Ngày 25-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thực danh - Tròn phận
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:23 25/08/2017
“Người ta nói Con Người là ai ?...Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Mt 15,13-16)

Cái danh xưng theo Thánh Kinh không chỉ nói lên căn tính mà còn biểu lộ sứ mệnh của một con người, một tập thể. Khi dò hỏi nhận định của các môn đệ và cả cái nhìn của dân chúng về danh xưng của mình chắc hẳn Chúa Giêsu muốn thêm xác tín về căn tính của Người và qua đó nhìn rõ hơn sứ mệnh mà Người sẽ thực thi.

Kitô hữu chúng ta vốn thường được nghe các nhà giảng thuyết đặt câu hỏi: “anh chị em tuyên xưng Đức Giêsu là ai ?” Và rồi lại được mời gọi sống như thế này, thế kia. Tuy nhiên có khi nào chính chúng ta tự đặt câu hỏi rằng bà con lối xóm, anh chị em khác đạo, các vị có chức quyền ngoài xã hội… nói tôi là ai không ?

Nhiều danh xưng vốn ít gây sự đối nghịch trong sự tín nhiệm, trân trọng cũng như lòng yêu quý, chẳng hạn Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo; Linh mục, Giám mục trong Công Giáo, Tổng thống, Chủ tịch nước ngoài xã hội… Thế nhưng có đó sự thay đổi tình cảm cũng như sự trân quý khi nghe nói đến linh mục này, đại đức kia, tổng thống nọ… Sự thay đổi này thường là do cách thế, mức độ đảm nhận bổn phận không tương xứng với danh xưng.

Tôi là ai ? Một câu tự vấn thỉnh thoảng cần đặt ra. Thế nhưng những câu hỏi khác xem ra cần đặt hơn như : Người dân gọi tôi là ai ? Đoàn tín hữu gọi tôi là ai ? … Chắc chắn để được người ta gọi đúng danh xưng thì việc vuông tròn phận vị của mình là điều ắt phải có, dĩ nhiên dù không đòi hỏi hoàn hảo nhưng phải ở một mức độ nào đó theo cái nhìn và sự nhận định chung. Cái danh xưng thường bao hàm sứ mệnh phải vuông tròn. Và mức độ vuông tròn sứ mệnh là một cơ sở để xác định sự thực danh.

Ngoài xã hội, cách riêng ở các nước xem ra là dân chủ thì người ta thường thăm dò công luận về vị này vị kia và không khai kết quả trên phương tiện truyền thông. Trong các tập thể tôn giáo thì không thể như ngoài xã hội nhưng nên chăng có một hình thức thăm dò nào đó để rồi vị này, vị kia có dịp nhìn lại bản thân mình. Chắc chắn không một ai có thể tự hào mình đang là thực danh nhưng đó là dịp để chúng ta nỗ lực canh tân đời sống và dấn thân với sứ mạng. “Tin đạo chứ ai tin người có đạo”. Một câu nói của bà con lương dân nhắc nhớ chúng ta phải không ngừng thống nhất danh và phận của mình hết sức có thể.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:30 25/08/2017
99. TRÀ RƯỢU TRANH CHẤP
Trà nói với rượu:
- “Xong chiến tranh buồn ngủ công cũng không ít,
giúp đỡ thành công thật đáng khoa trương.
Vong gia bại quốc đều vì rượu,
Tại sao để khách chỉ uống trà ?”

Rượu phản đối:
- “Dao Đài Tử là rượu ngon tiến quan phủ,
nghỉ ngơi kiện cáo hòa hảo nhiều ý vị,
tế tự đãi khách dùng tôi trước,
Tại sao lại nói “nước vàng nhạt” (nước trà).

Cả hai tranh luận không nghỉ, nước ra mặt khuyên giải nói:
- “Kín nước trong giếng thì quay về đỉnh đá,
dẫn nước trên nguồn để nấu rượu thì trút vào bình bạc,
hai nhà tranh chấp vì chuyện không đâu,
nếu không có tôi điều hoà thì không thành chuyện.”

(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 99:
Rượu cũng là nước, mà trà cũng là nước, chỉ khác nhau mùi vị và công dụng.
Cầu nguyện lớn tiếng hay cầu nguyện thầm trong lòng cũng là cầu nguyện, chỉ khác ở chỗ là cách cầu nguyện và hoàn cảnh bên ngoài, nhưng hiệu quả thì vẫn như nhau.
Có người thích cầu nguyện trong nhà thờ, có người thích cầu nguyện trong nơi yên tĩnh, có người thích đi lui đi tới để cầu nguyện, lại có người thích ngồi một bên hốc đá sau đài Đức Mẹ để cầu nguyện...
Cầu nguyện ở đâu Chúa cũng đều biết, chỉ có điều là Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta khi cầu nguyện thì vào phòng đóng kín cửa lại mà cầu nguyện, mà “vào phòng đóng kín cửa để cầu nguyện” không phải là khiêm tốn thật thẳm sâu trong tâm hồn, là không phải đắm mình trong tình yêu của Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta hay sao ?
Rượu và trà cũng đều là do nước mà có, cầu nguyện cách nào cũng được, cái quan trọng là chúng ta có tâm hồn cầu nguyện hay không mà thôi ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 21 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:32 25/08/2017
Chúa Nhật XXI THƯỜNG NIÊN
Tin mừng: Mt 16, 13-20.
“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.”


Bạn thân mến,
Chắc chắn bạn đã nhìn thấy các loại chìa khóa của những người cai ngục: từ những thỏi sắt thô sơ của ngày xưa, cho đến ổ khóa bằng hệ thống điện tử và bằng cảm ứng của thời đại ngày nay, nhưng những cái khóa này chỉ có thể giam cầm thân xác của tội nhân mà thôi, chứ không thể giam cầm linh hồn họ được. Và cuộc sống của những tội nhân trong ngục tù như thế nào thì chắc bạn cũng hiểu: khổ cực, lao động như con vật, không được coi là con người khi có những cai tù bất nhân không có lương tâm, nhưng điều mà các tội nhân đau khổ nhất đó chính là mất tự do.

Đức Chúa Giê-su đã trao chìa khóa Nước Trời cho ông Phê-rô, nhưng Ngài không cầm chìa khóa bằng thỏi sắt hay bằng i-nox và Ngài cũng không nói số mật mã của cửa ngục cho ông Phê-rô, Ngài chỉ nói với ông như thế này: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời...”

Chìa khóa Nước Trời ấy đã trao cho ông Phê-rô là mục tử của các mục tử ở trần gian này, và chính ngài đã thay mặt Đức Chúa Giê-su trao chìa khóa này cho các giám mục và linh mục hiệp thông với ngài trong Giáo Hội Công Giáo, chìa khóa ấy chính là bí tích Giải Tội mà chúng ta thường gọi là bí tích hòa giải. Nơi bí tích hòa giải này, Giáo Hội có quyền tha tội và cầm tội của hối nhân, đó không phải là khắc nghiệt, nhưng là bởi lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi.

Bạn thân mến,
Đã có lần bạn phạm tội và đã có lần bạn ăn năn hối cãi, rồi bạn thấy tâm hồn của mình thật bằng an sau khi đã xưng tội xong. Đó chính là hiệu quả của bí tích Giải tội, bí tích của lòng thương xót Chúa và cũng là bày tò lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại, là chìa khóa Nước Trời mà Đức Chúa Giê-su đã trao ban cho Giáo Hội của Ngài.

