Ngày 24-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuyện PHiếm Đạo Dời
Trần Ngọc Mười Hai
16:28 24/09/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy tư Lời Chúa qua cuộc sống


“Chao ôi! Ghê quá! Chao ghê quá!”

“Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 21: 33-43

Hồn tôi ớn lạnh rồi, chẳng phải vì “một vũng cô liêu cũ vạn đời”. “Chao ơi ghê quá! Ghê ghê quá!” phải chăng vì thợ vườn nho giết cả con của chủ vườn, thật đáng trách. Đáng chê trách, như dụ ngôn truyện kể ở trình thuật hôm nay.

Trình thuật, nay thánh sử ghi về dụ ngôn vườn nho, có người chủ gửi cả con mình đến với tá điền để hỏi chuyện. Chuyện Nước Trời. Chuyện, Chúa phú ban cho dân con Do Thái mọi ơn lành để sinh lợi. Ngài còn sai phái cả ngôn sứ đến chăm nom vườn nho để không bị ai phá. Nhưng, họ lại giết hại cả Người Con được sai phái, lẫn vườn nho Nước Trời, để rồi phải chịu hậu quả đắng cay là người La Mã đến xâm chiếm. Trên thực tế, vườn nho Nước Trời không bi phá, nhưng lại đã trao cho dân con đi Đạo, nay là tá điền mới.

Trình thuật tả sự thay đổi đến với nho vườn hiền hoà. Rồi từ đó, có so sánh dân con đi Đạo với tá điền Do thái, để xem ai thực hiện điều Ngài uỷ thác? Dân con đi Đạo hay tá điền được chọn, ai là người đáng được khuyến khích? Dân con Nước Trời có khá hơn tá điền Do thái được chọn không? Là tá điền mới, dân con đi Đạo có hứng chịu cùng một cảnh huống như tá điền được chọn không? Mọi việc sẽ ra sao, nếu như công việc Vườn Nho không còn đuợc trao cho tá điền mới là dân con đi Đạo nữa?

Kinh thánh có nhiều đoạn ghi rõ những chuyện như thế. Những chuyện kể, để người đọc nhận ra rằng dân con đi Đạo ở Palestine cũng là người thuộc sắc tộc Do thái, đã hồi hướng trở về để lo việc Chúa. Họ là những tá điền vườn nho Do thái từng chỉ trích người cận thân và cận lân ở cộng đoàn, bằng ngôn từ khá nặng, cốt để diễn tả tình huống gay go ấy.

Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm là: chúng ta nhờ biết được cung cách rất khác biệt về nguồn gốc người Do thái ở “vườn nho”, nên ta có được lập trường thật đúng cách khi quan hệ với nguời Do thái trong/ngoài nước. Trong quan hệ với họ, ta luôn có trong đầu hai loại người Do thái rất khác biệt. Cả hai đều tốt lành. Tốt, cả về mặt thiêng liêng tinh thần cũng như thực tế. Và, ta còn nhận ra được rằng: quà tặng Chúa ban, ta nhận được là ngang qua người Do thái được Chúa chọn để chuyển trao. Và, khi ta cảm kích biết ơn Chúa, ta cũng cảm tạ cả người Do thái về vai trò chuyển tải này nữa.

So sánh thái độ của dân con đi Đạo với đám tá điền Do thái, là để nói về người Do thái xưa sống ở thời mà mọi thứ từ tôn giáo đến chính trị, xã hội đều đan kết nhau thành đặc trưng đặc sủng, rất Do thái. Có so sánh, mới thấy là thế giới của người xưa đi Đạo vẫn ôm đồm nhiều thứ như cung cách của xã hội ngàn năm văn hiến. Và so sánh, để thấy rằng: tôn giáo của người xưa không mang tính chất đa nguyên/đa dạng hoặc dân chủ phóng/khoáng như một số tôn giáo khác.

Tuy nhiên, cung cách giữ đạo của người xưa dính dấp nhiều vào xã hội đều mang lại khó khăn cho riêng mình. Loại hình ấy, là loại hình trọng nam khinh nữ. Loại hình chủ trương thứ luật lệ cứng ngắc, khắc nghiệt. Cả những chuyện như tiền bạc, tài chánh, chính trị, nhất nhất đều không coi trọng thể chế nào khác ngoài Israel ra.

Bởi thế nên, khi Đạo Chúa lan rộng qua khắp mọi miền đất nước ở trời Âu để rồi bén rễ sâu ở phương Tây lâu ngày, lại trở thành tôn giáo rất khác biệt. Khác, ở chỗ: người thời đó vẫn so sánh Đạo Chúa với đạo của người Do thái như soi tấm gương hai mặt của cùng một thực trạng con người. Đạo Chúa ở trời Tây khi ấy, đã trở thành thứ tôn giáo đi sâu vào lòng dân tộc, ở nhiều nước. Đi sâu và lan rộng, bằng nền tảng chính trị, kinh tế cũng như luật lệ, rất riêng biệt. Đạo Chúa ở nơi đó, không còn là thể chế bao gồm nhiều thứ, nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng rất mạnh lên thế giới xung quanh mình. Thế giới, mang đến cho Đạo những ân huệ khả dĩ gây tác dụng ngược lên Đạo. Nói cách khác, Đạo Chúa không còn là đạo của người Do thái khi xưa và chẳng còn ôm đồm nhiều thứ, như trước nữa.

Điều lạ kỳ, là: người Do thái nay lại muốn có lại những lợi lộc rút từ thế giới trần tục, ở trời Tây. Họ không còn suy nghĩ như người Tây phương khi trước hoặc nghĩ mình buộc phải thích nghi với cung cách giữ Đạo mà người đi Đạo ở trời Tây, vẫn hay làm. Nghĩa là, họ chẳng khi nào cho mình là phó thường dân đi Đạo (như những người Công giáo hay Thệ phản thường làm thế). Hoặc, cho rằng mình chỉ là giáo dân hạng thứ, dù vẫn ở trong Đạo. Vẫn giữ Đạo. Họ nghĩ mình vẫn là người Do thái đích thật. Và Chúa vẫn thương yêu họ, như mọi người.

Nhìn vào Hội thánh 50 năm về trước, người giữ Đạo ở trời Tây cũng sống cùng kiểu như người Do thái. Cũng tin vào Đức Chúa. Cũng đi nhà thờ nhà thánh và lãnh đủ mọi bí tích. Nhưng, lại xây dựng một thế giới theo hình thức đạo giáo, kiểu Tây. Tựa như các làng mạc miền quê nước Úc, hoặc vài thị trấn ở Hoa Kỳ, cuộc sống Đạo/đời là thế. Cũng có nhà thờ riêng. Nhà thờ, là trung tâm tạo cuộc sống hăng say, năng nổ cho mọi người. Cũng có trường Đạo. Có hội từ thiện. Có người mở tiệm vẫn rập theo cung cách người có Đạo, rất lương thiện. Có nơi, còn thiết lập cả nhà thương để thương người bệnh. Có đời sống kinh kệ, đạo hạnh. Có câu lạc bộ thể thao, giải trí theo cách con nhà có Đạo, nữa. Tức, sống như người Công giáo vẫn sống. Sống giữa đời có cuộc sống tuy hai mà một.

Ngày hôm nay, cuộc sống của người đi Đạo không còn thế nữa. Người người được giáo dục theo khuôn khổ thế giới rộng lớn. Người người được đào tạo để có cuộc sống doanh thương chức nghiệp rộng lớn đến độ Hội thánh không còn chen chân ở đó nữa. Người Công giáo trở thành nhà giáo, chuyên gia hoặc doanh thương với ngành nghề khác nhau. Hội thánh chỉ có vai trò hướng dẫn để sống Đạo chứ không là người thiết lập ra thể chế. Và, người sống ở đây đã có lý lịch riêng của thế giới này, trước khi là thành viên của Hội thánh.

Có người quan niệm: hai lối sống ấy đều đáng quan ngại. Bởi, do chạy theo lối sống giống như thế Hội thánh đã để mất căn tính riêng của mình. Bởi thế nên, nhiều người mới có tinh thần nệ cổ, là vì muốn trở về với thời xưa, khá cổ lỗ. Muốn trở lại thời có đủ mọi thứ. Thời, mà thế giới nay gặp khủng hoảng nặng nề về luân lý, chuyên chú vào văn hoá của sự chết. Và thế giới nay chẳng giúp giải quyết được sự phân cách giàu/nghèo. Theo quan niệm của họ, thế giới hôm nay không còn chất xúc tác khích lệ nền luân lý đích thực được nữa. Và, Hội thánh ở trời Tây nay cũng thế. Hội thánh cứ phải nhượng bộ và xuống cấp. Hội thánh, không còn là “tôn giáo” đích thực, nhưng chỉ còn mang nhãn hiệu đẹp có được từ cuộc sống hiện đại, thôi.

Trong khi đó, phần đông người Công giáo lại nghĩ khác. Theo họ, lối sống Đạo của người ở trời Tây chẳng có gì khiến ta xấu hổ, nhưng vẫn là một thách đố, cho mọi người. Thách và đố, ta tìm ra Thiên Chúa ở xã hội mình sống. Thách và đố mình học hỏi làm người của Chúa ở thế giới tục phàm này.

Điều đáng buồn, là: nhiều năm qua, phương Tây từng phát triển/nở rộ rất nhiều thứ. Và, Hội thánh mình đã tìm ra được chỗ đứng trong đó. Trong khi người Do thái lại không làm được điều gì tốt lành theo nghĩa đùm bọc về văn hoá, chính trị, kỹ nghệ và quân sự. Họ ra như chỉ thuộc hàng thứ yếu trong một thế giới quá lớn rộng. Ngày nay, người Công giáo lại vẫn nghĩ Đạo của mình tốt lành hơn đạo của người Do thái. Thật ra, thì Đạo Chúa ở trời Tây đang trên đà suy sụp. Trong khi đó, người Do thái lại tìm đuợc đất lành năm xưa. Tìm được tâm hồn mình. Và họ đang minh chứng cho thế giới thấy được chuyện này.

Chuyện này, áp dụng cả cho người Hồi giáo lẫn người Do thái, ở các nơi. Người Hồi giáo tuy cũng có nguồn gốc từ thế giới cổ xưa vốn thừa hưởng giáo huấn của vị “ngôn sứ” lấy kinh Koran làm kim chỉ nam dẫn đường. Có luật Sha’aria hướng dẫn để sống đúng tinh thần của Kinh Sách. Họ là người tự coi mình như một kết hợp giữa xã hội và tôn giáo.

Buốn một chuyện, là: người Đạo Chúa và đạo Hồi vẫn chơi trò tranh chấp khích bác nhau. Cả hai lại không chấp nhận rằng mình khác nhau; và chẳng nhận chân ra rằng chính Chúa đã làm cho ta ra khác biệt. Khác biệt, theo hướng tích cực khiến ta nhớ lại chuyện kể về một bé em Do thái dám hỏi vị thượng tế câu động trời rằng:“Làm sao các ngài chứng minh được con người là hình ảnh của Thiên Chúa nếu như mọi người có khác biệt?” Vị thượng tế nghe hỏi bèn trả lời rất khôn khéo: “Sở dĩ ta là hình ảnh của Thiên Chúa là vì ta có khác biệt, đấy bé ạ!”

Vế với dụ ngôn hôm nay, mọi người đều thấy: Thiên Chúa là chủ vườn nho rộng lớn. Và, Ngài vẫn muốn có hoa trái vườn nho tạo ra. Và Ngài còn muốn cả rượu ngon từ hoa quả chín mộng ấy nữa. Rượu ngon Ngài uống, là do thợ vườn khác biệt làm ra. Khác, cả tính tình lẫn cách trồng trọt và biến hoa trái thành rượu, từ những khác biệt đó.

Trong tâm tình nhận ra ý Chúa tìm rượu ngon từ khác biệt, cũng nên ngâm câu thơ còn để dở:

“Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,

Một vũng cô liêu, cũ vạn đời!”

(Hàn Mặc Tử - Cô Liêu)

Bởi cô liêu, nên mới không nhận ra khác biệt. Bởi khác biệt, nên đôi lúc cũng tạo cô liêu. Đời sẽ thế, nếu người người cứ như thế. Như thợ vườn nho ở dụ ngôn xưa và hôm rày ta vẫn thấy. Dài dài.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh - Mai Tá lược dịch.

“Có phải em, mùa Thu Hà Nội?”

“Tuổi phong sương, ta cũng gắng đi tìm.

Có phải em, mùa Thu xưa?

Có bong mùa Thu, thức ta lòng son muộn?”

(Trần Quang Lộc – Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội)

(Mt 22: 18, 29-30)

Âu cũng là chuyện bình thường. Ở đời. Khi, người người vẫn cứ vấp phải đôi ba lỗi lầm lớn/nhỏ, trong quan hệ với người đời. Để rồi, cũng có lúc ta sẽ hối tiếc, mà thốt lên câu: “Thật không có cái dại nào như dại nào.”

Bần đạo đây, đôi lúc cũng rơi vào tình huống khá “lấn cấn”, gần như thế. Gần nhất, là như trong chuyến Mỹ du tháng 6/2011 vừa qua, bần đạo đã khám phá ra được sự thật rất chết người. Sự thật, ấy là: hơn 3 năm về hưu nằm nhà, mà sao bần đạo nào thấy dài! Bởi, có ra đi mà kết thân với người ngoài -ngoài Đạo/ngoài đời- thì người người mới thấy mình đôi khi cũng lung túng không ít với các chức sắc hoặc đấng bậc, ở cơ quan.

Thấy họ làm việc tất bật, vật vã đã không thương thì thôi, lại cứ hỏi những câu dư thừa, như: “Busy, busy?” (tức, bận nhỉ?) Để rồi, người đối tác, đã không trả lời/trả vốn thôi, còn hỏi lại: “Phải ông ở Sydney không? Qua đây lâu chưa? Mới có 2 chục năm tức hơn hai thập niên mà không biết là: phi trường Ascot Sydney này cũng bận rộn không kém gì nơi khác như New York, Paris, London hay sao mà còn hỏi? Đúng là câu hỏi thuộc loại vớ vẩn. Không hay lắm!...”

Hú vía! Đó là bần đạo chỉ máy miệng, hỏi có bốn chữ thôi, cũng đã được lời gấp trăm, liên tu hồ điệp tràng pháo tung trời, nổ lốp đốp. Và, lộp độp. Bất chợt nhìn lại sắc da mầu áo của chức sắc ở cơ quan di trú phi trường mới biết: ngài không phải người Tây, mà là “thầy người”, tức bậc thầy Án Độ, rất “fakir”! Thế mới biết, sống ở đời mà cứ lân la chuyện vãn với người “ngoài luồng”, cũng nên nhìn trước nhìn sau mà đoán chừng, đừng tính toán qua loa. Sơ xài. E sẽ hớ!

Chẳng thế mà, nghệ sĩ họ Trần ở trên vẫn hỏi và hát, những câu ngớ ngẩn, mà đâu sao:

“Có phải em là mùa thu Hà Nội

Ngày sang thu anh lót lá em nằm

Bên trời xa sương tóc bay.

Thôi thì có em đời ta hy vọng

Thôi thì có em sương khói môi mềm.”

(Trần Quang Lộc – bđd)



Về hỏi han, dù chỉ sơ qua dăm ba câu chuyện hỏi làm quà, nhiều lúc cũng làm ta rối rắm, rất không ít. Có khi, cũng phức tạp cho người hỏi lẫn người trả lời như cuộc hỏi/đáp dưới đây:



“-Đúng thế không? Cuộc tình của anh chị kéo dài những 15 năm sau đó mới đi đến hôn nhân?

-Điều này không sai. Nhưng, trước khi đi đến hôn nhân, bọn tôi vẫn có một cuộc tình với nhau kéo dài những 15 năm 2 tháng và 1 ngày.

-Thế, anh chị làm gì trong thời gian chờ đợi dài như thế?

-Đơn giản là: trong thời gian đó, chúng tôi đều có gia đình riêng...”



Về đáp trả, đôi lúc dù chẳng giản đơn như hỏi đáp ghi trên; chí ít, là hỏi và đáp về hôn nhân, tức: được hôn (người có lòng) nhân, lại có nhân (duyên cũng dễ) hôn. Hôn nhân/nhân hôn ở đời, toàn những thế. Những chuyện rất ư là rắc rối. Có ở đời.

Nơi nhà Đạo, cũng không tránh khỏi cảnh rối rắm thường dẫn đến nhiều chuyện khá phức tạp khác. Tức những chuyện rắc rối, tối nằm không. Chí ít là khi: cả hai bên đã yêu nhau thật tình, quyết thể hiện tình yêu ấy suốt đời; mà vẫn gặp nhiều vụ việc khá phiền phức về giáo luật, đáng kể như sau:

Đáng kể, là đáng để kể lể và hỏi han có mỗi chuyện như thế này:





“Tụi con yêu nhau và chịu cưới nhau đã là điều tốt rồi, nhưng sao lại cứ phải đưa nhau vào nhà thờ mới được phép làm lễ cưới theo đúng qui cách của Đạo Công giáo. Như thế nghĩa là sao? Các cặp vợ chồng cưới nhau “ngoài nhà thờ” còn có ý nghĩa gì? Xin giải thích cho biết. (Ký tên một người Công giáo hay thắc mắc).

Giả như người hỏi gửi các câu thắc mắc đến đấng bậc phụ trách mục gỡ rối tơ lòng về Đạo hạnh, thì chẳng có gì đáng gọi là “một người Công giáo hay thắc mắc” hết. Bởi, cha cố ở nhà Đạo luôn cần những người cứ thắc mắc những chuyện đại loại như thế, để có cơ mà giải thích. Chứ, bằng không, chẳng lẽ lại treo văn bằng cử nhân thần học lên tường gạch cho con trẻ nó ngắm nghía sao? Bởi thế nên, đấng bậc ở Sydney luôn sốt sắng trả lời/thời trả cả vốn, như sau:



“Câu hỏi của cô (xin phép được gọi bằng “cô” cho thân mật), là điều rất hệ trọng. Ngày nay, nhiều bạn vẫn đi nhà thờ giữ Đạo, nhưng lại không mấy am tường qui định của Hội thánh liên quan chuyện cưới hỏi. Thậm chí có vị từng làm đám cưới “ngoài nhà thờ” mà không hay biết hậu quả có thể xảy ra, nữa.



Trước hết, xin bắt đầu bằng một giải thích xem thế nào là “đám cưới ngoài nhà thờ”. Cụm từ này, dù gì đi nữa, cũng không là danh từ chuyên môn gì cho cam, mà chỉ muốn nói đến cung cách tổ chức đám cưới đã được Hội thánh chuẩn nhận, cho làm “trong nhà thờ”, vậy thôi.



Điều 1108 nơi Giáo luật đòi rằng: đám cưới giữa người theo Đạo Công giáo chỉ hiệu lực nếu thuận theo qui định của Hội thánh, tức: phải có sự hiện diện của ít là một linh mục, hoặc vị phó tế; và thêm vào đó, là hai người chứng, như thế mới thành. Trong lễ cưới như thế, vị linh mục hoặc phó tế phải yêu cầu cả hai cô dâu chú rể phải bày tỏ sự đồng thuận, rất rõ ràng.



Có làm như thế, thì hai vợ chồng mới được coi là đã làm đám cưới “trong nhà thờ”, theo phép Đạo. Và, đám cưới của hai người mới hợp lệ được. Về đòi hỏi phải có sự chứng giám của một linh mục hoặc phó tế và hai người chứng được gọi là “đám cưới theo khuôn phép rất đúng” như luật định.



Trong một số trường hợp, Hội thánh có thể châm chước chuẩn miễn để hai người không buộc phải theo khuôn khổ như luật định. Chẳng hạn như: nếu một bên là người Công giáo đi cưới một người không phải Công giáo nhưng đã được rửa tội (theo Đạo Chúa như bên Tin Lành) thì hai người có thể yêu cầu được phép làm đám cưới “trong nhà thờ” của người bên Đạo Chúa Kitô mà không phải là Công giáo. Làm như thế, là để trân trọng quan hệ đặc biệt hai người vẫn có với chức sắc của Giáo hội ấy. Hoặc, để khỏi bị gia đình ly cách. Trường hợp này, hai người vẫn có thể hoàn tất chuẩn bị đám cưới thông thường theo Công giáo; và, chỉ có vị linh mục mới có thể xin Đức Giám Mục chủ quản của ngài miễn cho việc rập theo khuôn phép ở giáo luật (x. Giáo luật 1127, #2)



Ở vào tình huống này, bởi hai người đã được Hội thánh Công giáo cho phép, nên mới có thể làm đám cưới tại nhà thờ thuộc giáo phái. Và, đám cưới của hai người khi đó mới được coi là hợp lẽ Đạo. Và mới thành.



Nếu người Công giáo cưới một người theo đạo Chính Thống làm phép tại nhà thờ Đạo Chính Thống trước sự hiện diện của vị chức sắc thuộc giáo phái ấy, mà không có sự chuẩn chước của vị Giám mục chủ quản Công giáo, thì đám cưới ấy vẫn không thành. Đó là nhìn sự kiện theo cung cách hiểu rằng cả người Công giáo và người theo Chính Thống giáo lâu nay san sẻ cùng một cảm thông chung về hôn phối. (x. Giáo luật điều 1127, #1)



Sao phải làm đám cưới “trong nhà thờ” như thế? Có gì quan trọng đến vậy?

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã liệt kê những điều hay, lẽ phải của đám cưới có sự hiện diện của linh mục và hai người chứng, như sau:



-Bí tích hôn phối là việc làm có tính cách phụng vụ. Vì thế nên, cần phải cử hành theo qui cách phụng tự của Hội thánh.

-Hôn nhân đưa dắt con người đi vào khuôn khổ có trật tự như Giáo luật dạy. Như thế mới đem lại quyền lợi cũng như bổn phận trong Hội thánh giữa hai người phối ngẫu, để rồi hai người cùng nhau hướng về con cái của mình.

-Hôn nhân là sức sống của Hội thánh, đó là điều hệ trọng. Và, cũng là lý do bắt buộc phải có sự chứng kiến của hai người chứng.

-Tính công khai nơi việc chứng giám/đồng thuận là để bảo vệ lời thề và quyết tâm của hai người giữa nhà thờ, có Chúa hiện diện. Có thế, cả hai mới thực hiện được sự chung thủy cần có. (GLHTCG #1631)



Để tóm tắt, khi cử hành đám cưới có sự chứng giám của Hội thánh như thế thì nhiệm tích hôn phối mới giúp hai người trung thành với điều mình quyết thề hứa mà tiến đến hôn nhân. Việc này cũng giúp hai người chuẩn bị hôn nhân cho phải phép; có như thế, mới tạo sự bền đỗ của hôn phối cũng như củng cố được hôn nhân giữa hai người, qua sự đồng thuận được tuyên bố trang trọng trước mặt Chúa và cộng đoàn Hội thánh.



Giả như hai người cưới nhau “ngoài nhà thờ” trước mặt người chứng hoặc trước mặt mục sư mà không có phép chuẩn của Hội thánh, thì đám cưới của họ không được coi là thành, trong nhà Chúa, dù vẫn hiệu lực với luật đời. Với luật Đạo, thì hai người có sống với nhau vẫn ở trong tình trạng gọi là “rối”, cũng giống như hai người sống đời đôi lứa ở với nhau không phép cưới. Và như thế, cả hai đều không được phép rước Chúa vào lòng.



Dù sao đi nữa, cũng nên biết: cả hai người đều có tư cách để lấy nhau -nghĩa là trước đó chưa bên nào từng làm đám cưới hoặc đã từng ly dị- trường hợp này, cả hai đều có thể tương đối dễ dàng xin Hội thánh hợp thức hoá sự kết hợp sống chung của mình theo một trong hai cách: hoặc trao nhau lời thề nguyền có sự hiện diện của một linh mục và hai người chứng, dù chỉ bằng buổi lễ riêng tư thầm lặng, nếu họ muốn. Hoặc, cả hai cùng xin Đức Giám Mục chủ quản cho phép hợp thức hoá hồi tố, nghĩa là được ngài tuyên bố rằng: hôn nhân của hai người được coi như hợp lệ kể từ ngày tháng hôm trước trong đó họ có trao nhau lời thề nguyền không hợp lệ. (x. Giáo luật điều 1160-1161). Nếu họ làm thế, cả hai đều có thể quay về với Hội thánh, mà rước Chúa. (x. Lm John Flader, Question Time, Connorcourt publishing 2008, tr. 180-182)



Theo bài bản, ở luật Đạo, thì như thế. Thế nhưng, vấn đề là: người thời nay, ở nước ngoài, có làm thế nữa hay không? Đó là vấn đề. Và luật lệ có nên du di, luật trừ một chút chăng? Và hôm nay, người trẻ ở đời lại những muốn đôi điều lạ, là: làm đám cưới ở bãi biển, công viên, chứ không phải “trong nhà thờ” như trước, thì sao? Đại để, như người nghệ sĩ ở đời vẫn có giòng nhạc hỏi rằng:



“Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?

Từ độ người đi thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm

Có phải em mùa thu xưa?”

(Trần Quang Lộc – bđd)



Nơi thi ca hay trong cuộc đời, có người vẫn cứ hỏi. Bạn và tôi, có trả lời hay không, thì người người vẫn cứ sống. Sống cuộc đời người. Với người đời có thi ca, âm nhạc, như còn hát:



“Thôi thì có em đời ta hy vọng

Thôi thì có em sương khói môi mềm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Nghe đâu đây lá úa và mi xanh

Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát.”

(Trần Quang Lộc – bđd)



Trả một lời như thế, phải chăng nhà thơ đã trả lời trả vốn, cho mọi người. Bằng nhiều cách? Còn nhà Đạo, cũng có người đến hỏi những câu rất tương tự, để người người lại học được một chân lý, rất tự nhiên:



“Vậy, trong ngày sống lại,

bà ấy sẽ là vợ ai trong số bảy người,

vì tất cả đều đã lấy bà?"

(Mt 22: 18)



Và câu trả lời đích đáng hơn cả, vẫn là:



“Đức Giê-su trả lời họ:

"Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh,

cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa.

Quả thế, trong ngày sống lại,

người ta chẳng lấy vợ lấy chồng,

nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”

(Mt 22: 29-30)



Sống lại với Nước Trời, người người sống với nhau không bằng luật lệ, của Môsê hay ai đó, mà là sống có tình với nhau. Luật hay lệ, vẫn chỉ là chữ viết, vẫn o ép. Bức bách. Bức bách hay o ép, đến chỗ chết, hãy như người nữ phụ trong truyện kể ở dưới, cứ thấy vui mà kể lể:



“Truyện kể rằng:

Sau khi chẩn đoàn rất kỹ lưỡng, vị bác sĩ bèn nói với bệnh nhân rằng:

-Dù là tin buồn, nhưng tôi vẫn phải nói để bà còn thu xếp mọi chuyện cho chu đáo. Bà bị ung thư gan, giai đoạn cuối. Thế nên, tôi đề nghị khi về nhà, bà sắp xếp mọi chuyện với chồng con, sao cho phải lẽ. Có như thế, khi ra đi, bà mới cảm thấy thanh thoát. Nhẹ nhàng.

Tuy sững sờ, nhưng bà bệnh nhân kịp lấy lại sự bình tĩnh, rồi ra ngoài nói với người con gái đang chờ, ở phòng đợi:

-Con à, là phụ nữ, mẹ con mình vẫn có thói quen là sự thể dù có thế nào đi nữa, vẫn bình tĩnh. Cứ ăn mừng. Cả khi có tin dữ lẫn tin vui. Và tin hôm nay là tin không được vui cho lắm: mẹ được bác sĩ cho biết, đã ung thư. Bởi thế nên, nay mẹ con mình ra câu lạc bạ uống đôi ba ly, cho đỡ buồn.

Uống xong hai ba ly martini, cả hai mẹ con đã bớt buồn. Người mẹ còn cười cười nói nói, rất liên hồi. Cuối cùng có vài người bạn đến gần hỏi:

-Này cho mình hỏi lý do sao mà bà cứ là vui như Tết chẳng lo gì hết vậy?

-Tôi nói thật với các bà điều này: Bác sĩ vừa bảo tôi bị bệnh Siđa, đấy!

Ai nghe thế, đều hú vía bịt mồm bịt miệng chạy cho mau về nhà, kẻo lây. Khi mọi người đi hết, người con gái bèn hỏi mẹ:

-Mẹ này. Sao lúc nãy mẹ bảo với con rằng bác sĩ nói mẹ bị ung thư, giờ thì mẹ lại nói Siđa, là sao con chẳng hiểu gì cả?

-Ngốc ơi là ngốc. Nếu mẹ không nói thế, thì sau khi mẹ chết đi, mấy mụ này sẽ lại tằng tịu lăng nhăng với bố mày, thôi.

