Ngày 30-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 18 Mùa Thường Niên 31/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:52 30/07/2022

BÀI ĐỌC 1 Gv 1:2,2:21-23

Bài trích sách Giảng viên.

Ông Cô-he-lét nói:

“Phù vân, quả là phù vân.

Phù vân, quả là phù vân.

Tất cả chỉ là phù vân.

Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết

mà làm việc vất vả mới thành công,

rồi lại phải trao sự nghiệp của mình

cho một người đã không vất vả gì hết.

Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ.

Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm

và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?

Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ,

bao công khó chỉ đem lại ưu phiền!

Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí.

Điều ấy cũng chỉ là phù vân!”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Cl 3:1-5.9-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.

Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 5:3

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 12:13-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”

Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này:

“Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’

Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Đó là Lời Chúa.
 
Học từ chối điều được phép
Lm. Minh Anh
05:38 30/07/2022

HỌC TỪ CHỐI ĐIỀU ĐƯỢC PHÉP
“Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi!”.

A.W. Tozer nói, “Âm thanh của một cây vĩ cầm độc tấu sẽ như thế nào nếu các dây trên cây đàn của người nghệ sĩ đều buông thõng, không căng, nghĩa là vô kỷ luật!”. Cũng thế, cuộc sống của một Kitô hữu sẽ ra sao nếu người ấy sống buông thả và vô kỷ luật. Bạn sẽ không biết từ chối những điều cấm, nếu đã không ‘học biết chối từ những điều được phép!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của A.W. Tozer được gặp lại qua cả hai bài đọc hôm nay khi chúng ta mượn lại một lời trong Thánh Vịnh đáp ca để thưa lên cùng Chúa, “Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi!”. Để không bị ‘sóng cồn’ cuốn đi, hãy ‘học biết từ chối điều được phép!’. Câu chuyện của Giêrêmia suýt bị chôn sống và câu chuyện của Gioan Tẩy Giả bị chặt đầu sẽ nói nhiều hơn về điều đó.

Với bài đọc thứ nhất, “Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi!” trước hết, là tâm tình của Giêrêmia, người được Chúa sai đến với dân, mang sứ điệp đòi họ phải thay đổi, đừng buông theo thói đời và vô kỷ luật; thế mà, đối với dân, đó là một sứ điệp chói tai, nên tốt nhất, là chôn sứ điệp cùng với người mang nó! Với bài Tin Mừng, chiếc đầu của Gioan Tẩy Giả như là phần thưởng cho một cô gái, con một ả tình nhân của một vị vua, người đã đưa ra một lời hứa bốc đồng lúc men tình đã làm ông chếnh choáng, thì “Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi!” còn là tâm tình của mỗi người chúng ta! Sẽ rất thú vị khi nói rằng, cả chúng ta, hãy cầu xin cho mình khỏi bị ‘sóng cuốn’ trong những cuộc vui, những kỳ nghỉ; dẫu đó là những gì được phép!

Trong cuộc sống, sẽ không có gì sai khi chúng ta có những dịp mừng kỷ niệm, hoặc những ngày nghỉ với những khoảnh khắc vui vẻ và thư giãn. Cuộc sống của một Kitô hữu hay của một người tu trì rất giàu những khoảnh khắc hạnh phúc theo nghĩa này; tuy nhiên, như trường hợp trong bữa tiệc của Hêrôđê, chúng ta có nguy cơ tìm kiếm một sự giải trí hoặc một trò tiêu khiển vốn chỉ có thể thao túng niềm đam mê, làm suy yếu đạo đức, khiến chúng ta xúc phạm sâu sắc đến Chúa và tha nhân. Hêrôđê trở thành kẻ giết người hơn là một vị vua tốt; đam mê nhục dục và sự tôn trọng tha nhân đã nên bất trị nơi ông, khiến ông tiêu diệt hơn là bảo vệ tha nhân.

Tôi phải nhớ rằng, cả trong những giây phút thư giãn, tôi có trách nhiệm bảo vệ và nuôi dưỡng căn tính Kitô và căn tính ơn gọi của tôi; còn hơn thế, là con Chúa, tôi phải nên thánh trong đời thường! Vì thế, hãy cho phép mình tìm kiếm những trò tiêu khiển lành mạnh, những nơi trong lành, mà tôi có thể chia sẻ niềm vui trong chừng mực với bạn bè, gia đình và với những người thân yêu. ‘Chừng mực’, một điều gì đó thật đáng kể! Vì thế, sẽ không bao giờ có một cuộc vui được gọi là ‘tới bến’ ngay cả với những người thân! Vì người ta sẽ không biết từ chối những điều cấm nếu đã không ‘học biết chối từ những điều được phép!’. Và không phải điều tôi dâng cho Chúa mới đáng giá, nhưng sẽ đáng giá hơn, điều tôi từ chối vì Ngài!

Anh Chị em,

“Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi!”. Lời cầu mà con cái Giáo Hội thưa lên hôm nay là lời cầu rất thực cho những ai ý thức phận hèn yếu đuối của mình. Quả thế, trong thâm tâm, Hêrôđê không muốn giết Gioan vì ông cũng yêu quý Gioan; thế nhưng, chỉ thiếu khôn ngoan trong một giây phút nông nổi, ông đã phải mang tội giết người và phải áy náy suốt đời. Cũng thế, đang sống trong một thế giới rất ảo, ít nhiều chúng ta cũng bị nó hấp lực; vì thế, rất dễ dàng, chúng ta có thể chà đạp lên nhân phẩm, hạnh phúc hoặc ngay cả sự sống của người khác. Hãy nói “Không” với sự ích kỷ của mình từ những đòi hỏi thấp hèn và lăng loàn của bản thân; ‘học từ chối điều được phép!’. Và thật không dễ để làm được điều này nếu chúng ta không có cho mình một kỷ luật khắt khe đối với bản thân và nghiêm túc xét mình hằng ngày.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để một đam mê nào trói buộc con, trừ mỗi đam mê yêu mến Chúa và chỉ tìm làm vui lòng Chúa. Nhờ đó, con sẽ không bị ‘sóng cuốn’ trôi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Có diễn viên nào ở mãi trên sân khấu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:47 30/07/2022

CÓ DIỄN VIÊN NÀO Ở MÃI TRÊN SÂN KHẤU?
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Sách Giảng viên thì nhắc nhở: "Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1, 2).
Thư gởi tín hữu Côlôsê thì mời gọi: "Hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất" (Cl 3, 2).

Còn Chúa Giêsu thì dạy: "Hãy giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu" (Lc 12, 15).

Dù mỗi bài đọc Kinh Thánh hôm nay có cách nói riêng của mình, nhưng đều nhắm mời gọi từng cá nhân nhìn lại đời sống, nhìn lại nếp sống, lối suy nghĩ, từ đó tự đánh giá bản thân, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho điều tồi tệ nhất: cái chết có thể thình lình ập đến bất cứ lúc nào.

Để minh chứng cho nỗi bấp bênh, sự mong manh của kiếp người, Chúa kể dụ ngôn người phú hộ ngu dại. Cả đời ông chỉ biết lao tâm khổ tứ đổ mồ hôi, sôi nước mắt xây dựng sự giàu có của cải trần thế. Chúa kết luận: "Hỡi kẻ ngu dại...". Tại sao ngu? Ngu bởi ông ta:
- Chẳng nghĩ gì đến linh hồn và sự sống mai sau mà chỉ tham lam đời này;

- Chẳng quan tâm đến sự thưởng phạt đời sau mà chỉ mơ mộng để có những hưởng thụ và vui thú của thân xác;
- Quên rằng, khi người ta chết là khi người ta nghèo nhất. Người ta không còn trong tay bất cứ một cái gì mà mình đã từng xây đắp cả đời;
- Ngộ nhận vật chất bảo đảm cho hạnh phúc, vì thế ông ta mới có ý nghĩ: "Cứ nghĩ ngơi đi, cứ ăn uống vui chơi đi";
- Ngộ nhận có thật nhiều của cải là mạng sống an toàn;
- Thiếu khôn ngoan để nhận ra cái gì là tài sản đích thực, cái gì là của phù vân và hư nát;
- Càng có của thì càng tối mắt đến nỗi không còn nhận ra bất cứ chân lý nào tốt hơn để có thể dẫn đưa bản thân đến vinh quang và hạnh phúc thật...

Từ nội dung của phụng vụ Lời Chúa, ta được mời gọi hãy luôn khắc ghi: Cuộc đời mỗi người như chẳng khác một vỡ kịch...

Mỗi ngày trôi qua, là một lần chúng ta đang đánh mất một phần sự sống của mình. Cứ như thế, càng lúc chúng ta càng tiến về phía hoàn hôn đang hạ xuống thấp dần, thấp dần ở phía cuối hành trình đời mình...

Theo thời gian, dù là người vô tâm nhất, chắc chắn rồi cũng nhận ra, bản thân hết vẻ tươi rói, hết trẻ trung, hết nét tinh anh vốn có của tuổi xuân, thay vào đó mái đầu dần đẫm màu mây và những dấu chân chim cũng sẽ hằn rõ nét...

Cứ từng ngày trôi, sự già nua sẽ theo đó mà tấn công. Chắc chắn, chúng ta sẽ càng thấm thía tuổi già của mình mỗi khi trái gió, trở trời. Chắc chắn sẽ cảm nhận những lần cái mỏi mệt ào ào ập đến...

Không thiếu những bước chân chồn, không thiếu những lần thân thể nặng như chịu ngàn tấn đá treo. Nhức đau không còn là chuyện xa xôi, bất thường. Sự lẩn thẩn của tâm trí cũng dần hội tụ...

Rõ ràng, sự chóng vánh của đời người chẳng khác sự nghiệt ngã đang diễn ra khi sân khấu đang bị chiếc màn nhung nào đó dần khép lại. Có khác chăng là sự phân biệt sân khấu nghệ thuật và sân khấu cõi đời.

Dù là sân khấu nào, người diễn viên chỉ có thể đứng trên đó một giai đoạn, dẫu diễn viên giỏi hay diễn viên dở, diễn tốt hay diễn tồi...

Trên chiếc sân khấu cõi đời, mỗi chúng ta như những diễn viên. Thiên Chúa là Đạo Diễn cho vỡ kịch cuộc đời. Mỗi diễn viên được Đạo Diễn dành cho một khoảng thời gian diễn xuất trên sân khấu cuộc đời ấy. Diễn xong thì rút lui nhường chỗ cho diễn viên khác bước lên...
Vì thế, điều quan trọng trên hết mọi thứ quan trọng, đó là người diễn viên có đóng trọn vai trò của mình đúng ý Đạo Diễn hay không, có hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao cho thực hiện trong khoảng thời gian được hiện diện ở cõi đời này hay không.

Biết đời mình chỉ là một khoảnh khắc, chúng ta hãy tập sống siêu thoát với mọi của cải thế gian, hãy "tích trữ của cải cho mình" là mọi thứ nhân đức, mọi nỗ lực sống yêu thương, bác ái, mọi phấn đấu nhằm làm cho giới luật của Chúa thấm vào mọi sinh hoạt, mọi nếp nghĩ, nếp làm.

Hãy luôn mang lấy lời dạy của Chúa Giêsu trong trái tim, trong khối óc: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Hạnh phúc không đến tự nhiên nhưng nó phải đến sau nhiều vất vả, chóng chọi, tập tành, đổ vỡ và đứng lên... Có như thế, ta mới thực là kẻ khôn ngoan đang tự dẫn mình từng bước tiến về cùng Thiên Chúa. Có như thế, ta sẽ tránh được lời đanh thép của Chúa Giêsu: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi..." (Lc 12, 20).

Làm diễn viên trên sân khấu cuộc đời chẳng dễ dàng. Trung thành, tin tưởng, tín thác đi theo đường lối mà Đạo Diễn vạch ra cho mình là cách tốt nhất để sau khi tấm màn nhung của sân khấu cuộc đời khép lại, người diễn viên ra về giữa nỗi niềm thư thái, an nhiên trong vòng tay vị Đạo Diễn của mình.

Không ai trong chúng ta có thể biết vị Ðạo Diễn đời mình là Thiên Chúa sẽ ban cho bao nhiêu thời gian. Nhưng ai cũng biết chắc, Chúa muốn sự có mặt của từng người trên đời sẽ làm cho đời tốt đẹp hơn. Nhất là tuổi càng cao, thì càng dày trải nghiệm để đủ khôn ngoan chọn lựa cái gì hợp ý Chúa, cái gì phải loại ra khỏi sự sống của mình.

