Ngày 17-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ 20 Mùa Quanh Năm 18/8 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:20 17/08/2024

BÀI ĐỌC 1  Cn 9:1-6

Bài trích sách Châm ngôn.

Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi.

Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!”

Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!

Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Ep 5:15-20

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối.

Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.

Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí.

Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.

Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Chúa nói: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.

Alleluia

TIN MỪNG  Ga 6:51-58

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-Thái rằng:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Đức Giê-su nói với họ:

“Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.

Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.

Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.

Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.

Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Đó là Lời Chúa.
 
CN 20B : BỮA ĂN MÀ AI CŨNG THOẢ MÃN
Anphong Nguyễn Công Minh ofm
15:28 17/08/2024
CN 20B : BỮA ĂN MÀ AI CŨNG THOẢ MÃN

Đối với phần đông chúng ta, phân đoạn Thánh Kinh này thật khó hiểu. Bởi nó được phát biểu bằng một ngôn ngữ của một thế giới hoàn toàn xa lạ với chúng ta, có thể là ghê rợn và thô kệch nữa: ăn thịt người, uống máu bạn. Nhưng chúng ta phải nhớ điều này, với thế giới thời cổ, nó cũng khá quen thuộc.

Vào thời cổ, khi dâng sinh tế, con vật ít khi được thiêu hủy trọn vẹn, dẫu là toàn thiêu, nhưng thường chỉ được thiêu một phần tượng trưng nơi bàn thờ, tuy là toàn thể con vật được dâng lên cho vị thần. Một phần thịt được chia cho các thầy tế lễ kể như thù lao của họ, một phần khác được chia lại cho người dâng lễ tế, để người ấy tổ chức bữa tiệc thiết đãi bạn bè mình ngay trong khuôn viên đền thờ. Trong bữa tiệc ấy vị thần cũng được xem như một vị khách. Hơn nữa, khi thịt đã dâng cho thần rồi, người ta cho rằng thần đã nhập vào đó, nên khi người ta ăn thịt ấy, là ăn chính vị thần của mình.

Tuy vậy, người Do Thái không phải thuộc thời thượng cổ, nên lời nói của Chúa, “nhai thịt người ta và uống máu kẻ khác” vẫn là sống sượng.

Đoạn Tin Mừng này có thể nói gồm bốn chi tiết :

1- Phản ứng.

Trước hết là phản ứng của người Do thái về lời tuyên bố của Chúa Giêsu, khi Chúa nói thịt Ngài là của ăn ban cho họ được sống muôn đời. Phản ứng của họ lần này có vẻ mạnh hơn trước. Họ xô xát và tranh luận với nhau. Gioan ghi : "Họ tranh luận sôi nổi". Lần trước, Chúa Giêsu nói Ngài là bánh từ trời, họ bảo ông từ đất thì có, vì bố ông là Giuse, mẹ ông là Maria sờ sờ ra đó, chứ đâu phải từ trời. Lần này lại dám nói bánh đó là thịt. Ai ăn thịt Ngài thì được sống. Người Do Thái đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen : Là một người như họ, làm sao có thể lấy thịt mình cho họ ăn? Giêsu đâu phải là Thoại Khanh (1) để lóc thịt đùi nấu canh cho mẹ chồng khi chồng là Châu Tuấn đang bị đày đi sứ. Giêsu cũng chẳng phải là Giới Tử Thôi (2) lấy thịt đùi mình nấu dâng Tấn Văn Công trên đường chạy nạn cạn lương.

2. Không cải chánh.

Trước phản ứng có vẻ dữ dội của người Do thái, Chúa Giêsu vẫn không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”, nghĩa là hiệu năng dinh dưỡng mà thịt máu Chúa đem lại cho kẻ lãnh nhận, là sự sống muôn đời và sự phục sinh từ trong cõi chết. Hơn xa “thực phẩm chức năng” mà có thời làm mưa gió tại nước ta : bán rất đắt, nhiều người bỏ tiền triệu mua, xem như của ăn tiên phật. Nhưng thất vọng. Làm sao bằng thần lương của Chúa được.

3- Tác động.

Chúa Giêsu cho biết của ăn của uống này tác động như thế nào. Của ăn vật chất chúng ta ăn thì biến thành thịt máu ta. Chúng ta ăn thịt heo, thì thịt heo thành thịt máu 'ta', chứ không phải ta thành con lợn. Còn thịt máu Chúa mà chúng ta ăn, chúng ta uống, lại đưa chúng ta vào một sự kết hiệp mật thiết với Ngài : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Tức là ngược lại : ta nên giống Chúa. Thánh Phaolô nói kiểu khác mà cũng một ý tưởng : "Tôi sống, không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 3,20)

4- So sánh.

Cuối cùng, Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu lực của manna mới : manna cũ, những người ăn đã chết. Manna mới, những người ăn sẽ sống đời đời. Chính người Do thái gợi ra câu chuyện manna, thì Chúa Giêsu lại dùng ngay câu chuyện ấy để so sánh và mạc khải về bánh bởi trời đích thực, bánh ban sự sống muôn đời. Ăn Chúa, tức kết hợp làm một với Chúa, trở nên như Chúa, mà Chúa hằng sống đời đời, nên ta cũng đời đời hằng sống.

Ngày nay không ai thắc mắc như người Do Thái xưa, vì không thấy thịt sống, máu tươi ở đâu cả, mà chỉ thấy có bánh và rượu. Nhưng đó đích thực là Thịt và Máu Chúa thật, ẩn dưới hình thức rượu và bánh, chứ không phải bánh 'tượng trưng' cho Thịt, rượu 'tượng trưng' cho Máu đâu. Ai ăn bánh này, sẽ nên một với Chúa, và kết hợp với nhau. Ai cũng có một phần đều nhau, ai cũng thoả mãn.

Một lần kia, có một người thương gia giàu có. Trong nhà ông còn có người con trai ông vừa mới lập gia đình và vợ anh. Người con trai có tấm lòng nhân hậu và ân cần làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo.

Ít lâu sau, người vợ trẻ sinh một bé trai. Để ăn mừng, ông nội của bé chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Gần đến ngày tổ chức bữa tiệc, người con hỏi :

“Thưa cha, xin cha cho con biết, cha định sắp xếp chỗ ngồi cho khách như thế nào? Nếu cha theo đúng tục lệ xếp người giàu ngồi ở đầu bàn và người nghèo ở cuối cùng, gần bếp, điều ấy sẽ làm con khổ tâm. Cha biết rất rõ con yêu thương người nghèo như thế nào. Vì đây là tiệc mừng của con, xin cha cho con tôn vinh những người không có danh phận. Xin cha hứa với con cha sẽ xếp người nghèo ở đầu bàn và người giàu ở cuối bàn, gần khói bếp”.

Cha của anh lắng nghe chăm chú và đáp lại : “Con ơi, khó mà thay đổi thế gian. Con thử nghĩ xem : Tại sao người nghèo đến dự tiệc? Bởi vì họ đói và muốn ăn thức ăn ngon. Tại sao người giàu đến dự tiệc? Để được vinh dự. Họ đến không phải để ăn, bởi vì nhà họ có đầy đủ.

“Bây giờ con hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi xếp người nghèo ở đầu bàn. Họ ngồi đó, cảm thấy rất e dè như mọi con mắt đang nhìn mình, và vì thế họ thẹn thùng không dám ăn cho thật no. Và thế là họ không thưởng thức trọn vẹn những món họ ăn. Con không nghĩ, vì quyền lợi của họ, tốt hơn nên xếp cho họ ngồi chỗ không ai để ý đến, ở đó họ có thể ăn uống thỏa thuê mà không phải xấu hổ đó sao?

“Còn nữa, giả sử cha làm theo điều con yêu cầu và xếp người giàu ngồi ở cửa ra vào. Con không nghĩ họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm sao? Họ không đến để ăn mà vì vinh dự. Và phải chăng con không cho họ điều mà họ muốn sao?"

Vậy là cứ xếp theo lối cũ, bữa ăn làm cho ai cũng thoả mãn.

Vào thời các tông đồ, có bữa ăn agape trước “bữa ăn của Chúa” (thánh lễ bây giờ). Người giàu mang đồ ăn đến để say sưa, người nghèo đói meo không có gì (x. 1Cr 11, 17tt). Bữa ăn agape đã biến mất sau đó, để rồi nay dự “bữa ăn của Chúa” ai nấy đều thoả mãn, vì ai cũng như ai, một miếng bánh nhỏ, nhưng gói giá trị to là chính Thân Thể Chúa.

Khi đưa Mình Thánh cho một người đau liệt gần chết, tôi đọc đoạn Lời Chúa này, “Ai ăn Thịt Ta sẽ được sống muôn đời,” tôi thấy những giọt lệ lăn trên mắt người liệt. Lúc đó ta mới thấy giá trị của bánh hằng sống là thịt của Chúa. Lúc gần chết mới thấy ý nghĩa bánh sự sống.

tt Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(có dùng một gợi ý của cha Hàm)

________________________

1 truyện Nôm Việt Nam khuyết danh, được nhân dân Miền Nam đặc biệt ưa thích. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, có tài văn chương, tiết nghĩa và là người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm, Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi.

2 Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng.
 
Tiệc Khôn Ngoan
Lm. Minh Anh
17:56 17/08/2024
TIỆC KHÔN NGOAN
“Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế!”.

“Hãy nhớ một sự thật rằng, trừ khi chúng ta giữ được sự khát khao Chúa mạnh mẽ trong lòng mình; bằng không, bạn và tôi sẽ nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống khi không có Ngài!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiếp tục nói về Bí tích Thánh Thể nhưng dưới một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ - ‘cái nhìn của sự khôn ngoan’ - khi bạn và tôi “nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống” bởi vắng bóng Thiên Chúa. Từ đó, có thể nói, Thánh Thể là sáng kiến của Đấng Khôn Ngoan; Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan!’.

Sách Châm Ngôn coi Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan ban tặng sự hiểu biết và khôn ngoan dưới hình thức một bữa tiệc thịnh soạn cho tất cả những ai nô nức đón nhận lời mời của Ngài, “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống!” - bài đọc một. Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan’; ở đó, chúng ta chia sẻ sự thông tuệ của một Thiên Chúa nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Thánh vịnh Đáp ca mời gọi “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.

“Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan. Cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình!” - bài đọc hai. Theo Phaolô, thức ăn mà Chúa Giêsu ban tặng - Thịt Máu Ngài - là nguồn gốc của sự khôn ngoan, hiểu biết thực sự về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. “Bạn là những gì bạn ăn!”. ‘Ăn’ Chúa Kitô, bạn nên giống Ngài, một Chúa Kitô khác, ‘Alter Christus’, không chỉ về mặt thể xác mà còn về tinh thần và trái tim, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi!”.

“Cử hành Bí tích Thánh Thể, ‘ăn Thịt và uống Máu Ngài’, có nghĩa là chấp nhận sự khôn ngoan của thập giá và con đường phục vụ. Điều đó có nghĩa là chúng ta bày tỏ sự sẵn lòng hy sinh bản thân vì người khác như Chúa Kitô đã làm!” - Gioan Phaolô II. Chấp nhận Chúa Kitô là chấp nhận toàn bộ Phúc Âm của Ngài, chiến thắng và đau khổ của Ngài. Nghĩa là chúng ta tự nguyện và ao ước đi con đường Ngài đi để phục vụ Ngài hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn; và cùng Ngài kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Một thế giới của chân lý và tình yêu, của công lý và hoà bình, của tự do và hạnh phúc. Khi thấy mình thực sự là một phần của nỗ lực vĩ đại đó, hãy biết rằng, theo một ý nghĩa rất thực tế, chúng ta đã dự ‘Tiệc Khôn Ngoan’ mỗi khi tham dự Thánh Lễ!

Anh Chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Hôm nay, hãy suy gẫm cách bạn tiếp cận Bí tích Thánh Thể. Bạn hiểu sâu sắc như thế nào về khoảnh khắc rước Chúa; nó có biến đổi bạn không? Ước gì bạn đói khát Chúa, nhận ra những tác động thiêng liêng diễn ra trong lòng mình mỗi khi rước Ngài. Hãy đào sâu đức tin bằng cách cam kết tham gia cầu nguyện nhiều hơn vào các Thánh Lễ khi bạn tham dự những lần tới. Hãy lùi lại và xem xét những gì bạn thực sự tin, bối rối hoặc không tin! Thánh Thể là quà tặng lớn nhất. Hãy tin điều đó bằng cả tấm lòng và ‘Tiệc Khôn Ngoan’ của mỗi Chúa Nhật sẽ biến đổi bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con xác tín, Bí tích Thánh Thể định hình con, để - cách khôn ngoan nhất - con không sống cho mình mà sống cho Chúa, cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:34 17/08/2024

11. Cầu nguyện cách thiết tha là gò ép Thiên Chúa.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:37 17/08/2024
36. TỰ MÌNH NÓI

Hai người lạ gặp nhau trên phố Tô Châu, một người hỏi:

- “Xin hỏi anh tên gì?”.

Người kia đáp:

- “Họ Trương”.

Lại hỏi:

- ”Ông anh hiệu là gì?”

Đáp:

- “Đông Kiều”.

Lại hỏi:

- “Xin hỏi ông anh ở đâu vậy?”

Đáp:

- “Bên ngoài cổng trời”.

Người hỏi gật đầu nói:

- “Ồ, ngài là Trương Đông Kiều ở ngoài cổng trời”.

Họ Trương rất kinh ngạc hỏi:

- “Làm sao mà ngài biết được tình huống của tôi vậy?”

Người hỏi cười nói:

- “Tất cả đều là do ngài vừa nói ra đấy chứ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 36:

Ở đời có những cái đãng trí cười ra nước mắt, và ở đời cũng có những cái cười méo mó vì sự đãng trí của mình. Có hai loại đãng trí: một là loại đãng trí của các bậc vĩ nhân, hai là loại đãng trí của người ngơ ngơ ngơ ngáo ngáo, cả hai loại đãng trí này đều...dễ thương và không nên trách móc, bởi vì nó là như thế.

Nhưng có một loại đãng trí khác không thuộc loại vĩ nhân cũng không thuộc loại ngơ ngác, nhưng là của người bụng dạ đầy mưu mô, loại đãng trí của loại người này thì là cố ý: họ cố ý đãng trí quên mất đem theo tiền để trả tiền nhậu thế là có người hàm ơn của họ trả giùm; họ cố ý mang một chiếc giày mòn đế khi dự tiệc, thế là có người mua tặng đôi giày mới; họ cố ý đãng trí mặc áo sờn vai sờn cổ khi đi làm, thế là họ được nhân viên tặng cho cái áo mới khác, và còn có rất nhiều cái đãng trí của người lòng dạ thâm hiểm khôn lường...

Nhà bác học đãng trí vì đầu óc của họ đầy dẫy những công thức phát minh giúp ích cho nhân loại, nên không còn nhớ đến những việc chung quanh; người ngu ngơ đãng trí là vị...trí khôn họ chỉ chừng đó mà thôi, nhưng cái đãng trí của người mưu mô là vì đầu óc đầy dẫy những mưu lợi cho riêng cá nhân, nên họ không còn biết nghĩ đến chuyện của người khác để ra tay giúp đỡ.

Người Ki-tô hữu có một cái đãng trí, đó là họ luôn luôn luôn nghĩ đến tha nhân mà quên mất mình đang thiếu thốn như những người thiếu thốn khác...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người ủng hộ quyền được sống của Úc giành chiến thắng lớn cho quyền tự do ngôn luận
Vũ Văn An
15:18 17/08/2024

J-P Mauro của Aleitea, ngày 17/08/24 cho hay: Tiến sĩ Joanna Howe đang tìm cách khởi xướng các biện pháp bảo vệ quyền tự do học thuật và quyền tự do ngôn luận tại các trường đại học Úc sau một "cuộc chiến gian khổ".



Một giáo sư luật người Úc, người đã bị giám sát vì hoạt động ủng hộ quyền được sống và nghiên cứu về phá thai, đang tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền tự do ngôn luận sau khi một vụ kiện tại tòa án tranh chấp các hoạt động nghiên cứu của bà được phán quyết có lợi cho bà.

Tiến sĩ Joanna Howe là một người ủng hộ quyền được sống theo đạo Công Giáo và là giáo sư tại Đại học Adelaide. Lĩnh vực chuyên môn của bà chủ yếu tập trung vào luật lao động và di trú, nhưng - như bà giải thích trên trang web chính thức của mình - phá thai đã trở thành một chủ đề mà bà không thể không phản đối sau khi sinh đứa con thứ hai.

Bà viết:

“Tôi đã thức tỉnh khi tiểu bang Nam Úc quê hương tôi ban hành luật phá thai cho đến khi sinh và theo yêu cầu vào năm 2021. Tôi biết mình không thể im lặng thêm nữa. Tôi đã sinh đứa con thứ hai ở tuần thứ 37 và biết rằng một đứa trẻ khỏe mạnh với một bà mẹ khỏe mạnh về mặt thể chất đã bị giết ở cùng thời kỳ mang thai đó tại Victoria theo luật tương tự là điều tôi không thể quên. Tôi biết rằng mình phải gạt nỗi sợ hãi và tham vọng nghề nghiệp sang một bên vì một mục đích quan trọng hơn nhiều.”

Bà tiếp tục giải thích rằng việc lội vào vùng nước mới một cách không hối hận đã giúp bà tìm thấy tiếng nói của mình về một vấn đề mà bà đã quan tâm từ lâu, nhưng nó cũng có một số nhược điểm. Bà thường bị những người trực tuyến quấy rối vì họ tấn công nhân cách của bà dựa trên đức tin Công Giáo của bà, nhưng bà kiên quyết rằng bà chưa bao giờ dựa vào tôn giáo để phản đối phá thai:

“Nếu tôi mất đức tin Công Giáo ngày nay và trở thành người vô thần, tôi vẫn sẽ phản đối phá thai vì mỗi lần phá thai đều giết chết một con người vô tội,” bà nói.

Tự do học thuật

Đã có nhiều nỗ lực làm mất uy tín của bà kể từ khi bà bắt đầu đấu tranh chống phá thai -- những lời phàn nàn mà Catholic Weekly đưa tin đã khiến Đại học Adelaide cố gắng buộc bà phải tham gia một khóa học về tính chính trực trong nghiên cứu. Howe, người đã được xóa bỏ các khiếu nại về hành vi sai trái như vậy trong sáu cuộc điều tra riêng biệt, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khởi kiện Ủy ban Công bằng Lao động.

Ủy ban đã đồng ý với một cuộc điều tra riêng rằng Howe đã không vi phạm quy tắc nghiên cứu của Úc khi bà xem xét kỹ lưỡng các vụ phá thai muộn và chọn lọc giới tính hoặc giết trẻ sơ sinh còn sống sau khi phá thai. Bà gọi chiến thắng này là một "cuộc chiến mệt mỏi" nhưng bày tỏ rằng bà "rất vui mừng khi có chiến thắng mạnh mẽ này cho quyền tự do học thuật".

Cùng với việc tiếp tục công việc nghiên cứu phá thai và ủng hộ quyền con người cho trẻ sơ sinh trong bụng mẹ, Howe cho biết bà có ý định thúc đẩy các biện pháp bảo vệ liên bang cho quyền tự do ngôn luận. Để đạt được mục đích này, bà đang tìm cách khởi kiện tại các trường đại học trên khắp Úc nhằm bảo vệ quyền tự do học thuật và quyền tự do ngôn luận:

"Tôi không nghĩ bất cứ người Úc nào phải đối đầu với hậu quả trừng phạt vì nói lên suy nghĩ của họ về một vấn đề như phá thai, và chúng ta nên có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để đảm bảo quyền tự do ngôn luận được khuyến khích và tạo điều kiện", bà nói.

Tự truyện của Howe

Một ngày nọ, khi tôi 21 tuổi, một người bạn đã thách thức tôi về vấn đề phá thai và mặc dù tôi không thừa nhận bất cứ điều gì trong cuộc trò chuyện đó, nhưng những câu hỏi mà anh ấy hỏi tôi là những câu hỏi mà tôi không thể trả lời. Những câu hỏi như, "nếu một đứa trẻ trong tử cung không phải là con người, vậy thì nó là gì?" và "nếu một đứa trẻ trong tử cung không còn sống, vậy thì tại sao nó lại lớn lên?"

Và câu trả lời quyết định: "trong hoàn cảnh nào, nếu có, thì việc giết một con người là chấp nhận được?"

Vào thời điểm đó, tôi đang làm việc cho Liên đoàn Công nhân Úc tại Melbourne và tôi được hưởng đặc quyền có văn phòng riêng với cánh cửa đóng kín. Trong giờ nghỉ trưa, tôi bắt đầu tìm hiểu về phá thai và đọc các bài báo trên tạp chí như bài này. Mặc dù tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra bản chất man rợ và bạo lực của các thủ thuật phá thai, nhưng chính những bức ảnh về thai nhi bị phá thai đã khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng. Khi đối diện với nhân tính của những đứa trẻ này, tôi biết rằng mình không thể tiếp tục ủng hộ quyền lựa chọn phá thai nữa.

Mặc dù nhận ra điều này, nhưng phải mất gần hai thập niên tôi mới có đủ can đảm để lên tiếng phản đối phá thai ở nơi công cộng. Tôi biết rằng làm như vậy có thể là tự sát sự nghiệp vì liên minh mạnh mẽ giữa nhóm vận động phá thai, phương tiện truyền thông và Emily’s List ủng hộ phá thai trong lĩnh vực chính trị.

Lời cảnh tỉnh đến với tôi khi tiểu bang Nam Úc quê hương tôi ban hành luật phá thai cho đến khi sinh và theo yêu cầu vào năm 2021. Tôi biết mình không thể im lặng được nữa. Tôi đã sinh đứa con thứ hai ở tuần thứ 37 và biết rằng một em bé khỏe mạnh có mẹ khỏe mạnh về mặt thể chất đã bị giết ở cùng thời kỳ mang thai đó tại Victoria theo luật tương tự là điều tôi không thể ngăn cản. Tôi biết rằng mình phải gạt nỗi sợ hãi và tham vọng nghề nghiệp sang một bên vì một mục đích quan trọng hơn nhiều.

Việc lên tiếng về phá thai đã thay đổi tôi. Tôi cảm thấy như mình đã tìm thấy tiếng nói của mình về một vấn đề mà tôi đã muốn nói đến từ rất lâu. Tôi đã bị choáng ngộp khi sự ủng hộ mà tôi nhận được từ rất nhiều người Úc và tôi đã tìm thấy lòng can đảm bên trong để chống lại những nỗ lực phối hợp nhằm làm mất uy tín của tôi và khiến tôi bị hủy bỏ bởi các nhóm và cá nhân quyền lực, như Leah Marrone, cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Phụ nữ Úc và tờ báo The Advertiser.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi sự nghiệp của tôi đã thăng tiến chóng mặt kể từ khi lên tiếng về phá thai. Tôi tự hào được làm việc cho một trường Đại học đã lên tiếng công khai để bảo vệ quyền tự do học thuật và quyền tự do ngôn luận của tôi. Tôi thậm chí còn tự hào hơn khi sau khi tôi bắt đầu lên tiếng công khai về phá thai, tôi đã được thăng chức lên vị trí Giáo sư!

Mục tiêu của tôi không phải là ép buộc bạn phải đồng ý với tôi về vấn đề phá thai. Hoàn toàn không phải vậy. Tôi tin rằng mọi người đều có quyền có ý kiến riêng và tôi không phán xét bất cứ ai vì họ ủng hộ quyền lựa chọn phá thai hoặc đã phá thai. Một số người bạn thân nhất của tôi đã từng phá thai.

Tôi hy vọng rằng bằng cách sử dụng kinh nghiệm của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi có thể làm sáng tỏ vấn đề phá thai ở Úc và thu hút sự chú ý đến các sự kiện và dữ liệu.

Mục tiêu của tôi là khiến phá thai trở nên không thể tưởng tượng được vì chúng ta biết rằng nó giết chết một con người và gây hại cho mẹ của em. Tôi đang đấu tranh cho một nước Úc nơi chúng ta công nhận quyền con người của trẻ sơ sinh trong tử cung và nơi chúng ta hỗ trợ cụ thể và có ý nghĩa cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau đó.
 
Đức Thượng phụ Pizzaballa vui mừng cho biết: các phe phái đang tiến gần hơn đến thỏa thuận cho Gaza, nhưng những đối lập vẫn còn đó!
Thanh Quảng sdb
15:54 17/08/2024
Đức Thượng phụ Pizzaballa vui mừng cho biết: các phe phái đang tiến gần hơn đến thỏa thuận cho Gaza, nhưng những đối lập vẫn còn đó!

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Đức Thương Phụ Pierbattista Pizzaballa, của Jerusalem, bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Gaza, tuy nhiên ngài cảnh báo vẫn còn nhiều thử thách!...

(Tin Vatican - Roberto Cetera)

“Triển vọng rất hứa hẹn.”

Trong cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Thương phụ Pierbattista Pizzaballa, của Jerusalem, đã bày tỏ quan điểm này khi bình luận về kết quả của các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Doha, Qatar.

Trong khi bạo lực vẫn tiếp diễn trên nhiều mặt trận, dự kiến các cuộc đàm phán sẽ được nối lại tại Cairo trong vài ngày tới.

Q: Thưa Đức Hồng Y, có một sự lạc quan từ Doha, nơi các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar đang diễn ra, tập trung vào lệnh ngừng bắn ở Gaza và việc thả các con tin Israel bị giam giữ tại Gaza. Ngài có tin rằng, lần này, mục tiêu có thể đạt được không?

R: Vâng, t
ôi tin rằng, tại thời điểm này, có những điều kiện tốt nhất để đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, sẽ luôn có những người chống đối, vì không thiếu những trở ngại, nhưng tôi tin rằng các điều kiện đã chín muồi để kết thúc cuộc chiến, và do đó, cũng để tránh leo thang, mở rộng xung đột với sự can thiệp trực tiếp của Iran và mở rộng chiến tranh sang Lebanon.

Tôi nhắc lại, có rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng có một nỗ lực to lớn, không chỉ từ những người hòa giải, mà còn từ Hoa Kỳ, để khép lại tình hình. Triển vọng rất hứa hẹn.

Nhờ đó, hy vọng mối đe dọa về sự can thiệp của Iran vào Israel sẽ được ngăn chặn...

Vâng. Chúng ta không thể tự lừa dối mình. Cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc. Chúng ta thấy điều đó rất rõ ràng ở Gaza với các cuộc ném bom liên tục, với thảm kịch đang diễn ra trước mắt mọi người, luôn khiến chúng ta không nói nên lời.

Q: Trên thực tế, các vụ đánh bom ở Gaza vẫn tiếp diễn không ngừng. Trong khi đó, theo Hamas, vào ngày 15 tháng 8, cột mốc bi thảm 40.000 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza, kể từ vụ tấn công ngày 7 tháng 10. Cộng đồng Công Giáo ở Gaza trải qua tình huống này như thế nào?

R: Cộng đồng nhỏ của
chúng tôi, nằm ở phía bắc Gaza, tại Thành phố Gaza, cố gắng sống còn trong tình huống này, trong điều kiện tốt nhất và bình thản nhất có thể, mặc dù có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đang tích cực cố gắng giúp đỡ người dân bằng viện trợ mà chúng tôi nhận được từ Hiệp hội Hiệp sĩ Malta và từ nhiều tổ chức khác; nhất là từ Giáo hội Mennonite, nơi đã gửi hơn một nghìn gói hàng. Thật tuyệt vời khi thấy trong tình hình rất nghiêm trọng và bi thảm này, cũng có rất nhiều sự thương mến đoàn kết.

Q: Trong sự chú ý của giới truyền thông đang đổ dồn vào Gaza và biên giới với Lebanon, thì tình hình ở Bờ Tây đang trở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn mỗi ngày. Ngài có nhận được thông tin gì từ những khu vực này?

R: Những gì bạn hỏi rất
đúng. Người ta nói nhiều về Gaza, đúng là như vậy, nhưng cũng có một tình hình rất nghiêm trọng ở các Lãnh thổ, ở Bờ Tây. Chỉ vài ngày trước, đã có một cuộc tàn sát của khá nhiều người định cư chống lại một ngôi làng của người Palestine, khiến một người chết và nhiều thiệt hại.

“Người ta nói nhiều về Gaza, đúng là như vậy, nhưng cũng có một tình hình rất nghiêm trọng ở các Lãnh thổ, ở Bờ Tây.”

Đây chỉ là tập mới nhất trong một loạt các sự kiện đã làm nổi bật trong những tháng này với căng thẳng liên tục và ngày càng gia tăng trên khắp Bờ Tây; căng thẳng, xung đột liên tục giữa những người định cư và người Palestine, ngay cả khi có sự hiện diện của lực lượng vũ trang Israel... Tóm lại, có những căng thẳng liên tục khiến cuộc sống của người dân Palestine ngày càng phức tạp và khó khăn hơn.

Nguy cơ bùng nổ đang ở đó, đó là lý do tại sao chúng ta phải nỗ lực hết sức, trước hết là ngừng bắn ở Gaza và sau đó là khôi phục trật tự, an ninh và cuộc sống bình thường càng nhiều càng tốt - càng nhiều càng tốt, nói về cuộc sống bình thường - trên khắp Bờ Tây.