Tuy rằng Đức Chúa Giê-su đã trao quyền tha tội cho thánh Phê-rô và các giám mục cũng như linh mục của Giáo Hội. Nhưng trong cuộc sống, bởi hiệu quả của bí tích Rửa tội mà bạn và tôi cũng có quyền tha thứ lỗi lầm của anh chị em, bạn và tôi cũng có quyền nói với họ rằng chúng ta là anh em trong Đức Chúa Giê-su, bởi vì khi tha thứ là khi được thứ tha, và bởi vì mỗi ngày bạn và tôi đều sốt sắng đọc kinh Lạy Cha chúng con ở trên trời...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:37 25/08/2017

32. Con người cần phải đứng trước mặt Thiên Chúa, không những phải nghe Ngài, mà còn phải nói chuyện với Ngài.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ nghiện ngập vô gia cư trở thành một linh mục, tông đồ cho người vô gia cư xì ke ma túy
Thanh Quảng sdb
03:31 25/08/2017
Từ nghiện ngập vô gia cư trở thành một linh mục, tông đồ cho người vô gia cư xì ke ma túy.
Theo nguồn tin của của EWNT News tại Montreal Canada ngày 25/8/2017 loan tin linh mục Claude Paradis đã sống một cuộc sống nghèo khổ vô gia cư, lang trên trên các đường phố Montreal, Canada. Ngài đã say mượt với rượu và ma túy, trước một tương lai đen tối, nhiều lần ngài đã nghĩ đến việc kết liễu đời mình.
Cha Claude Paradis và Nhà Đức Bà Hè Phố ở Montreal Canada
Cha Claude Paradis và những người hè phố
Cha Claude Paradis phân phát d962 ăn đồ uống cho người vô gia cư

May thay chàng đã không quyên sinh mà còn biết vươn lên đổi đời để trở thành một linh mục và hiện nay hiến dâng trọn vẹn thời giờ và cuộc đời còn lại để phục vụ cho các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người vô gia cư nghèo khổ, hút sách và mãi dâm.
Ngài phát biểu: "Đường phố đã dẫn tôi về với Giáo Hội và Giáo Hội lại đưa tôi trở lại hè phố”.
Tháng Mười Hai năm ngoái, để gần gũi và hòa đồng với người vô gia cư, Cha Paradis đã quyết định ngủ trên đường phố suốt cả tháng, để chăm sóc cho những người vô gia cư trong tình liên đới và bác ái.
Hy vọng của ngài là đồng hành với những ai trong tình cảnh khó khăn, đồng thời cũng gây ý thức cho mọi người dân trong thành phố Montreal ý thức được những thực tế không mấy tốt đẹp mà thành phố đang đối diện với những người lang thang trên các vỉa hè đường phố.
Cha Paradi đã thành lập một tổ chức được gọi là Notre-Dame-de-la-rue (Ngôi nhà Đức Bà Hè phố). Mỗi đêm, ngài phân phát thực phẩm và cung cấp chỗ tạm trú cho những người sống trên đường phố. Ngài cũng ban các bí tích, cử hành Thánh Thể và lo an táng cho những kẻ vô gia cư nữa.
Cha Paradi có một trong nhiều người cộng sự viên đắc lực là Kevin Cardin, người mà cũng có cùng một quá khứ nghiện nghập ma túy, nhưng tìm được sự giúp đỡ và đã đổi đời, bây giờ đang có một gia đình hạnh phúc.
Ngôi nhà Đức Bà Hè phố được Đức Tổng Giám mục Christian Lépine của Tổng Giáo phận Montreal hỗ trợ như công cuộc từ thiện của Giáo phận và được thành phố hỗ trợ. Cha Paradis nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là khích lệ những người hè phố, không chỉ cung cấp nơi ở mà chúng tôi đồng hành với họ, tâm sự, cầu nguyện cùng họ để họ có can đảm đối diện với thảm trạng đời họ mà quyết tâm vươn lên!”
Cha Paradis cho hay cuộc sống trên đường phố dẫy đầy khó khăn nguy hiểm! Ngài đã lớn lên ở vùng Gaspé và làm y tá tại Cowansville trước khi ngài chuyển về Montreal 25 năm trước đây. Nhưng thảm hại thay, ngài đã không thể tìm được việc làm. "Sự cô đơn và tuyệt vọng luôn ăm ắp bên tôi”. Sống trên hè phố, nhiều lần ngài đã nghĩ đến chuyện tự sát. "Tôi vùi mình vào hút sách và ma túy khi tôi kiếm được tiền”.
Trong một lá thư đăng trên trang web La Victoire de l'Amour (chiến thắng của tình yêu), cha Paradis đã kể lại cuộc hoán cải trở về với Chúa của ngài như sau: "Tôi thật hạnh phúc được gặp Chúa ngay lúc tôi nghi nan thất vọng! Trên một con hẻm nhỏ ở Montreal, không ai qua lại… Tôi đi qua một ngôi nhà thờ cũ… và tựa như có một sức gì đó thúc bách tôi hãy vào trong đó... " Đây chính là phút giây của một cuộc gặp gỡ thân tình sâu thẳm với Thiên Chúa. Ngài nhận thức được cuộc sống là một hồng ân, ngài không muốn chết, mà muốn trở thành "một con người của Chúa trong Giáo Hội".
Cha Paradis quyết tâm cai nghiện, vượt ra khỏi những nghiện ngập hút sách! Trải nghiệm đó bây giờ khiến ngài trở thành vị tông đồ cho những ai đang phải đối diện với những thử thách tương tự mà ngài đã trải qua trước đây.
Vị linh mục 57 tuổi này quyết dành phần còn lại của đời mình để phục vụ người nghèo vô gia cư và nghiện hút! Ngài nói: "Trên đường phố là nơi tôi muốn dấn thân làm tông đồ cho đến hơi thở cuối cùng."
(Nguồn EWTN News ngày 25/8/2017).
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi tin nhắn bằng hình ảnh cho các học sinh tù nhân ở Ezeiza.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:21 25/08/2017
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi tin nhắn bằng hình ảnh cho các học sinh tù nhân ở Ezeiza.

(Đài Vatican) Vào hôm thứ Năm ĐGH Phanxicô đã gởi tin nhắn bằng hình ảnh tới các học sinh tù nhân trong khu nhà tù Ezeiza. Đây là một sáng kiến nhằm giúp tù nhân đạt trình độ học vấn cao hơn.

Trung tâm bắt đầu hoạt động năm 1994 trong một dự án của Đại Học Beunos Aires, dạy chính yếu môn xã hội học và các môn khoa học ứng dụng, gồm máy tính và kỹ thuật thông tin.

ĐGH Phanxicô thường gọi điện thoại cho các tù nhân học ở trung tâm này. Các em đang bắt đầu chương trình học nhạc mới.

Trong tin nhắn, ĐGH nói rằng “Những tù nhân đang thụ án, bản án vì những lỗi lầm mà họ đã sai phạm. Tuy nhiên, đừng quên rằng sự sửa phạt phải đem lại thành quả, phải mang lại một chân trời hy vọng, nếu không hình phạt chỉ là sự giam hãm và là công cụ để tra tấn, nó không đem lại thành quả.”

“Hy vọng là nhu cầu đặc biệt để tái hòa nhập vào xã hội, những vốn liếng cần thiết để hình thành xã hội.

ĐGH nói với tù nhân “Các con đang làm gì vậy, hãy nhìn về tương lai với nhiều hy vọng.”

