Ngày 19-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 21 Mùa Quanh Năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
01:56 19/08/2010
Thứ Hai sau Chúa nhật 21 thường niên

Mt 23,13-22

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Đức tin là ân ban của Chúa. Xin ban cho chúng con đức tin đủ, để chúng con thấy Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém, để chúng con dám sống theo đòi hỏi Tin mừng của Chúa. Xin tháo gỡ nơi chúng con những cách tôn thờ giả tạo, để chúng con sống chân thành trước mặt Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin thương tha thứ những lỗi lầm chúng con đã phạm. Đôi khi vì tội lỗi của chúng con đã gây nên gương mù cho những người xung quanh. Đôi khi vì những lời nói, những việc làm thiếu tình bác ái đã làm cho chúng con thiếu tín nhiệm giữa với tha nhân. Chúng con quá nặng hình thức mà quên đi điều quan yếu là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Chúng con đáng được Chúa quở trách “dân này thờ ta bằng môi bằng miệng còn lòng trí thì xa cách Ta”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thật sự trưởng thành trong Đức tin và tình yêu Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời Chúa dạy và thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Thứ ba sau Chúa nhật 21 thường niên

Mt 23,23-26

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tạ ơn Chúa đã thương ngự đến viếng thăm linh hồn chúng con. Dù rằng chúng con tội lỗi, Chúa vẫn yêu thương, vì tình Chúa cao hơn tội lỗi chúng con, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xưa Chúa đã buồn vì đời sống giả hình của những người biệt phái. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ dạy người khác về đạo nhưng họ lại sống thiếu công bình bác ái. Họ vạch lối chỉ đường nhưng bản thân họ lại lầm lạc sai lối. Nhưng Chúa ơi! Có lẽ Chúa cũng đang buồn vì lối sống thiếu tình yêu của chúng con? Chúa cũng buồn lắm khi mà số người đến nhà thờ vẫn đông nhưng lại ít người tham dự thánh lễ cho tích cực sốt sắng. Chúa càng buồn hơn khi mà con số theo đạo thì nhiều mà giữ đạo chẳng bao nhiêu! Xin Chúa thứ tha, vì chúng con vẫn còn đó những thói hư tật xấu: vẫn tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Chúng con có đạo nhưng thiếu thực hành đạo, nên vẫn còn đó những thù hận, bất trung và phản bội tràn lan trong đời sống thường ngày của chúng con. Chúng con mang danh ky-tô nhưng những lời con nói, việc con làm lại phản ky-tô vì thiếu tình yêu đối với tha nhân. Xin ban cho chúng con ơn hoán cải để chúng con dám sống chân thật trước mặt Chúa và mọi người.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết tuân giữ luật pháp của Chúa trong công bình, lòng nhân và thành tín. Xin cho lời chúng con nói, việc chúng con làm luôn ngôn hành như nhất để làm vinh danh Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 21 thường niên

Mt 23,27-32

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì Chúa vẫn yêu thương chúng con. Chúa tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống thần linh của Chúa qua việc tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Chúa còn bổ dưỡng sức sống thần linh qua chính Mình Máu Thánh Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Xin giúp chúng con biết canh tân đời sống mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Đấng chân thật. Chúa cũng muốn chúng con sống ngay thẳng, thật thà. Chúa không muốn chúng con sống quanh co giả dối. Nhưng Chúa ơi, thói giả hình, giả tạo vẫn tồn đọng trong lối sống của chúng con. Chúng con chưa ngôn hành như nhất. Chúng con nói thì hay nhưng làm thỉ dở. Chúng con tuyên xưng Chúa trên môi miệng nhưng lại nuôi dưỡng trong lòng những gian ác, điêu ngoa, những tư tưởng dâm ô tội lỗi. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong. Xin thêm sức để chúng con có thể canh tân cuộc sống của chính mình theo như lòng Chúa mong ước.

Lạy Chúa, Chúa ưa thích những tâm hồn đơn sơ, trong trắng, xin giúp chúng con biết chân thành phụng sự Chúa với trọn tâm hồn và thân xác. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 21 thường niên

Mt 24,42-51

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa ở lại với chúng con. Chúa đi vào cuộc đời chúng con để đồng hành, chia sẻ với những lo toan của cuộc sống chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết sống chứng nhân cho Chúa trong đời sống thường ngày.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống trần thế để làm vinh danh Chúa. Chúa cho chúng con trông coi gia sản của Chúa để chúng con ban phát cho nhau những ơn lành đã lãnh nhận từ Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết chu toàn bổn phận Chúa đã trao. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa đến trong cuộc đời chúng con. Chúa đến không chỉ mỗi ngày trong Thánh Thể, nhưng còn nhiều lần trong ngày, qua dung mạo của tha nhân đang cần chúng con yêu thương, cảm thông và giúp đỡ. Có thể họ là những người thân trong gia đình mà chúng con đang phải có trách nhiệm yêu thương. Có thể họ là những người nghèo khổ, đói rách hay bệnh tật đang cần chúng con cảm thông, giúp đỡ. Xin cho chúng con đừng trốn tránh hay làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân và mau mắn giúp đỡ với lòng bác ái vị tha.

Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa để chúng con ra đi gieo yêu thương vào lòng nhân thế hôm nay. Amen

Thứ Sáu sau Chúa nhật 21 thường niên

Mt 25,1-13

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì giờ đây Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con, chúng con xin phó dâng cuộc đời cho Chúa. Xin ban ơn soi sáng để chúng con luôn nhận ra ý Chúa và thực thi ý trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận và nói được như thánh nữ Têrêsa: Tất cả đều là Hồng ân. Vui - buồn – sướng – khổ, giầu có hay nghèo hèn, đều là ân ban của Chúa. Vì giá trị cuộc đời không phải là những cái có vật chất hay những tình cảm mau qua, mà là sự hiện diện của Chúa. Có Chúa ở bên và cùng đồng hành. Đó chính là món qùa qúy gía nhất mà chúng con cần phải trân trọng nâng niu. Ôi, còn có gì hạnh phúc và êm đềm hơn khi được chính Chúa cùng chia sẻ buồn vui trong những thăng trầm của cuộc đời. Sự hiện diện của Chúa như người cha luôn mang lại cho con cái niềm tin, nghị lực, sức phấn đấu và sự ủi an. Vâng, sự hiện diện của Chúa, tựa như đá tảng vững chắc cho chúng con nương nhờ, như thành lũy chở che cho chúng con trong những đêm trường băng giá.

Xin giúp chúng con đừng bao giờ để mình bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Nhờ vậy, chúng con mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 21 thường niên

Mt 25,14-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Chúa hiến dâng cuộc đời để tận hiến cho nhân loại chúng con. Chúng con xin tạ ơn tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết dùng cuộc đời để phục vụ tha nhân và tôn vinh danh Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con đức tin như là nén bạc ân phúc Chúa tặng ban. Chúa ban cho chúng con do lòng quảng đại của Chúa mà không do công đức của chúng con. Xin giúp chúng con biết chia sẻ ân phúc Chúa tặng ban cho anh chị em chúng con. Vì “đức tin không việc làm là đức tin chết”. Xin dạy chúng con biết học nơi Mẹ Maria không chỉ ca ngợi ân phúc Chúa tặng ban mà con dấn thân phục vụ trong tinh thần khiêm hạ như nữ tỳ của Thiên Chúa. Xin cho đôi chân chúng con cũng nhanh lẹ như Mẹ Maria, để đem niềm vui có Chúa ở cùng ra đi xây dựng tình người và thi thố lòng bác ái dấn thân.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sinh lợi nén bạc Chúa trao, qua đời sống yêu thương và phục vụ những người nghèo khó, tật nguyền, những người bất hạnh, yếu đuối bên cạnh chúng con. Amen
 
Cánh cửa hẹp hay con đường rộng
Lm. Jude Siciliano, OP
07:13 19/08/2010
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN-C

Is 66: 18-21; Tv 117; Dth 12: 5-7, 11-13; Lc 13: 22-30

Chọn "cánh cửa hẹp" của tình yêu hay chọn con đường rộng thênh thang của bạo lực?

Không biết anh chị em đã đọc loạt sách nhan đề “Bị Bỏ Lại” (Left Behind) hay chưa? Đây là loạt 16 quyển thiểu thuyết của tác giả Tim LaHaye & Jerry B. Jenkins. (Cũng có một loạt sách dành cho trẻ em nữa.) Những quyển sách này nói đến Ngày Tận Thế, trình bày cái được gọi là viễn cảnh Kitô giáo vào những ngày cùng tận của thế giới. Ba quyển trong số những tiểu thuyết này đã được dựng thành phim. Cách đây 10 năm thì 4 trong số những tiểu thuyết này từng giữ vị trí hàng đầu trong danh mục “Sách bán chạy nhất” (Best seller). Lời lẽ trong sách dựa trên những bản văn khải huyền của cả Tân Ước lẫn Cựu Ước. Loạt sách “Bị Bỏ Lại” lấy theo nghĩa đen những hình ảnh hão huyền trong Sách Thánh với những hình ảnh hết sức thi vị. Ý nghĩa của quyển sách nhằm “trả lời” cho những thắc mắc về kết cục lịch sử của hầu hết chúng ta – Có một trật tự luân lý nào trong vũ trụ hay không? Liệu rằng công lý có được thực thi và ánh sáng có thắng được bóng tối hay không?

Dùng lời Sách Thánh như bằng chứng, Những quyển “Bị Bỏ Lại” phỏng đoán về một kết cục “hoan hỉ” sẽ đến. Nó sẽ xảy đến nhanh như chớp; Đức Giêsu sẽ trở lại và đón chỉ một số tín hữu về thiên đàng, chỉ những người tốt thật sự, những kẻ khác sẽ bị bỏ lại. Sẽ chỉ có một ít người được hạnh phúc viên mãn, còn đại đa số sẽ phải khốn khổ vô vàn – những kẻ bị bỏ lại. Cô dâu bị bỏ lại ở ngay bàn thờ; Các gia đình than khóc vì người mẹ bị bắt đi; hàng trăm hành khách trên máy bay khóc la cho đến chết trong khi chỉ viên phi công được nhấc lên và được cứu thoát, … Vì con người chán ngấy với những đau khổ và sự dữ trên thế giới nên loạt sách “Bị Bỏ Lại” có vẻ như mang lại cho con người sự an ủi và khích lệ: Hãy kiên tâm vững trí, đừng bỏ cuộc, cái thiện sẽ chiến thắng.

Anh chị em có thể thấy ngay cả các môn đệ của Đức Giêsu cũng có những bận tâm tương tự về việc ai sẽ được ở bên trong và ai sẽ bị loại ra bên ngoài nước Thiên Chúa. “Lạy Thầy, những kẻ được cứu thoát thì ít, có phải không?” Có thể các ông hỏi câu này vì chính các ông đang gặp quá nhiều sự chống đối. Có lẽ các ông ngạc nhiên và thất vọng vì người ta không quan tâm gì đến việc đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu. Có thể các môn đệ cũng giống như chúng ta chán nản vì tình trạng bi đát của thế giới “sắp đến ngày tận thế”.

Với câu hỏi như thế, các môn đệ dường như nghĩ rằng họ là những người trong số ít ỏi được chọn; trong câu hỏi của các ông âm vang tiền đề của loạt sách “Bị Bỏ Lại” rằng người được chọn sẽ được cất nhắc đi, trong khi đó những kẻ còn lại sẽ bị loại ra và bỏ lại. Các môn đệ có thể đã muốn Đức Giêsu giảng một sứ điệp mạnh mẽ hơn về địa ngục và sự trừng phạt để thức tỉnh dân chúng, làm cho họ sợ hãi mà quay lại ăn năn hối cải và đón nhận Người – cũng như cả các môn đệ nữa. Thế nên xưa nay, sợ hãi cũng là cách giúp người ta biến đổi.

Nhưng chúng ta có nghĩ rằng đó là cách Thái Tử Hòa Bình sẽ trở lại? Phải chăng Thiên Chúa chồng chất những sợ hãi lên những kẻ ngoan cố như những quyển tiểu thuyết “Bị Bỏ Lại” mô tả? Chúng ta sẽ hoán cải quay về với Thên Chúa theo kiểu nào nếu vì sợ, chứ không phải vì yêu mến? Và thêm nữa, liệu chúng ta có tin rằng chỉ có người Kitô hữu mới được cứu hay không? Giáo Hội không dạy chúng ta như thế.

Vì thế, khi các môn đệ Đức Giêsu hỏi về việc “chỉ có một số ít” được cứu, Người phủ nhận câu hỏi và nói rằng con số không phải là vấn đề then chốt. Nhưng, còn có một vấn đề đáng lưu ý khác dành cho các môn đệ của Người: Các ông có nghĩ là các ông sẽ được xét xử tử tế chỉ đơn giản vì các ông được cho rằng đã bắt chước Đức Giêsu hay không? Có phải tự nhiên các ông cho rằng mình được chọn vì các ông đã cùng ăn với Người và Người giảng dạy giữa các ông hay không? Câu trả lời của Đức Giêsu khiến con cái Giáo hội không được dễ chịu, vì Người nói cũng các ông, “Nếu nghĩ mình đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” Anh chị em biết rằng Đức Giêsu đã thức tỉnh các môn đệ của Người cũng như những kẻ có cái nhìn thiển cận và tự cho mình là đạo đức. Nhưng thực tế thì chính những người được cho là “nhiệt thành đạo đức” lại là người đã chối Đức Giêsu.

Đức Giêsu và môn đệ của Người đang đi lên Giêrusalem. Chúng ta biết quyển sách này sẽ kết thúc như thế nào, không phải là với một “trạng thái sung sướng ngất ngây” chiếm lấy Đức Giêsu và miễn cho Người khỏi những khốn khó. Thiên Chúa sẽ không vượt thắng sự giữ bằng bạo lực và sự phá hủy, nhưng bằng chính thập giá của Đức Kitô. Qua việc chịu đau khổ và bị đánh gục, lòng thành tín của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa và tình yêu Người dành cho chúnh ta sẽ thứ tha và cứu thoát thế giới. Có thể “cánh cửa hẹp” mà Đức Giêsu bảo chúng ta “phấn đấu” để đi qua là chúng ta cần phải tiếp tục yêu thương – ngay cả những người đối nghịch với chúng ta và cố tình hãm hại chúng ta – vì đó chính là cách Chúa Giêsu đã hành xử như thế.

“Cánh cửa hẹp” là hình ảnh về cuộc đời của Chúa Giêsu và ân sủng Người trao ban là hy sinh chính mình cho tha nhân. Đây chính là sự đau khổ đặc biệt và hiến tế chính mình mà Người mời gọi chúng ta bước vào: tha thứ là một cánh cửa hẹp; phục vụ và tặng ban của cải, thời gian cho những ai đang cần cũng là một cánh cửa hẹp; tạm gác lịch trình và thời biểu của mình qua một bên để dành thời gian lắng nghe những nỗi đau của người khác cũng là cánh cửa hẹp; sống cẩn trọng và thanh đạm, sở hữu ít đi để người khác có thể có nhiều hơn đó cũng là cánh cửa hẹp; lên tiếng thay cho những ai bé cổ thấp họng, thậm chí điều đó khiến chúng ta trở thành bất thường, cũng là một cánh của hẹp; Đức Giêsu nói rằng những người đến bên cửa và nài xin ân huệ vì những người này biết Người và thậm chí gọi Người là “Chúa” thì không hẳn nhiên được vào. “Tôi không biết các anh từ đâu đến.” Người sẽ nhận ra nhưng con người này ngay cửa nếu như Người nhận thấy chính Người bên trong họ, nếu Người thấy nơi họ: ánh mắt của Người – ánh mắt nhìn thấy những gì bị ẩn dấu; thấy môi miệng của Người nơi họ - môi miệng dám lên tiếng thay cho những kẻ bé nhỏ trong xã hội; thấy đôi tay của Người – đôi tay chìa ra chăm sóc và cảm thông; đôi tai của Người - đôi tai biết lắng nghe những người không được ai nghe đến. Khi Chúa Giêsu mở cửa để xem coi ai đang gõ cửa, Người muốn thấy sự tương đồng trong gia đình – những anh chị em của Người.

Vậy thế giới sẽ kết thúc như thế nào? Tương lai nào Chúa dành cho chúng ta? Điều đó đã được quyết: hòa bình thì mạnh hơn bạo lực. Vậy liệu đời sống hiện tại của chúng ta có ảnh hưởng đến tương lai mà ta hy vọng không? Chúng ta sẽ chọn “cánh cửa hẹp” của tình yêu hay lại chọn con đường rộng thênh thang của bạo lực? Nỗi sợ hãi địa ngục của coon người đã giúp bán được mười triệu quyển sách. Nhưng Thiên Chúa đã chọn cánh cửa hẹp; đã bước vào thế giới của chúng ta bằng cánh của hẹp của tình yêu và mở rộng cánh của ấy cho chúng ta bước vào.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
 
Lối nhỏ vào trời
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
08:42 19/08/2010
Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, nhân loại thật không biết tìm đâu ra cho được con đường hạnh phúc. Cuộc sống mênh mông, không biết đâu là cùng đích, là bến bờ. Con người được “vất” vào thế giới như kẻ lang thang đi tìm sự bất tử mà chả biết đến khi nào mới gặp. Khao khát hạnh phúc, đói khát hạnh phúc và mong mỏi hạnh phúc, con người trầy trụa, vật lộn hằng năm với những kiếm tìm Chân Thiện Mỹ.

Thế nhưng, càng tìm càng mất, nhân loại khốn đốn trong vòng xoáy của cuộc sống, tham vọng bạc tiền, địa vị, tình yêu... con người không có khả năng bảo tồn sự sống. Lăn lộn giữa sóng đời, con người bế tắc, không tìm ra lối giải thoát. Chính tội lỗi đã đẩy con người vào ngõ cụt.

Đức Kytô đến, khai mở con đường giải thoát thật, không hứa hẹn ảo, Ngài rộng ban cho thế giới chính mạng sống của Ngài để đổi lấy vận mạng nhân loại. Không muốn con người diệt vong, Thiên Chúa giải cứu họ bằng chính giá máu Con Một Ngài. Con đường ấy, chính Đức Giêsu đã khai mở và vạch ra, không những thế, Ngài còn đến sống trước điều Ngài hứa, hầu gia tăng niềm xác tín cho nhân loại.

Khao khát giải thoát, mong ước giải thoát nhưng con người lại sợ mất mát, đau khổ. Chính vì sợ, mà nhân loại không thoát nổi tham vọng để sống cho Thiên Chúa. Có con đường nào thập giá hơn con đường của Đức Kytô? Có con đường nào vinh quang hơn con đường thập tự của Ngài. Thế mà, chả mấy ai dám bước vào lối hẹp ấy.

