Ngày 08-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:17 08/08/2009
ĐẤT DUNG THÂN

N2T


Vịt rừng tự nhận là mình có tài cao “bá cháy”, nhưng vì không có người thưởng thức, nên than thở vì trong bụng có đầy tài mà không có dịp để thi thố:

- “Thiên hạ to lớn, không có chỗ để cho tôi đặt chân chăng?”

Đấng tạo hóa nhè nhẹ thở dài:

- “Thiên hạ to lớn, chỗ này không phải nơi để ngươi đặt chân là gì à?”

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Người kiêu ngạo thì giống như toà nhà cao ốc xây trên cát, nguy hiểm vô cùng, và chẳng có ai muốn ở trong đó bởi vì trước sau nói cũng đổ nhào.

Kiêu ngạo là gì?

Nói nôm na kiểu bình dân là không biết mà phách lối, không học mà đòi dạy người khác…

Tại sao lại có kiêu ngạo?

Cũng nói theo kiểu bình dân là họ học chưa tới nơi tới chốn, họ chỉ mới bước chân đứng nơi thềm cửa nhà đã la lên: “Trong nhà chẳng có chi đáng coi”- họ học chưa tới.

Biết được vài kỷ xảo, học được vài chữ thì đó không phải là biết để kiêu căng, mà người khác nhìn vào cảm thấy thương hại và tội nghiệp cho họ.

Con vịt la to lên: “Trời đất bao la như thế nầy?”.

Người kiêu ngạo cũng như thế: ở đâu họ cũng cảm thấy không xứng đáng cho mình đặt chân, vì họ cho mình trổi vượt hơn các anh em chị em khác!

Người kiêu ngạo là người đáng tội nghiệp nhất, bởi vì họ không biết trời cao đất thấp là gì, mà chỉ biết một vài cái tài vặt của mình mà thôi.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 19B TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:18 08/08/2009
CHỦ NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 41-51.

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.”


Bạn thân mến,

Trong lịch sử Trung Hoa, có những vị vua muốn được sống đời đời, tức là muốn trường sinh bất tử, cho nên đã tìm nhiều cách, sai phái nhiều người đi tìm thuốc trường sinh, nhưng nhiều người đã ra đi và không bao giờ trở lại vì họ đã chết, và các vị vua ấy cũng đã chết, bởi vì trên cõi đời này không có thứ lương thực nào có thể làm cho con người được sống đời đời.

Nhưng cũng trên cõi đời này có thứ lương thực khiến cho chúng ta –người Ki-tô hữu- được sự sống đời đời, đó chính là lương thực từ trời xuống, tức là Lời Chúa và Mình Máu Thánh của Chúa Giê-su.

1. Lời Chúa là lương thực hằng sống.

Lời Chúa nói với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc sống hàng ngày: thấy người bị tông xe, chúng ta liền nghĩ đến đây là Chúa dạy chúng ta phải cẩn thận khi đi đường; thấy người ta chửi bới thoá mạ nhau, chúng ta liền nghĩ đến Chúa dạy tôi phải sống hiền hoà với mọi người; thấy người đói ăn, nghèo khổ bất hạnh, chúng ta liền nghĩ đến Chúa Giê-su đang ở trong họ, Ngài muốn tôi phải sống bác ái và yêu thương tha nhân như yêu chính Ngài...

Lời Chúa nói với chúng ta qua những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta biết hồi tâm suy tư những biến cố dưới ánh sáng của đức tin, thì chúng ta sẽ thấy Lời Chúa chính là lương thực hằng sống cho chúng ta. Có người vì yêu thích Lời Chúa mà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nghĩa là họ biết nghe và thấy Lời Chúa trong cuộc sống rất bon chen của trần gian.

Lời Chúa cũng nói với chúng ta khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và các bí tích, bởi vì chính trong thánh lễ hiến tế này, mà chúng ta được nghe chính tiếng nói của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, các thánh Tông Đồ và nhất là trong bài Tin Mừng. Tuy nhiên, vẫn còn những lúc bạn và tôi cứ tưởng lương thực hằng sống chỉ là Mình Máu Thánh của Chúa Ki-tô mà thôi, cho nên chúng ta không thiết tha nghe Lời Chúa trong thánh lễ, và vì thế mà -có nhiều lúc- bạn và tôi sống như những người chưa hề biết Phúc Âm là gì.

Lời Chúa là lương thực hằng sống giúp cho chúng ta hiểu rõ và thấu triệt tính chất hằng sống nơi bí tích Thánh Thể, không ai có thể hiểu rõ mầu nhiệm Thánh Thể, nếu không yêu mến và không thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

2. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng sống.

Không một ai biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, cũng vậy không ai hiểu được bánh trường sinh là gì, nếu họ không được Lời Chúa soi sáng.

Bánh bởi trời hôm nay không phải là man na ngày xưa nuôi dân Do Thái trong sa mạc, nhưng là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô, thịt máu này đã bị nghiền nát bằng những tội lỗi của bạn và tôi, và bằng chính những xúc phạm của chúng ta, để trở thành tấm bánh tinh tuyền hằng sống dưỡng nuôi linh hồn của những kẻ tin. Chúa Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, chỉ ăn một Bánh và uống một Chén mà được sự sống đời đời, thì đó là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho những ai tin vào Chúa Giê-su, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa thể hiện giữa loài người cho đến ngày tận thế.

Bạn thân mến,

Lương thực hằng sống mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta chính là Mình Máu Thánh của Ngài và lời của Ngài, lương thực này không như ở trong các nhà hàng kara-ôkê máy lạnh, không như ở trong các tụ điểm vui chơi, cũng không như ở trong những cuộc nhậu nhẹt tưng bừng nghiêng trời đổ đất, nhưng ở trong đền thờ của Thiên Chúa, đó là các nhà thờ, nhà nguyện trên khắp thế giới, chính nơi đây, phép lạ vĩ đại hoá bánh ra nhiều ngày xưa ấy của Chúa Giê-su tái thực hiện: chỉ một tấm bánh nhưng nuôi sống những kẻ tin vào Ngài trên khắp thế gian.

Lương thực phần linh hồn đã có sẵn, đó là Lời Chúa và Mình Máu thánh của Ngài, nhưng chúng ta phải ăn uống với thái độ như thế nào để được sống đời đời ? Hy vọng và cầu mong cho bạn và tôi, và tất cả những người Ki-tô hữu, đừng ai dại dột đem của ăn cao quý này, để đổi lấy những của ăn chóng qua và đem lại sự chết cho linh hồn mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:20 08/08/2009
N2T


19. Khiêm tốn tức là chân lý.

(Thánh Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:22 08/08/2009
N2T


191. Khi họ yêu quốc gia của họ, thì quốc gia của họ sẽ tôn trọng họ.

 
Chúa Giêsu - Lương thực nuôi sống con người
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
11:45 08/08/2009
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN, năm B

Ga 6, 51-58

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, con người chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, khám phá sự lạ lùng này tới sự lạ lùng khác. Con người chúng ta như bị thu hút bởi một con người rất người, rất thực tế nhưng lại là một Đấng siêu việt, khiến chúng ta phải tạ ơn, cúi đầu khâm phục vì muôn việc kỳ diệu Ngài đã làm trong Tin Mừng cho nhân loại, cho con người.Đức Giêsu Kitô quả thực là một con người rất thực tế, Ngài đã chăm sóc dân, đã băng bó, đã chữa lành các vết thương, các bệnh hoạn tật nguyền của con người, Ngài còn mạc khải cho con người về lương thực nuôi sống con người, của ăn trường tồn, vĩnh cửu là chính thịt máu của Ngài.

Đức Giêsu Kitô yêu nhân loại, yêu con người chúng ta đến nỗi Ngài đã ban cho chúng ta thịt máu của Ngài. Đây là điều thật khó hiểu và hết sức ngỡ ngàng đối với mọi người.Ai dám ăn thịt và uống máu người mình yêu, người mình thương mến. Bởi vì, chẳng ai dám ăn thịt người yêu.Nhưng Đức Giêsu Kitô lại khác, Ngài muốn nuôi nhân loại, nuôi mọi người bằng chính thịt máu của Ngài. Đây là một điều hết sức kỳ diệu, lạ lùng và hết sức cao quí.Đây là mầu nhiệm đức tin.Cái chết trên thập giá, cái chết hy sinh tự nguyện gánh tội nhân loại của Chúa Giêsu đã minh chứng Ngài thực hiện sứ mạng cứu rỗi nhân loại và nuôi sống con người bằng chính thịt máu của Ngài. “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ). Đức Giêsu là tấm Bánh ( Ga 6,48.51). Đức Giêsu ban cho nhân loại, ban cho con người tấm Bánh ( Ga 6, 51 ). Tấm Bánh mang sự sống và tấm Bánh ban sự sống. Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Tấm Bánh. Bánh có nghĩa là chịu mất đi cho người khác, cho nhân loại.Bánh như thế mới có giá trị.” Chúa Giêsu là Đấng chịu người khác ăn đi “.Đây là ý nghĩa đích thực của Tấm Bánh Giêsu. Khi chúng ta ăn Ngài, chúng ta trở nên Ngài và Ngài trở nên chúng ta. Đây là sự hiệp thông sâu xa, thẳm sâu của Bí Tích Thánh Thể. Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa:” Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy “ ( Ga 6, 56 ). Theo cách nói của người Do Thái “ thịt “ có nghĩa là con người toàn diện. Thịt và máu chỉ con người toàn thể. Nên, theo thánh Gioan, cụm từ “ Ngôi Lời hóa thành nhục thể “. Chúa trở nên con người lịch sử thì điều này cũng đúng với Bí Tích Thánh Thể. Chúa sống lại và tràn đầy vinh quang. Chúa mang trong người sự sống mới, Ngài cũng làm cho chúng ta được sống mãi như Ngài.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc, một Bí Tích Thánh Thể. Và để lãnh nhận Mình Máu của Chúa Giêsu, chúng ta phải sốt sắng cử hành bàn tiệc Lời của Chúa. Đức Giêsu sống nhờ Thiên Chúa Cha, chúng ta sống nhờ Chúa Giêsu ( Ga 6, 57 ).Chúa Giêsu đã từng nói: ” Ta là cây nho, chúng con là nhành “. Nhành chỉ có thể sống và sống tốt nhờ liên kết với thân nho. Con người chúng ta chỉ có thể sống tốt và sống dồi dào nhờ tháp nhập với thân là Đức Giêsu. Do đó, ăn và uống máu Chúa sẽ giúp chúng ta, sẽ giúp nhân loại tránh được sự hủy hoại của cái chết và được sự sống đời đời.

Con đường dẫn con người, dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để có sự sống trường sinh, để được mọi người đón nhận ta như là anh em của họ, đòi hỏi chúng ta phải sống như Chúa: ” yêu như Chúa yêu “ ( Ga 15, 12 ) và “ sống không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Bởi vì, ngay nhiều người Do Thái đã sống với Chúa, đã gặp Chúa, hay như các môn đệ đã sống thân tình với Chúa, nhưng “ việc ăn thịt và uống máu Chúa Kitô “ đối với họ cũng không phải là điều dễ hiểu.Đối với con người thời đại việc nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô đòi hỏi con người phải chuẩn bị tâm hồn và sống đức tin, vì rước Mình và Máu Chúa Kitô luôn thúc đẩy con người sống tột cùng điều Chúa đòi hỏi: ”…Thịt Tôi là của ăn đích thực, và máu Tôi là của uống đích thực.Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì sống mãi trong Tôi và Tôi sống mãi trong người ấy “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Chúa luôn soi dẫn đường lối chúng con đi. Xin cho Mình Máu Chúa luôn nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Amen.
 
Man-na diệu huyền
LM Phêrô Hồng Phúc
17:17 08/08/2009
Trong lịch sử của dân Do Thái, trang sử hào hùng nhất vẫn là những tháng năm đi trong sa mạc. Cả bốn mươi năm dài, họ đã được Thiên Chúa nuôi sống bằng man-na từ trời rơi xuống. Những khó khăn, những chướng ngại qua đi để rồi in dấu ấn một lịch sử dân tộc được Thiên Chúa chăm sóc nuôi dưỡng bốn mươi năm trong rừng vắng. Niềm tự hào đó đã viết lên trang sử và biến thành một chất đối thoại khi mà những người Do Thái căn cứ vào đó để họ hỏi xem Chúa Giêsu có làm được gì hơn là cha ông của họ, vì cha ông của họ đã từng ăn manna trong sa mạc suốt bốn mươi năm.

Đức Giêsu đã không cần phải thời gian bốn mươi năm, Đức Giêsu không cần phải biện minh những gì mà người ta quan sát bề ngoài. Đức Giêsu tuyên bố một cách ngắn gọn, rõ ràng: “Bánh mà Cha Ta ban phải là bánh từ trời xuống, bánh ban sự sống đời đời” (Ga 6,33). Lời tuyên bố này cho người Do Thái thấy rằng, cha ông của họ ăn man-na nhưng cũng đã chết trong hoang địa. Bánh từ trời đích thực phải là bánh đem đến sự sống đời đời. Người Do Thái hôm nay muốn được sự sống đời đời đó nên xin Đức Giêsu cho họ được bánh đó. Đấy chính là một con đường mà Đức Giêsu đã nhẹ nhàng dẫn họ tới đích và đích điểm của con đường đó là lời tuyên bố cuối cùng của Đức Giêsu, “Ta là bánh ban sự sống từ trời xuống”. Và như vậy, Đức Giêsu tuyên bố, Ngài mới chính là “bánh ban sự sống đời đời”(Ga 6,35). Lời tuyên bố này đã dẫn đến một lời tuyên bố rõ ràng hơn: “Thịt Ta là thật của ăn, máu Ta là thật của uống. Ai ăn thịt Ta thì có sự sống đời đời”(Ga 6,55). Người Do Thái nói đến của ăn ban sự sống đời đời thì mong muốn xin với Đức Giêsu. Nhưng khi Đức Giêsu tuyên bố: “Thịt Ta là thật của ăn, máu Ta là thật của uống” thì những người Do Thái này đã tẩy chay và họ tẩy chay bằng lời nói: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60)rồi họ bỏ đi. Như vậy cuộc đối thoại hôm nay chưa phải là hồi kết thúc, bởi vì những người Do Thái chưa hiểu rõ “bánh ban sự sống đời đời” là gì, nhưng một điều rất buồn là khi họ hiểu được thì họ lại nói: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được” và bỏ đi. Do vậy, đến với bí tích Thánh Thể, đến với bánh ban sự sống phải là ân huệ từ Trời và phải là thành tâm thiện chí từ lòng người trên mặt đất. Cộng hưởng hai điều đó, người ta mới có thể nhận ra sự sống đời đời và bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Giêsu Kitô.

Người ta kể chuyện Napoleon, sau những cuộc chinh chiến, chinh phạt châu Âu, cuối cùng thì Napoleon thất thế và bị đày ra đảo Hélène(theo Minh họa Lời Chúa). Vào những ngày cuối đời của ông, người viết sử vẫn theo sát, và một ngày kia khi thấy ông tỏ ra vui vẻ thoải mái, người viết sử hỏi ông: “Trong cuộc đời của hoàng đế, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?”. Hoàng đế Napoleon suy nghĩ khá lâu rồi trả lời: “Tôi còn nhớ ngày đó qua đi lâu lắm rồi, ngày đó là ngày tôi rước lễ lần đầu”. Hoàng đế không nói ngày mình lên ngôi vua hay là ngày mình chiến thắng cả châu Âu, nhưng Hoàng đế nói: “ngày hạnh phúc nhất là ngày rước lễ lần đầu”. Lý do, là bởi vì đó là niềm vui sâu sa, thiêng liêng và ân thánh khác hẳn với niềm vui thế gian. Điều này, thánh Ignatio trong “Tự thuật” của ngài, ngài đã phân tích rất kỹ: “Khi mà lao vào những hưởng thụ và vui thú thế gian thì niềm vui đến nhưng qua đi rồi, nó để lại một sự cực nhọc và chán nản. Còn niềm vui đến trong tâm hồn, thật sâu lắng và càng ngày càng thấm sâu mãi.” Chính vì vậy mà đến với Đức Giêsu phải là một lòng tin, phải là một niềm thao thức từ trong cõi lòng. Và như lời Chúa Giêsu đã dạy cho người Do Thái hôm nay: “Các ngươi đừng làm việc vì của ăn hư nát nhưng hãy ra công làm việc vì của ăn đem đến sự sống đời đời” (Ga 6, 27), đấy mới là một sự tìm kiếm đích thực. Sự tìm kiếm này đòi hỏi người ta biết lắng nghe tiếng của tâm hồn, biết nhận ra sự gì là quan trọng và ý nghĩa mục đích của sự sống là gì.

Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX có một người ở Mỹ rất thành đạt tên là Colson, ông đã có một văn phòng riêng bên cạnh tòa bạch ốc và lợi tức thu được hàng năm lên tới hàng triệu đô-la, một nhân vật nổi tiếng quan trọng như vậy có văn phòng riêng bên cạnh tổng thống, vậy mà ông vẫn cảm thấy thiếu một cái gì: không phải thiếu tiền vì lợi tức của ông lên hàng triệu USD mỗi năm; cũng không thiếu gì danh vọng bởi vì ông đã thành đạt đến mức có văn phòng riêng bên cạnh phủ tổng thống, thế nhưng ông vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Cho đến khi, người bạn của ông là Thomas Phillip đến nói với ông rằng: “Tôi cũng mới khám phá ra sự thiếu đó mặc dù tôi rất thành đạt nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu một điều gì cho đến khi tôi khám phá ra tôi thiếu Chúa Giêsu, vì cuộc đời tôi đã không hề hướng lòng về Ngài”. Và sự trở lại của Thomas Phillip đã kéo theo sự trở lại của Colson. Colson nghe lời bạn khuyên và một đêm kia, ông cũng đã nhận ra điều đó. Ngay ngày hôm sau, các báo đã đăng tải tin về Colson – một nhân vật quan trọng của nước Mỹ đã trở lại đạo. Họ là những người mà thế giới theo dõi bước đi của họ, nhưng thực sự bước đi của họ chỉ có ý nghĩa và được thế giới ngạc nhiên cũng như ca tụng là khi họ khám phá ra Chúa Giêsu. Họ đã khám phá trong tâm hồn chính là: đức tin đem lại cho họ sự sống đời đời và đức tin ấy dẫn họ đến với Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người để họ sống theo sát dấu chân của Chúa và lắng nghe lời giảng dạy của Đức Kitô, họ đạt tới sự sống đời đời. Khi đi theo sát dấu chân của Chúa, lắng nghe lời Chúa, cuối cùng họ được ăn thịt và uống máu Chúa, và thịt máu ấy đúng là của ăn đích thực đem lại cho họ sự sống đời đời. Họ hay là chúng ta cũng là một.

Chúng ta, những người đi theo Đức Kitô hôm nay, cũng đang vắng thiếu, nếu chúng ta chỉ biết lương thực hằng ngày là của ăn vật chất. Vì vậy trong Kinh Lạy Cha, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được “lương thực hàng ngày” là của ăn đời này và nhất là của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,
Trong bí tích Thánh Thể,
chúng con nhận ra Chúa chính là bánh ban sự sống đời đời.
Xin Chúa cho chúng con được đến với Chúa mỗi ngày
để lương thực đích thật từ trời
đem lại cho chúng con sức sống thiêng liêng phần linh hồn,
và đem lại cho chúng con hạnh phúc vĩnh cửu.
Mỗi ngày, xin Chúa cho mỗi người chúng con
thấy cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn
khi chúng con thấy không thể sống một ngày, một giờ vắng thiếu Chúa.
Xin cho chúng con trở nên những người khôn ngoan
khi khám phá ra: Chúa chính là sự sống đời đời.
Sự sống ấy
đem lại cho chúng con ý nghĩa đích thực trong cuộc sống
để rồi ngày hôm nay,
chúng con lắng nghe và chúng con lãnh nhận Lời Hằng Sống,
cùng với Thịt và Máu Chúa từ trời xuống
trao cho chúng con sự sống đời đời
chính là cho chúng con
thêm lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể mỗi ngày một hơn. Amen.
 
''Ta là Bánh hằng sống''
Tuyết Mai
17:59 08/08/2009
"Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". (Ga 6, 41-52 (Hl 41-51)).

Lời của Chúa Giêsu dậy ở trên, thiết tưởng chẳng mấy ai vào thời đó hiểu được ý của Chúa!? Chẳng những họ chẳng hiểu mà mặt của họ xem chừng còn ngớ ra, xem như ông Giêsu này không được bình thường cho lắm thì phải! Nên họ đã nói: "Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: 'Ta bởi trời mà xuống'". Chúng ta chẳng trách cha ông chúng ta vì sao mà không hiểu được ý Chúa Giêsu cho được chứ!? Bởi Ông Giêsu trước mặt mọi người thì chẳng khác nào là một con người dị tánh và có khác thường. Có nghĩa là ông thật là tầm thường, nghèo khổ, có cuộc sống rày đây mai đó, không sống không có nhà cửa, có tài ăn nói nên được nhiều người đi theo nghe ông, có tài chinh phục được nhiều người đi theo làm môn đệ của ông, và là một con người có tới 9 cái lá gan dám lên án những dân pharisêu, nhà thông luật, và các người biệt phái, cho nên những người dân vào thời đó họ thấy Chúa Giêsu thật là một con người lạ lùng. Người là một con người có sức hút lạ thường, tiếng của Người đi đến đâu thì đều có nhiều người tuôn đến để hiếu kỳ muốn gặp được Ngài, xem Ông Giêsu này là ai, sao Ông có thể làm nhiều điều kỳ diệu và lạ lùng đến thế!? Phải, Ông là ai mà lại có thể hóa bánh và cá nuôi được hơn 5000 ngàn người? Ông là ai mà được bao nhiêu ngàn người đi theo để được ông chữa lành cho những bệnh hiểm nghèo như ban cho người mù được xem thấy, người què được đi, người hoại huyết được cầm sạch hẳn, người bị quỷ ám được bình thường, người điếc được nghe, người phong cùi được lành sạch, những người đàn bà tội lỗi được Chúa thương tha thứ tội và họ đã chừa không bao giờ phạm tội nữa, và ngay cả những người đã chết thật rồi mà Chúa đã cho họ sống trở lại.

Chúng ta có công nhận rằng Ông Giêsu này mà sống vào thời buổi của chúng ta ngày nay, có thể chúng ta cũng đối xử với Ông bằng con mắt nghi ngờ và vì muốn thỏa mãn tánh hiếu kỳ, y như cha ông của chúng ta vào thời xa xưa ấy không!?? Có phải bởi chúng ta luôn có tánh đa nghi cho nên nói cho cùng thì dù chúng ta có ở vào thời đại nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng chẳng bao giờ làm khác đi cho được, bởi cái tánh hiếu kỳ ấy, tôi thiết nghĩ Thiên Chúa cũng không trách chúng ta đâu, bởi chính Chúa Cha đã tác tạo chúng ta nên như vậy cơ mà! và có nghĩa là Ngài đã ban cho chúng ta có bộ óc khác với loài vật là để biết, suy nghĩ, và suy xét mọi sự việc, trước khi chúng ta hành động hay làm bất cứ việc gì!? Cho nên tất cả mọi con cái Thiên Chúa của thời xưa hay ngay cả con cái Thiên Chúa của thời nay, cũng vẫn không thay đổi. Sở dĩ chúng ta tin vào Chúa Giêsu vì chúng ta có cơ hội để đọc, học hỏi, và đã tin vào Phúc Âm của Ngài, nhưng thử hỏi thôi nhé! Nếu thật sự ngày nay có một Ông Giêsu bằng xương bằng thịt y như Ông Giêsu của thời xa xưa, đang sống giữa chúng ta, liệu chúng ta có không suy nghĩ mà không bảo là chúng ta tin mù quáng vào một Ông Giêsu nào đó, mà thiên hạ một số rất đông đang đi theo Ông không? Vì Ông cũng đang chữa lành cho rất nhiều người khỏi bệnh, vì Ông cũng làm được bao nhiêu chuyện lạ lùng!????

Cho nên, chuyện tin vào Ông Giêsu, thì tất cả con cái Thiên Chúa, khối óc và lý trí, cũng vẫn giống nhau ở mọi thời!??? Bằng chứng là những sự việc lạ lùng của Đức Mẹ Maria xẩy ra ở khắp mọi nơi như thấy bao nhiêu tượng ảnh của Đức Mẹ Maria chẩy dầu hương thơm bay ngào ngạt, rồi tượng ảnh của Mẹ Maria ở nhà thờ Đức Bà khóc, rồi tượng ảnh của Mẹ Maria ở rất nhiều nơi chẩy máu tươi, và còn nhiều nhiều nữa! Liệu chúng ta có tin ngay hay không?? Hễ chúng ta tin ngay thì sợ thiên hạ bảo rằng mình mê tín dị đoan, là hồ đồ, là dễ tin tầm bậy!? Hễ chúng ta tỏ vẻ cứng lòng chờ được xác tín từ Vatican thì cho rằng đức tin của chúng ta không được vững, và không có lập trường, như cái tánh của tôi chẳng hạn là rất ba phải đôi khi, vì ai nói gì thì tôi cũng gật cũng cho là phải, thì sao!??

Cho nên, đối với tôi tin hay không tin, tất cả chúng ta trong cuộc sống ngày lại ngày, bao nhiêu thứ, bao nhiêu biến chuyển chung quanh chúng ta, con tạo xoay vần, và đôi khi có phải chúng ta đều hỏi nhau rằng, thời buổi bây giờ chắc quỷ vương ra đời rồi chăng!? Vì bom nguyên tử không biết bao giờ được phóng đi? Cùng giống cũng cưới nhau được? Luân thường đạo lý không còn ai giữ gìn nữa!? Không còn ai giữ một chồng một vợ nữa!? Không còn ai muốn giữ con trong bụng của mình nữa!? Không còn ai muốn giữ đạo Đức Chúa Trời nữa!? Không còn ai muốn làm những điều lành và lánh dữ nữa!? Cho nên tất cả con cái của Chúa ngày nay, cần thật nhiều giờ Cầu Nguyện, thưa anh chị em!

Cầu nguyện để được Thiên Chúa ban ơn bình an. Cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho những ơn thật cần thiết để ít nhất biết định giá cho mọi chuyện, mà không phải dùng cái đầu óc ngu dại và khờ khạo của mình, nhưng biết xác định mọi sự việc một cách khôn ngoan, bởi do Thiên Chúa Thánh Linh Ngài soi sáng và mạc khải cho hiểu biết, vì có phải khối óc của chúng ta làm sao có thể xác định, và quyết định được mọi điều mà quá khỏi sự hiểu biết của chúng ta!?????

Vâng, việc Cầu Nguyện hằng ngày của chúng ta như là một dụng cụ rất cần thiết cho linh hồn đời đời của chúng ta. Có Cầu Nguyện mỗi ngày là chúng ta muốn sống liên kết và mật thiết với Thiên Chúa để chúng ta luôn được Ba Ngôi Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn, để chúng ta biết tất cả mọi sự việc chúng ta làm là đúng hay sai, theo thần trí của Ngài ban cho chúng ta, và đó là một xác quyết mà tôi luôn tin là đúng. Vì có phải nếu có Ơn Chúa, chúng ta sẽ phải luôn luôn trước hết Tôn Kính một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như yêu chính mình hay không!?? Vâng, thưa lậy Chúa nhờ vào việc biết Cầu Nguyện cùng Chúa mỗi ngày, mà Chúa đã mạc khải cho chúng con biết và hiểu câu Chúa nói: "Ta là bánh ban sự sống. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Amen.
 
Trinh Nữ Vương
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
18:29 08/08/2009
Maria xứng muôn lời chúc tụng bởi Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại. Mẹ Trinh Vương bởi Mẹ tiếp nhận Đấng Vô Cùng Thánh Thiện cư ngụ trong lòng Mẹ. Bằng những dòng chia sẻ này con kính dâng lên Mẹ. Mẹ của nhân loại, Mẹ Hoà Bình.

Trạng thái trinh nguyên chỉ cái chưa hiển hiện, chưa phát lộ, đó là tình trạng nguyên thủy.

Ngày đầu Sáng thế, Thiên Chúa là Đấng Hằng có, tất cả đều còn chưa khai sinh. Cõi hỗn mang trong Kinh Thánh diễn tả là tình trạng nguyên thủy ấy. Đây là một trạng thái hỗn mang nguyên thủy, không phải là rối loạn, mà là sự chưa có hình thể. Những dạng nước trinh nguyên ấy sẽ trở thành phong nhiêu, tức là mang sự sống, nhờ (Thánh Thần) “Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước”, dường như phủ lên chúng, làm cho cõi không, bộc lộ, biểu hiện.

Một tấm lòng trinh trắng. Người ta cũng sẽ nói về linh hồn rằng nó còn trinh, khi nó còn trống không; nó mang hình hài thưở nguyên sơ, chưa nhuốm màu tội lỗi làm nhơ uế, sự trinh tiết, tinh khôi của ngày đầu sáng thế, sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời sáng tạo Lời làm nên những cái mới. Giống như rượu thiêng rót vào chén rỗng làm đầy hương vị ấm áp, theo nghĩa Angélus Silesius viết trong (Pèlerin Chérubinique): “Linh hồn chưa biết gì, chưa ước muốn gì.. . từ nay trở thành người vợ của Phu Quân vĩnh hằng”. Theo Meister Eckhart thì tâm hồn trinh tiết là tâm hồn không hề mang những hình ảnh lạ lẫm, cũng trống không như khi nó chưa ra đời.

Trinh khiết, trong trắng không chỉ là hình ảnh của cõi không vô tận như Phật Giáo hướng về cõi vô. Trinh khiết, đơn sơ, trong trắng là một trạng thái sẵn sàng để Thiên Chúa đổ đầy. Thiên Chúa đổ đầy niềm vui của ngày sáng thế: Trời đất reo vui với nắng mai và ánh chiều hôm. Vạn vật tung tăng trên những thảo nguyên bát ngát và mênh mông thảo mộc. Con người trong ngày đầu tiên của sáng thế cũng là con người ngập đầy hạnh phúc. Sáng thế là một hành vi cứu độ của Thiên Chúa, đưa con người từ cõi không sang hiện hữu. Đó là đêm đầu tiên của trái đất hướng về bình minh.

Đón nhận để sinh hạ là một sự biến đổi làm nên sự khai sinh. Linh hồn trinh tiết trở thành người vợ khi tiếp nhận ánh sáng thiên khải của Phu Quân. Vì thế mà Meister Eckhart viết: “nếu con người mãi mãi còn trinh, thì nó sẽ không sản sinh ra được cái gì chỉ để có khả năng sinh sản, nó phải trở thành người đàn bà. Đàn bà mới là danh hiệu cao quý nhất mà ta có thể phong cho linh hồn, cao quý hơn danh hiệu trinh nữ. Hãy để cho con người tiếp nhận Chúa Trời vào trong mình; Chúa Trời ở trong nó là điều tốt; và trong cái khả năng tiếp thụ ấy, nó vẫn trinh nguyên. Chúa Trời biểu lộ khả năng sản sinh trong con nguời, điều ấy còn tốt hơn, bởi vì có được khả năng sinh sản do Chúa ban cho, tức là biết ơn về sự ban thưởng”.