Một lời khuyên khác của Vị Đạo Diễn cũng đáng để chúng ta tâm niệm cho từng ngày tháng làm người: Đừng mãi lo sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Cũng đừng lo làm sao kéo dài mạng sống của mình. Trước tiên hãy lo tìm sự công chính và xây dựng Nước Chúa. Rồi mọi sự khác Chúa sẽ lo cho (Mt 6, 31-34).

Một mai mỗi chúng ta hết đi vào sân khấu, Vị Ðạo Diễn, Thiên Chúa sẽ đánh giá đời chúng ta. Chắc chắn Chúa không xem thời gian ở trên sân khấu của từng người dài hay ngắn, làm ăn có khá không.

Vị Đạo Diễn sẽ đánh giá xem, mỗi chúng ta đã cộng tác với hồng ân của Chúa ra sao? Thời gian mà Chúa ban cho, chúng ta có dùng đúng ý Chúa không? Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để xây dựng Nước của Chúa, triều đại của Chúa như thế nào?

Thời gian còn lại là giai đoạn cuối cuộc đời, chúng ta phải soi mình, không phải như soi gương để thấy cái đẹp, cái xấu, cái già mua trên khuôn mặt, mà là soi trong nội tâm để càng nhận định rõ hơn, thấu đáo hơn: Thời gian ngắn ngủi trên đời sẽ là thước đo định đoạt số phận muôn đời của mỗi người...
 
Ba thái độ đối với tiền của
Lm. Alf.Nguyễn Công Minh
12:11 30/07/2022
Ba thái độ đối với tiền của

Bài Tin Mừng hôm nay nói về của cải : tích trữ của cải. Nhưng của cải thường được quy ra tiền để dễ xếp thứ hạng xem ai giàu nhất.Ta thử suy gẫm về "tiền" theo gợi ý của Đức Giám Mục Bùi Tuần :

Tiền không biết nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về đồng tiền. Tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Mấy gia đình không có những người nghĩ đến tiền, dù chỉ trong một buổi. Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có. Muốn có phải lo tìm. Tìm hoài vẫn thường không đủ. Không đủ nên mới lại cần; cái vòng luẩn quẩn đó dắt con người làm quen với tiền. Từ quen tới quen thuộc. Từ quen thuộc tới quen thân, cứ thế đồng tiền ung dung đi vào cuộc đời con người bằng đủ mọi đường mọi ngả.

Đồng tiền là vật chất nhưng nó không như sự vật khác. Dù rách, dù hôi nó vẫn được quí. Dù đẹp dù xấu nó vẫn được yêu. Dù mới tinh còn thơm mùi mực in hay cũ kỹ nhầu nát, nó vẫn được cất giữ. Phải chăng tương quan giữa người và tiền có gì đặc biệt?

Ta có thể kể ra 3 tương quan :

1. Con người cần tiền.

Con người cần tiền không phải vì tiền. Mà con người cần tiền vì tiền cho những trị giá, cho những trị giá vật chất và cho cả trị giá tinh thần. Trị giá vật chất là tôi cần ăn, tiền cho tôi những ký gạo. Tôi cần uống, tiền cho tôi chai nước cam. Tôi cần mặc, tiền cho tôi quần áo. Tôi cần nơi ở, tiền cho tôi mái nhà…

Trị giá tinh thần là khi tôi cầm tiền trao cho một người túng thiếu, tôi không mua được cái gì vật chất, nhưng tôi có niềm vui vì đã giúp đỡ. Trị giá tinh thần là khi tôi mua một cuốn sách: sách kiến thức mở mang tâm trí tôi, sách thiêng liêng, dạy tôi kết hợp với Chúa hơn. Sách nhân bản giúp tôi sống xứng đáng là người hơn. Một con người hơn con vật nhờ tinh thần : Linh ư vạn vật

Trị giá tinh thần cũng có thể là những ngày nghỉ ngơi, những giờ giải trí, những phút vui chơi, tạo thảnh thơi tâm hồn. Phải có tiền mới có những giá trị đó. Dùng tiền để mua những nhu cầu, những cái cần thiết cho cuộc sống, đó là thái độ thông thường nhất của những con người trong tương quan với tiền : Con người cần tiền.

Nhưng người ta cũng thường nói: được voi đòi tiên. Muốn được tiên, phải có tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Vì thế, từ “cần tiền”, con người khi thấy mãnh lực hấp dẫn của nó sẽ dễ dàng chuyển sang "mê tiền."

2. Con người mê tiền

Khi thấy đồng tiền không chỉ mua được những trị giá vật chất và tinh thần cần thiết, mà còn có thể mua được nhiều cái hơn thế nữa, nhất là trong xã hội tư bản chuộng đồng tiền, thì người ta mê tiền, khi mê thì ca tụng nó:

Đồng tiền là tiên là phật – Là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ cuả tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Ôi đồng tiền, hết ý !

Rồi nhìn vào xã hội, thấy người có nhiều tiền được kính nể. Nghề có nhiều tiền được coi là nghề quí. Người khéo làm ra tiền được coi là người giỏi. Vì thế mà đồng tiền lôi cuốn người ta theo nó. Con người trở thành kẻ mê tiền, để có tiền thì sẽ được nể nang, được khen là người giỏi, nhanh nhẹn tháo vát thành công. Để được gọi là ông. “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết 'ông tôi' ” (Nguyễn Bỉnh.Khiêm).

Con người cần tiền để giải quyết các nhu cầu. Mà nhu cầu thì diễn ra hàng ngày. Do đó con người có thói quen dùng tiền. Mà thói quen nào cũng có thể chuyển thành đam mê. Quen chơi bài thành mê bài bạc. Quen chọi gà thành mê đá gà. Quen dùng tiền, thấy tiền tiện lợi, bỏ túi được, đưa cho ai họ cũng nhận, không trả giá kỳ kèo như khi trao đổi đồ vật – thì mê tiền. Mê đến cực độ thì mù quáng. Ta gọi đó là tương quan thứ ba:

3. Con người thờ tiền

Đam mê cái gì quá mức thì tôn thờ cái đó, trở thành mù với tất cả mà chỉ sáng chỉ thấy với cái mình thờ. Người ta nói đâm mê sắc dục thì mù quáng nhất, nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém. Người đam mê sắc dục tới độ nào đó sẽ biết mình lỗi lầm, hối hận. Còn người mê tiền thì có thể mơ đến nó suốt đêm, bàn đến nó suốt ngày, vơ vét nó suốt tháng và tích trữ nó cả năm mà vẫn không thấy (tức là mù quáng) vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần xét lại. Họ tự phụ trong cái mê đó, nhiều khi còn mặc cho nó chiếc áo đạo đức: tôi kiếm tiền như thế mới giúp đỡ kẻ khó, mới mở rộng Nước Chúa được, mới đủ điều kiện giáo dục con cháu.

Bây giờ thử hỏi chúng ta có phải là kẻ mê tiền không thì chắc gần như 90% ta sẽ trả lời là không, huống hồ là câu hỏi ta có thờ tiền không – thì càng trăm phần trăm “không !”. Vì trên bàn thờ của ta trong gia đình vẫn là "Lái" Tim Chúa chứ đâu có đồng bạc nào. Ta đâu có thờ nó !

Nhưng ta không để tiền trên bàn thờ mà để trong lòng trong trí ta hầu lúc nào cũng nhớ đến nó. – thì còn thờ nó hơn 100 lần ta để trên bàn thờ. Mà có cái lạ là càng giàu, càng nghĩ tới nó. Thử làm một quan sát nhỏ : mỗi tuần có một thánh lễ Chúa nhật, tạm gọi là giờ thờ phượng Chúa đúng nghĩa. Nhưng thử xem ai là kẻ đến trễ, ai là kẻ về sớm, ai là kẻ không đi? Hình như xã hội, lớp người càng khá giả ra, càng làm ra tiền thì càng xa Chúa hơn. Ấy là chưa nói thánh lễ giờ kinh ngày thường, thường vắng bóng họ.

Đồng tiền là khúc ruột. Đụng tới tiền bạc là đụng tới khúc ruột của nhiều người. Muốn đụng tới mà không đau, cần phải có nhiều giờ để rào trước đón sau, diễn giải dẫn dụ, nhưng điều đó lại không làm được trong giờ phút ngắn ngủi chia sẻ Lời Chúa này vì cũng còn phải kết thúc sớm đặng về lo làm ăn kiếm tiền – dù hôm nay là Chúa nhật nữa chứ !

Nhưng ta nhớ rằng Chúa Giêsu nói không ai có thể thờ hai chủ : vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ Tiền Của ! Cái nguy cơ là ta thờ tiền mà ta không biết. Xin cho lời kinh Tin Kính mà ta sắp tuyên xưng trong đó ta tuyên xưng chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất, chỉ tin kính mình Ngài, luôn ở mãi trong tâm trí ta, để dù bận rộn làm ăn, ta vẫn không đặt Chúa bên lề, mà để Tiền Của bên trên. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy ý từ bài viết của đgm Bùi Tuần)
 
Đừng cứng lòng với cái hư không !
LM. GiuseTrương Đình Hiền.
12:14 30/07/2022
Đừng Cứng Lòng Với Cái Hư Không !

(CHÚA NHẬT 18 TN C 2022)

Sứ điệp phụng vụ hôm nay, qua các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố, có thể được tóm tắt trong trong nội dung ý nghĩa nầy: Phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa và đừng cứng lòng với cái hư không.

Trước hết, lời dạy của Sách Giảng Viên trong Cựu ước khuyên nhủ chúng ta không nên thiển cận chỉ biết cặm cuội đầu tư tất cả cho cuộc sống tại thế và cho những giá trị vật chất mau qua; nhưng phải đặt cuộc sống trên những giá trị vĩnh hằng: “Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không… Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?”.

Hai chữ “hư không” được sách Giảng Viên lặp đi lặp lại nhiều lần chắc chắn không nhằm hướng chúng ta đến cuộc sống tiêu cực, chán đời, quay lưng lại với cuộc đời, với trách nhiệm và bổn phận…; nhưng cốt yếu gọi mời chúng ta phải vươn mình lên cao, tìm kiếm và đầu tư cuộc sống cho những giá trị vĩnh hằng, cho những gia tài trường cữu, những của cải khả dĩ mang lại hạnh phúc đích thật.

Không biết, có phải vì thấm nhuần đạo lý trên của sách Giảng Viên mà Đại văn hào Nga, Leon Tolstoi đã có một câu chuyện ngụ ngôn để đời: Một người nông dân kia tên là Pakhom rất ham thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh tậu được một mảnh đất 40 mẫu. Anh mừng lắm. Nhưng chẳng bao lâu anh muốn một mảnh đất rộng hơn. Anh lại làm lụng và để dành, bán mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, mua được một mảnh đất 80 mẫu. Nhưng anh chưa thoả mãn, muốn tìm một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người cho anh biết rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân đi sang vùng bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: "Anh chỉ cần trả 1000 rúp thì có thể sở hữu được một vùng đất mà anh đi được trong một ngày. Nhưng cần nhớ là anh phải trở lại đúng nơi điểm xuất phát cũng trong ngày đó. Nếu về không kịp thì kể như mất tiền vô ích". Đêm đó người nông dân sung sướng ngủ không được. Vừa rạng sáng hôm sau anh nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu bước đi. Càng đi anh càng sung sướng vì thấy đất của mình càng rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên mất thời gian. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh mới hốt hoảng quay về. Nhưng vì anh đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Đến điểm mốc, anh ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng: "Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh". Nhưng người nông dân không đứng dậy được nữa để nhận lấy tài sản của mình, vì anh đã chết!”

Trong thế giới nầy, trên cuộc đời nầy, không chỉ có một nhân vật Pakhom của Léon Tolstoi bị “thần mammon” ám cho tới chết; mà rất nhiều người trong chúng ta, có thể trong một lúc nào đó, cũng đã để mình bị cuốn hút theo một loại “thần mammon” với nhiều dạng khác nhau: có khi là những đam mê trần tục, những sự giàu có thế gian; nhưng cũng có khi là sự thành công, danh tiếng là quyền lực thống trị, là sắc đẹp, sĩ diện… để sẵn sàng quay lưng lại với Thiên Chúa, với Nước Trời.

Đức Kitô không cho phép những kẻ theo Ngài “bắt cá hai tay”: vừa tiền của vừa Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm đầy tớ cho tiền của…” (Mt 6,24). Vâng, chọn Chúa, chọn đức tin, chọn Nước Trời… chúng ta cần phải vượt qua “nỗi buồn sụ mặt quay lưng vì có nhiều của cải” của chàng thanh niên giàu có (Mt 19,22), để sẵn sàng bắt chước những Phêrô, Gioan, “bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả cha già…” (Mt 4,18-22) để dấn bước lên đường !

