Ngày 15-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XX – B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
12:04 15/08/2018
Hãy lo tìm kiếm Đức Khôn Ngoan

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XX – B

(Ga 6, 51 – 59)

Hôm nay, tiếp tục diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giêsu kêu gọi những người Do thái và cả chúng ta nữa, hãy đến mà ăn cho no uống cho thoả. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người : "Là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).

Lời Chúa trong sách Châm Ngôn giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lời Chúa Giêsu phán ở trên : " Sự khôn ngoan đã xây nhà mình… Pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi" (Cn 9, 1-5).

Nhưng Đức Khôn Ngoan ở đây là ai vậy ?

Theo thánh Irênê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người ... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người " (Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).

Con người có được sự sống là nhờ Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người thông ban sự sống ấy cho, và sở dĩ con người được hiệp thông với Thiên Chúa là nhờ Đức Khôn Ngoan ở giữa loài người, là chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Những lời cuối trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng (Ga 6, 51-58) hôm nay là bằng chứng.

Theo tác giả sách Châm Ngôn thì chính Đức Khôn Ngoan ban tặng đồ ăn thức uống cho những kẻ ngây thơ, tín thành và ban tặng sự sống cho kẻ bỏ đi sự ngây dại và bước đi theo đường lối khôn ngoan (x. Cn 9, 6). Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể, đích thân mời gọi chúng ta ăn Người, để có sự sống trong chúng ta : "Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi" (Ga 6, 53). Bắt đầu đặt bút viết Tin Mừng, Gioan đã viết: " Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1). Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời mà tạo thành vũ trụ, nay lại sai Ngôi Lời xuống thế để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Tin và đón nhận Chúa Giêsu là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tự chúng ta không thể có sự sống đời đời được, phải cậy nhờ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Vì thế, kết hợp cả hai dòng tư tưởng, một của thánh Gioan và một của sách Khôn Ngoan, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời : "Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời" (Ga 6, 54) và hơn thế nữa còn được Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56).

Vậy, hãy nghe và thực hành lời khuyên của thánh Phaolô mà thận trọng trong cách ăn nết ở : " Đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan" (Eph 5, 15). Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thoả thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho.

Chính do sự khôn ngoan của Thiên Chúa, con cái Israel mới có Manna từ trời rơi xuống làm lương thực để ăn dòng dã suốt 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ) ; Và nhờ lòng từ bi mà Chúa sai Thiên Thần mang bánh đến cho Êlia ăn, nhờ "sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa" (1V 19, 8) ; Hay do chạnh lòng thương, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho "ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 11)

Cho dù là Manna từ trời xuống, hay bánh Thiên Thần mang đến nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ là thứ lương thực rất tạm bợ, kẻ nào ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết, nghĩa là không có sự sống nơi mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định, Người là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là cái ước vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là sự sống đời đời.

Nếu như trong sa mạc, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang. Chẳng có gì chân thật và an ủi hơn cho những linh hồn khát khao nên thánh, nên trọn lành hãy nhớ lời sách Châm Ngôn dạy : "Hỡi những người ngây thơ hãy lại đây… hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế" (Cn 9, 5).

Lạy Chúa, xin phái Đức Khôn Ngoan của Ngài tới đồng lao cộng khổ với chúng con, dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 20 Mùa Quanh Năm B 19.8..2018
Lm Francis Lý văn Ca
16:38 15/08/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Cùng hợp nhau nơi đây để tham dự thánh lễ. Cỗ bàn thiêng liêng Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày Chúa Nhật hai mâm: Lời Chúa và Thánh Thể. Tuy là hai nhưng là một. Một bên là Lời Chúa, để dưỡng nuôi ta bằng thánh ý của Chúa Cha, một bên là Mình Máu Chúa, để dưỡng nuôi ta bằng chính Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Tuy nhiên, tựu trung vẫn là một: Vì Chúa Kitô chính là Lời Chúa, tức Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người ở giữa chúng ta. Nếu ý thức được của ăn Lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Chúa là quan trọng, mà mỗi lần đi đến nhà thờ dâng thánh lễ mà không rước Mình và Máu Thánh Chúa, thì đây là một thiếu sót rất lớn lao cho đời sống tinh thần.

Với những tư tưởng chẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Đoạn văn chúng ta sắp nghe, trình bày về sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Qua của ăn phần xác giúp ta tìm đến Chúa để được dưỡng nuôi phần linh hồn.

TRƯỚC BÀI II:
Đời sống của người tín hữu luôn suy nghĩ về những ơn thánh được lãnh nhận từ kho tàng của Bí Tích Thánh Thể. Nhờ nguồn ân sủng nầy, chúng ta sẽ được biến đổi nên hoàn thiện hơn.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Qua nghi thức bẻ bánh, Chúa liên kết chúng ta nên một. Hãy cố gắng trong đời sống thường nhật, cụ thể, liên kết với anh chị em trong tình yêu mến.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta quy tụ nơi đây thành một cộng đoàn đông đảo, cùng đón nhận một bánh thánh thể. Giờ đây cùng hiệp nhất trong những lời cầu xin sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho những gia đình anh chị em đã gia nhập vào đại gia đình của Giáo Hội, luôn đuợc sống trong tình yêu thương của Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết hăng say học hỏi Lời Chúa và năng chia sẻ bánh Thánh Thể là lương thực thiêng liêng trên đường dẫn về quê trời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho cộng đoàn của chúng ta luôn sống yêu thương, hiệp nhất và cộng tác với hàng giáo phẩm trong các công tác tông đồ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho việc quy tụ cùng nhau hằng tuần, chia sẻ lương thực thiêng liêng sẽ mang đến cho mỗi người trong chúng ta sự hiểu biết để hiệp nhất, yêu thương và thông cảm. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5.Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, nhất là những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu, được hưởng nhan thánh Chúa muôn đời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng Lời Chúa và Bánh Hằng Sống. Xin cho chúng con luôn hăng say chuyên cần học hỏi Lời Chúa và năng lãnh nhận Bánh Truờng Sinh trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần II, Chương I
Vũ Văn An
05:57 15/08/2018


PHẦN II: Giải Thích

Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi

73. Trong Phần II, chúng ta cần đào sâu thêm một số yếu tố và động lực để có thể giải thích thỏa đáng các tình huống đã mô tả trong Phần I. Lời kêu gọi của Chúa Kitô để sống theo các ý định của Người là chân trời tham chiếu của chúng ta và, đồng thời, là nguồn cho sự bồn chồn và cuộc khủng hoảng có lợi: «Đức tin mà không gây phiền phức cho chúng ta là một đức tin phiền phức. Đức tin mà không khiến chúng ta phát triển là một đức tin cần phải phát triển. Đức tin mà không đặt ra các câu hỏi là một đức tin phải được đặt câu hỏi. Đức tin mà không khuấy động chúng ta là một đức tin cần được khuấy động. Một đức tin không lay động chúng ta là một đức tin cần được lay động» (Đức Phanxicô, Lời chúc mừng Giáng sinh với Giáo Triều Rôma, 21/12/2017).

Chương I: Ơn Phúc Tuổi Trẻ

74. Để hiểu sự thật về tuổi trẻ, một tuổi không những là một điều kiện hiện thời, mà còn là một tuổi đặc biệt trong đời sống vốn là một phần của thân phận con người đúng nghĩa của chúng ta, chúng ta phải đưa ra một quan điểm nhân học và thánh kinh, vì Lời Thiên Chúa đem lại cho chúng ta các yếu tố để ta hiểu và giải thích giai đoạn quyết định này trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, nếu Giáo hội là «tuổi trẻ thực sự của thế giới», thì việc rõi sáng lên các đặc điểm đặc trưng và phổ quát của tuổi trẻ có nghĩa là thu thập các yếu tố có giá trị để giúp Giáo Hội «trẻ trung hóa hình ảnh của mình» (Công đồng Vatican II, Diễn văn với thanh niên nam nữ), vì Thượng Hội đồng Giám mục «cũng sẽ là một lời kêu gọi Giáo hội tái khám phá tính năng động trẻ trung đổi mới» (Đức Phanxicô, Diễn văn tại cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng, 2).

Chúa Kitô, "một người trẻ giữa những người trẻ"

75. Tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và thú vị trong đời, mà chính Chúa Kitô đã trải qua, Người thánh hóa nó bằng sự hiện diện của mình. Thánh Irênê thành Lyons giúp chúng ta hiểu rõ thực tại này, khi ngài nói rằng «Chúa Giêsu không bác bỏ hay bỏ qua bất cứ điều kiện nào của nhân loại, cũng không bãi bỏ nơi Người lề luật mà Người đã chỉ định cho nhân loại, nhưng Người thánh hóa mọi lứa tuổi bằng sự tương tự mà chúng ta có với Người. Vì Người đến để cứu mọi người nhờ phương thế là chính Người – mọi người, tôi xin nói, tất cả những ai nhờ Người được tái sinh cho Thiên Chúa - trẻ sơ sinh, và trẻ em, các chàng trai, thanh thiếu niên, và những người già. Do đó, Người đã trải qua mọi lứa tuổi, trở thành một trẻ sơ sinh cho các trẻ sơ sinh, do đó đã thánh hóa các trẻ sơ sinh; trở thành một em bé cho các em bé, do đó thánh hóa các em ở độ tuổi này, cùng một lúc, trở thành một điển hình về lòng đạo đức, chính trực và tùng phục cho các em; trở thành một thanh niên cho các thanh thiếu niên, nên điển hình cho giới trẻ, và do đó thánh hóa họ cho Chúa » (Chống lại các Lạc Giáo, II, 22,4). Do đó, Chúa Giêsu là “một người trẻ giữa các người trẻ”, và Người muốn gặp họ và bước đi bên cạnh họ, như Người đã làm với các môn đệ trên đường Emmau (xem Lc 24: 13-35). Ngày nay, Người vẫn muốn hiến mình Người hoàn toàn để mỗi người trẻ có thể có được cuộc sống dồi dào (xem Ga 10:10).

Lời mời gọi phổ quát bước vào niềm vui yêu thương

76. Trả lời Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng, một thanh niên chắc chắn rằng «tin vào Thiên Chúa là nguồn yêu thương và niềm vui, không phải là nỗi buồn!». Một chủ đề liên tiếp diễn ra thời tuổi trẻ là niềm vui: “Hỡi những ai trẻ tuổi, hãy hạnh phúc lúc còn trẻ tuổi, và hãy để trái tim các ngươi hân hoan trong thời trẻ trung” (Gv 11: 9; xem Kn 2: 6) ). Mệnh lệnh hân hoan ở trong tuổi trẻ một cách khá tự nhiên, dựa vào vẻ đẹp thể lý vốn trở thành điểm chú ý và thu hút người khác. Thể xác trong mọi nét rực rỡ và sung mãn của nó trở thành không gian của tình yêu, được coi như một mầu nhiệm của con người nhân bản, sẽ kéo dài muôn thu vì được thấm nhiễm tình yêu. Đây là lý do tại sao tình yêu «hy vọng tất cả» (1Cr 13: 7), và mọi người trẻ đều được kêu gọi trở thành những người loan báo sự sống lại (xem Mc 16: 6). Toàn bộ Diễm Ca cử hành cuộc tình giữa hai người trẻ tìm kiếm nhau và thèm khát nhau như một biểu tượng thực sự của tình yêu cụ thể giữa Thiên Chúa và dân Người, cho thấy ơn gọi bước vào niềm vui qua tình yêu có tính phổ quát và không thể ngăn cản. Nhiều người tin rằng Giáo Hội cần làm sống lại lời kêu gọi của mình nhằm đóng góp vào niềm vui của người trẻ một cách tự do và vô vị lợi (xem 2Cr 1:24).

Sức mạnh thể lý, dũng cảm tinh thần và can đảm chấp nhận rủi ro

77. «Vinh quang của người trẻ là sức mạnh của họ» (Châm ngôn 20:29). Tuổi trẻ có đặc điểm ở thái độ chủ động một cách tự nhiên đối với cuộc sống: thời gian năng lực vật lý tột đỉnh được kèm theo sự dũng cảm độc đáo trong việc đối đầu với các thách thức của đời sống và táo bạo bước theo các nẻo đường mới. Trong nhân vật Thánh Kinh Giosuê, phụ tá của Môsê từ thời niên thiếu, các đặc điểm này xuất hiện rõ ràng ngay khi ông được kêu gọi lãnh đạo dân Chúa để chinh phục Đất hứa. Nhiều lần ông được thúc giục «hãy mạnh mẽ và can đảm», cả bởi Môsê (Đnl 31: 7,23) lẫn bởi chính Thiên Chúa (Gs 1: 6,7,9). Giáo Hội mong muốn ngỏ cùng những lời lẽ này với mọi người trẻ sắp đối diện với các thách thức và rủi ro của đời sống, theo các chỉ dẫn của Thánh Tông Đồ Gioan: «Tôi viết thư cho anh em, hỡi những người trẻ tuổi, vì anh em mạnh mẽ, và lời của Thiên Chúa sống trong anh em, và anh em đã vượt thắng thần ác» (1Ga 2:14). Trong phần I, việc phân tích tình thế đã cho thấy người trẻ ngày nay rất dễ đánh mất sự dũng cảm và lòng can đảm vốn đặc trưng đối với giai đoạn này của đời sống, sa vào sợ hãi và nản chí. Chính Giáo hội cũng có nguy cơ mất đi sự hào hứng vốn phát sinh từ lời mình kêu gọi phải nắm lấy rủi ro của đức tin, do đó, đã thu mình vào các an toàn giả hiệu của thế gian. Cần phải phục hồi các động lực này.

Không chắc chắn, sợ hãi và hy vọng

78. Khi họ đối diện với cuộc sống, nhất là ngày nay và thời nay, người trẻ trải nghiệm sự ngẫu nhiên và phân mảnh của cuộc sống. Việc thiếu an toàn tạo ra sự không chắc chắn, việc có quá nhiều chọn lựa sẵn có cũng tạo ra sự lẫn lộn mơ hồ, trong khi sự hiện diện của thù hận và bạo lực khiến các thế hệ mới đầy sợ hãi, giảm thiểu lòng tin của họ đối với các tài nguyên của chính họ. Làm thế nào một người trẻ tuổi có thể là một tiên tri của hy vọng trong một thế giới nơi thối nát và bất công mặc sức tung hoành? Đó là tình huống y hệt như tình huống của tiên tri Giêrêmia, khi đối diện với lời kêu gọi trở thành tiên tri các dân nước, ông đã nhắc đến tuổi trẻ của mình với Chúa: «Ôi, Chúa ơi! Này, tôi không biết cách nói, vì tôi chỉ là một thiếu niên »(Giêrêmia 1: 6). Ông cảm thấy cần có Thiên Chúa ở gần ông, Đấng, mà qua ơn thánh của Người, sẽ đem niềm hy vọng đáng tin cậy vào cõi hiện sinh mong manh của ông.

Mặt khác, tuổi trẻ là tuổi mang theo sự thiếu kinh nghiệm và, do đó, sự sợ hãi hợp lý và sự không chắc chắn về cơ cấu khi đối diện với các nhiệm vụ lớn lao mà đời sống vốn dành cho ta. Mọi người trẻ đều khao khát sự đồng hành, hỗ trợ, thân mật, gần gũi. Giêrêmia chỉ thanh thản trở lại khi chính Thiên Chúa ngỏ các lời sau đây với ông: «Đừng sợ họ, vì Ta ở cùng ngươi và sẽ giải cứu ngươi” (Giêrêmia 1: 8). Do đó, nhiều người trẻ yêu cầu có được một Giáo Hội là mẹ và không bao giờ lãng quên họ (xem Is 49: 15-16).

Sa ngã, ăn năn và chào đón

79. Phát triển khả năng yêu thương vẫn là vẻ đẹp và nguy cơ của tuổi trẻ, bởi vì tình yêu, khi được theo đuổi và sống một cách hỗn loạn, có thể trở thành một đam mê bất kham và một lực phá hoại chỉ đem đến nỗi buồn. Sự ác và tội lỗi cũng có trong cuộc sống của người trẻ và lời họ yêu cầu được chào đón và tha thứ là một tiếng kêu mà chúng ta phải chú ý. Một trong những dụ ngôn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng, kể về câu chuyện của hai người con trai và là anh em, là dụ ngôn "người cha thương xót", nhưng ta cũng có thể gọi nó là "dụ ngôn của người cha ra ngoài hai lần" (xem Lc 15: 11-32): lần đầu tiên để chào đón đứa con trai thứ của mình sau thời gian bất cẩn và bất kham, và lần thứ hai để xin đứa con trai trưởng, người mà trái tim đã cứng đờ và tê liệt, trở vào trong nhà để ăn mừng và chia sẻ niềm vui của việc em trai mình trở về. Người Cha trong câu chuyện dụ ngôn này là khuôn mặt “người lớn” đích thực mà nhiều người trẻ đang tìm kiếm trong đời sống họ và, thật không may, họ không tìm thấy. Câu chuyện dụ ngôn này đề cập đến người cha can đảm, người đã để cho con cái mình trải nghiệm rủi ro của tự do, mà không áp đặt các ràng buộc làm tổn thương các chọn lựa của chúng. Ông là một người cha có trái tim lớn đến mức không loại trừ bất cứ ai và ông muốn tái hòa nhập mọi người trong gia đình ông cùng một lúc. Giáo Hội được kêu gọi đảm bảo rằng mọi người trẻ mình gặp gỡ trên đường mình đi đều có thể trải nghiệm được cùng các thái độ phụ mẫu này.

Việc sẵn sàng lắng nghe và nhu cầu đồng hành

80. Trong Tài Liệu Chuẩn Bị, các nhân vật Gioan và Maria mô tả hữu hiệu việc sẵn sàng lắng nghe và ước muốn bước vào con đường biện phân ơn gọi không thể hoàn thành trong một khoảnh khắc, nhưng trở thành một hành trình hiện sinh liên tục được đồng hành bởi sự hiện diện của Chúa Giêsu, là thầy, người mẫu và bạn bè của mọi người trẻ.

81. Trong số các lời kêu gọi trong Thánh Kinh ngỏ trực tiếp với người trẻ, chúng ta tìm thấy lời kêu gọi ngỏ với Samuen (xem 1Sm 3: 1-21). Ở đó, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng rằng thời trẻ là thời để lắng nghe, nhưng cũng là thời khi người ta không có khả năng tự mình hiểu được lời của đời sống và Lời của Thiên Chúa. So với người lớn, người trẻ thiếu kinh nghiệm: người lớn “nhờ thường xuyên tập luyện, đã tự rèn luyện mình trong việc phân biệt điều tốt với điều xấu” (Dt 5:14). Do đó, họ giả thiết phải làm gương sáng chủ yếu vì lương tâm chính trực của họ, một điều vốn xuất phát từ sự thực hành liên tục việc chọn lựa giữa điều thiện và điều ác. Việc đồng hành với các thế hệ trẻ không phải là một yếu tố nhiệm ý trong nhiệm vụ giáo dục và truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ, mà là một nhiệm vụ của giáo hội và là một quyền của mọi người trẻ. Chỉ có sự hiện diện thận trọng và khôn ngoan của Eli mới cho phép Samuen giải thích chính xác lời lẽ Thiên Chúa ngỏ với mình mà thôi. Về khía cạnh này, các ước mơ của người lớn và các lời tiên tri của người trẻ chỉ cùng nhau xảy ra mà thôi (xem Gioen 3: 1), do đó, đã xác nhận tính hợp lệ của các liên minh liên thế hệ.

Trưởng thành đức tin và hồng phúc biện phân

82. Trước hết và trên hết, đức tin là một hồng phúc được chào đón và sự trưởng thành của nó là con đường phải theo. Tất nhiên, trước tiên chúng ta phải nhắc lại rằng «làm một Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ một biến cố, một con người, một cuộc gặp gỡ mang lại cho đời sống một chân trời mới mẻ và một hướng đi dứt khoát» (DC 1; EG 7). Cuộc gặp gỡ này tạo ra một kinh nghiệm thay đổi cuộc sống, điều hướng nó theo lối đối thoại và trách nhiệm. Khi họ lớn lên, mọi người trẻ đều nhận ra rằng đời sống lớn hơn họ, và họ không kiểm soát được mọi điều trong cuộc hiện sinh của họ; họ nhận ra họ có thế nào là nhờ sự quan tâm chăm sóc nhận được từ những người khác, trước hết là cha mẹ họ. Họ trở nên xác tín rằng, muốn sống tốt, họ phải lãnh trách nhiệm vì người khác, tái tạo các thái độ chăm sóc và phục vụ từng giúp họ phát triển. Trên hết, họ được mời gọi xin cho được ơn biện phân, vốn không phải là một kỹ năng mà ta có thể tự sức mình phát triển được, nhưng chủ yếu là một hồng phúc mà chúng ta phải tiếp nhận, thực hành cách cẩn trọng và phát triển cách khôn ngoan. Và người trẻ nào nhận được hồng phúc biện phân này và biết cách làm cho nó sinh hoa trái, là một phước lành đối với những người trẻ khác và đối với mọi người.

83. Vua trẻ Solomon, khi được mời xin Thiên Chúa điều ông muốn cho vai trò quyết định của mình, đã xin được «một trái tim hiểu biết» (1V 3: 9). Và Thiên Chúa lập tức đánh giá cao lời cầu xin này: «Bởi vì ngươi đã xin cho chính ngươi sự hiểu biết để biện phân điều đúng, này, giờ đây, Ta làm theo lời xin của ngươi» (1V 3: 11-12).

Mọi người trẻ đều thực sự là “những người cai trị” chính cuộc sống của họ cách nào đó, nhưng họ cần được giúp đỡ để biết xin ơn biện phân và được đồng hành để đạt tới sự toàn vẹn của việc hiến mình. Câu chuyện nữ hoàng trẻ Esther soi sáng ta về khía cạnh này: được đồng hành và hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của dân (xem Et 4:16), bà đã từ bỏ các đặc ân của mình và can đảm liều chết để cứu dân, chứng tỏ cho mọi người thấy sự dũng cảm trẻ trung và sự tận tụy nữ tính đã có thể tiến xa đến mức nào.

Kế hoạch đời sống và các động lực ơn gọi

84. Trong thời kỳ trẻ trung, việc xây dựng bản sắc đã được hình thành. Thời ta, một thời được đánh dấu bằng tính phức tạp, phân mảnh và không chắc chắn về tương lai, việc thiết lập được một kế hoạch cho đời sống là một điều khó khăn, nếu không nói là không thể. Trong tình huống khủng hoảng này, sự đóng góp của Giáo Hội thường nhằm hỗ trợ các dự án sống tốt đẹp. Trong những trường hợp may mắn hơn, và ở bất cứ nơi nào người trẻ dễ tiếp thu hơn, loại chăm sóc mục vụ này giúp họ một cách hữu hiệu trong việc khám phá ra ơn gọi của họ, một điều, xét cho cùng, vẫn là một thuật ngữ chỉ có thể áp dụng cho một ít cá nhân may mắn và là một lý tưởng nói lên mục đích phải đạt tới. Nhưng cách thực hành sự việc kiểu này há không có nguy cơ giảm thiểu và xâm hại sự thật trọn vẹn của thuật ngữ “ơn gọi” đó ư?
Về phương diện này, điều hữu ích là nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và chàng thanh niên giàu có (xem Mt 19: 16-22; Mc 10: 17-22; Lc 10: 25-28). Ở đó, ta thấy Vị Thầy thành Nadarét không ủng hộ kế hoạch sống của chàng thanh niên, mà Người cũng không đề nghị cách để đạt được kế hoạch này; Người không đề nghị thêm các cam kết, cũng như Người không muốn lấp đầy sự trống rỗng của chàng thanh niên, khi anh ta hỏi Người: «Tôi còn thiếu điều gì?»; ít nhất, Người không muốn lấp đầy sự trống rỗng này bằng cách ủng hộ ý nghĩ của chàng thanh niên về tương lai của anh. Chúa Giêsu không lấp đầy sự trống rỗng của anh, nhưng thay vào đó yêu cầu chàng thanh niên tự làm rỗng mình để dành chỗ cho một tầm nhìn mới hướng tới việc tự hiến mình qua một cách tiếp cận mới với cuộc sống, phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Người, Đấng vốn là “đường, sự thật và sự sống »(Ga 14: 6). Bằng cách này, qua một việc mất phương hướng thực sự, Chúa Giêsu yêu cầu chàng thanh niên lên khuôn lại toàn bộ cuộc sống của anh. Đây là lời mời gọi nhận lãnh rủi ro, mất đi những gì đã kiếm được, để tin tưởng. Đây quả là một cuộc khiêu khích nhằm phá bỏ lối tư duy lập kế hoạch mà nếu đi đến chỗ cực đoan sẽ dẫn đến thái độ tự yêu mình thái quá và tự rút lui vào chính mình. Chúa Giêsu mời chàng thanh niên bước vào kiểu tư duy của đức tin, một kiểu tư duy thách thức cuộc sống của anh một khi anh bước chân theo Chúa Kitô, bằng ánh mắt yêu thương mãnh liệt đi trước và đồng hành: «Chúa Giêsu nhìn anh ta và yêu anh ta. Người nói "Anh còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết mọi thứ anh hiện có và cho người nghèo, và anh sẽ có một kho báu ở trên trời. Sau đó, hãy đến, theo tôi» (Mc 10:21).

Kỳ sau: Chương Hai: Ơn gọi trong ánh sáng đức tin
 
Kinh Truyền Tin với ĐTC ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Đồng Nhân
11:00 15/08/2018
Lúc 12:00g trưa hôm nay ngày 15/8, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ Dinh tông tòa đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh, ĐTC đã huấn dụ như sau:

Chào toàn thể anh chị em thân mến,

Trong ngày trọng đại kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, những người con trung tín thánh thiện của Thiên Chúa vui mừng diễn tả sự tôn kính của mình đối với Đức Trinh Nữ, Mẹ chúng ta. Phụng vụ nhắc nhớ lời tiên tri của Mẹ Maria trở thành sự thật: "Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc" (Lc 1,48). Bởi vì Chúa đã nâng tôi tớ khiêm cung lên cao. Sự lên trời cả hồn lẫn xác là một đặc ân của Thiên Chúa dành cho Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Vì khởi đầu với biến cố Truyền Tin và xuyên xuất trong suốt cuộc đời, Mẹ Maria đã tham phần của mình trong mầu nhiệm của Chúa Con. Mẹ Maria luôn đi với Con mình: Mẹ đi theo Chúa Giê Su và vì thế chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria là đệ tử đầu tiên của Chúa Giê Su.

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm này: nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu độ cả con người, tức cả linh hồn lẫn thân xác. Chúa Giê su đã sống lại với thân thể mà Ngài đã nhận từ Đức Maria; và Ngài lên trời cùng Chúa Cha qua nhân tính biến hình của mình. Với thân xác, như là thân xác giống như chúng ta, nhưng đã được biến hình. Đức Maria lên trời cho chúng ta niềm xác tín rằng số phận của chúng ta rồi cũng được vinh quang như vậy.

Các nhà triết học Hy Lạp đã hiểu rằng linh hồn của con người rồi sẽ được hưởng hạnh phúc sau khi chết. Tuy nhiên, họ coi thường thân thể - coi là nhà tù của linh hồn - và không nhận thức được rằng Thiên Chúa đã sắp xếp cho thân thể con người được hiệp nhất với linh hồn trong phúc lạc trên trời. Thân xác được biến hình của chúng ta cũng sẽ ở đó. Niềm tin rằng “xác sẽ sống lại” là yếu tố được mạc khải riêng trong Kitô giáo, là nòng cốt của Đức Tin chúng ta.

Chúng ta cầu nguyện cùng với lời cầu bầu từ mẫu Mẹ Maria, xin giúp chúng ta sống cuộc hành trình hàng ngày trong niềm hy vọng tích cực để một ngày nào đó có thể được cùng với tất cả các thánh và những người thân yêu của chúng ta sống bất diệt trên thiên đàng.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa thánh cho toàn thề mọi người.
 
Đức Hồng Y Wuerl, bị nêu tên trong báo cáo Bồi thẩm đoàn về 300 Linh mục lạm dụng tình dục TB Pennsylvania từ 1949 đến nay, lên tiếng trả lời.
Trần Mạnh Trác
12:09 15/08/2018
Washington DC, 14 tháng 8 năm 2018 ( CNA ) .- Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng giám mục Washington, DC, và cựu Giám mục Pittsburgh, đã bị nêu tên hơn 200 lần trong báo cáo cuả bồi thẩm đoàn Pennsylvania, ngày 14 tháng 8 năm 2018.

Mặc dù có những ngô nhận về Ngài trong bản báo cáo và cố vấn pháp lý của Đức Hồng Y đã thông báo cho Văn phòng tổng chưởng lý Pennsylvania về lỗi này trước khi bản báo cáo phát hành, vị tổng chưởng lý và phó chưởng lý đã từ chối thừa nhận sai lầm và từ chối thực hiện bất kỳ một bước nào để sửa sai hay tránh né những cụm từ khích động đầy kịch tính về ngài.

Đức Hồng Y đã công bố một tuyên bố để đáp ứng với bản báo cáo, nhấn mạnh việc Giáo Hội luôn luôn kết án nặng nề những lạm dụng tình dục và thực sự sự ăn năn cho những thất bại trong quá khứ.

“Như tôi đã rất rõ ràng trong suốt hơn 30 năm làm giám mục, việc lạm dụng tình dục trẻ em bởi một số tín hữu cuả Giáo hội là một bi kịch khủng khiếp, và Giáo hội không bao giờ có thể bày tỏ cho đủ nỗi buồn và sự ăn năn của chúng tôi, và về những sự đáp ứng không kịp thời và không rốt ráo, ”Đức Hồng Y nói.

Tổng cộng, có 99 linh mục cuả Pittsburgh đã bị nêu tên trong báo cáo, trong đó có 32 linh mục được bồi thẩm đoàn tham chiếu là đã thuộc về thời gian trách nhiệm của Đức Hồng Y Wuerl, tổng cộng là 18 năm từ 1988 cho đến 2006. Trong số 32 trường hợp phải giải quyết này, 19 trường hợp là mới.

Trong 19 trường hợp phát sinh trong thời gian ĐHY Wuerl làm giám mục, 18 trường hợp đã bị bãi nhiệm ngay lập tức. Những trường hợp khác là việc ĐHY Wuerl giải quyết tại Pittsburgh những cáo buộc phát sinh từ thời của vị tiền nhiệm, Hồng Y Anthony Bevilacqua.

Số những trường hợp ‘thừa kế từ thời của Đức Hồng Y Bevilacqua’ là những trường hợp bị chỉ trích nghiêm ngặt nhất của bản báo cáo.

Trong một trường hợp, một linh mục đã rời Giáo phận Pittsburgh năm 1966 sau khi có tiếng đồn thổi. Vị LM đó được phép tìm kiếm chức vụ khác trong các giáo phận ở California và Nevada. Bản báo cáo cho biết ĐHY Wuerl đã cho phép ông ta chuyển từ Los Angeles đến giáo phận Reno-Las Vegas vào năm 1991, nhưng những nguồn tin quen thuộc với vụ kiện ở Pittsburgh nói rằng ĐHY Wuerl không hề biết là đã có cáo buộc nào vào năm 1966.

Sau đó có một cáo buộc mới vào năm 1994, liên quan đến các hành động trong quá khứ của vị linh mục nói trên, lúc đó ĐHY Wuerl lập tức thông báo cho các giáo phận về nơi mà vị linh mục đang cư trú.

Trong một trường hợp khác cũng được nhấn mạnh bởi báo cáo, ĐGH Wuerl đã giải quyết một vụ lạm dụng trong những tuần đầu làm giám mục Pittsburgh năm 1988. Nạn nhân đã nhận tổng cộng 900.000 đô la và ký một thỏa thuận bảo mật - các thỏa thuận như vậy là phổ biến trong các vụ tranh cãi, nhưng bị bồi thẩm đoàn chỉ trích nặng nề, coi như là một phương thế để bịt miệng nạn nhân.

Trong khi thừa nhận rằng bản báo cáo có những lời chỉ trích về thời gian trách nhiệm của mình ở Pittsburgh, ĐHY Wuerl lên tiếng bảo vệ những xử lý cuả mình về các cáo buộc lạm dụng tình dục.

“Trong khi tôi hiểu báo cáo này có những chỉ trích về những hành động quan trọng của tôi, tôi tin rằng bản báo cáo cũng đã xác nhận rằng tôi đã hành động một cách tích cực, quan tâm đến các nạn nhân và ngăn chặn các hành vi lạm dụng về tương lai. Tôi chân thành hy vọng rằng sẽ có một đánh giá công bằng về những hành động của tôi, quá khứ và hiện tại, và việc tôi cam kết tiếp tục bảo vệ trẻ em sẽ xua tan bất kỳ khái niệm nào khác được đưa ra bởi báo cáo này. ”

Bản báo cáo chỉ trích một cách cụ thể rằng DHY Wuerl đã hỗ trợ tài chính cho các linh mục bị cách chức, mặc dù việc cung cấp sự hỗ trợ đó là một nghĩa vụ cuả Giáo Luật. Các giáo phận có nghĩa vụ phải tiếp tục cung cấp phúc lợi và hỗ trợ tối thiểu cho các linh mục.

Những người thân cận với Đức Hồng Y cũng chỉ ra rằng báo cáo cuả bồi thẩm đoàn không phân biệt một sự cáo buộc là khác với một vụ lạm dụng được chứng minh, báo cáo cho rằng bất kỳ một vị linh mục nào bị tố cáo lạm dụng phải bị loại bỏ vĩnh viễn, cho dù tố cáo đó được chứng minh hay không. Giả định đó, theo họ, không phù hợp với các tiêu chuẩn Giáo Luật về chủ đề này.

