Ngày 20-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nghìn Trùng Xa Cách
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:08 20/09/2022

Nghìn Trùng Xa Cách
CN 26 C

Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một nghìn trùng xa cách giữa thiên đàng và hoả ngục “giữa chúng ta đây và các con có một vực thẳm lớn…”, mối tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau.

1. Khoảng cách nghìn trùng

Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Ápraham. Phú hộ chịu cực hình, nài xin với Ápraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Ápraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.

Theo cha Nguyễn Tầm Thường: “Dụ ngôn không phải là bài giảng riêng của Chúa về đời sống sau cái chết. Không thể căn cứ vào một “dụ ngôn” để cắt nghĩa thần học về đời sau. Phải đặt dụ ngôn này trong hoàn cảnh trả lời các Pharisiêu về thái độ đối với tiền bạc và quyền lực vô cảm. Giàu có của cuộc sống hôm nay sẽ chấm dứt với mộ chôn. Nhưng cách sử dụng sự giàu có sẽ liên hệ tới họ trong cuộc sống đời sau. Hình ảnh người giàu nhìn thấy Ladarô và xin Ladarô nhỏ nước cho ta thấy liên hệ này rất ý nghĩa. Tại sao dưới âm phủ, người giàu trong dụ ngôn không nhìn thấy người khác, mà là thấy Ladarô? Tại sao không xin chính Ápraham nhỏ nước mà xin Ladarô? Vì nhà giàu có liên hệ với Ladarô lúc còn sống. Ông nhìn thấy Ladarô hàng ngày, sáng, trưa, chiều, tối trước nhà ông. Đó là những liên hệ trực tiếp giữa con người lúc còn sống. Những liên hệ này sẽ kéo tôi mặt giáp mặt trong cuộc sống ngày phán xét. (x.Phúc âm trong dụ ngôn, tập 3, trang 71).

Khoảng cách nơi cuộc sống trần gian sẽ được hoán đổi vị trí sau cái chết. Vậy phải chăng dụ ngôn muốn trình bày vấn nạn : hễ sung túc giàu có ở đời này thì bất hạnh cực hình ở đời sau? Hôm nay khốn khổ đói nghèo thì mai sau được hạnh phúc sung sướng? Có phải đó là lối an ủi ru ngũ, là thuốc phiện xoa dịu những người nghèo hãy chấp nhận, hãy an phận? Đời này cùng khốn, rách rưới thì đời sau sẽ hưởng phúc thiên đàng?.

Dụ ngôn không nói rõ lý do nào ông nhà giàu phải xuống âm phủ. Phúc Âm không nói lý do nào Ladarô được ở trong lòng tổ phụ Ápraham. Chắc chắn không phải vì giàu mà phải xuống âm phủ. Không phải vì nghèo mà Ladarô được thưởng. Không thể dùng dụ ngôn này để kết án sự giàu có và ca ngợi sự nghèo khó.

Phúc Âm đã chẳng nói ai có thì còn được cho thêm nữa đó sao (Mt 25,29). Giàu có không phải là tội lỗi và nghèo khổ không là giấy thông hành vào Nước Trời. Trình thuật dụ ngôn rất ăn khớp với toàn bộ tác phẩm, trong đó Luca thường đề cập đến người giàu kẻ nghèo để khuyến cáo hay khích lệ tuỳ trường hợp.

Dụ ngôn nằm trong chủ đề của chương 16, giáo huấn về việc sử dụng tiền bạc của cải làm sao để đạt tới ơn cứu độ. Người phú hộ bị luận phạt hoả ngục không phải vì ông ta giàu có mà vì ông đã khép cửa khép lòng, sống dửng dưng, làm ngơ trước nỗi khổ đau của người khác. Cái tội phú hộ mắc phạm là phớt lờ người nghèo, là “mackeno” (mặc kệ nó) trước sự cùng khốn của tha nhân. Phú hộ không la mắng chửi bới, không xua đuổi Ladarô ra khỏi nhà, nhưng điều đáng trách là ông ta không thèm ngó nhìn người ăn xin van lơn. Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ. Ở cạnh bên nhau mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì thật là quá vô tình, quá hờ hững. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ, thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi Ladarô phải chết vì đói đang khi ông ta lại quá dư thừa, thành ra tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng phạt trong hỏa ngục.

Trong bài đọc 1, Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm xa cách nghìn trùng. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận nữa. Điều quan trọng là phải thay đổi ngay từ cuộc sống tại thế.

2. Người chết trở về là điều không cần thiết

Trong các dụ ngôn, đây là dụ ngôn rất khác lạ trong lối dùng ngôn ngữ. Đem một nhân vật quan trọng bậc nhất, một tổ phụ vào một dụ ngôn giả tưởng là điều chưa thấy trong các dụ ngôn. Dụ ngôn là dùng hình ảnh biểu tượng, qua đó nhắn gửi một chân lý ở đàng sau. Nhưng ở đây, nhân vật được nói đến là người có thật trong lịch sử, có thật trong tôn giáo Do thái, đó là tổ phụ Ápraham (St 17,4). Nhân vật thứ hai được nói đến là Ladarô. Ladarô cũng là nhân vật lịch sử có thật. Đặc biệt nhân vật này sống cùng thời với Chúa Giêsu. Sự kiện đặc biệt nhất là Ladarô đã chết và Chúa cho sống lại. Chỉ có Phúc Âm Gioan nói đến nhân vật lịch sử này. Luca thì đưa tên gọi Ladarô thành chuyện dụ ngôn.

Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’. Caipha có năm anh em mà bố vợ Caipha là thầy cả Thượng phẩm Annas. Ông nhà giàu trong dụ ngôn có năm anh em. Con số trùng hợp năm người anh em Thượng tế con ông Khanan giàu có ngoài đời. Bóng hình ông nhà giàu trong dụ ngôn ẩn hiện với bóng hình Caipha, là nhân vật có thật ngoài đời: “Caipha là Thượng tế năm ấy nói rằng: thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Từ ngày đó họ tìm cách giết Đức Giêsu (Ga 11,53). Các Thượng tế quyết định giết cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái bỏ họ và tin vào Đức Giêsu (Ga 12,10-11). Sự cứng lòng của Thượng tế, thấy Đức Kitô cho Ladarô sống lại mà không tin. Số phận của họ được loan báo bằng số phận của ông nhà giàu trong dụ ngôn sau khi chết.

“Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp : ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’”.

Câu trả lời của Ápraham là người chết có về họ cũng chẳng tin nằm trong ý nghĩa của sự kiện lịch sử có thật là chính họ thấy Ladarô sống lại. Ladarô là nhân vật có thật ngoài đời. Sự kiện Ladarô sống lại mà Pharisiêu và các tư tế không chấp nhận là lời cắt nghĩa tại sao người chết về họ cũng không nghe. Ápraham cho việc người chết về là không cần thiết. Vì trong thực tế họ đã thấy Ladarô về từ cõi chết rồi. Họ đã không tin. Tên người nghèo trong dụ ngôn là Ladarô. Trong thực tế có một Ladarô bằng xương bằng thịt đang sống, mọi người chứng kiến phép lạ Chúa cho Ladarô từ cõi chết trở về. Sự kiện này không làm cho Pharisiêu tin Đức Kitô. Trái lại, họ muốn giết Ladarô vì sợ là chứng nhân trở về từ cõi chết. Trong chủ trương giết Ladarô của Thượng tế Khanan và Caipha đưa ta vào câu trả lời của Ápraham: “Người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”; “giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta đây cũng không được”. Trong Phúc Âm chỉ nói đến một Ladarô. Người Chúa cho sống lại từ cõi chết. Dụ ngôn này nói rõ tên nhân vật có thật là Ladarô, để khẳng định lời từ chối của Ápraham, người chết trở về là điều không cần thiết. (sđd trang 76 -77).

2. Hãy sống tình liên đới với tha nhân

Dụ ngôn người nhà giàu và Ladarô mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Từ nhà ông nhà giàu đến chỗ người ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, cách nhau chỉ có cái cổng thôi. Khi sống, ông nhà giàu đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và giúp đỡ cho người hành khất Ladarô luôn nằm chờ đợi. Hậu quả là khi chết rồi, người nhà giàu đó bị ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng.Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận. Đời này và đời sau làm nên hai thứ khoảng cách. Khi còn sống ở trần thế, giữa hai người có một khoảng cách rất gần.Trong thế giới mai sau, khoảng cách giữa hai bên cách xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau. Khoảng cách gần nơi trần thế làm nên nghìn trùng cách xa trong thế giới tương lai.

Ladarô không phải vì nghèo khổ mà được trọng thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, nhưng vì biết chấp nhận số phận hẩm hiu và đặt niềm cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Danh xưng Ladarô theo Luca có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Người nghèo biết tin tưởng và phó thác, điều đó mới mang lại cho họ ơn phúc làm con tổ phụ Ápraham, cha những kẻ tin.

Dụ ngôn là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, hưởng thụ trần gian mà quên đi tình Chúa tình người. Dụ ngôn còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo.

Chúa Giêsu đã dùng tình thương để kết nối khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người khi Ngài làm người, một người nghèo giữa những người nghèo. Chúa Giêsu yêu thương người nghèo. Bằng thái độ và lời nói, Chúa đã nâng người cùng khổ và đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúa ban cho họ tình yêu. Đỉnh cao nhất là Ngài cho họ chính mạng sống của mình.Ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo, giữa nô lệ và tự do giờ đây không còn nữa, tất cả là anh em của nhau, là con cùng một Cha trên trời. Mọi người được mời gọi sống Tin Mừng, sống liên đới với nhau và với người nghèo.

Lý tưởng Kitô giáo không phải là yêu mến sự khó nghèo mà là yêu thương người nghèo khó. Chúa Giêsu là Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, Ngài luôn yêu thương và sống liên đới với người nghèo. Vì vậy, người môn đi theo Chúa Giêsu chính là để trở nên giống Ngài. Tông huấn Giáo Hội Á Châu dạy rằng : Người đời dễ tin hơn tình liên đới với kẻ nghèo, nếu chính Kitô hữu biết sống giản dị theo gương Chúa Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống đức tin sâu xa và tình yêu không giả vờ đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị bỏ rơi, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động (số 34). Vẫn còn quá nhiều người nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo văn hoá. Người Kitô hữu được mời gọi sống quảng đại, liên đới giúp nhau thăng tiến. Hãy mở rộng lòng cho yêu thương trong cuộc sống hàng ngày.Đừng sống hững hờ, cần rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh đời bất hạnh, biết quảng đại chia sẻ với những người thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin mở mắt mở, mở tai và mở trái tim con để con thấy, con nghe, con biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc đau khổ với hết mọi người. Amen.
 
21/09: Cảm thông và tha thứ - Lễ Thánh Mát-thêu Tông Đồ, Thánh Sử – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:54 20/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

Đó là lời Chúa
 
San sẻ cho nhau
Lm. Thái Nguyên
16:03 20/09/2022



SAN SẺ CHO NHAU

Chúa Nhật 26 Thường niên, năm C : Lc 16, 19-31

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Amos tung ra những lời đả kích những người giàu. Họ chỉ lo hưởng thụ, ăn chơi, phè phởn, mà không quan tâm gì đến số phận của người nghèo. Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về ông nhà giàu và người nghèo Ladarô. Hai con người hai số phận. Sự éo le ở đời này đã tạo nên ngang trái ở đời sau. Cuối cùng người nghèo được hưởng phúc, còn kẻ giàu lại phải trầm luân.

Xem ra người phú hộ trong dụ ngôn không phạm tội gì lớn lao để phải chịu án phạt: ông không gian tham, không trộm cắp, không bóc lột… Cuộc đời ông ngày ngày chỉ có ăn uống linh đình và vui chơi hưởng thụ tiền của do mình làm ra, mà hưởng thụ như vậy có gì là bất chính? Đúng là không có gì bất chính nhưng lại bất nhân, vì người nghèo đang đói khát ngay trước cửa nhà mà ông lại không thấy, hay không muốn thấy. Trái tim ông đã hóa đá khi chỉ lo hưởng thụ và sung sướng cho mình. Trong tâm trí người giàu dường như chỉ muốn thấy thú vui và lợi lộc vật chất, không cần để ý điều gì khác. Đó là tội lớn nhất của con người hôm nay mà thánh Gioan Phaolô II gọi tên nó là “vô cảm”.

Tiện nghi vật chất và của cải tự nó không xấu, đúng ra nó là nhu cầu thiện ích cho xã hội loài người, nhưng nó đã trở thành bức tường rào kín, khi con người chỉ biết sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian của riêng mình, gia đình mình, và vô tâm hờ hững với những người khốn khổ bên cạnh mình. Đó là trọng điểm mà Đức Giêsu muốn răn dạy chúng ta: qua hình ảnh của“một tâm hồn bị biến dạng bởi sự ngạo nghễ và thừa mứa, đã tạo nên một vực thẳm không vượt qua được giữa người giàu có và người nghèo khó; vực thẳm của sự khép kín trong thú vui vật chất; vực thẳm do lãng quên tha nhân, do sự thiếu khả năng yêu thương, nên đã biến thành một nỗi khát khao cháy bỏng và không bao giờ được thỏa mãn”. (Spe Salvi, 44).

Vấn đề đặt ra cho chúng ta không phải là giàu hay nghèo, mà là vấn đề của con tim. Một con tim có biết động lòng trắc ẩn giữa những tình cảnh đau thương và khốn khổ của người khác hay không? Một con tim có biết đau cái nỗi đau của bao người phải hứng chịu bất công và đọa đày hay không? Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông nhiều của cải, nhưng vì ông đã không san sẻ của cải cho người thiếu thốn, ngay cả những của thừa thãi trên bàn tiệc cũng chẳng đến tay người nghèo. Ông trở thành kẻ bất nghĩa với Chúa và bất công với tha nhân. Xã hội ngày càng văn minh, nhưng xem ra chỉ là văn minh vật chất chứ không phải văn mình tình thương. Chỉ có trái tim yêu thương mới biết tạo nên sự giàu có một cách chân thật, và sử dụng tiền của một cách chân chính, để đem lại hòa bình và hạnh phúc cho đồng loại.

Chúng ta có thể nghèo tiền bạc vật chất, nhưng có thể giàu hiểu biết, giàu kinh nghiệm, giàu sức khỏe, giàu sự khôn ngoan, giàu bạn bè, giàu ơn thánh... Và như vậy, chúng ta vẫn là những người giàu có, nên phải đem tất cả những điều đó mà chia sẻ cho anh chị em mình. Dù nghèo thế nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn có những điều tốt lành để trao tặng tha nhân: một nụ cười, một cử chỉ thân ái, một lời khích lệ, an ủi, nâng đỡ, một thái độ gần gũi thân tình, một sự quan tâm lo lắng cho người khác để làm những gì mình có thể làm được cho họ. Vẫn luôn có một thứ nghèo đói tâm linh, sâu rộng hơn mọi thứ nghèo đói khác: đó là nghèo đói tình yêu thương, nghèo đói Thiên Chúa, mà chúng ta phải hết lòng quan tâm và chia sẻ. Rất tiếc là có những người nghèo nhưng lại giàu ích kỷ và ghen ghét, giàu bất mãn, hận thù, gian dối...

Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mới, mà giấy thông hành không phải là tiền của do chúng ta làm ra, nhưng là tình yêu mà chúng ta đã làm nên. Chỉ có những ai hết lòng yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào. Sẽ có một ngày người phú hộ chẳng còn yến tiệc linh đình, chẳng còn những trận vui cười thâu đêm, nhưng sẽ phải lao xuống hoả hào muôn kiếp. Sẽ có một ngày người Ladarô nghèo khó chẳng còn lê lết dưới đất đen, không còn nhặt những miếng bánh vụn nơi bàn tiệc người phú hộ, nhưng sẽ được nâng lên “trong lòng Ápraham” vui hưởng hạnh phúc muôn đời.

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa hoán cải mình, để thấy mình có trách nhiệm với người nghèo xung quanh. Chúng ta chỉ cần bớt đi chút tiêu xài, cũng đủ làm cho nhiều người được ấm no. Chỉ cần biết mở rộng con tim, chúng ta sẽ biết phải ban tặng và trả lại cho tha nhân những gì là của họ, để cùng nhau sống an vui và hạnh phúc từ đây.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
người phú hộ chẳng làm chi gian tà,
mà chỉ hưởng thụ của mình làm ra,
nhưng ông đã phung phí sống xa hoa,
mà không thấy người nghèo đang đói lã.
Phải chăng trái tim ông đã hóa đá,
khi chỉ lo no thỏa cho riêng mình,
của cải đã trở thành tường rào kín,
và cuốn ông vào vòng vây oan nghiệt.
Quá đầy đủ ông không cần đến Chúa,
cũng chẳng cần phải biết đến tha nhân,
ông chịu cực hình không phải vì giàu có,
nhưng không cho những gì mình lãnh nhận.
Của cải để hưởng dùng đâu phải xấu,
mà thật ra nó là một nhu cầu,
nhưng rồi lại trở thành một hố sâu,
khi gây ra chia cắt với nghèo giàu,
hố sâu đó cứ ngày càng lớn mãi,
và cứ thế nối dài đến đời sau.
Chỉ trái tim yêu thương mới nối kết,
chỉ sớt chia mới xóa hết cách ngăn,
để hiện tại làm thành chính tương lai,
và hôm nay liên kết với vĩnh hằng.
Xin cho con ý thức về sự công bằng,
trả lại người nghèo những gì là của họ,
đừng sở hữu hơn những gì mình cần có,
sẽ không còn khốn khó cho bao người.
Xin cho đôi mắt con biết nhìn xuống,
để thấy biết bao người bên dưới mình,
đang u sầu trong tình cảnh tối tăm,
biết sẻ chia để lấp đầy vực thẳm.
Xin cho con nâng họ lên ngang tầm,
vì trước Chúa mọi người đều bình đẳng,
và phải sống tình huynh đệ hòa chan,
để mai kia gặp nhau chốn thiên đàng. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 20/09/2022

6. Tình yêu có thể bổ sung cho tuổi thọ, Đức Chúa Giê-su chúa chúng ta không chú trọng đến tuổi tác và thời gian, bởi vì Ngài là sự vĩnh hằng; cái mà Ngài quan tâm chính là tình yêu.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 20/09/2022
2. KHƯ KHƯ CÂU NỆ

Trong “Tương mã kinh” của Bá Lạc viết có miêu tả dáng dấp của con ngựa tốt, đứa con trai theo cách tả đó mà đi tìm ngựa.

Trong lòng ghi nhớ nội dung ấy: cái trán của con ngựa tốt thì cao cao, màu sắc sáng ánh mặt trời, bốn cái móng giống như viên men nấu rượu thật tròn. Nó đi ra ngoài và thấy một con cóc rất lớn, liền nói với phụ thân:

- “Tìm được một con ngựa tốt rồi, lớn đến nỗi như trong sách đã nói, chẳng qua bốn cái móng không giống như men nấu rượu mà thôi”.

Bá Lạc biết con trai rất dốt, vừa tức vừa buồn cười nói:

- “Con ngựa” này thích nhảy, nhưng không thể cưỡi”.

(Triều Dã Thiêm Tải)

Suy tư 2:

Câu nệ là cứ theo cái đã có sẵn để giải quyết, đôi khi đi đến cực đoan, mà người câu nệ ở đời này thì rất nhiều, mọi lãnh vực đều có:Câu nệ trong giảng dạy: sách giáo khoa viết sao thì dạy vậy, thầy giáo không dám sáng tạo, không dám giảng ra ngoài cái khung câu nệ đã có sẵn.

- Câu nệ trong quản lý: cứ quản lý theo cách của giáo điều, trên nói dưới nghe, mà không chịu coi cái thực tế mình đang quản nó như thế nào.

- Câu nệ trong giao dịch buôn bán: cứ theo kiểu mua đi bán lại của mình, mà không dám nhìn rộng ra bên ngoài để thay đổi cho phù hợp với xu hướng hiện tại.v.v...

Cũng có một vài người Ki-tô hữu câu nệ hình thức bên ngoài, mà không nhìn thấy nội dung bên trong khi đến nhà thờ:

- Họ câu nệ coi trọng chỗ ngồi của ban chức việc trong nhà thờ, nhưng lòng trí thì lại xa Chúa; họ câu nệ chỗ ngồi gần cha sở khi dự tiệc, nhưng lại ngàn trùng xa Chúa trong đời thường.

- Họ đọc kinh đúng từng chấm từng phẩy, đọc ra rã theo kinh sách đã có soạn sẵn, mà không suy niệm những điều hay lẽ phải bên trong các kinh ấy.

- Đức Chúa Giê-su đả phá cái câu nệ hình thức ấy bằng lời dạy sau đây: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta...” (Mt 15, 8)

Vì câu nệ theo sách vở mà con của Bá Lạc nói con cóc là con ngựa tốt; người câu nệ hình thức bên ngoài với khuôn khổ có sẵn, thì sẽ có ngày đem Chúa và Mẹ xuống ngang hàng với ông Phật Di Lặc hoặc ông kẹ..

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hạnh Phúc Thật
Lm Vũđình Tường
19:25 20/09/2022
Giầu tiền lắm của là phúc lành Chúa ban cho những ai rộng lượng phân phát của cải mình có cho anh em túng thiếu, khốn khổ. Nghèo khó không phải là thiếu hạnh phúc bởi thực tế cho biết hạnh phúc không lệ thuộc vào của cải vật chất mà chính là con tim hài lòng với những gì mình đang có. Của cải mang lại thoải mái cho thân xác nhưng nó cũng là mối lo hàng đầu, lo ngày lo đêm, cho những ai đầu tư tiền của vào thị trường chứng khoán. Loại thị trường nước bọt này phập phồng như bọt nước đại dương.

Dụ ngôn người giầu, người nghèo nhắc chúng ta khôn ngoan trong việc dùng tiền tài, vật chất, lí do cách chúng ta dùng những gì mình đang có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống trường sinh. Người giầu trong dụ ngôn không tên, còn người nghèo tên là Lazarô. Cuối đời cả hai cùng chết, và hai người đi hai hướng trái ngược nhau. Lazarô vào nơi tràn đầy yêu thương, hạnh phúc; trái lại người giầu vào nơi tối tăm, cô đơn cùng cực. Đến lúc này người giầu mới nhận ra mình bất hạnh đến cùng cực, nhưng đã quá trễ cho anh ăn năn, thống hối, quay về đường lành. Trong đau khổ triền miên, người giầu xin tổ phụ Abraham hai điều. Tổ phụ từ chối cả hai. Điều thứ nhất anh xin Lazarô cho anh chút nước để giảm cái nóng khô, liên tục làm rát cổ ngày đêm. Abraham cho biết Lazarô không thể vượt qua hố thẳm ngăn cách hai bên. Người giầu xin phép trở về báo cho năm người anh em của anh thay đổi lối sống. Abraham nói với anh, đây không phải là việc của anh, bởi đã có Môisen và các tiên tri làm công việc đó thay anh. Người giầu lí luận nếu người chết hiện về nói họ sẽ tin. Lối suy nghĩ này không thực tiễn. Tổ phụ Abraham rất đúng trong câu trả lời,

'Nếu người ta không tin vào tổ phụ Môisen và các tiên tri thì dù nguời chết có hiện về họ cũng không tin' Lc 16,31.

Thực tế cho biết chính Đức Kitô sống lại từ cõi chết, Ngài hiện ra với các môn đệ, với mẹ Ngài là Đức Trinh Nữ Maria, nhưng người ta đâu có tin. Chính Đức Trinh Nữ Maria hiện ra nhiều lần, ở các thời điểm khác nhau, kêu gọi người ta ăn năn thống hối nhưng thiên hạ vẫn làm ngơ lời kêu gọi thiết tha kia. Vô số các thánh nam, nữ làm phép lạ biểu tỏ uy quyền Thiên Chúa. Người ta dùng khoa học giải thích, khoa học có câu trả lời xác định rõ là họ không thể hiểu, không thể giải thích hợp lí, tại sao điều lạ đó có thể xảy ra. Câu trả lời xác định cái giới hạn của khoa học, nhưng người ta vẫn tin khoa học có câu trả lời cho mọi vấn đề. Bởi tin vào khoa học, người ta từ chối tin vào quyền phép tối cao của Thiên Chúa.

Dụ ngôn xác định có sự sống, có thưởng phạt sau khi cuộc sống đời này qua đi. Dụ ngôn cũng xác định hành động ta thực hiện trên cõi đời đã chấm dứt nhưng hậu quả của hành động đó tồn tại muôn đời. Hạnh phúc ngàn đời hay đau khổ triền miên đều là kết quả của hành động cuộc đời mỗi người. Làm lành kết quả tốt, làm xấu kết quả dữ. Chính Đức Trinh Nữ Maria, mẹ Thiên Chúa đã tiên tri điều đó trong kinh Magnificat khi mẹ lên tiếng,

'Kẻ đói khát hưởng ân phúc tràn đầy, người giầu có trở về tay không' Lc 1,35.

Người giầu trong dụ ngôn diện mạo sáng sủa, ăn diện rực rỡ, sống phong lưu, sa hoa nhưng tâm hồn ông trống rỗng, không được chăm sóc chu đáo. Ông không biết thương người, cũng chẳng lưu tâm đến kẻ nghèo hèn ngồi ngay trước cổng nhà. Không ai có thể chối bỏ sống chết, không thể chối bỏ hạnh phúc và đau thương. Một số cố gắng chối bỏ đời sau. Đây là thực tế con người toàn quyền chọn lựa trong đời. Một khi cuộc sống trần gian này qua đi, tự do chọn lựa đó không còn nữa, cuộc đời được phán quyết từ đây, không còn cơ hội, không còn thay đổi. Tất cả đã được định đặt căn bản trên cách sống, cách xử thế, cách thương người. Nói tóm lại cuộc đời được định không phải do tiền tài, của cải, chức tước mà cuộc đời được định bởi con tim mình. Con tim yêu mến người khác con tim đó được an lành, thảnh thơi. Con tim chỉ biết đến mình mà quên người, lúc đó người cũng coi mình dửng dưng như kẻ xa lạ. Con tim không thân hữu là con tim đau khổ trong cô đơn, con tim một mình đau khổ, buồn tẻ. Đây chính là kinh nghiệm người giầu đang trải qua. Người giầu có đang sống trong tình trạng đau khổ, cô đơn, lẻ bóng không phải vì anh giầu có mà do anh nghèo nàn trong việc bố thí, lơ đãng cho kẻ đói ăn, nghèo nàn yêu thương tha nhân. Anh lâm vào tình trạng trên bởi anh coi thường giáo huấn của tổ phụ. Anh nhắc đến năm người anh em còn lại, những người đó có thể là bạn hay là tôi là một trong con số năm đó.

TiengChuong.org

Fortunate life

Richness is the sign of God's blessing for those who include others in the well of their wealth. Poverty is not the absence of happiness, because reality shows that happiness doesn't depend on wealth, but rather on the contentment of a heart. Wealth contributes to the comfort of life but also causes much angst for those who heavily invest their wealth in shares caused by the fluctuation of the Stock Exchanged.

The parable of the rich man and the poor reminds us how to use wealth wisely, because the way in which we use wealth will decide the outcome of our eternal life. The rich man in the parable has no name, but the poor is named Lazarus. Both men died, and each head in the opposite direction. The poor Lazarus is blessed with everlasting happiness, while the rich is condemned to endless pain in hell. It is a bit too late for the rich man to realize how wrong he was in using his wealth. In his tormented, he made two requests, and both the requests were denied by Abraham, our Father of faith. His first request was to ask poor Lazarus to quench his thirst by giving him some water. Abraham replied that Lazarus was not allowed to cross the gulf that separated them. The rich man then sought permission to return home to warn his five brothers to change their way of life. Abraham replied that it was not his job, but of Moses and the prophets. The rich man probably has experienced powerlessness for the very first time, unable to do what he would like to do.

Reality showed that Abraham was right in saying

'If they will not listen either to Moses or to the prophets, they will not be convinced even if someone should rise from the dead' Lk 16,31.

We believe Jesus rose from death and had appeared to both the apostles and Mary and many more, and yet people refused to believe in Jesus. Jesus' mother, Mary, appeared at different times, and at different locations, such as Fatima and Lourdes, calling people to repent, and many ignored her call. Apart from Jesus and Mary, countless holy men and women perform miracles that are beyond scientific explanation, and yet many continue to see the Christian Scripture as a historical book on the life of Christ.

The parable condones that there is eternal life after this earthly life, and that our actions related to human life has a long term effect both in this life and the life to come. Eternal agony or comfort depends very much on how we treat others with love in this life. This is the prophecy of Mary in her Magnificat when she says:

'The hungry he has filled with good things, the rich sent empty away' Lk 1,53.

The rich man was beautiful in his appearance, wearing fine linen and feasting magnificently, but his inner life was neglected. He has no love, no sympathy, no compassion for the destitute in front of his castle. No one can deny the reality of life and death, of joy and suffering, of life and eternal life, they are all the realities of life. We take chances in life but not in death; once we cross the eternal horizon there is no more change, our fate is fixed and decided based on how we share our lives with others. The parable calls us to believe in God and loves what God loves. Because Jesus identifies himself to the poor, and when we show our love to the unloved we do it for Christ himself (Mt 25,35-40) God loves the poor and so we his followers. Eternal life or death is not a payment for what one goes through on earth. The rich man was punished not because he was rich, but rather, because he refused to heed the teaching of Moses and the prophets. The five brothers that are left behind maybe you and me.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lòng quý mến của Đức Tổng Mục Joseph Anthony Fiorenza đối với người Việt và Giáo Hội Việt Nam
Lm. Peter Võ Sơn
07:29 20/09/2022
Hôm nay, ngày 19/9/2022, Đức Tổng Giám Mục Joseph Anthony Fiorenza, nguyên Tổng Giám Mục Galveston-Houston, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK), trút hơi thở cuối cùng tại Houston, Texas, hưởng thọ 91 tuổi. Đức Tổng Fiorenza được mô tả là một nhà hoạt động không mệt mỏi cho công bằng xã hội, đấu tranh cho dân quyền, từ khi làm linh mục, giám mục, và suốt thời gian nghỉ hưu.

Với tư cách chủ tịch HĐGMHK, Ngài dẫn phái đoàn của HĐGMHK thăm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ ngày 26/8 đến ngày 2/9/1999 - theo thư mời của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, viết ngày 27/1/1999. Tháp tùng Ngài, gồm 4 Đức Giám Mục và các vị đại diện Ủy Ban Chính Sách Quốc Tế, Ủy Ban Di Dân, và Cơ Quan Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo: Đức Tổng Giám Mục Theodore

McCarrick của UBCSQT, Đức Cha John Cummins thuộc UBDD, và Đức Cha John Ricard của CQDVCTCG; cùng với ba giám đốc điều hành của các Ủy Ban thuộc HĐGMK liên hệ đến Việt Nam. Ngoài ra, Linh mục Joachim Lê Quang Hiền thuộc giáo phận Spokane, người đã trợ giúp nhiều trong việc liên lạc và chuẩn bị với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cũng giúp làm tham vấn và thông dịch cho cuộc viếng thăm.

Xem Hình

Đón tiếp Ngài và phái đoàn gồm có: Đức Hồng Y Chủ Tịch, Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm, Tổng Thư Ký HĐGMVN và các giám mục trong Hội Đồng. Trong thời gian này, phái đoàn của Đức Tổng Fiorenza thăm Ban Thường Vụ HĐGMVN, Nhà Thờ Cửa Bắc, Đại Chủng Viện Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Tòa Giám Mục Huế, Đại Chủng Viện Huế, Bệnh
Xá Từ Thiện của các Sơ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, vườn trẻ và trung tâm bồi dưỡng cho các em khuyến tật do các Sơ Dòng St. Paul de Chartres phụ trách; thăm Tòa Giám Mục Sài Gòn, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Nhà Dòng Cát-Minh Sài Gòn, Trung Tâm Mục Vu…

Trong Thánh Lễ 10 giờ sáng, Chúa Nhật 22 Thường Niên, ngày 29/8/1999 tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng tuyên bố cuộc viếng thăm này thật đáng hoan nghênh và quan trọng cho Giáo Hội Việt Nam, nên kể từ hôm đó ngài quyết định chọn ngày Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên mỗi năm là ngày cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Hoa Kỳ, sống hiệp thông, nâng đỡ, và trung thành với Phúc m. Tất cả các thành viên của Hai Hội Đồng Giám Mục vỗ tay, đồng ý.

Đặc biệt trong một buổi cầu nguyện với sự hiện diện của các giám mục, linh mục miền trung và hang ngàn giáo dân, ngày 30/8/1999, tại Linh Địa La Vang, với giọng nói chân tình và xúc động, Đức Tổng Fioronza tuyên bố “ Chúng tôi đến từ một quốc gia phong phú và thịnh vượng, nhưng Đức Mẹ không hiện ra với chúng tôi tại Hoa Kỳ, mà Ngài đã hiện ra nâng đỡ, ủi an con cái Mẹ tại La Vang, Việt Nam. Vậy từ hôm nay, nhân danh Giáo Hội và đất nước Hoa Kỳ, chúng tôi xin nhận Đức Mẹ La Vang là Mẹ của chúng tôi.”

Mười năm sau, vào ngày 20/8/2009, trong một Thánh Lễ long trong cũng tại Linh Địa La Vang, Đức Cha William S. Skylstad, cựu chủ tịch HĐGMHK, cũng nói, “Tôi xin lập lại lời nói của đấng tiền nhiệm tôi mười năm về trước, Đức Cha Fioronza đã nói “ Chúng tôi xin nhận Đức Mẹ La Vang là Mẹ của Giáo Hội và đất nước Hoa Kỳ.”

Chuyến viếng thăm của Đức Tổng Fiorenza và Phái Đoàn của Ngài không chỉ thắt chặt tình huynh đệ giám mục, hiệp thông giữa hai giáo hội, mà còn tăng trưởng công cuộc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, cũng như việc hoà giải giữa hai dân tộc sau thời gian chiến tranh.

Với những dòng chữ đơn sơ này, xin chân thành tri ân đến Đức Tổng Fiorenza, vị Giám Mục một đời trung thành quản lý các mầu nhiệm thánh, một đời đấu tranh không mệt mỏi cho nhân phẩm và quyền lợi con người, và là vị Giám Mục có lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang và quý mến người Việt Nam chúng ta, vào nước bình an muôn đời của Chúa.

Lm Peter Võ Sơn.

Ghi chú: Bài viết được dựa theo các tài liệu của Giáo Hội, chân thành cám ơn Cha Gioan Le Quang Hiền, cựu Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thánh sử Mattheo
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
12:28 20/09/2022
Hình ảnh Thánh sử Mattheo

Cuộc đời Chúa Giêsu ngày xưa trên trần gian được ghi chép thuật lại trong bốn cuốn sách phúc âm.

Cuốn phúc âm thứ nhất do Thánh sử Mattheo viết. Phúc âm của ông viết vào khoảng giữa những năm 80 và 90 sau Chúa giáng sinh, và được Hội Thánh Công Giáo xếp vào danh sách là cuốn sách phúc âm thứ nhất tường thuật về cuộc đời Chúa Giêsu.

Đâu là hình ảnh con người Mattheo và sách phúc âm của Ông?

Mattheo là một trong 12 vị Tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu và là người làm nghề thu thuế ( Mt 10, 2-4). Ông đang ngồi bàn viết giấy thu thuế cho chính quyền khi Chúa đi ngang qua gọi “ hãy theo tôi”, Mattheo liền đứng dậy đi theo Chúa Giêsu liền ( Mt 9,9).

Ngoài ra ông còn có tên khác nữa là Levi như Thánh sử Marcô cho biết( Mc 2,14). Ông rời bỏ bàn giấy thu tiền viết giấy chứng nhận thuế theo Chúa Giêsu làm môn đệ, và sau khi Chúa Giêsu trở về trời đã ra đi giảng đạo viết sách phúc âm giáo lý về cuộc đời Chúa Giêsu, những gì ông đã trực tiếp nghe cùng nhìn xem trong cuộc đời 3 năm giảng đạo của Chúa Giêsu ở nước Do Thái.

Tên của Ông theo tiếng Do Thái có nghĩa là “ Qùa tặng của Thiên Chúa”.

Phúc âm của Thánh Mattheo ngay chương mở đầu ( Mt 1,1-17) tường thuật về nguồn gốc gia phả dòng dõi Chúa Giêsu từ Tổ phụ Abraham.

Theo trình thuật này con số 14 ( Mt 1,17) và con số 3 là những con số nổi bật đặc điểm của Thánh sử Mattheo.

Gia phả Chúa Giêsu Kitô được tường thuật trải qua 3 thế hệ, mỗi thế hệ có 14 đời. Theo chỉ dẫn tường thuật đó, ngôi sao Chúa Giêsu giáng sinh có 14 cánh được khắc vẽ trênh nền đền thờ Chúa Giáng sinh bên thành Bethlehem, nơi ngày xưa hài nhi Giesu sau khi sinh ra được đặt nằm trong máng cho xúc vật ăn.

Và Thánh sử cũng còn tường thuật những Nhà Chiêm Tinh – còn gọi là Ba Vua- từ Phương Đông tìm đến Bethlehem thờ lạy Hài nhi Giêsu. Họ mang 3 món qùa tặng “vàng, nhũ hương và mộc dược” kính biếu dâng tiến ( Mt 2, 11). Căn cứ theo ba món qùa tặng đó, xưa nay có truyền thống trong Hội Thánh cho là có ba vị, rồi có cả phụng vụ lễ mừng Ba Vị Vu vào ngày 06.01. hằng năm sau lễ mừng Chúa giáng sinh. Và trong dòng lịch sử thời gian người ta đã lần tìm ra tên của Ba Vị: Caspar, Melchior và Balthasar

Con số 7 cũng là con số đặc điểm của phúc âm Thánh Mattheo. Nơi toàn thể chương 13 Ông thuật lại n hững bài giảng của Chúa Giesu về nước trời qua 07 hình ảnh dụ ngôn: Người gieo giống ( 3-9), Cỏ lùng ( 24-30), Hạt cải (31-32), Men trong bột (33), Kho báu (44), Viên ngọc qúy ( 46) và Chiếc lưới đánh cá ( 47-50).

Nơi chương 23 về những lời khiển trách răn đe các vị Kinh Sư và người Phariseo qua 07 lời “Khốn cho các người là những người gỉa hình” ( 23, 13-32).

Con số 10 cũng là con số đặc điểm trong phúc âm Thánh Mattheo. Nơi toàn thể hai chương 8 và 9 Thánh sử viết thuật lại 10 phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho:
1.Người bị phong cùi (8,1-4)
2.Đầy tớ của viến Đại đội trưởng (8,5-13)
3.Bà nhạc phụ Thánh Phero ( 8,14-15)
4.Mọi kẻ đau bệnh ốm ( 16-17)
5.Hai người bị qủy ám( 28-34)
6.Người bị bại liệt ( 9,1-7)
7.Người phụ nữ bị bệnh băng huyết kinh niên ( 9,18-22)
8.Con gái một vị thủ lãnh sống lại Talitha Kumi( 9,23-26)
9.Hai người mù ( 9,27-30)
10.Người câm bị qủy ám ( 9,32-34).

Con số 10 được Thánh sử Mattheo trình bày nổi bật rõ nét trong dụ ngôn về hình ảnh 10 cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể. ( 25,1-13).

Và trong dụ ngôn khen thưởng nói về người được trao phó ban cho những khả năng như những nén bạc và đã đi làm ăn sinh lời ra thành 10 nén. (25, 20).

Thánh sử Mattheo viết phúc âm về cuộc đời Chúa Giêsu thường hay có câu ” để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” như bằng chứng đã có từ thời xưa mà Chúa đã định liệu sắp đặt từ trước rồi.

Thánh sử Mattheo là người làm nghề thu thuế, ngày xưa bị dân chúng cho là những người tội lỗi toa rập với người Roma hà hiếp dân chúng. Nhưng ông đã nghe theo tiếng Chúa kêu gọi” Hãy theo Ta” bỏ bàn giấy thu tiền bạc đi theo Chúa Giêsu.

Là người thu thuế có kiến thức học vấn và biết cách thức làm sổ sách thứ tự rõ ràng. Nên ông đã nghiên cứu truy tầm nguồn gốc tổ tiên dòng tộc Chúa Giêsu, và sắp xếp thứ tự viết thành gia phả dòng tộc Chúa Giêsu ngay nơi chương đầu tiên của phúc âm. Trình bày Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trời xuống trần gian làm người có nguồn gốc dòng dõi như tất cả những con người trong công trình vũ trụ của Thiên Chúa.

Căn cứ theo hình ảnh đó, phúc âm của Ông được trình bày với một biểu tượng hình ảnh một người có hai cánh như một Thiên Thần tay cầm bút viết.

Phúc âm của Theo Thánh Mattheo là cuốn dài nhất trong bốn sách phúc âm với 28 chương, và kết thúc với lời Chúa Giesu đoan hứa bảo đảm:

“ Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28,20).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Chuyện BÁC Chuyện EM: Phiên Bản Nhà Giàu - Luca 16:19-31
Lm Nguyễn Trung Tây
05:05 20/09/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Phiên Bản Nhà Giàu - Luca 16:19-31


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra khắp nơi: Úc, Mỹ, Do Thái, Việt Nam. Em là một nhân vật đã lập gia đình hoặc đang sống đời tận hiến.

Trưa hè, nóng bỏng cả chân! Gió Lào từ rặng núi chạy dài phía tây của làng liên tục thổi về, sáng, trưa, chiều, tối, ngày cũng như đêm. Nguyên một tháng rồi, làng như sống trong lò lửa, người làng râu quăn tin tít cong vòng, tóc đen lay láy bỗng dưng đổi sang hung hung râu ngô. Nóng, chó Mực nằm dài thềm gạch lè lưỡi thở. Mèo mun bỏ, không rình chuột nhắt, rúc trốn biệt dạng góc tủ. Gà mẹ dẫn con nấp kín trong đụm rơm. Chim khô cổ họng, mất tiếng hót. Nóng, cả làng dặn nhau, coi chừng lửa bếp! Nóng, khách qua đường nườm nượp ghé vào chum nước đặt ngay cửa nhà thờ vốc từng gáo dừa uống ừng ực như người chết khát. Nhìn xa xa, hàng người dài xếp hàng rồng rắn đợi chờ tới phiên như tuần đại phúc Cụ ngồi tòa trước giờ lễ cả. Ông Trùm cứ thế hai tay hai xô, bắp chân lực điền nườm nượp chạy tới chạy lui kín đầy chum nước. Nóng, trưa hè, cả làng ngủ yên. Đám trẻ mục đồng ngày thường thả trâu ăn cỏ buổi trưa tụ tập sân đình ồn ào đánh đinh đánh đáo, giờ cũng vắng bóng, chả biết trốn biệt đi đâu!

Trưa hè, em bước vô nhà thờ, tính chầu Thánh Thể. Nhưng thật là bất ngờ, mới bước được mấy bước chân lền bậc thềm cửa chính, em đã thấy bóng bác hớt hải bước ra tựa như trộm rình mò nhà chung, mặt bác rõ vẻ bối rối, tựa nhà có đại tang. Thấy bác, em nhanh nhẩu mở miệng,

— Em chào bác!

Đã tính nói thêm mấy câu, nhưng thấy bác mặt “tổ quốc vấn khăn tang trắng”, em ngập ngừng,

— Bác… Bác tính đi đâu thế?

Bác ăn nói thều thào như người bị hình vong nhập,

— Chú đấy hả? Chú nói cái chi mà tôi nghe chả rõ… Khổ, dạo này tự nhiên cứ như người điếc, mà lại điếc đặc! Không khéo mấy bữa lại mắt toét, rồi lại thối tai!…

Em trợn mắt, nghĩ thầm trong bụng, “Hỏng! Không khéo giời bắt vạ, nóng quá! Nói dại, dám bác giờ hóa ra…người dở hơi!”. Bụng nghĩ thế, nhưng miệng em vẫn cứ bình thường,

— Dạ, em tính bước vào nhà thờ, viếng Chúa. Nhưng khổ, nóng rẫy cả người, nóng bỏng cả chân. Thấy bác, em đổi ý, muốn mời bác ra quán nước bà Cả Nha uống cốc nước vối cho mát người.

Trời nóng, Bác ăn nói mát mẻ,

— Vâng, cám ơn chú… Vừa ở trong đó, mới đọc được vài câu kinh đã nghe tiếng chân khua khuắng ồn ào. Tưởng ai, hóa ra chú…

Bác bước tới chân tháp chuông, vừa đi vừa nói,

— Đứng ở đây, dưới bóng tháp chuông cũng mát mẻ rồi. Làm gì phải mò ra quán bà Cả cho nó nhọc người, lại tốn tiền…

Bác nhìn quanh, tay rút ra từ trong túi áo cái quạt mo phẩy phẩy mấy cái, mặt nhăn nhăn như khỉ bốc nhầm mắm tôm,

— Hãi quá! Nóng tợn! Cứ như lửa hoả ngục…

Em trợn mắt, nhìn bác,

— Ơ Bác, sao lại nói thế! Mình ở trần gian. Sao lại ví hỏa ngục...

Bị cự nự, bình thường bác sẽ không bỏ qua. Nhưng quái, hôm nay bác vẫn yên lặng, không nói chi… Em nhìn bác, rồi lại bâng quơ nhìn trời, trời xanh ngăn ngắt không gợn áng mây. Thấy bác yên ắng, ruồi nhằng to bằng hạt đỗ đen đậu trên lỗ mũi cũng không buồn đuổi, em giơ tay che miệng ngáp dài, bắt đầu nhặt que chọc tổ ong,

— Nóng thật bác ạ! Làng ta, bu em nói, cả trăm năm nay, chưa gặp trận nóng nào kinh hồn như trận này! Cứ làm như giời đổ từng chậu than hồng quẳng xuống trần gian. Hên nhà Dòng được giàn mướp xanh bao quanh bốn góc, gớm cái giàn mướp mà bác ghé qua chơi là…bác cứ tự nhiên đứng…cầm vòi…tưới tắm hẳn hoi! Hèn chi giàn mướp quả sai lúc lắc… Rồi lại thêm nhà Dòng sát mé sông Cái, hơi nước mát bốc lên. Chứ không, từ cha Bề trên xuống tới ông Bếp, dám chết khô tất tật vì cái nóng năm nay... Thiệt, cứ như bị giời bắt vạ!

Như không mặn mà chuyện giàn mướp, bác quay sang em, thì thào khe khẽ như người hấp hối sinh thì,

— Có chuyện này muốn hỏi ông? Mà tôi xin ông, nhớ giữ kin kín hộ tôi. Chuyện này chỉ có nhà tôi, giờ tới ông là người thứ ba. Được ông nhận lời kín miệng thì tôi mới dám cất nhời…

Em trợn mắt nhìn bác, môi mỏng (hay hớt) đã mấp máy như muốn cự nự. Nhưng thấy mặt bác sầu khổ như ông Trùm nhà xứ đứng ngắm nhân tài mùa Chay, em nhịn, nuốt nước miếng cái ực, miệng nói vuốt đuôi,

— Vâng, đến là khổ, bác thì cứ hay nói, “Bán anh em xa không bằng láng giềng gần.” Bác với em nào phải chỗ xa lạ, mà bác thì cứ phải vòng vo chạy ba quãng đồng cho nhọc cả người. Nhưng mà thôi, bác có chuyện gì muốn nói, bác cứ nói. Em mà biết, em xin bàn giúp mấy nhời.

Được em nói mấy câu, bác như tươi ra,

— Khổ! Chuyện là như thế này… Hôm nọ, nhà tôi bán được miếng đất ở mạn ngược. Ông chắc không biết chuyện này đâu. Ông ngoại hồi xưa sinh ra và lớn lên ở đó, rồi sau trận đói năm Ất Dậu, mới dọn về làng ta. Căn nhà hương hỏa thì cũng suy sụp theo thời gian rồi. Nhưng đất thì vẫn nằm nguyên ở đó. Đất mà, nó đâu có chân để mà chạy đi đâu. Trừ khi đào hũ vàng chôn, hũ vàng mọc chân chạy mất. Ông ngoại, năm ngoái nằm xuống. Bữa đám tang, chú nể lời tôi, cũng mặc áo lễ sinh giúp tang lễ cho Cụ, chú chắc không quên! Vợ tôi lại là con một, cho nên ông ngoại nằm xuống, miếng đất lọt vào tay cô ấy. Sổ đỏ từ tay ông ngoại đổi sang tên vợ tôi. Giờ, ngoại quốc đổ tiền bạc vào mở nhà máy, miếng đất nhỏ bằng cái mắt muỗi tự nhiên bốc giá. Hai vợ chồng tôi quyết định bán đi miếng đất…

Bác nhìn quanh như sợ trộm rình cửa ngõ,

— Thế là hai vợ chồng…tạ ơn Chúa, cũng tậu được món tiền kha khá…

Em nói ngay, giọng hề phường chèo,

— Em chúc mừng bác! Vậy là mừng rồi… Bác đỡ vất vả, ngày ngày cong cong chổng…mông cày bừa… Khổ! Bác nói em mới chợt nhớ, cái bữa trước, em đi trên con đê, thấy nắng nung lửa đỏ, nắng nhọc cả người, mà bác với bác gái cứ tham công tiếc việc, quần quật như con sen người ở. Em đã tính bước xuống ruộng kéo bác lên đê ngồi hút với em điếu thuốc lào… Nhưng thấy bác siêng quá, em ngại mở miệng mời, bác lại mắng cho mấy mắng…

Em ngừng lại, rồi nói ngay,

— Mà này, có tí vốn rồi, bữa em đỗ cụ, nhờ bác hộ em một phần lợn nhé… Bu em nói, bữa đỗ cụ, làm gì thì làm, cũng phải mở mấy mâm thượng đẳng... Phải gà trống thiến Làng Thôi, xôi gấc Làng Vo, giò lụa Làng Bá, ba chỉ Làng Mịch, vịt tiềm thuốc bắc Làng Xoài…

Em tươi mặt,

— Em đang lo nghĩ ngợi, bu em cứ làm như em người nhà giời hoặc sân sau nhà trồng được cây tiền… Hên quá, giờ có bác bán sổ đỏ, được tí vốn… Nhớ cho em vay đấy nhá. Mai mốt em đỗ Cụ, thong thả được mấy năm, có ti tí vốn, xin hoàn trả lại bác vừa vốn lẫn lời…

Nghe em tươm tướp nói cướp cả nhời, bác không nhịn nữa, mở miệng mắng,

— Ông, chỉ được cái tài tán hươu tán vượn! Tôi nói chửa xong thì ông đã mồm năm miệng mười…

Bị mắng sa sả ngay giữa trời, em quê lắm, chỉ còn biết hả họng nhìn bác… Chợt nhớ ra có lẽ tại trời nóng, bác cũng hâm hâm…nóng theo, em nhịn, chỉ dám nói thêm mấy nhời đưa đẩy,

— Ơ hay! Bác nói… Nhưng thôi, cho em xin. Em nhỡ miệng… Em chỉ nói giỡn mấy nhời cho bác vui…

Em vỗ vỗ vai bác, lãng lãng sang chuyện khác,

— Bác, bác đi với em… Mình ra quán nước bà Cả Nha. Em xin phép bác, bữa nay để em móc ruột tượng... Khiếp, em sao đến là nhạt miệng. Giờ mình ra quán bà Cả, rít mấy hơi thuốc Cái Sắn… Em còn nghe nói bà Cả dạo này bán cả thịt chó lá mơ tam thể đấy, đế thì bà ấy nhờ người trên mạn ngược mang xuống, rượu thơm nức cả mũi…

Thấy em đấu dịu, tự nhiên bác biết mình nóng, nói mấy nhời cũng hơi quá, lại nghe nhắc tới thịt chó lá mơ với rượu đế mạn ngược, mặt bác tươi ra,

— Ừ thì đi… Nhưng mà ông để tôi nói cho hết chuyện đã… Khổ, đã nói hết chuyện đâu…

Em biết lỗi, rót thêm vào mấy nhời,

— Vâng, vâng, mời bác, em mời bác... Bác đang nói tới cái đoạn hai bác bán được miếng đất, tậu được tí vốn…

Bác rạng rỡ nét mặt, mặn mà câu chuyện,

— Ừ phải! Đang nói dở dang tới cái đoạn tậu được chút vốn…

Bác nhìn quanh, thầm thì vào tai em,

— …Mà ông cũng biết rồi. Trộm bạc giờ cứ như rươi, nó cậy cửa vô nhà thì thiệt là mất trắng, cho nên hai vợ chồng to nhỏ bàn với nhau, thôi, hay nhất là gửi tất tật vào ngân hàng, vừa tiện lợi lại vừa được tí tiền lãi…

Bác thở dài như nhà mất trộm,

— Tưởng thế là xong! Cơm lành canh ngọt... Ai ngờ, từ cái bữa gió Lào thổi về thổi luôn về làng cái ông ăn mày… Ông ấy cả tháng rồi, chià tay ăn xin đầu làng cuối xóm. Mới tuần rồi, chả hiểu sao, ông ấy xăm xăm đi thẳng một mạch tới cửa nhà tôi, rồi cứ thế, lê la ngày đêm ở trước cửa... Nói dịu nói sẵng, ông ấy cứ nằm vật ra… ngay cửa ngõ…

Nói tới đây, mặt bác tối xầm lại,

— Con Mực mấy lần chực nhào ra, làm hỗn… Hên tôi xích nó thẳng vào cột nhà, nếu không giờ dám có người đổ ruột… Ông cũng biết con Mực rồi, nó to tựa bê con… Cái ông ăn mày, nói xin chú bỏ qua, ông ấy gầy nhom, nom cứ như người chết đói cái năm Ất Dậu…

Càng nghe bác nói, mặt em lại càng ngớ ngẩn tựa người cám lợn dở hơi. Bác vừa nói dứt lời, tới phiên em ngồi xuống mở rộng cửa quán bầy hàng bán…than,

— Khổ, nói xin phép bác bỏ qua. Bác nói suốt từ nãy giờ, bác càng nói, em càng lạc. Em chẳng hiểu bác nói gì sất…

Bác nhìn em,

— Ơ, chú… Đến là hay… Chuyện ba năm rõ mười như thế mà chú cũng chả hiểu gì sất? Chú nói chuyện bỡn hay nói thật đấy?

Em giọng điệu hờn dỗi,

— Bác, bác cứ làm như em phận thằng mõ, ăn nói chớt nhả… Em nói thật, bác nói gì, em mà hiểu, em chết liền! Này nhé, bác nói bác tậu được một tí tiền… Rồi có cái ông ăn mày kéo tới nhà… Rồi con Mực to bằng con bê…

Em dừng lại,

— Mà lúc nãy bác bảo bác muốn hỏi em một chuyện. Mà chuyện đó là chuyện gì?…

Bác cáu gắt mắm tôm,

— Ơ hay, chú… Đã là Thầy Sáu hẳn hoi. Chỉ còn dăm bữa nửa tháng là đỗ Cụ rồi…

Bác dừng ngang, nghĩ ngợi, rồi nói tiếp, giọng điệu gay gắt mắm tôm,

— Tôi đang nói chuyện cái ông nhà giàu và ông Lazarô đấy… Chú đã nhớ chửa?

Bị bác mắng, tưởng em sẽ giận nhưng không, em mặt tươi ra, thở phào nhẹ nhõm như bị cáo được quan tòa tha bổng. Em miệng cười toe toét,

— Gớm, bác đến là khéo! Em tưởng chuyện gì! Hóa ra chuyện ông nhà giàu và cái ông hàng xóm Lazarô. Chuyện đó, ai mà lại chẳng biết. Nhưng bác muốn hỏi em điều gì?

Bác nói ngay,

— Ơ! Ông học lý đoán bao nhiêu năm nay. Tôi muốn hỏi ông… Cái ông nhà giàu theo như nhời Chúa nói, cuối đời bị phạt rớt xuống hỏa ngục, bởi ông ấy giàu có…

Bác tâm sự,

— Tậu được một tí tiền, hai vợ chồng hí hửng mừng trong bụng. Nhưng tự nhiên cái ông ăn mày kéo về đậu ngay trước cửa; sáng cũng thế, chiều cũng thế, cứ ra rả một câu, “Con lạy ông lạy bà…” Hai vợ chồng chiều cũng như tối, vừa ăn cơm vừa nhìn ra hiên cửa, cả hai bấm bụng nói với nhau, “Thôi, hỏng rồi!”…

Nói tới đây, bác tự nhiên tiu nghỉu như mèo bị bấm tai, như cô hàng xén gặp phiên chợ ế… Em, giờ đã hiểu chuyện, thân thiện vỗ vai bác,

— Giời ạ! Có thế thôi mà bác cứ vòng vo đầu cua tai nheo, khiến em lo ngay ngáy. Không biết bác có chuyện gì muốn nói… Hóa ra chuyện này…

Em như cha cụ đứng trên tòa giảng,

— Em hỏi hơi vô phép, xin bác bỏ qua… Sao bác biết ông nhà giàu bị phạt rớt xuống hỏa ngục bởi ông ấy có tiền có của?

Nghe hỏi, bác bỗng dưng ú ớ,

— Ơ hay! Thì ai biết đâu! Thấy trong Phúc Âm nói vậy, thì tôi nhắc lại vậy thôi…

Em kiên nhẫn,

— Không, bác ơi, em lạy bác! Bác đọc lại Phúc Âm cho em nhờ một tí. Khổ! Chúa đâu có nói ông nhà giàu cuối đời bị phạt bởi ông ấy của chìm của nổi… Bác có tí tiền, cái đó là tại phần may rớt xuống vợ bác. Cái này gọi là hoạnh tài bất ngờ. Giời cho… Chớ nào có phải bác, em xin lỗi, bác đâu có đi ăn cướp ăn giật của ai đâu! Bác nghĩ em nói có phải hay không? Nói như bác, người nào giầu có, nhà có tí của, tới giờ nhắm mắt chết đi là sa thẳng địa ngục hay sao?

Bác bắt đầu nóng gáy,

— Khổ, vậy ông nói đi, tại sao ông nhà mày lại bị phạt rớt xuống hỏa ngục.

Bị cự nự, nhưng mặt em vẫn thản nhiên, nói ngay,

— Bác ơi, ông bà mình nói, “Thấy người hoạn nạn thì thương!” Tục ngữ mình cũng có câu, “Đong đấu nào, Trời đong lại cho đấu ấy”. Nhưng khổ, cái ông nhà giàu thấy người hoạn nạn, mà cứ làm mặt bơ bơ, ngày đêm yến tiệc linh đình, chẳng thèm ngó ngàng tới cái ông ăn mày Lazarô ngồi ngay cửa ngõ. Ông nhà giàu cả đời có đong được đấu nào cho ai đâu; cho nên chết đi, Chúa cũng chả buồn ngó nhìn, chẳng phải nhọc người, cúi xuống đong cho ông ấy dù chỉ là một hạt nước lã…

Em giọng điệu cha cụ dạy Giáo Lý Hôn Nhân, Rửa Tội Tân Tòng,

— Bác đã hiểu chửa?

Em nhìn lên bầu trời nắng gắt, buông nhời,

— Bác biết không? Ông nhà giàu bị phạt bởi ông ấy thiếu Tử Tế… Cho nên cuối đời… hóa ra hỏng, hỏng bét!

Em lại vỗ vai bác,

— Thôi, em với bác, mình kéo tới quán nước bà Cả Nha. Khổ, nói suốt từ nãy giờ, em khô ran cả miệng. Bác với em tới quán mua bà Cả mấy hạt nước vối làm nguội đầu lưỡi… Thôi, mình đi uống cốc nước vối…

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mở rộng lòng để nhận ra thế giới đang đói khát và nghèo nàn... Còn nhiều người cần tới bàn tay của chúng con.
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam, Tôn Giáo, 2021)
 
Tầm nhìn Nam Mỹ về Jacques Maritain
Vũ Văn An
21:37 20/09/2022

Theo Stanford Encyclopedia of Philosophy, tư tưởng của Jacques Maritain gây ảnh hưởng đặc biệt ở Nam Mỹ, phần lớn nhờ đặc tính 'tự do' trong triết lý chính trị của ông. Các giảng khóa của ông tại Châu Mỹ Latinh vào năm 1936 đã dẫn đến việc ông được bổ nhiệm là viện sĩ thông tấn của Hàn lâm viện Văn chương Ba Tây. Tuy nhiên, như Olivier Compagnon cho ta thấy, ảnh hưởng này khá phức tạp. Trong khi Ba Tây tôn vinh ông thì Chile mạ lỵ ông như "người của phe tả". Chúng tôi chuyển ngữ bài viết Maritain et l’Amérique du Sud của Olivier Compangon đăng tại địa chỉ https://journals.openedition.org/nuevomundo/604



Bị bác bỏ bởi giới trí thức Pháp kể từ sau Thế Chiến hai, tác phẩm của Jacques Maritain là một tài liệu tham khảo chính về mặt học thuyết trong nền văn hóa chính trị Dân chủ Kitô giáo ở Nam Mỹ. Ảnh hưởng này nghịch lý hơn ở chỗ Maritain luôn cảnh giác với những phương tiện chính trị dơ bẩn: một triết gia Kitô giáo nói về dân chủ qua các tác phẩm như Humanisme intégral [Chủ nghĩa nhân bản toàn diện] (1936), Christianisme et démocratie [Kitô giáo và dân chủ] (1943) hay L'homme et l’État [Con người và Nhà nước] ( 1951), ông không bao giờ muốn trở thành triết gia của một nền dân chủ Kitô giáo mà ông luôn đánh giá một cách phê phán và nghiêm khắc. Khởi từ các nguồn dư thừa (hàng trăm cuốn sách và bài báo được xuất bản bởi Maritain và về Maritain bên kia Đại Tây Dương, thư từ liên tục mà nhà triết học duy trì với khoảng 180 nhân vật Nam Mỹ, v.v.), bài này đầu tiên nhằm phân tích nguyên nhân của việc sử dụng chính trị chủ nghĩa Maritain, bằng cách tìm hiểu, theo quan điểm của lịch sử so sánh, các cách đọc khác nhau đã được giới tinh hoa Công Giáo Nam Mỹ thực hiện về Maritain, từ những năm 1920 đến đầu những năm 1960 và 70. Nó cũng cho phép chúng ta nắm vững trong một thời gian dài, nhờ lăng kính được cung cấp bởi sự tiếp nhận chủ nghĩa Maritain, những đột biến của Công Giáo Mỹ Latinh đương thời.

Bốn thời kỳ của chủ nghĩa Maritain ở Nam Mỹ

Một số điểm gián đoạn đã được nhấn mạnh đối với bài nghiên cứu có tính lịch đại [diachronique] này. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ đầu những năm 1920 đến những năm 1936-1937, và tương ứng với cuộc gặp gỡ của giới tinh hoa Công Giáo Nam Mỹ với công trình của Maritain. Trong bối cảnh renacimiento católico [Phục hưng Công Giáo] giữa hai thế chiến, chủ nghĩa Tôma của nhà triết học Pháp cung cấp một khuôn khổ vừa có tính khái niệm vừa có tính tâm linh giúp người ta suy nghĩ về thế giới hiện đại theo thước đo của chủ nghĩa kinh viện truyền thống và đề nghị với các linh hồn “lầm lạc” đường trở về trong lòng Giáo hội, vào đúng thời điểm trong đó đang xuất hiện động lực hoán cải của giới tinh hoa trí thức, những người tìm thấy trong hành trình hướng tới đức tin của Maritain một mô hình mạnh mẽ. Người ta biết ơn tác giả cuốn Antimoderne [chống hiện đại] vì đã dạy rằng ta chỉ có thể thắng được diễn trình văn minh qui nhân [anthropocentrique], một nền văn minh vốn tin rằng có thể bác bỏ Thiên Chúa để cuối cùng tạo ra một chủ nghĩa duy vật man rợ, bằng cách khôi phục nơi mọi người các giá trị của Kitô giáo. Giai đoạn đầu tiên này có đặc điểm ở chỗ việc tiếp nhận chủ nghĩa Maritain chỉ phổ biến nhiều ở vùng Hình Nón Phương Nam (cône Sud) và Ba Tây: các Cursos de Cultura Católica [Các Khóa học về văn hóa Công Giáo] ở Buenos Aires, Centro Dom Vital [Trung tâm Cha Vital]ở Rio, một số khu vực nhất định của Đại học Công Giáo Chí Lợi, một vài chủng viện và viện nghiên cứu học thuyết Tôma hiếm hoi - như viện Córdoba ở Á Căn Đình - là những trung tâm chính gây ảnh hưởng mà những người cổ vũ chủ yếu là những tác nhân biệt lập đã khám phá ra công trình của Maritain trong thời gian lưu lại châu Âu.

Các năm 1936-1939 đánh dấu sự gián đoạn đầu tiên và mở đầu thời kỳ tranh cãi cho đến đầu thập niên 1950. Chuyến đi của vợ chồng Maritain đến Á Căn Đình (1936) là cơ hội để khám phá toàn bộ một công trình mà nhiều người vẫn còn coi như phiên bản triết học và Công Giáo của chủ nghĩa quốc gia toàn diện của Maurras, do đó, làm ngơ bước ngoặt của những năm 1926-1927 liên quan đến việc lên án Action Française [của Maurras] và viễn kiến mới về văn hóa, lịch sử và những sự việc trần thế lúc đó đã tự áp đặt lên Maritain. Cuốn Humanisme intégral [Chủ nghĩa nhân bản toàn diện], dự phóng trong một tương lai xa xăm lý tưởng về một kinh thành thế tục dựa vào linh hứng Kitô giáo, va chạm trực tiếp chống những người vẫn mơ về một sự phục hồi của Công Giáo; việc từ chối hỗ trợ Franco trong cuộc thập tự chinh cứu chuộc mà ông ta đã phát động ở Tây Ban Nha, đã làm lu mờ mối diễm tình trí thức phát sinh trong những năm 1920. Chống thiểu số môn đệ muốn thỏa mãn cơn cám dỗ chính trị của họ khởi đi từ lý tưởng lịch sử cụ thể về một thế giới Kitô giáo từ nay là đoàn ngũ những người bài Maritain, những người, chủ yếu phát xuất từ Á Căn Đình, Ba Tây và Chí Lợi, tố cáo vị tông đồ của một nền thế tục hóa đã được công bố, dọn giường cho đủ thứ âm mưu lật đổ, Do Thái, Tam Điểm, Thệ phản hay Cộng sản. Thế Chiến thứ hai, bén rễ công trình của Maritain vào thửa đất của một nền dân chủ nhân vị và cộng đồng - và do đó đa nguyên và thế tục - đã mở rộng thêm hố phân cách giữa triết gia và những kẻ gièm pha ông luôn tiếc nuối việc liên minh giữa thập giá và thanh gươm, hơn bao giờ hết muốn Rome lên án những luận đề được coi như trái ngược với lợi ích của Giáo hội trên thế giới này.

Đầu các thập niên 1940 và 1950 đã làm gián đoạn động lực chống Maritain này, một việc đã nhận được sự ủng hộ của các phẩm trật giáo hội hầu như khắp nơi ở Nam Mỹ. Chính Đức Piô XII cũng đã cổ vũ Giáo Hội Công Giáo theo chế độ dân chủ vào năm 1944, và Maritain có thể trông cậy vào sự ủng hộ quý giá của Vatican. Do đó, việc hãm tiếng nói của các cuộc luận chiến đã rộng đường cho các môn đệ của triết gia; những người này đã tận dụng những năm tháng này để tổ chức các mạng lưới kết liên trí thức vượt ra ngoài biên giới quốc gia và làm chín mùi một dự án chính trị phục hồi di sản của Maritain. Điều này ra đời vào năm 1947, khi Tuyên bố Montevideo đặt nền móng cho một nền dân chủ Kitô giáo đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh nhằm thực hiện một cách thực tế các nguyên tắc của chủ nghĩa nhân bản toàn diện. Là đỉnh cao của ảnh hưởng của Maritain ở Nam Mỹ, văn kiện này đồng thời cho thấy tất cả sự mơ hồ của nó: vì khi nhớ đến các dè dặt mà nhà triết học không ngừng phát biểu đối với hành động chính trị theo nghĩa hẹp [stricto sensu], khi đọc lại những bức thư mà ông từng trao đổi với người bạn Ba Tây Alceu Amoroso Lima, người ta nhận ra sự chênh lệch giữa một suy nghĩ có ý định nuôi dưỡng lãnh vực trần thế bằng chất men các giá trị Tin Mừng qua một loạt các trung gian phi chính trị - hiệp hội, giáo dục, tông đồ - và việc nó, trái lại, tiếp nhận ưu tiên các hình thức hành động chính trị và tranh đấu. Mặc dù phát xuất từ một cách đọc độc đáo và gần như không trung thành, từ một kiểu "công cụ hóa" phần nào chủ nghĩa Maritain, nền dân chủ Kitô giáo Nam Mỹ do đó tự trang bị cho mình một bản sắc lý thuyết mà Maritain là trụ cột, trận đồ thực sự có khả năng sau đó tích hợp các ảnh hưởng song hành và bổ sung. - như của Cha Lebret chẳng hạn. Từ nhà triết học người Pháp, người ta duy trì một vài ý tưởng chủ lực: sự phân biệt giữa bình diện trần thế và tâm linh, xây nền cho sự hiện hữu của một đảng không thuộc tuyên tín nào nhưng hoạt động của họ lấy hứng từ các giá trị Kitô giáo; dự án về một xã hội thế tục và đa nguyên, có khả năng phân biệt giữa tư cách công dân và thống thuộc tuyên tín; dự án về một xã hội duy nhân vị và cộng đoàn, nằm ở khoảng giữa chủ nghĩa cá nhân tự do không có chút ý thức nào về lợi ích chung và chủ nghĩa xã hội duy tập thể coi thường các quyền tự nhiên của nhân vị; tóm lại, một tercera via [con đường thứ ba], dựa trên ý niệm một nền dân chủ hữu cơ biết tôn trọng các thống thuộc cộng đồng khác nhau của nhân vị thay vì chuyển nhượng các thống thuộc này cho tổng thể xã hội và chính trị. Năm 1964, việc Eduardo Frei trở thành tổng thống của Cộng hòa Chí Lợi quả là chiến thắng chính trị của một người theo Maritain vốn được nuôi dưỡng bằng các giá trị này, bất kể thực trạng quyền lực và tầm mức các cuộc cải cách thực hiện sau đó.

Sự gián đoạn cuối cùng xảy ra vào nửa sau của những năm 1960, khi Công đồng Vatican II đã định hình lại một cách sâu sắc các nhạy cảm của thế giới Công Giáo Nam Mỹ và mở đường cho một chủ nghĩa tiến bộ Kitô giáo mà sau đó đã chiếm vị trí hàng đầu của khung cảnh. Nếu phe Dân chủ Kitô giáo "lịch sử" – tức những người, giống như Frei, đến với Maritain trong thời kỳ giữa hai Thế chiến - không hề phủ nhận di sản của nhà triết học và thấy trong chính sách aggiornamento của Công Đồng một bài học coi chủ nghĩa Maritain chỉ phù hợp với thế kỷ của nó, thì các nhà thần học giải phóng và “những chàng Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi” [jeunes turcs] của nền dân chủ Kitô giáo đã thống nhất tiếng nói của họ trong một liên minh bài Maritain cải tân, khởi đi từ việc lựa chọn giải pháp giải phóng người nghèo. Sự đồng hóa Maritain với các trải nghiệm Kitô giáo-Dân chủ dở dang ở Chí Lợi và Venezuela, cơn cám dỗ muốn đối thoại với chủ nghĩa Mác, một cuộc đối thoại mà nhà triết học người Pháp này không bao giờ muốn xem xét, cú sốc do một số đoạn trong cuốn Le Paysan de la Garonne gây ra, đều là những yếu tố góp phần vào chỉ thị của một vụ án mới, cho tội phản động lần này chứ không còn là tội duy tiến bộ (progressisme) nữa. Nếu người ta công nhận ở Maritain công lao đã phi liên đới một số thành phần của đạo Công Giáo khỏi các lập trường chính trị thường bảo thủ, và đã dẫn hàng ngũ giáo dân vào những con đường cam kết cần thiết, thì ngược lại, người ta sẽ không tha thứ cho ông việc thiếu nhân nhượng đối với Teilhard de Chardin, đối với chủ nghĩa Mác, đối với điều ông coi là dấu hiệu của một chủ nghĩa tân hiện đại. Maritain đã biến thời của ông thành hình ảnh một chủ nghĩa Tôma cứng ngắc về giáo điều và không còn khả năng suy nghĩ về những diễn biến của thế kỷ. Về phía đối lập với Công Giáo, đó cũng là ý kiến của những người theo chủ nghĩa toàn diện [intégristes], những người, trái lại, cho rằng nhà triết học phải chịu trách nhiệm về những nhượng bộ mà Giáo hội đã dành cho thế giới hiện đại trong Công đồng Vatican II: bằng chứng là việc ông đồng hành lâu dài với Đức Cha Montini, người sau này trở thành Đức Phaolô VI và đã không thể tách lúa mì ra khỏi cỏ lùng trong một Giáo hội đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, sự kết hợp các thành phần bài Maritain có tính phản kháng này không có nghĩa là công trình của nhà triết học này không còn tồn tại vào buổi đầu thập niên 1970: trên một lục địa nơi các chế độ an ninh quốc gia phát triển mạnh mẽ, bất cứ thông điệp dân chủ nào cũng vẫn giữ được tính hợp pháp tự nhiên, có khả năng che giấu các sai lầm của ngày hôm qua. Tuy nhiên, kỷ nguyên hậu công đồng dường như đã kết thúc một thời đại: nếu có một “thế hệ Maritan” trong giới tinh hoa Công Giáo ở Nam Mỹ, thì chính vào thời điểm này, nó đã giải thể từ từ.

Một ảnh hưởng sai biệt

Ngoài ảnh hưởng tùy thời kỳ này, cũng còn vấn đề ảnh hưởng không đồng đều của công trình Maritain ở Nam Mỹ. Đối đầu về phương diện hoàn cầu với các vùng đất tiên phong của Nón Nam [cône Sud) và Ba Tây là vùng thuộc dẫy Ăng Đơ (Andes) tức Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, và Paraguay, ít được quan tâm bởi việc loan truyền chủ nghĩa Maritain dường như không bao giờ xuất hiện như một đường phay trong đạo Công Giáo. Venezuela nằm ở giữa hai trường hợp này, vì công trình của nhà triết học người Pháp chỉ thực sự bắt đầu được biết đến ở đó vào những năm 1950, do đó đã thoát khỏi làn sóng tranh cãi lớn nhưng, sau đó, đã không lên cấu trúc được nền văn hóa chính trị Kitô giáo-Dân chủ.

Nếu giả thuyết theo đó việc loan truyền chủ nghĩa Maritain tùy thuộc vào mức độ thích Pháp (afrancesamiento) của giới tinh hoa quốc gia không phản kháng việc phân tích, cũng như việc toàn bộ Nam Mỹ hướng về châu Âu trong đầu thế kỷ XX, thì các nhân tố sai biệt hóa về địa lý dường như vẫn của một số giới nào đó. Trước hết, một số tác nhân nào đó có vẻ rất chủ yếu trong quá trình nhập khẩu bắt đầu sau Thế Chiến thứ nhất: sự thôi thúc của những người theo Maritain buổi đầu (Alceu Amoroso Lima ở Ba Tay, Rafael Pividal ở Á Căn Đình, v.v.), những người đã phát hiện ra Maritain trong thời gian lưu trú ở Paris, có vẻ có tính quyết định mặc dù rất khó định lượng.

Ngoài ra, bối cảnh chính trị và tôn giáo trong đó công trình của Maritain bắt đầu được biết đến đóng một vai trò quan trọng hàng dầu: nếu renacimiento católico [phong trào phục hưng Công Giáo] được sự quan tâm của mọi quốc gia ở tiểu lục địa giữa hai cuộc chiến tranh, thì nó vẫn không dẫn đến việc biến chủ nghĩa Maritain thành của riêng ở khắp nơi; và nếu cơn cám dỗ chính trị được thể hiện đồng loạt lên một thế hệ Công Giáo Nam Mỹ trẻ tuổi, thì không phải ở đâu cũng có một nền dân chủ Kitô giáo. Bởi vì để một dự án như vậy thành hình, cần phải có một lỗ hổng để rơi vào. Ở Chí Lợi, Đảng Bảo thủ theo truyền thống nắm được dư luận của người Công Giáo nhưng từ từ suy giảm trong nửa đầu thế kỷ 20. Hấp hối, nó khổ công canh tân ngôn từ của nó dựa vào giáo huấn xã hội của Giáo hội, điều này dẫn Frei và những người bạn đồng hành của ông ta đến chỗ bất đồng chính kiến. Trường hợp có khác nhưng có thể so sánh được ở Á Căn Đình, Ba Tây và Venezuela, nơi mà trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, không có đảng bảo thủ lớn nào được cho là đại diện cho lợi ích của Giáo hội: do đó ban đầu có một không gian chính trị trống cho các người theo Maritain, những người đang đặt nền móng cho một nền dân chủ Kitô giáo mà số phận của nó sau đó phụ thuộc vào mức độ đa nguyên vốn lên đặc điểm cho nền chính trị quốc gia. Trái lại, ở Colombia, không có chủ nghĩa Maritain nào hơn là hình thức dân chủ Kitô giáo sơ khởi (proto-démocracie chrétienne), trong chừng mực Đảng Bảo thủ vẫn còn quyền lực và có thể huy động các khát vọng đổi mới của các thành viên trẻ tuổi nhất của nó. Nói tóm lại, nếu ảnh hưởng lớn hơn hay ít hơn của chủ nghĩa Maritain phụ thuộc một phần vào sáng kiến của các tác nhân cá thể, thì bối cảnh chính trị quốc gia cũng không dửng dưng đối với việc ấy.

Đạo Công Giáo bất nhân nhượng, Dân chủ Kitô giáo và Thần học Giải phóng

Cuối cùng, vì việc tiếp nhận chủ nghĩa Maritain ở bên kia bờ Đại Tây Dương mang tính chất luận chiến và làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận, nó tạo thành một lăng kính quý giá để hiểu Công Giáo Nam Mỹ về tính phức tạp của nó. Trong năm mươi năm, chủ nghĩa Maritain đã không ngừng là một vấn đề gây tranh cãi, chứng thực một cách hữu hiệu việc giới tinh hoa Công Giáo - trong tính đa dạng của họ - quan tâm tới vị trí của Giáo hội trong thế giới hiện đại. Công trình của Maritain là một công trình mở, thuận lợi cho việc đọc đa dạng và tùy thuộc vào những gì người ta muốn thấy ở đó hơn là những gì người ta thực sự tìm thấy ở đó. Do đó, tính đa dạng của các cách đọc này, từ những người theo trường phái ấn tượng nhất đến những người trung thành nhất, là một cửa sổ trong số những cửa sổ khác để quan sát các trào lưu khác nhau băng qua các Giáo Hội Nam Mỹ.

Từ nguồn, nghĩa là sau Thế Chiến thứ nhất, chủ nghĩa Maritain tự áp đặt mình như là một tham chiếu bổ sung cho một đạo Công Giáo không nhân nhượng - chúng ta dám nói là toàn diện - vốn là đặc quyền của đại đa số giới tinh hoa thời đó. Cần phải nói rằng các biểu hiện của một đạo Công Giáo tự do theo kiểu châu Âu, như từng tồn tại từ Lamennais đến Sangnier, rất ngoài lề ở châu Mỹ Latinh, chưa bao giờ nêu ra câu hỏi cụ thể về thái độ của Giáo hội trước các quyền tự do hiện đại. Và không giống như Pháp vào đầu những năm 1890, không có quốc gia nào phải đối mặt với câu hỏi về bất cứ cuộc tập hợp nào, có thể cho phép người ta suy nghĩ in concreto [một cách cụ thể] về sự đối lập giữa nguyên tắc nguồn gốc thần linh của thẩm quyền và ý tưởng về Chủ quyền nhân dân. Rất nhiều yếu tố giải thích cho sự gần như độc quyền của “chủ nghĩa bất nhân nhượng”, mà Jackson de Figuentico và Alceu Amoroso Lima ở Ba Tây, các thành viên của Cursos de Cultura Católica [Các khóa học về Văn hóa Công Giáo] hay Đức Cha Franceschi ở Buenos Aires, là một số hiện thân. Những nhân vật này đặc biệt đại diện cho một truyền thống có từ những năm đầu tiên của nền độc lập, khi hệ thống Bảo trợ thuộc địa bị phá bỏ và các Giáo Hội phải tự chống đỡ khi đối đầu với cuộc tấn công của chế độ chinh phục tự do. Phái chủ trương Đức Giáo Hoàng có quyền độc tôn [Ultramontaines] kiên quyết chống lại tính hiện đại chính trị có từ năm 1789, những người tinh hoa Công Giáo của những năm Hai mươi này chỉ hoàn toàn tin tưởng các thông điệp vĩ đại của Đức Piô IX và đã biến Danh mục Sách cấm [Syllabus] thành sách gối đầu giường của họ. Từ góc độ giáo sĩ, họ mơ về một thời điểm trong đó Giáo Hội và Nhà nước sẽ thống nhất với nhau trong sự trao đổi qua lại tính hợp pháp, trong đó, Nhà nước trở thành cánh tay vũ trang của Giáo Hội, khi thanh gươm và que rẩy nước thánh hợp nhất sẽ khôi phục lại một kinh thành Công Giáo trong đó, việc thống thuộc giáo phái sẽ là tiêu chuẩn đầu tiên của quyền công dân.

Tuy nhiên, trên cái nền tảng chung của Công Giáo không nhân nhượng này, người ta đã ghép vào một số sắc thái: từng mảnh từ cuối thế kỷ 19, rồi ồ ạt sau thông điệp Quadragesimo Anno [Năm Thứ Bốn Mươi], đạo Công Giáo xã hội loan truyền chậm rãi trong một số giới nào đó, như một phản ứng của Kitô giáo đối với những khó khăn nan giải chủ nghĩa tự do và cộng sản và liên hệ gần gũi với việc phục hưng học thuyết Tôma do Rôma thúc đẩy. Cha Hurtado ở Chí Lợi, Đức Cha Franceschi ở Á Căn Đình, Cha Aguirre ở Venezuela là một số đại diện, những người không phát xuất từ một truyền thống khác với truyền thống Công Giáo bất nhân nhượng nhưng đã thêm một chiều kích tranh đấu mới mẻ vào đó, nhất là trong giới thanh niên đại học. Khởi đi từ đó, những người theo Maritain từ ban đầu như Frei và Lima, chẳng hạn, trong khi tự nhận ra mình trong các cuốn AntimoderneTrois Réformateurs, vẫn có thể hình dung ra các hình thức hoạt động tông đồ đổi mới, vào lúc Rôma đang tạo động lực quyết định cho các phong trào Công Giáo tiến hành. Chính trong thế hệ bất nhân nhượng, nhưng bị ảnh hưởng bởi giáo huấn xã hội của Giáo hội này, dự án Dân chủ - Kitô giáo đã xuất hiện từ tình trạng lấp lửng, Công Giáo tiến hành do đó tạo hình ảnh, cũng như ở châu Âu, như một nơi xã hội hóa chính trị và ươm mầm cho một chủ nghĩa tranh đấu vẫn nhằm khôi phục các hình thức tuyên tín.

Ít hay nhiều, sự gián đoạn đã phát sinh giữa thời đầu Nội chiến Tây Ban Nha và lúc kết thúc Thế Chiến thứ hai, hai sự kiện nền tảng nêu ra cùng một lúc cả vấn đề chủ nghĩa giáo sĩ lẫn vấn đề dân chủ. Một bộ phận khá lớn của thế hệ trẻ, chịu ảnh hưởng của giáo huấn xã hội Công Giáo, tự tách mình ra khỏi phản xạ Franco, rồi khỏi cơn cám dỗ của phe Trục mà những người bất nhân nhượng nhất đã làm chứng – về điểm này, người Á Căn Đình của Công Giáo quốc gia là một trường hợp điển hình, đánh giá chủ nghĩa Quốc xã theo chủ nghĩa bài Do Thái của chính họ - được giúp đỡ về vấn đề này một cách chủ yếu nhờ sự giảng dạy của Maritain. Cùng lúc với việc thuật ngữ dân chủ du nhập vào lĩnh vực từ vựng của thế hệ này, sự phân biệt các kế hoạch đã tạo cơ hội cho thế hệ này gián đoạn với niềm hoài nhớ nền thống trị của giáo sĩ.

Chủ nghĩa chống Maritain hình thành vào thời điểm chính xác này là một phản ứng đối với sự bất đồng ý kiến dân chủ và chống giáo sĩ này, còn minh chứng thêm cho sức mạnh của truyền thống bất nhân nhượng và sự hàm xúc của nó ở đỉnh cao nhất của phẩm trật.

Do đó, đây là hai trào lưu phát xuất cùng một khuôn từ nay đối nghịch nhau, tuy nhiên, ranh giới giữa chúng không hoàn toàn kín mít. Bằng chứng là trường hợp của Đức Cha Franceschi, chống Maritain vì theo Franco, không quan tâm đến bất cứ suy nghĩ nào về bản chất của chế độ miển là nó duy trì giả thuyết sẽ phục hồi Công Giáo, nhưng là người sau chiến tranh đã hoán cải với dân chủ và trở lại, một cách ít hay nhiều minh nhiên, với huấn quyền của Maritain. Trạng huống quốc tế có tính quyết định ở đây: chiến thắng của các lực lượng Đồng minh thực sự là chiến thắng của nền dân chủ, như Đức Piô XII đã biểu thị trong thông điệp phát thanh của ngài vào tháng 12 năm 1944. Từ đó, phát sinh một cách tự nhiên giải pháp dân chủ - Kitô giáo mà ngôn từ duy nhân vị và cộng đồng của nó đã được khắc ghi trong mối liên hệ bất nhân nhượng của việc chỉ trích mô hình tự do, nhưng thực hành của nó cuối cùng đã bắt tay với một số hình thức Công Giáo tự do.

Thập niên1960 cuối cùng cũng tương ứng với một bùng nổ mới và dẫn đến việc sống chung của ba trào lưu khác biệt trong đạo Công Giáo ở Nam Mỹ. Trào lưu đầu tiên kể từ nay trở thành thiểu số: nó không bác bỏ cương lĩnh của nó trong thập niên 1920, tiếp tục thề sẽ bêu thây xã hội hiện đại và các tác động tiêu cực của nó bằng cách tham khảo Danh bộ Sách cấm [Syllabus], và thấy nơi Công đồng Vatican II việc đạt tới những dẫn đường đã hé thấy từ thập niên 1930, đặc biệt nơi Maritain. Gustavo Corção và Julio Meinvielle là một trong những đại diện của chủ nghĩa duy toàn diện Nam Mỹ này, của một đạo Công Giáo đã dừng lại ở ngưỡng cửa thế kỷ 20 nhưng mắt vẫn dán chặt vào thế kỷ 19. Trào lưu thứ hai là trào lưu theo dõi hành trình của Maritain chặt chẽ hơn, dù có khai thác lời dạy của ông: chuyển từ một Đạo Công Giáo bất nhân nhượng nhuốm màu học thuyết xã hội của Giáo hội sang nền dân chủ Kitô giáo, những người đại diện cho con đường từ nay trung dung này hoan nghênh aggiornamento [cập nhật] bằng cả hai tay, nhưng không thừa nhận một hình thức duy tiến bộ nào đó mà trong vũ trụ học của Teilhard là thần học của ngày mai, và trong cuộc đối thoại với chủ nghĩa Mác, là con đường duy nhất hướng tới một cuộc cách mạng phù hợp với các giá trị công bằng, tình yêu và bác ái của Kitô giáo. Họ vẫn trung thành với sự phân biệt các kế hoạch và thù địch với ý tưởng tham gia chính trị trong chiếc áo nhà tu. Cuối cùng, trào lưu sau hết là trào lưu Giáo hội của người nghèo, mà biểu thức đặc trưng nhất của nó là thần học giải phóng: các liên hệ của nó với Công Giáo bất nhân nhượng cũng y hệt như các liên hệ của nó với nền dân chủ Kitô giáo, một số phát ngôn viên của giải pháp giải phóng người nghèo thậm chí trực tiếp phát xuất từ nền dân chủ này. Về cơ bản, việc bác bỏ Maritain ở đây dựa trên sự kiện này là thần học giải phóng và các biến thể khác nhau của nó tương tự như một chủ nghĩa giáo sĩ trị mới, ở chỗ chúng mặc nhiên bác bỏ sự phân biệt các kế hoạch và tham vọng tái lập Vương quốc Thiên Chúa trên trái đất. - như mong muốn, trong một bối cảnh khác và tất nhiên là theo những điều kiện khác – của một Jackson de Figueosystemo năm mươi năm trước đó.

Sơ đồ này nhắc lại sơ đồ mà Jean-Marie Mayeur và Emile Poulat đã có thể làm nổi bật cho trường hợp Pháp, ngay cả khi nó đã thay đổi theo trình tự thời gian - điều này, đàng khác, có lẽ giải thích như sau: công trình của Maritain chỉ có tác động hạn chế ở Pháp, đặc biệt là trong nền văn hóa chính trị của Đảng Dân chủ Kitô giáo. Nó giúp làm lên mầu sắc cho ý tưởng chung, theo đó các nhạy cảm khác nhau của Công Giáo Nam Mỹ trong thập niên 1960 đã tạo thành các khối đối kháng phát xuất từ các truyền thống khác nhau. Ngược lại, phải quay trở lại khuôn khổ ban đầu đã được phong trào phục hưng tạo lập, khoảng Thế chiến thứ nhất, nếu muốn hiểu lịch sử này. Chỉ kể tên những người này, chúng ta hãy nhớ rằng Gustavo Corção, người theo thuyết duy toàn diện và Alceu Amoroso Lima, người thúc đẩy nền dân chủ Kitô giáo, cả hai đều kinh qua lò luyện Centro Dom Vital ở Rio; chúng ta hãy nhớ rằng Julio Meinvielle giống như Rafael Pividal đã tham dự Cursos de Cultura Católica ở Buenos Aires vào thập niên 1920. Tuy không ở mãi cho đến cùng, tất cả đều có ngày đã theo Maritain. Và bất kể sự khác biệt của họ sau đó là gì, công trình của nhà triết học Meudon vẫn có tính quyết định trong ý niệm này là tất cả đều tạo vị trí cho Giáo hội trong xã hội.


 
VietCatholic TV
Đoán trúng ý định Ukraine, Nga vẫn phải bỏ xe tăng tháo chạy. Nhiều thị trấn Luhansk được giải phóng
VietCatholic Media
03:02 20/09/2022


1. Đoán đúng ý định quân Ukraine nhưng không đủ quân tiếp viện, Nga chạy tiếp, quân Ukraine giải phóng nhiều thị trấn và làng mạc vùng Luhansk.

Sau khi quân Ukraine chiếm lại được thành phố Izium, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tổ chức một cuộc họp bao gồm các sĩ quan cao cấp của Nga đang tham chiến trong vùng Donbas, và lực lượng Không Quân nước này với quyết tâm xây dựng một phòng tuyến ngăn chặn quân Ukraine tại sông Oskil.

Sông Oskil chảy từ miền Belgorod của Nga sang miền Bắc Ukraine xuống tận phía Nam được coi là một phòng tuyến tự nhiên của quân Nga. Cuộc phản công Kharkiv phải dừng lại ở đó. Vượt sông trong hoàn cảnh chiến tranh là một hoạt động cam go như đã được chứng minh khi quân Nga vượt sông Siverskyi Donets. Ít nhất 2 Tiểu đoàn Chiến thuật chìm dưới dòng nước cùng với hàng chục xe tăng và thiết giáp. Có các đánh giá khác, dựa trên số thi thể trôi trên con sông này, cho rằng không dưới một Trung đoàn Nga đã tử trận ở đây.

Tuy nhiên, tinh thần của quân Nga xuống quá thấp nên họ bỏ chạy về thị trấn Svatove. Ông Serhiy Hayday, thống đốc vùng Luhansk cho biết quân Nga được giao nhiệm vụ phòng thủ ở bờ Đông sông Oskil đã bỏ chạy trước hỏa lực kinh hoàng của quân Ukraine. Họ chạy về Svatove và trốn trong một bến xe buýt. Quân Ukraine được mật báo đã pháo kích dữ dội vào địa điểm này. Ông cho biết:

“Tại Svatove, quân Nga đã tập trung trong một bến xe buýt từ 200 đến 300 quân. Tất cả đã bốc hơi.”

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 20 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết sau khi vượt sông Oskil, Ukraine đã tái chiếm một số làng mạc và thị trấn gần thành phố Lysychansk ở phía đông.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng đây chỉ mới là các chiến thắng nhỏ nhưng mang tính biểu tượng. Thứ nhất, điều này có nghĩa là Nga không còn có toàn quyền kiểm soát khu vực Luhansk, một trong những mục tiêu chiến tranh quan trọng của Vladimir Putin. Thứ hai, trong các thị trấn và làng mạc này, có cả những lãnh thổ đã bị quân xâm lược chiếm từ năm 2014.

Trong diễn biến mới nhất, Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine đang “hoàn toàn kiểm soát” thị trấn Bilohorivka. “Đó là một vùng ngoại ô của Lysychansk. Chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ đuổi những tên cặn bã này ra khỏi đó. Từng bước, từng centimet, chúng tôi sẽ giải phóng toàn bộ vùng đất của mình khỏi những kẻ xâm lược”.

Đoạn video được chia sẻ trên Telegram cho thấy các binh sĩ Ukraine đang đi bộ tuần tra trên một con phố đổ nát. Các lực lượng Nga đã chiếm đóng gần như toàn bộ Luhansk trong hai tháng rưỡi qua. Sau một trận chiến lâu dài và gay go, Bộ tham mưu của Ukraine đã quyết định rút lui vào tháng 7 khỏi các thành phố Sievierdonetsk và Lysychansk.

Riêng tại Berestove, quân Nga đã bỏ chạy vào hôm Chúa Nhật. Hôm thứ Hai, các tướng lĩnh Nga đã xua quân đội của cái gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Luhansk tự xưng đi đầu tái chiếm lại thị trấn này dưới sự yểm trợ của quân Nga. Cả hai nhóm này đã bị đánh bại và tháo chạy khỏi Berestove bỏ lại nhiều xác đồng đội.

Trong 12 ngày qua, các trung đoàn Ukraine ở phía đông bắc đã tiến hành một cuộc phản công ngoạn mục, giải phóng hơn 300 khu định cư trên khắp khu vực Kharkiv và buộc các đơn vị Nga phải tháo chạy tán loạn. Khu vực vừa được giải phóng có diện tích bằng một nửa xứ Wales, và đi thẳng đến biên giới Nga.

Putin đã ra hạn chót cho các tướng lĩnh Nga phải chiếm cho được toàn vùng Donetsk trước ngày 15 tháng 9. Thời hạn này đã trôi qua, quân Nga đã không chiếm thêm được mà còn đang mất dần nhiều lãnh thổ đã bị chiếm trước đó.

Có những báo cáo chưa được xác nhận về việc quân đội Ukraine đang tiến vào Lysychansk. Hiện dường như có rất ít triển vọng rằng Điện Cẩm Linh có thể nắm quyền kiểm soát toàn bộ Donbas, bao gồm các miền Donetsk và Luhansk. Vào tháng 3, sau khi thất bại trong nỗ lực chiếm thủ đô Kyiv, Putin cho biết đây là mục tiêu của “hoạt động quân sự đặc biệt” của ông ta ở Ukraine.

Cuối tuần qua, quân đội Nga đã pháo kích vào thành phố Kupiansk từ các vị trí phòng thủ mới được xây dựng gấp rút ngay phía đông sông Oskil. Hàng trăm người đã được di tản. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine tuyên bố đã đánh sập phòng tuyến của Nga. Các cuộc pháo kích vào Kupiansk đã giảm tối đa trong vài ngày qua. Ukraine cho biết họ đã kiểm soát toàn bộ cả hai bờ của con sông Oskil.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Nga đã thất bại trong việc gửi quân tiếp viện. Hiện nó đang chịu áp lực và dễ bị phản công hơn nữa.

Thống đốc Haidai cho biết các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng đang bắt đầu hoảng sợ. Đã có rất nhiều báo cáo về các đội cảnh sát giam giữ những người đàn ông trên đường phố và đưa họ vào quân đội. Ông tuyên bố rằng thông tin liên lạc di động và internet đã bị gián đoạn, để ngăn cản mọi người tìm hiểu về những thất bại quân sự của Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã cáo buộc Điện Cẩm Linh có hành vi liều lĩnh sau khi một quả đạn pháo rơi xuống cách một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Mykolaiv 300 mét. Hỏa tiễn đã làm hư hại các tòa nhà và thổi bay các cửa sổ. Ba đường dây điện tạm thời bị đánh sập tại cơ sở Pivdennoukrainsk.

2. Vụ nổ rất lớn ở thành phố Kherson

Trong khi các bloggers quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh cho rằng quân Ukraine đang tập trung vào vùng Luhansk, nhiều hoạt động của quân Ukraine tại miền Nam nước này vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 20 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết một vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển thành phố Kherson, miền nam Ukraine. Cụ thể phòng hòa nhạc Yuvileiny đã bị tấn công.

“Phòng hòa nhạc Yuvileiny đã bị tấn công. Chúng tôi đang chờ đợi thông tin chi tiết... “

Trước đó, người dân Kherson báo cáo rằng một số vụ nổ khác đã được nghe thấy trong thành phố. Tuy nhiên, vụ nổ tại thành phố Kherson được kể là gây tiếng vang lớn nhất. Quân Nga được tin là đã biến phòng hòa nhạc Yuvileiny thành một trại lính sau khi bỏ chạy từ các tiền đồn bên ngoài thành phố. Bên trong thành phố quân Nga được tin là có thể tìm kiếm được lương thực từ các doanh nghiệp và các gia đình người Ukraine, trong bối cảnh nguồn cung cấp đã bị gián đoạn do các cây cầu dẫn vào thành phố đã bị đánh sập.

Cô Nataliya Humenyuk, người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, cho biết.

“Chúng tôi duy trì việc kiểm soát các giao lộ và các huyết mạch vận chuyển đến Kherson bằng hoả lực rất mạnh. Khả năng tiếp tế cho quân Nga là con số không. Họ sống được chủ yếu bằng việc cướp bóc của người dân, đặc biệt là của các doanh nghiệp địa phương.”

3. Lực lượng Ukraine thực hiện hơn 20 cuộc không kích vào các vị trí của đối phương trong ngày qua

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 20 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng Không Quân của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành 21 cuộc không kích vào các vị trí của đối phương, đánh vào 16 khu vực tập trung binh lực và thành trì của lực lượng Nga, cũng như 5 vị trí của hệ thống phòng không trong 24 giờ qua.

“Quân xâm lược tiếp tục tập trung nỗ lực vào việc giữ vững các vùng đã chiếm trong khu vực Donetsk, cũng như làm gián đoạn các hoạt động tích cực của Lực lượng Phòng vệ chúng ta trên một số hướng nhất định”

Đặc biệt, lực lượng Nga thực hiện các biện pháp tập hợp lại các đơn vị của họ theo các hướng riêng biệt, triển khai lực lượng dự bị và tiếp tục tiến hành trinh sát trên không.

Những kẻ xâm lược không ngừng tấn công nhà dân và cơ sở hạ tầng, vi phạm các quy tắc của Luật Nhân đạo Quốc tế, luật lệ và phong tục chiến tranh.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã tiến hành 3 cuộc tấn công hỏa tiễn và 22 cuộc không kích, hơn 90 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt vào các cơ sở trên lãnh thổ Ukraine.

Trong ngày qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương tại các khu vực Mykolaivka Druha, Vesela Dolyna và Bakhmut. Lực lượng phòng không Ukraine đã tiến hành 21 cuộc không kích, đánh vào 16 khu vực tập trung binh lực và thành trì của đối phương, cũng như 5 vị trí của hệ thống phòng không của quân xâm lược Nga.

4. Viện Nghiên cứu Chiến Tranh nhận định Lực lượng Nga 'ngày càng xa rời' thực tế ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Forces 'Increasingly Divorced' From Realities in Ukraine: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến Tranh nhận định Lực lượng Nga 'ngày càng xa rời' thực tế ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một nhà nghiên cứu hàng đầu, các lực lượng Nga đang tiếp tục ưu tiên các hoạt động tấn công “vô nghĩa” ở phía đông Ukraine thay vì tập trung vào việc phòng thủ chống lại các lực lượng phản công đang tiến công mạnh mẽ của Ukraine ở khu vực phía đông Kharkiv.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết quân đội Nga đang tấn công Bakhmut và các ngôi làng gần Thành phố Donetsk “có ý nghĩa về mặt tình cảm đối với các cư dân ủng hộ chiến tranh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DNR, nhưng không có tầm quan trọng nào khác”.

Họ dường như đang hướng “một số nguồn dự trữ rất hạn chế có sẵn ở Ukraine cho những nỗ lực này hơn là cho các tuyến phòng thủ dễ bị tổn thương của Nga được bố trí vội vàng dọc theo sông Oskil ở phía đông Kharkiv.”

Nga đã phải chịu một thất bại lớn trong cuộc chiến chống lại Ukraine vào tuần trước khi một cuộc phản công của Ukraine buộc quân đội của họ phải rút lui khỏi những khu vực rộng lớn ở phía đông bắc của đất nước.

ISW cho biết người Nga không thể hy vọng thu được lợi nhuận đủ lớn xung quanh Thành phố Bakhmut hoặc Donetsk để ngăn chặng các hoạt động phản công của Ukraine, nhưng dường như “đang tiếp tục một nỗ lực gần như bằng robot để giành được vị trí ở Donetsk, dường như ngày càng xa rời thực tế tổng thể của cuộc chiến”

ISW cho biết, việc quân đội Nga không thể dồn quân tiếp viện quy mô lớn tới các khu vực phía đông Kharkiv và Luhansk đang khiến phần lớn khu vực phía đông bắc do Nga chiếm đóng “rất dễ bị tổn thương” trước các cuộc phản công liên tục từ các lực lượng Ukraine.

Nó diễn ra khi các quan chức quốc phòng Anh cho biết Nga có khả năng sẽ xây dựng một tuyến phòng thủ quyết liệt “đối với pháo đài Luhansk, nhưng có thể không có đủ nguồn lực để đối phó với sự thúc đẩy hơn nữa của các lực lượng Ukraine”.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cho biết quân đội Nga đã thiết lập tuyến phòng thủ giữa sông Oskil và thị trấn Svatove dọc theo biên giới Luhansk. Chỉ một ngày sau đó tuyến phòng thủ này sụp đổ.

Trong bản cập nhật thông tin tình báo hôm Chúa Nhật, các quan chức quốc phòng Anh cho biết trong bảy ngày qua Nga đã tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự “ngay cả những nơi mà nước này có thể nhận thấy không có tác động quân sự tức thời”.

Các quan chức cho biết: “Khi đối mặt với những thất bại trên chiến tuyến, Nga có khả năng đã mở rộng các địa điểm mà họ chuẩn bị pháo kích với nỗ lực trực tiếp làm suy yếu tinh thần của người dân và chính phủ Ukraine”.

5. Hai vợ chồng nổi tiếng có ảnh hưởng lớn của Nga trong Thông điệp gửi tới nước Nga của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Celebrity Power Couple Blast War in Message to Putin's Russia”, nghĩa là “Hai vợ chồng nổi tiếng có ảnh hưởng lớn của Nga lên tiếng chống chiến tranh trong Thông điệp gửi tới nước Nga của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một ca sĩ nổi tiếng của Nga đã chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một thông điệp trên Instagram.

Alla Pugacheva đã yêu cầu Bộ Tư pháp Nga liệt cô vào danh sách các đặc vụ nước ngoài để “liên đới” với chồng cô là Maxim Galkin.

Galkin, một diễn viên hài và người dẫn chương trình truyền hình người Nga, gần đây đã được đưa vào danh sách các cá nhân hoạt động như “điệp viên nước ngoài” của Bộ Tư Pháp Nga, theo Meduza, một tờ báo độc lập đưa tin về Nga.

“Tôi đề nghị bạn làm ơn đưa tôi vào nhóm các điệp viên nước ngoài của đất nước thân yêu của tôi trong tình đoàn kết với chồng tôi, một người trung thực, đàng hoàng và chân thành, một người yêu nước chân chính và liêm khiết của Nga,” Pugacheva viết trong một tuyên bố đăng trên tài khoản đã được xác minh của cô, có hơn 3,3 triệu người theo dõi.

Thông điệp của cô nói rằng Galkin “mong muốn Tổ quốc thịnh vượng, cuộc sống hòa bình, tự do ngôn luận.”

Và trong một đề cập rõ ràng về cuộc chiến ở Ukraine, Pugacheva cũng kêu gọi “chấm dứt cái chết của trẻ em chúng ta vì những mục tiêu hão huyền khiến đất nước chúng ta trở thành một kẻ khốn cùng và khiến cuộc sống của công dân chúng ta trở nên vô cùng khó khăn”.

Galkin đã đăng một video phản hồi trên Instagram.

“Cơ sở lý luận cho quyết định này là tôi bị cáo buộc nhận tiền từ Ukraine, cho các hoạt động chính trị cùng với họ,” ông nói.

“Trước hết, tôi không hoạt động chính trị. Trên sân khấu tại các buổi hòa nhạc của mình, tôi thể hiện sự hài hước và châm biếm chính trị, như tôi đã làm trong 28 năm.”

Galkin cho biết anh đã nhận được tiền từ Ukraine “vào một thời điểm nào đó” khoảng một thập kỷ trước khi anh biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở đó.

“Tất nhiên, lý do họ cáo buộc tôi là vô lý,” anh nói. “Tại sao điều này lại xảy ra, tôi không biết. Tôi sẽ không từ bỏ sự hài hước và châm biếm để phù hợp với bầu không khí chính trị “.

Galkin là một trong số những người nổi tiếng Nga đã lên tiếng phản đối chiến tranh sau khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Anh ấy đã đăng một hình vuông màu đen trên Instagram của mình, cùng với chú thích: “Tôi đã nói chuyện với bạn bè và người thân từ Ukraine từ sáng sớm! Tôi không thể tìm thấy từ để nói những gì tôi cảm thấy! Làm thế nào điều này có thể xảy ra! Không thể có lời biện minh cho chiến tranh! Hãy nói không với chiến tranh!”

Galkin và Pugacheva đã trốn khỏi Nga để đến Israel, cùng với cặp song sinh 9 tuổi của họ, tờ báo Haaretz của Israel đưa tin vào tháng 3. Theo Meduza, cô ca sĩ Pugacheva đã trở lại Nga vào tháng 8, nhưng Galkin dường như vẫn ở nước ngoài.

Newsweek đã liên hệ với Pugacheva và Galkin để đưa ra bình luận. Bộ Tư pháp Nga cũng đã được liên hệ để đưa ra bình luận.

6. Quân đội Ukraine cho biết Nga đã triển khai máy bay không người lái tấn công của Iran

Theo một quan chức quân sự Ukraine nói chuyện với New York Times, tàn tích của máy bay không người lái tấn công Shahed-136 đã được phát hiện trên mặt đất trong cuộc phản công mà Ukraine tiến hành ở các khu vực đông bắc trong tháng này.

New York Times giải thích rằng vũ khí là một “máy bay không người lái kamikaze mang đầu đạn nặng khoảng 80 pound” có thể được phóng từ phía sau của một chiếc xe tải phẳng.

Theo Đại tá Rodion Kulagin, chỉ huy lực lượng pháo binh trong chiến dịch Kharkiv, cho biết máy bay không người lái lao xuống từ bầu trời mà không có bất kỳ cảnh báo nào.

Ông nói với tờ New York Times: “Nó đã làm nổ tung trọng pháo M777,” ông nói với tờ Times, đề cập đến việc máy bay không người lái phá hủy một khẩu lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine. Ông nói thêm: “Thay vì bắn 100 quả đạn pháo, việc thả một trong những chiếc máy bay không người lái này sẽ dễ dàng hơn” trong việc tìm kiếm mục tiêu.

Tờ New York Times cũng đưa tin Kulagin giải thích rằng máy bay không người lái này đủ chính xác để tấn công vào một khẩu trọng pháo tự hành ở khu vực gần tháp pháo, nơi chứa thuốc súng. Điều này lại tạo ra các vụ nổ thứ cấp.

Ông nói: “Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng, và nói thêm rằng nếu không có bất kỳ biện pháp đối phó nào, các máy bay không người lái” sẽ tiêu diệt toàn bộ quân đội của chúng tôi “.
 
TGM Ukraine nói về Kinh Lạy Cha trên các vách tường phòng giam. Phản ứng của thế giới về vụ Izium
VietCatholic Media
05:34 20/09/2022


1. Bình luận của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk về Kinh Lạy Cha được khắc trên các vách tường phòng giam

Tính cho đến sáng Chúa Nhật 18 tháng 9, các nhà điều tra tội ác chiến tranh đã tìm ra được 10 trung tâm tra tấn trong lãnh thổ của vùng Kharkiv, và bày tỏ lo ngại rằng con số này có thể còn tăng lên trong những ngày tới.

Một điểm đặc biệt là trong các phòng giam ở những trung tâm tra tấn này, người ta thấy Kinh Lạy Cha được các tù nhân viết trên tường bằng móng tay của họ hay bằng các vật nhọn.

Bình luận về biến cố này, vào ngày thứ 206 của cuộc chiến, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói: “Chúng ta có thể hình dung ra được lời cầu nguyện của các tù nhân trong các trung tâm tra tấn của Nga ở vùng Kharkiv thuộc Ukraine”.

“Một nghĩa trang rộng lớn, một khu chôn cất tập thể, được tìm thấy gần thành phố Izyum, trong đó hơn 400 người vô tội bị giết và tra tấn đã được xác định. Hôm qua, chúng ta đã bị sốc bởi cảnh quay từ Balaklia, nơi lời cầu nguyện Lạy Cha chúng con ở trên Trời được tìm thấy được cào bằng móng tay trên một bức tường màu xanh lá cây đậm trong phòng tra tấn.”

Đức Tổng Giám Mục mời gọi các tín hữu suy nghĩ về cách các Kitô hữu nên tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.

“Điều răn về sự tôn kính đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa bảo chúng ta không được giết người và hãy nhớ rằng trái đất và mọi tạo vật là không gian cho sự sống, nhận được từ Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, tôn trọng môi trường là không gian sống chính là tôn trọng Thiên Chúa, Đấng ban tặng sự sống này”.

“Chúng tôi thấy các hành động quân sự có ảnh hưởng bất lợi đến môi trường như thế nào. Chúng ta biết những khu rừng đã bị tàn phá dã man như thế nào ở phía nam của Quê hương chúng ta, trên bờ Hắc Hải, những động vật quý hiếm đã bị giết như thế nào trong các khu bảo tồn, chẳng hạn như ở Askania-Nova và nhiều nơi khác. Nhưng chúng ta, các tín hữu Kitô, phải tôn trọng sự sống và khẳng định sự sống, chiến đấu vì sự sống. Vì thế, chúng ta cảm ơn Chúa và các Lực lượng vũ trang của chúng ta rằng chúng ta vẫn còn sống đến sáng hôm nay và chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện, giúp đỡ và cứu giúp lẫn nhau. Là Kitô hữu, chúng ta phải phục vụ sự sống, trước hết là tôn trọng và bảo tồn sự sống của con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên và tôn trọng môi trường như không gian của sự sống này.” http://news.ugcc.ua/en/articles/we_can_imagine_what_the_prayer_of_the_prisoners_in_the_russian_torture_centers_in_the_ukrainian_kharkiv_region_was_like__head_of_the_ugcc_war_the_206th_day_97607.html

2. Cơ quan lập pháp Tây Virginia thông qua lệnh cấm phá thai với một số ngoại lệ

Cơ quan Lập pháp Tây Virginia đã thông qua một dự luật cấm gần như tất cả các trường hợp phá thai ngoại trừ việc cứu sống một người đang mang thai hoặc trong một số trường hợp liên quan đến hiếp dâm hoặc loạn luân.

Dự luật Hạ viện 302, được Thượng viện tiểu bang thông qua trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ số áp đảo 22-7 và Hạ viện đã phê duyệt lần cuối trong một cuộc bỏ phiếu cũng áp đảo như thế 77-17. Dự luật sẽ hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận phá thai ở một tiểu bang mà hiện nay phá thai là hợp pháp trong vòng 20 tuần sau khi thụ tinh. Dự luật hiện đã được chuyển đến bàn của Thống đốc Đảng Cộng hòa Jim Justice để xin chữ ký. Đó chỉ là vấn đề thủ tục. Thống đốc Jim Justice đã ký ngay lập tức.

Theo dự thảo luật, bất kỳ bác sĩ hoặc người hành nghề y được cấp giấy phép cố ý hoặc liều lĩnh thực hiện hoặc phá thai vi phạm pháp luật đều có thể bị kỷ luật, bao gồm cả việc mất giấy phép hành nghề y tế.

Theo biện pháp này, phụ nữ phá thai sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào. Nó cũng cho phép một số trường hợp ngoại lệ đối với nạn nhân bị hãm hiếp hoặc loạn luân miễn là sự việc được báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật.

Biện pháp này đã nhanh chóng bị những người ủng hộ quyền phá thai phản đối.

Kể từ tháng 7, phá thai đã được hợp pháp hóa đến 20 tuần ở Tây Virginia, sau khi một thẩm phán tòa án bang chỉ ra rằng cô ấy đã quyết định chặn lệnh cấm phá thai của bang có từ những năm 1800.

Việc lập pháp tìm cách hạn chế quyền tiếp cận thủ tục ở tiểu bang ban đầu đã gặp phải những trở ngại trong một phiên họp đặc biệt vào tháng 7 khi Cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa lãnh đạo không đạt được đồng thuận. Nhưng hôm thứ Ba, các nhà lập pháp đã cùng với các nhà lập pháp Indiana thông qua lệnh cấm phá thai kể từ khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại vụ kiện Roe Wade, vào cuối tháng 6 theo đó hiến pháp liên bang không còn quyền đối với thủ tục này.

Một nỗ lực riêng biệt vào tuần trước ở Nam Carolina nhằm thúc đẩy lệnh cấm phá thai gần như hoàn toàn đã bị đình trệ sau khi một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tham gia cùng với Đảng Dân chủ để ngăn chặn dự luật.

Cơ quan lập pháp Tây Virginia thông qua lệnh cấm phá thai với một số ngoại lệ. https://edition.cnn.com/2022/09/13/politics/west-virginia-state-legislature-abortion-ban/index.html

3. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. Đối thoại với Nga

Sylwia Wysocka, PAP: “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha từng nói: chúng ta không bao giờ có thể biện minh cho bạo lực. Mọi thứ đang xảy ra ở Ukraine bây giờ là bạo lực, chết chóc, tàn phá hoàn toàn bởi Nga. Chúng con ở Ba Lan có cuộc chiến gần đến ngưỡng cửa của chúng con, với hai triệu người tị nạn. Con muốn hỏi xem Đức Thánh Cha có nghĩ rằng có lằn ranh đỏ mà quá đó, Đức Thánh Cha không nên nói hay không: chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Mạc Tư Khoa. Bởi vì rất nhiều người khó hiểu được sự cởi mở này. Và con cũng muốn hỏi liệu chuyến đi tiếp theo có đến Kyiv không. “

Tôi sẽ trả lời điều đó, nhưng tôi muốn những câu hỏi về chuyến đi được hỏi trước...

Tôi nghĩ rằng luôn khó hiểu cuộc đối thoại với các quốc gia khởi đầu chiến tranh, và có vẻ như bước đầu tiên là từ đó, từ phía đó. Khó nhưng chúng ta không được vứt bỏ nó; chúng ta phải mở rộng cơ hội đối thoại cho mọi người, cho tất cả mọi người! Vì luôn có khả thể này là trong đối thoại, chúng ta có thể thay đổi sự việc, và cũng đưa ra một quan điểm khác, một điểm xem xét khác.

Tôi không loại trừ đối thoại với bất cứ thế lực nào, cho dù đó là nước đang gây chiến, cho dù đó là kẻ xâm lược... đôi khi đối thoại phải được thực hiện theo cách này, nhưng nó phải được thực hiện; nó “bốc mùi”, nhưng nó phải được thực hiện. Luôn luôn đi trước một bước, một bàn tay dang rộng, luôn luôn! Bởi vì nếu không chúng ta sẽ đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình.

Đôi khi một số không chấp nhận đối thoại: quá tệ! Nhưng đối thoại luôn phải được thực hiện, ít nhất là được đề nghị, và điều này tốt cho những người đề nghị; nó giúp họ đỡ ngột ngạt.
 
5 sở chỉ huy, 4 kho đạn Nga nổ tung. Phía trước quân Putin là sông, phía sau Ukraine đuổi tới
VietCatholic Media
15:55 20/09/2022


1. Pháo binh Ukraine tấn công 5 bộ chỉ huy của Nga, phá hủy 4 kho đạn

Trong bản báo cáo hôm thứ Ba 20 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã phá hủy các bộ chỉ huy của Nga và các nguồn lực quan trọng khác trong các cuộc tấn công đầu ngày.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine cho biết họ đã nhắm vào 11 khu vực tập trung quân đội và thiết bị của Nga, trong đó có 5 bộ chỉ huy, một hệ thống hỏa tiễn phòng không và 4 kho đạn dược. Các cuộc tấn công trên không khác của Ukraine đã phá hủy một máy bay Nga và ba máy bay không người lái. Hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã làm hư hại năm phòng tuyến của Nga trong một nỗ lực cũng làm hư hại ba kho đạn gần đó.

Bài báo cho biết tổng thiệt hại của đối phương vẫn đang được kiểm đếm. Các cuộc tấn công diễn ra sau một ngày gây thiệt hại nặng nề cho các lực lượng Nga vào hôm thứ Hai, khi 10 hệ thống pháo, 5 đơn vị thiết bị quân sự của quân địch bị tấn công.

2. Cuộc phản công của quân Ukraine làm quân Nga mắc kẹt ở sông Dnipro

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Counteroffensive Traps Russian Forces Against Dnipro River”, nghĩa là “Cuộc phản công của quân Ukraine làm quân Nga mắc kẹt ở sông Dnipro”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một quan chức Ukraine, quân đội Ukraine được tường trình đã giam lỏng các lực lượng Nga ở sông Dnipro trong bối cảnh họ phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía nam.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình tại quốc gia Đông Âu vào ngày 24 tháng 2, với hy vọng ông sẽ giành được chiến thắng nhanh chóng. Tuy nhiên, Ukraine đã đáp trả bằng một lực lượng phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi, điều này đã ngăn quân đội của Putin đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào trong gần 7 tháng xung đột.

Trong những tuần gần đây, những thành công của Ukraine đã cho phép họ khởi động các lực lượng phản công để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng trước đây ở các khu vực phía nam và phía đông của đất nước. Một cuộc phản công gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, xem ra đã khiến Nga bất ngờ, buộc họ phải rút lui khỏi các thành phố quan trọng như Izium.

Một cuộc phản công thứ hai ở Kherson - một thành phố phía nam có vị trí chiến lược gần Crimea, lãnh thổ mà Nga sáp nhập vào năm 2014 - đã có tiến độ chậm hơn kể từ khi nó bắt đầu vào tháng 8. Nga và Ukraine tiếp tục tranh giành quyền kiểm soát khu vực này, với thông tin tình báo Anh cho thấy Mạc Tư Khoa hiện đang tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự trong bối cảnh bị tổn thất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, một số lực lượng Nga hiện đã bị “kẹp” giữa các lực lượng Ukraine và sông Dnipro, Nataliya Humenyuk, người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình của Quốc hội Ukraine vào hôm thứ Hai.

“Chúng tôi duy trì hỏa lực nhằm khống chế các giao lộ và các huyết mạch vận chuyển qua Dnipro khiến họ hiểu rằng họ các đơn vị nằm trong phần này của vùng Kherson đang bị kẹp giữa lực lượng phòng thủ của chúng ta và bờ phải của con sông”, cô nói.

Cô nói thêm rằng quân đội Nga đã được cung cấp một lối thoát “dưới sự bảo trợ của luật nhân đạo quốc tế” là buông súng đầu hàng vô điều kiện và đó là cơ hội duy nhất để trở về quê hương của họ.

Humenyuk cũng cho biết cô đã nhận được thông tin rằng quân đội Nga đã mất tinh thần và một số người không thấy cần thiết phải ở lại trong tình trạng bị kẹp giữa quân đội Ukraine và sông Dnipro.

Tổn thất của Nga vẫn tăng đều đặn trong bối cảnh có các cuộc pháo kích của quân Ukraine. Cơ quan phản gián Ukraine cho biết như trên.

Tuyên bố của Humenyuk được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đang đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng, đã xoay qua với tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả các cuộc tấn công vào lưới điện của Ukraine “nhằm trực tiếp làm suy yếu tinh thần của người dân và chính phủ Ukraine.”

Điện Cẩm Linh cũng tiếp tục tấn công vào các nhà máy điện của Ukraine trong những ngày gần đây. Quân đội Ukraine hôm thứ Hai đã công bố video cho thấy thời điểm chính xác khi một hỏa tiễn Nga phát nổ cách Nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk khoảng 900 mét. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh đã có những lo ngại rằng các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy hạt nhân có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân ở Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố cung cấp tăng pháo tự hành cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết đất nước của bà sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 4 tăng pháo tự hành và đạn dược.

Lambrecht cho biết 10 tăng pháo do Đức cung cấp và 8 xe từ Hà Lan “đã chứng tỏ hiệu quả cao trong các trận chiến”.

Bà nói: “Ukraine hết lời ca ngợi hệ thống này và bày tỏ mong muốn có thêm các loại tăng pháo như thế. Để hỗ trợ Ukraine hơn nữa trong cuộc chiến dũng cảm chống lại cuộc tấn công tàn bạo của Nga, Đức sẽ đáp lại các yêu cầu này”.

Lambrecht cho biết, những tăng pháo bắn đạn có hướng dẫn kiểu Panzerhaubitze 2000 gần đây đã được tân trang lại.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết có khả năng Nga đã mất ít nhất 4 máy bay chiến đấu ở Ukraine trong vòng 10 ngày qua, và tính chung khoảng 55 chiếc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược

Có khả năng thực tế là sự gia tăng tổn thất nói trong một phần là do lực lượng không quân Nga phải chịu rủi ro lớn hơn khi cung cấp hỗ trợ trên không cho các lực lượng mặt đất của Nga dưới áp lực từ các cuộc tiến công của Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Anh cho biết nhận thức tình huống của các phi công Nga thường kém. “Có một khả năng thực tế là một số máy bay đã đi lạc trên lãnh thổ đối phương và vào các khu vực phòng không dày đặc hơn khi đường giới tuyến đang di chuyển nhanh chóng.”

Việc Nga tiếp tục thiếu ưu thế trên không vẫn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thất bại của quân Nga tại Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết.

Rất có thể Nga đã mất ít nhất 4 máy bay chiến đấu ở Ukraine trong vòng 10 ngày qua, tiêu hao khoảng 55 chiếc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Có khả năng thực tế là sự gia tăng tổn thất này một phần là do Không quân Nga gánh chịu rủi ro lớn hơn khi họ cố gắng cung cấp hỗ trợ trên không cho các lực lượng bộ binh của Nga dưới áp lực từ các cuộc tiến công của Ukraine.

Nhận thức về tình huống của phi công Nga thường kém. Có khả năng thực tế là một số máy bay đã đi lạc trên lãnh thổ đối phương và vào các khu vực phòng không dày đặc hơn khi giới tuyến đang di chuyển nhanh chóng.

Việc Nga tiếp tục thiếu ưu thế trên không vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất gây ra sự mong manh trong thiết kế tác chiến của nước này ở Ukraine.

5. Nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk bị tấn công

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba Energoatom, cơ quan năng lượng nguyên tử của Ukraine, cho biết: Nga đã tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk vào đầu giờ ngày thứ Hai.

Quân đội Nga đã tấn công nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk ở khu vực Mykolaiv, miền nam Ukraine vào đầu ngày thứ Hai nhưng các lò phản ứng ở đó không bị hư hại và đang hoạt động bình thường

Một vụ nổ đã xảy ra cách các lò phản ứng 300 m và làm hư hại các tòa nhà của nhà máy điện ngay sau nửa đêm. Vụ tấn công cũng đã làm hư hại một nhà máy thủy điện gần đó và các đường dây tải điện.

Hiện tại, cả ba tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk đang hoạt động bình thường. May mắn thay, không có thương vong trong số các nhân viên tại nhà máy này.

Energoatom đã công bố hai bức ảnh cho thấy một miệng núi lửa được cho là do vụ nổ gây ra. Một trong những bức ảnh cho thấy một người đàn ông đứng trong miệng núi lửa để người xem cảm nhận về kích thước của nó.

Bình luận về cuộc tấn công này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết:

Những kẻ xâm lược muốn bắn một lần nữa, nhưng họ đã quên nhà máy điện hạt nhân là gì. Nga gây nguy hiểm cho toàn thế giới. Chúng ta phải ngăn chặn nó trước khi quá muộn.

Không có phản ứng ngay lập tức của Nga trước cáo buộc của Ukraine.

Khu vực Mykolaiv đã bị lực lượng Nga tấn công bằng hỏa tiễn liên tục trong những tuần gần đây.

Một nhà máy điện hạt nhân khác của Ukraine tại Zaporizhzhia - là nhà máy lớn nhất Âu Châu và nằm cách địa điểm Mykolaiv khoảng 250 km về phía đông - đã bị đóng cửa vào đầu tháng này do bị Nga pháo kích, gây ra lo ngại về một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết cuối tuần này, một trong bốn đường dây điện chính tại cơ sở hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ đã được sửa chữa và một lần nữa cung cấp điện cho nhà máy từ lưới điện Ukraine.

6. Tướng Mỹ hồi hưu nhận xét rằng Hạm đội Hắc Hải vĩ đại của Putin ‘hoàn toàn chỉ là đồ rác’

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Great Black Sea Fleet Is 'Total Waste': Retired U.S. General”, nghĩa là “Tướng Mỹ hồi hưu nhận xét rằng Hạm đội Hắc Hải vĩ đại của Putin ‘hoàn toàn chỉ là đồ rác’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một tướng Mỹ đã nghỉ hưu, Hạm đội Hắc Hải của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành “hoàn toàn chỉ là đồ rác” khi lực lượng của ông ta phải vật lộn trên bộ và dưới nước giữa cuộc chiến ở Ukraine.

Phát biểu trong một video được công bố hôm thứ Hai trong khuôn khổ chuỗi chương trình Sáng kiến Canh tân Dân chủ qua Cuộc tranh luận Mới, cựu Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ Âu Châu Ben Hodges nói rằng trước ngày 24 tháng 2, khi cuộc chiến bắt đầu, Hạm đội Hắc Hải của Nga “đã kiểm soát về cơ bản toàn bộ Hắc Hải.”

“Nhưng trong sáu tháng qua, chúng tôi đã nhận ra rằng hải quân Nga không khá hơn lục quân Nga,” Tướng Hodges nói.

Khi cuộc chiến bắt đầu, nhiều người cho rằng quân đội Nga sẽ đạt được một chiến thắng thần tốc. Nhưng khi cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần và sau đó nhiều tháng, trong khi các lực lượng Ukraine chống trả quyết liệt, hình ảnh của Nga với tư cách là một lực lượng quân sự vượt trội bắt đầu sụp đổ.

Theo Hodges, sự thay đổi trong nhận thức cũng đúng đối với hải quân Nga.

Ông đề cập đến vụ đánh chìm một tàu chiến của Nga ở Hắc Hải, tàu Moskva, trị giá ước tính 750 triệu Mỹ Kim. Trong khi Ukraine vào thời điểm đó nói rằng họ đã phóng hỏa tiễn vào con tàu và khiến nó bị chìm, thì Nga lại nói rằng đó là một vụ hỏa hoạn trên tàu dẫn đến việc con tàu bị phá hủy. Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đưa tin, Mỹ không xác nhận ngay lập tức tàu Moskva bị hư hại như thế nào, nhưng cuối cùng họ kết luận rằng hai hỏa tiễn Ukraine đã bắn trúng tàu chiến.

Hodges nói rằng một số tàu khác của Nga ở Hắc Hải đã bị bắn chìm trong những tháng gần đây. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của Ukraine vào Đảo Rắn, nơi trước đây đã bị Nga chiếm đóng, làm hư hại hoặc phá hủy một số tàu nhỏ hơn neo đậu tại tiền đồn Hắc Hải, Politico đưa tin.

Hodges cho biết hiện nay, hạm đội Nga “sợ hãi khi đi bất cứ nơi nào gần bờ biển Ukraine” và đang ẩn náu ở Crimea.

“Tôi nghĩ Hạm đội Hắc Hải vĩ đại, ngoài các tàu ngầm của họ, là một sự lãng phí hoàn toàn. Nó đã chẳng làm được tích sự gì trong cuộc chiến. Và khi các lực lượng Ukraine tiến ngày càng gần Crimea, họ sẽ sớm có thể bắt đầu phóng hỏa tiễn HIMARS và các hỏa tiễn khác vào Sevastopol, khiến cho Hạm đội Hắc Hải của Nga mất đi danh xưng bất khả chiến bại, một danh xưng ngày càng trở nên buồn cười”.

Crimea là bán đảo đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014, nhưng Ukraine và Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định đây là một phần của Ukraine. Sevastopol là thành phố lớn nhất của Crimea và là một cảng lớn ở Hắc Hải.

Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng lực lượng của ông sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea trong khi cũng hoạt động để giải phóng các khu vực khác của Ukraine khỏi sự chiếm đóng của Nga.

“Tôi biết rằng người dân Ukraine ở Crimea đang chờ chúng tôi quay trở lại. Tôi muốn tất cả các bạn biết rằng chúng tôi sẽ trở lại. Chúng ta cần phải giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga. Do đó, chúng ta cần giải phóng Crimea khỏi sự chiếm đóng”.

“Cuộc chiến này bắt đầu ở Crimea, nó sẽ kết thúc với Crimea.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

7. Các nước Baltic và Ba Lan bắt đầu thực thi lệnh cấm đối với một số khách du lịch Nga

Các quốc gia Baltic và Ba Lan đã bắt đầu từ chối khách du lịch Nga kể từ nửa đêm thứ Hai, một động thái nhằm thắt chặt các hạn chế nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.

Estonia, Latvia và Lithuania cùng với Ba Lan đã đạt được một thỏa thuận vào đầu tháng này để hạn chế cấp thị thực Khu vực Schengen do “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh do dòng người Nga đi vào vùng này gây ra.

Khu vực Schengen bao gồm 26 quốc gia chủ yếu là Liên Hiệp Âu Châu cho phép di chuyển không hạn chế trong biên giới của họ.

Lệnh cấm đi lại có nghĩa là công dân Nga sẽ không thể vào bốn trong số năm quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu có chung biên giới trên bộ với Nga. Nước thứ năm, Phần Lan, đã quyết định tiếp tục mở cửa cho những người có thị thực nhưng đã giảm số lượng các cuộc hẹn lãnh sự dành cho những người muốn đi du lịch đến Âu Châu.

Các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo, tài xế xe tải, người tị nạn Nga cũng như cư dân các nước Liên Hiệp Âu Châu và những người đến thăm các thành viên gia đình ở Âu Châu được miễn trừ khỏi lệnh cấm mới.

Quy tắc cũng sẽ không áp dụng cho các trường hợp nhân đạo, thành viên gia đình, người có giấy phép cư trú của Liên Hiệp Âu Châu, cơ quan đại diện ngoại giao và “các trường hợp ngoại lệ hợp pháp khác”.

Trong một tuyên bố chung được công bố vào ngày 8 tháng 9, thủ tướng của bốn quốc gia nói rằng “đi du lịch đến Liên minh Âu Châu là một đặc ân, không phải là một quyền con người.”

Tuyên bố cho biết: “Trong số các công dân Nga vào Liên Hiệp Âu Châu, đặc biệt là Schengen, có những người đến với mục đích phá hoại an ninh của các nước chúng tôi, trong số 75% công dân Nga ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine”. Con số 75% là con số do các phương tiện truyền thông ủng hộ Điện Cẩm Linh đưa ra.

“Latvia, Ba Lan, Lithuania và Estonia đã đồng ý rằng các biện pháp được thông qua trên cơ sở chung là bảo vệ chính sách công và an ninh nội bộ, cũng như bảo đảm sự an toàn chung của khu vực Schengen chung của chúng tôi,” tuyên bố lưu ý.

Bình luận trước đó về quyết định của Liên Hiệp Âu Châu đình chỉ thỏa thuận thị thực với Mạc Tư Khoa khiến công dân Nga khó xin thị thực Schengen hơn, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng điều đó là “vô lý” và sẽ khiến cuộc sống của người dân Âu Châu trở nên phức tạp hơn.
 
Ngậm ngùi: Tu viện lâu đời ở Ukraine có từ thế kỷ 17 vừa được giải phóng đã bị quân Putin phá sập
VietCatholic Media
17:34 20/09/2022


1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lên tiếng về những mồ chôn tập thể ở Izium

Trong bài phát biểu của mình hôm Chúa Nhật 18 tháng 9, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã nói về tình hình ở Ukraine. Ngài nhấn mạnh rằng với sự phù trì của Chúa, người dân Ukraine đang giành lại mảnh đất do Chúa ban cho khi nhắc đến các thành phố và làng mạc mới được giải phóng khỏi bàn tay giết người của kẻ chiếm đóng. Tuy nhiên, ngài ngậm ngùi rơi lệ khi nhắc đến các mồ chôn tập thể vừa được phát hiện ở Izium. Ngài cảnh báo các tín hữu chuẩn bị tâm lý vì thảm kịch ở Izium sẽ vượt rất xa quy mô những gì đã được phát hiện ở những nơi khác như Bucha.

Đức Cha Sviatoslav đã suy tư về điều răn thứ chín như một “hướng dẫn công khai cho những người có đức tin”: “Tôi tôn trọng tài nguyên thiên nhiên của trái đất như món quà của Chúa và sử dụng chúng một cách thận trọng.”

“Trách nhiệm đối với môi trường,” Đức Tổng Giám Mục nói và nhắc lại rằng ngày14 tháng 9, vừa qua trong Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương là Ngày của Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, “là một phần không thể thiếu của đạo đức Kitô.” Một người không thể hạnh phúc nếu không tôn trọng môi trường. Chúng ta không thể là người thành công. Chúng ta không thể xây dựng một nền văn hóa phò sinh và một nền văn minh phát triển mà không quan tâm đến môi trường”.

“Khi chúng ta nhìn vào ngày hôm nay, người đứng đầu Giáo hội nói thêm, về những gì kẻ thù để lại - đốt cháy và phá hủy các thành phố và làng mạc, cánh đồng lúa mì bị đốt cháy, rừng bị cướp bóc, khai thác chernozem, ao, sông và nguồn nước bị ô nhiễm mà anh chị em không uống được nữa - chúng ta thấy rằng chiến tranh không chỉ là tội ác chống lại sự sống của con người, mà còn là tội ác chống lại sự sáng tạo của Thiên Chúa”.

Ngài nhấn mạnh rằng, theo lời khai của những người nông dân năm nay, Chúa đã ban cho Ukraine một vụ mùa bội thu chưa từng thấy. “Tôi nghĩ điều đó không vô ích. Chúa ban phước cho chúng ta và cung cấp đất đai với sản lượng dồi dào cho thành quả lao động của chúng ta. Chúng ta biết ơn Chúa vì những món quà của Người và biết ơn mảnh đất Ukraine của chúng ta đã nuôi dưỡng chúng ta trong thời kỳ khó khăn của thảm họa quân sự nghiệt ngã này.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, chúng ta nên chia sẻ những món quà này với tất cả những người đã bị tước đi cơ hội gieo và gặt và những người lính Ukraine, những người lính của hòa bình và ánh sáng, vừa được giải thoát dưới mũi giày của Nga, những người đang cần nhất hiện nay, những người đã bị thiệt hại nhiều nhất từ cuộc chiến này.

Trong một tin nhắn video vào đêm trước Ngày của Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã gửi lời cảm ơn đến những người nông dân Ukraine và cảm ơn họ vì họ đã lao động và dũng cảm ra đồng ngay cả khi điều đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Source:UGCC

2. Video cho thấy tu viện Ukraine có niên đại hàng nhiều thế kỷ bị hư hại bởi trận pháo kích của Nga

Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố video cho thấy thiệt hại và sự tàn phá trên diện rộng ở thị trấn Sviatohirsk sau khi khu vực này được giải phóng khỏi lực lượng Nga vào tuần trước.

Đoạn video cho thấy các bức tường bên ngoài đầy vết rỗ của Sviatohirsk Lavra, một tu viện có từ thế kỷ 16 ở phía bắc vùng Donetsk của Ukraine. Tu viện Sviatohirsk Lavra đã bị hư hại do “pháo kích của Nga” vào tháng 6 năm 2022, theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Một phóng viên quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng Nga “đốt các thánh tích và giết những người đang tìm nơi trú ẩn bên trong khuôn viên tu viện”.

Tháp tu viện, với một góc bị phá hủy, cũng như các thiết bị quân sự, xe tăng và xe bọc thép bị bỏ rơi nằm rải rác trên đường phố gần đó.

Các tòa nhà dân cư cũng bị ảnh hưởng.

“Tất cả các cửa sổ trong nhà tôi, từ trên xuống dưới đều bị vỡ tan tành”, một phụ nữ lớn tuổi nói trên bờ nước mắt.

Các tòa nhà thương mại cũng được cho là đã bị hư hại đáng kể trong cuộc giao tranh.

Một cư dân khác của thị trấn cho biết nước, điện và internet của anh ta đã bị cắt khi quân đội Nga tiến vào khu vực này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết pháo binh Nga đã phá hủy hơn 113 nhà thờ trong “cuộc chiến toàn diện” với Ukraine.

“Trong số đó có những ngôi thánh đường cổ kính – là những ngôi nhà thờ đã chịu đựng được Thế chiến thứ hai, nhưng không chịu được sự chiếm đóng của Nga”.

“Cũng có những cái được xây dựng sau năm 1991. Việc xây dựng lại Nhà Thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra bắt đầu vào năm 2001. Ngày 10 tháng 6 vừa qua được dự trù là kỷ niệm ngày thánh hiến ngôi nhà thờ sau khi được trùng tu,” ông nói.

Trước ngày lễ kỷ niệm này chỉ một ngày, ngôi thánh đường này đã bị “phá hủy” bởi trận pháo kích của Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Zelenskiy lưu ý rằng đây “không phải là trận pháo kích đầu tiên vào Lavra,” và “ba linh mục ở Lavra đã bị giết bởi các trận pháo kích của quân Nga vào hôm thứ Tư. Các cử hành Phụng Vụ buộc phải được tổ chức dưới tầng hầm”.

Theo Tổng thống, âm thanh của pháo binh Nga vẫn không dứt tại Lavra.

Zelenskiy chỉ ra rằng nhà thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra “thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine, nơi vẫn được coi là trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Giáo Hội Chính thống Nga, nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn được quân đội Nga”.

Trước “sự ủng hộ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo ở Nga cho hành động xâm lược Ukraine,” Zelenskiy kêu gọi Giáo Hội Chính thống Ukraine nên “đưa ra kết luận”.

“Quân đội Nga có thể ngừng đốt các nhà thờ. Quân đội Nga có thể ngừng phá hủy các thành phố. Quân đội Nga có thể ngừng giết trẻ em. Chỉ cần một người duy nhất ở Mạc Tư Khoa ra lệnh như vậy. Nhưng thực tế là vẫn không có một lệnh nào như vậy là một sự sỉ nhục rõ ràng cho toàn thế giới”, ông nói.

3. Thông cáo báo chí chung của Liên Hiệp Âu Châu ngày 15 tháng 9 năm 2022 về Nicaragua và vụ bắt giữ Giám mục Rolando Álvarez

Ngày 15 tháng 9, Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu đã ra thông cáo báo chí, toàn văn như sau:

Nicaragua và vụ bắt giữ Giám mục Rolando Álvarez

Quốc hội lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể sự đàn áp ngày càng leo thang đối với Giáo Hội Công Giáo, các nhân vật đối lập, xã hội dân sự, những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, nông dân, sinh viên và người bản địa ở Nicaragua. Chúng tôi đặc biệt nêu bật việc bắt giữ tùy tiện Đức Cha Rolando Álvarez, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ngài và những người khác cũng như hủy bỏ mọi thủ tục pháp lý chống lại họ.

Hệ thống tư pháp của Nicaragua thiếu tính độc lập và luật pháp được sử dụng như một công cụ để hình sự hóa việc thực thi các quyền dân sự và chính trị. Quốc hội lo ngại về 206 tù nhân chính trị trong nước, lên án việc đóng cửa tùy tiện hàng trăm tổ chức phi chính phủ khác và lên án việc cấm các đảng chính trị đối lập.

Các thành viên Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu mạnh mẽ thúc giục Nicaragua bãi bỏ luật hạn chế quá mức không gian dân chủ và tự do của đất nước và họ yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu tiếp tục hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự ở đó. Quốc Hội mong muốn Liên Hiệp Âu Châu và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra chính thức về Nicaragua và chủ tịch của quốc gia này, là Daniel Ortega, vì những tội ác chống lại loài người.

Nghị quyết đã được thông qua với 538 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 28 phiếu trắng.
Source:europarl.europa.eu

4. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. An tử và trợ tử

Loup Besmond de Senneville, LA CROIX: “Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều về những ngày này ở Trung Á. Trong chuyến đi này, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về các giá trị và đạo đức, đặc biệt là trong Đại hội Liên tôn, và một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã gợi lên sự mất mát của phương Tây vì nó suy thoái đạo đức. Ý kiến của Đức Thánh Cha ra sao về điều này? Đức Thánh Cha có cho rằng phương Tây đang ở trong tình trạng diệt vong, bị đe dọa bởi việc đánh mất các giá trị của nó? Con nghĩ đặc biệt tới một cuộc tranh luận về an tử, về việc kết liễu sự sống, một cuộc tranh luận đã và đang diễn ra ở Ý, nhưng cả ở Pháp và Bỉ nữa.”

Đúng là phương Tây, nói chung, không ở mức độ làm gương cao nhất hiện nay. Nó không hề còn là một đứa bé rước lễ lần đầu nữa. Phương Tây đã đi theo những con đường sai lầm; thí dụ, chúng ta nghĩ tới sự bất công xã hội đang hiện hữu giữa chúng ta. Có một số quốc gia đã phát triển hơn một chút về công bằng xã hội, nhưng tôi nghĩ tới lục địa của tôi, Mỹ Châu Latinh, cũng là phương Tây. Chúng ta cũng nghĩ tới Địa Trung Hải, cũng là phương Tây: ngày nay nó là nghĩa địa lớn nhất, không phải của Âu Châu, mà là của nhân loại.

Phương Tây đã mất gì khi quên tiếp đón, khi nó cần người? Khi bạn nghĩ tới mùa đông nhân khẩu học mà chúng ta hiện có: nó cần người ta: cả ở Tây Ban Nha – nhất là ở Tây Ban Nha - ngay cả ở Ý cũng có những ngôi làng trống trải, chỉ có hai mươi bà già ở đó, và không có gì khác.

Nhưng tại sao không thực hiện một chính sách của phương Tây, trong đó người nhập cư được bao gồm với nguyên tắc qui định rằng người di cư phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hòa nhập? Điều đó rất quan trọng, để hòa nhập, nhưng thay vào đó: “không”, và bạn để sự việc trống rỗng. Đó là sự thiếu hiểu biết các giá trị, khi phương Tây trải nghiệm điều này, chúng ta là những quốc gia đã di cư.

Ở đất nước của tôi – đất nước mà tôi nghĩ hiện tại là 49 triệu người - chúng tôi chỉ có ít hơn một triệu người bản địa, và tất cả những người khác đều có nguồn gốc di cư, mọi người: Người Tây Ban Nha, người Ý, người Đức, người Slav Ba Lan, từ Tiểu Á, người Lebanon, tất cả mọi người... Ở đó máu được pha trộn, và kinh nghiệm này đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Rồi, vì lý do chính trị, nó không diễn ra tốt đẹp ở các nước Mỹ Latinh, nhưng tôi nghĩ việc di cư vào thời điểm này nên được xem xét nghiêm túc, vì nó nâng cao giá trị trí thức và thích hợp của phương Tây lên một chút.

Ngược lại, với mùa đông nhân khẩu này, chúng ta sẽ đi đâu? Phương Tây đang suy tàn về điểm này; nó hết hạn một chút, nó đã mất...

Hãy nghĩ về khía cạnh kinh tế: nhiều điều tốt đã được thực hiện, nhưng chúng ta hãy nghĩ về tinh thần chính trị và huyền nhiệm của Schuman, Adenauer, De Gasperi, những vĩ nhân đó: họ đang ở đâu ngày nay? Có những con người vĩ đại, nhưng họ không thể đưa xã hội tiến lên. Phương Tây cần đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, và rồi có nguy cơ là chủ nghĩa dân túy.

Điều gì xảy ra trong một trạng thái chính trị xã hội như vậy? Các đấng Mêxia sinh ra: các đấng mêxia của chủ nghĩa dân túy. Chúng ta đang thấy các chủ nghĩa dân túy ra đời như thế nào, tôi nghĩ một vài lần tôi đã đề cập đến cuốn sách đó của Ginzberg, Sindrome 1933: ông ấy nói chủ nghĩa dân túy ra đời như thế nào ở Đức sau khi chính phủ Weimar sụp đổ. Đó là cách các chủ nghĩa dân túy phát sinh: khi nửa vời không đủ sức mạnh, thì người ta hứa hẹn một Đấng Messia.

Tôi nghĩ người phương Tây chúng ta không ở cấp cao nhất trong việc giúp đỡ các dân tộc khác, có phải chúng ta có chút suy đồi không? Có thể có, nhưng chúng ta phải tiếp nhận lại các giá trị, những giá trị của Âu Châu, những giá trị của những người cha sáng lập ra Liên minh Âu Châu, những người vĩ đại. Tôi không biết, có một chút lộn xộn, nhưng tôi nghĩ tôi đã trả lời câu hỏi.

Loup Besmond de Senneville: “Thế còn euthanasia?”

Giết chóc không phải là con người, chấm hết. Nếu bạn giết người với động cơ, cuối cùng bạn sẽ giết nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Hãy để việc giết chóc cho những con thú.

Iacopo Scaramuzzi, LA REPUBBLICA: “Con xin tiếp nối câu hỏi cuối cùng vừa rồi: trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rất nhiều đến mối liên hệ giữa các giá trị, giá trị tôn giáo và sự sống động của nền dân chủ. Đức Thánh Cha nghĩ lục địa của chúng ta, Âu Châu, thiếu gì? Nó nên học gì từ những kinh nghiệm khác? Và, nếu có thể, con xin nói thêm một điều: trong vài ngày tới, Ý sẽ thực hiện một diễn trình dân chủ với việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và sẽ có một chính phủ mới. Cuối cùng khi gặp Thủ tướng mới, Đức Thánh Cha sẽ đề xuất điều gì? Đức Thánh Cha nghĩ đâu là những ưu tiên đối với Ý, những mối quan tâm của Đức Thánh Cha và những rủi ro cần tránh là gì? “

Tôi nghĩ rằng tôi đã trả lời điều này trong cuộc hành trình cuối cùng của tôi. Tôi đã gặp hai tổng thống Ý rất được kính trọng: Napolitano và người hiện tại. Những con người tuyệt vời. Các chính trị gia khác, tôi không biết. Trong chuyến hành trình gần đây nhất của tôi, tôi đã hỏi một trong các thư ký của tôi rằng Ý đã có bao nhiêu chính phủ trong thế kỷ này: hai mươi. Tôi không thể giải thích. Tôi không lên án điều này cũng không chỉ trích điều này, nhưng tôi chỉ không thể giải thích nó. Nếu các chính phủ thay đổi như vậy, thì có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Bởi vì ngày nay trở thành một chính khách, một nhà chính trị lớn, là một con đường gian nan.

Một chính trị gia đặt mình lên hàng đầu vì những giá trị của đất nước, những giá trị lớn lao, và không làm điều đó vì lợi ích bản thân, địa vị, sự tiện lợi... Các quốc gia, và trong số đó có Ý, phải tìm ra những chính trị gia vĩ đại, những người có khả năng thi hành các chính sách, đó là một nghệ thuật.

Chính trị là một thiên chức cao cả. Tôi tin rằng một trong những vị giáo hoàng, tôi không rõ đó là Đức Piô XII hay Thánh Phaolô VI, đã nói rằng chính trị là một trong những hình thức bác ái cao nhất. Chúng ta phải đấu tranh để giúp các chính trị gia của chúng ta duy trì một trình độ chính trị cao, chứ không phải chính trị cấp thấp không giúp được gì cả, thậm chí còn kéo Nhà nước đi xuống, làm nó nghèo đi.

Ngày nay, chính trị ở các quốc gia Âu Châu nên xem xét vấn đề của mùa đông nhân khẩu học, chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến phát triển kỹ nghệ, phát triển thiên nhiên, các vấn đề liên quan đến người di cư... Chính trị phải giải quyết các vấn đề một cách nghiêm túc để tiến lên. Tôi đang nói về chính trị nói chung. Tôi không hiểu chính trị Ý: chỉ có điều con số hai mươi chính phủ trong hai mươi năm có vẻ hơi lạ, nhưng mỗi người đều có cách nhảy tango của riêng mình... bạn có thể nhảy theo cách này hay cách khác và chính trị được nhảy theo cách này hay cách khác.

Âu Châu cần tiếp thu kinh nghiệm từ những nơi khác, một số sẽ tiến triển tốt hơn, một số thì không. Nhưng nó phải cởi mở, mỗi châu lục phải cởi mở đón nhận kinh nghiệm của những người khác.