Dĩ nhiên, việc “từ bỏ” mà Chúa Kitô gọi mời không được khư khư hiểu theo nghĩa đen, mà cốt lõi, chính là sự “vươn mình lên”, là chiến thắng, là quảng đại sẻ chia, là hy sinh, hiến tế…

Ý nghĩa nầy đã được Lời Chúa trong Bài đọc 2 hôm nay xác nhận: Đây là bài giáo lý sâu xa của Thánh Tông Đồ Phaolô trong trích đoạn thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê về cuộc sống mới trong Đức Ki-tô, một cuộc sống đòi hỏi phải lột xác thoát khỏi những đam mê và dục vọng trần tục. Quả thật, với Thánh Phaolô, cuộc chiến đấu đức tin không phải chỉ là chuyện giản đơn về “đồng tiền cắt bạc”, mà là một cuộc “vượt qua đầy thách đố” trước những cám dỗ của trần tục và những đam mê thấp hèn: “Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa… Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.”

Sau cùng, lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca vừa được công bố như một tóm kết cho sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật hôm nay: LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA.

Thật vậy, nhân câu chuyện “nhờ Ngài chia của”, Đức Kitô đã thâm thuý giảng dạy về sự lựa chọn con đường sống Làm giàu trước mặt Thiên Chúa: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu… Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".

Kể từ khi Tin Mừng được loan báo cho đến mãi hôm nay, đề nghị “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” của Đức Kitô đã được bao nhiêu người đón nhận và thực hiện; lịch sử 2000 năm của Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa đã khắc ghi bao chứng tích oai hùng của những con người, những cộng đoàn thể hiện cách trọn hảo “nguyên tắc vàng” của Tin Mừng nầy. Giải Nobel Hòa bình 1979 mà thế giới trao cho Mẹ Têrêsa Calcutta là một chứng từ rõ nét của một con người đã thực hiện nguyên tắc vàng ấy cho đến cùng ! Thế giới nầy, Giáo Hội nầy không chỉ có mỗi mình Mẹ Têrêsa Calcutta đã biết “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” mà là hàng traăm, hàng vạn !

Tóm lại, sứ điệp phụng vụ hôm nay không nhằm hô hào, cổ võ một thái độ sống tiêu cực, chán đời; nhưng là khai mở một cái nhìn tỉnh táo và khôn ngoan hướng vào cuộc sống nhằm giúp chúng ta định hướng và đầu tư cuộc đời sao cho phù hợp với chương trình khôn ngoan và đầy tình thương của Thiên Chúa. Đứng trước một xã hội mà vật chất, tiền của đang chiếm lĩnh mọi bậc thang giá trị, Lời Chúa hôm nay phải chăng là một cảnh báo thích hợp cho mỗi người chúng ta để chúng ta luôn sống đúng căn tính của người Kitô hữu và tìm được hạnh phúc đích thực.

Đứng trước tiếng gọi mời của Lời Chúa, chúng ta cùng ước nguyện cho nhau, như lời ước của Thánh Vịnh Đáp ca mà chúng ta đã cùng hát lên: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng”. Vâng, đừng cứng lòng vì những chuyện, những cái “hư không” nhưng sẵn sàng “cứng lòng” trong việc “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Amen.

LM. GiuseTrương Đình Hiền.

 
Giàu mà sao Chúa bảo ngốc?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:11 30/07/2022
Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ GIÀU MÀ SAO CHÚA BẢO NGỐC?

https://youtu.be/llIqI7aRDM4?t=190

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:22 30/07/2022

17. Người được yêu đứng trước ái tình mà sống, thì có thể làm cho người khác vui vẻ.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:28 30/07/2022
55. KIỆU PHU RA GIÁ

Có một lão đại gia bỏ tiền ra để mua một chức quan nhỏ, rồi từ chức đạo viên (1) thăng lên đến chức quan lớn ở địa phương, đều là do công lao sức mạnh của nén bạc đồng tiền mà được như thế.

Một hôm, ông ta thuê được người khiêng kiệu mới, hỏi hắn ta tiền công một tháng là bao nhiêu, người ấy đáp:

- “Nếu chỉ có khiêng đại nhân mà đại nhân mặc quần áo thường phục, thì tiền công không cần so đo. Nếu khiêng đại nhân mặc đại nhân mặc áo nhà quan để đi thăm bạn bè khách khứa, thì mỗi tháng phải là mười lượng bạc.”

Đại quan không hiểu gì cả nên tạm thời lưu dụng hắn.

Có người hỏi người khiêng kiệu: -

- “Áo thường và áo quan thì có gì là khác biệt?”

Người khiêng kiệu trả lời:

- “Xương của ông ta thì nhẹ, nếu mặc áo thường, tôi khiêng ông ta nhẹ hều à, cho nên tiền công không cần so đo. Nếu ông ta mặc áo quan, thì sức nặng của cái mão chuồn chuồn, của hoa đuôi (đồ trang sức trên đầu), trân châu của ông ta, lại còn có rất nhiều bạc nén tiền đồng mà tôi chưa biết nữa, đó không phải là tôi khiêng một kiệu tiền bạc hay sao? Nếu số lượng này đè trên vai tôi, thì tại sao không đòi ông ta trả mười lượng bạc tiền công?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 55:

Ở đời cái gì cũng có cái giá của nó.

1. Có những cái giá như sau:

Giá của người bị bán làm nô lệ, giá của người bị bán làm vợ người nước ngoài, giá của trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, giá của người bán thân nuôi miệng.v.v...các loại giá này cao thấp thì tùy mặt hàng, nhưng chắc chắn là rẽ hơn con chó kiểng, con mèo kiểng của người giàu có.

2. Cái giá của người giàu có như sau:

Giá của việc ăn chơi trác táng: mang bệnh vào thân.

Giá của việc có vợ bé bồ nhí: gia đình tan hoang.

Giá của việc thích chơi trội chơi nổi: mất danh dự.

Giá của việc tham nhũng: ở tù...

Giá của việc bốc lột dân nghèo: mất cả tính người.

Tất cả những cái giá trên đây đều phải trả một lần và đời đời trong hỏa ngục. Ai có tai thì hãy nghe, để tự mình sửa đổi giá lại, bằng không thì hối không kịp đấy.

(1) Thời nhà Thanh một tỉnh chia ra nhiều đạo, đạo viên là một viên chức nhỏ của chính phủ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đừng làm loãng tình yêu
Lm. Minh Anh
22:47 30/07/2022

ĐỪNG LÀM LOÃNG TÌNH YÊU!
“Hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam!”.

Một nhà tu đức nói, “Dẫu không đối mặt với một tập hợp các thần giả như Israel, nhưng chúng ta phải đối mặt với một tập hợp các giá trị sai lầm của chủ nghĩa vật chất, giải trí, nhục dục, tôn thờ bản thân, an ninh và nhiều thứ khác. Điều răn thứ hai đề cập đến ngẫu tượng! Đây có thể là điều mà hầu hết chúng ta không thể liên quan đến, trừ khi chúng ta để cho mục tiêu cuộc sống xoay quanh một điều gì đó không phải là Chúa. Đối tượng tình cảm, nỗ lực và sự chú ý của chúng ta là gì? Phần lớn thời gian của chúng ta đi đâu? ‘Đừng làm loãng tình yêu!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng ‘Đừng làm loãng tình yêu!’ của nhà tu đức trên được gặp lại trong Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Chúa Giêsu nói đến một điều rất thực, rất người, nhưng cũng rất hiểm nghèo; đó là của cải! Ngài biết của cải hiểm nghèo cho tương quan của chúng ta với Chúa, với tha nhân đến mức nào; nên Ngài căn dặn, “Hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam!”.

Bài đọc Giảng Viên nói, “Phù vân trên mọi phù vân; mọi sự đều là phù vân!”; Gióp từng nói, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng!”. Đó là sự thật! Phaolô nhắn gửi giáo đoàn Côlôssê, “Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, đừng nghĩ đến những sự dưới đất!”. Nếu chú tâm những sự dưới đất, tâm hồn chúng ta không thể vươn cao; bởi lẽ, nó đã bị vật chất quấn lấy; và càng bị quấn lấy, chúng ta càng bị cột vào một thế lực ảo. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật sâu sắc, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.

Vậy thế nào là tham lam? Tham lam nảy sinh khi trái tim chúng ta yêu vật chất và của cải cách ích kỷ và ngổn ngang; nói cách khác, khối óc và trái tim chúng ta đang tìm kiếm một giá trị đảo ngược; chọn quà thay vì chọn Đấng Trao Quà! Đang khi mọi vật đời tạm này là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa. Vậy hãy chọn Chúa, yêu một mình Ngài trên hết mọi sự và ‘đừng làm loãng tình yêu’ dành cho Ngài. Giới răn Chúa rất rõ, “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn!”; nhưng chúng ta chỉ có một trái tim, một linh hồn, một ý chí và một khối óc! Vậy nếu tôi yêu của cải vật chất một cách ngổn ngang, thì trái tim tôi, linh hồn tôi, ý chí tôi và khối óc tôi, sẽ chia rẽ và phân hoá theo nhiều hướng; và dù tôi yêu ai, tình yêu của tôi vẫn sẽ luôn yếu ớt và loãng đi. Vì thế, ‘đừng làm loãng tình yêu!’.

Augustinô nói, “Con tìm kiếm Chúa và đau khổ như con đã từng; con khao khát các tạo vật, và con đã bị giam giữ bởi những tuyệt phẩm của bàn tay Chúa”. Điều làm loãng tình yêu của tôi, điều làm tôi đau khổ, là tình cảm rối loạn của tôi đối với những thứ mà Chúa tạo ra, dù chúng là ‘tuyệt phẩm!’. Trái tim của chúng ta có khả năng yêu nhiều người và nhiều thứ: Chúa, cha mẹ, con cái, bạn bè… nhưng chỉ ở mức độ nó có khả năng tập trung vào ‘một trong số chúng’, chính Thiên Chúa! Ngài phải là trục xoay, và là trung tâm của tất cả mọi tương quan tình yêu khác!

Anh Chị em,

“Hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam!”. Hôm nay, Chúa Giêsu căn dặn chúng ta điều mà ai trong loài người cũng dễ va vấp. Khuynh hướng con người là tham lam mọi của đời tạm và không bao giờ biết đủ. Chỉ có một thứ cần tham lam đó là chính Chúa và tình yêu Ngài; tình yêu Chúa khiến lòng tôi hoan lạc và tâm hồn bình an, chứ không phải vinh hoa phú quý lợi lộc trần gian. Do đó, lời cầu xin của thánh Ignatiô thật thâm trầm, “Xin Chúa hãy lấy đi tự do, trí hiểu và mọi sự của con. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng Ngài, vậy là đủ cho con!”. Vì thế, chớ gì, giữa những tất bật lo toan của ngày sống, thi thoảng, chúng ta biết ngước mắt lên trời, nhìn vào quê hương vĩnh cửu của mình mà gửi lên đó những tâm tình yêu mến của trái tim; đó là kho báu bảo đảm cho đời sống thật của chúng ta. Hãy lợi dụng mọi giây phút để yêu ‘đừng làm loãng tình yêu’ chúng ta dành cho Chúa và cho anh chị em mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa cho con thật nhiều, nhưng con thường yêu ‘mấy thứ tuyệt phẩm’ Chúa tạo ra hơn yêu Chúa; con ngu khờ làm loãng tình yêu. Xin giúp con làm đậm tình yêu Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn bộ Cuộc Tông du Gia Nã Đại của Đức Phanxicô, ngày 28 tháng 7
Vũ Văn An
00:45 30/07/2022

Hãng tin CNA tiếp tục đưa tin về các hoạt động của Đức Phanxicô trong cuộc tông du gần một tuần củ ngài tại Canada:

Ngày 28 tháng 7, 9:25 sáng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang đến Nhà thờ St. Anne de Beaupré ở Québec để cử hành Thánh lễ. Nguyên khởi được xây dựng vào thế kỷ 17 để chào đón một bức tượng lạ lùng của vị thánh, đây là ngôi đền cổ kính nhất ở Bắc Mỹ. Theo truyền thống, một trong những người xây dựng nhà thờ đầu tiên bị chứng vẹo cột sống nặng và đã được chữa lành. Thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu Kitô, được tuyên bố là bổn mạng của Québec vào năm 1876. Phần lớn chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập chú vào vị thánh này.



