Ngày 10-08-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tấm bánh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:23 10/08/2015
Chúa Nhật XX THƯỜNG NIÊN, năm B
Ga 6, 51-58

TẤM BÁNH

Có lẽ khi nói đến Bánh Trường Sinh, Bánh ban Sự Sống, chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ rất ngạc nhiên. Ăn thịt và uống máu của con người là điều chẳng ai dám nghĩ tới. Chúa Giêsu đã quả quyết :” Tôi là Bánh ban Sự Sống “ “ Ai ăn và uống máu tôi sẽ có sự sống đời đời “.Thật lạ lùng, thật kỳ diệu ! Do đó, ngay một số môn đệ khi nghe Chúa tuyên bố như thế, đã bỏ Chúa mà đi…Còn những người Do Thái đều bửu môi không tin…Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã muốn nuôi tất cả chúng ta, tất cả nhân loại bằng chính thịt máu của Ngài. Đó mới là điều lạ lùng…

Chúa Giêsu quả thực đã nuôi nhân loại bằng cái chết trên thập giá…” Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “ hoặc “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Ngài đã ban cho nhân loại, cho chúng ta bằng chính sự sống của Ngài. Sự sống được trao ban cho chúng ta qua cái chết tự nguyện trên thập giá và sự sống được lấy lại qua sự sống lại của Chúa Giêsu. Ngài là Tấm Bánh. Tôi là bắng hằng sống từ trời xuống ( Ga 6, 51 ) và Ngài quả quyết :” Ai ăn bánh này sẽ được sống muốn đời “. Điều lạ lùng và hết sức mầu nhiệm là “…Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống “. Chúa Giêsu chấp nhận mình là Bánh, có nghĩa là chịu mất đi. Bởi vì, là Tấm Bánh, chấp nhận bị nghiền nát để khi người khác ăn, họ sẽ trở nên mình, máu của Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu ở trong người ấy và người ấy ở trong Chúa Giêsu. Cái kỳ điệu hơn cả là khi chúng ta chấp nhận ăn Chúa, Ngài biến chúng ta trở nên Ngài và Ngài trở nên chúng ta. Đây là sự hiệp thông sâu thẳm, chìm đắm trong nhau :” Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy “ ( Ga 6, 56 ).

Chúa Giêsu, chính là Tấm Bánh : Bánh Sự Sống, Bánh Trường Sinh. Chúa Giêsu để lại chính Thịt và Máu của Người để nuôi sống nhân loại. Sự sống trần gian sẽ mau qua. Lương thực : vật chất, cơm, bánh, gạo, tiền rồi sẽ qua đi. Chỉ có Mình và Máu của Chúa mới ban Sự Sống thường tồn. Thánh Thể không chỉ là thịt máu của Chúa mà còn là Tấm Bánh Lời Chúa :” Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội “ ( Pv 7 ). Chúng ta còn đọc thấy điều này trong Hiến chế Tín lý Mạc Khải :” Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy Bánh ban Sự Sống từ bàn Tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn Tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu “ ( MK 21 ).

Do đó, bàn Tiệc Lời Chúa và bàn Tiệc Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau. Người Kitô hữu không thể chỉ đến để rước Mình Thánh Chúa mà bỏ qua bàn Tiệc Lời Chúa. Bởi vì, thánh lễ gồm hai phần rất quan trọng đến nỗi bỏ đi một phần là chúng ta chưa tham dự, hiệp dâng thánh lễ trọn vẹn.Người Kitô hữu đến nhà thờ mà không rước lễ thì giống như họ đi dự tiệc mà lại ngồi ngó tiệc mà không ăn tiệc. Hoặc đi tới nhà thờ người Kitô hữu không chịu lắng nghe Lời Chúa, họ giống như người đi dự tiệc mà không trang điểm, ăn mặc cẩu thả, bê bối.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn sạch tội để chúng con rước Chúa ngự vào lòng chúng con. Xin cho chúng con cũng trở nên tấm bánh được nghiền nát để chia sẻ với anh chị em đồng loại. Xin cho chúng con một tấm lòng quảng đại để chúng con hy sinh cho người khác vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời, chính khi cho đi là khi lãnh nhận. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Chúa Giêsu muốn nuôi nhân loại bằng gì ?
2. Tấm Bánh Mình Máu Chúa và Tấm Bánh Lời Chúa là hai phần quan trọng, nối kết trong thánh lễ.Vậy, bỏ đi phần Lời Chúa có được không?
3. Giáo Hội tôn kính Thánh Kinh như tôn kính ai ?
4. Trước khi rước lễ chúng ta phải làm gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổ chức Y tế Thế giới ráo riết đào tạo nhân viên y tế phá thai
Đặng Tự Do
07:07 10/08/2015
Đào tạo cấp tốc thêm nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới để tham gia vào việc phá thai là ưu tiên cấp thời của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO. Điều này được đề cập đến trong một báo cáo mới của tổ chức này dài 81 trang được đưa ra vào cuối tháng 7 vừa qua và có thể đọc được tại đây: Health worker roles in providing safe abortion care and post-abortion contraception

Báo cáo này nhận định rằng: “Trong số những rào cản hạn chế việc tiếp cận với khả năng phá thai an toàn, việc thiếu cán bộ được đào tạo chính quy là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Người ta ước tính rằng với nhu cầu phá thai ngày càng gia tăng như hiện nay, sự thiếu hụt toàn cầu của các chuyên gia y tế có kỹ năng phá thai sẽ lên tới con số 12.9 triệu vào năm 2035.”

“Chính sách và rào cản pháp lý, sự kỳ thị hoặc không sẵn lòng của một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể hạn chế thêm khả năng phụ nữ tiếp cận với phá thai và những dịch vụ chăm sóc sau phá thai trong nhiều bối cảnh đa dạng”, báo cáo cho biết thêm.

WHO cũng không ngần ngại thúc giục các nước cấp viện phương Tây gây sức ép với các nước nghèo tiến hành một chính sách khắt khe về dân số qua việc mở rộng các dịch vụ phá thai và hạn chế sinh sản.
 
Dân nghèo bị cướp đất ở Mỹ Châu Latinh kêu gọi Giáo Hội đóng một vai trò mạnh mẽ hơn
Đặng Tự Do
00:00 10/08/2015
Sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cho một "sự thay đổi triệt để" trong việc khai thác mỏ nhằm bảo vệ người nghèo và đất đai của họ, đại diện của một số các cộng đồng người Mỹ Latin bị ảnh hưởng bởi khai thác mỏ đã viết một bức thư ngỏ gởi đến Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình kêu gọi Giáo Hội đóng một vai trò mạnh mẽ hơn.

Trong khi ghi nhận sự kiện là máu của nhiều thừa sai, của nhiều Giám Mục, linh mục, nữ tu đã đổ ra để bảo vệ những người dân nghèo bị cướp đất, những người ký tên cho rằng:

"Giáo Hội không thể chỉ đơn giản là một người hòa giải trung lập giữa các cộng đồng và các công ty. Thông thường các công ty này thường liên minh với chính quyền quốc gia và địa phương; và ngành khai thác mỏ với những ảnh hưởng mạnh mẽ của mình có tiếng nói trong mọi không gian của quyền lực hầu tìm mọi cách bảo vệ những dự án và lợi nhuận của họ."

Thư ngỏ gởi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình nói thêm:

"Với sự mất cân bằng này về sức mạnh và tầm ảnh hưởng, cộng thêm việc thiếu một quyền truy cập đầy đủ đến công lý và thông tin, và việc các chính quyền ra sức quy kết các tội hình sự nghiêm trọng cho các hình thức phản đối xã hội, thực tế là không thể có được một cuộc đối thoại thẳng thắn với các công ty và các chính phủ hầu bảo đảm một sự tôn trọng và những chú ý đến các nhu cầu của những người nghèo nhất".
 
Đức Cha Damian Muskus kêu gọi giúp giới trẻ nghèo tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow
Đặng Tự Do
00:32 10/08/2015
Vị giám mục Ba Lan giám sát việc chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 lên tiếng kêu gọi các linh mục bảo đảm rằng không có những người trẻ bị loại trừ khỏi biến cố này vì nghèo.

Đức Cha Damian Muskus, giám mục phụ tá của Krakow, Ba Lan, nơi sẽ diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, cho biết việc sắp xếp cho những bạn trẻ nghèo có thể tham dự sự kiện này là “quà tặng mà các linh mục chúng ta có thể mang đến cho giới trẻ trong năm thánh Từ Bi”.

“Chúng ta cần nhận thức được bao nhiêu những thiếu thốn, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng bỏ bê mà người trẻ phải gánh chịu, và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhạy cảm và liên đới với những người nghèo nhất, để họ không cảm thấy bị gạt ra ngoài lề”

Đức Cha Damian Muskus cho biết như trên trong nghi thức khánh thành một đồng hồ khổng lồ đếm ngược từng phút cho đến ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ khai mạc vào ngày 26 tháng 7 năm 2016. Đồng hồ này được gắn trước mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Krakow.

Bất kỳ sự trợ giúp nào cho những người trẻ phản ảnh “một sự cân nhắc giữa các khả năng của các bạn trẻ và nhu cầu chi phí của biến cố”, nhưng chủ đề của sự kiện, “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót” cần phải được đặt lên hàng đầu.
 
Một Giám Mục Bolivia chỉ trích Liên Hiệp Quốc áp đặt phá thai tại nước này
Đặng Tự Do
01:02 10/08/2015
Một ủy ban của Liên Hợp Quốc kiểm tra việc thực hiện tại Bolivia một hiệp ước về phụ nữ đã chỉ trích mạnh quốc gia Nam Mỹ này về các luật lệ bảo vệ sự sống thai nhi còn trong bụng mẹ. Lời chỉ trích này gây bất mãn nơi một vị giám chức hàng đầu của Bolivia.

Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ của Liên Hợp Quốc thuộc văn phòng cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói “Quyền phá thai vẫn bị hạn chế trong các trường hợp hiếp dâm, loạn luân hoặc khi sức khỏe của người phụ nữ có nguy cơ.” Ủy ban này cáo buộc rằng “những hạn chế như thế dẫn đến phá thai lậu không an toàn trong trường hợp có thai ngoài ý muốn”

Nêu rõ cuộc sống con người là “thánh thiêng và bất khả xâm phạm”, Đức Tổng Giám mục Jesús Juárez Párraga mô tả hành động của ủy ban này là một cuộc tấn công vào chủ quyền quốc gia của Bolivia.
 
Các Giám mục Đức ủng hộ việc hiến tặng nội tạng
Đặng Tự Do
01:22 10/08/2015
Các giám mục Công Giáo Đức đã đưa ra một tuyên bố khuyến khích sự hiến tặng nội tạng con người, miễn là điều này chỉ xảy ra sau khi người hiến tặng đã chết thực sự.

Tuyên bố, được viết rõ ràng là để chống lại các áp lực công khai trong xã hội chống lại việc hiến nội tạng. Bản tuyên bố đã được chuẩn bị bởi Ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Đức. Trong lời tựa của các tài liệu dài 30 trang, Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cho biết việc hiến nội tạng là một “hành động quảng đại vì lòng bác ái.”

Tài liệu của các giám mục nói rằng khi não đã chết, được định nghĩa như là sự chấm dứt vĩnh viễn tất cả các chức năng não, một người có thể được coi là chết và chỉ khi ấy việc hiến tặng mới có thể được thực hiện.

Các giám mục cũng nhấn mạnh rằng việc hiến nội tạng phải là tự nguyện, và pháp luật phải yêu cầu “thể hiện sự đồng ý bằng văn bản.”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô có thay đổi được Vatican không?
Bùi Hữu Thư
21:32 10/08/2015
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị đến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, ngài nhấn mạnh đến sự phục vụ người nghèo hơn là củng cố giáo điều.

“Tôi cần phải bắt đầu thực hiện các sự cải tổ ngay từ bây giờ”. Đây là lời ngài nói với sáu người bạn ngài là dân Á Căn Đình hai tháng sau khi 115 Hồng Y đã bầu ngài làm giáo hoàng trong mật nghị. Đối với nhiều quan sát viên – một số rất vui thích, một số lại thất vọng – Đức Thánh Cha mới dường như đã thay đổi mọi sự trong một thời gian ngắn. Ngài là giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, giáo hoàng đầu tiên không sanh trưởng tại Âu Châu trên một ngàn năm qua, và là giáo hoàng đầu tiên chọn tên Phanxicô, để tôn vinh Thánh Phanxicô thành Assissi, vị thánh chuyên lo cho người nghèo.

Ngay sau khi được bầu lên ngày 13 tháng 3, 2013, vị lãnh đạo mới của Giáo Hội Công Giáo xuất hiện trên ban công của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô không mang áo choàng mầu đỏ cũng như giây stola đỏ thêu vàng. Ngài chào đón đám đông hò reo bằng một lời nói giản dị: “Fratelli e sorelle, buona sera” (Anh chị em thân mến, thân chào), và ngài kết thúc bằng lời xin mà dân Á Căn Đình đã quen thuộc: “Xin cầu nguyện cho tôi.” Khi ngài rời khỏi Vương Cung Thánh Đường, ngài bước qua chiếc xe limousine lộng lẫy để lên xe buýt đi cùng với các Hồng Y vừa mới chọn ngài làm bề trên của họ.

Sáng hôm sau, vị tân giáo hoàng tự ý trả tiền phòng khách sạn tại nơi ngài trú ngụ, bỏ qua tư gia truyền thống của các giáo hoàng tại Cung Điện Tông Đồ và dọn vào một căn hộ hai phòng tại Nhà Thánh Mác Ta, là nhà khách của Vatican.

Trong buổi họp báo đầu tiên với các ký giả quốc tế ngài đã tuyên bố kỳ vọng chính của ngài: “Tôi muốn có một Giáo Hội khó nghèo và cho người nghèo khó”. Và thay vì dâng Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh để tưởng niệm Bữa Tiệc Ly tại một vương cung thánh đường và rửa chân cho các linh mục như thông lệ, ngài đã giảng tại một khám đường giam giữ các thanh thiếu niên, và rửa chân cho mười hai tù nhân trong đó có cả phụ nữ và người Hồi Giáo, đây là hành động đầu tiên của một giáo hoàng. Và tất cả những điều này đã xẩy ra trong tháng đầu tiên của triều đại ngài.

Đối với thế giới bên ngoài Đức Thánh Cha Phanxicô dường như một vì sao xẹt từ trời rơi xuống, ngài rất nổi tiếng và là một nhân vật tôn giáo đôi khi hay tranh biện và rất bướng bỉnh, theo các bạn đồng hương với ngài. Là con của một kế toán viên di cư từ miền Piedmont phía bắc nước Ý. Bergolio đã xuất sắc ngay khi ngài nhập chủng viện năm 1956, lúc 20 tuổi, sau khi đã làm một chuyên viên phòng thí nghiệm, và trong môt thời gian ngắn làm “bouncer” (người gác cửa cho một hộp đêm). Ngay sau đó ngài đã chọn lối đi khó khăn của Dòng Tên làm con đường trở thành linh mục. Tại Colegio Máximo ở San Jose năm 1963, ngài tỏ ra có khả năng nhận định về linh đạo và có nhiều năng khiếu về chính trị, theo linh mục Juan Carlos Scannone, một giáo sư của ngài. Do
đó ngài mau chóng trở thành vị linh hướng cho các sinh viên khác cũng như cả các giáo sư. Ngài trở thành viện trưởng Colegio Máximo và là một nhân vật nổi tiếng tại các khu phố nghèo khó trên khắp thủ đô Buenos Aires. Và ngài cũng mau chóng thăng thưởng trong Dòng Tên và khéo léo du hành trong chính trường mờ ám của thời đại Juan Perón và sau đó là thời chính quyền quân sự độc tài. Ngài mất sự tin cẩn của bề trên Dòng Tên, rồi lại được phục hồi nhờ một Hồng Y mến chuộng ngài và phong cho ngài làm giám mục năm 1992, tổng giám mục năm 1998, và Hồng Y năm 2001.

Ngồi trong phòng khách của tư gia một buổi sáng, ngài đã tâm sự với các bạn thân là có nhiều thách thức ngài phải đối phó. Tình trạng tài chánh tệ hại của Ngân Hàng Vatican. Tệ trạng trì trệ của tổ chức hành chánh trung ương mang tên Roman Curia. Việc tiếp tục tiết lộ các hành vị xâm phạm tính dục trẻ vị thành niên của các linh mục đang được các giới chức trong Giáo Hội che đậy. Đối phó với các tệ trạng này, Đức Thánh Cha mong muốn cải tổ ngay, mặc dù ngài biết sẽ tạo ra thật nhiều kẻ thù.

Bạn ngài nói xin ngài coi chừng, ngài không chịu mang áo giáp chống đạn. Ngài trả lời: “Chúa đã đặt để tôi vào chỗ này, Người sẽ phải lo lắng cho tôi.” Mặc dầu ngài không xin làm giáo hoàng, nhưng ngài nói khi tên ngài được gọi lên trong mật nghị, ngài đã cảm nhận một sự bình an hết sức. Và mặc dầu có nhiều sự chống đối có thể xẩy ra, ngài cam đoan với các bạn là ngài vẫn cảm nhận một sự bình an vô cùng.

Dường như sứ mệnh của Đức Thánh Cha là khởi xướng một cuộc cách mạng bên trong Vatican và bên ngoài. Nhưng theo De la Serna, một bạn hữu người Á Căn Đình của ngài, ngài nói: “Ngài sẽ không thay đổi giáo thuyết, mà muốn Giáo Hội trở về với học thuyết chân chính – là giáo điều bị quên lãng, là phải đặt con người ở chính trọng tâm.”
 
ĐTC Phanxicô chọn ngày 1 tháng 9 là ''Ngày Chăm Sóc Công Trình Sáng Tạo Của Thiên Chúa''
Tiền Hô
21:38 10/08/2015
ĐTC Phanxicô chọn ngày 1 tháng 9 là "Ngày Chăm Sóc Công Trình Sáng Tạo Của Thiên Chúa"

VATICAN - Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thiết lập "Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Chăm Sóc Công Trình Sáng Tạo Của Thiên Chúa", sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 9 hằng năm, bắt đầu từ năm 2015 này. Đặc biệt, ngày này sẽ cùng cử hành chung với Giáo Hội Chính Thống Giáo và tất cả các cộng đồng Kitô hữu nào muốn tham gia.

Quyết định này được công bố trong một bức thư đề ngày 6 tháng 8 năm 2015 mà ngài gửi đến Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson - Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cùng Đức Hồng Y Kurt Koch - Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Hiệp nhất Kitô hữu.

Trong thư, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến "người huynh đệ yêu quý là Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew" - người đã nhiều năm tham gia tích cực trong việc bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và "Đức Tổng Giám Mục [Chính Thống Giáo] Ioannis của Pergamum" - người đã đến hiện diện khi công bố Thông điệp Laudato Si' hồi cuối tháng Sáu.

Đức Thánh Cha đã chọn ngày 1 tháng 9 vì Giáo Hội Chính Thống cũng đã có một sự kiện tương tự vào ngày này.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: "chúng tôi mong muốn góp sức vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái mà nhân loại hiện đang trải qua. Trong khi làm điều này, trước tiên chúng ta phải tái khám phá trong di sản tinh thần quý báu của chúng ta những động lực sâu xa nhất để chúng ta quan tâm đến việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa".

Trích dẫn Laudato si', ngài viết: "cuộc khủng hoảng sinh thái cũng là một lệnh truyền hoán cải nội tâm sâu sắc: Kitô hữu được kêu gọi "hoán cải sinh thái”, từ đó mà những hiệu quả của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối quan hệ của họ với thế giới xung quanh họ." (số 217).

Đối với Đức Thánh Cha, "Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Chăm Sóc Công Trình Sáng Tạo Của Thiên Chúa" sẽ mang đến cho cá nhân và cộng đoàn tín hữu một cơ hội phù hợp để tái khẳng định ơn gọi trở thành người quản lý công trình sáng tạo của Thiên Chúa". Đồng thời, "việc cử hành ngày này trùng ngày với các Giáo Hội Chính Thống, sẽ là một cơ hội quý giá để làm chứng cho sự hiệp thông ngày càng gia tăng giữa chúng ta với các anh chị em Chính Thống Giáo".

Cuối cùng ngài viết: "Chúng ta đang sống trong thời đại mà tất cả các Kitô hữu phải đối mặt với những thách thức quan trọng tương tự, khiến chúng ta phải tương hỗ nhau để có thêm sự tin cậy và mang lại hiệu quả hơn". (AsiaNews, 10/08/2015)

Tiền Hô
 
Bài hát chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót
Đặng Tự Do
22:13 10/08/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hoá đã công bố bài thánh ca chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót được cử hành trong toàn thể Giáo Hội bắt đầu từ ngày 08 Tháng Mười Hai.

Tựa đề của bài thánh ca giống như khẩu hiệu của năm thánh: "Misericordes sicut Pater" (Hãy xót thương như Cha các con). Bài thánh ca này được viết bởi Cha Eugenio Costa, một linh mục dòng Tên người Ý, và được nhà soạn nhạc Paul Inwood, đặt lời tiếng.

 
Top Stories
Pope institutes World Day of Prayer for the Care of Creation
Catholic World News
06:35 10/08/2015
Pope Francis has instituted the World Day of Prayer for the Care of Creation, which will be commemorated annually on September 1, as has become customary in the Orthodox churches.

In a letter dated August 6 and released four days later, the Pontiff said that the idea was suggested by Metropolitan John Zizioulas of Pergamon, who represented the Ecumenical Patriarch of Constantinople at the recent release of the encyclical on the care of creation.

“As Christians we wish to contribute to resolving the ecological crisis which humanity is presently experiencing,” Pope Francis said in his letter, which was addressed to the presidents of two pontifical councils. “In doing so, we must first rediscover in our own rich spiritual patrimony the deepest motivations for our concern for the care of creation.”

“The annual World Day of Prayer for the Care of Creation will offer individual believers and communities a fitting opportunity to reaffirm their personal vocation to be stewards of creation, to thank God for the wonderful handiwork which he has entrusted to our care, and to implore his help for the protection of creation as well as his pardon for the sins committed against the world in which we live,” the Pope continued.

He added:

The celebration of this Day, on the same date as the Orthodox Church, will be a valuable opportunity to bear witness to our growing communion with our Orthodox brothers and sisters. We live at a time when all Christians are faced with the same decisive challenges, to which we must respond together, in order to be more credible and effective.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức cha Giáo phận Lạng Sơn thăm mục vụ các giáo xứ Cao Bình, Thanh Sơn, Nà Cáp
Giuse Trần Ngọc Huấn
08:59 10/08/2015
GIÁO HỌ NÀ CÁP CHÀO ĐÓN Đức Cha GIUSE TỚI THĂM MỤC VỤ

“Anh chị em giờ đây tuy chưa có nơi thờ phượng chính thức, nhưng chính trong hoàn cảnh sống thường ngày và công việc cụ thể, anh chị em đã và đang trở nên một dấu chỉ của đức tin và làm cho những giá trị Tin Mừng thấm nhuần vào miền đất này”. Đó là những lời khích lệ rất ý nghĩa mà Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân đã ngỏ với cộng đoàn giáo họ Nà Cáp trong thánh lễ sáng nay, 10 tháng 8 năm 2015 nhân chuyến thăm mục vụ của ngài tại Cao Bằng.

Hình ảnh

Trong một chương trình ngoại thường, Đức Cha Giuse đã đến thăm viếng và dâng thánh lễ với cộng đoàn Dân Chúa tại giáo họ Nà Cáp - một họ đạo mới, đang trong tiến trình thành lập chính thức của giáo xứ Thanh Sơn. Mọi người vui mừng chào đón ngài và tới tham dự thánh lễ được cử hành tại tư gia của một gia đình trong giáo họ, cũng là nơi thường tụ họp để cầu nguyện chung hàng tuần.

Giáo họ Nà Cáp quy tụ các anh chị em và gia đình từ khắp các giáo xứ miền xuôi lên Cao Bằng lập nghiệp. Đây là điều kiện để họ nâng đỡ, khích lệ và đồng hành với nhau trong đời sống đức tin, giúp đỡ nhau trong công việc làm ăn và cộng tác với giáo xứ sở tại để làm phong phú sinh hoạt đạo đức. Đến nay có hàng trăm gia đình tham gia sinh hoạt trong giáo họ mới này. Trong dịp thăm giáo họ Nà Cáp hôm nay, Đức Cha Giuse cũng vui mừng thông báo cho mọi người hiện diện được biết một số diễn biến tốt đẹp trong tiến trình thiết lập giáo họ và xây dựng ngôi nhà thờ mà Toà Giám mục và Giáo xứ sở tại đang thực hiện, cũng như các thủ tục hành chính từ chính quyền các cấp liên quan. Ngài mời gọi mọi người nhiệt thành cộng tác và nhất là cầu nguyện để tiến trình này sớm đạt được kết quả như lòng mong ước.

