Ngày 09-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/8: Thánh Lorensô Phó Tế Tử Đạo – Suy niệm: Linh mục Giuse Vũ Nhật Thăng
Giáo Hội Năm Châu
02:25 09/08/2021

PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26

“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Đó là lời Chúa.
 
Kỳ diệu của một ký ức
Lm. Minh Anh
05:55 09/08/2021
KỲ DIỆU CỦA MỘT KÝ ỨC
“Con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con!”.

Năm 1884, một thanh niên qua đời; sau đám tang, cha mẹ anh quyết định làm một cái gì để có một ký ức về anh. Với suy nghĩ đó, họ đến gặp Charles Eliot, hiệu trưởng Đại học Harvard. Eliot đón đôi vợ chồng nhỏ thó khiêm tốn vào văn phòng; họ bày tỏ ước muốn tài trợ một cái gì đó để có một ký ức về con. Eliot sốt ruột nói, “Có lẽ hai người đang nghĩ đến một học bổng?”. “Chúng tôi đang nghĩ về một thứ gì đó quan trọng hơn thế…”, người phụ nữ trả lời. Với giọng điệu kẻ cả, Eliot gạt sang một bên và không muốn nghe nữa. Cặp đôi rời đi. Năm sau, Eliot biết rằng, hai vợ chồng đơn sơ này đã đi nơi khác và thành lập một ‘đài tưởng niệm’ trị giá 26 triệu đô la, mang tên Đại học Leland Stanford Junior; ngày nay, được biết đến nhiều hơn với cái tên Stanford!

Kính thưa Anh Chị em,

Eliot đã đánh mất một cơ hội lớn, một ký ức lớn với hai con người nhỏ bé này! Thú vị thay, phép lạ nhỏ, ký ức lớn! Đó cũng là trải nghiệm quý báu của Phêrô trong Tin Mừng hôm nay. Một khi thấy cần, Thiên Chúa sẽ làm mọi cách để củng cố niềm tin của một ai đó; cách của Ngài có thể là một phép lạ lẫy lừng công khai, nhưng cũng có thể chỉ là một ký ức riêng tư. Tuy nhiên, đó vẫn là một phép lạ của ân sủng biến đổi, là ‘kỳ diệu của một ký ức’ vốn có thể biến đổi một con người!

Sau lần tiên báo thứ nhất về cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giêsu thấy các môn đệ xao xuyến; Ngài đã đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi, biến hình trước mặt họ. Cũng thế, hôm nay, sau lần tiên báo thứ hai về tương lai xám xịt đó, Ngài muốn Phêrô có thêm một trải nghiệm khác, một trải nghiệm khả dĩ sẽ biến đổi Phêrô tận căn; để nhờ xác tín, Phêrô chăm sóc đoàn chiên Ngài.

Thử tưởng tượng, mỗi người chúng ta là Phêrô! Cảm xúc của chúng ta sẽ thể nào khi vâng lời Thầy, chúng ta vác câu ra biển và tự hỏi, liệu lời Thầy có hiện thực không. Như Phêrô, chúng ta thả câu, lòng đầy hy vọng và phấn khích; kìa, con cá đầu tiên cũng là con cá duy nhất được câu đang ngậm trong miệng một đồng tiền! Quả đúng như lời Thầy! Phêrô đã phải ngộp thở và kinh ngạc. Chúa Giêsu có vô vàn cách để có lấy một đồng tiền, nhưng Ngài muốn Phêrô trở lại nghề cũ để bắt cá trong một trạng thái và tâm tình chưa bao giờ có; ngõ hầu từ đây, Phêrô có một ký ức tuyệt vời về người Thầy của mình. Chính sự ‘kỳ diệu của một ký ức’ sẽ thay đổi hẳn Phêrô. Đây là một ký ức không thể nào quên, một ký ức diệu kỳ vốn đã xua tan nỗi sợ vốn đang ám ảnh Phêrô bởi tương lai chết chóc của Thầy. Phêrô cần thêm ân sủng của phép lạ cá nhân này để có thể vượt qua nỗi sợ và cuộc chiến của mình; để từ đó, đặt tất cả tin cậy của mình vào Thầy. Trong thư thứ hai, Phêrô sẽ kết luận, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Ngài”. Vì vậy, mọi điều Ngài nói, chúng ta cần phải tin nhận và xác tín! Thật là một kết luận tuyệt vời.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Môisen kêu gọi con cái Israel phải phụng sự và yêu mến một mình Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện những phép lạ hiển hách cho dân, “Ngài đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp mà mắt các ngươi đã xem thấy!”. Cả dân tộc đã xem thấy, mỗi người đã xem thấy, và cả một thành đô đã xem thấy; đồng thời, hãy nhớ lại những kỳ công Ngài đã làm suốt hành trình 40 năm trong sa mạc. Để từ đó, cùng với thành đô Thiên Chúa, họ cất cao, “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Anh Chị em,

Như Phêrô, như dân Israel xưa, mỗi người chúng ta cũng đã trải qua những biến cố, những chuyện vui buồn kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho gia đình mình hay chính bản thân. Đó là những điều Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn mỗi người hầu chúng ta thực hiện những nhiệm vụ Ngài mong đợi; như Phêrô với đoàn chiên hay tôn thờ một mình Ngài như dân Chúa xưa. Những ngày đầy sầu buồn, hoang mang và sợ sệt này cũng là những ngày Thiên Chúa đang ghi vào lòng chúng ta những ký ức cần thiết. Ước mong sao, chúng ta đọc được những dấu chỉ và ý muốn của Ngài để thi hành! Nếu có con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy những hành động nhỏ bé của Ngài trong cuộc đời của chúng ta ngay hôm nay. Thật đáng kinh ngạc, đó là ‘kỳ diệu của một ký ức!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những phép lạ nhỏ bé mà Chúa chỉ muốn cho một mình con thấy; đó là có thể là sự ‘kỳ diệu của một ký ức’ có sức biến đổi cuộc đời con, ngay hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cải tổ định chế tùy thuộc cải tổ cá nhân
Vũ Văn An
01:08 09/08/2021
Những phanh phui gần đây về tác phong không chính đáng của hàng giáo sĩ khiến nhiều người Công Giáo nản lòng. Rất nhiều các giải pháp đã được đề nghị. Nhưng nhiều nơi và nhiều người chú trọng đến các khía cạnh định chế nhiều hơn mà quên phần con người. Francis X. Maier là chuyên viên nghiên cứu cao cấp về Công Giáo học tại Trung Tâm Đạo đức học và Chính sách Công đồng thời là phụ tá nghiên cứu cao cấp về Hiến pháp học tại Đại Học Notre Dame, trên First Things tuần này (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2021/08/looking-back-to-think-forward), có cái nhìn khác thế khi đọc ba nhà cải cách Công Giáo cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16: Girolamo Savonarola, John Colet, và Egidio da Viterbo. Cả ba đều là linh mục. Mỗi người đều thấy nhiều sự thật không vui của đời sống Kitô giáo thời họ: tự mãn, tẻ nhạt, giả hình và sa đọa. Mỗi người đều cảnh cáo sẽ xẩy ra hỗn loạn nếu nhu cầu cải cách bị cả hàng ngũ giáo dân lẫn giáo sĩ làm ngơ. Và cả ba đều thấy lời cảnh cáo của họ không được ai lắng nghe cả.



Savonarola, một vị giảng thuyết dòng Đa Minh tại Florence, là người nổi tiếng nhất trong ba vị và là người gây nhiều vấn đề hơn cả. Cho đến nay, di sản của ngài, thánh thiện hay lạc giáo, nhà chính trị hoạt đầu hay nhà tiên tri thánh thiện, còn đang được tranh cãi. Có điều năm 1497, cha bị rút phép thông công, rồi bị treo cổ và xác bị thiêu đốt năm 1498.

Một chi tiết gây bối rối: Alexăng VI, vị Giáo Hoàng kết án ngài, được xếp vào hàng các Giáo Hoàng tồi tệ nhất trong lịch sử; mà các bài giảng của Savonarola lại thường xuyên nhắm vào sự xấu xa của vị này. Nhà sử học lỗi lạc của Đại Học Fordham, John Olin, mô tả vị tu sĩ Dòng Đa Minh này như “một nhà cải cách tôn giáo chân chính... mà mục đích đầy ám ảnh là phục hồi nhân đức Kitô giáo và canh tân đời sống Kitô hữu” vào thời khủng hoảng. Cuốn sách năm 1495 “Bài giảng Canh tân” về việc cải cách đời sống Công Giáo là điển hình có tính cổ điển về phong thái nẩy lửa của ngài. Án phong thánh của ngài vẫn còn đó, chưa bao giờ bị đóng cả.

Colet và Egidio cũng kêu gọi cải cách bằng những lời lẽ vẫn có sức mạnh sau 5 thế kỷ. Colet rao giảng sự cần thiết phải hoán cải cho các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh vào năm 1512. Chỉ hai tháng sau, Egidio đã đưa ra một lời kêu gọi tương tự tại Công đồng Lateran thứ năm. Ngài cảnh cáo rằng “trừ khi nhờ Công đồng này... chúng ta buộc lòng ham muốn đầy tham lam của mình đối với những điều thuộc con người, nguồn gốc mọi tệ nạn, phải nhường chỗ cho tình yêu những điều thuộc Thiên Chúa, mọi sự sẽ kết thúc với Kitô giáo, [và] mọi sự sẽ kết thúc với tôn giáo... vì sự lơ là của chúng ta”.

Công đồng đã thực hiện một nỗ lực cải cách vụng về với một văn kiện vào năm 1514. Nỗ lực này quá ít, quá muộn màng. Martin Luther đã cho công bố 95 luận đề của mình chỉ ba năm sau đó.

Những gì xảy ra sau đó là điều có thể đoán trước được. Như nhà sử học của Đại Học Yale, Carlos Eire, đã viết:

“Sự phân mảnh của Kitô giáo là hiệu quả tức thời và lâu dài nhất của cuộc Cải cách. Sự tróc mảnh này, cùng với sự đa dạng các giáo hội và thế giới quan do nó tạo ra, đã thay đổi hoàn toàn nền văn minh phương Tây, tạo ra những không gian lớn và nhỏ để mọi lực lượng thế tục hóa vốn có tràn vào. Cuối cùng, các lực lượng khác này tăng lên cả về sức mạnh lẫn khối lượng... và chúng tràn lan từ những không gian này... biến nơi trước đây vốn là lục địa của thế giới Kitô giáo thành một quần đảo đơn thuần được bao bọc bởi làn sóng chủ nghĩa thế tục và bất tín rộng lớn và ngày càng dâng cao”.

Như những người khác đã nhận định, hố ngăn cách thập niên 1500 với ngày nay rất lớn và lịch sử không bao giờ thực sự lặp lại chính nó. Nhưng bản chất con người, và các khuôn mẫu suy nghĩ và hành vi đánh dấu nó, luôn tự lặp lại. Do đó, nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ có thể giúp chúng ta suy nghĩ về những thách thức của thời hiện tại và tương lai.

Trong Giáo Hội Công Giáo, như Colet đã nhấn mạnh, không có cuộc cải cách lâu dài nào có thể xảy ra nếu không có sự cam kết trong trắng đối với Tin Mừng từ phía các giáo sĩ. Các linh mục mang đặc ân và gánh nặng của thẩm quyền mục vụ. Hầu hết giáo dân yêu quý linh mục của họ, và điều này đúng. Maier đã thấy điều này được lặp đi lặp lại trong suốt 27 năm phục vụ giáo phận. Họ theo chân các linh mục thánh thiện hầu như ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ giá nào.

Nhưng không có gì tha hóa các giáo dân trung thành một cách chắc chắn hơn khi hàng giáo sĩ vi phạm phẩm giá của ơn gọi mà họ được gọi. Nó cấp giấy phép cho các yếu đuối và tội lỗi xấu xa của chính chúng ta — bất cứ cớ để cáo lỗi nào cho các thất bại của chúng ta đều luôn được hoan nghênh — và nó củng cố kẻ hoài nghi trong chủ nghĩa hoài nghi của họ. Xin trích dẫn đức khôn ngoan của Thánh Gioan Vianney: các linh mục tồi, thì các giáo dân tồi hơn. Đây là lý do tại sao các báo cáo về hành vi sai trái của linh mục, bất kể là tình dục hoặc điều khác, có thể gây tổn hại đặc biệt.

Tuy nhiên, trước khi phàn nàn về tội lỗi của các linh mục, chúng ta, những người theo đạo Công Giáo nên nhìn vào gương soi. Phép Rửa buộc chúng ta can dự vào sự lành mạnh của đời sống Công Giáo. Chúng ta đang sống trong thời đại vốn tôn vinh ơn gọi của người giáo dân và lời kêu gọi nên thánh phổ quát. Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng giáo dân không chỉ đơn giản là “cộng tác viên” hoặc tín đồ trong sứ mệnh tin mừng, nhưng hoàn toàn cùng chịu trách nhiệm đối với đời sống của Giáo hội.

Nói cách khác, chúng ta là thời đại. Chúng ta tạo ra thời đại. Và nếu thời đại xem ra gặp khó khăn, gánh nặng sửa chữa nó - và trách nhiệm giúp tạo ra nó- cũng đổ lên đầu chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa giám sát ngày càng “hậu Kitô giáo”, càng thù địch mà chính chúng ta đã giúp xây dựng nên qua các thèm muốn và xao lãng của chúng ta. Chúng ta củng cố nó mỗi khi chúng ta đồng ý với quy định "tư riêng" của một ứng dụng liên mạng. Nếu các giáo sĩ Do Thái, các thừa tác viên và các linh mục có thể bị tống cổ vì tình dục hoặc các nhà ngoại giao bị tống tiền bởi việc lục lọi dữ kiện về hành vi bất chính của họ, thì bất cứ ai đọc những dòng này cũng có thể bị như vậy. Trong thế giới ngày nay, không có gì là bí mật đáng tin cậy và sự trong sạch không chỉ là một điều đức hạnh. Đó là điều cần có thông minh (để bảo vệ).

Các cố gắng ngày nay nhằm đào tạo các nhà lãnh đạo tốt hơn cho Giáo hội, quản lý các nguồn lực của Giáo hội một cách hữu hiệu hơn và lập kế hoạch cho các nhu cầu của Giáo hội trong tương lai trong một thế giới không thân thiện là điều vô cùng quan trọng. Nhưng như học giả dòng Biển Đức, Jean Leclercq, đã từng nói, “không thể có cuộc cải tổ nào của Giáo hội nếu không có sự cải cách chính các Kitô hữu”. Điều được quá khứ dạy chúng ta một cách mạnh mẽ nhất — từ cuộc cải cách của Thánh Grêgôriô thế kỷ 11, đến các cuộc phục hưng của dòng Đa Minh và dòng Phanxicô vào thế kỷ 12 và 13, đến nỗi lo lắng của các cuộc Cải cách khác nhau ở thế kỷ 16 —là việc cải cách định chế phụ thuộc vào sự cải cách mỗi cá nhân.

Giáo hội, như một cơ cấu gồm các văn phòng và thừa tác vụ, không bao giờ tự cải cách chính mình. Giáo Hội được cải tạo bởi những người đàn ông và đàn bà, những người được “tái đào tạo” bởi tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu Kitô; được tái tạo ngay trong kết cấu của linh hồn họ qua sự hối cải bản thân, sự hoán cải bản thân và say mê tái dấn thân cho Tin Mừng. Ở mọi thời đại, chính tâm trí đã hoán cải được Thiên Chúa sử dụng để làm mọi điều trở nên mới mẻ, bất kể trở ngại nào.

Khi thực hiện các kế hoạch chiến lược, “hoán cải” nghe có vẻ ngoan đạo một cách ngây thơ và đơn giản đến mức vô vọng. Và có lẽ như vậy thật. Nhưng nó cũng hết sức khó khăn, đó là lý do tại sao rất ít người trong chúng ta chọn làm điều đó. Tuy nhiên, cuối cùng, bài học của lịch sử chỉ là thế này: Điều cuối cùng Giáo hội cần lúc này, và ngày mai, và luôn luôn... là các vị thánh.
 
LHQ cảnh báo về những tác động không thể đảo ngược của việc biến đổi khí hậu do con người gây ra
Thanh Quảng sdb
17:29 09/08/2021
LHQ cảnh báo về những tác động 'không thể đảo ngược' của việc biến đổi khí hậu do con người gây ra

Ủy ban khí hậu của Liên hợp quốc công bố một báo cáo chuyên đề về nguyên nhân và tác động của việc biến đổi khí hậu, đồng thời kết luận rằng các hoạt động của con người “rõ ràng” làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

(Tin Vatican)

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của LHQ đã nhóm một buổi họp báo vào thứ Hai (9/8/2021) để trình bày báo cáo mới nhất và toàn diện nhất về cuộc khủng hoảng khí hậu.

Với tiêu đề “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở Khoa học Vật lý”, báo cáo đã cảnh giác về những hậu quả nghiêm trọng của việc tăng khí hậu toàn cầu và trách nhiệm của con người trong việc gây ra tác hại này.

Theo 200 nhà khoa học đã soạn thảo ra bản báo cáo về khí hậu nhà kính trong khí quyển đã đạt đến mức có thể phá vỡ bầu khí quyển trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ nay.

Con người là nguyên nhân

Đứng đầu phần kết luận của bản báo cáo dài hơn 3.000 trang là lời khẳng định rằng con người đang gây ra sự biến đổi khí hậu.

Ngay từ dòng đầu tiên của bản tóm lược đã viết: “Rõ ràng là ảnh hưởng của con người đã làm bầu khí quyển ấm lên, phá hủy đại dương và trái đất!”

Các nhà khoa học cho biết chỉ một phần nhỏ của sự gia tăng nhiệt độ được ghi nhận từ thế kỷ 19 là do tự nhiên.

Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhắc lại quan điểm này, gọi đây là "mã số đỏ" của nhân loại. Ông nói: “Những hồi chuông cảnh báo đã và đang vang lên đến chói tai, và bằng chứng không thể chối cãi về việc khí thải của nhà kính từ việc đốt khí đá và phá rừng đang làm ngộp ngạp hành tinh của chúng ta và khiến hàng tỷ người hứng chịu thảm họa này!

Nhiệt độ gia tăng

Một điểm mấu chốt khác mà báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) là các kết quả có thể đạt được từ việc cắt giảm lượng khí thải carbon ở các mức độ khác nhau.

Nhiệt độ trung bình có thể tăng lên 2 độ C so với đà công nghiệp vào cuối thế kỷ này trừ khi các chính phủ ngay lập tức đưa ra các biện pháp cắt giảm khí thải.

Tuy nhiên, ngay cả những nỗ lực cao nhất cũng không thể giữ cho độ nóng toàn cầu tăng lên ít là 1,5 độ.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về các sự kiện ít khi xảy ra nhưng có thể xảy ra đó là các tảng băng vùng Bắc hay Nam cực bị tan ra và rừng thì bị hủy hoại...

Thời tiết xấu hơn

Thời tiết khắc nghiệt là một mối lo ngại khác được các tác giả của bản báo cáo cảnh báo. Họ cho rằng các hiện tượng thời tiết từng được coi là hiếm hoặc chưa từng xảy ra, giờ đây trở nên phổ biến hơn và xu hướng này sẽ trở nên tồi tệ hơn ngay cả khi hiện tượng khí hậu toàn cầu chỉ nóng lên ở mức 1,5 ° C.

Những đợt nắng nóng chết người đang xảy ra vào mỗi thập kỷ, thay vì 50 năm một lần, thì nay xả ra thường xuyên hơn với các trận cuồng phong mạnh hơn và nhiều nơi có lượng mưa hoặc tuyết rơi nhiều hơn mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu tuyên bố những tiến bộ khoa học đã được thực hiện cho phép đưa ra các tuyên bố định hướng về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Băng tan và mực nước biển dâng

Ngay cả bản bá cáo lạc quan nhất cũng phải cho biết là những tảng băng ở các vùng cực bắc hay nam cực đã tan ra vào mùa hè và rồi sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050.

Khu vực phía Bắc hiện đang ấm lên với tốc độ gấp đôi mức trung bình của toàn cầu. Đồng thời, mực nước biển sẽ dâng lên mà đáng ra nó chỉ xảy ra trong hàng trăm hoặc hàng nghìn năm!

Ngay cả khí hậu toàn cầu nóng lên được dừng lại ở 1,5 ° C, thì mực nước biển trung bình có thể tăng lên từ 2 đến 3 mét, nếu không muốn nói là cao hơn.

Dẫn đến Đại Hội Biến đổi Khí Hậu lần thứ 26 (COP26)

Báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được đưa ra chỉ ba tháng trước hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Trong Đại hội này chắc chắn sẽ kêu gọi chính phủ các quốc gia đẩy mạnh các hành động chống biến đổi khí hậu…
 
Văn Hóa
Romano Guardini, bậc thầy của hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất
Vũ Văn An
21:15 09/08/2021

Đối với người Công Giáo Việt Nam, Romano Guardini tương đối là một người xa lạ. Nhưng thực ra, ngài là một trong các thần học gia quan trọng nhất của thế kỷ 20, mà công trình gây ảnh hưởng sâu rộng lên tư tưởng của hai Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Phanxicô, với cuộc sống thơm mùi đạo đức đến nỗi ngày 16 tháng 12 năm 2017, Tổng giáo phận Munich và Freising của Đức đã chính thức mở án phong thánh cho ngài.



Theo tạp chí National Catholic Register, Cha Guardini (1885-1968) gây ảnh hưởng sâu đậm lên Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, phong trào canh tân phụng vụ trước Vatican II và rất nhiều độc giả Công Giáo khắp thế giới.

Theo Christopher Shannon, giáo sư sử tại Christendom College, công trình của Cha Guardini rất hữu ích trong việc giải quyết một số “chia rẽ trong Giáo Hội ngày nay”. Trong khi phụng vụ cách riêng trở thành “bãi chiến trường” kể từ thập niên 1960 giữa “những nhà canh tân muốn rời bỏ truyền thống” và “các nhà duy truyền thống không muốn thay đổi gì cả”, thì Cha Guardini, qua công trình của mình, kêu gọi một cuộc gặp gỡ bản thân sâu sắc hơn giữa tín hữu và Chúa Kitô, nhưng đồng thời phải tôn trọng các hình thức phụng vụ của Giáo Hội.

Theo Shannon, “có một sự kính trọng đối với hình thức và Truyền thống, nhưng cũng có việc nhấn mạnh rằng các hình thức bên ngoài không phải là điều phụng vụ nói về”.

Cuộc tranh luận về tầm quan trọng của qui định và trật tự trong Giáo Hội cũng là lãnh vực trong đó ảnh hưởng của Cha Guardini được nhiều người cảm nhận. Sự chia rẽ về tầm quan trọng này cho thấy qui định của Giáo Hội có đó để “hướng dẫn chúng ta vào sâu hơn trong tương quan với Chúa Kitô”.

Shannon cho hay phần lớn công trình của Cha Guardini “là chiến đấu giành lại khía cạnh chân chính của tự do”. Vì đối với Cha Guardini, tự do là điều bất khả như một cá nhân; tự do đích thực tìm thấy nơi việc phó mình cho Chúa Kitô, Đấng chỉ có thể được tìm thấy “trong Giáo Hội và trong cộng đồng”. Công trình của Cha Guardini thách thức cả hai phía trong Giáo Hội ngày nay bác bỏ thứ ngôn ngữ của “chủ nghĩa duy cá nhân triệt để” bị sử dụng để biện minh cho bất đồng với các giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề tình dục và xã hội.

Cha Guardini được cả hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất hết lời ca ngợi. Đức Bênêđíctô nhắc nhớ rằng lời giảng dậy của Cha Guardini gây ấn tượng sâu xa lên ngài lúc ngài còn trẻ vì sự tận tâm của nhà thần học này trong việc tìm kiếm sự thật. Cuốn Tinh thần Phụng vụ (Spirit of the Liturgy) của Cha Guardini là một trong những cuốn sách đầu tiên Đức Bênêđíctô (lúc ấy là Joseph Ratzinger) đọc khi là sinh viên thần học.

Cuốn Tinh thần Phụng vụ (Spirit of the Liturgy) của chính ngài, xuất bản 80 năm sau, đã đặt tựa đề như một đề tặng đối với cha Guardini. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thường trích dẫn cha trong triều Giáo Hoàng của ngài và một lần nữa ca ngợi cha như “một khuôn mặt vĩ đại, một nhà giải thích Kitô giáo về thế giới và về thời của mình”.

Có người như Sandro Magister còn coi Guardini như “cha” của Đức Bênêđíctô XVI vì không những Guardini là “người hướng dẫn Ratzinger hồi trẻ, mà Ratzinger còn không ngừng tiếp nhận gợi hứng từ tư tưởng của vị này”. Theo Magister, Ratzinger không những đọc sách của Guardini mà còn đích thân nghe người được ngài chọn làm “bậc thầy”.

Trong tư cách một thần học gia, một Hồng Y, và cả một Giáo Hoàng nữa, Ratzinger luôn thừa nhận trong các cuốn sách của ngài rằng ngài có ý hướng tiến hành theo các nẻo đường do Guardini vạch ra. Trong cuốn “Chúa Giêsu Thành Nadarét”, ngài tuyên bố ngay ở các dòng đầu tiên rằng ngài lưu tâm đến một trong các cuốn cổ điển của bậc thầy mình: cuốn “Chúa” (The Lord). Và trong “Dẫn nhập vào Tinh thần Phụng vụ” ngài cho thấy ngay từ tựa sách rằng ngài lấy hứng từ một trong các tuyệt tác của chính Guardini, “Tinh thần Phụng vụ”.

Silvano Zucal, giáo sư triết học tại Đại Học Trent và là chủ biên toàn bộ công trình của Guardini được nhà Morcelliana xuất bản tại Ý, cho rằng không kể những gặp gỡ thể lý, giữa Guardini và Ratzinger có nhiều điểm trùng phùng.

“Cả hai đều quan tâm đến việc tái khám phá nét chủ yếu trong Kitô giáo qua việc tìm cách trả lời luận điệu khiêu khích của Feuerbach. Guardini sẽ viết cuốn sách sáng chói của ngài về việc này năm 1938 tựa là “Yếu tính Kitô giáo”, trong khi Ratzinger dành cho chủ đề này cuốn “Dẫn nhập vào Kitô giáo”, viết năm 1968, hiển nhiên là công trình nổi danh nhất và, có lẽ, là quan trọng nhất của ngài”.

Và dĩ nhiên điểm trùng phùng rõ rệt hơn cả là phụng vụ. “Cả hai hợp nhất bởi niềm say mê chung đối với phụng vụ. Để làm nổi bật món nợ của ngài đối với Guardini, Ratzinger đã đặt tựa cho cuốn sách của mình về phụng vụ là “Dẫn nhập vào Tinh thần Phụng vụ” cố ý nhắc đến cuốn “Tinh thần Phụng vụ” của Guardini, xuất bản năm 1918.

Ratzinger viết trong lời nói đầu của cuốn sách trên như sau: “Một trong các công trình đầu tiên tôi đọc sau khi bắt đầu học thần học, đầu năm 1946, là cuốn sách đầu tiên của Guardini, ‘Tinh thần Phụng vụ’, một cuốn sách nhỏ xuất bản Mùa Phục Sinh năm 1918 như là cuốn khai trương cho loạt sách 'Ecclesia orans', do Đan viện trưởng Herwegen hiệu đính, được in lại nhiều lần cho tới năm 1957. Công trình này có thể được coi như khởi thủy của phong trào phụng vụ tại Đức. Nó đóng góp một cách quyết định vào việc tái khám phá phụng vụ, với nét đẹp, sự phong phú tiềm tàng, và sự vĩ đại vượt thời gian của nó, như là tâm điểm sinh tử của đời sống Giáo Hội và người Kitô hữu. Nó đóng góp vào việc làm cho phụng vụ cử hành một cách “thiết yếu” (essential), một từ ngữ được Guardini rất ưa dùng; ước mong là hiểu nó dựa trên bản chất nội tại và mô thức của nó, như lời cầu nguyện được chính Chúa Thánh Thần linh hứng và hướng dẫn, trong đó, Chúa Kitô tiếp tục trở nên hiện diện với chúng ta, đi vào cuộc sống của chúng ta”.

Xa hơn chút nữa, Ratzinger viết, “vì lý do này, tôi cố ý chọn tựa sách để minh nhiên nhắc nhớ tới cuốn cổ điển ấy của nền thần học phụng vụ”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ca ngợi Cha Guardini như “một tư tưởng gia có nhiều điều để nói với người thời ta”. Khi còn ở chủng viện Dòng Tên, Đức Phanxicô sở hữu cuốn The Lord, công trình của Cha Guardini viết về Con Thiên Chúa. Trong thập niên 1980, lúc còn là một linh mục dòng Tên, Đức Phanxicô chuẩn bị luận án tiến sĩ bằng cách nghiên cứu cha Guardini, dù không hoàn tất việc này.

Đức Cha Barron, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles, đặc biệt nối kết Thông điệp Laudato Si’ của Đức Phanxicô với Romano Guardini, người có các công trình được Đức Phanxicô nghiền ngẫm đến trở thành nhân tố xác định ra tư duy của ngài. Thực vậy, Đức cha Barron cho rằng gần như trên mỗi trang của thông điệp này, người ta đều thấy ảnh hưởng của Romano Guardini và việc ngài tấn công thời hiện đại một cách rất đặc trưng.

Đức Cha cho rằng đọc các tiểu luận trong Letters from Lake Como của Guardini, người ta thấy tác giả rất sảng khoái được viếng thăm vùng Hồ này vì ở đây, người ta tìm được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Nhưng từ thập niên 1920 trở đi, sự hài hòa không còn nữa: nhà cửa xây không những lớn hơn mà còn bất cần môi trường chung quanh, không còn thích ứng với khung cảnh tự nhiên nữa. Ngay cả thuyền bè cũng không còn nhịp nhàng theo sóng nước như xưa. Theo Guardini, người ta đã thuận theo Francis Bacon và nhất là René Descartes trong việc khuyến khích quyền lực lý trí “khuất phục” thiên nhiên. Việc khuất phục này tạo ra các khoa học tân thời và các kỹ thuật liên hệ, nhưng đồng thời tạo ra sự tha hóa, ra xa lạ giữa con người và thiên nhiên. Chủ thể hiện đại trở nên hung hãn và quy ngã nhiều hơn, còn thế giới tự nhiên, đối với họ, đơn giản chỉ còn là điều để họ mặc tình thao túng cho các mục tiêu của họ.

Đó cũng là quan tâm chính của Laudato Si’, mục tiêu là tái tạo một mẫn cảm thực sự có tính vũ trụ, nhờ đó, hữu thể nhân bản và các dự án của họ nằm trong mối liên hệ sinh động, hội nhập với thế giới bao quanh họ.

Tuy nhiên, một cách minh nhiên, Đức Phanxicô trích dẫn cuốn “The End of the Modern World” của Guardini tới 6 lần trong Laudato Si’, tất cả để nhấn mạnh đến việc thay đổi triệt để con người phải chịu do việc kỹ thuật ngày càng thống trị thế giới của chúng ta. Guardini được lưu ý đặc biệt trong chương 3 “Các gốc rễ nhân bản của cuộc Khủng hoảng Sinh thái” và chương 6 “Giáo dục Sinh thái và Linh đạo”.

Nhân tiếp kiến các tham dự viên một hội nghị được bảo trợ bởi Hội “Romano Guardini Stiftung” ngày 13 tháng 11 năm 2105, Đức Phanxicô nói rằng: “tôi tin chắc Guardini là một nhà tư tưởng có nhiều điều để nói với người thời ta, và không chỉ là các Kitô hữu”.

Dịp trên, Đức Phanxicô nhắc đến cuốn The Religious World of Dostoyevsky của Guardini để đi đến nhận định cho rằng Guardini giải thích ý niệm “người ta” (people) bằng cách phân biệt nó cách rõ ràng khỏi chủ nghĩa duy lý của Phái Ánh Sáng vốn chỉ coi là có thực những gì được lý trí nắm bắt và khỏi điều có xu hướng cô lập con người, cắt rời họ khỏi các mối tương quan tự nhiên. Thay vào đó, “người ta” là sự tổng hợp những điều chân chính, sâu sắc, chủ yếu nơi con người. Ta có thể nhận ra nơi người ta, như trong một tấm gương, “trường lực (force field) của hành động Thiên Chúa”. Guardini nói tiếp, người ta “cảm nhận trường lực này hoạt động khắp nơi và tri nhận được mầu nhiệm, sự hiện diện không ngừng không nghỉ. Do đó, Đức Phanxicô muốn nói rằng “người ta” không phải là một phạm trù luận lý học, mà là một phạm trù huyền nhiệm học.

Sandro Magister thì lưu ý đến 4 nguyên lý được Đức Phanxicô dùng làm chương trình hành động của triều giáo hoàng của ngài và được ngài nêu lên trong thông điệp đầu tiên: Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Đó là thời gian lớn hơn không gian, hợp nhất thắng vượt tranh chấp, các thực tại quan trọng hơn các ý niệm và toàn bộ lớn hơn từng phần.

Điều đáng lưu ý là trọn phần trong Niềm vui Tin mừng diễn giải 4 nguyên lý trên là lấy từ một chương của luận án tiến sĩ không hoàn tất của Bergoglio trong thời gian ngắn ngủi ngài ở Đức năm 1986. Luận án này nói về Romano Guardini, người được ngài trưng dẫn trong thông điệp.

Điều trên được ngài xác nhận trong một cuốn sách phát hành tại Á Căn Đình năm 2014: “Dù tôi không thể hoàn tất luận án của mình, các nghiên cứu tôi thực hiện hồi đó gúp tôi rất nhiều với những gì sẽ xẩy ra sau đó, bao gồm cả tông huấn ‘Evangelii Gaudium’ vì trọn phần nói về các tiêu chuẩn xã hội trong đó đã lấy từ luận án của tôi về Guardini”.

David Foote, giáo sư sử tại Đại Học St. Thomas, ở Minnesota, cho hay cả hai vị Giáo Hoàng đều ca ngợi sự dấn thân của Cha Guardini trong việc cương quyết suy tư trong lòng Giáo Hội và “phát biểu Tin Mừng một cách xã hội hiện đại có thể nghe”.

Theo Robert Krieg, giáo sư thần học hưu trí của Đại Học Notre Dame, cha Guardini là người “tiên phong” trong việc chuẩn bị cơ sở cho việc canh tân Giáo Hội và nền thần học của Giáo Hội tại Vatican II. Krieg cho rằng các công trình của Cha đã “phục hồi các khía cạnh của đức tin Công Giáo vốn bị đẩy lui vào hậu trường” như tầm quan trọng của việc phát triển lương tâm và việc canh tân phụng vụ.

Từ điển mở Wikipedia thì cho rằng, như một triết gia, Cha Guardini tuy không thiết lập ra trường phái nào, nhưng các học trò cách này hay cách khác bao gồm các nhân vật như Josef Pieper, Luigi Giussani, Felix Messerschmid, Heinrich Getzeny, Rudolf Schwarz, Jean Gebser, Joseph Ratzinger (sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI), và Jorge Mario Bergoglio (sau này là Đức Giáo Hoàng Phanxicô). Riêng Đức Phanxicô trưng dẫn cuốn The End of the Modern World của Cha tới 8 lần trong Thông điệp Laudato Si’ của ngài năm 2015, nhiều hơn bất cứ tư tưởng gia hiện đại nào không phải là Giáo Hoàng.

Christopher Shannon, trong bài “Romano Guardini: Father of the New Evangelization” đăng trên tạp chí Crisis ngày 17 tháng Hai, 2014, còn gợi ý về ảnh hưởng của Guardini đối với Đức Piô XII và Đức Gioan Phaolô II. Theo ông, các ý niệm của Guardini về cộng đồng và phụng vụ đã tìm được sự phê chuẩn trong hai thông điệp Mystici Corporis (1943) và Mediator Dei (1947) của Đức Piô XII. Duyên nợ giữa Guardini và Đức Gioan Phaolô II, theo Shannon, là Max Scheler. Vì cuốn “Tinh thần Phụng vụ” vốn lấy hứng từ cuộc đối thoại giữa tác giả và nhà hiện tượng luận này, người được Đức Gioan Phaolô II lấy làm đề tài cho luận án tiến sĩ của ngài.

Henry Regnery, người xuất bản 13 tác phẩm dịch sang tiếng Anh của Cha Guardini từ những thập niên 1940 và 1950, cho biết thêm ảnh hưởng của Max Scheler đối với Guardini. Trong một diễn văn đọc tại Đại Học Munich nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, Guardini cho hay: khi được đề nghị giữ ghế giáo sư về môn Triết học Tôn giáo và Thế Giới quan Kitô giáo mới mở tại Đại Học Berlin, cha do dự không muốn nhận phần vì thiếu kinh nghiệm, phần vì cách ghế giáo sư này được mô tả một cách hàm hồ. Chính triết gia nổi danh Max Scheler đã khuyên ngài “Hãy khảo sát, chẳng hạn, các tiểu thuyết của Dostoyevski rồi xem xét chúng dưới chủ trương Kitô giáo của cha, để một đàng, soi sáng chính công trình, và đàng khác, soi sáng chính khởi điểm của cha”.

Regnery cho rằng đó chính là điều Guardini thực hiện suốt 16 năm tại Berlin và trong diễn trình này, điều trở nên rõ ràng với Guardini là thế giới quan Kitô giáo có nghĩa gì: “cuộc gặp gỡ liên tục, ta có thể nói có phương pháp, giữa đức tin và thế giới”. Trong thời gian giảng dậy tại Berlin này, Guardini đã viết các cuốn sách về Platông, Dante, Pascal, Holderlin, Morike, và Rilke, những cuốn sách không hẳn nhằm nói về thần học hay nghiên cứu văn chương, mà là các cuộc gặp gỡ.

Tiểu sử

Cũng theo Wikipedia, Guardini sinh tại Verona, Ý, năm 1885. Gia đình ngài di cư qua Mainz, Đức, khi ngài mới lên một và ngài sống tại đây suốt đời. Ngài học tại Rabanus-Maurus-Gymnasium, một cơ sở chuẩn bị vào Đại Học. Chính Guardini cho biết lúc còn niên thiếu, ngài thường “luôn luôn xao xuyến và rất bối rối lương tâm”. Sau khi học hóa học tại Đại Học Tübingen trong 2 lục cá nguyệt, và học kinh tế tại Munich và Berlin trong 3 lục cá nguyệt, ngài quyết định trở thành linh mục. Sau khi học thần học tại Freiburg im Breisgau và Tübingen, ngài được thụ phong tại Mainz năm 1910. Ngài làm mục vụ trong một thời gian ngắn, sau đó trở lại Freiburg để dọn tiến sĩ Thần học. Ngài nhận bằng tiến sĩ năm 1915 với luận án về Thánh Bonaventura. Sau khi lấy bằng Thạc sĩ (Habilitation) về thần học tín lý tại Đại Học Bonn năm 1922, cũng với luận án về Thánh Bonaventura. Trong suốt thời gian này, ngài cũng làm tuyên úy cho phong trào giới trẻ Công Giáo.

Năm 1923, ngài được cử giữ ghế giáo sư Triết học Tôn giáo tại Đại Học Berlin. Trong khảo luận năm 1935 tựa là "Der Heiland" (Đấng Cứu Thế), ngài phê phán việc Quốc Xã huyền thoại hóa con người của Chúa Giêsu và nhấn mạnh tính Do Thái của Chúa Giêsu. Chính vì thế, năm 1939, Quốc Xã buộc ngài phải từ bỏ chức vụ tại Đại Học Berlin. Từ 1943 tới 1945, ngài sống ần dật tại Mooshausen, nơi người bạn của ngài là Josef Weiger làm cha xứ từ năm 1917.

In 1945, Guardini được bổ nhiệm làm giáo sư tại Phân khoa Triết học của Đại Học Tübingen và tiếp tục giảng dậy về Triết học Tôn giáo. Năm 1948, ngài trở thành giáo sư tại Đại Học Munich, nơi ngài ở lại cho tới khi nghỉ hưu vì lý do sức khỏe năm 1962.

Guardini qua đời tại Munich, Bavaria, ngày 1 tháng 10 năm 1968. Ngài được chôn cất tại nghĩa trang linh mục của Nhà thờ Thánh Philip Neri ở Munich. Di sản của ngài được tặng cho Hàn lâm viện Công Giáo ở Bavaria do ngài đồng sáng lập.

Heinz R. Kuehn, tác giả “The Essential Guardini, An Anthology of the Writings of Romano Guardini”, người từng đích thân gặp gỡ Guardini, kể thêm rằng thời gian học thần học ở Tubingen trong các 1906 và 1907, lần đầu tiên, Guardini được dịp tiếp xúc với “nền phụng vụ đích thực” khi ngài viếng thăm Đan viện Beuron nơi các đan sĩ đi tiên phong trong việc canh tân phụng vụ. Từ đó, phụng vụ trở thành quan tâm đệ nhất và kéo dài suốt đời ngài.

Kuehn cũng cho rằng việc Guardini thích đối thoại có phê phán với các ý tưởng đương thời bị các bậc thầy của ngài ngờ vực và do đó, việc thụ phong đã bị hoãn tới 1 nửa năm. Nên nhớ đây cũng là thời gian có những kết án phái Duy hiện đại của Thánh Giáo Hoàng Piô X.

Ngài vẫn duy trì quan điểm của mình và dù chỉ làm mục vụ một thời gian ngắn, nhưng ngài đã tìm được một cái nhìn thật thông sáng về vai trò mục tử. Theo Kuehn, “tóm lược kinh nghiệm của ngài về thừa tác mục vụ trong những năm tháng này, ngài nhận định: tôi phải nói rằng trước đây tôi đã không tìm thấy mối tương quan nhân bản mà vị mục tử phải có đối với cộng đoàn của ngài. Tuy thế, tôi vẫn xác tín rằng thừa tác mục vụ là hình thức thích đáng của chức linh mục. Thế nhưng, tôi đã không bao giờ tìm được đường đi vào người dân, đi vào cách họ suy nghĩ và đi vào các hình thức quan tâm của họ... Đúng hơn, không khởi đi từ nguyên tắc này hay nguyên tắc nọ mà chỉ từ thái độ bộc phát của tôi đối với các trách vụ mục vụ, tôi thấy mình là loại linh mục anh em không hành động vì chức vụ chính thức nhưng mang chức linh mục trong mình như một sức mạnh mục vụ; người không đối diện với tín hữu như một người sở hữu thẩm quyền nhưng đứng bên cạnh họ. Ngài không thích cung cấp cho họ các thành quả và hướng đi chắc chắn nhưng tham gia với họ trong việc họ tìm kiếm và học hỏi hòng cùng với họ đạt tới các thành quả chung”.

Các trước tác

Năm 1916, theo Kuehn, Guardini được gặp và làm quen cũng như trở thành thân thiết với Ildefons Herwegen, đan viện trưởng đan viện Biển Đức Maria Laach, vốn đã trở thành trung tâm canh tân phụng vụ tại Đức. Lúc đó, đan viện đang xem xét cho xuất bản một loạt chuyên khảo, tựa là Ecclesia Orans (Giáo hội Cầu nguyện), nói về các vấn đề phụng vụ. Khi Guardini đưa cho đan viện trưởng xem một thủ bản các bài giảng khóa của ngài tại Mainz, đan viện trưởng rất có ấn tượng đến nỗi nó đã trở thành chuyên khảo đầu tiên của bộ này dưới tựa đề "Vom Geist der Liturgie" (Tinh thần Phụng vụ). Nó xuất hiện dưới dạng sách vào năm 1918 và lập tức trở thành sách bán chạy nhất ở Đức và cả ở nước ngoài. Cũng do gợi ý của vị đan viện trưởng này, Guardini, như trên đã nói, đã soạn một luận án về Thánh Bonaventura để lấy bằng giảng dạy (habilitation) tại Đại Học Bonn năm 1922.

Cùng lúc ấy, Đại Học Berlin cũng đang đi tìm một người đủ tiêu chuẩn để giảng dậy môn Triết học Tôn giáo và Thế giới quan Công Giáo vừa mới mở. Đại Học này vốn được coi là thành trì của Thệ Phản Đức, nên có nhiều phản bác chống lại việc lập ghế giáo sư này. Một thỏa hiệp đã đạt được, theo đó, ghế này sẽ tháp nhập vào Phân khoa Thần học của Đại Học Breslau nhưng dành cho người chiếm ghế này ở Berlin danh nghĩa “giáo sư khách thường trực”. Khi được trao cho chức vụ này, Guardini khởi đầu không muốn nhận, nhưng sau bạn bè, trong đó có Scheller, người vốn được Karol Wotyla, tức Đức Gioan Phaolô II, sùng mộ, khuyến khích, nên đã chấp nhận.

Ngài chuyển về Berlin năm 1923, cùng năm, cuốn Giáo Hội và Người Công Giáo ra đời. Chính tại đây, danh tiếng giáo sư của ngài được loan truyền rất nhanh và không bao lâu sau, phòng giảng bài của ngài chật ních người, không chỉ là các sinh viên mà cả các giáo sư của các phân khoa khác và thành viên tấng lớp trí thức ưu tú Công Giáo của Berlin nữa.

Nhưng đây cũng là thời kỳ Đức rơi vào hỗn loạn, thời mà Kuehn gọi là “thời của chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa duy tương đối”, thời mọc lên chủ nghĩa Quốc Xã. Năm Cha Guardini chuyển về Berlin, Hitler làm cuộc đảo chánh ở Munich, nhưng thất bại, phải ngồi tù ở pháo đài Landsberg, chính tại đây, hắn viết cuốn Mein Kampf ("Cuộc Chiến Của Tôi") trong đó hắn vẽ ra chi tiết nghị trình hành động của Quốc Xã.

Điều khó cho Cha Guardini là khai triển cá chủ đề cho các giảng khoá của ngài đủ ý nghĩa cho một khán giả đang sống dưới những điều kiện như trên. Rất may, lợi điểm của ngài là Giáo Hội Công Giáo lúc ấy, nhờ ảnh hưởng chính trị của Đảng Trung Tâm, đang nở rộ. Mặt khác, dưới nền Cộng Hòa Weimar, Berlin trở thành trung tâm văn hóa của Âu Châu về nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh và văn chương, đem lại cho ngài nhiều điểm tiếp xúc cho các giảng khóa của ngài tương ứng với các quan tâm riêng của ngài về nghệ thuật. Ngài mở rộng các buổi giảng dạy ra cả ngoài phạm vi Đại Học Berlin, như tại nhà thờ dòng Tên kính Thánh Canisius. Ngoài ra, ngài còn dành thì giờ rảnh rỗi cho phong trào giới trẻ Công Giáo Quickborn ("Nguồn Suối Tuổi Trẻ"): làm chủ bút cho tạp chí Schildgenossen ("Đồng chí đồng Khiên Mộc") của phong trào, một tạp chí tuổi trẻ Công Giáo cổ vũ cả ba chiều kích thần học, phụng vụ và văn hóa, trong đó, các bạn trẻ thảo luận kịch nghệ, nghệ thuật, văn chương, chơi nhạc cụ và tham dự tĩnh tâm và hành hương tới các đền thánh.

Điều đáng lưu ý là họ tham dự các Thánh lễ thông thường trong đó, họ hát các bài thánh ca bằng tiếng Đức thay vì tiếng Latinh, thảo luận các bài đọc Kinh thánh của ngày lễ và ngồi quanh bàn thờ với linh muc quay về hướng họ. Họ còn cho cha Guardini hình ảnh về một “Âu Châu Mới” vượt mọi ranh giới quốc gia và sắc tộc và dựa trên truyền tống nhân bản Phương Tây.

Kuehn là người đã tham dự một trong những thánh lễ này của Cha Guardini vào năm 1938 tại nhà nguyện Thánh Bênêđíctô của sinh viên tại khu Berlin Charlottenburg. Ông tả lại bầu khí ở đó: “Nếu tôi muốn giải thích trong một vài lời điều lôi cuốn tôi và cộng đoàn nhỏ bé đến từ mọi nơi ở Berlin tham dự Thánh lễ của Cha Guardini, thì đơn giản chỉ có thế này: Ngài là người, bằng lời lẽ và hành động, lôi kéo chúng tôi vào một thế giới trong đó thể thánh thiêng trở thành rờ mó được một cách đầy thuyết phục và theo nghĩa đen. Nguyên giáng vẻ bề ngoài của ngài cũng đã sáng lên một điều mà đối với tôi không có chữ nào diễn tả nổi ngoài chữ sáng ngời (luminous); trước mặt ngài, người ta giữ im lặng và trở nên hết sức chú ý. Với ngài trên bàn thờ, thể thánh thiêng trở thành trung tâm của vũ trụ”, không phải vũ trụ của tưởng tượng, mà của thực tại hàng ngày...

Thánh lễ của ngài là thánh lễ versus populum (hướng về dân chúng), một missa recitala (thánh lễ đọc to) trong đó, người ta đáp lời nguyện của linh mục một cách to tiếng, một điều khá mới mẻ hồi đó.

Kuehn cho rằng các bài giảng trong các thánh lễ này đã được dùng làm bản thảo cho cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài tức cuốn The Lord (Chúa).

Như trên đã nói, năm 1939, Quốc Xã sa thải Guardini khỏi Đại Học, giải tán Phong trào Quickborn và đóng cửa trụ sở của nó. Ngài ở lại Berlin 4 năm nữa, viết lách và mở các lớp tập huấn trước nhiều nhóm khán giả Công Giáo khác nhau. Một số các tác phẩm quan trọng, phổ biến và gây ảnh hưởng lâu dài nhất của ngài đã được xuất bản trong thời gian ngài ở Berlin, như Giáo Hội và Người Công Giáo (1923), Các Lá thư từ Hồ Como (1927), Các Dấu chỉ Thánh thiêng” (1929), Chúa (1937), Thế giới và Con người (1939) và Các Suy Niệm Trước Thánh lễ” (1939)...

Kuehn cho rằng chắc chắn các biến động đầy máu của thời Cộng hòa Weimar và chế độ Quốc xã sau đó, cũng như sự phục hưng của Giáo Hội Công Giáo sau Thế chiến I đã có tính quyết định trong việc ngài chọn các chủ đề và đem lại cho các trước tác của ngài chiều sâu và độ phong phú trong các suy tư và sức thuyết phục nơi sự lôi cuốn tinh thần của ngài. Ngài đã trở thành lời nói cửa miệng đối với những người Công Giáo có học (cũng như đối với nhiều người theo các hệ phái khác) và mãi mãi khắp nơi cho tới cả sau khi ngài đã qua đời.

Khi các cuộc không tạc biến Berlin thành đống tro tàn, ngài rời đó vào năm 1943 và như trên đã nói, tới cư ngụ tại nhà xứ của một linh mục vốn là bạn cũ của ngài. Tại đây, ngài đã viết cuốn tự truyện tựa là Berichte iiber mein Leben (Tường trình về Đời Tôi).

Cuối năm 1945, khi Thế chiến II chấm dứt, ngài dạy lại môn Triết học Tôn giáo và Thế giới quan Kitô giáo tại Đại Học Tubingen. Kuehn ghi danh học với ngài và ông nhận định: “mặc dù sự e thẹn bẩm sinh khiến ngài không phải là người ăn nói hùng biện và mặc dù ngài có xu hướng phản ứng dữ dội đối với một cử chỉ gây mất trật tự nhỏ nhoi nhất tại giảng đường, ngài vẫn lôi cuốn số khán giả quá đông gồm sinh viên, nhân viên giảng dậy hầu như mọi môn khác. Bí quyết thật đơn giản: Đây là một con người, sau thời kỳ đẫm máu nhất và đầy biến động nhất của Âu Châu, đã đào sâu yếu tính của viễn kiến thực sự Kitô giáo về thế giới. Ngài không giảng bài theo các nguyên tắc thần học và triết học trừu tượng nhưng theo các thực tại rõ nét và thường là bạo lực của thế giới chúng ta, nối kết chúng với các truyền thống của thế giới phương tây trong tôn giáo, nghệ thuật, văn chương và kiến trúc, và một cách thuyết phục, chứng minh tính giá trị đem lại sự sống của các chân lý cổ xưa nhưng luôn tươi trẻ của Kitô giáo cho một thế hệ đang cố gắng chấp nhận Thế chiến II và các hậu quả của nó.

Năm 1948, Guardini chấp nhận ghế Giáo sư Triết học Tôn giáo và Thế Giới quan Kitô giáo vừa mới được thiết lập tại Đại Học Munich và giữ chức vụ này cho tới năm 1963 lúc được Kark Rahner thay thế. Ngài vẫn rất tích cực, gây nhiều ảnh hưởng và nổi tiếng trong các giảng khóa và viết nhiều như lúc ở Berlin và Tubingen. Ngoài ra, ngài còn giảng mỗi Chúa Nhật trong năm học tại Nhà thờ St Ludwig của Đại Học với số lượng khán giả chật ních Nhà thờ. Trong những năm này, ngài viết các cuốn Ngày tàn của Thế giới Hiện đại (1950). Quyền hành và Trách nhiệm (1951) và Giáo Hội của Chúa (1965). Cho tới lúc ngài qua đời năm 1968, lúc 83 tuổi, ngài viết ít nhất 60 cuốn sách và 100 bài báo mà Hàn lâm viện Công Giáo Bavaria đang thu thập và cho xuất bản thành tuyển tập các trước tác của ngài.

Ảnh hưởng của ngài lan rộng. Không lạ gì, ngài có nhiều danh hiệu: người Phục Hưng, tiền hô của Vatican II, hải đăng trong một thế giới đang ra tối tăm, nhà tiên tri của những điều sắp đến, học giả duy nhân bản theo nghĩa tốt nhất của từ ngữ.

Wikipedia liệt kê một số tác phẩm của ngài được xuất bản bằng tiếng Anh, hầu hết trong thập niên 1990

The End of the Modern World. Sheed & Ward, 1957. Năm 1998, được ISI Books xuất bản ấn bản tái duyệt;
The Art of Praying: The Principles and Methods of Christian Prayer. Sophia Institute Press, 1994.
The Lord. Regnery Publishing, 1996. Với phần dẫn nhập của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.
The Essential Guardini: An Anthology, hiệu đính bởi Heinz R. Kuehn. Liturgy Training Publications, 1997.
The Spirit of the Liturgy. Crossroad Publishing, 1998.
Living the Drama of Faith. Sophia Institute Press, 1999.
Learning the Virtues. Sophia Institute Press, 2000.
The Death of Socrates. Kessinger Publishing, 2007.
The Rosary of Our Lady. Sophia Institute Press, 1998.
Sacred Signs. CreateSpace Independent Publishing Platform, 2015.
The Humanity of Christ: Contributions to a Psychology of Jesus. Cluny Media, 2018.
The Human Experience: Essays on Providence, Melancholy, Community, and Freedom. Cluny Media, 2018.
The Meaning of the Church. Cluny Media, 2018.

Người có công đầu trong việc quảng bá công trình của Guardini trong thế giới nói tiếng Anh là Henry Regnery. Dù sinh ra trong một gia đình Công Giáo, Regnery tự nhận mình không phải là người Công Giáo. Tuy thế, theo Bradley J. Birzer (https://theimaginativeconservative.org/2013/05/romano-guardini-and-the-personality-of-man.html) và George Panichas (https://theimaginativeconservative.org/2014/05/the-things-that-are-caesars-romano-guardini.html), Henry Regnery đã xuất bản 13 công trình của Guardini, bắt đầu từ những thập niên 1940 và 1950.

Trong cuốn tự truyện “Memoirs of a dissident Publisher” (https://web.archive.org/web/20071201044256/http://www.conservativeclassics.com/books/Dissidentbk/book3.pdf) năm 1979, Regnery cho hay các sách tôn giáo đầu tiên của nhà xuất bản Henry Regnery Company là các sách nói về các vị đại thánh của Walter Nigg, một mục sư Thệ Phản Thụy Sĩ và là giáo sư thần học. Sau đó, là loạt sách “Học hỏi Thần học Kinh thánh” của một số tác giả nổi tiếng. “Nhưng cuối cùng tôi tới kết luận đây không phải là điều chúng tôi mong chờ. Một vài nhân tố dẫn tôi tới chỗ xuất bản các sách Công Giáo, và tới lúc tôi không còn kiểm soát công ty nữa, chúng tôi đã trở thành một trong các nhà xuất bản lớn hơn các sách Công Giáo nghiêm túc và có được một danh sách tôn qúy và rất được kính trọng”.

Một trong những nhân tố đó là hai năm du học ở Âu Châu khiến ông nhìn ra “chúng ta nợ Giáo Hội Rôma món nợ lớn lao trong tư cách nó là người mang truyền thống tôn giáo và văn hóa của nền văn minh của chúng ta. Một truyền thống tôn giáo, rõ ràng đối với tôi, chứng minh chân lý của nó qua chiều sâu đức tin và bình diện thành tựu sáng tạo do nó gợi hứng”. Nhân tố thứ hai, hai người cộng tác của ông là cựu chủng sinh. Họ đề nghị ông xuất bản cuốn The Paschal Mystery của thần học gia người Pháp Louis Bouyer; sau đó là dự án xuất bản ba tác phẩm lớn của Thánh Tôma Aquinô: Về Chân Lý, Bình luận về Siêu Hình Học, và Bình Luận về Đạo Đức HọcNichomachean của Aristốt.

Regnery còn xuất bản các sách của các tác giả Công Giáo khác như Paul Claudel, Jean Danielou, Gertrud von le Fort, Eugene Portalie, Benedict Bauer, Edith Stein, và Louis Colin. Tuy nhiên, ông quả quyết “nhưng có lẽ đóng góp lớn lao nhất của chúng tôi cho tư tưởng tôn giáo đương thời là xuất bản 8 cuốn sách của Romano Guardini, trong số đó, có tác phẩm lớn của ngài là cuốn The Lord”. Regnery gọi ngài là “một trong những nhân vật sừng sững của thời ta”.

Kỳ tới: Chuyển ngữ trọn cuốn "Giáo hội và Người Công Giáo" của Romano Guardini
 
VietCatholic TV
Quá đẹp: Sống sót đại dịch, Rôma bắn pháo hoa mừng phép lạ Đức Mẹ Xuống Tuyết. Thông báo từ La Vang
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:57 09/08/2021


1. Phép lạ Đức Bà Xuống Tuyết được cử hành trở lại ở Rôma

Trận tuyết rơi giữa mùa hè đã được tái hiện một lần nữa trong năm nay tại Thánh lễ ở Đền Thờ Đức Bà Cả hôm 5 tháng 8.

Lễ kỷ niệm bắt nguồn từ năm 358, theo truyền thống, Đức Trinh Nữ Maria yêu cầu xây dựng một nhà thờ tại một địa điểm mà Mẹ sẽ cho tuyết rơi vào giữa mùa hè.

Những cánh hoa trắng xóa để tái hiện phép lạ đã thu hút những người hành hương, khách du lịch và thậm chí cả các nhà sử học nghệ thuật, từ những nơi như Tây Ban Nha, Nigeria, Ecuador và các vùng khác nhau của Ý.

Lễ kỷ niệm “La Madonna della Neve”, hay “Đức Bà Xuống Tuyết”, ở Rôma thường kết thúc vào buổi tối với những cánh hoa rơi bên ngoài Đền Thờ Đức Bà Cả. Năm ngoái buổi lễ đã bị đình chỉ vì đại dịch.


Source:Rome Reports

2. Lịch sử Phép lạ Đức Mẹ Xuống Tuyết

Hôm 5 tháng 8, pháo hoa được bắn tại nhiều thành phố trên khắp nước Ý để cử mừng phép lạ trọng thể này. Đó là một phép lạ trọng đại đã dẫn đến việc xây dựng Đền Thờ Đức Bà Cả, là một trong 4 đại đền thờ tại Rôma.

Gọi là đền thờ Đức Bà Cả vì đây là đền thờ đầu tiên lớn nhất dâng kính Đức Mẹ tại Tây Phương. Nhưng đền thờ còn có ba tên gọi khác nữa: là đền thờ Liberio, đền thờ Đức Bà Xuống Tuyết và đền thờ Máng Cỏ.

Truyền thuyết kể rằng đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với Đức Giáo Hoàng Liberio và nhà quyền quý Giovanni, và xin xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Khi Đức Giáo Hoàng hỏi Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu, thì Đức Mẹ trả lời: “Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì xây đền thờ ở đó”. Sáng hôm sau mùng 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 quả đồi của Roma. Vì thế đền thờ còn có hai tên gọi khác nữa là đền thờ Liberio theo tên của Đức Giáo Hoàng, hay đền thờ Đức Bà xuống tuyết, để ghi nhớ phép lạ này. Ngày nay cứ tới ngày mùng 5 tháng 8 biến cố tuyết rơi được nhắc lại bằng một trận mưa các cánh hoa trắng từ trần đền thờ. Ngoài ra đền thờ còn có tên gọi thứ tư là Đền thờ Máng Cỏ, vì bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin có giữ hai thanh gỗ lấy ở máng cỏ Bếtlêhem bên Thánh Địa, và được đựng trong một hộp thuỷ tinh có viền trang hoàng bằng bạc rất đẹp.

Sau khi Công Đồng Chung Êphêxô nhóm họp năm 431 và tuyên bố tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Theotokos, Đền Thờ Đức Bà Cả đã được Đức Giáo Hoàng Sisto III cho xây lại giữa các năm 432-440. Vào thế kỷ XII, giữa các năm 1145-1153, đền thờ được Đức Giáo Hoàng Eugenio III cho sửa rộng ra, xây thêm khu vực dành cho các dự tòng phiá trước có trang hoàng cột, và cho làm nền lát đá cẩm thạch mầu kiểu Cosmati. Giữa các năm 1288-1292 Đức Giáo Hoàng Nicolò IV cho xây cung thánh mới, và giao cho ông Jacopo Torriti trang hoàng với các bức khảm đá mầu rất đẹp.

Năm nay là lễ kỷ niệm 1,663 năm phép lạ này.

Đức Hồng Y Rylko, nguyên là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, là người đã được 3 vị Giáo Hoàng liên tiếp ủy nhiệm việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nói về biến cố này như sau:

“Vào dịp lễ trọng cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả, Chúa Giêsu Kitô cũng nói với chúng ta, mỗi người chúng ta, cụm từ này: đó là ‘Này là Mẹ con’. Những lời này linh hứng trong chúng ta niềm tin vào Đức Mẹ, không sợ hãi, nhưng lắng nghe Mẹ, và để mình được Mẹ hướng dẫn.”

“Chúa Kitô tiếp tục giao phó Mẹ Ngài cho mỗi người chúng ta, ‘Này là Mẹ con’ và chúng ta, như Tông Đồ gioan, được mời gọi đưa Đức Maria về nhà của chúng ta, để Mẹ bước vào cuộc sống của chúng ta, thành một phần trong niềm vui, nỗi buồn, những vấn đề của chúng ta, và cả những thách thức mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày.”

“Xin cho chúng ta đừng quên những lời Đức Trinh nữ nói trong tiệc cưới tại Cana. Mẹ của chúng ta hôm nay, cũng đang tiếp tục nói với mỗi người chúng ta: ‘Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo’”. (Gioan 2:3-5).

Trong số bốn đại đền thờ của Đức Giáo Hoàng tại Rôma, Đền Thờ Đức Bà Cả là đền thờ duy nhất duy trì cấu trúc ban đầu. Các hoa văn có niên đại từ thế kỷ thứ 5 có thể được nhìn thấy trong gian trung tâm của Đền Thờ, nơi cũng lưu giữ thánh tích của Máng Cỏ khi Chúa giáng sinh.

Lễ cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả được cử hành mỗi năm vào ngày 5 tháng 8 với một Thánh lễ trong đó những cánh hoa hồng trắng rơi xuống từ trần nhà khi cộng đoàn cùng hát kinh Vinh Danh. Năm nay, vì tình trạng đại dịch nên các cánh hoa rơi ở bên ngoài đền thờ. Lễ cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả là đỉnh cao sau khi các tín hữu đã trải qua ba buổi chiều liên tiếp với các thánh lễ và các buổi cầu nguyện từ ngày 2 đến ngày 4 tháng Tám.

3. Đức Thánh Cha tiếp Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), tân tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ

Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị, người Nam Hàn, đã đến Rôma vào ngày 30 tháng 7, và đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến hôm thứ Ba.

Đức Tổng Giám Mục Du đã chính thức đảm nhận chức vụ tổng trưởng Bộ Giáo sĩ vào hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng tiếp một ngày sau khi ngài nhậm chức. Cuộc họp kéo dài 50 phút và Đức Giáo Hoàng liên tục bày tỏ lời cảm ơn đến Ngài vì đã nhận lời đến Vatican.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng cho biết văn phòng và nơi ở của ngài luôn mở cửa và vị tân tổng trưởng sẽ luôn được chào đón.

Trong khuôn viên Tòa thánh, sự xuất hiện của một vị Tổng giám mục Hàn Quốc là đặc biệt đáng chú ý và được đón nhận rất nồng nhiệt. Đây sẽ là một dấu hiệu ủng hộ chính sách của Đức Giáo Hoàng mở cửa cho việc bổ nhiệm các linh mục, và Giám Mục từ Á châu và Phi châu vào các vị trí quan trọng tại Vatican.

Vào đầu tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Du đã được bổ nhiệm vào vị trí tổng trưởng Bộ Giáo sĩ và sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc giáo dục và các vấn đề khác liên quan đến khoảng 500,000 linh mục và phó tế trên khắp thế giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 500 năm của Bộ Giáo Sĩ vị tổng trưởng là một người Á Châu.


Source:Yonhap

4. Thông Báo Của Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang

Do tình hình đại dịch Covid-19 cho đến nay vẫn còn phức tạp, nên năm nay Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang không tổ chức kỳ hành hương dịp lễ mừng kính Đức Mẹ lên trời hồn xác như hằng năm.

Tuy nhiên, để duy trì truyền thống tốt đẹp của thánh địa La Vang trong dịp lễ mừng kính Đức Mẹ lên trời hồn xác, nhất là để các tín hữu là con cái của Mẹ ở khắp nơi trong nước cũng như ở hải ngoại hướng về La Vang trong dịp lễ này và cùng hiệp thông cầu nguyện cho sự bình an của mọi người mọi nơi vượt qua đại dịch covid-19, Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang sẽ chỉ tổ chức Thánh lễ trực tuyến cử hành vào lúc 08h00, ngày Chúa Nhật 15/8/2021, tại Linh đài Đức Mẹ La Vang, do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục TGP. Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, chủ tế.

Nhằm bảo đảm sự an toàn theo quy tắc phòng dịch covid-19,

1. Thành phần đại diện về La Vang tham dự thánh lễ trực tuyến rất hạn chế và được Ban Tổ Chức xác định qua thư mời.

2. Kính xin mọi thành phần dân Chúa hiệp thông cầu nguyện từ tư gia qua việc tham dự Thánh lễ trực tuyến được truyền phát trực tiếp từ La Vang lên website Tổng Giáo Phận Huế lúc 08h00 ngày Chúa Nhật 15/8/2021: http://www.tonggiaophanhue.net hoặc http://www.tonggiaophanhue.org

Chúng ta phó thác mọi sự cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót qua vòng tay của Đức Mẹ La Vang, để cầu xin Đức Mẹ, là “Đức Bà phù hộ các tín hữu”, cứu giúp mọi người mọi nơi trong cơn dịch bệnh.

La Vang, ngày 05 tháng 8 năm 2021

Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang

Linh mục Micae Phạm Ngọc Hải
 
7g tối thứ Tư 11/8: Tình thế khẩn cấp, xin hiệp thông với đền thánh Knock cầu cho quê hương Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:23 09/08/2021

1. Đền Thánh Đức Mẹ Thánh Thể quốc tế Knock

Trước tình hình đại dịch coronavirus càng lúc càng kinh hoàng, tuần này, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em cùng với chúng tôi hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng nhất tại Ái Nhĩ Lan hay còn gọi là Ireland.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus kinh hoàng này, Đền Thánh Đức Mẹ Knock đã không ngừng nỗ lực hỗ trợ cho các tín hữu. Vào tháng 11 năm 2020, họ đã tổ chức một thánh lễ đặc biệt để tưởng nhớ tất cả các công dân Ái Nhĩ Lan đã chết vì COVID-19. Điện thờ được đặt hơn 3,000 ngọn nến xung quanh cung thánh tượng trưng cho những người đã mất vì đại dịch. Thánh lễ đã được hơn 120,000 người tham dự trực tuyến.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng hành hương đền thánh Đức Mẹ này vào ngày 26 tháng 8, 2018 và đã tận mắt chứng kiến lòng sùng mộ của anh chị em giáo dân, không chỉ người dân địa phương mà còn trên toàn lãnh thổ Ái Nhĩ Lan và trên thế giới. Vì thế, hôm 19 tháng Ba năm nay, Đức Thánh Cha đã quyết định nâng địa điểm hành hương nổi tiếng này lên hàng Đền Thánh Đức Mẹ Thánh Thể quốc tế.

Thật phù hợp khi thông báo chính thức xảy ra vào ngày lễ Thánh Giuse, trong năm Thánh Giuse. Vào thế kỷ 19, Thánh Giuse đã hiện ra ở Knock, cùng với Đức Mẹ và Thánh Sử Gioan. Các cuộc hiện ra được chứng kiến vào một ngày mưa năm 1879, khi cả ba vị được nhìn thấy ở đầu hồi phía nam của Nhà thờ Giáo xứ Knock.

Điểm độc đáo đối với cuộc hiện ra tại Knock là phép lạ Thánh Thể. Chúa Phục sinh xuất hiện với tư cách là Chiên Con trên bàn thờ, đứng trước Thập giá của Ngài và được bao quanh bởi một loạt các thiên thần. Khía cạnh này của cuộc Hiện ra được kể chi tiết bởi mười lăm nhân chứng, vào ngày 21 tháng 8 năm 1879. Họ đã đứng dưới mưa tầm tã trong hai giờ để đọc kinh Mân Côi trước cảnh Hiện ra này.

Kể từ đó, Knock đã trở thành một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất của Ái Nhĩ Lan, chào đón khoảng 1.5 triệu du khách mỗi năm. Năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm thánh địa với tư cách là một người hành hương. Tiếp theo là Mẹ Teresa thành Calcutta, vào năm 1993, là người đã nói chuyện tại đền thờ về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt của những đứa trẻ chưa chào đời.

2. Phép lạ liên tiếp diễn ra tại Đền Thánh Đức Mẹ Thánh Thể quốc tế Knock

Trong bộ phim Hope, nghĩa là Hy Vọng, do đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ thực hiện, Cha Richard Gibbons, giám đốc Đền Thánh Quốc Gia Knock, khẳng định rằng Đức Mẹ đang cứu nước Ái Nhĩ Lan qua các phép lạ liên tiếp tại Đền Thánh này.

Cha Gibbons nói rằng Đền Thánh Knock, được xây dựng trên địa điểm xảy ra cuộc hiện ra của Đức Mẹ vào năm 1879, là nơi nhiều người tìm thấy sự chữa lành và bình an trong tâm hồn khi nhận lãnh các bí tích. Ngài cho biết, trung bình có 4,000 người đến xưng tội mỗi tuần tại đền thờ này.

Vì thế, Aidan Gallagher, Giám đốc điều hành của EWTN Ireland nói với thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng: “Chúng tôi muốn đưa Our Lady, Đức Mẹ của chúng ta, ra trước những người Ái Nhĩ Lan và thế giới như một ngọn hải đăng của hy vọng. Chúng tôi muốn bộ phim này là một thông điệp hy vọng cho mọi người.”

Cuốn phim kể lại câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại Knock, và các phép lạ cho đến nay.

Vào một ngày mưa gió dữ dội, cụ thể là ngày 21 tháng 8 năm 1879, 15 nhân chứng tận mắt chứng kiến Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, Thánh Sử Gioan, các thiên thần và Chúa Giêsu Kitô ở đầu hồi phía nam của ngôi nhà thờ ở thị trấn Knock, được gọi là nhà thờ Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử. Trong khoảng thời gian khoảng hai giờ, đám đông 15 người này đã tụ tập để thờ phượng, chiêm ngưỡng sự lạ này và đọc kinh Mân côi. Mặc dù mưa bão, mặt đất xung quanh đầu hồi phía nam không bị ướt.

Không giống như hầu hết các lần hiện ra khác, Đức Mẹ im lặng trong suốt thời gian này và không đưa ra thông điệp hay lời tiên tri nào. Một số người đã đưa ra giả thuyết rằng Đức Mẹ im lặng do những thay đổi văn hóa xảy ra ở Ái Nhĩ Lan vào thời điểm đó - người già nhất trong số 15 nhân chứng này chỉ có thể nói được tiếng Ái Nhĩ Lan, trong khi người trẻ nhất, chỉ mới sáu tuổi, chỉ biết nói tiếng Anh.

Sau các cuộc điều tra nghiêm nhặt, Tòa Thánh thấy câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại Knock là “đáng tin cậy và lời khai của các nhân chứng là thỏa đáng” sau hai ủy ban điều tra riêng biệt; vào năm 1879 và một lần nữa vào năm 1936.

Bộ phim mới được đặt trong bối cảnh những đau khổ mà người dân Ái Nhĩ Lan phải chịu đựng trong thế kỷ 19, đặc biệt là ở quận Mayo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói khoai tây.

Nạn đói lớn kéo dài từ năm 1845 đến năm 1849 đã tàn phá Ái Nhĩ Lan dẫn đến cái chết của khoảng 1 triệu người, và khiến 1 triệu người khác quyết tâm di cư khỏi đất nước này vào năm 1851.

Lý do họ quyết tâm di cư bằng mọi giá là vì nạn đói tái diễn nhiều lần đã làm thối chí người Ái Nhĩ Lan trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở phía tây bắc. Năm 1879, khi Đức Mẹ hiện ra cũng là “một năm đói kém” của người dân Ái Nhĩ Lan.

Đạo diễn Gallagher nói:

“Khi Đức Maria hiện ra tại Knock vào năm 1879, Mẹ đã mang ánh sáng và hy vọng cho người dân Ái Nhĩ Lan, và Mẹ đã làm như vậy tại một thời khắc đen tối của lịch sử dân tộc này.”

“Vì thế, hôm nay, khi chúng ta có thể nói rằng đang có một nạn đói về tâm linh, là một tai họa đang tàn phá Ái Nhĩ Lan, cùng với những vấn đề lớn như nạn tự tử, trầm cảm, thì Đức Mẹ cũng đang hiện ra giúp chúng ta đương đầu với cuộc khủng hoảng quốc gia này.”

Ái Nhĩ Lan có tỷ lệ trầm cảm mãn tính cao nhất trong số những người trẻ tuổi ở các nước Âu Châu. Thống kê mới nhất của Eurofound cho biết 12% người Ái Nhĩ Lan trong độ tuổi từ 15 đến 24 mắc chứng trầm cảm kinh niên.

Bắc Ireland, là nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, thậm chí cao hơn cả tại Nhật Bản.

3. Phép lạ xảy ra như thời Chúa Giêsu: Bệnh nhân khỏi bệnh tức khắc, đứng bật dậy đi lại như người bình thường

Một sự chữa lành kỳ diệu liên quan đến việc chầu Thánh Thể đã xảy ra tại Đền thờ Knock vào năm 1989 và được chính thức công nhận vào tháng 9 năm 2019.

Phép lạ diễn ra cho Marion Carroll rất ngoạn mục vì giống hệt như các phép lạ chính Chúa Giêsu đã thực hiện như được tường thuật trong Kinh Thánh. Người được chữa lành tức khắc khỏi bệnh một cách triệt để đứng dậy và đi lại ngay lập tức như một người bình thường.

Marion Carroll đã được đưa đến đền thờ trên một chiếc cáng vào ngày 1 tháng Chín, năm 1989 vì bệnh đa xơ cứng, các bác sĩ đã bó tay, và chỉ cho bà uống các liều thuốc giảm đau trong khi chờ chết.

Marion Carroll, lúc đó đang ở lứa tuổi 30, đã thưa với Đức Mẹ trong một lời cầu nguyện mà cô nói rằng “không giống ai”. Cô nói với Đức Mẹ rằng:

“Đức Mẹ cũng là một người mẹ và Mẹ biết con cảm thấy thế nào khi phải lìa bỏ chồng và con mình.”

Marion Carroll nói với cộng đoàn rằng:

“Đó không phải là một lời cầu nguyện, cũng chẳng phải là một lời tuyên bố, nhưng đó là một người phụ nữ đang trò chuyện với một người phụ nữ khác.”

“'Ngay lúc đó tôi có cảm giác rất tuyệt vời - một cảm giác thật lạ như có một làn gió thì thầm nói với tôi rằng tôi đã được chữa khỏi. Tôi có một cảm giác thật tuyệt vời như có ai nói với tôi rằng tôi có thể đứng dậy và bước đi.”

Và Marion Carroll trỗi dậy bước đi. Những người khiêng cáng là những người đầu tiên há hốc mồm trước một phép lạ nhãn tiền trước mắt họ.

Người đứng đầu Văn phòng Y tế tại đền thờ Knock, Tiến sĩ Diarmuid Murray, nói với RTÉ News rằng phải mất 30 năm để xác định rằng không thể giải thích về mặt y khoa cho việc chữa lành ngoạn mục này. Đồng thời cần phải có thời gian để có thể khẳng định rằng phép lạ là triệt để, chữa lành hoàn toàn, và bệnh nhân không mắc trở lại bệnh cũ.

“Trong những tình huống như thế này, Giáo hội phải luôn luôn thận trọng. Phép lạ này được chứng thực và được công nhận bởi thực tế là ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi điều này diễn ra, và trong suốt thời gian này các kiểm tra của Cục Y tế chứng minh rằng không có lời giải thích nào về mặt y khoa cho việc chữa lành này.”

4. Ý Niệm Con Số 0 Thời Covid

Có thể nói, những ngày khốn cùng của cơn cuồng phong thời covid chưa qua, chúng ta nhận thấy mọi giá trị trần thế dường như trở về con số 0. Người ta chứng kiến trên đường phố “không” một bóng người, quán café “không” ai lui tới, nơi chợ búa “không” thể nhóm họp, ngôi thánh đường “không” cầu kinh nguyện ngắm và trên cuộc đời sự giàu nghèo hơn thua “không” cần phải lưu tâm. Tuy nhiên, trong muôn vàn cái “không” ấy có một cái “không” vừa mang giá trị nhân linh vừa mang giá trị thiên linh, đó là những: siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, gian hàng rau củ quả 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng, xăng 0 đồng và chuyến xe 0 đồng…

Trong toán học, nhiều lúc người ta quên mất giá trị của con số 0 trong dãy số từ 0 đến 9. Nếu số 0 mà đứng một mình thì chẳng mang giá trị, nhưng khi nó liên kết với một số nào đó, giá trị của nó thật là khủng khiếp. Lịch sử toán học thời cổ mãi cho đến thế kỷ 15, con số 0 quyền lực như ngày nay lại gây nhiều tranh cải, bởi rằng người ta nghĩ giá trị của số 0 là chẳng có giá trị. Nhà toán học Hannah Fry đã lý giải nguồn gốc của con số 0 và ông nói rằng: “Con số đầy quyền lực này đã gây nhiều tranh cãi và cũng mang lại nhiều sự ngạc nhiên đầy bất ngờ hơn bất cứ con số nào mà tôi biết. Nó cho phép chúng ta dự đoán cả tương lai”.

Lật mở những trang Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp những con số mang nhiều ý nghĩa thần học như: dân Do Thái lưu lạc 40 năm trong sa mạc trước khi vào đất hứa, Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, rồi 12 chi tộc Itrael, nhóm 12 tông đồ...và rất nhiều con số khác. Tuy nhiên, tìm trong Kinh Thánh, chúng ta ít khi bắt gặp con số 0 và dường như nó không thể hiện hữu, vì nhiều lý do. Trong cuốn Hiểu Để Sống Đức Tin - tập 2 - cha Phan Tấn Thành, ngài giải nghĩa các con số trong Kinh Thánh, nhưng cũng không thấy một thông tin nào về con số 0 này.

Tuy nhiên, nếu đọc những chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy một kiểu nói mang ý nghĩa biểu tượng về con số 0. Câu đầu tiên của sách Sách Thế nói rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1). Như vậy, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng và chưa có hình dáng, có thể hiểu như là Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật từ hư vô (ex nihilo). Câu chuyện bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ trong sách Macabê quyển thứ 2, chúng ta thấy niềm xác tín vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn vật từ hư vô qua lời khuyên bảo của người mẹ đối với bảy người con trước khi chịu chết dưới bàn tay tàn nhẫn của vua Antiôkhô: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy”(2 Mcb 7, 28).

Thật vậy, ở đây chúng ta không có ý đặt mối tương quan giữa đức tin và lý trí trong ý niệm hư vô và con số 0 theo nghĩa triết học hay một số quan niệm của các tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo…mà chỉ muốn trưng dẫn theo lăng kính toán học áp dụng cho đời sống, và nhất là theo nhãn quan của Kinh Thánh, để nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa dùng lời quyền năng trong tình yêu mà sáng tạo vũ trụ từ hư vô. Ngài sáng tạo, nghĩa là làm ra muôn loài muôn vật trong trời đất “từ không ra có” với tất cả tự do, quyền năng và tình yêu của Ngài.

Trở lại với những gian hàng 0 đồng thời Covid, đặt trong mối liên hệ với ý nghĩa sáng tạo, chúng ta thấy có ít nhất 2 chiều kích cần suy gẫm: tính nhân linh và tính thiên linh tiềm ẩn trong cái gọi là 0 đồng.

Dù khó khăn trong gặp gỡ và đối thoại giữa những ngày đại dịch này, nhiều hàng quán 0 đồng luôn âm thầm hoạt động, để trợ giúp anh chị em thiếu thốn. Ngoài vấn đề dân tộc “tương thân tương ái”, con người trong đại dịch đối xử với nhau đầy tính nhân văn. Mọi thứ trước kia đều phải mua bằng một giá trị tiền bạc nào đó, nhưng trong sự khốn cùng của đại dịch, người ta có thể nhận mà chẳng nghĩ đến giá trị của đồng tiền. Tiền trong đại dịch không thể làm thỏa lòng con người, người người san sẻ yêu thương đượm mãi ấm áp nghĩa tình. Dịch Covid đặt lại giá trị trần thế, xếp lại trật tự của đồng tiền và nâng tầm tính nhân linh trong xã hội hiện đại. Như thế có thể xác tín rằng, con số 0 đồng thời Covid cho chúng ta dự đoán một tương lai rất khác sau cơn đại dịch này.

Hàng trăm chuyến xe trao gởi yêu thương từ khắp đất nước hướng về Sài gòn trong những ngày đại dịch, mới thấy tình Chúa quan phòng. Sự sáng tạo đi liền với quan phòng trong yêu thương của Thiên Chúa giúp chúng ta lo lắng nhưng không sợ hãi, buồn phiền nhưng không mất niềm hy vọng. Hành trình hồi hương của anh chị em trong thời dịch Covid bằng những chiếc xe hai bánh vượt hàng ngàn cây số, cho chúng ta thấy vẫn còn đó bao điều kỳ diệu thuộc linh nơi những trạm tiếp sức dọc theo quốc lộ 1A. Sự toàn thiện của Thiên Chúa lan tỏa khắp chốn qua nghĩa cử yêu thương và chia sẻ của tình người trong cơn dịch bệnh. Thời Covid giúp chúng ta ý thức hơn những giá trị thiêng liêng, giá trị của thiên linh; thôi thúc chúng ta hành động cho những giá trị cao diệu hơn và đặt chúng ta trong suy tư về ý nghĩa của cuộc đời. Thời Covid đánh tan sự vội vàng hấp tấp của chúng ta cho những thói tham lam và hưởng thụ, để giúp chúng ta sống chậm lại trong mối tương quan liên ngã vị với anh chị em và với Thiên Chúa. Thời Covid giúp chúng ta hướng nhìn lên Chúa với những giá trị của thời gian, hầu nhận ra ơn hoán cải Chúa đang mời gọi. Thế đó, thời Covid mời gọi chúng ta “xuất phát lại” từ con số 0 của phận người, để Thiên Chúa làm một cuộc sáng tạo mới nơi chính cuộc đời chúng ta.

Ý niệm con số 0 thời Covid cũng chỉ là ý niệm yêu thương vô vị lợi, ý niệm của lòng nhân ái và ý niệm của tình người tình Chúa trong mọi khốn cùng của phận người. Tất cả ý niệm con số 0 thời Covid đong đầy mối giao liên qua những hành động tầm thường nhưng mang một giá trị phi thường.