Ngày 25-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 26 thường niên B
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
16:30 25/09/2018
Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc 9, 37-42 ; 46-47)
DỊP TỘI


Gio-an thưa Chúa điều này,
Quyền năng trừ quỷ, có hay phép mầu.
Nhân danh Thiên Chúa khẩn cầu,
Xua trừ ma quỷ, quyền đâu chứng từ.
Chúng con ngăn cấm nghiệp dư,
Chúa thương dậy bảo, riêng tư giãi bầy.
Ai làm phép lạ vì Thầy,
Thì không nói xấu, không gây muộn phiền.
Ai không chống đối xỏ xiên.
Là người ủng hộ, kết liên một lòng.
Kẻ nào gây cớ a tòng,
Mở đường vấp phạm, suy vong tâm hồn.
Thà rằng cối buộc dấu chôn,
Thả sông ném biển, không công cán gì.
Tứ chi lỗi phạm điều chi,
Thà rằng cắt bỏ, mỗi khi gây phiền.

Các môn đệ thấy có người không trong nhóm nhân danh Chúa mà trừ qủy, các ngài đã ngăn cấm. Chúa Giêsu rất rộng lượng đã bênh vực người ấy. Chúa nói: Đừng ngăn cấm y. Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con. Mọi việc tốt đều bởi Chúa. Chúa Giêsu không chấp nhận đầu óc bè phái trong lãnh vực liên hệ ơn cứu độ. Vì có óc đảng phái sẽ có phân rẽ và loại bỏ nhau. Danh xưng của Chúa không ai có quyền sở hữu. Bất cứ ai với ý hướng ngay lành đều có thể tuyên xưng danh Chúa.

Danh Chúa có sức biến đổi và chữa lành. Nhân danh Chúa, các Tông đồ có thể chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma qủy. Trong tất cả các kinh nguyện của Giáo Hội đều kết thúc bằng câu : nhờ danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Những người thuộc về Chúa Kitô phải có đường lối rõ ràng và dứt khoát. Phải loại bỏ những người gây ảnh hưởng không tốt trong xã hội. Những người làm cớ vấp phạm cho các trẻ nhỏ, thà buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển. Chúa dùng ngôn từ rất mạnh mẽ để bảo vệ danh xưng của Chúa. Những người làm gương mù, gương xấu, chúng ta phải có thái độ dứt khoát.

Người có trách nhiệm dậy dỗ và hướng dẫn cần đề phòng những ảnh hưởng xấu làm băng hoại bản thân và con cái. Những ảnh hưởng xấu sẽ len lỏi vào cuộc đời người trẻ qua sách báo, phim ảnh, truyền hình xấu và các mạng lưới điện tử. Đây là những cánh cửa tự do nếu không cẩn thận, chúng ta dễ dàng bị lôi cuốn vào những điều không tốt. Các phương tiện truyền thông dễ làm thỏa mãn những thị hiếu và nhu cầu dục vọng. Chúng ta dễ dàng bị lôi cuốn vào những cách thế quảng cáo của thế tục.

Chúa nhắn nhủ rằng: nếu tay chân con làm dịp tội, con hãy chặt bỏ. Nếu mắt con làm dịp tội hãy móc mắt. Một chọn lựa dứt khoát vì nước trời. Chúng ta phải tu luyện bản thân, phải từ bỏ và cắt chặt những rườm rà trong cuộc sống. Chúa muốn chúng ta có những thái độ chọn lựa rõ ràng để bảo vệ sự trong sáng của linh hồn.

Hãy nhận biết sự thật về chính mình, nhìn về qúa khứ, xin Chúa tha tội. Nhìn vào hiện tại, chúng ta ý thức vai trò là cha là mẹ và là người hướng dẫn tốt cho con cái biết tránh xa dịp tội. Hướng về tương lai, chúng ta tin tưởng vào Chúa trong sự cầu nguyện và phó thác.

THỨ HAI, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 46-50).
CAO TRỌNG


Người nào trọng nhất Nước Trời,
Trẻ em bé nhỏ, sống đời đơn sơ.
Chúa thương đón nhận trẻ thơ,
Vòng tay âu yếm, vô bờ mến yêu.
Kẻ nào bé nhỏ yêu kiều,
Là người trọng nhất, thiên triều xứng danh.
Tâm hồn thanh khiết xinh lành,
Tin yêu phó thác, thực hành ái nhân.
Gio-an lên tiếng phân trần,
Người kia trừ quỷ, ở gần chúng ta.
Chúng con ngăn cản người ta,
Chúa rằng đừng cấm, vị tha xóa nhòa.
Họ không chống nghịch thiên tòa,
Đồng tâm trọn ý, thuận hòa kết giao.
Chúa ban ân phúc trời cao,
Sinh hoa kết qủa, biết bao phúc lành.

THỨ BA, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 51-56).
CỨU CHỮA


Thời gian sắp mãn trong đời,
Lên đường cương quyết, Con Người phải đi.
Dân làng không tiếp khinh khi,
Tông đồ nổi giận, sinh nghi lòng người.
Thưa Thầy khiến lửa bởi trời,
Cháy lan thiêu hủy, những người cứng tin.
Chúa quay quở trách khẽ nhìn,
Tính tình ghen tị, niềm tin yếu hèn.
Thần nào xúi giục đua chen,
Ân tình đáp trả, muối men ướp đời.
Kiên tâm đối xử với người,
Rộng lòng tha thứ, cao vời biết bao.
Chúa sang làng khác truyền rao,
Cải tà qui chánh, dẫn vào đường ngay.
Chu toàn sứ mệnh hôm nay,
Ngày mai phó thác, hăng say cứu đời.

THỨ TƯ, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 57-62).
THEO THẦY


Trên đường rao giảng tin mừng,
Một người quyết chí, không ngừng bước theo.
Dù rằng núi đá cheo leo,
Khó khăn muôn lối, dù nghèo lang thang.
Chúa rằng con cáo có hang,
Con chim có tổ, kho tàng ẩn thân.
Con Người không chỗ náu thân,
Gối đầu chẳng có, tinh thần thảnh thơi.
Có người theo Chúa xu thời,
Lo toan công việc, giữa đời khó khăn.
Đáp ơn cha mẹ cản ngăn,
Chôn cha trước đã, lưu danh ở đời.
Theo Thầy đáp tiếng gọi mời,
Rời cha xa mẹ, tuyệt vời tu thân.
Cầm cầy ngó lại đường trần,
Thì không xứng đáng, dấn thân theo Thầy.

THỨ NĂM, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 1-12).
SAI ĐI


Môn đồ Chúa chọn sai đi,
Từng hai người một, xá gì gian nan.
Đồng hành nâng đỡ ủi an,
Thi hành bác ái, sẻ san tình người.
Bảy mươi hai vị vào đời,
Truyền rao chân lý, gọi mời canh tân.
Đầy đồng lúa chín vô ngần,
Cánh đồng bát ngát, rất cần thợ chuyên.
Vào đời dấn bước rao truyền,
Như chiên giữa sói, lời khuyên thanh bần.
Đừng mang tiền bạc phụ thân,
Không đem bao bị, tinh thần thảnh thơi.
Bình an cầu chúc mọi nơi,
Gia đình xứng đáng, ban lời cầu an.
Nước Trời đã đến trần gian,
Mở lòng đón nhận, Chúa ban phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 13-16).
SÁM HỐI


Kêu mời cải qúa tự tân,
Đổi đời sám hối, canh tân lòng người.
Tiên tri sai đến trong đời,
Răn đe dạy bảo, gọi mời đổi thay.
Thực hành phép lạ tỏ bày,
Tâm hồn chai cứng, chẳng hay đổi đời.
Cô-rô-zai hỡi một thời,
Beth-sai-đa nữa, bao lời truyền rao.
Khốn cho dân chúng biết bao,
Dửng dưng vui sống, tự cao dân lành.
Ca-pha-na-úm tranh dành,
Đua đòi thỏa mãn, công danh chức quyền.
Không màng tuân giữ luật truyền,
Thờ ơ khinh dể, lời khuyên trở về.
Tự cao tự đại tư bề,
Sa chìm thấp xuống, ê chề thảm thương.

THỨ BẢY, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 17-24).
GHI DANH


Vui mừng vinh thắng trở về,
Quỷ ma vâng phục, mọi bề an cư.
Thầy ban quyền phép riêng tư,
Kẻ thù rắn rết, miễn trừ cứu nguy.
Đừng vui thần phục lụy tùy,
Vui mừng Nước Chúa, khắc ghi tên mình.
Chúa đầy hoan lạc Thánh Linh,
Ngợi khen ca tụng, uy linh Chúa Trời.
Khôn ngoan thông thái ở đời,
Kiêu căng ngạo mạn, xa vời khó thương.
Đơn sơ thanh khiết tựa nương,
Nhiệm mầu dấu kín, khiêm nhường trao ban.
Chúa Con mạc khải thiên nhan,
Các con hạnh phúc, ngập tràn tin yêu
Ý Cha thể hiện cao siêu,
Tỏ bày mọi sự, thiên triều quang lâm.
 
Tin Mừng dữ dội
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:45 25/09/2018
Chúa Nhật 26 Thường Niên B

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, đọc giả có lúc cười lúc khóc, có khi cảm nhận được sự xoa dịu ủi an hay thôi thúc tỉnh thức, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú…Tin Mừng luôn nói lên những chân lý và dạy những bài học thích đáng.

Suy niệm trang Tin Mừng (Mc 9,42-48), Lm Nguyễn Hồng Giáo dùng cụm từ “Tin Mừng dữ dội”.

Đầu đề “Tin Mừng dữ dội” chắc sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên thắc mắc. Tin Mừng của Chúa Giêsu mà dữ dội sao? Chẳng phải là Tin Mừng toát ra một bầu khí yêu thương, hiền hoà, bao dung, yêu chuộng hoà bình và bất bạo động bao trùm đó sao? Tôi đồng ý như thế, tôi vẫn biết là có vô số những người đã tìm thấy trong lời dạy về tình thương và thái độ bất bạo động nguyên lý cho sự dấn thân xã hội, chính trị của họ, ví dụ như ba khuôn mặt còn khá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta là Mẹ Têrêxa Calcutta, mục sư Tin Lành Martin Luther King và nhà anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi. Dầu vậy, tôi cứ vẫn thấy Tin Mừng của Chúa là dữ dội, ngay cả hay đúng hơn nhất là Bài giảng trên núi (Mt các chương 5, 6, 7) mà Gandhi lấy làm một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh hoà bình của mình chống lại thực dân Anh, dành độc lập cho đất nước. Tin Mừng dữ dội với các đòi hỏi gắt gao: "Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt 18, 8-9; x. Mt 5, 19-20). Cần hy sinh những gì đưa chúng ta tới tội trọng và phải biết dám liều mình, hy sinh đến cả mạng sống mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. (x.nguoitinhuu.com)

Lời Chúa hôm nay cho thấy tính chất “dữ dội” của Tin Mừng.

Phải tránh gương mù gương xấu “Nếu ai làm cớ cho người khác phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn”.

Phải quyết liệt và dứt khoát với dịp tội “chặt tay, chặt chân, móc mắt” khi những chi thể này là nguyên nhân phạm tội. ĐGM Arthur Tonne gọi đó là những lời đẫm máu và rùng rợn. Noel Quesson nói: dù là những kiểu nói vùng Sêmít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó.

M. Quesnel tự hỏi: Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu (Mc 7,21-22). Chúa Giêsu bảo là hãy dứt khoát "chặt đi" bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể là dịp tội cho ta. Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là "từ bỏ chính mình" (x. Mc 8,34). Tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe (Fiches Dominicales). Tay mắt và chân tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. “Chặt bỏ" một tật xấu một thói quen, "cắt đứt" một mối liên hệ nguy hiểm. Tính dữ dội biểu lộ nơi thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt với tội lỗi.

Cũng như người bệnh, phải phẫu thuật, phải cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo chúng ta phải quyết liệt với tội lỗi cho dù phải “chặt tay, chặt chân, móc mắt”. Chúa muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người. Biết bao nhiêu người đã chịu thiệt thòi, thậm chí dám chấp nhận cái chết vì trung thành với tất cả các đòi hỏi “dữ dội” của Tin Mừng.

Đời sống Kitô hữu cần được cắt xén, gột rửa, từ bỏ để tăng trưởng, sinh nhiều hoa trái “Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt bỏ, còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn” (Ga 15,1-2).

Có những lời dạy của Tin Mừng, mới nghe qua thì rất "nhẹ nhàng", nhưng gẫm sâu hơn lại thấy vô cùng dữ dội, ví dụ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26). "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được" (Mt 6, 24); "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: 'Chớ giết người'; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5, 21-22); "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5, 27-28); "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: 'Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'" (Mt 18, 21-22); "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Mắt đền mắt răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài..." (Mt 5, 38-40). Hoặc: "Anh em đã nghe Luật dạy: 'Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù'. Còn Thầy. Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em..." (Mt 5, 43-44).

Tin Mừng dữ dội là do sự đòi hỏi vô cùng của sự hoàn thiện và tình thương của Cha trên trời mà các môn đệ Chúa Giêsu, vốn là những con người yếu đuối và tội lỗi, phải noi theo (x. Mt 5, 48 và Lc 6, 36). Giáo lý Tin Mừng không hề kêu gọi bạo lực nhưng nó đòi hỏi người tín hữu phải quyết liệt với mình, làm mạnh với mình, dám dùng "bạo lực" với mình, nếu nói được như thế, bởi lẽ nó bắt ta đi ngược với xu hướng tội lỗi vốn ăn sâu trong ta, đi ngược với sự khôn ngoan thế gian nữa. (Lm Nguyễn Hồng Giáo).

Trước những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, người ta sẵn sàng chấp nhận cắt bỏ một phần chi thể để cứu cả mạng sống. Khi nói “thà cụt một tay, thà mất một mắt” mà được vào cõi sống, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tính quyết liệt, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, sự ác. Quả vậy, hoả ngục, điểm đến của tội lỗi, là tình trạng còn tồi tệ hơn cả cái chết. Vì thế, để được vào cõi sống muôn đời, Chúa dạy chúng ta không chỉ tránh tội, những điều tự bản chất là xấu, mà ngay cả những gì thiết thân nhất với mình, những gì tự chúng vốn không xấu, nhưng một khi chúng trở thành dịp tội, chúng ta cũng phải dứt khoát loại bỏ. Gương xấu và làm dịp tội cho người khác gây tai hại và nguy hiểm vô cùng. Các nhà tu đức đã đúc kết thành câu châm ngôn: “Càng tránh dịp tội càng ít phạm tội”.

Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây. Hễ búa đi đến đâu là là cây cối đều ngã rạp đến đó.

Một hôm cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa. Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự Đại hội này.

Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả. Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này. Dù một khúc gỗ cũng không cho!

Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!

Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm. Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại. Kết qủa là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán. Nhưng hỡi ôi! Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.

Bạn chỉ cần cho tội ác một cơ hội thôi là bạn sẽ hối tiếc cả cuộc đời ! Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa. Tội lỗi tàn phá cơ thể như bệnh ung thư. Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!

Bạn đừng cho tội ác một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một một sự dễ dàng cỏn con. Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó ! “Đừng để ma quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).

Cái xấu có khả năng lây lan rất nhanh. Tiếp cận với lời “dữ dội” của Tin Mừng sẽ giúp bạn tránh xa dịp tội và gương xấu. Nhờ đó, bạn sẽ làm chủ những đam mê như vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn trong mọi mối tương quan.Cái đẹp, cái tốt, cái chân thật thường loan truyền theo chiều rộng và chiều xa. Sống Tin Mừng giúp bạn đem đến cho cuộc đời những nét đẹp, cuộc sống thêm ý nhị đậm đà và nhiều niềm vui hạnh phúc hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô khi suy niệm về việc Đavít phạm tội đã nói: “Điều nghiêm trọng nhất là… Đavít đã mất cảm thức tội lỗi” mà chỉ coi đó là “một sự cố phải giải quyết” (Bài giảng 31/01/2014). Con người ngày nay đang đánh mất cảm thức tội lỗi: người ta không gọi tội lỗi là tội lỗi, mà khoác cho chúng những mỹ từ, thậm chí coi đó là những việc chính đáng, được phép làm (như hợp pháp hoá mại dâm, phá thai…). Để tân phúc âm hoá đời sống xã hội, người Kitô hữu phải có cảm thức nhạy bén trước tội lỗi và loại trừ chúng ngay khi chúng mới xuất hiện dưới dạng một cơn cám dỗ hay một dịp tội.

Chúng ta hãy noi gương thánh Đaminh Saviô trung thành suốt đời với quyết tâm khi rước lễ lần đầu: “Thà chết chứ không phạm tội”.





 
Đừng bao giờ là cớ vấp phạm
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:48 25/09/2018
Đừng bao giờ là cớ vấp phạm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVI – B

(Mc 9, 37-42. 44. 46-47)

Sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (x. Mc 8, 31-33) rồi lần thứ hai (x. Mc 9, 30-32), là bài học về tư cách của người đứng đầu Chúa dành cho các môn đệ (x. Mc 9, 35-37). Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn các ông về cách sử dụng danh Chúa trong cộng đoàn tín hữu dù là môn đệ hay không (x. Mc 9, 38-40); phần thưởng dành cho những ai sống xứng với danh Kitô hữu của mình (x. Mc 9,41); và đương nhiên kẻ làm cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em sẽ bị trừng phạt thích đáng (9,42); đồng thời Chúa nhấn mạnh đến sự cần phải khước từ những gì gây lên tội lỗi khiến chúng ta mất chỗ trên Nước Trời (x. Mc 9, 43-48).

Chớ ghen ghét

Ghen ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu. Lần giở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra thói ghen ghét. Vì không bằng lòng với những gì mình có, muốn bằng và thậm trí hơn Thiên Chúa nữa, nên Adong và Evà ghen tuông với Thiên Chúa hái trái cấm để ăn. Thế nhưng, ăn xong rồi thì mọi sự được sáng tỏ. Con người mãi mãi là thụ tạo trong lòng bàn tay của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.

Ghen ghét nảy sinh khi so sánh mình với người khác. Sở dĩ có ghen ghét vì người ta người khác hơn mình, mình bị nép vế, bị mất ảnh hưởng, Giôsuê là một bằng chứng. Khi ông Môsê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông Enđát và ông Mêđát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (x. Ds 11,27). Ðiều đó làm ông Giôsuê thắc mắc. Ông Môsê khuyên ông Giôsuê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.

Thánh Giacôbê có kinh nghiệm xương máu về tôi ghen ghét, ngài viết : Vậy “ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ơ đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoa... Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (x. Gc 3, 16-4,3).

Thánh Gioan tông đồ cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ông quan ngại về việc Ðức Giêsu ban quyền năng cho người nghe. Ông ghen tị vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông : “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).

Quảng đại, hy sinh vì Nước Trời

Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).

Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Chúng ta thấy đó đây có người tháo chân, móc mắt, cắt ruột để kéo dài sự sống tạm bợ, xem ra nhẹ nhàng. Để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.

Đừng là cớ vấp phạm

Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói : “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”

Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.

Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết : “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.

Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm : “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thỏa thuận Trung Hoa – Vatican dưới cái nhìn của Giám Đốc AsiaNews: một số bước tích cực, nhưng không quên các vị tử đạo
Vũ Văn An
01:32 25/09/2018
Bản văn thỏa thuận tạm thời giữa Trung Hoa và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm giám mục, vì chưa được chính thức công bố và có người còn cho rằng sẽ không bao giờ được công bố, nên các nhà bình luận chỉ biết dựa vào thông cáo chính thức của Tòa Thánh cũng như các lời bình luận và giải thích của Hồng Y Quốc Vụ Khanh và Giám Đốc Báo Chí của Tòa Thánh. Người bi quan thì cho là một cuộc bán đứng Giáo Hội Trung Hoa cho qủy đỏ. Người lạc quan thì coi là một đột phá lịch sử. Lý luận bên nào nghe cũng có lý cả.



Trong số các nhận định trên, chúng tôi thấy nhận định của Cha Bernardo Cervellera, giám đốc hãng tin AsiaNews, là quân bình hơn cả. Cha là cựu giáo sư môn Lịch Sử Văn Minh Tây Phương tại Đại Học Bắc Kinh (Beida), được coi như một chuyên gia hàng đầu về Trung Hoa. Hãng tin do cha làm giám đốc là hãng tin chính thức của Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Ngoại Quốc (PIME). Theo Wikipedia, từ năm 2003, hãng tin này có ấn bản bằng tiếng Trung Hoa, nhằm vào các sinh viên đại học Trung Hoa, những người họ tin rất “tò mò về Kitô Giáo” và có thể cứu Trung Hoa khỏi trở thành một “thị trường vô linh hồn hay... độc tài”.

Cha Cervellera cho rằng hãng tin của Cha không bi quan và cũng không lạc quan, nhưng hiện thực, nghĩa là nhìn thấy thấy cả điều tích cực lẫn điều tiêu cực trong “thoả thuận mong manh và ‘tạm thời’ này”.

Đức Giáo Hoàng và việc cử nhiệm các giám mục

Thoả thuận chứa một điều mới mẻ: một cách nào đó, cách mà AsiaNews cho là chúng ta không dự phần vào, vì bản văn của thỏa hiệp chưa được công bố, và sẽ không được công bố, Tòa Thánh sẽ can dự vào việc cử nhiệm các giám mục. Ít nhất trên giấy tờ, điều này có nghĩa chấm dứt Giáo Hội “độc lập”, từng được loan báo rất nhiều trong mấy năm qua, và thừa nhận rằng dây nối kết với Đức Giáo Hoàng cũng là điều cần thiết để một giám mục Trung Hoa thi hành thừa tác vụ của ngài. Theo thỏa hiệp, sẽ không thể nào cử nhiệm và tấn phong một giám mục mà không có ủy nhiệm (mandate) của Đức Giáo Hoàng, ngay cả nếu chính phủ, hay hội yêu nước, hay hội đồng giám mục có thể đề cử các ứng viên. Đây là khía cạnh lạc quan.

Nhưng cũng có khía cạnh bi quan: điều gì sẽ xẩy ra nếu 1 ứng viên do Trung Hoa đề cử bị Đức Giáo Hoàng bác bỏ? Cho đến nay, người ta nói tới quyền phủ quyết tạm thời của Đức Giáo Hoàng: Ngài có thể đưa ra lý do cho việc bác bỏ của mình trong vòng 3 tháng, nhưng nếu chính phủ thấy động lực của Đức Giáo Hoàng bất nhất, họ có thể tiếp tục việc bổ nhiệm và tấn phong ứng viên được chọn. Không có bản văn thỏa thuận trong tay, ta không biết liệu điều khoản này có được duy trì hay không, liệu quả thực Đức Giáo Hoàng có lời nói cuối trong việc cử nhiệm và tấn phong không, hay liệu thẩm quyền của ngài chỉ được thừa nhận một cách hình thức.

Một giáo luật gia, bạn của Cha Cervellera, tin chắc rằng Đức Giáo Hoàng sẽ có bản quyền (permanent power) nói lời cuối cùng đối với các ứng viên “vì Giáo Hội không thể làm khác thế”. Dù sao, đây cũng là một trong các điểm chúng ta phải kiểm nghiệm trong các tháng kế tiếp, với các cử nhiệm và tấn phong từng bị trì hoãn trong nhiều năm.

Bãi bỏ các vạ tuyệt thông

Một yếu tố tích cực khác là việc bãi bỏ vạ tuyệt thông cho bảy giám mục, được tấn phong mà không được Đức Giáo Hoàng ủy nhiệm giữa các năm 2000 và 2012. Đây là một sự kiện tích cực bởi vì ít nhất, về nguyên tắc, nó sẽ giúp người Công Giáo Trung Hoa hướng tới sự thống nhất nhiều hơn. Các giám mục bị tuyệt thông này đã được Hội Yêu Nước sử dụng để chia rẽ Giáo hội, với việc cảnh sát buộc họ phải chủ trì các buổi lễ và các cuộc tấn phong giám mục. Cũng phải nói rằng nhiều vị trong số này đã thực hiện hành trình thống hối và, trong nhiều năm, đã yêu cầu được hòa giải với Rôma. Việc bãi bỏ vạ tuyệt thông không phải là thành phần của "gói" thỏa thuận, nhưng là một cử chỉ nội bộ bên trong Giáo hội, mặc dù việc công bố sự hòa giải này được loan báo cùng ngày với tin tức về thỏa thuận, điều mà Cha Cervellera cho có lẽ vì một nỗ lực hơi ngây thơ trong chiến lược chính trị.

Nhưng trong số những tín hữu Trung Hoa trung thành – tức "đoàn dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa" mà Đức Giáo Hoàng yêu cầu chúng ta phải lắng nghe - có sự vỡ mộng và buồn bã vì một số các giám mục được hòa giải này có tiếng có người yêu và con cái và là "những tên hợp tác". Nhiều người khác thắc mắc liệu các giám mục được hòa giải có sẽ bày tỏ một lời yêu cầu công khai được tha thứ hay không trước những người mà họ đã làm gương mù gương xấu bằng hành động "độc lập" của họ. Trong thực tế, Đức Hồng Y Pietro Parolin, trong nhận định của ngài về thỏa thuận, đã kêu gọi phải có "các hành động cụ thể giúp khắc phục các hiểu lầm của quá khứ, ngay cả quá khứ gần đây".

Thỏa thuận "mục vụ" và "phi chính trị"

Một yếu tố tích cực khác của thỏa thuận là đặc tính "mục vụ" và "phi chính trị" của nó. Và, quả thực, sự thỏa thuận đã được ký kết mà không có việc Trung Quốc đòi phải phá vỡ liên hệ ngoại giao với Đài Loan như một điều kiện tiên quyết. Trong nhiều thập niên và cả trong những năm cuối cùng của cuộc đối thoại dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, điệp khúc của Trung Hoa là nếu Vatican muốn cải thiện liên hệ với Bắc Kinh, trước tiên, họ phải gián đoạn các liên hệ với Đài Loan và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Hoa. Với thỏa thuận "mục vụ", hai điều kiện này bị bỏ qua: Vatican được đưa vào các cuộc cử nhiệm giám mục và không có sự đoạn tuyệt với Đài Loan, với sự đánh giá cao của Bộ Ngoại giao Đảo Quốc và đại sứ của nó bên cạnh Tòa Thánh.

Cuộc bách hại không được nói đến

Tuy nhiên, có một yếu tố khác cực kỳ tiêu cực: cả trong tin tức về thỏa thuận lẫn trong các giải thích về nó không hề nhắc chi tới, dù là xa xôi nhất, cuộc bách hại mà người Công Giáo và mọi Kitô hữu khác đang phải chịu hiện nay.

Như cơ quan tin tức của Cha Cervellera đã chứng kiến nhiều lần trong những dịp gần đây, nhân danh "Trung Hoa hóa", các thánh giá bị đốt cháy và phá hủy, các nhà thờ bị san bằng, các tín hữu bị bắt và những người trẻ dưới 18 tuổi bị cấm việc thờ phượng và giáo dục tôn giáo ở Trung Quốc.

Ngoài ra còn có các giám mục và linh mục biến mất trong lúc bị cảnh sát giam giữ; nhiều giám mục bị quản thúc tại gia; các giám mục không chính thức bị coi là tội phạm; kiểm soát mọi loại sinh hoạt cộng đồng. Thêm vào tất cả những điều này, còn có các cuộc bách hại các cộng đồng tôn giáo khác nữa (Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, ...), những cuộc bách hại này chứng minh quan điểm tiêu cực Trung Quốc vốn có về các tôn giáo, và kế hoạch của họ là đồng hóa hoặc tiêu diệt họ.

Điều này làm cho thỏa thuận tạm thời giống như một kết quả kỳ lạ, một điều bất ngờ và tạm thời, không có tương lai, bởi vì nó phủ một cái bóng nghi ngờ lên người nói chuyện mà Toà Thánh đã quyết định đối thoại với. Các nhận định từ Trung Quốc bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận, nhưng cũng buồn rầu vì người Trung Quốc không tin tưởng các thẩm quyền chính trị của họ.

Về phương diện này, vài tháng trước trong một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng "đối thoại là một rủi ro, nhưng tôi thích sự rủi ro không chắc chắn hơn là sự thất bại của việc không nói". Do đó, tốt hơn là nên bắt đầu một cuộc đối thoại với một người đối thoại không đáng tin cậy, hơn là cứ giữ thinh lặng. Theo quan điểm này, thỏa thuận, dù tạm thời, chắc chắn là một trang mới.

Các tử đạo Lithuania và Trung Hoa

Sự kiện im lặng về bách hại vẫn còn đó. Trong tất cả những năm này, Tòa Thánh đã im lặng về bất cứ cuộc bách hại nào: giết hại các linh mục; phá hủy các nhà thờ; bắt giữ các giám mục... Điều này khiến nhiều người có ấn tượng rằng cuộc đối thoại có tính "chính trị" hơn là "mục vụ". Ngay hôm qua, ở Vilnius, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi tưởng nhớ các nạn nhân diệt chủng của Đức Quốc xã và Cộng sản, đã đọc một lời cầu nguyện, trong đó ngài cầu xin Chúa đừng để chúng ta trở nên "điếc tai đối với tiếng kêu than của tất cả những người ngày nay tiếp tục cất cao tiếng nói của họ lên trời". Và đó chính là điều người Công Giáo Trung Hoa đang yêu cầu.

Cha Cervellera tự hỏi tại sao Toà Thánh muốn thông báo việc ký kết thỏa thuận đúng lúc ở Vilnius Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tưởng nhớ chứng tá vĩ đại của người Công Giáo Lithuania dưới chủ nghĩa cộng sản, sự kháng cự và đức tin của họ dưới sự tra tấn, việc họ là hạt giống của một xã hội tự do và thân thiện hơn. Ngay thời đó người Công Giáo đã thảo luận và bị chia rẽ giữa sự tố cáo và kháng cự và nền chính trị hòa hoãn Đông Tây (Ostpolitik) của Vatican. Nếu bạn chỉ nhìn thỏa thuận như một điều xấu xa, thì ký ức về các tử đạo Lithuania có thể dẫn đến lối giải thích "hai cân hai đấu" (two weights and two measures) mà ngành ngoại giao thường thi hành và việc tưởng niệm các tử đạo ở Vilnius sẽ là một sự nhạo báng đối với các đau khổ của Kitô hữu Trung Quốc.

Nhưng nếu trong thỏa thuận, mặc dù tạm thời, chúng ta có thể thấy dù một chút tích cực, thì việc tưởng niệm ở Lithuania là một dấu hiệu của hy vọng: chủ nghĩa cộng sản, "sự mê sảng toàn năng của những kẻ đòi quyền kiểm soát mọi sự", đã không chiến thắng. Và điều này cũng mang lại hy vọng cho Trung Hoa.
 
Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các nhà cầm quyền dân sự, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Estonia
Vũ Văn An
05:21 25/09/2018
Theo tin chính thức của Tòa Thánh, thứ Ba, ngày 25 tháng 9 năm 2018, tại Vườn Hồng của Dinh Tổng Thống Estonia, khi gặp Nữ Tổng Thống, các viên chức chính phủ và đại diện xã hội dân sự Estonia cùng ngoại giao đoàn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc bài diễn văn sau đây:



Thưa Bà Tổng thống,
Qúi thành viên Chính phủ và Thẩm quyền quốc gia,
Quí Thành viên ngoại giao đoàn,
Quí vị, qúi bà và qúi ông,

Tôi rất vui được gặp Quí vị ở Tallinn, thủ đô cực bắc mà Chúa đã cho phép tôi đến thăm. Tôi cảm ơn Bà, thưa Bà Tổng thống, vì lời nghinh đón của Bà và vì cơ hội được gặp gỡ các đại diện của dân tộc Estonia. Tôi biết rằng trong số Quí vị cũng có một phái đoàn từ các lĩnh vực xã hội dân sự và từ thế giới văn hóa. Điều này cho phép tôi bày tỏ với họ mong muốn của tôi được học hỏi thêm về nền văn hóa của Quí vị, và đặc biệt là khả năng thích ứng từng giúp Quí vị bắt đầu như mới khi đối diện với rất nhiều tình huống nghịch cảnh.

Trong nhiều thế kỷ, những lãnh thổ này được gọi là "Lãnh Địa Đức Bà", Maarjmaa. Một cái tên không chỉ đơn giản là một phần của lịch sử của Quí vị, mà còn là một phần của nền văn hóa của Quí vị nữa. Nghĩ đến Đức Maria nhắc tôi nhớ hai chữ: ký ức và sự phong phú hoa trái. Đức Maria là một người phụ nữ của ký ức, người đã gìn giữ mọi điều sống động trong trái tim mình (xem Lc 2:19) và là người mẹ phong phú, đã sản sinh sự sống của Con mình.

Do đó, tôi muốn nghĩ tới Estonia như một vùng đất của ký ức và của sự phong phú hoa trái.

Vùng đất của ký ức

Dân tộc của Quí vị đã phải chịu đựng, ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử, những khoảnh khắc đau đớn và khổ não đắng cay. Các cuộc tranh đấu cho tự do và độc lập, liên tục bị tranh chấp hoặc đe dọa. Tuy nhiên, trong khoảng hai mươi lăm năm qua - kể từ ngày Quí vị giành lại được vị trí thích đáng của Quí vị trong gia đình các quốc gia - xã hội Estonia đã thực hiện “những bước tiến khổng lồ” về phía trước. Đất nước của Quí vị, mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng là một quốc gia đi hàng đầu về phương diện chỉ số phát triển nhân bản và khả năng đổi mới; nó cũng xếp hạng cao trong các lĩnh vực tự do báo chí, dân chủ và tự do chính trị. Quí vị cũng đã tạo được các mối dây hợp tác và hữu nghị với một số quốc gia. Khi Quí vị xem xét quá khứ và hiện tại của mình, Quí vị có lý do chính đáng để nhìn về tương lai một cách đầy hy vọng và đương đầu với các thử thách mới. Là một vùng đất của ký ức là luôn nhớ rằng những gì Quí vị đã đạt được ngày hôm nay là do các nỗ lực, công trình khó nhọc, tinh thần và đức tin của các tiền nhân của Quí vị.

Nuôi dưỡng một ký ức biết ơn làm cho Quí vị có thể nhận diện các thành tựu của ngày hôm nay như là thành quả của một lịch sử được tạo thành từ mọi người nam nữ đã cố gắng làm cho tự do trở thành khả hữu. Ngược lại, nó thách thức Quí vị tôn vinh họ bằng cách khai mở những nẻo đường mới cho các thế hệ sắp đến.

Vùng đất của phong phú hoa trái

Như tôi đã quan sát lúc bắt đầu thừa tác vụ của mình trong tư cách Giám mục Rôma, “trong thời đại chúng ta, nhân loại đang trải nghiệm một bước ngoặt trong lịch sử của nó, như chúng ta có thể nhìn thấy từ các tiến bộ đang được thực hiện trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta chỉ có thể ca ngợi các bước đang được thực hiện để cải thiện phúc lợi của mọi người ”(Evangelii Gaudium, 52). Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ nên quên rằng "cuộc sống tốt đẹp" và một cuộc sống đã sống tốt không phải cùng là một việc.

Một trong những hậu quả hiển nhiên của các xã hội kỹ trị (techcratic) là mất đi ý nghĩa trong cuộc sống và niềm vui sống. Kết quả là, một cách từ từ và âm thầm, khả năng gây ngạc nhiên bị cụt hứng, thường để lại cho các công dân một buồn chán đối với cuộc sống. Cảm thức thuộc về và cam kết với người khác, vốn bắt nguồn từ một dân tộc, một nền văn hóa và một gia đình, có thể dần dần mất đi, đặc biệt tước mất của người trẻ các gốc rễ và nền tảng cần thiết để họ bồi đắp sự hiện diện và tương lai của họ. Tước đoạt của họ khả năng mơ ước, mạo hiểm và sáng tạo. Đặt tất cả "niềm tin" của chúng ta vào tiến bộ kỹ thuật, coi nó như cách thế duy nhất có thể có, có thể dẫn đến việc mất hết khả năng tạo ra các liên kết liên ngã, liên thế hệ và liên văn hóa. Cuối cùng, là chính cơ cấu sinh tử hết sức quan trọng để chúng ta cảm thấy mình như một phần của nhau và cùng tham gia một dự án chung theo nghĩa rộng nhất của hạn từ. Thành thử, một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất đè lên mọi người chúng ta, những người có trách nhiệm xã hội, chính trị, giáo dục và tôn giáo, có liên hệ đến việc phải làm cách nào để ta có thể tiếp tục xây dựng các mối dây liên kết.

Vùng đất của sự phong phú hoa trái đòi phải có các bối cảnh trong đó gốc rễ được vun trồng và phát sinh ra một mạng lưới sinh tử có khả năng đảm bảo để các thành viên của cộng đồng cảm thấy như "ở nhà" mình. Không có hình thức nào tha hóa hơn việc cảm thấy mình bị mất gốc, không thuộc về ai cả. Một vùng đất phong phú, và các con người của nó chỉ có thể mang hoa trái và sinh ra tương lai, trong mức độ có thể phát huy một cảm thức thuộc về nơi các thành viên của nó, tạo ra các mối dây hòa nhập giữa các thế hệ và các cộng đồng khác nhau; và việc tránh né những điều này sẽ làm cho chúng ta trở thành vô cảm đối với người khác và dẫn đến xa lánh hơn nữa. Trong nỗ lực này, thưa các bạn thân mến, tôi muốn bảo đảm với các bạn rằng các bạn luôn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ và giúp đỡ của Giáo Hội Công Giáo, một cộng đồng nhỏ ở giữa các bạn, nhưng là một cộng đồng hết lòng mong muốn được góp phần vào sự phong phú hoa trái của vùng đất này.

Thưa Bà Tổng Thống, thưa qúi bà và qúi ông: Tôi cảm ơn qúi vị một lần nữa vì sự nghinh đón và lòng hiếu khách của qúi vị. Cầu xin Chúa ban phúc lành cho qúi vị và dân tộc Estonia yêu quý. Một cách đặc biệt, xin Người ban phúc lành cho người già và người trẻ, để, nhờ biết trân qúi ký ức và đề cao nó, họ có thể biến lãnh thổ này thành một mô hình của sự phong phú hoa trái. Cảm ơn qúi vị.
 
Bài tâm tình của Đức Thánh Cha với Giới trẻ Estonia
Thanh Quảng sdb chuyển ngữ
07:17 25/09/2018
Các bạn trẻ thân mến,

Cha cám ơn chúng con đã chào đón cha cách nồng nhiệt, qua các bài ca vui nhộn và qua lời chào mừng của Lisbel, Tauri và Mirko. Cha rất cảm kích trước những tâm tình thân thương của Đức Tổng Giám Mục Urmas Viilma, của Giáo hội Tin Lành Lutheran Estonia, cũng như sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Andres Põder, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Estonia, Đức Giám Mục Philippe Jourdan, Giám Quản tông tòa Estonia, và các vị đại diện khác của các Giáo hội Chúa Kitô khác nhau đang hiện diện. Tôi cũng biết ơn sự hiện diện của ngài Tổng thống Estonia nữa.

Thật là tốt đẹp chúng ta đến với nhau, chia sẻ những chứng tá của cuộc sống, thể hiện những gì chúng ta nghĩ và mong muốn; đặc biệt được ở bên nhau, và tuyên tín vào Chúa Giêsu Kitô. Cuộc họp như thế này đang làm hiện thực giấc mơ của Chúa trong Bữa Tiệc Ly: “xin cho chúng nên một, [...] để thế giới có thể tin nhận….” (Ga 17:21). Nếu chúng ta cố gắng chấp nhận nhau như những người lữ hành, chúng ta sẽ học được cách mở lòng mình ra mà chẳng ngờ vực gì, vì chúng ta chỉ biết nhìn vào những gì chúng ta đang thực sự kiếm tìm: an bình của Chúa. An bình là một hồng ân, còn tin tưởng vào tha nhân là một cái gì đó đang được hình thành. Phúc thật hư Chúa đã phán xưa: "Phúc cho những ai xây dựng hòa bình" (Mt 5: 9). Con đường này là con đường chúng ta không chỉ thực hiện với những người tin vào Chúa, mà với tất cả mọi người. Mọi người đều có cái gì đó và tất cả chúng ta đều có cái gì đó để sẻ chia.

Bức tranh vĩ đại trong lời mời gọi của Chúa được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Matthêu: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai gánh nặng mệt mỏi và Ta sẽ cho được nghỉ ngơi bổ sức cho” (Mt 11:28). Chúng con những người trẻ thân mến, chúng con có cảm thấy mình cần tới Lời Chúa trong đoạn Tin mừng này không? Trong những dữ kiện trước đó, thánh Matthê cho chúng ta hay Chúa Giêsu đang ôm ấp nhiều nỗi buồn… Đầu tiên Ngài bị phiền trách là nào có gì tốt đẹp đến từ thôn xóm Nazaret? (xem Mt 11: 16-19). Trong những câu hỏi được đặt ra cho người trẻ trước Thượng Hội đồng về Giới trẻ mà chúng ta sẽ sớm được tham dự… Thượng Hội đồng muốn cùng đồng hành, suy tư cùng chúng con để hiểu chúng con, chứ không xét đóan; lắng nghe những thao thức của chúng con (cf. Synod dành riêng cho những người trẻ tuổi, Instrumentum laboris, 132).

Hôm nay đây cha muốn nói với chúng con rằng cha muốn khóc với những ai đang khóc, vỗ tay và òa vỡ tiếng cười với những ai đang vui… Chúng con những người trẻ phải ý thức điều này: một cộng đồng Kitô hữu thực sự thuộc về Chúa Kitô, nó không đươc định giá bằng thành công, mà là một cộng đoàn biết lắng nghe, biết rộng mở đón chào tha nhân, biết đồng hành cùng anh chị em và không bao giờ áp đặt bất cứ điều gì trên anh chị em mình.

Chúa Giêsu cũng than phiền về một số làng mạc phố xá mà Chúa đã đi qua, đã giảng dậy và thể hiện các phép lạ và dành cho họ những thân tình… Ấy thế mà họ vẫn ương ngạnh cứng đầu không tin nhận Chúa, khiến Chúa phải sánh ví họ đáng phạt như dân thành Sodom xưa (xem Mt 11.20-24).

Chúng con cũng ý thức những tội phạm xảy ra trong hàng ngũ các linh mục của Giáo hội khiến nhiều bạn trẻ mất niềm tin và làm cho chúng con cảm thấy sự hiện diện của Giáo Hội thật là khó chịu, gây ra những khó chịu phiền toái. Và điều này là đúng. Các vụ bê bối tình dục và tiền bạc đang là những nhức nhối cho Giáo hội và gây nên gương mù cho tha nhân. Đây cũng là những vấn nạn mà chúng con yêu cầu Giáo hội trả lời! Cha cũng như mọi người mong muốn Giáo hội là một "cộng đồng minh bạch, rộng mở, trung thực, hấp dẫn, giao tiếp, dễ tiếp cận, vui vẻ và tương tác" (sđd., 67), đó là một Giáo hội không hề sợ hãi. Chúng ta hãy rộng mở trái tim ra và chạy vào vòng tay yêu thương chở che của một người mẹ, Đức Maria. Hãy mở lòng cho Chúa Thánh Thần biến đổi, hầu chúng ta có thể lên tiếng ngợi khen Thiên Chúa… Hãy chạy đến với Chúa Giêsu đấng đã phán: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng… và các ngươi sẽ được nghỉ ngơi…” (Mt 11:28).

Chúng ta ý thức rằng chính Chúa Giêsu kêu mời và triệu tập chúng ta về đây… hãy để cho Chúa gánh mọi tội lỗi và gánh nặng cuộc đời chúng ta! Một trong những ca sĩ nổi tiếng của chúng con, khoảng mười năm trước, đã hát trong một trong bài hát của mình: "Tình yêu đã chết, tình yêu đã biến mất, tình yêu không còn sống nơi đây" (Kerli Kõiv, Tình yêu đã chết).

Cha xin chúng con đừng hát thế! Hãy làm cho tình yêu trở nên sống động, và tất cả chúng ta phải làm điều này! Biết bao nhiêu người đang làm chứng cho thực tại này: dù họ có chứng kiến tình yêu của mẹ cha họ bị đổ vỡ, rằng tình yêu của nhiều cặp vợ chồng mới cưới phải chia tay; họ phải trải qua những nỗi đau gia diết mà không được ai quan tâm tới và họ phải đổi việc, vì bị nghi ngờ hoặc vì họ không phải là dân bản xứ! Trước những thảm trạng ấy hình như tình yêu đã chết, như Kerli Kõiv nói, nhưng chúng ta xác tín rằng đời nó không phải vậy! Vì chúng ta có Chúa Giêsu; Ngài đã tự hiến trên thập giá hầu có thể nói cho chúng ta hay là Ngài thương chúng ta, Ngài yêu chúng ta… Ngài mang đến cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa. Ngài cũng nhắn bảo chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị đơn độc một mình: Thiên Chúa luôn cùng đồng hành với chúng ta… (xem Phi-líp 2: 6-8, Ga 1:14). Nếu chúng ta can đảm vượt ra khỏi chính mình, khỏi sự ích kỷ của chúng ta, khỏi những ý tưởng khép kín của chúng ta, để tiến đến các vùng ngoại ô, chúng ta sẽ tìm gặp thấy ở nơi đó Chúa Giêsu, vì chính Chúa đi trước chúng ta.

Ngài đang và đã ở đó (xin xem Sứ đồ Tông đồ Gaudete et exsultate, 135). Hỡi các bạn trẻ, tình yêu không chết, tình yêu đang réo gọi chúng ta và mời chúng ta sống cho tình yêu. Điều tối cần là chính chúng ta phải biết mở lòng mình ra. Xin sức mạnh nhiệt tâm tông đồ đem Tin mừng Phúc Âm đến cho người khác – không phải là Tin Mừng áp đặt – đóng khung trong sách vở mà là Tin mừng của niềm hy vọng! Hãy để cho Chúa Thánh thần làm dấy lên trong chúng ta sức sống của Chúa Giêsu phục sinh, và đổi mới Giáo Hội. (xem ibid., 139) Xin hãy phục hồi sức sống cho tuổi trẻ, niềm vui và vẻ đẹp mà Mirko đã nói về những nàng trinh nữ đi đón Tân lang là Chúa. Xin Chúa nhóm lên trong tâm hồn chúng ta nhiều điều bất ngờ, ngạc nhiên làm cho cuộc sống chúng ta luôn tươi trẻ.

Cha cám ơn chúng con đã lắng nghe Cha…
 
Diễn từ của Đức Phanxicô tại Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô
Vũ Văn An
17:12 25/09/2018


Theo tin Tòa Thánh, thứ Ba, ngày 25 tháng 9 năm 2018, ngày cuối cùng trong chuyến tông du Ba Nước Vùng Baltic của ngài, sau khi dùng cơm trưa với các Nữ Tu Brigidine tại Pirita, lúc 15 giờ 15, Đức Phanxicô đã tới Nhà Thờ Chính Tòa Hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Tallinn để gặp gỡ những người được các công trình bác ái của Giáo Hội giúp đỡ. Tại đây, ngài đã đọc diễn từ sau đây:

Anh chị em thân mến,

Cảm ơn anh chị em đã chào mừng tôi đến nhà anh chị em chiều nay. Tôi nghĩ điều quan trọng là thực hiện chuyến thăm này và dành thời gian ở đây với anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã chứng kiến và chia sẻ với chúng tôi tất cả những điều gần gũi nhất với cõi lòng của anh chị em.

Trước hết, tôi xin chúc mừng chị, chị Marina, và chồng của chị, vì chứng từ đẹp đẽ mà chị đã trình bầy với chúng tôi. Chị đã được ban phước với chín đứa con, với tất cả những hy sinh mà việc này đòi hỏi, như chị đã nói rõ với chúng tôi. Bất cứ nơi nào có trẻ em và người trẻ, nhiều hy sinh phải được thực hiện, nhưng quan trọng hơn, có tương lai, niềm vui và hy vọng. Vì vậy, thật an ủi khi nghe chị nói: “Chúng con cảm tạ Chúa vì sự hiệp thông và tình yêu ngự trị trong căn nhà của chúng con”. Trên lãnh thổ này, nơi mùa đông giá buốt hơn, chị đã không thiếu sự ấm áp quan trọng nhất, sự ấm áp của mái nhà, sự ấm áp phát sinh từ việc sống với nhau như một gia đình. Với những bất đồng và vấn đề, phải không? Phải, chắc chắn như thế! Nhưng cũng có hy vọng và mong muốn cùng tiến lên với nhau. Lời lẽ của chị không chỉ là những từ ngữ đẹp mà thôi, mà là một gương sáng rõ ràng.

Cũng cảm ơn chị, vì đã chia sẻ chứng từ của các nữ tu không sợ ra ngoài tới nơi chị ở, để trở thành một dấu hiệu gần gũi và bàn tay dang rộng của Thiên Chúa chúng ta. Chị nói rằng các nữ tu ấy giống như những thiên thần đến với chị. Đúng như thế: các nữ tu này giống như các thiên thần.

Khi đức tin không sợ để sự thoải mái lại phía sau, chấp nhận rủi ro và dám bước một bước, nó cho thấy ý nghĩa rõ ràng của những lời đẹp đẽ của Thầy Chí Thánh: “là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13: 34). Bằng một tình yêu đập tan xiềng xích từng giam hãm chúng ta trong cảnh cô lập và tách biệt, và thay vào đó xây dựng các cây cầu. Bằng một tình yêu giúp chúng ta khả năng tạo ra một gia đình lớn, nơi tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà mình, như trong ngôi nhà này. Bằng một tình yêu toát lên lòng cảm thương và phẩm giá. Và đây mới đẹp làm sao. [Ngài nhìn chín đứa con của Marina ngồi trên một chiếc ghế dài và đếm chúng]. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín. Một gia đình thật đẹp! Một gia đình thật đẹp!

Một đức tin truyền giáo sẽ ra đi, giống như các nữ tu này, xuyên qua phố phường các thành phố, các vùng lân cận và các cộng đồng của chúng ta, nói với mọi người bằng các hành động rất cụ thể: “Các bạn là một phần của gia đình chúng ta, trong gia đình lớn của Thiên Chúa trong đó tất cả chúng ta đều có một chỗ ở. Đừng tiếp tục đứng ở bên ngoài. Và thưa các dì, các nữ tu, các dì đang làm điều này! Cảm ơn các dì.

Này anh Vladimir, tôi tin điều anh nói với chúng tôi chính là phép lạ. Anh đã gặp các tu sĩ và nữ tu, những người tạo cơ hội cho cõi lòng anh được khuyến khích và nhận ra rằng Chúa không bao giờ ngừng tìm kiếm anh một cách không mệt mỏi, mặc quần áo để anh dự tiệc tùng của Người (xem Lk 15:22), vui mừng nhận ra rằng mỗi người chúng ta là con trai hay con gái yêu quý của Người. Niềm vui lớn nhất của Chúa là thấy chúng ta tái sinh. Đó là lý do tại sao Người tiếp tục ban cho chúng ta cơ hội mới, cơ may mới. Chúng ta thấy các mối liên hệ quan trọng đến chừng nào, cảm thấy chúng ta thuộc về nhau, mọi cuộc sống đều có giá trị, và chúng ta sẵn sàng đặt cược mạng sống của mình vào điều đó.

Vì vậy, tôi sẽ mời anh chị em tiếp tục tạo ra các mối dây nối kết. Tiếp tục đi ra ngoài, tới khu xóm và nói với mọi người: “Này bạn, và bạn và cả bạn nữa, đều là thành phần của gia đình chúng ta!” Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ, và hôm nay cũng thế, Người kêu gọi mỗi người chúng ta, anh chị em thân mến, để chúng ta tiếp tục gieo hạt giống của Nước Người, tiếp tục chuyển giao nước này. Người trông cậy vào lịch sử, cuộc sống và bàn tay của anh chị em, đi khắp thành phố và chia sẻ cùng một trải nghiệm mà anh chị em đã có. Hôm nay, liệu Chúa Giêsu có thể trông cậy vào anh chị em hay không? Mỗi anh chị em cần trả lời câu hỏi này.

Cảm ơn anh chị em vì thời gian anh chị em đã dành cho tôi. Cảm ơn anh chị em vì những lời chứng tá. Bây giờ tôi muốn ban phước lành của tôi cho anh chị em, để Chúa có thể tiếp tục làm phép lạ qua đôi bàn tay của anh chị em. Và làm ơn, tôi cũng cần sự giúp đỡ; làm ơn, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại quảng trường Tự do ở thủ đô Tallin của Estonia
J.B. Đặng Minh An dịch
18:06 25/09/2018
Khi lắng nghe bài đọc thứ nhất, là trình thuật về biến cố người Do Thái đến được núi Sinai sau khi đã được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ ở Ai Cập (Xh 19: 1), thật không thể không nghĩ đến anh chị em trong tư cách một dân tộc. Không thể không nghĩ về toàn bộ đất nước Estonia và tất cả các quốc gia vùng Baltic! Làm thế nào chúng ta có thể không nghĩ đến sự tham gia của anh chị em trong cuộc Cách mạng Ca hát, hay đến một chuỗi cả hai triệu người kéo dài từ đây đến Vilnius? Anh chị em biết thế nào là đấu tranh cho tự do; anh chị em có thể đồng hóa mình với dân Do Thái xưa. Như thế, thật tốt để lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với ông Môisê, để phân định những gì Chúa đang nói với chúng ta trong tư cách một dân tộc.

Dân tộc đến được núi Sinai đã thấy tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi những phép lạ và những dấu chỉ mạnh mẽ. Họ là một dân tộc đã đi vào giao ước của tình yêu, bởi vì Thiên Chúa yêu thương họ trước và biểu lộ tình yêu của Người cho họ. Họ không bắt buộc phải đi vào giao ước ấy vì Thiên Chúa muốn tình yêu của chúng ta phải là một tình yêu tự do. Khi chúng ta nói rằng chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đón nhận một lối sống, chúng ta làm như thế mà không chịu một áp lực nào, mà không cần có một sự trao đổi có qua có lại, theo đó chúng ta sẽ trung thành nếu như Thiên Chúa giữ lời hứa của Ngài. Trước hết, chúng ta biết rằng lời hứa của Thiên Chúa không lấy đi bất cứ điều gì từ chúng ta; trái lại, lời hứa ấy dẫn đến sự thành toàn tất cả mọi nguyện vọng nhân bản của chúng ta. Một số người nghĩ rằng họ được tự do khi họ sống mà không có Chúa hoặc giữ Ngài đứng xa xa ở một khoảng cách nhất định. Họ không nhận ra rằng, khi làm như thế, họ đã sống trong cuộc đời này như những đứa trẻ mồ côi, không có nhà để trở về. “Họ không còn là khách hành hương mà trở thành những kẻ trôi giạt, lảng vảng xung quanh chính mình và không bao giờ đạt đến bất cứ nơi nào” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 170).

Giống như dân tộc vừa thoát khỏi Ai Cập, chúng ta phải lắng nghe và tìm kiếm. Những ngày này, chúng ta có thể nghĩ rằng sức mạnh của một dân tộc được đo bằng các phương tiện khác. Một số dân nước ăn to nói lớn, đầy tự tin - không chút nghi ngờ hay do dự. Những dân tộc khác hét lên và tung ra các mối đe dọa sử dụng vũ khí, dàn quân và triển khai các chiến lược... Bằng cách đó họ dường như mạnh mẽ hơn. Nhưng đây không phải là “tìm kiếm” ý muốn của Thiên Chúa, mà là thu tóm quyền lực để chiếm ưu thế hơn những người khác. Bên dưới thái độ này là một sự phủ nhận luân lý và, như thế, là một sự khước từ Thiên Chúa, vì luân lý dẫn chúng ta đến với một Thiên Chúa, là Đấng mời gọi một sự đáp trả tự do và dấn thân cho tha nhân và thế giới xung quanh chúng ta, một sự đáp trả bên ngoài các tiêu chí của thị trường (x. thd., 57). Anh chị em đã không giành được tự do của anh chị em để kết cục lại trở thành những người nô lệ của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân hay sự khát khao quyền lực hoặc sự thống trị.

Thiên Chúa biết những nhu cầu của chúng ta, là những điều mà chúng ta thường che giấu đằng sau ham muốn chiếm đoạt của mình. Ngài cũng biết những bất an chúng ta cố gắng vượt qua bằng sức mạnh. Chúa Giêsu, trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khuyến khích chúng ta vượt qua những cơn khát đó trong lòng chúng ta bằng cách đến với Ngài. Ngài là Đấng có thể ban cho chúng ta sự viên mãn bởi sự phong phú nước hằng sống, sự tinh tuyền, và quyền lực bất khả khống chế của Ngài. Đức tin có nghĩa là nhận ra rằng Chúa vẫn sống và Chúa yêu mến chúng ta; Chúa không từ bỏ chúng ta, và kết quả là Ngài có khả năng can thiệp vào lịch sử của chúng ta một cách mầu nhiệm. Bởi quyền năng của Ngài và sự sáng tạo vô hạn của Ngài, Thiên Chúa đem lại sự tốt lành ngay cả khi sự ác xem ra đang thắng thế (sđd., 278).

Trong sa mạc, dân Do Thái đã bị cám dỗ tìm kiếm các vị thần khác, thờ lạy con bê vàng, để tin cậy vào sức mạnh của chính mình. Nhưng Thiên Chúa luôn mời gọi họ trở lại với Ngài, và họ nhớ lại những gì họ đã nghe và thấy trên núi. Giống như dân tộc đó, chúng ta biết chúng ta là một dân tộc được chọn, một dân tư tế, một dân thánh thiện (x. Xh 19: 6; 1 Pet 2: 9). Chính Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta về tất cả những điều này (x. Ga 14:26).

Được chọn không có nghĩa là độc quyền hay giáo phái. Chúng ta là một phần nhỏ của men mà phải làm cho bột dậy lên; chúng ta không trốn tránh hoặc rút lui, hay tự xem mình tốt hơn hay tinh tuyền hơn. Con đại bàng chở che những con chim non của mình, mang chúng đến đỉnh cao cho đến khi chúng có thể tự bảo vệ mình. Sau đó, nó buộc những con chim ấy rời khỏi những khu vực thoải mái đó. Nó lắc tổ của chúng, đẩy chúng vào khoảng không bao la, nơi chúng phải dang rộng đôi cánh của mình, và nó bay bên dưới để bảo vệ chúng, để giữ cho chúng khỏi bị thương. Đây là cách Thiên Chúa hành xử với dân được chọn; Ngài muốn họ “đi ra” và bay một cách mạnh dạn, và biết rằng họ luôn được chỉ một mình Người bảo vệ mà thôi. Chúng ta phải để lại những nỗi sợ của mình ở đằng sau và đi ra khỏi nơi an toàn của mình, bởi vì ngày nay hầu hết người Estonia không nhận mình là các tín hữu nữa.

Vì thế, hãy đi ra ngoài như các tư tế, vì đó là những gì chúng ta trở thành qua bí tích rửa tội. Hãy tiến ra để xây dựng những mối quan hệ với Thiên Chúa, để tạo điều kiện cho những mối quan hệ này, để khuyến khích một cuộc gặp gỡ yêu thương với Đấng đang kêu lên: “Hãy đến cùng Ta!” (Mt 11:28). Chúng ta cần phải được nhìn thấy gần gũi với những người khác, có khả năng chiêm ngắm, từ bi và sẵn lòng dành thời gian với người khác, thường xuyên bao lâu là cần thiết. Đây là “nghệ thuật tháp tùng”. Nó được thực hiện với nhịp chữa lành “gần gũi”, với một cái nhìn tôn trọng và từ bi có khả năng chữa lành, giải phóng và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 169).

Chúng ta hãy đưa ra những chứng tá như một dân tộc thánh thiện. Chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một vài người. Tuy nhiên, “tất cả chúng ta đều được gọi là thánh khi sống cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu và bằng những chứng tá trong mọi việc chúng ta làm, bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện” (x. Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 14). Tuy nhiên, cũng giống như nước trong sa mạc không phải là sở hữu của một cá nhân mà là một lợi ích chung, cũng giống như manna không thể được lưu trữ bởi vì nó sẽ hư hỏng, cũng thế, sự thánh thiện trong cuộc sống mở rộng, lan toả và làm sinh hoa kết quả tất cả những gì nó chạm đến. Hôm nay, chúng ta chọn cuộc sống nên thánh bằng cách đến với những vùng ngoại biên và những phần bên lề xã hội, bất cứ nơi nào anh chị em của chúng ta nằm bẹp xuống và cảm thấy bị từ chối. Chúng ta không thể nghĩ rằng có ai đó sẽ là người dừng lại và giúp đỡ, cũng không nên nghĩ rằng những vấn đề như thế sẽ được giải quyết bởi các thể chế. Chính chúng ta phải dán mắt mình lên những anh chị em đó và chìa ra một bàn tay giúp đỡ, bởi vì họ mang hình ảnh của Thiên Chúa, họ là anh chị em của chúng ta, được cứu chuộc bởi Chúa Giêsu Kitô. Đây là những gì một Kitô hữu phải là; đây là sự thánh thiện được sống trên cơ sở hàng ngày (x. thd., 98).

Trong lịch sử của mình, anh chị em đã thể hiện niềm tự hào được là người Estonia. Anh chị em hát rằng: “Tôi là người Estonia, tôi sẽ luôn là người Estonia, thật tốt được là người Estonia, chúng tôi là người Estonia”. Thật là tốt biết bao khi cảm thấy mình là một phần của một dân tộc; thật tốt ngần nào khi được độc lập và tự do. Cầu xin cho chúng ta có thể đi đến ngọn núi thánh, đến núi Môisê, đến ngọn núi của Chúa Giêsu. Như khẩu hiệu của cuộc viếng thăm này, xin cho chúng ta có thể cầu xin Chúa thức tỉnh con tim chúng ta và ban cho chúng ta những ân sủng của Chúa Thánh Thần. Với những tâm tình này, cầu xin cho chúng ta, tại mọi thời điểm của lịch sử, có thể phân định thế nào là tự do, thế nào là đón nhận sự lành thánh và cảm thấy được chọn, và thế nào là để Chúa làm gia tăng dân tộc thánh thiện và dân tộc tư tế của Ngài, ở đây tại Estonia này và trên toàn thế giới.

Amen.

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Trước khi ban phép lành cuối cùng, và kết thúc chuyến tông du ở Lithuania, Latvia và Estonia, tôi muốn gửi lời tri ân đến tất cả các anh chị em, bắt đầu với Đức Cha Giám Quản Tông Tòa Estonia. Cảm ơn sự chào đón của anh chị em, được thể hiện bởi một đàn chiên nhỏ nhưng với một trái tim lớn! Tôi xin trân trọng cảm ơn Tổng thống Cộng hòa và tất cả các nhà chức trách khác của đất nước này. Một ý nghĩ đặc biệt xin được gởi đến tất cả các anh chị em Kitô hữu của chúng ta, đặc biệt là những anh chị em Tin Lành Luther, những người ở Estonia này và tại Latvia đã trao ra lòng hiếu khách trong các cuộc gặp gỡ đại kết. Cầu xin Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên con đường hiệp thông. Xin cảm ơn tất cả anh chị em!


Source: Libreria Editrice Vaticana HOMILY OF HIS HOLINESS Freedom Square, Tallin (Estonia) Tuesday, 25 September 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trung Thu tại giáo xứ Tân Việt
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
08:40 25/09/2018
“ Trăng sáng tình Cha “, là chủ đề Tết Trung thu của các em thiếu nhi giáo xứ Tân việt , được tổ chức vào lúc 18g30 thứ Hai 24/9/2018.

Xem Hình

Đây là truyền thống hàng năm ,cứ vào ngày Tết Trung thu , Tết của Thiếu nhi, đoàn Têresa Hài đồng Giesu giáo xứ Tân việt luôn tổ chức thánh lễ Tạ ơn mừng Trung thu và cầu nguyện cho các em Thiếu nhi trong giáo xứ và trên toàn thế giới .

Trước khi tham dự lễ hội các em cùng với Cha phó Giuse hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Sau Thánh lễ là phần múa lân cũng như những tiết mục văn nghệ do chính các em đảm nhận .

Chương trình kết thúc lúc 18g30 , nhưng đâu vẫn còn thấy được sự luyến tiếc trên khuôn mặt các em.

Mừng ngày hội Trung thu, ngày hội của các em thiếu nhi , xin tạ ơn Chúa đã tạo dựng nên ánh trăng ,để chúng con có ngày hội vui trăng rằm . Xin dâng lên Chúa những tâm hồn trẻ thơ,cho các em luôn giữ được sự trong trắng,hồn nhiên của tuổi thơ. Xin cho bình an của Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn các em.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên ngoại thường được phép lấy và cất Bánh Thánh vào Nhà tạm không?
Nguyễn Trọng Đa
08:54 25/09/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau phần truyền phép, thừa tác viên Thánh Thể tiến đến nhà tạm để lấy Bánh Thánh chuẩn bị cho tín hữu rước lễ. Thừa tác viên (nam hay nữ) mở cửa nhà tạm, bái gối thờ lạy, lấy bình thánh ra và vẫn để cửa nhà tạm mở, cho thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu. Trong khi đó, khi quá trình này đang diễn ra, các tín hữu đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa", sau đó họ quỳ gối thờ lạy. Cách thức luôn là như vậy. Bây giờ, việc này đã được đổi qua tư thế đứng, với tùy chọn quỳ hoặc ngồi trong tạ ơn sau khi Rước lễ. Việc này được thực hiện với cửa nhà tạm mở. Con không hiểu lý do cho các thay đổi ấy. Xin cha giúp làm sáng tỏ việc này. - J. W., Waterloo, thành phố New York, Hoa Kỳ.


Đáp: Có nhiều điểm trong câu hỏi của bạn, và tôi sẽ cố gắng giải quyết theo thứ tự. Tôi hy vọng bạn sẽ tha thứ cho tôi, vì đã đưa vào một chủ đề không được xây dựng một cách rõ ràng trong câu hỏi của bạn.

Lẽ tất nhiên nhà tạm xứng đáng với mọi sự tôn kính và tôn thờ, vì là nơi lưu giữ Bánh Thánh cho việc tôn thờ ngoài Thánh lễ, và nhất là cho người bệnh rước Chúa.

Đồng thời, huấn quyền Hội Thánh đã nhiều lần bày tỏ một ưu tiên mạnh mẽ cho "việc giáo dân tham dự Thánh Lễ cách hoàn hảo hơn, bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh Lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi" (xem Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 13, Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Vì vậy, càng nhiều càng tốt, các tín hữu nên nên rước lễ tử các Bánh Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ tham dự, chứ không chỉ rước lễ từ Bánh Thánh trong nhà tạm.

Sự thực hành này đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn về phía linh mục và những người hỗ trợ ngài trong việc chuẩn bị thánh lễ. Việc này thường đạt được sau một thời gian, khi số lượng người rước lễ tại giáo xứ là khá đều đặn.

Một số lượng vừa đủ của Bánh thánh cần nên lưu giữ trong nhà tạm, để đảm bảo rằng không ai không được rước lễ do sự tính toán sai. Và đôi khi cần sử dụng nhà tạm để duy trì tốt các Bánh thánh được lưu giữ.

Một điểm nữa được đề cập trong câu hỏi của bạn là nhắc đến thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, khi người này đến nhà tạm để lấy ra và cất các Bánh thánh. Đây không phải là sự thực hành bình thường trong Thánh Lễ..

Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 162, nói: "Các linh mục hiện diện có thể giúp chủ tế cho rước lễ. Nếu không có linh mục và số người rước lễ quá đông, chủ tế có thể kêu giúp đỡ các thừa tác viên ngoại thường, nghĩa là thầy có chức giúp lễ và những tín hữu khác được đề cử vào việc này. Trong trường hợp cấp bách, chủ tế có thể cử những tín hữu xứng đáng. Các thừa tác viên này không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ, và luôn luôn nhận các bình đựng Mình Máu Thánh để cho tín hữu rước từ tay vị chủ tế” (Bản dịch, như trên).

Tương tự như vậy, về việc sau khi Rước lễ xong, số 163 nói rõ: "Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu truyền phép còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm” (Bản dịch, như trên).

Nếu có thầy phó tế hoặc các linh mục khác hiện diện, họ có thể giúp đưa cất Bánh Thánh vào nhà tạm.

Sự việc rằng bạn nói đến việc để cửa nhà tạm mở trong thời gian Rước lễ là thường không ngụ ý một sự trưng bày Chúa ra. Thật vậy, luật phụng vụ tuyệt đối cấm việc trưng bày Thánh Thể trong khi cử hành Thánh Lễ.

Trong Rước Lễ, Chúa Kitô hiện diện đều nhau trong các Bánh thánh, và vì vậy không có sự tôn kính đặc biệt nào dành cho nhà tạm vào lúc ấy, ngoại trừ việc bái gối của thừa tác viên khi mở và đóng cửa, và ngay cả các việc này cũng được bỏ qua, nếu nhà tạm là gần với bàn thờ, mà trên đó Mình và Máu Chúa Kitô vẫn còn hiện diện.

Có lẽ là thận trọng hơn khi đóng cửa nhà tạm trong thời gian Rước lễ, nếu chỉ để ngăn chặn ruồi và côn trùng khác xâm nhập vào. Điều này là được đặc biệt khuyến khích, nếu Bánh thánh được dùng cho việc chầu Thánh Thể được nhìn thấy rõ ràng.

Về tư thế thích hợp trong phụng vụ Rước lễ, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma ở số 43 nêu ra một số quy định, vốn đã được Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chấp thuận. Một quy định nói rằng các tín hữu nên "quỳ xuống sau kinh Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) trừ khi Đức Giám Mục giáo phận quyết định thể khác". Một ít Giám mục đã quyết định rằng các tín hữu nên đứng tại thời điểm này, và sự thực hành này là tiêu chuẩn trong các giáo phận ấy.

Một câu văn khác của Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, trong số 43, gây ra tranh luận. Câu này khẳng định rằng các tín hữu "có thể tùy nghi ngồi hoặc quỳ khi giữ thinh lặng thánh sau hiệp lễ” (Bản dịch, như trên).

Một số chuyên viên phụng vụ, và thậm chí một số Giám mục, giải thích câu này có nghĩa rằng không ai được quỳ hoặc ngồi cho đến khi mọi người đã Rước Lễ xong. Kết quả cuộc tranh luận đã khiến Đức Hồng Y Francis George, chủ tịch Ủy ban Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (BCL), đã xin một sự giải thích xác thực từ Tòa Thánh vào ngày 26-5-2003.

Đức Hồng Y Francis Arinze, Tổng trưởng Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích, đã trả lời câu hỏi vào ngày 5-6-2003 (Prot. N. 855/03/L):

"Trả lời:"Negative et ad mensum (Không, với lý do sau đây). Lý do là rằng quy định của Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 43, được nhắm tới, một mặt, để đảm bảo trong phạm vi rộng một sự đồng nhất nhất định của tư thế trong cộng đoàn cho các phần khác nhau của việc cử hành Thánh Lễ, và mặt khác, không quy định tư thế cứng nhắc theo cách rằng các người muốn quỳ gối hoặc ngồi sẽ không còn tự do nữa".

Sau khi nhận được câu trả lời này, Bản tin của Ủy ban Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (BCL) nhận xét: "Do đó, trong việc thực hiện Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, tư thế không nên được quy định một cách cứng nhắc, như để cấm các cá nhân rước lễ quỳ gối hoặc ngồi, sau khi Rước Lễ trở về" (trang 26).

Sau đây, tôi trả lời thêm hai câu hỏi có liên quan vấn đề trên.

Một bạn đọc từ bang Florida, Hoa Kỷ, hỏi: “Liệu một sự cúi đầu có thể thay thế việc bái gối, như một cử chỉ tôn kính đối với nhà tạm không. Con nhận thấy Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về sự cúi đầu. Thưa cha, liệu Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma thưc sự cấm tất cả sự cúi đẩu của người giúp lễ, thậm chí cả linh mục, chăng?"

Đáp: Nói chung, một sự cúi đầu không thay thế một sự bái gối, vì chúng có ý nghĩa khác nhau. Một sự bái gối là một dấu hiệu của sự tôn thờ, trong khi sự cúi đầu là dấu hiệu của sự tôn kính. Nếu ai biết rõ nhà tạm, thì sự bái gối trước nhà tạm là tư thế thích hợp.

Như đã đề cập ở trên, ý tưởng của Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là nhấn mạnh các nghi thức khác nhau của Thánh Lễ như là hy tế của Chúa Kitô, và vì thế nhà tạm được thừa nhận chỉ khi người ta bắt đầu và kết thúc Thánh Lễ.

Ngay cả khi nhà tạm là ở phía sau bàn thờ, việc bái gối không được thực hiện trong Thánh Lễ. Thay vào đó, một sự cúi đầu được thực hiện cho bàn thờ khi đi qua (trừ khi là một phần của cuộc kiệu).

Vì lý do này, phụng vụ nói rằng mọi cử động của các người giúp lễ được thực hiện ở phía trước bàn thờ, chứ không phải giữa bàn thờ và nhà tạm.

Theo Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, một sự cúi đầu được thực hiện trước khi xông hương vị chủ tế trong một Thánh Lễ trọng. Nhưng có một tập tục khá phổ biến là các linh mục cúi đẩu trước Giám mục, khi các ngưởi giúp lễ đến gần ngài hoặc rời xa ngài, chẳng hạn, với sách lễ hoặc với vật dụng rửa tay.

Mặc dù các sự cúi đẩu này không được đề cập cụ thể trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, điều này không có nghĩa là chúng bị cấm. Tài liệu này không có mục đích quy định mọi cử động một cách cứng nhắc và tỉ mỉ.

Bởi vì chúng rơi vào các nguyên tắc tổng quát của nghi thức phụng vụ, các sự cúi đẩu có thể được tiếp tục, ở nơi nào thói tục này chiếm ưu thế.

Một bạn đọc khác hỏi về Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 315, trong bối cảnh của nghi lễ Ucraina: “Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói “Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ" (Bản dịch, như trên). Mới đây con đến một nhà thờ Công Giáo Ucraina, và thấy nhà tạm được đặt trên bàn thờ. Và ở các nhà thờ Byzantine, con cũng thấy nhà tạm được đặt trên bàn thờ. Do đó, con không hiểu tài liệu này muốn nói gì, khi tài liệu nói “việc không đặt nhà tạm trên bàn thờ” là “vì lý do dấu chỉ”. Liệu dấu chỉ có ý nghĩa khác nhau trong truyền thống La tinh và truyền thống Byzantine chăng?”.

Đáp: Trước tiên, tôi nhận thấy rằng Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma được viết cho nghi lễ La Tinh, và trong bối cảnh đặc thù của truyền thống linh đạo La Tinh.

Do đó, nó có rất ít truyền thống linh đạo của các nghi lễ Công Giáo khác, và dĩ nhiên, không có quyền pháp lý nào cả, bởi vì quy định phụng vụ trong các Giáo Hội ấy phụ thuộc trước tiên vào giáo quyền của họ, trong sự hiệp thông với Tòa Thánh.

Tôi không là chuyên viên về truyền thống phụng vụ Đông phương, nhưng thật là công bằng khi nói rằng, nói chung vai trò thiêng liêng của nhà tạm là khác nhau trong hầu hết các nghi lễ Đông phương hơn trong nghi lễ La Tinh.

Trong khi tất cả các Giáo Hội Đông phương Công Giáo và Giáo hội Đông phương không Công Giáo chia sẻ cùng một đức tin về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể, và tất cả đều lưu giữ Bánh Thánh - trước tiên, vì mục đích của ăn đàng (viaticum) - hầu hết các Giáo Hội ấy đã không triển khai một truyền thống sùng kính Thánh Thể tương tự như những gì được thực hành trong nghi lễ Rôma.

Vì vậy, nói chung, họ không có các thực hành, chẳng hạn đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể, hoặc viếng nhà tạm.

Điều này có nghĩa rằng trong toàn bộ bối cảnh thiêng liêng, dấu chỉ của nhà tạm liên quan đến bàn thờ là khác nhau, trong các nghi lễ Đông phương và trong nghi lễ Rôma, trong hình thức hiện tại, và như vậy, việc có nhà tạm trên bàn thờ không gửi cùng một dấu chỉ trong mỗi trường hợp.

Vì lý do này, cả hai thực hành này đều được biện minh trong bối cảnh riêng của từng Giáo hội. (Zenit.org 17-2 và 2-3-2004)

Nguyễn Trọng Đa
 
VietCatholic TV
Latvia nồng nhiệt đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:37 25/09/2018
Nhận lời mời của các vị đứng đầu nhà nước và các giám mục những quốc gia sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô tông du đến các quốc gia vùng Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018. Trong các ngày qua ngài đã thăm các thành phố Vilnius và Kaunas ở Lithuania.

Lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Latvia (/la't-vij-a/), tên chính thức là Cộng hòa Latvia, là một quốc gia trong vùng Baltic ở Đông Bắc châu Âu. Latvia rộng 64,589 km2, tức gần bằng Lithuania hay bằng một phần năm của Việt Nam, nhưng với một dân số ít hơn là 2,381,000 dân.

Quốc ca: Dievs, svētī Latviju! /diɛ-u̯s svɛː-tiː ˈlat-vi-ju/ nghĩa là Chúa chúc phúc cho Latvia.

Latvia nằm dọc theo bờ biển phía đông nam của biển Baltic, giáp với Estonia về phía bắc, Lithuania về phía nam, Nga và Belarus về phía đông và giáp biển Baltic về phía tây.

Latvia có 9 thành phố lớn trong đó nổi bật là thủ đô Riga với hơn 1,234,000 dân, theo thống kê vào năm 2014. Thành phố lớn thứ hai là Daugavpils /dàw-ɡàw-pils/ với gần 100,000 dân.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Latvia là một ngôn ngữ rất cổ còn tồn tại cho đến nay trong số các ngôn ngữ Ấn-Âu.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là quang cảnh đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường trước dinh tổng thống. Đây là nơi chính phủ nước này đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia.

Đức Thánh Cha vừa xuống xe. Tổng thống Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ'-dʒʊ̈n-əns/ của Latvia ra đón Đức Thánh Cha.

Ban quân nhạc phủ tổng thống đang trỗi quốc thiều Vatican.

Kế đến là quốc thiều Latvia.

Đức Thánh Cha và tổng thống duyệt qua hàng quân danh dự.

Chúng tôi nhận thấy Đức Thánh Cha có vẻ mệt mỏi. Chuyến tông du cả ba nước với 23 bài diễn văn thật là quá sức với một người trên 80 tuổi như ngài.

Cô Anna Ritja phụ trách nghi lễ phủ tổng thống, một người nổi tiếng thông thạo nhiều ngôn ngữ, đang giới thiệu với Đức Thánh Cha chủ tịch Quốc Hội, tiếng Latvia gọi là Saeima /sæ-eɪ-mɒ/ và các quan chức khác trong chính phủ Latvia.

Ra đón Đức Thánh Cha, chúng tôi thấy có đông đảo các Giám Mục thuộc một tổng giáo phận và ba giáo phận của Latvia.

Sau nghi lễ trước cửa dinh tổng thống, các vị đã tiến vào bên trong.

Tại đây, Đức Thánh Cha đã ký vào sổ lưu niệm.

Trong phần trao quà lưu niệm, Đức Ông Mauricio Rueda Beltz, người Colombia là người thay thế ông Alberto Gasbarri lo về phần nghi lễ trong các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đang giải thích với tổng thống Raimonds Vējonis về ý nghĩa của món qùa Đức Thánh Cha tặng cho ông. Đó là một bức trang Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu được vẽ tại Rôma.

Ngược lại, tổng thống đã trao tặng Đức Thánh Cha một cuốn sách nói về lịch sử quốc gia này.

Đức Thánh Cha cũng tặng cho tổng thống một huy hiệu Giáo Hoàng của ngài và hai bản sao thông điệp Laudato Sí và Tông huấn Gaudete et exsultate vừa mới được công bố hôm 19 tháng Ba vừa qua.
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân cộng sản tại tượng đài Tự do ở thủ đô Latvia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:10 25/09/2018


Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 10g, Đức Thánh Cha đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân cộng sản trong thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Sô.

Do nằm ở một vị trí chiến lược, Latvia thường xuyên bị xâm chiếm bởi những quốc gia lớn hơn xung quanh. Từ thế kỷ 18, Latvia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Latvia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và âm nhạc, nên mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1918, nền cộng hòa của Latvia chính thức được thành lập. Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Estonia, Latvia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Latvia.

Tháng 3/1949, 43,000 người bị bắt vì cho rằng đã từng phục vụ cho Đức Quốc xã. Họ bị đưa sang Siberia trong chiến dịch Priboi được tiến hành tại cả ba nước Baltic. Cho đến năm 1952, khoảng chừng 136,000 cho tới 190,000 người Latvia với lý do là đã cộng tác với quân Đức. Tiếng Latvia bị cấm dùng trong những nơi công cộng, và được thay thế bằng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức. Từ năm 1959, Liên Sô lại có kế hoạch Nga hóa Latvia nên người Latvia rất căm thù người Nga.

Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân do di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô dù họ đã sống tại Latvia từ lâu. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào và là căn nguyên khiến Latvia bị chỉ trích.

Năm 2016, Nils Ušakovs, đô trưởng Riga, một người Latvia gốc Nga, đã bị Trung Tâm Ngôn Ngữ Học quốc gia Latvia phạt tiền vì dám viết tiếng Nga trên Facebook của ông ta.

Latvia ngày nay là một quốc gia phát triển kinh tế rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người là 27,600 Mỹ Kim một năm theo thống kê vào năm 2017.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lát nữa đây Đức Thánh Cha và Tổng thống Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ'-dʒʊ̈n-əns/ của Latvia sẽ đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã chết trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập lãnh thổ của Latvia. Các nguồn tài liệu khác nhau cho biết trong chiến dịch Priboi được Liên Sô hoạch định cẩn thận nhằm mục tiêu thôn tính lâu dài Latvia, đã có từ 130,000 đến 190,000 người Latvia bị cộng sản Liên Sô bắt trong thập niên 1940 và bị trục xuất sang Siberia. Đa số chết rũ tù trong các trại tập trung lao động.

Tượng đài quý vị và anh chị em đang thấy đây được gọi là Tượng đài Tự do là một đài tưởng niệm ở ngay thủ đô Riga, của Latvia. Ý định ban đầu là để tôn vinh những người lính bị giết trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc từ khi Latvia tuyên bố độc lập vào năm 1918 cho đến năm 1920.

Tượng đài cao 42 mét này đã được khánh thành vào năm 1935. Nó được làm bằng đá hoa cương, các loại đá quý khác và một phần bằng đồng. Các tác phẩm điêu khắc và phù điêu của đài tưởng niệm, được bố trí trong mười ba nhóm, mô tả văn hóa và lịch sử Latvia.

Tượng đài Tự do này được coi là một biểu tượng quan trọng của tự do, độc lập, và chủ quyền của Latvia. Do đó, nơi đây thường là địa điểm của các cuộc tụ họp công cộng và các nghi lễ chính thức ở Riga.

Sau khi Liên Sô chiếm đóng Latvia năm 1940, một trong những việc đầu tiên họ nghĩ đến là việc đặt bom phá sập tượng đài này.

Theo truyền tụng trong dân gian, nhà điêu khắc người Nga là bà Vera Mukhina có thể đã cố gắng thuyết phục bọn lãnh đạo đảng cộng sản Liên Sô từ bỏ kế hoạch này bởi vì bà coi nó là một tượng đài có giá trị nghệ thuật cao.

Năm 1963, khi vấn đề triệt hạ tượng đài này được đặt ra một lần nữa, chính quyền Latvia đã cố gắng phản đối việc phá hủy tượng đài này vì e sẽ gây ra sự phẫn nộ và căng thẳng sâu sắc trong xã hội.

Một kế hoạch có tính chất tương nhượng được đặt ra là hệ thống tuyên truyền của Liên Sô sẽ cố gắng thay đổi ý nghĩa tượng trưng của đài tưởng niệm để phù hợp hơn với ý thức hệ cộng sản. Nhưng bất kể những cố gắng ấy, tượng đài này vẫn là một biểu tượng cho độc lập dân tộc đối với công chúng. Thật vậy, vào ngày 14 tháng 6 năm 1987, khoảng 5,000 người đã tụ tập tại đài tưởng niệm này để đặt hoa và kỷ niệm các nạn nhân cộng sản Liên Sô bị giết sau khi Đức Quốc Xã rút lui và Liên Sô tái chiếm ba nước vùng Baltic. Cuộc biểu tình này đã thổi một làn gió mới cho phong trào độc lập dân tộc, lên đến đỉnh điểm vào năm 1991 khi Latvia tái lập chủ quyền lãnh thổ sau sự sụp đổ của Liên bang Sô viết.