Tóm lại, chúng ta phải bắt đầu trang sử mới. Mọi chuyện không hề đơn giản. Những gì chúng ta thấy ở Bờ Tây - điều tôi luôn nói - là một ví dụ cụ thể, rõ ràng về cách mà lòng căm thù, sự oán giận, sự khinh miệt đã dẫn đến những hình thức bạo lực ngày càng cực đoan và khó kiềm chế. Do đó, chúng ta phải làm việc nhiều, không chỉ ở lãnh vực chính trị mà còn ở cấp độ tôn giáo, vì bối cảnh của bạo lực này cũng ảnh hưởng tới lãnh vực tôn giáo, để đảm bảo rằng những kẻ kích động, những kẻ cực đoan, bị gạt sang một bên, bị cô lập và không có sức mạnh mà họ đang có hiện nay.
 
VietCatholic TV
Ukraine phá cầu chặn đường quân Nga. NATO: Moscow thua về chiến lược. Quân Chechnya báo hại quân Nga
VietCatholic Media
02:32 17/08/2024


1. Chính quyền Nga đổ lỗi cho quân Ukraine phá hủy cây cầu bắc qua sông Seim ở tỉnh Kursk

Hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám, Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, đã cáo buộc lực lượng Ukraine phá hủy cây cầu bắc qua sông Seim ở tỉnh Kursk.

“Lực lượng Ukraine đã phá hủy một cây cầu bắc qua sông Seim ở quận Glushkovsky thuộc tỉnh Kursk của Nga,” Starovoyt nói.

Diễn biến này được cho là đã diễn ra vào ngày Thứ Năm, 15 Tháng Tám, đánh dấu ngày thứ 10 của cuộc tấn công xuyên biên giới chưa từng có của quân Ukraine, với việc Kyiv tuyên bố đã chiếm giữ 1.185 km2 lãnh thổ Nga và 82 khu định cư, bao gồm cả thành phố Sudzha.

Những bức ảnh cho thấy cây cầu bị phá hủy đã được kênh Telegram Mash của Nga công bố, trong đó khẳng định cây cầu đã bị nổ tung ở nhiều đoạn khác nhau.

Kênh này cũng tuyên bố rằng khoảng 30 khu định cư gần làng Glushkovo, cách Kursk khoảng 150 km, đã bị “cắt đứt” do cuộc tấn công.

The Insider đưa tin rằng quận Glushkovsky có ba cây cầu bắc qua sông Seim, hai cây cầu còn lại nằm gần các khu định cư Zvannoe và Karyzh.

Roman Alyokhin, cố vấn cho quyền thống đốc tỉnh Kursk và là một blogger ủng hộ chiến tranh người Nga, cũng tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đang tấn công vào cây cầu ở Zvannoe, cách Glushkovo khoảng 7 km.

Kyiv cho biết thay vì chiếm lãnh thổ Nga, cuộc tấn công nhằm mục đích bảo vệ sinh mạng người Ukraine bằng cách ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới và chuyển hướng quân tiếp viện của Nga.

Bất chấp nhiều thông tin cho rằng Nga đang điều động ít nhất một số lực lượng tới tỉnh Kursk, quân đội Kyiv ở phía đông Ukraine cho biết tình hình ở đó vẫn rất nghiêm trọng khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến quân gần Pokrovsk và Toretsk.

2. Tư lệnh NATO chỉ trích phản ứng của Putin ở tỉnh Kursk là quá 'Chậm và rải rác'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Commander Slams Putin's Kursk Response: 'Slow and Scattered”“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đang nỗ lực xây dựng một chiến lược mạch lạc nhằm dập tắt việc mất lãnh thổ liên tục ở Kursk, và phản ứng của nước này trước cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine đã thu hút sự chỉ trích từ cả các chuyên gia quân sự và giới chức hàng đầu Âu Châu.

Tướng Christopher Cavoli nói: “Nga vẫn đang chuẩn bị các phản ứng trước cuộc xâm lược của Ukraine. Cho đến nay, đó chỉ là phản ứng khá chậm và rải rác.”

Tướng Cavoli hiện giữ chức Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu, nhân vật quân sự cao cấp thứ hai trong NATO, chỉ đứng sau Chủ tịch Ủy ban Quân sự Rob Bauer.

Tướng Cavoli đã ca ngợi “sự bất ngờ về mặt hoạt động và chiến thuật” mà Ukraine đạt được ở Kursk, và cho rằng phản ứng chậm trễ và hỗn loạn của Nga là do thiếu cơ cấu chỉ huy rõ ràng.

Vị tướng nói: “Nga không xác định ai có thẩm quyền. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự bên trong Ukraine, nhưng chẳng chịu trách nhiệm gì đối với các vấn đề bên trong Nga, có phải thế không?”

James Nixey, giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, nói với Newsweek rằng Nga đã bị đẩy lùi trước cuộc tấn công của Ukraine “làm nhục sâu sắc” nước Nga.

“Đây rõ ràng là một hoạt động lớn hơn nhiều so với những gì được hiểu ban đầu. Giống như âm mưu đảo chính của Yevgeny Prigozhin vào tháng 6 năm ngoái, nó làm suy yếu nhà lãnh đạo về mặt chính trị,” Nixey nói. Thứ hai, bất kỳ sự xâm phạm lãnh thổ Nga nào từ một quốc gia mà Nga tuyên bố thậm chí không phải là một quốc gia đều là một sự xúc phạm”.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cơ quan đã theo dõi tiến trình cuộc tấn công của Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 6 tháng 8, Nga cho đến nay vẫn chưa xác định được ai sẽ chịu trách nhiệm ngăn chặn bước tiến của Ukraine.

Mikhail Khodorkovsky, nhà hoạt động đối lập người Nga, cho rằng Vladimir Putin không dám xác định cụ thể ai là người sẽ chỉ đạo cuộc phản công vì e rằng người cầm quân ấy thay vì tấn công quân Ukraine lại quay ra làm đảo chánh. Ban đầu, ông ta được tường trình là giao cho Alexey Gennadyevich Dyumin, một cựu vệ sĩ rất trung thành. Tuy nhiên, bảo một vệ sĩ đi đâm thuê, chém mướn, hạ sát đối thủ chính trị có lẽ thích hợp hơn là cầm quân trong một cuộc phản công chống lại một quân đội Ukraine thiện chiến. Thành ra, đã gần 2 tuần, quân Ukraine vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể.

ISW viết trong đánh giá gần đây nhất về cuộc tấn công: “Điện Cẩm Linh và bộ chỉ huy quân sự Nga đang tạo ra một cơ cấu chỉ huy và kiểm soát phức tạp, chồng chéo và cho đến nay vẫn kém hiệu quả để có thể đưa ra một phản ứng hiệu quả của Nga trước vụ Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk”.

Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tuyên bố thành lập một “hội đồng điều phối” trong Bộ Quốc phòng Nga cho các vùng Belgorod, Bryansk và Kursk.

Bộ trưởng cho biết điều này sẽ “tăng hiệu quả hỗ trợ toàn diện cho các nhóm quân đang giải quyết các nhiệm vụ bao trùm biên giới quốc gia và bảo vệ lãnh thổ cũng như dân số trong khu vực”.

Tuy nhiên, như ISW đã chỉ ra, không rõ hội đồng mới này sẽ tương tác như thế nào với các cơ quan khác được thành lập để đối phó với cuộc đột kích của Ukraine, bao gồm cả “hoạt động chống khủng bố” của Cơ quan An ninh Liên bang được phát động vào ngày 9 tháng 8.

ISW viết: “Hội đồng điều phối của Bộ Quốc phòng và hoạt động chống khủng bố của FSB có thể sẽ tiếp tục tạo ra sự nhầm lẫn trong việc xác định cơ cấu nào chịu trách nhiệm về những khía cạnh nào trong hoạt động phòng thủ của Nga ở tỉnh Kursk và có thể sẽ dẫn đến xung đột giữa FSB và quân đội Nga”.

ISW nói thêm rằng đường lối “bối rối” của Điện Cẩm Linh nêu bật thực tế là Nga đã không lường trước được bất kỳ sự tấn công đáng kể nào vào lãnh thổ của mình.

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

3. Ukraine chiếm được hệ thống tác chiến điện tử Volnorez tiên tiến của Nga trong cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Captures Russia's Advanced 'Volnorez' EW System in Kursk Raid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Các lực lượng Ukraine đã thu được một hệ thống tác chiến điện tử được sử dụng để bảo vệ xe tăng của Nga, cùng với tài liệu về cách thức hoạt động của hệ thống này.

Lực lượng của Vladimir Putin đang cố gắng ổn định tiền tuyến ở khu vực Tây Nam nước Nga, nơi Ukraine đã phát động một chiến dịch bất ngờ vào ngày 6 tháng 8, trong đó Kyiv tuyên bố họ kiểm soát hơn 82 thị trấn và 1.185 km vuông lãnh thổ.

Giữa những tuyên bố của Ukraine về việc giành được lãnh thổ và các thiết bị chiến lợi phẩm của Nga, có tin quân đội Kyiv cũng đã tịch thu hệ thống tác chiến điện tử “Volnorez” gắn trên xe tăng và các tài liệu cho thấy cách thức hoạt động của hệ thống này.

Hệ thống này có tên là “Đê chắn sóng”, được sử dụng để bảo vệ các phương tiện quân sự khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2023, gắn trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM.

Tờ báo Nga Argumenty i Fakty đã mô tả Volnorez là: “Một hệ thống chặn điện tử tiên tiến được thiết kế để bảo vệ xe tăng và các thiết bị quân sự khác khỏi máy bay điều khiển từ xa”.

Các thiết bị này hoạt động bằng cách làm gián đoạn tín hiệu của máy bay điều khiển từ xa, mang lại cho các phương tiện và những người ở gần chúng “mức độ bảo vệ nâng cao trong một cuộc xung đột ngày càng căng thẳng”.

Nhà báo Ukraine Yurii Butusov đã đăng một đoạn video về hệ thống tác chiến điện tử sau khi nó bị thu giữ, nói rằng nó được tìm thấy trong bao bì chưa hề được mở ra.

Trang tin quân sự Ukraine Militarnyi lưu ý cách hệ thống này được sử dụng để chống lại máy bay điều khiển từ xa FPV và được thiết kế dưới dạng hình nón được gắn vào áo giáp của xe tăng bằng nam châm.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Volnorez có thể làm gián đoạn tín hiệu của máy bay điều khiển từ xa ở phạm vi vượt quá một km, cung cấp cho các phương tiện được trang bị thiết bị gây nhiễu mức độ bảo vệ nâng cao.

Militarnyi nói: “Máy bay điều khiển từ xa được cho là sẽ mất liên lạc với trạm điều khiển và chuyển hướng, giúp các phương tiện tránh bị bắn trúng”. “Người Nga đang giữ bí mật các chi tiết kỹ thuật về sản phẩm của họ, nhưng các tài liệu thu được có thể tiết lộ những chi tiết cụ thể này”.

Tin tức này được đưa ra khi cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine không có dấu hiệu giảm bớt. Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, đã ra lệnh di tản Glushkovo, cách biên giới Ukraine 19 km và cách Sudzha 68 km về phía tây bắc, nơi binh sĩ Ukraine đã được quay phim gỡ cờ Nga khỏi các tòa nhà.

Ông cho biết trong tuần này rằng 121.000 người đã rời khỏi Kursk và chính quyền sẽ di tản tổng cộng 180.000 người khỏi khu vực.

Việc Ukraine vượt qua biên giới được phòng thủ sơ sài là thách thức lớn nhất mà Vladimir Putin phải đối mặt trong cuộc xâm lược toàn diện của mình và đang gây ra những tác động về hậu cần và an ninh ở Nga.

Hình ảnh vệ tinh từ Maxar cho thấy các công sự mới được đào tại hiện trường, bao gồm các chiến hào và mương chống xe cộ, ở phía tây nam thị trấn Lgov và các công sự này cách xa biên giới tới 27 dặm hay 43 km. Điều đó cho thấy Nga không tự tin có thể đẩy lùi cuộc tấn công của quân Ukraine.

CNN đã đưa tin về việc các cổng thông tin việc làm ở Nga đang quảng cáo các vị trí đào hào như thế nào, với công nhân được đưa ra mức lương từ 150.000-371.000 rúp (1.600-4.000 Mỹ Kim).

4. Đồng minh của Điện Cẩm Linh, Belarus kêu gọi hòa bình trong “cuộc ẩu đả” Nga-Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kremlin ally Belarus calls for peace in Russia-Ukraine ‘scuffle’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Belarus và đồng minh chủ chốt của Putin, Aleksandr Lukashenko đã gọi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc ẩu đả” thay vì phải nói là cuộc xâm lược của pu Putin vào Ukraine. Trước đây, ông ta dùng từ “cuộc chiến” hay “cuộc xung đột” để chỉ cuộc xâm lược của Putin vào quốc gia láng giềng. Gần đây, sau khi Ukraine mở cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga, ông ta bắt đầu dùng thuật ngữ mới là “cuộc ẩu đả”.

Hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám, nhà độc tài Belarus đã lên tiếng kêu gọi hòa bình giữa Nga và Ukraine khi cuộc tấn công của Kyiv vào khu vực Kursk của Nga bước sang tuần thứ ba.

Lời cầu xin của ông, được phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước Belarus và được đăng một phần trên trang web của ông. Nó được cho là sẽ được giới thiệu trên kênh Rossia 1 thuộc sở hữu nhà nước của Nga vào Chúa Nhật tới đây 18 Tháng Tám.

Đề cập đến cuộc xâm lược kéo dài hai năm rưỡi khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, Lukashenko nói: “Chúng ta hãy ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt cuộc ẩu đả này”.

Ông nói tiếp trong bài diễn văn: “Cả người dân Ukraine, người Nga và người Belarus đều không cần nó. Chính họ ở phương Tây mới cần chiến tranh. Tôi không thể tiết lộ những sự thật này, chúng hoàn toàn được coi là bí mật. Nhưng đôi khi các nhà lãnh đạo nói chuyện một cách cởi mở và nói rằng, hãy để người Ukraine và người Nga đánh nhau, hãy để mọi người chết trong cái vạc này “.

Dưới thời Lukashenko, đồng minh thân cận của Putin, Belarus đã cho phép quân đội Nga tấn công Ukraine qua lãnh thổ nước này. Nga cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, khiến Liên minh Âu Châu lo ngại.

Lời cầu xin hòa bình của ông được đưa ra khi Ukraine mở cuộc tấn công xuyên biên giới quan trọng nhất trong cuộc chiến chủ yếu mang tính phòng thủ kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bùng lên vào ngày 24/2/2022. Quân đội Ukraine hiện kiểm soát hơn 1.185 km2 lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk.

Trong bối cảnh chiến dịch Kursk, Lukashenko gần đây đã gửi quân đến biên giới với Ukraine để “ngăn chặn khả năng đột phá của Ukraine”. Đồng thời, ông khẳng định mình không có ác cảm gì với Ukraine.

“Người Ukraine đã nhìn thấy điều đó. Họ liên tục nói với chúng tôi rằng họ không cần chiến tranh với Belarus. Chúng tôi hiểu điều này và nói rằng chúng tôi sẽ không chiến đấu với các bạn Ukraine”, ông Lukashenko nói. Theo ông, Belarus và Nga không quan tâm đến việc mở rộng chiến tuyến.

“Chúng tôi không muốn leo thang và chúng tôi không muốn chiến tranh chống lại toàn bộ NATO. Chúng tôi không muốn điều này.”

Tuy nhiên, Putin hôm thứ Hai nói rằng không có ích gì khi nói chuyện với Kyiv sau những gì họ đã làm ở Kursk.

“Chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với những người tấn công bừa bãi dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở điện hạt nhân? Chúng ta có thể nói chuyện gì với họ đây?” Putin nói trong cuộc họp chính phủ khẩn cấp ở Nga hôm thứ Hai.

Quân đội Nga đã tấn công các thành phố của Ukraine, giết hại dân thường và giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm con tin trong hơn hai năm, đồng thời yêu cầu Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga nếu nước này muốn bắt đầu đàm phán hòa bình.

5. Nguồn tin cho biết Mỹ đang xem xét gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa đầu tiên cho Ukraine vào mùa thu này

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US considering sending Ukraine first long-range cruise missiles this fall, source says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden “sẵn sàng” cung cấp cho Kyiv hỏa tiễn hành trình tầm xa để hỗ trợ các chiến đấu cơ F-16 của nước này

Một nguồn tin thân cận với chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với Kyiv Independent rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa đang “ở giai đoạn nâng cao”.

Nguồn tin cho biết, mốc thời gian khi nào hỏa tiễn có thể đến Ukraine vẫn chưa rõ ràng và cho biết thêm rằng có lẽ trong vài tuần tới.

Trước đó vào ngày 15 tháng 8, Politico đưa tin, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, rằng chính quyền của Tổng thống Biden “sẵn sàng” cung cấp cho Kyiv hỏa tiễn hành trình tầm xa để hỗ trợ các chiến đấu cơ F-16 được cung cấp gần đây, cùng với các mục đích khác.

Kyiv đã thúc giục Mỹ cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho lực lượng Ukraine để có thể tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần của Nga ở sâu bên trong nước Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Tin tức này được đưa ra khi Ukraine tiếp tục cuộc tấn công xuyên biên giới ngoạn mục vào tỉnh Kursk của Nga, nơi được coi là một thành công về mặt chiến thuật. Ukraine tuyên bố kiểm soát 82 thị trấn của Nga tính đến ngày 15 Tháng Tám.

Các nhóm binh sĩ Ukraine cũng được tường trình đã tiến vào tỉnh Belgorod lân cận khi chính quyền Nga đang nỗ lực di tản người dân và gửi quân tiếp viện.

Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc chuyển giao hỏa tiễn nhưng đang giải quyết “các chi tiết phức tạp”, Politico đưa tin, dẫn lời một quan chức chính quyền Tổng thống Biden.

Theo các phương tiện truyền thông, những “chi tiết” đó bao gồm việc xem xét việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm và bảo đảm máy bay phản lực của Ukraine có thể phóng hỏa tiễn nặng 2.400 pound tức là khoảng 1.089 kg mang đầu đạn nặng 1.000 pound hay khoảng 454 kg.

Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về khả năng vận chuyển hỏa tiễn nhưng cho biết họ đang xem xét “một loạt các lựa chọn để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ an ninh của Ukraine”.

Cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk và các cuộc tấn công Crimea có thể giảm bớt áp lực lên lực lượng Donbas của Ukraine

Theo Politico, Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn JASSM, có thể phóng xa đến 200 dặm hay gần 322 km từ máy bay F-16 thế hệ thứ tư. Nếu được chuyển giao cho Ukraine, JASSM do Lockheed Martin phát triển sẽ là hỏa tiễn cuối cùng mà Mỹ cấm cung cấp cho Kyiv.

Hỏa tiễn JASSM có thể tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của F-16, vì trong trường hợp đó chúng dự kiến sẽ không bay gần biên giới với Nga vì nguy cơ bị bắn hạ.

Một quan chức chính quyền cảnh báo rằng có “rất nhiều việc phải làm” trước khi bất kỳ hỏa tiễn nào tới Ukraine, bao gồm việc bảo đảm rằng các máy bay thời Liên Xô hiện có của Kyiv và những chiếc F-16 mới được giao gần đây có thể phóng hỏa tiễn vào các mục tiêu ở khoảng cách hơn 230 dặm hay 370 km, Politico cho biết.

Hai nguồn tin giấu tên nói với Politico rằng Ngũ Giác Đài đã làm việc với Ukraine về những vấn đề kỹ thuật này.

Ukraine có hỏa tiễn phóng từ trên không và trên mặt đất do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp, có thể đạt tầm bắn gần 200 dặm hay 320 km tính từ điểm phóng, nhưng những hạn chế về việc sử dụng hỏa tiễn chống lại lãnh thổ Nga vẫn được áp dụng.

Hôm 31 Tháng Năm, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp, trong đó có hỏa tiễn HIMARS, để tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với tỉnh Kharkiv sau khi Nga phát động một cuộc tấn công mới trong khu vực vào ngày 10 Tháng Năm.

Ukraine vẫn bị cấm sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ quyết định sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả chiến đấu cơ F-16, để tấn công Nga tùy thuộc vào tình hình trên chiến trường và nhu cầu của Quân đội Ukraine.

Kyiv đã nhiều lần kêu gọi các đối tác cho phép tấn công vào các cơ sở quân sự và công nghiệp của Nga để ngăn chặn Nga tiếp tục gây hấn ở Ukraine.

Heorhii Tykhyi, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao, cho biết vào ngày 13 tháng 8 rằng việc Ukraine tấn công xuyên biên giới vào Kursk sẽ “ít cần thiết hơn” nếu Kyiv được phép “sử dụng đầy đủ khả năng tầm xa của mình” để chống lại Nga.

6. Quân đội Ukraine chiếm được thành phố lớn đầu tiên của Nga ở tỉnh Kursk, và bắt giữ số lượng tù binh Nga kỷ lục

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Troops Capture Their First Big Town In Russia’s Kursk Oblast—And Take A Record Number of Russian Prisoners”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tám ngày sau cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga, quân đoàn tấn công Ukraine - một số hoặc tất cả năm lữ đoàn cơ giới, ba lữ đoàn Dù và một số tiểu đoàn độc lập - đã chiếm được hoàn toàn thành phố lớn đầu tiên của họ: Sudzha.

Nhưng người Ukraine không chỉ chiếm được Sudzha với dân số trước cuộc tấn công là 5.100 người - họ còn bắt giữ nhiều binh sĩ Nga đang bảo vệ thành phố.

Lực lượng đặc biệt Ukraine đã bắt giữ 132 tù binh Nga khi Sudzha thất thủ hôm thứ Tư. Theo một nhà phân tích người Estonia đăng bài trên WarTranslation, “Đây là lần 'bắt tù binh' lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine”.

Việc những người Nga thuộc Trung đoàn súng trường cơ giới 488 trở thành tù nhân nói lên nhiều điều về động lực chính của trận chiến đang diễn ra ở Kursk.

Khi lực lượng Ukraine tiến vào Kursk vào ngày 6 tháng 8, quân Nga đầu tiên mà họ chạm trán không phải là quân đội chuyên nghiệp giỏi nhất của quân đội Nga. Thay vào đó, họ được trang bị nhẹ, được chỉ huy bởi lính nghĩa vụ.

Chính sách chính thức của Nga là những người lính nghĩa vụ—nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã thực hiện một năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc—sẽ phục vụ nghiêm ngặt trong các vai trò quân sự tuyến hai, họ sẽ không nhìn thấy chiến tranh trong dáng dấp thực sự của nó.

Điều đó đã thay đổi ở Kursk, khi cuộc tiến công của Ukraine đã vượt qua các đơn vị và bộ phận của các đơn vị lẽ ra không bao giờ có mặt ở tiền tuyến. Đã có một số trường hợp về một nhóm lớn lính nghĩa vụ Nga hoang mang và sợ hãi, một số người trong số họ chỉ bắn vài phát súng trường trong quá trình huấn luyện quân sự sơ sài, đã nhanh chóng đầu hàng quân đội Ukraine thiện chiến trên chiến trường.

Trung đoàn súng trường cơ giới 488 rơi vào tình thế khó khăn khi các lữ đoàn Ukraine áp sát. Bị Lữ đoàn cơ giới 88 của quân đội Ukraine đánh bại, các bộ phận của Trung đoàn súng trường cơ giới 488 đã cố gắng rút lui vào hôm Thứ Tư, 14 Tháng Tám. Theo Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, những người Nga chạy trốn đã bị các “đơn vị lính rào cản” Chechnya làm việc cho Điện Cẩm Linh buộc quay trở lại.

Theo truyền thống của Liên Xô và Nga, đơn vị lính rào cản buộc những đội quân có động lực kém phải chiến đấu - bằng cách đe dọa bắt giữ họ... hoặc thậm chí bắn họ. So với quân đội chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản, lính nghĩa vụ chưa được đào tạo bài bản có nhiều khả năng cố gắng chạy trốn sau khi bị bắn. Theo nghĩa đó, lính nghĩa vụ và đơn vị chặn đường luôn song hành cùng nhau trong quân đội Nga. Ở đâu có lính nghĩa vụ, ở đó có các đơn vị lính rào cản.

Nhưng việc buộc Trung đoàn súng trường cơ giới 488 quay lại chiến đấu không cải thiện được khả năng chiến đấu của trung đoàn trước Lữ đoàn cơ giới 88.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đưa tin một số trong số khoảng 2.000 binh sĩ của trung đoàn Nga đã có thể rút lui khỏi Sudzha hôm thứ Tư khi một đơn vị lân cận của Nga giành quyền kiểm soát ít nhất một tuyến đường ra khỏi thị trấn. Nhưng các bộ phận của Trung đoàn súng trường cơ giới 488 đã bị bỏ lại phía sau và bị lực lượng đặc biệt đi đầu trong cuộc tiến công của Ukraine tóm lấy.

Bởi vì sự phụ thuộc nặng nề của Trung đoàn súng trường cơ giới 488 vào lính nghĩa vụ đã góp phần dẫn đến thất bại của đơn vị này ở Sudzha, nên người Nga có thể gặp phải những bối rối tương tự khi cuộc tấn công Ukraine bước sang tuần thứ hai.

Đó là bởi vì Điện Cẩm Linh dường như đang gửi thêm lính nghĩa vụ đến Kursk trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm làm chậm bước tiến của Ukraine. ISW giải thích: “Bộ chỉ huy quân đội Nga đang điều chuyển các binh sĩ nghĩa vụ từ đợt dự tuyển mùa xuân năm nay từ Mạc Tư Khoa, Leningrad, Kaliningrad, Sverdlovsk, Murmansk và Samara đến Kursk để tăng viện cho quân đội của họ”.

Những người Nga hàng ngày, những người không bao giờ mong đợi những đứa con trai nhập ngũ của mình sẽ tham gia chiến đấu thực sự, không hài lòng. Theo ISW, “có những phản hồi tiêu cực từ các nhà hoạt động nhân quyền và người thân phản đối việc sử dụng lính nghĩa vụ trong các hoạt động chiến đấu tích cực.”

Không rõ tại sao Điện Cẩm Linh lại vi phạm chính sách đối với lính nghĩa vụ trong chiến đấu và có nguy cơ xảy ra khủng hoảng chính trị. Có thể các chỉ huy Nga đang để dành lực lượng chuyên nghiệp của họ cho cuộc tấn công đang diễn ra của Nga ở miền đông Ukraine.

Nhưng cũng có thể không còn quân chuyên nghiệp nào dự phòng – việc gửi quân tinh nhuệ tới Kursk sẽ tạo ra những khoảng trống mới trong phòng tuyến của Nga ở Ukraine. Việc tái triển khai binh sĩ chuyên nghiệp có thể giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine, nhưng có nguy cơ tạo ra những đột phá riêng biệt của Ukraine ở những nơi khác.

“Chúng tôi chưa thấy một động thái đáng kể nào của quân đội Nga,” một nguồn tin quen thuộc với tình báo Mỹ nói với CNN, “và chúng tôi không thể biết liệu đó chỉ là vì họ mới bắt đầu di chuyển lực lượng hay thực ra là họ không còn đủ lực lượng để di chuyển.”

7. Quân đoàn Tự do Nga kêu gọi binh lính Nga đầu hàng, đổi phe trong bối cảnh cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Freedom of Russia Legion calls on Russian soldiers to surrender, switch sides amid Kursk incursion”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám, Quân đoàn Tự do Nga đã kêu gọi quân đội Nga đầu hàng hoặc đổi phe và tham gia cuộc chiến “vì tương lai bình thường của nước Nga”.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk của Nga, với ước tính số quân nhân Nga bị bắt giữ có thể đã lên đến 2.000.

Tuyên bố của quân đoàn trên Telegram viết: “Các quan chức chính trị của bạn, ngồi ở hậu phương ấm áp, yêu cầu bạn đừng đầu hàng mà hãy tự cho nổ tung bằng quả lựu đạn của chính mình”.

“Nhưng hàng trăm binh sĩ Nga phớt lờ mệnh lệnh tội ác này, chọn sống chứ không phải chết để một Đại Tá chết tiệt nào đó được thêm huân chương hoặc để Tham mưu trưởng Valery Gerasimov có thêm một biệt thự mới.”

Quân đoàn kêu gọi binh sĩ Nga “đầu hàng Quân đội Ukraine, như các đồng đội của họ đã làm”. Những người “muốn tiếp tục chiến đấu vì tương lai bình thường của nước Nga” đã được mời gia nhập đơn vị.

Một nguồn tin của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nói với Kyiv Independent rằng lực lượng Ukraine đã bắt giữ hơn 100 binh sĩ Nga và Chechnya ở Kursk chỉ trong một ngày vào ngày 14 tháng 8, đồng thời cho biết thêm đây là số lượng binh sĩ địch lớn nhất bị bắt cùng một lúc.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng “hàng trăm” binh sĩ Nga đã bị bắt tính đến ngày 13 tháng 8, trong khi một đại tá Ukraine giấu tên nói với hãng tin The Independent rằng con số có thể lên tới 2.000.

8. Video cho thấy máy bay ném bom hạt nhân của Nga vần vũ ở biên giới NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Videos Show Russia's Nuclear Bombers Buzzing NATO Borders”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám, quân đội Nga triển khai bốn máy bay ném bom có khả năng hạt nhân trên ba vùng biển lớn của Âu Châu giáp với các quốc gia NATO trong bối cảnh Ukraine bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Nga trong tháng này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã bay qua Biển Barents và Biển Na Uy trong khi hai máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 được điều động qua Biển Baltic. Mạc Tư Khoa cho biết các chuyến bay được thực hiện “tuân thủ nghiêm ngặt” các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận.

Cả hai máy bay ném bom đều có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân. Tu-95MS là một phần của lực lượng chiến lược Nga, trong khi Tu-22M3 được biên chế cho lực lượng phi chiến lược của nước này. Hầu hết các lực lượng phi chiến lược của Mạc Tư Khoa đều sử dụng hệ thống vũ khí kép có tầm ngắn hơn, có nghĩa là họ cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công thông thường.

Biển Barents được coi là “sân sau Bắc Cực” của Nga, đóng vai trò là tuyến đường thủy chính cho Hạm đội phương Bắc của hải quân Nga triển khai tới Bắc Đại Tây Dương. Về phía tây nam là biển Na Uy, nằm giữa Iceland ở phía tây và bán đảo Scandinavi ở phía đông.

Trong khi đó, Biển Baltic được mệnh danh là “Hồ NATO” kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Nó được bao quanh bởi các thành viên liên minh ngoại trừ thành trì Kaliningrad ở vùng Baltic của Nga, một vùng bán tách biệt trong Vịnh Phần Lan, dẫn đến St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga.

Nga cho biết chuyến bay huấn luyện Tu-95MS kéo dài hơn 4 giờ và họ được hộ tống bởi các chiến đấu cơ MiG-31. Chuyến bay Tu-22M3 kéo dài 5 giờ trên biển Baltic được hỗ trợ bởi các chiến đấu cơ Su-30SM và Su-27.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết cả hai nhóm máy bay ném bom đều chạm trán với “chiến đấu cơ nước ngoài”.

Lực lượng không quân Đức đã xác nhận sự hiện diện của máy bay ném bom Nga trên Biển Baltic vào thứ Tư trong một bài đăng trên X. Không quân Đức đã điều động các máy bay Eurofighter Typhoon đóng tại Latvia để đánh chặn máy bay “vũ trang” của Nga, trước khi các chiến binh của Thụy Điển đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát trên không của NATO.

Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, lưu ý trên X rằng một trong những máy bay ném bom Tu-22M3 mang theo hỏa tiễn hành trình Kh-22 hoặc Kh-32 dưới cánh. Hỏa tiễn có độ chính xác kép có khả năng này đã được sử dụng để ném bom Ukraine.

Các đơn vị hàng không tầm xa của quân đội Nga thường xuyên tiến hành các hoạt động bay trên các vùng biển khác nhau ở Bắc bán cầu, bao gồm Bắc Băng Dương, Bắc Thái Bình Dương và Hắc Hải. Các cuộc chạm trán trên không giữa máy bay quân sự của Mạc Tư Khoa và chiến binh của NATO ở Âu Châu thường xuyên xảy ra.

NATO duy trì các nhiệm vụ kiểm soát trên không tại 5 khu vực ở Âu Châu: Biển Baltic; Iceland; Rumani và Bulgaria; các quốc gia Benelux của Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg; và vùng Tây Balkan.

Các nhiệm vụ nhằm phát hiện, đánh chặn, xác định và hộ tống bất kỳ máy bay nào chưa xác định bay bên trong hoặc tiếp cận không phận NATO. Liên minh này tuần trước thông báo rằng Anh đã cử chiến đấu cơ tàng hình F-35B tới Iceland, đây là lần đầu tiên máy bay phản lực thế hệ thứ năm tham gia triển khai như vậy.

Trong khi đó, một trong những chiến đấu cơ F-35A của Không quân Hoa Kỳ đóng tại Anh đã tiến hành cuộc tập trận chuỗi tiêu diệt “tìm, theo dõi và tấn công” trên bầu trời Ba Lan hôm thứ Ba, theo những bức ảnh do Không quân công bố.

Lực lượng Không quân cho biết: “Việc thực hiện thành công cuộc tập trận này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng Mỹ và đồng minh, được xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đây nhằm tăng cường khả năng tương tác của NATO và tăng cường cam kết chung về an ninh và ổn định toàn cầu”.

9. Thuyền điều khiển từ xa Magura của Ukraine được tường trình đã tấn công 18 tàu Nga trong suốt cuộc chiến

Theo nhận xét của một thành viên cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, cho DW công bố ngày 16 Tháng Tám, thuyền điều khiển từ xa Magura V5 của Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 18 tàu Hải quân Nga trong cuộc chiến toàn diện.

Thuyền điều khiển từ xa Magura của HUR là những công cụ quan trọng cho phép Kyiv làm suy yếu sự thống trị áp đảo của hải quân Nga ở Hắc Hải.

Chỉ huy đơn vị đặc biệt Nhóm 13 cho biết thuyền điều khiển từ xa Magura đã loại khỏi vòng chiến 18 tàu Nga trong một năm rưỡi.

Thuyền điều khiển từ xa Magura có thể bao phủ khoảng cách hơn 800 km, đạt tốc độ 80 km/h và có khả năng mang đầu đạn nặng 250 kg.

“Chúng tôi không cố gắng tăng cường sức mạnh cho đầu đạn để tiêu diệt con tàu chỉ bằng một đòn,” viên chỉ huy giải thích.

“Chúng tôi thực hiện một đường lối khác: tấn công theo bầy đàn, thực hiện năm cú đánh trở lên vào các tàu lớn để gây thiệt hại nghiêm trọng.”

Ông cũng chỉ ra rằng Hạm đội Hắc Hải của Nga buộc phải rút toàn bộ tài sản có giá trị ra khỏi căn cứ Sevastopol ở Crimea bị Nga tạm chiếm do các cuộc tấn công của Ukraine.

Sĩ quan HUR cho biết Hạm đội Hắc Hải đang “tê liệt” và hiện chỉ “tiêu tiền ngân sách nhà nước, không thực hiện được nhiệm vụ nào”.

Danh sách các tàu chiến Nga bị thuyền điều khiển từ xa Magura đánh chìm trong suốt cuộc chiến bao gồm tàu hộ tống hỏa tiễn Ivanovets, tàu đổ bộ lớn Caesar Kunikov và tàu tuần tra hiện đại Sergey Kotov, cùng nhiều tàu khác.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa khoảng 30% Hạm đội Hắc Hải của Nga.

10. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết Ukraine có thể quyết định cách sử dụng thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp

Ukraine có thể xác định cách thức và thời điểm sử dụng thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết trong chuyến thăm Quân đoàn triển khai nhanh của NATO ở Tây Ban Nha, hãng tin EFE đưa tin hôm 16 Tháng Tám.

Bình luận của bà được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiếp tục xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga.

Bà nói: “Đây là một cuộc chiến và do đó Ukraine sẽ sử dụng bất kỳ vật liệu nào họ thấy cần thiết vào bất kỳ thời điểm nào”, đồng thời nhấn mạnh rằng các thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp cho Ukraine chỉ mang tính chất phòng thủ.

Tuy nhiên, Robles lưu ý rằng bà không có thông tin về việc liệu quân đội Ukraine có sử dụng thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp ở tỉnh Kursk hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha nói tiếp rằng Ukraine sẽ “luôn nhận được sự hỗ trợ của Tây Ban Nha” cũng như của NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm giữa hai nước vào ngày 27 Tháng Năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nói rằng Ottawa không có bất kỳ hạn chế về mặt địa lý nào đối với việc Ukraine sử dụng xe tăng và xe thiết giáp do Canada tài trợ.
 
Tướng Tham Mưu Đức: Tướng Syrskyi tiếp tục làm Nga bất ngờ. Zelenskiy sập bẫy Putin hay ngược lại?
VietCatholic Media
16:01 17/08/2024


1. Ukraine nhận được vũ khí lớn từ đồng minh NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Gets Major Weapons Boost from NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine sẽ nhận được gói quân sự khổng lồ từ Đức, mang lại sự tăng cường đáng kể cho các hệ thống phòng không của nước này.

Tướng Christian Freuding hôm thứ Tư đã tiết lộ chi tiết về khoản viện trợ, mô tả số vũ khí sẽ được gửi đến Ukraine vào cuối năm nay.

Chúng bao gồm hai khẩu đội IRIS-T SLM tầm trung và hai khẩu đội IRIS-T SLS tầm ngắn, 10 pháo phòng không tự hành Gepard và hệ thống hỏa tiễn dẫn đường Lenkflugkörper IRIS-T.

Máy bay điều khiển từ xa và hệ thống chống máy bay điều khiển từ xa cũng sẽ được cung cấp, cũng như pháo tự hành – 12 chiếc PzH 2000 và 4 chiếc Zuzana 2 do Slovakia sản xuất. Mặc dù được thực hiện ở Slovakia nhưng các hợp đồng chuyển giao Zuzana 2 cho Ukraine đều được chính phủ Đức tài trợ, hãng truyền thông Ukraine Militarnyi đưa tin.

Súng trường tấn công, đạn dược, khoảng 30 xe tăng Leopard 1A5 và 400 xe thiết giáp chống phục kích cũng là một phần của gói, bên cạnh máy móc hỗ trợ hậu cần và nhiều loại xe tải.

Đức cũng đang cung cấp cho Ukraine thiết bị y tế và bệnh viện dã chiến.

Vào cuối tháng 7, Kyiv đã nhận được các đợt viện trợ quân sự mới từ Đức và Mỹ, nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, sau đó là Đức.

Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ vào tháng 7 trị giá 1,7 tỷ Mỹ Kim, trong đó 1,5 tỷ Mỹ Kim cho các hợp đồng dài hạn theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine và thêm 200 triệu Mỹ Kim cho viện trợ quân sự ngay lập tức có nguồn gốc từ kho dự trữ của Ngũ Giác Đài, hãng tin AP đưa tin vào thời điểm đó.

Nó diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Washington, DC, nơi các thành viên liên minh cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Theo AP, các đồng minh của NATO cũng đã thiết lập một chương trình mới để bảo đảm viện trợ quân sự bền vững cho Ukraine và tuyên bố lộ trình trở thành thành viên NATO của nước này là “không thể đảo ngược”.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, Mỹ đã cung cấp hơn 55,4 tỷ Mỹ Kim vũ khí và hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Đức, các nước NATO và các đối tác quốc tế khác đã đóng góp chung khoảng 50 tỷ Mỹ Kim vào viện trợ an ninh.

2. Tổng Tư Lệnh Syrskyi nói Ukraine tiến thêm 3 km nữa vào tỉnh Kursk của Nga

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi báo cáo với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 16 Tháng Tám rằng lực lượng Ukraine đã tiến từ 1 đến 3 km ở một số khu vực thuộc tỉnh Kursk của Nga.

Hoạt động chưa từng có này đánh dấu mốc 10 ngày vào ngày 15 tháng 8, với việc Kyiv tuyên bố đã chiếm giữ 1.185 km2 lãnh thổ Nga và 82 thị trấn, bao gồm cả thành phố Sudzha.

“Nhìn chung, tình hình đã được kiểm soát. Mọi hoạt động đang được thực hiện theo đúng kế hoạch, hệ thống hậu cần hoạt động trơn tru”, Syrskyi cho biết.

Theo Tổng Tư Lệnh, giao tranh đang diễn ra gần làng Malaya Loknya, cách Sudzha khoảng 15 km.

“Tôi hy vọng nhiều tù nhân sẽ bị bắt ở đó,” Syrskyi nói.

Ước tính số tù nhân Nga bị Ukraine bắt giữ trong tỉnh Kursk là từ vài trăm đến 2.000. Ukraine từ chối cung cấp đầy đủ số lượng tù nhân Nga bị bắt trong chiến dịch đang diễn ra.

Kyiv cho biết thay vì chiếm lãnh thổ Nga, cuộc tấn công nhằm mục đích bảo vệ sinh mạng người Ukraine bằng cách ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới và chuyển hướng quân tiếp viện của Nga.

Bất chấp nhiều thông tin cho rằng Nga đang điều động ít nhất một số lực lượng tới tỉnh Kursk, quân đội Kyiv ở phía đông Ukraine cho biết tình hình ở đó vẫn rất nghiêm trọng khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến quân gần Pokrovsk và Toretsk.

3. Nga triệu tập đại sứ Ý vì vụ nhà báo tường trình từ tỉnh Kursk

Hôm Thứ Bẩy, 17 Tháng Tám, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, cho biết Bộ Ngoại giao đã triệu tập đại sứ Ý, Cecilia Piccioni, để phản đối việc một nhóm nhà báo của hãng tin RAI của Ý đưa tin về cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine ở Kursk,

Nga cho rằng các nhà báo đã vượt biên giới vào tỉnh Kursk một cách bất hợp pháp, và đưa tin sai lạc.

Lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga vào ngày 6 tháng 8. Sau cuộc tấn công bất ngờ 10 ngày, Kyiv nắm giữ hơn 80 khu định cư ở Kursk và tiếp tục tiến lên.

RAI vào ngày 14 tháng 8 đã phát sóng bản tin đầu tiên của phương tiện truyền thông nước ngoài từ thị trấn Sudzha do Ukraine hoàn toàn chiếm giữ.

Zakharova cho rằng hãng tin RAI của Ý đã đi quá xa khi tường trình về một đoàn xe thiết giáp của một Lữ Đoàn Dù Ukraine tiến vào thị trấn Borkhi của Nga với tựa đề giật gân “Thiết giáp Mỹ lăn xích trên đất Nga.” Nhóm làm phim Ý còn quay những cảnh mà Zakharova gọi là “tuyên truyền” trong đó quân Ukraine phát các vật phẩm cứu trợ cho các nạn nhân chiến cuộc của Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ đại sứ liên quan đến hành động của đoàn làm phim của đài phát thanh và truyền hình nhà nước Ý RAI, tấn công trái phép vào lãnh thổ Liên bang Nga”.

Bộ Ngoại giao Ý nói với Reuters rằng Cecilia Piccioni, đại sứ Ý tại Mạc Tư Khoa, nói với chính quyền Nga rằng các phóng viên của RAI “lên kế hoạch hoạt động theo cách hoàn toàn độc lập và tự chủ. Ý là một quốc gia dân chủ và tự do nên chính quyền không thể ngăn cấm họ”.

Kênh tin tức Telegram của Nga ngày 16 Tháng Tám cũng đưa tin Bộ Nội vụ Nga có kế hoạch mở vụ án hình sự đối với hai nhà báo RAI.

4. Phải chăng Zelenskiy đã lọt vào bẫy của Putin?

Tờ Newsweek đã nêu ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “Has Zelensky Walked Into Putin's Trap?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số cơ quan truyền thông nhà nước Nga cho rằng vụ tấn công Kursk là một “cái bẫy” đối với Volodymr Zelenskiy, trong đó Vladimir Putin cuối cùng sẽ thắng thế, khi có nhiều đồn đoán về mục tiêu của Ukraine và đâu là kết thúc cho hoạt động táo bạo này.

Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh đã cố gắng giải thích lý do tại sao Ukraine vào Nga dễ dàng như vậy, chẳng hạn như RIA Novosti với bài xã luận một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch ở Kyiv cho biết các lực lượng Nga đang “kiểm soát tình hình”. Một ngày trước đó, tờ Tsargrad ủng hộ Điện Cẩm Linh đã viết về việc các lữ đoàn Ukraine “rơi vào bẫy” và đối mặt với tổn thất nặng nề như thế nào.

Nhưng câu chuyện có tính chất tuyên truyền này mâu thuẫn với các báo cáo, bao gồm cả từ các blogger quân sự Nga, về lợi ích của Ukraine, trong khi Tổng thống Zelenskiy hôm thứ Năm cho biết quân của ông đã chiếm được thành phố Sudzha.

Phải chăng Zelenskiy đã lọt vào bẫy của Putin?

Không có gì ngạc nhiên khi cả hai bên sẽ cố gắng trình bày các hoạt động của mình một cách tốt nhất có thể, nhưng trong khi không có bằng chứng nào cho thấy lực lượng Ukraine đã rơi vào bẫy, thì những gì Kyiv làm tiếp theo và liệu Putin có thể hưởng lợi trong dài hạn hay không vẫn chưa chắc chắn.

Thay vì có mặt ở khu vực Donbas phía đông Ukraine để cố gắng củng cố phòng tuyến hiện có và nắm giữ càng nhiều lãnh thổ càng tốt, các đơn vị tốt nhất của Kyiv hiện đang ở một nơi có thể dễ bị tổn thương trước một cuộc phản công hiệu quả của Mạc Tư Khoa.

Michael A. Witt, giáo sư chiến lược và kinh doanh quốc tế tại King's Business, Luân Đôn, cho biết: “Ukraine có nguy cơ mở rộng quá mức và có nguy cơ mất nhân sự và nguồn lực quý giá, trong khi Putin có thể lấy điều này làm cái cớ để leo thang hơn nữa”.

Putin cũng có thể khai thác trong nước câu chuyện mà ông đã thúc đẩy suốt thời gian qua về cuộc chiến mà ông đã bắt đầu – rằng ông hành động vì Nga đang bị phương Tây đe dọa, trong đó ông coi Ukraine là một đại diện ủy nhiệm.

“Có những lực lượng trái ngược nhau đang hoạt động. Một là củng cố câu chuyện rằng Nga đang bị đe dọa, điều này có thể giúp Putin và củng cố sự ủng hộ thông qua hiệu ứng tập hợp quanh lá cờ”, Witt nói với Newsweek.

Ông nói: “Nhưng dù người ta có chấp nhận điều đó đi nữa. Vấn đề mới nảy sinh là những nghi ngờ về việc liệu Putin và chính phủ của ông ta có phải là những người phù hợp để bảo vệ nước Nga hay không”. “Sự kết thúc của các nhà độc tài hiếm khi có thể thấy trước một cách rõ ràng. Nó thường đến rất bất thình lình”

Việc Nga thất bại trong việc chống lại cuộc tấn công của Ukraine cho đến nay đã bộc lộ sự thiếu hụt lực lượng dự trữ phòng thủ. Nó làm nổi bật thực tế là quân số của Nga trên tiền tuyến ở miền đông và miền nam Ukraine đang giảm dần do thương vong cao. Điều này đã bộc lộ tình trạng thiếu quân của Nga và động thái tăng tiền thưởng tuyển mộ của Điện Cẩm Linh dường như không có tác dụng.

Theo Bloomberg, Putin có thể bị buộc phải huy động rộng rãi hơn lệnh động viên một phần mà ông công bố vào tháng 9 năm 2022.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên thân cận với Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan này cho biết một đợt điều động mới có thể diễn ra vào cuối năm nay và được coi như một biện pháp luân chuyển để quân đội tiền tuyến nghỉ ngơi.

“Putin chắc chắn sẽ sử dụng điều này để củng cố hàng ngũ của mình,” Vuk Vuksanovic, cộng tác viên tại trường Kinh tế Luân Đôn, nói với Newsweek.

Ông nói rằng nó cũng có thể được Putin sử dụng “để xây dựng sự ủng hộ trong xã hội Nga đối với quan điểm của nước này về nguyên nhân của cuộc chiến và nói với khán giả trong nước Nga, 'Đây là lý do tại sao biên giới của chúng ta với Ukraine rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, và đây là lý do tại sao chúng ta không thể cho phép Ukraine trở thành một phần của NATO.”

Vuksanovic cho biết có một dấu hỏi đặt ra là tại sao Kyiv lại tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công xuyên biên giới khi lực lượng của họ “đang bị áp đảo” ở khu vực Donbas của Ukraine. Ngay cả khi nó bộc lộ những hạn chế trong khả năng lãnh đạo của Nga, “các cuộc chiến tranh sẽ không thể thắng dựa trên những nỗi bối rối chính trị mà bạn gây ra cho đối thủ của mình”.

“Động thái này có thể khiến Ukraine lãng phí nguồn lực mà nước này thiếu nhất trong cuộc chiến này, đó là nhân lực”.

Vuksanovic tin rằng một phần mục đích tấn công của Ukraine là nhằm giành được sự ủng hộ từ phương Tây bằng cách chứng minh rằng Kyiv vẫn có khả năng giành chiến thắng. “Điều này đặc biệt quan trọng đối với Ukraine vì họ đang cảnh giác với kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và nguy cơ một chính quyền mới ở Hoa Kỳ sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine”.

Hôm thứ Năm, chỉ huy hàng đầu của Zelenskiy, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết bộ chỉ huy quân sự đã được thành lập ở Kursk trong khi tổng thống Ukraine nhắc lại tuyên bố của Kyiv rằng họ hiện kiểm soát hơn 82 thị trấn và 1185km2.

Robert Orttung, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, nói với Newsweek: “Trong khi luôn có những rủi ro liên quan đến bất kỳ hoạt động chiến tranh nào, ở bất cứ đâu, bằng cách xâm chiếm lãnh thổ của kẻ xâm lược, Ukraine đang bắt đầu chiếm thế chủ động và loại khỏi vòng chiến một số lượng lớn vũ khí và thiết bị của đối phương. Điều này được gọi là phòng thủ tích cực trong binh pháp.”

5. Vụ tấn công xuyên biên giới vào Kursk của Ukraine đã đẩy các nhà tuyên truyền hàng đầu của Nga vào khủng hoảng như thế nào

Tờ Kyiv Independent giải thích chi tiết trong bài tường trình nhan đề “How Ukraine's Kursk incursion threw Russia's top propagandists into crisis”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Margarita Simonyan, một trong những nhà tuyên truyền hàng đầu của Nga, đã bỏ trốn.

Julia Davis, người sáng lập Russian Media Monitor, nói với Kyiv Independent: “Cô ấy đã biến mất khỏi tầm mắt”, đồng thời nói thêm: “Cô ấy hầu như không đăng bài trên mạng xã hội và cũng không xuất hiện trên truyền hình nhà nước”.

“Đó có lẽ là vì họ chưa nghĩ ra được những luận điểm hay để nói chuyện có ý nghĩa, bởi vì tình huống này đã thực sự phơi bày thực tế những gì đang xảy ra trong cuộc chiến mà họ đã bắt đầu.”

“Tình huống” đó là việc Ukraine đang tiếp tục tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga, và “họ” là Điện Cẩm Linh và các kênh truyền thông nhà nước Nga đã bị ném vào một tình trạng khủng hoảng.

Khi lực lượng Ukraine vượt qua biên giới Nga vào ngày 6 tháng 8, phản ứng ngay lập tức của Nga là hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tấn công xuyên biên giới táo bạo này.

Trong tuyên bố đầu tiên được truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công đã bị đẩy lùi và quân dự bị của Nga đã được gửi đến biên giới ở tỉnh Kursk.

Nhưng ngay sau đó lại xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược khi các Thống đốc 2 tỉnh Kursk và Belgorod lần lượt đưa ra các thông báo bắt buộc di tản khẩn cấp.

Đăng trên Telegram, các blogger quân sự ủng hộ chiến tranh của Nga thường được gọi là “milblogger” cũng bác bỏ tầm quan trọng của cuộc tấn công xuyên biên giới, trong đó một trong những người nổi tiếng nhất, Rybar Z gọi đây là “một chiến dịch gây dư luận” nhằm kéo dãn chiến tuyến của quân đội Nga.

Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục hạ thấp cuộc tấn công xuyên biên giới và hôm 7 Tháng Tám cho biết Mạc Tư Khoa đã ngăn chặn lực lượng Ukraine tiến sâu vào lãnh thổ Nga, đồng thời nói thêm rằng họ “tiếp tục tiêu diệt đối phương”.

Nhưng, trống đánh xuôi kèn lại thổi ngược khi trong một cuộc họp được trực tiếp truyền hình, Putin gọi cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine là một “sự khiêu khích quy mô lớn” khi gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Nga, những người có khuôn mặt đầy âu lo.

Vụ tấn công xuyên biên giới vào Kursk giáng đòn mạnh vào uy tín của Putin, đánh dấu cuộc tấn công trên bộ đầu tiên vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến thứ hai

Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, nói với Putin rằng binh lính Ukraine được cho là có ý đồ “chiếm giữ” lãnh thổ quận Sudzhansky, nhưng “cuộc tiến quân của họ theo hướng Kursk đã bị dừng lại”.

Đến giai đoạn này, câu chuyện do Điện Cẩm Linh và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga thúc đẩy đã bắt đầu khác với câu chuyện của các blogger – Rybar Z thay đổi giọng điệu và nói rằng tình hình ở Kursk đang “tiếp tục xấu đi”.

Trên truyền hình nhà nước vào khung giờ vàng, những rạn nứt bắt đầu lộ rõ. Trong chương trình 60 Minutes vào ngày 8 tháng 8, người dẫn chương trình Olga Skabeeva lạnh lùng nghe một phóng viên chiến trường trong cuộc gọi điện video từ Kursk nói rằng sẽ sai lầm nếu mô tả cuộc tấn công xuyên biên giới là “một cuộc đột kích của một nhóm trinh sát và phá hoại”.

Phóng viên nói: “Đây là một cuộc xâm lược vũ trang tổng hợp chính thức”.

Davis nói: “Ban đầu, họ cố gắng miêu tả nó chỉ là một số kẻ phá hoại đang xâm nhập vào lãnh thổ của họ nhưng điều đó rất nhanh chóng bị lấn át bởi những phản ứng gần như hoảng loạn rằng họ đã bị xâm chiếm”.

Khi Ukraine tiếp tục đạt được tiến bộ trong vài ngày sau đó, các phương tiện truyền thông chính thức Nga tiếp tục cố gắng hạ thấp cuộc tấn công.

Khi quân đội Ukraine công bố video từ ngoại ô Sudzha vào ngày 9 tháng 8, hãng RT của Nga đưa tin Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng lực lượng Mạc Tư Khoa đã “ngăn chặn các nỗ lực của Quân đội Ukraine nhằm tiến hành các cuộc đột kích sâu vào tỉnh Kursk”.

Vào ngày 10 tháng 8, Mạc Tư Khoa buộc phải công bố một “chiến dịch chống khủng bố” không chỉ ở đó mà còn cả các tỉnh Belgorod và Bryansk khi cuộc tấn công tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên, trong bình luận được RT đưa tin, chỉ huy Trung đoàn Akhmat Nga Apti Alaudinov nói rằng lực lượng Nga “đã kiểm soát được tình hình ở Kursk “.

Để hỗ trợ cho tuyên bố này, Bộ Quốc phòng Nga đã tung ra các video quay cảnh quân đội Mạc Tư Khoa phá hủy các trang thiết bị của Ukraine.

Một bài báo do hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đăng tải tuyên bố cho thấy các máy bay trực thăng của Nga tấn công quân nhân và xe thiết giáp của Ukraine ở tỉnh Kursk bằng hỏa tiễn trên không S-13.

Nhưng một cuộc điều tra của hãng tin độc lập Nga Insider vào ngày 10 tháng 8 cho thấy video này và các video tương tự khác được quay vài tuần hay vài tháng, thậm chí cả vài năm trước đó tại các khu vực tiền tuyến ở Ukraine và không liên quan gì đến cuộc giao tranh ở Kursk.

Đến giai đoạn này, ngay cả những nhà tuyên truyền hàng đầu của Nga cũng đang phải vật lộn để làm cho câu chuyện mà họ đang đưa ra phù hợp với những gì người dân nhìn thấy từ Kursk.

Davis nói: “Thật là buồn cười khi người dẫn chương trình Olga Skabeeva bối rối vì quân đội Nga nói rằng có khoảng một ngàn người từ phía Ukraine đã xâm lược, sau đó họ lại tuyên bố rằng họ đã giết 945 người trong số họ”.

“Ngay cả cô ấy cũng bối rối trước phép toán của Điện Cẩm Linh trong trường hợp này.”

Trên truyền hình nhà nước Nga, Solovyov, người dẫn chương trình – được biết đến nhiều hơn với việc ca ngợi cuộc xâm lược toàn diện đầy “chính nghĩa” vào Ukraine và nhiệt liệt kêu gọi tấn công hạt nhân vào nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, hôm 11 tháng 8, chương trình Buổi tối với Vladimir Solovyov được nhiều người theo dõi đã chứng kiến ông ta buồn bã thừa nhận quy mô của cuộc tấn công này và tình hình nghiêm trọng ở tỉnh Kursk.

“Có thể nói, tất nhiên tin tức chính của tuần này là một tin đáng lo ngại. Một cuộc tấn công vào Kursk,” ông ta nói.

“Nó phải được tiếp cận với sự nghiêm chỉnh tối đa. Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự leo thang chưa từng có.”