-À ra thế. Nay con mới hiểu lời bác sĩ nói: để bà còn thu xếp mọi chuyện cho chu đáo! Đúng là cuộc đời. Giời ơi là giời…”



Truyện kể chỉ là truyện hư cấu, ở trời Tây. Giữa người đời. Nhưng nếu người người vẫn cứ ưu tư thắc mắc chuyện người đời những muốn “thu xếp mọi chuyện cho chu đáo” cả lúc sống cũng như khi chết, thì truyện kể ở bên trên có xảy ra ở đâu đi chăng nữa, vẫn là chuyện dài ở huyện. Cả huyện nhà Đạo, cũng không chừng.

Thế nên, lời cuối phiếm loạn hôm nay, lại là câu hát có ý tứ cũng rất lạ như sau:



“Có chắc mùa Thu, lá rơi vàng tiếng gọi

Lệ mừng gặp nhau, xôn xao phím dương cầm.

Có phải em là mùa Thu Hà Nội?

Nghìn năm sau, ta níu bóng quay về?

Ôi mùa thu của ước mơ…”

(Trần Quang Lộc – bđd)



Thế thì, mùa Thu Hà Nội, hay mùa Xuân của Sàigòn vẫn cứ nên gọi đó, mùa của hy vọng. Có những tình tự rất thân thương. Ưu ái, một kiếp người. Ở muôn nơi.



Trần Ngọc Mười Hai

Hỏi thì vẫn hỏi

nhưng đâu nào có gọi

người em mình

là mùa Thu Hà Nội hay Sàigòn.

Mà: Xuân nhà Đạo

có nở rộ khắp nơi nơi?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến viếng thăm của Đức Bênêđíctô và việc hợp nhất với tín hữu Luthêrô
Vũ Văn An
19:06 24/09/2011
Nhân chuyến viếng thăm Đức vào cuối tuần này, Đức Bênêđíctô XVI đã viếng Erfurt nơi Luthêrô tu học từ năm 1501 tới năm 1511, bắt đầu với tư cách sinh viên, sau đó với tư cách đan sĩ. Dù Luthêrô không mấy thích Erfurt, gọi đại học của nó là “tiệm bia và nhà chứa”, nhưng điều này vẫn không đánh đổ được giá trị biểu tượng của Erfurt đối với giáo hội Luthêrô, và ý nghĩa đại kết của chuyến viếng thăm này. Thực ra, theo Đài Vatican, Erfurt từng là địa danh có liên hệ tới những con người lừng lẫy từ Goethe tới Schiller, từ Bach tới Liszt, từ hoàng đế Nga tới Napoleon, người từng tổ chức cuộc họp cá công hoàng tại đây.

Theo John Allen Jnr của Tờ The National Catholic Register số ngày 2 tháng 9 năm 2011, có người đồ đoán rằng nhân cơ hội này, Đức Bênêđíctô XVI có thể ban cho hệ phái Luthêrô một qui chế đặc biệt cũng như cho phép hai giáo hội Công Giáo và Luthêrô được rước lễ tại các thánh lễ của nhau. Đồ đoán này bị linh mục Hans Langendoerfer, Dòng Tên, thư ký Hội Đồng Giám Mục Đức, cho là hy vọng quá trớn. Chính Đức Bênêđictô XVI, trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Erfurt ngày 23 tháng 9, cũng đã lớn tiếng cho rằng: hoài mong ấy chỉ là “lối đọc sai lầm có tính chính trị về đức tin và đại kết”.

Tuy nhiên, linh mục Langenderfer cho hay: mục tiêu của chuyến viếng thăm Erfurt là để tái lên khuôn cái nhìn của Công Giáo về Luthêrô và các môn đệ ngày nay của ông. Cha cho hay: “Tại Erfurt, Đức Bênêđíctô XVI sẽ nhằm đẩy lui xa hơn nữa ý niệm cho rằng người Thệ Phản trước hết là những người bất đồng. Cái nhìn rộng rãi này đối với lịch sử Kitô Giáo sẽ mang lại nhiều hậu quả phong phú khi ta đang tới gần lễ kỷ niệm của Phong Trào Thệ Phản”.

Có cơ sở

Những hy vọng lạc quan nói trên không hẳn không có cơ sở. Tiến Sĩ Jack Kilcrease thuộc giáo hội Luthêrô từng cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là giáo hoàng đầu tiên được mệnh danh là giáo hoàng Luthêrô (Xem “Joseph Ratzinger Doesn’t Get the Ausburg Confession”, đăng trong Theologia Crucis, ngày 20 tháng 9 năm 2010). Trong bài của mình, John Allen Jnr cũng thuật lại sự kiện vào năm 1966, lúc còn là một giáo sư và chuyên viên trẻ tại Công Đồng Vatican II, Ratzinger từng viết một nhận định phê phán âm hưởng quá lạc quan của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, cho rằng hiến chế này chịu ảnh hưởng của Teilhard de Chardin và chủ nghĩa nhân bản Pháp, một chủ nghĩa “khiến người ta phải đặt câu hỏi tại sao con người hữu lý và hoàn toàn tự do được mô tả tại các điều đầu tiên bỗng nhiên lại bị đè nặng bởi câu truyện của Chúa Kitô”. Ngài cho rằng các ý niệm “Dân Chúa” và “thế giới” đã được khoác một hình ảnh tích cực thiếu phê phán, chỉ phản ảnh một sự ngây thơ đối với hậu quả của tội lỗi, một điều vốn bị Luthêrô cực lực lên án. Đối với các hậu duệ của Luthêrô, Ratzinger được coi là người đã cứu tuyên bố chung về ơn công chính hóa giữa họ và Giáo Hội Công Giáo năm 1999. Chính Munib Younan, Chủ Tịch Liên Minh Luthêrô Thế Giới, đại diện cho 70 triệu tín hữu, cũng đã hy vọng Vatican một ngày kia sẽ cho phép tín hữu mình được rước lễ trong giáo hội Luthêrô.

Theo hãng tin Zenit (5/5/2005), một nhà lãnh đạo Luthêrô hàng đầu của Đức cho hay Đức Hồng Y Ratzinger là một trong số ít người thực sự hiểu Martin Luther. Sigrid Spath thuật lại cuộc gặp gỡ công khai năm 1998 giữa Đức HY Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Wolfgang Huber, nguyên Giám Mục Phái Luthêrô Tin Lành của Bá Linh và lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Luthêrô Tin Lành Đức. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức HY Ratzinger cho mọi người hay ngài đã đọc toàn bộ các công trình của Luthêrô viết trước thời Thệ Phản, tức lúc ông còn là người Công Giáo, và ngài khích lệ những người Thệ Phản có mặt hôm đó nên đọc các công trình này. Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều giờ và “Giám mục Huber rất có ấn tượng trước các phát biểu của vị Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và nhận định rằng Ratzinger là một trong số ít người thực sự biết Luthêrô”

Allen Jnr cho rằng tín hữu Luthêrô đối với Đức Bênêđíctô cũng giống như tín hữu Chính Thống đối với Đức Gioan Phaolô II, những người anh em ly khai được ngài biết hơn cả và tự nhiên cảm thấy gần gũi. Trong tư tưởng của ngài, Luthêrô chiếm một chỗ đứng khá lớn; sau Thánh Augustinô, có lẽ không có nhà soạn tác Kitô Giáo trước thời hiện đại nào ảnh hưởng nhiều tới tư duy thần học của ngài bằng Luthêrô. Đức Bênêđíctô XVI cũng công khai ca ngợi nhiều thần học gia và học giả Thánh Kinh Luthêrô của thế kỷ 20 như Wolfhart Pannenberg, Wilfrid Joest, và Martin Hengel.

Có đến hai ông Luthêrô

Ấy thế nhưng đối với triển vọng hòa dịu mau chóng giữa Công Giáo và phái Luthêrô, Allen Jnr cho rằng Đức Bênêđíctô XVI từng tỏ thái độ hoài nghi từ lâu. Trước nhất, phán đoán của ngài về chính Luthêrô khá đa dạng. Trong cuốn sách viết năm 1987, tựa là Giáo Hội, Đại Kết và Chính Trị (Church, Ecumenism and Politics), Đức HY Ratzinger viết rằng thực sự có đến 2 Luthêrô. Đầu tiên ta có Luthêrô của sách giáo lý, của các thánh ca vĩ đại và là nhà cải cách phụng vụ. Ngài cho rằng Luthêrô đã dự ứng trước phần lớn điều sẽ xuất hiện sau này trong Đạo Công Giáo trước thời Vatican II dưới danh xưng trở về nguồn (ressourcement). Bên cạnh đó, ta có Luthêrô tranh luận từng loại giáo hội ra khỏi chân trời với quan điểm cực đoan về ơn cứu rỗi cá nhân.

Thứ hai, trong nhiều năm qua, Đức Bênêđíctô XVI vốn hàm hồ đối với điều có thể gọi là “đại kết bàn giấy”, trong đó phải kể đến các tuyên bố chung do các cuộc đối thoại chính thức giữa các tuyên tín khác nhau tạo ra. Theo ngài, những văn kiện ấy thường chỉ thăm dò điều bất khả bằng cách cố gắng dùng luận lý giảng hòa các chủ trương đối nghịch nhau trong quá khứ. Ba thập niên trước đây, Đức HY Ratzinger từng viết rằng không nên tìm kiếm hợp nhất kiểu đó, mà nên cùng nhau đưa ra “những bước mới”.

Thứ ba, trong năm thế kỷ kể từ cuộc Cải Cách Thệ Phản, nước dưới cầu đã tạo ra nhiều trở ngại cho việc hợp nhất, nhất là với các giáo hội Thệ Phản chính dòng. Những khai triển này bao gồm các thay đổi trong giáo huấn luân lý, trong cấu trúc giáo hội cũng như trong các thừa tác vụ, mà điển hình khó khăn hơn cả là phong chức phụ nữ.

Theo Allen, tất cả các lực lượng trên, tức lòng qúi mến của Đức Bênêđíctô đối với Luthêrô và tư duy ông ta, cộng với sự hàm hồ của ngài đối với các thỏa thuận đại kết chính thức và các thực tại hiện nay trong Phong Trào Thệ Phản Tây Phương, đã được phản ảnh rõ rệt trong phản ứng của ngài đối với Tuyên Bố Chung về Công Chính Hóa năm 1999.

Sau cả một thập niên đối thoại giữa các thần học gia Công Giáo và Luthêrô, hai bên mới đạt được một thỏa thuận căn bản về cái hiểu chung đối với sự công chính hóa. Trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 6 năm 1998, Đức Hồng Y Edward Cassidy, người Úc, lúc ấy đứng đầu Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, cho rằng sự nhất trí ở bình diện cao này cho phép hai bên tuyên bố rằng “các kết án lẫn nhau trong thế kỷ 16 ngày nay không còn giá trị gì đối với đôi bên nữa”. Ngài tin rằng hai bên đã đạt được một điều gì đó rất siêu việt, khiến ngài thú thực rằng khi bị phán xét nếu Chúa hỏi: con đã làm được gì ở trên đời, ngài sẽ trả lời không do dự: con đã ký Bản Tuyên Bố Chung Về Công Chính Hóa!

Trả lời Tuyên Bố Chung

Nhưng niềm vui của ngài hình như quá sớm. Vì chỉ ít ngày sau, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho công bố “bản trả lời” tuyên bố chung, khiến người ta có cảm tưởng sự nhất trí kia chỉ là giả tạo. Xét về mặt thủ tục, nhiều người còn cho là quái gở khi Vatican lên tiếng “trả lời” một bản tuyên bố mà chính mình ký vào. Vì nếu thấy bản văn có vấn đề, thì tại sao lại ký vào? Còn nếu muốn thu hồi một thoả thuận trước khi mực của nó chưa khô, thì tại sao lại khổ công tạo ra nó? Có người chỉ còn biết qui tội cho việc thiếu thông đạt giữa các bộ sở của Tòa Thánh hồi ấy.

Bản trả lời mang tên Đức HY Ratzinger và rất có thể phản ảnh tư duy của ngài nhấn mạnh tới những điểm khác nhau rất chủ yếu vẫn còn hiện diện giữa hai nền thần học Công Giáo và Luthêrô

1) Cái hiểu của phái Luthêrô về công chính hóa, trong đó con người nhân bản vừa là người công chính vừa là kẻ tội lỗi (simul iustus et peccator) là không nhất quán với đức tin Công Giáo, một đức tin cho rằng phép rửa đã xóa hết vết nhơ của tội.

2) Người Công Giáo tin cả ơn cứu rỗi nhờ đức tin lẫn sự phán xét dựa vào việc làm, và rõ ràng người Luthêrô không chia sẻ niềm tin này.

3) Cái hiểu của người Luthêrô về sự cứu rỗi khó có thể giảng hòa với bí tích Thống Hối của Công Giáo.

4) Việc người Luthêrô nhấn mạnh rằng sự công chính hóa là viên đá góc của toàn bộ đức tin Kitô Giáo đã bị thổi phồng thái quá; học lý công chính hóa phải được lồng vào toàn bộ mạc khải có tính hữu cơ.

Cũng theo bản trả lời này, người ta không biết rõ những người ký vào bản tuyên bố chung có đại diện cho hệ phái của họ hay không.

Quan trọng nhất là Công Đồng Trent vẫn còn hiệu lực. Bản trả lời khẳng định rằng: “Bình diện của thoả thuận là một bình diện cao, nhưng nó vẫn chưa cho phép ta quả quyết rằng mọi dị biệt hiện đang phân rẽ tín hữu Công Giáo và tín hữu Luthêrô trong học lý liên quan tới công chính hóa chỉ là vấn đề thuộc phạm vi nhấn mạnh hay ngôn từ… Trái lại, các phân rẽ này phải được vượt qua trước khi ta có thể quả quyết một cách tổng quát rằng các điểm đó không còn bị Công Đồng Trent lên án nữa”.

Nhiều người Luthêrô hết sức phẫn nộ, cho rằng Tòa Thánh đã phản bội cả các thần học gia Luthêrô lẫn các thần học gia Công Giáo và chắc chắn phải mấy thập niên nữa mới tái lập được lòng tin. Trên báo chí Đức, Đức HY Ratzinger mau chóng bị tô vẽ là kẻ xấu xa, phá hoại thỏa hiệp. Đến độ, ngày 14 tháng 7 năm 1998, ngài phải gửi một lá thư cho tờ Frankfurter Allgemeine gọi phúc trình tố cáo ngài phá hoại thỏa hiệp là dối trá trắng trợn, bởi làm thế là tự bác bỏ mình.

Allen Jnr cho rằng có lẽ để chứng minh điều này, ngài phải đích thân can thiệp giúp cho cuộc đối thoại tiếp tục trở lại. Ngày 3 tháng 11 năm 1998, ngài âm thầm mời một nhóm làm việc nhỏ tụ tập tại nhà anh của ngài là Đức Ông Georg, gồm ngài, Giám Mục Luthêrô Johannes Hanselmann, thần học gia Công Giáo Heinz Schuette, và thân học gia Luthêrô Joachim Track. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Track cho hay: chính Đức HY Ratzinger đã cứu thỏa hiệp bằng cách đưa ra 3 nhượng bộ chủ yếu:

Thứ nhất, Ratzinger đồng ý rằng mục tiêu của diễn trình đại kết là hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải tái nhập có tính cơ cấu. Điều này làm an tâm người Luthêrô Đức vì họ rất sợ phải tùng phục Rôma.

Thứ hai, Ratzinger nhìn nhận thẩm quyền của Liên Minh Luthêrô Thế Giới trong việc đạt thỏa hiệp với Vatican.

Thứ ba, Ratzinger đồng ý rằng dù Kitô hữu buộc phải làm việc tốt, nhưng sự công chính hóa và việc phán xét vẫn là các hành động nhưng không của Thiên Chúa.

Trên căn bản này, nhóm làm việc đã tu chính Bản Tuyên Bố Chung để thoả mãn lo lắng của cả đôi bên. Một năm sau, Đức HY Cassidy đã tổ chức cuộc họp báo thứ hai để công bố thỏa hiệp được cả Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican chấp thuận. Trong cuộc họp báo này, ba văn kiện đã được công bố cùng một lúc: chính Bản Tuyên Bố Chung, một “xác định chung chính thức” cho thấy đôi bên hiểu ra sao về Bản Tuyên Bố Chung, và một “phụ chương” trong đó, các điểm đã nêu ra ở bản trả lời cũng như các quan tâm thêm của phía Luthêrô được chú giải.

Một số điểm chính trong “phụ chương”: (a) phép rửa thực sự giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi, “nhưng ta sẽ sai lầm nếu bảo rằng ta không có tội”; (b) Việc làm của ơn thánh Chúa không loại bỏ hành động nhân bản; (c) trong ngày phán xét sau cùng, người công chính cũng sẽ bị phán xét vì các việc mình làm; (d) học lý công chính hóa là thước đo hay đá thử đức tin Kitô Giáo. Không giáo huấn nào được mâu thuẫn với tiêu chuẩn này.

Tuyên Bố Chung được nồng nhiệt tiếp đón. Nhưng theo Allen Jnr, việc hình thành ra nó cho thấy Ratzinger vừa là người phê phán vừa là người cứu nó. Điều ấy đủ cho thấy cả niềm hy vọng lẫn sự hoài nghi mà vị Giáo Hoàng người Đức đầu tiên đã mang theo mình khi trở lại thăm quê hương lần này.

Phục hồi Luthêrô

Năm 2008, đã có tin đồn là Đức Bênêđíctô XVI sẽ phục hồi Luthêrô, người sáng lập ra Thệ Phản. Hãng Reuter ngày 11 tháng 3 năm ấy cho chạy hàng tít: Việc “phục hồi” Martin Luther có thể còn phải chờ (Martin Luther’s “rehabilitation” may have to wait). Bài này cho hay ngày 2 tháng 3, hãng thông tấn ApCom của Ý cho chạy một bản tin về vụ các học trò tiến sĩ của Đức Bênêđíctô, trong cuộc gặp mặt vào tháng 8, sẽ thảo luận vấn đề Luthêrô “muốn phân rẽ… hay chỉ muốn cải tổ Giáo Hội”. Hai ngày sau, nhật báo La Stampa ở Turin cho đăng bài “Ratzinger cải tổ Luther. ‘Ông ta có nhiều ý niệm Công Giáo. Vị giáo hoàng thần học gia cho triệu các học trò của mình để bàn luận về nhà ly giáo này’”. Bài báo có trích dẫn câu phát biểu của Đức HY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, cho rằng việc chọn đề tài thảo luận cố ý “hỗ trợ bầu khí của cuộc gặp gỡ với người Thệ Phản”.

Hôm sau, tờ Times ở London tường trình rằng “Đức GH Bênêđíctô XVI sắp sửa phục hồi Martin Luther, vì cho rằng ông không có ý định chia rẽ Kitô Giáo, mà chỉ thanh lọc giáo hội khỏi các thực hành hủ hóa”.

Tường trình trên đã phát sinh ra rất nhiều bình luận trên khắp các trang mạng thế giới khiến cả tờ Financial Times cũng có bài xã luận tựa là “Ân xá Giáo Hoàng: thay đổi có tính trang trí không thể dấu được chủ nghĩa giáo điều của Bênêđíctô”.

Dư luận ấy khiến phát ngôn viên Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, ngày 8 tháng 3, phải lên tiếng với hãng tin Ansa của Ý rằng xã luận của Financial Times là “hoàn toàn không có cơ sở vì không hề có dự kiến phục hồi Luther”.

Cuộc viếng thăm Erfurt ngày 23 tháng 9 vừa qua đã củng cố lời tuyên bố của phát ngôn viên Tòa Thánh. Tại đây, Đức Bênêđíctô cho hay: “Lầm lẫn của thời kỳ Thệ Phản là phần lớn ta chỉ thấy điều phân rẽ ta mà không nắm được một cách thiết yếu điều ta có chung liên quan tới kho tàng vĩ đại của Thánh Kinh và các tuyên tín của Kitô Giáo sơ khai”. Ngài nói tiếp: “Bước tiến đại kết vĩ đại trong mấy thập niên qua là ta đã tiến tới chỗ ý thức được tất cả những cơ sở chung ấy”.

Nhưng không vì thế mà Đức Giáo Hoàng không cho các đại biểu của 24 triệu tín hữu Luthêrô Đức thấy: dự án đại kết hiện đang phải đương đầu với 2 vấn đề chính: một là sự xụp đổ của các hệ phái Thệ Phản chính dòng truyền thống, là các hệ phái chỉ có được “một hình thức Kitô Giáo với rất ít chiều sâu định chế, ít lý tính và còn ít nội dung tín lý hơn nữa, và ít ổn định”. Hai là việc thế tục hóa thế giới hiện đại. Ngài bảo: “Thiên Chúa mỗi ngày một bị đẩy ra ngoài xã hội xa hơn, và lịch sử mạc khải mà Thánh Kinh thuật lại cho ta xem ra đang bị khóa cứng vào một quá khứ mỗi ngày một tít tắp hơn”.

Giọng điệu của Đức Bênêđíctô vào buổi chiều cùng ngày, trước 300 đại biểu Liên Tôn, trong đó có nhiều nhóm Thệ Phản, tại một buổi phụng vụ đại kết, có lạc quan hơn. Ngài nói rằng: “Ta cần thấy cả hai sự việc: tội của con người nhân bản từng bác bỏ Thiên Chúa và thu mình vào chính mình, và các chiến thắng của Thiên Chúa, Đấng đã duy trì Giáo Hội bất kể sự yếu đuối của nàng; Người không ngừng lôi kéo con người nam nữ lại gần Người và do đó lại gần nhau hơn. Chính vì thế, trong một buổi gặp gỡ đại kết, ta không nên chỉ ân hận về các chia rẽ và phân ly của ta, mà cần phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả các yếu tố hợp nhất mà Người đã duy trì cho ta và ban cho ta như mới. Và lòng biết ơn này, cùng một lúc, phải là một quyết tâm, trong những lúc thử thách và gian nan, không để mất sự hợp nhất Người đã ban cho”.

Chỉ có điều, sự hợp nhất, theo Đức Bênêđíctô, không giống như nhiều người mong ngóng, không thể dùng mặc cả, thương lượng mà có được. Ngài nói: “Đức tin không phải là điều ta có thể dùng lý trí mà tạo nên hay dùng thương lượng giữa chúng ta mà có”. Sự thành công trong công trình đại kết chỉ đến qua việc “mỗi ngày một tiến sâu hơn vào đức tin trong tư tưởng và trong cuộc sống ta”.

Theo Đài Vatican, nhân dịp này, ngài cũng nói thêm: “Nói chung, khi một quốc trưởng thăm một quốc gia thân hữu, thì trước đó thường có những cuộc tiếp xúc giữa các bên để sắp xếp một vài thoả hiệp song phương: bằng cách cân nhắc lợi hại của việc tương nhượng khiến cho thoả hiệp có được kết quả xem ra có lợi cho cả đôi bên, giúp cho thoả hiệp có thể ký kết được. Nhưng đức tin của Kitô hữu không dựa vào việc cân nhắc lợi hại. Một đức tin do mình làm ra là điều vô giá trị. Đức tin không phải là điều ta tạo ra bằng trí hiểu hay do thương lượng mà có. Nó là nền tảng cho đời ta. Hợp nhất không phát triển nhờ cân nhắc lợi hại mà chỉ nhờ tiến mỗi ngày một sâu hơn vào đức tin trong tư duy và trong đời sống ta. Trong 50 năm qua, và nhất là sau cuộc tông du của Đức Gioan Phaolô II cách đây 30 năm, chúng ta đã gần lại nhau hơn và điều này chỉ có thể làm ta biết ơn”.

Kỳ sau: “Luther và sự hợp nhất các giáo hội: cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger” (Tập San Communio số 3 năm 1984).
 
Trên đất nước của Martin Luther, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Bùi Hữu Thư
08:38 24/09/2011
Nhà thờ Chánh Tòa Erfurt Đức


ERFURT, Đức (CNS) – Thăm viếng đất nước của Martin Luther, Đức Thánh Cha Benedict XVI cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo và ngài nói với giới lãnh đạo Lutheran là cả hai nhóm: thế tục hóa và Kitô hữu cơ bản đều là những thách đố cho việc đại kết ngày nay.

Đức Thánh Cha nói trong một buổi gặp gỡ ngày 23 tháng 9 với 15 đại diện của Hội Đồng Giáo Hội Phúc Âm Đức (the German Evangelical Church Council): "Thiên Chúa càng ngày càng bị xua đuổi ra khỏi xã hội của chúng ta, và lịch sử của sự khải huyền được Kinh Thánh kể lại cho chúng ta dường như bị khoá kín trong một quá khứ xa xôi. Chúng ta có nên chào thua áp lực của việc thế tục hóa và trở nên tân tiến bằng cách làm tan loãng đức tin?”

Cuộc gặp gỡ được tổ chức tại thành phố Đức Erfurt, tiếp theo là một nghi thức cầu nguyện hiệp nhất, đánh dấu cao điểm đại kết của chuyến viếng thăm quê hương của Đức Thánh Cha trong bốn ngày.

Đức Thánh Cha dừng lại để cầu nguyện tại nhà thờ chánh tòa Erfurt, nơi Luther được thụ phong linh mục Công Giáo năm 1507, và sau đó ngài gặp gỡ các giới lãnh đạo Lutheran tại một cánh bên của tòa nhà xưa kia là tu viện Augustin nơi Luther đã sinh sống cho đến năm 1511.

Đức Thánh Cha lắng nghe trong khi một ca đoàn tổng hợp Công Giáo –Lutheran hát các thánh ca trong khu vực khép kín của tu viện xưa, bây giờ trở thành một đài tưởng niệm ông Luther, là người sáng lập Đạo Tin Lành Cải Cách.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã được mong đợi rất nhiều tại Đức, và trước khi ngài đến đây mọi người đã bàn tán là ngài sẽ có một tuyên cáo quan trọng về việc đại kết hay một sự nhân nhượng.

Nhưng trong buổi cầu nguyện tại nhà nguyện của tu viện xưa cũ, Đức Thánh Cha nói là giả dụ về “một quà tặng đại kết” chứng tỏ đã có một “sự kém hiểu biết có tính cách chính trị về đức tin và đại kết.”

Ngài nói: Những tiến bộ về sự hiệp nhất Kitô giáo không giống như việc thương lượng cho một thoả ước. Đại kết sẽ có tiến bộ khi các Kitô hữu biết đào sâu đức tin và tuyên xưng đức tin rõ ràng trong xã hội.

Hai bài nói chuyện của Đức Thánh Cha không bàn đến các vấn đề chính về đại kết đã được các giới chức Công Giáo và Lutheran nêu lên trong các năm gần đây. Thay vào đó, ngài chú tâm đến nhu cầu chung là làm nhân chứng cho đức tin Kitô trong một thế giới đổ nát.
 
Lãnh đạo 7 tôn giáo Hàn Quốc đến thăm Bắc Triều Tiên
Lã Thụ Nhân
07:08 24/09/2011
Seoul (AsiaNews) – Hôm 21/09/201, các vị lãnh đạo của bảy tôn giáo lớn ở Hàn Quốc đã đến miền Bắc của bán đảo Triều Tiên: đó là cuộc hành trình chưa có tiền lệ nhằm tìm cách mang lại cho hai bên biên giới đường hướng của hòa bình và hòa giải. Tuy nhiên, một số nguồn tin Công Giáo, trong khi ca ngợi hành động này giải thích rằng: "Chế độ cộng sản ở Bình Nhưỡng không có ý định cởi mở với tôn giáo. Nó chỉ cần viện trợ nhân đạo, và biết rằng chỉ có thể nhận viện trợ qua các cộng đồng tôn giáo".

Phái đoàn bao gồm 24 thành viên đã đến Bắc Triều Tiên qua ngõ Trung Quốc, vì không có mối liên hệ trực tiếp giữa hai miền của bán đảo. Chuyến đi này được tổ chức theo lời mời của Hội đồng Tôn giáo Bắc Triều Tiên, một con rối nằm trong tay Bình Nhưỡng nhằm đưa ra chức năng "giả hiệu" đối với một số du khách phương Tây và Trung Quốc đến với đất nước này. Bất luận thế nào, đây là cơ hội duy nhất: phái đoàn sẽ lưu lại đến thứ Bảy, 24 tháng Chín.

