Ngày 24-08-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 24/08/2015
5. CÓ ĐỦ BẢN LĨNH.
N2T

Huệ tử phải đi nước Lương để làm tể tướng, lúc qua sông vì không cẩn thận nên rơi xuống nước, may sao ông lái đò hết sức tận lực cứu vớt mới thoát hiểm, ông lái đò nói:
- “Nhìn ngài rơi xuống nước, một chút phương pháp (bơi lội) cũng không có ! Người như ngài thì làm sao có thể làm tể tướng một nước chứ ?”
Huệ tử nói:
- “Chèo thuyền, lội nước thì tôi không bằng ông, nhưng trị nước thì ông làm sao có thể bằng tôi chứ ?”
(Thuyết Uyển)

Suy tư 5:
Cổ nhân nói: ”Nhân vô thập toàn”.
Không ai có thể đạt tới “hoàn mỹ trọn vẹn”, chỉ có Thiên Chúa là Đấng Chân-Thiện-Mỹ-Thánh, vì thế giữa con người với nhau không ai có thể khinh bỉ, chê cười người anh em chị em của mình là ngu, là đần, vì như thế sẽ bị đưa ra trước thượng hội đồng để xét xử.
Không phải ai sinh ra cũng đều làm tổng thống, cũng không phải ai sinh ra cũng đều làm kỹ sư, làm bác sĩ hay làm giáo sư; cũng không ai sinh ra trên đời này đều trở thành anh nông dân chân lấm tay bùn, hoặc mọi người đều trở thành nô lệ. Nhưng mỗi người đều được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng phải chu toàn, đó chính là thăng tiến mình trong bổn phận, tìm thấy giá trị bổn phận ngay trong chính cuộc sống của mình và của anh em, chị em.
Biết bơi lội và biết trị quốc thì không giống nhau, biết làm ruộng và làm bác sĩ thì không giống nhau.v.v...nhưng mỗi người mỗi nghề, mỗi người mỗi việc thì xã hội này, thế gian này sẽ phong phú và ngày càng đẹp hơn.
Nên lấy cái hay của mình để bổ khuyết cái chưa hay chưa tốt của anh chị em mình, hoặc lấy cái ưu điểm của người khác để bổ túc cho cái thiếu sót của mình, và khi chúng ta làm như thế thì chúng ta đã trở thành anh em một nhà, con một của Cha trên trời rồi vậy.
Người có bản lĩnh là người biết lấy cái ưu điểm của người khác để học hỏi cho mình, và coi khuyết điểm của người khác cũng là khuyết điểm của mình hôm nay và ngày mai để sửa đổi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 24/08/2015
N2T

59. Có thể hiểu Đức Mẹ Ma-ri-a hưởng địa vị cao quý trên thiên đàng, thì có thể nhận ra tất cả số lượng ân thánh sủng ở trên thế gian này Mẹ đều có.

(Thánh Bernadus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Minh xác của Ban Tổ Chức về việc qua Cửa Năm Thánh
Lm Trần Đức Anh OP
15:07 24/08/2015
VATICAN. Ngoại trừ trường hợp Đền thờ Thánh Phêrô, không cần đăng ký trước để đi qua Cửa Năm Thánh ở 3 Đền thờ khác: Thánh Gioan Laterano, Đức Bà Cả và Phaolô ngoại thành.

Trên đây là minh xác của Ban Tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, thuộc Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, trong thông cáo ngày 20-8 vừa qua.

Về việc đi qua Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, thông cáo cho biết:

1. Để giúp các tín hữu thực hiện một cuộc hành hương ngắn tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, Ban tổ chức dự trù một lộ trình đi bộ dành riêng cho các tín hữu lữ hành: bắt đầu từ Lâu Đài Thiên Thần (Castel Sant'Angelo), đi qua đường Hòa Giải, quảng trường Piô 12 và quảng trường Thánh Phêrô để đi vào Cửa Năm Thánh. Vì có đông người nên tín hữu được tha thiết khuyên thông báo việc mình tới Roma và thời gian muốn thực hiện cuộc hành hương như vậy.

2. Để tránh những chờ đợi vô ích và để tạo điều kiện tháp tùng tinh thần khi tiến qua Cửa Năm Thánh, điều quan trọng là các nhóm có tổ chức hãy lo liên lạc với Văn phòng Tổ chức, qua phân bộ ”Registrazione pellegrini” (Đăng ký tín hữu hành hương” ở trang mạng chính thức của Năm Thánh (www.im.va) sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2015.

3. Sau khi đăng ký trên mạng ấy, ngoài việc ghi tên dự các Biến Cố Lớn, có thể chọn ngày giờ phỏng chừng để đi qua Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô.

4. Văn phòng tổ chức sẽ xác nhận đơn xin đăng ký và cho biết thời khóa biểu tốt nhất nên trình diện để bắt đầu lộ trình (từ Lâu Đài Thiên Thần) tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô. Phương thức này giúp giảm bớt tối đa sự chờ đợi, đồng thời bảo đảm bầu không khí cầu nguyện và tịnh niệm khi hành hương đi bộ tiến về Cửa Năm Thánh.

5. Có thể đăng ký theo nhóm hoặc cá nhân tín hữu hành hương. Nên thực hiện việc đăng ký duy nhất, kể cả cho một nhóm nhỏ không có tổ chức, hoặc một nhóm gia đình, để có thể đi chung với nhau trong cùng một thời điểm.

6. Để có thêm thông tin, và đối với những tín hữu không đăng ký trước trên mạng, thì chúng tôi mời họ đến ”Trung Tâm tiếp đón khách hành hương” ở số 7 đường Hòa Giải (Via della Conciliazione) sắp được mở cửa. Tại đây có những người thiện nguyện giúp thực hiện cuộc hành hương vào lúc thuận tiện nhất.

Tất cả 4 Đền thờ Giáo Hoàng ở Roma đều có một ban cứu cấp, do những người thiện nguyện phục vụ. Ngoài ra có những người thiện nguyện giúp đỡ những người khuyết tật.
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các tín hữu Kitô hiệp nhất
Lm Trần Đức Anh OP
15:08 24/08/2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu xin Chúa ban cho tất cả các tín hữu Kitô thành tâm tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn và cộng tác phục vụ nhân loại.

Lập trường của ĐTC được bày tỏ trong điện văn của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ngài gửi đến Công nghị của Giáo Hội tin lành Valdese-Methodiste Italia, nhóm họp tại Tore Pellice thuộc thành phố Torino từ 23 đến 28-8-2015.

ĐHY Parolin cho biết ”ĐTC nồng nhiệt chào mừng các tham dự viên Công nghị và, như một dấu chỉ sự gần gũi tinh thần ngài sốt sắng cầu xin Chúa ban cho mọi Kitô hữu thành tâm tiến bước tiến về sự hiệp thông trọn vẹn, để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngừơi, cộng tác phục vụ nhân loại, đặc biệt là bảo vệ phẩm giá con người, thăng tiến công lý và hòa bình, và cùng nhau mang lại những câu trả lời chung đang làm cho dân chúng đau khổ, nhất là những ngừơi nghèo và yếu thế nhất”.

Ngày 21-6 năm nay, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm tại Torino, bắc Italia, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm Đền thờ Tin Lành Valdese cũng tại thành phố này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến thăm và gặp gỡ cộng đoàn Tin Lành bé nhỏ này, với 30 ngàn tín hữu toàn quốc, hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Methodist. (SD 24-8-2015)
 
Viễn kiến Công Giáo tại cuộc gặp gỡ Rimini
Vũ Van An
17:26 24/08/2015
Cuộc gặp gỡ thân ái hàng năm do Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức tại Rimini luôn lôi cuốn chừng 7 trăm ngàn người. Năm nay, cuộc gặp gỡ lần thứ 36, với sự hiện diện của đại diện nhiều tôn giáo và tuyên tín khác, diễn ra trong các ngày từ 20 tới 26 tháng 8, chủ đề trích từ một câu thơ của thi sĩ Ý quá cố Mario Luzi “Hỡi trái tim, thiếu thốn này là thiếu thốn chi, một thiếu thốn bỗng nhiên ngươi được tràn đầy?”

Chỉ Thiên Chúa mới đổ đầy trái tim con người

Nhân dịp này, Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã gửi tới Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini, một thông điệp nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm tràn đầy trái tim con người. Nguyên văn thông điệp như sau:

Thưa Đức Cha rất đáng kính,

Nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô và nhân danh cá nhân tôi, tôi xin ngỏ lời chào thân ái tới Đức Cha, tới những người tổ chức và tham dự Cuộc Gặp Gỡ Thân Hữu Giữa Các Dân Tộc Lần Thứ 36. Biểu thức gây suy nghĩ và đầy chất thi ca được chọn làm chủ đề năm nay: “Hỡi trái tim, thiếu thốn này là thiếu thốn chi, một thiếu thốn bỗng nhiên ngươi được tràn đầy?” (Mario Luzi), đã nhấn mạnh tới trái tim vốn hiện hữu trong mỗi người chúng ta, một trái tim mà Thánh Augustinô đã mô tả là “thổn thức khôn nguôi” không bao giờ hài lòng, luôn tìm kiếm một điều gì đó để sống cho đáng ước mong. Đây là cuộc tìm kiếm vốn được phát biểu thành các câu hỏi về ý nghĩa của sống và chết, về yêu thương, về việc làm, về công lý và về hạnh phúc.

Tuy nhiên, muốn xứng đáng tìm được câu trả lời, ta phải xem xét một cách nghiêm chỉnh nhân tính của ta, bằng cách luôn gọt tỉa sự thổn thức lành mạnh trên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo ta rằng trong cam kết này, “ta có thể đơn giản cậy nhờ một số kinh nghiệm nhân bản thường có như niềm vui của những gặp gỡ mới, những nỗi thất vọng, sợ bị cô đơn, cảm thương nỗi đau của người khác, không chắc chắn trước tương lai, lo âu cho người thân” (Tông huấn Evangelii gaudium, 155).

Ở đây, ta thấy đặt ra một trong các câu hỏi vĩ đại về thế giới ngày nay: đứng trước quá nhiều câu trả lời phiến diện, những câu trả lời chỉ đem lại “những sai lầm khôn cùng” (Đức Bênêđíctô XVI) và chỉ sản sinh ra thứ gây mê kỳ lạ, làm thế nào ta giúp tiếng nói cho các câu hỏi mà tất cả mọi người đều mang trong mình? Đứng trước sự tê cóng của đời người, làm thế nào để hồi tỉnh lương tâm? Một con đường hấp dẫn mở ra cho Giáo Hội, cũng như thời kỳ đầu của Kitô Giáo, lúc con người long đong ở đời mà không có can đảm, sức mạnh hay sự nghiêm túc nói lên các câu hỏi có tính quyết định của mình. Và, như đã xẩy ra với Thánh Phaolô tại Areopagus, nói về Thiên Chúa cho người từng giản lược, từng cắt xén hay quên khuấy các câu “tại sao” của mình thường kết cục ở sự kỳ lạ xem ra xa vời đời thực với những bi hài kịch và thử thách gian nan của nó.

Bởi thế, không ai trong chúng ta có thể khởi diễn cuộc đối thoại về Thiên Chúa nếu mình không thành công trong việc nuôi dưỡng ngọn đèn hiu hắt đang cháy trong trái tim, không tố cáo ai vì các giới hạn của họ, mà cũng là các giới hạn của ta, và không lấy đi, nhưng tiếp nhận và lắng nghe mọi người. Trách nhiệm của các Kitô hữu, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay thích nhắc đi nhắc lại, là khởi đầu các diễn trình hơn là chiếm giữ nơi chốn (xem đã dẫn, số 222). Và do đó, bước đầu tiên là tái đánh thức ý nghĩa của điều thiếu thốn vốn làm đầy trái tim và là điều trái tim hay dối trá vì trĩu nặng bởi mệt mỏi và các hy vọng tan vỡ. Nhưng “trái tim” thì luôn và luôn tìm kiếm.

Bi hài kịch ngày nay hệ ở mối nguy hiểm cận kề của việc chối bỏ căn tính và phẩm giá con người nhân bản. Việc thực dân hóa có tính ý thức hệ đáng lo ngại đang giản lược cảm nhận của ta về nhu cầu chân thực của trái tim bằng cách đưa ra các câu trả lời có giới hạn vốn không hề xét đến chiều sâu rộng của cuộc tìm kiếm tình yêu, sự thật, vẻ đẹp và công lý vốn hiện hữu trong mỗi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con cái của thời đại, nên tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của một não trạng (cho rằng mình) cung hiến các giá trị và cơ hội mới nhưng (thực ra) cũng đã điều kiện hóa, giới hạn hóa và làm hỏng trái tim con người bằng những đề xuất tha hóa nhằm giập tắt sự thèm khát Thiên Chúa. Nhưng, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nói với giới trẻ tại San Marino, trái tim không hài lòng vì “nó là cửa sổ mở vào vô hạn” (19 Tháng 6, 2011). Tại sao ta chịu đau khổ và cuối cùng chết?Tại sao có sự ác và mâu thuẫn? Có đáng sống không? Liệu ta còn hy vọng gì trước một “đệ tam thế chiến từng mảnh” như hiện nay và với biết bao anh chị em đang bị bách hại và giết chóc vì đức tin của họ không? Liệu có còn nghĩa lý gì để mà yêu thương, làm việc, hy sinh và dấn thân hay không? Đời tôi và đời những người tôi không bao giờ muốn rời bỏ sắp sửa kết thúc ở đâu? Chúng tôi phải làm gì trên thế giới? Đó là những câu hỏi ai ai cũng tự hỏi mình, bất luận trẻ hay già, có tín ngưỡng hay không. Chẳng sớm thì muộn, ít nhất một lần trong đời, vì một thử thách hay một biến cố hân hoan, khi suy nghĩ về tương lai con cháu mình hay về sự hữu dụng của việc mình làm, mỗi người chúng ta đều thấy mình cần phải tính đến một trong các câu hỏi này. Ngay những người bất cẩn nhất cũng không thể loại mình khỏi hiện sinh của mình cách trọn vẹn được.

Đời sống không hề là một ước muốn vô lý, không hề có dấu hiệu nào cho thấy ta sinh ra “do lầm lẫn”, trái lại, có những tiếng chuông báo hiệu cho ta thấy bản chất ta được tạo nên vì những điều cao cả. Như Người Tôi Tớ Thiên Chúa là Đức Ông Giussani (sáng lập viên của Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng) từng viết, “các nhu cầu của con người tạo nên một tham chiếu, một khẳng định mặc nhiên cho câu trả lời tối hậu vốn vượt trên mọi mô thức hiện sinh từng được cảm nghiệm xưa nay. Nếu lý thuyết về một ‘cõi bên kia’ bị loại bỏ, thì các nhu cầu này sẽ bị bóp nghẹt một cách không tự nhiên” (“Cảm Thức Tôn Giáo”, Milan, 1997, 157). Huyền thoại Ulysses nói với ta về nostos algos, tức niềm hoài nhớ chỉ có thể tìm thấy thoả mãn nơi thực tại khôn cùng. Bởi thế, Thiên Chúa, Mầu Nhiệm khôn cùng, đã cúi xuống sự hư vô thèm khát Người của ta, và cung hiến câu trả lời mà tất cả chúng ta đều đang chờ đợi tuy không nhận ra nó, vì mải lo tìm nó trong thành công, trong tiền tài, trong quyền lực, trong ma túy đủ loại, trong việc khẳng quyết các thèm muốn tạm bợ của mình. Chỉ có sáng kiến của Thiên Chúa Hóa Công mới có thể đổ đầy dung tích trái tim mà thôi; và Người đã đến gặp gỡ ta, tự để Người được ta coi là bằng hữu. Và nhờ thế, ta có thể nghỉ yên ngay giữa đại dương sóng gió, vì ta biết chắc Người đang hiện diện với ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: “Cho dù đời một con người có là một đại họa đi chăng nữa, cho dù nó có bị đủ thói hư phá hủy bằng ma túy hay bất cứ điều gì khác đi chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đời họ. […] Cho dù đời một con người có là một mảnh đất đầy gai góc và cỏ dại đi chăng nữa, vẫn luôn có chỗ để hạt giống tốt mọc lên. Điều cần là tin tưởng Thiên Chúa” (La Civilta Cattolica, 19 tháng Chín, 2013, 470).

Với chủ đề năm nay, Cuộc Gặp Gỡ có thể góp tay vào trách nhiệm chủ yếu của Giáo Hội, là: “không đồng ý với một ai chỉ hài lòng chút chút, mà là với một ai dám nói dứt khoát ‘không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gl 2:20)” (Tông huấn Evangelii gaudium, 160), vì Chúa Giêsu “là lời công bố đáp ứng được niềm hoài mong vô hạn vốn có trong trái tim mọi con người nhân bản” (Đã dẫn, 165). Chúa Giêsu “đến để cho ta thấy, để biến tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho ta thành hữu hình. […] một tình yêu tích cực, có thực chất. […] một tình yêu hàn gắn, tha thứ, nâng dậy và chữa lành; một tình yêu tới gần và tái lập phẩm giá; một phẩm giá ta dễ dàng đánh mất nhiều cách và dưới nhiều hình thức. Nhưng Chúa Giêsu rất “ngoan cố” trong điều này: Người đã hiến đời Người vì nó, để tái lập phẩm giá mà ta đã đánh mất” (Đức GH Phanxicô, Diễn Văn tại Trung Tâm Cải Tạo ở Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, ngày 10 tháng 7, 2015). Đó chính là sự đóng góp được đức tin Kitô Giáo cung hiến cho mọi người và là sự đóng góp sẽ được Cuộc Gặp Gỡ này làm chứng trước nhất bằng đời sống của những người thể hiện nó.

Bởi thế, Đức Thánh Cha hy vọng rằng các người tổ chức và thiện nguyện của Cuộc Gặp Gỡ sẽ ra đi gặp gỡ mọi người, được nâng đỡ bởi ước nguyện muốn đề xuất Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ, tươi đẹp và đơn sơ, Đấng mà hôm nay cũng đã cúi xuống đổ vào trái tim thiếu thốn của ta đầy nước trường sinh vốn chẩy ra từ Chúa Giêsu phục sinh. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho thừa tác vụ của ngài và xin gửi tới Đức Cha và với mọi tham dự viên của Cuộc Gặp Gỡ phúc lành Tòa thánh tự đáy lòng ngài. Cùng với các cầu chúc tốt đẹp nhất, tôi xin mượn dịp may hiếm có này để bày tỏ lòng trân trọng của riêng tôi.

Nền nhân học về giới hạn

Sự thiếu thốn trong chủ đề của Cuộc Gặp Gỡ Rimini được Đức Cha Nunzio Galantino, thư ký Hội Đồng Giám Mục Ý, khai triển dưới ý niệm giới hạn trong một nền nhân học phục vụ con người.

Trong tham luận trước đại hội tựa là “con người và cảm thức giới hạn”, Đức Cha nói về một xã hội “không xem xét các nhóm và các quốc gia theo số lượng sản xuất hay theo các tài nguyên tài chánh”. Xã hội này sử dụng các tài nguyên của nó “để chú tâm tới mọi người nghèo, tới những người không có việc làm hay mất việc làm, tới những người phát xuất từ các vùng nghèo nhất và chậm tiến về kinh tế, tới những ai không có khả năng tự phòng vệ”.

Ngài cho rằng “giới hạn […] là trường dạy ta bí quyết sống. Càng thừa nhận giới hạn, con người càng bước vào trạng thái trách nhiệm. Nơi con người, giới hạn là một sức mạnh đào luyện, vì nó phát sinh ra ước muốn vốn là động lực của ý chí. Nếu con người có tất cả, họ sẽ không đi tìm bất cứ điều gì nữa”.

Theo Đức Cha Galantino, “nền nhân học giới hạn không tự diễn dịch thành lời ca ngợi chính giới hạn, nhưng nhờ nâng cao hữu thể nhân bản, nó có khả năng sản sinh ra một lý tưởng về một sự hoàn hảo có tính tới các giới hạn”.

Ngài quả quyết rằng “qua nền nhân học giới hạn này, Giáo Hội được mời gọi đổi mới cơ cấu của mình, trong diễn trình quyết định và trong các thực hành cụ thể của cộng đồng… Thời ta, các cộng đồng và các hiệp hội trong Giáo Hội đã là dấu chỉ tuyệt vời của sự hiện diện Thiên Chúa và của tình yêu phát sinh từ Người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều điều phải làm trong lãnh vực chứng tá; do đó, ta vẫn cần phải phát triển hơn nữa trong lãnh vực tạo ra một ngọn lửa năng động và thực sự có tính phúc âm nhằm biểu lộ đức ái một cách mỗi ngày một trong sáng hơn”

Một Giáo Hội biết “biến giới hạn thành tài nguyên mang phong thái truyền giáo từng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi, và càng ngày càng ít trở nên một nơi phân phối dịch vụ nhưng càng ngày càng trở nên một bệnh viện dã chiến hơn (…) trong đó, chứa những kho báu vĩ đại nhất, trong đó có chính Chúa”.

Ngài kết luận “vâng, nếu được chấp nhận, ý thức giới hạn sẽ tự biến đổi thành ý chí cởi mở chào đón những người khác và Đấng Khác viết hoa tức chính Thiên Chúa”. Như thế “khiêm nhường là thái độ bên trong giúp bạn biết đánh giá giới hạn, biến nó thành nguồn sinh trưởng chứ không hối tiếc”.

Thiên Chúa chưa chết

Trong khi đó, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người phụ trách cuộc đối thoại của Tòa Thánh với các tôn giáo khác, nói với các đại diện cao cấp của Do Thái Giáo và Hồi Giáo tại Cuộc Gặp Gỡ Rimini rằng: Thiên Chúa chưa chết.

Theo vị Hồng Y này, quả là một nghịch lý khi các tôn giáo bị liên kết với bạo lực. Đây là kết quả của các nhóm khủng bố và cực đoan thiểu số trong các tôn giáo, nhất là Hồi Giáo. “Nhưng hiển nhiên, đó không phải là Hồi Giáo đích thực”. Ngài bảo: tôn giáo không phải là vấn nạn mà là giải pháp cho an ninh quốc tế.

Về Thiên Chúa, Đức Hồng Y Tauran cho rằng “chúng ta hiện sống trong một thế giới nghịch lý. Một đàng, có những người tuyên bố Thiên Chúa đã chết, ta không cần Người nữa. Nhưng đàng khác, chỉ cần nhìn các sạp báo: bao nhiêu lần Thiên Chúa được nhắc tới trên báo chí?”

Về ba tôn giáo độc thần là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo, ngài cho hay họ có ba thách đố: “bản sắc, tư cách người khác, và thành thực trong ý hướng”.

Thành thực, theo ngài, là ý thức rằng trong đối thoại tôn giáo không nên có ý hướng cải đạo người khác. Ngài bảo: “đối thoại liên tôn có thể cổ vũ việc trở lại, nhưng đó không phải là mục đích. Mục đích của đối thoại là từng bước tiến tới sự thật”.

Trong cuộc thảo luận này, có sự hiện diện của Azzedine Gaci, trưởng Đền Thờ Hồi Giáo Othman ở Villeurbanne, Pháp, và Haim Koria, trưởng giáo sĩ Do Thái Giáo của Pháp.

Giáo Sĩ Koira cho rằng “khoan dung là một hạn từ gần như bao hàm kín đáo ý niệm chấp nhận chứ không chia sẻ suy nghĩ của một ai khác. Thay vào đó, ta phải lùi lại để nghĩ tới việc cần sự hiện hữu của người khác như điều kiện chủ yếu để tôi hiện hữu. Đây là chứng cớ chứng minh tư cách người khác (otherness) làm giầu hữu thể nhân bản và là điều kiện không có không được để hữu thể này hiện hữu”.

Nên biết Cuộc Gặp Gỡ Rimini năm nay thu hút các thành phần ưu tú nhất trong đời sống chính trị và xã hội Ý và một số nhân vật “nặng ký” của Vatican. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon có gửi tới đại hội một sứ điệp video. Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng Thống Ý Sergio Mattarella dều có gửi thông điệp cho đại hội.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gp Thái Bình: Đức Cha Phêrô ban Bí tích Thêm sức tại Giáo xứ Cao Xá
Ban Truyền thông Giáo phận
13:08 24/08/2015
Gp Thái Bình: Đức Cha Phêrô ban Bí tích Thêm sức tại Giáo xứ Cao Xá

Trong dịp hè này, Đức Cha Phêrô – Chủ chăn Giáo phận – đã dành ưu tiên về việc mục vụ ban Bí tích Thêm sức cho các em tại các giáo xứ trong Giáo phận. Chiều nay, (24.8.2015), ngài đã dâng thánh lễ và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên 29 em tại nhà thờ Giáo xứ Cao Xá, Giáo hạt Đông Hưng Yên.

Xem Hình

Tuy là thứ Hai của tuần XXI thường niên, nhưng bầu khí tại khuôn viên Giáo xứ Cao Xá đông vui nhộn nhịp như ngày lễ hội. Khi phái đoàn của Đức Cha Phêrô đến cổng nhà xứ, tại đó, các đoàn hội cũng như mọi thành phần trong Giáo xứ đã xếp thành hai hàng dài vẫy chào vị Chủ chăn Giáo phận.

Hồi 17g30, cuộc đón rước đoàn đồng tế được diễn tiến một cách trang nghiêm, khởi hành từ nhà xứ tiến vào thánh đường. Đến cuối nhà thờ, 29 em chuẩn bị được lãnh nhận Bí tích thêm sức và các bậc cha mẹ của các em dừng lại chụp chung tấm hình lưu niệm với Đức Cha và quý cha.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha vui mừng ngỏ lời chào chúc cộng đoàn hiện diện. Ngài cũng nói về cảm nhận của bản thân cũng như nhiều người đều thấy trong thời gian qua Chúa Thánh Thần đã canh tân và biến đổi miền Hưng Yên ngày càng thăng tiến về mọi mặt. Cách riêng, tới Giáo xứ Cao Xá hôm nay ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Giáo xứ có nhiều khởi sắc mới làm sinh động về đời sống đức tin: mọi thành phần đều được đoàn thể hóa và mang tính giáo dục cao, cơ sở vật chất cũng khang trang sạch đẹp và còn có con đường mới thuận tiện cho việc ra vào nhà chung Giáo xứ.

Hướng về các em sắp lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần, Đức Cha nói: “Các con thân mến, hôm nay là ngày đặc biệt của chúng con, mọi người đều ưu ái, quan tâm, cầu nguyện và chúc mừng các con. Cha cầu xin Chúa Thánh Thần đón nhận và ngự lại tâm hồn chúng con, để Ngài biến đổi chúng con từng ngày trở nên tốt lành và thánh thiện hơn”. Đồng thời, Đức Cha cũng mời gọi cộng đoàn hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho các em đó.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Cha cho biết đi đến đâu ngài cũng chanh thủ nói về việc đầu tư và quan tâm đến thế hệ trẻ, vì chính Chúa Giêsu rất yêu quý và quan tâm đến trẻ em.

Bên cạnh đó, với mục đích giúp cộng đoàn và cách riêng là các em sắp lãnh nhận Bí tích Thêm sức ôn lại đôi chút về ý nghĩa và hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần, Đức Cha đã mời 5 em tự nguyện tham gia trả lời những câu hỏi của ngài. Ngài đã khích lệ các em đó bằng những món quà ý nghĩa.

Sau bài giảng, với tư cách là người chịu trách nhiệm huấn luyện các em về đời sống đức tin, cha xứ đã giới thiệu lên Đức Cha 29 em đã được học giáo lý đầy đủ đủ và đạt tiêu chuẩn. Ngài xin Đức Cha ban Bí tích Thêm sức cho các em.

Kết thúc lời nguyện hiệp lễ, cha xứ đã chuẩn bị sẵn những phần quà để thưởng cho các em thi đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng đợt vừa qua, cũng như các em học sinh có thành tích học tập cao trong năm qua. Ngài mời Đức Cha trao những phần thưởng đó cho các em.

Tiếp đến, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ và một em đại diện đã lên thay lời cho các bạn, bày tỏ tâm tình tri ân Đức Cha đã về dâng lễ cầu nguyện và ban Bí tích Thêm Sức cho các em. Hiệp với tâm tình ấy, các em dâng lên Đức Cha lẵng hoa tươi thắm.

Nhân dịp trọng đại này, các em cũng nói lên lòng biết ơn tới cha xứ và quý cha, quý thầy cô Giáo lý viên, các bậc phụ huynh và cha mẹ đỡ đầu cùng cộng đoàn đã vất vả lo toan và hiện diện để cầu nguyện cho các em trong thánh lễ này.

Kết thúc thánh lễ, tất cả các em thiếu nhi nơi đây tiến lên nhận quà của Đức Cha. Riêng các em lãnh Bí tích Thêm sức hôm nay còn được nhận thêm qua của Giáo xứ gửi tặng. Sau đó 29 em cùng với các bậc cha mẹ trở về khuôn viên nhà xứ để chung vui qua bữa cơm tình gia đình, trong bữa cơm còn có những tiết mục văn nghệ do các bạn trẻ thể hiện.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Giáo xứ Phú Bình, Sàigòn mừng lễ thánh Monica
Martino Lê Hoàng Vũ
21:32 24/08/2015
Giáo xứ Phú Bình: Noi gương Thánh Mônica, chọn lựa theo Đức Kitô

“Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường.Ðường đưa ta đi lên đền Chúa ta”Lời bài ca nhập lễ quen thuộc trên đây đã dẫn đưa cộng đoàn giáo xứ Phú Bình,hạt Phú Thọ,Sài Gòn vào thánh lễ chiều Chúa Nhật lúc 17 g ngày 23.08.2015.Đây cũng là thánh lễ Hội Các Bà Mẹ Công Giáo trong giáo xứ mừng bổn mạng Thánh nữ Mônica.Trước thánh lễ,các bà mẹ trong trang phục áo dài trắng và khăn quàng xanh đã cùng với cộng đoàn đi rước kiệu thánh Mônica chung quanh thánh đường.Các bài suy niệm trên đường đi kiệu nói lên chân dung thánh nữ Mônica,người mẹ mẫu gương,đạo đức,luôn yêu thương gia đình chồng con,không ngừng cầu nguyện cho người con được ơn hoán cải trở về với Chúa.Thánh nữ Mônica là mẫu gương cho các thành viên Hội Các Bà Mẹ học tập noi theo trong đời sống gia đình.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ,cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Niệm chủ tế mời gọi mọi người bước theo Chúa Giêsu là đường,và cũng là điểm tới đích trong cuộc đời,chúng ta đi theo Chúa Giêsu để tìm gặp được bình an và hạnh phúc.

Các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa lấy từ bài đọc Chúa Nhật 21 Thường niên năm B do các bà mẹ đọc.

Trong bài chia sẻ,dựa theo các bài đọc Thánh Kinh cha chánh xứ đã nói về chọn lựa đi theo Chúa của các môn đệ.Từ lời thưa của thánh Phêrô với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Thưa Thầy,bỏ thầy chúng con biết đến với ai,vì chỉ mình Thầy mới có Lời Ban Sự Sống đời đời”.Lời đó cũng là lời vàng, lời ngọc cho các tông đồ năm xưa và cho người Kitô hữu chúng ta hôm nay.Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự chọn lựa.Chúng ta có sự chọn lựa trong đời sống hôn nhân gia đình,trung tín với lời hứa vợ chồng.

Cuộc đời Thánh nữ Mônica cũng có những chọn lựa.Khi lập gia đình với người chồng ngoại giáo,với bà mẹ chồng ngoại giáo,thánh nữ đã bằng lòng sống chung vói sự khác biệt.Thánh nhân lấy sự nhẫn nhục,hiền hòa chịu đựng, trong cách ứng xử với chồng và mẹ chồng.Hoán cải họ trở thành người Công Giáo.Khi trờ thành mẹ,thánh nữ đau khổ khi có người con tuy giỏi giang nhưng lại theo lạc giáo và có đời sống riêng tư trụy lạc.Thánh nữ chọn lựa đời sống cầu nguyện trong nước mắt.Và sau này,người con của thánh nhân là thánh Augustinô đã được ơn hoán cải,trở thành một Kitô hữu rồi thành Giám mục, và để lại những áng văn tuyệt vời cho Hội Thánh.Khi đã hoàn cải được người chồng và người con,thánh nhân đã chọn lựa chấp nhận cái chết để được về trời với Chúa.Mỗi người chúng ta dược nghe Lời Chúa dạy,và với các bà mẹ Công Giáo,qua gương mẫu đời sống của thánh Mônica, chúng ta phải biết mình đang chọn lựa điều gì trong đời sống trong đức tin.Chúng ta có chọn lựa theo Chúa đến hết cuộc đời mình và gắn bó với Ngài,để sau này được về hưởng quê trời.

Trước khi ban phép lành cuối lễ,cha chánh xứ đáp từ lời cám ơn của bà hội trưởng các bà mẹ Công Giáo.Ngài chúc mừng các bà mẹ trong ngày mừng bổn mạng và cầu mong giáo xứ mỗi ngày phát triển hơn nhờ thiên chức của các bà trong gia đình.

Sau thánh lễ,cha chánh xứ, quý Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Các Bà Mẹ cùng với các hội đoàn và các khách mời được chia sẻ trong bữa tiệc liên hoan mừng bổn mạng tại hội trường giáo xứ.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Chúa Giêsu trong bốn phúc âm
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:18 24/08/2015
Hình ảnh Chúa Giêsu trong bốn phúc âm

Chúa Giêsu sống trên trần gian nơi đất nước Do Thái 33 năm, và đi rao giảng giáo lý nước Thiên Chúa trong vòng 03 năm. Nhưng chính Ngài không để lại chữ viết bút tích nào.

Những nhân chứng sống động tai nghe Lời Chúa Giêsu giảng dậy, và mắt chứng kiến những việc Chúa làm là các Tông đồ. Các vị này cũng đã qua đời vào những năm 60. của thế kỉ thứ nhất sau Chúa giáng sinh (SCGS).

Như thế, Hội Thánh Chúa Giêsu thuở sơ khai từ thời điểm này không còn những vị lãnh đạo có uy tín quyền hành cùng gìn giữ truyền thống do Chúa chỉ định nữa. Đang khi những xứ đạo của những người tin vào Chúa Giêsu ngày càng lan rộng thêm ra, sinh hoạt độc lập riêng rẽ, và xa dần nơi chốn xứ đạo gốc khởi thủy hay gọi là xứ đạo mẹ.

Cũng vì thế, Hội Thánh lúc đó cần giáo lý của Chúa Giêsu viết ra thành văn bản. Có thế, đời sống đức tin tinh thần vào Chúa Giêsu mới có nền tảng đứng vững, cùng phát triển nối tiếp cho thế hệ trẻ sau các Tông Đồ.

Bốn sách Phúc Âm Chúa Giêsu do bốn vị Thánh sử Marco, Mattheo, Luca và Gioan lần lượt được viết ra để đáp ứng nhu cầu này.

Bốn Thánh sử viết Phúc âm Chúa theo văn hóa cùng sự suy nghĩ, tầm nhìn khác nhau về hình ảnh Chúa Giêsu cũng như những giáo huấn của Chúa, cùng theo hoàn cảnh địa lý lịch sử của cộng đoàn xứ đạo.

1. Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marco

1.1. Theo chân Chúa.

Phúc âm Chúa Giêsu do Thánh sử Marco viết vào khỏang thời gian sau năm 70. SCGS. Như vậy là liền sau khi chiến tranh Do Thái và đế quốc Roma kết thúc vào quãng năm 66.- 70. SCGS. Hậu qủa là đền thờ Giêrusalem bị tàn phá.

Trước hoàn cảnh bị tàn phá cùng bị phân tán di cư lưu lạc gây hoang mang bất ổn trong đời sống, những người tín hữu Chúa Kitô lúc đó cần hơn khi nào hết sự bảo đảm an toàn và căn cước tính Kitô giáo cho nếp sống tinh thần đức tin của mình..

Thánh sử Marco đã viết trình bày căn cước tính đó qua hình ảnh Chúa Giêsu ngay từ đầu trình thuật phúc âm. Hình ảnh đó gợi lên cho mọi người, cho dù trong hoàn cảnh lịch sử thay đổi nào, bước tin theo Chúa Giêsu luôn luôn có đầy đủ ý nghĩa cho đời sống .

1.2. Con Thiên Chúa

Ngay khởi đầu phúc âm Thánh Marco đã viết về chương trình Chúa Giêsu„ Khởi đầu phúc âm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.“ (Mc 1,1). Và ý nghĩa con đường Con Thiên Chúa xuyên suốt cả sách Phúc âm.

Chúa Giêsu , Con Thiên Chúa là điều tin tưởng của cả thế giới thần linh biết đến. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giordan do Thánh Giao tiền hô, cũng như khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor đều có tiếng vọng xuống từ trời cao nói cho mọi người Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 1,11, và 9,7). Rồi sau cùng, khi Chúa Giêsu chết trên thập gía một người lính canh xác nơi thập giá Chúa Giêsu cũng nói lời tuyên tín „ Qủa thật, Người này là Con Thiên Chúa.“ ( Mc 15,39).

Như thế, con đường Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu khi còn sống trong ba năm rao giảng nước Thiên Chúa cũng không làm sao thuyết phục được ai, sau cùng dẫn người ta đến niềm tin vào Chúa nơi chân thập gía lúc Chúa Giêsu chịu chết trên đó.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, hình ảnh Chúa Giêsu Kitô , Con Thiên Chúa, đầy quyền năng vượt thắng cả sự chết mới bừng tỉnh sống động dậy. Và đó cũng là điều Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marco muốn hướng dẫn những người tín hữu Chúa Kitô tìm đến con đường theo chân Chúa.

1.3. Phương diện chính trị

Sách Phúc âm và Con Thiên Chúa trong thế giới đế quốc Roma thời lúc đó là những ý tưởng hay sứ điệp tin tức mang đậm nét mầu sắc chính trị.

Các Phúc âm chất chứa ý nghĩa tin mừng, tin lành vào thời điểm hoàng đế Vespasian của đế quốc Roma năm 69. SCGS lên ngôi chấm dứt những cuộc nội chiến trong đế quốc.

Tước hiệu „ Con Thiên Chúa“ (latinh:. divi filis ) để chỉ tính chất của hoàng đế như là người con của vị thần minh. Và như thế cũng là người được tham dự vào quyền uy sức mạnh của các Thần thánh.

Từ tầm nhìn như thế, Chúa Giêsu nơi phúc âm theo Thánh Marco trở nên cạnh tranh , một hình ảnh trái ngược với hoàng đế Roma. Vì triều đại nước Thiên Chúa đang đến (Mc 1,15).

Nhưng đời sống Chúa Giêsu vẽ ra hình ảnh trái ngược với phúc âm theo hoàng đế suy tưởng. Chúa Giêsu là hình ảnh Con Thiên Chúa có uy quyền sức mạnh trên thần dữ qủy thần, mà chúng được gọi là „ Legion“ (Mc 5,1-20.)

Và nơi Cộng đoàn Chúa Giêsu Kitô, nhiều vị lãnh đạo thuở ban đầu muốn bác bỏ trật tự cai trị của xã hội do đế quốc Roma thống trị,. Nhưng Chúa Giêsu lại đưa ra hình ảnh quan điểm khác:„ Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người „ ( Mc10,42-44.)

1.4. Hình thể địa lý

Thánh sử Marco theo hình thể địa lý đã viết lịch sử về Chúa Giêsu trong tương quan mầu sắc nét thần học đạo đức.

Phần tường thuật phần thứ nhất của Phúc âm diễn ra ở vùng miền Galilea, miền Bắc nước Do Thái, nơi Chúa Giêsu loan báo triều đại nước Thiên Chúa đang đến cho dân chúng Do Thái, nhưng cũng cho những người không phải là người Do Thái sinh sống nơi đó đang lắng nghe chờ đợi (Mc 1,14-8,26).

Phần cuối của Phúc âm Thánh Marco vẽ ra tình hình hoàn toàn khác (Mc 11,1-15,47). Ở Gierusalem diễn ra tình hình đối đầu gữa Chúa Giêsu với những người cầm quyền Do Thái và Roma. Hậu qủa là Chúa Giêsu bị kết án, và bị hành quyết đóng đinh vào thập gía.

Phần giữa của Phúc âm trình bày con đường từ Galilea về Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đi cùng với các mên độ, và ngài cắt nghĩa cho họ về ý nghĩa theo chân Chúa như thế nào (Mc 8,27/10, 52).

Ba lần Chúa Giêsu nói về sự đau khổ trên con đường này nơi Mc 8,31, 9,31 và 10,33 trình bày thách đố thử thách cho các Môn đệ của ngài: chỉ trong tương quan với đau khổ và sự chết người ta có thể hiểu được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Thập gía, hình ảnh của sự đe dọa, thuộc về đời sống Kitô giáo, đồng thời cũng là niềm hy vọng về sự trợ giúp của Thiên Chúa và đời sống.

Căn cứ theo như thế, với Cộng đoàn Kitô hữu lúc đó theo chân Chúa Giêsu là bỏ mất những gía trị như nếp sống thành công trong bậc thang giá trị xã hội, được kính trọng nể vì, đời sống phúc lợi giầu sang .

Đối với sự đảo lộn chao đảo về gía trị hai thái cực Galilea và Giêrusalem đối diện với nhau. Gierusalem nơi là trung tâm của quyền lực về chính trị và tôn giáo thiếu vắng sự mặc khải của Chúa Giêsu về nước Thiên Chúa. Đang khi đó vùng miền nông nghiệp Galiea thì mở rộng cho giáo lý Chúa Giêsu về nước Thiên Chúa..

Thánh sử Marco trong phúc Chúa Giêsu nhấn mạnh đến khía cạnh theo chân Chúa: Ai muốn theo chân làm môn đệ Chúa Giesu, người đó phải học nhìn hiểu những sự việc trong đời sống dưới khía cạnh khác.

(Còn tiếp)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Hình ảnh hôn nhân và gia đình
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:18 24/08/2015
Hình ảnh hôn nhân và gia đình

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sẽ diễn ra từ 04. đến 25. Tháng Mười 2015 sắp tới ở Vatican bàn về hôn nhân và gia đình. Giáo Hội Công Giáo cùng với Đức Giáo Hoàng và các Giám mục trên thế giới mong muốn tìm câu trả lời, hay đúng hơn những chỉ dẫn giáo lý sống đức tin thực hành, trước những thách đố, những khủng hoàng về hôn nhân và gia đình trong xã hội ngày hôm nay dưới lăng kính đức tin cùng đời sống con người.

Câu trả lời cũng như những chỉ dẫn của Giáo Hội nhắm đến mục đích gìn giữ bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình.

Nhiều ý kiến bình luận cùng đề nghị đã và đang được nêu ra.

Đức Giáo Hoàng Bennedict XVI. trong thông điệp „Deus caritas est „ số 11. đã phân tích về hình ảnh hôn nhân và gia đình dưới tầm nhìn thần học đạo đức đặt nền tảng trên Kinh thánh và triết học Platon.

„ Tính chất mới mẻ đầu tiên của đức tin Thánh Kinh, như chúng ta thấy ở trên, bao gồm hình ảnh về Thiên Chúa. Tính chất mới mẻ thứ hai, liên quan chặt chẽ với điều này, được tìm thấy nơi hình ảnh con người. Trình thuật sáng thế trong Thánh Kinh đề cập đến sự cô đơn của Adong, con người đầu tiên, và quyết định của Thiên Chúa ban cho ông một trợ tá.

Tất cả các tạo vật khác, không tạo vật nào có thể trở thành người trợ tá mà con người này cần, dù cho con người đã đặt tên cho tất cả mọi súc vật hoang dã và chim muông và qua đó biến chúng hoàn toàn trở nên một một phần đời sống của mình. Vì thế, Thiên Chúa dựng nên người nữ từ xương sườn của người nam. Giờ đây Adong tìm được người trợ tá mà ông cần: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (St 2:23).

Ở đây, ta có thể tìm thấy những ý tưởng tương tự có thể tìm thấy, chẳng hạn, trong huyền thoại được Plato nhắc đến, theo đó con người tự nguyên thủy là đóng kín, vì con người hoàn chỉnh và tự mình đầy đủ. Nhưng con người bị thần Zeus tách làm đôi để trừng phạt tội kiêu ngạo, vì thế từ nay con người ngóng trông nửa còn lại của mình, gắng toàn bộ sức mình để dành lấy nửa ấy hầu khôi phục lại sự toàn vẹn của mình.

[8] Trong khi trình thuật Thánh Kinh không đề cập đến sự trừng phạt, có một ý tưởng bàng bạc rằng con người cách nào đó là khiếm khuyết, theo bản năng tìm kiếm nơi người khác phần bổ sung để con người nên trọn vẹn; có một ý tưởng theo đó chỉ trong sự hiệp thông với người khác phái con người mới có thể trở nên "hoàn chỉnh". Trình thuật Thánh Kinh từ đó kết luận với một lời tiên tri của Adong: "Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt." (St 2:24).

Có hai khía cạnh rất quan trọng của điều này. Đầu tiên, eros cách nào đó đâm rễ trong chính bản chất con người: Adong là một người tìm kiếm, người "đã bỏ mẹ và cha mình" để tìm người nữ; phải có hai người cùng nhau mới tiêu biểu được cho một nhân loại hoàn chỉnh và trở nên "cùng một xương một thịt". Khía cạnh thứ hai cũng quan trọng không kém.

Từ quan điểm của lịch sử sáng thế, eros hướng dẫn con người đến với hôn nhân, đến với một ràng buộc độc nhất và dứt khoát; chỉ như thế mục đích sâu xa nhất của nó mới được nên trọn. Tương ứng với hình ảnh của một Thiên Chúa độc thần là một hôn nhân đơn hôn [một vợ một chồng].

Hôn nhân dựa trên tình yêu độc quyền và dứt khoát trở nên hình ảnh mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Người và ngược lại. Đường lối yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo cho tình yêu nhân loại. Sự liên hệ gần gũi này giữa eros và hôn nhân trong Thánh Kinh trong thực tế không có một tương đương nào trong các văn chương khác.“ (Giáo Hoàng Benedictô XVI. Thông điệp Deus Caritas est, số 11. - Bản dịch của Jb. Đặng văn An).

Bây giờ phong trào đòi hôn nhân cho mọi người, cho mọi giới đang nêu cao ngọn cờ đòi hỏi làm áp lực để thay đổi luật lệ truyền thống trong đời sống xã hội.

Nhưng thế nào là hôn nhân cho mọi người, mọi giới ? Phải chăng hôn nhân giữa hai người cùng phái, cùng giới tính với nhau không ngược lại với trật tự thiên nhiên, như trong Kinh Thánh do Thiên Chúa đã tạo thành?

Với giáo lý đạo Công Giáo và luật thiên nhiên thì tình yêu, đời sống chung giữa hai người cùng phái, cùng giới tính được tôn trọng, nhưng không phải là hôn nhân.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ La Vang
Nguyễn Hùng
21:16 24/08/2015
MẸ LA VANG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Dưới chân Mẹ,
những lữ khách
đường xa mỏi mệt,
không nói nên lời,
chẳng thốt nên kinh.
Chỉ biết đứng cúi đầu
chào Mẹ trong im lặng.
(Pleiksor nth)