Ngày 26-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nguy cơ tự mãn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:06 26/09/2020
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A

NGUY CƠ TỰ MÃN

“Các ông nghĩ sao?”. Ngay đầu câu chuyện, Chúa đưa ra lời hỏi đột ngột như một lời thẩm vấn buộc người nghe động não, phải tự đặt vấn đề cho mình. Lời hỏi như muốn gây giật mình, cùng lúc lôi cuốn chú ý của người nghe vào trong câu chuyện, giúp người nghe tra xét bản thân.

“Các ông nghĩ sao? Người kia có hai con trai”. Cả hai con trai đều được ông sai đi làm vườn nho. Nhưng các con của ông sao mà tính khí bất định, để rồi tiếng vâng mà thực là không, tiếng không lại là vâng.

Dù tính cách và những câu trả lời của các con bất định, nhưng theo mạch văn Tin Mừng, đối với Chúa Giêsu, cái làm cho chúng trở nên đúng hay sai, tốt hay xấu, không thuộc về tính cách, càng không phải là lời nói, nhưng là rốt cuộc chúng LÀM hay KHÔNG LÀM theo ý cha mình.

“Các ông ngĩ sao?”. Nếu xưa Chúa hỏi người đương thời, thì hôm nay lời ấy cũng là lời tra vấn chúng ta. Nói cách khác, Chúa cũng sẽ hỏi bạn và tôi: “Các con là loại người nào trong hai người con trai kia?”.

Dù trong ta, có thể có cả hai thái độ của hai người con, nhưng hôm nay, chúng ta nói đến người con thứ, qua đó xét lại thái độ sống đức tin của mình.

Chắc chắn không ai không ủng hộ việc giữ đạo từ nhỏ đến lớn, ủng hộ việc thường xuyên lãnh bí tích, thường xuyên dự lễ, đọc kinh… Nếu ai sống đạo được như thế, thực sự họ đã là những người ngoan đạo.

Nhưng điều được coi là ngoan đạo ấy, nếu không để ý, có khi đẩy ta rơi vào thái cực khác khá nguy hiểm: giữ đạo theo thói quen.

Việc giữ đạo lâu ngày trở thành một cái khuôn, chỉ cần rập khuôn theo là đủ, hoặc sự sáo mòn từ ngày nay qua ngày khác làm ta cảm thấy mình không sai luật, không lỗi bổn phận. Cuối cùng, không thấy cần phải ăn năn, vì không biết mình có phạm tội gì để ăn năn hay không? Từ đó sinh ra thái độ khác tệ hại hơn: tự mãn, tự kiêu, tự đắc thắng.

Đó cũng chính là thái độ tự phong mình làm “thánh”, dù không nói ra thành lời. Nếu điều này có thật thì thật nguy hiểm: Làm gì có ai hoàn hảo. Chỉ vì không thể nhận ra mình bất toàn, nên không thể hoán cải.

Đấy chính là thái độ của người con thứ hai. Anh ta thưa với cha: “Vâng, thưa cha con sẽ đi làm vườn nho”, nhưng lại không đi.

Mỗi chúng ta đều sống trong lòng Hội Thánh, đều có thể thưa với Chúa: con yêu mến Chúa, con tin Chúa, con muốn theo Chúa. Nhưng trong thực tế, đời sống đạo của mình cứ ì ạch, không có gì khá hơn, không đổi mới gì và cũng không thấy mình cần phải ăn năn hối cải.

Nếu đúng là ta có cung cách, thái độ sống đạo tự mãn, chỉ biết rập khuôn theo luật, mà không đủ tâm tình, hay ý thức nào để cải thiện đời sống, điều đó có nghĩa là ta đang tự lừa dối chính bản thân.

Nếu có lúc nào bạn và tôi thật khiêm tốn, tự kiểm điểm thật thành tâm, tôi nghĩ, chắc là lúc ấy chúng ta không còn dám tự mãn nữa.

Chắc bạn nhớ lời khen của Chúa Giêsu đối với thái độ của người thu thuế khi cầu nguyện. Anh ta đứng xa xa ở cuối nhà thờ, không dám ngước mắt lên, đấm ngực mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, tôi là kẻ có tội”. Sau lời cầu nguyện ấy, anh ra về và tội của anh được tha.

Cùng lúc, cũng có người biệt phái cầu nguyện trong nhà thờ ấy. Rất tiếc và rất đáng thương cho anh ta. Anh ta quá tự mãn, chỉ thấy nơi mình toàn điều tốt. Thái độ tự mãn ấy đã biến lời cầu nguyện thành lời khoe khoang.

Làm sao một người không từng thấy mình yếu đuối, thấy mình tội lỗi lại có thể được thứ tha! Bạn và tôi cần lắm thái độ của người thu thuế nơi chính bản thân mình.

Và cũng cần lắm thái độ của người con thứ nhất trong Tin Mừng hôm nay: trả lời “không”. Nhưng tiếng “không” thành tiếng “có” ngay sau đó.

Tiếng “không” như thế vẫn đẹp rực rỡ, đẹp hơn nhiều so với tiếng “có” của người con thứ hai, rốt cuộc chỉ là một tiếng “không” vô tận. Bởi lời đáp trả dẫu có quan trọng, nhưng hành động đi liền với lời đáp trả ấy quan trọng hơn nhiều. Biết tránh thái độ tự mãn, biết nhận ra bản thân để thánh y Cha được thể hiện mới là điều quí giá vô cùng.

“Các ông nghĩ sao?”. Ngày xưa Chúa hỏi những người biệt phái, thượng tế, kỳ lão. Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi từng người một: “Các con nghĩ sao? Nghĩ sao về cách sống đạo của mình? Nghĩ sao về cách thể hiện đức tin? Nghĩ sao về lòng yêu Chúa mà mình phải có? Nghĩ sao về thánh ý Chúa mà mình phải thực hiện?”.

“Các ông nghĩ sao?”, lời đó xin gởi lại cho bạn và cho những ai thành tâm thiện ý để cùng suy gẫm và xét lại cách sống đạo của mình. Trên hết mọi sự, bạn và tôi hãy để Lời Chúa tra vấn mình: “Các con nghĩ sao?”.
 
Sau này con sẽ hiểu
Lm. Minh Anh
00:11 26/09/2020

“SAU NÀY CON SẼ HIỂU”
“Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các môn đệ chới với trước tuyên bố của Chúa Giêsu, Thầy mình, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Các ông không hiểu, lời đó còn bị che khuất. Tại sao lại bị che khuất và tại sao họ không dám hỏi điều họ không hiểu? Họ không hỏi hay không muốn hỏi vì sự thật quá phủ phàng? Hay phải chăng họ đang lóng ngóng một con đường vinh thân không có bóng dáng thập giá? Những chi tiết này thật hấp dẫn; vì một cách nào đó, Chúa Giêsu muốn nói với họ, “Sau này con sẽ hiểu”.

Thật ra, Chúa Giêsu không cảm thấy bị xúc phạm bởi sự chậm hiểu của các môn đệ, nhưng ít nhiều, Ngài đã thấm thía, đã nếm trước nỗi đau của chén đắng thập giá khi có người trong họ xin cho được ngồi bên hữu, bên tả Thầy; cũng như, rồi đây họ sẽ bỏ Thầy mà chạy tán loạn. Ngài biết họ không hiểu ngay lập tức điều Ngài nói nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn phải nói cho họ; bởi Ngài biết, rồi đây, sẽ đến lúc họ hiểu. “Sau này con sẽ hiểu”, môn đệ sẽ hiểu, Thầy họ phải chết, phải thất bại ê chề; nhưng một khi Thánh Thần ngự xuống, Ngài sẽ dẫn họ vào mọi lẽ thật; chính Thánh Thần, thầy dạy, sẽ giúp họ hiểu hết mọi chiều kích phục sinh ẩn tàng đàng sau mầu nhiệm thập giá nghiệt ngã ấy.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Khi đối diện với thực tế khổ đau trong cuộc sống mình hoặc cuộc sống của những người mình yêu thương; thoạt tiên, chúng ta cũng không hiểu hết, thậm chí đôi lúc không muốn hiểu. Chúng ta chưa hiểu, không hiểu, không muốn hiểu… có thể vì lòng chúng ta chưa đầy Chúa; con tim của chúng ta không cùng nhịp với con tim của Chúa; ước mong của chúng ta quá thế tục, nặng mùi đất, khác xa ước mong của Chúa, hương mùi trời; ân sủng của Thánh Thần chưa hoạt động trong chúng ta. Phải đợi đến lúc mà “Sau này con sẽ hiểu” khi chúng ta sống đầy tràn với Thiên Chúa, ‘ý của Chúa là ý của con’, gắn bó với ân điển của Thánh Thần. Nếu mỗi ngày chúng ta quy hướng về Thiên Chúa như sách Giảng Viên hôm nay mời gọi, “Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Đấng Tạo Thành”, vì “Tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không”; “Con người sắp đi về nhà vĩnh cửu, và kẻ than khóc rảo quanh mọi phố phường”, chúng ta mới có thể hiểu. Nghĩa là đau khổ và sự chết, điều không ai tránh khỏi, không ai hiểu nếu không sống với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành; thế nhưng, “Sau này con sẽ hiểu” một khi con người ý thức rằng, Thiên Chúa đang ở với mình.

Vậy “Sau này con sẽ hiểu” là lúc nào? Đó là lúc mà quà tặng Thánh Thần được ban xuống, một quà tặng vốn sẽ mở ra tâm trí chúng ta để hiểu những bí ẩn. Vì thế, ai không để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong cuộc sống mình, đau khổ sẽ dẫn người ấy từ hoang mang này đến hoang mang khác và không sớm thì muộn, sẽ đi đến tuyệt vọng; ngược lại, ai để cho Thánh Thần khai mở lòng trí, người ấy sẽ bắt đầu hiểu được cách thức Thiên Chúa hoạt động qua những khổ đau trong đời mình như Người đã hành động qua những đau khổ của Con Một, hầu mang lại ơn cứu độ cho thế giới. Dường như cả thế gian này chỉ có một mình Mẹ Maria hiểu được điều đó.

Chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria, hỏi có ai đau khổ bằng Mẹ; thế nhưng, Mẹ không phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”, vì Mẹ được Chúa ở cùng, Mẹ chọn Chúa làm nơi trú ẩn; Mẹ sống trong ân sủng Thiên Chúa, vì thế, Mẹ đã vượt qua tất cả. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã diễn tả tâm tình đó, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn”. Khi Con được hạ xuống khỏi thập giá, Mẹ ẵm lấy, vòng tay Mẹ ôm chặt xác thánh vào trái tim vô nhiễm nguyên tội của mình. Dẫu đây là khoảnh khắc đau buồn nhất, nhưng cũng là khoảnh khắc Mẹ hiệp cùng Con mang ơn cứu độ cho ngàn thế giới. Ôm chặt Con, Mẹ vẫn biết đó không phải là kết thúc; Mẹ đầy Chúa, Mẹ đã mở lòng ra cho Chúa, nên Mẹ có thể hiểu được điều này. Mẹ cảm thấy nhẹ tênh vì sự đau khổ trên trần gian của Con nay đã qua, sự nhẹ nhõm của Mẹ bắt đầu chuyển thành niềm hy vọng và mong đợi khi Mẹ nghĩ đến ngày phục sinh của Con, vì chắc chắn Mẹ đã được nghe, ít là một lần, rằng, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời, người ta sẽ giết Người nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Mẹ không cần phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”; lễ Ngũ Tuần có đến, Chúa Thánh Thần sẽ cho Mẹ hiểu cách tròn đầy hơn, viên mãn hơn. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên, Mẹ đã kiên vững dưới chân thánh giá.

Anh Chị em,

Đức Phanxicô nói, “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ ban ơn, không phải để cất khỏi chúng ta sự sợ hãi, sợ thánh giá vốn không thể tránh khỏi; nhưng chúng ta cầu xin ơn không phải sợ hãi, cũng không chạy trốn thánh giá. Mẹ Maria đã có mặt ở đó, Mẹ biết cách thức làm sao để có thể đứng sát thập giá”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con được đầy Chúa như Mẹ, cho con mở rộng lòng với Thánh Thần, để con cũng có thể hiểu được ý nghĩa ‘thánh giá đời con’ từng ngày, từng biến cố; nhờ đó, con hiểu, con đang hứng lấy ơn cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Con; không cần phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 26 Quanh Năm 27/9/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
01:32 26/09/2020


Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28

"Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: "Các ngươi đã nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}

"Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.

{Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

Ðó là lời Chúa.
 
Tiếng Vang Của Người Con Thứ Nhất
LM. Trương Đình Hiền.
07:35 26/09/2020
Chúa Nhật 26 Thường Niên A 2020

Khi bàn về “thánh nhân” và “tội nhân”, trong văn hoá Phật giáo có câu châm ngôn: “Quay đầu là bờ”; và thánh Giáo phụ Augustino cũng đã để lại một phát biểu thâm thuý: “Không có thánh nhân nào không có quá khứ và cũng không có tội nhân nào không có tương lai”. Theo thánh nhân, “quá khứ” đó chính là “tội lỗi” và “tương lai” đó chính là “ơn thánh”, sự “thánh thiện”! Riêng vua Đavít, sau khi phạm tội tày trời, đã từng xác tín thân thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50,19; và nhờ thái độ khiêm hạ sám hối, ngài đã trở thành “thánh vương” và là “Tổ phụ của Đấng Cứu Thế”! Và chúng ta cũng đừng quên: “hoán cải, sám hối” chính là sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu trong chương trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa của Ngài: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-15).

Quả thật, xuyên suốt qua mạc khải Thánh Kinh, chân lý về “sám hối, hoán cải” nầy không là chuyện mới mẻ, đột xuất ! Sách sứ ngôn Êdêkien trong bài đọc 1 hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta chính lời đoan thệ từ ngàn xưa của Thiên Chúa: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

Trong khi đó, Tin Mừng Matthêô tường thuật tiếp một dụ ngôn của Chúa Giêsu như một cách “trả lời thẳng mặt” cho đám Biệt phái và luật sĩ” về quan niệm đạo đức, thánh thiện đích thực của Ngài. Thật vậy, từ hình ảnh “Người công nhân giờ thứ 11” của “Dụ ngôn Vườn Nho” (Mt 20,1-16) nơi Chúa Nhật tuần trước - 25 TN A) đến chân dung “người con thứ nhất” trong “Dụ ngôn hai người con” (Mt 21,28-32) của Chúa Nhật tuần nầy (26 TN A), hình như Thánh sử Matthêô muốn trình bày liền lạc một “điểm nhấn Tin Mừng”: khiêm hạ và hoán cải. Đây cũng là “sứ điệp” nhằm “lật tẩy” cái lối sống đạo giả hình và hành xử thiếu nhân bản đối với anh chị em mình, nhất là đối với những người yếu đuối, tội lỗi, khó nghèo… của nhóm mệnh danh là “tinh hoa Do Thái Giáo” lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, trong bản chất và cùng đích của Phụng Vụ, sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay, tại Bàn Tiệc Hy tế Tạ Ơn nầy, không chỉ liên quan đến những người luật sĩ và biệt phái ngày xưa, mà vẫn còn nguyên giá trị giáo dục đức tin dành cho tất cả chúng ta hôm nay.

Trước hết, chúng ta thử dừng lại nơi chân dung của “Người con thứ nhất”.

Không còn gì để nghi ngờ, trong dụ ngôn nầy, chắc chắn Chúa Giêsu muốn chúng ta chọn thái độ và tâm tình “hoán cải” của “người con thứ nhất”: đó là kẻ ban đầu, do yếu đuối và nông nỗi, đã khước từ, nhưng sau đã hoán cải mà thi hành ý muốn của người cha: Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm… (Mt 21,28-29); rồi liền sau đó, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa việc ám chỉ dành cho “người con thứ hai”, những người thường vỗ ngực tự hào hiểu biết và giữ nghiêm luật Chúa nhưng thiếu tấm lòng khiêm hạ hoán cải: Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi.… “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Chúng ta dễ dàng nhận ra khuôn mặt “người con thứ nhất”, những kẻ đã từng xa lạc lối đường của Chúa, hoặc từng khước từ, chối bỏ, phản bội… mà Tin Mừng đã khắc hoạ đó đây:

- “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một Lêvi thu thuế, tội lỗi, đã một thời chạy theo tiền bạc, vinh hoa trần tục, nhưng đã nghe tiếng gọi mà bỏ bàn thu thuế, đứng dậy theo Đức Kitô để trở thành Tông Đồ sao?

- “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một “phụ nữ tội lỗi” quyết giã từ một quá khứ đen tối để với những giọt nước mắt sám hối chân thành nhỏ trên chân Chúa, đứng lên làm lại cuộc đời trong ánh sáng và tình yêu sao?

- “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một tay trọc phú thuế vụ GiaKê với thái độ tò mò đến ngây thơ trèo lên cây sung để nhìn cho được mặt Chúa, rồi sau đó tiếp rước Chúa vào nhà mà bắt đầu một cuộc sống mới sao?

- Và “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là tên tử tội bị đóng đinh bên tay phải Chúa sắp sửa lìa đời đã ngước nhìn về phía của Chúa Chịu đóng đinh với những lời thân thương và đầy lòng trông cậy: “Khi Thầy vào Nước của Thầy, xin nhớ đến tôi”…Và Chúa đã hứa chắc: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”?

- Vâng, “Người con thứ nhất” đó cũng chính là những người mà trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay Ngài đã long trọng công bố đích danh trước mặt những ký lục và biệt phái: “Người thu thuế và hạng gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông”.

Đừng quên: Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu đã được làm nên bởi phần đông những con người như thế: những kẻ đã từng bỏ Thầy chạy trốn như các Tông Đồ, chối Thầy ba lần như Phêrô, bắt bớ đạo Chúa như Phaolô, những cô gái điếm hoàn lương, những anh chàng mù sáng mắt, những phụ nữ lẽo đẽo tháp tùng Chúa đi lên đồi Sọ, những bà góa nghèo chỉ có mấy đồng xu ten để bố thí, những kẻ phung cùi lành bệnh, những thanh niên đã từng bị quỷ ám, những trẻ thơ được Chúa chúc lành, người phụ nữ bệnh hoạn đã từng chạm đến gấu áo Chúa Giêsu…

Và sau đó, trong ký ức của Hội Thánh, chúng ta lại đọc thấy bao nhiêu bóng dáng những “người con thứ nhất” như:

- Augustinô đã có một thời thanh niên buông thả và lầm lạc, nhưng rồi, nhờ những giọt nước mắt nguyện cầu của người mẹ tuyệt vời Monica, sau đó đã trở thành Giám Mục và Giáo Phụ thời danh của Hội Thánh trong những thế kỷ đầu tiên.

- Phanxicô Assisi, chàng thanh niên giàu có lêu lổng, đã từng lựa chọn cuộc sống ngược lại Tin Mừng, nhưng rồi một lần nghe tiếng gọi của Lời Chúa và cương quyết dấn thân vào con đương hẹp của Tin Mừng. Cuộc đổi đời và sám hối đó đã thổi vào Giáo Hội lúc bấy giờ và mãi cho tới hôm nay một luồng gió canh tân trở về nguồn cội của Tin Mừng.

- Trong lịch sử Giáo Hội Viêt Nam, cũng không thiếu những Chứng nhân anh hùng, như các Thánh Phan Viết huy, Bùi Đức thể, Đinh Đạt, là những quân nhân, dù cho đã có lần yếu đuối chối đạo, nhưng sau đã trở lại cương quyết làm chứng đức tin và đã anh dũng lãnh nhận cành lá thiên tuế Tử đạo…

Vâng, đó là “những người con thứ nhất” mà dụ ngôn Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu từng ám chỉ. Và như thế, “Vườn Nho của Cha” mãi mãi đang cần những hạng “người con thứ nhất” đó để đi vào canh tác và xây dựng, để chăm sóc và giữ gìn. Và như thế, tất cả chúng ta đều có lý do để hân hoan cảm tạ, để phấn chấn và hy vọng ắp đầy. Bởi vì chúng ta đang thấy mình trong chân dung của “người con thứ nhất”, người con đã hơn một lần nghe tiếng Cha vẫy gọi “Hãy đi làm vườn nho cho Cha nhé!” nhưng đã yếu đuối khước từ vì biết bao lỗi lầm thiếu sót, bao phản bội vong ân… và rồi khiêm hạ trở về trong canh tân sám hối.

Vâng, sám hối ăn năn, làm lại cuộc đời, phải chăng đó chính là của lễ mà Chúa ưa thích nhất: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát., một tâm hồn tan nát dày vò Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50), và đó cũng chính là tâm tình khiêm hạ và vâng phục của chính Chúa Giêsu, một chọn lựa căn bản để Ngài hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại: “Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.” (BĐ 2).

Trong một xã hội mà sự giả dối, giả hình đã trở thành một cơn bệnh trầm kha: người ta cố khoác lên mình những “bộ cánh” công chính, những “chiếc mặt nạ” thiện lương để mưu đồ danh lợi, chức quyền…, thì người Kitô hữu được Lời Chúa gọi mời “hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”, tức là “cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác…” (Bđ 2).

Chính trong tâm tình đó, chúng ta sẽ nhiệt thành đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa trên mọi nẻo đường đời: “Con hãy đi làm vươn nho cho Cha nhé”… không phải bằng một tiếng “vâng” của đãi bôi môi mép… mà phải là tiếng “xin vâng đầy lòng khiêm hạ khó nghèo và ăn năn sám hối”; tiếng “xin vâng” của “Người CON MỘT” khi cất bước vào đời: “Nầy con xin đến để thực thi Thánh ý Cha…”, tiếng “xin vâng” của người Trinh Nữ Maria ở Nadarét: “Tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền cho tôi”; tiếng “xin vâng” được dệt bằng cả một cuộc đời “lắng nghe và thực thi Lời Chúa”, bằng những bước chân can đảm “đứng lên trở về nhà Cha”.... Amen.

Lm. Trương Đình Hiền.





 
CN 26A : Quan trọng là phần cuối
Lm. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM
10:41 26/09/2020
Dụ ngôn hai người con đi làm vườn nho

Trong kho tàng khôn ngoan La tinh, có một câu ngạn ngữ như sau: Nọc độc ở phía đuôi (venenum in cauda). Câu này nếu hiểu sát nghĩa đen, thì chỉ trúng cho một số con vật, như bọ cạp, như con ong: nọc ở phía đuôi. Con rắn nọc độc không ở đuôi. Thằn lằn cụt đuôi vẫn sống và mọc đuôi khác. Vì thế nọc ở phía đuôi, không thể chỉ hiểu theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa bóng mới đúng. Nọc : phần chính yếu, sự sống … mạch máu – nằm ở đuôi : phần cuối, phần kết.

Trong nghệ thuật kể chuyện đặc biệt chuyện vui, câu kết luôn là câu quan trọng, nhờ nó mà ta nắm bắt được những tình tiết trong lúc kể chuyện.

Nhiều khi xem một vở kịch, một cuốn phim… ta nóng lòng muốn xem: để coi kết thúc ra sao. Chính cái kết thúc = phần cuối, cái đuôi : giúp ta hiểu được tại sao lại có cảnh này, người kia xuất hiện…Ta xem kịch, xem phim, không biết tại sao ông khách lạ kia lại quí mến người con gái của bà góa nọ như thế. Cuối phim, thì ra ông là bố ruột của cô.

Bài Phúc âm hôm nay nói về dụ ngôn người cha có 2 người con. Xét về mặt tâm lý, cả hai người con đều là người hay thay đổi. Trước lời mời gọi của người cha : “hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho cha”

- Người thứ nhất nói : con không đi – sau đó đổi ý – đi

- Người thứ hai nói : con đi – sau đó đổi ý – không đi.

Cả hai người đều thay đổi, nhưng quan trọng là phần cuối của đổi thay.

Người thứ nhất được khen vì kết bằng đi. từ không đi –đến đi

Người thứ hai bị chê vì kết bằng không đi. Từ đi –đến không đi.

Vậy chủ điểm mà chúng ta đang tìm hiểu đó là : quan trọng là phần cuối. Đặc biệt là cuối cuộc đời. Nọc nằm ở phía đuôi (cuối ngày, cuối giờ, cuối năm, cuối đời…).

Cách đây khoảng hơn ba chục năm, khi việc phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam đang hồi gay go căng thẳng, lúc đó ở Hà Nội, Nhà Nước đã chuẩn bị sẵn một hồ sơ về một số vị tử đạo có tì vết. Tì vết về đời sống luân lý, hoặc tì vết về đời sống chính trị: như tham gia vào loạn quân, như đi với Pháp… Hay như thánh Gẫm có hai bà vợ… Có một vị chức sắc cao cấp trong Giáo hội Việt Nam đọc được những tài liệu đó, cảm thấy e ngại, nên muốn đề nghị HĐGM hoãn ngày phong thánh để duyệt xét lại …

ĐGM Nha trang (ĐGM Hòa) lúc đó đang ở Hà Nội cũng được thông báo cho biết có những hồ sơ như vậy, với một thách thức ngầm của CQ : coi chừng, lộn xộn, chúng tôi cho công bố hồ sơ bê bối đó. (Ở đây chúng ta không xét mức độ thật hư của các hồ sơ đó như thế nào, nó đúng hay sai, đúng bao nhiêu, sai bao lăm). Cái hay mà chúng ta muốn nhắc lại đây là câu trả lời của ĐGM Nguyễn văn Hòa. Các ông cứ cho công bố : Càng công bố càng làm nổi hơn cái chết vì Đạo của vị thánh. Họ như vậy đó mà họ vẫn chọn cái chết như thế đó. Chúng tôi căn cứ vào cái chết để phong thánh cho họ. Ngày chết là ngày sinh trên trời của của mỗi vị thánh.

Một quá khứ đen tối không luôn luôn làm giảm giá cuộc đời của một vĩ nhân. Abraham Lincohn, tổng thống 16 của Hoa Kỳ có một quá khứ thật ảm đạm, cùng cực, nghèo túng, nhưng đã vươn lên thành người có công thống nhất Nam Bắc nước Mỹ. Có người từng đi chăn bò, chăn trâu, ở đợ, nhưng sau làm giám đốc, chủ tịch… Nhưng, ngược lại thì không được: đã từng làm giám đốc, chủ tịch, nay đi chăn bò, chăn trâu…! Cái quan yếu là ở phần cuối, ở về sau. “Nọc ở phía đuôi”.

Cũng cách đây trên ba bốn chục năm, khi đi ra chợ Nha Trang, một linh mục được một người bán hàng ở chợ Đầm mách bảo : ở Nha trang đang cho chiếu một bộ phim bài bác đạo ghê lắm ! Chúng tôi đi xem, coi nó bài bác đến mức nào. Thật ra, nếu ai hiểu cốt truyện thì bộ phim không bài bác Đạo đâu, mà có khi trái lại nữa. Vì đạo diễn là Risac Be, người Ba Lan, Công Giáo. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Anatole France. Tiểu thuyết lại dựa trên một câu chuyện có lẽ có thực, xảy ra vào thế kỷ 4-5. Bộ phim mang tựa đề : Thais.

Thais là một vũ nữ sống ở Ai Cập, nổi tiếng phóng đãng, xa hoa. Và vì là phim ảnh, nên cảnh ăn chơi sa đọa trụy lạc của lớp quí tộc thời Ai Cập cổ được phóng đại và trình diễn lên màn hình trong những căn phòng có bóng cây thánh giá. Đó là điều mà người bình dân nói là bôi bác đạo. Thật ra không phải thế. Nhà ẩn tu Papnuc (Pathnutius) khi nghe tin về người vũ nữ thì đã cầu xin Chúa soi sáng, giúp sức, quyết định đến tìm Thais để đưa nàng ra khỏi nơi ăn chơi sa đoạ và trở về với Chúa. Sau khi cải trang, vị ẩn tu đến nhà nàng và xin được gặp riêng nàng ở nơi kín đáo. Nhưng bởi vị ẩn tu luôn nói rằng nơi này chưa kín đáo đủ, nên bực mình, Thais nói : Chắc chắn không ai có thể nhìn thấy chúng ta nơi đây, nhưng nếu ông muốn tránh cái nhìn của Thiên Chúa, thì dù ông trốn bất cứ nơi nào kín đáo nhất, ông cũng không tránh được.

Khi nghe vậy, vị ẩn tu vội nói: “Cô cũng biết có vị Chúa ư?”

- Có lẽ thế, và tôi cũng biết có một thiên đàng dành cho người tốt và một địa ngục cho ác nhân.

- Vậy sao cô có thể sống cuộc đời tội lỗi như thế trước một vị Chúa luôn trông thấy cô?

Những lời này xoáy vào lòng Thais, nàng sấp mình xuống chân người của Thiên Chúa. Sau đó nàng đi theo ẩn sĩ Papnuc để tìm nơi tu trì nhiệm nhặt và rồi cuối cùng chết như một vị thánh.

Còn ẩn tu Papnuc, một tu sĩ khổ hạnh, qua việc đi cảm hoá người, hiểu được phần nào hương vị cay đắng ngọt ngào của tình yêu và cuối cùng, kết thúc của bộ phim : ẩn sĩ Papnuc trở thành kẻ phản đạo, không còn tin Chúa.

Qua bộ phim và qua tiểu thuyết, ta thấy thật dịu ngọt và cay đắng. Dịu ngọt vì khúc cuối, phần kết của một vũ nữ trước kia xa hoa phóng đãng nay được chết lành khi miệng luôn kêu tên Chúa lúc lìa đời. Còn cay đắng, vì vị ẩn tu suốt đời khổ hạnh, tìm cách cứu người – thì lại có phần cuối được bộ phim diễn tả bằng cảnh hoá thành con quỉ dơi đi xơi máu người.

Câu nói của Chúa Giêsu hôm nay với các trưởng lão Biệt phái thật thấm thía : “Thật, tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông” vì họ đã tin, vì phần đuôi, phần cuối của họ : họ hối cải. Còn vị ẩn tu kia khởi đầu và phần thân là đẹp nhưng kết thúc là bi thương, trở thành con quỉ dơi hút máu. Vị tông đồ Dân ngoại Phaolô đã có lần thốt lên : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9:27).

Vậy thì ta có thể cùng với đức cha Bùi Tuần thưa lên với Chúa lời nguyện này:

Lạy Chúa, vì con không biết – và thực ra Chúa cũng không muốn cho con biết – đâu là phần cuối của cuộc sống con. Nó có thể tới bất cứ lúc nào, nên con phải ở trong tư thế luôn nói tiếng “Có” với Chúa, luôn đi làm vườn nho của Ngài. Lạy Chúa, xin cho con, xin cho chúng con, đừng xét đoán ai trước thời buổi, vì nào ai biết được phần cuối trước khi Chúa đến. Xin cho con, xin cho chúng con khi Chúa đến, con vẫn còn tình trạng nói tiếng “Có”. Có đây tức là tin. Con tin Chúa. Amen.

LM Alf. Nguyễn Công Minh
 
Tin yêu cần nhiều việc làm
Lm. Nguyễn Xuân Trường
12:45 26/09/2020

TIN YÊU CẦN NHIỀU VIỆC LÀM

Phúc Âm tuần này kể chuyện người cha sai 2 con đi làm vườn nho cho thấy khoảng cách giữa nói và làm. Người con cả ban đầu thẳng thừng chối từ “con không muốn” nhưng sau hối hận lại đi làm. Người con thứ thì ngọt nhạt nhanh nhảu thưa vâng, nhưng chỉ vâng cái miệng mà thôi, vâng rõ to mà sau lại không đi làm. Kiểu này, khi đọc kinh Thú Nhận thay vì đấm vào ngực thì nên vả vào miệng nói mà không làm! hihiii

Chuyện vườn nho cũng là chuyện sống đạo của chúng ta: Niềm tin không chỉ là cất lời tuyên xưng, mà còn phải dấn thân hành động như thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trong đời sống gia đình, tình yêu đâu chỉ là những lời nói chót lưỡi đầu môi, còn cần những nghĩa cử yêu thương. Trong đời sống đạo nơi giáo xứ, đức tin không dừng lại ở chuyện râm ran kinh kệ, hay tệ hơn là cứ ngồi nói như thánh phán và bàn tán nhiều chuyện, nhưng cần những dấn thân góp công góp của xây dựng giáo xứ. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào.”

Chúng con không muốn đức tin bị chết. Chúng con muốn được vào Nước Trời. Xin Chúa giúp mỗi chúng con có một trái tim chan chứa tin yêu làm động lực thu ngắn khoảng cách giữa nói và làm. Amen.

... PHỤ THÊM: Chuyện vui kể rằng: Cả thế giới đều phải kiêng nể Mỹ vì Mỹ đã nói là làm. Nhưng Mỹ lại sợ Nhật vì Nhật làm xong mới nói. Vậy mà cả Mỹ và Nhật lại sợ Tàu vì Tàu không nói mà vẫn cứ làm. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật, Tàu và cả thiên hạ đều phải sợ Việt Nam! Vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo… Bố ai mà lường được!!!
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 26/09/2020

29. Con người ta nên đấu tranh với chính mình nhiều hơn, lâu ngày mới có thể hoàn toàn chiến thắng chính mình.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 26/09/2020
35. RƯỢU CHUA TRÀO PHÚNG

Có người khách uống rượu nói với chủ quán:

- “Tôi chỉ cần một dĩa rau, một dĩa đậu phụ để uống rượu là đủ rồi, nhưng phải là thứ rượu hảo hạng mới được”.

Một lúc sau, chủ quán đến hỏi:

- “Có cần bỏ giấm trong rau không?”

Khách đáp:

- “Bỏ chút xíu cũng được”.

Nhà bếp sắp đưa dĩa rau lên, chủ quán lại hỏi:

- “Có bỏ giấm trong đậu phụ không?”

Khách đáp:

- “Bỏ chút xíu cũng được”.

Nhà bếp sắp đưa đậu phụ lên, chủ quán lại hỏi:

- “Có cần bỏ chút giấm trong rượu không?”

Khách cười nói:

- “Làm sao có thể bỏ giấm trong rượu được chứ?”

Chủ quán nhướng cao cặp mày thở dài nói:

- “Làm sao đây, làm sao đây, giấm đã bỏ trong rượu rồi !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 35:

Thường thì khách gọi món gì thì đem lên món ấy, khách nhu cầu thêm gì thì chiều lòng khách nếu được, như thế mới “câu” được khách vì biết làm hài lòng khách, nhưng nếu khách chưa đồng ý mà đã bỏ giấm trong rượu thì đáng cười thật, nhưng cái cười ở đây chính là ông chủ đã dùng rượu chua, tức là rượu hạng bét để bán cho khách rồi còn nói là lỡ bỏ giấm vào rượu, cái mánh này chỉ có những ông chủ quán ham tiền không coi trọng sức khỏe của khách mới sử dụng...

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu của Ngài không chua như giấm, không ghen tuông chết chóc như tình yêu của con người, bởi vì Thiên Chúa không pha giấm chua vào trong tình yêu của Ngài để trừng phạt đánh đập nhân loại khi họ phản bội tình yêu của Ngài, tại sao vậy? Thưa là vì Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã đem máu của mình pha vào trong tình yêu ấy, để tất cả nhân loại –không phân biệt một ai- đều được hưởng nếm sự ngọt ngào của tình yêu cứu độ ấy...

Tình yêu của người Ki-tô hữu cũng phản ảnh lại tình yêu của Thiên Chúa, tức là họ không pha giấm chua vào tình cảm của mình, nghĩa là họ không kể công kể trạng của mình vì đã giúp đỡ cho người khác, nhưng trái lại, họ cảm thấy vui vẻ hơn khi người khác không nhận ra được sự giúp đỡ của họ để mà cám ơn.

Chủ quán đem rượu chua cho khách uống thì có hai tội: một là tội gian lận, hai là tội lỗi đức công bằng, hai tội này sẽ gây ra nhiều hậu quả khác không lường được, mà tất cả những ai còn chút lương tâm đều có thể nghĩ đến...

Đức ái tinh tuyền là đức ái không pha những tạp chất nào cả khi thực hiện đức ái vơi tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:31 26/09/2020
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 21, 28-32

“Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.


Anh chị em thân mến,

Khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy thì có rất nhiều người đi theo nghe Ngài giảng, trong đó có những người thông luật, những người biệt phái và các kinh sư, cũng có những người thu thuế, những người tội lỗi, người giàu có cũng như người nghèo, tắt một lời là có đủ mọi thành phần trong xã hội đi nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng:

Chỉ có những tư tế, người biệt phái và các kinh sư chống đối, bắt bẻ những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, họ là những người thông thạo lề luật Môi-sen và giữ vai trò quan trọng trong tôn giáo là tế lễ và giảng dạy dân chúng. Họ chống đối Đức Chúa Giê-su vì những lời giảng dạy của Ngài đã làm cho họ cảm thấy bị bẻ mặt, vì lời chỉ trích của Ngài rất đúng với những việc họ đã làm, nhưng điều cốt lõi của việc chống đối chính là sự kiêu ngạo của họ, sự kiêu ngạo này đã làm cho họ đi đến một hành động ác nhân hơn, đó là tố cáo và đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá…

Chỉ có những người tội lỗi, những người nghèo khó và những người có tâm hồn thiện chí, thì dễ dàng tiếp thu lời giảng dạy và biết thi hành lời của Đức Chúa Giê-su, họ là những người bị áp bức đang chờ đợi sự giải thoát chân thật bởi lời giảng dạy của Ngài; họ là những người bị đối xử bất công đang tìm kiếm sự công bằng trong lời giảng của Ngài; họ là những người nghèo khó đang tìm kiếm hạnh phúc không phải nơi vật chất, nhưng là nơi lời giảng dạy của Ngài.

Anh chị em thân mến,

Tất cả mọi người đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, nhưng có người từ chối và có người tình nguyện.

Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su hôm nay cũng đang bị chống đối, bởi vì những lời giảng dạy của Giáo Hội như ngọn lửa thiêu đốt những kiêu ngạo, và những đòi hỏi sống tự do phóng túng của một số người trong Giáo Hội, họ là những người được chọn để rao giảng chân lý nhưng họ gieo rắc lầm lạc, họ là những người được chọn để sống gương mẫu nhưng họ sống như những trào lưu thế tục, và chính họ đã trở thành công cụ đắc lực của sa tan để chống phá Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su tại trần gian này.

Tiêu chuẩn để vào Nước Trời chính là những ai thành tâm thiện chí nghe và thực hành lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su qua Giáo Hội với lòng yêu mến, chứ không phải vì mình là đạo gốc, cũng không phải vì là linh mục hay tu sĩ. Bởi vì có những người tín hữu đạo gốc nhưng thường chống đối Giáo Hội và sống lãnh đạm với bổn phận của mình; bởi vì có những linh mục sống tham sân si không làm gương sáng với chức vụ thánh của mình, bởi vì cũng có những tu sĩ nam nữ sống rất kiêu ngạo và trở thành cái đinh nhức nhối cho giáo hữu…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sự bất nhất nền tảng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
19:31 26/09/2020
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

Sự bất nhất nền tảng

Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32

Dụ ngôn hai người con mà chúng ta vừa nghe được Chúa Giêsu kể cùng với hai dụ ngôn khác trong bối cảnh ở Đền Thờ khi “chạm trán” với các nhà lãnh đạo Do Thái đến chất vấn về quyền hạn của Người (x. Mt 21,1-27). Kể dụ ngôn là nghệ thuật đưa người nghe soi bóng mình để nhận ra sự thật về mình qua câu chuyện.

Trong dụ ngôn hai người con, Chúa Giêsu muốn ám chỉ hai hạng người trong dân Do Thái thời đó: người con thứ nhất “nói không đi làm vườn nho cho cha, nhưng sau đó hối hận, lại đi làm.” Anh đại diện cho hạng người tội lỗi, không biết Thiên Chúa và không tuân giữ lề luật như những cô gái điếm và những người thu thuế, nhưng sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, họ đã hoán cải, đón nhận Tin Mừng và thi hành thánh ý Thiên Chúa nên họ được vào Nước Trời.

Theo giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, người con thứ nhất này có thể là hình bóng của những ai dù không biết Chúa Kitô và Tin Mừng, nhưng vẫn sống theo tiếng lương tâm, ăn ngay ở lành, họ cũng hy vọng được cứu độ (x. LG 16).

Còn người con thứ hai “nói có, nhưng lại không đi” ám chỉ hạng Luật Sĩ, Biệt Phái và Kinh Sư vốn là những người thông thạo lề luật và tôn giáo, nhưng lại rất bảo thủ, cố chấp, duy truyền thống và không hoán cải trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua sứ điệp của Đức Giêsu.

Anh đại diện cho tất cả những ai nói mà không làm, nói hay mà cày dở, hay nói một đàng làm một nẻo. Anh cũng đại diện cho tất cả những Kitô hữu chỉ mang danh nghĩa có đạo mà thực chất không hành đạo.

Như thế, một đàng, Chúa Giêsu muốn mạc khải chân lý này: đối với Thiên Chúa, những lời nói suông hay hứa hảo hoa mỹ không có giá trị đáng kể, nếu không đi kèm với những việc làm cụ thể. Như có lần Chúa Giêsu nhắc nhở: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi con người chính là điều mà chúng ta chờ đợi nơi nhau, đó không phải là lời nói suông, nhưng là việc làm cụ thể. Như ngạn ngữ vẫn nói: “Những hành động thì có âm vang hơn là những lời nói.”

Đàng khác, khi quả quyết rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31), Chúa Giêsu không có ý cổ xúy cho nghề mại dâm vốn luôn được coi là vô luân. Người có lý khi xếp những cô gái điếm và những người thu thuế lại với nhau, vì thời đó cả hai loại người này đã kiếm tiền bằng việc làm bất lương; tuy nhiên, ở đây, Chúa muốn đề cao những ai dù trước đó có yếu đuối, lầm lỡ, xấu xa như thế nào đi chăng nữa, nhưng sau khi gặp gỡ Chúa, họ đã hoán cải như một Maria Mađalêna, một Mátthêu, hay một Giakêu... Điều đó mới là đáng kể, giá trị và khác biệt của Kitô giáo.

Nhưng đọc dụ ngôn hai người con trong bối cảnh hôm nay, chúng ta nhận thấy có điều gì đó hơn nữa liên hệ đến cuộc sống và chúng ta.

Ở bình diện Giáo Hội, dụ ngôn là lời thức tỉnh mọi thành phần trong Giáo Hội soi bóng mình trong hai người con, để nhận ra sự “bất nhất” của mình giữa lời nói và việc làm, giữa lời tuyên xưng đức tin trong nhà thờ và thái độ sống ở đời thường. Trong Giáo Hội thời nào cũng có những người hiện nguyên hình là người con thứ hai: những gương xấu, những bê bối, những lạm dụng lương tâm, lạm dụng quyền bính và lạm dụng tương quan… xảy ra đó đây nơi một số giáo sỹ cao cấp, đã làm cho Giáo Hội mất tính khả tín và tạo cho người ngoại có ác cảm với Đạo, như chuyện vừa xảy ra tại Vatican liên quan đến vụ việc Hồng Y Becciu, Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, phải từ chức và vị trí của mình vì dính lưu đến chuyện tiền bạc. Đó là một hình thức bất nhất giữa ngôn và hành, giữa lý tưởng và đời sống.

Trên bình diện xã hội, câu chuyện của hai người con giúp soi chiếu thực tại xã hội nơi mỗi quốc gia: Đó là chuyện quan chức nói một đàng, làm một nẻo, hứa hảo đủ điều, nhưng rút cuộc chỉ là lừa lọc, gian lận, thiếu minh bạch… như chuyện vừa mới xảy ra ở bệnh viện Bạch Mai khi giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng lạm quyền trong khi thi hành công vụ, đã có hành vi thủ đoạn gian dối, nâng khống giá các thiết bị y tế nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của bệnh nhân và của nhà nước. Đó là sự mâu thuẫn giữa đạo đức và nghề nghiệp.

Ở bình diện cá nhân, cả hai người con là tấm gương để mỗi người soi bóng mình và khám phá những bất nhất hiện hữu trong chúng ta với tư cách là một chủng sinh, một linh mục: tôi nhận thấy mình trong cả hai người con khi tôi nói mà không làm, hay làm mà không nói, học mà không hành, tin mà không sống. Đó là những bất nhất nền tảng của ơn gọi. Nên tôi được mời gọi nhận diện và đương đầu với những bất nhất ấy.

Nhưng cả hai người con trong dụ ngôn đều có sự bất nhất và bất toàn. Có một Người Con khác tuyệt đối hoàn hảo để tôi nguyện mãi đi theo và trở nên giống, được nói ở bài đọc II, đó “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến… chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người… là Chúa” (Pl 2,6-11). Nơi Người, nhất là nơi thập giá, sứ điệp và con người Đức Giêsu là một, vâng, Người luôn là điều Người nói. Người không chỉ có lời mà chính là Lời và là hành động. Nơi Người, tin, yêu, đời sống là hội nhất và duy nhất. Nếu ở đâu chúng ta đã gặp gỡ một con người như thế, thì ở đó chúng ta gặp được Ý Nghĩa đỡ nâng và gìn giữ tất cả cho sự hiện hữu của chúng ta. Nếu gặp được Con Người ấy rồi thì chính Phaolô đã coi mọi sự là rác rưởi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Mọi tình yêu khác đều bé nhỏ so với tình yêu của Thiên Chúa, như Dostoevskij đã viết cho Sonia, cháu gái của ông: “Trần gian này chỉ có một người đẹp tuyệt đối: Chúa Kitô. Sự xuất hiện của con người vô song và tuyệt mỹ này đã là một phép lạ tuyệt vời.” Con Người ấy mà Thầy Têphanô Nguyễn Khắc Dương đã biết đến, rồi từ bỏ tất cả và suốt đời đi theo. Trong thánh lễ mừng thượng thọ 95 tuổi tại nhà thờ Chính Tòa Hà Tĩnh (24/9/2020), thầy đã bộc bạch: “Dương chỉ là đứa con bị vứt bỏ, được Giáo Hội nhặt về, nếu không có Giáo Hội, Dương chỉ có mà liếm lá!” Chính Khắc Dương đã có lần nói: “Xét về phương diện xã hội, ông Giêsu chẳng làm được cái cứt chi cho dân tộc mình… Nhưng tôi vẫn tin theo ông cho dù ông là Chúa, chứ là chó tui vẫn tin, vẫn theo.”

Con Người ấy tôi và anh em đã may mắn được gặp và đi theo ở đây, lúc này. Người là lý tưởng đời ta. Chúng ta hãy tập họp toàn thể đời sống chung quanh trung tâm đời sống là Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao mà thánh Phaolô mời gọi: “Giữa anh em, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5).

Như thế, Tin Mừng của Chúa Giêsu là tin vui, tin hy vọng, tin cứu độ cho tất cả mọi người, nhất là cho các tội nhân, kể cả những cô gái điếm và cho cả chúng ta nữa. Hãy đi và làm điều Chúa muốn. Amen!

Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê - Vinh
 
Người đang thở dài
Lm. Minh Anh
23:52 26/09/2020

NGƯỜI ĐANG THỞ DÀI

“Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế
và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.


Kính thưa Anh Chị em,

Một câu hỏi rất thú vị đặt ra cho chúng ta hôm nay là, Thiên Chúa tạo thành, Thiên Chúa cứu chuộc, Thiên Chúa yêu thương con người và mọi loài… vậy thì còn gì hơn nữa để Thiên Chúa phải làm, phải bận tâm? Tắt một lời, giờ này, Thiên Chúa đang làm gì? Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta câu trả lời đầy bất ngờ. Thiên Chúa đang thở dài, Người đang thở dài.

Thiên Chúa đang thở dài trước sự cứng lòng của Israel, dân Người. Êzêkiel trong bài đọc thứ nhất cho thấy đó là một dân bất tuân, cứng đầu cứng cổ đến nỗi Thiên Chúa phải hạ mình thanh minh, đôi co, cãi cối cãi chày với họ, “Các ngươi nói rằng, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’; vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây. Có phải đường lối của Ta không chính trực? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?”; Người đang thở dài.

Trước sự chia rẽ và phân hoá giữa cộng đoàn Philipphê, một giáo đoàn đang bị xáo trộn bởi những con người chỉ tìm hư danh, Thiên Chúa cũng đang thở dài; Người thở dài qua những khắc khoải của Thánh Phaolô, “Anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan”; “Chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh”.

Đặc biệt, với bài Tin Mừng, trước sự cố chấp của các thượng tế và kỳ lão là những lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, Thiên Chúa đang thở dài, Người ngao ngán họ đến tận cổ. Chúa Giêsu không còn lời nào nữa để đánh thức lương tâm họ, những con người đầy kiêu căng, tự mãn; những con người tự cho mình là công chính. Sau khi kể cho họ dụ ngôn hai đứa con ngủng nghỉnh được cha sai đi làm vườn nho, Ngài buộc phải thốt lên một kết luận rất nặng, “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”. Qua đó, Ngài muốn nói với họ rằng, những người thu thuế và gái điếm đang trên đường nên thánh; còn họ, thì không. Ngài là Thiên Chúa xót thương, đó là một sự thật đơn giản mà những người tội lỗi đã khám phá được; họ đã không khám phá được điều đó.

Cả hai đứa con trong Tin Mừng hôm nay đều có những giây phút làm cho cha mình thở dài; đứa thì bảo không làm, rồi lại làm; đứa thì nói làm, rồi lại không làm. Qua bao đời, con người vẫn là thế; xưa cũng như nay, nó luôn khiến cho Thiên Chúa phải thở dài. Đang khi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa thì khác, từ trời xuống thế, Ngài luôn luôn làm đẹp lòng Cha mọi đàng. Qua đó, Ngài chỉ cho những người con của đất cách sống với Chúa Cha như Đứa Con Của Trời; Ngài phận là phận của một vị Thiên Chúa, lại hoàn toàn hạ mình vâng phục Cha, hằng làm vui lòng Cha trong mọi sự. Đó là cái “hơn” của người ‘anh trưởng Giêsu giữa một đàn em đông đúc’ đã nêu gương. Vì thế, trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô còn khuyên rằng, “Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”; “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”.

Để Thiên Chúa thôi thở dài, chúng ta cũng hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu; hãy bắt đầu hành trình nên thánh với việc nhìn nhận con người yếu hèn tội lỗi của mình trong khiêm nhượng, trong cởi mở và chân thật như những người thu thuế và gái điếm; sống trong tâm tình thống hối của đứa con vốn chối từ đi làm vườn nho cho Cha, nhưng sau đó, hối hận mà đi. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời cầu nguyện của những hối nhân, cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta, “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài”; “Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm và tội ác khi con còn trẻ, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa!”.

Chuyện kể rằng, ngày xưa, nữ hoàng Saba nghe biết sự khôn ngoan của Salomon; bà yết kiến vua, mang theo hai bó hoa, cốt để thử xem vua khôn ngoan làm sao; đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả rất giống nhau. Salomon lặng lẽ đặt hai bó hoa lên bàn và đi mở những cánh cửa. Nữ hoàng Saba đầy kinh ngạc, khiếp sợ… vì ngay lúc ấy, không biết từ đâu, ong bướm sà xuống ngay trên những bông hoa thật vì những bông hoa giả có sắc mà không có hương, có hình hài mà không có sự sống.

Anh Chị em,

Chúng ta là hoa thật hay hoa giả; là hoa thật khi chúng ta nhìn nhận mình là tội nhân, chắc chắn lòng thương xót của Thiên Chúa cũng sẽ sà xuống trên chúng ta. Chúng ta sẽ không sợ khi phải hạ mình trước mặt Chúa để thừa nhận tội lỗi và thất bại của mình. Càng khiêm tốn chấp nhận con người xấu xa của mình, chúng ta càng có cơ may mở ra cánh cửa lòng thương xót Chúa; vì lẽ, khi không sẵn lòng nhìn ra tội lỗi mình, ân sủng của Thiên Chúa sẽ không thể đi vào và chữa lành chúng ta; và rồi, Thiên Chúa vẫn phải tiếp tục thở dài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là một cánh hoa rất thật, một tội nhân, xin giũ lòng thương xót trên con; hôm nay, con thật lòng ăn năn, chỗi dậy, ‘đi làm vườn nho’ Chúa; Chúa sẽ không còn phải thở dài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Luật Gia Công Giáo Amy Coney Barrett Được Đề Cử Tân Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
Lê Đình Thông
07:32 26/09/2020
Trong cuộc mít tinh tại Newport News (Virginia) ngày 25/09, TT Donald Trump cho biết 17 giờ thứ bảy 26/09, ông sẽ chính thức công bố việc bổ nhiệm một nữ thẩm phán Tối cao Pháp viện, thay thế bà Ruth Bader Ginsburg vừa từ trần vì bạo bệnh (cancer). Nhân vật trở thành thẩm phán trọn đời là bà Amy Coney Barrett, Công Giáo 48 tuổi. Bà là mẹ của 7 người con và là nhân vật chống đối việc cho phép phá thai.

Sau khi được tổng thống bổ nhiệm, vị tân thẩm phán cần được Thượng viện bỏ phiếu chấp thuận. Đây chỉ là một thủ tục hiến định, không làm thay đổi quyết định của lãnh đạo hành pháp, vì đảng Cộng hòa hiện nắm đa số trong Thượng viện.

Vị tân thẩm phán làm tăng thêm 6 thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ, trên tổng số 9 thẩm phán Tối cao Pháp viện, áp đảo khuynh hướng tự do chỉ còn 3 vị. Sự bổ nhiệm này sẽ đồng thời làm tăng số cử tri Công Giáo muốn bảo tồn học thuyết Công Giáo trong đời sống chính trị tại nước Mỹ, ủng hộ TT Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 03/11 sắp tới.

Lê Đình Thông
 
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện
Đặng Tự Do
16:35 26/09/2020
Lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. Trong khi đó, Tổng thống Trump hy vọng việc đề cử này sẽ khích lệ những người ủng hộ ông trong cuộc tranh cử chống lại ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Là người thừa kế tư tưởng của Thẩm phán bảo thủ đã quá cố Antonin Scalia, cô Barrett sẽ điền vào chiếc ghế trống sau cái chết của Ruth Bader Ginsberg, người vốn được coi là biểu tượng của trào lưu cấp tiến. Đây sẽ là sự thay đổi tư tưởng rõ nét nhất kể từ khi Clarence Thomas thay thế Thẩm phán Thurgood Marshall gần ba thập kỷ trước. Barrett sẽ là thẩm phán thứ sáu được bổ nhiệm bởi đảng Cộng hòa và là người thứ ba được Tổng thống Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Khi bắt đầu buổi công bố, Tổng thống Trump nói:

“Nguy hiểm đối với đất nước của chúng ta là rất cao”

Ông nói với cô Barrett:

“Tôi biết cô sẽ làm cho đất nước của chúng ta rất, rất tự hào.”

Nhiều người cho rằng chiến thắng năm 2016 của Tổng thống Trump chủ yếu dựa vào sự ủng hộ từ các Kitô hữu về lời hứa sẽ thay thế Scalia với một người bảo thủ. Cho nên, đề cử mới nhất này cách nào đó mang lại hy vọng hơn nữa cho việc tái đắc cử một nhiệm kỳ nữa của ông.

Ngay cả trước khi Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump đã xác nhận sẽ bổ nhiệm 200 thẩm phán liên bang, nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra một thế hệ các nhà hoạt động pháp lý bảo thủ.

“Điều lớn nhất bạn có thể làm là bổ nhiệm các thẩm phán, nhưng đặc biệt là việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao,” Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ vào tối thứ Sáu tại một cuộc vận động tranh cử ở Newport News, Virginia. “Nó thiết lập giai điệu của đất nước chúng ta trong 40 năm, 50 năm. Ý tôi là, một thời gian dài. “

Thông báo về việc bổ nhiệm thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện được đưa ra trước khi Ginsburg được chôn cất bên cạnh chồng vào tuần tới tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Vào thứ Sáu, bà là người phụ nữ đầu tiên mà thi hài được đặt tại Điện Capitol, và những người đưa tang đã đổ xô đến Tòa án Tối cao trong hai ngày trước đó để bày tỏ lòng kính trọng.

Trong vòng vài giờ sau khi Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump nói rõ rằng ông sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế đó và cho biết ông đang cân nhắc năm ứng cử viên. Nhưng Barrett là người được yêu thích sớm nhất và là người duy nhất gặp Tổng thống Trump.

Barrett là thẩm phán kể từ năm 2017, khi Tổng thống Trump đề cử cô vào Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ số 7 có trụ sở tại Chicago. Nhưng với tư cách là một giáo sư luật lâu năm của Đại học Notre Dame, cô đã tự khẳng định mình là một người bảo thủ đáng tin cậy theo khuôn mẫu của Scalia, người mà cô đã gắn bó vào cuối những năm 1990.

Barrett sẽ là thẩm phán duy nhất tại Tối Cao Pháp Viện không nhận được bằng luật tại một trong 8 trường của liên đoàn các trường Đại Học Ivy. Tám thẩm phán kia đều theo học Harvard hoặc Yale.

Barrett được đánh giá là người bảo thủ mẫu mực đã được Tổng thống Trump biết đến phần lớn sau khi cô phải trải qua một tiến trình xác nhận gay go cho chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm vào năm 2017 trong đó các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ đã tấn công đức tin Công Giáo của cô. Tổng thống cũng đã phỏng vấn cô vào năm 2018 để thay cho thẩm phán Anthony Kennedy nghỉ hưu, nhưng cuối cùng Tổng thống Trump đã chọn Brett Kavanaugh.

Tổng thống Trump và các đồng minh chính trị của ông đang muốn có một cuộc chiến khác về đức tin trong khi Thượng Viện Hoa Kỳ xác nhận Barrett. Nếu họ lập lại việc tấn công đức tin của Barrett, thì đó là một cơn gió chính trị phản tác dụng nặng nề đối với các đảng viên Dân chủ. Các cử tri Công Giáo ở Pennsylvania, được xem như là một nhóm quan trọng trong vùng xôi đậu này chắc chắn sẽ dồn phiếu cho Tổng thống Trump nếu Barrett bị hạch sách tại Thượng Viện Hoa Kỳ.

Trong khi đảng Dân chủ tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn việc xác nhận Barrett tại Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát, họ đang tìm cách sử dụng tiến trình này để làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump.

Thật thế, đối với những người phò phá thai, sự đề cử Barrett vào Tối Cao Pháp Viện có thể trở thành một sự tái xét luật phá thai, là một vấn đề đã chia rẽ nhiều người Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua. Ý tưởng lật ngược hoặc cắt bỏ phán quyết hợp pháp hóa phá thai Roe chống Wade, vào năm 1973, luôn là một đề tài tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ. Giờ đây, với sự thay đổi dường như mang tính quyết định trong cấu trúc ý thức hệ của tòa án, các đảng viên Đảng Dân chủ hy vọng cử tri của họ sẽ bỏ phiếu vì thất vọng với sự lựa chọn Barrett vào Tối Cao Pháp Viện.


Source:Sydney Morning Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gặp Mặt Truyền Thống Anh Chị Em Cursillo Giáo Phận Đà Nẵng, tháng 9 . 2020
Tô-ma Trương Văn Ân
07:37 26/09/2020
Sáng thứ bảy, 26 / 9 / 2020 tại Nhà thờ Giáo xứ Phước Tường- Giáo phận Đà Nẵng. Anh chị Cursillistas ( Thành viên Cursillo ) Giáo phận Đà Nẵng, đã tham dự Đại Hội Utreya, gặp mặt truyền thống thường niên.

Sau một thời gian dài phải cách ly do dịch bệnh Covid- 19. Anh chị Cursillistas hân hoan vui mừng được gặp gỡ, dù vẫn còn tuân thủ một số biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Các Anh chị chia sẻ những buồn vui, những thao thức lo lắng, những cảm nghiệm tin yêu phó thác vào Thầy Chí Thánh, những Ơn Lành mà Thiên Chúa ban cho mỗi người trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Xem Hình

Một niềm thương mến vô hạn, khi Anh chị Cursillistas Giáo phận Đà Nẵng cùng tham dự Thánh lễ đồng tế, cầu nguyện cho Cha Phê-rô Hoàng Xuân Nghiêm- Linh mục Linh hướng vừa mới qua đời hôm 17 / 9 / 2020 tại Orlando – Florida Hoa Kỳ. Cha Phê-rô sinh năm 1943, Linh mục năm 1972, nguyên là Linh mục Giáo phận Đà Nẵng. Ngài đặt nhiều tâm huyết về việc mở các Khóa Căn Bản 3 ngày, Khóa nền tảng, Khóa Cao Cấp CDC, việc tái lập và phát triển Phong trào Cursillo tại nhiều Giáo phận trên thế giới, tại Việt Nam và cách riêng ở Giáo phận Đà Nẵng. Thánh lễ do các Cha Linh hướng của Phong trào Cursillo Giáo phận Đà Nẵng Chủ sự: Cha Phao-lô Nguyễn Hữu Trường Sơn – Quản xứ Phước Tường, Cha Giuse Nguyễn Văn Khang - Quản xứ Khánh Thọ, Cha Phao-lô Hồ Quang Phúc và Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục – Trung tâm mục vụ Giáo phận. Xin Thiên Chúa là Nguồn Tình yêu, đón nhận những hy sinh cố gắng của Cha Phê-rô, đón Cha vào Nhà Chúa. Cha Phê-rô đã trao cho mỗi Cursillistas phương cách sống: “ một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy Anh chị em”, để loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống yêu thương phục vụ mọi người, trong môi trường sống của mình.

Trong dịp này, Anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng- Trưởng Phong trào Cursillo Giáo phận Đà Nẵng, đã đại diện Cursillistas tỏ lòng biết ơn Cha Phao-lô Nguyễn Hữu Trường Sơn – Linh hướng Chính Phong trào Cursillo Giáo phận, khi được biết Cha Phao-lô sẽ đi Tu học tại Roma trong tương lai gần. Đồng thời Anh Trưởng cũng nói lên niềm vui khi được Cha Phao-lô Hồ Quang Phúc đồng ý nhận làm Linh hướng cho Phong trào trong thời gian đến.

Xin Thiên Chúa gìn giữ mỗi người chúng con, trong mọi hoàn cảnh biến cố của cuộc đời, đễ mỗi người luôn là men yêu thương phục vụ, đem Chúa đến cho Anh chị em xung quanh trong môi trường đang sống và làm việc của mình.

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Học viện Dòng Thánh Gia Thủ Đức tổ chức tết Trung Thu cho các em thiếu nhi
Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
10:48 26/09/2020
Vào lúc 18g ngày 26.09.2020, tại Cộng đoàn Học viện Dòng Thánh Gia (630/3 Quốc lộ 13, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM) đã diễn ra chương trình vui tết Trung Thu với chủ đề “Gia Đình - Vầng Trăng Yêu Thương”. Chương trình do Học viện Dòng Thánh Gia tổ chức với sự tham gia của khoảng 180 em nhỏ (không phân biệt tôn giáo) trong Khu phố 4 – nơi tọa lạc của Cộng đoàn.

Xem Hình

Sự đặc biệt của chương trình năm nay là quy tụ được nhiều gia đình lương dân đang sinh sống rải rác xung quanh Cộng đoàn. Họ là những anh chị em công nhân, kinh doanh buôn bán nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn cả tinh thần lẫn vật chất. Đây cũng là dịp để các Tu sĩ Thánh Gia tiếp cận, gặp gỡ và giới thiệu Chúa đến với họ.

Ngay từ sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con em của mình tới địa điểm tổ chức. Mỗi em tham gia được Ban tổ chức (BTC) phát 01 phiếu tham dự các gian hàng và 01 số may mắn để tham gia chương trình quay số trúng thưởng.

BTC đã thiết kế 06 gian hàng và trò chơi bao gồm: vòng tròn yêu thương, trái bóng tình yêu, ném lon vui vẻ, ẩm thực, bắp nổ, nước giải khát.

Đây là năm đầu tiên Cộng đoàn tổ chức chương trình Trung Thu cho các em trong Khu phố nên các em còn nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm. Nhưng các em cũng sớm bắt nhịp được với chương trình và tham gia với đầy sự vui vẻ, hào hứng.

Cao trào của chương trình là trò chơi quay số trúng thưởng với các phần thưởng hấp dẫn. Các phần quà giá trị tuy không cao nhưng gói ghém cả tấm lòng của BTC cũng như quý ân nhân.

Chương trình kết thúc lúc 20g sau phần quay số trúng thưởng.

Hy vọng chương trình năm nay mang lại cho các em nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhất là giúp các em và các bậc cha mẹ cảm nghiệm được tình yêu thương, sự quan tâm của cộng đồng với bản thân và gia đình của họ.

Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lược sử các giáo phận Việt Nam : Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Hải Phòng
15:28 26/09/2020
1. Sơ lược hình thành Giáo phận Hải Phòng



“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Họ ra đi, đi mà nức nở,

mang hạt giống vãi gieo.

Lúc trở về, về reo hớn hở,

vai nặng gánh lúa vàng”.

(Tv 126,5-6)



Xin mượn lời Thánh Vịnh để tóm lược những nét chính yếu khai sinh giáo phận Hải Phòng, một giáo phận được thành hình từ ân sủng, cùng với mồ hôi và nước mắt, máu xương của các thừa sai linh mục, tu sĩ và giáo dân làm nên trang sử của giáo phận Hải Phòng và của Giáo hội Việt Nam.



Ngày 9-9-1659, với Đoản sắc Super Cathedram Principis, Đức Alexander VII (1655-1667) thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Vùng đất Hải Phòng, Hải Dương lúc này đã có những “cư sở”, giáo xứ quan trọng trong giáo phận tiên khởi Đàng Ngoài như Xứ Đoài, Xứ Bắc, Kẻ Sặt...



Năm 1679, Đức Innocens XI (1676-1689) chia giáo phận Đàng Ngoài làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới. Cha François Deydier Phan, thuộc Hội Thừa sai Paris, được đặt làm giám mục tiên khởi của giáo phận Đông Đàng Ngoài, lúc đó Toà giám mục thường ở Phố Hiến (tên một cảng nằm trên tả ngạn sông Hồng, do Nhà Lê mở vào cuối thế kỷ, phía Nam thị xã Hưng Yên ngày nay); sau đời Đức cha Deydier, Toà giám mục thường đặt ở vùng Bùi Chu, đôi khi ở Kẻ Sặt, Hải Dương.



Theo báo cáo của các cha dòng Tên gửi Đức cha J. de Bourges những nơi các ngài coi sóc (hiện nay nằm trong các giáo phận Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá) năm 1668-1707, có số giáo dân như sau: Đông và An Quảng 3.016; Bắc (Kẻ Noi) 990; Đoài 6.250.



Ngày 5-9-1848, Đức Piô IX (1848-1878) ban Chiếu thư chia tỉnh Nam Định và tỉnh Hưng Yên, lập thành giáo phận Trung, phần đất còn lại giữ tên cũ là giáo phận Đông, do Đức cha Jeronimo Hermosilla Liêm, O.P., giám mục tiên khởi người Tây Ban Nha, coi sóc. Ngày 6-11-1861, ngài tử đạo tại khu Năm Mẫu (Hải Dương). Trong thời Đức cha Liêm, giáo phận có diện tích đất rộng, lúc này giáo dân đã lên tới con số 45.000, ở rải rác trong 327 xứ, họ trên tổng số dân là 3 triệu người. Toà giám mục khi ở Nam Am, khi ở Kẻ Mốt (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Giáo phận Đông đã có các trường Lý Đoán (Đại chủng viện) và La Tinh (Tiểu chủng viện) ở Đông Xuyên, Kẻ Mốt, Tử Nê.



Ngày 29-5-1883, Đức Lêô XIII (1878-1889) công bố Chiếu thư lập giáo phận Bắc, một phần tách từ giáo phận Đông, gồm các tỉnh Hải Dương (bấy giờ gồm cả Kiến An), Quảng Yên và Hải Ninh (tức Móng Cái), và vẫn giữ tên cũ là giáo phận Đông do Đức cha José Terrès Hiến coi sóc, Toà giám mục đặt ở Hải Dương. Hải Phòng khi ấy chưa là sở cha chính, nhưng năm 1880, cha chính Salvador Masso Tế đã xây nhà thờ lớn.



Năm 1890, Đức cha Hiến dời Toà giám mục ra Hải Phòng, còn sở cha chính chuyển sang Liễu Dinh một thời gian rồi đưa về Kẻ Sặt. Hàng giáo sĩ năm 1892 có Đức cha Hiến, 32 linh mục triều, 8 thừa sai, 2 cha dòng người Việt, 82 thầy giảng, 20 chủng sinh thần học, 20 chủng sinh triết, 20 tiểu chủng sinh, 281 học sinh trường thử và 41.120 giáo dân.



Ngày 3-12-1924, Toà Thánh đổi tên giáo phận Đông theo địa hạt hành chính, nơi đặt Toà giám mục, gọi là giáo phận Hải Phòng, Đức cha Francisco Ruiz de Azua Minh, O.P. (1919-1929) coi sóc.



Ngày 14-1-1953, cha Giuse Trương Cao Đại, O.P., nhận sắc chỉ của Toà Thánh làm giám mục Hải Phòng và thụ phong tại Hồng Kông. Sau khi về nước nhận giáo phận, ngài xây dựng giáo phận về cả vật chất lẫn tinh thần. Công việc đang thuận lợi thì Đức cha lại phải di cư vào Nam sau hiệp định Genève (1954).



Ngày 7-5-1955, Toà Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Khuất Văn Tạo làm giám quản tông toà giáo phận Hải Phòng. Ngài được tấn phong giám mục tại nhà thờ Sơn Tây ngày 7-2-1956; ngày 28-4-1956, Đức tân giám mục chính thức nhận giáo phận Hải Phòng.



Ngày 24-11-1960, Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, giáo phận Hải Phòng được nâng lên hàng chính toà thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo được bổ nhiệm làm giám mục chính toà của giáo phận Hải Phòng. Đức cha đã cai quản giáo phận trong hơn 21 năm đầy gian khổ vì hầu hết các linh mục và giáo dân của giáo phận đã di cư vào Nam. Ngài mất ngày 18-8-1977. Hai năm sau (1979), giáo phận mới có Đức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương thụ phong giám mục 18-2-1979 lên thay, ngài nhận giáo phận 24-2-1979. Ngài đã trùng tu Toà giám mục, nhà thờ chính toà và kiến tạo hơn 100 nhà thờ xuống cấp ở các giáo xứ và họ đạo, đào tạo và truyền chức cho hơn 20 linh mục. Ngài qua đời ngày 10-3-1999. Trong thời gian giáo phận trống toà, Hội đồng Tư vấn Quản trị giáo phận, đứng đầu là linh mục niên trưởng Laurensô Phạm Hân Quynh. Linh mục Đa Minh Nguyễn Chấn Hưng làm Giám quản giáo phận cho đến ngày Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám mục Giuse Vũ Văn Thiên làm giám mục chính toà, 26-11-2002.



2. Giáo phận Hải Phòng – Những năm tháng và sự kiện



* Ngày 27-11-1679: Tòa Thánh thiết lập Địa phận Đông Đàng Ngoài, tách ra từ Địa phận Đàng Ngoài. Ranh giới Địa phận mới phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp sông Hồng, phía nam giáp Ninh Bình.



* Vị Giám mục đầu tiên của Địa phận Đông Đàng Ngoài là Đức Cha Phan-xi-cô Đê-đi-ê (Tên Việt là Phan), người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris. Ngài được tấn phong Giám mục cách kín đáo tại Phố Hiến (nay là Hưng Yên) ngày 21-12-1682. Đức Cha Phan qua đời năm 1693.



* Năm 1757,Tòa Thánh trao công cuộc truyền giáo tại địa phận Đông Đàng Ngoài cho các thừa sai Dòng Đa-minh, trực thuộc tỉnh Dòng Rất Thánh Mân Côi Manila, Philippines.

* Năm 1848, Giáo phận Trung (nay là Bùi Chu) được tách từ địa phận Đông Đàng Ngoài, sau đó, năm 1936, Giáo phận Thái Bình được tách ra từ Giáo phận Bùi Chu

* Năm 1883, Giáo phận Bắc (nay là Bắc Ninh) được tách ra từ địa phận Đông Đàng Ngoài, sau đó, năm 1939, Giáo phận Lạng Sơn được tách từ Bắc Ninh.



* Năm 1870: Được uỷ quyền của Đức Giám Mục địa phận là Đức Cha An-tôn Colomer Lễ (còn gọi là Đức Cha Nguyên), Cha Salvado Masso Tế đã mua đất và thiết lập Giáo xứ Hải Phòng. Nhà thờ chính tòa được khởi công xây dựng năm 1876, đời vua Tự Đức năm thứ 29.



* Năm 1890: Đức Cha Terres Hiến tời Tòa Giám mục từ Hải Dương về Hải Phòng.



* Ngày 01-11-1861, ba nhân chứng đức tin đã tử đạo khu Năm Mẫu Hải Dương (nay là Đền Thánh Hải Dương): Đức Cha Hieronimo Hermosilla Liêm, Đức Cha Valentinô Vinh, Cha Phê-rô Amato Bình. Sau đó, ngày 06-12-1861, Thày Giuse Nguyễn Duy Khang cũng chịu tử đạo tại đây. Bốn vị tử đạo này đã được phong chân phước ngày 20-5-1906 và phong hiển thánh ngày 19-6-1988. Khu Năm Mẫu Hải Dương cũng là nơi có hàng trăm tín hữu đã đổ máu đào để làm nhân chứng đức tin.



Đền Thánh Hải Dương xây dựng năm 1927, bị tàn phá trong chiến tranh năm 1967.



* Ngày 11-02-1900, Công đồng miền Bắc lần thứ nhất tại Kẻ Sặt. Thành phần tham dự gồm có 6 Giám mục, 5 Cha Tổng đại diện, 3 Bề trên Dòng và 2 chuyên viên thần học. Công đồng kết thúc ngày 6-3-1900.



* Ngày 14-07-1924: Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI cho phép Giáo phận được chính thức đổi tên là Hải Phòng.



* Ngày 19-3-1953: Lễ tấn phong vị Giám mục người Việt Nam tiên khởi của Giáo phận Hải Phòng là Đức Cha Trương Cao Đại tại nhà thờ chính tòa Hồng-Kông. Đức Cha về nhận Giáo phận ngày 21-3-1953. Sau đó một năm, tức là năm 1954, Đức Cha di cư vào miền Nam cùng với 65,000 giáo dân và gần 80 Linh mục, cùng với toàn bộ chủng sinh và các dì phước. Đức Cha Giuse Trương Cao Đại qua đời ngày 29-6-1965 tại Madrid, Tây Ban Nha.



* Ngày 7-2-1956: lế tấn phong Giám mục của Đức Cha Phê-rô Maria Khuất Văn Tạo tại nhà thờ Sơn Tây. Đức Cha Phê-rô về nhận Giáo phận ngày 28-4-1956. Trong suốt thời gian 21 năm cai quản Giáo phận, ngài đã phải trải qua nhiều thử thách khó khăn về mọi mặt. Đức Cha Phê-rô qua đời ngày 18-8-1977 và được an táng tại nhà thờ chính tòa Hải Phòng.



* Ngày 18-2-1979: lễ tấn phong Giám mục của Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương tại nhà thờ chính tòa Hà Nội. Đức Cha về nhận Giáo phận ngày 24-2 và cai quản Giáo phận trong suốt 20 năm. Ngài đã tu sửa phần lớn các nhà thờ trong Giáo phận, lo lắng việc huấn luyện chủng sinh, mở ra một hướng đi mới cho Giáo phận về nhiều mặt. Đức Cha Giuse Maria qua đời ngày 10-3-1999 và được an táng tại nhà thờ chính tòa Hải Phòng.



* Ngày 26-11-2002: Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Vũ Văn Thiên làm Giám mục chính tòa Hải Phòng. Lễ tấn phong Giám mục được tổ chức ngày 2-1-2003, tại khuôn viên nhà thờ chính tòa Hải Phòng.



* Ngày 02-01-2005, thành lập ba Giáo Hạt: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương – Hưng Yên.



* Ngày 8-10-2006: 16 Giáo xứ mới được thiết lập: Giáo xứ An Hải, Giáo xứ An Quý (Hải Dương, nay giáo xứ Thánh An-tôn), Giáo xứ An Toàn, Giáo xứ An Thuỷ, Giáo xứ Bạch Xa, Giáo xứ Cửa Ông, Giáo xứ Đạo Dương, Giáo xứ Hải Ninh, Giáo xứ Hữu Quan, Giáo xứ Lãm Hà, Giáo xứ Thư Trung, Giáo xứ Tân Kim, Giáo xứ Trang Quan, Giáo xứ Tiên Đôi, Giáo xứ Thuý Lâm, Giáo xứ Xuân Điện.



* Tháng 10-2007: Các Dòng thu bắt đầu hiện diện tại Giáo phận



* Ngày 27-6-2009: Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã ban tước hiệu Giám chức danh dự (Đức Ông) cho Cha Lorenxô Phạm Hân Quynh. Lễ công bố và trao tước hiệu được cử hành tại nàh thờ chính tòa Hải Phòng ngày 10-8-2009.



3. Giáo phận Hải Phòng hiện nay qua một vài con số



(cập nhật 12/2015)

a. Địa chỉ:

46 Hoàng Văn Thụ - Hồng Bàng - TP. Hải Phòng.

Đt: (84) 0313 745387. Fax: 84 0313 745765.

Email:

Website: gphaiphong.org



b. Địa lý:

Giáo phận Hải Phòng nằm trên thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và một phần tỉnh Hưng Yên với diện tích là 9.079,10 km2.



c. Nhân sự:

- Linh mục triều: 81 (có 3 Cha du học nước ngoài); Linh mục dòng: 4

- Dòng tu: hiện có 6 cộng đoàn Dòng tu và 2 Tu hội.

- Chủng sinh: 61 (Đang học tại Đại chủng viện Hà Nội và các chủng viện khác)

- Ứng sinh tìm hiểu ơn gọi: 50



d. Số Giáo dân, giáo xứ và nhà thờ

- Giáo dân: 134.000 người

- Giáo xứ: 92

- Tổng số nhà thờ: 350

Tòa Giám mục Hải Phòng
 
VietCatholic TV
Thăm dò cho thấy càng dự lễ thường xuyên càng có khuynh hướng phò sinh và bầu cho Tổng thống Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:46 26/09/2020


1. Hai phần ba dân Ðức không quan tâm tới tiến trình công nghị.

Gần hai phần ba dân Ðức, tức là 63%, không quan tâm gì tới tiến trình công nghị, dự trù kéo dài hai năm, do các giáo dân và giám mục Ðức đề xướng. Trên đây là kết quả cuộc thăm dò do viện điều tra dư luận “INSA Consulere”, được tuần báo Công Giáo “Die Tagespost” thuê thực hiện.

Theo kết quả cuộc thăm dò, chỉ có 11% những người được hỏi ý kiến tuyên bố quan tâm đến sáng kiến tiến trình cải tổ; 17% không hề biết đó là gì. Tuy nhiên, có sự khác biệt: trong số các tín hữu Công Giáo, có 19% tuyên bố quan tâm đến tiến trình công nghị, đối thoại để cải tổ.

Trong số 53% tuyên bố quan tâm đến việc cải tổ, có hơn một nửa các tín hữu Công Giáo tuyên bố không quan tâm đến tiến trình đối thoại trong nội bộ Giáo hội. Nơi các tín hữu Tin lành, có 11% chú ý đến tiến trình công nghị và 63% không quan tâm đến vấn đề này. Nơi những người không tín ngưỡng, chỉ có 6% quan tâm.

Cuộc điều tra dư luận được thực hiện bằng cách hỏi ý kiến 2,036 người lớn, trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 14 tháng 9 năm 2020.

Khóa họp toàn thể của Công nghị gồm 230 tham dự viên đã diễn ra tại Frankfurt từ ngày 30 tháng Giêng cho đến mùng 1 tháng Hai đánh dấu sự khởi đầu chính thức của tiến trình công nghị tại Đức. Bốn chủ đề chính được mang ra thảo luận là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, đời sống linh mục, đạo đức tình dục và vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Ban đầu, công nghị dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2021, nhưng vì đại dịch nên có thể sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022.

Tháng 5 vừa qua, một Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Köln đã tuyên bố ngài rút lui, không còn tham gia vào diễn đàn về vấn đề tính dục là một phần của tiến trình công nghị đang diễn ra ở Đức.

Đức Cha Dominikus Schwaderlapp nói với tờ Die Tagespost vào ngày 28 tháng Năm rằng diễn đàn đang cố gắng gieo những nghi ngờ đối với những giáo lý cơ bản của Giáo Hội Công Giáo về đạo đức tính dục bằng cách coi tính dục là một hiện tượng “đa giá trị” (polyvalent).

Tài Liệu Làm Việc cuối cùng của diễn đàn đã được xây dựng trên giả định rằng các giáo lý của Giáo hội về đạo đức tình dục đòi hỏi phải được “phát triển hơn nữa”. Theo Đức Cha Schwaderlapp, cách tiếp cận như thế không công bằng đối với quan điểm của Công Giáo về “món quà thiêng liêng tình dục. “

“Hơn 50 năm qua, Huấn quyền của Giáo hội đã đưa ra những tuyên bố chính xác về các câu hỏi liên quan đến đạo đức tình dục. Qua các tuyên bố này, Huấn quyền đã đào sâu và phát triển giáo huấn của Giáo hội.”

“Phát triển hơn nữa” không bao giờ có nghĩa là phá hủy những gì đang có, nhưng thay vào đó nó phải được xây dựng trên đó.


Source:Tagespost

2. Khảo sát cho thấy mối tương quan giữa việc tham dự Thánh lễ và quan điểm chính trị

Một cuộc khảo sát gần đây đã phát hiện ra mối tương quan giữa việc thực hành tôn giáo của những cử tri Công Giáo, và các vấn đề chính trị mà họ cho là quan trọng. Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên nói rằng họ quan tâm nhiều nhất đến việc phá thai, so với các vấn đề khác.

Được thực hiện từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 bởi RealClear Opinion Research hợp tác với EWTN News, cuộc thăm dò đã khảo sát 1,212 cử tri người Công Giáo.

Cuộc thăm dò được tiến hành trước khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời. Cái chết của bà đã làm rung chuyển cuộc tranh cử hiện nay. EWTN News và RealClear Opinion Research có kế hoạch khởi động một cuộc thăm dò mới vào giữa tháng 10, dự kiến sẽ phản ánh tác động mà cái chết của bà Ginsburg gây ra đối với cuộc bầu cử tháng 11 tới đây.

Trong số những người tham gia cuộc thăm dò, 36% nói rằng mỗi tuần họ tham dự Thánh lễ một lần hoặc nhiều hơn trước khi các hạn chế vì coronavirus được đặt ra đối với các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. 42% cho biết họ tham dự Thánh lễ từ một tháng một lần đến một năm một lần, và 22% nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít hơn một lần mỗi năm.

Về chính sách thương mại với Trung Quốc, những người được hỏi cho biết họ tin tưởng tổng thống Trump hơn Biden.

Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ một năm một lần có khuynh hướng bầu cho ông Joe Biden, trong khi số người tham dự thánh lễ thường xuyên hơn nói họ sẽ bầu cho Tổng thống Trump.


Source:Catholic News Agency

3. Làm sao để cái nắm tay trở nên ấm áp hơn?

Trong ngày Lễ Tạ Ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về những điều gì đó mà các em đã biết ơn. Cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của cô sẽ vẽ những bức tranh về gà Tây hay những bàn đầy thức ăn mà chúng được thưởng thức. Nhưng cô đã sửng sốt với bức tranh của Tony, một cậu học sinh ngồi phía cuối lớp, bức tranh có một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản.

Nhưng đó là bàn tay của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút vào hình ảnh trừu tượng đó. Cô giáo đã đến bên bàn Tony và hỏi: “Em vẽ bàn tay của ai vậy?”

Tony ngước nhìn cô, em đáp nhỏ: “Em vẽ bàn tay của cô”.

Cô giáo xúc động. Cô nhớ lại rằng vào những giờ giải lao, cô thường nắm tay Tony, một cậu bé cô độc ít nói. Cô cũng thường làm thế với những học sinh khác, nhưng với Tony, nó lại mang ý nghĩa rất lớn.

Quý vị và các bạn thân mến!

Chắc hẳn cô giáo không ngờ rằng cử chỉ nắm tay đơn giản của cô lại mang đến cho cậu học trò bé nhỏ của mình niềm hạnh phúc, và điều đó trở thành một cảm xúc tốt đẹp khiến cậu ta nhớ mãi với lòng biết ơn. Tuy cô độc ít nói nhưng Tony vẫn không muốn bị cô giáo lãng quên trong tập thể học sinh lớp, và những cái nắm tay của cô giáo như một nhắc nhở rằng cậu vẫn hiện diện một cách sống động giữa bạn bè trong lớp học của mình.

Nhiều người làm công tác từ thiện đã chia sẻ rằng, khi đi thăm một trại mồ côi điều làm cho các em bé ở đây hạnh phúc không chỉ là những quà tặng, bánh kẹo nhưng là những ôm hôn không ngần ngại của họ dành cho những tấm thân bé bỏng có phần nhếch nhác hơn so với những đứa trẻ bình thường. Ðến viếng một trung tâm dưỡng lão, điều làm cho các cụ già cảm thấy ấm lòng đó là những cái siết tay thân ái, những vuốt ve gần gũi trên những hình hài đã hao mòn vì những năm tháng cô đơn. Khi tiếp xúc với những phận người bất hạnh, nếu chúng ta bất chấp những hình thức kém tươi tốt, thiếu sạch sẽ của những thân thể tiều tụy, để đem lại cho họ những cử chỉ yêu thương, âu yếm, là chúng ta đã đem lại cho họ niềm tin tưởng hạnh phúc rằng họ vẫn được mọi người yêu thương, họ vẫn rất đáng yêu. Ðiều đó giúp họ có thêm hơi ấm để tiếp tục sống và thêm tin tưởng rằng cuộc sống dễ thương biết bao.

Chúng ta không chỉ trao tặng cho nhau vật chất, mà còn có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau bằng cách thể hiện những cử chỉ yêu thương dù rất đơn sơ, nhỏ nhoi. Một ánh mắt trìu mến và cảm xúc ấm áp từ đôi bàn tay, những lối giao tiếp phi ngôn ngữ này có khả năng thay được ngàn vạn lời trái tim muốn nói.

Phúc Âm thánh Luca chương 4, đoạn 12 và 13 tường thuật lại rằng khi người phung cùi đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh, Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi”. Và người phung cùi đã được sạch bệnh. Với quyền năng Ðấng Tối Cao, Ngài chỉ cần phán một lời thì chứng phong cùi cũng sẽ biến khỏi người bệnh. Nhưng Chúa Giêsu vẫn chạm tay của mình vào thân thể cùi lở, hôi hám đó để người bệnh cảm nhận rằng anh ta vẫn không hề bị ghê gớm, ghét bỏ nhưng ngược lại, anh ta vẫn nhận được tình yêu thương, sự cảm thông qua sự va chạm thân thiện của Ngài.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng khao khát được yêu thương, và nhất là khi tình yêu đó được thể hiện bằng những cử chỉ âu yếm cụ thể. Xin cho chúng con biết ôm lấy những người đau khổ, nhẹ nhàng lau nước mắt cho những ai đang than khóc, nắm tay người đang thất vọng vì họ sẽ cần lắm những chỉ an ủi, ôm ấp yêu thương của chúng con. Và qua những anh em đau khổ này chúng con cũng thể hiện được tình yêu của chúng con đối với Chúa, vì Ngài cũng đã dạy rằng: “Những gì các con làm cho các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các con đã làm cho chính Ta”. Amen.
 
Tuyệt vời: Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phán Công Giáo Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:03 26/09/2020

Lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. Trong khi đó, Tổng thống Trump hy vọng việc đề cử này sẽ khích lệ những người ủng hộ ông trong cuộc tranh cử chống lại ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Là người thừa kế tư tưởng của Thẩm phán bảo thủ đã quá cố Antonin Scalia, cô Barrett sẽ điền vào chiếc ghế trống sau cái chết của Ruth Bader Ginsberg, người vốn được coi là biểu tượng của trào lưu cấp tiến. Đây sẽ là sự thay đổi tư tưởng rõ nét nhất kể từ khi Clarence Thomas thay thế Thẩm phán Thurgood Marshall gần ba thập kỷ trước. Barrett sẽ là thẩm phán thứ sáu được bổ nhiệm bởi đảng Cộng hòa và là người thứ ba được Tổng thống Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Khi bắt đầu buổi công bố, Tổng thống Trump nói:

“Nguy hiểm đối với đất nước của chúng ta là rất cao”

Ông nói với cô Barrett:

“Tôi biết cô sẽ làm cho đất nước của chúng ta rất, rất tự hào.”

Nhiều người cho rằng chiến thắng năm 2016 của Tổng thống Trump chủ yếu dựa vào sự ủng hộ từ các Kitô hữu về lời hứa sẽ thay thế Scalia với một người bảo thủ. Cho nên, đề cử mới nhất này cách nào đó mang lại hy vọng hơn nữa cho việc tái đắc cử một nhiệm kỳ nữa của ông.

Ngay cả trước khi Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump đã xác nhận sẽ bổ nhiệm 200 thẩm phán liên bang, nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra một thế hệ các nhà hoạt động pháp lý bảo thủ.

“Điều lớn nhất bạn có thể làm là bổ nhiệm các thẩm phán, nhưng đặc biệt là việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao,” Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ vào tối thứ Sáu tại một cuộc vận động tranh cử ở Newport News, Virginia. “Nó thiết lập giai điệu của đất nước chúng ta trong 40 năm, 50 năm. Ý tôi là, một thời gian dài. “

Thông báo về việc bổ nhiệm thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện được đưa ra trước khi Ginsburg được chôn cất bên cạnh chồng vào tuần tới tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Vào thứ Sáu, bà là người phụ nữ đầu tiên mà thi hài được đặt tại Điện Capitol, và những người đưa tang đã đổ xô đến Tòa án Tối cao trong hai ngày trước đó để bày tỏ lòng kính trọng.

Trong vòng vài giờ sau khi Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump nói rõ rằng ông sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế đó và cho biết ông đang cân nhắc năm ứng cử viên. Nhưng Barrett là người được yêu thích sớm nhất và là người duy nhất gặp Tổng thống Trump.

Barrett là thẩm phán kể từ năm 2017, khi Tổng thống Trump đề cử cô vào Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ số 7 có trụ sở tại Chicago. Nhưng với tư cách là một giáo sư luật lâu năm của Đại học Notre Dame, cô đã tự khẳng định mình là một người bảo thủ đáng tin cậy theo khuôn mẫu của Scalia, người mà cô đã gắn bó vào cuối những năm 1990.

Barrett sẽ là thẩm phán duy nhất tại Tối Cao Pháp Viện không nhận được bằng luật tại một trong 8 trường của liên đoàn các trường Đại Học Ivy. Tám thẩm phán kia đều theo học Harvard hoặc Yale.

Barrett được đánh giá là người bảo thủ mẫu mực đã được Tổng thống Trump biết đến phần lớn sau khi cô phải trải qua một tiến trình xác nhận gay go cho chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm vào năm 2017 trong đó các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ đã tấn công đức tin Công Giáo của cô. Tổng thống cũng đã phỏng vấn cô vào năm 2018 để thay cho thẩm phán Anthony Kennedy nghỉ hưu, nhưng cuối cùng Tổng thống Trump đã chọn Brett Kavanaugh.

Tổng thống Trump và các đồng minh chính trị của ông đang muốn có một cuộc chiến khác về đức tin trong khi Thượng Viện Hoa Kỳ xác nhận Barrett. Nếu họ lập lại việc tấn công đức tin của Barrett, thì đó là một cơn gió chính trị phản tác dụng nặng nề đối với các đảng viên Dân chủ. Các cử tri Công Giáo ở Pennsylvania, được xem như là một nhóm quan trọng trong vùng xôi đậu này chắc chắn sẽ dồn phiếu cho Tổng thống Trump nếu Barrett bị hạch sách tại Thượng Viện Hoa Kỳ.

Trong khi đảng Dân chủ tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn việc xác nhận Barrett tại Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát, họ đang tìm cách sử dụng tiến trình này để làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump.

Thật thế, đối với những người phò phá thai, sự đề cử Barrett vào Tối Cao Pháp Viện có thể trở thành một sự tái xét luật phá thai, là một vấn đề đã chia rẽ nhiều người Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua. Ý tưởng lật ngược hoặc cắt bỏ phán quyết hợp pháp hóa phá thai Roe chống Wade, vào năm 1973, luôn là một đề tài tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ. Giờ đây, với sự thay đổi dường như mang tính quyết định trong cấu trúc ý thức hệ của tòa án, các đảng viên Đảng Dân chủ hy vọng cử tri của họ sẽ bỏ phiếu vì thất vọng với sự lựa chọn Barrett vào Tối Cao Pháp Viện.


Source:Sydney Morning Herald