Ngày 08-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn
Trầm Thiên Thu
12:35 08/09/2010
Xin cho con biết chọn Ngài
Là phần gia nghiệp suốt đời của con
Đừng mê vật chất thế gian
Tiền tài, danh vọng mà quên lãng Ngài
Dù đời con vẫn trắng tay
Nhưng đừng lừa lọc một ai lấy gì
Không tham dẫu chỉ một xu
Không gian ác, chẳng ranh ma với người
Xin vâng Thánh Luật Chúa Trời
Mến Chúa, yêu người trọn vẹn tâm can
Chỉ xin cuộc sống đủ ăn
Từ nghề lương thiện con làm, Chúa ơi!
Xin đừng nghèo rớt mồng tơi
Kẻo mưu độc sẽ gọi mời con theo
Xin đừng mê mải tham giàu
Kẻo con kiêu ngạo, quên yêu mọi người
Xin cho con biết chọn Ngài
Chính là cùng đích cuộc đời của con
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 24 Mùa Quanh Năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
16:51 08/09/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 24 TN

Lc 7,1-10

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin tin kính thờ lạy Chúa. Chúng con xin hợp với các thiên thần ca ngợi Chúa. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, biết siêng năng tham dự thánh lễ và rước Chúa mỗi ngày. Xin giúp chúng con luôn chuẩn bị tâm hồn trong sạch xứng đáng là đền thờ của Chúa.

Lạy Chúa, nhân loại ngày hôm nay đang tôn thờ những vật chất mau qua. Họ tôn thờ tiền bạc, danh vọng và lạc thú. Vì danh lợi thú họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm của mình và chà đạp lên phẩm giá làm người của tha nhân. Nhiều người đang đánh mất tình người. Họ lao vào tranh dành quyền lợi để rồi cắn xé lẫn nhau. Công lý và hoà bình dường như không trọn hảo ở dương gian. Xin tha thứ cho nhân loại lỗi lầm của chúng con. Xin giúp chúng con biết nhận ra chân thiện mỹ để sống đúng lương tri của con người, là quy hướng về sự thiện, là sống theo sự thiện. Xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa là Chúa tể mọi loài để chúng con tôn thờ Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, xin dẫn chúng con trên đường chân lý và giúp chúng con tránh xa những thói đời tội lỗi lầm lạc. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật 24 thường niên

Lc 7,11-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì Chúa luôn đồng hành với chúng con. Chúa lúc nào cũng ở gần chúng con. Khi chúng con gặp đau khổ, chắc chắn Chúa cũng chạnh lòng thương xót chúng con như xưa Chúa đã chạnh lòng trước nỗi khổ của người mẹ mất con thành Nain. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ hộ phù chúng con trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, trái tim con người là họa ảnh của Chúa vốn giầu lòng thương xót và thành tín. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại quá chai lỳ, thờ ơ trước nỗi khổ của người khác. Chúng con không quan tâm đến cái chết của người hàng xóm. Chúng con không cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúng con bỏ ngoài tai tiếng van xin của anh em. Xin tha thứ cho hành vi thiếu bác ái của chúng con. Xin ban tặng cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết cảm thông trước những thống khổ của tha nhân và mau chóng giúp đỡ trong khả năng của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ can đảm và đầy hy vọng để vượt qua những thử thách gian nan trong cuộc đời. Chúng con biết rằng chính lúc khó khăn nhất, Chúa đang ở bên cạnh, đồng hành, và nâng đỡ chúng con. Xin dạy chúng con biết nương tựa nơi Chúa là khien che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con. Amen.

Thứ Tư sau Chúa nhật 24 TN

Lc 7,31-35

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám tạ Chúa đã sống thật đơn hèn để gần gũi với chúng con. Chúa đã mang lấy thân phận con người để sống hoà nhập với loài người chúng con. Chúa còn trở thành tấm bánh đơn sơ để trao ban chính sức sống thần linh của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình cùa Chúa để chúng con luôn biết sống chân thành với nhau, và mặc lấy tâm tình trẻ thơ để sống khiêm tốn trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, tuy mang danh là Kitô hữu, nhưng chúng con vẫn chưa đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, chưa đủ xác tín vào lời Chúa. Chúng con chưa nhất quán trong đời sống hằng ngày với lời Chúa và lề luật của Chúa. Chúng con tin Chúa nhưng lại không dám sống theo những đòi buộc của đức tin. Chúng con mang danh là ky-tô hữu nhưng lại không dám mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để sống với tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con sức mạnh của lòng tin, để chúng con can đảm làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 24 TN

Lc 7,36-50

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với thân phận yếu đuối bất toàn, chúng con xin mượn lời của thánh Phê-rô để thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sống yêu thương mọi người. Yêu thương người công chính và yêu thương cách đặc biệt với những kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cám ơn Chúa đã không từ khước đến dùng bữa ở nhà người tội lỗi. Chúa cũng không từ chối lòng ăn năn sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi khi bà lấy tóc lau chân Chúa. Và hôm nay, tình thương đó Chúa cũng dành cho chúng con. Một linh hồn tội lỗi được Chúa viếng thăm. Xin nhận nơi chúng con lòng sám hối chân thành và ước muốn sửa đổi chính mình nên hoàn thiện hơn. Xin giúp chúng con không chỉ khóc lóc ăn năn vì tội lỗi của mình mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tha thứ cho nhau, biết quên đi lầm lỗi của nhau, và biết dùng tình yêu và lòng kiên nhẫn để giúp nhau làm lại cuộc đời.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là tội nhân được Chúa yêu thương, xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong bao dung và tha thứ. Và xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiếu cảm thông và thái độ bất khoan dung với tha nhân. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 24 TN

Lc 8,1-3

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đã quy tụ chúng con nên một trong Chúa. Chúng con thật hạnh phúc khi được xum vầy bên Chúa và bên nhau quanh bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng con nên một với nhau trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến. Xin giúp chúng con biết sống hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn tôn trọng từng người chúng con. Chúa chọn và gọi từng người chúng con nên môn đệ của Chúa. Chúa không phân biệt sang hèn. Chúa không phân biệt giới tính hay màu da sắc tộc. Chúa quý trọng khả năng của từng người. Chúa đón nhận lòng tốt của mọi người. Xin cho chúng con cũng biết tôn trọng lẫn nhau. Biết nhìn nhận giá trị việc làm của tha nhân. Xin giúp chúng con biết sống hiệp nhất với nhau để cùng nhau xây dựng nước Chúa ngày một phát triển hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con biết yêu mến Chúa nồng nàn để chúng con biết góp sức mở mang nước Chúa, và yêu mến tha nhân như chính mình để chúng con luôn tôn trọng và đối xử tốt với nhau. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 24 thường niên

Lc 8,4-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ở cùng chúng con luôn mãi qua bí tích Thánh Thể. Chúng con cảm tạ Chúa đã gieo vào cuộc đời chúng con biết bao tình thương và ân sủng của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa còn gieo vào tâm hồn chúng con sự sống phục sinh vĩnh cửu của Chúa. Chúng con xin cảm tạ và tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những sỏi đá, gai góc, nắng hạn trong cuộc đời chúng con. Tâm hồn chúng con còn những sỏi đá như ung nhọt đang làm băng hoại tâm hồn chúng con qua những mối tội đầu. Tâm hồn chúng con còn bị ràng buộc bởi biết bao những đam mê mù quáng, những hưởng thụ bất chính. Và cuộc đời chúng con còn những lối mòn của thói quen phạm tội, những bước chân lầm lạc đã dẫn chúng con xa rời tình thương của Chúa. Xin Chúa hãy mưa xuống hồng ân làm mới lại tâm hồn chúng con bằng ân sủng của Chúa. Xin giúp chúng con biết cải thiện đời mình như thuở đất tốt để hoa trái thánh thiện, công bình, bác ái được triển nở trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu, xin tình yêu Chúa hướng dẫn chúng con đi trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Amen
 
Thà yêu lầm còn hơn bỏ sót
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
17:58 08/09/2010
Chúa Nhật Thứ 24 Mùa Thường Niên, Năm C

Các bài đọc của Chúa Nhật Thứ 24 Mùa Thường Niên, Năm C, cách riêng bài Tin Mừng có vẻ khá quen thuộc với Kitô hữu, nhất là với những người chuyên chăm tham dự Thánh Lễ và xem trọng phần Phụng Vụ Lời Chúa. Thánh Kinh trình bày về tình yêu của Thiên Chúa thật phong phú và đa dạng. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng những dòng tin mừng theo thánh sử Luca ở chương XV mà Giáo Hội cho trích đọc một phần trong Thánh Lễ Chúa Nhật này quả là một mạc khải gây “chưng hửng” cho không chỉ nhiều người biệt phái năm xưa mà còn cho cả chúng ta hôm nay, dĩ nhiên là nếu chúng ta biết “suy đi nghĩ lại” như Mẹ Maria và biết đặt mình vào chính ngữ cảnh khiến Chúa Giêsu phán dạy những Lời ấy.

Ngữ cảnh: Giêsu thành Nagiarét, một vị tôn sư đầy quyền năng trong lời giảng dạy cũng như trong hành động (x.Mt 7,29; Mc 6,2), một người được dân chúng mến mộ tôn xưng vào hàng ngôn sứ (x.Mt 16,13-15)…, Người không chỉ chuyên chăm chữa lành bệnh tật cho dân chúng và xua trừ ma quỷ ra khỏi những người chúng ám, Người còn giảng dạy các chân lý về Nước Trời và mời gọi người ta hoán cải ăn năn. Thế mà Người lại thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với những hại dân hại nước là “bọn thu thuế” và “phường bán thân nuôi miệng”. Bá nhân bá tánh, mười người trăm ý, chuyện miệng tiếng người đời thì làm sao lường cho xuễ. Cũng thế, việc một số người biệt phái và luật sĩ lảm bẩm, xầm xì và bình phẩm chuyện Chúa Giêsu thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với người thu thuế và phường “tội lỗi” thì cũng không là vô cớ. Ngài Giêsu đã không từng giảng dạy rằng chớ có làm cho người ta vấp phạm đấy ư. Ngài còn mạnh miệng cho rằng nếu ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn thì thà cột cối đá vào cổ người ấy mà liệng xuống biển còn hơn. Tuy nhiên chúng ta đừng quên cớ vấp phạm ở đây là cái nguyên nhân xấu. Còn những dữ kiện gây thắc mắc, gây tranh luận, gợi thao thức là việc khác hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu đã từng ví Người là viên đá vấp cho nhiều người, đúng như lời tiên tri Simêon loan báo dịp cha mẹ Người đem Người lên Giêruslem để làm lễ tiến dâng theo Lề Luật (x.Lc 2,33-35).

Nguyên cớ gây thao thức: Tình yêu đón nhận mọi sự hạn chế, mọi sự bất toàn. Khi nghe đọc bài tin mừng về dụ ngôn người con hoang đàng hay đã được sửa lại là dụ ngôn người cha nhân hậu hoặc đã từng được đề nghị là dụ ngôn người con ganh tị. Đã từng một thời Kitô hữu được gợi ý là tập trung vào hình ảnh người con phung phá hoang đàng để nhận biết thân phận tội lỗi của mình để rồi sám hối, ăn năn. Cũng đã từng có lúc người ta tập trung vào hình ảnh người con cả của câu chuyện để mời gọi Kitô hữu cảnh giác với sự ganh tương đố kỵ như trường hợp một số người biệt phái ngày xưa, hoặc biết phản tỉnh với lối sống “người thì bên trong mà lòng thì bên ngoài”. Vì lắm khi chúng ta tuy mang danh con cái Chúa, nhưng chỉ là “hữu danh vô thực”. Thời gian gần đây ngưởi ta tập trung vào tình yêu bao la của người cha nhân hậu và có thể nói rằng đây chính là trọng tâm của lời mạc khải qua câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể hôm ấy.

Nói đến sự bao la của tình yêu Thiên Chúa, một số đấng bậc có vẻ như ngại ngần vì cho rằng sẽ làm cớ cho đoàn tín hữu sống ỉ lại. Và rồi số vị ấy thích đề cao sự công thằng của Thiên Chúa hơn. Một số vị khác thì phân vân như đứng giữa ngã ba đường khi vừa nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa vừa nói đến sự công thẳng của Người. Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và cũng là Đấng công bình vô cùng. Khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình Đức Bênêđictô XVI qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã nhấn mạnh hiện thực này: Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta một cách như chống lại sự công minh của Người (x.số 10).

Người cha trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã rộng tay chia gia tài cho các con. Ông chia gia tài cho đứa con mở miệng kêu xin và chia cho cả đứa con không xin. Ông ta quả là liều lĩnh và bất chấp các tình huống có thể xảy ra. Ông chẳng thể lường đứa con thứ kêu xin sẽ sử dụng gia tài ra sao. Ông cũng chẳng biết đứa con còn lại không xin vì không dám xin hay vì không muốn xin. Không lưỡng lự, ông đã chia cho cả hai.

Chắc chắn người cha nhân hậu biết rõ tình cảnh bi đát đến độ thua cả loài heo của đứa con đi hoang, vì chính người con cả đã khẳng định sự thật này (x.Lc30). Thế mà ông cứ ngày ngày ngóng trông đứa con “bất hiếu và hỏng hư” quay gót trở về. Lòng của ông vẫn ắp đầy niềm hy vọng sẽ có ngày thấy con mình “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và kìa, nó đây rồi, nó đã trở về. Nó về vì thương cha già này hay là chỉ xót cái bụng rỗng của nó? Không sao cả, tình yêu không cần đặt điều kiện. Đứa con lớn đang ở trong nhà mà lòng như kẻ ăn người ở, ông cũng đón nhận hết tình. Không sao cả, rồi sẽ đến lúc nó hiểu rằng mọi sự của ông là dành cho nó, đã thuộc về nó, vì mọi sự của cha đều là của con (x.Lc 15,31).

Đã yêu thì không ngồi chờ người mình yêu hoàn thiện rồi mới đón nhận. Đón nhận người mình yêu cả trong sự hạn chế lẫn bất toàn của người mình yêu thì mới là tình yêu đích thực vô cầu, vô vị lợi, nghĩa là chỉ vì người mình yêu. Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này khi nói rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ban ơn tha thứ cho chúng ta, đưa chúng ta về làm con cái Thiên Chúa ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch, nghĩa là ngay khi chúng ta đang còn trong cảnh tình tội lỗi.

Xin đừng sợ bị lợi dụng, chẳng thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Xin đừng ngồi chờ tha nhân hoàn thiện rồi chúng ta sẽ yêu thương. Chính tình yêu của chúng ta, một tình yêu vô điều kiện mới là động lực giúp tha nhân nên hoàn thiện. Đồng thời cũng chính tình yêu ấy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện vì chúng ta đang ngày càng nên giống Cha, Đấng hoàn thiện ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người công chính lẫn tội nhân (x.Mt5,48).
 
Đệ nhất tình yêu
Trầm Thiên Thu
18:08 08/09/2010
Tình yêu nào tiết ra chất hy sinh mới là tình yêu chân chính. Đức Kitô so sánh: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Quá tuyệt vời, tuyệt vời đến nỗi chúng ta thấy có gì đó “bất ổn”, là điên rồ, là “không giống ai”, là ngược đời quá, không hiểu nổi! Thật vậy, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi chấp nhận chết treo trên Thập giá. Đại văn hào Shakespeare có truyện Romeo và Juliet. Đôi tình nhân này yêu nhau chân thành tha thiết đến nỗi đã dám chết để bảo vệ tình yêu của nhau, dù cha mẹ đôi bên cấm cản do mối thù hai dòng tộ. Tình yêu của họ làm chúng ta khâm phục. Nhưng tình yêu đó vẫn ích kỷ – vì chính mình hơn vì người khác. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8 & 16) nên Ngài yêu trọn vẹn, hoàn toàn vì chúng ta – dù chúng ta là những con người tội lỗi và xấu xa vô cùng. Chúng ta không xứng đáng và không có quyền đòi hỏi gì ở Ngài, nhưng Ngài vẫn dành cho chúng ta tình yêu cao cả, hoàn toàn là “tình cho không biếu không”, vô điều kiện. Không dễ cảm nghiệm hết nỗi khao khát yêu thương cháy bỏng của Đức Kitô đã, đang và mãi mãi đợi chờ chúng ta đáp lại. Tôi có anh bạn có đứa con bị khuyết tật từ nhỏ. Thời gian gần đây bệnh trở nặng, nó quằn quại trong những cơn đau thể lý. Là người cha, anh thấy con đau một thì mình đau mười. Bất chợt anh cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin xót thương con của con. Nếu con phải mất một phần cơ thể hoặc phải chết để con của con khỏi bệnh thì con xin chấp nhận, chỉ xin Chúa cho con của con được khỏe mạnh”. Anh chia sẻ với tôi rằng có vậy mới khả dĩ hiểu Tình Chúa được phần nào. Có lẽ không nhiều người trong chúng ta chưa có dịp để cảm nhận nên có thể chưa đủ để hiểu hết Lòng Chúa Thương Xót, nhưng với người cha nói trên có thể phần nào cảm nhận “việc hy sinh vì người mình yêu thương”. Đứa con dù tật nguyền thì cha mẹ vẫn hết mực yêu thương và dành cho nó những gì tốt đẹp nhất, không nỡ chối bỏ nó dù nó không trọn vẹn hoặc hư hỏng. Có con thì mới hiểu được tình cha mẹ dành cho con cái. René Bazin nói: “Những trái tim đau khổ và dũng cảm là những tâm hồn cao thượng”. Đau khổ có nhiều mức độ, nhưng chắc hẳn chưa ai đau khổ tột độ như Chúa Giêsu. Ngài không chỉ đau khổ về thể lý (toát mồ hôi lẫn máu trong vườn Cây Dầu, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị đóng đinh, bị đâm cạnh sườn để chảy ra hết đến giọt máu và giọt nước cuối cùng), Ngài còn đau khổ về tinh thần vì ngày đêm bị loài người sỉ nhục, bỏ rơi, khinh miệt, làm ngơ,… Thánh Thể hằng ngày ở thánh đường nhưng mấy ai đến truyện vãn với Ngài? Hằng ngày Ngài hiến tế trên bàn thờ làm thần lương nuôi dưỡng chúng ta nhưng mấy ai đón nhận Ngài qua việc rước lễ? Vậy thì sao Ngài không đau khổ chứ? Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” hay “Người Cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32) cho thấy Tình Chúa vượt quá tầm hiểu biết của loài người. Chúng ta dù tội lỗi thế nào thì Chúa vẫn không từ bỏ, sẵn sàng tha thứ ngay nếu chúng ta biết hồi tâm sám hối. Ngài luôn chờ đợi chúng ta nói lời xin lỗi thành tâm. Và lúc đó, Ngài phục hồi nguyên trạng thái và cương vị cho chúng ta. Hồng ân Chúa luôn đủ cho chúng ta, không bao giờ thiếu, chỉ tại chúng ta không màng sử dụng thôi, vì “ở đâu có nhiều tội lỗi thì ở đó có nhiều ân sủng” (Rm 5, 20). Đạo Chúa là đạo yêu thương. Tình yêu chỉ có thể được đáp lại bằng tình yêu. Thật vậy, “ai giữ lời Người dạy thì tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo nơi kẻ ấy” (1 Ga 2, 5). Thánh Phaolô đã xác định: “Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến đều tồn tại, nhưng Đức Mến là cao trọng nhất” (1 Cr 13, 13). Yêu Chúa thì dễ nhưng yêu người thì không dễ, mà thước đo lòng mến Chúa lại chính là lòng yêu người. Không yêu thương thì đừng nói mình là môn đệ Ngài, vì như vậy – nói theo cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận – chỉ là “đạo nhãn hiệu”. Quan yếu hơn, chính Đức Giêsu đã cho “kiểu” đó là giả hình, là mồ mả tô vôi (x. Mt 23, 13-29).

Lạy Chúa, xin thương xót và tha thứ chúng con đã lầm đường lạc lối lâu nay. Xin cho chúng con biết sẵn sàng và mau mắn đáp lại Tình Chúa, thật lòng với tha nhân. Vâng, chỉ có Tình Ngài tuyệt đối và là “đệ nhất tình yêu” vậy!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lời tự thuật của Tân Bề Trên Cả Dòng Đa Minh
Bùi Hữu Thư
09:08 08/09/2010
Cuộc phỏng vấn cha Bruno Cadoré lần thứ nhất

Rôma, Thứ Ba ngày 7 tháng 9, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, tân bề trên cả Dòng Đa Minh, linh mục Bruno Cadoré, kể lại ơn gọi của mình, trong đó nghề bác sĩ của ngài đã đóng một vai trò quan trọng. Ngài khẳng định rằng sứ mệnh của ngài là người kế vị Thánh Đa Minh Guzmán là “đầy tớ cho việc hiệp nhất giữa tất cả mọi anh em.”

Vị linh mục người Pháp 56 tuổi được bầu làm bề trên của sáu ngàn thành viên dòng Đa Minh trên khắp thế giới, đã kể lại trong cuộc phỏng vấn trực tiếp truyền hình được hãng thông tấn H2onews thực hiện, là đời sống của ngài như một bác sĩ nhi khoa trẻ tuổi đã hoàn toàn bị đảo lộn vào ngày ngài bước chân vào nhà nguyện của một tu vện.

Ngài kể: “Tôi không biết vì sao, nhưng tôi đã tìm kiếm tại nơi có một tu viện Đa Minh, và tôi đã đến nơi vào lúc cộng đoàn này đang cầu nguyện. Tôi đã thấy một cộng đoàn các thầy có vẻ rất tự do và vui vẻ. Và tôi, vào lúc đó tôi đang tìm hiểu. Vì tôi đang làm việc với các bệnh nhân trẻ em, tôi tự hỏi, và tự nhủ là phải có một định kiến khác về thế giới nơi sự sống đầy rẫy những bệnh tật, chết chóc và khó khăn. Và rồi, tôi đã bước vào nhà nguyện. Ở đó, tôi có cảm giác là mọi người đang tìm kiếm một cái gì chân chính, tự do và vui vẻ.” Và như thế bác sĩ Bruno Cadoré đã gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Sau những năm nhà tập, ngài đã được gửi đi truyền giáo hai năm tại Haïti.

“Đó là thời điểm rất quan trọng đối với tôi. Trước hết, tôi không biết thế nào là một cộng đoàn các nhà giảng thuyết, và tôi đã thấy. Sau đó vì tôi không biết gì về hòn đảo ấy trên thế giới: dân chúng sống trong một tình trạng hết sức thô sơ; dưới một chế độ độc tài hà khắc và thiếu tổ chức vào thời kỳ đó. Tại đó tôi đã thấy các thầy sống trong một khu vực rộng lớn, tại miền quê, trên núi, và họ đã bắt đầu công việc tổ chức giáo xứ của họ thành những cộng đồng giáo hội căn bản mang tên những nhóm huynh đệ. Qua hai năm sống với họ, học hỏi Phúc Âm với họ, và được nghe họ giảng thuyết, tôi cho là tôi đã học hỏi Phúc Âm với họ, và điều này đối với tôi là quyết định, vì từ đó không bao giờ tôi quên được thời gian này.”

Đối với vị tân bề trên cả của dòng này, “một thầy Đa Minh là một thầy thuyết giáo, nghĩa là một ‘người anh em’, sống với các anh em, muốn sống với anh em vì ở đó họ chia sẻ Lời Chúa và ở đó người ta mới trở nên những con người nhân bản, ‘biết thuyết giảng’ và thuyết giảng trong khi cố gắng hành xử giống như Chúa Giêsu một chút – nghĩa là đi đến gặp mọi người, yêu mến họ, lắng nghe họ, bỏ thời giờ để tìm hiểu đời sống họ, các vấn đề của họ, cùng sống với họ, và cùng tìm kiếm với họ chân lý của Lời Chúa.”

Khi được hỏi về sứ vụ của Bề Trên Cả của Dòng, ngài thú nhận: “Tôi không biết rõ vai trò của người bề trên cả, nhưng tôi sẽ khám phá ra”

“Tôi biết vai trò của các Bề Trên Cả mà tôi quen biết, nhưng không biết phần tôi sẽ diễn tiến ra sao. Tôi có cảm tưởng là công việc chính phải là hiểu biết những người anh em, học biết cách yêu mến họ, biết thán phục những gì họ giảng dậy, khám phá ra những người đang sống với họ, và nhận biết cách thức lời Chúa được mặc khải cho họ qua việc giảng thuyết, nghiã là trao đổi lời Chúa với mọi người. Tôi cũng nghĩ là vị Bề Trên Cả phải là đầy tớ trợ giúp cho sự hiệp nhất giữa các người anh em, giữa tất cả các cộng đoàn, tất cả các tỉnh dòng, và trong tất cả mọi nền văn hóa hết sức khác biệt. Với mầu nhiệm của một sự hiệp nhất đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta, tôi tin rằng, qua niềm vui được lãnh nhận lời Chúa, niềm vui được yêu thương mọi người giống như Con Thiên Chúa đã yêu – hay có thể nói – theo cách thức của thánh Đa Minh – điều mà chính ngài đã thực hành; đó là tự do, tự do dành thời giờ để thực sự tìm kiếm cùng với mọi người thế nào là sự sống trong đời sống, thế nào là sự sống nội tâm bên trong đời sống.”
 
Một quan chức cấp cao Vatican cảnh báo: Hồi giáo sẽ chiếm đa số ở Âu Châu
Tiền Hô
13:25 08/09/2010
Cha Piero Gheddo người Ý cho rằng, Kitô hữu Âu Châu bản địa có tỷ lệ sinh thấp, cộng với làn sóng nhập cư chưa từng có của đại gia đình người Hồi giáo khiến chúng ta thấy rằng, Âu Châu sắp bị thống trị bởi Hồi giáo trong một vài thế hệ kế tiếp.

"Thử thách này phải được nhìn nhận nghiêm túc", Cha Gheddo từ Giáo hoàng Học viện Thừa sai Ngoại quốc nói. "Chắc chắn, từ một điểm quan sát về nhân khẩu học, rõ ràng mọi người đều thấy là số người Ý đang giảm từ 120.000 hoặc 130.000 người trong một năm bởi vì nạn phá thai hay gia đình tan vỡ. Trong khi đó, có hơn 200.000 người nhập cư hợp pháp một năm ở Ý, mà hơn một nửa trong số đó là người Hồi giáo và gia đình Hồi giáo, họ có mức tăng trưởng cao hơn nhiều".

Cha nói: "Báo chí và các chương trình truyền hình không bao giờ đề cập về điều này. Tuy nhiên, cần phải có một câu trả lời trên tất cả các lĩnh vực tôn giáo và văn hóa trong khu vực để mà nhận ra điều đó". Cha cho rằng Kitô hữu không sống theo đức tin của riêng mình vì thế họ đã tạo ra một “khoảng trống tôn giáo” để cho Hồi giáo lấp đầy vào đó. Cha dự đoán rằng, Hồi giáo "sau này sẽ sớm chinh phục phần lớn Âu Châu".

"Thực tế là chúng ta đang trở nên người ngoại giáo hoặc có khoảng trống về tôn giáo, và như thế thì chắc chắn sẽ bị phủ lấp bởi các phe phái và các thế lực tôn giáo khác", Cha cảnh báo.

Cha Gheddo cũng cho rằng, người Kitô hữu đã làm mất đi hiệu lực của bản thân khiến họ dễ bị tấn công bởi chủ nghĩa thế tục. Cha nói, “khi mà việc thực hành phụng vụ sút giảm trong cộng đồng Kitô giáo Âu Châu và sự thờ ơ lan truyền thì nghĩa là Kitô giáo và Giáo hội đang bị tấn công".

Ngài nói thêm, "nếu chúng ta coi bản thân chúng ta là một quốc gia Kitô giáo thì chúng ta nên trở về thực tế của đời sống Kitô hữu, bằng không sẽ là cái nôi Kitô giáo trống rỗng". Tham luận của Cha Gheddo đưa ra chỉ vài tháng sau khi một vị Hồng y người Czech cảnh báo là người Công giáo đã để mất vị trí của họ ở Âu Châu vào tay người Hồi giáo.

ĐHY Miloslav Vlk – Tổng Giám Mục của Tổng Giáo phận Prague vừa nghỉ hưu vào đầu năm nay nói, người Hồi giáo đang tìm cách phủ lấp khoảng trống tâm tinh của Kitô hữu "khiến cho đời sống Kitô hữu Âu Châu trở nên trống rỗng một cách có hệ thống".

Ngài nói rằng, các Kitô hữu nếu không thức tỉnh trước mối đe dọa cho nền văn hóa của họ, thì họ sẽ sớm nhận ra là mình không còn có đủ sức mạnh để tạo dấu ấn của mình trong xã hội. Ngài kêu gọi các Kitô hữu phải đối phó với mối đe dọa của làn sóng Hồi giáo bằng cách sống đức tin tôn giáo của mình một cách tinh tế hơn. Cũng có nhiều vị giám mục Công giáo Âu Châu thường bảo vệ quyền thực hành thờ phượng công khai cho người Hồi giáo, song, những vị khác thì đang quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các di sản Kitô giáo ở châu lục này.

Năm ngoái, ĐHY Jose Policarpo - Thượng phụ giáo chủ thành Lisbon - cảnh báo phụ nữ Công giáo không nên kết hôn với người Hồi giáo. ĐHY người Ý Giacomo Biffi cũng đã kêu gọi chính phủ Ý phải dành ưu tiên cho di dân người Công giáo hơn là người Hồi giáo, nhằm bảo vệ bản sắc tôn giáo của đất nước Ý. Vatican cũng đã phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh Âu Châu, một phần là vì quốc gia Hồi giáo này không muốn tham dự vào di sản Kitô giáo của cả châu lục.

(Nguồn: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/vaticancityandholysee/7986528/Muslims-will-become-majority-in-Europe-senior-Vatican-official-warns.html)
 
Lời cầu nguyện của một linh mục trong ngày 11-09-2001
Nguyễn Trung.
13:29 08/09/2010
Ngày 11-9-2001 đã mở ra một chương sử mới không những cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới. Người ta có thể có nhiều tâm trạng khác nhau trước biến cố bi thương này. Cá nhân tôi mỗi dịp 11 tháng 9 thường nhớ về lời cầu nguyện của cha Mychal Judge, dòng Phan-xi-cô, nạn nhân đầu tiên được chính thức thừa nhận trong ngày 11-9-2001.

Lời cầu nguyện của mọi Ki-tô hữu đều hướng về Chúa Giê-su và lấy lời cầu nguyện của Ngài làm gương mẫu. Cuộc đời của Ngài không dài lắm. Con Một Thiên Chúa vô thủy vô chung mất công mang kiếp phàm nhân làm gì nếu không phải vì một sứ mạng vô cùng to tát: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4:18).

Ấy thế mà trong 30 năm đầu tiên trong 33 năm vắn vỏi cuộc đời, Đức Giê-su chỉ sống âm thầm lặng lẽ tại làng Na-da-rét. Dựa vào lời Ngài thưa cùng cha mẹ vào năm lên 12 tuổi: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” chúng ta tin rằng chính Ngài muốn sống như thế để có thể chuyên tâm cầu nguyện với Chúa Cha. Ngay trong 3 năm ngắn ngủi loan báo Tin Mừng, làm nhiều phép lạ, lúc nào cũng bị người ta chen lấn săn đuổi căng thẳng, Ngài luôn tìm cách tách khỏi đám đông để đến một chỗ thanh vắng mà cầu nguyện. Đối với Ngài cầu nguyện là một hoạt động tối yếu. Lời cuối cùng Đức Giê-su thốt lên trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá cũng là một lời cầu nguyện. Phúc Âm ghi lại trên 60 lần Ngài cầu nguyện hay dạy người ta cầu nguyện. Tin Mừng Gio-an dành hẳn chương 17 ghi lại lời cầu nguyện rất thống thiết của Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn. Cầu nguyện làm cho Đức Giê-su hằng ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài (x. Gn 14,11). Chúa Cha chính là toàn bộ sức mạnh và là chỗ dựa cuối cùng của Ngài. Này đến giờ - và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy (Gn 16,32). Cầu nguyện làm cho Ngài, tuy bản thân chính là Con Một Thiên Chúa, mới có khả năng nói lên mọi lời và thực hiện mọi việc theo đúng thánh ý của Chúa Cha. Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy (Gn 8,28). Tất cả mọi việc Đức Giê-su làm đều chỉ vì Chúa Cha. Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình. Có Đấng tìm vinh quang cho tôi và xét xử cho tôi (Gn 8,50). Đặc biệt nhất, tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng trở thành tình yêu của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Gn 15,9). Đây chính là cốt lõi của lòng mến Ki-tô giáo.

Mọi Ki-tô hữu dù sống trong đấng bậc nào, có khuynh hướng gì đi nữa cũng phải đặt cầu nguyện làm trọng tâm của cuộc đời mình. Không cầu nguyện cho đủ thì không ai có thể lưu lại trong khối tình giữa Cha và Con được mở rộng ra giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Mọi việc ta làm dù cho bề ngoài có nhuốm mầu đạo đức và thành công lẫy lừng cách mấy đi chăng nữa mà không có nền tảng cầu nguyện thì không thể chứa đựng nội dung lòng mến Ki-tô: Chúa Cha - Chúa Con – con người. Như thế cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng (x 1Cr 13,1).

Cha Mychal Judge chỉ là một trong số 2995 người tử nạn được thống kê của ngày 11-9-2001. Người ta nhớ về cha một cách ray rứt và sâu đậm nhất không hẳn vì cha là nạn nhân đầu tiên và nổi tiếng nhất được chính thức ghi nhận của ngày 11-9, không hẳn vì cha là linh mục tuyên úy của đội cứu hỏa New York, không hẳn vì tấm hình bi thương nhất, được đăng tải nhiều nhất của ngày 11-9 khi các đồng đội mắt thẫm nước mắt khiêng xác cha đi giữa đám bụi mịt mù. Nhưng những con người Hoa Kỳ rất thế tục và thực dụng của thế kỉ 21 lại ray rứt nhớ nhiều nhất về cha vì một lời cầu nguyện.

Mychal sinh năm 1933 trong một gia đình mới từ Ireland đến định cư tại New York. Tuổi thơ của cậu trôi qua trong nghèo khổ và giữa những người nghèo khổ. Từ tấm bé cậu đã tỏ ra có lòng thương cảm đặc biệt với người nghèo. Cậu thường cho những người ăn mày bên vệ đường tất cả những đồng xu ít ỏi của mình. Năm lên sáu tuổi Mychal phải chứng kiến cảnh thân phụ vật vã qua đời vì một căn bệnh lâu dài và đau đớn khủng khiếp. Thiếu mất cột trụ trong gia đình, Mychal phải đi đánh giầy kiếm sống tại nhà ga Penn gần với nhà dòng Phan-xi-cô. Cậu ngưỡng mộ các tu sĩ và ước ao trở thành một Phan-sinh. Năm 15 tuổi cậu gia nhập dòng, và năm 28 tuổi thụ phong linh mục.

Năm 1992 cha Mychal làm tuyên úy cho Sở cứu hỏa New York. Cha thường làm việc 16 tiếng mỗi ngày để linh hướng cho lính cứu hỏa và gia đình của họ. Ngoài ra cha còn phục vụ những người vô gia cư, thiếu ăn, nghiện rượu, bệnh nhân, những người nhiễm AIDS, dân nhập cư, đồng tính. Có lần cha cởi ngay cái áo lạnh đang mặc để tặng cho một phụ nữ không nhà. Cha nói: “Chị ấy cần đến cái áo này hơn tôi.” Một thanh niên sắp chết vì AIDS hỏi cha: “Chúa có ghét con không?” Để trả lời, cha bồng anh lên, hôn anh và nhẹ nhàng ru anh trên tay cha.

Lúc sinh thời nhiều người vẫn coi cha Mychal như một vị thánh vì những việc bác ái phi thường và chiều sâu tâm linh của cha. Mỗi khi nguyện ngắm cha Mychal thường chìm vào trong một trạng thái xuất thần lâu giờ. Sau đó cha rất kinh ngạc vì thời gian mấy tiếng đồng hồ đã trôi qua nhanh như thế. Cha John McNeill, linh hướng của cha Mychal nói rằng cha Mychal là một người luôn kết hợp sâu xa với Chúa.

Khi nghe tin World Trade Center bị một chiếc máy bay đâm vào cha Mychal đã chạy đến ngay hiện trường. Tại đó ông Rudolph Giuliani, thị trưởng New York, gặp cha trước tòa nhà đang cháy. Ông xin cha cầu nguyện cho thành phố và các nạn nhân. Cha ban phép xức dầu cho vài người đang hấp hối trên đường phố rồi đi vào tiền sảnh của Tòa Tháp Bắc khi đó chưa bị tấn công bởi chiếc máy bay thứ 2 và được dùng làm bộ chỉ huy của toán cấp cứu. Vào lúc đó nhiều linh mục khác cũng có mặt trước Tòa Tháp Đôi nhưng cha Mychal là linh mục duy nhất đi vào bên trong. Lúc 9:59 sáng Tòa Tháp Nam bị sụp đổ khiến những mảnh vụn bay tràn vào Tòa Tháp Bắc giết chết nhiều người trong số đó có cha Mychal, người ta còn nghe tiếng cha cầu nguyện lớn tiếng: Lạy Chúa xin chấm dứt thảm trạng này!

Nhiều người tin rằng nhờ lời cầu nguyện của cha Mychal mà thiệt hại về mọi mặt nhất là về nhân mạng trong ngày 11-09-2001 đã không quá lớn như đáng lẽ nó phải có. Lúc ban đầu người ta đã ước tính phải trên 5000 người thiệt mạng trong Tòa Tháp Đôi. Đây cũng là lời cầu nguyện được chính thức ghi nhận trong ngày 11-09-2001.

Lính cứu hỏa tìm thấy xác cha Mychal và mang ra ngoài. Phóng viên Shannon Stapleton chụp được tấm hình nổi tiếng nhất của ngày 11-9 này. Tuần báo Philadelphia gọi đó là American Pietà (Bức tượng Than Khóc của Hoa Kỳ), có thể so sánh với La Pietà của Michelangelo.

Cha Mychal không phải là người đầu tiên thiệt mạng trong ngày 11-9 nhưng cha là nạn nhân đầu tiên được chính thức nhận dạng bởi đồng đội trong sở cứu hỏa. Thi hài của cha được gắn mã số Victim 0001.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ở trong số 3000 người đến dự thánh lễ an táng cha Mychal do ĐHY Edward Egan chủ tế.

Một số Giáo hội Ki-tô như Giáo hội Chính Thống Hoa Kỳ đã phong thánh cho cha. Nhiều người coi đây là một vị thánh hiển nhiên (de facto) như trong giai đoạn Giáo hội tiên khởi, nhiều vị tử đạo được mặc nhiên thừa nhận là thánh khi vừa chết. Chiếc mũ cứu hỏa của cha Mychal được ĐGH Gio-an Phao-lô II đón nhận. Nước Pháp trao tặng cha Legion d’honneur. Quốc hội Mỹ trao tặng cha Presidential Medal of Freedom. Thành phố New York đặt lại tên một phần con đường West 31 thành Father Mychal F. Judge Street.

Năm 2006 đạo diễn Glenn Holsten hoàn thành một cuốn phim về cha Mychal có tựa là Vị Thánh Của Ngày 11 tháng 9. Hàng năm cứ vào ngày 11-9 có một đám rước tưởng nhớ cha Mychal, bắt đầu bằng một thánh lễ tại nhà thờ Phan-xi-cô trên đường West 31, sau đó mọi người vừa cầu nguyện vừa đi bộ đến Ground Zero (nơi đã từng có Tòa Tháp Đôi). Họ muốn sống lại ngày cuối cùng của đời cha Mychal, bắt đầu bằng việc cha dâng một thánh lễ trong đó máu của Chúa Giê-su đổ ra để cứu chuộc nhân loại và kết thúc việc chính cha Mychal đổ máu ra vì anh chị em mình.

Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì cha Mychal chỉ là một anh hùng dân tộc trần gian mà quốc gia Hoa Kỳ đã tôn vinh. Cái gì làm cho Ki-tô hữu tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà lại thuộc về Chúa Cha? Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha (Ga 17,9). Chỉ có lưu lại trong tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con được Đức Giê-su mở rộng ra cho con người thì người tin mới có thể thuộc về Chúa Cha. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15,9). Câu này trong bản dịch tiếng Anh rất vắn gọn mà ý nghĩa rất mạnh mẽ: As the Father loves me, so I also love you. Remain in my love. Nếu trong cuộc đời trần gian Đức Giê-su đã phải miệt mài cầu nguyện để có thể lưu lại trong tình yêu với Chúa Cha thì người tin không có cách nào khác để sống cái lòng mến Ki-tô cốt lõi này ngoại trừ cầu nguyện. Cha Mychal đã cầu nguyện như thế nào?

Sau khi cha Mychal qua đời tỉnh dòng Holy Name, dòng Phan-xi-cô phổ biến một lời cầu nguyện cá nhân của cha.

Lord, take me where You want me to go,
let me meet who You want me to meet,
tell me what You want me to say,
and keep me out of Your way.


Xin tạm dịch:
Lạy Chúa, xin mang con đến nơi Chúa muốn con đến,
cho con gặp gỡ những người Chúa muốn con gặp gỡ
nói cho con biết những điều Chúa muốn con nói,
và sau đó gạt con qua một bên để con đừng cản đường của Chúa.


Chắc chắn cha Mychal không phải là một con người toàn bích. Đến như Thánh Phao-lô vẫn còn bị một cái dằm đâm vào nơi thân xác ngài (x. 2 Cr 12,7). Cha Mychal là một người nghiện rượu trong nhiều năm nhưng về sau cha đã cai nghiện được nên người ta thấy cha có một lòng thương cảm rất đặc biệt với những người nát rượu. Sau khi cha qua đời những người đồng tính mà cha luôn nhiệt thành phục vụ rao rêu rằng cha Mychal cũng là một người đồng tính và cha phải trở thành vị thánh đồng tính đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Luật sư Dennis Lynch cực lực bác bỏ điều này, ông cho rằng họ muốn lợi dụng tiếng tăm của cha để chống đối Giáo hội. Không một ai quen biết cha dám phủ nhận rằng cha đã sống đức khiết tịnh hoàn hảo trong suốt cuộc đời. Nhưng cha đã nên thiết thân với những người nát rượu, bệnh nhân, vô gia cư, đồng tính mà cha đã yêu thương phục vụ. Họ luôn cho rằng cha hoàn toàn giống họ. Cha đã sống tuyệt vời gương mẫu của Thánh Phao-lô: Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người (1 Cr 9,22)

Chỉ có một lời cầu nguyện toàn bích mà thôi. Đó là lời cầu nguyện của Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa Làm Người. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời. (Dt 5,7)

Nhưng lời cầu nguyện rất cá nhân của một số người, vì mỗi người đều có một nhân vị độc đáo và cuộc đời đặc thù, lạ lùng thay đã trở thành lời cầu nguyện chung của Giáo hội mà Giáo hội chính là nhiệm thể của Đức Giê-su nên những lời cầu nguyện này cũng chính là lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong thân phận phàm nhân để dâng lên cho Chúa Cha.

Lời kinh Magnificat của Đức Maria (Lc 1,46-55): Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả không những nói lên cảm nghiệm của Mẹ Maria với những gì Chúa đã làm nên nơi Mẹ mà còn là cảm nghiệm của Giáo hội trước những gì Chúa đã làm nơi Giáo hội nói chung và cuộc đời từng người tin nói riêng.

Lời cầu xin thống thiết của viên đại đội trưởng với Đức Giê-su: Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh (Mt 8,8) được Giáo hội hằng lập lại trong các thánh lễ để chuẩn bị cho tín hữu trước khi đón nhận Thánh thể.

Ngoài ra còn có vô số lời cầu nguyện khác mà từng người tin có thể tìm thấy chính tâm trạng và cảm nghiệm của mình ở nơi đó.

Lời Kinh hòa bình của thánh Phan-xi-cô cách đây 800 năm thường được các Ki-tô hữu lập lại nhất là trong những lúc bị bách hại.

Lời cầu nguyện cá nhân của thánh Gio-an Bosco: Da mihi animas. Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi các khác xin cứ cất đi. Đã trở thành châm ngôn sống của con cái Don Bosco.

Lời cầu nguyện của Đức Cố HY Nguyễn Văn Thuận khi ngồi trong xe bít bùng trên đường đến nơi quản chế sau khi bị bắt ngày 15-8-1975: Xin cho con tìm Chúa chứ đừng tìm việc của Chúa được nhiều người dùng làm lời cầu nguyện cho chính mình nhất là những khi có vẻ như trở nên vô dụng, không còn làm được việc gì nữa. Xét cho cùng chỉ có Chúa mới là cùng đích tối thượng cho mỗi người mà thôi còn việc của Chúa, ta không làm thì người khác sẽ làm, có khi làm còn tốt hơn ta gấp bội. Mà nhiều khi Chúa chẳng cần ai làm việc của Chúa cả. Mặt trời mọc và lặn đâu có cần đến ai cộng tác.

Chúng ta chưa được biết đâu là lời cầu nguyện riêng tư của ĐTGM Ngô Quang Kiệt. Trước việc ngài đã chọn về sống thầm lặng tại đan viện Châu Sơn, Ninh Bình từ ngày 7-8-2010 chúng ta vững tin rằng cuộc sống cầu nguyện của ngài tại đó sẽ còn trổ sinh hoa trái dồi dào cho Giáo hội Việt Nam hơn. Thế gian không thể ngờ rằng thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su trong thâm cung đan viện Lisieux đã chứng nghiệm công thức: Cầu nguyện = tông đồ + tiến sĩ + tử đạo.

Lời cầu nguyện cá nhân của Cha Mychal nói lên rằng cha đã hằng cầu nguyện để mọi người cha gặp gỡ, mọi việc cha làm, ngay đến cả một lời cha nói ra, chỉ có một mục đích duy nhất là làm theo thánh ý Chúa. Đó là bí quyết cuộc đời cha. Đi xa hơn, cha còn cầu xin bị gạt qua một bên để khỏi làm cản đường của Chúa. Một cách nào đó khi về trời Đức Giê-su cũng đã chấp nhận đứng sang một bên để nhường chỗ cho Thần Khí hoạt động. Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. (Ga 16,7) Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4,24).

Chúa Cha đã chấp nhận lời cầu nguyện của Chúa Giê-su khi để cho Người chết treo trên thập giá. Lời cầu xin của Cha Mychal cũng đã được nhận lời. Chúa đã gạt cha qua một bên vào ngày 11-9-2001. Nhưng lời cầu nguyện của cha lại tỏa sáng trước thế gian. Nhiều tín hữu kẹp lời cầu nguyện đó vào sách nguyện của mình. Nhiều dòng tu treo nó lên trên tường. Nhiều giáo sỹ đưa nó vào trong các bài giảng. Tổng thống George Bush trong một dịp long trọng, 55th National Prayer Breakfast, vào ngày 1-2-2007 đã trân trọng đề cập đến lời cầu nguyện này (xin tạm dịch) Lời cầu nguyện khiêm tốn của cha Mychal nhắc nhở chúng ta về một chân lý vĩnh cửu: Trong thinh lặng cầu nguyện chúng ta bỏ lại phía sau những chăm lo của chúng ta cho chính mình mà đón nhận sự chăm lo của Đấng Toàn Năng cho chúng ta. Khi đáp trả lại lời mời gọi của Ngài đi phục vụ, chúng ta cảm nghiệm lời tiên tri Isaiah: Chúng ta nhận được sức mạnh mới. Chúng ta chạy mà không mỏi mệt. Chúng ta bước đi mà không kiệt sức. (*)

Đó là một lời cầu nguyện cho ngày 11-9-2001 của cha Mychal cho chính mình, cho toàn thế giới đang chất chứa đầy tranh chấp hận thù, và có thể còn cho mỗi người trong chúng ta.

(*) Father Mychal's humble prayer reminds us of an eternal truth: In the quiet of prayer, we leave behind our own cares and we take up the cares of the Almighty. And in answering His call to service we find that, in the words of Isaiah, "We will gain new strength. We will run and not get tired. We will walk and not become weary."
http://georgewbush-whitehouse.archives.gov/news/releases/2007/02/20070201.html

Câu Isaiah 40,31 theo bản dịch Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
Nhưng những người cậy trông Đức Chúa
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân.
 
Tinh thần sám hối và hoán cải canh tân Giáo Hội
Linh Tiến Khải
16:41 08/09/2010
Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 8-9-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh nữ Hildegard thành Bingen, một phụ nữ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện thời Trung Cổ. Một cách đặc biệt thánh nữ Hildegard đã là một người được Thiên Chúa cho có các thị kiến thần bí, giống các thị kiến của các ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu ước. Qua các phạm trù văn hóa và tôn giáo thời đó thánh nữ giải thích Kinh Thánh dưới ánh sáng của Thiên Chúa, và áp dụng vào các trạng huống khác nhau của cuộc sống. Nhờ vậy, những người nghe thánh nhân cảm thấy được khích lệ sống cuộc đời kitô trung thực và dấn thân. Trong một bức thư viết cho thánh Benađô thánh nữ thú nhận rằng: ”Thị kiến cuốn chặt lấy toàn con người tôi: tôi không trông thấy với con mắt của thân xác, nhưng các mầu nhiệm xuất hiện trong trí khôn... Tôi hiểu biết ý nghĩa sâu xa của những điều được trình bầy trong các Thánh Vịnh, các Phúc Âm và các sách khác, được chỉ cho tôi thấy trong thị kiến. Nó đốt cháy như một ngọn lửa trong lồng ngực và trong linh hồn tôi, và dậy tôi hiểu văn bản một cách sâu xa” (Epistolarium pars prima I-XC: CCCM 91).

Các thị kiến của thánh nữ Hildegard rất giầu nội dung thần học, liên quan tới các biến cố chính của lịch sử cứu độ, có thứ ngôn ngữ thơ phú và biểu tượng. Chẳng hạn như trong tác phẩm nổi tiếng nhất của chị là ”Scivias Hãy hiểu biết các con đường”, chị tóm tắt trong 35 thị kiến toàn lịch sử cứu độ từ việc tạo dựng cho tới ngày tận thế.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau: Với các nét đặc thù nơi sự nhậy cảm của nữ giới, trong phần chính của tác phẩm, thánh nữ Hildegard khai triển đề tài hôn nhân nhiệm mầu giữa Thiên Chúa và nhân loại, được hiện thực trong việc Nhập Thể. Trên cây Thánh Giá thành toàn hôn lễ giữa Con Thiên Chúa với Giáo Hội, hiền thê của Người, được tràn đầy ơn thánh và có khả năng trao an cho Thiên Chúa các người con mới trong tình yêu cảu Chúa Thánh Thần (Visio tertia PL 197,453c).

Chỉ vài yếu tố đó cho chúng ta thấy nền thần học có thể nhận được một đóng góp đặc thù của nữ giới, bởi vì họ có khả năng nói về Thiên Chúa và các mầu nhiệm của đức tin với sự thông minh và nhậy cảm của nữ giới. Vì thế, tôi khích lệ tất cả những người phục vụ trong lãnh vực này chu toàn điều ấy với tinh thần giáo hội sâu xa, dưỡng nuôi suy tư bằng lời cấu nguyện, và nhìn vào sự phong phú một phần vẫn chua được khám phá của truyền thống thần bí thời Trung Cổ, nhất là nơi các mẫu gương sáng ngời như thánh nữ Hildegard thành Bingen.

Thánh Hildegard còn là tác giả của nhiều sáng tác khác nữa: đặc biệt quan trọng còn có ”Sách các công nghiệp của cuộc sống (Liber vitae meritorum), và ”Sách các công trình của Thiên Chúa” (Liber divinorum operum). Cuốn đầu miêu tả thị kiến Thiên Chúa làm cho vũ trụ được sống động với sức mạnh và ánh sáng của Ngài. Thánh nữ nhấn mạnh tương quan sâu xa giữa con người và Thiên Chúa, và nhắc cho chúng ta biết rằng toàn thụ tạo trong đó con người là tuyệt đỉnh, nhận được sự sống từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Cuốn sách nói về tương quan giữa các nhân đức và các thói xấu, vì vậy, con người phải hằng ngày đương đầu với thách đố của các thói xấu lôi kéo nó xa rời con đường dẫn đến Thiên Chúa và các nhân đức giúp nó tới gần Thiên Chúa. Và thánh nhân mời gọi con người tránh xa sự dữ để làm vinh danh Thiên Chúa và để sau một cuộc sống đạo hạnh, được bước vào trong cuộc sống ”tất cả là niềm. vui”

Cuốn sách thứ hai miêu tả thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa và tập trung nơi con người, biểu lộ khuynh hướng lấy chúa Kitô làm trung tâm điểm và có mùi vị kinh thánh giáo phụ. Nó trình bầy 5 thị kiến lấy hứng từ phần dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan, và ghi lại lời Chúa Con nói với Chúa Cha: ”Toàn công trình Cha đã muốn và đã giao cho Con, Con đã hoàn tất và này đây, Con ở trong Cha và Cha ở trong Con, và chúng ta là một” (Pars III, Visio X; PL 197, 1025a).

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: trong các bút tích khác thánh Hildegard cho thấy sức sinh động của các đan viện nữ thời Trung Cổ, trái với thành kiến của nhiều người. Thánh Hildegard nghiên cứu y khoa và khoa học thiên nhiên cũng như âm nhạc và phát triển tài năng nghệ thuật. Người sáng tác các thánh thi, các đoản ca, và thánh ca được thu thập lại và còn lưu truyền cho tới ngày nay.

Đức Thánh Cha nói về sự kiện thánh nữ nổi tiếng và có ảnh hưởng tốt với người thời đó như sau: Các cộng đoàn đan tu nam nữ, các Giám Mục và Viện Phụ hướng tới thánh nữ để tham khảo ý kiến. Nhiều câu trả cũng lời vẫn còn có giá trị đối với cả chúng ta ngày nay nữa. Chẳng hạn thánh Hildegard viết trả lời một cộng đoàn dòng nữ như sau: ”Đời sống thiêng liêng phải được trau đồi với nhiều tân tụy. Ban đầu sự mệt nhọc đắng cay lắm. Bởi vì nó đòi hỏi từ bỏ tính hay thay đổi, thú vui xác thịt, và các điều khác giống như vậy. Nhưng nếu để cho sự thánh thiện hấp dẫn, thì một linh hồn thánh thiện sẽ tìm thấy việc khinh rẻ thế gian là êm dịu và dễ mến. Chỉ cần chú ý một cách thông minh để linh hồn đừng tàn phai” (E. Gronau, Hildegard. Vita di una donna profetica alle origini dell'età moderna, Milano 1996, tr.402).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: khi hoàng đế Federico Barbarossa gây ra một cuộc ly giáo, bằng cách dùng ba ngụy giáo hoàng để đối đầu với Đức Giáo Hoàng hợp pháp là Alessandro III, thánh nữ Hildegard được các thị kiến linh hứng đã không ngần ngại nhắc cho hoàng đế biết ông sẽ bị Thiên Chúa phán xử. Với sự táo bạo của mọi ngôn sứ thánh nữ viết thư cho hoàng đế với các lời lẽ đến từ Thiên Chúa: ”Khốn thay, Khốn thay cho cung cách hành xử của những kẻ gian ác khinh rẻ Ta! Hỡi nhà vua, hẵy lắng nghe, nếu muốn sống. Nếu không, thì gươm của Ta sẽ đâm thâu ngươi” (Ibid, tr. 412).

Mặc dù sức khỏe yếu kém và đều kiện di lại khó khăn thời đó, trong những năm cuối đời thánh nữ Hildegard vẫn đi đây đó để nói với dân chúng về Thiên Chúa. Mọi người sẵn sàng vui lòng lắng nghe lời thánh nữ, cả khi thánh nữ có giọng điệu cứng rắn, họ vẫn coi người như là nữ sứ giả của Thiên Chúa. Người kêu gọi các cộng đoàn đan tu và giáo sĩ sống phù hợp với ơn gọi của mình. Đặc biệt thánh nữ đã chống lại phong trào Catari tại Đức, là phong trào của những người tự coi mình là ”trong sạch”, nên chủ trương một cuộc canh Giáo Hội một cách triệt để, nhất là để đánh đổ các lạm dụng của hàng giáo sĩ. Thánh nữ quở trách họ nặng nề là đã muốn lật đổ chính bản chất của Giáo Hội. Và người nhắc cho họ biết rằng việc canh tân Giáo Hội đích thật không có được bằng cách thay đổi các cơ cấu cho bằng có tinh thần sám hối chân thành và hoán cải cụ thể. Đó là sứ điệp mà chúng ta không bao giờ được quên. Rồi Đức Thánh cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy khẩn nài Chúa Thánh Thần để Ngài khơi dậy trong Giáo hội các phụ nữ thánh thiện và can đảm như thánh nữ Hildegard thành Bingen, biết đánh giá cao các ơn Thiên Chúa ban và góp phần đặc thù qúy báu cho sự lớn mạnh thiêng liêng của các cộng đoàn và của Giao hội thời đài chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Anh Đức Thánh Cha nói ngài nóng lòng chờ đợi chuyến viếng thăm Anh quốc trong một tuần nữa và thân aí gửi lời chào thăm toàn dân Anh quốc. Ngài chân thành cám ơn Cộng đoàn công giáo và chính quyền các cấp đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này để cho các buổi cử hành được tiến triển tốt đẹp. Đức Thánh Cha đặc biết cám ơn tất cả những ai cầu nguyện cho chuyến viếng thăm được thành công và để cho ơn thánh Chúa đổ tràn đầy trên Giáo Hội và nhân dân Anh quốc. Ngài đặc biệt vui mừng vì lễ phong Chân Phước cho Vị Đáng Kinh John Henry Newman Chúa Nhật 19 tháng 9. Ngài cũng nóng lóng gặp gỡ các giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Ngài cám ơn Nữ hoàng và ĐTGM Cantebury và mong được hội kiến với các vị. Tuy không thể viếng thăm mọi nơi và mọi người, nhưng Đức thánh Cha sẽ nhớ tới tất cả trong lới cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho nhân dân Anh quốc.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Dư luận về chuyến viếng Anh của Đức Giáo Hoàng
Vũ Văn An
22:10 08/09/2010
Càng gần đến ngày Đức Bênêđíctô XVI qua thăm Anh và Tô Cách Lan, dư luận lại càng sôi nổi hơn, cả từ bên ủng hộ lẫn từ bên chống đối.

I. Ủng hộ

Phía ủng hộ, dĩ nhiên có chính phủ Anh, người đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng qua thăm. Ngày 28 tháng 7 vừa qua, Ngài Chris Patten, người được chính phủ Anh trao trách nhiệm tổ chức cuộc viếng thăm, cho báo chí hay cuộc viếng thăm này sẽ thành công ngoài sức tưởng tượng. Ông cho Đài Phát Thanh Vatican hay: dư luận chỉ trích sẽ đổi chiều nay mai khi cuộc viếng thăm diễn ra thực sự. Họ sẽ ngạc nhiên khám phá ra tầm quan trọng của nó. “Tôi tuyệt đối tin chắc rằng mọi sự chuẩn bị của chính phủ, của nhà cầm quyền địa phương, của các hội đồng giám mục Tô Cách Lan và Anh sẽ làm cho cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng thành công ngoài sức tưởng tượng”.

Ông nhìn nhận việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này có hơi phức tạp hơn dự liệu mà nguyên do hàng đầu là tại các nhà tổ chức đánh giá hơi thấp “sự phức tạp trong việc hòa hợp hai khía cạnh lại với nhau: tức khía cạnh viếng thăm nhà nước (state visit) và khía cạnh viếng thăm mục vụ, làm thế nào để chúng thành một toàn bộ kkhông phân cách”. Ông giải thích: xét về một mức độ nào đó, thì tổ chức cuộc viếng thăm của những nhân vật như Barack Obama, chẳng hạn, bao giờ cũng dễ dàng hơn là tổ chức cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, vì cuộc viếng thăm chính thức của các vị tổng thống không phải là các biến cố lớn thu hút tới 100,000 người hay hơn.

Tuy nhiên, Ngài Patten quả quyết rằng các nhà tổ chức lần này đang nắm vững tình thế và nhờ thế, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ gây nhiều thích thú. Ông cũng hy vọng rằng cuộc viếng thăm này sẽ giúp Cộng Đồng Công Giáo và các cộng đồng tôn giáo khác liên hệ mật thiết hơn với Đức Giáo Hoàng, cũng như đem lại cơ hội để chứng minh rằng chính phủ của một nước mà đại đa số không phải là Công Giáo vẫn có một nghị trình hết sức ý nghĩa để làm việc chung với Giáo Hội Công Giáo.

Ngài Patten nhấn mạnh tới một số chủ đề thuộc quan tâm chung, như việc phát triển quốc tế, Chương Trình Phát Triển Thiên Niên Kỷ, chính sách công bình hoàn cầu, thay đổi khí hậu, tính sống còn của môi sinh, và các vấn đề giải giới. Ông cho rằng, chỉ cần duyệt qua một số vấn đề như thế, cũng đủ làm những người xưa nay vốn chỉ trích cuộc viếng thăm này phải ngạc nhiên rồi.

Ông nhìn nhận con số những người này không ít, nhưng điều đó không làm ông lo lắng. Theo ông, “chúng ta sống trong một xã hội tự do. Nếu người ta muốn phản đối một cách hòa bình, họ có quyền làm như vậy”. Tuy nhiên, ông cho hay họ vẫn chỉ là một thiểu số, một thiểu số vốn chủ trương bất khoan dung tôn giáo, nhất là Công Giáo, vì Công Giáo khá nổi bật, trường thọ và tự tin trong việc tuyên dương các chân lý căn bản.

Nhân dịp này, Ngài Patten cũng đề cập tới các chỉ trích về phí tổn tài chánh của chuyến viếng thăm. Ông cho rằng phí tổn này có thể lên tới 12 triệu bảng Anh, tương đương với 19 triệu Mỹ Kim. Nhưng cuộc họp thượng đỉnh G-20 vào năm ngoái lên đến 20 triệu bảng Anh, tương đương với 31 rriệu Mỹ Kim. Nhưng đâu có lãnh tụ nào trong nhóm G-20 đó thu hút được số đông quần chúng như Đức Giáo Hoàng? Ông cũng cho rằng các khó khăn tài chánh của Anh hiện nay không cho phép nước ông đóng cửa đối với thế giới.

Được hỏi về sự khó khăn trong việc thông truyền sứ điệp của Đức Giáo Hoàng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, một thứ truyền thông thường chỉ quan tâm tới các chi tiết bề ngoài, phiến diện, Ngài Patten cho rằng có thể có khó khăn trong việc thông truyền các sứ điệp như: đức tin không phải là vấn đề, đức tin là cách người ta đương đầu với các thách đố của cuộc sống hế kỷ 21. Nhưng các thông điệp về công bằng xã hội, theo ông, dễ được người ta nghe hơn, nhất là giới trẻ. Ông bảo: một số người không hề biết rằng 25% nền giáo dục học đường và 25% dịch vụ y tế ở vùng Hạ Sahara của Phi Châu được Giáo Hội hay các tổ chức của Giáo Hội cung cấp. Vấn đề chăm sóc các nạn nhân HIV/AIDS cũng không được nhiều người biết đến.

Đặc trưng của chuyến viếng thăm

Cơ quan thứ hai hết lòng ủng hộ cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng dĩ nhiên là Tòa Thánh. Ngày 18 tháng 8, phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha F. Lombardi S.J., cho hay: chuyến viếng thăm Tô Cách Lan và Anh sắp tới sẽ là cơ hội để Đức Bênêđíctô XVI trình bày cho xã hội từng bị thế tục hóa này hay các đóng góp và vẻ đẹp của Đạo Công Giáo.

Trong cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha sẽ đọc bài diễn văn quan trọng tại Đại Sảnh Đường Westminster, sẽ gặp gỡ các giói trong xã hội, những người làm văn hóa, đại diện cho mọi tầng lớp trong xã hội Anh. Nhưng quan trọng hơn cả là chiều kích đại kết của chuyến thăm viếng qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và nhà lãnh đạo Hiệp Thông Anh Giáo, Tổng Giám Mục Canterbury. Theo cha, đây là thời điểm khá tế nhị đối với Anh Giáo do các tranh luận nội bộ của họ. Đây cũng là thời điểm tế nhị cho người Công Giáo, vì những căng thẳng gần đây giữa Công Giáo và Anh Giáo. Nhưng cha nhấn mạnh, “trái tim thiêng liêng của chuyến viếng thăm” chính là nghi lễ phong chân phước cho Đức Hồng Y John Henry Newman tại Hyde Park. Ai cũng biết sợi dây liên kết giữa Đức Bênêđíctô XVI và vị chân phúc tương lai. Sợi dây ấy chính là sự tổng hợp sâu sắc giữa đức tin và lý trí, là việc sống chứng tá Kitô Giáo trong thế giới hiện đại, là trình bày các lý do khiến ta tin cho những ai muốn tìm biết, là giải thích cho thế giới hiểu lý lẽ niềm hy vọng của ta.

So với cuộc viếng thăm Anh cách nay 30 năm của Đức Gioan Phaolô II, cuộc viếng thăm Anh của Đức Bênêđíctô XVI có nhiều điều “mới lạ”. Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn có tính mục vụ. Trái lại, cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô XVI là một cuộc viếng thăm có tính quốc khách (state visit), do Nữ Hoàng và chính phủ Anh chính thức mời. Tuy nhiên, mục đích của chuyến viếng thăm vẫn là để trình bày cho một xã hội hết sức phát triển nhưng cũng hết sức duy tục như xã hội Anh biết việc phục vụ của Giáo Hội Công Giáo, của niềm tin Công Giáo. Theo Cha, việc phục vụ của Giáo Hội luôn là một hồng phúc đối với xã hội, cả về phương diện cảm hứng thiêng liêng lẫn về phương diện giáo dục, y tế và bác ái.

Văn hóa sự chết

Một trong những dịch vụ hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo tại Anh là hôn nhân và gia đình. Về phương diện này, ngày 23 tháng 8 vừa qua, Edmund Adamus, giám đốc Mục Vụ của Giáo Phận Westminster, nói với Zenit: Anh Quốc đang là tâm điểm nền văn hóa sự chết của thế giới. Điều ấy càng làm cho cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng trở nên cần thiết.

Theo ông, căn cứ vào các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta có cảm tưởng Đức Thánh Cha sắp bước vào tâm điểm tranh cãi và các thái độ thù nghịch chống lại ngài. Nhưng xét chung, nhiều người vẫn trân qúy chứng từ của Đức Thánh Cha đối với các vấn đề luân lý nền tảng, hy vọng sự hiện diện của ngài sẽ dọi một ánh sáng nhân ái, một “kindly light”, như lời Đức HY Newman, để xua tan bóng tối đang đe dọa tế bào căn bản của xã hội là gia đình và quyền lợi cha mẹ.

Adamus cho rằng trong hơn 50 năm qua, các nhà làm luật của Anh từng là những người phản sự sống một cách bừa bãi hơn hết cũng như hết sức cấp tiến trong thái độ phản gia đình và phản hôn nhân. Có thể nói đây là một xã hội phản Công Giáo hơn cả về phương diện văn hóa, hơn cả những nơi công khai bách hại người Công Giáo.

Oái oăm một điều Anh Quốc có một di sản Kitô Giáo hết sức độc đáo: Thánh Augustinô thành Canterbury, được chính Đức GH Grêgôriô phái qua Anh, đã không nản lòng làm cho người dân Anh trở lại bằng cách kiên trì thuyết phục họ tin vẻ đẹp, chân lý và phẩm giá của hôn nhân. Anh Quốc cũng được gọi là “Của Hồi Môn Của Đức Mẹ”, một tước hiệu có từ lâu trong ngôn ngữ bình dân. Hạn từ “của hồi môn” nói lên vai trò siêu nhiên trong cuộc “hôn nhân” giữa Chúa Thánh Thần và hiền thê của Người là Trinh Nữ Thành Nadarét. Theo Adamus, trong kế hoạch Thiên Chúa, Kitô Giáo Anh Quốc có một vai trò độc đáo làm nền tảng vững chắc (như của hồi môn trong hôn nhân) cho công trình cứu rỗi phổ quát. Thực vậy, Anh Quốc là quốc gia đầu tiên đem đến cho Giáo Hội việc long trọng cử hành hôn phối chính thức qua nghi thức Sarum (Salisbury). Trong nghi thức này, có công thức “và bằng thân xác anh, anh thờ phượng em” ("and with my body I thee worship") mà theo Adamus, từ thời Trung Cổ trở đi, đã trở thành nền thần học cơ bản về thân xác. Vì nếu hai người phối ngẫu được Thiên Chúa kêu gọi tôn kính nhau về phương diện thân xác, thì lòng tôn kính tột độ của ta đối với sự hiện diện của Thiên Chúa trong thể lý tính của mọi người chúng ta phải là việc đương nhiên.

Tại cửa chính nhà thờ chính tòa Công Giáo Westminster, có một bức tranh ghép tả Chúa Kitô đang chiến thắng thống trị, hai bên có Đức Mẹ và Thánh Giuse; cả ba Đấng được Thánh Phêrô và Thánh Edward Hiển Tu qùy lạy cung kính. Đó quả là một hình ảnh đẹp, biểu tượng cho lòng tôn kính đối với Thánh Gia. Mong sao cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha sẽ làm Anh Quốc khám phá lại lòng tôn kính đó đối với hôn nhân và gia đình. Không như hiện nay, càng ngày người ta càng thương mại hóa tính dục, chưa kể nhiều đạo luật đang cổ vũ cho nghị trình “đồng tính”. Tệ nạn khiêu dâm, cũng thế, đang được nhiều người coi là truyện thường tình.

Những cuộc thăm dò

Đúng như nhận xét của Adamus, phần đông các người được thăm dò ý kiến cho hay họ ủng hộ cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Tạp chí The Tablet đã nhờ Ipsos thực hiện một cuộc thăm dò với kết quả cho thấy hai trong ba người lớn tại Anh nhận diện ra ngài ở ngoài phố dù ngài không mang phẩm phục Giáo Hoàng.

Cuộc thăm dò này trực diện tìm hiểu 996 người trưởng thành, trong đó 117 người là Công Giáo. Kết quả: ít nhất 1/5 có ý định theo dõi sát nút cuộc thăm viếng từ ngày 16 tới ngày 19 của Đức Thánh Cha trên báo chí, truyền hình, truyền thanh và liên mạng; 10% dự định tham dự các biến cố của cuộc viếng thăm. Đối với người Công Giáo, tỷ lệ đó lên tới 71%. Cuộc thăm dò đó cũng cho thấy 25% ủng hộ cuộc viếng thăm, 11% chốn đối, và 65% không ủng hộ mà cũng không chống đối. 67% cho biết nước Anh nên duy trì nền văn hóa Kitô Giáo của mình, chỉ có 8% chống đối ý tưởng đó. 49% tin rằng việc Giáo Hội Công Giáo có quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề luân lý là một điều tốt. 93% biết Đức Giáo Hoàng cầm đầu Giáo Hội Công Giáo, trong khi chỉ có 77% quả quyết Nữ Hoàng cầm đầu Anh Giáo.

Sẵn sàng

Chính vì thế, ngày 1 tháng 9 vừa qua, Đức TGM Vincent Nichols của TGP Westminster cho hay: “Mọi việc đã đâu vào đó” và chuyến viếng thăm sẽ diễn ra “một cách rất tuyệt hảo”.

Đức TGM Nichols đã tuyên bố như thế trong cuộc họp báo hôm thứ ba tuần rồi với Ngài Patten, người được thủ tướng Anh chỉ định lo tổ chức chuyến viếng thăm. Ngài Patten cho rằng chuyến viếng thăm này xứng đáng được gọi là chuyến viếng thăm lịch sử. Ông bảo: chính phủ liên minh rất hài lòng về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, họ coi đây là một giờ phút cực kỳ đặc biệt đối với mọi người dân Anh, bất kể là Kitô Giáo, Công Giáo hay không. Có nhiều lý do giải thích thái độ của tân chính phủ Anh: trước nhất, Đức Giáo Hoàng đại diện cho 10% công dân Anh, và hơn 1 tỷ người khắp thế giới. Chính phủ Anh và Giáo Hội Công Giáo luôn làm việc bên nhau để đạt cho bằng được “sự công bình xã hội và sự phát triển bền vững”.

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo đang có những “đóng góp quan trọng cho việc phát triển xã hội về phương diện xã hội, nhất là về giáo dục”… Thành thử chuyến viếng thăm của ngài tại Anh hết sức được hoan nghinh.

Ngài Patten còn đưa ra một lý do quan trọng nữa, đó vai trò quan trọng của tôn giáo, cách riêng của Kitô Giáo, đối với việc lên khuôn xã hội Anh. Ông bảo: “Tôi nghĩ người ta sẽ lắng nghe xem Đức Thánh Cha sẽ nói gì về mối tương quan giữa tôn giáo và một số ảnh hưởng khác hiện rất trổi vượt trong xã hội ta và tại Âu Châu nói chung”.

Đức TGM Nichols thì cho hay: “Chúng tôi chờ mong chuyến viếng thăm này với lòng tin tưởng và an tâm”. Nhân dịp này, ngài nhắc đến ba bình diện của chuyến viếng thăm: cuộc gặp gỡ giữa Vương Quốc Thống Nhất và Tòa Thánh, các hệ luận lịch sử và văn hóa của cuộc viếng thăm và vai trò của đức tin trong xã hội cả về phương diện bản thân lẫn phương diện cộng đồng.

Theo Đức TGM, hình ảnh Nữ Hoàng chào đón Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và hai vị chính thức chào hỏi nhau là một hình ảnh sẽ vang vọng khắp các câu truyện tại lãnh thổ này. Khi Đức Giáo Hoàng tiến vào Đại Sảnh Đường Westminster vào hôm thứ sáu để nói truyện với các chính khách, các nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo xã hội, thì đó cũng sẽ là một giờ phút lịch sử có tính vang vọng. Ngài sẽ dừng lại tại chính nơi Thánh Thomas Moore, Đại Pháp Quan của Anh Quốc, bị kết án tử hình năm 1535 vì niềm tin Công Giáo. Ngài cũng sẽ cùng Tổng Giám Mục Canterbury đến cầu nguyện tại mộ Thánh Edward Hiển Tu, Quân Vương được phong thánh của Anh Quốc, người đã sáng lập ra Westminster Abbey.

Đức TGM Nichols nghĩ rằng: “Điều đó sẽ giúp ta trở về với gốc rễ sâu xa của quốc gia này để khám phá ra ta là ai, quốc gia ta là quốc gia nào và gốc rễ văn hóa của ta là đâu và chúng tươi mát như thế nào khi được nhìn như nguồn suối sống động cho cảm hứng con người thời nay. Theo tôi, sự kiện Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo xã hội, những người thuộc mọi tín ngưỡng khác nhau hiện đang có mặt tại đất nước này, cũng là một thời điểm để ngài khẳng định vai trò của niềm tin vào Thiên Chúa từng có mặt ở đây như tác nhân góp phần vào công ích".

32,000 chục kinh Mân Côi

Điều đặc biệt là cả cơ quan “Aid to the Church in Need” (Trợ Giúp Giáo Hội Túng Thiếu) cũng quan tâm đến cuộc viếng thăm Anh và Tô Cách Lan của Đức Giáo Hoàng. Thực vậy, họ đã phát động chiến dịch cầu nguyện và hành động nhân chuyến viếng thăm này. Chiến dịch ấy đang gặt hái nhiều thành quả rất phấn khởi. Hơn 32,000 chục kinh Mân Côi và 11,500 Thánh Lễ sẽ được dâng để cầu cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.

Neville Kyrke-Smith, giám đốc toàn quốc của cơ quan này tại Vương Quốc Thống Nhất, cho hãng tin Zenit hay: cam kết cầu nguyện này tương đương với hơn 6 tháng cầu nguyện liên lỉ. Ông hy vọng nó còn kéo dài mãi để hỗ trợ việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới đầy thách đố ngày nay. Tiền xin các Thánh Lễ này sẽ được dùng để giúp các linh mục tại các xứ đang bị bách hại và đủ mọi hình thức kỳ thị.

Triển lãm tranh thảm của Raphael

Đối với một xã hội chuộng nghệ thuật như Anh, thì không còn gì xứng hợp bằng việc cùng đi với Đức Bênêđíctô XVI, một vị giáo hoàng được nhiều người dành cho biệt hiệu Mozart của thần học, sẽ là bốn tranh thảm (tapestries) được Raphael vẽ cho Nhà Nguyện Sistine. Cùng với chúng, sẽ là những bức vẽ vốn làm mẫu cho các bức thảm kia. Chúng sẽ được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Victoria và Albert (V&A) bắt đầu từ thứ tư vừa qua và sẽ kéo dài tới giữa tháng 10.

Thực ra, các bức vẽ làm mẫu vốn từng được trưng bày tại Viện Bảo Tàng V&A từ năm 1865, nhưng đây là lần đầu tiên cả tranh thảm lẫn bức vẽ mẫu được trưng bày chung với nhau. Raphel được yêu cầu thực hiện chúng vào năm 1515, với hình các Thánh Phêrô và Phaolô, để hoàn tất công trình tại Nhà Nguyện Sistine. Đức TGM Nichols cho hay: các tranh vẽ này có một ngôn ngữ rất mạnh. Chúng là những suy niệm về sứ vụ của các Tông Đồ Phêrô và Phaolô, không những chăm sóc Giáo Hội mà còn làm chứng cho hồng ân của Chúa Kitô trong một thế giới chưa có ngôn ngữ để nói về Người. Theo Đức TGM, nghệ thuật vĩ đại “đòi ta phải cơi mở” và “để thế giới ta được tái tổ chức… Ta ra đi không những có hiểu biết mà còn được biến đổi. Mọi nghệ thuật vĩ đại, dù làm ta khó chịu, cũng đều dạy ta phải đại lượng”. Ngài hy vọng việc ấy cũng xẩy ra trong cuộc gặp gỡ với Đạo Công Giáo. Ngài cho hay: “Dĩ nhiên, các thế kỷ, các tranh chấp và tình trạng tội lỗi của con người có thể làm cùn nhụt và biến dạng nó, nhưng sinh khí có tính sáng tạo của Kitô Giáo không nhạt nhòa đi. Giống như đối với nghệ thuật, vấn đề ở đây hệ ở việc biết cách hiểu được nó. Nếu ta đến với nó trong hoài nghi, với thứ ngôn ngữ hạn hẹp rút ra từ các nguồn duy giản lược, thì đương nhiên ta chỉ thấy được điều xưa cũ, hết thời và đầy bụi bặm”.

Đức TGM Nichols cho rằng việc trưng bày chung các tranh thảm (thuộc sở hữu của Tòa Thánh) và các bức vẽ mẫu (thuộc sở hữu của Nữ Hoàng) là một ẩn dụ tuyệt vời cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Mỗi sưu tập này “sẽ dõi một ánh sáng mới trên sưu tập kia; và cùng với nhau, chúng sẽ phong phú hóa lẫn nhau. Khi Đức Bênêđíctô XVI tới đây, tôi hy vọng người ta sẽ lắng nghe điều ngài muốn nói, và mở lòng ra để cảm nhận được trí tưởng tượng đầy sáng tạo của một đức tin sống động”.

Anh Giáo

Nhưng còn thái độ của Anh Giáo, tôn giáo “nhà nước” và dù sao cũng chiếm đại đa số công dân Anh và Tô Cách Lan? Ngày 16 tháng 3 vừa qua, Tổng Giám Mục Rowan Douglas Williams, vị lãnh đạo tinh thần của Hiệp Thông Anh Giáo, lên viếng hoan nghinh chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Ông phát biểu: “Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ là cơ hội để thắt chặt các mối liên hệ không những giữa Tòa Thánh và Vương Quốc Thống Nhất mà còn giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Kitô Giáo khác tại Tô Cách Lan, tại Anh và tại Wales. Tôi mong ước một cách đặc biệt để được nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại Tòa Lambeth nhân danh Giáo Hội Nước Anh”.

Theo chương trình, ngày 17/9, Đức Giáo Hoàng sẽ tới Tòa Lambeth để gặp gỡ TGM Williams với sự hiện diện của các giám mục Anh Giáo trong giáo phận và các giám mục Công Giáo của Anh và Wales.

(Còn một kỳ: II Chống đối)
 
Top Stories
Vatican: Burning Koran would be ''outrageous and grave gesture'' against Islam
AP
09:50 08/09/2010
VATICAN CITY (AP) — The Vatican on Wednesday denounced as "outrageous and grave" plans by a Christian minister in Florida to burn copies of the Quran to mark the Sept. 11 anniversary.

The Vatican office responsible for relations with Islam issued a stern statement saying every religion has the right to expect that its sacred books, places of worship and symbols will be respected and protected.

While deploring those 2001 terror attacks, the Pontifical Council for Interreligious Dialogue said such violence "cannot be counteracted by an outrageous and grave gesture against a book considered sacred by a religious community."

Pastor Terry Jones of the small, evangelical Dove World Outreach Center which espouses anti-Islam sentiments has said he would go ahead with plans to burn copies of Islam's holy book this weekend despite opposition from the White House, the U.S. military and others.

The Vatican said the proper reflection to mark the ninth anniversary of the attacks is to offer solidarity with those affected by the attacks and pray for them.

"Each religious leader and believer is also called to renew the firm condemnation of all forms of violence, in particular those committed in the name of religion," the statement said.

The communique was issued a day after the Vatican newspaper, L'Osservatore Romano, reported that Christians around the world were protesting the plans by Jones. "No one burns the Quran," the paper's headline read.

(Source: http://www.foxnews.com/world/2010/09/08/vatican-burning-quran-outrageous-grave-gesture-islam)
 
The 8th anniversary of the death of our beloved Cardinal François Xavier Nguyên Van Thuân
+ Cardinal Peter K.A. Turkson
10:26 08/09/2010
Cardinal Peter K.A. Turkson
President, Pontifical Council for Justice and Peace


September, 2010

Dear friends, brothers and sisters,

As we approach the celebration of the 8th anniversary of the death of our beloved Cardinal François Xavier Nguyên Van Thuân, the witness of joy, I would like to use his words to extend my warmest greetings to you all: “With Christ we can make our existence into a great feast. It is not impossible, we only need the courage to try; this indeed is what constitutes salvation.”

The profound content of this message from Cardinal Van Thuân, my predecessor, urges me to encourage you to remember him for his remarkable testimony as a Martyr of our time, throughout his many years of imprisonment in his own country, as well as the humiliations, difficulties and sufferings that he bore for so long and that are, for all of us, a paragon of joy, hope and love for the Church and for our brothers and sisters, without any discrimination.

His life, characterized by great serenity and peace, encourages us to live like him, in the shadow of the Cross, because “the resemblance to God is the manifestation of the Cross, the realization of the Cross in ourselves”. Only through this way of living can the peace that we all need in this world full of worries and confusion develop in our hearts.

Dear brothers and sisters, with these simple words I would like to accompany you in this period of preparation for the celebration this 8th anniversary and wish that you may live in joy, hope and faith strengthened by a deep spiritual life.

With these fraternal sentiments, united in prayer, I give my blessing to all of you.

Sincerely yours in the Lord,


 
Pope's Address to Council of Europe Delegation: ''Defend the Inviolable Dignity of the Human Person''
+ Pope Benedict XVI
18:09 08/09/2010
VATICAN CITY, SEPT. 8, 2010 (Zenit.org).- Here the address Benedict XVI gave today upon receiving in audience in a side chamber of Paul VI Hall members of the Bureau of the Parliamentary Assembly of the Council of Europe.

Mr President,

Dear members of the Bureau of the Parliamentary Assembly of the Council of Europe,

I am very grateful to the Honourable Mr Çavuşoğlu for the kind words he addressed to me on behalf of the Bureau and I extend to all of you a cordial welcome. I am happy to receive you on the sixtieth anniversary of the European Convention on Human Rights which, as is well known, commits Member States of the Council of Europe to promote and defend the inviolable dignity of the human person.

I know that the Parliamentary Assembly has on its agenda important topics that deal above all with persons who live in particularly difficult situations or are subjected to grave violations of their dignity. I have in mind people afflicted with handicaps, children who suffer violence, immigrants, refugees, those who pay the most for the present economic and financial crisis, those who are victims of extremism or of new forms of slavery such as human trafficking, the illegal drug trade and prostitution. Your work also is concerned with victims of warfare and with people who live in fragile democracies. I have also been informed of your efforts to defend religious freedom and to oppose violence and intolerance against believers in Europe and worldwide.

Keeping in mind the context of today’s society in which different peoples and cultures come together, it is imperative to develop the universal validity of these rights as well as their inviolability, inalienability and indivisibility.

On different occasions I have pointed out the risks associated with relativism in the area of values, rights and duties. If these were to lack an objective rational foundation, common to all peoples, and were based exclusively on particular cultures, legislative decisions or court judgments, how could they offer a solid and long-lasting ground for supranational institutions such as the Council of Europe, and for your own task within that prestigious institution? How could a fruitful dialogue among cultures take place without common values, rights and stable, universal principles understood in the same way by all Members States of the Council of Europe? These values, rights and duties are rooted in the natural dignity of each person, something which is accessible to human reasoning. The Christian faith does not impede, but favors this search, and is an invitation to seek a supernatural basis for this dignity.

I am convinced that these principles, faithfully maintained, above all when dealing with human life, from conception to natural death, with marriage -- rooted in the exclusive and indissoluble gift of self between one man and one woman -- and freedom of religion and education, are necessary conditions if we are to respond adequately to the decisive and urgent challenges that history presents to each one of you.

Dear friends, I know that you also wish to reach out to those who suffer. This gives me joy and I encourage you to fulfill your sensitive and important mission with moderation, wisdom and courage at the service of the common good of Europe. I thank you for coming and I assure you of my prayers. May God bless you!

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cử hành lễ giỗ thứ 8 của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận
+ Cardinal Peter K.A. Turkson
10:29 08/09/2010
Hồng Y Peter K.A. Turkson
Chủ Tịch, Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Công Lý và Hòa Bình


Tháng Chín, năm 2010

Quý bằng hữu và anh chị em thân mến,

Chúng ta sắp cử hành lễ giổ thứ 8 của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận kính yêu, chứng nhân của vui mừng. Nhận dịp này tôi mượn lời của ngài để gửi tới tất cả anh chi em lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của tôi: “Cùng với Chúa Kitô, chúng ta có thể biến sự hiện hữu của mình thành một bửa tiệc mừng lớn. Đó không phải là điều bất khả, chúng ta chỉ cần lòng can đảm để thử nghiệm; thực ra, đó chính là căn nguyên của sự cứu rỗi.”

Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Thuận, vị tiền nhiệm của tôi, đã thúc đẩy tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ đến Ngài như là một vị Tử Đạo trong thời đại chúng ta bằng chính chứng từ tuyệt vời của ngài. Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với giáo hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai.

Cuộc đời của ngài, biểu lộ rõ nét bằng một niềm thanh thản an bình sâu xa, kêu gọi chúng ta sống như ngài, dưới bóng Thập Giá, bởi vì "trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chứng tá đích thực của Thập Giá, thực thi Thập Giá trong mỗi người chúng ta “. Chính khi chúng ta vác thập giá chúng ta mới cảm nhận được ơn bình an mà chúng ta cần có giữa cái thế giới tràn ngập âu lo và hỗn độn.

Anh Chị Em thân mến, với những lời chơn chất này, tôi ước mong được cùng đồng hành với anh chị em trong giai đoạn chuẩn bị kỷ niệm lễ giỗ lần thứ tám của Đức Hồng Y. Tôi cầu chúc anh chị em được sống trong vui mừng, hy vọng và đức tin ngày càng được củng cố bởi một đời sống thiêng liêng sâu đậm.

Với tâm tình huynh đệ, hiệp nhất trong lời cầu nguyện, tôi xin chúc lành cho tất cả anh chị em.

Trong Chúa Kitô,


 
Khai giảng cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ em khuyết tật trong GP Phan Thiết
Tâm Phúc
12:57 08/09/2010
PHAN THIẾT - Sáng ngày 6.9.2010, hoà với không khí tưng bừng cả nước mừng ngày Khai Giảng Năm Học Mới 2010-2011, Ban BAXH - Caritas Phan Thiết đã cử đại diện đến tham dự lễ Khai giảng và chúc mừng các cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ em khuyết tật trong Giáo phận tại Phan Thiết và Lagi – Hàm Tân do các nữ tu phụ trách.

Xem hình ảnh

Hiện nay, Giáo phận Phan Thiết có 5 cơ sở chăm sóc giáo dục người khuyết tật. Các nữ tu Hội dòng MTG Nha Trang phụ trách 4 cơ sở, gồm cơ sở chăm sóc Giáo dục trẻ Khuyết tật Tổ Ấm Huynh Đệ (trực thuộc TGM Phan Thiết), trường Khiếm thính Hừng Đông, trường Khiếm thị Ánh Sáng, Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái Ấm Tình Thương. Dòng MTG Phan Thiết phụ trách Cơ sở Khiếm thính Tân Lập. Để động viên tinh thần của thầy trò các cơ sở trong năm học mới và mừng Tết Trung Thu, Caritas Giáo phận đã trao quà hỗ trợ trang thiết bị dạy học và hướng nghiệp cho 4 cơ sở chuyên trách giáo dục trẻ khuyết tật tại Phan Thiết và Lagi với tổng giá trị trên 20 triệu đồng.

Được biết, theo thống kê năm 2009 của Sở Lao động –Thương binh và Xã Hội tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có tổng số người khuyết tật là 19.842. Trong đó, 2.446 người tàn tật về nhìn; 2.250 người tàn tật về nghe; 7.689 người tàn tật về vận động; 4.286 người tàn tật về giao tiếp; 4.465 người tàn tật về nhận thức một vấn đề; 4.876 người tàn tật tự chăm sóc được bản thân. Với số người khuyết tật tương đối lớn nhưng các cơ sở chăm sóc giáo dục dành cho người khuyết tật của nhà nước trên toàn tỉnh rất hạn chế. Do đó sự hiện diện các cơ sở chăm sóc giáo dục các em khuyết tật do các nữ tu Hội dòng MTG Phan Thiết, Hội Dòng MTG Nha Trang phục vụ đã được mọi người rất trân trọng. Các cơ sở tiếp nhận học sinh từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến theo học. Phần nhiều các em nội trú và học theo chương trình đặc biệt của cơ sở. Riêng trường Khiếm thị Ánh Sáng có 12 em đang theo học hoà nhập tại các trường dành cho trẻ bình thường và có 2 em đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm.
 
Kim Khánh Giáo Xứ Thanh Xuân Thị Xã Lagi, Tỉnh Bình Thuận
GM. Giuse Vũ Duy Thống
20:43 08/09/2010
29.9.1960 - 29.9.2010

NĂM MƯƠI TUỔI VẪN CÒN THANH XUÂN

Lần đầu tiên tôi đến với Giáo Xứ Thanh Xuân, kể từ ngày về Giáo Phận Phan Thiết, chính là dịp khai mạc Năm thánh mừng Kim Khánh Giáo Xứ. Khỏi phải nói, tâm tình của tôi hôm đó là một sự ngỡ ngàng chen lẫn với niềm thán phục. Ngỡ ngàng vì buổi lễ diễn ra một cách hoành tráng trang nghiêm sốt sắng và thán phục vì có sự góp mặt của mọi giới thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa được thể hiện qua nhiều sắc phục hội đoàn. Ai cũng hân hoan và ai cũng có chỗ đứng của mình. Thì ra, Giáo Xứ Thanh Xuân đang mừng Kim Khánh.

Phan Thiết tính đến năm 2010 mới được 35 tuổi, thế mà Thanh Xuân đã nhẹ nhàng qua mặt để bước vào tuổi 50. Cũng dễ hiểu thôi. Phan Thiết được sinh ra từ cạnh sườn Nha Trang năm 1975, còn Thanh Xuân được khai sinh từ rất sớm thuở phong trào di dân về phía nam đang tưng bừng nở rộ năm 1960, để hôm nay nghiễm nhiên trở thành đồng trang lứa với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở tuổi ngũ tuần. Kể cũng hãnh diện. Nhưng điều đáng ghi nhận cũng là niềm tự hào của Giáo Xứ Thanh Xuân chính là trên nền của Lịch sử 50 năm ấy, dẫu có những biến động gắn liền với thời cuộc, vẫn sáng lên một khung trời hồng ân xuyên suốt. Ai quy tụ dân về đây định cư giữa bạt ngàn vùng đất duyên hải? Ai cho những điều kiện thuận lợi về sức người sức của để hình thành một cụm dân cư vốn rời xa quê cha đất tổ chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống, cả về mặt sinh nhai cũng như đức tin? Rồi ai khai móng đắp nền dựng xây Giáo Xứ? Ai và ai ai nữa đã tiếp nối lãnh đạo hay cộng tác phát triển để Giáo Xứ trưởng thành vững mạnh cũng như vươn lên giữa Giáo Hạt và trong Giáo Phận? Danh mục câu hỏi sẽ dài dài bất tận, nhưng đáp án vẫn chỉ thu gọn trong chữ hồng ân.

Mừng Kim Khánh Giáo Xứ chính là cơ hội một đi không trở lại để chung lời tạ ơn Chúa, Đấng đã dẫn dắt lịch sử Giáo Xứ qua những bước thăng trầm nhất định hầu thanh luyện và nâng cao lòng tin của mọi người trong Giáo Xứ. Nhìn lên để tạ ơn, nhưng Năm thánh cũng là dịp nhìn xuống để tạ lỗi, vì những vong ân, vì nhiều điều chưa thanh thỏa và còn vì những lỗi điệu trong cách sống đức tin nơi cá nhân cũng như nơi tập thể cộng đoàn. Xét cho cùng, tạ lỗi theo cách nhìn của Năm thánh, cũng là một cách tạ ơn. Thoáng nhìn lại lịch sử Giáo Xứ dịp mừng Kim Khánh là thế, nhưng Thanh Xuân trong mắt nhìn của tôi dịp này là cả một tinh thần sống đạo đã trải nghiệm và không ngừng hướng tới. Nhớ hôm nào Giáo Phận tổ chức thi giáo lý Năm thánh Đức Mẹ Tàpao, Thanh Xuân chẳng những đã tích cực tham dự tham gia tham luận mà còn hăng say thi đua để cuối cùng ra về trong rộn ràng chiến thắng cả về giải cá nhân cũng nh­ư đồng đội. Người ta khó quên hình ảnh của một Cha Xứ từ sớm đã có mặt tại hiện trường để khích lệ động viên thí sinh và còn tháp tùng con em mình tới hội trường thi thố khả năng. Cha xứ với giáo dân bên nhau là một tinh thần sống đạo thật đẹp.

Lâu lắm rồi, Thanh Xuân đã có cả phong trào thi ca công giáo họa hiếm trên quy mô Giáo Phận. Tiếng vang của phong trào này vẫn còn đó và có những dấu hiệu cho thấy một sự chuyển giao sống động từ thế hệ này sang thế hệ khác "Đức tin mà không trở thành văn hóa thì chỉ là một đức tin chưa được đón nhận đầy đủ, chưa được suy nghĩ thấu đáo và chưa được sống tới cùng". Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở như thế. Trộm nghĩ với sự nối kết giữa thi ca và đức tin, Thanh Xuân đang góp phần làm cho đức tin nhẹ nhàng trở thành văn hóa. Và như vậy, đây cũng là một nét đẹp rất riêng của tinh thần sống đạo.

Chưa hết, tại Thanh Xuân, các phong trào Công giáo Tiến hành, với sự chăm sóc của các mục tử, đã tìm được một sức sống dung dị gần gũi kết liên vững mạnh. Hội Têrêxa, một hội nâng đỡ giúp đỡ và bênh đỡ những người khuyết tật đã tìm được điểm tựa tinh thần rộng khắp. Phải nói, trong tinh thần sống đạo, đây là một góc luôn giữ được nét đẹp riêng cho mình.

Hòa chung niềm vui năm thánh mừng Kim Khánh Giáo Xứ Thanh Xuân, xin ghi lại chút tâm tình cảm mến. Chúc Cha Xứ và mọi người thuộc Giáo Xứ khi tận hưởng niềm hân hoan thiêng liêng năm mươi năm chỉ một lần, cũng biết khám phá ghi nhận và phát huy những nét đẹp riêng của tinh thần sống đạo nơi Giáo Hội địa ph­ương mình.

Đâu mừng Kim Khánh héo mòn,

Đây mừng Kim Khánh vẫn còn Thanh Xuân.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sống niềm vui
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:17 08/09/2010
"Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời." (Lc. 10:20)

Truyện kể có một vị giám mục nổi tiếng sống hiền hòa và vui vẻ. Khi được hỏi bí quyết, ngài nói rằng: Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng đời tôi sẽ tới đó. Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ của tôi sau này thật nhỏ hẹp. Thứ ba, tôi nhìn chung quanh để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi. Thứ tư, tôi học để biết hạnh phúc nằm ở đâu, mọi nỗ lực của tôi sẽ chấm dứt thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao!

1. Sống Vui

Con đường lên thiên đàng là thiên đàng. Sống vui là sống trong hạnh phúc. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ (Tv. 97:12). Sống hạnh phúc là chúng ta đang hưởng phúc thiên đàng. Niềm vui và hạnh phúc không cần phải tìm kiếm đâu xa. Niềm vui có ngay trong cuộc sống mỗi người. Điều quan trọng là chúng ta có muốn sống vui và hạnh phúc hay không? Hạnh phúc vẫn chờ chúng ta mở cánh cửa lòng để đón chào niềm vui. Niềm vui là những nụ cười, cảm thông, tha thứ và yêu thương của chúng ta. Đâu ai bắt chúng ta phải thù ghét, ghen tị, bực bội hay sầu khổ. Chính chúng ta đã chọn nó và để đặt nó làm chủ tâm hồn chúng ta. Chính những thói xấu này làm cho chúng ta mất đi niềm vui và hạnh phúc. Những thói hư tật xấu không những làm chúng ta mất niềm vui đời này mà còn cắt mất hạnh phúc thiên đàng.

Niềm vui lớn lao nhất là được sống tự do nơi quê cha đất tổ. Ngày xưa dân Do-thái bị lưu đầy nơi xứ lạ quê người. Họ khao khát được trở về nơi chôn nhau cắt rốn để thừa hưởng gia nghiệp của cha ông để lại. Nhất là để gần gũi kính viếng Đền Thờ Chúa và tôn kính mồ mả tổ tiên. Họ vui mừng khi các tiên tri loan báo rằng Chúa sẽ độ trì Israel dân Chúa và sẽ giải thóat họ khỏi vòng nô lệ: Đối với dân Do-thái, ngày ấy là một ngày tràn ngập ánh sáng, chan chứa vui mừng, hân hoan và vinh dự (Esther 8:16). Niềm vui phấn khích tâm hồn. Họ hân hoan vui sướng khi nghe báo Chúa sẽ đến cứu dân Ngài. Tuy sống khổ cực xa quê, dân Do-thái vẫn luôn mong chờ ngày trở về đoàn tụ. Ngày đó họ sẽ nhảy mừng và tự do ngợi khen Thiên Chúa.

2. An Cư

Ở nơi đâu chúng ta mới có niềm vui đích thực. Cuộc đời là một cuộc lữ hành trên dương gian. Có người thay đổi chỗ ở nhiều lần và nhiều nơi. Vì địa chỉ của cuộc sống này chỉ là tạm thời. Chúng ta phải mong tìm địa chỉ vĩnh viễn nơi quê trời, đó mới là quê hương thật. Trước khi về quê thật, chúng ta phải mưu tìm sự sống qua các ngả đường trên trần thế. Người ta thường nói an cư lạc nghiệp. Lòng mong ước cuộc sống sung mãn của con người chẳng khi nào ngừng. Người ta có rồi lại muốn có thêm. Đa số nhiều người an phận với miền đất của quê cha nơi chôn nhau cắt rốn. Họ không muốn rời xa quê hương nơi đã in dấu kỷ niệm thời thơ ấu. Niềm vui của họ rất đơn sơ với mảnh vườn, ao cá, chậu cảnh và lũy tre xanh. Họ sống một cuộc đời bình dị, thanh thản và hưởng nhàn nơi thôn quê.

Một số người mang trong mình giấc mơ khai phá. Họ luôn muốn vươn lên và thăng tiến cuộc sống trong những môi trường mới. Họ đã phải bươn chải và đối diện với những cách sống mới nơi đô thị. Những người sống nơi phố thị thì bon chen và phải phấn đấu nhiều hơn. Dù sống trong hoàn cảnh nào, nếu chúng ta không tự tạo niềm vui thì có thay đổi chỗ ở cũng thế thôi. Niềm vui chẳng bao giờ tròn đủ. Có nhiều người nghĩ rằng những người sống ở nước ngoài sẽ sung sướng hơn. Người ở nước ngoài lâu rồi thì thấy rằng đâu cũng thế, ngày lại ngày, lo làm ăn vất vả và cuộc sống cũng tất bật. Nhiều người ngồi đó để so sánh và nghĩ rằng cuộc sống ở các nước Úc Châu, ở Mỹ Châu, ở Âu Châu, Á Châu hay Phi Châu sướng hơn hay vui hơn. Thực ra sinh sống bất cứ nơi nào, chúng ta cũng có thể tìm thấy niềm vui. Miễn là chúng ta mở chìa khóa lòng để đón nhận hồng ân và niềm vui. Đúng vậy, nơi nhiều nước văn minh và tự do, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển hơn về mọi mặt. Nhưng về mặt tình cảm thân thiện và niềm vui gia đình còn tùy thuộc vào cách sống của mỗi người.

3. Sự Hoan Hỉ

Ai mà chẳng muốn sống vui, sống khỏe và sống tốt. Trừ những trường hợp ngoại lệ và bất thường, đa số trong chúng ta đã và đang hưởng những ngày tháng vui tươi hơn là những ngày tháng u buồn. Sáng thức dậy, chúng ta lại được đón một ngày mới trong ân tình của Chúa. Mỗi một ngày là một niềm vui mới vì chúng ta luôn sống trong giây phút mới. Thánh Vịnh diễn tả: Đây là ngày Thiên Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỉ (Tv. 118:24). Bao điều kỳ lạ Chúa đã thực hiện thiên nhiên và qua thành quả của trí óc và bàn tay lao động của con người. Trong thế giới luôn có sự mới mẻ để đáp ứng nhu cầu học hỏi vô biên của chúng ta. Chúng ta học chẳng bao giờ hết, suy chẳng bao giờ cạn và tưởng chẳng bao giờ cùng. Cứ mỗi điều mới lạ làm cho chúng ta vui và hy vọng.

Vui đi liền với tiếng cười. Người ta thường nói là vui cười, một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Cười là biểu tỏ sự vui mừng thảnh thơi trong lòng. Con người cần nụ cười như hoa cần có mặt trời. Không có ánh nắng mặt trời thì hoa sẽ ủ rũ và mất sắc. Trên môi mà thiếu nụ cười như hoa héo về chiều. Nụ cười sẽ chấp cánh cho lời nói. Sách Châm Ngôn dạy: Lòng mừng vui làm hân hoan nét mặt, lòng sầu muộn khiến tâm trí rã rời (Cn.15:13). Một lời nói kèm theo nụ cười vui là một lời nói dễ nghe cảm và cảm mến. Muốn có niềm vui, chúng ta cần có người để cùng chia sẻ. Anh em xum họp một nhà bao là tốt đẹp, bao là sướng vui. Hạnh phúc là biết an vui với cái mình đang có. Đừng khi nào chúng ta bỏ hình mà bắt bóng. Chúng ta không biết tương lai thế nào nhưng hãy vui với hiện tại và vui với tất cả những gì chúng ta có được trong ngày hôm nay.

4. Vui Trong Chúa

Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa, được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa, vì phúc lộc Ngài ban (Tv. 13:6). Hầu như tất cả những năm tháng chúng ta đang sống là những tháng ngày chất chứa niềm vui. Vui vì được sinh ra làm con người. Vui hơn nữa là chúng ta được sinh lại làm con Chúa và con của Hội Thánh. Vui vì chúng ta cùng được chia sẻ hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta nên cảm tạ Chúa mọi nơi mọi lúc vì Chúa đã ban cho chúng ta có tai để nghe, có mắt để nhìn, có mũi để ngửi và có lưỡi để nếm những vị chua cay, ngọt bùi. Còn hơn thế nữa, Chúa ban cho chúng ta có cảm giác để nhận biết những cảm quan trong con người và nơi người khác.

Tác giả Thánh Vịnh diễn tả niềm vui: Còn những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng (Tv.68:4). Chúng ta vui sướng vì nhận lãnh tròn đầy sự sống. Nhớ rằng khi ai đó cho chúng ta một chút qùa hay một lời khen thưởng, chúng ta cảm thấy vui lắm. Chúa ban cho chúng ta tất cả từ đầu đến chân, từ ngày khởi đầu khởi đầu sự sống cho đến lúc lìa đời, mỗi giây phút đều là hồng ân của Chúa. Có lẽ ai trong chúng ta cũng vui sướng lắm. Vui sướng vì Chúa vẫn độ trì và quan phòng sự sống từng giây từng phút. Chúa ban thần lương nuôi hồn. Chúa ban hơi thở sự sống. Chúa ban thức ăn nước uống nuôi xác. Hỏi rằng có cái gì mà chúng ta không nhận lãnh chứ!

5. Vui Trong Phục Vụ

Vui vẻ trong phục vụ gọi là niềm vui dâng hiến. Mỗi lần Mẹ Têrêxa sai các đệ tử đi ra ngoài làm việc bác ái, nếu mẹ thấy chị em nào vẻ mặt u buồn, mẹ nhắc khéo để chị em đó nên ở nhà. Ra đi với vẻ mặt u buồn chỉ làm cho người khác buồn hơn. Người ta đang đau khổ rất cần sự khuyến khích nâng đỡ và hy vọng. Sứ mệnh của các chị em là mang niềm vui của Chúa đến với tha nhân. Người đi phục vụ cần có vẻ mặt hớn hở và vui tươi. Vì Tin mừng được rao giảng là tin mừng cứu độ. Như các Thiên Thần loan tin rằng Ta báo cho các người một tin mừng, hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi. Đấng Cứu Thế sẽ đem tin mừng cứu độ cho mọi người.

Vui mừng trong cầu nguyện. Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca (James 5:13). Giờ cầu nguyện là giờ vui vẻ và thanh thản nhất. Chúng ta được hưởng những giây phút an lạc bên Chúa. Chúng ta được tự do ngụp lặn trong biển tình yêu bao la của Chúa. Còn gì vui sướng hơn là được cư ngụ trong nhà Chúa. Không ai có thể lấy mất đi tâm tình của chúng ta lúc này. Ngước nhìn lên Chúa là Cha nhân từ, Ngài là Chúa, là Cha và Đấng Sáng Tạo mọi loài. Chúng ta được diễm phúc gọi Chúa là Cha. Người cha nào mà không yêu thương và chăm lo cho con cái. Cầu nguyện là lúc chúng ta gặp gỡ, thưa truyện và bày tỏ nỗi lòng của chúng ta với Chúa. Nơi Chúa, chúng ta sẽ tìm được nguồn ủi an và niềm cậy trông. Kết hợp với Chúa trong tâm hồn và trí khôn, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hoan lạc trọn vẹn.

6. Chìa Khóa Niềm Vui

Mỗi người có chìa khóa để mở cửa lòng mình. Hãy mở chìa khóa niềm vui của cuộc sống. Chúng ta đừng để người khác giữ chìa khóa cửa lòng của chúng ta. Khi chúng ta mở cửa đón niềm vui, chúng ta có thể mang niềm vui lại cho nhiều người khác. Đừng khi nào chúng ta trao bí quyết niềm vui của chúng ta cho người khác điều khiển. Hãy lắng nghe xem một người vợ cứ than vãn rằng tôi buồn qúa vì chồng tôi ăn uống nhậu nhẹt say sưa suốt ngày. Như thế bà ta đã trao chìa khóa niềm vui cho ông chồng canh giữ. Hay người mẹ cứ than phiền rằng con cái nghỗ nghịch làm cho buồn lòng, mẹ lại trao chìa khóa niềm vui cho con cái giữ mất rồi. Kìa bà mẹ chồng cau có và phàn nàn rằng con dâu tôi lười biếng quá ngay cả cái chén cái bát dơ cũng không rửa. Cha mẹ cứ âu sầu và buồn bã, hỏi ra mới biết là ông bà buồn vì có thằng con trai không lo làm ăn nhưng bài bạc và cá độ. Các ông bà lại mang chìa khóa niềm vui trao cho con cái. Nhớ rằng khi chúng ta để người khác cầm giữ chìa khóa niềm vui là chúng ta bị họ điều khiển và khống chế tinh thần của chúng ta. Chúng ta hãy thức tỉnh đừng để ngoại vật hay người khác điều khiển niềm vui nỗi buồn của chúng ta. Chúng ta hãy quyết định chọn thái độ sống cho chính mình.

Truyện kể người ta đồn rằng cha Gioan thích chơi với chim sẻ nuôi trong nhà. Ngày kia, một thợ săn đến thăm và rất ngạc nhiên thấy một người nổi tiếng như vậy mà lại vui chơi. Ông nghĩ có thể dùng thời giờ đó làm một việc tốt lành và quan trọng. Nên ông hỏi: Tại sao ngài lãng phí thời giờ vui chơi? Sao ngài lại dùng thời giờ cho một chú chim sẻ vô dụng thế? Cha Gioan nhìn anh với vẻ ngạc nhiên: Tại sao ông ta không vui chơi? Vì thế, ngài hỏi ông: tại sao giây cung của ông không kéo căng ra? Ông trả lời: Nó không thể kéo căng, vì như thế dây cung sẽ mất độ đàn hồi và không thể bắn tên. Cha Gioan bảo ông: Này anh bạn, anh cần thả lỏng giây cung, nghĩa là anh cũng phải giải thoát sự căng thẳng nơi anh và nghỉ ngơi. Nếu tôi không nghỉ ngơi và giải trí, tôi sẽ không có sức cho bất kỳ công việc hệ trọng nào.

7. Kết Có Hậu

Trong bất cứ một câu truyện, vở kịch hay phim ảnh nào, ai ai cũng muốn đọc, nghe và xem một kết qủa tốt đẹp (happy ending). Vai chính trong phim truyện sẽ đạt được nguyện vọng. Người làm lành sẽ được thưởng và làm dữ sẽ bị phạt. Người ta gọi là kết thuận hay kết có hậu là thế. Con người dù có xấu xa, tội lỗi đến đâu, họ cũng vẫn muốn sự tốt lành. Nếu chúng ta có dịp xem phim bộ của Tầu, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông hay Việt Nam, phim thật dài vì nội dung là gây thù và báo thù. Ân oán giang hồ không bao giờ ngừng, nên phim truyện cứ lôi kéo người xem để mong sao người công chính hay người tốt tìm được lối thoát. Các nhân vật trong truyện sẽ tìm thấy niềm vui sau bao nhiêu những đắng cay chồng chất. Bĩ cực sẽ dẫn đến thái lai.

Câu truyện người con hoang đàng trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 24 Mùa Thường Niên đã có một kết cục rất hậu. Sau những sự gây gỗ đòi chia gia tài rồi bỏ nhà ra đi, người con thứ đã hoang phí tiền của và sống trụy lạc hưởng thụ thú vui thể xác. Đến khi cùng kiệt và tiền mất tật mang, chàng trai không tìm được nơi nương tựa, đành nghĩ về cha già ở nhà. Một lóe sáng trong đời, anh ta đã biết lỗi, nhận lỗi và hối lỗi quyết định trở về xin cha tha lỗi. Anh đã tìm thấy niềm vui thực sự ngay khi nhận ra con người thật của mình. Anh đã trở về và xin lỗi cha. Cha chạy ra ôm xiết con vào lòng trong niềm vui vỡ òa. Anh sướng vui vì được cha ôm vào lòng và hôn anh hồi lâu. Cha đã mở tiệc khoản đãi mọi người và trao lại cho anh y phục của một người con. Người cha còn vui hơn nữa, vui vì được đón nhận con phung phá trở về. Người con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy, chúng ta phải vui mừng (Lc.15:24).

8. Niềm Vui Vĩnh Cửu

Niềm vui nhất là được cư ngụ nơi nhà Chúa. Nhà Chúa nơi trần gian là nhà thờ, nhà nguyện, nhà hội và nơi nào có hai ba người tụ họp cầu nguyện nhân danh Chúa, Chúa hiện diện (Mt 18:20). Hợp nhau cầu nguyện là hình ảnh đẹp nhất trong các cuộc tụ họp. Cầu nguyện sẽ đem lại sự bình an và niềm vui trong Chúa. Nhất là khi chúng ta cùng tham dự thánh lễ, chung lời ca tiếng hát, xin xá tội và hòa giải với nhau, hợp dâng của lễ và chia sẻ sự bình an. Chúng ta sẽ tìm được sự cảm thông gần gũi và niềm vui sướng biết bao trong tâm hồn. Được Thiên Chúa ở cùng, đó là niềm hoan lạc, như Đức Maria đã nguyện: Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (Lc. 1:47).

Niềm vui của cuộc lữ hành trần thế sẽ dẫn đưa chúng ta đến niềm vui bất diệt, đó là được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời. Nếu chúng ta không vui hưởng hạnh phúc đời tạm này, làm sao chúng ta có thể vui hưởng hạnh phúc ngàn thu. Con đường lên thiên đàng đã là thiên đàng rồi. Bởi thế tất cả những công việc chúng ta đang thực hiện trong cuộc sống này, đều phải mặc cho nó một ý nghĩa và một cùng đích. Chúng ta làm mọi sự vì nhân danh Chúa trong niềm vui vẻ. Không có vị thánh nào là vị thánh buồn. Các thánh sống đời phục vụ an vui trong niềm tín thác. Các ngài có cùng đích, nên mọi việc làm đều mang lại niềm vui trong tâm hồn. Không ai có thể cất mất niềm an vui tự tại này của các ngài. Vì các ngài tin tưởng và phó thác vào quyền năng cứu độ: Hồn tôi sẽ vui mừng trong Chúa, hoan hỷ vì Người cứu thoát tôi (Tv. 35:9). Hạnh phúc thay những tâm hồn đang sống trong niềm hoan lạc!

Như lời kết, kẻ dại thì đi tìm hạnh phúc nơi xa, còn người khôn vun trồng hạnh phúc niềm vui ngay trong nhà mình. Vui vì từng giây từng phút chúng ta đang đón nhận hồng ân từ Thiên Chúa và từ người khác. Nhận được qùa, ai mà lại không vui chứ! Chúng ta phải luôn sống trong tâm tình tri ân và hoan lạc. Trong Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui bất tận.Tác giả thánh vịnh mời gọi: Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo (Tv. 32:11). Hãy sống vui trong mọi khoảnh khắc trong cuộc đời, đừng để ai khác lấy đi mất niềm vui của chúng ta. Mục đích của cuộc đời chúng ta là trải rộng niềm vui và hạnh phúc cho chính mình và tha nhân. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn cởi mở và biết đón nhận niềm vui trong cuộc sống. Vì chính niềm vui là nguồn suối chảy làm tươi mát cuộc đời của chúng con.

Bronx, New York.
 
Ngoài Giáo hội, có được ơn cứu độ không?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
10:43 08/09/2010
Hỏi: xin cha cho biết nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì có được cứu rỗi không?

Trả lời: Câu hỏi này gợi lại giáo lý của một số Giáo phụ (Church Fathers) xưa kia đã dạy rằng “ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ” (No salvation outside the Church). Nghiã là, nếu không gia nhập Giáo Hội do Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ thì không được cứu rỗi đời đời. Lời dạy này bắt nguồn từ chân lý là chính Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên “Tảng Đá Phêrô” như phương tiện cưú rỗi cần thiết, căn cứ vào lời Chúa nói với Phêrô sau đây:

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gở điều gì, trên trời cũng sẽ tháo gở như vậy.” ( Mt 16: 18-19)

Đây là Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô đã thiết lập như phương tiện cần thiết để chuyên chở ơn cứu độ của Người trên trần thế này cho đến ngày mãn thời gian. Giáo Hội này được ví như Chiếc Tầu của ông Nô-e trong thời Hồng Thủy, khi loài người và mọi sinh vật trên trái đất đã bị hủy diệt trừ người và những sinh vật được đưa lên tầu này trước khi nước dâng lên cao và cuốn đi mọi sinh vật khác (x. St. 6-8). Giáo Hội này “tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển.” (x. Lumen Gentium, số 8))

A- Áp dụng cho những người đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo

Để gia nhập Giáo Hội Công Giáo và được coi là thành viên của Giáo Hội này đòi hỏi người ta phải chịu phép rửa và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu. Nhưng phải kiên trì sống niềm tin ấy cho đến hơi thở cuối cùng thì mới được ơn cứu độ. Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, đã nói rõ điều này như sau: “…Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (LG. 14)

Nghĩa là, trước hết, phải gia nhập Giáo Hội qua phép rửa. Sau đó, phải sống và thực hành những cam kết khi lãnh nhận bí tích này. Đó là tin yêu một Thiên Chúa Ba Ngôi, tin công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và cam kết từ bỏ ma quỉ với mọi cám dỗ của chúng

Tuy nhiên, xác tín trên không hoàn toàn loại bỏ những ai không gia nhập Giáo Hội không vì lỗi của họ.

Thật vậy, chỉ những ai đã biết Giáo Hội là phượng tiện cứu rỗi cần thiết mà không chịụ gia nhập hay đã gia nhập mà laị không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này thì mới không được cứu độ mà thôi.

Không kiên trì sống có nghĩa là từ bỏ Giáo Hội nửa chừng để gia nhập một Giáo hội khác hay trở thành vô thần vì mất hết niềm tin ban đầu do những khủng hoảng gặp phải hay vì những lôi cuốn của chủ nghĩa vật chất hưởng thụ gây ra. Như thế, muốn được cứu độ, thì phải quyết tâm sống đức tin trong mọi hoàn cảnh và thực hành những giáo lý căn bản mà Giáo Hội thay mặt Chúa để giảng dạy không sai lầm trong hai phạm vi tín lý và luân lý. Nếu sống trong Giáo Hội mà không tuân thủ những giáo huấn căn bản của Giáo Hội, nhất là không thực thi đức tin, đức cậy và đức mến thì “tuy thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội” và như thế, “sẽ không được cứu rỗi”. (LG.14).

B- Đối với những người hiện sống bên ngoài Giáo Hội Công Giáo

Nhưng đối với những người không biết Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa không vì lỗi của họ thì lại là vấn đề khác. Về vấn đề này, giáo lý và tín lý của Giáo Hội dạy như sau:

“Thực tế những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong đời sống theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể được cứu rỗi.” (x, LG. 16; SGLGHCG, số 847)

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu mới xuống trần gian và hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người cách nay mới trên 2000 năm; trong khi con người đã có mặt trên quả đất này không biết là bao nhiêu ngàn năm rồi.

Như thế, có biết bao triệu triệu con người đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế ra đời rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cũng như thiết lập Giáo Hội làm phương tiện chuyên chở ơn cứu độ này. Họ không biết Chúa Kitô và không gia nhập Giáo Hội của Chúa qua Phép Rửa thì hoàn toàn không phải lỗi của họ, vì không có ai rao giảng cho họ biết về việc này. Như vậy, Chúa không thể bất công bắt lỗi họ về việc không nhận biết Chúa và Giáo Hội của Người.

Tuy nhiên, vì Thiên Chúa “mong muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tim 2:4) và vì “Chúa Kitô-Giêsu là “Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” nên Thiên Chúa vẫn có nhiều cách để cứu chuộc những ai không vì lỗi của họ mà không nhận biết Chúa Kitô và gia nhập Giáo Hội của Người như giáo lý của Giáo Hội dạy trên đây.. Điều này cũng áp dụng chung cho những người tin hay không tin Chúa Kitô hiện đang sống tản mát trong nhiều tôn giáo hay giáo phái bên ngoài Giáo Hội Công Giáo. Đối với những anh chị em này, Giáo Hội chưa từng lên án họ mà chỉ tha thiết cầu xin để mong sớm tiến đến hiệp nhất trong cùng một niềm tin, một phép rửa, và một Giáo Hội duy nhất do chính Chúa Kitô đã thiết lập trên “Tàng Đá Phêrô”.

Tóm lại, Giáo Hội chỉ quan ngại đặc biệt cho phần rỗi của những ai đã nhận biết Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội thật của Chúa Kitô mà không chịu gia nhập hay đã gia nhập mà không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này mà thôi.
 
Trầm cảm, giới tính va tuổi tác
Trầm Thiên Thu
12:34 08/09/2010
Trầm cảm có thể “đánh” vào bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, phụ nữ (PN) dễ bị trầm cảm hơn nam giới. Giới tính và tuổi tác cũng khả dĩ giúp xác định cách biểu hiện và xử lý các triệu chứng trầm cảm. Mỗi độ tuổi cũng cần cách điều trị khác nhau.

+ PHỤ NỮ: Trầm cảm dễ xảy ra ở PN hơn nam giới. Tại Mỹ, tỷ lệ ở PN gấp đôi ở nam giới, và trầm cảm là nguyên nhân chính gây tổn hại ở PN. Một trong 8 PN sẽ có một thời kỳ trầm cảm nặng vào một lúc nào đó trong đời. Tỷ lệ cao ở PN về rối loạn theo mùa, triệu chứng trầm cảm về rối loạn lưỡng cưuc và trầm cảm “cấp thấp” (dysthymia).

Tại sao PN lại “thất thường” như vậy? Nhiều lý thuyết khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng trầm cảm xảy ra nhiều ở PN vì họ dễ tổn thương.

+ STRESS: Nghiên cứu 30.000 người ở 30 quốc gia cho thấy rằng ở trường hợp tương tự, PN cho biết họ bị stress nhiều hơn so với nam giới. Các các nghiên cứu khác cho thấy PN bị stress gấp 3 lần so với nam giới khi phản ứng với các vấn đề căng thẳng. PN còn chịu một số stress mạnh – đặc biệt là lạm dụng tình dục, công kích tình dục và bạo hành tình dục.

Kinh nghiệm hằng ngày có thể tạo stress và dẫn đến trầm cảm ở PN vì họ phải chăm sóc gia đình, hy sinh các nhu cầu của mình hơn so với nam giới. Nhiều PN phải làm nhiều việc với quỹ thời gian ít, phải tranh thủ làm thêm. Hôn nhân và con cái cũng dễ gây mất cân bằng ở PN, khiến họ căng thẳng. So với các PN độc thân và đàn ông đã kết hôn, nghiên cứu cho thấy PN có chồng ít có thể cảm thấy thỏa mãn. Trong hôn nhân không thỏa mãn, PN dễ bị trầm cảm gấp 3 lần so với nam giới. Làm mẹ có con nhỏ cũng tăng nguy cơ trầm cảm ở PN.

Một dạng stress khác là nghèo khổ. Trung bình thì PN nghèo hơn đàn ông – nhất là PN đơn thân nuôi con một mình.

+ HỆ QUẢ HORMONE: Triệu chứng tiền kinh nguyệt (TKN) có thể ảnh hưởng mức độ cảm xúc. PN lúc TKN có thể cảm thấy buồn bã, tức giận, khó chịu và lo lắng. Họ cũng dễ khóc, thay đổi tính khí, khó tập trung, chán hoạt động thường nhật, cảm thấy “quá tải” và khó kiềm chế. Đôi khi trầm cảm bị lầm tưởng là chứng TKN, hoặc ngược lại. Để phân biệt, hãy lưu ý các triệu chứng qua 2 kỳ kinh nguyệt xem nó chỉ xảy ra 1 tuần trước và hết sau kỳ kinh nguyệt 1 hoặc 2 ngày? Nếu triệu chứng rõ ràng thì có thể do thay đổi hormone, nếu triệu chứng không rõ ràng thì có thể là trầm cảm.

Rối loạn TKN là dạng nặng của chứng TKN, xảy ra ở 2%-10% số PN trong độ tuổi có kinh nguyệt. Nó có thể gây các triệu chứng tương tự trầm cảm ở PN nhạy cảm với việc thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Một số người nhạy cảm có thể chịu ảnh hưởng tương tác giữa hormone nữ và chất chuyển thần kinh điều chỉnh tính khí và sự kích thích.

Dù chứng TKN, rối loạn TKN hoặc trầm cảm có là nguyên nhân của triệu chứng hay không thì bạn vẫn phải cho bác sĩ biết để có hướng điếu trị tốt. Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu xem hormone có gây trầm cảm khi mãn kinh hay không. Một số PN cho biết họ cảm thấy trầm cảm trong giai đoạn tiền mãn kinh. Người ta cho rằng việc giảm estrogen là nguyên nhân, dù chưa có chứng cớ khoa học. Khi dùng estrogen để điều trị trầm cảm, kết quả khác nhau. Người ta vẫn tranh luận về vai trò của estrogen đối với giai đoạn tiền mãn kinh.

+ GEN: Có chứng cớ cho rằng gen cũng là tác nhân. Các nhà nghiên cứu đã xác định sự đột biến gen có liên quan chứng trầm cảm nặng – một số gen này chỉ có ở PN. Một trong các trường hợp này, sự đột biến gen ở một gen kiểm soát quá trình điều chỉnh hormone nữ. Sự khác biệt sinh học này có thể giải thích một số khca1 biệt về mức độ trầm cảm giữa nam và nữ.

+ THÔNG TIN CHO PN: Trong thai kỳ, PN nên lưu ý việc dùng thuốc, vì uống không đúng thuốc có thể nguy hại cho cả mẹ và con. Thuốc chống trầm cảm cũng không loại trừ. Thai phụ bị trầm cảm có thể khó tự chăm sóc mình, thai nhi có thể yếu và sinh ra nhẹ cân. Trầm cảm có thể làm cho họ muốn tự tử.

Biết hiệu quả thuốc chống trầm cảm là điều cần. Năm 2005 và 2006, các nghiên cứu cho thấy trẻ có thể bị khuyết tật nếu mẹ uống thuốc SSRI. Một số trẻ có thể nhút nhát, hay khóc và tức giận do hậu quả của thuốc. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm không gây hại cho trẻ cón bú mẹ. Các bà mẹ nuôi con có thể dùng thuốc như Zoloft, không ảnh hưởng sữa.

+ TRẦM CẢM HẬU SẢN: Hơn 50% các PN mới sinh con bị lo âu, dễ xúc động và hay khóc – gọi là chứng ưu sầu trẻ thơ (baby blues), nhưng chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. Nhưng chứng trầm cảm hậu sản kéo dài lâu và nặng hơn. Khoảng 10%-15% các PN mới sinh con bị trầm cảm từ 3-6 tháng. Nếu bạn bị trầm cảm hậu sản, dùng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ hiệu quả cho cả mẹ và con.

+ NAM GIỚI: Dù có chứng cớ cho thấy PN dễ trầm cảm gấp đôi so với nam giới, một số các nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ thống kê này. Thật ra quý ông ngại nói về cảm xúc của mình, không muốn được giúp đỡ, có làm sao thì cũng nói là “không có gì”.

Trầm cảm ở nam giới có thể không rõ ràng, bị che khuất sau nhiều lời than phiền về thể lý như đau nhức, không có hứng thú, ăn không ngon hoặc khó ngủ. Trầm cảm cũng có thể ẩn náu trong cơn giận hoặc tính hiếu chiến. Thậm chí bị trầm cảm mà một số đàn ông có thể không cảm thấy buồn. Có ai nói ra thì họ không chấp nhận. Nhưng nếu được điều trị trầm cảm, các triệu chứng sẽ hết. Nhìn lại thì họ tự biết mình đã bị trầm cảm.

+ THAY ĐỔI HORMONE: Một số các nhà nghiên cứu đã “kiểm tra” xem mức độ trồi sụt của testosterone có làm tăng trầm cảm hay không. Đàn ông ở tuổi trung niên trở lên đều cảm thấy có triệu chứng trầm cảm nhẹ, có thể do giảm testosterone. Mức giảm này được coi là “mãn kinh nam”. Khoảng ¼ đến ½ quý ông ngoài 50 tuổi có mức giảm nhiều. Đo khám mức testosterone, mức hormone, chức năng gan và tuyến giáp để tìm nguyên nhân. Nếu mức testosterone thấp, có thể cần bổ sung, dùng liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm. Trầm cảm càng nặng thì càng ít có thể do giảm testosterone, vì mức testosterone thấp không liên quan nhiều tới trầm cảm nặng.

Lấy lại mức testosterone bình thường là tương đối an toàn, nhưng điều trị lâu có thể có vấn đề. Bổ sung testosterone có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến và bệnh tim. Tổn thương gan cũng có thể xảy ra. Một số đàn ông bị sưng vú (gynecomastia), nhức đầu, mẩn đỏ, nổi mụn, hói đầu hoặc bất ổn tâm lý và cảm xúc. Điều trị lâu cũng có thể đè nén quá trình sản sinh testosterone tự nhiên, gây nguy cơ nếu việc bổ sung giảm đột ngột.

Nên cân nhắc việc bổ sung testosterone để điều trị trầm cảm, trừ phi đã đánh giá nội tiết tố và hormone. Vì nhiều phản ứng phụ đáng kể, bạn chỉ nên bổ sung testosterone khi đã cân nhắc cẩn thận và được tham vấn bác sĩ.

+ CÔNG VIỆC VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ: Về lĩnh vực này, việc tự tin thường phụ thuộc mức thành công trong công việc, mức hấp dẫn bề ngoài, mức năng động và sự thông minh. Nếu khả năng đàn ông giảm ở một lĩnh vực nào đó, đặc biệt là mất việc làm hoặc thất bại hôn nhân, họ có thể bị trầm cảm. Trầm cảm phổ biến đến nỗi nên coi nó là vấn nạn ở cả nam và nữ. Thật vậy, nam giới có nguy cơ trầm cảm nặng hơn PN – vì nam giới bị trầm cảm có thể tự tử!

+ TRẺ EM VÀ THIẾU NIÊN: Một số người lý tưởng hóa tuổi thơ, nhưng thực tế thì tuổi thơ cũng có thể bị rúng động vì các sự thay đổi về phát triển vá các sự kiện mà trẻ em khó hoặc không thể kiểm soát. Các cuộc nghiên cứu cho thấy có 2% trẻ em và 8% thiếu niên bị trầm cảm nặng.

Trầm cảm nặng thường xảy ra khi bắt đầu trưởng thành, trầm cảm nhẹ có thể xảy ra trong tuổi thơ hoặc thiếu niên. Người lớn có thể bị trầm cảm khoảng 2 năm hoặc có triệu chứng trầm cảm nhẹ. Nếu trầm cảm nhẹ xảy ra trước 21 tuổi, khi lớn tuổi có thể bị trầm cảm nặng.

Ở thiếu niên, kể cả người lớn, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm có liên quan rõ ràng. Có 30% thiếu niên từng trải qua trầm cảm nặng bị rối loạn lưỡng cực khi chuyển sang tuổi 21 trở đi. Loại rối loạn này hiếm xảy ra ở thiếu nhi nhưng thường thấy ở thiếu niên, nhất là những gia đình đã có người bị rối loạn này. Rối loạn lưỡng cực xảy ra ở tuổi dậy thì thường pha trộn cả triệu chứng cao và thấp, cả nhanh và chậm.

+ BÁO ĐỘNG TRẦM CẢM THIẾU NIÊN: Nếu bạn là cha mẹ của thiếu niên, danh sách các triệu chứng trầm cảm có thể làm bạn quan ngại. Nóng tính, vô cảm, mệt mỏi, hung hăng, thay đổi thất thường, kể cả ăn nhiều và ngủ nhiều, là những điều phổ biến ở tuổi thiếu niên. Thức khuya hoặc ngủ dậy trễ có thể không là triệu chứng trầm cảm. Nhưng thường xuyên mệt mỏi, không muốn hoạt động và xa lánh mọi người có thể do trầm cảm.

Trầm cảm ở trẻ em và thiếu niên thường xuất hiện cùng những vấn đề về cách cư xử, lo lắng hoặc lạm dụng chất kích thích, cho nên cần cân nhắc các dấu hiệu như học hành sa sút, hay trốn học, tìm cách ra khỏi nhà, tức giận vô cớ, la hét, khóc uống rượu, hút thuốc, xa lánh người khác, quá hiếu động, biểu hiện thất thường,…

Trẻ em cũng có thể biểu hiện trầm cảm như đau nhức không rõ ràng, luôn nhức đầu, mệt mỏi và đau bụng. Dù trẻ em có thể buồn thật, trẻ em bị trầm cảm (kể cả thiếu niên) có thể tỏ ra tức giận. Trẻ em bị trầm cảm không ngủ nhiều hoặc uể oải như người lớn bị trầm cảm, nhưng mặt khác, các triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ em, thiếu niên và người lớn thì thường giống nhau. Hãy nói chuyện với trẻ về các biểu hiện kể trên. Nếu vẫn quan ngại, có thể nhờ tư vấn để có cách xử lý tốt nhất.

Các dấu hiệu cuồng loạn có thể là nói nhanh, dễ đãng trí, ngủ ít hơn bình thường nhưng có vẻ không khác nhiều, thay đổi tính khí, tức giận, ngớ ngẩn, hiếu động, trầm tư hoặc có động thái quá tính dục. Nếu thấy các biểu hiện này, nên tìm chuyên gia tư vấn giúp đỡ.

+ ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM Ở THIẾU NHI VÀ THIẾU NIÊN: Cũng như người lớn bị trầm cảm, trẻ em và thiếu niên bị trầm cảm cần được giúp đỡ. Hai liệu pháp chủ yếu là tâm lý trị liệu và dược liệu. Có sự khác biệt rõ ràng giữa việc điều trị người lớn và trẻ em về đa số lĩnh vực y học, kể cả tâm lý.

Dù nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc chống trầm cảm hiệu quả ở trẻ em và thiếu niên, các thuốc này vẫn có một số phản ứng phụ nguy hiểm ngoài ý muốn ở một số ít thiếu niên. FDA thấy rằng nguy cơ tự tử là 4% ở trẻ em và thiếu niên dùng thuốc chống trầm cảm, gấp đôi nguy cơ dùng giả dược là 2%. Thuốc chống trầm cảm gây nguy cơ tự tử? Năm 2004, FDA phản ứng mối quan ngại này bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất thuốc phải đặt “hộp đen” cảnh báo nguy cơ kèm theo trong hộp thuốc chống trầm cảm.

+ XỬ LÝ ĐỘNG THÁI TỰ TỬ: Trẻ em và thiếu niên dễ bốc đồng hơn người lớn, cảm xúc của chúng ít được kiềm chế theo kinh nghiệm. Nghiên cứu cho thấy các vùng não điều hành sự phán đoán chưa phát triển hoàn toàn. Ở tuổi này, ý nghĩ tự tử dễ biến thành hành động. Đừng khinh suất hoặc làm ngơ khi thấy chúng khóc hoặc nhận xét về tự tử. Hãy lưu ý, theo dõi và nói chuyện với chúng về vấn đề này. Cần thì nhờ tư vấn kịp thời!
 
Cười?
Trầm Thiên Thu
18:13 08/09/2010
Cười là một chuỗi các nguyên âm, như âm thanh, được lặp đi lặp lại trong 1/5 giây, cần vận dụng 15 cơ mặt khác nhau. Đây là 5 điều bất ngờ về động thái cười:

1. Mỗi ngày trẻ em cười khỏang 300 lần, người lớn chỉ cười 17 lần. GS khoa tâm lý Richard Wiseman nói: “Trẻ em ít mệt mỏi hơn. Các sự kiện như vấp chân của người lớn thì đối với trẻ em vẫn còn xa lạ”.

2. GS Christie Davis đã nghiên cứu và thấy một số quốc gia có “máu” khôi hài hơn một số quốc gia khác. Người Do thái vui tính nhất, còn người Nhật ít đùa giỡn nhất. Nói chuyện khôi hài là một thách thức, nhưng tại sao bạn lại không khôi hài cho đời bớt khổ?

3. Nụ cười cho biết nhiều về bạn. Theo nghiên cứu của TS Lesley Harbrige, những người cười khúc khích (cacklers) là cười trên sự đau khổ của người khác, những người cười rú (howlers) là người muốn được chú ý và thường có bệnh tâm thần, những người cười khẹc khẹc (snorters) là tỏ ra uy thế, những người cười khẩy (sniggers) là người chưa trưởng thành về tâm lý, những người cười thầm (belly laughters) là người đáng tin và thân thiện, những người cười tủm tỉm (chucklers) là người tử tế và hướng nội, còn người cười rúc rích (gigglers) là người thích ve vãn và nhục dục.

4. Cười là “bệnh” hay lây. Tháng 1/1962 có một “trận cười” ở một trường học tại Tanzania làm lây sang những người trong địa phương, và 14 trường khác cũng phải cười theo. Trận cười này giảm dần sau 2 năm. Robert Provine, tác giả cuốn Laughter – a Scientific Investigation, cho rằng có thể não đã được “lập trình” để phản ứng dưới dạng nào đó khi nghe người khác cười. Đây là cách tác dụng trong các chương trình hài. 5. Đa số các chuyên gia tin rằng cười là dạng nhận biết theo tiềm thức của tình trạng xã hội – có thể đó là nguyên nhân khiến bạn cười kiểu nói đùa tồi tệ của sếp!

(chuyển ngữ từ In.com)