Ngày 27-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:43 27/09/2011
THỊT HEO NÁI
N2T

Hai cha con bán thịt heo nái, ông bố dặn con là đừng nói cho người ta biết là thịt heo nái. Một lúc sau có người đến mua thịt, đứa con lấy giấy viết giải thích:
“Thịt của chúng tôi bán không phải là thịt heo nái”.
Người mua thịt nghe được câu ấy thì đâm ra nghi ngờ nên bỏ đi không mua nữa.
Ông bố chửi con trai, nói:
“Ta đã dặn dò mày, tại sao mày lại nói ra ?”
Một lúc sau lại có người đến muốn mua thịt, nhìn thịt một lúc, sau đó nói:
“Da thịt dày thế này thì giống thịt heo nái ?”.
Đứa con đứng bên cạnh vội nói:
“Sao, lẽ nào câu nói này cũng là do con nói hay sao?”

Suy tư:
Người ta nói “phi thương bất phú” tức là không buôn bán thì không thể làm giàu được, bởi vì buôn bán thì phải có chỉ tiêu ít vốn lời nhiều hoặc vốn một lời mười, do đó mà người buôn bán tìm cách gian lận, nói dối hoặc mánh mung để có được nhiều lời lãi. Cho nên, có những tiệm bảng hiệu đề bán thịt cầy, nhưng lại bán thịt giả cầy; có tiệm bảng hiệu đề là “sâm nhung chính cống” nhưng lại bán sâm nhung dõm bằng những củ cà rốt được chế biến mùi vị như sâm nhung...
Vì muốn buôn bán có lời nên ông bố đã gieo vào tâm hồn thật thà của đứa con những lời nói dối trá, do đó mà tội lỗi và tội ác sẽ bắt nguồn từ đây: trong gia đình nơi đáng lẽ được gieo mầm yêu thương và hy vọng, thì trái lại được chính ông bố gieo vào dối trá là hành vi của ma quỷ.
Với con cái thì nên nói sự thật và dạy chúng yêu thích nói thật, bởi vì những lời dối trá là do lòng dạ gian tà ma quỷ mà ra.
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:45 27/09/2011
N2T

47. Thế gian là một loại bảo vật quý giá, nhưng không thể so với một linh hồn, linh hồn so với tất cả thế giới thì quý trọng vạn phần.

(Thánh John Chrysostom)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI dành cho giới trẻ trong Đêm Canh Thức tại Freiburg.
Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch
09:41 27/09/2011
"Những ai tin vào Đức Kitô thì nhìn thấy ánh sáng Giữa đêm tối đen nhất"

Dưới đây là bản dịch huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI dành cho giới trẻ trong đêm canh thức tại Freiburg ngày 24 tháng 9, 2011.

* * *


Các bạn trẻ thân mến,

Suốt ngày hôm nay cha mong chờ buổi tối này và cơ hội này để được ở cùng các con cùng cầu nguyện chung với các con. Chắc chắn rằng một số trong các con đã có mặt ở Đại Hội Giới Trẻ Thế giới, nơi mà chúng ta đã có thể cảm nghiệm bầu không khí đặc biệt của bình an, sự hiệp thông sâu xa và niềm vui nội tâm đặc trưng cho một buổi tối canh thức cầu nguyện. Ước muốn của cha là giờ đây tất cả chúng ta đều có thể cảm nghiệm cùng một điều: là Chúa có thể chạm đến tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta thành những chứng nhân hân hoan cùng nhau cầu nguyện và nâng đỡ lẫn nhau, không những chỉ tối hôm nay mà còn trong suốt cuộc đời chúng ta.

Trong tất cả các thánh đường, các nhà thờ chính tòa và các nhà dòng, bất cứ nơi nào các tín hữu tụ họp lại để cử hành Lễ Vọng Phục Sinh, thì đêm cực thánh trong tất cả các đêm được bắt đầu bằng ánh sáng của nến Phục Sinh, ánh sáng của nến này sau đó được chuyền đến tất cả những ai hiện diện. Một ngọn lửa tí hon lan ra để trở thành nhiều ánh sáng và tràn ngập bóng tối của nhà Thiên Chúa bằng ánh quang của nó. Nghi thức phụng vụ tuyệt vời này, mà chúng ta bắt chước trong đêm canh thức cầu nguyện của chúng ta đêm nay, tỏ lộ cho chúng ta bằng những dấu chỉ hùng hồn hơn lời nói về mầu nhiệm đức tin Kitô giáo của chúng ta. Người, Đức Kitô, đã nói về chính mình: "Thầy là ánh sáng thế gian" (Ga 8:12), làm cho cuộc sống của chúng ta được tỏa sáng rực rỡ, để những gì chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng trở thành sự thật: "Các con là ánh sáng thế gian "(Mt 5:14). Không phải những nỗ lực của con người hoặc tiến bộ kỹ thuật của thời đại chúng ta mang ánh sáng vào thế gian này. Chúng ta kinh nghiệm quá nhiều lần về những cố gắng để tạo nên một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn đã bị giới hạn như thế nào. Sự đau khổ của những người vô tội và thực tại cuối cùng của sự chết chờ đợi mỗi một người là một bóng tối không thể xuyên qua được là điều có thể, qua những kinh nghiệm mới mẻ, được lóe lên một khoảnh khắc, như qua một tia sét giữa đêm trường. Nhưng bóng tối ghê rợn cuối cùng vẫn còn nguyên.

Trong khi tất cả chung quanh chúng ta có thể là bóng tối và u ám, nhưng chúng ta thấy một ánh sáng: một ngọn lửa nhỏ tí teo, mà lại mạnh hơn cái bóng tối có vẻ hùng cường và không thể đánh bại được. Đức Kitô, sống lại từ cõi chết, tỏa sáng trong thế gian này và Người chiếu tỏa chói lọi nhất trong những nơi, mà theo kiểu nói của loài người, mọi sự đều tốI tăm và vô vọng. Người đã chiến thắng sự chết - Người vẫn sống - và đức tin vào Người, như một ánh sáng nhỏ, chiếu xuyên qua tất cả những gì là tối tăm và đe dọa ấy. Chắc chắn rằng những ai tin vào Chúa Giêsu không sống một cuộc đời mãi mãi vui tươi, như là họ có thể được miễn trừ những đau khổ và khó khăn, nhưng luôn luôn có một tia sáng le lói nơi đó, soi chiếu con đường dẫn đến sự viên mãn của cuộc đời (x. Ga 10:10). Đôi mắt của những người tin vào Đức Kitô nhìn thấy ánh sáng ngay cả giữa đêm đen u tối nhất và họ đã thấy ánh bình minh của một ngày mới.

Ánh sáng không còn một mình. Tất cả chung quanh nó, những ánh sáng khác đang bùng lên. Trong tia sáng yếu ớt của chúng, không gian tìm lại được những đường nét, để chúng ta có thể nhận định được phương hướng của mình. Chúng ta không sống một mình trong thế gian này. Và chính vì những điều quan trọng của cuộc đời mà chúng ta phải dựa vào người khác. Như vậy, cách riêng là trong đức tin của chúng ta, chúng ta không đứng một mình, chúng ta đang nối kết trong một chuỗi lớn của các tín hữu. Không ai có thể tin trừ khi người ấy được nâng đỡ bằng đức tin của những người khác, và ngược lại, qua đức tin của tôi, tôi giúp đỡ củng cố những người khác trong đức tin của họ. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau để thiết lập một gương sáng, chúng ta chia sẻ cho tha nhân những gì là của mình: những suy nghĩ, những việc làm và tình cảm của mình. Và chúng ta giúp đỡ nhau để tìm thấy đường hướng của mình, để tìm ra thế đứng của mình trong xã hội.

Các bạn thân mến, Chúa nói: "Thầy là ánh sáng thế gian – các con là ánh sáng thế gian." Thật là bí ẩn và tuyệt vời khi Chúa Giêsu áp dụng cùng một thuộc tính cho Mình và cho mỗi người chúng ta, đó là "ánh sáng". Nếu chúng ta tin rằng Người là Con Thiên Chúa, Đấng đã chữa lành những kẻ tật nguyền và đã cho kẻ chết sống lại, và chính Người cũng đã sống lại từ cõi chết và thật sự đang sống, thì chúng ta có thể hiểu rằng Người là ánh sáng, là nguồn mạch của tất cả mọi ánh sáng trên thế gian này. Mặt khác, chúng ta càng ngày càng kinh nghiệm sự thất bại của những nỗ lực và những thiếu sót cá nhân của mình, bất chấp những ý định tốt của chúng ta. Trong phân tích cuối cùng, thế giới mà chúng ta đang sống, bất chấp những tiến bộ kỹ thuật của nó, dường như không trở nên tốt đẹp hơn. Hiện vẫn còn chiến tranh và khủng bố, nạn đói và bệnh tật, nghèo khổ đắng cay và đàn áp tàn nhẫn. Và ngay cả những nhân vật trong lịch sử tự coi mình như "những người mang lại ánh sáng", nhưng vì không được thắp lên bởi Đức Kitô, là ánh sáng thật, nên họ không có cách nào tạo nên một thiên đàng trần thế, mà lại thiết lập những chế độ độc tài và những hệ thống chuyên chế, trong đó ngay cả những tia lửa bé nhỏ nhất của nhân loại thật sự cũng bị bóp nghẹt.

Ở thời điểm này, chúng ta không thể tiếp tục im lặng trước sự hiện hữu của sự dữ. Chúng ta nhìn thấy nó rất nhiều nơi trên thế gian này, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy nó - và điều này làm chúng ta sợ hãi - trong chính cuộc đời của mình. Quả thật, trong lòng chúng ta có một xu hướng thiên về điều ác, như ích kỷ, ghen tương, gây hấn. Có lẽ với một kỷ luật tự giác chắc chắn chúng ta có thể kiểm soát được tất cả những điều ấy ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, điều này trở nên khó khăn hơn với những lỗi một phần nào tiềm ẩn, mà có thể bao phủ chúng ta như sương mù dày đặc, chẳng hạn như tật lười biếng, hay ươn ái trong việc sẵn lòng và làm việc lành. Quá nhiều lần trong lịch sử, những quan sát viên bén nhạy đã vạch ra rằng sự thiệt hại cho Hội Thánh không đến từ những đối thủ của mình, nhưng từ những Kitô hữu thiếu quyết tâm. Vì vậy, làm sao mà Đức Kitô có thể nói rằng các Kitô hữu, cho là cả các Kitô hữu yếu hèn này, là ánh sáng thế gian? Có lẽ chúng ta có thể hiểu nếu Người mời gọi cho chúng ta: hãy hoán cải! Hãy trở thành ánh sáng thế gian! Hãy thay đổi cuộc sống của các con, hãy làm cho nó nên tươi sáng và rạng ngời! Chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Chúa đã chẳng đưa ra những lời kêu gọi như thế với chúng ta, nhưng cho chúng ta biết rằng chúng ta là ánh sáng thế gian, rằng chúng ta hãy tỏa sáng, rằng chúng ta hãy soi sáng những nơi tăm tối?

Các bạn thân mến, Thánh Phaolô trong nhiều thư của ngài không ngần ngại gọi những người đương thời với ngài, các phần tử của các cộng đồng địa phương, là "các thánh". Ở đây chúng ta thấy rõ ràng hơn là mỗi người đã chịu Phép Rửa Tội, ngay cả trước khi họ có thể thực hiện những việc tốt lành, đã được Thiên Chúa thánh hóa. Trong Bí Tích Rửa Tội Chúa thắp sáng cuộc đời chúng ta bằng điều mà Sách Giáo Lý gọi là ơn thánh hóa. Những người gìn giữ ánh sáng này, những người sống bởi ân sủng, đều là thánh.

Các bạn thân mến, quá nhiều lần khái niệm về các thánh đã bị châm biếm và bóp méo, như thể nên thánh có nghĩa là xa lìa thế gian, ngây thơ và buồn tẻ. Thường thì người ta nghĩ rằng một vị thánh phải là một người nào đó với cách sống tu hành khổ hạnh và những thành quả đạo đức tuyệt vời, những người cũng có thể rất được tôn kính, nhưng chúng ta không bao giờ có thể noi gương họ được trong đời sống của mình. Những ý kiến ​​này là những ý kiến sai lầm và làm cho người ta chán nản biết bao! Không có vị thánh nào, trừ Đức Trinh Nữ Maria, là người đã không biết đến tội lỗi, là người chưa từng bao giờ sa ngã. Các bạn thân mến, Đức Kitô không quan tâm nhiều đến việc chúng ta vấp ngã thường xuyên thế nào trong cuộc sống, nhưng đến việc chúng ta đứng dậy thường xuyên thế nào với sự giúp đỡ của Người. Người không đòi hỏi những thành quả rực rỡ, nhưng muốn ánh sáng của Người chiếu tỏa trong chúng ta. Người không gọi các con vì các con là những người tốt lành và hoàn hảo, nhưng vì Người tốt lành và muốn biến các con thành bạn hữu của Người. Phải, các con là ánh sáng thế gian bởi vì Chúa Giêsu là ánh sáng của các con. Các con là những Kitô hữu, không phải vì các con làm những việc đặc biệt và phi thường, nhưng bởi vì Người, Đức Kitô, là sự sống của các con, sự sống của chúng ta. Các con là thánh, chúng ta là thánh, nếu chúng ta để cho ân sủng của Người hoạt động trong chúng ta.

Các bạn thân mến, tối nay khi chúng ta quây quần quanh một Chúa để cầu nguyện, chúng ta cảm nhận được chân lý của lời Đức Kitô rằng một thành được xây trên đỉnh núi thì không thể nào che giấu được. Buổi tập họp này tỏa sáng bằng nhiều cách, trong ánh sáng của vô số đèn, trong sự rạng ngời của rất nhiều người trẻ, là những người tin vào Đức Kitô. Một cây nến chỉ có thể chiếu sáng nếu nó để cho ngọn lửa thiêu hủy mình. Nó sẽ vẫn chỉ là một cây nến vô dụng nếu sáp của nó không nuôi dưỡng ngọn lửa. Hãy để cho Đức Kitô đốt cháy trong các con, dù phải trả giá bằng hy sinh và từ bỏ mình. Đừng sợ rằng các con có thể sẽ bị mất mát một điều gì và, do đó, cuối cùng trở nên trắng tay.

Hãy can đảm áp dụng tài ba và năng khiếu của các con vào Nước Thiên Chúa và cho đi chính mình, như sáp của cây nến, để Chúa có thể chiếu soi đêm tối qua các con. Hãy cả gan trở nên những vị thánh rực sáng, mà trong đôi mắt và trái tim tình yêu của Đức Kitô chiếu rọi, và nhờ đó mang ánh sáng đến cho thế gian. Cha tin tưởng rằng các con và nhiều người trẻ khác ở đây trong nước Đức là những ngọn đèn hy vọng không còn tiếp tục bị che giấu. "Các con là ánh sáng thế gian". Nơi nào có Thiên Chúa, thì nơi ấy có một tương lai! Amen.
 
Luther và sự hợp nhất các giáo hội: cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (2)
Vũ Văn An
04:52 27/09/2011
Câu hỏi: Hiện nay còn dị biệt quan trọng nào giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Thệ Phản chăng, nếu có, thì là những dị biệt gì?

Đức HY Ratziger: Sự kiện hiện nay cũng như bất cứ lúc nào đều có những dị biệt nghiêm trọng đã được chứng minh rõ trong các bản thỏa hiệp vừa được công bố khá nhiều trong các năm qua. Điều này càng hiển nhiên hơn trong các cuộc đối thoại tiến bộ nhất giữa Anh Giáo và Công Giáo, và giữa Chính Thống Giáo với Công Giáo. Quả vậy, các văn kiện giữa Anh Giáo và Công Giáo, công bố năm 1981, cho rằng hai bên đã đạt được một khuôn mẫu nền tảng để giải quyết các vấn đề đang tranh cãi, nhưng chúng không cho thấy hai bên đã đạt được những giải pháp sau cùng nào. Không phải chỉ có bản trả lời chính thức của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin mà nhiều ấn phẩm khác đều đã nhấn mạnh tới nhiều nan đề nghiêm trọng vẫn còn ẩn tàng trong các văn kiện này.

Cũng thế, văn kiện giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo đề cập tới Bữa Tiệc Ly cũng không dấu được sự kiện vẫn còn nhiều vấn đề thuộc cuộc tranh chấp lâu đời chưa được giải quyết (6). Phương thức khéo léo dẫn tới hợp nhất do H. Fries và K. Rahner đề nghị trong các luận đề của họ vẫn chỉ là những kỷ sảo giả tạo của các tay nhào lộn thần học (theological acrobatics) mà buồn thay không đi đôi với thực tại (7). Không thể điều hướng các hệ phái tới với nhau như trong một thao diễn quân sự để rồi nói với họ rằng: điều quan trọng là các anh phải bước đi với nhau; tư duy cá thể là điều ít quan trọng. Sự hợp nhất Giáo Hội có được là nhờ ở việc hợp nhất các quyết định và xác tín nền tảng.

Sự hợp nhất trong hành động lại là chuyện khác. Tạ ơn Chúa, sự hợp nhất này đã hiện hữu một phần và càng ngày càng mạnh mẽ và toàn diện hơn, dù chưa giải quyết được các nan đề thực sự của hợp nhất. Đối với câu hỏi khởi đầu về điều đang chia rẽ các giáo hội, cả hàng thư viện đã viết về chủ đề này. Nên trả lời một cách ngắn gọn và mạch lạc cho câu hỏi đó là điều không dễ.

Dĩ nhiên, ta có thể tập chú vào một số vấn đề đang tranh cãi: Thánh Kinh và Thánh Truyền, nhất là Thánh Kinh và huấn quyền. Song song với vấn đề này, là hình ảnh thu nhỏ của nó nơi chức vị giáo hoàng, đặc tính bí tích của phép Thánh Thể và vấn đề thay đổi bản thể (transsubstantiation) và từ đó vấn đề thờ lạy Thánh Thể và việc cầu nguyện bên ngoài thánh lễ, bí tích hòa giải, các quan điểm khác nhau về luân lý Kitô Giáo v.v… Ấy thế nhưng, những vấn đề tín lý vừa kể khiến ta nghĩ tới câu hỏi liên quan tới quyết định có tính nền tảng: phải chăng tất cả những điều ấy phát sinh từ một dị biệt căn bản, và nếu đúng, thì dị biệt căn bản ấy là dị biệt nào? Trong dịp lễ mừng kỷ niệm Tuyên Tín Ausburg năm 1980, khi Đức HY Willebrands nhận định rằng căn gốc vẫn còn đó bất chấp các phân rẽ của thế kỷ 16, Đức HY Volk đã vừa dí dỏm vừa nghiêm chỉnh hỏi rằng: Con muốn biết: lời ghi chú cho điều ta nói ở đây có phải đại khái là củ khoai hay cây táo hay không? Hay nói cách khác: chỉ trừ rễ ra, mọi sự đều chỉ là lá hay chính cây mọc từ rễ mới quan trọng? Sự dị biệt thực sự sâu xa đến độ nào?

Chính Luthêrô vẫn xác tín rằng việc tách rời giáo huấn khỏi các thực hành của giáo hội giáo hoàng đã đụng tới tâm điểm của hành vi đức tin. Đối với Luthêrô, hành vi đức tin theo định nghĩa của Công Giáo xoay quanh và gắn chặt vào Lề Luật trong khi đáng lý ra nó phải nói lên việc chấp nhận Tin Mừng. Theo quan điểm của Luthêrô, hành vi đức tin như thế đã bị đảo ngược để trở thành điều đối nghịch với chính nó; đối với ông, đức tin đồng nghĩa với việc giải phóng khỏi Lề Luật, trái lại, nơi người Công Giáo, ông bảo nó đã trở thành một thứ nô dịch của Lề Luật. Như thế, Luthêrô xác tín rằng từ nay, ông có nhiệm vụ phải đảm nhiệm cuộc chiến đấu mà Thánh Phaolô đã mô tả trong thư gửi tín hữu Galát để chống lại những người ông gọi là những tên Do Thái Hóa và biến cuộc chiến đấu ấy thành cuộc chiến chống Rôma và truyền thống Công Giáo nói chung.

Việc đồng hóa các quan điểm của thời ông với các quan điểm của Thánh Phaolô là nét căn bản nhất trong cuộc đời Luthêrô. Cho nên có thể nói rằng thực ra không hề còn một tranh cãi nào liên quan tới giáo huấn về công chính hóa nữa. Vì sự thực là: điều Luthêrô chất vấn không còn giá trị nữa: Luthêrô không bao giờ xao xuyến vì tội lụy của mình cũng như sợ hãi hỏa ngục, mà ông cũng không cảm thấy hãi hùng trước nhan uy linh của Chúa đến phải kêu cứu lòng xót thương. (Nếu không phải thế, thì) các quan điểm của ông về ý chí tự do, những quan điểm vốn bị Erasmus của Rotterdam chỉ trích, quả là khó hiểu đối với thời nay.

Trái lại, sắc lệnh về công chính hóa của Công Đồng Trent đã đề cập tới sự trổi vượt của ơn thánh một cách mạnh mẽ đến độ Harnack phải tin rằng nếu bản văn này được phổ biến rộng rãi, thì Phong Trào Cải Cách có lẽ đã tiến theo hướng khác hẳn rồi. Tuy nhiên, sau việc Luthêrô suốt đời cứ nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại các điểm chính của giáo huấn về công chính hóa, nên người ta có lý khi cho rằng chính ở đây ta sẽ tìm ra điểm dị biệt nền tảng. Tôi không thể đi vào chi tiết các điểm này trong ngữ cảnh một cuộc phỏng vấn. Do đó, vắn tắt, dù không nhất thiết thiên kiến nhưng dù sao vẫn không hoàn bị, xin nhận định và qua đó xin cố gắng đưa ra một viễn kiến về vấn đề đang bàn

Đối với tôi, hình như nguyên nhân dứt khoát của cuộc phân ly không phải chỉ tìm thấy trong các thay đổi thuộc lãnh vực ý niệm hay lãnh vực lý thuyết thần học, bất chấp các yếu tố này quan trọng đến đâu. Vì không ai chối cãi rằng một phong trào mới về tôn giáo chỉ phát sinh từ một cảm nghiệm mới về tôn giáo, một cảm nghiệm được nâng đỡ bởi toàn bộ cấu hình của thời đại và lồng vào mình các tài nguyên của thời đại này nhưng không bị những tài nguyên này nuốt chửng. Đối với tôi, xem ra nét căn bản là lòng sợ hãi Thiên Chúa, một lòng sợ hãi tác động lên chính hiện sinh của Luthêrô; hiện sinh ông bị xâu xé giữa lời mời gọi của Thiên Chúa và việc nhận ra tội lụy của mình, đến độ đối với ông, Thiên Chúa xem ra như một thứ tự mâu thuẫn với chính Người (Sub-contrario), một thứ ma quỉ muốn hủy hoại con người. Việc giải thoát khỏi nỗi sợ hãi Thiên Chúa này trở thành vấn đề thực sự của cứu chuộc. Cứu chuộc được thực hiện lúc đức tin xuất hiện như một cứu thoát khỏi các đòi hỏi của việc tự công chính hóa mình, nghĩa là, như một sự chắc chắn bản thân rằng mình sẽ được cứu rỗi. “Cái trục” ý niệm đức tin này được giải thích rất rõ trong cuốn Giáo Lý Nhỏ của Luthêrô: “Tôi tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên tôi… Tôi tin rằng Chúa Giêsu Kitô… là Chúa tôi, Đấng đã cứu vớt tôi… để tôi thuộc về Người… và phụng sự Người mãi mãi trong công chính và trong trắng muôn đời”. Trên hết, đức tin bảo đảm sự chắc chắn rằng ta được cứu rỗi. Sự chắc chắn bản thân về cứu rỗi này trở thành tâm điểm cho mọi tư duy của Luthêrô. Không có sự chắc chắn đó, sẽ không có sự cứu rỗi nào cả. Như thế, sự quan trọng của ba nhân đức đối thần: tin, cậy và mến đối với cuộc sống Kitô hữu đã thay đổi một cách đáng kể: sự chắc chắn của cậy và tin, dù từ trước đến nay vẫn khác nhau trong yếu tính, nay đã trở nên đồng nhất. Đối với người Công Giáo, sự chắc chắn của đức tin có ý nói tới việc Thiên Chúa làm và được Giáo Hội làm chứng. Sự chắc chắn của đức cậy có ý nói tới ơn cứu rỗi của các cá nhân, trong đó, có bản thân ta. Ấy thế nhưng, đối với Luthêrô, sự chắc chắn của đức cậy này biểu tượng cho điểm then chốt mà không có nó chẳng còn điều gì đáng kể nữa. Chính vì thế, đức mến, vốn là tâm điểm trong đức tin Công Giáo, bị loại khỏi ý niệm đức tin, đến độ trong bài chú giải thư gửi tín hữu Galát của Thánh Phaolô, ông đã đưa ra công thức đầy tranh cãi này: maledicta sit caritas (đức mến đáng nguyền rủa!)

Việc Luthêrô nằng nặc nhấn mạnh tới công thức “chỉ nhờ đức tin mà thôi” đã rõ ràng và chính xác loại bỏ đức mến ra ngoài vấn đề cứu rỗi. Đức mến thuộc phạm vi “việc làm” và do đó, trở thành “phàm trần”. Nếu muốn, người ta có thể gọi điều này là việc bản thân hóa triệt để hành vi đức tin, tức mối liên hệ ngây ngất và độc hữu “mắt gặp mắt” giữa Thiên Chúa và con người. Cùng một lúc, con người lúc nào cũng lệ thuộc một Thiên Chúa thứ tha đối đầu với một Thiên Chúa đòi hỏi và hay phán xét, tức Chúa Kitô, Đấng xuất hiện như một người tự mâu thuẫn với chính mình (sub-contrario). Quan điểm có tính biện chứng về Thiên Chúa này tương hợp với tính biện chứng của cuộc hiện sinh mà có lần Luthêrô đã phát biểu như sau: “… Kitô hữu nhất thiết phải biết rằng đây là tội lỗi của riêng họ, bất cứ đó là tội lỗi nào, và những tội lỗi này đã được Chúa Kitô mang lấy, Đấng mà nhờ Người chúng ta đã được cứu chuộc và cứu rỗi”. “Chủ nghĩa nhân vị” và “biện chứng pháp” này, cùng với nền nhân học, tuy ở một mức độ thấp hơn, đã thay đổi mọi cấu trúc khác trong giáo huấn của ông. Vì sự lượng định căn bản này cho thấy: không như người Công Giáo, đối với Luthêrô, đức tin chủ yếu không còn là niềm tin cộng đoàn của toàn bộ Giáo Hội nữa. Dù gì, theo Luthêrô, Giáo Hội không thể đảm nhiệm được việc bảo đảm chắc chắn ta được cứu rỗi và cũng không thể quyết định một cách dứt khoát và có tính trói buộc trong các vấn đề đức tin. Trong khi ấy, đối với người Công Giáo, Giáo Hội là tâm điểm của chính hành vi đức tin: chỉ nhờ đức tin cộng đoàn, tôi mới tham dự vào sự chắc chắn trên đó tôi xây dựng đời tôi. Điều này tương hợp với quan điểm Công Giáo cho rằng Giáo Hội và Thánh Kinh không thể tách rời nhau, trong khi Luthêrô cho rằng: Thánh Kinh là thước đo độc lập đối với cả Giáo Hội lẫn Thánh Truyền. Điều này khiến người ta nêu ra vấn đề qui điển và tính thống nhất của Thánh Kinh.

Về một vài phương diện, điều trên cho thấy khởi điểm của trọn phong trào; vì chính sự thống nhất của Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, các Tin Mừng, các thư của Thánh Phaolô, và các thư Công Giáo, đã được Luthêrô dựa vào để cảm nhận việc ông đối đầu với vị Thiên Chúa-Quỉ Ma (God-Devil), Đấng mà ông thấy phải chống cưỡng và chống cưỡng với sự trợ giúp của Thiên Chúa thần thánh, Đấng Thiên Chúa ông tìm thấy nơi Thánh Phaolô. Sự thống nhất của Thánh Kinh mà từ trước tới nay vốn được giải thích như sự thống nhất các bước tiến tới cứu rỗi, một sự thống nhất của loại suy (analogy), thì nay bị đặt vào thế biện chứng giữa Lề Luật và Tin Mừng. Biện chứng này được đặc biệt gọt dũa nhờ hai ý niệm bổ túc của Tân Ước, tức của các “tin mừng” và của các thư Thánh Phaolô, trong đó, chỉ có thư Thánh Phaolô mới được chấp nhận và được triệt để hóa bởi công thức “chỉ nhờ đức tin mà thôi”. Tôi muốn nói rằng biện chứng pháp giữa Lề Luật và Tin Mừng nói lên một cách sắc sảo nhất cảm nghiệm mới của Luthêrô và minh họa sắc cạnh nhất sự mâu thuẫn với các quan niệm của Công Giáo về đức tin, sự cứu rỗi, Thánh Kinh, và Giáo Hội.

Tóm lại, Luthêrô quả hiểu rất rõ điều ông muốn nói khi ông coi điểm gây phân rẽ thực sự trong giáo huấn công chính hóa mà theo ông nằm ở chỗ kình chống giữa “tin mừng” và “lề luật”. Thực thế, người ta phải coi sự công chính hóa một cách triệt để và sâu xa như ông, nghĩa là, phải rút gọn toàn bộ nền nhân học, và qua đó, mọi vấn đề khác thuộc tín lý, vào biện chứng pháp giữa Lề Luật và Tin Mừng. Như thế, vì có nhiều mạc khải dựa vào các tuyên bố cá thể của ông nên người ta hy vọng nắm được trọng điểm trong đó ông đưa ra quyết định căn bản và lồng nó vào một cái nhìn bao quát hơn. Tuy nhiên, điều này không xẩy ra. Do đó, theo gợi ý của Fries và Rahner, và do đó, vì một thao tác chính trị nào đó, mà bỏ qua việc tìm kiếm sự thật, khi có thể tìm thấy sự thật này nơi các phương thế khác, là điều hoàn toàn vô trách nhiệm. Đây càng là lý do để hy vọng rằng ủy ban được thành lập sau cuộc thăm viếng Đức của Đức Giáo Hoàng, một ủy ban vốn có mục tiêu làm sáng tỏ các vấn đề chính yếu và việc loại trừ nhau do các vấn đề này mang lại, sẽ đẩy ta gần lại với mục tiêu hơn, dù cho ủy ban này không tự mình hoàn thành được mục tiêu ấy.

Câu hỏi: Khi xem sét mối liên hệ của Giáo Hội Công Giáo với các giáo hội Cải Cách, liệu ta có thể mượn công thức của Thánh Phaolô để nói tới “Giáo Hội Côrintô”, “Giáo Hội Rôma” và “Giáo Hội Wittenberg” không?

Đức HY Ratzinger: Câu trả lời rõ ràng là “không”. Điều này đúng cho cả một giáo hội theo nghĩa xã hội học như trường hợp “Giáo Hội Wittenberg” vì không hề có một giáo hội như thế. Luthêrô không hề có một dự kiến nào trong việc thành lập ra Giáo Hội Luthêrô. Đối với ông, ý niệm giáo hội tập trung tất cả ở cộng đoàn tụ họp (congregation). Bất cứ điều gì vượt ra ngoài cộng đoàn này đều được tổ chức theo khuôn khổ cơ cấu chính trị hiện hành nghĩa là do các vua chúa. Các giáo hội miền, thực ra, được cơ cấu chính trị lập ra. Từ năm 1918, tình thế có thay đổi, dù Giáo Hội Luthêrô vẫn duy trì các giáo hội miền này và biến chúng thành các hiệp hội giáo hội. Hiển nhiên việc áp dụng hạn từ “giáo hội” cho các giáo hội được hình thành do tình cờ lịch sử này sẽ mang một ý nghĩa khác khi so sánh với các ý hướng trong hạn từ “Giáo Hội Công Giáo”.

Các giáo hội miền không phải là “giáo hội” theo nghĩa thần học nhưng đúng hơn chỉ là những phương thế để tổ chức các cộng đoàn Kitô hữu mà thôi; chúng có ích một cách thực dụng, có khi còn cần thiết nữa, nhưng người ta mặc tình thay đổi chúng khi hoàn cảnh thay đổi.

Luthêrô có thể hoán đổi cơ cấu giáo hội với các vương quốc chỉ vì ông không coi cơ cấu này là thành phần cấu tạo ra ý niệm giáo hội. Ngược lại, với người Công Giáo, Giáo Hội Công Giáo, nghĩa là đoàn giám mục với nhau và với Đức Giáo Hoàng, được chính Chúa lập ra. giáo hội này không thể bị thay đổi hay thay thế. Một cách chính xác, chính bản chất bí tích hữu hình này, một bản tính hết sức cốt lõi đối với ý niệm Giáo Hội Công Giáo, đã cùng một lúc nâng điều hữu hình lên thành biểu tượng cho một điều gì lớn hơn thế. Sự hợp nhất vượt thời gian (transtemporal) vừa là một nét của chức năng này vừa là một biểu tượng cho sự siêu việt nơi các lãnh vực chính trị và văn hóa trong hiệp thông với Nhiệm Thể Chúa Kitô, một hiệp thông thực sự là hiệp thông của thân xác Người trong chính thực tại của cộng đoàn giám mục mọi nơi mọi thời. Như thế điều rõ ràng là tính đa nguyên (plurality) nơi các giáo hội địa phương, tức các giáo hội đã tạo ra Giáo Hội Công Giáo, có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa của chủ nghĩa đa nguyên (pluralism) nơi các giáo hội hệ phái vốn không hợp nhất trong một giáo hội đơn độc cụ thể và đàng sau các giáo hội này ta gặp đủ mọi hình thức định chế khác nhau cũng như nhiều ý niệm thần học khác nhau về thực tại thiêng liêng của giáo hội.

Câu hỏi: Phải chăng đại kết các giáo hội Cơ Bản (Basis, hạ tầng) là đường dẫn tới đại kết?

Đức HY Ratzinger: Theo tôi, ta không thể áp dụng hạn từ Cơ Bản vào ý niệm “giáo hội” kiểu này được. Các ý niệm xã hội học và triết học đã được dùng để nói về giáo hội cơ bản, theo đó, xã hội gồm “bề trên” ngược với “bề dưới”, mà bề trên đây tượng trưng cho quyền lực hiện có và có tính bóc lột, trong khi bề dưới, tức cơ bản, tượng trưng cho các sức mạnh đang thực sự duy trì, các lực lượng kinh tế, mà chỉ có chúng mới tạo ra tiến bộ khi được thao tác hay thể hiện. Bất cứ khi nào nói tới đại kết Cơ Bản, ta đều cảm thấy một xúc động nào đó đối với các ý thức hệ kia. Sự thực là: xét một cách tổng quát, đó chỉ là việc thích ứng ý niệm cộng đồng, một ý niệm coi cộng đoàn tụ tập mới là giáo hội đúng nghĩa. Các giáo hội lớn hơn chỉ là cây dù về phương diện tổ chức mà ta có thể nhào nặn thế nào tùy thích. Chắc chắn, các cộng đoàn địa phương đương nhiên là các đơn vị cụ thể tạo nên đời sống đức tin trong Giáo Hội và do đó, cũng là nguồn linh hứng soi đường cho đời sống đức tin ấy. Về vấn đề phát triển đức tin trong Giáo Hội, Công Đồng Vatican II đã viết như sau: “Có một sự lớn mạnh trong cái hiểu thấu suốt đối với các thực tại và ngôn từ được chuyển giao. Điều này xẩy ra… nhờ việc chiêm niệm và học hỏi của tín hữu, những người hằng suy đi nghĩ lại các điều ấy trong tâm hồn (xem Lc 2:39, 51). Nó xẩy ra nhờ việc hiểu thấu các thực tại thiêng liêng mà họ cảm nghiệm. Nó cũng xảy ra nhờ việc giảng dạy của những vị, với quyền thừa kế hàng giám mục, đã tiếp nhận được đặc sủng chân lý chắc chắn” (9). Như thế, có 3 nhân tố chính cần phải xem sét khi muốn xác định sự tiến bộ trong Giáo Hội: suy niệm và học hỏi lời Chúa (Thánh Kinh), cái nhìn thấu suốt dựa trên việc cảm nhận các thực tại thiêng liêng, và lời giảng dạy của các vị giám mục. Do đó, trong truyền thống Giáo Hội, không hề có điều bị người ta chỉ trích thường xuyên, đó là việc độc quyền của hàng giám mục trong giảng dạy và sinh hoạt. “Cái nhìn thấu suốt dựa trên việc cảm nhận các thực tại thiêng liêng” đã bao gồm toàn bộ các đóng góp của đời sống Kitô Giáo và do đó cũng là các đóng góp của Cơ Bản, hay của cộng đoàn các tín hữu vốn tự xưng là “quĩ tích thần học” (theological locus). Đàng khác, ngày nay ai cũng rõ 3 nhân tố trên liên kết chặt chẽ với nhau: cảm nghiệm mà không có suy tư chắc chắn sẽ mù quáng, học hỏi mà không có cảm nghiệm chỉ là trống rỗng, và việc giảng dạy của các giám mục sẽ mất hết hiệu lực nếu không đặt cơ sở trên hai việc kia. Cả ba điều đó phải cùng nhau lên khuôn cho đời sống Giáo Hội, cho dù một trong 3 nhân tố ấy có lúc biểu hiện mạnh mẽ hơn, nhưng không nhân tố nào được hoàn toàn vắng bóng. Chính các nhà xã hội học cũng coi là mơ mộng thứ ý niệm cho rằng ban quyền tự lập cho các cộng đoàn tức khắc sẽ có một giáo hội hợp nhất. Điều ngược lại mới đúng: sự tự lập kia sẽ dẫn đến việc phân mảnh li ti như nguyên tử hóa. Kinh nghiệm đã chứng minh rằng việc hợp nhất các nhóm từ trước đến nay vốn phân rẽ có khi còn dẫn tới những chia rẽ lớn hơn. Huống hồ là tạo ra một giáo hội hợp nhất.

Câu hỏi: Phải chăng ý niệm hợp nhất Kitô Giáo của Thánh Gioan cũng có nghĩa là sự hợp nhất giữa các giáo hội?

Đức HY Ratzinger: Trước nhất, ta nên thận trọng tránh đừng áp đặt hoàn cảnh và các vấn đề của ta lên Thánh Gioan. Để bắt đầu, điều quan trọng là hiểu các đoạn đang bàn trong ngữ cảnh của chúng. Chỉ khi ấy, ta mới có thể đi xa hơn để hiểu ta có thể nới rộng chúng bao xa. Bây giờ, đúng là việc giải thích đúng đắn lời cầu xin hợp nhất của Thánh Gioan đang được tranh luận nẩy lửa, dù vẫn có những yếu tố cơ bản chung trong các cách giải thích khác nhau. Trước nhất, theo Thánh Gioan, việc hợp nhất giữa các tín hữu không phải là điều ta có thể dùng cố gắng nhân bản mà thực hiện được: nó mãi mãi là một yêu cầu được phát biểu bằng cầu nguyện đồng thời cũng bao hàm một giới điều ngỏ với Kitô hữu.

Nó được phát biểu bằng cầu nguyện vì sự hợp nhất Kitô Giáo phát xuất từ “trên cao”, từ sự hợp nhất của Chúa Cha với Chúa Con. Nó tạo nên việc tham dự vào sự hợp nhất của Thiên Chúa. Tôi tin rằng: một cách chủ yếu, Kasemann đúng khi ông cho rằng “Đối với Thánh Gioan, hợp nhất là đặc điểm và là đặc tính của lãnh vực thiên quốc cùng một cách như sự thật, ánh sáng và sự sống là đặc tính và đặc điểm của thực tại thiên quốc… Hợp nhất trong Tin Mừng của ta chỉ hiện hữu như một thực tại thiên quốc và do đó là phản đề của thực tại trần gian, một thực tại mang đặc điểm cô lập, dị biệt và tranh chấp. Nếu sự hợp nhất hiện hữu ở trần gian, thì nó chỉ có thể hiện hữu như một phóng chiếu từ thiên quốc, nghĩa là, như một đặc điểm và đối tượng của mạc khải” (10).

Tuy nhiên, hình thức thần học trọn vẹn của hợp nhất không cho thấy việc nhấn mạnh tới vấn đề hợp nhất ở thế giới bên kia hay vấn đề triển hạn nó cho một tương lai xa vời: đúng hơn, đặc điểm của giáo hội là việc nối dài các thực tại trên trời xuống lãnh vực trần gian. Giáo Hội là biến cố lồng lịch sử con người vào lãnh vực thần linh. Chính vì thế, mới có việc xẩy ra trên thế gian điều không thuộc về thế gian, đó là sự hợp nhất. Nói một cách chính xác, hợp nhất, một đặc tính vốn đặc trưng thuộc lãnh vực thiên quốc, đã trở thành dấu chỉ cho thấy nguồn gốc thần linh của Giáo Hội. Nếu ta thu hẹp nó vào “Lời” thì ta cũng có thể đồng ý với một trong các phát biểu của Kasemann: “Lời Thiên Chúa, khi được chấp nhận, đã sản sinh ra một sự nối dài thực tại thiên quốc xuống trần gian, vì Lời đã tham dự vào sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con. Sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con này là đặc tính và là đặc điểm của thế giới thiên quốc. Nó tự phóng chiếu mình xuống trần gian trong Ngôi Lời hòng tạo nên một cộng đồng tại đó, một cộng đồng, nhờ việc tái sinh từ trên cao, được hòa nhập vào sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con” (11).

Ai cũng thấy rõ ngay rằng điều trên không thể chỉ có tính thiêng liêng, nhưng quả thực nó dự kiến một sự hợp nhất cụ thể cho Giáo Hội. Nếu không, ý nghĩa dấu chỉ, vốn là đối tượng của Gioan 17:20, sẽ hoàn toàn vô nghĩa.

Schnackenburg đã gom góp một số ý tưởng có thể minh họa được chiều kích phổ quát (“công giáo”) của giáo hội trong tin mừng thứ tư: đó là các đoạn nói đến việc chấp nhận người Samaria và Hy lạp vào cộng đồng Kitô Giáo, đoạn nói đến việc tụ họp con cái đang tản mạn khắp nơi của Thiên Chúa (11:52), đoạn nói đến người chăn chiên và đoàn chiên của mình (10:16), và việc chấp nhận truyền thống Phêrô, tức trình thuật về 153 con cá lớn (Ga 21) (12). Ngoài ra, Kasemann cũng khiến ta chú ý tới những loại suy giữa Tin Mừng theo Thánh Gioan và cái nhìn hợp nhất trong thư gửi tín hữu Êphêsô mà ông phát biểu như sau: “Trong Êphêsô 4:5, một nền chính thống đã được thiết lập, coi mình như thuộc về thiên quốc theo hiến định và về phương diện này như chính việc lập ra ơn cứu rỗi, chứ không phải chỉ là dụng cụ của ơn thánh. Nay, sự hợp nhất của nền chính thống này đã trở thành đồng nhất với sự thật của học lý chân thực, một học lý mà nó phải ban bố như là mầu nhiệm của mạc khải thần linh. Thực tại trần gian có thể biểu lộ bản chất mình như là tản mạn và phân chia. Thực tại thiên quốc nhất thiết chỉ là một và không thể phân chia” (13)

Dù ta khó có thể không nhận ra tính khôi hài gần như biếm họa của lời phát biều trên, nhưng trong đó vẫn chứa một sứ điệp quan trọng. Kasemann muốn mô tả một cách mơ hồ chủ trương của Tin Mừng theo Thánh Gioan so với Đạo Công Giáo lúc khởi đầu: một đàng, ông nói tới “sự gần gũi đối với một Đạo Công Giáo sơ khai đang lớn mạnh”(14), đàng khác, ông lại bảo Thánh Gioan “ít nhất, về không gian, cũng xa cách với buổi đầu của Đạo Công Giáo sơ khai và về thần học, ngài không chia sẻ các khuynh hướng của nó dù ngài có chia sẻ một số các tiền đề của nó” (15).

Điều luôn rõ ràng là: Thánh Gioan viết tin mừng của mình cho giáo hội phổ quát, và ý niệm hợp nhất các Kitô hữu trong các giáo hội riêng rẽ là điều hoàn toàn xa lạ đối với ngài.

Câu hỏi: Liệu có thể có sự hợp nhất mọi Kitô hữu trong tương lai không, theo nghĩa trong câu phát biểu cuối cùng vừa rồi của Đức Hồng Y? Và, nói đến các giáo hội, liệu họ có cần phải đợi tới ngày tận thế hay không?

Đức HY Ratzinger: Tôi dám cho rằng câu trả lời khá rõ ràng, căn cứ vào những điều đã nói trên đây: sự hợp nhất Giáo Hội là sự hợp nhất mọi Kitô hữu. Sự phân rẽ hay việc chồng đống lên nhau cả hai thứ hợp nhất chỉ là một hư cấu hiện đại không có nội dung rõ rệt. Cho dù Thánh Gioan xem ra không mấy quan tâm đến các khía cạnh định chế cá thể của Giáo Hội, tin mừng của ngài vẫn giả thiết một cách rất hiển nhiên mối liên kết cụ thể giữa lịch sử cứu rỗi và dân Chúa, qua đó, hành động cứu chuộc của Thiên Chúa đã diễn ra. Thí dụ, dụ ngôn cây nho (Ga 15:1-10) nhắc lại hình ảnh cây nho của Israel đã được Hôsêa, Giêrêmia và Êdêkien cũng như các Thánh Vịnh nói đến. “Cây nho” cũng là cách truyền thống ám chỉ “Dân Thiên Chúa”, dân được ban cho một tâm điểm mới nơi con người của Chúa Giêsu Kitô. Âm hưởng ám chỉ bí tích Thánh Thể trong dụ ngôn cây nho cùng một lúc đã đem lại thêm một khuôn khổ giáo hội hết sức thực tiễn cho lối suy tư xem ra hoàn toàn “huyền nhiệm” này (16).

Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác khi ta hỏi phong trào đại kết nhắm những mục tiêu cụ thể nào. Vấn đề này bây giờ phải được thảo luận như mới khi Công Đồng đã cách xa ta cả 20 năm. Nhân dịp này, thiết nghĩ ta nên nhớ lại việc Công Đồng Vatican II đã đặt vấn đề ấy ra sao, tại sao nó chưa được quyết định bởi ý niệm cho rằng mọi “giáo hội” (churchdoms) hiện hữu chỉ là những mảnh vụn của một giáo hội đích thực, những mảnh vụn này không hiện hữu ở đâu cả và “giáo hội” nào có nhiệm vụ phải cố gắng tạo ra bằng cách ráp nối các mảnh vụn này: quan niệm như thế là biến Giáo Hội thành một công trình hoàn toàn của con người. Do đó, Công Đồng Vatican II đã chuyên biệt khẳng định rằng giáo hội duy nhất của Chúa Kitô được thể hiện (subsistit) “trong Giáo Hội Công Giáo vốn được người kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài cai quản” (17). Như ta thấy, câu “được thể hiện trong” đã thay thế cho động từ “là” trước đó (Giáo Hội duy nhất “là” Giáo Hội Công Giáo) vì cũng có nhiều Kitô hữu đích thực và nhiều ý niệm Kitô Giáo đích thực bên ngoài Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, cái nhìn thấu suốt và sự nhìn nhận vừa kể, vốn nằm ở tâm điểm công trình đại kết của Công Giáo, từ nay trở đi, không có nghĩa là: người ta phải coi “giáo hội đích thực” chỉ là một ý niệm ảo tưởng, chỉ có thể có vào ngày sau hết: giáo hội đích thực là một thực tại, một thực tại đang hiện hữu, ngay lúc này, mà vẫn không cần phải bác bỏ sự hiện hữu Kitô Giáo nơi người khác hay tranh cãi bản chất giáo hội của các cộng đồng này.

Ta hãy trở lại với câu hỏi về các mục tiêu cụ thể của đại kết. Mục tiêu thực sự của mọi cố gắng đại kết đương nhiên phải là biến đổi tính đa nguyên của các giáo hội hệ phái riêng rẽ thành tính đa nguyên của các giáo hội địa phương, một tính đa nguyên, trên thực tế, tạo nên một giáo hội bất chấp các đặc điểm vô số và đa dạng của chúng. Tuy nhiên, đối với tôi, hình như trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, điều cần thiết là phải đưa ra các mục tiêu trung độ có tính thực tiễn; vì nếu không, niềm hăng say đại kết có thể biến thành một lòng nhẫn nhục hay tệ hơn thế, quay đầu trở lại với nỗi đắng cay mới trong đó ai cũng tìm cách đổ lỗi cho người khác tội phá hoại mục tiêu vĩ đại. Như thế, những ngày sau hết lại trở thành tệ hơn những ngày đầu hết. Các mục tiêu trung độ này sẽ khác nhau tùy theo các cuộc đối thoại cá thể sẽ tiến bao xa. Việc làm chứng bằng đức ái (các công trình bác ái và xã hội) luôn cần được thực hiện chung với nhau, hay ít nhất cũng đồng bộ với nhau bất cứ khi nào một giáo hội riêng rẽ tỏ ra hữu hiệu hơn vì lý do kỹ thuật. Ta nên cố gắng như nhau để cùng làm chứng với nhau trong các vấn đề tinh thần của thời đại.

Và sau cùng, trước một thế giới đang bị xâu xé bởi hoài nghi và sợ hãi, ta cần đưa ra một lời chứng chung về đức tin. Lời chứng này càng rộng rãi càng hay. Tuy thế, nếu việc ấy chỉ có thể thực hiện trong một qui mô tương đối nhỏ, ta vẫn nên công bố chung với nhau. Tất cả những việc này nhằm đạt tới điểm trong đó các nét chung trong lối sống Kitô Giáo được nhìn nhận và yêu quí bất chấp sự phân rẽ, trong đó, sự phân rẽ được sử dụng không phải để làm cớ gây mâu thuẫn nữa, mà đúng hơn làm thách thức để hiểu nhau sâu sắc hơn và để chấp nhận nhau, một việc sẽ dẫn ta tới quá bên kia lòng khoan dung: tức tới việc cùng trung thành và gắn bó với Chúa Giêsu Kitô. Có lẽ, một thái độ như thế có cơ phát triển hơn mà vẫn không bỏ qua những việc sau cùng; những việc cận kề này sẽ giúp ta lớn lên hơn trong ý thức hợp nhất toàn diện, hơn là hối hả cạnh tranh nhau vì hợp nhất, một việc làm nhiều khi chỉ ở bề mặt và đôi khi có tính hư cấu.

Tôi xác tín rằng vấn đề hợp nhất sau cùng mọi Kitô hữu quả là vấn đề không thể giải đáp được. Ta đừng quên rằng vấn đề này cũng bao gồm cả vấn đề hợp nhất giữa Israel và Giáo Hội. Dù thế nào, đối với tôi, ý niệm cho rằng ta có thể thực hiện được hợp nhất nhờ một “công đồng thực sự đại kết” chỉ là một ý niệm lai căng. Nó gần giống như việc xây dựng một tháp Babel khác, một cái tháp nhất thiết sẽ tạo ra cảnh hỗn độn lớn hơn. Việc hợp nhất hoàn toàn mọi Kitô hữu khó có thể xẩy ra vào thời ta. Tuy nhiên, sự hợp nhất giáo hội vốn đang hiện hữu là một bảo đảm vững chắc để nói với ta rằng sự hợp nhất lớn hơn sẽ xẩy ra trong tương lai. Càng cố gắng hết sức cho sự hợp nhất này, các Kitô hữu càng có cơ hội trở nên một hơn.

Phóng dịch theo bản tiếng Anh của Albert K. Wimmer

Ghi chú

(6) Joint Roman Catholic/Evangelical Lutheran Commission, The Lord's Supper (Paderborn and Frankfurt, 1979).
(7) H. Fries and K. Rahner, Einigung der Kirchen-reale Moglichkeit (Freiburg, 1983).
(8) Luther's Works, ed. Helmut T. Lehmann, vol. 17 (Lectures on Isaiah, Chapters 40-66) (Philadelphia: Fortress Press, 1972), p. 223.
(9) Constitution on Revelation 11, 8.
(10) Ernst Kasemann, The Testament of Jesus: A Study of the Gospel of John in the Light of Chapter l7, trans. Gerhard Krodel (Philadelphia: Fortress Press, 1968), p. 68.
(11) Kasemann, p.69-70
(12) R. Schnackenburg, Das Johannesevangelium 11 (Freiburg, 1975), pp. 241-245.
(13) Kasemann, p. 57.
(14) Kasemann, p. 73.
(15) Kasemann, pp. 66-67.
(16) Schnackenburg, pp. 118-123.
(17) Constitution on the Church, I, 8.
 
Indonesia: Vụ tấn công tự sát vào một cộng đồng Tin Lành
Phạm Kim An
08:22 27/09/2011
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo tổng giáo phận Semarang mạnh mẽ lên án

ROMA – Ngày 26-9, hãng tin “Các Giáo Hội của châu Á” (Eglises d’Asie), Cơ quan thông tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP), đã cho biết chi tiết về vụ đánh bom tự sát xảy ra ngày 25-9 vào một cộng đồng Tin Lành ở Java, Indonesia: Đài phát thanh Vatican đã lên án cuộc tấn công này.

Các lời lên án là nhất trí tại Indonesia, sau vụ đánh bom tự sát đã giết chết hai người ngày chủ nhật 25-9 tại thành phố Solo, Trung Java, nơi một quả bom phát nổ lúc 11g trưa, khi buổi nhóm của một cộng đồng Tin lành kết thúc. Chưa phe nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Tại tỉnh Trung Java, thành phố Surakarta, cũng gọi là Solo (hoặc Sala), không nổi tiếng về sự gia tăng các căng thẳng liên cộng đồng của nó. Các cộng đồng tôn giáo khác nhau sống hòa hợp ở đây, theo nguồn tin của các nhà truyền giáo.

Vụ tấn công ngày 25-9 gây sốc nhiều hơn. Theo nguồn tin, kẻ mang bom là một trong hai người thiệt mạng (người kia là một Kitô hữu đã chết vì vết thương quá nặng), y đã len lỏi giữa các tín hữu vào cuối buổi nhóm.

Lúc xảy ra vụ tấn công này, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của tổng giáo phận Semarang, Johannes Pujasumarta, đang ở tại Solo, trong một khu phố khác của thành phố, và Ngài đến đây vì lý do mục vụ. Khi vừa biết tin, Ngài đã đi đến hiện trường, và gửi thông điệp sau đây cho các linh mục và giáo dân của Ngài trong tổng giáo phận của: "Ngày chủ nhật 25-9, vào buổi sáng, xảy ra một vụ nổ tại nhà thờ Giáo hội Tin lành Ngũ tuần Bethel (GBIS: Gereja Betel Injil Sepenuh), ở khu vực Kepunton, Surakarta. Ngưởi ta nói có hàng chục người bị thương trong vụ nổ. Lẽ tất nhiên, tin về vụ tấn công ở Solo là một đòn nghiêm trọng cho sự yên tĩnh và hòa bình, vốn cho đến nay ngự trị nơi dân cư thành phố Solo. Chúng tôi lên án vụ bạo lực gây khiếp sợ cho các tín hữu đang cầu nguyện. Tôi xác nhận rằng bạo lực không thể là giải pháp cho một vấn đề. Chúng tôi hy vọng rằng các lực lượng an ninh sẽ đảm bảo một cách nhanh chóng và hiệu quả sự an toàn, và bảo vệ người dân khỏi mọi mối đe dọa khủng bố. Cầu xin sự yên bình sớm trở về trong thành phố Solo".

Sau đó, Tổng giám mục đã đến Jakarta, nơi Ngài tham gia cuộc họp tại trụ sở Hội đồng Giám Mục Indonesia, và các Giám mục thảo luận về các khâu chuẩn bị cuối cùng của các Ngài, trước khi lên đường đến Roma, để thực hiện chuyến thăm ad limina (viếng mộ các thánh Tông đồ).

Trước khi lên đường đi Ý, các Giám mục đã dành thời gian để gặp các lãnh đạo Liên hiệp các Giáo Hội tại Indonesia (qui tụ phần lớn các Giáo hội Tin lành), và các lãnh đạo ngành Thanh niên của Nahdlatul Ulama (NU), tổ chức quần chúng Hồi giáo lớn nhất ở Indonesia.

Các lãnh đạo tôn giáo đã yêu cầu lực lượng an ninh phải làm sáng tỏ kịp thời và có tính chuyên nghiệp về vụ nổ bom; các ngài cũng kêu gọi tín đồ của mình không đáp trả các sự khiêu khích bằng bạo lực, trong khi tái khẳng định sự cam kết của các ngài với các nguyên tắc của Pancasila, Triết lý của nhà nước Indonesia.

Ông Nurson Wahid, Chủ tịch của GP Ansori, chi nhánh thanh niên của Nahdlatul Ulama (NU), gọi cuộc tấn công là "một hành động man rợ và vô đạo đức". (Zenit.org 26-9-2011)
 
Đức: Các sứ điệp minh nhiên cần đem ra thực hành (phần I)
Nguyễn Trọng Đa
08:23 27/09/2011
Cha Lombardi đưa ra đánh giá tổng kết về chuyến đi của ĐTC Biển Đức XVI

ROMA – Các sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI tại Đức là "minh nhiên", và chính các Kitô hữu phải biến chúng thành hiện thực, - linh mục Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo chí của Tòa Thánh nói như thế với Đài phát thanh Vatican.

Các bài phát biểu của ĐTC Biển Đức XVI trong chuyến thăm chính thức bốn ngày đã đánh động chính trị, đại kết hoặc nhiệm vụ của người Công giáo trong Giáo Hội và xã hội.

Đối với cha Lombardi, "đây là một chuyến đi vô cùng thống nhất, theo quan điểm các tình huống, lời nói, sự quan tâm của ĐTC Biển Đức XVI về chủ đề ‘Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có một tương lai’: sự qui chiếu về Chúa là rất minh nhiên và rất sâu sắc trong mọi bài phát biểu của Ngài. Điều này cho phép đọc chuyến thăm này một cách thống nhất, ngay cả khi chuyến đi được triển khai theo các hướng khác nhau".

Đối với ngày đầu tiên ở Berlin, cha Lombardi nhắc "đặc biệt bài phát biểu với toàn bộ xã hội Đức, đại diện chính trị và các quan chức lãnh đạo đất nước", và tầm quan trọng của "cuộc đối thoại - đại kết và liên tôn giáo – với sự nhấn mạnh đặc biệt đến mối quan hệ với Giáo Hội Tin Lành Đức, tại những nơi có liên hệ đến kỷ niệm của ngài Luther" : "ĐTC Biển Đức XVI đã nhấn mạnh nhiều đến vấn đề của Luther về Chúa như một vấn đề được sống một cách sâu sắc và đồng cảm, và phần nào đó là một điểm khởi đầu trên con đường chung, mà trên đó người ta sẽ gặp nhau".

Về cuộc họp với Giáo Hội Công Giáo Đức, Cha Lombardi nói thêm: "ĐTC Biển Đức XVI thực thi sứ vụ cổ vũ của Ngài trong đức tin. Chính Ngài cũng khuyến khích trong các tình huống khác nhau, đặc biệt là cảm động, chẳng hạn việc Ngài cùng cầu nguyện với các Kitô hữu trong các khu vực Đông Đức. Họ sống trong tình trạng tha phương, và sau chủ nghĩa phát xít, chế độ cộng sản vẫn tiếp tục thử thách nặng nề sức sống của Giáo Hội".

Cha Lombardi đã bình luận các câu nói nổi bật của ĐTC Biển Đức XVI: "Các lời nói không quan trọng, nhưng hành động mới là quan trọng”, hoặc “Các người bất khả tri, vì vấn nạn về Thiên Chúa, mặc dầu không thể tìm thấy hòa bình, lại gần gũi với Nước Thiên Chúa hơn so với các tín hữu thường xuyên". Đối với cha, những lời này "phản ánh một ý định lớn lao của chuyến đi, đó là giúp nam giới và phụ nữ ngày hôm nay tìm thấy Thiên Chúa, và gặp Chúa. Vì vậy, đó cũng là sự quan tâm đối với các người theo thuyết bất khả tri: Tôi nghĩ rằng trong một xã hội thế tục, đó là một sứ điệp rất có ý nghĩa. Mọi người đều có thể cảm thấy mình trên đường đi đến Thiên Chúa, ngay cả trong một cách ít minh nhiên hơn về tôn giáo".

Đối với bài phát biểu "cực đoan" của ĐTC Biển Đức XVI chống lại một quan niệm "chiến thuật" của sứ mệnh Giáo Hội, Cha Lombardi nói rằng bài phát biểu của ĐTC với nhiều giáo dân dấn thân trong Giáo hội và trong xã hội "đã đánh động nhiều và làm cho người ta suy nghĩ nhiều” : “Sự kiện rằng giá trị lớn và công lao lớn của Giáo hội tại Đức để thành một Giáo hội hiệu quả, không được tách rời dần dần khỏi nền tảng cuối cùng của tín hữu, đó là biết tính chất căn bản của đức tin, biết dựa vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô cho tất cả các động cơ hành động của chúng ta, và cũng biết kín múc ở đó các tiêu chuẩn Tin mừng của hành động chúng ta”. (Kết thúc Phần I) (Zenit.org 26-9-2011)
 
Ý: Chuyến đi bộ dân sự và tôn giáo vì hòa bình từ Perugia đến Assisi
Nguyễn Trọng Đa
08:24 27/09/2011
ROMA - Hơn 200.000 người đã đi bộ hơn 24 km giữa hai thành phố Perugia và Assisi (Átxidi) ở Ý, nhân dịp chuyến đi truyền thống vì hòa bình. Từ 50 năm qua, chuyến đi bộ thường niên này qui tụ vào tháng Chín nhiều đại diện của thế giới và các thành viên của các hiệp hội thế tục và tôn giáo.

Các hướng đạo sinh, nghiệp đoàn, giáo xứ, và nhiều đại diện thành phố và các tỉnh của Ý, các công ty và các tổ chức quốc gia và quốc tế, vốn tham gia vào cuộc chiến chống đói nghèo, cho công bằng xã hội, cho quyền bình đẳng của các dân tộc, chống lại sự phân biệt đối xử với mọi thứ, đã thực hiện chuyến đi trong sáu giờ.

Trong số các biểu ngữ và cờ tung bay trong gió, người ta ghi nhận biểu ngữ của các thành phố Assisi và Perugia đang tranh danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu năm 2019. Thị trưởng của hai thành phố cầm các biểu ngữ này.

Bản văn chuẩn bị và giới thiệu chuyến đi bộ lần này nói: “Chỉ khi xem xét sự phức tạp của cuộc xung đột làm tổn thương xã hội chúng ta, mà chúng ta có thể hiểu rằng không thể có hòa bình, mà không có hòa bình giữa các cộng đồng, trên các đường phố hoặc trong gia đình, không tôn trọng chính quyền đối với công dân của họ, mà họ phải tạo sự công bằng, hoặc nếu nền kinh tế, ngày càng ít thực tế và tách rời lao động và sản xuất, làm cho người giàu thêm giàu và người nghèo càng nghèo hơn".

Trong văn bản của Hiệp hội công nhân Thiên chúa giáo Ý (ACLI), người ta đọc: “Mọi thứ xảy ra với một người đàn ông hay phụ nữ, bất cứ nơi nào trên thế giới, làm cho chúng ta chịu trách nhiệm về số phận của người ấy; sự bỏ qua điều này có nghĩa là hỗ trợ bạo lực, vốn là nguyên nhân của sự thiếu hòa bình trên thế giới".

Tài liệu cuối cùng của chuyến đi nhắc lại rằng “tình huynh đệ của các dân tộc được dựa trên phẩm giá, sự bình đẳng các quyền cơ bản, và tính công dân phổ quát của mọi người làm nên các dân tộc". Thách thức hiện nay là "thực hiện trong các sự việc nguyên tắc tương thuộc lẫn nhau và không chia rẻ, vốn là đặc tính của nhân quyền (dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa), và tái định nghĩa quyền công dân theo nghĩa bao hàm mọi người".

Tài liệu kết luận, tại Ý "cần có một chính phủ hòa bình và một chính sách mới thống nhất trong từng lĩnh vực. Cần phải đầu tư các công dân với một quyết tâm lớn trong việc xây dựng một châu Âu, liên bang và dân chủ, cởi mở, đoàn kết, bất bạo động, và một cộng đồng Địa Trung Hải, vốn khi đón nhận yêu cầu lớn lao về tự do và công lý của mùa xuân Ả Rập, biết biến khu vực này có nhiều cuộc khủng hoảng lớn và căng thẳng, thành một đại dương hòa bình và hạnh phúc cho tất cả mọi người". (Zenit.org 26-9-2011)
 
Người Công Giáo Hoa Kỳ trình bầy phương thức thực hành Tông Hiến Xã Hội
Bùi Hữu Thư
08:31 27/09/2011
Đức Tổng Giám Mục Los Angeles, Jose H. Gomez
VATICAN (CNS) --

Một nhóm người Công Giáo Hoa Kỳ gốc Châu Mỹ La Tinh là các nhà lãnh đạo doanh thương đã trình bầy với các giới chức Vatican các suy tư tỉ mỉ về cách thức các giáo dân có thể đáp ứng đầy đủ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Benedict XVI là làm sao cho các xã hội và nền kinh tế ngày nay được công bằng hơn.

Bốn thành viên của Hiệp Hội các lãnh đạo Công Giáo gốc Châu Mỹ La Tinh có trụ sở tại San Antonio, Texas, và Đức Tổng Giám Mục Los Angeles, Jose H. Gomez, đã trình bầy với một số thánh bộ của Vatican trong hai ngày 22 và 23 tháng 9, một tài liệu suy tư, mang tiêu đề: "Caritas in Veritate – Bác Ái trong Sự Thật: Đáp Ứng của chúng tôi trong Đức Tin.”

Nhóm người này đã hy vọng có thể trình lên Đức Thánh Cha một ấn bản của tài liệu này được đóng bằng bìa da mầu trắng sau khi ngài trở về từ Đức sau chuyến viếng thăm từ ngày 22 đến ngày 25.

Nhóm này đã đệ trình các ấn bản của tài liệu có đóng bìa da cho các hồng y và tổng giám mục đặc trách các văn phòng khác của Vatican, kể cả Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, và Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân.

Tài liệu này cho hay: Các bài suy tư nhắm cung cấp một phương cách cho tất cả mọi tín hữu nam hay nữ có thể coi xem thông điệp năm 2009 “đang đòi hỏi chúng ta phải làm gì khác hơn trong doanh thương hay nghề nghiệp của mình, trong đời sống kinh tế và công cộng, và trong vai trò của chúng ta là những công dân trung thành” cũng như cung cấp “một viễn cảnh của người Hoa Kỳ gốc La Tinh về thông điệp Caritas in Veritate."

Vị chủ tịch và giám đốc điều hành của tổ chức này là ông Robert Aguire nói với hãng thông tấn Catholic New Service ngày 23 tháng 9 như sau: Bài suy tư dài 28 trang cũng nhắm mục đích được dùng làm một nguồn dư liệu và một dụng cụ cho Vatican vì sứ mệnh của Hiệp Hội các lãnh đạo Công Giáo Hoa Kỳ gốc Châu Mỹ La Tinh là “trợ giúp các linh mục, giám mục của chúng ta, giáo hội và Đức Thánh Cha.”
 
Phải lên tiếng trước vụ chính quyền Mỹ xâm phạm quyền tự do lương tâm.
Nguyễn Kim Ngân
16:15 27/09/2011
PHẢI LÊN TIẾNG!

Xin đính chính ngay lập tức là đây chỉ xin mượn hơi nhạc sĩ Anh Bằng để nói đến một vấn đề thời sự, nhưng không phải là thời sự VN, nhằm chống bọn TQ xâm lăng nước mình, mà là thời sự Mỹ Quốc, nhằm lên tiếng với chính quyền vì vụ xâm phạm đến quyền tự do lương tâm của mọi người.

Theo tin tức đăng trên trang mạng riêng, hôm 22 tháng 9 vừa qua, Linh Mục (LM) Terence Henry, TOR, Viện Trưởng Đại Học Phan Sinh tại Steubenville, Ohio, đã công bố một bản lên tiếng phản đối những chỉ thị mới do Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người ban hành nhằm cưỡng bức các cơ sở Công Giáo phải lựa chọn giữa đức tin và bảo hiểm sức khỏe. Các chỉ thị này, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày mùng 1 tháng 8 năm 2012, đòi buộc các chương trình bảo hiểm sức khỏe, cá nhân cũng như tập thể, bao gồm cả các chương trình tự bảo hiểm, phải chi trả tất cả mọi phí tổn về các thủ tục ngừa thai và triệt sản đã được liên bang chấp thuận (76 Luật Liên Bang 46621, ngày 3 tháng 8 năm 2011).

Bản lên tiếng của LM Viện Trưởng viết rằng: “Khi biến việc bảo hiểm chi trả này trở thành bắt buộc, chính phủ đã xâm phạm lãnh vực lương tâm của người tín hữu, và vi phạm quyền lợi hành xử niềm tin tôn giáo của chúng tôi. Sự cưỡng bức phải có bảo hiểm trang trải chi phí ngừa thai và triệt sản đã gây phương hại đến sứ mệnh của các trường đại học Công Giáo.”

Ngài còn tuyên bố thêm rằng: “Cái gọi là ‘quyền đặc miễn tôn giáo’ chắc chắn sẽ không hề bảo vệ cho Viện Đại Học Phan Sinh tại Steubenville, cũng như cả hàng trăm trường đại học, trung học và cơ quan Công Giáo khác, kể cả các bệnh viện, viện dưỡng lão, và các cơ sở phục vụ xã hội Công Giáo khác, vốn chỉ chăm lo phục vụ con người, bất kể họ thuộc tôn giáo nào.”

Bản lên tiếng của LM Viện Trưởng kết thúc bằng lời kêu gọi ‘bãi bỏ các luật lệ do Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người ban hành, và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo cũng như các dân tộc thuộc mọi tôn giáo khác.”

Bình luận về quyết định lên tiếng của LM Viện Trưởng, Michael Henon, phó Viện Trưởng, đã nói thế này: “Viện Đại Học Phan Sinh buộc phải lên tiếng vì cái lệnh ‘vô tiền khoáng hậu’ này của chính phủ là một sỉ nhục đối với niềm tin của mọi người, nam cũng như nữ, và là một vi phạm hiển nhiên đối với các quyền lợi của chúng ta, đã được quy định trong Đệ Nhất Tu Chính Án.” Ông còn ghi nhận rằng hạn chót để công chúng lên tiếng là ngày 30 tháng 9 này, có nghĩa là ta phải hành động ngay lập tức. Ông kêu gọi mọi người thành tâm thiện chí cùng đứng lên với Viện Đại Học Phan Sinh, và với nhiều nhóm tôn giáo khác, nhằm chống lại chỉ thị quái đản này, vì nó đúng là một phát súng lệnh tấn công vào quyền tự do lương tâm của tất cả chúng ta.

Bản lên tiếng này hòa điệu với lời của vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Timothy Dolan, cũng vào ngày 22 tháng 9 vừa qua, đã cảnh báo đương kim Tổng Thống (TT) Obama và chính phủ của ông là phải chấm dứt ngay việc họ tấn công Dự Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act, tức DOMA) và quyền tự do tôn giáo của những người ủng hộ dự luật này.

Trong lá thư đề ngày 20 tháng 9 năm 2011 vừa qua, Đức TGM đã cảnh báo rằng, nếu cứ đà này, chính phủ của TT Obama sẽ “đẩy nhanh, trên bình diện quốc gia, cái tiến trình tạo ra mối xung đột giữa Giáo Hội và Nhà Nước, ở nhiều tầm mức cực kỳ lớn, và như thế là gây phương hại cho cả hai thể chế.” Ngài giải thích thêm rằng, nếu chính quyền cứ tiếp tục nỗ lực tái định nghĩa hôn nhân, thì Công Giáo, xét cả về hai phương diện cá nhận cũng như thể chế, sẽ phải đối đầu với những vụ kiện tụng về “phân biệt đối xử đối với xu hướng tính dục” trong khi chỉ biết phục vụ công ích trong các lãnh vực như công ăn việc làm, giáo dục và nuôi nhận. Lá thư nói rằng: “Xã hội sẽ lãnh phần thiệt hại khi các thực thể tôn giáo bó buộc phải rút lui khỏi mạng lưới phục vụ xã hội do trách nhiệm phải duy trì sự liêm chính của thể chế và không nhượng bộ về các nguyên tắc luân lý căn bản.”

Đức TGM tái khẳng định “tính khôn lường của nhân phẩm và giá trị bình đẳng nơi mỗi cá nhân, bao gồm cả những ai có xu hướng đồng tính,” nhưng phi bác “mọi sự ganh ghét và cư xử bất công đối với bất kỳ ai.” Ngài cũng nêu rõ lập trường của Giáo Hội là “việc luôn rất mực tôn trọng hôn nhân như là một sự kết hợp mang tính cách bổ xung và hiệu quả giữa một người nam và một người nữ, không những không chối bỏ mối quan tâm về phúc lợi của tất cả mọi người, mà trái lại, còn củng cố nó hơn nữa.”

Đức TGM còn nhấn mạnh rằng: “Trong khi mọi người đều đáng tôn trọng, điều cần phải khẳng định là không một mối quan hệ nào đem lại nhiều công ích cho bằng hôn nhân giữa đôi vợ chồng. Luật pháp phải phản ánh điều đó.” Rồi ngài kết luận rằng: “Tôi xin tha thiết yêu cầu chính quyền ngưng ngay chiến dịch chống phá DOMA, cơ chế hôn nhân mà nó bảo vệ, và quyền tự do tôn giáo.”

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng cho rằng chính quyền của TT Obama đã làm ngơ trước nguyện vọng của dân chúng Hoa Kỳ. Trong các tiểu bang mà công dân được phép đi bỏ phiếu về tính hợp hiến của DOMA, thì có 29 tiểu bang đã xác nhận—với đại đa số cử tri—rằng hôn nhân chính là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Các vị Giám Mục nhất loạt cho rằng việc chính quyền chuẩn thuận các cặp đồng tính được có con nuôi rõ ràng đi ngược lại sự xác nhận của TT Obama về tầm quan trọng của cả người mẹ lẫn người cha trong những công bố của ông trong hai dịp lễ Hiền Mẫu và Hiền Phụ năm nay. Trong các công bố này, chính TT đã thừa nhận “tầm quan trọng ngoại thường của các người mẹ trong đời sống mỗi người,” và nhận xét rẳng việc “vắng bóng người cha được cảm nhận bằng nhiều cách thức bởi những đứa con, những gia đình, và các cộng đoàn, vì sự thiếu vắng người cha đó đã khoét sâu một lỗ hổng có thể di hại lâu dài.”

(xin đọc thêm: http://www.ewtnnews.com/catholic-news/US.php?id=4011#ixzz1Yin!iaHK)

09/27/11

Lễ Thánh Vinh Sơn Phaolô

Nguyễn Kim Ngân
 
Top Stories
US Latino Leaders Respond to ''Caritas in Veritate''
Zenit
08:37 27/09/2011

ROME, SEPT. 26, 2011 (Zenit.org).- A delegation of the Catholic Association of Latino Leaders are in Rome this week to present to Benedict XVI their response to his encyclical "Caritas in Veritate."

The leaders arrived in Rome last week for a meeting with Cardinal Peter Turkson, the president of the Pontifical Council for Justice and Peace. They were later encouraged to stay a few extra days so as to present their response to the Pope himself on Wednesday.

Robert Aguirre, president of CALL, will greet the Holy Father after the weekly audience on behalf of the association, and present a copy of the 28-page document, titled "Charity in Truth: Our Response in Faith."

The text is a reflection on Benedict XVI's most recent encyclical, which was published in 2009.

In a press statement sent to ZENIT, CALL affirms its "vow to act as faithful disciples, trusting the Holy Father as their pastor and shepherd."

"As Catholic Latino leaders in our country," said Aguirre, "it is our responsibility to demonstrate that our Catholic identity is defined by what we do. Members of CALL look to Blessed John XXIII's words, stating that we need to seek 'to align our professional activity into conformity with the Church's social teaching.'

"Our 'Response in Faith' is our prayer to carry out the mission of the Church in
every aspect of our lives."

Published in July, the prefaced by a letter to Benedict XVI, which states: "You have called us to recognize the crisis of our day, to set new rules, to re-plan our journey, and to discover new forms of commitment.

"We hear your words, as we have come to recognize that this is 'an opportunity for discernment, in which to shape a new vision for the future.'"
 
Pope's Address to German Seminarians: ''Studying Is Essential: Only Thus Can We Stand Firm in These Times''
Libreria Editrice Vaticana
08:38 27/09/2011
FREIBURG, Germany, SEPT. 26, 2011 - Here is a Vatican translation of the transcription of the spontaneous address Benedict XVI said Saturday when meeting with a group of seminarians at the Charles Borromeo Seminary Chapel in Freiburg. The Vatican published the transcription and translation today.

Dear Seminarians, Dear Sisters and Brothers!

It is a great joy for me to be able to come together here with young people who are setting out to serve the Lord, young people who want to listen to his call and follow him. I would like to express particularly warm thanks for the beautiful letter that the Rector and the seminarians wrote to me. It truly touched my heart, to see how you had reflected on my letter, and developed your own questions and answers from it, and to see how seriously you are taking what I tried to say in my letter, on the basis of which you are now working out your own path.

Of course it would be wonderful if we could hold a conversation with one another, but my travel schedule, which I am bound to follow, sadly does not permit such things. So I can only try, in the light of what you have written and what I myself had written, to offer just one or two further ideas.

In considering the question -- What is the seminary for? What does this time mean? -- I am always particularly struck by the account that St. Mark gives of the birth of the apostolic community in the third chapter of his Gospel. Mark says: "And he appointed twelve". He makes something, he does something, it is a creative act; and he made them, "to be with him, and to be sent out to preach" (Mk 12:14). That is a twofold purpose, which in many respects seems contradictory. "To be with him": they are to be with him, in order to come to know him, to hear what he says, to be formed by him; they are to go with him, to accompany him on his path, surrounding him and following him. But at the same time they are to be envoys who go out, who take with them what they have learnt, who bring it to others who are also on a journey -- into the margins, into the wide open spaces, even into places far removed from him. And yet this paradox holds together: if they are truly with him, then they are also always journeying towards others, they are searching for the lost sheep; they go out, they must pass on what they have found, they must make it known, they must become envoys. And conversely, if they want to be good envoys, then they must always be with him. As St. Bonaventure once said: the angels, wherever they go, however far away, always move within the inner being of God. This is also the case here: as priests we must go out onto the many different streets, where we find people whom we should invite to his wedding feast. But we can only do this if in the process we always remain with him. And learning this: this combination of, on the one hand, going out on mission, and on the other hand being with him, remaining with him, is -- I believe -- precisely what we have to learn in the seminary. The right way of remaining with him, becoming deeply rooted in him -- being more and more with him, knowing him more and more, being more and more inseparable from him -- and at the same time going out more and more, bringing the message, passing it on, not keeping it to ourselves, but bringing the word to those who are far away and who nevertheless, as God’s creatures and as people loved by Christ, all have a longing for him in their hearts.

The seminary is therefore a time for training; also, of course, a time for discernment, for learning: does he want me for this? The mission must be tested, and this includes being in community with others and also of course speaking with your spiritual directors, in order to learn how to discern what his will is. And then learning to trust: if he truly wants this, then I may entrust myself to him. In today’s world, which is changing in such an unprecedented way and in which everything is in a constant state of flux, in which human ties are breaking down because of new encounters, it is becoming more and more difficult to believe that I will hold firm for the whole of my life. Even for my own generation, it was not exactly easy to imagine how many decades God might assign to me, and how different the world might become. Will I be able to hold firm with him, as I have promised to do? ... It is a question that demands the testing of the vocation, but then also -- the more I recognize that he does indeed want me -- it demands trust: if he wants me, then he will also hold me, he will be there in the hour of temptation, in the hour of need, and he will send people to me, he will show me the path, he will hold me. And faithfulness is possible, because he is always there, because he is yesterday, today and tomorrow, because he belongs not only to this time, but he is the future and he can support us at all times.

A time for discernment, a time for learning, a time for vocation ... and then, naturally, a time for being with him, a time for praying, for listening to him. Listening, truly learning to listen to him -- in the word of sacred Scripture, in the faith of the Church, in the liturgy of the Church -- and learning to understand the present time in his word. In exegesis we learn much about the past: what happened, what sources there are, what communities there were, and so on. This is also important. But more important still is that from the past we should learn about the present, we should learn that he is speaking these words now, and that they all carry their present within them, and that over and above the historical circumstances in which they arose, they contain a fullness which speaks to all times. And it is important to learn this present-day aspect of his word -- to learn to listen out for it -- and thus to be able to speak of it to others. Naturally, when one is preparing the homily for Sunday, it often seems ... my goodness, so remote! But if I live with the word, then I see that it is not at all remote, it is highly contemporary, it is right here, it concerns me and it concerns others. And then I also learn how to explain it. But for this, a constant inner journey with the word of God is needed.

Personally being with Christ, with the living God, is one thing: another is that we can only ever believe within the "we". I sometimes say that St. Paul wrote: "Faith comes from hearing" -- not from reading. It needs reading as well, but it comes from hearing, that is to say from the living word, addressed to me by the other, whom I can hear, addressed to me by the Church throughout the ages, from her contemporary word, spoken to me the priests, bishops and my fellow believers. Faith must include a "you" and it must include a "we". And it is very important to practice this mutual support, to learn how to accept the other as the other in his otherness, and to learn that he has to support me in my otherness, in order to become "we", so that we can also build community in the parish, calling people into the community of the word, and journeying with one another towards the living God. This requires the very particular "we" that is the seminary, and also the parish, but it also requires us always to look beyond the particular, limited "we" towards the great "we" that is the Church of all times and places: it requires that we do not make ourselves the sole criterion. When we say: "We are Church" -- well, it is true: that is what we are, we are not just anybody. But the "we" is more extensive than the group that asserts those words. The "we" is the whole community of believers, today and in all times and places. And so I always say: within the community of believers, yes, there is as it were the voice of the valid majority, but there can never be a majority against the apostles or against the saints: that would be a false majority. We are Church: let us be Church, let us be Church precisely by opening ourselves and stepping outside ourselves and being Church with others.

Well now, according to the schedule, I daresay I ought really to draw to a close now. I would like to make just one more point to you. In preparing for the priesthood, study is very much a part of the journey. This is not an academic accident that has arisen in the western Church, it is something essential. We all know that St. Peter said: "Always be prepared to make a defence to any one who calls you to account for the hope that is in you" (1 Pet 3:15). Our world today is a rationalist and thoroughly scientific world, albeit often somewhat pseudo-scientific. But this scientific spirit, this spirit of understanding, explaining, know-how, rejection of the irrational, is dominant in our time. There is a good side to this, even if it often conceals much arrogance and nonsense. The faith is not a parallel world of feelings that we can still afford to hold on to, rather it is the key that encompasses everything, gives it meaning, interprets it and also provides its inner ethical orientation: making clear that it is to be understood and lived as tending towards God and proceeding from God. Therefore it is important to be informed and to understand, to have an open mind, to learn.

Naturally in twenty years' time, some quite different philosophical theories will be fashionable from those of today: when I think what counted as the highest, most modern philosophical fashion in our day, and how totally forgotten it is now ... still, learning these things is not in vain, for there will be some enduring insights among them. And most of all, this is how we learn to judge, to think through an idea -- and to do so critically -- and to ensure that in this thinking the light of God will serve to enlighten us and will not be extinguished. Studying is essential: only thus can we stand firm in these times and proclaim within them the reason for our faith. And it is essential that we study critically -- because we know that tomorrow someone else will have something else to say -- while being alert, open and humble as we study, so that our studying is always with the Lord, before the Lord, and for him.

Yes, I could say much more, and perhaps I should ... but I thank you for your attention. In my prayers, all the seminarians of the world are present in my heart -- and not only those known to me by name, like the individuals I had the pleasure of receiving here this evening; I pray, as they make their inner journey towards the Lord, that he may bless them all, give light to them all and show them the right way, and that he may grant us to receive many good priests. Thank you very much.

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Phan Thiết với chương trình khuyến học đầu năm 2011 – 2012.
Hồng Hương
08:36 27/09/2011
Để giúp các em học sinh nghèo có điều kiện bước vào năm học mới 2011-2012, Caritas Phan Thiết đã tổ chức hỗ trợ trao học bổng và sách vở cho các em học sinh tại một số nơi khó khăn trong Giáo Phận Phan Thiết.

Do điều kiện kinh phí năm nay khá eo hẹp, Caritas Phan Thiết chỉ có thể trao học bổng cho những trường hợp đặc biệt được giới thiệu. Tiêu chí xét cấp học bổng và trao quà sách vở là các em học sinh cấp I, cấp II có hoàn cảnh khó khăn thuộc những khu vực vùng sâu xa, vùng nghèo không phân biệt lương, giáo. Tổng giá trị khuyến học lần này là 81.150.000.000 đồng được sử dụng cho việc trao học bổng bằng tiền mặt và 10 ngàn quyển vở chia đều cho 5 giáo hạt.

Caritas Phan Thiết xin tri ân Quý Ân Nhân đã quảng đại đóng góp hỗ trợ cho các em học sinh nghèo đến trường.

- Gia đình Chị Oanh (Giáo xứ Thánh Tâm, Gp Xuân Lộc) 10.000.000 đ;
- Một ân nhân ở Sài Gòn tặng 2000 cây viết;
- Hội Liên Đới Hòa Lan giúp các em ở Suối Sâu 13.150.000đ,
- Một ân nhân qua cô Hélène (thuộc Hội E’ phant Du Mekong) giúp các em trường Tình Thương Phan Rí Cửa 9.000.000đ
- Đặc biệt là các bạn thiếu nhi Giáo xứ Tân Mai, Gp Xuân Lộc đã gởi đến Caritas Phan Thiết hơn 100 bộ sách Giáo khoa cũ từ cấp I đến cấp III được giữ gìn rất cẩn thận cùng một số vở mới. Thật xúc động khi có những phần thưởng còn nguyên giấy gói cũng được các em tặng cho các bạn học sinh nghèo tại Phan Thiết.

Cũng trong đầu học này, tin vui đến với Caritas Phan Thiết là qua những báo cáo gởi về của Caritas thì một số giáo xứ có chương trình phát thưởng cho học sinh học giỏi Giáo lý và văn hóa, hỗ trợ cho học sinh nghèo trong dịp tổng kết và khai giảng năm học mới. Tùy theo điều kiện tài chánh mà từng giáo xứ có cách làm khác nhau. Như Giáo xứ Tân Lý (hạt Hàm Tân), năm nay kinh phí ít nên chỉ dành hỗ trợ cho đối tượng là học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà không phát thưởng cho học sinh giỏi. Vui đó nhưng nỗi băn khoăn cũng còn nặng lòng những người làm công tác khuyến học bởi bên cạnh vẫn còn rất nhiều trường hợp học sinh rất khó khăn chưa nhận được sự trợ giúp. Nhất là những vùng núi như Đa Mi, Phan Rí, Vĩnh Hảo, giáo họ đảo Phú Quý. v.v.

Bình Thuận có địa bàn trải dài gồm cả bờ biển và vùng núi. Kinh tế chủ yếu của người dân là nông nghiệp và làm nghề biển nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết tự nhiên. Với những biến đổi lớn về kinh tế, môi trường, khí hậu hiện nay đã đẩy số đông người dân vào hoàn cảnh khó khăn mọi mặt. Do mặt bằng dân trí thấp, chưa coi trọng việc học cùng với hoàn cảnh nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa, việc lo cho con em đến trường là quá sức với họ. Do đó, số học sinh có nguy cơ bỏ học để lao động phụ kinh tế cho gia đình là khá cao. Lập một Quỹ học bổng ổn định lâu dài lo cho các em là mong ước khát khao của Caritas Phan Thiết. Việc hỗ trợ đầu năm này của Caritas Phan Thiết tuy nhỏ về giá trị vật chất, nhưng là sự khích lệ lớn về tinh thần để các em và gia đình bớt được gánh nặng trong đầu năm học mới. Qua đây, Caritas Phan Thiết cũng muốn gây ý thức hơn cho người dân về tầm quan trọng của học vấn với tương lai của con em. Caritas Phan Thiết ước mong có nhiều tấm lòng cùng chung tay đóng góp cho chương trình khuyến học của Giáo phận.

VP. Caritas Phan Thiết
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Đồng Nghề
Tâm Duy, Lm
21:32 27/09/2011
BẠN ĐỒNG NGHỀ
Ảnh của Tâm Duy, Lm
Bạn bè là nghĩa tương thân
Khó khăn thuận lợi ân cần có nhau
Bạn bè là nghĩa trước sau…
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền