Ngày 31-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/09: Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu – Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:18 31/08/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Đó là lời Chúa
 
Ngạc nhiên thiêng liêng
Lm. Minh Anh
05:48 31/08/2022

NGẠC NHIÊN THIÊNG LIÊNG
“Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Chúa Giêsu; Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ!”.

Bác sĩ tâm thần Viktor Frankl nhận xét, “Ngày nay, các phòng khám tấp nập bệnh nhân mắc một loại rối loạn thần kinh mới, một cảm giác hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa đối với cuộc sống!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong một thế giới muốn loại trừ Thiên Chúa bằng mọi cách, quả là không lạ khi nhiều người có “cảm giác hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa đối với cuộc sống!”. Trái với nhận xét của Frankl, Tin Mừng hôm nay cho biết, dân thành Capharnaum đổ xô đến với Chúa Giêsu, họ là những người chứa chan hy vọng, và cuộc sống tràn đầy ý nghĩa; bởi lẽ, họ được ở bên Ngài!

Những người đến với Chúa Giêsu biểu lộ một tình cảm cao đẹp và một niềm tin tươi trẻ khi họ ngạc nhiên về giáo huấn, thán phục về quyền năng của Ngài. Nghĩ về đám đông và ước muốn được gần Chúa Giêsu của họ, chúng ta xét xem ước muốn được gần Chúa Giêsu của mình! Nói cách khác, sự hiện diện của Ngài có đưa bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ diệu vợi tuyệt vời đến nỗi bạn không muốn rời Ngài nửa bước?

Chớ gì bạn luôn cảm thấy khát khao Chúa Giêsu, tìm kiếm Ngài, ở với Ngài, lắng nghe Ngài và kín múc ân sủng xót thương của Ngài! Nhờ đó, bạn không bị cám dỗ thấy Chúa Giêsu và việc thực hành đức tin là nhàm chán và không hứng thú. Một trong những tác động đáng tiếc của công nghệ hiện đại là chúng ta dễ để mình bị lôi cuốn bởi nhiều thứ bên ngoài; có thể đó là một clip YouTube mới, một tập mới của bộ phim yêu thích, hoặc một bài mới đăng trên mạng xã hội. Ngày nay, rất nhiều thứ đang giành giật sự chú ý của bạn, khiến bạn tò mò và thậm chí, kinh ngạc. Giá mà Chúa Giêsu là một trong những ngạc nhiên cuốn hút đó trong ngày sống của bạn!

Trong một thế giới đầy kích thích và lắm mời mọc, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa ‘ngạc nhiên thế tục’ và ‘ngạc nhiên thiêng liêng!’. Loại ngạc nhiên thứ hai này hoạt động theo cách thức của Chúa Thánh Thần, vốn sẽ làm cho chúng ta thoả mãn ở mức độ thẳm sâu nhất; chúng là những món quà của Thiên Chúa vốn sẽ biến đổi linh hồn một cách bền vững và sâu sắc. Nhưng nếu cứ chạy theo những ‘ngạc nhiên thế tục’ với ít nhiều cảm giác, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, chúng chỉ tồn tại chốc lát, tâm hồn sẽ trống rỗng, khô khan, và luôn muốn nhiều hơn!

Thật thú vị! Với ngần này tuổi đời, sống trong ân sủng Chúa bao năm, nhưng nếu tôi cứ để cho những ‘ngạc nhiên thế tục’ cuốn hút, tôi khác nào những đứa trẻ còn phải uống sữa như thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay. Tại sao? Phaolô trả lời, “Anh em hãy còn là những con người xác thịt!”. Tôi chưa thuộc trọn về Chúa và Chúa chưa là tất cả đối với tôi! Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!”.

Anh Chị em,

Cả thành đổ xô đến với Chúa Giêsu! Họ đổ xô đến với Ngài, vì họ đã có những trải nghiệm tuyệt vời từ Ngài! Ai đã một lần gặp được Giêsu, họ gặp được nguồn sống; ai đã từng nghe Lời Giêsu, họ kín múc lẽ thật; ai đã từng được Giêsu đụng chạm, thương tích tâm hồn họ được chữa lành! Vậy, sau mỗi lần lắng nghe Lời Chúa, mỗi lần rước Chúa vào lòng, bạn và tôi tự hỏi, “Chúa Giêsu muốn tôi làm gì?”. Sau đó, xin ơn biến đổi; từ cái nhìn, từ suy nghĩ, từ ứng xử. Đó sẽ là những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ khi chúng được áp dụng trong cuộc sống. Chính nhờ những đổi thay từ sâu thẳm linh hồn này, chúng ta sẽ sớm thấy mình được biến đổi để nên thánh. Hãy cầu xin cho được say mê Giêsu như người Capharnaum; chắc chắn chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ của Thánh Thần!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hoa mắt bởi những ‘ngạc nhiên thế tục’; cho con mê mệt Chúa, Đấng sẽ đưa con đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ‘những ngạc nhiên có tên Giêsu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Điều kiện để đi theo Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:54 31/08/2022

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐI THEO CHÚA
CN 23 C

Sứ điệp Lời Chúa tuần 21 : “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Chúa Giêsu đã đi con đường hẹp và Chúa cũng muốn chúng ta cùng đi với Ngài.

Nhưng làm thế nào để có thể đi trên con đường đó?

Sứ điệp Lời Chúa tuần 22 cho đến Chúa nhật áp chót của mùa thường niên, nói đến những điều kiện giúp chúng ta có thể đi trên con đường đó.

Chúa nhật 22, với điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Đó là sự khiêm nhường và đức bác ái.

Chúa nhật 23, chính là từ bỏ và vác thập giá đi theo Chúa.

1. Từ bỏ

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Nhiều người hỏi rằng từ bỏ như thế làm sao mà sống được? làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình, vô nghĩa? Vậy thì phải hiểu chữ từ bỏ theo nghĩa nào? Từ bỏ ở đây hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí lớn hơn. Người theo Chúa cần có tinh thần từ bỏ, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự, xem Chúa và việc của Chúa là quan trọng hơn cả. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn đều rất quý trọng, nhưng người theo Chúa chọn điều quý hơn là chính Chúa. Họ giống như người “tìm được viên ngọc quý, tìm được kho báu chôn trong ruộng, liền trở về bán tất cả để mua viên ngọc, mua thửa ruộng ấy”.

Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, nghĩa là đặt tất cả dưới Người, yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn nên biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền. Muốn thắng trận cần có lính. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ của cải bằng cách chỉ coi mình như người quản lý thôi; từ bỏ tình cảm, ngay cả với những người thân thiết nhất bằng cách không bao giờ ưu tiên cho họ hơn Chúa; từ bỏ chính bản thân, những ý thích cá nhân, từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người.

Từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển.Thai nhi không thể ở mãi trong lòng mẹ cho dẫu nơi đó an toàn, êm ấm nhất. Đứa trẻ phải từ giã lòng mẹ để sinh ra làm người. Đứa trẻ không thể nào trưởng thành nếu nó cứ sống mãi bằng sữa mẹ, nó phải thôi bú, ăn cơm bánh mới lớn lên.

Cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là giới hạn. Chọn điều này phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt loại bỏ những điều xấu. Có những điều xấu cần từ bỏ như cờ bạc, say sưa, ma tuý, truỵ lạc, trộm cắp…Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn, chẳng hạn khi chọn trường học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, chọn bậc sống, chọn bạn bè, chọn vợ chồng. Thanh niên nam nữ khi tìm hiểu nhau thì có nhiều người nhưng khi chọn vợ chồng thì chỉ chọn một mà thôi. Từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh. Mỗi sáng thức dậy đi lễ, bỏ lại chiếc giường êm ấm. Mỗi tối gia đình tắt tivi để cùng quy tụ đọc giờ kinh. Giữ ngày Chúa nhật, bỏ công việc làm ăn có nhiều lợi nhuận. Bỏ đi một tật xấu để tập một nhân đức. Cao cả hơn, bỏ đời sống hôn nhân để sống đời tận hiến cho Chúa…

Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập.

Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình. Bằng hy sinh và tình yêu ai cũng sẽ làm được tất cả để cuộc sống ngày càng đạt “chất lượng cao”. Từ bỏ giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm, đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ; nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ.

2. Vác thập giá

Hai yêu cầu được gói gọn trong hai động từ, đó là “từ bỏ” mọi sự và “vác” thập giá. Không chỉ dứt bỏ mọi sự, người môn đệ theo Chúa còn phải vác thập giá theo Chúa mỗi ngày trong đời sống của mình

Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.

Nghe nói đến thập giá phải vác, người ta có thể cho đó là một đòi hỏi quá sức con người. Thật ra, thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng, nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ một tình yêu của Đấng Cứu Độ. Thập giá là hy sinh của Chúa. Có tình yêu nào mà không cần đến ngôn ngữ của hy sinh?

Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thánh giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người.

Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến vời niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Cái chết của Chúa là một hiến lễ có giá trị cứu chuộc tội, đền tội và Người “chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ”.

Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nới ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không là thánh giá.

Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, bạn bè và bản thân mình.Thập giá của Chúa Giêsu là dấu chỉ cụ thể về tình yêu và sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha.

Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Người môn đệ luôn luôn đặt tất cả dưới Chúa và yêu Chúa trên mọi sự. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành thánh giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.
 
Từ bỏ và vác thập giá mình
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:08 31/08/2022
Từ bỏ và vác thập giá mình

Suy Niệm Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm C

(Lc 14, 25-33)

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cảnh Chúa Giêsu ngoảnh cổ lại và tuyên bố với đám đông đang cùng đi với mình rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 26). Nghe những lời trên, chúng ta nghĩ sao và nói gì? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Chúa gắt gao quá. Theo Chúa, phải từ bỏ không những của cải, người thân mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm trí cả chính mạng sống mình nữa nữa (x. Lc 14, 25-26). Người yêu cầu phải “bỏ” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em.

Yêu Chúa trên hết mọi sự

Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta phải từ bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì sao ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chúa, thì phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Chúa Giêsu yêu cầu con người dành cho Thiên Chúa một vị trí đặc biệt và cao nhất. Chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc.

Như người muốn xây tháp, hay vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn. Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Theo Chúa không như theo bất cứ một ai. Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi.

Từ bỏ mình

Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?

Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng bỏ điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do trở nên kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng, cùng với ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, tham lam, tội lỗi, xấu xa phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa, Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Cụ thể là bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, giống Chúa.

Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác biệt yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ Thần Khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.

Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để giao tiếp với Chúa. Chúa đã từ bỏ chính mình trước … trở nên giống chúng ta. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta. Chúa Giêsu thêm : “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27).

Vác thập giá để theo Chúa

Thì ra con đường của ai theo Chúa bị đóng đinh là con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x. BENECITO XVI, Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Hỏi: Đức Giêsu có thích khổ đau và thập giá không?

Thưa: Không. Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27). Chúa Giêsu không muốn thập giá, Người muốn tình yêu, yêu đến tận cùng. Theo Chúa là chấp nhận thập giá của mình với lòng mến. Dưới con mắt người đời, chịu mất mạng sống là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận … chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Chúa nhật niềm vui 9/5/1975).

Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói : “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 31/08/2022

47. Tôi tự nguyện vì tình yêu mà chịu đau khổ, và cũng tự nguyện vì tình yêu mà hưởng hạnh phúc.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 31/08/2022
85. CON KHỈ TỰ KHOE KHOANG

Các loại dã thú nhỏ tập họp nhau lại, chúng nó bàn luận hình dáng của mình giống ai.

Con lợn nói:

- “Tôi giống con voi”.

Con chó nói:

- “Tôi giống chó sói”.

Con mèo nói:

- “Tôi giống con cọp”.

Chúng nó lại còn tự mình khoe khoang: con lợn nói voi rất linh, con cẩu nói chó sói rất mạnh, con mèo nói cọp là dữ dội nhất.

Con khỉ nghe được thì cười, nói:

- “Các anh không cần phải tự khoe khoang, tôi giống người nhất, dù cho các anh giống ai thì con người đều có thể chế ngự được chúng nó, cho nên tôi là người cao quý nhất”.

Mọi người hết cách tranh chấp với nó.

Thế là con khỉ vênh vang thường chơi giỡn giữa khe núi, lại còn dùng câu nói ấy khoe khoang với đồng loại, nên các dã thú rất ghét nó.

Một hôm, con sư tử đi qua đường, con voi bèn báo cáo chuyện con khỉ kiêu ngạo tự cao tự đại, sư tử giận dữ nói:

- “Mặc dù nó giống con người, nhưng vẫn chưa có thể làm người, vậy mà dám nói bừa bãi hay sao?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 85:

Thời nay, có rất nhiều thanh thiếu niên chọn các tài tử minh tinh màn bạc làm thần tượng của mình, thần tượng thế nào thì bắt chước thế ấy: thần tượng tóc xù lông nhím thì mình cũng để tóc xù lông nhím, thần tượng mặc áo quần mô đen quằn quại thì mình cũng quằn quại mô đen.v.v...

Có một vài người Ki-tô hữu nhận Đức Chúa Giê-su là thần tượng của mình, nhưng lại không bắt chước cách sống của Ngài:

- Đức Chúa Giê-su không kết án ai cả, ngay cả người phụ nữ tội lỗi sờ sờ đó mà Ngài cũng không kết án (Ga 8, 3-11): nhưng họ lại kết án nặng nề anh chị em mình như kết án kẻ thù.

- Đức Chúa Giê-su không xúi người này chửi người kia, không hô hào tiếp tay cho người nọ đâm chém anh em mình (Mc 9, 38-40), dù bằng lời nói: nhưng họ lại đưa các phương tiện sẵn có của mình, để kẻ thù tha hồ thao túng “chém giết” anh chị em mình.

- Đức Chúa Giê-su yêu thương hết mọi người, và dạy hãy yêu thương kẻ thù ghét mình (Mt 5, 44): nhưng họ lại ghét và coi như kẻ thù của mình tất cả những ai kết bạn với người mà họ không thích...

Con khỉ chưa làm người nhưng đã bừa bãi vênh vang với đồng loại vì mình giống như người, thật tội nghiệp. Những người chọn Đức Chúa Giê-su là thần tượng mà lại kết án anh chị em cách bừa bãi, thì coi chừng đấy, tội càng lớn lao gấp trăm ngàn lần con khỉ, và hậu quả của nó thì khốc liệt hơn: án phạt hỏa ngục.

Phải trở nên như thần tượng thì mới gọi là người trung thành với thần tượng, bằng không thì người ta cười cho, xấu hổ lắm lắm...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ra chỗ nước sâu
Lm. Minh Anh
21:49 31/08/2022

RA CHỖ NƯỚC SÂU
“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!”.

Philip Clarke Brewer nói, “Chúa sử dụng cái bạn có, để đáp ứng một nhu cầu bạn không bao giờ có thể lấp đầy; Chúa sử dụng nơi bạn ở, để đưa bạn đến nơi bạn không bao giờ có thể đến; Chúa sử dụng cái bạn có thể làm, để hoàn thành những gì bạn không bao giờ có thể làm; Chúa sử dụng bạn là chính bạn, để bạn trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ có thể trở thành!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ, với Phêrô trong Tin Mừng và cả với Phaolô trong thư Côrintô hôm nay, ý tưởng của Brewer gần như hiện thực trọn vẹn! Đặc biệt với Phêrô, Chúa Giêsu sử dụng ông để ông trở thành một ai đó mà ông không bao giờ có thể trở thành! Để bắt đầu, hôm nay, Ngài không chỉ truyền cho Phêrô thả lưới; nhưng bảo ông, “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Điều này mới đáng kể!

Tin Mừng cho biết, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe Lời Ngài; Phêrô giặt lưới, ông không buồn chen lại gần Ngài. Vậy mà lấy cớ dân chúng đông đảo, Chúa Giêsu ‘chen vào thuyền ông’; để sau đó, bất ngờ ‘chen vào đời ông’, ‘chen vào nơi sâu thẳm trái tim ông’. Ngài ngỏ lời đề nghị ông ra nơi biển sâu để đánh cá, “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Kìa, Phêrô đã không dùng sự khôn ngoan để từ chối Ngài; trái lại, ông mềm mỏng thả lưới vào nơi sâu thẳm của những nghịch lý nghề nghiệp. Vậy mà, nhờ sự vâng phục này, Phêrô được thưởng một mẻ cá thần kỳ! Và còn hơn thế, Phêrô đã có thể làm những gì ông không bao giờ có thể làm; đó là khám phá ra cảnh vực thần linh trong con người đã chen vào đời mình, và khám phá luôn những gì thẳm sâu của lòng ông. Để rồi, điều phải xảy ra đã xảy ra, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay! Chúa Giêsu không tránh xa Phêrô; thay vào đó, Ngài kéo ông lại gần, xô ông tới, cho ông choáng ngợp từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; để từ đó, Hội Thánh có vị Giáo Hoàng tiên khởi, một con người rồi đây sẽ sống chết cho Ngài.

Cũng thế, với Phaolô! Chúa sử dụng Đamas, nơi Phaolô đang ở, để đưa Phaolô đến một nơi mà ông không bao giờ có thể đến. Ngài đánh quỵ ông ngay trên đường hãnh tiến của ông, vùi lấp ông đến mù loà, để mở mắt trái tim ông, hầu ông có thể nhìn thấy vực thẳm lòng mình, “Khốn thân tôi, khốn thân tôi; ai sẽ cứu tôi?”. Ba ngày đui chột thể lý đủ mở mắt linh hồn, con người này thấy được những ngổn ngang nội tâm; và nhờ Thần Khí, Phaolô biết phải làm gì, đồng thời, hiểu được những chiều kích thẳm sâu nơi Thiên Chúa. Từ đó, “đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô”. Phaolô đã loại trừ những khôn ngoan thế gian, khôn ngoan biệt phái, khôn ngoan theo thói đời để có được khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Khôn ngoan đời này là điên rồ trước mặt Chúa”, “Đấng làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín.

Anh Chị em,

“Chèo ra chỗ nước sâu!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ra chỗ sâu nhất của lòng mình; ở đó, dường như cũng lắm ngổn ngang các thứ theo thói đời. Như Phêrô, Phaolô, bạn và tôi hãy mềm mỏng trước Thánh Thần; và này, mỗi người cũng sẽ trải nghiệm không chỉ một ‘mẻ cá thần kỳ’ nhưng còn nhiều hơn thế. Chúa sẽ sử dụng chúng ta theo những cách thức đầy quyền năng, “làm những việc mà bạn không thể làm”, “đi đến nơi mà bạn không thể đến”, “trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ trở thành”. Vậy hãy nói “Có” với Chúa cách mạnh mẽ như Phêrô, “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới!”. Với hành động trung thành này, Chúa sẽ làm trổ sinh hoa trái; nghĩa là chúng ta sẽ loại trừ những suy nghĩ riêng của mình, mặc lấy Chúa Kitô, cho phép Ngài đi vào chốn sâu thẳm lòng mình mỗi ngày. Giữa bao bề bộn tân toan, thi thoảng hãy trở về nơi rất riêng sâu thẳm linh hồn để gặp Ngài; chỉ ở đó, chúng ta mới gặp được bình an nội tâm. Nhờ bình an ấy, chúng ta ra khơi, đem trao sứ điệp tin yêu cho anh chị em mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con cứ lẩn quẩn, lần thần, trong ‘chỗ cạn’ nên không bắt được gì hết, cũng không thấy gì hết! Tin vào Lời Chúa, con sẽ “ra chỗ nước sâu” để bắt đầu một khởi sự mới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nam SUDAN: Giám mục Công Giáo giáo phận Yei kêu gọi Chính phủ Uganda bắt giữ người Nam Sudan giữ súng trong các trại tị nạn
Đặng Tự Do
05:36 31/08/2022


Đức Cha Alex Lodiong, Giám mục Giáo phận Công Giáo Yei ở Nam Sudan đã kêu gọi chính phủ Uganda bắt giữ và bỏ tù bất kỳ chính trị gia Nam Sudan nào đến các trại tị nạn với súng trong tay.

“Cộng đồng quốc tế do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đại diện nên lưu ý những chính trị gia đến các trại để gây hoang mang cho người tị nạn,” Lodiong nói thêm.

Ông tiết lộ rằng một số chính trị gia Nam Sudan đến các khu định cư của người tị nạn để tìm kiếm các thủ lĩnh phe đối lập đã đầu hàng và đến các trại tị nạn.

“Tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến văn phòng Thủ tướng Chính phủ do Chính phủ Uganda ủy nhiệm để chăm sóc những người tị nạn của chúng tôi ở đây, và cho Cộng đồng Quốc tế do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đại diện. Nếu bạn bắt được bất kỳ chính trị gia nào thông qua Tình báo của Cảnh sát và Quân đội, và bạn bắt được bất kỳ người nào mang súng trong Trại này ở đây, hãy bắt họ và tống vào tù. Chúng tôi không thích những người cầm súng xông vào gây hoang mang cho những người dân chúng tôi ở đây đã lánh nạn “.

Giám mục Lodiong lấy làm tiếc rằng đã có một số chính trị gia theo đuổi các thủ lĩnh phe đối lập và giết họ ở nước ngoài.

Ông khuyên chính phủ Uganda không cộng tác với chính phủ Nam Sudan bằng cách giam giữ các thủ lĩnh phe đối lập đang tị nạn ở đất nước của họ.

“Những người khác thậm chí còn bị theo dõi đến các thành phố, họ bị bắt ở đó và bị giết. Chúng ta hãy hy vọng rằng không có sự hợp tác của chính phủ Uganda để những người này bị bắt như vậy; chúng ta hãy hy vọng là không, bởi vì những người này đang đến đây để nương náu. Họ không đến đây với tư cách chính trị gia. Bất kỳ ai muốn hành nghề chính trị hoặc trở thành một quân nhân nam nữ nên đến nơi có chiến tranh, không phải trong trại tị nạn.”

Lời kêu gọi được đưa ra trong chuyến thăm mục vụ của Đức Giám Mục tới Khu Định cư Tị nạn Palorinya ở Arua.

Khu định cư dành cho người tị nạn Palorinya được thành lập vào tháng 12 năm 2016 và tọa lạc tại quận Moyo thuộc vùng Tây sông Nile của Uganda.

Khu định cư hiện có khoảng 166.000 người tị nạn Nam Sudan, với tổng diện tích bề mặt là 37,58 km vuông và hiện đang đóng cửa đối với những người mới đến.
Source:Amecea
 
Nhật ký trừ tà số # 203: Năm bước để đối phó với não quỷ
Đặng Tự Do
05:38 31/08/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #203: Five Steps for Dealing with Demon Brain”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số # 203: Năm bước để đối phó với não quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“James” đang bị ám ảnh bởi ma quỷ hay còn gọi là “não quỷ”. Cứ sau vài tuần, anh ta lại trải qua một khoảng khắc trong đó suy nghĩ của anh ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ma quỷ. Khi điều này xảy ra, anh ta trở nên tuyệt vọng và có khuynh hướng muốn tự tử.

Anh ấy đã đưa ra một quy trình gồm năm bước để đối phó với những cuộc tấn công của ma quỷ này. Năm bước có thể hữu ích cho bất kỳ ai đang phải chịu đựng những phiền não ma quỷ như vậy. Anh ấy đã hào phóng đồng ý chia sẻ chúng với tất cả mọi người.

Năm bước là:

1. Nhận biết sự khởi đầu của một cuộc tấn công của ma quỷ SỚM. Một khi ở giữa “não quỷ”, anh ta không thể nhận ra nó và anh ta lầm tưởng đó là con người thật của mình. Vì vậy, anh ta đang cố gắng nhận biết những dấu hiệu ban đầu cho thấy một cuộc tấn công của ma quỷ đang đến trước khi quá muộn để phản ứng.

2. Tiếp cận để được giúp đỡ. James nhận ra rằng anh không thể tự mình đối phó với lũ quỷ. Anh ấy tìm đến bạn bè để được hỗ trợ, bác sĩ trị liệu của anh ấy để được tư vấn, và một linh mục để được hướng dẫn tâm linh và cầu nguyện giải thoát. Mặc dù những hỗ trợ này không hoàn toàn xua tan cuộc tấn công, nhưng chúng giúp anh ta điều hướng thành công cuộc tấn công dữ dội của ma quỷ.

3. Chia sẻ trung thực và cởi mở. James biết rằng sự cô lập có thể gây chết người giữa những ám ảnh ma quỷ. Khi não quỷ tấn công, anh ta có xu hướng ngóc lên. Vì vậy, anh ấy cố ý cố gắng cởi mở và trung thực về bản thân với hệ thống hỗ trợ của anh ấy và những gì anh ấy đang trải qua.

4. Từ chối và cho qua. Giữa não quỷ, James khó mà nhận ra suy nghĩ của mình thực sự là quỷ chứ không phải của mình. Tuy nhiên, anh ấy đang cố gắng rèn luyện bản thân để nhận ra nguồn gốc thực sự của những suy nghĩ xấu xa này và từ chối chúng một cách có ý thức. Anh ấy nói, “Tôi cần phải từ chối những suy nghĩ này và để chúng đi.” Sử dụng công thức cầu nguyện của chúng tôi, anh ấy nói, “Tôi từ chối, từ bỏ và quở trách các linh hồn ma quỷ, và nhân danh Chúa Giêsu, tôi đuổi chúng ra.”

5. Làm những việc mình thích thú và khiến bản thân mất tập trung. Những suy nghĩ ma quỷ của anh ta thật đen tối và tuyệt vọng. Ở giữa não quỷ, anh ta chọn tham gia một cách có ý thức vào các hoạt động mà anh ta thích như ăn tối với bạn bè hoặc các sự kiện ngoài trời và / hoặc tập thể dục. Những điều này giúp cải thiện tâm trạng của anh ấy và làm anh ấy phân tâm khỏi việc tập trung vào những ý nghĩ xấu xa của ma quỷ.

Hơn nữa, James cố gắng hết sức để tiếp tục với chế độ tâm linh mạnh mẽ là cầu nguyện hàng ngày và các bí tích.

Những bước này không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai bị ám ảnh bởi ma quỷ, đặc biệt là giữa cuộc tấn công của não quỷ. Tuy nhiên, theo thời gian, anh ấy đã thể hiện sự cam kết và can đảm để làm điều đó với kết quả tích cực. Các cuộc tấn công của anh ấy ngắn hơn, ít nghiêm trọng hơn và anh ấy đang trên đường hồi phục.

Tôi không nghi ngờ gì rằng trong tương lai những cuộc tấn công của ma quỷ này phần lớn sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Trong khi đó, họ đang thực sự củng cố tâm lý và tinh thần cho anh ấy. Một ngày nào đó, anh ta sẽ là một chiến binh tinh thần mạnh mẽ, đã được thử thách cho Chúa Kitô.
Source:Catholic Exorcist
 
Vị Tông đồ của Giáo lý sẽ được tuyên thánh
Đặng Tự Do
05:38 31/08/2022


Tại công nghị tấn phong Hồng Y hôm thứ Bẩy, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã thông báo rằng Đức Thánh Cha đã ấn định ngày 9 tháng Mười là ngày tuyên thánh cho Chân phước Giovanni Battista Scalabrini cùng với Chân phước Artemide Zatti.

Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các sắc phong được ban hành vào ngày 21 tháng 5 năm 2022, với sự miễn trừ yêu cầu về phép lạ thứ hai trong trường hợp của Chân Phước Scalabrini.

Là một người gốc Ý ở vùng Lombardy, Chân Phước Scalabrini sinh năm 1839 và qua đời năm 1905 được thụ phong linh mục năm 1863 và làm giám mục Piacenza năm 1876.

Trong tư cách một giám mục, ngài thành lập Dòng Thừa sai Thánh Charles Borromeo. Ngài cũng thành lập “Hiệp hội Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael”, giống như hiệp hội do ngài thành lập trước đó, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho những người di cư rời Ý vào đầu thế kỷ 20.

Đức Cha Scalabrini bị thuyết phục về sự cần thiết phải có các thể chế đồng hành với hành trình của người di cư trong tất cả các giai đoạn của nó, lưu ý không cắt đứt đột ngột mối quan hệ văn hóa với quê hương, duy trì tiếng mẹ đẻ như một sợi dây đoàn kết với các đồng bào khác.

Theo báo cáo của ACI Prensa, cơ quan đối tác nói tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngài cũng tin rằng di cư có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa quốc gia xuất phát và quốc gia đến.

Đức Cha Scalabrini cũng được nhớ đến vì đã thành lập một tờ báo của giáo phận, để chăm sóc người nghèo và người già, và là người quảng bá việc tôn thờ Thánh Thể và là người bảo vệ các bài hát phụng vụ chính xác.

Năm 1901, ngài đến thăm các nhà truyền giáo của mình tại Hoa Kỳ và được Tổng thống Theodore Roosevelt tiếp tại Tòa Bạch Ốc.

Đức Giáo Hoàng Pius thứ 9 đã từng mô tả Đức Cha Scalabrini là “tông đồ của Sách Giáo lý”.

Phát biểu trước các thành viên của Giáo đoàn do Đức Cha Scalabrini thành lập vào tháng 10 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tu sĩ đồng hành với những người di cư, tuân theo đặc sủng của người sáng lập họ, bằng cách chú ý đến “phẩm giá của con người, đặc biệt là nơi bị thương tích nặng nề nhất và bị đe dọa.”
Source:Catholic News Agency
 
Gió Mùa Nhiệt Đới nhận chìm quốc gia Hồi Giáo Pakistan, Giáo Hội Công Giáo kêu gọi khẩn cấp giúp đỡ.
Trần Mạnh Trác
11:20 31/08/2022

(CNA ngày 31 tháng 8 năm 2022) Vào Chủ nhật, ngày 28 tháng 8, các nhà lãnh đạo Kitô giáo (Tin lành và Công Giáo) trên khắp Pakistan đã cùng nhau lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ cho các nạn nhân lũ lụt, ngay sau lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cuả chính phủ.

Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, (sau nhiều ngày mưa bão đầu tiên cuả muà 'Gió Muà Nhiệt Đới',) khoảng 1/3 diện tích toàn quốc cuả Pakistan đã bị nhận chìm dưới nước. Người dân mất nhà cửa, gia súc và đồ đạc.

Trong khi hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng là vùng nông thôn, nhưng nhiều khu vực thành thị cũng đang phải đối mặt với những thách thức khác - thí dụ các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy ở Karachi, là thành phố lớn nhất của Pakistan.

Kể từ tháng Sáu tới nay, đã có hơn 1.100 người thiệt mạng và hơn 33 triệu người phải di dời hoặc bị thiệt hại.

Ủy ban Lũ lụt Liên bang Pakistan tuyên bố vụ lụt này còn tồi tệ hơn những trận lũ lụt kinh hoàng vào năm 2010.

Các lãnh đạo Giáo hội đã kêu gọi cộng đồng điạ phương và quốc tế giúp đỡ. Đức Tổng Giám Mục Joseph Arshad của Islamabad-Rawalpindi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Pakistan, kêu gọi cộng đồng Cơ đốc giáo hãy thể hiện tình đoàn kết với các anh chị em kém may mắn, là những người đang phải hứng chịu lũ lụt.

Ngài nói: “Mọi người đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn vì nước ở khắp mọi nơi. “Hàng triệu người đã trở thành vô gia cư và buộc phải sống ngài trời trống trải. Họ cần lều, thức ăn và thuốc men. Vì vậy, [trách nhiệm] của mỗi người dân Pakistan là phải giúp đỡ các nạn nhân thông qua các chương trình thiết thực. "

Nhiều tổ chức từ thiện, trong đó là các tổ chức Cơ đốc giáo, đã tham gia vào công tác cứu trợ, nhưng họ đang gặp khó khăn về nguồn lực và về vấn đề di chuyển: Đường xá cầu cống đã bị phá hủy, gây khó khăn cho việc tiếp cận với nạn nhân. Các nhân viên từ thiện đã phải dùng thuyền, nhưng không thể đến được tất cả mọi người.

Ông Amjad Gulzar, giám đốc điều hành Caritas cuả Pakistan, cho biết Caritas đang cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo thông qua các văn phòng của giáo phận. Các nhóm Ứng cứu Khẩn cấp của Caritas đang tiếp cận với các khu vực bị ảnh hưởng, và cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp và tiến hành đánh giá những thiệt hại.

“Các thành viên trong nhóm của chúng tôi đã gặp gỡ với các quan chức chính quyền huyện và các tổ chức khác nhau và đã tăng cường cơ chế điều phối, vì vậy công tác cứu trợ được phối hợp và có hiệu quả hơn,” Ông Gulzar nói.

Ông Farooq Tariq, tổng thư ký của Ủy ban Pakistan Kissan Rabita, một mạng lưới các tổ chức nông dân nhỏ, nói với CNA: “Chúng tôi rất vui vì cả nước đang hiệp lực ứng phó với thách thức hiện tại. Mọi người đang hào phóng quyên góp cho công việc cứu trợ. Chúng tôi đã quyên góp được 2 triệu rupee Pakistan (khoảng 900 đô la Mỹ) chỉ trong vài ngày. Trong hoàn cảnh khó khăn này, các tình nguyện viên của chúng tôi đã làm nhiệm vụ tại chỗ cuả họ một cách rất tốt đẹp.”

“Tuy nhiên, tình hình là rất nghiêm trọng cho nên chúng tôi cần mọi người giúp đỡ nhiều hơn,” ông tiếp tục. “Vô số người vẫn còn chưa có thức ăn, thuốc men, quần áo và nơi ở thích hợp, và họ đang chờ viện trợ. Phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật cần được quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn nữa ”.

Các cơ quan nhà nước - bao gồm quân đội - đang làm việc để giải cứu người dân cũng như cung cấp thực phẩm và nơi ở. Tuy nhiên, nhu cầu là rất lớn.

Đức Giám Mục Công Giáo Samson Shukardin của Hyderabad, tỉnh Sindh, cho biết đất nước đang phải đối mặt với một tình huống rất khó khăn vì người dân mất nhà cửa và đói khát cũng như đau buồn trước sự mất mát của những người thân yêu.

Lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô

Cùng với các nhà lãnh đạo quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Chủ nhật đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ Pakistan.

“Ở nơi đã phải hứng chịu một thiên tai khắc nghiệt như thế này, tôi muốn đảm bảo với người dân Pakistan, nơi đang bị lũ lụt thảm khốc, sự gần kề cuả tôi”, Đức Thánh Cha nói trong giờ kinh Truyền Tin Angelus hôm Chủ nhật khi đến thăm L'Aquila, Ý. "Tôi cầu nguyện cho nạn nhân, cho những người bị thương và những người bị buộc phải rời khỏi nhà ở của họ, và (cầu nguyện cho) tình đoàn kết quốc tế được nhanh chóng và hào phóng."

Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo Pakistan hôm thứ Hai. Người Công Giáo ở đây cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng về những lời của ngài đối với những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Ông Haroon Samuel, một giáo viên Công Giáo đến từ Muzaffargarh, nói với CNA rằng tất cả mọi người Pakistan, bao gồm cả người Hồi giáo, đều cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì sự quan tâm của ngài đối với người dân Pakistan bất kể họ theo đức tin nào.
 