Vào lúc 10 giờ, Đức Cha Giuse đã chủ sự Thánh lễ với cộng đoàn giáo dân Nà Cáp. Cùng đồng tế với ngài là cha Tổng Đại diện Giuse, chính xứ Thanh Sơn và cha quản nhiệm giáo xứ Cao Bình. Khoảng trên dưới 200 giáo hữu đã tham dự thánh lễ này, trong một khung cảnh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.

Đức Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn về ngày lễ thánh Lôrensô hôm nay, nhất là về mẫu gương cuộc đời phục vụ, hy sinh, dấn thân cho người nghèo, hết mình vì Giáo Hội và trung kiên đến cùng trong đời sống đức tin của thánh Lôrensô. Ngài mời gọi mọi người hiện diện cũng noi gương thánh Lôrensô, hết lòng yêu mến và gắn bó với Giáo Hội, sống đức tin một cách nhiệt thành và quảng đại chia sẻ với những anh chị em nghèo khổ xung quanh mình. Thánh Lôrensô một lòng trung thành và gìn giữ Giáo Hội, anh chị em Nà Cáp cũng được mời gọi trung thành với truyền thống đức tin mà mình đã lãnh nhận, xây dựng và phát triển đời sống xứ đạo. Trong niềm hy vọng và tin tưởng vào ơn của Chúa, trong sự cộng tác của mọi người, một ngày không xa nữa, giáo họ Nà Cáp và ngôi thánh đường sẽ sớm trở thành hiện thực nơi miền đất truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng này.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Tổng Đại diện thay mặt cộng đoàn cảm ơn Đức Cha Giuse vì sự quan tâm và khích lệ của ngài dành cho giáo họ Nà Cáp, một họ đạo mới và một giáo họ duy nhất trong giáo phận hiện nay. Đức Cha Giuse một lần nữa bày tỏ niềm vui của ngài khi đến thăm cộng đoàn giáo dân Nà Cáp. Ngài đặc biệt khen ngợi sự nỗ lực của các bạn giới trẻ giáo họ trong Ngày Giới Trẻ và Hội thi Giáo lý Giáo phận năm 2015 vừa qua với thành tích đáng khích lệ là hai giải nhất Cá Nhân và Đồng Đội. Ngài khích lệ mọi người kiên trì giữ vững đức tin, sống giá trị Tin Mừng và làm chiếu toả niềm vui Tin Mừng trong chính mảnh đất, môi trường và hoàn cảnh mình đang sống, đang làm việc.



Chuyến thăm viếng của Đức Cha tới giáo họ Nà Cáp mang lại cho bà con nơi đây không chỉ niềm vui, sự sốt sắng nhưng còn mang đến một niềm hy vọng lớn lao. Tin tưởng rằng với ơn Chúa, với sự quan tâm của các Đấng bậc trong Giáo phận, với sự nỗ lực của mọi thành phần Dân Chúa nơi đây, Giáo họ Nà Cáp sẽ sớm được chính thức công nhận về mặt hành chính dân sự và sớm có được ngôi thánh đường làm nơi tụ họp cầu nguyện và thờ phượng xứng đáng hơn.

THÁNH LỄ BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC TẠI GIÁO XỨ THANH SƠN

“Các con hãy trở nên dấu chỉ của Tình yêu Thiên Chúa trong chính hoàn cảnh thường nhật của các con, và hãy thực thi sứ mệnh mà chính Chúa đã mời gọi là nên môn đệ nhiệt thành loan báo Tin Mừng bằng chính bối cảnh cuộc sống quen thuộc mỗi ngày của các con...”. Đó là những tâm tình mà Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng nhắn nhủ tới các em thiếu nhi của Giáo xứ Thanh Sơn được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức trong thánh lễ 19 giờ 30 ngày 09 tháng 8 năm 2015 nhân chuyến viếng thăm mục vụ của ngài.

Hình ảnh

Tiếp tục hành trình mục vụ tại Giáo hạt Cao Bằng, 15 giờ 30 chiều ngày 09 tháng 8 năm 2015, Đức Cha Giuse đã tới khuôn viên thánh đường giáo xứ Thanh Sơn, trong sự chào đón hân hoan của cha Tổng Đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, chính xứ Thanh Sơn, quý tu sỹ, chủng sinh và đông đảo bà con giáo dân. Đức Cha Giuse tiến vào thánh đường cùng cầu nguyện với cộng đoàn, theo nghi thức đón Giám mục dịp kinh lý giáo xứ. Sau đó, ngài vui mừng thăm hỏi mọi người hiện diện trong một bầu khí cởi mở và ấm tình gia đình.

Cao điểm chuyến thăm viếng mục vụ của Đức Cha Giuse tại giáo xứ Thanh Sơn là Thánh lễ Ban Bí Tích Thêm Sức được ngài cử hành lúc 19 giờ 30. Cùng đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện Giuse, cha Đaminh Nguyễn Văn Huyến quản nhiệm giáo xứ Cao Bình và cha Giuse Tuấn (CSsR). Tham dự Thánh lễ có đông đảo mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài giáo xứ Thanh Sơn, giáo họ Nà Cáp. Không chỉ có các em hôm nay được lãnh bí tích Thêm Sức mà tất cả mọi người đều cảm thấy lòng mình tràn ngập một niềm vui và hân hoan. Đoàn đồng tế tiến vào Thánh đường trong lời ca nhập lễ sốt sắng, hoà với muôn con tim tràn ngập tâm tình cảm mến.

Trong thánh lễ này, Đức Cha Giuse đã ban Bí tích Thêm Sức cho 7 em thiếu nhi trong giáo xứ. Cũng nên nhắc lại, hàng năm vào mùa hè, các giáo xứ thuộc Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đều tổ chức các khoá học Giáo Lý và Kinh Thánh, hầu chuẩn bị cho các em thiếu nhi hành trang đức Tin và giáo lý vững chắc nhờ đó các em có thể lãnh nhận các bí tích và sống đạo ngày một trưởng thành. Năm nay phong trào học giáo lý và Kinh Thánh tại các giáo xứ cũng thật sôi nổi và hiệu quả. Đặc biệt, đối với các em thiếu nhi được lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần qua sự đặt tay của Đức Giám Mục hôm nay thì việc học tập ấy càng quan trọng và cần thiết hơn. Để lãnh bí tích Thêm Sức hôm nay, các em đã được học hỏi rất nghiêm túc và sâu sắc về Giáo lý và lời Chúa từ hai năm qua, nhất là vào mùa hè. Trong những ngày gần đây, các em còn tĩnh tâm, dọn mình xưng tội và được tập tành, chuẩn bị những nghi thức Bí tích Thêm Sức. Vì vậy, việc được lãnh bí tích Thêm sức trở thành ngày đặc biệt quan trọng và dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời Kitô hữu của các em.

Đức Cha Giuse, trong bài giảng lễ, chia sẻ với cộng đoàn Phụng vụ về lời mời gọi và sứ điệp của Chúa dành cho tất cả mọi người: trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa, nên ngọn đèn đức tin và đem niềm vui Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Xã hội hôm nay đầy những khó khăn thách đố, nhất là trong đời sống đức tin, tuy nhiên, Đức Cha Giuse kêu mời mọi người hãy ý thức hồng ân mà Thiên Chúa đã và đang tuôn ban để có lòng tín thác, yêu mến. Với ơn của Chúa và sự trợ giúp của Đấng mà Người sai đến là Chúa Thánh Thần, mỗi người sẽ được mạnh sức trong hành trình đức tin của mình. Chúa Thánh Thần sẽ nên nguồn mạch biến đổi người môn đệ, biến đổi thế giới và con người hôm nay cho xứng hợp với tinh thần Tin Mừng. Đức Cha Giuse cũng mời gọi cộng đoàn hãy ý thức sâu xa và cảm nghiệm rõ hơn về ý nghĩa cũng như hồng ân mình đã nhận được nhờ Bí Tích Thêm Sức. Ngài kêu mời các bạn thiếu nhi được lãnh Bí Tích Thêm Sức hôm nay hãy mang trong mình hồng ân Chúa Thánh Thần, làm cho ơn thánh ngày càng sung mãn và tràn lan cho mọi người xung quanh.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, một em thiếu nhi – đại diện cho 7 em lãnh bí tích Thêm sức hôm nay đã nói lên tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, tri ân Đức Cha Giuse, cha xứ, quý cha, quý sơ, quý thầy, quý phụ huynh và cộng đồng dân Chúa đã dành nhiều tình yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ và hướng dẫn các em ngày một thăng tiến trên đường nhân đức, và nhất là lo lắng giúp đỡ để các em có ngày lãnh bí tích Thêm Sức đầy ý nghĩa và đáng nhớ hôm nay.

Với ơn Chúa Thánh Thần tràn đầy tâm hồn, các em hứa sẽ ra đi vào cuộc đời để sống xứng đáng là những Kitô hữu đạo đức thánh thiện và nên những chứng nhân cho Tình Yêu Thiên Chúa cho mọi người. Ra đi vào cánh đồng truyền giáo bao la của giáo phận, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các em sẽ là những chứng tá hùng hồn cho tình yêu Chúa bằng một đời sống đạo đức và một đức tin vững mạnh.

Đức Cha Giuse một lần nữa chúc mừng giáo xứ Thanh Sơn, chúc mừng các em và gia đình trong ngày lễ đặc biệt hôm nay. Nhìn cánh đồng truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng còn thật rộng lớn và đầy khó khăn thử thách nhưng ngài tin rằng: với ơn Chúa, với sự tác động của Chúa Thánh Thần mỗi người Kitô hữu sẽ trở nên những chứng tá sống động của Chúa trong mọi môi trường sống và trong ngay đời sống hằng ngày của mình. Ngài cầu chúc toàn thể cộng đoàn, cách riêng các em lãnh Bí tích Thêm Sức hôm nay được tràn đầy ân sủng và bình an, được ngày càng lớn lên trong ơn Chúa Thánh Thần đã lãnh nhận.

THĂM GIÁO XỨ CAO BẰNG

Theo chương trình mục vụ thường kỳ của Đức Cha Giáo phận, Chúa Nhật 09 tháng 8 năm 2015, ngài đã đến thăm và cử hành thánh lễ tại giáo xứ Cao Bình, thuộc giáo hạt Cao Bằng của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Đây là dịp thật ý nghĩa, nói lên sự tương quan mật thiết giữa vị mục tử và đoàn chiên của mình, là cơ hội để bà con giáo dân từ các xứ đạo xa xôi được gặp gỡ và thân thưa tâm tình với vị chủ chăn giáo phận.

Hình ảnh

Trải qua hành trình dài 140km từ Toà Giám mục Lạng Sơn, Đức Cha Giuse tới giáo xứ Cao Bình lúc 11 giờ trưa. Cha quản nhiệm giáo xứ Đaminh Nguyễn Văn Huyến (CSsR), quý thầy, hội đồng mục vụ và cộng đoàn giáo xứ hân hoan chào đón ngài, trong một khung cảnh đơn sơ nhưng chan chứa niềm vui và ân tình. Đức Cha Giuse chào thăm từng người hiện diện bằng một sự quan tâm trìu mến.

Vào hồi 13 giờ, Đức Cha Giuse chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật XIX tại thánh đường giáo xứ Cao Bình. Mọi thành phần Dân Chúa hiệp cùng Đức Cha, cha Tổng đại diện Giuse, cha Đaminh quản nhiệm giáo xứ dâng thánh lễ cách sốt sắng và trang trọng.

Trước khi bước vào Thánh lễ, cha quản xứ Đaminh trân trọng giới thiệu Đức Cha Giuse tới toàn thể cộng đoàn Phụng vụ và chào mừng ngài đến với đoàn chiên nơi giáo xứ Cao Bình, một xứ đạo bé nhỏ, xa xôi của Giáo phận.

Đức Cha Giuse bày tỏ niềm vui của ngài khi đến thăm giáo xứ Cao Bình, được chứng kiến sự hồi sinh và phát triển từng ngày trong diện mạo và đời sống sinh hoạt của giáo xứ. Đặc biệt, hôm nay ngài trịnh trọng giới thiệu cha Đaminh là quản nhiệm của giáo xứ Cao Bình, thay mặt ngài để chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa nơi đây. Bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse mời gọi toàn thể cộng đoàn hiệp lời tạ ơn Thiên Chúa vì bao ơn phúc Người đã thương ban trên giáo xứ Cao Bình, trên từng người hiện diện, đồng thời hiệp ý cầu nguyện cho giáo xứ ngày một thăng tiến, đời sống đức tin được tăng triển và các sinh hoạt đạo đức đem lại nhiều hoa trái thánh thiện.

Trong bài giảng, lấy ý từ các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, nhất là qua mẫu gương cuộc đời và sứ vụ của tiên tri Êlia, Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn Phụng vụ cảm nghiệm sâu xa và ý thức hơn về sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Ngài dẫn chứng ngay chính nơi giáo xứ Cao Bình này, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao biến cố đau thương mất mát, có những lúc tưởng như lụi bại, thế nhưng nơi đây ơn Chúa vẫn tuôn đổ, nhờ đó, giáo xứ ngày nay đã mang một diện mạo mới, từng bước hồi sinh và ngày một thăng tiến. Ngài mong muốn mỗi người nơi giáo xứ này hãy thực sự sống trong tâm tình tín thác vào ơn của Chúa, nhiệt thành cộng tác với ơn Chúa và tận tâm loan báo Tin Mừng.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha Giuse một lần nữa cầu chúc giáo xứ Cao Bình sẽ ngày một phát triển sinh động hơn, trở nên một dấu chỉ của ánh sáng và niềm vui Tin Mừng nơi miền đất truyền giáo còn nhiều thách đố này. Trong niềm cảm mến, thay mặt cho toàn thể cộng đoàn, cha quản nhiệm Đaminh đã chân thành cảm ơn Đức Cha vì sự quan tâm và tấm lòng ưu ái của ngài đối với giáo xứ Cao Bình, đồng thời cầu chúc chuyến thăm mục vụ miền Cao Bằng của ngài được tốt đẹp.

Đức Cha Giuse long trọng ban phép lành cho toàn thể cộng đoàn Phụng vụ. Sau khi kết thúc thánh lễ, tại khuôn viên nhà xứ Cao Bình, mọi người cùng chào thăm Đức Cha Giuse và chia sẻ niềm vui trong ngày Đức Cha tới thăm giáo xứ. Vào hồi 15 giờ, Đức Cha Giuse rời giáo xứ Cao Bình, tiếp tục hành trình mục vụ tại Giáo hạt Cao Bằng với điểm dừng tiếp theo là giáo xứ Thanh Sơn.
 
Giáo xứ Bắc Kạn giáo phận Bắc Ninh mừng lễ bổn mạng thánh Đa Minh
Đặng Hằng
18:44 10/08/2015
Giáo xứ Bắc Kạn giáo phận Bắc Ninh mừng lễ bổn mạng thánh Đa Minh

Giáo xứ Bắc Cạn có 788 nhân danh sống rải rác 6 giáo họ: Họ Nhà xứ Bắc Kạn, Họ Na Rì, Họ Chợ Đồn, Họ Nà Phặc, Họ Ba Bể, Họ Pắc Nậm và giáo điểm Hòa Mục (Chợ Mới). Giáo xứ bao trùm trên toàn tỉnh Bắc Kạn nhưng số giáo dân ít đa phần là di cư từ vùng xuôi lên. Từ ngày 29 tháng 10, giáo xứ Bắc Kạn chính thức có cha chính xứ. Hiện nay, giáo xứ Bắc kạn đã có những khởi sắc đáng mừng.

Xem Hình

Nhà xứ Bắc Cạn nằm trên địa bàn hành chính thành phố Bắc Kạn – Tỉnh Bắc Cạn. Bắc Kạn cách TGM Bắc Ninh chừng 160km về hướng Bắc là nơi khởi nguồn của dòng sông Cầu thơ mộng chảy giữa lòng giáo phận Bắc Ninh.

Với đặc thù là họ đạo trải rộng trên một diện tích lớn với số giáo dân ít ỏi chỉ có chưa đầy 300 nhân danh sống rải rác trong thành phố. Đa phần, giáo dân làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán trên địa bàn thành phố, nhưng do thành phố nhỏ giao thương kém nền kinh tế đang trong thời gian suy thoái nên đời sống của giáo dân ở Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngôi nhà thờ nhỏ bé Bắc Kạn nằm cheo leo trên lưng đồi được được tái thiết lai năm 2010. Nhà thờ rộng 7m, dài 16m, cao 9m, không có tháp chuông và cũng không có chuông (ở Bắc Cạn sử dụng chuông điện tử phát qua loa phóng). Tuy nhiên, phần cổng của nhà thờ còn “dang dở” do bị lấn chiếm.

Tin mừng đã được gieo và phát triển mãnh mẽ ở vùng rừng núi Bắc Kạn từ những thập niên cuối thế kỉ 19 và đầu 20. Giáo xứ Bắc Kạn được thành lập năm 1928, thời Đức Cha Teodoro Gordaliza Phúc. Trong thời kì này, giáo xứ Bắc Kạn đã có cha xứ coi sóc, có nhà Thiên Thần (nuôi trẻ mô côi) và nhà mụ. Trước chiến tranh, Bắc Kạn là một giáo xứ lớn sầm uất, đời sống đạo được liệt vào hàng những giáo xứ lớn của giáo phận.

Tuy nhiên, khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mọi sinh hoạt tôn giáo tại Miền Bắc gặp nhiều khó khăn cấm cách. Đặc biệt, Bắc Kạn là vùng đất bị liệt vào hàng “bế quan tỏ cảng”, mọi sinh hoạt của người dân đều nằm trong tầm kiểm soát gắt cao của chính quyền. Cùng với những biến cố thăng trầm của Giáo Hội Việt nam, đặc biệt là hoàn cảnh khó khăn các giáo phận Miền Bắc, tưởng như Giáo xứ Bắc Kạn đã không còn tồn tại được nữa. Trong hơn nửa thế kỷ, giáo xứ Bắc Kạn không có cha xứ coi sóc và bị cách li hoàn toàn với giáo phận, bởi vì cha xứ và phần lớn giáo dân đã chạy khỏi Bắc Kạn trong thời kỳ chiến tranh Việt - Pháp (1945 -1954). Trong hoàn cảnh bị o ép lại như vậy, một nhóm nhỏ giáo dân ở lại vẫn gìn giữ và duy trì đời sống đức tin trong thời kì khó khăn, song cũng có không ít người vì sợ hãi mà “quên mất” Đạo Chúa. Cây Đức tin trải qua nhiều phong ba bão táp dần “trụi lá, trơ cành”, có lúc tưởng như “chết khô” giữa đời.

Đến thập niên 90 của thế kỉ trước, giáo phận có thêm linh mục và các cha mới có điều kiện lên được vùng Bắc Kạn. Các ngài đã cố gắng liên lạc và tìm những giáo dân còn sót lại, và đã cho làm lại ngôi nhà nguyện khoảng 20 mét vuông trên mảnh đất nhà thờ còn giữ lại được, để khi các cha lên có nơi dâng lễ và bà con hàng ngày đến cầu nguyện.

Nhưng Mảnh đất của nhà thờ bị chiếm dụng và bị biến dạng, mọi sinh hoạt đạo gần như tê liệt. Về sau, những o ép có phần giảm xuống lại thêm có các cha thường xuyên lui tới cộng với nhiều giáo dân dưới xuôi di cư đến nên đời sống Đức tin của Bắc Kạn có những dấu hiệu đáng mừng. Năm 2008, Cha Giuse Hà Mạnh Hoàn lên ở trực tiếp tại Bắc Kạn, sau khi cha Hoàn được củ đi du học, giáo phận lại gửi cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Quân lên coi sóc. Từ khi có các cha về ở trực tiếp, tinh thần đạo đức của bà con được nâng cao. Sau một thời gian vắng bóng linh mục, ngày 29 tháng 10 năm 2013, Đức cha giáo phận bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Văn Tĩnh làm Chánh xứ Bắc Kạn. Như vậy, sau hơn 60 năm Bắc Kạn mới lại chính thức có cha chính xứ.

Hiện nay, Bắc Kạn thường xuyên có thánh lễ các ngày trong tuần. Bắc Kạn cũng đã có một số hội đoàn được thành lập và đang hoạt động gồm Hội Giuse, Hội Mân Côi, Giới Trẻ.. Dù đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng Bắc Kạn còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể tái thiết lại đời sống Đức tin cho bằng với thời kỳ vàng son.

Hôm nay, cảnh trời hân hoan, đoàn con giáo xứ Bắc Kạn mừng thánh Đaminh đấng Bảo Trợ giáo xứ. Vì thế, ngược dòng lịch sử để giáo xứ có được như ngày hôm nay đó là nhờ vào sự che chở của cha thánh Đa Minh.

Với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, giáo xứ Bắc Kạn đã long trọng mừng lễ thánh Đa Minh – Đấng bảo trợ của giáo xứ. Thánh lễ có sự hiện diện của cha xứ Giuse Nguyễn Văn Tĩnh, cha phó Giuse Nguyễn Quốc Toản cùng quý thầy, quý Dì và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ. Đặc biệt giáo xứ vui mừng có 6 em thiếu nhi xưng tội rước lễ lần đầu – là 6 bông hoa tươi thắm dâng lên thánh Đa Minh trong ngày mừng lễ.

Trước khi bước vào Thánh lễ, cộng đoàn được lắng nghe lược sử giáo xứ Bắc Kạn với những đổi thay và biến cố thăng trầm theo dòng lịch sử. Có những khi phát triển mạnh mẽ, là giáo xứ sầm uất như những ngày đầu thành lập dưới thời Cha Teodoro Gordaliza Phúc (1928) cho đến những khi chiến tranh loạn lạc chỉ còn một vài người và tưởng như không còn sự tồn tại của giáo xứ nữa. Rồi sau hơn nửa thế kỷ, giáo xứ mới có linh mục lui tới dâng lễ cho giáo dân và điểm son đánh dấu bước phát triển của giáo xứ là khi có Cha xứ về coi sóc.

Nói về những biến cố trong quá trình hình thành và phát triển giáo xứ, Cha phó Giuse trong bài chia sẻ của mình đã nhấn mạnh một điều rằng: khi hạt giống Tin Mừng đã được gieo trên mảnh đất này thì mãi mãi sẽ không bao giờ mất đi cho đến khi sinh hoa kết trái. Cũng như thánh lễ mừng kình Thánh Đa Minh – đấng bảo trợ của giáo xứ nhắc nhớ cho chúng ta rằng bằng mẫu gương về sự hy sinh, cầu nguyện, bằng vũ khí là tình yêu Thiên Chúa và sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi, Thánh Đá Minh đã thay đổi được những con người có tư tưởng lạc giáo, những bè rối trong Giáo Hội trước kia và cũng chính nhờ lời bầu cử của Ngài mà Thiên Chúa đã gìn giữ và đổ tràn ơn phúc của Ngài trên giáo xứ Bắc Kạn để từ một giáo xứ gần như tàn lụi nay đã khởi sắc và phát triển mạnh mẽ như trong lời thơ của một giáo dân đã xúc động viết lên rằng:

Đất Bắc Kạn núi đồi trùng điệp

Tổ tiên gieo xứ điệp Tin Mừng

Một thời gió kín mây bưng

Giờ đây đã tỏ như vầng Trời Đông

Tiếng chuông điểm trong chiều gió lộng

Dù là ai cũng động tâm can

Nghe như ơn Chúa đã tràn

Vén mây tre phủ xua tan cõi lòng

Tiếng chuông đó mãi còn vang vọng

Cho mỗi người sâu đọng con tim

Để ai thống khổ đi tìm

Thoát trong bể khổ đắm chìm hồng ân

Chuông đã điểm báo người hết bận

Về Thánh đường đón nhận bình an

Đời vui sống đạo an bình

Chúa luôn tuôn đổ dư tràn muôn ơn.

Nguyện xin Chúa với lời bầu cử của thánh Đa Minh, xin cho chúng con ngày càng mạnh mẽ trong Đức tin, nồng nàn trong Đức ái, biết xây dựng đời sống mình và đời sống giáo xứ trong ơn nghĩa và đường lối của Ngài.

Đặng Hằng, BK
 
Đại hội của gia đình Đa Minh Việt Nam tại Bắc Mỹ tại Houston ''Được sai đi loan báo Tin mừng''
LM Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
22:08 10/08/2015
HOUSTON - "Được sai đi loan báo Tin mừng" Đây là chủ đề cho ba ngày đại hội của gia đình Đa Minh Việt Nam tại Bắc Mỹ để kỷ niệm 800 năm Dòng Đa Minh được thành lập. Đại hội này quy tụ các thành phần khác nhau trong gia đình Đa minh từ nhiều nơi trong nước Mỹ và Canada. Các thành viên đến tham dự đa số là giáo dân tại các giáo xứ do các cha Đa minh Việt Nam phụ trách, từ Edmonton, Calgary, Vancouver (Canada) đến Arlington (Virginia), Phoenix (AZ) và một số anh chị em huynh đoàn tại California. Có lẽ phái đoàn đông nhất (khoảng trên 50 người) là giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Arlington – Virginia). Phái đoàn đến sớm nhất (từ thứ hai 03/08) là anh chị em từ Calgary. Thật cảm động khi thấy anh chị em hăng hái tham gia, dù rằng rất xa xôi và bận rộn. Con số 300 cũng là một có số quá lớn rồi.

Xem hình

Sáng thứ năm (06/08) là ngày khai mạc, vì thế, các phái đoàn đã kéo đến ngay từ thứ tư, sau khi các anh em tĩnh tâm. Ban tổ chức phải huy động hết nhân lực để lo việc tiếp đón, sắp xếp chỗ nghỉ

ngơi, lo việc ăn uống. Rất tuyệt vời là quý cha và anh chị em giáo dân thuộc hai giáo xứ Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Lộ Đức rất nhiệt tình nên mọi việc đều tốt đẹp.

Ngày thứ năm trong Thánh Lễ Khai Mạc anh chị em Huynh Đoàn Phạm Trọng Khảm thuộc Giáo Xứ CTTĐ VN Arlington Virginia đã phụ trách việc hát lễ dưới sự điều khiển của các ca trưởng Bùi Hữu Thư, Vọng Sinh và Bích Hòa.

Sau thánh lễ kính Chúa biến hình cùng với giờ kinh Sáng, các anh chị em được cha Giuse Nguyễn Cao Luật giúp học hỏi về một nét chính trong tinh thần Dòng Đa minh đó là học hỏi, luyện tập. Có nhiều điều anh chị em đã từng biết, nhưng hôm nay được hiểu rõ ràng và chính xác hơn.

Buổi chiều được sắp xếp với những khóa học khác nhau, tùy sự lựa chọn của mỗi người. Các nhóm này do quý cha và quý sơ Đa minh hướng dẫn.

Tối thứ năm được dành cho buổi lửa trại “Mang lửa về tim”, với hy vọng rằng ngọn lửa bên ngoài sẽ khơi lên ngọn lửa trong tâm hồn.

Ngày thứ hai cúa đại hội (7-8) bắt đầu với giờ kinh sáng và thánh lễ để mừng kính các thánh trong Dòng. Tất cả làm thành một gia đình để ngợi khen, chúc tụng, giảng thuyết. Tất cả cũng hình thành một gia đình trong lòng yêu mến và trong hành trình đức tin. Cha Giuse Đinh Văn Nghị chủ tế thánh lễ đã gợi lên cho cộng đoàn những suy tư rất giản dị của việc cầu nguyện. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thật sốt sắng qua phần phụng ca của các Sơ Đa Minh – Houston với bộ lễ La tinh. Đại hội không quên cầu nguyện cho các cha, các thầy, các sơ, các ân nhân, và anh chị em đã qua đời cũng như những người yếu đau, bệnh tật.

Cũng như hôm qua, sau thánh lễ, các anh chị em có khoảng hai tiếng để cùng nhau học hỏi về đề tài cầu nguyện. Phần học hỏi hôm nay do Cha Bề trên Phụ tỉnh

hướng dẫn. Anh chị em được nghe về tầm quan trọng với việc cầu nguyện trong

Dòng Đa minh, về cách Thánh Đa Minh và thánh Catarina vẫn áp dụng vào đời sống của các Ngài.

Ngày hôm qua, giáo xứ La Vang lo phần ẩm thực, hôm nay dến giáo xứ Lộ Đức. Các món ăn Việt Nam được mọi người ưa chuộng, kèm theo là những bài hát do các anh chị em trình diễn, trong đó có bản cải lương cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt của Cha P. Trần Công Hùng (Edmonton).

Các nhóm buổi chiều vẫn tiếp tục như ngày hôm qua. Mỗi người có thể đổi để tham dự các nhóm khác.

Sau những giờ hội thảo theo các nhóm, các thành viên đại hội tham dự giờ kinh chiều, trước đó là giờ khấn đặc biệt với Thánh Martinô.

Vì công việc mục vụ cuối tuần, đã có một số cha phải về lại nhiệm sở của mình, không thể tham dự đến phút chót. Đó là chưa tính đến một số vị sẽ lên máy bay vào sáng thứ bảy.

Vì biết hy sinh cố gắng của anh chị em, ban tổ chức đã thu xếp nhiều nhóm, mong rằng mỗi người có quãng thời gian quý báu để nghe, để trao đổi về một điều gì đó.

Buổi văn nghệ tối thứ sáu có thể nói là thành công. Trong quãng thời gian 2 tiếng đồng hồ, các anh chị em thuộc mọi thành phần đã trình bày – chứ không trình diễn, các bài hát, điệu múa và kịch để diễn tả những nét đặc biệt trong đời sống của thánh Đa Minh, từ chín cách cầu nguyện cho đến giây phút gây cảm động khi thánh nhân từ trần. Trong phần này, người diễn xuất âm thầm và xuất sắc là cha Antôn Trần ngọc Hùng (Holy Rosary). Vở kịch do anh chị em huynh đoàn trẻ tập dợt công phu cũng làm cho nhiều người rơi nước mắt.

Đại hội kết thúc với Thánh Lễ Đồng Tế và Lễ Khấn của các anh chị em thuộc Dòng Ba, Đa Minh. Sau lễ là bữa ăn trưa thân tình và vui vẻ do cộng đoàn Fatima đảm trách phần nấu ăn. Số khách quá đông, chỗ ngồi trong hội trường không đủ, nên phải thêm một ít bàn ngoài hành lang.

Sau bữa ăn này, đại hội mừng 800 năm của Dòng khép lại. Anh chị em ra về với nhiều kỷ niệm, với niềm vui vì mình được thuộc về một gia đình rộng lớn với truyền thống lâu đời. Gia đình ấy đã làm nảy sinh bao vị thánh trong quá khứ và hôm nay vẫn đang tiếp tục phục vụ Hội Thánh.

Lâu lắm rồi, gia đình Đa minh Việt Nam tại vùng Bắc Mỹ mới có một cuộc họp mặt đông đảo và ý nghĩa này tại GX Đức Mẹ La Vang, Houston, TX. Tâm tình hân hoan và bầu khí nô nức của những người đến tham dự cho thấy lòng thiết tha với tinh thần Đa minh cũng như lòng quý mến dành cho các cha các thầy các sơ Đa minh. Dấu hiệu cụ thể là đã bắt đầu có thêm những ơn gọi mới. Xin tạ ơn Chúa, cám ơn mọi người. Xin thánh phụ Đa Minh luôn chúc lành nâng đỡ mọi thành viên của gia đình trong hành trình loan báo Tin mừng.
 
Văn Hóa
Đôi điều về bộ sách 4 quyển Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
09:14 10/08/2015
ĐÔI ĐIÊU VỀ BỘ SÁCH 4 QUYỂN CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Đầu tháng 8 vừa qua, có người quen ở Saigon mua biếu cho tôi bộ sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ loại 4 quyển, phát hành đã hơn 2 năm nay. Ban đầu, tôi thoáng nghĩ tặng sách gì chứ Sách Kinh thì sẽ dư, vì bộ sách cũ mình đang sử dụng vẫn còn tốt chán. Nhưng khi mở ra xem, tôi rất ngạc nhiên và thích thú vì thấy bộ sách mới này có rất nhiều ưu điểm.

- Thứ nhất, không như trước đây, có lẽ vì lý do tiết kiệm, tất cả các Giờ Kinh thuộc các mùa Phụng Vụ được in trong cùng một cuốn, nên có rất nhiều chỉ dẫn tìm phần đọc; có khi lật tìm rất mất thời gian. Nay các Giờ Kinh thuộc các mùa Phụng Vụ được in riêng: Mùa Chay và Phục Sinh một cuốn; Mùa Vọng và Giáng Sinh một cuốn; Mùa Thường Niên giai đoạn 1 và 2 hai, mỗi giai đoạn một cuốn riêng. Vì thế, người đọc không còn phải lật tới lật lui, khi vào các mùa Phụng Vụ đặc biệt, hay các dịp lễ trọng. Điều này cũng giúp người đọc tránh được sự phân tâm chia trí, thậm chí là gián đoạn khi đọc kinh, vì phải lật tìm phần chỉ dẫn đọc.

- Thứ hai, trong mỗi cuốn Giờ Kinh Phụng Vụ có luôn bài đọc giờ Kinh Sách. Vì thế người đọc không còn phải ôm lỉnh kỉn” 2 cuốn mỗi khi đọc giờ Kinh Sách như trước, và Giờ Kinh vì thế cũng không còn bị gián đoạn nữa vì phải thay đổi sách.

Thú thật, khi còn ở chủng viện, chúng tôi được dạy cho biết các bài Sách Thánh trong giờ Kinh Sách bổ sung cho các bài đọc trong Thánh lễ; qua đó các linh mục tu sĩ được đọc những mảng quan trọng nhất trong Sách Thánh. Còn các bài đọc 2, thường là của các Giáo phụ, giúp hiểu được truyền thống trong Giáo Hội: sau các Tông Đồ, các bậc tiền bối trong đức tin đã hiểu và sống Lời Chúa như thế nào. Nguyên tắc là như vậy, nhưng có khi vì quá bận bịu, lại làm biếng mang theo cuốn Bài Đọc Kinh Sách, nên đọc xong Thánh Vịnh giờ Kinh Sách rồi thôi. Nay trong bộ sách mới, các bài đọc giờ Kinh Sách đã được in sẵn theo từng ngày, từng lễ, thật tiện lợi. Đã vậy, khi các lễ trọng có những Thánh Vịnh riêng thì tất cả đều in sẵn theo ngày lễ; không còn phải phiền hà lật lui lật tới nữa!

- Thứ ba, bộ sách mới được in trên giấy bible, nên mỏng hơn; vì thế mà cầm nhẹ tay hơn sách cũ. Hơn nữa, mỗi cuốn đều có một bao simili mạ chữ vàng rất đẹp mắt và xứng hợp với việc Phụng vụ thánh. Dẫu biết “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”; thế nhưng nếu cầm cuốn Sách Kinh có hình thức bao bì, lẫn phần in ấn đẹp, tự nhiên người đọc cũng thấy trân trọng Giờ Kinh Phụng Vụ hơn, và có khi nhờ đó mà đọc các Giờ Kinh một cách sốt sắng hơn.

Một điều tôi cũng muốn nói thêm là vấn đề giá cả: không đến nỗi cao lắm. Giá bìa mỗi cuốn ghi là 250.000đ. Người biếu còn cho tôi biết khi mua được giảm 10%, đặc biệt trong năm Đời Sống Thánh Hiến giảm đến 30%. Nếu mua tại trụ sở, mỗi bộ chỉ còn 630.000 đồng. Quá rẻ cho một bộ sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh 4 cuốn!

Xin hết lòng cám ơn Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã dày công để cho ra mắt những “sản phẩm thánh” tốt nhất. Cám ơn vị ân nhân đã tặng bộ sách mới này, giúp tôi chu toàn các giờ kinh tốt đẹp hơn.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Thánh ca: Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Trần Anh Linh / Trần Văn Huyến
21:20 10/08/2015
 
Thư gửi Mẹ Lên Trời
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
21:23 10/08/2015
THƯ GỬI MẸ LÊN TRỜI (15/08)

Mẹ Maria kính yêu,

Việc Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn và xác là biến cố trọng đại và ý nghĩa cho toàn thể nhân loại. Trọng đại vì đó là phần thưởng tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Mẹ; ý nghĩa vì Mẹ là người khởi đầu của Hội Thánh viên mãn, là niềm vui và hy vọng lớn lao cho dân thánh trong cuộc lữ thứ trần gian. Trên quê trời, Mẹ tiếp tục mời gọi chúng con bước theo Thầy Giêsu để mai này chúng con cũng được cùng Mẹ hưởng niềm vui Thiên quốc. Hôm nay (15/08) cả Giáo Hội chung chia niềm vui này với Mẹ để tán dương Thiên Chúa!

Còn nhớ ngày sứ thần truyền tin, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận thánh ý để cùng với Con của Mẹ lao tác trong chương trình cứu độ. Chiêm ngắm hành trình Mẹ theo chân Thầy Giêsu, Con Mẹ, ai ai cũng nhận ra tình yêu và lòng tín thác tuyệt đối mà Mẹ dành cho Thiên Chúa. Đúng như lời hát du dương của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi!” Không vui mừng hớn hở sao được bởi Mẹ thật diễm phúc vì hoa trái trong lòng Mẹ là Đấng cứu độ trần gian. Cả cuộc đời, Mẹ luôn ngân nga tiếng hát ấy với niềm vui thiêng liêng và lòng xác tín thẳm sâu!

Trên dương thế, Mẹ chẳng xa rời Đức Giêsu. Mẹ và Thầy Giêsu như hình với bóng. Lúc nào Mẹ cũng quảng đại cộng tác trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Có thể nói Mẹ là đóa hoa hướng dương luôn hướng về ánh Mặt Trời. Đóa hoa ấy luôn đầy tràn ân phúc vì Đức Chúa ở cùng Mẹ. Nhờ đó, Thiên Chúa ban cho Mẹ vô nhiễm khi hoài thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ và ơn thăng thiên cả xác lẫn hồn. Mẹ cũng được gìn giữ khỏi bị hư nát trong mồ giống như Con của Mẹ. Chúng con hãnh diện lắm, mừng vui lắm khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác! Giờ đây Mẹ biết không, chúng con sung sướng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng con trước nhan thánh Chúa.

Mẹ ơi! Đã từ lâu Giáo Hội có những thánh lễ nói về giây phút chấm dứt cuộc đời dương thế của Mẹ đấy. Mừng với Mẹ vì ai cũng tin rằng lần ra đi của Mẹ phải tốt đẹp, không chút đớn đau. Rồi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngày 1/11/1950, Đức Piô XII long trọng tuyên bố: “Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.” Mẹ ơi, Ngài còn nói với chúng con rằng: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ." ("Corporis Mystici", 29-6-1943).

Trái tim hiền mẫu của Mẹ luôn ước mong từng người con hãy tin yêu Chúa Giêsu. Mẹ cầu mong chúng con cũng được hưởng niềm vui Thiên Quốc như Mẹ. Ước gì chúng con luôn được ở trong Trái Tim nhân hiền của Mẹ. Mẹ ơi! Chúng con tin rằng thân xác sẽ sống lại trong ngày sau hết. Nếu tin yêu Chúa Giêsu Kitô, chúng con chắc chắn sẽ được sự sống đời đời, Mẹ nhỉ! Khi ấy, Mẹ-con mình sẽ trùng phùng vui sướng, hạnh phúc vô bờ! Hơn nữa, khi chiêm ngắm Mẹ lên trời cả hồn và xác, chúng con còn xác tín rằng: thân xác sẽ được cứu độ. Cho dẫu cuộc sống gian trần còn nhiều khổ đau thân xác và tâm hồn, nhưng nhờ Mẹ, chúng con sẽ được Thiên Chúa nhận lời đưa vào cuộc sống vĩnh hằng, thưa Mẹ!

Sau cùng, chúng con muốn cùng với Mẹ dâng lời "Ngợi khen" Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, … Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” Chính Người đã ban cho Mẹ nên Hiền mẫu tuyệt vời trên dương thế, nên Đức Mẹ rạng ngời trên Thiên quốc. Hôm nay và ở đây, Mẹ vẫn đang hát vang bài ca ấy để cầu mong từng người con dù sống dưới trần gian, nhưng hãy hướng tâm trí về Quê Trời. Nơi ấy Mẹ đang vẫy gọi và cầu nguyện cho mỗi người chúng con!

Lạy Mẹ Maria, trên Thiên quốc, xin Mẹ đoái nhìn đến cuộc sống lữ hành của chúng con. Xin Mẹ nhắc nhớ chúng con đừng quá mê man với cuộc sống chóng qua mà quên mất thực tại Nước Trời. Bên ngai tòa Thiên Chúa, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con có sức mạnh thần linh để chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa. Được như thế, chắc chắn chúng con sẽ gặp được Mẹ, để Mẹ dẫn chúng con đến hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

Chúc mừng đặc ân Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn và xác!

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đất Đai Ruộng Đồng
Dominic Đức Nguyễn
19:11 10/08/2015
ĐẤT ĐAI RUỘNG ĐỒNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Người canh tác đất đai
được đầy đủ cơm bánh.
Kẻ chạy theo chuyện phù phiếm
sẽ phải chịu bần cùng.
(Châm ngôn của vua Sa-Lô-Môn 28,19)