Chính quyền địa phương ước tính hôm nay, có khoảng 2,000 người hiện diện ở đền thờ này.

Trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyết giảng về niềm hy vọng và ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô ban cho khi đối diện với sự xấu hổ, và Thiên Chúa đã tìm cách ra sao để đến gần chúng ta trong những khoảnh khắc thất bại sai sót.

“Trên nẻo đường cuộc sống và đức tin, khi chúng ta tìm cách đạt được những ước mơ, kế hoạch, hy vọng và kỳ vọng sâu thẳm trong trái tim mình, chúng ta cũng phải chống lại những momg manh và yếu đuối của chính mình; chúng ta trải nghiệm các đình đốn và thất vọng, và chúng ta thường bị giam cầm trong cảm thức thất bại đến tê liệt. Tuy nhiên, Tin Mừng nói với chúng ta rằng vào chính những thời điểm đó chúng ta không cô đơn, vì Chúa đến gặp chúng ta và đứng bên cạnh chúng ta,” Đức Thánh Cha nói như thế và giảng bằng tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ của ngài.

“Người đồng hành với chúng ta trên con đường của chúng ta theo suy sét chín chắn của một người bạn đồng hành hiền từ muốn mở rộng tầm mắt chúng ta và khiến trái tim chúng ta một lần nữa bừng cháy trong chúng ta. Bất cứ khi nào thất bại của chúng ta dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ với Chúa, sự sống và niềm hy vọng được tái sinh và chúng ta có thể được hòa giải: với chính mình, với anh chị em của chúng ta và với Thiên Chúa.”

Bài đọc Tin Mừng theo Thánh Luca kể về cuộc gặp gỡ của hai môn đệ với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường Emmaus, và việc các môn đệ mở mắt nhận diện Chúa Giêsu lúc bẻ bánh. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng có thể có “cảm giác thất bại ám ảnh tâm hồn của hai môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu”, điều này đã trở thành niềm hy vọng khi họ gặp gỡ Chúa Giêsu.

Đức Giáo Hoàng nói, “Tin Mừng cho chúng ta thấy… chính trong những tình huống thất vọng và đau buồn như thế - khi chúng ta kinh hoàng trước bạo lực của sự dữ và xấu hổ vì tội lỗi của mình, khi nguồn nước sống của cuộc đời chúng ta cạn kiệt bởi tội lỗi và thất bại, khi chúng ta bị tước bỏ mọi sự và dường như không còn gì – chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta và đi bên cạnh chúng ta”.

“Trên đường đến Emmaus, Chúa Giêsu nhẹ nhàng đến gần và đi theo các bước chân thất thần của những môn đệ buồn bã đó. Và Người làm gì? Người không đưa ra những lời động viên chung chung, những lời an ủi đơn giản và phiến diện nhưng thay vào đó, bằng cách mạc khải mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Người từng được báo trước trong Kinh thánh, Người đã làm sáng tỏ cuộc sống của họ và những sự kiện họ đã trải qua. Bằng cách này, Người mở rộng đôi mắt của họ để nhìn mọi sự một cách mới mẻ ”.

Đức Hồng Y Gérald Lacroix của Québec là người chủ tế chính của Thánh Lễ, được cử hành bằng tiếng Pháp. Đền thờ, Vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré, là địa điểm hành hương Công Giáo lâu đời nhất ở Bắc Mỹ, là nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại địa điểm này vào năm 1658. Dâng kính bà ngoại của Chúa Giêsu, đền thờ từ lâu đã được tôn kính như một nơi chữa lành.

AP đưa tin, Chính quyền địa phương ước tính có 2,000 người đã có mặt tại ngôi đền hôm thứ Năm. Ở tỉnh Québec, mặc dù phần lớn dân số có nguồn gốc Công Giáo, nhưng ít hơn 10% tham dự Thánh lễ thường xuyên, so với 90% cách đây vài thập niên.

Bài đọc thứ nhất nói về sự xấu hổ mà Ađam và Êva cảm thấy do tội lỗi của họ. Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nói về sự xấu hổ cá nhân của mình trước việc ngược đãi trẻ em bản địa tại các trường nội trú do Giáo Hội điều hành ở Canada, hoạt động cho đến những năm 1990.

Ngày 28 tháng 7, 12:50 chiều

Sau Thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Thánh Anne de Beaupré ở Québec, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các vị khách của trung tâm linh đạo và chào đón Huynh đệ Thánh Alphonse.

Ngài được chào đón trong khu vườn của trung tâm bởi những vị khách thường trú và những người thường xuyên lui tới trung tâm - tổng cộng có khoảng 50 người bao gồm cả người già, những người nghiện ngập và bệnh nhân HIV / AIDS. Cha André Morency, cha giám đốc phụ trách cũng có mặt. Đức Giáo Hoàng chào thăm họ, lắng nghe câu chuyện của họ và thu thập những lời cầu nguyện của họ.

Trước khi giã từ, ngài đã tặng họ một bức tượng "Đức Bà Giêrusalem Rất Thánh".

Ngày 28 tháng 7, 5:00 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc Kinh Chiều với các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, chủng sinh và những người làm công tác mục vụ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà.



Ngày 28 tháng 7, 5:20 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc một bài giảng trong giờ cầu nguyện buổi tối tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà ở Québec, Canada. Ngài nhấn mạnh: Phàn nàn rằng thế giới xấu xa là ‘không phải Kitô hữu’. Ngài kêu gọi những người hiện diện trở thành điển hình của niềm vui và tình huynh đệ Kitô giáo cho những người mà họ phục vụ.

“Niềm vui của Kitô hữu là trải nghiệm một sự bình an cứ còn mãi trong tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang bị thử thách và đau khổ vùi dập, để rồi chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, nhưng được đồng hành với một Thiên Chúa không thờ ơ với phần số của chúng ta. Khi biển động: bề mặt luôn có giông tố nhưng trong sâu thẳm vẫn êm đềm và bình an. Điều đó cũng đúng với niềm vui của người Kitô giáo: Đó là một hồng phúc miễn phí, sự chắc chắn của việc biết rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương, nâng đỡ và bảo bọc trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống,” Đức Thánh Cha nói như thế trong bài giảng của mình như một phần của buổi đọc Kinh Chiều tại nhà thờ chính tòa.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng Giám mục đầu tiên của Québec, Thánh François de Laval, đã mở một chủng viện vào năm 1663 và dành toàn bộ thừa tác vụ của mình cho việc đào tạo các linh mục.

Đức Thánh Cha nói, “Anh chị em thân mến, Tin Mừng cần được công bố nếu chúng ta muốn truyền đạt niềm vui đức tin cho những người đàn ông và đàn bà ngày nay. Tuy nhiên, sự công bố này chủ yếu không phải là vấn đề bằng lời nói, mà là bằng một chứng tá tràn đầy tình yêu thương nhưng không, vì đó là cách của Thiên Chúa ở với chúng ta. Một lời công bố nên tạo khuôn hình trong lối sống bản thân và giáo hội có thể khơi dậy lòng khao khát Chúa, truyền dẫn hy vọng, và chiếu tỏa sự tin cậy và khả tín tính”.

Tránh 'tiếc nuối vô ích'

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói về những thách thức đương thời đối với đức tin, bao gồm cả khái niệm thế tục hóa, mà ngài mô tả như “loại bỏ Thiên Chúa, có thể nói như thế, đẩy Người vào hậu trường”. Tuy nhiên, ngài cảnh cáo “chúng ta phải cẩn thận để không trở thành con mồi cho bi quan hoặc oán giận, đưa ngay ra những phán xét tiêu cực hoặc tiếc nuối vô ích”.

Đức Thánh Cha khẳng định, phàn nàn “một cách cay đắng" rằng "thế giới xấu xa không phải là Kitô hữu”.

Đức Thánh Cha giảng thêm, “Thay vào đó, chúng ta được kêu gọi có một cái nhìn tương tự như cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng biện phân điều gì là tốt và kiên trì tìm kiếm nó, thấy nó và nuôi dưỡng nó”.

Ngài nói, “Nếu chúng ta nhượng bộ quan điểm tiêu cực và đánh giá vấn đề một cách hời hợt, chúng ta có nguy cơ gửi sai thông điệp, như thể những lời chỉ trích mang mặt nạ thế tục hóa về phía chúng ta là tiếc nuối một thế giới thánh thiêng hóa, một xã hội đã qua, trong đó Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội có quyền lực lớn hơn, và sự thích đáng đối với xã hội. Nhưng đây là cách nhìn sai lầm về mọi sự… thế tục hóa đòi chúng ta phải suy nghĩ về những thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách trong đó, người ta suy nghĩ về và tổ chức cuộc sống của họ. Nếu chúng ta xem xét khía cạnh này của câu hỏi, chúng ta sẽ nhận ra rằng điều đang gặp khủng hoảng không phải là đức tin, mà là một số hình thức và cách thức chúng ta trình bày nó.”

Ba thách thức trong thời đại thế tục

Đức Giáo Hoàng đưa ra ba “thách thức” đối với những người làm công tác mục vụ mà ngài nói có thể lên khuôn cho việc cầu nguyện và phục vụ mục vụ của họ trong một thế giới bị sự tục hóa định khuôn.

Thách thức đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng nêu ra là “làm cho Chúa Giêsu được biết đến”, công bố Người theo cách tương tự như các tông đồ trong Sách Công Vụ, qua “tính sáng tạo mục vụ có khả năng tiếp cận mọi người ngay tại nơi họ đang sinh sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ”.

Thử thách thứ hai mà ngài đưa ra là “làm chứng”. Trong phần phát biểu này, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa thừa nhận và xin lỗi về những hành vi ngược đãi mà học sinh bản địa phải chịu đựng tại các trường nội trú do Giáo Hội điều hành ở Canada.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tin Mừng được rao giảng một cách hữu hiệu khi chính cuộc sống nói lên và biểu lộ sự tự do giúp người khác được tự do, lòng cảm thương không đòi được đáp trả, lòng thương xót vốn thầm lặng nói về Chúa Kitô”.

Đức Giáo Hoàng nhận xét, “Giáo hội ở Canada đã bắt đầu đi một con đường mới, sau khi bị tổn thương và tàn phá bởi cái ác do một số con trai và con gái của mình gây ra”.

Ngài nhấn mạnh, “Tôi đặc biệt nghĩ đến việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, những vụ tai tiếng đòi phải hành động kiên quyết và cam kết không thể thay đổi. Cùng với anh chị em, một lần nữa tôi muốn xin sự tha thứ của tất cả các nạn nhân. Nỗi đau và sự xấu hổ, mà chúng ta cảm thấy, phải trở thành một cơ hội để hoán cải: Không bao giờ nữa!”.

Ngài khẳng định, “Và khi suy nghĩ về quá trình hàn gắn và hòa giải với các anh chị em bản địa của chúng ta, không bao giờ cộng đồng Kitô giáo có thể cho phép mình bị lây nhiễm bởi ý niệm cho rằng nền văn hóa này vượt trội hơn nền văn hóa kia, hoặc việc sử dụng các cách ép buộc người khác là điều hợp pháp”.

“Chúng ta hãy phục hồi lòng nhiệt thành của vị Giám mục đầu tiên của anh chị em, Thánh François de Laval, người đã khiển trích những kẻ hạ thấp người bản địa bằng cách dụ họ say rượu để sau đó đánh lừa họ,” Đức Giáo Hoàng nói như thế. “Chúng ta đừng cho phép bất cứ ý thức hệ nào làm tha hóa hoặc sai lệch các phong tục và cách sống của các dân tộc chúng ta, như một phương tiện để khuất phục hoặc kiểm soát họ.”

Thách thức thứ ba mà ngài đưa ra là “tình huynh đệ”. Đức Thánh Cha khuyến khích các nhân viên mục vụ nam nữ kiểm tra cách họ đang làm về việc xây dựng “mối liên hệ huynh đệ với tất cả mọi người”.

“Chúng ta là anh em, hay đối thủ cạnh tranh chia thành các bè phái? Và phải hành xử ra sao đối với mối liên hệ của chúng ta với những người không phải 'của chúng ta,' với những người không tin, với những người có truyền thống và phong tục khác? Đây là cách: xây dựng mối liên hệ huynh đệ với mọi người, với anh chị em bản địa, với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa được phản chiếu trên từng khuôn mặt của họ”.

Đức Giáo Hoàng đã phát biểu sau lời giới thiệu và chào mừng của Đức Cha Raymond Poisson, Giám mục giáo phận St-Jérôme-Mont-Laurier. Đức Giáo Hoàng đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt sau bài giảng của ngài.

