Ngày 15-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/09: Sống và thực hành Lời Chúa mới mong có kết quả tốt – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
00:42 15/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:36 15/09/2023
TRINH KHIẾT (2)

1. “Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác”.

(1 Cr 7, 32-34)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:41 15/09/2023
50. HAI LẦN ĐỐI HAY

Lúc còn nhỏ Vũ Tiêu Úy thường hay được mẹ cột tóc trên đầu giả làm hai cái sừng.

Một ngày nọ, có một hòa thượng tên là Cổ Xuân về trường làng du ngoạn nhìn thấy nó, bèn chế giễu nói:

- “Đầu trâu lại sinh ra sừng rồng”.

Vũ Tiêu Úy đối lại:

- “Mõm chó sao lại mọc ngà voi”.

Hòa thường thấy tài trí của thằng nhỏ này thì rất kinh ngạc.

Vũ Tiêu Úy sau khi về nhà thì nói với mẹ:

- “Từ này về sau mẹ đừng cột tóc con giả làm hai cái sừng nữa”.

Qua mấy ngày sau, hòa thượng Cổ Xuân lại đi qua trường học, nhìn thấy đầu tóc của Vũ Tiêu Úy giả thành ba cái sừng thì cũng chế giễu nói:

- “Ba sừng giống cái giá trống”.

Vũ Tiêu Úy lập tức đối lại:

- “Một trọc như lôi chùy”.

Hòa thượng Cổ Xuân nói với thầy giáo của Vũ Tiêu Úy:

- “Thằng bé này về sau nhất định trở thành một vị cứu thế”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 50:

Bà con láng giếng đã nói về thánh Gioan Tẩy Giả khi ngài mới sinh ra: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1, 66)- Ông già tiên tri Si-mê-on đã nói về Đức Chúa Giê-su khi cha mẹ dâng Ngài vào đền thánh: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…”(Lc 2, 34) - Hai em bé hai sứ mệnh, hai cuộc đời và hai cái chết không giống nhau: Gioan Tẩy Giả vì cương trực mà bị chém đầu, Đức Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà bị đóng đinh vào thập giá. Cả hai đều sống hoàn toàn cho sứ mệnh và chết vì bổn phận.

Mỗi em bé Ki-tô hữu đều có một vai trò bổn phận khác nhau mà Thiên Chúa đặt nơi chúng nó, vai trò bổn phận này tuy khác nhau nhưng cũng đều cùng chung một sứ mệnh, đó là làm chứng nhân cho Tin Mừng ở trần gian, nhưng các em bé này sẽ không nhận ra sứ mệnh này nếu cha mẹ và những người có trách nhiệm không hướng dẫn và dạy dỗ, bởi vì “đứa bé này ngày sau sẽ ra sao” đều phần lớn tùy thuộc vào sự giáo dục trong gia đình của cha mẹ, cũng như của cha sở nơi nhà thờ họ đạo…

Nếp sống trong gia đình rất ảnh hưởng trên các trẻ em, nếu cha mẹ không quan tâm đến con cái thì ma quỷ sẽ “quan tâm” giùm cho, mà ma quỷ quan tâm thì có nước mà…chết đời đời trong hỏa ngục…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thương tình tha thứ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:51 15/09/2023

THƯƠNG TÌNH THA THỨ

Lời Chúa tuần này nhấn mạnh đến việc tha thứ. Kinh nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy: ai cũng có lỗi lầm và muốn được tha thứ, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi tha thứ cho người khác. Thật là may, Chúa Giêsu đã đưa ra động lực lớn nhất để có thể tha thứ là thương tình: hãy cảm nghiệm tình Chúa thương xót tha thứ, và hãy thương tình tha thứ cho người.

1. Chúa tha cho ta. Ta phải tha thứ vì chính bản thân ta đã được Chúa tha cho quá nhiều. Dụ ngôn Phúc Âm kể chuyện vua chạnh lòng thương tha hết cho người đầy tớ món nợ khổng lồ tới 10 ngàn yến vàng – món nợ ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta cũng mắc nợ với Chúa như thế. Chúng ta đã phạm tội hết lần này đến lần khác, tội lỗi chồng chất, nhưng Chúa luôn bao dung tha thứ cho ta. Chúng ta cần cảm nghiệm được lòng thương xót tha thứ của Chúa.

2. Ta tha cho người. Chúa tha cho ta, và Chúa muốn ta cũng tha cho người khác. Phúc Âm cho thấy khi vua biết chuyện người đầy tớ vừa được vua tha nợ lại không chịu tha cho người bạn món nợ nhỏ xíu, thì vua đã gọi anh ta lại chất vấn: “Ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Chúa muốn chúng ta cũng mang trong mình trái tim giống Chúa, một trái tim mở rộng và rung lên những nhịp đập thương tình tha thứ. Tha thứ chứng tỏ tình thương ta dành cho người lớn hơn tổn thương người gây cho ta.

Dụ ngôn kết luận: nếu ta không tha thứ cho người thì Chúa cũng sẽ không tha thứ cho ta. Tại sao vậy? Vì tha thứ như một dòng chảy của tình thương từ Thiên Chúa tới ta và từ ta qua người khác. Khi ta khóa chặt lòng mình không tha thứ cho người, thì sự tha thứ của Chúa cho dù vẫn tuôn chảy cũng không thể vào lòng ta được vì lòng ta đã bị khóa chặt mất rồi. Thế nên, hãy mở rộng lòng tha thứ cho người, để đón nhận tình Chúa tha thứ cho ta. Amen.

(Bắc Ninh)
 
Một mùa bội thu
Lm. Minh Anh
16:30 15/09/2023

MỘT MÙA BỘI THU
“Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.

Trong “The Complete Disciple”, tạm dịch, “Thợ Lành Nghề”, Paul W. Powell mô tả một tình trạng khá buồn: “Nhiều nhà thờ nhắc tôi về một nhóm thợ ngồi xuống đứng lên trong kho nông cụ. Mỗi Chúa Nhật, họ đến nghiên cứu, mài cày, tra dầu vào máy; sau đó, đứng dậy, ra về. Chúa Nhật, họ trở lại, nghiên cứu, mài cày, tra dầu vào máy; sau đó, đứng dậy, ra về. Tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, cũng ngần ấy việc! Không ai còn nhớ đến chuyện ra đồng. Vì thế, với họ, ‘một mùa bội thu’ là những gì thuộc về các giấc mơ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại ‘cánh đồng’ đời mình. Đúng hơn, nhìn lại những vụ mùa, năm tháng… xem đâu là thời điểm tốt nhất, đâu là mùa bội thu khi Danh Chúa được nhận biết như Thánh Vịnh đáp ca hát khen, “Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.

Hãy nhìn lại cuộc sống theo từng thập kỷ, từng năm và thậm chí, từng tháng; nhìn lại những vụ mùa ‘được’ nhất, ‘mất’ nhất! Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một phương thức tối đơn giản, “Xem quả thì biết cây!”. Hãy lục lọi trong các quãng thời gian khác nhau đó, đâu là ‘mùa được’ khi Danh Chúa rạng sáng; đâu là ‘mùa mất’ khi Danh Ngài bị che khuất. Thực tế, có khi thập giá và khó khăn dồn dập lại là thời điểm ‘được mùa’; có khi xem ra thành công, nhưng thực chất, chúng ta ‘mất trắng!’.

Qua thư Timôthê hôm nay, Phaolô nhận ra ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho nhân loại và cho bản thân mình, “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. Phaolô nghiệm ra rằng, quãng thời gian Chúa Giêsu đau đớn nhất, chết chóc nhất lại là lúc Ngài mang về ‘một mùa bội thu’ cho Chúa Cha nhất! Từ đó, Phaolô dâng đời mình cho sứ vụ giữa cánh đồng dân ngoại và đã bội thu, khi Danh Chúa được nhận biết, “Kính dâng Ngài danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời!”.

Anh Chị em,

“Chúc tụng Danh Thánh Chúa!”. Cũng thế, cuộc đời của bạn và tôi tựa hồ một cánh đồng hứa hẹn những vụ mùa gặt hái cho Danh Chúa. Có những quãng thời gian; trong đó, những quyết định được thực hiện, những hoạt động được tham gia, khi đời sống cầu nguyện trở nên sâu sắc, dẫu đó có thể là những tháng ngày bi đát… nhưng chúng ta đã có ‘một mùa bội thu’. Tạ ơn Chúa vì Danh Ngài được hiển vinh! Đang khi bên cạnh đó, có thể có những vụ mùa mà bên ngoài là thành công với sự kiện này, sự kiện khác… nhưng đôi khi, bên trong, chỉ là trống rỗng, hão danh, vụ lợi và thực chất là chúng ta ‘mất trắng!’. Mất cả giống lẫn công, cả chài lẫn chì. Đó là những vụ mùa mà danh bạn và tôi ‘rạng sáng’, đang khi Danh Chúa thì ‘tắt ngủm!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống ‘văn hoá nhàn rỗi’, suốt ngày đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vào; cho con biết nghiên cứu, mài cày, tra dầu vào máy và ‘lái xe ra đồng’, hầu có thể có ‘một mùa bội thu’ đúng nghĩa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thảm họa ngoài sức tưởng tượng': 10.000 người mất tích sau lũ lụt ở Libya
Đặng Tự Do
05:25 15/09/2023


Tình hình ở Derna, thành phố cảng Libya, nơi hai con đập bị vỡ vào cuối tuần qua, được mô tả là “thảm họa ngoài tầm hiểu biết”, khi Hội Hồng Thập Tự và các quan chức địa phương cho biết ít nhất 10.000 người mất tích sau trận lũ lụt tàn khốc.

Mohammed Abu-Lamousha, phát ngôn nhân của chính quyền kiểm soát miền đông Libya nói với một hãng thông tấn nhà nước rằng số người chết được xác nhận đã vượt quá 5.300 người vào cuối ngày thứ Ba. Tariq al-Kharraz, một đại diện khác của chính phủ miền đông, cho biết toàn bộ các khu dân cư đã bị cuốn trôi, nhiều thi thể bị cuốn trôi ra biển.

Theo Kharraz, hàng trăm thi thể chất đống trong các nghĩa trang và rất ít người sống sót có thể nhận dạng được họ, ông cho biết ông dự kiến số người chết sẽ tăng lên trên 10.000 người - một con số cũng được Liên đoàn Hồng Thập Tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trích dẫn.

Rami Elshaheibi, nhân viên truyền thông quốc gia Libya của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết tình hình ở Derna “thảm khốc đến mức không thể hiểu nổi”.

Hichem Chkiouat, Bộ trưởng Bộ hàng không dân dụng, cho biết nhiều người thiệt mạng vẫn còn ở nơi nước đã để lại: “Thi thể nằm khắp nơi - trên biển, trong thung lũng, dưới các tòa nhà”, Chkiouat nói với Reuters qua điện thoại sau chuyến thăm thành phố. “Tôi không hề phóng đại khi nói rằng 25% diện tích thành phố đã biến mất. Rất nhiều tòa nhà đã sụp đổ”.

Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân cầu cứu và la hét khi nước bùn nhấn chìm nhà cửa của họ. Đoạn video khác ghi lại cảnh dòng nước cuốn trôi xe hơi trên đường phố, biến thành sông.

Sondos Shuwaib, một blogger địa phương, cho biết cô đang ở trong nhà thì bất ngờ thấy mình bị nước lũ cuốn trôi. Trong một bài tường thuật đau buồn về thảm họa được đăng tải trên mạng, cô mô tả việc nhìn thấy trẻ em và trẻ sơ sinh bị cuốn vào dòng nước. Cô viết: “Có những xác chết bên cạnh tôi, những xác chết phía trên tôi và những xác chết bên dưới tôi.

Shuwaib cuối cùng bị trôi dạt vào vùng nước nông và được đưa đến bệnh viện. Cô viết: “Tôi không thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra. “Đôi khi tôi cảm ơn Chúa vì tôi đã sống sót – nhưng khi tôi nhớ rằng gia đình tôi đã mất tích… tôi ước gì mình đã chết cùng họ.”

Hội đồng Tị nạn Na Uy cho biết hàng chục nghìn người đã phải di dời và không có hy vọng trở về nhà.


Source:The Guardian
 
Đức Hồng Y Zuppi tới Bắc Kinh để thảo luận về những nỗ lực hòa bình ở Ukraine
Đặng Tự Do
05:27 15/09/2023


Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã tới Bắc Kinh hôm thứ Tư, để tiếp tục các nỗ lực ngoại giao của Vatican nhằm giúp mang lại hòa bình ở Ukraine.

Phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni hôm thứ Ba xác nhận rằng Đức Hồng Y sẽ ở thủ đô Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9.

Bruni nói với các nhà báo vào ngày 12 tháng 9: “Chuyến thăm này tạo thành một bước tiến xa hơn trong sứ mệnh mà Đức Thánh Cha mong muốn nhằm hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo và tìm kiếm những con đường có thể dẫn đến một nền hòa bình công bằng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y người Ý làm đặc phái viên của Đức Thánh Cha để “khởi xướng những con đường hòa bình” giữa Nga và Ukraine.

Theo tờ La Repubblica của Ý, trong thời gian ở Trung Quốc, Zuppi dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Vatican không tiết lộ chi tiết về các cuộc gặp theo lịch trình của Đức Hồng Y.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả chuyến dừng chân dự kiến của Zuppi ở Bắc Kinh là một phần trong “cuộc tấn công hòa bình” của Vatican, bao gồm các chuyến thăm tới Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington, DC. Đức Thánh Cha cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng ngài cũng đã cân nhắc việc bổ nhiệm một đại diện thường trực để làm cầu nối giữa Nga và Ukraine.

Những nỗ lực ngoại giao của Vatican tại Ukraine gần đây đã gặp phải trở ngại vì các tuyên bố của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ Nga ở thành phố St. Petersburg qua cầu truyền hình.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thừa nhận trong cuộc họp báo với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ rằng những nhận xét trước đây của ngài về “nước Nga vĩ đại” là không phù hợp và ngài chỉ nhằm mục đích mô tả chúng theo nghĩa văn hóa để mô tả truyền thống văn học và âm nhạc vĩ đại của đất nước, chứ không phải là cổ vũ cho tham vọng đế quốc.

Vatican cũng đưa ra lời giải thích rõ ràng rằng Giáo hoàng không có ý định ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga sau khi lãnh đạo Giáo hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, cho biết những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã gây ra “nỗi đau và mối quan ngại lớn” trong số những người Công giáo Ukraine.

Zuppi nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng ông không nghĩ rằng những lời chỉ trích gần đây đối với Đức Giáo Hoàng đe dọa sứ mệnh hòa bình của ngài.

Theo hãng tin ANSA của Ý, Đức Hồng Y nói: “Tôi nghĩ rằng nếu có bất kỳ nghi ngờ nào thì rõ ràng là chúng đã được làm sáng tỏ hoặc sẽ được làm sáng tỏ: Chúng là điều dễ hiểu trong tình hình căng thẳng như vậy”.

Ngài nói thêm: “Tôi nghĩ chính phủ và người dân Ukraine nhận thức được sự hỗ trợ mà họ luôn nhận được từ Giáo hội và Đức Thánh Cha Phanxicô trong nỗi đau khổ của họ”.

Đức Hồng Y giải thích rằng Vatican không tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình ở Ukraine với tư cách chính thức.

Đức Hồng Y Zuppi nói: “Chưa có ai nói về hòa giải.”

“Nó luôn luôn là một sứ mệnh; Đức Thánh Cha đã giải thích điều này ngay từ đầu và đã lặp lại những gì ngài mong đợi đối với sứ mệnh này và nói một cách chính xác rằng đó không phải là 'hòa giải', mà đúng hơn là để giúp đỡ.”

Đức Hồng Y Zuppi, tổng giám mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xây dựng hòa bình có ảnh hưởng Sant'Egidio.

Sant'Egidio là một hiệp hội giáo dân Công giáo đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia, bao gồm Mozambique, Nam Sudan, Congo, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.

Phát biểu bên lề hội nghị Sant'Egidio ở Berlin hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Zuppi nói rằng “rõ ràng Trung Quốc có lẽ là một trong những nhân tố quan trọng nhất” trong việc đạt được hòa bình ở Ukraine.

Ngài nói với đài truyền hình Ý TV2000: “Chúng tôi cần sự cam kết của tất cả mọi người, đặc biệt là những nước có tầm quan trọng lớn hơn như Trung Quốc. Hoà bình đòi hỏi nỗ lực của mọi người; nó không bao giờ là thứ có thể bị áp đặt bởi bất cứ ai.”

“Con đường hòa bình đôi khi không thể đoán trước được; họ cần sự cam kết của mọi người. Chúng ta cần một liên minh vĩ đại vì hòa bình và để thúc đẩy mọi người đi cùng một hướng”, Đức Hồng Y nói.


Source:Catholic News Agency
 
Đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Thánh Cha đến Trung Quốc với sứ mệnh giúp tìm kiếm trẻ em Ukraine bị bắt cóc sang Nga
Đặng Tự Do
05:28 15/09/2023


Đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đang tới Trung Quốc trong chặng thứ tư của sứ mệnh đã đưa ngài đến Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington, Vatican cho biết hôm thứ Ba.

Mục đích chính của ngoại giao con thoi là giúp đưa trẻ em Ukraine bị bắt cóc đưa sang Nga trong cuộc xâm lược.

Đức Hồng Y Zuppi, cùng với một quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ có mặt tại Bắc Kinh từ thứ Tư đến thứ Sáu. Vatican mô tả chuyến viếng thăm là “một bước tiến xa hơn trong sứ mệnh mà Đức Thánh Cha mong muốn nhằm hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo và tìm kiếm những con đường có thể mang lại hòa bình công bằng”.

Vào tháng 5, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi, một cựu chiến binh trong lĩnh vực ngoại giao hòa bình của Giáo hội Công giáo, làm đặc phái viên của ông, nhằm “khởi xướng những con đường hòa bình”. Theo thời gian, sứ mệnh của Zuppi tập trung vào mặt trận nhân đạo và đặc biệt là cố gắng thiết lập một cơ chế giúp đỡ trẻ em Ukraine bị bắt cóc chuyển đến Nga sau cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ vào cuối tháng 3 đối với Ủy viên về quyền trẻ em của Nga, Maria Lvova-Belova, và Tổng thống Nga Vladimir Putin, với cáo buộc họ bắt cóc trẻ em từ Ukraine. Các quan chức Nga đã phủ nhận mọi hành vi ép nhận con nuôi, nói rằng một số trẻ em Ukraine đang được chăm sóc nuôi dưỡng.

Không có thông tin chi tiết nào về công việc của Đức Hồng Y Zuppi được tiết lộ, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tưởng tượng Vatican có thể đóng một vai trò giống như trong một số vụ trao đổi tù nhân. Đức Hồng Y Zuppi đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy, Lvova-Belova và các cố vấn hàng đầu khác của Putin cũng như Tổng thống Joe Biden.

“Hy vọng là thúc đẩy và dệt nên một mạng lưới hòa bình khó khăn,” Đức Hồng Y Zuppi nói với đài truyền hình của hội đồng giám mục Ý, nơi ngài đứng đầu, trước khi đi Bắc Kinh.

Gần đây, Đức Phanxicô đã công khai mạnh mẽ đề nghị với Trung Quốc khi đến thăm nước láng giềng Mông Cổ, một lần nữa bày tỏ sự quý trọng của mình đối với người dân Trung Quốc và hy vọng có cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề của Giáo hội với Bắc Kinh. Ngài cũng được Nga khen ngợi vì những bình luận gần đây ca ngợi “Nước Nga vĩ đại” – đó là những bình luận khiến Ukraine và các giám mục Công giáo tức giận.


Source:AP
 
Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ xem xét việc hai linh mục đồng tế Thánh lễ với một người phụ nữ
Đặng Tự Do
17:30 15/09/2023


Một đoạn video lan truyền cho thấy hai linh mục cử hành Thánh lễ với một nữ giáo dân Thụy Sĩ tại bàn thờ đã dẫn đến việc Đức Giám Mục Joseph Bonnemain của Chur, Thụy Sĩ chính thức khiển trách các mục tử, nhưng sẽ không có thủ tục tố tụng theo giáo luật.

“Việc điều tra cẩn thận về vấn đề này đã cho thấy rằng không có vi phạm phụng vụ nghiêm trọng nào trong buổi lễ này, việc đánh giá việc này sẽ được dành cho Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican,” một tuyên bố chung ngày 8 tháng 9 có các bên ký kết bao gồm Đức Cha Bonnemain cho biết. “Vì vậy, không có thủ tục tố tụng hình sự nào được yêu cầu theo giáo luật.”

Tuyên bố cho biết thêm: “ Tuy nhiên, các quy định phụng vụ quan trọng có tính ràng buộc đối với toàn thể Giáo hội đã bị bỏ qua trong buổi lễ này”. “Do đó, giám mục không thể tránh khỏi việc đưa ra lời khiển trách chính thức đối với các mục tử có liên quan đến vấn đề này”.

Tuyên bố chung đến từ Giáo phận Chur, Giáo xứ Công Giáo St. Martin, và các giáo sĩ liên quan đến cuộc tranh cãi, và Monika Schmid.

Thánh lễ hồi tháng 8 năm 2022 tại Giáo phận Chur đánh dấu sự nghỉ hưu của Schmid, một quản trị viên giáo xứ lâu năm. Video về Thánh lễ cho thấy Schmid đồng tế Bí tích Thánh Thể với các linh mục.

Schmid đứng trước bàn thờ trong trang phục bình thường với hai linh mục bên cạnh. Cô dang rộng cánh tay của mình và cùng đọc những lời Truyền phép và một phiên bản được sửa đổi rất nhiều của Kinh nguyện Thánh Thể.

Tuyên bố chung lưu ý rằng lễ chia tay đã nhận được sự đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Sau tranh cãi về video, Schmid phủ nhận hành động của cô là cố gắng đồng tế Thánh lễ hoặc mang tính khiêu khích. Cô thừa nhận rằng với tư cách là một phụ nữ, cô không thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách hợp lệ như các linh mục Công Giáo được thụ phong.

Điều 907 của giáo luật của Giáo Hội Công Giáo cấm các phó tế Công Giáo và giáo dân Công Giáo dâng Kinh nguyện Thánh Thể và thực hiện các hành động chỉ “phù hợp với linh mục cử hành”.

Tuyên bố cho biết: “Vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, Đức Giám Mục Joseph Maria Bonnemain đã đưa ra cảnh báo thích hợp cho 5 người bị ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận chi tiết với mong muốn rằng những sai lầm này sẽ không lặp lại trong tương lai”.

Đồng thời, tuyên bố từ giáo phận cho biết Đức Cha Bonnemain “bày tỏ sự tin tưởng của mình đối với tất cả các linh mục có liên quan và cảm ơn họ vì công việc mục vụ tận tâm vì lợi ích của người dân”.

Sau đoạn video gây tranh cãi, Đức Cha Bonnemain đã cùng với các Giám mục Felix Gmür của Basel và Markus Büchel của Sankt Gallen viết một lá thư vào ngày 5 Tháng Giêng cho những người tích cực chăm sóc mục vụ trong giáo phận của họ.

Ba giám mục có giáo phận chủ yếu nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ cho biết, chỉ các linh mục được thụ phong mới có thể cử hành Thánh lễ, và phụng vụ không nên là “nơi thử nghiệm các dự án cá nhân”.

Các giám mục thừa nhận mong muốn của người dân tham gia phụng vụ nhưng cho biết phụng vụ Công Giáo có tính cách phổ quát, và điều này đặc biệt liên quan đến việc cử hành các bí tích. Các ngài đề cập đến Tông thư Desiderio Desideravi tháng 6 năm 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nó nhấn mạnh vào phẩm chất của phụng vụ, sự chú ý cẩn thận đến mọi khía cạnh của việc cử hành phụng vụ và việc tuân thủ mọi chữ đỏ.

“Chứng tá chung đòi hỏi những hình thức và quy tắc chung. Các giám mục chúng tôi thường xuyên nhận được những yêu cầu và những phản ứng lo lắng: Các tín hữu có quyền được hưởng các nghi lễ tôn giáo tôn trọng các quy tắc và hình thức của Giáo hội”, các vị nói.

Schmid, nhân viên mục vụ có Thánh lễ nghỉ hưu đã gây ra tranh cãi, đã chỉ trích lá thư của các giám mục khi nó được phát hành vào tháng Giêng. Theo quan điểm của bà, bà ủng hộ việc cử hành phụng vụ mà theo quan điểm của bà, “tiếp cận với mọi người trong cuộc sống hàng ngày, bằng ngôn ngữ của họ và trong sự hiểu biết của họ về bản thân họ”, cổng thông tin internet Công Giáo Thụy Sĩ Cath.ch đưa tin.


Source:Catholic News Agency
 
Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine cử hành Phụng vụ Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
17:31 15/09/2023


Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã chủ trì Phụng vụ Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào hôm Chúa nhật, nơi ngài cầu nguyện cho hòa bình trong cuộc chiến Ukraine tại lăng mộ của vị giáo hoàng đầu tiên.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết vào ngày 10 tháng 9 rằng ngài muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha và những người Công Giáo trên khắp thế giới vì đã không bỏ rơi Ukraine và “vì thực tế là chúng tôi có thể nói với Rôma, Ukraine và thế giới từ ngôi mộ của Thánh Phêrô rằng Ukraine đứng vững! Ukraine đang chiến đấu! Ukraine đang cầu nguyện.”

“ Giữa nỗi đau và bóng tối của cuộc chiến vĩ đại, Chúa là Thiên Chúa ban cho chúng ta cảm giác vui mừng sâu sắc và ánh sáng đích thực không bao giờ tắt. Hôm nay, ở đây, với chúng ta, tập trung tại ngôi mộ của Thánh Tông Đồ Phêrô, Chúa là Thiên Chúa gửi sứ điệp của Ngài: 'Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người'“, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói trong bài giảng của mình.

Phụng vụ là một phần của Thượng Hội đồng Giám mục hàng năm của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, diễn ra tại Rôma từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 9.

Tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ gần hai giờ đồng hồ với 45 giám mục của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine tham gia Thượng Hội đồng.

Theo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, khoảng 2.500 người Ukraine đã tham dự phụng vụ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, cũng tham gia.

Đức Cha Shevchuk nói với những người Công Giáo Ukraine trong vương cung thánh đường: “Tôi nhìn các bạn và khóc vì Ukraine của các bạn đang khóc! Nhưng tôi biết rằng Chúa yêu thương chúng ta và một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ trở về nhà. Với sức mạnh của tình yêu quê hương, tình yêu đồng bào, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Phụng vụ kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat Kuntsevych, một tu sĩ và giám mục Công Giáo thế kỷ 17, gương mẫu đức tin của ngài đã truyền cảm hứng cho nhiều Kitô hữu Chính thống Đông phương quay trở lại hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Cha Shevchuk lưu ý rằng Thánh Josaphat là vị thánh người Ukraine duy nhất có thánh tích được lưu giữ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

“Hôm nay, Thánh Josaphat nói với chúng ta: Hỡi các con cái Ukraine, đừng bao giờ nghe theo tiếng nói của những người bảo các con hãy từ bỏ sự hiệp nhất này. Giáo Hội của chúng ta đã tồn tại trong mọi thời đại lịch sử. Giáo Hội chúng ta đã chống lại những người muốn loại bỏ nó bởi vì nó hiệp nhất với đại gia đình phổ quát, rộng lớn của Giáo Hội Công Giáo,” vị tổng giám mục nói.

Ngài nói: “Tương tự như vậy, Ukraine ngày nay sẽ không thể tồn tại trong cuộc chiến đó nếu không có sự giúp đỡ và hỗ trợ quốc tế rộng rãi ở mọi cấp độ”. “Tình liên đới giữa các Kitô hữu Công Giáo đại kết là điều kiện cần thiết cho sự bền vững và tồn tại của Giáo hội và nhân dân chúng ta - một điều kiện tiên quyết cho chiến thắng của Ukraine trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác mà nhân dân chúng ta đang tiến hành ngày nay”.

Thượng hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đang diễn ra tại Rôma chỉ một tháng trước cuộc họp của Thượng hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Latinh, thường được gọi là Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Cuộc họp mặt của người Ukraine tại Rôma đang được tổ chức tại Học viện Giáo hoàng Thánh Josaphat của Ukraine với chủ đề “Hỗ trợ mục vụ cho các nạn nhân chiến tranh”.

Đức Cha Shevchuk nói với các giám mục Ukraine cùng nhau cầu nguyện tại Đền Thờ Thánh Phêrô: “Các hiền huynh và tôi hiệp thông với người kế vị Thánh Tông đồ Phêrô trong thời đại của chúng ta không phải vì lý do chính trị hay ngoại giao… Chúng ta là con trai và con gái của Giáo hội hoàn vũ, vì chúng ta tin rằng chính trên tảng đá của Thánh Phêrô Tông đồ mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội của Người”.

“Và quyền bính Phêrô này tiếp tục sống, hành động và phục vụ qua những người kế vị, biểu lộ nguồn gốc thiêng liêng và trường tồn của Giáo hội là Thân Mình Chúa Kitô”.


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Miền Đông, LĐCG VN tại Hoa Kỳ
Vọng Sinh
16:16 15/09/2023
Phóng sự Hành Hương Miền Đông, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ, ngày 02/9/2023.

Mẹ! Tiếng “Mẹ” thật ngọt ngào! Âm thanh đầy yêu thương trìu mến, mà dù là em bé, hay người đã lớn tuổi, mỗi khi nghe tiếng “Mẹ” vẫn cảm nhận được cả một trời yêu thương vô tận...

Vâng! Được về bên Mẹ còn hạnh phúc nào hơn!

Đó chính là hạnh phúc của đoàn con Việt Miền Đông, hàng năm cứ cuối tuần trước Lễ Lao-động tại Hoa-Kỳ, lại cùng nhau trở về dưới chân Mẹ Thánh Trên Trời, tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Lộ-Đức, National Shrine Grotto of Our Lady of Lourdes, Emmitsburg MD. Năm nay là thứ bảy vừa qua, ngày 02 tháng 9 năm 2023. Đây là lần Hành Hương thứ 41 kể từ lần đầu tiên năm 1980, không kể 2 năm gián đoạn vì đại dịch Co-vid. Trung Tâm Hành Hương cho biết đã có khoảng 2000 người tham dự năm nay.

Mùa thu đang tới, mùa của êm ái, dịu dàng, của an bình như giòng suối thanh thản mát trong, cho lòng người no thỏa những cơn khát... Đoàn con cái Miền Đông tìm về bên Mẹ, tìm về Giòng Suối Ơn Lành nơi Mẹ là Suối nguồn tuôn chảy; về bên Mẹ mong kín múc cho no thỏa niềm khát khao Cậy Tin Yêu mến.

Khoảng trước 8:00 sáng, các chuyên viên âm thanh, sân khấu đã có mặt để chuẩn bị ráp đặt hệ thống âm thanh và dựng sân khấu. Do sáng kiến của Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân, năm nay là năm thứ 2, trước khi rước kiệu, có “Giờ Thánh Mẫu Ca” hát ngợi ca Mẹ Maria, giúp khách hành hương thêm lòng yêu mến Mẹ Maria, sốt sắng rước kiệu và Thánh Lễ đại trào. Đặc biệt năm nay có sự góp mặt của Ca sỹ Tấn Đạt đến từ California, cùng Anh Chị Em các ca đoàn trong Miền, đã đóng góp cho Giờ Thánh Mẫu Ca năm nay rất phong phú sôi động.

Khoảng 10:00 sáng, khách hành hương đã đến khá tấp nập, các đơn vị giáo xứ, giáo đoàn với bảng hịệu đang từng đoàn xe bus thả người xuống sân trước Tượng đài Mẹ. Tới 11:00 sáng, bầu khí sân trước Tượng đài Mẹ thật tưng bừng nhộn nhịp. Trong Nhà Nguyện, các Cha đã bắt đầu ban bí tích hoà giải. Phía trước nhà nguyện, sân khấu, âm thanh, ban nhạc, ca sỹ, ca đoàn tổng hợp đã sẵn sàng cho Giờ Thánh Mẫu Ca.

Đúng 11:30 sáng, Giờ Thánh Mẫu Ca được Cha Chủ Tịch Miền khai mạc với lời nguyện cầu xin Mẹ Thánh Maria phù giúp đoàn con luôn sống xứng đáng là con Chúa, là chứng nhân tin mừng giữa đời. Ca đoàn tổng hợp mở đầu với ca khúc: Maria Trinh Vương đã đưa cộng đoàn hướng lòng lên Mẹ với lòng yêu mến, xin Mẹ giơ tay ban hồng ân tràn đầy.

“Giờ Thánh Mẫu Ca – Luôn Gọi Tên Mẹ” được thực hiện như một chương trình ca nhạc ngoài trời, với sân khấu tưng bừng, âm thanh sôi động, nhưng vẫn được trình bày với tinh thần cầu nguyện, vẫn lồng trong bầu khí thánh thiêng của ngày hành hương Miền, với những ca khúc quen thuộc nói lên lòng yêu mến Mẹ Maria của đoàn con Dân Việt, đã gợi lên lòng yêu mến thiết tha dâng lên Mẹ...

Coi Video: Giờ Thánh Mẫu Ca – Luôn Gọi Tên Mẹ.



Ngày hành hương năm nay cũng giống như năm ngoái, như được ơn riêng của Chúa và Mẹ ban, thời tiết thật đẹp, không mưa, không nóng lắm...để mọi người có thể cùng tham gia Giờ Thánh Mẫu Ca, cùng hân hoan hát ca kính mừng, ngợi khen, cảm tạ Thánh Mẫu Maria.

Ngay sau Giờ Thánh Mẫu Ca, đoàn rước cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima và Linh Hài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã hàng lối chỉnh tề theo từng đơn vị giáo xứ, hội đoàn. Kiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được nối tiếp với các hội đoàn, Ca đoàn tổng hợp cùng đi trong đoàn rước, cất cao những bài ca ngợi Thánh Mẫu Maria; sau đoàn tung hoa, Kiệu Thánh Tượng Mẹ Fatima được long trọng cung nghinh và cuối cùng là Quý Cha đồng tế.

Đoàn rước tiến vào khu vực cử hành Thánh Lễ cạnh hang đá. Kiệu Thánh Tượng Mẹ Fatima được đặt bên sân cỏ đối diện hang đá, và phần dâng hoa được bắt đầu. Cộng đoàn cùng hiệp lòng dâng lên Mẹ những bông hoa lòng yêu mến tha thiết kêu xin Mẹ. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai chạy đến kêu cầu, mà Mẹ chẳng đoái thương nhậm lời! Xin Mẹ phù giúp đoàn con cái Miền Đông, giữa cuộc sống vật chất như đang giết chết Đức Tin, luôn giữ vững niềm Tin Cậy Mến, noi gương cha ông, các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, sống chứng nhân Tin Mừng giữa đời.

Chủ tế Thánh Lễ là Tân Linh Mục Micae Lê Thành Phong, cùng với Quý Cha đồng tế. Phần giảng thuyết do Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân.

Coi Video: Rước Kiệu - Dâng Hoa - Thánh Lễ



Cuối Lễ, Ông Đinh Văn Chính, chủ tịch Giáo dân đã có lời cám ơn tới mọi thành phần dân Chúa đã tích cực đóng góp cho ngày hành hương được kết qủa tốt đẹp. Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân có đôi lời với cộng đoàn dân Chúa, thông báo các sinh hoạt sắp tới của Miền:

- Ngày Tĩnh Huấn cho các Giáo Chức Trong Miền: Thứ Bảy Ngày 4 Tháng 11, tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, địa chỉ: 915 S. Wakefield St. Arlington, VA 22204.

- Cha Chủ Tịch kêu mời các bạn trẻ tham dự Đại hội Tìm Hiểu Ơn Gọi The Call VI từ 8:00 sáng tới 5:00 chiều, ngày thứ Bảy 11/11/2023, tại St Helena Church, 6161 North 5th St, Philadelphia PA; với mục đích gợi hứng người trẻ hăng say tìm ra tiếng gọi đặc biệt độc đáo của Chúa vào một cuộc sống say mê đầy ý nghĩa: đời sống gia đình hay tu trì. Liên lạc Rev. Peter Quan Trinh, email: TheCallEmail@gmail.com, Tel (267) 226-7099.

- Đặc biệt thông báo Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông lần 4 sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, ngày 10 tháng 12 năm 2023 tại Philadelphia PA. Xin mời các Ca đoàn trong Miền cùng tham gia để tạo bầu khí yêu mến Thánh ca, nhất là trong dịp Giáng Sinh này.

Thánh Lễ kết thúc lúc 3:45 chiều.

Mọi người ra về trong niềm vui an bình, như vừa được uống no thỏa từ nguồn suối Ân thiêng tuôn chảy. Hẹn lại gặp nhau trong ngày Hành Hương Miền năm tới, Thứ Bảy ngày 31, tháng 8, năm 2024.

Arlington, VA

Ngày 06.9.2023.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh nếp sống kiên nhẫn
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
04:47 15/09/2023

Hình ảnh nếp sống kiên nhẫn

Ở đời cha mẹ thường khuyên con cháu mình làm việc gì cũng cần phải có kiên nhẫn mới mong đạt được kết qủa tốt.

Nhưng những người trẻ, và nhất là cuộc sống xã hội ngày hôm nay đòi hỏi phải nhanh lẹ, không để mất thì giờ.

Theo cách cày cấy trồng tỉa cổ truyền xưa nay, nhà nông luôn phải có kiên nhẫn trong việc trồng tỉa vun xới lúa mạ, cây cối, nuôi thú vật lâu hằng năm mới có vụ mùa thu hoạch và thú vật mới lớn đủ.

Nhưng ngày nay, theo phương mới, việc trồng tỉa chăn nuôi thú vật lại không cần nhiều thời gian lâu như trước nữa, chỉ cần ba hay sáu tháng là có mùa thu hoạch, có thú vật để bán rồi. Tiêu chuẩn nhanh lẹ là thước đo thành công.

Dẫu vậy, người mẹ vẫn luôn phải kiên nhẫn chờ đợi con mình phát triển chín tháng trong cung lòng, mới tới ngày em bé mở mắt chào đời. Và cha mẹ em bé cũng phải kiên nhẫn chờ đợi con mình cần thời gian hằng năm sáu năm trời mới phát triển đầy đủ về thể xác lẫn tâm trí trước khi cắp sách vở đi học.

Nếp sống kiên nhẫn trở thành đức tính Trời cao phú ban khắc ghi trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Theo phương pháp khoa học phát triển ngày nay, người ta đốt giai đoạn thời gian có thể chế biến những khúc cây còn non thành gỗ cứng sơn phết mầu như gỗ đã trồng lâu năm. Nhưng gỗ của cây trồng lâu năm vẫn có gía trị cao đẹp gấp nhiều hơn thứ gỗ đốt giai đoạn do biến chế ghép ráp lại.

Kiên nhẫn gắn liến với thời gian phát triển mà Đấng Tạo Hóa đã viết ghi vào trong công trình tạo dựng thiên nhiên.

Chúa Giêsu Kitô dùng hình ảnh con số nói về cung cách nếp sống đạo đức, nhân văn lòng kiên nhẫn: Ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."( Mt 18,21).

Chuỗi con số 70 x 7 = 490 nói lên sự gì nhiều, sự gì to lớn. Và đó là hình ảnh biểu tượng diễn tả cung cách nếp lòng kiên nhẫn trong việc bác ái tình liên đới giữa con người với nhau

Thánh Giacôbê dùng hình ảnh nhà nông trồng tỉa cấy lúa nói về nếp sống kiên nhẫn ( Gc 5. 7-10). Trong đoạn thư ngắn này ông đã nhắc đến kiên nhẫn bốn lần.

Thánh Giacobê nói đến nếp sống kiên nhẫn trong thư có ý muốn nhắc nhở người tín hữu Chúa Kitô đừng quên đích điểm Chúa Giêsu sẽ đến trở lại. Trông mong chờ đợi là việc tốt cần thiết cho đời sống đức tin cùng trong cả cuộc sống làm người hằng ngày nữa.

Thế giới, lịch sử nhân loại, và đời sống con người chưa phải là tất cả. Nhưng còn phải trông mong chờ đợi nơi Chúa nữa trong tương quan tình bác ái yêu thương giữa con người với nhau.

Kiên nhẫn chờ đợi nơi Chúa chính là lòng tin tưởng nơi Ngài trong đời sống hằng ngày. Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận đã có suy tư xác tín:

Nr. 25 „Các Thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận.“

Nr. 26: „Song bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng
là liên lỉ canh tân,
là quyết định chọn hay chối Chúa,
là tìm nước Chúa,
là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa,
là hành động với tất cả hăng say,
là thể hiện mến Chúa yêu người, „ ngay trong giây phút này
(Đường Hy Vọng)




 
Văn Hóa
Một trăm lẻ một Câu hỏi về Chúa Giêsu: câu 67-70
Vũ Văn An
14:48 15/09/2023

IV.Sự phục sinh của Chúa Giêsu: Biến cố thần học có tính quyết định



Câu 67: Há Thiên Chúa đã không thắng vượt cái chết của Chúa Giêsu trong biến cố phục sinh hay sao?Thập giá là biến cố quá khứ. Há chúng ta không nên nhấn mạnh tới phục sinh hay sao?

Nếu Chúa Giêsu chỉ chết trên thập giá, bị khinh bỉ như một thất bại và bị đóng đinh như một tội phạm, tôi hồ nghi chúng ta còn nói về Người ngày nay. Phục sinh đem lại ý nghĩa cho thập giá như một mặc khải việc Thiên Chúa sẵn lòng chấp nhận sự sống và cái chết nhân bản này như là của riêng Thiên Chúa. Nhưng, mặt khác, thập giá cũng đem lại ý nghĩa cho phục sinh. Chúng ta không nói đến lòng mong chờ phục sinh phổ quát vào ngày tận thế, một điều mà một số người đương thời với Chúa Giêsu tin là đang xẩy tới, nhưng nói đến sự phục sinh của con người này là Chúa Giêsu thành Nadarét, bị kết án là tên phạm thượng bởi nhiều người thuộc dân tộc của Người, bị đóng đinh như tên phản loạn của quyền lực chiếm đóng La Mã và đã chết bị Thiên Chúa nguyền rủa và bỏ rơi (Gl 3:13; Mc 15:34tt). Thập giá và phục sinh, dù là những khoảnh khắc có thể phân biệt được, đã hình thành một biến cố không thể tách biệt. Hình ảnh người cha chạy ra đường, ôm lấy con trai mình và hôn lấy hôn để đứa con trong dụ ngôn người có hai con trai (Lc 15:11-32), đối với tôi, là hình ảnh mạnh mẽ và cảm động của phục sinh. Trong trường hợp Chúa Giêsu, Chúa Con, dù vô tội, “đã trở thành tội lỗi” chịu trọn vẹn các hậu quả của khả năng làm điều ác của con người. Chúa Cha, vào khoảnh khắc Chúa Con chịu chết, ôm lấy Người bằng sức lực sáng tạo, biến đổi của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa mãi trung thành trong tình yêu thậm chí dù bị con người thù nghịch và bác bỏ. Đáp trả thần linh đối với sự cứng lòng của con người tiếp tục là điều Thiên Chúa vốn là do bản tính: “Tình yêu trung thành” (Tv 89:1-2; một thể tài chung xuyên suốt Kinh
Thánh Do Thái).



Hai chiều kích của lòng trung thành nhân bản và lòng trung thành thần linh hẳn mãi bất khả tách biệt trong biến cố thập giá-phục sinh. Sự sống nhân bản này, từ lúc được tượng thai cho tới lúc chết, với mọi đấu tranh và cám dỗ cũng như hân hoan và chiến thắng, là chính sự sống nhân bản của Thiên Chúa. Không phải sự sống nhân bản của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy một cách khả hữu để đạt được cuộc giải phóng nhân bản thực sự; giờ đây nó được tuyên bố là cách duy nhất. Nhưng sự sống nhân bản này có nguồn gốc của nó trong tình yêu trung thành của Thiên Chúa: được tượng thai trong quyền lực Chúa Thánh Thần, được Chúa Thánh Thần xức dầu, “xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:4). Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu mãi trung thành với chúng ta, vâng phục sứ mệnh thần linh đã trao cho Người, vì Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Chính trọn cuộc sống của Người, nhưng nhất là lòng trung thành của Người trên thập giá, đã biến đổi phận người và giúp chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa trong Người (Rm 8:12-17). Tuy nhiên, lòng trung thành nhân bản của Người có nguồn gốc và cùng đích của nó trong lòng trung thành thần linh. Chính việc Thiên Chúa ôm lấy sự sống và cái chết nhân bản này làm của riêng đã chiến thắng được quyền lực sự chết và ban cho ta tính mới mẻ của sự sống.

Câu 68: Có phải cha nói rằng Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa cho tới lúc phục sinh?

Không, nhưng điều tôi muốn nói là bất cứ ta hiểu thế nào khi gọi Chúa Giêsu là Thiên Chúa phải tính đến sự sống nhân bản trọn vẹn của Người. Vì sự hợp nhất của Người với thể thần linh, Chúa Giêsu không hề kém nhân bản hơn chúng ta. Ngược lại, chính việc Người kết hợp với thể thần linh làm Người nên trọn vẹn nhân bản hơn cả, “Đấng duy nhất nhân bản” hay “Con Người”, Đấng một cách trọn vẹn, nhưng một cách độc đáo, thể hiện ý định sáng tạo của Thiên Chúa dành cho toàn bộ nhân loại. Điều Người là do bản chất, chúng ta có nhờ được nhận làm con nuôi (hay tham gia) trong Người (Rm 8:15). Điều việc phục sinh mạc khải là sự trọn vẹn của nhân tính. Chúa Giêsu không kém phần nào vì là thần linh; đúng hơn, chúng ta mới là người ít có tính nhân bản hơn khi ra xa lạ hay tách khỏi thể thần linh. Tội lỗi không làm chúng ta thành nhân bản; nó phi nhân hóa chúng ta vì nó cắt đứt chúng ta khỏi nguồn duy nhất của nhân tính đích thực, tức Thiên Chúa của Chúa Giêsu, sống động, tích cực, hiện diện trong tâm hồn và trong mọi liên hệ của chúng ta.

Như thế, phục sinh đem đến hoàn tất hay hoàn thành ý định sáng tạo của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Dùng hình ảnh trái ngược của khải huyền (sự khác biệt giữa thế giới này và thế giới đang đến), Thánh Phaolô nói rằng điều được gieo trồng là “thân thể có sinh khí”. Ngài nhắc tới Sáng thế 2:7 trong đó, hữu thể nhân bản đầu tiên (Ađam) được dựng nên từ bụi đất và hơi thở Thiên Chúa (Thần Khí) đến nỗi điều được hình thành là một “hữu thể sống động”. Đây là hiện hữu “Ađam” nhân bản bình thường mà tất cả chúng ta, và đặc biệt nhất là Chúa Giêsu, trải nghiệm. Nhưng, như Thánh Phaolô khai triển thêm tại thư Rôma, các chương 5-7, sự sống nhân bản này lệ thuộc sức mạnh của tội lỗi (chương 5), sự chết (chương 6) và lề luật (chương 7). Ngược lại, theo thánh Phaolô, điều được trỗi dậy là “thân thể có thần khí” (như thường được phiên dịch tại 1Cr 15:44). Tôi nghĩ điều này có nghĩa: điều được trỗi dậy nằm trong tính liên tục thể xác (sōma=thể xác, dùng trong cả hai cách nói) với điều được gieo trồng, nhưng giờ đây, “con người có thân xác” đã được biến đổi bởi quyền năng sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa. Nó là một tạo vật mới, một hữu thể nhân bản mới.

Theo truyền thống, chúng ta vốn nói tới 3 ơn phúc mà Ađam và Evà đã nhận được nhưng đã đánh mất, tức là ơn thánh hóa (kết hợp với thể thần linh), ơn toàn vẹn (thực thi trọn vẹn và hài hòa các khả năng nhân bản mà không có bất cứ xu hướng nào hướng tới tư dục hay yếu đuối xác thịt), và bất tử (theo nghĩa không lệ thuộc sức mạnh của sự chết). Một cách tương ứng, mỗi ơn phúc này đếu có điều ngược lại với nó: đó là tội lỗi – lề luật – sự chết (như đã được Thánh Phaolô khai triển trong thư Rôma, các chương 5-7). Bất chấp chúng ta hiểu câu truyện Ađam và Evà ra sao, đối với Thánh Phaolô, điều chắc chắn đúng là Thiên Chúa đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, lề luật và sự chết trong việc phục sinh của Chúa Giêsu (1Cr 15:56-57; Rm 8). Theo tôi, Chúa Giêsu khi sống lại đã thể hiện trong Người và do đó, bằng cách tham gia, đã làm cho việc biến đổi trọn vẹn và sau cùng thân phận của con người thành có sẵn cho mọi con người (1Cr 15:51-52): kết hợp với thể thần linh, một hiện hữu tích hợp nhân bản, và chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết.

Câu 69: Hiện nay, Chúa Giêsu có cùng một thân xác như Người đã có trước khi chết không?

Thánh Phaolô có bàn đến vấn đề này. Ngài nói rằng “có người sẽ nói : Kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?” (1Cr 15:35). Thật vậy, ngài bảo: đây là câu hỏi ngớ ngẩn, tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục trong một số câu (các câu 35-57) giải thích điều ngài muốn nói. Ngài dựa vào các loại suy trong thiên nhiên để chứng minh rằng có nhiều loại thân xác. Trọng điểm là Thiên Chúa ban cho mỗi người thân xác riêng tùy ý Thiên Chúa tự do lựa chọn. Toàn bộ sáng thế và nhất là việc phục sinh tùy thuộc óc sáng tạo thần linh. Điểm căn bản của ngài là chứng minh sự tương phản giữa điều được gieo trồng và điều được trỗi dậy, nhưng sự tương phản này cũng ngụ ý tính liên tục như một biến đổi nhân bản (các câu 51-53; Pl 3:21).

Một điều chắc chắn: thân xác sống lại không phải là xác chết được hồi sinh nghĩa là việc trở về sự sống đời này để rồi sau đó vẫn phải đương đầu với sự chết như trường hợp Ladarô (Ga 11:38-44; 12:10). Thánh Phaolô không tìm cách đưa ra một mô tả thể lý về thân xác sống lại. Đúng hơn, ngài khai triển ý nghĩa thần học như là chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi, lề luật và sự chết. Nhưng ẩn dụ phục sinh (“thức dậy từ giấc ngủ”) là điều quan trọng. Bất tử theo nghĩa một sự tách rời của linh hồn thiêng liêng có thể sống hoài hoài khỏi các giới hạn của thân xác thể lý vốn là một ý niệm Hy Lạp. Hình ảnh Do Thái về phục sinh có tính cách toàn bộ (holistic) hơn. Nó ám chỉ toàn bộ con người như một tinh thần có thân xác không thể tách biệt được. Khi Thánh Phaolô sử dụng sōma (thân xác), ngài có ý nói đến toàn bộ con người. Cùng một con người-thân xác này sống qua quãng đời nhân bản thông thường từ lúc sinh tới lúc chết tiếp tục sống bên kia cái chết, nhưng nay, trong vinh quang sống lại như được biến đổi bởi quyền lực sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa. Tính liên tục bao gồm cả bản sắc (cùng một con người) lẫn khác biệt (biến đổi nhân bản). Chúng ta không thể mô tả bằng các hạn từ thể lý, thân xác sống lại sẽ như thế nào. Chúng ta chỉ có thể nói về nó bằng loại suy với các kinh nghiệm nhân bản bình thường của chúng ta, cùng một lúc khẳng định rằng nó hoàn toàn vượt lên trên các kinh nghiệm của chúng ta. Một loại suy tốt là kinh nghiệm bản thân của ta về lớn lên và phát triển. Chúng ta biết rằng chúng ta vẫn là cùng một con người ở lúc mới sinh, tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng chúng ta đã thay đổi một cách căn để.

Nhận xét cuối cùng: ý nghĩa của việc phục sinh thân xác không nên bị giới hạn vào bản ngã cá nhân của chúng ta. Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là khởi đầu một cuộc biến đổi toàn bộ vũ trụ. Như thế, ý nghĩa trọn vẹn của phục sinh chỉ có thể được biết đến khi mọi tạo vật lớn nhỏ đều được biến đổi trong Chúa Kitô. Giáo Hội tiên khởi đã nhìn nhận một bài thánh ca tuyệt vời (Cl 1:15-20), hát rằng nếu Chúa Giêsu là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết” thì Người cũng là “trưởng tử của mọi loài thụ tạo”.

Câu hỏi 70: Con đã nghe một số người gọi Chúa Giêsu là “Đấng Kitô vũ trụ”. Điều này nghĩa là gì?

Xin nói nhanh, dưới ánh sáng phục sinh, Giáo Hội tiên khởi tri nhận rằng chức chúa của Chúa Kitô Phục sinh trải dài trên khắp sáng thế. Phục sinh đôi khi được gọi là “biến cố cánh chung” nghĩa là nó là hành vi cuối cùng và có tính quyết định của óc sáng tạo của Thiên Chúa đối với toàn bộ sáng thế. Nếu Chúa Giêsu như Đấng Sống Lại đồng nhất hóa với hành vi cuối cùng và có tính quyết định của Thiên Chúa, thì điều này hàm ý Người đồng nhất hóa với toàn bộ óc sáng tạo của Thiên Chúa từ khởi thủy cho đến tận cùng. Nói cách khác, Người đồng nhất với toàn thể vũ trụ.

Đó là năng động tính của bài thánh ca tiên khởi chúng ta thấy được lồng vào thư gửi tín hữu Côlôxê (1:15-20). Bài thánh ca này có hai phần chính tự giải thích hỗ tương cho nhau. Phần thứ nhất (các câu 15-18b), tức phần bắt đầu “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử mọi loài thụ tạo” thăm dò các hàm ý vũ trụ của việc phục sinh. Mọi sự được tạo dựng trong Người, nhờ Người, và cho Người để Người nâng đỡ toàn bộ vũ trụ. Phần thứ hai (các câu 18c-20), tức phần bắt đầu “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” khẳng định rằng chính việc sống lại của Người đã tạo nên sự ưu việt của Người đối với mọi loài. Như thế, chính sự phục sinh, sự viên mãn của của tình yêu hòa giải của Thiên Chúa trong Người nay ban cho Người việc thống trị và quyền lực khắp mặt đất, trên cả người sống lẫn người chết. Theo 1Pr 3:18-22 (đoạn chứa các mảnh của một bài thánh ca xưa nữa), Chúa Giêsu sống lại ‘được làm cho sống động trong Chúa Thánh Thần” đã rao giảng trong lãnh vực người chết cho những người “thời xưa đã không vâng lời”. Chúa sống lại có quyền lực trải rộng trở lại khắp các tổ tiên và chuyển dịch hướng tới chiến thắng cuối cùng “trên các quyền lực vũ trụ” (Eph 6:12; so sánh 1Cr 15:20-28).

Ngôn ngữ Kinh Thánh có lúc khá mạnh mẽ và có tính khải huyền: một cuộc chiến đấu chống các kẻ thù vốn thù nghịch và ác độc và có uy lực riêng của chúng. Có lúc lại khá yêu thương và hòa giải: một biến đổi hòa bình mọi sự trong Chúa Kitô. Thay vì đặt hình ảnh này chống lại hình ảnh kia như thể chúng mâu thuẫn nhau, đối với tôi, xem ra có ích hơn khi tiếp nhận quan điểm thực tiễn hơn (xem câu hỏi 64). Cả hai đều khả hữu. Hình dạng cuối cùng của thế giới sắp đến sẽ tùy thuộc cách ta đáp ứng mầu nhiệm ý định của Thiên Chúa “đặt nơi Chúa Kitô” (Eph 1:9).
 
VietCatholic TV
Oanh liệt: BTTM Ukraine tuyên bố khai tử hệ thống 625 triệu USD của Nga. Putin bắn chỉ thiên dọa Anh
VietCatholic Media
02:07 15/09/2023


1. Ukraine tuyên bố đã phá hủy hệ thống phòng không trị giá 625 triệu Mỹ Kim của Nga ở Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 15 tháng Chín, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết quân Ukraine đã phá hủy một hệ thống phòng không của Nga trị giá 625 triệu Mỹ Kim gần thị trấn Yevpatoriya ở Crimea bị tạm chiếm trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn qua đêm do cơ quan tình báo quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR, và hải quân tiến hành vào sáng thứ Năm.

Theo Thượng Úy Andriy Yusov, một hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động S-400 “Triumf” của Nga đã bị phá hủy hoàn toàn. Ukraine cũng đã phá hủy một hệ thống tương tự như thế vào cuối Tháng Tám trước khi tấn công phá hủy một tầu ngầm và một tầu đổ bộ khổng lồ của Nga.

Ông không giải thích chi tiết cuộc tấn công nhưng theo các blogger quân sự Nga, quân Ukraine đã phóng các máy bay không người lái để “làm mù” hệ thống S-400 của Nga bằng cách nhào vào bộ cảm biến của nó; trước khi phóng hỏa tiễn Storm Shadow xóa sổ nó.

Ngày 28 Tháng Bẩy, 2007 khi đưa hệ thống này vào hoạt động, Putin tự hào tuyên bố rằng hệ thống S-400 625 triệu Mỹ Kim của Nga là bất khả chiến bại. Ngày nay nó đã bại, chỉ chưa đầy một tháng qua, 2 hệ thống S-400 của Nga đã nổ tan tành trên bán đảo Crimea.

Hôm thứ Năm, Nga cho biết lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 11 máy bay không người lái tấn công trong đêm trên bầu trời Crimea, nơi Nga đơn phương tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.

Các nguồn tin Ukraine trên mạng xã hội đã chia sẻ một đoạn clip về những vụ nổ rất lớn xảy ra trong khu vực.

Trên kênh Telegram dành cho khu vực Crimea bị tạm chiếm, Suspilne đã đưa tin rằng “Cư dân Yevpatoria không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chính quyền xâm lược không giải thích còn xe cứu thương và cảnh sát thì chạy khắp thành phố.”

Chiều thứ Năm 14 Tháng Chín, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk đã nói gần như thẳng thắn về sự liên quan của Kyiv. Cô nói trên truyền hình quốc gia: “Sự tập trung của các cơ sở quân sự, sự hiện diện của một phi trường gần đó - tất cả những điều này cho thấy rằng công việc đang được tiến hành hoàn toàn đúng như kế hoạch. Các mục tiêu đều hợp pháp và hoàn toàn mang tính quân sự.” Cô kết luận bài tường thuật của mình rằng “Za-raz a-bo ni-ko-ly”, nghĩa là “Bây giờ hay không bao giờ”.

Cuối Tháng Tám vừa qua quân Ukraine đã phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Cape Tarkhankut, phía Tây bán đảo Crimea. Ngày thứ Hai 11 Tháng Chín, họ đã tái chiếm được 2 giàn khoan và tháo gỡ các bộ cảm biến của Nga được đặt ở đó. Bây giờ là thời điểm quân Ukraine tấn công, quân Nga không thể đỡ nổi. Có thể đó là lý do “Bây giờ hay không bao giờ”.

2. 'Hãy hoàn thành công việc đi' Boris Johnson cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây 'chậm chân' trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Biến cố Ukraine tấn công phá hủy cùng một lúc hai tầu Nga đang gây ra một niềm hứng khởi trên thế giới. Nhiều người hô hào nên đưa ngay các vũ khí mà Ukraine cần để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Ký giả Jack Elsom của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “'FINISH THE JOB' Boris Johnson accuses Western leaders of ‘dragging their feet’ over supplying weapons to Ukraine”, nghĩa là “'Hãy hoàn thành công việc đi' Boris Johnson cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây 'chậm chân' trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

BORIS Johnson đã cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây “chậm chân” trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Cựu Thủ tướng cho rằng phương Tây đang “đánh giá quá cao” Vladimir Putin và cảnh báo về một thỏa thuận hòa bình với Nga.

Ông cáo buộc Hoa Kỳ giữ kho dự trữ phòng thủ đạn đạo của mình “đóng băng” trong khi Tổng thống Ukraine Zelenskiy đang cầu xin.

Ông Johnson nói với tờ The Spectator: “Chỉ có một thứ mà người Ukraine muốn ở chúng ta, đó là vũ khí để hoàn thành công việc. Tôi chỉ đơn giản là không hiểu tại sao chúng ta cứ lê bước.”

“Tại sao chúng ta luôn chậm chạp như vậy? Làm sao chúng ta có thể nhìn thẳng vào mắt những người này và giải thích sự chậm trễ?”

Đầu năm nay, ông Boris đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Johnson nói với người Ukraine rằng Vương quốc Anh sẽ ủng hộ Volodymyr Zelenskiy “miễn là” có thể đánh bại Vladimir Putin trong cuộc chiến Ukraine.

Johnson được nhìn thấy ngậm ngùi ở thị trấn Bucha, nơi một ngôi mộ tập thể chứa hàng trăm nạn nhân của vụ thảm sát ở Nga được khai quật vào năm ngoái.

Ông Johnson cũng được nhìn thấy ở thành phố Borodianka của Ukraine và các vùng ngoại ô khác ở Kyiv.

Ông nói với thị trưởng Bucha: “Tôi có thể nói với bạn rằng Vương quốc Anh sẽ gắn bó với Ukraine trong thời gian dài”.

“Các bạn sẽ giành chiến thắng và sẽ đuổi tất cả người Nga ra khỏi đất nước của các bạn, chúng tôi sẽ ở bên cạnh các bạn lâu dài.

“Và chúng tôi cũng muốn giúp các bạn tái thiết.”

Sau đó, người ta nhìn thấy ông gặp Tổng thống Zelenskiy và hai người bắt tay nồng nhiệt trước khi hội đàm trực tiếp.

3. Đại sứ Mỹ tại LHQ nói Nga chứng tỏ đã tuyệt vọng khi phải can dự với Triều Tiên

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm thứ Tư cho biết sự can dự của Mạc Tư Khoa với Triều Tiên “cho thấy Nga tuyệt vọng đến mức nào”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đã ngồi lại hội đàm hôm thứ Tư tại trung tâm vũ trụ Vostochny Cosmodrome của Nga.

Putin ra hiệu sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên phát triển chương trình không gian và vệ tinh hôm thứ Tư, khi ông dẫn ông Kim Chính Ân đi tham quan địa điểm phóng vũ trụ Vostochny rộng lớn của Nga trước các cuộc đàm phán vũ khí dự kiến. Khi được phóng viên hỏi liệu Nga có giúp Triều Tiên phóng vệ tinh và hỏa tiễn của riêng mình hay không, ông Putin trả lời: “Đó chính xác là lý do tại sao chúng tôi đến đây”.

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên rằng nước này sẽ “phải trả giá” nếu ký kết thỏa thuận vũ khí với Nga, sau khi nói rằng các cuộc đàm phán đang “tiến triển” giữa hai quốc gia.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói trong một cuộc họp báo rằng nếu Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa để sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine, điều đó “sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến Triều Tiên và họ sẽ phải trả giá cho điều này trong cộng đồng quốc tế”.

4. Putin bắn chỉ thiên khi cáo buộc quân đội Vương Quốc Anh huấn luyện biệt kích Ukraine phá hoại nhà máy điện hạt nhân

Ba ký giả Jessica Baker, Will Stewart và Ellie Doughty của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “SERIOUS’ THREAT. Putin gives chilling warning to UK after bizarre claim Brit special ops are training Ukraine to hit Russian nuke plants”, nghĩa là “Mối đe dọa nghiêm trọng. Putin đưa ra cảnh báo lạnh lùng cho Vương quốc Anh sau tuyên bố kỳ lạ rằng lực lượng biệt kích của Anh đang huấn luyện Ukraine tấn công các nhà máy hạt nhân của Nga.

VLADIMIR Putin đã đưa ra tuyên bố kỳ lạ rằng Thủ tướng Rishi Sunak có thể “không biết” những gì các cơ quan đặc biệt của Anh đang làm ở Ukraine.

Ông cáo buộc lực lượng tinh nhuệ của Anh huấn luyện quân đội Ukraine phá hoại các đường dây điện nguyên tử trên lãnh thổ của ông và cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng”.

Phát biểu tại Vladivostok, nhà độc tài Điện Cẩm Linh cho biết cơ quan an ninh FSB của ông đã thẩm vấn một toám biệt kích Ukraine hoạt động bên trong Nga.

Putin tuyên bố: “Hóa ra đó là một nhóm phá hoại thuộc lực lượng biệt kích của Ukraine”.

“Cuộc thẩm vấn cho thấy họ được giao nhiệm vụ phá hủy một trong các nhà máy điện hạt nhân của chúng ta bằng cách cho nổ một đường dây điện… nhằm phá hoại hoạt động của nhà máy điện.

“Và đây không phải là nỗ lực đầu tiên.”

Ông còn cáo buộc rằng nhóm này đã được huấn luyện dưới sự giám sát của các giảng viên người Anh và hỏi: “Người Anh có hiểu họ đang chơi với thứ gì hay không?

“Phải chăng họ đang kích động phản ứng của chúng ta tại các cơ sở hạt nhân, các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine?”

“Liệu lãnh đạo Anh, hay Thủ tướng của Vương quốc Anh có biết các cơ quan đặc biệt của họ đang tham gia vào những hoạt động gì ở Ukraine hay không?”

“Hay là họ không biết gì cả? Tôi cho rằng điều này cũng có thể xảy ra.”

“Tôi cho rằng có thể lực lượng đặc nhiệm của Anh hành động theo lệnh của người Mỹ.”

“Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng biết người hưởng lợi cuối cùng. Nhưng họ có nhận ra họ đang chơi với cái gì không?”

“Tôi e rằng họ đánh giá thấp… Tôi biết sẽ có những tiếng la hét bắt đầu sau những lời của tôi như 'Đây là những lời đe dọa!', 'Tống tiền hạt nhân!', v.v..”

Putin, cựu điệp viên KGB đã nói với khán giả của mình tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế phương Đông năm 2023: “Tôi bảo đảm với các bạn rằng đây hoàn toàn là sự thật.”

“Đúng như thế, những kẻ này đã kể điều này với chúng tôi trong quá trình thẩm vấn.”

“Tôi biết một số người có thể nói: 'Họ sẽ nói bất cứ điều gì dưới họng súng'. Đây không phải là sự thật.”

“Nhưng lãnh đạo lực lượng đặc biệt của Anh biết tôi đang nói sự thật. Nhưng tôi không chắc giới lãnh đạo Anh hiểu chuyện gì đang xảy ra.”

“Những điều này thực sự đáng lo ngại, bởi vì người Anh không nhận ra rằng điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.”

Putin không nêu rõ chi nhánh nào của cơ quan đặc nhiệm Anh mà ông cáo buộc đã huấn luyện lực lượng biệt kích Ukraine và không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố của mình.

Ông dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân tại Vladivostok khi ông cố gắng bảo đảm có thêm đạn dược và vũ khí cho cuộc chiến đang chùn bước ở Ukraine.

5. Quan chức Âu Châu tiết lộ 'mạch máu' của quân đội NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “European Official Reveals 'Lifeblood' of NATO Militaries”, nghĩa là “Quan chức Âu Châu tiết lộ 'mạch máu' của quân đội NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một bộ trưởng Lithuania cho biết nguồn cung cấp đạn dược là huyết mạch của quân đội NATO, khi liên minh này đang vật lộn với thiệt hại do chiến tranh ở Ukraine gây ra đối với kho dự trữ của các quốc gia thành viên.

Các lực lượng vũ trang của NATO cần một kho dự trữ đạn dược dồi dào và Vilnius đang “làm việc với các đồng minh của chúng tôi” để bảo đảm liên minh duy trì đủ lượng đạn dược, Erika Kuročkina, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Đổi mới của Lithuania, cho biết tại hội nghị Quốc tế về Thiết bị Quốc phòng và An ninh ở Luân Đôn, Vương quốc Anh, vào hôm thứ Tư. Kuročkina cho biết Lithuania đang đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này và đang tìm cách mở rộng sản xuất đạn dược.

Cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 18, đã đốt cháy kho dự trữ đạn dược của NATO, làm cạn kiệt nguồn cung cấp của các nước phương Tây ủng hộ Ukraine ngay cả khi Kyiv ngừng bắn. Nhưng nhu cầu chỉ tăng lên khi Ukraine phản công dữ dội vào tiền tuyến kiên cố của Nga ở phía nam đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Cũng có những câu hỏi về việc liệu Triều Tiên có thể bổ sung kho đạn dược cho Nga hay không khi nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Chính Ân, cam kết Bình Nhưỡng sẽ hỗ trợ đầy đủ và vô điều kiện cho Mạc Tư Khoa. Jack Watling, nhà nghiên cứu cao cấp về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại Luân Đôn, cho biết Nga đã bắn khoảng 11 triệu quả đạn pháo vào Ukraine vào năm 2022.

Vào đầu tháng 7, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết các nước thành viên đã gửi và đang tiếp tục gửi nhiều loại đạn dược với số lượng chưa từng có tới Ukraine để phục vụ nỗ lực chiến tranh của nước này.

“Và đó cũng là lý do tại sao người Ukraine có thể chiếm lại đất đai ở phía bắc, phía đông và phía nam và bây giờ, vài tuần trước, họ đã có thể phát động cuộc tấn công”, ông Stoltenberg nói thêm, khoảng một tháng sau khi Ukraine phát động cuộc phản công..

Tuy nhiên, ông nói, tỷ lệ tiêu thụ đạn dược rất cao, có nghĩa là Ukraine đang bắn hàng nghìn quả đạn mỗi ngày, “vì vậy nhu cầu tiếp tế là rất lớn và đó chính xác là những gì các đồng minh đang làm.”

Hôm thứ Ba, Steve Cardew, giám đốc phát triển kinh doanh đạn dược của tập đoàn quốc phòng khổng lồ BAE Systems, cho biết NATO đang phải đối mặt với một bước ngoặt về đạn dược.

Kuročkina cho biết hôm thứ Tư: “Chúng tôi đang cung cấp rất nhiều đạn dược cho Ukraine. “Kho dự trữ của chúng ta phải sẵn sàng.”

Nằm trong danh sách mong muốn của Ukraine là loại đạn 155ly tiêu chuẩn NATO và quân đội Mỹ đang tăng cường sản xuất đạn pháo. Cho đến nay, Mỹ đã gửi hơn 2 triệu viên đạn pháo 155ly tới Ukraine, trong đó có hơn 7.000 viên đạn 155ly dẫn đường chính xác đi kèm gần 200 khẩu pháo 155ly.

Ryan Brobst, nhà phân tích nghiên cứu tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, nói với hãng tin AP rằng đạn 155ly “mang lại sự cân bằng tốt giữa tầm bắn và kích thước đầu đạn”.

Kuročkina cho biết loại đạn 155ly “cực kỳ phổ biến”, nhưng nói thêm rằng “việc duy trì kho dự trữ “không phải là điều chúng tôi lo sợ”.

Các quan chức Mỹ nói với CNN vào giữa tháng 7 rằng Mỹ đã đạt gần đến mức tối thiểu về đạn dược cho quân đội, đặc biệt là với việc cung cấp số lượng lớn đạn 155ly cho Ukraine. Tuy nhiên, mức chính xác của lượng dự trữ cần thiết vẫn chưa được phân loại, cơ quan này đưa tin.

6. Nghị sĩ Nga gây áp lực buộc Putin leo thang chiến tranh toàn cầu

Lúc 3 giờ sáng ngày thứ Tư, quân Ukraine đã phóng hỏa tiễn và thuyền không người lái phá tan tành một tầu ngầm và một tầu chiến khổng lồ của Nga. Đây là cuộc tấn công lớn nhất từ khi cuộc chiến bắt đầu. Phản ứng trước biến cố lớn này, phe diều hâu ở Nga đang gây áp lực buộc Putin phải leo thang chiến tranh toàn cầu.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Lawmaker Pressures Putin to Escalate Global War”, nghĩa là “Nghị sĩ Nga gây áp lực cho Putin leo thang chiến tranh toàn cầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một thành viên quốc hội Nga đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin tấn công Vương quốc Anh, một động thái rất có thể gây ra một cuộc chiến tranh quốc tế.

Andrey Gurulyov, thành viên quốc hội Nga, thường được gọi là Duma quốc gia, và cựu chỉ huy quân sự, đã đưa ra tuyên bố này khi xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước Russia-1, 19 tháng sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, dẫn đến phản ứng trên toàn thế giới, chủ yếu là ủng hộ Ukraine.

Nhà lập pháp đang thảo luận về những tuyên bố gần đây của Putin rằng tình báo Anh đứng sau âm mưu phá hoại một cơ sở nguyên tử của Nga. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm thứ Ba, ông Putin nói nhưng không đưa ra bằng chứng rằng Anh đã chỉ đạo những kẻ phá hoại Ukraine cách phá hủy cơ sở này. Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo Thủ tướng Anh Rishi Sunak rằng những động thái như vậy có thể dẫn đến phản ứng đáp trả.

Gurulyov đã tiến một bước xa hơn khi nói rằng Nga nên tấn công Vương quốc Anh bằng hỏa tiễn và gọi Sunak là “mục tiêu”. Vì NATO quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên là tấn công vào tất cả các thành viên, nên một cuộc tấn công của Nga vào Vương quốc Anh có thể được coi là căn cứ cho một cuộc chiến tranh tổng lực với NATO.

Francis Scarr từ BBC Giám sát đã đăng một đoạn clip về sự xuất hiện của Gurulyov trên Russia-1, nơi nhà lập pháp đang tham gia thảo luận với các khách mời và người dẫn chương trình Vladimir Solovyov, một nhà tuyên truyền nổi tiếng của Điện Cẩm Linh.

“Họ đã trở nên xấc xược,” Gurulyov nói về Vương quốc Anh, theo bản dịch của Scarr. “Có gì khác biệt với chúng ta nếu Sunak biết hay không biết cơ quan tình báo của mình đang làm gì hay không? Cuối cùng thì họ cũng là cơ quan tình báo của Anh. Và khi chúng ta nói về thực tế ngày nay là người Anh đang cố gắng phá hủy lò phản ứng hạt nhân của chúng ta, phản ứng của chúng ta phải hoàn toàn rõ ràng!

“Tại sao chúng ta lại đi tấn công các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Ukraine? Chúng ta sẽ phải sống ở đó. Giờ đây, chúng ta đã có Sunak. Tại sao chúng ta cần Sunak hoặc Anh nếu anh ta đang cố gắng khiến các nhà máy điện hạt nhân Kursk hoặc Novovoronezh của chúng ta rơi vào tình trạng hư hỏng?”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Sau đó, thành viên quốc hội này cảnh báo các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Nga có thể dẫn đến “Chernobyl thứ hai”.

“Tổng thống của chúng ta luôn nói rằng nếu không thể tránh khỏi một cuộc chiến, bạn phải ra đòn trước”. “Tôi không nghĩ có mục tiêu nào ở Anh mà lực lượng vũ trang của chúng ta không thể giải quyết được...Sao, chúng ta không có mục tiêu ở đó à?”

Gurulyov tiếp tục nêu tên các mục tiêu tiềm năng ở Vương quốc Anh mà quân đội của Putin có thể tấn công, chẳng hạn như tàu ngầm, căn cứ hải quân và các cơ sở hạt nhân.

“Sunak cũng vậy! Anh ta cũng là mục tiêu!” Gurulyov nói. “Cho rằng anh ta đang cố gắng gây ra thảm họa hạt nhân ở đây. Tại sao chúng ta lại phải ngại ngùng?”

7. Nga tổ chức quốc yến chiêu đãi ông Kim Chính Ân gồm vịt, cua và thịt bò cẩm thạch

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Nga đã tổ chức một bữa tối chính thức xa hoa vào thứ Tư để vinh danh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân.

Bữa tối diễn ra sau khi ông Kim có cuộc hội đàm kéo dài hơn một giờ với Tổng thống Vladimir Putin và ông Kim tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở tỉnh Amur của Nga, thuộc vùng Viễn Đông.

Thực đơn được hãng thông tấn nhà nước Russia 1 chia sẻ gồm các món ăn bao gồm:

Salad vịt với quả sung và quả xuân đào

Bánh bao với cua Kamchatka

Canh cá trắm cỏ

Kem hắc mai biển

Cá tầm với nấm và khoai tây

Món khai vị thịt bò cẩm thạch ăn kèm rau củ nướng

Dâu tây Taiga với hạt thông và sữa đặc

Đây là bữa tối cấp nhà nước thứ hai mà Nga tổ chức cho ông Kim; một buổi chiêu đãi cấp nhà nước đã được tổ chức để vinh danh ông trong chuyến thăm năm 2019 của Kim tới Vladivostok.

8. Điện Cẩm Linh cho biết ông Kim và ông Putin sẽ không ký văn bản nhưng có thể thảo luận về “các lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn như tương tác quân sự”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân không có kế hoạch ký các văn bản liên quan đến cuộc gặp hôm thứ Tư của họ tại trung tâm vũ trụ Nga

Hai nhà lãnh đạo đã gặp và hội đàm kín trong hơn một giờ tại Sân bay vũ trụ Vostochny, bãi phóng hỏa tiễn vũ trụ của Nga, ở tỉnh Amur, vùng Viễn Đông.

Khi được hỏi về các báo cáo về các cuộc đàm phán vũ khí giữa hai nước, Peskov cho biết “toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước hàm ý đối thoại và tương tác trong các lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn như tương tác quân sự”, theo hãng tin nhà nước Russia 1.

Ông nói thêm: “Tất cả các vấn đề khác chỉ liên quan đến hai quốc gia có chủ quyền của chúng tôi”. “Và họ không nên là chủ đề gây lo ngại cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào. Sự hợp tác của chúng tôi được thực hiện vì lợi ích của người dân hai nước, nhưng không chống lại bất kỳ ai”.

“Triều Tiên là láng giềng thân thiết của chúng tôi. Và bất chấp mọi bình luận từ bên ngoài, chúng tôi sẽ xây dựng mối quan hệ với hàng xóm theo cách có lợi cho chúng tôi và hàng xóm của chúng tôi.”

9. Mỹ nói “sẽ không ngần ngại” áp đặt lệnh trừng phạt nếu vũ khí được chuyển giao giữa Triều Tiên và Nga

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ “sẽ không ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt” nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân dẫn đến việc chuyển giao vũ khí giữa hai nước.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết hôm thứ Tư: “Chúng tôi đã thực hiện một số hành động để trừng phạt các tổ chức môi giới bán vũ khí giữa Triều Tiên và Nga và chúng tôi sẽ không ngần ngại áp dụng các hành động bổ sung nếu thích hợp”.

Trước hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Nga và Triều Tiên đang “tích cực thúc đẩy” một thỏa thuận vũ khí tiềm năng có thể chứng kiến Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa sử dụng trong cuộc chiến Ukraine đang chùn bước để đổi lấy công nghệ hỏa tiễn đạn đạo bị trừng phạt.

Miller nói rằng Mỹ chưa nêu vấn đề Nga có khả năng cung cấp công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên với Trung Quốc, nhưng ông dự đoán họ sẽ làm như vậy.

“Bộ trưởng Blinken đã nêu vấn đề chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của Triều Tiên trong các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc khi chúng tôi ở Bắc Kinh, và chúng tôi thường xuyên nêu vấn đề đó trong các cuộc trò chuyện với các quan chức Trung Quốc,” Miller nói.

Miller cũng lên án các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo trong đêm của Triều Tiên.

10. Ukraine kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn sau khi có thông tin Nga tăng sản lượng hỏa tiễn

Ukraine cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga phải cứng rắn và tinh vi hơn, sau khi có báo cáo mới cho rằng Nga đang trốn tránh các hạn chế quốc tế và tăng cường sản xuất hỏa tiễn.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống, cho biết trên Telegram: “Các lệnh trừng phạt càng mạnh mẽ thì Nga sẽ sản xuất càng ít hỏa tiễn…. Nếu truyền thông phương Tây nhận thấy sự gia tăng sản xuất hỏa tiễn, điều đó có nghĩa là các lệnh trừng phạt cần phải cứng rắn hơn và tinh vi hơn.”

Yermak đưa ra phản hồi trước bài báo của New York Times rằng Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu do phương Tây áp đặt để mở rộng sản xuất hỏa tiễn vượt quá mức trước chiến tranh, dẫn lời các quan chức Mỹ, Âu Châu và Ukraine.

New York Times đưa tin rằng “Nga đã phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách sử dụng các cơ quan tình báo và Bộ quốc phòng để điều hành mạng lưới bất hợp pháp gồm những người buôn lậu các thành phần quan trọng bằng cách xuất khẩu chúng sang các quốc gia thứ ba để từ đó chúng có thể được vận chuyển đến Nga dễ dàng hơn”.

Yermak nói rằng một nhóm đặc biệt do chính phủ Ukraine chỉ định đã “cung cấp các đề xuất chi tiết cho các đối tác của chúng tôi, cũng như bằng chứng về các thành phần nước ngoài trong vũ khí của Nga. Tổ hợp công nghiệp quân sự của đối phương không thể sản xuất hỏa tiễn nếu không có các bộ phận này”.

“ Chúng tôi đang làm việc với chính phủ của các đối tác. Chúng ta cần tích cực cắt oxy cho người Nga”, ông nói thêm.

Nhóm công tác quốc tế Yermak-McFaul tháng trước đã đưa ra khuyến nghị thắt chặt kiểm soát các linh kiện do nước ngoài sản xuất được Nga sử dụng trong chương trình máy bay không người lái của nước này.

Trung Quốc là nhà cung cấp chính các bộ phận quan trọng cho máy bay không người lái của Nga, chiếm 67% lô hàng, với 17% trong số đó đi qua Hương Cảng, nhóm này cho biết.

Nhóm kêu gọi sự hài hòa quốc tế tốt hơn về danh sách trừng phạt và thống nhất dữ liệu về hàng hóa có công dụng kép có thể được sử dụng trong cả ứng dụng quân sự và dân sự.

11. Hàn Quốc kêu gọi Nga “hành động có trách nhiệm” với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Hán Thành đã kêu gọi Nga “hành động có trách nhiệm” với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một quan chức từ văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm thứ Ba, trước cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân.

Bình luận này được đưa ra khi chính phủ Mỹ cảnh báo rằng Nga và Triều Tiên đang “tích cực thúc đẩy” các cuộc đàm phán về một thỏa thuận vũ khí tiềm năng.

Một quan chức của Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Chính phủ của chúng tôi đã hiểu rõ tình hình chung, một cách độc lập và hợp tác với các đồng minh và các quốc gia đối tác cũng như chuẩn bị đầy đủ”.

“Nhiều quốc gia đang theo dõi hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên, quốc gia đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt và Nga, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với một chút lo ngại vì nhiều lý do, nhưng như tổng thống đã tuyên bố, chúng tôi hy vọng Nga sẽ hành động. có trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, quan chức này nói thêm.

12. Chính quyền khu vực cho biết hơn 2.000 người đã di tản ở quận Kupiansk

Theo chính quyền khu vực Kharkiv, hơn 2.000 người đã rời khỏi quận Kupiansk tính đến thứ Tư, sau khi lệnh di tản bắt buộc được ban hành đối với 56 khu định cư vào ngày 9 tháng 8.

Oleh Syniehubov, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv, cho biết trên Telegram rằng cho đến nay đã có 2.339 người di tản, trong đó có 350 trẻ em. Ông nói rằng 1.438 người khác cũng đã tự mình di tản, trong đó có 164 trẻ em.

Syniehubov cho biết: “Việc di tản đang diễn ra. Người dân không muốn rời đi, giải thích rằng đây là nhà, đất của họ, nhà của họ. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc với cảnh sát quốc gia để di tản càng nhiều người càng tốt”.

Syniehubov cho biết 12.000 người vẫn sống trong cộng đồng này tính đến Chúa Nhật, trái ngược với con số 57.000 người sống ở đó trước cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Syniehubov nói thêm rằng tình hình ở tuyến đầu ở khu vực Kupiansk vẫn “khó khăn”.

Ông nói: “Đối phương đang hình thành một 'nắm đấm tấn công' khác để tăng cường các hoạt động tấn công và cố gắng xuyên thủng hàng phòng thủ của chúng tôi. Chúng thực hiện các hoạt động tấn công theo từng đợt và sau khi bị quân đội của chúng tôi gây thiệt hại đáng kể về nhân lực và trang thiết bị, họ buộc phải rút lui để đổi mới thành lập lực lượng tấn công mới.”

Một đoạn video do Lực lượng Phòng vệ Tấn công Ukraine đăng tải hôm thứ Tư cho thấy một vị trí của đối phương bị tấn công bởi một vụ nổ dữ dội ở phía xa. Theo chú thích, lính biên phòng Ukraine “đã sử dụng súng phóng lựu tự động MK19 để bắn trúng bãi mìn của quân xâm lược.”
 
Ngậm ngùi: Tai ương vượt quá trí hiểu ở Libya. ĐHY Zuppi tìm cách đoàn tụ trẻ em bị Nga bắt cóc
VietCatholic Media
05:23 15/09/2023


1. 'Thảm họa ngoài sức tưởng tượng': 10.000 người mất tích sau lũ lụt ở Libya

Tình hình ở Derna, thành phố cảng Libya, nơi hai con đập bị vỡ vào cuối tuần qua, được mô tả là “thảm họa ngoài tầm hiểu biết”, khi Hội Hồng Thập Tự và các quan chức địa phương cho biết ít nhất 10.000 người mất tích sau trận lũ lụt tàn khốc.

Mohammed Abu-Lamousha, phát ngôn nhân của chính quyền kiểm soát miền đông Libya nói với một hãng thông tấn nhà nước rằng số người chết được xác nhận đã vượt quá 5.300 người vào cuối ngày thứ Ba. Tariq al-Kharraz, một đại diện khác của chính phủ miền đông, cho biết toàn bộ các khu dân cư đã bị cuốn trôi, nhiều thi thể bị cuốn trôi ra biển.

Theo Kharraz, hàng trăm thi thể chất đống trong các nghĩa trang và rất ít người sống sót có thể nhận dạng được họ, ông cho biết ông dự kiến số người chết sẽ tăng lên trên 10.000 người - một con số cũng được Liên đoàn Hồng Thập Tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trích dẫn.

Rami Elshaheibi, nhân viên truyền thông quốc gia Libya của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết tình hình ở Derna “thảm khốc đến mức không thể hiểu nổi”.

Hichem Chkiouat, Bộ trưởng Bộ hàng không dân dụng, cho biết nhiều người thiệt mạng vẫn còn ở nơi nước đã để lại: “Thi thể nằm khắp nơi - trên biển, trong thung lũng, dưới các tòa nhà”, Chkiouat nói với Reuters qua điện thoại sau chuyến thăm thành phố. “Tôi không hề phóng đại khi nói rằng 25% diện tích thành phố đã biến mất. Rất nhiều tòa nhà đã sụp đổ”.

Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân cầu cứu và la hét khi nước bùn nhấn chìm nhà cửa của họ. Đoạn video khác ghi lại cảnh dòng nước cuốn trôi xe hơi trên đường phố, biến thành sông.

Sondos Shuwaib, một blogger địa phương, cho biết cô đang ở trong nhà thì bất ngờ thấy mình bị nước lũ cuốn trôi. Trong một bài tường thuật đau buồn về thảm họa được đăng tải trên mạng, cô mô tả việc nhìn thấy trẻ em và trẻ sơ sinh bị cuốn vào dòng nước. Cô viết: “Có những xác chết bên cạnh tôi, những xác chết phía trên tôi và những xác chết bên dưới tôi.

Shuwaib cuối cùng bị trôi dạt vào vùng nước nông và được đưa đến bệnh viện. Cô viết: “Tôi không thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra. “Đôi khi tôi cảm ơn Chúa vì tôi đã sống sót – nhưng khi tôi nhớ rằng gia đình tôi đã mất tích… tôi ước gì mình đã chết cùng họ.”

Hội đồng Tị nạn Na Uy cho biết hàng chục nghìn người đã phải di dời và không có hy vọng trở về nhà.


Source:The Guardian

2. Đức Hồng Y Zuppi tới Bắc Kinh để thảo luận về những nỗ lực hòa bình ở Ukraine

Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã tới Bắc Kinh hôm thứ Tư, để tiếp tục các nỗ lực ngoại giao của Vatican nhằm giúp mang lại hòa bình ở Ukraine.

Phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni hôm thứ Ba xác nhận rằng Đức Hồng Y sẽ ở thủ đô Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9.

Bruni nói với các nhà báo vào ngày 12 tháng 9: “Chuyến thăm này tạo thành một bước tiến xa hơn trong sứ mệnh mà Đức Thánh Cha mong muốn nhằm hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo và tìm kiếm những con đường có thể dẫn đến một nền hòa bình công bằng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y người Ý làm đặc phái viên của Đức Thánh Cha để “khởi xướng những con đường hòa bình” giữa Nga và Ukraine.

Theo tờ La Repubblica của Ý, trong thời gian ở Trung Quốc, Zuppi dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Vatican không tiết lộ chi tiết về các cuộc gặp theo lịch trình của Đức Hồng Y.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả chuyến dừng chân dự kiến của Zuppi ở Bắc Kinh là một phần trong “cuộc tấn công hòa bình” của Vatican, bao gồm các chuyến thăm tới Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington, DC. Đức Thánh Cha cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng ngài cũng đã cân nhắc việc bổ nhiệm một đại diện thường trực để làm cầu nối giữa Nga và Ukraine.

Những nỗ lực ngoại giao của Vatican tại Ukraine gần đây đã gặp phải trở ngại vì các tuyên bố của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ Nga ở thành phố St. Petersburg qua cầu truyền hình.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thừa nhận trong cuộc họp báo với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ rằng những nhận xét trước đây của ngài về “nước Nga vĩ đại” là không phù hợp và ngài chỉ nhằm mục đích mô tả chúng theo nghĩa văn hóa để mô tả truyền thống văn học và âm nhạc vĩ đại của đất nước, chứ không phải là cổ vũ cho tham vọng đế quốc.

Vatican cũng đưa ra lời giải thích rõ ràng rằng Giáo hoàng không có ý định ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga sau khi lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, cho biết những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã gây ra “nỗi đau và mối quan ngại lớn” trong số những người Công Giáo Ukraine.

Zuppi nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng ông không nghĩ rằng những lời chỉ trích gần đây đối với Đức Giáo Hoàng đe dọa sứ mệnh hòa bình của ngài.

Theo hãng tin ANSA của Ý, Đức Hồng Y nói: “Tôi nghĩ rằng nếu có bất kỳ nghi ngờ nào thì rõ ràng là chúng đã được làm sáng tỏ hoặc sẽ được làm sáng tỏ: Chúng là điều dễ hiểu trong tình hình căng thẳng như vậy”.

Ngài nói thêm: “Tôi nghĩ chính phủ và người dân Ukraine nhận thức được sự hỗ trợ mà họ luôn nhận được từ Giáo hội và Đức Thánh Cha Phanxicô trong nỗi đau khổ của họ”.

Đức Hồng Y giải thích rằng Vatican không tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình ở Ukraine với tư cách chính thức.

Đức Hồng Y Zuppi nói: “Chưa có ai nói về hòa giải.”

“Nó luôn luôn là một sứ mệnh; Đức Thánh Cha đã giải thích điều này ngay từ đầu và đã lặp lại những gì ngài mong đợi đối với sứ mệnh này và nói một cách chính xác rằng đó không phải là 'hòa giải', mà đúng hơn là để giúp đỡ.”

Đức Hồng Y Zuppi, tổng giám mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xây dựng hòa bình có ảnh hưởng Sant'Egidio.

Sant'Egidio là một hiệp hội giáo dân Công Giáo đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia, bao gồm Mozambique, Nam Sudan, Congo, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.

Phát biểu bên lề hội nghị Sant'Egidio ở Berlin hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Zuppi nói rằng “rõ ràng Trung Quốc có lẽ là một trong những nhân tố quan trọng nhất” trong việc đạt được hòa bình ở Ukraine.

Ngài nói với đài truyền hình Ý TV2000: “Chúng tôi cần sự cam kết của tất cả mọi người, đặc biệt là những nước có tầm quan trọng lớn hơn như Trung Quốc. Hoà bình đòi hỏi nỗ lực của mọi người; nó không bao giờ là thứ có thể bị áp đặt bởi bất cứ ai.”

“Con đường hòa bình đôi khi không thể đoán trước được; họ cần sự cam kết của mọi người. Chúng ta cần một liên minh vĩ đại vì hòa bình và để thúc đẩy mọi người đi cùng một hướng”, Đức Hồng Y nói.


Source:Catholic News Agency

3. Đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Thánh Cha đến Trung Quốc với sứ mệnh giúp tìm kiếm trẻ em Ukraine bị bắt cóc sang Nga

Đặc phái viên hòa bình Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đang tới Trung Quốc trong chặng thứ tư của sứ mệnh đã đưa ngài đến Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington, Vatican cho biết hôm thứ Ba.

Mục đích chính của ngoại giao con thoi là giúp đưa trẻ em Ukraine bị bắt cóc đưa sang Nga trong cuộc xâm lược.

Đức Hồng Y Zuppi, cùng với một quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ có mặt tại Bắc Kinh từ thứ Tư đến thứ Sáu. Vatican mô tả chuyến viếng thăm là “một bước tiến xa hơn trong sứ mệnh mà Đức Thánh Cha mong muốn nhằm hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo và tìm kiếm những con đường có thể mang lại hòa bình công bằng”.

Vào tháng 5, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi, một cựu chiến binh trong lĩnh vực ngoại giao hòa bình của Giáo Hội Công Giáo, làm đặc phái viên của ông, nhằm “khởi xướng những con đường hòa bình”. Theo thời gian, sứ mệnh của Zuppi tập trung vào mặt trận nhân đạo và đặc biệt là cố gắng thiết lập một cơ chế giúp đỡ trẻ em Ukraine bị bắt cóc chuyển đến Nga sau cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ vào cuối tháng 3 đối với Ủy viên về quyền trẻ em của Nga, Maria Lvova-Belova, và Tổng thống Nga Vladimir Putin, với cáo buộc họ bắt cóc trẻ em từ Ukraine. Các quan chức Nga đã phủ nhận mọi hành vi ép nhận con nuôi, nói rằng một số trẻ em Ukraine đang được chăm sóc nuôi dưỡng.

Không có thông tin chi tiết nào về công việc của Đức Hồng Y Zuppi được tiết lộ, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tưởng tượng Vatican có thể đóng một vai trò giống như trong một số vụ trao đổi tù nhân. Đức Hồng Y Zuppi đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy, Lvova-Belova và các cố vấn hàng đầu khác của Putin cũng như Tổng thống Joe Biden.

“Hy vọng là thúc đẩy và dệt nên một mạng lưới hòa bình khó khăn,” Đức Hồng Y Zuppi nói với đài truyền hình của hội đồng giám mục Ý, nơi ngài đứng đầu, trước khi đi Bắc Kinh.

Gần đây, Đức Phanxicô đã công khai mạnh mẽ đề nghị với Trung Quốc khi đến thăm nước láng giềng Mông Cổ, một lần nữa bày tỏ sự quý trọng của mình đối với người dân Trung Quốc và hy vọng có cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề của Giáo hội với Bắc Kinh. Ngài cũng được Nga khen ngợi vì những bình luận gần đây ca ngợi “Nước Nga vĩ đại” – đó là những bình luận khiến Ukraine và các giám mục Công Giáo tức giận.


Source:AP
 
Putin hết thời: Pháo binh Nga pháo tàn nhẫn vào quân Nga, mặt trận sụp đổ. Kyiv giải phóng Andriivka
VietCatholic Media
17:25 15/09/2023


1. Tấn công sai lầm quân Nga báo hại quân Putin thương vong vô số

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Military Kills Dozens of Its Own Troops in Strike Gone Wrong”, nghĩa là “Quân đội Nga giết chết hàng chục binh sĩ của mình trong cuộc tấn công sai lầm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy,

Hơn 60 binh sĩ Nga được cho là đã thiệt mạng hoặc bị thương gần đây do một cuộc tấn công bằng pháo binh của chính quân đội họ.

Yury Mysiagin, một thành viên quốc hội Ukraine, đã viết về vụ việc trong một bài đăng ngày 10/9 trên Telegram. Tờ Kyiv Post hôm thứ Năm cho biết các blogger quân sự Nga và các nguồn tin khác của Ukraine đã xác nhận báo cáo của Mysiagin.

Vụ việc chết người được cho là xảy ra ở Optyne, một thị trấn ở vùng Donetsk phía đông Ukraine. Donetsk là nơi giao tranh ác liệt trong cuộc phản công do quân đội Ukraine phát động vào đầu tháng 6. Viện Nghiên cứu Chiến tranh viết hôm thứ Tư rằng lực lượng của Kyiv gần đây đã đạt được ít nhất một phần thành công ở một số khu định cư ở Donetsk, bao gồm cả gần thành phố Bakhmut bị tranh chấp lâu dài.

Theo bản dịch của Kyiv Post, Mysiagin viết rằng binh lính Nga ở Optyne đang “rút lui về vị trí mới một cách hỗn loạn và gần như hoảng loạn” khi các lực lượng Nga khác nhầm họ với quân Ukraine. Kết quả là, một cuộc tấn công bằng pháo binh được cho là do người điều khiển máy bay không người lái ra lệnh nhằm vào những người Nga đang chạy trốn.

“Kết quả là 27 người chết và 34 người bị thương. Khoảng một nửa số người bị thương bị đứt tay hoặc chân và một số thiết bị bị mất”, Mysiagin nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Tờ Kyiv Post cho biết nhiều blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh đã công bố thêm thông tin chi tiết về vụ việc. Các blogger viết rằng lực lượng của Zelenskiy đã vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga được thiết lập ở Optyne, và khoảng 200 binh sĩ Nga ở đó đã rút lui để tìm vị trí chiến đấu tốt hơn.

Cuộc rút lui được mô tả là vội vã, điều mà các blogger quân sự cho là do cuộc tấn công bằng pháo binh được ra lệnh nhằm vào chính binh sĩ của Mạc Tư Khoa.

Konstantin Mashovets, một nhà báo quân sự nổi tiếng của Ukraine, cũng mô tả trạng thái hoảng loạn của quân đội Nga ở Optyne trước vụ việc được tường trình.

“Không rõ vì lý do gì, pháo binh Nga bắt đầu bắn, không phải gần tiền tuyến hay vào các vị trí của Ukraine nhằm trấn áp hỏa lực của chúng tôi mà vào các vị trí do đơn vị Nga này chiếm giữ”, Mashovets viết ngày 10/9.

Mashovets suy đoán thêm rằng bất chấp những gì người khác đã viết, có lẽ tình hình là như thế này: một nhóm quân Nga bỏ chạy, nhóm bị tấn công là nhóm kiên cường hơn, gan dạ hơn, họ tiếp tục chiến đấu để cản đường truy kích của quân Ukraine cho đồng đội chạy thoát. Những người điều khiển máy bay không người lái có thể đã nhận định rằng nhóm quân nào đang bỏ chạy thì là quân Nga, nhóm quân đang đứng yên ở tại vị trí của họ thì là quân Ukraine, vì thế họ báo cho pháo binh Nga bắn tới tấp vào đám quân Nga đang đứng.

Ông cho rằng nhóm lính Nga này chỉ bắt đầu bỏ chạy sau khi đạn pháo bắt đầu bắn trúng đơn vị của họ.

Tờ Kyiv Post cũng đưa tin quân đội Ukraine ở Optyne đã có thể lợi dụng vụ việc và tiến quân tới một thị trấn lân cận.

2. Những người Nga ủng hộ chiến tranh cho rằng mặt trận đang sụp đổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Pro-War Russians Bemoan Loss of Ukraine Towns: 'The Front Is Collapsing'“, nghĩa là “ Những người Nga ủng hộ chiến tranh than phiền về việc mất các thị trấn ở Ukraine: 'Mặt trận đang sụp đổ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các kênh Telegram thân Nga đã bày tỏ lo ngại về cuộc phản công của Ukraine trong bối cảnh có tin quân đội Kyiv đã đạt được tiến bộ gần Andriivka và Klishchiivka ở tỉnh Donetsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm thứ Tư cho biết lực lượng Ukraine đã tiến vào phía tây tỉnh Zaporizhzhia ở khu vực phía nam, cũng như gần Bakhmut ở Donetsk xa hơn về phía bắc.

Ukraine phát động cuộc phản công vào khoảng ngày 4 tháng 6 với mục đích chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Kyiv thừa nhận rằng cuộc phản công đang diễn ra chậm hơn dự đoán và các đồng minh phương Tây, những nước cung cấp vũ khí, lo ngại về tốc độ của cuộc phản công.

Viện nghiên cứu lưu ý rằng các đoạn phim được định vị địa lý hôm thứ Ba cho thấy những lợi ích của Ukraine ở phía nam Robotyne, một thị trấn chiến lược ở tỉnh Zaporizhzhia mà Kyiv cho biết họ đã chiếm lại được vào ngày 28 tháng 8.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo hôm thứ Tư rằng quân đội của họ đã “thành công một phần” gần Klishchiivka và Andriivka, các thị trấn nằm cách Bakhmut khoảng 4 và 6 dặm về phía tây nam, nơi xảy ra giao tranh ác liệt trong nhiều tháng.

Cập nhật của Kyiv cũng cho biết quân đội của họ đang tiếp tục tấn công ở khu vực Melitopol và Bakhmut và họ đang “tiêu diệt đối phương và giải phóng các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm từng bước”.

Những thành tựu gia tăng mới nhất của Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại trong một số kênh Telegram thân Nga, vốn ủng hộ cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin, nhưng thường đưa ra những lời giải thích thẳng thắn về những thiếu sót trong nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa, vốn không nằm trong tuyên truyền chính thức của Điện Cẩm Linh.

Kênh Telegram Alex Parker Returns nói với 153.000 người theo dõi của mình rằng “mặt trận đang sụp đổ. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy thì Artemovsk sẽ sớm phải bị bỏ rơi”, Artemovsk là tên tiếng Nga của Bakhmut.

“Không còn công ty quân sự tư nhân 'Wagner' thứ hai để đảm nhận nó nữa.,” kênh này nói thêm, đề cập đến công ty quân sự tư nhân phần lớn đã bị giải tán do Yevgeny Prigozhin quá cố đứng đầu, đã chiến đấu ở Bakhmut, nơi họ bị tổn thất lớn về quân đội.

Kênh Frontovik đăng tải thông tin rằng quân đội Ukraine đã chiếm “gần như toàn bộ thị trấn” Klishchiivka và chỉ “một phần nhỏ của thị trấn nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta” với 300 quân Nga còn lại.

Roman Saponkov đã đăng rằng “chúng tôi nhận được tin rằng các đơn vị của chúng tôi đã rời khỏi Klishchiivka và có thể cả Andriivka,” mặc dù “chưa có xác nhận 100% về điều này”.

Bài đăng cho biết thêm: “Trong tháng qua, chúng tôi đã phải trải qua một tình huống khó khăn ở mặt trận. “Bây giờ vẫn chưa rõ liệu điều này là do nguồn dự trữ của chúng ta cạn kiệt hay do các yếu tố khác”.

Lưu ý rằng vì Nga đang trong chế độ bầu cử, với cuộc bầu cử tổng thống có thể sẽ được lên kế hoạch vào năm 2024, trong đó Putin dự kiến sẽ ứng cử lại, nên “một đợt huy động mới khó có thể xảy ra, mặc dù cực kỳ cần thiết”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

3. Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Anh nói Ukraine 'giữ thế chủ động' và đang đạt được những tiến bộ trong cuộc phản công

Sĩ quan quân sự cao cấp nhất của Anh, Ngài Tony Radakin, nói rằng Ukraine “tiếp tục giữ thế chủ động, và đang đẩy lùi Nga” trong một đánh giá ngắn gọn về tình trạng giao tranh hiện tại được đưa ra tại hội chợ vũ khí DSEI ở Luân Đôn.

Bác bỏ những tuyên bố rằng cuộc phản công của Ukraine đang gặp khó khăn, ông nói “ở phía bắc họ đang cầm chân và cố định lực lượng Nga ở đó và ở phía nam họ đang đạt được tiến bộ từ 10 đến 20km tùy thuộc vào cách bạn đánh giá”.

Radakin, người có liên quan chặt chẽ đến việc cố vấn cho chỉ huy cao cấp nhất của Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, nói rằng tiến trình phản công chậm chạp của Ukraine không thể đo lường được bằng một thời gian biểu có thể dự đoán được.

“Ý tưởng cho rằng chiến tranh là gọn gàng và ngăn nắp, bạn có thể lên kế hoạch và dự đoán nó ở cấp độ thứ n là điều vô nghĩa”.

4. Ukraine giải phóng thị trấn quan trọng gần Bakhmut trong cột mốc phản công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Liberates Key Village Near Bakhmut in Counteroffensive Milestone”, nghĩa là “Ukraine giải phóng thị trấn quan trọng gần Bakhmut trong cột mốc phản công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đã chiếm được thị trấn Andriivka của Donetsk, Kyiv cho biết hôm thứ Năm, khi các chiến binh Ukraine tiếp tục nỗ lực phản công chủ yếu tập trung vào tiền tuyến phía nam.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các tay súng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát Andriivka, cách thành phố Bakhmut bị tàn phá khoảng 6 dặm về phía tây nam.

Cũng trong ngày thứ Năm, Nga cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi 8 cuộc tấn công từ các nhóm tấn công Ukraine xung quanh Andriivka và thị trấn Klishchiivka gần đó. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Mạc Tư Khoa để yêu cầu bình luận qua email.

Cuộc phản công khốc liệt của Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ tư, đã huy động một lượng đáng kể nguồn lực của Kyiv để xuyên thủng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga ở khu vực Zaporizhzhia bị sáp nhập. Đầu tháng này, Ukraine cho biết họ hiện nằm giữa tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai xung quanh thị trấn Robotyne, phía nam thành phố Orikhiv do Ukraine nắm giữ.

Nhưng Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh ở khu vực phía đông Donetsk, và các báo cáo cũng như phân tích xung quanh Andriivka đã vẽ nên một bức tranh sơ khởi về cuộc giao tranh ở thị trấn này trong vài ngày qua. Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết các blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga đã đưa ra “các báo cáo trái ngược nhau” về Andriivka.

Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết quân đội Ukraine đã giành lại 2 km vuông lãnh thổ xung quanh Bakhmut vào tuần trước.

Trong một tuyên bố từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Năm, Ukraine cho biết lực lượng của họ đã “thành công một phần” xung quanh Andriivka, thị trấn Klishchiivka và thành phố đang tranh chấp Bakhmut gần đó, và cho rằng Nga đang phải chịu “tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị”.

Maliar cho biết các lực lượng Ukraine “đang tiến về phía trước” xung quanh Bakhmut và nói thêm rằng “ở sườn phía bắc, đối phương đang cố gắng chiếm lại các vị trí đã mất”.

Lực lượng Nga đã phản công xung quanh Bakhmut, “nhưng không đạt được bất kỳ lợi ích nào”, ISW cho biết hôm thứ Tư.

Ukraine cũng tiếp tục các hoạt động ở miền nam đất nước, nơi họ hy vọng sẽ chiếm lại lãnh thổ tới tận thành phố Melitopol do Nga kiểm soát và cuối cùng là tới Biển Azov.

“Ở phía nam, chúng tôi đang đạt được tiến bộ tốt,” Maliar cho biết hôm thứ Năm. Nga cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi ba cuộc tấn công của Ukraine xung quanh làng Verbove của Zaporizhzhia, gần thị trấn Robotyne mới được tái chiếm.

Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lực lượng Nga đang “duy trì phòng thủ tích cực trên các mặt trận cần thiết và thiết yếu”.

Theo Reuters, ông nói thêm: “Ở một số nơi thì khó hơn, ở những nơi khác thì đơn giản hơn”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trước đây việc thông báo các tin tức chiến sự được giao cho phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đảm trách. Trong những ngày qua, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra các thông tin.

5. Hoa Kỳ cho rằng Nga có thể phải chịu 'tác động vang dội lại' sau cuộc tấn công tại nhà máy đóng tàu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia May Suffer 'Reverberating Impacts' After Shipyard Strike: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Nga có thể phải chịu 'tác động vang dội lại' sau cuộc tấn công tại nhà máy đóng tàu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine vào Hạm đội Hắc Hải của Nga có thể có “tác động vang dội lại” đến quân đội Mạc Tư Khoa.

Lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Tư thông báo rằng họ đã thực hiện thành công một cuộc không kích trong đêm nhằm vào các tàu hải quân Nga đang neo đậu tại cảng Sevastopol của Crimea. Theo phát ngôn nhân tình báo quân sự Kyiv Andriy Yusov, người đã nói chuyện với các hãng tin Ukraine, cơ sở sửa chữa tàu của Nga, S. Ordzhonikidze, cũng như một tàu đổ bộ và tàu ngầm, đã bị tấn công trong cuộc tấn công.

Những bức ảnh về cuộc tấn công được lan truyền trên các kênh Telegram của Nga hôm thứ Tư, cho thấy một bên tàu đổ bộ của Mạc Tư Khoa bị hư hại trong cuộc tấn công. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đánh chặn 7 trong số 10 hỏa tiễn hành trình Ukraine được phóng tới cảng, nhưng thừa nhận như trên rằng hai tàu đang được sửa chữa đã bị bắn trúng.

ISW viết trong đánh giá mới nhất về việc Nga xâm lược Ukraine: “Việc hai tàu bị phá hủy hoàn toàn rõ ràng có thể sẽ khiến ụ tầu không thể hoạt động cho đến khi lực lượng Nga có thể dọn sạch các mảnh vỡ, việc này có thể mất một khoảng thời gian đáng kể”.

“Mức độ thiệt hại đối với các cơ sở sửa chữa của Sevmorzavod ngoài ụ tàu là không rõ ràng, và bất kỳ thiệt hại nào đối với một trong những cơ sở sửa chữa chính của Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea có thể sẽ có tác động vang dội trong trường hợp Ukraine tiếp tục tấn công tài sản hải quân Nga” tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ nói thêm.

Nga đã đóng cửa Cầu eo biển Kerch nối Bán đảo Crimea với phần còn lại của đất nước vào hôm thứ Tư để đáp trả vụ tấn công và các quan chức do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm cho biết vụ hỏa hoạn bùng phát tại nhà máy sửa chữa tàu S. Ordzhonikidze khiến ít nhất 24 người bị thương. Cây cầu chiến lược này trước đây đã bị Ukraine tấn công hai lần vào tháng 10 và tháng 7.

Thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andriy Ryzhenko nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng ông nghĩ cuộc tấn công của Ukraine là “một cuộc tấn công thực sự gây ấn tượng”, đồng thời nói thêm rằng quân đội Mạc Tư Khoa có thể “không mong đợi một cuộc tấn công mạnh mẽ như vậy” từ Kyiv.

Ryzhenko nói: “Điều đó thực sự khiến quân đội Nga mất tinh thần và cũng làm giảm khả năng chiến đấu của họ”.

ISW cho biết trong khi “những người theo chủ nghĩa siêu đế quốc” của Nga công khai phẫn nộ trước cuộc không kích, thì Điện Cẩm Linh phần lớn chọn cách không đề cập đến chủ đề này.

Không rõ loại vũ khí nào Kyiv đã sử dụng để tấn công Sevastopol, nhưng tổ chức cố vấn này đã báo cáo rằng nhà tuyên truyền nổi tiếng của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, đã kêu gọi Nga trả đũa các cơ sở của phương Tây được cho là sản xuất hỏa tiễn được Ukraine sử dụng trong vụ tấn công.

Tuy nhiên, ISW viết rằng “sự leo thang như vậy với phương Tây chỉ là lời nói khoa trương dành cho khán giả trong nước của Solovyov, nhưng không phản ánh bất kỳ quan điểm thực tế nào của Điện Cẩm Linh về vấn đề này”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email vào tối thứ Tư.

6. Tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh hô hào tấn công ngay lập tức 4 quốc gia NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Cheerleader Suggests Strikes on 4 NATO Countries”, nghĩa là “Cổ động viên của Putin đề nghị tấn công 4 nước NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mạc Tư Khoa nên tiến hành các cuộc tấn công vào 4 quốc gia NATO. Một trong những nhà tuyên truyền hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu mang tính kích động mới nhất của ông ta trên truyền hình nhà nước Nga.

Người dẫn chương trình trò chuyện Vladimir Solovyov nói rằng Nga nên nhắm vào Mỹ, Anh, Ba Lan và Đức vì sự hỗ trợ quân sự của họ cho Ukraine. Một đoạn video bình luận của ông, có phụ đề tiếng Anh, được chia sẻ trên X, trước đây là Twitter, bởi cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko.

Theo Điều 5 của hiệp ước liên minh, bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO đều được coi là tấn công vào tất cả các thành viên đó.

Solovyov cho biết trên sóng rằng bốn nước sẽ “quyên góp tất cả những gì có thể” cho Kyiv, bao gồm các hỏa tiễn tầm xa như ATACMS và Taurus. Ông nói thêm: “Nhiệm vụ chính của họ là gây thiệt hại tối đa cho Liên bang Nga”.

Chính phủ ở Washington, Luân Đôn, Warsaw và Berlin là những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Một số đã cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho quân đội Kyiv.

Anh đã gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Storm Shadow, được cho là đã sử dụng để làm hư hại một tàu đổ bộ và một tàu ngầm của Nga tại căn cứ hải quân Sevastopol ở Hắc Hải hôm thứ Tư.

Các hỏa tiễn này cũng được cho là đã được Kyiv sử dụng để tấn công các cây cầu nối Crimea với các khu vực sáp nhập khác của Ukraine và với đất liền Nga.

Nhưng Mỹ vẫn chưa cam kết sử dụng Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, hay ATACMS, mặc dù các báo cáo trong những ngày gần đây cho thấy Washington đang tiến tới một quyết định như thế.

Đức cũng đã chậm chân với hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không Taurus, loại hỏa tiễn này về cơ bản tương tự như hỏa tiễn của Anh và hỏa tiễn tương đương của Pháp, SCALP-EG.

Bộ trưởng Quốc phòng Berlin, Boris Pistorius, hồi đầu tuần đã đề xuất rằng quyết định của Mỹ cung cấp ATACMS sẽ không tự động kích hoạt một thỏa thuận về hỏa tiễn Taurus.

Các chuyên gia quân sự cho rằng mặc dù ATACMS và Taurus có khả năng hơi khác nhau nhưng lợi thế chính đối với Ukraine chỉ đơn giản là nước này có thể tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn vào lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Solovyov, một đồng minh lâu năm của Putin, nói: “Đúng, chúng ta có thể đáp trả bằng cách đánh Kyiv và Odesa. Nhưng chúng ta cần đáp trả bằng cách tấn công Berlin, Luân Đôn, Washington, New York.”

Ông nói thêm: “Chúng ta phải tấn công Ba Lan, căn cứ nơi tất cả những thứ này đến, chúng ta phải tấn công các nhà máy sản xuất ra nó. Không còn lựa chọn nào khác. Đây là một cuộc chiến tranh.”

Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine, là một trong những nước có tiếng nói lớn nhất ủng hộ Kyiv. Phần lớn viện trợ quân sự quyên góp cho Ukraine đến nước này thông qua Ba Lan.

7. Hàn Quốc bày tỏ 'quan ngại và lấy làm tiếc' về cuộc đàm phán hợp tác quân sự giữa ông Kim và ông Putin

Hàn Quốc đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và lấy làm tiếc” về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó dường như tập trung vào việc mở rộng hợp tác quân sự.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lâm Tú Tích (Lim Soo-suk) cho biết:

Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và lấy làm tiếc rằng bất chấp những cảnh báo liên tục từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên và Nga đã thảo luận về các vấn đề hợp tác quân sự, bao gồm cả việc phát triển vệ tinh, trong hội nghị thượng đỉnh của họ.

Bất kỳ sự hợp tác khoa học và công nghệ nào góp phần phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn, bao gồm cả các hệ thống vệ tinh liên quan đến công nghệ hỏa tiễn đạn đạo, đều đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng ông Kim có thể cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, quốc gia đã tiêu tốn một lượng lớn vũ khí và đạn dược trong hơn 18 tháng chiến tranh ở Ukraine. Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã phủ nhận những ý định như vậy.

Hôm thứ Tư, Putin đã đưa ra nhiều gợi ý rằng hợp tác quân sự đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng tiết lộ ít chi tiết. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tham dự cuộc hội đàm. Điện Cẩm Linh cho biết các cuộc thảo luận nhạy cảm giữa các nước láng giềng là vấn đề riêng tư.

Ông Lâm cho biết phái đoàn của ông Kim tại Nga bao gồm một số người bị hội đồng an ninh trừng phạt vì liên quan đến các hoạt động phát triển vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên, hãng tin AP đưa tin.

Phát ngôn nhân của chính phủ Hán Thành cho biết Mạc Tư Khoa nên nhận ra rằng sẽ có “những tác động rất tiêu cực” đến mối quan hệ của họ với Hán Thành nếu tiếp tục hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng.

8. Putin nhận lời mời của Kim Chính Ân tới thăm Triều Tiên với lòng 'biết ơn'

Ký giả LAURA HÜLSEMANN của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Putin ‘gratefully’ accepts Kim Jong Un’s invite to North Korea”, nghĩa là “Putin nhận lời mời của Kim Chính Ân tới thăm Triều Tiên với lòng 'biết ơn'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đây sẽ là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên kể từ năm 2000 của nhà lãnh đạo Nga nếu ông thực hiện chuyến đi này.

Sau khi nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân công du tới vùng viễn đông của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của ông Kim tới thăm Triều Tiên.

“Trong cuộc trò chuyện trực tiếp, Kim Chính Ân đã mời Putin đến thăm Triều Tiên. Putin đã vui vẻ chấp nhận lời mời này. Và sau đó mọi thỏa thuận sẽ diễn ra thông qua các kênh ngoại giao”, Thư ký báo chí Nga Dmitry Peskov cho biết, theo các phương tiện truyền thông Nga.

Nếu Putin thực hiện chuyến đi này, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Triều Tiên kể từ chuyến đi gặp ông Kim Chính Nhất vào năm 2000. Ông Peskov lưu ý rằng mặc dù ngày diễn ra chuyến thăm của ông Putin chưa được công bố nhưng việc chuẩn bị cho chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 10 đang được tiến hành.

Giống như ông Kim - người đã đi bằng tàu bọc thép tới Nga - ông Putin có thể sẽ tránh đi máy bay khi tới Bình Nhưỡng. CNN đưa tin, kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào năm 2022, lãnh đạo Điện Cẩm Linh sử dụng tàu hỏa để di chuyển vì sợ bị theo dõi và bắn hạ.

Hôm thứ Tư, Kim Chính Ân và Putin đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ năm 2019 để thảo luận về vũ khí và công nghệ vệ tinh. Nga - quốc gia bị ruồng bỏ trên toàn cầu kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine - đang săn lùng các hợp đồng mua đạn pháo

9. Liên Hiệp Âu Châu dỡ bỏ lệnh trừng phạt 3 tài phiệt Nga, Mạc Tư Khoa lại phản ứng

Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng các doanh nhân Nga bày tỏ quan điểm chống Nga ngõ hầu có thể thoát các biện pháp trừng phạt cá nhân của phương Tây đối với họ, đều là những kẻ phản bội sẵn sàng bán đứng đất nước của họ.

Diễn biến này xảy ra sau khi có thông cáo báo chí chính thức từ Liên Hiệp Âu Châu vào hôm thứ Năm cho biết, Liên Hiệp Âu Châu vừa loại bỏ ba lãnh đạo doanh nghiệp Nga khỏi danh sách trừng phạt mà họ đưa ra nhằm trừng phạt Mạc Tư Khoa vì cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với nhiều người khác đã được gia hạn. Khi được yêu cầu bình luận về diễn biến này, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên rằng khó có khả năng chính Âu Châu có thể giải thích tính logic của quá trình ra quyết định đằng sau các lệnh trừng phạt.

Ông ta nói: “Có những doanh nhân rơi vào quan điểm chống Nga vì cố gắng thoát khỏi lệnh trừng phạt chỉ vì 12 đồng bạc - họ là những kẻ phản bội.”

Cũng có những doanh nhân bảo vệ lợi ích của mình một cách có hệ thống và có phương pháp trước tòa - đây là quyền của bất kỳ doanh nhân nào và chúng tôi tôn trọng điều này.

12 đồng bạc là cụm từ được dùng ở Nga ý nói là chỉ vì tiền. Con số 12 không có ý nghĩa gì nhiều.

10. Bộ Quốc phòng Rumani cho biết hôm thứ Năm rằng Rumani, một thành viên của NATO, đã áp đặt các hạn chế bay bổ sung ở một số phần trong không phận của nước này dọc biên giới với Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng, diễn biến này xảy ra sau khi các thành phần của một máy bay không người lái có thể được xác định trên lãnh thổ Rumani vào hôm thứ Tư.

Ukraine cho biết cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Tư đã tấn công các cảng Reni và Izmail, nằm bên kia sông Danube đối diện với Rumani, làm hư hại các kho chứa ngũ cốc, bể chứa dầu và các tòa nhà hành chính.

Các cuộc tấn công, gia tăng kể từ giữa tháng 7 khi Mạc Tư Khoa từ bỏ thỏa thuận dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên thực tế của Nga đối với các cảng Hắc Hải của Ukraine, đã làm gia tăng rủi ro an ninh cho NATO, vốn là các thành viên có cam kết phòng thủ chung.

11. Lukashenko và Putin sẽ nói về 'các vấn đề khu vực' trong cuộc gặp vào thứ Sáu

Theo cơ quan báo chí của ông, Alexander Lukashenko đã rời Belarus vào hôm thứ Năm để có chuyến thăm chính thức Nga.

Các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra vào thứ Sáu và sẽ đề cập đến “chương trình nghị sự quốc tế và các vấn đề khu vực”, cũng như các vấn đề kinh tế như “nỗ lực chung trong việc thay thế nhập khẩu”, Kyiv Independent đưa tin.

Belarus là một trong số ít người bạn còn lại của Nga. Lukashenko đã cho phép Điện Cẩm Linh xâm lược Ukraine từ lãnh thổ của mình vào đầu cuộc chiến, điều này chứng kiến Mạc Tư Khoa thực hiện một nỗ lực thất bại trong việc chiếm Kyiv.

Mạc Tư Khoa cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia mà nước này vẫn giữ quyền kiểm soát và đã đồn trú hàng nghìn binh sĩ Nga ở đó.
 
Giáo phận yêu cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin xem xét việc hai linh mục đồng tế Thánh lễ với một người phụ nữ
VietCatholic Media
17:27 15/09/2023


1. Bệnh viện Nhi đồng Công Giáo ở Bethlehem mừng 70 năm thành lập

Bệnh viện Nhi đồng của Caritas ở Bethlehem đã mừng kỷ niệm 70 năm thành lập và hoạt động, với sự tài trợ hoàn toàn của Công Giáo Đức và Thụy Sĩ. Bệnh viện này tiếp tục là một dấu chỉ hy vọng và hòa bình trong một vùng có nhiều căng thẳng.

Trên đây là nhận định của nữ bác sĩ trưởng Hiyam Marzouqa, hôm 08 tháng Chín vừa qua, trong buổi lễ kỷ niệm tại thành phố Freiburg bên Đức.

Bệnh viện được thành lập năm 1953 và là nhà thương nhi đồng duy nhất ở miền Cisjordani của người Palestine, có 80 giường bệnh. Hiện nay có khoảng 250 nhân viên và số bệnh nhân ngày càng gia tăng. Năm ngoái, các bác sĩ tại đây săn sóc chữa trị cho 47.000 em bệnh nhân, trong đó có 4.000 bệnh nhân nội trú và 43.000 ngoại trú. Từ năm 2006, bác sĩ trưởng tại đây là bà Hiyam Marzouqa, người Palestine, đã học y khoa tại Đức.

Từ 60 năm nay, hiệp hội trợ giúp trẻ em Bethlehem hỗ trợ hoạt động của bệnh viện này và bà giám đốc điều hành Sybille Oetliker cho biết bệnh viện này cần tiếp tục phát triển: hiện có những kế hoạch thành lập một dịch vụ phẫu thuật ngoại trú.

Trong buổi lễ kỷ niệm hôm 08 tháng Chín vừa qua, Đức Cha Stephan Burger, Tổng giám mục Giáo phận Freiburg miền nam Đức, đề cao điều này là Bệnh viện nhi đồng Bethlehem rất quan trọng trong việc chăm sóc y tế cho các trẻ em bệnh nhân tại các vùng của người Palestine.

2. Giáo phận yêu cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin xem xét việc hai linh mục đồng tế Thánh lễ với một người phụ nữ

Một đoạn video lan truyền cho thấy hai linh mục cử hành Thánh lễ với một nữ giáo dân Thụy Sĩ tại bàn thờ đã dẫn đến việc Đức Giám Mục Joseph Bonnemain của Chur, Thụy Sĩ chính thức khiển trách các mục tử, nhưng sẽ không có thủ tục tố tụng theo giáo luật.

“Việc điều tra cẩn thận về vấn đề này đã cho thấy rằng không có vi phạm phụng vụ nghiêm trọng nào trong buổi lễ này, việc đánh giá việc này sẽ được dành cho Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican,” một tuyên bố chung ngày 8 tháng 9 có các bên ký kết bao gồm Đức Cha Bonnemain cho biết. “Vì vậy, không có thủ tục tố tụng hình sự nào được yêu cầu theo giáo luật.”

Tuyên bố cho biết thêm: “ Tuy nhiên, các quy định phụng vụ quan trọng có tính ràng buộc đối với toàn thể Giáo hội đã bị bỏ qua trong buổi lễ này”. “Do đó, giám mục không thể tránh khỏi việc đưa ra lời khiển trách chính thức đối với các mục tử có liên quan đến vấn đề này”.

Tuyên bố chung đến từ Giáo phận Chur, Giáo xứ Công Giáo St. Martin, và các giáo sĩ liên quan đến cuộc tranh cãi, và Monika Schmid.

Thánh lễ hồi tháng 8 năm 2022 tại Giáo phận Chur đánh dấu sự nghỉ hưu của Schmid, một quản trị viên giáo xứ lâu năm. Video về Thánh lễ cho thấy Schmid đồng tế Bí tích Thánh Thể với các linh mục.

Schmid đứng trước bàn thờ trong trang phục bình thường với hai linh mục bên cạnh. Cô dang rộng cánh tay của mình và cùng đọc những lời Truyền phép và một phiên bản được sửa đổi rất nhiều của Kinh nguyện Thánh Thể.

Tuyên bố chung lưu ý rằng lễ chia tay đã nhận được sự đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Sau tranh cãi về video, Schmid phủ nhận hành động của cô là cố gắng đồng tế Thánh lễ hoặc mang tính khiêu khích. Cô thừa nhận rằng với tư cách là một phụ nữ, cô không thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách hợp lệ như các linh mục Công Giáo được thụ phong.

Điều 907 của giáo luật của Giáo Hội Công Giáo cấm các phó tế Công Giáo và giáo dân Công Giáo dâng Kinh nguyện Thánh Thể và thực hiện các hành động chỉ “phù hợp với linh mục cử hành”.

Tuyên bố cho biết: “Vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, Đức Giám Mục Joseph Maria Bonnemain đã đưa ra cảnh báo thích hợp cho 5 người bị ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận chi tiết với mong muốn rằng những sai lầm này sẽ không lặp lại trong tương lai”.

Đồng thời, tuyên bố từ giáo phận cho biết Đức Cha Bonnemain “bày tỏ sự tin tưởng của mình đối với tất cả các linh mục có liên quan và cảm ơn họ vì công việc mục vụ tận tâm vì lợi ích của người dân”.

Sau đoạn video gây tranh cãi, Đức Cha Bonnemain đã cùng với các Giám mục Felix Gmür của Basel và Markus Büchel của Sankt Gallen viết một lá thư vào ngày 5 Tháng Giêng cho những người tích cực chăm sóc mục vụ trong giáo phận của họ.

Ba giám mục có giáo phận chủ yếu nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ cho biết, chỉ các linh mục được thụ phong mới có thể cử hành Thánh lễ, và phụng vụ không nên là “nơi thử nghiệm các dự án cá nhân”.

Các giám mục thừa nhận mong muốn của người dân tham gia phụng vụ nhưng cho biết phụng vụ Công Giáo có tính cách phổ quát, và điều này đặc biệt liên quan đến việc cử hành các bí tích. Các ngài đề cập đến Tông thư Desiderio Desideravi tháng 6 năm 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nó nhấn mạnh vào phẩm chất của phụng vụ, sự chú ý cẩn thận đến mọi khía cạnh của việc cử hành phụng vụ và việc tuân thủ mọi chữ đỏ.

“Chứng tá chung đòi hỏi những hình thức và quy tắc chung. Các giám mục chúng tôi thường xuyên nhận được những yêu cầu và những phản ứng lo lắng: Các tín hữu có quyền được hưởng các nghi lễ tôn giáo tôn trọng các quy tắc và hình thức của Giáo hội”, các vị nói.

Schmid, nhân viên mục vụ có Thánh lễ nghỉ hưu đã gây ra tranh cãi, đã chỉ trích lá thư của các giám mục khi nó được phát hành vào tháng Giêng. Theo quan điểm của bà, bà ủng hộ việc cử hành phụng vụ mà theo quan điểm của bà, “tiếp cận với mọi người trong cuộc sống hàng ngày, bằng ngôn ngữ của họ và trong sự hiểu biết của họ về bản thân họ”, cổng thông tin internet Công Giáo Thụy Sĩ Cath.ch đưa tin.


Source:Catholic News Agency

3. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine cử hành Phụng vụ Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã chủ trì Phụng vụ Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào hôm Chúa nhật, nơi ngài cầu nguyện cho hòa bình trong cuộc chiến Ukraine tại lăng mộ của vị giáo hoàng đầu tiên.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết vào ngày 10 tháng 9 rằng ngài muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha và những người Công Giáo trên khắp thế giới vì đã không bỏ rơi Ukraine và “vì thực tế là chúng tôi có thể nói với Rôma, Ukraine và thế giới từ ngôi mộ của Thánh Phêrô rằng Ukraine đứng vững! Ukraine đang chiến đấu! Ukraine đang cầu nguyện.”

“ Giữa nỗi đau và bóng tối của cuộc chiến vĩ đại, Chúa là Thiên Chúa ban cho chúng ta cảm giác vui mừng sâu sắc và ánh sáng đích thực không bao giờ tắt. Hôm nay, ở đây, với chúng ta, tập trung tại ngôi mộ của Thánh Tông Đồ Phêrô, Chúa là Thiên Chúa gửi sứ điệp của Ngài: 'Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người'“, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói trong bài giảng của mình.

Phụng vụ là một phần của Thượng Hội đồng Giám mục hàng năm của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, diễn ra tại Rôma từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 9.

Tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ gần hai giờ đồng hồ với 45 giám mục của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine tham gia Thượng Hội đồng.

Theo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, khoảng 2.500 người Ukraine đã tham dự phụng vụ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, cũng tham gia.

Đức Cha Shevchuk nói với những người Công Giáo Ukraine trong vương cung thánh đường: “Tôi nhìn các bạn và khóc vì Ukraine của các bạn đang khóc! Nhưng tôi biết rằng Chúa yêu thương chúng ta và một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ trở về nhà. Với sức mạnh của tình yêu quê hương, tình yêu đồng bào, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Phụng vụ kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat Kuntsevych, một tu sĩ và giám mục Công Giáo thế kỷ 17, gương mẫu đức tin của ngài đã truyền cảm hứng cho nhiều Kitô hữu Chính thống Đông phương quay trở lại hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Cha Shevchuk lưu ý rằng Thánh Josaphat là vị thánh người Ukraine duy nhất có thánh tích được lưu giữ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

“Hôm nay, Thánh Josaphat nói với chúng ta: Hỡi các con cái Ukraine, đừng bao giờ nghe theo tiếng nói của những người bảo các con hãy từ bỏ sự hiệp nhất này. Giáo Hội của chúng ta đã tồn tại trong mọi thời đại lịch sử. Giáo Hội chúng ta đã chống lại những người muốn loại bỏ nó bởi vì nó hiệp nhất với đại gia đình phổ quát, rộng lớn của Giáo Hội Công Giáo,” vị tổng giám mục nói.

Ngài nói: “Tương tự như vậy, Ukraine ngày nay sẽ không thể tồn tại trong cuộc chiến đó nếu không có sự giúp đỡ và hỗ trợ quốc tế rộng rãi ở mọi cấp độ”. “Tình liên đới giữa các Kitô hữu Công Giáo đại kết là điều kiện cần thiết cho sự bền vững và tồn tại của Giáo hội và nhân dân chúng ta - một điều kiện tiên quyết cho chiến thắng của Ukraine trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác mà nhân dân chúng ta đang tiến hành ngày nay”.

Thượng hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đang diễn ra tại Rôma chỉ một tháng trước cuộc họp của Thượng hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Latinh, thường được gọi là Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Cuộc họp mặt của người Ukraine tại Rôma đang được tổ chức tại Học viện Giáo hoàng Thánh Josaphat của Ukraine với chủ đề “Hỗ trợ mục vụ cho các nạn nhân chiến tranh”.

Đức Cha Shevchuk nói với các giám mục Ukraine cùng nhau cầu nguyện tại Đền Thờ Thánh Phêrô: “Các hiền huynh và tôi hiệp thông với người kế vị Thánh Tông đồ Phêrô trong thời đại của chúng ta không phải vì lý do chính trị hay ngoại giao… Chúng ta là con trai và con gái của Giáo hội hoàn vũ, vì chúng ta tin rằng chính trên tảng đá của Thánh Phêrô Tông đồ mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội của Người”.

“Và quyền bính Phêrô này tiếp tục sống, hành động và phục vụ qua những người kế vị, biểu lộ nguồn gốc thiêng liêng và trường tồn của Giáo hội là Thân Mình Chúa Kitô”.


Source:Catholic News Agency