Ngày 22-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu là ai?
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:38 22/08/2017
Chúa Nhật XXI Thường Niên, năm A
Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20

Tin Mừng thuật lại cho chúng ta hay :” Các môn đệ sau khi đã đi theo Chúa Giêsu một thời gian, đã học hỏi nơi Chúa nhiều điều, đặc biệt các ngài đã được Chúa Giêsu dạy bảo, uốn nắn, làm phép lạ trước mặt các ngài. Hôm nay khi nghe dân chúng bàn tán về Chúa với nhiều tước hiệu, với nhiều danh xưng khác nhau. Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ sao, hiểu thế nào về Ngài ?

Thực tế, khi được kêu mời đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn mù mờ về Thầy của mình, đặc biệt về con đường cứu độ, về ý định của Thiên Chúa đối với Thầy Giêsu, do đó, Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ hiểu làm sao về Ngài trong khi có nhiều người dân cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, có người nói Ngài là Êlia, là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó ! Tất cả sự hiểu biết của những người đó và những danh hiệu mà họ gán cho Chúa Giêsu, không phải là không đúng, nhưng chỉ đúng một khía cạnh nào đó mà thôi, chưa nói đúng được điều Chúa muốn biết. Nên, nhân đến thành kế cận thành Xê-da Phi-lip-phê, Chúa Giêsu đã được nghe các môn đệ thuật lại việc quần chúng nghĩ về Chúa như chúng ta vừa nghe. Bây giờ, Ngài muốn biết các môn đệ gọi Thầy mình là ai ? Simon Phêrô vẫn là người nhanh n,hảu nhất, đã đại diện các môn đệ, thưa với Chúa Giêsu rằng :” Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống “. Lập tức, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô rằng Phêrô là người có phúc và đó là chính mặc khải Thiên Chúa Cha vén mở cho Ngài. Do đó, Chúa đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội. Chúa đổi tên Simon thành Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên Đá Tảng vững chắc, Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh của Ngài sự dữ và kẻ dữ sẽ không làm gì được. Thật lạ lùng, thật kỳ diệu! Bởi vì đây là lời mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu. Đây là câu trả lời Chúa Giêsu muốn biết. Chúa đã chọn Phêrô làm tông đồ trưởng và sau này, dù Phêrô chối Chúa ba lần như lời Chúa báo trước. Phêrô đã thành thực ăn năn, sám hối, Chúa vẫn thương và tha thứ tội lỗi cho Phêrô. Do đó, khi hỏi về lòng yêu mến của Phêrô, cả ba lần Phêrô đều trả lời :” Vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy “ và Chúa nói với Phêrô :” Hãy chăn dắt chiên của Ta “ “ Hãy củng cố đức tin của anh em con “. Chúa luôn yêu, tin tưởng Phêrô và các tông đồ của Ngài. Chính vì thế, khi về Trời, Chúa luôn tưởng vào các tông đồ và một nhóm các tín hữu, các người phụ nữ đạo đức, thánh thiện. Ngài trao phó cho họ tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài ở dưới trần gian này.

Lời tuyên tín của thánh Phêrô cũng là lời tuyên xưng của các tông đồ, của Matta và của toàn thể Giáo Hội. Chúa tin tưởng Giáo Hội vì Giáo Hội thay mặt Ngài tiếp tục sứ mạng cứu rỗi của Ngài và Ngài luôn hiện diện với Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế! Lúc nào Chúa cũng hiện diện với Giáo Hội, trong Giáo Hội và với Giáo Hội. Do đó, giờ đây nếu Chúa hiện ra với chúng ta và hỏi như Chúa đã hỏi các môn đệ xưa, chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ mau mắn, can đảm và hãnh diện tuyên xưng :” Thấy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian “ , Và như thế chúng ta thực là có phúc vì quả thật chúng ta không thấy Chúa bằng xương bằng thịt như các môn đệ, các tông đồ và nhiều người xưa nhưng :” Phúc cho chúng ta vì chúng ta đã không thấy mà tin “ như chính lời Chúa đã phán xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tin Chúa, luôn phó thác vào Chúa và luôn cậy trông vào Đức Mẹ. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Dân chúng nói Chúa Giêsu là ai ?
2.Các môn để bảo Chúa Giêsu là ai ?
3.Ai đã bảo cho Phêrô biết về Chúa Giêsu ?
4.Chúng ta hiểu sao về Chúa Giêsu ?
 
Suy Niệm Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
07:35 22/08/2017
Vì yêu thương, Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Để thực hiện sứ mạng đó, Ngài đã ở thế gian 33 năm: 30 năm sống ẩn dật, 3 năm đời sống công khai. Trong 3 năm ngắn ngủi của đời sống công khai, Ngài đã đi khắp đó đây rao giảng Tin mừng. Đồng thời, để chuẩn bị cho việc thiết lập Giáo Hội, Ngài đã chọn và huấn luyện nhóm mười hai. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài đã đặt Thánh Phê-rô làm đầu mười hai Tông đồ, cũng chính là làm đầu Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập.

Bài Tin mừng hôm nay, Thánh Matthêu cho chúng ta biết, sau khi hỏi dư luận quần chúng suy nghĩ như thế nào về Ngài, Đức Giêsu quay sang hỏi các Tông đồ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”(Mt 16,15). Thánh Phê-rô đại diện cho các Tông đồ trả lời rằng: “Thầy là Đức Giêsu Ki-tô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Đức Giêsu khen ngợi câu trả lời của Phê-rô. Đồng thời, Ngài nói với ông rằng: “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16,18-19).

Đá là một vật thể cứng, bền, chắc…Đức Giêsu gọi Phê-rô là Đá, và trên “viên đá” đó, Đức Giêsu muốn xây Hội thánh của Ngài, chứng tỏ Đức Giêsu xây dựng Hội thánh trên nền tảng vững chắc, đúng như lời Ngài khẳng định: “Dầu cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Chìa khóa biểu tượng cho quyền lực. Ai được trao chìa khóa thì người đó có quyền đóng mở và bảo quản những gì có trong đó. Bài đọc I cho chúng biết, khi trao quyền lực cho En-gia-kim, Thiên Chúa trao cho ông chìa khóa: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Ða-vít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được” (Is 22,22). Cũng vậy, Thánh Phê-rô được trao chìa khóa nước trời, nghĩa là Thánh Phê-rô có quyền lãnh đạo dân Chúa, có quyền đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Ngoài ra, Ngài còn có quyền “trói và cởi”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: Quyền “trói và cởi” là quyền tha thứ các tội lỗi, công bố những phán đoán về giáo lý và đưa ra những quyết định có tính kỷ luật trong Giáo Hội (x. số 553).

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội suốt 2000 năm qua, chúng ta thấy lời hứa của Đức Giêsu với Phê-rô đã trở thành hiện thực. Dẫu Giáo Hội trải qua nhiều sóng gió nhưng Giáo Hội vẫn luôn luôn đứng vững trên nền tảng của Thánh Phê-rô: Thánh Phê-rô và các đấng kế vị luôn đóng trọn vai trò “Đá tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa nước trời” để “trói và cởi”. Nhờ đó, nhân loại đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Giáo Hội.

Chúng ta cám tạ Chúa đã lập nên Giáo Hội. Giáo Hội trở thành mẹ của chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với Giáo Hội cũng tương tự như bổn phận của con cái đối với Cha Mẹ. Đó là chúng ta phải biết ơn, vâng lời và xây dựng Giáo Hội.

Thứ nhất, chúng ta biết ơn Giáo Hội, vì Giáo Hội đã sinh ra chúng ta trong đức tin, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí tích. Trong bài huấn dụ với 100.000 khách hành hương tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 10/9/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày đề tài giáo lý “Giáo Hội là mẹ”. Ngài cho biết, trong các hình ảnh mà Công Đồng Chung Vatican II đã chọn để giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo Hội nghĩa là bản chất là “mẹ”: Giáo Hội là mẹ chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Ngài nói: Giáo Hội “đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta, bằng cách thông truyền Lời Chúa cho chúng ta, là ánh sáng chỉ con đường cuộc sống kitô cho chúng ta, và ban phát các bí tích. Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta bằng bí tích Thánh Thế, đem lại ơn tha thứ cho chúng ta qua bí tích Sám Hối, nâng đỡ chúng ta trong lúc đau yếu với bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Giáo Hội đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống đức tin.” (Nguồn: vi.radiovaticana.va). Vì vậy, chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn bằng cách tôn kính và yêu mến Giáo Hội.

Thứ hai, chúng ta phải vâng lời Giáo Hội. Vâng lời Giáo Hội là vâng lời Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, các linh mục và những người đại diện của Chúa ở trần gian này. Vâng lời trở thành một nhân đức như khi các thành phần trong Giáo Hội vâng lời Đức Giáo Hoàng. Vâng lời còn trở thành luật buộc như khi các Giám Mục vâng phục Đức Giáo Hoàng, các linh mục vâng phục Giám mục Giáo phận của mình, các tu sĩ vâng phục Bề trên hợp pháp của cộng đoàn. Có nhiều mẫu gương sống tinh thần vâng phục trong Giáo Hội, đáng chú ý là mẫu gương vâng phục của Đức Tổng Giám Mục Fénelon, nước Pháp sau đây: Giám Mục Fénelon là Tổng Giám Mục danh tiếng của giáo phận Cambrai nước Pháp vào đầu thế kỷ XVIII. Ngài được mọi người thán phục và kính nể vì ngài đạo đức và thông thái. Ngài sáng tác cuốn sách thiêng liêng rất hay, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh.” Ngày kia, khi sắp lên tòa giảng để giảng một bài quan trọng trước một cử toạ đông người đang thán phục, ngài được tin Đức Giáo Hoàng Inôsentê XII đã lên án cuốn sách của ngài và cấm lưu hành. Đến giờ giảng, ngài vẫn bình tĩnh bước lên tòa giảng, nhưng không phải để giảng bài ngài dọn, mà để giảng một bài về sự tuân phục đối với Giáo-Hội. Ngài nói: “Đức Thánh Cha đã lên án cuốn sách của cha. Cha xin hoàn toàn tuân phục quyền bính Giáo Hội cho đến chết để làm gương cho anh em.” Và để tỏ lòng tuân phục công khai một cách khiêm nhượng, ngài cho khắc cảnh thiên thần đang dày đạp dưới đất những tác phẩm bị Giáo Hội lên án, trong đó có cuốn sách của ngài, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh.” (Trích bài gợi ý của Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang).

Thứ ba, chúng ta phải có tinh thần xây dựng Giáo Hội cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội đã cho biết: “Nhờ khả năng chuyên môn và uy tín của họ (Giáo dân), họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội… nhưng luôn với lòng chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài” (Ibid., no. 37). Thật vậy, Giáo Hội cần những lời góp ý chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến từ phía giáo dân đối với các đấng bậc trong Giáo Hội, nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ Giáo Hội. Đừng bao giờ chỉ trích, lên án hay nói xấu Giáo Hội. Còn về vật chất, điều răn Thứ Năm của Hội thánh nhắc nhở mọi tín hữu cần phải chu toàn nhiệm vụ đóng góp công của để xây dựng Giáo Hội. Ngoài ra, các tín hữu cũng có thể đóng góp thêm tùy theo khả năng của mình để xây dựng Giáo xứ, Giáo phận, và Giáo Hội ngày một thêm lớn mạnh và bền vững hơn.

Lạy Đức Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã lập nên Giáo Hội để sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng con. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến, vâng lời và đóng góp tinh thần và vật chất để xây dựng Giáo Hội. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:55 22/08/2017
97. NGUYÊN DO GÌ
Hai người đá banh vì không cẩn thận nên đá trúng anh học trò nọ, anh ta bèn đi cáo người đá banh, hai người bị quan phủ bắt và đánh tới tấp bốn mươi hèo nơi mông, lời khai của hai người là:
- “Ăn no không có việc gì, rảnh rỗi chơi rong, không làm nghề chính đáng mà đi học đá banh. Cái chân của tiểu nhân nhấc lên nên mạo phạm đến quân tử, làm cho quan đau lòng mà trách phạt bốn mươi, xét ra thì nguyên do gì ?”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 97:
Chuyện đá banh vô ý trúng người khác là chuyện không đáng bị đánh bốn mươi roi.
Nhưng chuyện cố ý nói xấu người khác, vu khống và xử phạt chèn ép làm cho họ phải bị đau khổ và oan ức, thì đáng bị đánh không những bốn mươi roi mà còn phạt đền bù danh dự cho họ.
Nguyên nhân xa để nói xấu người khác chính là ăn không ngồi rồi không chuyện gì để làm, cho nên nói xấu người khác là đề tài hấp dẫn của một số người; nguyên nhân gần chính là lòng dạ của những người này đầy ắp những ích kỷ và ghen tương, cho nên Giáo Hội đã chỉ cho chúng ta thấy một trong các mối tội làm cho chúng ta dễ dàng mất linh hồn, đó là mối tội thứ bảy: làm biếng việc lành.
“Lạy Chúa, ngồi ngẫm nghĩ lại con thấy một linh mục mà sống không việc làm là một linh mục dễ dàng phạm nhiều tội hơn bất kỳ ai, ở nhà xứ ngoài việc dâng thánh lễ ra, thì không phải ngày nào cũng có bệnh nhân cần xức dầu, không phải ngày nào cũng đi thăm giáo dân, không phải ngày nào cũng soạn bài giảng cho một ngày lễ Chúa Nhật, không phải ngày nào cũng lo xây dựng cơ sở vật chất... cho nên, nếu chúng con là những linh mục của Chúa mà không có một việc làm với mục đích rõ ràng ngoài các giờ mục vụ, thì chúng con là những người rảnh rỗi nhất thế gian, và dễ dàng sống mất phương hướng nhất.
Xin Chúa ban cho chúng con biết tìm kiếm một công việc để làm sau những giờ mục vụ cho giáo dân, để chúng con đừng để thân xác và trí óc rảnh rang dễ dàng làm mồi cho cám dỗ tấn công...Amen”

Nguyên do dễ dàng phạm tội chính là ở dưng, ở dưng chính là không tìm kiếm việc làm, không suy tư đọc sách báo cho đầu óc có việc làm; ở dưng chính là không vận động tay chân để thân thể khỏe mạnh có năng lực làm việc mục vụ.
Bởi vì ở dưng là cội rễ mọi sự dữ, là nguyên do của sự tội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:59 22/08/2017

30. Cầu nguyện là việc khiến cho ma quỷ ghét nhất, nó quyết tâm tận lực ngăn cản người cầu nguyện.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lạy Thầy, Thầy Là Con Thiên Chúa Hằng Sống
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:40 22/08/2017
Chúa Nhật XXI thường niên năm - A

(Mt 16,13 - 19)

Phêrô là người lãnh nhận lời hứa từ Chúa Giêsu quyền chăm sóc anh em. Trước đó ít lâu, ông là người đã đi trên mặt nước, bị Chúa Giêsu quở trách là "người hèn tin" (Mt 14, 31). Trong thực tế, có lẽ Chúa Giêsu đã can thiệp và thách thức ông kêu cầu, đòi hỏi ông phải lớn lên trong đức tin, ông có thể xấu hổ trước mặt đồng nghiệp của mình, cũng như các môn đệ khác, vì "hèn tin", nhưng ông vẫn tự tin, lời tuyên xưng đức tin địa hạt thành Xêsarêa Philipphê của Phêrô là một bằng chứng. Ông đã được Chúa Cha ban cho hồng ân đức tin, nhờ ánh sáng Thần Linh mạc khải, ông biết được căn tính đích thực của Chúa Giêsu; ông tuyên xưng : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16), nhờ đó ông có thể làm cho anh em khác vững tin.

Hành trình đức tin của Phêrô

Đối với Phêrô, đức tin là một hành động lớn dần. Như bào người trẻ Do thái, ông đã nghe nói về Đấng Mêssia, dùng thánh vịnh của Đavid để cầu nguyện, nghe các thầy Do thái tại Capharnaum hát về niềm hy vọng của dân Israel. Hạt giống rơi vào đất tốt, hôm nay, bén rễ nhờ Lời Chúa Giêsu.

Hành trình ấy khởi đi từ lần đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu qua Anrê, em ông, cũng là môn đệ của Gioan Baotixita làm trung gian bên bờ sông Giorđan. Anrê là người tìm Chúa : "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia" (Ga 1, 41). Không phải Phêrô là người được gọi trước, nhưng là Anrê. Điều này không cản trở ông thành người lãnh nhận trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình.

Thứ đến, tại tiệc cưới Canna, chính Phêrô là người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu và "các môn đệ đã tin vào Người" (Ga 2, 11).

Sau một đêm trắng lưới, Phêrô và em ông là Anrê được gọi: "Hãy theo Thày và Thầy sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ lưới người" (Mt 4, 19). Ngày hôm đó, họ để lại tất cả mọi thứ, gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa.

Và trên một ngọn núi cao, Phêrô đã được Chúa Giêsu cho thấy vinh quang Thiên Chúa (x. Mt 17, 1-9). Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu của bộ ba, những người sẽ trực tiếp chứng kiến sự phục sinh một cô gái nhỏ (x. Mc 5, 37). Một sự kiện đánh dấu bước tiến đức tin của Phêrô !

Phêrô uyên xưng đức tin

Được cứu khỏi chết đuối trong một cơn bão khi đi trên mặt nước, lần đầu tiên Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 33).

Thời gian sau, trên đường từ địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các ông : "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" (Mt 16, 15). Nhân danh các môn đệ kia, Phêrô trả lời : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Đức tin của Phêrô cũng là của các môn đệ kia, ông thừa nhận và khẳng định lời đầu tiên của Anrê (x. Ga 1, 41), khi nhận lãnh trách nhiệm trong Giáo Hội.

Điều này không can ngăn được Chúa Giêsu từ chối đi lên Giêrusalem chịu chết (Mt 16, 22). Chính vì là Con Thiên Chúa, nên thập giá và cái chết của Chúa Giêsu là thử thách nặng nề đối với đức tin của Phêrô. Chúa Giêsu bảo Phêrô: "Con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người" (Mt 16,19).

Đức tin đòi hỏi người ta gắn chặt với thánh ý Thiên Chúa, cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa. Biến cố biến hình trước Phêrô, Giacôbê và Gioan sẽ là sự bảo đảm : "Đây là Con Ta yêu dấu " (Mt 17, 5).

Lời tuyên xưng thật sâu xa

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn còn hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai ? (Mt 16, 13) "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" (Mt 16, 15) Đây không phải là một cuộc thăm dò ý kiến để biết lòng dân, nhưng là câu hỏi về vị trí của Thầy trong các môn đẹ. Đối với ông, Chúa Giêsu là ai ?

Khởi đầu sứ mạng công khai, trước các phép lạ và lời giảng có uy quyền của người thợ mộc thành Nazareth, một câu hỏi hiện lên trong đầu các môn đệ : "Người này là ai? " (Mt 8, 27).

Chúa Kitô không yêu cầu các môn đệ phản ánh ý kiến của người khác, Người hỏi dồn và đợi câu trả lời cá nhân của các ông. Và Phêrô đã trả lời Chúa Giêsu mà không liệt kê lại ý kiến của dân chúng như : Ê-li, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri. Ông đi thẳng vào vấn đề. Lời tuyên xưng này còn đi xa hơn trước bởi được long trọng tuyên xưng : "Vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16, 17).

Với Thiên Chúa, hành động đức tin không đến từ sự suy tư nhân loại theo kiểu lý trí, triết học, hay tìm kiếm sự hợp lý, những cần phải có ơn "mạc khải từ Thiên Chúa" để tôn thờ bản tính Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu. Người đã nói với họ : "Không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấn mạc khải ra cho " (Mt 11, 27).

Chính lúc Simon đã trả lời đúng về sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là lúc ông được tiết lộ một ơn gọi đặc biệt. Simon trở thành "Kepha" nghĩa là "tảng đá", "đá". Simon, con người bằng xương bằng thịt, mỏng giòn, dao động như bao nhiêu người khác, nhờ ân sủng đã vượt qua đượcgiới hạn của chính mình. Nếu ông là "đá", là vì Chúa Kitô là đá tảng. Đức tin của ông chỉ lớn lên, khi đặt nền tảng trên Chúa. Thử thách trong cuộc Khổ Nạn của Thầy đụng chạm tới cùng sự mỏng giòn của Phêrô, lúc ấy, ông phải dựa vào sức mạnh của Chúa, xây dựng đời mình trên Chúa.

Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Người sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Chìa khóa Nước Trời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:29 22/08/2017
Chúa Nhật 21 Thường Niên A

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu trao “Chìa Khóa Nước Trời", tức là quyền lãnh đạo Dân Chúa.

Trong Kinh Thánh, chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, như Thiên Chúa ban cho Êliakim quyền điều hành nhà Ðavid (Is 22,20-22), hay quyền hành của Chúa Giêsu trên sự chết (Kh 1,17-18).

Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô. Chúa tin tưởng thánh Phêrô, trao cho Ngài quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết nghiêm trọng (NJBC,659).

Ngoài ra, theo một số nhà chú giải Thánh kinh như Kevin O’Sullivan, OFM và Paul J Achtemeier, “Chìa khóa Nước Trời” ám chỉ đến hình ảnh một người đầy tớ với chìa khóa trong tay để mở cửa các phòng trong nhà. Người có chìa khóa trong tay không chỉ có quyền xác định ai được vào và ai không được vào, mà còn có trách nhiệm toàn quyền trông coi để ý mọi sự trong nhà của chủ mình. (Harper’s Dict 524-525).

Nếu trách nhiệm được trao không chu toàn, nếu quyền hành được ban bị lạm dụng, và bị mất tin tưởng, thì chắc chắn chìa khóa sẽ bị lấy lại. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã minh chứng điều đó. Sobna, quan cai đền thờ đã bị cách chức và trục xuất khỏi địa vị cũng chỉ vì đã lạm dụng quyền hành. Ông đã lạm dụng quyền hành bắt ép vua Hezekiah (716-687) nổi dậy chống lại Assyria và chạy đến Ai cập cầu cứu. Tiên tri Isaia đã hoàn toàn phản đối việc này. Ngài kêu gọi Giuđa phải nên tin tưởng vào Thiên Chúa của mình, chứ không phải nơi sự trợ giúp của dân ngoại. Nhưng Giuđa đã không tin tưởng nơi Thiên Chúa, và cuối cùng vào những thế kỷ sau đó, Giuđa và Giêrusalem đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Và như chúng ta được biết, chìa khóa của Sobna đã bị lấy lại và trao cho Êliaqim, con trai Helcia. (Kevin O’Sullivan, OFM, The Sunday Readings (A) 309-314).

Trước lễ cung hiến Nhà thờ mới, có nghi thức trao chìa khoá mở cửa Nhà thờ. Đức Giám Mục trao chìa khóa cho Linh Mục Quản Xứ để ngài mở cửa Nhà thờ.Nghi thức này muốn nói lên rằng: việc quản trị Nhà thờ trên toàn Giáo phận là thuộc Đức Giám Mục Giáo Phận, còn Linh Mục Quản Xứ chỉ là người nhận quyền từ Đức Giám Mục, thay mặt Đức Giám Mục trông coi, cũng như cử hành và ban phát các bí tích cho cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ này.