Là vị giám mục cao cấp nhất bị nêu tên trong báo cáo, và đã đứng đầu một giáo phận nổi bật như Pittsburgh, người ta cho rằng ĐHY Wuerl bị nhắm bắn một cách đặc biệt bởi vị tổng chưởng lý, Josh Shapiro.

Lời cáo buộc bắt mắt nhất chống lại ĐHY Wuerl trong hơn 1.000 trang cuả bản báo cáo là việc có một cụm từ được viết ra là “Thuộc về Việc Kín” (“circle of secrecy.”.) Những từ này, theo bản báo cáo, “là những lời phê của chính ĐHY về việc lạm dụng tình dục trẻ em. Lời cáo buộc này bị cả giáo phận Pittsburgh và ĐHY từ chối kịch liệt.

Trong câu trả lời chính thức được đưa ra, Giáo phận Pittsburgh nói rằng cụm từ "Thuộc về Việc Kín" xuất hiện trong các giấy tờ khi một linh mục nộp đơn xin được hồi chức, và nó được sử dụng để đòi hỏi phải tìm hiểu rõ ràng xem rằng có còn "chuyện kín nào" về các vấn đề quá khứ của linh mục ấy không. Giáo phận cũng nói rằng những dòng chữ viết bằng tay ở trên không nhất thiết là cuả ĐHY Wuerl.

Ông Ed McFadden, phát ngôn viên của Đức Hồng Y, nói rằng “những chữ viết tay không phải là của ĐHY Wuerl như các tác giả của bản báo cáo đã nhầm lẫn. Thật vậy, Đức Hồng Y cũng xác nhận những chữ viết tay đó không phải là của ngài, và xác nhận ngài đã không viết và cũng không sử dụng cụm từ ấy trong khi làm Giám mục Pittsburgh.

Khi cố vấn pháp lý của Hồng Y thông báo cho Văn phòng Tổng chưởng lý Pennsylvania về lỗi này - trước khi phát hành báo cáo - Tổng chưởng lý và Phó chưởng lý cấp cao của ông từ chối thừa nhận sai lầm và từ chối thực hiện bất kỳ bước nào để sửa lại việc sử dụng đầy kịch tính và giải thích sai lầm cụm từ trong báo cáo. ”

Ông McFadden gọi sự sai lầm của bản báo cáo về cụm từ là “một ví dụ điển hình, cho nhiều sai lầm lớn và nhỏ, là văn phòng tổng chưởng lý đã quan tâm nhiều đến việc có thể phát hành bản báo cáo này hơn là làm đúng. Một sự tập trung như vậy làm giảm đi những mục tiêu chung về bảo vệ và chữa lành. ”

(còn tiếp)
 
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sập cầu ở Ý.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:55 15/08/2018


(Tin Vatican) Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ĐGH Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sập chiếc cầu Mornadi, cao 45 mét tại thành phố cảng Genoa, miền bắc nước Ý vào sáng thứ Ba làm cho ít nhất 39 người bị chết trong thảm họa này. Các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương nói rằng thành phố bị thương tích nhưng không bị phá vỡ.

Trong buổi đọc kinh, ĐGH Phanxicô đã cầu nguyện “ Xin Mẹ thiên quốc của chúng con an ủi, nâng đỡ và ban bình an cho tất cả”, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi vụ sập cầu này. Ngài cũng phó thác tất cả nạn nhân vào “lòng thương xót của Thiên Chúa.”

ĐGH nói rằng “Cha muốn bày tỏ sự gần gũi tinh thần của cha với tất cả các gia đình, những người bị thương, những người phải di dời và tất cả những ai chịu đau khổ do hậu quả của thảm kịch này.” Ngài cũng kêu gọi mọi người hãy hiệp ý với ngài để cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng và hướng dẫn những người hiện diện đọc kinh Kính mừng.

Chuyện gì đã xảy ra?



Chiếc cầu Morandi ở thành phố cảng Genoa đã bị sập vào sáng thứ Ba trong một trận mưa lớn.

Một đoạn cầu xa lộ dài 80 mét được xây dựng vào năm 1967 đã bị tan nát đổ xuống trên một dòng sông, các đường rầy xe lửa và các tòa nhà công nghiệp. Có khoảng 35 chiếc xe hơi đang chạy trên cầu khi nó bị sập. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một chiếc xe tải màu xanh lá cây đã dừng lại chỉ vài mét bên lỗ hổng bị sập.

Đội cứu khẩn cấp nói rằng họ đã cố gắng giải cứu giống như giải cứu một trận động đất, di dời những đống đổ nát hết sức cẩn thận để tìm người sống sót. Hằng trăm người ở vùng này đã phải di tản khỏi nhà.

Lời cầu tha thiết lên Nữ Vương của chúng ta.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục của Genoa nói rằng “thành phố bị thương nhưng không bị phá vỡ. Tôi tin chắc rằng thành phố sẽ cùng nhau vực dậy và nhìn về phía trước với lòng can đảm tuyệt vời như đã từng xảy ra trong quá khứ.”

ĐHY nói rằng các giáo xứ địa phương đã mở cửa vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời để giúp các tín hữu đến cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Ngài nói “Tôi mời gọi tất cả các giáo xứ ở thành phố Genoa hãy dâng lời cầu nguyện lên Nữ Vương của chúng ta, phó thác cho Mẹ những nạn nhân, những người bị thương, gia đình của họ và cả thành phố này.”

.
Source: Vatican News Pope Francis prays for victims of bridge collapse in Italy
 
Các phản ứng quanh việc sửa giáo lý về án tử hình
Vũ Văn An
22:29 15/08/2018
Tính đa nguyên ngày nay khiến bất cứ động thái nào của Tòa Thánh nói chung và của Đức Phanxicô nói riêng cũng thu hút được những phản ứng khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Quyết định gần đây sửa lại nội dung đoạn 2267 trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng không tránh khỏi ý kiến khác nhau này.



Người ủng hộ

Theo Catholic News Service (3 tháng 8), những người chống đối án tử hình hết lòng ca ngợi việc duyệt lại Sách Giáo Lý của Đức Phanxicô. Nữ tu Helen Prejean, Dòng Thánh Giuse ở Medaville, người từ lâu vốn chống án tử hình, phát biểu rằng “tôi hết sức hân hoan và hết lòng cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trám lỗ hổng còn lại cuối cùng trong giáo huấn xã hội Công Giáo về án tử hình”.

Krisanne Vaillancourt Murphy, giám đốc điều hành Hệ Thống Vận Động Công Giáo ở Washington, một nhóm chuyên vận động cho việc chấm dứt án tử hình, gọi tin tức này là “giờ phút chủ yếu về giáo huấn đối với Giáo Hội Công Giáo". Cả hai nhân vật này cùng nhấn mạnh đến tính rõ ràng trong lời công bố của Đức Phanxicô. Nữ tu Prejean cho rằng Giáo Hội Công Giáo “vốn chống đối án tử hình từ lâu, nhưng cho tới lúc này, ngôn từ sử dụng để nói đến vấn đề này luôn lưỡng nghĩa” khiến nhiều người vẫn có cớ để nói “việc xử tử là việc hợp luân”.

Với bà, ngôn từ mới của Sách Giáo Lý hết sức minh bạch, rõ ràng tuyên bố rằng án tử hình “tấn công tính bất khả xâm phạm và phẩm giá con người”. Tuyệt đối không có ngoại lệ.

Vaillancourt Murphy thì cho hay các vị giám mục Công Giáo tại quốc gia nào vẫn duy trì án tử hình phải vận động để chấm dứt nó. Bà cho rằng việc duyệt xét sách giáo lý “làm sáng tỏ thêm bất cứ sự mơ hồ còn tồn đọng nào về giáo huấn của Giáo Hội chống lại án tử hình và củng cố quyết tâm hoàn cầu trong việc chấm dứt thực hành này”.

Nữ Tu Prajean, tác giả cuốn sách đã thành truyện phim Dead Man Walking, cho rằng giáo huấn của Đức Phanxicô xây dựng trên giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, người từng nói đến phẩm giá kẻ phạm tội và mô tả việc xử tử là dã man và không cần thiết. Theo bà, “khởi điểm luân lý của vấn đề này trong ngữ cảnh Công Giáo là vấn đề tự vệ và phẩm giá không thể bị vi phạm của mọi con người nhân bản”. Bà nhấn mạnh “không có gì đáng kính trong việc biến một con người thành không tự vệ, cột họ vào chiếc băng ca và giết họ”.

Nay, theo bà, “các kiến tạo địa tầng học (tectonic plates) luân lý đã chuyển biến...Chính bản chất của hành vi xử tử một con người không còn được biện minh nữa”.

Nữ tu cho rằng, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là vấn đề ngôn từ. Nó phải được tiếp diễn bằng hành động. “Đã đến lúc vĩnh viễn bãi bỏ việc giết người được nhà nước bảo trợ”.

Về vấn đề trên, Vaillancourt Murphy cho hay riêng tại Hoa Kỳ, 31 tiểu bang vẫn còn án tử hình. Hơn 2,800 người đang chờ bị xử tử và trong các tháng còn lại của năm 2018, sẽ có 14 vụ hành quyết nữa. Theo bà, “Án tử hình vĩnh viễn hóa vòng bạo lực và nhắm một cách bất tương xứng vào các phần dân số vốn bị cho ra rìa, nhất là ngưới da mầu, những người sống trong nghèo khó và bệnh tâm thần”.

Cho phép sự thật của đức tin giải đáp các vấn nạn của mọi thế hệ

Trong số những người hết lòng ca ngợi, dĩ nhiên có vị Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella. Trong một bài báo đăng ngày 3 tháng Tám trên tờ L’Osservatore Romano, vị này nhận định rằng gìn giữ kho tàng đức tin không có nghĩa là ướp xác nó mà là làm cho nó phù hợp hơn với bản chất của nó và cho phép sự thật của đức tin có khả năng giải đáp các nan đề của mọi thế hệ.

Đức Đức Tổng Giám Mục cho rằng truyền thống Công Giáo liên tục nhấn mạnh đến việc giúp mọi người cơ hội trở lại, thống hối, và bắt đầu cuộc sống mới. “Chủ trương ân xá và cứu chuộc là thách đố mà Giáo Hội vốn được kêu gọi thực hiện như một cam kết đối với tân phúc âm hóa”.

Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp

Tuy nhiên, tác giả Ed Condon, trong bài “Pope Francis and the death penalty: a change in doctrine or circumstances?”, cho hay: một số nhà thần học lên tiếng về một số câu hỏi chưa được giải đáp liên quan đến ý nghĩa thực sự trong thay đổi của Đức Phanxicô về án tử hình.

Họ nêu câu hỏi phải chăng, như lời Đức Hồng Y Ladaria nhận định, các thay đổi của Đức Phanxicô là ‘một khai triển tín lý” trong liên tục tính với giáo huấn quá khứ, hay Giáo Hội đã thay đổi trong yếu tính tâm tư mình đối với án tử hình.