Rời khỏi sân bay quốc tế Incheon, Đức Tổng Giám Mục của Gwangju, Đức Cha Hyginus Kim Hee-jong đã đọc một tuyên bố chung của các tôn giáo: "Chúng tôi sẽ bày tỏ khát vọng của các nhóm tôn giáo Hàn Quốc vì hòa bình cho miền Bắc. Khi những người thuộc các tôn giáo từ hai miền Triều Tiên quy tụ lại với nhau để tái khẳng định quyết tâm của chúng tôi để đạt được hòa bình, chúng tôi hy vọng rằng ý nghĩ của hai miền Triều Tiên sẽ trở nên hiệp nhất trong mục tiêu theo đuổi thống nhất đất nước của chúng tôi, và điều này sẽ góp phần mở ra một trang lịch sử mới về hòa giải, hợp tác và trao đổi". Nhóm cũng cảm ơn Chính phủ Seoul đã cấp phép để lên đường. Sau hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng, chính phủ đã ngăn chặn hầu hết bất kỳ mối quan hệ giữa hai nước.

Cùng đồng hành với Đức Cha Kim là Mục sư Kim Yeong-joo, Thư ký Hội đồng Quốc gia các Giáo Hội Hàn Quốc, Hòa Thượng Jaseung, chủ tịch Tông phái Tào Khê (Jogye Order) Phật Giáo Hàn Quốc, Hòa Thượng Kim Ju-won, người đứng đầu tông phái Viên Phật giáo, Tiến sĩ Choi Geun-Dok, chủ tịch Hiệp hội Nho giáo Sung Kyun Kwan, Woon Yim-kil, người đứng đầu tôn giáo Chondogyo và Han Yang-won, người đứng đầu các tôn giáo truyền thống Hàn Quốc.

Mặc dù nảy sinh từ ý định tốt, nhưng một nguồn tin Công Giáo cho AsiaNews hay: "Bình Nhưỡng không mong muốn cởi mở với ý tưởng của tôn giáo một cách đơn giản, bởi vì chế độ sẽ suy giảm sau một vài tháng nếu đều đó xảy ra. Tôn Giáo, trước hết, giảng dạy tự do và điều này không phù hợp với chế độ độc tài. Vì thế, ngay cả nếu đúng là thấy và trải nghiệm hoàn cảnh càng nhiều càng tốt, tôi nghĩ cũng chỉ nhằm thu hút càng nhiều viện trợ càng tốt từ những người thuộc các tôn giáo của miền Nam".

Ở miền Bắc, có hầu như không có tự do thờ phượng. Sự sùng bái chỉ được phép là tôn thờ "vị lãnh tụ kính yêu" Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) và cha của ông, "chủ tịch vĩnh cửu" Kim Nhật Thành. Xã hội được tổ chức thành các cấp độ thứ bậc, và những người tuyên xưng thuộc về một tôn giáo bị chuyển xuống thứ bậc dưới cùng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thế: trước khi miền Bắc độc lập, nhờ nhận được vũ khí của Trung Quốc do Mao cung cấp, Bình Nhưỡng đã được gọi là "thành Giêrusalem của Á Châu".

Có một sự hiện diện mạnh mẽ của các Kitô hữu ở Hàn Quốc, người Công Giáo và Tin Lành, những người đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển xã hội của Hàn Quốc vào đầu những năm 1900. Sự hiện diện của Phật giáo cũng mạnh mẽ, tất nhiên, cả các phái truyền thống và tông phái Tào Khê, ngay cả Giáo Hội Chính Thống cũng có một số lượng lớn các tín hữu, cũng như các tín hữu Shaman và tôn giáo truyền thống.

Sự đàn áp tôn giáo và tín hữu của Chủ tịch Kim bằng mọi giá để phá hủy mọi thứ. Ngày nay, không thể định lượng được số người đã duy trì một số hình thức của đức tin. Theo Vatican, hiện nay vẫn còn khoảng 800 người Công giáo, nhưng theo nguồn tin của AsiaNews thì cho rằng con số "nhiều nhất" là 200, tất cả đều rất già.
 
Myanmar: Sự hiểu biết và hiệp nhất giữa các Kitô hữu, vì hòa bình và phát triển đất nước
Phạm Kim An
07:10 24/09/2011
Yangon - Sự hiểu biết lẫn nhau và sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu: đó là hai nguyên tắc hướng dẫn của khóa huấn luyện thứ hai về đại kết, được tổ chức ngày 20-9 bởi Tổng Giáo Phận Yangon và có sự tham dự của khoảng 100 Kitô hữu Myanmar.

Giới thiệu khóa học, Tổng Giám mục Charles Bo, Tổng giám mục thủ đô cũ của Myanmar, nói về "sự mong muốn và nhu cầu thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”. Theo vị giám chức, hai yếu tố này là chìa khóa để "làm việc với nhau về các vấn đề quan tâm mục vụ và quan tâm xã hội”.

Lời kêu gọi như thế cũng được đưa ra bởi U Tin Maung Win, lãnh đạo của giáo hội Baptist ở thị trấn Nam Dagon, khi ngài nói rằng việc huấn luyện “giúp đối thoại và thảo luận trong các giáo hội Kitô giáo, và cổ vũ công tác trong tương lai".

Trong cuộc họp mặt, các lãnh đạo tôn giáo đã nhiều lần lưu ý tầm quan trọng của sự tham gia cộng đồng Kitô giáo trong việc xây dựng đất nước, vốn đã bắt đầu trên một cuộc hành trình chậm hướng tới các nguyên tắc dân chủ và cải cách kinh tế, sau nhiều thập kỷ của chế độ độc tài quân sự.

Vấn đề này cũng được đề cập bởi Đức Tổng Giám Mục Bo, khi Ngài nói rằng Giáo Hội cần đóng một vai trò tích cực - cùng với các nhà lãnh đạo chính trị - trong việc theo đuổi các thay đổi mong muốn trong đất nước Myanmar trước đây.

Đức Tổng Giám mục tổng giáo phận Yangon phát biểu: “Các nhà lãnh đạo chính trị phải mời các nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia lực lượng, để cải thiện tình hình của đất nước”, nhưng ngài nói thêm rằng dường như chính phủ không muốn sự giúp đỡ này. Ngài nói thêm: “Tôn giáo tại Myanmar đã bén rễ sâu trong nền văn hóa của chúng ta. Do đó, các nhân vật lãnh trách nhiệm chính trị cần phải lắng nghe các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của tất cả các tôn giáo".

Cuộc họp, với sự tham dự của hàng trăm vị lãnh đạo Kitô giáo, được tổ chức tại nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi của Anh giáo, kết hợp với Ngày Quốc tế Hòa Bình được Liên Hiệp Quốc triệu tập.

Daw Yin Yin Maw, Chủ tịch của Hội đồng các Giáo Hội ở Myanmar, đã mời gọi các tín hữu "hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình đất nước". Bà nói: “Chúng ta không còn bị cô lập trong một thời đại của sự thay đổi lớn”. Nhà lãnh đạo Kitô giáo này đánh giá các bước thực hiện là "tích cực", mặc dù "chậm", và đường hướng tương lai "là không rõ ràng lắm". (AsiaNews 23-9-2011)
 
ĐTC Biển Đức XVI suy niệm về tương quan tình thương giữa Mẹ Maria và Chúa Kitô
Nguyễn Trọng Đa
07:11 24/09/2011
Giờ Kinh Chiều tại đền thánh Đức Mẹ Etzelsbach, Đức

ROMA – Tương quan tình thương, giữa Đức Mẹ Maria và Chúa Kitô, làm cho chúng ta hiểu rằng sự phát triển thực sự của con người không là việc tự thực hiện, "vốn có thể dễ dàng biến thành một hình thức tinh tế của tính ích kỷ", nhưng là sự tự hiến theo hình ảnh của Đức Mẹ Maria, vì Mẹ đón nhận tình yêu từ trái tim của Chúa Kitô.

Đây là điều ĐTC Biển Đức XVI đã giải thích chiều ngày 23-9, tại đền thánh Đức Mẹ Etzelsbach, nơi Ngài chủ sự việc đọc giờ Kinh Chiều. ĐTC Biển Đức XVI đã suy niệm về ý nghĩa của bức tượng Đức Mẹ tại đền thánh này, và các cuộc hành hương tại đây vốn có thể bắt đầu từ thế kỷ 17.

Theo truyền thuyết địa phương, một ngày nọ trong khi đang cày trên cánh đồng, một nông dân thấy con ngựa của mình dường như quỳ gối hai lần tại một chỗ cố định, trong một cách không thể giải thích được. Do tò mò, người nông dân bắt đầu đào bới chỗ đó, và ông tìm thấy một tượng gỗ của La Pieta, Đức Mẹ Sầu Bi. Kể từ ngày đó, các cuộc hành hương đã không bao giờ dừng lại nơi đây.

ĐTC Biển Đức XVI thốt lên trong bài giảng của Ngài: “Hãy nhìn vào hình ảnh của Đức Mẹ!. Một phụ nữ trung niên với mí mắt trĩu nước mắt và đồng thời ánh mắt nhìn về cõi xa xôi, như thể Mẹ đang suy niệm trong lòng mọi điều đã xảy ra. Trên đầu gối Mẹ là thân xác bất động của Con chí ái; Mẹ ôm xác Con dịu dàng và đầy tình thương, như một món quà quý giá. Trên thân thể trần truồng của Con Mẹ, chúng ta thấy các dấu hiệu của việc đóng đinh".

Sau đó ĐTC Biển Đức XVI giải thích "tính cách đặc biệt" của tượng Đức Mẹ ở Etzelsbach.

Ngài nói: "Trong hầu hết các lối trình bày tượng La Pieta, Chúa Giêsu chết với đầu ngã qua trái. Như thế, người quan sát có thể nhìn thấy vết thương cạnh nương long của Chúa Bị Đóng Đinh. Trái lại, ở bức tượng tại Etzelsbach, vết thương cạnh nương long bị che khuất, bởi vì cơ thể Chúa quay về phía bên kia".

ĐTC Biển Đức XVI nhìn thấy “một ý nghĩa sâu sắc" bởi vì “trong bức tượng kỳ diệu ở Etzelsbach, trái tim của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria đang quay về nhau. Hai trái tim đến gần nhau. Hai trái tim chia sẻ tình yêu với nhau".

Ngài nói thêm: “Chúng ta biết rằng trái tim là cơ quan của tình cảm bén nhạy nhất cho người khác, cũng như là cơ quan của lòng từ ái sâu xa. Trong trái tim của Đức Mẹ Maria có dành chỗ cho tình yêu, mà Người Con Chúa muốn trao ban cho thế giới".

ĐTC Biển Đức XVI nói: “Lòng sùng kính Đức Mẹ tập trung trong việc chiêm ngắm mối tương quan giữa Đức Mẹ và Người Con Chúa của Ngài”.

Ngài nhấn mạnh: “Đây không phải sự tự thực hiện, vốn hoàn thành sự phát triển thực sự của con người, điều mà hôm nay được đề nghị như là một mẫu gương cho cuộc sống hiện đại, nhưng điều đó có thể dễ dàng biến thành một hình thức tinh tế của tính ích kỷ. Thay vào đó, đây là thái độ của sự tự hiến, hướng về trái tim của Mẹ Maria và nhờ đó cũng hướng về trái tim của Đấng Cứu Chuộc".

ĐTC Biển Đức XVI nói thêm: "Trong Đức Maria, Thiên Chúa làm cho tất cả mọi thứ hướng về sự thiện. Với sự tế nhị của Đức Mẹ, Mẹ muốn cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống chúng ta phải là một lời đáp trả cho tình yêu phong phú, trong lòng thương xót của Chúa. Như thể Đức Mẹ nói với chúng ta: các con hãy hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện, và không muốn gì khác hơn là hạnh phúc thực sự cho các con, Chúa có quyền yêu cầu nơi các con một cuộc sống, vốn tự hiến cho thánh ý Chúa một cách không do dự và với niềm vui, và thi hành tốt thánh ý Chúa để cho các người khác cũng làm như vậy nữa”.

ĐTC Biển Đức XVI nhắc lại chủ đề của chuyến đi của Ngài là "Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đó có tương lai", trước khi kết luận bằng cách nói: "Thật vậy: nơi nào chúng ta để cho tình yêu Thiên Chúa hành động hoàn toàn trong cuộc sống của chúng ta, thì trời mở ra ở đó. Ở đó, ta có thể uốn nắn hiện tại để cho nó luôn phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ở đó, những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày có ý nghĩa của chúng, và ở đó, các vấn đề lớn nhất tìm thấy giải pháp cho chúng. Amen". (Zenit.org 23-9-2011)
 
Nhận định về Hiệp Hội Ái Quốc ở Trung Hoa đã ảnh hưỏng tới Giáo hội như thế nào?
LM Gabricl Lajeune /GM FX Nguyễn Văn Sang dịch
10:02 24/09/2011
Lời nói đầu

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của một Linh Mục hội thừa sai Pháp. Bài viết nói tới những biến cố đã xảy ra tại nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa liên hệ tới các biến cố tôn giáo nhất là thời gian mới đây việc thành lập và tổ chức Hiệp Hội Ái Quốc Trung Hoa từ đầu hết cho đến nay với những hoạt động của họ, chứng tỏ có sự can thiệp mạnh mẽ của Hiệp Hội Ái Quốc vào những hoạt động nội bộ của Giáo Hội và gây những khó khăn cho đời sống của các tín hữu. Chúng tôi giới thiệu bài đọc này để chúng ta nhận thức rõ ràng và so sánh cũng như đánh giá khách quan tình hình tôn giáo ở Việt Nam để ứng xử một cách hài hòa đem lại ích lợi cho xã hội cũng như giáo hội.

Bước Thụt Lùi

Một “Bước Thụt Lùi lớn” của Hiệp Hội Ái Quốc những người công giáo Trung Hoa.

Muốn hiểu biết vai trò hiện tại của hiệp hội ái quốc những người công giáo Trung Hoa thì phải đi lên tận ngọn nguồn. Cách đây mấy năm họ đã tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1975 – 2007) và những cuộc phong chức bất hợp pháp của Đức Giám Mục (không có sự ưng thuận của Rôma) những cuộc kỷ niệm quá buồn các Giám Mục Trung Quốc sau đó đã được Toà Thánh hợp thức hoá, bị bắt buộc phải tham dự lễ nghi đó và tổ chức các biến cố trái với lòng mong mỏi của các vị được thông công cùng với Đức Thánh Cha và Giáo Hội toàn cầu. Đến tháng 12/2010 chính thức các vị giáo sỹ đó “đã đồng thanh” bầu lên một Giám Mục bất hợp pháp làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục; và hai Giám Mục khác cũng bất hợp pháp được bầu làm phó Chủ Tịch và một tổng thư ký hiệp hội ái quốc.

Chắc chắn quan sát viên tự hỏi: có vẻ hồ nghi giả định về sự ngoan ngoãn của các Đấng “bảo vệ tin đức” và sự hoàn toàn nhất trí đáng khả nghi. Đức Cha Honfai thư ký bộ truyền bá đức tin đã nói tới những sự kiện nhắc tới năm 50. Sự kiện Trung Hoa khác nào “một phòng ghi âm” của chính quyền Trung Quốc? quả vậy chỉ cần nghiên cứu chỉ cần điều tra đơn giản cũng có thể nhận thấy hội đồng đó chẳng thấy ích lợi gì: mọi sự sắp đặt trước khi hội nghị để kết quả việc bỏ phiếu đúng như chỉ thị của các vị lãnh đạo mặt trận thống nhất hiệp hội ái quốc; một số các Giám Mục không bỏ phiếu một số khác bị cưỡng bách và người ta đã tính toán các phiếu bầu dựa vào một danh sách chung vậy chúng ta hãy nhìn lại thời gian.

Cội Nguồn Của Hiệp Hội Ái Quốc.

Rất mau sau khi “giải phóng” Trung Quốc 1949 chính phủ mới của Trung Hoa thấy các vị có trách nhiệm trong đạo tin lành sẵn sang tuyên truyền cho chủ nghĩa phong trào ái quốc tam tự của những người kitô Trung Hoa (1950) và giúp nó mở rộng. Đây là một phong trào chính thức thành lập để thu gom tất cả các Giáo Hội tin lành thực ra, phong trào nhằm kiểm soát những hoạt động tôn giáo và ngăn cản chúng lan rộng.

Nhưng sau đó, khi đối đầu với người công giáo, các nhà chính quyền cộng sản vấp phải một sự chống đối khổng lồ. Thật vậy thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phiô XI Divinis Redentoris (1937) đã kết án chủ nghĩa cộng sản và ba thông điệp của Phiô XII kêu gọi nhừng người công giáo Trung Hoa cảnh giác đối với tất cả những sự cộng tác với tất cả chủ nghĩa vô thần. Trong thời kỳ đó cũng xẩy ra cuộc chiến tranh lạnh nước Liên Xô chiếm đóng tất cả các nước Đông âu và bách hại đạo công giáo đấy là chứng cớ rất khôn ngoan.

Sau khi đã nỗ lực thuyết phục các Giáo Mục và giáo dân, hiệp hội ái quốc Trung Hoa đã được thành lập 1957 bởi ban tôn giáo của nước cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa, nhưng tổ chức đó không hoàn toàn gồm những người công giáo. Nhiệm vụ của nó một cánh chính thức là dân chủ hoá những cấu trúc của giáo hội bằng cánh đưa những giáo dân vào nắm quyền quản trị, thực chất với mục đích là để thiết lập quyền lãnh đạo của nhà nước đối với các người công giáo Trung Hoa để tách nó ra khỏi giáo hội toàn cầu lập thành giáo hội quốc gia. Trong một số nhóm các giáo sỹ người ta còn nói rằng mục tiêu đích thực để phá hoại giáo hội công giáo Trung Hoa từ bên trong, kích động những người công giáo chống đối nhau như vậy chính những người tín hữu thay vì thanh lọc giáo hội hoặc làm cho sống động thì đi đến chỗ triệt tiêu hội thánh dưới cái nhìn hài lòng của các vị lãnh đạo chính trị nhân danh tự do tín ngưỡng đã để xẩy ra như vậy.

Trong thông điệp Apstlorum (1938 Đức Thánh Cha Phiô XII đã phàn nàn rằng các tân Giám Mục được hiệp hội chọn lựa bị rút phép thông công nhưng hiệp hội này là phong trào công giáo duy nhất do chính phủ cộng hào Nhân Dân Trung Hoa, hiệp hội này từ chối những tổ chức nào trên lục địa Trung Hoa mà gắn bó với một thể lực ngoại quốc như Vatican và Giáo Hoàng. Như vậy các người công giáo Trung Hoa phải đứng trước một sự lựa chọn kinh khủng một là phải chính thức từ bỏ một số nguyên tắc chính yếu của đức tin công giáo và ngăn cản giáo hội của mình được tồn tại, hoặc là liều mình bị tù đầy chết chóc vì không tuân phục chính phủ. Một vị Giám Mục được truyền chức không có phép của Rôma, Đức Cha Đông 30 năm sau còn khóc lóc khi nghĩ tới những áp lực dữ tợn ngài phải chịu để phải nhận lấy chức Đức Giám Mục mặc dù bị Toà Thánh án kết án.

Những Ý Định Được Rõ Ràng Tiết Lộ.

Một tài liệu lưu hành nội bộ đã cho biết ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Hoa đối với xã hội công giáo tài liệu này xuất phát từ vị giám đốc mặt trận thống nhất của trung ương đảng (1944 – 1964) phân ban này cho một số phân ban khác chịu trách nhiệm thi hành thực hiện đường lối chính trị của chính phủ: “phải áp dụng chiến thuật tiến 2 bước lùi 1 bước, làm bước lùi đó chính phủ phải xác nhận mình đang bảo vệ tự do tín ngưỡng… cho đến lúc các vị trí có trách nhiệm trong hàng giáo sỹ được người của chúng ta nắm giữ và tuân phục chính phủ nhân dân. Người ta sẽ tiến hành dần dần nhổ rễ những yếu tố phụng vụ…những thay đổi đầu tiên thực thi trong lãnh vực bí tích và kinh nguyện. Sau đó người ta sẽ che chở cho đám quần chúng chống lại sự o ép và sự áp bức thúc đẩy họ đi nhà thờ hoặc thực hành tôn giáo, họ tổ chức các hội đoàn khác nhau”.

Như người ta đã thấy mục đích xấu xa đó đã được nghiền ngẫm một cánh sâu xa và có tổ chức để phá hoại các tôn giáo nhất là giáo hội công giáo. Vào cuối những năm 60 các nhà hữu trách hiệp hội khẳng định không công nhận tín điều Đức Mẹ lên trời (1950) những vụ phong thánh được tuyên bố phong thánh từ những năm 1949 cũng như công đồng Vaticanô 2 (1962-1965).

Một Thái Độ Luôn Luôn Tích Cực.

Mặc dù những khó khăn gặp phải vào những năm cuối cùng thập niên 60 Toà Thánh chưa bao giờ tuyên bố những người công giáo Trung Hoa được hiệp hội ái quốc nâng đỡ hoặc các thành viên tổ chức ấy là những người rối đạo trái lại lợi dụng nền chính trị cưởi mở bắt đầu từ 1978 các Giám Mục được thụ phong không có phép của Rôma đã làm đơn xin và đã được công nhận, hơn nữa Toà Thánh đã khuyến khích các Giám Mục Trung Hoa và các kitô hữu có thái độ tích cực đối với xã hội Trung Quốc. Về phần mình chính phủ Trung Quốc đã cho phép phóng thích các Giám Mục Linh Mục và giáo dân đang bị giam dữ tại trại cải tạo nhiều nhà thờ được mở của lại nhiều Giáo Phận Giáo Xứ được công nhận. nhiều chủng viện được thiết lập và nhiều ứng sinh Linh Mục đã vào đầy nơi chốn đó.

Các Linh Mục này trong số có nhiều Giám Mục hiện tại đã được huấn luyện bằng những phương tiện tạm bợ: ngay từ đầu họ không có những phương tiện cần thiết, cácLinh Mục già yếu bất đắc dĩ phải làm giáo sư.

Trong thời kỳ khoan dãn tương đối này việc bổ nhiệm các Giám Mục mới vẫn tiếp tưc đặt ra nhiều vấn đề.

Hiệp hội ái quốc vẫn đòi được quyền chon lựa và tấn phong các Giám Mục mà không hỏi ý kiến Toà Thánh. Những cuộc điều đình kéo dài 30 năm giữa Bắc Kinh và Rôma mà không thể đi đến kết quả. Dẫu vậy một sự nhất trí thầm lặng hình như đã được chấp nhận thuộc phe này hay phe khác đã có từ mấy năm nay Toà Thánh công nhận những ứng viên được hiệp hội ái quốc chấp nhận và kín đáo ưng chuẩn cho họ được thụ phong Giám Mục.

Thế nhưng 19/1 năm qua một vị Giám Mục Trung Quốc tại Giáo Phận Tren đê đã được tấn phong bất hợp pháp. 9 Giám Mục hợp pháp có mặt tại buổi lễ đã chịu sức ép nặng nề để hiện diện; các lực lượng công an có mặt ở hết mọi nơi các tín hiệu điện thoại di động bị cắt đứt. Bắc kinh không dấu diếm ý đồ của mình muốn chia rẽ và kiểm soát Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa rồi đến sau đó vào đầu tháng 12 có cuộc bầu cử những người nắm trách nhiệm trong hội đồng Giám Mục chính thức và hiệp hội ái quốc. Thế nhưng trong bức thư gửi người công giáo Trung Hoa năm 2007 Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố rõ ràng rằng không thể để các cơ quan nhà nước ép buộc các Giám Mục theo một đường lối trong việc điều khiển Giáo Hội địa phương. Người ta lại rơi vào ngõ cụt.

Một Bước Lùi Buồn Thảm…

Các người công giáo Trung Hoa trong và ngoài nước đã vui mừng trong việc cưởi mở… thì ngày nay đã phải vỡ mộng trước một bước “ thụt lùi” lớn lao ấy liên hệ tới chính trị tôn giáo của Trung Hoa, đã cho họ nhớ lại cái lý thuyết trong những năm đầu tiên đã cũ kỹ lạc hậu mà chính phủ Trung Hoa vẫn quyết tâm luôn luôn theo đuổi. Ví dụ tại sao phải bắt đầu lễ nửa đêm giáng sinh bằng một bài diễn văn chính trị tại sao phải tổ chức cuộc hoà nhạc “những bài hát đỏ” (lấy ra ở trong kho tàng các bản nhạc cánh mạng văn hoá diễn ra trong nhà thờ? từ những hỗn độn đó mọi người nhận thấy rằng hàng giáo sỹ ở nhiều nơi đã liên kết với các vị trách nhiệm chính trị, những người kitô đã còn chăng tin vào sự thành thật của các vị trong đảng vẫn hứa bảo vệ những hoạt động tôn giáo hay các Linh Mục vẫn tự hào được tự do loan báo phúc âm trong mọi điều kiện)

Nước Trung Quốc từ khi có có chính sách cưởi mở của ông Đặng Tiểu Đình đã trở thành một cường quốc kinh tế đứng nhì trên Thế Giới và đang đóng một vai trò bậc nhất trên thế giới.

Nhưng nước này chưa bao giờ áp dụng trong đường lối có liên hệ tự do tới tự do tín ngưỡng và quyền con người.Toà Thánh đã đúng đắn tố cáo: “ý muốn thường xuyên của chính phủ Trung Hoa là kiểm soát phạm vi thâm sâu nhất của người công dân nghĩa là lương tâm của họ và xen vào cuộc sống nội bộ của người công giáo”. Các nhà lãnh đạo tỏ ra không có sự nhân nhượng cương quyết trong khi danh dự của nước Trung Hoa phải tỏ ra “cởi mở với tự do”; những sự phát triển trong những tháng mới đây với cuộc bầu cử mới rầm rộ do những nhà chức trách dân sự và những viễn tưởng phong chức bất hợp pháp nói chung không để cho chúng ta tiên đoán những cuộc đổi mới.

Trong cuộc họp báo cuối năm ông Lưu Bảo Niên tuyên bố rằng sẽ có chừng một tá những cuộc tấn phong trong năm nay và cũng tái xác nhận rằng các cuộc phong chức Giám Mục tại Trung Quốc được tiến hành để đáp ứng nhu cầu phúc âm hoá tại Trung Hoa là một công việc bình thường của giáo hội trên lục địa này, ông ta kết luận như sau: Như vậy cách thức bầu cử phong chức các Giám Mục tại Trung Quốc không nhất thiết phải có sự ưng chuẩn của Giáo Hoàng. Khẳng định mạnh mẽ này nói lên ý muốn chia rẽ các Giám Mục Trung Hoa ra khỏi hiệp thông với Đức Thánh Cha và Đức Giáo Hoàng đã mau chóng phản ứng lại. Vào cuối buổi dậy giáo lý bằng nhiều thứ tiếng khác nhau tại buổi triều yết thứ 4 ngày 18 thang5 năm 2001 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã kêu gọi giáo hội toàn cầu hãy cầu nguyện cho các kitô hữu Trung Hoa và đặc biệt là cho các Giám Mục.“Cầu nguyện cho giáo hội tại Trung Hoa phải là một nhiệm vụ. Các tín hữu này đang cần lời cầu nguyện của chúng ta” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh ý cầu nguyện cho các Giám Mục: nhờ kinh nguyện chúng ta có thể giúp cho các ngài đạt được mong ước ở trong giáo hội duy nhất và phổ quát, vượt qua cơn cám dỗ đi con đường độc lập tách ra khỏi Thánh Phêrô”.

Chúng ta tin tưởng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được lắng nghe.

(Theo cha Gabricl Lajeune, MEP, Báo M.E.P số 463 tháng 8 năm 1011, Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang lược dịch, Thái Bình ngày 25/9/2011
 
Lễ giỗ vị LM tử nạn trong ngày khủng bố 11/9 tại tòa nhà tháp đôi New York
LM. Trần Đức Phương
09:16 24/09/2011
Lễ giỗ vị LM tử nạn trong ngày khủng bố 11/9 tại tòa nhà tháp đôi New York

Cha Mike Judge là một trong những người “Lính Cứu Hỏa” đã hy sinh mạng sống trong cuộc khủng bố 9/11/2001, và năm nay là giỗ 10 năm ngày Cha qua đời. Trong 10 năm qua, đã có nhiều bài báo và cuốn sách viết khá đầy đủ về cuộc sống của Cha. Sau đây chúng tôi xin tóm lược một số điểm chính.

Những người lính cứu hỏa và những người quen biết Cha thường gọi Cha một cách thân mật là “Cha Mike” hay “Cha Mychal.”

Cha Mike sinh ngày 11 tháng Năm, 1933. Ngày sinh nhật của Cha vào đời sống cũng trùng với ngày sinh nhật của Cha vào nước Trời: ngày 11/9/2001. Cha sinh ra ở Brooklyn (New York) với tên đầy đủ là Robert Emmet Judge. Cha sinh ra vào thời kỳ “Đại Suy Thóai” (Great Depression), gia đình phải sống trong hoàn cảnh rất nghèo khó. Suốt đời của Cha phải sống giữa những người nghèo khó mà Cha rất quý mến và yêu thương phục vụ họ. Khi còn nhỏ, dù trong túi chỉ có một đồng “quarter” cha vẫn lấy để tặng người ngồi ăn xin bên vệ đường.

Ba của Cha Mike chết khi Cha mới có 6 tuổi. Ông cụ chết sau những ngày bịnh hoạn lâu dài. Cuộc đời nghèo khó, bây giờ lại nghèo khó hơn. Có thời gian Cha phải đi đánh giầy ở ngoài đường phố. Tuy nhiên Cha vẫn cố gắng để đi học và cố gắng sống đời sống đạo đức. Sau đó, Cha cảm thấy được ơn Chúa gọi “đi tu”. Sau khi cầu nguyện và bàn hỏi với Cha Linh Hướng, Cha đã quyết định xin vào dòng Phanxicô khó nghèo lúc 15 tuổi (năm 1948) và sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, Cha đã được chịu chức Linh Mục vào ngày 25/2/1961, lúc 28 tuổi.

Sau khi chịu chức Linh Mục Cha đã được chỉ định giữ nhiều chức vụ khác nhau ở vùng New York. Dù ở chức vụ nào, Cha Mike cũng cố gắng noi gương Chúa Giêsu qua cuộc đời Thánh Phanxicô khó nghèo, dấn thân chu toàn nhiệm vụ, hăng say giúp đỡ những người nghèo khó, không nhà cửa, nghiện ngập, bịnh hoạn, những di dân mới đến Hoa Kỳ. Ngoài ra Cha vẫn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và thánh hóa bản thân; vì thế những người được tiếp xúc với Cha, cảm thấy như được tiếp xúc với một con người khiêm tốn, đạo đức và rất dễ thương,và họ thường coi Cha Mike như một “vị thánh sống.”

Năm 1992 Cha Mike được chỉ định làm Tuyên Úy cho Nha Cứu Hỏa New York. Từ đó Cha đã dành nhiều thời giờ để đến với những người lính cứu hỏa và gia đình họ, không phải chỉ như một vị Tuyên Úy; nhưng còn như người bạn và ân nhân của họ; giúp đỡ họ bất cứ lúc nào khi cần đến với tất cả tình yêu thương. Sáng ngày 11/9/2001 (vào khoảng gần 10g00), ngay khi những chiếc máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi, Cha đã cùng những người lính cứu hỏa chạy vào tòa nhà đang cháy và sắp sụp đổ, để cứu các nạn nhân và ban “phép Xức Dầu Thánh và các nghi thức cuối cùng” cho những người Công Giáo đang hấp hối. Khi Cha đang vội vàng chạy vào Tòa Tháp Đôi, ông Thị Trưởng New York (lúc đó là Rudy Giuliani) nhìn thấy Cha, vội vàng kêu to: “Cha Mike, xin Cha cầu nguyện cho chúng con với!” Cha trả lời : “Có chứ, tôi vẫn hằng cầu nguyện cho quý vị…” Cha Mike chạy vào Tòa Tháp Đôi được một lúc lâu, thì Cha đi ra; nhưng Cha không còn đi bằng đôi chân của mình nữa; những người lính cứu hỏa đã khiêng Cha ra; vì Cha không còn sống nữa…Những viên đá đã đổ xuống và đập vào đầu của Cha, và Cha đã hy sinh mạng sống khi thi hành chức vụ Linh Mục của mình. Vì quá gấp rút không thể kiếm ngay được một Linh Mục để ban các phép cuối cùng cho Cha, chính những người lính cứu hỏa đã quỳ xuống để cầu nguyện cho Cha.”

Thánh lễ an táng để cầu nguyện cho Cha Mike được tổ chức vào ngày 15/9/2001, tại Thánh Đường Thánh Phanxicô vùng Manhattan. Chính Đức Hồng Y Eward Egan chủ tế với nhiều linh mục đồng tế, hơn 3,000 người dự Lễ, trong đó có nhiều viên chức cao cấp chính phủ, kể cả cựu Tổng thống Bill Clinton, và những người lính cứu hỏa thân yêu của Cha. Nhiều người đã khóc thương Cha Mike và coi Ngài như “vị Thánh ngày 9/11” và nhắc lại lời nói của Ông thị trưởng New York lúc đó (Rudy Giuliani) “Xin Cha về với Chúa, cầu nguyện cho chúng con với…”

Lạy Chúa nhân từ, “xin cho Linh hồn Cha Mike được nghĩ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên Linh Hồn ấy.”

Và xin Chúa ban ơn thánh hóa các chủ chăn và các Linh Mục của Chúa, cho các Ngài, “sau khi đã mặc lấy Chúa, nên giống Chúa mọi đàng, bởi noi gương các nhân đức đấng tôn thờ của Chúa…. Nhân danh Chúa và nhờ các Linh Mục của Chúa, xin Chúa lại đi qua giữa thế gian mà giảng dạy, mà tha thứ, mà yên ủi, mà tế lễ, mà nối lại mối dây của tình yêu Thiên Chúa kết hợp với loài người. Amen
 
Diễn văn tại Quốc hội: Đức ĐGH Benêđictô XVI làm cho các đối thủ của Ngài ngạc nhiên
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
11:15 24/09/2011
Berlin - Này hãy nhìn xem, ĐGH Benêđictô XVI luôn tạo ra một sự bất ngờ tốt cho những người quý mến Ngài cũng như cho kẻ thích chỉ trích Ngài, lời nhận định của nhà bình luận kỳ cựu và cũng là chủ bút Thomas Schmid của nhật báo Die Welt nổi tiếng của Đức. Từ công việc cho đến tài năng cá nhân Ngài luôn có sự liên tục bển bỉ, hầu như không có sự đổi thay nào cho dù tuổi tác đã cao và sức khỏe theo đó giảm đi. Điều này đã làm cho những đối thủ của Ngài ái ngại vì chạy theo không kịp. Nói theo kiễu nhà đạo, đấy là người Chúa giữ gìn và sống nhờ ơn Chúa.

Đối với nhiều người ĐGH Benêđictô XVI được coi như là một nhà bảo thủ cứng rắn, một người nghiêm khắc cầm cương gìn giữ tín lý của Giáo Hội từ nhiều thập kỷ qua, nhiều khi đối với Ngài không có chuyện bàn cãi nhiều lời mà chỉ dựa tên lý trí, nền tảng vững chắc của Thần Học chính thống và lòng tin vững vàng.

Mới đây được dẫn chứng bằng một cuộc triển lãm của 600 mục sách của Ngài được dịch ra sang 30 ngôn ngữ khác tại điện nghỉ hè ở Castel Gandolfo, một học giả lớn thật hiếm có của thế kỷ. Tư tưởng của ĐGH Benêđictô XVI sẽ đi theo niềm suy tư của nhân loại về triết lý lẫn thần học trong nhiều năm tới. Khi đến thăm củộc triển lãm sách, ĐGH phải ngạc nhiên về gia sản tư tưởng của mình: "Tôi cảm động và cũng thấy lo lo khi thấy bao nhiêu bộ sách ở đây xuất phát từ tư tưởng của tôi. Tôi hy vọng điều này có thể hữu ích cho con người, và chúng không phải chỉ là những lời qua đi, nhưng là những lời có thể giúp tìm ra con đường".

Trong chuyến Tông Du lần thứ ba thăm nước Đức, giới chính trị đã làm nóng nghị trường trong nhiều ngày vừa qua khi Quốc hội Đức mời Ngài đến thăm và đọc bài tham luận tại đây. Một nhóm Dân Biểu trong khối Đảng Xanh Grün, Cánh Tả Linke và Đảng Xã Hội SPD gồm 80 người đã tẩy chay cuộc viếng thăm.

Những người cực đoan thuộc nhóm này cho rằng một người lãnh đạo tôn giáo không được nói chuyện trong Quốc hội. Người khác cho biết đó là một việc làm truyền giáo cần phải ngăn cấm.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng người Đức đầu tiên kể từ năm 1523 và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Đức. Trong lịch sử 62 năm của Quốc hội Đức, Ngài là người thứ 13 đương nhiệm nguyên thủ của một quốc gia được mời đến nói chuyện với các đại biểu tại quốc hội.

Quốc hội Đức được đại diện bởi 620 Dân Biểu qua cuộc bầu cử Liên Bang vào năm 2009 từ 5 Đảng đại diện dân tộc Đức. Gồm có:

1. Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo - CDU/CSU: 237 Dân biểu
2. Đảng Xã Hội SPD: 146 Dân biểu
3. Đảng Dân Chủ Tự Do FDP: 93 Dân biểu
4. Cánh Tả Linke (gốc CS Đông Đức): 76 Dân biểu
5. Đảng Xanh Grün: 68 Dân biểu

Trong khối Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo có 55% Dân biểu là người Công Giáo, Đảng Dân Chủ Tự Do FDP chiếm 20% CG, Đảng Xã Hội SPD 15% CG, Đảng Xanh 13%. 76 Dân biểu của Cánh Tả Linke (gốc CS Đông Đức) chỉ có duy nhất 1 người công giáo.

Hôm thứ năm, ĐGH Benêđictô XVI đọc diễn văn tại Quốc hội thì 48 Dân Biểu của Cánh Tả Linke đã chống đối bằng cách vắng mặt. 19 vị của các đảng khác không đến tham dự vì bệnh tật hoặc bận công vụ.

Nhà báo Thomas Schmid thấy tiếc cho những vị Dân Biểu này, họ đã bỏ mất một cơ hội tốt để trau dồi tư tưởng cho chính mình. Nếu ĐGH muốn lấy lòng một nhóm thiểu số này thì Ngài sẽ nói về hôn nhân đồng tình luyến ái, vợ chồng ly dị, truyền chức cho nữ giới, các viên thuốc phá thai, bao cao su, v.v… Nghĩa là ĐGH cúi đầu trước sự đòi hỏi mang tính chất chính trị của họ và phải chạy theo xu hương trào lưu mới của xã hội, thì kẻ chống đối Ngài sẽ vô cùng hài lòng.

Không như thế, ĐGH muốn trao cho các nhà chính trị Đức cũng như trên thế giới một nền tảng cai nước trị dân bằng môt "một trái tim hiểu biết" để cảm nhận được quyền quyết định phải đặt trên nền tảng công lý và phục vụ người dân. Đối với ĐGH đó là những điều cơ bản nhất của chính trị trong một xã hội tự do.

ĐGH Benêđictô XVI đặt trái tim này trong cách cư xử khôn ngoan của Vua Salomon để nói về nền tảng chính trị, công lý và đức tin. Đây là một triết lý để sống trong đời chính trị và làm cho các Dân Biểu quá đỗi ngạc nhiên.

Nền tảng của chính trị trong một xã hội tự do

Ngay khi vừa mới bước vào tòa nhà Quốc hội lúc 16g51 (trễ hơn dự định 21 phút) ĐGH Benêđictô XVI đã được chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội.

Chủ tịch quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert vui mừng chào ĐGH: "Chưa bao giờ trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đã nói đến nói chuyện trước quốc hội Đức. Và hiếm khi có một bài diễn văn tại tòa nhà này trước khi được phát biểu đã nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm như thế."

Sau đó ĐGH Benêđictô XVI bước lên bục giảng làm cho cả hội trường im phăng phắc lắng nghe.

Trước tiên ĐGH biểu lộ tâm tình: "Đây là điều vinh dự và niềm vui của tôi được đọc diễn văn trong tòa nhà này, trước Quốc hội của nước Đức, tổ quốc của tôi, trước những vị đã được bầu lên trong sự dân chủ để đến đây cùng nhau làm việc vì lợi ích cho Cộng hòa Liên bang Đức".

Ngay lúc mở đầu ĐGH đã muốn nhắc nhở các chính trị gia Đức: "Làm việc như một chính trị gia không thể coi đó là môt thành công và chắc chắn không để làm giàu cho vật chất. Các nhà chính trị phải nỗ lực để mang lại công lý và do đó tạo ra các điều kiện tiên quyết cho hòa bình".

Một cách hài hước ĐGH nói về tuổi tác của mình: "Một điều trấn an cho tôi khi biết rằng người đời với 84 tuổi vẫn còn có thể suy nghĩ chín chắn".

ĐGH Benêđictô XVI trích dẫn tư tưởng của Thánh GM Augustinô của thế kỷ III: "Đánh mất nền công lý thì nhà nước còn lại điều gì, ngoài lũ trộm cướp" để dẫn giải vào ý tưởng trình bày của Ngài cho các chính trị gia Đức. Điều này đã xảy ra khủng khiếp trên quê hương nước Đức của Ngài, một nơi đã dã man xem thường luật pháp và công lý của phát xít Đức để bắt đầu cho một cuộc diệt chủng tàn khốc của nhân loại. Tiếp theo sau đó, tại một nơi bên phần đất Đông Đức trong thời cộng sản người dân đã bị tước đoạt mọi quyền tư do cơ bản của con người.

Giới bình luận ca ngợi ĐGH đã nhắc nhở điều quan trọng này liên quan đến những giai đoạn lịch sự đen tối của nước Đức cho các nghị viên tại quốc hội Đức.

Không chỉ dừng tại đó mà Ngài muốn hướng dẫn người nghe đi xa hơn khi nêu lên câu hỏi cơ bản: Công lý đến từ đâu và phải gìn giữ nó lâu dài như thế nào? Trong sự hiểu biết chín chắn về nó thì chính con người và xã hội có thể đặt nền công lý ra khỏi bên ngoài cuộc sống. Dẫn chứng cho lập luận này ĐGH Benêđictô XVI đưa ra luận đề của luật gia người Đức, ông Ernst-Wolfgang Böckenförde nói vào năm 1976: "Một nhà nước tự do và thế tục sống dựa và các điều kiện mà họ không thể đảm bảo nó". Đó là một mức đo trong một cuộc chơi làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta là thượng đế và đồng thời cũng chính là người quan tòa. ĐGH nhấn mạnh: "Con người có thể phá hủy thế giới. Con người có thể tự lừa dối mình. Con người có thể tự tạo ra con người và loại trừ con người".

Đây là một món ăn tinh thần khó nuốt mà ĐGH muốn trao cho những người đại diện dân chúng trong quốc hội Đức. Chẳng ngại ngùng Ngài dùng ngôn ngữ của bậc thầy trong đại học để giảng dạy rõ ràng quan điểm triết lý cho những người đang mang trách nhiệm xây dựng một thế giới công bằng và phải bảo vệ nó.

Ngay cả trong một nền dân chủ tự do, không phải mọi điều rõ ràng và mang tính cách đa số đều là đúng - cũng không phải ngày nay khi thấy các điều tích cực rồi làm cho lý trí hào nhoáng lên là đủ.

Quan điểm của ĐGH không đặt vào cách nhìn của nền tảng Kitô giáo. Ngài khiêm tốn chỉ ra ý tưởng này đã được phát triển bởi sự bình đẳng của tất cả mọi người, sự bất khả xâm phạm vào nhân phẩm con người và trách nhiệm của con người cho hành động của họ từ ý tưởng của đấng tạo hóa.

Các chính trị gia cần có "một trái tim hiểu biết" của Vua Salomon

Trong một thời khắc lịch sử, lúc đó con người trước đây đã không thể tưởng tượng được quyền lực đã đến, thì trách nhiệm trước toàn dân càng cấp bách hơn nhằm đến "phục vụ cho công lý" và người làm chính trị cần phải có khả năng phân biệt tốt xấu.

Một lời cầu khẩn như Vua Salomon đã làm và đã xin "một trái tim hiểu biết" để phân biệt được điều thiện điều ác. Đó là một vấn đề hệ trọng hàng đầu, ngay cho đến ngày nay mà các chính trị gia và chính sách của họ luôn đứng trước các quyết định sống còn.

Bài phát biểu của ĐGH Benêđictô XVI chấm dứt vào lúc 17g10. Tự phát tất các Dân Biểu trong hội trường đứng lên, một cách biểu tỏ lòng kính trọng với vị khách mời, ngay cả các nghị viên của Đảng Xanh Grün, Cánh Tả Linke và Đảng Xã Hội SPD cũng đứng lên. Hội trường vỗ tay không ngừng dài đến 2 phút đồng hồ.

Lời diễn văn của ĐGH Benêđictô XVI tại Quốc hội Đức kéo dài 21 phút.

Chủ tịch Quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert cho biết sau khi nghe bài diễn văn xúc tích chứa đựng triết lý cao của ĐGH thì một số trong những Dân Biểu đã tẩy chay ĐGH Benêđictô XVI sẽ tự xấu hổ cho hành động nông nổi của mình.
 
Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI tại Vận Động Trường Olympic của Nước Đức.
Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch
15:49 24/09/2011
"Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta một Nơi Ẩn Náu, một Nơi Đầy Ánh Sáng"

Dưới đây là bản dịch Vatican bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ ngày 22 tháng chín, 2011 tại Vận Động Trường Olympic ở Bá-Linh.


* * *


Quý Hiền Huynh Giám Mục thân mến,

Anh chị em thân mến,

Nhìn quanh sân banh rộng lớn của Vận Động Trường Olympic, nơi mà đông đảo anh chị em tụ họp hôm nay thế này, làm cho lòng tôi tràn ngập niềm vui và tin tưởng. Tôi nhiệt tình kính chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Tổng Giáo Phận Bá-Linh và từ các Giáo Phận của nước Đức cũng như nhiều khách hành hương từ các nước láng giềng. Mười lăm năm trước đây Bá-Linh, thủ đô nước Đức, lần đầu tiên có một Giáo Hoàng thăm viếng. Tất cả chúng ta đều nhớ rất rõ chuyến viếng thăm của vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Chân Phước Gioan Phaolô II, và lễ phong chân phước và cho Cha Sở Nhà thờ Bá-Linh là Cha Lichtenberg Bernhard cùng với Cha Karl Leisner - ở chính nơi này.

Nếu chúng ta để ý đến các Chân Phước này và vô số những vị đã được phong hiển thánh và chân phước, chúng ta có thể hiểu việc sống như những ngành nho của Đức Kitô, cây nho thật, và sinh hoa trái dồi dào có nghĩa gì. Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa đặt chúng ta trước hình ảnh của cây leo này, là một cây lan tràn rất nhiều ở đông phương, một biểu tượng cho sức sống và ẩn dụ về sức năng động và vẻ đẹp của tình bằng hữu mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và bạn hữu của Người.

Trong dụ ngôn cây nho, Chúa Giêsu không nói: "Các con là cây nho," nhưng: "Thầy là cây nho, các con là ngành" (Ga 15:05). Nói cách khác: "Như ngành được gắn liền với cây nho thế nào thì các con cũng thuộc về Thầy như thế! Nhưng vì các con thuộc về Thầy nên các con cũng thuộc về nhau." Việc thuộc về nhau và thuộc về Chúa này không phải chỉ là một mối liên hệ lý tưởng, tưởng tượng hay biểu tượng nào đó, nhưng tôi muốn nói hầu như là một liên hệ huyết thống, một tình trạng thuộc về Đức Chúa Giêsu Kitô có sức truyền sinh. Đó chính là Hội Thánh, sự hiệp thông sự sống này với Người và vì lợi ích của nhau, một sự hiệp thông bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Tẩy và được đào sâu cùng được ban cho nhiểu sinh lực hơn trong Bí Tích Thánh Thể. "Thầy là cây nho thật" thực sự có nghĩa là: "Thầy là của các con và các con là của Thầy" - một sự đồng hóa vô tiền khoáng hậu của Chúa với chúng ta, Hội Thánh của Ngài.

Trên đường đi Đamascô, chính Đức Kitô đã hỏi Saulô, kẻ bách hại Hội Thánh: "Tại sao ngươi bàch hại Ta?" (Cv 9:04). Với những lời này Chúa diễn tả số phận chung phát sinh từ đời sống hiệp thông nội tâm của Hội Thánh với Người, Đức Kitô Phục Sinh. Người tiếp tục sống trong Hội Thánh của Người trên thế gian này. Người đang hiện diện giữa chúng ta, và chúng ta đang sống với Người. "Tại sao ngươi bách hại Ta?" Như thế chính Chúa Giêsu là người hứng chịu những cuộc bách của Hội Thánh của Người. Đồng thời, khi chúng ta đang chịu áp bức vì đức tin, chúng ta không chịu một mình: Chúa Giêsu cùng chịu với chúng ta.

Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho" (Ga 15:01), và Người tiếp tục giải thích rằng người trồng nho lấy dao ra cắt bỏ những ngành khô héo và tỉa những cây nho sinh hoa trái, để nó sinh sản thêm nhiều. Được diễn tả bằng hình ảnh từ sách Ngôn Sứ Edekiel mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa lấy quả tim bằng đá đã chết ra khỏi ngực của chúng ta để ban cho chúng ta một quả tim sống động bằng thịt (x. Ez 36:26). Người muốn ban cho chúng ta sự sống mới, đầy sinh lực. Đức Kitô đã đến để kêu gọi những người tội lỗi. Chính họ là những người cần thầy thuốc chứ không phải những người khỏe mạnh (x. Lc 5:31 tt.). Do đó, như Công Đồng Vaticanô II diễn tả Hội Thánh là "bí tích cứu độ phổ quát " (Lumen Gentium, 48), hiện hữu cho những người tội lỗi để mở cho họ con đường hoán cải, chữa lành và sống. Đó là nhiệm vụ đích thực và tuyệt vời của Hội Thánh, được Đức Kitô ủy thác.

Nhiều người chỉ thấy hình thức bên ngoài của Hội Thánh. Điều ấy làm cho Hội Thánh có vẻ chỉ đơn thuần là một tổ chức trong nhiều tổ chức của một xã hội dân chủ, mà các tiêu chuẩn và luật lệ của nó được áp dụng vào việc đánh giá và hành xử với một thực thể phức tạp như "Hội Thánh". Nếu thêm vào điều này kinh nghiệm đáng buồn là Hội Thánh chứa đựng cà những con cá tốt lẫn những con cá xấu, lúa mì và cỏ lồng vực, và nếu người ta chỉ kể đến những khía cạnh tiêu cực, thì họ không còn thấy mầu nhiệm cao cả và thâm sâu của Hội Thánh nữa.

Tiếp theo đó là việc thuộc về cây nho này, "Hội Thánh", không còn là một nguồn vui nữa. Sự không hài lòng và bất mãn bắt đầu lan tràn khi những quan niệm hời hợt và sai lầm về "Hội Thánh", "Hội Thánh lý tưởng" của họ không thành sự thật! Sau đó chúng ta không còn nghe bài hoan ca "Cảm tạ Thiên Chúa trong ân sủng của Ngài đã gọi con vào Hội Thánh" mà các thế hệ người Công giáo đã hát với niềm xác tín.

Bài giảng của Chúa được tiếp tục: "Hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Như ngành nho không thể tự nó sinh trái nếu nó không dính liền với cây nho, các con cũng thế, trừ khi các con ở trong Thầy… vì không có Thầy, các con không thể làm được việc gì"(Ga 15:04 tt.).

Mỗi người trong chúng ta phải đương đầu với lựa chọn lựa này. Chúa nhắc cho chúng ta về nguy cơ lớn lao thế nào khi Người tiếp tục dụ ngôn: "Nếu ai không ở trong Thầy, người ấy sẽ bị quẳng đi như một cành cây và sẽ bị khô héo; và các cành được gom lại và ném vào lửa cùng bị thiêu hủy" (Ga 15:6). Về vấn đề này, Thánh Augustinô nói: "Ngành chỉ thích hợp với một trong hai điều, hoặc là với cây nho hai là với lửa: nếu nó không ở trong cây nho, thì chỗ của nó sẽ là trong lửa; và nếu nó có thể thoát khỏi lửa, thì nó có thể có chỗ trong cây nho"( Bài về Tin Mừng Thánh Gioan 81:3 [PL 35, 1842]).

Quyết định mà chúng ta bắt buộc phải làm ở đây là ý thức sâu xa về ý nghĩa sống còn của những chọn lựa trong cuộc đời mình. Đồng thời, hình ảnh của cây nho là một dấu chỉ hy vọng và tin tưởng. Chính Đức Kitô đã đến thế gian qua việc nhập thể, để trở thành cội rễ của chúng ta. Cho dù bất cứ khó khăn hay hạn hán nào xảy đến cho chúng ta, Người là nguồn cung cấp nước hằng sống, là nước nuôi nấng và bổ sức cho chúng ta. Người gánh tất cả mọi tôi lỗi, lo âu và đau khổ của chúng ta, và Người thanh lọc cùng biến đổi chúng ta, một cách hoàn toàn bí nhiệm, thành rượu ngon. Trong những lúc khó khăn như thế chúng ta đôi khi cảm thấy như mình ở trong máy ép rượu, như những trái nho đang bị nghền nát hoàn toàn. Nhưng chúng ta biết rằng nếu được kết hợp với Đức Kitô chúng ta sẽ trở thành rượu chín mùi. Thiên Chúa có thể biến đổi ngay cả những khía cạnh nặng nề và ngột ngạt nhất của cuộc sống thành tìnhyêu. Điều quan trọng là chúng ta "ở lại" trong Đức Kitô, trong cây nho. Thánh sử dùng từ "ở lại" hơn một chục lần trong đoạn Thánh Kinh ngắn này. Việc "ở lại trong Đức Kitô" là đặc điểm của toàn thể dụ ngôn. Trong thời đại hiếu động và thiếu quyết tâm của chúng ta, khi quá nhiều người bị lạc đường và mất nền tảng, khi sự chung thủy yêu thương trong hôn nhân và tình bằng hữu trở thành quá mỏng manh và ngắn ngủi, khi trong sự thiếu thốn của mình, chúng ta kêu xin như các môn đệ trên đường Emmaus: "Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và đêm đen đang bao trùm tất cả chung quanh!" (X. Lc 24:29), sau đó Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta một nơi ẩn náu, một nơi đầy ánh sáng, hy vọng, và tin tưởng, một nơi nghỉ ngơi và an toàn. Khi nạn hạn hán và tử thần xuất hiện trên những cành nho, thì tương lai, sự sống và niềm vui được tìm thấy trong Đức Kitô.

Như chúng ta đã thấy ở trên, ở lại trong Đức Kitô cũng có nghĩa ở lại trong Hội Thánh. Toàn thể sự hiệp thông giữa các tín hữu đã được gắn chặt vào cây nho, vào Đức Kitô. Trong Đức Kitô chúng ta thuộc về nhau. Trong sự hiệp thông này Người nâng đỡ chúng ta, đồng thời cùng tất cả các phần tử nâng đỡ nhau. Chúng ta cùng nhau đứng vững trước cơn giông tố và bảo vệ lẫn nhau. Những ai tin thì không cô độc. Chúng ta không tin một mình, nhưng chúng ta tin với toàn thể Hội Thánh.

Hội Thánh, như sứ giả của lời Chúa và người phân phát các bí tích, nối kết chúng ta với Đức Kitô, cây nho thật. Hội Thánh như "sự viên mãn và sự hoàn thành của Đấng Cứu Thế" (Piô XII, Mystic Corporis, AAS 35 [1943] p. 230: "plenitudo và complementum Redemptoris") là một bảo chứng cho sự sống của Thiên Chúa và cho chúng ta cùng là trung gian của những hoa trái mà dụ ngôn cây nho nói đến. Hội Thánh là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa. Do đó Thánh Augustinô cũng nói: "Ai yêu Hội Thánh nhiều của Đức Kitô nhiều chừng nào, thì người đó có Chúa Thánh Thần nhiều chừng ấy" (Bài về Tin Mừng Thánh Gioan 32:8 [PL 35:1646]...). Với và trong Hội Thánh chúng ta có thể rao giảng cho mọi người rằng Đức Kitô là nguồn mạch sự sống, rằng Người hiện hữu, rằng Người là Đấng mà chúng ta quá mong chờ. Người tự hiến mình. Ai tin vào Đức Kitô thì người ấy có tương lai. Vì Thiên Chúa không muốn những gì héo tàn, chết, thế phẩm, và cuối cùng bị loại bỏ: Ngài muốn sự sống trong sự sung mãn của nó.

Anh chị em thân mến! Ước muốn của tôi là tất cà anh chị em càng ngày càng khám phá ra niềm vui sâu thẳm được liên kết với Đức Kitô trong Hội Thánh, để anh chị em có thể tìm thấy sự thoải mái và ơn cứu độ trong lúc cần thiết, và anh chị em có thể càng ngày càng trở nên rượu quý của niềm vui và tình yêu của Đức Kitô cho thế giới này. Amen.
 
Tại quốc hội Đức ĐTC nói ''Chúng ta cầu xin cho có một tâm hồn biết lắng nghe“
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
17:07 24/09/2011
„Chúng Ta Cầu Xin Cho Có Một Tâm Hồn Biết Lắng Nghe“

Đó là câu kết thúc bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. trước các vị Đại diện dân cử ở Quốc Hội liên bang nước Đức hôm 22.09.2011, ngày thứ nhất chuyến viếng quê hương của Ngài.

Cuộc viếng thăm trở về quê hương nước Đức của Ngài lần này đã có những phản đối ồn ào từ nhiều phía. Nhưng trên chuyến máy bay sang Đức hôm 22.09.2011 Đức Giáo Hoàng đã cho đó là chuyện bình thường trong một xã hội dân chủ tự do đa dạng.

Khi Đức Giáo Hoàng đến, chính phủ Đức quốc đã ra tận cầu thang máy bay đón tiếp Ngài với đủ nghi thức ngoại giao lịch sự dành cho một vị Nguyên thủ quốc gia trên thế giới – Đức Giáo Hoàng Công giáo Roma không chỉ là vị thủ lãnh Giáo Hội, đại diện Chúa Giêsu Kitô trên trần gian, nhưng về mặt công pháp quốc tế Ngài còn là Quốc Trưởng quốc gia độc lập Vatican, cho dù quốc gia này có diện tích rất nhỏ bé trên thế giới.

Tổng Thống Đức quốc, Dr. Wulff đã chào mừng Ngài trọng thể với đầy đủ các nghi lễ dành cho một vị Quốc Trưởng tại khu sân trong dinh Tổng Thống ở Berlin cùng với hơn một ngàn khách danh dự được mời tham dự.

Từng bước chân, từng lời nói của Đức Giáo Hoàng đều được chú ý ghi nhận, rồi làm đề tài phân tích phê bình. Điều này cần thiết. Nhưng với người Công giáo chúng ta, những gì Đức Giáo Hoàng nói ra đều mang tính cách của bước chân nhà truyền giáo.

1. Tự do trong tương quan liên đới

Trong bài diễn văn chào mừng Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống đã nêu lên vấn đề hay đúng hơn những ưu tư thắc mắc của con người xã hội nơi đây với Giáo Hội về phương diện đức tin:“ Giáo Hội chiếu tỏa tình yêu thương thông cảm thế nào với những đổ vỡ trong đời sống con người? Giáo Hội đối xử thế nào với những thiếu xót của họ? Đâu là chỗ đứng của người giáo dân bên cạnh các linh mục, của phụ nữ bên cạnh đàn ông? Giáo Hội làm gì để bài trừ sự căng thẳng trong Công Giáo, trong Tin Lành, trong Chính Thống?“

Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. với cung cách lòng khiêm nhường của một vị mục tử cùng với suy tư thần học đã cám ơn và chào mừng Tổng Thống cùng mọi người đã đón tiếp ngài long trọng. Và Ngài đã nói lên mục đích chuyến viếng thăm của ngài: „ Tôi đến thăm qúy quốc, cũng là quê hương của tôi, không phải như những vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới bàn về những mục tiêu chính trị cùng kinh tế- điều này thật đúng chính đáng- nhưng tôi đi tìm gặp con người và nói chuyện với họ về Thiên Chúa…

Tôn giáo là nền tảng căn bản cho đời sống chung được thành công „ Như tôn giáo cần tự do, cũng vậy tự do cần tôn giáo“. Sự tự do cần dựa liên kết với nền tảng cao cả hơn. Vì có những gía trị không phải tự nhiên mà có, cũng như không ai có thể tạo biến chế thay đổi ra được, đó là sự bảo đảm cho tự do của chúng ta. Con người đều biết mình có bổn phận trách nhiệm cho sự thật và cho sự tốt lành, cũng có đồng bổn phận trách nhiệm khai triển sự tự do và chịu trách nhiệm trước sự tốt lành cao cả hơn. Sự tốt lành này chung cho tất cà. Vì thế tôi và mọi người phải nhận biết điều này. Sự tự do không thể sống động trong nơi không có tương quan liên đới.“

Dù chỉ là bài đáp từ cám ơn chào mừng thôi, nhưng đã nhắn gửi truyền đi sứ điệp truyền giáo của Ngài đến đây làm gì rồi cho Thiên Chúa cùng con người.

2. Bài diễn văn trước Quốc Hội

Tuần lễ trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng xảy đến, những nhóm chống đối ngài, phản đối chuyến viếng thăm đã rầm rộ ồn ào phát biểu, phát động trong mọi hệ thống truyền thông công tư bằng đủ mọi hình thức.

Và mọi người cũng chờ đợi xem Đức Giáo Hoàng sẽ nói gì lần đầu tiên trước Quốc Hội dân cử nước Đức.

2.1. Xâm phạm tính cách trung lập

Nhóm Dân biểu Quốc Hội, khoảng 100 người, đã phản đối đặt câu hỏi: nếu để Đức Giáo Hoàng Công giáo Benedictô 16. đến thăm Quốc Hội và đọc diễn văn nơi đây sẽ làm cho tính cách trung lập về thế giới quan, sự phân biệt Quốc gia và Giáo Hội tôn giáo bị tổn thương xâm phạm. Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đọc diễn văn ở Quốc Hội với tư cách là vị Quốc trưởng một quốc gia hay là Vị Thủ lãnh Giáo Hội ?

Dựa vào lý do đó, nhóm Dân Biểu này đã phản đối tẩy chay không đến tham dự phiên họp Quốc Hội đón tiếp cùng nghe bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. hôm 22.09.2011.

Nhưng Đức Giáo Hoàng đã nói : „Thưa Qúy vị, tôi cám ơn Qúy Vị đã mời tôi đọc diễn văn nơi đây trong tòa nhà Quốc Hội. Đây là một vinh dự và niềm vui cho tôi. Tôi hiểu lời mời tôi đọc diễn văn có gía trị cho vị Giáo Hoàng, là Giám Mục thành Roma có trách nhiệm tối cao cho toàn thể những người Công giáo . Và như thế công nhận vai trò của Tòa Thánh như một thành phần trong cộng đồng các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.“

Với lời phân định như trên Đức Giáo Hoàng đã đánh tan những nghi kỵ hiểu sai lạc về vai trò của ngài. Và như vậy Ngài đã mở ra cánh cửa (lúng túng, gỡ rối) cho Quốc Hội trong tương lai, có nên mời những vị lãnh đạo các Tôn giáo khác đến thăm viếng cùng đọc diễn văn không, mà không sợ tính trung lập cũng như sự phân biệt giữa Quốc gia và Tôn giáo bị tổn thương xâm phạm.

Đúng là một vị mục tử có tầm nhìn của một người khôn ngoan, nhưng đứng trên nền thực tế đời sống với lòng khiêm nhượng sâu thẳm và rõ ràng trong sáng trong ngôn ngữ phân định!

2.2. Nền tảng của luật pháp

Trong thế giới ngày hôm nay, nhất là ở xã hội tự do Âu châu đang trên đà tục hóa, người ta dựa vào luật pháp làm ra luật để giúp cho đời sống có trật tự. Nhưng một đàng lại có những cản trở theo luật lệ làm cho đời sống chung bị khó khăn, có khi gặp cảnh phải chịu đựng vì mất công bình. Nền tảng đó là thế nào?

„Đức Giáo Hoàng đã dựa vào Kinh Thánh nói về nền tảng luật pháp. Ngài trưng lời cầu khẩn cho Vua Salomon cầu xin cùng Thiên Chúa làm dẫn chứng mở đầu: Nhà vua trẻ tuổi Salomon không xin sự thành công, không xin được giầu sang nhiều của cải, được sống lâu trường thọ để tiêu diệt quân thù. Nhưng nhà Vua xin cho được một trái tim tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân chúng, cùng biết phân biệt sự tốt lành khỏi sự dữ điều xấu xa. ( 1. Các Vua 3,9.)

Theo Ngài đó là thước đo cùng là căn bản cho việc làm của những người làm chính trị không được phép lấy sự thành công cả sự giầu sang làm chính. Chính trị phải nỗ lực xây dựng sự công bằng, tạo điều kiện mang lại hòa bình. Lẽ dĩ nhiên người làm chính trị cần sự thành công để giúp họ khai triển đường lối hình thái chính trị. Nhưng sự thành công phải quy dựa trên thước đo sự công bằng chính trực, dựa trên nền tảng ý muốn của luật pháp. Sự thành công có thể là cám dỗ đi đến xâm phạm sai luật pháp và phá đổ sự công bằng. Như Thánh Augustino đã nhận định: „Một quốc gia bài trừ đặt luật pháp ra một bên, sẽ chẳng còn gì khác lớn lao hơn là một băng đảng cướp“.

Thật là một nhận định trong sáng đầy thuyết phục, cùng bất ngờ cho mọi người của một vị Giáo Hoàng giáo sư Thần học với những suy tư thâm sâu, nhưng thời sự về mối tương quan đạo đời.

2.3. Lý trí và tự nhiên ( natura)

Thắc mắc làm sao nhận biết ra được điều gì nền tảng cho luật pháp? Người ta xem ra ngày nay không muốn nói đến ảnh hưởng của Kytô về luật pháp trong đời sống xã hội đã có từ ngàn năm xưa nay. Nhưng không ai có thể chối bỏ được thực tế sự nảy sinh và thành hình của ảnh hưởng đó trên văn minh, trên luật pháp trong xã hội đời sống nơi đây.

Đức Giáo Hoàng trình bày suy tư: „Trong lịch sử những luật lệ luật pháp đều bắt nguồn có gốc rễ ở niềm tin tôn giáo: hướng nhìn về Thiên Chúa thần thánh là mấu chốt nhận ra điều gì phải, xứng hợp cho con người. Kytô giáo không như các tôn giáo khác, không bao giờ đưa ra luật của sự mạc khải, luật pháp trật tự sự mạc khải. Thay vào đó Kytô giáo quy hướng vào Thiên Nhiên và lý trí là nguồn của luật pháp – trong tương quan liên kết phần lý trí khách quan và lý trí chủ quan, được xây dựng bắt nguồn từ nơi lý trí sáng tạo của Thiên Chúa

Những nhà thần học Kytô giáo đã tiếp nhận luồng tư tưởng này về triết học và luật học, mà đã thành hình từ thế kỷ thứ hai trước Chúa giáng sinh. Vào đầu nửa thế kỷ thứ hai trước Chúa giáng sinh thành hình phong trào giữa triết học phái Stoismus về luật tự nhiên trong xã hội và những thầy dậy của luật pháp Roma. Trong khung cảnh tiếp cận đó, nền văn hóa về luật pháp tây phương đã thành hình ra đời. Từ dây tương quan trước Chúa giáng sinh về luật pháp cùng triết học con đường văn hóa của luật pháp cho nhân loại tiếp tục trải qua vào thời trung cổ nền văn hóa Kytô giáo sang đến thời điểm khai triển luật pháp của thời kỷ nguyên mới được làm sáng tỏ với bản tuyên ngôn nhân quyền, và được ghi khắc vào bản Hiến Pháp 1949 của Cộng Hòa Liên Bang Đức làm nền tảng căn bản nhân quyền „không được xâm phạm tổn thương và không được đem ra rao bán. Quyền này là căn bản cho đời sống cộng đồng của con người, của hòa bình và sự công bằng trên thế giới.

Sự phát triển luật pháp và sự phát triển về nhân đạo là điều quyết định, khiến các nhà thần học Kytô giáo đã đứng về phía triết học. Họ đã công nhận lý trí và tự nhiên cùng chung hợp như nguồn luật pháp.

Thánh Phaolô cũng đã khẳng định như thế: „Dân ngoại là những người không có Luật Môsê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Môsê. (15) Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó.“ ( Roma 2,14-15).

Và nơi đây nói tới hai ý tuởng tự nhiên và lương tâm, mà lương tâm không là gì khác hơn điều mà Vua Salomon nói đến một trái tim tâm hồn biết lắng nghe, như là ngôn ngữ của bản thể lý trí mở ra…“

Đúng là suy tư lý luận của một nhà thần học, một học gỉa bậc thầy dậy uyên bác với lối văn chương triết học lý luận trình bày khúc chiết. Như ký gỉa P. Seewald đã có nhận xét: Trí óc suy luận của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. là một kho tàng qúi báu vô gía cho thời đại ngày hôm nay.

2.4. Bảo vệ gìn giữ sự sống thiên nhiên

Càng ngày việc bảo vệ gìn giữ thiên nhiên luôn xanh tốt khoẻ mạnh trong lành không còn là một phong trào hay ý thức hệ, gây tranh cãi với những đòi hỏi cùng phản đối nữa, nhưng là bổn phận khẩn thiết của con người, của quốc gia đất nước. Việc gìn giữ thiên nhiên đi liền với đời sống của mọi thế hệ con người trên mặt đất.

Bổn phận hay đúng hơn thách đố này đòi hỏi mọi người và còn có chiều sâu xa hơn nữa. Ngày nay người ta quy hướng nhiều vào việc bảo vệ đất đai, cây rừng, không khí, mà như bỏ sót hay quên đi yếu tố quan trọng khác nữa. Đó là chính con người.

Đức Giáo Hoàng đã đi vào vấn đề này theo chiều suy luận vừa trên căn bản tự nhiên vừa trên nền tảng đức tin thần học..“ Phong trào trở về với thiên nhiên của nền chính trị nước Đức từ những năm 70 của thế kỷ trước không là mở tung cánh cửa sổ, nhưng trước sau vẫn là tiếng gào thét đi tìm kiếm làn không khí tươi mát, điều này phải được lắng nghe và không được xếp đẩy qua một bên. Những người trẻ đã ý thức nhận ra có điều sai trái về cung cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Vật chất tài nguyên không chỉ cho con người tự do làm gì thì làm, nhưng thiên nhiên trái đất có nhân vị riêng của nó và chúng ta phải nghe theo chỉ dẫn của thiên nhiên…

Chúng ta phải nghe hiểu ngôn ngữ của thiên nhiên và có câu trả lời tương hợp thích đáng. Theo tôi có một thiên nhiên của con người nữa. Vâng, con người cũng là một thiên nhiên. Con người phải chú trọng đến điều này và không thể được theo sở thích biến đổi. Con người không tự mình làm ra mình. Con người là tinh thần và ý muốn , con người cũng là thiên nhiên . Ý muốn của con người đúng, khi con người lắng nghe thiên nhiên, khi con người kính trọng chính mình, chấp nhận mình như mình là và không phải tự do mình làm ra mình. Chỉ chấp nhận như thế con người mới có được tự do đích thực. „

Một tầm nhìn xa trông rộng của một trí óc quan sát những sự việc, những sinh hoạt con người trên trần gian với hướng nhìn mở rộng vừa hướng lên trời cao, vừa đi vào chiều sâu bản chất cũng như sự việc cùng đời sống con người.

Phải chăng suy tư này là câu trả lời hay đúng hơn là gợi ý giúp phản tỉnh trong việc bảo vệ qúi trọng sự sống con người dù còn trong bào thai, người còn trẻ hay đã lớn tuổi, hay người bị bệnh tật! Họ cũng phải được luật pháp bảo vệ.

Kiến thức uyên thâm cùng đời sống chiêm niệm suy tư đã tạo nên trí óc thông minh cho vị Giáo Hoàng lỗi lạc như thế.

2.5. Nền gốc văn hóa Âu châu

Nói đến văn hóa Âu châu, người ta thường nghĩ đến sự gìa cỗi có từ lâu đời của nó. Đang khi thời đại càng biến đổi, thay đổi nhanh chóng. Điều này tạo ra tiến trình trong đời sống xã hội như muốn chối cắt bỏ gốc rễ căn tính nền văn hóa Kytô giáo bên các nước Âu châu với phong trào tục hóa cùng tương đối hóa nhất là trong lãnh vự đạo giáo tinh thần.

Trước đe dọa đó, Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã nói với cử tọa là những vị dân cử ở Quốc Hội có trách nhiệm làm ra luật lệ cho đời sống của dân nước.

„ Khởi từ niềm xác tín Thiên Chúa, Đấng tạo hóa là ý tưởng của nhân quyền, ý tưởng về sự bình đẳng của mọi con người trước luật pháp, sự nhìn nhận hiểu biết về điều nhân phẩm con người không thể bị đem ra phân giải đụng chạm tới, đã được khai triển ra. Những sự hiểu biết này của lý trí làm trí nhớ văn hóa chúng ta. Bỏ qua quên đi qúa khứ, là vô tình làm cho nền văn hóa chúng ta bị thương gãy, rồi bị ráp nối băng bó và cũng vô tình làm cho toàn thể nền văn hóa bị lấy mất tàn phá đi.

Nền văn hóa của Âu châu thành hình do từ gặp gỡ từ Giêrusalem, Athen, và Roma. Từ cuộc gặp gỡ giữa đức tin vào Thiên Chúa của dân Israel, nền triết học lý trí của người Hy Lạp và nền luật pháp của người Roma đã thành hình ra. Cuộc gặp gỡ ba chiều đó đã kiến tạo nên bản tính nội tại của Âu châu. Căn tính đó khắc ghi vào trong ý thức về trách nhiệm của con người trước Thiên Chúa, và trong sự công nhận nhân phẩn con người không được bị đụng chạm phân giải, thước đo của luật pháp bảo vệ chống đỡ cho chúng ta trong giờ phút lịch sử mà nhân phẩm mỗi con người ra trình diện.

….Ngày xưa vị Vua trẻ tuổi Salomon trong giờ phút lịch sử lên ngôi Vua đã cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một trái tim tâm hồn biết lắng nghe - khả năng biết phân biệt điều tốt và sự xấu để làm luật pháp cho đúng, để phục vụ xây dựng sự công bằng cùng cho nền hòa bình. „

Đạo đức cùng thâm thúy hơn tưởng khó có thể được của một tâm hồn có kiến thức bao la cùng ý thức về cội rễ nền văn hóa của nhân loại của Âu châu đang trong cơn lốc làm cho chao đảo xáo trộn, như đang dần bị chối bỏ cắt đứt khỏi gốc rễ của nó.

Đây chỉ là một vài điểm nhỏ trong bài diễn văn thôi, nó còn chứa đựng nhiều điều to lớn hơn nữa.

Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng đã được đón nhận rộng rãi, cùng gây tiếng vang rất tích cực nơi mọi tầng lớp. Bài diễn văn lịch sử này đã gây chú ý cùng rất ngạc nhiên và sự vui mừng thích thú cho mọi người. Vì bài diễn văn gói ghém ẩn chứa nhiều kiến thức thâm sâu, nhiều ý tưởng gợi ý suy nghĩ tiếp, như về luật pháp, về lý trí, về thiên nhiên, về lương tâm, về tự do, về tôn giáo, về triết học, về tiếng nói trong tâm hồn, nhất là về Thiên Chúa trong đời sống con người.

3. Cơn bão tố quay lưng lại với Giáo Hội

Hằng năm Giáo Hội Công giáo Đức mất đi vào khoảng hơn một trăm ngàn người tín hữu - năm 2010 có 181.193 người tín hữu Công giáo quay lưng lại với Giáo Hội - không kể người qua đời. Lý do vì họ xin ra khỏi đạo. Có nhiều động lực khác nhau khiến họ đi tới quyết định quay lưng lại với Giáo Hội.

Nhưng từ hai năm qua, khi tin tức về những lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên loan tải rộng rãi đã xảy ra trong nội bộ Giáo Hội nước Đức, số người xin ra khỏi Giáo Hội nhiều thêm lên. Uy tín Giáo Hội suy yếu giảm thiểu nhiều. Cộng thêm sự thu gọn các xứ đạo nhỏ lại. Tình trạng thật thê thảm tới mức báo động.

Đức Thánh Cha Benedictô 16. sang thăm Giáo Hội nước Đức lần này nhằm muốn củng cố tinh thần Giáo Hội cũng như người Giáo dân nơi đây trước cơn bão tố suy giảm uy tín trong Giáo hội, cùng số đông người tín hữu quay lưng lại với Giáo Hội đang trên đà gia tăng.

Chiều ngày 22.09.2011 Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ với 70.000 ngàn người ở sân vận động Olympia Berlin. Trong bài giảng Ngài đã nói về sức sống của Giáo Hội cùng kêu gọi mọi người hãy ở lại với Giáo Hội.

„Ngài lấy hình ảnh trong Phúc âm về ví dụ Chúa dùng „ Thầy là cây nho, các con là cành nho“ ( Ga 15,5) nói lên mối tương quan liên hệ không có tính cách lý tưởng thi vị, suy tư hay dấu chỉ tượng trưng, nhưng là sự thuộc về Chúa Giêsu Kitô theo ý nghĩa sinh vật đầy đủ sự sống. Đó là Giáo Hội, đó là cộng đoàn sự sống với Chúa Giêsu và cho nhau đã được thành hình trong Bí tích rửa tội và Bí tích Mình Thánh Chúa. Chúa Giêsu nói „ Thầy là cây nho“ trong ý nghĩa „ Thầy là anh em, anh em là Thầy“. Đây là căn cước tính của Chúa với chúng ta , với Giáo Hội của Người.

Nhiều người nhìn vào Giáo Hội và dừng lại cơ cấu bên ngoài. Như thế Giáo Hội không hơn kém chỉ là một trong những tổ chức hội đoàn trong một xã hội dân chủ, và căn cứ theo khuôn thước mà đo, theo luật lệ mà xét xử phê phán chiều kích của Giáo Hội. Khi những kinh nghiệm đau thương đổ ập kéo đến, vì trong Giáo Hội có cá tốt lẫn cá xấu, có nho lẫn cỏ dại, họ cũng chỉ nhìn Giáo Hội dưới nhãn quan tiêu cực. Và như thế không còn mở tầm nhìn ra mầu nhiệm to lớn cùng sâu thẳm của Giáo Hội nữa.

Cứ như thế không còn niềm vui nữa với Giáo Hội về sự liên quan thuộc về Giáo Hội như thân cây nho. Sự bất bình cùng mất niềm vui lan rộng, khi người ta nhìn thấy bề nổi bề ngoài không đúng hợp với sự mong chờ tưởng tượng mơ ước của mình trong Giáo Hội không còn như xưa nữa. Vì nơi đó không còn lời ca tiếng hát với niềm hân hoan vui mừng „ Dank sei dem Herrn, er mich aus Gnad´in seine Kirche berufen hat“ trải qua mọi thế hệ xưa nay vẫn quen hát thuộc lòng.

Chúa Giêsu tiếp tục nói: „ Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Anh em hãy ở lại trong Thầy, Thầy ở lại trong anh em. “ ( Ga 15,4).

Hình ảnh cây nho là dấu hiệu niềm hy vọng và tin tưởng. Chúa Giêsu Kitô đã làm người xuống trần gian là nền tảng gốc rễ cho chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và hạn hán Ngài là nguồn mang đến nước cho sự sống, giúp nuôi dưỡng cùng củng cố sức mạnh cho chúng ta. Ngài tự nguyện mang gánh trên vai lấy tội lỗi, sự lo âu sợ hãi và đau khổ, cùng tẩy rửa và biến đổi cách nhiệm mầu trong rượu nho tốt lành.

Đôi khi chúng ta cảm thấy trong những giờ phút khó khăn như bị vùi dập đè ép, giống như trái nho hoàn toàn bị ép nghiền nát. Nhưng chúng ta biết rằng, liên kết với Chúa Kitô chúng ta sẽ thành rượu nho nồng độ chín mùi. Thiên Chúa cũng biết sự khó khăn dày vò của đời sống chúng ta, để biến đổi trong tình yêu thương. Quan trọng là chúng ta ở lại gắn liền với cây nho bên Chúa Kitô.

Ở lại trong Chúa Kitô là cũng ở lại trong Giáo Hội. Toàn thể cộng đoàn những tín hữu gắn liền với thân cây nho Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này Người bao bọc nâng đỡ chúng ta, và đồng thời tất cả mọi thành phần cũng bao bọc nâng đỡ lẫn nhau. Mọi người cùng chung đứng chống lại cơn giông bão và nâng đỡ che chở nhau. Người nào tin, họ không lẻ loi một mình. Chúng ta không tin một mình, nhưng chúng ta tin cùng với toàn thể Giáo Hội.

Cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội chúng ta được phép loan báo cho mọi người rằng Chúa Kitô là nguồn đời sống, rằng Ngài là đấng luôn có mặt, rằng Ngài cao cả mà chúng ta hằng khao khát tìm đến. Ai tin vào Chúa Kitô, người đó có tương lai. Vì Thiên Chúa không muốn sự khô khát hạn hán, sự chết, điều gì sau cùng bị vất bỏ, nhưng sự mầu mỡ sinh hoa kết qủa và sự sống, sự sống tràn đầy.”

Đức Giáo Hoàng Benedictô 16., người kế vị Thánh Phêrô, nỗ lực trong sứ mạng thiêng liêng chăn dắt đàn chiên của Chúa ở trần gian và củng cố đức tin của người tín hữu trong Giáo Hội Chúa. Những lời giảng dạy của Ngài trên tòa giảng, trong các thư viết là những chỉ dẫn hướng đi, những gợi ý suy nghĩ cho mọi người trên đường đi tìm thánh nhan Thiên Chúa.

Gieo rắc niềm vui, củng cố niềm hy vọng, và tin tưởng vào Chúa là nền tảng của sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội.

4. Củng cố đức tin vào Chúa trong tinh thần đại kết

Nước Đức là nôi, là quê hương của phong trào cải cách, của đạo Tin Lành. Năm 1517 Thầy Dòng Augustino Martin Luther đã đưa ra đề án cải cách đời sống đạo Công giáo, và từ đó nảy sinh ra hệ phái đạo Tin Lành tách riêng ra khỏi đạo Công Giáo với cơ cấu tổ chức riêng được Vua chúa Quốc gia công nhận cùng nâng đỡ..

Từ hàng chục năm nay phong trào đại kết giữa Tin lành và Công Giáo qua những cuộc đối thoại đã mở ra con đường đại kết ( Oekumene). Tin vào một Thiên Chúa như nhau giữa hai bên, nhưng cách thức thực hành niềm tin lại có những khác biệt.

Bên Giáo Hội Công Giáo có 7 Bí tích làm nền tảng cho việc thực hành đức tin, đang khi bên Giáo hội Tin Lành chỉ có 2 Bí tích: Rửa tội và bữa Tiệc ly.

Hai bên đã đi đến công nhận Bí tích rửa tội của nhau. Nhưng bên Công giáo không công nhận việc cử hành Bí tích Thánh Thể của bên Tin Lành. Lý do vì theo Công giáo các vị tư tế ( Mục sư) bên Tin Lành không có chức Linh mục như Bí tích truyền chức thánh bên Công giáo. Nên không thể có chung việc cử hành chung Bữa tiệc ly Thánh Thể được.

Bên Công giáo có phẩm trật từ trên xuống dưới do Thiên Chúa kêu gọi sắp đặt ban cho trong Giáo Hội: Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục và Tu sỹ nam nữ, đang khi bên Tin Lành không có phẩm trật như thế.

Bên Giáo Hội Công Giáo việc tôn kính Đức Mẹ Maria, là mẹ Thiên Chúa và loài người, các Thánh là những vị anh hùng làm gương sống đức tin cùng là người bầu cử cho con người trước tòa Chúa, là nếp sống đạo đức bình dân, nhưng phổ thông cùng được khuyến khích yêu chuộng. Đang khi bên Tin lành không có tập tục này, hay còn nghi ngờ.

Trong chuyến viếng thăm nước Đức lần này, Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã đến tận nhà dòng Augustino ở Erfurt, nơi đây Martin Luther đã sống là một Thầy dòng , và năm 1507 ông đã chịu chức Linh mục. Năm 1517 Martin Luther ở Wittenberg đã đưa ra 95 đề tài đòi cải cách Giáo Hội khỏi những sai lầm thời đó.

Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đến tu viện lịch sử Augustino quê hương của nhà cải cách, vị sáng lập Giáo Hội Tin Lành Martin Luther, đã cùng với các Vị chức sắc cao cấp của Tin lành nói chuyện và cùng cầu nguyện chung trong tinh thần đại kết.

“Đây là giây phút cảm động cho tôi, vị Giám mục thành Roma, hôm nay đến tu viện Augustino cũ ngày xưa gặp gỡ các Vị đại diện của Giáo Hội Tin Lành. Cũng nơi đây Martin Luther đã học thần học. Nơi đây năm 1507 Ông đã chịu chức Linh Mục. Ngược lại với ý muốn cha mình muốn ông học ngành luật khoa, Luther đã theo học thần học và đã theo đuổi con đường làm Linh mục trong Dòng Augustino. Ông theo đuổi con đường này không vì điều này điều khác. Nhưng Ông muốn đi tìm Thiên Chúa. Điều này đã khiến Ông với lòng yêu mến ray rứt sâu thẳm luôn luôn xao xuyến nghĩ tới trong đời sống mình: “Làm sao tôi có thể tiếp nhận được Thiên Chúa nhận từ khoan dung?”. Thắc mắc đó hằng sống động khơi lên trong tâm hồn Ông, và trong những suy tư thần học cũng như xoay quanh những thảo luận thần học.

Điều quan trọng nhất cho việc đại kết, theo tôi, là chúng ta đừng để vô tình không chú ý bị phong trào tục hóa thúc đẩy làm đánh mất những điểm chung lớn lao, những điểm đó làm cho chúng ta trở nên người tín hữu Chúa Kitô, cùng là ân đức và nhiệm vụ trao cho chúng ta. Rõ ràng đã là điều thiếu sót sai lầm của thời đại về tôn giáo, mà chúng ta nhìn thấy sự ngăn chia, và không chấp nhận điều đó từ căn băn. Những điều trong Kinh Thánh và tuyên xưng đức tin về đạo Chúa Kitô ngày xưa là điều chung hợp của chúng ta.

Chúng ta đã đạt được bước tiến triển lớn lao trong tinh thần đại kết từ những thập niên qua là cần thiết có sự chung hợp, là chúng ta cùng nhau hát ca tụng Thiên Chúa, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau loan truyền nền luân lý đạo đức cho thế giới, cùng nhau làm nhân chứng cho Chúa Giêsu trong thế giới này…

Nhưng không phải sự suy giảm bớt đi về đức tin giúp chúng ta, nhưng chỉ sống đức tin toàn vẹn trong thế giới ngày hôm nay. Đó là bổn phận chính yếu trung tâm của đại kết. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau thực hành điểm này: sống đức tin sâu xa và sống động. Không phải những hành động có tính chiến thuật cứu giúp đạo Kytô giáo chúng ta, nhưng đức tin được suy nghĩ mới lại, một đức tin sống động mới, nhờ Chúa Kitô, và trong Người, đấng là Thiên Chúa sống động đi vào trong thế giới hôm nay. “

Vị đại diện Chúa Giêsu trên trần gian trong cung cách khiêm nhượng, kính trọng ca ngợi Luther, đánh gía cao việc cùng công nhận sự cần thiết của Đại kết, nhưng không vì thế mà từ bỏ cốt lõi chính của đức tin: Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm cốt lõi của đại kết.

5. Hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria

Ngày thứ hai của chuyến viếng thăm, thứ sáu ngày 23.09.2011, sau khi thăm viếng cùng cầu nguyện chung đại kết ở Tu viện Augustino ở Erfurt với các Vị đại điện Tin lành, Đức Thánh Cha Benedictô 16. đã cùng với 90.000 người hành hương đến trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Maria ở Etzelsbach, thuộc vùng đông Đức cũ. Nơi đây ngài đã cùng với đoàn tín hữu Chúa Kitô cử hành giờ phụng vụ Kinh Chiều kính Đức Mẹ Maria.

Trong thời đại con người gặp nhiều bước đường khó khăn, nghi hoặc, việc sùng kính đi hành hương kính Đức Mẹ Maria là cần thiết cho sức mạnh, cho tâm hồn niềm tin. Nhưng đâu là ý nghĩa của việc này?

“ Hành hương kính Đức Mẹ tập trung vào sự chiêm ngắm suy niệm mối tương quan giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu người con của Đức Mẹ. Người tín hữu luôn tìm thấy những khía cạnh mới giúp nhận ra mầu nhiệm bí ẩn, hình ảnh trái tim vẹn sạch của Đức Mẹ là như dấu chỉ sâu thẳm cùng không chia sẻ giữ lại của sự hiệp nhất về tình yêu với Chúa Giêsu Kitô. Không phải sự tự ca ngợi vinh danh đưa đến sự khai mở của con người, như ngày nay có hình ảnh hướng dẫn về đời sống mới trong các quảng cáo, sẽ có thể dễ dàng dẫn đến sự ích kỷ cách tinh vi tế nhị. Nhưng nhiều hơn là cung cách của sự hy sinh dấn thân, như nơi trái tim Đức Mẹ cùng trái tim của Đấng cứu chuộc chúng ta…

Thiên Chúa nơi Đức mẹ Maria đã làm tất cả thành lành thánh tốt đẹp, và Ngài cũng không ngừng qua Đức Mẹ Maria làm cho sự tốt đẹp lành thánh lan tỏa trong thế giới . “ Trong khoảnh khắc sự hy sinh hiến tế cho loài người, Chúa Giêsu Kitô đồng thời cũng đặt Đức Mẹ Maria là người trung gian của dòng suối ân sủng từ Thánh giá tuôn trào ra “. “ Dưới chân thập giá Chúa Giêsu Đức Mẹ Maria trở nên người đồng hành và che chở gìn giữ cho con người trên đường đời sống .”

Đức Mẹ Maria muốn nói gì với chúng ta, khi người cứu giúp chúng ta trong cơn khốn khó? Đức Mẹ muốn giúp chúng ta thấu hiểu chiều sâu thẳm cũng như chiều rộng của ơn kêu gọi Kytô giáo của chúng ta. Người muốn với thái độ thận trọng của người mẹ để cho chúng ta hiểu rằng, cả đời sống của chúng ta là câu trả lời cho tình yêu đầy giầu lòng thương xót của Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự tốt lành và không bao giờ mong muốn sự gì khác ngoài hạnh phúc đích thật, Đấng có quyền đòi hỏi nơi Bạn một đời sống hoàn toàn và vui vẻ theo ý muốn của Ngài, cùng suy niệm nhìn ra rằng: nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có tương lai.

Đúng vậy, nơi nào để tình yêu Thiên Chúa ảnh hưởng trên cùng trong đời sống chúng ta, nơi đó tầng trời mở ra. Và như thế có thể xây dựng thời điểm hiện tại cho phù hợp với tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Và nơi đó những điều sự việc nhỏ trong đời sống hằng ngày có ý nghĩa, cùng tìm thấy giải đáp cho những vấn đề lớn lao.”

6. Các vị Thánh, gốc rễ Kytô giáo Đức quốc

Sáng ngày 24.09.2011 Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ ở sân nhà thờ chính tòa Erfurt với gần 30.000 người. Erfurt là thành phố lớn có tòa Giám Mục nằm trong vùng lãnh thổ của Đông Đức cộng sản cũ. Người dân nơi đây đã phải chịu đựng những đàn áp bất công, cấm cách do chế độ cộng sản suốt 40 năm thống trị gây ra. Dù vậy họ vẫn một lòng trung thành với đức tin vào Chúa, vào Giáo Hội.

Nhưng đâu là gốc rễ của đạo Công Giáo ở đây?

Trong bài giảng Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhớ đến thời điểm khó khăn ngày xưa của chế độ độc tài mầu nâu cũng như mầu đỏ gây ra những trận mưa chua chát cay đắng cho những người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, mà hậu qủa cho tới ngày nay vẫn còn phải điều chỉnh sửa chữa lại nhất là lãnh vực tinh thần đạo giáo. Phần đông con người nơi đây sống xa đức tin vào Chúa Giêsu và xa cộng đoàn Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy, họ đã chứng tỏ cho thấy từ 20 năm qua những kinh nghiệm tốt đẹp: một chân trời mở rộng, một sự trao đổi rộng rãi, một niềm tin vững mạnh rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta một mình, Người dẫn đưa chúng ta đến những con đường mới.

Thời điểm hiện tại chiếu tỏ cách đặc biệt qua các Vị Thánh. Chúng ta nhớ nghĩ đến những Vị Thánh bổn mạng của Giáo phận Erfurt: Thánh nữ Elisabeth thành Thüringen, Thánh Bonifatius, và Thánh Kilian. Thánh nữ Elisabeth từ một nước xa lạ Ungarn đến Wartburg miền Thüringen. Thánh nữ sống một đời sống siêng năng cầu nguyện. Thánh nữ sống mối dây liên kết với tinh thần của Bí tích Hòa giải và sự khó nghèo của phúc âm. Vì thế Thánh nữ hằng đều đặn xuống khỏi thành quách đến thành phố Eisenbach gặp gỡ săn sóc người nghèo và người bệnh. Đời sống của Thánh nữ ở trên trần gian ngắn ngũi, Thánh nữ qua đời lúc 24 tuổi, nhưng hoa qủa sự thánh thiện của Thánh nữ rất to lớn. Thánh nữ Elisabeth được cả người Công Giáo lẫn Tin Lành rất kính phục nể trọng. Thánh nữ có thể giúp chúng ta tất cả, khám phá ra kho tàng đức tin truyền để lại và diễn dịch ra trong đời sống hằng ngày.

Gốc rễ đức tin Kytô giáo của đất nước nơi đây cũng như của Giáo phận Erfurt được thành lập năm 742 bắt nguồn từ nơi Thánh Bonifatius. Điều này còn ghi lại trong sử sách của thành phố. Thánh Bonifatius, vị Giám mục truyền giáo từ nước Anh tới nơi đây. Công việc truyền giáo Ngài làm trong sự hợp nhất và liên kết chặt chẽ với Giám mục Roma, là người kế vị Thánh Phêrô. Thánh Bonifatius biết rằng Giáo Hội phải hiệp nhất nên một chung quanh Thánh Phêrô. Chúng ta tôn kính Ngài như vị Tông đồ của nước Đức. Thánh nhân qua đời là một vị tử đạo. Hai vị Thánh cùng đồng hành cùng đổ máu ra làm chứng cho đức tin Kytô giáo được tiếp tục loan truyền được chôn cất ở nhà thờ chánh tòa Erfurt: Thánh Eoban và Thánh Adelar.

Người tín hữu Chúa Kitô đã sống trải qua năm 1989 cuộc thay đổi chính trị trong đất nước chúng ta không chỉ theo đòi hỏi đời sống sung túc đầy đủ và sự tự do đi lại, nhưng điều quyết định là sự khao khát mong muốn điều chân thật. Sự khao khát mong muốn này luôn được con người gìn giữ nhắc nhở cho sống động, mà họ sẵn sàng đứng trọn vẹn trong cung cách phục vụ cho Thiên Chúa cùng cho con người, dẫu phải hy sinh đời sống mình. Họ và những vị Thánh đã nhắc tới trao tặng chúng ta lòng can đảm sống trong khung cảnh mới lúc này. Chúng ta không ẩn dấu muốn đức tin của mình, nhưng chịu trách nhiệm phát triển tạo dựng hình thành sự tự do đã do thắng lợi có được. Chúng ta muốn chạy với các vị Thánh Kilian, Bonifatius, Adelar, Eoban và Elisabeth như những người công dân của chúng ta và mời gọi các Ngài, cùng với chúng ta khám phá ra kho tàng Tin mừng của Chúa, thời hiện tại và sức mạnh đời sống cùng vẻ đẹp trong sáng.”

*************

Đức Thánh Cha Benedictô 16. tiếp tục đến thăm viếng tổng giáo phận Freiburg, thành phố Freiburg, nơi đó chiều tối ngày 24.09.2011 gần 30.000 bạn Trẻ đang chờ đón Ngài trong buổi cầu nguyện canh thức.

Và sáng ngày 25.09.2011 ở khu sân phi trường Freiburg gần 100.000 người sẽ cùng dâng Thánh lễ với ngài.

Đất nước nào, nhất là trong lúc kinh tế khủng hoảng gặp khó khăn, Chính phủ thường đầu tư việc giáo dục đào tạo nghề nghiệp cho người dân, người trẻ. Đầu tư dù tốn phí ngày hôm nay, nhưng sẽ mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước, cho con người ở ngày mai.

Cũng vậy, Giáo Hội Công giáo Đức đã đầu tư tốn phí nhiều trong việc đón tiếp Đức Giáo hoàng lần này, vào một thời điểm đang gặp nhiều khó khăn thử thách về đức tin về uy tín của Giáo Hội. Sự hiện diện cùng những lời giảng thuyết của Đức Giáo Hoàng đã và sẽ còn mang đến những kết quả tinh thần rất phấn khởi cho người tín hữu, làm sống lại niềm vui đức tin cho sức sống Giáo Hội nơi đây; chưa hết, cùng cho cả lãnh vực tinh thần cũng như công ăn việc làm lợi nhuận của đời sống xã hội không nhỏ.

Ngày xưa Chân Phước cố Giáo Hoàng Gioan 23. đã đưa ra sáng kiến mở Công đồng Vatican thứ hai bằng câu nói thời danh: “ Hãy mở rộng cánh cửa sổ để cho làn khí mới tràn vào.”

Ngày nay, trước các vị dân cử ở Quốc Hội Đức ngày 22.09.2011 Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã kêu mời. “ Những cánh cửa sổ phải được mở tung ra. Chúng ta phải hướng tầm nhìn ra xa trên thế giới, hướng nhìn lên trời và đất, và cùng dùng tất cả trong ngay chính để học hỏi.”

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long



































 
Ghi nhận từ chuyến tham quan đất nước Lào
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:37 24/09/2011
1. Hành trình tham quan

Cha Quản xứ Thanh Đa, Sài Gòn tổ chức chuyến du lịch tham quan nước Lào 4 ngày (19-22.9.2011). Đồng thời tìm hiểu đôi nét di dân Việt Nam đang sinh sống tại Lào để chuẩn bị cho chuyến đi thăm mục vụ của Ủy ban Di dân trong tương lai.Tôi cùng với 24 linh mục thuộc ba Giáo phận (Sài gòn, Phan thiết, Phú cường) phấn khởi tham gia.

Xem hình ảnh

Mỗi năm có chuyến đi xa thật thú vị, vừa thư giãn vừa là dịp tham quan, vừa là cơ hội để hiểu biết thêm về lịch sử, văn hoá, tôn giáo của một đất nước và nhất là dịp anh em linh mục gặp gỡ chia sẽ nhiều kinh nghiệm mục vụ cho nhau. Mỗi đất nước đều có mỗi vẻ đẹp khác nhau về phong cảnh về con người, về lịch sử. Mỗi Dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng biệt. Mỗi Giáo hội địa phương đều có một hoàn cảnh và sức sống nội tại.

-Từ Sài gòn chúng tôi bay ra Huế. Xe công ty du lịch Việt đưa đoàn đến thánh địa La vang. Cha Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu vui vẻ đón tiếp. Dưới cái nắng chói chang ban trưa, chúng tôi dâng thánh lễ tạ ơn tại linh đài, xin Đức Mẹ La Vang ban ơn bình an cho chuyến lữ hành. Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện riêng với Đức Mẹ, dâng bao ước nguyện và tâm tình.

Rời La Vang, đi 80km trên đường 9 Nam Lào lịch sử, xuyên qua đường đèo uốn lượn, ngắm nhìn trong trong mưa núi rừng chập chùng vùng đất Quãng Trị, chúng tôi đến Cửa khẩu Lao Bảo làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Sau 60 phút, chúng tôi tiếp tục hành trình 250km đến tỉnh Savannakhet. Đường nhỏ hẹp, nhiều ổ gà ổ voi nên xe chạy chậm. Dọc lộ trình, chỉ lác đác vài chuyến xe đi về, dân cư thưa thớt. Những căn nhà gác phía trên người ở, phía dưới nuôi súc vật, giống như bên Campuchia. Có lẽ đó là lối sống của các Dân tộc ít người.

Đến nơi trời đã tối mịt, nhận phòng, ăn uống và nghĩ ngơi sau một ngày ngồi xe ê ẩm.

- Hôm sau, dâng thánh lễ chung tại khách sạn, chúng tôi đi thăm nhà thờ Savannakhet. Hai anh em linh mục người Lào gốc Việt, cha Tính và cha Tình đón tiếp thân tình. Ngày xưa cha Tính đã từng học Tiểu Chủng viện Sài gòn và Giáo hoàng Học viện. Hai anh em ruột làm linh mục phục vụ nhiều cộng đoàn truyền giáo. Cha Tính phụ trách đến 22 giáo xứ.

Rời nhà thờ, đoàn đi thăm một ngôi Chùa, chụp vài tấm hình kỷ niệm với các chú tiểu.

Đường đi từ Savannakhet đến thủ đô Viêng Chăn dài đến 480km. Xe chạy mãi qua những cánh rừng bạt ngàn từ sáng đến 4giờ chiều mới đến trung tâm. Tranh thủ tham quan That Luang, Tháp biểu tượng cho đất nước Lào triệu voi, thăm chùa Sisaket cổ kính xây dựng từ năm 1818 lưu giữ 6.840 tượng Phật và nhiều kinh sách cổ viết bằng tay trên lá cọ được làm cách đây 450 năm, tương truyền nơi có xá lợi Đức Phật Quan âm bồ tát, linh thiêng nhất nước Lào. Sau đó tham quan biểu tượng của Thủ đô Viêng Chăn là tượng đài chiến thắng Patuxay được xây dựng theo kiến trúc Khải hoàn môn của Pháp mang đậm phong cách của đất nước Phật giáo theo trường phái Nam Tông. Tối về nghĩ tại khách sạn bên bờ sông Mêkông.

-Sáng sớm, chúng tôi dâng thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm Linh mục cha già Vũ Ngọc Long trong căn phòng nhỏ ấm áp. Cha già Long cảm động quá nên cứ quên hoài. Chúng tôi vui mừng viếng thăm Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Giám Mục dòng Phanxicô niềm nở đón tiếp. Ngài nói thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp và tiếng Việt. Anh chị em người Việt sinh sống tại đây hân hoan chào đón và hàn huyên câu chuyện kể. Người Công giáo Việt nam đóng góp rất nhiều vào những sinh hoạt mục vụ sống động tại giáo xứ Chính tòa. Mỗi Chúa nhật đều có thánh lễ tiếng Việt, gần cả ngàn người dự lễ, đa số là công nhân từ Giáo phận Vinh sang đây làm việc.Một gia đình người Việt gốc Bến tre sống lâu năm mở nhà hàng Đồng xanh mời đoàn về thăm nhà uống càphê. Có 2 thầy Phó tế người Việt cũng đến chia vui. Trong khuôn viên rộng rãi xanh đẹp của nhà hàng có núi Đức Mẹ ban ơn, chúng tôi hát ca tôn vinh Mẹ “Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông…”. Chụp hình lưu niệm và lưu luyến chia tay. Mua sắm chút quà đặc sản tại chợ Sáng (Talat xau), chúng tôi viếng chùa Si Mương (Chùa Mẹ) là ngôi chùa linh thiêng của dân Lào.

Tiếp tục hành trình 350km về đến Thị xã Thakhek thuộc tỉnh Khăm Muộn lúc trời đã tối. Khách sạn hiện đại Riveria nằm sát bờ sông Mêkông.

Trên cao nhìn qua bên kia sông đèn màu rực rỡ, phố xá hiện đại của thành phố miền đông bắc Thái Lan. Bên này sông, nhà cửa phố xá cũ kỹ, khung cảnh yên bình của miền quê dân dã. Thành phố Savannakhat, Thủ đô Viêng Chăn hay Thị xã Thakhek đều nằm bên bờ sông Mêkông, đi qua những nơi này, tôi thấy thật nghèo nàn chậm phát triển từ cơ sở hạ tầng đến mọi sinh hoạt khác. Trái lại, phía bên kia sông, những thành phố biên giới đông bắc của Thái Lan phát triển sầm uất. Hàng hóa, nhất là mặt hàng điện tử từ Thái qua Lào về Việt nam tấp nập. Gió mát từ dòng sông lớn mà hiên hòa đưa tôi vào giấc ngũ lấy lại sức cho ngày về.

-Dâng thánh lễ ban sáng với tâm tình tạ ơn Chúa, sau đó chúng tôi đến thăm Nhà thờ Thakhek và Đại chủng viện. Cha Hiền, người Lào gốc Quãng bình là cha sở hồ hởi đón chào tay bắt mặt mừng. Giáo hội Công giáo Lào chỉ có 19 đại chủng sinh tu học tại đây từ lớp triết học đến lớp thần học. Đại chủng viện bé nhỏ đơn sơ như dãy nhà giáo lý xứ đạo miền quê. Các Giáo sư đến từ Thái Lan và Pháp. Các Thầy có nét hao hao tựa các Thầy Dân tộc K’Ho ở ĐCV Xuân lộc.

Nơi khuôn viên nhỏ này vừa có Tòa Giám mục Thakhek miền trung Lào, vừa có Đại chủng viện và nhà thờ Chính tòa.Tiếc quá, Đức Giám mục Jean-Marie-Vianney Prida Inthirath đi mục vụ. Ngài mới được tấn phong Giám Mục năm ngoái (10.4.2010). Đức Giám mục Louis-Marie Ling Mangkhanékhoune, Giám mục giáo phận Pakse Nam Lào, chủ phong.Từ trước đến nay chưa có một lễ hội tôn giáo nào đông như vậy, đoàn đồng tế gồm có Đức Khâm Sứ Toà Thánh ở Thai Lan, 11 Giám Mục và 63 linh mục, từ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Philippine, Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio Sứ thần Tòa Thánh ở Thái Lan, Campuchia, Phillipinne, Singapore, Malaysia và Myanmar, đã bày tỏ vui mừng và nói rằng: Thiên Chúa đã gửi cho Giáo hội Lào một tân Giám Mục theo mẫu gương của thánh Jean-Marie -Vianney. Ngài là Bề Trên Chủng Viện, một con người gương mẫu, về lòng đạo đức, nghèo khó, khiêm tốn, hiền hoà trong khi cư xử. (x. Vietcatholic 12.4.2010).

Chúng tôi ghé thăm Nhà trẻ do các Sr Dòng Mến Thánh giá Thakhek phụ trách, vào Nhà thờ cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho chuyến về bình an.

Hơn 470km từ Thakhek về đến Huế, không ai thấy mệt mỏi vì niềm vui được biết thêm đôi nét về Giáo hội Lào anh em.

2. Giáo hội Lào

Cha Tính cho chúng tôi biết Giáo hội Lào có 4 giáo phận, 4 Giám mục, 18 Linh mục, 19 Chủng sinh và khoảng 50 ngàn giáo dân trên 6 triệu dân cả nước.

4 Giám mục

-Đức Giám Mục Pierre-Antonio-Jean Bach, M.E.P., Giám Mục Hiệu Tòa Luang Prabang.
-Đức Giám Mục Jean Khamsé Vithavong, O.M.I., Giám Quản Tông Tòa Vientiane.
-Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Giám Quản Tông Tòa Paksé.
-Đức Giám Mục Jean-Marie-Vianney Prida INTHIRATH. Giám Quản Tông Toà Thakhek.

18 Linh mục:

- Luang Prabang: không có
- Vientiane: 3 linh mục, 1cha già hưu
- Thakhek: 9 linh mục.
- Pakse: 4 linh mục, 1 cha già hưu

Đôi nét về các giáo phận (x. Vietcatholic, 19.7.2007)

- Giáo Phận Tông Tòa Luang Prabang

Giáo Phận Tông Tòa Luang Prabang là một giáo phận đại diện Tông Tòa ở miền Bắc Lào. Giáo phận này được thành lập ngày 11/3/1963, khi tách ra từ Giáo Phận Tông Tòa Vientiane. Diện tích Giáo Phận là 83.700 cây số vuông, và 2.560 người trong 1,2 triệu công dân trong khu vực là tín đồ Công giáo.

Giáo phận Đại Diện Tông Tòa bao trùm các tỉnh miền Bắc, gồm Luang Prabang, Xaignabouli, Oudomxai, Phongsali, Louang Namtha và Bokeo. Giáo phận chỉ có 6 giáo xứ và một linh mục coi sóc.

Từ khi chế độ Cộng Sản lãnh đạo đất nước Lào vào năm 1975, thì Giáo hội Công giáo tại Giáo phận đại diện tông tòa Luang Prabang bị đàn áp mạnh mẽ. Ba nhà thờ lúc đó ở Luang Prabang, thì một trong ba đã bị phá hủy, một biến thánh trạm cảnh sát và một được dùng làm nhà ở. Như thế Giám mục chỉ được phép đi lại tới hai trong sáu tỉnh, cụ thể là Luang Prabang và Xaignabouti, và cũng phải ở lại, vì nhà nước không cho phép ngài ở lại thường xuyên tại miền Bắc.

Tuy nhiên mới đây tình hình bắt đầu có cải thiện: năm 2005, nhà thờ đầu tiên từ 1975 được thánh hiến tại Ban Pong Vang (Xaignabouli); trong năm 2003 giáo hội được phép mua đất tại Luang Prabang để xây một nơi ở bên trong giáo phận.

Các Giám mục: Ngai của đại diện tông tòa bị bỏ trống từ năm 1975. Từ đó giáo phận đã được một Giám Quản Tông Tòa lãnh đạo, đó là Giám Quản Banchong Thopanhong (Apostolic Administrator), từ tháng Từ năm 1999; Thomas Nantha (Apostolic Administrator), ngày 29/11/1975 - l7/4/1984; Alessandro Staccioli, O.M.I., 26/9/1968 – 29/9/1975; Lionello Berti, O.M.I.,1/3/1963 - 24/2 1968.

- Giáo phận đại diện tông tòa Pakse.

Giáo phận có diện tích là 45.000 cây số vuông, thuộc miền Nam Lào. Đây là Giáo phận lớn nhất thứ hai trong các giáo phận tại Lào. Số người công giáo là 14.519 (1, 3% dân số khu vực), trong 1 triệu người ở khu vực (2003). Một nửa số họ là những thành phần dân tộc thiểu số.

Giáo phận đại diện Tông tòa Pakse là một đơn vị quan trọng trong Giáo Hội Công giáo Rôma tại Lào. Vị Đại Diện Tông Tòa từ năm 2000 là Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun. Giáo phận được thành lập năm 1967, khi được tách ly từ giáo phận đại diện tông tòa Savannakhet.

Giáo phận bao gồm các tỉnh Champasak, Salavan, Xekong và Attapu, tuy nhiên hầu hết người Công giáo sống ở Champasak và Saravan. Giáo phận có 26 giáo xứ, 3 linh mục và 19 nữ tu Dòng Thánh Phaolô de Chartres và Dòng Mến Thánh giá.

Các Giám mục: Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun (từ 30/10/2000); Thomas Khamphan (10/7/1975-30/10/2000; Jean-Pierre Urkia, M.E.P. (12/6/1967 - 10/7/1975).

- Giáo Phận Tông Tòa Savannakhet

Giáo phận đại diện tông tòa Savannakhet là một đơn vị của Giáo hội Công giáo Rôma tại Lào. Bao trùm một diện tích là 48.100 cây số vuông thuộc miền trung Lào, giáo phận này lớn nhất trong các giáo phận tại Lào. Người Công giáo có 12,500 tín đồ trong 2.7 triệu người trong khu vực.

Giáo phận bao gồm các tỉnh Savannakhet, Khammouan và Bolikhamxai. Giáo phận có 54 giáo xứ, 6 linh mục.

Phủ Doãn Tông Tòa Thakkek được thiết lập ngày 21/11/1950, khi giáo phận Lào được chia thành hai phần. Phần phía Tây tại Thái Lan trở thành Giáo Phận Tông Tòa Thare, trong khi phần thuộc Lào trở nên một Phủ Doãn Tông Tòa. Ngày 24/2/1959, phủ doãn được nâng lên hàng giáo phận tông tòa. Năm 1963, giáo phận đổi tên là Savannakhet, mặc dù trung tâm vẫn ở tại Thakhek, tỉnh Khammouan. Năm 1967 phần phía Nam của giáo phận tách lập thành giáo phận Pakse.

Các Giám Mục: Jean Sommeng Vorachak, từ ngày 21/4/1997; Jean-Baptiste Outhay Thepmany,10/7/1975-21/4/1997; Pierre-Antonio-Jean Bach, M.E.P., 28/6/1971-10/7/1975; Jean-Rosière-Eugène Arnaud, M.E.P., 17/7/1950 - 10/10/1969.

3. Thao thức

Nước Lào có diện tích là 236.800km2 với ¾ là núi đồi, chỉ có ¼ là đồng bằng. Đất nước có 17 tỉnh và 1 Thủ đô. 34 Dân tộc anh em được chia làm 3 nhóm. Nhóm Lào Súng chiếm tỉ lệ 15%, sống trên núi du canh du cư. Nhóm Lào Thơng 25%, sống ở vùng cao nguyên. Nhóm Lào Lung 60% sống ở đồng bằng, lưu vực sông Mêkông.

Địa bàn rộng lớn, thiếu linh mục và nữ tu, mỗi linh mục chịu trách nhiệm trông coi từ 10-25 giáo xứ, mỗi giáo xứ có từ 100 -2000 giáo dân. Đời sống dân chúng đa phần khó khăn.

Nước Lào với 5 không: không biển, không tàu lửa, không thủy lợi, không có bão và không mồ mã (vì tục lệ thiêu xác). Đất nước nước nằm gọn trong đất liền, phía Bắc giáp Trung Hoa, phía Tây giáp Myanmar, phía Đông giáp Việt Nam và phía Nam giáp Thái Lan và Campuchia.

Miền Nam và Trung Lào nằm sát ngay phía Tây Cao Nguyên Miền Trung Việt Nam, một dãy núi trùng điệp với chiều cao trung bình là 1.200m. Chính dãy núi này đã từ lâu chia hai nền văn minh Ấn hóa và Hán hóa trong vùng. Sông Mêkông làm thành một phần lớn biên giới tự nhiên với Thái Lan, và tiếp tục xuyên qua Campuchia và Nam Việt Nam vào Biển Nam Trung Hoa. Sông Mêkông xuyên dọc biên giới đất nước và là trung tâm nền văn minh và văn hóa Lào.

Một đất nước rộng lớn nhưng chậm phát triển, một Giáo hội trải rộng với nhiều cánh đồng truyền giáo nhưng lại thiếu thốn cơ sở vật chất cho đến nhân sự.

Đức Cha Louis Marie Mangkhanekhoun, Khâm sứ Tòa Thánh tại Paksé thao thức: ngày nay điều cấp bách là việc đào tạo các linh mục và các chủng sinh cũng như việc đào tạo các giáo lý viên, tác nhân quan trọng của việc mục vụ. Tìm kiếm người kế thừa, thay thế không dễ dàng chút nào.

Đức Cha Ling giải thích: theo hướng thay đổi kinh tế và cởi mở của chính phủ ở Vientiane, các quan chức đã thay đổi đôi chút cái nhìn của họ về Giáo Hội Công Giáo: “các vị lãnh đạo đã hiểu rằng Giáo Hội có thể mang lại sự trợ giúp xã hội và tôn giáo”. Nhất là nhờ những cuộc viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh ở Vientiane, Sứ Thần ở Bangkok, biết bao thành kiến đã tiêu tan, mặc dù cũng phải ghi nhận rằng những gì diễn ra thực sự ở thủ đô không dĩ nhiên là vậy trong các tỉnh thành khác; ở cấp bậc địa phương, đơn giản là các quan chức không biết Giáo Hội và có thể gây nên những khó khăn để cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng những nơi thờ tự. Sự trợ giúp đến từ nước ngoài cho phép Giáo Hội xây dựng những phòng chữa bệnh, các trường tiểu học hay các trung tâm đào tạo giáo viên tiểu học, tiếp đến được giao lại cho các quan chức địa phương quản lý. Ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi hành động như thế để làm cho chính phủ hiểu rằng Giáo Hội thuộc về tổ quốc và Giáo Hội làm việc vì sự phát triển của đất nước”.

Vào ngày 6.9.2007 tại Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức XVI đã đón tiếp các Giám Mục Lào và Campuchia. Đức Cha Ling đã giải thích rằng sự lôi cuốn đối với Giáo Hội Công Giáo ngày nay là rất khích lệ, nhất là đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên những hạn chế mở rộng đoàn chiên Công Giáo bé nhỏ của Lào thì nhiều. Một mặt, việc chuyển sang tôn giáo mới phải được khai báo với chính quyền, một phương thế ngăn cản chắc chắn việc thay đổi tôn giáo. Mặt khác, những người mới cải đạo không được đón tiếp như họ phải được, thiếu nhân viên mục vụ và được đào tạo đúng đắn. Đó là trở ngại lớn nhất. (Zenit 29.9.2007).

Đa số người Lào theo Phật Giáo. Vào năm 1975 khi Patheth Lào cầm quyền, các nhà truyền giáo đã bị trục xuất và từ đó chính quyền đã không cho các nhà truyền giáo trở lại. Hiện tại Giáo Hội Lào đang rất cần các nhà truyền giáo, các linh mục tu sĩ đến từ các nước khác nhất là Việt nam. Hy vọng cũng là niềm tin vào tình thương của Chúa Quan Phòng.

Xin thêm lời cầu nguyện cho Giáo Hội Lào và như lời Đức Khâm Sứ kêu mời các nhà truyền giáo hãy đặt những bước chân "đẹp thay" trên đất nước này để gieo mầm cứu rỗi.

(Xem thêm video clip tại:http://gxtanphuoc.com/index.php?n=tt&a=dnews&did=1775&mid=97&v=1)

Kim Ngọc 24.9.2011
 
Top Stories
Benedict XVI's Address to Muslim Leaders
Libreria Editrice Vaticana
07:03 24/09/2011
"We Believers Have a Special Contribution to Make Toward Building a Better World"

BERLIN, SEPT. 23, 2011 - Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today when meeting with Muslim communities in the reception room of the apostolic nunciature in Berlin.

Dear Muslim Friends,

I am glad to be able to welcome you here, as the representatives of different Muslim communities in Germany. I thank Professor Mouhanad Khorchide most sincerely for his kind greetings and for the profound reflections that he shared with us. His words illustrate what a climate of respect and trust has grown up between the Catholic Church and the Muslim communities in Germany and how the convictions we share are becoming visible.

Berlin is a good place for a meeting like this, not only because the oldest mosque in Germany is located here, but also because Berlin has the largest Muslim population of all the cities in Germany.

From the 1970s onwards, the presence of numerous Muslim families has increasingly become a distinguishing mark of this country. Constant effort is needed in order to foster better mutual acquaintance and understanding. Not only is this important for peaceful coexistence, but also for the contribution that each can make towards building up the common good in this society.

Many Muslims attribute great importance to the religious dimension of life. At times this is thought provocative in a society that tends to marginalize religion or at most to assign it a place among the individual’s private choices.

The Catholic Church firmly advocates that due recognition be given to the public dimension of religious adherence. In an overwhelmingly pluralist society, this demand is not unimportant. In the process, care must be taken to guarantee that the other is always treated with respect. This mutual respect grows only on the basis of agreement on certain inalienable values that are proper to human nature, in particular the inviolable dignity of every single person as created by God. Such agreement does not limit the expression of individual religions; on the contrary, it allows each person to bear witness explicitly to what he believes, not avoiding comparison with others.

In Germany – as in many other countries, not only Western ones – this common frame of reference is articulated by the Constitution, whose juridical content is binding on every citizen, whether he belong to a faith community or not.

Naturally, discussion over the best formulation of principles like freedom of public worship is vast and open-ended, yet it is significant that the German Basic Law expresses them in a way that is still valid today at a distance of over sixty years (cf. Art. 4:2). In this law we find above all the common ethos that lies at the heart of human coexistence and that also in a certain way pervades the apparently formal rules of operation of the institutions of democratic life.

We could ask ourselves how such a text – drawn up in a radically different historical epoch, that is to say in an almost uniformly Christian cultural situation – is also suited to present-day Germany, situated as it is within a globalized world and marked as it is by a remarkable degree of pluralism in the area of religious belief.

The reason for this seems to me to lie in the fact that the fathers of the Basic Law at that important moment were fully conscious of the need to find truly solid ground with which all citizens would be able to identify and which could serve as the supporting foundation for everyone, irrespective of their differences. In seeking this, mindful of human dignity and responsibility before God, they did not prescind from their own religious beliefs; indeed for many of them, the real source of inspiration was the Christian vision of man. But they knew that everyone has to engage with the followers of other religions and none: common ground for all was found in the recognition of some inalienable rights that are proper to human nature and precede every positive formulation.

In this way, a society which at that time was essentially homogenous laid the foundations that we today may consider valid for a markedly pluralistic era, foundations that actually point out the evident limits of pluralism: it is inconceivable, in fact, that a society could survive in the long term without consensus on fundamental ethical values.

Dear friends, on the basis of what I have outlined here, it seems to me that there can be fruitful collaboration between Christians and Muslims. In the process, we help to build a society that differs in many respects from what we brought with us from the past. As believers, setting out from our respective convictions, we can offer an important witness in many key areas of life in society. I am thinking, for example, of the protection of the family based on marriage, respect for life in every phase of its natural course or the promotion of greater social justice.

This is another reason why I think it important to hold a day of reflection, dialogue and prayer for peace and justice in the world, which as you know we plan to do on 27 October next in Assisi, twenty-five years after the historic meeting there led by my predecessor, Blessed Pope John Paul II. Through this gathering, we wish to express, with simplicity, that we believers have a special contribution to make towards building a better world, while acknowledging that if our actions are to be effective, we need to grow in dialogue and mutual esteem.

With these sentiments I renew my sincere greetings and I thank you for this meeting, which for me has been a great enrichment of my visit to my homeland. Thank you for your attention!

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Papal Words to Germany's Evangelical Church
Libreria Editrice Vaticana
07:04 24/09/2011
"God Is Increasingly Being Driven Out of Our Society"

ERFURT, Germany, SEPT. 23, 2011.- Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today when meeting with the Council of the Evangelical Church in Germany at the Chapter Hall of the former Augustinian convent in Erfurt.

Dear Brothers and Sisters,

As I begin to speak, I would like first of all to say how deeply grateful I am that we are able to come together. I am particularly grateful to you, my dear brother, Pastor Schneider, for receiving me and for the words with which you have welcomed me here among you. You have opened your heart and openly expressed a truly shared faith, a longing for unity. And we are also glad, for I believe that this session, our meetings here, are also being celebrated as the feast of our shared faith. Moreover, I would like to express my thanks to all of you for your gift in making it possible for us to speak with one another as Christians here, in this historic place.

As the Bishop of Rome, it is deeply moving for me to be meeting you here in the ancient Augustinian convent in Erfurt. As we have just heard, this is where Luther studied theology. This is where he was ordained a priest. Against his father's wishes, he did not continue the study of Law, but instead he studied theology and set off on the path towards priesthood in the Order of Saint Augustine. And on this path, he was not simply concerned with this or that. What constantly exercised him was the question of God, the deep passion and driving force of his whole life's journey. "How do I receive the grace of God?": this question struck him in the heart and lay at the foundation of all his theological searching and inner struggle. For Luther theology was no mere academic pursuit, but the struggle for oneself, which in turn was a struggle for and with God.

"How do I receive the grace of God?" The fact that this question was the driving force of his whole life never ceases to make a deep impression on me. For who is actually concerned about this today -- even among Christians? What does the question of God mean in our lives? In our preaching? Most people today, even Christians, set out from the presupposition that God is not fundamentally interested in our sins and virtues. He knows that we are all mere flesh. And insofar as people believe in an afterlife and a divine judgment at all, nearly everyone presumes for all practical purposes that God is bound to be magnanimous and that ultimately he mercifully overlooks our small failings. The question no longer troubles us. But are they really so small, our failings?

Is not the world laid waste through the corruption of the great, but also of the small, who think only of their own advantage? Is it not laid waste through the power of drugs, which thrives on the one hand on greed and avarice, and on the other hand on the craving for pleasure of those who become addicted? Is the world not threatened by the growing readiness to use violence, frequently masking itself with claims to religious motivation? Could hunger and poverty so devastate parts of the world if love for God and godly love of neighbor -- of his creatures, of men and women -- were more alive in us? I could go on. No, evil is no small matter. Were we truly to place God at the centre of our lives, it could not be so powerful. The question: what is God's position towards me, where do I stand before God? -- Luther's burning question must once more, doubtless in a new form, become our question too, not an academic question, but a real one. In my view, this is the first summons we should attend to in our encounter with Martin Luther.

Another important point: God, the one God, creator of heaven and earth, is no mere philosophical hypothesis regarding the origins of the universe. This God has a face, and he has spoken to us. He became one of us in the man Jesus Christ -- who is both true God and true man. Luther's thinking, his whole spirituality, was thoroughly Christocentric: "What promotes Christ's cause" was for Luther the decisive hermeneutical criterion for the exegesis of sacred Scripture. This presupposes, however, that Christ is at the heart of our spirituality and that love for him, living in communion with him, is what guides our life.

Now perhaps one might say: all well and good, but what has this to do with our ecumenical situation? Could this just be an attempt to talk our way past the urgent problems that are still waiting for practical progress, for concrete results? I would respond by saying that the first and most important thing for ecumenism is that we keep in view just how much we have in common, not losing sight of it amid the pressure towards secularization -- everything that makes us Christian in the first place and continues to be our gift and our task. It was the error of the Reformation period that for the most part we could only see what divided us and we failed to grasp existentially what we have in common in terms of the great deposit of sacred Scripture and the early Christian creeds. For me, the great ecumenical step forward of recent decades is that we have become aware of all this common ground, that we acknowledge it as we pray and sing together, as we make our joint commitment to the Christian ethos in our dealings with the world, as we bear common witness to the God of Jesus Christ in this world as our inalienable, shared foundation.

To be sure, the risk of losing it is not unreal. I would like to make two brief points here. The geography of Christianity has changed dramatically in recent times, and is in the process of changing further. Faced with a new form of Christianity, which is spreading with overpowering missionary dynamism, sometimes in frightening ways, the mainstream Christian denominations often seem at a loss. This is a form of Christianity with little institutional depth, little rationality and even less dogmatic content, and with little stability. This worldwide phenomenon -- that bishops from all over the world are constantly telling me about -- poses a question to us all: what is this new form of Christianity saying to us, for better and for worse? In any event, it raises afresh the question about what has enduring validity and what can or must be changed -- the question of our fundamental faith choice.

The second challenge to worldwide Christianity of which I wish to speak is more profound and in our country more controversial: the secularized context of the world in which we Christians today have to live and bear witness to our faith. God is increasingly being driven out of our society, and the history of revelation that Scripture recounts to us seems locked into an ever more remote past. Are we to yield to the pressure of secularization, and become modern by watering down the faith? Naturally faith today has to be thought out afresh, and above all lived afresh, so that it is suited to the present day. Yet it is not by watering the faith down, but by living it today in its fullness that we achieve this. This is a key ecumenical task in which we have to help one another: developing a deeper and livelier faith. It is not strategy that saves us and saves Christianity, but faith -- thought out and lived afresh; through such faith, Christ enters this world of ours, and with him, the living God. As the martyrs of the Nazi era brought us together and prompted that great initial ecumenical opening, so today, faith that is lived from deep within amid a secularized world is the most powerful ecumenical force that brings us together, guiding us towards unity in the one Lord. And we pray to him, asking that we may learn to live the faith anew, and that in this way we may then become one.

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Papal Homily at Ecumenical Prayer Service
Libreria Editrice Vaticana
07:05 24/09/2011
"In the Prayer of Jesus We Find the Very Heart of Our Unity"

ERFURT, Germany, SEPT. 23, 2011 - Here is a Vatican translation of the homily Benedict XVI delivered today at an ecumenical prayer service in the Church of the former Augustinian convent in Erfurt.

Dear Sisters and Brothers,

"I ask not only on behalf of these, but also on behalf of those who will believe in me through them" (Jn 17:20). These words Jesus addressed to the Father in the Upper Room. He intercedes for coming generations of believers. He looks beyond the Upper Room, towards the future. He also prayed for us. And he prayed for our unity. This prayer of Jesus is not simply something from the past. He stands before the Father, forever making intercession for us. At this moment he also stands in our midst and he desires to draw us into his own prayer. In the prayer of Jesus we find the very heart of our unity. We will become one if we allow ourselves to be drawn into this prayer. Whenever we gather in prayer as Christians, Jesus' concern for us, and his prayer to the Father for us, ought to touch our hearts. The more we allow ourselves to be drawn into this event, the more we grow in unity.

Did Jesus' prayer go unheard? The history of Christianity is in some sense the visible element of this drama in which Christ strives and suffers with us human beings. Ever anew he must endure the rejection of unity, yet ever anew unity takes place with him and thus with the triune God. We need to see both things: the sin of human beings, who reject God and withdraw within themselves, but also the triumphs of God, who upholds the Church despite her weakness, constantly drawing men and women closer to himself and thus to one another. For this reason, in an ecumenical gathering, we ought not only to regret our divisions and separations, but we should also give thanks to God for all the elements of unity which he has preserved for us and bestows on us ever anew. And this gratitude must be at the same time a resolve not to lose, at a time of temptations and perils, the unity thus bestowed.

Our fundamental unity comes from the fact that we believe in God, the Father Almighty, the maker of heaven and earth. And that we confess that he is the triune God -- Father, Son and Holy Spirit. The highest unity is not the solitude of a monad, but rather a unity born of love. We believe in God -- the real God. We believe that God spoke to us and became one of us. To bear witness to this living God is our common task at the present time.

Does man need God, or can we do quite well without him? When, in the first phase of God's absence, his light continues to illumine and sustain the order of human existence, it appears that things can also function quite well without God. But the more the world withdraws from God, the clearer it becomes that man, in his hubris of power, in his emptiness of heart and in his longing for satisfaction and happiness, increasingly loses his life. A thirst for the infinite is indelibly present in human beings. Man was created to have a relationship with God; we need him. Our primary ecumenical service at this hour must be to bear common witness to the presence of the living God and in this way to give the world the answer which it needs. Naturally, an absolutely central part of this fundamental witness to God is a witness to Jesus Christ, true man and true God, who lived in our midst, suffered and died for us and, in his resurrection, flung open the gates of death. Dear friends, let us strengthen one another in this faith! This is a great ecumenical task which leads us into the heart of Jesus' prayer.

The seriousness of our faith in God is shown by the way we live his word. In our own day, it is shown in a very practical way by our commitment to that creature which he wished in his own image: to man. We live at a time of uncertainty about what it means to be human. Ethics are being replaced by a calculation of consequences. In the face of this, we as Christians must defend the inviolable dignity of human beings from conception to death -- from issues of pre-implantation diagnosis to the question of euthanasia. As Romano Guardini once put it: "Only those who know God, know man." Without knowledge of God, man is easily manipulated. Faith in God must take concrete form in a common defense of man. To this defense of man belong not only these fundamental criteria of what it means to be human, but above all and very specifically, love, as Jesus Christ taught us in the account of the final judgment (Mt 25): God will judge us on how we respond to our neighbor, to the least of his brethren. Readiness to help, amid the needs of the present time and beyond our immediate circle, is an essential task of the Christian.

As I mentioned, this is true first and foremost in our personal lives as individuals. But it also holds true in our community, as a people and a state in which we must all be responsible for one another. It holds true for our continent, in which we are called to European solidarity. Finally, it is true beyond all frontiers: today Christian love of neighbor also calls for commitment to justice throughout the world. I know that Germans and Germany are doing much to enable all men and women to live in dignity, and for this I would like to express deep gratitude.

In conclusion, I would like to mention an even deeper dimension of our commitment to love. The seriousness of our faith is shown especially when it inspires people to put themselves totally at the disposal of God and thus of other persons. Great acts of charity become concrete only when, on the ground, we find persons totally at the service of others; they make the love of God credible. People of this sort are an important sign of the truth of our faith.

Prior to my visit there was some talk of an "ecumenical gift" which was expected from such a visit. There is no need for me to specify the gifts mentioned in this context. Here I would only say that, in most of its manifestions, this reflects a political misreading of faith and of ecumenism. In general, when a Head of State visits a friendly country, contacts between the various parties take place beforehand to arrange one or more agreements between the two states: by weighing respective benefits and drawbacks a compromise is reached which in the end appears beneficial for both parties, so that a treaty can then be signed.

But the faith of Christians does not rest on such a weighing of benefits and drawbacks. A self-made faith is worthless. Faith is not something we work out intellectually and negotiate between us. It is the foundation for our lives. Unity grows not by the weighing of benefits and drawbacks but only by entering ever more deeply into the faith in our thoughts and in our lives. In the past fifty years, and especially after the visit of Pope John Paul II some thirty years ago, we have drawn much closer together, and for this we can only be grateful.

I willingly think of the meeting with the Commission led by Bishop Lohse, in which this kind of joint growth in reflecting upon and living the faith was practiced. To all those engaged in that process -- and especially, on the Catholic side, to Cardinal Lehmann -- I wish to express deep gratitude. I will refrain from mentioning other names -- the Lord knows them all. Together we can only thank the Lord for the paths of unity on which he has led us, and unite ourselves in humble trust to his prayer: Grant that we may all be one, as you are one with the Father, so that the world may believe that he has sent you (cf. Jn 17:21).

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Pontiff's Reflections at Marian Shrine
Libreria Editrice Vaticana
07:06 24/09/2011
"At the Foot of the Cross, Mary Becomes Our Fellow Traveler and Protector"

ETZELSBACH, Germany, SEPT. 23, 2011 - Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today at Marian vespers at the Wallfahrtskapelle in Etzelsbach .

Dear Sisters and Brothers,

I would like to greet all of you most warmly, all who have come here to Etzelsbach for this time of prayer. Ever since my youth I have heard so much about Eichsfeld that I thought at some point I must see it for myself and pray together with you. I offer sincere thanks to Bishop Wanke, who pointed out to me this strip of land from the aircraft, and I thank your speakers and representatives who have brought me gifts symbolic of this region, thereby giving me at least an indication of the variety that is found here.

So I am very glad that my wish to visit Eichsfeld has been fulfilled, and that here in Etzelsbach I can now thank Mary in company with you. "Here in the beloved quiet vale", as the pilgrims' hymn says, "under the old lime trees", Mary gives us security and new strength. During two godless dictatorships, which sought to deprive the people of their ancestral faith, the inhabitants of Eichsfeld were in no doubt that here in this shrine at Etzelsbach an open door and a place of inner peace was to be found. The special friendship with Mary that grew from all this, is what we seek to cultivate further, not least through today's celebration of Vespers of the Blessed Virgin Mary.

When Christians of all times and places turn to Mary, they are acting on the spontaneous conviction that Jesus cannot refuse his mother what she asks; and they are relying on the unshakable trust that Mary is also our mother -- a mother who has experienced the greatest of all sorrows, who feels all our griefs with us and ponders in a maternal way how to overcome them. How many people down the centuries have made pilgrimages to Mary, in order to find comfort and strength before the image of the Mother of Sorrows, as here at Etzelsbach!

Let us look upon her likeness: a woman of middle age, her eyelids heavy with much weeping, gazing pensively into the distance, as if meditating in her heart upon everything that had happened. On her knees rests the lifeless body of her son, she holds him gently and lovingly, like a precious gift. We see the marks of the crucifixion on his bare flesh. The left arm of the corpse is pointing straight down.

Perhaps this sculpture of the Pietà, like so many others, was originally placed above an altar. The crucified Jesus would then be pointing with his outstretched arm to what was taking place on the altar, where the holy sacrifice that he had accomplished becomes present in the Eucharist.

A particular feature of the holy image of Etzelsbach is the position of Our Lord's body. In most representations of the Pietà, the dead Jesus is lying with his head facing left, so that the observer can see the wounded side of the Crucified Lord. Here in Etzelsbach, however, the wounded side is concealed, because the body is facing the other way. It seems to me that a deep meaning lies hidden in this representation, that only becomes apparent through silent contemplation: in the Etzelsbach image, the hearts of Jesus and his mother are turned to one another; the hearts come close to each other. They exchange their love. We know that the heart is also the seat of the deepest affection and the most intimate compassion. In Mary's heart there is room for the love that her divine Son wants to bestow upon the world.

Marian devotion focuses on contemplation of the relationship between the Mother and her divine Son. In their prayers and sufferings, in their thanksgiving and joy, the faithful have constantly discovered new dimensions and qualities which this mystery can help to disclose for us, for example when the image of the Immaculate Heart of Mary is seen as a symbol of her deep and unreserved loving unity with Christ. It is not self-realization, the desire for self-possession and self-formation, that truly enables people to flourish, according to the model that modern life so often proposes to us, which easily turns into a sophisticated form of selfishness. Rather it is an attitude of self-giving, self-emptying, directed towards the heart of Mary and hence towards the heart of Christ and towards our neighbour: this is what enables us to find ourselves.

"We know that in everything God works for good with those who love him, who are called according to his purpose" (Rom 8:28), as we have just heard in the reading from the Letter to the Romans. With Mary, God has worked for good in everything, and he does not cease, through Mary, to cause good to spread further in the world.

Looking down from the Cross, from the throne of grace and salvation, Jesus gave us his mother Mary to be our mother. At the moment of his self-offering for mankind, he makes Mary as it were the channel of the rivers of grace that flow from the Cross. At the foot of the Cross, Mary becomes our fellow traveler and protector on life's journey. "By her motherly love she cares for her son's sisters and brothers who still journey on earth surrounded by dangers and difficulties, until they are led into their blessed home," as the Second Vatican Council expressed it (Lumen Gentium, 62). Yes indeed, in life we pass through high-points and low-points, but Mary intercedes for us with her Son and helps us to discover the power of his divine love, and to open ourselves to that love.

Our trust in the powerful intercession of the Mother of God and our gratitude for the help we have repeatedly experienced impel us, as it were, to think beyond the needs of the moment. What does Mary actually want to say to us, when she rescues us from some trial? She wants to help us grasp the breadth and depth of our Christian vocation. With a mother's tenderness, she wants to make us understand that our whole life should be a response to the love of our God, who is so rich in mercy. "Understand," she seems to say to us, "that God, who is the source of all that is good and who never desires anything other than your true happiness, has the right to demand of you a life that yields wholly and joyfully to his will, striving at the same time that others may do likewise." Where God is, there is a future.

Indeed -- when we allow God's love to pervade and to shape the whole of our lives, then heaven stands open. Then it is possible so to shape the present that it corresponds more and more to the Good News of our Lord Jesus Christ. Then the little things of everyday life acquire meaning, and great problems find solutions.

Confident of this, we pray to Mary; confident of this, we put our faith in Jesus Christ, our Lord and God. Amen.

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Buổi gặp gỡ các nghệ nhân Công giáo tại nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigòn
Maria Vũ Loan
11:38 24/09/2011
SAIGÒN - Vào lúc 10 giờ 00 ngày thứ bảy 24/9/2011, tại dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, đã có buổi gặp gỡ các nghệ nhân Công giáo do nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tổ chức. Đặc biệt là sự có mặt của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục phó GP Qui Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Xem hình ảnh

Chương trình đã dành đến 50 phút để tiếp đón quí khách. Đúng 10 giờ 00, chương trình được khai mạc với lời cầu nguyện đầu giờ.

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Bề trên Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban Nghệ Thuật Thánh, đã giới thiệu đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam một vị Giám mục có trách nhiệm trong lãnh vực Nghệ Thuật Thánh đã gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ, nghệ nhân Công giáo. Được biết Đức Cha Matthêô vừa tham dự hội thảo của Ủy ban Giám mục về Nghệ Thuật Thánh ngày 14/9/2011 vừa qua; sau đó Đức Cha đã lên đường sang Pháp thuyết trình về vị thánh giám mục Cuénot Thể đã hy sinh mạng sống mình vì đức tin nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Ngài tại nhà thờ Gò Thị, Qui Nhơn.

Cha Vinh Sơn cho biết thêm, HĐGMVN đã chọn Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi vì không những Ngài là vị giám mục có kiến thức về thần học mà còn có khả năng về nghệ thuật. Ai đến giáo phận Qui Nhơn thì có thể thưởng lãm tranh của Ngài; được ngắm nhà thờ Gò Thị vì trước khi đi du học, Đức Cha chính là tác giả bản thiết kế nhà thờ đó.

Tiếp đó, Đức Cha Matthêô đã trình bày huấn từ của mình trước 300 anh chị em văn nghệ sĩ Công giáo đã cộng tác với nhà sách Đức Mẹ trong lãnh vực văn hóa và những anh chị em nghệ nhân, là những người trực tiếp làm ra những sản phẩm mỹ thuật, có vị trí quan trọng trong văn hóa Công giáo và những sản phẩm trực tiếp phục vụ cho việc tế lễ Thiên Chúa như chén lễ, áo lễ, khăn bàn thờ…trong đó có nhiều nghệ nhân không phải là người Công giáo.

Đức Cha nói rằng nghệ thuật là con đường dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa đồng thời lưu lại tài danh và trí tuệ của mình. Nếu ai đã sang Âu Châu thì điều làm người ta thán phục và trầm trồ khen ngợi là những công trình và những tác phẩm nghệ thuật. Từ những công trình phi vật thể như sách vở, thánh ca, còn có những công trình kiến trúc, những thánh đường nguy nga, những bức tượng sống động, những bức họa hay những phần trang trí còn lưu lại và được người ta trân trọng. Đó là một gia tài, không những của một nước mà còn là của thế giới nữa….

Qua tác phẩm nghệ thuật người ta nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa mà những người đi trước đã cảm nghiệm được và dùng bàn tay của mình họa lại. Tất cả chúng ta đều bị thu phục bởi cái đẹp của ngôn từ, của nhạc, của hình thể vì thế chỗ đứng của văn nghệ sĩ nói chung và người làm công tác mỹ thuật Kitô giáo nói riêng rất quan trọng.

Theo Công đồng Vaticano II, trong Hiến chế phụng vụ Hội thánh thì Nghệ Thuật Thánh là đỉnh cao của nghệ thuật Kitô giáo, là chóp đỉnh của một kim tự tháp mà tất cả nền mỹ thuật Kitô giáo hướng về và đem lại một sự thống nhất với những giá trị rất tiêu biểu. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa có một sự hướng dẫn cụ thể giúp cho việc sáng tác các công trình đạt kết quả tốt hơn…

Những sản phẩm anh chị em làm ra không phải chỉ có giá trị kinh tế mà Thiên Chúa còn cho anh chị em cơ hội tạo ra cách sinh sống và Ngài còn muốn đây là dịp để chúng ta khám phá ý định của Ngài….

Phần trình bày của Đức Cha khá dài nhưng mọi người vẫn chăm chú lắng nghe, cụ thể là bước sang phần phát biểu ý kiến, nhiều người đã đặt câu hỏi rất gần với nhịp sinh hoạt tôn giáo.

Nhà thơ Lê Đình Bảng – một cộng tác viên tổ chức những sự kiện Đức Tin & Văn Hóa của Nhà Sách – phát biểu”

“ - Xin đề nghị sau buổi gặp gỡ này, nên có một cái gì định kỳ hoặc bất định kỳ tùy theo lịch phụng vụ, tùy theo thời vụ mùa màng ngoài thị trường, tùy theo chủ đề của Giáo hội hoặc xã hội, nên cho gặp gỡ như thế này, tổ chức nhỏ hơn hoặc lớn hơn hoặc chuyên môn hơn vì theo ngành nghệ nhân của anh em là các loại hình nghệ thuật”.

Một nghệ nhân chuyên làm đèn cầy đặt câu hỏi về sự boăn khoăn của anh, không biết mình có lừa bịp Chúa và Giáo hội hay không vì trong Kinh Thánh nói nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp ong tinh tuyền, nhưng hiện nay anh làm bằng Pa-ra phin.

Một ca sĩ thắc mắc rằng: khi anh đi hát nhiều người có ý kiến rằng các bài anh hát nên biến tấu giai điệu cho phù hợp với giới mà mình hát phục vụ. Như thế đúng hay sai?

Trong buổi gặp gỡ hôm nay, cuốn sách Nghệ Thuật Công Giáo của tác giả Nguyễn Hưng được gởi đến người dự với giá 180 ngàn đồng, anh đã có một chút tâm tình qua lời phát biểu. Quyển sách của anh có các tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân trên thế giới, tuy được biên soạn có tính cá nhân nhưng hữu ích cho nghệ nhân vì có những chia sẻ, suy nghĩ về nghệ thuật.

Một ý kiến khác: Năm 1965, HĐGM miền Nam đã chủ động đứng ra tổ chức buổi hội nghị về tranh. Một tờ báo đã ghi nhận và đăng tải sự kiện ấy. Từ đó đến nay là một thời gian khá dài, Giáo hội chỉ chú ý đến mục vụ, thần học, tín lý, giáo điều mà chưa chú ý đến văn nghệ sĩ. Vậy khi họp, HĐGM nên có một số vấn đề tới văn hóa – nghệ thuật.

Một người khác cho rằng Môn Nghệ Thuật Thánh cần được giảng dạy trong Đại chủng viện.

Một ca sĩ khác cho rằng, người nghệ sĩ cần sống bằng cái tâm. Nghệ thuật bên ngoài hướng về cái đẹp cái chân cái thiện, người nghệ sĩ Công giáo cần thổi một cái hồn vào tác phẩm nghệ thuật từ niềm tin vào Thiên Chúa. Cần có chương trình đào luyện để có tầng lớp kế thừa.

Một ý kiến nói rằng khi sử dụng ảnh tượng, nên bỏ lớp bọc nilon bên ngoài để tỏ lòng kính trọng khi thờ phượng.

Một linh mục nói ngắn gọn rằng, mới đây, một nhà khoa học đã tìm ra một ngôi sao cách chúng ta 200 năm ánh sáng. Đó là điều không thể tưởng tượng được. Thế nên cần đề cao vai trò văn nghệ sĩ Việt Nam hơn nữa!

Đức Cha đã lắng nghe các ý kiến trên. Buổi gặp gỡ các nghệ nhân Công giáo được kết thúc bằng lời cầu nguyện chung.

Tiệc họp mặt buffet tại Nhà Sinh Hoạt Mục Vụ tạo cơ hội gặp gỡ, trò chuyện giữa người tham dự thật rộn ràng, có cả quà mừng bổn mạng Đức Cha, có tiếng hát vui của ba ca sĩ.

Buổi gặp gỡ các nghệ nhân Công giáo kết thúc thành công tốt đẹp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bầu cử Thượng Nghị Viện Pháp
Hà Minh Thảo
14:21 24/09/2011
Hiến pháp hiện hành Cộng hòa Pháp trao quyền Lập pháp cho Nghị viện (Parlement) gồm hai Viện : Thượng nghị viện (hay Thượng viện, Sénat) và Quốc hội (Assemblée Nationale) (Điều 24).

Chúa nhật ngày 25.09.2011, 71.9510 đại cử tri được mời tham gia bầu bắt buộc để chọn 170 Nghị sĩ (hay Thượng nghị sĩ) cho nhiệm kỳ 2011-2017, mang tính cách đại diện cho các Đơn vị hành chính địa phương (collectivités territoriales. ‘territoriales’ đúng ra phải dịch là ‘lãnh thổ’, nhưng ‘địa phương’ được dùng để trái ngược với ‘trung ương’ nghe đúng hơn).

I.- CUỘC BẦU CỬ NGÀY 25.09.2011.

A. Số Nghị sĩ phải bầu lần này và nhiệm kỳ.

Các luật ngày 30.07.2003 và 21.02.2007 qui định nhiệm kỳ của Nghị sĩ từ 9 còn 6 năm. Số ghế tại Thượng nghị viện tăng từ 331 trong năm 2004, 343 trong năm 2008 và tới 348 trong năm 2011, bao gồm 12 Nghị sĩ đại diện cho người Pháp định cư ở hải ngoại. Từ năm 2008, các Nghị sĩ được bầu 6 năm, và từ năm 2011, bầu lại phân nửa Thượng nghị viện thay vì một phần ba như trước.

Tuổi để được trở thành Nghị sĩ phải có ít nhất là 35 năm.

B. Thể thức đầu phiếu.

Đơn vị bầu cử là Tỉnh (Département).

Đây là một cuộc bầu cử gián tiếp bởi các đại cử tri (grand électeur) gồm các Dân biểu (Député), Nghị viên Vùng (Conseillers régionaux) thuộc Đơn vị bầu cử, Nghị viên Tỉnh (Conseillers généraux) và Đại biểu các Hội đồng Thành phố (Délégués des conseils municipaux).

Số Đại diện các Hội đồng Thành phố được quyền bầu như sau :
- Thành phố có dưới 9.000 dân được cử từ 1 đến 5 đại cử tri ;
- Thành phố có từ 9.001 đến 30.000 dân thì toàn thể Nghị viên đều là đại cử tri ;
- Thành phố có trên 30.000 dân thì toàn thể Nghị viên đều là đại cử tri cộng thêm 1 đại cử tri cho mỗi lần số 1.000 dân.

112 Nghị sĩ được bầu theo đại diện tỷ lệ liên danh (représentation proportionnelle par liste) tại 18 Đơn vị bầu cử có ít nhất 4 Nghị sĩ và tại hãi ngoại) và 58 Nghị sĩ được bầu theo đầu phiếu đa số 2 vòng tại 26 Đơn vị bầu cử có từ 1 đến 3 Nghị sĩ.

II. NHIỆM VỤ THƯỢNG NGHỊ VIỆN.

A. Thảo luận và Biểu quyết Ngân sách cùng Luật.

Các Nghị sĩ có nhiệm vụ bỏ phiếu các Dự án luật (Projet de Loi) do Chính phủ đệ trình hay Đề nghị luật (Proposition de Loi) do Dân biểu hay Nghị sĩ đệ nạp. Chức vụ Nghị sĩ là không phù hợp với chức năng Tổng trưởng hay Bộ trưởng. Nghị sĩ vừa đắc cử có một tháng để chọn ở lại Chính phủ (Hành pháp) hay ở lại Thượng nghị viện (Lập pháp) được bầu có một khoảng thời gian một tháng để lựa chọn giữa các nhiệm vụ và chức năng. Trong thời gian này, các Tổng, Bộ trưởng không thể tham gia bỏ phiếu tại Thượng viện.

B. Xử lý thường vụ chức vụ Tổng Thống.

Hiến pháp 1958 qui định Chủ tịch Thượng nghị viện là nhân vật thứ hai trong nước. Do đó, vị này sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống khi Tổng thống từ chức, tử vong hay mất khả năng. Chủ tịch Alain Poher đã hai lần đến Điện Elysée để xử lý thường vụ chức vụ Tổng Thống : năm 1969, sau khi Tổng thống Charles de Gaulle từ chức và năm 1974, sau khi Tổng thống Georges Pompidou từ trần.

C. Tu chính Hiến pháp.

Điều 89 Hiến pháp 1958 qui định việc tu chính Hiến pháp bằng một trong hai cách:

- bởi hai viện Quốc hội và Thượng nghị viện mà đa số chấp thuận của mỗi viện về Dự án luật hay Đề nghị luật bằng những từ giống nhau và, sau đó, phải được chấp thuận bởi quốc dân qua trưng cầu dân ý.
- Nghị viện (Parlement, Quốc hội và Thượng nghị viện họp chung) thông qua với đa số đặc biệt 3/5 số phiếu bầu.

III. NHỮNG THAY ĐỔI CÓ THỂ.

Đây là cuộc bầu cử cuối cùng trước tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu và trực tiếp chọn Tổng thống vào mùa Xuân 2012. Trong đó, người ta chờ :

A. Thượng nghị viện thay đổi đa số.

Hiện nay, thành phần Thượng nghị viện gồm :
- Phe đa số (hữu phái) có 179 Nghị sĩ (52,2%), trong đó 147 vị thuộc Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire);
- Phe thiểu số (tả phái) có 152 Nghị sĩ (44,3%), trong đó 115 vị thuộc đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) ;
- Các đảng khác và độc lập có 10 Nghị sĩ (2,9%) và 2 ghế trống (0,6%).

95% trong số 71.951 đại cử tri là các Đại biểu hay chính các Thị trưởng (Maire) và Nghị viên Thành phố mà nhiều vị là những dân cử độc lập hay đảng phái nhỏ, nên khó đoán họ đầu phiếu cho ứng cử viên màu sắc chính trị nào. Tuy nhiên, dựa vào kết quả các cuộc bầu cử các Hội đồng Vùng, Tỉnh và Thành phố mà tả phái đều thắng (kết quả toàn quốc), nên người ta đoán là Thượng nghị viện có thể, lần đầu tiên trong nền Đệ Ngũ Cộng hoà, do phe này lãnh đạo.

B. Cải tổ Chính phủ.

Ba thành viên Chính phủ (hai ông Gérard Longuet, Quốc phòng, Maurice Leroy, Thành phố, và bà Chantal Jouanno, Thể thao) là những ứng cử viên có nhiều triển vọng đắc cử. Để được sử dụng quyền bầu phiếu cử Chủ tịch Thượng nghị viện cho vị đương kiêm Gérard Larcher (UMP), ba tân Nghị sĩ này phải từ chức Tổng trưởng trong Chánh phủ Fillon. Do đó, cần phải có một cuộc cải tổ Chánh phủ.
 
VietCatholic TV
Phóng sự chuyến viếng thăm Đức quốc của Đức Thánh Cha - Phần I
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:10 24/09/2011
Lúc 08g15 Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường Ciampino, Roma.

Lúc 10g30 ngài đến phi trường Tegel của thủ đô Berlin bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức trong 4 ngày, cho đến chiều Chúa Nhật 25-9-2011.

Đức Thánh Cha đã được chào đón với 21 phát đại bác nổ vang và tại chân thang máy bay, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống Christian Wulff và phu nhân Bettina tiếp đón. Kế đến là bà thủ tướng Angela Merkel, cùng với giáo quyền Công Giáo, đứng đầu là Đức TGM Berlin sở tại Rainer Woelki và Đức Cha Chủ tịch HĐGM Đức, Robert Zollitsch, và hàng chục tín hữu, trong đó có một số trẻ em. Có hai em bé nam nữ tặng hoa cho ĐTC, trước khi ngài cùng Tổng thống Wulff và bà thủ tướng Merkel vào phòng khánh tiết của phi trường để hội kiến ngắn trước khi lên đường tới Lâu Đài Bellevue là phủ tổng thống là nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Tại phủ tổng thống, sau khi ký sổ lưu niệm, Đức Thánh Cha đã đọc diễn từ đầu tiên trong chuyến viếng thăm này. ĐTC đã nói đến mục đích chuyến viếng thăm của ngài như sau:

“Tôi không đến đây để theo đuổi một số mục tiêu chính trị hoặc kinh tế như những chính khác vẫn làm một cách có lý, nhưng để gặp gỡ dân chúng và nói về Thiên Chúa.”

“Cần có một căn bản có tính chất bó buộc để chúng ta có thể sống chung với nhau, nếu không, mỗi người chỉ sống theo cá nhân chủ nghĩa của mình. Tôn giáo là một trong những căn bản để cho cuộc sống xã hội được thành công. Cũng như tôn giáo cần có tự do, thì cả tự do cũng cần có tôn giáo”.

“Tôi chỉ có thể thành đạt trong tư cách là người tự do bằng cách sử dụng năng lực của tôi để mưu điều thiện cho tha nhân.”

“Nhìn kỹ về quá khứ, ngay cả nơi những trang sử đen tối nhất cho phép chúng ta học hỏi kinh nghiệm và nhận được một động lực cho hiện tại”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

Nước Đức cần điều đó trong một thế giới đang cần được canh tân sâu rộng về văn hóa và tái khám phá các giá trị cơ bản để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Đây là lần thứ Ba Đức Thánh Cha thăm Đức trong cương vị Giáo Hoàng.

Hai lần trước đây hồi tháng 8 năm 2005 và tháng 9 năm 2006 có tính chất thuần tuý mục vụ. Lần này, ngoài tính chất mục vụ còn có tính chất một cuộc viếng thăm chính thức về ngoại giao giữa quốc gia Vatican và Đức theo lời mời của Tổng thống Christian Wulff.

Chủ đề cuộc viếng thăm là “Nơi nào có Thiên Chúa, nơi ấy có tương lai”, một đề tài đáp ứng tình trạng tục hóa cao độ tại Đức, trong đó 35% dân số là người không tín ngưỡng, và các tín hữu Công Giáo chỉ chiếm 30%, ngang với số tín hữu Tin Lành, trên tổng số hơn 81 triệu dân Đức.

Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp Video cho dân Đức và mời gọi họ tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên, trong Kinh Thánh, và qua những người họ gặp gỡ.

Sứ điệp của ĐTC được đài truyền hình ARD ở truyền đi tối thứ bẩy 18-9 vừa qua, trong đó ngài bày tỏ vui mừng vì sắp đến viếng thăm nước Đức từ ngày 22 đến 25-9 tới đây với các chặng dừng tại thủ đô Berlin, thành phố Erfurt, với tu viện thánh Augustino nơi ngài sẽ gặp gỡ và cầu nguyện với đại diện của các Giáo Hội Tin Lành Đức, rồi tới Đền thánh Eichsfeld, ở miền đất bé nhỏ vẫn tiếp tục là Công Giáo giữa bao nhiêu xáo trộn trong lịch sử, và sau cùng là miền tây nam Đức với thành phố lớn là Freiburg.

“Anh chị em hỏi tôi Thiên Chúa có hiện hữu hay không và nếu có liệu chính Ngài có đoái hoài đến chúng ta hay không? Chúng ta có đến được với Ngài hay không? Đúng thật là chúng ta không thể đặt Thiên Chúa lên bàn, chúng ta không thể động chạm đến Ngài và đưa Ngài lên như một đồ vật thông thường.”

“Chúng ta phải khám phá khả năng cảm nhận Thiên Chúa, là một khả năng tồn tại trong chúng ta. Chúng ta có thể trực giác thấy sự cao cả của Thiên Chúa trong vũ trụ bao la. Chúng ta có thể sử dụng thế giới nhờ kỹ thuật, vì thế giới này được kiến tạo một cách hợp lý. Trong sự rất hợp lý của thế giới chúng ta có thể trực giác tinh thần sáng tạo từ đó thế giới nảy sinh”.

ĐTC cũng nói đến sự kiện chúng ta có thể gặp những Lời cứu độ trong Kinh Thánh, những lời sự sống vĩnh cửu không đến từ con người, nhưng từ Chúa. Sau cùng chúng ta có thể hầu như thấy Thiên Chúa qua sự gặp gỡ với những người đã được Chúa đánh động.”

Hoạt động của ĐTC thu hút sự chú ý nhiều nhất chiều hôm qua là cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở quốc hội liên bang Đức. Từ nhiều ngày qua, đã có sự tranh luận sôi nổi trong dư luận tại nước này, vì có sự chống đối của 100 đại biểu quốc hội tả phái và đảng Xanh tuyên bố tẩy chay cuộc gặp gỡ này, vì cho là vi phạm nguyên tắc tách biệt Giáo Hội và nhà nước, dù rằng chính Chủ tịch quốc hội Đức, ông Norbert Lammert thuộc đảng CDU đã mời ĐTC đến viếng thăm và phát biểu.

Khi đến trụ sở quốc hội vào lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đã được ông chủ tịch Lammert tiếp đón và dẫn ngài ngài lên một phòng ở lầu một để gặp Tổng thống liên bang, thủ tướng, chủ tịch thượng viện, và chủ tịch tòa bảo hiến liên bang Đức.

Lên tiếng sau diễn văn chào mừng của ông chủ tịch Norbert Lammert, ĐTC nói đến vai trò của nhà chính trị, nhất là ngài kêu gọi suy nghĩ lại về vai trò của luật tự nhiên trong việc xác định các luật pháp, đồng thời tránh quan niệm hoàn toàn duy thực nghiệm.

ĐTC nói: “Chính trị phải là một sự dấn thân cho công lý và qua đó kiến tạo những điều kiện căn bản để có hòa bình. Dĩ nhiên một nhà chính trị tìm kiếm sự thành công, tạo cho mình khả năng hoạt động chính trị hữu hiệu. Nhưng sự thành công này tùy thuộc tiêu chuẩn công lý, tùy thuộc ý chí thực thi luật pháp và sự hiểu biết về luật pháp. Sự thành công cũng có thể là một cám dỗ và do đó nó có thể mở đường cho sự lèo lái công pháp, hủy hoại công lý”.

Trong phần kết luận, ĐTC mời gọi các đại biểu quốc hội Đức hãy mong ước, như vua Salomon, được một con tim biết lắng nghe, khả năng phân biệt giữa thiệt và ác, và thiết lập công pháp đích thực, phục vụ cho công lý và hòa bình.

Sau diễn văn tại trụ sở quốc hội Đức, ĐTC còn gặp 15 đại diện các cộng đoàn Do thái ở Đức vào lúc quá 5 giờ rưỡi chiều trong một phòng của Quốc hội Đức. Cùng hiện diện với ĐTC còn có các HY và GM thuộc đoàn tùy tùng.

Hoạt động tôn giáo đầu tiên của ĐTC trong ngày bắt đầu viếng thăm nước Đức là thánh lễ ngài cử hành lúc 6 giờ rưỡi chiều hôm qua tại sân vận động Olympic ở thủ đô Berlin. Thao trường này được khánh thành hồi đầu tháng 8 năm 1936 nhân dịp thế vận hội Olympic mùa hè lần thứ 36. ĐTC Gioan Phaolô 2 cũng đã từng cử hành thánh lễ tại đây cách đây 15 năm, ngày 23-6 năm 1996 để tôn phong 2 LM người Đức lên bậc chân phước là cha Karl Leisner và Lichtenberg.
 
Phóng sự chuyến viếng thăm Đức quốc của Đức Thánh Cha - Phần 2
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:07 24/09/2011
ĐTC đã dành buổi sáng ngày 23/9, ngày thứ Hai trong cuộc viếng thăm của ngài tại Đức, để viếng thăm thành phố Erfurt được coi là chiếc nôi của Giáo hội Tin Lành Luther ở Đức

Lúc 10h45, ngài đã đến phi trường Erfurt. Ra đón Đức Thánh Cha tại châ thang máy bay là nữ thống đốc Christine Lieberknecht của tiểu bang Thüringen. Đây là lần đầu tiên ĐGH đến thăm vùng đất Đông Đức từ khi bức tường Berlin sụp đổ.

Trong cuộc hội kiến sau đó, bà Christine Lieberknecht đã giới thiệu một vài nét về Erfurt và những đề án cho tương lai.

Thành phố Erfurt cách Berlin 200 cây số và hiện có 200 ngàn dân cư. Đây cũng là thủ phủ của bang Thueringen. Giáo phận Erfurt có 156 ngàn dân cư, tức là 7% trên tổng số gần 2 triệu 250 ngàn dân.

Sau khi được chính quyền và giáo quyền địa phương tiếp đón, cũng như viếng thăm Nhà thờ chính tòa Erfurt, ĐTC đã đến Tu viện thánh Augustino nơi Martin Luther đã sinh sống, hoạt động và ở lại đây cho đến năm 1511, trước khi bị vạ tuyệt thông vào năm 1521 và ly khai với Công Giáo. Ngày nay tu viện này là diễn ra các cuộc gặp gỡ quốc tế. Khuôn viên của tu viện trong mùa hè được dùng làm nơi hòa nhạc và văn nghệ.

Tại tu viện vào lúc quá 12 giờ, ĐTC đã được mục sư Nikolaus Schneider, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Tin Lành Đức và bà Chủ tịch Giáo hội Tin Lành bang Thueringen tiếp đón và dẫn vào Phòng hội để gặp gỡ 20 đại diện của các Giáo Hội Tin Lành. Giáo Hội này gồm 22 Giáo Hội Luther, Cải Cách, Hiệp nhất ở mỗi địa phương, đại diện cho hơn 24 triệu tín hữu Tin Lành toàn quốc, tương đương với 30% dân Đức.

Lên tiếng sau lời chào mừng của hai vị lãnh đạo Tin Lành, ĐTC đã gợi lại nơi Martin Luther đã sống, học hành và tu trì tại tu viện thánh Augustino ở thành phố Erfurt này.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Trong một cuộc đối thoại đại kết, chúng ta không nên nuối tiếc những gì là dị biệt và chia rẽ chúng ta, nhưng nên cám tạ Chúa vì tất cả những yếu tố giúp duy trì sự hiệp nhất giữa chúng ta vẫn tiếp tục được bảo toàn.

Đức tin của người Kitô hữu không dừng ở chỗ đánh giá những gì là thuận lợi và những gì là bất lợi. Một đức tin tự chế ra chẳng có giá trị gì. Đức tin không phải là điều gì chúng ta tự nghĩ ra ra bởi trí thông minh hay là do thỏa thuận với nhau. Đức tin là căn bản cho đời sống chúng ta. Sự hiệp nhất không triển nở từ những tính toán hơn thiệt nhưng đi vào chiều sâu mỗi lúc một hơn trong đức tin trong tư duy và trong đời sống của chúng ta.

ĐTC nói thêm rằng ”Một điều quan trọng nữa là Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, Đấng Sáng tạo trời đất, là điue khác với giả thuyết triết học về nguồn gốc vụ trụ. Vị Thiên Chúa này có một khuôn mặt và đã nói với chúng ta. Nơi con người, Đức Giêsu Kitô đã trở thành một người trong chúng ta, Ngài là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Tư tưởng của Luther, toàn thể linh đạo của Luther hoàn toàn qui hướng về Chúa Kitô: ”Đối với Luther, những gì thăng tiến chính nghĩa Chúa Kitô” chính là tiêu chuẩn chủ yếu trong việc giải thích Kinh Thánh. Nhưng điều này giả thiết rằng Chúa Kitô là trung tâm đời sống tinh thần của chúng ta và việc yêu mến Chúa, sống với Chúa, hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.”

Sau khi gặp gỡ và trao đổi với các vị đại diện Tin Lành Đức, ĐTC đã tiến vào nhà thờ cũ của Tu Viện thánh Augustinô để cùng với 300 người tại đây cử hành buổi cầu nguyện đại kết. Hiện diện trong dịp này cũng có tổng thống Chritian Wuff, bà thủ tướng Angela Merkel, vốn là con của một mục sư tin lành Luther, đông đảo các vị mục sư và tín hữu đại diện các Giáo hội Tin Lành Đức và hàng chục GM cũng như các em học sinh Công Giáo.

Buổi cầu nguyện đại kết được tiếp tục với các ý nguyện khác nhau do các đại diện của Công Giáo và Tin Lành xướng lên. Rồi mọi người đọc kinh Lạy Cha, trước khi vị Chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành đọc lời chúc phúc của Aaron trong sách Dân Số (Ds 6,24-26) và ĐTC chúc lành cho mọi người.

Sau buổi cầu nguyện đại kết, Đức Thánh Cha đã đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Etzelsbach bằng trực thăng từ phi trường Erfurt vào lúc 16h45.
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Erfurt Đông Đức bất chấp vụ nổ súng vào lực lượng an ninh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:07 24/09/2011
Tối thứ Sáu 23/9, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã gặp gỡ các nạn nhân trong các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục gồm 2 phụ nữ và 3 người đàn ông từ các giáo phận của Đức. Năm ngoái những vụ tai tiếng lạm dụng đã dẫn đến hậu quả thê thảm là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội tại Đức con số người lìa bỏ Giáo Hội đã nhiều hơn số được rửa tội.

Buổi sáng thứ Bẩy 24/09, là ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm cố hương, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho 30,000 anh chị em giáo dân tại Erfurt. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ một người đàn ông dùng súng hơi bắn 4 phát vào lực lượng an ninh. Nghi can đã bắn từ cửa sổ một căn phòng của một chung cư cách quảng trường Vương Cung Thánh Đường Erfurt 550m. Vụ nổ súng diễn ra một giờ trước khi Đức Thánh Cha đến điạ điểm cử hành thánh lễ. Rất may mắn không có ai bị thương trong vụ này.

Trong bài giảng trước 30,000 anh chị em giáo dân Đông Đức, Đức Thánh Cha nhận định rằng sự sụp đổ của chế độ cộng sản 20 năm trước đây đã giúp cho Giáo Hội được tự do hơn. Tuy nhiên, ngài đưa ra câu hỏi là liệu sự tự do vừa có được “có thực sự giúp chúng ta đào sâu căn cội đức tin trong môi trường tự do mới rất khác biệt”.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “Chính trong gian lao và bách hại nhiều Kitô hữu đã giữ được lòng trung tín với Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài”.
 
Đức Thánh Cha đến thăm Freiburg
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:46 24/09/2011
Lúc 2 giờ chiều ngày thứ Bẩy 24/9/2011, Đức Thánh Cha đã viếng thăm tổng giáo phận Freiburg, cứ điểm trọng yếu của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Nếu như tại Berlin người Công Giáo chỉ chiếm 7% dân số, thì tại thành phố Freiburg, người Công Giáo chiếm đến 42% dân số.

Hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy là quang cảnh tiếp đón Đức Thánh Cha tại nhà thờ Chính tòa Freiburger Münsters. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đến thăm TGP Freiburg và thành phố Freiburg. Đức TGM Robert Zollitsch đang cai quản TGP và cũng là vị Chủ tịch HĐGM Đức.

Sau khi thăm nhà thờ chính tòa và xướng kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ dân chúng tại quảng trường Vương Cung Thánh Đường. Ngài nói với mọi người rằng ngài đến “để cầu nguyện chung với họ, công bố Lời Chúa, và cử hành Phụng Vụ Thánh Thể”.

Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha như sau:

Các bạn thân mến,

Tôi chào thăm anh chị em và cám ơn anh chị em vì những lời chào mừng tốt đẹp. Sau những cuộc gặp gỡ tuyệt vời tại Berlin và Erfurt, tôi vui mừng hiện diện nơi thành phố Freiburg này với anh chị em. Xin cám ơn đặc biệt đến Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch vì lời mời của ngài và những lời chào đón thân tình.

Khẩu hiệu của chuyến tông du này nhắc chúng ta rằng: “Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đấy có tương lai”. Trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô, người đã được Chúa ủy thác cho việc củng cố anh em ngài, tôi nhiệt thành đến đây để cầu nguyện chung với anh chị em, công bố Lời Chúa, và cử hành Phụng Vụ Thánh Thể. Xin anh chị em cầu nguyện để những ngày này mang lại hoa trái, để Thiên Chúa đào sâu đức tin trong ta, tăng cường đức cậy và đức mến trong chúng ta. Trong những ngày này, xin cho chúng ta một lần nữa ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao và Ngài nhân lành đến ngần nào, để chúng ta tín thác đặt mình và tất cả những lo toan trong tay Ngài. Trong Ngài tương lai chúng ta được bảo đảm: Ngài mang đến ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta và mang đời ta đến chỗ viên mãn. Xin Thiên Chúa đồng hành với anh chị em trong bình an và biến đổi anh chị em nên những sứ giả của vui mừng!