“Với khóa học âm nhạc mới, các con đang hướng về sự tái hòa nhập vào xã hội. Các con đang tự mình tái hòa nhập qua những học hỏi với trường Đai học Buenos Aires.

“Đây là sự sửa phạt với hy vọng, một sự sửa phạt với chân trời hứa hẹn. Cha nói lại với các con rằng “Khó khăn vẫn còn đó và sẽ còn đó, nhưng chân trời hy vọng thì lớn hơn nhiều so với những khó khăn. Hy vọng đến sau những khó khăn.”

Đức Thánh Cha cũng cám ơn những nhà sáng lập, giám đốc, ban giám hiệu và nhân viên của trung tâm đại học Ezeiza và xin các em học sinh nhớ đến ngài trong kinh nguyện.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Muà đại hồng thuỷ: Macao còn lụt, toà giám mục kêu gọi hợp tác cứu trợ
Xavier Nguyễn Đông
17:02 25/08/2017

Macao: Trận bão Hato đã đổ vào Hongkong, Macao và tỉnh Quảng Đông gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, khiến cho nhà chức trách phải lên tiếng xin lỗi vì đã không lường trước được sức mạnh cuả bão và không chuẩn bị cứu hộ được đầy đủ.

Đức Giám mục Stephen Lee cuả Macao cũng lên tiếng kêu gọi mọi người công giáo tham gia việc cứu trợ :."Đây không phải là thời điểm để than thở, hoặc đổ lỗi cho ai" Ngài nói, thêm rằng "Chúng ta cùng nhau hợp tác tích cực và xây dựng với các cơ quan chính phủ và với các tổ chức tự nguyện và từ thiện để phục hồi các hoạt động bình thường của thành phố càng sớm càng tốt."

Trận bão Hato là cơn bão mạnh nhất trong 53 năm và giám đốc Cục Khí tượng và Địa lý cuả địa phương đã từ chức.

Gần 7.000 hộ gia đình bị mất điện, một số khu vực trong thành phố không có nước. Giáo Hội Công Giáo đã thiết lập một số điểm phân phối trên khắp thành phố để cung cấp nước uống.

Một số vùng phía đông cuả thành phố vẫn còn bị ngập lụt. Một số cơ sở của Giáo Hội cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Hôm nay chính quyền bắt đầu triển khai quân đội để giúp đỡ cư dân và dọn dẹp đường phố.

Đây là thông điệp của ĐGM Stephen Lee:

Ngày 24 tháng 8 năm 2017

St Bartholomew

Anh chị em Macao thân mến trong Đức Kitô

Thứ Tư vừa qua, chúng ta đã trải qua một trong cơn bão mạnh nhất ở Ma Cao và đang chứng kiến những tổn thất to lớn và hậu quả cuả nó gây ra cho nhiều khu vực trong thành phố.

Tôi thay mặt cho toàn thể gia đình Công Giáo bày tỏ lòng cảm thông chân thành đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Trái tim tôi dành cho những người đã thiệt mạng và những người bị thương trong những trận lũ lụt và gia đình yêu dấu của họ, những người có nhà, cửa hàng, và các cơ sở kinh doanh bị ngập nước hoặc bị ảnh hưởng bởi cây đổ, những người mất tài sản và nói chung tất cả những người đang hoang mang cho một tương lai.

Ngoài ta, tôi củng lo lắng về tình trạng của nhiều trường học đang chuần bí mở cửa cho năm học mới vào đầu tháng Chín. Nhiều tầng hầm và tầng trệt đã bị chìm trong nước và nhiều thiết bị bị phá hủy, gồm tài liệu và sách vở. Tôi có thể cảm thấy sự lo lắng của các hiệu trưởng và giáo viên đang hoảng sợ khi họ nhìn thấy những thiệt hại đó. Tôi cũng quan tâm đến những vấn đề vệ sinh nghiêm trọng do việc thiếu điện nước trong những ngày này, đặc biệt đối với người cao tuổi trong khu phố của chúng ta, những người cao tuổi sống một mình và những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.

Một ngày sau cơn bão, chúng ta thấy không chỉ những công nhân thành phố dọn dẹp các đổ vỡ trên đường phố, chúng ta còn chứng kiến ​​nhiều tình nguyện viên ở tất cả các khu vực của thành phố, nhiều chủ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nước uống cho người dân. Đây là những công dân MaCao đang thực hiện các công trình thương xót với lòng trắc ẩn và rộng lượng.

Tôi xin kêu gọi tất cả các công dân Ma Cao, đặc biệt là những người tin Chúa Kitô, cùng với những người thuộc mọi tôn giáo và thiện tâm, hiệp nhất với nhau để cầu nguyện cho người quá cố và bị thương, cho gia đình họ, và cho các nhân viên cứu hỏa, nhân viên và công nhân sửa chữa các thiết bị điện nước và những người dọn dẹp đường phố. Chúng ta cùng nhau hợp tác tích cực và xây dựng với các cơ quan chính phủ và với các tổ chức tự nguyện và từ thiện để phục hồi các hoạt động bình thường của thành phố càng sớm càng tốt.

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường cuả giáo phận đã có cuộc hội đàm với Chính phủ để tạm ngừng hoạt động vào đầu năm học để cho phép các trường dọn dẹp.

Đây không phải là thời điểm để than thở, đổ lỗi cho ai, hoặc phàn nàn về những bất tiện; Thay vào đó, đây là thời điểm chúng ta phài thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau và cam kết làm tất cả những gì có thể trong quá trình hồi phục này. Đã đến lúc xã hội Macao khai thác tiềm năng phát triển thực sự của mình - các công dân tham gia, hợp tác với tất cả các cơ quan chính phủ, hướng tới việc sửa đổi và thực hiện chính sách quản lý khủng hoảng hiệu quả và thực tế.

Chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu những nỗi đau của rất nhiều người vào lúc này. Chúng tôi chia sẻ tình yêu và sự ủng hộ cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt, và cho tất cả những người đang làm việc chăm chỉ để phục hồi Macao. Tôi cầu nguyện rằng lòng nhân lành cuả Chuá an ủi họ trong giờ thử thách này và lấp đầy hy vọng để xây dựng lại những ước mơ của họ.

Cầu Chúa ban phước lành và gìn giữ tất cả quí bạn.

Chân thành trong Đấng Kitô,
 
Muà đại hồng thuỷ: Nửa nước Bangladesh bị chìm, chính quyền bó tay, Caritas cứu trợ hàng ngàn người
Xavier Nguyễn Đông
17:38 25/08/2017
Dhaka (AsiaNews) - Muà Gió Muà đã gây lụt lội cho hầu hết vùng Nam Á, theo số liệu chính thức tại Bangladesk , ở 32 trong tổng số 64 quận, có khoảng 8 triệu người phải bỏ nhà chạy lụt , nhiều nơi phải xử dụng trại giam làm nơi trú ẩn. ít nhất đã có 120 người thiệt mạng.

Với mức độ nghiêm trọng như thế, các cơ quan chính phủ đã không thể giúp đỡ mọi người.

Caritas Bangladesh đã cấp thời hoạt động và trong một thời gian ngắn đã viện trợ cho gần 4.000 người trong giáo phận Dinajpur và cung cấp hai bữa ăn một ngày cho 204 gia đình.

