Ngày 31-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/08: Thánh Thể Của Ăn Thần Thiêng –Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:49 31/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, được tin ông Gio-an Tẩy Giả chết, Đức Giê-su xuống thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!” Sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 31/07/2022

18. Cần đốt lên lửa yêu thương, bởi vì có yêu thương thì tự nhiên sẽ đối đãi tốt với mọi người, tự nhiên luôn nói những lời yêu thương, và trong tâm hồn của con người sẽ tự nhiên thu hoạch được rất nhiều hiệu quả.

(Thánh Francicus Xavier)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:51 31/07/2022
56. DUYÊN CỚ BUỒN BỰC

Anh Giáp nọ, bởi vì cãi nhau với người đồng nghiệp nên bị bắt đến quan phủ.

Quan phủ lấy gông cùm bằng gỗ còng anh ta lại, đẩy ra bêu trước đám đông, có người thấy thì la lớn:

- “Chỉ vì tranh chấp nhiều lời mà ra”.

Anh Giáp nọ lấy tay sờ cái gông cùm gỗ lên tiếng trả lời:

- “Sự buồn bực có lẽ là do cãi nhau mà ra”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 56:

Buồn bực thì có nhiều duyên cớ, nhưng buồn bực và áy náy nhất chính là cãi nhau với mọi người, nhất là với anh chị em trong nhà và bạn bè. Buồn ơi là buồn.

Con người ta ai cũng có tự ái nên rất dễ dàng sừng sộ với người mình không ưa hoặc với người phê bình góp ý cho mình, nhưng sau khi sừng sộ xong thì có một nỗi buồn xâm chiếm len lõi đi vào tâm can, thế là ủ rủ mất vui, tính khí thay đổi hay cau có với mọi người, không muốn làm việc.v.v...

Người Ki-tô hữu có hai cách tu dưỡng tâm hồn để khỏi tranh chấp cãi nhau với người khác, một là cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, hai là im lặng như Đức Đức Chúa Giê-su đã im lặng không cần trả lời với vua Hê-rô-đê, và Ngài cũng im lặng chẳng cần tranh cãi với ông quan ưa lý luận là Phi-la-tô, bởi vì Đức Đức Chúa Giê-su thấy không cần thiết để tranh cãi với họ là những người không biết chân lý là gì.

Cãi nhau là duyên cớ của buồn phiền, biết rồi thì từ nay đừng cãi nhau nữa, nhưng hãy cầu nguyện cho nhau và động viên khuyến khích nhau sống vui vẻ và đoàn kết hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra
Lm. Minh Anh
22:33 31/07/2022

ĐIỀU TUYỆT VỜI RỒI CŨNG XẢY RA
“Mọi người đều ăn no!”.

Morrison nói, “Thật là khờ khạo, khi bạn muốn chinh phục thế giới! Thật là khôn ngoan, khi bạn muốn chinh phục ‘cái tôi!’. Cuộc sống của bạn không được đo bằng những gì bạn giành được; nhưng được đo bằng những gì bạn vượt qua! Và này, ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cuộc sống được đo bằng những gì bạn vượt qua!”. Thật thú vị, ý tưởng của Morrison được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay khi Matthêu mở đầu Tin Mừng bằng cái chết của Gioan Tẩy Giả, nhưng lại kết thúc nó với việc Chúa Giêsu cho 5.000 người no nê. Qua đó, Ngài đã vượt qua chính mình; và nếu chúng ta có thể vượt qua như Ngài, ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra!’.

Matthêu nói, sau khi nghe tin về cái chết bi thảm của người anh họ, Chúa Giêsu đã tự rút lui; Ngài xuống thuyền, đến một nơi hoang vắng. Rõ ràng, Ngài muốn có thời gian để ở một mình mà suy gẫm! Ngài biết, mọi chuyện nếu tiếp tục như cũ; rồi đây, chính Ngài cũng phải đối mặt với những rắc rối tương tự. Vậy mà, dân chúng không để Ngài yên; họ biết Ngài đi đâu và phải đợi Ngài ở đâu! Matthêu viết, “Ra khỏi thuyền, Ngài thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ”; và ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra’, “Ngài chữa những người bệnh tật trong họ”. Bằng cách ấy, những rắc rối của riêng Ngài đã được gạt sang một bên, nhường chỗ cho những nhu cầu lớn hơn của những con người đáng thương.

Câu chuyện tiếp tục khi chiều xuống, các môn đệ đến thưa Ngài rằng, “Xin Thầy giải tán dân chúng!”. Không! Ngài muốn họ vượt qua chính mình, “Các con hãy cho họ ăn!”. Làm sao họ có thể nuôi ngần ấy người, chưa kể phụ nữ và trẻ em? Họ chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Họ nghĩ, hẳn đây là chuyện ngụ ngôn. Họ đã quá tập trung vào việc sẽ làm được ‘ít như thế nào’; họ không nhìn ra điểm yếu của mình! Điều gì đã xảy ra trong đầu họ khi Chúa Giêsu bảo mọi người ngồi thành từng nhóm? Họ đã nói gì trong khoảnh khắc đó? Chúng ta không biết. Tuy nhiên, điều chúng ta biết, là họ đã vâng lời; họ không phàn nàn điều đó là vô nghĩa. Và như vậy, chỉ với hành động vâng lời, ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra’, và họ không mất gì cả!

Quả thế, điều không thể đối với con người vẫn có thể đối với Thiên Chúa! Các môn đệ, mặc dù yếu đuối, vẫn là những ‘chiếc giỏ’ phân phát bánh và cá đã hoá nhiều cho dân. Chúa Giêsu cũng sẽ làm những điều kỳ vĩ trong chúng ta, nếu mỗi người cho phép Ngài sử dụng ‘cái ít ỏi’ của mình; và quan trọng hơn, vâng lời Ngài! Trước những thách thức của công cuộc Tân Phúc Âm hoá, nếu chúng ta đem sự yếu đuối và hạn chế của mình cho Chúa Giêsu, sẵn sàng làm theo lời Ngài, hoa trái cũng sẽ trổ sinh, và ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra!’.

Anh Chị em,

“Mọi người đều ăn no!”. Chúa Giêsu cũng muốn có những kết quả tương tự nơi mỗi người chúng ta. Nếu cái chết của Gioan mở đầu cho câu chuyện 5.000 người nuôi sống, thì cái chết của Chúa Giêsu sẽ mở đầu cho câu chuyện ‘năm châu bốn biển’ được nghe Tin Mừng và được no thoả đời đời bằng Thịt Máu Ngài. Bạn và tôi cũng hãy làm như vậy tuỳ theo trạng thái và hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, đôi khi có vẻ như sự cố gắng của chúng ta không mang lại kết quả như mong đợi; dường như những người khác không nghe, không thấy thông điệp của Chúa Kitô. Chuyện gì thế? Chúng ta có thể làm gì hơn? Hãy cứ can đảm, cứ cho đi những gì bạn có, tài năng, của cải; và hãy nên sẵn sàng cho Chúa Giêsu và cho anh chị em mình. Đừng sợ, sẽ không mất gì cả, vì nếu bạn chia sẻ, Ngài sẽ nhân lên gấp bội. Hãy loại bỏ sự ‘khiêm tốn giả tạo’ khi cảm thấy không đủ; cứ tin tưởng vào Chúa, vào bản thân; hãy tin vào tình yêu, tin vào sức mạnh của sự phục vụ, tin vào sức mạnh của tình nghĩa. Và ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để những khó khăn làm con chùn bước. Cho con biết tặng trao ‘cái ít ỏi’ của mình và tín thác vào Chúa; phần còn lại, Chúa lo, và ‘điều tuyệt vời rồi cũng xảy ra!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn bộ Cuộc Tông du Gia Nã Đại của Đức Phanxicô, ngày 29 tháng 7
Vũ Văn An
00:07 31/07/2022

Ngày 29 tháng 7, 7:19 sáng

Hôm nay đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài sẽ gặp gỡ các thành viên của Dòng Chúa Giêsu [Dòng Tên] và một phái đoàn của các dân tộc bản địa ở Québec. Từ đó, ngài sẽ bay đến Iqaluit, nơi ngài sẽ gặp gỡ các học sinh của các trường nội trú cũ, thanh niên và người cao niên, và tham dự một buổi lễ chia tay.

Nhân dịp này CNA cung cấp thông tin về Iqaluit và lý do Đức Phanxicô đến đó.



Iqaluit ở đâu?

Chỉ có 7,740 người sinh sống, Iqaluit là thủ đô - và là thành phố duy nhất - của Nunavut, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và cực bắc của Canada. Thành phố nằm trên một vịnh lớn trên đảo Baffin, một trong những hòn đảo lớn nhất thế giới với kích thước tương đương với Tây Ban Nha, nhưng chỉ có 10,000 người sinh sống. Hơn 2/3 số người đó sống ở Iqaluit.

Trong ngôn ngữ địa phương của người Inuit, "Iqaluit" có nghĩa là "cá". Tên gọi này ám chỉ một ngôi làng nhỏ ở Koojesse Inlet vào những năm 1940, nơi nhiều người Inuit chuyển đến làm việc trong quá trình xây dựng một căn cứ không quân của Mỹ.

Thành phố nhỏ có sáu trường học, một trường cao đẳng, năm nhà trẻ và ba trạm xăng. Cư dân nói tiếng Anh và tiếng Inuktitut, ngôn ngữ của người Inuit ở cực bắc Canada. Bất chấp khí hậu vùng cực và vĩ độ cao của thành phố, nó thực sự nằm ở phía nam của vòng bắc cực. Nó đã từng là một trung tâm đánh cá quan trọng của người Inuit trong nhiều thế kỷ.

Nunavut, một lãnh thổ do người Inuit cai quản, có dân số khoảng 40,000 người. Khoảng 80% là người Inuit. Ở Iqaluit, có 3,900 người Inuit.

Đức Phanxicô sẽ ở trên không chỉ hơn năm giờ trong chuyến bay từ Thành phố Québec đến Iqaluit.

Có người Công Giáo ở Iqaluit không?

Theo đài truyền hình quốc gia Canada, cơ quan truyền giáo Công Giáo đầu tiên ở Nunavut được thành lập bởi Dòng Hiến sĩ của Đức Mẹ Vô nhiễm [Oblates of Mary Immaculate] ở Chesterfield Inlet vào năm 1912.

Hãng tin AP đưa tin, có một giáo xứ Công Giáo ở Iqaluit: Đức Bà Mông Triệu. Theo lời của cha xứ, Daniel Perreault, chỉ một số ít giáo dân của ngài là người Inuit. Những người còn lại đến từ các quốc gia thuộc ít nhất năm lục địa khác nhau. Giáo xứ của ngài phục vụ hơn 100 người trong Thánh lễ mỗi Chúa nhật.

Giáo phận Vịnh Churchill-Hudson, bao trùm hầu hết lãnh thổ Nunavut, cho biết họ phục vụ khoảng 9,000 người Công Giáo tại 17 giáo xứ và cơ sở truyền giáo với hai linh mục giáo phận, năm linh mục dòng, và hai chị thuộc các Hội dòng Canada, một phó tế vĩnh viễn, một nam tu sĩ, và ba nhân viên mục vụ.

Đức cha Anthony Wieslaw Krótki lãnh đạo giáo phận.

Tại sao Đức Phanxicô đến đó?

Lý do chính cho chuyến thăm Iqaluit của Đức Thánh Cha là để có một cuộc gặp riêng với học sinh của các trường nội trú cũ. Hơn một chục trường nội trú hoạt động tại Nunavut ngày nay.

Từ quan điểm thực tế, Đức Giám Mục địa phương, Krótki, nói rằng “Iqaluit cũng được chọn vì các biện pháp an toàn hàng không, số lượng phòng khách sạn đủ chỗ cho sinh viên và du khách, và khả năng tiếp cận của nó với cơ quan quản lý chính trị, Giáo hội và tổ chức bản địa ở Ottawa.”

Ngài cũng cho biết Giáo phận Vịnh Churchill-Hudson là giáo phận Canada đầu tiên xin lỗi các học sinh cũ của một trường nội trú vào năm 1996. Cùng với các giáo phận khác ở Canada, nó đã đóng góp vào Quỹ Hòa giải Bản địa Canada của các Giám mục Canada.

Iqaluit có trường học nội trú không?

Đức Cha Krótki nói với Vatican News, Giáo phận Vịnh Churchill-Hudson đã tham gia vào việc điều hành một trường học trong khu vực trong vòng chưa đầy 15 năm. Ngài nói về những tác động tích cực và tiêu cực của ngôi trường đó.

Ngài cho biết, “Những lợi ích giáo dục của định chế đó đã được chứng minh bởi nhiều học sinh cũ đã trở thành những nhà lãnh đạo trong xã hội, chính phủ của họ và trong lĩnh vực đàm phán yêu sách đất đai. “Trường học cũng mang lại một số đau đớn và đau khổ với những người trẻ không sống ở nhà quanh năm cũng như một số hành vi lạm dụng không thể chấp nhận được.”

Lịch trình của Đức Phanxicô ở đó ra sao?

Theo nhà thờ Đức Bà Mông Triệu, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến lúc 3:50 chiều giờ EDT vào thứ Sáu, ngày 29 tháng 7. Ngài sẽ khởi hành trở về Rome lúc 6:45 chiều. Trong thời gian ở đây, ngài sẽ gặp gỡ các học sinh của các trường nội trú cũ của Canada.

Giáo xứ cho biết, khi đến nơi, Đức Giáo Hoàng sẽ đến trường tiểu học Nakasuk và tổ chức một buổi tiếp kiến riêng tại phòng thể dục. Sau đó, ngài sẽ tham dự một biến cố cộng đồng công khai bên ngoài và đọc một thông điệp. Sau đó, sẽ có một "Bài hát Kinh Lạy Cha."

Cha xứ Perreault thông báo trên trang web của nhà thờ: “Trong một vài ngày tới, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta sẽ hát rất to lời cầu nguyện này lên Đức Chúa Cha của chúng ta. Mong khoảnh khắc này là một cơ hội thực sự để hòa nhã và chào đón lẫn nhau cho tất cả những người tham gia, bất kể họ ở đâu và xuất xứ văn hóa nào.”



Ngày 29 tháng 7, 9:45 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một cuộc họp riêng với các tu sĩ Dòng Tên ở Québec vào sáng nay tại Tòa Tổng Giám Mục Québec, như thông lệ của các chuyến tông du của ngài.

Theo VanticanNews, Đức Giáo Hoàng cũng đã trả lời các câu hỏi trong một cuộc trò chuyện thân mật với những người hiện diện. Các câu hỏi này thường được soạn sẵn và cung cấp bởi chủ bút tờ La Civiltà Cattolica, Cha Antonio Sparado.

Ngày 29 tháng 7, 10:30 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ một phái đoàn các dân tộc bản địa ở Québec. Ngài ca ngợi họ trước khi rời Québec

Trong một bài diễn văn ngắn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đang trở về nhà “rất giàu có” sau “chuyến hành hương đền tội” kéo dài một tuần tới Canada, trong đó ngài công khai xin lỗi nhiều lần về những lạm dụng trong quá khứ của người Công Giáo chống lại người bản địa của quốc gia.



“Tôi đến với tư cách là một người anh em, để tận mắt khám phá trái tốt và trái xấu do các thành viên của gia đình Công Giáo địa phương sinh ra trong suốt nhiều năm. Tôi đã đến với tinh thần sám hối, để bày tỏ nỗi đau chân thành trước những điều sai trái đã gây ra cho anh chị em bởi không ít người Công Giáo ủng hộ các chính sách áp bức và bất công đối với anh chị em,” vị giáo hoàng 85 tuổi nói như thế, trước phái đoàn tập hợp tại dinh thự của Đức Tổng Giám Mục ở thành phố Québec.

Đức Thánh Cha nói tiếp, “Tôi đến với tư cách một người hành hương, bất chấp những hạn chế về thể chất của mình, để thực hiện những bước tiến xa hơn với anh chị em và vì anh chị em. Tôi làm điều này để có thể đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm sự thật, để các quá trình hàn gắn và hòa giải có thể tiếp tục, và để hạt giống hy vọng có thể tiếp tục được gieo cho các thế hệ tương lai - những người bản địa và không phải bản địa - những người mong muốn sống với nhau, trong hòa hợp, như anh chị em”.

Ngài cảm ơn người dân bản địa đã chào đón ngài đến Canada. 22 đại biểu tham dự hôm thứ Sáu đại diện cho Các Quốc Gia Đầu tiên Mi’kmaq, Algonquin, Mohawk, Cree, Innu, Atikamekw, Malecite, Abenaki và Naska.

Vị Đại diện Chúa Kitô cho hay, “Tôi thực sự có thể nói rằng, trong khi tôi đến với anh chị em, chính cuộc sống và kinh nghiệm của anh chị em, những thực tại bản địa của những vùng đất này, đã làm tôi xúc động, ở lại với tôi và sẽ luôn là một phần của tôi”.

Ngài nói thêm, “Tôi dám khẳng định, nếu anh chị em cho phép tôi, rằng bây giờ, ở một khía cạnh nào đó, tôi cũng cảm thấy mình là một phần của gia đình anh chị em, và vì điều này, tôi rất vinh dự”.

Như lần đầu tiên ngài làm trong bài phát biểu xin lỗi hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa ca ngợi tầm quan trọng mà các cộng đồng bản địa gán cho gia đình và truyền thống. Ngài cũng khai triển chủ đề này vào thứ Ba nhân ngày lễ Thánh Anna, vị thánh bổn mạng của ông bà.