Cha Thomas Petri, O.P., một nhà thần học luân lý và là Phó Chủ Tịch và Khoa Trưởng Giáo Hoàng Phân Khoa Vô Nhiễm thuộc Viện Nghiên Cứu Đa Minh ở Washington, D.C., cho rằng “đây thực sự là lần thứ hai đoạn đặc thù này đã được tái duyệt trong Sách Giáo Lý. Lần đầu là năm 1997, khi ấn bản thứ hai Sách Giáo Lý được tái duyệt, cho phù hợp với giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Evangelium vitae (Tin Mừng Sự Sống)”.

Cha Petri cho rằng quả thực các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đều kết án thực hành tử hình ở Tây Phương. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II đã đưa vào Sách Giáo Lý một phán đoán dựa vào khôn ngoan thực tiễn (prudential judgment) với một minh xác cho rằng các hoàn cảnh cho phép án tử hình rất hiếm nếu không muốn nói là không có.

Cha cho rằng trong sự thay đổi lần này, Đức Phanxicô đã “tuyệt đối hóa hơn nữa kết luận mục vụ của Đức Gioan Phaolô II”. Tuy nhiên, chìa khóa để hiểu giáo huấn của Giáo Hội về án tử hình là các mục đích bổ túc cho nhau của hình phạt hợp pháp; công lý phục hồi hay trừng phạt đối với phạm nhân, và việc bảo vệ xã hội chống lại các vi phạm trong tương lai. Theo cha, với các thay đổi vừa rồi, nhiều người thắc mắc không biết các mục đích này sẽ tương tác ra sao.

Một số nhà thần học lý luận rằng nhu cầu áp đặt một hình phạt công bình lên những người phạm các tội ác rất trầm trọng là lý do đủ đối với án tử hình; họ cho rằng trong quá khứ, Giáo Hội vốn minh nhiên ủng hộ ý tưởng này.

Tiến sĩ Kevin Miller, Phụ Tá Giáo Sư Thần Học tại Đại Học Dòng Phanxicô ở Steubenville, Ohio, cho hay cuộc tranh luận không mới mẻ gì, nó đã có từ lâu, nhưng căn cứ vào Thánh Kinh và Huấn Quyền, khó có một quyết định dứt khoát về vấn đề này.

Nhưng xem ra, quyết định của Đức Phanxicô có tính dứt khoát. Ít nhất thì đây là nhận định của Tiến Sĩ Edward Feser ngày 3 tháng Tám trên tờ First Things.Tác giả này viết “Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn Sách Giáo Lý dạy rằng hình phạt tử hình không bao giờ nên được sử dụng (chứ không phải “rất hiếm” được sử dụng), và ngài biện minh sự thay đổi này không dựa trên các cơ sở khôn ngoan thực tế, mà “để phản ảnh tốt hơn việc khải triển tín lý liên quan đếm điểm này”.

Cha Petri cho rằng chủ trương trên gây rắc rối trong tình thế hiện nay. Cha nói “Việc dẫn nhập ý niệm khai triển tín lý hơi làm mờ nhạt sự việc, vì không rõ lắm tín lý nào được khai triển. Phải chăng là tín lý về việc trừng phạt công bằng và sự kiện mục đính đệ nhất đẳng của trừng phạt là sửa sai để phục vụ ích chung? Điều này vẫn còn được nhấn mạnh trong đoạn trước của Sách Giáo Lý, tức số 2266. Hay là học lý về thẩm quyền nhà nước trong việc bảo vệ ích chung và các công dân của mình là điều được khai triển?”

Cha Petri nghĩ rằng thay vì thay đổi một giáo huấn đặc thù của Giáo Hội, Đức Phanxicô chỉ sắp xếp lại các giáo huấn vốn bổ túc cho nhau. Cha nói: “Tôi dám nói rằng điều diễn ra ở đây là sự cân bằng khác trong mối liên hệ của các tín lý chứ không hẳn khai triển tín lý: tín lý về thẩm quyền nhà nước, tín lý về trừng phạt, tín lý về phẩm giá con người và tín lý về lòng thương xót... Trong mối liên hệ này, Đức Phanxicô đặt lòng thương xót và nhẫn nại thành nguyên tắc điều hướng.

Tiến sĩ Miller đồng ý như thế. Ông cho rằng Đức Phanxicô không luôn luôn phát biểu các giáo huấn của ngài một cách minh bạch hoàn toàn như một nhà thần học khoa bảng. “Ít nhất thì điều này cũng tạo nên các tình huống dễ giải thích sai, điều mà chúng ta đang thấy ở đây. Sự mơ hồ này không cần thiết, và gây hại cho người thiện chí”.

Cả tiến sĩ Miller lẫn Cha Petri đều cho rằng tài liệu mới không coi án tử hình là “điều tuyệt đối sai”. So với các tuyên bố bộc phát năm ngoái, thì ngôn từ của Đức Phanxicô lúc này nghiêng nhiều về phiá phán đoán khôn ngoan thực tế cho rằng án tử hình không còn cần thiết nữa nên “không thể chấp nhận được”, dù nhiều điều cần phải làm để có thể cho rằng người Công Giáo vẫn phải thi hành phán đoán này trong các hoàn cảnh chuyên biệt.

Về nhận định trên, Cha Petri cho rằng “không có điều gì trong cách phát biểu mới đối với đoạn 2267 cho thấy án tử hình là điều xấu từ trong nội tại. Thực thế, không điều gì hàm ý điều đó vì nó mâu thuẫn với giáo huấn không thay đổi của Giáo Hội”.

Nhưng theo Edward Feser, nói rằng án tử hình trái với “tính bất khả xâm phạm và phẩm giá con người” là ngầm chứng tỏ rằng thực hành này, từ trong nội tại, mâu thuẫn với luật tự nhiên. Và nói, như Đức Phanxicô, rằng “ánh sáng Tin Mừng” loại bỏ án tử hình là có ý nói rằng nó mâu thuẫn từ trong nội tại với nền luân lý Kitô Giáo”.

Cha Petri cũng cho rằng tại phần lớn các nước, án tử hình có thể không cần thiết trong việc bảo vệ xã hội, nhưng điều này không đúng một cách phổ quát. Cho nên, cách phát biểu nó cần phản ảnh điều này.

Chính lá thư của Đức Hồng Y Ladaria cũng hàm nghĩa điều trên khi cho rằng việc loại bỏ án tử hình tùy thuộc các thay đổi trong hoàn cảnh xã hội.

Lá thư viết: “Việc diễn đạt mới đoạn số 2267 của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo muốn tạo sinh lực cho một phong trào cương quyết dấn thân ủng hộ não trạng biết nhìn nhận phẩm giá của mọi sự sống nhân bản và, trong đối thoại tương kính với các nhà cầm quyền dân sự, cương quyết khuyến khích việc tạo ra các điều kiện làm dễ việc loại bỏ án tử hình ở những nơi nó vẫn còn hiệu lực”.

Hoàn cảnh thay đổi



Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Washington D.C. cũng tin: đây không hẳn là một thay đổi về tín lý, mà chỉ là một thay đổi về hoàn cảnh: hoàn cảnh ngày xưa biện minh cho án tử hình, hoàn cảnh hiện nay cho thấy án tử hình không cần thiết nữa. Lời lẽ mới không hàm nghĩa một thay đổi về tín lý, không nói tín lý trước đây là sai lầm. Nhưng còn hạn từ “không thể chấp nhận được” áp dụng vào án tử hình thì sao? Há nó không có nghĩa: án tử hình xấu trong nội tại hay sao? Đức Ông Pope cho rằng không hẳn thế, “không thể chấp nhận được” phải được đọc trong đồng văn “vì hoàn cảnh đã thay đổi” chứ không phải “vì nó xấu trong nội tại” là điều định nghĩa mới không minh nhiên quả quyết.

Tín lý truyền thống: Án tử hình không sai trong nguyên tắc nhưng không cần thiết

Patrick Lee, giáo sư đạo đức sinh học tại Đại Học Phanxicô ở Steubenville, thì cho rằng cả hai phản ứng bảo thủ và cấp tiến trước việc thay đổi Sách Giáo Lý về án tử hình để nói rằng án này “không thể chấp nhận được” đều sai. Phe bảo thủ cho rằng việc thay đồi này chỉ gây thêm hỗn độn, mù mờ. Phe cấp tiến thì coi đây là bước đầu sẽ dẫn tới các thay đổi khác như ly dị và đạo đức tính dục.

Thực ra, việc thay đổi chỉ đảo ngược các giáo huấn không có tính định tín (nondefinitive) trước đây mà thôi. Trong khi các thay đổi về ly dị và luân lý tính dục có tính định tín. Thực vậy, có hai thứ giáo huấn Công Giáo, một thứ được định tín (defined) và được giảng dậy một định tín (definitively), một thứ không được giảng dậy một cách phổ quát hay một cách định tín. Thứ đầu không thể thay đổi; thứ sau có thể thay đổi. Thứ đầu được Giáo Hội như một toàn thể, Nhiệm Thể Chúa Kitô, giảng dậy và do đó, không sai lầm; thứ sau được các cá nhân giảng dậy bên trong Giáo Hội, nhưng không phải Giáo Hội như một toàn thể. Thí dụ cho thứ đầu là các tín điều như Thiên Chúa Ba Ngôi, Phép Thánh Thể. Thí dụ cho thứ sau là các giáo huấn về đạo đức sinh học như thụ thai trong ống nghiệm...

Giáo huấn của một số vị giáo hoàng quả thực đã thay đổi, như một số giáo huấn về tự do tôn giáo (Hai Đức Piô IX và Lêô XIII cho rằng một nhà nước Công Giáo có quyền ngăn cấm việc phổ biến các niềm tin sai lạc; Vatican II đã đảo ngược giáo huấn này) và về chiến tranh chính nghĩa (các vị giáo hoàng thế kỷ 20 giới hạn chính nghĩa vào chuyện phòng ngự mà thôi, loại bỏ chiến tranh báo thù [retributive war]).

Trong khi sự thay đổi hiện nay rút tỉa từ giáo huấn mặc nhiên trước đây. Đức Gioan Phaolô II từng dạy trong Tin Mừng Sự Sống rằng “ngay kẻ sát nhân cũng không đánh mất phẩm giá bản thân của họ, và Thiên Chúa đoan hứa bảo đảm phẩm giá này” (9).

Điều trên xem ra mâu thuẫn với luận điểm của Thánh Tôma Aquinô, vị thánh vốn cho rằng bạn có thể hy sinh một phần thân thể cho lợi ích của toàn thể thân thể (cắt bỏ chẳng hạn) thế nào, thì bạn cũng có thể hy sinh một phạm nhân cho lợi ích của toàn thể cộng đồng như thế, vì mỗi người đều là một phần của toàn thể cộng đồng.

Tuy nhiên, người ta không phải chỉ là một phần của nhà nước, mà là sự thiện ngay trong chính họ. Bởi thế, chính Thánh Tôma đã đặt cho ngài luận bác sau đây: giết một chủ thể có nhân phẩm, tự nó, là điều xấu, xấu trong nội tại, do đó, giết một phạm nhân là điều sai về luân lý, vì mục đích không biện minh được phương tiện và phạm nhân là chủ thể có nhân phẩm.

Rồi chính Thánh Tôma đã trả lời luận bác trên: ngài không nói mục đích biện minh cho phương tiện, nhưng cho rằng phạm nhân đã đánh mất nhân phẩm vì gốc rễ của nhân phẩm là lý trí và phạm nhân đã đi trệch ra ngoài trật tự của lý trí và rơi xuống hàng thú vật.

Như thế việc thay đổi lần này quả minh nhiên mâu thuẫn với luận điểm của Thánh Tôma. Tuy nhiên luận bác của Thánh Tôma phần nào cho thấy điểm khó khăn của án tử hình, nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi nhân phẩm được nhìn cách khác, tích cực hơn.

Thực ra, phạm nhân có thực sự mất hết nhân phẩm không? Ngay thời Thánh Tôma, ta vẫn gửi một linh mục đến với phạm nhân nếu được yêu cầu và ta vẫn chủ trương không được hành hạ, tra tấn phạm nhân. Nếu họ mất nhân phẩm, sao lại có hai biện pháp này?

Đàng khác, nếu được phép giết phạm nhân, thì tại sao lại không được hành hạ, tra tấn họ, vì dù sao, tra tấn vẫn nhẹ hơn giết người? Về khía cạnh này, cần nhớ: Vatican II liệt kê tra tấn vào loại xấu từ trong nội tại!

Bỏ ra ngoài các luận điểm trên, dựa vào Tin Mừng thì khó mà giết người được: yêu người như yêu chính mình. Yêu người là muốn điều thực sự tốt cho người. Điều thực sự tốt cho 1 người chắc chắn là mạng sống họ. Thành thử khi cho rằng án tử hình là điều không thể chấp nhận được, Đức Phanxicô chỉ tái khẳng định chủ trương cốt lõi của Tin Mừng.

Đi ngược Thánh Kinh và Huấn Quyền

Tuy nhiên, ngày 15 tháng 8 vừa qua, tạp chí First Things (www.firstthings.com) có đăng tải Lời Kêu Gọi Các Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo do 45 nhà trí thức Công Giáo soạn thảo trong đó, nhiều vị là giáo sư luật tại các đại học.

Họ cho rằng sự sửa đổi lần này bị nhiều người, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, hiểu như một giáo huấn nhằm dạy rằng án tử hình là vô luân từ trong nội tại và do đó luôn luôn không được phép (illicit), cả trong nguyên tắc.

Họ quả quyết rằng không ai trong số họ ủng hộ việc sử dụng án tử hình, nhưng dạy như trên là mâu thuẫn với Thánh Kinh (Sáng Thế 9:6). Án tử hình cũng là giáo huấn nhất quán của huấn quyền cả hai thiên niên kỷ qua.

Họ gọi tình huống do việc sửa đổi này tạo ra là một “tình huống gây gương mù” (a scandalous situation) vì tạo ra “mơ hồ hỗn độn lớn lao cho Giáo Hội”. Nên họ kêu gọi “các vị Hồng Y cố vấn để Đức Thánh Cha... kết liễu gương mù này, rút lại đoạn Sách Giáo Lý này và giảng dạy lời Chúa một cách không thay đổi”.

Sách Giáo Lý không vô ngộ

Dan Hitchens thì cho rằng việc sửa đổi không thay đổi bất cứ giáo huấn nào, nhưng nó tạo ra mơ hồ và lo âu. Đây chỉ là một hướng dẫn thực tế, chứ không phải là một tuyên bố tín lý. Chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Giáo Lý Đức Tin, lúc Sách Giáo Lý được ban hành, từng cho rằng có “sự đa dạng chính đáng về ý kiến ngay nơi người Công Giáo” đối với việc các nhà nước hiện đại sử dụng án tử hình.

Tuyên bố mới cho rằng án tử hình là điều “không thể chấp nhận được” gây mơ hồ hỗn độn, vì hạn từ này tối nghĩa, không chuyên môn. Nó có thể chỉ có nghĩa “không thể chấp nhận trong các xã hội ngày nay, trong cách nhìn của Đức Giáo Hoàng”. Và không thiếu người cho nó có nghĩa: án tử hình luôn luôn và tự động vô luân, giống như trợ tử và ngoại tình. Và điều này khiến nhiều người Công Giáo hoang mang cho rằng cứ đà này, thì “tín lý” nào cũng có thể bị sửa đổi. Matthew Walther, một bỉnh bút của tờ The Week và cộng tác viên của tờ Catholic Herald, trước đây vốn ca ngợi Đức Phanxicô là “vị mục tử tốt lành và đạo hạnh của các linh hồn”, nhưng khi nghe sự sửa đồi này đã cho rằng “hôm nay, ngài phá hoại đức tin của tôi”.

Dan Hitchens nhận định rằng “người ta không nên quá lo lắng vì chuyện này. Sách Giáo Lý không vô ngộ, dù một số nội dung của nó quả có vô ngộ. Như Đức Hồng Y Ratzinger từng viết trong lời dẫn nhập Sách ‘các tín lý cá thể được Sách Giáo Lý trình bầy không nhận được bất cứ sức nặng nào khác hơn là sức nặng nó vốn có’. Cũng thế, một ý kiến sai vẫn là một ý kiến sai dù bạn có thể viết “(Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo số 2267)” sau nó.

Vâng nghe hay cung kính lưu ý

Nếu thế, tín hữu nên vâng nghe hay chỉ cần cung kính lưu ý? Linh mục Jeffrey F. Kirby, trên tờ Crux cho rằng nếu coi đây chỉ là một trong những phán đoán khôn ngoan (prudential judgment) hay áp dụng giáo huấn, thì chỉ cần cung kính lưu ý, giống như các phán đoán về nạn nô lệ, cho vay nặng lãi, ngừa thai nhân tạo...

Nhưng theo Cha Kirby, sửa đổi này được coi là một khai triển tín lý, và khi nó được đặt trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, thì nó trở thành giáo huấn của huấn quyền thông thường, đòi nơi tín hữu sự nhất trí và nhất chí tôn giáo (religious assent of intellect and will). Chứ không thể chỉ là cung kính lưu ý như đối với một phán đoán khôn ngoan.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Mừng Kính Lễ Bổn Mạng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời .
Phan Hoàng Phú Qúy
06:48 15/08/2018
(Portland-Oregon) Chúa Nhật ngày 12 tháng 8 năm 2018, vào lúc 9 giờ 30 sáng Giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã long trọng tổ chức thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng giáo xứ.

Trên đây là những tâm tình của lời ca nguyện mà tất cả các ca viên của ca đoàn La Vang cũng như của cọng đoàn dân Chúa cùng cất cao để đón chào vị chủ tế cùng quý linh mục đoàn tiến về Lễ Đài.

Trước khi cử hành thánh lễ linh mục Đa Minh Phạm Tĩnh chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã ngỏ lời chào mừng quý quan khách từ phương xa, quý giáo dân thuộc giáo xứ cũng như những vùng phụ cận, ngài cũng không quên giới thiệu quý linh mục cùng đồng tế hôm nay ngoài quý linh mục phó xứ, quý linh mục thuộc Tu Đoàn Tông Đồ Nhà Chúa còn có quý linh mục thuộc giáo Phận Xuân Lộc đến từ Việt Nam.

Trong phần chia sẽ lời Chúa, ngoài các điễm chính trong đoạn tin mừng của ngày Chúa Nhật thường niên, linh mục Phạm Hữu Đạt nguyên chánh xứ GXĐMLV đã ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của giáo xứ và nêu lên 4 điễm chính yêú về cuộc đời Đức Mẹ để mọi người cùng nhau học hỏi và suy niệm cũng như thực hành trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Thứ nhất: Xin cho chúng ta đủ can đãm đốt đi ý riêng của mình để đưa tay ra nắm lấy bàn tay Chúa, xin Chúa dẫn chúng ta đi trên con đường ngay, đường lành, đường chính trực. Học hỏi nơi Đức Mẹ 2 tiếng Xin Vâng.

Thứ hai: Xin cho chúng ta phải biết noi gương Chúa Giêsu, noi gương Đức Me biết sống nghèo, như Chúa Giêsu hiến cả mạng sống mình cho nhân loại, chết trần truồng trơ trụi trên cây Thập Tự, như Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Mẹ đã sống nghèo, biết san sẽ tình yêu thương khi đem Chúa đến với người khác.

Thứ ba: xin cho chúng ta biết quảng đại, biết chia sẽ, biết đem Chúa đến với tất cả mọi người chung quanh, nhất là gieo niềm tin yêu, niềm hy vọng.

Thứ tư: xin cho chúng ta có tinh thần phục vụ, học hỏi và noi gương Chúa Giêsu, noi gương Đức Mẹ, như Chúa đã phán, Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, chúng ta mỗi người biết hy sinh dấn thân phục vụ, phục vụ tha nhân, phục vụ gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, học đường, công tư sở, hầu giúp nhau thăng tiếng bản thân, gia đình và xã hội, được như vậy, ơn Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta và ở mãi cùng chúng ta.

Sau thánh lễ là lời tri ân của ông chủ tịch BCH hội đồng giáo xứ, gởi đến quý cha và toàn thể giáo dân nhân ngày lễ Bổn mạng, đồng thời cũng mời mọi người ở lại dự bữa cơm thân mật để cùng nhau hàn huyên tâm sự chia sẽ với nhau những vui buồn, sướng khổ trong những ngày tháng lưu lạc trên đất khách quê người.

Thánh lễ và tiệc mừng bổn mạng được kêt thúc vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày mọi người lưu luyến tạm biệt nhau trên khuôn mặt ai ai cũng nỡ một nụ cười mãn nguyện, mãn nguyện vì dược hưởng một thánh lễ thật trang nghiêm sốt sáng, nghe được phần chia sẽ lời Chúa thật xúc tích và nhiều ý nghĩa sâu sắc, thời tiết thật ôn hòa và mát mẽ, chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng ko kém phần linh động hào hứng, đặc biệt là khẩu phần ẫm thực rất dồi dào, cả ngàn người ăn mà vẫn còn dư, một số quý bà con còn nhận phần mang về cho người thân ở nhà nữa cơ, đúng như là phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá vậy.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ được nhiễm phúc làm mẹ Thiên Chúa, hôm nay chúng con mừng kính Mẹ Hồn Xác Lên Trời, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, học hỏi nơi Mẹ biết thưa 2 tiếng “Xin Vâng” để khi qua khỏi đời này chúng con cũng được nhiễm phúc vào hưởng vinh quang trên thiên quốc như Đức Mẹ vậy. Amen !

Tường thuật từ Portland Oregon

Phan Hoang Phú Quý
 
Đại lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại TTHH Đức Mẹ Giang Sơn ,Ban Mê Thuột– 2018
Vũ Đình Bình
06:53 15/08/2018
Theo thông lệ đạo đức và lòng yêu mến Mẹ, cứ đến ngày 15 tháng 8 hàng năm, các tín hữu khắp nơi lại hành hương về bên Mẹ Giang Sơn mừng kính Đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Năm nay, Năm Thánh mừng 30 năm 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam (19.6.2018 - 24.11.2018), Mẹ được tôn vinh là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Trung tâm hành hương Đức Mẹ Giang Sơn (Giáo phận Banmêthuột) tổ chức Hành Hương Năm Thánh và Đại lễ theo chủ đề: “Hân hoan sống trong tình Mẹ”.

Đúng 7g, tại Lễ Đài, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, làm dấu Thánh giá, dâng hương khai mạc nghi thức diễn nguyện. Ngày ấy, Tây nguyên là chốn rừng thiêng nước độc, các Vị thừa sai đã vượt núi băng ngàn, đem Tin Mừng bình an và ánh sáng đến cho cư dân nơi đây đang sống trong tăm tối. Bao mồ hôi, nước mắt, bao công đức của các bậc tiền nhân đã đổ xuống, để hình thành nên Giáo phận Ban Mê Thuột hôm nay. Trải qua bao gian khó, Mẹ Giang Sơn vẫn luôn đồng hành chở che nâng đỡ, ban muôn phúc lành cho đoàn con của Mẹ. Hôm nay tiếng cồng chiêng khai hội ngân vang, tiếng cồng chiêng Tây nguyên khoác lên mình nét đẹp của niềm tin Kitô giáo, dâng lên Mẹ trong tâm tình yêu mến.

Xem Hình

Qua các bài diễn nguyện: Ave Maria – Bài Ca Người Thừa Sai – Kìa Bà Nào, các em thiếu nhi Giáo xứ Giang Sơn dâng lên Mẹ những đóa hoa hái về từ rừng núi đại ngàn biểu hiệu lòng tri ân, thảo hiếu của mọi thành phần dân Chúa, bao gồm tất cả các dân tộc anh em trong Giáo phận nhà.

7 giờ 45, Đức Cha Vinh Sơn long trọng chủ sự cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cùng với Quý linh mục trong Giáo phận. Xin Mẹ thương cầu bàu cùng Chúa cho mỗi người con của Mẹ được sống an lành, hạnh phúc; cầu bàu cho từng gia đình, giáo xứ trong giáo phận, biết sống đức tin, đức cậy, đức mến một cách mạnh mẽ, và biết sống tinh thần hiệp nhất, yêu thương nhau. Xin Mẹ phù hộ cho mỗi người con dân Việt Nam được sống trong ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với phẩm giá con người.

Trong phần bài giảng, sau Tin Mừng kể về cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa Mẹ Maria và bà Isave. Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ: “Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội trên thế giới mừng lễ Mẹ Lên Trời, một niềm vui lớn lao đổ tràn trên chúng ta. Niềm vui được tạo nên trong cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà I-sa-ve, và niềm vui mà cả hai người cảm nhận được trong lòng. Niềm vui của tông đồ Phaolô và cộng đoàn Co-rin-tô, vì tin rằng Chúa Phục Sinh sẽ làm cho những người đã yên nghỉ được sống lại trong ngày sau hết. Và niềm vui nơi thánh sử Gioan, trong thị kiến về ngày thế mạt, thấy những thế lực của sự dữ sẽ bị khuất phục. Niềm vui của người tín hữu Việt Nam nhìn về gương anh hùng của các Thánh Tử Đạo đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin, để thấy rằng những hy sinh của chúng ta ngày hôm nay không bị rơi vào quên lãng, nhưng đang góp phần xây dựng nước trời.

Niềm vui gợi lên nơi những chứng nhân đức tin này không phải là một niềm vui thoáng qua, nhưng còn sâu xa hơn tất cả nhận lời nói động viên mà chúng ta từng biết đến. Niềm vui này đặt nền tảng trên thực tại mới mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta. Đó là hoa trái của niềm hy vọng vững chắc mà chúng ta được mời gọi sống một cách tròn đầy và mãi mãi”.

Ngài nhắn nhủ: “Ai chạy đến với Mẹ, sẽ gặp được nơi Mẹ Người Con Yêu Dấu của Mẹ và cuộc sống mới mà Người Con này ban tặng. Chính các thánh Tử Đạo Việt Nam đã yêu mến Mẹ cách đặc biệt, và luôn chạy đến Mẹ tìm sự nâng đỡ, ủi an.

Ai lắng nghe Mẹ sẽ nghe lời Mẹ nói: “Hãy làm những điều Người dạy bảo”, như trong tiệc cưới Cana, và tìm được sự can đảm để vững tin vào Chúa. Ai nhìn về Mẹ Maria, sẽ thấy được tương lai riêng của mình vì cũng như Mẹ, chúng ta không bị giao nộp cho sự chết, nhưng được hứa ban sự sống đời đời. Ngày lễ của Mẹ cũng là ngày lễ của chúng ta. Chúng ta hãy mừng lễ trong niềm vui chân thành.

Hãy siêng năng chạy đến với Mẹ, vì Mẹ Maria là Mẹ của mỗi người kitô hữu chúng ta”. (Mời nghe BÀI GIẢNG)

Sau phần hiệp lễ, Cha Phêrô Bùi Văn Thục, Quản xứ Giang Sơn, đặc trách TTHH Đức Mẹ Giang Sơn, ngỏ lời tri ân cảm tạ Thiên Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban, qua lời cầu bầu của Mẹ Giang Sơn, con cái Mẹ được hưởng biết bao ơn lành hồn xác. Tri ân Đức Giám Mục và cảm ơn tất cả mọi người, mọi thành phần dân Chúa đã góp phần cho ngày lễ trang nghiêm, sốt sắng bằng tâm tình hiệp nhất, yêu thương.

Trước khi ban phép lành trọng thể cuối lễ, Đức Giám Mục khen ngợi Ban tổ chức đã nỗ lực hết sức mình lo cho buổi lễ được chu đáo; các Giáo xứ, Giáo họ, các hội đoàn đã tích cực cộng tác để Thánh lễ được trang nghiêm và tốt đẹp.

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Trung tâm hành hương Đức Mẹ Giang Sơn đúng là nơi dành cho tất cả mọi người, nhất là những người đang cần đến lời cầu bầu của Mẹ. Nếu ước nguyện của chúng ta hợp ý Trời, hợp lòng người, thì chắc chắn ước nguyện ấy sẽ được thực hiện. (Mời nghe Bài Huấn từ)

Thời tiết hôm nay mát mẻ nên lượng khách hành hương về dự lễ rất đông, mặc dù Ban tổ chức đã truyền hình trực tuyến để tất cả mọi người ở nhà cũng đều có thể theo dõi Diễn nguyện và hiệp thông Thánh lễ, qua trang web Giáo phận. Năm nay, Ban tổ chức cũng đã mở rộng bến bãi giữ xe, mở rộng các điểm dừng nghỉ, tăng thêm kiốt phục vụ ăn uống, giải khát, để bảo đảm trật tự an toàn, thuận tiện cho khách hành hương. Con đường từ dưới quốc lộ lên đến tượng đài dài khoảng 1,5km cũng đã được mở rộng hơn, trải nhựa sạch sẽ. Ban tổ chức cũng đã mở thêm những đoạn đường mới để khách hành hương lên xuống thuận tiện hơn.

Khách hành hương vẫn nườm nượp đến với Mẹ không ngớt, từng đoàn, từng đoàn,… Mọi người vui vẻ vượt đồi cao, quên hết nhọc nhằn, quên hết ưu phiền, mong được tận hưởng những làn gió mát mơn man qua làn tóc, vờn trên môi mắt, mong được tận hưởng cảm giác êm ái dưới bóng Mẹ chở che, an ủi. Cầu chúc mọi người tìm về với Mẹ trong ngày Hành Hương cũng đón nhận được Ơn Toàn Xá mà Hội Thánh đã rộng ban trong Năm Thánh mừng 30 năm 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm Thánh bắt đầu từ ngày 19.6.2018 và kết thúc vào ngày 24.11.2018.
 
Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Scotland đã long trọng tổ chức thánh lễ bổn mạng Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời
CĐCGVN Scotland
07:50 15/08/2018
Hoà chung niềm vui cùng toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ mừng kính lễ Đức Trinh Nữ Maria Hồn và Xác Lên Trời nên, vào lúc 15h ngày 12/08/2018 tại nhà thờ BLESSED JOHN DUNS SCOTUS R C CHURCH địa phận Glasgow Scotland. Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Scotland đã long trọng tổ chức thánh lễ bổn mạng Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời. Thánh lễ do cha Giuse Vũ Đức Yên quản nhiệm Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Birmingham, ngài cũng là linh mục tuyên uý của Cộng Đoàn CGVN tại Scotland chủ tể, đồng tể cùng ngài có cha Simon Nguyễn Đức Thắng quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại London, cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo từ Việt Nam, cùng cha Raphael Mai Quang Khoa hội Dòng Xi-Tô Thánh Gia tại Đức.

Trước lúc khai lễ cha Giuse đã giới thiệu các linh mục đồng tể và ngài nói về bức tượng Đức Mẹ Ban Ơn mà ngài tặng cho Cộng Đoàn trong chuyến hành hương về Lộ Đức và Fatima vừa qua. Trong chuyến hành hương đó ngài đã dâng lên Đức Mẹ Cộng Đoàn trẻ tại Glasgow này, ngài nói: "Cộng đoàn cần ơn Mẹ và cần Mẹ dẫn dắt, ngày hôm nay chúng ta mừng Mẹ về Trời là bổn mạng của giáo phận Vinh cách chung và cách riêng là bổn mạng của Cộng Đoàn chúng ta. Trong tâm tình ấy Cha xin tặng cho Cộng Đoàn và Cha xin trao phó những người con của Cộng Đoàn cho Đức Mẹ và xin Đức Mẹ gìn giữ và ban cho Cộng Đoàn mỗi ngày thêm vững mạnh trong đức tin", sau đó ngài mời cha Raphael làm phép tượng Đức Mẹ và khai lễ.

Xem Hình

Nhân dịp này, cha Tuyên uỷ Giuse đã ban bí tích rửa tội cho hai cháu sơ sinh và hai anh chị dự tòng, đồng thời cha Phaolô cũng cứ hành bí tích hôn phối cho 3 đôi hôn nhân.

Trong phần phụng vụ lời Chúa cha Simon Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: "Toàn thể Cộng đoàn tại Glasgow thân mến, ngày hôm nay là một ngày vui cho toàn thể cộng đoànn chúng ta, niềm vui lớn đó là chúng ta quy đã tụ về đây để long trọng mừng lễ Đức trinh nữ Maria được đặc ân hồn xác lên trời. Đây cũng là bổn mạng của cả Địa Phận Vinh và cũng là bổn mạng của Cộng Đoàn chúng ta. Tên của Cộng Đoàn đã được chọn làm bổn mạng cách đây đã 6 năm và chúng ta có thể hình dung ra được 6 năm về trước tại nơi này như thế nào?. Người đầu tiên mà chắc có lẽ ngày hôm nay mà chúng ta cần phải nhớ đến đó là anh Tính (ân nhân Cộng Đoàn) mà hiện tại đang nằm trong bệnh viện và đang phải trải qua một căn bệnh hiểm nghèo. Trong thời gian đầu anh Tính đã đi lên đây với cha, và tại đây lúc đó chỉ vỏn vẹn một con số rất nhỏ là không quá hơn hai hơn chục người. Những người đầu tiên đến từ giáo xứ Thượng Lộc đã tìm mọi cách đến vùng đất này, những con người đầu tiên đang bơ vơ ở một quốc gia lạ lùng họ đã đến đây để tìm và họ đã tìm ra được mảnh đất này để rồi sau đó họ trở thành một Cộng Đoàn ngày hôm nay chúng ta thấy lớn mạnh đến như thế này một con số có lẽ là hơn 500 người. Đó là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ và cần phải nghĩ tới việc mà chúng ta chọn tên gọi cho cộng đoàn chúng ta là: "Đức trinh nữ Maria hồn xác lên trời". Sự chọn lựa này chắc chắn đã có một tiền định để rồi ngày hôm nay trong vòng 6 năm những con số đã lên lớn như vậy. Những con số này là những con số bình thường nhưng nếu chúng ta đặt trong bối cảnh là những người đã ra đi và trải qua biết bao nhiêu gian nan trong cuộc sống của mình thì chúng ta mới thấy được hồng phước mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người và cho Cộng Đoàn của chúng ta. Mỗi người hãy hình dung ra chuyến đi của mình đầy gian nan thứ thách, tốn kém, lo sợ, hãi hùng và rồi ngày hôm nay đến đây với Cộng Đoàn này để từ đó mà chúng ta liên hệ giữa cái may mắn và hồng phước mà chúng ta có với việc mà ngày hôm nay chúng ta long trọng mừng kính Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời. Đây là điều mà cha muốn chia sẻ với toàn thể Cộng Đoàn trong thánh lễ long trọng ngày hôm nay".