Sau đó, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục của Québec, Gérald Lacroix, đã tháp tùng Đức Thánh Cha đến lăng mộ của Thánh François de Laval, nơi các ngài đã cầu nguyện trong thầm lặng.

Tiếp tục điều mà ngài gọi là “cuộc hành hương đền tội” ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bay về phía bắc vào thứ Sáu, ngày 29 tháng 7, đến Iqaluit, để gặp gỡ riêng với các học sinh của các trường nội trú cũ. Ngài sẽ trở lại Rome cùng ngày, đến đó vào hôm thứ Bảy, ngày 30 tháng Bảy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Trại Hè 2022 Của Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo Phận Đà Nẵng
Tôma Trương Văn Ân
08:58 30/07/2022
Hội Trại Hè 2022 Của Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo Phận Đà Nẵng

Hùng Tâm – Dũng Chí (HTDC) là một phong trào đào luyện thiếu nhi do cha Gaston Courtois đề xướng, hoạt động theo căn bản lý thuyết của phong trào quốc tế tông đồ thiếu nhi, gồm 2 nhánh: Hùng Tâm (cho đoàn sinh Nam) và Dũng Chí (cho đoàn sinh Nữ).

Tại Đà Nẵng, Cha Antôn Bùi Hữu Ngạn khi lập giáo xứ An Hòa năm 1960. Đến năm 1963, Ngài lập đoàn HTDC tại giáo xứ An Hòa, rồi cùng với cha Antôn Trần Văn Trường – Giám đốc giáo lý Đà Nẵng phổ biến phong trào đến nhiều giáo xứ trong giáo phận. Trong năm 1970-1971, Cha Antôn Bùi Hữu Ngạn liên lạc với một số giáo phận và tổ chức Đại hội HTDC ngày 20-21/9/1971 tại Tòa Giám Mục Nha Trang, đề ra bản quy ước HTDC Việt Nam, nhằm thống nhất HTDC toàn quốc. Tháng 7 năm 1973 Cha An-tôn Bùi Hữu Ngạn qua đời trong một tai nạn giao thông. Năm 1974 đại diện 8 giáo phận miền Nam có phong trào HTDC ( Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Qui Nhơn, Huế, Đà Nẵng …. ) họp tại Đà Lạt từ 27-29/01/1974 phê chuẩn bản nội quy HTDC từ chính bản quy ước Nha Trang 1971.

Hội Trại Hè 2022 Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận Đà Nẵng:

Xem Hình

Trong 2 ngày 29 và 30 / 7 / 2022, tại sân Trung tâm hành hương Thánh Mẫu Trà Kiệu. Liên Đoàn Thánh Linh – Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận Đà Nẵng (HTDC/GP) tổ chức hội trại truyền thống, với tâm tình biết ơn và cầu nguyện cho Cha Antôn Bùi Hữu Ngạn – vị Sáng lập Phong trào HTDC/GP nhân dịp Lễ Giỗ lần thứ 49 của Ngài (20/7/1973-2022); đồng thời, cùng hiệp ý cầu nguyện cho các Cha Tuyên úy, các Sơ Trợ úy, cựu Trưởng và các vị ân nhân đã dày công nâng đỡ và phát triển phong trào HTDC/GP, mà nay đã qua đời.

2 năm vừa qua, do dịch bệnh Covid-19, Liên Đoàn không tổ chức Hội trại cho Đoàn sinh. Đến nay, tình hình dịch tạm kiểm soát được, nên Liên đoàn tổ chức Hội trại, đây là sinh hoạt thường niên của Liên đoàn HTDC Giáo phận. Hội trại năm nay, với Chủ đề: SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH.

Cũng trong dịp hội trại này, các đoàn sinh được ôn lại truyền thống của phong trào, học hỏi, thực hành các kỹ năng làm việc nhóm, sinh hoạt… phát triển khả năng của các huynh trưởng và đoàn sinh. Câu khẩu hiệu hào hùng HÙNG DŨNG – SẴN SÀNG và NHẤT TRÍ - ĐỒNG T M, như ngọn lữa làm bùng nhiệt huyết yêu thương phục vụ, dấn thân trong tinh thần hùng dũng, và đồng hành với Giáo Hội trong tinh thần Hiệp Hành.

Có hơn 424 đoàn sinh thuộc các Cơ Chinh và Cơ Chiến của 13 xứ đoàn tham dự. Hội trại năm nay thêm phần đặc biệt vì có thêm 44 cựu Trưởng đang sinh sống tại Giáo phận Đà Nẵng, chung chia niềm vui với Hùng Tâm Dũng Chí giáo phận.

Hội trại được Cha Phanxicô xavie Nguyễn Ngọc Hiến – Linh hướng Đoàn HTDC tuyên bố khai mạc lúc 9 giờ, ngày 29 / 7 / 2022, niềm vui vỡ òa của những tràng pháo tay và tiếng reo hò của Đoàn sinh.

Đức Giám Mục Giáo phận đã đến dự và Chủ sự Thánh lễ lúc 10 giờ. Với phụng vụ Thánh lễ Thánh nữ Matta, Đức Giám Mục huấn từ Cộng đoàn Phụng vụ: “ Phục vụ trong lắng nghe và lắng nghe trong phục vụ” và “ Trong mọi công việc, hãy chọn Chúa làm tốt nhất”. Cách riêng trại sinh, Đức Cha nhắc nhủ: “ các con có 2 ngày trại, cầu nguyện, gặp gỡ, lắng nghe, khám phá và phân định, cùng bước đi trên con đường Giê-su, gặp gỡ, mạnh mẽ, vui tươi, hoạt động, bỏ đi ý riêng của mình, lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau, biết phân định, chọn lựa những giá trị tốt đẹp…. dấn thân tiếp bước”

Buổi chiều, các cuộc thi tìm hiểu phong trào, quay Lô-tô, đố vui Giáo lý, học chuyên môn hỗ trợ Trò Chơi Lớn…. Đây là một hình thức học hỏi hào hứng, vừa bồi thêm kiến thức, vừa kiểm tra kiến thức hiểu biết của Đoàn sinh.

Chương trình văn nghệ với Chủ đề “sống tinh thần hiệp hành” theo định hướng Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2023. Mời gọi tất cả thành phần dân Chúa cùng cộng tác xây dựng Giáo phận, thành cộng đoàn hiệp nhất, cùng sống đức tin và loan báo Tin Mừng. lửa trại lúc 19 giờ cùng ngày, được các em chờ mong và rộn ràng chào đón. Các tiết mục đa dạng thể loại (ca múa, nhạc kịch, hò vè, đồng diễn…) được các em trình diễn rất điêu luyện và vui nhộn. Cao trào lên đỉnh điểm khi ngọn lửa trại bừng bừng rực cháy: các điệu nhảy, các cử điệu diễn tả niềm vui công trình sáng tạo của Thiên Chúa, từ vũ trụ sơ khai đến vũ trụ đầy muôn tinh tú … Sự hình thành muông thú, biển khơi “mênh mông mênh mông” Ôi xinh đẹp biết bao! đến đỉnh điểm là lúc tàn lửa khiến muôn tâm hồn như lắng đọng với lời tạ ơn.

Ngày Hôm sau, 30 / 7 / 2022

Buổi sáng thư thái và an vui với đọc Kinh sáng và điểm tâm, chương trình hội trại được tiếp tục với Trò chơi lớn và các trò chơi nhỏ, các cử điệu múa hát vòng tròn… Các hiểu biết và kỷ năng đã được học hỏi, được các trại sinh vận dụng cách nhuần nhuyễn cho các trò chơi

Một niềm vui bất ngờ, cựu Trưởng Luxia Nguyễn Thị Hòe – Quy Võ, nguyên Trưởng của Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo xứ Nhượng Nghĩa trước 1975, đang định cư tại Hoa Kỳ. Trong dịp về thăm quê hương và lo việc Hiếu Đạo tại gia đình, cũng đến thăm Hội trại và chia sẻ niềm vui với Trại sinh.

Lúc 13 giờ 30 đến 14 giờ, các em được hướng dẫn vào Chầu Thánh Thể Chúa, lắng đọng tâm hồn khấn xin Thiên Chúa tuôn tràn đầy ân sủng và bình an để mỗi người sống tinh thần hiệp hành, cùng đi với Chúa và với anh chị em trên con đường Giê-su, con đường bác ái, yêu thương. Đồng thời xin Chúa tiếp thêm năng lực cần thiết cho đời sống tâm hồn và thể xác trong mọi hoạt động, yêu thương, chia sẻ và quan tâm nâng đỡ như tinh thần của đoàn HTDC: VUI TƯƠI – HÙNG DŨNG – BÁC ÁI

Sau giờ lượng giá, đúc kết và phát thưởng, Hội trại kết thúc vào lúc 17 giờ cùng ngày.

Bịn rịn chia tay, các em đoàn sinh tranh thủ lưu lại vài tấm hình kỷ niệm, chuyển cho nhau thông tin địa chỉ zalo, facebook…, hình ảnh để liên lạc, lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời; và đã từng có những gia đình mới từ những cuộc gặp gỡ như thế này, Làm nên những tế bào của xã hội và chi thể Hội Thánh nhờ lý tưởng tuyệt vời với Hùng Tâm – Dũng Chí… VUI TƯƠI - HÙNG DŨNG - BÁC ÁI

Liên đoàn HTDC/GP Đà Nẵng mang Thánh hiệu “Thánh Linh” có 22 xứ đoàn. Ban điều hành Liên đoàn đương nhiệm gồm:

Anh Ph.X. Thái Văn Liên – Liên đoàn Trưởng.

Anh Gioakim Trần Ngọc Chiếu – Liên đoàn Phó

Chị Isave Lê Thị Tuyến – Thủ Quỹ

Cha Ph.X. Nguyễn Ngọc Hiến – Linh hướng.

Cha Giacôbê Nguyễn Hồng Phong – Phó Linh hướng.

Cha Giuse Đinh Công Hạnh – Cố vấn Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận.

Và một số Trưởng phụ trách các ngành và ban chuyên biệt cùng cộng tác điều hành.

Hiện nay, có một số cựu Trưởng trong và ngoài nước, tuy không có điều kiện trực tiếp sinh hoạt với các xứ đoàn, nhưng vẫn tha thiết với phong trào HTDC/GP, sẵn sàng hỗ trợ bằng lời cầu nguyện, chia sẻ vật lực, tài lực và nhiều phương cách khác nhau giúp ổn định và phát triển của Phong trào, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đời sống đức tin và nhân bản cho thiếu niên trong các giáo xứ.

Tôma Trương Văn Ân
 
VietCatholic TV
Putin hết thời, kế hoạch lưu vong sau thất bại ở Ukraine. Quân Nga tại Kherson liên tục bị tấn công
VietCatholic Media
02:17 30/07/2022


1. Ukraine bẻ gãy tất cả các cuộc tấn công trong vùng Donetsk

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 30 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã trấn áp các cuộc tấn công và các hoạt động trinh sát của Nga ở các khu vực Avdiivka, Kamyanka, Krasnohorivka và Pisky và đẩy lùi các cuộc tấn công có chủ đích ở các khu vực Soledar, Vershyna và Semyhirya.

Theo ghi nhận, không có thay đổi đáng kể nào về tình hình ở hướng Volyn và Polissya. Không có dấu hiệu nào cho thấy sự thành lập của các nhóm tấn công của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga và các lực lượng vũ trang Cộng hòa Belarus.

Trên hướng Siversky, đối phương tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng bằng trọng pháo và hỏa tiễn ở khu vực biên giới Chernihiv và Sumy, đồng thời tiến hành trinh sát trên không bằng máy bay không người lái gần làng Hremyach ở vùng Chernihiv.

Ở hướng Kharkiv, quân Nga đã pháo kích vào các khu vực Kharkiv, Rubizhne, và Udy và những nơi khác. Riêng tại Staryi Saltiv, máy bay của Nga đã xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn trước khi bỏ chạy vì áp lực phòng không của Ukraine.

Ở hướng Slovyansk, quân Nga pháo kích và tung xe tăng vào gần Dolyna. Riêng tại Husarivka, Nga tung ra cả máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, quân Ukraine đã đẩy lui mọi cuộc tấn công.

“Trong khu vực Shchurivka, quân trú phòng Ukraine đã phát hiện và loại khỏi vòng chiến một nhóm trinh sát của quân xâm lược”.

Ở hướng Bakhmut, quân xâm lược pháo kích vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự bằng pháo và xe tăng. Những kẻ xâm lược một lần nữa cố gắng tấn công các khu vực Soledar, Vershyna và Semyhirya nhưng không thành công, bị tổn thất nặng và phải rút lui.

Tất cả các cuộc tấn công và các hoạt động trinh sát của quân chiếm đóng trong vùng Donetsk đều thất bại.

Lực lượng vũ trang Ukraine ước tính đã loại khỏi vòng chiến 40.500 quân xâm lược Nga từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 29 tháng 7.

2. Nga 'đã chuẩn bị kế hoạch DI TẢN cho Putin trong trường hợp quân đội của ông ta bị đánh bại ở Ukraine'.

Trích dẫn các tin tình báo, tờ Daily Mail của Anh cho biết Vladimir Putin và những người bạn của ông ta đang chuẩn bị chạy trốn khỏi Nga nếu quân đội Nga bị đánh bại ở Ukraine.

Với việc cuộc tấn công Donbas của ông ta bị đình trệ, Ukraine chuẩn bị tái chiếm Kherson và nền kinh tế của ông ta sụp đổ, nhà độc tài Nga 'nhận thức được khả năng có một sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm trạng đất nước.'

Tuần trước, kênh General SVR đưa tin rằng người đàn ông 69 tuổi này đã bị 'buồn nôn dữ dội' qua đêm, và các bác sĩ Pháp ở bên giường của ông trong khoảng ba giờ.

Tiếp theo báo cáo đó, họ tuyên bố rằng 'bản thân Putin và những người tùy tùng của ông ấy đang chuẩn bị kế hoạch di tản khỏi Nga.'

Người ta cho rằng bất kỳ chiếc máy bay nào chở Putin và gia đình ông rời Nga sẽ hướng tới chế độ độc tài Syria, quốc gia thân thiện gần nhất và nhà lãnh đạo Bashar al-Assad đã được Putin cứu giúp bằng cách can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015.

Tuy nhiên, bất kỳ chuyến bay nào từ Nga đến Syria đều phải bay qua không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.

Nếu nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, từ chối cho phép chiếc máy bay chở Putin và gia đình đi vào không phận của ông ta, điều đó sẽ có hiệu quả quét sạch con đường trốn chạy nhanh nhất và có lẽ duy nhất của bạo chúa Nga.

Erdogan và Putin có mối quan hệ phức tạp, vừa là bạn vừa là kẻ thù của nhau trong thập kỷ qua khi mỗi nhà lãnh đạo cố gắng điều hướng đất nước của họ thông qua một khu vực địa chính trị đầy thách thức.

Iran là một cường quốc khác trong khu vực - và là kẻ thù của phương Tây – có lẽ cũng sẽ quan tâm đến số phận của Putin.

Về nguyên tắc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có lợi khi giữ cho Tổng thống Nga lưu vong ở nước ngoài, và tùy thuộc vào tình hình, họ có thể sử dụng ông ấy như một đòn bẩy hoặc như một con bài thương lượng.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của liên minh quân sự phương Tây, nhưng dưới sự lãnh đạo của Erdogan, nước này đã tự cắt đứt con đường ngoại giao của mình trong quan hệ quốc tế.

Đầu tháng này, Putin đã gặp những nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Tehran, bề ngoài là để thảo luận về vấn đề Syria.

Không quá khó để tưởng tượng rằng Erdogan và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thảo luận riêng về khả năng Putin yêu cầu tị nạn sau một cuộc đảo chính hoặc cách mạng tại quê nhà.

Trong khi đó, các lực lượng Ukraine hôm qua được cho là đang đạt được đà tiến gần thành phố Kherson bị chiếm đóng.

Các cuộc không kích đã phá hủy một số cây cầu khiến số quân còn lại của Nga bị cắt đứt, và một cuộc phản công nhằm tái chiếm thành phố lớn duy nhất mà Nga chiếm được dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới hay thậm chí vài ngày tới.

Các chuyên gia ở Đại Học Yale nhận định rằng Nga đang thua trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây và nền kinh tế của nước này đang sa sút thảm hại và không thể phục hồi.

Họ tuyên bố rằng Nga đang ở trong tình thế kinh doanh đang thoái trào và các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế của họ một cách thảm khốc.

Mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga đều gặp khó khăn - cả nhập khẩu và xuất khẩu của nước này đều giảm và các đồng minh của họ không giúp đỡ, và trong một số trường hợp, họ đang chủ động tận dụng lợi thế.

Với tình trạng thảm khốc của nền kinh tế Nga, không có gì lạ khi Putin có thể cân nhắc về việc tị nạn ở Syria.

Nhưng ngay cả trong trường hợp đó vẫn còn là vấn đề liệu ông ta có nhận được sự chăm sóc y tế mà ông ta cần hay không.

Kênh General SVR, được điều hành bởi một cựu sĩ quan thuộc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, cho biết vào đầu tuần này: 'Putin vào đêm thứ Sáu ngày 22 tháng 7 đến thứ bảy ngày 23 tháng 7 cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

'Vào khoảng 1 giờ sáng, các nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại nơi ở của ông ta đã được triệu tập đến điện Cẩm Linh. Putin phàn nàn về tình trạng buồn nôn nghiêm trọng.

Hai mươi phút sau, một nhóm bác sĩ bổ sung với các bác sĩ thường trực của phủ tổng thống được gọi đến.

Được biết, các bác sĩ đã hỗ trợ và ở gần Putin trong ba giờ, và sau khi tình trạng của tổng thống được cải thiện, họ rời khỏi phòng của ông ấy.

Nhiều người tin rằng trong một số sự kiện tuần qua Putin đã được thay thế bằng một người hóa trang giống hệt như ông vì trong các sự kiện này, người ta không thấy ông ta phát biểu điều gì.

Lý thuyết nhân vật thay thế được ủng hộ bởi người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, là người suy đoán rằng một nhân vật thay thế cho Vladimir Putin có thể đã được sử dụng khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh Tehran.

Trong khi nhà lãnh đạo Nga trông lúng túng khi bước xuống bậc thềm máy bay ở Tehran, các nguồn tin Ukraine cho biết ông di chuyển nhanh bất thường và tỉnh táo hơn so với những lần xuất hiện trước công chúng.

Tổng thống Nga trông rất hoạt bát khi chào đoàn người đang chờ, trước khi cởi bỏ áo khoác và leo lên một chiếc limousine bọc thép nặng nề.

Đây là lần thứ hai Putin ra nước ngoài kể từ khi phát động cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine cách đây 5 tháng.

Kênh General SVR trước đó đã tuyên bố rằng ông Putin đang mắc một loạt bệnh nghiêm trọng bao gồm ung thư, bệnh Parkinson và rối loạn tâm thần phân liệt.

3. Hoa Kỳ nói Nga không từ bỏ các tham vọng ở Đông Ukraine, mà là 'tái phối trí, và chỉnh đốn'

Tòa Bạch Ốc không coi việc Nga đang giảm mạnh các hoạt động quân sự gần đây ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine là sự từ bỏ hay đình trệ các nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa, mà là một phần của nỗ lực chiến lược nhằm tập hợp lại trong bối cảnh các cuộc đụng độ ăn miếng trả miếng nhỏ hơn giữa hai bên.

Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Sáu: “Tôi không tin rằng chúng tôi sẽ đánh giá những gì đang diễn ra ở Donbas là một sự từ bỏ hay đình trệ. Có rất nhiều hoạt động và tất cả đều diễn ra trong thời gian thực.”

Mô tả về đợt xung đột mới nhất, Kirby nói: “Có thể đúng là ở một số nơi ở miền đông và miền nam Ukraine, người Nga dường như khuỵu xuống, tái tổ chức, tái trang bị, chuyển quân và về phía nam, có những trận chiến thực sự đang diễn ra giữa Nga và các lực lượng Ukraine”.

Và mặc dù ông cho biết cả hai bên đều đã đạt được những lợi ích và tổn thất gia tăng trong những ngày gần đây, nhưng điều này không thể so sánh với những trận chiến lớn hơn đã thấy trước đó trong cuộc chiến.

Khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine vượt qua mốc 5 tháng, cuộc đối đầu giữa hai bên vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều giới tuyến.

Lực lượng Ukraine tuyên bố đã ngăn chặn đà tấn công của Nga thông qua việc sử dụng Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao M142, hay HIMARS, do Mỹ cung cấp. Loại vũ khí này đã cho phép quân đội Ukraine mở rộng phạm vi bắn của họ tới khoảng 80km phía sau chiến tuyến của quân Nga, nơi họ đã nhắm vào các trung tâm hậu cần và đường tiếp tế của Nga cùng các mục tiêu quan trọng khác.

Phần lớn trọng tâm của quân đội Ukraine trong những tuần gần đây là tổ chức một cuộc phản công ở phía nam, đặc biệt là để chiếm lại thành phố Kherson.

Các tin tình báo của Hoa Kỳ cho thấy Ukraine đang nỗ lực đánh sập ý chí của quân Nga trong thành phố Kherson. Trước đây, quân Ukraine chủ yếu dùng trọng pháo và sau này cả HIMARS để tấn công vào các kho đạn và sở chỉ huy của quân Nga. Gần đây họ dùng cả các chiến đấu cơ và tung hoành trên bầu trời. Phòng không Nga phản ứng yếu ớt. Xem ra quân Nga đã không còn đủ đạn dược để tấn công các máy bay của Ukraine.

4. Liên Hiệp Quốc, và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế phải triển khai ngay sứ mệnh ở Olenivka - tuyên bố chung của các quan chức Ukraine

Sáng ngày thứ Sáu 29 tháng 7, các phương tiện truyền thông Nga đồng loạt đưa tin Ukraine đã pháo kích vào nhà tù Olenivka, trong vùng Donetsk giết chết ít nhất 40 tù nhân Ukraine đang bị giam giữ tại đây. Nhà lãnh đạo tự xưng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Denis Pushilin, nói rằng nhà tù này giam giữ 193 người và không có người nước ngoài trong số những người bị tạm giữ. Denis Pushilin cáo buộc quân Ukraine làm thế để cảnh cáo tất cả các binh sĩ muốn đầu hàng quân Nga.

Đáp lại, Lực lượng vũ trang Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine, Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng và Cao ủy Nhân quyền Verkhovna Rada, Dmytro Lubinets, yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, gọi tắt là ICRC phản ứng với Nga về vụ tấn công khủng bố ở vùng Olenivka, Donetsk.

Trong một tuyên bố chung do Cơ quan Thanh tra Ukraine công bố, các cơ quan này nói:

“ Chúng tôi yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự quốc tế, tổ chức một cuộc điều tra và bảo đảm tính mạng và sức khỏe của các tù nhân chiến tranh Ukraine, ngay lập tức đáp trả hành động khủng bố do Liên bang Nga thực hiện”

Các tác giả của nó yêu cầu phái đoàn thanh tra, bao gồm các quan chức của Liên Hiệp Quốc và ICRC, Thanh tra Ukraine, và đại diện của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm và Trả tự do cho Tù nhân, phải đến khu vực Donetsk.

Theo các bên ký kết, vào đêm ngày 29 tháng 7, một vụ nổ đã làm rung chuyển khu cải huấn cũ số 210 ở Olenivka, một khu định cư trên lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của vùng Donetsk. Kết quả là, tòa nhà nơi giam giữ các tù nhân chiến tranh Ukraine đã bị phá hủy.Theo báo cáo của Nga, hơn 50 lính phòng thủ Ukraine bị bắt đã thiệt mạng, trong khi số người bị thương vẫn chưa rõ ràng.

Theo các bình luận do phía Nga đưa ra, trong những người thiệt mạng và những người bị thương không hề có một ai trong số các nhân viên hành chính, dân quân “DPR”, hoặc binh sĩ Nga bảo vệ cơ sở. Ngay sau vụ nổ, Nga cáo buộc Ukraine đã nã pháo vào bằng vũ khí của Mỹ và giết chết các binh sĩ Ukraine”.

Theo quân đội và cơ quan thực thi pháp luật Ukraine, vụ nổ là một hành động khủng bố của phía Liên bang Nga, một hành động khiêu khích quân sự và một hoạt động tung tin thất thiệt cổ điển, nhằm che đậy tội ác chiến tranh, làm tổn hại đến Lực lượng vũ trang Ukraine, làm gián đoạn nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây, và gây bất ổn cho Ukraine.

Đồng thời, họ nhấn mạnh rằng Quân đội Ukraine chỉ không kích vào các cơ sở quân sự của Nga: như kho nhiên liệu, vũ khí và đạn dược, các trạm chỉ huy và kiểm soát, và các cơ sở hạ tầng quân sự.

Cần lưu ý rằng Quân đội Ukraine có đầy đủ phương tiện để xác định mục tiêu, bao gồm cả hệ thống trinh sát vũ trụ, và Ukraine đã không bắn hỏa tiễn và đạn pháo vào Olenivka.

Ngoài ra, các tác giả của tuyên bố nhắc nhở rằng Ukraine đã làm hết sức để di tản những người bảo vệ Mariupol khỏi lãnh thổ của nhà máy Azovstal dưới sự bảo đảm của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế.

Điều kiện quan trọng trong các cuộc thương lượng là Nga phải thực hiện cam kết với các tổ chức quốc tế liên quan đến việc bảo toàn tính mạng và sức khỏe của những người bảo vệ Ukraine, các quan chức quân đội và thực thi pháp luật nhấn mạnh và tuyên bố rằng bảo đảm này đã bị vi phạm một cách đáng tiếc.

Cũng cần nhấn mạnh rằng có nhiều bằng chứng cho thấy bản chất đã được lên kế hoạch trước của tội ác chống lại các tù binh Ukraine. Đặc biệt, đó là về việc cố ý chuyển tù binh đến một doanh trại mới không lâu trước khi vụ nổ xảy ra, bản chất của thiệt hại và làn sóng nổ, sự gián đoạn liên lạc của quân xâm lược, không có dấu vết pháo kích ở địa điểm xác định, và các bằng chứng khác.

“Tất cả những điều này không còn nghi ngờ gì nữa: vụ nổ ở Olenivka là một hành động khủng bố của Nga và vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận quốc tế,” các tác giả của tuyên bố bị thuyết phục.

Theo tình báo Ukraine, các tù binh Ukraine có thể đã bị giết bởi những người lính đánh thuê thuộc Công ty quân sự tư nhân Wagner, được tích hợp vào lực lượng xâm lược Nga.

5. Quan chức đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu “kinh hoàng” trước báo cáo về việc Nga giết hàng chục tù nhân chiến tranh Ukraine

Josep Borrell, Ngoại trưởng của Liên minh Âu Châu, cho biết ông “kinh hoàng trước báo cáo về việc Nga giết hàng chục” tù nhân chiến tranh Ukraine đã đầu hàng và được Ủy ban quốc tế Hội Hồng Thập Tự ghi danh.

“Liên Hiệp Âu Châu lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể đối với hành vi tàn bạo mà Nga đã phạm.”

Trong một tuyên bố đầy đủ do Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu Châu đưa ra, Borrell cho biết “Cuộc chiến xâm lược phi pháp và phi lý đang diễn ra của Nga chống lại Ukraine và người dân của họ đang mang lại những hành động tàn bạo khủng khiếp hơn từng ngày”.

“Hôm nay tại Olenivka, miền đông Ukraine, Nga được cho là đã giết hàng chục tù nhân chiến tranh Ukraine, bao gồm cả những người bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, những người đã đầu hàng Nga, đã được đăng ký bởi Hội Hồng Thập Tự vào tháng 5 và được Nga bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế. Bằng chứng kinh hoàng này đã được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội ủng hộ Điện Cẩm Linh ngày hôm nay, trong đó các binh sĩ Nga thực hiện hành vi tàn bạo dã man đối với một tù nhân chiến tranh Ukraine”

Ông cũng cho biết trong tuyên bố “thủ phạm của tội ác chiến tranh và các vi phạm nghiêm trọng khác, cũng như các quan chức chính phủ có trách nhiệm và đại diện quân đội, sẽ phải chịu trách nhiệm”. Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ các biện pháp để “bảo đảm việc quy trách nhiệm” đối với các vi phạm nhân quyền.

6. 29 quân nhân Ukraine bị thương, cùng các thành viên trong gia đình, đã đến trên một chuyến tàu y tế đặc biệt ở thành phố Kraków, miền nam Ba Lan.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã lên tiếng ca ngợi người Ba Lan đã hào hiệp chữa trị cho các quân nhân Ukraine. Họ sẽ được điều trị hoặc tham gia chương trình phục hồi chức năng tại các bệnh viện Ba Lan.

Ông Kuleba cho biết 15 quân nhân bị thương đã được đưa đến các bệnh viện ở Kraków và khu vực lân cận. 14 người còn lại được đưa đến thành phố Katowice phía nam. Những người lính này bị thương trong chiến đấu, bao gồm vết thương do đạn bắn và vết thương do bom, mìn và hỏa tiễn. Họ cần được điều trị thêm nhưng tính mạng của họ không bị nguy hiểm.

Có những người lính trong những điều kiện khác nhau: từ những người đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng đã được kiểm tra đến những người cần phục hồi chức năng.
 
Putin bó tay: Ukraine dùng HIMARS hạ gục SAM, làm chủ bầu trời, 24 xe tăng và thiết giáp Nga nổ tung
VietCatholic Media
16:19 30/07/2022

1. Không Quân Ukraine làm chủ bầu trời Kherson, 7 xe tăng, 17 thiết giáp Nga nổ tung

Trong bản báo cáo chiều thứ Bẩy 30 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đang giành được các chiến thắng quan trọng trong chiến dịch giải phóng Kherson.

Trong 24 giờ trước đó quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 150 lính Nga và nhiều thiết bị quân sự. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang đặt nền móng cho một cuộc phản công lớn với hy vọng chiếm lại thành phố Kherson do Nga chiếm đóng và các khu vực khác ở phía nam đất nước.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine báo cáo trong 24 giờ qua đã tiêu diệt 7 xe tăng, 2 pháo tự hành và 17 xe thiết giáp. Ngoài ra, pháo binh Ukraine đã phá hủy hai kho đạn ở hai quận trong thành phố Kherson.

Quân đội Ukraine đã thực hiện 7 cuộc tấn công bằng các chiến đấu cơ nhắm vào các lực lượng, thiết bị và kho đạn dược của Nga ở nhiều quận.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, chiến lược của quân Ukraine là rất khôn ngoan. Tận dụng các hệ thống HIMARS, họ tập trung pháo kích sâu bên trong các đường giới tuyến, cụ thể là vào các sở chỉ huy và các kho đạn. Từ đó, họ cắt đứt liên lạc giữa các đơn vị của quân đội Nga, đập tan hệ thống chỉ huy, và làm cạn kiệt khả năng đánh trả khi số đạn dược của Nga bị nổ tung. Giờ đây, Không Quân Ukraine ra vào Kherson như chỗ không người khi hệ thống phòng không của Nga chống trả một cách yếu ớt.

Theo ISW, trước đó người Nga lạc quan đến mức tung ra một tổ chức có tên “Chúng ta cùng đồng hành với nước Nga”. Những ai tham gia tổ chức này sẽ được kết nạp vào Đảng Nước Nga Thống nhất, và dự kiến sẽ khởi động một chiến dịch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ việc sáp nhập các khu vực bị chiếm đóng vào Nga.

ISW cho biết: “Khả năng một cuộc phản công của Ukraine vào vùng Kherson bị chiếm đóng đã làm gián đoạn nỗ lực của Nga chuẩn bị cho cuộc thảo luận sáp nhập và làm hỏng kế hoạch buộc dân thường Kherson phải đăng ký hộ chiếu Nga”.

Theo ISW, một nhóm kháng chiến Ukraine báo cáo rằng các quan chức Nước Nga Thống nhất đã bỏ chạy khỏi thành phố Kherson. Ivan Fedorov, thị trưởng thành phố Melitopol, miền đông nam Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng các lực lượng Nga đang di chuyển từ ba đến bốn đoàn công voa chạy khỏi thành phố mỗi ngày. Ông cũng nói rằng hơn một nửa cư dân của thành phố đã rời đi và quân xâm lược Nga đang tìm cách bắt cóc các công dân Ukraine.

Theo ISW, nếu Ukraine chiếm lại được Kherson, chiến thắng này sẽ gởi một thông điệp rõ ràng đến người dân và giới quân sự Nga rằng có chiếm được, người Nga cũng không giữ được.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nga để đưa ra bình luận.

2. Ngũ Giác Đài nhận định Nga không giữ được ưu thế trên không khi HIMARS của Mỹ tấn công SAM

Ngũ Giác Đài cho biết vũ khí của Mỹ đã ngăn Nga giành ưu thế trên không trong cuộc chiến Ukraine.

Ukraine đã sử dụng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động cao M142, hay HIMARS, tấn công hàng chục địa điểm chỉ huy và kiểm soát, kho đạn và các mục tiêu khác của Nga khi nước này bắt đầu phản công nhằm chiếm lại thành phố Kherson quan trọng ở phía nam.

Trong một cuộc họp báo ngắn của Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân đã ca ngợi việc Ukraine sử dụng HIMARS và khả năng của quân đội nước này trong việc bắn hạ máy bay Nga và ngăn chặn các lực lượng của Mạc Tư Khoa nhắm vào máy bay của Kyiv.

“Chúng tôi biết rằng họ có thể tấn công các vị trí hỏa tiễn đất đối không và tiêu diệt một số hệ thống SAM”

“Việc người Nga mất ưu thế trên không chắc chắn nói lên rất nhiều điều về ý chí của người Ukraine”

Mỹ đã giao 12 chiếc HIMARS cho Ukraine và sẽ cung cấp thêm 4 chiếc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết đất nước của ông sẽ cần “ít nhất 100” HIMARS để đảo ngược tình hình của Nga ở khu vực Donbas.

Trong khi đó, Kyiv cũng đang kêu gọi Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp các máy bay chiến đấu và huấn luyện các phi công của nước này.

Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, Tướng Charles Brown cho biết điều này đang được xem xét, và đề cập đến khả năng cung cấp cho Ukraine các máy bay phản lực Gripen của Thụy Điển, Dassault Rafale do Pháp sản xuất và Eurofighter Typhoon của một số quốc gia.

Các quan chức Không quân Ukraine cho biết họ muốn phi công của mình được đào tạo bay các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, và khi được hỏi tại sao vẫn chưa được đào tạo về họ, Ngũ Giác Đài nói rằng họ chưa đưa ra quyết định về việc cung cấp máy bay.

“Chúng tôi đang xem xét câu hỏi này. Điều quan trọng là phải xác định những nền tảng đang và sẽ có và bảo đảm rằng bạn đang cung cấp loại hình đào tạo phù hợp,” Tướng Kirby nói:

Trong thời gian chờ đợi, Mỹ sẽ giúp chuyển giao “những phụ tùng thay thế đáng kể” để giữ cho các máy bay phản lực MiG và Sukhoi từ thời Liên Xô của Ukraine có thể tung cánh trên bầu trời.

3. Lực lượng Ukraine bắn hạ máy bay cường kích Su-25 của Nga ở vùng Donetsk

Trong bản báo cáo chiều thứ Bẩy 30 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết hôm thứ Sáu 29 tháng 7, lính dù Sicheslav bắn rơi máy bay cường kích bọc thép Su-25 của Nga

“Hôm qua, ngày 29 tháng 7, tại vùng Donetsk, một quân nhân thuộc đơn vị phòng không thuộc Lữ đoàn Dù số 25 thuộc Sư đoàn Dù Sicheslav đã dùng một hệ thống Igla MANPADS bắn rớt một máy bay cường kích Su-25 của quân xâm lược Nga.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine lưu ý rằng các đơn vị phòng không của Lữ đoàn dù biệt động số 25 đã bắn rơi 29 phương tiện tấn công trên không của đối phương, trong đó có 15 máy bay chiến đấu, 7 trực thăng và 7 máy bay không người lái.

Một máy bay cường kích Su-25 khác của Nga đã bị bắn rơi bởi cùng một đơn vị Ukraine vào ngày 24/7.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất được công bố hôm 30 tháng 7, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Nhiều khả năng Ukraine đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công quy mô nhỏ của Nga từ chiến tuyến được hình thành rất lâu gần thành phố Donetsk ở Donbas. Tại khu vực Kherson, các lực lượng Nga rất có thể đã thiết lập hai cầu phao và một hệ thống phà để bù đắp thực tế là các cây cầu gần đó đã bị hư hại trong các cuộc không kích gần đây.

Trên khắp các vùng lãnh thổ mới chiếm đóng ở miền nam Ukraine, các chính quyền do Nga cài đặt rất có thể đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mạc Tư Khoa để củng cố quyền kiểm soát của họ đối với khu vực và chuẩn bị cho các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga vào cuối năm nay. Nga hiện xếp loại các khu vực bị chiếm đóng là 'địa hạt quân sự-dân sự' tạm thời. Chính quyền địa phương có khả năng sẽ ép buộc người dân tiết lộ chi tiết cá nhân để lập sổ ghi danh bỏ phiếu.

5. Mỹ sẽ sớm công bố một gói viện trợ quân sự khác cho Ukraine

Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự khác cho Ukraine. John Kirby, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông Chiến lược, đã thông báo điều này trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

“Tôi hoàn toàn mong đợi điều đó và tôi nghĩ các bạn sẽ sớm thấy một gói viện trợ quân sự khác”

Vị đại diện Tòa Bạch Ốc cho biết hiện tại ông sẽ không nêu cụ thể ngày nào, tuy nhiên, theo ông, một tuyên bố khác về hỗ trợ an ninh cho Ukraine sẽ được công bố “rất sớm”.

Nhận xét về những gì sẽ có trong gói mới, Tướng Kirby nói rằng “các bạn có thể mong đợi thấy những thứ phù hợp với các loại hỗ trợ an ninh mà các bạn đã thấy trong quá khứ”.

Hoa Kỳ đã phân bổ 16 gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD cho Ukraine kể từ đầu năm.

6. Tình hình kinh tế Nga đang sa sút thảm khốc. Không thể phục hồi nếu còn Putin

Một báo cáo mới cho biết Nga đang thua trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây và nền kinh tế của nước này đang sa sút thảm khốc và không thể phục hồi ngay cả khi nước này dùng đến chiêu thức cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu.

Khi sự hoảng loạn lan rộng khắp Âu Châu về viễn cảnh giới hạn khí đốt và giá năng lượng leo thang, thì trên thực tế, Nga đang ở tình thế nguy hiểm, với hoạt động kinh doanh đang thoái trào và các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế của họ một cách thảm khốc.

Putin gây ra sự hoảng loạn cho các chính phủ Âu Châu bằng cách thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt, thì chiến lược này không bền vững đối với nhà độc tài khi ông đốt cháy nguồn dự trữ và ngân sách của ông thâm hụt trầm trọng.

Đây là nhận định từ một báo cáo từ các nghiên cứu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, trong đó xem xét vượt ra ngoài các số liệu kinh tế được guồng máy tuyên truyền của Điện Cẩm Linh tung ra để truy cập vào các nguồn tiếng Nga của tư nhân và các nguồn dữ liệu độc đáo khác.

Báo cáo đã xem xét dữ liệu tiêu dùng, các kiểm tra chéo, và các phúc trình từ các đối tác thương mại quốc tế của Nga để tạo ra một phân tích kinh tế về tình trạng của xã hội Nga hiện nay và tương lai.

Và bức tranh mà nó vẽ ra là một bức tranh mầu xám đối với nhà độc tài Nga. Kể từ cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, ông đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây giữa các lệnh trừng phạt, thương mại và việc cung cấp năng lượng.

Báo cáo cho biết: 'Những tiêu đề của phe cực đoan tại Nga cho rằng nền kinh tế Nga đã phục hồi trở lại đơn giản là không đúng thực tế'.

'Sự thật là, theo bất kỳ số liệu nào và ở bất kỳ cấp độ nào, nền kinh tế Nga đang quay cuồng, và bây giờ chưa đến thời điểm có thể ngăn chặn đà tuột dốc.'

Mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga đều bị ảnh hưởng - cả nhập khẩu và xuất khẩu của nước này đều giảm và các đồng minh của họ không giúp đỡ, và trong một số trường hợp, họ đang chủ động tận dụng.

Ngân sách chính phủ lần đầu tiên bị thâm hụt trong nhiều năm, và bất chấp giá năng lượng cao ngất ngưởng mà Putin đã thao túng bằng cách thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu.

Mặc dù chiến lược này chắc chắn đang gây ra nỗi đau cho các chính phủ Âu Châu và trên toàn thế giới dưới hình thức lạm phát, nhưng Nga phải trả một cái giá mà Putin không thể tiếp tục trả vô thời hạn.

Báo cáo nêu rõ, vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu đã xấu đi một cách không thể phục hồi khi nước này hiện đang giao dịch với các nước như Trung Quốc và Ấn Độ từ một 'thế yếu' trong khi đánh mất các thị trường chính của mình.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng lượng khí đốt và Trung Quốc đã o ép giá ngay cả khi Nga cố gắng bù đắp cho sự mất mát của thị trường Âu Châu.

'Bất chấp việc Putin ảo tưởng về khả năng tự cung tự cấp và thay thế nhập khẩu, sản xuất nội địa của Nga đã hoàn toàn bế tắc, không có khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân tài đã mất.

'Việc làm rỗng nền tảng sản xuất và đổi mới trong nước của Nga đã dẫn đến giá cả tăng vọt và sự tức giận của người tiêu dùng.'

7. Nga lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng về Đài Loan

Hôm thứ Bẩy, Mạc Tư Khoa đã đưa ra lời ủng hộ mạnh mẽ đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng về Đài Loan, đồng thời cảnh báo Mỹ về bất kỳ động thái “khiêu khích” nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã cảnh báo Tổng thống Mỹ, Joe Biden, không nên “đùa với lửa” trong quan hệ với Đài Loan. Ông Tập đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ vào hôm thứ Năm, khi căng thẳng vẫn ở mức cao liên quan đến chuyến đi đang được dự trù của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến hòn đảo vào tháng tới.

Phát biểu trong cuộc điện đàm với các phóng viên, thư ký báo chí của Vladimir Putin, Dmitry Peskov, nói rằng Nga trung thành ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng không quốc gia nào khác có quyền nghi ngờ chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan hoặc thực hiện bất kỳ bước khiêu khích nào,” Peskov nói.

Ông cảnh báo Mỹ về các động thái “phá hoại”, đồng thời nói thêm rằng “hành vi như vậy trên trường quốc tế chỉ có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng khi thế giới đã quá tải với các vấn đề khu vực và toàn cầu”.

Mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Trung Quốc từ chối chỉ trích hành động của Nga, đổ lỗi cho Mỹ và NATO khiêu khích Mạc Tư Khoa, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Mạc Tư Khoa.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập sử dụng ngôn ngữ như vậy để can ngăn Washington công khai ủng hộ Đài Bắc. Tháng 11 năm ngoái, ông Tập cũng cảnh báo Tổng thống Mỹ trong một hội nghị thượng đỉnh rằng Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện “các biện pháp quyết liệt” nếu Đài Loan có bất kỳ động thái nào hướng tới nền độc lập vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh.

Đài Loan và Trung Quốc chia rẽ vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến kết thúc với chiến thắng của phe cộng sản trên đất liền. Họ không có quan hệ chính thức, nhưng cả hai bên đều nói rằng họ là một quốc gia.

Tuy nhiên, hai bên bất đồng về việc chính phủ nào được quyền lãnh đạo quốc gia.

8. Xe tăng lội nước BIBER tham gia kho vũ khí phương Tây ngày càng lớn mạnh của Ukraine

Bộ sưu tập vũ khí phương Tây của Ukraine sẽ lại được mở rộng khi Đức chuyển giao các xe tăng lội nước cho quân đội Ukraine, những người đang tiếp tục bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Đức Christine Lambrecht đã thông báo quyết định giao một lô 16 xe tăng BIBER cho Ukraine, với lô hàng đầu tiên gồm 6 chiếc sẽ bắt đầu vào mùa thu. Mười chiếc còn lại sẽ theo sau vào năm 2023.

“Với BIBER, quân đội Ukraine có thể vượt qua nước hoặc chướng ngại vật trong trận chiến”, Bộ Quốc phòng cho biết trong tuyên bố của mình. Gói tổng thể bao gồm mười sáu phương tiện đặt cầu cũng như vận chuyển, sửa chữa và huấn luyện.”

Gói này là đợt viện trợ quân sự mới nhất từ một trong những đồng minh phương Tây của Ukraine. Tuần trước, Tòa Bạch Ốc thông báo rằng Mỹ sẽ gửi thêm 4 hệ thống hỏa tiễn HIMARS - nâng tổng số HIMARS của Ukraine lên 16 chiếc - như một phần của vòng hỗ trợ an ninh mới nhất cho quốc gia này.

Gần đây, Đức cũng đã đồng ý chuyển giao 3 hệ thống hỏa tiễn MARS 2, 10 pháo tăng và 5 xe tăng phòng không cho Ukraine.

Tờ Der Spiegel cũng đưa tin trong tuần này rằng Đức đã chấp thuận yêu cầu từ công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann về việc sản xuất thêm 100 pháo tăng trị giá 1,7 tỷ euro cho quân đội Ukraine.

Hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000 sẽ mất vài năm để hoàn thiện và chưa rõ khi nào gói vũ khí đầu tiên sẽ được chuyển giao.

Kho vũ khí ngày càng tăng của Ukraine diễn ra trong bối cảnh quốc gia này cầu xin phương Tây gửi thêm pháo khi cuộc chiến tiếp tục bước sang tháng thứ năm.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska nói với các nhà lập pháp: “Tôi đang yêu cầu một thứ mà tôi không bao giờ muốn xin, tôi đang yêu cầu vũ khí”.

“Vũ khí sẽ không được sử dụng để gây chiến trên đất của người khác, mà để bảo vệ ngôi nhà của một người và quyền được tỉnh dậy còn sống trong ngôi nhà đó,” cô nói. “Tôi đang yêu cầu các hệ thống phòng không để hỏa tiễn không giết chết trẻ em trong xe đẩy của chúng.”

Khi được hỏi về những người Mỹ không muốn Mỹ chi thêm đô la cho cuộc chiến ở Ukraine trong bối cảnh lạm phát gia tăng, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy nói với Piers Morgan, “Những điều này chỉ là thứ yếu.”

Zelenskiy nói: “Lạm phát không là gì cả, COVID không là gì cả. Hãy hỏi những người đã mất con cái, sự bình yên của họ, tài sản của họ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu. Ai đang nghĩ về khẩu trang y tế và COVID? Ai đang nghĩ về lạm phát?”
 
Tông Du Canada: Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha ở nơi quanh năm lạnh giá
VietCatholic Media
17:49 30/07/2022


Thứ Sáu 29 tháng 7, lúc 9g sáng, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành viên của Dòng Tên tại Tòa Giám Mục Quebéc. Cũng tại đây, lúc 10g45, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các đại diện thổ dân Quebéc.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin trình bày vấn đề các các trường nội trú dành cho người bản địa

Từ các tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Canada, gọi tắt là CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Lúc 12g45, Đức Thánh Cha đã ra phi trường quốc tế Quebéc để bay đến Iqaluit, cách đó 2,000 km về phía bắc và đã đến nơi lúc 15g50.

Iqaluit có nghĩa là 'nơi có nhiều cá' là thủ phủ của Nunavut, là cộng đồng lớn nhất và thành phố duy nhất của nó. Nó được gọi là Vịnh Frobisher từ năm 1942 đến năm 1987, theo tên một vịnh lớn trên bờ biển mà thành phố tọa lạc. Năm 1987, tên Inuktitut truyền thống của nó đã được khôi phục.

Năm 1999, Iqaluit được chỉ định là thủ đô của Nunavut sau khi các Lãnh thổ Tây Bắc phân chia thành hai lãnh thổ riêng biệt. Trước sự kiện này, Iqaluit là một thành phố nhỏ và không nổi tiếng, với dân số và tăng trưởng kinh tế rất hạn chế. Điều này là do sự cô lập của thành phố và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhập khẩu đắt tiền, vì thành phố, giống như phần còn lại của Nunavut, không có đường bộ hoặc đường sắt, và chỉ có tàu kết nối với phần còn lại của Canada. Thành phố có khí hậu Bắc cực, chịu ảnh hưởng của vùng nước sâu lạnh giá của Dòng hải lưu Labrador ngay ngoài khơi Đảo Baffin — điều này khiến thành phố Iqaluit trở nên lạnh giá, mặc dù nó nằm rất xa về phía nam của Vòng Bắc Cực.

Theo điều tra dân số Canada năm 2021, dân số của vùng này là 7.429 người, giảm 4% so với điều tra dân số năm 2016. Iqaluit có dân số thấp nhất so với bất kỳ thành phố thủ đô nào ở Canada.

Lúc 16g15, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các học sinh cũ của trường dành cho người bản địa. Cũng tại đây, lúc 17g, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các kỳ lão và các thanh niên. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của chuyến đi.

Lúc 18g15, có nghi thức tạm biệt tại phi trường quốc tế Iqaluit. Máy bay cất cánh đưa ngài về Rôma lúc 18g45.