Đức Giáo Hoàng nói “Trong một thế giới mà, bi thảm thay, thường là quá duy cá nhân, ý thức chân chính sâu xa của anh chị em về gia đình và cộng đồng là điều đáng quý xiết bao. Điều quan trọng biết bao là vun đắp mối dây liên kết giữa trẻ và già, và duy trì mối liên hệ lành mạnh và hài hòa với mọi tạo vật!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài phát biểu của mình bằng cách nêu bật tấm gương của ba người phụ nữ mà ngài nói “hiểu rõ nhất về cách bảo vệ những điều quan trọng nhất trong cuộc sống”. Người đầu tiên là Thánh Anna, người đã nuôi nấng Đức Trinh Nữ Maria; người thứ hai là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cuối cùng là Thánh Kateri Tekakwitha, người Mỹ bản địa đầu tiên được phong thánh và là thành viên của dân tộc Mohawk.

Đức Thánh Cha nói, cả Đức Maria lẫn Thánh Kateri đều “nhận được từ Thiên Chúa một kế hoạch cho cuộc đời họ, và không cần hỏi bất cứ người đàn ông nào, đã can đảm đồng ý với nó”.

Ngài tiếp tục nói, “Hai người phụ nữ đó có thể phản ứng một cách giận dữ với bất cứ ai phản đối kế hoạch đó, hoặc chỉ đơn thuần tuân phục các quy tắc gia trưởng của thời đó và đầu hàng, mà không chiến đấu cho những giấc mơ mà chính Chúa đã truyền cảm hứng cho họ. Họ đã chọn không làm điều đó, nhưng thay vào đó, với sự hiền lành và quyết tâm, với những lời tiên tri và cử chỉ dứt khoát, họ đã đánh dấu một con đường và hoàn thành những gì họ được kêu gọi phải làm".

Đức Thánh Cha kết luận, “Xin các ngài chúc lành cho cuộc hành trình mà chúng ta đang chia sẻ, và cầu bầu cho chúng ta cũng như cho công việc chữa lành và hòa giải vĩ đại làm đẹp lòng Thiên Chúa này. Tôi chúc phúc cho tất cả các anh chị từ trái tim của tôi. Và xin vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi”.

Sau bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến bay đến Iqaluit, thủ đô và thành phố duy nhất của Nunavut, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và cực bắc của Canada, đến đó lúc 3:50 chiều giờ EDT. Sau khi gặp gỡ các cựu học sinh của các trường dân cư của Canada ở Iqaluit, ngài sẽ khởi hành trở về Rome lúc 6:45 chiều.



Ngày 29 tháng 7, 1:00 chiều

Khi ở trên máy bay tới Iqaluit, Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ Thánh Kateri Tekakwitha. Tekakwitha, còn được gọi là “Lily of the Mohawks,” trở thành vị thánh người Mỹ bản địa đầu tiên vào năm 2012. Bà được nuôi dưỡng ở New York bởi chú của bà, một tù trưởng Mohawk, sau khi cha mẹ bà qua đời vì dịch bệnh đậu mùa. Sau khi gặp các linh mục Dòng Tên trong làng của mình, bà đã trở lại Công Giáo ở tuổi 19. Họ hàng của bà và dân làng đã cố gắng trừng phạt bà vì niềm tin của bà. Sau đó, bà chạy đến Montreal, Canada, nơi bà có thể thực hành đức tin của mình và sống cuộc đời của mình như một trinh nữ thánh hiến.

Ngày 29 tháng 7, 5:00 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ thanh niên và người lớn tuổi trước khi tham dự buổi lễ chia tay ở Iqaluit, thủ đô và thành phố duy nhất của Nunavut, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và cực bắc của Canada. Trong buổi gặp gỡ này, tại quảng trường của trường tiểu học, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người trẻ tuổi ở Iqaluit rằng “Hãy chọn ánh sáng thay vì bóng tối”. Ngài khuyến khích những người trẻ tuổi bản địa và người lớn tuổi không nên chán nản mà hãy tìm kiếm những gì tốt đẹp.

Một số người tập trung tại quảng trường trường tiểu học để lắng nghe Đức Giáo Hoàng đã từng gặp ngài tại Vatican hồi tháng 3. Trước khi Đức Giáo Hoàng phát biểu, một số nghệ sĩ bản địa đã chào đón ngài bằng cách hát các bài hát, và ngài được tặng một chiếc trống Inuit.



Vị giáo hoàng 85 tuổi nói, “Sau cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Rome, tôi đã cố gắng tưởng tượng những nơi rộng lớn mà anh chị em đã sinh sống từ thời xa xưa không ai nhớ nổi và bị những người khác coi là không hiếu khách. Anh chị em đã tiến đến chỗ yêu những nơi này, tôn trọng, trân qúi và nâng cao chúng, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, những giá trị căn bản như tôn trọng người già, tình huynh đệ chân chính và quan tâm đến môi trường”.

Ngài nói tiếp, “Có một mối liên hệ tuyệt đẹp giữa anh chị em và vùng đất mà anh chị em đang sinh sống, vì nó cũng rất mạnh mẽ và kiên cường, và phản ứng bằng ánh sáng rực rỡ với bóng tối bao phủ nó trong hầu hết năm tháng”.

“Thế nhưng mảnh đất này, cũng như mỗi cá nhân, mỗi con người, cũng mong manh và cần được chăm sóc. Chăm sóc, dạy dỗ và học cách quan tâm: những người trẻ tuổi đã được kêu gọi cách đặc biệt đảm nhiệm trách vụ này, được hỗ trợ bởi gương sáng của những người lớn tuổi! Hãy quan tâm đến trái đất, chăm sóc cho người dân của anh chị em, hãy quan tâm đến lịch sử của anh chị em”.

Iqaluit đánh dấu điểm dừng cuối cùng trong chuyến công du kéo dài một tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada. Địa điểm cực bắc là thành phố duy nhất trong lãnh thổ Nunavut do người Inuit cai quản.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô lại cầu xin sự tha thứ “vì tội ác gây ra bởi không ít người Công Giáo, những người đã góp phần vào các chính sách đồng hóa và giải phóng văn hóa trong các trường học đó”. Ngài phản đối việc tách trẻ em khỏi cha mẹ của chúng,

Ngài nói, “Thật là xấu xa biết bao khi phá vỡ mối dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, làm hỏng các mối liên hệ thân thiết nhất của chúng ta, làm tổn hại và gây tai tiếng cho các trẻ nhỏ!”.

Phát biểu trước những người trẻ tuổi trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã nói về “một loại ‘lực hấp dẫn tinh thần’ dấu mặt cố gắng kéo chúng ta xuống, giết chết ước muốn của chúng ta và làm giảm niềm vui của chúng ta.”



Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “ Thiên Chúa không bao giờ ngừng tin tưởng vào các con, không một giây phút nào. Người tin tưởng vào tài năng của các con. Khi các con tìm kiếm Người, các con sẽ nhận thấy rằng con đường mà Người kêu gọi các con đi theo luôn đi lên như thế nào. Các con sẽ nhận ra điều này khi các con nhìn lên bầu trời lúc cầu nguyện, và đặc biệt là khi các con chiêm ngắm Người trên thập giá”.

“Các con sẽ nhận thấy rằng Chúa Giêsu, từ thập giá, không bao giờ chỉ tay vào các con; Người ôm các con và động viên các con, bởi vì Người tin vào các con ngay cả những lúc các con không còn tin vào bản thân. Vì vậy, đừng bao giờ đánh mất hy vọng, hãy chiến đấu, hãy cống hiến hết mình và các con sẽ không phải hối tiếc ”.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng ngài đã chứng kiến sự thắp sáng của qulliq, một loại đèn dầu truyền thống của người Inuit được đốt cháy bằng cách sử dụng mỡ hải cẩu hoặc mỡ cá voi.

Ngài nói, “Khi các con cảm thấy buồn hoặc thất vọng, hãy nghĩ đến qulliq: Nó có một thông điệp dành cho các con. Thông điệp gì? Các con phải bước ra ánh sáng mỗi ngày. Không những vào ngày các con sinh ra, khi nó không phụ thuộc vào các con, mà là mỗi ngày. Mỗi ngày các con được kêu gọi mang ánh sáng mới vào thế giới, ánh sáng của đôi mắt các con, ánh sáng của nụ cười các con, ánh sáng của lòng tốt mà các con và một mình các con mới có thể mang lại”.

“Tuy nhiên, để bước ra ánh sáng, để được tái sinh, các con cần phải chiến đấu mỗi ngày chống lại bóng tối. Vì có một cuộc đụng độ hàng ngày giữa ánh sáng và bóng tối, không diễn ra ở đâu đó ngoài kia, mà ở trong mỗi chúng ta. Đi theo con đường của ánh sáng đòi hỏi những quyết định can đảm và chân thành để chống lại bóng tối của sự dối trá ”.

Đức Giáo Hoàng đưa ra một số tiêu chuẩn để những người trẻ tuổi có thể phân biệt ánh sáng và bóng tối tốt hơn.

Ngài nói, “Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta muốn trở nên tốt hơn, phải học cách phân biệt ánh sáng và bóng tối. Chúng ta bắt đầu từ đâu? Các con có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi bản thân: Đâu là những điều khiến tôi chú ý đầu tiên coi như lấp lánh và quyến rũ, nhưng sau đó lại để lại trong tôi cảm giác trống rỗng sâu thẳm? Đó chính là bóng tối! Mặt khác, điều gì tốt cho tôi và để lại cảm giác bình yên trong lòng tôi, ngay cả khi nó thoạt đầu kêu gọi tôi từ bỏ những tiện nghi nào đó và làm chủ những bản năng nào đó? Đó là ánh sáng!”

Đức Giáo Hoàng nói, cách làm vui lòng Thiên Chúa là sử dụng quyền tự do của mình để chọn làm điều tốt.

Ngài nói, “Tự do không có nghĩa là làm mọi thứ mình muốn và hành động theo ý mình. Tự do không phải là những gì tôi có thể làm bất chấp người khác, mà là những gì tôi có thể làm cho người khác. Tự do không phải là giá trị hoàn toàn, mà là trách nhiệm. Tự do, cùng với sự sống, là hồng ân lớn nhất mà Cha trên trời đã ban cho chúng ta”.

Lời khuyên cuối cùng của Đức Thánh Cha dành cho những người trẻ tuổi là “Hãy trở thành một phần của một đội”. Để minh họa tinh thần đồng đội, ngài đã sử dụng hình ảnh từ môn thể thao phổ biến nhất của Canada, khúc côn cầu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Khúc côn cầu kết hợp giữa kỷ luật và sự sáng tạo, chiến thuật, và sức mạnh thể chất; nhưng tinh thần đồng đội luôn tạo ra sự khác biệt; đó là điều cần thiết để ứng phó với sự không thể đoán trước của mọi trận đấu”.

Ngài nói tiếp, “Làm việc theo nhóm có nghĩa là tin rằng, để đạt được những mục tiêu lớn, các con không thể đi một mình; các con phải di chuyển cùng với nhau, có sự kiên nhẫn để luyện tập và thực hiện các vở kịch phức tạp. Làm việc theo nhóm cũng bao gồm việc nhường chỗ cho những người khác, lao ra nhanh chóng khi đến lượt và cổ vũ đồng đội của các con. Đó là tinh thần đồng đội!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, “Niềm hy vọng và lời cầu nguyện của tôi là, bằng cách lắng nghe những người lớn tuổi của các con và rút ra từ sự phong phú của truyền thống và quyền tự do cá nhân của các con, các con sẽ đón nhận Tin Mừng do tổ tiên của các con gìn giữ và lưu truyền, và do đó đến để nhìn thấy khuôn mặt Inuk của Chúa Giêsu Kitô”.

Sau bài phát biểu, Toàn quyền Canada, Mary Simon, dự kiến sẽ tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô tại Sân bay Quốc tế Iqaluit.
 
Huấn dụ của ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ 18 Mùa Thường Niên.
J.B. Đặng Minh An dịch
19:23 31/07/2022


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”

Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này:

“Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’

Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, một người đưa ra lời yêu cầu này với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12:13). Đây là một tình huống rất phổ biến. Những vấn đề tương tự như thế vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Bao nhiêu anh chị em, bao nhiêu thành viên trong cùng một gia đình, chẳng may cãi nhau về tài sản thừa kế, có lẽ không còn nói chuyện được với nhau!

Đáp lại yêu cầu của người này, Chúa Giêsu không đi vào những chi tiết cụ thể, nhưng đi vào gốc rễ của những chia rẽ gây ra bởi sự sở hữu của cải. Ngài nói rõ ràng: “Hãy đề phòng mọi sự tham lam” (câu 15). “Hãy đề phòng mọi sự thèm muốn”. Lòng tham là gì? Đó là lòng tham của cải không kiềm chế được, luôn ham muốn giàu sang. Đây là một căn bệnh hủy hoại con người, bởi vì sự thèm khát của cải tạo ra một cơn nghiện. Trên tất cả, những người có nhiều không bao giờ bằng lòng, họ luôn muốn nhiều hơn, và chỉ cho bản thân mình. Nhưng như thế, người đó không còn tự do nữa: người đó bị ràng buộc vào của cải, biến thành một nô lệ cho điều nghịch lý thay lẽ ra phải phục vụ họ để họ được sống tự do và thanh thản. Thay vì được phục vụ bởi tiền, người đó trở thành tôi tớ của tiền. Lòng tham cũng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội - do lòng tham mà ngày nay chúng ta đã đạt đến những nghịch lý khác: một sự bất công chưa từng thấy trong lịch sử, trong đó một thiểu số sở hữu rất nhiều trong khi đại đa số có rất ít hay thậm chí chẳng có gì. Chúng ta hãy xem xét các cuộc chiến tranh và xung đột. Ham muốn tài nguyên và sự giàu có hầu như luôn là động lực. Có bao nhiêu quyền lợi đằng sau chiến tranh! Chắc chắn, một trong số này là buôn bán vũ khí. Vụ mua bán này là một vụ tai tiếng mà chúng ta không bao giờ được cam chịu.

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng trọng tâm của tất cả những điều này không chỉ là một số người quyền lực, hoặc một số hệ thống kinh tế nhất định. Sự thèm muốn trong trái tim của mọi người là trung tâm. Và vì vậy, chúng ta hãy thử tự hỏi mình: Tôi đang ở đâu trong cố gắng đừng dính bén đến tài sản, tách mình khỏi sự giầu sang? Tôi có phàn nàn về những gì tôi thiếu thốn, hay tôi biết bằng lòng với những gì mình đang có? Tôi có bị cám dỗ để hy sinh các mối quan hệ và thời gian cho người khác vì tiền bạc và cơ hội không? Và một lần nữa, liệu tôi có hy sinh tính hợp pháp và lòng trung thực trên bàn thờ của sự thèm muốn không? Tôi đã nói “bàn thờ”, bàn thờ của sự thèm muốn, nhưng tại sao tôi lại nói bàn thờ? Bởi vì của cải vật chất, và tiền bạc, có thể trở thành một sự sùng bái, một thứ thờ ngẫu tượng thực sự. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta bằng những lời lẽ mạnh mẽ. Ngài nói, anh chị em không thể phục vụ hai chủ, và - hãy cẩn thận - Chúa Giêsu không nói hai chủ ấy là Thiên Chúa và ma quỷ, không, thậm chí Ngài cũng không nói hai chủ ấy là điều lành và điều ác, nhưng hai chủ ấy là Thiên Chúa và của cải (x. Lc 16:13). Người ta có thể ngờ rằng Chúa Giêsu sẽ nói rằng anh chị em không thể phục vụ hai chủ, Thiên Chúa và ma quỷ, không phải như thế, nhưng là Thiên Chúa và sự giàu có. Sự giàu có phải phục vụ chúng ta; còn phục vụ cho sự giàu có, thì không - đó là thờ ngẫu tượng, đó là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.

Như thế chúng ta có thể nghĩ, không ai nên khao khát làm giàu? Chắc chắn, anh chị em có thể làm giàu; anh chị em có quyền muốn được làm giàu. Thật đẹp khi trở nên giàu có, nhưng giàu theo ý Chúa! Chúa là Đấng giàu có nhất. Ngài giàu lòng nhân ái, giàu lòng nhân hậu. Sự giàu có của Ngài không làm nghèo đi một ai, không tạo ra những cuộc cãi vã, chia rẽ. Đó là sự giàu có biết cho đi, biết phân phát, biết chia sẻ. Thưa anh chị em, tích lũy của cải vật chất không đủ để sống sung túc, vì Chúa Giêsu cũng nói rằng sự sống không bao gồm những gì người ta sở hữu (x. Lc 12:15). Thay vào đó, nó phụ thuộc vào các mối quan hệ tốt - với Chúa, với những người khác, và thậm chí với những người có ít hơn chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: Đối với bản thân, tôi muốn làm giàu bằng cách nào? Tôi muốn làm giàu theo Chúa hay theo lòng tham? Và, quay lại chủ đề thừa kế, tôi muốn để lại di sản gì? Tiền trong ngân hàng, những thứ vật chất, hay những người hạnh phúc xung quanh tôi, những việc tốt không bị lãng quên, những người tôi đã giúp đỡ để trưởng thành và thăng tiến?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu thế nào là của cải thực sự của sự sống, là của cải tồn tại mãi mãi.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Sáng hôm qua, tôi đã trở lại Rôma sau chuyến tông du kéo dài sáu ngày đến Canada. Tôi dự định sẽ nói về điều đó trong buổi Tiếp kiến Chung vào thứ Tư tới đây. Nhưng bây giờ tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã giúp thực hiện cuộc hành hương đền tội này, bắt đầu từ các Nhà chức trách Dân sự, các Thủ lĩnh của Dân tộc Bản địa, và các Giám mục Canada. Tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã cùng tôi cầu nguyện. Cảm ơn các bạn vì tất cả!