Đức Maria trong lịch sử của con người là một hình ảnh tuyệt diệu về khuôn mẫu đón nhận và trạng thái trinh nguyên. Không tỳ tích, không vết nhơ, tâm hồn trong trắng vô ngần và sự trinh nguyên tuyệt hảo trở thành cung điện huy hòang của Thiên Chúa nơi trần thế. Được mời gọi đón nhận trở nên Mẹ Chúa Trời cũng cần sự đáp trả tự nguyện với hết tấm lòng để “Xin vâng”. So sánh với Eva cũ cũng đáp lại lời mời gọi đầy quyến rũ, để lao vào một quyến rũ bằng Thiên Chúa, Eva đã vấp ngã; sự đón nhận của Eva mới hòan tòan ngược lại với tâm hồn đơn sơ đón nhận: “Này tôi là nữ tỳ Chúa”, không phải đề ngang bằng Thiên Chúa mà để cho ý Người được thực hiện trên cuộc đời phận nhỏ. Thánh Trinh Nữ, Mẹ của Chúa Trời với tư cách Théotokos (I), chỉ linh hồn mà trong đó Chúa Trời tự tiếp nhận lấy mình, bằng cách tự sinh ra mình trong mình, bởi vì Chúa là duy nhất. Đức Mẹ Đồng Trinh đại diện cho linh hồn thống hợp hoàn hảo nhất, Chính Thánh Thần Đấng làm nên những cái mới, rợp bóng trên Mẹ. Đức Mẹ sẽ mãi mãi là trinh nữ, bởi vì bà sẽ mãi mãi là nguyên vẹn trong năng lực sinh hạ mới mẻ này. Một kỷ nguyên mới được khai sinh nhờ sự tiếp nhận này từ nơi Đức Maria, một kỷ nguyên sống sự sống mới, sự sống trong Đức Kitô mà mọi người Kitô hữu cần đón nhận Thiên Chúa để hạ sinh Đức Giêsu Kitô trong tâm hồn những người khác.

Người Mẹ đồng trinh của Con Thiên Chúa làm người, tượng trưng cho Đất hướng về Trời, thứ đất đã hóa hình, đất của ánh sáng, đất hướng về ngày mới. Từ đó mà có vai trò quan trọng của Đức Mẹ: Trong tư tưởng Ki tô giáo, như là một mẫu mực và một cầu nối giữa trần gian và thiên gian, hạ giới và thượng giới.

Đức Maria là nhịp cầu nối thiên quốc và trần thế, một con người trung gian cần thiết để nhân loại có được Đấng Cứu Thế. Vai trò trung gian của ngôi Đền Thờ, vừa là nơi hình thành bởi vật chất vừa là nơi linh thiêng để Thiên Chúa ngự đến, tâm hồn người tín hữu cũng cần được dọn thanh sạch để Thiên Chúa ngự đến. Trong lời kinh cầu Đức Mẹ, người tín hữu cũng ca ngợi: “Đức Mẹ là Đền vàng Thiên Chúa ngự”. Thiên Chúa cư ngụ nơi trần thế, nơi những tâm hồn trong sạch và từ đó Thiên Chúa thực thi ơn cứu độ nhờ sự đón nhận của những người công chính, tay sạch, lòng thanh.

Vai trò trinh nữ là một vai trò cần thiết và vai trò trinh tiết để hạ sinh cũng là vai trò cần thiết hơn, vì thế trong hôn nhân Kitô giáo cũng mời gọi sống thanh sạch để hạ sinh những người con thánh cho trần thế. Đức Maria đồng trinh khi sinh hạ nhờ “Xin Vâng” việc Thiên Chúa làm; những bà mẹ công giáo sinh hạ để lời hứa chúc phúc được thực hiện.

Hòa bình được xây dựng bằng những tâm hồn trong sạch, vương quốc bình an được xây dựng bằng những tấm lòng ngay.

Trong hạ sinh của Thiên Chúa, hài nhi Giêsu đã ra đời mà không có vai trò nào của người đàn ông. Đây là ước mơ cao nhất trong lịch sử của con người được diễn tả trong nhiều huyền thoại thời Cổ đại nói về sự sinh hạ kỳ diệu của các bán thần.

Trong các nền văn hóa: Các trinh nữ đen tượng trưng cho đất chưa khai thác, chưa được làm cho thụ thai, nêu bật yếu tố thụ động của trạng thái trinh nguyên. Vào cuối thời Trung đại, người ta chuộng tô đen, bắt chước màu sẫm của các bình phương Đông, biểu lộ của màu sẫm là màu của đất còn hoang sơ, chưa được gieo trồng và mọc lên các thứ cây, đất còn nguyên sơ.

Trong các thần thoại: Các vị bán thần được hạ sinh không nhờ đến người cha thường hay được nhắc đến bằng cách: Người mẹ dẫm lên dấu chân lạ, hoặc trong lúc tắm ở dưới sông, hoặc trong giấc mơ. Những giấc mơ thần thoại này muốn nói lên điều mong ước sâu xa của nhân loại: Ước mong trở về thiên đường đã đánh mất. Một thiên đường mà những người con của nhân loại đựơc sinh ra mà không nhuốm màu tội lỗi.

Vai trò của Đức Maria, thực hiện trong lịch sử nhân loại một thực tại hóa Lời của Thiên Chúa, không chỉ là giấc mơ trở về thiên đường mà là sanh hạ Đấng Cứu Thế. Không khép lại bằng con đường trở về như người ta vẫn thường quan niệm: Trở về là sự hòan nguyên, giống như bốn mùa thay đổi nối tiếp: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trở về với tình trạng nguyên thủy hẳn không phải là thiên đường bị đánh mất. Trở về, hòan nguyên, làm nên tâm thức nuối tiếc thiên đường bị đánh mất, không nói được vai trò quan trọng của Đức Maria. Việc Đức Maria trong sự trinh khiết hòan tòan là một thực tại, được Thiên Chúa tặng ban cho lịch sử của nhân loại, chuẩn bị cho trái đất có một người nữ hòan tòan để sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế. Việc cộng tác của con người trong việc hạ sinh này là: “Xin vâng” để Thiên Chúa thi hành ý định của Người. Vai trò sinh hạ của Đức Maria đưa nhân loại sang một lãnh vực khác vượt xa cõi thiên đường năm xưa đánh mất: Một nhân loại mới được sinh ra trong tư cách người con trong Người Con của Thiên Chúa. Đó là một mầu nhiệm biến đổi mà thánh Irênê đã viết: “Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa”. Nhân loại mới nay trở thành “con trong Người Con”. Đây là một cuộc bứt phá vượt xa công trình sáng tạo tự ban đầu.

Không chỉ thể hiện ước mong của các nền văn hóa mà còn là một thực hiện quá ước mong, vượt xa mọi khả năng có thể tưởng tượng. Thấy được điều này, mới thấy vai trò quan trong của Đức Maria được Thiên Chúa chuẩn bị và tặng ban cho lịch sử của nhân loại. Đức Maria là hoa trái tuyệt diệu nhất trong nhân loại, xứng đáng danh hiệu Mẹ của nhân loại, Mẹ của muôn loài thọ sinh, để nhờ Mẹ mà một nhân loại mới được hạ sinh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám Mục Mexico chấp nhận lời xin lỗi của chính quyền về vụ cảnh sát bao vây Nhà thờ
Peter Nguyễn Minh Trung
00:32 08/08/2009
MEXICO CITY (CNA) - Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Mexico, Đức cha Jose Leopoldo Gonzalez, hôm thứ năm đã có bài phát biểu rằng Giáo hội chấp nhận lời xin lỗi của các sĩ quan cảnh sát về vụ họ đã chỉ đạo một cuộc bố ráp trong Thánh Lễ ở nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc giáo phận Apatzingan.

Hôm 01-08, cảnh sát đã bao vây giáo xứ này để bắt giữ vài tên trùm ma túy. Sau khi bị các Giám mục Mexico phản đối vụ việc, các quan chức cảnh sát đã xin lỗi Đức cha Miguel Patino, Giám mục giáo phận Apatzingan, nơi diễn ra cuộc bố ráp.

Một thông cáo được ký bởi Đức cha Tổng thư ký HĐGM nước này nói rằng, cuộc bố ráp nhà thờ đã cho thấy "sự thiếu tôn trọng đức tin của người Công giáo và Bí tích Thánh Thể". Tuy nhiên, các Giám mục đã chấp nhận lời xin lỗi và khẳng định lại sự cam kết dấn thân của Giáo hội trong việc chống thực hành điều ác.

Thông cáo nêu rõ: "Giáo hội Công giáo và các Giám mục không bao giờ che đậy công lý, kể cả khi điều ác được thực hành một cách vô thức, như một số người vẫn cáo buộc."

Đức cha khẳng định: "Chúng tôi tái xác nhận rằng không có Giáo hội Công giáo nào, cũng như Giáo hội Công giáo không và sẽ không bao giờ là nơi mà tội ác, những điều phi lý và bất công được che đậy, bảo vệ dù với lý do gì đi chăng nữa."

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16787)
 
Các gia đình cám ơn hội Gloria’s Angels giúp họ vượt qua căn bệnh ung thư
Lưu Hiền Đức
05:21 08/08/2009
Theo (CNA) – CNA gần đây có đang câu chuyện về em Gloria Strausse, một em bé bị bệnh ung thư và phó thác hoàn toàn vào niềm tin Công giáo của mình trong suốt thời gian bệnh, đã kéo mọi người về với Chúa. Cuộc sống ngắn ngủi của em cũng đã khơi mào cho việc thành lập một tổ chức nhằm giúp đỡ các gia đình có người thân bị những bệnh hiểm nghèo. Bài viết này sẽ nói về hai gia đình đã được giúp đỡ bởi tổ chức Gloria’s Angels.

Câu chuyện của Gloria bắt đầu từ khi em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gọi lạ Neuroblastoma (một loại ung thư các dây thần kinh) khi em được 6 tuổi. Điều đáng kinh ngạc là Gloria đã luôn xác tín niềm tin Công Giáo của mình trong suốt quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Cha của em, ông Doug, đã nói với CNA rằng Gloria có được một món quà đặc biệt là em có thể thu hút người khác đến với mình qua việc chịu đựng căn bệnh của mình. Ông nói: “Em đã dạy chúng ta cách vác thánh giá. Món quà của em cho chúng ta là gương sống xác tín và liên kết với Chúa qua việc liên tục cầu nguyện. Em luôn nói Xin Vâng. Em luôn luôn làm dấu thánh giá trước và sau khi được tiêm thuốc. Các bác sĩ thường phải đứng chờ và nhìn em một các thán phục.”

Matt Miller được chẩn đoán mang bệnh Non-Hodgkins Lymphona (một loại ung thư bạch cầu) vào cuối tháng 2 năm 2008. Anh và vợ là KyAnne đã cầu xin với Chúa. Bà KyAnne đã kể lại lần đầu tiên tiếp xúc với Gloria’s Angels là khi gia đình bà gần như thất vọng hoàn toàn. Với 5 người con độ tuổi từ 6 đến 26, trong đó có 1 em bị bệnh tự kỷ, gia đình bà rất khó khăn khi phải đối đầu với các bữa ăn hàng ngày, làm vườn, giữ con và các công việc khác trong nhà. Tổ chứa Gloria’s Angels đã đến và giúp gia đình bà thêm lạc quan để có thể chăm sóc ông Matt.

Bà kể rằng: “Trước hết, họ tổ chức một buổi họp vời gia đình và bạn bè chúng tôi, sau đó họ trình chiếu một chương trình trên PowerPoint để cho chúng tôi thấy những dịch vụ khác nhau mà chúng tôi cần giúp đỡ, ví dụ làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, các bữa ăn, giữ con, và đặc biệt là cầu nguyện. Trong khoảng thời gian rất ngắn, một người đàn ông xa lạ mang đến cho chúng tôi một tuần 3 bữa ăn, dọn dẹp vườn tược cho chúng tôi rất đẹp mắt. Matt rất vui khi thất vườn tược tươm tất. Nhiều người xa lạ đã mang đồ ăn lại cho chúng tôi, chăm sóc con cái cho tôi và lần chuỗi Mân Côi cho chúng tôi nữa. Matt và tôi nhận ra rằng Gloria’s Angels là một hồng ân cho cộng đồng. Chúng tôi không tưởng tượng sẽ phải xoay sở như thế nào nếu không có họ trong năm qua. Tất cả gia đình và bạn bè chúng tôi hợp tác với hiệp hội Gloria’s Angels cũng cảm nhận được hồng ân như vậy.

Bệnh của Matt Miller hiện đã thuyên giảm và ông đang dự định sẽ giúp đỡ các gia đình khác thông qua hội Gloria’s Angels. Ông nói “Chúa thật sự đã nghe lời cầu nguyện của chúng tôi ngay từ ngày đầu tiên. Ngài đã vẽ đường chỉ lối cho hội Gloria’s Angels đến với chúng tôi. Xin Ngài tiếp tục chúc lành cho họ.”

Một gia đình khác cũng nhận được sự giúp đỡ của hội Gloria’s Angels là gia đình Cardenas.

Cora là con gái bốn tuổi của ông Ron và bà Chrissy Cardenas. Em được chẩn đoán mang bệnh ung thư và chuẩn bị được giải phẫu để cắt bỏ thận và khối u. Sau đó, em sẽ được xã trị (chemo). Bà Chrissy giải thích: “Bầu trời như sụp xuống trước mặt gia đình chúng tôi. Chúng tôi ra vào bệnh viện hàng mấy tuần.”

Qua sự giúp đỡ của hội Gloria’s Angels, gia đình Cardenas đã có thể dành nhiều thời gian cho Cora. Hội đã lập một nhóm các người thiện nguyện để giúp gia đình Cardena các bữa ăn, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cả gia đình. Thêm vào đó, hơn 250 người đã quyên góp được hơn 10 ngàn Mỹ kim cho gia đình.

Bà Chrissy nói: “Đây là lúc khó khăn nhất của cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi đã được Chúa nhận lời qua việc Ngài cho chúng tôi được nối kết với một tổ chức hiểu và thông cảm hoàn cảnh và những nhu cầu của chúng tôi, hỗ trợ gia đình và bạn bè để cùng giúp đỡ gia đình chúng tôi. Đây là một việc giáo dục về cuộc sống và tình yêu. Chúng tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ hội Gloria’s Angels và tất cả người thân cũng như bạn bè. Tôi rất tiếc là đã không có hân hạnh được gặp Gloria Strauss. Em là một em bé đặc biệt mà tôi được biết thông qua hội Gloria’s Angels và mong rằng em sẽ còn tiếp tục giúp đỡ nhiều người khác. Chúng tôi luôn nghĩ về em, chúng tôi để hình của em trong nhà để luôn luôn nhắc nhở mình rằng các thiên thần luôn luôn ở với chúng tôi.

Em Cora Cardena hiện đã hoàn tất quá trình xạ trị và bệnh ưng thư của em đã thuyên giảm rất nhiều. Ông Bob Turner, đồng sáng lập hội Gloria Angels cùng với ông Doug Strauss, nói rằng: “Chúng ta thật sự đã tạo ra một cái gì đó đáng kể, đó là tập hợp các điều tốt lành nhất từ mọi người, tận dụng khai thác một cách hiệu quả nhằm tránh những hậu quả không tốt cho những người chúng tôi phục vụ. Chúng tôi có những nhóm đông tới 65 người, tất cả cùng hợp tác với nhau trong nhiều tháng để phục vụ các gia đình và giảm bớt gánh lo cho họ. Thành quả đạt được luôn tốt đẹp, không có ai cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản.”

Hội Gloria Angels đã bắt đầu hoạt động ở Washington, nhưng đã có dự án mở rộng khắp nước Mỹ. Hội đã giúp được 26 gia đình. Xin đọc thêm về hội Gloria’s Angels tại www.gloria.org
 
Công Giáo Pakistan vận động tu chính đạo luật báng bổ
Nguyễn Hoàng Thương
14:27 08/08/2009
Lahore (AsiaNews, UCAN) - Peter Jacob, Thư ký điều hành của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình (NCJP) Giáo Hội Công Giáo ở Pakistan trong một cuộc phỏng vấn với Tin Tức Á Châu cho hay rằng chính phủ "nhạy cảm" hơn trước đây trong những vấn đề gây ra bởi đạo luật báng bổ, nhưng sự thay đổi sẽ chỉ có thể xảy ra nếu "có một phong trào quần chúng" đằng sau chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định phát động "chiến dịch thỉnh nguyện trên cả nước".

Hôm 06/8, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilan và Thủ hiến Mian Shahbaz Sharif của bang Punjab đã thăm các gia đình Kitô hữu ở Gojra, những người bị các phần tử Hồi giáo quá khích tấn công bạo lực. Ông Thủ Tướng đã gặp các nhà lãnh đạo Kitô giáo và bảo đảm "công lý và đền bồi". Về vấn đề này, chính phủ cũng đang có kế hoạch phân bổ trên là 100 triệu rupi.

Một hãng truyền hình tư nhân Pakistan cho hay rằng Thủ Tướng Gilan công bố một "bản tu chính luật" trong đó không trực tiếp đề cập đến quy tắc báng bổ. Ông đã công bố một dự thảo cải cách luật được cho là "có hại cho hòa hợp tôn giáo", để hiểu cách mà chúng "có thể được cải thiện" thế nào.

Ông Peter Jacob bình luận rằng: "Chính phủ nhạy cảm hơn trước đây, nhưng đó là trách nhiệm của xã hội công dân để xúc tiến vấn đề. Người dân đang trong tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực và là một tình liên đới có thể giúp mang lại sự thay đổi". Ông đã giải thích rằng điểm mấu chốt chính là "áp lực từ xã hội dân sự lên chính phủ", bởi vì chỉ có "phong trào quần chúng" mới thực sự có thể mang lại thành quả.

Nhà hoạt động Công Giáo cho hay "mục tiêu là tiếp cận người dân và làm cho họ nhận thức được vấn đề" để đạo luật có thể thực sự được cân nhắc lại một cách thấu đáo và bảo vệ tốt hơn quyền của người thiểu số. Ông lạc quan một cách thận trọng: "chúng tôi không có số liệu thống kê chính thức" và "các động thái đối nghịch nhau nhằm làm thay đổi là rất mạnh mẽ", nhưng sự hỗ trợ của công chúng "là to lớn hơn và do đó chúng tôi có thể làm việc" để thấy đạo luật được thay đổi.

Liên quan đến việc chống bạo lực ở Gojra, Ủy Ban Nhân Quyền Pakistan (HRCP) cảnh báo rằng nó không phải là "một phản ứng tự phát đối với một trường hợp của báng bổ" nhưng đã được "lập kế hoạch trước."

Hôm 31 tháng Bảy vừa qua tại các đền thờ Hồi giáo của thành phố, các vị lãnh đạo Hồi giáo hối thúc người Hồi giáo "băm thịt của các Kitô hữu". Theo các nguồn tin địa phương, các nhà hoạt động HRCP có được tin này, họ đã gửi các khiếu nại tới cảnh sát và cảnh sát cũng đã xác nhận nguy cơ của cuộc tất công. Ngày hôm sau, một đám đông ít nhất là 1000 người đã tụ hợp trong thành phố và tuần hành hướng đến các gia đình Kitô hữu, gây bất ngờ cho cảnh sát đang tuần tra gần đó, đã không chặn những kẻ tấn công, trong số chúng có một số người che mặt, vì thế tạo cho chúng gây ra một cuộc thảm sát.

Vụ bạo lực làm 7 người Công Giáo bị thiêu sống, 68 căn nhà Kitô hữu bị đốt, 2 nhà thờ Tin lành bị hư hại ở Gojira. Các trang Kinh Thánh bị xé cũng được tìm thấy bên ngoài lối đi của các nhà thờ. Lý do được viện dẫn cho vụ bạo lực nàycho rằng một số trang giấy được tìm thấy trước cửa một gia đình Kitô hữu, những người Hồi giáo cáo buộc gia đình đó báng bổ chống Hồi giáo.

Đạo luật báng bổ ở Pakistan quy định hành vi xúc phạm đến Kinh Qur'an thì bị phạt tù, còn bất kỳ ai lăng mạ đến Tiên Tri Muhammad thì bị tử hình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Cẩm Trường và niềm vui của những tâm hồn bé nhỏ tràn ngập hồng ân
Anthony Lê Lượng
01:00 08/08/2009
VINH - Ngày 6 tháng 8 năm 2009, trong ngày Lễ kính Chúa Giêsu Biến Hình, cùng với hai Cha quê hương (Lm. G.B. Nguyễn Thụy Sỹ và Lm. Luy Nguyễn Văn Nga) và Cha quản xứ, giáo xứ Cẩm Trường lại hân hoan đón mừng 132 các em xưng tội rước lễ lần đầu, 132 đóa hoa đượm thắm hương sắc Cẩm Trường, 132 tâm hồn quê sơ, đơn thành, ngay ngô, dễ thương và thanh sạch, 132 ngọn nến đức tin cháy sáng và 132 hồng ân nhưng không của Thiên Chúa Tình Yêu, được kết dệt nên bởi biết bao công lao vất vả, bao mồ hôi nước mắt, bao lao tâm khổ trí, v.v. của biết bao con người, sẵn sàng hy sinh, thu mình nhỏ lại, để các em ngày một lớn lên trong ân tình Chúa, tình đời và tình người!

132 mần sống ấy đang “vươn hình hài lớn dậy”, đâm chồi nảy lộc giữa vườn xuân Giáo hội, trong vòng tay âu yếm, đỡ nâng, vỗ về của Cha quản xứ, của quý Cha quê hương, của quý Tu sĩ nam nữ, của quý thầy cô giáo lý viên, của quý Hội đồng Mục vụ và quý Ban Giáo lý giáo xứ và các giáo họ, của các Ban ngành, Hội đoàn, cùng toàn thể cộng đoàn, và của ông bà, cha mẹ, anh chị, em, v.v.

Quả thật, hôm nay là một ngày vui lớn của giáo xứ, ngày đại hạnh của các gia đình và là ngày hồng ân của chính các em, vì đây là lần đầu tiên trong đời, các em được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào ngự trong tâm hồn thơ bé của mình. Chính Chúa Hiển Dung sẽ “biến hình” các em, để cả thân xác lẫn tâm hồn đều được “trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (x. Mc 9, 3).

Những ngày tháng qua, các em đã đến tìm hiểu Chúa Giêsu và nói chuyện với Người với qua những buổi học hỏi giáo lý đơn sơ. Hôm nay, các em chính thức được tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể để ăn chính Thịt và Máu Chúa Kitô, nguồn thần lương nuôi dưỡng các linh hồn. Xin cho các em cảm nếm được sự hiện diện “ngọt ngào” của Chúa Giêsu Thánh thể, trong tâm hồn mình, để rồi các em cũng sung sướng thốt lên với Người như ông Phêrô: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!” (x. Mc 9, 5).

Vì thế, trong Thánh lễ này, chúng ta cùng chung lời tạ ơn Thiên Chúa, vì muôn ơn lành Người đã thương ban cho chúng ta, nhất là cho những tâm hồn ngây thơ, trong trắng này. Chúng ta cùng hiệp lời cầu xin Thiên Chúa cho các em biết noi gương bắt chước bạn Thánh trẻ Đa-minh Sa-vi-ô và có những quyết tâm thánh thiện như Ngài, trong ngày rước lễ lần đầu:

“Tôi sẽ năng xưng tội và chịu lễ.
Tôi muốn thánh hoá ngày Chúa nhật.
Bạn của tôi là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Tôi thà chết chứ không phạm tội”.


Những bí kíp này đã giữ gìn vị Thánh trẻ và giúp Ngài luôn luôn gần Chúa, biết phụng sự Người trong vui tươi và trung tín với Người đến trọn đời. Mong sao các bạn nhí Cẩm Trường hôm nay cũng biết vận dụng thứ “bí kíp võ công nhà nghề” đó để nên thánh mỗi ngày!
 
Chân dung Linh Mục Việt Nam: Đức Ông Phaolô Nguyễn Quang Thiều
Kim Ân
05:25 08/08/2009
CHÂN DUNG LINH MỤC: ĐỨC ÔNG PHAOLÔ NGUYỄN QUANG THIỀU

Giáo phận Phát Diệm là nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ linh mục đạo hạnh. Nhân năm thánh các linh mục, tôi muốn ghi lại đôi dòng về một linh mục Phát Diệm, một người đã trải qua những năm tháng đầy biến động của đất nước trong suốt thế kỉ 20, đó là Đức Ông Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều.

Tôi không có hân hạnh sống gần Đức ông nhiều. Những kỉ niệm giữa tôi và Đức ông chỉ là những cuộc gặp gỡ và chuyện trò ngắn ngủi, nặng tính xã giao. Tình cờ, sau khi Đức ông qua đời vào ngày 12-8-2000, tôi đọc được bốn tập hồi kí viết tay của Đức ông. Với lối văn giản dị, ngắn gọn, những tập hồi kí đã giúp tôi khám phá thêm nhiều nét đặc biệt nơi con người và cuộc đời Đức ông.

Những dốc quyết đơn giản đầu đời linh mục

Sau khi chịu chức ào ngày 31-10-1947, linh mục trẻ Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều đã soạn một bản qui tắc đời sống linh mục cho bản thân mình. Bản qui tắc ấy có thể tóm tắt bằng những nét chính yếu như sau: tĩnh tâm hằng tháng; xưng tội và gặp cha linh hướng hằng tuần; nguyện ngắm, dâng thánh lễ, xét mình, viếng Thánh Thể, đọc kinh phụng vụ trước Thánh Thể hằng ngày.

Đó là một bản qui tắc sống đời linh mục thật đơn giản, nhưng qui tắc ấy cho thấy ý thức sâu xa của vị linh mục trẻ về mối tương quan giữa đời linh mục với Chúa Giêsu, giữa đời linh mục với phép Thánh Thể, giữa đời linh mục với kinh nguyện hằng ngày. Ở tuổi 30, vị linh mục trẻ đã hiểu rằng yếu tố căn bản, đòi hỏi tiên quyết, cốt lõi của đời sống linh mục là mối tương quan mật thiết với Chúa, là SỰ THÁNH THIỆN.

Vào những thời điểm hiểm nguy nhất trong cuộc đời, cha đã luôn tận lực sống những điều cha đã tự đề ra cho mình. Ở phần cuối tập một và phần đầu tập hai, cha kể lại những thử thách thời gian cha mới bị bắt. Ngày 11-3-1952, cha bị gọi lên ti công an Ninh Bình, rồi liên tục bị chuyển từ nơi này qua nơi khác. Vài ngày sau khi bị bắt, cha bị chuyển chỗ ở vào ban đêm, cán bộ không cho mang theo vali đồ lễ. Thời đó luật giữ chay Thánh Thể buộc linh mục phải nhịn ăn nhịn uống từ nửa đêm hôm trước cho tới khi dâng lễ, sáng hôm sau, cha nhất quyết không ăn uống gì cho tới khi nhận lại được vali đồ lễ để cử hành thánh lễ. Hôm đó cha đã nhịn ăn nhịn uống tới mãi 17 giờ, khi cán bộ đưa đồ lễ tới.

Lần khác, ngày 15-4-1956, sau ba ngày bị đấu tố và nhịn đói, cha bị triệu về Kim Sơn. Cha đi bộ từ 4 giờ chiều, tới khoảng 9 giờ tối mới tới nơi. Bị canh chừng trong một ngôi nhà nhỏ, sáng sớm hôm sau, cha đã tìm cách trốn vào Tòa Giám mục để dâng thánh lễ. Khi cha trở lại, những người canh gác vẫn còn say ngủ. Vào dịp này, khi bị tạm giữ ở Lưu Phương, nhiều lần cha đã bất chấp mọi nguy hiểm, trốn đi dâng lễ ở Tòa Giám mục lúc ba giờ sáng, sau đó lại lẻn về chỗ bị giam.

Sống đời linh mục trong mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể phải chăng là bí quyết giúp cha can trường đối mặt với những thử thách cam go vượt sức chịu đựng thông thường của một con người? Đó phải chăng là chìa khóa giúp cha vượt lên trên tất cả hận thù oán ghét đằng đẵng nhiều năm đè nặng trên tấm thân hao gầy bệnh tật?

Can trường trong bão tố

Ngay sau khi chịu chức linh mục, giữa cảnh nhiễu nhương đầy bất trắc, cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều được cử làm phó xứ Bình Sa, rồi phó xứ Tôn Đạo, sau đó làm phó xứ Phát Diệm. Đầu năm 1952, cha được Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ cử đi giúp “vùng tự do”, tức là vùng do Việt Minh kiểm soát. Ngày 3-3-1952, cùng với cha Nhân, cha Nguyễn Quang Thiều dắt xe đạp từ Phát Diệm, qua Lưu Phương, Bình Hải, len lỏi qua các xóm làng thuộc huyện Yên Mô, và tối ngày 4-3 tới xứ Hoàng Mai. Ngày 10-3-1953, cha bắt đầu bị triệu tới huyện Gia Khánh. Chiều ngày 11-3, cha bị đưa lên ti công an, rồi những ngày bị hỏi cung, bị giải qua các vùng rừng núi, sống tù túng trong hang hàng tháng trời. Sau đó, cha bị chuyển qua các trại giam Hang Vàng – Quảng Hiểu, rồi ngày 12-5-1952, cha bị giải đi xuyên rừng vượt núi tới trại cải tạo 5 Đ liên khu III, thuộc Cẩm Hoàng, Thanh Hóa, với thân phận của một tù nhân tại vùng do Việt Minh kiểm soát, bị cấm mọi hình thức thực hành tôn giáo, bị xiềng chân liên tục tới ngày 4-8-1952. Từ tháng 9-1952 tới tháng 5-1953, cha bị giam ở trại 5 B, Mĩ Hóa, bị xiềng xích nhiều lần. Cũng tại trại 5 B, cha đã can đảm làm chứng cho Chúa để rồi phải chịu những đòn hành hạ dã man.

Gần dịp lễ Giáng Sinh năm 1952, cha được tháo xiềng và theo lời giám thị trại giam, cha sẽ được phép cử hành lễ Giáng Sinh. Cha đã rất vui mừng và dọn mình kĩ lưỡng, dọn bài giảng cho thánh lễ trong trại cải tạo. Nhưng đến sáng ngày 25-12, ban giám thị trại cho biết không mượn được đồ lễ (!), do vậy, chỉ cho phép mít tinh và cho phép cha diễn thuyết. Cha đã nhân dịp này trình bày giáo lí của Chúa cho bạn tù và cả ban giám thị trại.

Ngày hôm sau, 26-12, cha bị đưa ra đánh đập, vu khống và đấu tố tập thể. Liền sau đó, cha bị “khóa miệng”, như lời cha viết trong cuốn hồi kí: “Hôm sau, sáng sớm đã ra lò rèn nhận chiếc xiềng 2 kg, và khóa miệng – tức là lấy một miếng kẽm to bằng bàn tay đeo kín miệng mũi, viết sơn đỏ: ‘Miệng nói láo’. Khóa miệng cho tới tháng 2-1953.”

Từ tháng 3-1953 tới tháng 5-1953, cha lại bị vu vạ cho tội làm đầu sỏ âm mưu tổ chức phá trại, bị bỏ cho đói khát, vu khống, chịu gông cùm xiềng xích, bị đem ra đấu tố ròng rã nhiều ngày, bị đánh cho tới mức ngất xỉu, chỉ vì cha cương quyết không nói dối, không chấp nhận những lời vu khống. Sau đó, cha còn tiếp tục bị đấu tố tra khảo, bị đánh tới mức khắp thân thể thâm tím, mặt mũi sưng húp, có lần đã bị đưa ra nhà xác.

Từ tháng 5-1953, giữa lúc thân thể đớn đau kiệt quệ, cha bị chuyển tới trại 5 A, Kim Tân, phải đi bộ, chân tay vẫn bị xiềng xích. Suốt bốn tháng trời, cha bị biệt giam trong xà lim kín. Sau đó, cha lại bị chuyển qua trại 5 Đ, Cẩm Hoàng, cho tới tháng 2-1954, rồi tiếp tục bị chuyển qua nhiều trại khác.

Trong thời gian tù đày, cha đã tận mắt chứng kiến một số linh mục thuộc giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu bị chết rũ tù.

Cuối tháng 12-1954, cha được đưa về xứ Hoàng Mai. Thoát cảnh tù đày xiềng xích, cha lại chuẩn bị một chặng đường mới cũng không kém phần khó khăn.

Không khuất phục trước cường quyền

Từ đầu năm 1955, cha được cha chính địa phận thay quyền Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ đặt làm chính xứ Hoàng Mai, kiêm Thiện Dưỡng và Ninh Bình. Tháng 11-1955, cha được chuyển về coi xứ Yên Thổ, kiêm nhiệm Bình Sơn, Quảng Phúc và Bình Hải. Thời gian này, cha đã chịu nhiều sóng gió của “cuộc cách mạng long trời lở đất”.

Đầu năm 1956, cha bị đem ra đấu tố công khai, với đủ thứ tội: lập tề, làm bảo an, bắt cán bộ, nói xấu chế độ dân chủ cộng hòa, khinh chính quyền, dụ dỗ đồng bào đi Nam theo Mĩ Diệm, thu tô, mị dân, dâm ô, đầu độc bằng Bánh Thánh, bỏ thuốc độc vào giếng nước của bộ đội và nhân dân, lấy tin ngầm ở tòa giải tội, xui trẻ em phá các cuộc họp v.v... Sau đó, cha lại bị vu thêm tội “chống phá cải cách ruộng đất”, bị giam cầm hạch hỏi. Ngày 5-5-1956, cha lại bị đem ra đấu tố tại Yên Thổ, lần này cha đã thẳng thắn vạch ra những điều dối trá gian xảo trong các cuộc đấu tố từ ngày 9-4-1956. Sau đó, ngày 9-5-1956, đội cải cách lại tổ chức một “cuộc họp” tại Yên Thổ, một lần nữa cha lại lên tiếng phản đối thói hỗn xược, phách lối của đội cải cách. Nhân dịp lễ Chúa Lên Trời, ngày 10-5-1956, cha làm một cuộc phỏng vấn công khai rồi gửi văn bản tới giới hữu trách nhằm chỉ rõ thói gian xảo của những trò đấu tố. Sau đó, cha nhiều lần cương trực yêu cầu giới cầm quyền hành xử theo pháp luật.

Từ khi có lệnh sửa sai, cuộc sống của các cha cũng như bà con giáo dân được dễ dàng hơn đôi chút. Ông đội nói với cha lúc chào từ giã: “Địa phương muốn có thành tích, nhiều khi cũng làm không đúng, nhưng đảng và chính phủ thấy có sai thì sẽ sửa.”

Đầu năm 1957, cha Phaolô Bùi Chu Tạo được sắc phong làm Giám quản tông tòa Phát Diệm. Cha Giám quản đã đặt cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều làm thư kí. Cha cùng Đức Giám quản đi kinh lí một số giáo xứ trong giáo phận Phát Diệm. Dịp này, Đức Giám quản đã nhờ cha nói về Ủy ban liên lạc toàn quốc những người Công giáo Việt Nam yêu tổ quốc yêu hòa bình. Sau đó, giới cầm quyền cấm không cho cha cùng đi với Đức Giám quản nữa.

Sau lễ tấn phong Giám mục cách đột ngột cho cha Phaolô Bùi Chu Tạo tại Hà Nội, ngày 26-4-1959, tình hình trở nên căng thẳng. Đức Khâm Sứ Dooley bị trục xuất. Ngày 15-8 năm đó, khi cha đi dâng lễ ở miền Yên Mô thì nhận được công văn số 158 của ti công an Ninh Bình với đại ý chỉ được làm lễ ở ba xứ Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải, và cấm về Nhà Chung Phát Diệm. Tuy nhiên, ngày 21-8 cha vẫn về Nhà Chung, và ngày 22-8 cha vẫn dâng lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa. Cũng từ đây, cha bắt đầu sống chuỗi ngày bị hành hạ, đọa đày. Tháng 11-1959, tuần tĩnh tâm năm các linh mục trong giáo phận, cha bị cấm tham dự với lí do “còn nhiều khuyết điểm”. Tuy nhiên, cha gửi thư thông báo cho ti công an và ngày 12-11, cha vẫn đi dự tĩnh tâm. Công an biết không dọa nạt được cha nên đã tìm cách khủng bố tinh thần cha Giuse Hoàng Duy Kim, chủ hộ Tòa Giám mục. Vì ích chung, cha đã phải miễn cưỡng trở lại giáo xứ để tĩnh tâm riêng, sau đó cha viết một thư cho ti công an, phản bác những việc làm hách dịch, phi lí của công an; tố cáo thói gian xảo, cấp trên đổ cho tại “cấp dưới làm sai vì anh em chưa nắm vững”; cha cũng chỉ ra những thủ đoạn “lợi dụng lòng yêu nước chân chính của người Công giáo mà làm việc phản Giáo hội, phản đạo Chúa, cái Ủy ban liên lạc Công giáo nguy hại cho khối đoàn kết thống nhất của đạo Công giáo …”; cha cũng tuyên bố thẳng thắn “việc xưng tội, ít là ba tháng một lần, tôi nhất định xin bằng được, nếu không cho phép thì tôi vẫn đi.” Cứ như thế, nhiều lần cha viết thư thông báo, sau đó cha đi khỏi nơi tạm giam, bất chấp mọi lệnh cấm, mọi lời vu khống, đe dọa cũng như hành khổ. Có lần, khi gửi thư ra huyện Yên Mô, cha đã viết thêm: “Chúc cơ quan đoàn thể trong huyện được tiến bộ trong sự thật thà!”

Tháng 3-1960, nhân kì kiểm tra dân số, cha đã dựa vào chỉ thị do ông Nguyễn Khang kí về việc kiểm tra dân số để đòi quyền được về Nhà Chung Phát Diệm đúng theo nguyên văn chỉ thị. Đám cán bộ ra sức o ép, dùng đủ kiểu đe dọa, mánh lới để buộc cha đăng kí “thường trú” tại xứ Quảng Phúc, xã Yên Phong, nhưng cha cương quyết đòi hỏi cán bộ phải thi hành đúng chỉ thị. Ngày 12-3-1960, Ủy ban hành chính (UBHC) tỉnh Ninh Bình ra công văn số 588 quyết định quản chế cha ba năm tại nhà thờ Vân Mộng. Cha tuyên bố: “Tôi kháng khiếu, không thi hành!”, rồi viết đơn khiếu nại lên Bộ nội vụ phi bác ba lí do mà UBHC tỉnh viện lấy để kết án quản chế. Bộ nội vụ không trả lời, cha tiếp tục viết đơn khiếu nại lên Bộ tư pháp. Ngày 9-5-1960, Bộ tư pháp trả lời: “Giao sang Viện công tố trung ương xét”. Sau đó cha tiếp tục bị gây khó khăn, không cho đi dâng lễ, bị bắt trói, sỉ nhục và vu khống, cha vẫn cư xử cương quyết, gửi khiếu nại yêu cầu cán bộ thi hành đúng chính sách, đồng thời khuyên giáo dân yêu thương và tha thứ.

Càng ngày, cha càng bị canh chừng cẩn mật hơn, nhưng cha vẫn trốn đi xưng tội đều đặn, bất chấp những khó khăn, hành hạ mỗi lần bị bắt. Không lung lạc được tinh thần của cha, cán bộ xã Yên Phong tung tin rằng bắt được cha ở đâu là đánh chết! Ngày 16-3-1963, cán bộ công bố lệnh số 147/UB, tăng lệnh quản chế thêm ba năm. Cha lại thẳng thắn tuyên bố: “Tôi đã nghe lệnh của tỉnh. Tôi kí giấy kháng án, chưa biết tôi có giữ được lệnh đó không.”

Khiếu lại ở tỉnh và trung ương bằng đơn từ nhiều lần mà không có hồi âm, hoặc có hồi âm với nội dung chung chung: “giao cho công tố xét”, ngày 3-6-1963, cha đi Hà Nội, để lại một thư cho ti công an để báo việc cha đi trung ương. Cha tới Nhà Chung Hà Nội và 11 giờ đêm hôm ấy bị công an tới bắt cha ra đồn, rồi đưa tới giam tại Hỏa Lò, sau đó lại bị giải về Ninh Bình, bị giam trong xà lim tại trại giam Phúc Chỉnh. Ngày 7-6-1963, cha bị đưa tới Viện kiểm sát và nhận lệnh tạm giam hai tháng vì tội “trốn đi Hà Nội”. Sau đó, ngày 18-6-1963, cán bộ vận động giáo dân xin cho cha về xã Yên Phong. Trở về, cha càng bị canh giữ nghiêm ngặt hơn. Cha kể lại sự việc như chuyện hài hước sau đây: “Tôi giữ đúng lệnh quản chế báo cáo lịch trình nửa tháng đi làm lễ, hoặc xin phép năm lần bảy lượt để đi xưng tội. Chính quyền xã và huyện nhất định không cho. Trụ sở thì chuyển lung tung, giờ hành chính cũng chẳng ấn định, có ý làm cho tôi không tìm được mà đặt đơn.” Giáo dân cũng bị ngăn cản không cho đến với cha, không cho tham dự lễ Chủ Nhật, không cho lãnh nhận các bí tích.

Dịp mừng ngân khánh linh mục, năm 1972, cha ghi lại tâm tình tạ ơn, trong đó có câu: “Nếu vì người ta ghét Chúa nên ghét con thì có phúc cho con! Hân hạnh cho con biết bao.” Cũng dịp này, cha còn ghi thêm rằng: “Từ 1955 – 1959, con muốn hoạt động cho Giáo hội Chúa, bù lại những năm xa vắng giáo dân, giáo phận, nhìn vào thời thế vài chục anh em già ốm ‘ở lại coi nhà’, mà nhà thì rộng, trộm cắp thì nhiều, tương lai không có, đôi khi con đã nghĩ đến cảnh ‘không trông được hưu’ cho đến chết …, thì Chúa đã cho con ‘hưu non’ suốt từ năm 1960 đến nay, nhất là từ 1963 lại càng được hưu kĩ … hưu non!!!”

Năm 1981, trong một bức thư cho giáo dân nhân dịp cha trốn đi xưng tội, cha viết: “Tuy tôi bị tước ‘quyền công dân’, nhưng tôi vẫn là một người dân Việt Nam, hơn nữa là một người Công giáo, một Linh mục, thì tôi có quyền sống, sống lành mạnh cả xác lẫn hồn, được thế thì đẹp cho chế độ lắm. Tôi sống thì phải có những nhu cầu (việc cần) cho xác và hồn. Đó là ‘việc cần’ mà không được giúp đỡ, thì phải tự lo liệu.”

Cứ như thế, cha phải chịu đủ loại hành hạ về tinh thần cũng như vật chất, bị cô lập và o ép nhiều năm cho tới mãi những ngày cuối đời. Từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước, cuộc sống của cha có dễ thở hơn đôi chút, nhưng không thiếu những khó khăn trở ngại từ phía nhà cầm quyền.

Về phía Giáo hội, cha đã nhận được những nghĩa cử ủi an và khích lệ. Ngày 17-6-1984, cha được Đức Cha Phaolô Bùi Chu tạo đặt làm Tổng đại diện. Ngày 27-1-1996, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trao tặng cha tước Đức ông, Giám chức danh dự. Cha qua đời tại Tòa Giám mục Phát Diệm ngày 12-8-2000, hưởng thọ 83 tuổi.

Trên đây chỉ là đôi nét sơ lược về cuộc đời sóng gió của Đức ông Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều. Đời sống thánh thiện, mối thân tình với Chúa quả thật như chiếc neo giúp con thuyền cuộc đời của Đức ông được cột chặt vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa (x. Dt 6,19). Đó chính là bí quyết giúp Đức Ông vượt thắng những đọa đày đằng đẵng vơi bao nhiêu mưu ma chước quỉ. Nhân dịp kỉ niệm 9 năm ngày Đức ông giã từ cuộc sống trần gian, nguyện xin Thiên Chúa nhân lành ân thưởng cho người đầy tớ tốt lành và trung tín.
 
Hình ảnh Thánh Lễ Thêm Sức tại Gx Thánh Marcô Inala Úc Châu
Phạm Minh Nhật
15:33 08/08/2009
Chúa Nhật 2 tháng 8 vừa qua, Giáo Xứ St Mark’s Inala đã cử hành Thánh Lễ ban phép Thêm Sức và Rước Lễ Lần Đầu cho 49 em gồm nhiều sắc tộc trong giáo xứ.

Thánh Lễ được cử hành bởi Đức Cha Brian Finnigan, giám mục phụ tá tổng giáo phận Brisbane, cùng với sự đồng tế của hai linh mục, Lm Giuse Vũđình Tường, chánh xứ St Mark’s Inala, và Lm Marcô Nguyễn Văn Hưởng, phó xứ Sunnybank.

Sau thánh lễ Đức Cha Finnigan đã cắt bánh để cùng chung vui với các em và gia đình trong ngày trọng đại này.









Thánh Lễ Thêm Sức tại

Giáo Xứ St Mark Inala Úc Châu

Xem thêm hình

 
Đại Hội Giới Trẻ giáo phận Đà Nẵng lần III
Paul Maria
18:24 08/08/2009
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GP ĐÀ NẴNG LẦN III
Chủ đề: " CHÚNG TÔI ĐẶT TIN TƯỞNG VÀO CHÚA"


ĐÀ NẴNG - Kể từ ngày Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục GP Đà Nẵng tháng 8/2006, đây là lần thứ 3 Giới Trẻ Đà Nẵng tổ chức Đại Hội dưới sự hướng dẫn và lãnh đạo của Cha Đặc trách Giới Trẻ GP Bônaventura Mai Thái. Đại hội lần này tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu trong 2 ngày 07-08/8/2009 với sự tham dự của hơn 1100 Giới Trẻ đến từ các Giáo Hạt Đà Nẵng, Trà Kiệu, Tam Kỳ, Hội An và Hoà Vang.
Xem hình ảnh
Chương Trình bắt đầu lúc 14h00 với công tác dựng và trang trí lều trại. Mỗi Giáo xứ một vẻ, dưới những tán cây me già phủ đầy bóng mát của khuôn viên Nhà Thờ Trà Kiệu, những lều trại như những chiếc nấm vĩ đại mọc lên sau " Cơn Mưa Hồng Ân " của Giêsu, Người đã hiến thân mình vì yêu thương nhân loại ở tuổi 33: " Tuổi của Giới Trẻ ".

Đúng 15h00 chính thức khai mạc Đại hội. Hiện diện cùng Giới Trẻ lúc này có Cha Đặc trách GT Giáo phận Bônaventura Mai Thái, Cha Quản nhiệm TT Thánh Mẫu Trà Kiệu, Cha Nguyễn Ngọc Hiến Đặc trách GT Hạt ĐN, Cha Hồ Thái Sơn Đặc trách GT Hạt Trà Kiệu, Cha Châu Ngọc Minh Đặc trách GT Hạt Tam Kỳ, Cha Võ Quang Khải Đặc trách GT Hạt Hoà Vang.

Cha Giáo sư ĐCV Mai Thái, với giọng nói khi hùng hồn, khi trầm lắng, đã dẫn đưa Giới Trẻ hiện diện đắm mình vào Sứ điệp của Đức Thánh Cha về Giới Trẻ trong giờ chia sẻ của Ngài.

Sau giờ cơm tối, từ 19h00 đến 22h00 là chương trình văn nghệ và giờ Tĩnh nguyện.
Những bài hát ngợi khen, những khúc ca phục vụ,..., những vũ khúc rập ràng, những điệu múa dân giã,... Những phút giây lắng động tâm hồn trong phần Tĩnh nguyện đã thật sự làm cho mỗi người trẻ thêm trẻ, tươi thêm tươi và trưởng thành hơn trong Tin Cậy Mến. Và cả những phút giây thinh lặng không nói thành lời của hơn cả ngàn GT tối nay hướng về những người trẻ của Giáo Hội Việt Nam đang ngày đêm sống và chiến đấu cho Đức Tin Công giáo, cho Hoà bình và Công lý được sáng ngời trên Giáo Hội và Quê hương Việt Nam dấu yêu.

