Ngày 01-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bí Tích Hôn Nhân - Marcô 10:2-12
Lm Nguyễn Trung Tây
07:54 01/10/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Bí Tích Hôn Nhân - Marcô 10:2-12


Ngày Cô dâu Chú rể Công Giáo cử hành bí tích Hôn Nhân trong thánh đường, cả hai đã thề hứa tới nhau một lời thề thủy chung, “Anh/Em nhận anh/em làm chồng/vợ của anh/em. Và hứa giữ lòng chung thủy với anh/em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Để yêu thương và tôn trọng anh/em mọi ngày trong suốt cuộc đời của anh/em.”

Theo như lời của Đức Giêsu trong bài Phúc Âm Marcô 10:1-12, cả hai vợ chồng Công Giáo qua bí tích Hôn nhân, “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Marcô 10:8). Bởi sự kết hợp này không đến từ người trần, nhưng từ Thiên Chúa; tương tự như Ngài đã từng kết hợp Adam và Eve trong Vườn Địa Đàng. Đức Giêsu do đó kết luận, “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly" (Marcô 10:9).

Bởi lời dạy của Đức Giêsu, hôn nhân Công Giáo mang nét một vợ một chồng, một nối kết, một tình nghĩa vợ chồng, thuỷ chung trước sau như một. Nối kết này chỉ biến tan khi một trong hai người phối ngẫu qua đời.

Suy Niệm
Sống đời vợ chồng không dễ, và không bao giờ dễ, bởi căn bản đây là một liên kết giữa hai người dị biệt giờ đang trên con đường trở thành một. Quá trình biến đổi hai cá nhân trở thành một xương một thịt là một chặng đường dài, có thể nói thiên lý. Bởi là một quá trình thiên lý, CẢM THÔNG, KIÊN NHẪN, và NIỀM TIN là ba yếu tố phải có để mối liên kết này không dừng ngang rồi chấm hết.

CẢM THÔNG: Bởi “tôi hiểu” và “tôi biết” cách “tôi suy nghĩ” và cách “tôi thực hành” suy nghĩ đó có thể không phải là cách của người phối ngẫu.

KIÊN NHẪN: Kiên nhẫn với mình và với người bạn đời, khi cả hai chưa kiếm ra được điểm chung. Trong trường hợp này, xin mời cả hai đối thoại.

NIỀM TIN: Khi rượu hôn nhân trong nhà đã cạn, khi tình yêu bị thử thách bởi những dị biệt, hôn nhân đó cần rượu mới tinh khôi đổ đầy bởi chính Đức Giêsu, tương tự như Ngài đã từng đã làm rượu mới cho đôi vợ chồng tại tiệc cưới Cana. Qua sự khẩn cầu của Mẹ Maria cho đôi vợ chồng đang trên bờ vực cạn rượu cưới ngay trong ngày tân hôn, rượu mới của Đức Giêsu đã đổ tràn đầy lênh láng trên bàn tiệc cưới thuở nào (Gioan 2:1-11).
Kính mời!
 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 27 Mùa Thường Niên 02/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
08:55 01/10/2022


BÀI ĐỌC 1 Kb 1:2-3,2:2-4

Bài trích sách ngôn sứ Kha-ba-cúc.

Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa,

con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe,

con la lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt?

Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài,

còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?

Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn,

chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.

Đức Chúa trả lời và nói với tôi: “Hãy viết lại thị kiến

và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy.

Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định.

Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành,

chứ không làm cho ai thất vọng.

Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ,

vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.

Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục,

còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình.”

Đó là Lời Chúa.


BÀI ĐỌC 2 2Tm 1:6-8,13-14

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

Anh thân mến, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG 1Pr 1:25

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng.

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 17:5-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp:

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Đó là Lời Chúa.
 
Hạt Cải Niềm Tin Giữa Đấu Trường Cuộc Sống
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:37 01/10/2022
Hạt Cải Niềm Tin Giữa “Đấu Trường Cuộc Sống”

(Chúa Nhật 27 TN C 2022)

Khi đối diện với những khủng hoảng và bi kịch của cuộc đời, mỗi người đều có cách chọn lựa riêng, đều có một thái độ sống, một cách ứng xử đặc biệt:

- Hoặc là buông xuôi, đánh liều hay thất vọng tìm cái chết như “Người đẹp Thúy Kiều của Nguyễn Du”:

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu !”…

Thôi thì một thác cho rồi,

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông… (Kim Vân Kiều)

- Có kẻ oán hận, mắng chữi cả “Ông Trời”:

Ái ăn đâu, Ái ở đâu?

Để thương để nhớ cả âu sầu.

Trời già độc địa làm chi bấy,

Nỡ bắt con tôi bảy tuổi đầu !

Đừng quên, trong Tin Mừng, chúng ta cũng đọc thấy có người cay cú, bực dọc, thách thức phạm thượng như tên trộm tử tội bị đóng đinh bên Chúa Giêsu ngày xưa trên đồi Canvê: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” (Lc 23,39).

Lời Chúa hôm nay, qua môi miệng của sứ ngôn Khabacúc trong Bài đọc I đã cho ta cái kinh nghiệm đau thương nầy của Dân Chúa trong thời Cựu ước: “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.” (Kb 1, 2-3)…

Và Chúa đã trả lời: “Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín” (Kb 2,4).

Từ câu trả lời của Thiên Chúa cho ngôn sứ Khabacúc về sự “trung tín của người công chính” trong thời Cựu ước, Lời Chúa lại làm sáng tỏ thêm qua “câu trả lời của chính Chúa Giêsu dành cho các Tông đồ qua tường thuật của Thánh sử Luca: Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con…” (Lc 17,6).

Vâng, trung tín hay đức tin chính là chọn lựa, là thái độ đúng đắn nhất mà sứ điệp phụng vụ hôm nay đề nghị cho mỗi người Kitô hữu chúng ta; nhất là khi chúng ta đứng trước những nghịch cảnh, rơi vào những tình huống mà mọi phương thế giới hạn của phận người đều bế tắc, bó tay !

Dĩ nhiên, không thiếu những lựa chọn, những cách giải quyết đầy khôn ngoan, can đảm và vận dụng sự kiên vững của ý chí. Thế nhưng, niềm tin đúng nghĩa, đích thực lại không là kết quả của ý chí mà chính là “đặc sủng của Thiên Chúa”. Vâng, đức tin chính là nhân đức đối thần, là ân ban của Thiên Chúa. Đây chính là điểm nhấn giáo lý mà mà Thánh Phaolô nhắc cho đồ đệ Timôthê nơi Bài đọc II: đức tin bắt nguồn từ “ơn Thiên Chúa”, ơn của các bí tích (Rửa tội-Thêm sức- Truyền chức…): “con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ.” (2 Tm 1,6-8).

Vâng, chúng ta, những người Kitô hữu, những người sống trong “chế độ Tân ước”, những người thuộc về Đức Kitô, cho nên “Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1, 16). Và một trong những “ơn cao cả” đó chính là “Đức Tin”.

Nói đến đức tin, có lẽ nhiều người không quên tiếng kêu “con tin, con tin…” của chàng sĩ quan Rôma nơi đấu trường Coloseum thời bạo chúa Nêrô…

Trong cuốn tiểu thuyết “QUO VADIS” của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkievich, có một cảnh rất ấn tượng mà có lẽ nếu ai đã đọc qua chắc sẽ không bao giờ quên: Chàng sĩ quan Rôma, Vinixius, một Kitô hữu Tân tòng, khi thấy người yêu Lygia bị trói chặt trên đầu con bò rừng vừa được thả ra trên đấu trường Coloseum, đã ôm đầu kêu lên: “Con Tin ! Con Tin ! Lạy Chúa Kitô, xin hãy làm phép lạ….”… Và khi được người cậu là Petronius lấy tấm áo choàng toga phủ lên đầu để chàng khỏi chứng kiến cảnh đau lòng xé ruột sắp xảy ra, chàng cũng chỉ còn biết lặp đi lặp lại như hóa dại: “Con tin ! Con tin ! Con vẫn tin !...”… Và “phép lạ” đã xảy ra thật, khi chàng vệ sĩ Ursus của Lygia đã bẻ gãy đầu con bò tót trong một cuộc đọ sức vô tiền khoáng hậu nơi đấu trường đẩm máu nầy…

Ở giữa “đấu trường cuộc sống”, không phải lúc nào cũng dễ dàng thể hiện niềm tin. Chúng ta có thể mượn cách “ví von” của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn về “tự do tôn giáo” để diễn tả niềm tin của một số người trong chúng ta: Ở trong nhà thờ, trong các cuộc đại lễ, lòng tin có thể “to bằng cái bàn”; nhưng khi phải đối diện với những “lao tâm khổ tứ” của cuộc sống bon chen giữa chợ đời, thì lòng tin nhỏ lại “bằng cái tô”; nhất là khi nếm mùi thất bại, đau khổ, mất mát, khi bị đe dọa đến miếng cơm manh áo, đến hạnh phúc gia đình, đến mạng sống…thì có khi “đức tin bằng hạt cải” cũng chẳng còn !

Hai ngàn năm trước, khi Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, thì có nhiều người Do Thái tin theo Người. Nhưng khi Chúa bắt, bị xử án, như một tội phạm “thân tàn ma dại”, thì hầu hết đều “trở cờ”: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”; thậm chí các môn sinh đã từng đồng cam cọng khổ ngày nào “cũng bỏ Thầy mà trốn đi hết” !

Quả thật, đức tin của một số người trong chúng ta thường được xây dựng và hành xử trên tiêu chí “dấu lạ” hay “được ăn no”: “Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền” (Mt 27,42); “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26).

Đức Kitô sẽ chẳng bao giờ “xuống khỏi cây thập giá” để làm thỏa mãn cho cái niềm tin hỗn hào và khinh mạng đó; cũng vậy, Ngài chẳng bao giờ làm dấu lạ “bánh hóa nhiều” cho những kẻ “tìm kiếm Người chỉ vì được ăn no” chứ không hề biết ngỡ ngàng tin tưởng trước dấu chỉ thâm sâu và vĩ đại của “bánh hằng Sống từ trời xuống” (Ga 6,27-30).

Vì thế cho nên có thể nói được rằng: lời cầu nguyện của các Tông đồ xưa chưa bao giờ lỗi thời “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”; và những lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho đồ đệ Timôthê cũng chưa bao giờ hết giá trị: “hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha”.

Chúa không đòi chúng ta tin nhiều lắm đâu; chỉ cần “bằng hạt cải thôi”. Phải chăng vì không có chút “đức tin bằng hạt cải” mà dân Nadarét đã không nhận được phép lạ nào (Mc 6,5-6); trong khi đó, một người đàn bà ngoại đạo vô danh tiểu tốt, chỉ nhờ “đức tin bằng hạt cải” khi “sờ vào gấu áo của Chúa” đã được chữa lành (Mt 9, 20-22).

Chúng ta đang bước vào tháng Mân Côi, tháng để chiêm ngưỡng và noi dấu Đức Mẹ Mân Côi, người mà bà chị họ Isave đã khen tặng chỉ một điều duy nhất: TIN: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 45).

Như thế, từ hôm nay, nếu phải thêm lời cầu xin nào trong lời cầu nguyện mỗi ngày của chúng ta, xin hãy thêm lời nầy: “Lạy Chúa xin ban cho chúng con đức tin bằng hạt cải” ! Amen.

Trương Đình Hiền
 
Niềm Tin Hạt Cải - Luca 17:5-6
Lm Nguyễn Trung Tây
10:54 01/10/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Niềm Tin Hạt Cải - Luca 17:5-6


Hồi còn nhỏ khi nghe tới câu “Nếu anh chị em có niềm tin bằng hạt cải, thì dù anh chị em bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, đi xuống dưới biển kia mà mọc’, thì nó cũng sẽ vâng lời anh chị em” (Luca 17:5), tôi nghĩ mình là một người có đạo, đi lễ, rước lễ hằng ngày, hát lễ trong ca đoàn, không phải chỉ trong một thánh lễ mà cả sáng lẫn chiều (giời ạ!), ngày nào cũng phụ giúp Sơ dòng Mến Thánh Giá dạy Giáo Lý, ngày nào cũng kinh sáng kinh tối đọc oang oang, “Gia đình con xin nguyện trung tín với lễ dâng gia đình này”, như vậy là mình có đức tin thật mạnh, ít ra cũng phải hơn hạt cải. Thế là tôi hứng chí, đứng giữa trời phán truyền cây mận hàng xóm nhổ bật rễ đi chỗ khác chơi để không phải quét lá mận rơi đầy sân nhà. Nhưng rất tiếc cây vẫn xum xuê lá xanh, trơ gan cùng tuế nguyệt. Mận không chịu nhổ rễ đi chỗ nào khác. Mà ngược lại, tôi lại bị nhổ rễ, bứng gốc đi thật xa, xa hơn một nửa quả địa cầu.

Hình ảnh cây dâu bật rễ đi xuống dưới biển mà mọc nhắc nhở đến câu thơ nổi tiếng của cụ Tiên Điền,

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


Bể dâu trong câu này có lẽ lấy từ ý của Thần Tiên truyện,

Thương hải biến vi tang điền,
Tang điền biến vi thương hải


Nghĩa là,

Biển cả hóa thành ruộng dâu,
Ruộng dâu hóa thành biển cả.


Đức Giêsu và cụ Tiên Điền, khi nhắc đến cây dâu bứng rễ và một cuộc bể dâu, cả hai đều muốn nói đến sự thay đổi. Thay đổi trong Truyện Kiều là một thay đổi ngậm ngùi, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhưng thay đổi trong Tin Mừng Luca 17:5 là một thay đổi hoa hồng (tích cực), bởi vì theo như Đức Giêsu, một người dù chỉ có niềm tin bé tí ti như hạt cải, họ vẫn có thể thay đổi, đặc biệt thay đổi đời sống của riêng mình. Và bởi đời sống thay đổi, người Kitô hữu sẽ bớt lầm than và cực khổ hơn nhiều.

Thật sự ra phép lạ của niềm tin vẫn xảy ra hằng ngày nhưng có lẽ tại chúng ta không để ý đến phép lạ của niềm tin hạt cải mà thôi.

Môt người Kitô hữu, vì niềm tin hạt cải, họ quyết định và chọn lựa KHÔNG LÀM những điều ngược lại với niềm tin là một phép lạ.

Một người công nhân trong hãng xưởng, bác sĩ, y tá, kỹ sư quyết định không vô trễ về sớm, hoặc cất vào túi những thứ không phải của mình, bởi vì muốn dọn máng cỏ lòng cho Chúa và bởi vì niềm tin hạt cải vào Tình Yêu của Trời Cao là một phép lạ của niềm tin.

Vì niềm tin hạt cải vào bí tích hôn nhân và lời thề hứa trong thánh lễ cưới, “sẽ yêu thương và kính trọng nhau”, người chồng và người vợ quyết định tương kính như tân, không nói những câu nói tổn thương đến danh dự của nhau là một phép lạ của niềm tin. Và bởi niềm tin hạt cải, tuần trăng mật của một cặp vợ chồng sẽ tiếp tục kéo dài; tuần dập mật do đó sẽ không bao giờ gõ cửa nhà; và bởi thế, tuần nát mật không bao giờ có dịp thập thò đầu ngõ. Bởi niềm tin hạt cải, hiện tượng yêu nhau một thời, chán nhau một đời sẽ không bao giờ xảy ra.

Phép lạ niềm tin xảy ra khi thanh niên thiếu nữ, học sinh trung học, và sinh viên đại học quyết định không hút thuốc, không say sưa rượu chè, không sử dụng ma túy cần sa, không hút E, không lướt sóng trên những trang web đen, không sống phóng túng trong đời sống tình cảm lứa đôi, không phá hoại đền thờ và hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa nơi tha nhân.

Phép lạ niềm tin xảy ra khi chúng ta quyết định không mở miệng nói những lời tổn thương đến danh dự của hàng xóm láng giềng, bởi vì niềm tin là trong hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa, anh chị em của chúng ta đã được tạo dựng nên.

Suy Niệm
Người ta hay xôn xao với những tin đồn thất thiệt về phép lạ. Nhưng mời bạn, chúng ta hãy để phép lạ của niềm tin hạt cải xảy ra ngay trong tâm hồn và căn nhà của chính mình. Mời bạn lên đường hòa giải với Thiên Chúa của Tình Yêu. Khi đó phép lạ của thay đổi sẽ xảy ra ngay trong tâm hồn và trong căn nhà thân thương của chúng ta.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh của Trời Cao để con quyết định CHỌN LỰA sống niềm tin hạt cải.
(Trích Suy niệm Người Ra Nương Đồng sẽ xuất bản)
□ LM Nguyễn Trung Tây
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 01/10/2022

17. Người có tình yêu thì nhất định khiêm tốn vâng lời, tự khiêm tự hạ, nhiệt thành phụng sự Chúa, báo đức cảm ân.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 01/10/2022
13. RƠI XUỐNG NÚI, RỚT XUỐNG NƯỚC

Có một thầy giáo ít học, có khách từ kinh thành trở về và đến học quán thăm ông ta.

Có một học sinh cầm sách đến hỏi chữ “tấn晉”, thầy giáo cũng không biết, nhưng vì sĩ diện nên thoái thác đợi khách đi đã thì đến hỏi lại, lại còn cầm bút màu đỏ vẽ một dấu hiệu bên cạnh chữ “tấn”.

Một lúc sau, lại có một học sinh khác đến hỏi chữ “vệ衛”, thầy giáo lại dùng bút đỏ khoanh tròn chữ “vệ”, lấy lý do như trên để thoái thác. Học sinh này mới đi khỏi thì học sinh thứ ba đến hỏi chữ “lạc” (1) trong câu “nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thủy”, ông thầy giáo này thuận miệng nói:

- “Đọc thành “rơi” thì tiện hơn”.

Học sinh vừa đi thì thầy giáo hỏi khách:

- “Kinh thành có tin tức gì không?”

Khách nói:

- “Có ạ ! Khi tôi ra khỏi kinh thành thì thấy Tấn Văn công bị đâm một thương, Vệ Linh công bị Hồng Cân vây khốn”.

Thầy giáo ấy vội vàng hỏi:

- “Không biết các bộ hạ của hai vị này như thế nào?”

Khách cười nói:

- “Rơi xuống nước rớt xuống núi, rơi xuống núi rớt xuống nước”.

(Giải Uẩn Thiên)

Suy tư 13:

Thầy giáo thời xưa (bên Tàu) nếu không biết Tống Văn công và Vệ Linh Công, thì giống như thầy giáo ngày nay không biết Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Toản là ai, bởi vì thầy giáo ấy không học hành gì cả; thầy giáo ngày xưa không phân biệt chữ “lạc (樂) là vui” và chữ “lạc (落) là rơi là rớt”, thì giống như thầy giáo ngày nay không phân biệt được game online và...trò chơi điện tử, bởi vì thầy giáo quá dốt về vi tính.

Cũng có một vài người Ki-tô hữu thời nay không biết thánh bổn mạng mình là ai và mừng lễ ngày nào, bởi vì đời sống thiêng liêng của họ quá lạnh nhạt, họ chỉ nhớ ngày sinh nhật, ngày hôn phối, ngày làm quan của mình, và nhớ rất rõ ngày sinh nhật của ông to bà lớn đã giúp đỡ mình, nhưng lại không biết vị thánh bổn mạng đang ngày đêm cầu bàu cho mình trước tòa Thiên Chúa là vị thánh nào cả, thật quá tội nghiệp cho họ và cho vị thánh quan thầy của họ.

Giáo Hội biết rất rõ con người vốn yếu đuối dễ dàng sa ngã trong những chước cám dỗ của ma quỷ và thế gian, cho nên lấy tất cả tình thương yêu của người mẹ hiền, Giáo Hội bắt buộc chúng ta phải có một vị thánh bổn mạng khi chúng ta đón nhận bí tích Rửa Tội và lãnh nhận bí tích Thêm Sức, để vị thánh ấy trở thành mẫu gương sống đạo cho chúng ta.

Đường về quê trời còn nhiều chông gai và thử thách, nhờ lời cầu bàu của thánh bổn mạng của mình, thì chúng ta sẽ không bị “rơi xuống núi rớt xuống nước” của cám dỗ.

(1) 樂 phát âm là “le” hoặc “luo落” nghĩa là vui và ngã; 落 phát âm là “luo” nghĩa là ngã, rơi, rớt.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống Đức tin
Lm. Nguyễn Xuân Trường
22:13 01/10/2022

SỐNG ĐỨC TIN

Quý vị có tin Chúa không? Nhiều người sẽ dễ dàng trả lời tin chứ, rửa tội từ bé rồi, cả nhà tin Chúa mà. Vậy quý vị sống đức tin ra sao? Lúc này bắt đầu ngập ngừng khó nói. Phúc Âm tuần này cho thấy: Tin Chúa không chỉ là chấp nhận một số tín điều, tham dự các lễ nghi tôn giáo, nhưng đức tin là lối sống thể hiện niềm xác tín mãnh liệt vào quyền năng và sự hiện diện của Chúa trong đời.

1. Tin đem sức mạnh. Một nhà khoa học đã nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi có thể nâng cả trái đất lên.” Điểm tựa đó chính là đức tin. Chúa Giêsu công bố đức tin có sức mạnh vĩ đại chuyển núi dời non. Đức tin vào Chúa quyền năng giúp ta có sức mạnh siêu nhiên vượt thắng những lo sợ tự nhiên. Nhờ Chúa ban sức mạnh, mà chúng ta có thể làm được nhiều điều phi thường bởi vì: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Đức tin thay đổi cuộc đời tín hữu, để rồi thay đổi cả thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

2. Làm theo ý Chúa. Tin Chúa là trao phó tất cả cuộc đời cho Chúa để Ngài làm chủ đời ta. Đức tin luôn dẫn tới hoạt động, nếu không như thánh Giacôbê khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” Tin ai thì làm theo lời người đó. Thế nên, khi ta thực sự tin Chúa, thì Chúa làm chủ đời ta, ta như người đầy tớ làm theo lệnh của chủ. Thế nên, những thành quả chúng ta đạt được trong đời không phải do công khó của ta, mà do là Chúa trợ giúp ban ơn. Vì thế, ta phải khiêm nhường.

Chúa Giêsu và Mẹ Maria là mẫu gương khiêm nhường trong đức tin. Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa mà hạ mình làm tôi tớ, vâng phục Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để cứu độ muôn dân. Mẹ Maria mặc dù được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa, mà vẫn khiêm nhường thốt lên: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.” Đó là gương mẫu đức tin để chúng ta noi theo. Amen.

----- Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa: SỐNG ĐỨC TIN
https://youtu.be/HzJbPGKzc6I?t=135
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dóng Chúa Cưu Thế: Thánh lễ ngày họp mặt quý Ân Nhân và Thân Hữu
DCCT Sàigòn
09:08 01/10/2022
 
DCCT : Chương trình văn nghệ họp mặt Ân Nhân và Thân Hữu
DCCT Sàigòn
09:20 01/10/2022
 
Giáo xứ Tân Việt: Mừng kính Thánh Têrêsa bổn mạng
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:23 01/10/2022
Giáo xứ Tân Việt: Mừng kính Thánh Têrêsa bổn mạng

“ Ngàn hồng tươi Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã hứa sẽ ban dư tràn. Ngàn hồng tươi Têrêsa Hài Đồng Giêsu hứa những cánh hồng tình thương”. Những lời ca quen thuộc trong bài thánh ca “ Hồng tình thương”, chiều nay lại được vang lên trong cuộc rước kiệu cung nghinh tượng thánh nữ cùa cộng đoàn giáo xứ Tân Việt.

Xem Hình

Đúng 5 giờ chiều ngày 30/09/2022, các đoàn thể với cờ hiệu và đồng phục thật đẹp cùng với đông đảo bà con giáo dân đã tề tựu thật đông đảo về ngôi thánh đường thân thương để cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu – bổn mạng của giáo xứ. Năm nay giáo xứ Tân Việt chọn ngày 30/09 – ngày thánh nữ qua đời – để cử hành Thánh lễ trọng thể mừng thánh quan thầy.

Sau khi cung nghinh tượng thánh nữ chung quanh nhà thờ, cộng đoàn và quý cha đồng tế tiến vào nhà thờ để cử hành Thánh lễ tạ ơn do Lm Chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ chủ tế. Đồng tế với Ngài là Lm phụ tá Giuae Nguyễn Minh Duy, Lm Giuse Đỗ Đức Hạnh và Lm Đa Minh VŨ Duy Cường ( SJ ) giảng lễ.

Thánh lễ diễn ra thật trang nghiêm, sốt sáng và nhất là thật ấm cúng bầu khí gia đình vì có sự hiện diện đầy đủ của mọi thành phần dân Chúa. Từ các cụ già đến các em thiếu nhi, giới gia trưởng cùng các bà mẹ Công Giáo, quý tu sĩ, ban thường vụ cùng quý vị đại diện các giáo họ, các đoàn thể trong giáo xứ, ai ai cũng cố gắng thu xếp công việc để cùng tham dự buổi họp mừng quanh bàn tiệc chiều nay.

Trong bài giảng Lm Đa minh chia sẻ: Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy cho chúng ta biết “ Con đừng thơ ấu “ của ngài. Để theo con đường này, mỗi ngày chúng ta hãy vui vẻ dâng những hy sinh nhỏ mọn của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta hãy vượt qua chính mình để đối xứ thật tốt với những người khó tính. Nếu cảm thấy bị tổn thương, thay vì bực mình khó chịu, chúng ta hãy dâng lện Thiên Chúa những bực dọc ấy.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Lm chủ tế gởi lời chúc mừng bổn mạng đến tất cả những ai mang thánh hiệu Têrêsa, đồng thời cám ơn tất cả cộng đoàn giáo xứ đã góp phần tổ chức Thánh lễ mừng bổn mạng hôm nay thật trang trọng và sốt sáng. Sau đó, đông đảo mọi người vẫn nán lại cầu nguyện nơi toà thánh Tê rêsa được đặt ở cuối thánh đường.

Được biết, trước ngày Lễ, cộng đoàn đã có 3 ngày tĩnh tâm thật sốt sáng. Đồng thời quý cha và ban Caritas, quý vị trong HĐMV đến thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân trong giáo xứ để nói lên tình bác ái huynh đệ cách sống động nhất.

Với lòng yêu mến thánh Têrêsa cách đậc biệt, Cha cố Đa minh Vũ Đức Triêm đã chọn ngài làm bổn mạng của giáo xứ ngay từ những buổi đầu thành lập. Và lòng mộ mến đó của ngài cũng đã lan tỏa ra khắp mọi con dân trong giáo xứ.

Nguyện xin thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, từ trời cao, vẫn tiếp tục mưa xuống muôn vàn hoa hồng trên tất cả mọi người, cách riêng là trên đại gia đình giáo xứ Tân Việt thân yêu.