Nếu hiểu chìa khóa là biểu tượng nói lên sự tin tưởng, quyền hành và trách nhiệm thì không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua Ngài, qua Giáo Hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều được lãnh nhận chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chìa khóa ấy không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Đức tin dạy rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo bản tính. Còn chúng ta cũng là con Thiên Chúa theo ân sủng. Quyền làm con Thiên Chúa và trách nhiệm đi kèm là một ơn rất trọng đại và cũng chính là “chìa khóa Nước Trời” cho mỗi người và cho những người có trách nhiệm liên hệ. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội giúp họ mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích. “Với Chúa, mọi sự đều có thể” ; “ơn được làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu. Chìa khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có độ rắn của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có độ bền của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ. Nó không làm bằng kim loại vật chất của trần gian, mà được đúc kết bằng hợp kim của niềm tin tâm linh và tính thánh thiêng. Nó có thể mở được tất cả các cánh cổng của những vấn nạn nghiêm trọng trong cuộc sống, và của mỗi thân phận con người.

Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Chúa đã đặt Ngài là: “Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẽ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Phêrô đã sống theo chân lý: ‘Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đánh bại chúng ta?’. Chúa là sức mạnh của thánh nhân, không gì có thể tách Ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô. Thánh Phêrô xứng đáng để nắm giữ “Chìa khóa Nước Trời”.

Có câu chuyện “Chìa khoá và ổ khoá Thiên Đàng” thật ý nghĩa.

Một hôm nọ, khoá cửa Thiên Đàng bị hư, Thánh Phêrô đích thân mang cả chìa lẫn khoá xuống trần gian để tìm người sửa chữa. Ngài tới nhà anh thợ khoá đầu tiên.

- Chào anh, tôi có cái ổ khoá bị hư, anh làm ơn sửa giùm.
- Cụ làm nghề gì mà cửa nhà cụ lại có cái ổ khoá to và quý thế này ?
- Tôi làm nghề đánh cá, sau đổi sang nghề chăn chiên anh ạ .
- Ừ ! Nhìn quần áo và chân tay của cụ, tôi tin. Nhưng cụ nói thật đi, cụ "chôm" cái của quý bằng vàng ròng này ở đâu vậy?

Thánh Phêrô tần ngần trả lời :
- Của tôi đó, vì đây là khoá cửa của Thiên Đàng, còn tôi là Phêrô.

Anh thợ vồn vã :
- À! Thế thì lại khác, chỉ 1 giờ là tôi sửa xong cho cụ thôi, cụ cho xin 100.000 đồng .

Thánh Phêrô giật mình :
- Đắt thế à ? Tôi chỉ có 1.000 thôi.
- Không được đâu cụ ơi. Tôi nghe ngày xưa cụ đứng đầu Hội Thánh, hẳn là cụ giàu có lắm ?
- Anh hiểu lầm rồi ! Trong Hội Thánh chúng tôi, ai càng đứng đầu thì lại càng là người tôi tớ phục vụ, sống khiêm hạ khó nghèo như Đức Giêsu làng Nazareth. Thôi anh cố sửa nó đi, có thể vì công khó của anh mà tôi sẽ xin Chúa cho anh vào Thiên Đàng .

Anh thợ mỉm cười lắc đầu
- Tôi cần cái thực tế. Tiền thôi cụ ạ, còn Thiên Đàng thì xa lạ quá. Vả lại ở Thiên Đàng mà nghèo như cụ thì tôi chẳng ham. Thôi cụ đi xoay xở đâu đó thêm đi, rồi quay lại đây.

Thánh Phêrô bước đi, buồn bã nghĩ thầm : Anh thợ này sửa được nhiều thứ khoá, chỉ trừ khoá của Thiên Đàng. Đồng tiền quý đến thế kia ư ?

Ngài lại tìm đến nhà một anh thợ khác, nổi tiếng khéo tay và giàu có nhất vùng, hy vọng gặp được người yêu mến Thiên Đàng hơn chuyện tiền bạc.

Anh thợ đon đả chạy ra đón mừng .

- Tôi nhận ra ngài rồi. Tay cầm chìa khoá vàng, khuôn mặt và thân hình lại giống hệt bức tượng trong nhà thờ xứ tôi. Vào đây, gia đình tôi hân hạnh tiếp đón Thánh Cả.

Thánh Phêrô vui mừng, nhưng cũng ngần ngại dò hỏi :

- Tôi có cái khoá cửa thiên đàng bị hỏng, tôi chỉ có 1.000 đồng, nhờ anh sửa giúp
- Xin cất đi, tôi còn phải biếu ngài thêm lộ phí nữa kìa. Còn cái khoá thì không thành vấn đề, chỉ độ nửa tiếng là xong thôi. Có điều là, xin ngài hứa cho tôi một việc.
- Tốt lắm, anh cứ nói .
- Xin ngài đưa tôi vào Thiên Đàng và cho tôi làm trùm phường khóa ở trên đấy. Ngồi trên các Thánh hay các thiên thần thì tôi không dám, nhưng làm sếp đám thợ khoá thì tôi dư sức. Ngài sẽ thấy tay nghề của tôi khi sửa khoá cho ngài, xem tôi có đáng ngồi chỗ tốt hay không.

Bỗng có tiếng ầm ầm từ đầu ngõ, hàng trăm dân làng ùa chạy tới nhà anh thợ khoá khi nghe nói Thánh Phêrô đang ở nhà anh. Tiếng hò hét vang lừng từ ở cổng ra vào.

- Lạy Thánh Phêrô, Ngài cho vợ chồng con vào Thiên Đàng với.
- Đứa nào xô tao vậy, đây là cổng nhà anh thợ khoá chứ đã phải là cửa Thiên Đàng đâu mà chen dữ thế ? Phải có hàng lối chứ .
-Gặp Thánh Phêrô chứ có phải đi mua vé xinê, hay đi mua thịt mua cá đâu mà phải xếp hàng cha nội.
- Chúng mày biết gì ? Ông Trùm nói có lý đấy. Thế chúng mày không nghe cha giảng là ở trên Trời có " Đám rước mặc quần áo trắng tinh tay cầm cành thiên tuế " à ? Phải trật tự chứ !
- Chúa ơi ! Chết con rồi.
………

Thánh Phêrô lắc đầu ngán ngẩm. Cần phải "gửi" đi đâu nữa, họ đang ở hoả ngục rồi còn gì! Họ cãi nhau chí chóe, chửi thề, dẫm đạp lên nhau để "tranh" Thiên Đàng. Có kẻ đã dúi được vào túi Thánh Phêrô phong bì, hoa, nến. Rồi hí hửng vì đã "hối lộ" được người giữ cửa đầy quyền uy.

Bỗng có một cơn gió mù mịt cuốn lấy Thánh Phêrô. Thiên Thần đã đưa ngài đi trong gió. Để lại đám dân làng khóc la tiếc nuối, và anh thợ khoá tiu nghỉu vì tan giấc mộng vàng.

Thiên Thần đưa Phêrô tới bên một bờ suối rồi chào tạm biệt ra đi. Thánh nhân nhẹ gật đầu từ tạ. Ngài vẫn còn bực bội vì chuyện xảy ra vừa rồi. Tại sao con người lại coi nhẹ Thiên Đàng để kiếm tìm tiền tài danh vọng nhỉ ? Ngay cả đám dân muốn "xấn xổ" vào Thiên Đàng, họ có nghĩ gì tới Chúa và anh em mình đâu, lợi lộc riêng tư đã che mắt họ. Người ta có thể nhân danh một Thiên Đàng tốt đẹp để giành giật, gấu ó nhau đến vậy hay sao? Ôi ! Nếu có Gioan và Giacôbê ở đây,"những người con của sấm sét" chắc cũng sẽ như xưa, muốn xin lửa Trời xuống đốt tiệt cái đám dân nông cạn này.
- Hãy uống bát nước này cho mát đi, cụ đang có lửa trong lòng đó.

Thánh Phêrô giật mình quay lại. Một cậu bé thật xinh trai, tay cầm ly nước,đã đứng sau lưng mình từ lúc nào. Ngài cầm lấy ly nước, uống một hơi thật sảng khoái.
- Cám ơn cậu bé, cậu thật tốt bụng.

Cậu bé lém lỉnh nhìn cái ổ khoá trên tay Thánh Phêrô.
- Ổ khoá này đẹp quá, cụ cho tôi xem tí nào.
- Khoá cửa Thiên Đàng đó mà. Cậu có muốn lên đấy không, tôi dẫn cậu đi ?
- Chả cần cụ dẫn đâu, tôi thừa biết nó ở đâu rồi .
- Thật không ?
- Thật chứ !Thiên Đàng thuộc về những người bé nhỏ như tôi mà, cụ quên rồi à ?

Ngạc nhiên trước câu trả lời ngộ nghĩnh, Thánh Phêrô cảm thấy mến cậu bé thông minh này. Ngài đưa cả ổ khoá lẫn chìa cho cậu bé.
- Cẩn thận kẻo rơi nhé.

Cậu bé cầm cả hai ngắm nghía, rồi cậu tinh nghịch trả lại chìa khoá cho Phêrô.
- Cụ giữ lấy chìa khoá này như một kỷ niệm hay một biểu tượng cho bổn phận và quyền uy. Còn cái này thì…Chưa dứt lời, cậu đã ném ổ khoá đánh "tõm" xuống giữa lòng suối sâu.

Thánh Phêrô giật mình lớn tiếng :
- Ôi Chúa ơi ! Cậu làm gì vậy ?

Cậu bé mỉm cười trả lời :
- Thật ra cửa Thiên Đàng đâu cần ổ khoá. Điều quan trọng không phải là nó đóng hay mở, mà là sự "đóng hay mở" của lòng người. Phải giải quyết chuyện này ở dưới đất chứ không phải trên trời cụ ạ ." Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên Trời cũng tháo mở ". Có người đã nói với cụ câu đó, cụ không nhớ sao ?

Thánh Phêrô ngẩn ngơ hỏi lại :
- Nhưng làm sao để họ mở hay đóng để tôi cầm buộc hay tháo gỡ ? Vì họ cứ khép kín trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra với tiền tài, danh vọng. Làm sao để họ làm ngược lại đây, cậu bé ?
- Cụ đừng chỉ trỏ lên trời và nói những chuyện cao xa của Thiên Đàng với họ nữa. Ngược lại, phải dẫn họ tới một nơi để họ học biết khó nghèo, khiêm hạ, hy sinh. Cụ có muốn tôi đưa cụ tới đó, để rồi sau cụ có thể dẫn họ đi không ?

Thánh Phêrô sốt sắng :
- Được rồi, tôi theo cậu. Nhưng đi đâu mới được chứ ?

Cậu bé mỉm cười, nheo mắt nhìn Phêrô :
- Đi Bêlem, rồi lên Núi Sọ .

Nói xong, cậu quay lưng, lững thững bước đi về phía có ánh nắng chói chang, phía của Mặt Trời.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà Thiên Văn Vatican nói với khán giả rằng hiện tượng nhật thực ca ngợi công trình sáng tạo.
Giuse Thẩm Nguyễn
07:32 22/08/2017
(CNS) Tin từ Hopkinsville, Ky. Giám Đốc đài thiên văn, thày Guy Consolmagno thuộc dòng Tên nói rằng nhật thực toàn phần là một sự kiện ít khi xảy ra và đây cũng là dịp để ngợi khen và thưởng thức công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Trong vòng 99 năm, hôm nay Thứ Hai ngày 21 tháng Tám, 2017 dải hiện tượng nhật thực toàn phần đầu tiên kéo dài trên khắp nước Hoa Kỳ, thày Consolmagno sẽ không làm gì, mà chỉ ngắm nhìn, thưởng thức và suy nghĩ về vẻ đẹp cũng như sự kỳ diệu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Nhà thiên văn nói với đám đông tập trung tại Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô để theo dõi nhật thực ở thành phố miền tây nam của tiểu bang Kentucky gần địa điểm mà có thể nhìn rõ nhất hiện tượng nhật thực toàn phần là hãy bình tĩnh để suy tư về hiện tượng nhật thực toàn phần kéo dài hai phút và 40 giây có ý nghĩa gì đối với họ.

Thày nói “Hãy cầu nguyện để có thời tiết tốt, nhưng cũng cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn chúng ta học được gì qua kinh nghiệm này.”

Vào chiều ngày 20 tháng Tám, hàng chục ngàn người đã đổ về thành phố Hopkinsville và sáng nay lại thêm nhiều ngàn người tới để theo dõi hiện tượng nhật thực. Thày Consolmagna rất thích thú khi thấy ai cũng muốn nhìn phần bị che khuất của mặt trời.

Thày Consolmagna cũng nói rằng là một nhà khoa học và là một người có đức tin, thày được hướng dẫn bởi sự tò mò muốn khám phá cảnh giới thiên đàng và ước mong được hiểu hơn về sự sắp xếp trật tự trong vũ trụ của Thiên Chúa. Không có sự trái ngược giữa khoa học và niềm tin.

“Là một nhà khoa học có thể là đường dẫn đến thờ phượng Thiên Chúa.”

“Chúng tôi có mặt ở đây không chỉ là nhắc nhở các nhà khoa học đồng nghiệp quen biết của tôi, mà còn chỉ cho những người có đức tin tôn giáo thấy được sự quan trọng như thế nào để ca ngợi Đấng Tạo Hóa qua việc nghiên cứu sự sáng tạo, nghiên cứu một cách chân thực, khám phá xem Thiên Chúa đã thực sự tạo ra thế giới này như thế nào. Sẽ không bao giờ thiếu vắng các hiện tượng kỳ lạ cho chúng ta khám phá hay những ngạc nhiên cho chúng ta trải nghiệm.”

“Chúng ta có thể biết Đấng Sáng Tạo bằng cách nhìn ngắm những tạo vật của Ngài.”

“Hiểu được chu kỳ nhật thực, xảy ra cứ mỗi 18 tháng và 11 ngày, người ta có thể thấy bước nhịp của vũ trụ và hiện tượng thiên nhiên tiếp tục sáng tạo và có một trải nghiệm “làm cho tâm hồn tràn đầy niềm vui,”

Thày Consolmagno đến Hopkinsville do lời mời của cha Richard Meredith, cha xứ của nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô. Cha Meredith nói với Hệ Thống Thông Tin Công Giáo (CNS) rằng ngài đã liên lạc với đài thiên văn Vatican ngay khi ngài biết tin vài năm trước đây là sẽ có dải nhật thực ngang qua thành phố này.

Các tín hữu trong giáo xứ đã có sự chuẩn bị hơn một năm trong việc thành lập ban đón khách và thày Consolmagno.

Cha Meridith nói rằng “Là một giáo xứ có trường Công Giáo, chúng tôi chú trọng đến sự hiệp nhất trong sự thật. Hiện tượng nhật thực này là một cơ hội quý báu để suy tư về việc khoa học và đức tin cùng làm việc để nhận ra Thiên Chúa.”

“Nhật thực là một hiện tường kỳ diệu và sự kỳ diệu này vinh quang Đấng Tạo Hóa. Đây có thể là một hành tinh duy nhất quanh một ngôi sao duy nhất mà mặt trăng ở một khoảng cách và kích thước thích hợp tạo nên hiện tượng nhật thực toàn phần.”

Cha giới thiệu thày Consolmagno bằng cách đọc đoạn Thánh Vịnh 19: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.”

Cha nói với CNS rằng “Không chỉ có Công Giáo nhắc đến, mà đây là một truyền thống kế thừa từ mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
DHY Parolin gặp Ngoại trưởng Nga: Quan hệ Nga-Vatican và hy vọng của chuyến viếng thăm Moscow cuả đức giáo hoàng.
Trần Mạnh Trác
23:51 22/08/2017
Rút gọn tin AsiaNews 12-8-2017: ĐHY Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã gặp Tổng Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov và cộc họp báo sau đó đã nhấn mạnh đến sự hội tụ tuyệt vời của cả hai bên trên các vấn đề chính trị quốc tế lớn, mở ra nhiều khả năng cho những phát triển trong tương lai.

Tổng trưởng Lavrov đã nhắc lại lịch sử quan hệ giữa Nga và Vatican từ thế kỷ 15 cho đến nay, và mới đây nhiều sáng kiến đã tăng cường các mối quan hệ đó, chẳng hạn như các cuộc triển lãm tại Rome cho ngày di sản văn hoá cuả Nga, trưng bày từ những linh àng tôn giáo cho đến những nghệ thuật đương đại, rồi những hợp tác trong lĩnh vực y tế và giáo dục, các chương trình cho trẻ em bị bệnh hiếm có.

Một thỏa thuận đã hủy bỏ việc thị thực nhập cảnh cho những người mang hộ chiếu ngoại giao cuả Toà Thánh.

Ông Ngoại Trưởng Nga cũng liệt kê ra rất nhiều vấn đề chính trị quốc tế đã được thảo luận với ĐHY Parolin: đó là vùng cận đông, tình hình ở Syria, Iraq, Yemen, Libya, và cuộc xung đột nội bộ tại Venezuela. Lavrov cảm ơn Vatican đã hỗ trợ quan điểm của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan, đặc biệt là ở Syria. Quan hệ Israel và Palestine cũng là một điểm hội tụ. Ông tỏ lòng biết Toà Thánh đã ủng hộ hiệp định Minsk để kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Lavrov, sự hỗ trợ này "đã không chỉ là đạo đức, nhưng rất cụ thể trong các viện trợ nhân đạo cho người dân ở Donetsk và Lugansk." Cả Nga và Vatican đã "vượt qua những bất đồng trong cách tiếp cận cuộc xung đột tại Ukraina là phản đối việc sử dụng tôn giáo cho mục đích chính trị."

Về phần mình, ĐHY Quốc Vụ Khanh Vatican cảm ơn Nga đã đón tiếp ngài, nhắc lại rằng ngài đến "để thể hiện mối quan tâm của đức giáo hoàng Phanxicô về các vấn đề quốc tế hiện tại". Ngài bày tỏ sự hài lòng với những thỏa thuận về văn hóa, khoa học và y tế, hy vọng sẽ có nhiều phát triển trong tương lai tại các khu vực này. Nhượng bộ cuả Nga về hộ chiếu ngoại giao cuả Vatican, theo HY Parolin, sẽ dẫn đến sự dễ dàng cho các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Liên bang Nga, giảm bớt các khó khăn của nhân viên và giúp giải quyết các các vấn đề khác.

Về vấn đề chính trị quốc tế, đức Hồng Y "đánh giá cao các giải pháp đúng cho vấn đề ở vùng cận đông, Ukraine và các nước khác." Toà Thánh nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của mình là để làm giảm bớt điều kiện sống của người dân đang đau khổ, và hy vọng tìm được các giải pháp cụ thể chung, mà không bị thao túng vì tuyên truyền. Đề cập đến vấn đề hóc búa là việc sát nhập Crimea, đức Hồng Y kêu gọi Nga không có những quyết định trái với luật pháp quốc tế, và tìm kiếm giải pháp trong sự thỏa thuận với láng giềng và cộng đồng quốc tế. Ở đây đức Hồng Y cho biết ngài "khác biệt" với quan điểm cuả Nga, trong khi nhắc lại rằng vẫn có sự tương đồng đầy đủ liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của các Kitô hữu ở nhiều nước trên thế giới.

Trả lời một câu hỏi từ các nhà báo về khả năng một chuyến viếng thăm Nga của đức giáo hoàng, Đức Hồng Y nhắc lại tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ Havana, và cuộc hành hương cuả thánh tích thánh Nicholas tại Nga, và do đó sẽ có phát triển thêm trong lĩnh vực này. Theo cách nói của Ngài là "việc thực hiện cụ thể cuả kế hoạch được giao phó cho Chúa Thánh thần. Hiện đang có một động lực tích cực, và tương lai sẽ chỉ cho chúng ta thấy con đường phải đi. "
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhân dịp 'Bữa Cơm Tình Thương', hồi ký về viện dưỡng lão Tình Thương Suối Tiên ở Trảng Bom.
Trần Mạnh Trác
10:53 22/08/2017
Xem hình ảnh

Nhân dịp nhóm thân hữu cuả anh Đặng Hiế́u Sinh ở Gx Đức Mẹ hằng Cứu Giúp và hội Gia Đình Đa Minh ở Garland TX hợp tác để tổ chức một 'Bữa Cơm Tình Thương' cho các công tác từ thiện cuả dòng Đa Minh Tam Hiệp, trong đó có Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên, chúng tôi xin ghi lại một cuộc thăm viếng 2 năm trước đây, như là một món quà gửi tặng những tấm lòng hảo tâm góp mặt trong công việc bác ái cuả ban tổ chức và xa hơn cuả hội dòng Đa Minh Tam Hiệp. Xin sẽ có đôi lời nói thêm về 'Bữa Cơm' ở phần cuối.

Một chuyến đi suýt lạc:

Trước khi về Việt Nam các Sơ ở Garland TX nhắc nhở chúng tôi nhiều lần "anh chị nhớ đi thăm viện dưỡng lão nhá, không xa Saigon lắm đâu", và ngay trước khi đi thăm, Sơ Hường giám đốc cuả viện trấn an chúng tôi qua điện thoại "anh chị cứ đi tới Trảng Bom thì hỏi, ai cũng biết Viện Dưỡng Lão ở đâu mà..."

Một triệu đồng là khoảng 50 đô la, bên Mỹ là giá cuả một chuyến taxi đi tới phi trường DFW ở Dallas, nhưng ở Saigon bên đây là giá bao xe trọn ngày và trọn gói (xăng nhớt cơm nước và thuế đường); chúng tôi bao xe từ sáng, đi đường cao tốc qua ngã Dầu Giây (rồi đi ngược về phiá Biên Hoà) thì tới Trảng Bom khoảng 11g.

Thị trấn nhỏ, vắng, cửa hàng thưa thớt, chiếc xe dừng trước một quán ăn, tôi hỏi thăm bà chủ:" Thưa bà, Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên đi đường nào ạ?"

-Chưa bao giờ nghe qua, đó là chuà hay nhà thờ vậy?

Các nhà thờ Công Giáo thì chắc chắn phải biết nơi này, tôi tự nghĩ như vậy và đảo mắt tìm một ngọn tháp chuông...Ngay lúc đó một chiếc xe tải lem luốc dừng lại bên lề để giao hàng, tôi lên tiếng hỏi cầu may: "Thưa bác, bác có biết Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên ở đâu không? xin bác chỉ đường giùm"

-Có chứ, cứ đi đường này là tới ngay.

Bác tài còn căn dặn nhiều lần: "các bác đi qua một chiế́c cầu lớn, bỏ qua đế́n chiếc cầu nhỏ thì nó ở ngay đó rồi"

Đúng là, 'Đường đi nơi cửa miệng...cuả các bác tài', một kinh nghiệm đáng được truyền bá!

-Thế thì còn bao xa thưa bác?

-Khoảng 10 cây số. (Sự thực khoảng 8 cs từ ngã ba QL1 đi vào đường Trảng Bom-Cây Gáo)

Con đường quanh co, hai bên nhiều bụi gai cỏ dại!

20 phút! một khoảng thời gian đủ cho tôi suy nghĩ miên man về cái vùng mà hồi chiến tranh từng là bưng biền bất khả xâm phạm cuả Việt Cộng. Bom B-52 thả xuống triền miên làm cho nơi này rỗ chằng rỗ chịt trông tựa như đất mặt Trăng...Có lẽ cái tên Trảng Bom là vì lý do ấy chăng?

Sau cùng thì chiếc cầu nhỏ cũng đến, viện dưỡng lão thắp thoáng nhô lên. 'Nhô lên' bởi vì cả khu đất nằm dưới một khu trũng cuả các hố bom, nếu không để ý thì không nhận ra.

Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên:

Các hố bom bây giờ trở thành 6 ao nuôi cá, là nguồn sống cuả cơ sở từ thiện từ trên hai chục năm qua. Tuy khởi sự đã lâu như thế, nhưng viện mới chỉ chính thức được cấp giấy phép có 3 năm thôi, còn 17 năm trước là 'chui'.

