Ngày 12-09-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:08 12/09/2015
19. MƯU SĨ XIN CỨU VIỆN.
N2T

Năm thứ 8 đời Tề Uy vương, nước Sở xâm phạt nước Tề, Tề Uy vương ra lệnh cho Thuần Vu Khôn qua nước Triệu xin cứu viện, và đem theo một trăm cân vàng, mười xe tứ mã.
Thuần Vu Khôn cười lớn nói:
- “Hôm nay tôi từ hướng đông đến, trên đường đi gặp một người trồng hoa màu, tay cầm một cái móng giò heo, một ly rượu, hướng lên trời cầu nguyện: Xin cho người ở trên cao thu hoạch phong phú, người ở đất bằng thu hoạch đầy xe; được mùa lương thực, vựa đầy kho lẫm. Tế phẩm của ông ta quá ít, mà muốn được lợi ích thì quá nhiều, ngài không cảm thấy nực cười sao ?”
Tề Uy vương lĩnh hội được ý nghĩa của ông ta, bèn cho xuất ra một ngàn cân vàng, mười đôi ngọc bích, một trăm xe tứ mã để ông ta đem tặng cho nước Triệu. Thế là Triệu vương xuất mười vạn tinh binh, chiến xa ngàn chiếc giúp cho nước Tề xuất chiến.
Nước Sở suốt đêm lui binh mà chạy.
(Sử kí)

Suy tư 19:
Cậy nhờ thì nhiều mà lễ vật thì ít, theo thói thường của người đời thì nhất định là không “hợp lẽ đạo”, do đó, lễ vật luôn phải cân xứng với việc cậy nhờ, việc cậy nhờ càng to tát, thì lễ vật càng phải lớn hơn.
Nếu lấy “lẽ đạo” trên đây mà áp dụng vào đời sống tâm linh của mỗi người trong chúng ta, thì e rằng, trên thế gian này, từ nguyên tổ A-dong và bà E-và cho đến người sống cuối cùng đến ngày tận thế, thì chẳng một ai được lên thiên đàng, được hưởng ơn cứu độ. Bởi vì chúng ta có lễ vật gì để dâng cho Thiên Chúa ? Chúng ta có công trạng gì để cầu xin với Chúa ? Không có gì cả, chỉ là thân phận trần truồng của một tội nhân mà thôi.
Và để được hưởng ơn cứu độ, lễ vật của chúng ta dâng lên Thiên Chúa hôm nay thì rất nhỏ nhưng rất lớn: nhỏ vì chúng ta chỉ có những hy sinh tầm thường cộng với những thấp hèn yếu đuối tội lỗi của cá nhân; rất lớn là vì chúng ta cậy vào công nghiệp của Đức Chúa Giê-su –Con Một của Thiên Chúa, Anh Cả của chúng ta- Mà đã cậy vào Đức Chúa Giê-su thì ai dám chê là lễ vật nhỏ mọn nữa chứ ?
“Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin cho con luôn biết cậy vào Đức Chúa Giê-su, chứ không phải cậy vào sức riêng của mình để được Chúa xót thương.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 24 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 12/09/2015
Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng: Mc 8, 27-35.
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.


Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã nghe rất nhiều lần và có khi thuộc lòng mẫu đối thoại giữa Đức Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, mẫu đối thoại có hai câu hỏi của Đức Chúa Giê-su:
1. Người ta nói Thầy là ai ? Và anh em bảo Thầy là ai ?
Hai câu hỏi thật bất ngờ với các tông đồ.

1. Người ta bảo Thầy là ai ?
Thời của Đức Chúa Giê-su: đám đông dân chúng bảo Ngài là vị đại tiên tri, vì Đức Chúa Giê-su giảng dạy như Đấng có quyền uy; lại có người bảo Ngài là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, vì Ngài làm rất nhiều phép lạ thi ân giáng phúc cho dân chúng; những người Biệt Phái và Pha-ri-siêu thì cứ cho Đức Chúa Giê-su là ăn nói lộng ngôn phạm thượng đến Thiên Chúa, và đem lòng thù hằn Ngài, cho nên luôn tìm cách để “chơi” Ngài, và cuối cùng thì vu vạ cáo gian và xin tổng trấn Phi-la-tô giết hại Ngài…

Thời nay, bên cạnh những người biết và tin vào Đức Chúa Giê-su, thì vẫn còn có nhiều người chưa biết Đức Chúa Giê-su là ai; có nơi người ta đá đảo Hội Thánh của Ngài, có nơi người ta bách hại những người tin vào Ngài, và có những nơi người ta cuồng nhiệt sát hại những ai tin vào Đức Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian…

Thời của Đức Chúa Giê-su cũng như thời của chúng ta ngày nay –thế kỷ 21- có người coi Ngài là vị cứu tinh nhân loại, có người coi Ngài là tên tội phạm bị đóng đinh trên thập giá, và vẫn còn có nhiều người tìm cách bách hại những ai mang danh Ki-tô hữu.

2. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?
Các môn đệ của Đức Chúa Giê-su thật bất ngờ khi Ngài hỏi các ông về mình, và chắc chắn các ông rất lúng túng vì không ngờ Thầy mình lại hỏi câu ấy, bởi vì các ông đi theo Đức Chúa Giê-su, nhưng có lẽ hình như chưa bao giờ để ý đến Ngài là ai ! Nhưng thánh Phê-rô đã mau mắn tuyên xưng thay cho các tong đồ: “Thầy là Đấng Ki-tô”.

Có một ngày đẹp trời nào đó, Đức Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi cá nhân tôi: “Còn con, con bảo Thầy là ai ? Nếu con bảo Thầy là cứu chúa của con, là Thiên Chúa của con, sao con vẫn sống như người chưa biết Thầy, sao con vẫn sống kiêu căng, ích kỷ, ghét ghen với tha nhân ? Sao con vẫn cứ lấy Thầy ra làm khiêng mộc để con biện hộ cho việc làm không tốt đẹp của con ???- Thì tôi phải trả lời ra sao !

Và cũng sẽ có một ngày Đức Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi những người trong cộng đoàn của các anh chị: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ? Nếu các con bảo Thầy là Đường là Sự Thật và là Sự Sống nên các con từ bỏ mọi sự để theo Thầy, nhưng sao các con vẫn còn chia bè chia phái để đấm đá khai trừ nhau, sao các con vẫn cứ nói xấu nhau trong cộng đoàn, sao các con vẫn cứ muốn làm lớn để đạp bỏ anh em chị em trong cộng đoàn ? Các con tự nguyện sống trong cộng đoàn để nên thánh, nhưng sao các con vẫn cứ coi anh em như kẻ thù giống ma quỷ... ? Thì các anh chị sẽ trả lời ra sao với Ngài !

Anh chị em thân mến,
Nơi người nghèo khó, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai ?
Nơi người bất hạnh, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai ?
Nơi những trẻ em nghèo nàn đói khổ, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai ?
Nơi người giàu có bất lương, nơi người ỷ quyền ỷ thế hiếp đáp dân nghèo, Đức Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai...?

Chúng ta đều biết Đức Chúa Giê-su là ai rồi, nhưng có lẽ chúng ta chỉ biết Ngài trong nhà thờ, biết Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể mà thôi, và có lẽ chúng ta chưa biết Ngài đang hiện giữa chúng ta, nơi những người anh em chị em bất hạnh chung quanh mình...!

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:13 12/09/2015
N2T

3. Ơn gọi của tôi chính là yêu thương.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:14 12/09/2015
125. PHỤNG VỤ
Giáo dân bức xúc vì tòa giám mục thông báo là không được thắp nên hoặc cầu nguyện nơi các bàn thờ các thánh và Đức Mẹ khi cử hành thánh lễ, cha sở nói:
- “Theo phụng vụ của Giáo Hội là như thế, thánh lễ là trung tâm của đời sống đức tin của chúng ta. Đức Mẹ, các thánh nam nữ đều không phải là đối tượng đức tin của chúng ta, mà là Đức Chúa Giê-su, cho nên khi cử hành thánh lễ thì chính Đức Chúa Giê-su cử hành trên bàn thờ qua tay linh mục đại điện Chúa cử hành thánh lễ. Cho nên, không được thắp nến cầu kinh nơi các bàn thờ các thành khi cử hành thánh lễ… ”
Từ đó, cha sở lên kế hoạch bồi dưỡng giáo dân thêm về giáo lý của Hội Thánh…
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn thông báo lộ trình di hành của Đức Thánh Cha Phanicô tại Hoa Thịnh Đốn
Bùi Hữu Thư
04:05 12/09/2015
Hoa Thịnh Đốn: Ngày 23 tháng 9, sau khi tiếp kiến Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi trên chiếc xe Popemobile trong đoàn di hành từ công trường Ellipse và một phần của National Mall. Đây là cơ hội cho hàng vạn người sẽ quy tụ tại Hoa Thịnh Đốn để được thấy Đức Thánh Cha khi ngài đến viếng thăm thủ đô Hoa Kỳ từ ngày 22-24 tháng 9, 2015.

Khu vực trên đường đi của ngài được mở ra cho công chúng xem tự do, không cần có vé vào cửa. Tuy nhiên khán giả sẽ phải qua một chặng kiểm xóat an ninh. Các cửa kiểm xóat an ninh tại công trường Ellipse và National Mall sẽ được mở ra ngay từ 4:00 sáng ngày 23 tháng 9, và sẽ đóng vào lúc 10 giờ sáng. Sau giờ này không ai được phép bước vào khu vực này. Không ai được mang thức ăn hay nước uống từ bên ngòai vào, nhưng sẽ có các quán bán thức ăn bên trong. Một khi đã vào trong khuôn viên, các tham dự viên sẽ không được phép rời nơi này và quay trở lại cho đến khi chuyến di hành của xe Popemobile của Đức Thánh Cha đã chấm dứt. Muốn biết thêm chi tiết về các vật dụng không được mang vào khu vực, xin xem gia trang www.walkwithfrancis.org/visit

Mọi người cũng được mời theo dõi các sinh họat của Đức Thánh Cha trong ngày 23 trên một màn ảnh lớn được dựng lên tại khuôn viên Đài Kỷ Niệm Washington Monument. Lịch trình của Đức Thánh Cha gồm có buổi nói chuyện với các Giám Mục Hoa Kỳ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Mat-thêu Tông Đồ, cũng như Thánh Lễ phong thánh cho chân phước Junipero Serra. Thánh lễ buổi chiều sẽ được tổ chức tại cửa phía đông của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ.

Giữa cuộc viếng thăm các Giám Mục Hoa Kỳ và Thánh Lễ Phong Thánh, sẽ có một chương trình tiền thánh lễ được chiếu trên màn ảnh lớn. Thánh Lễ phong thánh sẽ bắt đầu khỏang 4:15 chịều. Các khán giả theo dõi trên màn ảnh lớn được phép mang các bảng hiệu, thức ăn và nước uống, miễn là họ tuân theo các hướng dẫn của nhân viên National Park Service.
 
Dự luật cho phép trợ tử bị đánh bại ở Hạ Viện Anh với đa số áp đảo
Đặng Tự Do
09:24 12/09/2015
Sau 5 tiếng đồng hồ tranh luận sôi nổi, hôm thứ Sáu 11 tháng 9, dự luật cho phép trợ tử đã bị đánh bại ở Hạ Viện Anh với đa số áp đảo 212-118 phiếu, một tỷ số rất cao.

Dự luật này sẽ cho phép các bác sĩ kê toa một liều độc dược gây tử vong, để bệnh nhân của họ sau đó có thể sử dụng để tự tử. Dự luật này đã bị phản đối kịch liệ bởi hàng giáo phẩm Công Giáo.

Đây là lần thứ hai dự luật cho phép trợ tử được đưa ra thảo luận và bị đánh bại ở Hạ Viện Anh. Một dự luật tương tự, được đưa ra trước Quốc hội vào năm 1997, đã bị đánh bại bởi một tỷ số thậm chí còn vang dội là 234-89.

Một tháng trước, Lord Carey, cựu Tổng giám mục Canterbury, đã gây sửng sốt cho hàng lãnh đạo của Giáo Hội Anh khi nói rằng việc bác sĩ hỗ trợ tự tử có thể là "một điều phù hợp sâu sắc tinh thần Kitô giáo và hoàn toàn hợp đạo đức."

Lord Carey, người từng là lãnh đạo khối hiệp thông Anh giáo toàn thế giới từ năm 1991 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2002, nói rằng ông vững tin là người ta có thể đề ra những biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng an tử hợp pháp hóa để buộc những người già phải chết. Tuy nhiên, Lord Carey không đưa ra được những cơ sở cho tin tưởng này của ông.
 
Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu kêu gọi đón nhận người tị nạn
Đặng Tự Do
07:18 12/09/2015
Các Giám Mục trong Uỷ ban thường vụ Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, gọi tắt là COMECE, đã đưa ra một tuyên bố về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra tại lục địa này.

Tuyên bố được đưa ra hôm 9 tháng Chín có đoạn viết:

“Những dòng người tị nạn tràn vào châu Âu đang đặt các quốc gia trên lục địa của chúng ta trước những thách đố rất lớn. Tuy nhiên, những thách đố này có thể được vượt qua, nếu chúng ta, những người châu Âu, xem xét những vấn đề này như một trách nhiệm được chia sẻ và hợp tác để giải quyết hợp lý."

Các Giám Mục lên tiếng phàn nàn nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Âu, đã tìm cách thoái thác đón nhận người tị nạn viện cớ là thiếu các tài nguyên. Các ngài nói “trong thực tế, một số quốc gia đang tìm cách thoái thác hoàn toàn trách nhiệm của họ. Đó là điều không thể chấp nhận. Trên tất cả mọi sự, Liên minh châu Âu được thành lập dựa trên sự liên đới của toàn thể các quốc gia châu Âu với nhau. Vấn đề tị nạn là một thách đố chung, và do đó đòi hỏi một giải pháp chung toàn châu Âu. "

Các Giám Mục nói thêm:

“Trong những tuần gần đây, chúng tôi thật xúc động trước tinh thần đoàn kết và sự giúp đỡ mà rất nhiều người châu Âu đã thể hiện trong việc đón tiếp những người tị nạn. Chúng tôi cảm ơn tất cả những ai đã dấn thân để đảm bảo rằng những người tị nạn được tiếp nhận với tình nhân loại và với sự ấm áp trong tình bác ái Kitô - bất kể là cuối cùng tư cách tị nạn của họ có được công nhận hay không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy buồn trước tình trạng gây sách nhiễu và thù hận đối với người tị nạn ở nơi này, nơi khác. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối điều này.”
 
Điện tặc liên tục tấn công các Web sites của Vatican
Đặng Tự Do
09:11 12/09/2015
“Vatican đang bị tấn công từ những kẻ thù vô hình, ở khắp mọi nơi thông qua những nỗ lực lừa dối, làm mất định hướng và chế nhạo. Sức mạnh lớn nhất của những kẻ thù này là sự yếu kém của chính chúng ta.

Nghe có vẻ quen thuộc, phải không? Tuy nhiên, kẻ thù của chúng ta ở đây không phải là Satan, nhưng là những tên điện tặc tấn công trên không gian mạng bao gồm các chính phủ thù địch, những kẻ cổ xuý những trào lưu tư tưởng thù địch với giáo huấn xã hội Công Giáo, bọn tội phạm và những kẻ thích đùa cợt mua vui trên những đau khổ của người khác.”
Edward Lucas, tác giả cuốn “Cyberphobia” bàn về những hoạt động phá hoại của điện tặc trên không gian mạng đã nhận xét như trên trong bài “A click away from meltdown” đăng trên tờ Catholic Herald hôm 11 tháng Chín năm 2015.

Ông đưa ra một số chi tiết như sau:

“Những cuộc tấn công gần đây vào Vatican đã diễn ra vào tháng Tư, khi Đức Thánh Cha Phanxicô dùng từ ‘diệt chủng’ để mô tả vụ tàn sát người Armenia của Đế Quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915. Điều này khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa quốc gia quá khích, là những người kịch liệt phản đối việc sử dụng ngôn ngữ này, khởi động một chiến dịch tấn công theo kiểu ‘từ chối dịch vụ vì quá tải’ mà từ chuyên môn gọi là DdoS attack”.

DDoS là dạng tấn công đơn giản và thô thiển trên không gian mạng. Để cho dễ hiểu, hãy thử tưởng tượng một đám đông những người quốc gia cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ đang tức giận tràn ngập quảng trường Thánh Phêrô, đông kín đến mức không ai có thể vào được bên trong đền thờ hay quảng trường nữa. Cuối cùng cảnh sát Ý, hiến binh Vatican và vệ binh Thụy Sĩ cũng sẽ lập lại được trật tự thôi. Nhưng trong một thời gian cuộc sống bình thường của Vatican sẽ bị tê liệt.

Một cuộc tấn công DDoS cũng tương tự như thế. Một số lớn máy tính được huy động để thực hiện các yêu cầu truy cập không có thật vào một trang web. Máy chủ, tức là máy tính dùng để cung cấp thông tin cho trang web, không thể đối phó nổi. Người sử dụng hợp pháp không còn có thể truy cập vào các thông tin hoặc các dịch vụ mà họ cần.

Đây không phải là lần đầu tiên Vatican gánh chịu hình thái tấn công loại này. Lập trường dũng cảm nhưng càng ngày cô đơn của Giáo Hội về các vấn đề như an tử, phá thai, hôn nhân đồng tính, cuộc sống độc thân linh mục thu hút sự nổi giận của những “cư dân mạng” – thuộc về một thế hệ đề cao quá đáng cá nhân, những người lớn lên trong một thế giới mất lòng tin vào những hệ thống phẩm trật và những quy tắc, và đặt những lựa chọn cá nhân của mình trên tất cả.

Bên cạnh những cuộc tấn công của những nhóm cá nhân cổ xuý những trào lưu tư tưởng thù địch với giáo huấn xã hội Công Giáo, Vatican cũng gánh chịu các cuộc tấn công từ các chính phủ thù địch. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia gần đây nhất đã vung kiếm với Giáo Hội, nhưng các tranh cãi với Trung Quốc về việc công nhận các giám mục Công Giáo ở nước này cũng không kém phần sâu sắc và nghiêm trọng. Cho đến nay, Vatican là nhà nước châu Âu duy nhất còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Với một dân số khổng lồ, và với một đội ngũ “chuyên gia” điện tặc đông đảo bao gồm cả thường dân, quân đội và công an. Trung Quốc có thể tung ra những cuộc tấn công DDoS dữ dội và cả những hình thái tấn công tinh vi hơn thế nữa trên không gian mạng.

Vatican không bình luận về hệ thống an ninh mạng của mình, trong các cuộc họp báo thực sự với các ký giả hoặc trên mạng. Nhưng tất cả những dấu hiệu cho đến nay chứng tỏ rằng hệ thống phòng thủ của Vatican nhằm chống lại các cuộc tấn công tinh vi là tuyệt vời. Một báo cáo về các cuộc tấn công của công ty bảo mật máy tính Imperva cho thấy những kẻ tấn công đã cố gắng nhiều lần để đánh sập các Web site của Tòa Thánh nhưng đã thất bại. Các cuộc tấn công ban đầu xảy ra trùng với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tới Madrid vào tháng 8 năm 2011 nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Các điện tặc đã cố tung những videos mà chúng đã đưa lên YouTube trước đó vào trang Web của Vatican nhưng thất bại. Phương án thứ hai của chúng là đánh sập trang Web quảng bá sự kiện Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid cũng không thành công.

Internet đã mang lại cho Giáo Hội một phương tiện tuyệt vời để truyền đi thông điệp của mình. Nhưng nó cũng mang lại cho những kẻ thù một phương thế chưa từng có để tấn công Hội Thánh.
 
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
07:36 12/09/2015
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng nồng nhiệt khen ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican.

Đức Thánh Cha, theo dự trù sẽ phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 25 tháng 9 tới đây.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nói: “Đức Giáo Hoàng là một người khiêm tốn và nhân bản, là là một tiếng nói đạo đức, và là người có mục đích. Riêng tại thời điểm này, khi thế giới đang trải qua nhiều cuộc xung đột, với hàng loạt những vấn đề như người tị nạn, di dân, vi phạm nhân quyền, thay đổi khí hậu, chúng ta thực sự cần một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ như tiếng nói của Đức Giáo Hoàng”.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết thêm khi Đức Thánh Cha nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 25 tháng 9 tới đây, sẽ có hơn 150 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ trên thế giới đang có cuộc họp tại đó.

Ông nhận xét rằng:

“Bạn không thể mong đợi bất kỳ cuộc gặp gỡ nào có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng. Tôi rất biết ơn sự lãnh đạo đầy lòng cảm thương của Đức Giáo Hoàng cho hòa bình và tình nhân loại”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ thánh Giuse tại thành phố mới Bình Dương
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:25 12/09/2015
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ thánh Giuse tại thành phố mới Bình Dương

9 giờ sáng ngày 12.9.2015 trên đường Huỳnh Văn Lũy, (Đoạn gần vòng xoay ngã 5, trung tâm), đông đảo bà con giáo dân cư ngụ nơi đây và các vùng lân cận đã quy tụ về ngôi nhà thờ tạm, để đón chào Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước. Giám mục Giáo phận Phú Cường về dâng lễ Tạ ơn, làm phép nhà thờ tạm và nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới với tên gọi: Nhà thờ Thánh Giuse.

Xem Hình

Rước đoàn đồng tế ra khu đất trống (sau này là nền nhà thờ mới). Đức Giám Mục đã làm phép viên đá tượng trưng và đặt vào bệ đỡ với lời nguyện sau: Lạy Chúa là Cha Chí Thánh. Con Một Chúa sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã được Ngôn Sứ loan báo là đá tảng không phải do tay người phàm xẻ ra từ núi; và đã được Thánh Tông đồ tuyên bố là nền móng không thể lay chuyển. Xin Chúa thánh hiến viên đá đầu tiên này để chúng con đặt xuống nhân danh Người. Chúa đã đặt Người là nguyên thủy và cùng hết của mọi vật, xin Chúa cũng để Người hướng dẫn công trình này từ khởi sự cho đến hoàn thành. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Tiếp theo đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ tạm để làm phép và dâng lễ.

Cùng dâng lễ với Đức Giám Mục có cha TĐD Micae Lê Văn Khâm, cha phụ trách Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn, quý cha quản hạt và khoảng 30 cha triều và dòng, rất đông quý tu sĩ nam nữ và trên 1000 giáo dân tham dự.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse nói: Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Giuse, Thánh Giuse là một người đầy niềm tin. Một người cha mẫu mực, tháo vát quán xuyến mọi công việc, chính vì thế thánh Giuse được mọi người lao động nhận bảo trợ cho mình. Xin thánh Giuse bảo trợ cho công trình xây dựng này luôn được tiến triển tốt đẹp và bình an.

Bài giảng: Chúng ta xây dựng ngôi nhà thờ này không là phải đẹp để ngắm nhìn, mà chúng ta phải xây dựng trên một nền tảng đầy niềm tin, một niềm tin đá tảng. Một niềm tin được kết nối sẽ cho chúng ta một ngôi nhà vững chắc, giông bão cũng không làm gì được. Sức chúng ta không làm được, chúng ta phải nhờ vào ơn Chúa, xin cho ý Chúa sớm được thể hiện để cho danh Chúa được cả sáng hơn. Chúng ta cùng chung tay thể hiện niềm tin của mình, cùng đóng góp tinh thần và vật chất để cho công trình sớm được hoàn thành.

Thánh lễ đã diễn ra khoảng 1 giờ 30 phút trong không khí tràn ngập niềm vui, vì từ đây bà con giáo dân không phải đí lễ xa đến hằng 5-10 km, nhất là vào những ngày mưa gió.

Chuyện bên lề: Về thành phố mới

Trò chuyện với mấy anh em nơi đây, chúng tôi được biết:

Thành phố mới được hình thành khoảng 7-8 năm bởi tập đoàn Becamex. Bước đầu tập đoàn xây dựng hệ thống hạ tầng là đường đi, đường điện, cây xanh vv…Vì thế dân cư chưa đông, trong đó số giáo dân cũng vậy, độ khoảng 300-400 người. Tập đoàn Becamex đã tặng cho bà con lô đất này để xây dựng nhà thờ hầu thu hút thêm người Công Giáo đến cư ngụ. Lô đất tập đoàn tặng mang con số thật ấn tượng 9999 m2.

Anh em hồ hởi nói thêm: “Sau vài năm nữa, nơi đây có ngôi nhà thờ mới với tháp chuông cao vút, ngân xa tạo nên cảnh thanh bình giữa một thành phố văn minh, điều này trước đây chúng tôi không ai dám nghĩ tới. Bây giờ chúng tôi mới tin thật: Thiên Chúa yêu thương những kẻ tin kính Ngài, ban cho chúng tôi vị trí trung tâm vàng này, để chúng tôi cư ngụ bất cứ nơi đâu trong thành phố này đều được dễ dàng đến với Chúa mỗi ngày. Tạ ơn Chúa.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Thánh lễ và rước kiệu trọng thể mừng sinh nhật Đức Mẹ tại Melbourne
Trần Văn Minh
04:36 12/09/2015
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy Ngày 12 tháng 9 năm 2015. Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Các Sắc Tộc Tổng giáo phận Melbourne Ta’ Pinu, vùng Bacchus Marsh. Giáo dân Công giáo Việt Nam trong khắp các vùng Melbourne đã cùng tụ họp về đây để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và rước kiệu Đức Mẹ Lavang để mừng kính Sinh nhật Đức Mẹ.

Mời coi hình

Trung tâm Thánh Mẫu Ta’ Pinu nằm trên một ngọn đồi cách xa trung tâm Thành phố Melbourne hơn 50 km về hướng Tây. Nhưng với một ngày thời tiết tương đối đẹp dù có lất phất mấy hạt mưa Xuân và gió nhẹ. Nhưng với lòng sùng kính Đức Mẹ Lavang là Mẹ Dân tộc Việt Nam, nên có rất đông người về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và tham dự rước kiệu Đức Mẹ.

Bàn thờ Đức Mẹ Lavang với hoa đèn được đặt trang trọng bên cạnh gian cung thánh. Thánh lễ do Linh mục Peter Hoàng Kim Huy SDB chủ sự cùng Ca đoàn Hồng Ân dùng lời ca để ca khen nhân ngày sinh nhật Đức Mẹ. Trong phần chia sẻ, Linh mục chủ sự đã hỏi mọi người đến đây với mục đích gì, và muốn xin Mẹ điều gì nhân ngày sinh nhật trọng đại của Mẹ rất Thánh, và Linh mục đã phân tích những mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa qua Mẹ Maria.

Mặc dù, ngày này trong Cộng đồng Công giáo Việt Nam của TGP cũng có những sự kiện quan trọng, như Lễ truyền chức cho một tân linh mục Việt Nam, Nhưng vì lòng mộ mến Đức Trinh Nữ vương rất Thánh, nhiều người đã kéo về Trung tâm Thánh Mẫu để cùng nhau dâng lễ tạ ơn. Với đủ mọi thành phần nam, phụ, lão, ấu. Nhiều cụ ngồi xe lăn, hay phải chống gậy vẫn sốt sắng, tay lần chuỗi đọc kinh để theo chân đoàn kiệu Mẹ trên con đường dốc đá để đến Đền thờ Mẹ La Vang.

Sau Thánh lễ, qua lời cám ơn của ông Nguyễn Văn Thi đại diện ban tổ chức vui mừng cho biết hiện nay ban đã được sự cộng tác của quý anh chị trong Cộng đoàn Thánh Gioan Hoan vùng Collingwood để cùng tổ chức các buổi lễ của sắc tộc Việt Nam trong trung tâm Thánh Mẫu cùng với 13 sắc tộc bạn trong Tổng Giáo phận Melbourne.

Trước khi cung nghinh kiệu Đức Mẹ, ban tổ chức đã trao cho mỗi người một trái bóng bay để cầm theo đoàn rước cho thêm phần vui tươi mừng sinh nhật Mẹ. Sau Thánh Gía nến cao là quốc kỳ của các quốc gia có đền Đức Mẹ trong trung tâm, cờ bay nhẹ trong gío đi trước kiệu Đức Mẹ Lavang rất đẹp. Mọi người sốt sắng đọc kinh Mân Côi đi theo kiệu Mẹ xuống đồi để cung nghinh Mẹ về lại đền thờ Mẹ.

Trong mấy lời cùng cộng đoàn, Linh mục Hoàng Kim Huy đã nghẹn ngào khi nói về quê hương, và Ngài đã xin mọi người cùng cầu nguyện cho Giáo hội quê nhà có thêm ơn can đảm, cất lên tiếng nói để mọi người được sống trong an bình và hưởng được sự tự do tín ngưỡng đích thực như nơi chúng ta đang sống. Mọi người cất cao tiếng hát: Mẹ ơi đoái thương đến dân tộc Việt Nam. Tiếng hát, câu kinh được mọi người gửi vào những trái bóng bay đầy mầu sắc thả bay lên trời cao đầy ý nghĩa.

Mọi người được ban tổ chức mời dùng bữa ăn nhẹ và nước uống. Đứng bên đền Đức Mẹ mọi người cùng nhau trao đổi và tâm sự. Trời trong xanh, mây lững lờ làm lòng người cảm thấy vui hơn vì được cùng nhau bên Mẹ mùa Xuân. Được biết hằng năm, Cộng đồng Việt Nam có hai dịp tổ chức các Thánh lễ tạ ơn tại đây, một vào dịp Lễ Phục Sinh và một vào Lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ như hôm nay.
 
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP Sàigon thường huấn 2015
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
08:08 12/09/2015
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP Sàigon thường huấn 2015

Thực hiện chương trình Thường huấn thường xuyên nhằm bồi dưỡng cho đoàn viên nâng cao kiến thức trong sinh hoạt đoàn thể. Lúc 08g30 thứ Bảy 12/9/2015 - tại Hội trường giáo xứ Hạnh Thông Tây, số 53/7 Quang Trung, P.11, Quận Gò Vấp. Ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã tố chức buổi thường huấn đợt 1 dành cho hơn 300 thành viên các Ban chuyên trách của BCH TGP, thành viên BCH các cấp và đoàn viên nhiệt thành thuộc các giáo hạt: Gò Vấp, Gia Định, Hóc Môn, Thủ Đức, Xóm Mới.

Xem Hình

Mở đầu buổi thường huấn, Ông Giuse Huỳnh Bá Song – Trưởng BCH đã chào mừng các thành viên tham dự và tuyên bố lý do tổ chức buổi thường huấn. Sau đó cha Fx. Nguyễn Văn Thanh – Linh hướng xứ đoàn Bình Hưng hạt Bình An - đã giảng huấn chủ đề “Sự đồng hành của hàng Giáo phẩm (qua cha linh hướng), với các Đoàn thể Công Giáo tiến hành (Gia đình PTTT Chúa Giêsu)”.

Sau giờ nghỉ giải lao, chương trình được tiếp tục với chủ đề “Hướng dẫn cách tổ chức, điều hành Chương trình họp và Nghi thức tuyên hứa” do Ô. Giuse Huỳnh Bá Song – Trưởng BCH và Ô. Đaminh Phan Văn Hùng – Trưởng Ban Tuyên Huấn báo cáo cùng các tài liệu và minh họa cụ thể.

Chủ đề “Hồn Tông đồ của đoàn viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu” đã được cha Tổng Linh hướng Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng triển khai với phong cách giảng huấn linh hoạt. Người tông đồ GĐPTTTCG đích thực cần hội đủ bốn yếu tố là có hoài bão, lí tưởng đem tình yêu Thánh Tâm Chúa đến ngự trị trong tâm hồn, gia đình và làm cho mọi người đều nhận biết Thánh Tâm Chúa. Luôn băn khoăn lo lắng để hoài bão, lí tưởng trên được thực hiện. Xao xuyết, bứt rứt khi chưa thực hiện được và phải nhiệt tình hành động đế biến những xao xuyến, trăn trở đó trở thành hiện thực.

Sau lời cám ơn của đại diện ban tố chức, các thành viên đã cùng nhau suy tôn Thánh Thể tại Thánh đường Giáo xứ Hạnh Thông Tây để tạ ơn Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ban cho buổi thường huấn thành công tốt đẹp. Buổi thường huấn đã kết thúc lúc 11 giờ 30 cùng ngày, các thành viên chia tay và hẹn gặp lại nhau trong các buổi thường huấn kế tiếp.

Được biết chương trình thường huấn gồm 02 đợt, đợt 02 sẽ được tổ chức vào sáng ngày thứ Bảy 26/9/2015 - tại Hội trường giáo xứ Hòa Hưng, số 104 Tô Hiến Thành, P.15, Quận 10 - dành cho đoàn viên thuộc các giáo hạt: Bình An, Chí Hòa, Phú Thọ, Sài Gòn Chợ Quán, Tân Định, Thủ Thiêm, Tân Sơn Nhì, Xóm Chiếu.
 
Văn Hóa
Đức Kitô, Ngài Là Ai?
Nguyễn Trung Tây
03:34 12/09/2015
□ Nguyễn Trung Tây
Đức Kitô, Ngài Là Ai?


...Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể bạn và tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời...


Có lẽ danh từ Kitô đã trở nên quá quen thuộc, cho nên nhiều người tín hữu đã quên mất đi ý nghĩa của danh xưng này. Kitô, chữ Việt Nam hay kristós trong tiếng cổ Hy Lạp, hay mýh, mêsia, trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa Đấng [được] Xức Dầu. Vua Saolê và vua Đavít, hai vị vua đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ cũng có thể được gọi là Kitô và Mêsia, bởi họ đã từng được Thiên Chúa xức dầu qua bàn tay của ngôn sứ Samuel (1Samuel 9:26-27; 10:1; 16:12-13). Cho nên, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia, người tín hữu đang tuyên xưng tôi tin Đức Giêsu chính là Vua [được Xức Dầu]. Bàn về danh từ thần học Kitô, câu hỏi được đặt ra trong bài tiểu luận này, "Đức Kitô, Ngài là ai?"

Do Thái vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên nằm dưới ách thống trị của đế quốc La Mã. Sống trong tình trạng nô lệ, bị kìm kẹp bởi người ngoại bang, dân Do Thái cầu nguyện và chờ đợi Giavê Thiên Chúa sẽ can thiệp, gửi tới Đấng Thiên Sai, hay Đấng Kitô, hay Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai sẽ lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi đất của sữa và mật ong—tương tự như thời Cựu Ước, Giavê Thiên Chúa đã xức dầu phong vương cho Vua Saolê và Vua Đavít, cả hai đã đánh đuổi người Philistine ra khỏi đất hứa. Sau đó cả hai đã thống nhất, xây dựng Do Thái, biến vùng Đất Hứa trở thành cường quốc trong vùng Trung Đông vào thế kỷ thứ 10 và thứ 9 trước Công Nguyên.

Vào một ngày kia, trong vùng đất dân ngoại, kế cận thành Cêsarê Phêlípphê, nằm phía đông bắc của Galilê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi bất ngờ,

— Người ta nói Thầy là ai?

Các môn đệ tranh nhau nhắc lại tên của những vị ngôn sứ trong thời Cựu Ước,

— Người ta nói Thầy là Êlia.

— Có người nói Thầy là tiên tri Giêrêmia,

— Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả.

Sau khi lắng nghe các môn đệ tranh nhau tường thuật lại những điều người dân đương thời đồn đại về căn tính của mình, Đức Giêsu một lần nữa lại cất tiếng hỏi,

— Vậy [riêng các con], các con nghĩ Thầy là ai?

Phêrô khẳng khái trả lời,

— Thầy là Đức Kitô (Lk 9:20), Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16:13-20).

Qua câu nói này, Phêrô tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Xức Dầu, và nhiệm vụ của Ngài là lãnh đạo dân Do Thái, đánh đuổi người La Mã, giải cứu dân chúng thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang;

...Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,

— Ông vẫn tin vào Thượng Đế?

Vị tu sĩ đáp,

— Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.

Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,

— Còn ông thì sao, ông tin vào ai?

Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,

— Tôi, tôi tin vào tấm hình này...



Suy Niệm

Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,

— Con nghĩ Thầy là ai?

Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,

— Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, IPad Pro, IPhone 6Plus nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.



Lời Nguyện

Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?” Xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Xin ban cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com