Lối hẹp đầy gai, đầy chết chóc, đau khổ và mất mát, vậy mà phía cuối con đường lại là triều thiên vinh hiển sáng lạn. Còn đường thênh thang thì mang đến diệt vong, vì đường đầy tự do, đường hưởng thụ. Thế nhưng, ai cũng chọn đường rộng, chả ai muốn chọn cho mình lối đi chật hẹp, gò ép, cào xước bản thân. Ai mà chả thích thoải mái, tận hưởng mọi khoái cảm cuộc đời. Vậy đấy, nên suốt đời nhân loại chỉ có khóc, nước mắt chảy dài đời mẹ đến đời con, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Người ta khóc vì bất hạnh, vì tranh chấp, bất công, chém giết, sát hại, vậy mà người người đua nhau cứ tuốn vào đó. Cơn lốc đam mê hưởng thụ đã cuốn nhân loại vào quỹ đạo tội ác là vậy.

Tự nhiên, chẳng ai có thể sống chính trực, bất kể ai muốn nên hoàn thiện, đều phải gắng sức chiến đấu vượt thắng chính mình. Không có chiến thắng nào huy hoàng cho bằng chiến thắng bản thân. Thế nhưng, thắng thua để làm gì, nếu không phải là sống cho Thiên Chúa và thuộc trọn về Ngài. Không ai trong đời có thể giúp bạn thoát mọi vấn vương trần thế, nếu bạn không biết hãm mình ép xác hy sinh, không biết cậy nhờ vào Đấng làm chủ đời bạn. Phải vào qua cửa hẹp, bỏ mình là vì vậy, thì mới có thể sống hạnh phúc.

Nhân loại ngộ lắm, ngại gian khổ nhưng thích hưởng vinh quang, chỉ thích tự do, thoải mái mà e dè lề luật. Thực ra, luật lệ cũng là để bảo vệ con người, chứ không phải án phạt. Trớ trêu cũng bắt đầu từ đó, không giữ nổi lề luật, con người phớt tỉnh lề luật, chà đạp lên lề luật để tìm kiếm tham vọng, không cần biết đến Thiên Chúa là ai. Chính bởi vậy, mà cổng nào Nước Trời mở cho họ được.

Lạy Chúa, lối vào trời nhỏ quá, con chẳng thể vào lọt, mặc dầu con đã cố gắng giảm hãm sự lớn lên của mình mỗi ngày. Không biết bao lần con đặt chân lên ngưỡng cửa Nước Trời mà vẫn loay hoay chả sao vào được. Có lẽ bởi thân hình con lớn quá, cồng kềnh quá vì những mớ hành lý danh vọng nặng nề, trái tim bệnh hoạn của con rối rem quá với những mớ bòng bong rối nhùi quấn chặt đam mê trần thế. Con muốn được giải thoát nhưng càng trốn chạy con càng lao vào cơn lốc ích kỉ. Hiện con đang ở trước cửa trời, con đã đứng ngoài ấy rất lâu nhưng chả thể vào được. Xin Ngài mở cửa giúp con, dắt con vào với trái tim yêu thương nhân hậu, để con vĩnh viễn thuộc trọn về Ngài. Xin Ngài nên như lối nhỏ cho con quảng đại bước theo, mà vào tới quê trời vinh phúc.
 
Vào khung cửa hẹp
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:47 19/08/2010
Chúa Nhật Thứ 21 Mùa Thường Niên - Năm C

Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là khung cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người, những ai thực sự muốn đi qua, những ai thực sự cố gắng, dù phải chấp nhận nhiều hy sinh, bỏ bớt hành lý, hoặc con người phải nhỏ lại mới qua lọt. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước trời, của Ơn Cứu độ, của Hạnh phúc thần linh mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ.

Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi, là kém giá trị, nhưng ám chỉ sự khó khăn, sự phấn đấu quyết liệt cần phải có, nhất là sự phấn đấu với chính mình, sự lao nhọc vất vả, sự hy sinh từ bỏ. Chúa Giêsu nói rất rõ: hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…, vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Lời Chúa Giêsu dành cho mọi môn đệ của Chúa. Ai muốn làm môn đệ, phải đi qua cửa hẹp.

1. Cửa hẹp mà không chật

Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Trong bài đọc, Tiên tri Isaia với những lời văn rõ ràng, trình bày ý định của Thiên Chúa muốn qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia thành một dân duy nhất sẽ tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài. Tuy nhiên, cũng phải có điều kiện, đó là lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.

Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Tác giả thư Do thái trong bài đọc 2 viết rằng: vì những ai được Chúa thương thì Ngài sẽ nhận làm con, và Cha ở đâu thì con cũng sẽ ở đó. Tuy nhiên, cũng phải có điều kiện, đó là vâng nghe lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Ngài khiển trách.

Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Bài Tin Mừng nói đến sự nổ lực suốt hành trình đức tin. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi vào nhà Chúa Cha và được tham dự Bàn tiệc Thiên quốc. Nhưng không có nghĩa là muốn vào là được. Cánh cửa thì hẹp, muốn vào cần phải nỗ lực. Nỗ lực sống thực thi ý Chúa; nỗ lực trung thành với niềm tin của mình và nỗ lực sống tình bác ái yêu thương.

Cả ba bài đọc Thánh Kinh cho thấy: Bất luận là ai cũng có thể được vào Nước Trời, miễn là phải cố gắng. Người ta sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả là do nỗ lực và thành tâm thiện chí của mỗi cá nhân; không do định mệnh, không do đặc quyền đặc lợi, cũng không có chế độ ưu tiên nào, chỉ có sự tự do và quyết tâm đi vào của mỗi người trong đức tin mà thôi.

2.Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp.

Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Cánh cửa vào Nước Trời dầu có hẹp nhưng vẫn đủ rộng để đón mọi người và từng người đi vào, vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.

a.Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống.

Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14, 11). "Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14, 10). "Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ" (Lc 22, 26). "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào" (Mc 10, 15).

b. Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại.

Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai đang có chức nhỏ thì phấn đấu để có chức to hơn. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. "Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19, 21). "Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5, 3).

3. Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Ðức Giêsu.

Theo suy niệm của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, kích thước của Đức Giêsu thấp và bé.

a.Cửa này thấp vì Ðức Giêsu đã hạ mình thẳm sâu.

Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.

b.Cửa này bé vì Ðức Giêsu đã trở nên bé nhỏ.

Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Ðức Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ðức Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Ðức Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Ðức Giêsu phấn đấu hạ mình thẳm sâu và thu mình thành bé nhỏ nghèo hàn. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Trong thực tế của Nước Trời, cửa không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh, đúng hơn là các phương tiện dẫn vào Nước Trời. Nước Trời đây phải hiểu theo nghĩa trong Phúc Âm mà Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn; do đó, Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa tồn tại vĩnh cửu, và vì thế, nó vẫn tiếp tục cho đến ngày tận thế trong ý nghĩa loan báo Tin Mừng về Nước Trời. Người ta sẽ nhận ra ngay tính cách hẹp và rộng của Nước Trời nếu hiểu rõ ràng và chính xác ý nghĩa các Lề Luật, các phương tiện nên thánh và các giáo huấn của Chúa Giêsu.

Khung cửa hẹp, con đường hẹp là con đường tu đức mà Chúa dạy, nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là ơn cứu độ, là hạnh phúc, là niềm vui, là Nước Trời, là tình yêu và sự sống mà Chúa dành cho ta. Mục tiêu ấy ta chưa đạt được cách trọn vẹn ở đời này, nhưng cũng đã đạt được một phần nào ngay trong hành trình của cuộc sống.

Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những khổ đau, những thập giá. Vì đó chính là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, để chiếm lấy vinh quang phục sinh.
 
Bước vào vương quốc của Thiên Chúa thông qua tình yêu
Jos. Tú Nạc, NMS
09:03 19/08/2010
Chúa Nhật Thứ 21 Mùa Thường Niên, Năm C - (Isaiah 66: 18-21; Psalm 117; Hebrews 12: 5-7, 11-13; Luke 13: 22-30)

Sự phản ảnh suy tư sâu sắc về kinh nghiệm của chúng ta là người thầy vĩ đại của chúng ta. Trong thời gian sống lưu đày ở Babylon dân Israel đã mang biết bao suy tư để phản ảnh về điều đó – không chỉ duy nhất là sự hủy diệt dân tộc và đền thờ của họ mà còn nhiều cái nhìn mới mẻ và các dân tộc đã chào đón họ ở Babylon.

Họ đã được tiếp xúc với những niềm tin tôn giáo khác và những hệ thống thần học trong một phong cách trực tiếp và phong kín. Vì thường hệ thống niềm tin khác của chúng ta bị xuyên tạc và thiếu khả năng nhận thức bởi vì chúng ta thực sự không biết những người tin vào chúng hoặc chúng ta cũng không nắm được thời gian để lắng nghe những giải thích chân thành của họ về những niềm tin mà họ ấp ủ. Sự trải nghiệm Babylon đã thử thách dân Israel để hồi tưởng hình ảnh của họ đã tuyên xưng Thiên Chúa của riêng mình. Đó là suốt giai đoạn mà họ đã tình cờ gặp gỡ những huyền thoại sáng tạo Babylon. Thay vì họ bác bỏ hoàn toàn, họ đã giải thích lại chúng theo những cách nhìn và kinh ngiệm cuộc sống của mình và cuối cùng họ đã tìm thấy lối vào sự tường thuật sáng tạo của sách Sáng Thế.

Giai đoạn này cũng là lúc dân Israel tập hợp những hình ảnh về Thiên Chúa trải qua sự chuyển đổi và điều này được thể hiện rõ ở phần hai hoặc thứ ba của Isaiah mà đã được viết trong những năm sau khi trở về từ thân phận lưu đày. Thần thánh sắc tộc khá bị thu hẹp đã trở thành thần thánh phổ quát của tất cả hành tinh Trái Đất. Giờ đây dân Israel đã có một sứ vụ phổ quát, thậm chí đối với cả dân ngoại. Hình ảnh tiện tri từ đoạn trích Isaiah của chúng ta đã mang đến cho cuốn sách này một sự kết thúc, dung tưởng một lúc nào đó trong tương lai khi tất cả mọi dân tộc trên hành tinh Trái Đất này thờ phương Thiên Chúa của Israel.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ của riêng chúng ta với những hệ tín nền văn hóa đa dạng đã trải dài và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa và đã giúp chúng ta giũ bỏ một số hành trang lịch sử và văn hóa. Cuộc đấu tranh của chúng ta về sự cố chấp, hẹp lượng, hận thù và bạo lực tôn giáo kêu gọi chúng ta một sự cởi mở tâm hồn và tâm trí thay vì rút vào sợ hãi. Thiên Chúa toàn năng và cao cả vộ cùng so với bất kỳ ngôn từ nào mà chúng ta có thể từng sử dụng. Hãy để chúng ta tiếp tục tiến trình học tập và tự cho phép chúng ta cả hai bị thử thách cũng như ngạc nhiên bởi kinh nghiệm bản thân và bởi Thiên Chúa.

Để thực sự trở nên thiện hảo với bất cứ điều gì đòi hỏi tính kỷ luật, kiên nhẫn và bền bỉ. Chúng ta ai nấy đều ngưỡng mộ tính kỷ luật của vận động viên nổi tiếng hoặc một nhạc sỹ tài ba. Nhưng tính kỷ luật cũng cần thiết để trở thành đức hạnh nhân sinh. Tất cả những nguyên tắc tâm linh và khả năng nhận thức trên thế giới chẳng giúp chúng ta được gì trừ phi chúng ta đưa chúng vào thực tiễn. Những thử nghiệm, đấu tranh và nan giải được xem như cơ hội Thiên Chúa ban cho để trau giồi những khả năng nhận loại của chúng ta với sự đúng đắn hơn là trừng phạt và áp bức. Những thử nghiệm và đấu tranh như tích cực hay tiêu cực là tự chúng ta muốn. Thuộc về một truyền thống tôn giáo là sự phong phú nhưng nó cũng có những cạm bẫy cấu thành của nó. Một trong những cạm bẫy này là xu hướng trạng thái tinh thần của con người nhầm lẫn chấp nhận tưởng đó là sự thật. Mang mọi biểu tượng và những đồ trang sức của một tôn giáo thiếu sự gửi gắm chân thành những giáo huấn tâm linh vào thực tế thật quả là quá dễ dàng. Những ai đã nghe Đức Chúa Giê-su bị khích động choáng váng và nghi ngờ vào những gì mà Người đã nói cho họ. Sau cùng họ tự cho mình là những thành viên của phe hữu. Họ biết và theo Chúa Giê-su và thực hiện những điều kiện như Người. Thiên Chúa có thể muốn những gì hơn nữa? Nhưng Chúa Giê-su hoàn toàn tin tưởng: thậm chí những ai không tin tưởng và tự hào về trạng thái tôn giáo của họ có thể tự thấy ngăn cản không vào được Vương Quốc của Thiên Chúa. Đó là những “người cuối cùng” những người sẽ được trước nhất – những người thu thuế, những ngừi tội lỗi và những gái mại dâm.

Thật kỳ lạ, trong những Tin Mừng luôn là những người bị chà đạ và tuyệt giao. Cuộc sống của họ trong sự đảo lộn trầm trọng, những người mà đáp lại lời Chúa Giê-su và đón nhận thông điệp của Người vào tâm hồn mình. Trong thời đại của chính chúng ta chính trị và tôn giáo thuộc tính đồng nhất và phân rẽ dường như thắng thế. Chúng ta nên nhớ rằng sự trung thành và niềm tin kiên quyết hầu như không mang lại trọng lượng với Thiên Chúa bằng bước đi trong sự khiêm nhường và từ bi, nhân hậu. Trong Vương Quốc của Thiên Chúa không có những lối tắt, những địa điểm ưu tiên, tin tức nội bộ, hoặc liên lạc đặc biệt – người ta phụ thuộc duy nhất bởi tình yêu.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tử đạo, dạng thức tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:56 19/08/2010
ROMA, 19/08/2010 (Zenit.org) - Tử đạo là một « dạng thức tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa », Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 11 tháng Tám, khi ngài suy niệm về tử đạo và nhấn mạnh rằng nó có thể mang lại « một sự kết hợp sâu sắc và thân mật với Đức Kitô ».

Đức Thánh Cha đã nhắc lại những ngày lễ phụng của thánh Lôrenxô, phó tế; thánh Potien, giáo hoàng; thánh Hippolyte, linh mục; thánh nữ Bénédicte Thánh Giá; thánh nữ Edith Stein, Bổng Mạng Châu Âu, thánh linh mục tử đạo Maximilien Marie Kolbe và ngài đã chọn dừng lại ở « tử đạo, dạng thức tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa ».

« Tử đạo dựa trên nền tảng nào ? Câu trả lời thật đơn giản: dựa trên sự chết của Đức Giêsu, trên hiến tế tình yêu cao cả, được đổ ra trên Thánh Giá nhờ đó chúng ta mới có thể có sự sống », ngài nhấn mạnh.

Và Đức Kitô « khuyến dụ môn đệ của mình, mỗi người trong chúng ta, mỗi ngày vác thánh giá mình để theo Ngài trên con đường tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại », Đức Thánh Cha nói tiếp.

Đức Giáo Hoàng một lần nữa đã giới thiệu bài đọc cánh chung với hình ảnh hạt lúa mì: Chính Đức Giêsu « là hạt lúa mì đến từ Thiên Chúa, hạt lúa mì Thiên Tính, rơi vào lòng đất, mở ra, bầm dập trong cái chết và chính xác là trải qua như vậy, Ngài mở lòng ra và còn có thể mang lại hoa trái trong sự mênh mông của thế giới ». Tử đạo là theo Đức Giêsu đến cùng, bằng việc tự do chấp nhận cái chết cho ơn cứu độ thế gian, trong một thử thách tột bậc của đức tin và tình yêu ».

Tuy nhiên Đức Thánh Cha cũng tự hỏi « Sức mạnh để chịu đựng tử đạo sinh ra từ đâu ? ». Câu trả lời là « Từ sự kết hiệp sâu sa và mật thiết với Đức Kitô, vì chưng tử đạo và diễm phúc tử đạo không phải là kết quả của một sự nỗ lực con người, mà là câu trả lời do sáng kiến và do tiếng gọi của Thiên Chúa, chúng là một quà tặng hồng ân giúp mang lại khả năng hiến tặng cuộc sống mình vì tình yêu cho Đức Kitô, cho Giáo Hội và cho thế giới ».

Đức Thánh Cha cũng gợi lên rằng nếu tất cả những ai lãnh bí tích Rửa Tội không được mời gọi tử đạo, tuy nhiên tất cả trong số họ đều được mời gọi nên thánh, sống cấp độ cao của cuộc sống Kitô hữu », bao hàm vác thánh giá mỗi ngày».

Đức Giáo Hoàng đã kêu mời cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho người đã được Rửa Tội « khả năng yêu thương như Người đã yêu thương mỗi chúng ta ».
 
Cửa công chính
PM Cao Huy Hoàng
12:02 19/08/2010
“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” ( Lc 13, 24 ). Cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói, chính là Ngài: cửa công chính, cửa yêu thương, cửa phục vụ.

Cửa hẹp là cửa công chính

Cửa hẹp là cửa mở ra cho chúng ta một lối sống thanh bình hạnh phúc thật, ấy là cửa dẫn vào Đức Công Chính, hay nói cách khác, cửa vào Nước Thiên Chúa là cửa dành cho những người công chính. Đức Công Chính của Thiên Chúa được mạc khải toàn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô, qua Giáo Lý của Ngài. Giáo Lý của Ngài là chính cuộc sống của Ngài.

Ai khao khát nên công chính đều tìm gặp nơi Đức Giêsu Kitô những chuẩn mực cần có. Chuẩn mực ấy có thể tóm gọn trong câu này: “Đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá” hay nói cách khác, cửa hẹp hạnh phúc Nước Trời là cửa mở ra cho mỗi chúng ta con đường từ bỏ mọi sự mà lên Núi Thánh, con đường vác thập giá mình mà theo Chúa.

Đức công chính của Chúa Giêsu trước tiên là sự từ bỏ thân phận mình là Con Thiên Chúa, tiếp đến là vâng lời Thiên Chúa Cha xuống thế làm người, và hoàn toàn thuộc về Cha trong mọi khoảnh khắc. Cửa công chính cũng đã mở ra cho mỗi chúng ta là từ bỏ cái tôi hèn mọn của mình và vâng lời Thiên Chúa cùng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

Thiết tưởng, cửa hẹp dẫn vào Nước Trời sẽ không đóng lại cho những ai muốn noi gương và bước đi theo bước Ngài đã từ Trời xuống.

Như vậy, cửa hẹp của chúng ta phải là cửa dẫn vào Nhà Thờ mỗi sớm mai hoặc chiều hôm thường ngày và nhất là Chúa Nhật để tạ ơn Chúa, để trình bày với Chúa những chương trình và để xin ánh sáng của Lời Ngài hướng dẫn đời mình.

Chắc hẳn cửa hẹp không phải là cửa nhà mình mỗi sáng mai ung dung thư thả nước trà cà phê toan tính chuyện sắm xe, xây nhà, hoặc dàn dựng những phi vụ làm ra kinh tế hay những dự định đời thường mà không cần có sự can thiệp của Chúa.

Cửa hẹp là cửa phòng Giáo Lý, cửa sân họp đoàn của các em Thiếu Nhi Thánh Thể, các bạn trẻ Hướng Đạo, chứ không phải cửa dịch vụ Internet, cửa vào các Plaza với hàng giờ chơi games vô bổ của tuổi teen.

Cửa hẹp là cửa vào các đoàn thể, tập thể sinh hoạt như men muối, đã thấy xuất hiện thành những cộng đoàn cơ bản ( communité de base ) của Đức Tin như các nhóm Ve Chai, Xa Quê, Bảo Vệ Sự Sống, Thiện Nguyện, Bác Ái, Chia Sẻ Lời Chúa, Kinh Thánh Cầu Nguyện, những chương trình như Điểm Hẹn Giêsu, Đoan Hứa Khiết Tịnh... Cửa hẹp chắc chắn không phải là cửa vào những quán bida, những sòng bài, những nơi tụ hội các fan ham mộ nhạc sống…

Cửa hẹp công chính của chúng ta phải là một đời sống công chính từ sáng đến tối thật sự tinh tuyền từ trong ý nghĩ đến cử chỉ hành động, để mỗi ý nghĩa, mỗi cử chỉ hành động đều thể hiện nét độc đáo hình ảnh của Cha trên Trời trước mặt thiên hạ. Cửa hẹp chắc chắn không phải là cửa dẫn vào những khu du lịch, nghỉ mát, resort, khách sạn, casino thật văn minh sang trọng, ở đó phải nói thẳng là nhu cầu giải trí tiêu khiển chân chính thì ít, mà truy hoan hưởng lạc thì nhiều.

Cửa hẹp không phải là cửa dẫn vào các bar-café, vũ trường đang dần dần làm băng hoại cả một thế hệ trẻ trước những điệu nhạc kích động, những điệu nhảy khiêu dâm giậm giật không phải của loài người nhưng của loài vượn thời ăn lông ở lỗ.

Cửa hẹp là cửa yêu thương phục vụ

Cửa hẹp là cửa dẫn vào lối yêu thương phục vụ hết mình, sẵn sàng hy sinh chính mình, kể cả mạng sống mình để nhiều người được bình an hạnh phúc, nhất là những người nhận lấy trách nhiệm lớn hơn. Cửa hẹp của Chúa Giêsu đã mở ra chính là cửa yêu thương phục vụ. Cửa hẹp không phải là cửa vào làm quan chức để rồi ăn trên ngồi trước, mũ lọng dinh ngai, lên tay xuống ngón, kẻ hầu người hạ, kẻ rót người bưng… muốn gì được nấy. Nhưng phải là cửa dẫn vào làm đày tớ của nhân dân, đày tớ của mọi người, cửa yêu thương phục vụ như Chúa Giêsu đã yêu thương phục vụ mọi người, cho đến chết và chết trên thập giá.

Cửa hẹp là cửa dẫn vào khu người khuyết tật mang tên Huynh Đoàn Đức Kitô, các Gia Đình Halleluya, Emmanuel để chia sẻ nỗi bất hạnh của những bạn hữu Chúa Kitô đang chấp nhận cảnh đời thua kém, nhưng vẫn một niềm tin tưởng cậy trông và hân hoan vì có Anh Hai Giêsu, Người đã đi trước nỗi đau khổ tận cùng kiếp làm người.

Cửa hẹp là cửa dẫn vào một con hẻm của những người nghèo quanh năm ẩn mình trong xó tối thiếu điện thiếu nước, thiếu ăn thiếu mặc; là cửa dẫn vào một góc phố nhà trọ của những người Xa Quê buôn bán nhỏ, thu nhập ít, tiết kiệm nhiều, thắt lưng buộc bụng vì sự sống còn của con cái, cha mẹ, anh chị đang ở những vùng thiên tai nghiệt ngã.

Cửa hẹp là cửa căn chòi ọp ẹp của đôi vợ chồng già ôm nhau trong tấm poncho thời ông còn đi lính và thản nhiên say giấc nồng dưới trời mưa giông bão, để cảm nghiệm tình Chúa thương cho người đơn sơ bé nhỏ biết tín thác trọn vẹn vào bàn tay Cha quan phòng.

Cửa hẹp là cửa dẫn lối những bạn đồng đẳng vào thăm khu nghĩa trang chập choạng bóng người nghiêng nghiêng ngả ngả tỉnh tỉnh mê mê sau những mũi xìke điên điên đảo đảo, để phân giải ủi an và dẫn họ về với nguồn vui, nguồn hạnh phúc thật xứng với phẩm giá tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa.

Cửa hẹp là cửa dẫn lối các chị em lầm lỡ bụng bầu về một ngôi nhà Tình Thương, hoặc thu xếp để được đón về với gia đình để xin ba mẹ tha thứ và chầp nhận chở che cho một sinh linh bé bỏng sắp được sinh ra trong trần thế.

Cửa hẹp không phải là cửa dẫn vàonhững chỗ “điều hòa kinh nguyệt”, “kế hoạch hóa gia đình”, vào các trung tâm mang tên là bảo vệ bà mẹ với trẻ em mà thực chất lại là nạo phá thai theo chủ trương giảm sinh bằng mọi cách, đạt những thành tích vô luân, phi đạo đức.

Cửa hẹp là cửa sau bệnh viện, dẫn lối vào thăm khu nhà xác, và bới tìm trong những thùng rác y tế những bọc xốp đựng đầy thai nhi đã lên mùi, để đem về tìm nơi lo hậu sự, hỏa thiêu hoặc an táng cho xứng với phẩm giá con người của Thiên Chúa đã bị sát hại dã man.

Cửa hẹp là cửa dẫn lối qua bên kia bờ kênh nhấp nhoáng ánh điện màu… để đến thăm và chia cơm sẻ áo cho những con người ở khu nhà ổ chuột. Từ cửa hẹp nầy đến vô số cửa hẹp khác của biết bao con người đang sống dưới mức nhân phẩm trong một xã hội được loa phóng thanh cứ lải nhải rằng đã xóa đói giảm nghèo, đã xóa mù chữ, đã có “điện đường trường trạm”, đã nâng cao cuộc sống toàn dân tới mức vượt bực, hoặc đã tiến xa hơn... loài vượn vài ngàn năm trước.

Cửa hẹp còn là lối về với các em thiếu nhi ngoại thành ở bên kia sông, chúng đang khao khát được biết Chúa, thèm thuồng từng mẫu ảnh Thánh, từng cuốn sách Giáo Lý, thèm nghe chị Giáo Lý Viên kể chuyện hằng tuần, và nhất là ước ao được gặp nhau và gặp Chúa. Mỗi chiều Chúa Nhật bên ngoài thành phố, chúng trông ngóng chị xắn quần lội sông đến với bầy em đen đủi, đứa quần đùi, đứa tô hô tồng ngồng, nhưng lại cứ há hốc miệng lên nghe về Chúa, nói với Chúa và sống với Chúa thật hồn nhiên, sung sướng...

Cửa hẹp còn là cửa dẫn lên núi Đồng Chiêm, chui qua mấy vòng kẻm gai, mấy làn hơi cay, mấy vòng lựu đạn treo lủng lẳng… để kính viếng một Thánh Giá Chúa Giêsu bị đập tan tành, dù Ngài đã chết hai ngàn năm trước và đã sống lại vinh hiển, để cùng chịu thương chịu khó với những con người yêu chuộng Thánh Giá Chúa Kitô, và để cùng đổ máu mình ra minh chứng rằng: ai xúc phạm đến Chúa Kitô chính là giơ chân đạp lấy mũi nhọn...

Cửa hẹp là lối dẫn vào Cồn Dầu, nghe tiếng nghẹn ngào của lũ cháu đàn con đang kiệt sức chống cự trước mưu đồ liên hợp xóa sổ một làng quê yên lành đầy kỷ niệm, mà tiếng ru ầu ơ của bà theo nhịp khoan hò của ông còn thơm trên bạt ngàn sóng lúa…

Cửa hẹp không phải là cửa vào dinh, vào triều để một xin hai lạy cho được bình yên, nhưng là cửa can đảm làm chứng cho Công Lý. Vì ai phủ nhận Công Lý thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước lịch sử...

Thiết tưởng, ai đã bằng lòng vào cửa hẹp, sẽ không tìm cách chui ra, vì chính khi đã bước vào, họ nhận được muôn hồng ân của một Đức Giêsu Kitô chịu Thương Khó để họ cũng được vinh dự chịu Thương Khó với Chúa Giêsu mà họ luôn yêu mến chọn theo như một chuẩn mực công chính của mình.

Chúa Giêsu nói: “Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” ( Lc 13, 29 ). Như vậy là không phân biệt Âu hay Á, Mỹ hay Phi, nước này hay nước nọ, chủ nghĩa này hay chủ nghĩa kia, đạo dòng hay tân tòng, miễn là cố gắng “chiến đấu qua Cửa Hẹp” thì dược vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu mến Cửa Hẹp là yêu mến Chúa Giêsu và cuộc Thương Khó của Người, và nhờ Thập Giá Người mà chúng con tìm đến cửa công chính, cửa yêu thương phục vụ trong cuộc đời này, hầu mong được Thiên Chúa mở Cửa Nước Trời cho chúng con vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa mai sau. Amen.
 
Cửa Công Chính
Lm Vũđình Tường
15:08 19/08/2010
Đức Kitô tự ví mình như cửa hẹp của một tấm lòng vàng, rộng mở, thênh thang, mong đón nhận tất cả những tâm hồn mau mắn đón nhận tình thương Chúa. Có người thắc mắc làm sao mở rộng thênh thang cửa hẹp. Đã hẹp mở cách nào cũng hẹp. Đúng thế, hẹp thì không thể mở rộng.

Hẹp trong Kinh thánh không mang í nghĩa kích thước, dài rộng, cao thấp. Kinh Thánh nói về cửa tâm linh, cửa nhân ái. Cửa hẹp trong Kinh Thánh cho biết cửa đó có chủ coi sóc. Đường dẫn vào cửa hẹp là đường bảo vệ nhân phẩm, mang lại sự sống, kiến tạo hoà bình và đề cao công lí. Đó là đường dẫn vào cửa hẹp.

Làm sao đo

Nhìn cách đối xử với tha nhân ta nhận biết tấm lòng. Tất nhiên không chính xác như thước đo nhưng biết phần nào. Khi diễn tả tư tưởng trìu tượng, để cho dễ hiểu người ta dùng hình ảnh diễn tả điều không thể cân đo. Hình ảnh không tả hết ý nghĩa điều muốn nói nhưng chúng giúp người nghe hình dung ra được điều muốn diễn tả.

Rộng, hẹp trong dụ ngôn nói về tấm lòng con người. Nói về thái độ chọn lựa cách sống hay tư cách của một người. Chọn sống rộng rãi với tha nhân hay chọn sống hẹp hòi, khó khăn với tha nhân, bộc lộ nội tâm, hay tấm lòng người đó. Trừ những người đóng kịch giỏi, nội tâm một người phần nào biểu lộ qua cách xử thế, liên hệ tình cảm, việc làm, sinh hoạt hàng ngày của con người. Đức tin đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của Kitô hữu. Kitô hữu chọn lối sống hẹp hòi, khó khăn với tha nhân không thể nào sống rộng rãi với Thiên Chúa. Sống hẹp hòi luôn đi đôi với tính toán hơn thiệt. Một khi tính toán hơn thiệt người ta có khuynh hướng chọn phần hơn cho mình. Như thế phần thua sẽ thuộc về tha nhân. Thiên Chúa dậy mến Chúa, yêu người. Nhận phần hơn cho mình đồng nghĩa yêu mình hơn tha nhân. Không yêu tha nhân, không thể là con cái sự sáng, không thể là môn đệ chân chính của Đức Kitô.

Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy.

Là hãy yêu thương nhau Jn 15,35


Môn đệ Đức Kitô yêu mình hơn tha nhân, chọn con đường rộng rãi với chính mình, khắc nghiệt với tha nhân. Chọn như thế chưa thực sự sống đường lối Chúa.

Cửa sự thật

Hai lần Đức Kitô tự ví mình như con đường dẫn vào cửa công chính, cánh cửa tình yêu rộng mở đón chào những ai đáp lại tình yêu Đức Kitô. Lần thứ nhất khi Ngài dùng dụ ngôn người Mục Tử Nhân Lành, ví mình là cửa đàn chiên Gn 10. Lần thứ hai Chúa nói rõ ràng

Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy Gn 14,6

Qua hai dụ ngôn trên chúng ta biết rõ con đường hẹp, cửa hẹp, rộng mở, chính là đường lối Chúa. Đường hẹp, lối hẹp, cửa hẹp vì đường lối Chúa loại bỏ đường lối ma quỷ; khai trừ lối sống buông thả; giới hạn các thói tục ăn chơi nguy hiểm hại nhân mạng, hạ nhân phẩm và làm lu mờ hình ảnh Đức Kitô trong anh chị em. Những giới hạn này giúp phân biệt, nhận ra đâu là đường lối Chúa, đâu là đường lối thế gian. Chọn sống theo kiểu thế gian là chọn theo con đường tự quyết, tự hướng dẫn, không cần nhờ ơn trên hướng dẫn, chỉ đường. Dựa vào trí khôn loài người vạch đường, chỉ lối hướng dẫn cuộc sống.

Đường lối Chúa

Đường lối Chúa thể hiện qua cuộc sống của Đức Kitô. Ngài xuống thế sống cuộc đời như chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường về nước trời. Những ai mau mắn đón nhận đường lối Chúa chắc chắn được hưởng vinh quang nước trời. Đức Kitô mang tấm lòng vàng đầy yêu thương của Chúa Cha đến trần gian. Ngài đón nhận mọi tâm hồn đáp trả lại tình yêu Chúa. Những tâm hồn mau mắn đón nhận tình yêu Chúa sẽ không bao giờ bị từ chối, loại bỏ hay phân loại. Mọi người từ đông sang tây, không phân biệt ai, từ nam chí bắc, chọn sống mến Chúa, yêu người đều được dự tiệc nước trời. Họ mau mắn đáp lại lời Đức Kitô mời gọi và nếu có thể họ sẵn sàng vào cửa khi được phép.

Giờ mở cửa

Đối với Đức Kitô thời gian đóng một vai trò khá quan trọng liên quan đến việc tham dự tiệc nước trời. Kitô hữu tự cho mình sự dễ dãi; cho mình quyền tự quyết giờ ra vào cửa nước trời là sống cuộc sống thiếu chuẩn bị, chưa sẵn sàng. Ngoài Chúa ra không ai có thể tự ban cho mình quyền ra vào dự tiệc nước trời khi thuận tiện. Vì thiếu chuẩn bị nên khi được gọi chưa sẵn sàng. Đức Kitô cảnh cáo các Kitô hữu thiếu chuẩn bị, sống cuộc sống chứng nhân cách hờ hững, thiếu phấn đấu. Người bảo họ

'Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào’. Nếu không, một khi chủ nhà đóng cửa thì chủ nhà sẽ đáp ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính’c.27

Chúa mời gọi tất cả mọi người tới tham dự tiệc nước trời. Cửa phòng tiệc mở rộng, dài giờ nhưng không phải là vô tận. Có giới hạn thời gian. Giờ mở và đóng cửa do chủ tiệc quyết định. Một mình Ngài toàn quyền quyết định. Khách sốt sắng, mau mắn tham dự tiệc vì có lòng mến chủ tiệc cách đặc biệt. Bất cứ khi nào cửa phòng tiệc mở họ sẽ mau mắn đáp lại lời mời gọi vào dự tiệc. Chủ tiệc vui vẻ đón chào. Ai tỏ ra không thiết tha dự tiệc nước trời, thiếu lòng thành, đến trễ, coi thường chủ sẽ bị chủ đối xử như người xa lạ.
 
Về nguồn cội yêu thương
Gioan Lê Quang Vinh
19:24 19/08/2010
Lớp học đang hăng hái thì trời đổ mưa. Gió thổi mạnh quật vào cửa kính. Học trò nhốn nháo và tỏ vẻ âu lo. Buổi học hôm ấy có đề tài “Làm thế nào để giải quyết một vấn đề”, nên tôi hỏi học trò: “Bạn sắp về nhà, nhưng trời mưa to, giải pháp của bạn là gì?” Một cô sinh viên đáp nhanh: “Em cầu nguyện cho hết mưa”. Nói xong, em bật cười.

Tôi biết là cô học trò chỉ muốn châm chọc việc cầu nguyện, bởi vì cô chịu ảnh hưởng các môn học ở trường, nhất là môn chính trị, vốn thường chê trách các giá trị tâm linh. Do đó tôi nói với cả lớp: “Không, các bạn không nên cầu nguyện cho hết mưa, bởi vì mưa là quy luật tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã tạo thành, thứ hai là khi các bạn mong cho hết mưa thì bao người khác đang cầu cho có mưa, người làm nông, người trồng hoa hay người đang cảm thấy nóng bức. Nếu cầu nguyện để tìm giải pháp cho bạn lúc trời vẫn mưa thì mới là khôn ngoan”. Cô sinh viên ấy nghe vậy thì mỉm cười, nhưng không còn có vẻ đùa cợt nữa.

Cầu nguyện là mối dây liên lạc giữa con người với Nguồn cội của mình là Đấng Tạo Hóa. Người ta không nhận ra tầm quan trọng của hành động này bởi vì họ coi những giá trị nhỏ bé khác là mục tiêu và coi vật chất là nguồn gốc của mình. Người ta đón nhận giả thuyết “người bởi khỉ mà ra dễ dàng hơn giáo huấn của Thánh Kinh (riêng thuyết Tiến Hóa đã được các nhà khoa học chứng minh là sai về nguyên lý khoa học). Coi vật chất là nguồn cội dễ dàng hơn đón nhận thực tại cao siêu là con người được Thiên Chúa tác thành.

Chúng ta đã từng đọc chuyện vui trong lớp học Sinh vật. Cô giáo đang hăng hái chứng minh “con người bởi khỉ mà ra”, chợt một học sinh cười lớn. Cô giáo hỏi tại sao em cười, cậu học trò lễ phép thưa: “Dạ em cười vì em thấy tổ tiên em khác tổ tiên cô”. Đừng trách cậu bé vô lễ. Lỗi là do cô giáo tự nhận mình do khỉ mà ra.

Một môi trường như thế làm sao giúp con người nhận ra chiều kích tâm linh và siêu việt của mình. Trước đây thỉnh thoảng tôi viết bài cho tạp chí Easy English (NXB Trẻ) mà người biên tập là một giáo sư môn Văn minh Mỹ, thầy giáo cũ của tôi thời đại học. Có lần tôi dịch bài trong đó có câu “take time to pray”, hãy dành thì giờ để cầu nguyện, và tôi nói với thầy nếu đăng bài thì giữ nguyên câu ấy. Thầy tôi dù không có đạo nhưng thầy hiểu các giá trị cao siêu nên thầy bảo “câu này hay sao lại bỏ đi”. Nhưng khi báo in ra thì câu ấy đã bị xóa mất. Tôi không hài lòng, đến hỏi thầy. Thầy trầm ngâm rồi bảo tôi, nguyên văn thế này: “Thầy không biết ai xóa đi, nhưng Vinh hãy tin rằng thầy của em không có ngu đâu”. Tôi hiểu là ai đó đã làm việc này trước khi báo ra. Tại sao những người có cái tâm trong sáng lại không thể làm việc như lòng họ mong muốn?

Có nhiều định nghĩa về việc cầu nguyện. Giáo Lý Công Giáo dạy rằng cầu nguyện là "một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống... mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời" (số 2558, 2565). Người không Công giáo thì nhận ra rằng việc cầu nguyện là nâng tâm hồn lên trên những tầm thường nhỏ nhặt để hướng về Đấng Vô Hình:

“Cầu cho được tài hoa lỗi lạc

Để đem thân gánh vác việc đời

Lòng ta nguyện với lòng trời

Gần đời cao thượng xa đời nhỏ nhen”

(Tagore, Đông Hồ dịch)

Và khi các nhà thơ khác ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ấy là họ đang cầu nguyện, vì họ ca ngợi công trình Đấng Tạo Hóa. Khi một nhà khoa học phát minh ra cái gì mới, và ông thán phục Đấng đã làm ra mọi thứ sẵn sàng cho ông, ấy là ông cầu nguyện. Ba phi hành gia trên phi thuyền Apollo thứ 8 của Hoa Kỳ William Anders, Jim Lovell, and Frank Borman, vào đêm Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 1968, đã gửi thông điệp từ không gian về cho “mọi con người trên địa cầu”. Thông điệp ấy chính là “Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời và đất”, và họ đọc trình thuật Sáng tạo trong chương đầu của sách Sáng thế. Ấy là lời cầu nguyện đẹp giữa không gian.

Những câu chuyện hay và cảm động như thế, những giá trị cao quý như thế không được truyền đến cho học sinh sinh viên ở xã hội này, cho nên một số bạn trẻ vẫn cho rằng cầu nguyện là việc của những cụ già ít học. Và khi không coi trọng việc cầu nguyện, giới trẻ không đặt mọi thứ ở đúng vị trí của nó. Thành ra mọi chuyện chẳng bao giờ được giải quyết theo chiều hướng giúp con người khám phá nguyên lý của muôn loài và chiều kích siêu việt của chính mình.

Dạy cho trẻ em và thanh thiếu niên biết cầu nguyện không phải làm mất sự tự tin vào chính bản thân của họ, nhưng là làm cho họ hiểu rằng họ có giá trị thật, vượt lên trên cái hữu hạn của vật thể. Dạy cho họ biết cầu nguyện không phải bảo họ dựa dẫm vào sức mạnh không tưởng, nhưng làm cho họ ý thức rằng họ được nâng đỡ và hiến thánh bởi Nguồn Cội yêu thương.

“Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ (…) Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội”. Lời nhạc Trịnh Công Sơn diễn tả cuộc đời đẹp biết bao, đẹp như con đò đi trên dòng sông có ánh trăng vàng. Nhưng cái đẹp sẽ hoàn thiện khi dẫn đến sự thật: đò đang đi về nơi nguồn cội, và khi con người biết cầu nguyện, lối về sẽ tràn đầy tình yêu và sự bình an.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 19/08/2010
CỬU NGŨ CHÍ TÔN

N2T


Người xưa lấy “cửu (chin) ngũ (năm)” tượng trưng cho đế vương, bởi vì “cửu” là số lớn nhất trong các số tự, cho nên “cửu” ngoài việc biểu thị thực tế ra, thì càng thường dùng để nói lên cái “lớn nhất, nhiều nhất, cao nhất, sâu nhất”, cũng là bày tỏ sự tốt lành và thuận lợi. “Ngũ” là con số nằm giữa từ số một đến số chín, nhà Nho chú trọng đạo trung dung, nên “ngũ” ở giữa này càng đại diện cho trung dung, cho nên nó trở thành số mà người Trung Quốc thích nhất.

Dùng “cửu” là đại diện cho cái cao nhất và “ngũ” đại diện cho sự trung dung, kết hợp lại là “cửu ngũ”, tự nhiên nó có thể đại diện cho sự cao quý của đế vương. Mà người ở địa vị cửu ngũ thì giống như rồng bay vút lên không trung vậy, sẽ có một lần làm việc lớn.

(Dị kinh)

Suy tư:

“Cửu ngũ” đại diện cho đế vương, là người quyền uy lớn nhất, địa vị cao nhất và danh giá nhất trong một nước, một quốc gia hay một dân tộc. Nhưng “cửu ngũ” cũng còn nằm trong cái bao la vô hạn là “cửu trùng”, cửu trùng là “chín tầng”, chẳng hạn như nói chín tầng mây hoặc chín tầng trời, tức là cao vô cùng, bao la vô cùng, mà ngự trên “cửu trùng” cao vô cùng ấy thì chỉ có Thiên Chúa quyền năng vô biên mà thôi.

Thiên Chúa ngự trên “cửu trùng” là Đấng cao cả vô cùng, nên tình thương của Ngài cũng bao la vô cùng, bao la hơn cả vũ trụ và cao hơn cả chín tầng trời, do đó mà nhân loại dù đang sống trong tội lỗi cũng có thể nhận được tình thương bao la ấy, đó là hể ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một của Ngài đã xuống thế làm người, chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá và đã sống lại hiển vinh, thì sẽ được ơn cứu độ.

“Cửu trùng” hay “chín tầng trời” chỉ là cách nói của người Ki-tô hữu để chỉ nơi cao cả bao la Thiên Chúa ngự mà thôi, bởi vì vinh quang của Ngài thì bao trùm cả vạn vật trên trời dưới đất, không chỗ nào nơi nào mà không có vinh quang và tình tương của Ngài.

Nhưng có một nơi khác vừa thấp bé vừa rộng bao la hơn “cửu trùng” mà Thiên Chúa rất thích ngự, đó chính là tâm hồn của chúng ta, tâm hồn của chúng ta sẽ thấp bé khi không có Chúa, và sẽ rộng lớn bao la khi có Chúa ngự...

Ha ha ha, ai hiểu thì hiểu !

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 19/08/2010
N2T


13. Lòng thành ở trong hình thể ở ngoài, khắc khổ ở bên ngoài nên lệ thuộc sự khắc khổ bên trong, có khắc khổ nội tâm thì sự khắc khổ ở bên ngoài càng hoàn thiện thêm, càng có ý nghĩa, càng thuận tiện hơn.

(Thánh nữ Terese of Avila)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 19/08/2010
N2T


505. Trong trận thi đấu của cuộc sống, người đem toàn lực thi đấu so với người lạnh nhạt bàng quan đứng nhìn thì càng hứng thú hơn.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tình yêu mang lại cho chúng ta niềm hy vọng
Pt Huỳnh Mai Trác phỏng dịch
05:51 19/08/2010
Khi nhắc đến nhiều vị thánh mà Hội Thánh kính nhớ trong tuần lễ sắp đến, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI mời gọi chúng ta sống những biến cố cuộc đời chúng ta mà “đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng, vì niềm hy vọng là Chúa của sự sống và của tình yêu.”

Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm Chủ Nhật tuần này, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy cho các tông đồ về giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa và sự vô ích về những lo lắng phù phiếm ở đời này.

Đây không phải là cổ võ cho sự lười biếng. Trái lại, hãy lắng nghe lời trấn an của Chúa Giêsu, “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi, bởi vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (Luca 12:32) Lòng chúng ta mở ra với niềm hy vọng sáng ngời và làm cho sự hiện hữu của chúng ta sống động một cách cụ thể: chúng ta chắc chắn rằng “Phúc Âm không chỉ thuần túy là sự truyền đạt về các khái luận để mọi người có thể hiểu biết, nhưng còn là sự truyền thông mang lại những dữ kiện làm thay đổi cuộc sống.”

Cánh cửa tối tăm của thời gian, của tương lai đang được mở rộng ra. Người có hy vọng sống một cách khác biệt; vì họ đã được ban cho một đời sống mới.” (TĐ Spe Salvi 2) Như chúng ta đọc trong thư gởi người Tín Hữu Do Thái trong Phụng Vụ hôm nay, tổ phụ Abraham đã nói lên một lòng tin tưởng hoàn toàn vào niềm hy vọng Thiên Chúa đề ra cho ông: đó là lời Chúa hứa ban cho một miền đất mới và cho “con cháu đông đúc” và ông đã lên đường mà “chẳng biết là đi về đâu,” duy chỉ biết một lòng tin cậy vào Chúa mà thôi.(cfr 11,8-12)

“Và qua ba dụ ngôn trong Phúc Âm ngày hôm nay, Chúa Giêsu nói lên một sự chờ đợi hoàn tất về “niềm hy vọng đầy Ơn phúc”, về ngày Chúa quang lâm, là động lực thúc đẩy chúng ta phải sống một cuộc đời mãnh liệt đầy dẩy những việc lành phúc đức: “Hãy bán hết những của cải của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi đựng tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi mà kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt không đục phá. ” (Luca 12,33)

Đây là một lời mời gọi hãy xử dụng mọi sự mà không ích kỷ, không khát khao để chiếm đoạt hay để thống trị, nhưng mà tùy theo khái luận của Thiên Chúa, khái luận của sự hướng đến tha nhân, và khái luận của tình thương: như bài viết về phương cách tổng hợp của Linh mục Romano Guardini, “dưới hình thức của một sự liên hệ: bởi Chúa và trong Chúa.” (S'accepter soi-même, Brescia 1992, 44)

Về điểm này, tôi muốn chú ý đến những đấng Thánh mà chúng ta kính nhớ trong tuần này. Những vị thánh này đã đích thực đặt đời sống của mình theo khái luận bởi Chúa và trong Chúa mà thôi. Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh Dôminicô de Guzman, đấng sáng lập Dòng Đa Minh vào thế kỷ XIII, có sứ vụ dạy dỗ chân lý đức tin cho xã hội, được chuẩn bị bằng sự học hỏi và cầu nguyện.

Cùng trong thời kỳ đó, Thánh nữ Claire Assise, mà chúng ta kính vào ngày thứ tư, tiếp tục công việc của thánh Phanxicô, đã lập Dòng nữ tu Clarisses. Vào ngày 10 tháng 8 chúng ta kính Thánh Laurent, Phó Tế, tử đạo vào thế kỷ thứ III, mà thánh tích của ngài được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Laurent ở ngoại thành Rôma.

Cuối cùng chúng ta kính nhớ hai đấng thánh tử đạo của thế kỷ XX cùng chịu chung số phận ở trại tù Auschwitz. Ngày 9 tháng 8 chúng ta kính nhớ thánh Têrêxa Bênêđict Thánh Giá, Edith Stein và ngày 14 tháng 8 thánh Maximilian Maria Kolbe, linh mục Dòng Phanxicô, đấng sáng lập Dòng Hiệp sĩ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cả hai đấng đều trải qua những ngày đen tối của Đệ Nhị Thế Chiến,nhưng không bao giờ mất đi nhản quan hy vọng, là Chúa của sự sống và của tình yêu.

Hãy trông cậy vào sự nâng đỡ hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Thánh đang âu yếm chia sẻ cuộc lữ hành của chúng ta. Hãy cùng dâng lên Mẹ lời cầu nguyện của chúng ta. (Nguồn tin: VIS).
 
Chương trình cuộc viếng thăm Anh quốc của ĐGH
Phụng Nghi
06:14 19/08/2010
VATICAN CITY (CNS) - Tòa thánh Vatican đã cho biết 4 ngày viếng thăm Anh quốc của Đức giáo hoàng Benedict XVI là để tuyên phong chân phước cho một nhà trí thức và thần học thế kỷ 19 là Hồng y John Henry Newman.

Nhưng chương trình cuộc viếng thăm tháng 9 này của Đức giáo hoàng cũng đầy ắp những cuộc gặp gỡ: đó là buổi họp với Nữ hoàng Elizabeth II, với thủ tướng nước Anh, với thành phần đối lập trong chính phủ, và với Tổng giám mục Anh giáo Rowan Williams ở Canterbury, là vị lãnh đạo tinh thần của Cộng dồng Anh giáo thế giới.

Thánh lễ tuyên phong chân phước diễn ra vào hôm chót trong cuộc viếng thăm Scotland và Anh quốc từ ngày 16 đến 19 tháng 9 của Đức giáo hoàng sẽ là nghi thức phong chân phước đầu tiên mà Đức giáo hoàng Benedict chủ sự, bởi vì từ khi được tuyển chọn là năm 2005 đến nay, ngài đã ủy nhiệm vai trò này cho các vị hồng y, nhằm mục đích đề cao sự khác biệt giữa tuyên phong chân phước và tuyên thánh,.

Sau đây là chương trình cuộc tông du của Đức giáo hoàng được Tòa thánh phổ biến ngày 18 tháng 8. Giờ ghi trong chương trình là giờ địa phương, Giờ ghi trong ngoặc là theo múi giờ Miền Đông (Bắc Mỹ).

Thứ Năm, 16 tháng 9 (Rome; Edinburgh và Glasgow, Scotland; Luân đôn)

-- 8:10 a.m. (2:10 a.m.) Khởi hành từ phi trường Ciampino ở Rome.

-- 10:30 a.m. (5:30 a.m.) Tới phi trường Edinburg. Nghi lễ đón chào chính thức.

-- 11 a.m. (6 a.m.) Nghi thức chào đón tại Điện Hoàng gia Holyroodhouse ở Edinburgh. Thăm viếng Nữ hoàng Elizabeth II.

-- 11:40 a.m. (6:40 a.m.) Họp với giới thẩm quyền trong công viên của Holyroodhouse. Diễn từ của Đức giáo hoàng.

-- 1 p.m. (8 a.m.) Dùng cơm trưa với đoàn tùy tùng của Đức giáo hoàng tại trú sở của tổng giám mục Edinburgh.

-- 5:15 p.m. (12:15 p.m.) Thánh lễ và giảng thuyết tại Công viên Bellahouston Park ở Glasgow

-- 8 p.m. (3 p.m.) Khởi hành từ phi trường Glasgow để đi Luân đôn.

-- 9:25 p.m. (4:25 p.m.) Tới phi trường Heathrow ở Luân đôn.

Thứ Sáu 17 tháng 9 (Luân đôn)

-- 8 a.m. (3 a.m.) Thánh lễ riêng tại nhà nguyện của tòa sứ thần Tòa thánh tại Wimbledon.

-- 10 a.m. (5 a.m.) Gặp ban giảng huấn và sinh viên các trường Công giáo tại nhà nguyện và sân thể thao trường Đại học St. Mary ở Twickenham. Lời chào mừng và diễn từ của Đức giáo hoàng.

-- 11:30 a.m. (6:30 a.m.) Họp với các nhà lãnh đạo những tôn giáo khác tại Waldegrave Drawing Room của trường Đại học St. Mary. Diễn từ của Đức giáo hoàng.

-- 4 p.m. (11 a.m.) Thăm xã giao tổng giám mục Anh giáo Canterbury tại Điện Lambeth Palace. Đức giáo hoàng đọc diễn từ.

-- 5:10 p.m. (12:10 p.m) Họp tại Westminster Hall với các đại diện trong xã hội Anh, giới học thuật, văn hoá, thương mại, các nhân viên ngoại giao đoàn, các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đức giáo hoàng đọc diễn từ.

-- 6:15 p.m. (1:15 p.m.) Nghi lễ đại kết tại Westminster Abbey. Đức giáo hoàng đọc diễn từ.

Thứ Bẩy, 18 tháng 9 (Luân đôn)



-- 9 a.m. (4 a.m.) Họp với thủ tướng Anh tại trú sở của tổng giám mục Westminter.

-- 9:20 a.m. (4:20 a.m.) Họp với phó thủ tướng Anh tại trú sở của tổng giám mục.

-- 9:30 a.m. (4:30 a.m.) Họp với các nhà lãnh đạo phe đối lập tại trú sở của tổng giám mục.

-- 10 a.m. (5 a.m.) Thánh lễ và giảng thuyết tại Nhà thờ chính tòa Westminter.

-- 5 p.m. (Noon) Thăm viếng Trú sở Thánh Phêrô, là nhà dành cho người cao niên. Đức giáo hoàng đọc diễn từ.

-- 6:15 p.m. (1:15 p.m.) Buổi kinh chiều trước ngày tuyên phong chân phước cho Hồng y John Henry Newman tại Hyde Park. Đức giáo hoàng đọc diễn từ.

Chủ nhật, 19 tháng 9 (Luân đôn, Birmingham, Rome)

-- 8 a.m. (3 a.m.) Khởi hành từ tòa sứ thần Tòa thánh ở Wimbledon.

-- 8:45 a.m. (3:45 am) Di chuyển bằng máy bay trực thăng từ Wimbledon Park tới Birmingham.

-- 9:30 a.m. (4:30 a.m.) Đến sân bay gần Cofton Park ở Birmingham

-- 10 a.m. (5 a.m.) Thánh lễ, giảng thuyết và nghi thức tuyên phong chân phước cho Hồng y Newman tại Cofton Park. Đọc kinh Truyền tin. Diễn từ ngắn của Đức giáo hoàng.

-- 1:10 p.m. (8:10 a.m.) Thăm viếng riêng Dòng Diễn giảng Thánh Philip Neri ở Birmingham.

-- 1:45 p.m. (8:45 a.m) Cùng đoàn tùy tùng, dùng cơm trưa với các giám mục nước Anh, xứ Wales và Scotland tại phòng ăn của Francis Martyn House trong Oscott College ở Birmingham.

-- 4:45 p.m. (11:45 a.m.) Họp với các giám mục Anh, xứ Wales và Scotland tại nhà nguyện của Francis Martyn House.

-- 6:15 p.m. (1:15 p.m) Nghi lễ tiễn biệt tại Phi trường Quốc tế Birmingham. Đức giáo hoàng đọc diễn từ.

-- 6:45 p.m. (1:45 p.m.) Phi cơ rời Phi trường Quốc tế Birmingham.

-- 10:30 p.m. (4:30 p.m.) Đáp xuống phi trường Ciampino ở Rome.
 
Cuộc viếng thăm Anh quốc của ĐGH sẽ biểu hiện vẻ đẹp của đạo Công giáo
Phụng Nghi
08:22 19/08/2010
ROME (Zenit.org).- Người phát ngôn của Tòa thánh Vatican nói rằng cuộc viếng thăm Anh quốc của Đức giáo hoàng Benedict XVI vào tháng tới sẽ là môt cơ hội trình bầy hữu hiệu cho một xã hội tục hóa thấy được những đóng góp tích cực và vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo và Giáo hội Công giáo.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh, đã đưa ra lời tiên báo như trên trong cuộc phỏng vấn của Đái Phát thanh Vatican về cuộc tông du từ ngày 16 đến 19 tháng 9 của Đức giáo hoàng.

Cha nói rằng cuộc gặp gỡ ngay vào hôm đầu của Đức thánh cha với nữ hoàng Anh đã “được chờ đợi với nhiều chú ý và tình cảm”, cũng như việc đặt chân đến Scotland trong cuộc tông du này.

“Hơn thế nữa, tôi muốn nhắc nhở rằng ngày Đức giáo hoàng tới Scotland trùng vào lễ kính Thánh Ninian, là thánh bổn mạng, là vị rao giảng Tin mừng cho Scotland. Vì thế đó là ngày rất quan trọng đối với người dân xứ này.”

Thế rồi sau đó sẽ là “diễn từ lớn của Đức giáo hoàng tại Westminster Hall, là cuộc gặp gỡ với xã hội, với thế giới văn hóa, với tất cả các thành phần tích cực và có thẩm quyền nhất của xã hội Anh. Đây chắc chắn sẽ là lúc được chú ý theo dõi rất nhiều.”

Những người kiếm tìm hiệp nhất

Cha Lombardi nói thêm rằng cũng không nên giảm thiểu chiều kích đại kết của cuộc tông du. Yếu tố này gồm có cuộc họp giữa Đức giáo hoàng và nhà lãnh đạo Cộng đồng Anh giáo, là tổng giám mục Canterbury:

“Nghi lễ đại kết chắc sẽ có một ý nghĩa lớn lao. Chúng tôi cũng biết rằng đó là thời khắc nhạy cảm đối với Anh giáo, vì những cuộc tranh luận nội bộ của họ. Và đây cũng là thời khắc nhậy cảm cho những liên lạc với Giáo hội Công giáo, bởi vì các cuộc tranh luận nội bộ đó cũng ảnh hưởng đến mối liên lạc giữa người theo Anh giáo và người theo Công giáo.”

Nối kết với Hồng y Newman



Cha Lombardi coi buổi kinh chiều tại Hyde Park và lễ tuyên phong chân phước cho Hồng y John Henry Newman như là “trọng tâm tinh thần của cuộc tông du này.”

Ngài đề cập tới sợi dây liên lạc kết nối Đức thánh cha với Hồng y Newman, là một thi sĩ, một mục sư Anh giáo, sau này được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo và được Giáo hoàng Leo XIII phong tước vị hồng y.

Mối dây gắn bó đó, theo lời giải thích của vị phát ngôn Tòa thánh, thể hiện rõ ràng trong “sự kết hợp sâu xa giữa đức tin và lý trí, trong chứng từ sống động Kitô giáo giữa thế giới ngày nay, giữa thế giới tân tiến, tạo mọi lý lẽ của đức tin Kitô giáo cho những ai tìm kiếm, tạo lý do cho chúng ta được cậy trông vào thế giới ngày nay.”

Về vấn đề gọi là vé tham dự các chương trình trong cuộc tông du, chẳng hạn như buổi kinh chiều tại Hyde Park, cha Lombardi minh xác rằng chi phí và cách tổ chức cuộc thăm viếng của Đức giáo hoàng là do quốc gia đứng mời đài thọ.

“Không phải Đức giáo hoàng là người đứng ra tổ chức cuộc viếng thăm của chính ngài tại Anh quốc. Do đó, sự kiện điều tiên phải ghi nhận: Vatican không đặt ra bất cứ hình thức nào.”

Cha cho biết rằng nhu cầu đòi hỏi phải có sự đóng góp để tham dự ba buổi sinh hoạt công cộng chính, là vì sự kiện người ta sẽ dùng các phương tiện chuyên chở được sắp đặt trước; vì thế các giới chức trong hàng giáo phẩm phải phát hành “vé vào cửa, như một thứ thông hành đặc biệt, cho mỗi giáo dân đến tham dự, và một gói tài liệu phục vụ nhỏ, chỉ dẫn về mục vụ và dịch vụ.”

Cuộc thăm viếng chính thức



Đề cập đến tính cách mới mẻ của cuộc thăm viếng này, so sánh với cuộc thăm viếng 30 năm trước đây của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, cha Lombardi nhấn mạnh rằng đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là các yếu tố như “tiến độ của chính cuộc thăm viếng, vì đây là cuộc thăm viếng chính thức do lời mời của nữ hoàng và chính phủ, trong khi cuộc thăm viếng của ĐGH Gioan Phaolô có tính cách đặc biệt về mục vụ hơn.”

“Tôi muốn nói rằng điều được mong đợi, điều được ao ước, được thành thực kỳ vọng trong cuộc thăm viếng này, là giải thích cho hiểu rõ, là trình bầy sự phục vụ của đức tin Kitô giáo và sự phục vụ của Giáo hội Công giáo cho một xã hội rất mực phát triển nhưng cũng rất mực tục hóa, như xã hội vương quốc Anh. Đây là một thực tế, nơi mà có lẽ nhiều người đang tự hỏi về giá trị của chứng từ Kitô giáo và chứng từ Công giáo trong xã hội.”

“Vì thế, phải làm cho người ta hiểu rằng đây là một quà tặng cho xã hội, một sự phong phú được trao hiến bằng phục vụ trong hứng khởi tinh thần, nhưng cũng còn bằng những cam kết trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực y tế, bác ái, đó là những điều rất mực quan trọng.

“Chúng tôi hy vọng rằng cuộc tông du này cũng sẽ là một biểu hiện vẻ đẹp, tính tích cực trong sự phục vụ của Đức thánh cha đối với xã hội, mà nhiều khi chúng ta cũng có những thời điểm gây tranh cãi.”
 
Ali Agca: ''Khi tôi bắn ĐGH tôi đã không muốn giết ngài, chỉ muốn làm bị thương thôi''
Paul Minh Nhật
08:56 19/08/2010
Ali Agca, tên khủng bố người đã tấn công ĐGH Gioan Phao lô II đã nói rằng mục đích của anh ta không phải là muốn giết ĐGH nhưng thay vào đó chỉ là muốn ngài bị thương thôi. Anh ta cũng nói tác động của vụ tấn công ngày 13 tháng 5 năm 1981 như là một phép lạ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Italian Magazine Gente, "Agca nói về thời gian lưu lại trong các nhà tù hết sức an toàn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ý Đại Lợi, về tình trạng sức khỏe tinh thần và vai trò của anh ấy: một trong những điều bí ẩn lớn nhất vài thập niên gần đây.

Agci - cựu thành viên của nhóm khủng bố "Những Con Sói Xám" - mô tả ĐGH Gioan Phao lô II như là con người tuyệt vời nhất của thế kỷ 20 và anh cũng hồi tưởng lại kỷ niệm khi ĐGH vào thăm anh trong tù. Agca nói "đó là thời gian kỳ diệu nhất, chúng tôi như là những người bạn cũ của nhau."

ĐGH Gioan Phao lô II thậm chí đã trao cho anh một bức ảnh Đức Mẹ Fatima, bức ảnh đã bị lạc mất khi Agca thay đổi nhà tù.

Agca đã hết thời hạn tù sáu tháng trước và đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách vào cuối năm nay.
 
Top Stories
Rep. Smith condemns human rights violations of Catholics in Vietnam
Catholic News Agency
07:52 19/08/2010
Washington D.C., Aug 19, 2010 / 03:10 am (CNA).- At an August 18 hearing in Washington D.C., Rep. Chris Smith (R-N.J.) condemned the human rights violations of Catholics in Vietnam, calling on Secretary of State Hillary Clinton to “postpone indefinitely taking U.S.-Vietnam relations to the 'next level' until the Government of Vietnam can prove that they too are concerned about and willing to stop rampant abuse in their country.”

A press release announcing the Tom Lantos Human Rights Commission Hearing on Aug. 18 noted that the U.S. Commission on International Religious Freedom’s 2010 Annual Report recommended that the State Department re-title Vietnam as a “country of particular concern” (CPC) on account of the Vietnamese government’s repression of religious activities.

Rep. Smith opened his remarks on Wednesday by thanking those in attendance for joining the “emergency session to voice our collective concern for the brutal murders and systematic mistreatment of Catholics in Con Dau.”

“This past Sunday, August 15, 2010, marked the 80th anniversary of the founding of Con Dau, a Catholic village in the Diocese of Da Nang, Central Vietnam,” he explained. “What should have been a joyous occasion has been marred by unspeakable violence.”

“A few months ago during a religious funeral procession, Vietnamese authorities and riot police disrupted that sad and solemn occasion, shooting tear gas and rubber bullets into the crowd, beating mourners with batons and electric rods,” the congressman said. “More than 100 were injured, dozens were arrested, and several remain in custody and have reportedly been severely beaten and tortured. At least two innocent people have been murdered by the Vietnamese police.”

“The Vietnamese government justifies this violence, torture and murder because the villagers of Con Dau had previously been ordered, some through coercion, to leave their village, property, church, century-old cemetery, their religious heritage, and to forgo equitable compensation in order to make way for a new 'green' resort.”

“Nothing, however, not even governmental orders, grant license for government sanctioned murder and other human rights abuses,” he insisted.

“As you will hear shortly from the U.S. Commission on International Religious Freedom, this is unfortunately not an isolated incident. In fact, according to the 2010 Annual Report, 'property disputes between the government and the Catholic Church continue to lead to harassment, property destruction, and violence, sometimes by 'contract thugs' hired by the government to break up peaceful prayer vigils.'”

“In recent years,” he added, “the Vietnamese government has stepped up its persecution of Catholic believers (by) bulldozing churches, dismantling crucifixes, and wrecking havoc on peaceful prayer vigils.

The New Jersey congressman also said that persecution of religious followers “is not limited to the Catholic Church in Vietnam.”

A staff member at the commission's office confirmed to CNA that those who gave testimony at Wednesday's hearing included Ted Van Der Meid, Commissioner, U.S. Commission on International Religious Freedom; Tai Nguyen, brother of Nam Nguyen, who died after a police beating; Quang Nguyen, brother of Lieu Nguyen, who escaped to Thailand; Luan Nguyen, sister of Liem & Minh Nguyen, who are still detained and T. Kumar, director of international advocacy, Amnesty International.

“While I am eager to listen to the testimony of the witnesses who are here, I am disappointed that the U.S. Department of State declined the invitation to testify,” Rep. Smith said. “It was just a few weeks ago that Secretary Clinton met with officials in Hanoi and expressed concern over Vietnam's track record of human rights abuse and violations of religious freedom.”

“I call on the Secretary to postpone indefinitely taking U.S.-Vietnam relations to the 'next level' until the Government of Vietnam can prove that they too are concerned about and willing to stop rampant abuse in their country and hold officials accountable for known or reported abuses,” he stressed.

“I also respectfully ask Commissioner Van Der Meid, on behalf of the International Religious Freedom Commission, to visit Vietnam and report back to this commission and to Congress on the situation in Con Dau and the violence and harassment faced by Catholic villagers throughout the country.”
 
Vietnam: Retour inattendu au Vietnam de l'archevêque émérite de Hanoi
Eglises d'Asie
11:20 19/08/2010
L’archevêque émérite de Hanoi, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt est de retour au Vietnam depuis le 6 août 2010. La nouvelle a d’abord été annoncée par plusieurs sites en langue vietnamienne (1). Le 9 août, l’information était confirmée par le service d’information de la Conférence épiscopale (2). L’ancien archevêque de la capitale est arrivé à Hanoi dans l’après-midi du 6 août et s’est rendu directement en taxi au monastère cistercien de Châu Son, dans le diocèse de Phat Diêm, lieu où il a l’habitude de venir se reposer. Il s’était déjà retiré en cet endroit après la nomination de l’archevêque coadjuteur de Hanoi.

Dès que la nouvelle du retour de l’ancien archevêque a été connue, des groupes de fidèles de Hanoi se sont rendus au monastère pour lui rendre visite. Resté très discret les premiers jours, Mgr Kiêt a accueilli le 9 août, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, actuel archevêque de Hanoi qui était accompagné de son évêque auxiliaire et d’un groupe de prêtres de l’archidiocèse. La rencontre a été chaleureuse. Les propos tenus rapportés par le communiqué publié à cette occasion (3) laissent entendre que l’archevêque émérite s’installe au monastère pour un séjour de longue durée. Il a déclaré qu’au cours de ces deux derniers mois passés aux Etats Unis, plus précisément au Grand séminaire de Boston, sa santé s’était progressivement rétablie. Elle serait aujourd’hui tout à fait satisfaisante.

Ce retour est tout à fait inattendu. Son éventualité n’avait été évoquée dans aucun des commentaires pourtant très nombreux concernant sa démission et son départ hors du pays, pas plus que dans les suppositions avancées au sujet de sa future carrière. Sa rentrée au pays s’inscrit d’ailleurs dans une succession d’événements inopinés qui ont quelque peu dérouté les catholiques ces derniers temps. Son départ à Rome au mois de mars dernier avait surpris. Après un séjour de quelques semaines consacrées à se soigner et sans doute, à mettre au point les modalités concrètes de sa démission, il était soudainement revenu à la capitale le 7 avril 2010. Peu de temps après, le Saint Siège annonçait la nomination à Hanoï d’un archevêque coadjuteur avec droit de succession, Mgr Pierre Nguyen Van Nhon, actuel président de la Conférence épiscopale. Mgr Kiêt était présent à son intronisation le 7 mai, à la cathédrale de Hanoi. Dans la nuit du 12 au 13 mai, l’archevêque prenait l’avion pour une destination inconnue alors que dans l’après-midi, le Saint Siège annonçait officiellement que sa démission était acceptée. L’émotion provoquée par cette décision a été très grande dans l’archidiocèse de Hanoi comme dans l’Eglise du Vietnam toute entière. L’avenir risque peut-être de nous réserver des surprises supplémentaires. Selon des confidences recueillies par un quotidien californien de langue vietnamienne, Nguoi Viêt (3), auprès du frère cadet de l’archevêque, celui-ci, avant son retour, lui a rendu visite à Houston où il réside. L’archevêque lui a confié son désir de vivre au Vietnam et son intention de se retirer dans le monastère cistercien de Châu Son, non comme membre de la communauté mais comme hôte.

D’autres mystères subsistent encore au sujet de Mgr Kiêt, en particulier l’attitude qui sera adoptée à son égard par les autorités civiles. Celles-ci avaient été très brutales à son égard et avaient même demandé à plusieurs reprises qu’il soit écarté de son poste d’archevêque de la capitale. Ce retour sera sans doute l’occasion de tester les intentions actuelles du gouvernement à son endroit. Pour le moment, la presse officielle garde le plus complet silence sur cette affaire. Selon certaines sources non confirmées officiellement (4), au cours des récentes négociations entre le St siège et le Vietnam qui ont eu lieu à Rome le 23 et 24 juin dernier, la partie vietnamienne aurait demandé au Saint Siège de ne pas autoriser l’archevêque démissionnaire à revenir au Vietnam. Les représentants romains auraient répondu que, Mgr Kiêt n’étant pas dépouillé de ses droits civiques, la mesure demandée constituerait une violation des droits de l’homme et de la législation vietnamienne.

(1) http://vietcatholic.net/News/Html/82685.htm
(2) http://hdgmvietnam.org/tong-giao-phan-ha-noi-han-hoan-chao-don-duc-cha-giuse-ngo-quang-kiet-nguyen-tong-giam-muc-ha-noi/2066.63.8.aspx
(3) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116996&z=2

(Source: Eglises d'Asie, 19 août 2010)
 
Vietnam's Defensive Diplomacy
Carlyle A. Thayer / WSJ
18:17 19/08/2010
Hanoi signals that it views an American military presence in the region as legitimate.

Asia's military landscape is shifting, and nowhere more so than in maritime Southeast Asia. This week saw another major development: the inaugural U.S.-Vietnam defense policy dialogue in Hanoi.

Tuesday's meeting builds on triennial exchanges of defense ministers begun in 2000 and marks a definite turning point in bilateral relations. Since 2008, the two countries have conducted an annual Political, Security and Defense Dialogue under the auspices of the U.S. State Department and Vietnam's Ministry of Foreign Affairs. Now they have developed a high-level channel for direct military-to-military discussions under their respective defense departments.

David Klein But the event raises many questions: What is the real significance of this meeting, conducted at the vice ministerial level? Does this new dialogue signal a shift in Vietnam's policy from maintaining equidistance between the great powers to one of alignment with the U.S.? Does it also signal a shift in Washington's policy toward China from one of engagement to containment? How might U.S.-Vietnamese defense relations develop in the future?

There are no simple answers. Clearly recent Chinese military assertiveness in the Western Pacific and the South China Sea provides a stimulus for stepped up U.S.-Vietnam military cooperation. Both countries share an interest in preventing China or any other country from dominating seaborne trade routes and enforcing territorial claims through coercion. Vietnam sees the U.S. presence as a hedge against China's rising military power.

Vietnam started last year to engage in a very delicate game of signaling that it views an American military presence in the region as legitimate. Last year, for example, Vietnamese military officials flew to the USS John C. Stennis to observe flight operations in the South China Sea. Later that year, Vietnamese Defense Minister Phung Quang Thanh stopped off at Pacific Command in Hawaii on his way to Washington and was photographed peering through the periscope of a U.S. nuclear submarine.

The cooperation intensified this year when Vietnamese shipyards repaired two U.S. Military Sealift Command ships. On the 15th anniversary of diplomatic relations, the Vietnamese deputy ambassador in Washington paid a well-publicized visit to the USS George H.W. Bush berthed in Norfolk. Shortly after, local government and military officials from Da Nang flew out to the USS George Washington to observe operations in Vietnam's Exclusive Economic Zone in the South China Sea.

At the same time Vietnam and the U.S. conducted their first joint naval engagement activities. Importantly, the exercise did not involve Vietnamese naval ships operating at sea with their American counterparts. Instead it was conducted on board the USS John S. McCain while it was berthed at Da Nang. This visit was part of a program of annual port visits begun in 2003. The engagement activities involved only noncombat training such as damage control, a search and rescue drill and exchange of cooking skills.

These exchanges may sound trivial, but they are essential to building trust. The confidence-building phase in military relations is now over. The U.S. and Vietnam are engaged in working out a program of practical activities that will enhance the professionalism of the Vietnamese military. In broad terms, both countries will cooperate in building capabilities in specialized areas such as peacekeeping, environmental security, multilateral search and rescue coordination and regional disaster response.

What comes next? The sale of arms, equipment and military technology is not on the cards at the moment. But it is very likely Vietnam will lift its self-imposed restrictions and permit its military officers to undertake professional military education and training courses at staff colleges and other military institutions in the U.S. Vietnam's willingness to engage with the U.S. is primarily motivated by its desire to improve military capacity and professionalism so it can play a greater role in contributing to regional security. On the U.S. side, American military personnel will develop personal relationships with their counterparts that will enhance mutual understanding and facilitate future cooperation.

Closer Vietnam-U.S. military ties also fit into Hanoi's broader strategy of defense diplomacy with other countries. Vietnam has long-standing defense ties with Russia and India. It has a well-developed program with Australia since 1999, in which Australia has trained more than 150 Vietnamese officers. Vietnam is also in the process of stepping up military-to-military relations with its former colonial master, France.

Of equal significance is the development of Chinese-Vietnamese military ties. The two countries have conducted at least nine joint naval patrols in the Gulf of Tonkin since 2006. This year they conducted their first joint search and rescue exercise at sea. Vietnam has hosted three ports visits by the Chinese navy and this year the Vietnamese navy made its first port call to China.

U.S. re-engagement with Vietnam and other countries in Asia, such as Indonesia, should not be mistaken as a strategy meant solely to contain China. The Obama administration wants to demonstrate that the U.S. is a responsible resident in the Asia-Pacific region and willing to cooperate with regional states, including China, to maintain security. U.S. officials have repeatedly called on China to resume military-to-military ties. The Obama administration has also re-engaged with the region's multilateral security architecture. Defense Secretary Robert Gates announced he will attend the inaugural meeting of the Association of Southeast Nations' defense ministers and their eight dialogue partners in Hanoi in October.

Tuesday's meeting is a clear demonstration of how the U.S.-Vietnam military relationship is deepening. China must decide if it is ready to work with both countries to develop practical measures to build up regional capacity to address emerging security challenges. If it doesn't, then China risks being left in the wake of newly evolving patterns of maritime security cooperation.

Mr. Thayer is professor of politics at the Australian Defence Force Academy in Canberra.

(Source: http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703649004575438474083884494.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm Thánh 2010 tại giáo hạt Sông Mã Thanh Hóa
Nguyễn Lê
11:14 19/08/2010
THANH HÓA - Sáng 12.08.2010, nhân ngày lễ thánh tử đạo Giacôbê Đỗ Mai Năm - người con của giáo phận, Giáo hạt Sông Mã - Giáo phận Thanh hoá đã tổ chức Thánh lễ cao điểm hành hương Năm Thánh 2010 tại Giáo xứ Kẻ Bền.

QUÝ VỊ PHẢI ĐÁNH LỜI THIỆU VÀO ĐÂY

Thánh lễ do Đức Cha Giuse giám mục giáo phận chủ sự, cùng hiệp dâng Thánh lễ với ngài có Cha Tổng Đại Diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, đông đảo Quý Cha trong giáo phận, Quý Thầy, Quý Sơ, quý tu sĩ nam nữ, bà con giáo dân trong và ngoài giáo hạt về tham dự.

Thánh lễ cao điểm hành hương Năm Thánh lần này mang chủ đề “hôn nhân và gia đình”. Ban tổ chức Năm Thánh muốn làm nổi bật vai trò của gia đình trong đời sống của người Kitô hữu và nhắm đến đối tượng hành hương chủ yếu là giới gia trưởng và hiền mẫu.

Theo lịch phụng vụ giáo phận, đây là lần thứ 4 Thánh lễ cao điểm Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và 350 thành lập Tông toà đàng trong và đàng ngoài được cử hành tại quê hương xứ Thanh, nhằm giúp giáo dân tại các giáo hạt có dịp tham dự Thánh lễ, hành hương, nhận ơn toàn xá và phổ biến tinh thần Năm Thánh tới mọi thành phần Dân Chúa. Lễ Năm Thánh 2010 cấp giáo phận được khai mạc tại nhà thờ Chính Toà ngày 08.12.2009, sau đó lần lượt được tổ chức tại các giáo hạt: Giáo hạt Ba Làng ngày 02.02.2010; Giáo hạt Mỹ Điện ngày 06.04.2010; Giáo hạt Sông Chu ngày 31.05.2010, và Giáo hạt Sông Mã ngày 12.08.2010.

Mặc dù sau những cơn mưa cuối hạ khí hậu càng trở nên nóng nực, nhưng sự oi bức của mùa hè trong thời điểm này không thể cản nổi những con tim cháy bỏng hướng về đại lễ hành hương tại giáo xứ Kẻ Bền - nơi sinh ra, lớn lên và đơm hoa kết trái của những dòng máu anh hùng tử đạo. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người tấp nập từ khắp mọi nẻo đường trong giáo phận đã quy tụ về Kẻ Bền để cùng hiệp dâng thánh lễ, cùng nhau ôn lại lòng mến tin sắt son của các tiền nhân xưa và hâm nóng lại tâm hồn, hầu giúp can đảm bước vững vàng hơn trên con đường sống đạo Chúa nơi dương thế.

Thánh lễ diễn ra thật trang nghiêm và sốt mến. Chuẩn bị thánh lễ, trước bàn thờ hai Cha Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm và Cha Thánh Phaolô Nguyễn Ngân, Đức Cha và đại diện Quý Cha đã niệm hương tưởng nhớ hai người con giáo phận thuộc giáo xứ Kẻ Bền đã can đảm hy sinh vì niềm tin son sắt vào đạo Chúa. Trong thời khắc linh thiêng này, cộng đoàn Dân Chúa được cùng nhau nghe lại tiểu sử Cha Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm nhân ngày lễ mừng kính ngài.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha nhắc lại lời mời gọi của HĐGM Việt Nam hành hương là cơ hội siết chặt tình liên đới giữa các thành phần Dân Chúa, cùng nhau tuyên xưng mầu nhiệm Giáo Hội và đem tình thương Chúa đến muôn nơi. Đồng thời ngài cũng nài xin hai Cha Thánh quê hương Kẻ Bền tiếp tục độ trì cho con cái Thanh Hoá trở nên những bậc anh hùng trong đời sống đức tin.

Trong bài giảng lễ, liên hệ từ quê hương Kẻ Bền nổi tiếng nghề đá núi (đục tượng đá)- một loại vật liệu tốt nhất không hao mòn qua năm tháng và không bị đầu hàng trước bất kỳ biến động nào của thời tiết, Đức Cha áp dụng để nhấn mạnh tới sức mạnh vượt thắng mọi thử thách của một kiếp người. Tinh thần “tượng đá” là thông điệp có thể áp dụng trong ngày hành hương Năm Thánh tại Kẻ Bền - quê hương hai Cha Thánh tử đạo. Các ngài đã dùng tinh thần tượng đá cho cuộc tử đạo của mình, dù trước cái chết vẫn can trường giữ vững một niềm tin sắt son vào đạo Chúa. Ngài kêu gọi, hãy hun đúc lại tinh thần tử đạo, tinh thần tượng đá, dám chấp nhận cái chết trong tình thương. Không cố chấp, nhưng bước đi và đứng vững trong con tim dành trọn vẹn cho Chúa. Nhưng Đức Cha lưu ý, đừng hiểu nhầm đạo Chúa - tử đạo không phải là reo rắc hỗn loạn, nhưng tử đạo chính là lúc con người thể hiện tinh thần tượng đá, sức mạnh cao nhất của tình yêu.

Cuối Thánh lễ, Cha Giuse Phạm Văn Nhân – Cha hạt trưởng Giáo hạt Sông Mã đã nói lên lời cám ơn với Đức Cha, Quý Cha và mọi người hiện diện đã về hiệp dâng thánh lễ. Đồng thời ngài cũng giới thiệu sơ qua về lịch sử giáo hạt và lý do chọn Giáo xứ Kẻ Bền làm nơi tổ chức Thánh lễ cao điểm Năm Thánh 2010.

Giáo hạt Sông Mã nằm dọc hai bên bờ Sông Mã có chiều dài gần 250 km, thuộc 6 huyện (Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, và Bá Thước). Đây là địa dư có người kitô hữu đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam đón nhận Tin Mừng (ông Đỗ Hưng Viễn người làng Bồng Trung - xứ Kẻ Bền được rửa tội tại Ma Cao, đời vua Lê Anh Tôn). Giáo hạt được thành lập từ rất sớm trên đất Thanh, bắt đầu từ xứ Pháp Ngỡ thiết lập từ thế kỷ 19, nay là họ Pháp Ngỡ xứ Nhân Lộ. Hiện nay, giáo hạt có 25.654 giáo dân nằm trên địa bàn 9 giáo xứ (Bằng Phú, Kẻ Bền, Ngọc Sơn, Nhân Lộ, Phong Ý, Quần Xá, Vân Lung, Yên Khánh, và Đồng Mực). Tuy giáo dân Sông Mã thuộc nhiều dân tộc thiểu số khác nhau, nhưng rất đoàn kết yêu thương nhau, thật thà và có lòng đạo đức sốt sắng. Sống bằng nghề nông nghiệp và phát triển nhiều ngành nghề đa dạng.

Lý do chọn Giáo xứ Kẻ Bền làm nơi tổ chức Thánh lễ cao điểm hành hương Năm Thánh của giáo phận nói chung và cách riêng đối với Giáo hạt Sông Mã. Vì Giáo hạt là nơi có nhiều anh hùng tử đạo nhất trong giáo phận. Có Cha Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, Cha Thanh Phaolô Ngân. Dưới thời Tự Đức thứ 36 năm 1883 có hơn 100 tín hữu vì trung thành với đạo Chúa mà bị thiêu sống, phần mộ của các ngài đang ở bên cạnh nhà thờ Kẻ Bền. Bước theo các thánh tử đạo trong đời sống đức tin, hôm nay Kẻ Bền hiện có tới gần 100 giáo sĩ và nam nữ tu sĩ, chiếm tỉ lệ 3% giáo dân trong giáo xứ (cứ 100 tín hữu thì có 3 người đi tu). Đó là niềm kiêu hãnh cho Giáo Hội Việt Nam, cho Giáo phận Thanh hoá, cho Giáo hạt Sông Mã nói chung, và đặc biệt đối với Giáo xứ Kẻ Bền.
 
Giáo phận Thanh Hòa tổ chức Đại Hội Lễ Sinh
Nguyễn Lê
11:37 19/08/2010
THANH HÓA - Để có các tổ chức hội đoàn phong phú và đồng bộ trong toàn giáo phận, từ khi về nhận sứ vụ tại Thanh hoá Đức Cha Giuse luôn quan tâm đến việc thiết lập các hội đoàn phù hợp với thực tế cuộc sống. Đồng thời ngài cũng lo lắng tổ chức đại hội và thường xuyên mở các khoá thường huấn giúp các hội đoàn ngày một hoàn thiện, nâng cao và hoạt động hiệu quả hơn. Mục đích giúp mỗi người giáo dân trong giáo phận không chỉ có cơ hội gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, mà còn giúp họ hiểu được vị thế của mình trong Giáo Hội hầu hiệp nhất với nhau thi hành sứ vụ mà Chúa đã trao phó.

Xem hình ảnh

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Cha giáo phận, sau nhiều ngày chuẩn bị UB Phụng vụ đã tổ chức Đại Hội Lễ Sinh Lần Thứ Nhất vào ngày 17/08/2010, tại nhà thờ Giáo xứ Chính Toà Thanh hoá.

Ngay từ sáng sớm của một ngày đẹp trời, trong bầu khí hân hoan và đầy nhuệ khí của tuổi trẻ từ khắp mọi nẻo đường giáo phận, hơn 1.000 lễ sinh thuộc 51 giáo xứ đã quy tụ về trung tâm nhà thờ Chính Toà để tham dự ngày đại hội. Đây là những cánh hoa đẹp sẽ nở rộ và khoe sắc trong tương nơi vườn hoa muôn màu khắp giáo phận.

Tham dự đại hội có sự hiện diện của Đức Cha giáo phận, Cha Tổng Đại Diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, Cha chủ tịch UB phụng vụ Phêrô Ngô Văn Phúc - trưởng ban tổ chức đại hội, Cha quản lý TGM, quý cha, quý thầy, quý sơ và quý ban hành giáo đến từ các giáo xứ.

Với chủ đề “Hiệp nhất và Phục vụ”, đại hội diễn ra thật hoành tráng và bổ ích. Các lễ sinh đến với đại hội không chỉ được trực tiếp cùng nhau tiếp xúc với vị Cha Chung giáo phận, Quý Cha và mọi người, mà còn cùng nhau vui sống, học hỏi và hun đúc thêm nhiệt huyết phục vụ trong sứ vụ của mình.

Đức Cha giáo phận đã có ý định và kêu gọi thiết lập hội lễ sinh từ lâu nhưng vì điều kiện hoàn cảnh chưa thể tổ chức được. Vì thế, trong lời chào mừng đại hội ngài không chỉ ngỏ lời chào thân ái và nồng nhiệt tới từng lễ sinh trong toàn giáo phận, nhưng còn nhấn mạnh các em có “vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ bàn thờ, Cha và các cha rất yêu mến chúng con…lễ sinh là mầm non ơn gọi của giáo phận…”. Đồng thời ngài cũng hứa hẹn những lần đại hội sau sẽ cho cắm trại và lễ sinh cùng bố mẹ đều được tham gia.

Trong khung cảnh đại hội, Đức Cha giáo phận đã quyết định thành lập hội lễ sinh toàn giáo phận với tên gọi “Liên đoàn lễ sinh Thanh hoá”, cơ cấu hoạt động gồm 3 cấp theo hàng dọc: Cấp giáo phận; cấp giáo hạt; và cấp giáo xứ.

Thay mặt cho tất cả quý cha trong giáo phận, Cha Tổng Đại Diện đã có lời chúc mừng đại hội, cám ơn Đức Cha đã khởi xướng và thành lập Liên đoàn lễ sinh giáo phận, đồng thời ngài thổ lộ “Cha đã từng sống đời lễ sinh nhiều năm nhưng chưa bao giờ có vinh dự như ngày hôm nay”. Ngài hy vọng những lần đại hội tiếp theo tất cả các lễ sinh trong giáo phận đều được tham dự.

Trong giờ học hỏi, với chủ đề “sứ mệnh của lễ sinh” Đức Cha giáo phận đã định nghĩa lễ sinh nghĩa là người gần Chúa, gần cha, gần nhau và gần mình. Trên bàn thánh, lễ sinh là người gần Chúa hơn mọi người; là người chia sẻ sứ mệnh với các cha; sống và học tập những điều tốt lành của nhau; và khi ở với người khác, lễ sinh sẽ khám phá ra con người của mình. Sứ mệnh và con đường nên thánh của lễ sinh là việc phục vụ bàn thánh.

Kết thúc ngày đại hội, Đức Cha đã chủ sự thánh lễ tạ ơn cầu cho tất cả các lễ sinh trong toàn giáo phận. Thánh lễ diễn ra thật nghiêm trang và sốt mến. Cuối thánh lễ ngài đã long trọng cử hành nghi thức sai đi cho các lễ sinh hiện diện.

Nghi thức chia tay cũng thật ấn tượng, ban tổ chức có sáng kiến trao mũ và khăn đã được các lễ sinh ghi địa chỉ của mình giúp các em có cơ hội giao lưu, chia sẻ và giúp nhau chu toàn sứ vụ đã được Chúa trao phó trong đời sống thường ngày. Hy vọng sau lần đại hội này, các lễ sinh trong toàn giáo phận ngày mai sẽ phục sụ hiệu quả hơn.

Lược sử lễ sinh: Từ xa xưa trong các giáo xứ đã có lễ sinh phụ giúp công việc phục vụ bàn thờ, nhưng chưa có quy định rõ ràng. Năm 1947 Đức Thánh Cha Piô 12 trong tông hiến “Mediator Dei”, mới chính thức nói đến vai trò của người giúp lễ không thuộc hàng giáo sĩ.

Đại hội lễ sinh quốc tế lần đầu tiên được tại thành phố Koeln nước Đức, vào tháng 11 năm 1960 dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan 23. Sau đó, cứ 4,5 năm đại hội lại diễn ra một lần. Từ ngày 2 đến 4-8-2010 vừa qua, hơn 50.000 lễ sinh đã tham dự đại hội tại Roma, trong đó có 45 ngàn em đến từ Đức. 8 ngàn còn lại, đến từ 12 nước khác như Áo, Thụy Sĩ, Rumani, Pháp và Hungari…

Tại Việt Nam, lễ sinh giúp bên bàn thờ cũng đã có từ xa xưa, nhưng đại hội lễ sinh mang tầm vóc giáo phận hay trên phạm vi toàn quốc thì chưa bao giờ được tổ chức.
 
Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch mừng lễ truyền thống
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:46 19/08/2010
ĐAN MẠCH - Khác với các nước Tây Phương như Pháp, Anh, Ý, Đức…, Vương Quốc Đan Mạch là một quốc gia thuộc khối Bắc Âu không được nhiều người trên thế giới biết đến. Đất nước này phía Bắc tiếp giáp với Na Uy, phía Đông Bắc với Thụy Điển và phía Nam giáp với Đức. Đan Mạch được bao quanh bởi Biển Bắc và biển Baltic. Quốc gia này có 443 hòn đảo lớn nhỏ, vốn chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn quốc. Hai hòn đảo lớn nhất nằm chếch về phía Đông là Zealand (7.000 km2), nơi có Thủ Đô Copenhagen tọa lạc, và đảo Funen với diện tích 3.000 km2. Bán đảo Jutland hình thành nên phần đất liền của đất nước và trải dài 300 km từ phía Bắc xuống phía Nam (có chung biên giới với Đức).

Người ta vẫn thường nói: « Trăm hay không bằng mắt thấy ». Quả thật, khi đặt chân đến Đan Mạch thì mới khám phá ra một bầu không khí thanh bình tràn ngập nơi thiên nhiên và con người. Những cánh đồng lúa mì và đồng cỏ phì nhiêu trải rộng tầm nhìn xa tít tận chân trời. Những phương tiện tham gia giao thông trên các trục đường thật nhịp nhàng không chút vội vã. Những người đi bộ trên các phố phường lộ rõ nét thư thái qua từng bước chân. Đời sống của dân chúng được chăm lo về mọi mặt. Đây cũng là quốc gia xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập. Mức lương giữa người thất nghiệp và người lao động chênh nhau không đáng kể.

Theo số liệu thống kê năm 2007, Đan Mạch có 5.443.084 người (xếp hạng 108), với diện tích rộng 43.094 km2 (hạng 131); mật độ 126/ km2 (hạng 62); thu nhập tính theo đầu người khoảng 37.000 USD (hạng 8).