"Như vậy thì chính quyền đã để yên cho mình dễ thở rồi phải không Sơ?" tôi hỏi Sơ Hường giám đốc.

Sơ nhanh nhẹn trả lời:" Mới tuần trước ông Chủ Tịch Huyện có ghé thăm và tặng cho 1 bao gạo, may quá nhà vừa hết gạo đang lo."

Vài phút sau Sơ nói thêm:" Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, ông Chủ Tịch tới thăm."

Đối với cấp huyện thì như thể, nhưng đối với cấp trung ương thì Viện Dưỡng Lão đã nổi tiếng lắm rồi, Phó Chủ Tịch Nhà Nước vài tháng trước cũng đã ghé chơi, đi kèm theo là hàng chục phóng viên nhà nước, có phóng sự phỏng vấn những 'cư dân' kỳ cựu, làm xôn xao dư luận một thời.

Đề tài cho những phóng sự về viện dưỡng lão thì có lẽ nhiều lắm, cứ nhìn phong cảnh quanh viện cũng nhận ra ngay đây là một nỗ lực phi thường cuả con người, đặc biệt từ 6 vị nữ tu, đã moi bom, lấp hố, đắp đê, dựng ke,̀ trong suốt 20 năm không ngưng nghỉ, để biến đối một vùng hoang phế trở thành một khu sinh sống cho trên 100 bà lão neo đơn không nơi nương tựa. Không chỉ là một khu 'sống được' mà thôi nhưng phải nói là một khu 'du lịch hoành tráng'!

Hai hàng dừa trải bóng trên những con đê lát đá, đi giữa những hồ nước thanh bình, có một con suối róc rách lượn quanh, những bộ bàn ghế thảnh thơi, vân gỗ bóng bảy mời mọc...

Giống những khu nghỉ mát 'cao cấp' cuả người Nga người Tàu đang xây dựng trên khắp các bãi biển VN!

Sự thực thì tất cả những phong cảnh hào nhoáng đều là những 'tặng dữ' từ các ân nhân mà các Sơ ở viện không lẽ từ chối được sao? Tuy nhiên tôi không khỏi phân vân với 2 vấn đề.

-Sơ ơi, cảnh đẹp thế này thì người ta sẽ nghĩ là mình giầu rồi, vậy có ai còn động tình thương mà biếu tặng thêm gì nữa không? Tôi hỏi Sơ Hường.

-Vâng, nhưng mà các bà ở đây cũng chẳng còn sống được bao nhiêu ngày nữa...thôi thì mình cố gắng cho họ được hưởng bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, Sơ trả lời.

-Nhưng với một nơi tốt đẹp thế này thì Sơ có nghĩ là một ngày nào đó chính quyền sẽ tìm cách lấy đi không?

Tôi không khỏi liên tưởng đến bao nhiêu vụ cưỡng chiếm đất đai cuả Giáo hội trong những năm qua, nguyên nhân chính quanh quẩn ở việc mảnh đất trở nên có giá trị, khêu gợi lòng tham cuả các chức quyền.

Với tiếng thở dài, Sơ Hường nói:" Nếu họ sử dụng cho mục đích nuôi dưỡng các bà, thì mình cũng vui lòng. Đó là mục đích cuả mình mà."

Đời sống các bà:

Các bà mà Sơ Hường đề cập đến là những bà già 'neo đơn', tức là đã yếu ớt, bệnh tật, không ai săn sóc.

Mỗi bà có một câu chuyện khác nhau, nhưng mẫu số chung thì họ là những người vô gia cư sống ngoài đường, trong đó có những người 'ăn mày' (bây giờ là bán vé số), hoặc có thể đã là những 'tay anh chị' trong xã hội đen.

Có bà đến với viện trong một hoàn cảnh éo le, được 'người ta' bó chiếu vấ́t trước cổng trong đêm. 'Người ta' đây có thể là 'nhà thương', không muốn bỏ tiền chôn người 'vô thừa nhận', âm mưu ôm trọn số tiền ngân sách, nên mang tới cho các Sơ chôn giùm. Ấy vậy mà có bà đã sống, mà lại sống lâu vui vẻ...

Các bà ào ra khi Sơ Hường kêu lớn "Khách Tới", hình như các bà thích gặp khách ngoài thì phải, ai cũng tươi cười tìm cách bắt tay, cả những bà đi xe lăn cũng lần mò đi ra.

Ra đón khách dĩ nhiên là những bà tương đối còn khoẻ, họ sống trong căn nhà lớn đầu tiên và ngủ trên những chiếc giường sắt giống như một trại lính.

Trên 50 bà sống chung một phòng thì chắc là có 'vấn đề'? tôi tự nghĩ và tìm cách khơi chuyện như sau:

-Chào các bà, tôi ở Texas qua, các bà có biết Cowboy Texas là gì không nào?

-Ha ha ha, các bà vui cười gật gù và chỉ trỏ vào chiếc nón tôi đang đội trên đầu. Tất nhiên, 'tiếng cười làm đầu câu chuyện' mà, tôi sẵn đà 'làm tới' luôn:

-Ớ Texas, cowboy có súng bắn nhau thế này, banh banh, nhưng ở đây không được mang súng đó... Vậy ngủ chung thế này thì các bà có hay 'cãi nhau' không nào?

-Có chứ, cãi nhau mỗi ngày. Các bà nhao nhao tranh nhau khoe thành tích.

-Vậy thì làm sao mà hết cãi nhau à?

-Có các Sơ can.

Hãy tưởng tượng phải giải hoà hàng chục vụ mỗi ngày cho nhửng bậc lão thành đầy 'ân oán', có lẽ chỉ có các Sơ ở đây mới đủ kiên nhẫn mà làm được thôi.

Những người nằm xuống:

Nhưng khi người ta còn cãi vã được là còn sức khoẻ và có thể tự lo liệu cho mình, đi xuống những khu kế tiếp thì không nghe tiếng nói, cũngchẳng có tiếng cười! Khu bại liệt và khu cách ly.

Có hàng chục bà đang ở hai khu này, phòng nhỏ hơn, 4 hay 2 người một phòng. Thường thỉ các Sơ cho 2 bà còn khoẻ nằm chung với 2 bà yếu hơn để họ có thể chăm sóc cho nhau.

Nhưng dù bệnh hay đã liệt, mỗi khi Sơ Hường xuắt hiện thì hình như các bà đều ngửng đầu lên, với tay nhận sự âu yếm và thì thầm kể lể...

Giống như cảnh bà mẹ giỗ con thơ.

Hiếm có người khách nào mà không khỏi bùi ngùi khi biết rằng mình đang chứng kiến những ngày tháng cuối cùng cuả những đời người đã bị xã hội hoàn toàn lãng quên.

Một bà với vẻ mặt dầy dạn, tuy không còn nói được nữa nhưng đôi mắt vẫn lộ vẻ tinh anh, chắp tay vá Sơ Hường nhưng không còń sức để tâm sự điều gì nữa, xin phép không nói tên cuả bà ra đây, nhưng cău chuyện cuả bà là một câu chuyện li kỳ có một không hai.

Đoạn kết cuả một đời giang hồ:

Xem tiếp bài 2

Vài lời về 'Bữa Cơm Tình Thương':

'Bữa Cơm Tình Thương' để gây quĩ hổ trợ các công việc từ thiện cuả hội dòng Đa Minh Tam Hiệp sẽ được tổ chức ngày Chuá Nhật 27 tháng 8 này tại nhà hàng Tasty China ở Garland TX. Chúng tôi sẽ có phóng sự sau.

Xin được đính kèm brochure và thiệp mời cuả ban tổ chức để giới thiệu với các độc giả cư ngụ quanh vùng Dallas-Ft Worth, xin liên lạc với các số trong thiệp mời:








 
Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại : Thánh Lễ Cam Kết Lần Đầu
Người Giồng Trôm
07:41 22/08/2017

Hôm nay, 22 tháng 8 năm 2017, ngày ghi dấu hồng ân của Chúa tuôn đổ trên Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại và cách riêng của 10 anh em tuyên lời cam kết lần đầu trong Hiệp Hội. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cầu nguyện và nhất là hoàn thành năm Tập, 10 anh em hôm nay quyết định tuyên lời cam kết trong Hiệp Hội.

Xem Hình

Từ rất sớm, nhiều khách mời, thân nhân, ân nhân, gia đình và quý Cha xứ cũng như Cha quen biết đã đến với ngôi nhà thờ Tân Sa Châu – nơi mà Cha Sở sở hữu nhiều cổ vật nhất. Khi bước vào sau khu vực nhà xứ và nhất là vào phòng trưng bày, chúng tôi thật choáng ngợp cũng như nể phục bộ sưu tập của Cha Triết – Chánh Xứ Tân Sa Châu.

7 g 45, tiếng kèn trổi lên thật hoành tráng để đón sự hiện diện của Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc - Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn.

8 g 00, đoàn đồng tế cất bước lên đường vào Thánh Điện. Chủ tế Thánh lễ cam kết lần đầu trong Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại hôm nay là Đức Tổng Phaolô. Cùng đồng tế với Đức Tổng có khá đông linh mục thân quen, chính xứ, bạn hữu ...

Trong bài giảng, Đức Tổng Phaolô mời gọi cộng đoàn cùng nhìn về 3 lời cam kết khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời dựa trên Bài Giảng Trên Núi của Thánh Matthêu. Thế nhưng, trước khi đi vào bài giảng, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn cùng hiệp lời cầu nguyện cho Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại.

Sau bài giảng là nghi thức cam kết lần đầu của 10 anh em.

Cha Bề Trên Louis Bertrand Cao Đức Thuận nhận lời cam kết của 10 anh em. Nghi thức kết thúc, Đức Tổng, quý Cha đồng tế và đặc biệt Cha Bề Trên, phó Bề Trên Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại đã chúc mừng quý Thầy vừa tuyên lời cam kết.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Đức Tổng ngỏ chút tâm tình với cộng đoàn về Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại. Sau nhiều lần kiên trì để rồi Đức Tổng chấp nhận sự hiện diện của Hiệp Hội tại giáo phận Sài Gòn. Trước đó, Cha Bề Trên Louis Bertrand Cao Đức Thuận thay mặt Hiệp Hội ngỏ đôi lời cảm ơn Đức Tổng Phaolô, các đặc biệt Cha Bề trên nhờ Đức Tổng chuyển lời cảm ơn của Hiệp Hội đến Cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân. Cha Bề Trên cảm ơn quý Cha và nhất là Cha Chánh xứ Tân Sa Châu.

Những bó hoa tươi thắm dâng lên Đức Tổng, Cha Bề Trên, Cha Phó Bề Trên Hiệp Hội và Cha xứ Tân Sa Châu gói ghém lòng biết ơn và tình cảm của Hiệp Hội đến các Ngài.

“Biết lấy gì cảm mến ...” đã khép lại Thánh Lễ Cam kết lần đầu trong Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại hôm nay. Nhiều bức hình ghi dấu ngày hồng phúc hôm nay được nhiều máy hình và cả máy quay ghi lại.

Sau Thánh Lễ, cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cùng chung vui với Hiệp Hội và nhất là 10 Thầy cam kết lần đầu hôm nay trong bữa cơm thân mật và đậm tình bác ái. Nguyện chúc Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại ngày một phát triển và xin Chúa luôn gìn giữ Hiệp Hội trong bàn tay quan phòng của Chúa.

Đôi nét về quyết định thành lập Hiệp hội Thánh Phaolô tông đồ dân ngoại

- Trụ sở đặt tại số 881/4 CMT8 phường 7, Quận Tân Bình, Tp. HCM.

- Đức Tổng Giám mục Phaolô chấp thuận cho Hiệp hội được sống thử nghiệm theo bản dự thảo hiến pháp Tu đoàn Thánh Phaolô tông đồ dân ngoại đã được điều chỉnh và trình cho Đấng Bản quyền Giáo phận ngày 03.05.2016.

- Thời gian thử nghiệm khởi đầu của Hiệp hội sẽ kéo dài trong vòng 5 năm kể từ ngày 10.06.2016.

- Sau thời gian thử nghiệm thích hợp và hội đủ các điều kiện đòi hỏi theo luật định, Hiệp hội này có thể được Đấng Bản quyền xem xét để quyết định nâng lên thành Tu đoàn giáo sĩ thuộc quyền Giám mục Giáo phận sau khi tham khảo ý kiến của Tòa Thánh.

- Các sinh hoạt riêng và hoạt động tông đồ của Hiệp hội được đặt dưới sự hướng dẫn và giám sát của Đấng Bản quyền Giáo phận trong suốt thời gian thử nghiệm theo quy định của Giáo luật.
 
Dòng Trinh Vương : Mừng Bổn Mạng
Người Giồng Trôm
08:30 22/08/2017
Cùng với Giáo Hội, hôm nay 22 tháng 8 năm 2017, Dòng Trinh Vương mừng Lễ Mẹ Maria Trinh Nữ Vương. Thế nhưng, với Hội Dòng Trinh Vương hôm nay lại là ngày long trọng hơn cả trong việc mừng kính Mẹ vì đây là Lễ bổn mạng của Hội Dòng.

Xem Hình

Thánh Lễ mừng trọng thể được cử hành lúc 10 giờ 00. Rất nhiều người có liên hệ cách này cách khác và cả quý ông bà cố cũng trở về với Nhà Mẹ thân yêu của Hội Dòng cùng hiệp lời tạ ơn và xin ơn trong Thánh Lễ đặc biệt này.

Chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Cha Andre Huỳnh Ngọc Lâm – Cha Sở họ đạo Cái Tắc – Giáo Phận Vĩnh Long. Cùng đồng tế với Cha Andre có Cha Tuyên Úy, cha Phó Bùi Môn, Cha Sở Cầu Lớn và vài Cha khác nữa.

Trong bài chia sẻ rất hấp dẫn, Cha Phaolô Nguyễn Phong Phú – Cha Sở Cầu Lớn (sẽ là cha sở Thanh Đa vào cuối tháng 9 theo bài sai mới nhất của Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc) đã đưa cộng đoàn chìm sâu vào chiêm ngắm hình ảnh của Đức Maria – Trinh Nữ Vương.

Cha Phaolô đã khéo léo mượn hình ảnh của trò chơi trốn tìm 5, 10, 15, 20... của tuổi thơ để diễn tả hình ảnh Thiên Chúa tìm con người khi con người bỏ trốn Ngài... Cha Phaolô đã mời gọi cộng đoàn cùng suy niệm và tự mình tra vấn về mình về vấn đề tìm gặp Chúa, tìm gặp tha nhân và tìm gặp chính mình (video bài giảng https://youtu.be/bqUxOCftvcI )

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, chị Tổng Cố vấn 1 của Hội Dòng ngỏ đôi lời cảm ơn Cha Tuyên Úy, Cha Chủ tế, quý Cha đồng tế, quý ông bà cố và thân nhân. Đặc biệt Sơ Tổng Cố Vấn đã cảm ơn quý ân nhân. Nhờ quý ân nhân chia sẻ mà Nhà Dòng mới có được như ngày hôm nay.

Sau Thánh Lễ, mọi người ra về trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương, nhất là sẽ cầu nguyện cho Hội Dòng Trinh Vương. Mọi người sẽ không quên để cầu nguyện cho điều cần thiết nhất hiện tại đó là cho ngôi Nguyện Đường của Hội Dòng sớm hoàn tất để phục vụ cho việc thờ phượng Chúa, cử hành các giờ kinh phụng vụ, cầu nguyện...

Công trình còn đó nhiều khó khăn về vật chất cũng như giấy phép... xin Chúa và đặc biệt nhất là Mẹ Maria Trinh Nữ Vương ban muôn ơn lành cho Hội Dòng để Nhà Nguyện được xây dựng cách tốt đẹp và nhất là cho Hội Dòng ngày càng phát triển như lòng Chúa mong muốn.

DÒNG NỮ TU THỪA SAI ĐỨC MẸ TRINH VƯƠNG

Lược sử: Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương do Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi ban sắc lệnh thiết lập (Decretum erectionis) ngày 14-9-1953 tại Liên Thuỷ, Bùi Chu với danh hiệu Mến Thánh Giá Bùi Chu.

Ngày 10-11-1954, ngài uỷ thác cho cha Bernardo Maria Bùi Khải Hoàn, CMC, phụ trách Hội dòng.

Năm 1959, được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chấp thuận, cha Bernardo Maria Bùi Khải Hoàn viết Hiến pháp cho dòng và xin đổi danh hiệu Mến Thánh Giá thành dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (quen gọi dòng Trinh Vương). Với văn thư số 96/66 ngày 28-1-1966 gửi về Toà Tổng giám mục Sài Gòn, Toà Thánh đã chấp thuận Hiến pháp và việc đổi tên dòng. Đức Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình, bằng văn thư số 365/66 ngày 14-5-1966, đã ban sắc lệnh công bố Hiến pháp trên và đổi tên dòng.

Văn thư số DD 2455–1/98, ngày 18-9-1999, Bộ Tu sĩ đã công nhận Đức Cha Lambert de La Motte là vị sáng lập trong lịch sử, và cha Bernardo Maria Bùi Khải Hoàn là vị đồng sáng lập của dòng.

Bổn mạng: Lễ Đức Maria Nữ Vương, 22-8.

Mục đích:

- Làm vinh danh Chúa do việc thánh hoá các phần tử trong dòng.

- Thực hiện việc tông đồ trong các lĩnh vực: dạy giáo lý, mục vụ, giáo dục, y tế, bác ái xã hội, cách riêng cho những người nghèo.

Hoạt động:

- Giáo dục trẻ em, đặc biệt trẻ em dân tộc thiểu số; thăm viếng, giúp đỡ những người nghèo, nhất là anh em dân tộc thiểu số.

Nhân sự: Gồm 11 cộng đoàn với số tu sĩ khấn trọn 225, khấn tạm 108, tập sinh 66, đệ tử 70.

Điều kiện tuyển chọn:

- Thiếu nữ tuổi từ 17-25,

- Đã tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc trình độ văn hoá tương đương với tuổi,

- Có thiện chí rõ rệt muốn tận hiến cho Chúa,

- Óc phán đoán quân bình và có khả năng sống cộng đoàn,

- Sức khoẻ đủ để chu toàn các trách vụ trong dòng.

Địa chỉ Nhà Mẹ:

41/2D Tân Tiến, Xuân Thới Đông, Hóc Môn,

TP. HCM. Đt: 08 8910676-7109011

Email: nttsdmtv@hcm.vnn.vn
 
Trại Hướng Đạo Trưởng Niên: Bách Hợp 2017
Liên Hương
11:51 22/08/2017

Khoảng 80 Hướng Đạo Trưởng Niên từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ đã về Nam California tham dự Trại Bách Hợp 2017 với khẩu hiệu "Về Nguồn" được tổ chức từ ngày thứ Năm, 17 tháng 8, đến Chúa Nhật 20 tháng 8, 2017 tại The Irvince Ranch Outdoor Education Center, thuộc thành phố Orange, California.

Sáng thứ Năm Ban Quản Trại và một số trại sinh đến sớm chuẩn bị đất trại, dựng cột cờ và cổng trại. Đến trưa các trại sinh đã nhập trại, sau khi làm xong thủ tục nhập trại, nhận kỷ vật trại, nhận chỗ ở, nhận đội, kết thân, ăn cơm chiều, tập văn nghệ của làng và đội. 10 giờ tối các trại sinh nghỉ ngơi. Các trại sinh từ 30 đến 84 tuổi, đến từ tiểu bang Boston xa nhất, và gần nhất là Nam California.

Sáng thứ Sáu, chương trình được khai mạc lúc 9 giờ sáng. Các trại sinh tập họp trước sân cờ và cùng nhau hát bài Nguồn Thật 2 lần: “Anh em chúng ta chung một đường lên, chung một đường lên đến nơi nguồn thật. Nguồn thật là đây sức sống vô biên. Sống vô biên là sống cùng tạo vật...”

Trưởng lớn tuổi sống lại thời còn làm Thiếu sinh
Trưởng Lê Văn Phước (Văn Phòng Trưởng Văn Phòng Trưởng Niên Tây Nam Hoa Kỳ) đã trao cờ Bách Hợp (HĐ Trưởng Niên) cho Trại Trưởng Nguyễn Cửu Lâm (Gia Trưởng Gia Đình Bách Hợp Nam California) . Trong nghi thức thượng cờ: Hoa Kỳ, VNCH, cờ Hướng Đạo và cờ Bách Hợp. Các trại sinh dành một phút thinh lặng để tưởng nhớ anh linh tổ tiên, anh hùng liệt nữ đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc và các Trưởng đã gầy dựng nên phong trào HĐVN, các Hướng Đạo Sinh ra đi. Sau phần chào cờ, Tr. Lê Ngọc Giao (Làng Quảng Tế Nam California) giới thiệu quan khách tham dự gồm: Trưởng Nguyễn Trí Tuệ (Tổng Thư Ký Ban Thường Vụ Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo VN), Trưởng Hồ Đăng (Ủy Viên Liên Lạc và Phát Triển HĐ Trưởng Niên), Trưởng Nguyễn Đoàn (Ban Huân Chương HĐTƯ), Trưởng Lê Văn Phước (Văn Phòng Trưởng Văn Phòng Trưởng Niên Tây Nam Hoa Kỳ, Trưởng Nguyễn Tấn Tiến (đại diện miền Tây Nam Hoa Kỳ); Các Trưởng đai diện: Gia Đình Bách Hợp Nam California, Làng Quảng Tế Nam California, các Làng Bách Hơp Vùng Vịnh (Bắc California), Dallas, Houston, Seattle, Boston, San Diego, Vạn Kiếp và các Trưởng niên độc lập cùng các phóng viên.

Trại Trưởng mời Văn Phòng Trưởng Văn Phòng Trưởng Niên cùng hai Trại Phó Nguyễn Xuân Huề (Làng Quảng Tế) và Trần Duy Mỹ (Làng Vạn Kiếp) cùng lên đứng chung để ngỏ lời chào các Trưởng Niên và thân hữu đã đến tham dự Trại Bách Hợp 2017.

Trao huan chuong Bách hợp
Trại Trưởng Nguyễn Cửu Lâm chuia sẻ: “Cách đây hai năm, chúng ta có trại Bách Hợp 2015 và năm 2016 trong Hội nghị Trưởng có buổi họp mặt Trưởng Niên. Từ thời gian đó đến nay, mỗi người chúng ta đều mong có cơ hội để gặp gỡ nhau, vui chơi cùng nhau và Văn Phòng Trưởng Niên đã yêu cầu Trưởng Niên Nam California tổ chức Trại Bách Hợp, và do đó mà Trại Bách Hợp 2017 hình thành và chúng ta có mặt ở đây hôm nay.”

Ban tổ chức mời Trưởng Nguyễn Trí Tuệ, Trưởng Lê Văn Phước, Trưởng Nguyễn Tấn Tiến phát biểu và chào mừng các trại viên. Những lời phát biểu thân tình của các Trưởng nêu trên được các trại sinh đáp lại bằng những băng reo kéo dài. Toàn thể trại sinh và quan khách chụp ảnh kỷ niệm. Sau đó, Trưởng Nguyễn Đoàn điều khiển chương trình sinh hoạt của toàn trại.

Trưởng Trần Thu Hà ngồi xe lăn
Trại sinh được chia thành đội. Các đội mang tên những nhân vật trong lịch sử VN (Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Lê Lai, Quang Trung, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Hưng Đạo Vương) Mỗi đội thưc hiện cờ đội và chọn bài hát đội. Các trại sinh sinh hoạt chung với hai buổi hội thảo do Văn Phòng Trưởng điều hợp. Sau buổi hội thảo, hai trưởng Bích Hường Webber và Nguyễn Đức Thăng (Làng Quảng Tế) nhận Huân Chương Bách Hợp từ Ban Thường Vụ Hội Đồng Trung Ương HĐVN. Sau giờ ăn chiều, các đội chuẩn bị cho văn nghệ buổi tối. Chương trình văn nghệ phong phú với những tiết mục của các làng được chuẩn bị trước và của các đội tổng hợp từ các làng đã cùng nhau hình thành và tập dợt trong ngày, Nhóm Du Ca Nam Cali cũng đến tham dự và đóng góp những bài hát cộng đồng làm các trưởng sống lại những ngày xa xưa khi còn đi sinh hoạt ở quê nhà. Buổi văn nghệ thật vui và ý nghĩa làm các trưởng dù đã lớn tuổi bổng nhiên thấy mình trẻ lại.

Qua ngày thứ Bảy, các trại sinh đi thăm đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại thành phố Westminster, thăm San Diego. Trở về khu trại để có Đêm Tâm Giao với chủ đề Về Nguồn (tâm tình và hy vọng). Những tâm tình thật cảm động, có Trưởng chia sẻ nhiều năm mới gặp lại đoàn sinh ngày xưa của mình mà giờ cùng là Hướng Đạo Trưởng Niên như mình. Tâm tình chia sẻ từ trưởng trẻ nhất (khoảng 30 tuổi) tham dự để biết thêm về HĐ Trưởng Niên), đến trưởng cao tuổi nhất (84 tuổi) mà tinh thần HĐ vẫn không phai nhạt. Các Trưởng chia sẻ cuộc đời HĐ từ khi làm Sói Convà qua chiến tranh, tù đày, tuổi già nhưng tinh thần với Lời Hứa và Luật HĐ giúp các Trưởng vẫn vui tươi và vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống. Cũng có Trưởng ngồi trên xe lăn nhưng vì mê HĐ và cơ hội được sống với các HĐS nên không ngại tham dư trại.

Giờ Tinh Thần
Ngày Chúa Nhật, 20 tháng 8, sau buổi ăn sáng có giờ tinh thần cho toàn trại, sau đó Trưởng Linh Mục Trần Công Nghị và Bùi Công Hiến Linh dâng thánh lễ cho các trại sinh Công Giáo, các trại sinh mỗi tôn giáo họp nhau để chia sẻ phần tâm linh của tôn giáo mình. Sau lễ hạ cờ bế mạc trại và Trại Trưởng trao cờ Bách Hợp lại cho Văn Phòng Trưởng, các trại sinh hạ cột cờ và cổng trại, dọn dẹp phòng trả lại như lúc mới đến,. Trước khi rời trại là phần đúc kết và trao các giải thưởng của trại, lời Chia Tay của Văn Phòng Trưởng và Trại Trưởng trại Bách Hợp.

Các Trưởng bịn rin chia tay và hẹn gặp nhau trong kỳ trại Thẳng Tiến 11 tại Virginia vào Hè năm 2018.

 
Đan Viện Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ mừng bổn mạng
Lê Quang Uyên
18:36 22/08/2017
Hằng năm vào tháng 8 sau tuần áp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ cùng Cộng Đoàn Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ tổ chức Mừng Bổn Mạng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, năm nay được tổ chức vào 2 ngày thứ Sáu 18 tháng 8 và thứ Bảy ngày 19 tháng 8 năm 2017 tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn ở Walnut Grove, California Hoa Kỳ.

Xem Hình

Chiều thứ Sáu ngày 18 tháng 8 các cộng đoàn Gia đình Châu Sơn khắp nơi tề tựu về Đan Viện có phần đông hơn mọi năm, với khí hậu mùa hè Cali nắng nóng, những ngày nầy lên đến trên dưới 95 độ F, nhưng với những tấm lòng yêu mến Đức Mẹ và Nhà Dòng nên cũng không quản ngại khó khăn những dặm đường dài chạy xe trên dưới 10 tiếng đồng hồ để đến từ khắp mọi nơi như ở Portland, Oregon, Nam + Bắc California, Folida, Texas và ngay cả nơi xa xôi như New York v.v…

Bắt đầu khai mạc Đại Hội bằng Thánh Lễ Tôn Kính Thánh Giuse tại Hội Trường Đan Viện vào lúc 7 giờ tối ngày thứ Sáu 18 tháng 8 năm 2017 do Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương cựu Phụ Tá Địa Phận Orange California Chủ Tế, cùng Đồng Tế có quý Cha Đan Viện, quý Thầy và quý Cha khách, tham dự Thánh Lễ còn có qúy Sơ Dòng Xitô Nữ Việt Nam các Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Thủ Thiêm v.v…và quý hội viên Gia Đình Châu Sơn các miền khắp nơi.

Cha Bề Trên Đan Viện Vincente Nguyễn Đình Hậu O,Ist. ngỏ lời chào đón và cám ơn Đức Cha Đaminh, quý Cha, quý Sơ các Hội Dòng và tất cả quý hội viên Gia Đình Châu Sơn đã hy sinh thời gian để về Đan Viện tham dự 2 ngày Đại Hội nầy.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ có nghi thức cung nghinh Thánh Thể quanh khuôn viên Đan Viện và sau đó được kiệu Mình Thánh Chúa về nhà nguyện của Đan Viện.

Bước qua ngày thứ Bảy 19 tháng 8 vào lúc 9 giờ sáng. Có buổi Hội Thảo do Cha Đaminh Đỗ Đức Toán là một hội viên của gia đình Châu Sơn thuyết giảng với đề tài: “Trong Đời Có Mẹ Cùng Đi”. Sau khi kết thúc buổi hội thảo là nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ Fatima tại khuôn viên Thánh Tâm Chúa và cung nghinh Kiêụ Đức Mẹ đến Hội Trường Đan Viện, đi theo đoàn kiệu có Đức Viện Phụ Dòng Xitô Hoa Kỳ quý Cha, quý Sơ và đông đảo hội viên.

Kết thúc nghi thức Cung Nghinh Đức Mẹ là tiết mục dâng hoa của các em thiếu nhi thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Sacramento trình diễn.

Thánh Lễ Đại Trào tại Hội Trường do Đức Cha William K. Weigand Nguyên Giám Mục Địa Phận Sacramento CA Chủ Tế và cùng Đồng Tế có Đức Viện Phụ Dòng Xitô Thomas X. Davis ở New Clever CA và Đức Cha Đanminh Mai Thanh Lương Nguyên Phụ Tá Địa Phận Orange County CA, Cha Bề Trên Đan Viện Vincente Nguyễn Đình Hậu, O,Ist. Cha Phụ Trách Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ Đominic Trần Thiết Hùng, O,Ist. Quý Cha của Đan Viện Châu Sơn như Lio Nguyễn Văn Tiên, Nicolas Lê Quang Thành và quý Cha khách.

Tham dự Thánh lễ Đại Trào ngoài các Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Sơ các Hội Dòng còn có rất đông hội viên và ân nhân của 20 miền đến từ khắp các Tiểu Ban Hoa Kỳ về tham dự.

Chia sẻ lời Chúa hôm nay do Đức Viện Phụ Thomas X. Davis thuyết giảng Ngài nói: Tất cả chúng ta đã hiểu về cuộc đời của Mẹ Maria như một người tôi tớ của Chúa, hôm nay tôi muốn so sánh cuộc đời của Maria và cuộc đời Chúa Giêsu con của Mẹ. Chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng Đức Maria đã tuyên xưng vì tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng lời Thánh Thiên Thần truyền và được diễm phúc là Mẹ của Thiên Chúa… Ngài nói tiếp: Tôi chọn một cái từ rất quan trọng đó là từ “tôi tớ”. Đức Maria là người tôi tớ phục vụ Thiên Chúa và ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Mẹ là chia sẻ sự sống của con Mẹ là Đức Giêsu, và Chúa Giêsu là tôi tớ của Thiên Chúa. Tôi đã chọn một câu trong Kinh Thánh của thư Thánh Phaolo gởi cho tín hữu Philliphê “Dầu là con Thiên Chúa nhưng Người không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Người đã tước bỏ vinh quang của mình để mặc lất thân phận con người của chúng ta, Ngài đã khiêm nhường, và hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết và chết trên cây thánh gía, bởi vì cái điều nầy mà Thiên Chúa đã nâng Người lên địa vị quan trọng….”

Cuối Thánh Lễ Cha Phụ Trách Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ, Đominic Trần Thiết Hùng đã ngỏ lời cám ơn quý Đức Cha, Quý Đức Viện Phụ, quý Cha, quý Sơ cùng tất cả các hội viên Gia Đình Châu Sơn, đồng thời Cha Phụ Trách cũng không quên cám ơn các ân nhân của Nhà Dòng đã quảng đại và giúp đở nhà dòng trong 17 năm qua, vì lòng yêu mến và quảng đại đó, nên đã tạo mọi điều kiện và hiến tặng cho Đan Viện mãnh đất nầy, nhờ đó mới có được cơ sở rộng lớn thân thương của chúng ta bây giờ, cũng như các hội viện của các cộng đoàn Việt Nam khắp nơi trên nước Mỹ, đã hưởng ứng và cộng tác với Đan Viện trong những ngày đầu tiên mới đặc chân đến đây và bây giờ vẫn tiếp tục và tiếp tục… “Hồng Ân, Tất Cả là Hồng Ân”.

Sau lời cám ơn, Cha Phụ Trách đã hướng dẫn cộng đòan đọc kinh “Cầu Cho Các Linh Hồn” đặc biệt cho các linh hồn hội viên đã qua đời. Sau đó Cha ngỏ lời mời quý Đức Cha, quý Cha, quý Sơ, quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả quý hội viên ở lại dùng buổi tiệc mừng và chương trình văn nghệ gíup vui.

Chương trình Đại Hội Mừng Bổn Mạng của Đan Viện được chất dứt lúc 3 giờ chiều, mọi người ra về trong hân hoan và lưu luyến, cùng nhau xin hẹn gặp lại năm sau ngày17 tháng 8 năm 2018.

Lê Quang Uyên
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một năm sau Niềm Vui Yêu Thương
Vũ Văn An
23:57 22/08/2017
Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục thế giới về tình yêu gia đình, Niềm Vui Yêu Thương, đã được công bố ngày 8 tháng Tư năm 2016, hơn một năm nay. Diễn trình hoàn thành tông huấn được kể là dài nhất trong mấy thập niên qua. Dù đụng đến một đề tài phức tạp và đề tài này từng gây sóng gió trong suốt diễn trình hai thượng hội đồng liên tiếp, người ta vẫn hy vọng với tông huấn của Đức Phanxicô, bầu khí thanh thản sẽ được lập lại.

Nhưng thực tế đã không xẩy ra như thế. Chỉ mấy tháng sau ngày công bố, các nghi ngại đối với tông huấn đã được nói lên thật rõ và thật to bởi rất nhiều nhà thần học và giáo phẩm, mà nổi nhất là bởi bốn vị Hồng Y, tuy không nắm giữ chức vụ gì quan trọng hiện thời, nhưng có một quá khứ không đến nỗi mờ nhạt cho lắm. Người ta gọi các ngài là 4 Hồng Y nghi ngại.

Cho đến nay, nỗi nghi ngại của các ngài vẫn còn đó và dường như nó vẫn được một số giới trong Giáo Hội nghiền ngẫm suy tưởng. Và do đó, một làn mây không chắc chắn đang phủ lên bầu trời tín lý của Giáo Hội.



Tại sao chưa để cuộc tranh luận lắng dịu?

Ngày 11 tháng Tư năm 2017, Linh Mục Raymond J. de Sousa đặt câu hỏi: Tại sao ta chưa thể để cuộc tranh luận “Niềm Vui Yêu Thương” lắng dịu?

Và linh mục de Sousa trả lời: chưa, “nếu bạn tin rằng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân đang lâm nguy, lòng trung thành của Giáo Hội đối với giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giêsu, và khả năng của Giáo Hội trong việc cung cấp một giải pháp tin mừng thay thế cho cuộc cách mạng tình dục, một cuộc cách mạng mà chất axít của nó đã hủy hoại rất nhiều niềm vui yêu thương được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề xuất”.

Nhân dịp này, linh mục de Sousa bác bỏ lập trường của Đức Hồng Y Wuerl, tổng giám mục Washington D.C., Hoa Kỳ. Vị giáo phẩm này đề nghị phương pháp giải thích tông huấn thích đáng nhất là coi không có gì trong tông huấn này thay đổi tín lý của Giáo Hội cả: tính bất khả tiêu của hôn nhân còn nguyên vẹn, các chỉ thị của Bộ Giáo Luật còn nguyên vẹn và cả vai trò của lương tâm cá nhân trong việc xác định trách nhiệm tội lỗi vẫn còn nguyên vẹn.

Về điểm sau cùng, Đức Hồng Y Wuerl viết rằng “Tông huấn không tạo nên một thứ diễn trình tòa trong để vô hiệu hóa hôn nhân hay để thay đổi trật tự luân lý khách quan. Thay vào đó, tông huấn nhấn mạnh nhiều hơn tới vai trò của lương tâm cá nhân trong việc thích ứng hóa các chuẩn mực luân lý này vào các hoàn cảnh thực tại của bản thân”.

Linh mục de Sousa cho rằng Đức Hồng Y Wuerl co thể đúng khi cho rằng không có gì thay đổi về tín lý, vì ngài đọc nó như một giáo lý viên bậc thầy. Nhưng nhiều vị giáo phẩm khác không đọc nó như vậy. Các giám mục Malta, chẳng hạn, hay một số giám mục Đức. Họ rõ ràng đọc nó như một thay đổi về tín lý.

Tuy nhiên, điều Đức Hồng Y Wuerl hay các giám mục Malta nghĩ không quan trọng. Điều linh mục de Sousa mong ước là chính đức Phanxicô lên tiếng nói rằng Đức Hồng Y Wuerl đúng, và các giám mục Malta sai.

Quả thực, theo linh mục de Sousa, hiện có hai lối giải thích Niềm Vui Yêu Thương nhất là những điều liên quan tới giáo huấn về tình trạng các cặp sống trong một cuộc kết hợp tính dục ở bên ngoài cuộc hôn nhân hợp pháp.

Trường hợp thứ nhất là một người thừa nhận cuộc kết hợp của mình trái với giáo huấn Tin Mừng, và mong muốn một là ly thân hay, ít nhất, hạn chế các liên hệ tính dục, nhưng không thể làm được. Lý do thường được nêu ra là các hậu quả do người kia đe dọa.

Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, đứng đầu cơ quan giải thích các bản văn giáo luật, đưa ra trường hợp một người đàn bà muốn thế, nhưng người chồng theo dân luật sẽ tự sát nếu họ ngưng giao hợp tính dục.

Theo linh mục de Soua, thoạt nghe, trường hợp này có vẻ đầy cảm kích, nhưng thực ra, nó vẫn nằm trong truyền thống Công Giáo: người ta sẽ không có tội nếu làm một điều xấu nặng nhưng không hiểu biết về nó hoặc thiếu tự do khi làm nó.

Trường hợp thứ hai là hoàn cảnh của một cặp không lấy nhau hợp pháp, một là ly dị và tái hôn, hai là sống chung chưa bao giờ lấy nhau; cặp này hoàn toàn biết rõ mối liên hệ của họ trái ngược với Tin Mừng, nhưng quyết định tiếp diễn các liên hệ tính dục, coi nó như một diễn trình tốt hơn, xét vì nếu ly thân hay tiết dục sẽ dẫn tới các tội mới.

“Những tội mới” này là gì thì không được chỉ rõ nhưng không phải là các khó khăn cố hữu của việc tuân theo luật lệ luân lý trong một thế giới sa ngã.

Lối giải thích này quả có đi trệch ra ngoài giáo huấn về hôn nhân của Thánh Kinh. Theo cha de Sousa, đây là lãnh vực mà hình như đoạn 301 của Niềm Vui Yêu Thương đề cập tới khi nó dậy rằng “một chủ thể có thể biết trọn vẹn lề luật, thế nhưng… ở trong một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động và quyết định khác được mà không phạm thêm tội”.

Xem ra điều muốn nói ở đây là trong một số hoàn cảnh, sẽ tốt hơn nếu chọn sống các liên hệ tính dục ngoài hôn nhân một cách có hiểu biết và ưng thuận hoàn toàn. Đây quả là một điều mới lạ đối với giáo huấn của Giáo Hội vì đã dạy rằng có những hoàn cảnh trong đó về phương diện luân lý, người ta được phép thi hành các liên hệ tính dục ngoài hôn nhân hợp pháp.

Nếu thế, thì nó đã mâu thuẫn với giáo huấn rõ ràng của Thánh Kinh về hôn nhân và các liên hệ tính dục. Niềm Vui Yêu Thương có dạy thế không?

Linh mục de Sousa cho rằng chỉ có Đức Phanxicô mới làm người ta an lòng chứ không phải lời khẳng định của Đức Hồng Y Wuerl rằng Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.

Một sự im lăng từng bị kết án

Sự im lặng của Đức Phanxicô đã gợi hứng cho linh mục Regis Scanlon, Dòng Capuchin Phanxicô, viết bài “Lịch sử nói với ta điều gì về Niềm Vui Yêu Thương”. Trong bài này, linh mục thuật lại câu truyện đã xẩy ra cách nay 1,500 năm dưới triều giáo hoàng của Đức Honorius I (625-638).

Đức Honorius bị áp lực phải phản ứng đối với lạc giáo Nhất Chí (monothelitism) được lòng người lúc đó; lạc giáo này cho rằng Chúa Giêsu Kitô, về phương diện bản tính, chỉ có một ý chí. Nhưng Giáo Hội vốn dạy rằng về phương diện bản tính, Người có hai ý chí không thể tách biệt nhau nhưng khác biệt nhau hay hai hoạt động khác biệt nhau. Đồng thời, Giáo Hội cũng dạy rằng về phương diện luân lý, Người chỉ có một ý chí và một hành động mà thôi. Nói cách khác, không có sự đối chọi nào giữa hai ý chí và hai hoạt động nơi Chúa Kitô.



Mặc dù Đức Honorius tin giáo huấn chân thực của Giáo Hội, nhưng ngài muốn tránh rắc rối trong Giáo Hội và tránh xúc phạm những người Nhất Chí, mà một trong số họ chính là Hoàng Đế Heraclius. Giống ngày nay, các giám mục muốn được minh xác, nhưng Đức Honorius khuyên nên giữ im lặng. Ngài khuyên giám mục Sergius như sau:

"Các trước tác thánh đã minh chứng rõ ràng rằng Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Chúa Con và Lời của Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, là một, khi thực hiện các việc thuộc Thiên Chúa và thuộc người ta. Tuy nhiên, về vấn đề các việc làm của Nhân Tính và Thần Tính, liệu một hoặc hai hoạt động cần phải được công bố và hiểu biết, thì những việc này không thuộc chúng ta; chúng ta hãy để chúng cho các nhà văn phạm học; những người này quen thuộc với việc trình bầy với giới trẻ nguồn gốc có giá trị nhất của các chữ dùng… Ta khuyên hiền huynh hãy giảng dậy với ta rằng có một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa chân thật nhất trong hai bản tính, hoạt động theo thần tính và theo nhân tính, vì ta vốn nhất trí với hiền huynh trong đức tin chính thống và sự hợp nhất Công Giáo, nhưng tránh không dùng các chữ đã được du nhập, tức một hay hai hoạt động”.

Ta nên lưu ý lời của Đức Honorius: “…những việc này không thuộc chúng ta; chúng ta hãy để chúng cho các nhà văn phạm học…” Ngài nghĩ rằng chân lý đã rõ ràng đủ và Giáo Hội không cần phải minh xác thêm nữa bằng các hạn từ như hai hoạt động và hai bản tính.

Tuy nhiên, khoảng 40 năm sau ngày Đức Honorius qua đời, Công Đồng Chung Thứ Sáu của Giáo Hội đã kết án sự kiện ngài giữ im lặng. Đức Giáo Hoàng Lêô II, kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Agatho, chấp nhận việc kết án này. Trong lá thư xác nhận gửi cho Hoàng Đế Constantine Pogonatus, ngài viết:

"Ta cũng kết án tuyệt thông những người sáng chế ra sai lạc mới, tức Theodore, giám mục Pharan, Cyrus thành Alexandria, Sergius, Pyrrhus, Paul, và Peter, là những kẻ gài bẫy chứ không hướng dẫn, thuộc Giáo Hội Constantinople; và cả Honorius, người đã không soi sáng Giáo Hội Tông Truyền này bằng tín lý của truyền thống Tông Đồ, nhưng để cho nó, vốn không tì vết, bị tì vết bởi sự phản bội phàm trần”.

Và trong thư gửi các giám mục Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng Lêô II cũng quả quyết rằng:

“Tuy nhiên, những ai dám chủ trương chống lại tính tinh ròng của tín lý Tông Truyền, đi trệch ra khỏi nó, thì quả thực đã bị kết án đời đời; họ là Theodore thành Pharan, Cyrus thành Alexandria, Sergius, Pyrrhus, Paul, và Peter, đều là người Constantinople; với Honorius người đã không dập tắt ngọn lửa chớm nở của tín điều lạc giáo, vốn là việc thích đáng của thẩm quyền Tông Truyền, nhưng vì sao lãng, đã nuôi dưỡng nó”.

Do đó, quyết định của Đức Honorius đã bị lên án không phải vì tích cực rao giảng sự sai lầm hay lạc giáo, mà chỉ vì đã “sao lãng” việc giảng dậy sự thật!

Cha Scanlon kết luận: “Trường hợp cổ xưa trên giúp ta liên hệ với Niềm Vui Yêu Thương. Dù sao, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đang giữ im lặng, rõ ràng để các giám mục tự ý đoán ra ý nghĩa của văn kiện mà không được ngài giúp đỡ mặc dù có những lời kêu gọi được soi sáng để tránh mù mờ xao xuyến. Trong khi sự im lặng của Đức Honorius ảnh hưởng tới tín lý đức tin (học lý), hành động của Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn nghiêm trọng hơn nữa vì sự im lặng của ngài liên quan tới các hành vi luân lý (thực hành) là điều trực tiếp và nhanh chóng ảnh hưởng tới người ta hơn.

Linh mục Scanlon tự hỏi: tại sao Đức Phanxicô giữ im lặng? Và ngài tự động trả lời: cho đến nay, chúng ta không biết tại sao. Theo ngài, chúng ta có thể nêu ý kiến, khẩn khoản yêu cầu, và ta thán một vị giáo hoàng về các hành động hay không hành động của ngài, như Thánh Nữ Catarina thành Sienna vốn làm, nhưng ta không thể chính thức xử án ngài. Chỉ có vị giáo hoàng mới xử án một vị giáo hoàng mà thôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Niềm Vui Yêu Thương chắc chắn sẽ được một vị giáo hoàng sau này phán kết. Liệu ngài có được xử sự tốt hơn Đức Honorius hay không, không ai biết. Chỉ có Thiên Chúa mới biết. Chúng ta không biết hết mọi sự. Có những lý do mà chúng ta không biết tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ khước không giải quyết cuộc tranh chấp. Và bất chấp mọi điều đã được nói ra và thực hành, rất có thể ngài sẽ được các vị giáo hoàng sau này xử sự tốt hơn Đức Honorius.

Còn 1 kỳ: Sửa Sai Công Khai
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Cỏ May
Thérésa Nguyễn
18:33 22/08/2017
HOA CỎ MAY
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Cỏ may nhìn thấy tầm thường
Ngẫm ra
Bàn tay Thượng đế phi thường khắp nơi.
(tn)