cớ mới vỡ lẽ đó là vì trong túi anh ta thường chỉ có những tờ bạc mệnh giá lớn (50 hay 100 ngàn đồng trở lên). Sau khi được mách bảo rằng hãy luôn để trong túi một số “tiền lẻ”, thì anh ta đã tập được thói quen tốt là làm phúc bố thí cho người nghèo. Sau một vài lần sống theo lời khuyên rằng thỉnh thoảng làm một hành vi quảng đại gấp ba, gấp bốn, thậm chí gấp mười sự tính toán của bản thân, thì tấm lòng của anh ấy đã rộng thêm và như đã vượt qua một mức nào đó. Và chẳng biết tự bao giờ, chuyện lấn cấn khi “làm phúc bố thí” cho người nghèo vốn có trước đây như biến mất. Một nhân đức (thói quen tốt) đã hình thành. Không biết ở mức độ nào nhưng anh ta đang làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Mức độ giàu có đúng nghĩa không căn cứ trên những gì chúng ta thu vào nhưng trên những gì chúng ta quảng đại chia sẻ, hiến dâng.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa- Ban Mê Thuột

 
Nỗi sợ hãi thánh thiện
Lm. Minh Anh
23:00 27/07/2022

NỖI SỢ HÃI THÁNH THIỆN
“Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy!”.

Trong cuốn “Đồ Gốm” được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo tặng, tôi thích nhất đoạn ngài viết, lúc còn bé, ngài bắt chước Ghitôn trong Thánh Kinh để thử xem Chúa có chọn ngài không. Chỉ khác một điều, Ghitôn lấy tấm lông chiên, đặt giữa trời, xin Chúa làm ướt và làm khô nó; Chúa chiều ông, ông biết Chúa gọi ông! Đức Cha Giuse thì lấy một tờ giấy nhúng vào nước, phơi giữa trời hè và xin Chúa cho nó cứ ướt mãi. Và vui nhất là cả hai lần, ngài không nhớ gì đến tờ giấy, vì ham chơi; chợt nhớ, trở lại, cả hai lần, nó khô queo! Vậy mà Chúa vẫn chọn ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện của Đức Cha Giuse được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay với người thợ gốm trong sách Giêrêmia; bên cạnh đó, còn có thêm câu chuyện chiếc lưới thả xuống biển của Matthêu! Số phận chiếc bình hoàn toàn nằm trong tay thợ gốm; số phận cá tốt, cá xấu được định đoạt tách bạch. Hai hình ảnh này gợi lên một ‘nỗi sợ hãi thánh thiện’ nhất định; đồng thời, trấn an chúng ta về sự công bằng của Thiên Chúa, một Thiên Chúa quyền năng nhưng rất mực từ bi!

Thiên Chúa tiếp tục ném chiếc lưới tình yêu của Ngài trên cuộc sống chúng ta, và ân sủng Ngài trong mỗi người vẫn tiếp tục giục giã chúng ta đáp lại. Thiên Chúa không từ bỏ một ai, bất kể họ thế nào; cả khi phản ứng ban đầu của chúng ta đã để lại nhiều điều không đáng mong đợi. Như người thợ gốm, Thiên Chúa định hình cuộc sống chúng ta cùng với những sai sót của mỗi người; Ngài luôn cố tạo ra một điều gì đó mới mẻ, tốt đẹp từ những sai sót đó. Tất nhiên, chúng ta không để mình trở nên thụ động trong tay Ngài; nhưng ra sức cộng tác bằng cách tiếp tục mở lòng đón nhận công việc yêu thương của Người Thợ Gốm trong cuộc sống mình. Nguyên việc ý thức điều đó, đã là đáng mừng; vì lẽ, đã có một ‘nỗi sợ hãi thánh thiện’ nơi chúng ta!

Cũng thế, chiếc lưới kéo lên bờ chỉ ra thời kỳ cuối cùng. Sẽ đến lúc Nước Trời trên trái đất kết thúc và những ai thuộc về Chúa cũng như không thuộc về Chúa sẽ được tách biệt khỏi nhau. Đó là điều không thể và không nên làm bây giờ như dụ ngôn cỏ lùng tiết lộ. Vậy khi nào thì kết thúc? Tất nhiên, không ai biết điều đó, thật may mắn! Nhưng có một điều chúng ta biết, là kết cục của mỗi người sẽ đến trong một thời gian tương đối ngắn, cả khi sống đến 100 tuổi. Nhưng khi điều này xảy ra, liệu chúng ta sẽ ở trong Vương Quốc hay ở ngoài Vương Quốc! Đây là ‘nỗi sợ hãi thánh thiện’ chính đáng! Làm thế nào để bảo đảm tôi đang ở đúng chỗ? Tôi sẽ xưng tội và lãnh các Bí Tích trước khi ra đi? Đừng đặt cược vào nó! Cần có một ‘nỗi sợ hãi thánh thiện’ tương thích. Bảo đảm tốt nhất là ghi danh vào Nước Trời ngay hôm nay; và với ơn Chúa, sống thật tốt. Làm được điều đó mỗi ngày, tương lai sẽ tự lo liệu và chúng ta không cần phải lo lắng!

Anh Chị em,

“Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy!”. Một khi hòn đất nằm trong tay người thợ gốm, nó sẽ trở thành một vật quý và nên hữu dụng; bằng không, hòn đất muôn đời vẫn là hòn đất. Cũng thế, vốn là những hạt bụi hư vô, chúng ta được Thiên Chúa thổi vào sinh khí; trở thành một sinh linh mang hình ảnh, sự sống và dáng dấp của Thiên Chúa. Ngài yêu thương chúng ta cách rộng lượng đến thế, thì bổn phận của chúng ta là sống cho xứng với ơn kêu gọi của Ngài. Không chỉ làm người, với phép Thánh Tẩy, chúng ta trở nên một tạo vật mới; là con trai, con gái của Chúa Trời. Vậy hãy hết lòng cộng tác với ơn Chúa; nói cách khác, mềm dẻo trong tay Ngài, Ngài sẽ nắn chúng ta ngày càng giống Ngài hơn! Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacóp phù hộ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mang số phận của những con cá xấu hay chiếc bình móp; xin dạy con biết chuẩn bị cõi đời đời ‘ngay khi còn ở bên này’, để ngày kia, không bị loại ra ngoài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông Du Canada: Bài giảng của Đức Thánh Cha bên bờ hồ Thánh Anna
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
03:49 27/07/2022


Như chúng tôi đã tường trình, lúc 10g15 sáng thứ Ba 26 tháng 7, lễ kính Hai Thánh Gioakim và Anna, Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ tại sân vận động của Edmonton - có sức chứa 65,000 người.

Lúc 17g, Đức Thánh Cha đến Hồ Thánh Anna, cách thủ đô của Alberta 75 km. Một cuộc tụ họp Công Giáo đã được tổ chức tại đây hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anna, vị thánh bảo trợ của người Canada. Theo truyền thống, cuộc gặp gỡ này lôi cuốn hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, là những người có lòng sùng kính đặc biệt đối với bà ngoại của Chúa Giêsu, tượng trưng cho tầm quan trọng của hình bóng người cao tuổi trong cộng đồng của họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, âba-wash-did! Tansi! Oki! Chúc một ngày tốt lành!

Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây, một người hành hương với anh chị em và giữa anh chị em. Trong những ngày này, và đặc biệt là hôm nay, tôi đã bị đánh động bởi tiếng trống đã đi cùng tôi bất cứ nơi nào tôi đến. Tiếng trống này dường như vang vọng nhịp đập của rất nhiều trái tim: những trái tim, qua nhiều thế kỷ, đã đập gần chính những vùng nước này; trái tim của nhiều người hành hương đã cùng nhau đi bộ để đến “hồ của Chúa” này! Ở đây, chúng ta có thể thực sự cảm nhận được nhịp tim hợp xướng của những người hành hương, của nhiều thế hệ đang lên đường hướng về Chúa để cảm nghiệm kỳ công chữa lành của Ngài. Biết bao trái tim đã đến đây với bao nỗi khát khao khắc khoải, với bao gánh nặng cuộc sống đè nặng, đã tìm thấy niềm an ủi và sức mạnh ở vùng nước để bước tiếp! Ở đây, đắm chìm trong tạo vật, chúng ta cũng có thể cảm nhận được một nhịp đập khác: nhịp tim mẹ của trái đất. Cũng giống như trái tim của trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đập hòa nhịp với trái tim của mẹ chúng, cũng thế để lớn lên thành người, chúng ta cần phải hòa hợp nhịp sống của chính mình với nhịp sống của tạo hóa, nơi đã ban cho chúng ta sự sống. Do đó, hôm nay, chúng ta hãy trở về với nguồn gốc của sự sống: với Chúa, với cha mẹ của chúng ta, và trong ngày lễ này và trong ngôi nhà của Thánh Anna, với ông bà của chúng ta, tất cả những người mà tôi chào đón với lòng yêu mến.

Được truyền cảm hứng từ những nhịp đập quan trọng này, chúng ta đang ở đây, lặng lẽ chiêm ngưỡng làn nước của hồ này. Điều này cũng giúp chúng ta quay trở lại nguồn gốc của đức tin. Thật vậy, về tinh thần, nó cho phép chúng ta đến thăm những nơi thánh: chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng đã thực hiện phần lớn sứ vụ của mình trên bờ hồ: Biển Galilê. Tại đó, Ngài đã chọn và gọi các Tông đồ, rao giảng các Mối phúc, dạy nhiều dụ ngôn, thực hiện các dấu lạ và chữa lành. Hồ đó, trung tâm của “Galilê dân ngoại” (Mt 4,15), dù sao cũng là một vùng ngoại vi, một ngã tư thương mại, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, khiến vùng này trở thành một vùng có các tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau. Về mặt địa lý và văn hóa, nó là nơi xa nhất so với sự thuần túy tôn giáo tập trung ở Giêrusalem, xung quanh Đền thờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ về hồ đó, Biển Galilê, như một nơi có rất nhiều sự đa dạng: ngư dân và người thu thuế, trung tâm và nô lệ, người Pharisêu và người nghèo, đàn ông và phụ nữ từ nhiều nguồn gốc và hoàn cảnh xã hội khác nhau, tất cả đều đến với nhau trên bờ biển đó. Chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đã rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa: không phải cho một giáo đoàn tôn giáo được chọn lọc, nhưng cho nhiều dân tộc khác nhau, như ngày nay, đã đổ xô đến từ những nơi khác nhau; trong một nhà hát tự nhiên như thế này, Ngài đã thuyết giảng và chào đón mọi người. Thiên Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế giới một điều gì đó mang tính cách mạng: chẳng hạn, “Hãy giơ cả má bên kia nữa, hãy yêu kẻ thù của mình, hãy sống như anh chị em để trở thành con cái của Thiên Chúa, là Cha, Đấng làm cho mặt trời của mình chiếu sáng trên cả điều tốt lành và điều xấu xa và làm mưa làm gió trên người công chính và kẻ bất lương ”(x. Mt 5:38-48). Hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, do đó đã trở thành địa điểm của một lời tuyên bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải là một cuộc cách mạng mang lại cái chết và thương tật sau khi nó xảy ra, mà là một cuộc cách mạng của tình yêu. Ở đây, bên bờ hồ này, âm thanh của trống trải qua nhiều thế kỷ đoàn kết các dân tộc khác nhau, đưa chúng ta trở lại thời điểm đó. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là chân chính nếu nó liên kết những người ở xa nhau, rằng thông điệp về sự hiệp nhất mà thiên đàng gửi xuống trần gian không sợ sự khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta tương giao, một sự hiệp thông của những khác biệt, để bắt đầu lại với nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương trong một cuộc hành trình.

Anh chị em thân mến, những người hành hương đến những vùng nước này, lời Chúa có thể giúp chúng ta nhận ra những gì chúng ta có thể rút ra. Tiên tri Êdêkien nói với chúng ta hai lần rằng nước chảy trong Đền thờ vừa “ban sự sống” vừa “chữa lành” cho dân của Thiên Chúa (xem Ed 47: 8-9).

Nước mang lại sự sống. Tôi nghĩ đến nhiều người bà thân yêu đang ở đây với chúng ta: trái tim của anh chị em là suối nguồn từ đó dòng nước sống của đức tin chảy ra, và với nó, anh chị em đã làm dịu cơn khát của con cháu mình. Tôi bị ấn tượng bởi vai trò quan trọng của phụ nữ trong các cộng đồng bản địa: họ chiếm một vị trí nổi bật như là nguồn ban phước không chỉ về thể chất mà còn về đời sống tinh thần. Khi nghĩ về kokum, nghĩa là người bà, của anh chị em, tôi cũng nhớ đến bà của mình. Từ bà tôi, lần đầu tiên tôi nhận được sứ điệp đức tin và biết rằng Tin Mừng được truyền đạt qua sự quan tâm yêu thương và sự khôn ngoan của cuộc sống. Niềm tin hiếm khi đến từ việc đọc sách một mình trong góc; thay vào đó, nó lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong giọng điệu trữ tình ngọt ngào của những người bà. Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều ông bà và cụ cố ở đây. Cảm ơn anh chị em! Tôi cảm ơn anh chị em và muốn nói với tất cả những gia đình có người già ở nhà: anh chị em đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn sống này trong ngôi nhà của anh chị em: hãy nâng niu nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân trọng.

Nhà tiên tri cũng nói rằng, ngoài việc mang lại sự sống, nước còn chữa lành. Điều này cũng đưa chúng ta trở lại bờ Biển Galilê, nơi Chúa Giêsu “chữa khỏi nhiều bệnh cho nhiều người” (Mc 1,34). Khi hoàng hôn buông xuống, “họ mang đến cho Ngài tất cả những ai bị bệnh” (câu 32). Chiều nay, chúng ta hãy hình dung mình quanh hồ với Chúa Giêsu, khi Người đến gần, cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, đã chữa lành nhiều người bệnh tật về thể xác hoặc tinh thần: người bị quỷ ám, người bại liệt, người mù và người phong hủi, nhưng cả những người có trái tim tan vỡ và nản lòng, mất mát và tổn thương. Chúa Giêsu đã đến vào thời đó, và bây giờ Ngài vẫn đến, để chăm sóc chúng ta, cũng như để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta. Với tất cả mọi người và cả chúng ta nữa, Người cũng đưa ra lời mời gọi như vậy: “Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (Mt 11:28). Hay như Người nói trong đoạn văn chúng ta đã nghe chiều nay: “Ai khát hãy đến với Ta mà uống” (Ga 7: 37-38).

Thưa anh chị em, tất cả chúng ta cần sự chữa lành đến từ Chúa Giêsu, thầy thuốc của linh hồn và thể xác. Lạy Chúa, như những người bên bờ Biển Galilê đã không ngại kêu lên cùng Chúa với những nhu cầu của họ, chúng con cũng đến với Chúa, lạy Chúa, chiều nay, với bất cứ nỗi đau nào chúng con mang trong mình. Chúng con mang đến với Chúa sự mệt mỏi và những cuộc đấu tranh của chúng con, những vết thương do bạo lực mà các anh chị em bản địa của chúng con phải gánh chịu. Tại nơi diễm phúc này, nơi hòa hợp và hòa bình ngự trị, chúng con xin giới thiệu với Chúa những trải nghiệm bất hòa của chúng con, những ảnh hưởng khủng khiếp của thực dân, nỗi đau không thể xóa nhòa của biết bao gia đình, ông bà và trẻ em. Lạy Chúa, xin giúp chúng con được chữa lành vết thương. Lạy Chúa, chúng con biết rằng điều này đòi hỏi chúng con phải nỗ lực, cẩn thận và có những hành động cụ thể; nhưng chúng con cũng biết rằng chúng con không thể làm điều này một mình. Chúng con trông cậy vào Chúa và sự cầu bầu của mẹ Chúa và bà của Chúa.

Vâng, lạy Chúa, chúng con phó thác vào sự chuyển cầu của mẹ và bà của Chúa, vì những người mẹ và bà giúp chữa lành vết thương lòng chúng con. Vào thời điểm gay cấn của cuộc chinh phục, Đức Mẹ Guadalupe đã truyền đức tin chân chính cho người dân bản địa, nói ngôn ngữ của họ và mặc quần áo của họ, không có bạo lực hay áp đặt. Ngay sau đó, với sự xuất hiện của việc in ấn, những cuốn sách ngữ pháp và giáo lý đầu tiên đã được sản xuất bằng các ngôn ngữ bản địa. Những người truyền giáo, với tư cách là những người truyền bá Phúc âm đích thực, đã làm được bao nhiêu điều tốt lành về mặt này, đã bảo tồn các ngôn ngữ và văn hoá bản địa ở nhiều nơi trên thế giới! Ở Canada, sự “hội nhập văn hóa mẫu tử” này đã diễn ra thông qua Thánh Anna, kết hợp vẻ đẹp của truyền thống bản địa và đức tin, đồng thời trang điểm chúng bằng trí tuệ của một người bà, người đã qua hai lần làm mẹ. Giáo hội cũng là một người phụ nữ, một người mẹ. Trên thực tế, chưa từng có lần nào trong lịch sử của Giáo Hội mà đức tin không được truyền lại bằng tiếng mẹ đẻ bởi các bà và các mẹ. Tuy nhiên, một phần của di sản đau đớn mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay bắt nguồn từ thực tế là những người bà bản địa đã bị ngăn cản việc truyền lại đức tin bằng ngôn ngữ và văn hóa của chính họ. Sự mất mát đó chắc chắn là bi thảm, nhưng sự hiện diện của anh chị em ở đây là bằng chứng của sự kiên cường và một khởi đầu mới, của cuộc hành hương hướng tới sự chữa lành, của một trái tim rộng mở với Thiên Chúa, Đấng chữa lành cuộc sống của cộng đồng. Tất cả chúng ta, với tư cách là Giáo hội, bây giờ cần được chữa lành: chữa lành khỏi cám dỗ khép mình, bảo vệ thể chế hơn là tìm kiếm sự thật, thích quyền lực thế gian hơn phục vụ Tin Mừng. Anh chị em thân mến, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta hãy giúp nhau góp phần xây dựng một Giáo hội Mẹ đẹp lòng Người: có khả năng ôm ấp từng người con của mình; một Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người và nói chuyện với tất cả mọi người; một Giáo hội không chống lại ai, và gặp gỡ tất cả mọi người.

Những đám đông tại Biển Galilê tụ tập quanh Chúa Giêsu đa phần là những người bình thường, giản dị, những người mang đến cho ngài những nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành cuộc sống của cộng đồng của mình, chúng ta cần bắt đầu từ những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Thông thường, chúng ta cho phép mình được hướng dẫn bởi sở thích của một số ít người cảm thấy thoải mái. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến các vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng kêu của những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta. Chúng ta cần học cách lắng nghe nỗi đau của những người, trong những thành phố đông đúc và vắng vẻ của chúng ta, thường thầm kêu lên: "Đừng bỏ rơi chúng tôi!" Đó cũng là lời cầu xin của những người già có nguy cơ chết một mình tại nhà hoặc trong viện dưỡng lão. Đối với nhiều bệnh nhân, thay vì được chăm sóc bằng tình cảm, họ được ban cho tử vong. Những lời cầu xin khẩn khoản của những người trẻ tuổi bị thẩm vấn nhiều hơn là được lắng nghe, có những người trẻ giao quyền tự do của mình cho chiếc điện thoại di động, trong khi những người trẻ khác lang thang, lạc lõng, không mục đích, trở thành con mồi của những cơn nghiện chỉ khiến họ chán nản và thất vọng, không thể tin vào bản thân hoặc yêu bản thân vì không biết mình là ai, cũng chẳng biết đánh giá cao vẻ đẹp cuộc sống của mình. Đừng bỏ rơi chúng tôi! Đó là tiếng kêu của những người muốn có một thế giới tốt đẹp hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Trong bài Tin Mừng tối nay, Chúa Giêsu, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta bằng nước hằng sống của Thánh Linh Ngài, cũng yêu cầu chúng ta, từ tâm hồn những người tin vào Ngài, “để suối nước sống có thể chảy ra” (xem câu 38 ). Tuy nhiên, chúng ta có thể làm dịu cơn khát của anh chị em mình không? Trong khi tiếp tục cầu xin Thiên Chúa an ủi, chúng ta có thể mang lại sự an ủi cho người khác không? Điều thường xảy ra là chúng ta giải phóng bản thân khỏi nhiều gánh nặng nội tâm, chẳng hạn như không cảm thấy được yêu thương hoặc tôn trọng, đơn giản bằng cách hãy bắt đầu yêu mến người khác một cách nhưng không. Khi chúng ta cô đơn và bồn chồn, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta ra đi, để cho đi, để yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi phải làm gì cho những người cần tôi? Khi nhìn vào những người dân bản địa và nghĩ về lịch sử của họ và những nỗi đau mà họ đã phải chịu đựng, tôi phải làm gì cho những người dân bản địa? Tôi chỉ lắng nghe với sự tò mò, kinh hoàng bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay tôi làm điều gì đó cụ thể cho họ? Tôi có cầu nguyện, gặp gỡ, đọc, ủng hộ họ và để bản thân cảm động trước câu chuyện của họ không? Nhìn lại cuộc đời của chính mình, nếu tôi thấy mình đau khổ, tôi có lắng nghe Chúa Giêsu muốn đưa tôi vượt ra khỏi giới hạn của sự thiếu kiên nhẫn của tôi, Đấng mời gọi tôi làm lại từ đầu, tiến thêm một bước nữa, để yêu thương không? Đôi khi, cách tốt để giúp đỡ người khác không phải ngay lập tức cho họ những gì họ yêu cầu, mà là đồng hành với họ, mời gọi họ yêu thương và cho đi bản thân. Bằng cách này, thông qua những điều tốt mà họ có thể làm cho người khác, họ sẽ khám phá ra những dòng nước sống của chính họ, và kho báu độc đáo và quý giá mà họ thực sự có.

Anh chị em bản xứ thân mến, tôi đến đây với tư cách là một người hành hương cũng để nói với anh chị em rằng anh chị em quý giá như thế nào đối với tôi và đối với Giáo hội. Tôi muốn Giáo hội gắn bó với nhau giữa chúng ta, được dệt chặt chẽ như những sợi chỉ của những dải màu mà nhiều người trong anh chị em đeo. Cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến lên trong quá trình chữa lành, hướng tới một tương lai ngày càng khỏe mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đây cũng là mong ước của các ông, các bà và các ông, bà của chúng ta. Xin ông bà của Chúa Giêsu, Thánh Gioakim và Anna, phù hộ cho chúng ta trên hành trình của chúng ta.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Toàn bộ Cuộc Tông du Gia Nã Đại của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:42 27/07/2022

Hãng tin CNA vừa đăng tải toàn bộ chuyến tông du lần thứ 37 của Đức Phanxicô tại Gia Nã Đại.



Ngày 24 tháng 7, 9 giờ 33 phút: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu “chuyến hành hương đền tội” tới Gia Nã Đại.

Trong chuyến đi 6 ngày, Đức Giáo Hoàng dự tính sẽ gặp gỡ và xin lỗi các người Bản địa Gia Nã Đại vì các việc lạm dụng phạm phải tại các trường nội trú do Giáo Hội Công Giáo điều khiển trong thế kỷ 20. Hành trình của Đức Giáo Hoàng bao gồm các địa điểm dừng chân tại Edmonto, Quebec City, và Inqualit, thủ phủ của Nanavut. Ngài sẽ về Rôma thứ Bẩy, 30 tháng Bẩy.

Đức Phanxicô tweet trước khi khởi hành, “Anh chị em thân mến của Gia Nã Đại. Tôi đến giữa anh chị em để gặp gỡ các dân tộc bản địa. Tôi hy vọng, với ơn Chúa, cuộc hành hương sám hối của tôi có thể góp phần vào cuộc hành trình hòa giải đã bắt đầu tiến hành. Xin vui lòng đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện”.

Đức Giáo Hoàng ngồi xe lăn khi lên máy bay của Hãng Hàng không ITA, nhưng ngài chống gậy đi lại bên trong lòng máy bay, đích thân chào hỏi hơn 70 nhà báo tháp tùng ngài trong chuyến đi.

Máy bay cất cánh từ Rome lúc 9:16 sáng theo giờ Rome. Sau chuyến bay khoảng 10 giờ, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Edmonton ở miền tây Canada lúc 11:20 sáng MT (7:20 tối theo giờ Rome).

Thay vì bài suy gẫm thường lệ vào Chúa nhật trước việc đọc kinh Sai Thiên Thần như ở Vatican, vị giáo hoàng 85 tuổi đã có những nhận xét ngắn gọn trên máy bay về việc giữ Chúa nhật mừng Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi.

Theo một bản dịch tiếng Anh không chính thức, Đức Giáo Hoàng nói, “Không có Kinh Sai Thiên Thần, nhưng hãy làm nó ở đây, Kinh Sai Thiên thần”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đó là Ngày mừng Ông Bà: những ông, bà, những người đã lưu truyền lịch sử, truyền thống, phong tục và rất nhiều điều”.

Ngài tiếp tục khuyến khích những người trẻ giữ liên lạc với ông bà của họ, so sánh thực hành này với một “cây lấy sức từ gốc rễ và mang nó về phía trước để sinh hoa kết trái”.

“Và tôi, trong tư cách một tu sĩ, cũng muốn nhớ đến các bậc nam nữ tu sĩ già, các‘ ông bà ’của đời sống thánh hiến: Xin đừng giấu giếm các ngài, các ngài là túi khôn của gia đình tu trì...”

Khi đến Edmonton, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ được Thủ tướng Justin Trudeau và Phó Thống đốc tỉnh Alberta, Salma Lakhani, nghinh đón ngài chính thức tới Canada. Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc gặp gỡ của mình với các dân tộc bản địa vào thứ Hai.

Ngày 24 tháng 7, 12:58 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada tại Sân bay Quốc tế Edmonton và tham dự một buổi lễ chào đón.

Ngày 25 tháng 7, 2:17 chiều:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin lỗi về những tổn hại đã gây ra cho người Canada tại các trường nội trú bản địa.

Trong một bài phát biểu ở vùng nông thôn Canada trước đám đông người Canada bản địa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công khai xin lỗi về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành phần lớn hệ thống trường nội trú do chính phủ Canada tài trợ.

Trong hơn một thế kỷ điều hành, hệ thống đã làm việc để loại bỏ các khía cạnh văn hóa, ngôn ngữ và thực hành tôn giáo bản địa.

“Tôi ở đây bởi vì bước đầu tiên của cuộc hành hương sám hối của tôi giữa các anh chị em là một lần nữa cầu xin sự tha thứ, để nói với anh chị em một lần nữa rằng tôi xin lỗi sâu xa,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế, trong cuộc gặp gỡ của ngài với những người Canada bản địa ở Maskwacis, Alberta.

“Xin lỗi vì những cách thức trong đó, rất tiếc, nhiều Kitô hữu đã ủng hộ não trạng thực dân hóa của các thế lực đã đàn áp các dân tộc Bản địa. Tôi xin lỗi. Đặc biệt, tôi cầu xin sự tha thứ đối với những cách thức mà nhiều thành viên của Giáo hội và các cộng đồng tu sĩ đã hợp tác, một cách thờ ơ không ít, trong các dự án phá hủy văn hóa và cưỡng bức đồng hóa do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh cao là hệ thống các trường nội trú.”

Bài phát biểu trên là bài phát biểu trước công chúng lần đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể từ khi đến Canada vào ngày 24 tháng 7 trong chuyến thăm kéo dài một tuần. Địa điểm tổ chức ở Maskwacis, một thị trấn nông thôn cách Edmonton khoảng một giờ lái xe về phía nam, là một sân vận động hình tròn thường được sử dụng cho các cuộc trình diễn văn hóa bản địa (pow vow).

Trước khi lên khán đài, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện thầm lặng tại địa điểm của Trường Nội trú Ermineskin trước đây, nơi có mộ của một số học sinh cũ.

Tham dự bài diễn văn của Đức Thánh Cha, cùng với vài trăm người bản địa trong trang phục truyền thống, có Toàn quyền Canada, Mary Simon và Thủ tướng Justin Trudeau. Vị giáo hoàng 85 tuổi này đã bị các vấn đề sức khỏe gần đây và thường xuyên phải sử dụng xe lăn trong nhiều tháng do chấn thương đầu gối. Để đọc bài phát biểu này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đẩy lên khán đài trên chiếc xe lăn của ngài và đứng với sự trợ giúp của một cây gậy.

Đức Phanxicô mô tả lời xin lỗi của ngài như một “điểm khởi đầu” trên con đường hàn gắn, một con đường bao gồm “một cuộc điều tra nghiêm túc về các sự kiện thuộc những gì đã xảy ra trong quá khứ và để hỗ trợ những người sống sót của các trường nội trú trải nghiệm được việc hàn gắn khỏi các chấn thương mà họ phải chịu đựng.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Mặc dù đức bác ái Kitô giáo không khiếm diện, và có nhiều trường hợp nổi bật về sự tận tâm và chăm sóc trẻ em, nhưng tác động tổng thể của các chính sách liên kết với các trường nội trú là rất thảm khốc”.

“Điều mà đức tin Kitô giáo của chúng ta nói với chúng ta là: đây là một sai lầm tai hại, không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thật đau lòng khi nghĩ đến cơ sở vững chắc của các giá trị, ngôn ngữ và văn hóa từng tạo nên bản sắc đích thực của các dân tộc của anh chị em đã bị xói mòn xiết bao, và anh chị em đã tiếp tục phải trả giá cho điều này. Trước sự xấu xa đáng trách này, Giáo hội quỳ gối trước Thiên Chúa và cầu xin Người tha thứ cho tội lỗi của con cái mình… Bản thân tôi muốn khẳng định lại điều này, với sự xấu hổ và không hàm hồ. Tôi khiêm tốn cầu xin sự tha thứ cho tội ác của rất nhiều Kitô hữu chống lại người dân bản địa”.

Trưởng Wilton Littlechild, một nhà lãnh đạo và tranh đấu bản địa nổi tiếng của Canada và là người từng tới Vatican yết kiến Đức Phanxicô, đã mở đầu buổi lễ tại Maskwacis bằng cách chào đón Đức Phanxicô đến quê hương của ông.

Littlechild nói, “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã đến vùng đất của chúng con để đáp lại lời mời của chúng con, và như Đức Thánh Cha đã hứa. Đức Thánh Cha đã nói rằng Đức Thánh Cha đến như một người hành hương, tìm cách đi cùng chúng con trên con đường của sự thật, công lý, hàn gắn, hòa giải và hy vọng. Chúng con vui mừng chào đón Đức Thánh Cha tham gia cùng chúng con trong cuộc hành trình này”.

“Như Đức Thánh Cha đã thừa nhận trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha với chúng con tại Rome, chúng con, người bản địa, luôn cố gắng xem xét tác động của các biến cố hiện nay và các cân nhắc đối với thế hệ tương lai. Với tinh thần đó, chúng con chân thành hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta sáng nay, và những lời Đức Thánh Cha chia sẻ với chúng con, sẽ vang vọng với sự hàn gắn thực sự và hy vọng thực sự trong suốt nhiều thế hệ sau này”.

Buổi trình diễn tại Maskwacis bao gồm một đám rước với một biểu ngữ lớn màu đỏ, mang tên của hơn 4,000 trẻ em đã chết tại các trường nội trú.

Đức Giáo Hoàng ca ngợi ý thức cộng đồng và truyền thống của cộng đồng bản địa, đã truyền lại “kho tàng phong tục và giáo lý lành mạnh”, theo “cách sống tôn trọng trái đất mà anh chị em đã nhận được như một di sản từ các thế hệ trước và đang gìn giữ cho những người sẽ đến.”

Đức Phanxicô nói tiếp, “Tôi tin tưởng và cầu nguyện rằng các Kitô hữu và xã hội dân sự ở vùng đất này có thể lớn lên về khả năng chấp nhận và tôn trọng bản sắc cũng như kinh nghiệm của người dân bản địa. Tôi hy vọng có thể tìm ra những cách cụ thể để làm cho những dân tộc đó được biết đến và quý trọng hơn, để tất cả có thể học cách cùng nhau bước đi. Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các nỗ lực của tất cả những người Công Giáo để hỗ trợ người dân bản địa”.

Ngày 25 tháng 7, 7:42 chiều.

Phát biểu trước một nhóm người Công Giáo tại giáo xứ Sacred Heart ở Edmonton ngày 25 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại “sự xấu hổ” và đau buồn của ngài trước những tổn thương do người Công Giáo gây ra trong thời kỳ hệ thống trường nội trú của Canada, và ca ngợi cộng đồng giáo xứ là “ngôi nhà cho tất cả mọi người, cởi mở và hòa nhập, giống như Giáo hội nên là như thế."

Đức Thánh Cha nói “Tôi thật đau lòng khi nghĩ rằng những người Công Giáo đã góp phần vào các chính sách đồng hóa và giải phóng nhằm nhồi sọ cảm thức tự ti, cướp đi bản sắc văn hóa và tinh thần của các cộng đồng và cá nhân, cắt đứt cội nguồn và nuôi dưỡng thái độ thành kiến và kỳ thị; và điều này cũng đã được thực hiện dưới danh nghĩa của một hệ thống giáo dục được cho là Kitô giáo”.

“Nhân danh Chúa Giêsu, cầu mong điều này không bao giờ xảy ra nữa trong Giáo hội. Cầu mong Chúa Giêsu được rao giảng như Người mong muốn, trong tự do và bác ái. Trong mỗi người bị đóng đinh mà chúng ta gặp gỡ, mong sao chúng ta thấy không phải là một vấn đề cần giải quyết, nhưng là một anh chị em cần được yêu thương, là xác thịt của Chúa Kitô được yêu thương. Xin cho Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là một thân thể hòa giải sống động!”



Giáo xứ Sacred Heart ở Edmonton vào năm 1991 được chỉ định là Giáo xứ Toàn quốc của các Quốc gia Đầu tiên, Métis và Inuit, giáo xứ đầu tiên thuộc loại này ở Canada.

Đức Thánh Cha nói tại Sacred Heart, “Không gì có thể lấy đi sự vi phạm nhân phẩm, trải nghiệm tội ác, sự phản bội lòng tin. Hoặc loại bỏ sự xấu hổ của chính chúng ta, trong tư cách là các tín hữu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt ra một cuộc sống mới, và Chúa Giêsu không đưa ra cho chúng ta những lời tốt đẹp và ý định tốt, mà là thập giá: tình yêu tai tiếng khiến tay chân bị đinh thâu qua, và đầu đội mão gai. Đây là con đường phía trước: cùng nhau nhìn lên Chúa Kitô, yêu thương người bị phản bội và bị đóng đinh vì chúng ta; nhìn lên Chúa Kitô, bị đóng đinh trong nhiều học sinh của các trường nội trú”.

“Nếu chúng ta muốn được hòa giải với nhau và với chính mình, được hòa giải với quá khứ, với những sai trái đã phải chịu đựng và những kỷ niệm bị thương, với những kinh nghiệm đau thương mà không một sự an ủi nào của con người có thể chữa lành, thì mắt chúng ta phải ngước lên nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh; Sự bình an phải đạt được nơi bàn thờ thập giá của Người”.

“Vì chính trên cây thập giá, nỗi buồn đau được biến đổi thành tình yêu, sự chết thành sự sống, thất vọng thành hy vọng, từ bỏ thành hiệp thông, xa cách thành hiệp nhất. Sự hòa giải không chỉ đơn thuần là kết quả của những nỗ lực của chính chúng ta; đó là một ân phúc tuôn chảy từ Chúa chịu đóng đinh, một sự bình an tỏa ra từ trái tim của Chúa Giêsu, một ân sủng cần phải được tìm kiếm. ”

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng có vẻ “dễ dàng ép buộc Chúa trên con người hơn là để họ đến gần Chúa”, nhưng phương pháp này “không bao giờ hữu hiệu, bởi vì đó không phải là cách Chúa hành động”.

“[Thiên Chúa] không ép buộc chúng ta, Người không đàn áp hoặc áp đảo; thay vào đó, Người yêu thương, Người giải phóng, Người để chúng ta tự do. Người không nâng đỡ bằng Thánh thần của mình những kẻ thống trị người khác, những kẻ đã nhầm lẫn Tin Mừng về sự hòa giải của chúng ta với chủ nghĩa cải đạo. Người ta không thể công bố Thiên Chúa theo cách trái ngược với chính Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với mọi người rằng cách thức của Công Giáo là “không phải quyết định thay cho người khác, không đóng khung mọi người trong định kiến của chúng ta, nhưng tự đặt mình trước Chúa bị đóng đinh và trước anh chị em của chúng ta, để học cách cùng nhau bước đi. Đó là điều mà Giáo hội nên và luôn phải như vậy – là nơi mà thực tế luôn vượt trội hơn các ý tưởng. Đó là điều mà Giáo hội là, và luôn luôn phải như vậy - không phải là một tập hợp các ý tưởng và giới luật để khoan sâu vào con người, mà là một ngôi nhà chào đón cho tất cả mọi người!”

Cung thánh của Nhà thờ Thánh Tâm có hình ảnh của một chiếc lều bạt, một loại lều điển hình của người bản địa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói Hình ảnh chiếc lều mang tính biểu tượng sâu sắc trong Kinh thánh là nơi gặp gỡ - gặp gỡ cả người khác, nhưng cũng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Ngài kết luận bằng cách cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, bị đóng đinh và sống lại, Chúa ngự ở đây, giữa dân tộc của Ngài, và Ngài muốn vinh quang của Ngài tỏa sáng qua các cộng đồng và trong các nền văn hóa của chúng con. Xin nắm tay chúng con, và thậm chí băng qua những sa mạc của lịch sử, tiếp tục hướng dẫn các bước đi của chúng con trên con đường hòa giải. Amen.”

Trước phát biểu của Đức Giáo Hoàng, hai giáo dân - Bill Perdue và Candida Shepherd, cả hai đều thuộc Quốc gia Đầu tiên Metis - đã phát biểu để chào mừng Đức Giáo Hoàng, và nhấn mạnh vai trò của Giáo Hội như một nơi chào đón không chỉ người bản địa và những người sống sót sau các trường nội trú, mà còn cho những người nhập cư đến Canada như người Croatia và người Eritrean. Họ cũng lưu ý rằng Giáo Hội đã phục hồi sau hai trận hỏa hoạn lớn trong lịch sử của nó, vào năm 1966 và năm 2020.

Ngày 26 tháng 7, 4:24 chiều:

Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết giảng về việc yêu thương chia sẻ đức tin trước 50,000 người tại sân vận động lớn nhất ở Canada.

Giảng trong một thánh lễ được cử hành tại sân vận động lớn nhất Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về những người cao tuổi, những người mà ngài cho rằng cần được tôn vinh, và là tấm gương cho Giáo hội về cách truyền lại đức tin một cách yêu thương.

Đức Thánh Cha nói: “Ngoài việc là những đứa con của một lịch sử cần được bảo tồn, chúng ta còn là tác giả của một lịch sử chưa được viết ra.

“Những ông bà đi trước, những người cao tuổi có ước mơ và hy vọng cho chúng ta, và đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta, hỏi chúng tôi một câu hỏi thiết yếu như sau: các anh chị muốn xây dựng một xã hội như thế nào?”

Khai triển một chủ đề mà ngài đã giới thiệu hôm thứ Hai trong bài phát biểu tại giáo xứ Thánh Tâm, Đức Thánh Cha đã suy tư về tầm quan trọng của việc trình bày đức tin cho người khác một cách yêu thương, thay vì theo chủ nghĩa cải đạo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Từ ông bà của chúng ta, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ bị ép buộc; nó không bao giờ tước đi tự do nội tâm của người khác. Đó là cách thánh Gioakim và thánh Anna yêu Đức Maria; và đó là cách Đức Maria yêu Chúa Giêsu, với một tình yêu không bao giờ bóp chết hay kìm hãm Người, nhưng đồng hành với Người trong việc đón nhận sứ mệnh mà Người đã đến trong thế gian”.

“Chính trong nhà của ông bà chúng ta, nhiều người trong chúng ta đã hít thở hương thơm của Tin Mừng, sức mạnh của một đức tin khiến chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ các ngài, chúng ta khám phá ra loại đức tin ‘quen thuộc’ đó. Bởi vì đó là cách đức tin được truyền lại một cách căn bản, tại gia đình, qua tình âu yếm và sự khích lệ, quan tâm và gần gũi… Chúng ta hãy cố gắng học hỏi điều này, trong tư cách cá nhân và trong tư cách Giáo hội. Mong chúng ta học cách không bao giờ gây áp lực lên lương tâm người khác, không bao giờ hạn chế quyền tự do của những người xung quanh. "



Thánh lễ đánh dấu ngày thứ hai trong các hoạt động công khai của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du kéo dài một tuần đến Canada.

Sân vận động Commonwealth, sân nhà của đội bóng Edmonton Elks, là vận động trường ngoài trời lớn nhất ở Canada. Chính quyền địa phương ước tính có khoảng 50,000 người tham dự Thánh lễ ngày 26 tháng Bảy.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyết giảng về tầm quan trọng của việc công nhận những hy sinh mà các thế hệ trước đã thực hiện và “bảo vệ kho tàng” đức tin mà họ đã truyền lại.

Đức Thánh Cha kết luận, “Xin thánh Gioakim và thánh Anna cầu bầu cho chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta trân trọng lịch sử đã cho chúng ta sự sống, và về phần chúng ta, xây dựng một lịch sử trao ban sự sống”.

“Xin các ngài nhắc nhở chúng ta về bổn phận thiêng liêng của chúng ta là kính trọng ông bà và những người lớn tuổi của chúng ta, quý trọng sự hiện diện của họ nơi chúng ta để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai mà người cao tuổi không bị gạt sang một bên vì theo quan điểm “thực tế”, họ “không còn hữu ích nữa”. Một tương lai không phán đoán giá trị của con người chỉ đơn giản bằng những gì họ có thể tạo ra. Một tương lai không thờ ơ với nhu cầu được quan tâm và lắng nghe người già. Một tương lai trong đó lịch sử bạo lực và hắt hủi mà các anh chị em bản xứ của chúng ta phải gánh chịu sẽ không bao giờ lặp lại. Tương lai đó là khả hữu nếu, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta không cắt đứt mối dây liên kết giữa chúng ta với những người đi trước và nếu chúng ta thúc đẩy đối thoại với những người sẽ đến sau chúng ta. "

Cuối ngày hôm nay, 26 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia một cuộc hành hương đến Hồ Ste. Anne, một địa điểm tổ chức hàng năm cho hàng nghìn người hành hương, được coi là nơi tụ họp hàng năm của Công Giáo lớn nhất ở miền tây Canada. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ cử hành Phụng vụ Lời Chúa tại địa điểm này.

Ngày 26 tháng 7, 7:00 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Hồ Ste. Anne, một địa điểm hành hương Công Giáo nổi tiếng ở Canada có ý nghĩa tinh thần đối với người dân bản địa của quốc gia.

Đức Giáo Hoàng đã làm phép một bát nước của hồ, được đưa lên một công trình kiến trúc nhỏ bằng gỗ, có hình dạng giống như một túp lều của người bản địa, nhìn ra hồ. Ngài đã làm Dấu Thánh giá về phía bốn phương hướng, theo phong tục bản địa. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện bên mép nước trên chiếc xe lăn của ngài trước khi rẩy nước đã làm phép lên đám đông.

Ngày 26 tháng 7, 8:45 tối:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc ngày thứ hai của ngài ở Canada với chuyến thăm Hồ Ste. Anne, địa điểm diễn ra một trong những cuộc hành hương Công Giáo nổi tiếng nhất Canada và là nơi có ý nghĩa tâm linh đối với người dân bản địa của quốc gia.

Đức Giáo Hoàng đã cử hành một buổi Phụng vụ Lời Chúa tại Đền thờ Ste. Anne, với một đám đông chủ yếu là người bản địa tham dự, ước tính khoảng 10,000 người.

Trong bài giảng của mình trong Phụng vụ Lời Chúa, Đức Thánh Cha nhận định rằng phần lớn sứ vụ của Chúa Giêsu diễn ra bên một hồ nước – Hồ Galilê - một nơi “nhiều dân tộc khác nhau lúc đó, cũng như ngày nay, đổ xô đến từ những nơi khác nhau; trong một địa điểm thiên nhiên giống như thế này, [Chúa Giêsu] đã giảng cho mọi người."

“Thiên Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế giới một điều mang tính cách mạng: 'Hãy đưa má bên kia, hãy yêu kẻ thù của mình, sống như anh chị em để trở thành con cái của Thiên Chúa, Chúa Cha, Đấng làm cho mặt trời của Người chiếu sáng cả người tốt lẫn người xấu, và giáng mưa cho người công chính và người bất lương' (Mt 5: 38-48). Hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, do đó đã trở thành địa điểm của việc công bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải một cuộc cách mạng mang lại cái chết và thương tật sau khi nó xảy ra, mà là một cuộc cách mạng của tình yêu."

“Ở đây, bên bờ hồ này, âm thanh những chiếc trống qua nhiều thế kỷ và đoàn kết các dân tộc khác nhau, đưa chúng ta trở lại thời điểm đó. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là chân chính nếu nó liên kết những người ở xa nhau, thông điệp hiệp nhất mà thiên đàng gửi xuống trần gian không sợ sự khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta hiệp thông, để bắt đầu lại với nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương trên một hành trình."

Nhắc lại lời ca ngợi và công nhận ông bà từ bài giảng trong thánh lễ đầu ngày hôm đó, Đức Thánh Cha nói về tầm quan trọng của đức tin được truyền lại qua chứng từ yêu thương của ông bà.

Ngài nói, “Niềm tin hiếm khi đến từ việc đọc sách một mình trong góc; thay vào đó, nó lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong giọng điệu trữ tình ngọt ngào của những người bà. Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều ông bà và cụ cố ở đây. Tôi cảm ơn anh chị em và muốn nói với tất cả những gia đình có người già ở nhà: anh chị em đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn sống này trong ngôi nhà của anh chị em: hãy chăm sóc nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân trọng”.

Nhà thờ đầu tiên tại Hồ Ste. Anne được xây dựng vào năm 1844, và cuộc hành hương Công Giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1889, vào Lễ các Thánh Gioakim và Anna. Kể từ đó, một cuộc hành hương, dưới sự chăm sóc của Dòng Hiến sĩ Đức Maria, đã diễn ra hàng năm. Theo Vatican, cuộc hành hương đã trở thành một trong những cuộc gặp mặt tinh thần quan trọng nhất đối với những người hành hương ở Bắc Mỹ, và đặc biệt thân qúy đối với các thành viên của Các Quốc gia Đầu tiên, những người tiếp tục tham gia hàng năm. Nhà thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn vào năm 1928, được xây dựng lại vào năm 2009.

Nhận xét về danh tiếng chữa bệnh của nước hồ, Đức Giáo Hoàng kêu gọi quyền năng chữa lành của Chúa Kitô. “ Buổi tối nay, chúng ta hãy hình dung mình ở quanh hồ này với Chúa Giêsu, khi Người đến gần, cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, lòng cảm thương và sự dịu dàng, đã chữa lành nhiều người bị bệnh về thể xác hoặc tinh thần: kẻ bị quỷ ám, kẻ bại liệt, người mù lòa và người phong hủi, nhưng cả các cõi lòng tan nát và thất vọng, mất mát và tổn thương. Chúa Giêsu đã đến lúc đó, và bây giờ Người vẫn đến, để chăm sóc chúng ta, cũng như để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta ”.

“Những đám đông ở Hồ Galilê tụ tập xung quanh Chúa Giêsu đa phần là những người bình thường, đơn sơ, những người mang đến cho Người các nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành cuộc sống của cộng đồng mình, chúng ta cần bắt đầu từ những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Thông thường, chúng ta cho phép mình được hướng dẫn bởi sở thích của một số ít người cảm thấy thoải mái. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến những vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng khóc của những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích những người tham dự hãy tiếp cận với tình yêu thương với người khác, và đồng hành với họ khi họ cần, để “những dòng nước sống có thể chảy ra” từ trái tim của họ.

Ngài kết thúc bài phát biểu của ngài, “Các anh chị em bản xứ thân mến, tôi đến đây với tư cách là một người hành hương cũng để nói với anh chị em rằng anh chị em quý giá như thế nào đối với tôi và đối với Giáo hội”.

“Tôi muốn Giáo hội tương liên với anh chị em, được dệt chặt chẽ với nhau như những sợi chỉ của những dải màu mà nhiều người trong số các anh chị em đeo trên mình. Cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến lên trong diễn trình hàn gắn, hướng tới một tương lai ngày càng lành mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đây cũng là mong muốn của những người ông, người bà của anh chị em. Xin ông bà của Chúa Giêsu, Thánh Gioakim và Anna, phù hộ chúng ta trên hành trình của chúng ta ”.

Vào thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Edmonton và bay đến Thành phố Quebec, thủ phủ của Quebec. Ngài dự kiến sẽ được đón tiếp bởi Toàn quyền Canada và sẽ gặp gỡ Thủ tướng Justin Trudeau. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự, đại diện của người dân bản địa, và các thành viên của đoàn ngoại giao.

Còn tiếp
 
Toàn bộ Cuộc Tông du Gia Nã Đại của Đức Phanxicô, Ngày 27 tháng 7, 12:00 p.m.
Vũ Văn An
21:57 27/07/2022

Ngày 27 tháng 7, 12:00 p.m.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Québec hôm nay. Toàn quyền Canada, Mary Simon, sẽ chào đón ngài trong tư cách đại diện Nữ hoàng Elizabeth II, nguyên thủ quốc gia của Canada. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp Thủ tướng Justin Trudeau, các cơ quan dân sự, đại diện của người dân bản địa, và các thành viên của đoàn ngoại giao.

Ngày 27 tháng 7, 4:55 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Québec và được chào đón bởi các quan chức chính phủ hàng đầu, bao gồm cả Thủ tướng Justin Trudeau và toàn quyền Canada, Mary Simon.



Ngày 27 tháng 7, 6:00 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký vào cuốn sách danh dự tại Citadelle de Québec. Ngài viết: “Là một người hành hương tại Canada, một vùng đất trải dài từ biển này sang biển khác, tôi cầu xin Thiên Chúa để đất nước vĩ đại này sẽ luôn là một tấm gương trong việc xây dựng một tương lai bảo tồn và trân trọng cội nguồn, đặc biệt là những người dân bản địa của nó, và là một ngôi nhà chào đón tất cả mọi người."