Đôi nét về sự hình thành và phát triển của CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI SCOTLAND.

CĐCGVN tại Scotland được hình thành bởi nguyện vọng của những bạn trẻ đến từ giáo phận Vinh di dân sang Anh Quốc sinh sống học tập và làm việc tại Scotland chính thức được thành lập vào ngày 21/06/2013 tại thành phố Glasgow Scotland, qua sự linh hướng của cha Simon Nguyễn Đức Thắng quản nhiệm CĐCGVN tại London và cha Joankim Võ Thành Khánh SVD đến từ Ba Lan. Do nhu cầu về đời sống tâm linh của con cái làm ăn xa quê hương nên một số anh chị đã xin các Ngài giúp đỡ về việc thành lập một Cộng Đoàn ở đây, qua việc giới thiệu của anh Nguyễn Tính ở London và nhờ sự quan tâm hướng dẫn của cha Simon Nguyễn Đức Thắng nên Cộng Đoàn CGVN tại Scotland chính thức đi vào hoạt động với tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội từ ngày 10/12/2013.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mục vụ, cha Simon đã nhờ cha Giuse Vũ Đức Yên linh mục quản nhiệm Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Birmingham làm linh mục tuyên uý của Cộng Đoàn CGVN tại Scotland từ năm 2014 đến nay. Để việc tổ chức thánh lễ bổn mạng được phù hợp với thời gian mục vụ của quý cha tuyên uý cũng như của Cộng Đoàn nên vào ngày 08/04/2018 toàn thể Cộng Đoàn đã thống nhất chọn lại ngày lễ bổn mạng với tước hiệu " Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời" là bổn mạng của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Scotland.

Nhìn lại sau 6 năm hình thành và phát triển, đến nay số nhân danh trong Cộng Đoàn đã tăng lên khoảng hơn 500 người bao gồm người lớn và trẻ con, so với 3 năm về trước chỉ khoảng 60 đến 70 người.

Hiện nay trong Cộng Đoàn có 43 hộ gia đình, số con em sinh ra và được gia nhập hội thánh là 63 em, con số nãy vẫn đang tiếp tục tăng. Số anh chị em Tân Tòng gia nhập Hội Thánh trong 2 năm qua là 6 người.

Là một Cộng Đoàn di dân chủ yếu đến từ giáo phận Vinh với độ tuổi còn rất trẻ, rất năng động, nhiệt thành trong công việc xây dựng giáo hội, làm việc bác ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đồng hành cùng giáo hội quê hương, dân tộc Việt Nam mỗi công việc. Các bạn trẻ ở đây luôn sát cánh cùng với người dân trong nước lên án những chính sách kìm hãm sự phát triển tôn giáo, phá hoại môi trường, bắt bớ bỏ tù những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, những người lên tiếng bảo vệ cho môi trường sau thảm hoạ do công ty Formosa gây nên. Họ đã tổ chức những buổi biểu tình phán đối công ty Formosa, phán đối dự thảo Luật Đặc Khu cho Trung Quốc thuê đất, phán đối luật An Ninh Mạng nhằm bịt miệng người dân trong nước nói lên chính kiến của mình trước những vấn nạn đang diễn ra trong nước.

Hàng năm vào các dịp lễ trọng trong năm phụng vụ Cộng Đoàn CGVN tại Scotland luôn được quý cha tuyên uý cùng quý cha từ Việt Nam và quý cha đang du học ở Roma và các nước trong khu vực Châu Âu ghé thăm và dâng lễ cho Cộng Đoàn.

Để kết thúc thánh lễ, quý cha và Cộng Đoàn cùng nhau lắng đọng lại trong 15' chầu Thánh Thể và dâng lên Mẹ Maria cuộc sống của những người con tha hương và cầu nguyện đặc biệt cho hoà bình và công lý mau chóng được thực thi trên quê hương Việt Nam.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời cầu bầu cùng Chúa cho quý Cha, quý ân nhân và toàn thể Cộng Đoàn luôn được bình an trong ơn nghĩa Chúa.

Dưới đây là một số hình ảnh Cộng Đoàn CGVN tại Scotland mừng lễ bổn mạng.
 
Giáo xứ Trại Gạo Giáo phận Thái Bình mừng lễ Bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời
Trương Trí
12:19 15/08/2018
Giáo xứ Trại Gạo Giáo phận Thái Bình mừng lễ Bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời và mừng người con của giáo xứ: Linh mục Đa minh Bùi Công Tự lần đầu tiên về thăm quê hương

Giáo xứ Trại Gạo thuộc xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là một Giáo xứ thuộc Giáo phận Thái Bình, cách thành phố Thái Bình chừng 20km, với chừng hơn 1 ngàn giáo dân do linh mục G.B. Trần Văn Hào quản xứ.

Với bản chất của người nông dân quanh năm trên đồng ruộng, thật thà chân chất và đầy lòng mến khách. Một lòng tín thác vào Lòng thương xót của Chúa và luôn cậy trông vào Mẹ Maria. Giáo xứ đã chọn Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu làm quan thầy và mừng lễ bổn mạng vào dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời vào ngày 15 tháng 8. Không những vậy, mọi người cũng rất sùng kính Đức Mẹ La Vang nên đã xây dựng một đài Đức Mẹ La Vang giữa một hồ nước rất sinh động và trang trọng trong khuôn viên Nhà thờ.

Xem Hình

Mừng lễ bổn mạng của giáo xứ năm nay, đặc biệt có linh mục Đa minh Bùi Công Tự, người con của giáo xứ mà ngôi nhà ông bà cố kề sát bên nhà thờ. Ngài là một linh mục thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh mẫu Phan Thiết, được thụ phong linh mục từ hơn 5 năm trước, nhưn do công việc mục vụ nên đây là lần đầu tiên Ngài về thăm và ra mắt với quê hương. Cùng đi với ngài còn có linh mục Bề trên Tổng quyền Nguyễn Văn Cung và Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh là người luôn đồng hành với ngài và Tu đoàn.

Tu đoàn Thừa sai Thánh mẫu mặc dù chỉ mới hoạt động hơn 10 năm nay, gồm cả nam nữ, nhưng Tu đoàn đã hoạt động rất nhiệt thành trên 10 Giáo phận và cả Campuchia. Trong đó có Giáo phận Thái Bình và Giáo phận Hưng Hóa, là hai Giáo phận đang thiếu hụt linh mục coi sóc.

Trong đêm hoan ca tạ ơn vào tối 14 tháng 8, nhiều quan khách chính quyền từ trung ương đến địa phương tỉnh Thái Bình, thành phố Thái Bình, huyện Vũ Thư và xã Việt Thuận cùng các tôn giáo bạn đã đến tặng lẵng hoa chúc mừng. Cũng trong dịp này, hai người bạn không cùng tôn giáo luôn đồng hành trong những chuyến từ thiện của Hiệp sĩ Đại Thánh giá là ông Đặng Văn Thanh và Lê Hoàng Chí Hùng đã trao tặng Giáo xứ và xã Việt Thuận, mỗi nơi 30 triệu đồng để giúp đỡ cho những gia đình và cá nhận có hoàn cảnh khó khăn.

Linh mục Đa minh Bùi Công Tự giới thiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh với cộng đoàn giáo xứ: tước hiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá cao quý được Đức Thánh Cha Benedit 16 phong tặng vào năm 2007 với phẩm hàm Gregorio Cả, là người đầu tiên của châu Á và Việt Nam được vinh dự lãnh nhận vì những đóng góp to lớn cho Giáo hội. Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã trao tặng linh mục Đa minh Bùi Công Tự một huy hiệu có hình của Đức Thánh Cha Phanxico và mặt kia là hình Quảng trường Thánh Phê rô cùng một tràng chuỗi do Đức Thánh Cha làm phép.

Trước đông đảo quan khách đại diện chính quyền trung ương và địa phương, Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã mạnh dạn nói lên những tâm tư nguyện vọng của bà con giáo giáo dân, của các linh mục và cả các Giáo phận trên con đường truyền giáo. Trong đó có Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu, các linh mục và các Thầy đã dấn thân truyền giáo trên những vùng sâu vùng xa, chăm sóc cho những người nghèo bệnh tật.

Đêm diễn nguyện tiếp nối với những tiết mục ca múa nhằm tôn vinh Mẹ Maria, Mẹ của các Thánh Tử đạo Việt Nam, Mẹ của Lòng Thương xót. Các em thiếu nhi và các đoàn thể đã thể hiện một cách sâu sắc đầy tâm tình kính yêu đối với Mẹ.

Sáng ngày 15, Thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Mẹ hồn xác lên trời do linh mục Đa minh Bùi Công Tự chủ tế, cùng đồng tế có linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Thái Bình Phanxico Assisi Nguyễn Tiến Tám và đông đảo linh mục trong và ngoài Giáo phận.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, linh mục Bề trên Tổng quyền Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu nêu cao vai trò của Mẹ Maria trong công cuộc cứu độ cuả Chúa Giêsu, chỉ với hai tiếng “xin vâng” của Mẹ mà đã thay đổi cả cuộc đời của một thiếu nữ chỉ biết dâng mình cho Chúa.

Sau Thánh lễ, linh mục chủ tế đã ban Phép lành Toàn xá cho cộng đoàn tham dự Thánh lễ.

Trương Trí
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bên Đường/Blooming Flowers
Robert Helfman
07:23 15/08/2018
HOA BÊN ĐƯỜNG/BLOOMING FLOWERS
Ảnh của Robert Helfman
Lá xanh hoa thắm bên đường
Bỗng nhiên lòng thấy yêu thương mọi người.
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 16/8/2018: Đức Thánh Cha trả lời thắc mắc của các bạn trẻ
VietCatholic Network
21:03 15/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 15/8/2018.

2- Đức Thánh Cha gặp gỡ cầu nguyện với các bạn trẻ Italia.

3- Đức Thánh Cha trả lời thắc mắc của các bạn trẻ.

4- Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh.

5- Giáo hội Ấn Độ kêu gọi bảo vệ hiến pháp và tự do tôn giáo.

6- Đền thánh Đức Mẹ ở Knock, Ai len.

7- Giáo hội Australia ủng hộ việc chống trợ tử.

8- Trả tự do cho tù nhân chính trị là bước quan trọng tới hòa bình.

9- Giáo hội Philippines dấn thân phục hồi người nghiện ma túy.

10- Cha Enrique Figaredo ‘Giám Mục Xe Lăn’ giúp người tàn tật Campuchia.

11- Giới thiệu Thánh ca: Dâng Mẹ Cuộc Đời.
https://youtu.be/u6Oo_ssWm84

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết