Ngày 21-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bằng lòng với khả năng Chúa ban
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
00:14 21/09/2023


Khi những người làm thuê được gọi vào làm vườn nho từ sáng sớm, thấy những người khác vào làm muộn hơn cũng được lãnh tiền công bằng mình thì đâm ra ganh tị, phàn nàn, tức tối…

Ganh tị là căn bệnh trầm kha phát sinh từ thời kỳ đồ đá và sẽ tồn tại mãi cho tới ngày tận thế.

Ngay khi loài người có mặt trên địa cầu là bắt đầu có ganh tị. Sau khi hai anh em Ca-in, A-ben dâng lễ vật cho Thiên Chúa, Ca-in nổi cơn ganh tị vì lễ vật của A-ben được Chúa vui nhận còn lễ vật của mình thì không. Lòng ganh tị bùng lên mãnh liệt trong lòng đã xui khiến Ca-in giết chết người em vô tội của mình.

Trong xã hội hôm nay, lòng ganh tị cũng đang nhen nhúm trong tâm hồn khi người ta thấy người khác đẹp hơn, giàu có hơn, sang trọng hơn, thành công hơn, nổi bật hơn mình… Ganh tị sinh ra ganh ghét, ganh ghét sinh ra chia rẽ, hận thù, bất hòa, bất thuận.

Diệt trừ lòng ganh tị

Ganh tị là căn bệnh trầm kha, rất khó diệt trừ. Tuy nhiên, bệnh nào cũng có thuốc chữa. Vậy chúng ta thử xem có phương thế nào có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa chứng bệnh này không.

Nguyên nhân sinh ra ganh tị là vì thấy mình thua kém người khác. Vậy thì cách tốt nhất để xóa bỏ ganh tị là nhận biết rằng dù ta thua kém bạn về mặt nầy nhưng có thể hơn bạn về mặt khác.

Mỗi người được sinh ra trên đời là một nhân vật độc đáo, độc nhất vô nhị; mỗi người một vẻ, không ai giống ai; mỗi người đều có tính cách riêng, sứ mạng riêng, trách nhiệm riêng…

Trong khu vườn có trăm hoa đua nhau khoe sắc. Mỗi cụm hoa đều có nét đẹp riêng, hương sắc riêng. Hoa Cúc không nên ganh tị với hoa Hồng vì không tỏa hương thơm ngát như Hồng, nhưng hãy bằng lòng với những nét đẹp đặc thù của mình mà hoa Hồng không có.

Tương tự như thế, mỗi người chúng ta sống trong xã hội như một cánh hoa trong khu vườn rộng lớn có trăm hoa đua nở. Mỗi người có một số khả năng riêng, một tính cách riêng, không ai giống ai. Một thi sĩ có thể sáng tác những vần thơ tuyệt tác nhưng lại bó tay trước những bài toán khó; trong khi những người giải được bài toán khó lại không biết làm thơ. Ta có thể thua kém người khác về lĩnh vực nầy nhưng có thể giỏi hơn họ trong lĩnh vực khác.

Vì thế, hãy bằng lòng với khả năng Chúa ban cho mình, trau dồi thêm khả năng đó để phục vụ tốt hơn.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa ban cho mỗi người có một số khả năng riêng, cũng giống như cho mỗi thứ hoa một hương sắc đặc thù.

Xin cho chúng con bằng lòng với ân huệ Chúa ban và phát huy khả năng Chúa ban cho mình để tôn vinh Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.
 
Ngày 22/09: Mỗi người đến với Chúa theo mỗi cách – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
01:04 21/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

Đó là lời Chúa
 
Chúa không công bằng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
14:00 21/09/2023

CHÚA KHÔNG CÔNG BẰNG

Thoáng nghe cứ tưởng là sai lệch, là lạc đạo, nhưng dụ ngôn về cách trả công lạ lùng cho thợ làm vườn nho cho thấy rất rõ Chúa không công bằng. Tư tưởng, đường lối Chúa không dựa trên công bằng, mà dựa trên yêu thương.

1. TỨC. Một niềm vui chính đáng trong đời là vui khi được lãnh lương, được hưởng thành quả lao động của mình. Thế thì lẽ ra người thợ khi được ông chủ trả lương đầy đủ như đã thỏa thuận thì phải vui sướng chứ, nhưng anh ta lại cằn nhằn khó chịu với ông chủ. Sao vậy? Phúc Âm nói rõ lý do là anh ta “ghen tức” vì thấy ông chủ không công bằng, trả lương cho người làm 1 giờ cũng giống như người làm vất cả cả ngày. Tức thật. Người ta dễ tức tối khi chỉ nghĩ đến cái tôi nên kém miếng là khó chịu. Chỉ vì ghen ăn tức ở mà hạnh phúc nhiều khi lại biến thành đau khổ!

2. TỐT. Cách trả lương tưởng không công bằng ấy lại cho thấy ông chủ bày tỏ hình ảnh một Thiên Chúa tốt bụng. Vì lòng yêu thương nên ông chủ thưởng công cho mọi người, chứ ông không trả tiền lương theo công thợ giờ làm. Nhờ Chúa đối xử bằng tình thương chứ không phải công bằng, chúng ta mới mong hưởng công ơn Chúa, chứ còn công lao, công trạng của mình có đáng chi. Thiên Chúa tốt lành nên đối xử với con người không dựa trên liên hệ chủ-thợ, mà dựa trên tình nghĩa cha-con trong nhà. Chỉ trong tình nghĩa cha mẹ - con cái, người ta mới có thể trả tiền không theo công việc làm, mà theo tình nghĩa công ơn. Tốt thật.

Có những khi chúng ta kêu trách Chúa không công bằng. Ồ, may mà Chúa không công bằng. Chứ cứ công bằng sòng phẳng mà Chúa chấp tội, nào ai rỗi được. Chúa không công bằng là một Tin Mừng vĩ đại, nhờ đó, không phải công lao của con người làm ít làm nhiều, mà là lòng thương của Chúa quyết định phần thưởng Nước Trời. Công ơn Chúa chứ không phải công lao mình làm nên ơn cứu độ. Amen.
 
Thiên Chúa luôn công minh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
14:04 21/09/2023

THIÊN CHÚA LUÔN CÔNG MINH
(Chúa Nhật XXV TN A)

Sao tôi lại làm người trong thân phận này? Vóc dáng không cao, khuôn mặt không dễ nhìn, sắc tộc vào hàng thiểu số, gia cảnh thì nghèo hèn, hoàn cảnh xã hội quá khó khăn…Rất nhiều nỗi băn khoăn, đúng hơn là nỗi bất bình cho số phận mình, số phận bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào đó. Trời xanh có công minh chăng khi có kẻ sinh ra đã là con vua, còn rất nhiều kẻ lại mang kiếp con nhà chùa?

Cùng với những người làm vườn nho từ sáng sớm hay gần cả ngày, chúng ta lắm khi tự hỏi rằng chúng ta cum cúp giữ đạo, chịu nhiều thua thiệt ở đời này so với rất nhiều bà con khác đạo và bà con không tôn giáo để rồi lại cũng sẽ lãnh mỗi người một đồng tiền lương sao? Nói gì đến bà con lương dân hay bà con khác đạo sống ngay lành, người thu thuế Chúa kể chuyện chỉ đấm ngực và xin: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”, và anh tử tội năm nào bị treo trên thập giá cạnh Chúa, chỉ với lời cầu xin: “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” thì đều được công chính hóa, được phúc thiên đàng. Thế thì sự công bình ở đâu?

Câu trả lời của Thiên Chúa: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Tư tưởng của Thiên Chúa: Mọi người bất phân chính kiến hay niềm tin tôn giáo, bất phân ngôn ngữ hay màu da, sắc tộc...đều là hình ảnh của Thiên Chúa, họ không phải là người nô lệ, kẻ làm thuê nhưng là con cái của Người. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, là Đấng cho mưa rơi đều xuống trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi chiếu cho người con công chính lẫn đứa con tội lỗi. Thiên Chúa chẳng hề muốn bất cứ ai phải hư mất. Chúa kiên nhẫn và tạo dịp thuận lợi để những đứa con hư hỏng biết ăn năn sám hối và được sống. Đã là con cái, thì với Thiên Chúa, thì ai cũng là quý giá và không có gì sánh được. Người vui mừng vì tìm được đứa con lầm đường, lạc lối, hơn là chín mươi chín đứa con đang ở trong nhà.

Hiểu tư tưởng của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ nhận ra người đồng loại, dù đó là người tội lỗi, người khác niềm tin, người khác chính kiến… thảy đều là anh chị em của chúng ta. “Anh em như thể tay chân”.

Đường lối của Thiên Chúa: Thiên Chúa đối xử với con cái không như những gì chúng đã làm, mà như chúng đang là. Ông chủ vườn nho đã đối xử với với đám nhân công không như họ đã làm được những gì, mà như họ là nhân công của ông ta. Có thế thôi. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Người đối xử với từng người, với mọi người như là con của Người, đã được nhận làm dưỡng tử qua chính Người Con Một, Giêsu Kitô.

Là người cha, người mẹ trần gian còn nhiều hạn chế và lỗi lầm thế mà chúng ta còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, còn biết lo lắng cho đứa con trong nôi chưa làm được sự gì. Một lẽ như tất yếu đó là vì chúng là con cái của chúng ta. Vậy sao chúng ta lại bực mình khi Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu với những người hèn kém, những người tội lỗi?

Tư tưởng của chúng ta và đường lối của loài người đã bị tội lỗi làm sai lệch, vì thế chúng cần phải được chỉnh hướng. Một vài cách thế chỉnh hướng tư tưởng và đường lối của chúng ta: Hãy mở lòng để lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu:

1. Lạy Cha chúng con ở trên trời (Mt 6,9): Khi cầu nguyện hãy xác định đúng vị thế của tôi, vị thế của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Thiên Chúa là Cha không phải của riêng một ai hay của riêng một tập thể nào mà là Cha của tất cả mọi người. Và như thế mọi người đều là anh chị em với nhau cùng với người anh cả, Giêsu Kitô, Đấng làm người. Trong các buổi cử hành Phụng vụ, chúng ta đều thường cất lên lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

2. Những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều ấy cho người ta (Mt 7,12). Không dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà cần phải tích cực làm những điều tốt đẹp cho tha nhân hết sức có thể. Tất cả lề luật và lời Ngôn sứ đều quy về đó. Điều này sẽ thành hiện thực khi chúng ta thực sự nhìn nhận và đón nhận tha nhân là huynh đệ nghĩa thiết của mình. Đã là huynh đệ nghĩa thiết, tình như thủ túc, như chân tay mình, như chính bản thân mình thì chuyện ganh tương, đố kỵ sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Thánh Kinh cảnh giác chúng răng đằng sau những hình thái đố kị, ganh tương luôn có đó bóng dáng của thần dữ. Hậu quả mà thần dữ gây ra thật đáng sợ và khó lường. Chuyện Cain và Abel mà sách Sáng thể kể là một minh hoạ.

(Ban Mê Thuột)
 
Chúa yêu chỉ vì Chúa muốn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:08 21/09/2023

CHÚA YÊU CHỈ VÌ CHÚA MUỐN
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A

Dạo trung tuần tháng 1.2015, tại buổi tiếp kiến dân Philippines trong chuyến tông du đến nước này, một em bé hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô: Tại sao Chúa lại để xảy ra sự dữ? Tại sao ít có người giúp đỡ người tốt?

Điều đáng nói ở đây là lời hỏi được cất lên trong nước mắt của một con người, lẽ ra chỉ biết hồn nhiên, thơ ngây, an bình trong lứa tuổi ấu thơ của mình.

Câu hỏi, vì thế trở nên đắng lòng, trở nên chất vấn hay nặng hơn, mạnh mẽ tố cáo thế giới người lớn và những ai nắm giữ hay đang xây dựng cho mình quyền lực thống trị người khác (trong vai trò lãnh đạo hay chức vụ nào đó).

Tại sao có quá nhiều người khổ đau do bất công gây nên ở kỷ nguyên đầy thuận lợi và tiện ích cho con người?

Bất công xuất phát từ chính lòng tham lam, ích kỷ, yêu bản thân cách vô lối và vô cảm mặc kệ sự sống của người khác ra sao thì ra.

Bất công còn do chủ nghĩa hưởng thụ, óc thực dụng và lối sống vô đạo đức, bất chấp tư cách của mình mà kẻ nắm quyền hành trong tay thể hiện.

Cứ như thế, xã hội bị những kiểu sống ấy khuynh đảo, làm xói mòn những giá trị nhân văn trong mối tương quan giữa người với người.

Từ tất cả những kiểu sống ấy, hình thành thói vô cảm ngày càng nặng, càng lan rộng, khiến trái tim con người chai cứng, thời gian phục vụ thành thời gian thủ lợi, tranh thủ vơ vét, để làm giàu, để củng cố quyền lực cách bất chính.

Bằng dụ ngôn những người được mướn làm vườn nho, Chúa phơi bày tội ác của một nhóm người. Đó là kẻ tìm thu vén và trục lợi cho bản thân.

Được chủ mướn làm vườn nho, thay vì xem đây là cơ hội phục vụ, họ cho mình có đặc quyền hưởng lương bổng theo ý, chứ không theo thoả thuận.

Thoả thuận ban đầu chỉ là điều kiện để hình thành nhóm. Một khi nhóm vững chãi, họ thao túng, đề cao mình, nhân danh mình.

Không chấp nhận chủ trả lương cho người đến sau bằng mình, họ đang giành giật cho lợi ích của nhóm, của bản thân. Thái độ ganh ghét, muốn phì da, vinh thân cướp mất cơ hội để họ quan tâm và chia sẻ lợi ích cho tha nhân.

Kẻ chỉ nghĩ đến mình, ham hố mọi thứ cho mình sẽ tự giết khả năng tương giao với tha nhân, trái tim chỉ là băng giá, suy nghĩ chỉ là hạt sạn. Họ trở nên nguy cơ tai hại vô cùng cho tha nhân, cho cuộc sống chung của đồng loại...

Giữa tất cả những bất công, những nhiễu nhương đang càng lúc càng tàn phá mạnh đạo đức xã hội loài người, người Kitô hữu lại được Chúa mời gọi cộng tác cùng Người trao tặng tình yêu, con tim, khối óc nhằm thăng tiến xã hội, phát triển tư cách và đạo đức bản thân, xây dựng sự hiệp nhất, tình bác ái, lòng vị tha và ra sức chinh phục vũ trụ theo sự phát triển và lợi ích của đồng loại...

Chúa không cần chúng ta ngồi nhìn trời để ca ngợi Chúa. Chúa cần chúng ta ca ngợi Chúa bằng ra sức hiến dâng nhiệt huyết, tình yêu của bản thân để ngày càng giống Chúa hơn, xứng đáng hơn trong địa vị làm con Chúa.

Nếu vườn nho là hình ảnh Hội Thánh, nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục mời gọi ta ở lại trong Hội Thánh không phải vì Chúa mà chỉ vì yêu thương chúng ta. Chính trong Hội Thánh, ta là cánh tay của Chúa để xây dựng Hội Thánh, xây dựng trần thế, biết làm việc nghĩa, nâng cao đời sống mình và đời sống tha nhân.

Dù được tuyển chọn vào Hội Thánh, ta không có quyền đòi Chúa phải cho mình nhiều hơn những người khác. Ngược lại, ta hãy phục vụ hết mình, hãy sống vì danh Chúa đến cùng, và làm cho cuộc đời tràn ngập yêu thương.

Hãy nhớ, Chúa nhân từ nhưng cũng rất công bằng. Trả công là quyền của Chúa. Chúa không làm ai thiệt thòi, không làm ai thất vọng. Chúa sẽ ban phần thưởng xứng đáng cho mọi tôi tớ trung thành.

Ông chủ trong dụ ngôn làm đúng thoả thuận. Giá mà người làm công từ sớm cứ vui nhận phần mình, chắc chắn họ sẽ được chủ thương. Ông ghi nhận lòng tốt của họ. Ông nể phục người biết yêu thương người khác.

Đâu phải cứ sòng phẳng mới là tình yêu. Đâu phải người kia nhận đúng mức của họ thì tôi phải nhận đúng theo công sức của tôi mới là công bằng.
Sự tồn tại trong lòng ông chủ hình bóng của người được ông hết mực yêu thương, hết mực nể phục, hết mực lưu tâm mới là điều quý giá...
Biết bao nhiêu lần, tôi tặng quà cho A bằng B. Nhưng trong lòng tôi, giá trị của A lớn hơn nhiều, đáng quý hơn nhiều. A nhận quà bằng B. Nhưng chắc gì B nhận tình cảm của tôi bằng tình cảm tôi dành cho A.

Chúa yêu tôi vì tôi luôn yêu Chúa, cố gắng trung thành với Chúa, chứ đâu phải nhờ bổn phận mà tôi thể hiện...!!

Bổn phận ấy, dù hoàn hảo đến đâu, đáng gì mà đòi hỏi tình yêu của Chúa!!

Chúa yêu tôi chỉ vì Chúa muốn. Thế thôi.
 
Vẫn luôn tuyệt vời
Lm. Minh Anh
14:12 21/09/2023

VẪN LUÔN TUYỆT VỜI
“Có nhóm Mười Hai cùng đi với Ngài, có cả mấy phụ nữ”.

Một trong những ca khúc được yêu nhất của Irving Berlin là “I’m Dreaming of a White Christmas”, “Mơ Về Một Giáng Sinh Tuyết Trắng”. Trong một cuộc phỏng vấn, Berlin được hỏi, “Có câu hỏi nào mà ông chưa từng được hỏi, nhưng lại muốn ai đó đặt ra?”. Berlin trả lời, “Có chứ!”; đó là, “Bạn nghĩ sao về nhiều ca khúc mà chúng không là những ‘điểm nhấn’ nổi tiếng?”. “Tôi sẽ trả lời rằng, tôi chỉ nghĩ, chúng ‘vẫn luôn tuyệt vời!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong nhãn quan của thiên đàng, của đời đời, bất cứ ai theo Chúa Giêsu, dẫu không là những ‘điểm nhấn’ nổi bật, họ ‘vẫn luôn tuyệt vời!’. Tin Mừng hôm nay tiết lộ, trên bước đường rao giảng của Con Thiên Chúa, “Có nhóm Mười Hai” và “Có cả mấy phụ nữ!”.

Đó là những cộng tác viên tuy khác biệt, nhưng có Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, họ trở nên đặc biệt! Bởi lẽ, khác biệt của từng người lại trở thành điểm mạnh. Việc chọn các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cho thấy Ngài là một con người đầy tư chất và bản lãnh của một lãnh đạo bậc thầy. Ngài chọn họ từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Họ sẽ không là bạn của nhau, càng không là những người làm việc với nhau nếu không vì Ngài. Kết quả là họ hợp tác, trân trọng và đánh giá cao khả năng của nhau. Có Ngài, khác biệt không còn là dị biệt cản trở, nhưng là những ưu thế để họ ‘vẫn luôn tuyệt vời’.

Không chỉ các ông đi theo Chúa Giêsu; bên cạnh đó, còn có các phụ nữ. Ngài giao cho họ những vai trò khác nhau, dẫu việc Ngài cứu chữa và biến đổi cuộc đời họ xem ra giống nhau. Cũng thế, những phụ nữ này dẫu không như nhau nhưng một khi chọn theo Ngài, họ trở thành những điểm mạnh; ít nữa, đã hy sinh của cải và thời giờ cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Chúa Giêsu có khả năng truyền cảm hứng cho bất cứ ai. Bạn và tôi được mời gọi xây dựng Vương Quốc ở mọi cấp độ, đấng bậc, trong vị trí của mình. Vấn đề là Ngài có trở nên trung tâm cuộc đời chúng ta không? Bạn và tôi có thuộc về Ngài không? Hay đi theo Ngài, chúng ta lại cứ tính toán theo thói đời, rán thành những ‘điểm nhấn’, để rồi không biết mình thuộc về ai, làm gì! Trong thư Timôthê hôm nay, Phaolô lưu ý, “Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc”; Giuđa Iscariôt là một ví dụ. Lời Đáp Ca cũng thật thâm trầm, “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!”. Nước Trời ở đây chính là Chúa Giêsu, trái tim mọi ơn gọi, để mỗi người quy về và ‘vẫn luôn tuyệt vời!’.

Anh Chị em,

“Có nhóm Mười Hai cùng đi với Ngài”. Là những môn đệ Giêsu, Thánh Kinh không gọi chúng ta là ‘con ngươi mắt Chúa’ đó sao! Cũng thế, bạn và tôi đừng bao giờ coi thường một ai, dù người ấy không là ‘điểm nhấn’. Lấy Chúa Giêsu làm điểm quy chiếu, chúng ta trở nên những cộng sự viên của Ngài dù khác biệt nhau; và bằng một đời sống yêu thương, chúng ta đón nhận nhau. Với ơn Chúa, không ai không trở thành môn đệ và trở nên anh chị em của nhau. Và như thế, khác biệt không làm chúng ta phân hoá, nhưng có Giêsu, chúng ta gắn bó, trở nên những ‘điểm nhấn’ cho nhau và cho thế giới.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chẳng cần là ‘điểm nhấn’ nổi bật trước mắt người đời, cũng không mơ trở nên tuyệt vời; chỉ cần con luôn ‘dễ thương’ như một em bé trước mặt Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:00 21/09/2023

6. Cám dỗ của tình dục tà ma là hỏa tiển của ma quỷ, nếu không bớt ăn, bớt ngủ, khổ công khắc chế bản thân thì không diệt được nó.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:04 21/09/2023
55. CÂU TRẢ LỜI HAY CỦA LÝ HÀI

Bắc phương sứ giả là Lý Hài đi đến nước Lương, Lương Võ đế cùng với ông ta đi du ngoạn các nơi, ngẫu nhiên đi đến chỗ phóng sinh, Võ đế hỏi Lý Hài:

- “Nước nhà của ông cũng có phóng sinh chứ?”

Lý Hải trả lời:

- “Không bắt và cũng không thả”.

Võ đế mặt lộ nét hổ thẹn.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 55:

Phóng sinh là một hành động nhân đạo, người ta có thể phóng sinh những con chim bồ câu, hay những con chim khác trong những ngày đại lễ để bày tỏ tấm lòng hiếu sinh, nhưng không ai muốn phóng sinh những con người bị mình bắt làm nô lệ: nô lệ lao động, nô lệ tình dục, nô lệ khổ sai…

Có người thích phóng sinh những con vật và tỏ lòng tiếc thương chúng nó, nhưng không thích tha nợ cho người nghèo; có người không thích sát sinh, nhưng lại thích mạt sát và hành hạ người giúp việc thậm tệ; có người thích khuyên bảo người khác làm việc thiện bằng cánh phóng sinh vài con chim én, nhưng đồng thời cũng xúi giục người khác đâm chém chửi bới nhau…

Phóng sinh là một cử chỉ hiếu sinh, nhưng bày tỏ cử chỉ hiếu sinhh bên ngoài thì chỉ là hình nộm mặc áo mà thôi, người tốt kẻ xấu ai cũng có thể làm được.

Có bắt vào thì mới có thả ra, không bắt thì lấy đâu mà thả, cho nên cái triết lý nhân sinh là ở đó: không bắt thì không thả, đó là cách sống an vui tự tại của người Ki-tô hữu vậy.

Không bắt không thả cũng giống như không làm điều xấu thì không hối hận vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tôi Ghen Tị - Matt 20:1-16a
Lm Michael Nguyễn Quang SVD
05:45 21/09/2023
Lm. Michael Nguyễn Quang SVD
Tôi Ghen Tị - Matt 20:1-16a

https://www.youtube.com/watch?v=I8QnoAouKks

Có một lần tôi nhận được một cú điện thoại Viber của một tu sĩ tôi linh hướng, Thầy gọi từ Việt Nam. Bên đây 12 giờ đêm. Tôi không nhận phôn Viber bởi ngại phiền lòng tu sĩ hàng xóm hai bên. Ngày hôm sau tôi gọi lại. Em nhấc phôn, than ngay,
— Con bài thi cuối khóa nhiều quá. Đầu óc giờ như muốn nổ tung!
Tôi tưởng chỉ có thế. Nhưng không, em nói tiếp. Lần này mới là ý chính,
— Con ngán đời sống cộng đồng tu trì quá! Ngán thật tình!
Em kể chuyện,
— Anh em trong lớp nhìn con với ánh mắt dị nghị.
Em thở dài,
— Có người bạn thân chung lớp từ thời nhà Tập còn nói nửa đùa nửa thật là con biết lấy lòng bề trên. Bởi thế, được đặt vào những vị thế quan trọng, mặc dù chẳng có kinh nghiệm gì hết!
Em tâm sự,
— Nghe bạn con nói như vậy trước mặt anh em chung lớp, con tự nhiên nghẹn họng. Con giận mình! Con cự nự con… Sao mà khờ quá! Ai cũng tin tưởng, ai cũng có thể kết thành bạn thân! Giờ này ăn đạn bắn tiả từ anh em bạn đồng tu.
Em buông lời kết luận,
— Con thấy yêu thương tha nhân khó quá. Trong nhà nguyện giờ Chầu Thánh Thể, con vẫn không thể nào dâng được những lời kinh, cầu nguyện cho những người cứ thản nhiên buông lời thương tổn hồn con nặng nề!
Thật ra, em cũng đã nhiều lần chia sẻ với tôi xa gần về đề tài này. Nhưng lần này em nói rõ ràng. Em vào thẳng vấn đề.

Tôi biết em khá lâu rồi. Em có khả năng đọc được văn bản tiếng Anh. Em dịch thuật tương đối khá. Trong lãnh vực Anh văn, em là người nổi bật nhất trong lớp Khấn. Bởi thế, những tài liệu tiếng Anh của nhà dòng, bề trên giao cho em dịch sang tiếng Việt. Những khi dòng họp tu nghị, em ngồi đó, viết biên bản vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh. Nhận được thư từ hoặc văn bản tiếng Anh từ ngoại quốc gửi về, bề trên gọi em vào văn phòng, giao nhiệm vụ.

Điều làm em “đau khổ” là em biết mình không làm gì nên “tội” để bị anh em đồng tu ghét bỏ. Em nói nhiều đêm nằm ngủ em nước mắt chan hòa bởi chính anh em cùng lớp nhà Tập.

Tôi nhắc nhở em. Ghen tị là một trong những nguyên nhân dẫn đến cám dỗ trong Vườn Địa Đàng. Bởi ghen tị, con rắn tinh khôn xuất hiện trên cành cây Biết Lành Biết Dữ cám dỗ vợ chồng anh chàng Đất. Nghe theo lời ngọt ngào của con rắn, bà hái trái cây ăn trước, ông nối bước theo sau.

Nói ngắn gọn, ghen tị là bản chất của con người. Ghen tị đã đến và sẽ ở lại với con người cho tới ngày cuối cùng của trái đất.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật 25 Năm A - Mùa Thường Niên là một trường hợp điển hình minh họa rõ nét chất ghen tị của con người.

Những người thợ làm vườn nho ca 6 giờ sáng sớm càm ràm với ông chủ vườn nho, bởi ông chủ trả cùng một đồng lương cho những người thợ làm vườn ca 5 giờ chiều.

Nghe lời càm ràm từ thợ vườn nho, ông chủ vườn nho cũng nói ngay,
“Bạn ơi! Tôi đâu có đối xử bất công với bạn đâu.
Chẳng phải bạn đã thỏa thuận với tôi là một quan tiền lương hay sao?
Chẳng lẽ tôi lại không có quyền định đoạt những gì thuộc về tôi hay sao?
Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tị?”

Suy Niệm
Thiên Chúa bao giờ cũng vậy. Ngài đậm chất ngạc nhiên và bất ngờ!
Từ những giây phút đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ, Ngài đã hành xử bất ngờ!
Nhưng riêng tôi, tôi lúc nào cũng chỉ muốn Ngài làm như tôi, như cách tôi muốn.
Tôi vẫn cứ thích đóng khung Ngài trong một khung hình: hoặc phạt hoặc thưởng!

Tôi từ bao lâu nay, vẫn thích ngồi trong bốn bức tường,
Tôi quen rồi, người tù nhân của ký ức đau thương,
Tôi đam mê lắng ghe những bản tin buồn,
những bản tin nặng một cõi lòng, cả người nghe và cả người nói!

Nhưng không, tôi sẽ đứng dậy, bước ra khỏi nhà tù, đi theo bước chân của Ông Bố của Đức Giêsu. Bản chất của Ông Bố này là rộng lượng và bao la!

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin dạy con để con không khó khăn với con, với tha nhân, nhưng trở nên độ lượng như Ngài!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Máu Thánh Gennaro ‘hoàn toàn hóa lỏng’ trong ngày lễ
Đặng Tự Do
05:47 21/09/2023


Máu của vị tử đạo Thánh Gennaro lại hóa lỏng ở Naples vào hôm thứ Ba.

“Chúng tôi vừa lấy từ két sắt chứa hộp đựng đựng máu của vị thánh bảo trợ của chúng tôi, máu này ngay lập tức hóa lỏng hoàn toàn”, cha sở của Nhà thờ Naples tuyên bố vào ngày 19 tháng 9.

Lời tuyên bố rằng phép lạ đã xảy ra một lần nữa đã được cha sở Vincenzo De Gregorio đưa ra vào đầu Thánh lễ.

Đức Tổng Giám Mục của Naples, Domenico Battaglia, cầm thánh tích máu, di chuyển các ống thủy tinh để chứng minh trạng thái lỏng của máu trước những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, trong khi người dân vẫy một tấm vải trắng.

Vào ngày 19 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo cử hành lễ Thánh Gennaro, giám mục, tử đạo và thánh bảo trợ của Naples, Ý. Theo truyền thống, vào ngày này và hai dịp khác trong năm, máu của ngài, được đựng trong ống thủy tinh có hình chiếc bình tròn, sẽ hóa lỏng.

Người ta tin rằng phép lạ đã xảy ra ít nhất từ năm 1389, là trường hợp đầu tiên được ghi nhận.

Quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ, thậm chí vài ngày và đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Theo truyền thuyết địa phương, máu không thể hóa lỏng là dấu hiệu của chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc thảm họa khác.

Trong Thánh lễ ngày 19 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Battaglia đã nói về phép lạ và nó là gì – và không phải là gì.

“Hàng năm chúng ta tận mắt chứng kiến chứng tá của một người đã quảng đại hiến mạng sống mình cho Tin Mừng cho đến hơi thở cuối cùng, cho đến giọt máu cuối cùng, không phải là chuyện quá khứ, không phải là một sự kiện lịch sử chỉ để viết về một số người cho đầy trang của một cuốn sách,” ông nói.

“Không,” Battaglia tiếp tục, “đó là một chứng tá hiện diện, sống động, hiện tại và có khả năng nói với trái tim của mọi tín hữu, thúc đẩy họ kiên định hơn, vượt lên trên lòng can đảm, đến một cuộc sống cho đi, ngập tràn chia sẻ.”

Ngài nhắc nhở những người có mặt rằng máu của Thánh Gennaro “không phải là một lời tiên tri để tham khảo và thậm chí càng không phải là một lá số tử vi của thành phố có chức năng dự đoán những điều xui xẻo hay vận may cho thành phố. Không, thánh tích mà chúng ta làm phép chỉ là một tấm biển chỉ đường, một ngón tay chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết, sự cấp bách, yêu cầu phải tuân theo Tin Mừng một cách triệt để, bị thu hút một cách hoàn toàn bởi vẻ đẹp giải phóng của Tin Mừng, lắng nghe với một trái tim và tâm trí rộng mở đến lời sự sống và hy vọng của nó.”

Đức Tổng Giám Mục Battaglia cho biết máu của Thánh Gennaro khiến ngài nghĩ đến vụ đổ máu bất công xảy ra hàng ngày “bất cứ khi nào một người bị thương, bị sỉ nhục, không được tôn trọng phẩm giá của mình”.

“Tôi tin rằng phép lạ thực sự sẽ xảy ra vào ngày kính Thánh Gennaro mãi mãi. Vâng, tôi tin rằng phép lạ thực sự sẽ xảy ra khi công lý hôn hòa bình, khi cái thiện mãi mãi chiến thắng cái ác, khi tin mừng về Chúa Giêsu Kitô lau khô những giọt lệ, xua tan đi nỗi đau của thế giới, soi sáng bóng tối cho điều thiện, hoàn thành mọi sự, bước vào và đi sâu vào trái tim con người đến nỗi lời nói, hành động, suy nghĩ của họ sẽ không là gì khác ngoài lòng tốt, lòng nhân ái, vẻ đẹp.”