Ngày mai, họ sẽ bắt đầu viện trợ cho Rajshahi, ông Denis Baskey, giám đốc Caritas ở Rajshahi nói "Bắt đầu ngày mai chúng tôi sẽ phân phối viện trợ cho 1.550 gia đình, gồm có gạo và dầu ăn."

Pintu William Gomes, một viên chức của Caritas Disaster Management cho biết: "Lương thực, lều và giặt giũ là những nhu cầu ưu tiên nhất hiện nay", ông nói tiếp: "Một số người tuy có mang theo thức ăn trong một thời gian, nhưng giờ đây họ hoàn toàn phụ thuộc vào lương thực cứu trợ từ bên ngoài. Nhưng việc đi đến các vùng sâu vùng xa là rất khó khăn. "

Tất cả các giáo xứ Công Giáo đã kêu gọi các đoàn thể đóng góp quần áo và tiền bạc.

Cha Kamal Corraya, chánh xứ Tejgaon, một giáo xứ lớn nhất ở Bangladesh, cho biết "Tôi đã yêu cầu giáo dân mang tất cả những gì có thể cho các nạn nhân lũ lụt", ngài nói, "Tôi đã viết một lá thư cho tất cả các đoàn thể, và sự phản hồi là tích cực, chúng tôi quản lý hàng ngàn bộ quần áo và hơn 500.000 Taka (US $ 6.200 ) Mọi người vẫn đang tiếp tục ủng hộ. "
 
Hình ảnh trên đoạn phim cho thấy quân khủng bố Hồi Giáo đập phá nhà thờ Công Giáo, đe dọa Roma.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:23 25/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Marawi, Philippines. Một đoạn phim mới được phổ biến cho thấy hình ảnh bọn khủng bố Hồi Giáo ở Philipine đe dọa sẽ tiến về Roma trong lúc chúng phá hủy một nhà thờ Công Giáo.

Đoạn phim quay cảnh ở thành phố Marawi của Philippine cho thấy đám khủng bố đang bắn phá bừa bãi và phóng hỏa đốt một nhà thờ, cảnh chúng đập phá một Thánh Giá Chúa và tượng Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Một tên Hồi Giáo xé nát tấm ảnh ĐGH Phanxicô và ĐGH Benedictô XVI trong khi miệng la ó “Nhớ này, các người không phải là Hồi Giáo, chúng ta sẽ tiến về Roma, theo ước muốn của Đấng Ala.”

Trong cảnh quay, có một người thuyết minh rằng “sau những cố gắng của các người, sẽ là tôn giáo của thập giá đổ vỡ. Cuộc thánh chiến của Giáo Hội Latinh chống lại Hồi Giáo chỉ mang thêm can đảm cho một thế hệ trẻ.”

Đoạn phim được quay bởi nhóm truyền thông của bọn khủng bố Hồi Giáo Al Hayat, cũng có cảnh chiến đấu trong một thành phố bị bao vây ở Philippine, có những chiến sĩ Philippine đã tử trận và những tên khủng bố Hồi Giáo bắn súng AK-47 trong khi kẻ thuyết minh hô hào người Hôi Giáo ở Đông Nam Á tiến vào thành phố “để thực hiện thánh chiến.”

Kể từ ngày 23 tháng Năm, nhóm khủng bố Maute được gom tụ vào năm 2012 và hứa trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo vào năm 2015, đã liên tục chiến đấu chống lại lực lượng của chính phủ để mong chiếm lấy thành phố Marawi trên bán đảo Mindanao.

Bạo động bắt đầu sau khi cảnh sát và quân đội đã thất bại trong cuộc càn quét để bắt Isnilon Hapilon, một tên đầu đảng Hồi Giáo địa phương. Nhóm Maute bắt đầu tấn công bằng cách đốt các tòa nhà, gồm cả một nhà thờ chánh tòa Công Giáo và nơi ở của Đức Giám Mục.

Đa số dân chúng trong thành phố có 200,000 dân này là người Hồi Giáo đã bỏ trốn từ khi thành phố bị chiếm đóng. Có ít nhất 400 người bị giết trong cuộc giao tranh vào trung tuần tháng Bẩy, dù con số tử vong hiện nay chưa được cập nhật.

Ngày 24 tháng Tám, lực lượng chính phủ đã chiếm lại ngôi đền Grand Mosque của thành phố và đã gặp cảnh “vườn không nhà trống” dù người ta tin rằng có khoảng 40 người dân bị bắt làm con tin tại đây.

Phát ngôn viên quân đội Philippine là Tướng Restituto Padilla nói trong cuộc họp báo rằng việc chiếm lại đền thờ Grand Mosque, nằm ở khu trung tâm thành phố Marawi, là “một bước phát triển quan trọng” dù rằng không một con tin nào được giải thoát.

Chính quyền nói rằng một số bọn khủng bố chiến đấu ở Marawi dường như đến từ nước ngoài, gồm các nước như Nga, Nam Dương và Mã Lai. Các giới chức nói rằng cũng có những dấu hiệu nhiều tên khủng bố bị giết đến từ Trung Đông.

Cuộc chiến này làm cho người ta sợ rằng Nhà Nước Hồi Giáo đang cố gắng đặt thêm căn cứ ở Đông Nam Á.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, giám Mục Phó GP. Long Xuyên
GP. Long Xuyên
08:32 25/08/2017
VATICAN. Hôm nay 25-8-2017, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Trần Văn Toản làm Giám Mục Phó với quyền kế vị của Giáo Phận Long Xuyên.

Đức Cha Giuse Toản, năm nay 62 tuổi, sinh ngày 7-4-1955 tại tỉnh Quảng Nam, Giáo Phận Đà Nẵng, song thân ngài gốc giáo phận Thái Bình di cư vào đây. Cách đây 3 năm, ngày 5-4-2014, trong khi làm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Phận Long Xuyên, ngài được ĐTC Bổ nhiệm làm Giám Mục hiệu tòa Acalisso, Phụ Tá giáo phận Long Xuyên.

Với bổ nhiệm mới, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sẽ đương nhiên kế nhiệm Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu (1945) khi ngài từ nhiệm.

G. Trần Đức Anh OP

TIỂU SỬ Đức Cha PHÓ GIUSE TRẦN VĂN TOẢN

Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sinh ngày 7-4-1955 tại tỉnh Quảng Nam, Giáo Phận Đà Nẵng. Song thân ngài gốc giáo phận Thái Bình, Bắc Việt. Theo học tại tiểu chủng viện Long Xuyên từ 1966 đến 1974, rồi tại Đại chủng viện ở địa phương từ 1974 đến 1981. Thầy Giuse Toản đã phục vụ 11 năm trong giáo xứ Môi Khôi, Thạnh Quới, Giáo Phận Long Xuyên, trong khi chờ đợi Nhà Nước cho phép chịu chức Linh Mục.

Thầy thụ phong Linh Mục ngày 16-1 năm 1992, thuộc giáo phận Long Xuyên.

Sau đó cha đã lần lượt đảm nhận các trách vụ sau đây:

- Từ 1992 đến 1999: Phó Xứ Môi Khôi, Láng Sen, hạt Vĩnh Thạnh.

- Từ 2000 đến 2005: theo học tại Đại học De La Salle, Manila, Philippines và đậu tiến sĩ về giáo dục.

- Từ năm 2006: cha làm Giám đốc Trung tâm mục vụ và phối hợp các hoạt động mục vụ và truyền giáo, Giám đốc tiểu chủng viện thánh Têrêsa, giảng dạy môn Truyền Giáo học tại Đại chủng viện liên giáo phận Cần Thơ.

Ngày 05/04/ 2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Toản, làm Giám Mục phụ tá của giáo phận Long Xuyên với khẩu hiệu Giám mục: “Vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô” (x Gal 6. 14), và chỉ định cho ngài hiệu tòa Acalisso.

Ngày 25/08/2017, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Trần Văn Toản làm Giám Mục phó Giáo phận Long Xuyên với quyền kế vị.

 
Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn : Tân Giám Mục Phụ Tá Sàigòn
G. Trần Đức Anh OP
09:37 25/08/2017
Tân Giám Mục Phụ Tá Sàigòn

Đài Phat Thanh Vatican cho biết, ĐTC bổ nhiệm Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Văn phòng Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, làm GM Phụ tá Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, năm nay 57 tuổi, sinh ngày 6-4 năm 1960 tại Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng thuộc Tổng Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Cha Louis Tuấn thụ phong Linh mục năm 1999 và làm Phó xứ Giáo Xứ Phú Nhuận, rồi du học Roma tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về gia đình, từ 2001 đến 2007, và đậu tiến sĩ tại đây.

Về nước, Cha Louis Tuấn làm Phó Giám Đốc Trung Tâm Mục vụ của giáo phận, và làm thư ký của Hội Đồng GM Việt Nam cho giáo tỉnh Thành Phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Ủy ban về gia đình của giáo phận. Từ 3 năm nay, cha làm Giám Đốc Văn phòng Tổng thư ký HĐGM Việt Nam (Rei 25-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP
 
Lễ truyền chức Linh Mục và Phó Tế tại Dòng Anh Em Hèn Mọn, Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
17:23 25/08/2017
Sau một trận mưa rào của chiều ngày hôm trước, để đến sáng hôm nay 25/8/2017, bầu trời trong xanh cùng những làn gió mát, như góp vui cho ngày truyền chức linh mục và phó tế cho quý thầy Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu tại nhà thờ Giáo xứ Sơn Lộc. Giáo phận Phú Cường.

Xem Hình

Theo chương trình giờ này (8 giờ) hãy còn sớm, đây là dịp để mọi người có dịp làm quen, gặp gỡ anh em lâu ngày. Người thì ở Saigon, người ở Xuân Lộc, Phú Cường …quý tu sĩ cũng vậy, tất cả tạo nên một niềm vui chung.

Cả cộng đoàn vỗ tay chào đón Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường về dâng lễ truyền chức thánh hôm nay.

Hiệp dâng thánh lễ với Đức Cha Giuse có Cha Tổng Đại diện Simon và cũng là cha xứ Sơn Lộc, cha Giám tỉnh Dòng AEHMVT, cha Bề trên dòng và khoảng 50 cha khách trong và ngoài giáo phận. Tham dự có quý tu sĩ, quý thân nhân, ân nhân của các tiến chức và bà con giáo dân giáo xứ Sơn Lộc và Bắc Đoàn.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám Mục Giuse có lời chào đến quý cha hiện diện và có lời mừng với quý thầy sắp được chịu chức thánh. Có 3 thầy chịu chức phó tế và 2 thầy chịu chức linh mục. Chúng ta cầu xin cho các thầy được đón nhận dồi dào ơn Chúa qua việc đón nhận Bí tích truyền chức thánh đây, để các thầy có thể sống và sống một cách sung mãn, hữu ích và hạnh phúc trong ơn gọi và sứ vụ của mình.

Quý tiến chức linh mục:

- Thầy Phaolo Lê Đức Chánh

- Thầy Phero Vũ Bình Quốc

Quý tiến chức phó tế:

- Thầy Phero Hoàng Thành Đông.

- Thầy Giuse Trần Văn Dương.

- Thầy Giuse Trần Văn Long.

Sau phần công bố Lời Chúa là phần nghi thức truyền chức.

Quý thầy chịu chức phó tế và linh mục, sau khi được giới thiệu, Đức Giám Mục Giuse đã thẩm vấn, quý thầy đã nói lời chấp nhận dưới sự chứng giám cũa cha giám tỉnh.

Cả cộng đoàn hát kinh cầu các thánh, xin các thánh cầu thay nguyện giúp vì chúng con chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng dòn giữa phong ba bão táp của cuộc đời. Xin cho chúng con được noi gương các ngài mà can đảm tuyên xưng đức tin giữa muôn loài bằng những việc làm thiết thực.

Đức Giám Mục đã ân cần đặt tay, trao sách Tin mừng, dây phép và dâng lời nguyện phong chức cho quý thầy phó tế và ôm trao bình an. Quý cha đồng tế cũng đặt tay như vậy.

Với quý tiến chức linh mục, Đức Giám Mục đã đặt tay lên đầu, xức dầu trên đôi tay, trao chén thánh, áo lễ và dâng lời nguyện phong chức linh mục cho quý tân linh mục và ôm trao bình an. Sau đó quý cha đồng tế cũng ôm trao bình an tới quý tân linh mục.

Nghi thức truyền chức thánh kết thúc, tiếp theo là phần phụng vụ Thánh Thể.

Trong phần này các tân linh mục đã cùng với Đức Giám Mục dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng vinh quang, xin Thiên Chúa ban phúc lành cho cộng đoàn hiện diện, cho quý thân nhân, ân nhân còn sống hay đã qua đời.

Sau lời nguyện hiệp lễ, đại diện tiến chức đã có lời cảm ơn Đức Cha Giuse, cha Tổng đại diện, cha giám tỉnh, cha Bề trên, quý cha cùng toàn thể cộng đoàn. Để thể hiện lòng biết ơn, chúng con dâng kính Đức Cha, cha Tổng đại diện, cha Giám tỉnh, bó hoa thơm. Cả cộng đoàn vỗ tay cảm ơn.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành bình an, mọi người chụp hình lưu niệm với quý tân linh mục và phó tế.

Được biết: Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu có trụ sở chính trên đường Hồ Văn Tắng, nằm giáp ranh giữa giáo xứ Sơn Lộc và Bắc Đoàn. Có khảng 15 thầy đang tu học tại đây. Xin chúc mừng.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 36)
Vũ Văn An
00:44 25/08/2017
Chương mười một: Rôma và Hoa Kỳ

Joseph Nye, nhà khoa học chính trị của Đại Học Harvard, nổi tiếng khi đưa ra sự phân biệt giữa “quyền lực cứng” (hard power) tức sức mạnh quân sự và kinh tế, và “quyền lực mềm” tức khả năng dùng ý nghĩ để thuyết phục. Mặc dù Nye không nghĩ đến mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Rôma, nhưng các ý nghĩ của ông rất thích đáng để phân tích sự tương tác giữa hai tác nhân chủ đạo có tính hoàn cầu này, vì chúng hoàn toàn nắm được vai trò của cả hai tác nhân này. Hoa Kỳ là nguồn trổi vượt của quyền lực cứng trên thế giới, là căn cứ địa của nền kinh tế lớn nhất thế giới (trổi vượt hơn Trung Quốc một chút) và là kho vũ khí quân sự lớn nhất thế giới (lớn hơn bất cứ ai khác rất nhiều). Trong khi ấy, Vatican tự cho mình là người cung cấp quyền lực mềm quan trọng nhất trên thế giới, nghĩa là một tác nhân không phải nhà nước quan trọng nhất trên sân khấu hoàn cầu và là tiếng nói nổi bật nhất của lương tâm trong sự việc nhân bản. Dù tốt dù xấu, mối liên hệ giữa hai “siêu cường” này có khả năng lên khuôn cho lịch sử.

Nhưng không phải lúc nào họ cũng hoà hợp với nhau. Trước nhất, có một hố phân cách văn hóa khá sâu và khá dai dẳng giữa Rôma và Hoa Kỳ; điều này có nghĩa: đôi khi thật khó để họ hiểu nhau dù họ rất cố gắng. Sau đây là một điển hình đơn giản nhưng nói với ta rất nhiều: các quan niệm khác nhau về thời gian. Nói một cách ngắn gọn, Hoa Kỳ là nền văn hóa lò viba (microwave) trong khi Rôma là nền văn hóa nồi sành (crockpot). Ở Hoa Kỳ, nếu sáng thứ Ba bạn có vấn đề mà đến chiều hôm đó, bạn chưa giải quyết được thì thực sự người Hoa Kỳ cho rằng chỉ có thể có 3 khả thể. Bạn lười, bạn ở thế bác bỏ hay, tệ hơn cả, bạn tìm cách che đậy. Ở Rôma, nếu sáng thứ Ba bạn có vấn đề mà đến chiều hôm đó, bạn nghĩ bạn đã tìm ra giải pháp, thì phần lớn người ta sẽ cho rằng bạn chưa suy nghĩ đủ. Dưới con mắt họ, các giải pháp nhanh chóng thường là một toa thuốc dẫn người ta rơi vào thế nửa vời. Trọng điểm ở đây không phải khuynh hướng nào đúng khuynh hướng nào sai, mà là chúng khác nhau. Nhìn vào sự thận trọng muôn thuở của Rôma, người Hoa Kỳ thường thấy sự bác bỏ hay dửng dưng. Nhìn vào khuynh hướng bắn trước tra vấn sau của người Hoa Kỳ, người Rôma thường chỉ thấy sự thiếu chín chắn và thiếu suy nghĩ.

Bị dính vào giữa hố phân cách văn hóa này là gần 67 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ, những người sinh ra làm công dân Hoa Kỳ và đồng thời làm thành viên của gia đình đức tin hoàn cầu. Giáo Hội ở Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong sự việc của Công Giáo hoàn cầu thế nào, thì người Công Giáo Hoa Kỳ cũng là các tác nhân có tính quyết định trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước họ như vậy. Nếu cần chứng cớ, bạn hãy lưu ý điều này: chỉ cần không quá một ít người Công Giáo ở 6 hay 7 quận hạt của Ohio bỏ phiếu khác đi vào năm 2004, John Kerry đã là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc rồi. Cách người Công Giáo Hoa Kỳ gây ảnh hưởng sẽ có những hậu quả đáng kể đối với tương lai của cả Rôma lẫn Hoa Kỳ ra sao, thì sự tương tác giữa hai cường quốc này cũng sẽ gây hậu quả như thế đối với toàn thế giới.

Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ lớn ra sao?

Hoa Kỳ là nước Công Giáo lớn thứ tư trên thế giới, đứng sau Ba Tây, Mễ Tây Cơ và Phi Luật Tân. Nó là nước Công Giáo lớn nhất tại Tây Phương. Đến năm 2050, Hoa Kỳ có nhiều người Công Giáo bằng cả hai nước Tây Phương kế tiếp là Pháp và Ý cộng lại. Nó sẽ có một dân số Công Giáo 99 triệu người, trong khi Pháp và Ý được dự phóng mỗi nước sẽ có 49 triệu người Công Giáo. Đến lúc đó, Pháp và Ý sẽ là các nước Công Giáo hạng 7 và 8 về dân số Công Giáo. Xét vì sự gia tăng nhanh chóng số người nói tiếng Tây Ban Nha trong Giáo Hội Hoa Kỳ, tới năm 2050, nước này cũng sẽ là quê hương của cộng đồng Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau một mình Mễ Tây Cơ và lớn hơn cả Tây Ban Nha.

Tính tới tháng Mười Một năm 2012, có tất cả 195 giáo phận Công Giáo ở Hoa Kỳ, trong đó, có 33 tổng giáo phận. Tính chung, có tất cả 373 giám mục Hoa Kỳ, trong đó, 154 vị là giám mục giáo phận, 73 vị là giám mục phụ tá, 146 vị là giám mục hưu trí và 21 vị phục vụ ở bên ngoài xứ sở. Đây là một trong các đoàn giám mục lớn nhất trên thế giới. Cũng có 19 vị Hồng Y Hoa Kỳ hiện còn sống, trong đó, 11 vị dưới tuổi 80 và do đó có quyền bầu vị giáo hoàng kế tiếp; đây là khối Hồng Y lớn thứ nhì trên thế giới, sau Ý với 31 vị. Cũng trong năm 2012, có hơn 40,000 linh mục Công Giáo tại Hoa Kỳ, gần 10 phần trăm của tổng số hoàn cầu, cùng với 17,400 phó tế vĩnh viễn, 4,600 tu huynh, 57,100 nữ tu và hơn 5,000 chủng sinh. Cũng có gần 35,000 “thừa tác viên giáo dân” tại Hoa Kỳ, tức các giáo dân được Giáo Hội trao phó một số thừa tác vụ mà trước đây vốn do hàng giáo sĩ đảm nhiệm như thừa tác vụ âm nhạc, giới trẻ, giáo lý v.v…

Dĩ nhiên, các con số trên nên được đặt trong bối cảnh hoàn cầu. Con số 67 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ chỉ tượng trưng cho khoảng 6 phần trăm dân số Công Giáo hoàn cầu mà hiện là 1 tỷ 2; điều này có nghĩa 94 phần trăm người Công Giáo trên thế giới đang sống ở những nơi khác và, trong nhiều phương diện quan trọng, họ không nhất thiết giống như người Hoa Kỳ. Nếu có lúc nào việc nhìn Giáo Hội Công Giáo qua lăng kính quyền lợi và ưu tiên Hoa Kỳ được coi là thích đáng, thì chắc chắn lúc đó không phải là thế kỷ 21 vì điều này rõ ràng không đúng đối với các thực tại của Giáo Hội. Nói thì nói thế, song Hoa Kỳ vẫn là một thành phần hết sức quan trọng của cộng đồng Công Giáo nói chung.

Dân số Công Giáo Hoa Kỳ đang thay đổi ra sao?

Trước nhất, dân số Công Giáo ở Hoa Kỳ, giống như cả nước nói chung, đều đang trở nên già hơn. Thành phần phát triển nhanh nhất trong dân số Hoa Kỳ thực ra không phải là di dân mà là người cao niên. Năm 2005, có 34.7 triệu người Hoa Kỳ tuổi từ 65 trở lên; tới năm 2050, Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ dự phóng con số này sẽ là 75.9 triệu người, tức dân số trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vòng nửa thế kỷ. Người Công Giáo thường trẻ hơn dân số tổng quát đôi chút, do tuổi trung bình thấp hơn nơi người nói tiếng Tây Ban Nha cũng như sinh suất trung bình của họ cao hơn, nhưng dù thế, dân số Công Giáo cũng đang già đi hơn. Tới năm 2030, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ sẽ có thêm 6.8 triệu thành viên nữa trên 65 tuổi. Dù “đợt già đi” này đặt ra nhiều thách đố, cả cho xã hội lẫn cho Giáo Hội, nó cũng gợi ý nhiều cơ may. Các nhà xã hội học tường trình rằng một ai đó đi đạo kiểu ôm gốc cây lúc 35 tuổi thì lúc càng về già họ càng trở nên có lòng đạo sâu sắc hơn, đến nỗi dân số trên 65 tuổi là nhóm có xu hướng thực hành đạo nhiều nhất và sẵn sàng hiến thì giờ và tài nguyên cho các chính nghĩa tôn giáo. Nếu Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ có thể định khuôn cho các cộng đoàn thân thiện với người cao niên thì ắt hẳn nó đang trên đường phát triển tốt đẹp.

Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ sẽ càng ngày càng nhiều thành phần lao động chân tay và sắc tộc nhiều hơn. Theo các dự phóng gần đây nhất, tới năm 2030, người da trắng sẽ không còn chiếm đa số trong thống kê về dân số Công Giáo Hoa Kỳ nữa. Họ vẫn còn là một khối lớn, chiếm 48 phần trăm, nhưng người nói tiếng Tây Ban Nha sẽ chiếm tới 41 phần trăm, trong khi người Hoa Kỳ gốc Á Châu sẽ chiếm tới 7.5 phần trăm, còn người Phi Châu và Mỹ gốc Phi Châu chiếm 3 phần trăm. Luis Lugo, giám đốc Nghị Hội Pew, gọi khuynh hướng này là việc biến Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ “thành mầu nâu” (browning). Lugo nhận xét rằng khi trở thành mầu nâu, Đạo Công Giáo cũng sẽ trở thành nghèo hơn. Các di dân nói tiếng Tây Ban Nha ít hoàn tất chương trình trung học hơn người da trắng tới 7 lần và những người chỉ có khả năng kiếm được non 30,000 dollars một năm nhiều hơn người da trắng đến 2 lần rưỡi. Họ cũng là người ít được bảo hiểm hay không được bảo hiểm. Dựa vào các yếu tố dân số này, Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 sẽ trở thành một tín ngưỡng của giai cấp công nhân tay chân. Và như thế, Đạo này cũng đã trở lại với gốc rễ của nó trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi cơ sở dân số của nó gồm nhiều đợt di dân Âu Châu liên tiếp nhau tập trung nơi các nghề và các khu xóm phần lớn gồm công dân tay chân.

Điều gì làm cho Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ độc đáo?

Người Công Giáo vốn là thành phần của cảnh giới Hoa Kỳ trước khi có những điều như Hiệp Chúng Quốc. Người giáo dân Công Giáo Charles Carroll ở Maryland, chẳng hạn, đã đặt chữ ký của mình vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Thế nhưng, trong các thập niên tiên khởi của đời sống đất nước mới mẻ này, người Công Giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ về thống kê, đại diện chưa tới 1 phần trăm dân số cả nước. Bắt đầu giữa thế kỷ 19, dân số Công Giáo mới nổ bùng do các đợt di dân liên tiếp từ Âu Châu. Qua đầu thế kỷ 20, người Công Giáo đã chiếm gần 1 phần tư dân số Hoa Kỳ và tiếp tục như thế từ đó đến nay. Như thông thường vốn thế đối với hiện tượng thay đổi dân số quá nhanh, những người mới tới không luôn được chào đón nồng hậu; dân số Công Giáo gia tăng thường phải đối diện với thiên kiến và thù nghịch. Hiện tượng này đôi khi nổ thành những cuộc sát hại người Công Giáo đầy tính bạo động trong đó có những vụ đốt phá và cướp bóc các thánh đường. Luật lệ từng được thông qua nhằm ngăn cản việc trợ giúp công cộng cho các định chế Công Giáo, trong khi các phong trào duy nội sinh (nativist) như Đảng Không Biết Gì (Know-Nothing Party) xuất hiện để chống lại việc người Công Giáo gây ảnh hưởng về xã hội và chính trị.

Lịch sử trên đem lại cho Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ 3 đặc điểm rõ nét sau đây:

Thứ nhất, không như các nơi khác ở Tây Phương, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ không có truyền thống được nhà nước bảo trợ. Thay vào đó, nó phải học cách tự đứng vững bằng đôi chân của mình, không được trông chờ chi ở nhà nước. Trong phần lớn lịch sử của họ, điều tốt đẹp hơn cả mà người Công Giáo Hoa Kỳ hy vọng nhận được từ chính phủ là để họ được yên thân. Lịch sử này cho phép người Công Giáo Hoa Kỳ theo đuổi các ý niệm tự do tôn giáo và việc tách biệt giữa nhà nước và Giáo Hội và dạy họ rằng Đạo Công Giáo không những sống còn mà còn phát đạt nữa khi Giáo Hội và nhà nước giữ khoảng cách đối với nhau. Thành thử, các nhà tư tưởng Công Giáo Hoa Kỳ như cố linh mục Dòng Tên John Courtney Murray đã đóng một vai trò hàng đầu tại Công Đồng Vatican II, giúp Giáo Hội hoàn vũ tiếp nhận một cách hiểu biết mới mẻ và tích cực hơn về tự do tôn giáo.

Thứ hai, thị trường tự do của Hoa Kỳ trong tôn giáo đã làm cho Đạo Công Giáo Hoa Kỳ phát triển được một tinh thần kinh bang tế thế (entrepreneurial) khiến cả thế giới Tây Phương thèm muốn. Ở Âu Châu, các giáo xứ Công Giáo thường được người ta gọi là “trạm phục vụ” (filling station), nơi người ta rẽ vào để cưới xin hay chịu phép rửa, chứ ít có tiếp xúc gì khác. Ở Hoa Kỳ, các giáo xứ thường có rất nhiều loại sinh hoạt khác nhau, không phải chỉ thuộc phạm vi phụng vụ mà còn điều hành trường học, các chương trình nấu cháo cho dân nghèo, các chương trình học hỏi Thánh Kinh, các nhóm giới trẻ, các buổi tĩnh huấn cho các vị cao niên, các khóa đào tạo đức tin cho người lớn, các bệnh xá chữa bệnh miễn phí, và nhiều loại chương trình khác nữa. Ít nhất tới một mức nào đó, sự tương phản này còn phản ảnh một cái nhìn thông sáng nền tảng có tính kinh tế: sự độc quyền, vốn là đặc điểm của nhiều xã hội Âu Châu cho tới những năm gần đây, có xu hướng trở nên lười lĩnh và không hữu hiệu; trái lại, năng động tính cạnh tranh của thị trường mở rộng có xu hướng cổ vũ sự hối hả và lưu ý nhiều hơn tới việc phục vụ khách hàng.

Thứ ba, vì người Công Giáo bị loại ra ngoài các định chế xã hội chính dòng của Hoa Kỳ trong phần lớn lịch sử của họ, nên họ đã tự xây dựng lấy các định chế này cho riêng họ. Nhờ di sản này, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ ngày nay điều hành hệ thống trường tư lớn nhất của quốc gia, mạng lưới lớn nhất các bệnh viện và cơ cở y tế không nhằm kiếm lời, và hệ thống bác ái tư lớn nhất. Ở cấp từ mẫu giáo tới lớp 12, hiện có hơn 7,000 trường học tại Hoa Kỳ với số học sinh lên tới 2.1 triệu em. Nhiều trường học loại này phục vụ công chúng nghèo sống trong nội thành; khoảng 20 phần trăm đơn ghi danh là thuộc các sắc tộc thiểu số, trong khi 15 phần trăm không phải là người Công Giáo. Cũng có 244 cao đẳng và đại học Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Về chăm sóc y tế, 1 trong 6 bệnh nhân ở Hoa Kỳ được chăm sóc bởi mạng lưới 629 bệnh viện Công Giáo với tổng chi phí lên đến gần 100 tỷ dollars. Hơn 5.5 triệu bệnh nhân được nhận vào các bệnh viện Công Giáo năm 2010, và 66 hệ thống chăm sóc sức khỏe Công Giáo có một lực lượng lao động gần 766,000 nhân viên bán thời gian và toàn thời gian, biến các hệ thống này thành một trong các chủ nhân ông lớn nhất trong nước. (McDonald, chẳng hạn, có một lực lương lao động 465,000 người; UPS sử dụng 428,000 nhân viên). Cũng năm 2010, gần 330 văn phòng của Catholic Charities USA cung cấp trợ giúp cho 10,270,292 người khắp nước, gồm thực phẩm, nhà ở, dịch vụ gia đình, di dân, và nhiều hình thức trợ gipú khác.

Xét chung, hạ tầng cơ sở có tính định chế của Đạo Công Giáo Hoa Kỳ vừa có tính chất khổng lồ vừa có tính chất độc đáo về phương diện hoàn cầu.

Còn tiếp
 
Lời tuyên xưng đức tin
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:17 25/08/2017
Ở các nước trên thế giới vào mùa tranh cử, các bích chương quảng cáo của đảng phái, các cá nhân ứng cử vào các cơ chế địa vị chính trị xã hội được dán treo khắp mọi nơi đường phố, nhất là nơi công cộng có nhiều người tụ họp qua lại. Mục đích kéo chú ý gây ấn tượng để người dân bầu phiếu cho mình ngày bầu cử.

Vào dịp bầu cử Giáo Hoàng của Hội Thánh Chúa, như năm 2005 và năm 2013 vừa qua không có bích chương quảng cáo tranh cử. Nhưng các vị Hồng Y họp kín trong nhà nguyện Sixtin bên Vatican cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng bầu chọn vị Giáo Hoàng mới.

Chúa Giêsu ngày xưa đi rao giảng truyền bá nước Thiên Chúa cũng không làm quảng cáo bích chương kéo chú gây ấn tượng trong dân chúng. Nhưng những lời rao giảng về tình yêu nước Thiên Chúa của Ngài, những hành động lòng thương xót bác ái cứu giúp con người Ngài thi hành làm nền tảng giáo lý cho đời sống đạo giáo tinh thần con người.

Đi rao giảng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ làm người kế vị thành lập Hội Thánh Chúa ở trần gian. Và trong số 12 Tông đồ Chúa Giêsu muốn chọn một vị làm thủ lãnh đứng đầu Hội Thánh. Cung cách tuyển chọn cũng không dựa vào tranh cử cùng năng lực cá nhân, nhưng trên lòng tin vào Chúa. Chính vì thế Chúa Giêsu hỏi 12 Tông đồ: các con cho Thầy là ai?

Tông đồ Phero đã nói lên mạnh mẽ lời tuyên xưng: Thầy là Đấng cứu thế con Thiên Chúa. Và sau khi Phero tuyên xưng đức tin như thế, Chúa Giêsu đã chọn Phero làm thủ lãnh đứng đầu Hội Thánh: trao cho Ông chìa khóa thiêng liêng quyền năng cầm buộc và tháo mở cánh cửa thiêng liêng cho phần rỗi con người. Và Ngài còn đoan hứa bảo đảm Hội Thánh Chúa được xây trên nền tảng Phero, mà Chúa Gêsu gọi tên là phiến đá vững chắc không sao có thể lay chuyển phá đổ được.( Mt 16,13-20)

Địa điểm diễn ra cuộc đối thoại lời tuyên tín và sự tuyển chọn Phero đứng đầu Hội Thánh ở là vùng Caesarea Philippi. Đây là vùng núi đá cao nơi là đầu nguồn của sông Jordan, nơi này cũng là một trong những thánh địa lơn thờ kính thần Pan do vua Herode thiết lập. Và Vua Herode đã ra chiếu chỉ chọn địa điểm này làm thủ phủ chính trị của toàn vùng phía Bắc nước Israel cho chính phủ mình. Và vì thế Ông đã lấy tên Hoàng đế Caesar Augustus và tên mình đặt tên cho miền này. (Joseph Ratzinger Benedickt XVI. JESUS von Nazareth, Herder 2007, trang 333-336)

„Phero con là đá. Trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy“ ( Mt 20,18). Có thực sự Phero là phiến tảng đá không?

Ông Phero không phải là một tảng phiến đá cứng nhắc khô khan vô hồn như đá ở núi đồi hay đá trải lót làm đường. Nhưng Ông là một con người có thân xác lúc khoẻ, lúc yếu đau, có tinh thần cũng có lúc cương trực can đảm và cũng có lúc sa ngã yếu hèn như bao người khác do được Thiên Chúa tạo thành nên.

Ông Phero tự bản thân không phải là phiến tảng đá nền tảng Hội Thánh Chúa, nhưng chính Chúa Giêsu, người đã đoan hứa bảo đảm ban sự vững chắc cho phiến đá không vững chắc Phero.

Và trong dòng lịch sử Hội Thánh, Chúa tuyển chọn những người yếu đuối làm người cộng tác trong công việc xây dựng nước Chúa ở trần gian. Đây là một mầu nhiệm đức tin, như thánh Phaolo viết suy tư:“ Thiên Chúa đã chọn sự yếu đuối trong trần gian, để làm cho những hùng mạnh phải xấu hổ.“ ( 1 cor 1,27).

Thánh Phero cũng đã nói đến chính Chúa Giêsu là tảng đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá chính góc tường nâng đỡ cho tòa nhà. ( 1Phero 2,7).

„ Thầy trao cho con chìa khóa nước trời: dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc; dưới đất con cởi tháo điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.“ ( Mt 16,19).

Chìa khoá thiêng liêng nước trời trao cho Phero không là chiếc chìa khóa để mở khóa cửa, khóa cổng dinh thự đền đài, nhà cửa. Nhưng đó là hình ảnh Chúa Giêsu trao cho Phero trách nhiệm phục vụ Hội Thánh Chúa ở dưới trần gian. Trách nhiệm thiêng liêng đó tiếp tục loan truyền sứ điệp tin mừng ơn cứu độ của Chúa cho con người dẫn đường mở lối cho họ đi vào cửa kho tàng trên trời với Chúa.

Thánh Phero thường được vẽ họa hay khắc tượng tay cầm chìa khóa và nơi chìa khóa có khắc hình thập gía. Điều này chỉ dẫn ra công việc loan truyền công bố sự chết và sống lại chúa Giêsu là chiếc chìa khóa ngày xưa Chúa Giêsu trao cho Phero. Chiếc chìa khóa thiêng liêng dẫn đưa con người đền sự sống trọn vẹn bên Chúa.

Tảng phiến đá và chìa khóa là những hình ảnh nói lên: Chúa Giêsu ban tặng con người bờ bến bình an ơn cứu độ, và chờ đợi con người đến mở cửa ơn cứu độ đó.

Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phút Cuối Ngày
Tấn Đạt
19:00 25/08/2017
PHÚT CUỐI NGÀY
Ảnh của Tấn Đạt
Hôm nay
rồi cũng qua đi,
trở thành dĩ vãng
của ngày hôm sau.
(nđc phóng ngữ)

Today will be yesterday tomorrow.
(Unk)