Ngày 18-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Công ơn hơn công lao
Lm. Nguyễn Xuân Trường
14:51 18/09/2020
CÔNG ƠN HƠN CÔNG LAO

Phúc Âm kể chuyện ông chủ trả công thợ làm vườn nho khá lạ lùng. Lạ lùng vì chủ trả tiền công cho thợ làm một giờ cũng bằng thợ làm cả ngày. Đã thế, chủ còn trả tiền trước cho thợ đến làm sau, cứ như thể trêu tức anh đến làm sớm!

Áp dụng dụ ngôn, có người tếu táo chép miệng: Thế này mình cứ thong thả đi lễ lúc gần xong mới vào nhà thờ cũng được hưởng ơn như người sốt sáng đi lễ từ sớm! Thế này thì chả tội gì, mình cứ ăn chơi hưởng thụ, đến lúc gần đất xa trời mới sám hối ăn năn cũng sẽ được lên thiên đàng thẳng cẳng như người vất vả giữ đạo từ bé!!!

Tếu cho vui vậy chứ chẳng ai hiểu dụ ngôn theo cách tính toán bỏ ra ít mà thu được nhiều. Dụ ngôn không nhắm đến công lao mình mà muốn nói lên công ơn Chúa. Tin Mừng là ở chỗ: không phải công lao của con người làm ít làm nhiều, mà là lòng tốt của Chúa quyết định phần thưởng Nước Trời. Công ơn Chúa chứ không phải công lao mình làm nên ơn cứu độ. Chỉ nghĩ đến công lao mình dễ làm ta ghen ăn tức ở với người khác, nhưng khi nghĩ đến công ơn Chúa sẽ làm ta mừng vui với người.

Trong xã hội người ta cư xử dựa trên công lao để đòi công bằng, còn Chúa thì cư xử dựa trên tình thương ban ơn phúc. Thiên Chúa cư xử với con người không dựa trên liên hệ chủ-thợ, mà dựa trên tình cha-con trong nhà. Chỉ có trong tình gia đình cha mẹ con cái, người ta mới có thể trả tiền không theo giờ công làm việc, mà theo tình nghĩa công ơn. Nước Trời là như vậy. Nước Trời là nước Thiên Chúa cư xử với chúng ta theo tình thương chứ không theo sự công bằng sòng phẳng.

Xin cho chúng ta mỗi ngày cảm nhận được công ơn Chúa, công ơn cha mẹ, công ơn bao người thương yêu ta, để đời ta dạt dào niềm vui hạnh phúc. Amen.
 
Chúa yêu chỉ vì Chúa muốn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:37 18/09/2020

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A
CHÚA YÊU CHỈ VÌ CHÚA MUỐN

Dạo trung tuần tháng 1.2015, tại buổi tiếp kiến dân Philippines trong chuyến tông du đến nước này, một em bé hỏi Đức Thánh Cha Đức Phanxicô: Tại sao Chúa lại để xảy ra sự dữ? Tại sao ít có người giúp đỡ người tốt?

Điều đáng nói ở đây là lời hỏi được cất lên trong nước mắt của một con người, lẽ ra chỉ biết hồn nhiên, thơ ngây, an bình trong lứa tuổi ấu thơ của mình.

Câu hỏi, vì thế trở nên đắng lòng, trở nên chất vấn hay nặng hơn, mạnh mẽ tố cáo thế giới người lớn và những ai nắm giữ hay đang xây dựng cho mình quyền lực thống trị người khác (trong vai trò lãnh đạo hay chức vụ nào đó).

Tại sao có quá nhiều người khổ đau do bất công gây nên ở kỷ nguyên đầy thuận lợi và tiện ích cho con người?

Bất công xuất phát từ chính lòng tham lam, ích kỷ, yêu bản thân cách vô lối và vô cảm mặc kệ sự sống của người khác ra sao thì ra.

Bất công còn do chủ nghĩa hưởng thụ, óc thực dụng và lối sống vô đạo đức, bất chấp tư cách của mình mà kẻ nắm quyền hành trong tay thể hiện.

Cứ như thế, xã hội bị những kiểu sống ấy khuynh đảo, làm xói mòn những giá trị nhân văn trong mối tương quan giữa người với người.

Từ tất cả những kiểu sống ấy, hình thành thói vô cảm ngày càng nặng, càng lan rộng, khiến trái tim con người chai cứng, thời gian phục vụ thành thời gian thủ lợi, tranh thủ vơ vét, để làm giàu, để củng cố quyền lực cách bất chính.

Bằng dụ ngôn những người được mướn làm vườn nho, Chúa phơi bày tội ác của một nhóm người. Đó là kẻ tìm thu vén và trục lợi cho bản thân.

Được chủ mướn làm vườn nho, thay vì xem đây là cơ hội phục vụ, họ cho mình có đặc quyền hưởng lương bổng theo ý, chứ không theo thoả thuận.

Thoả thuận ban đầu chỉ là điều kiện để hình thành nhóm. Một khi nhóm vững chãi, họ thao túng, đề cao mình, nhân danh mình.

Không chấp nhận chủ trả lương cho người đến sau bằng mình, họ đang giành giật cho lợi ích của nhóm, của bản thân. Thái độ ganh ghét, muốn phì da, vinh thân cướp mất cơ hội để họ quan tâm và chia sẻ lợi ích cho tha nhân.

Kẻ chỉ nghĩ đến mình, ham hố mọi thứ cho mình sẽ tự giết khả năng tương giao với tha nhân, trái tim chỉ là băng giá, suy nghĩ chỉ là hạt sạn. Họ trở nên nguy cơ tai hại vô cùng cho tha nhân, cho cuộc sống chung của đồng loại...

Giữa tất cả những bất công, những nhiễu nhương đang càng lúc càng tàn phá mạnh đạo đức xã hội loài người, người Kitô hữu lại được Chúa mời gọi cộng tác cùng Người trao tặng tình yêu, con tim, khối óc nhằm thăng tiến xã hội, phát triển tư cách và đạo đức bản thân, xây dựng sự hiệp nhất, tình bác ái, lòng vị tha và ra sức chinh phục vũ trụ theo sự phát triển và lợi ích của đồng loại...

Chúa không cần chúng ta ngồi nhìn trời để ca ngợi Chúa. Chúa cần chúng ta ca ngợi Chúa bằng ra sức hiến dâng nhiệt huyết, tình yêu của bản thân để ngày càng giống Chúa hơn, xứng đáng hơn trong địa vị làm con Chúa.

Nếu vườn nho là hình ảnh Hội Thánh, nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục mời gọi ta ở lại trong Hội Thánh không phải vì Chúa mà chỉ vì yêu thương chúng ta. Chính trong Hội Thánh, ta là cánh tay của Chúa để xây dựng Hội Thánh, xây dựng trần thế, biết làm việc nghĩa, nâng cao đời sống mình và đời sống tha nhân.

Dù được tuyển chọn vào Hội Thánh, ta không có quyền đòi Chúa phải cho mình nhiều hơn những người khác. Ngược lại, ta hãy phục vụ hết mình, hãy sống vì danh Chúa đến cùng, và làm cho cuộc đời tràn ngập yêu thương.

Hãy nhớ, Chúa nhân từ nhưng cũng rất công bằng. Trả công là quyền của Chúa. Chúa không làm ai thiệt thòi, không làm ai thất vọng. Chúa sẽ ban phần thưởng xứng đáng cho mọi tôi tớ trung thành.

Ông chủ trong dụ ngôn làm đúng thoả thuận. Giá mà người làm công từ sớm cứ vui nhận phần mình, chắc chắn họ sẽ được chủ thương. Ông ghi nhận lòng tốt của họ. Ông nể phục người biết yêu thương người khác.

Đâu phải cứ sòng phẳng mới là tình yêu. Đâu phải người kia nhận đúng mức của họ thì tôi phải nhận đúng theo công sức của tôi mới là công bằng.

Sự tồn tại trong lòng ông chủ hình bóng của người được ông hết mực yêu thương, hết mực nể phục, hết mực lưu tâm mới là điều quý giá...

Biết bao nhiêu lần, tôi tặng quà cho A bằng B. Nhưng trong lòng tôi, giá trị của A lớn hơn nhiều, đáng quý hơn nhiều. A nhận quà bằng B. Nhưng chắc gì B nhận tình cảm của tôi bằng tình cảm tôi dành cho A.

Chúa yêu tôi vì tôi luôn yêu Chúa, cố gắng trung thành với Chúa, chứ đâu phải nhờ bổn phận mà tôi thể hiện...!!

Bổn phận ấy, dù hoàn hảo đến đâu, đáng gì mà đòi hỏi tình yêu của Chúa!!

Chúa yêu tôi chỉ vì Chúa muốn. Thế thôi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ mệnh của một ký giả Kitô hữu: là người mang hy vọng
Thanh Quảng sdb
19:27 18/09/2020
Sứ mệnh của một ký giả Kitô hữu: 'là người mang hy vọng'

Thứ Sáu vừa qua 18/9/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến đại diện các ký giả của tờ “Tertio”, một tờ tuần báo Công Giáo Bỉ tại điện Vatican, ĐTC nói với họ hãy là những ký giả Kitô hữu mang niềm hy vọng.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Giữa bao hỗn loạn của thế giới quanh chúng ta, người ký giả Kitô giáo được mời gọi trở thành một nhân chứng cho sự thật, trở thành một người mang hy vọng và niềm tin cho tương lai.

Đây là thông điệp trọng tâm của bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô cho khoảng 30 ký giả, đại diện cho tờ "Tertio", một tuần báo của Bỉ, chuyên phân tích các sự kiện hiện tại và diễn giải chúng theo quan điểm của một tín hữu, cụ thể hơn là quan điểm Kitô giáo. Tạp chí được khởi xướng vào năm 2000, mang tên Tông thư “Bước qua ngưỡng của ngàn năm thứ ba” (Tertio Millennio Adveniente), được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vào năm 1994, để chuẩn bị cho năm Thánh 2000.

Nuôi dưỡng văn hóa gặp gỡ

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại vị tiền nhiệm của mình, đã nói với những người làm truyền thông, họ “được kêu gọi để giải thích dấu chỉ thời đại và xác định những cách thức truyền đạt Tin Mừng theo ngôn ngữ và khả năng cảm thụ của con người đương thời”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tên của tờ tạp chí không chỉ là lời mời gọi của niềm hy vọng, mà còn là tiếng nói của giới trí thức Kitô giáo được loan báo cho thế giới tục hóa, nhằm làm phong phú hóa xã hội bằng những suy tư xây dựng. ĐTC nói, bằng cách tìm kiếm một tầm nhìn tích cực về con người và sự thật, và bằng cách bác bỏ những định kiến, các ký giả Kitô giáo vun trồng một nền văn hóa gặp gỡ, qua đó con người có thể gặp nhau bằng ánh mắt tin yêu...

Dèm pha chỉ trích

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên những đóng góp đáng chú ý của các phương tiện truyền thông Kitô giáo, làm phát triển một lối sống mới trong các cộng đồng Kitô giáo, không dèm pha chỉ trích, nói hành nói tỏi nhau! Về vấn đề này, ĐTC đã lên án những lời đồn thổi hoặc nguỵ biện, chúng phá vỡ tình yêu thương trong cộng đoàn và chia rẽ sự hiệp nhất trong Giáo hội. ĐTC nói, ma quỷ, “kẻ lừa đảo vĩ đại”, luôn nói xấu người khác, bởi vì hắn là kẻ phỉnh lừa luôn cố gắng gây chia rẽ, phá vỡ sự hiệp nhất trong Giáo hội.

Tất cả được đan kết thành một tấm vải sống

ĐTC nhắc cho các đại diện của tờ "Tertio" về "lương tâm nghề nghiệp chuyên chính" của một Nhà báo Kitô giáo, họ được mời gọi làm nhân chứng mới trong một thế giới truyền thông, không hề che giấu sự thật hoặc lèo lái thông tin sai lệch đi. Giữa một thế giới hỗn loạn bao quanh chúng ta, một sự thật tối cần thiết là làm nổi bật lên tâm hồn và vẻ đẹp đang tiềm ẩn trong chúng ta.

Với tư cách là những ký giả của các "bài tường thuật", các ký giả Kitô giáo được kêu gọi nhìn thế giới và các sự kiện đang xảy ra với một ánh nhìn nhân từ dịu hiền, rằng tất cả chúng ta là một phần tử trong một cấu trúc sống động, trong đó tất cả chúng ta đều liên đới với nhau.

Hy vọng vào tương lai

Do đó, người ký giả Kitô giáo phải là người mang hy vọng và niềm tin vào tương lai, cho hiện tại được sinh động. Điều này thật là cần thiết trong cơn đại dịch hiện nay, các ký giả Kitô giáo được kêu gọi trở thành những người “gieo hy vọng vào một ngày mai tươi đẹp hơn”. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha nói, các phương tiện truyền thông giúp đảm bảo rằng mọi người không một ai cô đơn cả, tất cả đều có thể nhận được những lời an ủi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Giỗ lần thứ 18 của Dấng đáng kính F.X. Nguyễn Văn Thuận tại Roma
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:15 18/09/2020
Lúc 9.30 ngày 18 tháng 9 năm 2020, Lễ Giỗ Đ.H.Y Nguyễn Văn Thuận được tổ chức tại nhà thờ Đức Mẹ Trastevere thay vì tại nhà thờ hiệu tòa Đức Mẹ Cầu Thang. Việc tổ chức do Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, Caritas Quốc tế và Cộng đoàn Linh mục Tu sĩ Giáo dân tại Roma. Thánh lễ được chủ trì do ĐHY Kevin Farrel, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia định và Đời sống, giảng Lời Chúa do ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, đồng tế có ĐHY Ennio Antonelli cùng 40 linh mục, 200 nhân viên các Bộ, Tu sĩ và Giáo dân tham dự. Ca đoàn gồm 20 nữ tu Việt Nam phụ trách. Tất cả đều mang khẩu trang và giữ quãng cách 1 mét. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Ý. Phúc âm được công bố bằng tiếng Ý và tiếng Việt.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa, ĐHY Turkson nhắc đến mục đích của thủ tục phong Chân phước và Hiển thánh là tuyên xưng vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các vị Tôi tớ Chúa trong thủ tục phong Chân phước và Hiển thánh là những người đã tuyên xưng trong cuộc đời của họ về niềm tin vào Đức Kitô đã chịu chết và đã phục sinh. Trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô, ngài nhắc đến việc Đức Ki-tô đã thực sự từ cõi chết trỗi dậy vì “nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”. Chúa Kitô đã chết cho mọi người và đem lại sự sống lại cho mọi người. Chúa Giêsu đã với các môn đệ: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Giáo hội cử hành thánh lễ để tưởng niệm Chúa đã chết và sống lại.

ĐHY nhắc đến hai biến cố quan trọng trong Kinh Thánh: sáng tạo và cứu chuộc. Thân xác con người là bụi tro nên phải trở về tro bụi. Tuy nhiên, linh hồn của người là hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn không bị hủy diệt, mong chờ hường vinh quang với Thiên Chúa. Sự sống lại của Chúa Kitô thay đổi số phận con người và đem lại cho con người niềm hy vọng được sống lại. Trọng tâm của thánh lễ là loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến. Các tín hữu hiệp nhất với Chúa Kiô trong sự chết thì cũng trông mong sự sống lại với Người. Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha Paul Vũ, đại diện cộng đoàn Việt Nam tại Roma cám ơn các Đức Hồng Y, các Linh mục, các Tu sĩ và tất cả Giáo dân đã tham dự lễ giỗ lần thứ 18 của ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Sau phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng đọc kinh xin ơn với Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nhiều người ở lại uống nước và ăn bánh tại Palazzo San Calisto để chia sẻ tình liên đới huynh đệ với nhau qua ĐHY Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân của hy vọng.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh truyền tin
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
17:29 18/09/2020
Hằng ngày xưa nay nơi các nhà Dòng, Tu viện, nơi các họ đạo có tập tục đạo đức đọc kinh truyền tin vào lúc 12.00 giờ trưa, và vào buổi chiều lúc 18.00 hay 19.00 giờ.

Vào lúc 12.00 giờ trưa ngày Chúa nhật hằng tuần Đức Giáo Hoàng từ cửa sổ phòng làm việc bên Vatican đọc kinh truyền tin với toàn thể khách hành hương tụ tập nơi quảng trường đền thờ Thánh Phero.

Nhiều xứ đạo, Hội đoàn và tư gia trước khi đọc kinh cầu nguyện chung cũng bắt đầu bằng Kinh Truyền tin

Vậy đâu là ý nghĩa đạo đức thần học cùng lịch sử truyền thống kinh truyền tin?

Theo truyền thuyết thuật lại ngay từ thế kỷ thứ nhất sau khi Chúa Giêsu trở về trời, các tin hữu Chúa đầu tiên đã cầu nguyện nhiều lần trong một ngày. Rồi các Tu sĩ Dòng cũng có tập tục đọc kinh cầu nguyện. Những tập tục đạo đức này mở đường dẫn đến tập tục đọc Kinh truyền tin.

Năm 1274 Thánh Bonaventura, dòng Phanxicô, đã cùng với các Tu sĩ nhà Dòng lập ra tập tục đọc Kinh truyền tin vào buổi chiều với ba kinh Kính mừng Maria, đang khi kéo chuông báo tin vui.

Đức Giáo Hoàng Gioan 22. năm 1318 đã truyền khi đọc kinh truyền tin chào kính mừng Đức Mẹ, mẹ Thiên Chúa, phải qùi gối lúc đọc kinh Kính mừng Maria cùng đổ những hồi chuông.

Thời Đức Giáo Hoàng Calixtus năm 1456 đã truyền đọc Kinh truyền tin hằng ngày vào buổi trưa với ba lời Kinh Kính Mừng cùng Kinh Lạy Cha, để cầu xin Thiên Chúa gìn giữ che chở cho đạo Kitô giáo thời lúc đó đang trong hoàn cảnh bị hoàng đế Mohamed II. đe dọa xâm chiếm tiêu diệt.

Năm 1545 Thánh Ignatius, Dòng Tên Chúa Giêsu, đã thành lập tập tục cầu nguyện đọc kinh Kính mừng ba lần có đổ chuông ba lần trong ngày sáng, trưa và chiều tối.

Năm 1571 Đức Giáo Hoàng Pius V. đã quyết định công thức Kinh truyền tin như hiện đang có hiện nay trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Ngày 22.10.1978 Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II. lần đầu tiên đã cầu nguyện đọc Kinh Truyền tin công khai với giáo dân ở quảng trường đền thờ Thánh Phero.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. và đức đương kim giáo hoàng Phanxicô tiếp tục truyền thống này vào các ngày Chúa nhật cùng lễ trọng trong Giáo hội.

Kinh Truyền tin diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa từ trời cao xuống trần gian làm người.

Kinh Truyền tin chứa đựng nội dung chính những lời Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel hiện đến báo tin nói chuyện với Đức Mẹ Maria, như Thánh sử Luca viết thuật lại ( Lc 1, 26-38), và cao điểm lời kinh „ chốc ấy Ngôi thứ hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta.“ như Thánh sử Gioan viết trong phúc âm.( Ga 1,4).

Ba lần trong ngày Giáo hội Chúa cầu nguyện đọc kinh truyền tin muốn tuyên xưng nói lên ý nghĩa về căn bản đức tin Công Giáo:

Kinh truyền tin với những hồi chuông vào buổi sáng lúc 06.00 hay 07.00 giờ nhắc nhớ đến sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô mang ơn cứu chuộc cho trần gian.

Kinh truyền tin lúc 12.00 giờ trưa với những hồi chuông đổ nhắc nhớ đến sự thương khó đau khổ của Chúa Giêsu Kitô đã gánh chịu vì tội lỗi con người.

Kinh truyền tin vào buổi chiều tối với những hồi chuông để nhắc nhớ đến biến cố Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria bởi quyền năng Đức Chúa Thánh Thần.

Từ thế kỷ 17. kinh truyền tin đọc lúc buổi chiều tối, còn có thêm ý chỉ tưởng nhớ cầu cho những người đã qua đời.

Kinh truyền tin kết thúc bằng lời khẩn cầu tràn đầy lòng tin tưởng:

„ Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.“

Con người ngày hôm nay sống trong xã hội văn minh tiến bộ với những thành qủa phát minh mới đầy ngạc nhiên về khoa học kỹ thuật trong các phương diện, mang lại những tiện nghi cho đời sống. Nhưng dẫu vậy con người cũng luôn luôn chạm tới biên giới của khả năng, cảm thấy sự bất lực không vượt qua được sự hạn hẹp của mình.

Là con người có lòng tin tưởng vào quyền năng thiêng liêng cao cả trong thâm tâm sâu thẳm nhận ra mình vẫn luôn hằng lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và gìn giữ che chờ đời sống mình.

Với lòng cậy trông trong mọi hoàn cảnh con đường đời sống họ dâng lên Thiên Chúa tình yêu qua lời cầu nguyện những lo âu buồn phiền của mình, cùng cả những khó khăn của nhân loại.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục 6
Vũ Văn An
17:11 18/09/2020

2.4 Thương Xót và Công Lý

“Thương xót và trung thành sẽ gặp nhau; chính trực và hòa bình sẽ hôn nhau” (Tv 85:11). Nếu kết hợp hai nửa của câu thánh vịnh này lại với nhau, thì hạn từ đặt song song với thương xót chính là công lý. Như một nhân đức, thương xót không xa lạ gì với công lý. Như Đức Hồng Y Kasper nói rất đúng, theo chiều hướng này, ta không thể dành chỗ cho một lòng thương xót bất chính, vì như thế sẽ làm cho mạc khải của Thiên Chúa ra sai lạc. Việc này sẽ diễn ra khi một sự thiện liên hệ tới nhân phẩm bị hư hại (29).

Trong trường hợp này, công lý mà ta đang nói tới không phải là một thỏa thuận giữa những con người nhân bản, mà đúng hơn là việc kết hợp với Thiên Chúa. Chúng ta đang bàn tới một điều lớn hơn trật tự chỉ có tính phàm nhân, và do đó không được hiểu nó ở đây như thứ công lý pháp chế. Điều cần là phải phân tích nền tảng của nó. Về diểm này, trong bài diễn văn của ngài, Đức Hồng Y Kasper đã theo điều trước đó, ngài đã trình bầy trong Lòng Thương Sót, trong đó, ngài hãnh diện trích dẫn Thánh Tôma Aquinô làm nguồn của ngài. Do đó, ta hãy dựa vào Thánh Tiến Sĩ làm người hướng dẫn việc khảo sát vắn vỏi của ta.

Để giải thích đoạn này, Thánh Tôma đặc biệt trích dẫn Thánh Vịnh 85 là Thánh Vịnh, theo Bản Phổ Thông, đã nói như sau: “misericordia et veritas obviaverunt sibi” (thương xót và sự thật đã gặp nhau) (30). Đây là lý do tại sao, trong cách ngài sắp xếp câu hỏi của ngài, thánh nhân đã đưa sự thật vào làm gạch nối giữa thương xót và công lý (31), để nhấn mạnh rằng người ta không bao giờ có thể hành động chống lại công lý, nhưng họ có thể hành động vượt qua nó, và đây chính là không gian được lòng Chúa thương xót mở ra. Do đó, một hành vi bất chính không bao giờ có tính thương xót cả. Điều làm cho lòng thương xót khác với sự cảm thương (compassion) đơn thuần là sự kiện này: mục đích của thương xót là “diệt trừ sự thống khổ của người khác” (32); nói cách khác, thương xót có tính tích cực chống lại sự ác mà một người khác đang phải chịu. Nếu một người nào đó chịu một sự ác nào nhưng không thoát ra được mà ta tới an ủi một cách lầm lẫn rằng đây chỉ là một sự ác ít xấu hơn thì quả không phải là thương xót.

Đức Hồng Y Kasper không ngừng nhấn mạnh tới tính trổi vượt rõ ràng của lòng thương xót, do Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần đề xuất, coi nó như đối nghịch với công lý hiểu như phẩm tính của Thiên Chúa, ngược với truyền thống công lý mà thôi, như chủ trương của các môn đệ Thánh Anselm (33). Tuy nhiên, ngài bất cập khi khai triển lý do nền tảng của việc này, nghĩa là, trật tự bên trong của hành động, vốn phát sinh từ tình yêu. Đây là lý do tại sao, câu quả quyết mạnh mẽ nhất về thương xót của thánh nhân “Công trình công lý của Thiên Chúa luôn giả thiết công trình thương xót của Người và luôn được xây dựng trên đó” (34) không là gì cả nếu không phải là song hành với câu sau đây: “Cho nên, điều hiển nhiên là mọi tác nhân, bất kể là ai, đều làm mọi hành động vì tình yêu loại nào đó” (35). Trong các trước tác của Thánh Tôma, thay vì một nền siêu hình về lòng thương xót, điều ta tìm thấy nơi các trước tác của Thánh Tôma Aquinô là một nền siêu hình cao về tình yêu (36), như đã được chính lời lẽ của ngài chứng tỏ rõ ràng: “Thiên Chúa thương hại chúng ta (nghĩa là tỏ lòng thương xót chúng ta) qua tình yêu mà thôi vì Người yêu ta như những kẻ thuộc vế Người” (37). Ta nên hiểu lòng thương xót như là “gốc rễ của tình yêu nơi Thiên Chúa” (38) vì nó tự biểu lộ một cách như hệ ở một nguyên lý xúc cảm; nói cách khác, nó là sự kết hợp yêu thương giữa tình yêu và người được yêu, đây là nguyên lý của mọi hành động (39). Quả thế, trong bất cứ hành động nào của con người, lòng thương xót như một nhân đức cũng được đức ái điều khiển (40); chính đức ái ban cho nó cái nhìn đúng đắn; trên hết, nó hành động một cách luôn hướng về việc kết hợp với Thiên Chúa, hay nói cách khác, về việc sống thực giao ước với Người.

Việc nhắc đến năng động tính của tình yêu làm nền tảng cho lòng thương xót này không hề là điều tình cờ, nhưng đúng hơn nó dẫn chúng ta vào năng động tính gồm hai đối tượng sau đây: người được yêu và sự thiện được thông truyền cho họ, cả hai đều được bao gồm trong sự thật của hành vi yêu thương (41). Năng động tính này hết sức chủ yếu đối với việc hiểu làm thế nào lòng thương xót được thông truyền cho người có tội. Người có tội được yêu thương nhưng sự thiện mà người yêu có ý định thông truyền nhằm mục đích quay đầu khỏi tội lỗi, làm sao để người tội lỗi không ở trong tội nữa, vì đó là một điều xấu cho họ. Bởi thế, lòng thương xót của Thiên Chúa trực tiếp tái hợp với công lý, và do đó, không liên hệ gì tới bất cứ thứ khoan dung nào đối với tội lỗi; đúng hơn, đây là việc tìm kiếm sự hồi tâm nơi người có tội, một việc cần có thời gian.

Do đó, sự thật về dây hôn phối bất khả tiêu, mà trên đây chúng ta đã thảo luận như là một mặc khải cụ thể, có tính lịch sử của tình yêu dứt khoát nơi Thiên Chúa, rất thích hợp với ý tưởng công lý này, như là một sự thiện cần phải duy trì một cách độc đáo trong Tân Ước. Bởi thế, lòng thương xót đối với một con người từng bất trung đối với cuộc kết hợp này không hệ ở việc tuyên bố rằng giao ước không còn nữa, hay nó đã bị hủy bỏ vô phương cứu chữa (42), nhưng đúng hơn, hệ ở việc quả quyết rằng có một “nền công lý lớn lao hơn”, một nền công lý chỉ khả hữu nhờ hồng phúc của Thiên Chúa phát sinh từ việc tha thứ của Người. Bất kể tất cả các điều này, chỉ có thể hiểu bất cứ hành vi tha thứ hay thương xót nào với ý định sẽ tái lập công lý đã mất bằng ơn hoà giải.

Thành thử, điều chính xác là quả quyết rằng “lòng thương xót là nguyên tắc của khoa chú giải để giải thích sự thật” (43). Do đó, đây có ý nói về “sự chính trực cao hơn” (44) với 2 nghĩa: nó “lớn hơn” vì nó có khả năng tái sinh công lý đã bị vi phạm nhờ một ơn tha thứ nhưng không, một điều mà một mình công lý không thể làm được; đàng khác, nó bảo vệ công lý để việc vi phạm công lý không bị coi là dấu chỉ hiển nhiên của việc thiếu thương xót. Yêu cầu công lý tìm ngoại lệ cho công lý là bước theo con đường lầm lạc. Tha thứ không phải là một hành vi bất công, nhưng đúng hơn nó vượt quá công lý theo nghĩa đây không phải là quyền được hưởng (due), và điều này càng đúng hơn trong trường hợp Thiên Chúa. Ý muốn tha thứ chân chính là trở về với công lý, sửa chữa những điều bất công đã vi phạm. Điều này phải có thì lòng thương xót mới trọn vẹn; nó phục hồi công lý ở một trật tự cao hơn, nhưng không bao giờ chống lại công lý, như, bằng cách mưu toan biện minh cho sự bất trung.

Bởi thế, phải hiểu lòng Chúa thương xót như một điều rất khác với việc đơn thuần khoan dung sự ác, và không bao giờ như một việc chấp nhận tội lỗi cách mặc nhiên. Điều rõ ràng là Thiên Chúa có khoan dung sự ác, và nhất là tội lỗi, với ý định muốn có sự thiện lớn hơn; tuy nhiên, theo Tiến Sĩ Thiên Thần, việc này luôn diễn ra trong sự thật luân lý chuyên biệt, nói cách khác, trong trật tự công lý có thể được vượt qua nhưng vẫn hiện diện ở đấy (45). Do đó, trong trường hợp tội lỗi, Thiên Chúa khoan dung sự kiện nó bị vi phạm với ý hướng sẽ có sự ăn năn trong tương lai của người có tội, kẻ mà Người yêu thương. Lòng thương xót nẩy sinh từ tình yêu đối với một con người để chữa họ khỏi căn bệnh bất trung vốn làm họ khổ sở và ngăn cản họ sống trong giao ước với Thiên Chúa. Điều này rất khác với việc bằng lòng với sự bất trung mà không có sự biến đổi nội tâm nhờ ơn thánh, như thể Thiên Chúa che đậy tội lỗi ta chứ không hoán cải trái tim bằng cách tẩy rửa nó. Đây là một dị biệt tín lý quan trọng giữa quan niệm của Công Giáo và quan niệm của Phái Lutêrô về công chính hóa.

Thứ thương xót để chúng ta ở lại tình trạng tội lỗi đã không đạt được mục đích năng động của nó, một tính năng động luôn tìm sự hồi tâm và thanh tẩy cõi lòng để hối nhân tham dự vào địa vị con yêu dấu trong Chúa Con, hợp nhất với Chúa Cha trong hoà hợp. Nơi nào có lòng thương xót đích thực, nơi đó không có tội lỗi.

“Theo tín lý Công Giáo, không lòng thương xót nào, cả của Thiên Chúa lẫn của con người, lại bao hàm việc bằng lòng với sự ác hay khoan dung sự ác. Lòng thương xót luôn được nối kết với giây phút dẫn người ta từ sự ác qua sự thiện. Nơi nào có lòng thương xót, thì sự ác phải đầu hàng. Khi sự ác còn đó, thì sẽ không có lòng thương xót, nhưng chúng ta hãy nói thêm: nơi nào không có lòng thương xót, sự ác sẽ tiếp diễn. Thực thế, sự thiện không thề phát sinh từ sự ác” (46).

“Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85:12). Tín hữu Kitô nào lãnh nhận được ơn thương xót là thửa đất hứa hẹn sinh nhiều hoa trái nhờ biết đáp trả một cách trung thành và trở thành có khả năng hưởng được công lý của Thiên Chúa là được kết hợp với Người; nói cách khác, họ có khả năng sống theo kế hoạch của mình. Đây là sự thật về một đời sống được sinh ra và lớn lên, chứ không phải sự thật về một đối tượng đạt được. Năng động tính của một đời sống luôn luôn là một lời hứa được sự thiện lớn hơn; sự dồi dào của ơn phúc là thực tại thương xót vì “chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 85:13).

Kỳ tới: 2.5 Một Bí Tích của Giao Ước Mới Bất Khả Tiêu, tại Tâm Điểm của “Nhiệm Cục Thiên Chúa”

 
VietCatholic TV
Úc lo ngại kết quả bầu cử Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra tòa án và không có người chiến thắng được tuyên bố
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:06 18/09/2020


1. Kết quả bầu cử Hoa Kỳ 'sẽ phải đưa ra tòa án' và không có người chiến thắng được tuyên bố

Nhà bình luận chính trị Joe Hockey của Sky News, nhận định rằng cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 tại Hoa Kỳ sẽ khó có thể có kết quả một cách chóng vánh. Nếu thua cuộc đảng Dân Chủ sẽ không dễ dàng chấp nhận kết quả.

Cho đến nay, chỉ riêng tổ chức phá thai Planned Parenthood đã chi ra đến 45 triệu Mỹ Kim để ủng hộ cho liên danh Joe Biden và Kamala Harris. Số tiền này gấp 3 lần số tiền tổ chức này chi ra để ủng hộ bà Hilary Clinton. Và đó mới chỉ là đợt đầu. Toàn bộ số tiền ủng hộ của Planned Parenthood cuối cùng có thể lên đến 10 lần số tiền chi ra trong cuộc bầu cử năm 2016.

Số tiền của tất cả các tổ chức phá thai chi ra quá lớn, đủ sức trang trải cho chi phí tranh cử và cho dàn luật sư hùng hậu, nên sẽ có một cuộc tranh luận kéo dài sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ và hầu chắc sẽ kết thúc tại tòa án.

Các cuộc tranh luận gay gắt tiếp tục diễn ra sôi nổi ở Mỹ về tính hợp pháp của các lá phiếu gửi qua đường bưu điện, với hơn 8 bang đã gửi phiếu bầu đến nhà người dân.

Ông Hockey cho biết sẽ có một “cuộc tranh luận rất thực tế và kéo dài” sau cuộc bầu cử dẫn đến một trận chiến tại tòa án về “cách thức tổ chức cuộc bầu cử”.

Phát biểu về cuộc bỏ phiếu hiện tại và tiên đoán về kết quả của cuộc bầu cử, ông Hockey cho biết nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay vào ngày hôm nay “Biden sẽ thắng”, dù không ông không chút nghi ngờ rằng “tổng thống Donald Trump đang phất lên”.

Một cuộc thăm dò do FiveThirtyEight đưa ra cho thấy Tổng thống Trump đang thu hẹp dần khoảng cách giữa ông và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden dẫn đầu tổng thống Trump khoảng 7%, tức là giảm từ 10% vào giữa tháng 7.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Fox News được thực hiện từ ngày 7-10 tháng 9 cho thấy Tổng thống Trump chỉ đi sau Biden 5%.

“Đây sẽ là một cuộc đua rất dài,” ông Hockey nói.


Source:Sky News Australia

2. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga sâu sắc và tinh ranh hơn nhiều so với ông Joe Biden

Trong các diễn từ của mình ông Joe Biden thường rơi vào tình trạng không biết mình ở đâu và mình vừa nói gì để có thể nói tiếp. Đó có thể là một triệu chứng gây ra bởi bệnh tiểu đường hay chứng tâm thần suy nhược. Chính vì thế, Tổng thống Trump thường gọi đối thủ của mình là “Sleepy Joe”, hay “Joe buồn ngủ”.

Trong một cuộc gặp gỡ với các cử tri tại Las Vegas, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cảnh báo các cử tri người Mỹ rằng ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden “hoàn toàn không thích hợp” cho chức vụ tổng thống do khả năng tâm thần suy nhược của ông ta.

Ông Trump cho biết ông đã đối phó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin và họ không có ”loại vấn đề tâm thần như Joe buồn ngủ”.

“Chúng ta cần những người rất nhạy bén. Joe không đủ tiêu chuẩn cho vị trí này,” ông Trump nói.

Tổng thống Trump cũng chỉ ra rằng ông Joe Biden đã thay đổi suy nghĩ của mình nhiều lần về việc tài trợ cho cảnh sát, vấn đề khoan khai thác dầu hỏa và thực thi pháp luật.

“Khi được hỏi liệu anh ấy có cắt giảm tài trợ của cảnh sát hay không, Joe nói chắc chắn như thế, tôi sẽ làm điều đó và bây giờ ông ta đang cố gắng thay đổi quyết định của mình,” Tổng thống Trump nói.

“Gần đây ông ta thậm chí còn gọi các cơ quan thực thi pháp luật là kẻ thù… cho đến khi các cuộc thăm dò cho thấy mức ủng hộ mình bắt đầu giảm và sau đó ông ta bắt đầu nói không, tôi yêu mến các cơ quan thực thi pháp luật.”


Source:Sky News Australia

3. Cha Bề trên Phanxicô bày tỏ mong ước của các Kitô hữu tại Thánh địa.

Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa tuyên bố, nhân ngày Giáo hội lạc quyên trợ giúp Thánh địa, 13 tháng 9 năm 2020, rằng: vấn đề ở đây không phải chỉ là giúp đỡ kinh tế, nhưng là giúp hiểu biết về Thánh địa. Một tín hữu Kitô không thể không biết Thánh địa.

Lẽ ra, cuộc lạc quyên hằng năm trong Giáo hội để giúp Thánh địa, diễn ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như mọi năm, nhưng vì đại dịch Covid-19, cuộc lạc quyên này bị dời lại vào ngày Chúa nhật 13 tháng 9 năm 2020, áp lễ Suy tôn Thánh giá.

Trong một sứ điệp, truyền đi qua Facebook hôm 9 tháng 9 năm 2020, cha Patton, Bề trên của 300 tu sĩ Phanxicô, thuộc nhiều quốc tịch đang phục vụ tại Thánh địa, nói rằng: “Ðối với các tín hữu Kitô tại Thánh địa, điều rất quan trọng là cảm thấy sự gần gũi của các Kitô hữu trên thế giới, cảm thấy mình là thành phần của một gia đình rộng lớn hơn, vì tại đây, chúng tôi chỉ là một thiểu số, khoảng 2% dân số. Cảm thấy mình thuộc về một gia đình rộng lớn hơn cũng là một khích lệ kiên trì, tiếp tục làm chứng tá và một lúc nào đó, là một thúc đẩy hãy kiên trì ở lại Thánh địa và đừng tìm cách xuất cư”.

Trong cuộc đối thoại qua Facebook với cha Francesco Ielpo /fran-sét-cô i-éo-pô/, Ủy viên của Thánh địa tại miền bắc Italia, cha Bề trên Patton nhắc đến đặc điểm của tình huynh đệ và gia đình, là có một thái độ chia sẻ. Cha nói: “Tôi hiểu rõ rằng tại các nơi khác trên thế giới, đại dịch đang gây thiệt hại lớn lao, nhưng tôi biết rằng sự nhạy cảm và lòng quảng đại đối với Thánh địa cũng rất sâu đậm và ăn rễ sâu nơi tâm hồn các tín hữu Kitô, nhất là các tín hữu ở Italia. Các tín hữu ở Thánh địa đã có kinh nghiệm và cảm thấy trên vai mình gánh nặng và vinh quang của Thập Giá Chúa Giêsu”.

Cụ thể, cha Bề trên Patton kêu gọi động viên để quảng đại giúp cộng đoàn Kitô tại Thánh địa trong sứ mạng tiếp tục chăm sóc các nơi thánh của Kitô giáo, từ Ðền thờ Mộ Thánh đến Vương cung thánh đường Giáng Sinh, và các Ðền thánh khác ít được biết đến hơn, hỗ trợ việc mục vụ và thăng tiến con người, như giáo dục, nâng đỡ người di dân và tị nạn, những người bị thương tổn vì chiến tranh.


Source:Vatican News