Đến ngày 12 tháng 8, trò chơi đã kết thúc và trong một cuộc họp được trực tiếp truyền hình với các quan chức chính phủ, Putin được thông báo rằng 28 thị trấn trong khu vực đã thất thủ. Alexei Smirnov, Đại diện Thống đốc khu vực Kursk tuyên bố rằng cuộc tấn công được tiến hành theo 5 hướng khác nhau dọc theo mặt trận dài 40 km, và chỗ ít nhất sâu tới 12 km.

Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh hiện đang ở trong tình thế khó chịu khi phải báo cáo những điều mà họ đã mất hơn hai năm để nói với khán giả rằng không bao giờ có thể xảy ra.

Davis nói: “Nó mâu thuẫn với tất cả những gì họ đã nói với người dân của mình về đội quân được cho là hùng mạnh của họ và tất cả người dân Nga đều được bảo vệ tốt như thế nào”.

Vào ngày 14 tháng 8, chính quyền Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Belgorod vì cuộc tấn công của Ukraine không có dấu hiệu dừng lại.

Chương trình tin tức TSN của Ukraine chiếu cảnh binh lính Ukraine dỡ cờ Nga ở thành phố Sudzha thuộc tỉnh Kursk, đây là kênh truyền hình đầu tiên đưa tin về khu vực bị bao vây của Nga.

Theo Davis, sự vắng mặt của Simonyan trên màn hình TV cũng như giọng điệu u ám và dè dặt từ những người dẫn chương trình khác thể hiện khoảng trống thông tin trong bộ máy tuyên truyền vốn lắt léo của Nga, và vốn thường xuất sắc trong việc lặp lại các câu nói từ Điện Cẩm Linh một cách đồng loạt.

Cô nói: “Tôi có thể thấy rằng một số nhà tuyên truyền gần như ngại nói; trong khi một số lại nói quá nhiều những chuyện mưa nắng vì họ chưa được phép đưa ra một quan điểm rõ ràng”.

“Họ sợ nói điều gì đó có thể không phù hợp với những gì họ sẽ được bảo để bán cho người dân sau này.”

6. Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về vũ khí hạt nhân: 'Không có ranh giới đỏ'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Issues Ominous Warning on Nukes: 'No Red Lines'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Một trong những đồng minh hàng đầu của Putin đã nói rằng “không có ranh giới đỏ” trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám.

Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko, một đồng minh lâu năm của nhà lãnh đạo Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga rằng “Belarus sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối phương vượt qua biên giới của nhà nước Liên minh. Sẽ không có vạch đỏ, câu trả lời sẽ có ngay lập tức.”

Cuộc phỏng vấn do kênh truyền hình Rossiya tổ chức cho thấy Lukashenko đặt câu hỏi về an ninh của “Nhà nước Liên minh” giữa Nga và Belarus, cũng như bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, nơi đang chứng kiến áp lực ngày càng gia tăng đối với Nga trong những ngày gần đây do tiến triển của cuộc tấn công Kursk.

Đây không phải là lần đầu tiên Lukashenko đưa ra lời đe dọa kiểu này. Trước đó, ông tuyên bố rằng ông “không có ranh giới đỏ” vào tháng 7 năm nay, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng dọc biên giới phía bắc Ukraine với Belarus.

Phát biểu sau đó, ông nói: “Tôi bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ cuộc đụng độ nào ở biên giới với Ukraine. Sẽ không có, chúng tôi không cần chúng. Nhưng Ukraine thậm chí còn không cần chúng hơn vì những sự kiện đang diễn ra trên chiến trường của họ”.

Tuy nhiên, Lukashenko cũng nhiều lần kêu gọi chấm dứt giao tranh trong một cuộc phỏng vấn khác vào hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám, nói rằng chỉ “những người cao cấp gốc Mỹ” mới muốn cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục.

“Hãy ngồi xuống bàn đàm phán và kết thúc cuộc ẩu đả này. Cả người dân Ukraine, người Nga và người Belarus đều không cần nó. Chỉ có phương Tây cần nó.”

Putin trước đây từng nói rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine sẽ yêu cầu nước này từ bỏ mọi nỗ lực gia nhập liên minh NATO.

Căng thẳng ở Đông Âu thậm chí còn gia tăng hơn nữa sau tiến triển liên tục của cuộc tấn công Kursk của Ukraine, chứng kiến lực lượng Kyiv tiến nhiều bước vào khu vực đông bắc Nga.

Những người theo dõi tiến trình này chỉ ra rằng các lực lượng Ukraine đã chiếm giữ Viktorovka và Vnezapnoe, ở phía tây khu vực Kursk, cũng như tiến xa hơn về phía bắc gần Zhuravli. Xa hơn về phía đông, đã có báo cáo về việc chiếm giữ Mirnyi, mặc dù Nga vẫn chưa xác nhận bất kỳ báo cáo nào trong số này.

7. Khoa học gia Nga kêu gọi Putin triển khai vũ khí hạt nhân để cắt đường viện trợ của NATO cho Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Urged To Deploy Nukes To Cut Off Ukraine's NATO Aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà vật lý người Nga đã gửi thư thúc giục nhà độc tài Vladimir Putin tấn công Ukraine bằng vũ khí hạt nhân để đẩy nhanh kết quả của cuộc xâm lược và cắt đứt các tuyến đường tiếp tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ từ các quốc gia phương Tây.

Bản sao bức thư do Anatoly Volyntsev, nhà vật lý và giáo sư tại Đại học Perm State, gửi cho nhà lãnh đạo Nga đã được tờ báo độc lập Novaya Gazeta của Nga công bố. Sau đó, tờ báo đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Volyntsev về nội dung bức thư.

Cuộc chiến của Putin ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba, đã trở nên căng thẳng hơn trong những ngày gần đây sau khi Kyiv bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kursk của Nga vào ngày 6 tháng 8, chiếm giữ gần như toàn bộ lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa đã chiếm được ở Ukraine kể từ đầu năm. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết Kyiv hiện đang kiểm soát khoảng 1.185 km2 của Kursk, và 82 thị trấn của Nga đã thất thủ.

Mối quan hệ giữa Washington và Mạc Tư Khoa ngày càng trở nên căng thẳng sau quyết định của Putin tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các quan chức Nga thường xuyên cáo buộc NATO đồng lõa trong cuộc chiến bằng cách cung cấp viện trợ và vũ khí cho Kyiv.

Volyntsev nói với Novaya Gazeta rằng ông đã nói với Putin rằng hãy xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến “để đạt được mọi mục tiêu nhanh hơn”, vì cuộc xung đột đã diễn ra khốc liệt trong hai năm rưỡi.

Ông nói: “Tình hình ở mặt trận đã trở nên sa lầy và kéo dài”, đồng thời cho biết thêm rằng Mạc Tư Khoa đã không thực hiện bất kỳ “hành động quân sự mang tính đột phá lớn nào”.

Mặc dù Nga có lợi thế nhưng “chúng ta đang tiến khá chậm”, nhà vật lý nói.

“Người dân Nga có một câu hỏi: khi nào chúng ta mới hoàn thành và đạt được điều mình mong muốn?” hắn ta hỏi. “Thứ hai, chúng ta phải chịu đựng các cuộc tấn công khủng bố trên đất Nga, và những cuộc tấn công này trên thực tế được tổ chức bởi phương Tây, với sự trợ giúp của vũ khí phương Tây, với sự trợ giúp của nguồn lực tình báo của họ, trên thực tế là với sự tham gia trực tiếp của tập thể phương Tây. Và chúng ta không trả lời. Và ở đây người dân có một câu hỏi: tại sao không trả lời thỏa đáng, chúng ta không phải là cường quốc hạt nhân sao?”

Volyntsev đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Đường hầm Beskydy của Ukraine, đó là tuyến hỏa xa ở khu vực Lviv được cho là được sử dụng để vận chuyển vũ khí phương Tây được Quân đội Ukraine sử dụng.

Ông nói rằng sẽ “rất khó” để tiêu diệt bằng vũ khí thông thường vì đường hầm là “nơi trú bom đáng tin cậy nhất”.

Nhà vật lý cho biết sức công phá của vũ khí hạt nhân lớn hơn rất nhiều.

Volyntsev đề xuất sử dụng “bom hydro nhỏ” để tiến hành “tấn công hạt nhân nhẹ nhàng” vào đường hầm “nhằm chặn các tuyến đường tiếp tế chính”.

“Đúng, một số chất phóng xạ sẽ được tạo ra. Nhưng đây là một lựa chọn không để lại ô nhiễm phóng xạ lớn trong khí quyển và tải trọng lên đất”, ông nói. “Đúng, sẽ có thương vong…nhưng mọi thứ đều có thể được thực hiện với mức độ thiệt hại tối thiểu.”

Volyntsev mô tả cuộc xung đột này là “một cuộc chiến tiêu hao sinh lực”.

“Nếu không có sự trợ giúp của phương Tây, mọi thứ đã kết thúc từ lâu. Làm sao sự hỗ trợ của phương Tây có thể bị cắt đứt?” hắn ta hỏi. “Cần phải ngăn chặn dòng vũ khí, vật liệu và thiết bị khác cho phép chế độ Ukraine tồn tại.”

Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập Nga, nhận xét rằng “Nếu vài ngày nữa mà tôi nhận được tin rằng tên vật lý gia này bị rơi ra khỏi cửa sổ rớt xuống đường bể sọ chết, thì tôi sẽ không ngạc nhiên đâu. Hắn ta vừa to gan tiết lộ một bí mật quốc gia. Vladimir Putin làm sao dám sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

8. Ukraine tìm kiếm thỏa thuận '100 năm' với thành viên NATO lớn để ngăn chặn Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Seeks '100-Year' Deal With Major NATO Member To Deter Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Ukraine đã chính thức bắt đầu đàm phán về mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thế kỷ với một trong những đồng minh quân sự trung thành nhất của mình và tin rằng những thỏa thuận có tầm nhìn xa như vậy là cần thiết để bảo vệ biên giới đất nước khỏi sự xâm lược trong tương lai.

Hôm thứ Ba, Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo rằng Ukraine đã “tổ chức vòng đàm phán đầu tiên với Vương quốc Anh về việc ký kết thỏa thuận song phương về quá trình chuyển đổi sang quan hệ đối tác mạnh mẽ và sâu sắc hơn”.

Các cuộc đàm phán được dẫn dắt bởi Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, người đã cảm ơn Vương quốc Anh vì sự hỗ trợ không ngừng nghỉ kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

“ Chúng tôi rất biết ơn người dân, Chính phủ và Quốc hội của các bạn vì sự giúp đỡ và lãnh đạo mà chúng tôi đã nhận được kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga”. “Anh là nước đầu tiên ký thỏa thuận an ninh với Ukraine và bây giờ là nước đầu tiên thực hiện một văn kiện lịch sử về 100 năm quan hệ đối tác.”

Mối quan hệ đối tác 100 năm, được thảo luận giữa Ukraine và Ngoại trưởng Anh khi đó là David Cameron trong chuyến thăm Kyiv vào tháng 5, sẽ dựa trên Thỏa thuận năm 2020 của hai nước về Hợp tác Chính trị, Thương mại Tự do và Đối tác Chiến lược cũng như Thỏa thuận về Hợp tác An ninh năm 2024.

Thỏa thuận sau này, được ký vào tháng Giêng, chính thức hóa cam kết của Vương quốc Anh trong việc liên tục cung cấp cho Ukraine các thiết bị và đào tạo cần thiết để “ngăn chặn và phòng thủ trước các cuộc tấn công trong tương lai” và được Chính phủ Anh mô tả là “bước đầu tiên trong việc phát triển một nền kinh tế trăm năm không thể lay chuyển trong quan hệ đối tác giữa Ukraine và Vương quốc Anh.”

Theo Văn phòng Tổng thống, Yermak nhấn mạnh rằng cần có sự hỗ trợ liên tục của đất nước để “khôi phục hòa bình công lý và ngăn chặn các cuộc xâm lược mới chống lại Ukraine” và nói: “Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công để văn kiện lịch sử này được Tổng thống ký.” của Ukraine và Thủ tướng Anh sớm.”

Theo Viện Kiel, Vương quốc Anh là một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột, chỉ xếp sau Mỹ, Liên minh Âu Châu và Đức về tổng số hỗ trợ của chính phủ.

Vào giữa tháng 7, Zelenskiy đã đến thăm Vương quốc Anh và ngồi nói chuyện với Thủ tướng mới đắc cử Keir Starmer.

Tại cuộc gặp, ông Zelenskiy cảm ơn sự hỗ trợ của đất nước, điều mà ông nói đã “liên tục giúp chúng tôi bảo vệ tự do và dân chủ ở Ukraine và hỗ trợ rất nhiều cho người dân Ukraine”.

Sau cuộc gặp, Chính phủ Anh cho biết: “Rõ ràng là cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một cuộc chiến trong sản xuất công nghiệp. Chính phủ và ngành công nghiệp thống nhất trong cam kết chung của chúng ta với Ukraine và bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta đang đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác 100 năm của mình.”
 
Công Giáo tại Kursk giữa khói lửa chiến tranh. GH tại Thánh địa kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình
VietCatholic Media
17:29 17/08/2024


1. Đức Tổng Giám Mục Pezzi: Cộng đoàn Công Giáo tại Kursk bình an

Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mạc Tư Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, cho biết tại thành phố Kursk hiện có một cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé và họ bình an. Trong thành phố không có dấu hiệu gì nhưng cũng có sự lo âu.

Đức Tổng Giám Mục Pezzi, người Ý, tuyên bố như trên với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm 11 tháng Tám vừa qua.

Kursk là thành phố có 400.000 dân cư, cách biên giới Ukraine hơn 100 cây số. Cách đây một tuần, Ukraine đã tấn công thành phố này và đây là lần đầu tiên Ukraine tiến quân vào lãnh thổ Nga. Chính phủ Nga đã ra lệnh di tản 76.000 dân cư ra khỏi vùng này, đồng thời cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các vùng Belgorod, Briansk và Kurst, giáp với Ukraine. Lệnh này cho phép các lực lượng an ninh thu hẹp tự do di chuyển và quyền riêng tư của người dân.

Đức Tổng Giám Mục Pezzi cho biết người ta cũng lo ngại vì tại Kursk có trung tâm năng lượng hạt nhân và Nga đã thông báo cho Cơ quan Quốc tế về hạt nhân, về tình trạng của trung tâm. Ngài nói thêm rằng: “Tôi không biết về phương diện tinh thần, sự xâm nhập này của Ukraine vào lãnh thổ Nga có thể thay đổi gì hay không. Tôi nói sự lo âu có phần gia tăng. Đó là sự lo âu của Đức Thánh Cha, vì mọi cuộc xung đột đều tàn phá, xâu xé tâm hồn, các gia đình, và cộng đoàn, các quốc gia. Nó cũng làm thương tổn các mối quan hệ quốc tế, mối tương quan giữa các dân tộc”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Pezzi cũng nhắc đến đề tài Đức Thánh Cha đã chọn cho ngày Hòa bình Thế giới đầu năm tới-2025: “Xin tha nợ chúng con: xin ban hòa bình của Chúa”, đề tài này nhấn mạnh sự tha thứ, một điều rất được Đức Thánh Cha quan tâm. Đức Tổng Giám Mục Pezzi nói: “Có thể tha thứ hay không? Đó cũng là sứ điệp mà từ hai năm rưỡi qua chúng tôi tìm cách theo đuổi. Đó là điều khó khăn. Không thể đòi hỏi tha thứ bằng một sắc lệnh. Và cũng chẳng phải là một giới răn. Nhưng tha thứ là con đường, nếu ta muốn chữa lành các tâm hồn, các gia đình, cộng đoàn, các quốc gia và dân tộc. Nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một nền văn minh dựa trên sự thật và tình thương. Bước tiến mà chúng ta không thể tách biệt chính là tha thứ. Đối với chúng tôi, thật là một hồng ân lớn sứ điệp của Đức Thánh Cha, nhân ngày Hòa bình Thế giới sắp tới”.

2. Các vị lãnh đạo Giáo hội tại Thánh địa kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa và cha Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, Francesco Patton, mời gọi các tín hữu trên thế giới hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh địa, vùng Trung Đông và thế giới, đặc biệt vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời, ngày 15 tháng Tám tới đây.

Cả hai vị lãnh đạo đều thuộc Dòng Phanxicô. Các tu sĩ của dòng phục vụ và gìn giữ các Nơi Thánh, từ thế kỷ XIII. Dòng cũng đảm trách các công tác mục vụ và xã hội, cũng như giáo dục dành cho dân chúng tại đây.

Tám thế kỷ phục vụ của các tu sĩ Dòng Phanxicô bắt đầu từ thời thánh Phanxicô Assisi viếng thăm Trung Đông, hồi đầu thế kỷ XIII.

Trong sứ điệp, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói với các tín hữu rằng: “Cuộc đối thoại ngày càng khó khăn, chúng ta chỉ còn cách cầu nguyện. Những đau khổ và kinh hoàng dường như ngày càng được nuôi dưỡng bằng oán thù, căm hận và khinh rẻ, chúng chỉ gia tăng bạo lực và càng khó có thể tìm ra được những giải pháp”.

Theo Đức Thượng phụ, “Ngày càng khó tượng tượng được sự kết thúc cuộc xung đột hiện nay, cũng như ngày càng khó tìm được những nhân vật và tổ chức có thể đối thoại với họ, về tương lai và những tương quan hòa bình. Tại Thánh địa, dường như tất cả đang bị đè bẹp vì tình trạng hiện nay, với bao nhiêu bạo lực và thịnh nộ, chúng ta phải nhận thức sự thật như vậy”.

Trong bối cảnh đó, Đức Thượng phụ khẳng định rằng “Những ngày này dường như là quan trọng để lật ngược lại xu hướng của xung đột, và trong đó, đặc biệt có ngày 15 tháng Tám, Lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời”. Đức Thượng phụ mời gọi: trong ngày ấy, trước hoặc sau thánh lễ hay lúc nào thuận tiện, tất cả hãy cầu xin ơn hòa bình, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ”.

Về phần mình, cha bề trên Patton, trong thư mời gọi, cha viết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại rất khó khăn, trong đó việc cầu nguyện cho hòa bình là điều rất quan trọng”.

Trước đó, cha nhắc đến những dấu chỉ hy vọng, như các phe lâm chiến đồng ý mở lại các cuộc thương thảo, vào ngày 15 tháng Tám này để tiến đến một cuộc đình chiến ở Gaza và trả tự do cho các con tin, các tù nhân chính trị.

Xét vì tầm quan trọng của biến cố này, cha Patton mời gọi các tu sĩ Phanxicô dành các buổi cử hành, nhân lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời để đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình. Thư của cha trích dẫn sách Khải Huyền, đoạn 12, nói về người “phụ nữ sắp sinh con” xuất hiện trên trời, và con mãng xà trong hỏa ngục cũng xuất hiện và ra sức chống lại các con của phụ nữ” (Kh 12, 1ss) nhưng mãng xà bị các thiên thần, dưới sự chỉ dẫn của Tổng lãnh thiên thần Micae, đánh bại. Vì thế, thật là điều quan trọng làm sao để ngày ấy trở thành một ngày cầu nguyện thật sốt sắng, kể cả việc sử dụng kinh đã được Đức Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem, Pierbattista Pizzaballa, phê chuẩn.

3. Cuộc phỏng vấn Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. ‘Chúng tôi cầu nguyện tha thiết cho việc hàn gắn ly giáo’

Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô của Constantinople là primus inter pares của các thượng phụ của cộng đồng Chính thống giáo trên toàn thế giới, tuy nhiên, quyền lãnh đạo của ngài đã bị Giáo hội Chính thống giáo Nga và các đồng minh của nó thách thức trong những năm gần đây.

Việc công nhận Giáo hội Chính thống giáo Ukraine như tự chủ, độc lập với Giáo hội Nga, và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, mà Thượng phụ Bartholomew là người chỉ trích thẳng thắn, đã chia rẽ các Giáo hội Chính thống giáo xa hơn nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Pillar, Thượng phụ Bartholomew đã nói về những chia rẽ tôn giáo này và cuộc chiến, cũng như tình bạn của ngài với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và kế hoạch tìm một ngày chung cho lễ Phục sinh.

Trong nhiều năm, đã có cuộc thảo luận về việc ấn định ngày để người Công Giáo và Chính thống giáo cùng nhau cử hành lễ Phục sinh.

Nhiều người dường như tin rằng chúng ta chưa bao giờ gần đạt được điều đó như vậy. Đức TP có chia sẻ sự lạc quan đó không?

Ngày lễ Phục sinh chung đã là một vấn đề được thảo luận kể từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Công đồng chung đầu tiên được tổ chức tại Nixêa, vào năm 325 CN, đã đặt ra các tiêu chuẩn để tính toán ngày lễ Phục sinh.

Như các bạn đã biết, năm tới đánh dấu kỷ niệm 1700 năm Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội không chia cắt trong thiên niên kỷ đầu tiên. Năm tới, cũng vậy, do một sự trùng hợp may mắn, tất cả các Kitô hữu sẽ cử hành Lễ Phục sinh vào cùng một ngày, ngày 20 tháng 4, như thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Mong muốn tìm một ngày lễ chung vẫn luôn trong trái tim và tâm trí chúng ta. Chúng tôi đã bày tỏ mong muốn tìm một ngày chung như vậy và đã thảo luận điều này với người anh em yêu dấu của chúng ta trong Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được bản chất nghiêm chỉnh và phức tạp của quyết định này sắp được đưa ra.

Chắc chắn rằng câu hỏi này sẽ nằm trong số những câu hỏi khác trong các cuộc thảo luận của Ủy ban Kế hoạch chung mới thành lập giữa các Giáo hội Rôma và Constantinople, nơi đã đảm nhận nhiệm vụ của mình để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Ni-xê-a.

Chúng tôi đồng hành cùng quá trình này với lời cầu nguyện và hy vọng về một thỏa thuận chung cuối cùng và một bước tiến tích cực.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng một thỏa thuận như vậy không được tạo ra thêm căng thẳng giữa các Giáo hội của chúng ta và đặc biệt là giữa các Giáo hội Chính thống giáo địa phương khác nhau. Ngược lại, nó sẽ đóng vai trò là bước quyết định trên con đường chung của chúng ta hướng tới sự thống nhất.

Để một thỏa thuận như vậy có thể tiến triển, thì nó sẽ hoạt động như thế nào với cộng đồng Chính thống giáo? Có cần phải bảo đảm sự đồng thuận của mỗi Giáo hội tự chủ không?

Xem xét những chia rẽ hiện đang tồn tại giữa các Giáo hội Chính thống giáo, ngài có nghĩ rằng đây là một khả thể thực sự không?

Chúng tôi không thể nói thêm về vấn đề này ở giai đoạn này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng rằng thông qua đối thoại cởi mở, cầu nguyện và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, có thể tìm ra một giải pháp thúc đẩy sự thống nhất và hiểu biết giữa tất cả các Giáo hội Chính thống giáo.

Ngài đã rất thẳng thắn khi chỉ trích lập trường của Đức Thượng phụ Kirill và Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa liên quan đến việc ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, tôi muốn hỏi ý kiến của ngài về các Giáo hội gần gũi với Mạc Tư Khoa và đã giữ im lặng hoặc công khai ủng hộ điều đó là gì?

Với tư cách là Tòa Thượng phụ Đại kết, ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã lên án rất rõ ràng cuộc chiến ở Ukraine và tuyên bố rằng cuộc xâm lược của Nga vào một quốc gia có chủ quyền không thể được gọi là “cuộc thánh chiến “, mà thực tế là một cuộc chiến “ma quỷ”!

Chúng tôi tin rằng chỉ thông qua đối thoại chân thành và đàm phán hòa bình, chúng ta mới có thể thấy được giải pháp thực sự ở Ukraine. Để đối thoại có được viễn cảnh thực tế, cuộc chiến phải chấm dứt ngay lập tức.

Chúng tôi chắc chắn ủng hộ việc chấm dứt cuộc xâm lược và tấn công của Nga — và ủng hộ thành công của mọi nỗ lực của Ngài Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đặc biệt là liên quan đến “Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình ở Ukraine” quan trọng diễn ra tại Thụy Sĩ vào ngày 15-16 tháng 6 năm 2024, và chúng tôi đã đích thân tham dự, theo lời mời ân cần của Ngài Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.

Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chiến tranh không phải là giải pháp và không bao giờ được xem xét, ngay cả khi đó là phương sách cuối cùng. Hành vi con người giết hại lẫn nhau, anh em chống lại anh em, là dấu hiệu ghê tởm và không thể chấp nhận được nhất của trạng thái hủy diệt và suy đồi mà nhân loại, thật không may, vẫn tiếp tục làm con tin. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Chúa chúng ta.

Chúng tôi tin chắc rằng không có người thuận lý nào, không có người thiện chí nào có thể đồng ý với những gì đang xảy ra ngày nay ở Ukraine hoặc ở những nơi khác trên thế giới nơi mà các cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra.

Cuộc chiến này, giống như mọi cuộc chiến tranh và xung đột khác, và bất cứ hành động nào làm suy yếu hòa bình và coi thường phẩm giá của con người, vốn là biểu tượng của chính Chúa - đều là thất bại của nhân loại.

Trong khi trách nhiệm trước mắt có thể thuộc về những người chọn chiến tranh thay vì đối thoại và đổ máu thay vì ngoại giao, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm lên án mạnh mẽ những hành vi và lựa chọn như vậy. Chúng ta phải bảo vệ hòa bình, tự do, tôn trọng nhân quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của mọi quốc gia.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói về cuộc chiến ở Ukraine và đề cập đến nỗi thống khổ của người dân Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích ngài, cho rằng ngài không nói hoặc làm đủ để chỉ trích Nga trong cuộc chiến này. Ngài thấy lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng liên quan đến cuộc chiến như thế nào?

Cả Đức Thánh Cha Phanxicô lẫn chúng tôi đều cùng quan điểm về việc lên án cuộc chiến ở Ukraine. Đức Giáo Hoàng cũng rất chỉ trích trong bài phát biểu của mình với Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, thậm chí còn có sự táo bạo hiếm có khi gọi ngài là “một cậu bé giúp lễ của Tổng thống Putin!”

Chúng ta cũng phải khen ngợi ngài vì sự tham gia đích thân của ngài trong việc hồi hương những đứa trẻ bị bắt cóc từ Ukraine về Nga, cũng như vì sự tham gia của Vatican trong “Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình”.

Ngài nổi tiếng là rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như ngài đã từng thân thiết với Đức Giáo Hoàng John Paul II và Bênêđíctô XVI trong quá khứ.

Ngài muốn nêu bật những đặc điểm chính của từng người trong số họ là gì?

Mỗi vị giáo hoàng đều là một người bạn thân thiết và là đối tác trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Đức John Paul II có một sức lôi cuốn phi thường và tâm linh sâu sắc. Đức Bênêđíctô XVI sở hữu một trí tuệ thần học tuyệt vời. Đức Phanxicô là hiện thân của sự khiêm nhường giống Chúa Kitô, sự giản dị và sự quan tâm đến người nghèo và những người bị thiệt thòi.

Cả ba đều hoàn toàn cam kết hàn gắn những chia rẽ giữa các Giáo hội của chúng ta và cùng nhau giải quyết những thách thức to lớn của nhân loại đương thời.

Trong 30 năm nữa, sẽ là 1000 năm kể từ khi xảy ra sự chia rẽ giữa Đông và Tây.

Ngài có tin rằng có thể hàn gắn được sự chia rẽ đó trước khi chúng ta đến ngày đó không?

Chắc chắn, chúng ta cầu nguyện hết lòng để hàn gắn sự chia rẽ năm 1054 giữa Rôma và Constantinople. Việc mở ra cuộc đối thoại về tình yêu giữa hai Giáo hội chị em của chúng ta trở lại những năm 1960 với các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras vào năm 1964 tại Giêrusalem, bao gồm cả việc cùng nhau dỡ bỏ những lời nguyền rủa giữa hai Giáo hội, và tất cả những nỗ lực được thực hiện sau cuộc đối thoại về tình yêu này, đã mở đường cho cuộc đối thoại thần học chính thức bắt đầu vào những năm 1980.

Ủy ban Thần học Hỗn hợp giữa Giáo hội Rôma và Giáo hội Chính thống đã làm việc kể từ đó với sự nghiêm chỉnh và tận tụy và với những kết quả cụ thể đáng chú ý.

Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại này sẽ mang lại nhiều thành quả và sẽ là một bước tiến cụ thể hướng tới việc hiện thực hóa sự hiệp nhất trọn vẹn của hai Giáo hội, khi Chúa cho phép, để mong muốn của chính Chúa Kitô, rằng chúng ta “có thể là một” (Ga 17:11), có thể được thực hiện.

John Lavenburg, trên tạp chí CruxNow, ngày 13 tháng 8 năm 2024, cho hay: vào thời điểm diễn ra những lời lẽ chính trị gay gắt, khi không ứng cử viên nào của đảng lớn đại diện đầy đủ cho giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề, Đức Hồng Y Joseph Tobin nhắc nhở người Công Giáo về bổn phận của họ là phải tích cực tham gia vào tiến trình chính trị.