Ngày 28-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức lúc 7g tối thứ Tư 28/7 giờ Việt Nam để cầu nguyện cho Sài Gòn
Giáo Hội Năm Châu
00:53 28/07/2021
 
Thứ Năm 29/7: Lễ Thánh Mátta – Suy niệm của Linh mục Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
00:55 28/07/2021

PHÚC ÂM: Mt 13, 47-53

“Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Ðến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa: “Có”. Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình”. Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

Ðó là lời Chúa.
 
Gần như tình cờ
Lm. Minh Anh
05:58 28/07/2021
GẦN NHƯ TÌNH CỜ
“Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng!”; “Nước Trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý!”.

Ngạn ngữ Ý có câu, “Vận mệnh được quyết định, không phải bởi tình cờ, nhưng bởi những lựa chọn. Khi trò chơi kết thúc, vua và quân tốt cùng quay trở lại trong một chiếc hộp!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một điều gì đó không phải ‘bởi tình cờ’, nhưng ‘bởi những lựa chọn’; bên cạnh đó, còn phải ‘tìm kiếm và tiếp tục khám phá’. Tin Mừng hôm nay, cùng một lúc, trình bày hai dụ ngôn rất ngắn và rất giống nhau; nhưng thật bất ngờ, dẫu giống nhau, hai dụ ngôn vẫn có những khác biệt nhỏ đáng cho chúng ta suy nghĩ! Có vẻ như “kho tàng” trong dụ ngôn đầu được phát hiện ‘gần như tình cờ’, người kia chỉ đơn giản là “tìm được” nó; điều này trái ngược với dụ ngôn sau, trong đó, thương nhân phải “đi tìm” mới có được “viên ngọc!”.

Chúng ta thường cho là ‘đương nhiên’, hoặc ‘gần như tình cờ’ khi gặp được ‘những kho tàng’ của Thiên Chúa mà không hề tìm kiếm nó! Dường như chúng ta thường có thái độ ‘vô tình’ như thế bất cứ lúc nào Thiên Chúa âm thầm can thiệp vào cuộc sống chúng ta, khi xem ra, chúng ta không phải “đi tìm” sự can thiệp của Ngài. Chẳng hạn, nếu ai đó chia sẻ niềm tin của họ hoặc một nguồn cảm hứng về Thiên Chúa cho tôi, tôi nhận được ‘gần như tình cờ’, thì đó thực sự vẫn là một hồng ân, và đôi khi là một kho tàng mà Thiên Chúa ban tặng. Vấn đề là nhiều khi chúng ta được ban cho những kho báu này, thì không phải lúc nào chúng ta cũng xem chúng như là những kho tàng!

Hãy tưởng tượng, nếu người kia tình cờ tìm thấy kho tàng trong ruộng, nhưng do thờ ơ, ông không buồn mở nó ra; nhìn thấy nó từ xa, một chút tò mò, nhưng ông không đủ nghị lực để khám phá nó, nhìn vào bên trong nó… Trong trường hợp này, người ấy sẽ không có lý do gì để đi bán tất cả những gì ông có mà mua thửa ruộng ấy! Một thông điệp rõ ràng mà dụ ngôn đầu tiên tiết lộ, là chúng ta phải chú ý đến vô số kho tàng ân sủng Thiên Chúa ban mỗi ngày; Thiên Chúa rất sung mãn trong việc ban ân sủng của Ngài cho chúng ta, đến nỗi chúng ta thực sự ‘gần như tình cờ’ vấp phải ân sủng của Ngài mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, chúng ta cần có một đôi mắt đức tin để nhận biết hành động của Thiên Chúa và một đôi tai nhạy bén để nghe được tiếng Ngài!

Một thông điệp khác qua hai dụ ngôn này là, một khi đã khám phá ra những ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta còn phải nuôi dưỡng niềm khao khát trong lòng đối với nó; khao khát này phải mạnh mẽ đến mức chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để có được chúng. Khám phá này được thực hiện qua việc cầu nguyện và kiếm tìm trong đức tin; sau đó, nó còn phải tuân theo lòng nhiệt thành và ý chí thúc đẩy bên trong, sao cho phù hợp với điều Chúa muốn. Không dừng lại đó, chúng ta còn phải tiếp tục làm giàu điều mình nhận được và chia sẻ cho người khác.

Kho tàng mà ‘gần như tình cờ’ chúng ta tìm được mỗi ngày không chỉ là các ân huệ hồn xác, ân sủng Thánh Thần, hoặc Lời Chúa, nhưng còn là một con người, đó là Đức Giêsu Kitô. Ngài là Tin Mừng, là Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà Cựu Ước gọi là Đấng Ngàn Trùng Chí Thánh, đúng như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài quả là Đấng Thánh!”, “Đấng mà không ai nhìn thấy Ngài lại có thể sống”, nhưng cũng là Đấng sẵn sàng tỏ mình cho những ai Ngài yêu thương. Bài đọc Xuất Hành hôm nay nói đến những cuộc gặp gỡ của Đấng Chí Thánh ấy với bạn thân Ngài là ông Môisen; Môisen, mỗi khi đàm đạo với Thiên Chúa, “mặt ông sáng láng rực rỡ” đến nỗi, trước dân chúng, “Ông phải lấy khăn che mặt lại”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu chính là Kho Tàng đích thực! Lịch sử Giáo Hội cho thấy, không chỉ là ngẫu nhiên và ‘gần như tình cờ’, đã có những con người gặp Ngài; nhưng thực sự, đã có những con người “đi tìm” Ngài và khám phá Ngài. Biết Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài cách cá vị, họ bị quyến rũ, bị lôi cuốn bởi quá nhiều điều tốt lành, quá nhiều chân lý, quá nhiều vẻ đẹp, và tất cả… với sự khiêm nhường và giản dị đến tuyệt vời từ nơi con người Ngài... Vì vậy, thế giới không ngạc nhiên chứng kiến ‘những chiếc bóng đổ’ theo Ngài. Đó là những con người đã thay đổi lối sống một cách hiệu quả; họ tiếp tục làm những gì đã làm trước đó, nhưng họ đã là một con người khác; họ được tái sinh; họ đã tìm thấy điều mang lại ý nghĩa, mang lại hương vị, mang lại ánh sáng cho vạn vật… Vì thế, họ thậm chí là vất vả, thậm chí là đau khổ, và thậm chí chết vì Ngài, Kho Tàng của các kho tàng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin mở mắt, mở tai con, để con có thể nghe thấy cùng khám phá tất cả những kho tàng Chúa thương ban tặng; xin đừng bao giờ để con coi hồng ân Chúa là những gì đương nhiên, và một điều gì đó chỉ là ‘gần như tình cờ’; hay tệ hơn, là do công lênh của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII – B
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:46 28/07/2021
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII – B

(Ga 6, 24 – 35)

Chúng ta đang chứng kiến cảnh con người trên thế giới giành giật sự sống trước cái chết do đại dịch Covid gây ra.

Cộng đoàn con cái Israel trước cái đói thể lý. Đói không có gì ăn thì sẽ chết. Họ sợ chết chết, nên họ kêu trách Môsê và Aaron : “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói?” (Xh 16, 2-4)

Dân chúng thời Chúa Giêsu, vì cái bụng, hay cụ thể hơn họ cũng sợ chết đói nên đi tìm bánh để ăn chứ không tìm Đấng Cứu Thế. Chính Chúa Giêsu nói : “Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).

Từ cái bụng rỗng không có gì, tức đói thể xác, Thiên Chúa đã cho “cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”, nhưng cũng để thử coi dân có tuân giữ lề luật của chúa hay không (x. Xh 16…..). Từ của ăn phần xác, Chúa Giêsu khơi dậy sự khao khát của ăn đích thực cho sự sống đời đời nơi lòng họ. Tìm kiếm bánh để ăn no nên thật cần thiết, nhưng vun trồng mối quan hệ với Chúa Giêsu, củng cố niềm tin vào Người, Ðấng là bánh sự sống, đã đến để giải cơn đói chân lý, cơn đói công bình, tình yêu còn quan trọng và cần hơn thế nữa. Để có được thì ngay hôm nay phải ra công làm việc, việc đó chính là : “Tin vào Chúa Giêsu là Đấng mà Chúa Cha sai đến” (Ga 6,29).

Con người đã, đang và sẽ làm mọi cách để có được sự sống đời đời bằng nỗ lực của chính mình. Nhưng dù y họ có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, hứa hẹn tăng tuổi thọ cho con người, thì những nỗ lực đó không mang lại sự sống đời đời. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta sự sống đời đời, vì Chúa là “Sự Sống”. Chúa hứa sẽ “tiêu diệt sự chết đến muôn đời” và ban sự sống vĩnh cửu cho những ai trung thành với Chúa. (x.​ Is 25, 8; 1 Ga 2,25). Tất cả những ai vâng lời Thiên Chúa đều có cơ hội sống đời đời, “nhưng bất cứ nơi dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành thì đều được Người vui lòng chiếu nhận” (x. Cv 10,34, 35). Câu hỏi : Làm sao để được sống đời đời là vấn nạn con người ở mọi nơi mọi thời đặt ra. Thánh Gioan cho ta câu trả lời : “Kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (x. 1Ga 2,17).

Đọc Tin Mừng Ga 6, 24-35, chúng ta thấy của ăn để sống đời tạm này cần phải kiếm tìm thế nào, thì của ăn cho sự sống đời đời càng phải ra công tìm kiếm hơn. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng : “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu” (Ga 6,26-27). Chính Chúa Giêsu là bánh sự sống thật (x. Ga 6, 35), Người đến xoa dịu không chỉ cơn đói thể xác nhưng cả cơn đói của linh hồn khi ban lương thực thiêng liêng có thể thỏa mãn cơn đói sâu thẳm nhất. Vì vậy Người mời gọi đám đông đừng tìm kiếm lương thực hư nát, nhưng hãy tìm thứ lương thực tồn tại cho sự sống vĩnh cửu (x. Ga 6, 27). Ðó là lương thực mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta mỗi ngày: Lời của Người, Mình Người, Máu Người.

Sự khao khát và tò mò nổi lên trong họ, khiến họ thưa rằng : “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”. (Ga 6,..).

Quả thật, tin vào Chúa Giêsu và làm theo ý Chúa là chìa khóa để có đượ sự sống đời đời. “Tin” vào Ðấng Chúa Cha sai đến; nghĩa là niềm tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thực hiện những việc làm của Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho mình tham dự vào mối tương quan tình yêu và tin tưởng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể thực hiện những việc tốt lành tỏa hương thơm của Tin mừng, vì thiện ích và nhu cầu của anh chị em.

Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu đã nói rõ : “Sự sống đời đời tức là : chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Sách Công vụ Tông đồ khẳng định : “Không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát” (Cv 4,​12).

Có phải chỉ cần tin Chúa Giêsu là chúng ta sẽ được cứu không?

Chúng ta phải tin Chúa Giêsu để được cứu, nhưng tin thôi thì chưa đủ (x. Cv 16,30, 31). Vì : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,​26). Nên tin phải đi đôi với thực và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa (x. Lc 6,46; 1 Ga 2.​17). Trước khi giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa đã ban truyền những lễ luật mà dân phải tuân giữ. Có tin thì mới tuân giữ, còn khi họ hồ nghi thì họ vi phạm thánh chỉ của Chúa. Có lúc Thiên Chúa “thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không”. Chúa Giêsu từng nói : “ Không phải người nào nói “Lạy Chúa” thì sẽ được cứu nhưng chỉ ai “làm theo ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mt 7,21).​ Trung thành với niềm tin cũng thật cần thiết như Chúa Giêsu nói: “Ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”.​ (Mt 24,13. Chúa Giêsu cứu những người trung thành bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc (x. Mt 20,28). Vì Người là “Đấng Cứu Độ thế gian” (1 Ga 4,14).

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 28/07/2021

5. Không nên nương tựa vào cây sậy bị gió thổi ngã.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 28/07/2021
12. ĐẾ GIÀY CỦA NGƯỜI KHÁC

Dương Ức của Tống triều đã từng chấp bút viết công văn, thường bị quan lớn chấp chánh chấm vạch sửa đổi, ông ta rất bất bình tức giận. Ông ta bèn cầm bài văn nháp để cao trên chỗ quan đã bôi, rồi lại lấy mực đậm bôi đen toàn bộ giống như hình cái đế giày, bên cạnh viết hàng chữ nhỏ: “Đế giày chức nghiệp vạn đại của nhà họ Dương.”

Có người kinh ngạc chất vấn thì ông ta trả lời:

- “Đây là vết chân của người khác.”

Chỉ trong chốc lát câu này truyền đi làm trò cười cho mọi người.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 12:

Làm quan chưa chắc là viết công văn hay, vì đó không phải là nghề của họ, mà là chuyên môn của người thư ký, sửa văn của họ cho hợp ý mình mà quên mất cách trình bày tờ công văn cho hợp với quy chế chung thì là trật lất, bởi vì văn là người, sửa văn của người khác là gián tiếp sửa lưng của họ, không ai chấp nhận điều này.

Văn là người, nên có nhiều người dùng văn chương của mình không những sửa lưng người khác, mà còn bôi nhọ danh dự của anh em; văn là người, nên có nhiều người mượn văn để chửi bới tha nhân, họ sẽ trả lẽ trước mặt Thiên Chúa vì lạm dụng ơn huệ tài năng mà Ngài ban cho để làm tổn hại đến đức ái.

Thường bôi xóa công văn của thư ký thì đừng mướn thư ký, tự mình làm thì tốt hơn và để không lỗi đức ái với họ, bởi vì con người ta ai cũng có tự ái, hơn nữa, viết thào công văn là chuyên môn của thư ký…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bánh Ban Sự Sống.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
21:43 28/07/2021
Chúa Nhật 18 Thường Niên. B

Gioan 6: 24-35

Bánh Ban Sự Sống.

Dân chúng thưởng thức thỏa thuê bánh và cá do Chúa tặng ban. Hôm nay họ lại đến với Chúa tìm của ăn nuôi xác. Chúa hiểu ý họ và Chúa đã dẫn họ đi tìm của ăn nuôi hồn. Chúa nhắc lại như xưa trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng họ bằng Manna và chim cút. Nay Chúa muốn ban cho họ của ăn hằng sống. Chúa Giêsu nói: Chính Ta là bánh sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói.

Chúa Giêsu từ từ mặc khải cho dân khao khát thần lương nuôi hồn hơn là cứ mải mê đi tìm của ăn vật chất hay hư nát. Phép lạ hóa bánh ra nhiều là dấu chỉ của ăn thiêng liêng mà Chúa cũng sẽ ban dồi dào. Chúa sẽ ban cho họ bánh trường sinh đó chính là Thịt và Máu của Chúa.

Khi Chúa nói về bánh ban sự sống là chính Thịt Máu Chúa, nhiều người chưa thể lãnh hội được ý nghĩa. Ngay cả một số môn đệ cũng không thể chấp nhận, một số muốn bỏ đi và phát biểu rằng lời này chói tai qúa! Ai nghe được. Không thể hiểu được nếu không có tình yêu.

Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể như thần lương vĩnh cửu. Bánh đưọc trao ban dưới hình bánh và rượu. Qua lời truyền phép bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Chúa đã dùng công thức rất đơn giản để biến đổi bản thể của bánh rượu. Đây là mầu nhiệm. Đây là món qùa vô giá Chúa đã để lại cho Giáo Hội. Gia sản của Giáo Hội chính là Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.

Chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa ngự trong Thánh Thể. Chúng ta tin Chúa ẩn thân nơi tấm bánh nhỏ. Mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng là mỗi lần chúng ta được dưỡng nuôi bằng bánh trường sinh. Những người không có niềm tin không thể hiểu được ý nghĩa của sự hiến tế và Bí Tích Thánh Thể. Đây chính là Bí Tích tình yêu. Thử hỏi có ai táo bạo đến nỗi lấy thịt máu mình nuôi dưỡng người khác.

Chúa Giêsu đã hiến tế mình trên thập giá làm của lễ và dùng cách thế tuyệt hảo nhất để ở lại với chúng ta qua Thánh Thể. Đây chính là nguồn yêu thương chan chứa của sự dâng hiến. Chúa hiến dâng chính mình làm của ăn dẫn chúng ta tới nguồn sống trường sinh. Chúa mời gọi chúng ta tham dự bàn tiệc Mình Máu Thánh. Chúa sẽ ban dư tràn.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của tổng giáo phận St. Andrews và Edinburg về vụ tấn công một linh mục ngay trong nhà thờ chính tòa Đức Bà
Đặng Tự Do
00:10 28/07/2021


Hôm thứ Ba 27 tháng 7, Tòa Tổng Giám Mục St. Andrews và Edinburg đã đưa ra tuyên bố sau về vụ vô cớ tấn công một linh mục đang cầu nguyện trong nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận. Toàn văn tuyên bố như sau:

Sáng hôm qua, tức là thứ Hai ngày 26 tháng 7, một linh mục đang ngồi cầu nguyện một mình trên một băng ghế trong nhà thờ Đức Bà ở Edinburgh đã bị một người đàn ông mang theo một chai thủy tinh tấn công vô cớ và đầy bạo lực.

Ngay trước khi vụ tấn công xảy ra, người đàn ông đã hỏi ngài có phải là một linh mục hay không. Khi vị linh mục trả lời rằng đúng như vậy, người đàn ông đã cố gắng dùng cái chai đập mạnh vào đầu ngài, ngài né được nhưng hung thủ tiếp tục rượt đuổi ngài đến phía sau nhà thờ.

Chiếc chai bị vỡ trên mặt đất và người đàn ông tiếp tục sử dụng nó làm vũ khí trong cuộc hành hung của mình. Vị linh mục đã cố gắng chống đỡ lại bằng một chiếc ghế trước khi kẻ tấn công chạy ra khỏi Nhà thờ. May mắn vị linh mục thoát nạn và không bị thương tích gì.

Bất kỳ ai có thông tin xin vui lòng gọi cho Cảnh sát Tô Cách Lan theo số 101, trích dẫn vụ việc mang số 0823 ngày Thứ Hai 26 tháng Bảy.
Source:Archdiocese Of Edinburg
 
Vụ tấn công linh mục Công Giáo đang cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa Edinburgh
Đặng Tự Do
00:11 28/07/2021


Một linh mục Công Giáo đã thoát nạn mà không bị thương vào hôm thứ Hai 26 tháng 7 sau khi ngài bị tấn công bởi một người đàn ông cầm chai thủy tinh trong khi ngài đang cầu nguyện tại một nhà thờ ở Tô Cách Lan.

Tổng giáo phận St. Andrews và Edinburgh vào ngày 27 tháng 7 cho biết “vụ tấn công bạo lực diễn ra vô cớ đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Edinburgh sau khi người đàn ông hỏi nạn nhân liệu ngài có phải là một linh mục hay không.

Tổng giáo phận, bao gồm thủ đô của Tô Cách Lan và các khu vực lân cận, kêu gọi bất kỳ ai có thông tin liên hệ với Cảnh sát Tô Cách Lan.

Theo truyền thông Tô Cách Lan, một nữ phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát quốc gia nói rằng các viên chức cảnh sát đã được gọi vào lúc 9:35 sáng ngày 26 tháng 7 sau khi báo cáo về một linh mục Công Giáo 35 tuổi bị hành hung.

“Cảnh sát đã đến hiện trường và nạn nhân không cần điều trị tại bệnh viện”, cô cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm cảnh sát đang điều tra.

Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Tô Cách Lan xác nhận vào đầu tháng này rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Tô Cách Lan “trong một thời gian rất ngắn” vào tháng 11.

Đức Giáo Hoàng có lẽ sẽ tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, gọi tắt là COP26, diễn ra tại Glasgow, thành phố lớn nhất của Tô Cách Lan, từ ngày 1 đến 12 tháng 11.

Người Công Giáo là một nhóm thiểu số ở Tô Cách Lan, chỉ chiếm 16% trong tổng dân số 5.5 triệu dân. Nhưng vào năm 2019, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội đồng Giám mục Tô Cách Lan cho biết rằng người Công Giáo thuờng xuyên bị tấn công và xúc phạm.

Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình cho biết trong năm 2018, đã có 4 vụ hành hung các linh mục ở Tô Cách Lan.

Báo cáo của chính phủ Tô Cách Lan có tựa đề “Tội ác vì hận thù tôn giáo trầm trọng hơn ở Tô Cách Lan trong hai năm 2017 và 2018” cho thấy Công Giáo là “tôn giáo thường xuyên bị tấn công, với 319 vụ trong giai đoạn 2017-18” trong tổng số 642 vụ tấn công vì hận thù tôn giáo.

Một báo cáo khác “Tội ác vì căm thù đức tin ở Tô Cách Lan trong hai năm 2019, 2020”, cho biết có 660 vụ cao hơn 24% so với hai năm 2018 và 2019.

Các vụ tấn công thường nhắm vào các linh mục Công Giáo, đốt phá các nhà thờ Công Giáo, phá hủy các bức ảnh của Đức Trinh Nữ Maria, phá hoại một trung tâm tư vấn mang thai và đánh cắp các bánh Thánh Thể được thánh hiến từ các nhà tạm.
Source:Catholic News Agency
 
Diễn biến mới nhất Hồng Y Becciu phủ nhận mọi tội danh
Đặng Tự Do
00:12 28/07/2021


Hồng Y Angelo Becciu đã có mặt hôm thứ Ba trong ngày đầu tiên của một phiên tòa về các tội phạm liên quan đến tài chính để bào chữa cho mình về các tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ.

Hồng Y Becciu là một trong 10 bị cáo trong phiên tòa xét xử tội phạm tài chính lớn nhất của Vatican trong lịch sử cận đại. Đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y phải ra trước tòa án Vatican sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi quy định vào tháng Tư để cho phép các thẩm phán giáo dân xét xử các Hồng Y và Giám Mục.

Trong một tuyên bố thông qua luật sư của mình ngày 27 tháng 7, vị Hồng Y nói rằng ngài “bình tĩnh” và chờ đợi phiên tòa tiếp tục để chứng minh sự vô tội của mình đối với tất cả các cáo buộc chống lại ngài.

Tuyên bố từ luật sư Fabio Viglione cho biết: “Đức Hồng Y Becciu, sau phiên điều trần hôm nay, lặp lại niềm tin của mình đối với Tòa án, đối với sự xét xử khách quan về các sự kiện chỉ mới được giả thuyết bởi Chưởng Lý, mà chưa có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với luật sư bào chữa cũng như với quan điểm giả định vô tội”.

Đức Ông Mauro Carlino, người từng làm việc trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và bị buộc tội tống tiền và lạm dụng chức vụ, cũng có mặt trong phiên điều trần kéo dài bảy tiếng đồng hồ hôm thứ Ba 27 tháng 7. Tám bị cáo còn lại vắng mặt nhưng có luật sư đại diện.

Phiên điều trần diễn ra trong một phòng đa năng của Viện bảo tàng Vatican gần đây đã được điều chỉnh lại để tòa án có thể sử dụng. Buổi điều trần tiếp theo được tòa lên lịch vào ngày 5 tháng 10 sau khi một số luật sư bào chữa yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị.

Khoảng 30 luật sư đã tham dự phiên điều trần, một số luật sư đã đưa ra các thỉnh cầu và các khiếu nại về quy trình xét xử.

Trong phiên tòa này, lần đầu tiên Tòa án Vatican thành lập một hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán gồm chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone, và hai giáo sư luật người Ý: Venerando Marano và Carlo Bonzano.

Theo một thẩm phán của Tòa án Vatican, việc doanh nhân người Ý Gianluigi Torzi vắng mặt tại phòng xử án ngày 27 tháng 7 là hợp lý do ông này đang bị áp dụng các biện pháp phòng ngừa ở Anh trong khi chờ dẫn độ về Ý theo yêu cầu của nhà chức trách Ý.

Trung tâm của vụ án đang được xét xử là việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà ở số 60 Đại lộ Sloane ở London. Tòa nhà được mua trong các giai đoạn giữa năm 2014 và 2018 từ doanh nhân người Ý Raffaele Mincione, là người vào thời điểm đó đang quản lý hàng trăm triệu euro tiền quỹ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Các công tố viên của Vatican khẳng định rằng thỏa thuận này có vấn đề và được thiết kế để lừa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hàng triệu euro.

Hồng Y Becciu đã từ chức Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và từ bỏ các quyền được mở rộng cho các thành viên của Hồng Y Đoàn vào ngày 24 tháng 9 năm 2020.

Vị Hồng Y này trước đây đã từng là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cơ quan đầy quyền lực tại Giáo triều Rôma, giờ đây là trung tâm của cuộc điều tra về tình trạng bất minh tài chính.

Đức Ông Alberto Perlasca, cựu phó chánh văn phòng của Becciu, cũng bị điều tra như một phần của vụ bê bối tài sản ở London, nhưng không nằm trong số các bị cáo trong phiên tòa mùa hè này.

Các công tố viên Vatican xác định rằng lời khai của Đức Ông Perlasca, được cung cấp trong một số cuộc phỏng vấn, là quan trọng để tái tạo lại “một số khoảnh khắc trung tâm” trong vụ việc này.

Nhưng tại phiên điều trần hôm thứ Ba, một luật sư bào chữa cho rằng lời khai của Perlasca từ năm cuộc phỏng vấn là “không thể chấp nhận được” vì các cuộc phỏng vấn ấy diễn ra mà không mặt của luật sư.

Một công tố viên của Vatican lập luận rằng những lời khai này là hoàn toàn hợp pháp vì chúng được quay video và Đức Ông Alberto Perlasca “tự nguyện” khai báo.

Hồng Y Becciu cho biết trong một tuyên bố rằng ngài sẽ kiện Đức Ông Alberto Perlasca và Francesca Immacolata Chaouqui, một người khác đã bị các điều tra viên thẩm vấn, “vì tội vu khống khi đưa ra những lời khai rất nghiêm trọng và hoàn toàn sai sự thật trong quá trình điều tra của Chưởng Lý Vatican”.

Vị Hồng Y nói với các nhà báo trong phòng xử án vào cuối phiên điều trần rằng ngài “vâng lời Đức Giáo Hoàng đã đưa tôi ra xét xử, tôi luôn vâng lời Đức Giáo Hoàng, ngài đã giao cho tôi nhiều sứ mệnh trong đời, ngài muốn tôi đến phiên tòa và tôi đang đến phiên tòa. Tôi bình tĩnh, tôi cảm thấy bình tĩnh trong lương tâm, tôi tin tưởng rằng các thẩm phán sẽ có thể nhìn thấy rõ sự việc và hy vọng lớn của tôi là chắc chắn rằng họ sẽ công nhận sự vô tội của tôi”.

Các bị cáo khác trong phiên tòa tài chính bao gồm một số nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Fabrizio Tirabassi, người giám sát các khoản đầu tư, sẽ bị xét xử với các tội danh tham nhũng, tống tiền, biển thủ, gian lận và lạm dụng chức vụ.

Mincione đã bị buộc tội tham ô, gian lận, lạm dụng chức vụ, biển thủ và tự rửa tiền.

Torzi, người được đưa vào để môi giới các cuộc đàm phán cuối cùng về việc Vatican mua tài sản ở London vào năm 2018, đã bị buộc tội tống tiền, biển thủ, lừa đảo, chiếm đoạt, rửa tiền và tự rửa tiền.

Cộng sự của anh ta, luật sư Nicola Squillace, phải đối mặt với tội danh tương tự trừ ra tội tống tiền.

Enrico Crasso, người quản lý các khoản đầu tư cho Vatican trong hơn 25 năm, đã bị điều tra vì nghi ngờ ông ta đang làm việc cùng với Mincione và Tirabassi để lừa gạt Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Crasso, người quản lý Quỹ toàn cầu Centurion mà Tòa thánh là nhà đầu tư chính, phải đối mặt với nhiều tội danh nhất: tham nhũng, biển thủ, tống tiền, rửa tiền, tự rửa tiền, gian lận, lạm dụng chức vụ, làm giả công chứng thư và làm sai lệch một tài liệu cá nhân.

Tòa thánh Vatican cũng đã buộc tội ba tập đoàn do Crasso sở hữu về tội gian lận.

Cecilia Marogna, một người tự xưng là nhà tư vấn an ninh, bị cáo buộc tham ô sau cuộc điều tra của Vatican về các báo cáo rằng cô ta đã nhận hàng trăm nghìn euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến Becciu, và cô đã chi tiền cho hàng hóa xa xỉ và các kỳ nghỉ hè.

Marogna thừa nhận đã nhận số tiền này nhưng khẳng định rằng số tiền này được chuyển cho công việc tư vấn an ninh ở Vatican và là tiền lương của cô.

Công ty có trụ sở tại Slovenia của Marogna, Logsic Humanitarne Dejavnosti, gọi tắt là DOO, cũng đang bị đưa ra xét xử với cáo buộc tham ô.

Hai bị cáo cuối cùng là René Brülhart và Tommaso Di Ruzza, những người trước đây lãnh đạo cơ quan giám sát tài chính nội bộ của Vatican.

Di Ruzza bị buộc tội tham ô, lạm dụng chức vụ và vi phạm bí mật.

Brülhart đang bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ. Cả hai người đều phủ nhận có các hành vi sai trái.
Source:Catholic News Agency
 
Bộ trưởng Tư pháp Mississippi yêu cầu Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết Roe chống Wade
Đặng Tự Do
05:36 28/07/2021


Hôm thứ Năm 22 tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Mississippi, Lynn Fitch đã yêu cầu Tòa án Tối cao lật lại hai phán quyết mang tính bước ngoặt của họ về việc phá thai, cho rằng những quyết định đó “có ý nghĩa ràng buộc với quan điểm về sự thật đã lỗi thời hàng thập kỷ”.

Tòa án cấp cao gần đây đã đồng ý xét xử vụ kiện của Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, liên quan đến lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết các ca phá thai tự chọn sau 15 tuần. Các nhà hoạt động của cả hai bên trong cuộc tranh luận về việc phá thai đã cho rằng vụ việc có thể khiến tòa án xem xét lại phán quyết năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade theo đó việc phá thai được hợp pháp hóa trên toàn quốc, cũng như quyết định năm 1992 trong vụ Planned Parenthood kiện Casey được xây dựng dựa trên phán quyết Roe kiện Wade.

Tòa án cấp cao dự kiến sẽ xét xử vụ Dobbs vào mùa thu. Trong một thỉnh cầu được gửi lên Tòa án Tối cao hôm thứ Năm, Bộ trưởng Fitch nói rằng phán quyết Roe và Casey tạo ra nhiều câu hỏi hơn là các câu trả lời, và vấn đề phá thai nên được trả lại cho các nhà lập pháp hơn là cho tòa án.

Bộ trưởng Fitch nói rằng thay vì giải quyết tranh luận về vấn đề phá thai, các quyết định trong hai vụ Roe và Casey đã thiết lập “một chế độ quy tắc đặc biệt về luật pháp đối với vấn đề phá thai, phương hại đến các nguyên tắc trung lập lẽ ra phải có của pháp đình”.

Bộ trưởng Fitch nhấn mạnh rằng: “Kết quả là, các cơ quan lập pháp tiểu bang và những người mà họ đại diện, đã trở nên mơ hồ khi thông qua các luật lệ bảo vệ lợi ích công cộng hợp pháp, và các văn bản hướng dẫn giả tạo đã gây ra các cuộc tranh luận quan trọng của công chúng về cách chúng ta, với tư cách là một xã hội, quan tâm đến phẩm giá của phụ nữ và con em của họ”.

“Đã đến lúc Tòa án nơi từng đặt ra quyền này phải trả lại cuộc tranh luận chính trị này cho các nhánh chính trị khác của chính phủ”, cô viết.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Nichols cấp năng quyền cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống cho các linh mục hội đủ các điều kiện
Đặng Tự Do
05:37 28/07/2021


Một vị Hồng Y người Anh nói rằng ngài có ý định cấp năng quyền cho các linh mục muốn cử hành các Thánh lễ Latinh Truyền thống miễn là các ngài đáp ứng các điều kiện theo quy định của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong một email gửi các linh mục của giáo phận Westminster, được công bố vào ngày 22 tháng 7, Đức Hồng Y Vincent Nichols cho biết nhiều linh mục đã yêu cầu được tiếp tục cử hành các thánh lễ theo Sách lễ năm 1962.

“Ý định của tôi là cấp phép cho những yêu cầu này, miễn là rõ ràng rằng các điều kiện của Tự Sắc được đáp ứng và các ý định của Đức Thánh Cha được hoàn toàn chấp nhận”, ngài nói.

Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, là ngày được công bố, nói rằng một giám mục có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc cho phép thánh lễ truyền thống Latinh trong giáo phận của ngài.

Văn kiện đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 trong đó Đức Bênêđíctô XVI thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962 mà không cần xin phép giám mục của các ngài.

Trong email, Đức Hồng Y Nichols nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “ba mối quan tâm sâu sắc” khi ngài ban hành Tự Sắc mới. Đó là các nhượng bộ đã bị “lợi dụng”, các quy định của Sách lễ mới không được tuân theo; và có mối liên hệ giữa việc sử dụng Sách Lễ năm 1962 và việc từ chối Giáo hội và các định chế của Giáo Hội nhân danh “Giáo hội chân chính”.

“Theo nhận định của tôi, những mối quan tâm này không xảy ra trong đời sống phụng vụ chung của giáo phận này. Tuy nhiên, chúng là những lời cảnh báo mà chúng ta nên đề phòng”. Đức Hồng Y đã đệ đơn từ chức tổng giám mục Westminster lên Đức Giáo Hoàng khi ngài tròn 75 tuổi vào tháng 11.
Source:Catholic News Agency
 
Chế độ Aleksandr Lukashenko đang gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo phải ủng hộ nó
Đặng Tự Do
05:37 28/07/2021


Trong bối cảnh cuộc đàn áp xã hội dân sự tiếp tục diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận vào tháng 8 năm 2020, chế độ Aleksandr Lukashenko đang gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo phải ủng hộ nó. Đồng thời, chế độ đã tìm cách thay đổi những lời cầu nguyện cho tương lai của Belarus - mà nhiều cộng đồng đã đưa ra sau cuộc bầu cử để ủng hộ dân chủ thành những lời cầu nguyện ủng hộ chế độ. Chế độ cũng đã tìm cách cấm các buổi cầu nguyện cho các tù nhân chính trị.

Cảnh sát mật KGB, vẫn giữ nguyên tên từ thời Liên Sô, luôn giám sát chặt chẽ các đối thủ chính trị hoặc những ai có khả năng trở thành đối thủ. Trong số các mục tiêu của họ có các giáo sĩ và các thành viên tích cực của một loạt các cộng đồng tôn giáo.

Kể từ tháng 8 năm 2020, Giáo Hội Chính thống Belarus - cộng đồng tôn giáo lớn nhất ở Belarus - đã cách chức các giám mục cấp cao và các giáo sĩ cấp dưới được coi là không trung thành với chế độ. Một trong những giáo sĩ bị Giáo Hội Chính thống cách chức, có Tổng giám mục Artemy của Grodno, bị cách chức vào tháng 6 năm 2021. “Việc cách chức này xảy ra theo lệnh của nhà nước”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đài Âu Châu Tự do, đồng thời nói thêm rằng “họ cho rằng cần phải giải quyết dứt điểm tôi”. Ngài nhận xét rằng chế độ đã tiến hành một cuộc “tổng thanh trừng” kể từ cuộc bầu cử tháng 8 năm 2020.

Chế độ đã nhiều lần chỉ trích và cảnh cáo Giáo Hội Công Giáo, cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai. Từ cuối tháng 8, 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp nhất của đất nước đã bị ngăn cản không cho về nước. Sau các dàn xếp, ngày 22 tháng 12, ngài được cho về nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ngày 3 tháng Giêng, ngài được cho về hưu. Chế độ cũng đã trừng phạt các linh mục đã ủng hộ các cuộc biểu tình, gần đây nhất là vụ lùng bắt Cha Vyacheslav Barok vì phản đối gian lận bầu cử và các hành vi bạo lực của chế độ. Rất may, đầu tháng 7 năm 2021, ngài kịp thời trốn sang nước láng giềng Ba Lan.

Hôm 6 tháng 7, nhà độc tài Aleksandr Lukashenko, tổng thống bất hợp pháp của Belarus đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi các nhà thờ Công Giáo tại Belarus hát bài thánh ca có nhan đề “Magutnyj Boža” /ma-gút-ni-dép bố-già/, nghĩa là “Chúa toàn năng yêu mến quê hương chúng ta”. Bài thánh ca đã được hát tại tất cả các nhà thờ Công Giáo vào ngày 3 tháng 7, ngày lễ độc lập của Belarus.

Bài thánh ca chứa đựng một lời cầu nguyện xin Chúa ban sự thịnh vượng cho Belarus. Nó được sáng tác vào năm 1943 bởi nhà thơ Công Giáo Natalia Arsenieva. Năm 1947, Belarus đang rơi vào tay Liên sô, nhà soạn nhạc Nikolai Ravensky đã phổ thơ của Natalia thành nhạc. Bài hát đã trở nên rất phổ biến. Belarus có thời bị Đức Quốc xã chiếm đóng, nhưng đó là khoảng thời gian trước đó. Hitler đã bại trận từ năm 1945, hơn hai năm sau bài thánh ca ấy mới ra đời. Mặc dù vậy, do không ưa bài thánh ca này, tên độc tài Lukašenko đã táo tợn gọi nó là ‘bài thánh ca của phát xít’.

Lời bài hát này như sau: “Lạy Chúa toàn năng! Chúa tể của vũ trụ / của những mặt trời vĩ đại và những trái tim nhỏ bé! / Trên đất nước Belarus, hòa bình và thân thiện / Chúa đã lan tỏa những tia sáng vinh quang của Người. / Xin ban cho chúng con sức mạnh trong công việc hàng ngày giữa những khó khăn vất vả / ban cho chúng con lương thực hàng ngày, và ban cho quê hương chúng con, / sự tôn trọng và sức mạnh cùng với sự vĩ đại của đức tin, / vào sự thật của chúng con, vào tương lai của chúng con! / Xin hãy mang lại màu mỡ cho những cánh đồng lúa mạch, / chúng đã được đập bằng tay của chúng con! / Xin ban sức mạnh và hạnh phúc / cho đất nước và nhân dân chúng con!”

Dưới tiêu đề Magutnyj Boža, thành phố Mogilev đã tổ chức lễ hội âm nhạc tôn giáo từ năm 1993. Bây giờ là năm thứ 23, lễ hội diễn ra vào ngày lễ độc lập quốc gia vào đầu tháng 7, với sự kiện cuối cùng được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Tuy nhiên, Lukašenko, coi đây là một sự khiêu khích: “Bạn thấy đấy, họ muốn phá hủy ký ức lịch sử của chúng ta, phục hồi ông bà cố của họ và hoàn thành những gì họ đã bắt đầu. Họ muốn phá hủy quốc gia có chủ quyền của chúng ta, vẫy các cờ xí của bọn lính đánh thuê và ca ngợi bài hát của những người Công Giáo Đức Quốc xã, nhưng chúng tôi sẽ bắt họ phải trả giá”.

“Các cờ xí của bọn lính đánh thuê” thực ra là những lá cờ trắng - đỏ - trắng, biểu tượng của đất nước trước khi Liên Sô chiếm đóng. Đó chính là lá cờ mà Lukashenko đã tuyên thệ khi lên nắm quyền vào năm 1994.
Source:Forum 18
 
Những tấm lòng kim cương có ‘tác động to lớn’ đối với các học sinh Công Giáo Tây Pennsylvania
Đặng Tự Do
16:27 28/07/2021


Một nhà tài trợ ẩn danh cùng các đối tác của ông sẽ tài trợ dài hạn 20 triệu đô la cho chương trình hỗ trợ học phí cho các trường Công Giáo của Giáo phận Greensburg. Chương trình này được thiết lập để hỗ trợ hàng trăm học sinh ở tây nam Pennsylvania trong ít nhất là 5 năm tới.

“Đây là những nỗ lực truyền giáo thực sự. Những khoản tiền này giúp bảo đảm rằng nhiều học sinh sẽ được theo học trong các trường Công Giáo và hiểu biết về đức tin tốt hơn”, Tiến sĩ Maureen Marsteller, Giám đốc các Trường Công Giáo trong giáo phận, cho biết hôm 21 tháng Bảy.

Vào năm 2020, Hiệp hội Đối tác Cơ hội Học phí của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao gần 2.5 triệu đô la hỗ trợ học phí để hỗ trợ cho hơn 800 học sinh. Các nguồn này cũng bù đắp học phí cho 250 học sinh mới gia nhập hệ thống trường Công Giáo. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ nhập học của các trường Công Giáo tăng lên hơn 13%.

“Đây là cơ hội lớn cho các trường học Công Giáo của chúng ta, được thực hiện bởi các cá nhân có đầu óc cộng đồng sâu sắc, những người hiểu được tác động của giáo dục Công Giáo trong cuộc sống của một người”, Đức Cha Larry Kulick của giáo phận Greensburg nói. “Chúng tôi biết ơn dấn thân này của họ đối với các trường học và các gia đình trong giáo phận thông qua các mối quan hệ hợp tác này”.

Các khoản tiền này lần đầu tiên được công bố vào tháng Bảy năm 2020 với 2.5 triệu đô la từ một nhà tài trợ ẩn danh mà giáo phận cho biết là “cam kết củng cố nền giáo dục Công Giáo ở miền tây Pennsylvania”.

Nhà tài trợ ẩn danh có tấm lòng kim cương này đã gia hạn khoản đóng góp 2.5 triệu đô la mỗi năm trong suốt 5 năm tới. Đồng thời, các đối tác làm ăn chung với nhà tài trợ quảng đại này cũng xin được tham gia. Thành ra, trong 5 năm tới, giáo phận nhận được 20 triệu đô la.

“Đây thực sự là một ngày tuyệt vời đối với chúng tôi tại Giáo phận Greensburg với thông báo lịch sử và hoành tráng này”, Đức Cha Kulick nói trong cuộc họp báo tại Học viện Aquinas ở Greensburg. Ngài nói, chương trình này là một “cơ hội tuyệt vời” nhằm bảo đảm rằng mọi học sinh muốn có một nền giáo dục Công Giáo đều sẽ nhận được điều đó.
Source:Catholic News Agency
 
Vatican kết thúc cuộc điều tra một giám mục Công Giáo Ba Lan. Đức Cha được minh oan
Đặng Tự Do
16:28 28/07/2021


Vatican đã kết luận rằng các cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một giám mục Công Giáo Ba Lan là “không thể chứng minh được”.

Trong một tuyên bố ngày 23 tháng 7, sứ thần Tòa thánh ở thủ đô Warsaw của Ba Lan cho biết Đức Cha Jan Szkodoń đã là đối tượng của một cuộc điều tra giáo luật sau khi ngài bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Tuyên bố cho biết: “Sau khi phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng thu thập được và sau khi nghe các nhân chứng trình bày, các cáo buộc chống lại Đức Cha Jan Szkodon là non constat, nghĩa là không chứng minh được”.

“Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người ta phát hiện ra rằng Đức Cha Jan Szkodoń đã hành động thiếu cẩn trọng đối với trẻ vị thành niên, khi tiếp đón một cô bé trong Tòa Giám Mục mà không có sự hiện diện của cha mẹ cô ta, là những người đã biết vị giám mục trong nhiều năm”.

Đức Cha Szkodoń, 74 tuổi, một Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Kraków, được lệnh thực hiện một cuộc tĩnh tâm khép kín ba tháng, “dành riêng cho việc suy tư và cầu nguyện”.

Sứ thần Tòa thánh nói rằng Đức Cha Szkodoń đã đáp ứng yêu cầu này vì ngài đã sống ẩn dật kể từ tháng 2 năm 2020 - khi những cáo buộc chống lại Đức Cha được một tạp chí Ba Lan đăng tải.

Kể từ tháng 11 năm 2020, Vatican đã kỷ luật một loạt giám mục Ba Lan chủ yếu đã nghỉ hưu sau các cuộc điều tra về các cáo buộc cho rằng các ngài đã không trừng phạt thẳng tay các linh mục lạm dụng tính dục vì e ngại làm mất danh tiếng của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, bí thư của Thánh Gioan Phaolô II, đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Vatican về những cáo buộc rằng ngài đã không quan tâm giải quyết các vụ lạm dụng trong thời gian làm tổng giám mục Kraków từ năm 2005 đến năm 2016.

Truyền thông Ý và Ba Lan hôm 23/7 đưa tin cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về sự sơ suất, nhưng kết luận của cuộc điều tra vẫn chưa được công khai.
Source:Catholic News Agency
 
Độc tài Nicolás Maduro chỉ trích Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Đặng Tự Do
16:28 28/07/2021


Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “ đầy hận thù” và “ hoài nghi”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.

Đức Hồng Y Parolin là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Bức thư ngày 23 tháng 6 của Đức Hồng Y được gửi tới Ricardo Cusanno Maduro, chủ tịch Fedecámaras, hay Liên đoàn Thương mại Venezuela. Bức thư được công bố trong cuộc họp thường niên lần thứ 77 của tổ chức này, và đề cập đến “các vấn đề về tương lai của nền kinh tế đất nước và mối quan hệ của Venezuela với hòa bình trong khu vực”.

Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của Caracas, là người mà Maduro gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.

Đối với Maduro, lá thư này của Vatican là “một hợp tuyển của hận thù, độc dược, cãi vã, giễu cợt, thật nực cười; một bức thư thực sự đầy hận thù.”

Maduro đặt câu hỏi: “Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thì liên quan gì đến cuộc tụ họp của một tổ chức kinh doanh ở Venezuela? Tôi hỏi, ông ta làm gì với điều đó? Giải thích điều đó đi, Pietro Parolini”

Trong bức thư gửi tới hội đồng Fedecámaras, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài nhận thức được cam kết của tổ chức này “đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, và những nỗ lực họ đang thực hiện để thúc đẩy một Venezuela công bằng, dân chủ, hiệu quả hơn, trong đó công lý xã hội thực sự ngự trị”.

Bức thư viết tiếp: “Giống như các bạn, tôi cho rằng điều quan trọng là xã hội dân sự cũng là nhân vật chính của các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở đất nước thân yêu này, một giải pháp sẽ chỉ thoả đáng nếu người dân Venezuela, và đặc biệt là những người có trách nhiệm chính trị sẵn lòng ngồi xuống và đàm phán, một cách nghiêm túc, về các vấn đề cụ thể đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân Venezuela, và phải diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định”

Đối với Đức Hồng Y Parolin “điều này đòi hỏi ý chí chính trị từ phía những người có liên quan, sẵn sàng để lợi ích chung chiếm ưu thế hơn lợi ích cá nhân, và sự hỗ trợ có trách nhiệm của xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế”.

“Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn ủng hộ tất cả các sáng kiến thúc đẩy sự hiểu biết và hòa giải giữa những người Venezuela”, Đức Hồng Y Parolin viết.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tâm tình tri ân về Cha Cố Đaminh Nguyễn Đình Cẩm.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:53 28/07/2021
Tâm tình tri ân về Cha Cố Đaminh Nguyễn Đình Cẩm.

Cha Quản lý Giáo phận Phan thiết cho biết tin: Cha Cố Đaminh Cẩm Nguyễn Đình Cẩm đã được Chúa gọi về lúc 2g20 phút sáng ngày 28.7.2021, tại Nhà hưu dưỡng toà Giám mục Phan thiết. Cha ra đi trong những ngày đại dịch bùng phát. Toà Gám Mục Phan Thiết thông báo: “Vì tình hình dịch bệnh Covid-19 và giản cách xã hội nên Thánh lễ An táng sẽ được cử hành cách đơn giản lúc 6g00 ngày 29/7/2021, tại Nhà Hưu dưỡng Linh mục và quý Cha trong Giáo phận chỉ dâng lễ cầu nguyện cho ngài tại mỗi giáo xứ”.

Chúng con, giáo dân Tin Mừng không thể đến viếng linh cửu cũng như không được tham dự thánh lễ an táng Cha Cố được. Thật buồn thương. Thật xót xa! Ai cũng một lần chết, nhưng chết trong mùa dịch giãn cách xã hội nghiêm ngặt dù không phải chết vì Covid cũng hết sức đau lòng. Một lễ tang đơn sơ tại Nhà nguyện Nhà hưu dưỡng. Thân nhân không được nhìn mặt người quá có lần cuối cùng. Quý linh mục, quý tu sĩ, bà con giáo dân dù thương tiếc cũng đành chia buồn và bái vọng từ xa.

Có lẽ, chỉ có Cha Dũng, Cha Thành, Phó Tế Minh và Nữ Tu Vân Anh đại diện anh chị em chúng con viếng linh cửu và tiễn Cha Cố đến Nghĩa trang Linh mục ở Giáo xứ Vinh An.

Con xin thay mặt cho các nghĩa tử dâng tâm tình tri ân Cha Cố.

Nhờ công ơn của cha, Giáo xứ Tin mừng đã đóng góp cho giáo phận 4 linh mục (03 triều, 01 dòng), 01 phó tế, 04 chủng sinh và 17 nữ tu thuộc nhiều hội dòng đang phục vụ trong và ngoài giáo phận.

Cha đã dạy dỗ và hướng dẫn chúng con trong những năm tháng khó khăn gian khổ. Sau 5 năm ở tù, Cha trở về, Nhà thờ Tin Mừng ọp oẹp, trống trước hở sau, nhà xứ cũ kỷ xiêu vẹo. Những năm 1987, anh em chúng con tối nào cũng ngũ trực nhà thờ, âm ly phải “sáng gánh ra rồi gánh vô cất”, chiếc xe honda 78 cũ kỷ mà như cha hay nói đùa “cái gì nó cũng kêu chỉ cái còi không kêu” rong ruổi khắp nẻo đường mục vụ từ Giáo xứ Tin mừng đến Giáo họ Phục sinh.

Thưa Cha Cố. Cha rất nghiêm khắc giáo dục con cái. Nhờ sự nghiêm khắc của cha mà chúng con nên người. Nếu cha dễ dãi thì bản thân chúng con khó mà đi tu cho được. Chúa có những cách giáo dục thật lạ lùng. Giờ đây nhìn lại chặng đường qua, một thời gian khổ mà đầy ắp niềm vui hạnh phúc, chúng con tạ ơn Chúa, cám ơn cha.

Giáo dân Tin Mừng tri ân Cha Cố, vị Linh mục tiên khởi.

Những ngày chinh chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, từ miền Trung, cha Đaminh Cẩm Nguyễn Đình Cẩm đã dìu dắt đàn chiên đi tìm chốn bình yên và đã đến miền đất mới tại Động Đền Bình Tuy lập nghiệp.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, bấy giờ là Giám mục Giáo phận Nha Trang đã cho phép thành lập Giáo xứ Tin Mừng vào ngày 22 tháng 12 năm 1973. Cha Đaminh làm quản xứ tiên khởi. Ngài cùng giáo dân xây Nhà thờ Nhà xứ bằng những vật liệu cây gỗ đơn sơ. Năm 1976, chỉ vì có mối liên hệ gần gũi với Đức Cha FX Nguyễn Văn Thuận nên ngài bị chính quyền bắt đi tù hơn 5 năm biệt giam. Cha FX Nguyễn Văn Nam quản xứ Gio Linh giúp đỡ mục vụ ngày Chúa nhật. Niềm tin là sức mạnh lớn nhất trên thế gian này. Người có đức tin thì không gì có thể làm cho họ sợ hải, nản lòng hay chùn bước trước thử thách gian truân. Khó khăn đi qua, thêm nhiều chứng nhân đức tin kiên trung. Giáo dân đã sống mãnh liệt đức tin trong nhiều năm tháng cam go. “Hãy chiến đấu đi qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Theo cái nhìn của Thánh Luca thì không hẳn đi đường hẹp phải vất vả chiến đấu nhưng là chiến đấu vất vả để đi con đường này. Vì đường hẹp dẫn đến sự sống.

Mãi đến năm 1981, cha Đaminh Cẩm ra tù và về lại giáo xứ. Năm tháng lao tù đã làm cho sức khỏe của ngài suy sụp, vốn đã ốm nay càng gầy hơn. Thời kinh tế khó khăn, ngài vẫn nổ lực xây được phần cung thánh, cũng cố đời sống đạo đức của giáo dân, gieo mầm nhiều ơn gọi, và còn đảm trách mục vụ Giáo họ Phục sinh. Sau 21 năm gắn bó với đoàn chiên, đến ngày 1-6-1994, ngài đi nhận nhiệm sở mới, Giáo Xứ Bình An. Đến năm 2002, tuổi già sức yếu, cha về Nhà hưu nghỉ dưỡng.

Cha Cố đã đi qua tuổi “bát thập như đại phúc” đang tiến tới tuổi “cửu thập như nhân tiên”, trong đó có hành trình 56 năm sống thiên chức Linh mục. Cuộc đời linh mục chính là một lời ngợi ca không ngừng: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23,6). Lời Thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê như là tất cả tâm tình cả cuộc đời Cha Cố: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2 Tim 4-8).

Bước qua tuổi 85, cuộc đời nhuốm màu hoàng hôn, như lá vàng trên cây chờ ngày rụng xuống. Hôm nay, lá rụng về cội, Cha Cố về với Thiên Chúa Hằng Sống.

Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già nua rồi chết và trở về lòng đất. Người ta không sinh ra từ đất mà từ lòng mẹ, do vậy mà họ lấy đất để biểu trưng cho lòng mẹ. Người trở về đất cũng là trở về với lòng mẹ, nơi khai thiên lập địa từ thuở ban đầu. Đất chính là nguồn cội, mọi sự sống và cái chết đều bắt nguồn từ đó.Thân xác từ bụi đất rồi sẽ mục nát trong lòng đất mẹ, chờ đợi ngày thân xác sống lại trong sự sống mới của Đấng Phục sinh.

Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa Cha Cố ra đi về Nhà Cha trên trời, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Chúng con tin rằng Cha Cố đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa quang lâm. Và chúng con có thể hát lên với Ông Gióp: “Tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, Đấng cứu độ tôi”.

Cha Cố ra đi trong niềm hạnh phúc và hy vọng sống trong sự sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh.Trong niềm khát vọng ấy, thi sĩ Tagore đã viết lời kinh tha thiết: như đàn hạc hoài hương, bay thẳng về tổ ấm trên đỉnh núi vút cao, nguyện đời con phiêu diêu, lên tận chốn huyền siêu. Lời nguyện cầu của chúng con là lễ vật là hương thơm bay lên chốn huyền siêu trước tôn nhan Đấng Tối Cao. Xin Chúa đoái thương đón nhận và dẫn đưa Cha Cố về dự tiệc vui muôn đời.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Thông Báo
Cáo phó ông Giuse Nguyễn Văn Thuận thân phụ xướng ngôn viên Ánh Tuyết
VietCatholic
01:01 28/07/2021
 
Cáo Phó Cha Cố Đaminh Nguyễn Đình Cẩm Qua Đời
Giáo Phận Phan Thiết
08:59 28/07/2021
 
Văn Hóa
Khoảnh Khắc
Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Bích Trâm
08:45 28/07/2021
Khoảnh Khắc

Bình minh nắng nhẹ trời thanh
Xôn xao kẽ lá vàng anh rộn ràng.
Gió thu chạm cánh sao vàng,
Thênh thang khiêu vũ ươm vàng khắp sân.

Ngày nao tập tễnh bâng khuâng,
Hàng sao nghiêm đón “bước chân một mình”
Làng Sông cổ kính thanh bình,
Vui câu gặp gỡ, ấm tình yêu thương…

Qua rồi mấy độ gió sương,
Đời con lắm nẻo Chúa thương dắt dìu.
Nói sao vừa, biết bao nhiêu,
Chan hoà ân thánh, tình yêu ắp đầy… !

Yêu người mến Chúa đắp xây,
Chắt chiu mấy giọt ươm đầy hy sinh.
Sáng chiều dịu vợi lời kinh,
Đắng cay chắp nhặt trọn tình lễ dâng !

Đường mai dẫu mấy gian truân,
Tin yêu phó thác tấm thân mọn hèn !
Dẫu bọt bèo, vẫn muối men,
Đơn nghèo vẫn quyết một phen theo Người !

Giê-su ôi, Chúa con ơi,
Cho con giống Chúa một đời yêu thương…
Để con trên vạn nẻo đường,
Đong đầy khoảnh khắc tình thương của Người.


Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Bích Trâm
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương.
 
Anh Về !
Sơn Ca Linh
09:07 28/07/2021
Anh Về !

Để ghi niệm ngày cha Phêrô Đặng Son từ giã cõi trần – 27.7.2021
“Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy về với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).


Anh về đang gió mùa tháng bảy,
Lá trên cành xanh chợt vàng khô.
Bỗng nghe có tiếng hồi chuông dậy,
Chiếc lá nào vừa rụng hững hờ !

Anh về như lá vừa rơi nhẹ,
Về cội hay về bến quê hương,
Một bến ga đời qua lặng lẽ,
Tàu anh trực chỉ cõi thiên đường.

Anh về bỏ lại hành lang vắng,
Tháp giáo đường chiều bỗng xanh xao,
Bài thánh ca buồn vừa tắt lặng,
Lời ca kinh thấm giọt lệ trào !

Anh về mang theo ngàn nỗi nhớ,
Rồi đây ngồi nhắc chuyện ngày qua…
Cái thuở truân chuyên đời mục tử…
Đại Bình, Quảng Ngãi lại Tuy Hoà !

Anh về sau chuỗi ngày vác nặng,
Gánh trần gian khổ luỵ trăm bề.
Thôi hết những buồn đau cay đắng,
Ngài sẽ dìu anh khỏi bến mê !

Anh về dẫu chiều nay vắng lặng,
Phố thị mùa Cô-vít buồn hiu.
Nhưng vạn trái tim đang thức trắng,
Thầm thĩ lời kinh ngát hương chiều !

Anh về bên Chúa đừng quên nhé,
Những mối giao tình đã đi qua.
Một cơn gió thoảng hoa tàn lẹ,
Rồi đây hẹn gặp chốn quê nhà !

Sơn Ca Linh (Để ghi niệm ngày cha Phêrô Đặng Son từ giã cõi trần – 27.7.2021)
 
Đọc Thánh Tôma Aquinô, Con người Luân lý
Vũ Văn An
20:22 28/07/2021

Con người luân lý, hay đạo đức học Tôma



Cách Thánh Tôma suy nghĩ khác với cách phần lớn chúng ta quen thuộc ngày nay. Tuy Thánh Tôma rất thành thạo trong việc hiểu biết tác phong của con người, nhưng vì nhắm việc hệ thống hóa và việc phát biểu rõ ràng, nên ngài không muốn bàn đến những vấn đề gây hồi hộp trong hiện hữu nhân bản theo cách của các tiểu thuyết gia ngày nay. Trong đạo đức học, chúng ta có thể chỉ trông mong ở Thánh Tôma các nguyên tắc tổng quát mà thôi, vì trên bình diện suy lý, chỉ có điều này mới có giá trị.



Mặc dù sẵn lòng thay đổi ý kiến khi có bất cứ chứng cớ mới nào hay lời phê phán có lý nào, Thánh Tôma không bao giờ thích “chuyển dịch việc nhấn mạnh từ hiện hữu qua hành động, và hơn thế, không phải thứ hành động như một tan hòa vào phương tiện đến loại bỏ mục đích”. Ấy thế nhưng ngài lại coi “hành động” quan trọng vì thay đổi là một sự hoàn hảo nơi tạo vật bao lâu nó là một phần của chuyển dịch hướng tới Thiên Chúa. Chuyển dịch này là chuyển dịch của tình yêu mà đời sống tri thức vốn phục vụ, một đáp ứng đối với sự thiện tuyệt đối là tình yêu của chính Thiên Chúa dành cho con người. Các hữu thể nhân bản lớn lên bằng những đáp ứng này. Va như thế, việc theo đuổi hạnh phúc phụ thuộc việc theo đuổi sự thiện, vốn là sự hoàn hảo của bản chất con người với phó sản của nó là hạnh phúc.
Khuôn mẫu của sự hoàn hảo của con người được khám phá nhờ việc khảo sát các xu hướng có phẩm trật của bản chất con người, những điều cho thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa đối với con người đang cố gắng trở thành luân lý. Mục đích của con người là trở nên nhân bản xuyên suốt, đạt được sự hoàn hảo của con người toàn diện, gồm cả xác lẫn hồn, đạt được một nhân cách hoàn hảo theo các khả thể của chính họ. Ý thức một cách thuận lý, con người, không như con vật, có thể biết mục đích của họ và được tự do xác định các thành tựu của mình nếu biết hành động một cách không dốt nát, đam mê, cưỡng bức. Nhưng luân lý tính không phải là việc thể hiện mọi tiềm thể mà không cảm thức được phẩm trật. Việc này đòi phải cân nhắc cẩn thận các giá trị, một việc tiệm tiến [gradation]. Có những giá trị tri thức, luân lý, xã hội, thân xác và, trên hết, các giá trị tôn giáo. Tất cả đòi chúng ta phải đánh giá, nhưng không phải tất cả bị hy sinh vì các giá trị khác. Nhưng nhờ giá trị tình yêu Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với sự hoàn hảo của con người, nên đạo đức học Tôma có thể cổ vũ tình yêu Thiên Chúa vì chính Người và tình yêu người khác vì chính họ, bằng cách trước nhất tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và nhờ thế, kết hợp đạo đức học bổn phận với đạo đức học duy hạnh phúc [eudaimonism] trong một đáp trả tình yêu.

Nói cách khác, trong quan niệm của Thánh Tôma, con người luân lý là con người tự do. Con người tự do hành động do động lực yêu thương đối với điều chân và điều thiện, và như thế, con người nội tâm hóa luật tự nhiên trong các xu hướng của họ, thiên luật đã được mạc khải cho họ và luật dân chính đã được công bố. Như Gerald Vann từng viết: “học thuyết luân lý của Thánh Tôma không nhằm việc hẹp hòi bắt tác phong cá nhân phải mù quáng vâng theo một bộ luật. Nó là một kế sách có tính vũ trụ; mục đích của nó là vinh quang Thiên Chúa và ordo universi (trật tự vũ trụ) hay việc thành toàn của thế giới”. Điều chân và điều thiện mà con người đáp ứng không phải là các ý niệm trừu tượng. Nền luân lý Tôma có tính quy thần [theocentric]. Thiên Chúa được yêu thương trong tất cả những gì tốt lành, vì đức ái là linh hồn của mọi hành vi đức hạnh của con người. Con người tìm thấy mình trong việc yêu mến Thiên Chúa, làm điều mình nên làm, và trong việc tìm thấy mình, con người tìm thấy tự do hay sự trọn vẹn [wholeness].

Sự ưu việt được Thánh Tôma dành cho hiện hữu hơn là cho “tinh thần” như đối lập với “vật thể” là vì một nền luân lý tích cực hơn là tiêu cực. Bất cứ người theo Thánh Tôma nào trung thành với giá trị được ngài đặt lên “hiện hữu” và các hiển hiện [epiphanies] siêu việt của nó như chân thiện mỹ đều có đặc điểm ở thái độ cởi mở và sẵn sàng tiếp thu đối với các chân lý được các triết gia khác biệt nhau nhất phát biểu cũng như đối với các hành vi xã hội của những người tự xưng là vô tôn giáo nhưng đang làm việc cho mọi hình thức tiến bộ nhân bản trong thế giới hiện đại. Không nên diễn dịch cuốn Tổng Luận thời danh như là để kết liễu việc tìm kiếm chân lý mà là để thiết lập ra thái độ “cứu chuộc chân lý” hay “tước đoạt người Ai Cập” (*). Điều gây ngạc nhiên trong mỗi cuốn Tổng Luận là con số các nguồn được giải thích cách đầy thiện cảm. Tầm nhìn thấu suốt về siêu hình của Thánh Tôma vào thực tại như là chủ thể hiện hữu không hề khô cằn.
Nhưng tính sinh hoa trái của nó phần lớn tùy thuộc việc thừa nhận chiều sâu và chiều rộng của nó. Một nguyên tắc như “hiện hữu” ít khi có thể xếp vào loại nguyên tắc tư duy của nhà duy lý, mà nó cũng không thể bị tước đi mà không vi phạm ý nghĩa của năng lực đồng hóa các khám phá tri thức tương lai. Một nền triết lý hiện hữu luôn sẵn sàng để có liên quan nếu chúng ta có đó để làm nó nên như thế. Một nền triết lý như thế phối hợp tính ổn định của các nguyên tắc vĩnh viễn với tính năng động của việc nhấn mạnh tới phát triển, vì nó đặt cơ sở cho mọi hoàn hảo của con người và tiến bộ xã hội cũng như giải đáp tôn giáo trên hiện hữu như một hành vi [being-as-act] hay năng lực yêu thương. Do đó, người phê bình học thuyết Tôma nào liên tục đặt “hiện hữu” bên trong khuôn khổ học thuyết Tôma đối nghịch với “trở nên” [becoming] như thể ngài tương phản bản thể với hành động hay Parmenides với Heraclitus, quả đã không hiểu vấn đề. Tính ổn định của hữu thể theo quan điểm của Thánh Tôma có tính năng động, y như tính năng động của thực tại có tính ổn định vậy, vì nó bắt nguồn từ chính hành vi hiện hữu, actus essendi. Hơn nữa, khuôn mặt của việc hiện hữu này, khuôn mặt nó quay hướng về con người, là “tình yêu”, một điều có tính hoạt động hơn hết trong mọi điều, mạnh mẽ hơn sự chết, nguồn bí mật của mọi hạnh phúc nơi con người và mọi thảm kịch của họ.

Khi hiện hữu như tình yêu được thừa nhận là sự thiện tối cao, đời sống luân lý hệ ở việc đáp ứng tình yêu này trong mọi chọn lựa của con người. Các thực tại hữu hạn được chọn lựa vì chính các giá trị của chúng; giá trị này vốn cùng một lúc làm trung gian cho tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Vì Thánh Tôma liên hệ hạnh phúc con người với tình yêu hoàn hảo dành cho Thiên Chúa, nên sự hoàn hảo của con người không phải là mục tiêu trực tiếp của họ trong đời sống luân lý. Do đó, cứu cánh luận [teleology] của Aristốt đã được biến đổi sâu xa. Cuộc thảo luận thời danh của Aristốt về năng lực cao nhất của “bản chất” con người được thay thế bằng ý niệm tương quan với “hiện hữu” cao nhất [esse]. Và như thế, vấn đề cùng đích của con người không còn là vấn đề năng lực nào của con người cao hơn như yếu tố thiết lập họ trong bản chất chuyên biệt của họ; đúng hơn, nó là vấn đề năng lực nào của con người có thể vươn tới chủ thể hiện hữu tối cao dù tính siêu khả niệm, siêu ưu việt của Người thách thức bất cứ việc ý niệm hóa nào. Và trọn đời sống tôn giáo của con người hay đời sống đức tin của họ do đó được tích hợp vào nền đạo đức mục đích, hay thành toàn trọn vẹn mà không tước mất tính đáng ước ao nội tại của các giá trị nhân bản cũng không biến Thiên Chúa thành chỉ là giá trị phương tiện cho các năng lực của con người. Thiên Chúa tuy siêu việt nhưng Người luôn hiện diện bằng ý chí sáng tạo của Người trong mọi vật thụ tạo. Người hiện hữu một cách rất đặc biệt trong các hữu thể có ý thức, là những hữu thể nơi đó hành vi đức tin được thực hiện dưới năng động tính của ý chí tìm thực tại hay sự thiện. Và như thế, bất cứ nơi nào Thiên Chúa kêu gọi con người bằng ơn phúc đức tin, ý chí đều có khả năng vươn tới Đấng hiện hữu tối cao vượt quá mọi hiểu biết. Bất cứ nơi nào đáp ứng tự do của con người đối với lời mời gọi của Thiên Chúa giống như đáp ứng của Con Thiên Chúa, con người đều trở thành “ảnh tượng” [icon] hoàn hảo, hoàn hảo nhân bản và hoàn hảo luân lý nhờ việc tham gia vào agape (đức ái) của Thiên Chúa, vốn là nguyên lý của hiện hữu Kitô hữu. Như Thánh Phaolô từng dạy, tình yêu là lề luật mới. Và khả năng con người đáp trả trong yêu thương là trách nhiệm cao cả nhất của họ và là cơ hội lớn nhất của họ để trở thành nhân bản thực sự.

Dù Thánh Tôma chắc chắn nhấn mạnh tới chức năng của nhận thức trong nền luân lý, nhưng ngài đã không bàn đến hành động này. Và mặc dù có nội dung tín lý dứt khoát dành cho đức tin như Thánh Tôma định nghĩa về nó, nhưng bất cứ khi nào ngài nói đến việc sống đức tin, thì luôn luôn là đức tin sống bằng tình yêu. Mặc dù ngài viết nhiều mục liên quan tới đạo đức học như một khoa học, các tầm nhìn thấu đáo của ngài cho thấy ngài coi đời sống luân lý cũng như đời sống tôn giáo như “nghệ thuật yêu mến Thiên Chúa” và những con người nhân bản. Chỉ có tình yêu mới có thể đem con người tới chỗ hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và do đó, khi con người hoàn tất định mệnh cụ thể của họ, họ là một “vị thiên chúa nhờ tham gia”. Thiên Chúa Ba Ngôi là qui phạm của nền đạo đức học Kitô giáo biết nhấn mạnh tới các mối tương quan liên bản vị hơn là một nền đạo đức tự mãn [self-sufficient], vốn là quy phạm của Aristốt.

Một số người dám nghĩ rằng một nền đạo đức về hiện hữu nhân bản được năng động điều hướng về hữu thể tuyệt đối có bản vị nhất thiết bao hàm việc giảm thiểu hay hạ giá trật tự nhân bản hay tạm thời [temporary]. Ngược lại, khuynh hướng của con người hướng về tuyệt đối khiến họ lưu tâm tới tất cả những gì có liên hệ với tuyệt đối. Mối tương quan riêng của con người với Thiên Chúa, chiều kích tôn giáo của họ, cho phép họ tham dự vào việc điều hướng thế giới của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của con người hợp tác với ơn quan phòng của Thiên Chúa. Điều này trao cho con người một trách nhiệm có tính sáng tạo phải tiến bộ trong các khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật trong kinh thành con người. Kinh thành này không bao giờ được nhìn một cách đích thực ngoại trừ, trong tương quan với Thiên Chúa, nó là một tình huống đem lại cho mọi sự kiện tạm thời một giá trị khôn tả trường cửu.

Nếu siêu hình học và tôn giáo nhấn mạnh tới việc thế giới tùy thuộc về phương diện hữu thể học vào Thiên Chúa và tình yêu ưu tiên của Thiên Chúa dành cho người ta, thì siêu hình học và tôn giáo không hề cản trở việc xây dựng kinh thành nhân bản. Hơn nữa, con người được cứu khỏi tính hàm hồ lưỡng nghĩa của họ nhờ ơn gọi của họ trong việc mô phỏng tự do sáng tạo của Thiên Chúa. Sự thiện vô hạn, vốn làm cơ sở cho các chọn lựa của con người, cũng làm cho khả hữu việc con người lớn mạnh trong tự do hay hay tính toàn vẹn [wholeness], hoa trái thành công trong nghệ thuật yêu mến Thiên Chúa và con người như họ nên được yêu mến, vì chính họ.

Tất cả những gì con người đạt được sẽ tồn tại mãi mãi vì các thành tựu của họ là một phần của chính họ, và họ vốn bất tử như chủ thể có tương quan với Thiên Chúa trường cửu. Nhập Thể là vì Phục Sinh. Nên thế giới sẽ trỗi dậy lại với Chúa Kitô. Hiện hữu với esse hay hiện hữu thiêng liêng là hiện hữu mãi mãi và tình yêu quả vĩnh viễn.

Đạo đức học Tôma có thể sử dụng từ vựng Aristốt, nhưng rượu mới trong các bình cũ là thần khí yêu thương. Vì Chúa Kitô của Sách Thánh đã tuyên bố có thể tóm gọn mọi lề luật luân lý vào tình yêu Thiên Chúa và người lân cận, điều đúng hơn, do đó, là nói rằng đạo đức học Tôma là đạo đức học Kinh Thánh chứ không phải đạo đức học Aristốt. Và mặc dù phần lớn huyền nhiệm học Kitô giáo theo khuynh hướng tân Platông muốn xoay hướng đa dạng trở về với thống nhất bằng cách xa lánh đến bác bỏ thế giới này, đời sống huyền nhiệm của Thánh Tôma có đặc điểm của một chiêm niệm chín mùi từ đời sống luân lý Kitô giáo. Đặc điểm này đưa thống nhất vào đa dạng. Sự nên một này được đức ái đem lại, vì đức ái vốn là mô thức của mọi nhân đức Kitô giáo. Các quan tâm đa dạng về đời sống, các vấn đề đời sống, và các sinh hoạt của đời sống con người đều được tình yêu thống nhất hóa. Việc đáp trả Thiên Chúa này trong và qua các biến cố cụ thể hàng ngày là một chiêm niệm Kinh Thánh, chứ không phải Hy Lạp. Hơn nữa, con người, chủ thể đáp trả các giá trị nhập thể không phải là một hiền sĩ Khắc Kỷ mà là một con người rất nhân bản mà các niềm đam mê của họ vốn lên năng lực cho tình yêu họ dâng hiến cho Thiên Chúa và con người.

Có một chiều hướng trong đó Thánh Tôma, trong học thuyết luân lý của ngài, không theo cả Platông lẫn Aristốt và phái Khắc Kỷ nhưng theo Thánh Augustinô. Với Aristốt, vũ trụ là một hệ thống khép kín không có các tiêu chuẩn tuyệt đối do ý niệm của Platông cung ứng, nhưng trong khi phái Platông ghi nhận chính xác sự nôn nao khao khát của con người, họ cho điều này phát nguồn từ mối tương quan của con người với thân xác hơn là với các ý niệm trường cửu. Thánh Tôma đi giữa thuyết nhị nguyên của Platông với việc khinh chê vật chất và thuyết đạo đức duy tự nhiên của Aristốt. Thánh Tôma chắc chắn ngài ưa thích tình huống phức tạp của con người khi nhìn nhận thân xác là yếu tố có tính yếu tính trong bản chất của họ hơn là luận lý vô thực chất của thuyết nhị nguyên, nhưng ngài không chắc liệu ngài có biết rõ con người để ngài sẵn lòng ủy thác việc thiết lập ra luật luân lý cho một xã hội lý tưởng của con người hay không. Thánh Tôma biết chắc rằng con người tự do được Thiên Chúa tạo dựng trong mối tương quan năng động với Người sẽ không phải là chính họ, nếu họ không có tính tri thức và tình yêu nhân bản, điều vốn vượt quá tư lợi. Thánh Tôma nhất trí với Thánh Phaolô rằng con người là thân xác, linh hồn, và tinh thần, và chủ nghĩa hiện thực của ngài về hiện hữu cung ứng viễn kiến này về con người phát triển trong lòng thế giới giữa một cộng đồng nhân bản sẵn sàng đón nhận tình yêu vô hạn. Đáp trả lời mời gọi thần thiêng vốn là chính sáng tạo, vũ trụ là một khát vọng nồng cháy, một đi lên, một trở về với “hợp nhất” hay toàn vẹn tính.

Điều trên có nghĩa mọi thành công xã hội và chính trị, các thành tựu đối với ích chung của những con người nhân bản và đối với việc phát huy chính phủ của những con người tự do, có tính vĩnh viễn, chứ không phù du. Bất cứ điều thiện nào làm cho con người đều kéo dài mãi mãi, và không điều nào bị loại ra ngoài đời sống luân lý, một đời sống luôn được đo lường bằng các khả thể có thực ở một thời điểm lịch sử nhất định nào đó. Và vì ơn cứu rỗi là thành tựu của Thiên Chúa, nên không người nào vì bất cứ hoàn cảnh kinh tế hay lịch sử nào bị ngăn cản dự phần vào đó. Chỉ cần họ bằng lòng và thành thực cố gắng làm chứng cho nó. Yêu thương người khác vì chính họ, vốn là điều ai cũng có thể có, là sức mạnh phổ quát duy nhất có khả năng kết hợp con người lại với nhau bao lâu nó thực sự kết hợp họ với Thiên Chúa. Tình yêu cũng là sức mạnh lớn nhất đối với sự thay đổi trong thế giới, vì chỉ có tình yêu mới có thể thay đổi trái tim con người cách triệt để, mở lớn nó, ly tâm [decentralize] con người, và chuẩn bị cho họ biết nhìn ra một thế giới khác từ tổ ấm của họ. Khi con người dần dần mở rộng và mở sâu thế giới quan của họ, các ảo tưởng sẽ lìa xa họ và họ sẽ đáp trả một cách thỏa đáng hơn các đòi hỏi cấp thiết của từng tình huống dưới sức lôi cuốn của một tình yêu có thể tạo ra sự lớn mạnh vũ trụ và bản thân vốn chuẩn bị họ cho cuộc kết hợp “mọi sự trong mọi sự”.

Thánh Tôma cũng quan tâm tới hành động như bất cứ nhà thực dụng [pragmatist] Hoa Kỳ nào, nhưng ngài không bao giờ tách biệt hành động khỏi hiện hữu. Đó là lý do tại sao hành động luôn nêu ra vấn đề nguồn gốc và mục đích. Kinh nghiệm Tôma về hành động rộng và sâu hơn kinh nghiệm thực dụng. Điều Buber gọi là “hàng ngày” được thánh Tôma gọi là bất tất, ngẫu nhiên [contingent] và Dewey gọi là “diễn trình”. Nhưng phân tích của Thánh Tôma về kinh nghiệm hành động nằm trong xu hướng sâu hơn của ý chí con người hướng tới sự thiện tuyệt đối, hướng tới kinh nghiệm mặc nhiên của con người về siêu việt trong mọi xu hướng của họ, một kinh nghiệm giữ cho con người luôn nhân bản. Vì Thánh Tôma dạy rằng hành vi của Thiên Chúa là một với hữu thể của Người, nên không bao giờ được coi Thiên Chúa như một đối vật mà phải như một chủ thể, một tự do sáng tạo. Nghĩa là Thiên Chúa không bao giờ bị giới hạn bởi nhu cầu. Bất cứ nơi nào Thiên Chúa hành động, Người đều hành động để thông truyền điều thiện. Luật luân lý nhân bản sâu sắc, được nhận biết một cách trực giác là thế này: Hãy làm điều thiện. Mà con người làm điều thiện khi họ họa hình Thiên Chúa trong hành động bằng cách hiện thân [incarnate] phần nào sự thiện tuyệt đối kia mà khát vọng của ý chí họ vốn hướng họ về. Để con người trở thành nhân bản, điều “hiện nay” đem siêu việt đến cho họ; điều “hàng ngày” của họ có trong nó điều vĩnh cửu. “Chuông chỉ là chuông khi bạn rung nó, bài hát chỉ là bài hát khi bạn hát nó” thế nào, hữu thể nhân bản sẽ không nhân bản trừ khi nó nhân bản hóa môi trường của nó bằng cách thông truyền điều thiện. Không phải mọi hành vi của con người đều là hành vi nhân bản. Để nhân bản, chúng phải được thực hiện bằng nhận thức và tự do. Không phải mọi hành vi nhân bản đều có giá trị luân lý. Điều xác định thành công của một hành động không phải là giá trị tiền mặt của nó mà là giá trị luân lý của nó, một giá trị được đo lường bằng năng lực hoàn thiện con người như một ngôi vị theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng thông truyền sự thiện.

Không gian, thời gian và di truyền [heredity] có phần trong việc làm ra con người, và ngày nay ta nghe nhiều về việc này. Nhưng con người vượt quá các yếu tố đó. Họ là trách nhiệm tối hậu trong việc làm ra chính họ. Và luân lý chính là nói về chuyện này.
____________________________________________________________________________________________________
(*) Kiểu nói trích từ Xuất hành 12:36, kể lại việc người Do Thái trên đường rời khỏi Ai Cập đã tước đoạt của cải của người Ai Cập, 1 việc được biện minh như là công làm nô lệ bao năm qua. Cũng có người giải thích hành vi này được biện minh về luân lý vì cướp của những người bên ngoài tín ngưỡng của mình.

Kỳ tới: Con người Tôn giáo
 
VietCatholic TV
Phiên tòa lớn nhất lịch sử Vatican cận đại xét xử HY Becciu. Linh mục đang cầu nguyện bị tấn công
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:07 28/07/2021


1. Tuyên bố của tổng giáo phận St. Andrews và Edinburg về vụ tấn công một linh mục ngay trong nhà thờ chính tòa Đức Bà

Hôm thứ Ba 27 tháng 7, Tòa Tổng Giám Mục St. Andrews và Edinburg đã đưa ra tuyên bố sau về vụ vô cớ tấn công một linh mục đang cầu nguyện trong nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận. Toàn văn tuyên bố như sau:

Sáng hôm qua, tức là thứ Hai ngày 26 tháng 7, một linh mục đang ngồi cầu nguyện một mình trên một băng ghế trong nhà thờ Đức Bà ở Edinburgh đã bị một người đàn ông mang theo một chai thủy tinh tấn công vô cớ và đầy bạo lực.

Ngay trước khi vụ tấn công xảy ra, người đàn ông đã hỏi ngài có phải là một linh mục hay không. Khi vị linh mục trả lời rằng đúng như vậy, người đàn ông đã cố gắng dùng cái chai đập mạnh vào đầu ngài, ngài né được nhưng hung thủ tiếp tục rượt đuổi ngài đến phía sau nhà thờ.

Chiếc chai bị vỡ trên mặt đất và người đàn ông tiếp tục sử dụng nó làm vũ khí trong cuộc hành hung của mình. Vị linh mục đã cố gắng chống đỡ lại bằng một chiếc ghế trước khi kẻ tấn công chạy ra khỏi Nhà thờ. May mắn vị linh mục thoát nạn và không bị thương tích gì.

Bất kỳ ai có thông tin xin vui lòng gọi cho Cảnh sát Tô Cách Lan theo số 101, trích dẫn vụ việc mang số 0823 ngày Thứ Hai 26 tháng Bảy.
Source:Archdiocese Of Edinburg

2. Báo cáo của CNA về vụ tấn công linh mục Công Giáo bằng chai thủy tinh khi đang cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận

Một linh mục Công Giáo đã thoát nạn mà không bị thương vào hôm thứ Hai 26 tháng 7 sau khi ngài bị tấn công bởi một người đàn ông cầm chai thủy tinh trong khi ngài đang cầu nguyện tại một nhà thờ ở Tô Cách Lan.

Tổng giáo phận St. Andrews và Edinburgh vào ngày 27 tháng 7 cho biết “vụ tấn công bạo lực diễn ra vô cớ đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Edinburgh sau khi người đàn ông hỏi nạn nhân liệu ngài có phải là một linh mục hay không.

Tổng giáo phận, bao gồm thủ đô của Tô Cách Lan và các khu vực lân cận, kêu gọi bất kỳ ai có thông tin liên hệ với Cảnh sát Tô Cách Lan.

Theo truyền thông Tô Cách Lan, một nữ phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát quốc gia nói rằng các viên chức cảnh sát đã được gọi vào lúc 9:35 sáng ngày 26 tháng 7 sau khi báo cáo về một linh mục Công Giáo 35 tuổi bị hành hung.

“Cảnh sát đã đến hiện trường và nạn nhân không cần điều trị tại bệnh viện”, cô cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm cảnh sát đang điều tra.

Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Tô Cách Lan xác nhận vào đầu tháng này rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Tô Cách Lan “trong một thời gian rất ngắn” vào tháng 11.

Đức Giáo Hoàng có lẽ sẽ tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, gọi tắt là COP26, diễn ra tại Glasgow, thành phố lớn nhất của Tô Cách Lan, từ ngày 1 đến 12 tháng 11.

Người Công Giáo là một nhóm thiểu số ở Tô Cách Lan, chỉ chiếm 16% trong tổng dân số 5.5 triệu dân. Nhưng vào năm 2019, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội đồng Giám mục Tô Cách Lan cho biết rằng người Công Giáo thuờng xuyên bị tấn công và xúc phạm.

Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình cho biết trong năm 2018, đã có 4 vụ hành hung các linh mục ở Tô Cách Lan.

Báo cáo của chính phủ Tô Cách Lan có tựa đề “Tội ác vì hận thù tôn giáo trầm trọng hơn ở Tô Cách Lan trong hai năm 2017 và 2018” cho thấy Công Giáo là “tôn giáo thường xuyên bị tấn công, với 319 vụ trong giai đoạn 2017-18” trong tổng số 642 vụ tấn công vì hận thù tôn giáo.

Một báo cáo khác “Tội ác vì căm thù đức tin ở Tô Cách Lan trong hai năm 2019, 2020”, cho biết có 660 vụ cao hơn 24% so với hai năm 2018 và 2019.

Các vụ tấn công thường nhắm vào các linh mục Công Giáo, đốt phá các nhà thờ Công Giáo, phá hủy các bức ảnh của Đức Trinh Nữ Maria, phá hoại một trung tâm tư vấn mang thai và đánh cắp các bánh Thánh Thể được thánh hiến từ các nhà tạm.
Source:Catholic News Agency

3. Hồng Y Becciu có mặt tại phiên tòa trong phiên xử đầu tiên tại Vatican

Hồng Y Angelo Becciu đã có mặt hôm thứ Ba trong ngày đầu tiên của một phiên tòa về các tội phạm liên quan đến tài chính để bào chữa cho mình về các tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ.

Hồng Y Becciu là một trong 10 bị cáo trong phiên tòa xét xử tội phạm tài chính lớn nhất của Vatican trong lịch sử cận đại. Đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y phải ra trước tòa án Vatican sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi quy định vào tháng Tư để cho phép các thẩm phán giáo dân xét xử các Hồng Y và Giám Mục.

Trong một tuyên bố thông qua luật sư của mình ngày 27 tháng 7, vị Hồng Y nói rằng ngài “bình tĩnh” và chờ đợi phiên tòa tiếp tục để chứng minh sự vô tội của mình đối với tất cả các cáo buộc chống lại ngài.

Tuyên bố từ luật sư Fabio Viglione cho biết: “Đức Hồng Y Becciu, sau phiên điều trần hôm nay, lặp lại niềm tin của mình đối với Tòa án, đối với sự xét xử khách quan về các sự kiện chỉ mới được giả thuyết bởi Chưởng Lý, mà chưa có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với luật sư bào chữa cũng như với quan điểm giả định vô tội”.

Đức Ông Mauro Carlino, người từng làm việc trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và bị buộc tội tống tiền và lạm dụng chức vụ, cũng có mặt trong phiên điều trần kéo dài bảy tiếng đồng hồ hôm thứ Ba 27 tháng 7. Tám bị cáo còn lại vắng mặt nhưng có luật sư đại diện.

Phiên điều trần diễn ra trong một phòng đa năng của Viện bảo tàng Vatican gần đây đã được điều chỉnh lại để tòa án có thể sử dụng. Buổi điều trần tiếp theo được tòa lên lịch vào ngày 5 tháng 10 sau khi một số luật sư bào chữa yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị.

Khoảng 30 luật sư đã tham dự phiên điều trần, một số luật sư đã đưa ra các thỉnh cầu và các khiếu nại về quy trình xét xử.

Trong phiên tòa này, lần đầu tiên Tòa án Vatican thành lập một hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán gồm chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone, và hai giáo sư luật người Ý: Venerando Marano và Carlo Bonzano.

Theo một thẩm phán của Tòa án Vatican, việc doanh nhân người Ý Gianluigi Torzi vắng mặt tại phòng xử án ngày 27 tháng 7 là hợp lý do ông này đang bị áp dụng các biện pháp phòng ngừa ở Anh trong khi chờ dẫn độ về Ý theo yêu cầu của nhà chức trách Ý.

Trung tâm của vụ án đang được xét xử là việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà ở số 60 Đại lộ Sloane ở London. Tòa nhà được mua trong các giai đoạn giữa năm 2014 và 2018 từ doanh nhân người Ý Raffaele Mincione, là người vào thời điểm đó đang quản lý hàng trăm triệu euro tiền quỹ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Các công tố viên của Vatican khẳng định rằng thỏa thuận này có vấn đề và được thiết kế để lừa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hàng triệu euro.

Hồng Y Becciu đã từ chức Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và từ bỏ các quyền được mở rộng cho các thành viên của Hồng Y Đoàn vào ngày 24 tháng 9 năm 2020.

Vị Hồng Y này trước đây đã từng là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cơ quan đầy quyền lực tại Giáo triều Rôma, giờ đây là trung tâm của cuộc điều tra về tình trạng bất minh tài chính.

Đức Ông Alberto Perlasca, cựu phó chánh văn phòng của Becciu, cũng bị điều tra như một phần của vụ bê bối tài sản ở London, nhưng không nằm trong số các bị cáo trong phiên tòa mùa hè này.

Các công tố viên Vatican xác định rằng lời khai của Đức Ông Perlasca, được cung cấp trong một số cuộc phỏng vấn, là quan trọng để tái tạo lại “một số khoảnh khắc trung tâm” trong vụ việc này.

Nhưng tại phiên điều trần hôm thứ Ba, một luật sư bào chữa cho rằng lời khai của Perlasca từ năm cuộc phỏng vấn là “không thể chấp nhận được” vì các cuộc phỏng vấn ấy diễn ra mà không mặt của luật sư.

Một công tố viên của Vatican lập luận rằng những lời khai này là hoàn toàn hợp pháp vì chúng được quay video và Đức Ông Alberto Perlasca “tự nguyện” khai báo.

Hồng Y Becciu cho biết trong một tuyên bố rằng ngài sẽ kiện Đức Ông Alberto Perlasca và Francesca Immacolata Chaouqui, một người khác đã bị các điều tra viên thẩm vấn, “vì tội vu khống khi đưa ra những lời khai rất nghiêm trọng và hoàn toàn sai sự thật trong quá trình điều tra của Chưởng Lý Vatican”.

Vị Hồng Y nói với các nhà báo trong phòng xử án vào cuối phiên điều trần rằng ngài “vâng lời Đức Giáo Hoàng đã đưa tôi ra xét xử, tôi luôn vâng lời Đức Giáo Hoàng, ngài đã giao cho tôi nhiều sứ mệnh trong đời, ngài muốn tôi đến phiên tòa và tôi đang đến phiên tòa. Tôi bình tĩnh, tôi cảm thấy bình tĩnh trong lương tâm, tôi tin tưởng rằng các thẩm phán sẽ có thể nhìn thấy rõ sự việc và hy vọng lớn của tôi là chắc chắn rằng họ sẽ công nhận sự vô tội của tôi”.

Các bị cáo khác trong phiên tòa tài chính bao gồm một số nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Fabrizio Tirabassi, người giám sát các khoản đầu tư, sẽ bị xét xử với các tội danh tham nhũng, tống tiền, biển thủ, gian lận và lạm dụng chức vụ.

Mincione đã bị buộc tội tham ô, gian lận, lạm dụng chức vụ, biển thủ và tự rửa tiền.

Torzi, người được đưa vào để môi giới các cuộc đàm phán cuối cùng về việc Vatican mua tài sản ở London vào năm 2018, đã bị buộc tội tống tiền, biển thủ, lừa đảo, chiếm đoạt, rửa tiền và tự rửa tiền.

Cộng sự của anh ta, luật sư Nicola Squillace, phải đối mặt với tội danh tương tự trừ ra tội tống tiền.

Enrico Crasso, người quản lý các khoản đầu tư cho Vatican trong hơn 25 năm, đã bị điều tra vì nghi ngờ ông ta đang làm việc cùng với Mincione và Tirabassi để lừa gạt Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Crasso, người quản lý Quỹ toàn cầu Centurion mà Tòa thánh là nhà đầu tư chính, phải đối mặt với nhiều tội danh nhất: tham nhũng, biển thủ, tống tiền, rửa tiền, tự rửa tiền, gian lận, lạm dụng chức vụ, làm giả công chứng thư và làm sai lệch một tài liệu cá nhân.

Tòa thánh Vatican cũng đã buộc tội ba tập đoàn do Crasso sở hữu về tội gian lận.

Cecilia Marogna, một người tự xưng là nhà tư vấn an ninh, bị cáo buộc tham ô sau cuộc điều tra của Vatican về các báo cáo rằng cô ta đã nhận hàng trăm nghìn euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến Becciu, và cô đã chi tiền cho hàng hóa xa xỉ và các kỳ nghỉ hè.

Marogna thừa nhận đã nhận số tiền này nhưng khẳng định rằng số tiền này được chuyển cho công việc tư vấn an ninh ở Vatican và là tiền lương của cô.

Công ty có trụ sở tại Slovenia của Marogna, Logsic Humanitarne Dejavnosti, gọi tắt là DOO, cũng đang bị đưa ra xét xử với cáo buộc tham ô.

Hai bị cáo cuối cùng là René Brülhart và Tommaso Di Ruzza, những người trước đây lãnh đạo cơ quan giám sát tài chính nội bộ của Vatican.

Di Ruzza bị buộc tội tham ô, lạm dụng chức vụ và vi phạm bí mật.

Brülhart đang bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ. Cả hai người đều phủ nhận có các hành vi sai trái.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục may mắn thoát khỏi mật vụ của độc tài đại bịp Aleksandr Lukashenko trong đường tơ kẽ tóc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:34 28/07/2021


1. Bộ trưởng Tư pháp Mississippi yêu cầu Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết Roe chống Wade

Hôm thứ Năm 22 tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Mississippi, Lynn Fitch đã yêu cầu Tòa án Tối cao lật lại hai phán quyết mang tính bước ngoặt của họ về việc phá thai, cho rằng những quyết định đó “có ý nghĩa ràng buộc với quan điểm về sự thật đã lỗi thời hàng thập kỷ”.

Tòa án cấp cao gần đây đã đồng ý xét xử vụ kiện của Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, liên quan đến lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết các ca phá thai tự chọn sau 15 tuần. Các nhà hoạt động của cả hai bên trong cuộc tranh luận về việc phá thai đã cho rằng vụ việc có thể khiến tòa án xem xét lại phán quyết năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade theo đó việc phá thai được hợp pháp hóa trên toàn quốc, cũng như quyết định năm 1992 trong vụ Planned Parenthood kiện Casey được xây dựng dựa trên phán quyết Roe kiện Wade.

Tòa án cấp cao dự kiến sẽ xét xử vụ Dobbs vào mùa thu. Trong một thỉnh cầu được gửi lên Tòa án Tối cao hôm thứ Năm, Bộ trưởng Fitch nói rằng phán quyết Roe và Casey tạo ra nhiều câu hỏi hơn là các câu trả lời, và vấn đề phá thai nên được trả lại cho các nhà lập pháp hơn là cho tòa án.

Bộ trưởng Fitch nói rằng thay vì giải quyết tranh luận về vấn đề phá thai, các quyết định trong hai vụ Roe và Casey đã thiết lập “một chế độ quy tắc đặc biệt về luật pháp đối với vấn đề phá thai, phương hại đến các nguyên tắc trung lập lẽ ra phải có của pháp đình”.

Bộ trưởng Fitch nhấn mạnh rằng: “Kết quả là, các cơ quan lập pháp tiểu bang và những người mà họ đại diện, đã trở nên mơ hồ khi thông qua các luật lệ bảo vệ lợi ích công cộng hợp pháp, và các văn bản hướng dẫn giả tạo đã gây ra các cuộc tranh luận quan trọng của công chúng về cách chúng ta, với tư cách là một xã hội, quan tâm đến phẩm giá của phụ nữ và con em của họ”.

“Đã đến lúc Tòa án nơi từng đặt ra quyền này phải trả lại cuộc tranh luận chính trị này cho các nhánh chính trị khác của chính phủ”, cô viết.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y người Anh cấp năng quyền cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống cho các linh mục hội đủ các điều kiện của Tự Sắc Traditionis Custodes

Một vị Hồng Y người Anh nói rằng ngài có ý định cấp năng quyền cho các linh mục muốn cử hành các Thánh lễ Latinh Truyền thống miễn là các ngài đáp ứng các điều kiện theo quy định của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong một email gửi các linh mục của giáo phận Westminster, được công bố vào ngày 22 tháng 7, Đức Hồng Y Vincent Nichols cho biết nhiều linh mục đã yêu cầu được tiếp tục cử hành các thánh lễ theo Sách lễ năm 1962.

“Ý định của tôi là cấp phép cho những yêu cầu này, miễn là rõ ràng rằng các điều kiện của Tự Sắc được đáp ứng và các ý định của Đức Thánh Cha được hoàn toàn chấp nhận”, ngài nói.

Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, là ngày được công bố, nói rằng một giám mục có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc cho phép thánh lễ truyền thống Latinh trong giáo phận của ngài.

Văn kiện đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 trong đó Đức Bênêđíctô XVI thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962 mà không cần xin phép giám mục của các ngài.

Trong email, Đức Hồng Y Nichols nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “ba mối quan tâm sâu sắc” khi ngài ban hành Tự Sắc mới. Đó là các nhượng bộ đã bị “lợi dụng”, các quy định của Sách lễ mới không được tuân theo; và có mối liên hệ giữa việc sử dụng Sách Lễ năm 1962 và việc từ chối Giáo hội và các định chế của Giáo Hội nhân danh “Giáo hội chân chính”.

“Theo nhận định của tôi, những mối quan tâm này không xảy ra trong đời sống phụng vụ chung của giáo phận này. Tuy nhiên, chúng là những lời cảnh báo mà chúng ta nên đề phòng”. Đức Hồng Y đã đệ đơn từ chức tổng giám mục Westminster lên Đức Giáo Hoàng khi ngài tròn 75 tuổi vào tháng 11.
Source:Catholic News Agency

3. Chế độ Aleksandr Lukashenko đang gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo phải ủng hộ nó

Trong bối cảnh cuộc đàn áp xã hội dân sự tiếp tục diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận vào tháng 8 năm 2020, chế độ Aleksandr Lukashenko đang gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo phải ủng hộ nó. Đồng thời, chế độ đã tìm cách thay đổi những lời cầu nguyện cho tương lai của Belarus - mà nhiều cộng đồng đã đưa ra sau cuộc bầu cử để ủng hộ dân chủ thành những lời cầu nguyện ủng hộ chế độ. Chế độ cũng đã tìm cách cấm các buổi cầu nguyện cho các tù nhân chính trị.

Cảnh sát mật KGB, vẫn giữ nguyên tên từ thời Liên Sô, luôn giám sát chặt chẽ các đối thủ chính trị hoặc những ai có khả năng trở thành đối thủ. Trong số các mục tiêu của họ có các giáo sĩ và các thành viên tích cực của một loạt các cộng đồng tôn giáo.

Kể từ tháng 8 năm 2020, Giáo Hội Chính thống Belarus - cộng đồng tôn giáo lớn nhất ở Belarus - đã cách chức các giám mục cấp cao và các giáo sĩ cấp dưới được coi là không trung thành với chế độ. Một trong những giáo sĩ bị Giáo Hội Chính thống cách chức, có Tổng giám mục Artemy của Grodno, bị cách chức vào tháng 6 năm 2021. “Việc cách chức này xảy ra theo lệnh của nhà nước”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đài Âu Châu Tự do, đồng thời nói thêm rằng “họ cho rằng cần phải giải quyết dứt điểm tôi”. Ngài nhận xét rằng chế độ đã tiến hành một cuộc “tổng thanh trừng” kể từ cuộc bầu cử tháng 8 năm 2020.

Chế độ đã nhiều lần chỉ trích và cảnh cáo Giáo Hội Công Giáo, cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai. Từ cuối tháng 8, 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp nhất của đất nước đã bị ngăn cản không cho về nước. Sau các dàn xếp, ngày 22 tháng 12, ngài được cho về nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ngày 3 tháng Giêng, ngài được cho về hưu. Chế độ cũng đã trừng phạt các linh mục đã ủng hộ các cuộc biểu tình, gần đây nhất là vụ lùng bắt Cha Vyacheslav Barok vì phản đối gian lận bầu cử và các hành vi bạo lực của chế độ. Rất may, đầu tháng 7 năm 2021, ngài kịp thời trốn sang nước láng giềng Ba Lan.

Hôm 6 tháng 7, nhà độc tài Aleksandr Lukashenko, tổng thống bất hợp pháp của Belarus đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi các nhà thờ Công Giáo tại Belarus hát bài thánh ca có nhan đề “Magutnyj Boža” /ma-gút-ni-dép bố-già/, nghĩa là “Chúa toàn năng yêu mến quê hương chúng ta”. Bài thánh ca đã được hát tại tất cả các nhà thờ Công Giáo vào ngày 3 tháng 7, ngày lễ độc lập của Belarus.

Bài thánh ca chứa đựng một lời cầu nguyện xin Chúa ban sự thịnh vượng cho Belarus. Nó được sáng tác vào năm 1943 bởi nhà thơ Công Giáo Natalia Arsenieva. Năm 1947, Belarus đang rơi vào tay Liên sô, nhà soạn nhạc Nikolai Ravensky đã phổ thơ của Natalia thành nhạc. Bài hát đã trở nên rất phổ biến. Belarus có thời bị Đức Quốc xã chiếm đóng, nhưng đó là khoảng thời gian trước đó. Hitler đã bại trận từ năm 1945, hơn hai năm sau bài thánh ca ấy mới ra đời. Mặc dù vậy, do không ưa bài thánh ca này, tên độc tài Lukašenko đã táo tợn gọi nó là ‘bài thánh ca của phát xít’.

Lời bài hát này như sau: “Lạy Chúa toàn năng! Chúa tể của vũ trụ / của những mặt trời vĩ đại và những trái tim nhỏ bé! / Trên đất nước Belarus, hòa bình và thân thiện / Chúa đã lan tỏa những tia sáng vinh quang của Người. / Xin ban cho chúng con sức mạnh trong công việc hàng ngày giữa những khó khăn vất vả / ban cho chúng con lương thực hàng ngày, và ban cho quê hương chúng con, / sự tôn trọng và sức mạnh cùng với sự vĩ đại của đức tin, / vào sự thật của chúng con, vào tương lai của chúng con! / Xin hãy mang lại màu mỡ cho những cánh đồng lúa mạch, / chúng đã được đập bằng tay của chúng con! / Xin ban sức mạnh và hạnh phúc / cho đất nước và nhân dân chúng con!”

Dưới tiêu đề Magutnyj Boža, thành phố Mogilev đã tổ chức lễ hội âm nhạc tôn giáo từ năm 1993. Bây giờ là năm thứ 23, lễ hội diễn ra vào ngày lễ độc lập quốc gia vào đầu tháng 7, với sự kiện cuối cùng được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Tuy nhiên, Lukašenko, coi đây là một sự khiêu khích: “Bạn thấy đấy, họ muốn phá hủy ký ức lịch sử của chúng ta, phục hồi ông bà cố của họ và hoàn thành những gì họ đã bắt đầu. Họ muốn phá hủy quốc gia có chủ quyền của chúng ta, vẫy các cờ xí của bọn lính đánh thuê và ca ngợi bài hát của những người Công Giáo Đức Quốc xã, nhưng chúng tôi sẽ bắt họ phải trả giá”.

“Các cờ xí của bọn lính đánh thuê” thực ra là những lá cờ trắng - đỏ - trắng, biểu tượng của đất nước trước khi Liên Sô chiếm đóng. Đó chính là lá cờ mà Lukashenko đã tuyên thệ khi lên nắm quyền vào năm 1994.
Source:Forum 18
 
Được Tòa Thánh minh oan, ĐGM Ba Lan rơi lệ. Độc tài Maduro vu cáo ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 28/07/2021


1. Những tấm lòng kim cương có ‘tác động to lớn’ đối với các học sinh Công Giáo Tây Pennsylvania

Một nhà tài trợ ẩn danh cùng các đối tác của ông sẽ tài trợ dài hạn 20 triệu đô la cho chương trình hỗ trợ học phí cho các trường Công Giáo của Giáo phận Greensburg. Chương trình này được thiết lập để hỗ trợ hàng trăm học sinh ở tây nam Pennsylvania trong ít nhất là 5 năm tới.

“Đây là những nỗ lực truyền giáo thực sự. Những khoản tiền này giúp bảo đảm rằng nhiều học sinh sẽ được theo học trong các trường Công Giáo và hiểu biết về đức tin tốt hơn”, Tiến sĩ Maureen Marsteller, Giám đốc các Trường Công Giáo trong giáo phận, cho biết hôm 21 tháng Bảy.

Vào năm 2020, Hiệp hội Đối tác Cơ hội Học phí của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao gần 2.5 triệu đô la hỗ trợ học phí để hỗ trợ cho hơn 800 học sinh. Các nguồn này cũng bù đắp học phí cho 250 học sinh mới gia nhập hệ thống trường Công Giáo. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ nhập học của các trường Công Giáo tăng lên hơn 13%.

“Đây là cơ hội lớn cho các trường học Công Giáo của chúng ta, được thực hiện bởi các cá nhân có đầu óc cộng đồng sâu sắc, những người hiểu được tác động của giáo dục Công Giáo trong cuộc sống của một người”, Đức Cha Larry Kulick của giáo phận Greensburg nói. “Chúng tôi biết ơn dấn thân này của họ đối với các trường học và các gia đình trong giáo phận thông qua các mối quan hệ hợp tác này”.

Các khoản tiền này lần đầu tiên được công bố vào tháng Bảy năm 2020 với 2.5 triệu đô la từ một nhà tài trợ ẩn danh mà giáo phận cho biết là “cam kết củng cố nền giáo dục Công Giáo ở miền tây Pennsylvania”.

Nhà tài trợ ẩn danh có tấm lòng kim cương này đã gia hạn khoản đóng góp 2.5 triệu đô la mỗi năm trong suốt 5 năm tới. Đồng thời, các đối tác làm ăn chung với nhà tài trợ quảng đại này cũng xin được tham gia. Thành ra, trong 5 năm tới, giáo phận nhận được 20 triệu đô la.

“Đây thực sự là một ngày tuyệt vời đối với chúng tôi tại Giáo phận Greensburg với thông báo lịch sử và hoành tráng này”, Đức Cha Kulick nói trong cuộc họp báo tại Học viện Aquinas ở Greensburg. Ngài nói, chương trình này là một “cơ hội tuyệt vời” nhằm bảo đảm rằng mọi học sinh muốn có một nền giáo dục Công Giáo đều sẽ nhận được điều đó.
Source:Catholic News Agency

2. Vatican kết thúc cuộc điều tra một giám mục Công Giáo Ba Lan. Đức Cha được minh oan

Vatican đã kết luận rằng các cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một giám mục Công Giáo Ba Lan là “không thể chứng minh được”.

Trong một tuyên bố ngày 23 tháng 7, sứ thần Tòa thánh ở thủ đô Warsaw của Ba Lan cho biết Đức Cha Jan Szkodoń đã là đối tượng của một cuộc điều tra giáo luật sau khi ngài bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Tuyên bố cho biết: “Sau khi phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng thu thập được và sau khi nghe các nhân chứng trình bày, các cáo buộc chống lại Đức Cha Jan Szkodon là non constat, nghĩa là không chứng minh được”.

“Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người ta phát hiện ra rằng Đức Cha Jan Szkodoń đã hành động thiếu cẩn trọng đối với trẻ vị thành niên, khi tiếp đón một cô bé trong Tòa Giám Mục mà không có sự hiện diện của cha mẹ cô ta, là những người đã biết vị giám mục trong nhiều năm”.

Đức Cha Szkodoń, 74 tuổi, một Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Kraków, được lệnh thực hiện một cuộc tĩnh tâm khép kín ba tháng, “dành riêng cho việc suy tư và cầu nguyện”.

Sứ thần Tòa thánh nói rằng Đức Cha Szkodoń đã đáp ứng yêu cầu này vì ngài đã sống ẩn dật kể từ tháng 2 năm 2020 - khi những cáo buộc chống lại Đức Cha được một tạp chí Ba Lan đăng tải.

Kể từ tháng 11 năm 2020, Vatican đã kỷ luật một loạt giám mục Ba Lan chủ yếu đã nghỉ hưu sau các cuộc điều tra về các cáo buộc cho rằng các ngài đã không trừng phạt thẳng tay các linh mục lạm dụng tính dục vì e ngại làm mất danh tiếng của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, bí thư của Thánh Gioan Phaolô II, đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Vatican về những cáo buộc rằng ngài đã không quan tâm giải quyết các vụ lạm dụng trong thời gian làm tổng giám mục Kraków từ năm 2005 đến năm 2016.

Truyền thông Ý và Ba Lan hôm 23/7 đưa tin cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về sự sơ suất, nhưng kết luận của cuộc điều tra vẫn chưa được công khai.
Source:Catholic News Agency

3. Độc tài Nicolás Maduro chỉ trích Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “ đầy hận thù” và “ hoài nghi”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.

Đức Hồng Y Parolin là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Bức thư ngày 23 tháng 6 của Đức Hồng Y được gửi tới Ricardo Cusanno Maduro, chủ tịch Fedecámaras, hay Liên đoàn Thương mại Venezuela. Bức thư được công bố trong cuộc họp thường niên lần thứ 77 của tổ chức này, và đề cập đến “các vấn đề về tương lai của nền kinh tế đất nước và mối quan hệ của Venezuela với hòa bình trong khu vực”.

Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của Caracas, là người mà Maduro gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.

Đối với Maduro, lá thư này của Vatican là “một hợp tuyển của hận thù, độc dược, cãi vã, giễu cợt, thật nực cười; một bức thư thực sự đầy hận thù.”

Maduro đặt câu hỏi: “Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thì liên quan gì đến cuộc tụ họp của một tổ chức kinh doanh ở Venezuela? Tôi hỏi, ông ta làm gì với điều đó? Giải thích điều đó đi, Pietro Parolini”

Trong bức thư gửi tới hội đồng Fedecámaras, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài nhận thức được cam kết của tổ chức này “đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, và những nỗ lực họ đang thực hiện để thúc đẩy một Venezuela công bằng, dân chủ, hiệu quả hơn, trong đó công lý xã hội thực sự ngự trị”.

Bức thư viết tiếp: “Giống như các bạn, tôi cho rằng điều quan trọng là xã hội dân sự cũng là nhân vật chính của các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở đất nước thân yêu này, một giải pháp sẽ chỉ thoả đáng nếu người dân Venezuela, và đặc biệt là những người có trách nhiệm chính trị sẵn lòng ngồi xuống và đàm phán, một cách nghiêm túc, về các vấn đề cụ thể đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân Venezuela, và phải diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định”

Đối với Đức Hồng Y Parolin “điều này đòi hỏi ý chí chính trị từ phía những người có liên quan, sẵn sàng để lợi ích chung chiếm ưu thế hơn lợi ích cá nhân, và sự hỗ trợ có trách nhiệm của xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế”.

“Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn ủng hộ tất cả các sáng kiến thúc đẩy sự hiểu biết và hòa giải giữa những người Venezuela”, Đức Hồng Y Parolin viết.
Source:Catholic News Agency
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News