Ngoài ra, trong cuộc hành trình này, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang đau khổ và bị vùi dập, cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi tai họa chiến tranh. Nếu người ta nhìn vào những gì đang xảy ra một cách khách quan, xem xét tác hại mà chiến tranh mang lại hàng ngày cho những người đó, và thậm chí cho toàn thế giới, điều hợp lý duy nhất cần làm là dừng lại và thương lượng. Cầu mong sự khôn ngoan truyền cảm hứng cho những bước đi cụ thể hướng tới hòa bình.

Tôi gửi lời chào đến các bạn, những người đến từ Rôma và những người hành hương. Một lời chào đặc biệt dành cho các tập sinh của Dòng Nữ tử Đức Bà Giúp đỡ các Kitô hữu sắp sửa tuyên khấn lần đầu; nhóm Công Giáo Tiến hành từ Barletta; các bạn trẻ đến từ Giáo phận Verona; các chàng trai và cô gái của phong trào mục vụ Unità “Pieve di Scandiano”; và nhóm “Gonzaga” từ Carimate, Montesolaro, Figino và Novedrate, những người đã đi bộ trên Via Francigena.

Nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô thành Loyola, tôi gửi lời chào chân thành đến các bạn đồng tu Dòng Tên của tôi. Hãy tiếp tục sốt sắng và vui mừng bước đi trong việc phục vụ Chúa. Hãy dũng cảm lên!

Chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Toàn văn cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Canada trở lại Ý
Vũ Văn An
20:27 31/07/2022

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Rome hôm thứ Bảy sau chuyến tông du kéo dài một tuần đến Canada. Trong chuyến đi từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 7, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Edmonton, Québec và Iqaluit theo điều được ngài gọi là “cuộc hành hương đền tội” để xin lỗi các cộng đồng bản địa của đất nước.

Xin vui lòng đọc dưới đây bản ghi đầy đủ của CNA về cuộc họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Iqaluit, Canada trở về Ý.



Đức Thánh Cha Phanxicô: Xin chào buổi tối và cảm ơn anh chị em đã đồng hành, cám ơn việc làm của anh chị em ở đây. Tôi biết anh chị em đã làm việc chăm chỉ, và cảm ơn anh chị em đã đồng hành. Cảm ơn anh chị em.

Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh: Tốt, câu hỏi đầu tiên tối nay là của Ka'nhehsíio Deer, một nhà báo Canada gốc Inuit.

Ka'nhehsíio Deer, Đài CBC [bằng tiếng Anh]: Tên tôi là Ka'nhehsíio Deer. Tôi là một phóng viên của CBC bản địa. Với tư cách là hậu duệ của một nạn nhân sống sót của trường nội trú, tôi biết rằng những người sống sót và gia đình họ muốn thấy hành động cụ thể trong lời xin lỗi của ngài, bao gồm cả việc hủy bỏ "học thuyết khám phá". Cho rằng nó vẫn còn ăn sâu trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật ở Canada và Hoa Kỳ, nơi người dân bản địa tiếp tục bị tước đoạt và tước quyền, có phải ngài đã bỏ lỡ một cơ hội để đưa ra một tuyên bố trong chuyến đi của ngài đến Canada không?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Về phần cuối cùng, tôi không hiểu vấn đề.

Ka'nhehsíio Deer: Chỉ là người dân bản địa ngày nay vẫn đang bị tước đoạt và tước quyền, ngài biết đấy, giống như đất đai của họ đã bị lấy đi vì các sắc chỉ của Giáo hoàng này và khái niệm về học thuyết khám phá.

Khi tôi nói chuyện với những người bản địa, họ nói rất nhiều về việc khi người ta đến để thuộc địa hóa châu Mỹ, thì có học thuyết này - học thuyết khám phá là thứ đưa ra khái niệm cho rằng người bản địa của những vùng đất đó kém hơn người Công Giáo, và đó là cách Canada và Hoa Kỳ trở thành các quốc gia.

Đức Thánh Cha Phanxicô: Cảm ơn ông về câu hỏi. Tôi nghĩ đây là vấn đề của mọi chủ nghĩa thực dân, tất cả - ngay cả các cuộc thực dân hóa ý thức hệ ngày nay đều có chung một khuôn mẫu. Những người không đi vào con đường của họ đều có những con đường kém cỏi. Nhưng tôi muốn nói rõ hơn về điều này. Họ không những chỉ bị coi là kém cỏi. Một số nhà thần học hơi điên rồ tự hỏi liệu họ có linh hồn hay không.

Khi Đức Gioan-Phaolô II đến châu Phi, ngài đến bến cảng nơi các nô lệ được lên tàu, ngài đã ra dấu cho chúng ta hiểu về thảm kịch này, thảm kịch hình sự. Những người đó bị ném xuống tàu trong điều kiện tồi tệ, và sau đó họ trở thành nô lệ ở Mỹ. Đúng là đã có những tiếng nói phản đối, như Bartolomé de las Casas chẳng hạn hay Peter Claver, nhưng họ chỉ là thiểu số.

Ý thức về sự bình đẳng của con người đến từ từ. Và tôi nói ý thức bởi vì trong vô thức, vẫn còn một điều gì đó. Luôn luôn chúng ta có - cho phép tôi nói thế - giống như một thái độ thực dân trong việc giản lược nền văn hóa của họ vào nền văn hóa của chúng ta. Đó là một điều xảy ra với chúng ta trong lối sống đã phát triển của chúng ta; đôi khi chúng ta đánh mất những giá trị mà họ đang có.

Thí dụ, các dân tộc bản địa có một giá trị lớn là giá trị của sự hòa hợp với sáng thế. Và ít nhất một số người tôi biết diễn đạt nó bằng cụm từ "sống tốt." Điều đó không có nghĩa là chi tiêu tốt hay sống một cuộc sống thoải mái, như những người phương Tây chúng ta hiểu. Sống tốt là trân trọng sự hòa hợp, và với tôi, đó là giá trị tuyệt vời của các dân tộc bản địa: sự hòa hợp. Chúng ta đã quen với việc giản lược mọi điều vào đầu óc. Và thay vào đó, nhân cách của các dân tộc nguyên thủy - nói chung - họ biết cách tự phát biểu bằng ba ngôn ngữ: đó là ngôn ngữ của cái đầu, ngôn ngữ của trái tim và ngôn ngữ của đôi tay. Nhưng tất cả ba ngôn ngữ với nhau. Và họ biết cách có được ngôn ngữ này với sáng thế. Thế rồi chúng ta có chủ nghĩa duy tiến bộ về phát triển nhanh chóng này, một chút cường điệu, một chút loạn thần kinh, - Tôi không chống phát triển, phát triển là điều tốt, nhưng chống sự lo lắng về sự phát triển, phát triển, phát triển hoài là điều không tốt… Hãy nhìn xem, một trong những điều mà nền văn minh thương mại siêu phát triển của chúng ta đã đánh mất là khả năng thi ca. Các dân tộc bản địa có khả năng thi ca đó. Tôi không lý tưởng hóa đâu.

Như vậy, học thuyết thực dân hóa này, thật sự là tồi tệ và không công bằng. Ngay cả ngày nay, điều y hệt cũng đang được sử dụng - có thể với găng tay bằng lụa - nhưng nó đang được sử dụng. Thí dụ, một số giám mục ở một số nước đã nói: "Nhưng đất nước chúng tôi, khi yêu cầu tín dụng từ một cơ quan quốc tế, họ đặt điều kiện cho chúng tôi, thậm chí cả các điều kiện lập pháp, thực dân. Khi cấp tín dụng, họ bắt ông thay đổi cách sống của mình. Một chút." Quay trở lại với quá trình thực dân hóa của chúng ta, như Mỹ chẳng hạn, việc thực dân hóa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bốn nước... luôn luôn có mối nguy hiểm đó, thực sự là não trạng “chúng ta trổi vượt, và những người bản địa này không đáng kể." Và điều này là điều nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta phải làm việc đối với những gì ông nói. Phải quay trở lại và làm vệ sinh, có thể nói như thế, đối với điều đã được thực hiện sai lầm, vì biết rằng cả ngày nay, cùng một chủ nghĩa duy thực dân vẫn đang hiện hữu.

Thí dụ, ông hãy nghĩ về một trường hợp phổ biến, và tôi dám nói điều đó, hãy nghĩ đến trường hợp của người Rohingya ở Myanmar: họ không có quyền công dân, họ kém cỏi. Thậm chí ngày nay. [Bằng tiếng Anh] Cảm ơn ông rất nhiều.

Bruni: Câu hỏi thứ hai, thưa Đức Thánh Cha, phát xuất từ một nhà báo Canada khác, Brittany Hobson.

Brittany Hobson, Báo chí Canada: Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, xin chào ngài buổi tối. Tên tôi là Brittany Hobson. Tôi là một phóng viên của báo chí Canada. Ngài thường nói đến việc phải nói rõ ràng, trung thực, thẳng thắn và dạn dĩ. Ngài biết rằng Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada đã mô tả hệ thống trường nội trú là “tội ác diệt chủng văn hóa”. Điều này kể từ đó đã được sửa đổi chỉ còn "tội diệt chủng." Những người đã lắng nghe lời xin lỗi của ngài trong tuần qua đã bày tỏ sự thất vọng vì hạn từ diệt chủng đã không được sử dụng. Ngài có sử dụng những hạn từ đó và chấp nhận rằng các thành viên của Giáo hội đã tham gia vào cuộc diệt chủng không?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Điều đó đúng, tôi không sử dụng hạn từ này vì nó không xuất hiện với tôi, nhưng tôi đã mô tả tội ác diệt chủng và yêu cầu sự tha thứ, sự tha thứ cho công việc mang tính chất diệt chủng này. Thí dụ, tôi cũng lên án điều này: Lấy trẻ em đi và thay đổi văn hóa, thay đổi các não trạng, thay đổi truyền thống, thay đổi một chủng tộc, hãy nói, cả một nền văn hóa. Đúng, đó là một hạn từ chuyên môn, diệt chủng, nhưng tôi đã không sử dụng nó vì nó không xuất hiện với tâm trí tôi, nhưng tôi đã mô tả nó. Đúng; vâng, đó là tội ác diệt chủng. Vâng, tất cả anh chị em, hãy an tâm. Anh chị em có thể nói rằng tôi đã nói điều đó, vâng, rằng đó là tội ác diệt chủng. [Bằng tiếng Anh] Đúng. Đúng. Cảm ơn cô.

Bruni: Một câu hỏi khác phát xuất từ Valentina Alazraki; Đức Thánh Cha biết rõ cô này, thuộc Televisa.

Valentina Alazraki, Televisa: Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, xin chào ngài buổi tối. Chúng tôi cho rằng chuyến thăm Canada lần này cũng là một thử nghiệm, một thử nghiệm sức khỏe của ngài, các hạn chế về thể chất như chính ngài nói sáng nay -. Vì vậy, chúng tôi muốn biết - sau tuần này - ngài có thể cho chúng tôi biết điều gì về chuyến đi trong tương lai của ngài. Liệu ngài có muốn tiếp tục đi du lịch như thế này, liệu sẽ có những chuyến đi mà ngài không thể thực hiện vì những hạn chế này, hoặc liệu ngài nghĩ rằng sau tuần này phẫu thuật đầu gối có thể giúp giải quyết tình hình để ngài có thể đi lại như trước đây không?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Xin cảm ơn. Tôi không biết. Tôi không nghĩ mình có thể di chuyển với tốc độ di chuyển như trước đây. Tôi nghĩ rằng ở độ tuổi của tôi và với giới hạn này, tôi phải cắt giảm một chút để có thể phục vụ Giáo hội, hoặc ngược lại, nghĩ đến khả năng bước sang một bên. Điều này không có gì là lạ. Đây không phải là một thảm họa. Cô có thể thay đổi giáo hoàng. Cô có thể thay đổi, không có vấn đề gì cả. Nhưng tôi nghĩ mình phải giới hạn bản thân một chút với những nỗ lực này.

Không có kế hoạch phẫu thuật đầu gối đối với trường hợp của tôi. Các chuyên gia nói phải phẫu thuật, nhưng toàn bộ vấn đề là việc gây mê. Mười tháng trước, tôi đã trải qua hơn sáu giờ gây mê, hiện vẫn còn dấu vết. Cô không thể đùa được, cô không nên rắc rối với thuốc mê. Và đó là lý do tại sao cô nên nghĩ nó không hoàn toàn thuận tiện.... Nhưng tôi sẽ cố gắng tiếp tục đi những chuyến đi và gần gũi với mọi người, vì tôi nghĩ đó là cách phục vụ, sự gần gũi, nhưng hơn thế nữa thì tôi không dám nói. Hy vọng. Vẫn chưa có chuyến thăm nào đến Mexico [đã lên lịch], phải không?

Alazraki: Không, không. Còn ở Kazakhstan? Và nếu ngài đến Kazakhstan, há ngài lại không nên đến Ukraine, ngay cả khi ngài đến Kazakhstan sao?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tôi đã nói rằng tôi muốn đến Ukraine. Bây giờ chúng ta chờ xem những gì tôi thấy khi trở về nhà. Hiện tại, tôi muốn đến Kazakhstan; đó là một chuyến đi yên tĩnh không có nhiều di chuyển, đó là một đại hội của các tôn giáo. Nhưng trước mắt, sự việc chỉ có thế.

Vì tôi cần phải đến Nam Sudan trước Congo, vì đây là chuyến đi với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Giám mục của Giáo hội Scotland, cả ba người cùng đi như cả ba chúng tôi đã đi tĩnh tâm cách đây hai năm. Và sau đó là Congo, nhưng sẽ là năm sau vì mùa mưa - chúng ta sẽ chờ xem. Tôi có tất cả thiện chí, nhưng chúng ta hãy xem những gì đôi chân tôi cho biết.

Bruni: Câu hỏi tiếp theo, thưa Đức Thánh Cha, là từ Caroline Pigozzi của Paris Match.

Caroline Pigozzi, Paris Match: Thưa Đức Thánh Cha, con xin kính chào Đức Thánh Cha buổi tối. Sáng nay, như mọi lần đến một đất nước, Đức Thánh Cha đã gặp tại tòa tổng giám mục các thành viên địa phương của Dòng Tên, gia đình của Đức Thánh Cha. Cách đây 9 năm, lúc trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới ở Brazil, con đã hỏi Đức Thánh Cha vào ngày 28 tháng 7 năm 2013, liệu Đức Thánh Cha có còn cảm thấy mình là một tu sĩ Dòng Tên không. Câu trả lời là có.

Vào ngày 4 tháng 12, Đức Thánh Cha giải thích sau khi gặp các tu sĩ Dòng Tên Hy Lạp ở Athens, "Khi một người bắt đầu một quá trình, người ta phải để nó phát triển, để công việc phát triển và sau đó nghỉ hưu. Mọi tu sĩ Dòng Tên phải làm điều đó. Không có công việc nào thuộc về anh ta bởi vì nó thuộc về Chúa." Thưa Đức Thánh Cha, một ngày nào đó câu nói này có thể áp dụng cho một vị giáo hoàng Dòng Tên không?

Đức Thánh Cha Phanxicô: có.

Pigozzi: Điều đó có nghĩa là Đức Thánh Cha có thể nghỉ hưu như các tu sĩ Dòng Tên?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Đúng, đúng. Đó là một ơn gọi.

Pigozzi: Làm giáo hoàng hay làm tu sĩ Dòng Tên?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy để Chúa nói. Người tu sĩ Dòng Tên cố gắng – họ cố gắng, không phải lúc nào họ cũng vậy, họ không thể - họ cố gắng làm theo ý muốn của Chúa. Giáo hoàng Dòng Tên cũng phải làm như vậy. Khi Chúa phán, nếu Chúa nói tiến lên, thì họ tiến lên. Nếu Chúa nói đi vào góc, cô đi vào góc. Chính Chúa phán dạy...

Pigozzi: Theo những gì Đức Thánh Cha nói, có phải có nghĩa là Đức Thánh Cha đang chờ chết?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Nhưng tất cả chúng ta đang chờ đợi cái chết mà…

Pigozzi: Nhưng ý con là: Đức Thánh Cha sẽ không nghỉ hưu trước chứ?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Bất cứ điều gì Chúa nói. Chúa có thể bảo tôi từ chức. Chính Chúa là người ra lệnh.

Xin nói một điều về Thánh Inhaxiô, và đây là điều quan trọng. Khi ai đó mệt mỏi hoặc đau ốm, Thánh Inhaxiô sẽ miễn người đó khỏi cầu nguyện, nhưng ngài không bao giờ miễn họ khỏi kiểm tra lương tâm - hai lần một ngày, xem lại những gì đã xảy ra… Đó không phải là chuyện có tội hay không có tội, không. Đó là chuyện Thánh thần đã thúc đẩy tôi hôm nay ra sao. Ngài nói, ơn gọi của chúng ta là tìm kiếm những gì đã xảy ra ngày hôm nay. Nếu tôi - giả thuyết thế thôi - tôi thấy Chúa nói với tôi điều gì đó, tôi thực hiện một cuộc biện phân để xem xem Chúa đang nói gì và có thể Chúa muốn ném tôi vào một góc tường. Người chỉ huy.

Tôi nghĩ đây là lối sống tu trì của một tu sĩ Dòng Tên: luôn biện phân tâm linh để đưa ra quyết định, lựa chọn cách làm việc, cũng như biện phân các thỏa hiệp. Trong điều này, Thánh Inhaxiô rất có sắc thái bởi vì chính kinh nghiệm của ngài về sự biện phân thiêng liêng đã dẫn ngài đến sự hoán cải. Và Linh Thao thực sự là một trường học biện phân. Theo ơn gọi, một tu sĩ Dòng Tên phải là người có óc biện phân. Biện phân các hoàn cảnh, biện phân lương tâm, biện phân các quyết định cần phải đưa ra. Và vì điều đó, họ phải cởi mở với bất cứ điều gì Chúa yêu cầu ở họ. Đây là loại linh đạo của chúng tôi.