Ngày 27 tháng 7, 6:28 chiều:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau chiều nay, 27 tháng 7, tại Thành phố Quebec, trong khuôn khổ “chuyến hành hương đền tội” kéo dài một tuần của ngài tới Canada.

Cuộc gặp gỡ hôm nay không phải là cuộc gặp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Trudeau; Thủ tướng đã chào đón Đức Giáo Hoàng khi ông đến Sân bay Quốc tế Edmonton hôm Chúa nhật. Trudeau và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một cuộc gặp mặt trực tiếp trước đó, tại Vatican vào năm 2017. Trong cuộc gặp gỡ này, Trudeau đã mời Đức Phanxicô thăm Canada.

Chuyến đi đó giờ đã thành hiện thực và có kèm theo lời xin lỗi công khai từ Đức Phanxicô về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành phần lớn hệ thống trường nội trú của Canada do chính phủ tài trợ.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào năm 2017 không phải là chuyến thăm đầu tiên của Trudeau tới Vatican. Là một người Công Giáo, ông đã gặp Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1980 trong cuộc gặp của cha ông, cựu Thủ tướng Canada Pierre Trudeau, với Đức Gioan Phaolô II.

Trudeau đã bị chỉ trích trong nhiệm kỳ thủ tướng vì đã thúc đẩy các chính sách trái ngược với đức tin Công Giáo của ông, bao gồm thúc đẩy mạnh mẽ việc tiếp tục phá thai hợp pháp ở Canada, cũng như hỗ trợ an tử

Ngày 27 tháng 7, 7:00 tối:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ 'sự xấu hổ sâu xa' ở Canada, cảnh cáo về ‘văn hóa triệt tiêu' mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu sự tha thứ đối với các tổn hại đã gây ra cho người bản địa Canada bởi những người Công Giáo trong một bài diễn văn hôm thứ Tư trước các quan chức chính phủ hàng đầu và đại diện của người dân bản địa ở Canada.

“Tôi bày tỏ sự xấu hổ và đau buồn sâu xa của mình, và cùng với các giám mục của đất nước này, tôi tiếp tục yêu cầu sự tha thứ cho những điều sai trái của rất nhiều Kitô hữu đối với người dân bản địa,” vị giáo hoàng 85 tuổi nói như thế, khi nhắc đến vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành nhiều trường nội trú do chính phủ tài trợ cho trẻ em bản địa của đất nước.

Đức Phanxicô lên án “hệ thống đáng trách” đã “chia cắt nhiều trẻ em khỏi gia đình” trong một bài diễn văn trước toàn quyền Canada, Mary Simon, Thủ tướng Justin Trudeau, các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, đại diện của người dân bản địa, và các thành viên của đoàn ngoại giao ở Québec.

Trong cuộc hành hương mà ngài gọi là “cuộc hành hương đền tội” ở Canada, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công khai xin lỗi về những tổn hại đã gây ra cho người Canada bản địa và nhiều lần bày tỏ sự xấu hổ và đau buồn của ngài.

Ngài nói: “Đức tin Kitô giáo đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc hình thành những lý tưởng cao nhất của Canada, đặc trưng bởi mong muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn cho tất cả người dân. Đồng thời, khi thừa nhận lỗi lầm của mình, cần phải cùng nhau làm việc để hoàn thành một mục tiêu mà tôi biết tất cả qúy vị đều chia sẻ: cổ vũ các quyền hợp pháp của người dân bản địa và ủng hộ các diễn trình hàn gắn và hòa giải giữa họ và những người không phải bản địa của đất nước."

Sau cuộc gặp gỡ với đại diện của các dân tộc bản địa ở Rome và bây giờ, ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn về tương lai.

Ngài nói: “Khoảng thời gian chúng ta ở cùng nhau đã gây ấn tượng với tôi và để lại mong muốn vững chắc là đáp lại sự phẫn nộ và xấu hổ đối với những đau khổ mà người dân bản địa phải chịu đựng, và tiến về phía trước trên hành trình huynh đệ và kiên nhẫn với tất cả người dân Canada, phù hợp với sự thật và công lý, hoạt động để hàn gắn và hòa giải, và không ngừng được truyền cảm hứng bởi lòng hy vọng."

Ngài cảnh cáo chống lại các hình thức thực dân hóa, đặc biệt là "thực dân hóa ý thức hệ", mà ngài nói ngày nay vẫn còn được thực hiện.

Ngài nói: “Trong quá khứ, não trạng thực dân coi thường đời sống cụ thể của con người và áp đặt một số mô hình văn hóa đã định sẵn, nhưng ngày nay cũng vẫn có hình thức thực dân hóa ý thức hệ xung đột với thực tại cuộc sống, kìm hãm sự sự gắn bó tự nhiên của các dân tộc với các giá trị của họ, và cố gắng nhổ bỏ các mối liên hệ truyền thống, lịch sử và tôn giáo của họ”.

Ngài liên kết loại thực dân này với điều ngài gọi là “văn hóa triệt tiêu”.

Ngài nói: “Não trạng này, khi tự phụ nghĩ rằng những trang đen tối của lịch sử đã bị bỏ lại phía sau, đã trở nên cởi mở đối với ‘nền văn hóa triệt tiêu’ vốn đánh giá quá khứ hoàn toàn dựa trên một số phạm trù đương thời nào đó. Kết quả là một phong cách văn hóa đánh đồng mọi sự, làm cho mọi sự đều bằng nhau, chứng tỏ không khoan dung đối với các khác biệt và tập trung vào thời điểm hiện tại, vào nhu cầu và quyền lợi của cá nhân, trong khi thường xuyên bỏ bê nhiệm vụ của họ đối với những người yếu kém và dễ bị tổn thương nhất trong các anh chị em của chúng ta.”

Ngài xác định những người dễ bị tổn thương là người nghèo, người di cư, người già, bệnh tật và trẻ sơ sinh - hoặc “những người bị lãng quên trong ‘các xã hội giàu có’”, những người “bị vứt sang một bên như những chiếc lá khô bị cháy”.

“Thay vào đó, những tán lá phong phú đa sắc của cây phong nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của toàn thể, tầm quan trọng của việc phát triển các cộng đồng con người không phải là độc dạng một cách nhạt nhẽo, mà thực sự cởi mở và hòa nhập,” ngài nói thế khi đề cập đến những chiếc lá mang ý nghĩa quốc gia tại Canada.

Trong suốt bài phát biểu của mình, ngài đã liên tục nhắc đến hình ảnh lá phong.

“Chúng ta cần lắng nghe và đối thoại với nhau xiết bao, để lùi lại khỏi chủ nghĩa cá nhân đang thịnh hành, khỏi những phán xét vội vàng, tính hung hăng lan tràn và sự cám dỗ chia cắt thế giới thành người tốt và người xấu!” ngài đã thốt lên như thế. “Kích thước lớn của những chiếc lá phong, có tác dụng hấp thụ không khí ô nhiễm và từ đó cung cấp oxy, mời chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sáng thế và đánh giá cao những giá trị lành mạnh hiện diện trong nền văn hóa bản địa.”

Ngài nói thêm: “Chúng có thể truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và giúp chữa lành các khuynh hướng lợi dụng có hại”.

Đức Giáo Hoàng nhiều lần đề cao người bản địa Canada như một hình mẫu để noi theo trong việc chăm sóc và bảo vệ gia đình, làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai, và “nhắc nhớ tầm quan trọng của các giá trị xã hội”.

Ngài nói thêm: “Giáo Hội Công Giáo, với chiều kích phổ quát, quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, phục vụ chính đáng cho sự sống của con người, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, rất vui được cống hiến những đóng góp cụ thể của mình”.

Ngài nói, quá khứ nên thông tri cho tương lai.

Ngài nói: “Mong những điều sai trái mà người dân bản địa phải chịu đựng sẽ là lời cảnh cáo cho chúng ta ngày nay, kẻo việc quan tâm đến gia đình và quyền lợi của gia đình bị làm ngơ trước lợi ích cá nhân và năng suất cao hơn”.

Ngài kết luận với một thông điệp về sự đoàn kết.

Ngài nói: “Chính bằng cách hợp tác chung, tay trong tay, mà những thách thức cấp bách ngày nay phải được đối đầu. Tôi cảm ơn vì lòng hiếu khách, sự quan tâm và tôn trọng của qúy vị, và với tình cảm tuyệt vời, tôi bảo đảm với qúy vị rằng Canada và người dân của nó thực sự gần gũi với trái tim tôi.”

Cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục diễn ra vào Thứ Năm, 28 tháng 7. Ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Thánh Anne de Beaupré. Cuối ngày hôm đó, Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Chiều với các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, chủng sinh, và các nhân viên mục vụ tại Nha thờ Chính tòa Đức Bà.

Còn tiếp
 
Thông Báo
Đại tang của VietCatholic: Cha Francis Lý Văn Ca, Phụ trách chương trình Dẫn Lễ vừa qua đời
VietCatholic Network
18:59 27/07/2022


CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Cha Francis Lý Văn Ca

Sinh ngày 21 Tháng Giêng 1950


Ngài phụ trách chương trình Dẫn Lễ của VietCatholic ngay từ những ngày đầu thành lập,

đã được Chúa gọi về lúc 1g sáng ngày 26 tháng 7 tại Perth, Australia.

Ban Giám Đốc VietCatholic tri ân những đóng góp to lớn của Cha Francis

cho sứ vụ loan báo Tin Mừng từ trên mái nhà;

và xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

Xin Chúa đón nhận linh hồn Cha Francis vào hưởng ánh sáng ngàn thu,

và lau khô những giọt lệ của những người đang than khóc ngài.

Chương trình tang lễ sẽ được thông báo sau.

Xin quý cha và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho linh hồn Cha Francis Lý Văn Ca



J.B. Đặng Minh An

Phó Giám Đốc VietCatholic
 
VietCatholic TV
Thánh lễ đầu tiên của ĐTC trên đất Canada: Bài giảng về công đức sinh thành của Mẹ, Cha, Ông, Bà
VietCatholic Media
00:35 27/07/2022

Như chúng tôi đã tường trình, lúc 10g sáng ngày thứ Hai 25 tháng 7, Đức Thánh Cha đã thăm Maskwacis, ngôi nhà của trường dành cho người bản địa Ermineskine trước đây, một trong những trường lớn nhất trong nước, cách Edmonton khoảng 100 km. Tại đây, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit.

Sau đó, lúc 4g45 chiều, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thổ dân và cộng đoàn Công Giáo địa phương tại nhà thờ Thánh Tâm ở Edmonton.

Ngày thứ Ba 26 tháng 7, lễ kính Hai Thánh Joachim và Anna, Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ tại sân vận động của Edmonton - có sức chứa 65,000 người vào lúc 10g15 sáng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta mừng lễ ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Chúa đã tập hợp tất cả chúng ta lại với nhau một cách chính xác vào dịp này, là dịp lễ rất yêu quý đối với anh chị em và đối với tôi. Chính tại nhà của hai thánh Gioakim và Anna, Chúa Giêsu đã làm quen với những người họ hàng lớn tuổi của mình và cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu thương dịu dàng và sự khôn ngoan của ông bà mình. Chúng ta hãy nghĩ về ông bà của chúng ta, và suy ngẫm về hai điều quan trọng.

Thứ nhất: chúng ta là những đứa con của một lịch sử cần được bảo tồn. Chúng ta không phải là những cá thể biệt lập, những hòn đảo. Không ai bước vào thế giới này tách rời khỏi những người khác. Nguồn gốc của chúng ta, tình yêu đã chờ đợi chúng ta và chào đón chúng ta vào thế giới, gia đình mà chúng ta lớn lên, là một phần của lịch sử độc đáo đã đi trước chúng ta và cho chúng ta sự sống. Chúng ta đã không chọn lịch sử đó; chúng ta đã nhận nó như một ân sủng, một món quà mà chúng ta được kêu gọi trân trọng, vì như Sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta, chúng ta là “con cháu” của những người đi trước chúng ta; chúng ta là “cơ nghiệp” của các ngài (Hc 44:11). Một sự thừa kế, không phải là kế thừa uy tín hoặc quyền lực, trí thông minh hoặc sự sáng tạo trong các bài hát hoặc thơ ca, nhưng tập trung vào sự công chính, vào lòng trung thành với Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Đây là những gì họ đã truyền lại cho chúng ta. Để chấp nhận con người thật của chúng ta và biết rằng chúng ta quý giá như thế nào, chúng ta cần phải chấp nhận rằng mình là một phần của chính những người nam nữ mà chúng ta là con cháu. Họ không đơn giản chỉ nghĩ về bản thân, mà đã truyền lại cho chúng ta kho báu của cuộc sống. Chúng ta có mặt ở đây là nhờ cha mẹ của chúng ta, nhưng cũng cảm ơn ông bà của chúng ta, những người đã giúp chúng ta cảm thấy được chào đón trên thế giới. Thường thì họ là những người yêu thương chúng ta vô điều kiện, không mong nhận lại bất cứ điều gì. Họ đã nắm tay chúng ta khi chúng ta sợ hãi, trấn an chúng ta trong bóng tối của đêm đen, khích lệ chúng ta trong ánh sáng ban ngày khi chúng ta phải đối mặt với những quyết định quan trọng của cuộc đời. Nhờ ông bà, chúng ta đã nhận được một sự vuốt ve từ lịch sử đi trước: chúng ta học được rằng lòng tốt, tình yêu dịu dàng và trí tuệ là cội rễ vững chắc của nhân loại. Chính trong nhà của ông bà, nhiều người trong chúng ta đã hít thở hương thơm của Tin Mừng, sức mạnh của một đức tin khiến chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ họ, chúng ta đã khám phá ra loại đức tin “quen thuộc”, một đức tin tại gia. Bởi vì đó là cách đức tin được truyền lại một cách căn bản, tại gia đình, thông qua tiếng mẹ đẻ, với tình cảm và sự khích lệ, quan tâm và gần gũi.

Đây là lịch sử của chúng ta, mà chúng ta là người thừa kế và chúng ta được kêu gọi bảo tồn. Chúng ta là con cái bởi vì chúng ta là cháu chắt. Ông bà của chúng ta đã để lại một dấu ấn riêng cho chúng ta bằng cách sống của họ; họ đã cho chúng ta phẩm giá và sự tự tin vào bản thân và những người khác. Họ đã ban tặng cho chúng ta thứ gì đó không bao giờ có thể lấy đi được từ chúng ta và điều đó đồng thời cho phép chúng ta trở nên độc nhất, nguyên bản và tự do. Từ ông bà chúng ta, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ bị ép buộc; nó không bao giờ tước đi tự do nội tâm của người khác. Đó là cách Gioakim và Anna yêu mến Đức Maria và Chúa Giêsu; và đó là cách mà Mẹ Maria đã yêu Chúa Giêsu, với một tình yêu không bao giờ bóp chết hay kìm hãm Người, nhưng đã đồng hành với Người trong việc thực hiện sứ mệnh mà Người đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy cố gắng học hỏi điều này, với tư cách cá nhân và với tư cách là một Giáo hội. Mong sao chúng ta học cách không bao giờ gây áp lực lên lương tâm của người khác, không bao giờ hạn chế quyền tự do của những người xung quanh, và trên hết, đừng bao giờ thất bại trong việc yêu thương và tôn trọng những người đi trước và được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Vì họ là một kho tàng quý báu lưu giữ một lịch sử vĩ đại hơn chính họ.

Sách Huấn ca cũng cho chúng ta biết rằng việc bảo tồn lịch sử đã cho chúng ta sự sống không có nghĩa là che lấp “vinh quang” của tổ tiên chúng ta. Chúng ta không nên đánh mất ký ức về các ngài, cũng như không nên quên lịch sử đã sinh ra cuộc đời của chính chúng ta. Chúng ta nên luôn nhớ đến những người chìa bàn tay ra âu yếm chúng ta và những người đã ôm chúng ta trong vòng tay của họ; vì trong lịch sử này, chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi trong những lúc nản lòng, một ánh sáng dẫn đường cho chúng ta và can đảm đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, bảo tồn lịch sử đã cho chúng ta sự sống cũng có nghĩa là liên tục trở lại ngôi trường đó, nơi chúng ta lần đầu tiên học cách yêu. Nó có nghĩa là tự hỏi bản thân, khi đối mặt với những lựa chọn hàng ngày, điều khôn ngoan nhất của những người lớn tuổi mà chúng ta từng biết sẽ làm khi các ngài ở trong tình thế của chúng ta, ông bà và ông bà cố của chúng ta sẽ đưa ra lời khuyên gì cho chúng ta.