Vài nét về Giáo Hội Công Giáo tại Đan Mạch

Đan Mạch đón nhận hạt giống Tin Mừng vào khoảng năm 800. Tuy nhiên, do gần với Đức nên quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng của phong trào ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo do Luther đề xướng. Tại đây, vào năm 1536, Đạo Tin Lành đã trở thành quốc giáo. Hầu hết các nhà thờ Công Giáo bị trao lại cho Hội Thánh Tin Lành. Cho đến nay, số người theo đạo Tin Lành chiếm 83% dân số trên toàn quốc.

Đạo Công Giáo chỉ được khôi phục trở lại cách đây khoảng 150 năm. Hiện nay Giáo Hội Đan Mạch trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan) và có duy nhất một giáo phận trên toàn quốc, với khoảng 37 ngàn giáo dân (0,05%), 75 linh mục Trong đó, khoảng 20 linh mục là người Đan Mạch, 4 linh mục Việt Nam.

Sự hình thành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch

« Đất lành chim đậu ». Sau biến cố 1975 nhiều thuyền nhân Việt Nam được quốc gia này tiếp nhận. Hạt giống đức tin của người tín hữu Việt Nam được gieo vào vùng đất màu mỡ đã không ngừng phát triển. Bước khởi xướng thực sự của nhóm người Công Giáo Việt Nam đến Đan Mạch là nhóm đầu tiên gồm 60 người đến định cư tại Kvaglund thuộc Esbjerg vào giữa tháng 12 năm 1979. Trước đó hai tháng, cũng tại Esbjerg có nhóm tị nạn người Việt Nam đến định cư ở vùng Gjessing nhưng trong đó chỉ có một vài người Công Giáo. Dần dần số giáo dân tăng lên trong những năm tiếp theo kéo theo nhu cầu khẩn thiết về việc thành lập các cộng đoàn khác. Cho đến nay trên toàn nước Đan Mạch đã có 12 cộng đoàn Việt Nam với tổng số hơn 3.500 người.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam với Đấng Bản Quyền sở tại là Đức Cha Hans L. Martensen, s.j, được tổ chức tại Esbjerg, qua trung gian của sœur Anne-Marie người Đức thuộc dòng Thánh Giuse ở Vanløse vào tháng 3 năm 1980. Qua buổi gặp gỡ này các anh chị em Việt nam bày tỏ ước nguyện là có một linh mục người Việt coi sóc cộng đoàn. Sau đó mấy tháng, vị linh mục Việt Nam đầu tiên đã đến quan sát và gặp gỡ các cộng đoàn trong vòng hai tháng 9 và 10/1980.

Từ đó cho đến dịp lễ truyền thống năm nay, luôn luôn có một vị linh mục tuyên úy Việt Nam coi sóc Cộng Đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu mục vụ tại các giáo xứ, đến nay tất cả các linh mục Việt Nam đều được bổ nhiệm để làm mục vụ cố định tại các giáo xứ. Một điều may mắn là tại mỗi vùng khác nhau trên toàn quốc đều có sự hiện diện của các cha Việt Nam. Do đó, cùng một lúc các ngài vẫn có thể tiếp tục giúp các cộng đoàn Việt nam trên địa bàn của mình.

Ngày đại lễ truyền thống

Lần đầu tiên, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch tổ chức mừng lễ các vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam trên cấp độ toàn quốc tại tu viện Dalum, Odense vào ngày 27 tháng 08 năm 1983. Kể từ đó, hàng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng Tám, các cộng đoàn khắp nơi lại quy tụ với nhau để cùng mừng lễ truyền thống này.

Dịp lễ năm nay diễn ra trong ba ngày cuối tuần bắt đầu từ tối thứ sáu 13/8 cho đến trưa Chúa Nhật 15/08 tại Ømborg với khoảng 600 người tham dự. Có rất nhiều việc cần chuẩn bị trong dịp này, như dựng trang trí khuôn viên và lễ đài, dựng hai lều lớn tại khu vực cử hành thánh lễ, tập nghi thức cho đoàn lễ sinh, công việc làm bếp và đón tiếp những người tham dự…Đức Giám Mục giáo phận, Đức Cha Czeslaw Kozon người gốc Ba Lan, đồng hành cùng Cộng Đồng trọn vẹn ngày thứ Bảy. Buổi sáng ngài tham dự nghi thức khai mạc và lần chuỗi Mân Côi. Buổi chiều ngài cùng ngày, ngài chủ sự thánh lễ mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam cùng với tám linh mục đồng tế. Ngoài ra dịp này cũng có một linh mục Việt Nam đến từ nước khác được mời để giúp cộng đoàn trong việc tĩnh tâm. Vị giảng thuyết năm nay là cha Vũ Thế Toàn, s.j. đến từ Hoa Kỳ. Sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức và các đoàn thể cùng với sự nhiệt tình tham dự của mọi thành phần đã làm cho bầu khí ngày lễ trở nên sốt sắng và thêm phần long trọng.

Lời kết: Chiếm gần 10% trong tổng số người theo đạo Công Giáo, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại đây có một vai trò quan trọng đối với đời sống Giáo Hội tại Đan Mạch. Kế thừa đức tin trung kiên của các vị tử đạo tiền nhân, thế hệ con cháu của các ngài đã mang đến cho Giáo Hội địa phương một sức sống mới. Như lời cám ơn ở phần cuối thánh lễ của Đức Cha Kozon, Giám Mục tại Đan Mạch, ngài cảm phục người tín hữu Việt Nam tại đây đã không ngừng dấn thân sống đức tin trong một quốc gia mà số người theo đạo Công Giáo còn chiếm tỉ lệ thật khiêm tốn.
 
Khóa đào tạo người điều chỉnh âm thanh nhà thờ
Mai Thi
18:11 19/08/2010
SAIGÒN - Mùa hè năm nay công ty cổ phần Việt Thương, một công ty chuyên phân phối các thiết bị âm thanh và âm nhạc, toạ lạc tại số 386 CMT 8, P. 10, Q. 3, Saigòn, đã tổ chức chương trình mang tên “viếng thăm và phục vụ” với 6 khoá đào tạo ngắn ngày “người điều chỉnh âm thanh nhà thờ”.

Năm khoá đầu được tổ chức cho các học viên đến từ các giáo xứ trong nhiều giáo hạt thuộc tổng giáo phận Sài Gòn. Riêng khoá 6 từ ngày 17-19 tháng 8 năm 2010 dành cho các học viên thuộc các cộng đoàn dòng tu.

Khoá học qui tụ 57 học viên trong đó 54/57 là các tu sĩ nam nữ thuộc nhiều dòng tu khác nhau, ngoài ra có 3 giáo dân cùng tham dự khoá học này.

Mục đích của khoá học giúp các cộng đoàn tu viện có thêm người điều chỉnh âm thanh thành thạo để phục vụ hiệu quả cho các sinh hoạt và nghi thức trong các buổi cử hành phụng vụ.

Nội dung của khoá học giúp các học viên trang bị những kiến thức cơ bản về cấu tạo, nguyên tắc hoạt động và cách điều chỉnh một hệ thống âm thanh nhà thờ hay nhà nguyện.

Ban giảng huấn của công ty Việt Thương khoá này gồm ông Đaminh Vũ Đức Thịnh – phó tổng giám đốc công ty, anh Trần Đức Huy đảm trách phần dạy lý thuyết và anh Đức dạy phần thực hành.

Sau khi phác hoạ chân dung người điều chỉnh âm thanh nhà thờ, nội dung và mục đích của khoá học, các học viên được học phần lý thuyết, sau đó được thực hành trực tiếp trên máy. Anh Đức, chuyên viên điều chỉnh âm thanh, đã giới thiệu và cho các học viên tiếp cận với những thiết bị khá hiện đại trên thị trường Việt nam hiện nay. Bên cạnh đó giúp học viên nắm bắt phương pháp sử dụng các thiết bị liên quan đến hệ thống âm thanh nhà thờ sao cho hiệu quả. Phần thực hành và giải đáp thắc mắc vừa sinh động vừa giúp các học viên biết cách khắc phục những sự cố khi điều khiển âm thanh.

Các tu sĩ thuộc rất nhiều hội dòng, chuyên cần đi học, chăm chú lắng nghe, hăng hái đặt vấn đề liên quan đến cách sử dụng hệ thống âm thanh…. các giảng viên, chuyên viên của công ty tận tình hướng dẫn, giải đáp thắc mắc khi các học viên đưa ra các trường hợp cụ thể cần giải quyết.

Sau khoá học, ít nhiều các học viên đã lãnh hội được những nguyên tắc vận hành của hệ thống âm thanh đồng thời biết sử dụng thêm những chức năng khác của hệ thống âm thanh hội dòng đang có. Các học viên rất phấn khởi và mong muốn những gì thu lượm được sau khoá học ngắn này được phát huy hết tác dụng khi tiếp tục công tác điều chỉnh âm thanh của mình (vì trước đó nhiều người chỉ làm công tác nhà dòng trao với kiến thức nhận được từ những người đi trước hay kinh nghiệm cá nhân sau thời gian làm việc trên máy móc).

Khoá học kết thúc mỗi học viên được công ty Việt Thương cấp giấy chứng nhận đã hoàn tất khoá huấn luyện Người điều chỉnh âm thanh nhà thờ. Các tu sĩ cũng nói lên ước nguyện của mình sẽ được tiếp tục gặp lại nhau trong một khoá đào tạo khác của công ty để nâng cao kiến thức và cũng để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sau một thời gian áp dụng thực tế các phương pháp mình đã học.

Được biết công ty Việt Thương luôn sẵn sàng tư vấn, thiết kế, lắp đặt và cung cấp những thiết bị âm nhạc và âm thanh cho mọi tập thể, dòng tu, giáo xứ….. Công ty Việt Thương là địa chỉ quen thuộc của nhiều tập thể, nhà thờ, dòng tu…. Công ty Việt Thương đã được vinh dự đảm nhận phần âm thanh cho nhiều sự kiện quan trọng của Giáo Hội Việt Nam như phong chức các đức giám mục, khai mạc năm thánh, đại hội La Vang
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (9)
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:21 19/08/2010
hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (9)

Điều Răn Thứ Tám
: „Thứ tám: Chớ làm chứng dối“

Điều Răn Thứ Tám dạy ta phải tôn trọng sự thật và tôn trọng danh dự cũng như nhân phẩm kẻ khác. Nghĩa là sống đúng với lời Chúa đã dạy: „Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Còn thêm bớt điều gì là chuyện của ma quỷ“ (Mt 5,37).

Theo tâm lý tự nhiên thì người ta thường chỉ nhìn thấy điều tiêu cực, sự sai lỗi, cái xấu nơi người khác, nhất là thường có khuynh hướng nói xấu, hạ bệ kẻ khác hầu để người nghe cho mình là tốt lành hơn, là lương thiện hơn. Trong khi đó, điều tích cực, cái hay, cái tốt của họ thì lại không nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy và không muốn nói tới. Vì thế, nếu để ý quan sát những trao đổi chuyện trò trong cuộc sống giao tiếp xã hội hằng ngày, người ta sẽ thấy rõ được điều này là có rất ít người biết nhận định khách quan về người khác, biết nhìn thấy được những cái hay, những điều tích cực của người khác. Thường tình, người ta chỉ biết chê bai, hay ít nhất là chê nhiều hơn khen.

Đúng vậy, nếu một người thực thi được trăm ngàn việc thiện, nhưng giả thử người ấy sơ suất phạm phải một lỗi lầm nhỏ nào đó, thì đương nhiên người đời chỉ nhìn thấy được điều sơ suất đó mà thôi. Nếu một người suốt đời sống lương thiện và làm được bao nhiêu điều phúc lợi cho xã hội nhân quần, nhưng nếu chẳng may người ấy lỡ yếu đuối sai sót hay vấp ngã trong một lãnh vực nào đó, dù là chuyện bình thường nhất, thì lập tức liền được miệng này chuyền sang miệng khác hết sức nhanh chóng và không lâu sau đó mọi người trong khắp cả làng cả xã đều hay biết đầy đủ, không thiếu một chi tiết nào. Chẳng những vậy, khi rao truyền tin xấu về người khác như thế, người ta thường còn „thêm mắm thêm muối“, hầu để câu chuyện họ kể nghe hợp lý và để dễ lọt tai người nghe hơn. Nhưng cũng chính sự thêm bớt chủ ý đó nhiều khi đã làm sai lạc hoàn toàn nội dung thật sự của câu chuyện, của vấn đề, và hậu quả tai hại không thể tránh được là người liên hệ và gia đình họ sẽ phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về đủ mọi lãnh vực: tâm lý, danh dự, tiếng tốt, sức khỏe và kể cả nghề nghiệp, công ăn việc làm cũng như chính bát cơm manh áo hằng ngày của họ và của gia đình họ.

Nhưng ở đây, người ta tự hỏi: Tại sao lại thế? Tại sao người đời lại dễ nói xấu và rất khó nói tốt cho người đồng loại của mình như vậy?

Đứng về phương diện tâm lý học, chúng ta có thể trả lời rằng nguyên nhân sâu xa của thái độ và cách cư xử ấy vốn nằm sâu trong „bản năng tự tồn“ tự nhiên của tất cả mọi thảo-động vật nói chung và của con người nói riêng. Nghĩa là trong bản năng tự nhiên của mỗi người cũng như của mỗi loài thảo, động vật đều ẩn chứa khuynh hướng tranh đấu cho sự sống còn, sự tồn tại, sự phát huy và sự vươn lên của mình. Nói cách khác, bản năng tìm cách bảo toàn sự tồn tại hay sự sống còn tự nhiên đó nơi tất cả mọi loài thảo vật cũng như động, trong đó có con người, là bản năng tìm đất sống, tìm an ninh cho sự tồn tại của mình, càng bảo đảm chắc chắn được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Bởi vậy, trong bản năng tự tồn ấy lại bao gồm cả bản năng loại trừ các đồng loại và các đối thủ khác như là điều kiện cần thiết, vì trong diễn tiến tìm cách bảo đảm sự sống còn, sự tự tồn và sự phát triển của mình, các đồng loại khác tất nhiên là những đối thủ cạnh tranh nguy hiểm. Nói cách khác, sự thành đạt của người khác có nghĩa tôi bị thua thiệt mất mát đi ít nhiều; sự tồn tại và sự phát triển của kẻ khác cũng có nghĩa là không gian sống của tôi bị giảm thiểu và bị thu hẹp lại. Bởi vì, luật đào thải hay luật cạnh tranh tự nhiên của vạn vật tuy diễn tiến âm thầm, nhịp nhàng, nhưng lại rất gay gắt và khốc liệt, đó là: „Mạnh sống, yếu chết“.

Tiếp đến, nguyên nhân gần của thái độ nói xấu, chê bai hay hạ bệ người khác là sự ích kỷ, ganh tị, háo thắng và lòng tham lam những lợi ích vật chất thiển cận trước mắt: địa vị, danh vọng, tiền bạc. Chính sự ích kỷ nhỏ nhoi và lòng tham lam của cải vật chất vô đáy đã biến đổi con người hoàn toàn trở nên mù quáng, thiển cận, hẹp hòi, đến nỗi làm lu mờ cả lý trí, che lấp cả tiếng nói của lương tri, của lẽ phải và khiến con người làm bất cứ điều gì, miễn là thỏa mãn được lòng tham của mình, kể cả hành động phạm tội ác chống lại đồng loại.

Tuy nhiên, trước hết đối với con người, diễn tiến của bản năng tự tồn không được phép xảy ra một cách máy móc, tương tự như nơi các loài thảo-động vật khác với nguyên tắc bất khoan dung: „một mất một còn“ hay: „mạnh sống, yếu chết“ được. Tiếp đến, với nhu cầu sống của thể xác đời này đòi hỏi, làm người mà ai lại không ham thích của cải vật chất, ai lại không muốn có nhiều của cải vật chất, hầu không những để tồn tại, mà còn để tồn tại hay để sống một cách đầy đủ, an nhàn và hạnh phúc. Nhưng mọi suy tư, mọi lời nói và mọi hành động của con người luôn luôn cần phải có giới hạn hợp lý và cần phải được thực hiện trong khuôn khổ được phép, nghĩa là phù hợp với đạo lý của trời đất, tức Giới Luật tự nhiên của Tạo Hóa đã được khắc ghi trong tận lương tri mỗi người, đó là „làm lành lánh dữ“.

Bởi vì, con người tuy là một thành phần của thiên nhiên, nhưng con người lại có một vị thế hoàn toàn riêng biệt mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã dành cho. Vâng, con người là một tạo vật duy nhất có lý trí, có lương tâm, có linh hồn thiêng liêng bất tử và vì thế nên giống Thiên Chúa, nghĩa là mỗi người đều mang trên mình hình ảnh Thiên Chúa. Chính trí năng và lý trí giúp con người nhận thức được vị thế riêng biệt hay những phẩm chất hoàn toàn đặc thù ấy của mình, và nhờ vậy, biết cân nhắc được điều hay lẽ phải, biết phân biệt được sai-trái, hay-dở, thật-hư, và nhất là biết ý thức được trách nhiệm của hành động mình làm, tức sống và hành động với ý thức trách nhiệm, chứ không phải hành động một cách máy móc và thụ động theo bản năng tự nhiên như các loài thụ tạo khác. Đó chính là điểm khác biệt cơ bản giữa con người và loài vật.

Đàng khác, lời Chúa dạy còn luôn vang vọng trong tâm khảm mỗi người: „Thầy là sự thật“ (Ga 14,6), hay: „Tôi đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi“ (Ga 18,37). Nếu thế, là những Kitô hữu, là những người con của Chúa, chúng ta không có cách sống, cách suy nghĩ, cách nói năng và cách hành động nào khác hơn là sống, suy nghĩ, nói năng và hành động đúng với sự thật.

Bởi vậy:

* Đừng bao giờ sống giả dối, lừa lọc, gian manh, kiểu „khẩu Phật tâm xà“, miệng thì ăn nói thật thà đạo đức như Phật, nhưng lòng lại gian ngoa độc ác như rắn độc. Vì „xảo ngôn loạn đức“, vì ăn nói gian dối xảo quyệt thì làm thiệt hại đến cái đức hạnh con người.

* Đừng vu khống, đổ vạ và cáo gian người khác khi không có đủ bằng chứng rõ ràng, xác thực và cụ thể.

* Đừng nói hành, nói xấu người khác để rồi gây thiệt hại cho họ về danh dự, tiếng tốt cũng như của cải của họ.

Những ai nói xấu, đổ vạ, vu khống, cáo gian người khác, thì xúc phạm đến Điều Răn Thứ Tám của Thiên Chúa. Nếu lời cáo gian, đổ vạ và vu khống ấy gây nên thiệt hại cho người trong cuộc về danh dự, tiếng tốt, địa vị, v.v…, thì bó buộc phải bồi thường lại cho người đó một cách tương xứng, vì danh dự, tiếng tốt của con người là một thứ của cải còn quý báu hơn cả các thứ của cải vật chất.

Ở đây, nguyên tắc hướng dẫn cơ bản là chính lời Chúa: „Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Còn thêm bớt điều gì là chuyện của ma quỷ“.

(Còn tiếp)
 
Tin Đáng Chú Ý
Chính sách ngoại giao phòng thủ của Việt Nam
Carlyle A. Thayer / Ngọc Thu dịch
18:14 19/08/2010
Hà Nội báo hiệu họ xem sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là chính đáng

Triển vọng quân sự ở châu Á đang thay đổi và không nơi nào nhiều hơn so với khu vực biển Đông Nam Á. Tuần này chứng kiến một sự tiến triển quan trọng: Việt - Mỹ khai mạc đối thoại chính sách quốc phòng tại Hà Nội.

Cuộc họp hôm thứ Ba dựa trên các trao đổi ba năm một lần của các bộ trưởng quốc phòng bắt đầu từ năm 2000 và đánh dấu một bước ngoặt rõ ràng trong quan hệ song phương. Kể từ năm 2008, hai nước đã tiến hành Đối thoại An ninh, Quốc phòng và Chính trị hàng năm dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện họ phát triển một kênh thảo luận cấp cao, đối thoại quân sự giữa hai nước trực tiếp với từng cơ quan quốc phòng.

Nhưng sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi: ý nghĩa thực sự của cuộc họp này, thực hiện ở cấp thứ trưởng là gì? Cuộc đối thoại mới này báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam từ việc duy trì một khoảng cách giữa các cường quốc lớn cho tới việc điều chỉnh khoảng cách với Hoa Kỳ? Liệu cuộc họp này cũng báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Washington đối với Trung Quốc từ một chính sách cam kết ngăn chặn? Các mối quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ phát triển trong tương lai như thế nào?

Không có câu trả lời đơn giản. Rõ ràng là quyết đoán quân sự gần đây của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và biển Đông khuyến khích việc đẩy mạnh hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Cả hai nước đều chia sẻ mối quan tâm trong việc ngăn ngừa Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác thống trị tuyến đường thương mại trên biển và thực thi chủ quyền lãnh thổ thông qua cưỡng chế. Việt Nam nhìn thấy sự hiện diện của Mỹ như là sự ngăn cản, chống lại sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Năm ngoái, Việt Nam bắt đầu tham gia vào một trò chơi rất tinh tế về dấu hiệu mà họ xem sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là chính đáng. Chẳng hạn như, năm ngoái các quan chức quân đội Việt Nam đã bay tới tàu sân bay USS John C. Stennis để quan sát các hoạt động bay trên biển Đông. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông Phùng Quang Thanh đã dừng chân tại Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ở Hawaii trên đường đến Washington và đã được chụp ảnh qua kính viễn vọng của một tàu ngầm hạt nhân Mỹ.

Sự hợp tác gia tăng trong năm nay khi nhà máy đóng tàu Việt Nam sửa chữa hai tàu quân sự của Mỹ. Vào dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao, Phó Đại sứ Việt Nam tại Washington đã công khai đi thăm tàu sân bay USS George H. W. Bush, đậu tại Norfolk. Ngay sau đó, các quan chức quân sự và chính phủ từ Đà Nẵng bay ra tàu sân bay USS George Washington để quan sát các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.

Cùng lúc, Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động hải quân chung đầu tiên. Quan trọng hơn, cuộc diễn tập không liên quan đến các tàu hải quân Việt Nam hoạt động trên biển với các đối tác Mỹ. Thay vào đó, hoạt động được tiến hành trên tàu USS John S. McCain, trong khi nó đậu tại Đà Nẵng. Chuyến thăm này là một phần trong chương trình viếng thăm hàng năm thăm bắt đầu từ năm 2003. Các hoạt động tham gia chỉ liên quan đến sự huấn luyện không tác chiến như kiểm soát thiệt hại, luyện tập tìm kiếm, cứu hộ và trao đổi kỹ năng nấu nướng.

Những trao đổi có thể nghe tầm thường nhưng cần thiết để xây dựng niềm tin. Giai đoạn xây dựng niềm tin trong quan hệ quân sự bây giờ đã qua. Việt Nam và Mỹ đang tham gia xây dựng một chương trình hoạt động thiết thực nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp của quân đội Việt Nam. Nói rộng hơn, cả hai nước sẽ hợp tác trong việc xây dựng các khả năng trong các lĩnh vực đặc biệt như gìn giữ hòa bình, an ninh môi trường, phối hợp tìm kiếm và cứu nạn đa phương và đáp ứng cứu trợ thiên tai trong khu vực.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Việc bán vũ khí, thiết bị và công nghệ quân sự không có trong chương trình vào lúc này. Nhưng rất có khả năng Việt Nam sẽ tháo bỏ những hạn chế tự áp đặt vào họ và cho phép sĩ quan quân sự của họ thực hiện giáo dục quân sự chuyên nghiệp và các khóa học huấn luyện tại các trường cao đẳng nhân sự và các tổ chức quân sự khác ở Mỹ. Sự sẵn sàng của Việt Nam tham gia với Hoa Kỳ chủ yếu thúc đẩy do mong muốn nâng cao năng lực quân sự và chuyên nghiệp để Việt Nam có thể có một vai trò lớn hơn trong việc đóng góp vào an ninh khu vực. Về phía Mỹ, nhân viên quân sự Mỹ sẽ phát triển các mối quan hệ cá nhân với các đối tác của họ, sẽ nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện hợp tác trong tương lai.

Các mối quan hệ quân sự Việt - Mỹ gần hơn cũng phù hợp với chiến lược rộng hơn của Hà Nội về ngoại giao quốc phòng với các nước khác. Việt Nam có các mối quan hệ quốc phòng lâu dài với Nga và Ấn Độ. Họ có một chương trình phát triển tốt với Úc kể từ năm 1999, mà Úc đã đào tạo hơn 150 viên chức Việt Nam. Việt Nam cũng trong quá trình đẩy mạnh quan hệ quân sự với Pháp, nước thuộc địa cũ của họ.

Ý nghĩa tương đương là sự phát triển các mối quan hệ quân sự Việt – Trung. Hai nước đã tiến hành ít nhất chín cuộc tuần tra hải quân chung ở Vịnh Bắc Bộ từ năm 2006. Năm nay, lần đầu tiên họ tiến hành thực tập tìm kiếm và cứu hộ chung trên biển. Việt Nam đã tiếp đón ba chuyến viếng thăm của hải quân Trung Quốc và năm nay hải quân Việt Nam lần đầu tiên đến thăm cảng Trung Quốc.

Việc tái cam kết với Việt Nam và các nước khác ở châu Á, như Indonesia, không nên bị nhầm lẫn là một chiến lược chỉ có nghĩa là duy nhất là kiềm chế Trung Quốc. Chính phủ Obama muốn chứng minh rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực, gồm cả Trung Quốc, để duy trì an ninh. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tiếp tục các mối quan hệ quân sự hai nước. Chính phủ Obama cũng đã tái tham gia với cấu trúc an ninh đa phương trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuyên bố, ông sẽ tham dự cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cùng tám đối tác đối thoại ở Hà Nội vào tháng 10.

Cuộc họp hôm thứ Ba là một minh chứng rõ ràng về mối quan hệ quân sự Việt - Mỹ sâu sắc như thế nào. Trung Quốc phải quyết định xem họ có sẵn sàng để làm việc với cả hai nước để phát triển các biện pháp thiết thực, xây dựng khả năng trong khu vực nhằm giải quyết những thách thức an ninh xuất hiện. Nếu không thì Trung Quốc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau mô hình phát triển mới về hợp tác an ninh hàng hải.

(Nguồn: http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703649004575438474083884494.html, Ông Thayer là giáo sư chính trị tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra)
 
Văn Hóa
Bạn có bị “bệnh” vội vàng?
Trầm Thiên Thu
12:01 19/08/2010
“Bệnh vội vàng” là sự hấp tấp, do quá quen với quá trình chạy đua với công việc, làm gấp cho xong, cho nên bạn luôn cảm thấy không ổn. Trong thời buổi hiện đại và công nghiệp hóa, người ta tranh thủ làm nhiều việc để phòng lúc khó khăn.
Nhờ có e-mail, có điện thoại di động, công việc chật kín ngày. Quá mệt mỏi, có người đi ăn uống để thư giãn, có người ngủ để “quên sầu”, nhưng có người vẫn làm việc để tránh sự xáo trộn nội tâm.

Tiếc thay, sự vội vàng gấp rút lại không tạo năng suất cao! Sự bận rộn gây căng thẳng, khiến cơ thể phải phản ứng mạnh, rút máu từ não và khiến chúng ta ở vào “thế bí”, phản ứng chậm hơn. Sự vội vàng luôn làm chúng ta trở thành người khó gần gũi, gây ra nhiều bất lợi trong cuộc đời về nhiều phương diện.
Hội chứng này được các chuyên gia gọi là “bệnh vội vàng. Và đây là vấn đề phổ biến ngày càng tăng ở các nước ASAP (as soon as possible – càng sớm càng tốt), nghĩa là các nước phát triển và đang phát triển, chẳng hạn như Việt Nam.
Làm sao giảm bớt?

- Đừng sợ: Bạn có thể bị căng thẳng hoặc chỉ nhận ra rằng người nào đó có một ngày tồi tệ. Đừng “lây nhiễm” sự sợ hãi của người khác, hãy cứ là chính mình.
- Chậm dần: Trầm mặc 10 phút. Hít thở sâu vài lần. Nếu thoát ra khỏi sự vội vàng, bạn trở lại làm việc sẽ tốt hơn.
- Loại bỏ: Tập loại bỏ bớt những gì chưa thực sự cần thiết. Đừng ôm đồm. Hãy chỉ làm những gì bạn biết mình khả dĩ xử lý tốt nhất.

10 CÁCH THƯ GIÃN

Trong cuộc sống có tốc độ chóng mặt ngày nay, ai nói mình “thoải mái” thì có thể là… nói dối hoặc không biết gì. Hãy đối diện cuộc sống – đầy căng thẳng, chúng ta thường cảm thấy như bước đi mà bị trói buộc với nhiều trọng trách. Công việc bận rộn khiến chúng ta khó có thời gian dành cho những người thân yêu – thậm chí là “mình cũng bỏ quên ta”. Cứ chạy theo thời gian, bất kể tất cả, quên cả việc tự chăm sóc bản thân. Nam, phụ, lão, ấu, ai cũng ra sức chạy đua. Trẻ lo “cày” vì tương lai, già thì sợ quỹ thời gian còn quá ít!
Đã đến lúc cần thư giãn. Thư giãn thật thoải mái, thư giãn ngay trong công việc. Đừng thư giãn kiểu lao vào Games Online để giất thời gian. Có nhiều cách thư giãn bổ ích. Hãy thư giãn sao cho khả dĩ bình an tâm hồn, khỏe mạnh thể lý và tinh thần để có thể dễ dàng xử lý những căng thẳng hằng ngày. Bạn thử áp dụng 10 “liệu pháp” sau đây:

1. Khôi hài. Cười là thần dược, vừa hiệu quả vừa miễn phí, đúng theo khoa học và tâm lý học. Một tiếng cười sảng khóai làm tan biến lo âu và giúp bạn thư giãn. Về khoa học, cười làm giảm các hormone như adrenaline (epinephrine) và cortisol – loại gây căng thẳng, đồng thời làm tăng các tế bào T tự nhiên (làm tăng mức miễn nhiễm với sự tấn công của virus và sự mệt mỏi). Nếu thấy khó vui vẻ, hãy tham gia câu lạc bộ hài, đọc truyện cười, tán gẫu vui với bạn bè, xem phim hài,… Khi bạn có thể cười thoải mái là hiệu quả rồi đấy!

2. Vận động tích cực. Bạn không muốn già trước tuổi, phải không? Theo đà cuộc sống vội vã ngày nay, người ta dễ bị cao huyết áp, tim mạch và cao cholesterol. Chỉ 20 phút tập thể dục có thể kích thích việc sản sinh endorphin giúp cải thiện sự tập trung và nhận thức. Đừng trì hõan vận động, vì vận động là làm trơn các khớp xương, nhờ vậy mà cơ thể linh hoạt, làm chậm lão hóa và khỏe mạnh – và khả dĩ trường thọ.

3. Hít thở sâu. Hít thở sâu hoặc tập yoga là cách bạn xả “dây cót” cho bớt căng. Vừa hít thở sâu vừa tập trung vào hơi thở, đó là bơm ôxy lên não, giúp thư giãn, thoải mái và khỏe mạnh. Hít vào chậm và đếm tới 5, rồi thở ra chậm cũng đếm tới 5. Hít thở chậm để có cảm giác thoải mái, nhịp tim cũng chậm lại, mức andrenaline cũng giảm. Lặp lại nhiều lần độc tác hít thở chậm cho đến khi cơ thể hoàn toàn thả lỏng. Dù bạn đang bị khủng hỏang, kỹ thuật này khả dĩ giúp cơ thể thoải mái, bình an, và quyết định sáng suốt hơn. Mỗi ngày chỉ cần tập hít thở chậm 5 phút thì bạn sẽ cảm thấy khỏe ngay!

4. Ước mơ đẹp. Hãy tưởng tượng ra những hình ảnh thúc đẩy sự tĩnh lặng và bình an. Những ký ức đẹp giúp bạn thư giãn tốt. Hãy nghĩ về thời gian hạnh phúc bên người thân yêu và bạn bè để tìm lại sự bình an ngọt ngào nhất. Tinh thần thoải mái thì cơ thể cũng thư giãn, và bạn lại đủ sức đi tiếp…

5. Âm nhạc. Âm nhạc luôn có sức mạnh diệu kỳ. Sự ảnh hưởng của âm nhạc không thể cưỡng lại – dù với bạn có thể chỉ là vô thức. Sự yêu thích có thể khác nhau đối với 2 giới tính, nhưng các thí nghiệm cho thấy rằng nhạc êm dịu hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy cảm giác bình an và làm giảm căng thẳng. Ngược lại, tùy mỗi người, nhạc kích động và ồn ào có thể khiến người ta có cảm giác gây hấn. Khi mệt mỏi và căng thẳng, hãy nghe loại nhạc mà bạn thích, bạn sẽ có thể tim lại bình an tâm hồn.

6. Chiều chuộng mình. Nghe có vẻ lạ nhưng là thật, nhưng là “chiều chuộng” hợp lý và theo nghĩa tích cực. Việc gợi cảm đúng có thể giúp bạn hết mơ hồ. Dù bạn đang nhâm nhi đồ ăn, nghe bài nhạc hay, xem hình ảnh đẹp hoặc thậm chí là uống chút rượu ngon với bạn hiền, bạn vẫn cảm thấy vui vui trong lòng. Chiều chuộng mình đúng thì cũng nên làm lắm!

7. Tắm nước nóng. Tận hưởng làn nước nóng thì thật là sảng khoái tuyệt vời. Nước nóng còn giúp thư giãn cơ bắp và khớp xương, làm giảm căng thẳng để làm việc hiệu quả hơn. Liệu pháp hương liệu cũng rất tốt – chẳng hạn, thêm vài giọt tinh dầu (hoa hồng, phong lữ, kim ngân,…) vào nước tắm. Mùi thơm và hợp chất có thể giúp bạn thư giãn tốt.

8. Ngủ nghỉ hợp lý. Căng thẳng có thể làm bạn khó ngủ hoặc mất ngủ. Đó là do não không đủ thời gian để tách khỏi công việc, não cũng mệt mỏi. Khó ngủ kéo dài nhiều ngày sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, do đó mà bạn mất ngủ. Cố gắng ưu tiên thời gian ngủ nghỉ đúng giờ và hợp lý để cải thiện mình. Nói chung, mỗi ngày người ta cần ngủ 7-8 giờ mỗi đêm để làm giảm lo âu, bệnh tim, trầm cảm, cao huyết áp và đột qụy.

9. Tự chữa mình! Khi bị căng thẳng hoặc lo âu, hóa chất serotonin giảm làm bạn không thoải mái. Chất ngọt và tinh bột giúp tăng serotonin để bạn cảm thấy thoải mái. Nhưng đừng lợi dụng các chất này! Trà thảo mộc cũng có thể giúp thư giãn. Trà xanh giúp sản sinh chất chuyển thần kinh như GABA, serotonin và dopamine – các chất làm tăng hiệu quả thư giãn.

10. Hoạch định. Họach định một ngày làm việc trước để đạt hiệu quả tốt, vì không phải rối trí hoặc mất thời giờ tính toán. Làm việc gì mà có trù liệu trước thì bạn luôn cảm thấy thoải mái, an tâm và tự tin hơn nhiều. Một thực tế hiển nhiên! (chuyển ngữ từ In.com)

CHIỀU TRẦM TƯ

Chuông nhà thờ vọng tiếng chiều
Là lời Chúa gọi thương yêu mong chờ
Nhiều khi con viện lý do
Nào là vì bận, vì mưa, vì buồn,…
Tình Ngài dành trọn cho con
Tháng ngày con vẫn bất cần, làm ngơ
Một mình con chợt trầm tư
Ngồi nhìn từng giọt cà phê đen buồn
Lễ chiều con dự bao lần
Mà con chưa đủ niềm tin yêu Ngài
Giờ thừa cho Chúa mà thôi
Chứ chưa thực sự sống Lời Chúa đâu
Hồn yếu đuối, xác bọt bèo
Xin Ngài tha thứ con bao tội hèn
Đời con một kiếp vô duyên
Nhưng còn nhiều vết lỗi lầm kiêu sa
Mỏi chân đi, mệt bước về
Con hoang đói lả, lệ nhòa đắng cay
Xin đừng xua đuổi thân này
Dù con chẳng đáng gọi Ngài là Cha
Chỉ mong lượng cả hải hà
Cho con đứng góc cuối nhà thờ thôi
Vậy là con mãn nguyện rồi
Trọn đời cảm tạ Chúa Trời chí nhân
Giúp con tự nguyện dấn thân
Mở đôi tay, mở cả tim thật thà
Nhìn lên dẫu chẳng là gì
Đến khi nhìn xuống mình chưa nỗi nào!

(Nhớ ngày Xưng tội lần đầu: 18/8/1965, ngày Rước lễ lần đầu & Thêm sức: 19/8/196)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoàng Hôn Trên Biển Sóng
Lê Trị
22:17 19/08/2010

HOÀNG HÔN TRÊN BIỂN SÓNG



Ảnh của Lê Trị

Ráng chiều buông xuống buổi chiều vàng

Chim về tổ ấm trên hoang đảo

Bạc đầu sóng vỗ tung cao vút

Bóng dáng ai kia thoáng nhẹ nhàng!

(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền