Ngày 03-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:24 03/09/2023

Lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a 08-09-2023

Sinh nhật của Đức Ma-ri-a vượt hẳn cả sinh nhật của thánh Gio-an Tẩy giả. Cuộc đản sinh của Đức Ma-ri-a loan báo cuộc Giáng sinh của Chúa Giê-su, là khúc dạo đầu của Tin Mừng. Một người con gái ra đời trong gia đình bà An-na và ông Gio-a-kim đã làm cho “niềm hy vọng và bình minh ơn cứu độ mọc lên chiếu soi thế giới”.

1- Lời dạy của Kinh Thánh

Nhân lễ sinh nhật của Mẹ Ma-ri-a hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại gia phả và gốc tích của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 1,1-16.18-23).

Việc Mát-thêu được linh ứng để viết ra bản gia phả này và việc đọc lại gia phả ấy trong phụng vụ hôm nay thật mang nhiều ý nghĩa.

Có hai cái tên đặc biệt nổi bật trong gia phả: Áp-ra-ham và Đa-vít. Đối với Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Ít-ra-en, lời hứa ban đầu liên quan đến con cháu ông, nhưng cũng kéo dài xa hơn nữa: “Mọi dân tộc trên trái đất sẽ nhờ ông mà được phúc lành” (St 18,18). Như thế, toàn bộ lịch sử bắt đầu với Áp-ra-ham và dẫn tới Đức Giê-su, để rồi mở ra theo hướng phổ quát: qua Áp-ra-ham, lời chúc lành đến với tất cả nhân loại. Phần Đa-vít, khuôn mặt tiêu biểu của dân Chúa chọn, đó là ông vua được hứa ban cho một vương quốc vĩnh cửu: “Ngai vàng của ngươi sẽ mãi mãi vững bền” (2Sm 7,16). Trong Chúa Giê-su, lời hứa đi đến hoàn tất. Toàn bộ lịch sử đều hướng tới Người, mà ngai vàng sẽ vĩnh viễn tồn tại.

Gia phả của Mát-thêu vạch con đường của phái nam, nhưng trong tiến trình của nó, trước khi Đức Ma-ri-a xuất hiện ở phần cuối, thì bốn phụ nữ được nêu danh: Ta-ma, Ra-kháp, Rút và vợ ông U-ri-gia (Bát Sê-va). Trừ Rút, ba bà kia đều là những tội nhân nổi tiếng. Việc chèn họ vào đây cho thấy Chúa Giê-su đã mang trên mình tội lỗi của họ -và cùng với họ là tội lỗi của thế gian- nên sứ vụ của Người là công chính hóa các kẻ tội lỗi. Ngoài ra, chẳng ai trong 4 bà ấy có gốc Do-thái. Như thế, qua họ, thế giới của Dân ngoại đi vào gia phả của Chúa Giê-su. Sứ vụ của Người cho dân Do-thái và Dân ngoại được nêu hết sức rõ ràng.

Nhưng quan trọng hơn cả là sự kiện gia phả chấm dứt với một người nữ: Đức Ma-ri-a, vốn thực sự đánh dấu một khởi đầu mới. Xuyên qua các thế hệ, chúng ta đọc thấy công thức: “Áp-ra-ham sinh I-xa-ác, I-xa-ác sinh Gia-cóp…”. Song ở đoạn cuối, có một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Trong trường hợp Đức Giê-su, chẳng có nói ai là cha. Thay vào đó chúng ta đọc thấy: “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” (Mt 1,16). Nơi trình thuật nói về gốc tích Đức Giê-su tiếp liền sau đó (x. Mt 1,18-22), Mát-thêu bảo rằng Giu-se không phải là cha Đức Giê-su và ông, trong đức công chính hoàn hảo, lại muốn lìa bỏ Ma-ri-a chẳng phải vì nghi ngờ bà ngoại tình nhưng vì bà nay trở thành sở hữu, vật thánh của Thiên Chúa, bởi lẽ “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Như thế, Đức Ma-ri-a là một khởi đầu mới, vì Con của bà không xuất phát tự một người đàn ông nào cả, nhưng là từ Thiên Chúa thôi.

2- Diễn giải của thần học

Đấy là “gia phả của đức tin và ân sủng”. Đấy là lịch sử của tình yêu và lòng thương xót vượt thắng bất trung và tội lỗi. Gia phả ấy, lịch sử ấy có một khúc quanh đặc biệt với sự xuất hiện của Đức Ma-ri-a, người mẹ đồng trinh, và một khúc quanh còn đặc biệt hơn nữa với sự ra đời của Đức Giêsu, Con yêu của Thiên Chúa và của nhân loại.

Hôm nay là lễ sinh nhật Đức Mẹ, chín tháng sau lễ Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ (08-12). Đây là một truyền thống có từ thế kỷ thứ 2 Công nguyên, và thành lễ chính thức từ thế kỷ thứ 6, chủ yếu dựa trên ngoại thư “Tiền Tin Mừng theo thánh Gia-cô-bê” (tên song thân của Đức Mẹ cũng xuất phát từ tài liệu này). Giáo hội mừng Mẹ trước hết vì Người đã được bà An-na cưu mang và sinh hạ trong tình trạng vô nhiễm nguyên tội, đặc ân có một không hai, vô tiền khoáng hậu, hệ quả đầu tiên của ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Thứ đến, quan trọng hơn, vì cuộc đản sinh của Mẹ loan báo và chuẩn bị cho cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người và là Đấng khai mào một nhân loại mới.

Thiên Chúa đã viết thẳng trên những đường cong của lịch sử. Người đã không bỏ rơi một nhân loại phản bội lại mình, chẳng làm ngơ trước đau khổ và tội lỗi của thế nhân. Thiên Chúa đã hành xử thật tốt đẹp với loài thụ tạo có lý trí. Chính vì một lịch sử, một thế giới tội lỗi mà Mẹ Ma-ri-a đã sinh ra để rồi cưu mang Chúa Giêsu Đấng cứu độ nhân loài và cả vũ trụ.

Mẹ Ma-ri-a đã làm loé lên niềm hy vọng cho một trần gian đang tuyệt vọng vì lầm lỗi. Mẹ đã điểm tô lại một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ làm hoen ố vì tội phản nghịch cùng Thiên Chúa. Mẹ đã điều chỉnh lại một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ bẻ hướng vì toan tính mở lối riêng cho mình. Nhân loại đã đắm chìm trong sự chết kể từ vườn Địa đàng, nhưng từ Mẹ trở đi, và nhờ Người Con của Mẹ, sự sống đã được khôi phục, sự sống viên mãn, sự sống đời đời, sự sống của Đấng Đời Đời.

Hôm nay, kỷ niệm sinh nhật Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, toàn thể nhân loại hân hoan vui mừng, vì ngày sinh của Mẹ có liên quan trực tiếp đến biến cố Ngôi Lời nhập thế và nhập thể. “Hôm nay thánh điện của Đấng tạo thành muôn vật đã được xây lên, và một thụ tạo, vì một lý do mới mẻ và thích đáng, đã được chuẩn bị làm nơi cư trú mới cho Đấng Hoá Công” (thánh An-rê Crê-ta). Ngày Mẹ chào đời đánh dấu sự nối kết giữa Tân Ước và Cựu Ước, chấm dứt thời kỳ chờ đợi và những lời hứa, khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ ân sủng và ơn cứu độ trong Đức Kitô. Mẹ thật xứng là “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng” như Kinh cầu Đức Bà xưng tụng. Vì thế trong ngày Đức Ma-ri-a chào đời, Giáo Hội đã kêu lên: “Lạy Trinh Nữ, Đức Mẹ Chúa Trời ! Ngày sinh của Mẹ đem Tin Mừng cho cả trần gian, vì Đức Kitô, Chúa chúng con là Mặt trời soi đường ngay nẻo chính đã, từ cung lòng Mẹ sinh ra. Người là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh”. (Đáp ca Thánh ca Tin Mừng, Kinh sáng).

Thánh Au-gút-ti-nô đã mô tả sự ra đời của Đức Trinh Nữ Maria là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử và vũ trụ, và là khúc dạo đầu thích hợp cho sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. Người nói: “Mẹ là bông hoa trong cánh đồng, từ đó đã nở ra một cành huệ quý giá trong thung lũng”.

Thánh Gio-an Đa-mát cũng đã dâng lời ca tụng: “Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới ! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới !”

Vậy chúng ta hãy nâng tâm hồn lên để ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa vì công trình tuyệt diệu và ân huệ lớn lao của Người nơi Mẹ và dâng lên Mẹ lời mừng chúc:
Mẹ sinh ra giữa ngàn hoa hương ngát,
Với màu sắc lộng lẫy đẹp đất trời.
Mẹ rạng ngời trong hào quang rực rỡ.
Cùng thần thánh, con mừng Mẹ không ngơi.

(Tgp Huế)
 
Ngày 04/09: Chúa Giêsu về thăm quê hương - Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:00 03/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.

Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:53 03/09/2023

19. Phương pháp cần thiết để giữ gìn trinh khiết của mình không phải cậy vào sức mạnh bản thân, mà là dựa vào Thiên Chúa, nếu cậy vào mình ắt bị sa vào cám dỗ ngược với khiết tịnh.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:56 03/09/2023
39. KHÔNG BIẾT NGHIÊN MỰC QUÝ

Có một người tên là Tôn Tử Hán, không biết một tí gì về văn vật cổ đại.

Có người đem đến một cái nghiên mực cổ để ông ta xem và nói:

- “Đồ vật này trị giá ba vạn đồng, rất là quý, có thể dùng miệng hà hơi bên trên thì sẽ có mực chảy ra”.

Tôn Tử Hán nghe xong thì cười khẩy nói:

- “Một ngày hà hơi ra một giọt nước thì cũng chỉ đáng ba xu tiền, sao lại là vô giá chứ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 39:

Người thích chơi đồ cổ thì những thứ càng xưa càng quý, càng cổ càng có giá trị, nhưng đối với những người không thích đồ cổ hoặc không biết ti gì về đồ cổ thì của quý dù bỏ trước mặt họ cũng không biết…

Đức Chúa Giê-su đã nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…” (Mt 7, 6a)

Chó, không được ăn của thánh, dù nó rất thân cận với chủ, dù nó được chủ nhà cưng chiều; heo, không thể trang sức bằng ngọc trai, vì nó là loài ăn bẩn ở bẩn…

Người Ki-tô hữu là dân được tuyển chọn nên được vinh dự tham dự của thánh là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su; người Ki-tô hữu là dân được chuộc lại với giá là cái chết của Đức Chúa Giê-su nên được trang điểm bằng các ơn thánh đẹp gấp vạn lần ngọc trai, nhưng có những người Ki-tô hữu không muốn tham dự của thánh và cũng chẳng muốn trang điểm bằng các ơn thánh, họ sống như những người chưa từng biết đến thánh lễ, họ sống như những người chưa một lần nhận lãnh hồng ân của Thiên Chúa, cho nên họ không thể trở nên chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su được.

Không phải tất cả các thứ đồ cổ đều quý và cũng không phải ai cũng thích đồ cổ. Trái lại, Thánh Thể mỗi ngày đều có nhưng không phải ai cũng hưởng được ơn lành và sức mạnh từ Thánh Thể, nhưng chỉ những ai biết yêu quý và ao ước đón nhận Thánh Thể mới được mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bẽ bàng
Lm. Minh Anh
14:34 03/09/2023

BẼ BÀNG
“Ngài băng qua giữa họ mà đi!”.

Thần học gia, triết gia Jan Hus tin rằng, Lời Chúa là quyền lực tối cao, không thể sai lầm. Ông đã chết vì niềm tin đó vào sinh nhật 40 của mình tại ở Constance, Đức. Trước khi tắt hơi, Jan Hus nói lớn, “Những gì tôi dạy bằng môi, tôi sẽ đóng dấu bằng máu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến việc chối từ Lời Chúa, nhưng nói đến việc từ chối “Ngôi Lời Thiên Chúa” khi Ngài về lại cố hương. Tin Mừng tường thuật sự ‘bẽ bàng’ của Chúa Giêsu khi những người cùng quê không nhận biết Con Thiên Chúa và sứ điệp của Ngài.

Thật dễ hiểu, một anh hàng xóm mới ra khỏi làng một thời gian, nay trở về ‘lên lớp’ giảng dạy! Không lạ, họ tẩy chay; tệ hơn, muốn giết Ngài! Vậy mà việc Ngài trở lại quê nhà đích thực là một cuộc ‘hiển linh’, ‘epiphany’; đúng hơn, một cuộc viếng thăm uy nghi của Thiên Chúa đến với dân Ngài như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa ngự tới cai quản địa cầu!”.

Sự thật ‘bẽ bàng’ này nhiều lúc cũng là trải nghiệm của bạn và tôi. Chúng ta cảm thấy việc nói về Chúa với một người lạ lại dễ dàng hơn khi nói về Ngài với một người thân. Ngược lại, sẽ khó hơn nhiều, khi bản thân chúng ta để cho ai đó truyền cảm hứng bởi niềm tin và lòng đạo đức của họ; đặc biệt, khi người ấy lại là một người thân quen! Thế nhưng, điều quan trọng ở đây chính là cách thức chúng ta đón nhận phản ứng từ những người khác. Họ có thể tẩy chay, dèm pha và những gì ‘bẽ bàng’ hơn thế. Đây là lúc mức độ khiêm tốn của chúng ta được tỏ hiện, nhất là khi phải “băng qua giữa họ mà đi”.

Về phía người nhận, phải chăng chúng ta đã không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những người gần gũi nhất. Sự thật là chúng ta dễ nhìn thấy những lỗi lầm của họ hơn là nhận ra những nhân đức và những gì tốt lành nơi họ. Vậy mà, việc của chúng ta không phải là tập trung vào những thiếu sót của họ nhưng là nhìn thấy Đấng Toàn Năng trong họ; và dẫu họ thế nào, họ vẫn là sứ giả Chúa gửi đến! Họ phản ánh sự hiện diện của Ngài nếu chúng ta sẵn lòng nhận biết; và như thế, mục tiêu của chúng ta, là không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa trong họ mà còn phải tìm kiếm sự hiện diện của Ngài trong họ nữa.

Con Thiên Chúa làm người, đón nhận bao ‘bẽ bàng’ từ người thân. Thế nhưng, Ngài khiêm tốn “băng qua giữa họ mà đi”; mục đích của Ngài không phải để hơn thua, nhưng là để cứu độ. Thiên Chúa đã đến một cách quá đỗi bình thường, nếu không nói là tầm thường; nhưng chính trong sự tầm thường đó, Ngài đã làm những việc phi thường!

Anh Chị em,

“Ngài băng qua giữa họ mà đi!”. Chớ gì bạn và tôi không để Chúa Giêsu phải “băng qua mà đi” khi Ngài viếng thăm linh hồn chúng ta mỗi ngày! Ngài đang đến, đang ‘hiển linh’ và vào ngày sau hết, sẽ đón chúng ta để “được ở cùng Chúa mãi mãi” như thư Thessalônica hôm nay nhắc nhở. Không chỉ đến trong Thánh Thể, trong Lời, Ngài còn đến trong những ‘nhà tạm di động’ chung quanh chúng ta. Vấn đề là bạn và tôi có nhận ra Ngài không; có nghe được Ngài không; và nhất là có để Ngài biến đổi không? Đây là còn việc của tương tác, của cầu nguyện, khẩn xin với Chúa Thánh Thần, Đấng có thể biến đổi mọi sự, ngay cả những gì ‘bẽ bàng’ nhất, và có thể đến từ bất cứ phía nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con khiến Chúa phải ‘bẽ bàng’ băng qua lối khác mà đi mỗi lần Chúa viếng thăm con… qua từng Thánh Lễ, qua từng biến cố, từng con người!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tuyên Ngôn Hồng Ân
Lm Michael Nguyễn Quang, SVD
19:51 03/09/2023
Lm Michael Nguyễn Quang SVD
Tuyên Ngôn Hồng Ân – Luke 4:18-19


Thần học chủ đạo của Tin Mừng không phải thần học luận phạt, nhưng tình yêu vô điều kiện của một Thiên Chúa quá yêu thương thế gian (John 3:16). Bởi thế, Ngôi Lời nhập thể để Ngài cứu chuộc thế gian, chứ không phải để lên án.

Chính Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng nhiều lần nét thần học chủ đạo này. Ngài khẳng định, “Ta đến không để kêu gọi người công chính, nhưng người tội lỗi” (Matt 9:13). Trong nguyện đường Nazareth, Ngài đã từng công bố Tuyên ngôn Hồng Ân, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi. Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha thứ, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Luke 4:18-19).

Đức Giêsu là Bạn của người nghèo hèn, những người bị xã hội bỏ rơi hoặc nhìn với ánh mắt khinh bỉ. Nhìn dưới lăng kiếng khác, Ngôi Lời đã đến trong thế gian để công bố Tuyên ngôn Hồng Ân của Thiên Chúa tới tất cả mọi người trên trái đất, đặc biệt những người nghèo về tinh thần hoặc thể chất, hoặc cả hai.

Hơn ba năm liền, Ngài hiệp hành cùng với tất cả những người nghèo trong xã hội. Bất luận chủng tộc, giới tính, địa vị của họ trong xã hội, Đức Giêsu đã đi tìm, gặp gỡ lắng nghe, đối thoại và bênh vực tất cả những người nghèo. Từ những người tật nguyền, phong hủi, quỷ ám, thu thuế, gái giang hồ, dân ngoại Roma, Canaan hay Samaria, Đức Giêsu đều sẵn sàng dừng một bước chân mục vụ để đối thoại và trả lại cho họ tiếng nói cũng như nhân phẩm.

Bởi thế, độc giả Tin Mừng sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra Đức Giêsu sẵn sàng bỏ lại 99 con chiên công chính ở lại sau lưng, chỉ để đi tìm 1 con chiên nghèo, lạc trong hoang địa. Dụ ngôn con chiên lạc chính là một hình ảnh cụ thể diễn tả ngắn gọn thần học chủ đạo của Tin Mừng hay Tuyên ngôn Hồng Ân Luke 4:18-19.

Bởi Đức Giêsu là một Đức Giêsu của người nghèo, Giáo hội cũng phải là Giáo hội của người nghèo trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đức Giêsu đã từng tuyên bố, “Đã đến giờ, người ta không còn thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ Jerusalem…nhưng trong Thần Khí và Sự Thật” (John 4:23). Giáo hội bao gồm các vị lãnh đạo và tín hữu do đó nên xây dựng những ngôi nhà thờ có chiều kích tương xứng với hoàn cảnh sinh hoạt của người dân trong vùng. Nhà thờ trong tâm hồn con người, đặc biệt những người nghèo hèn, là nơi các vị mục tử và giáo dân nên chú tâm, đặt nền móng.

Kính mời Giáo hội, chúng ta cùng nhau bước chân ra khỏi tháp ngà để hiệp hành, hòa mình, và trăn trở với những tiếng thở dài của người nghèo trong xã hội, như Đức Giêsu đã từng trăn trở hai ngàn năm về trước.

Lời Nguyện
Lạy Ngài, xin cho con thấy!□
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
DIỄN TỪ CỦA ĐỨC PHANXICÔ TẠI CUỘC GẶP GỠ ĐẠI KẾT VÀ LIÊN TÔN Ở MÔNG CỔ
Vũ Văn An
01:59 03/09/2023

Buổi chiều ngày 3 tháng 9, 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Nhà Hát Hun ở Ulan Bator để tham dự cuộc gặp gỡ đạikết và liên tôn. Trong số những người iện diện, người ta thấy các đại diện của Thần đạo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Đạo pháp sư, và các hệ phái Kitô giáo. Ngoài ra, còn có các quan sát viên của chính phủ và các đại học.
Trong buổi gặp gỡ này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có diễn từ sau đây:



Anh chị em thân mến, chào buổi sáng tất cả anh chị em!

Cho phép tôi ngỏ lời với anh chị em theo cách này, với tư cách là một người anh em trong đức tin đối với những ai tin vào Chúa Kitô, và như một người anh em đối với tất cả anh chị em nhân danh sứ mệnh tôn giáo chung của chúng ta và tư cách thành viên của chúng ta trong một gia đình nhân loại. Về mặt tìm kiếm tôn giáo đó, nhân loại có thể được so sánh với một nhóm người lữ hành bước đi trên trái đất với đôi mắt ngước lên trời. Một lữ khách phương xa từng nhận xét rằng ở Mông Cổ ông “chẳng thấy gì ngoài trời và đất”. (cf. WILLIAM OF RUBRUK, Viaggio in Mongolia, XIII/3, Milan 2014, 63). Quả thực, ở đây, bầu trời trong xanh bao bọc những vùng đất rộng lớn và hùng vĩ này, như thể nhắc nhở chúng ta về hai khía cạnh thiết yếu của cuộc sống con người: khía cạnh trần thế, được tạo thành từ các mối quan hệ của chúng ta với người khác, và khía cạnh thiên đường, hệ ở việc tìm kiếm Đấng Khác siêu việt. Do đó, Mông Cổ nhắc nhở tất cả chúng ta, với tư cách là những người hành hương và lữ khách, hãy ngước mắt nhìn lên cao để nhận ra con đường nào phải đi trong cuộc hành trình của chúng ta ở dưới trần thế này.

Tôi rất vui được ở bên anh chị em trong khoảnh khắc gặp gỡ quan trọng này. Tôi chân thành cảm ơn mỗi người trong số anh chị em vì sự hiện diện của anh chị em và vì mỗi cuộc nói chuyện đã làm phong phú thêm suy tư chung của chúng ta. Việc chúng ta gặp nhau ở một nơi đã gửi đi một thông điệp: nó cho thấy rằng các truyền thống tôn giáo, với tất cả sự khác biệt và đa dạng của chúng, đều có tiềm năng ấn tượng vì lợi ích của toàn xã hội. Nếu các nhà lãnh đạo các quốc gia chọn con đường gặp gỡ và đối thoại với người khác, thì chắc chắn đó sẽ là một đóng góp mang tính quyết định để chấm dứt các cuộc xung đột đang tiếp tục gây đau khổ cho rất nhiều dân tộc trên thế giới.

Nhân dân Mông Cổ yêu quý đã tạo điều kiện cho chúng ta đến với nhau để làm giàu cho nhau, vì họ có thể ca ngợi lịch sử chung sống giữa những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Thật ấn tượng khi nghĩ đến Kharakorum, thủ đô cổ xưa của đế quốc, nơi tọa lạc một cách đáng ngưỡng mộ trong các bức tường của nó những nơi thờ cúng thuộc các tín ngưỡng khác nhau, do đó minh họa cho sự hòa hợp đáng khen ngợi. Hòa hợp. Tôi muốn nhấn mạnh từ này bằng âm sắc châu Á đặc trưng của nó. Sự hòa hợp là mối quan hệ đặc biệt phát sinh từ sự tương tác sáng tạo của các thực tại khác nhau, không áp đặt hay trộn lẫn, nhưng hoàn toàn tôn trọng những khác biệt của chúng, hướng tới một cuộc sống chung thanh thản. Tôi tự hỏi: Ai, hơn là những người có đức tin, được kêu gọi làm việc cho sự hòa hợp giữa tất cả mọi người?

Thưa anh chị em, ý nghĩa xã hội của các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể được đánh giá bằng mức độ mà chúng ta có thể sống hòa hợp với những người hành hương khác trên trái đất này và có thể nuôi dưỡng sự hòa hợp đó ở những nơi chúng ta sống. Mỗi cá nhân con người, và hơn thế nữa là mọi tôn giáo, đều phải được đo lường bằng tiêu chuẩn của lòng vị tha. Không phải lòng vị tha một cách trừu tượng mà là cụ thể: lòng vị tha chuyển thành sự quan tâm đến người khác và sự hợp tác quảng đại với họ. Bởi vì “người khôn ngoan vui mừng trong việc cho đi, và chỉ nhờ điều đó mà người ấy trở nên hạnh phúc” (The Dharmapada: The Buddha’s Path of Wisdom, Sri Lanka 1985, n. 177; so sánh câu nói của Chúa Giêsu được tìm thấy trong Cv 20:35). Như lời cầu nguyện được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxicô Assisi, “Nơi nào có hận thù, hãy để tôi mang đến tình yêu, nơi nào có sự xúc phạm, hãy để tôi mang đến sự tha thứ, nơi nào có bất hòa, hãy để tôi mang đến sự hiệp nhất”. Lòng vị tha xây dựng sự hòa hợp và ở đâu có sự hòa hợp, chúng ta tìm thấy sự hiểu biết, thịnh vượng và vẻ đẹp. Sự hài hòa có thể là từ đồng nghĩa tốt nhất của vẻ đẹp. Trong khi sự hẹp hòi, sự áp đặt đơn phương, chủ nghĩa chính thống cực đoan và sự ràng buộc về ý thức hệ phá hủy tình huynh đệ, gây căng thẳng và phá hoại hòa bình, thì vẻ đẹp của cuộc sống được sinh ra từ sự hòa hợp, vốn mang tính cộng đồng: nó phát triển nhờ lòng tốt, sự lắng nghe và sự khiêm nhường. Và những ai có trái tim trong sáng thì đón nhận sự hài hòa, vì vẻ đẹp thực sự, như Gandhi đã nói, nằm ở sự thuần khiết của trái tim.

Các tôn giáo được mời gọi cống hiến cho thế giới sự hòa hợp này, điều mà một mình tiến bộ kỹ thuật mà thôi không thể ban tặng được, vì khi quan tâm đến chiều kích trần thế và chiều ngang của nhân loại, nó có nguy cơ quên mất thiên đàng, nơi mà vì thế chúng ta đã được tạo dựng. Thưa các anh chị em, hôm nay chúng ta gặp nhau với tư cách là những người thừa kế khiêm tốn của các trường phái thông thái cổ xưa. Trong cuộc gặp gỡ với nhau, chúng ta muốn chia sẻ kho tàng vĩ đại mà chúng ta đã nhận được, nhằm làm phong phú thêm một nhân loại thường bị lạc lối trên hành trình vì theo đuổi lợi nhuận và tiện nghi vật chất thiển cận. Con người trong thời đại chúng ta thường không thể tìm ra con đường đúng đắn: chỉ quan tâm đến lợi ích trần thế, cuối cùng loài người sẽ hủy diệt trái đất và nhầm lẫn sự tiến bộ với sự thoái trào, như đã được chứng thực bởi rất nhiều bất công, xung đột, bách hại, thảm họa môi trường và sự coi thường mạng sống con người.

Ở đây, Châu Á có nhiều điều để cống hiến và Mông Cổ, nằm ở trung tâm lục địa này, sở hữu một di sản khôn ngoan to lớn mà các tôn giáo khác nhau của nó đã giúp tạo dựng và tôi muốn thúc giục mọi người khám phá và đánh giá cao. Tôi sẽ giới hạn ở việc đề cập, dù ngắn gọn, mười khía cạnh của di sản này: một mối quan hệ lành mạnh với truyền thống, bất chấp những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu dùng; tôn trọng người lớn tuổi và tổ tiên – ngày nay chúng ta cần xiết bao giao ước thế hệ giữa người già và người trẻ, một cuộc đối thoại giữa ông bà và con cháu! Ngoài ra, hãy quan tâm đến môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta, một nhu cầu to lớn và cấp bách khác, vì chúng ta đang gặp nguy hiểm. Rồi giá trị của sự thinh lặng và đời sống nội tâm, như một liều thuốc giải độc tinh thần cho biết bao bệnh tật trong thế giới ngày nay. Ngoài ra, còn có cảm thức sống thanh đạm lành mạnh; giá trị của lòng hiếu khách; khả năng chống lại sự gắn bó với vật chất; tình liên đới phát sinh từ một nền văn hóa liên kết liên ngã; và tôn trọng sự đơn giản. Cuối cùng, một chủ nghĩa thực dụng hiện sinh nào đó kiên trì theo đuổi lợi ích của cá nhân và cộng đồng. Mười khía cạnh này là một số yếu tố của di sản khôn ngoan mà đất nước này có thể cống hiến cho thế giới.

Nói về những yếu tố này, tôi đã đề cập đến việc khi chuẩn bị cho cuộc hành trình này, tôi đã mê mẩn trước những ngôi nhà truyền thống nói lên sự khôn ngoan của người dân Mông Cổ được tích lũy qua hàng thiên niên kỷ lịch sử. Ngôi nhà tạo ra một không gian nhân bản: đó là nơi dành cho cuộc sống gia đình, niềm vui thân thiện, cuộc gặp gỡ và đối thoại, có thể dành chỗ cho mỗi cá nhân, ngay cả trong đám đông. Ngoài ra, nó còn là một cột mốc cụ thể, dễ dàng nhận biết trên lãnh thổ Mông Cổ rộng lớn và là nguồn hy vọng cho những người lạc lối, vì nơi nào có căn ger, nơi đó có sự sống. Nó luôn rộng mở, sẵn sàng chào đón bạn bè, du khách và thậm chí cả những người xa lạ, và mời một ly trà nóng để phục hồi sức lực trong cái lạnh của mùa đông, hoặc một ngụm sữa tươi để giải khát trong những ngày hè oi ả. Đây là kinh nghiệm của các nhà truyền giáo Công Giáo từ các quốc gia khác, những người đã được chào đón ở đây với tư cách là những người hành hương và khách mời, và đã nhẹ nhàng bước vào nền văn hóa này, mang chứng từ khiêm nhường của họ về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Cùng với không gian con người của mình, ger còn thể hiện sự cởi mở thiết yếu đối với thần thánh. Chiều hướng tâm linh này được thể hiện bằng lỗ mở trên cao, đón nhận một chùm ánh sáng khiến bên trong, có thể nói như thế, trở thành một dấu ấn đồng hồ mặt trời tuyệt vời, thông qua sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối, giờ ngày và đêm. Có một bài học hay về điều này: cảm giác về thời gian trôi qua đến từ bên trên, không chỉ đơn giản từ dòng hoạt động trần thế. Vào những thời điểm nhất định trong năm, tia sáng xuyên qua từ trên cao chiếu sáng bàn thờ trong nhà, nhắc nhở chúng ta về tính ưu việt của đời sống tâm linh. Bằng cách này, cảm giác về sự gắn kết của con người được trải nghiệm trong không gian hình tròn này liên tục được quy về ơn gọi theo chiều dọc của nó, về ơn gọi siêu việt và thiêng liêng của nó.

Do đó, nhân loại hòa giải và thịnh vượng mà chúng ta, với tư cách là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, tìm cách cổ vũ, được tượng trưng bằng sự hòa hợp, gắn kết và cởi mở với thể siêu việt này. Và điều này lại truyền cảm hứng cho một cam kết vì công lý và hòa bình, dựa trên mối quan hệ của chúng ta với thần thánh. Theo nghĩa này, anh chị em thân mến, chúng ta chia sẻ một trách nhiệm lớn lao, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử này, vì chúng ta được mời gọi làm chứng cho những giáo huấn mà chúng ta tuyên xưng bằng cách chúng ta hành động; chúng ta không được mâu thuẫn với chúng và do đó trở thành nguyên nhân gây ra tai tiếng. Vì vậy, không thể có sự pha trộn giữa niềm tin tôn giáo và bạo lực, giữa sự thánh thiện và áp bức, giữa truyền thống tôn giáo và chủ nghĩa bè phái. Cầu mong ký ức về đau khổ trong quá khứ – ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến các cộng đồng Phật giáo – ban sức mạnh cần thiết để biến những vết thương đen tối thành nguồn ánh sáng, bạo lực vô nghĩa thành túi khôn cuộc sống, cái ác tàn phá thành điều tốt lành mang tính xây dựng. Cầu mong điều đó được như vậy đối với chúng ta, với tư cách là những tín đồ tận tâm của các bậc thầy tâm linh tương ứng và những người quản lý trung thành với giáo lý của các ngài, luôn sẵn sàng cống hiến vẻ đẹp của những lời dạy đó cho những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày như những người bạn và người đồng hành trên hành trình của mình. Cầu mong điều đó là như vậy, vì trong một xã hội đa nguyên cam kết với các giá trị dân chủ, chẳng hạn như Mông Cổ, mọi định chế tôn giáo, được chính quyền dân sự công nhận hợp pháp, đều có nghĩa vụ, và trên hết là quyền, tự do bày tỏ những gì mình là và những gì mình tin tưởng, theo cách tôn trọng lương tâm của người khác và vì lợi ích lớn hơn của tất cả mọi người.

Về khía cạnh này, tôi muốn trấn an các bạn rằng Giáo Hội Công Giáo mong muốn đi theo con đường này, tin chắc vào tầm quan trọng của cuộc đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa. Đức tin của Giáo Hội đặt nền tảng trên cuộc đối thoại vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại đã nhập thể nơi con người Chúa Giêsu Kitô. Với sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ đã truyền cảm hứng cho cuộc đời Thầy mình, Đấng đã đến thế gian không phải “để được phục vụ mà để phục vụ” (Mc 10:45), Giáo Hội hôm nay trao tặng kho tàng mình đã nhận được cho mọi người và mọi nền văn hóa, với tinh thần cởi mở và tôn trọng những gì các truyền thống tôn giáo khác phải cung ứng. Thực ra, đối thoại không đối nghịch với việc loan báo: nó không che đậy những khác biệt, nhưng giúp chúng ta hiểu chúng, bảo tồn chúng trong tính chất khác biệt của chúng và thảo luận chúng một cách cởi mở nhằm làm phong phú lẫn nhau. Bằng cách này, trong nhân tính chung được trời ban phúc của chúng ta, chúng ta có thể khám phá ra chìa khóa cho cuộc hành trình của chúng ta trên trái đất này. Thưa anh chị em, chúng ta có chung một nguồn gốc mang lại phẩm giá bình đẳng cho mọi người và có chung một con đường mà chúng ta chỉ có thể đồng hành cùng nhau, khi chúng ta cùng sống dưới một bầu trời bao quanh và chiếu sáng chúng ta.

Thưa anh chị em, việc chúng ta cùng nhau đến đây hôm nay là một dấu hiệu cho thấy niềm hy vọng là có thể. Có thể hy vọng. Trong một thế giới bị chia cắt bởi xung đột và bất hòa, điều này có vẻ không tưởng, tuy nhiên những cam kết vĩ đại nhất lại bị che giấu và gần như không thể nhận ra ngay từ đầu. Trong khi “hương hoa chỉ lan theo hướng gió, hương của người sống theo đức hạnh lan tỏa khắp mọi phương” (x. Kinh Pháp Cú, số 54). Chúng ta hãy làm cho niềm tin này được thăng hoa, để những nỗ lực chung của chúng ta nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không trở nên vô ích. Chúng ta hãy nuôi dưỡng niềm hy vọng. Như một triết gia đã từng nói: “Mọi người đều vĩ đại tương ứng với đối tượng mà mình hy vọng. Một người thật tuyệt vời khi hy vọng vào điều có thể; người khác hy vọng vào cái vĩnh hằng; nhưng người hy vọng vào điều không thể lại là người vĩ đại nhất” (SOREN KIERKEGAARD, Sợ hãi và run rẩy). Xin cho những lời cầu nguyện chúng ta dâng lên trời và tình huynh đệ mà chúng ta trải nghiệm ở đây trên trái đất sẽ gieo rắc những hạt giống hy vọng. Cầu mong chúng là một bằng chứng đơn giản và đáng tin cậy cho tính tôn giáo của chúng ta, cho thấy chúng ta cùng nhau bước đi với đôi mắt ngước lên trời, cho cuộc sống của chúng ta trong thế giới này trong sự hòa hợp – chúng ta đừng bao giờ quên từ “hòa hợp” – như những người hành hương kêu gọi duy trì bầu không khí của một mái nhà được mở cửa cho tất cả mọi người. Cảm ơn anh chị em.
 
Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ tại Sân Vận Động Thảo Nguyên, Ullan Bator, Mông cổ
Vũ Văn An
04:38 03/09/2023
Phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô khi kết thúc Thánh lễ

Sau cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn, Đức Phaxicô đã tới Sân Vận Động Thảo Nuyên của thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, để cử hành Thánh Lễ đại trào duy nhất trong chuyến tông du Mông Cổ từ ngày 31 tháng 8 tới ngày 4 tháng 9 năm 2023. Trong Thánh lễ này, ngài đã ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ như sau;



Với những lời của Thánh Vịnh Đáp Ca, chúng ta đã cầu nguyện: “Lạy Chúa... linh hồn con khao khát Chúa; Xác thịt tôi mòn mỏi vì Chúa như trên đất khô cằn, khô cằn, không có nước” (Tv 63:2). Lời cầu xin tuyệt vời này đồng hành với hành trình cuộc sống của chúng ta, giữa tất cả những sa mạc mà chúng ta được mời gọi vượt qua. Chính tại những sa mạc đó mà chúng ta nghe được tin vui rằng chúng ta không đơn độc trong cuộc hành trình của mình; những lúc khô hạn đó không thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên cằn cỗi mãi mãi; tiếng kêu khát của chúng ta không hề không được lắng nghe. Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến ban cho chúng ta nước hằng sống của Chúa Thánh Thần để thỏa mãn tâm hồn chúng ta (x. Ga 4,10). Chúa Giêsu, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, chỉ cho chúng ta con đường làm dịu cơn khát của chúng ta. Đó là con đường tình yêu mà Chúa đã đi theo cho đến tận thập giá, và trên đó Chúa mời gọi chúng ta đi theo Người, hy sinh mạng sống để tìm được chúng (x. Mt 16,24-25).

Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm về hai điều này: cơn khát trong chúng ta và tình yêu làm dịu đi cơn khát đó.

Đầu tiên, chúng ta được mời gọi thừa nhận cơn khát trong chúng ta. Tác giả Thánh Vịnh kêu lên cùng Thiên Chúa trong sự khô cằn của mình, vì cuộc đời ông đã trở nên như sa mạc. Những lời của ông có âm hưởng đặc biệt ở một vùng đất như Mông Cổ: rộng lớn, giàu lịch sử và văn hóa, nhưng một vùng đất cũng bị đánh dấu bởi sự khô cằn của thảo nguyên và sa mạc. Nhiều người trong số anh chị em biết cả sự hài lòng lẫn sự mệt mỏi của cuộc hành trình, điều này gợi lên một khía cạnh căn bản của linh đạo Kinh thánh được đại diện bởi Ápraham và, theo nghĩa rộng hơn, bởi người dân Israel và thực sự là mọi môn đệ của Chúa. Vì tất cả chúng ta đều là “dân du mục của Thiên Chúa”, những người hành hương tìm kiếm hạnh phúc, những lữ khách khao khát tình yêu. Như thế, sa mạc mà tác giả Thánh Vịnh nói tới chính là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta là mảnh đất khô cằn khát mong nước ngọt, thứ nước có thể làm dịu đi cơn khát sâu thẳm nhất của chúng ta. Tâm hồn chúng ta khao khát khám phá bí mật của niềm vui đích thực, một niềm vui mà ngay cả giữa sự khô cằn hiện sinh, vẫn có thể đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Sâu thẳm trong chúng ta, chúng ta khao khát hạnh phúc vô độ; chúng ta tìm kiếm ý nghĩa và hướng đi trong cuộc sống của mình, một lý do cho tất cả những việc chúng ta làm mỗi ngày. Hơn bất cứ điều gì, chúng ta khao khát tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới thực sự làm chúng ta thỏa mãn, mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn; chỉ có tình yêu mới có thể làm chúng ta hạnh phúc, truyền cảm hứng cho sự đảm bảo bên trong và cho phép chúng ta thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Anh chị em thân mến, đức tin Kitô giáo là câu trả lời cho cơn khát này; nó xem xét nó một cách nghiêm túc, không loại bỏ nó hoặc cố gắng thay thế nó bằng thuốc an thần hoặc chất thay thế. Vì trong cơn khát này ẩn chứa mầu nhiệm cao cả của nhân tính chúng ta: nó mở tâm hồn chúng ta ra với Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa tình yêu, Đấng đến gặp chúng ta và biến chúng ta thành con cái Người, anh chị em của với nhau.

Điều này đưa chúng ta đến điều thứ hai: tình yêu làm dịu cơn khát của chúng ta. Đầu tiên là cơn khát hiện sinh sâu xa của chúng ta, và bây giờ chúng ta suy gẫm về tình yêu làm dịu đi cơn khát của chúng ta. Đây là tâm điểm của đức tin Kitô giáo: Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu, đã đến gần anh chị em, với tôi, với mọi người, trong Chúa Giêsu Con của Người, và muốn chia sẻ cuộc sống, công việc, ước mơ và niềm khao khát hạnh phúc của anh chị em. Đúng là đôi khi chúng ta cảm thấy mình như “đất khô cằn, không có nước”, nhưng cũng đúng là Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta và ban cho chúng ta nước trong lành, sảng khoái, nước hằng sống của Thánh Thần, nguồn suối trong chúng ta để đổi mới chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ hạn hán. Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước đó. Như Thánh Augustinô nói với chúng ta, “…nếu chúng ta nhận ra mình nơi những người khát, chúng ta cũng có thể nhận ra mình nơi những người làm dịu cơn khát đó” (On the Psalms, 63:1). Thật vậy, nếu trong cuộc sống này, chúng ta thường trải qua sa mạc với sự cô đơn, mệt mỏi và trống rỗng, thì chúng ta cũng nên nhớ, như Thánh Augustinô, rằng, “kẻo chúng ta ngất xỉu trong sa mạc này, Thiên Chúa làm tươi mới chúng ta bằng sương móc lời Người… Đúng vậy, Người làm cho chúng ta cảm thấy khát, nhưng rồi lại đến để thỏa mãn cơn khát đó… Thiên Chúa đã thương xót chúng ta; Người đã mở cho chúng ta một con đường trong sa mạc: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Và đó là con đường xuyên qua sa mạc của cuộc đời chúng ta. “Người đã ban cho chúng ta một nguồn an ủi trong sa mạc đó: những người rao giảng lời Người. Người đã ban cho chúng ta nước trong sa mạc đó, bằng cách đổ đầy Chúa Thánh Thần vào những nhà giảng thuyết này, để tạo ra nơi họ một nguồn nước tuôn trào cho sự sống đời đời” (ibid., 1, 6). Các bạn thân mến, những lời này nói với các bạn về lịch sử của chính các bạn. Giữa những sa mạc của cuộc sống và trong những khó khăn liên quan đến việc là một cộng đồng nhỏ bé, Chúa đã đảm bảo để các bạn không thiếu nước lời Người, đặc biệt nhờ các nhà giảng thuyết và các nhà truyền giáo, những người, được Chúa Thánh Thần xức dầu, gieo hạt giống giữa các bạn vẻ đẹp của nó. Lời đó luôn đưa chúng ta trở lại với điều thiết yếu, đến trọng tâm đức tin của chúng ta: để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và từ đó biến cuộc sống của chúng ta thành một lễ vật yêu thương. Vì chỉ có tình yêu mới thực sự làm dịu cơn khát của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên: chỉ có tình yêu mới thực sự làm dịu cơn khát của chúng ta.

Đó chính là những gì Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay. Phêrô không thể chấp nhận sự kiện ày là Chúa Giêsu phải chịu đau khổ, bị các nhà lãnh đạo dân chúng buộc tội, chịu khổ nạn và chết trên thập giá. Phêrô phản ứng, ông phản kháng, ông cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu rằng Người sai, bởi vì, trong tâm trí của Phêrô – và chúng ta cũng thường có cùng một ý tưởng – Đấng Mêxia không thể kết thúc trong thất bại, chết trên thập giá như một tội nhân bị Thiên Chúa bỏ rơi. Sau đó, Chúa quở trách Phêrô vì ông suy nghĩ “như thế gian nghĩ”, chứ không phải như Thiên Chúa nghĩ (x. Mt 16:21-23). Nếu chúng ta nghĩ rằng thành công, quyền lực hay của cải vật chất là đủ để thỏa mãn cơn khát trong cuộc sống thì chúng ta đang suy nghĩ giống như thế gian. Loại tính thế gian đó chẳng dẫn tới đâu cả; quả thực, nó khiến chúng ta khát hơn trước. Ngược lại, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được” (Mt 16:24-25).

Anh chị em thân mến, đây chắc chắn là cách tốt nhất: ôm lấy thập giá của Chúa Kitô. Trọng tâm của Kitô giáo là một thông điệp tuyệt vời và phi thường. Nếu anh chị em đánh mất cuộc sống của mình, nếu anh chị em biến nó thành một món quà hào phóng để phục vụ, nếu anh chị em mạo hiểm nó bằng cách chọn yêu thương, nếu anh chị em biến nó thành một món quà miễn phí cho người khác, thì nó sẽ quay trở lại với anh chị em một cách dồi dào, và anh chị em sẽ bị choáng ngợp bởi niềm vui bất tận, sự bình an trong tâm hồn, sức mạnh và sự hỗ trợ bên trong; và chúng ta cần sự bình an nội tâm.

Đây là sự thật mà Chúa Giêsu muốn chúng ta khám phá, sự thật mà Người muốn mặc khải cho tất cả anh chị em và cho vùng đất Mông Cổ này. Anh chị em không cần phải nổi tiếng, giàu có hay quyền lực để được hạnh phúc. KHÔNG! Chỉ có tình yêu mới làm thỏa mãn cơn khát của trái tim chúng ta, chỉ có tình yêu mới chữa lành vết thương của chúng ta, chỉ có tình yêu mới mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực. Đây là cách Chúa Giêsu đã dạy chúng ta; đây là con đường mà Người đã mở ra trước chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy chú ý đến những gì Chúa đã nói với Phêrô khi đáp lại: “Hãy ra đằng sau Thầy” (Mt 16:23). Nói cách khác, hãy là đệ tử của tôi, bước theo bước chân của tôi và ngừng suy nghĩ như thế gian. Nếu chúng ta làm điều này, chúng ta sẽ có thể, với ân sủng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, hành trình trên con đường tình yêu. Ngay cả khi tình yêu đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình, chống lại các hình thức ích kỷ cá nhân và thế tục, và chấp nhận rủi ro sống một cuộc sống huynh đệ đích thực. Vì đúng là tất cả những điều này đòi hỏi nỗ lực và hy sinh, và đôi khi vác thập giá, nhưng điều đúng hơn nữa là, khi chúng ta mất mạng sống vì Tin Mừng, Chúa sẽ ban lại cho chúng ta một cách dồi dào, trong tình yêu và niềm vui trọn vẹn đến muôn đời.

_______________________________________________________

Phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô khi kết thúc Thánh lễ

Sau Thánh lễ, Đức Phanxicô gửi lời chào tới nhân dân và người Công Giáo Trung Hoa, qua hai đại diện là Đức Hồng Y John Tong và Đức Hồng Y tân cử Stephen Chow, cựu và tân Tổng Giám Mục Hồng Kông; đồng thời ngài nhắc đến linh mục khoa học gia Dòng Tên, cha Teilhard de Chardin, và “Thánh lễ Vũ trụ”, một việc được nhiều người cho là phục hồi vị linh mục “bị hiểu lầm” này. Cuối cùng, ngài cám ơn mọi người, trong đó có Tổng thống và nhân dân Mông Cổ. Chúng tôi xin bổ khuyết vào bài giảng đã đăng:

Tôi muốn nhân cơ hội này, trước sự chứng kiến của hai anh em giám mục – Vị Giám mục hưu trí của Hồng Kông và Giám mục đương nhiệm của Hồng Kông – để gửi lời chào chân thành đến người dân Trung Quốc cao quý. Tôi gửi lời chúc tốt đẹp tới tất cả họ: luôn tiến về phía trước, luôn tiến lên! Và với những người Công Giáo Trung Quốc: Tôi xin các bạn hãy là những Kitô hữu tốt và những công dân tốt. Cảm ơn tất cả các bạn.

Cảm ơn Đức Hồng Y vì những lời tốt đẹp và cảm ơn vì món quà của Đức Hồng Y! Đức Hồng Y nói rằng trong những ngày này, Đức Hồng Y cảm nhận được lòng tôi yêu quý dân Chúa ở Mông Cổ xiết bao. Đúng là như vậy: Tôi bắt đầu cuộc hành hương này với lòng háo hức mong chờ được gặp gỡ tất cả anh chị em và làm quen với anh chị em. Bây giờ tôi cảm ơn Thiên Chúa vì anh chị em, vì qua anh chị em, Người thích sử dụng những gì ít ỏi để đạt được những điều lớn lao. Cảm ơn anh chị em vì anh chị em là những Kitô hữu tốt và những công dân lương thiện. Hãy tiến bước một cách nhẹ nhàng và không sợ hãi, ý thức về sự gần gũi và sự khích lệ của toàn thể Giáo hội, và trên hết là ánh mắt dịu dàng của Chúa, Đấng không quên ai và yêu thương nhìn đến từng đứa con của Người.

Tôi xin chào các anh em giám mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả bạn bè đến đây từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt từ các vùng khác nhau của lục địa châu Á rộng lớn, nơi tôi rất vinh dự được hiện diện. Tôi ôm hôn tất cả các bạn với tình cảm lớn lao. Tôi đặc biệt biết ơn tất cả những người đã hỗ trợ Giáo hội địa phương bằng sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất.

Trong những ngày này, các phái đoàn quan trọng của Chính phủ đều có mặt tại mọi sự kiện. Tôi xin cảm ơn Tổng thống và các nhà chức trách vì sự chào đón và lòng hiếu khách của họ cũng như về tất cả những công việc chuẩn bị đã được thực hiện. Tôi đã cảm nhận được ngay sự thân thiện truyền thống của quí vị; xin cảm ơn!

Tôi cũng xin gửi lời chào nồng nhiệt đến anh chị em thuộc các hệ phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác. Mong sao chúng ta tiếp tục xích lại gần nhau hơn trong tình huynh đệ, như những hạt giống hòa bình trong một thế giới bị tàn phá bi thảm bởi quá nhiều chiến tranh và xung đột.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã làm việc rất chăm chỉ và trong thời gian dài để làm cho Cuộc hành trình của tôi có thể thực hiện được và thành công, cũng như đến tất cả những người đã chuẩn bị cho cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện của họ.

Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã nhắc nhở chúng tôi rằng trong tiếng Mông Cổ, từ “Cám ơn” xuất phát từ động từ “vui mừng”. Câu “Cảm ơn” của tôi hoàn toàn phù hợp với cái nhìn sâu sắc tuyệt vời này về ngôn ngữ địa phương, vì nó tràn đầy niềm vui. Đó là một lời “Cảm ơn” tuyệt vời đối với người dân Mông Cổ, vì món quà tình bạn mà tôi đã nhận được trong những ngày này, vì khả năng thực sự của các bạn trong việc trân trọng ngay cả những khía cạnh đơn giản nhất của cuộc sống, để gìn giữ một cách khôn ngoan các mối quan hệ và truyền thống cũng như trau dồi cuộc sống hàng ngày với sự quan tâm và chăm sóc.

Thánh lễ tự nó là một cách tạ ơn: “Thánh lễ tạ ơn”. Khi cử hành Thánh lễ tại vùng đất này, tôi nhớ đến lời cầu nguyện mà Cha Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin đã dâng lên Thiên Chúa đúng một trăm năm trước, trong sa mạc Ordos, cách đây không xa. Ngài cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa của con, con phủ phục trước sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ mà giờ đây đã trở thành ngọn lửa sống: bên dưới nét mặt của tất cả những ai con sẽ gặp ngày nay, tất cả những gì xảy ra với con, tất cả những gì con đạt được, chính là Chúa con khao khát, chính là Chúa con chờ đợi”. Cha Teilhard de Chardin tham gia nghiên cứu địa chất. Ngài tha thiết muốn cử hành Thánh Lễ, nhưng lại thiếu bánh và rượu. Vì vậy, ngài đã sáng tác “Thánh lễ trên thế giới”, bày tỏ sự dâng hiến của mình bằng những lời này: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy bánh bao trùm này, mà toàn thể tạo vật của Chúa, được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn của Chúa, dâng lên Chúa vào buổi bình minh của ngày mới này”. Một lời cầu nguyện tương tự đã hình thành trong ngài khi ngài làm người khiêng cáng ở tiền tuyến trong Thế chiến thứ nhất. Vị linh mục này, thường bị hiểu lầm, đã trực giác được rằng “Bí tích Thánh Thể luôn được cử hành một cách nào đó trên bàn thờ thế giới” và là “trung tâm sống động của vũ trụ, cốt lõi tràn ngập tình yêu và sự sống vô tận” (Laudato Sì, 236 ), ngay cả trong thời đại như thời đại của chúng ta, được đánh dấu bằng xung đột và chiến tranh. Vậy thì, hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện theo lời của Cha Teilhard de Chardin: “Lời rạng ngời, Quyền năng rực sáng, Chúa, Đấng đã nhào nặn nên sự đa dạng để thổi sự sống vào đó, con cầu xin Chúa, hãy đặt trên chúng con đôi bàn tay Chúa – quyền năng, ân cần, có mặt khắp nơi”.

Anh chị em Mông Cổ thân mến, cảm ơn vì chứng tá của anh chị em. Bayarlalaa! [Cảm ơn!]. Xin Chúa ban phước lành cho anh chị em. Anh chị em ở trong trái tim tôi, và trong trái tim tôi anh chị em sẽ ở lại mãi. Xin hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện và trong suy nghĩ của anhchị em. Cảm ơn anh chị em.
 
Người Công Giáo từ Trung Quốc đại lục và khắp châu Á đến Mông Cổ tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô
Vũ Văn An
14:58 03/09/2023

Courtney Mares và Rachel Thomas của hãng tin CNA, từ Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 3 tháng 9 năm, tường trình rằng, người Công Giáo từ khắp châu Á đã tới Mông Cổ để tham dự Thánh lễ giáo hoàng đầu tiên với Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật.

“Đối với người dân ở Châu Á… chúng tôi không có nhiều cơ hội được gặp riêng Đức Thánh Cha, vì vậy đối với nhiều người trong chúng tôi, đối với hầu hết chúng tôi, đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời và nó giống như một giấc mơ trở thành hiện thực cho nhiều người châu Á,” Hee Jung Choi từ Seoul nói với CNA tại Thánh lễ ngày 3 tháng 9.

Trong khi các Thánh lễ giáo hoàng trong các chuyến tông du quốc tế khác của Đức Thánh Cha có thể thu hút hàng trăm ngàn người, Thánh lễ ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ chỉ có khoảng 2,000 người tham dự – tạo cơ hội hiếm có để những người tham dự được đích thân gặp Đức Thánh Cha.

Cha Huỳnh Thế Vinh thuộc giáo phận Phú Cường, người Việt, cho biết: “Chúng tôi đến Mông Cổ để thỉnh cầu Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam”.

Cha Huỳnh là một trong 90 người Công Giáo Việt Nam đến Mông Cổ để gặp Đức Thánh Cha, cùng với bảy giám mục trong nước. Hàn Quốc đã cử một phái đoàn gồm hơn 300 người Công Giáo đến tham dự.

Theo Vatican, người Công Giáo từ Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Nga, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Azerbaijan đã tham dự Thánh lễ tại nhà thi đấu thể thao.



Trong đám đông có những người Công Giáo đến từ Trung Quốc đại lục, bao gồm cả những người Công Giáo hầm trú, những người đã mạo hiểm bị chính phủ trừng phạt để tham dự Thánh lễ cùng với Đức Thánh Cha. Vào cuối Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi Đức Hồng Y tân cử Stephen Chow, giám mục Hồng Kông, và Đức Hồng Y John Tong Hon, giám mục danh dự Hồng Kông, đến bên cạnh ngài khi ngài chia sẻ một thông điệp đặc biệt dành cho người Công Giáo Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài muốn “gửi lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung Quốc cao quý”.

“Gửi tới tất cả mọi người, tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất và tiến về phía trước, luôn tiến bộ. Tôi yêu cầu người Công Giáo Trung Quốc hãy trở thành những Kitô hữu tốt và những công dân tốt”, ngài nói thêm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến Steppe Arena trong tiếng reo hò nhiệt tình của nhiều tiếng “Viva Papa” khi ngài đi vòng quanh vận động trường trên một chiếc xe golf nhỏ, dừng lại để hôn và bắt tay các em bé.



Trong bài giảng, ngài suy niệm về những lời của Thánh vịnh 63, “linh hồn tôi khao khát Chúa” - những lời, theo ngài, đi cùng “cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc sống, giữa tất cả những sa mạc mà chúng ta được mời gọi vượt qua”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng những lời của tác giả Thánh Vịnh, người than thở về cơn khát của tâm hồn mình như thể đang ở một “mảnh đất khô cằn và mệt mỏi”, có “sự vang vọng đặc biệt ở một vùng đất như Mông Cổ: rộng lớn, giàu có về lịch sử và văn hóa, nhưng cũng được đánh dấu bởi sự khô cằn của thảo nguyên và sa mạc.”

Sa mạc Gobi, lớn thứ sáu trên thế giới, trải dài trên một phần ba phía dưới của Mông Cổ. Nó có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt với nhiệt độ có thể dao động từ 113°F đến -40°F.

Phát biểu tại một nơi có truyền thống du mục, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tất cả chúng ta đều là ‘những người du mục của Thiên Chúa, những người hành hương tìm kiếm hạnh phúc, những người lữ hành khao khát tình yêu. Sa mạc mà tác giả Thánh Vịnh nói tới chính là cuộc sống của chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói: “Nhiều người trong số các bạn biết cả sự hài lòng lẫn sự mệt mỏi của cuộc hành trình, điều này gợi lên một khía cạnh cơ bản của tâm linh Kinh thánh được đại diện bởi Ápraham và, theo nghĩa rộng hơn, bởi người dân Israel và thực sự là mọi môn đệ của Chúa”.

Trong nửa thế kỷ qua, có tới một phần ba người dân Mông Cổ đã rời bỏ vùng nông thôn, nơi họ sống như những người chăn nuôi du mục, để đến sống ở thủ đô Ulan Bator. Với khoảng 3.3 triệu người, Mông Cổ vẫn là một trong những quốc gia có dân số thưa thớt nhất thế giới.

Ở một đất nước quá quen với những khó khăn của những chuyến hành trình dài, Đức Thánh Cha nói với đám đông rằng đức tin Kitô giáo là “câu trả lời cho cơn khát của chúng ta”. Ngài nói: “Chúng ta khao khát tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới có thể thực sự thỏa mãn chúng ta, mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn, truyền cảm hứng cho sự đảm bảo bên trong và cho phép chúng ta thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống”.

“Anh chị em thân mến, đức tin Kitô giáo là câu trả lời cho cơn khát này; nó xem xét nó một cách nghiêm túc, không loại bỏ nó hoặc cố gắng thay thế nó bằng thuốc an thần hoặc chất thay thế. Vì trong cơn khát này ẩn chứa mầu nhiệm cao cả của nhân tính chúng ta: Nó mở rộng tâm hồn chúng ta ra với Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa tình yêu, Đấng đến gặp chúng ta và biến chúng ta thành con cái, anh chị em của Người với nhau.”

Trích dẫn “Về các Thánh Vịnh” của Thánh Augustinô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “‘Để chúng ta không bị ngất xỉu trong sa mạc này, Thiên Chúa làm tươi mới chúng ta bằng sương mai của lời Ngài… Đúng vậy, Ngài làm cho chúng ta cảm thấy khát, nhưng sau đó lại đến để làm thỏa mãn cơn khát đó… Thiên Chúa đã thương xót chúng ta; Người đã mở cho chúng ta một con đường trong sa mạc: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

“Chúa đã ban cho chúng ta một nguồn an ủi trong sa mạc đó: những người rao giảng Lời Chúa. Người đã cung cấp nước cho chúng ta trong sa mạc đó, bằng cách đổ đầy nước vào đó những nhà giảng thuyết với Chúa Thánh Thần, để tạo nên nơi họ một nguồn nước tuôn trào cho sự sống đời đời.”

Người Công Giáo cầu nguyện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Nga trong phần lời nguyện giáo dân sau bài giảng của Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y Giorgio Marengo, phủ doãn tông tòa của Ulan Bator và là vị Hồng Y trẻ nhất thế giới, đã chủ tế Thánh lễ.

“Trọng tâm của Kitô giáo là một thông điệp tuyệt vời và phi thường. Nếu bạn đánh mất mạng sống của mình, nếu bạn biến nó thành một món quà hào phóng, nếu bạn mạo hiểm nó bằng cách chọn yêu thương, nếu bạn biến nó thành một món quà miễn phí cho người khác, thì nó sẽ quay trở lại với bạn một cách dồi dào, và bạn sẽ tràn ngập niềm vui bất tận, sự bình an trong tâm hồn, sức mạnh và sự hỗ trợ nội tâm,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ngài nói: “Khi chúng ta mất mạng sống vì Tin Mừng, Chúa sẽ trả lại chúng cho chúng ta một cách dồi dào, trong tình yêu trọn vẹn và niềm vui đến muôn đời”.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người Công Giáo Trung Quốc trở thành người ‘công dân tốt’
Thanh Quảng sdb
16:44 03/09/2023

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người Công Giáo Trung Quốc trở thành người ‘công dân tốt’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào thăm nhân dân Trung Quốc khi ngài kết thúc Thánh lễ tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ và mời gọi người Công Giáo Trung Quốc trở thành những “Kitô hữu tốt và công dân tốt”.
(Tin Vatican - Devin Watkins)

Khi kết thúc Thánh lễ hôm Chúa nhật tại Nhà hát Hun ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một chút thời gian để mời hai giám mục Trung Quốc lên đứng cùng ngài tại bàn thờ.

Đức Thánh Cha chào đón Đức Hồng Y John Tong Hon, giám mục danh dự của Hồng Kông, và Đức Hồng Y tân cử Stephen Chow Sau-yan, SJ, giám mục Hồng Kông.

Khi giơ tay lên, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào đến “những người con yêu quý của Trung Quốc” và chúc “tất cả mọi người những điều tốt đẹp nhất”.

ĐTC khuyến khích người dân Trung Quốc “phấn đấu tiến về phía trước, luôn tiến lên”.

Hướng về các tín hữu Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi người Công Giáo Trung Quốc “trở thành những Kitô hữu tốt và những công dân tốt”.

“Đây là hai anh em giám mục, nguyên giám mục của Hồng Kông và giám mục đương nhiệm của Hồng Kông. Tôi muốn qua sự hiện diện của họ nơi đây để gửi lời chào nồng nhiệt đến những người dân cao quý của Trung Quốc. Tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người. Hãy phấn đấu tiến lên phía trước, luôn tiến bộ. Và tôi mời gọi những người Công Giáo Trung Quốc hãy trở thành những Kitô hữu tốt và những công dân tốt... Cảm ơn các bạn”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nắm tay Đức Hồng Y và Đức Hồng Y đắc cử

Trước đó vào Chúa nhật, ngài đã tham gia một cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với các nhà lãnh đạo tôn giáo của Mông Cổ.

Thánh lễ Chúa nhật là sự kiện cuối cùng trong ngày, và Đức Thánh Cha trở lại Rôma vào thứ Hai sau cuộc gặp gỡ với một số đại diện của các công cuộc từ thiện của Giáo hội địa phương đang phục vụ người dân Mông Cổ.
 
Hãng tin AFP: Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh cáo Mông Cổ về nguy cơ tham nhũng, hủy hoại môi trường
Vũ Văn An
17:20 03/09/2023

Theo tường trình của hãng tin AFP (Agence France-Press),

• Đức Phanxicô nói rằng truyền thống sống hòa hợp với thiên nhiên và các tạo vật của nó ‘có thể đóng góp đáng kể’ cho những nỗ lực bảo vệ Trái đất

• Hàng loạt người hành hương từ các quốc gia châu Á khác đang đến Mông Cổ để có cơ hội được nhìn thoáng qua Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tới quốc gia này

Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tôn vinh nền văn hóa phong phú và cổ xưa của Mông Cổ vào thứ Bảy trong chuyến thăm đầu tiên của ngài tới đất nước này, đồng thời cảnh cáo nền dân chủ non trẻ về những rủi ro từ tham nhũng và hủy hoại môi trường.

Vị tu sĩ Dòng Tên 86 tuổi đã được chào đón vào buổi sáng với nghi thức chào đón chính thức với đội quân danh dự.

Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, mặc áo dài truyền thống “deel”, bước xuống một dãy cầu thang dài trải thảm đỏ trước bức tượng đồng khổng lồ của Thành Cát Tư Hãn để chào đón Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tôn giáo có thể “là một biện pháp bảo vệ chống lại mối đe dọa tham nhũng ngấm ngầm”, trong bài phát biểu tại Cung điện Nhà nước ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, hôm thứ Bảy. Ảnh: AFP


Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã phát biểu trước các quan chức Mông Cổ bao gồm cả tổng thống bên trong Cung điện Nhà nước.

Ca ngợi “các chủ trang trại và chủ đồn điền tôn trọng sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái” của đất nước, ngài cho biết truyền thống sống hòa hợp với thiên nhiên và các tạo vật của nó “có thể đóng góp đáng kể vào những nỗ lực cấp bách và không thể trì hoãn để bảo vệ và bảo tồn hành tinh Trái đất”.

Ngài cũng cảnh cáo rằng tham nhũng là “kết quả của tâm lý vị lợi và vô lương tâm đã làm nghèo cả nước”.

Ngài nói: “Các tôn giáo có thể đại diện cho một biện pháp bảo vệ chống lại mối đe dọa tham nhũng ngấm ngầm, vốn đại diện hữu hiệu cho mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của bất cứ cộng đồng nhân loại nào”.

Mông Cổ đã bị tàn phá bởi tham nhũng và suy thoái môi trường trong những năm gần đây, với thủ đô của nước này phải chịu một số chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới và vụ tai tiếng tham ô làm dấy lên các cuộc biểu tình vào năm ngoái.

Mọi người tụ tập trước buổi lễ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tại Quảng trường Sukhbaatar ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, vào thứ Bảy. Ảnh: Reuters


Dự kiến sự xuất hiện của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Sukhbaatar rộng lớn, được đặt theo tên một anh hùng cách mạng Mông Cổ, là những đoàn người hành hương đã mạo hiểm từ các quốc gia châu Á khác để có cơ hội được nhìn thoáng qua nhà lãnh đạo của 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới.

Ở hàng ghế đầu phía sau hàng rào cảnh sát là Galina Krutilina, 62 tuổi, người đã đi từ Moscow cùng một người bạn để gặp Đức Thánh Cha và thăm nước láng giềng của Nga.

“Chúng tôi đến đây một giờ trước bằng tàu hỏa,” Cơ đốc giáo Chính thống Nga nói bằng tiếng Anh ngập ngừng, đeo một cây thánh giá vàng quanh cổ.

“Chúng tôi ở đây vì trên đỉnh núi có Chúa. Nhưng có nhiều con đường dẫn tới đỉnh cao.”

Một nhóm thanh niên Công Giáo Mông Cổ đứng đằng sau dàn truyền thông quốc tế, hét lên “Viva il Papa!”

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đi dọc theo các bậc thang trải thảm đỏ để chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi lễ chào mừng giáo hoàng tại Quảng trường Sukhbaatar ở Ulaanbaatar hôm thứ Bảy. Ảnh: AFP


Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang lại sự khích lệ cho người Công Giáo Mông Cổ, một nhóm có khoảng 1,400 người – trong đó chỉ có 25 linh mục và 33 nữ tu.

Đồng thời, ngài được kỳ vọng sẽ khuyến khích nền dân chủ non trẻ giữ vững lý tưởng của mình ngay cả khi nó bị kẹp giữa hai cường quốc độc tài to lớn.

Đức Phanxicô đến vào sáng thứ Sáu, được chào đón bởi một hàng vệ binh danh dự mặc trang phục màu xanh, đỏ và vàng truyền thống, và tiến đến nhà của Đức Giám Mục Giorgio Marengo, vị Hồng Y trẻ nhất của Giáo hội, để nghỉ ngơi một ngày.

Dọc đường, trẻ em vẫy cờ Mông Cổ và cờ Vatican trong khi hát những bài hát về “Hạnh phúc Mông Cổ”.

Chuyến đi – chuyến đi thứ 43 của Đức Phanxicô kể từ khi lên ngôi giáo hoàng vào năm 2013 – được coi là một động thái ngoại giao khôn ngoan đưa ngài đến trước cửa Bắc Kinh và Moscow, với hy vọng cải thiện mối quan hệ băng giá với mỗi bên.

Cả hai chính phủ đều không đưa ra lời mời Giáo hoàng đến thăm đất nước của họ.

Tòa Thánh năm ngoái đã gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc, cho phép cả hai bên có tiếng nói trong việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, một động thái mà các nhà phê bình gọi là sự nhượng bộ nguy hiểm của Vatican đối với Bắc Kinh để đổi lấy sự hiện diện ở nước này.

Đảng Cộng sản Bắc Kinh chính thức là người vô thần và thực hiện kiểm soát chặt chẽ tất cả các tổ chức tôn giáo được công nhận, bao gồm cả việc kiểm tra các bài giảng và lựa chọn giám mục.

Du khách Trung Quốc chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ chào mừng tại Quảng trường Sukhbaatar ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, vào thứ Bảy. Ảnh: AP


Một số du khách Trung Quốc đã đến Mông Cổ trong chuyến đi, một người nói với AFP rằng họ đến “đặc biệt để gặp Đức Giáo Hoàng”.

Vị khách nói: “Đối với chúng tôi, nếu chúng tôi nhìn thấy ngài, về cơ bản nó sẽ giống như nhìn thấy Chúa Giêsu”.

“Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được ở đây, có rất nhiều người Công Giáo ở Trung Quốc muốn đến nhưng họ không thể đến được. Vì thế chúng tôi cảm thấy khá may mắn.”

Chuyến đi trong ngày cũng là một bài kiểm tra sức chịu đựng của Đức Thánh Cha, người đã trải qua ca phẫu thuật sa ruột vào tháng 6 và cơn đau đầu gối liên tục khiến ngài phải ngồi xe lăn.

Vào Chúa Nhật, Đức Thánh Cha sẽ chủ trì một cuộc gặp gỡ liên tôn dành cho tất cả các tín ngưỡng và cử hành thánh lễ bên trong một đấu trường khúc côn cầu trên băng mới được xây dựng, nơi những người hành hương từ các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Kazakhstan dự kiến sẽ tham dự.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ sinh nhật Đức Mẹ trên Đồi Ta’ Pinu, Melbourne do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP. Melbourne tổ chức Năm 2023.
Trần Văn Minh
05:27 03/09/2023
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Ngày 2/9/2023. Trong một ngày đầu Xuân Melbourne, nhưng thời tiết rất tốt lành, trời nắng trong xanh, ngoài một chút gió nhẹ, rất nhẹ, Đông vừa qua, nên cái lạnh vẫn còn se se. Mọi thành phần dân Chúa trong các cộng đoàn Công Giáo khắp nơi trong Tổng Giáo Phận Melbourne theo các đoàn xe đổ về Đồi Ta’ Pinu Vùng Bacchus Marsh để cùng nhau hành hương mừng kính Lễ Sinh Nhật Đức Maria thật trọng thể.

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Vincent Phạm Văn Long CSsR chủ tế, cùng với quý cha trong cộng đồng gồm Cha GB. Đặng Nhật Trường CSsR, cha Giuse Lăng Kinh Luân CS, và Giuse Ngô Văn Lăng CMF đồng tế. Ca đoàn Tin Yêu Legio phụ trách phụng vụ thánh ca giúp cho buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng.
Âm thanh do chị Thúy và gia đình phụ trách. Âm thanh rước kiệu anh Nguyễn Văn Thân và một anh phụ trách. Ẩm thực do ông bà Thi Liên và các đội Legio phụ trách.

Khác với mọi năm, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ trên đồi trước do một nhóm vận động tổ chức. Năm nay do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne đứng ra tổ chức, để thống nhất các đoàn thể về chung cùng cộng đồng. Do đó, quý vị trong ban điều hành gồm có: anh Phêrô Dương Hoàng Hiệp, Maria Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giuse Nguyễn Đoàn Toàn Thi kết hợp phụ trách.

Trước thánh lễ, anh Giuse Nguyễn Đoàn Toàn Thi đã lên chào mừng quý Cha và cộng đoàn đã về tham dự thánh lễ tạ ơn và mừng Sinh Nhật của Đức Mẹ. Trước khi Ca đoàn Tin Yêu của Legio cất lên tiếng hát của bài ca nhập lễ, rước đoàn đồng tế lên gian cung thánh cử hành thánh lễ tạ ơn.

Mặc dù các cộng đoàn có những thánh lễ quan trọng, nhưng với những cộng đoàn còn lại đã đến hành hương nơi đồi Thánh Mẫu rất đông, ngồi trong nhà thờ chật kín các hàng ghế. ngoài sân trong cơn nắng vàng nhẹ nhàng mùa Xuân, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người kê thêm ghế để ngồi cùng dâng lễ nhờ chung quanh nhà thờ với những cửa chỉ cần cuốn lên là thông thoáng trong ngoài.

Thánh lễ kết thúc, cộng đồng như thường lệ, mỗi khi vào những dịp lễ về bên nhà nguyện Mẹ đều có cuộc rước kiệu từ trên nhà thờ đi xuống đền Đức Mẹ, qua một con dốc với những vùng đất sỏi đá đỏ. Năm nay, đã thêm nhiều sắc dân đã đến xây thêm đền để tôn kính Đức Mẹ là bổn mạng của sắc dân họ, con đường nhờ đó cũng đã được sửa sang tươm tất, dễ đi hơn.

Đoàn rước đi rất dài, mỗi người được phát cho một cây cớ nhỏ, biểu tượng cờ hội thánh, hay cờ Đức Mẹ, thêm các tà áo dài xanh của quý chi hội viên Legio nhẹ nhàng bay bay trong gió theo kiệu Đức Mẹ với hoa, đèn thật đẹp từ trên đồi đi xuống trông mới đẹp làm sao.

Khi kiệu đến đền Thánh Mẫu La Vang, kiệu Mẹ được an vị ngay chính điện và Linh mục Giuse Lăng Kinh Luân CS. Thay mặt cộng đoàn có những lời tâm tình của đoàn con thảo dâng lên Mẹ, xin Mẹ cầu cùng Chúa ban ơn bình an cho tất cả mọi người trên thế giới, sống trong tình thương yêu nhau. Mọi người cất cao lời hát Kinh Hòa Bình trước khi ra về.

Trời đã trưa, ban tổ chức đã gửi đến mỗi người một phần ăn tay cầm, trái cây và nước uống trước khi vui vẻ chia tay nhau ra về, và chúc nhau ra về an toàn lái xe trở về nhà đường xa từ 40 km đến cả trăm km và không quên hẹn gặp lại nhau vào dịp lễ kỳ tới.

 
Church Documents
Phương Thảo - News 04/09/2023
VietCatholic Media
20:23 03/09/2023
1. Quân Nga toàn bị những cú bất ngờ, sĩ diện nên đưa ra lệnh rút lui quá trễ. Chỉ huy Nga báo động về khả năng thảm bại.

Alexander Khodakovsky, chỉ huy quân Vostok của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, đã lên tiếng chê bai các dự đoán của Bộ Tổng Tham Mưu Nga lãnh đạo bởi Valery Gerasimov.

Ông than thở với kênh Rybar của Nga “Giao tranh ác liệt đã diễn ra tại Urozhaine từ ngày 6 Tháng Tám và chúng tôi đã biết ngay từ đầu là không thể giữ nổi trước áp lực của đối phương [tức là quân Ukraine]. Nhưng không ai cho chúng tôi rút lui và tôi đã cảnh cáo là chỉ có một con đường rút là T0518. Đến ngày 15 Tháng Tám, mới có lệnh rút. Chúng tôi chạy trước thoát được một phần, không phải là toàn bộ. Anh em lính Dù chạy sau, để che chắn cho chúng tôi, không được may mắn như thế.”

Khodakovsky tuyên bố rằng sau khi Urozhaine thất thủ, quân Vostok của ông ta rút lui về hướng Staromlynivka. Tuy nhiên, Lữ Đoàn 35 Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã tấn công về phía đông, hướng tới làng Kermenchyk thay vì hướng nam tới làng Staromlynivka, như dự báo.

Các nguồn tin của Nga cũng cho rằng Ukraine đã bắt đầu tấn công Zavitne Bazhannia, một thị trấn nằm giữa Urozhaine và Staromlynivka, vào ngày 17 tháng 8, nhưng những cuộc tấn công này chỉ là các cuộc tấn công nghi binh hay thăm dò. Vào ngày 23 tháng 8, Khodakovsky tuyên bố rằng đã có một cuộc tấn công thăm dò của Ukraine vào làng Novodonetske và giao tranh tái diễn ở Pryiutne.

Vào ngày 30 tháng 8, các nguồn tin của Nga cho biết lực lượng Ukraine đã tiến về phía Volodyne, cách Pryiutne 6 km về phía đông nam và cách Urozhaine 7 km về phía tây nam.

Hôm Chúa Nhật 3 tháng 9, Khodakovsky cho biết Remivka bị tấn công dữ dội bằng pháo binh. Ông ta than thở rằng, quân Nga thiếu hai điều nguy hiểm. Thứ nhất, là khả năng dự đoán ý định của đối phương mặc dù có trong tay các phương tiện tác chiến điện tử vượt xa khả năng của quân Ukraine. Thứ hai, Nga đang thiếu khả năng phản pháo. Trước đó, Khodakovsky phàn nàn rằng có ngày không đánh một trận nào cũng có hàng chục tử sĩ vì pháo binh Ukraine. “Khả năng phản pháo không có vì tầm bắn của pháo binh chúng ta ngắn quá”. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho rằng quân Ukraine đã đạt được “tình trạng ngang bằng” về pháo binh với quân Nga. Số đạn pháo quân Nga bắn ra mỗi ngày gấp 5 lần quân Ukraine. Tuy nhiên, trong khi pháo binh Nga có tầm bắn trung bình là 24 km thì vũ khí cung cấp cho Ukraine có thể bắn từ 30 đến 40 km. “Điều này giúp có thể phá hủy hoặc làm hỏng súng của đối phương, cũng như di chuyển pháo binh của đối phương từ tiền tuyến vào sâu và ngăn chặn các nỗ lực phản pháo chống lại pháo binh của chúng ta và ảnh hưởng đến bộ binh của chúng ta”.

Tình hình của quân Nga tại thành phố Bakhmut cũng khá bi quan. Hôm Chúa Nhật 3 tháng 9, các nguồn tin của Nga cho biết lực lượng Ukraine đã tấn công các làng Zaliznyanske và Rozdolivka, và đã chiếm được phần phía nam của Klishchiivka.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 4 tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga đang có những cuộc chuyển quân rất lớn. Quân đoàn Tổng hợp 41 được chuyển từ Svatove–Kreminna sang chiến trường miền Nam chỉ mới được một tuần đã được thay thế bằng Quân đoàn 25 mới được phục hồi. Vẫn chưa rõ là việc thay quân liên tục như thế là vì ý đồ chiến thuật hay đơn giản là vì tổn thất quá nặng.

Vào ngày 1 tháng 9, Thiếu Tướng John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, nói rằng “trong khoảng 72 giờ qua đã ghi nhận một số tiến bộ đáng chú ý của lực lượng vũ trang Ukraine... trong tuyến tiến công phía nam ra khỏi khu vực Zaporizhzhia... Họ đã đạt được một số thành công trước tuyến phòng thủ thứ hai của Nga”. Trong khi Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar xác nhận rằng ở “một số khu vực nhất định”, lực lượng Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên ở khu vực Zaporizhzhia.

2. Ukraine thay Bộ trưởng Quốc phòng trong bối cảnh phản công

Hai ký giả Gabriel Gavin và Paul Mcleary của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Ukraine to replace defense minister amid counteroffensive”, nghĩa là “Ukraine thay Bộ trưởng Quốc phòng trong bối cảnh phản công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy tuyên bố vào cuối Chúa Nhật rằng ông sẽ thay thế bộ trưởng quốc phòng nước này, ngay cả khi cuộc phản công của Kyiv dường như đang có được chỗ đứng khi quân đội của họ tiến vào lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Sự ra đi của Oleksiy Reznikov với tư cách là bộ trưởng quốc phòng đánh dấu sự thay đổi cao cấp nhất trong vòng trong của Zelenskiyy kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022. Nó xảy ra khi chính phủ Ukraine đang tăng cường nỗ lực giải quyết mạnh mẽ các cáo buộc tham nhũng liên quan đến các quan chức quân đội.

Trong một diễn từ video tối Chúa Nhật, nhà lãnh đạo Ukraine thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov sẽ được thay thế bởi Rustem Umerov, nhà lãnh đạo Quỹ Tài sản Nhà nước của Ukraine.

“Reznikov đã trải qua hơn 550 ngày chiến tranh toàn diện,” Zelenskiyy nói. “Tôi tin rằng Bộ hiện cần những đường lối mới và các hình thức tương tác khác với cả quân đội và xã hội nói chung.”

Đã có tin đồn trong nhiều tuần rằng ngày ra đi của Rezniko đã cận kề. Danh tiếng của ông đã bị ảnh hưởng nặng nề vào đầu năm nay do một số vụ bê bối thời chiến ở Bộ Quốc phòng, trong đó các quan chức bị cáo buộc trục lợi. Mặc dù Reznikov chưa bao giờ bị liên lụy nhưng những tiết lộ này là một vết nhơ không chỉ đối với chức vụ của ông mà còn đối với cá nhân ông.

Zelenskiyy kêu gọi quốc hội nước này phê chuẩn quyết định càng sớm càng tốt.

Reznikov là một trong những gương mặt lãnh đạo quân sự nổi bật nhất của Ukraine kể từ khi Nga xâm lược, và đã đi khắp Âu Châu để tham dự các cuộc họp của NATO và thuyết trình với các đối tác về việc cung cấp thêm vũ khí cũng như chuyển giao các cam kết viện trợ nhanh hơn.

Việc ngồi vào bàn thảo luận của NATO trong 18 tháng qua đã giúp ông có cơ hội tiếp xúc gần gũi với các lãnh đạo quốc phòng trong liên minh NATO, đặc biệt là với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Hai người thường xuyên nói chuyện qua điện thoại và trò chuyện trực tiếp tại các cuộc họp hàng tháng của Nhóm Liên hệ Quốc phòng Ukraine, nơi liên minh gồm 50 quốc gia quyết định loại vũ khí mới nào sẽ gửi tới Kyiv.

Cuộc họp tiếp theo của nhóm có thể sẽ diễn ra vào giữa tháng 9 và tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của quốc hội Ukraine, đây có thể là lần đầu tiên Umerov tham gia cuộc họp cao cấp với các bộ trưởng quốc phòng.

Theo một người quen thuộc với kế hoạch, Reznikov dự kiến bay tới Mỹ vào đầu tháng này để gặp Austin tại Ngũ Giác Đài, sau đó là gặp gỡ những nhà lãnh đạo các nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ để thảo luận về việc mua và giao thiết bị mới..

Quyết định của Zelenskiyy được đưa ra khi cuộc phản công của Ukraine cuối cùng dường như đã đạt được tiến triển sau nhiều tuần tiến triển chậm chạp.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm thứ Sáu cho biết Washington đã nhận thấy những dấu hiệu cho thấy cuộc phản công đang tăng tốc. Theo Kirby, các quan chức đã “ghi nhận trong khoảng 72 giờ qua một số tiến bộ đáng chú ý của lực lượng vũ trang Ukraine”, đặc biệt là dọc theo mặt trận phía nam trong khu vực xung quanh Zaporizhzhia.

Một tướng hàng đầu của Ukraine hôm thứ Bảy cho biết lực lượng của Kyiv đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga gần Zaporizhzhia. Quân đội Ukraine đang củng cố quyền kiểm soát của họ trên lãnh thổ đã được cải tạo trong các cuộc giao tranh gần đây và dự kiến sẽ đạt được những tiến bộ nhanh hơn khi họ tấn công vào tuyến phòng thủ thứ hai yếu hơn, Chuẩn Tướng Oleksandr Tarnavskiy nói với Guardian trong một cuộc phỏng vấn.
 
VietCatholic TV
Cuộc tấn công táo bạo vào cầu Crimea 3,8 triệu USD của Putin. Tư lệnh Nga thở dài: Thua chắc rồi
VietCatholic Media
03:04 03/09/2023


1. Bầu khí lạc quan đang lan tràn tại Ukraine sau các chiến công gần đây

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cuộc phản công của Kyiv đang “tiến về phía trước” sau khi đạt được một số thành tích trong chiến dịch giành lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

“Các lực lượng Ukraine đang tiến về phía trước. Bất chấp mọi thứ và bất kể ai nói gì, chúng ta vẫn đang tiến lên và đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta đang tiến lên,” Zelenksy nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Bẩy 2 tháng 9.

Trong tuần này, lực lượng của Kyiv mô tả việc chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở phía nam. Thứ trưởng Hanna Maliar cũng nhấn mạnh rằng người Ukraine đã đạt được tình trạng “ngang bằng” với người Nga về pháo binh. Nga bắn một số lượng đạn pháo gấp 5 lần Ukraine. Tuy nhiên, người Ukraine đang được hưởng lợi từ tầm bắn xa hơn của pháo binh dã chiến do các nước NATO cung cấp.

Thứ trưởng Hanna Maliar nói rằng trong khi pháo binh Nga có tầm bắn trung bình là 24 km thì vũ khí cung cấp cho Ukraine có thể bắn từ 30 đến 40 km. “Điều này giúp có thể phá hủy hoặc làm hỏng súng của đối phương, cũng như di chuyển pháo binh của đối phương từ tiền tuyến vào sâu và ngăn chặn các nỗ lực phản pháo chống lại pháo binh của chúng ta và ảnh hưởng đến bộ binh của chúng ta”.

Trong bản cập nhật mới nhất, quân Nga mất tinh thần tháo chạy chỉ 24 giờ mất 12 xe tăng, 24 xe thiết giáp, và 30 hệ thống pháo.

Các blogger quân sự Nga cho biết viên chỉ huy Alexander Khodakovsky của lực lượng Vostok của Cộng hòa Nhân dân Donetsk đã cảnh báo về việc Nga thiếu “khả năng phản pháo” khi quân đội của ông ra sức bảo vệ các khu vực gần Novomaiorske, một thị trấn nhỏ ở khu vực Donetsk phía đông nam Ukraine.

Khodakovsky phàn nàn rằng có ngày không đánh một trận nào cũng có hàng chục tử sĩ vì pháo binh Ukraine. “Khả năng phản pháo không có vì tầm bắn của pháo binh chúng ta ngắn quá,” ông than thở.

Tuyên bố của Zelenskiy lặp lại những gì Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói với Christiane Amanpour của CNN hôm thứ Sáu. Kuleba cho biết các đối tác của Ukraine, bao gồm cả Hoa Kỳ, “hiểu rằng mọi thứ đang đi đúng hướng” và không có “sự chậm lại” trong tiến trình.

Ông nói thêm rằng những người chỉ trích tốc độ phản công nên quan tâm nhiều hơn đến những người lính trong cuộc phản công.

“Cảm giác thế nào khi bạn trở về từ nhiệm vụ của mình và lấy lại điện thoại, mở nó ra và bắt đầu đọc tất cả những người thông minh nói rằng bạn chậm chạp như thế nào và rằng bạn làm chưa đủ tốt?” Kuleba nói. “Bạn vừa mất đi hai người bạn của mình. Bạn gần như đã bị giết. Bạn đã bò bằng bụng cả km để rà phá bom mìn trên cánh đồng. Bạn đã hy sinh bản thân - bạn đã chiếm được chiến hào chết tiệt của quân Nga trong một trận chiến ác liệt. Và sau đó bạn đọc được ai đó nói 'Ôi các bạn, bạn quá chậm'?

2. Cuộc tấn công táo bạo vào cây cầu Crimea trị giá 3 tỷ bảng Anh yêu quý của Putin

Hai ký giả Sarah Hooper và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Bridge Strike. Ukraine launches three kamikaze marine drones on Putin’s beloved £3bn Crimea Bridge in daring attack”, nghĩa là “Tấn công cây cầu. Ukraine phóng ba máy bay không người lái hàng hải kamikaze vào cây cầu Crimea trị giá 3 tỷ bảng Anh yêu quý của Putin trong cuộc tấn công táo bạo.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Ukraine đã phát động một loạt các cuộc tấn công táo bạo mới nhằm làm nổ tung cây cầu trị giá 3 tỷ bảng Anh của Putin nối lục địa Nga với Crimea đã bị sáp nhập.

Mạc Tư Khoa tuyên bố ba thuyền không người lái kamikaze nửa nổi nửa chìm đã bị chặn và phá hủy khi đang tiến về cây cầu yêu thích của Vladimir Putin.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết các thuyền không người lái đã bị Hạm đội Hắc Hải của Nga đánh chặn. Giải thích về các tiếng nổ dữ dội, ông cho rằng đó là do khối chất nổ trên các thuyền không người lái của Ukraine phát nổ. Mặc dù vậy, cây cầu vượt đã bị đóng cửa trong thời gian và tình trạng ùn tắc giao thông lớn đã được ghi nhận ở cả hai bên cầu.

Kênh Rybar Telegram tuyên bố một trong những máy bay không người lái có thể đang tìm cách tấn công vào một tàu tuần tra của Nga hơn là vào cây cầu.

Thuyền không người lái trên biển của Ukraine được cho là đã cố gắng ẩn náu giữa các tàu tại khu neo đậu trong eo biển Kerch, nhưng đã bị theo dõi và tiêu diệt trước khi chúng có thể tiếp cận mục tiêu.

Nga đã khoe khoang về việc cải thiện khả năng giám sát hoạt động của thuyền không người lái xung quanh Crimea, sau các cuộc tấn công trước đó vào cây cầu yêu quý của họ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Hạm đội Hắc Hải đã thiết lập hoạt động giám sát liên tục tình hình ở Hắc Hải thông qua tất cả các hình thức trinh sát”.

Người Ukraine đã hai lần tấn công thành công cây cầu dài 12 dặm hay 19km được nhà độc tài khánh thành cách đây 5 năm.

Và họ đã thề sẽ tiếp tục tìm cách gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với tuyến đường vượt biển này.

Vào tháng 7, hai người đã thiệt mạng khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên biển bị nghi ngờ gây ra và gây ra vụ nổ lớn làm sập nhiều phần của cây cầu. Hai tiếng nổ vang lên trên đoạn đường dài 12 dặm khi đám người lái xe hơi đi qua đó.

Những hình ảnh ấn tượng cho thấy các rào chắn kim loại bị uốn cong và méo mó trên con đường cong vênh.

Cầu Crimea cũng bị hư hại nặng vào tháng 10 năm ngoái trong một vụ nổ mạnh mà giới chức Nga cho rằng nguyên nhân là do một chiếc xe tải phát nổ khi đi qua cầu, khiến 3 người thiệt mạng.

Cơ quan tình báo nội địa SBU của Ukraine sau đó đã nhận trách nhiệm về hoạt động phá hoại.

Cây cầu nối trực tiếp duy nhất giữa lục địa Nga và bán đảo, thường được coi là “niềm tự hào và niềm vui” của Putin. Và cây cầu ấn tượng này là chìa khóa cho nguồn cung cấp và giao thông du lịch của Nga đến bán đảo hùng vĩ này.

Nga đã lên tiếng khuyến khích người dân đổ xô đến bán đảo Hắc Hải trong mùa hè - mặc dù nơi đây nằm trong vùng chiến sự.

Nhưng kênh Telegram Ukraine Crimea Wind đã cảnh báo người Nga chớ có tới Crimea, nơi đã được Putin sáp nhập vào năm 2014.

Cơ quan truyền thông này giải thích rằng các chuyến phà trên cùng tuyến đường với bán đảo tranh chấp cũng là “mục tiêu hợp pháp”.

Bài đăng cho biết: “Thực tế là bạn không nên đến Crimea, chúng tôi đã cảnh báo thậm chí sớm hơn. Bây giờ tất cả xe hơi đều quay đầu lại ở hai bên cầu. Có hai lựa chọn: lên phà hoặc là về nhà.”

“Và chúng tôi nhớ lại rằng hai chiếc 'phà' này là những tàu đổ bộ hải quân cỡ lớn, cũng là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Ukraine.”

Nó diễn ra sau cảnh báo của Bộ Quốc phòng Ukraine hồi đầu tháng 7, trong đó nhắc nhở người dân về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công ở Crimea.

Tin nhắn có nội dung: “Có kế hoạch lớn trong mùa hè này? Khuyến cáo du lịch có hiệu lực đối với một số bãi biển. Mùa hè năm ngoái chúng tôi đã cảnh báo bạn tránh xa Crimea.”

3. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết Lực lượng Nga không thể đáp trả lại hỏa lực của Ukraine ở khu vực trọng điểm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Forces Unable to Return Ukrainian Fire in Key Area: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết Lực lượng Nga không thể đáp trả lại hỏa lực của Ukraine ở khu vực trọng điểm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, quân đội Nga không thể bắn trả lực lượng Ukraine ở khu vực quan trọng dọc biên giới Donetsk-Zaporizhzhia khi họ tìm cách đẩy lùi cuộc phản công của Kyiv.

ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, DC, đã viết trong bản cập nhật mới nhất hôm thứ Sáu rằng chỉ huy Tiểu đoàn Nga Alexander Khodakovsky đã cảnh báo về việc Nga thiếu “khả năng phản công” khi quân đội của ông ra sức bảo vệ các khu vực gần Novomaiorske, một thị trấn nhỏ ở khu vực Donetsk phía đông nam Ukraine.

Báo cáo được đưa ra khi Ukraine tiếp tục hoạt động phản công chống lại lực lượng Nga. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết mặc dù cuộc phản công dường như bị đình trệ trong nhiều tuần nhưng Ukraine trong những ngày gần đây đã đạt được tiến bộ đáng chú ý. Ukraine đã đáp trả cuộc xâm lược của Nga, được phát động vào tháng 2 năm 2022, bằng nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, ngăn chặn Mạc Tư Khoa đạt được những tiến bộ và triệt tiêu hy vọng ban đầu của các nhà lãnh đạo quân sự Nga về một chiến thắng nhanh chóng.

Theo báo cáo, Khodakovsky đã ra tín hiệu rằng lực lượng của ông đang trải qua “cực kỳ căng thẳng về thể chất và tâm lý” khi bảo vệ khu vực, phía đông nam Velyka Novosilka, vì “pháo binh Ukraine bắn liên tục” và bị cáo buộc là “không có khả năng bắn trả”.

“Khodakovsky bày tỏ lo ngại về việc liệu các lực lượng Nga đã và đang kiệt sức có thể chống chọi trước một cuộc tấn công của Ukraine trong tương lai ở khu vực này của mặt trận hay không”, báo cáo viết.

ISW cũng viết rằng Khodakovsky trước đây đã nêu lên những lo ngại tương tự về khả năng của Nga trong việc bảo vệ khu vực trước Ukraine, nhưng mô tả những nhận xét mới nhất của ông là “có giọng điệu tiêu cực và chủ bại hơn”.

Báo cáo nói thêm rằng mối lo ngại của ông “không nhất thiết là dấu hiệu của một hiện tượng rộng lớn hơn trong hệ thống phòng thủ của Nga”.

“Tuy nhiên, những bình luận của Khodakovsky có thể phản ánh chính xác tình hình ở khu vực tiền tuyến hạn chế nhưng quan trọng của ông cũng như tình hình của các đơn vị quân sự ủy nhiệm thường bị bỏ quên như Tiểu đoàn 'Vostok' Cộng hòa Nhân dân Donetsk của Khodakovsky,” báo cáo của ISW viết.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

ISW hồi đầu tuần cho biết Ukraine đã “đạt được một số tiến bộ” ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia, cũng như ở các khu vực phía tây bắc Klishchiivka, nằm cách Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk khoảng 5 dặm về phía tây nam.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm thứ Hai cho biết quân đội nước này đã đạt được những tiến bộ trong nỗ lực chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở khu vực Zaporizhzhia, khu vực từ lâu đã trở thành chủ đề được quốc tế quan tâm vì đây là nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu.

Maliar viết: “Các đơn vị của chúng tôi đã thành công ở hướng đông nam Robotyne và phía nam Mala Tokmachka, vùng Zaporizhzhia”.

Trong khi đó, Ukraine cũng tuyên bố lực lượng của mình giành lại quyền kiểm soát thị trấn Urozhaine như một chiến thắng trong những tuần gần đây.

4. Ukraine cho biết Nga mất 30 hệ thống pháo binh, 24 xe xe thiết giáp trong một ngày

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 30 Artillery Systems, 24 APVs in a Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 30 hệ thống pháo binh, 24 xe xe thiết giáp trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo Ukraine, Nga đã mất 30 hệ thống pháo binh và 24 xe thiết giáp trong 24 giờ từ thứ Sáu, ngày 1 tháng 9 đến thứ Bảy, ngày 2 tháng 9.

Số liệu thống kê thiệt hại hàng ngày của Nga cũng cho biết Mạc Tư Khoa đã mất 570 quân, 12 xe tăng và 12 máy bay không người lái trong cùng 24 giờ đó.

Theo số liệu được Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine công bố, Nga đã mất tổng cộng 8.637 xe thiết giáp và 5.560 hệ thống pháo binh kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/2/2022.

Những tổn thất được tường trình này xảy ra khi Mỹ cho biết lực lượng Ukraine đã đạt được “tiến bộ đáng chú ý” ở khu vực phía Nam của mặt trận.

Con số tổn thất của Nga ở Ukraine khó có thể chứng minh một cách chắc chắn, vì Mạc Tư Khoa được cho là đã tính toán thấp hơn trong khi Ukraine bị cho là đã thổi phồng chúng lên. Newsweek không thể xác minh độc lập các số liệu từ Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Cơ quan nguồn mở Oryx của Hà Lan, nơi đã theo dõi tổn thất của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột dựa trên bằng chứng hình ảnh, cho biết Mạc Tư Khoa đã mất 107 phương tiện và thiết bị hỗ trợ pháo binh, 509 hệ thống pháo tự hành và 292 hệ thống pháo kéo cho đến nay ở khu vực chiến tranh này.

Theo Oryx, Nga cũng đã mất tổng cộng 959 xe chiến đấu bọc thép và 346 xe bọc thép chở quân.

Kể từ thứ Sáu, theo bản cập nhật mới nhất từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, các lực lượng Ukraine đang tiếp tục tấn công vào phòng tuyến của Nga gần Bakhmut và ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia. ISW cho biết quân đội Kyiv đã đạt được “một số tiến bộ”, trong khi Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo một số “thành công chưa xác định” trong khu vực có nhà máy hạt nhân.

Bất chấp báo cáo thành công trong cuộc phản công ở Kyiv, Ukraine và các đồng minh phương Tây vẫn đang chờ đợi một bước đột phá lớn trong chiến dịch, và các chuyên gia tin rằng điều này có thể trở nên dễ dàng hơn sau khi Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ ban đầu của Nga ở mặt trận phía Nam.

John Herbst, giám đốc cao cấp của Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nói với The Hill hôm thứ Sáu: “Khả năng điều đó xảy ra đang tăng lên”. “Nếu chúng tôi đúng về tuyến phòng thủ thứ hai khi bạn càng đi xa về phía đông, thì những gì chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay có nghĩa là cơ hội lớn hơn để đạt được một bước đột phá lớn.”

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc John Kirby hôm thứ Bảy cho biết cuộc phản công của Ukraine đã đạt được “tiến bộ đáng chú ý” trong ba ngày qua “trong tuyến tiến công phía nam ra khỏi khu vực Zaporizhzhia”.

Kirby cho biết tại Washington: “Họ đã đạt được một số thành công trước tuyến phòng thủ thứ hai của Nga”.

5. Tại sao Hạm Đội Hắc Hải của Nga sẽ vô dụng hoàn toàn khi Ukraine có chiến đấu cơ F-16?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “All It Takes To Arm Ukraine’s F-16s With Harpoon Anti-Ship Missiles Is One Small Electronic Box”, nghĩa là “Tất cả những gì cần thiết để trang bị hỏa tiễn chống hạm Harpoon cho máy bay F-16 của Ukraine chỉ là một hộp điện tử nhỏ xíu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Phi đội tương lai của lực lượng không quân Ukraine gồm các chiến đấu cơ Lockheed Martin F-16 của Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy trước đây sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng không và tấn công sâu của lực lượng không quân.

Nhưng các máy bay phản lực siêu âm nhanh nhẹn cũng có thể mang lại cho lực lượng không quân khả năng chống hạm thực sự lần đầu tiên Ukraine có thể có. Các máy bay phản lực của Na Uy đã mang theo hỏa tiễn chống hạm Penguin sản xuất trong nước cho đến khi lực lượng không quân Na Uy dần dần loại bỏ các hỏa tiễn cũ kỹ vào đầu những năm 2000.

Bất chấp niềm tin phổ biến nhưng không đúng sự thật rằng những chiếc F-16 của Na Uy đã mất khả năng tương thích với Penguin trong quá trình thực hiện chương trình Cập nhật toàn diện vào đầu những năm 2000, không có lý do gì mà những chiếc F-16 cũ của Na Uy không thể tiếp tục mang các hỏa tiễn Penguin trong không quân Ukraine.

Có những báo cáo chưa được xác minh rằng Na Uy đã tặng một lô hỏa tiễn Penguin cho Ukraine.

Nếu lực lượng không quân Ukraine muốn săn lùng các tàu chiến còn sống sót của Hạm đội Hắc Hải của Nga, thì có một giải pháp thay thế cho Penguin dẫn đường bằng tia hồng ngoại có tầm bắn 30 dặm. Chỉ cần sửa đổi một chút, F-16 của Ukraine có thể mang hỏa tiễn chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất, vốn đã có trong kho vũ khí của Ukraine.

Với trọng lượng 1.500 pound, Harpoon lướt trên biển nặng gần gấp đôi Penguin, nhưng có thể di chuyển xa hơn—ít nhất 75 dặm—và có thiết bị tìm kiếm bằng radar hoặc kết hợp giữa radar và GPS.

Chỉ một số lực lượng không quân gắn hỏa tiễn Harpoons trên F-16 của họ: Đài Loan là ví dụ đáng chú ý nhất. Lực lượng Không quân Trung Hoa Dân Quốc trang bị các máy bay F-16 cũ và các F-16 nâng cấp như F16 A/B hay F16V mới nhất—với hỏa tiễn Harpoon dẫn đường bằng GPS bổ sung. Những chiếc F-16 diệt tàu này là trọng tâm trong kế hoạch của Không quân Trung Hoa Dân Quốc nhằm đánh bại hạm đội xâm lược của Trung Quốc.

F-16 lô 50 và 52 cổ điển của những năm 1990 đi kèm với phần cứng và nhu liệu được cài đặt sẵn giúp chúng hoàn toàn tương thích với Harpoon ở tất cả các chế độ phóng khác nhau. Có một chế độ phóng hỏa tiễn theo một hướng cụ thể, nhưng phải dựa vào đầu tìm kiếm của hỏa tiễn để phát hiện mục tiêu. Một chế độ khác giúp hỏa tiễn có cả phương hướng và tầm bắn tới mục tiêu, cải thiện khả năng bắn trúng mục tiêu.

Nhưng trên thực tế, có thể trang bị Harpoon cho bất kỳ chiếc F-16 nào bằng một chỉnh sửa nhỏ đối với nhu liệu cộng với việc cài đặt cái gọi là “Bộ điều hợp giao diện Harpoon”, một hộp điều khiển cổ điển của những năm 1980.

Ukraine đã có Harpoons. Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đều tặng các bản sao cho Ukraine bắt đầu từ đầu năm 2022. Hải quân Ukraine bắn các hỏa tiễn này từ các bệ phóng gắn trên xe tải—và vào tháng 6 năm 2022 đã sử dụng một hỏa tiễn để đánh chìm hỏa tiễn Tàu hỗ trợ Vasily Bekh của Nga.

Không có nhiều khác biệt giữa hỏa tiễn Harpoon phóng từ mặt đất và hỏa tiễn phóng từ máy bay. Hỏa tiễn phóng từ mặt nước có hỏa tiễn đẩy; hỏa tiễn phóng từ máy bay không cần chúng vì chính máy bay phóng đã cung cấp lực đẩy ban đầu.

Lực lượng không quân Ukraine có thể biến một số hoặc toàn bộ hơn 60 chiếc F-16 của mình thành nền tảng chống hạm bằng cách cài đặt các bộ giao diện - thứ mà người Mỹ chắc chắn sẽ vui lòng cung cấp - và phóng các hỏa tiễn Harpoons hiện có của họ. F-16 Ukraine bắn Harpoons có thể đe dọa các tàu Nga trên toàn bộ Hắc Hải.

6. Nga gửi các xe tăng, và các hệ thống phòng không cũ từ đảo tranh chấp Thái Bình Dương tới Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Sent Old Tanks, Air Defenses from Disputed Pacific Island to Ukraine”, nghĩa là “Nga gửi các xe tăng, và các hệ thống phòng không cũ từ đảo tranh chấp Thái Bình Dương tới Ukraine.”Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Nga đã di chuyển các xe tăng, pháo binh và nhiều hệ thống phòng không cũ từ một nhóm đảo mà cả Mạc Tư Khoa và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền. Đó là tuyên bố của một nhà nghiên cứu Nhật Bản, người tin rằng các thiết bị này có thể đã được tái triển khai để sử dụng trong cuộc chiến đang diễn ra chống lại Ukraine.

Yu Koizumi, giảng viên tại Đại học Tokyo, nói với tờ báo Nhật Bản Mainichi Shimbun hôm thứ Năm rằng ông đã đi đến kết luận này sau khi xem các hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Hoa Kỳ Maxar Technologies chụp từ các đảo Etorofu và Kunashiri, một phần của quần đảo tranh chấp. Quần đảo Nam Kuril, được biết đến ở Nhật Bản là Lãnh thổ phía Bắc.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai thuộc chuỗi đảo Kuril bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến thứ hai. Tokyo tuyên bố quần đảo này là “Lãnh thổ phía Bắc” và vấn đề này đã khiến quan hệ giữa Nga và Nhật Bản căng thẳng trong nhiều thập kỷ. Một hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc Thế chiến II chưa bao giờ được Nga và Nhật Bản ký kết, phần lớn là do tranh chấp về nhóm đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng bị Nga xâm lược.

Vấn đề này đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai quốc gia. Do nằm giữa hòn đảo lớn Hokkaido của Nhật Bản và Bán đảo Kamchatka của Nga, các hòn đảo này mang lại một số lợi ích quân sự và chính trị. Vào ngày 7 tháng 10 năm 2022, Ukraine công nhận phía nam quần đảo Kuril là lãnh thổ của Nhật Bản.

Koizumi cho biết các thiết bị được cất giữ tại các cơ sở quân sự ở quần đảo Etorofu và Kunashiri có thể sẽ được gửi đến tiền tuyến ở Ukraine.

Koizumi nói: “Quân đội Nga đang triển khai tất cả vũ khí còn sót lại của họ, đó là bằng chứng cho thấy họ bị tổn thất nặng trong cuộc xung đột”.

Những số liệu công khai cho thấy Nga đã mất một số xe tăng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin xâm chiếm nước láng giềng Ukraine hơn 18 tháng trước.

Hãng tin nguồn mở Oryx của Hà Lan cho biết, kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Nga đã mất ít nhất 2.274 xe tăng, trong đó 1.468 chiếc bị phá hủy, 129 chiếc bị hư hỏng, 130 chiếc bị bỏ lại và 549 chiếc bị bắt.

Trong khi đó, số liệu do Bộ Tổng tham mưu Ukraine công bố hôm thứ Sáu cho thấy tổng số xe tăng Nga bị phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu là 4.459 chiếc, trong đó có 23 chiếc bị phá hủy trong 24 giờ qua. Các nguồn độc lập đưa ra những con số dè dặt hơn Kyiv và Nga không công bố số liệu về tổn thất quân sự của mình.

7. Các hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy máy bay Nga bị máy bay không người lái xóa sổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Before and After Satellite Photos Show Russian Plane Obliterated by Drone”, nghĩa là “Các hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy máy bay Nga bị máy bay không người lái xóa sổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Những hình ảnh vệ tinh trước và sau mới được công bố cho thấy một chiếc máy bay Ilyushin Il-76 của Nga đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hồi đầu tuần nhằm vào một phi trường của Nga gần lãnh thổ NATO.

Nhà phân tích tình báo nguồn mở Brady Africk đã đăng những hình ảnh này lên X, trước đây gọi là Twitter, vào hôm thứ Năm, nói rằng chúng cho thấy “một trong những máy bay Il-76 của Nga bị máy bay không người lái Ukraine phá hủy tại Căn cứ Không quân Pskov vào đầu tuần này”.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, nói với truyền thông Ukraine hôm thứ Tư rằng máy bay không người lái đã phá hủy 4 máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga đóng tại một phi trường ở thành phố Pskov phía tây, gần biên giới Nga với Estonia, Latvia và Belarus. Sân bay cách biên giới Ukraine khoảng 400 dặm.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine Andriy Yusov Andriy Yusov cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể đã làm hư hại hai máy bay khác nhưng không nhận trách nhiệm, phù hợp với chính sách của Kyiv là tránh xa các cuộc tấn công trên đất Nga.

Africk đã đăng hai hình ảnh vệ tinh về máy bay Il-76 từ công ty hình ảnh toàn cầu Planet Labs, một hình ảnh chụp ngày 16 tháng 8, trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và một hình ảnh chụp ngày 31 tháng 8, sau khi máy bay bị tấn công. Nó cho thấy tàn tích cháy đen của chiếc máy bay phản lực.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Tư rằng các lực lượng Nga có thể đã tập trung lực lượng phòng không của họ để bao vây thủ đô Mạc Tư Khoa và bằng cách nào đó đã bỏ sót số lượng lớn bất thường máy bay không người lái của quân đội Ukraine được cho là đã tấn công phi trường Pskov.

Viện nghiên cứu cho biết các nguồn tin của Nga, bao gồm cả Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố rằng hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga đã bắn hạ máy bay không người lái của Ukraine trên các khu vực Oryol, Tula, Voronezh, Ryazan, Kaluga, Bryansk và Mạc Tư Khoa.

“Các máy bay không người lái Ukraine mà lực lượng phòng không Nga bắn hạ trên sáu tỉnh khác có thể đang trên đường tới Mạc Tư Khoa hoặc tỉnh Pskov và có thể không nằm trong nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công các mục tiêu ở các tỉnh khác”, cơ quan này cho biết.

Ngày càng có nhiều cuộc tấn công trên đất Nga trong những tháng gần đây, trong bối cảnh Ukraine phản công để đòi lại lãnh thổ của mình. Các cuộc tấn công chủ yếu nhắm vào các nhà kho, khu công nghiệp và khu quân sự.

Vào tháng 8, Verstka, một tổ chức tin tức được thành lập ngay sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, phát hiện ra rằng số vụ nổ ở Nga đã tăng gấp bốn lần vào năm 2022, năm mà Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện.

Trích dẫn số liệu từ Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga, erstka tuyên bố rằng có tổng cộng 83 vụ nổ được ghi nhận đã xảy ra ở Nga vào năm 2022 — gấp hơn bốn lần con số được ghi nhận vào năm 2021 là 20 vụ nổ.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Ulanbator
VietCatholic Media
06:30 03/09/2023
 
Tướng Budanov: Putin có thể đã lìa đời. Ukraine chọc thủng phòng tuyến, lính Dù Nga bỏ 59 xe, chạy
VietCatholic Media
17:06 03/09/2023


1. Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết Lực lượng Ukraine đang tiến nhanh về hướng Bakhmut. Lữ Đoàn Dù bỏ chạy 59 xe chuyển quân bị bắt tại mặt trận.

Trên trục Bakhmut, Lực lượng phòng vệ Ukraine đang tiến lên, tiêu diệt nhân lực và trang thiết bị của đối phương. Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết như trên.

Ông nói: “Theo hướng Bakhmut, Lực lượng Phòng vệ tiếp tục tiến về thành phố. Binh lính của chúng tôi liên tục phá hủy thiết bị quân sự và nhân lực của Nga”

Ông đặc biệt khen ngợi Lữ đoàn cơ giới độc lập số 22 đã tấn công tiêu diệt các kho đạn của quân xâm lược bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và các máy bay không người lái trinh sát.

Không quân Ukraine đã 10 lần tấn công các cụm nhân lực, thiết bị và 3 hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương theo hướng thành phố Bakhmut trong 24 giờ qua.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết giao tranh ác liệt đã bùng lên ở bên ngoài thị trấn Verbove từ ngày 29 tháng 8.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết, các đơn vị của lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công ào ạt 6 cụm vũ khí và nhân lực của Nga, 12 hệ thống pháo binh ở các vị trí đang khai hỏa, 2 kho đạn dược, 2 điểm kiểm soát và một hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Theo các nguồn tin Nga, tình hình của họ ở Verbove là “rất nguy hiểm”. Ngày 30 tháng 8, quân Ukraine tiến vào vùng ngoại ô phía tây bắc của Verbove. Vào ngày 31 tháng 8, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Maliar thông báo rằng lực lượng Ukraine đã giành được chỗ đứng ở Novoprokopivka, ngay phía nam Robotyne.

Đứng trước nguy cơ Verbove có thể rơi vào tay quân Ukraine, Lữ Đoàn Dù 108 của Sư Đoàn Dù Tấn Công Sơn Cước số 7 được tung vào yểm trợ cho Tập Đoàn Quân Tổng Hợp số 58 gần như kiệt lực. Tuy nhiên, từ chiều thứ Bẩy, Lữ Đoàn Dù 108 bắt đầu chạy, để lại 59 xe chuyển quân và nhiên liệu. Đây là số lượng xe pháo của quân xâm lược bị lọt vào tay quân Ukraine nhiều nhất trong một ngày.

Trong 24 giờ qua, 600 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 5 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 22 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 59 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 3 Tháng Chín, khoảng 264.660 quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.476 xe tăng, 4.444 máy bay không người lái, 8.649 xe thiết giáp, 1.447 hỏa tiễn hành trình, 5.582 hệ thống pháo, 18 tàu chiến, 739 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.102 xe chuyển quân và nhiên liệu, 502 hệ thống tác chiến phòng không, và 841 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Lực lượng Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga, chuẩn bị tấn công bất ngờ

Các chiến binh Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga gần Zaporizhzhia sau nhiều tuần rà phá mìn cẩn thận, và mong đợi thắng lợi sẽ nhanh hơn khi họ tấn công vào tuyến thứ hai yếu hơn.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Tướng Oleksandr Tarnavskyi, Tư lệnh Nhóm chiến lược và hoạt động Tavria, trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian.

Tướng Tarnavskyi nói: “Các tuyến phòng thủ của quân Nga có nhiều lớp. Chúng tôi hiện đã chọc thủng tuyến thứ nhất, và đang hoàn thành việc tiêu diệt các đơn vị Nga là những đơn vị chịu trách nhiệm ngăn chặn chúng tôi để bảo vệ cho quân Nga rút lui về phía sau tuyến phòng thủ thứ hai của chúng”.

Một bãi mìn rộng lớn đã khiến quân đội Ukraine mắc kẹt trong nhiều tuần khi lực lượng công binh từ từ dọn đường tấn công bằng đường bộ. Trong khi đó, quân đội Nga đang pháo kích vào các phương tiện của Ukraine bằng pháo và máy bay không người lái.

Theo lời của Tướng Tarnavskyi, giờ đây rào cản đó đã bị vượt qua, người Nga buộc phải điều động thêm và người Ukraine đang quay trở lại với xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của họ. Trong một dấu hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa đang cảm thấy áp lực, họ đã tái triển khai quân đến khu vực này từ các hướng khác, chẳng hạn như Kherson và Lyman, cũng như từ bên trong nước Nga.

“Đối phương đang rút quân dự bị, không chỉ từ Ukraine mà còn từ Nga. Nhưng sớm hay muộn, người Nga cũng sẽ cạn kiệt những người lính giỏi nhất. Điều này sẽ tạo động lực cho chúng tôi tấn công nhiều hơn và nhanh hơn. Mọi thứ đang ở phía trước chúng tôi,” Tarnavskyi giải thích.

Chỉ huy Ukraine đã bác bỏ những lời chỉ trích từ một số chính trị gia phương Tây về tốc độ phản công của Ukraine. Theo ý kiến của ông, tốt hơn là nên đánh giá một công việc khi đã hoàn thành.

“Khi chúng tôi bắt đầu cuộc phản công… chúng tôi đã dành nhiều thời gian hơn dự kiến để rà phá bom mìn trên các vùng lãnh thổ. Thật không may, việc di tản những người bị thương gặp khó khăn đối với chúng tôi. Và điều này cũng làm phức tạp thêm bước tiến của chúng tôi,” Tướng Tarnavskyi thừa nhận.

Ông tin rằng người Nga không mong đợi lực lượng Ukraine vượt qua được tuyến phòng thủ đó. Họ đã chuẩn bị hơn một năm và “làm mọi thứ để bảo đảm rằng khu vực này được chuẩn bị tốt”.

Theo Tướng Tarnavskyi, tuyến thứ hai không được xây dựng tốt nên người Ukraine có thể sử dụng phương tiện của mình dù vẫn còn bãi mìn. Bởi vì các lực lượng Nga cũng đang hoạt động trong khu vực này nên họ hoạt động theo từng khu vực chứ không phải là một hàng rào phòng thủ duy nhất.

Khi được hỏi về tiến độ chậm chạp trong việc chọc thủng phòng tuyến của Nga trong một cuộc tấn công khác xa hơn về phía đông dọc theo tuyến phòng thủ của đối phương, Tarnavskyi cho biết họ có các mục tiêu khác và nói thêm rằng Ukraine đang chuẩn bị các cuộc tấn công bất ngờ khác nhằm tiêu hao lực lượng của Mạc Tư Khoa.

Tướng Tarnavskyi lưu ý: “Để thành công theo một hướng, bạn luôn cần đánh lừa đối phương”.

Theo lời của ông, Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu vì lãnh thổ của mình.

“Nếu chúng ta ngừng tiến, đối phương sẽ tập hợp lực lượng mới và tăng cường. Chúng tôi sẽ đến biên giới Ukraine năm 1991... Chúng tôi không muốn chứng kiến con cái và thậm chí cả cháu chắt của mình phải chiến đấu chống lại người Nga, và ai ở đó có thể ngăn cản họ? Chỉ có chúng tôi,” Tarnavskyi nhấn mạnh.

Vị chỉ huy Ukraine cho rằng càng gần chiến thắng thì càng khó khăn.

“Tại sao? Bởi vì thật không may, chúng tôi đang mất đi những gì mạnh mẽ nhất và tốt nhất. Vì vậy bây giờ chúng tôi phải tập trung vào một số lĩnh vực nhất định và hoàn thành công việc. Dù điều đó có khó khăn đến thế nào đối với tất cả chúng tôi”

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết Nga đang tích cực kêu gọi cũng như ép buộc công dân các nước khác tham gia vào cuộc chiến tại Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Tính đến cuối tháng 6 năm 2023, Nga đã kêu gọi công dân của các nước láng giềng bằng các quảng cáo tuyển dụng các cá nhân chiến đấu ở Ukraine.

Người ta thấy các quảng cáo trực tuyến ở Armenia và Kazakhstan đưa ra mức thanh toán ban đầu là 495.000 rúp hay $5.140 Mỹ Kim và mức lương từ 190.000 rúp hay $1.973 Mỹ Kim trở lên.

Đã có những nỗ lực tuyển dụng ở khu vực Qostanai phía bắc Kazakhstan, nhằm thu hút người dân tộc Nga.

Ít nhất là từ tháng 5 năm 2023, Nga đã tiếp cận những người di cư Trung Á để chiến đấu ở Ukraine với lời hứa cấp quyền công dân nhanh chóng và mức lương lên tới 4.160 Mỹ Kim.

Những người xây dựng nhập cư Uzbek ở Mariupol được cho là đã bị tịch thu hộ chiếu khi đến nơi và bị ép buộc gia nhập quân đội Nga. Có ít nhất sáu triệu người di cư từ Trung Á đến Nga, những người mà Điện Cẩm Linh có thể coi là những tân binh tiềm năng.

Nga có thể muốn tránh các biện pháp huy động trong nước không được ưa chuộng hơn nữa trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Việc bóc lột công dân nước ngoài cho phép Điện Cẩm Linh có thêm nhân lực cho nỗ lực chiến tranh trước tình trạng thương vong ngày càng gia tăng.

4. Tình báo Ukraine cho rằng Vladimir Putin có thể đã qua đời

Hai ký giả Sarah Hooper và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “WHERE'S VLAD? Putin may already be DEAD as ‘real’ despot has not been seen in public for over a year, Ukrainian spy chief claims, nghĩa là “Vladimir Putin ở đâu? Putin có thể đã CHẾT vì kẻ chuyên quyền 'thực sự' đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một năm qua, giám đốc tình báo Ukraine tuyên bố.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Giám đốc tình báo của Ukraine tuyên bố Vladimir Putin “thật” đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một năm, làm dấy lên tin đồn rằng nhà lãnh đạo này sử dụng một hoặc nhiều thế thân thay thế vị trí của mình.

Thiếu tướng Kyrylo Budanov - người phụ trách các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hoạt động bí mật chống lại Nga - cho biết ông không chắc liệu nhà lãnh đạo điên rồ có còn sống hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với Anzhelika Rudenko của Radio Svoboda, giám đốc cơ quan tình báo cho biết: “Putin mà mọi người từng biết, được nhìn thấy lần cuối vào khoảng ngày 26 tháng 6 năm 2022”.

Rudenko sau đó hỏi: “Vậy là hắn ta không còn sống, hay là hắn ta đang trong tình trạng sức khỏe thực sự tồi tệ?”

Budanov trả lời: “Có thể ông ta không muốn xuất hiện. Có thể có rất nhiều lý do khác nhau.”

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo trích dẫn một đoạn video gần đây cho thấy nhà độc tài Nga đang nhìn nhầm đồng hồ của mình.

Putin liếc nhìn cổ tay trái và có vẻ bối rối sau khi nhận ra chiếc đồng hồ của mình không có ở đó.

Nhưng vị lãnh chúa này luôn đeo đồng hồ trên cổ tay phải luôn luôn như thế - khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông ta lại không chắc chắn về vị trí của nó.

Sau cuộc họp, người ta thấy nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh tháo chiếc đồng hồ - được cho là chiếc Raketa do Nga sản xuất trị giá 12.500 bảng Anh - và loay hoay với nó trên tay.

Rudenko hỏi Budanov: “Đây có phải là Putin thật không?”

Budanov trả lời: “Hãy để mọi người quyết định, hãy để mọi người phân định theo trí tưởng tượng của riêng mình.”

Người dẫn chương trình của Radio Svoboda cho biết anh ta nghĩ đó là một người đóng thế cho Putin và Budanov đã đồng ý.

Khi được hỏi trực tiếp liệu Putin còn sống hay không, giám đốc tình báo lạnh lùng trả lời: “Tôi không biết phải trả lời anh thế nào”.

Putin được biết đến là người rất hoang tưởng về an ninh của mình, nỗi sợ hãi chỉ tăng lên kể từ khi ông đưa lực lượng Nga vào Ukraine.

Kênh Telegram General SVR từ lâu đã tuyên bố rằng Putin ốm yếu hiện đang sử dụng vĩnh viễn các diễn viên đóng thế và trông giống nhau, đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ để xuất hiện trước công chúng.

Vào tháng 3, một đoạn clip về chuyến thăm của Putin tới Mariupol đã khiến những người hoài nghi đặt kính lúp lên các đặc điểm trên khuôn mặt của ông.

Đoạn video chỉ ra một số điểm mâu thuẫn trong ngoại hình của tên bạo chúa trong nhiều pha nguy hiểm trước công chúng khác nhau.

Theo General SVR: “Các chuyên gia từ lâu đã nhận thấy sự khác biệt giữa cơ thể của tổng thống Nga.”

“Một gờ trên dái tai của Putin liên tục thay đổi. Cũng như một nốt ruồi nhỏ trên mặt.

“Một trong những người đóng thế Putin có những nếp nhăn thẳng trên khuôn mặt, người còn lại có những nếp nhăn nhỏ và gián đoạn.

Có tin đồn rằng giờ đây anh ta phụ thuộc rất nhiều vào “học trò” của mình để thay thế anh ta khi anh ta đấu tranh để che giấu sức khỏe ốm yếu của mình.

Các tài liệu gián điệp bị rò rỉ cho The Sun dường như xác nhận Putin mắc bệnh ung thư tuyến tụy và bệnh Parkinson giai đoạn đầu.

Người ta cũng cáo buộc rằng Putin đã tuyển một số người có ngoại hình giống nhau để phẫu thuật thẩm mỹ để bảo đảm họ giống ông nhất.

5. Ukraine gọi quyết định của Quỹ Nobel cấm Nga và Belarus tham dự lễ trao giải ở Stockholm là hành động khôi phục công lý.

Vidar Helgesen, giám đốc điều hành của Quỹ Nobel, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Rõ ràng là thế giới ngày càng bị chia thành các khu vực, nơi mà cuộc đối thoại giữa những người có quan điểm khác nhau đang bị giảm bớt”.

Helgesen nói: “Để chống lại xu hướng này, chúng tôi hiện đang mở rộng lời mời tôn vinh và hiểu rõ giải thưởng Nobel cũng như tầm quan trọng của khoa học tự do, văn hóa tự do và xã hội tự do, hòa bình”.

Người Nga và người Belarus đã bị loại khỏi vô số sự kiện kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, quốc gia được Minsk hỗ trợ rất nhiều, vào tháng 2 năm 2022.

Quỹ cho biết quyết định của họ được đưa ra nhằm ngăn chặn sự “phân cực” hơn nữa.

Bữa tiệc Nobel diễn ra hàng năm tại Stockholm vào ngày 10 tháng 12, nơi 5 trong số 6 giải Nobel được trao. Giải Nobel Hòa bình được trao tại Oslo, Na Uy.

Tuy nhiên, quyết định này của Quỹ Nobel đã vấp phải sự phản đối gay gắt. Cuối cùng, vào hôm thứ Bẩy, tổ chức này đã hủy lời mời tới Nga, Belarus và cả Iran.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói: “Cảm ơn tất cả những người đã yêu cầu khôi phục lại công lý”.

“Chúng tôi tin rằng nên đưa ra quyết định tương tự đối với các đại sứ Nga và Belarus ở Oslo,” đề cập đến lễ trao giải hòa bình diễn ra ở Na Uy sau sự kiện ở Thụy Điển.

Quỹ Nobel cho biết các đại sứ từ Nga và Belarus đã được mời trở lại bữa tiệc trao giải Nobel sau khi bị loại vào năm ngoái vì cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine.

Tổ chức này cho biết họ đang “mở rộng lời mời” thu hút sự tham gia của cả những người không chia sẻ các giá trị của giải Nobel.

6. Các hãng thông tấn Iran đưa tin một máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 do Nga sản xuất đang ở nước này và đã gia nhập lực lượng không quân.

Báo cáo của Isna cho biết máy bay huấn luyện chiến đấu tiên tiến có thể đáp ứng nhu cầu huấn luyện của các phi công học lái chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.

Vào tháng 4, Iran tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận mua chiến binh Su-35 từ Nga. Iran và Nga có mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là về thiết bị quân sự, AP đưa tin.

Máy bay không người lái của Iran là yếu tố then chốt trong cuộc chiến tiếp diễn của Nga ở Ukraine. Tehran đã đưa ra một loạt lời giải thích trái ngược nhau về máy bay không người lái, đầu tiên phủ nhận việc họ cung cấp chúng cho Mạc Tư Khoa và sau đó tuyên bố chỉ bán chúng trước khi chiến tranh bắt đầu. Tuy nhiên, số lượng máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc xung đột cho thấy nguồn cung cấp vũ khí mang bom của Iran cho Nga rất là ổn định.

Vào tháng 6, Tòa Bạch Ốc cho biết Iran đang cung cấp cho Nga nguyên liệu để xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở phía đông Mạc Tư Khoa trong khi Điện Cẩm Linh muốn có nguồn cung cấp vũ khí ổn định.

7. Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Ukraine trên khu vực Belgorod.

Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, cho biết một người đàn ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào một thị trấn gần biên giới vào hôm Chúa Nhật.

Trong một diễn biến khác, thống đốc các khu vực biên giới lân cận Bryansk và Kursk cho biết một loạt làng biên giới đã bị Ukraine bắn phá và một phụ nữ đã bị thương ở khu vực Kursk.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào lãnh thổ Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây, với hàng chục máy bay không người lái tấn công Nga cùng một lúc vào một số ngày, vươn xa tới tận thành phố Pskov phía tây, cách Ukraine 400 dặm.

Chính quyền do Nga cài đặt ở khu vực Kherson của Ukraine do Mạc Tư Khoa kiểm soát cũng nói rằng Kyiv đã tấn công làng Maslivka trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, làm bị thương một thường dân.

8. Tư lệnh hải quân Đức cho biết, cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Biển Baltic với sự tham gia của khoảng 30 tàu và hơn 3.000 quân nhân phương Tây sẽ lần đầu tiên thực hành cách ứng phó với một cuộc tấn công của Nga trong khu vực.

Cuộc tập trận kéo dài hai tuần, dự kiến bắt đầu vào thứ Bảy tới, sẽ chứng kiến quân đội từ tất cả các quốc gia NATO trên Biển Baltic, cùng với Thụy Điển, sắp trở thành thành viên và các đồng minh ngoài Baltic bao gồm Mỹ, Canada và Pháp, huấn luyện cùng nhau.

Phó đô đốc Jan Christian Kaack cho biết tại Berlin: “Chúng tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng về sự cảnh giác tới Nga: Chúng tôi không mất cảnh giác. Khả năng răn đe đáng tin cậy phải bao gồm khả năng tấn công.”

Kaack cho biết, hải quân Mỹ sẽ cử Mesa Verde - một con tàu dài hơn 200 mét được thiết kế để vận chuyển và đổ bộ khoảng 800 Thủy Quân Lục Chiến trong một cuộc tấn công đổ bộ trong cuộc tập trận.

Phần Lan và các nước vùng Baltic phụ thuộc gần như 100% vào các tuyến đường cung cấp hàng hải qua Biển Baltic. Nếu Suwalki Gap kết nối duy nhất nối các quốc gia Baltic với Ba Lan và lãnh thổ chính của NATO ở Âu Châu bị chặn – và điều này có thể được thực hiện dễ dàng vì chỉ có hai con đường và một tuyến đường sắt – thì chúng ta chỉ còn lại các tuyến đường biển, và đó là nơi chúng ta sẽ phải vượt qua.
 
Thánh Ca
TV 12
Lm. Thái Nguyên
23:15 03/09/2023
 
Cùng Mẹ dâng Hiến
Lm. Thái Nguyên
23:16 03/09/2023
 
Sinh Nhật Đức Maria
Lm. Thái Nguyên
23:17 03/09/2023
 
Mừng Sinh Nhật Đức Maria
Lm. Thái Nguyên
23:18 03/09/2023

 
TV 94
Lm. Thái Nguyên
23:19 03/09/2023

 
Sửa lỗi cho nhau
Lm. Thái Nguyên
23:20 03/09/2023
 
Con chỉ là con
Lm. Thái Nguyên
23:21 03/09/2023