Sau Thánh lễ, thánh tích máu của Thánh Gennaro được trưng bày để tôn kính tại Nhà thờ Chính tòa Naples cho đến ngày 26 tháng 9 để tạ ơn về phép lạ.


Source:Catholic News Agency
 
Chính sách Trung Quốc của Đức Phanxicô tìm được sức sống mới
Vũ Văn An
15:03 21/09/2023

Ít nhất, đó là nhận định của John Allen trên CruxNow ngày 17 tháng 9, 2023.



Theo Allen, cách đây không lâu, lý lẽ truy tố chính sách đối với Trung Quốc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như có đà lớn về phía nó.

Mới tháng 5 này, Vatican tỏ ra ở thế phòng thủ sau khi Bắc Kinh liên tục vi phạm thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục, bổ nhiệm các giám mục mới mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng. Trong khi đó, các nhà phê bình đưa ra nhiều bằng chứng về vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, lớn tiếng càu nhàu rằng thẩm quyền tih thần của Đức Giáo Hoàng đang bị đe dọa khi ngài hầu như giữ im lặng.

Tuy nhiên, ngày nay, lý lẽ bênh vực dường như đã tìm được sức sống mới.

Không phải là Tập đã đột ngột chuyển sang dân chủ, cũng không phải là Trung Quốc đã thề sẽ không bao giờ hành động ngoài các điều khoản của thỏa thuận tạm thời với Rome nữa. Tuy nhiên, đặc biệt sau sứ mệnh hòa bình gần đây của Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi tới Bắc Kinh, chính sách tham gia mang tính xây dựng của Vatican dường như không còn hoàn toàn trắng tay nữa.

Khi các kế hoạch lần đầu tiên bắt đầu được phổ biến vào mùa hè rằng các nỗ lực ngoại giao của Đức Hồng Y Zuppi có thể bao gồm chuyến thăm Trung Quốc, một số nhà quan sát đã tự hỏi liệu Bắc Kinh có đồng ý tổ chức một cuộc gặp hay không, vì Trung Quốc và Tòa thánh không thực sự có quan hệ ngoại giao – hoặc, nếu họ làm vậy, liệu Đức Hồng Y Zuppi có phải gặp một viên chức nhỏ hay không, ngụ ý sự thiếu quan tâm.

Thay vào đó, Đức Hồng Y Zuppi, 67 tuổi, chủ tịch hội đồng giám mục đầy quyền lực của Ý, đã gặp Li Hui, Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, người đã được bổ nhiệm vào tháng Tư với tư cách là người đại diện cho Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nói cách khác, đó là một cuộc gặp gỡ cấp cao, gợi ý điều mà chính Đức Hồng Y Zuppi mô tả là “sự quan tâm lớn từ phía chính phủ Trung Quốc”.

Trong bình luận khi trở lại Ý trên Tg2000, nền tảng truyền thông chính thức của hội đồng giám mục Ý, Đức Hồng Y Zuppi cho biết ngài đã có “một cuộc thảo luận thẳng thắn với đặc phái viên về Ukraine, với một cuộc trao đổi quan trọng về quan điểm và triển vọng cho tương lai”.

Theo hồ sơ, cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Zuppi và Li là lần đầu tiên tuyệt đối, theo nghĩa là trước đây chưa từng có phái viên Vatican gặp đại diện chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề chính sách quốc tế.

Trong một dấu hiệu khác của đà đẩy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Năm tuyên bố rằng Moscow đang mong đợi chuyến thăm thứ hai của Đức Hồng Y Zuppi, sau chuyến đi đầu tiên tới thủ đô Nga vào cuối tháng 6.

“Vatican đang tiếp tục nỗ lực của mình. Đặc phái viên của Đức Thánh Cha sẽ sớm trở lại [Nga]. Chúng tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với bất cứ ai”, ông Lavrov nói với hãng thông tấn nhà nước TASS.

Gần như thể, khi chứng kiến Đức Hồng Y Zuppi ở Bắc Kinh ngồi lại với kiến trúc sư chính sách Ukraine của Bắc Kinh, ông Lavrov không muốn cảm thấy bị bỏ rơi.

Điều quan trọng nữa là một tuyên bố của Vatican sau cuộc gặp nói rằng Đức Hồng Y Zuppi và Li đã thảo luận không chỉ về triển vọng hòa bình rộng lớn ở Ukraine, mà còn khởi động lại thỏa thuận ngũ cốc mà Nga đã từ bỏ vào tháng Bảy.

Tuyên bố cho biết: “Ngoài ra, vấn đề an ninh lương thực đã được giải quyết, với hy vọng rằng việc xuất khẩu ngũ cốc có thể sớm được đảm bảo, trên hết là có lợi cho các quốc gia có nguy cơ cao nhất”.

Nếu Nga đồng ý kích hoạt lại thỏa thuận, Vatican sẽ có thể yêu cầu một phần công lao.

Ý thức về mục tiêu chung về Ukraine giữa Rome và Bắc Kinh xuất hiện sau vai trò quan trọng của Tập và Trung Quốc trong việc mở rộng liên minh BRICS (Ba Tây, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) để bao gồm sáu thành viên mới (Á Căn Đình, Ai Cập, Ethio-pia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), cùng chiếm 36% Tổng sản lượng quốc nội của thế giới và 47% dân số hoàn cầu.

Sự mở rộng này phản ảnh tham vọng của Tập Cận Bình trong việc tạo ra một đối trọng với G7 trong các vấn đề hoàn cầu, và rộng hơn, một trật tự thế giới đa phương hơn không còn bị chi phối bởi lợi ích của Mỹ (và, đối với vấn đề đó, không được tính bằng đô la Mỹ).

Đó là một tầm nhìn gần như phù hợp với mong muốn của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tái định vị Vatican không còn là một tổ chức phương Tây nữa, ngay cả khi về mặt địa lý, nó vẫn nằm trong ranh giới của nền văn minh phương Tây. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể sẽ ngày càng có xu hướng coi Đức Phanxicô là đồng minh.

Về phần mình, Đức Phanxicô đã không bỏ lỡ cơ hội nào để thể hiện sự yêu mến đối với Trung Quốc, bao gồm cả lời cảm ơn công khai tới “những người Trung Quốc cao quý” trong chuyến thăm Mông Cổ gần đây của ngài, đồng thời gọi mối quan hệ của Trung Quốc với Vatican là “rất tôn trọng” trong chuyến bay trở về Rome của ngài và ca ngợi Trung Quốc là “rất cởi mở”.

Ngay cả khi bánh xe của sự thay đổi thường quay chậm hơn ở Trung Quốc so với ở Rome, thật khó để không coi những diễn biến này là một phần của quỹ đạo sẽ dẫn đến sự thay đổi sớm hay muộn, đối với mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hồng Y Pietro Parolin đã đưa ra ý tưởng thành lập một văn phòng liên lạc thường trực cho Vat-ican ở Bắc Kinh, và cho đến nay chưa có ai nắm quyền ở Trung Quốc công khai nói không.

Tất nhiên, chiến lược “những bước nhỏ” này sẽ không tự động giải quyết được mọi khó khăn trong mối quan hệ Vatican/Trung Quốc. Chẳng hạn, các nhà quan sát không thoát khỏi sự chú ý rằng sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi hầu như không được đề cập đến trên các nền tảng truyền thông Công Giáo chính thức ở Trung Quốc, phản ảnh chính sách của chính phủ trong việc tách biệt các vấn đề ngoại giao khỏi đời sống của giáo hội trong nước.

Nói cách khác, đó là một cách nói rằng chúng tôi có thể làm chuyện kinh doanh ở Ukraine, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với đức tin và thực hành tôn giáo.

Canh bạc của Vatican là việc cải thiện quan hệ ở cấp độ ngoại giao và địa chính trị, theo thời gian, cũng sẽ tạo ra sự đối xử tốt hơn cho cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc. Đương nhiên, những người hoài nghi sẽ chỉ ra rằng điều đó cực kỳ giống với những tuyên bố được đưa ra cách đây nhiều thập niên rằng tự do kinh tế lớn hơn ở Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ dẫn đến tự do chính trị nhiều hơn, một luận điểm mà chính quyền của Tập Cận Bình dường như đang cố gắng hết sức để bác bỏ.

Tuy nhiên, hiện tại, các nhà ngoại giao Vati-can ít nhất có thể yên tâm rằng mối quan hệ mà cho đến gần đây vẫn có vẻ khá một chiều, với hầu hết các lợi ích rõ ràng đều thuộc về Bắc Kinh, cuối cùng dường như cũng đã mang lại kết quả xứng đáng cho Rome.

Điều này không có nghĩa là những lời chỉ trích chính sách Trung Quốc của Đức Phanxicô sẽ biến mất. Lần tới khi Bắc Kinh bổ nhiệm một giám mục trái phép, hoặc san ủi một nhà thờ, hoặc kết án tù một nhà hoạt động Công Giáo – và, hãy đối mặt với điều đó, sẽ có lần tiếp theo – những người bất đồng chính kiến sẽ một lần nữa tru lên, cáo buộc Đức Giáo Hoàng đồng lõa vì đã không đẩy lùi mạnh hơn.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy rằng khi những tranh luận như vậy chắc chắn tái diễn, thì ít nhất phía bên kia sẽ có một số đạn dược mới trong kho vũ khí của mình.
 
Các viên chức Vatican và Luthêrô kêu gọi nghiên cứu chung về Tuyên tín Augsburg
Vũ Văn An
23:16 21/09/2023

Cindy Wooden của Catholic Review (https://catholicreview.org/vatican-lutheran-officials-call-for-joint-study-of-augsburg-confession/), ngày 20 tháng 9, 2023, tường trình rằng trong buổi cầu nguyện đại kết tại hội nghị của Liên đoàn Luthêrô Thế giới, người đứng đầu đại kết của Vatican và tổng thư ký của Liên đoàn đã chính thức kêu gọi suy gẫm chung về Tuyên tín Augsburg, một tuyên bố căn bản về đức tin của người Luthêrô.



“Một suy tư chung có thể dẫn đến một ‘cột mốc’ khác trên con đường từ xung đột đến hiệp thông,” Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Cổ vũ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, và Nữ Mục sư Anne Burghardt, tổng thư ký của Liên đoàn, cho biết khi họ đọc tuyên bố “Lời Chung” trước phiên họp ngày 19 tháng 9.

Đại hội, được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 9 tại Krakow, Ba Lan, là cơ quan quản trị chính của Liên đoàn Thế giới Luthêrô, đại diện cho 150 giáo hội Luthêrô ở 99 quốc gia.

Bản tuyên tín Augsburg được soạn thảo vào năm 1530 trong một nỗ lực “làm chứng cho đức tin của một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”, tuyên bố cho biết như thế. “Vào thời điểm viết bài này, sự hiệp nhất của giáo hội có lẽ đang bị đe dọa, nhưng sự chia rẽ trong giáo hội cuối cùng vẫn chưa được thực hiện”.

Bởi vì lời tuyên bố đức tin nhằm mục đích làm chứng cho sự hiệp nhất của giáo hội trước sự tan vỡ cuối cùng của cuộc Cải cách Thệ phản, nên bản tuyên ngôn cho biết, nó “không những có tầm quan trọng lịch sử; đúng hơn, nó duy trì tiềm năng đại kết lâu dài”.

Tuyên bố thừa nhận những trở ngại cả về thần học lẫn thực tiễn trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn.

Nó cho biết: “Việc rút phép thông công Martin Luther của Giáo Hội Công Giáo vẫn là một trở ngại đối với một số người ngày nay. Nó duy trì vị trí của nó trong ký ức tuyên tín, mặc dù việc vạ tuyệt thông đã mất hiệu lực tức khắc từ lâu sau cái chết của nhà cải cách và những người thuộc phái Luthêrô không phải là kẻ thù hay người xa lạ đối với người Công Giáo, mà là anh chị em, những người mà người Công Giáo biết mình được hiệp nhất thông qua phép rửa tội.”

Nó cho biết, cũng thế, “việc Martin Luther và các trước tác của phái Luthêrô gọi Đức Giáo Hoàng là ‘kẻ phản Chúa’ là một trở ngại mặc dù ngày nay Liên đoàn Thế giới Luthêrô không ủng hộ quan điểm đó”.

Tuyên bố cho biết, hai vấn đề này cuối cùng đặt ra các vấn đề về vai trò và thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng và “vấn đề về mầu nhiệm của giáo hội, sự thống nhất và tính duy nhất của giáo hội”, các vấn đề mà cuộc đối thoại thần học chính thức giữa Công Giáo và Luthêrô vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Hai nhà lãnh đạo cho biết cuộc đối thoại đó cho phép người Luthêrô và người Công Giáo “phân biệt được những lĩnh vực đồng thuận mà những người tiền nhiệm của chúng ta chỉ nhìn thấy những sự đối lập không thể vượt qua. Chúng ta có thể nhận ra rằng hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn lớn hơn nhiều so với những tình huống ngẫu nhiên của một thời đại cụ thể”.

“Lời Chung” cũng lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo liên đoàn vào năm 2021, bày tỏ hy vọng rằng một nghiên cứu chung về Tuyên tín Augsburg để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 500 năm của tài liệu vào năm 2030 có thể củng cố khả năng của người Công Giáo và người Luthêrô “cùng nhau tuyên xưng những gì nối kết chúng ta trong đức tin.”

Đức Giáo Hoàng nói, “Điều quan trọng là phải xem xét với sự khiêm tốn tinh thần và thần học những hoàn cảnh dẫn đến sự chia rẽ, tin tưởng rằng, mặc dù không thể xóa bỏ những sự kiện đau buồn trong quá khứ, nhưng có thể giải thích lại chúng như một phần của lịch sử được hòa giải”.
 
300 tấn viện trợ nhân đạo của Caritas thế giới bị Nga phá hủy ở Lviv
Đặng Tự Do
05:49 21/09/2023


Hơn 300 tấn hàng hóa nhân đạo đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Lviv. Andriy Sadovoy, thị trưởng thành phố phía tây Ukraine, đã tuyên bố điều này trên Telegram, theo CNN. Trước đó, đã có thông tin về cái chết của một người đàn ông làm việc trong tòa nhà bị ảnh hưởng.

Thị trưởng báo cáo rằng “một nhà kho của tổ chức phi chính phủ Caritas International đã bị tấn công, khiến một công nhân thiệt mạng và hàng hóa nhân đạo bị phá hủy” và nhà kho chứa “khoảng 300 tấn hàng hóa nhân đạo”. Sadovoy cho biết số hàng này trị giá hàng triệu Mỹ Kim.

“Tôi vừa nói chuyện với nhà lãnh đạo Caritas: họ vừa nhận được viện trợ nhân đạo, quần áo, giày dép, máy phát điện để gửi từ Lviv đến các vùng khác của Ukraine. Bây giờ mọi thứ đang cháy. Rất nhiều thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nhẹ đang bị đốt cháy”, thị trưởng thành phố nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine đang đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu.

Mạc Tư Khoa đã tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ tháng 7, khi nước này rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Hắc Hải của Ukraine và di chuyển an toàn qua tuyến đường thủy tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận thị trường toàn cầu.

Austin cáo buộc rằng Điện Cẩm Linh đã tiêu hủy “ít nhất 280.000 tấn ngũ cốc. Số lương thực đó đủ để nuôi sống tới 10,5 triệu người trong một năm.”

“Nga càng kéo dài chiến tranh thì sự tàn ác của họ càng trở nên rõ ràng. Các cuộc tấn công của Nga đã vượt xa chiến trường và gây ra những đau khổ không thể kể xiết cho con người”, ông Austin nói. “Lịch sử sẽ cho thấy sự điên rồ tột độ của cuộc xâm lược liều lĩnh, tàn ác và vô cớ của Putin đối với người hàng xóm hòa bình của mình.”


Source:ragusanews.com/
 
Thông Báo
NAM ÚC: PHÂN ƯU THÂN PHỤ của CÁC THÔNG TÍN VIÊN QUA ĐỜI
Jo. Vĩnh SA
04:20 21/09/2023
 
VietCatholic TV
Cuộc tấn công Crimea lớn chưa từng có của Ukraine sau khi đánh sập Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải Nga
VietCatholic Media
17:00 21/09/2023


1. Ukraine đưa ra một thừa nhận hiếm hoi liên quan đến Hạm đội Hắc Hải của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Makes Rare Admission About Putin's Black Sea Fleet”, nghĩa là “Ukraine đưa ra một thừa nhận hiếm hoi liên quan đến Hạm đội Hắc Hải của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã thành công trong cuộc tấn công buổi sáng thứ Tư vào Bộ Tư Lệnh của Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol thuộc bán đảo Crimea.

Thông báo này là một điều hiếm thấy đối với Kyiv, vì quân đội Ukraine thường không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào Crimea hoặc bên trong lãnh thổ Nga. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc Kyiv thừa nhận đã thực hiện một cuộc tấn công vào Crimea diễn ra vào ngày 7 tháng 9.

Mức độ thiệt hại đối với Bộ Tư Lệnh của Hạm đội Hắc Hải hiện chưa rõ, nhưng thông báo này được đưa ra sau các báo cáo trước đó từ các phương tiện truyền thông địa phương và các kênh Telegram về vụ nổ ở Crimea và về một cuộc tấn công sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp vào tòa nhà trụ sở của Hạm đội Hắc Hải.

Các cuộc tấn công ở Hắc Hải và Crimea đã gia tăng trong những tuần gần đây và khu vực này vẫn là tâm điểm thảo luận lớn trong cuộc chiến mà Tổng thống Nga Putin phát động nhằm vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Putin trước đó đã xâm lược và sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần thề sẽ đòi lại lãnh thổ cho dân tộc mình.

“Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công thành công sở chỉ huy Hạm đội Hắc Hải của quân xâm lược gần Verkhniosadove gần thành phố Sevastopol tạm thời bị tạm chiếm vào sáng ngày 20 tháng 9. Vinh quang cho lực lượng vũ trang Ukraine!” Tổng cục Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gọi tắt là StratCom, cho biết.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Tài khoản Telegram của Astra, một dự án của các nhà báo độc lập của Nga, đã đăng một đoạn video vào sáng thứ Tư về một vụ bắn hỏa tiễn trên bầu trời Crimea và viết “người dân địa phương đã báo cáo rằng Sở chỉ huy chính của Hạm đội Hắc Hải đã bị hư hại. “

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo Chính Ukraine, đã bình luận về các cuộc tấn công vào các vị trí trong khu vực trong các bình luận được đưa ra cho Kyiv Post.

Ông nói: “Các cuộc tấn công hỏa tiễn đang được tiến hành nhằm vào các cơ sở quân sự của những kẻ xâm lược ở Crimea do Ukraine xâm lược tạm thời”. “Công việc theo kế hoạch của Lực lượng An ninh và Quốc phòng Ukraine vẫn tiếp tục.”

Mặc dù chưa rõ quy mô của cuộc tấn công hôm thứ Tư, nhưng cuộc tấn công diễn ra một tuần sau cuộc tấn công lớn vào xưởng đóng tàu của Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol. Trong sự việc đó, tàu đổ bộ cỡ lớn Minsk thuộc lớp Ropucha và tàu ngầm tấn công Rostov-on-Don thuộc lớp Kilo đã bị hư hỏng nặng.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh sau đó cho biết trong một bản cập nhật tình báo rằng trong khi Bộ Quốc phòng Nga “hạ thấp thiệt hại đối với các tàu, bằng chứng nguồn mở cho thấy Minsk gần như chắc chắn đã bị phá hủy về mặt chức năng, trong khi Rostov thì có khả năng bị thiệt hại thảm khốc.”

2. Ukraine tiến hành cuộc tấn công Crimea lớn nhất sau khi tấn công Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải của Nga

Theo các blogger quân sự Nga, trưa ngày thứ Năm 21 Tháng Chín, theo giờ địa phương, thức khoảng 5 giờ chiều giờ Việt Nam, quân Ukraine đã mở một cuộc tấn công chưa từng có vào bán đảo Crimea.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Delivers Biggest Crimea Attack After Hitting Russian Black Sea Headquarters”, nghĩa là “Ukraine tiến hành cuộc tấn công Crimea lớn nhất sau khi tấn công Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn trên Hắc Hải và Crimea sau khi Kyiv tuyên bố thành công trong việc tấn công trụ sở quân sự của Nga trên bán đảo bị tạm chiếm.

Ukraine có ý định chiếm lại Crimea, nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, và bán đảo này có nhiều cơ sở quân sự đang bị tấn công ngày càng nhiều khi Kyiv tìm cách làm suy giảm hậu cần và thiết bị của Nga.

Chiều thứ Năm Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn hạ 19 máy bay không người lái và các vụ nổ đã được nghe thấy ở các khu định cư Novofedorivka, Saky, Yevpatoriya, Dzhankoi và Balaklava của Crimea.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái vào các vật thể trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như người Ukraine và các quốc gia phương Tây vẫn gọi

Tuy nhiên, các kênh truyền thông xã hội của Nga đã vẽ nên một bức tranh khác, khi có thể nghe thấy tiếng nổ và âm thanh của máy bay không người lái tấn công các mục tiêu trong các video được tải lên.

Kênh Baza Telegram, được liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, đưa tin vào sáng thứ Năm rằng “ít nhất bảy máy bay không người lái đã nhào xuống mục tiêu chỉ trong 20 phút qua” với các nhân chứng báo cáo về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất mà họ từng thấy.

Trong khi đó, ba máy bay không người lái nhào xuống Kursk, Belgorod và Orlov ở miền trung và miền nam nước Nga. Belgorod, chỉ cách chiến tuyến của cuộc chiến Ukraine 25 dặm và đã trải qua các cuộc không kích hàng ngày trong tháng này.

Điều này diễn ra sau sự thừa nhận trách nhiệm hiếm hoi của Kyiv về một cuộc tấn công đáng kể vào mục tiêu quân sự của Nga. Hôm thứ Tư, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, nói với Ukrainska Pravda rằng một cuộc tấn công vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga gần Sevastopol đã khiến quân đội thiệt mạng và phá hủy các thiết bị quân sự.

SSU cho biết cuộc tấn công là một hoạt động chung với Không quân và Hải quân Ukraine và các tướng lĩnh Nga đã “chỉ định căn cứ này làm nơi cư trú của họ, để họ không thể bị nhắm vào nơi triển khai chính”.

Trong vài tuần qua, Ukraine được cho là đã tiến hành một số cuộc tấn công thành công vào Crimea. Ngày 13/9, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine đã làm hư hỏng nặng tàu Minsk lớp Ropucha và tàu ngầm Rostov-on-Don lớp Kilo tại ụ tàu Sevastopol.

Các mục tiêu khác được cho là bao gồm hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-400 của Nga, với các video về cuộc tấn công vào ngày 23/8 và 15/9 cho thấy những vụ nổ rất lớn.

Cây cầu Kerch nối Crimea với vùng Krasnodar của Nga cũng bị tấn công và đóng cửa nhiều lần.

Newsweek đã gửi email cho Bộ quốc phòng Ukraine và Nga để bình luận.

3. Giao thông dừng lại trên cầu Crimea khi màn khói xuất hiện trên bán đảo bị tạm chiếm

Chính quyền địa phương cho biết giao thông qua cầu Kerch nối Crimea với Nga đã bị đình chỉ.

Trung tâm Thông tin Đường bộ địa phương cho biết như trên: “Giao thông trên cầu Crimea tạm thời bị phong tỏa. Những người trên cầu và trong khu vực kiểm tra yêu cầu giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của nhân viên an ninh giao thông.”

Cùng lúc đó, một màn khói xuất hiện ở khu vực Sevastopol phía bên kia bán đảo Crimea.

Màn khói thường được chính quyền Nga sử dụng ở Crimea trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhaev nói rằng “các phương tiện bảo vệ cầu” đang được sử dụng và tìm cách trấn an người dân rằng các biện pháp đó là an toàn.

“Do hoạt động của các phương tiện phòng không, theo dữ liệu sơ bộ, các máy bay không người lái bị bắn hạ đã rơi ở Verkhnesadovoye và Kacha, cả hai nơi đều rất gần thành phố Sevastopol. Không có thương vong.”

Tuy nhiên, các video được đăng trên các kênh truyền thông xã hội không chính thức ở Crimea cho thấy một đám khói lớn bốc lên từ khu vực gần Verkhnesadovoye, nơi có căn cứ quân sự của Nga. phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, sáng nay đã xác nhận đánh trúng Bộ Tư Lệnh của Hạm Đội Hắc Hải.

Một số bối cảnh: Cây cầu Kerch, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị sáp nhập bất hợp pháp, đã trở thành mục tiêu nhiều lần trong cuộc xung đột.

Vào ngày 12 tháng 8, các quan chức Nga cho biết nhiều hỏa tiễn đã bị bắn hạ trên cây cầu quan trọng trong một cuộc tấn công mà Nga đổ lỗi cho Ukraine.

Vào ngày 17 tháng 7, Ukraine đã sử dụng thuyền không người lái thử nghiệm trên biển để tấn công cây cầu, gây hư hại cho các làn đường trên cầu và theo quan chức Nga, khiến 2 thường dân thiệt mạng.

Cây cầu Crimea đóng vai trò là huyết mạch quan trọng để cung cấp cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cho phép người và hàng hóa lưu thông vào các lãnh thổ Ukraine mà Mạc Tư Khoa đã xâm lược ở phía nam và phía đông đất nước.

4. Kh-BD là gì? Máy bay ném bom Tu-160 của Nga được trang bị hỏa tiễn tầm xa mới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Is Kh-BD? Russian Tu-160 Bombers Armed With New Long Range Missiles”, nghĩa là “Hỏa tiễn Kh-BD là gì? Máy bay ném bom Tu-160 của Nga được trang bị hỏa tiễn tầm xa mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mạc Tư Khoa cho biết các máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ được trang bị hỏa tiễn hành trình “mới lạ”, mặc dù khả năng thực tế của các hỏa tiễn tầm xa này vẫn còn gây tranh cãi.

Hôm thứ Bảy, chỉ huy hàng không tầm xa của Nga, Trung tướng Sergey Kobylash, cho biết hỏa tiễn Kh-BD mới của Nga có tầm bắn hơn 6.500 km, tương đương hơn 4.000 dặm, trong nhận xét được hãng truyền thông nhà nước Nga Tass đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Mạc Tư Khoa Sergei Shoigu cho biết thêm, máy bay ném bom Tu-160 sẽ có thể mang theo hai bộ sáu hỏa tiễn Kh-BD trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân tới một căn cứ không quân ở vùng Viễn Đông của Nga hôm thứ Bảy.

Theo Sidharth Kaushal, thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Royal United Services Institute có trụ sở tại Luân Đôn, Nga đã xem xét việc sản xuất hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không tầm xa hơn trong một thời gian.

Các chuyên gia đặt ra nghi ngờ về khả năng thực sự của hỏa tiễn hành trình “mới lạ”, mặc dù nó sẽ là “một công cụ chiến lược hữu ích cho người Nga cả về mặt thông thường và hạt nhân”, Kaushal nói với Newsweek. Có một số yếu tố chưa rõ xung quanh Kh-BD, bao gồm tầm bắn thực sự, số lượng hỏa tiễn mà một chiếc Tu-160 có thể mang theo và mức độ nó có thể trốn tránh hệ thống phòng không của đối phương.

Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague, cho biết: “Tầm bắn của hỏa tiễn này có vẻ khá xa”.

Ông nói với Newsweek: “Nó sẽ đòi hỏi một bước nhảy vọt thực sự về phẩm chất của động cơ phản lực cánh quạt nhỏ cung cấp năng lượng cho hỏa tiễn, đặc biệt là khi so sánh với các hỏa tiễn trước đó của Nga”.

Kaushal cho biết thêm hỏa tiễn này có thể là phiên bản tầm bắn mở rộng của hỏa tiễn Kh-101 của Nga. Kh-101 là hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường đã được các lực lượng Nga sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Sáng thứ Hai, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 17 hỏa tiễn trong đêm, là hỗn hợp của hỏa tiễn hành trình Kh-101, Kh-55 và Kh-555.

Kaushal cho biết, với tầm bắn của hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không mà Mạc Tư Khoa sở hữu, có thể tin rằng lực lượng của Điện Cẩm Linh có thể trang bị một biến thể tầm xa. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga rằng một chiếc Tu-160 có thể mang theo 12 hỏa tiễn là “khó tin”, ông nói thêm, đồng thời cho rằng các hỏa tiễn tầm xa hơn sẽ cần phải lớn hơn 12 chiếc Kh-101 mà Tu-160 hiện có thể mang theo.

Mertens cho biết, Nga cũng khó có khả năng chế tạo nhiều hỏa tiễn loại này vì chúng có thể không mang đầu đạn thông thường hạng nặng.

“Với tầm hoạt động được tuyên bố như vậy, mọi khoảng không gian đều phải được sử dụng làm nhiên liệu, chắc chắn có tính đến các vấn đề mà người Nga gặp phải với các bộ phận thu nhỏ. Mặt khác, đầu đạn hạt nhân không cần nhiều không gian”, ông nói.

Mertens lập luận rằng nó cũng có thể là một hỏa tiễn tàng hình hơn các hỏa tiễn hành trình mà Nga hiện đang sử dụng và Ukraine thường xuyên bắn hạ “một cách dễ dàng đến mức đáng kinh ngạc”. Tuy nhiên, bất kỳ tuyên bố nào từ Điện Cẩm Linh rằng Kh-BD mới này không thể bị chặn đều nên bị coi là đáng hoài nghi, Mertens nói thêm.

Nga trước đây đã quảng cáo hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal hay còn gọi là “Dagger”, nghĩa là “Dao găm” được phóng từ trên không, và được quảng cáo là không thể ngăn chặn, nhưng các báo cáo từ Ukraine cho thấy lực lượng phòng không của Kyiv đã nhiều lần đánh chặn hỏa tiễn này, bao gồm cả hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Kinzhal được cho là có tầm bắn khoảng 2.000 km, tương đương khoảng 1.250 dặm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

5. Ukraine ngầm xác nhận đã tấn công căn cứ không quân Nga, làm hư hại hai máy bay và một trực thăng

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nexta, cơ quan truyền thông độc lập của Belarus, có trụ sở ở Warsaw, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, nói một cách mỉa mai rằng: “những kẻ phá hoại chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một phi trường gần Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai”.

Ông nói “những kẻ phá hoại không rõ danh tính đã cho nổ tung hai máy bay và một trực thăng ở khu vực Mạc Tư Khoa”.

Vụ việc xảy ra tại căn cứ không quân Chkalovsky, cách Mạc Tư Khoa khoảng 30 km về phía đông bắc, theo Defense Intelligence.

“Tại phi trường Chkalovsky, một nhóm thuộc Ủy ban điều tra Liên bang Nga đang điều tra vụ phá hoại”, ông nói.

“Những kẻ chưa xác định được danh tính đã cài chất nổ tại phi trường được canh gác nghiêm ngặt và cho nổ máy bay AN-148 và IL-20 (cả hai đều thuộc phi đoàn Lực lượng Đặc biệt 354), cũng như một máy bay trực thăng MI-28N, trước đó đã tích cực tham gia bắn hạcác máy bay không người lái trên khu vực Mạc Tư Khoa”.

“Thiệt hại của máy bay sẽ không cho phép Nga tin tưởng vào sự phục hồi nhanh chóng của họ”, ông nói thêm.

Hôm thứ Hai, một số phương tiện truyền thông Nga đưa tin về một vụ hỏa hoạn ở khu vực lân cận căn cứ nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

6. Zelenskiy kêu gọi LHQ tước bỏ quyền phủ quyết của Nga. Nhưng điều đó có thể xảy ra không?

Trong một cuộc họp bất thường tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư đã kêu gọi tước bỏ quyền phủ quyết của Nga – một lập luận mà ông đã đưa ra trước đây, kể từ khi Nga xâm chiếm đất nước ông vào năm 2022.

Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an hùng mạnh, được gọi là P5, bao gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mười thành viên không thường trực khác luân phiên bổ sung vào cơ quan. Nhưng chỉ có thành viên thường trực mới có quyền phủ quyết các nghị quyết.

Trong những năm gần đây, Liên bang Nga và Trung Quốc đã đưa ra đa số các phiếu phủ quyết. Trong 10 năm qua, Nga đã phủ quyết hơn 20 nghị quyết, Trung Quốc phủ quyết 9 nghị quyết và Mỹ chỉ phủ quyết có 3 nghị quyết.

Vào tháng 9 năm 2022, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết lên án việc nước này chiếm giữ các lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi nước này rút khỏi Ukraine.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa P5 đã làm nổi bật sự tê liệt của hội đồng, trong khi các cường quốc mới nổi như Ấn Độ và Brazil vẫn bị mắc kẹt bên lề.

Trong bài phát biểu khai mạc Cuộc tranh luận chung hôm thứ Ba, chính Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cải cách, chỉ ra rằng Hội đồng Bảo an được thành lập vào những năm 1940, trong bối cảnh địa chính trị rất khác so với ngày nay. Ông cảnh báo, nếu không cải cách Liên Hiệp Quốc sẽ “đổ vỡ”.

7. Ukraine tuyên bố tấn công thành công Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải ở Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 21 tháng Chín, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết Quân đội Ukraine đã tấn công thành công Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải của Nga ở Crimea vào sáng thứ Tư.

“Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải ở Verkhniosadove thuộc thành phố Sevastopol bị tạm chiếm đã bị hư hại nghiêm trọng,” Yusov nói.

Một số thông tin cơ bản: Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công vào các căn cứ quân sự và cơ sở khác của Nga, bao gồm cả hệ thống phòng không, ở Crimea.

Trước đó hôm thứ Tư, Ukraine đã tuyên bố chịu trách nhiệm về một loạt vụ nổ được báo cáo tại khu vực bị tạm chiếm. Phát ngôn nhân Tình báo Quốc phòng Ukraine Andrii Yusov cho biết Nga đang sử dụng Crimea làm “trung tâm hậu cần” và “mục tiêu cuối cùng của Ukraine tất nhiên là giải phóng bán đảo Crimea”.

Cuối Tháng Tám vừa qua quân Ukraine đã phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Cape Tarkhankut, phía Tây bán đảo Crimea. Ngày thứ Hai 11 Tháng Chín, họ đã tái chiếm được 2 giàn khoan và tháo gỡ các bộ cảm biến của Nga được đặt ở đó. Bây giờ là thời điểm mà quân Ukraine tấn công, quân Nga không thể đỡ nổi. Chính vì thế, quân Ukraine liên tục tấn công vào bán đảo Crimea.

8. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken tìm cách nêu bật số người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine trong nhận xét tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Tư đã tìm cách nêu bật số người thiệt mạng khủng khiếp trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine khi chính quyền Biden tìm cách duy trì sự ủng hộ dành cho Kyiv trong bối cảnh bất đồng quan điểm ngày càng gia tăng trong Quốc hội.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Blinken đã nói rất chi tiết về việc đến thăm thị trấn Yahidne trước đây bị tạm chiếm trong chuyến đi gần đây tới Ukraine, nơi binh lính Nga vây bắt hơn 300 dân làng – “chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già”. — và giam họ dưới tầng hầm của một trường học trong gần một tháng, “dùng họ làm lá chắn sống”.

Ông mô tả đã nhìn thấy “hai danh sách viết tay tên trên tường tầng hầm.” Ông nói, “Một là dành cho dân làng mà quân Nga đã hành quyết. Cái còn lại dành cho những người đã chết dưới tầng hầm.”

“Nạn nhân lớn tuổi nhất đã 93 tuổi. Đứa nhỏ nhất - sáu tuần tuổi,” Blinken nói.

Ông mô tả: “Người Nga chỉ cho phép di dời thi thể mỗi ngày một lần - vì vậy trẻ em, cha mẹ, chồng và vợ buộc phải dành hàng giờ bên cạnh thi thể của những người thân yêu của họ”.

Blinken nói: “Tôi bắt đầu ở đây bởi vì - từ khoảng cách thoải mái của căn phòng này - thật dễ dàng để không biết những nạn nhân Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga sẽ như thế nào”.

Blinken lưu ý, “Đây là những gì đã xảy ra chỉ trong một tòa nhà, trong một cộng đồng ở Ukraine. Có rất nhiều những nơi khác như thế.”

Blinken cũng đề cập đến các cuộc tấn công gần đây của Nga. Ông nói: “Chỉ trong tuần trước, Nga đã ném bom các tòa nhà chung cư ở Kryvyi Riv, đốt cháy các kho viện trợ nhân đạo ở Lviv, phá hủy các hầm chứa ngũ cốc ở Odesa, pháo kích vào 8 cộng đồng ở Sumy chỉ trong một ngày”.

“Đây là điều mà các gia đình Ukraine phải trải qua hàng ngày. Đó là những gì họ đã trải qua trong suốt 575 ngày của cuộc xâm lược toàn diện này. Đó là những gì họ sẽ phải chịu đựng vào ngày mai và ngày kia, chừng nào Nga còn tiến hành cuộc chiến tàn khốc này”, Blinken nói thêm.

Nỗ lực của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ nhằm cụ thể hóa thực tế khủng khiếp của cuộc chiến diễn ra trước chuyến đi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Washington, DC, và khi chính quyền chuẩn bị cho một cuộc chiến tài trợ tiềm năng với Quốc hội về việc tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến.

Blinken cũng nói rộng rãi về việc Nga vi phạm trật tự quốc tế, nói với các thành viên Liên Hiệp Quốc: “Thật khó để tưởng tượng một quốc gia lại tỏ ra khinh thường Liên Hiệp Quốc và tất cả những gì tổ chức này đại diện”.

Ông nói thêm: “Điều này đến từ một quốc gia có ghế thường trực trong Hội đồng này.”

9. Tổng thống Ba Lan kêu gọi lãnh đạo thế giới đoàn kết đối phó với Nga

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc đoàn kết để đối phó với Nga.

“Nếu hôm nay chúng ta không hành động đoàn kết để bảo vệ các giá trị cơ bản của luật pháp quốc tế thì ngày mai có thể đã quá muộn”, ông Duda nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Ukraine hôm thứ Tư.

Duda cho biết “sự thay đổi chiến lược” xảy ra sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga không phải là tạm thời.

“Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới đầy bất ổn.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi Hội đồng Bảo an thu hồi quyền phủ quyết của Nga.

10. Quan chức Mỹ cho biết Tòa Bạch Ốc sẽ cung cấp gói viện trợ mới cho Ukraine trong chuyến thăm của Zelenskiy

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết Tòa Bạch Ốc đang lên kế hoạch cung cấp gói viện trợ mới cho Ukraine khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đến thăm hôm thứ Năm.

Gói này - dựa trên thẩm quyền rút tiền hiện có - sẽ bao gồm các khả năng pháo binh, thiết giáp, phòng không và phòng không bổ sung để trang bị tốt hơn Ukraine cho một cuộc phản công đang diễn ra và hơn thế nữa.

Tướng Kirby cho biết ông Zelenskiy “sẽ rời Tòa Bạch Ốc với một gói khả năng bổ sung đáng kể để hỗ trợ phòng thủ trong ngắn hạn và dài hạn”.

Khả năng phòng không của gói này cũng được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine bảo vệ bầu trời trước một mùa đông khắc nghiệt, với nhiều cuộc tấn công dự kiến nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Đáng chú ý, gói này dự kiến sẽ không bao gồm Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, được gọi là ATACMS, cho phép binh sĩ Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa hơn.

“Đối với chúng tôi, đó sẽ là một mất mát nếu chúng tôi không thể có được loại vũ khí bảo vệ chúng tôi đó. Nhưng đó không phải là sự thất vọng. Đó sẽ chỉ là một sự mất mát,” Tổng thống Zelenskiy nói.

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng ATACM “không phải là bị gạt ra khỏi bàn”, nhưng các cơ quan đang xem xét liệu có cung cấp vũ khí hay không vẫn chưa đưa ra quyết định.

Quân đội Hoa Kỳ đã thông báo với Tòa Bạch Ốc rằng, trong khi ATACM sẽ cung cấp khả năng phòng thủ tầm xa và lâu dài hơn, thì nhu cầu cấp thiết hơn của Ukraine trong cuộc phản công là các phương tiện, thiết bị rà phá bom mìn và thiết bị phòng không tầm ngắn để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga.

11. Thủ tướng Canada kêu gọi hành động trước “cuộc chiến tranh phi pháp” của Nga

Thủ tướng Canada hôm thứ Tư kêu gọi hành động để giải quyết việc Nga xâm chiếm Ukraine.

“Chúng ta cần phải rõ ràng một trăm phần trăm về những gì đang xảy ra ngay bây giờ. Một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an này, là Nga, đã phát động và tiếp tục tiến hành một cuộc chiến bất hợp pháp”, Justin Trudeau nói tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư.

Ông chỉ trích Nga đã sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an “để tạo điều kiện cho cuộc chiến này và những hành vi vi phạm các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra những bình luận tương tự trước đó vào thứ Tư, kêu gọi tước bỏ quyền phủ quyết của Nga - nói rằng điều đó khiến cho việc ngăn chặn chiến tranh là không thể.

Ví dụ, vào tháng 9 năm 2022, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết lên án việc Nga chiếm giữ các vùng lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi Nga rút khỏi Ukraine.

Nga, quốc gia đã bảo vệ quyền phủ quyết của mình, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đầy quyền lực, được gọi là P5, bao gồm cả Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ông Trudeau nói: “Chúng ta phải hành động để ngăn chặn những cái chết bi thảm và bạo lực, bao gồm cả bạo lực tình dục, do cuộc xâm lược vô lý này gây ra”. “Chúng ta không được phép để thế giới quay trở lại nơi mà lẽ phải chỉ thuộc về kẻ mạnh. Chúng ta phải bảo đảm biên giới có ý nghĩa gì đó ngay cả khi nước láng giềng có quân đội lớn hơn.”

12. Đức sẽ tổ chức hội nghị phục hồi Ukraine tiếp theo vào tháng 6 năm 2024

Đức sẽ tổ chức hội nghị phục hồi Ukraine tiếp theo, một phát ngôn viên của chính phủ Đức tuyên bố trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư.

Phát ngôn nhân Steffen Hebestreit cho biết quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Ông cho biết hội nghị dự kiến diễn ra tại Berlin vào ngày 11 tháng 6 năm 2024. Hội nghị Phục hồi Ukraine năm 2023 được Vương quốc Anh tổ chức tại Luân Đôn.

Hebestreit cho biết các nhà lãnh đạo đã gặp nhau trong nửa giờ vào thứ Tư và thảo luận về “tình hình chính trị, quân sự và nhân đạo ở Ukraine”.

Theo thông cáo, Zelenskiy cảm ơn chính phủ Đức vì sự hỗ trợ quân sự. Trong khi đó, Scholz nhắc lại sự đoàn kết tiếp tục của Đức với Ukraine.

13. Phó thủ tướng Anh Oliver Dowden ca ngợi bài diễn văn của Tổng thống Zelenskiy

Phó thủ tướng Vương quốc Anh, Oliver Dowden, người đại diện cho đất nước của ông tại cuộc họp của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, bày tỏ tình đoàn kết với Volodymyr Zelenskiy và người dân Ukraine, những người đã đối mặt với cuộc xâm lược của Nga “bằng sự dũng cảm”.

Ông ca ngợi bài diễn văn của Tổng thống Zelenskiy đã rất chính xác khi cho rằng cuộc chiến của Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga “không chỉ là cuộc chiến vì tự do” mà còn là “cuộc chiến vì các nguyên tắc mà chính Liên Hiệp Quốc dựa vào”.

Khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine, họ đã chà đạp lên từng nguyên tắc đó. Họ đã làm như vậy kể từ đó.

Dowden cảnh báo về những rủi ro “nghiêm trọng” nếu thế giới cho phép Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời chỉ ra cái giá phải trả về nhân mạng cho sự xâm lược của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đang phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp từ cuộc chiến tranh lựa chọn của Nga… Nga đã nhẫn tâm nhắm vào các trường học, bệnh viện, thậm chí cả sân chơi. Tất cả những hành độ đó phải dừng lại, và những ai gây ra phải chịu trách nhiệm.

14. Zelenskiy rời Liên Hiệp Quốc sau khi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy rời Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư sau khi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về cuộc chiến ở Ukraine.

Khi được hỏi cuộc họp diễn ra thế nào, Zelenskiy trả lời: “Cuộc họp diễn ra rất tốt đẹp”.

Zelenskiy dự kiến sẽ gặp Tổng thống Joe Biden vào hôm thứ Năm tại Washington, DC và thăm Điện Capitol của Hoa Kỳ khi ông kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho Kyiv.

15. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến lệnh động viên của Putin. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Hôm nay, ngày 21 tháng 9 năm 2023, là ngày kỷ niệm Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về đợt 'huy động một phần' năm 2022, trong đó có khoảng 300.000 quân nhân dự bị Nga bị triệu tập đến phục vụ tại Ukraine.

Vào ngày 15 tháng 9 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga và cựu tướng Andrei Kartapolov đã nhắc lại rằng các binh sĩ được huy động có nghĩa vụ phục vụ trong suốt thời gian của 'chiến dịch quân sự đặc biệt'.

Trong một lần thừa nhận mới về tình hình khắc nghiệt ở mặt trận, ông cũng nói rằng không thể luân chuyển nhân sự ra khỏi khu vực tác chiến trong thời gian phục vụ của họ.

Việc không luân chuyển thường xuyên các đơn vị khỏi nhiệm vụ chiến đấu rất có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần khiến tinh thần của lính Nga xuống thấp và Quân đội Nga không thể tiến hành huấn luyện cao cấp hơn kể từ cuộc xâm lược. Việc thiếu đào tạo như vậy rất có thể góp phần gây khó khăn cho Nga trong việc tiến hành thành công các hoạt động tấn công phức tạp.
 
Kitô hữu Armenia bị tận diệt trước mắt chúng ta. Nguyên nhân cuộc chiến Armenia và Azerbaijan
VietCatholic Media
17:05 21/09/2023


1. Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công quân sự chống lại Kitô hữu Armenia ở Nagorno-Karabakh

Hôm thứ Ba, Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhằm vào khu vực có khoảng 120.000 người Kitô giáo Armenia ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, pháo kích vào các tòa nhà và bắn vào các vị trí quân sự và dân sự của Armenia.

Chính phủ Azerbaijan hôm thứ Ba gọi cuộc tấn công của họ là “các biện pháp chống khủng bố” chống lại “các đơn vị quân sự bất hợp pháp của Armenia”. Azerbaijan cho biết các cuộc tấn công sẽ không dừng lại cho đến khi người dân tộc Armenia đầu hàng hoàn toàn.

Armenia và Azerbaijan đã tranh giành Nagorno-Karabakh từ năm 1988. Ngày nay, khu vực này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, mặc dù khu vực này hầu như bao gồm hầu hết các Kitô hữu Armenia. Người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh phủ nhận quyền kiểm soát của người Azerbaijan đối với khu vực và tuyên bố quyền tự chủ dưới sự bảo trợ của “Cộng hòa Artsakh”.

“Lực lượng Phòng vệ Artsakh” của quốc gia ly khai này đã báo cáo về các cuộc tấn công bằng vũ khí nhỏ của người Azerbaijan nhằm vào quân đội và dân thường người Armenia trong nhiều tháng.

Các cuộc tấn công leo thang vào hôm thứ Ba khi quân đội Azerbaijan tung ra các cuộc tấn công bằng pháo và súng cối vào cả các vị trí quân sự và dân sự.

Theo Lực lượng Phòng vệ Artsakh, các cuộc pháo kích tiếp tục kéo dài cho đến nay đã khiến 23 thường dân bị thương và 2 người chết, trong đó có một trẻ em.

Cựu Bộ trưởng bang Artsakh Ruben Vardenyan nói với EWTN trong một tin nhắn video: “Tình hình thật khủng khiếp. “Chúng tôi có rất nhiều thường dân bị quân đội Azerbaijan giết hại. Chúng tôi có rất nhiều người bị thương. Các cuộc tấn công bắt đầu từ sáng và vẫn chưa dừng lại”.

Vardenyan tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu hành động để bảo vệ Kitô hữu Armenia ở Nagorno-Karabakh.

“Thế giới Kitô giáo cần nhận ra điều này là không thể chấp nhận được,” Vardenyan nói. “Tôi tin rằng chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể ngăn chặn cuộc chiến này.”

Ngoại trưởng Artsakh Sergey Ghazaryan đã chỉ trích những cuộc tấn công của Azerbaijan, và nói trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng: “Chúng tôi đang chứng kiến cách Azerbaijan, để thực hiện chính sách diệt chủng của mình, đang tiến tới việc hủy diệt vật chất dân thường và phá hủy các vật thể dân sự của Artsakh.”

Nguồn tin Đông Âu Visegrád 24 hôm thứ Ba đưa tin rằng “cuộc giao tranh quy mô lớn vừa mới bắt đầu ở Nagorno-Karabakh” và “cả hai bên đều sử dụng pháo binh và máy bay không người lái cảm tử”.