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: con cháu chúng ta có đủ khả năng bảo vệ kho tàng mà chúng ta được thừa hưởng này không? Chúng ta có nhớ những lời dạy tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được không? Chúng ta có nói chuyện với người lớn tuổi và dành thời gian để lắng nghe họ không? Và, trong những ngôi nhà ngày càng được trang bị đầy đủ, hiện đại và tiện dụng, chúng ta có biết dành một không gian xứng đáng để lưu giữ ký ức của các ngài, một vị trí đặc biệt, một đài tưởng niệm nhỏ của gia đình mà thông qua những bức ảnh và đồ vật quý giá, chúng ta có thể ghi nhớ trong lời cầu nguyện những người đã đi trước chúng ta? Chúng ta có lưu giữ Kinh thánh, và chuỗi hạt Mân Côi của các ngài chưa? Trong lớp sương mù của sự lãng quên che mờ thời kỳ hỗn loạn của chúng ta, điều cần thiết là anh chị em, hãy chăm sóc cội nguồn của chúng ta, cầu nguyện và cùng với các bậc tiền nhân của chúng ta, dành thời gian để tưởng nhớ và bảo vệ di sản của các ngài. Đây là cách một cây gia đình phát triển; đây là cách tương lai được xây dựng.

Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến điều quan trọng thứ hai. Ngoài việc là những đứa con của một lịch sử cần được bảo tồn, chúng ta còn là tác giả của một lịch sử chưa được viết ra. Mỗi chúng ta đều có thể nhận ra bản thân mình là ai và là gì, được đánh dấu bằng cả ánh sáng và bóng tối, và bằng tình yêu mà chúng ta đã hoặc chưa nhận được. Đây là điều bí ẩn của cuộc sống con người: tất cả chúng ta đều là con của một người nào đó, được sinh ra và uốn nắn bởi người khác, nhưng khi chúng ta trở thành người lớn, chúng ta cũng được kêu gọi để trao ban sự sống, làm cha, làm mẹ hoặc ông bà cho người khác. Hãy nghĩ về con người chúng ta ngày nay, chúng ta muốn làm gì với bản thân? Những ông bà đi trước, những người cao tuổi, những người luôn mơ ước và hy vọng cho chúng ta, và đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta, đặt ra cho chúng ta một câu hỏi thiết yếu: chúng ta muốn xây dựng một xã hội như thế nào? Chúng ta đã nhận được rất nhiều từ bàn tay của những người đi trước. Đến lượt mình, chúng ta muốn để lại điều gì cho những người đến sau chúng ta? Đức tin “nước hoa hồng”, đó là một đức tin loãng, hay một đức tin sống động? Một xã hội được thành lập dựa trên lợi nhuận cá nhân hay dựa trên tình huynh đệ? Một thế giới có chiến tranh hay một thế giới hòa bình? Một tạo vật bị tàn phá hay một ngôi nhà tiếp tục được chào đón?

Chúng ta đừng quên rằng nhựa sống đi từ rễ đến cành, đến lá, đến hoa, rồi đến quả của cây. Truyền thống đích thực được thể hiện theo chiều dọc này: từ dưới lên. Chúng ta cần phải cẩn thận kẻo rơi vào một bức tranh biếm họa của truyền thống, không phải theo chiều dọc - từ rễ đến trái - mà là chiều ngang - tiến và lùi. Truyền thống được hình thành theo cách này chỉ dẫn chúng ta đến một loại “văn hóa ngược”, nơi ẩn náu của tính tự cao, là thứ chỉ đơn giản là nuôi dưỡng hiện tại, nhốt nó trong tâm lý nói rằng, “Chúng ta luôn làm theo cách này”.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng các ông có phúc vì được thấy và nghe điều mà biết bao ngôn sứ và những người công chính chỉ có thể hy vọng (x. Mt 13, 16-17). Nhiều người đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa về Đấng Mêsia sẽ đến, đã dọn đường cho Ngài và báo tin Ngài sẽ đến. Nhưng bây giờ Đấng Mêsia đã đến, những ai có thể nhìn thấy và nghe thấy Ngài được kêu gọi để chào đón Ngài và công bố sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta.

Thưa anh chị em, điều này cũng áp dụng cho chúng ta. Những người đi trước chúng ta đã truyền cho chúng ta một niềm đam mê, một sức mạnh và một khao khát, một ngọn lửa mà chúng ta có thể thắp lại. Vấn đề không phải là bảo quản tro cốt, mà là thắp lại ngọn lửa mà họ đã thắp lên. Ông bà và những người lớn tuổi của chúng ta muốn thấy một thế giới công bằng, huynh đệ và đoàn kết hơn, và họ đã chiến đấu để mang lại cho chúng ta một tương lai. Bây giờ, chúng ta đừng để họ thất vọng. Việc tiếp nhận truyền thống đã nhận được là tùy thuộc vào chúng ta, bởi vì truyền thống đó là đức tin sống động của những người đã khuất của chúng ta. Chúng ta đừng biến nó thành “chủ nghĩa truyền thống”, tức là đức tin đã chết của người sống, như một tác giả đã từng nói. Được những người là cội rễ của chúng ta vun đắp, giờ đến lượt chúng ta đơm hoa kết trái. Chúng ta là những cành phải nở hoa và gieo rắc những hạt giống mới của lịch sử. Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình một vài câu hỏi cụ thể. Là một phần của lịch sử cứu rỗi, dưới ánh sáng của những người đi trước tôi và yêu thương tôi, tôi phải làm gì bây giờ? Tôi có một vai trò độc đáo và không thể thay thế trong lịch sử, nhưng tôi sẽ để lại dấu ấn gì? Tôi đang truyền lại điều gì cho những người sẽ đến sau tôi? Tôi đang cho cái gì của bản thân? Thông thường, chúng ta đo lường cuộc sống của mình dựa trên thu nhập, loại nghề nghiệp, mức độ thành công và cách người khác nhìn nhận về chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là những tiêu chí mang lại sự sống. Câu hỏi thực sự là: tôi có đang trao ban cuộc sống không? Tôi có mở ra lịch sử của một tình yêu mới và tái tạo mà trước đây không có? Tôi có đang loan báo Tin Mừng trong khu phố của tôi không? Tôi có đang tự do phục vụ người khác, như cách mà những người đi trước đã làm cho tôi không? Tôi đang làm gì cho Giáo hội, thành phố, xã hội của mình? Thưa anh chị em, thật dễ dàng để chỉ trích, nhưng Chúa không muốn chúng ta chỉ là những người chỉ trích hệ thống, hoặc khép kín và “nhìn ngược lại”, như tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái đã nói (xem 10 : 39). Thay vào đó, Thánh Phaolô muốn chúng ta trở thành những nghệ nhân của một lịch sử mới, những người dệt nên hy vọng, những người xây dựng tương lai, những người kiến tạo hòa bình.

Mong hai thánh Gioakim và Anna cầu bầu cho chúng ta. Mong các ngài giúp chúng ta trân trọng lịch sử đã cho chúng ta sự sống, và về phần chúng ta, xây dựng một lịch sử để lại sự sống. Mong chúng nhắc nhở mình về bổn phận thiêng liêng của chúng ta là kính trọng ông bà và những người lớn tuổi của chúng ta, quý trọng sự hiện diện của các ngài giữa chúng ta để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai mà người cao tuổi không bị gạt sang một bên vì theo quan điểm “thực tế”, họ “không còn hữu ích nữa”. Một tương lai không đánh giá các giá trị của con người chỉ đơn giản bằng những gì họ có thể tạo ra. Một tương lai không thờ ơ với nhu cầu được quan tâm và lắng nghe của người già. Một tương lai mà lịch sử bạo lực và thiệt thòi mà các anh chị em bản xứ của chúng ta phải gánh chịu sẽ không bao giờ lặp lại. Tương lai đó là khả thi nếu với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta không cắt đứt mối dây liên kết giữa chúng ta với những người đi trước, và nếu chúng ta thúc đẩy đối thoại với những người sẽ đến sau chúng ta. Già trẻ lớn bé, ông bà và con cháu nội ngoại. Chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước, và cùng nhau, chúng ta hãy cùng ước mơ. Ngoài ra, chúng ta đừng quên lời khuyên của Phaolô đối với môn đệ Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của anh (xem 2 Ti 1: 5).
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Putin tang gia bối rối: 10 ngày không thắng trận nào, vừa mất thêm 12 sĩ quan, 30 kho vũ khí ra tro
VietCatholic Media
03:10 27/07/2022


1. Lực lượng Ukraine tấn công doanh trại của quân xâm lược Nga ở Lysychansk

Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công doanh trại của quân xâm lược Nga tại thành phố Lysychansk tạm thời bị chiếm đóng ở vùng Luhansk.

Thống Đốc Luhansk là Ông Serhiy Haidai cho biết: “Quân đội Ukraine đã tấn công doanh trại của quân xâm lược Nga ở Lysychansk tạm thời bị chiếm đóng. Kết quả của cuộc tấn công là 12 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến.”

Sau cuộc tấn công được tin là đã giết chết một số sĩ quan cao cấp Nga, quân Nga đã mở cuộc lùng bắt trong số vài trăm người còn ở trong thành phố này. Họ nghi những người này đã cung cấp tọa độ của doanh trại dã chiến của quân Nga.

2. Putin gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Nga trước những lo lắng về sự tàn phá của HIMAR

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp nội các với các quan chức cấp cao, trong bối cảnh lo ngại về Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao của Ukraine, gọi tắt là HIMARS, từ Hoa Kỳ mà các quan chức phương Tây cho rằng cản trở nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Các hệ thống hỏa tiễn lần đầu tiên đến Ukraine vào tháng 6 từ Mỹ và được coi là yếu tố quan trọng giúp lực lượng của Kyiv đẩy lùi quân đội Nga.

Hãng thông tấn TASS do nhà nước hậu thuẫn của Nga đưa tin rằng ông Putin đã tổ chức cuộc họp nội các thông qua cầu truyền hình, với các chủ đề chính là phát triển vận tải hàng không và chế tạo máy bay. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Denis Manturov và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Vitaly Savelyev sẽ trình bày tại cuộc họp.

Điện Cẩm Linh cho biết “một số vấn đề hiện tại cũng sẽ được xem xét” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng theo TASS phản ứng với HIMARS đã được thảo luận tại cuộc họp. Lần cuối cùng Putin gặp các quan chức hàng đầu là vào ngày 15/7, khi ông tổ chức một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nga.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nói với các phóng viên rằng Ukraine đã sử dụng HIMARS để tiêu diệt hơn 100 mục tiêu “giá trị cao” của Nga trong những tuần gần đây. Tướng Kirby cho biết trong số các mục tiêu đó có kho đạn dược, các trận địa pháo tầm xa, các sở chỉ huy, các điểm phòng không và các sở chỉ huy và radar.

Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling đã gọi HIMARS là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” và nói rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa hiện đang “ở trong tình trạng tồi tệ”. Ông nói rằng HIMARS có tầm bắn, tốc độ và độ chính xác cao hơn hầu hết các loại vũ khí mà Ukraine đang sử dụng để chống lại lực lượng Nga.

Hôm thứ Sáu, Tòa Bạch Ốc thông báo rằng khoản hỗ trợ an ninh bổ sung 270 triệu đô la sẽ được gửi tới Ukraine, bao gồm thêm bốn HIMARS nữa. Cùng ngày, Ukraine bác bỏ tuyên bố của Nga rằng họ đã phá hủy 4 bệ phóng HIMARS.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết việc Ukraine sử dụng HIMARS đang “làm suy giảm” năng lực của Nga.

Trước đó, vào hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga có thể sẽ tiếp tục “vật lộn” để khai thác và sửa chữa hàng nghìn phương tiện chiến đấu của Nga đã bị hư hại trong cuộc chiến ở Ukraine.

Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, trong cái mà ông gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” nhằm chống lại cái mà ông tuyên bố là sự mở rộng về phía đông của NATO và với mục đích “phi Quốc Xã hóa” giới lãnh đạo Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái và đã mất gia đình trong Holocaust.

Hàng ngàn binh lính đã chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, trong khi hàng triệu người phải bỏ nhà cửa lánh nạn.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Các viên chức phản gián Ukraine tiêu diệt 3 chiếc T-72 của Nga bằng máy bay không người lái tấn công

Các viên chức phản gián quân sự của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã tiêu diệt 3 xe tăng T-72 của Nga bằng cách sử dụng máy bay không người lái tấn công.

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 27 tháng 7, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết:

“Những ngày này, có thêm 3 chiếc T-72 nữa trở thành mục tiêu và bị các viên chức SBU tiêu diệt một cách sáng tạo. Họ đã dùng máy bay không người lái tấn công phá huỷ cả ba chiếc xe tăng.”

Các báo cáo trước đó cho biết, tổng thiệt hại chiến đấu của các lực lượng xâm lược Nga từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 26 tháng 7 đã lên tới 39.870 người, trong đó chỉ tính riêng ngày qua đã có 170 người. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy 1.737 xe tăng chiến đấu chủ lực, 3.959 xe chiến đấu bọc thép, 880 hệ thống pháo, 258 bệ phóng hỏa tiễn hàng loạt, 117 hệ thống phòng không, 222 máy bay, 189 trực thăng, 722 máy bay không người lái cấp chiến thuật, 174 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu chiến, 2.835 xe tải và xe chở dầu, và 75 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Lực lượng phòng thủ Ukraine phá hủy hơn 30 kho vũ khí của Nga trong hai tuần qua

Lực lượng phòng thủ Ukraine đã phá hủy hơn 30 kho vũ khí của Nga ở Ukraine trong hai tuần qua. Rostyslav Smirnov, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã cho biết như trên với kênh truyền hình Kyiv của Ukraine.

“Chỉ trong hai tuần qua, chúng tôi đã phá hủy hơn 30 kho vũ khí, và tính chung cả các kho nhiên liệu, chúng tôi đã phá hủy hơn 50 kho. Bên cạnh đó còn có 17 sở chỉ huy. Trên thực tế, đó là một số lượng lớn thiết bị bị phá hủy, đằng sau các chiến tuyến của họ. Tất nhiên, điều này thay đổi hoàn toàn chuỗi hậu cần, nguồn cung cấp và khả năng xảy ra các hành động tấn công. Bởi vì, một lần nữa, cường độ của các cuộc tấn công của Nga đang giảm xuống.”

Theo ông, cần phải hiểu rằng các lực lượng Nga có dự trữ tiền tuyến nhất định, nhưng có một câu chuyện quan trọng khác là Ukraine đã nhận được sự trợ giúp của vũ khí phương Tây.

“Trước hết, người Nga biết rằng chúng ta đã đến được kho của họ ở hậu phương, và câu chuyện thứ hai là khi chúng ta được cung cấp loại đạn có thể bắn ở khoảng cách 300 km, họ sẽ phải di chuyển kho vũ khí của họ xa hơn nữa. Chúng ta sẽ nhận được số đạn này, tôi tin chắc như vậy”.

Smirnov cho rằng hiện tại, quân địch không đạt được tiến bộ nào trên chiến tuyến, và họ cần đánh lạc hướng sự chú ý của quân đội Ukraine; bởi vì “nếu Liên bang Nga ngừng pháo kích vào các khu vực đông dân cư, thì chúng ta sẽ có thể tập trung nhiều hơn vào cuộc phản công của mình - và Liên bang Nga hiểu điều này một cách rõ ràng.” Theo ông, những hành động này của các lực lượng Nga nói chung là một nỗ lực để giành chiến thắng trong một thời gian.

“Câu chuyện mấu chốt thứ hai là quân Nga hiện đang ở một đỉnh cao nhất định, và họ hiểu rằng họ sẽ không thể tiến thêm một cách đáng kể nữa. Quân Nga hiểu rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn đối với họ trong tương lai “, Smirnov nói.

Ông nhớ lại rằng có ba giai đoạn của cuộc xâm lược, và theo ý kiến của ông, “chúng ta đã chuyển sang giai đoạn thứ hai.”

“Về giai đoạn hai, chúng ta thấy rằng trong một tuần rưỡi qua, tiền tuyến đã hoàn toàn tĩnh, và điều này áp dụng cho toàn bộ tiền tuyến, bắt đầu từ phía nam của đất nước chúng ta và kết thúc ở phía bắc. Chúng ta thấy rằng quân Nga đang cố gắng thực hiện một số cuộc tấn công, nhưng chúng không thành công. Tức là tiền tuyến không thay đổi. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cuộc chiến tranh đã bị chựng lại.”

5. Chuyên gia hàng đầu về Nga khẳng định Putin chắc chắn thua trong cuộc chiến tại Ukraine và có nhiều khả năng mất mạng

Tờ Daily Mail của Anh, trích thuật các nhận định của Ông Christo Grozev, một chuyên gia về Nga, tin rằng Putin chắc chắn thua trong cuộc chiến tại Ukraine và có nhiều khả năng mất mạng.

Các quan chức an ninh hàng đầu của Vladimir Putin hiểu rõ rằng Nga đã thua trong cuộc chiến ở Ukraine và một cuộc đảo chính hiện là một khả năng thực tế.

Theo Ông Christo Grozev, giới tinh hoa của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Nga, gọi tắt là GRU, và cơ quan an ninh nội bộ của Nga, gọi tắt là FSB, là những người có nhiều khả năng cố gắng lật đổ Putin, bởi vì họ biết sự thật về những gì đang xảy ra trên chiến trường.

Một cách tiêu cực, giới tinh hoa này đang lặng lẽ tìm mọi cách để chuyển tiền và gia đình của họ ra khỏi Nga trước dự đoán tình hình sẽ ngày càng sa sút.

Nói với Đài Tự do về điều gì có thể châm ngòi cho cuộc đảo chính, Grozev cho biết thời điểm có thể đến nếu hoặc khi Putin ra lệnh cho các tướng lĩnh của mình thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân hay một cuộc tổng động viên.

Ông nói: “Nếu Putin quyết định đưa ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân, ông ấy phải chắc chắn rằng mọi người trong chuỗi hành động sẽ thực hiện mệnh lệnh này”.

'Nếu ai đó không tuân thủ, thì đây sẽ là tín hiệu của sự không tùng phục. Và có lẽ sẽ kết thúc với cái chết thể lý của Putin”.

'Cho đến khi ông ta chưa dám chắc chắn rằng mọi người sẽ tuân thủ, ông ta sẽ không đưa ra mệnh lệnh này.'

Grozev tin rằng những lo ngại tương tự đang ngăn cản Putin ra lệnh tổng động viên các lực lượng vũ trang và dân số Nga.

Một mệnh lệnh như vậy sẽ cho phép ông ta tăng cường quân số ồ ạt ở Ukraine, có lẽ khiến cục diện cuộc chiến có lợi cho ông ta.

Nhưng lệnh này cũng sẽ gây ra một 'sự bùng nổ xã hội' đối với những người Nga bình thường, Grozev nói, bởi vì nó có nghĩa là thừa nhận 'chiến dịch quân sự đặc biệt' - mà cho đến nay Putin vẫn kháo với người Nga là một thành công vang dội – thực chất đã thất bại.

Grozev lập luận rằng nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tổng động viên, Nga gần như không có cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến.

'Giới an ninh hiểu điều này' và đó là lý do tại sao họ là những người có nhiều khả năng cố gắng lật đổ nhà lãnh đạo của họ nhất.

Grozev cũng nói rằng các chuyến bay của Bộ Quốc phòng tới một boongke chỉ huy và kiểm soát được cho là gần Ufa - cách Mạc Tư Khoa 725 dặm về phía đông – nơi quân Nga tập trận đã giảm đáng kể.

Grozev nói rằng các nhân vật cấp cao trong FSB - cơ quan an ninh nội bộ của Nga - và trong ban giám đốc tình báo quân đội GRU - đang chuẩn bị cho cuộc sống hậu Putin.

Ông nói: 'Bộ phận trí thức của GRU', những người có 'thông tin đầy đủ' hiểu rằng ông Putin đang ở trong vũng lầy.

'Và cả lực lượng tinh nhuệ của FSB, biết rõ số lượng nạn nhân cụ thể trong quân đội Nga, và hiểu rằng những người mẹ, người vợ, chị em gái của những người lính Nga đã chết hoặc mất tích sẽ không ngừng đặt câu hỏi.

'Họ biết rằng tình huống này cuối cùng sẽ vượt khỏi tầm tay.

'Đây là những bộ phận của lực lượng an ninh biết những mối nguy hiểm đối với chế độ, và bản thân họ hiện đang chuẩn bị cho tương lai của mình.

'Một số người trong số họ đang tìm cơ hội đưa gia đình rời khỏi Nga, tất cả đều tìm cách chuyển số tiền tích lũy được chủ yếu là tiền tham nhũng thành đô la và euro.

'Đây đã là một kiểu phản bội của những người này, bởi vì họ không tuân theo mệnh lệnh ý thức hệ của Điện Kremlin, mà đang chuẩn bị cho một thực tế khác.'

6. Các cựu bộ trưởng đã chuẩn bị Hiệp định Kharkiv bị đưa vào danh sách truy nã quốc gia và quốc tế

Các cựu bộ trưởng của Ukraine, từng chuẩn bị Hiệp định Kharkiv đã bị đưa vào danh sách truy nã quốc gia và quốc tế. Cục Tình Báo Bộ Nội Vụ Ukraine, gọi tắt là SBI, đã cho biết như trên trong báo cáo sáng thứ Tư 27 tháng 7.

“Theo yêu cầu của SBI, tòa án đã đưa hai cựu bộ trưởng từng làm việc dưới quyền tổng thống Yanukovych vào danh sách truy nã quốc gia và quốc tế. Họ bị tuyên bố là những kẻ tình nghi phạm tội phản quốc khi chuẩn bị Hiệp định Kharkiv”

Các nhân viên thực thi pháp luật đang có kế hoạch yêu cầu tòa án lựa chọn các biện pháp đối với các cựu bộ trưởng tư pháp và ngoại giao bằng hình thức giam giữ.

Các nghi phạm đang ở nước ngoài, vì vậy SBI yêu cầu truy nã quốc tế.

7. Putin thúc đẩy nhà cung cấp máy bay không người lái của Ukraine phải bán cho mình

Tổng thống Nga Vladimir Putin được tường trình đang thúc đẩy nhà cung cấp máy bay không người lái của Ukraine phải bán các vũ khí ấy cho Điện Cẩm Linh, theo một báo cáo mới từ CNN Turk.

Hôm thứ Ba, CNN Turk đưa tin rằng trong cuộc họp với các thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng AK, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Putin gần đây đã tiếp cận ông về việc thành lập một nhà máy sản xuất máy bay không người lái Baykar ở Nga.

“Putin nói, hãy làm việc cùng với Baykar,” Erdogan nói trong cuộc họp.

Baykar là một nhà sản xuất máy bay không người lái đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine, trong bối cảnh nước này đang tiếp tục chiến tranh với Nga.

Báo cáo của CNN Turk được đưa ra ngay sau khi Giám đốc điều hành của Baykar, Haluk Bayraktar nói chuyện với CNN và nói rằng công ty không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Nga.

Bayraktar nói với CNN: “Chúng tôi đã không giao hoặc cung cấp cho họ bất cứ thứ gì, và chúng tôi cũng sẽ không bao giờ làm điều như vậy bởi vì chúng tôi ủng hộ Ukraine, ủng hộ chủ quyền của Ukraine, cuộc kháng chiến giành độc lập của họ.

Trong cuộc phỏng vấn, Bayraktar cũng nói về sự giúp đỡ mà họ đã cung cấp cho Ukraine, nói rằng: “Chúng tôi thực sự tự hào và rất cảm động khi chúng tôi là một trong những biểu tượng của cuộc kháng chiến lớn này của Ukraine và như bạn biết Ukraine đang bị xâm lược rất nặng nề và các cuộc tấn công không cân xứng “.

Bayraktar tiếp tục, “Theo tôi tưởng tượng, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine có mối quan hệ ở cấp độ chiến lược.… Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ Ukraine với công nghệ máy bay không người lái vũ trang này.”

Vào tháng 6, Reuters đưa tin rằng một nhóm ở Lithuania đã bắt đầu chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng để giúp Ukraine trả tiền cho máy bay không người lái kiểu TB2 của Baykar. Đáp lại chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng, Baykar thông báo rằng họ “sẽ gửi miễn phí 3 chiếc máy bay không người lái tới chiến trường Ukraine.”

“Chúng tôi yêu cầu số tiền gây quỹ được chuyển đến những người đang gặp khó khăn ở Ukraine,” công ty cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.

Trong một tuyên bố riêng sau khi huy động vốn từ cộng đồng từ Lithuania, Baykar cho biết, “Người dân Lithuania đã vinh dự gây quỹ để mua một chiếc Bayraktar TB2 cho Ukraine. Khi biết được điều này, Baykar đã tặng miễn phí một Bayraktar TB2 cho Lithuania và yêu cầu số tiền đó được chuyển đến Ukraine để viện trợ nhân đạo. “

Trước đó, Erdogan đã chỉ trích Putin và Điện Cẩm Linh, gọi cuộc xâm lược là “không thể chấp nhận được.” Ngoài ra, vào tháng 3, văn phòng của Erdogan đã đăng một dòng tweet kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.

“Tổng thống Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các bước khẩn cấp để đạt được một lệnh ngừng bắn, mở các hành lang nhân đạo và ký kết một thỏa thuận hòa bình”, tweet cho biết.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để đưa ra bình luận.
 
Tông du Canada: Bài giảng cảm động của ĐTC bên bờ hồ Thánh Anna, địa điểm hành hương của Canada
VietCatholic Media
06:08 27/07/2022

Như chúng tôi đã tường trình, lúc 10g15 sáng thứ Ba 26 tháng 7, lễ kính Hai Thánh Gioakim và Anna, Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ tại sân vận động của Edmonton - có sức chứa 65,000 người.

Lúc 17g, Đức Thánh Cha đến Hồ Thánh Anna, cách thủ đô của Alberta 75 km. Một cuộc tụ họp Công Giáo đã được tổ chức tại đây hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anna, vị thánh bảo trợ của người Canada. Theo truyền thống, cuộc gặp gỡ này lôi cuốn hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, là những người có lòng sùng kính đặc biệt đối với bà ngoại của Chúa Giêsu, tượng trưng cho tầm quan trọng của hình bóng người cao tuổi trong cộng đồng của họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, âba-wash-did! Tansi! Oki! Chúc một ngày tốt lành!

Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây, một người hành hương với anh chị em và giữa anh chị em. Trong những ngày này, và đặc biệt là hôm nay, tôi đã bị đánh động bởi tiếng trống đã đi cùng tôi bất cứ nơi nào tôi đến. Tiếng trống này dường như vang vọng nhịp đập của rất nhiều trái tim: những trái tim, qua nhiều thế kỷ, đã đập gần chính những vùng nước này; trái tim của nhiều người hành hương đã cùng nhau đi bộ để đến “hồ của Chúa” này! Ở đây, chúng ta có thể thực sự cảm nhận được nhịp tim hợp xướng của những người hành hương, của nhiều thế hệ đang lên đường hướng về Chúa để cảm nghiệm kỳ công chữa lành của Ngài. Biết bao trái tim đã đến đây với bao nỗi khát khao khắc khoải, với bao gánh nặng cuộc sống đè nặng, đã tìm thấy niềm an ủi và sức mạnh ở vùng nước để bước tiếp! Ở đây, đắm chìm trong tạo vật, chúng ta cũng có thể cảm nhận được một nhịp đập khác: nhịp tim mẹ của trái đất. Cũng giống như trái tim của trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đập hòa nhịp với trái tim của mẹ chúng, cũng thế để lớn lên thành người, chúng ta cần phải hòa hợp nhịp sống của chính mình với nhịp sống của tạo hóa, nơi đã ban cho chúng ta sự sống. Do đó, hôm nay, chúng ta hãy trở về với nguồn gốc của sự sống: với Chúa, với cha mẹ của chúng ta, và trong ngày lễ này và trong ngôi nhà của Thánh Anna, với ông bà của chúng ta, tất cả những người mà tôi chào đón với lòng yêu mến.

Được truyền cảm hứng từ những nhịp đập quan trọng này, chúng ta đang ở đây, lặng lẽ chiêm ngưỡng làn nước của hồ này. Điều này cũng giúp chúng ta quay trở lại nguồn gốc của đức tin. Thật vậy, về tinh thần, nó cho phép chúng ta đến thăm những nơi thánh: chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng đã thực hiện phần lớn sứ vụ của mình trên bờ hồ: Biển Galilê. Tại đó, Ngài đã chọn và gọi các Tông đồ, rao giảng các Mối phúc, dạy nhiều dụ ngôn, thực hiện các dấu lạ và chữa lành. Hồ đó, trung tâm của “Galilê dân ngoại” (Mt 4,15), dù sao cũng là một vùng ngoại vi, một ngã tư thương mại, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, khiến vùng này trở thành một vùng có các tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau. Về mặt địa lý và văn hóa, nó là nơi xa nhất so với sự thuần túy tôn giáo tập trung ở Giêrusalem, xung quanh Đền thờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ về hồ đó, Biển Galilê, như một nơi có rất nhiều sự đa dạng: ngư dân và người thu thuế, trung tâm và nô lệ, người Pharisêu và người nghèo, đàn ông và phụ nữ từ nhiều nguồn gốc và hoàn cảnh xã hội khác nhau, tất cả đều đến với nhau trên bờ biển đó. Chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đã rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa: không phải cho một giáo đoàn tôn giáo được chọn lọc, nhưng cho nhiều dân tộc khác nhau, như ngày nay, đã đổ xô đến từ những nơi khác nhau; trong một nhà hát tự nhiên như thế này, Ngài đã thuyết giảng và chào đón mọi người. Thiên Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế giới một điều gì đó mang tính cách mạng: chẳng hạn, “Hãy giơ cả má bên kia nữa, hãy yêu kẻ thù của mình, hãy sống như anh chị em để trở thành con cái của Thiên Chúa, là Cha, Đấng làm cho mặt trời của mình chiếu sáng trên cả điều tốt lành và điều xấu xa và làm mưa làm gió trên người công chính và kẻ bất lương ”(x. Mt 5:38-48). Hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, do đó đã trở thành địa điểm của một lời tuyên bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải là một cuộc cách mạng mang lại cái chết và thương tật sau khi nó xảy ra, mà là một cuộc cách mạng của tình yêu. Ở đây, bên bờ hồ này, âm thanh của trống trải qua nhiều thế kỷ đoàn kết các dân tộc khác nhau, đưa chúng ta trở lại thời điểm đó. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là chân chính nếu nó liên kết những người ở xa nhau, rằng thông điệp về sự hiệp nhất mà thiên đàng gửi xuống trần gian không sợ sự khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta tương giao, một sự hiệp thông của những khác biệt, để bắt đầu lại với nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương trong một cuộc hành trình.

Anh chị em thân mến, những người hành hương đến những vùng nước này, lời Chúa có thể giúp chúng ta nhận ra những gì chúng ta có thể rút ra. Tiên tri Êdêkien nói với chúng ta hai lần rằng nước chảy trong Đền thờ vừa “ban sự sống” vừa “chữa lành” cho dân của Thiên Chúa (xem Ed 47: 8-9).

Nước mang lại sự sống. Tôi nghĩ đến nhiều người bà thân yêu đang ở đây với chúng ta: trái tim của anh chị em là suối nguồn từ đó dòng nước sống của đức tin chảy ra, và với nó, anh chị em đã làm dịu cơn khát của con cháu mình. Tôi bị ấn tượng bởi vai trò quan trọng của phụ nữ trong các cộng đồng bản địa: họ chiếm một vị trí nổi bật như là nguồn ban phước không chỉ về thể chất mà còn về đời sống tinh thần. Khi nghĩ về kokum, nghĩa là người bà, của anh chị em, tôi cũng nhớ đến bà của mình. Từ bà tôi, lần đầu tiên tôi nhận được sứ điệp đức tin và biết rằng Tin Mừng được truyền đạt qua sự quan tâm yêu thương và sự khôn ngoan của cuộc sống. Niềm tin hiếm khi đến từ việc đọc sách một mình trong góc; thay vào đó, nó lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong giọng điệu trữ tình ngọt ngào của những người bà. Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều ông bà và cụ cố ở đây. Cảm ơn anh chị em! Tôi cảm ơn anh chị em và muốn nói với tất cả những gia đình có người già ở nhà: anh chị em đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn sống này trong ngôi nhà của anh chị em: hãy nâng niu nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân trọng.

Nhà tiên tri cũng nói rằng, ngoài việc mang lại sự sống, nước còn chữa lành. Điều này cũng đưa chúng ta trở lại bờ Biển Galilê, nơi Chúa Giêsu “chữa khỏi nhiều bệnh cho nhiều người” (Mc 1,34). Khi hoàng hôn buông xuống, “họ mang đến cho Ngài tất cả những ai bị bệnh” (câu 32). Chiều nay, chúng ta hãy hình dung mình quanh hồ với Chúa Giêsu, khi Người đến gần, cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, đã chữa lành nhiều người bệnh tật về thể xác hoặc tinh thần: người bị quỷ ám, người bại liệt, người mù và người phong hủi, nhưng cả những người có trái tim tan vỡ và nản lòng, mất mát và tổn thương. Chúa Giêsu đã đến vào thời đó, và bây giờ Ngài vẫn đến, để chăm sóc chúng ta, cũng như để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta. Với tất cả mọi người và cả chúng ta nữa, Người cũng đưa ra lời mời gọi như vậy: “Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (Mt 11:28). Hay như Người nói trong đoạn văn chúng ta đã nghe chiều nay: “Ai khát hãy đến với Ta mà uống” (Ga 7: 37-38).

Thưa anh chị em, tất cả chúng ta cần sự chữa lành đến từ Chúa Giêsu, thầy thuốc của linh hồn và thể xác. Lạy Chúa, như những người bên bờ Biển Galilê đã không ngại kêu lên cùng Chúa với những nhu cầu của họ, chúng con cũng đến với Chúa, lạy Chúa, chiều nay, với bất cứ nỗi đau nào chúng con mang trong mình. Chúng con mang đến với Chúa sự mệt mỏi và những cuộc đấu tranh của chúng con, những vết thương do bạo lực mà các anh chị em bản địa của chúng con phải gánh chịu. Tại nơi diễm phúc này, nơi hòa hợp và hòa bình ngự trị, chúng con xin giới thiệu với Chúa những trải nghiệm bất hòa của chúng con, những ảnh hưởng khủng khiếp của thực dân, nỗi đau không thể xóa nhòa của biết bao gia đình, ông bà và trẻ em. Lạy Chúa, xin giúp chúng con được chữa lành vết thương. Lạy Chúa, chúng con biết rằng điều này đòi hỏi chúng con phải nỗ lực, cẩn thận và có những hành động cụ thể; nhưng chúng con cũng biết rằng chúng con không thể làm điều này một mình. Chúng con trông cậy vào Chúa và sự cầu bầu của mẹ Chúa và bà của Chúa.

Vâng, lạy Chúa, chúng con phó thác vào sự chuyển cầu của mẹ và bà của Chúa, vì những người mẹ và bà giúp chữa lành vết thương lòng chúng con. Vào thời điểm gay cấn của cuộc chinh phục, Đức Mẹ Guadalupe đã truyền đức tin chân chính cho người dân bản địa, nói ngôn ngữ của họ và mặc quần áo của họ, không có bạo lực hay áp đặt. Ngay sau đó, với sự xuất hiện của việc in ấn, những cuốn sách ngữ pháp và giáo lý đầu tiên đã được sản xuất bằng các ngôn ngữ bản địa. Những người truyền giáo, với tư cách là những người truyền bá Phúc âm đích thực, đã làm được bao nhiêu điều tốt lành về mặt này, đã bảo tồn các ngôn ngữ và văn hoá bản địa ở nhiều nơi trên thế giới! Ở Canada, sự “hội nhập văn hóa mẫu tử” này đã diễn ra thông qua Thánh Anna, kết hợp vẻ đẹp của truyền thống bản địa và đức tin, đồng thời trang điểm chúng bằng trí tuệ của một người bà, người đã qua hai lần làm mẹ. Giáo hội cũng là một người phụ nữ, một người mẹ. Trên thực tế, chưa từng có lần nào trong lịch sử của Giáo Hội mà đức tin không được truyền lại bằng tiếng mẹ đẻ bởi các bà và các mẹ. Tuy nhiên, một phần của di sản đau đớn mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay bắt nguồn từ thực tế là những người bà bản địa đã bị ngăn cản việc truyền lại đức tin bằng ngôn ngữ và văn hóa của chính họ. Sự mất mát đó chắc chắn là bi thảm, nhưng sự hiện diện của anh chị em ở đây là bằng chứng của sự kiên cường và một khởi đầu mới, của cuộc hành hương hướng tới sự chữa lành, của một trái tim rộng mở với Thiên Chúa, Đấng chữa lành cuộc sống của cộng đồng. Tất cả chúng ta, với tư cách là Giáo hội, bây giờ cần được chữa lành: chữa lành khỏi cám dỗ khép mình, bảo vệ thể chế hơn là tìm kiếm sự thật, thích quyền lực thế gian hơn phục vụ Tin Mừng. Anh chị em thân mến, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta hãy giúp nhau góp phần xây dựng một Giáo hội Mẹ đẹp lòng Người: có khả năng ôm ấp từng người con của mình; một Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người và nói chuyện với tất cả mọi người; một Giáo hội không chống lại ai, và gặp gỡ tất cả mọi người.

Những đám đông tại Biển Galilê tụ tập quanh Chúa Giêsu đa phần là những người bình thường, giản dị, những người mang đến cho ngài những nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành cuộc sống của cộng đồng của mình, chúng ta cần bắt đầu từ những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Thông thường, chúng ta cho phép mình được hướng dẫn bởi sở thích của một số ít người cảm thấy thoải mái. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến các vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng kêu của những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta. Chúng ta cần học cách lắng nghe nỗi đau của những người, trong những thành phố đông đúc và vắng vẻ của chúng ta, thường thầm kêu lên: "Đừng bỏ rơi chúng tôi!" Đó cũng là lời cầu xin của những người già có nguy cơ chết một mình tại nhà hoặc trong viện dưỡng lão. Đối với nhiều bệnh nhân, thay vì được chăm sóc bằng tình cảm, họ được ban cho tử vong. Những lời cầu xin khẩn khoản của những người trẻ tuổi bị thẩm vấn nhiều hơn là được lắng nghe, có những người trẻ giao quyền tự do của mình cho chiếc điện thoại di động, trong khi những người trẻ khác lang thang, lạc lõng, không mục đích, trở thành con mồi của những cơn nghiện chỉ khiến họ chán nản và thất vọng, không thể tin vào bản thân hoặc yêu bản thân vì không biết mình là ai, cũng chẳng biết đánh giá cao vẻ đẹp cuộc sống của mình. Đừng bỏ rơi chúng tôi! Đó là tiếng kêu của những người muốn có một thế giới tốt đẹp hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Trong bài Tin Mừng tối nay, Chúa Giêsu, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta bằng nước hằng sống của Thánh Linh Ngài, cũng yêu cầu chúng ta, từ tâm hồn những người tin vào Ngài, “để suối nước sống có thể chảy ra” (xem câu 38 ). Tuy nhiên, chúng ta có thể làm dịu cơn khát của anh chị em mình không? Trong khi tiếp tục cầu xin Thiên Chúa an ủi, chúng ta có thể mang lại sự an ủi cho người khác không? Điều thường xảy ra là chúng ta giải phóng bản thân khỏi nhiều gánh nặng nội tâm, chẳng hạn như không cảm thấy được yêu thương hoặc tôn trọng, đơn giản bằng cách hãy bắt đầu yêu mến người khác một cách nhưng không. Khi chúng ta cô đơn và bồn chồn, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta ra đi, để cho đi, để yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi phải làm gì cho những người cần tôi? Khi nhìn vào những người dân bản địa và nghĩ về lịch sử của họ và những nỗi đau mà họ đã phải chịu đựng, tôi phải làm gì cho những người dân bản địa? Tôi chỉ lắng nghe với sự tò mò, kinh hoàng bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay tôi làm điều gì đó cụ thể cho họ? Tôi có cầu nguyện, gặp gỡ, đọc, ủng hộ họ và để bản thân cảm động trước câu chuyện của họ không? Nhìn lại cuộc đời của chính mình, nếu tôi thấy mình đau khổ, tôi có lắng nghe Chúa Giêsu muốn đưa tôi vượt ra khỏi giới hạn của sự thiếu kiên nhẫn của tôi, Đấng mời gọi tôi làm lại từ đầu, tiến thêm một bước nữa, để yêu thương không? Đôi khi, cách tốt để giúp đỡ người khác không phải ngay lập tức cho họ những gì họ yêu cầu, mà là đồng hành với họ, mời gọi họ yêu thương và cho đi bản thân. Bằng cách này, thông qua những điều tốt mà họ có thể làm cho người khác, họ sẽ khám phá ra những dòng nước sống của chính họ, và kho báu độc đáo và quý giá mà họ thực sự có.

Anh chị em bản xứ thân mến, tôi đến đây với tư cách là một người hành hương cũng để nói với anh chị em rằng anh chị em quý giá như thế nào đối với tôi và đối với Giáo hội. Tôi muốn Giáo hội gắn bó với nhau giữa chúng ta, được dệt chặt chẽ như những sợi chỉ của những dải màu mà nhiều người trong anh chị em đeo. Cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến lên trong quá trình chữa lành, hướng tới một tương lai ngày càng khỏe mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đây cũng là mong ước của các ông, các bà và các ông, bà của chúng ta. Xin ông bà của Chúa Giêsu, Thánh Gioakim và Anna, phù hộ cho chúng ta trên hành trình của chúng ta.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Putin họa vô đơn chí: Ukraine phá cầu chặn đường rút, Nga hốt hoảng bắn lẫn nhau, phá hủy trực thăng
VietCatholic Media
17:09 27/07/2022


1. Bộ binh và Không Quân Nga bắn nhau dữ dội ở Kherson, một máy bay trực thăng bị bắn hạ, thương vong rất cao

Trong bản báo cáo chiều thứ Tư 27 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã xác nhận tin tức được đăng trên Daily Mail, Mirror và The Sun theo đó các binh sĩ Nga đã bắn hạ một chiếc trực thăng Ka-52 'Alligator', trị giá khoảng 12 triệu bảng Anh.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Lực lượng sai lầm của Putin đã bắn hạ máy bay trực thăng của chính họ sau khi những chiếc trực thăng này bắn nhầm vào quân đội của mình.”

Phát ngôn nhân nói đùa rằng đó là một 'cử chỉ thiện chí' từ các lực lượng xâm lược. Ông báo cáo rằng ba máy bay trực thăng của Nga đã bay qua khu vực bị chiếm đóng và bắt đầu bắn vào quân đội Nga đang rút lui hỗn loạn bên dưới.

“Họ bắn trả và hạ gục một trong những chiếc trực thăng, đây chỉ là đòn đáng xấu hổ mới nhất đối với người của Putin.”

Bộ binh Nga được tường trình là chịu tổn thất lớn về nhân mạng vì bất ngờ bị tấn công.

Mới tuần trước, quân Nga đã bắn hạ máy bay chiến đấu Su-34M trị giá 35 triệu bảng của mình ở Ukraine. Bộ binh Nga đã bắn chiếc máy bay ném bom rơi từ bầu trời xuống Alchevsk, ở Luhansk. Các phương tiện truyền thông của Mạc Tư Khoa đã rầm rộ đưa tin vì tưởng nhầm là máy bay của Ukraine.

Video về xác máy bay trên mặt đất xuất hiện vào ngày hôm sau và tiết lộ dòng chữ 'Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga' được viết bên hông máy bay.

2. Quân đội Ukraine tấn công cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnepr để cô lập quân Nga tại Kherson

Quân đội Ukraine đã tấn công cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnepr ở miền nam Ukraine. Kirill Stremousov, tên phản bội, đang đứng đầu chính quyền khu vực Kherson do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, đã cho biết như trên.

Ông ta cho biết tính đến chiều thứ Tư, cây cầu vẫn đứng vững nhưng mặt cầu đã bị thủng nhiều lỗ, khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại.

Cây cầu dài 0,9 dặm hay 1.4km bị thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc pháo kích của Ukraine vào tuần trước, khi nó bị trúng nhiều phát đạn. Nó đã bị đóng cửa cho xe tải và những xe có trọng tải nặng nhưng vẫn mở cửa cho các phương tiện chở khách cho đến khi có cuộc tấn công gần đây nhất.

Lực lượng Ukraine đã sử dụng nhiều bệ phóng hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp để bắn trúng cây cầu, Stremousov nói.

Hệ thống HIMARS có khả năng tấn công chính xác và đã bổ sung thêm lợi thế công nghệ hiện đại hơn cho các khí tài quân sự cũ của Ukraine.

HIMARS có tầm bắn xa hơn, độ chính xác hơn và tốc độ bắn nhanh hơn so với các bệ phóng hỏa tiễn đa năng Smerch, Uragan và Tornado do Liên Xô thiết kế được sử dụng bởi cả Nga và Ukraine.

Hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự của phương Tây đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực của Ukraine trong việc chống lại các cuộc tấn công của Nga, nhưng các quan chức ở Kyiv cho rằng con số này vẫn còn quá nhỏ để xoay chuyển cục diện cuộc chiến.

Việc ngăn chặn giao thông qua cầu, ít nhất là tạm thời, đã làm giảm nhẹ hoạt động quân sự tổng thể của Nga. Cuộc tấn công cho thấy lực lượng Nga đang dễ bị tổn thương. Đây là một chiến thắng đối với người Ukraine, đặc biệt khi tính đến mức độ suy sụp tinh thần của quân Nga trong thành Kherson.

Cầu Antonivskyi là cây cầu chính bắc qua sông Dnepr ở vùng Kherson. Lựa chọn khác duy nhất là một cây cầu qua một con đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka. Nơi đây cũng bị hỏa hoạn vào tuần trước nhưng vẫn còn mở cửa cho giao thông.

Chặn hết các cầu này sẽ khiến quân đội Nga khó tiếp tục cung cấp lực lượng trong khu vực trong bối cảnh Ukraine liên tục tấn công.

Đầu cuộc chiến, quân đội Nga nhanh chóng đánh chiếm khu vực Kherson nằm ngay phía bắc Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Họ đã phải đối mặt với các cuộc phản công của Ukraine.

Mục tiêu chính xác của cây cầu tương phản với việc Nga pháo kích bừa bãi vào các khu vực dân sự kể từ cuộc xâm lược cách đây 5 tháng.

Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, ở khu vực trung tâm phía đông Ukraine, hôm thứ Tư cho biết các lực lượng Nga đã tấn công hai khu vực bằng trọng pháo. Thống đốc Valentyn Reznichenko cho biết tại thị trấn Marhanets, một phụ nữ bị thương và một số tòa nhà chung cư, bệnh viện và trường học bị hư hại do pháo kích.

Ông nói: “Các cuộc pháo kích hỗn loạn không có mục tiêu nào khác ngoài việc gieo rắc nỗi kinh hoàng và sợ hãi cho dân thường.”

Các cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu ở Kherson xảy ra khi phần lớn lực lượng Nga đang mắc kẹt trong cuộc giao tranh ở trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine, là vùng Donbas, nơi họ đã không đạt được chiến thắng nào trong 10 ngày qua khi đối mặt với sự kháng cự dữ dội của Ukraine.

Theo thống đốc khu vực Pavlo Kyrylenko, các lực lượng Nga tiếp tục nã pháo vào khu vực phía đông Donetsk, nhắm vào các thị trấn và làng mạc.

“Quân đội Nga đang sử dụng chiến thuật thiêu đốt để tấn công các thành phố của Ukraine,” Kyrylenko nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Ông cho biết khu vực này không có khí đốt và điện, trong khi nguồn cung cấp nước cho một số khu vực cũng bị cắt.

Tại Bakhmut, một thành phố trọng yếu trên tuyến đầu của cuộc tấn công của Nga, vụ pháo kích đã làm hư hại một khách sạn và gây ra thương vong. Một hoạt động cứu cấp đang được tiến hành.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy tuyên bố rằng tổn thất quân sự của Nga đã lên tới gần 40.000 người, thêm vào đó hàng chục nghìn người khác bị thương.

3. Nga lại cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu, với đường ống Nord Stream 1 hoạt động ở 20% công suất tối đa

Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã áp đặt việc cắt giảm thêm dòng khí đốt đến Âu Châu qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất tối đa, nhà khai thác mạng Gascade của Đức cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

Hôm thứ Hai, công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho biết dòng chảy khí đốt sẽ giảm khi nó ngừng hoạt động một tuabin để sửa chữa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã phản ứng mạnh mẽ vào hôm thứ Hai, nói rằng “không có lý do kỹ thuật nào để giảm lượng giao hàng”.

Ông Robert Habeck tố cáo Putin đang cố ý biến năng lượng thành một thứ vũ khí. Khí đốt đã chảy ở mức 40% công suất sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Để tránh tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông, Đức hiện đang cố gắng lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình càng nhanh càng tốt. Theo cơ quan quản lý điện và khí đốt của Đức.

Hôm thứ Ba, các bộ trưởng năng lượng của Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý với mục tiêu tự nguyện là giảm sử dụng khí đốt 15% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 năm 2023 để chuẩn bị cho mùa đông.

Giá xăng đã tăng vọt hơn 20% kể từ đầu tuần này.

4. Hoa Kỳ chấp thuận điều trị các binh sĩ Ukraine bị thương tại bệnh viện quân đội Hoa Kỳ ở Đức

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã phê duyệt việc điều trị cho các binh sĩ Ukraine bị thương tại một bệnh viện quân sự của Mỹ ở Đức, theo một bản ghi nhớ do CNN thu được và được xác nhận bởi hai quan chức quốc phòng Mỹ.

Kế hoạch này sẽ cho phép quân đội Ukraine được điều trị tại một bệnh viện quân sự của Mỹ lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược nước này vào tháng Hai. Các thương binh Ukraine sẽ được điều trị tại Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl, là bệnh viện lớn ở Đức, nơi quân đội đã nhiều năm điều trị cho các quân nhân Hoa Kỳ bị thương trong chiến đấu.

Bộ trưởng Austin đã đưa ra hướng dẫn bằng lời nói vào cuối tháng 5 để bắt đầu điều trị cho các binh sĩ Ukraine bị thương. Vào ngày 29 tháng 6, Austin đã chính thức hóa hướng dẫn bằng lời nói trong một bản ghi nhớ có tựa đề “Hướng dẫn Điều trị Y tế cho các Thành viên quân đội Ukraine bị thương”.

Mặc dù kế hoạch đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng gần một tháng trước, Landstuhl vẫn chưa nhận các thành viên dịch vụ Ukraine để chăm sóc y tế.

Quan chức này cho biết mục đích của bản ghi nhớ là để loại bỏ bất kỳ thủ tục hành chính nào có thể làm chậm quá trình điều trị nếu phát sinh nhu cầu. Kế hoạch sẽ cho phép điều trị nếu không có cơ sở ở Ukraine hoặc ở một quốc gia gần hơn. Landstuhl cách biên giới Ukraine khoảng 700 dặm.

Nếu Landstuhl tiếp nhận binh lính Ukraine bị thương, các thành viên dịch vụ sẽ phải rời Ukraine bằng tàu hỏa hoặc xe hơi sang Ba Lan, nơi có thể di tản họ bằng đường hàng không đến Căn cứ Không quân Ramstein.

5. Ba Lan mua hàng trăm xe tăng, và trọng pháo của Hàn Quốc sau khi hào phóng gửi vũ khí cho Ukraine

Ba Lan đang mua gần 1.000 xe tăng, hơn 600 khẩu pháo và hàng chục máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc, một phần để thay thế các thiết bị viện trợ cho Ukraine nhằm giúp Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga, Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết như trên.

Thỏa thuận này đã được công bố chính thức tại Ba Lan vào hôm thứ Tư 27 tháng 7, cho biết Warsaw sẽ mua 980 xe tăng K2 của Hàn Quốc, 648 xe bọc thép tự hành K9 và 48 máy bay chiến đấu FA-50.

180 xe tăng K2 đầu tiên do Hyundai Rotem chế tạo và được trang bị pháo 120ly nạp đạn tự động, dự kiến sẽ xuất xưởng trong năm nay, 800 xe tăng còn lại sẽ được hoàn tất trước năm 2026.

48 trọng pháo K9 đầu tiên do Hanwha Defense sản xuất cũng dự kiến sẽ xuất xưởng trong năm nay, với lô thứ hai gồm 600 chiếc sẽ bắt đầu vào năm 2024. Từ năm 2025, những chiếc này sẽ được sản xuất tại Ba Lan.

Bộ Quốc Phòng Ba Lan cho biết những chiếc xe bọc thép này một phần sẽ thay thế cho những chiếc xe tăng từ thời Liên Xô mà Ba Lan đã viện trợ cho Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến chống Nga.

6. Tổng thống Zelenskiy: Sự dũng cảm của người Ukraine truyền cảm hứng cho tất cả các quốc gia tự do

Sự dũng cảm của người Ukraine là nguồn cảm hứng cho tất cả các quốc gia tự do, và chúng ta có thể tưởng tượng chiến thắng của Ukraine sẽ truyền cảm hứng như thế nào cho rất nhiều dân tộc trên thế giới.

Trong video gởi quốc dân đồng bào, Ông Zelenskiy nói:

Người Ukraine!

Những người không thể bị khuất phục của đất nước mạnh nhất!

Ngày nay, quân chiếm đóng lại tấn công vùng Odesa, bắn hỏa tiễn vào những ngôi nhà bình thường một lần nữa. Hỏa tiễn được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến và các mục tiêu quan trọng khác. Chính với vũ khí hạng nặng như vậy mà quân đội Nga đã tiêu diệt khu vực tư nhân bình thường gần bờ biển nơi mọi người đã sống hay đang có một kỳ nghỉ ở đó.

Và chúng tôi chắc chắn sẽ đánh trả điều này, bất kể Bộ Quốc phòng Nga nói dối điều gì về các cuộc tấn công như vậy. Sự khủng bố liên tục của Nga đối với Kharkiv và khu vực, Mykolaiv, các thị trấn và làng mạc của vùng Zaporizhzhia và vùng Dnipropetrovsk, Donbas, các khu vực biên giới của vùng Sumy và vùng Chernihiv - vì tất cả những điều này, quân xâm lược Nga sẽ bị trừng phạt.

Trong bốn tháng, nhà nước Nga đã không cung cấp cho người dân bất kỳ thông tin nào - thậm chí còn bị kiểm duyệt - về những thiệt hại của đội quân xâm lược. Hoàn toàn im lặng. Không có gì được công bố hoặc nói trong nhiều cuộc phỏng vấn và bài phát biểu ở cấp độ chính trị và quân sự. Tuy nhiên, con số này đã là gần 40.000 người - đó là số người thiệt mạng mà quân đội Nga đã mất kể từ ngày 24 tháng 2. Và hàng chục nghìn người khác bị thương và bị thương.

Và nếu nhà nước Nga không nói điều này một cách chính thức, ngay cả trong điều kiện tổng quát nhất, tất cả những ai vẫn có bất kỳ liên hệ nào ở Nga hoặc có ảnh hưởng thông tin đến xã hội của họ nên truyền đạt sự thật đơn giản này cho bất kỳ ai có thể. Trong số quân xâm lược Nga 40 nghìn người đã thiệt mạng.

Hôm nay chúng ta được biết rằng Anh đã mở rộng danh sách trừng phạt chống lại Nga. Hàng chục người và tổ chức khác đã được thêm vào. Đây là xu hướng đúng đắn và tôi biết ơn Anh vì sự kiên định vững chắc của nước này trong các vấn đề trừng phạt. Đây là một ví dụ mà mọi người khác trong thế giới phương Tây cần noi theo.

Đặc biệt, tin tức hôm nay về một đợt tăng giá khí đốt trên thị trường Âu Châu lên trên 2.000 USD trên 1.000 mét khối đã là lý do đủ để mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Bởi ai cũng thấy rõ đây là đòn khủng bố giá có chủ đích của Nga đối với Âu Châu. Sử dụng Gazprom, Mạc Tư Khoa đang làm mọi cách để biến mùa đông này trở nên khắc nghiệt nhất đối với các nước Âu Châu. Cần phải đáp trả khủng bố - đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt.

Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa Ukraine và Uruguay, tôi đã tổ chức các cuộc đàm phán với Ngài Tổng thống của quốc gia Mỹ Latinh này. Tôi cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và kêu gọi Uruguay, cũng như các quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latinh, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để không còn một khu vực nào trên thế giới mà sự thật về hành động xâm lược của Nga không được hiểu rõ. Chúng tôi đã có liên lạc với Chí Lợi, Paraguay, Costa Rica. Và bây giờ - Uruguay. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này.

Và một vài sự kiện quan trọng nữa đáng được nhắc đến. Hôm nay, lễ trao giải Lãnh đạo Winston Churchill đã được tổ chức tại London với sự tham dự của Thủ tướng Boris Johnson. Tôi tin rằng đây là giải thưởng dành cho tất cả các anh hùng của chúng ta, tất cả nhân dân của chúng ta, tất cả chúng ta, những người đang chống lại chế độ chuyên chế ở cấp độ riêng của họ. Và tôi thực sự rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này.

Hôm nay, tại Hà Lan - một quốc gia hiểu biết về chúng ta đã làm việc trong một thời gian dài - người dân Ukraine đã được vinh danh với một giải thưởng khác - Giải thưởng Độc lập đặc biệt của Hà Lan. Đại sứ của chúng tôi đã nhận nó thay mặt cho người dân Ukraine.

Những điều mang tính biểu tượng này cũng phản ánh những thay đổi căn bản trong thái độ đối với Ukraine đã diễn ra trên thế giới. Bản lĩnh của chúng ta thực sự là nguồn cảm hứng cho tất cả các quốc gia tự do và cộng đồng các nền dân chủ nói chung. Và hãy tưởng tượng chiến thắng của Ukraine sẽ truyền cảm hứng như thế nào.

Vào buổi tối, tôi đã ký một sắc lệnh trao thưởng cho các chiến binh của chúng ta. 198 chiến sĩ đã được trao tặng giải thưởng nhà nước của Ukraine. Hai trong số họ được truy tặng.

Kỷ niệm vĩnh cửu cho tất cả những người đã cống hiến cuộc sống của họ cho Ukraine!

Vinh quang muôn đời cho tất cả những người chiến đấu vì nền độc lập của đất nước chúng ta!

Niềm tự hào cho Ukraine!
 
Đền thờ lớn nhất Kitô Giáo trong 9 thế kỷ bị cướp mất, xây đền thờ mới, ngày khánh thành bị tấn công
VietCatholic Media
19:43 27/07/2022


1. Ngày than khóc đền thờ Hagia Sofia

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi lễ Hồi Giáo đầu tiên được cử hành tại Hagia Sofia vào hôm 24 tháng 7, 2020 sau khi đền thờ này, vốn là đền thờ Công Giáo Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Trong khi buổi lễ này diễn ra, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp cùng tham gia vào ngày than khóc Hagia Sofia. Từ đó trở đi, ngày 24 tháng 7 hàng năm được gọi là ngày than khóc Hagia Sofia và được cử hành ở nhiều quốc gia Kitô Giáo.

Cha Rytel-Andrianik, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết các Giám Mục nước này cũng hiệp cùng với Giáo Hội Chính Thống tham gia trong các hình thức tưởng nhớ ngôi đền thờ đã từng là đền thờ Kitô Giáo lớn nhất thế giới trong 9 thế kỷ bằng các hình thức cầu nguyện cho hòa bình thế giới, công lý và sự chung sống hòa bình với người Hồi Giáo.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cùng với các Giáo hội Chính thống tại Mỹ, cũng tham gia “Ngày thương khóc Hagia Sophia”.

Trong sứ điệp ngắn, được công bố hôm 21 tháng 7, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết sẽ hiệp với Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp tại Mỹ, vào ngày 24 tháng 7 để cầu nguyện cho việc tái lập Hagia Sophia thành nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha Joseph C. Bambera Giám Mục giáo phận Scranton, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn Đề Liên Tôn Và Đại Kết của USCCB, đã tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác trong việc bày tỏ sự bất mãn trước quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Các ngài nhận định rằng: Trong lịch sử 1, 500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul đã là một đền thờ Công Giáo trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo. Trong 84 năm qua, nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez có đoạn:

Hiệp cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Kể từ khi được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo vào năm 537, Hagia Sophia đã trở thành một trong những kho báu nghệ thuật và tâm linh vĩ đại trên thế giới. Trong nhiều năm qua, địa điểm đẹp và được ưu ái này đã là một bảo tàng nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể đến để trải nghiệm sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó cũng được coi là một dấu chỉ thiện chí và sự chung sống hòa bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo và là một biểu hiện cho khao khát của loài người muốn được hiệp nhất và yêu thương.

Thay mặt các giám mục anh em của chúng tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đảo ngược quyết định không cần thiết và đau đớn này và khôi phục Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.

Khi xảy ra biến cố đau lòng này, tổng thống Hy Lạp, bà Katerina Sakellaropoulou đã điện thoại cho Đức Thánh Cha để xin ngài tạo sức ép trên Thổ Nhĩ Kỳ về vụ đền thờ Hagia Sophia. Bà nói: “Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là điều “làm thương tổn trầm trọng cho những người coi biểu tượng cao cả này của Kitô giáo thuộc về nhân loại và gia sản văn hóa của thế giới”.

Bà tổng thống Hy Lạp nói rằng: “Việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ phải bị cộng đồng quốc tế lên án một cách minh bạch và rõ ràng” và bà xin Ðức Giáo hoàng Phanxicô giúp liên kết sự hỗ trợ của quốc tế để giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rút lại quyết định và tái lập quy chế của đền thờ Hagia Sophia như một đền đài được bảo vệ”.

Theo thông cáo của Phủ tổng thống Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận có những động lực chính trị trong quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quyết định mà bà tổng thống Sakellaropoulou gọi là “điều đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi những giá trị của một nhà nước đời và các nguyên tắc bao dung và đa nguyên.”

Trong cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha cũng cám ơn những cố gắng của Hy Lạp trong việc đón nhận những người di dân và tị nạn, và ngài hy vọng có những điều kiện, để ngài có thể nhận lời mời của Hy Lạp đến viếng thăm nước này vào năm 2021.

2. Quân khủng bố tại Syria pháo kích nhà thờ trong lễ khánh thành đền thờ Hagia Sofia của Syria

Quân khủng bố Hayat Tahrir al-Sham ở tỉnh Hama, miền trung Syria, đã pháo kích vào nhà thờ thánh Sofia của Chính thống giáo, trong lễ khánh thành nhà thờ, hôm Chúa nhật 24 tháng Bảy vừa qua, làm cho hai người chết và mười hai người khác bị thương.

Thánh đường mang tên Sofia, để thay thế cho Đền thờ Sofia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ bị chính phủ nước này biến thành Đền thờ Hồi giáo.

Hãng tin Asia News, truyền đi ngày 25 tháng Bảy vừa qua, cho biết thánh đường ở thành phố Suqaylabiyah bị pháo kích bằng một máy bay không người lái, trong khi diễn ra lễ khánh thành với sự hiện diện của chính quyền và các tín hữu. Thủ phạm vụ này là nhóm Tahrit al-Sham, từ mười một năm nay vẫn chống chính phủ của Tổng thống Al Assad. Đây là lực lượng thân với nhóm khủng bố Al-Qaeda, nhưng được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng này vẫn còn kiểm soát nhiều khu vực ở tỉnh Aleppo, Hama và Latalia. Trong những ngày qua, các máy bay chiến đấu của Nga, vốn ủng hộ Tổng thống Al Assad, đã tấn công nhóm này làm cho bảy người trong những vùng phiến quân kiểm soát.

Hồi tháng Ba năm 2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chiến với nhau tại vùng Idlib, và những khu vực phụ cận, nhưng hiệp định đình chiến này bị hai bên vi phạm. Trong tuần trước đây, một trong những đề tài được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giữa các vị tổng thống Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhóm tại Astana bên Kazakhstan về vấn đề hạ cường độ các cuộc xung đột tại Syria.

Trong tuần qua, Vladimir Putin đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh lớn đầu tiên của mình bên ngoài nước Nga kể từ khi xâm lược Ukraine với sự tán thành từ phía Iran về phản ứng của nước này với NATO, cuộc đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ về Syria, và những dấu hiệu tiến triển trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngũ cốc của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng khai thác những phiền nhiễu của Putin ở Ukraine, đã chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự mới vào miền bắc Syria trong nỗ lực xây dựng một vùng đệm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria 30 km về phía nam.

Ông tuyên bố vùng đệm sẽ che chắn cho Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công của người Kurd ở Syria do lực lượng dân quân YPG do Mỹ hậu thuẫn, cũng như cung cấp không gian cho khoảng 1 triệu người tị nạn Syria từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Sự trở lại của những người tị nạn sẽ giúp Erdoğan hiện đang mất sự ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội tái đắc cử vào năm tới.

Các quan sát viên lo rằng người Kurd và cả người Syria đang bị bán đứng vì những lợi ích chồng chéo của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

3. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Canada

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Canada, nhận định rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến nước này mang lại sự an ủi cho các thổ dân và dân chúng.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic 70 tuổi, người Slovenia, nguyên là Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, và từ tháng Sáu năm ngoái là Sứ thần Tòa Thánh tại Canada.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Tổng Giám Mục nói rằng Đức Thánh Cha biết có nhiều bất công các thổ dân bản xứ ở Canada đã phải chịu. Ngài cũng biết rằng mặc dù con đường hòa giải còn dài, nhưng Giáo hội muốn góp phần giải quyết.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic cho biết từ khi nhận nhiệm vụ ở Canada này, rất nhiều điều đã được nói về những mong đợi nơi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Qua nhiều cuộc gặp gỡ với đại diện thổ dân, ngài nhiều lần nghe nói rằng sự hiện diện và chứng tá của Đức Giáo Hoàng có thể là một khởi đầu mới trong tương quan giữa Giáo hội và các thổ dân tại Canada này. “Trong thực tế, Đức Giáo Hoàng là người duy nhất có thể giúp đỡ trong vấn đề này. Đây thực là một hành trình đặc biệt với một trách nhiệm lớn. Dĩ nhiên, sẽ có buổi cử hành đầy vui mừng trong mỗi buổi cầu nguyện do Đức Thánh Cha cử hành. Đàng khác, có một trách nhiệm lớn đối với dư luận quần chúng, dựa trên những phỏng đoán sai lầm... Dĩ nhiên có một bầu không khí khó khăn trong tương quan của các thổ dân đối với Giáo hội, kể cả kết quả do thái độ quá giản lược hóa của một số cơ quan truyền thông, nhưng đàng khác, đây là một trách nhiệm thực sự, đã được tích lũy qua dòng lịch sử. Có một niềm vui lớn vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Mặc dù những giới hạn về sức khỏe, nhưng ngài vẫn quyết định thực chuyến viếng thăm khó khăn này. Người ta cũng mong rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại an ủi cho những thổ dân đã chịu đau khổ... Giáo hội sẽ tiếp tục làm việc để thăng tiến các thổ dân và sẽ không tránh né trách nhiệm của mình, vốn là thành phần của một trách nhiệm chung của xã hội”.

Ngoài ra, Đức Sứ thần Tòa Thánh cho biết trong cuộc viếng thăm tại Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ luôn tiếp xúc với thảm trạng chiến tranh ở Ukraine, vì Canada có sự hiện diện đông đảo của những người Ukraine di cư sang nước này trong một thế kỷ vừa qua. “Đức Thánh Cha đến như một người cổ võ hoà bình hoàn vũ, chứ không phải chỉ nhắm tới sự hòa giải quốc gia mà thôi. Ngài rất quan tâm đến hòa bình thế giới, hòa bình đang bị đe dọa thê thảm hiện nay”.

BRK4L