Pigozzi: Nhưng Đức Thánh Cha cảm thấy mình giống một giáo hoàng hơn hay giống một tu sĩ Dòng Tên hơn?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tôi chưa bao giờ thực hiện việc đo lường đó. Tôi cảm thấy mình là một người phục vụ Chúa với não trạng của một tu sĩ Dòng Tên. Không có linh đạo giáo hoàng; điều đó không hiện hữu. Mỗi giáo hoàng đưa ra linh đạo của riêng mình. Cô hãy nghĩ tới Đức Gioan-Phaolô II với linh đạo đẹp đẽ về Đức Mẹ mà ngài có. Ngài đã có nó trước đó và trong tư cách giáo hoàng. Cô hãy nghĩ tới rất nhiều vị giáo hoàng đã mang tới nền linh đạo của riêng các ngài. Chức giáo hoàng không phải là một linh đạo; đó là một công việc, một chức năng, một phục vụ, nhưng mỗi người mang tới cho nó một nền linh đạo của chính mình, với những ân sủng riêng, sự trung thành của chính mình và cả những tội lỗi của chính mình. Nhưng không có linh đạo giáo hoàng. Đó là lý do tại sao không có sự so sánh giữa linh đạo Dòng Tên và linh đạo Giáo hoàng vì linh đạo sau không hiện hữu. Cô hiểu không? Cảm ơn cô!

Bruni: Một câu hỏi khác, thưa Đức Thánh Cha, đến từ một nhà báo người Đức, Severina Bartonischek, từ một hãng thông tấn Công Giáo ở Đức.

Severina Bartonitschek, KNA: Thưa Đức Thánh Cha, con xin kính chào Đức Thánh Cha buổi tối, hôm qua Đức Thánh Cha cũng đã nói về tình huynh đệ trong Giáo hội, về một cộng đồng biết cách lắng nghe và đối thoại, cổ vũ phẩm chất tốt đẹp của các mối liên hệ. Cách đây vài ngày, có một tuyên bố từ Tòa Thánh về “Con đường Đồng nghị” của Đức mà không có chữ ký. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng cách thông đạt này góp phần vào đối thoại, hay nó là một trở ngại cho đối thoại?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Trước hết, tuyên bố đó được đưa ra bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thật là sai khi không [ký tên] bên dưới. Tôi nghĩ nó muốn viết: thông cáo từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhưng tôi không chắc. Thật là một sai lầm khi không ký nó như một thông cáo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhưng đó là sai lầm của văn phòng, không phải do ác ý.

Về “Con đường Đồng nghị” [Đức], tôi đã viết một lá thư, và tôi đã tự mình làm như vậy… một tháng cầu nguyện, suy tư, tham vấn… và tôi đã nói tất cả những gì tôi cần nói về “Con đường Đồng nghị”. Tôi sẽ không nói nhiều hơn thế. Đó là huấn quyền của Giáo hoàng về “Con đường Đồng nghị”, lá thư mà tôi đã viết [ba] năm trước. Tôi đã qua mặt Giáo triều, bởi vì tôi đã không tham khảo, hay bất cứ điều gì... Tôi đã làm theo cách riêng của mình, ngay cả với tư cách mục tử cho một Giáo hội đang tìm kiếm một con đường, trong tư cách một người anh em, một người cha, trong tư cách là một tín đồ. Và đó là thông điệp của tôi. Tôi biết nó không dễ dàng, nhưng tất cả đều nằm trong lá thư đó.

Bruni: Câu hỏi tiếp theo là của Ignazio Ingrao thuộc đài Rai1.

Ignazio Ingrao, Rai1: Thưa Đức Thánh Cha, Ý đang trải qua một thời kỳ khó khăn, một khó khăn cũng gây lo ngại trên toàn thế giới. Sẵn có cuộc khủng hoảng kinh tế, đại dịch, chiến tranh, và bây giờ chúng con thấy mình không có chính phủ. Đức Thánh Cha là giáo chủ của Ý. Trong bức điện mà Đức Thánh Cha viết cho Tổng thống [Sergio] Mattarella vào ngày sinh nhật của ông ấy, Đức Thánh Cha đã nói về một đất nước được đánh dấu bởi không ít khó khăn và kêu gọi những lựa chọn quan yếu. Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha cảm nghiệm việc sụp đổ của Mario Draghi như thế nào?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Trước hết, tôi không muốn can dự vào chính trị của nước của Ý. Thứ hai, không ai có thể nói rằng Chủ tịch Draghi không phải là người có vị thế quốc tế cao, ông ấy là chủ tịch của Ngân hàng [Trung ương Châu Âu]. Ông ấy đã có một sự nghiệp tốt, phải nói như thế. Và sau đó tôi chỉ hỏi một câu hỏi với một nhân viên của mình: Ý đã có bao nhiêu chính phủ trong thế kỷ này? Người này nói với tôi: hai mươi. Đó là câu trả lời của tôi.

Ingrao: Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi nào đối với các lực lượng chính trị trước những cuộc bầu cử khó khăn này?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Trách nhiệm. Trách nhiệm dân sự.

Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha, thưa Đức Thánh Cha. Cảm ơn ông, thưa ông Ignatius. Và câu hỏi tiếp theo là từ Claire Giangravé của Dịch vụ Tin tức Tôn giáo.

Claire Giangravé, Dịch vụ Tin tức Tôn giáo: Xin chào Đức Thánh Cha buổi tối. Nhiều người Công Giáo, nhưng cũng có nhiều nhà thần học, tin chắc rằng việc phát triển học thuyết của Giáo hội liên quan đến các biện pháp ngừa thai là cần thiết. Thậm chí có vẻ như người tiền nhiệm của Đức Thánh Cha, Đức Gioan Phaolô I, nghĩ cần xem xét lại lệnh cấm hoàn toàn. Suy nghĩ của Đức Thánh Cha về điều này là gì? Đức Thánh Cha có sẵn sàng đánh giá lại vấn đề này không, hoặc có khả thể nào hai vợ chồng có thể xem xét các biện pháp ngừa thai không?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tôi hiểu. Điều này rất đúng lúc. Nhưng nên biết rằng tín điều, luân lý, luôn ở trên con đường phát triển, nhưng phát triển cùng một hướng.

Xin dùng một điều đã rõ ràng, tôi nghĩ có lần tôi đã nói về nó ở đây rồi, muốn phát triển một vấn đề thuộc hoặc luân lý hoặc tín điều, có một quy tắc rất rõ ràng và soi sáng, mà tôi từng nói một lần khác. [Đó] là quy tắc mà thánh Vincent thành Lérins đã đưa ra hồi thế kỷ thứ 10, ít nhiều, [ngài là một vị thánh] người Pháp. Ngài nói rằng một học lý chân chính muốn tiến lên, muốn phát triển, không được yên lặng, nó phát triển ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate (củng cố theo năm tháng, mở rộng theo thời gian, thăng hoa theo tuổi đời).

Nghĩa là, nó củng cố theo thời gian, nó mở rộng và củng cố, và trở nên vững chắc hơn, nhưng luôn luôn ‘tiến triển.’ Đó là lý do tại sao nhiệm vụ của các nhà thần học là nghiên cứu, suy tư thần học. Anh chị em không thể làm thần học với chữ "không" đặt trước nó. Rồi huấn quyền sẽ là người nói không nếu nó đã đi quá xa, hãy quay trở lại… nhưng sự phát triển thần học phải cởi mở, bởi vì đó là điều mà các nhà thần học hướng tới, và huấn quyền phải giúp hiểu được các giới hạn.

Về vấn đề ngừa thai, tôi biết có một ấn phẩm về vấn đề này và các vấn đề hôn nhân khác. Đây là các tài liệu của một đại hội và trong một đại hội có những giả thuyết, sau đó họ thảo luận với nhau và đưa ra những đề xuất. Chúng ta phải rõ ràng: những người tổ chức đại hội này đã làm nhiệm vụ của họ bởi vì họ cố gắng tiến lên trong giáo lý, nhưng theo nghĩa giáo hội, chứ không phải ra ngoài, như tôi đã nói với quy tắc đó của Thánh Vincent thành Lerins. … Và sau đó huấn quyền sẽ nói: vâng, nó tốt [hoặc] nó không tốt.

Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi. Chẳng hạn, cô hãy nghĩ tới vũ khí nguyên tử: ngày nay, người ta chính thức tuyên bố rằng việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân. Cô hãy nghĩ tới án tử hình. Trước đây là án tử hình, vâng, nhưng... hôm nay tôi có thể nói rằng chúng ta đã gần tiến đến chỗ coi nó vô luân vì lương tâm luân lý đã phát triển tốt. Nói rõ hơn: khi tín điều và luân lý phát triển thì không sao, nhưng theo hướng của ba quy tắc của Thánh Vincent thành Lerins, tôi nghĩ điều này rất rõ ràng.

Một Giáo hội không phát triển tư tưởng của mình theo nghĩa Giáo hội là một Giáo hội đi lùi. Và đây là vấn đề của rất nhiều người tự cho mình là truyền thống ngày nay. Họ không phải là truyền thống, họ là những “indietrists” [những người chỉ biết nhìn về phía sau], họ mọc ngược không có gốc rễ - “Đó là cách nó luôn được thực hiện”, “Đó là cách nó đã được thực hiện trong thế kỷ trước.” Chủ nghĩa indietrism [nhìn về phía sau] là tội lỗi vì nó không tiến lên cùng với Giáo hội. Và thay vào đó, ai đó đã mô tả truyền thống như đức tin sống của người chết và thay vào đó, đối với những “người theo chủ nghĩa nhìn lại phía sau”, những người tự gọi mình là “người theo chủ nghĩa duy truyền thống”, đó là đức tin đã chết của người sống.

Truyền thống là cội rễ của nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo hội, luôn luôn là những gốc rễ này, và “chủ nghĩa chỉ biết nhìn lại phía sau”, nhìn về phía sau, luôn luôn khép kín. Cần phải hiểu rõ vai trò của truyền thống luôn rộng mở như cội rễ của cây. Cây mọc như vậy, phải không. Nhà soạn nhạc Gustav Mahler đã có một câu rất hay. Ông nói rằng truyền thống theo nghĩa này là sự bảo đảm cho tương lai, nó không phải là một món trưng bầy trong viện bảo tàng. Nếu cô quan niệm truyền thống như khép kín, thì đây không phải là truyền thống Kitô giáo. Luôn luôn là chất ở gốc đưa cô tiến về phía trước. Đó là lý do tại sao những gì cô nói ở trên về suy nghĩ, về việc đem niềm tin và đạo đức tiến lên, trong khi đi theo hướng gốc rễ, hướng của chất ở gốc rễ rất phù hợp với ba quy tắc của thánh Vincent thành Lerins mà tôi đã đề cập.

Bruni: Có một câu hỏi khác từ Eva Fernandez của Cope.

Đức Thánh Cha Phanxicô: Cô ấy tốt.

Eva Fernandez, Cope: Thưa Đức Thánh Cha, vào cuối tháng 8, chúng ta sẽ có một mật nghị. Gần đây, nhiều người hỏi xem Đức Thánh Cha có nghĩ đến việc từ chức chưa. Đức Thánh Cha đừng lo lắng, lần này, chúng con sẽ không hỏi câu hỏi đó. Nhưng chúng con rất tò mò: Thưa Đức Thánh Cha, có bao giờ Ngài nghĩ rằng Ngài muốn người kế vị của mình có những đặc điểm gì không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô: Đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Tôi sẽ không bao giờ dám nghĩ đến điều đó. Chúa Thánh Thần có thể làm điều này tốt hơn tôi và tốt hơn tất cả chúng ta vì Người soi dẫn các quyết định của giáo hoàng, luôn soi dẫn vì Người đang sống trong Giáo hội. Anh chị em không thể quan niệm về Giáo hội mà không có Chúa Thánh Thần. Người là Đấng tạo ra sự khác biệt, Đấng gây ồn ào – cô hãy nghĩ đến buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần - và sau đó dẫn đến sự hòa hợp. Điều quan trọng là nói về sự hòa hợp hơn là sự hiệp nhất. Hiệp nhất, nhưng hài hòa, không phải là một điều cố định. Chúa Thánh Thần ban cho sự hòa hợp liên tục cứ thế diễn ra.

Tôi thích điều Thánh Basil nói về Chúa Thánh Thần: Ipse Armonia Est, ngài là chính sự hòa hợp. Người là sự hòa hợp vì trước tiên Người gây ồn ào với sự khác biệt của các đặc sủng. Chúng ta hãy để công việc này cho Chúa Thánh Thần.

Về chủ đề từ chức của tôi, tôi muốn cảm ơn một bài báo hay mà một anh chị em đã viết về tất cả các dấu hiệu có thể dẫn đến việc từ chức và tất cả các dấu hiệu đang xuất hiện. Và đó là một tác phẩm báo chí hay của một nhà báo, người cuối cùng đưa ra ý kiến. Nhưng cũng nên xem những dấu hiệu đó, không chỉ các tuyên bố, ngôn ngữ ngầm đó, và các dấu hiệu khác. Nghĩa là có thể đọc các tín hiệu hoặc ít nhất là nỗ lực để giải thích rằng nó có thể là điều này mà cũng có thể là điều kia. Đây là công việc tốt và tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Bruni: Bây giờ có lẽ một câu hỏi cuối cùng từ Phoebe Nathanson của ABC.

Phoebe Nathanson, ABC: Tôi biết ngài đã có rất nhiều câu hỏi như thế này, nhưng tôi muốn hỏi: Tại thời điểm này, với những khó khăn về sức khỏe và mọi điều, ngài có nghĩ rằng đã đến lúc phải nghỉ hưu không? Ngài đã gặp vấn đề gì khiến ngài phải suy nghĩ về điều này? Có khoảnh khắc khó khăn nào khiến ngài nghĩ về điều này không?

Đức Thánh Cha Phanxicô: Cánh cửa đã mở. Đó là một trong những lựa chọn bình thường, nhưng cho đến hôm nay tôi vẫn chưa gõ cửa… Tôi không cảm thấy muốn nghĩ về khả thể đó. Nhưng có lẽ điều đó không có nghĩa là ngày mốt tôi sẽ bắt đầu suy nghĩ. Nhưng hiện tại thì thành thật mà nói tôi vẫn chưa.

Đúng là chuyến đi này có một chút thử nghiệm; anh chị em không thể thực hiện các chuyến đi trong điều kiện này. Có lẽ anh chị em phải thay đổi phong cách của mình một chút, bớt đi, trả hết nợ những chuyến đi còn vướng bận, sắp xếp lại. Nhưng Chúa sẽ nói. Cửa mở, đó là sự thật.

Trước khi lui gót, tôi muốn nói về một điều rất quan trọng đối với tôi. Chuyến đi Canada liên quan rất nhiều đến hình tượng Thánh Anna, và tôi đã nói một số điều về phụ nữ, nhưng đặc biệt là về người già, về các bà mẹ về các bà nội ngoại, và tôi nhấn mạnh một điều rõ ràng: đức tin nên được truyền đi bằng tiếng địa phương, phương ngữ, và, tôi đã nói rõ ràng, phương ngữ của các bà. Chúng ta đã nhận được niềm tin trong hình thức phương ngữ nữ tính đó. Và điều đó rất quan trọng. Vai trò của người bà, trong việc truyền dạy đức tin và phát triển đức tin.

Chính mẹ hoặc bà là người dạy ta cách cầu nguyện, chính mẹ hoặc bà là người giải thích những điều đầu tiên về đức tin mà đứa trẻ chưa hiểu. Tôi có thể nói rằng sự truyền tải đức tin theo phương ngữ này là nữ tính. Ai đó có thể nói với tôi: nhưng về mặt thần học, Đức Thánh Cha giải thích nó như thế nào?

Tôi sẽ nói: Người truyền tải đức tin là Giáo hội, và Giáo hội là phụ nữ. Giáo hội là nàng dâu. Giáo hội không phải là nam giới. Giáo hội là phụ nữ, và chúng ta phải đi vào tư tưởng này về Giáo hội như là phụ nữ, Giáo hội là mẹ, điều này quan trọng hơn bất cứ thứ tưởng tượng thừa tác viên nam tử hán nào [macho] hoặc bất cứ quyền lực nam tử hán nào. Giáo hội là mater [mẹ], tình mẫu tử của Giáo hội là hình bóng của Mẹ Chúa.

Theo nghĩa này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh tầm quan trọng của phương ngữ mẹ đẻ này. Tôi phát hiện ra điều này bằng cách đọc, thí dụ, cuộc tử đạo của anh em nhà Maccabê: hai ba lần nó nói rằng người mẹ đã phó linh hồn bằng tiếng mẹ đẻ. Đức tin phải được truyền đi bằng phương ngữ và tiếng địa phương đó được nói bởi phụ nữ, và đó là niềm vui lớn của Giáo hội vì Giáo hội là phụ nữ. Giáo hội là một nàng dâu, và điều này tôi muốn nói rõ ràng khi nghĩ về Thánh Anna. Cảm ơn vì sự kiên nhẫn của anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã lắng nghe, chúc anh chị em một chuyến đi vui vẻ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thánh lễ Misa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
07:55 31/07/2022
Hình ảnh Thánh lễ Misa

Từ vài năm nay dấy lên làn sóng tranh luận về thánh lễ Misa cử hành theo phụng vụ canh tân từ Công đồng Vaticano II. năm 1965 bằng tiếng địa phương mỗi dân tộc, và phụng vụ theo Tridentino, thánh lễ bằng tiếng Latinh cũ thời trước Công đồng Vaticano II.

Đức Giáo Hoàng, bây giờ đang nghỉ hưu, Benedictô XVI. năm 2007 bằng tự sắc SUMMORUM PONTIFICUM đã qui định cho phép được cử hành Thánh lễ Misa theo phụng vụ Tridentino cũ bằng tiếng Latinh

Và bây giờ Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxico bằng tự sắc Traditionis Custodes ra qui định mới có phần giới hạn việc cử hành thánh lễ Misa theo truyền thống Tridentino cũ bằng tiếng Latinh.

Hằng ngày, hằng tuần, người Công Giáo đi tham dự Thánh lễ Misa nơi các xứ đạo được cử hành trong Giáo hội bằng tiếng địa phương.
Cung cách sống đức tin theo tập tục thói quen đạo đức là việc tốt lành. Nhưng nếu việc làm đạo đức của đức tin tình yêu mến ăn sâu rễ trong vùng trí khôn hiểu biết, sẽ giúp đời sống có nhiều ý nghĩa sâu đậm cùng vững chắc hơn.

Vẫn biết tin là việc của trái tim tình yêu. Suy nghĩ, tìm tòi hiểu biết thuộc về lãnh vực của trí khôn lý trí. Nhưng đời sống con người chúng ta cần cả hai. Tình yêu hay đức tin cần sự suy nghĩ tìm tòi hiểu biết của trí khôn về điều mình tin yêu. Như thế điều yêu mến, điều tin có cơ sở nền tảng cùng trở nên trong sáng.

Trí khôn tìm tòi suy nghĩ cũng cần đến trái tim tình yêu mến cùng lòng tin. Có thế, điều hiểu biết của trí khôn không trở nên chai đá lạnh lùng, hay dửng dưng với sự sống, với thiên nhiên cùng những điều bí ẩn mầu nhiệm trong đất trời, mà trí khôn giới hạn của con người không sao suy hiểu hết, cùng vươn sang tới được.
Hình ảnh Thánh lễ Misa chúng ta tham dự mang lại ý nghĩa gì cho đời sống con người?

Theo Giáo lý Công Giáo Thánh lễ Misa là lễ tế tạ ơn Thiên Chúa. Là nguồn mạch và là trung tâm cùng cao điểm của đời sống đức tin người Công Giáo.

Trong đời sống hầu như vào mọi thời đại cùng mọi nơi đều có những lễ mừng lớn nhỏ tưởng niệm đến những biến cố hiến tế hy sinh.
Nhà văn Khái Hưng trong tập truyện „ Anh phải sống“ thuật lại truyện một người mẹ đã hy sinh chịu chết chìm giữa dòng sông, để cho người chồng sống sót bơi vào bờ nuôi ba đứa con còn nhỏ dại.

„ Bỗng Lạc run run khẽ nói: Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái bé!...không…Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.“ ( Khái Hưng, truyện Anh phải sống)

Những người con và chồng chị Lạc suốt đời, hằng ngày tưởng nhớ với lòng đau buồn thương mến cùng biết ơn sự hy sinh cao của người mẹ, của người vợ thân yêu.

Những buổi lễ tưởng nhớ hoặc công khai với tiếng hát, lời kinh, hoặc âm thầm trong tâm hồn, của con người nhớ đến lễ hiến tế sự hy sinh những người đã sống cho người khác hằng ngày, hằng tuần hằng năm hay vào những dịp kỷ niệm, là nhu cầu của đời sống nội tâm tinh thần con người.
Đó là nhu cầu của lòng biết ơn.

Như thế phải chăng Thánh lễ Misa cũng có chiều kích tương tự như thế sao?

Lẽ dĩ nhiên hình ảnh so sánh trên đây không thể nói lên hết nội dung ý nghĩa của Thánh lễ Misa, dù chỉ là một cắt nghĩa trợ giúp cho dễ hiểu thôi.

Trong Thánh lễ Misa chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến sự chết của Chúa Giêsu trên thánh gía, nhưng Thánh lễ Misa trình bày mầu nhiệm ẩn kín diễn tả sự cứu chuộc của Chúa Giêsu cho linh hồn con người thoát khỏi cảnh hình phạt linh hồn phải chết, mà từ khi Ông Bà nguyên tổ Adong-Eva đã phạm tội và bị Thiên Chúa ra án phạt phải chết.

Không phải bài giảng, cũng không phải phần rước lễ là trung điểm của Thánh lễ Misa. Nhưng là sự cứu chuộc cho linh hồn con người chúng ta, mà Chúa Giêsu đã mang đến qua của lễ hiến tế bằng chính sự sống của Ngài.

Nói đến của lễ hiến tế, người Công Giáo chúng ta thường hiểu theo như đã được dậy bảo: cần phải sống sao càng nhiều là của lễ hiến tế, để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Hay liên kết của lễ hiến tế của Chúa Giêsu trên thánh gía như là ý muốn của Thiên Chúa đòi buộc Chúa Giêsu là con Thiên Chúa phải làm như thế.

Lễ hiến tế thật ra có ý nghĩa dâng lên cho Thiên Chúa, những gì Thiên Chúa ban cho con người ở dưới đất trần gian. Những điều đó thuộc về Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ Misa chúng ta đem đời sống mình hòa nhập vào đời sống Thiên Chúa, mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Ngài. Làm như thế chúng ta có được bầu khí sự tự do thong dong. Và như vậy, ta không cần phải mang đem theo điều gì, cùng không phải làm gì trước như thành tích công trạng đem trình bày lấy phần thưởng. Chúng ta giữ đời sống mình thuộc vào trong vòng ân đức của Thiên Chúa là đủ cùng chính đáng. Ngài biết chúng ta là ai và chúng ta có nhu cầu gì.

Một ý nghĩa nữa của lễ hiến tế là sự hy sinh. Trong Kinh Thánh diễn tả sự chết của Chúa Giêsu là lễ hiến tế. Điều này nói lên Chúa Giêsu đã làm trọn vẹn đầy đủ tình yêu thông qua sự hy sinh đến chết trên thặp tự.

Kinh Thánh không nói đến Thiên Chúa đã yêu cầu Chúa Giêsu con mình phải là của lễ hiến tế chết trên Thánh gía. Chúa Giêsu được sai đến trần gian không phải để chịu chết, nhưng để loan báo Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa.

Khi xuống trần gian Chúa Giêsu đã nhận ra sự va chạm với giới Thầy cả Luật sĩ thời đó, những nhà thông thái phái Saduxeo, phái Phariseo có thể dẫn đến sự chết cho chính Ngài. Biết vậy, nhưng Ngài không chạy trốn, vẫn một tâm nguyện trung thành đứng về phía những người thuộc về mình, cùng chứng tỏ tình yêu mình qua sự chết.

Chúa Giêsu Ngài đã muốn tình yêu mình, không vì bị hành hạ khổ nhục cho tới chết, trở thành tiêu tan ra vô ích. Nhưng đó là sự hy sinh cho những người tin theo Ngài. Như Ngài đã nói: Thầy hiến đời sống mình cho đoàn chiên…Không ai lấy mạng sống của Thầy đi được, nhưng chính Thầy hy sinh mạng sống mình cho họ.“ ( Ga 10,15-18)
Như thế sự chết của Chúa Giêsu nói lên cường độ sâu thẳm tình yêu mến của Ngài. Ngài đã yêu mến con người không giữ lại gì, và cho đến tận cùng.

Sự chết của Ngài cũng còn nói lên sự tự do cùng sự thản nhiên tự chủ chính mình. Ngài đã tự nguyện hy sinh chết cho con người.
Trong khi cử hành dâng Thánh lễ Misa là lễ tạ ơn, chúng ta đặt đời sống mình trong vòng tình yêu của Chúa Giêsu. Chúng ta tưởng nhớ với tâm hồn sâu thẳm đến hiến tế trên Thánh gía của Chúa Giêsu, là hiến tế tình yêu có sức cảm hóa làm thay đổi tâm hồn ta, cùng mang đến ân đức cứu chuộc cho linh hồn con người.

Thánh lễ Misa là lễ tế tạ ơn, tưởng niệm nguồn ơn chuộc của Chúa Giêsu hy sinh chịu chết trên Thánh gía cho con người.

Thánh lễ Misa là trung tâm cùng cao điểm của đời sống đức tin người Công Giáo. Qua đó những người tín hữu Chúa Kitô cùng nhau đọc kinh cầu nguyện, ca hát mừng kính Thiên Chúa, và đồng thời củng cố tình liên đới với nhau trong cùng một đức tin, một Phép Rửa vào Một Thiên Chúa là Cha.

Thánh lễ Misa là cung cách sống đức tin của Giáo Hội, của người tín hữu Chúa Kitô còn đang trên con đường đời sống trên trần gian. Và khi cử hành tham dự Thánh lễ Misa người tín hữu cũng nhớ đến những người thân yêu ruột đã được Thiên Chúa gọi trở về đời sau.

Đó là cung cách sống lòng hiếu thảo biết ơn, và cũng là điều tin nhận mầu nhiệm các Thánh cùng thông công: „Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau.“.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1-8-2022 : Cuộc Tông Du Lịch Sử - Trà Lũ
Trà Lũ
17:20 31/07/2022
Lá thư Canada 1-8-2022 : Cuộc Tông Du Lịch Sử

Tuần lễ cuối tháng 7 vừa qua, Canada đã đón tiếp Đức Thánh Cha Francis. Ngài đến Canada không phải để thăm viếng ngoại giao mà để xin lỗi và hòa giải với người Da Đỏ. Chuyện này có cái gốc cách đây 100 năm từ khi chính quyền Canada cưỡng bách trẻ em Da Đỏ vào các trường nội trú, trước sau có tới 139 trường. Chính quyền Canada trao việc giáo dục và quản trị phần lớn các trường này cho Giáo Hội Công Giáo. Mục đích là cải hóa các em từ bỏ nếp sống Da Đỏ để sống như người Da Trắng, vì người da trắng nghĩ rằng văn hóa người Da Đỏ là man rợ. Đã có tới 150 ngàn em Da Đỏ bị đưa vào các trường này và có tới 4.000 em đã chết ở đây. Việc này đã làm người Da Đỏ phẫn nộ. Và chính quyền Canada đã nhận ra đây là một việc làm sai lầm, đã xúc phạm nặng tới người Da Đỏ, nên năm 2015 Canada đã chính thức xin lỗi người Da Đỏ, nhưng người Da Đỏ vẫn chưa hài lòng, vẫn còn thù hận người Da Trắng. Tháng 5, 2021 người ta phát hiện ra nhiều nấm mồ hoang chôn tập thể ở một số trường nội trú khi xưa. Cơn tức giận của người Da Đỏ lại bùng lên to hơn trước, nhiều nhà thờ trong khu dân bản địa Da Đỏ ở đã bị đốt phá. Họ đòi Giáo Hội Công Giáo phải chính thức xin lỗi và đền bù. Chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Francis cuối tháng 7 vừa qua là có mục đích này.

Hiện người Da Đỏ sống rải rác khắp nơi, nhưng có 3 nơi tập trung đông nhất là Edmonton có khoáng triệu người gốc First Nations, Quebec có khoảng 600 ngàn người gốc Metis, và miền cực bắc khoảng 65 ngàn dân Inuit. Tháng 4 vừa qua, một phái đoàn Canada gồm giáo sĩ đại biểu các sắn dân Da Đỏ đã sang Roma, Đức Thánh Cha đã đón tiếp và đã ngỏ lời xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi này bị coi là chưa mạnh đủ nên cuối tháng Bảy vừa qua, ngài sang tận Canada, và tới tận nơi người Da Dỏ ở để xin lổi và làm hòa. Đây là chuyến công du không phải thăm chính quyền Canada mà để gặp người Da Đỏ, để mặt đối mặt, nói lời xin lỗi và làm hòa, cho nên nơi đầu tiên máy bay của ngài đáp xuống không phải thủ đô Ottawa mà là Edminton ở miền tây, một nơi đông dân Da Đỏ nhất. Ngài đã được đón tiếp theo nghi lễ Da Đỏ. Các cụ xem tin thời sực chắc đã thấy. Có điều đặc biệt là trong nghi lễ chào đón thứ nhất ở phi trường, ngồi bên Đức
Thánh Cha là bà Toàn Quyền Canada thay mặt Nữ Hoàng, bà toàn quyền tên Mary Simon, một lãnh tụ Inuk của Da Đỏ, và ngồi bên trái là thủ tướng Jutin Trudeau, Thật ý nghĩa quá! Điều đặc biệt nữa là trong lần gặp gỡ dân Da Đỏ đầu tiên, thì trên diễn đài Đức Thánh Cha ngồi giữa và 4 vị tù trưởng Da Đỏ ngồi hai bên. 4 vị này mặc y phục Da Đỏ, đầu dội mũ lông chim to lớn, và vị đai diện Da Đỏ đã đội một mũ lông chim cho Đức Thánh Cha. Cái mũ lông chim to lớn này giống y như mũ lông chim mà tổ tiên ta đã đội có ghi trên các mặt trống đồng của VN.

Nghe tôi nói đến đây thì ông Từ Hòe trong làng An Lạc của chúng tôi đã cười khà khà và nói ngay : Đây là chứng cớ rõ ràng nhất rằng người Da Đỏ ở Canada chính là nhóm 50 con của Mẹ Âu Cơ ngày xưa đã theo mẹ lên núi. Mẹ Âu Cơ dẫn con lên núi tức là lên hướng bắc, rồi khi gặp bắc cực thì quẹo sang phía tây, tới bãi biển Bering gặp Alaska, mẹ con đã đi qua Alaska và vào miền đất hiện nay là Canada, đã dừng chân để lập nghiệp. Họ đã tản mát khắp nơi trên mảnh đất bao la này.

Điều tôi phải nói ngay là trên các bản tin thế giới bây giờ người ta không dùng chữ Da Đỏ mà dùng chữ ‘thổ dân’ hay ‘dân bản địa’, nhưng tôi thích danh xưng Da Đỏ hơn, nghe ấn tượng và đặc sắc. Dân Da Đỏ ở Canada gồm nhiều gốc dân, nhưng được xếp thành 3 loại : First Nations, Metis, và Inuit. Đức Thánh Cha Francis đến 3 nơi có dông 3 sắc dân này là thế.

Chính phủ Canada nhân dịp này công bố sẽ đền 20 tỷ đồng cho cộng đồng Da Đỏ về những thiệt hại trong các dịch vụ trường học cưỡng bách trên.

Canada là đất của người Da Đỏ ở đầu tiên, dấu vết còn ghi ở khắp nơi, rõ ràng nhất là nhiều địa danh mang tiếng Da Đỏ. Như quốc danh Canada bởi tiếng Kanata, tiếng của thổ dân Iroquois, nghĩa là ‘cái nhà ta’; như Toronto là tiếng thổ dân Mohawk, nghĩa là ‘nơi hẹn hò’; như Quebec là tiếng thổ dân Alonquin, nghĩa là ‘lối đi chật’; như Ontario là tiếng thổ dân Huron, nghĩa là ‘cái hồ đẹp’; như Ottawa là tiếng thổ dân Algonquin, nghĩa là ‘nơi buôn bán trao đổi’; như Niagara là tiếng Iroquois, nghĩa là ‘nơi thác đổ như sấm sét’... Ngoài địa danh, trong ngôn ngữ thường ngày ở Canada còn có nhiều tiếng Da Đỏ, như Igloo : nơi ở làm bằng tuyết, như Parka : áo ấm bằng da thú caribou, như Kayak : thuyền độc mộc làm bằng gỗ cây birch …

Chuyện thời sự Canada về chuyến viếng thăm của Dức Thánh Cha và người Da Đỏ đã dài, xin tạm ngưng giấy lát vì Canada còn nhiều tin nổi bật khác nữa, như : theo tờ báo nổi tiếng quốc tế The Economist bên Anh thì thế giới hiện nay có 10 thành phố có cuộc sống tốt đẹp nhất thế giới, và Canada có 3 thành phố trong danh sách này, đó là Calgary được được xếp hạng 4, Vancouver hạng 5 và Toronto hạng 8. Còn Hoa Kỳ không có trong danh sách ‘top 10’ này. Các cụ bên Hoa Kỳ đừng buồn nha.

Ngoài ra là tin về bản đồ chính trị thế giới đang được vẽ lại sau khi NATO có thêm Phần Lan và Thụy Điển. Việc này xảy ra vì Nga Hoàng Putin đang lăm le chiếm trọn Ukraine.

Và thế giới còn nhiều tin nữa, như Cựu thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe mới bi ám sát ngày 8 tháng 7 vừa qua. Mọi người khắp nơi thương tiếc, như thế giới đã từng thương tiếc TT Ngô Đình Diệm của VNCH, TT John F Kennedy của Hoa kỳ, TT Park Chung Hee của Nam Hàn, như TT Anwar Sadat của Ai cập, như Indira Gandhi của Ấn Độ…

Viết đến thương nhớ, tự nhiên tôi nhớ ngay tới hai danh nhân VN qua đời gần đây, thứ nhất là Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh, thủ lãnh tiên khởi của Không Quân VNCH. TS Vinh trước khi mất đã nhập đạo Công Giáo, thứ hai là Ông Tô Văn Lai của Thúy Nga Paris By Night, ông cũng vừa ra đi bằng an thanh thản với tuổi già. Ai cũng quý mến và thương nhớ 2 ông.

Riêng làng tôi thì thương nhớ ông Tô Văn Lai nhiều hơn. Nhờ ông mà chúng ta có hơn 130 cuốn băng ca nhạc tuyệt phẩm, hơn hẳn các công ty băng nhạc khác cả hải ngoại lẫn trong nước. Sự thành công tuyệt vời này do ông, và cô con gái Marie Tô và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Ông Lai và ông Ngạn là hai người gốc nhà giáo, nên cái tâm của nhà giáo đã ảnh hưởng lớn tới bản sắc của các cuốn băng văn nghệ nổi danh này, Ông Lai vừa nằm xuống và ông Ngạn sau cuốn 133 cũng sẽ nghỉ hưu. Bằng hữu tôi ai cũng mê ông nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, mê cái tài MC duyên dáng của các chương trìinh văn nghệ, mê các sách ông viết, mê các chuyện ông sáng tác và đọc, mê 60 vở kịch ông soạn cho các băng Paris By Night. Hy vọng ông Ngạn tuy không xuất hiện trên sân khấu nhưng vẫn còn là cố vấn cho Thúy Nga. Ai cũng cầu chúc mọi may mắn cho GS Ngạn và cho vợ chồng cô giám đốc Marie Tô Ngọc Thủy.

Ngoài ra, Chị Ba Biên Hòa và đa số dân làng đều mong sau băng 133, sẽ có thêm băng với chủ đề về Phạm Duy, tuy xưa đã có nhưng nói chưa đủ. Mà nói ít sao được, vì Phạm Duy là một tên tuổi lẫy lừng qúa lớn.Tiếc rằng nhạc sĩ thiên tài họ Phạm đã ra đi năm 2013, nên Thúy Nga không thể phỏng vấn thêm được nữa, nhưng tên tuổi của ông vẫn còn sáng chói, chứng nhân vẫn còn rất nhiều và ở khắp nơi. Lòng yêu nước của ông thật vĩ đại, ông bỏ ngoài tai những lời phê bình về thân cộng hay về tình ái, ông đã sống thật với lòng mình, ông đã về quê hương VN và nằm xuống ở quê hương VN. Trong tang lễ, người ta đã không khóc mà đã hát những bài nhạc của ông. Điều đặc biệt và đáng ghi nhớ nhất là lúc hạ huyệt thì bài ‘Việt Nam Việt Nam’ được hát to, bài này VC vẫn cấm nhưng lúc này tự nhiên nổ bùng lên, mọi người cùng hát lớn tiếng. Tôi nghĩ đây là một điềm lành.Và tôi nghĩ rằng mai này khi chế độ CS tan và VN sẽ đi vào vận mệnh mới, lúc đó quốc ca sẽ là bài Việt Nam Việt Nam chứ không còn ‘tiến mau ra sa trường…thề phanh thây uống máu quân thù’, quốc kỳ VN sẽ không còn là cờ máu nữa.

Mỗi lần nhắc tới Phạm Duy là tôi nhớ ngay đến nhạc sĩ Văn Cao bạn thân của ông. Tiếc rằng Văn Cao đã không theo Phạm Duy vào Nam mà ở lại đất Bắc, và đã bị CSVN đầy ải cả một đời. Giá mà miền Nam vừa có Phạm Duy vừa có Văn Cao thì cõi nhạc Miền Nam sẽ còn phong phú và hay hơn biết chừng nào !

Cả làng An Lạc của tôi ai cũng mê nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao và Trịnh Công Sơn, nhạc và lời của 3 nhạc sĩ này đầy ý nghĩa và hay hết sức. Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới một bài viết về Phạm Duy rất hay của nhà văn Lê Hữu trên mạng năm ngoái. Xin phép nhà văn Lê Hữu cho tôi được lấy ý chính và trích mấy đoạn chính, như sau :

…Một lần được gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nói rằng có một bài hát tôi thực sự mong được nhà nước cho phép, đó là bài ‘Việt Nam, Việt Nam’. Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước. Ông im lặng. Tôi hiểu được sự im lặng đó. Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ :

…Việt nam đem vào sông núi Tự Do Công Bình Bác ái muôn đời. Việt nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau,Việt Nam đi xây cất yên vui dài lâu. Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời…Tình yêu đây là khí giới. Tình thương đem về muôn nơi Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người…

Bài ca có nhịp điệu khỏe khoắn, tiết tấu mạnh mẽ, nghe phấn chấn, thúc dục, tựa những bước chân hăm hở bước tới, rất thích hợp để hát hợp ca, đồng ca trong những cuộc họp mặt, những sinh hoạt văn hóa, hay xuống đường tuần hành. Lời bài ca khơi dậy tinh thần yêu nước, mang tính chất một bài quốc ca, thế mà CSVN hiện nay cấm hát vì nó đụng tới những điều nhạy cảm. Thực ra bài này không phải là một bài riêng biệt nhưng chỉ là chung khúc của bài trường ca Mẹ Việt Nam. Chung khúc nói lên những ước mơ và khát vọng của người dân Việt hiện nay, mong cho đất nước yên bình, không còn cách chia, mọi người biết yêu thương nhau. Trước khi chết, Phạm Duy đã viết một thư cho chính quyền xin được phổ biến bài ca ái quốc này nhưng ông không được trả lời.

Tháng 6 năm 2012, Nhạc sư Trần Văn Khê, người bạn cố tri của Phạm Duy cũng viết một bức thư dài 12 trang gửi chính quyền VN xin cho phép phổ biến 2 trường ca nổi tiếng của Phạm Duy là bài ‘Con Đường Cái Quan’ và bài ‘Mẹ Việt Nam’ kết thúc bằng chung khúc’Việt Nam,Việt Nam’. Thư có đoạn như sau :’

…‘ Tôi ước mong chính phủ, Bộ Văn hóa, xem xét trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời ca đi sâu vào lòng người dân. Với hai trường ca này, Phạm Duy đã nói về một Việt nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh… để thấy rằng Việt Nam tươi đẹp đến nhường nào, luôn lấp lánh bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau.,,’

Cả hai lá thư với lời tha thiết và tâm huyết ấy đều ‘thư đi’ mà không có ‘tin lại’!

Báo chí còn ghi sự kiện đặc biệt này là trong đám tang Phạm Duy ỏ Saigon, trong phút cuối lúc hạ huyệt, khi mọi ngươi vây quanh đang rải những nắm đất và những bông hoa xuống nắp quan tài, thì một tiếng nói bỗng vang lên ‘Chúng ta hãy cùng nhau hát bài Việt Nam Việt Nam. Một tiếng hát cất lên rồi nhiều tiếng cũng cất lên theo, hòa vào nhau, bài hát càng lúc càng vang ầm lên. Lời hát hòa nhịp với những bông hoa tiếp tục tung xuống. Ai cũng hát, ai cũng coi bài ca này làm lời tiễn biệt Phạm Duy. Bài hát lần đầu tiên được công khai cất lên kể từ ngày ông về nước, như một lời tiễn biệt cảm động và chân thật nhất…

Tôi lại mắc lỗi đã miên man ra ngòai lề mất rồi. Nét chính của bài này là chuyện Đức Thánh Cha Francis tới Canada để công khai ngỏ lời xin lỗi và làm hòa với người Da Đỏ. Xin được trở về chủ đề. Người Da Đỏ đã đón Ngài nồng nhiệt, đã đội mũ lông chim truyền thống của họ lên đầu của ngài, đã ôm hôn Ngài. Tội nghiệp ngài quá, cụ già gần 90 phải ngồi xe lăn mà còn cố đi xa, tới tận nơi để được ôm và bắt tay xin lỗi. Tôi thấy nhiều ông bà Da Đỏ đã khóc vì cảm động. Chúng tôi yêu và mê Đức Thánh Cha này quá. Ngài chính là Chúa Giêsu khi xưa đang vác thánh giá.

Đa số dân làng An Lạc chúng tôi đã sống ở Canada gần nửa thế kỷ mà đâu có biết việc dân Da Đỏ bản địa xưa kia đã bị kỳ thị nặng nề như vậy. Sử sách Canada cũng không ghi chép rõ việc này. GS Tiffany D. Prete nổi tiếng của Đại học Lethbridge bên Anh đề nghị : Hồ sơ Công Giáo liên quan đến hệ thống các trường nội trú những năm 1870-1990 phải đươc công khai hóa và phát hành, và phải được trao tận tay những dân Da Đỏ nạn nhân của việc kỳ thị. Sự kiện Đức Thánh Cha đến Canada lần này sẽ giúp tất cả chúng ta có cái nhìn thấu triệt hơn về thân phận dân Da Đỏ bản địa dưới hệ thống giáo dục nội trú cưỡng bách năm xưa. Ủy ban Sự Thật và Hòa giải Canada đã xin Đức Thánh Cha Francis tới xin lỗi trực tiếp những nạn nhân còn sống sót và cộng đồng của họ. Công luận đều nhìn nhận rằng lời xin lỗi chính thức từ giáo hoàng rất quan trọng. Đức TGM Thomas Collins của Toronto cho biết chỉ có 17 trong 70 tổng giáo phận trên toàn quốc là có liên hệ tới các trường nội trú cưỡng bách đang nói tới hiện nay, Ngài nói : Giáo Hội Công Giáo phải nhận trách nhiệm về việc không chu toàn nghĩa vụ giáo dục với các em nội trú, đã tách các em và thường là cưỡng bức các em khỏi cha mẹ, gạt bỏ ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc Da Đỏ. Giáo Hội Công Giáo phải nhận lỗi và chuộc lỗi và tìm phương cách chữa lành.

Cuối tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Francis đã đến tận nơi họ ở để công khai nói lời xin lỗi. Nơi cuối cùng ngài tới là miền Iqaluit ở Bang Nunavut miền giáp Bắc Cực. Việc Ngài xin lỗi hồi tháng Tư tại Roma, và việc cuối tháng 7 này là những hành động lịch sử đẹp mắt vô cùng.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Ngoạn mục: Ukraine tấn công Bộ Chỉ Huy hạm đội Hắc Hải, đập tan cuộc diễn binh ngày Hải Quân Nga
VietCatholic Media
03:13 31/07/2022


1. Tổ chức an ninh và hợp tác Âu Châu lên tiếng về trường hợp lính Nga thiến các tù binh Ukraine

Hình ảnh người lính Nga đang thiến một tù binh chiến tranh Ukraine lan truyền nhanh trên mạng xã hội là một trong những tội ác chiến tranh khủng khiếp nhất trong toàn bộ cuộc xâm lược của Nga. Tổ chức an ninh và hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OCSE, đưa ra lập trường trên và bày tỏ sự khinh miệt đối với hành động tàn ác của người Nga.

Hung thủ được cho là một chiến binh 39 tuổi thuộc nhóm vũ trang Bryanka-SSSR của Vladimir Putin, một đơn vị khét tiếng về bạo lực và sự dã man. Các thành viên trong nhóm vũ trang tàn bạo này đã chụp ảnh tự hào với tội ác dã man và đang chào theo kiểu Đức Quốc xã.

Các nguồn tin Ukraine bao gồm cả cơ quan truyền thông Mirotvorets cáo buộc hung thủ đến từ Kalmykia, một khu vực của Nga trên Biển Caspi. Người ta cho rằng anh ta làm thợ sửa chữa nhà cửa ở thủ phủ Elista của khu vực và có tiền án ở Nga liên quan đến các khoản vay quá hạn.

Nghị sĩ Ukraine Inna Sovsun, người đã tweet đoạn phim bệnh hoạn, nói rằng tội ác chiến tranh phải bị trừng phạt. “Nga phải trả giá cho điều đó”, cô nói.

'Hãy cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà chúng tôi cần để ngăn chặn cơn ác mộng này một lần và mãi mãi. Thế giới không thể giả vờ như điều này không xảy ra.

Những người điều tra trực tuyến nhanh chóng tìm ra danh tính của hung thủ khi xem đoạn video bệnh hoạn hoàn toàn trùng khớp với chiếc mũ, vòng tay, đồng phục và phù hiệu màu đen đặc biệt của anh ta.

Hắn được ghi nhận trong một bản tin truyền thông nhà nước Nga cho thấy lực lượng Luhansk và các chiến binh của lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đang kiểm tra đống đổ nát của nhà máy Azot ở Severodonetsk.

Đoạn phim kinh hoàng được đề cập, cho thấy một nhóm đàn ông mặc đồ rằn ri của Nga đang ghìm chặt một người lính ở Ukraine đang mệt mỏi và dùng dao cắt bỏ bộ phận sinh dục của anh ta rồi đưa lên máy quay ở cận cảnh.

Video cũng cho thấy quân đội Nga chế nhạo anh ta và dường như đang gọi điện thoại cho vợ anh ta. Cũng đám lính này cũng tung lên một đoạn video xuất hiện cho thấy người lính bị bắn vào đầu trước khi thi thể của anh ta bị kéo qua các đường phố trên một sợi dây.

Không rõ chính xác khi nào hoặc ở đâu đoạn phim được thực hiện, nhưng thủ phạm đã được nhìn thấy trong báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước vào tháng Sáu.

Hành động bệnh hoạn, được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội Nga, đã được Aric Toler, nhà điều tra nguồn mở Bellingcat xác nhận là có thật. Anh là người đã phanh phui một số tội ác của nhà nước Nga.

2. Quân Ukraine bất ngờ tấn công vào Bộ Chỉ Huy hạm đội Hắc Hải của Nga

Trong bản báo cáo sáng thứ Chúa Nhật 31 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết một máy bay không người lái đã bất ngờ tấn công trụ sở chính của hạm đội Hắc Hải của Nga tại thủ phủ Sevastopol của Crimea vào sáng sớm ngày Chúa Nhật 31 tháng 7. Vùng đất này của Ukraine nhưng đã bị Nga chiếm đóng và bị sáp nhập vào lãnh thổ Nga từ năm 2014.

Các nhân chứng cho biết một cụm khói bốc lên cao kèm theo những tiếng nổ long trời. Ukraine không thể đưa ra ngay lập tức các thiệt hại của quân Nga.

Quan chức cấp cao ở Crimea do Nga sáp nhập đã cáo buộc Ukraine hôm Chúa Nhật đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trước các lễ kỷ niệm theo kế hoạch để đánh dấu Ngày Hải quân, khiến 5 người bị thương và buộc phải hủy bỏ các hoạt động lễ hội.

Cáo buộc này được đưa ra vài giờ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới giám sát lễ kỷ niệm Ngày Hải quân ở quê nhà St Petersburg và phê chuẩn học thuyết hải quân của Nga khi Mạc Tư Khoa tiếp tục can thiệp quân sự vào Ukraine.

Cố gắng làm giảm nhẹ tin tức về cú tấn công ngoạn mục này Mikhail Razvozhayev, thống đốc Sevastopol, nói:

“Một vật thể không xác định đã bay vào sân của trụ sở hạm đội. Theo thông tin sơ bộ, nó là một máy bay không người lái.”

Ông cho biết Ukraine đã quyết định “làm hỏng Ngày Hải quân cho chúng tôi”.

Razvozhayev nói rằng chỉ có 5 nhân viên của trụ sở hạm đội đã bị thương trong vụ việc và Cơ quan An ninh Liên bang Nga đang điều tra tình hình của vụ việc.

“Tất cả các lễ kỷ niệm đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh”, Razvozhayev nói. “Hãy bình tĩnh và ở nhà nếu có thể.”

Ngày Hải quân là một ngày lễ hàng năm của Nga, trong đó các hạm đội của họ tổ chức các cuộc diễn hành hải quân và tôn vinh các thủy thủ của mình.

Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào tháng 3 năm 2014, gây ra một cuộc tranh cãi lớn với phương Tây, làm sâu sắc hơn về vai trò của Mạc Tư Khoa trong cuộc nổi dậy của những người ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Ria-Novosti của Nga dẫn lời ông Mikhail Razvozzhaev cho biết tất cả các sự kiện lễ hội nhằm tôn vinh Ngày Hải quân tại thành phố này đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh.

3. Phó thủ tướng Ukraine, Iryna Vereshchuk kêu gọi dân chúng di tản trước mùa đông

Phó thủ tướng Ukraine, Iryna Vereshchuk, cho biết việc di tản người dân khỏi khu vực miền đông Donetsk cần phải diễn ra trước khi mùa đông bắt đầu vì nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của khu vực này đã bị phá hủy.

Cô Iryna Vereshchuk đưa ra lập trường trên trong khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết chính phủ của ông đang ra lệnh di tản bắt buộc ở Donetsk, nơi đang có giao tranh ác liệt với Nga.

Trong một bài phát biểu với quốc dân đồng bào vào tối thứ Bẩy, Ông Zelenskiy cho biết hàng trăm nghìn người vẫn đang ở trong các khu vực chiến sự ở vùng Donbas rộng lớn hơn - bao gồm Donetsk cũng như vùng Luhansk lân cận. Ông nói họ cần phải di tản.

“Càng nhiều người rời khỏi khu vực Donetsk bây giờ, quân đội Nga sẽ càng ít người để giết. Những cư dân di tản sẽ được bồi thường,” Ông Zelenskiy nói. “Nhiều người từ chối ra đi nhưng điều đó cần phải được thực hiện”.

4. Hai kho đạn, hàng chục binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến ở miền nam Ukraine

Tại miền nam Ukraine, tình hình vẫn căng thẳng nhưng do Lực lượng vũ trang Ukraine kiểm soát. Vào ngày 30 tháng 7 năm 2022, quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 33 quân xâm lược Nga, phá hủy thiết bị của họ, cũng như hai kho đạn ở Quận Beryslav.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine Ukraine đã cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Chúa Nhật 31 tháng 7.

Phát ngôn nhân nói thêm rằng, tổn thất của đối phương bao gồm hai pháo Msta-B, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống hỏa tiễn chống tăng, và ba xe bọc thép và xe cơ giới.

Theo Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam, người Nga tiếp tục tiến hành các hành động thù địch bên trong các biên giới đã chiếm được, tập trung vào các cuộc không kích. Vào buổi chiều thứ Bẩy, quân chiếm đóng Nga đã nổ súng vào Velyka Kostromka bằng pháo hạng nặng, và đã phóng khoảng 20 quả hỏa tiễn. Không có thương vong, nhưng một ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy.

Buổi tối thứ Bẩy, quân đội Nga lại pháo kích vào Mykolaiv, tấn công vào một khu vực trống ở ngoại ô thành phố và đường ven sông ở một trong các huyện nhỏ. Không có thương vong nào được báo cáo.

Trong ngày qua, trực thăng Nga đã tấn công các vị trí của Quân đội Ukraine ở quận Beryslav và quận Bashtanka 9 lần nhưng không gây ra tổn thất nào. Trực thăng Nga chỉ dám bắn chiếu lệ rồi bỏ chạy trước phản ứng quyết liệt của quân Ukraine.

Trong khi đó, Không Quân Ukraine đã tấn công đối phương tới 6 lần. Một cặp máy bay tấn công của Ukraine đã tấn công các cứ điểm và cụm thiết bị của đối phương ở Quận Beryslav ba lần, và một cặp máy bay trực thăng tấn công các cứ điểm của Nga ở Quận Kherson và Quận Mykolaiv ba lần nữa. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo của Ukraine cũng tham gia vào việc tiêu diệt quân xâm lược Nga của Nga và quân dự bị của họ.

Ngoài ra, quân xâm lược Nga nhanh chóng mở rộng nhóm hải quân của họ. Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam cho rằng quân chiếm đóng của Nga muốn thể hiện sự hiện diện của họ vào ngày hạm đội.

5. Lực lượng vũ trang Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của quân Nga theo nhiều hướng trong khu vực Luhansk

Lực lượng vũ trang Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của quân Nga theo nhiều hướng trong khu vực Luhansk

Ở phía đông, quân Nga cố gắng tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine với sự hỗ trợ của máy bay tấn công và lục quân. Đồng thời, Lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lui một số nỗ lực tiến công của đối phương.

“Quân Nga không ngừng cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật nhằm tấn công Bakhmut và các địa phương lân cận trên biên giới giữa hai vùng Luhansk và Donetsk. Bộ binh Nga được hỗ trợ bởi lực lượng tấn công và Không Quân. Vào ngày 30 tháng 7, các cuộc không kích đã được ghi nhận gần bảy thành phố và làng mạc. Quân xâm lược Nga cố gắng tạo thêm sức ép lên hàng phòng ngự Ukraine”, Serhiy Haidai, thống đốc khu vực Luhansk đăng trên Facebook.

Ông nói thêm rằng quân Nga đang tập trung nỗ lực để đánh vào các cơ sở quân sự và các cơ sở hạ tầng, khiến các địa phương đông dân cư không có điện và khí đốt.

Theo Haidai, bốn cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 15 cuộc tấn công bằng trọng pháo, 3 cuộc tấn công bằng súng cối, 5 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt và 3 cuộc tấn công bằng xe tăng đã được thực hiện.

“Người Nga muốn hạn chế các hành động phòng thủ để chúng ta không có cơ hội xoay chuyển hoặc tăng cường cho các hướng khác,” Haidai tin tưởng.

Hôm thứ Bảy, quân Ukraine loại khỏi vòng chiến một nhóm trinh sát của Nga.

6. Quân đội Nga tấn công Khu vực Dnipropetrovsk bằng hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Đêm qua, quân đội Nga đã tấn công Khu vực Dnipropetrovsk bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên trong báo cáo sáng Chúa Nhật 31 tháng 7.

“Quân đội Nga không ngừng khủng bố các thành phố và làng mạc của chúng ta. Hai quận nằm dưới làn đạn của quân Nga, Nikopol và Kryvyi Rih. Quận Nikopol đã bị tấn công bởi hệ thống hỏa tiễn hàng loạt hai lần vào đêm qua. Có tới 50 quả hỏa tiễn đã được bắn vào các khu dân cư ở Nikopol.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết một người đàn ông 67 tuổi bị thương.

Một ngôi nhà đã bị phá hủy, và hàng chục ngôi nhà khác bị hư hại. Các vụ phá hủy đã được báo cáo trong bảy khu chung cư. Một trường học địa phương, trường mẫu giáo và một số cơ sở của thành phố cũng bị ảnh hưởng.

Hai chiếc xe buýt bị cháy rụi và có đến 10 chiếc bị hư hỏng trong một công ty xe hơi địa phương. Một đường ống cung cấp khí đốt và nước đã bị gián đoạn. Đội sửa chữa đang làm việc tại hiện trường.

7. Thị trưởng Mykolaiv báo cáo về đợt pháo kích lớn của quân Nga

Vào đêm ngày 31 tháng 7 năm 2022, quân đội Nga đã tấn công mạnh mẽ vào thành phố Mykolaiv, gây thiệt hại cho các ngôi nhà dân cư và phá hủy một số đồ vật.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên trong báo cáo sáng 31 tháng 7. “Hôm nay Mykolaiv đã gặp phải hỏa lực lớn của quân Nga. Có lẽ, mạnh mẽ nhất mọi thời đại. Tiếng nổ mạnh sau 01 giờ sáng và khoảng 05 giờ sáng. Một số đối tượng đã bị phá hủy.”

Trong tiếng còi báo động cuộc không kích đầu tiên vang lên lúc 01h sáng. Trận pháo kích tiếp theo xảy ra vào sáng sớm. Quân đội Nga sử dụng cả bom, và đạn chùm.

Xin nhắc lại rằng một thường dân đã thiệt mạng và sáu người bị thương trong cuộc pháo kích vào Mykolaiv của Nga vào đêm 30 tháng 7 năm 2022.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, hành động này của quân xâm lược là nhằm làm giảm áp lực tại thành phố Kherson.

8. Quân đội Ukraine cắt đứt cầu đường sắt qua Dnipro ở Kherson

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 31 tháng 7, Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam cho biết Quân đội Ukraine đã 'đóng cửa' cầu đường sắt qua Dnipro ở Kherson đối với các lực lượng Nga.

Một cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine vào cây cầu đường sắt bắc qua sông Dnipro ở Kherson đã tước đi bất kỳ cơ hội nào của quân xâm lược Nga nhằm sử dụng nó, bao gồm cả việc vận chuyển các thiết bị quân sự.

Lực lượng vũ trang Ukraine gần đây đã tấn công các cây cầu Antonivka và Darivka, cũng như một con đường dọc theo đập của nhà máy thủy điện Kakhovka. Những kẻ xâm lược đang cố gắng nhanh chóng làm cầu phao, cũng như tìm cách khôi phục các tuyến đường cung cấp đạn dược và thiết bị hạng nặng, nhưng sự an toàn của việc sử dụng các cơ sở vẫn còn đang bị nghi ngờ.

Ngày 29/7, chính quyền quân sự khu vực Kherson cho biết, sau khi quân Ukraine tấn công thành công cầu Antonivka, quân xâm lược đã lắp đặt hệ thống phà nhằm vận chuyển các thiết bị của họ.
 
Khí phách anh hùng: Giám Mục Belarus bảo vệ cho một linh mục bị tên độc tài Lukashenko giam cầm
VietCatholic Media
04:44 31/07/2022


1. Thượng Phụ Kirill tiếp tục biện minh cho cuộc xâm lược của Nga

Trong cuộc họp ngày 29 tháng 7, Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã lên án quyết định gần đây của chính phủ Anh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thượng Phụ Kirill.

Dịp này Thánh Công Đồng đã ra một thư chung nhấn mạnh rằng các tín hữu phải bảo vệ tổ quốc trước các “trung tâm quyền lực ở nước ngoài.” Người dân Nga cần phải khám phá lại sự hiệp nhất bên trong của họ. Trích dẫn một nhận định trước đó của Thượng Phụ Kirill, lá thư nhấn mạnh rằng “hiệp nhất là sức mạnh của chúng ta, và nếu chúng ta giữ gìn trong trái tim mình niềm tin của cha ông chúng ta, thì nước Nga sẽ là bất khả chiến bại.”

Kirill giải thích rằng “chiến thắng không phải lúc nào cũng đến từ vũ khí, nhưng chiến thắng cũng đến từ tinh thần, và nhiều người ngày nay muốn tinh thần này biến mất.” Ông liệt kê các chiến thuật của kẻ thù, là những kẻ “gieo rắc sự nhầm lẫn, tạo ra những hình tượng mới, thu hút sự chú ý đến những giá trị giả mới được vẽ vời ra, để lật đổ các chiều kích ý thức của con người, từ chiều dọc hợp nhất với Chúa đến chiều ngang nhân bản, trên đó tất cả những yêu cầu liên quan đến nhục dục của con người đều được cấy ghép”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, mạnh mẽ phê bình việc Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, dùng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh chống Ukraine, và Đức Hồng Y gọi đây là một “lạc giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo “Die Tagespost”, Điện Báo, số ra ngày 30 tháng Sáu năm 2022, tại thành phố Wuerzburg bên Đức, Đức Hồng Y Koch, người Thụy Sĩ, nói: “Coi nhẹ cuộc chiến tàn bạo của ông Putin chống Ukraine như một ‘cuộc hành quân đặc biệt’ là một sự lạm dụng ngôn từ. Tôi phải lên án điều này như một lập trường tuyệt đối không thể chấp nhận được... Thật là một lạc giáo khi vị thượng phụ dám biện minh cho cuộc chiến tàn bạo và vô lý tại Ukraine với những lý do tôn giáo ngụy tạo”.

Đức Hồng Y Koch nhắc đến việc Đức Thượng phụ Kirill dựa trên sự thống nhất quốc gia giữa người Nga và Ukraine, như kết quả của “phép rửa tội cho miền Rus tại Kiev” hồi năm 988 và Đức Hồng Y nói rằng: “Tuy người Nga và Ukraine xuất phát từ cùng một phép rửa tội, nhưng ngày nay người Nga đang tấn công người Ukraine và gây chiến, thì sự hiệp nhất bị phủ nhận”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Koch cũng tiết lộ về cuộc gặp gỡ qua video giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill hồi tháng Ba năm nay: chính Đức Hồng Y, hồi tháng Hai trước đó, đã đề nghị với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, theo đó Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ cùng công bố một tuyên ngôn chống chiến tranh tại Ukraine. Nhưng ít lâu cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Đức Hồng Y Koch nhận được câu trả lời rằng Đức Thượng phụ không sẵn sàng có một tuyên ngôn chung với Đức Giáo Hoàng. Chỉ vài tuần sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa mới yêu cầu có một cuộc gặp gỡ qua video với Đức Giáo Hoàng. Ngay sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Nga công bố một thông cáo cho biết Đức Thượng phụ cám ơn vì Đức Giáo Hoàng có cùng một quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine. Vì thế, Tòa Thánh đã phải mau lẹ công bố điều mà Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói.

Đức Hồng Y Koch tỏ ra dè dặt về một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ Kirill. Ngài nói: “Nếu một cuộc gặp gỡ như vậy diễn ra, nếu những hành động chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, và nếu Đức Kirill tiếp tục biện minh cho chiến tranh với lập trường không thể chấp nhận được, như cho đến nay, thì sẽ có sự hiểu lầm nghiêm trọng. Dầu vậy, chúng ta không bao giờ được khép cửa”.

2. Giám Mục Belarus bảo vệ cho một linh mục bị độc tài giam cầm

Một giám mục ở Belarus đã bảo vệ một linh mục Công Giáo bị bỏ tù sau một phiên tòa kín vì “tổ chức một cuộc tụ họp quần chúng” bất hợp pháp, trong một vụ can thiệp nhân đạo hiếm hoi của Giáo Hội trước bọn độc tài.

“Tôi yêu cầu tất cả những người liên quan cầu nguyện cho cha Andrei Vashchuk, hiện đang ở sau song sắt”, Đức Cha Yuri Kasabutsky, phụ tá tổng giáo phận Minsk-Mogilev, cho biết trong một thông điệp trên Facebook. “Đây là một LINH MỤC, tôi viết hoa một cách có ý thức chữ này, theo sự quan phòng của Thiên Chúa và là một con người cao cả, hết lòng vì Thiên Chúa, Giáo hội và mọi người, phục vụ mọi người và hiến thân không do dự”.

Vị giám mục đã phản ứng lại việc kết án Cha Vashchuk, Cha sở giáo xứ Holy Spirit ở Vitebsk, người đã bị bỏ tù 15 ngày vì “vi phạm các thủ tục liên quan đến việc tổ chức một buổi họp mặt công chúng”.

Các phương tiện truyền thông Công Giáo không chính thức đưa tin rằng lý do chính xác cho lời buộc tội vẫn chưa được đưa ra, nhưng cho biết người ta tin rằng linh mục, một thành viên của dòng Chúa Quan Phòng, đã đeo một chiếc mặt nạ có ghi khẩu hiệu, “Một đất nước cho sự sống”, có liên quan đến ứng cử viên tổng thống đối lập lưu vong, Sviatlana Tsikhanouskaya.

Cha Vashchuk là linh mục Công Giáo thứ tư bị kết án vì cáo buộc phạm tội chính trị trong năm nay ở Belarus, nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc bầu cử gian lận diễn ra vào tháng 8 năm 2020, để Tổng thống Alexander Lukashenko tiếp tục cầm quyền sau 26 năm cai trị quốc gia một cách khắc nghiệt và độc tài.

Vào đầu tháng Bảy, một linh mục ở Smorgon, Cha Yevhen Uchkuronis, đã bị phạt vì bị cáo buộc đăng lại một “văn bản cực đoan” trên Facebook, trong khi hai người khác, Cha Andrzej Bulczak và Oleksandr Baran, đã bị phạt vào tháng Tư và tháng Năm vì đã đăng lời xin lỗi người Ukraine vì sự ủng hộ của tổng thống Belarus đối với chiến tranh ở Ukraine.

Có tới 30 giáo sĩ Công Giáo và Chính thống giáo đã bị kết án tương tự kể từ mùa hè năm 2020, theo nhóm Christian Vision liên kết với phe đối lập ở Belarus, nơi ước tính 1260 tù nhân chính trị hiện đang phải ngồi tù.

Hội đồng Giám mục Belarus đã không đề cập đến các bản án trên trang web của các ngài và đã tránh bất kỳ đề cập nào đến các vấn đề nhân quyền kể từ tháng Giêng năm 2021, sau khi chủ tịch cũ của các ngài, là Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusewicz, được phép trở lại sau một cuộc lưu đày ngắn hạn sau những can thiệp của Vatican.

Một linh mục khác từ Vitebsk, cha Vyacheslav Barok, đã phải trốn sang nước láng giềng Ba Lan sau khi mãn hạn tù, nói với Christian Vision rằng các cơ quan mật vụ đặc biệt của Belarus đang “giám sát rất chặt chẽ” tất cả các tuyên bố và hành động của các linh mục, và nói thêm rằng cha Vashchuk cũng có thể là một mục tiêu của cảnh sát địa phương.

Những người bảo vệ nhân quyền cho rằng chế độ đang nhắm mục tiêu truy tố các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật trong cộng đồng địa phương của họ nếu họ công khai phản đối bạo lực của chế độ sau cuộc bầu cử tổng thống gian dối năm 2020 hoặc phản đối vai trò của Belarus trong cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine. Nhà của một số linh mục Công Giáo và những người khác đã bị đột kích vào cuối tháng 3 năm 2022.

Trong số hai linh mục Công Giáo bị nhắm mục tiêu vào tháng 3 ở Vùng phía bắc Vitebsk, cha Aleksandr Baran đã bị kết án tù 10 ngày, trong khi cha Andrzej Bulczak - một công dân Ba Lan đã phục vụ 14 năm ở Belarus - đã bỏ trốn khỏi đất nước trước phiên tòa có thể sẽ bỏ tù ngài dài hạn.

Vào ngày 25 tháng 3, cảnh sát đã đột kích vào nhà của Mục sư Tin Lành Baptist Roman Rozhdestvensky ở Cherikov, và vào nhà Cha Vasily Yegorov, một linh mục Công Giáo nghi lễ Đông phương, ở Mogilev. Cha Yegerov đã bị sách nhiễu vì dán một khẩu hiệu “Ukraine, hãy tha thứ cho chúng tôi” trên xe của mình.

Các cuộc đột kích vào cuối tháng Ba diễn ra khi những người Công Giáo và những người theo đạo Tin lành đang ở giữa Mùa Chay.

Cha Aleksandr Baran, người đã bị kết án tù 10 ngày, nhận xét rằng chế độ đang “can thiệp vào cuộc sống của mỗi người, vào đời sống của Giáo Hội, họ muốn chà đạp nhân quyền và bịt miệng mọi người.” Bình luận sau khi bị bắt, Cha Aleksandr Baran nói: “họ đã chuẩn bị cho việc bắt giữ tôi; đã có hàng đống giấy tờ và một số tài liệu khác về tôi nằm sẵn ở đó.”
 
Bước đường cùng: Putin tung vũ khí siêu thanh. Thế giới lên án Nga quá dã man với tù binh Ukraine
VietCatholic Media
16:29 31/07/2022


1. Chuyên gia về Nga nhận định rằng chế độ của Putin đang bắt đầu kết thúc

Chuyên gia về Nga Iver Neumann dự đoán chế độ của Vladimir Putin đang bắt đầu kết thúc trong bối cảnh ông ta đang bị chựng lại trong cuộc xâm lược Ukraine.

Tổng thống Nga đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, với lý do ông muốn giải phóng khu vực ly khai Donbas, nhưng cho đến nay vẫn phải vật lộn để đạt được các mục tiêu chính của mình sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ hơn mong đợi từ quân đội Ukraine. Giao tranh vẫn tập trung ở miền đông Ukraine.

Cuộc xâm lược đã vấp phải phản ứng dữ dội của quốc tế trong bối cảnh có các báo cáo về tội ác chiến tranh. Hầu hết các quốc gia phương Tây đã trừng phạt Nga bằng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả dầu mỏ, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga, trong những tuần sau khi cuộc xâm lược diễn ra. Các biện pháp trừng phạt được coi là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga và sự lãnh đạo của Putin, mặc dù nhiều người Nga vẫn tiếp tục ủng hộ tổng thống của họ.

Nhưng Neumann, một nhà khoa học chính trị người Na Uy nghiên cứu về chính trị Nga, đã dự đoán rằng những thất bại gần đây cả trong chiến tranh lẫn trong nền kinh tế Nga là “sự khởi đầu của tiến trình kết thúc” sự lãnh đạo của Putin. Ông đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với Đài Âu Châu Tự do.

Ông chỉ ra nhiều yếu tố có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga, bao gồm các lệnh trừng phạt, các công ty bỏ trốn sau cuộc xâm lược và việc các nước khác giảm nhập khẩu hàng hóa của Nga.

Nhận xét của Neumann được đưa ra trong bối cảnh Nga tiếp tục đấu tranh để đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine, và một số chuyên gia cho rằng Nga có nhiều nguy cơ thua trong cuộc chiến. Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã tweet vào thứ Sáu rằng Điện Cẩm Linh đang “ngày càng tuyệt vọng” và Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo MI6 của Vương quốc Anh, viết rằng Nga đang “cạn kiệt sức lực”.

Những khó khăn của Nga trong suốt cuộc chiến được cho là do sử dụng vũ khí lỗi thời, các vấn đề về dây chuyền chỉ huy và tinh thần binh lính kém, cùng nhiều thứ khác. Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine hệ thống hỏa tiễn cơ động cao HIMARS - M142 - có thể thay đổi cục diện cuộc chiến.

Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc vẫn cảnh báo rằng sự chậm lại gần đây trong các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine không nhất thiết là do quân đội bị đình trệ. Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng các nhà chức trách tin rằng quân đội Nga đang tập hợp lại để chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài.

2. Dư luận tại Anh bất bình trước lời kêu gọi kêu gọi treo cổ các chiến binh Azov của Đại Sứ Nga tại Anh

Dư luận tại Anh đã bày tỏ sự khinh miệt đối với Andrei Kelin, Đại Sứ Nga tại Anh sau khi đại sứ quán Nga tại Anh kêu gọi các chiến binh thuộc trung đoàn Azov phải đối mặt với một cuộc hành quyết “nhục nhã”, AFP đưa tin.

Dòng tweet của đại sứ quán Nga cho biết:

Các chiến binh Azov xứng đáng bị hành quyết, nhưng chết không phải bằng cách xử bắn mà bằng cách treo cổ, bởi vì họ không phải là những người lính thực sự. Họ đáng phải chịu một cái chết nhục nhã.

Twitter cho biết đại sứ quán đã vi phạm các quy tắc của mình về “hành vi gây thù hận” nhưng đưa ra cảnh báo trên tweet thay vì cấm đăng bài.

Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, trả lời trên Telegram:

Nga là một quốc gia khủng bố. Trong thế kỷ 21, chỉ những kẻ man rợ và khủng bố mới có thể nói chuyện ở cấp độ ngoại giao hô hào xử tử người khác bằng cách treo cổ. Nga là nhà nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Còn cần thêm bằng chứng nào nữa không?

3. Vladimir Putin đã ký một học thuyết hải quân mới coi Hoa Kỳ và NATO là kẻ thù trực tiếp

Theo Reuters và AFP, ông Vladimir Putin đã ký một học thuyết hải quân mới, coi Mỹ và NATO là những mối đe dọa lớn nhất mà Nga phải đối mặt.

Tài liệu dài 55 trang, được ký vào Ngày Hải quân, đưa ra các mục tiêu chiến lược rộng lớn của hải quân Nga, bao gồm cả tham vọng trở thành một “cường quốc hàng hải” trên toàn thế giới.

Theo học thuyết, mối đe dọa chính đối với Nga là “chính sách chiến lược của Hoa Kỳ nhằm thống trị các đại dương trên thế giới” và sự di chuyển của liên minh quân sự Nato đến gần biên giới của Nga.

Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự của mình một cách phù hợp với tình hình các đại dương trên thế giới nếu các quyền lực mềm khác, chẳng hạn như các công cụ ngoại giao và kinh tế, bị cạn kiệt

Học thuyết cho biết: “Nước Nga ngày nay không thể tồn tại nếu không có một hạm đội mạnh… và sẽ bảo vệ lợi ích của mình trên các đại dương trên thế giới”.

4. Vladimir Putin cho biết Hải quân sẽ nhận được hỏa tiễn siêu thanh Zircon mới trong vài tháng tới

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng Hải quân Nga sẽ nhận được hỏa tiễn siêu thanh Zircon trong vòng vài tháng tới. Putin đã đưa ra tuyên bố này trong một cuộc diễn hành Ngày Hải quân ở quê nhà của ông ta ở St. Peterburg.

Putin cho biết hỏa tiễn hành trình Zircon sẽ được triển khai trong những tháng tới và cho phép Hải quân Nga nhanh chóng đối phó với các mối đe dọa.

Ông Putin nói: “Việc giao những hỏa tiễn này cho các lực lượng vũ trang Nga sẽ bắt đầu trong những tháng tới.”

“Khinh hạm Đô đốc Gorshkov sẽ là chiếc đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với những vũ khí đáng gờm này trên tàu.”

Theo Reuters, Putin nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng ở đây là khả năng của Hải quân Nga… Nó có thể đáp trả với tốc độ cực nhanh đối với tất cả những ai quyết định xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta”.

Nga lần đầu tiên thử nghiệm Zircon vào tháng 1 năm 2020 và tuyên bố nó có thể đạt tốc độ lên tới 10,620 km một giờ và tấn công mục tiêu trong phạm vi 1,000 km. Tuyên bố này chưa được xác nhận một cách độc lập.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để đưa ra bình luận.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh Ukraine tấn công vào Bộ Chỉ Huy của Hạm Đội Hắc Hải tại Crimea.

Sáng Chúa Nhật, 31 tháng 7, Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết 5 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào Trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Crimea do Nga chiếm đóng.

Razvozhayev sau đó xác nhận các lễ kỷ niệm Ngày Hải quân trong thành phố đã bị hủy bỏ sau vụ tấn công.

Nga đã thu hút sự lên án của quốc tế sau khi hơn 40 tù nhân chiến tranh Ukraine bị thiệt mạng trong một cuộc pháo kích ở Olenivka, một phần của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng do Nga hậu thuẫn.

5. Latvia kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố Nga là nhà tài trợ khủng bố

Ngoại trưởng Latvia đã thúc giục Liên minh Âu Châu tuyên bố Nga là nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố.

Edgars Rinkēvičs cũng cho biết trong một tweet rằng ông lên án “hành động giết hại tàn bạo tù binh Ukraine của Lực lượng vũ trang Nga ở Olenivka và những hành động tàn bạo đang diễn ra của quân đội Nga chống lại Ukraine”.

Ông thúc giục Liên Hiệp Âu Châu cấm thị thực du lịch cho người Nga.

Bình luận của Rinkēvičs được đưa ra sau khi ít nhất 50 tù nhân chiến tranh đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một nhà tù ở Olenivka, thuộc Donetsk do Nga chiếm đóng, mà Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau.

Rinkēvičs đã nói trong tweet của mình:

Liên Hiệp Âu Châu phải coi Nga là nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, tôi xin được nhắc lại đề xuất áp đặt lệnh cấm thị thực du lịch của Liên Hiệp Âu Châu đối với công dân Nga.

6. Bản tin Tình báo mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Vào ngày 28 tháng 7, Nga đã bắn ít nhất 20 hỏa tiễn vào miền bắc Ukraine từ lãnh thổ Belarus. Điều này xảy ra sau việc Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để khởi động các động lực chính trong nỗ lực không thành công của họ nhằm chiếm Kyiv vào tháng Hai.

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko tiếp tục đi theo đường lối của Mạc Tư Khoa về cuộc xung đột Ukraine, tuyên bố vào ngày 21 tháng 7 rằng Ukraine phải chấp nhận yêu cầu của Nga để cuộc chiến ngừng lại.

Chế độ của ông ta đã trở nên độc tài hơn bao giờ hết, với việc mở rộng hình phạt tử hình đối với tội 'chuẩn bị hành động khủng bố'. Những cáo buộc ngày càng tăng và vô căn cứ của ông ta về các ý định của phương Tây đối với Belarus và Ukraine có thể cho thấy rằng ông ta đã gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nga.

7. Nhà lập pháp Ukraine lên tiếng phản đối mạng xã hội

Hôm thứ Sáu, một nhà lập pháp Kyiv đã đăng trên Twitter một đoạn video khủng khiếp nhằm mục đích cho thấy những người lính Nga đang thiến một tù binh Ukraine. Twitter đã tạm thời vô hiệu hóa tài khoản của cô ấy.

“Hôm nay Twitter đã cấm trang cá nhân của tôi. Bởi vì tôi đã đăng video cảnh một binh sĩ Nga thiến một tù binh Ukraine”, thành viên quốc hội Ukraine Inna Sovsun cho biết như trên.

“Twitter đã quyết định rằng video là quá bạo lực. Nhưng đây là những gì đã và sẽ xảy ra. Và việc xóa video sẽ không thay đổi được điều đó,” cô nói.

“Mọi người nên biết những gì người Nga đang làm!” cô ấy nói thêm.

Nhà lập pháp đã đăng một ảnh chụp màn hình tin nhắn mà cô nhận được từ Twitter, nói rằng video của cô đã vi phạm chính sách của công ty về việc đăng tải những hình ảnh máu me và tàn ác.

Đoạn phim kinh hoàng cho thấy những người lính mặc đồ rằn ri, nói tiếng Nga, đá vào đầu một người bị giam cầm đang rên la đau khổ khi anh ta nằm trói bằng dây thừng trên sàn.

Vitaly Aroshanov, 39 tuổi, bị buộc tội đã thiến và tra tấn một tù binh Ukraine bị giam giữ.

Miệng bị bịt miệng, tù nhân bị tra tấn rên rỉ trong tuyệt vọng khi quân đội xé quần của anh ta và cắt bộ phận sinh dục của anh.

Một video, không được chia sẻ bởi Sovsun nhưng được đưa tin bởi nhiều cơ quan truyền thông khác, người đàn ông sau đó bị bắn chết và thi thể của anh ta được kéo lê trên đường.

Twitter đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu của tờ The New York Post về việc tài khoản của Sovsun bị vô hiệu hóa.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội có một chính sách đã nêu để hạn chế việc đăng “máu me vô cớ.”

“Chúng tôi cấm nội dung máu me vô cớ vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều lần với nội dung bạo lực trực tuyến có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của một cá nhân”.

Tuy nhiên, Twitter nói rằng “có thể thực hiện một số ngoại lệ rất hạn chế đối với các phương tiện truyền thông đẫm máu liên quan đến các sự kiện đáng tin” và tiếp tục tuyên bố rằng “hình ảnh bạo lực” có thể được chia sẻ nếu bài đăng được đánh dấu là “nhạy cảm”.

Dòng tweet đầu tiên của Sovsun đã mang cảnh báo về nội dung nhạy cảm, ngăn video tự động phát.

8. Người sáng lập và chủ sở hữu của công ty nông nghiệp Nibulon bị trúng hỏa tiễn Nga đã qua đời trong niềm thương tiếc của người Ukraine

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã bày tỏ sự kính trọng đối với Oleksiy Vadatursky, chủ sở hữu của một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất đất nước, sau khi ông này thiệt mạng trong một trận pháo kích ở Mykolaiv.

Thống đốc địa phương, Vitaliy Kim, cho biết Vadatursky, người sáng lập và chủ sở hữu của công ty nông nghiệp Nibulon, và vợ của ông, đã thiệt mạng tại nhà của họ khi quân Nga pháo kích vào đây trong đêm thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật 31 tháng 7.

Zelenskiy mô tả cái chết của Vadatursky là “một mất mát to lớn đối với toàn bộ Ukraine”. Trong diễn văn với quốc dân đồng bào, ông nói rằng doanh nhân này đang trong quá trình xây dựng một thị trường ngũ cốc hiện đại liên quan đến mạng lưới các bến trung chuyển.

Ba người cũng bị thương trong các cuộc tấn công vào Mikolaiv, thị trưởng thành phố, Oleksandr Senkevych, nói với đài truyền hình Ukraine, và nói thêm rằng 12 hỏa tiễn đã bắn trúng nhà dân và các cơ sở giáo dục.
 
Đau lòng: Lm Nga dùng thánh giá tấn công Lm Ukraine vì dám lên án Putin trong tang lễ một người lính
VietCatholic Media
18:35 31/07/2022


1. Diễn biến đau lòng: Linh mục Nga dùng cây thánh giá tấn công một Linh mục Ukraine tại Lễ tang của một người lính

Theo tờ Newsweek, một linh mục người Nga đã làm gián đoạn lễ tang của một binh sĩ Ukraine thiệt mạng vào tuần trước, và đánh một linh mục khác từ Giáo Hội Chính thống Ukraine bằng cây thánh giá vì những lời bình luận của vị này về Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Ông Serhiy Timkov, trong thánh lễ an táng ngày 22 tháng 7 dành cho binh sĩ Oleksandr Zinivy linh mục người Nga, Mykhailo Vasylyuk đã, lao lên bục giảng nơi một linh mục Ukraine, là Cha Anatoliy Dudko, đang phát biểu.

Cha Dudko cho biết Putin đã khơi mào cuộc chiến ở Ukraine lấy cớ là để bảo vệ các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Nga, nhưng thực tế đã gây ra biết bao những đau khổ cho người Ukraine, kể cả các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Nga.

Vị linh mục người Nga nghe đến đó thì xông lên, cố gắng giật cây thánh giá khỏi cổ Dudko trước khi dùng cây thánh giá trên tay mình đập tới tấp vào vị linh mục Ukraine. Cuộc chiến đã được ngăn chặn bởi các thành viên của quân đội, những người đã lôi linh mục người Nga Vasylyuk đi. Lễ tang sau đó được tiếp tục.

Vị linh mục người Nga rõ ràng đã rất khó chịu trước những bình luận của vị linh mục Ukraine về Tổng thống Vladimir Putin. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin Zinivy đã chết gần Mykolaiv ở thành phố Vinnytsia.

Ông Timkov cho biết Cha Dudko bị thương nhẹ. Ông nhận xét rằng:

“Theo ý kiến của tôi, vụ việc vượt qua tất cả các giới hạn có thể của sự kiêu ngạo. Dựa trên những điều đáng tiếc đã xảy ra, tôi yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật bảo đảm trật tự tại bất kỳ cuộc tụ tập nào có thể gây ra tranh cãi.”

Cảnh sát Vinnytsia đã được thông báo về vụ việc và các nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra hình sự về vấn đề này.

Vào tháng 6, Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói với BBC rằng thương vong quân sự của đất nước ông là từ 100 đến 200 người mỗi ngày. Một tuần trước đó, Zelenskiy cho biết số người chết hàng ngày dao động trong khoảng từ 60 đến 100.

Hôm thứ Tư, các quan chức Tòa Bạch Ốc ước tính rằng hơn 75.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine – nghĩa là khoảng một nửa số quân ban đầu được cử đến xâm lược đất nước vào tháng Hai. Trước cuộc xâm lược, Nga được cho là đã tích lũy được 150.000 binh sĩ dọc biên giới với Ukraine.

Mặt khác, Điện Cẩm Linh vẫn chưa loan báo về con số thương vong. Các gia đình của binh sĩ Nga đã phản đối việc thiếu liên lạc từ các cơ quan chính phủ, những người mà họ cho biết đã cung cấp nhiều thông tin hỗn hợp về việc liệu người thân của họ có còn sống trên chiến trường ở Ukraine hay không.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất cố nhiên là nhóm UOC-MP. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một và được gọi là Giáo Hội Chính Thống Ukraine.

Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận một cách chính thức Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine.

Các quan chức Ukraine coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Cẩm Linh tác động lên nội tình của Ukraine. Trước tình cảm bài Nga tại Ukraine, xu hướng sụp đổ của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thể thấy trước.

2. Một vị Tổng giám mục Ấn Độ từ chức theo lời yêu cầu của Tòa Thánh

Một vị Tổng giám mục Ấn Độ đã từ chức theo yêu cầu của Tòa Thánh, vì không tuân hành quyết định của Giáo hội và Tòa Thánh về việc thống nhất phụng vụ.

Đó là Đức Tổng Giám Mục Antony Kariyil, 72 tuổi, Đại diện Đức Hồng Y Tổng giám mục trưởng của giáo phận Syro-Malabar, coi sóc Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, thuộc bang Kerala. Đức Cha từ chức hôm 26 tháng Bảy vừa qua, vài ngày sau khi báo chí đưa tin ngài đã gặp Đức Sứ thần Tòa Thánh Leopoldo Girelli ở Ấn Độ và được thông báo Tòa Thánh yêu cầu từ chức vì từ chối chấp nhận việc thống nhất cách cử hành thánh lễ trong Giáo hội này.

Tranh luận về cách thức cử hành thánh lễ đã kéo dài mấy chục năm rồi. Những người bảo thủ nhất định không chấp nhận việc cải tổ. Hồi tháng Bảy năm ngoái (2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư nhắn nhủ toàn thể hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân mau lẹ chấp nhận áp dụng cách thức thống nhất trong việc cử hành thánh lễ. Một tháng sau đó, Đức Hồng Y George Alencherry, Tổng giám mục trưởng, gửi thư ngày 27 tháng Tám kêu gọi toàn thế giáo sĩ và giáo dân, gạt qua sở thích riêng, và hoạt động để tiến tới sự hiệp nhất.

Tháng Ba năm nay, những kẻ chống đối đốt hình nộm Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và Đức Hồng Y Alencherry. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thư hồi tháng Tư năm nay cho những người chống đối việc cử hành thánh lễ theo thể thức đồng nhất, đồng thời cho biết Công nghị các Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ấn đã hỗ trợ quyết định này. Tuy nhiên vẫn còn có những nhóm không chịu tuân hành.

Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn thứ hai sau Công Giáo Ukraine, với hơn ba triệu tín hữu tại Ấn Độ và nhiều nước.

Cho đến nay chưa có thông cáo chính thức của Tòa Thánh về việc Đức Cha Kariyil từ chức.