Theo Visegrád 24, “có thể một cuộc chiến khác giữa Azerbaijan và Armenia đang bắt đầu trước mắt chúng ta”.

2. Nguyên nhân cuộc chiến Armenia và Azerbaijan

Mặc dù một số người coi cuộc xung đột là nghiêm trọng về biên giới, nhưng các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng tôn giáo cũng đóng một vai trò trung tâm trong cuộc chiến giữa người Armenia theo Kitô giáo và người Azerbaijan theo đạo Hồi.

Theo Sam Brownback, cựu đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, Armenia muốn duy trì ảnh hưởng của mình ở Artsakh, trong khi Azerbaijan muốn trục xuất người dân theo Kitô giáo Armenia để củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Năm 2020, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã khơi lại cuộc xung đột âm ỉ kéo dài bằng cách xâm chiếm Nagorno-Karabakh. Cuộc xung đột kéo dài sáu tuần kết thúc với việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh.

Cuộc chiến đã giết chết 6.800 chiến binh, 90.000 người phải di dời và khiến khoảng 120.000 người theo Kitô giáo Armenia bị cô lập khỏi phần còn lại của Armenia. Một con đường hẹp dài chưa đầy bốn dặm, được gọi là Hành lang Lachin, nối Armenia và Nagorno-Karabakh và là con đường duy nhất để cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người Armenia sống ở đó.

Vào tháng 12 năm 2022, những người Azerbaijan thân chính phủ, bề ngoài phản đối những hành vi vi phạm môi trường của Armenia, bắt đầu phong tỏa Hành lang Lachin, cắt đứt mọi quyền tiếp cận viện trợ. Vào tháng 4, các cuộc biểu tình kết thúc sau khi quân đội Azerbaijan bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế, thiết lập trạm kiểm soát quân sự trên đường, tiếp tục phong tỏa.

Kể từ tháng 12, những người Armenia theo đạo Kitô đã bị mắc kẹt, không có thức ăn hoặc thuốc men sau cuộc phong tỏa Hành lang Lachin.

3. Các diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột quân sự Nagorno-Karabakh

Sự leo thang trong tuần này cho thấy những dấu hiệu đầu tiên về xung đột quân sự toàn diện quy mô lớn ở Nagorno-Karabakh kể từ năm 2020.

Theo nhiều nguồn tin tại hiện trường, bao gồm cả Bộ Ngoại giao Cộng hòa Artsakh, thủ đô Stepanekert của Nagorno-Karabakh đã hứng chịu pháo kích dữ dội.

Bộ Ngoại giao Artsakh hôm thứ Ba đưa tin: “Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào Cộng hòa Artsakh. Vào thời điểm này, thủ đô Stepanakert cũng như các thành phố và làng mạc khác đang bị pháo kích nặng nề.”

Robert Nicholson, chủ tịch nhóm nhân quyền Dự án Philos, cho biết hôm thứ Ba rằng “Azerbaijan cuối cùng đã phát động cuộc chiến nhằm xóa bỏ người Armenia khỏi #NagornoKarabakh - và với sự cho phép của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Brownback cho biết: “Tôi tố cáo bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể về cuộc tấn công vô cớ này của Azerbaijan nhằm vào Kitô hữu Armenia ôn hòa ở Nagorno-Karabakh, còn được gọi là Artsakh! Điều này là sai trái. Đây là một cuộc tấn công vào dân thường và nó phải chấm dứt ngay lập tức.”

Azerbaijan biện minh cho hành động này là 'hoạt động chống khủng bố'

Về phần mình, Azerbaijan phủ nhận việc tấn công vào dân thường và gọi hoạt động của mình ở Nagorno-Karabakh là “các hoạt động chống khủng bố”.

Trong thông cáo báo chí hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết: “Các hoạt động chống khủng bố tại địa phương do Lực lượng vũ trang Azerbaijan thực hiện ở vùng Karabakh của Azerbaijan đang diễn ra”.

“Là một phần của hoạt động, chỉ các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng hợp pháp mới bị tấn công và vô hiệu hóa bằng cách sử dụng vũ khí có độ chính xác cao.”

Azerbaijan cáo buộc Armenia triển khai lực lượng vũ trang để giúp đỡ người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh và cảnh báo dân thường không can thiệp.

Thông cáo của Azerbaijan cho biết: “Xem xét việc triển khai hỏa lực của các lực lượng vũ trang Armenia gần các khu dân cư, chúng tôi kêu gọi dân thường tránh xa các cơ sở quân sự và không ủng hộ việc thành lập các lực lượng vũ trang của Armenia”.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng cho biết họ đang khuyến khích người dân Nagorno-Karabakh di tản khỏi các khu vực nguy hiểm và di dời đến các “trạm tiếp nhận” mà họ đã thiết lập ở Hành lang Lachin.

Thông cáo cho biết: “Các hành lang nhân đạo và trạm tiếp nhận đã được tạo ra trên đường Lachin và các hướng khác để bảo đảm việc di tản người dân khỏi khu vực nguy hiểm”.

Christian Solidarity International, gọi tắt là CSI, một nhóm viện trợ nhân đạo, gọi đây là chiến thuật nhằm thanh lọc các Kitô hữu Armenia khỏi Nagorno-Karabakh.

CSI cho biết, “Khi ném bom các khu vực dân sự, Azerbaijan đang nhắn tin cho người dân ở Nagorno-Karabakh, yêu cầu họ rời đi qua Hành lang Lachin. Con đường mà họ đã chặn suốt 9 tháng để dân chúng chết đói, giờ đây họ đã mở cửa cho người dân đi qua. Mục tiêu là như nhau: quét sạch người Armenia ở Karabakh.”
 
Oanh liệt: Ukraine đánh sập Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải. Diễn từ xuất sắc của Zelenskiy tại HĐBA LHQ
VietCatholic Media
04:13 21/09/2023


1. Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải trúng hỏa tiễn tan thành bình địa. Nhiều vụ nổ làm rung chuyển Crimea

Vladimir Putin đã triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia sau vụ tấn công vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù số 7 và mới nhất là vụ tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải.

Đề cập đến vụ tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Multiple Explosions Rock Crimea as Drones, Missiles Target Airfield”, nghĩa là “Nhiều vụ nổ làm rung chuyển Crimea khi máy bay không người lái, hỏa tiễn nhắm vào phi trường.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Người dùng mạng xã hội đã chia sẻ video về hỏa tiễn và vụ nổ ở Crimea trong bối cảnh có thông tin cho rằng trụ sở quân sự của Nga ở bán đảo bị tạm chiếm đã bị tấn công.

Kênh Telegram Astra đã đăng video trong đó có thể nhìn thấy một hỏa tiễn đang phóng vút qua bầu trời và một giọng nói cho biết “một hỏa tiễn đã bay qua”. Một đoạn clip khác cho thấy khói bốc lên bầu trời xanh.

Nga sáp nhập trái phép Crimea vào năm 2014 và Kyiv đã nhiều lần khẳng định rằng việc chiếm lại bán đảo này là một trong những mục tiêu chiến tranh của nước này.

“Người dân địa phương báo cáo rằng Sở chỉ huy chính của Hạm đội Hắc Hải đã tan tành. Không có thông tin về người chết”, Astra đưa tin.

Tài khoản X (trước đây là Twitter) Whereis RussiaToday, đăng bài về hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa, đã chia sẻ một đoạn video về khói bốc lên từ đường chân trời.

“Một căn cứ quân sự của Nga ở phía bắc Sevastopol đã bị tấn công bằng nhiều hỏa tiễn hành trình Storm Shadow,” đề cập đến vũ khí tầm xa do Anh cung cấp. Một bài đăng tiếp theo cho biết thêm rằng “nhóm định vị địa lý của chúng tôi đã xác nhận rằng cuộc tấn công hỏa tiễn đã phá hủy tòa nhà trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thành phố cảng Sevastopol do Nga kiểm soát, Mikhail Razvozhaev, đã hạ thấp mối lo ngại và nói rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ được hỏa tiễn và máy bay không người lái ở Crimea.

“Thông tin về thiệt hại có thể xảy ra do các bộ phận rơi của hỏa tiễn bị bắn rơi và số thương vong đang được làm rõ. Tất cả các dịch vụ khẩn cấp đều đang hoạt động”

Kênh Tendar, chuyên đăng bài về chiến tranh, cho biết đã xảy ra “vụ nổ lớn” ở Crimea, “có lẽ ở đâu đó gần” phi trường quân sự Belbek, gần Sevastopol.

Kênh Tendar nói một cách mỉa mai rằng tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng máy bay không người lái “đã bị chặn và chỉ có 'cỏ' là đang cháy” là “không có khả năng lắm” vì nếu chỉ có 'cỏ' là đang cháy thì không cần đóng cửa cây cầu Kerch giữa Crimea và Nga, nơi từng bị tấn công trước đó.

Quan chức tình báo quân sự Ukraine Andriy Yusov xác nhận đã có các cuộc tấn công hỏa tiễn vào “các địa điểm triển khai thiết bị của Nga ở Crimea bị tạm chiếm”.

Kênh Tendar cho biết thêm: “Thông tin chi tiết hơn về hậu quả của các cuộc tấn công được hứa sẽ được công bố sau”. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để bình luận thêm.

Trong một diễn biến khác, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine hôm thứ Tư cho biết “những kẻ phá hoại không rõ danh tính” đã làm hư hại nghiêm trọng hai máy bay và một máy bay trực thăng tại Căn cứ Không quân Quân sự Chkalovsky ở tỉnh Mạc Tư Khoa, cách thủ đô 26 dặm về phía đông bắc.

Tình báo Ukraine cho biết Nga đang điều tra làm thế nào những kẻ phá hoại có thể xâm nhập vào phi trường được bảo vệ chặt chẽ và làm hư hại một máy bay vận tải Antonov AN-148 và một máy bay giám sát Ilyushin IL-20. Bài đăng trên Telegram của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng cho biết: “Sự kiện này đã gây ra khá nhiều sự cuồng loạn trong các hành lang quân sự cao cấp”.

Trong những tuần gần đây, các phi trường của Nga đã trở thành mục tiêu và máy bay bị hư hại trong các cuộc không kích được cho là do Ukraine thực hiện.

2. Phương tiện truyền thông Nga cho biết Bộ Quốc Phòng lặng lẽ thực hiện 230.000 giấy chứng tử cho các gia đình tử sĩ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Quietly Orders 230k Certificates for Families of Dead Soldiers”, nghĩa là “Nga lặng lẽ đặt làm 230.000 giấy chứng tử cho các gia đình tử sĩ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một hãng tin điều tra cho biết, chính quyền Nga đã âm thầm đặt làm 230.000 giấy chứng nhận cho thành viên gia đình của các cựu chiến binh đã tử trận, đưa ra một cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về quy mô số người chết mà Mạc Tư Khoa phải gánh chịu trong cuộc chiến kéo dài gần 19 tháng ở Ukraine.

Các giấy chứng nhận này được Bộ Lao động và Phát triển Xã hội Nga đặt làm, hãng tin độc lập tiếng Nga Verstka đưa tin hôm thứ Hai, nhận xét rằng Mạc Tư Khoa đã vô tình tiết lộ quy mô tổn thất có thể xảy ra của quân đội Nga ở Ukraine.

“Nga tuyên bố rằng chỉ có vài nghìn binh sĩ của họ thiệt mạng trong 'chiến dịch quân sự đặc biệt'. Những con số gián tiếp, như những lệnh cấp chứng chỉ này, đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn”, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, viết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter.

Bộ này đã đặt hàng hơn 750.000 giấy chứng nhận cho các cựu chiến binh tham gia chiến đấu và 230.000 giấy chứng nhận cho thành viên gia đình của các cựu chiến binh đã tử trận, trích dẫn dữ liệu được công bố trên cổng thông tin mua sắm nhà nước Nga cơ quan truyền thông Verstka cho biết như trên.

Verstka đưa tin rằng những con số này có thể gián tiếp chỉ ra quy mô gần đúng về tổn thất của Nga trong cuộc chiến. Theo hãng tin này, tổng cộng hơn 900.000 giấy chứng nhận cựu chiến binh đã được đặt hàng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Số người chết ở Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Ukraine phản công nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Theo số liệu do quân đội Kyiv công bố, hơn 270.000 quân Nga đã bị “loại khỏi vòng chiến” trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Là một phần trong bản cập nhật hàng ngày về cuộc chiến, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đăng tải số liệu về tổn thất về quân đội và trang thiết bị của Nga. Mạc Tư Khoa đã mất 520 binh sĩ trong 24 giờ qua, theo số liệu quân đội Nga thiệt mạng hôm thứ Ba - nâng tổng số lên 273.460.

Các ước tính về con số thương vong khác nhau, trong đó con số của Kyiv thường vượt quá con số của các đồng minh phương Tây.

Bản thân Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân đội. Vào tháng 9 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết 5.937 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Tương tự, Ukraine cũng tránh công bố số liệu thương vong của lực lượng mình; tuy nhiên, ước tính của tình báo phương Tây cho thấy chúng cũng rất đáng kể. Vào tháng 4, một đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ ước tính rằng Kyiv đã phải chịu từ 124.500 đến 131.000 thương vong, trong đó có từ 15.500 đến 17.500 tử sĩ và từ 109.000 đến 113.500 người bị thương.

3. Chiến đấu cơ Su-34 trị giá 50 triệu Mỹ Kim của Nga gặp nạn ở Voronezh

Chiều thứ Tư 20 Tháng Tám, Bộ Quốc Phòng Nga đã lên tiếng bác bỏ các thông tin của một số phương tiện truyền thông Nga và Ukraine cho rằng Ukraine đã hạ gục một chiếc Sukhoi 34 ngay trên đất Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's $50m Su-34 Fighter Jet Crashes in Voronezh”, nghĩa là “Chiến đấu cơ Su-34 trị giá 50 triệu Mỹ Kim của Nga gặp nạn ở Voronezh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng một chiến đấu cơ Sukhoi Su-34 đã bị rơi ở khu vực Voronezh của Nga.

Bộ Quốc phòng cho biết hai thành viên phi hành đoàn trên chiếc chiến đấu cơ trị giá 50 triệu Mỹ Kim đã có thể thoát ra khỏi máy bay một cách an toàn trước khi nó rơi vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương.

Các quan chức cho biết chiếc máy bay phản lực siêu thanh đã bị rơi “khi đang thực hiện chuyến bay huấn luyện theo lịch trình” mà không có đạn dược và nguyên nhân vụ tai nạn có thể là do trục trặc kỹ thuật.

Tuyên bố cho biết “không có mối đe dọa” nào đối với sức khỏe của phi hành đoàn. Máy bay được cho là đã rơi cách xa khu vực đông dân cư.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận thêm.

Theo dữ liệu do Newsweek tổng hợp vào tháng trước, hơn 1/5 số thiệt hại về máy bay có người lái và trực thăng được biết đến của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 không phải do hành động của đối phương.

4. Zelenskiy kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc loại bỏ quyền phủ quyết của Nga

Zelenskiy lưu ý rằng các dân tộc và chính phủ đã mất niềm tin vào khả năng và sự sẵn sàng của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo vệ biên giới có chủ quyền.

Ông nói rằng các quốc gia đang thành lập các liên minh mới bên ngoài Liên Hiệp Quốc vì cách Liên Hiệp Quốc giải quyết cuộc xâm lược của Nga khiến các nước mất niềm tin.

Ông nói rằng Liên Hiệp Quốc đã “không hiệu quả” nhưng ông tin rằng Liên Hiệp Quốc “có khả năng làm được nhiều hơn thế”.

Tổng thống Zelenskiy nói: “Những người lính Ukraine hiện đang làm bằng máu của mình những gì Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên làm bằng lá phiếu của mình: đó là ngăn chặn các cuộc xâm lược và duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

Ông nói trong bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư: “Các chiến binh Ukraine đang ngăn chặn sự gây hấn và duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Ông cũng kêu gọi loại bỏ quyền phủ quyết của Nga, cho rằng “đây sẽ là bước cần thiết đầu tiên”.

“Không thể dừng chiến tranh vì mọi nỗ lực đều bị kẻ xâm lược phủ quyết”, Zelenskiy nói.

Trong khi các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Tổng thống Ukraine kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mang tính phòng ngừa đối với các quốc gia xâm lược.

Zelenskiy nói: “Bất cứ ai muốn bắt đầu một cuộc chiến nên nhận định cho rõ sai lầm chết người của mình, chính xác là họ sẽ mất gì khi chiến tranh bắt đầu”.

Một số thông tin cơ bản: Khi hiến chương Liên Hiệp Quốc được ký vào năm 1945, Hội đồng Bảo an đã thành lập với năm thành viên thường trực và sáu thành viên không thường trực. Các thành viên thường trực – Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và Cộng hòa Trung Hoa – mỗi nước được trao quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào mà họ phản đối.

Ngày nay, Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, nhưng 5 thành viên thường trực vẫn được giữ nguyên, trong đó Nga giữ ghế của Liên Xô cũ và Trung Quốc giữ ghế của Trung Hoa Dân Quốc. Và quyền phủ quyết cũng không thay đổi.

Zelenskiy nói: “Thật không may, chiếc ghế này trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Nga chiếm giữ một cách bất hợp pháp” đã bị chiếm giữ bởi “những kẻ nói dối có nhiệm vụ minh oan cho hành động xâm lược và diệt chủng” do Nga thực hiện ở Ukraine.

Ông cho rằng hệ thống hiện tại của Liên Hiệp Quốc có nghĩa là các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc có ít ảnh hưởng hơn quyền phủ quyết của Nga.

Ngày nay, trong đại hội đồng, chúng ta thường xuyên nghe thấy sự bất bình đẳng trên thế giới. Bất bình đẳng được đề cập bởi các quốc gia khác nhau, cả lớn hơn và nhỏ hơn. Đó chính xác là sự bất bình đẳng khiến Liên Hiệp Quốc hoạt động kém hiệu quả.

Tôi biết rằng Liên Hiệp Quốc có khả năng làm được nhiều hơn thế. Tôi tin tưởng rằng hiến chương của Liên Hiệp Quốc thực sự có thể hoạt động vì hòa bình và an ninh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, để điều này xảy ra, các cuộc thảo luận và dự án kéo dài nhiều năm về cải cách Liên Hiệp Quốc phải được chuyển thành một quá trình cải cách Liên Hiệp Quốc khả thi, và không chỉ dừng lại ở việc có đại diện trong hội đồng bảo an, và việc sử dụng quyền phủ quyết.

5. Ukraine thắng lớn ở Zaporizhzhia trong khi tổn thất của Nga tăng đột biến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Map Shows Zaporizhzhia Gains as Russian Losses Reportedly Spike”, nghĩa là “Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy những thắng lợi ở Zaporizhzhia trong khi tổn thất của Nga được tường thuật là đang tăng đột biến”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, tổn thất của Nga được cho là “tăng đáng kể” khi cuộc phản công của Ukraine thành công ở khu vực Zaporizhzhia.

Một báo cáo do ISW công bố hôm thứ Ba nhấn mạnh tuyên bố của phát ngôn nhân quân đội Ukraine cho rằng quân đội Nga đã mất 313 binh sĩ vào hôm thứ Hai ở phía tây Zaporizhzhia, một sự gia tăng đáng kể so với khoảng 200 binh sĩ bị mất trong hai ngày trước đó. Newsweek chưa xác minh độc lập tổn thất của cả hai bên trong cuộc xung đột.

ISW cho rằng tổn thất có thể là do Nga sử dụng các đơn vị “Storm-Z”, bao gồm các cựu tù nhân. Cơ quan tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, trước đây đã lập luận rằng các đơn vị này là gánh nặng đối với Mạc Tư Khoa “do tinh thần và kỷ luật kém”, nói rằng các binh lính bị bắt quân dịch trong số các tù binh sẽ chỉ cung cấp “sức mạnh chiến đấu cận biên” ở Zaporizhzhia.

Báo cáo của ISW cho biết: “Tổn thất của Nga được cho là đã gia tăng đáng kể ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia trong những ngày gần đây và quân đội Nga có thể đang phải vật lộn với việc thiếu các đơn vị sẵn có và có hiệu quả chiến đấu mà bộ chỉ huy Nga sẵn sàng triển khai đến khu vực này của mặt trận”.

“Các biệt đội 'Storm-Z' thường chiến đấu không hiệu quả và có thể sẽ cung cấp cho lực lượng phòng thủ Nga ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia sức mạnh chiến đấu yếu kém,” ISW nhấn mạnh.

Một bản đồ chiến tranh cập nhật có trong báo cáo của ISW cho thấy những bước tiến được tuyên bố của Ukraine trên lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Zaporizhzhia. ISW cho biết Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công thành công ở phía tây Zaporizhzhia vào hôm thứ Hai và thứ Ba.

Đoạn phim định vị địa lý được công bố hôm thứ Hai cho thấy những bước tiến của Ukraine về phía tây khu định cư Verbove, trong khi nỗ lực tiến quân của Nga ở phía tây Zaporizhzhia đã bị Ukraine ngăn cản hôm thứ Ba.

ISW còn đưa tin rằng ngoài việc giành được vị trí ở Zaporizhzhia, Ukraine đã “tiến thành công dọc theo tuyến Kupyansk-Svatove-Kreminna”.

Newsweek đã đưa ra bình luận với Bộ Quốc phòng Nga qua email vào tối thứ Ba.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm thứ Ba rằng quân đội “đã đẩy lùi thành công một cuộc tấn công của đối phương ở vùng lân cận Robotyne”, đồng thời nói thêm rằng lực lượng Nga đã “bắn pháo và súng cối” vào hơn 25 khu định cư ở Ukraine.

Quân đội Nga cũng bị Bộ Tổng tham mưu cáo buộc vi phạm “luật nhân đạo quốc tế bằng cách ép buộc dân thường phải cho họ sống chung trong nhà của họ”, với “số lượng lớn” quân xâm lược tại khu định cư Zaporizhzhia của Tokmak được cho là “ở cùng với thường dân lớn tuổi trong nhà của họ”. “ và “cướp bóc các căn hộ và nhà ở của công dân Ukraine.”

Các bản đồ ISW công bố hôm thứ Hai cho thấy những bước tiến mà Ukraine tuyên bố ở Zaporizhzhia và gần khu định cư Bakhmut ở khu vực Donetsk, nơi cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuyên bố rằng 5,1 km2 lãnh thổ đã được chiếm lại trong tuần qua.

Viện nghiên cứu cho biết Ukraine tiếp tục phản công gần Bakhmut vào hôm thứ Ba “nhưng không đạt được bất kỳ tiến bộ nào được xác nhận”, mặc dù “gây tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị cho lực lượng Nga”.

6. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện bảo vệ yêu cầu viện trợ thêm của Zelenskiy trước chuyến thăm Điện Capitol Hoa Kỳ

Là người ủng hộ trung thành cho viện trợ bổ sung cho Ukraine, Lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đang bảo vệ yêu cầu thêm tiền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tổng thống Ukraine sẽ tới thăm Điện Capitol của Mỹ. Ông McConnell cho biết ông sẽ tham dự một cuộc họp toàn Thượng viện vào sáng thứ Năm.

“Tôi nghĩ thật tốt khi nhắc nhở mọi người rằng một phần lớn số tiền được phân bổ cho Ukraine đang được chi tiêu ở đất nước này để xây dựng lại cơ sở công nghiệp của chúng ta. Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta chưa mất một người Mỹ nào”, ông nói.

Đối mặt với thời hạn chót và khả năng chính phủ đóng cửa vào cuối tháng, Quốc hội đang cân nhắc yêu cầu của Tòa Bạch Ốc về việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine.

“Những người dân Ukraine đang đấu tranh cho nền độc lập của mình đang đối đầu với một trong hai đối thủ lớn của chúng ta: Nga và Trung Quốc. Đối với tôi, có vẻ như chúng ta phải giúp đỡ,” McConnell nói thêm.

7. Hàn Quốc “sẽ không đứng yên” nếu Triều Tiên nhận được sự giúp đỡ của Nga để nâng cao năng lực vũ khí

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư, Tổng thống Hàn Quốc Doãn Tích Duyệt cho biết đất nước của ông cùng với các đồng minh “sẽ không đứng yên” nếu Triều Tiên nhận được sự giúp đỡ của Nga để tăng cường năng lực vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tổng thống Hàn Quốc nói: “Mặc dù sức mạnh quân sự có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng bằng cách đoàn kết trong tình đoàn kết vững chắc và kiên định tuân thủ các nguyên tắc của chúng ta, chúng ta có thể ngăn chặn mọi hành động khiêu khích bất hợp pháp”.

Ông cũng kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và nhấn mạnh rằng việc cải cách cơ quan này “sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi” vì Nga cung cấp thông tin cho Triều Tiên để đổi lấy vũ khí.

“Thật nghịch lý khi một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được giao phó là người bảo vệ cuối cùng cho hòa bình thế giới, lại gây chiến bằng cách xâm lược một quốc gia có chủ quyền khác và nhận vũ khí, đạn dược từ một chế độ vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,” Tổng thống Doãn nói.

“Trong tình hình như vậy, lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Và nếu Triều Tiên có được thông tin và công nghệ cần thiết để tăng cường năng lực vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình để đổi lấy việc hỗ trợ Nga bằng vũ khí thông thường, thì thỏa thuận này sẽ là một hành động khiêu khích trực tiếp, đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ của Ukraine mà còn của Hàn Quốc,” Tổng thống nói thêm.

Thêm bối cảnh: Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đã tới Nga và gặp Vladimir Putin. Ông Kim bày tỏ sự ủng hộ đối với Putin sau cuộc hội đàm của họ, nói rằng “Tôi sẽ luôn sát cánh cùng Nga” và mạnh mẽ tán thành cuộc chiến của Mạc Tư Khoa với Ukraine. Putin mô tả các cuộc thảo luận của họ là “rất thực chất”.

8. 'Cho đến khi Ukraine giành chiến thắng, không ai được an toàn': Ngoại trưởng Lithuania kêu gọi các đồng minh tiếp tục ủng hộ Kyiv

Một quan chức hàng đầu của Lithuania cho biết hôm thứ Tư rằng các đồng minh của Ukraine có trách nhiệm bảo đảm chiến thắng của Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga, đồng thời cảnh báo rằng “cho đến khi Ukraine giành chiến thắng, không ai được an toàn”.

Nếu Ukraine không thể đánh bại cuộc xâm lược của Nga và giành lại lãnh thổ “điều đó báo hiệu một thực tế địa chính trị mới cho tất cả mọi người - không chỉ đối với Ukraine, không chỉ đối với Lithuania và những nước giáp biên giới với Nga, mà về cơ bản mọi quốc gia giờ đây phải suy nghĩ lại về việc sẽ sống ở đâu và như thế nào nếu Ukraine không thể giành chiến thắng”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói.

Ukraine tuyên bố đã thành công trong việc chiếm lại một số khu vực, nhưng các quan chức ở Kyiv trước đó thừa nhận cuộc phản công của nước này đang diễn ra chậm chạp.

Landsbergis nói với CNN rằng các đồng minh “cần phải kiên nhẫn”, nhấn mạnh rằng “đây là một cuộc chiến rất khó khăn” và Ukraine cần thêm vũ khí.

“Họ đang phải trả giá cho cuộc phản công bằng máu của mình, bằng mạng sống của người dân. Chúng tôi chỉ đang thanh toán hóa đơn. Vì vậy, tôi không nghĩ việc mong đợi họ đi nhanh hơn hay chỉ trích rằng họ không đạt được những mục tiêu mà chúng ta nghĩ rằng cần phải đạt được là đúng về mặt đạo đức. Họ đang làm những gì có thể và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ có thể giành chiến thắng”, Bộ trưởng nói.

9. Zelenskiy gặp trực tiếp tổng thống Brazil lần đầu tiên

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gặp trực tiếp Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva lần đầu tiên vào thứ Tư. Các nhà lãnh đạo trao đổi bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Lula nói trên X, trước đây gọi là Twitter: “Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị về tầm quan trọng của những con đường xây dựng hòa bình và luôn duy trì đối thoại cởi mở giữa các nước chúng ta”.

Tổng thống Brazil phần lớn giữ quan điểm trung lập về cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, ông tích cực vận động cho việc ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đó là lý do Tổng thống Zelenskiy muốn gặp gỡ trực tiếp với Lula để thuyết phục.

Ông Zelenskiy gọi cuộc gặp là “cuộc thảo luận trung thực và mang tính xây dựng”, đồng thời nói thêm rằng cả hai tổng thống đều chỉ đạo các nhà ngoại giao tương ứng của họ “thực hiện các bước tiếp theo trong quan hệ song phương và nỗ lực hòa bình của chúng ta”, ông nói trong một tuyên bố.

Ông Zelenskiy cũng cho biết, đại diện Brazil sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp liên quan đến công thức hòa bình của Ukraine nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga.

10. Latvia đã đóng cửa biên giới với Belarus nhằm hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp

Đài truyền hình công cộng LSM của nước này đưa tin Latvia đã đóng cửa một trong hai cửa khẩu biên giới với Belarus vào thứ Ba trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.

Hoạt động của cửa khẩu biên giới Silene của Latvia đã bị đình chỉ, trong khi các cửa khẩu khác với Belarus sẽ vẫn mở để vận chuyển hàng hóa cũng như các hoạt động nhân đạo khẩn cấp hoặc các trường hợp khẩn cấp.

Sáng kiến đóng cửa đồn biên giới Silene đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ināra Mūrniece công bố vào tuần trước. Cô nhận định rằng tình hình “có lẽ là căng thẳng nhất trong ba năm này kể từ năm 2021,” theo LSM.

Căng thẳng ở biên giới giữa Latvia và Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga, đã gia tăng kể từ khi Nga tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

LSM đưa tin, tính đến tháng 9 năm nay, các quan chức Biên phòng Latvia đã ngăn chặn 1.773 cuộc vượt biên trái phép.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bị thủ tướng của ba quốc gia láng giềng cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới đất nước mình, khiến Ba Lan phải thông qua dự luật xây dựng bức tường dọc biên giới với Belarus.

Tình hình dọc biên giới một lần nữa leo thang vào đầu mùa hè này sau khi các chiến binh của nhóm lính đánh thuê tư nhân Wagner di chuyển từ Nga sang Belarus. Nhưng sau cái chết của nhà lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin, Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda cho biết nhu cầu đóng cửa biên giới với Belarus đã trở nên ít phù hợp hơn vì mối đe dọa xâm lấn của lính đánh thuê Wagner đang giảm dần.

11. Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi chấm dứt “tống tiền hạt nhân” của Nga sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo IAEA

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhắc lại lời kêu gọi của Ukraine chấm dứt điều mà ông mô tả là “sự tống tiền hạt nhân” của Nga tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sau cuộc gặp với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Mariano Grossi ở New York.

“Nga phải chấm dứt hành vi tống tiền hạt nhân và rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia để khôi phục an toàn và an ninh hạt nhân ở Ukraine và rộng hơn là Âu Châu,” Ngoại trưởng Kuleba nói hôm thứ Ba.

Đầu ngày thứ Ba, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng Nga đang biến các nhà máy điện của các nước khác thành “bom bẩn”.

“Nga đang vũ khí hóa năng lượng hạt nhân. Nó không chỉ lan truyền các công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân không đáng tin cậy của mình mà còn biến các nhà máy điện của các nước khác thành những quả bom bẩn thực sự”. Zelenskiy nói.

12. Ủy ban Âu Châu đề xuất gia hạn bảo vệ tạm thời cho những người chạy trốn khỏi Ukraine

Ủy ban Âu Châu hôm thứ Ba đã đề xuất gia hạn bổ sung biện pháp bảo vệ tạm thời cho những người chạy trốn khỏi Ukraine, theo một tuyên bố của ủy ban.

Ủy ban cho biết việc gia hạn được đề xuất từ ngày 4 tháng 3 năm 2024 đến ngày 3 tháng 3 năm 2025 “sẽ mang lại sự chắc chắn và hỗ trợ cho hơn 4 triệu người được hưởng sự bảo vệ trên toàn Liên Hiệp Âu Châu”. Liên Hiệp Âu Châu đã kích hoạt Chỉ thị bảo vệ tạm thời vào tháng 3 năm 2022 và các quốc gia thành viên nhất trí đồng ý tự động gia hạn thêm một năm.

“Ủy ban cho rằng các lý do cần bảo vệ tạm thời vẫn tồn tại và do đó việc bảo vệ tạm thời phải được kéo dài như một phản ứng cần thiết và thích hợp đối với tình hình bất ổn hiện tại, chưa có lợi cho sự trở lại an toàn và lâu dài của những người được hưởng bảo vệ tạm thời ở Liên Hiệp Âu Châu,” nó nói.

Kể từ khi kích hoạt biện pháp bảo vệ tạm thời, diễn ra chỉ một tuần sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, các quốc gia thành viên “đã thể hiện tình đoàn kết chưa từng có với người dân Ukraine, không chỉ bằng cách chào đón họ đến đất nước của mình mà còn bằng những nỗ lực cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập vào xã hội”, ủy ban cho biết.

Đề xuất của ủy ban bây giờ sẽ phải được Hội đồng Âu Châu thông qua.

Ủy ban cho biết chỉ thị bảo vệ tạm thời cung cấp “sự bảo vệ ngay lập tức và quyền tiếp cận các quyền ở Liên Hiệp Âu Châu, bao gồm quyền cư trú, tiếp cận thị trường lao động, nhà ở, hỗ trợ phúc lợi xã hội, y tế và hỗ trợ khác”.

Nền tảng đoàn kết với Ukraine, được ủy ban thành lập khi bắt đầu chiến tranh, đã và đang giúp điều phối các vấn đề hoạt động và hỗ trợ trên thực địa giữa các tổ chức Liên Hiệp Âu Châu, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia liên kết với Schengen, cũng như các tổ chức quốc tế và chính quyền Ukraine.

13. Ngũ Giác Đài cảnh báo Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm gián đoạn viện trợ quân sự cho Ukraine

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cảnh báo hôm thứ Ba rằng viện trợ quân sự và huấn luyện của Mỹ cho lực lượng Ukraine có thể bị gián đoạn trong trường hợp chính phủ Mỹ đóng cửa.

Ngũ Giác Đài vẫn có thể tiếp cận thiết bị từ kho dự trữ của chính mình, nơi xuất xứ phần lớn thiết bị được gửi đến Ukraine, trong trường hợp ngừng hoạt động, vì Bộ vẫn còn nguồn tài trợ trị giá hàng tỷ đô la theo thỏa thuận với cơ quan giải ngân của Tổng thống.

Bất kỳ tác động nào đối với sự hỗ trợ của Mỹ vào thời điểm nhạy cảm này sẽ ảnh hưởng xấu đến quân đội Ukraine giữa lúc đang diễn ra một cuộc phản công quan trọng chống lại Nga.

Việc ngừng hoạt động có thể cũng có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp và thực hiện viện trợ theo một chương trình khác, được gọi là Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, vốn đã tài trợ cho việc sản xuất các thiết bị quan trọng như xe tăng Abrams và các chương trình đào tạo như hướng dẫn phi công F-16.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho biết hôm thứ Hai rằng Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu chuyển giao 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine trong những tuần tới và dự kiến sẽ sớm bắt đầu đào tạo ngôn ngữ liên quan đến F-16 cho các phi công Ukraine.

“Công việc hoặc giao bất kỳ thiết bị nào được tài trợ theo thông báo trước đây của USAI như đào tạo phi công F-16 sẽ tiếp tục, nhưng việc thực hiện có thể bị ảnh hưởng bởi thời gian nghỉ và việc Bộ Quốc Phòng đình chỉ các hoạt động không ngoại lệ”.

Ngũ Giác Đài cũng sẽ không thể ký bất kỳ hợp đồng mới nào với các công ty quốc phòng để sản xuất thêm thiết bị cho USAI trong trường hợp cơ quan này ngừng hoạt động.

Ngũ Giác Đài đã ban hành hướng dẫn vào tuần trước về cách quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động trong trường hợp ngừng hoạt động, và trong khi các nhiệm vụ và chức năng không được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ tạm dừng, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có thể đưa ra ngoại lệ tới chính sách đó vào “bất cứ lúc nào”.

Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã thừa nhận rằng sẽ không có đủ thời gian trước thời hạn ngày 30 tháng 9 để một trong hai viện thông qua tất cả 12 dự luật phân bổ ngân sách.

Thay vào đó, Hạ viện và Thượng viện sẽ phải tìm giải pháp ngắn hạn để có thêm thời gian đàm phán, nhưng không rõ liệu họ có làm được điều đó hay không.

14. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra nhận định về thắng lợi của quân Ukraine xung quanh thành phố Bakhmut. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2023, Lực lượng vũ trang Ukraine đã chiếm được các thị trấn Klishchiivka và Andriivka, cách thị trấn Bakhmut của tỉnh Donetsk khoảng 8km về phía nam.

Thành công về mặt chiến thuật này đưa lực lượng Ukraine đến gần hơn với đường T 0513, một trong những tuyến đường tiếp tế chính vào Bakhmut từ phía nam.

Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục giữ tuyến đường sắt chạy dọc theo bờ kè giữa Klishchiivka và T0513, tạo ra một chướng ngại vật sẵn sàng dễ phòng thủ.

Việc tái triển khai lực lượng lính Dù Nga gần đây từ Bakhmut đến Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine có thể đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga xung quanh Bakhmut.
 
Phép lạ đã xảy ra: Máu Thánh Gennaro đã hóa lỏng. Nga phá hủy 300 tấn viện trợ của Caritas Lviv
VietCatholic Media
05:46 21/09/2023

1. Hội đồng Giám mục bắt đầu Hội nghị thường niên kỳ II/ 2023

Hội nghị thường niên kỳ II/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức từ ngày 18 đến 22 tháng 9 năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn.

Tối hôm qua, 18 tháng 9, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng tất cả quý Đức Tổng Giám Mục và Giám mục chủ chăn của 27 giáo phận đã quy tụ trước Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện và cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Tối.

Sáng hôm nay, 19 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã chủ sự Thánh lễ và cùng với toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị sẽ có 4 phiên họp và cử hành Phụng vụ các Giờ Kinh Sáng, Chiều và Tối.

Xin cộng đoàn dân Chúa hiệp thông và cầu nguyện cho Hội nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

2. Máu Thánh Gennaro ‘hoàn toàn hóa lỏng’ trong ngày lễ

Máu của vị tử đạo Thánh Gennaro lại hóa lỏng ở Naples vào hôm thứ Ba.

“Chúng tôi vừa lấy từ két sắt chứa hộp đựng đựng máu của vị thánh bảo trợ của chúng tôi, máu này ngay lập tức hóa lỏng hoàn toàn”, cha sở của Nhà thờ Naples tuyên bố vào ngày 19 tháng 9.

Lời tuyên bố rằng phép lạ đã xảy ra một lần nữa đã được cha sở Vincenzo De Gregorio đưa ra vào đầu Thánh lễ.

Đức Tổng Giám Mục của Naples, Domenico Battaglia, cầm thánh tích máu, di chuyển các ống thủy tinh để chứng minh trạng thái lỏng của máu trước những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, trong khi người dân vẫy một tấm vải trắng.

Vào ngày 19 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo cử hành lễ Thánh Gennaro, giám mục, tử đạo và thánh bảo trợ của Naples, Ý. Theo truyền thống, vào ngày này và hai dịp khác trong năm, máu của ngài, được đựng trong ống thủy tinh có hình chiếc bình tròn, sẽ hóa lỏng.

Người ta tin rằng phép lạ đã xảy ra ít nhất từ năm 1389, là trường hợp đầu tiên được ghi nhận.

Quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ, thậm chí vài ngày và đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Theo truyền thuyết địa phương, máu không thể hóa lỏng là dấu hiệu của chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc thảm họa khác.

Trong Thánh lễ ngày 19 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Battaglia đã nói về phép lạ và nó là gì – và không phải là gì.

“Hàng năm chúng ta tận mắt chứng kiến chứng tá của một người đã quảng đại hiến mạng sống mình cho Tin Mừng cho đến hơi thở cuối cùng, cho đến giọt máu cuối cùng, không phải là chuyện quá khứ, không phải là một sự kiện lịch sử chỉ để viết về một số người cho đầy trang của một cuốn sách,” ông nói.

“Không,” Battaglia tiếp tục, “đó là một chứng tá hiện diện, sống động, hiện tại và có khả năng nói với trái tim của mọi tín hữu, thúc đẩy họ kiên định hơn, vượt lên trên lòng can đảm, đến một cuộc sống cho đi, ngập tràn chia sẻ.”

Ngài nhắc nhở những người có mặt rằng máu của Thánh Gennaro “không phải là một lời tiên tri để tham khảo và thậm chí càng không phải là một lá số tử vi của thành phố có chức năng dự đoán những điều xui xẻo hay vận may cho thành phố. Không, thánh tích mà chúng ta làm phép chỉ là một tấm biển chỉ đường, một ngón tay chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết, sự cấp bách, yêu cầu phải tuân theo Tin Mừng một cách triệt để, bị thu hút một cách hoàn toàn bởi vẻ đẹp giải phóng của Tin Mừng, lắng nghe với một trái tim và tâm trí rộng mở đến lời sự sống và hy vọng của nó.”

Đức Tổng Giám Mục Battaglia cho biết máu của Thánh Gennaro khiến ngài nghĩ đến vụ đổ máu bất công xảy ra hàng ngày “bất cứ khi nào một người bị thương, bị sỉ nhục, không được tôn trọng phẩm giá của mình”.

“Tôi tin rằng phép lạ thực sự sẽ xảy ra vào ngày kính Thánh Gennaro mãi mãi. Vâng, tôi tin rằng phép lạ thực sự sẽ xảy ra khi công lý hôn hòa bình, khi cái thiện mãi mãi chiến thắng cái ác, khi tin mừng về Chúa Giêsu Kitô lau khô những giọt lệ, xua tan đi nỗi đau của thế giới, soi sáng bóng tối cho điều thiện, hoàn thành mọi sự, bước vào và đi sâu vào trái tim con người đến nỗi lời nói, hành động, suy nghĩ của họ sẽ không là gì khác ngoài lòng tốt, lòng nhân ái, vẻ đẹp.”

Sau Thánh lễ, thánh tích máu của Thánh Gennaro được trưng bày để tôn kính tại Nhà thờ Chính tòa Naples cho đến ngày 26 tháng 9 để tạ ơn về phép lạ.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Pháp sẽ tham dự Thánh Lễ trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Marseille

Dù Đức Phanxicô nhấn mạnh ngài chỉ đến Marseille chứ không đến thăm nước Pháp, ngầm cho thấy đây không phải là chuyến viếng thăm cấp nhà nước, nhưng theo chương trình chính thức, do Tòa Thánh công bố, thì Đức Giáo Hoàng sẽ được Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp đón tiếp khi ngài đặt chân xuống phi trường Marseille ngày 22 tháng 9. Sau đó, ngày 23 tháng 9, lúc 11 giờ 30, ngài lại gặp Tổng thống Pháp một lần nữa tại Dinh Pharo, có chụp hình chính thức, trao quà, và dĩ nhiên thảo luận.

Điều gây xôn xao trong công luận Pháp là việc gần đây, Điện Élysée chính thức thông báo Tổng Thống Macron sẽ tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại vận động trường Vélodrome.

Khi nghe tin trên, ngay lập tức, giới chính trị có phản ứng. Dân biểu Alexis Corbière của đơn vị Seine-Saint-Denis cho đây là ‘một sai lầm, không phù hợp với sự kiện một dân cử, nhất là Tổng thống Cộng hòa, tham dự trong tư cách ấy một lễ nghi tôn giáo”. Tổng thư ký Đảng cộng sản Pháp, Fabien Roussel, nhận định: “đâu có buộc Tổng thống Công Hòa phải tham dự một thánh lễ”. Nữ dân biểu Danièle Obono thì cho rằng làm thế không còn gì là chuyện tôn trọng nguyên tắc tách biệt đạo và đời.

Trước các chỉ trích ấy, Điện Élysée bồi thêm bằng cách thông báo cả Brigitte Macron cũng sẽ tham dự Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng. Điện này cho hay: “tổng thống có những mối liên hệ vớ mọi tín phái”. Vả lại, theo Élysée, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ ngỏ lời với người dân Marseille nhưng cũng ngỏ lời với cả người dân Pháp nữa và với tất cả mọi người của Địa Trung Hải”.

Élysée cũng thông báo, Tổng Thống Macron còn đích thân tiễn Đức Giáo Hoàng trở lại Rôma tại phi trường Marignane.

Ngày 15 tháng 9, chính Tổng thống Macron tuyên bố tại Semur-en-Auxois rằng “tôi coi vị thế của tôi phải đến đó. Tôi sẽ không đến như một người Công Giáo, tôi đến trong tư cách Tổng thống Cộng hòa, người vốn là một người thế tục”. Ông cho hay tham dự Thánh lễ là “để tôn trọng và lịch sự”.

5,000 cảnh sát viên và 1,000 nhân viên an ninh tư sẽ được khai triển trong các ngày Đức Phanxicô ở Marseille, quanh các địa điểm ngài lui tới và tại các tuyến giao thông chung, để, theo lời cảnh sát trưởng của khu vực, “ngăn ngừa mọi đe dọa khủng bố, các hành vi quấy phá biến cố và các hành vi du đãng”. Trang mạng coi việc sắp xếp này là “ngoại thường, vượt qui chuẩn”. Cơ quan cảnh sát cũng cho hay mọi nơi Đức Giáo Hoàng tới và mọi xe cộ được sử dụng đều sẽ được rà mìn. Các địa điểm này đều sẽ được rào. Nhà thờ Notre-Dame-de-la-Garde sẽ đóng cửa từ ngày 20 tới ngày 24 tháng 9. Từ thứ sáu lúc 15 giờ tới thứ bẩy lúc 20 giờ việc cấm qua lại ở khu vực này sẽ được thiết lập, cư dân muốn ra vào phải có chứng minh thư cư ngụ.

Ngoại trừ đường đi của giáo hoàng xa tại khu vực Prado, tất cả các biến cố của ngày thứ bẩy (23/9) chỉ dành cho những người được mời và những người này, ngoài giấy mời, còn phải trình một loại căn cước. Ngoài ra họ còn bị rà máy an ninh nữa. Mọi thiện nguyện viên và nhân viên phục vụ, khoảng 6,000 người, đều bị điều tra lý lịch (có người đạ bị loại).

Cả trên không, việc giám sát cũng ở mức tối đa: không một drone hay máy bay nào được bay trên khu vực có Đức Giáo Hoàng vào những lúc này. Ngoài biển cũng thế, an ninh nghiêm ngặt ở vùng Vieux-Port, công viên Prado...

4. 300 tấn viện trợ nhân đạo của Caritas thế giới bị Nga phá hủy ở Lviv

Hơn 300 tấn hàng hóa nhân đạo đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Lviv. Andriy Sadovoy, thị trưởng thành phố phía tây Ukraine, đã tuyên bố điều này trên Telegram, theo CNN. Trước đó, đã có thông tin về cái chết của một người đàn ông làm việc trong tòa nhà bị ảnh hưởng.

Thị trưởng báo cáo rằng “một nhà kho của tổ chức phi chính phủ Caritas International đã bị tấn công, khiến một công nhân thiệt mạng và hàng hóa nhân đạo bị phá hủy” và nhà kho chứa “khoảng 300 tấn hàng hóa nhân đạo”. Sadovoy cho biết số hàng này trị giá hàng triệu Mỹ Kim.

“Tôi vừa nói chuyện với nhà lãnh đạo Caritas: họ vừa nhận được viện trợ nhân đạo, quần áo, giày dép, máy phát điện để gửi từ Lviv đến các vùng khác của Ukraine. Bây giờ mọi thứ đang cháy. Rất nhiều thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nhẹ đang bị đốt cháy”, thị trưởng thành phố nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine đang đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu.

Mạc Tư Khoa đã tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ tháng 7, khi nước này rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Hắc Hải của Ukraine và di chuyển an toàn qua tuyến đường thủy tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận thị trường toàn cầu.

Austin cáo buộc rằng Điện Cẩm Linh đã tiêu hủy “ít nhất 280.000 tấn ngũ cốc. Số lương thực đó đủ để nuôi sống tới 10,5 triệu người trong một năm.”

“Nga càng kéo dài chiến tranh thì sự tàn ác của họ càng trở nên rõ ràng. Các cuộc tấn công của Nga đã vượt xa chiến trường và gây ra những đau khổ không thể kể xiết cho con người”, ông Austin nói. “Lịch sử sẽ cho thấy sự điên rồ tột độ của cuộc xâm lược liều lĩnh, tàn ác và vô cớ của Putin đối với người hàng xóm hòa bình của mình.”


Source:ragusanews.com/