Sáng ngày 08/8/2009, sau phần sinh hoạt theo từng Giáo Hạt để bầu Ban Đại Diện GT của Giáo Hạt và Giáo phận, đúng 9h30, Đại hội hân hoan với hàng rào danh dự, vỗ từng tràng pháo tay chào đón ĐGM cùng Quý Cha về thăm và đồng tế Thánh lễ lúc 10h00.

Nhìn đoàn con trẻ trung, nhiệt thành, đoàn kết, đại diện cho tầng lớp người trẻ của Giáo phận tề tựu về đây hôm nay, hẵn tâm hồn Người Cha Chung của GP không khỏi tự hào và thương yêu vô hạn. Giới Trẻ là tương lai của Giáo Hội và của cả Dân tộc Viêt Nam. Giới Trẻ sẽ bước những bước chân kiêu hùng nhưng quảng đại bởi " họ đặt tin tưởng vào Chúa Tình Yêu ".

Với niềm tin tưởng vào những người con trẻ trung của mình trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ĐGM đã chủ sự nghi thức sai đi: " Các con hãy mạnh dạn dấn thân vào môi trường sống của mỗi người để can đảm rao giảng và làm chứng về Đức Kitô đã chịu đóng đinh thập giá vì yêu thương nhân loại ".

Cha Đặc trách GT Giáo phận cám ơn ĐGM, Cha Quản nhiệm TT Thánh Mẫu Trà Kiệu, Quý Cha và tất cả mọi người đã cầu nguyện và giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần cho lần Đại hội thứ III này. Và Cha tuyên bố Đại Hội GT Giáo phận Đà Nẵng lần thứ IV sẽ được tổ chức tại Hạt Tam Kỳ ( Quảng Nam ).

Tay trong tay, các bạn trẻ cùng hát vang bài Nối Vòng Tay Lớn và hẹn gặp lại nhau năm 2010 tại Tam Kỳ.
 
Lễ Thánh Đa Minh - Quan Thầy bổn mạng Giáo phận Bùi Chu
BTT SVCG TGP Hà Nội
18:35 08/08/2009
BÙI CHU - Theo truyền thống, vào ngày 8/8 hàng năm Giáo Phận Bùi Chu tổ chức ngày lễ đầu Dòng Đaminh (Lễ Nhãn) – đây là một trong những ngày lễ lớn nhất của Giáo phận, thu hút hàng chục ngàn Giáo dân và du khách thập phương về tham dự.

Ngay từ những ngày giáp Lễ, hàng ngàn người đã nô nức đổ về Nhà thờ Chính toà bởi với họ đây vừa là một cơ hội tốt để tìm hiểu, tham quan Tòa Giám Mục vừa tìm cho mình một vị trí xem lễ thuận lợi nhất để tham dự ngày lễ thật long trọng và sốt sắng.

Thánh lễ năm nay có sự hiện diện của Đức Giám Mục Bùi Chu Giuse Hoàng Văn Tiệm, Tân Giám Mục Thái Bình Phêrô Nguyễn Văn Đệ, cùng hơn 100 Cha đồng tế và khoảng 20 ngàn người từ khắp mọi miền quy tụ.

Mặc dù buổi lễ khai mạc và đêm liên hoan văn nghệ không nhận được sự ủng hộ của thời tiết do có mưa lớn, nhưng ngày đại Lễ hôm sau trời tạnh ráo và mát mẻ giúp cho mọi người tham dự đều cảm thấy dễ chịu. “Đó là do phép lạ của ông Thánh” – bà Maria Nguyễn Thị Lưu – Giáo xứ Phú Nhai hồ hởi nói với phóng viên.

Trao đổi nhanh với anh Vũ Văn Tuyến - tôn giáo bạn, anh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tới dự một ngày lễ lớn và đông vui như thế này, tuy không hiểu nhiều lắm về các nghi thức tôn giáo nhưng tôi cảm thấy rất thú vị, nhất là phần rước lễ”.

Trước khi Đức Giám Mục Giuse Hoàng Văn Tiệm ban phép lành cuối Thánh lễ, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ có đôi lời cảm ơn và chào tạm biệt quý Cha và Giáo dân trước khi Ngài “lên đường” đảm nhận sứ vụ mới – Tân Giám Mục Giáo Phận Thái Bình.

Thánh lễ đã thành công tốt đẹp, mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, nhưng ai cũng mang trong lòng tâm trạng phấn khởi và cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.

(Nguồn: http://svgiaotinhhanoi.com)
 
Đại hội Giới Trẻ lần III tại giáo phận Đà Nẵng
Tôma Trương văn Ân
22:12 08/08/2009
ĐÀ NẴNG - Được phép của ĐGM Giáo Phận, Cha Đặc Trách Giới trẻ Bonaventura Mai Thái và Ban Mục Vụ Giới Trẻ Giáo phận Đà Nẵng, các Cha Đặc Trách Giới trẻ Giáo hạt, đã tổ chức Đại hội Giới Trẻ lần thứ III nhân Lễ Kính Thánh Đa Minh Linh Mục, tại sân nhà thờ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu.

Xem hình ảnh (Tập 1) Xem hình ảnh (Tập 2)

7 / 8 / 2009: Đại Hội Giới Trẻ khai mạc lúc 14 giờ, với chủ đề: "Chúng ta đặt hy vọng nơi Thiên Chúa Hằng Sống" ( 1 tim 4:10 ). Có hơn 1100 Bạn Trẻ của hầu hết các giáo xứ trong toàn giáo phận về dự. Các Ban Trẻ đã được học hỏi Sứ Điệp của ĐTC Bênêdicto XVI dành cho Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24, thảo luận những vấn đề của Giới Trẻ thường gặp như học hành, công việc, tình cảm gia đình… Giáo hội đặc biệt quan tâm tới Giới Trẻ và mỗi người là niềm hy vọng của Giáo Hội, xã hội. Sứ Điệp ĐTC đã mở cho mọi người thấy: tài năng, của cải, chính trị, khoa học, kỹ thuật, kinh tế … không đủ đảm bảo niềm hy vọng mà tinh thần con người luôn tìm kiếm “ chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao gồm toàn thể thực tại và có thể ban cho chúng ta điều mà chính chúng ta không thể đạt được “ ( số 31 )

Ban Tổ Chức, Cha Giám Đốc Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Quý Nữ Tu Phao Lô, Mến Thánh Giá, Giáo Xứ Trà Kiệu đã lo chu đáo từ tài liệu học hỏi, giờ Tĩnh Nguyện, ẩm thực, y tế, trang trí, âm thanh, ánh sáng, trật tự … góp phần cho sự thành công của kỳ đại hội.

19g00 – 21g00: một buổi văn nghệ thật hoành tráng, Giới Trẻ các giáo xứ đã đem những tiết mục đăc sắc ở xứ mình hợp với chủ đề Sứ Điệp hoặc Thánh Hóa gia đình Công Giáo đến góp vào đêm hội, làm cho không khí đêm Đại Hội thêm phong phú sinh động.

Sau buổi văn nghệ là giờ Tĩnh nguyện, tâm hồn các Bạn Trẻ được lắng đọng, bồi bổ nhiều Ơn Thánh Chúa.

08 / 8 / 2009: sau giờ điểm tâm, 6g30: Giới Trẻ sinh hoạt theo Giáo hạt ( bầu Ban Đại Diện Giới trẻ cấp Giáo hạt và Giáo xứ, nếu chưa có ).

9g00 sinh hoạt chung.

9g30 ĐGM Giáo phận đến trong tiếng vỗ tay giòn giã và lời ca chào mừng của đàn con với vị Cha chung. Ngài ân cần động viên khích lệ tâm huyết, nhiệt tình sức trẻ, hướng Giới Trẻ vào các công việc bác ái làm rạng Danh Chúa và Giáo Hội

10g00: ĐGM Giáo phận đã chủ sự Thánh Lễ với hơn 10 Linh Mục. Trong bài giảng, Ngài đã dẫn các Bạn Trẻ từ những ước mơ rất đời thường đến hy vọng vào đúng nơi phải đặt là Thiên Chúa Hằng Sống. Chúng ta được giáo dục bởi Hội Thánh, bởi Ơn Chúa, đó là dấu chỉ niềm hy vọng của Giáo Hội.

Sau giờ cơm trưa, 12g30 các Ban Trẻ nhận Nghi Thức sai đi Từ ĐGM, Các Bạn đã nhận thêm nguồn sinh lực từ Chúa Thánh Thần để dấn thân nhiều hơn nữa trong khả năng chuyên môn, trong mọi hoàn cảnh địa vị xã hội, can đảm rao truyền làm Khuôn Mặt Đức Ki Tô thêm Rạng Ngời giữa thế gian.

13g00 ĐGM ban Phép Lành kết thúc 2 ngày Đại Hội, Cha Đặc Trách Giới trẻ đại diện mọi người cám ơn Chúa, cám ơn ĐGM, Cha Giám Đốc TT TMTK, Quý Cha và mọi người giúp về mọi mặt cho những ngày Đại Hội thật tốt đẹp, mọi người ra về trong niềm hân hoan lưu luyến ! hẹn gặp nhau lần Đại Hội Giới Trẻ lần 4, 2010 tại Tam Kỳ ( Quảng Nam ).
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giới Trẻ hạt Văn Hạnh thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa
Ngọc Long
00:45 08/08/2009
VINH - Sự kiện Tam Tòa làm chấn động dư luận về việc nhà cầm quyền Quảng Bình đàn áp, bắt bớ tôn giáo, một hiện tượng khá lạ lùng trong một xã hội được coi là "công bằng, dân chủ, văn minh”.

Xem hình ảnh

Sự kiện Tam Tòa một lần nữa gây nên sự sôi sục căm phẫn của những ai yêu chuộng sự thật, công lý và hoà bình.

Sự kiện Tam Tòa nhắc cho những người Công Giáo nhớ rằng, họ không thể bắt tay thỏa hiệp với một chế độ bất công và gian dối để xây dựng một xã hội hòa bình, an ninh, như người ta vẫn đã lầm tưởng.

Trong những ngày này, cả thế giới đang hướng về Tam Tòa, người trẻ Hạt Văn Hạnh đang đứng cạnh Tam Tòa, thật như vậy, tiếp nối hôm chủ nhật 2/8/2009, tối thứ 6 ngày 7/8/2009, tại Quảng Trường Nhà Thờ Lớn, các linh mục, đông đảo giới trẻ và bà con giáo dân Hạt Văn Hạnh, gồm Giáo Xứ Văn Hạnh, Chân Thành, An Nhiên, Lộc Thủy, Tĩnh Giang, Xuân Tình, Hòa Thắng, Mỹ Lộc, Thu Chỉ, Trung Nghĩa cùng sự hiện diện đặc biệt của hội Dòng Mến Thánh Giá Chân Thành, với khoảng 40.000 con tim luôn hướng về Tam Tòa và họ đã thắp nến cầu nguyện một cách trọng thể cho những người bị bách hại ở nơi này.

Đúng 19 giờ, 2 ngả đường từ Lộc Thủy, Chân Thành về Văn Hạnh, từng dòng người với ánh nến rực trời đang diễu hành từ từ tiến về quảng trường nhà thờ.

Vào lúc 20 giờ, bắt đầu khai mạc giờ cầu nguyện, Cha Xứ Phêrô Nguyễn Văn Vinh đã đọc lại bài: "Bàn về tội Tam Tòa" của Luật sư Lê Quốc Quân, một lần nữa khẳng định sự vô tội của những anh chị em trong vụ việc Tam Toà. Rồi sau khi Ngài đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, Ngài quỳ gối cùng với những lời nguyện thống thiết dâng lên Thiên Chúa những anh chị em bị bách hại tại Tam Toà.

Hơn một lần, những con người vốn mịt mù về thông tin được chia sẻ và chứng kiến toàn cảnh về vụ Tam Tòa qua màn hình lớn slide đã làm cho ngàn con mắt nhỏ lệ, ngàn trái tim son sắt cậy trông, quyện hòa trong giờ cầu nguyện Taize làm cho bầu khí trầm lắng và linh thiêng nhiệm mầu

Tất cả đang phó thác cho Mẹ Maria, qua bài hát “ Mẹ Giáo Phận Vinh”: “Ôi Mẹ Maria, con xin dâng giáo phận cho mẹ. Ôi Mẹ Maria con, xin dâng Mẹ và xin giữ Tam Tòa...........”

Cả Quảng trường ngập tràn trong một bầu khí vô cùng linh liêng, với một mối hiệp thông trọn vẹn.

Thật lấy làm cảm động, mặc dù tiết trời có mưa nhưng trước sự đau thương mà anh chị em mình tại Tam Toà đang phải chịu, cộng đoàn vẫn tham dự giờ cầu nguyện cho tới khi chương trình kết thúc.

Theo thông tin từ Cha quản hạt, với thư chung của Toà Giám Mục Giáo phận Vinh thì tối ngày 8/8 sẽ có một chương trình cầu nguyện trọng thể cho anh chị em Tam Toà trong toàn giáo phận. Vì thế, các giáo xứ trong toàn hạt Vạn Hạnh sẽ tập trung về nhà thờ lớn và cùng chung lời cầu nguyện cho anh chị em tại Tam Toà

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những lời cầu nguyện của cộng đoàn nơi đây, như hương trầm bay lên trước tôn nhan Chúa. Nhờ đó, anh chị em tại Tam Toà càng kiên vững trong Đức tin và luôn làm chứng cho công lý.

Vạn Hạnh 7/8/2009
 
Khi Tam Tòa thành chứng tích tội ác
Bùi Tín
01:11 08/08/2009
Vụ Thái Hà giữa Hà Nội chưa yên, vụ Tam Tòa ở Quảng Bình lại nổ ra, lôi cuốn vào cuộc hàng 250 ngàn giáo dân thuộc vùng giáo phận Vinh xuống đường cầu nguyện.

Xin nhớ, 250 ngàn, không ít đâu, nơi chính quyền cảnh sát sợ người dân tụ tập quá 5 người! Nhiều giáo dân bị bắt, bị chửi bới, đánh đập. Hai linh mục Nguyễn Đình Phú và Ngô Thế Bính bị đánh trọng thương trước con mắt "vô tư", thực tế là khuyến khích của nhân viên công an. Bộ Chính trị vội cử ủy viên Bộ Chính trị kiêm phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào nắm tình hình và giải quyết. Nhưng sự việc rất phức tạp và rối rắm.

Từ đâu nổ ra vụ căng thẳng và xung đột giữa chính quyền và giáo dân ở đây?

Thị xã Đồng Hới là tỉnh lỵ của miền Bắc gần giới tuyến 17 nhất trong chiến tranh. Những năm 1967, 68 và 1972 nhiều cuộc ném bom đã phá huỷ một phần nhà thờ Tam Tòa nằm trong thị trấn, tháp chuông bị sập.

Từ khi hòa bình trở lại, mong muốn của tòa giám mục Vinh cai quản cả vùng này và của giáo dân Đồng Hới - Quảng Bình là sớm xây dựng lại hoàn toàn nhà thờ Tam Tòa to đẹp hơn, ngay trên mặt bằng cũ mà bà con coi là đất Chúa rất thiêng. Nơi đó lại rộng rãi, thoáng đãng, cảnh đẹp, bên dòng sông Nhật Lệ.

Tôi đã đi quá đó nhiều lần, khi Đồng Hới còn là thị trấn nhỏ, vắng vẻ, dân đi sơ tán lên phía ga Thuận Lý, lên vùng chân núi xa. Tôi biết rõ là sau 30-4-1975, chính quyền không muốn dân công giáo từng "sơ tán" trở về lại nơi ở cũ quanh Tam Tòa. Mang bản chất cộng sản vô thần, họ vẫn nhìn bà con công giáo với con mắt hẹp hòi, đố kỵ.

Từ năm 2000, sau khi Đồng Hới được đề bạt lên là Thành phố, với đề án đô thị mới, họ càng không muốn một nhà thờ Công giáo trở thành một kiến trúc to đẹp, nổi bật bên dòng sông Nhật Lệ.

Do đó các ông quan cộng sản địa phương - tuyên giáo, công an, Ban Tôn giáo - liền nghĩ ra mưu kế: Phong nhà thờ Tam Tòa thành "Chứng tích Tội ác Chiến tranh của đế quốc Mỹ", để không ai được xâm phạm, để không cho giáo dân san mặt bằng, xây dựng lại tại chỗ nhà thờ Tam Toà mới to đẹp hơn xưa. Chính quyền còn chỉ ra 5 chỗ xa xôi, ẩn dật, hoang vắng cho bà con công giáo "tha hồ" chọn! Xảo trá tận cùng!

Theo tôi, trên đây là một quyết định "dở hơi", rất xấu, không hợp pháp, nên vô giá trị.

Vì theo Luật về di tích cần bảo tồn, các di tích lịch sử, văn hoá, chiến tranh...đều phải do Bộ Văn hoá nghiên cứu, đề nghị chính thức bằng văn bản, kèm hồ sơ, được Quốc hội hoặc Ban Thường vụ Quốc hội bàn luận, thông qua, rồi được chính phủ ra quyết định, từ đó mới có giá trị thi hành.

Nhà thờ Tam Toà không ở trong trường hợp như vậy. Các vụ ném bom ở đây của máy bay Mỹ thực hiện khi Đồng Hới đã sơ tán triệt để, thành thị trấn chết, nên không gây thương vong đáng kể, do đó việc bảo tồn thành chứng tích chiến tranh điển hình là khiên cưỡng, khó có tính thuyết phục.

Vậy sao không giữ cầu Long Biên giữa Hà Nội bị sụp đổ vì bom, cả một đoạn phố Khâm Thiên sầm uất bị bom B52 rải thảm, hay Bệnh viện Bạch Mai bị đánh sập hẳn 2 dãy phòng bệnh nhân hồi tháng 12-1972 làm chứng tích tội ác chiến tranh, còn có ý nghĩa xác đáng hơn nhà thờ Tam Toà nhiều!

Rõ ràng cái quyết định phong Nhà thờ Tam Toà thành "Chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ" chỉ là một cái cớ, một "sáng kiến" u tối, một mưu thâm mà dại, sinh ra từ một não trạng "cộng sản u mê" tuân theo lời Lénine coi "mọi tôn giáo là thuốc phiện, có hại cho xã hội, cần xoá bỏ, bóp chết". Họ muốn Cộng sản là tôn giáo duy nhất.

Các nhà cầm quyền địa phương chỉ muốn phá đám, ngăn cản bà con giáo dân và giáo hội Công giáo có quyền sở hữu chính đáng miếng đất đẹp vốn là sở hữu của họ, để xây dựng lại nhà thờ của họ, theo nguyện ước và niềm tin thiêng liêng của họ.

Điều xảo trá đáng vạch rõ và lên án nhóm chính quyền địa phương được Bộ Chính trị ở Hà Nội che chở tiếp tay là những quan chức này đã lấy bom Mỹ làm cái cớ (!) để cứu nguy, đã nhờ bom Mỹ (!) để trốn tránh trách nhiệm, để ẩn mình.
 
Tòan thể các giáo xứ trong giáo phận Vinh tiếp tục việc hiệp thông và cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa
PV Xã Đoài
03:43 08/08/2009
TGM XÃ ĐOÀI - Qua cuộc họp mở rộng ngày 6 tháng 8 năm 2009 vừa qua liên quan đến Tam Toà, Giáo Phận Vinh thống nhất những việc làm cụ thể như sau:

  • Tối thứ 7 (8/8/09): tất cả 178 giáo xứ trong giáo phận dâng lễ và sau thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho Tam Toà.
  • Tuần cửu nhật kính Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, bổn mạng Giáo Phận, mọi giáo dân dâng nhiều hy sinh, việc lành, ăn chay, cầu nguyện cho Tam Toà và giáo dân Quảng Bình.
 
Nhà nước CSVN đang cho thi hành chính sách bắt tổ chức tôn giáo mỗi năm phải khai báo và qui phục UBND Xã
Tin Việt Nam
05:31 08/08/2009
Sau đây là một bản văn tiêu biểu kìm kẹp và khống chế tôn giáo: người tín ngưởng phải tưởng niệm và tôn vinh liệt sĩ, "xã có quyền trục xuất cơ sở tôn giáo ra khỏi địa bàn"...





 
'Cần đối thoại tôn giáo'
BBC/Quốc Phương
14:46 08/08/2009

'Cần đối thoại tôn giáo'



Giáo dân giáo phận Vinh cầu nguyện cho Tam Tòa
Một chuyên gia tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc nhà nước và các giáo hội cần ngồi xuống cùng nhau để giải quyết gốc rễ các vấn đề về quan hệ nhà nước và tôn giáo do lịch sử để lại và bàn thảo về tương lai.

Ông Trương Hải Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, nói với BBC Việt ngữ hôm 06/8/2009 rằng có ít nhất hai hệ luỵ chính từ lịch sử phải giải quyết thấu đáo:

"Thứ nhất, đó là vấn đề đất đai, cơ sở vật chất của các giáo hội từ trong quá khứ để lại và thứ hai là hệ lụy tâm lý ‘mặc cảm’ trong quan hệ nhà nước với một số tôn giáo và giữa các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam."

Các vụ việc diễn ra liên tục thời gian qua giữa khối Công giáo La Mã và cả một số hệ phái của Phật giáo với chính quyền tại các địa phương từ Bắc chí Nam đặt ra câu hỏi có điều gì không ổn trong quan hệ chính quyền và các giáo hội.

Về hệ lụy thứ nhất, liên quan các diễn biến Giáo hội Công giáo đòi đất qua trong ba vụ điển hình là Nhà Chung, Thái Hà và mới nhất là Tam Toà, ông Cường cho biết:

"Trước hết đây là cả một vấn đề thuộc về lịch sử, nhất là quan hệ tôn giáo với nhà nước mà lẽ ra chính quyền phải gỡ sớm hơn từ trước."

"Từ xưa vốn dĩ đã có các vấn đề này rồi, nhưng trong bối cảnh chính sách đất đai phức tạp hiện nay, những vấn đề bức xúc kéo theo, đã nảy sinh các vụ xung đột này và kể cả ở một số nơi khác."

‘Mặc cảm với Công giáo’

Về vấn đề thứ hai được coi có tính phức tạp kéo dài, vẫn chuyên gia Trương Hải Cường, người tham gia hội đồng tư vấn về các vấn đề tôn giáo ở nhiều cấp, cho hay:

"Nơi này, nơi kia, người ta vẫn có tâm lý ‘mặc cảm’ với Công giáo, mặc dù pháp luật quy định Nhà nước đảm bảo quyền tự do, đối xử bình đẳng với mọi tôn giáo, tín ngưỡng."

Trước dấu hiệu cho thấy quan chức lãnh đạo địa phương phản ứng mạnh và nhanh chóng, điều lực lượng an ninh vào cuộc mỗi khi thấy có cầu nguyện đông người của tín đồ Công giáo, chuyên gia Trương Hải Cường nói thêm:

Mặc cảm ở đây là một số cán bộ, nhất là ở cấp địa phương còn chưa thông hiểu đầy đủ về Công giáo, nên chưa mạnh dạn thực hiện theo pháp luật, hoặc thực hiện thiếu nhất quán."

"(Điều này) dẫn tới việc người dân một số nơi đặt ra câu hỏi, ví dụ, tại sao xin đất xây chùa ở một số nơi lại dễ hơn, thuận lợi hơn xin đất xây nhà thờ bên Công giáo."

Ông Cường cũng cảnh báo về hệ quả và xu hướng các các diễn biến các vụ tranh chấp liên quan tới tôn giáo trong nước hiện nay:

Giáo hội và nhà nước, cả hai bên, cần phải nghiêm túc ngồi lại với nhau để bàn về các vấn đề hiện tại, quá khứ, kể cả hướng tới tương lai để có sự thông hiểu và đồng thuận

"Hiện có một số quan ngại rằng cách giải quyết vấn đề hiện nay ở một số nơi, đương nhiên được thực hiện theo pháp luật của Nhà nước, vẫn có thể phần nào dẫn tới việc gây mất đoàn kết lương - giáo."

Ông đưa ra ví dụ cụ thể như "chúng tôi theo dõi được là việc một số giáo dân trong vụ Tam Toà đi hiệp thông đã bị người dân bên lương, bán hàng quán ở dọc đường đi, tại một số địa điểm, từ chối bán hàng cho."

Bàn về giải pháp cho các vấn đề, ông Trương Hải Cường nói:

"Cho nên tôi nghĩ, giáo hội và nhà nước, cả hai bên, cần phải nghiêm túc ngồi lại với nhau để bàn về các vấn đề hiện tại, các vấn đề quá khứ để lại và kể cả hướng tới tương lai để có sự thông hiểu và đồng thuận."

"Hiện có hơn 6 triệu đồng bào tôn giáo. Các tôn giáo khác người ta nhìn vào đó, người ta cũng có thể sẽ so bì và đặt ra các câu hỏi."

Ông thừa nhận việc nhiều địa phương chưa làm tốt việc "kiên trì tuyên truyền, vận động trước, rồi mới đưa luật pháp ra sau".

Đảng cũng phải thay đổi

Chuyên gia tin rằng các vấn đề đất đai, cơ sở vật chất lưu tồn tới nay của các giáo hội đã tới lúc cần được đàm phán

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại cũng đề cập tới viễn cảnh về xã hội dân sự ở Việt Nam và quan hệ tay ba với tôn giáo và Nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo.

"Hiện nay, vẫn chưa có quan điểm thống nhất xã hội dân sự là gì. Một số người xếp tôn giáo vào xã hội dân sự."

"Tôi thấy chưa hẳn hợp lý vì xếp tôn giáo nói chung vào xã hội dân sự thì phải xét tới tư cách về một số quyền và nghĩa vụ của xã hội dân sự của tôn giáo theo hướng đó. Nên xếp vào đâu cũng rất khó."

Đặc biệt, ông Cường cho rằng trong tương lai có thể cần xem xét lại nhận thức về vị trí của các giáo hội và đặt họ ngang với chính quyền vốn nắm quyền lực nhà nước.

Nhiều định nghĩa trên quốc tế thừa nhận giáo hội có quyền lực tinh thần.

Vẫn ông Cường, người từng có nhiều năm nghiên cứu về các lý thuyết Marxist về tôn giáo và chủ nghĩa vô thần khoa học, nói:

Xu hướng vai trò xã hội dân sự chắc chắn sẽ nhiều lên. Đảng cộng sản có ngại hay không còn phụ thuộc vào chính đảng Cộng sản, nghĩa là đảng cũng phải đổi mới.

"Theo tôi, các tổ chức xã hội của tôn giáo, như các hội đoàn, các dòng tu tham gia hoạt động xã hội của tôn giáo có thể xếp vào xã hội dân sự. Còn tổ chức tôn giáo với tư cách là giáo hội không thuộc về xã hội dân sự."

"Vì giáo hội là tiểu hệ thống thuộc thượng tầng kiến trúc và xét ở khía cạnh đó nó cũng như nhà nước, tức là vị trí ngang bằng."

Trước câu hỏi liệu Đảng Cộng sản có ngại vai trò và xu hướng của xã hội dân sự, cùng vị trí của tôn giáo và các nhóm lợi ích, đảng phái chính trị có nguồn gốc tôn giáo hoặc có sự hậu thuẫn của các giáo hội trong tương lai hay không, ông Trương Hải Cường nhận định:

"Xu hướng vai trò xã hội dân sự chắc chắn sẽ nhiều lên. Đảng cộng sản có ngại hay không còn phụ thuộc vào chính đảng Cộng sản, nghĩa là đảng cũng phải đổi mới."

"Đổi mới về tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo và đồng thời nhà nước cũng phải có một hệ thống luật pháp, để các tổ chức, thể chế hoạt động theo đúng hiến pháp và pháp luật."

Trong khi đang có những lo ngại về tranh chấp không gian công, một hình thức của việc giành quyền kiểm soát và tác động đến các khối dân chúng đông đảo giữa một số giáo hội và nhà nước do đảng Cộng sản nắm tại Việt Nam, ông Cường cho rằng không có gì phải lo ngại:

"Tranh chấp về quyền lực, theo tôi, không phải là cái ngại lắm. Mà cái chính lúc đó là liệu có quản được nữa hay không, mà quản tức là đảm bảo được cái quyền tự do theo đúng luật pháp của các chủ thể đó. Ở điểm này, hiện nay tôi thấy chưa có đủ bối cảnh và yếu tố pháp lý," - ông Cường nói với BBC.

Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên nghiên cứu các vấn đề về tôn giáo theo hướng cơ bản, ứng dụng và dự báo; đặc biệt khảo sát tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, qua đó hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu chính sách về tôn giáo học.
 
Ý kiến độc giả phát biểu trên BBC về bài ''cần đối thoại tôn giáo''
BBC
15:19 08/08/2009
Nhiều cụ lão thành ở Hà Nội rất bực mình với việc tuyên huấn Đảng cho phép một số công chức trong các chi bộ đóng vai Phật tử để tấn công, mạt sát người Công giáo.

Chúng ta biết rằng phương pháp chia để trị là rất nguy hiểm cho Đất Nước. Đảng không thể vì quyền lợi riêng tư của Đảng hay một số phe phái trong Đảng mà hy sinh sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

Và sự kiện nhà thờ Tam Tòa là một điển hình cần được sửa ngay. Trước đây các cụ cũng đã góp ý phê phán ông Phạm Gia Khiêm, và từ đó nền ngoại giao nước ta tiến đến vị thế độc lập hơn với Trung Quốc.

Hoàng Việt, TP HCM

Tôi rất cảm ơn ông Cường đã có những nhận định thấu đáo về tình hình tôn giáo hiện nay ở Việt Nam.

Về sự hệ lụy của lịch sử để lại trong vấn đề đất đai của tôn giáo, vấn đề này giải quyết rát đơn giản.

Quan trọng là nhà nước có tâm trong chuyện này không? những gì thuộc về lịch sử thì nên trả lại đúng giá tri của nó, nhà nước không nên thâu tóm.

Từ Thái Hà, Nhà Chung rồi Tam Tòa, chung quy chỉ là giáo dân đòi lại giá trị lịch sử, đòi lại nơi để được gửi niềm tin tâm linh thì không một lý do gì để cưỡng bức được.

Tại sao lại có sự "mặc cảm" trong quan hệ nhà nước và tôn giáo? đó là một tâm lý lo sợ của nhà nước thì đúng hơn. Bởi vì tính không minh bạch và thiếu dân chủ trong đường lối lãnh đạo của nhà nước.

Trần ngọc Thọ, Sài Gòn

Bản chất CS và tôn giáo là "như nước với lửa" cho dù CSVN có đang tự chuyển biến nhiều nhưng cốt lõi vẫn còn ở đó.

Trong thực tế xã hội thì càng ngày càng có nhiều loại mê tín phát sinh, CS âm thầm chấp nhận loại nầy và coi đó là "tự do tín ngưỡng" nhưng tôn giáo đích thực thì tự nó phải đi vào tổ chức khuôn mẫu, cái mà CS rất sợ họ sẽ bị hao mòn quyền lực!

Vấn đề "quyền" thì CS đang nắm trọn quyền lực và quyền lợi! Quyết bảo vệ thứ "quyền" nầy thì đương nhiên phải có xung đột!

Do đó nếu CS không thực tâm sợ họ bị giảm mất "quyền" thì cái gọi là "đối thoại" mới thực sự xảy ra!

Maida

Tôi đồng tình ý kiến của tác giả là nhà nước và công giáo cần đối thoại với nhau. Tác giả có nêu một nhận định rất đúng là công giáo có ảnh hưởng trong một tầng lớp nhân dân nhất định và do đó có quyền lực trong nhân dân.

Trước kia, các cấp chính quyền hay chọn phương pháp đối chọi nhau khi giải quyết các vấn đề tranh chấp với công giáo.

Đây là biện pháp giống như các biện pháp được sử dụng với những người bất đồng chính kiến, không phải là biện pháp tích cực và là giải pháp đúng đắn trong giai đoạn lịch sử nhân loại chống khủng bố và đối thoại tích cực này.

C.N.V.H, Hà nội
 
Cộng đoàn Giáo Phận Vinh tại Hà Nội cầu nguyện cho Giáo Xứ Tam Tòa
CĐ Vinh Hà Nội
17:30 08/08/2009
HÀ NỘI - Trước những hành động bạo ngược của nhà cầm quyền Quảng Bình đối với giáo dân, Linh mục và tài sản Giáo hội tại nhà thờ Tam Tòa, toàn thể các bạn trẻ - những người con xa quê của Giáo phận Mẹ yêu quý nhận thấy mình cần lên tiêng, cần phải hành động.

Bất công và dối trá được tung hô còn sự thật bị che đậy và những ai ra sức bảo vệ cho công lý bị chụp mũ là phản động: đó là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đang diễn ra hiện nay, và gần đây nhất là tại giáo xứ Tam Tòa, Gp Vinh.

Cùng với niềm xác tín rằng “tất cả chúng ta đều là anh em với nhau”, Cộng đoàn tín hữu Giáo phận Vinh tại Hà nội đã hợp nhau, hiệp dâng Thánh lễ tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp, Dòng Chúa cứu thế – Giáo xứ Thái Hà để khai mạc chương trình cầu nguyện trọng thể - cầu bình an cho Giáo Phận Vinh trong cơn thử thách, trong tâm tình hiệp thông, cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa và toàn thể những con người thấp cổ bé miệng đang ngày đêm khao khát ánh sáng chân lý.

Trong bài giảng lễ, cha Chủ tế gợi mở những tâm tình sâu sắc. Ngài giúp các bạn trẻ hiểu rõ về 3 lớp người bị Chúa Giêsu khiển trách: những kẻ “biến đền thờ Cha ta thành hang trộm cướp”, những kẻ đạo đức giả mà Chúa gọi là những “mồ mả tô vôi” và những người cản bước Ngài trên nẻo đường rao giảng Tin Mừng. Sau khi nhắc nhở các bạn trẻ chúng ta phải sống cố gắng để tránh không trở thành những người bị Chúa Giêsu trách mắng, cha nhấn mạnh rằng “dù trách mắng nhiều khi rất nặng, nhưng Chúa Giêsu chỉ làm vì tình thương”. Từ đó cha mời gọi chúng ta cần phải biết cầu nguyện không chỉ cho anh chị em giáo dân Tam tòa mà còn cho những người đang ra tay bắt bớ chúng ta bởi vì chúng ta lên án tội ác nhưng không kết án tội nhân.

Sau Thánh lễ, một đại diện của Cộng đoàn đã tóm tắt lại quá trình sự việc ở Tam Tòa và mời gọi cộng đoàn tham gia giờ cầu Taize tại đền Đức Mẹ. Lời nguyện cầu trong ánh nến linh thiêng giúp các bạn trẻ nhận biết rằng chúng ta đang cùng “chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa” để “giữ vững đức tin” dù có phải “chạy đến cùng đường” nhằm giành cho được “triều thiên công chính”. Sẽ còn đó nhiều những áp bức bất công như lời Chúa Giêsu đã nói: “Thầy sai anh em đi như chiên con vào bầy sói” nhưng chúng ta sẽ chiến đấu với niềm tin chắc thằng rằng “sự thật sẽ giải phóng chúng ta”. Vũ khí xông trận không phải là súng đạn, nhưng là lời cầu nguyện sốt sắng. Và tối nay, các bạn trẻ chúng ta hợp lòng nguyện xin Thiên Chúa quan phòng, gìn giữ giáo dân và Giáo phận luôn bền đỗ trong Đức tin vào Chúa Ki tô chịu đóng đinh và phục sinh và cầu nguyện cho nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình biết sáng suốt trong những quyết định của mình. Cũng trong lời kinh nguyện, chúng ta tin rằng Chúa sẽ soi sáng để chúng ta có những hành động hợp lý để cho công lý được toàn thắng và nền hòa bình được viên mãn.

Cộng đoàn Giáo Phận Vinh tại Hà Nôi, ngày 7 tháng 8 năm 2009
 
Giáo dân Xứ Thượng Lộc thắp nến cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa
Jos Trần Huyên
17:51 08/08/2009
VINH - Hôm nay,cùng với toàn thể 178 giáo xứ trong giáo phận, Giáo xứ Thượng Lộc thuộc giáo hạt Xã Đoài là một giáo xứ còn non trẻ vừa mới thành lập được gần một năm. Từ khi còn là một giáo họ, Thượng Lộc đã luôn gắn bó sâu săc với những hoạt động trong nhưng vấn đề của Giáo Phận nhà. Với gần 2000 giáo dân, Giáo xứ Thượng Lộc đang là một Giáo Xứ đầy tiềm năng trong sụ phát triển về đức tin, giáo dục giới trẻ và đào tạo ơn gọi.

Cùng chung một niềm đau với toàn Giáo Phận và đặc biệt là anh chịn em Giáo Xứ Tam Tòa nói chung, nhất là những giáo dân đang bị công an Quảng Bình bắt giữ và đánh đập nói riêng. Giáo Xứ Thượng Lộc cùng với tất cả các Giáo xứ trong toàn thể Giáo Phận Vinh thắp nến cầu nguyện cho anh chị em Giáo Xứ Tam Tòa.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu ban bình an, hòa bình, công lý và sự thật xuống trên quê hương chúng con cách riêng và toàn thế giới. Xin Chúa Thánh Linh động viên, an ủi, che chở và nâng đỡ quê hương Việt Nam.

 
Chúa Giê-su Bánh Hằng Sống, Lương thực chính yếu của Các Vị Tử Đạo
Trần Giang
18:03 08/08/2009
Vũ khí chính của giáo dân giáo phận Vinh khi hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em ở Tam Tòa không phải là biểu ngữ cờ xí băng rôn ngợp trời, nhưng chính là Thánh Thể

"Ta là Bánh hằng sống"

Từ khi Chúa Giê-su về trời cho tới khi Người sẽ trở lại trong vinh quang để kết thúc lịch sử loài người và phán xét kẻ sống và người chết như niềm tin được tuyên xưng của người Ki-tô hữu trong kinh Tin Kính, những người tin vào Chúa Giê-su vẫn hằng phải bước đi trong gian khó và bị bách hại theo đúng những gì Người đã nói trước: Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em (Ga 15,20).

Những gì anh chị em Ki-tô hữu phải chịu đựng hằng ngày tại Trung quốc, Ấn Độ, các nước theo Hồi giáo đã minh chứng cho điều này. Ki-tô hữu tại Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ đó.

Người bên ngoài dễ cho rằng Giáo dân Thái Hòa lúc trước và Tam Tòa hiện nay đang đi đòi những miếng đất có giá trị cao. Thật ra, họ chỉ muốn đi dựng lại một nơi thờ phượng đã bị tước đoạt một cách bất công. Đối với người Công giáo, đỉnh cao của một nơi thờ phượng không thể là gì khác ngoài việc cử hành Thánh Thể..

Thánh Cyprian tuyên bố về tầm quan trọng của Thánh Thể đối với những ai đang phải đối mặt với tử đạo. Ngài cũng nói về bổn phận của Giám mục phải ở lại cùng với đàn chiên trong giai đoạn bách hại.

Không phải cho người chết, nhưng cho người đang sống mà chúng ta phải ban phát Thánh Thể, để cho họ khi lâm trận không bị rơi vào tình trạng trần truồng, không được võ trang, nhưng được củng cố sức mạnh bởi sự chở che của Mình và Máu Chúa Ki-tô. Bởi vì mục đích của Thánh Thể là bảo vệ những ai đón chịu Thánh Thể, chúng ta phải cung cấp sự bảo vệ của Thánh Thể cho những ai chúng ta muốn chở che khỏi thù địch. Làm sao chúng ta có dạy bảo và khích lệ họ đổ máu ra làm chứng cho Danh Thánh Chúa Giê-su nếu khi họ chuẩn bị lên đường chiến đấu cho Người chúng ta không ban phát cho họ Máu của Người? Làm sao chúng ta có thể chuẩn bị cho đổ máu tử đạo nếu chúng ta trước hết không cho họ uống từ Chén Máu Chúa Giê-su trong nhà thờ (St. Cyprian, Epistola synodica ad Cornelium Papam, P.L., 3, 865).

Các con phải biết và phải tin chắc chắn rằng những ngày bách hại đã bắt đầu giáng xuống trên đầu các con trong thời sau cùng, thời của phản-ki-tô, để tất cả chúng ta luôn sẵn sàng đứng vững trước trận chiến, để không ai phải bận tâm về điều gì ngoài vinh quang đời đời và triều thiên được hứa ban cho những ai tuyên xưng Danh Thánh Chúa. Chúng ta đừng nghĩ rằng những cái sắp xẩy đến cũng sẽ giống như cái cũ đã qua. Sẽ còn vô cùng tệ hại và dã man hơn nơi các đòn thù giáng xuống chúng ta, những người chiến sĩ của Chúa Ki-tô. Họ phải sẵn sàng với Đức Tin tinh ròng và lòng can trường bất khuất, luôn ghi nhớ rằng lý do tại sao mỗi ngày họ uống Chén Máu Chúa Ki-tô chính là để cho họ có thể đổ máu của chính họ cho Chúa Ki-tô. Đây chính là ý nghĩa của Thánh Thể, tìm ra chính bản thân nơi Chúa Ki-tô, bắt chước lời dạy và việc làm của Chúa Ki-tô, theo như lời Thánh Gio-an Tông đồ: “Ai nói mình ở trong Đức Ki-tô phải bước đi như Đức Ki-tô đã bước đi” (1 Ga 2:6) và theo như lời Thánh Phao-lô Tông đồ khi khuyên nhủ và dạy bảo chúng ta: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8,17) (Epistola 56, P.L., 4, 350). (Có thể đối chiếu bản tiếng Anh trong The Living Bread, Thomas Merton, P. 123-124 với các attached picture files)

Mỗi khi bách bớ xảy ra các Ki-tô hữu đều chạy đến với Thánh Thể, nguồn sống và sức mạnh chính yếu của họ. Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận khi bị tù đầy mỗi ngày vẫn nhỏ lên bàn tay mình một giọt rượu nho để cử hành và đón nhận Thánh Thể vì ngoài Thánh Thể ra không có gì khác có thể tăng sức tiếp lực cho ngài đi đến cùng trong hành trình Đức Tin rất gian khó.

Vũ khí chính của giáo dân giáo phận Vinh khi hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em ở Tam Tòa không phải là biểu ngữ cờ xí băng rôn ngợp trời, nhưng chính là Thánh Thể. Người tin trên toàn thế giới cũng hiệp thông với Tam Tòa bằng Thánh Thể. Thế gian không thể hiểu được điều này.

Giáo dân Việt Nam đổ về La Vang, Thái Hà, Tam Tòa không phải để tìm điềm thiêng dấu lạ nào khác ngoài Thánh Thể được cử hành rất trang trọng tại những nơi đã có những người tin sẵn sàng đổ máu ra hòa chung với Máu của Chúa Ki-tô.

Tại các nước thực sự có dân chủ tự do, người tin không còn phải chịu cảnh bách hại thấp hèn như tại Việt Nam nhưng các nhà thờ ngày một trống vắng thưa thớt, rất nhiều nhà thờ phải đóng cửa, vì Thánh Thể không còn là nguồn sống chính cho đa số cho những người mang danh xưng Ki-tô hữu khi họ đang bị dòng đời cuốn trôi phăng đi trong những theo đuổi vật chất và lạc thú bất tận.

Xét cho cùng Chúa Giê-su vẫn ưu ái cho dân tộc Việt Nam khi chúng ta vẫn còn được diễm phúc do cha ông truyền lại: được đổ máu ra vì Người.
 
Giáo xứ Cồn Cả GP Vinh thắp nến hiệp thông với Tam Tòa và thăm Cha Bính
PV Cồn Cả
19:11 08/08/2009
KHAI MẠC: BÁT BÀI THẮP SÁNG LÊN TRONG CON

ĐK: Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời.
1. Để con hân hoan đem tin yêu đi về muôn lối, tựa như mưa tuôn mưa hồng ân Chúa trên trần đời.
2. Để con say mê tim reo vang rộn ràng đi tới. Niềm tin cao dâng ôi niềm tin thánh ân tuyệt vời.
3. Trần gian hôm nay ôi bao nhiêu mây mờ giăng lối, tựa nhưa cơn mê tầm hồn con quá xa tình người.

LỜI NGUYỆN ĐAN XEN VỚI LỜI HÁT:

1. Lời nguyện: Lạy Mẹ Maria, chúng con xin dâng cho Mẹ Đức Giám Mục Giáo Phận chúng con, cùng với các linh mục trong Giáo Phận nhất là Cha xứ kính yêu của chúng con, xin Mẹ dìu dắt và hướng dẫn các Ngài trong mọi công tác tông đồ. Xin Mẹ nhân lên số linh mục nhiệt thành và năng động, mà đoàn chiên con cái Mẹ đang cần đến. Đặc biệt, xin Mẹ thương cho cha Phaolô Nguyễn Đình Phú và cha Phêrô Ngô Thế Bình đã bị bọn côn đồ đánh đập được mau chóng bình phục.
ĐK: Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

2. Lời nguyện: Chúng con xin dâng cho Mẹ các tu sỹ nam nữ. Xin Mẹ đoái thương soi sáng tất cả mọi người biết mạnh dạn và trung kiên tiến bước trên đường tu đức. Xin Mẹ chúc lành cho mọi nổ lực của từng người, hầu mong đạt tới đích điểm mà Mẹ hằng mong chờ.
ĐK: Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

3. Lời nguyện: Chúng con dâng cho Mẹ mọi gia đình Công Giáo và tất cả mọi tín hữu trong từng lứa tuổi ở mọi địa vị trong xã hội. Xin Mẹ phù giúp bảo trợ, để ai nấy đều biết sống xứng đáng là kitô hữu, là chứng nhân đức tin, xứng danh xưng là con yêu của Mẹ. Cho đoàn con Giáo Phận luôn luôn hiệp nhất trong tình yêu Chúa và Mẹ để có sức mạnh vượt qua mọi thử thách gian nan.
ĐK: Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

4. Lời nguyện: Chúng con xin dâng cho Mẹ mọi anh chị em chưa thuộc đàn chiên Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cho tất cả được nhận biết ánh sáng đức tin, ngõ hầu tất cả cũng được hưởng no tình Mẹ ấp yêu.
ĐK: Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

5. Lời nguyện: Chúng con xin dâng cho Mẹ anh chị em giáo dân tỉnh Quảng Bình, nhất là anh chị em thuộc giáo xứ Tam Toà. Xin Mẹ giữ gìn họ qua cơn nguy kh?n, được vững lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa và Mẹ. Xin Mẹ ban cho họ được đức tin kiên vững, được bình an và ý chí kiên cường.
ĐK: Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

6. Lời nguyện: Xin Mẹ cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng công lý, sự thật, tôn trọng tự do tôn giáo, không sử dụng bạo lực để đàn áp dân lành, không xuyên tạc sự thật, không bôi nhọ tôn giáo, để xây dựng nên đất nước Việt Nam thanh bình.
ĐK: Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

KẾT: HÁT KINH HOÀ BÌNH…
 
Nghe bài hát ''Dòng Sông Nhật Lệ
Nhạc: Cúc Trắng, Thơ: Nắng Saigòn
19:37 08/08/2009