Ông Gorbachev và Thánh John Paul II: một sự hỗ tương trân quí kéo dài
Trần Mạnh Trác
13:00 31/08/2022


VATICAN CITY (CNS Ngày: 30 tháng 8 năm 2022) - Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, qua đời ngày 30 tháng 8 tại Moscow sau một thời gian đau ốm, đã từng gặp gỡ Thánh John Paul II nhiều lần, và hai người thường trao cho nhau nhiều điều phấn khích.

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào năm 1989 và một lần nữa vào năm 1990, lúc ông Gorbachev là Chủ Tịch Liên Xô và đưa ra những cải cách chính trị và kinh tế, rồi sau đó là nhiều dịp khác.

Cả hai người đều đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, và ông Gorbachev đã giành được giải Nobel Hòa bình năm 1990 cho những nỗ lực của mình.

Bác sĩ và nhà báo Joaquin Navarro-Valls, từng là phát ngôn viên của Thánh Gioan Phaolô II và thường báo cáo về các cuộc họp giữa họ, sau này đã gọi ông Gorbachev là nhân vật quan trọng nhất trong sự phá bỏ Bức tường Berlin.

Kỷ niệm 20 năm ngày bức tường sụp đổ trong một bài báo trên tờ La Repubblica ở Rome ngày 5 tháng 11 năm 2009, Bs Navarro-Valls đã trích dẫn sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng John Paul II đối với Liên đoàn lao động Ba Lan như một sự phát triển quan trọng trong nền dân chủ cuả khu vực. Nhưng ông cũng cho biết ông Gorbachev đã thấy rằng phong trào chính trị ở Đông Âu là phổ biến và không thể ngăn cản, và nhà lãnh đạo Liên Xô đã tránh đàn áp bằng quân sự và thậm chí tránh cả những chống đối bằng lời nói.

Bs Navarro-Valls nói rằng khi ông Gorbachev gặp Đức Giáo Hoàng John Paul II lần đầu vào tháng 12 năm 1989, tức là chưa đầy một tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, hai nhà lãnh đạo đã “hiểu nhau ngay lập tức”.

“Cả hai đều hiểu rõ hướng đi mà lịch sử đã bắt đầu. Cả hai đều cảm thấy rằng tự do không phải là một thực tế chính trị mà là một chiều kích cuả (bản chất) con người, cần thiết và không thể bị đàn áp, ”Navarro-Valls nói.

Một biên bản ghi lại cuộc gặp gỡ năm 1989 cho thấy Thánh Gioan Phaolô II và ông Gorbachev bày tỏ sự đồng tình rộng rãi về nhu cầu tự do tôn giáo lớn hơn ở Liên Xô, đổi mới các giá trị đạo đức và luân lý, và cải thiện quan hệ Công Giáo - Chính thống.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng vào thời điểm đầy biến động ở Đông Âu, khu vực này không nên chỉ nhập khẩu các giá trị phương Tây.

“Sẽ là sai lầm nếu ai đó tuyên bố rằng những thay đổi ở châu Âu và thế giới nên theo mô hình của phương Tây. Điều này đi ngược lại niềm tin sâu sắc của tôi, ”vị cố giáo hoàng nói.

“Châu Âu, với tư cách là một thành viên cuả lịch sử thế giới, nên thở bằng hai lá phổi,” Đức Giáo Hoàng nói thêm, sử dụng một trong những ẩn dụ yêu thích về sự hòa hợp giữa Đông và Tây trên lục địa.

“Đó là một hình ảnh rất thích hợp,” ông Gorbachev đã trả lời.

Đức Giáo Hoàng John Paul II đã thúc ép ông Gorbachev về khả năng Vatican và Liên Xô trao đổi đại diện ngoại giao, điều mà ngài cảm thấy sẽ hỗ trợ việc giải quyết các vấn đề tự do tôn giáo và nhiều vấn đề khác. Ông Gorbachev đã phản ứng một cách tích cực, nói rằng “chúng tôi chấp thuận một cách tiếp cận như vậy” nhưng ông ta thận trọng không muốn hành động quá nhanh.

Vào năm sau đó, ông Gorbachev đã thực hiện một số vấn đề mà Đức Giáo Hoàng nêu ra: Liên Xô đã ban hành đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo, cho phép Giáo Hội Công Giáo Ukraine được hoạt động công khai và chào đón một đại sứ của Vatican tại Moscow.

Sau khi Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005, ông Gorbachev đã gọi ngài là “nhà nhân văn số 1 trên hành tinh”.

Nhắc lại vào thời kỳ đỉnh cao, khối Xô Viết bao gồm 15 quốc gia ở Đông và Trung Âu, và ở hầu hết các quốc gia đó, đạo Công Giáo đã bị đàn áp.

Nhưng vào năm 1988, ông Gorbachev đã chào đón một phái đoàn cao cấp của Công Giáo đến Moscow để thực hiện các nghi lễ kỷ niệm một thiên niên kỷ của Cơ đốc giáo trong khu vực. Đầu năm 1989, ông ta cho phép khôi phục hàng giáo phẩm Công Giáo ở Litva, trả lại nhà thờ chính tòa Vilnius và phóng thích tổng giám mục Litva ra khỏi sự quản thúc tại gia.

Vào thời kỳ đó, vị ngoại trưởng Vatican lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Agostino Casaroli, đã tóm tắt tầm quan trọng của 'một nhân vật Gorbachev' đối với giáo hội: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại. Nhưng thiếu một đối tác. Bây giờ thì một đối tác đó đã có rồi. ”

Dưới sự lãnh đạo của ông Gorbachev, vào năm 1990, Liên Xô thông qua luật tự do tôn giáo, xoá bỏ nhiều hạn chế đối với giáo hội trong nhiều thập kỷ, bao gồm những luật chống lại sự giáo dục tôn giáo và quyền tự do hiệp hội. Bộ luật này đã hợp pháp hóa Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine với 5 triệu thành viên và khôi phục một số nhà thờ và các tài sản khác của giáo hội.

Một số giám mục đã được phong chức ở các nước cộng hòa Liên Xô mà không có sự can thiệp của chính phủ. Chính phủ Liên Xô đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng đến thăm - điều này chưa được thực hiện - và nhiều tuyên bố của các quan chức Liên Xô cho thấy có một sự công nhận ngày càng tăng rằng tôn giáo đại diện cho một sức mạnh văn hóa.
 
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Về Sự Biện phân, Biện phân có nghĩa gì?
Vũ Văn An
14:45 31/08/2022


Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư ngày 31 tháng 8, tại hội trường Phaolô VI, nhân buổi yết kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi đầu loạt bài giáo lý mới về biện phân. Trong bài đầu tiên hôm nay, ngài nói tới biện phân là gì. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới: chúng ta đã hoàn thành loạt bài giáo lý về tuổi già, bây giờ chúng ta bắt đầu một chu kỳ mới về chủ đề biện phân. Biện phân là một hành động quan trọng có liên quan đến mọi người, vì các chọn lựa là một phần thiết yếu của cuộc sống. Người ta chọn thức ăn, quần áo, khóa học, việc làm, mối liên hệ. Trong tất cả những điều này, một dự án cuộc sống được thể hiện, và ngay cả mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được cụ thể hóa.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến sự biện phân bằng những hình ảnh lấy từ cuộc sống đời thường; chẳng hạn, Người mô tả người đánh cá chọn những con cá tốt và loại bỏ những con cá xấu; hoặc thương gia biết cách xác định trong số rất nhiều viên ngọc trai, viên ngọc trai nào có giá trị lớn nhất. Hoặc người đang cày ruộng, tình cờ gặp một thứ hóa ra là của báu (x. Mt 13:44-48).

Dưới ánh sáng những thí dụ này, sự biện phân được trình bầy như một thao tác của trí hiểu, cũng là một thao tác của kỹ năng [tiếng Ý: ‘perizia’] và của cả ý chí nữa, để nắm bắt thời cơ: đây là những điều kiện để thực hiện một lựa chọn tốt. Cần có trí hiểu, kỹ năng và cả ý chí để thực hiện một lựa chọn tốt. Và cũng có một cái giá cần thiết để sự biện phân trở nên hữu hiệu. Để thực hiện nghề nghiệp của mình hết khả năng tốt nhất của mình, người đánh cá phải tính đến công việc khó khăn, những đêm dài trên biển, sau đó bỏ một số khỏi mẻ cá, chấp nhận thiệt hại vì lợi ích của những người mà mẻ cá dự định dành cho. Người buôn ngọc trai không ngần ngại chi tiêu mọi sự để mua được viên ngọc trai đó; và người tình cờ tìm được kho báu cũng vậy. [Đây là] những tình huống bất ngờ, không có kế hoạch, trong đó điều quan trọng là phải nhận ra tầm quan trọng và tính cấp bách của một quyết định phải được thực hiện.

Mọi người đều phải đưa ra các quyết định; không ai làm điều này cho chúng ta. Ở một điểm nào đó, người trưởng thành có thể thoải mái hỏi ý kiến; chúng ta có thể suy nghĩ, nhưng quyết định là của chúng ta. Chúng ta không thể nói, 'Tôi mất cái này, bởi vì chồng tôi quyết định, vợ tôi quyết định, anh tôi quyết định.' Không. Anh chị em phải quyết định, mỗi người chúng ta phải quyết định, và vì lý do này, điều quan trọng là phải biết cách biện phân, để quyết định tốt cần phải biết cách biện phân.

Tin Mừng gợi ý một khía cạnh quan trọng khác của sự biện phân: nó liên quan đến cảm xúc. Người tìm được kho báu không gặp khó khăn gì khi bán mọi thứ, vì niềm vui của người ấy hết sức lớn lao (x. Mt 13:44). Thuật ngữ được sử dụng bởi thánh sử Mátthêu chỉ một niềm vui rất đặc biệt, mà không một thực tại nào của con người có thể ban tặng được; và thực sự nó được lặp lại trong rất ít các đoạn Tin Mừng khác, tất cả đều đề cập đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đó là niềm vui của ba vua khi, sau một chặng đường dài gian khổ, họ được gặp lại ngôi sao (x. Mt 2:10); niềm vui, đó là niềm vui của những người phụ nữ trở về từ ngôi mộ trống sau khi nghe thiên thần báo tin Chúa sống lại (x. Mt 28:8). Đó là niềm vui của những người đã tìm được Chúa. Đưa ra một quyết định tốt, một quyết định đúng đắn, luôn dẫn anh chị em đến niềm vui cuối cùng đó; có lẽ suốt chặng đường đi anh chị em phải chịu một chút bấp bênh, suy nghĩ, tìm kiếm, nhưng cuối cùng quyết định đúng đắn đã chúc lành cho anh chị bằng niềm vui.

Trong sự phán xét sau cùng, Thiên Chúa sẽ thực thi sự biện phân - sự biện phân vĩ đại - đối với chúng ta. Hình ảnh người nông dân, người đánh cá và người buôn bán là những thí dụ về những gì xảy ra trong Vương quốc Thiên đàng, một Vương quốc tự biểu lộ qua những hành động bình thường của cuộc sống, đòi hỏi chúng ta phải có lập trường. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải có khả năng biện phân: những lựa chọn lớn lao có thể nảy sinh từ những hoàn cảnh thoạt nhìn có vẻ thứ yếu, nhưng hóa ra lại có ý nghĩa quyết định. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Anrê và Gioan với Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ bắt nguồn từ một câu hỏi đơn giản: 'Thưa thầy, thầy sống ở đâu?' - 'Hãy đến mà xem', Chúa Giêsu nói (xem Ga 1: 38-39). Một cuộc trao đổi rất ngắn ngủi nhưng lại là bước khởi đầu cho một sự thay đổi mà từng bước sẽ ghi dấu ấn trong cả cuộc đời của họ. Nhiều năm sau, Thánh sử sẽ tiếp tục ghi nhớ cuộc gặp gỡ đó, một cuộc gặp gỡ đã thay đổi ngài mãi mãi, và ngài thậm chí nhớ cả thời gian: ‘Lúc đó là khoảng bốn giờ đồng hồ vào buổi chiều’ (câu 39). Đó là giờ mà thời gian và vĩnh cửu gặp nhau trong cuộc đời ngài. Và trong một quyết định tốt, đúng đắn, có một cuộc gặp gỡ giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của chúng ta; có một cuộc gặp gỡ giữa con đường hiện tại và vĩnh cửu. Đưa ra một quyết định đúng đắn, sau một chặng đường biện phân, là thực hiện cuộc gặp gỡ này: thời gian với vĩnh cửu.

Vì vậy: kiến thức, kinh nghiệm, xúc cảm, ý chí: đó là một số yếu tố không thể thiếu của việc biện phân. Trong diễn trình các bài giáo lý này, chúng ta sẽ thấy những yếu tố khác, cũng quan trọng không kém.

Như tôi đã nói, sự biện phân liên quan đến việc chịu khó. Theo Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy cuộc sống mà chúng ta sẽ sống làm sẵn trước mắt chúng ta, được đóng gói sẵn. Không! Chúng ta phải quyết định nó mọi lúc, theo thực tại đang diễn ra. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đánh giá và lựa chọn: Người dựng nên chúng ta tự do và muốn chúng ta thực thi quyền tự do của mình. Do đó, biện phân có tính đòi hỏi.

Chúng ta thường có kinh nghiệm này: chọn thứ gì đó có vẻ tốt với chúng ta nhưng thực ra không tốt. Hoặc biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta nhưng ta lại không chọn nó. Không giống như động vật, con người có thể sai, có thể không muốn lựa chọn đúng - tự do, phải không? Và Kinh Thánh cho thấy điều này ngay từ những trang đầu tiên của nó. Thiên Chúa ban cho con người một chỉ thị chính xác: nếu ngươi muốn sống, nếu ngươi muốn tận hưởng cuộc sống, hãy nhớ rằng ngươi là một tạo vật, ngươi không phải là tiêu chuẩn của thiện và ác, và những lựa chọn ngươi đưa ra sẽ có hậu quả, cho ngươi, cho người khác và cho thế giới (x. St 2:16-17); ngươi có thể làm cho trái đất trở thành một khu vườn tráng lệ hoặc ngươi có thể biến nó thành một sa mạc chết chóc. Một lời dạy căn bản: không phải ngẫu nhiên mà đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thiên Chúa và con người. Đối thoại là: Chúa trao sứ mệnh, anh chị em phải làm điều này, điều nọ; và mỗi người, bước mà họ thực hiện, phải biện phân xem nên đưa ra quyết định nào. Biện phân là sự suy tư của khối óc, của trái tim, mà chúng ta phải làm trước khi đưa ra quyết định.

Biện phân có tính đòi hỏi nhưng không thể thiếu để sống. Nó đòi hỏi tôi phải biết bản thân mình, tôi phải biết điều gì tốt cho tôi ở đây và bây giờ. Trên hết, nó đòi hỏi một mối liên hệ hiếu thảo với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha và Người không để chúng ta một mình, Người luôn sẵn lòng khuyên nhủ chúng ta, khích lệ chúng ta, chào đón chúng ta. Nhưng Người không bao giờ áp đặt ý muốn của Người. Tại sao? Vì Người muốn được yêu thương chứ không bị sợ hãi. Và Thiên Chúa cũng muốn con cái, không phải nô lệ: con cái tự do. Và tình yêu chỉ có thể được sống trong tự do. Để học cách sống, người ta phải học cách yêu thương, và vì điều này, cần phải biện phân: tôi có thể làm gì bây giờ, khi đối diện với phương thức này? Hãy để nó là một dấu hiệu của tình yêu lớn hơn, của sự trưởng thành nhiều hơn trong tình yêu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta! Chúng ta hãy cầu khẩn Người mỗi ngày, đặc biệt là khi chúng ta có những lựa chọn để đưa ra.
 
Tài liệu : TT Reagan thuyết phục Tổng Bí Thư Gorbachev tin vào Thiên Chúa.
Nguyễn Long Thao
16:33 31/08/2022
Tài liệu lịch sử: Tổng Thống Reagan thuyết phục Tổng Bí Thư Gorbachev tin vào Thiên Chúa.

Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo cộng sản Nga Mikhail Gorbachev theo đạo Thiên Chúa để kết thúc Chiến Tranh Lạnh. Đó là nội dung một đoạn trong tác phẩm mới xuất bản gần đây viết về tiểu sử cựu Tổng Thống Ronald Reagan. Tác phẩm có tên là The Rebellion of Ronald Reagan: A History of the Cold War (Cuộc chiến của Ronald Reagan: Lịch Sử Chiến Tranh Lạnh). Tác giả quyển sách này là ông James Mann và đoạn văn liên quan đến việc ông Reagan thuyết phục ông Gorbachev tin vào Thiên Chúa đã được tờ The Wall Street Journal, một tờ báo kinh tế tài chánh uy tín nhất thế giới, trích đăng trong ngày 7 tháng 3 năm 2009 tại Hoa Kỳ và được nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới đăng lại.

Tài liệu mà tác giả Mann dùng để viết quyển sách này đã dựa vào tài liệu do hai viên phụ tá hiện diện trong cuộc hội kiến giữa Reagan và Gorbachev ghi lại. Tài liệu đã được giải mật và hiện được lưu trữ tại thư viện Reagan Library ở Semi Valley, California.

Khi ông Reagan thuyết phục ông Gorbachev theo Thiên Chúa Giáo, ông Gorbachev tỏ ra rất ngượng ngùng, không mấy quan tâm và đã cố gắng thay đổi đề tài câu chuyện đang nói.

Tác giả Mann kể rằng ông Reagan đã gặp ông Gorbachev mấy lần trong đó có sự hiện diện của các vị phụ tá cao cấp. Sau đó, có một lần hai ông gặp nhau riêng, không có sự hiện diện của phụ tá nào và chính lần này ông Reagan đã cố gắng thuyết phục ông Gorbachev tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tác giả Mann viết rằng “Đó là một nỗ lực can đảm nhưng trở thành vấn đề vì nó vượt quá sứ mạng của một Tổng Thống Hoa Kỳ”

Cuộc họp thượng đỉnh Reagan –Gorbachev nhằm chấm dứt chiến tranh lạnh đã diễn ra nhiều lần giữa những năm 1985 – 1988. Theo tác giả Mann, TT Reagan nghe thấy Tổng Bí Thư Gorbachev dùng từ ngữ “Xin Chúa chúc lành” (God Bless) để nói với TT Reagan. Do vậy, TT Hoa Kỳ đã thắc mắc phải chăng Tổng Bí Thư Gorbachev nói điều đó là biểu lộ niềm tin tôn giáo?

Tác giả Mann cũng viết rằng khi ông Reagan nêu vấn đề Thiên Chúa với ông Gorbachev, ông Reagan đã hứa với nhà lãnh đạo Sô Viết rằng Ông sẽ không bao giờ thừa nhận là đã có cuộc nói chuyện về vấn đề này.

Theo những ghi chép của hai viên trợ tá thì ông Gorbachev đã cho ông Reagan biết là “Chính ông đã được rửa rội nhưng bây giờ ông không phải là một tín đồ và đó là phản ảnh của sự tiến hóa xã hội Sô Viết”

Tổng Thống Hoa Kỳ cũng kể lại với ông Gorbachev về một chuyện của người lính Nga trong Đệ II Thế Chiến: “Giữa đêm người lính nằm dưới hố cá nhân chờ lệnh tấn công. Anh ta không phải là một tín hữu vì anh đã từng được dậy dỗ không có Thiên Chúa. Nhưng khi anh ngước nhìn lên trên trời thấy trăng sao, anh thốt lên lới cầu nguyện rằng nếu đêm nay con chết thì xin Chúa hãy đón nhận con. Lời cầu nguyện đó đã được viết trên giấy và người ta tìm thấy miếng giấy này trên thi thể người lính trẻ Nga chết trong đêm ở mặt trận này”

Ông Mann kể rằng ông Gorbachev đã “cố gắng xoay cuộc nói chuyện sang đề mục khác là vấn đề hợp tác rộng rãi hơn về không gian nhưng Tổng Thống Mỹ đã không để ông Gorbarchev hướng sang câu chuyện khác.”

Ông Mann viết:”Theo như tài liệu ghi chép, ông Reagan đã nói với ông Gorbachev rằng không gian là hướng về thiên đàng nhưng nó không gần thiên đàng cho bằng những việc khác hai ông đang thảo luận”.

Tổng Thống Reagan cũng kể cho nhà lãnh đạo Sô Viết biết về chuyện con trai của mình là Ron đã không tin vào Thiên Chúa. Tác giả Mann viết: “Một việc Tổng Thống Reagan mong mỏi làm với người con trai vô thần của mình là mời anh ta ăn một bữa cơm, để con thưởng thức món ăn và sau đó sẽ hỏi con một câu là con có tin rằng đã có người đầu bếp không?

Ông Rudolf Perina thời đó là Giám Đốc Sô Viết vụ trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã trả lời cuộc phỏng vấn của tác giả Mann vào năm 2005. Ông cố vấn cho biết: ‘Tổng Thống Reagan tưởng là mình đã có thể thay đổi được ông Gorbachev, hay cũng làm cho ông ta thấy ánh sáng.”

Người thứ hai ghi chép tài liệu trong các cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Reagan –Gorbachev là ông Thomas Simons thì nhận xét việc ông Reagan đề cao tôn giáo như là một chiến thuật nhằm làm lạc hướng ông Gorbachev khỏi những đề tài quan trọng đang được thảo luận.

Việc Tổng Thống Ronald Reagan có dự định cải hoán nhà lãnh đạo ngoại quốc không phải là chuyện chưa từng có.

Tác giả Mann kể rằng chín năm trước thì vị tiền nhiệm của ông Reagan là Tổng Thống Jimmy Carter đã làm sửng sốt các viên phụ tá Tổng Thống khi ông hỏi nhà độc tài Park Chung-hee của Nam Hàn về niềm tin tôn giáo của ông này. Và sau đó Tổng Thống Jimmy Carter đã nói với Tổng Thống Park Chung –hee: “Tôi muốn ông biết về Chúa Kitô”

Nguyễn LongThao
 
Ý định cầu nguyện tháng 9 của Đức Thánh Cha: Hãy bỏ án tử hình
Thanh Quảng sdb
16:41 31/08/2022
Ý định cầu nguyện tháng 9 của Đức Thánh Cha: Hãy bỏ án tử hình

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 9, Ngài kêu gọi tất cả những người có thiện chí “hãy vận động để bỏ án tử hình trên toàn thế giới.”

(Tin Vatican)

“Mỗi ngày, càng có nhiều người nói ‘KHÔNG’ với án tử hình trên khắp thế giới,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong đoạn video được công bố hôm thứ Tư (31/8/2022) cho biết ý cầu nguyện của ngài trong tháng Chín, "Đối với Giáo hội, đây là một dấu hiệu của hy vọng."

Trong Video Đức Thánh Cha khẳng định rằng án tử hình “theo quan điểm pháp lý” thì không cần thiết.

ĐTC lập luận rằng "xã hội có thể kiểm soát tội phạm một cách hiệu quả mà không làm mất đi khả năng hối lỗi của người phạm tội một cách dứt khoát."

ĐTC nói thêm rằng phải có "một kẽ hở hy vọng" cho mỗi bản án. ĐTC nói hình phạt tử hình “không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà là kích hoạt sự trả thù! Và nó ngăn chặn mọi khả năng hủy bỏ công lý có thể xảy ra”.

Luôn có hy vọng ăn năn

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay “không thể chấp nhận án tử hình được về mặt đạo đức” vì nó hủy hoại cuộc sống, và từ khước thực tại “cho đến giây phút cuối, một người vẫn có thể hoán cải và thay đổi”.

Đức Thánh Cha lập luận rằng “dưới ánh sáng của Phúc Âm, không thể chấp nhận được án tử, vì điều răn của Chúa ‘Ngươi không được giết người’ được áp dụng cho cả người vô tội lẫn người có tội.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc thông điệp của mình với lời kêu gọi tất cả những người thiện chí hãy vận động để án tử hình được bãi bỏ trên toàn thế giới”.

“Chúng ta hãy cầu nguyện án tử, vốn tấn công nhân phẩm con người, có thể được bãi bỏ cách hợp pháp ở mọi quốc gia.”
 
Tiến sĩ George Weigel: Tình liên đới Kitô Giáo chống lại sự dã man
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
21:08 31/08/2022

Hôm 25 tháng 8, trong một tuyên bố chưa từng có, Thánh Công Đồng của Giáo hội Chính thống Nga cho biết sẽ hoãn vô thời hạn các cuộc họp. Các nguồn tin thông thạo cho rằng lý do chính trong việc hoãn vô thời hạn là đã có những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Chính Thống Giáo Nga. Một số các Giám Mục Chính Thống Giáo cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang lèo lái lương tâm các tín hữu khi có ý muốn “phong thánh” cho Daria Dugina, một phụ nữ quá khích hô hào chiến tranh xâm lược Ba Lan và Ukraine, và đã qua đời trong một vụ đặt bom làm nổ tung chiếc xe hơi cô đang lái. Putin ca ngợi Daria Dugina như một hình mẫu người Nga yêu nước nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Kirill ca ngợi cô ta như một hình mẫu tín hữu Chính Thống Giáo, mặc dù khi sống, cô ta hô hào chống lại các giá trị cốt lõi của Kitô Giáo như yêu thương và xem mọi người là bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Christian solidarity versus barbarism”, nghĩa là “Tình liên đới Kitô Giáo chống lại sự dã man” nhằm hô hào các nhân đức Kitô khi đối diện với những lèo lái của các loại giáo gian, buôn thần bán thánh. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cracow. Hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine đã đi qua thủ đô văn hóa cổ kính này của Ba Lan kể từ khi quân đội được trang bị kém, lãnh đạo thảm hại và tàn bạo của Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 với chiêu bài sai trái rằng Ukraine theo đuổi chủ nghĩa “Đức Quốc xã” là mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của Nga. Vùng đất đẫm máu ở Đông Âu, giữa đây và vùng Donbas, miền đông Ukraine, không còn xa lạ với sự tàn ác của chế độ toàn trị và những ảnh hưởng của nó. Từ năm 1932 (bắt đầu nạn đói khủng bố của Stalin, Holodomor ở Ukraine) đến năm 1945 (kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai), đây là phần nguy hiểm nhất của thế giới, một cánh đồng giết chóc đẫm máu, trong đó có lẽ 20 triệu đàn ông và phụ nữ, cùng trẻ em đã chết vì bạo lực.

Chiến tranh man rợ chắc chắn gây ra một dòng lớn người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc tàn sát, và cuộc chiến man rợ của Nga năm 2022 không phải là ngoại lệ. Điều khác biệt - và điều đáng mừng hơn, trong mùa chán nản này trước tình hình các vấn nạn thế giới và phản ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với những vấn đề đó - là cách đối xử với hàng triệu người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến của Putin. Sự khác biệt đó đã mang lại cho tôi, một cách tỏ tường, trong một cuộc trò chuyện giữa tôi với một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Ba Lan.

Giáo sư Leszek Roszkowski đã đến Cracow từ Warsaw để thảo luận về một hội nghị tương lai của Hiệp hội các nhà khoa học Công Giáo sẽ được tổ chức tại đây vào năm tới. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi cuộc trò chuyện của chúng tôi chuyển sang cuộc chiến ở Ukraine và phản ứng của Ba Lan đối với cuộc chiến ấy. Trong quá trình thảo luận đó, Giáo sư Roszkowski đề cập rằng gần đây ông đã được một đồng nghiệp từ một quốc gia Á Châu đến thăm. Hai nhà khoa học nói về đợt triều cường lớn những người tị nạn đã tràn qua Ba Lan kể từ tháng Hai - và sau đó vị khách của Giáo sư Roszkowski hỏi, “Các trại tị nạn nằm ở đâu?” Theo kinh nghiệm của anh ấy và của phần lớn thế giới, khi bạn đón nhận những người chạy trốn chiến tranh, bạn giữ họ trong các trại tị nạn.

Nhà vật lý thiên văn người Ba Lan giải thích rằng không có trại nào hết cả. Người Ba Lan đã đưa hàng trăm nghìn người tị nạn vào nhà của họ, sau khi họ đi qua các trung tâm trung chuyển ở biên giới Ba Lan-Ukraine và được chào đón tại các trung tâm dịch vụ người tị nạn. Những ngôi nhà ở Ba Lan, không phải trại hay kho dự trữ, là nơi những người tị nạn Ukraine tìm đến khắp Ba Lan vào năm 2022.

Công Giáo Ba Lan ngày nay có nhiều vấn đề. Hàng giáo phẩm, hoặc ít nhất là một số các giám mục có tiếng nói nhất, liên kết quá chặt chẽ với một đảng chính trị duy nhất. Hơn nữa, các giám mục Ba Lan dường như học được rất ít từ các giám mục khác về sự bắt buộc liên quan đến tính minh bạch trong việc khôi phục uy tín của Giáo hội và đối phó với sự tấn công của giới truyền thông hung hãn khi các vấn đề lạm dụng tình dục giáo sĩ phát sinh. Quá ít giáo sĩ Ba Lan (và giáo dân, liên quan đến vấn đề đó) hiểu rằng Ba Lan ngày nay là lãnh thổ truyền giáo, vì bản sắc dân tộc và văn hóa Ba Lan không còn truyền bá đạo Công Giáo như đã từng làm, và trong ký ức sống động. Các hội thảo vẫn phải được cải tổ triệt để nhằm biến chúng thành những tổ chức chuẩn bị cho những người truyền giảng Tin Mừng, chứ không phải là thành viên của một công đoàn giáo sĩ.

Trở lại những gì đang được đề cập đến, phản ứng lớn và gần như nhất trí của Ba Lan đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine cho thấy một nền văn hóa Kitô được định hình bởi hơn một thiên niên kỷ lịch sử vẫn còn tồn tại ở Ba Lan. Vì vậy, Giáo sư Roszkowski đề xuất, đó là những bản năng được sinh ra từ những ký ức về cuộc kháng chiến của người Ba Lan dưới thời Đức Quốc xã và những người cộng sản. Những bản năng định hướng ký ức đó đã được truyền lại bởi cha mẹ và ông bà của những người trẻ tuổi Ba Lan ngày nay: Có một cuộc khủng hoảng và mọi người đang bị đe dọa chết người; bạn phải giúp đỡ, chấm hết; không có chỗ cho các phép tính thực dụng.

Bản năng đoàn kết này là một dấu ấn của một nền văn hóa Kitô giáo sống động. Nó trái ngược hẳn với sự độc ác và man rợ do chính sách của nhà nước Nga thể hiện ở Ukraine bị chiếm đóng, liên quan đến vụ bắt cóc hơn một triệu người (trong đó có khoảng 260.000 trẻ em) và trục xuất hàng loạt sang Nga (thường có nghĩa là Siberia). Các gia đình bị chia cắt có chủ ý, và các trại trẻ mồ côi được lục soát để các trẻ mồ côi có thể được nhận làm con nuôi ở Nga. Những người chống lại sự cưỡng bức vô nhân đạo này thường bị tra tấn và hành quyết.

Điều đó bác bỏ tuyên bố lầm lạc rằng nước Nga của Putin là Người bảo vệ vĩ đại của nền văn minh Kitô giáo.

Sự nồng nhiệt và hào phóng trong phản ứng của Ba Lan đối với người tị nạn Ukraine cũng thể hiện sức mạnh của sự hòa giải Kitô giáo để tạo ra mạng lưới đoàn kết. Không có nhiều lịch sử hạnh phúc giữa Ba Lan và Ukraine, và một số lịch sử tồi tệ nhất diễn ra trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, không ai nói về điều đó bây giờ. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nói, “ký ức lịch sử” đã được “thanh tẩy” và kết quả là sự hòa giải hiểu biết lẫn nhau.

Đó là lý do khác giải thích tại sao, giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất của Âu Châu kể từ năm 1945, không có trại tị nạn nào ở Ba Lan, mà những người tị nạn được chào đón, che chở và nuôi dưỡng trong các ngôi nhà của người Ba Lan.
Source:First Things
 
VietCatholic TV
Thần tốc: Quân Ukraine vào thành Kherson, cận chiến ở trung tâm thành phố, xóa sổ Bộ Tư lệnh Nga
VietCatholic Media
03:17 31/08/2022


1. Bộ Tư lệnh Quân đội Nga tại Kherson bị Ukraine xóa sổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Military HQ Wiped Out by Ukraine, Photo Appears to Show”, nghĩa là “Các bức ảnh xem ra cho thấy Bộ Tư lệnh Quân đội Nga tại Kherson đã bị Ukraine xóa sổ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các cuộc tấn công của quân Ukraine tại Kherson bị tạm chiếm vào sáng thứ Ba đã phá hủy một tòa nhà được tường trình là được sử dụng làm trụ sở của quân đội Nga, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

Các bức ảnh chụp tòa nhà BRAIN, trước đây là một cửa hàng điện tử ở Kherson, đã bị biến thành bộ chỉ huy quân sự của Nga, cho thấy hậu quả của một cuộc tấn công khi Ukraine bắt đầu một cuộc phản công nhằm chiếm lại khu vực đã bị lực lượng Nga chiếm giữ trong giai đoạn đầu của chiến tranh.

Tòa nhà nằm ở Kherson đã bị phá hủy. Những hình ảnh về tòa nhà bị hư hại đã được đăng tải trên mạng xã hội.

Tài khoản tình báo nguồn mở OSINT Technical đã chia sẻ các bức ảnh trên Twitter mà theo họ cho thấy tòa nhà trước khi vụ tấn công xảy ra, đồng thời nói thêm rằng tòa nhà “được tường trình một trụ sở của Nga”.

Trong một bài đăng khác trên Twitter, OSINT Technical đã chia sẻ những gì họ tuyên bố là hậu quả của vụ tấn công vào cùng một tòa nhà, cho thấy cùng một tòa nhà nhưng giờ đây trong đống đổ nát.

Newsweek đã có thể xác minh tính xác thực của những hình ảnh này.

Cuộc phản công của Ukraine nhằm chiếm lại vùng Kherson từ tay quân đội Nga đã tăng cường trong tuần này.

Serhiy Khlan, Phó Hội đồng Khu vực Kherson, cho biết trong một tuyên bố trên Facebook hôm thứ Hai rằng Ukraine đã chọc thủng thành công “tuyến phòng thủ đầu tiên của quân Nga trên mặt trận Kherson” ngay trong những giờ đầu tiên.

Khlan nói rằng đó là “sự khởi đầu của sự kết thúc việc chiếm đóng vùng Kherson của Nga” và là “một sự khởi đầu cân bằng, được chuẩn bị tốt của một cuộc phản công.”

Hãng tin Kherson Most đưa tin rằng tiếng súng dữ dội đã được nghe thấy trên các đường phố của khu vực Pivnichnyi và Tavriiskyi trong khu vực.

Hãng thông tấn UNIAN của Ukraine cũng đưa tin rằng có thể nghe thấy tiếng súng nổ bên ngoài một khu nhà tù ở khu vực phía nam Kherson.

Kirill Stremousov, Phó Cục trưởng Cục Quân sự-Dân sự Kherson do Nga hậu thuẫn nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm thứ Ba rằng các lực lượng Nga đã tiêu diệt các điệp viên và kẻ phá hoại Ukraine gần khu phố Tavriiskyi của Kherson. Tuy nhiên, các thông tin này đã bị phản bác. Đồng thời, thông tấn xã TASS nói cuộc phỏng vấn được thực hiện ở Kherson nhưng thực ra được thực hiện tại thành phố Voronezh nơi tên Stremousov đang trốn tránh.

Hãng thông tấn cho biết ít nhất 5 hỏa tiễn phòng không đã được bắn trên không phận của thành phố hôm thứ Ba. Tin này cũng bị phía Ukraine bác bỏ. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine báo cáo rằng trước cuộc tấn công các hệ thống phòng không của Nga đã bị tắt tiếng.

2. Quân Ukraine vào thành phố Kherson, cận chiến ở trung tâm thành phố

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 31 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết toàn bộ khu vực Mykolaiv đã được giải phóng cùng với các huyện ngoại thành của Kherson.

Phát ngôn nhân cho biết các quân nhân Ukraine được lệnh đối xử tử tế với tù hàng binh địch, không ngược đãi đánh đập họ để giữ tình hòa hiếu lâu dài giữa hai nước khi chiến tranh kết thúc.

Phát ngôn nhân xác nhận tiếng súng đã vang lên tại trung tâm thành phố Kherson trong bối cảnh một cuộc phản công nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ do Mạc Tư Khoa kiểm soát ở miền nam đất nước. Trong một cố gắng không thành công, quân Nga đã cố bắc một cầu phao để vượt sông nhưng cầu phao này đã trúng hỏa tiễn nổ tan tành. Thương vong của quân Nga được ghi nhận là nặng nề nhưng chưa thể kiểm đếm. Nhiều lính Nga chết chìm dưới dòng sông chảy xiết. Đây là lần thứ hai một biến cố như thế diễn ra trong một tuần.

Hãng thông tấn địa phương Most đưa tin rằng giao tranh đã xảy ra dữ dội trên đường phố của các khu phố Pivnichnyi và Tavriiskyi ở trung tâm Kherson vào hôm thứ Ba, trong khi hãng thông tấn UNIAN cho biết tiếng súng cũng được nghe thấy bên ngoài một nhà tù ở phía nam thành phố.

Các đoạn phim được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy khói đen bao trùm vùng ngoại ô thành phố Kherson, do các vụ nổ. Trong khi đó, Tass báo cáo rằng ít nhất năm hỏa tiễn phòng không đã được bắn trên không phận của thành phố hôm thứ Ba. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, bác bỏ báo cáo của Tass và cho biết các hệ thống phòng không của quân Nga tại thành phố Kherson đã bị im tiếng trước đó hay trong cuộc tấn công cường tập bằng pháo binh trước khi cuộc tổng phản công chính thức xảy ra.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych cho biết quân đội Ukraine đã xuyên thủng tất cả các phòng tuyến của Nga bao quanh thành phố. Ông Arestovych mô tả cuộc phản công là một “hoạt động chậm chạp để nghiền nát kẻ thù.” Ông nhấn mạnh rằng Ukraine chủ trương giảm thiểu tối đa thương vong không cần thiết cho cả hai bên, quân Ukraine và quân Nga, và kêu gọi quân đội Nga buông vũ khí đầu hàng.

Ông nói: “Nhiều người muốn một cuộc tấn công quy mô lớn với tin tức về việc quân đội của chúng tôi sẽ chiếm được thành phố trong một giờ nữa. Nhưng chúng tôi không chiến đấu như vậy.”

Truyền thông Ukraine đưa tin rằng các vụ nổ đã vang lên ở Kherson vào sáng thứ Ba với các loạt súng tự động được nghe thấy trong thành phố và người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài và tránh đứng gần cửa sổ.

Trong khi đó, trong đánh giá hàng ngày của mình, các quan chức Bộ Quốc phòng Anh nói rằng các lực lượng Nga được “trang bị kém” ở Kherson. Thành phố này là nơi có sông Dnepro giao với Hắc Hải khiến Kherson có thể trở thành tuyến đường tiếp tế quan trọng cho người Nga trên tiền tuyến. Tuy nhiên, hiệu quả của HIMARS đã khiến người Nga không dám liều đưa thiết bị theo con đường này.

3. Ngũ Giác Đài nhận xét rằng Tinh thần binh lính Nga sa sút khi đối mặt với HIMARS, các cuộc không kích của Ukraine rất hiệu quả

Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Ba của Ngũ Giác Đài, một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cho biết tinh thần của quân đội Nga ở Ukraine đang xấu đi do các cuộc tấn công từ HIMARS và máy bay chiến đấu của Ukraine.

Đánh giá này được đưa ra trong khuôn khổ các thông tin liên quan đến cuộc tổng phản công của quân Ukraine vào thành phố Kherson.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ đã nhận được “một số báo cáo nói về tinh thần của người lính Nga” xung quanh Kherson, mà ông mô tả là “khốn khổ”.

Tiếng súng đã vang lên tại thành phố Kherson do Nga chiếm đóng của Ukraine trong bối cảnh một cuộc phản công được báo cáo nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ do Mạc Tư Khoa kiểm soát ở miền nam đất nước.

Lực lượng của Kyiv đã sử dụng HIMARS do Mỹ cung cấp. Đó là một loại bệ phóng nhiều hỏa tiễn được phát triển vào cuối những năm 1990, để tấn công phía sau phòng tuyến của Nga.

Phát ngôn nhân nói: “Hãy tưởng tượng bạn là một người lính Nga... Bạn đã bị pháo và HIMARS bắn trúng khá nặng.”

Họ nói thêm rằng lực lượng không quân Ukraine đang ngày càng trở nên “hiệu quả hơn”, gây ra nhiều vấn đề hơn nữa cho phía Nga do “tinh thần đã tồi tệ và những thiệt hại về quân số”.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin thông báo quân đội Nga sẽ được tăng thêm 137.000 nhân sự, nâng tổng sức mạnh trên giấy tờ lên 1,15 triệu người.

Tuy nhiên, quan chức quốc phòng cấp cao này nghi ngờ kế hoạch này sẽ tăng cường đáng kể lực lượng Nga ở Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài, Bộ Quốc Phòng cho biết: “Nỗ lực này khó có thể thành công, vì Nga trong lịch sử đã không đạt được các mục tiêu về nhân sự và sức mạnh”.

“Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào các lực lượng vũ trang Nga, trước cuộc xâm lược, họ có thể đã thiếu 150.000 nhân lực so với mục tiêu một triệu quân của họ”.

Quan chức này tuyên bố Nga đã giảm các yêu cầu tuyển dụng trong nỗ lực tăng số lượng nhập ngũ, dẫn đến chất lượng quân đội xuống thấp hơn.

Phát ngôn nhân giải thích: “Họ đã làm điều này một phần bằng cách loại bỏ giới hạn tuổi đối với những tân binh và tuyển mộ cả các tù nhân”.

“Nhiều người trong số những tân binh này đã được nhận xét là quá già, không đủ sức khỏe và được đào tạo kém.”

Điều đó cho thấy rằng “bất kỳ sự bổ sung nhân sự nào mà Nga thực sự có thể tập hợp vào cuối năm, trên thực tế, có thể không làm tăng sức mạnh chiến đấu tổng thể của Nga”.

Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách, ước tính trong tháng này, Nga đã hứng chịu tới 80.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2.

Trong tháng qua, Ukraine đã sử dụng HIMARS để tấn công các cây cầu bắc qua sông Dnepro, chia cắt một phần Kherson ở bờ bắc khỏi khu vực chính do Nga kiểm soát ở phía nam.

4. Khả năng quân Nga đưa quân cứu Kherson gần như không tồn tại.

Sergey Khlan, người hiện là cố vấn cho thống đốc khu vực Kherson, cho biết Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, đã cho phép lực lượng của Kyiv tấn công vào các trung tâm chỉ huy và kho đạn của Nga; và hiện nay có khả năng ngăn chặn các nỗ lực tiếp cứu của người Nga.

Các vũ khí đã được sử dụng để tấn công vào các cây cầu, bao gồm cả những cây cầu dẫn vào Kherson, mà Ukraine đang cố gắng thu hồi.

Khlan cho biết theo các tin tình báo, người Nga tập trung một đoàn xe chuyên chở các thiết bị ở Crimea được gửi tới Kherson.

“Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các thiết bị này không được chuyển đến tuyến đầu. Và ở đây chúng tôi đang theo dõi các cuộc tấn công trên cầu Antonovsky một lần nữa,” ông nói với Kênh 24 của Ukraine trong các bình luận được hãng truyền thông Ukraine UKRINFORM đưa tin.

Một tháng trước, các lực lượng Ukraine đã tấn công cây cầu bắc qua sông Dnepro. Cầu đường bộ và đường sắt đã bị hư hại nặng nề sau các cuộc tấn công bằng HIMARS, giáng một đòn mạnh vào lực lượng Nga, ngăn không cho họ tiếp tế cho quân đội ở bên kia sông.

“Khi các đoàn xe này xuất hiện trong tầm bắn của HIMARS, chúng sẽ nổ tung ngay tức khắc. Chúng tôi bảo đảm với các bạn là như thế.”

Trước đó, Ông Anton Gerashchenko, Cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tiết lộ rằng một cuộc tấn công của HIMARS “đã phá hủy toàn bộ một chuyến tàu hơn 40 toa xe”.

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 31 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ghi nhận quân Nga tấn công mạnh ở Donbas nhằm làm giảm áp lực cho vùng Kherson. Đây có thể là một chỉ dấu cho thấy quân Nga không có ý đưa quân cứu viện Kherson. Nếu cố gắng làm điều đó, họ phải băng qua một thảo nguyên bao la và dễ dàng làm mồi cho HIMARS. Khả năng không vận lính Nga vào Kherson cũng gặp một rủi ro lớn như thế. Trước đó, quân Ukraine cũng đã đánh sập bộ chỉ huy quân Dù của Nga, là lực lượng bảo vệ chính cho phi trường quốc tế Kherson.

Kherson có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả Nga và Ukraine. Sau khi Nga không chiếm được thủ đô Kyiv và thành phố thứ hai Kharkiv, việc mất thành phố này sẽ giáng một đòn mạnh vào Mạc Tư Khoa.

Ngoài việc cung cấp bệ phóng cho các lực lượng Ukraine để chiếm lại Crimea mà Nga đã chiếm giữ vào năm 2014, nó cũng có ý nghĩa về mặt nông nghiệp và kinh tế và là trọng tâm trong nỗ lực của Ukraine nhằm khởi động lại các chuyến hàng ngũ cốc qua Hắc Hải.

5. Lãnh đạo Kherson do Nga cài đặt đã bỏ chạy sang Nga

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 31 tháng 8, Cục Tình Báo Ukraine xác nhận rằng tên Kirill Stremousov đã bỏ Kherson chạy sang Nga.

Volodymyr Saldo, người được Điện Cẩm Linh bổ nhiệm lãnh đạo vùng Kherson phía nam của Ukraine sau khi khu vực này bị chiếm giữ trong cuộc chiến của Vladimir Putin, đã tuyên bố mình bị bà đầu bếp trong tòa thị trưởng đầu độc và bà ta đã bỏ trốn. Các phương tiện truyền thông địa phương lại có một phiên bản khác. Họ cho rằng ông ta đã cho bà đầu bếp một số tiền và bảo bà ta trốn đi. Ông ta cũng nhờ một bác sĩ chứng nhận mình đau yếu đến mức cùng vị bác sĩ ấy lên xe cấp cứu chạy thẳng đến Crimea, sau đó sang tận Mạc Tư Khoa cho chắc ăn.

Kirill Stremousov, là phó của Volodymyr Saldo. Stremousov được các lực lượng Nga bổ nhiệm làm lãnh đạo khu vực ngay sau đó, và kể từ đó, ông đã công bố các kế hoạch như loại bỏ dần đồng tiền của Ukraine, là đồng hryvnia, để dùng đồng rúp của Nga, và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như một phần của quá trình có thể mở đường cho khu vực này sáp nhập vào Nga.

Hôm thứ Ba, thông tấn xã Tass cho rằng họ có một cuộc phỏng vấn với Stremousov ngay tại thành phố Kherson.

Trong cuộc phỏng vấn, Stremousov nói rằng các lực lượng Nga đã tiêu diệt các điệp viên và những kẻ phá hoại Ukraine gần khu phố Tavriiskyi của Kherson.

“Mọi thứ đã nằm trong tầm kiểm soát. Tất cả họ đều bị giết,” anh ta nói.

Tuy nhiên, Cục Tình Báo Ukraine chỉ ra rằng cuộc phỏng vấn được thực hiện tại khách sạn Marriott ở thành phố Voronezh bên Nga, ở số 38 Đại lộ Revolyutsii. Hình ảnh Nhà thờ Truyền tin ở Voronezh, Nga, có thể nhìn thấy trong video phỏng vấn.

Serhii Sternenko, một nhà truyền thông Ukraine nói trên kênh Telegram, “Ở phía sau, các bạn có thể nhìn thấy Nhà thờ Truyền tin của Voronezh, và cùng một tòa nhà bốn tầng đèn vàng trên đường phố... Hồ chứa Voronezh cũng ở phía sau”.

Ngay sau đó, Sternenko cho biết ông đã tìm thấy thêm “bằng chứng” cho thấy Stremousov đang ở trong khách sạn Marriott của Voronezh.

“Nội thất, trong đó hắn ta đã quay video trong 2 ngày qua kháo với người Nga rằng 'Kherson sẽ mãi mãi thuộc về Nga' hoàn toàn trùng khớp với nội thất của khách sạn Voronezh. Anh ta đã đưa ra video cuối cùng trên một trong những tầng trên của đại sảnh lớn,” Sternenko nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

6. Quan chức cho biết: Lính Nga bị nổ tung bởi mìn của chính họ khi phản ứng với cuộc gọi giả

Tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Blown Up by Own Mines Responding to Fake Call: Official”, nghĩa là “Quan chức cho biết: Lính Nga bị nổ tung bởi mìn của chính họ khi phản ứng với cuộc gọi giả”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đinh Nhung.

Theo các quan chức Mariupol, quân đội Nga đã bị nổ tung bởi chính quả mìn của họ trong khi đáp lại cuộc gọi giả từ quân kháng chiến Ukraine vào sáng sớm thứ Hai.

Những người Nga đã bị thiệt mạng sau hơn sáu tháng chiến đấu khi Ukraine tiếp tục tự bảo vệ mình trước cuộc xâm lược do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào ngày 24 tháng 2. Putin tuyên bố cuộc xâm lược là để “giải phóng” khu vực ly khai Donbas khỏi sự kiểm soát của Ukraine. Cuộc xâm lược đã vấp phải sự lên án trên toàn thế giới vì Nga đã tấn công vô cớ và trái với luật pháp quốc tế đối với chủ quyền của Ukraine; và đã có các báo cáo về các hành vi tàn ác vi phạm nhân quyền từ binh sĩ Nga.

Mặc dù Mạc Tư Khoa có một trong những quân đội lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn Nga đã không đạt được các mục tiêu lớn của mình ở Ukraine, trước một đội quân dũng cảm có tinh thần cao độ. Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội của Putin, bao gồm cả những nơi mà Nga đã chiếm được thành công trước đó trong cuộc chiến như Kherson, nơi Ukraine đang tiến hành cuộc phản công hôm thứ Hai - và Mariupol.

Vào khoảng 2 giờ sáng thứ Hai, một nhóm lính Nga đang tuần tra ở Mariupol nhận được tin báo rằng các chiến binh “Azov” đang ẩn náu trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố, văn phòng thị trưởng Mariupol cho biết trên Telegram.

Mariupol, một thành phố ở đông nam Ukraine, đã chứng kiến nhiều tuần giao tranh dữ dội trong suốt cuộc chiến khi cả hai nước tranh giành quyền kiểm soát thành phố cảng cũng là nơi đặt nhà máy thép Azovstal. Trung đoàn Azov, chiến đấu để giữ thành phố trong tay người Ukraine, đã bị Điện Cẩm Linh gán cho là tổ chức khủng bố - khiến bất kỳ binh sĩ nào còn sống sót ở Mariupol đều trở thành mục tiêu của lực lượng Nga.

Tuy nhiên, các báo cáo mà quân đội Nga đang đáp lại vào hôm thứ Hai là giả và được tạo ra bởi một nhóm thân Ukraine, mặc dù không rõ chính xác ai đã nhắn tin cho quân Nga.

“Kết quả là một người bị mất một chân trong một bệnh viện ở Donetsk. Một người đi theo nghề hát với Kobzon”. Kobzon là một ca sĩ nổi danh người Ukraine đã qua đời. Cụm từ “đi theo nghề hát với Kobzon” muốn nói là qua đời. “Chi tiết đáng chú ý nhất là quân xâm lược Nga đã tự nổ mìn của chính họ”.

Tấn công được quân đội Nga là một chiến thắng hiếm hoi đối với lực lượng Ukraine ở Mariupol, nơi người Ukraine đã chịu tổn thất lớn trong những tháng gần đây. Cuối cùng, Điện Cẩm Linh đã bao vây thành công thành phố, phần lớn trong số đó đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nặng trong cuộc giao tranh. Trong số các vấn đề mà các nhà lãnh đạo thành phố sẽ phải tiếp tục giải quyết trong tương lai gần là đợt bùng phát dịch tả do chôn cất hàng loạt. Bệnh tả là một bệnh do vi khuẩn có khả năng gây chết người.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
 
Não quỷ là gì? Năm bước để đối phó với não quỷ. Vị Tông đồ Giáo lý sẽ được tuyên thánh
VietCatholic Media
05:35 31/08/2022


1. Nam SUDAN: Giám mục Công Giáo giáo phận Yei kêu gọi Chính phủ Uganda bắt giữ người Nam Sudan giữ súng trong các trại tị nạn

Đức Cha Alex Lodiong, Giám mục Giáo phận Công Giáo Yei ở Nam Sudan đã kêu gọi chính phủ Uganda bắt giữ và bỏ tù bất kỳ chính trị gia Nam Sudan nào đến các trại tị nạn với súng trong tay.

“Cộng đồng quốc tế do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đại diện nên lưu ý những chính trị gia đến các trại để gây hoang mang cho người tị nạn,” Lodiong nói thêm.

Ông tiết lộ rằng một số chính trị gia Nam Sudan đến các khu định cư của người tị nạn để tìm kiếm các thủ lĩnh phe đối lập đã đầu hàng và đến các trại tị nạn.

“Tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến văn phòng Thủ tướng Chính phủ do Chính phủ Uganda ủy nhiệm để chăm sóc những người tị nạn của chúng tôi ở đây, và cho Cộng đồng Quốc tế do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đại diện. Nếu bạn bắt được bất kỳ chính trị gia nào thông qua Tình báo của Cảnh sát và Quân đội, và bạn bắt được bất kỳ người nào mang súng trong Trại này ở đây, hãy bắt họ và tống vào tù. Chúng tôi không thích những người cầm súng xông vào gây hoang mang cho những người dân chúng tôi ở đây đã lánh nạn “.

Giám mục Lodiong lấy làm tiếc rằng đã có một số chính trị gia theo đuổi các thủ lĩnh phe đối lập và giết họ ở nước ngoài.

Ông khuyên chính phủ Uganda không cộng tác với chính phủ Nam Sudan bằng cách giam giữ các thủ lĩnh phe đối lập đang tị nạn ở đất nước của họ.

“Những người khác thậm chí còn bị theo dõi đến các thành phố, họ bị bắt ở đó và bị giết. Chúng ta hãy hy vọng rằng không có sự hợp tác của chính phủ Uganda để những người này bị bắt như vậy; chúng ta hãy hy vọng là không, bởi vì những người này đang đến đây để nương náu. Họ không đến đây với tư cách chính trị gia. Bất kỳ ai muốn hành nghề chính trị hoặc trở thành một quân nhân nam nữ nên đến nơi có chiến tranh, không phải trong trại tị nạn.”

Lời kêu gọi được đưa ra trong chuyến thăm mục vụ của Đức Giám Mục tới Khu Định cư Tị nạn Palorinya ở Arua.

Khu định cư dành cho người tị nạn Palorinya được thành lập vào tháng 12 năm 2016 và tọa lạc tại quận Moyo thuộc vùng Tây sông Nile của Uganda.

Khu định cư hiện có khoảng 166.000 người tị nạn Nam Sudan, với tổng diện tích bề mặt là 37,58 km vuông và hiện đang đóng cửa đối với những người mới đến.
Source:Amecea

2. Nhật ký trừ tà số # 203: Năm bước để đối phó với não quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #203: Five Steps for Dealing with Demon Brain”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số # 203: Năm bước để đối phó với não quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“James” đang bị ám ảnh bởi ma quỷ hay còn gọi là “não quỷ”. Cứ sau vài tuần, anh ta lại trải qua một khoảng khắc trong đó suy nghĩ của anh ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ma quỷ. Khi điều này xảy ra, anh ta trở nên tuyệt vọng và có khuynh hướng muốn tự tử.

Anh ấy đã đưa ra một quy trình gồm năm bước để đối phó với những cuộc tấn công của ma quỷ này. Năm bước có thể hữu ích cho bất kỳ ai đang phải chịu đựng những phiền não ma quỷ như vậy. Anh ấy đã hào phóng đồng ý chia sẻ chúng với tất cả mọi người.

Năm bước là:

1. Nhận biết sự khởi đầu của một cuộc tấn công của ma quỷ SỚM. Một khi ở giữa “não quỷ”, anh ta không thể nhận ra nó và anh ta lầm tưởng đó là con người thật của mình. Vì vậy, anh ta đang cố gắng nhận biết những dấu hiệu ban đầu cho thấy một cuộc tấn công của ma quỷ đang đến trước khi quá muộn để phản ứng.

2. Tiếp cận để được giúp đỡ. James nhận ra rằng anh không thể tự mình đối phó với lũ quỷ. Anh ấy tìm đến bạn bè để được hỗ trợ, bác sĩ trị liệu của anh ấy để được tư vấn, và một linh mục để được hướng dẫn tâm linh và cầu nguyện giải thoát. Mặc dù những hỗ trợ này không hoàn toàn xua tan cuộc tấn công, nhưng chúng giúp anh ta điều hướng thành công cuộc tấn công dữ dội của ma quỷ.

3. Chia sẻ trung thực và cởi mở. James biết rằng sự cô lập có thể gây chết người giữa những ám ảnh ma quỷ. Khi não quỷ tấn công, anh ta có xu hướng ngóc lên. Vì vậy, anh ấy cố ý cố gắng cởi mở và trung thực về bản thân với hệ thống hỗ trợ của anh ấy và những gì anh ấy đang trải qua.

4. Từ chối và cho qua. Giữa não quỷ, James khó mà nhận ra suy nghĩ của mình thực sự là quỷ chứ không phải của mình. Tuy nhiên, anh ấy đang cố gắng rèn luyện bản thân để nhận ra nguồn gốc thực sự của những suy nghĩ xấu xa này và từ chối chúng một cách có ý thức. Anh ấy nói, “Tôi cần phải từ chối những suy nghĩ này và để chúng đi.” Sử dụng công thức cầu nguyện của chúng tôi, anh ấy nói, “Tôi từ chối, từ bỏ và quở trách các linh hồn ma quỷ, và nhân danh Chúa Giêsu, tôi đuổi chúng ra.”

5. Làm những việc mình thích thú và khiến bản thân mất tập trung. Những suy nghĩ ma quỷ của anh ta thật đen tối và tuyệt vọng. Ở giữa não quỷ, anh ta chọn tham gia một cách có ý thức vào các hoạt động mà anh ta thích như ăn tối với bạn bè hoặc các sự kiện ngoài trời và / hoặc tập thể dục. Những điều này giúp cải thiện tâm trạng của anh ấy và làm anh ấy phân tâm khỏi việc tập trung vào những ý nghĩ xấu xa của ma quỷ.

Hơn nữa, James cố gắng hết sức để tiếp tục với chế độ tâm linh mạnh mẽ là cầu nguyện hàng ngày và các bí tích.

Những bước này không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai bị ám ảnh bởi ma quỷ, đặc biệt là giữa cuộc tấn công của não quỷ. Tuy nhiên, theo thời gian, anh ấy đã thể hiện sự cam kết và can đảm để làm điều đó với kết quả tích cực. Các cuộc tấn công của anh ấy ngắn hơn, ít nghiêm trọng hơn và anh ấy đang trên đường hồi phục.

Tôi không nghi ngờ gì rằng trong tương lai những cuộc tấn công của ma quỷ này phần lớn sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Trong khi đó, họ đang thực sự củng cố tâm lý và tinh thần cho anh ấy. Một ngày nào đó, anh ta sẽ là một chiến binh tinh thần mạnh mẽ, đã được thử thách cho Chúa Kitô.
Source:Catholic Exorcist

3. Vị 'Tông đồ của Giáo lý' sẽ được tuyên thánh


Tại công nghị tấn phong Hồng Y hôm thứ Bẩy, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã thông báo rằng Đức Thánh Cha đã ấn định ngày 9 tháng Mười là ngày tuyên thánh cho Chân phước Giovanni Battista Scalabrini cùng với Chân phước Artemide Zatti.

Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các sắc phong được ban hành vào ngày 21 tháng 5 năm 2022, với sự miễn trừ yêu cầu về phép lạ thứ hai trong trường hợp của Chân Phước Scalabrini.

Là một người gốc Ý ở vùng Lombardy, Chân Phước Scalabrini sinh năm 1839 và qua đời năm 1905 được thụ phong linh mục năm 1863 và làm giám mục Piacenza năm 1876.

Trong tư cách một giám mục, ngài thành lập Dòng Thừa sai Thánh Charles Borromeo. Ngài cũng thành lập “Hiệp hội Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael”, giống như hiệp hội do ngài thành lập trước đó, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho những người di cư rời Ý vào đầu thế kỷ 20.

Đức Cha Scalabrini bị thuyết phục về sự cần thiết phải có các thể chế đồng hành với hành trình của người di cư trong tất cả các giai đoạn của nó, lưu ý không cắt đứt đột ngột mối quan hệ văn hóa với quê hương, duy trì tiếng mẹ đẻ như một sợi dây đoàn kết với các đồng bào khác.

Theo báo cáo của ACI Prensa, cơ quan đối tác nói tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngài cũng tin rằng di cư có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa quốc gia xuất phát và quốc gia đến.

Đức Cha Scalabrini cũng được nhớ đến vì đã thành lập một tờ báo của giáo phận, để chăm sóc người nghèo và người già, và là người quảng bá việc tôn thờ Thánh Thể và là người bảo vệ các bài hát phụng vụ chính xác.

Năm 1901, ngài đến thăm các nhà truyền giáo của mình tại Hoa Kỳ và được Tổng thống Theodore Roosevelt tiếp tại Tòa Bạch Ốc.

Đức Giáo Hoàng Pius thứ 9 đã từng mô tả Đức Cha Scalabrini là “tông đồ của Sách Giáo lý”.

Phát biểu trước các thành viên của Giáo đoàn do Đức Cha Scalabrini thành lập vào tháng 10 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tu sĩ đồng hành với những người di cư, tuân theo đặc sủng của người sáng lập họ, bằng cách chú ý đến “phẩm giá của con người, đặc biệt là nơi bị thương tích nặng nề nhất và bị đe dọa.”
Source:Catholic News Agency
 
Bất ngờ: Tổng kho Nga ở Crimea nổ long trời. Lính và mật vụ Nga bắn nhau. Quân Putin cướp ở Kherson
VietCatholic Media
16:42 31/08/2022


1. Ukraine tấn công Crimea: Tổng kho dầu của Nga tại Dzhankoy bốc cháy

Sáng sớm ngày thứ Tư 31 tháng 8, theo giờ địa phương, tức là vào xế trưa theo giờ Việt Nam, những tiếng nổ kinh hoàng đã vang lên tại thị trấn Dzhankoy, ở Crimea, bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine không tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, hôm thứ Ba, Ông Sergey Khlan, người hiện là cố vấn cho thống đốc khu vực Kherson, cho biết theo các tin tình báo, người Nga tập trung một đoàn xe chuyên chở các thiết bị ở Crimea được gửi tới Kherson.

“Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các thiết bị này không được chuyển đến tuyến đầu. Và ở đây chúng tôi đang theo dõi các cuộc tấn công trên cầu Antonovsky một lần nữa,” ông nói với Kênh 24 của Ukraine trong các bình luận được hãng truyền thông Ukraine UKRINFORM đưa tin.

Thống đốc Mykhailo Rozvozhaev do Nga dựng nên để cai quản vùng Sevastopol bị tạm chiếm bác bỏ khả năng quân Ukraine tấn công bằng các hỏa tiễn tầm xa như HIMARS. Theo ý kiến của ông vụ này gây ra bởi “các thành phần phá hoại”. Trước đó, ông tuyên bố đã tạo ra một chatbot đặc biệt, nơi cư dân thành phố có thể gửi tin nhắn, ảnh và video về những cá nhân và đối tượng đáng ngờ. Chắc không có nhân dân nào báo cáo nên “các thành phần phá hoại” cứ ngang nhiên tấn công.

Vào ngày 16 tháng 8, các vụ nổ cũng đã làm rung chuyển quận Dzhankoy. Các vụ nổ đã được báo cáo tại kho đạn và một trạm biến áp, trong khi một tuyến đường sắt cũng bị hư hại. Người Nga thông báo rằng hơn 3.000 cư dân đã di tản khỏi làng Maiske ở quận Dzhankoy.

Vụ tấn công tổng kho dầu của Nga diễn ra trong bối cảnh quân Ukraine đang mở một cuộc tổng phản công tái chiếm Kherson.

2. Quân Nga cướp bóc bên trong thành phố Kherson

Trong bản báo cáo chiều thứ Tư 31 tháng 8, Mykhailo Podolyak, cố vấn chính của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết rằng các lực lượng Nga đang trở nên “tích cực hơn trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Từ ngữ “tích cực” mà ông nói có nghĩa là các binh sĩ Nga đang cướp bóc các doanh nghiệp, trấn lột tài sản các nông dân và đập phá các nhà máy.

Quân Nga trong vùng Kherson khét tiếng là có thành tích bất hảo. Hôm thứ Tư 31 tháng 8, Cơ quan điều tra quân sự của Ủy ban điều tra thuộc Hạm đội Hắc Hải đã khởi tố những cá nhân có liên quan đến một sự việc ngày 19 tháng 6, trong đó ba binh sĩ Nga bị bắn chết và hai người khác bị thương trong một cuộc đấu súng với các viên chức của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, là cơ quan kế nhiệm của KGB, tại một quán bar ở thành phố Kherson, bên bờ sông Dnepro.

Dù thế, Ông Mykhailo Podolyak đã nhắc lại rằng các quân nhân Ukraine được lệnh đối xử tử tế với tù hàng binh địch, không ngược đãi đánh đập họ để giữ tình hòa hiếu lâu dài giữa hai nước khi chiến tranh kết thúc.

3. Tại sao Kherson là chìa khóa cho cuộc chiến của Vladimir Putin khi cuộc phản công bắt đầu?

Kherson là thành phố lớn đầu tiên rơi vào tay Nga sau khi Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Bây giờ nó đã trở thành tâm điểm của một cuộc phản công bởi lực lượng của Kyiv để tái chiếm.

Tuyên bố của Ukraine về các cuộc tấn công mới vào các vị trí của Nga xung quanh thành phố cảng chiến lược phía nam ở cửa sông Dnepro đổ ra Hắc Hải đã thu hút sự chú ý của thế giới khi nỗ lực được chờ đợi từ lâu để giành lại khu vực và thủ đô của nó đang được tiến hành.

Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á-Âu, tại Đại học Wesleyan, Connecticut, cho biết: “Việc chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng của vùng Kherson trên bờ tây của Dnepro sẽ là một chiến thắng lớn về tâm lý và chính trị đối với Kyiv.

“Thành phố Kherson là thủ phủ duy nhất đã rơi vào tay Nga”. Ông nói với Newsweek rằng điều này cũng sẽ khiến người Nga khó phát động một cuộc tấn công chiếm Odesa hơn nhiều.

“Tuy nhiên, vẫn còn lại một phần lớn lãnh thổ chiếm đóng của Nga ở bờ đông của Dnepro, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.”

Hôm thứ Ba, văn phòng tổng thống Ukraine báo cáo rằng đã xảy ra “những vụ nổ mạnh” và “những trận chiến cam go” trong khu vực vào cả ngày lẫn đêm. Báo cáo cho biết, các lực lượng Ukraine đã phá hủy các kho đạn dược và tất cả các cây cầu lớn bắc qua sông Dnepro có thể dùng làm đường tiếp tế cho quân đội Nga.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy chiến dịch miền Nam của quân đội Ukraine cũng cho biết đã phá hủy một chiếc phao vượt Dnieper cũng như hàng chục sở chỉ huy ở khu vực Kherson.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga để đưa ra bình luận.

Kể từ cuối tháng 6, Ukraine đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp để tấn công đến các cây cầu trên Dnepro, làm gián đoạn nguồn cung cấp đạn dược và các thiết bị hạng nặng khác cho lực lượng Nga.

Các báo cáo về giao tranh củng cố một dự đoán được đưa ra vào ngày 28 tháng 6 bởi cựu thủ tướng và là nhà ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt, người cho biết cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực Kherson cho đến nay là “phần quan trọng nhất của cuộc chiến ở Ukraine”.

“Rõ ràng là Nga có ý định cắt đứt hoàn toàn Ukraine khỏi Hắc Hải”, ông nói.

Ý nghĩa chiến lược

Nằm dọc theo sông Dnepro, Kherson và khu vực cùng tên là cửa ngõ dẫn đến Crimea mà Mạc Tư Khoa chiếm giữ năm 2014. Việc chiếm lại khu vực này có thể mang lại cho lực lượng của Kyiv một bệ phóng cho một cuộc tấn công ở Crimea, nơi đã xảy ra các vụ nổ.

Bởi vì nó sụp đổ quá sớm trong chiến tranh và do đó tránh được sự tàn phá mà các thành phố như Mariupol và Severodonetsk phải đối mặt, Kherson đã trở thành hiện trường cố thủ của quân xâm lược Nga, những người đã thiết lập quyền kiểm soát chính trị ở đó.

Nhưng sau những thất bại của Nga trong việc chiếm Kyiv và thành phố thứ hai của Kharkiv, việc mất Kherson sẽ quét sạch một trong những lợi ích hữu hình nhất của Mạc Tư Khoa.

Nó cũng có ý nghĩa về mặt nông nghiệp và kinh tế với các nhà máy điện và hồ chứa có khả năng duy trì Crimea và giúp Ukraine nỗ lực khởi động lại các chuyến hàng ngũ cốc qua Hắc Hải.

Chiến lược gia địa chính trị Alp Sevimlisoy nói với Newsweek: “Nó có tầm quan trọng cả về biểu tượng và chiến thuật.

Ông nói rằng việc Ukraine giành lại Kherson sẽ “đưa ra một tầm nhìn về việc tái hợp nhất Crimea,” cũng như “việc triển khai quân đội sẽ cải thiện sức mạnh của đất nước ở Hắc Hải”.

Sevimlisoy nói thêm rằng việc chiếm lại Kherson sẽ cho phép Ukraine tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải.

Thỏa thuận đó được Ankara làm trung gian một phần vào tháng trước và cho phép các tàu chở các sản phẩm thực phẩm của Ukraine rời cảng Hắc Hải lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Sevimlisoy nói: “ Việc chiếm lại thành công Kherson sẽ cho phép Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác hiện có với Ukraine”. Nó cũng sẽ cho phép Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp “an ninh rộng rãi hơn cho Ukraine ở Crimea và các cơ sở cảng Kherson.”

Trong khi đó, Salvatore Mercogliano, nhà sử học hàng hải và phó giáo sư lịch sử tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, cho biết theo thỏa thuận hiện tại, Ukraine có thể vận chuyển ngũ cốc ra khỏi ba cảng - Odesa, Yuzhny và Chornomorsk.

“Họ đang cố gắng thêm vào Mykolaiv. Vấn đề là các con tàu sẽ phải đi qua một bán đảo do người Nga nắm giữ — và chìa khóa của mảnh đất đó là Kherson,” ông nói với Newsweek.

“Nếu người Ukraine chiếm Kherson, họ có thể mở cả hai cảng - nhưng điều đó sẽ phải được đàm phán lại khi thỏa thuận hiện tại hết hạn.”

4. Tướng Nga hô hào tấn công bằng hỏa tiễn vào triều đình Anh để tạo ra bước đột phá

Một chính trị gia và cũng là một tướng Nga đã khuyến khích chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào quần đảo Anh khi ông ta xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước Nga, và nói rằng các cuộc tấn công như vậy “sẽ là dấu chấm hết cho Vương quyền Anh”.

Andrey Gurulev nói rằng một cuộc tấn công vào Quần đảo Anh, một thuật ngữ ám chỉ Vương quốc Anh, Ái Nhĩ Lan và nhiều hòn đảo nhỏ hơn, có thể giúp Nga “thay đổi kết quả của cuộc xung đột hiện nay” ở Ukraine. Khi được hỏi liệu Anh có đang chiến tranh với Nga hay không, Gurulev trả lời rằng đúng như vậy, và nói rằng Nga thực sự đang chiến đấu với Anh và Mỹ ở Ukraine.

“Hãy làm cho nó trở nên siêu đơn giản. Hai tàu, 50 lần phóng hỏa tiễn Zircon —và không còn một trạm năng lượng nào ở Anh,” ông ta nói. “Năm mươi Zircons nữa — và toàn bộ cơ sở hạ tầng cảng không còn nữa. Năm mươi Zircons nữa — và chúng ta quên đi Quần đảo Anh vì nó trở thành một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba, bị phá hủy và tan rã vì Tô Cách Lan và xứ Wales sẽ ra đi. Đây sẽ là sự kết thúc của Vương quốc Anh. Và họ sợ hãi điều đó”.

Đề nghị của Gurulev về một cuộc tấn công vào Quần đảo Anh để thay đổi kết quả của cuộc chiến đang diễn ra đã được đưa ra khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công ở khu vực Kherson do Nga chiếm đóng hôm thứ Hai. Trong khi các quan chức Nga tiếp tục nhấn mạnh rằng hoạt động ở Ukraine của họ đang theo đúng kế hoạch và sẽ thành công, một số quan chức quân đội Mỹ lại nói rằng không phải như vậy. Nga đang trên đà thất trận.

James Stavridis, một đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu, nói với Nicole Wallace của MSNBC trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng cuộc tấn công của Nga đã “đình trệ” trong khi Ukraine đang chuẩn bị cho chiến dịch chống trả của riêng mình. Tuần trước, tướng Mỹ đã nghỉ hưu Barry McCaffrey cũng nói rằng Putin đã “hết ý tưởng” trong cuộc chiến và quân đội của ông ấy “hoạt động trong một chiếc hộp”. Ông dự đoán rằng mọi thứ sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn đối với nhà lãnh đạo lâu năm của Nga.

Trong khi Putin không trực tiếp đe dọa tấn công bất kỳ quốc gia nào bên ngoài Ukraine - mặc dù ông đã nói rằng bất kỳ quốc gia nào “tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga” ở Ukraine đều có thể mong đợi “các cuộc tấn công trả đũa” —Truyền hình nhà nước Nga đã nhiều lần khuyến khích sự leo thang đang diễn ra xung đột.

Trong tháng này, một khách mời của đài truyền hình nhà nước Nga đã đe dọa rằng bất kỳ thiệt hại hoặc thảm họa nào tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở Ukraine sẽ dẫn đến việc hỏa tiễn được phóng vào Mỹ và Anh.

Vào tháng 6, một nhóm tham luận viên trên kênh truyền hình Nga đã tranh luận về việc liệu Nga có nên đe dọa Mỹ bằng chiến tranh hạt nhân hay bằng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa hay không.

Newsweek đã liên hệ với Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung & Phát triển của Vương quốc Anh và Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

5. Tướng Mỹ cho rằng Hoa Kỳ và NATO cần cung cấp cho Ukraine vũ khí để tấn công lãnh thổ Nga

Một tướng lĩnh Hoa Kỳ đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh gửi vũ khí cho Ukraine mà nước này có thể sử dụng để thực hiện các cuộc không kích vào lãnh thổ Nga trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra.

Tướng Mark Arnold đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một cuộc phỏng vấn với Kênh 24 Ukraine được công bố hôm thứ Ba, và nói rằng ông không chỉ đề cập đến bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng khi nói rằng lãnh thổ của Nga nên bị tấn công.

Ông nói: “Hoa Kỳ và NATO nói rằng không tấn công vào lãnh thổ của Nga, nhưng điều này là vô nghĩa. Khởi đầu cho sự kết thúc của quân đội Nga ở Ukraine là việc phá hủy đường cung cấp nhiên liệu, đạn dược và thiết bị. Việc này phải được thực hiện ở cả biên giới và sâu hàng trăm km vào nước Nga. Để làm được điều này, NATO cần phải thay đổi chính sách của mình và từ bỏ các luận điểm về việc cấm các cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ của Nga. Cần phải cung cấp cho Ukraine những vũ khí như vậy mới có thể đè bẹp người Nga”.

Trong khi Mỹ và các quốc gia NATO khác không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra, họ đã gửi vũ khí như Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp và các viện trợ khác cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào đầu tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Ukraine đã cung cấp cho Mỹ sự bảo đảm rằng các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp sẽ không được sử dụng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga..

HIMARS Ukraine đã nhận được sự chú ý rộng rãi vì hiệu quả của chúng trong việc tấn công các mục tiêu của Nga trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại vũ khí này hoặc các loại vũ khí hạng nặng khác được cung cấp từ bên ngoài Ukraine để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga có thể làm tăng nguy cơ nhiều quốc gia bị kéo vào cuộc xung đột.

Trước khi Mỹ chính thức xác nhận thông tin rằng họ đang có kế hoạch gửi các hệ thống hỏa tiễn tới Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã kêu gọi “chấm dứt việc bơm vũ khí vô nghĩa và cực kỳ rủi ro vào nước này”.

Lưu ý trong một bài đăng trên Telegram rằng Mỹ có thể cung cấp HIMARS và M270 MLRS (hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt) cho Ukraine, Antonov nói rằng có “nguy cơ những thiết bị như vậy sẽ được đặt gần biên giới của Nga và người Ukraine sẽ có thể tấn công vào các thành phố của Nga.. Tình huống như vậy là không thể chấp nhận được và không thể dung thứ được đối với chúng tôi “.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không trực tiếp đe dọa tấn công bất kỳ quốc gia nào khác trong chiến tranh, mặc dù ông đã nói rằng bất kỳ quốc gia nào “tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga” ở Ukraine đều có thể mong đợi “các cuộc tấn công trả đũa”.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn loại vũ khí bổ sung nào của Mỹ và NATO sẽ hiệu quả nhất trong việc giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, Arnold đã liệt kê hỏa tiễn HIMARS tầm xa, máy bay không người lái chiến đấu, máy bay đang phục vụ cho NATO và những gì ông mô tả là một lực lượng phòng không mạnh mẽ. Ông lưu ý rằng tất cả những điều này có thể đòi hỏi một “khóa đào tạo chuyên sâu” cho quân đội Ukraine, và có thể mất một năm hoặc lâu hơn.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Arnold thông qua Hiệp hội Lực lượng Đặc biệt Ohio Chapter, nơi ông giữ vai trò chủ tịch, để bình luận.

6. Chuyến thăm của các thanh sát viên hạt nhân Liên Hiệp Quốc tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể diễn ra vào thứ Năm 1 tháng 9

Các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã khởi hành đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine vào sáng thứ Tư từ Kyiv, nhưng có thể sẽ không đến thăm cơ sở này cho đến thứ Năm.

Một phóng viên Reuters đi trong đoàn xe với đội các thanh sát viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, cho biết nhiều khả năng các thanh sát viên sẽ ở lại qua đêm tại thành phố Zaporizhzhia gần đó trước khi thăm nhà máy, nằm trên lãnh thổ do Nga kiểm soát, vào thứ Năm.

Hiện có sự lúng túng về việc đoàn kiểm tra có thể làm việc trong bao lâu sau khi các quan chức do Nga cài đặt trong khu vực tuyên bố rằng chuyến thăm có thể chỉ kéo dài một ngày.

Trong khi IAEA và các quan chức Ukraine cho rằng nó có thể kéo dài vài ngày.

Nhà điều hành năng lượng nhà nước của Ukraine đã cảnh báo rằng có nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở Ukraine.

Energoatom cho biết quân đội của Mạc Tư Khoa đã “pháo kích liên tục” vào địa điểm gần nhà máy hạt nhân trong ngày qua.

Vào giữa trưa ngày thứ Bảy theo giờ địa phương, nhà máy “hoạt động với nguy cơ vi phạm các tiêu chuẩn an toàn về bức xạ và cháy nổ”, nhà điều hành cho biết trong một tuyên bố.

Energoatom cho biết:

Do các đợt pháo kích định kỳ, cơ sở hạ tầng của nhà máy điện hạt nhân đã bị hư hại, có nguy cơ rò rỉ hydro và làm văng các chất phóng xạ, nguy cơ cháy nổ là rất cao.

Nếu xảy ra rò rỉ phóng xạ, ít nhất 13 quốc gia quanh vùng sẽ bị ảnh hưởng.
 
Cuộc chiến Ukraine dưới mắt người viết tiểu sử Thánh Gioan Phaolô II. Ortega tăng cường bách hại
VietCatholic Media
16:46 31/08/2022


1. Các Cuộc Chiến Và Những Lựa Chọn

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Wars And Choices”, nghĩa là “Các Cuộc Chiến Và Những Lựa Chọn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một trong những ẩn dụ gây nhiều khó chịu hơn ở thời đại này, trong đó kỹ thuật hô khẩu hiệu, nhằm thay thế cho tranh luận, cho rằng có sự khác biệt giữa “cuộc chiến lựa chọn” và “cuộc chiến cần thiết”. Sự tương phản đã bị xuyên tạc và mang tính chất xuyên tạc đó lần đầu tiên được triển khai trên cánh tả chính trị, liên quan đến Afghanistan và Iraq. Nó hiện đã di chuyển sang phía cánh hữu của nền chính trị chúng ta, đặc biệt là trong số những người tự nhận là “những người bảo thủ quốc gia”, một số người trong số đó áp dụng nó vào cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ bảy.

Sự phân biệt là không có thật (và vô ích về mặt phân tích, theo cả quan điểm đạo đức và chính trị) bởi vì tất cả các cuộc chiến tranh đều liên quan đến sự lựa chọn: bao gồm sự lựa chọn cơ bản nhất, đó là tiến hành chiến tranh. Mọi cuộc chiến đều là “cuộc chiến của sự lựa chọn”, kể cả Chiến tranh Thế giới thứ hai, một cuộc chiến hiện nay được mệnh danh là “cuộc chiến cần thiết”. Không tin à? Hãy thử thử nghiệm suy nghĩ này (tiền đề của nó âm vang tiểu thuyết Âm mưu chống lại nước Mỹ của Philip Roth).

Các đảng viên Cộng hòa theo chủ nghĩa cô lập vẫy biểu ngữ “Nước Mỹ trên hết” đề cử anh hùng hàng không Charles Lindbergh làm ứng cử viên của họ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1940. Lindbergh đánh bại Franklin D. Roosevelt, người đang phá vỡ “Quy tắc của George Washington” bằng cách tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba và là người mà Thỏa thuận mới do ông đề xướng vẫn chưa giải quyết được cuộc Đại suy thoái. Đại bàng cô đơn mang theo một thành viên Quốc Hội theo chủ nghĩa cô lập vào văn phòng với ông ta.

Rồi điều gì xảy ra sau đó? Không có Đạo luật Cho thuê quốc phòng và không có đoàn tàu buôn lén lút nào của Mỹ đến Vương quốc Anh. Không có quân dịch, và Quân đội Hoa Kỳ được giải thể trên thực tế. Không có lệnh cấm vận của Mỹ đối với việc xuất khẩu dầu và các nguyên liệu thô khác sang Nhật Bản, không có sự tăng cường ở Phi Luật Tân, và Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vẫn đóng tại San Diego chứ không phải ở Trân Châu Cảng. Hoa Kỳ đã chọn không tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới khi đó đang diễn ra, hoang tưởng rằng tự do của Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại với một Âu Châu do Đức Quốc xã thống trị và một Khối Thịnh vượng Đông Á do Nhật Bản cầm đầu.

Tương tự, sau thất bại của Pháp vào tháng 6 năm 1940, Vương quốc Anh có thể đã chọn chấp nhận lời đề nghị của Hitler về một nền hòa bình thương lượng nhằm bảo tồn Đế chế Anh trong khi trao cho Đức tự do muốn làm gì thì làm ở lục địa Âu Châu. Phần lớn đảng Bảo thủ của Quốc Hội Anh, khi đó đang nắm quyền, có thể đã thực hiện thỏa thuận đó, và Công tước Windsor (như Lindbergh, một người hâm mộ Hitler) sẽ rất vui khi trở về nhà và tái lập ngai vàng của mình.

Sự phân biệt sai lầm giữa “cuộc chiến lựa chọn” và “cuộc chiến cần thiết” thậm chí còn áp dụng cho Ukraine ngày nay. Đối mặt với sự cuồng nhiệt đế quốc của Vladimir Putin, việc Nga chiếm Crimea và chiếm đóng một phần miền đông Ukraine vào năm 2014 và những gì được nhiều người tưởng tượng là sức mạnh áp đảo của lực lượng vũ trang Nga, sáu tháng trước, Ukraine có thể đã chọn chấp nhận một thỏa thuận với chính quyền độc tài của Nga, hài lòng với một nhà nước Ukraine tồi tàn được quốc tế bảo đảm với trung tâm là thành phố Lviv, trong khi để phần còn lại của đất nước nhập vào Nga. Về lý thuyết, lựa chọn đó là có sẵn, và không nghi ngờ gì nữa, một số người ở phương Tây đang mong muốn Ukraine sẽ thực hiện lựa chọn đó, và như thế giúp họ giảm bớt gánh nặng đạo đức khi đưa ra lựa chọn của riêng họ về việc đối mặt với sự xâm lược.

Nhưng người dân Ukraine đã không chọn quỳ xuống dâng nạp quốc gia của họ và chủ quyền của mình. Và hơn 90% đa số họ vẫn tiếp tục khinh bỉ sự lựa chọn đó, bất chấp sự đổ nát và đau buồn do chiến tranh man rợ của Putin gây ra, bất chấp lời khuyên của các nhà chính sách đối ngoại phi thực tế, “những người theo chủ nghĩa hiện thực” như John Mearsheimer, và bất chấp các chính trị gia Mỹ hèn nhát cáo buộc “giới tinh hoa” đang đưa Hoa Kỳ vào một “cuộc chiến lựa chọn” chứ không phải là một “cuộc chiến cần thiết”.

Sự lựa chọn mà người Ukraine đã đưa ra - lựa chọn để bảo vệ quyền dân tộc và nền dân chủ của họ - đặt ra những lựa chọn cho phần còn lại của thế giới. Ở độ cao hơn 50.000 feet so với thực tế, các lựa chọn bao gồm một “cuộc đối thoại” với Vladimir Putin (theo một số ý kiến, sẽ được Vatican làm trung gian), sau khi ngừng bắn, sẽ tái lập hiện trạng trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rõ ràng rằng các nhà độc tài như Putin coi những lần tạm dừng như vậy chỉ là một bước xả hơi chiến lược trước khi tiếp tục gây hấn và có thể mở rộng nó (trong trường hợp này là các nước Baltic).

Hơn nữa, điều ngu xuẩn về mặt chiến lược cũng chính là sự điên rồ về mặt đạo đức: đó là chấp nhận một hình thái tội ác chưa từng thấy ở Âu Châu trong hơn bảy thập kỷ qua. Người Ukraine không yêu cầu chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến của họ. Họ đang yêu cầu chúng ta cung cấp cho họ những vật liệu cần thiết để bảo vệ chủ quyền của họ (mà Mỹ bảo đảm khi Ukraine tự do từ bỏ vũ khí hạt nhân) và hỗ trợ nhân đạo. Từ chối một trong hai điều này là đóng vai một thằng hèn.

Cũng có thể “những người bảo thủ quốc gia” đã bỏ qua lời cảnh báo của nhà bảo thủ vĩ đại Edmund Burke rằng: “Khi những kẻ xấu kết hợp lại, những người tốt phải đoàn kết; nếu không, họ sẽ ngã xuống, từng người một, và đó là một sự hy sinh không đáng thương hại trong một cuộc đấu tranh không chút vinh quang.”

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Wars And Choices”, nghĩa là “Các Cuộc Chiến Và Những Lựa Chọn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một trong những ẩn dụ gây nhiều khó chịu hơn ở thời đại này, trong đó kỹ thuật hô khẩu hiệu, nhằm thay thế cho tranh luận, cho rằng có sự khác biệt giữa “cuộc chiến lựa chọn” và “cuộc chiến cần thiết”. Sự tương phản đã bị xuyên tạc và mang tính chất xuyên tạc đó lần đầu tiên được triển khai trên cánh tả chính trị, liên quan đến Afghanistan và Iraq. Nó hiện đã di chuyển sang phía cánh hữu của nền chính trị chúng ta, đặc biệt là trong số những người tự nhận là “những người bảo thủ quốc gia”, một số người trong số đó áp dụng nó vào cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ bảy.

Sự phân biệt là không có thật (và vô ích về mặt phân tích, theo cả quan điểm đạo đức và chính trị) bởi vì tất cả các cuộc chiến tranh đều liên quan đến sự lựa chọn: bao gồm sự lựa chọn cơ bản nhất, đó là tiến hành chiến tranh. Mọi cuộc chiến đều là “cuộc chiến của sự lựa chọn”, kể cả Chiến tranh Thế giới thứ hai, một cuộc chiến hiện nay được mệnh danh là “cuộc chiến cần thiết”. Không tin à? Hãy thử thử nghiệm suy nghĩ này (tiền đề của nó âm vang tiểu thuyết Âm mưu chống lại nước Mỹ của Philip Roth).

Các đảng viên Cộng hòa theo chủ nghĩa cô lập vẫy biểu ngữ “Nước Mỹ trên hết” đề cử anh hùng hàng không Charles Lindbergh làm ứng cử viên của họ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1940. Lindbergh đánh bại Franklin D. Roosevelt, người đang phá vỡ “Quy tắc của George Washington” bằng cách tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba và là người mà Thỏa thuận mới do ông đề xướng vẫn chưa giải quyết được cuộc Đại suy thoái. Đại bàng cô đơn mang theo một thành viên Quốc Hội theo chủ nghĩa cô lập vào văn phòng với ông ta.

Rồi điều gì xảy ra sau đó? Không có Đạo luật Cho thuê quốc phòng và không có đoàn tàu buôn lén lút nào của Mỹ đến Vương quốc Anh. Không có quân dịch, và Quân đội Hoa Kỳ được giải thể trên thực tế. Không có lệnh cấm vận của Mỹ đối với việc xuất khẩu dầu và các nguyên liệu thô khác sang Nhật Bản, không có sự tăng cường ở Phi Luật Tân, và Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vẫn đóng tại San Diego chứ không phải ở Trân Châu Cảng. Hoa Kỳ đã chọn không tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới khi đó đang diễn ra, hoang tưởng rằng tự do của Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại với một Âu Châu do Đức Quốc xã thống trị và một Khối Thịnh vượng Đông Á do Nhật Bản cầm đầu.

Tương tự, sau thất bại của Pháp vào tháng 6 năm 1940, Vương quốc Anh có thể đã chọn chấp nhận lời đề nghị của Hitler về một nền hòa bình thương lượng nhằm bảo tồn Đế chế Anh trong khi trao cho Đức tự do muốn làm gì thì làm ở lục địa Âu Châu. Phần lớn đảng Bảo thủ của Quốc Hội Anh, khi đó đang nắm quyền, có thể đã thực hiện thỏa thuận đó, và Công tước Windsor (như Lindbergh, một người hâm mộ Hitler) sẽ rất vui khi trở về nhà và tái lập ngai vàng của mình.

Sự phân biệt sai lầm giữa “cuộc chiến lựa chọn” và “cuộc chiến cần thiết” thậm chí còn áp dụng cho Ukraine ngày nay. Đối mặt với sự cuồng nhiệt đế quốc của Vladimir Putin, việc Nga chiếm Crimea và chiếm đóng một phần miền đông Ukraine vào năm 2014 và những gì được nhiều người tưởng tượng là sức mạnh áp đảo của lực lượng vũ trang Nga, sáu tháng trước, Ukraine có thể đã chọn chấp nhận một thỏa thuận với chính quyền độc tài của Nga, hài lòng với một nhà nước Ukraine tồi tàn được quốc tế bảo đảm với trung tâm là thành phố Lviv, trong khi để phần còn lại của đất nước nhập vào Nga. Về lý thuyết, lựa chọn đó là có sẵn, và không nghi ngờ gì nữa, một số người ở phương Tây đang mong muốn Ukraine sẽ thực hiện lựa chọn đó, và như thế giúp họ giảm bớt gánh nặng đạo đức khi đưa ra lựa chọn của riêng họ về việc đối mặt với sự xâm lược.

Nhưng người dân Ukraine đã không chọn quỳ xuống dâng nạp quốc gia của họ và chủ quyền của mình. Và hơn 90% đa số họ vẫn tiếp tục khinh bỉ sự lựa chọn đó, bất chấp sự đổ nát và đau buồn do chiến tranh man rợ của Putin gây ra, bất chấp lời khuyên của các nhà chính sách đối ngoại phi thực tế, “những người theo chủ nghĩa hiện thực” như John Mearsheimer, và bất chấp các chính trị gia Mỹ hèn nhát cáo buộc “giới tinh hoa” đang đưa Hoa Kỳ vào một “cuộc chiến lựa chọn” chứ không phải là một “cuộc chiến cần thiết”.

Sự lựa chọn mà người Ukraine đã đưa ra - lựa chọn để bảo vệ quyền dân tộc và nền dân chủ của họ - đặt ra những lựa chọn cho phần còn lại của thế giới. Ở độ cao hơn 50.000 feet so với thực tế, các lựa chọn bao gồm một “cuộc đối thoại” với Vladimir Putin (theo một số ý kiến, sẽ được Vatican làm trung gian), sau khi ngừng bắn, sẽ tái lập hiện trạng trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rõ ràng rằng các nhà độc tài như Putin coi những lần tạm dừng như vậy chỉ là một bước xả hơi chiến lược trước khi tiếp tục gây hấn và có thể mở rộng nó (trong trường hợp này là các nước Baltic).

Hơn nữa, điều ngu xuẩn về mặt chiến lược cũng chính là sự điên rồ về mặt đạo đức: đó là chấp nhận một hình thái tội ác chưa từng thấy ở Âu Châu trong hơn bảy thập kỷ qua. Người Ukraine không yêu cầu chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến của họ. Họ đang yêu cầu chúng ta cung cấp cho họ những vật liệu cần thiết để bảo vệ chủ quyền của họ (mà Mỹ bảo đảm khi Ukraine tự do từ bỏ vũ khí hạt nhân) và hỗ trợ nhân đạo. Từ chối một trong hai điều này là đóng vai một thằng hèn.

Cũng có thể “những người bảo thủ quốc gia” đã bỏ qua lời cảnh báo của nhà bảo thủ vĩ đại Edmund Burke rằng: “Khi những kẻ xấu kết hợp lại, những người tốt phải đoàn kết; nếu không, họ sẽ ngã xuống, từng người một, và đó là một sự hy sinh không đáng thương hại trong một cuộc đấu tranh không chút vinh quang.”

2. Đức Thánh Cha tiếp kiến 2.500 lễ sinh người Pháp

Trưa ngày 26 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 2.500 bạn trẻ giúp lễ, cũng gọi là các lễ sinh thuộc 51 giáo phận ở Pháp, về Roma trong cuộc hành hương toàn quốc, từ ngày 22 đến 27 tháng Tám, với chủ đề: “Hãy đến, phục vụ và ra đi”.

Cuộc hành hương này bình thường tiến hành hai năm một lần, nhưng đã bị hoãn lại hai lần vì đại dịch. Các bạn trẻ được Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục và mười giám mục khác, cùng với hàng chục linh mục và huynh trưởng hướng dẫn.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cám ơn các bạn trẻ đã chọn phục vụ Giáo hội, nhiều khi phải hy sinh, từ bỏ, chấp nhận dành thời giờ để chu toàn công tác, trong khi nhiều người trẻ cùng lứa muốn ngủ thêm sáng Chúa nhật hoặc đi chơi thể thao. Đức Thánh Cha nói: “Làm như thế, các con có thể là mẫu gương, một điểm tham chiếu cho những người đồng lứa... Vậy các con đừng xấu hổ vì phục vụ tại bàn thờ, cho dù các con lẻ loi một mình, và dù các con đang lớn lên. Thật là một vinh dự được phụng sự Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình vì chúng ta trong Thánh Thể... Thái độ của các con trong khi thánh lễ được cử hành là một việc tông đồ cho những người nhìn các con. Nếu các con chu toàn công việc phục vụ bàn thờ trong vui tươi, một cách trang nghiêm, trong thái độ cầu nguyện, thì chắc chắn các con sẽ gợi lên nơi những các bạn trẻ khác ước muốn dấn thân trong Giáo hội như các con”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Phục vụ và ra đi”. Các con biết Chúa Giêsu hiện diện nơi những người anh chị em mà chúng ta gặp. Sau khi phụng sự Chúa trong thánh lễ, các con được Chúa sai đi phục vụ Ngài nơi những người các con gặp trong ngày, nhất là nếu họ là những người nghèo và kém may mắn, vì Chúa đặc biệt kết hiệp với họ”.

“Có lẽ các con cũng có những bạn hữu ở những khu vực khó khăn, hoặc gặp phải nhiều đau khổ, có khi nghiện ngập, những người trẻ bị mất gốc, di dân hoặc tị nạn. Cha khuyên các con hãy quảng đại đón tiếp họ, giúp họ ra khỏi tình cảnh cô đơn, và làm bạn với họ”.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các lễ sinh người Pháp vượt thắng cám dỗ ích kỷ, và quan tâm tới những tương quan với người già, các ông bà nội ngoại: “hãy học hỏi với các ông bà. Những người già là một nguồn mạch cần thiết giúp các con trưởng thành nhân bản. Ngày nay, người ta có nguy cơ không biết nguồn cội của mình, đánh mất gốc rễ, lạc hướng. Nhưng làm sao ta có thể xây dựng tương lai của mình nếu không có những cội rễ vững chắc giúp ta đứng vững và bám chặt vào đất? Vậy các con hãy tìm cội rễ của mình, học nhận ra và yêu mến văn hóa, lịch sử của mình, để đối thoại trong sự thật với những người khác biệt với các con, vững mạnh vì căn tính của mình và tôn trọng căn tính của những người khác”.

3. Chế độ của Tổng thống Ortega đóng cửa thêm một đài phát thanh Công Giáo

Nhà nước Nicaragua đóng cửa thêm một đài phát thanh Công Giáo, đó là đài 'Radio Stereo Đức tin' của giáo phận Estelli. Đài này phát thanh từ 28 năm nay trên siêu tần số FM, đã bị nhà nước đóng cửa hôm 24 tháng Tám vừa qua.

Trước đó, nhà nước tại đây đã đóng cửa sáu đài Công Giáo thuộc giáo phận Matagalpa và bắt giam Đức Cha Rolando Álvares, Giám mục giáo phận này. Ngài cũng là Giám quản Tông tòa của giáo phận Estellí.

Lý do nhà nước đưa ra là Đài 'Stereo Đức Tin' hoạt động với giấy phép cấp cho cha Francisco Valdivia, đã qua đời, và vị giám đốc mới không có giấy phép.

Tuy nhiên, đài này nói rằng điều đó không phải là lý do có thể biện minh được vì đài có nhiều vị giám đốc, sau cha Valdivia, mà không có vấn đề gì trong 28 năm qua.

Vụ tấn Công Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua diễn ra chỉ năm ngày, sau khi Đức Cha Álvarez bị cảnh sát nhà nước đột nhập Tòa giám mục ban đêm và giải về thủ đô Managua, cách đó ba giờ xe hơi. Một nhóm tám người trong Tòa giám mục, gồm các linh mục, chủng sinh và một giáo dân trong Tòa giám mục cũng bị bắt đi và giam tại nhà tù El Chipote, một nơi khét tiếng vì những vụ tra tấn những người đối lập với nhà nước.

Vụ đóng cửa đài Công Giáo ở Esteli xảy ra một ngày, sau khi các linh mục thuộc giáo phận này ra tuyên ngôn kêu gọi nhà nước độc tài của chế độ Ortega hãy hoán cải và để cho các linh mục được hoạt động trong yên hàn, đồng thời hãy trả tự do cho Đức Cha Álvavez.

4. Họp báo chuẩn bị giai đoạn Đại lục của Thượng Hội đồng Giám mục

Hôm 26 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để trình bày về giai đoạn tham khảo ý kiến cấp giáo phận sắp kết thúc, đồng thời giới thiệu giai đoạn đại lục sắp bắt đầu, để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI sẽ tiến hành tại Vatican, vào tháng Mười năm tới, với chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.

Hiện diện trên bàn chủ tọa tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, cũng có Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, dòng Tên, người Luxemburg, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục tới đây, hai vị Phó Tổng thư ký và một số chức sắc khác.

Đức Hồng Y Hollerich cho biết kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 09 và 10 tháng Mười năm ngoái, hàng trăm ngàn các cuộc hội họp ở các cấp đã diễn ra trên thế giới. Các tổng hợp mà Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục nhận được cho đến ngày 25 tháng Tám vừa qua, có thể xếp thành năm loại:

- 98% trên tổng số 114 Hội đồng Giám mục đã bổ nhiệm người tiếp xúc hoặc toán đặc trách về Thượng Hội đồng Giám mục, và đã có 100 Hội đồng Giám mục gửi bản đúc kết về Roma và con số này tiếp tục gia tăng. Các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương cũng tiến hành theo chiều hướng này.

- Đóng góp từ Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam và nữ, cũng như Bộ các Dòng tu cũng đã gửi các bản đóng góp chuyên biệt, từ các bộ và cơ quan Tòa Thánh. Đặc biệt Bộ các Dòng tu đã nhận và chuyển những đóng góp của các dòng và tu đoàn Tông đồ.

- Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã thu thập các ý kiến và tổng hợp những đóng góp của các Phong trào và hội đoàn của Giáo hội.

- Thêm vào đó, Bộ Truyền thông của Tòa Thánh đã thi hành một dự án tiên phong, gọi tắt là Riial, với tựa đề “Giáo hội lắng nghe bạn”: lắng nghe hoạt động trên các mạng xã hội do một số người có ảnh hưởng (influencers). Khoảng 110.000 câu trả lời đã nhận được và khoảng 20 triệu người đã góp ý kiến.

- Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng gửi một bản tổng hợp ý kiến, lắng nghe từ các vị Sứ thần Tòa Thánh ở các nơi.

- Sau cùng là đóng góp của các nhóm “Quan sát”, thu thập ý kiến của các cá nhân tín hữu, các nhóm giáo dân hoặc cả những nhóm không được Giáo hội địa phương chính thức công nhận.

Công tác của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục bây giờ là tổng hợp tất cả các bản góp ý đó để soạn thành một văn kiện, hầu khởi đầu giai đoạn ở cấp đại lục, trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Sau cùng, dựa trên tất cả các đóng góp này, Văn phòng sẽ soạn Tài liệu làm việc cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào năm tới.

Đức Hồng Y Grech nhận xét rằng: “Cuộc tham khảo này biểu lộ bản chất của Giáo hội đồng hành, như “một sự cùng nhau tiến bước” của dân Chúa. Những bản tổng hợp gửi về cho thấy nguyên tắc này về Giáo hội được sống trong các Giáo hội địa phương và từ đó, chúng ta hiểu những gì chúng ta còn có thể làm để làm cho mọi người có trách nhiệm và tham gia hơn”.

Đức Hồng Y Tổng thư ký cũng nhắc đến tầm quan trọng của sự phân định, vì không phải tất cả các ý kiến, những gì được phát biểu đều là tiếng nói của Thánh Linh. Vì thế cần sự phân định trong Đại hội các giám mục, các vị là nguyên lý hiệp nhất trong các Giáo hội liên hệ.”

Đức Hồng Y bác bỏ quan niệm của những người cho rằng “các tổng hợp của các Hội đồng Giám mục sẽ là mồ chôn những lời ngôn sứ. Nay là lúc vượt thắng sự ngờ vực ấy, sự dè dặt này chắc chắn có những lý do lịch sử, nhưng nó trái ngược với bản chất của Giáo hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là dân thánh được tập hợp và xếp đặt dưới sự hướng dẫn của các giám mục” (SC 26). Nếu Giáo hội là thân mình của các Giáo hội địa phương, vì sở dĩ mỗi Giáo hội là thân mình như thế, chính là vì giám mục là vị mang nhánh của Tông đồ tính (Xc LG 20). Cần tín nhiệm nhau, không đặt Giáo hội nhân dân đối nghịch với Giáo hội phẩm trật, trái lại cần làm cho các tương quan trong Giáo hội được năng động và phong phú”.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News