Ngày 28-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:31 28/08/2024

20. Tất cả mọi thánh nhân đều là nhờ cầu nguyện mà thành công.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 28/08/2024
45. ĐÂU CÓ NHƯ THẾ

Có lần thi khoa học, có một thí sinh khoe khoang rằng nhất định mình sẽ thi đậu, anh ta nói với mọi người:

- “Ban đêm tôi nằm mơ thấy nhạc trống đánh đánh thổi thổi, té ra là có bức hoành báo tin thi đậu gởi đến nhà tôi.”

Bạn của anh ta cười nhạo nói:

- “Đúng đấy, ban đêm tôi cũng nằm mộng thấy bức hoành báo tin vui đưa đến nhà anh, trên bức hoành có đề bốn chữ.”

Thí sinh ấy hỏi:

- “Đó là bốn chữ gì?”

Người bạn trả lời:

- “Đâu có như thế”.

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 45:

Nằm mơ thấy mình thi đậu rồi khoe khoang mình sẽ thi đậu bảng vàng, đúng là chuyện khoa trương có một không hai trên đời.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu đều nói “đâu có như thế được” thì chắc chắn thế giới sẽ có hòa bình và xã hội sẽ được an vui. Khi gặp cám dỗ chúng ta nói “đâu có như thế được”, vì tôi là người Ki-tô hữu, thì có lẽ sẽ tránh được phạm tội; khi giận hờn chửi mắng anh em mà tự nói “đâu có như thế được” vì họ cũng là con của Thiên Chúa như tôi, thì sẽ có sự hối hận và quyết tâm sửa đổi; hoặc khi vu oan giá họa cho người khác mà tâm chúng ta nghĩ “đâu có như thế được” vì lỗi đức bác ái, thì sẽ không còn vu oan giá họa cho tha nhân nữa; nếu khi chúng ta khoe khoang khoác lác mà biết nghĩ rằng “đâu có như thế được”, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không khoe khoang kiêu ngạo với mọi người...

Cái làm chúng ta khó chịu đó là tính khoe khoang của người khác, cái làm cho người khác khó chịu đó là tính khoe khoang của mình, bởi vì cái khoe khoang là một trong những cái làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa cũng như xa rời anh chị em của mình.

Có người lấy chuyện nằm mơ làm sự thật nên họ sống khoe khoang và sau đó thì phiền muộn, bởi vì mộng không phải là thực tế; người Ki-tô hữu thì không sống bằng mộng nhưng bằng thực tế, nên họ thấy cái rất thực của người giàu cũng như của người nghèo, để rồi họ không con khoe khoang nữa, bởi vì chính họ cũng là con người nhiều khuyết điểm như bao người khác vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 29/08: Đáp ứng ước muốn vội vàng, đầu của một người – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP.
Giáo Hội Năm Châu
02:31 28/08/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Đó là lời Chúa
 
Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:24 28/08/2024
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII – B
(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết

Chúa nhật thứ XXII thường niên B đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng Marcô, với sứ điệp Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra rằng, giữa bao nhiêu phong tục tập quán của loài người thì Luật Chúa là trên hết. Ai giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết.

Luật Chúa không phải là một gánh nặng hay sự gò bó đối với con người, đúng hơn Luật Chúa ban là hồng ân quý giá, vì nó chứng tỏ thấy tình yêu của Thiên Chúa là Cha luôn gần gũi với con người là con, Chúa cùng với con người viết lên một lịch sử tình yêu.

Chúng ta biết, vì yêu mến con người Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (x. St ). Cũng vì muốn con người vui sống hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban truyền các Thánh chỉlà Lề Luật để hướng dẫn con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ của ích kỷ, dẫn vào trong "miền đất" của sự tự do và sự sống đích thật. Những người Do thái đạo đức thường cầu nguyện như sau: "Nơi các luật điều của Người, tôi vui khoái, tôi sẽ không quên lời lẽ của Người… Xin cho tôi vững bước trên nẻo đi lệnh truyền, vì nó là nguồn sung sướng của tôi" (Tv 119,16.35).

Giữ Luật Chúa thì sống

Ông Môsê trước khi từ giã cõi trần, biết mình không được vào Ðất Hứa nên đã trối cho dân Chúa rằng : Dân sẽ được vào Đất Hứa. Nhưng ở đó họ sẽ có được hạnh phúc không là tùy thuộc ở thái độ của họ trung thành đối với Chúa.

Môisê nói với dân chúng rằng : "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi" (Ðnl 4,1).

Ý Môisê muốn nói : dân Israel giữ Luật Chúa truyền thì được sống và được vào Đất Hứa. Ðó là điều không được tranh luận bàn cãi. Là vấn đề một sống một chết, có thế thôi. Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết. Mà chết và sống ở đây có ý nghĩa thực tế cụ thể chứ không bóng bẩy. Thiên Chúa chỉ ban Ðất Hứa và các Lời Hứa của Ngài cho những ai tu giữ Luật. Kẻ không giữ Luật, không có chỗ đứng, không có nơi tựa, nó sẽ hư vong. Giữ Luật Chúa thì sống.

Gạt bỏ Lệnh truyền của Chúa thì chết

Ông Môisê đã rất thận trọng khi nói: "Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan" (Ðnl 4,1-2). Không được thêm gì vào Luật Chúa, cũng không được xén bớt. Điều nãy không phải dễ.

Tiếc thay, với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. chẳng những thế, họ còn lấy truyền thống và tập quán loài người làm luật sống. Những lời sách Thứ Luật hôm nay là tiếng nói của chính Thiên Chúa. Chúa mạc khải cho chúng ta chân lý này: nếu con người muốn sống và vào được Đất Hứa, tức là hạnh phúc, họ phải giữ Luật Chúa và chỉ giữ đúng Luật của Chúa. Không những đó là đường sống cho họ mà còn là vinh dự ở trước mắt các dân.

Giữ Luật với lòng mến Chúa

Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật, nhưng dạy người ta chống lại thói đạo đức giả hình, vụ hình thức, quan trọng hóa luật lệ của con tim với nghi lễ bên ngoài. Người lên án việc làm khiến người ta xa rời Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, sự trong sạch không tùy thuộc vào lễ nghi thanh tẩy, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng. Giữ Luật với lòng mến Chúa.

Khi tuyên bố : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế " (Mc 7, 15), cái đó không chạm tới lòng người ta, nhưng vào trong bụng và kết thúc trong cống rãnh. Theo Chúa Giêsu, điều gì làm cho chúng ta ô uế : " Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế". Thiên Chúa không hiện diện khi lòng người rời xa Chúa. Việc thực hành đạo dù lớn hay nhỏ, chỉ có giá trị khi được sinh ra từ tình yêu, được tháp tùng bởi tình yêu và được tiêu thụ trong tình yêu.

Tập tục của tiền nhân người Do thái thích giữ với lòng đạo đức ấy lại trái với Luật Môise. Đó là lý do tại sao Êsai nói : "Bạc của ngươi hóa thành ten chì, rượu đã trá pha nước lã " (Is 1,22), cho thấy người xưa tuân giữ Luật Chúa với một truyền thống nhạt nhòa, nghĩa là họ đã thiết lập một luật biến chất trái với Luật Chúa. Chúa Giêsu trách họ : "Tại sao các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệnh truyền của các ông? " (Mt 15,3) Họ bỏ qua những điều cần thiết, thêm vào những khoản phụ và giải thích theo lối khác, việc họ làm lột tẩy họ là những kẻ đạo đức giả hình.

Họ cương quyết bảo vệ các tập tục, nhưng không tuân thủ Luật Chúa. Thậm chí họ đổ lỗi cho Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát khi chữa bệnh, điều mà Luật không cấm. Tuy nhiên, họ không nhận lỗi về mình đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, luật của họ thiếu hẳn tình yêu. Tình yêu này, trên thực tế, là điều răn thứ nhất và trọng nhất, và thứ hai là tình yêu của người lân cận. Thánh Phaolô cũng nói : Yêu mến là chu toàn cả Lề luật (Rm 13,10).

Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối Chúa, và dạy bảo con Thánh Chỉ của Ngài. Amen.
 
Vũ Điệu Mất Đầu!
Nguyễn Trung Tây
06:48 28/08/2024
Lm Nguyễn Trung Tây: Vũ Điệu Mất Đầu!

Hoàng tử Philip, một trong những người con trai của vua Hêrô cưới Herodias làm vợ, nhưng rất tiếc Herodias ly dị chồng, sau cùng lại trở thành vợ của Antipas, em trai của hoàng tử Philip. Trong văn hóa Do Thái, để đảm bảo gia sản dòng họ không thất thoát chạy sang tay người ngoại tộc, theo luật Do Thái người em trai phải cưới chị dâu của người anh trai đã qua đời nhưng rất tiếc lại không có con trai nối dõi (Deut 25:5-6). Nét văn hóa Do Thái này được minh hoạ qua cuộc tranh luận nẩy lửa giữa Đức Giêsu và thầy Saducee với câu chuyện bẩy người anh em trai cùng lấy một cô vợ (Mark 25:5-6). Tuy nhiên dường như đám cưới hoàng gia giữa vua Herod Antipas và Herodias không rớt vào trong trường hợp này, bởi Philip vẫn còn sống sau khi Herodias trở thành vợ chính thức của vua Antipas, em trai của hoàng tử Philip.

John Tiền Hô quyết liệt phản đối cuộc hôn nhân giữa vua Antipas và người chị dâu. Rất nhiều lần, ngôn sứ sa mạc công khai mở miệng lên án hoàng gia Herod Antipas.

Hôm đó trước mặt nhiều người vọng tộc và quyền quý, Salome biểu diễn một vũ điệu đẹp quyến rũ mê hồn đến nỗi nhà vua trước mặt quan khách ngớ ngẩn mở miệng tuyên bố bất cứ điều gì Solome muốn, ngay cả một nửa vương quốc, nhà vua cũng sẽ trao tặng. Và…cô gái chỉ ngón tay về nhà ngục, nơi ngôn sứ sa mạc bị xích xiềng.

Giây phút đen tối cho ngôn sứ sa mạc. Giây phút tuyệt vời cho hoàng hậu Herodias.

Ngay lập tức, lệnh tử hình được thi hành trong ngục. Chỉ trong thoáng chốc, đầu của ngôn sứ đặt trên đĩa được mang tới, trao tặng Salome, và cô gái mang đĩa đựng đầu người trao tặng mẹ.

Suy Niệm: Ngôn sứ sa mạc John Tiền Hô đã từng lựa chọn không ngậm miệng, không yên lặng, nhưng lên tiếng phản đối.
 
Chứng từ hùng hồn về sự khổ đau
Lm. Minh Anh
16:12 28/08/2024
CHỨNG TỪ HÙNG HỒN VỀ SỰ KHỔ ĐAU
“Miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!”.

“Một số người đáng thương nhất trên thế giới là những người - giữa nghịch cảnh - buông thả bản thân, đắm mình trong cay đắng và tủi thân; đồng thời, vui vẻ đổ lỗi cho Chúa những vấn đề của họ!” - Billy Graham.

Kính thưa Anh Chị em,

Gioan Tẩy Giả không ‘vui vẻ’ đổ lỗi cho Chúa về cái chết của mình! Cuộc trảm quyết Gioan được kính nhớ hôm nay là một ‘chứng từ hùng hồn về sự khổ đau’, tiết lộ mầu nhiệm sự ác trong thế giới và ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài, một đôi khi, cho nó xảy ra.

Tại sao Thiên Chúa lại cho phép người ta chặt đầu một con người vĩ đại? Chúa Giêsu từng nói về sự vĩ đại của con người này, “Trong tất cả con cái người nữ sinh ra, không ai cao trọng hơn Gioan!”. Vậy mà Ngài vẫn để Gioan chịu một bất công lớn lao đến thế? Đúng vậy, rõ ràng, theo dòng lịch sử, Thiên Chúa đã cho phép những kẻ Ngài yêu thương chịu khổ đau suốt mọi thời. Điều này cho biết điều gì?

Trước hết, sự thật hiển nhiên là Chúa Cha đã để Chúa Con chịu khổ đau, bị sát hại một cách thảm khốc. Phải chăng điều này có nghĩa là Cha không yêu Con? Không! Thực tế, đau khổ không phải là dấu hiệu của sự ghét bỏ nơi Thiên Chúa. Nếu bạn đau khổ và xem ra không được đỡ nâng thì đó không phải là vì Chúa bỏ rơi bạn, không yêu bạn; ngược lại có lẽ đúng hơn. Ngài muốn bạn dùng sự đau khổ của mình để miệng bạn có thể “tường thuật ơn cứu độ Ngài ban”. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc!

Trên thực tế, đau khổ của Gioan là bài giảng vĩ đại nhất mà Gioan có thể truyền đạt. Đó là chứng từ của một tình yêu bền vững đối với Thiên Chúa và sự cam kết hết lòng của một sứ giả đối với Đấng sai đi. Chứng từ hùng hồn của Gioan thật mạnh mẽ vì Gioan đã trung thành, bất chấp sự bách hại. Và theo quan điểm của Thiên Chúa, lòng trung thành đó có giá trị hơn nhiều so với cuộc sống thể xác mà Gioan có thể ‘tiếp tục’ kéo dài để chu toàn sứ vụ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngần ấy đã là quá đủ!

Sai Giêrêmia đến với dân, Thiên Chúa cũng quyết đoán một cách tương tự, “Hãy thắt lưng. Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi!” - bài đọc một. Giêrêmia bị dân chống đối, thậm chí có lần, người ta định chôn sống ông. Nhưng có Chúa ở cùng, Giêrêmia đã đi đến cùng, chu toàn sứ vụ một cách hùng hồn.

Anh Chị em,

“Miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!”. Trong cuộc sống, trước những khổ đau, bạn có tường thuật ơn cứu độ của Chúa? Hay thay vào đó, gặp một thánh giá - không ít lần - bạn cầu xin Chúa cất nó đi? Dẫu hoàn cảnh nào, Chúa cũng sẽ nói với chúng ta, “Ơn Thầy đủ cho con!” và Ngài muốn chúng ta dùng sự khổ đau của mình để chứng tỏ lòng trung thành; đồng thời, tường thuật ơn cứu độ của Ngài. Vì thế, câu trả lời của Chúa Cha dành cho Chúa Con, dành cho Giêrêmia, cho Gioan và cho cả bạn và tôi là một lời mời gọi mỗi người bước vào mầu nhiệm thập giá của chính mình trong đức tin, niềm hy vọng và lòng trung thành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ không vui vẻ đổ lỗi cho Chúa về thập giá của con. Với ơn Chúa, con sẽ ôm lấy nó, biến nó thành Bí tích cứu độ; cứu độ con, cứu độ anh em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đừng thêm thắt và cũng đừng nhập nhằng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:10 28/08/2024
ĐỪNG THÊM THẮT VÀ CŨNG ĐỪNG NHẬP NHẰNG
(Chúa Nhật XXII TN B)

Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa Chúa” (Đnl 4,2). Trong Cựu Ước, người ta đếm được có những 248 điều truyền và 365 điều cấm, một pho luật xem ra khá đồ sộ nhưng đâu thấm gì so với các luật lệ của con nguời trong các xã hội dân sự hiện nay trên thế giới và với cả luật Giáo Hội Công Giáo (Bộ Giáo Luật chung năm 1983 của Giáo Hội Công Giáo gồm 1752 điều khoản). Thế mà đã có ngài tiến sĩ luật cảm thấy oải trước khối lề luật ấy, nên đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời cách long trọng rằng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình ngươi. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,36-40).

Tất cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật dữ kiện này và Tin Mừng Maccô và Luca lại thêm kết luận rằng người ta đã “tâm phục, khẩu phục” trước câu trả lời của Chúa Giêsu (x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Như thế, chắc hẳn đoàn dân Chúa xưa ít nhiều cũng nhận thức được điều này. Thế mà chước cám dỗ muốn thêm bớt vẫn có đó khiến cho Môsê đã cảnh báo dân, đúng hơn là cảnh báo những người lãnh đạo, vốn là những người thường có quyền ra lề luật. Ở đây, xin được đề cập đến chước cám dỗ thêm thắt luật lệ và nhập nhằng, kiểu đánh lận con đen trong việc thực thi lề luật.

1.Cám dỗ thêm thắt luật lệ: Theo nhãn quan của thần học luân lý, xét về nguồn gốc của lề luật, thì có luật của Thiên Chúa (thiên luật), và luật của con người (nhân luật). Dù rằng luật của Thiên Chúa chỉ có hai luật chính là mến Chúa và yêu người, nhưng để triển khai và áp dụng hai lề luật ấy theo từng hoàn cảnh cụ thể, với những đối tượng cụ thể thì cần có những khoản luật thích ứng. Tuy nhiên, những người làm luật rất có thể bị cám dỗ thêm thắt nhiều khoản luật đi lệch trọng tâm và hướng nhắm của hai giới răn chính ở trên. Đã là luật của Thiên Chúa thì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền ra luật. Khi chúng ta thêm thắt nhiều luật lệ đi lệch với ý Chúa hoặc sai trọng tâm mà gọi đó là luật của Thiên Chúa thì vô tình chúng ta tự đặt mình như Thiên Chúa. Các sứ ngôn đã từng nhiều lần nói thay Thiên Chúa: Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ; Ta chán ngấy mỡ dê bò các ngươi dâng tiến, hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi… (x.Mt 12,7; Ge 2,13).

2.Cám dỗ làm nhập nhằng kiểu đánh lận con đen: Luật lệ của con người thì rất cần được bổ túc hoặc thêm bớt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Một trong những mục đích của lề luật là nhằm phục vụ ích chung, gìn giữ sự công bằng và trật tự trong đời sống xã hội, đặc biệt bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi cảnh “cá lớn nuốt cá bé, mạnh được-yếu thua”. Xã hội càng phát triển thì các mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể ngày càng phong phú và đa dạng, do đó cần có thêm nhiều luật lệ để gìn giữ các mối quan hệ ấy trong sự bình đẳng và hài hòa. Hình thái xã hội đã thay đổi thì các luật lệ cũng phải được đổi thay. Chính vì thế mà luật lệ không ngừng được chỉnh sửa, thậm chí phải thay đổi. Việc có thể đổi thay cho ta thấy luật con người mang tính bất cập và bất toàn. Nhiều chuyên gia về ngành Luật đã nói rằng một trong những tính chất của luật là “tính bất công”. Với lối nói “ngoa ngữ”, họ chỉ muốn nhấn mạnh đến sự bất cập của lề luật con người. Luật của con người không thể và không bao giờ có thể đáp ứng hết mọi tình huống, hoàn cảnh của con người và xã hội.

Khi hiểu được điều này, ắt hẳn chúng ta sẽ tránh được thái độ thượng tôn và tuyệt đối hóa lề luật mà trả nó về lại vị trí của nó là một trong những phương tiện để phục vụ con người chứ không phải con người có ra vì lề luật (x.Mc 2,27). Sự thường, lề luật được lập nên do những người đang nắm quyền lực trong các thể chế, tổ chức xã hội lẫn tôn giáo. Và người làm luật khó tránh được chước cám dỗ làm luật có lợi cho mình. Khi thượng tôn lề luật, biến lề luật do mình làm ra trở thành thiên ý thì vô tình hay hữu ý, lợi ích của người làm luật được bảo vệ và hợp pháp hóa, cho dù nhiều khi các lợi ích ấy là bất chính. Đây là trường hợp mà Chúa Giêsu đã cực lực phê phán khi nói rằng “các ông đã gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà”(Mt 23,24).

Trở lại với nguồn lề luật của Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng luật Chúa thì bất biến và có tính bó buộc tuyệt đối. Tuy nhiên tính bó buộc tuyệt đối và bất biến này chủ yếu ở hai luật chính là tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nghĩa là nhìn nhận những gì mình đang là, đang có đều do bởi Thiên Chúa trao ban và mình chỉ có thể sống, tồn tại, phát triển trong hạnh phúc viên mãn khi gắn bó với Thiên Chúa và thực thi huấn lệnh của Người. Chúa Kitô đã minh nhiên phán bảo: “Anh em hãy yêu thuơng nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chính khi chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa Kitô dạy là chúng đang mến yêu Thiên Chúa (x.Ga 15,12).

Yêu thương cũng có nhiều đường, nhiều cách. Với kiểu, với cách nào đi nữa, khi sống yêu thương, phải đặt nền tảng trên đức công bình và đức ái. Xin được muợn lời của Đức Khổng Tử và lời của sách Tobia để giữ đức công bình: Đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình (x.Tb 4,16). Và xin được nhắc lại lời của Chúa Giêsu để sống đức ái: Tất cả lề luật và lời ngôn sứ đều tóm ở điều này: Hãy làm cho tha nhân những gì mà anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12; Lc 6,31).

Ban Mê Thuột.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha đến Đông Nam Á. Giới thiệu Giáo Hội tại Indonesia
Đặng Tự Do
01:45 28/08/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.

Tổng quan

Indonesia, tên gọi chính thức là Cộng hòa Indonesia (tiếng Indonesia: Republik Indonesia), cũng thường được gọi là Nam Dương, là một đảo quốc liên lục địa, nằm giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Indonesia được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo” vì lãnh thổ của nước này bao gồm 13.487 hòn đảo với dân số ước tính đạt hơn 279 triệu người, theo thống kê năm 2022, xếp thứ 4 thế giới và đứng thứ 3 Á Châu.

Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên khác với Malaysia và Brunei, trong Hiến pháp Indonesia không đề cập tới tôn giáo này là quốc giáo (do vậy không thể coi Indonesia là một quốc gia Hồi giáo giống như các nước Tây Á, Trung Đông, Bắc Phi, Malaysia hay Brunei,...). Indonesia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và Tổng thống do dân bầu. Indonesia có biên giới trên đất liền với Papua New Guinea ở đảo New Guinea, Đông Timor ở đảo Timor và Malaysia ở đảo Borneo, ngoài ra vùng biển giáp các nước Singapore, Việt Nam, Philippines, Úc, và lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Thủ đô hiện tại là Jakarta và đây cũng đồng thời là tỉnh lớn nhất, tuy nhiên do sự quá tải dân số đang gây sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, chính phủ Indonesia đã quyết định dời đô về Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Tên của thủ đô mới là Nusantara, có nghĩa là 'quần đảo' trong tiếng Indonesia.

Lịch sử cận đại

Lịch sử Indonesia là dải thời gian rất dài, bắt đầu từ thời Cổ đại khoảng 1.7 triệu năm trước dựa trên phát hiện về Homo erectus Java. Các giai đoạn lịch sử của Indonesia có thể chia thành 5 kỷ:

Thời đại tiền thực dân: Sự xuất hiện của các vương quốc theo đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi tại đảo Java và Sumatra. Các quốc gia này phát triển dựa trên thương mại, buôn bán hàng hải.

Thời đại thuộc địa: Chịu sự kiểm soát của người Âu Châu, đặc biệt là người Hòa Lan với sự kiểm soát của Công ty Đông Ấn Hòa Lan, họ đã chiếm vùng đất này để kiểm soát con đường gia vị, hương liệu. Khoảng 3,5 thế kỷ là thuộc địa, bắt đầu từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chiếm Indonesia trong tay Hòa Lan năm 1942. Sau khi bị quả bom Nagasaki 9 tháng 8 năm 1945, họ định đem ông Sukarno là lãnh tụ các phe nhóm yêu nước của Indonesia đi an trí ở Sài Gòn để tránh cuộc tổng khởi nghĩa. Một nhóm thanh niên trẻ bắt cóc được ông Sukarno khỏi tay người Nhật. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, hai ông Sukarno và Hatta tuyên bố Indonesia độc lập

Thời đại mới dành độc lập: Cột mốc là Tuyên bố độc lập của người Indonesia (1945) đến sự sụp đổ của chính quyền Sukarno (1966).

Thời đại trật tự mới: 32 năm dưới sự thống trị của Suharto (1966-1998).

Thời đại cải tổ: Bắt đầu từ sự sụp đổ của Suharto đến hiện tại.

Chính trị

Indonesia là một nước cộng hòa theo tổng thống chế. Với tư cách một quốc gia đơn nhất, quyền lực tập trung trong tay chính phủ trung ương. Sau cuộc từ chức của Tổng thống Suharto năm 1998, chính trị Indonesia và các cơ cấu chính phủ đã trải qua những cuộc cải cách lớn. Bốn sửa đổi đã được tiến hành với Hiến pháp Indonesia năm 1945 sắp xếp lại các nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tổng thống Indonesia là lãnh đạo quốc gia, tổng tư lệnh quân đội Indonesia, và là người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, lập chính sách cùng quan hệ đối ngoại. Tổng thống chỉ định một hội đồng bộ trưởng, các thành viên của hội đồng không buộc phải là các thành viên được bầu của nghị viện. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 là cuộc bầu cử đầu tiên dân chúng được trực tiếp bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Tổng thống có thể phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Tổng thống hiện nay là Ông Joko Widodo.

Cơ quan đại diện cao nhất ở cấp quốc gia là Hội nghị Hiệp thương Nhân dân (MPR). Các chức năng chính của cơ quan này là hỗ trợ và sửa đổi hiến pháp, chứng nhận tổng thống nhậm chức, chính thức hoá các khuôn khổ của chính sách quốc gia. Cơ quan này có quyền buộc tội tổng thống. MPR gồm hai viện; Hội đồng Đại diện Nhân dân (DPR), với 550 thành viên, và Hội đồng Đại diện Khu vực (DPD), với 128 thành viên. DPR thông qua các luật và giám sát nhánh hành pháp; các thành viên thuộc các đảng chính trị được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo đại diện tỷ lệ. Những cải cách từ năm 1998 đã làm tăng đáng kể vai trò của DPR trong việc điều hành quốc gia. DPD hiện là một cơ quan mới chịu trách nhiệm quản lý khu vực.

Đa số các tranh chấp dân sự đều được đưa ra trước Tòa Nhà nước; các vụ phúc thẩm được xử tại Tòa Cao cấp. Tòa án Tối cao là tòa cao cấp nhất của nhà nước, và đưa ra phán quyết cuối cùng về các vụ phúc thẩm sau khi đã xem xét lại vụ việc. Các tòa khác gồm Tòa Thương mại, xử các vụ phá sản và mất khả năng thanh toán, một Tòa án Hành chính Quốc gia xử các vụ về luật hành chính chống lại chính phủ; một Tòa án Hiến pháp xử các vụ về tính hợp pháp của pháp luật, các cuộc bầu cử, giải tán các đảng chính trị, và phạm vi quyền lực của các định chế nhà nước; và một Tòa án Tôn giáo để xử các vụ án tôn giáo riêng biệt.

Giáo Hội Công Giáo tại Indonesia

Công Giáo ở Indonesia bắt đầu khi người Bồ Đào Nha đến tìm kiếm Quần đảo Gia vị vào thế kỷ 16. Hiện nay, tỉnh East Nusa Tenggara và Nam Papua ở Indonesia là những nơi duy nhất mà Công Giáo là tôn giáo chiếm ưu thế trong dân số, với khoảng 55% và 50% dân số. Ngoài ra còn có một số lượng lớn người Công Giáo ở Bắc Sumatra, Tây Kalimantan, Nam Papua, Nam Sulawesi, Maluku và Trung Java, đặc biệt là ở và xung quanh Muntilan.

Công Giáo là một trong sáu tôn giáo được công nhận tại Indonesia, các tôn giáo khác là Hồi giáo, Tin lành, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Theo số liệu chính thức, người Công Giáo chiếm 3,12 phần trăm dân số vào năm 2018. Do đó, số lượng người Công Giáo là hơn 8,3 triệu người. Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi, nhưng Công Giáo là tôn giáo chiếm ưu thế ở một số khu vực nhất định của đất nước.

Giáo hội được tổ chức thành một giáo phận quân đội, 10 tổng giáo phận và 28 giáo phận. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Indonesia hiện do Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin từ Giáo phận Bandung lãnh đạo. Có một số hội dòng Công Giáo đang hoạt động trong nước bao gồm Dòng Tên, Hội Truyền giáo Thánh Tâm và Hội Truyền giáo Ngôi Lời Thiên Chúa.

Theo Niên Giám Tòa Thánh, dân số Công Giáo Indonesia là 8.204.000 người (chiếm 3,12% trong tổng số 272.683.000 người) sinh hoạt trong 1.472 giáo xứ, 8.610 cứ điểm truyền giáo (69 cứ điểm có linh mục thường trú, 8.541 cứ điểm không có linh mục thường trú), và 383 trung tâm khác

Giáo Hội tại Indonesia có 47 giám mục, trong đó 34 vị coi sóc các giáo phận và tổng giáo phận, 13 Giám Mục hiệu tòa, 5.773 linh mục, bao gồm 2.413 linh mục triều và 3.360 linh mục dòng. Giáo Hội tại đây cũng có 9 phó tế vĩnh viễn

Giáo Hội tại indonesia co có 11.373 tu sĩ gồm 1.713 nam tu sĩ và 9.660 nữ tu, 23 thành viên các tu hội đời, 3.958 đại chủng sinh, 14.626 nhà truyền giáo, và 27.576 giáo lý viên.

Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, người Ý, sinh ngày 29 tháng 9 năm 1960. Ngài giữ chức Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia kể từ năm 2017.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Thứ Hai, ngày 2 tháng 9

Lúc 17:15, Đức Thánh Cha khởi hành bằng máy bay từ Sân bay quốc tế Rome/Fiumicino đến Jakarta

Lúc 11:30 sáng thứ Ba 3 tháng 9, ngài đến Sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta. Tại đây có nghi thức chào đón chính thức

Ngày thứ Tư, 4 tháng 9

Lúc 9:30 sáng sẽ có lễ chào đón bên ngoài Dinh Tổng thống Istana Merdeka.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Joko Widodo tại Dinh Tổng thống Istana Merdeka

Lúc 10:35, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các cơ quan chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường Dinh Tổng thống Istana Negara

Lúc 11:30, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ Dòng Tên Indonesia tại Tòa Sứ thần Tòa thánh

Lúc 16:30, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời

Lúc 17:35, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các thanh niên Scholas Occurrentes tại Trung tâm Thanh thiếu niên Grha Pemuda

Thứ Năm, ngày 5 tháng 9

Lúc 09:00, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn tại đền thờ Hồi giáo Istiqlal

Lúc 10:15, ngài sẽ gặp gỡ tại Trụ sở Hội đồng Giám mục Indonesia với các tổ chức bác ái Công Giáo

Lúc 17:00, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 9

Lúc 9:15 sẽ có nghi thức từ giã tại phi trường quốc tế Soekarno-Hatta, và lúc 9:45, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành đi phi trường quốc tế Jacksons của Port Moresby.
 
Chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha đến Đông Nam Á. Giới thiệu Giáo Hội tại Papua New Guinea
Đặng Tự Do
06:03 28/08/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về đất nước và Giáo Hội tại Papua New Guinea

Tổng quan

Papua New Guinea là một quốc gia quần đảo ở châu Đại Dương bên bờ Thái Bình Dương, gồm phía Đông của đảo New Guinea và nhiều đảo xa bờ biển (phía Tây của New Guinea là hai tỉnh Papua và Tây Papua của Indonesia). Papua New Guinea nằm vào phía Tây Nam Thái Bình Dương, ở một vùng được gọi là Mélanésie từ đầu thế kỷ 19. Thủ đô của Papua New Guinea, Port Moresby là một trong số các thành phố lớn của nước này.

Papua New Guinea là một trong những quốc gia có nhiều dân tộc nhất trên thế giới, với hơn 850 ngôn ngữ thổ dân và nhiều dân tộc như vậy, nhưng chỉ vào khoảng 5 triệu người. Đây cũng là một trong những nước có dân số sống tại nông thôn nhiều nhất, chỉ 18% người sống ở những trung tâm thành thị. Đây cũng là nước ít được thám hiểm nhất trên thế giới, không chỉ về địa lý mà còn về văn hóa, nhiều loài động thực vật được cho là chỉ có ở Papua New Guinea.

Papua' là một từ ngữ dùng để chỉ dạng tóc xoăn tít của dân bản xứ. Một nhà thám hiểm đã tình cờ phát hiện ra thổ dân trên hòn đảo này, nhưng ông lại ngạc nhiên vì ngờ ngợ đây là thổ dân da đen ở Guinée với mái tóc xoăn tít. Người Guinea có tóc xoăn nhưng không có tóc xoăn theo kiểu như thế, và lại ở rất xa Guinea, nên ông đặt tên cho thổ dân mới phát hiện là Papua New Guinea. Và tên đó trở thành tên quốc gia.

Lịch sử cận đại

Nửa phía bắc nước này rơi vào tay người Đức năm 1884 với tên gọi New Guinea Đức. Sau Thế Chiến thứ Nhất, Australia được Hội Quốc Liên uỷ quyền cai quản New Guinea Đức. Phần phía Nam do Australia quản lý trong Thế Chiến thứ Nhất và được gọi là Papua.

Chiến dịch New Guinea từ 1942 đến 1945 là một trong những chiến dịch quân sự lớn thời Thế Chiến thứ Hai. Xấp xỉ 216,000 binh sĩ, thủy thủ và phi công Nhật, Australia và Mỹ đã chết trong Chiến dịch này.

Sau Thế Chiến thứ Hai, hai vùng lãnh thổ đã được gộp vào chung và được gọi đơn giản là “Papua New Guinea” và do Australia quản lý.

Quá trình giành độc lập một cách hoà bình từ Australia đạt đến mục tiêu vào ngày 16 tháng 9 năm 1975, và hai bên vẫn có quan hệ gần gũi. Australia vẫn là nhà cung cấp viện trợ song phương lớn nhất cho Papua New Guinea.

Chính trị

Papua New Guinea là một thành viên Khối thịnh vượng chung, và Quốc vương Charles Đệ Tam của Vương Quốc Anh là nguyên thủ quốc gia. Ông Bob Dadae, là Toàn Quyền, thay mặt cho nhà vua.

Quyền hành pháp thực tế nằm trong tay Thủ tướng, người lãnh đạo nội các. Thủ tướng hiện nay là James Marape, đắc cử vào năm 2019. Nghị viện quốc gia đơn viện có 109 ghế, trong số đó 20 ghế thuộc các thống đốc của 19 tỉnh và Quận thủ đô quốc gia.

Giáo Hội Công Giáo tại Papua New Guinea

Thánh lễ Công Giáo đầu tiên được cử hành trên Quần đảo Louisiade vào năm 1606. Trong giai đoạn đầu việc truyền giáo diễn ra thuận lợi nhưng sau đó Giáo Hội bị cấm cách vì không chấp nhận tập tục đa thê. Nhà truyền giáo người Ý Cha Giovanni Battista Mazzuccini đã bị tử đạo trên Đảo Woodlark ở Tỉnh Milne Bay vào năm 1845.

Các nhà truyền giáo người Đức của Dòng Ngôi Lời đã thành lập các phái bộ trên Sông Sepik và các vùng ven biển phía bắc từ những năm 1890. Đức Cha Louis Couppe đã thành công ở Đông New Britain. Nhưng ngài hành động quyết liệt để chống lại nạn buôn bán nô lệ bản địa kết quả là năm nhà truyền giáo nam và năm nữ tu đã bị bọn buôn người thảm sát ở vùng Baining của New Britain vào năm 1904.

Năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Peter To Rot, một giáo lý viên và là người bản xứ New Guinea từ New Britain tử đạo vào năm 1945, khi ông từ chối chấp nhận chế độ đa thê và bị quân Nhật xâm lược giết chết. Nhiều người Công Giáo và nhà truyền giáo địa phương khác đã phải chịu cái chết, tra tấn và giam cầm dưới tay người Nhật. Bốn mươi lăm nhà truyền giáo đã bị thảm sát trên tàu khu trục Akikaze của Nhật Bản vào năm 1943.

Một phái bộ Dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Bougainville, bắt đầu vào năm 1901, đã rất thành công và phần lớn dân số đã theo Công Giáo. Đức Cha Thomas Wade đã bảo đảm được sự hỗ trợ mạnh mẽ cho phái bộ từ Úc và Hoa Kỳ.

Kể từ khi giành được độc lập, Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Papua New Guinea vào năm 1984 và 1995.

Những người Công Giáo nổi bật trong chính trường Papua New Guinea bao gồm Michael Somare, John Momis (người đã là một linh mục trong nhiều năm) và Bernard Narokobi.

Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo ở Papua New Guinea có 2.476.000 tín hữu chiếm 30,5% trong tổng số 8.125.000 dân.

Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 453 giáo xứ, 804 cứ điểm truyền giáo (56 cứ điểm có linh mục thường trú, 748 không có linh mục thường trú), và 165 trung tâm khác

Giáo Hội tại đây có 27 giám mục bao gồm 17 Giám Mục đang coi sóc giáo phận, và 10 vị là Giám Mục hiệu tòa, nghĩa là đã nghỉ hưu, 599 linh mục, bao gồm 304 linh mục triều, và 295 linh mục dòng, và 1 phó tế vĩnh viễn

Giáo Hội tại Papua New Guinea cũng có 995 tu sĩ bao gồm 179 nam tu sĩ, và 816 nữ tu, 306 đại chủng sinh, 12 nhà truyền giáo, và 2.709 giáo lý viên.

Sứ thần Tòa Thánh tại Papua New Guinea là Đức Tổng Giám Mục Mauro Lalli, người Ý, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1965.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024

Lúc 09:45, sau lễ nghi từ biệt với Indonesia, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ Sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta để đến phi trường quốc tế Jacksons của Port Moresby

Lúc 18:50, Đức Thánh Cha sẽ đến Sân bay quốc tế Jacksons và có nghi thức chào mừng ở đây.

Thứ Bẩy, 7 tháng 9

Lúc 09:45 Đức Thánh Cha sẽ thăm viên Toàn Quyền tại Tòa nhà Chính phủ

Sau đó, lúc 10:25, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các cơ quan chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại APEC Haus

Buổi chiều, lúc 17h, Đức Thánh Cha sẽ thăm Trường Trung học Kỹ thuật Caritas và gặp gỡ các nhân viên mục vụ đường phố và các tình nguyện viên Callan.

Lúc 17:40, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục Papua New Guinea và quần đảo Solomon, các linh mục, phó tế, những người được thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên tại Đền Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

Chúa Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Lúc 07:30, Đức Thánh Cha sẽ tiếp Thủ Tướng Papua New Guinea, ông James Marape, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh

Lúc 08:45, ngài sẽ dâng thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise

Sau Kinh Truyền Tin, lúc 13:00, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ Sân bay quốc tế Jacksons của Port Moresby để bay đến Vanimo.

Lúc 15:30, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các tín hữu của Giáo Phận Vanimo tại quảng trường trước Nhà thờ chính tòa Thánh Giá.

Lúc 16:50, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với một nhóm nhà truyền giáo tại Trường Nhân văn Holy Trinity ở Baro

Lúc 17:40, ngài khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Vanimo để quay lại Port Moresby

Thứ Hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024

Lúc 09:45 Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại Sân vận động Sir John Guise

Lúc 11:10 Lễ tạm biệt sẽ diễn ra tại Sân bay quốc tế Jacksons Port Moresby, và Đức Thánh Cha lên đường đến Timor-Leste
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô. Biển và sa mạc.
Vũ Văn An
14:50 28/08/2024
Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phê-rô ngày 28 tháng tám năm 2024, Đức Phanxicô đã tạm hoãn loạt bài Giáo Lý thường lệ của ngài về Chúa Thánh Thần, để nói về thảm họa di dân qua đường biển và sa mạc. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay, tôi sẽ hoãn bài giáo lý thường lệ và tôi muốn dừng lại cùng anh chị em để suy nghĩ về những người - ngay cả tại thời điểm này - đang vượt biển và sa mạc để đến một vùng đất nơi họ có thể sống trong hòa bình và an toàn.

Biển và sa mạc: hai hạn từ này xuất hiện trong nhiều chứng ngôn mà tôi nhận được, cả từ phía những người di cư và những người tham gia giúp đỡ họ. Và khi tôi nói "biển", trong bối cảnh di cư, tôi cũng muốn nói đến đại dương, hồ, sông, tất cả các vùng nước nguy hiểm mà rất nhiều anh chị em trên khắp thế giới buộc phải vượt qua để đến đích. Và "sa mạc" không chỉ là cát và cồn cát, hoặc đá, mà còn là những vùng đất không thể tiếp cận và nguy hiểm, chẳng hạn như rừng, rừng rậm, thảo nguyên nơi những người di cư đi một mình, bị bỏ mặc. Người di cư, biển và sa mạc. Các tuyến đường di cư ngày nay thường được đánh dấu bằng việc vượt biển và sa mạc, đối với nhiều người, quá nhiều người - quá nhiều! - là những con đường chết chóc. Do đó, hôm nay tôi muốn nói về bi kịch này, nỗi đau này. Một số tuyến đường này chúng ta biết rõ, vì chúng thường được chú ý; những tuyến đường khác, phần lớn, ít được biết đến, nhưng được sử dụng không kém.

Tôi đã nói về Địa Trung Hải nhiều lần, vì tôi là Giám mục của Rome và vì nó mang tính biểu tượng: mare nostrum [biển của chúng ta], nơi giao tiếp giữa các dân tộc và nền văn minh, nó - mare nostrum - đã trở thành một nghĩa trang. Và bi kịch là nhiều, phần lớn những cái chết này, đáng lẽ đã có thể được ngăn chặn.

Cần phải nói một cách rõ ràng: có những người làm việc có hệ thống và bằng mọi cách có thể để đẩy lùi người di cư - để đẩy lùi người di cư. Và điều này, khi thực hiện với sự nhận thức và trách nhiệm, là một tội lỗi nghiêm trọng. Chúng ta đừng quên những gì Kinh thánh nói với chúng ta: "Ngươi không được đối xử tệ bạc với người lạ hoặc áp bức họ" (Xuất hành 22:21). Trẻ mồ côi, góa phụ và người lạ là những người nghèo khổ thực sự mà Chúa luôn bảo vệ và yêu cầu được bảo vệ.

Thật không may, một số sa mạc cũng đang trở thành nghĩa trang của những người di cư. Và ngay cả ở đây, không phải lúc nào cũng là vấn đề về cái chết "tự nhiên". Không. Đôi khi, họ đã bị đưa đến sa mạc và bị bỏ rơi. Chúng ta đều biết bức ảnh chụp người vợ và con gái của Pato, những người đã chết vì đói và khát trong sa mạc. Vào thời đại vệ tinh và máy bay không người lái, có những người đàn ông, đàn bà và trẻ em di cư mà không ai được phép nhìn thấy: họ bị giấu kín. Chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấy và nghe thấy tiếng kêu của họ. Và đây là sự tàn ác của nền văn minh của chúng ta.

Thật vậy, biển và sa mạc cũng là những địa điểm trong Kinh thánh, mang nhiều giá trị biểu tượng. Chúng là những cảnh rất quan trọng trong lịch sử di cư, cuộc di cư vĩ đại của những người được Chúa dẫn dắt thông qua Môsê từ Ai Cập đến Đất Hứa. Những nơi này chứng kiến bi kịch của những người chạy trốn khỏi sự áp bức và chế độ nô lệ. Chúng là những nơi đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng đồng thời chúng cũng là những nơi đi qua để giải thoát – và có bao nhiêu người vượt biển và sa mạc để tự giải thoát, ngày nay – chúng là những nơi đi qua để cứu chuộc, để đạt được tự do và hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa (xem Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2024).

Có một Thánh vịnh nói với Chúa: “Đường lối Chúa trải dài qua biển cả / Đường lối Chúa băng qua những vùng nước mênh mông” (77:19). Và một Thánh vịnh khác nói rằng Người “dẫn dân Người qua sa mạc / Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời” (136:16). Những lời này, những lời chúc phúc cho chúng ta biết rằng, để đồng hành cùng dân tộc trên hành trình đến với tự do, chính Thiên Chúa đã vượt biển và sa mạc; Thiên Chúa không đứng ở xa, không; Người chia sẻ bi kịch của những người di cư, Thiên Chúa ở đó với họ, với những người di cư, Người đau khổ với họ, với những người di cư, Người khóc lóc và hy vọng với họ, với những người di cư. Hôm nay, điều đó sẽ tốt cho chúng ta: Chúa ở cùng những người di cư của chúng ta trong biển cả mênh mông, Chúa ở cùng họ, chứ không phải những kẻ xua đuổi họ.

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có thể đồng ý về một điều: những người di cư không nên ở những vùng biển đó và những sa mạc chết chóc đó. Nhưng chúng ta sẽ đạt được kết quả này không phải thông qua các luật lệ hạn chế hơn, không phải thông qua việc quân sự hóa biên giới, không phải thông qua việc từ chối. Thay vào đó, chúng ta sẽ đạt được nó bằng cách mở rộng các tuyến đường tiếp cận an toàn và hợp pháp cho những người di cư, cung cấp nơi trú ẩn cho những người thoát khỏi chiến tranh, bạo lực, đàn áp và nhiều thảm họa khác; chúng ta sẽ đạt được nó bằng cách thúc đẩy bằng mọi cách một nền quản trị di cư hoàn cầu dựa trên công lý, tình anh em và tình liên đới. Và bằng cách hợp tác để chống lại nạn buôn người, để ngăn chặn những kẻ buôn người tội phạm khai thác sự đau khổ của người khác một cách tàn nhẫn.

Tôi muốn kết thúc bằng cách ghi nhận và ca ngợi sự cam kết của nhiều người Samaritanô nhân hậu đã làm hết sức mình để giải cứu và cứu những người di cư bị thương và bị bỏ rơi trên các tuyến đường hy vọng một cách tuyệt vọng, trên năm châu lục. Những người đàn ông và đàn bà can đảm này là dấu hiệu của một nhân loại không cho phép mình bị ô nhiễm bởi nền văn hóa độc hại của sự thờ ơ và chối bỏ – chính sự thờ ơ và thái độ chối bỏ đó của chúng ta giết chết những người di cư. Và những người không thể ở lại với họ “trên tuyến đầu” – Tôi nghĩ đến nhiều người tốt đang ở tuyến đầu, với Mediterranea Saving Humans [Địa Trung Hải cứu Người] và rất nhiều hiệp hội khác – do đó không bị loại khỏi cuộc chiến vì nền văn minh này. Chúng ta không thể ở tuyến đầu nhưng chúng ta không bị loại trừ; có nhiều cách để đóng góp, trước hết và quan trọng nhất là cầu nguyện. Và tôi hỏi anh chị em: anh chị em có cầu nguyện cho những người di cư, cho những người đến vùng đất của chúng ta để cứu mạng họ không? Và sau đó họ muốn đuổi họ đi…

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng chung tay và sức mạnh, để biển cả và sa mạc không phải là nghĩa trang, mà là không gian nơi Thiên Chúa có thể mở ra những con đường đến với tự do và tình anh em.
 
Ukraine có cấm Giáo hội Chính thống không? Những gì chúng tôi biết
Đặng Tự Do
17:33 28/08/2024


Tờ Newsweek đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “Has Ukraine Banned the Orthodox Church? What We Know”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quốc hội Ukraine đã cấm một nhánh của Giáo hội Chính thống có liên hệ với Giáo hội Chính thống Nga.

Kyiv cho biết Giáo Hội này, được gọi là Giáo Hội Chính thống Ukraine liên kết với Chính Thống Giáo Nga, gọi tắt là UOC, đã tuyên truyền ủng hộ Mạc Tư Khoa và cung cấp nơi ở cho các điệp viên.

265 nhà lập pháp đã thông qua dự luật cấm Giáo Hội Chính thống Nga trên lãnh thổ Ukraine hôm Thứ Ba, 20 Tháng Tám.

Reuters đưa tin, một ủy ban chính phủ được thành lập để đưa ra danh sách các tổ chức “có liên kết” với UOC.

“Đây là một cuộc bỏ phiếu lịch sử. Quốc hội đã thông qua đạo luật cấm một nhánh của quốc gia xâm lược ở Ukraine”, Nghị sĩ Iryna Herashchenko cho biết.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết công bố đạo luật này vào tuần trước, khi ông nói rằng nó sẽ củng cố “sự độc lập về tinh thần” của Ukraine.

UOC trong lịch sử là một phần của Giáo hội Chính thống Nga, nhưng tổ chức này bắt đầu tạo khoảng cách với Mạc Tư Khoa sau khi Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Phát ngôn nhân của Giáo Hội, Đức Tổng Giám Mục Klyment đã phủ nhận mọi liên kết với “các trung tâm nước ngoài. Ngài nói với Hromadske TV: “Giáo hội Chính thống Ukraine sẽ tiếp tục sống như một giáo hội đích thực, được đại đa số các tín hữu Ukraine thực hành và các giáo hội trên thế giới công nhận”.

Phát ngôn nhân ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích động thái này, nói rằng dự luật nhằm mục đích “phá hủy Chính thống giáo thực sự và thay vào đó là một Giáo Hội giả”.

Một số nhân vật bảo thủ ở Mỹ, bao gồm Candace Owens và Tucker Carlson, đã lên tiếng phản đối điều mà họ gọi là cuộc đàn áp các tín hữu Kitô ở Ukraine.

Vào tháng 7 năm 2023, trong cuộc phỏng vấn với cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Carlson đã hỏi ông rằng liệu trong cuộc gặp ở Kyiv với Zelenskiy một tháng trước, Pence có nêu ra vấn đề “các Kitô hữu bị đàn áp ở Ukraine” hay không.

Cựu người dẫn chương trình của Fox News nói rằng chính phủ Ukraine đã “đột kích các tu viện” và đã “cấm một cách hiệu quả” quyền tối thượng của Giáo hội Chính thống Ukraine.

Pence trả lời: “Điều tôi có thể nói với bạn là tôi đã hỏi nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Kyiv rằng liệu việc đàn áp các Kitô hữu có thực sự xảy ra hay không, và ông ấy bảo đảm với tôi rằng không phải vậy. Người dân không bị bức hại vì niềm tin tôn giáo của họ.”

Ngay sau đó, Ủy ban Công vụ Chính thống giáo (OPAC) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối những bình luận của Carlson, gọi chúng là “vô nghĩa”.

Trong một tuyên bố với Newsweek, OPAC cho biết họ có “mối quan ngại sâu sắc” về cách các nhân vật truyền thông như Carlson “tiếp tục phát tán tuyên truyền của Nga về cái gọi là cuộc đàn áp các tín hữu Kitô ở Ukraine”.

“Carlson, người có rất ít hoặc không hiểu gì về sự phức tạp của thực tế tôn giáo ở Ukraine, chỉ gây thêm chia rẽ bằng những tuyên bố vô nghĩa của mình,” tuyên bố nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, trước đây đã lên tiếng về việc người Nga phá hủy các công trình tôn giáo cũng như các vụ bắt giữ và sát hại các nhà lãnh đạo đức tin trong cuộc xâm lược của Putin.

Ngài nói với Newsweek: “Ngày nay, trên lãnh thổ bị tạm chiếm, không có một linh mục Công Giáo nào cả. Tất cả các linh mục của tôi, kể cả các linh mục Công Giáo Rôma, đều bị trục xuất hoặc bỏ tù.

Ngài nói thêm rằng Nga đang quay trở lại “thời Liên Xô, nơi tất cả các tôn giáo đều bị cấm hoặc bị kiểm soát quá mức, hoặc đơn giản là bị tiêu diệt”.


Source:Newsweek
 
Linh mục Raymond J. de Souza: Sự chuyển đổi khủng khiếp của trợ tử đối với chế độ y tế Canada
Đặng Tự Do
17:34 28/08/2024


Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài phân tích nhan đề “Euthanasia's grisly transformation of the Canadian medical regime”, nghĩa là “Sự chuyển đổi khủng khiếp của trợ tử đối với chế độ y tế Canada” đăng trên tờ National Catholic Register Thứ Năm, 22 Tháng Tám. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Các đồng nghiệp của tôi tại Cardus đã thực hiện một dịch vụ phát tín hiệu khi nói với người dân Canada điều mà chính phủ không muốn chúng tôi biết, cụ thể là chế độ an tử phổ biến ở nước này hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều.

Nghiên cứu có tựa đề “Từ biệt lệ đến thường lệ: Sự trỗi dậy của chế độ an tử ở Canada” đã được công bố vào tuần trước. Sự chuyển đổi từ những gì vẫn thường được cho là hi hữu sang thông thường đề cập đến thực hành an tử, đã bùng nổ từ 1.018 ca tử vong trên toàn quốc vào năm 2016 lên 13.241 vào năm 2022, năm cuối cùng có dữ liệu

Và bản thân Canada đã trở nên đặc biệt. Chúng ta có chương trình an tử phát triển nhanh nhất trên thế giới. Chúng ta là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực tiêm thuốc độc được nhà nước phê chuẩn và thực hiện cho người bệnh, người yếu đuối, người suy nhược, người già, người dễ bị tổn thương và người khuyết tật.

Khi chính phủ Trudeau quyết định đưa Canada đi đầu trong hoạt động kinh doanh khủng khiếp này, họ đã áp dụng thuật ngữ “hỗ trợ y tế khi hấp hối”. Từ viết tắt “MAiD” đã được sử dụng rộng rãi, như thể đây chỉ là một công việc dọn phòng, dọn dẹp phòng bệnh cho bệnh nhân tiếp theo.

Con tàu đã ra khơi theo danh pháp, nhưng việc phản đối vẫn có giá trị.

Không có gì “y tế” trong MAiD; nghệ thuật chữa bệnh của y học không được thực hiện. Một dịch vụ được yêu cầu và cung cấp theo cách hám lợi hơn là chữa bệnh. Bác sĩ trở thành người cung cấp dịch vụ một mình, người vận hành máy móc hơn là người chuyên nghiệp. Cái chết do robot đang đến gần; Những “chiếc kén tự sát” đã được phát triển ở nước ngoài.

MAiD thẳng thừng vi phạm lời thề Hippocrates cổ xưa - tôi sẽ không đưa thuốc chết người cho bất kỳ ai nếu được yêu cầu, cũng như không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào như vậy -trong bối cảnh số lượng người quan tâm đến điều đó đang ngày càng giảm. Đó là lý do mà các bác sĩ - đặc biệt là bác sĩ gây mê - bị quy tắc đạo đức của họ cấm tham gia vào các cuộc hành quyết. Tiêm thuốc độc không phải là y khoa.

Không có “sự trợ giúp”. Những kẻ tiêm thuốc độc vào bệnh nhân không phải để hỗ trợ bệnh nhân làm bất cứ điều gì mà để ngừng hoàn toàn. Họ là đồng phạm chứ không phải trợ lý.

Và trong nhiều trường hợp, không có ai “chết”. Yêu cầu MAiD ban đầu đối với cái chết sắp xảy ra đã bị bãi bỏ vào năm 2021. Cái chết êm dịu giờ đây đã trở thành cái chết do lựa chọn, thuần túy và đơn giản.

Vì vậy, hãy gọi nó là MAiD, vì có vẻ như chúng ta phải gọi nó như thế. Nhưng tôi thích một ý nghĩa thay thế, chính xác hơn: “đồng phạm một cách máy móc trong cái chết”.

MAiD mặc một bộ đồng phục khác cũng ghê rợn không kém. Cardus cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng mà người ta vẫn thì thầm, nếu không nói ra: MAiD hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở Canada. Như đồng nghiệp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, đồng thời là tác giả nghiên cứu của Cardus, Alexander Raikin viết, “Chỉ những ca tử vong vì ung thư, bệnh tim, COVID-19 và tai nạn mới vượt quá số ca tử vong vì cái chết êm dịu ở Canada.”

Lời hứa ban đầu rằng MAiD, trong phán quyết của tòa án, sẽ là một “hệ thống ngoại lệ được giám sát cẩn thận, hạn chế nghiêm ngặt” đã bị hủy bỏ. Vào năm 2016, Jody Wilson-Raybould, khi đó là bộ trưởng tư pháp và tổng chưởng lý, cho biết: “Chúng tôi không muốn coi cái chết sớm như một giải pháp cho mọi đau khổ về mặt y tế”.

Những người Canada giật mình khi thấy các bác sĩ đề xuất MAiD cho họ đều biết rõ rằng cái chết sớm chính xác đã trở thành giải pháp đó.

Những gì chúng tôi được nói là cực kỳ không chính xác. Báo cáo Cardus giải thích:

“Vào tháng 5 năm 2022… Bộ Y tế Canada dự đoán rằng đến năm 2033, số ca tử vong do MAiD sẽ ổn định ở mức 4% tổng số ca tử vong, một con số cao gấp đôi dự đoán công khai đầu tiên về 'trạng thái ổn định' ở MAiD chỉ bốn năm trước đó. Tuy nhiên, ước tính của Bộ Y tế Canada đã được chứng minh là không chính xác ngay cả trước cuối năm 2022. Báo cáo thường niên lần thứ tư của Bộ Y tế Canada về MAiD, công bố vào tháng 10 năm 2023, tiết lộ rằng Canada đã vượt mốc 4% vào năm 2022 — trên thực tế, sớm hơn 11 năm so với kế hoạch.”

Cơ quan y tế Canada không quan tâm đến việc biết chuyện gì đang thực sự xảy ra. Hoặc tệ hơn, họ đang che giấu nó. Một lần nữa, báo cáo của Cardus cho biết:

“Hồ sơ tử vong của một số tỉnh không ghi MAiD là nguyên nhân tử vong, thay vào đó ghi lại tình trạng cơ bản dẫn đến yêu cầu MAiD và cái chết sau đó. Hơn nữa, Bộ Y tế Canada báo cáo về số ca tử vong do MAiD, nhưng Thống kê Canada không coi MAiD là nguyên nhân gây tử vong. Những mâu thuẫn trong báo cáo này có tác động đến nghiên cứu về MAiD và về nguyên nhân tử vong nói chung.”

MAiD đã được hứa hẹn là phương sách cuối cùng trong những trường hợp thực sự khó khăn. Trong thực tế, nó đã trở thành một thủ tục bình thường. Nếu được yêu cầu, nó sẽ được cung cấp. Năm 2019, 8% yêu cầu MAiD được coi là không đủ điều kiện. Đến năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 3,5%. Thậm chí, bệnh nhân có thể yêu cầu MAiD được đánh giá và cấp chỉ trong vòng một ngày.

Chỉ trong vòng một thập niên, dưới sự chỉ đạo của một chính phủ liên bang, chế độ y tế của Canada đã hoàn toàn biến đổi, bị che đậy bởi những từ viết tắt gây hiểu lầm, những dự đoán sai và dữ liệu ẩn. Người Canada nên biết sự thật.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của chúng ta đã phát hiện ra điều gì đó mà họ quảng cáo là rất tốt – đó là mang đến cái chết cho những người bệnh tật và đau khổ.


Source:National Catholic Register
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp Hội nghị Liên Kitô giáo lần thứ 17, ngày 28 tháng 8 năm 2024, về chủ đề Con người là gì?
Vũ Văn An
19:05 28/08/2024

Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo, và những người tham dự Hội nghị Liên Kitô giáo lần thứ 17, do Viện Linh đạo Phanxicô thuộc Đại học Giáo hoàng Antonianum và Khoa Thần học thuộc Khoa Thần học Chính thống thuộc Đại học Aristotle ở Thessaloniki tổ chức chung, diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 8 năm 2024 tại Trani, với chủ đề “‘Con người là gì?’ (Tv 8:4) trong thời đại đột biến nhân học”:



Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Gửi đến Người anh em đáng kính của tôi
Đức Hồng Y Kurt Koch
Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo

Với tình cảm gần gũi chân thành, tôi xin gửi lời chào đến các diễn giả đáng kính và tất cả những người tham dự Hội nghị Liên Kitô giáo lần thứ 17 Hội thảo do Viện Linh đạo Phanxicô thuộc Đại học Giáo hoàng Antonianum và Khoa Thần học thuộc Khoa Thần học Chính thống giáo thuộc Đại học Aristotle ở Thessaloniki phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 8 năm 2024 tại Trani, với chủ đề “‘Con người là gì?’ (Tv 8:4) trong thời đại đột biến nhân học”. Tôi đặc biệt muốn chúc mừng những người tổ chức trải nghiệm độc đáo này vì sự hợp tác thực tế giữa Công Giáo và Chính thống giáo, hiện đã trở thành một truyền thống tuyệt đẹp.

Tên của Hội thảo ám chỉ đến thời đại đột biến nhân học, nhưng những gì đang diễn ra trong thời đại của chúng ta có thể được định nghĩa là một cuộc cách mạng hoàn toàn. Những thay đổi do cuộc cách mạng công nghệ thông tin mang lại, chẳng hạn như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và những phát triển đáng kinh ngạc trong khoa học, đang buộc những người đàn ông và đàn bà ngày nay phải suy nghĩ lại về bản sắc, vai trò của họ trong thế giới và trong xã hội, cũng như ơn gọi siêu việt của họ. Thật vậy, bản chất chuyên biệt của con người trong toàn thể tạo vật, tính độc đáo của con người đối với các loài động vật khác, và thậm chí mối quan hệ của con người với máy móc, đang liên tục bị đặt câu hỏi. Hơn nữa, cách mà đàn ông và đàn bà ngày nay hiểu về những trải nghiệm cơ bản trong sự hiện hữu của họ, chẳng hạn như sinh hạ, được sinh ra và chết đi, đang thay đổi về mặt cấu trúc. Đối mặt với cuộc cách mạng nhân học đang diễn ra này, không thể chỉ phản ứng bằng sự phủ nhận hoặc chỉ trích. Ngược lại, cần phải có sự suy gẫm sâu sắc, có khả năng đổi mới tư duy và những lựa chọn cần đưa ra (xem Thông điệp video nhân dịp Đại hội toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa về chủ đề “Hướng tới một chủ nghĩa nhân bản cần thiết”, ngày 23 tháng 11 năm 2021).

Thách thức này ảnh hưởng đến tất cả các Kitô hữu, bất kể họ thuộc Giáo hội nào. Vì lý do này, điều đặc biệt đáng lưu ý là Công Giáo và Chính thống giáo đang cùng nhau thúc đẩy sự suy gẫm này. Đặc biệt, dưới ánh sáng của giáo huấn Thánh Kinh và truyền thống Kitô giáo, cần phải nhắc lại rằng mỗi con người đều được ban cho phẩm giá chỉ do sự kiện hiện hữu, như một thực thể tinh thần, được Thiên Chúa tạo dựng và được định sẵn cho mối quan hệ con thảo với Người (x. Eph 1:4-5), bất kể họ có hành động theo phẩm giá này, hoàn cảnh kinh tế xã hội mà họ đang sống, hoặc các điều kiện hiện sinh của họ hay không. Việc bảo vệ phẩm giá này trước các mối đe dọa rất thực tế như đói nghèo, chiến tranh, bóc lột và những mối đe dọa khác là cam kết chung của tất cả các Giáo hội cùng nhau thực hiện.

Tôi vui mừng đồng hành cùng công việc của Hội nghị liên Kitô giáo lần thứ 17 bằng lời cầu nguyện của mình và, thông qua sự chuyển cầu của Thánh Nicholas Hành, vị thánh bổn mạng của Trani, tôi cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả những người tham gia, tin tưởng rằng họ cũng sẽ có lòng tốt để nhớ đến tôi trong những lời cầu nguyện của họ.

Từ Điện Vatican, ngày 17 tháng 7 năm 2024

Phanxicô
 
Đức Thanh Cha trong buổi tiếp kiến đã phát biểu: Thế giới phải lắng nghe tiếng kêu cứu của những người di cư gục chết giữa sa mạc và ngụp nặn trong biển cả!
Thanh Quảng sdb
23:22 28/08/2024
Đức Thanh Cha trong buổi tiếp kiến (28/8/2024) đã phát biểu: Thế giới phải lắng nghe tiếng kêu cứu của những người di cư gục chết giữa sa mạc và ngụp nặn trong biển cả!

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thanh Cha Phanxicô đã lên án sự thờ ơ trước cảnh những người di cư gục chết trong sa mạc và ngụp nặn trên biển cả để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, ĐTC kêu gọi một hệ thống quản trị toàn cầu dựa trên công lý và đoàn kết.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thanh Cha Phanxicô đã gác lại loạt bài giáo lý của mình về Chúa Thánh Thần tại buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư (28/8/2024) và thay vào đó, ngài tập trung vào những thảm cảnh khó khăn mà những người di cư phải đối diện, những người đã dũng cảm vượt qua những khó khăn to lớn để tìm kiếm một nơi mà họ có thể sống trong hòa bình và an ninh.

"Biển cả và sa mạc" là hai từ mà Đức Thanh Cha nói đến, ngài nói rằng những từ ngữ đó thường trong tâm tưởng của những người di cư và những người tìm cách cứu vớt họ.

Với những từ này, ĐTC quảng diễn bao gồm tất cả những rào cản vật lý và nguy hiểm mà những người di cư phải vượt qua trong suốt hành trình của họ.

Đức Thanh Cha lưu ý rằng ngài đã nói nhiều về Biển Địa Trung Hải, vừa vì ngài là Giám mục của Rome vừa vì nó đóng vai trò là một biểu tượng.

“Mare nostrum,” ngài nói, xử dụng một cụm từ tiếng Latin mà người La Mã cổ đại dùng để mô tả Địa Trung Hải, “một nơi giao lưu giữa các dân tộc và nền văn minh, đã trở thành một nghĩa trang.”

Đức Thanh Cha nêu ra rằng hầu hết những cái chết này có thể được ngăn chặn, nó lên án những người “làm việc có hệ thống, xử dụng mọi phương tiện, để đẩy người di cư ra biển cả!”

“Nhưng khi những điều này được ngăn lại một cách có ý thức và trách nhiệm, thì lại bị kết án là một trọng tội,” ngài nói. “Chúng ta đừng quên những gì Kinh thánh nói: ‘Ngươi không được làm hại hay áp bức người ngoại bang’.”

Đức Thanh Cha Phanxicô nói rằng biển và sa mạc là những biểu tượng được nhắc tới nhiều lần trong Kinh thánh, vì chúng “chứng kiến bi kịch của những người chạy trốn khỏi sự áp bức và nô lệ.”

ĐTC tiếp: “Đó là những nơi đau, sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng đồng thời, chúng cũng là những nơi cần vượt qua để giải thoát, cứu chuộc và hoàn thành lời hứa của Chúa”.

Đức Thanh Cha nói thêm rằng chính Chúa cũng chia sẻ bi kịch mà những người di cư phải chịu đựng. “Ngài ở đó với họ; Ngài đau khổ với họ; Ngài khóc và hy vọng với họ.”

Đức Thanh Cha Phanxicô cho biết mọi người đều có thể đồng ý rằng “người di cư không nên vượt biển và sa mạc đầy chết chóc!”

Nhưng để tránh đượcnhững điều này, “Chúng ta cần mở rộng các biên giới an toàn và thường xuyên cho người di cư, tạo điều kiện cho những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đàn áp và nhiều thảm họa khác nhau”. “Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này bằng cách thúc đẩy một nền quản trị di cư toàn cầu dựa trên công lý, tình anh em và sự đoàn kết”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ của mình bằng cách ca ngợi công việc của “rất nhiều người Samaria nhân hậu đã tận tụy giúp đỡ và cứu giúp những người di cư bị thương và bị bỏ rơi trên những tuyến đường tuyệt vọng này, trên khắp năm châu lục”.

ĐTC đặc biệt đề cập đến công việc “Cứu người Vượt Biển” của Mediterranea Saving Humans, một tổ chức xã hội dân sự của Ý, giải cứu những người di cư bằng vượt Biển Địa Trung Hải.

ĐTC nhấn mạnh: “Những người nam nữ dũng cảm này là dấu hiệu của một nhân loại không cho phép mình bị lây nhiễm bởi nền văn hóa thờ ơ có hại!”

ĐTC kết luận ngay cả khi chúng ta không thể ở tuyến đầu, mỗi người chúng ta vẫn có thể đóng góp theo cách riêng của mình vào “cuộc chiến vì nền văn minh” này bằng lời cầu nguyện của mình.
 
VietCatholic TV
TT Zelensky: F-16 đẩy lui cuộc không kích lớn nhất của Nga. Tướng Syrskyi: 100 thị trấn Nga thất thủ
VietCatholic Media
03:18 28/08/2024


1. Tổng thống Zelenskiy xác nhận Ukraine đã dùng F-16 để đẩy lùi cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt của Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy xác nhận trong cuộc họp báo ngày 27 Tháng Tám rằng Lực lượng Không quân Ukraine đã sử dụng máy bay phản lực F-16 như một phần của lực lượng phòng thủ trước cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn hàng loạt của Nga vào ngày Thứ Hai, 26 Tháng Tám.

Nga đã tấn công vào 15 trong số 24 tỉnh của Ukraine vào ngày 26 tháng 8, phóng hơn 200 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa như một phần của cuộc tấn công trên không lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Ukraine.

Các cuộc tấn công đã tấn công một số cơ sở dân sự, năng lượng và nhiên liệu, trong đó có một con đập ở Kyiv, một phần của Nhà máy Thủy điện Kyiv, khiến 7 người thiệt mạng và ít nhất 47 người khác bị thương.

Lần cuối cùng Nga tấn công cường tập với quy mô nhỏ hơn, đã có tới 43 người thiệt mạng.

Ukraine đã bắn rơi 102 hỏa tiễn và 99 máy bay điều khiển từ xa trong số 127 hỏa tiễn và 109 máy bay điều khiển từ xa do Nga phóng trong cuộc tấn công buổi sáng.

Tổng thống Zelenskiy nói với các phóng viên rằng F-16 đã mang lại “kết quả rất tốt”. “Là một phần của cuộc tấn công lớn này, chúng tôi đã bắn hạ một số hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa với sự hỗ trợ của F-16.”

“Chúng tôi cảm ơn các đối tác đã cung cấp cho chúng tôi F-16. Tất nhiên, điều này là chưa đủ, chúng tôi không có nhiều phi công và chúng tôi vẫn cần đào tạo phi công”, ông Zelenskiy nói thêm.

Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8, một năm sau khi các đồng minh của nước này thành lập liên minh chiến đấu cơ để cung cấp huấn luyện và máy bay cho Ukraine.

Kyiv đã được hứa nhận ít nhất 79 chiếc F-16 từ Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ. Ukraine được cho là đã nhận được 10 máy bay phản lực cho đến nay.

F-16 dự kiến sẽ tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, với việc Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi bình luận vào ngày 4 tháng 8 rằng sự xuất hiện của các máy bay phản lực này sẽ dẫn đến “nhiều hỏa tiễn bị bắn rơi hơn”.

[Kyiv Independent: Ukraine used F-16s to repel Russia's mass missile attack, Zelensky confirms]

2. Hình ảnh cuộc tấn công xuyên biên giới ngày 27/08/2024

3. Báo cáo cho biết 'Cuộc tấn công lớn' của Nga vào Ukraine khiến Mạc Tư Khoa thiệt hại 1,3 tỷ Mỹ Kim

Vụ tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn của Nga vào Ukraine hôm thứ Hai khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Tuy nhiên, chi phí của Mạc Tư Khoa để thực hiện điều đó là không dưới 1,3 tỷ Mỹ Kim.

Cuộc tấn công trên toàn quốc, có sự tham gia của hơn 100 hỏa tiễn và 100 máy bay điều khiển từ xa, được các quan chức Ukraine mô tả là một trong những cuộc tấn công lớn nhất do Nga tiến hành kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói về vụ tấn công: “Giống như hầu hết các cuộc tấn công của Nga trước đây, cuộc tấn công này cũng xảo quyệt không kém, nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng”. “Ngành năng lượng đã chịu thiệt hại đáng kể, nhưng ở mọi khu vực bị ảnh hưởng do mất điện, công việc phục hồi vẫn đang được tiến hành.”

Nga “đã phát động một cuộc tấn công tổng hợp quy mô lớn” vào Ukraine “bằng cách sử dụng nhiều loại hỏa tiễn trên không, trên bộ và trên biển”, Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk cho biết hôm thứ Hai.

Oleschuk cho biết Nga đã sử dụng 109 máy bay điều khiển từ xa tấn công Shahed; 77 hỏa tiễn hành trình Kh-101; ba hỏa tiễn hành trình Kh-22; 28 hỏa tiễn hành trình phóng từ tàu ngầm Kalibr; sáu hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M; ba hỏa tiễn đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal; và 10 hỏa tiễn dẫn đường Kh-59/Kh-69.

Forbes Ukraine và Ekonmichna Pravda, một dự án của Ukrainska Pravda, ước tính rằng cuộc tấn công sẽ khiến Nga thiệt hại ít nhất là 1,3 tỷ Mỹ Kim.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Hai rằng Nga “có thể thiếu năng lực công nghiệp quốc phòng để duy trì các cuộc tấn công lớn như vậy ở quy mô tương tự một cách đều đặn”.

Một hỏa tiễn của Nga được cho là đã tấn công một con đập thuộc Nhà máy thủy điện Kyiv hôm thứ Hai, gây ra lo ngại về lũ lụt có thể xảy ra.

Yaroslav Trofimov, trưởng phóng viên đối ngoại của The Wall Street Journal, cho biết trên X rằng Nga đã tấn công vào con đập, “bằng một hỏa tiễn”.

Trofimov viết: “Nếu đập bị vỡ, hàng triệu người ở hạ lưu có thể thiệt mạng”, Trofimov viết và chia sẻ đoạn phim cho thấy hậu quả của cuộc tấn công.

Nhà máy thủy điện Kyiv, do công ty thủy điện nhà nước Ukraine Ukrhydroenergo vận hành, nằm trên sông Dnipro ở tỉnh Kyiv của Ukraine, phía bắc thủ đô Ukraine. Đây là chìa khóa để ổn định mực nước trong Hồ chứa Kyiv.

ISW cho biết đoạn phim được định vị địa lý được công bố hôm thứ Hai cho thấy hậu quả của một cuộc tấn công hỏa tiễn có thể xảy ra của Nga nhằm vào con đập “mặc dù nhà lãnh đạo tỉnh Kyiv Ruslan Kravchenko lưu ý rằng cuộc tấn công vào con đập không gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng thủy điện ở Kyiv.”

[Newsweek: Russia's 'Massive Attack' on Ukraine Cost Moscow $1.3 Billion: Report]

4. Kho chứa dầu ở Rostov của Nga tiếp tục cháy sang ngày thứ 8

Hình ảnh vệ tinh do Radio Free Europe/Radio Liberty thu được cho thấy đám cháy kho dầu tiếp tục lan rộng tại cơ sở lưu trữ dầu mỏ Kavkaz ngay bên ngoài Proletarsk, một thị trấn ở tỉnh Rostov của Nga.

Vụ hỏa hoạn bắt đầu vào ngày 18 tháng 8 sau cuộc tấn công của Ukraine vào kho dầu, một trong nhiều cuộc tấn công trên đất Nga nhằm làm giảm tiềm năng quân sự của Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, cho biết vụ hỏa hoạn vừa nêu lẽ ra đã được dập tắt. Tuy nhiên, khi ngọn lửa đã dần dần được khống chế vào ngày thứ 6, quân Ukraine đã mở một cuộc tấn công khác vào cùng một địa điểm khiến đám cháy lan sang các bể chứa dầu lân cận. Vụ hỏa hoạn, do đó, đã kéo dài đến hôm nay.

Hàng chục lính cứu hỏa đã bị thương khi cố gắng dập tắt đám cháy khi ngọn lửa bất ngờ đổi chiều tấn công vào một xe bồn gần đó, khiến chiếc xe phát nổ.

Golubev phàn nàn rằng khói từ đám cháy kéo dài hơn 60 km lên bầu trời, gây ô nhiễm và mùi xăng dầu nồng nặc trong không khí.

Kho dầu nằm cách biên giới với tỉnh Donetsk bị Nga tạm chiếm 340 km.

[Kyiv Independent: Russia’s Rostov Oblast oil depot fire ongoing for 8th day]

5. Chiến tranh Ukraine mới nhất: Nga tái triển khai 30.000 quân tới tỉnh Kursk

Một trong những mục tiêu trong chiến dịch Kursk của Ukraine là chuyển hướng một số lượng đáng kể lực lượng Nga khỏi các khu vực khác, chủ yếu từ các khu vực Pokrovsk và Kurakhove ở tỉnh Donetsk, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết hôm Thứ Tư, 28 Tháng Tám.

Syrskyi cho biết khi cuộc tấn công của Kyiv vào tỉnh Kursk bước sang tuần thứ tư, Ukraine đang kiểm soát 1.294 km2 và 100 khu định cư, bao gồm cả thành phố Sudzha. Theo vị tướng này, tổng cộng 594 binh sĩ Nga đã bị bắt.

Tướng Syrskyi cho biết Mạc Tư Khoa đã tái triển khai khoảng 30.000 quân từ các khu vực khác sang hướng Kursk, “và con số này đang tăng lên”. Đồng thời, Nga đã triển khai các đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất tại khu vực Pokrovsk.

Syrskyi nói: “Đối phương đang cố gắng rút các đơn vị từ các hướng khác, và ngược lại, chúng đang tăng cường nỗ lực ở các khu vực Pokrovsk”.

Theo vị tướng này, Nga đã giảm hoạt động ở miền nam Ukraine, nhưng vẫn tiếp tục tiến quân ở tỉnh Zaporizhzhia, cố gắng giành lại các vị trí gần làng Robotyne. Tại Kherson bị tạm chiếm một phần, lực lượng Mạc Tư Khoa đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát một khu vực đảo gần đồng bằng sông Dnipro.

[Kyiv Independent: Ukraine war latest: Russia redeploys 30,000 troops to Kursk Oblast; Ukraine tests its first ballistic missile, Kyiv says]

6. Ukraine tuyên bố phóng hỏa tiễn điều khiển từ xa 'Palyanytsia' tự chế vào Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 27 Tháng Tám, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết hỏa tiễn Palyanytsia đã được triển khai để tấn công trên đất Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm thứ Bảy 24 Tháng Tám, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã phóng thành công một hỏa tiễn Palyanytsia vào một căn cứ không quân Nga trong vùng bị tạm chiếm.

“Hôm nay, lần sử dụng vũ khí mới đầu tiên và thành công của chúng tôi đã diễn ra, một loại vũ khí mới, máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn Palyanytsia của Ukraine”, Tổng thống Zelenskiy nói trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Độc lập của đất nước.

Từ Palyanytsia dùng để chỉ một loại bánh mì mộc mạc của Ukraine nhưng nó cũng mang thêm ý nghĩa biểu tượng vì kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nó đã được sử dụng như một phương ngữ để phân biệt người Ukraine với người Nga vì cách phát âm của từ này khác nhau.

“Đây là phương pháp trả đũa mới của chúng tôi chống lại kẻ xâm lược,” Zelenskiy nói về loại vũ khí này.

Các quan chức từ lâu đã kêu gọi các công ty quốc phòng phương Tây giúp họ sản xuất vũ khí hiện đại ở Ukraine, trong đó các công ty như Rheinmetall của Đức và Nammo của Na Uy đã đồng ý làm như vậy đối với xe thiết giáp và đạn dược.

Quân đội Ukraine chưa chính thức công bố thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật của Palyanytsia, nhưng Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược của nước này, về cơ bản là giám đốc sản xuất vũ khí của Ukraine, Oleksandr Kamyshin, cho biết hôm thứ Bảy rằng máy bay điều khiển từ xa hỏa tiễn là một dạng đạn tấn công chính xác tốc độ cao.

Kamyshin cho biết: “Chúng tôi có máy bay điều khiển từ xa súng cối, máy bay điều khiển từ xa pháo binh và bây giờ, chúng tôi giới thiệu một loại vũ khí hoàn toàn mới – máy bay điều khiển từ xa hỏa tiễn”.

Hôm thứ Bảy, chính quyền Nga thông báo về một vụ nổ lớn tại kho đạn dược ở vùng Voronezh, là tỉnh giáp giới với Ukraine.

[Politico: Ukraine claims launch of home-made ‘Palyanytsia’ drone missile at Russia]

7. Macron nói việc bắt giữ CEO Telegram gốc Nga không phải là một quyết định chính trị

Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố rằng vụ bắt giữ Pavel Durov, Giám đốc gốc Nga của ứng dụng nhắn tin Telegram, “không phải là một quyết định chính trị”.

Durov bị bắt tại phi trường Le Bourget ở ngoại ô Paris vào ngày 24 Tháng Tám sau khi hạ cánh bằng máy bay riêng. Chính quyền Pháp đã gia hạn giam giữ ông vào ngày 25 tháng 8.

Sinh ra ở St Petersburg, Durov có quốc tịch Pháp vào năm 2021, nhưng được cho là sống ở Dubai.

Giám đốc điều hành “bị buộc tội thụ động liên quan đến tội phạm mạng và tài chính đang được thực hiện” trên Telegram, Reuters đưa tin vào ngày 26 tháng 8, dẫn lời một phát ngôn viên cảnh sát Pháp.

Đại sứ quán Nga tại Paris tuyên bố họ đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự Durov vào ngày 25 tháng 8, nhưng “phía Pháp cho đến nay vẫn tránh hợp tác về vấn đề này”.

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội X, đã chia sẻ sự ủng hộ của công chúng dành cho Durov trên mạng xã hội, viết “Pavel nên được tự do” cùng với các bài đăng khác.

Macron cho biết hiện có “thông tin sai lệch liên quan đến Pháp” sau vụ bắt giữ Durov. “Pháp cam kết sâu sắc về quyền tự do ngôn luận và giao tiếp, đổi mới và tinh thần khởi nghiệp. Nó sẽ vẫn như vậy.”

Nga chặn ứng dụng nhắn tin Signal, được cho là có kế hoạch chặn WhatsApp để trả đũa.

“Việc thực thi luật pháp là tùy thuộc vào cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập. Vụ bắt giữ chủ tịch Telegram trên đất Pháp diễn ra như một phần của cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra. Đó không phải là một quyết định mang tính chính trị”, ông Macron nói thêm.

Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 25 tháng 8, Telegram cho biết nền tảng này “tuân thủ luật pháp Liên Hiệp Âu Châu, bao gồm cả Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số — việc kiểm duyệt của nó tuân thủ các tiêu chuẩn ngành và không ngừng cải thiện”.

“Giám đốc điều hành của Telegram, Pavel Durov, không có gì phải giấu giếm và thường xuyên đi du lịch khắp Âu Châu. Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp kịp thời cho tình trạng này.”

Durov, người có tài sản ròng ước tính khoảng 15,5 tỷ Mỹ Kim, đã rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ nhằm đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng truyền thông xã hội VK của Nga mà sau đó ông đã bán.

Trong khi VK bị cấm ở Ukraine, Telegram là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất đối với người Ukraine. Một cuộc thăm dò vào tháng 9 năm 2023 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv chỉ ra rằng 44% người Ukraine sử dụng Telegram để nhận thông tin và tin tức.

Telegram cũng được các quan chức Ukraine và các cơ quan chính phủ khác nhau sử dụng rộng rãi.

[Kyiv Independent: Arrest of Russian-born Telegram CEO not a political decision, Macron says]

8. Giám đốc điều hành của Telegram Pavel Durov phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự từ các công tố viên Paris

Các công tố viên Paris đã vạch ra các cáo buộc tiềm năng đối với Pavel Durov, Giám đốc gốc Nga của ứng dụng nhắn tin Telegram.

Mười hai tội danh mà anh ta bị cáo buộc bao gồm các tội liên quan đến khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, rửa tiền, che giấu thông tin quan trọng với các nhà điều tra và tám tội danh khác.

Telegram, với gần một tỷ người dùng, nổi tiếng vì chú trọng đến quyền riêng tư và mã hóa, điều này góp phần tạo nên sự nổi tiếng cũng như gây tranh cãi. Durov đang phải đối mặt với cáo buộc không làm đủ để ngăn chặn việc sử dụng ứng dụng này cho các hoạt động tội phạm.

Durov bị bắt tại phi trường Le Bourget ở ngoại ô Paris vào ngày 24 Tháng Tám sau khi hạ cánh bằng máy bay riêng.

Đại sứ quán Nga tại Paris tuyên bố họ đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự Durov vào ngày 25 tháng 8, nhưng “phía Pháp cho đến nay vẫn tránh hợp tác về vấn đề này”.

Macron cho biết hiện có “thông tin sai lệch liên quan đến Pháp” sau vụ bắt giữ Durov. “Pháp cam kết sâu sắc về quyền tự do ngôn luận và giao tiếp, đổi mới và tinh thần khởi nghiệp. Nó sẽ vẫn như vậy.”

“Việc thực thi luật pháp là tùy thuộc vào cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập. Vụ bắt giữ chủ tịch Telegram trên đất Pháp diễn ra như một phần của cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra. Đó không phải là một quyết định mang tính chính trị”, ông Macron nói thêm.

Trong khi đó, người Nga tin rằng Pháp bắt giữ Durov để giải mật tất cả các thông tin trao đổi trên Telegram bởi các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

Kênh Baza ủng hộ Điện Cẩm Linh đưa tin, các quan chức, quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật đã được hướng dẫn xóa tất cả thông tin liên lạc của họ khỏi Telegram.

Margarita Simonyan, nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, cho biết như trên: “Tất cả những người đã quen với việc sử dụng nền tảng này cho các cuộc trò chuyện nhạy cảm nên xóa những cuộc trò chuyện đó ngay bây giờ và đừng làm như vậy nữa”. “Durov đã bị bắt để lấy chìa khóa. Và anh ta sẽ đưa chúng.”

[Kyiv Independent: Telegram's CEO Pavel Durov faces multiple criminal charges from Paris prosecutors]

9. Không quân báo cáo rằng Nga đã phát động cuộc tấn công lớn nhất vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện

Nga đã phát động cuộc tấn công lớn nhất trên toàn Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

Nga đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, Không quân Ukraine đưa tin hôm 26 Tháng Tám.

Theo Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp quốc gia, 7 người đã thiệt mạng và 47 người bị thương.

Theo Thủ tướng Denys Shmyhal, lực lượng Nga đã thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào 15 tỉnh.

Theo Không quân, Nga đã phóng 127 hỏa tiễn và 109 máy bay điều khiển từ xa, trong khi Ukraine bắn hạ 102 hỏa tiễn và 99 máy bay điều khiển từ xa. Các cuộc tấn công của Nga đã tấn công một số cơ sở dân sự, năng lượng và nhiên liệu, bao gồm một con đập ở Kyiv, một phần của Nhà máy Thủy điện Kyiv.

Lực lượng Ukraine đã đánh chặn một hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal, một hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M/KN-23, một hỏa tiễn hành trình Kh-22, 99 hỏa tiễn hành trình Kh-101, Kalibr và Kh-59/69, cũng như 99 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed.

Một số máy bay điều khiển từ xa đã biến mất khỏi radar định vị và mất tích trên lãnh thổ Ukraine. Hai máy bay điều khiển từ xa vượt biên giới với Belarus.

Ukraine đã triển khai mọi nguồn lực sẵn có để đẩy lùi cuộc tấn công, bao gồm máy bay phản lực, lực lượng hỏa tiễn phòng không, nhóm hỏa lực di động và các đơn vị tác chiến điện tử, Không quân cho biết.

Sau cuộc tấn công hàng loạt của Nga vào Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp Tư lệnh Không quân Mykola Oleshchuk, Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko và Volodymyr Kudrytskyi, nhà lãnh đạo nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo.

Các vị đã thảo luận về hiệu quả của hệ thống phòng không và tác chiến điện tử cũng như các nhóm hỏa lực cơ động ở từng khu vực, cùng các vấn đề khác.

Hoạt động rà phá bom mìn đang được tiến hành tại các địa điểm bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của Nga. Ở một số khu vực, lực lượng Nga tấn công các cơ sở dân sự bằng bom chùm. Theo Zelenskiy, các binh sĩ công binh phải kiểm tra các vị trí trước khi các kỹ sư điện có thể bắt đầu sửa chữa.

[Kyiv Independent: Russia launches largest attack on Ukraine since start of full-scale invasion, Air Force reports]

10. Kyiv trình bày cho Hoa Kỳ danh sách các mục tiêu ở Nga mà nước này muốn tấn công bằng vũ khí tầm xa

Ukraine đang lên kế hoạch đệ trình danh sách các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga mà Kyiv muốn tấn công bằng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp cho các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ, Politico đưa tin hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám, dẫn các nguồn tin giấu tên.

Kyiv từ lâu đã lập luận rằng việc hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa đang cản trở nỗ lực chiến tranh của nước này, trong khi Washington cho rằng việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa có thể là nguyên nhân dẫn đến leo thang căng thẳng.

Ukraine đã bác bỏ những lập luận này, cho rằng các tin tưởng vào lằn ranh đỏ của Nga là các tin tưởng mù quáng, và tăng áp lực yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm trong những tuần gần đây sau cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk vào ngày 6 tháng 8. Tòa Bạch Ốc vẫn không thay đổi quan điểm của mình, mặc dù một số chính trị gia Mỹ ủng hộ yêu cầu của Kyiv.

Theo Politico, lãnh đạo Ukraine trước đó đã cung cấp cho Washington danh sách một số mục tiêu tiềm năng trên đất Nga, nhưng danh sách mới dự kiến sẽ “được điều chỉnh phù hợp hơn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak sẽ đến thăm Washington trong tuần này và trình bày danh sách này với chính quyền Tổng thống Biden, ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Politico.

Một số quan chức Ukraine, cũng như một nhà lập pháp đảng Dân chủ giấu tên, nói với Politico rằng họ tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế “trong những ngày tới”.

Cả Kyiv và Washington đều không bình luận về những thông tin này.

Hôm 31 Tháng Năm, Mỹ đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ngay bên kia biên giới ở tỉnh Kharkiv nhưng vẫn duy trì lệnh cấm tấn công sâu bên trong nước Nga bằng vũ khí tầm xa như ATACMS.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng việc Ukraine chiếm được thành phố Sudzha của Nga, nằm cách biên giới với Ukraine chưa đầy 10 km, cho thấy không có ranh giới đỏ khi nói đến sự leo thang của Nga.

Các quan chức Ukraine lý luận rằng: Các loại vũ khí từ hỏa tiễn Javelin, Stinger, cho đến HIMARS, ATACMS và hệ thống hỏa tiễn Patriot, đến xe tăng và F-16, có vượt qua lằn ranh đỏ hay không phụ thuộc vào diễn giải chủ quan của Điện Cẩm Linh. Nhưng, theo học thuyết quân sự của Nga, việc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga chắc chắn đã vượt qua lằn ranh đỏ và Điện Cẩm Linh có nghĩa vụ phải đáp trả kể cả bằng vũ khí hạt nhân. Thế mà, cuối cùng chẳng có gì xảy ra. Điều đó cho thấy không có ranh giới đỏ khi nói đến sự leo thang của Nga.

Các nước phương Tây phần lớn đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình trong cuộc tấn công, nhưng Mỹ và Anh vẫn duy trì các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa như ATACMS hay Storm Shadow.

[Kyiv Independent: Kyiv to present US list of targets in Russia it wants to hit with long-range arms, Politico reports]

11. Điện Cẩm Linh nói các cuộc đàm phán với Ukraine hiện không còn liên quan

Điện Cẩm Linh tỏ ra hoài nghi về các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, do chúng “mất liên quan”, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám, dẫn lời phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov.

Tuyên bố của Peskov được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga, bắt đầu vào đầu tháng 8. Tính đến ngày 20 tháng 8, quân đội Ukraine cho biết họ đã kiểm soát 1.280 km2 và 96 khu định cư, bao gồm cả thành phố Sudzha.

Tờ Washington Post ngày 17 Tháng Tám đưa tin rằng cuộc tấn công của Ukraine ở Kursk được cho là đã làm gián đoạn kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp bí mật giữa Nga và Ukraine, do Qatar tạo điều kiện. Theo hãng tin này, các bên đã lên kế hoạch thảo luận về việc chấm dứt các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cũng như Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko, phủ nhận mọi cuộc đàm phán gián tiếp giữa các quốc gia.

“Các bạn biết rằng chủ đề đàm phán hiện nay đã mất đi nhiều ý nghĩa. Có rất nhiều báo cáo về các mối liên hệ khác nhau trên các phương tiện truyền thông và không phải tất cả chúng đều đúng sự thật”, ông Peskov nói khi trả lời câu hỏi về các cuộc đàm phán có thể xảy ra giữa hai bên.

Kyiv cho biết thay vì chiếm lãnh thổ Nga, cuộc tấn công nhằm mục đích bảo vệ sinh mạng người Ukraine bằng cách ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới và chuyển hướng quân tiếp viện của Nga.

Tỉnh Kursk giáp tỉnh Sumy phía đông bắc Ukraine, khu vực bị Nga tấn công hàng ngày kể từ khi một phần khu vực này được giải phóng vào tháng 4 năm 2022.

Nga cũng tiếp tục bao vây các cộng đồng biên giới ở tỉnh Sumy của Ukraine, bao gồm các làng Porozok và Poznia. Chính quyền Ukraine đang lên kế hoạch di tản tổng cộng 45.000 cư dân khỏi khu vực trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga tăng cường.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk hôm 14 Tháng Tám cho biết quân đội Ukraine đang tạo ra một “vùng an ninh” trên lãnh thổ Nga để bảo vệ khu vực biên giới Ukraine.

[Kyiv Independent: Negotiations with Ukraine have now lost their relevance, Kremlin says]

12. Kyiv nói Ukraine chuẩn bị đáp trả cuộc tấn công hàng loạt của Nga bằng vũ khí tự chế

Ukraine đang chuẩn bị phản ứng bằng vũ khí do chính mình sản xuất trước cuộc tấn công hàng loạt của Nga vào ngày 26 Tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov tuyên bố như trên hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám.

Nga hôm 26 Tháng Tám đã phát động cuộc tấn công lớn nhất vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, sử dụng 127 hỏa tiễn và 109 máy bay điều khiển từ xa.

Lực lượng Nga tấn công vào 15 tỉnh, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng. Theo Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp quốc gia, ít nhất 7 người thiệt mạng và 47 người bị thương, trong đó có 4 trẻ em.

Umerov nói: “Điều này một lần nữa chứng minh rằng để giành chiến thắng, chúng ta cần có năng lực tầm xa và dỡ bỏ các hạn chế tấn công vào các cơ sở quân sự của đối phương”. “Ukraine đang chuẩn bị phản ứng của riêng mình. Vũ khí do chính mình sản xuất.”

Trước đó không lâu, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiết lộ rằng Ukraine đã phát triển máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn sản xuất trong nước mang tên Palianytsia. Ông cho biết nó đã được sử dụng để chống lại Nga.

Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối rằng ông đã thảo luận với Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi về việc đẩy lùi cuộc tấn công hàng loạt gần đây của Nga, cũng như phản ứng tiềm tàng của Ukraine đối với nó.

“Mỗi cuộc tấn công như vậy đều đưa chúng ta trở lại vấn đề về khả năng tầm xa, về nhu cầu lực lượng phòng thủ của chúng ta phải có đủ vũ khí tầm xa có thể tiêu diệt những kẻ khủng bố từ nơi chúng tấn công”, ông Zelenskiy nói.

“Đây là chiến thuật chống khủng bố tốt nhất mà mỗi đối tác của chúng ta có thể giúp đỡ theo quốc tế công pháp. Chúng tôi mong đợi giải pháp từ các đối tác này”, ông Zelenskiy nói thêm.

Kyiv từ lâu đã lập luận rằng những hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa đang cản trở nỗ lực chiến tranh của nước này, trong khi các đối tác phương Tây tin tưởng mù quáng rằng việc cho phép Ukraine tiến sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà họ cung cấp có thể là nguyên nhân dẫn đến leo thang căng thẳng.

Vào tháng 5, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng bệ phóng hỏa tiễn đa nòng HIMARS, hỏa tiễn GMLRS và pháo binh nhằm vào lãnh thổ Nga gần biên giới Ukraine.

Nhưng Mỹ và Anh vẫn cấm Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATACMS do Mỹ sản xuất và hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Ukraine đã bác bỏ những lập luận này và tăng áp lực dỡ bỏ lệnh cấm trong những tuần gần đây sau vụ xâm nhập Kursk vào ngày 6 tháng 8.

[Kyiv Independent: Ukraine preparing to respond to Russian mass attack with homemade weapons, Kyiv says]

13. Thủ tướng Shmyhal cho biết Ukraine có thể phải đối mặt với thâm hụt ngân sách 15 tỷ Mỹ Kim vào năm tới

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 27 Tháng Tám cho biết thâm hụt ngân sách của Ukraine vào năm 2025 sẽ là 35 tỷ Mỹ Kim, nhưng hỗ trợ từ các đối tác sẽ bù đắp khoảng 20 tỷ Mỹ Kim.

Phát biểu tại diễn đàn “Ukraine 2024. Independence”, Thủ tướng Shmyhal làm rõ rằng 20 tỷ Mỹ Kim sẽ được chi trả bởi chương trình Cơ sở Ukraine của Liên Hiệp Âu Châu và sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi vẫn còn 15 tỷ Mỹ Kim này chưa được thỏa thuận chi trả với các đối tác của chúng tôi”.

“Vì vậy, chúng tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ phải tìm kiếm chúng từ các nguồn trong nước hoặc lấy một phần trong số 50 tỷ Mỹ Kim từ tài sản bị đóng băng của Nga hoặc tiếp tục tìm cách để các đối tác có thể hỗ trợ chúng tôi với số tiền còn thiếu này”, Shmyhal nói..

Nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, đã đồng ý cung cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 50 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm nay, trong đó sẽ được bảo đảm bằng số tiền thu được là khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của Nga bị đóng băng trong tài khoản của các thành viên G7.

Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk cho biết quốc hội và chính phủ đang thảo luận về các khoản thu ngân sách bổ sung, đồng thời cho biết “sẽ có những quyết định khó khăn”.

Shmyhal trình bày một kế hoạch gồm bốn bước mà chính phủ của ông dự định thực hiện để lấp đầy khoảng trống trong ngân sách quốc gia trong năm tới.

“Bây giờ chúng ta có nhu cầu cấp thiết là tìm thêm nguồn vốn cho quốc phòng và khả năng phòng thủ của mình. Đây là hàng trăm tỷ hryvnia /hơ-rí-ni-a/. Những sửa đổi về ngân sách trị giá hơn 500 tỷ Hr /hơ-rí-ni-a/, tức là hơn 12 tỷ Mỹ Kim, trong năm nay đã được đệ trình lên quốc hội.

“Đây là số tiền chúng tôi cần để trả lương cho quân đội của chúng ta, với số lượng ngày càng tăng, để mua các thiết bị quân sự phù hợp nhằm tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Để gây quỹ, chúng tôi đang tập trung vào bốn bước”, ông nói.

Theo Thủ tướng, bước đầu tiên là tăng cường vay nợ trong nước. Ông lưu ý rằng thị trường Ukraine và các ngân hàng đã sẵn sàng cho việc này.

Shmyhal nói thêm rằng các cuộc đàm phán với Ngân hàng Quốc gia để tăng vay nợ trong nước đã diễn ra nên chính phủ coi đây là cơ hội tiềm năng vào cuối năm nay.

“Chúng tôi cũng đang thực hiện nguyên tắc 'chiến đấu hoặc làm việc', trong đó đưa ra một số biện pháp sẽ đưa thị trường lao động thoát khỏi bóng tối. Đây là những điểm quan trọng để tăng số lượng việc làm, tăng mức lương trung bình trong các ngành công nghiệp và để lấp đầy ngân sách của chúng ta,” ông nói.

Chính phủ cũng sẽ tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các ngân hàng. Ngoài ra, nước này có kế hoạch mở rộng cơ sở áp dụng thuế quân sự và tăng thuế suất quân sự trong một số trường hợp.

Thủ tướng cũng cho biết, năm 2025, thâm hụt ngân sách của Ukraine sẽ thấp hơn một chút so với năm 2024. Năm nay, tổng thâm hụt ngân sách nước này là 38 tỷ Mỹ Kim.

Ngày 11 Tháng Tám, Bộ trưởng Tài chính Serhii Marchenko cho biết, sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ đã góp phần khiến thâm hụt ngân sách của Ukraine tăng vọt vào năm 2024.

[Kyiv Independent: Ukraine may face $15 billion budget gap next year, PM Shmyhal says]
 
Ukraine bắn hạ Su-25. TT Zelensky: Thử thành công hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên, có kế sách thắng Nga
VietCatholic Media
16:39 28/08/2024


1. Ukraine bắn hạ máy bay phản lực Su-25 của Nga trong cuộc tấn công bằng MANPADS

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 28 Tháng Tám, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng Ukraine đã bắn hạ và phá hủy một máy bay tấn công mặt đất Su-25 của Nga ở khu vực phía đông Donetsk.

“Các chiến binh Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới số 28 đã bắn hạ một máy bay Su-25 của Nga theo hướng Kramatorsk. Hoan hô!”

Lực lượng Không quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Nhóm lực lượng Khortytsia của nước này hoạt động ở Donetsk cho biết các đơn vị phòng không của Lữ đoàn cơ giới độc lập số 28 đã bắn hạ máy bay phản lực bằng Hệ thống phòng không cầm tay, gọi tắt là MANPADS, khi chiếc máy bay phản lực “đang cố gắng bắn vào các vị trí của các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ”.

Nhóm lực lượng Khortytsia cho biết: “Một chiếc Su-25 khác của Nga bốc cháy trên thảo nguyên Donbas của Ukraine”, đề cập đến khu vực bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk bị tạm chiếm của Ukraine. “Tính đến hôm nay, lực lượng không quân tấn công của Nga có ít hơn một máy bay. Đống đổ nát của nó giờ đây tô điểm cho cảnh quan Donetsk.”

Lữ đoàn cơ giới độc lập số 28 đã chia sẻ đoạn phim trên Telegram được cho là ghi lại khoảnh khắc chiếc Su-25 bị bắn hạ ở Donetsk. “Số phận của phi hành đoàn vẫn chưa rõ”, thông báo cho biết.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Tư rằng Mạc Tư Khoa đã mất 368 máy bay kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.

Máy bay Su-25 của Nga bị bắn rơi ở khu vực Donbas, nơi liên tục bị pháo kích. Điện Cẩm Linh đã thúc đẩy việc chiếm toàn bộ khu vực Luhansk và Donetsk kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào miền đông Ukraine vào năm 2014, và điện Cẩm Linh vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu ở những khu vực này.

Nga đang tập trung phần lớn nhân lực để chiếm thành phố Pokrovsk, trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng Ukraine trong khu vực.

[Newsweek: Ukraine Shoots Down Russian Su-25 Jet in MANPADS Strike]

2. Tổng thống Zelenskiy loan báo Ukraine thử thành công hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên

Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã tiến hành thử thành công hỏa tiễn đạn đạo tự sản xuất đầu tiên.

“Có thể còn quá sớm để nói về điều này nhưng tôi muốn chia sẻ nó với các bạn,” tổng thống nói tại diễn đàn Độc lập Ukraine 2024 ở Kyiv.

Zelenskiy chúc mừng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine về dự án này nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về loại vũ khí này.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết Ukraine đang chuẩn bị đáp trả các cuộc không kích của Nga bằng vũ khí do chính nước này sản xuất.

Umerov nói: “Điều này một lần nữa chứng minh rằng để giành chiến thắng, chúng ta cần có năng lực tầm xa và dỡ bỏ các hạn chế tấn công vào các cơ sở quân sự của đối phương”. “Ukraine đang chuẩn bị phản ứng của riêng mình. Vũ khí do chính chúng ta sản xuất.”

Zelenskiy trước đó tiết lộ rằng Ukraine đã phát triển máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn sản xuất trong nước mang tên Palianytsia. Ông cho biết nó đã được sử dụng để chống lại Nga.

[Kyiv Independent: Ukraine tests its first ballistic missile, Zelensky says]

3. Nga tuyên bố Ukraine đang cố gắng đột phá Belgorod

Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám, Thống đốc khu vực Belgorod, Vyacheslav Gladkov tuyên bố hôm 27 Tháng Tám rằng các lực lượng Ukraine có thể đang cố gắng vượt qua biên giới vào tỉnh Belgorod của Nga.

Tuyên bố này được đưa ra khi cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào vùng Kursk lân cận đạt mốc ba tuần. Tỉnh Belgorod nằm giữa các vùng Kursk và Voronezh của Nga và giáp các tỉnh Sumy, Kharkiv và Luhansk của Ukraine.

Gladkov nói: “Có thông tin cho thấy Ukraine đang cố gắng vượt qua biên giới của tỉnh Belgorod. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tình hình ở biên giới vẫn khó khăn nhưng trong tầm kiểm soát”.

Báo cáo về các cuộc tấn công cũng đã xuất hiện trên các kênh Telegram của Nga.

Theo kênh Mash, khoảng 200 quân Ukraine đã tấn công cửa khẩu biên giới ở Nekhoteyevka và 300 binh sĩ khác tấn công vào Shebekino.

Một kênh khác, Shot, tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đã bị đẩy lùi khỏi Nekhoteyevka sau khi bị tổn thất và tuyên bố rằng không có cuộc đụng độ nào xảy ra tại Shebekino.

Shot chỉ ra rằng mặt trận gần Shebekino, nằm ngay bên kia biên giới với thị trấn Vovchansk của Ukraine, đã bị đẩy xa hơn về phía nam sau khi Nga phát động cuộc tấn công vào Kharkiv vào tháng 5.

Nekhoteyevka cũng nằm ở biên giới tỉnh Kharkiv của Ukraine, cách khu định cư Kozacha Lopan của Ukraine khoảng 6 km và cách Kharkiv khoảng 30 km về phía bắc.

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy việc Ukraine tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk đang lan sang tỉnh Belgorod. Một đơn vị của Tiểu đoàn 252 Ukraine đang trấn đóng thị trấn Poroz vào ngày 10 tháng 8.

Nga cũng khẳng định Ukraine tấn công không thành công trạm kiểm soát biên giới Kolotilovka vào ngày 12 Tháng Tám.

Trước đây, Shebekino đã trở thành điểm nóng quan trọng trong cuộc tấn công xuyên biên giới được thực hiện vào năm ngoái bởi lực lượng dân quân Nga thân Ukraine chống Điện Cẩm Linh chiến đấu bên phía Ukraine.

[Kyiv Independent: Russia claims Ukraine attempting to break through to Belgorod Oblast]

4. Vụ nổ làm rung chuyển kho dầu của Nga sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa

Một kho chứa dầu ở miền nam nước Nga đã bị tấn công trong cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa mới nhất của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Các kênh truyền thông xã hội đã đăng tải đoạn video về vụ hỏa hoạn tại kho dầu Atlas ở quận Kamensky thuộc vùng Rostov giáp Ukraine sau cuộc tấn công vào sáng Thứ Tư, 28 Tháng Tám.

Kênh Baza Telegram, được liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, cho biết ba bể chứa dầu đang bốc cháy tại địa điểm này sau khi hai máy bay điều khiển từ xa rơi xuống khu vực. Địa điểm này được cho là chuyên lưu trữ các sản phẩm dầu mỏ và cung cấp những sản phẩm này cho quân đội Nga.

Vasily Golubev, thống đốc Rostov, cho biết trên Telegram rằng, vào khoảng 3 giờ sáng, 4 máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ và theo dữ liệu sơ bộ, không có thương vong. Ông cho biết: “Các lực lượng ứng phó khẩn cấp đang tham gia dập tắt đám cháy, không có nguy cơ đám cháy lan sang các tòa nhà dân cư”.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào lãnh thổ Nga trong những tháng gần đây; Cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự là mục tiêu trong các cuộc tấn công, điều mà Kyiv thường không nhận trách nhiệm trực tiếp. Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Quốc phòng Ukraine nói với Newsweek: “Chúng tôi không bình luận về những gì đang xảy ra ở Nga”.

Các bể chứa dầu tại một kho dầu khác trong khu vực vẫn bốc cháy 10 ngày sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine ở Quận Proletarsk vào ngày 18 tháng 8.

Hình ảnh vệ tinh do Radio Free Europe/Radio Liberty thu được cho thấy đám cháy tại kho chứa dầu mỏ Kavkaz, nơi chứa dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho quân đội Nga, đang tiếp tục lan rộng.

Báo cáo chưa được xác nhận nói rằng một cuộc tấn công khác đã được thực hiện vào ngày 23 tháng 8 và lính cứu hỏa đã bị thương khi cố gắng dập tắt đám cháy, đã bơm khói gần 40 dặm lên bầu trời.

Trong một vụ việc khác, Alexander Gusev, thống đốc Voronezh, khu vực cũng giáp Ukraine, cho biết các mảnh vỡ từ máy bay điều khiển từ xa do Ukraine phóng đã gây ra hỏa hoạn “gần các đối tượng nổ” và khiến hai khu định cư phải di tản.

Các cơ quan dịch vụ đã quyết định di tản tạm thời cư dân của hai khu định cư. Gusev nói thêm rằng 8 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị phòng không trong khu vực phá hủy.

Theo Baza, mối đe dọa từ máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã khiến Sân bay Quốc tế Kazan ở vùng Tatarstan tạm dừng các chuyến bay, với các máy bay được hướng đến thành phố Samara trên sông Volga.

Kazan, cách biên giới Ukraine khoảng 900 km, là một trong bốn phi trường đình chỉ các chuyến bay do mối đe dọa tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa hồi tháng Tư. Vào tháng 6, nó tạm thời ngừng hoạt động vì “lý do bảo mật”.

[Newsweek: Explosions Rock Russian Oil Depot After Drone Attacks: Reports]

5. Zelenskiy trình bày kế hoạch chiến thắng với Hoa Kỳ vào tháng 9

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 27 Tháng Tám cho biết ông sẽ trình bày với Tổng thống Mỹ Joe Biden phương án giành chiến thắng trong cuộc gặp gỡ vào tháng 9.

Tổng thống cho biết đề xuất này cũng sẽ được trình lên Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump, hai ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới.

Ông Trump đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình rằng ông sẽ kết thúc chiến tranh trong vòng 24 giờ nếu đắc cử, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch.

Phát biểu tại diễn đàn Độc lập Ukraine 2024 ở Kyiv, Zelenskiy nói rằng cuộc xâm nhập Kursk đang diễn ra là một trong những phần của kế hoạch này.

Các mục khác bao gồm sự tham gia của Ukraine vào cơ sở hạ tầng an ninh toàn cầu, gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh thông qua các biện pháp ngoại giao và khía cạnh kinh tế, ông Zelenskiy cho biết mà không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.

Tổng thống nói rằng ông tiếp tục nêu ra những ranh giới đỏ mà các đồng minh phương Tây của Ukraine đã áp đặt đối với việc sử dụng vũ khí bên trong lãnh thổ Nga.

“Họ không muốn nói về điều đó và tôi vẫn tiếp tục nhắc đến nó”, Zelenskiy nói đùa.

“Thế vận hội đã kết thúc nhưng môn bóng bàn vẫn tiếp tục tranh tài”. Ý ông muốn nói là cứ giao banh qua lại, tìm cách đổ lỗi cho điều này, điều nọ.

Kyiv từ lâu đã lập luận rằng việc hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa đang cản trở nỗ lực chiến tranh của nước này, trong khi các đối tác phương Tây tin rằng việc cho phép Ukraine tiến sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà họ cung cấp có thể là nguyên nhân dẫn đến leo thang căng thẳng.

Vào tháng 5, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng bệ phóng hỏa tiễn đa nòng HIMARS, hỏa tiễn GMLRS và pháo binh nhằm vào lãnh thổ Nga gần biên giới Ukraine.

Nhưng Mỹ và Anh vẫn cấm Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATACMS do Mỹ sản xuất và hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Ukraine đã bác bỏ những lập luận này và tăng áp lực dỡ bỏ lệnh cấm trong những tuần gần đây sau vụ xâm nhập Kursk vào ngày 6 tháng 8.

[Kyiv Independent: Zelensky to present U.S. with victory plan in September]

6. Sân bay Kazan của Nga đình chỉ các chuyến bay do mối đe dọa từ máy bay điều khiển từ xa, truyền thông đưa tin

Truyền thông Nga ngày 28 Tháng Tám đưa tin Sân bay quốc tế Kazan của Nga đã đình chỉ các chuyến bay do mối đe dọa từ máy bay điều khiển từ xa.

Rustam Minnikhanov, nhà lãnh đạo của khu vực Tatarstan, cho biết Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga đã khuyến nghị đình chỉ ngay các chuyến bay vào lúc 7 giờ sáng theo giờ Mạc Tư Khoa “để bảo đảm an toàn cho chuyến bay”. Các máy bay được chuyển hướng đến một phi trường khác ở Samara.

Minnikhanov tuyên bố việc đình chỉ các chuyến bay là do mối đe dọa tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Đây không phải là lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra – Kazan là một trong 4 phi trường tạm dừng các chuyến bay do nguy cơ bị máy bay điều khiển từ xa tấn công vào tháng 4 và vào tháng 6, phi trường này đã tạm thời đóng cửa vì “lý do an ninh”.

Kazan – nằm cách biên giới Ukraine hơn 900 km về phía đông – nằm ở nước cộng hòa Tatarstan của Nga, nơi trước đây là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng của họ đã bắn hạ 12 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong đêm 27 rạng sáng 28 Tháng Tám, ở các tỉnh Rostov và Voronezh, hai khu vực của Nga giáp Ukraine.

Sáng Thứ Tư, 28 Tháng Tám, Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, cho biết hai kho dầu ở Rostov hiện đang bốc cháy sau các vụ tấn công.

Hiện tại không có thông tin chi tiết về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa có thể xảy ra ở Tatarstan.

[Kyiv Independent: Russia's Kazan airport suspends flights due to drone threat, media reports]

7. Quan chức cho biết máy bay điều khiển từ xa hỏa tiễn Palianytsia mới có giá chưa đến 1 triệu Mỹ Kim

Hôm Thứ Tư, 28 Tháng Tám, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Mykhailo Fedorov nói với Associated Press rằng máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn Palianytsia mới được phát triển của Ukraine có giá dưới 1 triệu Mỹ Kim.

Ukraine đã phát triển Palianytsia để đáp trả các cuộc tấn công của Nga bằng vũ khí tầm xa được sản xuất trong nước. Việc sử dụng thành công máy bay điều khiển từ xa hỏa tiễn đầu tiên của quân đội đã được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy xác nhận trong bài phát biểu Ngày Độc lập vào ngày 24 tháng 8.

Fedorov nói với AP rằng chi phí sản xuất mỗi chiếc Palianytsia mới tốn chưa đến 1 triệu Mỹ Kim. Quân đội đặt mục tiêu giảm chi phí hơn nữa bằng cách hợp tác với các công ty tư nhân.

Ông nói: “Thị trường tư nhân tạo ra các giải pháp cực kỳ nhanh chóng.”

Fedorov cho biết Ukraine đặt mục tiêu mở rộng sản xuất và phát triển “tất cả các loại hỏa tiễn”. Ông nói, lãnh thổ rộng lớn của Nga về mặt nào đó là một điều bất lợi.

“Không thể phát triển đủ hệ thống phòng không để bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy. Đối với chúng tôi, điều này mở ra khả năng hoạt động sâu sau hậu phương của đối phương”, ông nói.

Ukraine đã bị cấm sử dụng một số loại vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, khiến Kyiv phải phát triển các lựa chọn thay thế không hạn chế của riêng mình. Palianytsia, được thiết kế để tấn công các phi trường quân sự của Nga, là một phần của nỗ lực này.

Fedorov nói: “Tôi nghĩ đây sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì chúng tôi sẽ có thể tấn công vào nơi mà Nga không mong đợi ngày hôm nay”.

Tên của loại vũ khí mới cũng mang tính biểu tượng - Nó đề cập đến một loại bánh mì truyền thống của Ukraine, từ “palianytsia” nổi tiếng là rất khó phát âm chính xác đối với người Nga.

[Kyiv Independent: New Palianytsia missile-drone costs less than $1 million, official says]

8. Máy bay điều khiển từ xa Ukraine được cho là đã tấn công Kirov của Nga lần đầu tiên

Hôm Thứ Tư, 28 Tháng Tám, Thống đốc Alexander Sokolov tuyên bố rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công thị trấn Kotelnich ở tỉnh Kirov của Nga.

Theo Sokolov, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 2 máy bay điều khiển từ xa trong khi 3 chiếc khác “rơi” và gây hỏa hoạn gần cơ sở dầu Zenit. Thống đốc tuyên bố rằng các máy bay điều khiển từ xa đang tấn công vào một bể chứa các sản phẩm dầu.

Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo. Sokolov nói rằng tình hình “trong tầm kiểm soát”.

Kotelnich nằm cách biên giới Ukraine khoảng 1.500 km. Đây là báo cáo đầu tiên về một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào tỉnh Kirov của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng phòng không cũng đã bắn hạ 8 máy bay điều khiển từ xa trên vùng Voronezh và 4 chiếc trên vùng Rostov trong đêm.

Nguồn tin tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, xác nhận với Kyiv Independent rằng các máy bay điều khiển từ xa của Ukraine do HUR và Lực lượng hoạt động đặc biệt điều hành đã tấn công một kho dầu ở tỉnh Rostov vào ngày 28 tháng 8, khiến nó bốc cháy.

Ban tiếng Nga của BBC hôm 28 Tháng Tám đưa tin máy bay điều khiển từ xa đã tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng ở Nga cũng như trên các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, bao gồm cả Crimea, ít nhất 64 lần trong năm nay.

[Kyiv Independent: Ukrainian drones reportedly attack Russia's Kirov Oblast for first time]

9. Liên Hiệp Âu Châu xem xét yêu cầu của Kyiv về huấn luyện binh sĩ bên trong Ukraine

Liên minh Âu Châu đang xem xét một số “điều kiện hoạt động và chính trị” nhất định, theo đó họ sẽ cử người hướng dẫn đến Ukraine để huấn luyện binh lính Ukraine, Politico và Die Welt đưa tin vào ngày 27 tháng 8, trích dẫn một tài liệu của Cơ quan Hành động Đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu mà các cơ quan này đã xem được.

Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine, gọi tắt là EUMAM, được thành lập vào tháng 10 năm 2022 với mục đích cải thiện công tác huấn luyện của quân đội Ukraine. Kyiv đã yêu cầu EUMAM tiến hành huấn luyện trên đất Ukraine.

Theo Politico, tài liệu dài 34 trang có tiêu đề “Đánh giá chiến lược về EUMAM Ukraine” đề ngày 22 Tháng Bẩy nói rằng cần phải phân tích sâu hơn trước khi Liên Hiệp Âu Châu có thể đồng ý tiến hành các hoạt động huấn luyện trên lãnh thổ Ukraine.

Tài liệu viết: “Cần phải có một phân tích sâu hơn và toàn diện hơn để đánh giá đầy đủ các rủi ro và các biện pháp giảm thiểu khả thi cũng như các lợi ích về chính trị và hoạt động”.

Tài liệu cho biết Ukraine đã yêu cầu đào tạo trong nước do cân nhắc về hậu cần và chi phí.

Một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu lo ngại rằng việc huấn luyện trên đất Ukraine sẽ dẫn đến xung đột leo thang với Nga.

Tài liệu viết: “Rất có khả năng sự hiện diện quân sự của Liên Hiệp Âu Châu trên đất Ukraine sẽ bị Nga coi là một hành động khiêu khích”.

Một nguyên nhân khác cần quan tâm là sự an toàn của người huấn luyện. Theo tài liệu, việc Liên Hiệp Âu Châu bảo vệ những người huấn luyện đang hoạt động ở Ukraine sẽ không “khả thi” trong khi nước này vẫn là một vùng chiến sự đang hoạt động.

Cho đến nay, Liên Hiệp Âu Châu đã tiến hành hầu hết các khóa đào tạo EUMAM ở Ba Lan hoặc Đức. Chương trình này đã đào tạo khoảng 60.000 quân nhân Ukraine.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận về tài liệu này trong cuộc họp vào cuối tuần này.

[Kyiv Independent: EU considers Kyiv's request to train soldiers inside Ukraine, media reports]

10. Interpol đưa cựu quan chức SBU bỏ trốn vào danh sách truy nã theo yêu cầu của Kyiv

Hôm Thứ Tư, 28 Tháng Tám, Phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko, cho biết Interpol đã đưa Andrii Naumov, cựu lãnh đạo bộ phận an ninh nội bộ của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, vào danh sách truy nã quốc tế theo yêu cầu của Ukraine.

Naumov trốn khỏi Ukraine vào năm 2022 và sau đó bị giam giữ ở Serbia vì nghi ngờ rửa tiền.

Cựu quan chức này đã được trả tự do vào tháng 12 năm ngoái, nhưng quá trình xét xử ông ta ở Serbia vẫn tiếp tục. Naumov đang bị truy nã ở Ukraine, nhưng chính quyền Serbia đã từ chối yêu cầu dẫn độ anh ta.

Naumov bị bắt giữ ở biên giới giữa Serbia và Bắc Macedonia vào ngày 7 tháng 6 năm 2022, được cho là mang theo số tiền mặt không khai báo lên tới khoảng 600.000 euro hay 652.000 Mỹ Kim, 120.000 Mỹ Kim và hai viên ngọc lục bảo.

Các tài sản nói trên được liệt kê trong cáo trạng của cơ quan này từ ngày 3 Tháng Năm vừa qua, ngoài ra còn có 2 xe hơi là một chiếc Toyota Land Cruiser và một chiếc BMW X6.

Nghi phạm có được những tài sản này khi đang giữ các chức vụ cao cấp tại SBU. Ông cũng bị nghi ngờ biển thủ hơn 80.000 Mỹ Kim trong thời gian giữ chức vụ nhà lãnh đạo một công ty nhà nước từ năm 2019 đến năm 2021.

[Kyiv Independent: Interpol places fugitive ex-SBU official on wanted list at Kyiv's request]

11. Cuộc điều tra cho thấy giám đốc điều hành Telegram đã đến thăm Nga hơn 60 lần kể từ khi 'lưu vong' vào năm 2014

Giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov đã đến thăm Nga hơn 60 lần kể từ khi rời nước này vào năm 2014, Kremlingram, một nhóm người Ukraine vận động chống lại việc sử dụng Telegram ở Ukraine, đưa tin vào ngày 27 tháng 8.

Durov bị bắt tại phi trường Le Bourget ở ngoại ô Paris vào ngày 24 Tháng Tám sau khi hạ cánh bằng máy bay riêng. Sinh ra ở St Petersburg, Durov có quốc tịch Pháp vào năm 2021, nhưng được cho là sống ở Dubai.

Anh ta phải đối mặt với 12 cáo buộc từ chính quyền Pháp, bao gồm các tội liên quan đến khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, rửa tiền và che giấu thông tin quan trọng trước các nhà điều tra.

Durov, người có tài sản ròng ước tính khoảng 15,5 tỷ Mỹ Kim, đã rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ nhằm đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng truyền thông xã hội VK của Nga mà sau đó ông đã bán.

Kremlingram đã nhận được vào tháng 12 năm 2023 các dữ liệu về các chuyến đi đến Nga của Durov trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021.

Thông tin này mâu thuẫn với tuyên bố của Durov rằng ông là một kẻ bị ruồng bỏ và thực sự bị trục xuất khỏi Nga, Kremlingram cho biết.

Kremlingram cho biết vụ rò rỉ dữ liệu của FSB “hoàn toàn trùng khớp với một trong những mục trong bức thư chúng tôi nhận được, trong đó có tổng cộng 125 mục về việc Pavel xuất nhập cảnh vào Nga”.

Kremlingram lưu ý: “Mối quan hệ của Durov với chính quyền Nga trong năm 2015-2021 đủ tốt để ông ấy không sợ bị giam giữ khi vượt biên”.

Sau khi ông bị bắt ở Pháp, Đại sứ quán Nga ở Paris cho biết họ đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự Durov. “Phía Pháp cho đến nay vẫn tránh hợp tác về vấn đề này”, Đại sứ quán Nga tuyên bố vào ngày 25 Tháng Tám. Phía Pháp cho rằng Nga có thể muốn giết chết Durov để bịt đầu mối.

Tuyên bố của chính quyền Nga chỉ ra rằng Durov “vẫn có hộ chiếu Nga hợp lệ”, Kremlingram cho biết, bất chấp tuyên bố của anh ta rằng “anh ta không còn là doanh nhân Nga và có hai quốc tịch Pháp và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất”.

[Kyiv Independent: Telegram CEO visited Russia over 60 times since 'exile' in 2014, investigation suggests]

12. Tướng Ba Lan nói Nga đang thử nghiệm hệ thống phòng không của Ba Lan

Nga có khả năng đang thử nghiệm hệ thống phòng không của Ba Lan, Chuẩn tướng Ba Lan Tomasz Drewniak nói với Đài RMF24 hôm 27 Tháng Tám, sau khi một máy bay điều khiển từ xa của Nga có thể đã bay vào không phận Ba Lan vào ngày 26 Tháng Tám trong bối cảnh một cuộc tấn công hàng loạt vào Ukraine.

Quân đội Ba Lan cho biết, một vật thể bay không xác định, có thể là máy bay điều khiển từ xa kamikaze loại Shahed, đã bay qua Ba Lan trong hơn 30 phút vào sáng ngày 26 Tháng Tám trước khi biến mất.

Theo RMF24, đối tượng không xác định vẫn chưa được tìm thấy dù ngày tìm kiếm thứ hai có sự tham gia của hơn một trăm binh sĩ Ba Lan ở vùng Lublin.

Máy bay điều khiển từ xa được cho là đã bay vào không phận Ba Lan lúc 6:43 sáng từ hướng Chervonohrad ở tỉnh Lviv.

Tướng Drewniak nói với RMF24: “Bằng cách thả thiết bị này vào lãnh thổ của chúng tôi, người Nga đang kiểm tra xem hệ thống của chúng tôi được triển khai như thế nào, vào thời điểm nào chúng tôi sẽ triển khai lực lượng cảnh báo trên không”.

Tướng Drewniak cho biết, phản ứng của Ba Lan trước việc máy bay điều khiển từ xa xâm nhập không phận của họ có thể cung cấp cho Nga “rất nhiều thông tin có giá trị, hữu ích cho việc lập kế hoạch cho bất kỳ hoạt động nào”.

Ví dụ, vụ việc thể hiện chuỗi chỉ huy của Ba Lan và “chúng tôi cần bao nhiêu thời gian từ khi nhận được tín hiệu nhận dạng đến khi đưa ra quyết định, máy bay cất cánh, v.v”, ông nói.

Nga đã tấn công vào 15 trong số 24 tỉnh của Ukraine vào ngày 26 tháng 8, phóng hơn 200 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa như một phần của cuộc tấn công trên không lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Ukraine.

Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk tối 26 Tháng Tám báo cáo rằng Ukraine đã bắn rơi 102 hỏa tiễn và 99 máy bay điều khiển từ xa trong số 127 hỏa tiễn và 109 máy bay điều khiển từ xa do Nga phóng trong cuộc tấn công.

Oleshchuk cho biết: “Ngoài ra, một số đơn vị UAV đã bị mất tích trên lãnh thổ Ukraine, hai đơn vị khác đã vượt qua biên giới bang với Belarus”.

Nhóm giám sát Hajun của Belarus đưa tin vào ngày 27 Tháng Tám rằng ít nhất 6 máy bay điều khiển từ xa của Nga đã bay chệch hướng và đi vào không phận Belarus trong cuộc tấn công.

[Kyiv Independent: Russia testing Poland's air defense system, Polish general says]

13. Báo cáo cho biết có khả năng Nga tấn công phá hoại căn cứ NATO ở Đức

Cơ quan báo chí Đức DPA đưa tin hôm Thứ Ba, 27 Tháng Tám, trích dẫn các nguồn tin an ninh Đức, cho rằng có thông tin tình báo về mối đe dọa có thể xảy ra liên quan đến hành động phá hoại của Nga đối với căn cứ không quân Geilenkirchen của NATO đã khiến nước này tạm thời nâng cao mức độ an ninh vào tuần trước.

Tờ Tagesspiegel của Đức đưa tin, một cơ quan tình báo nước ngoài đã đưa ra “dấu hiệu nghiêm chỉnh” về các hành động chuẩn bị cho một hành động phá hoại có thể xảy ra của Nga nhằm vào căn cứ NATO, có thể liên quan đến việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa.

Trong hầu hết ngày thứ Sáu, căn cứ không quân của liên minh phòng thủ phương Tây ở North Rhine-Westphalia đã thiết lập mức độ an ninh cao thứ hai.

Khi nhận được thông tin, tất cả nhân sự không cần thiết đã được đưa về nhà để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn nhưng các chuyến bay bị gián đoạn trong nhiều giờ trước khi tiếp tục hoạt động bình thường. Vì không có sự việc nào xảy ra tại căn cứ không quân nên mức độ an ninh đã được giảm xuống mức trước đó vào chiều thứ Sáu.

Liên minh quốc phòng cho biết, khoảng 1.600 người làm việc tại phi trường, nơi bố trí các máy bay đặc biệt hiện được sử dụng chủ yếu để giám sát không phận ở khu vực phía đông của NATO. Radar của căn cứ có khả năng định vị và xác định các máy bay khác ở phạm vi hơn 400 km.

Việc tăng mức cảnh báo diễn ra sau hàng loạt mối đe dọa phá hoại gần đây ở Đức. Hai tuần trước, căn cứ Geilenkirchen và một căn cứ quân sự khác gần phi trường Köln /cơn/ đã tạm thời bị phong tỏa khi chính quyền điều tra một vụ phá hoại nguồn cung cấp nước có thể xảy ra. Căn cứ không quân Köln /cơn/-Wahn /van/ là trung tâm vận chuyển chính của binh sĩ Ukraine được đào tạo ở Đức.

Trước đó, hồi tháng 6, những kẻ phá hoại Nga đã phóng hỏa đốt một nhà máy sản xuất kim loại của nhà thầu quốc phòng Diehl /đia-ờ/ ở Berlin. Theo các quan chức an ninh phương Tây, mục tiêu của những kẻ phá hoại là làm gián đoạn các chuyến hàng vũ khí và đạn dược quan trọng tới Ukraine.

[Politico: Russian sabotage threat behind alert at German NATO base, reports say]

14. Truyền thông địa phương đưa tin có hỏa hoạn tại 2 kho dầu ở tỉnh Rostov của Nga

Truyền thông địa phương Nga đưa tin vào rạng sáng ngày 28 Tháng Tám, hỏa hoạn đã bùng phát tại hai kho dầu khác nhau ở tỉnh Rostov của Nga trong một cuộc tấn công rõ ràng bằng máy bay điều khiển từ xa vào khu vực.

Cơ quan truyền thông địa phương do nhà nước Nga kiểm soát Rostov Novosti đưa tin, người dân trong khu vực cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ vào khoảng 3 giờ sáng theo giờ địa phương ngày Thứ Tư, 28 Tháng Tám. Sau vụ nổ là làn khói đen dày đặc bốc lên từ các kho gần cộng đồng Kamensky.

Thống đốc tỉnh Rostov Vasily Golubev tuyên bố rằng 4 máy bay điều khiển từ xa tấn công của Ukraine đã bị bắn hạ trong khu vực.

Các video trên mạng xã hội về vụ hỏa hoạn do một người dân địa phương quay lại cho thấy ngọn lửa lớn và khói đen bốc lên từ kho dầu.

Golubev khẳng định không có báo cáo về thương vong.

Quân đội Ukraine thường xuyên tấn công vào các kho dầu của Nga trong nỗ lực giảm thiểu tiềm năng quân sự của Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Tại Proletarsk gần đó ở tỉnh Rostov, các hình ảnh vệ tinh do Radio Free Europe/Radio Liberty thu được cho thấy đám cháy kho dầu tiếp tục lan rộng tại cơ sở lưu trữ dầu mỏ Kavkaz. Vụ cháy đã diễn ra ít nhất mười ngày.

Vụ cháy bắt đầu vào ngày 18 tháng 8 sau cuộc tấn công của Ukraine vào kho dầu.

Rostov Novosti tuyên bố rằng mức độ nghiêm trọng của đám cháy do cuộc tấn công được rạng sáng Thứ Tư, 28 Tháng Tám cũng gây ra nguy cơ đáng kể là đám cháy sẽ lan sang các bể chứa gần đó.

[Kyiv Independent: Fires reported at 2 oil depots in Russia's Rostov Oblast, local media reports]
 
Chuyến tàu cuối cùng cho hòa bình Thánh Địa. Chung quanh lệnh cấm Chính Thống Nga ở Ukraine
VietCatholic Media
17:31 28/08/2024


1. Đức Hồng Y Pizzaballa nói với Rimini Meet về cuộc đàm phán hòa bình như 'chuyến tàu cuối cùng'

Đức Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, đã phát biểu tại sự kiện khai mạc của Hội nghị Rimini lần thứ 45 rằng cuộc chiến giữa Hamas và Israel đã đi đến “thời điểm quyết định” với các cuộc đàm phán đang diễn ra do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian. Pizzaballa nhấn mạnh: “Chiến tranh sẽ kết thúc, tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ giải quyết được điều gì đó: Tôi có những nghi ngờ của mình, nhưng đây là chuyến tàu cuối cùng”.

“Chúng ta có thể tiến tới ngừng bắn nhưng cũng hướng tới sự thoái hóa.

“Đây là thời điểm quan trọng”, ngài lưu ý và kêu gọi những người tham gia cầu nguyện.

“Nhưng cái ác mà cuộc chiến tranh này đã tạo ra, sự căm ghét lẫn nhau, sự oán giận, việc từ chối thừa nhận sự tồn tại của bên kia sẽ vẫn tồn tại và sẽ phải thu hút sự tham gia của tất cả chúng ta”, ngài nói trong Cuộc họp vì 'Tình hữu nghị giữa các dân tộc' do các thành viên tổ chức Hiệp thông và Giải phóng tổ chức.

Ngài lưu ý: “Tác động của cuộc chiến này đối với cả hai nhóm dân cư, người Do Thái và người Palestine, là độc nhất, chưa từng có”, đồng thời nói thêm rằng “việc từ chối sự tồn tại của nhau đã trở thành vấn đề hàng ngày, lan truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nó đã trở nên thực sự kịch tính”.

Cuộc họp ở Rimini kết thúc vào ngày 25 tháng 8.

2. Ukraine có cấm Giáo hội Chính thống không? Những gì chúng tôi biết

Tờ Newsweek đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “Has Ukraine Banned the Orthodox Church? What We Know”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quốc hội Ukraine đã cấm một nhánh của Giáo hội Chính thống có liên hệ với Giáo hội Chính thống Nga.

Kyiv cho biết Giáo Hội này, được gọi là Giáo Hội Chính thống Ukraine liên kết với Chính Thống Giáo Nga, gọi tắt là UOC, đã tuyên truyền ủng hộ Mạc Tư Khoa và cung cấp nơi ở cho các điệp viên.

265 nhà lập pháp đã thông qua dự luật cấm Giáo Hội Chính thống Nga trên lãnh thổ Ukraine hôm Thứ Ba, 20 Tháng Tám.

Reuters đưa tin, một ủy ban chính phủ được thành lập để đưa ra danh sách các tổ chức “có liên kết” với UOC.

“Đây là một cuộc bỏ phiếu lịch sử. Quốc hội đã thông qua đạo luật cấm một nhánh của quốc gia xâm lược ở Ukraine”, Nghị sĩ Iryna Herashchenko cho biết.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết công bố đạo luật này vào tuần trước, khi ông nói rằng nó sẽ củng cố “sự độc lập về tinh thần” của Ukraine.

UOC trong lịch sử là một phần của Giáo hội Chính thống Nga, nhưng tổ chức này bắt đầu tạo khoảng cách với Mạc Tư Khoa sau khi Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Phát ngôn nhân của Giáo Hội, Đức Tổng Giám Mục Klyment đã phủ nhận mọi liên kết với “các trung tâm nước ngoài. Ngài nói với Hromadske TV: “Giáo hội Chính thống Ukraine sẽ tiếp tục sống như một giáo hội đích thực, được đại đa số các tín hữu Ukraine thực hành và các giáo hội trên thế giới công nhận”.

Phát ngôn nhân ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích động thái này, nói rằng dự luật nhằm mục đích “phá hủy Chính thống giáo thực sự và thay vào đó là một Giáo Hội giả”.

Một số nhân vật bảo thủ ở Mỹ, bao gồm Candace Owens và Tucker Carlson, đã lên tiếng phản đối điều mà họ gọi là cuộc đàn áp các tín hữu Kitô ở Ukraine.

Vào tháng 7 năm 2023, trong cuộc phỏng vấn với cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Carlson đã hỏi ông rằng liệu trong cuộc gặp ở Kyiv với Zelenskiy một tháng trước, Pence có nêu ra vấn đề “các Kitô hữu bị đàn áp ở Ukraine” hay không.

Cựu người dẫn chương trình của Fox News nói rằng chính phủ Ukraine đã “đột kích các tu viện” và đã “cấm một cách hiệu quả” quyền tối thượng của Giáo hội Chính thống Ukraine.

Pence trả lời: “Điều tôi có thể nói với bạn là tôi đã hỏi nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Kyiv rằng liệu việc đàn áp các Kitô hữu có thực sự xảy ra hay không, và ông ấy bảo đảm với tôi rằng không phải vậy. Người dân không bị bức hại vì niềm tin tôn giáo của họ.”

Ngay sau đó, Ủy ban Công vụ Chính thống giáo (OPAC) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối những bình luận của Carlson, gọi chúng là “vô nghĩa”.

Trong một tuyên bố với Newsweek, OPAC cho biết họ có “mối quan ngại sâu sắc” về cách các nhân vật truyền thông như Carlson “tiếp tục phát tán tuyên truyền của Nga về cái gọi là cuộc đàn áp các tín hữu Kitô ở Ukraine”.

“Carlson, người có rất ít hoặc không hiểu gì về sự phức tạp của thực tế tôn giáo ở Ukraine, chỉ gây thêm chia rẽ bằng những tuyên bố vô nghĩa của mình,” tuyên bố nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, trước đây đã lên tiếng về việc người Nga phá hủy các công trình tôn giáo cũng như các vụ bắt giữ và sát hại các nhà lãnh đạo đức tin trong cuộc xâm lược của Putin.

Ngài nói với Newsweek: “Ngày nay, trên lãnh thổ bị tạm chiếm, không có một linh mục Công Giáo nào cả. Tất cả các linh mục của tôi, kể cả các linh mục Công Giáo Rôma, đều bị trục xuất hoặc bỏ tù.

Ngài nói thêm rằng Nga đang quay trở lại “thời Liên Xô, nơi tất cả các tôn giáo đều bị cấm hoặc bị kiểm soát quá mức, hoặc đơn giản là bị tiêu diệt”.


Source:Newsweek

3. Sự chuyển đổi khủng khiếp của trợ tử đối với chế độ y tế Canada

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài phân tích nhan đề “Euthanasia's grisly transformation of the Canadian medical regime”, nghĩa là “Sự chuyển đổi khủng khiếp của trợ tử đối với chế độ y tế Canada” đăng trên tờ National Catholic Register Thứ Năm, 22 Tháng Tám. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Các đồng nghiệp của tôi tại Cardus đã thực hiện một dịch vụ phát tín hiệu khi nói với người dân Canada điều mà chính phủ không muốn chúng tôi biết, cụ thể là chế độ an tử phổ biến ở nước này hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều.

Nghiên cứu có tựa đề “Từ biệt lệ đến thường lệ: Sự trỗi dậy của chế độ an tử ở Canada” đã được công bố vào tuần trước. Sự chuyển đổi từ những gì vẫn thường được cho là hi hữu sang thông thường đề cập đến thực hành an tử, đã bùng nổ từ 1.018 ca tử vong trên toàn quốc vào năm 2016 lên 13.241 vào năm 2022, năm cuối cùng có dữ liệu

Và bản thân Canada đã trở nên đặc biệt. Chúng ta có chương trình an tử phát triển nhanh nhất trên thế giới. Chúng ta là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực tiêm thuốc độc được nhà nước phê chuẩn và thực hiện cho người bệnh, người yếu đuối, người suy nhược, người già, người dễ bị tổn thương và người khuyết tật.

Khi chính phủ Trudeau quyết định đưa Canada đi đầu trong hoạt động kinh doanh khủng khiếp này, họ đã áp dụng thuật ngữ “hỗ trợ y tế khi hấp hối”. Từ viết tắt “MAiD” đã được sử dụng rộng rãi, như thể đây chỉ là một công việc dọn phòng, dọn dẹp phòng bệnh cho bệnh nhân tiếp theo.

Con tàu đã ra khơi theo danh pháp, nhưng việc phản đối vẫn có giá trị.

Không có gì “y tế” trong MAiD; nghệ thuật chữa bệnh của y học không được thực hiện. Một dịch vụ được yêu cầu và cung cấp theo cách hám lợi hơn là chữa bệnh. Bác sĩ trở thành người cung cấp dịch vụ một mình, người vận hành máy móc hơn là người chuyên nghiệp. Cái chết do robot đang đến gần; Những “chiếc kén tự sát” đã được phát triển ở nước ngoài.

MAiD thẳng thừng vi phạm lời thề Hippocrates cổ xưa - tôi sẽ không đưa thuốc chết người cho bất kỳ ai nếu được yêu cầu, cũng như không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào như vậy -trong bối cảnh số lượng người quan tâm đến điều đó đang ngày càng giảm. Đó là lý do mà các bác sĩ - đặc biệt là bác sĩ gây mê - bị quy tắc đạo đức của họ cấm tham gia vào các cuộc hành quyết. Tiêm thuốc độc không phải là y khoa.

Không có “sự trợ giúp”. Những kẻ tiêm thuốc độc vào bệnh nhân không phải để hỗ trợ bệnh nhân làm bất cứ điều gì mà để ngừng hoàn toàn. Họ là đồng phạm chứ không phải trợ lý.

Và trong nhiều trường hợp, không có ai “chết”. Yêu cầu MAiD ban đầu đối với cái chết sắp xảy ra đã bị bãi bỏ vào năm 2021. Cái chết êm dịu giờ đây đã trở thành cái chết do lựa chọn, thuần túy và đơn giản.

Vì vậy, hãy gọi nó là MAiD, vì có vẻ như chúng ta phải gọi nó như thế. Nhưng tôi thích một ý nghĩa thay thế, chính xác hơn: “đồng phạm một cách máy móc trong cái chết”.

MAiD mặc một bộ đồng phục khác cũng ghê rợn không kém. Cardus cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng mà người ta vẫn thì thầm, nếu không nói ra: MAiD hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở Canada. Như đồng nghiệp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, đồng thời là tác giả nghiên cứu của Cardus, Alexander Raikin viết, “Chỉ những ca tử vong vì ung thư, bệnh tim, COVID-19 và tai nạn mới vượt quá số ca tử vong vì cái chết êm dịu ở Canada.”

Lời hứa ban đầu rằng MAiD, trong phán quyết của tòa án, sẽ là một “hệ thống ngoại lệ được giám sát cẩn thận, hạn chế nghiêm ngặt” đã bị hủy bỏ. Vào năm 2016, Jody Wilson-Raybould, khi đó là bộ trưởng tư pháp và tổng chưởng lý, cho biết: “Chúng tôi không muốn coi cái chết sớm như một giải pháp cho mọi đau khổ về mặt y tế”.

Những người Canada giật mình khi thấy các bác sĩ đề xuất MAiD cho họ đều biết rõ rằng cái chết sớm chính xác đã trở thành giải pháp đó.

Những gì chúng tôi được nói là cực kỳ không chính xác. Báo cáo Cardus giải thích:

“Vào tháng 5 năm 2022… Bộ Y tế Canada dự đoán rằng đến năm 2033, số ca tử vong do MAiD sẽ ổn định ở mức 4% tổng số ca tử vong, một con số cao gấp đôi dự đoán công khai đầu tiên về 'trạng thái ổn định' ở MAiD chỉ bốn năm trước đó. Tuy nhiên, ước tính của Bộ Y tế Canada đã được chứng minh là không chính xác ngay cả trước cuối năm 2022. Báo cáo thường niên lần thứ tư của Bộ Y tế Canada về MAiD, công bố vào tháng 10 năm 2023, tiết lộ rằng Canada đã vượt mốc 4% vào năm 2022 — trên thực tế, sớm hơn 11 năm so với kế hoạch.”

Cơ quan y tế Canada không quan tâm đến việc biết chuyện gì đang thực sự xảy ra. Hoặc tệ hơn, họ đang che giấu nó. Một lần nữa, báo cáo của Cardus cho biết:

“Hồ sơ tử vong của một số tỉnh không ghi MAiD là nguyên nhân tử vong, thay vào đó ghi lại tình trạng cơ bản dẫn đến yêu cầu MAiD và cái chết sau đó. Hơn nữa, Bộ Y tế Canada báo cáo về số ca tử vong do MAiD, nhưng Thống kê Canada không coi MAiD là nguyên nhân gây tử vong. Những mâu thuẫn trong báo cáo này có tác động đến nghiên cứu về MAiD và về nguyên nhân tử vong nói chung.”

MAiD đã được hứa hẹn là phương sách cuối cùng trong những trường hợp thực sự khó khăn. Trong thực tế, nó đã trở thành một thủ tục bình thường. Nếu được yêu cầu, nó sẽ được cung cấp. Năm 2019, 8% yêu cầu MAiD được coi là không đủ điều kiện. Đến năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 3,5%. Thậm chí, bệnh nhân có thể yêu cầu MAiD được đánh giá và cấp chỉ trong vòng một ngày.

Chỉ trong vòng một thập niên, dưới sự chỉ đạo của một chính phủ liên bang, chế độ y tế của Canada đã hoàn toàn biến đổi, bị che đậy bởi những từ viết tắt gây hiểu lầm, những dự đoán sai và dữ liệu ẩn. Người Canada nên biết sự thật.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của chúng ta đã phát hiện ra điều gì đó mà họ quảng cáo là rất tốt – đó là mang đến cái chết cho những người bệnh tật và đau khổ.


Source:National Catholic Register