Vinh sơn Trần Văn Đẩu
 
Văn Hóa
Lá Thư Canada 1/10/2022 : Hai Anh Hùng Việt Nam - Trà Lũ
Trà Lũ
11:20 01/10/2022
Canada đang bước vào mùa thu, đồi cây phong cuối vườn báo cho tôi biết thế. Tôi thật may mắn, năm xưa khi mua căn nhà bé nhỏ này nào tôi có ngờ là ở cuối vườn nó ăn thông với một đồi cây phong dẫn sang công viên High Park, một công viên nổi tiếng nhất Toronto. Nơi đây vào đầu xuân thì đầy du khách tới ngắm hoa anh đào. Cũng nơi này vào mùa thu thì cũng đầy du khách tới ngắm các đồi phong đổi màu. Các cụ có biết cây phong ở xứ Canada này có gì đặc biệt không cơ? Thưa lạ lắm, nó tiết ra một loại nhựa tạo thành đường ngọt, dân Canada lấy nhựa ngọt này chế ra được một loại syrup nổi tiếng khắp thế giới. Có lẽ vì có chất nhựa ngọt này mà vào mùa thu, lá cây phong đổi màu đẹp lạ lùng, từ màu xanh biến ra màu vàng, rồi từ vàng nó biến ra màu hồng đỏ tươi rực rỡ. Canada dùng lá cây phong đỏ tươi này đặt vào giữa lá quốc kỳ.

Vì làng An Lạc của tôi gồm toàn các vĩ nhân nên các vĩ nhân quân tử chúng tôi vừa mới họp làng ở công viên High Park này. Trong công viên có rất nhiều thảm cỏ xanh và có sẵn một số bàn gỗ lộ thiên cho dân chúng tới cắm trại. Ôi, vừa cười vừa nhậu, vừa bàn chuyện thế sự, vừa ngắm các cây phong đang đổi màu chung quanh, sao mà sung sướng thế này.
Trong các chuyện thời sự, chúng tôi chỉ nói phớt qua các đề tài đã cũ như Dịch Covit đang tàn, như chuyện vua Putin đang ban hành lệnh động viên lấy thêm quân xâm chiếm Ukraine, và lệnh này đang khiến nhiều người Nga trốn chạy. Rồi chúng tôi điểm qua các chuyện mưa lũ lụt động đất bão cát bên Tàu khiến vua Tập đang lo đập Tam Hiệp vỡ, đập này mà vỡ thì một nửa nước Tàu sẽ trôi ra biển, và nước Tàu sẽ biến khỏi bàn cờ thế giới.

Rồi các nhà quân tử chúng tôi bàn tới chuyện cựu vương Nga Gorbachev băng hà ngày 30/8, thọ 91 tuổi vàng. Cựu vương vừa nằm xuống thì bao nhiêu bài báo kể công kể tội của vua ầm lên. Tôi thấy đa phần là khen vua. Làng tôi ai cũng thích vua Gorbachev, vì không có vua thì Nga Xô Viết vẫn còn tác oai tác quái như vua Tập Cận Bình hiện nay, và sẽ không có cuộc xâm lăng Ukraine bây giờ. Ông là người rất thân thiết với Tổng thống Ronald Reagan. Chính vua Putin đã phải công nhận Gorbachev đã tạo ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử thế giới. Năm 1990 ông được trao giải Nobel Hòa Bình, một năm sau đó, ông từ chức tổng thống Liên Xô kéo theo sự sụp đổ của toàn thể liên bang Xô viết. Gần đây nhất, ngày 26 tháng 2 vừa qua, ông kêu gọi chấm dứt các thù địch tại Ukraine và phải đối thoại hòa bình. Tiếc thay vua Putin bây giờ đã bỏ ngoài tai những lời khuyên quý báu này.

Và làng tôi đã nói nhiều về thời sự hiện nổi cộm thứ hai là chuyện bên Anh, Nữ Hoàng Elizabeth đệ Nhị băng hà với 96 tuổi ngọc, và Hoàng đế Charles đệ Tam lên ngôi, một triều đại mới đang bắt đầu. Vua Charles III cũng là vua Canada. Các cụ còn nhớ chứ, từ khi lập quốc đến nay Canada trên giấy tờ vẫn nhận hoàng đế mẫu quốc Anh làm vua của mình, giống y như nước Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Nữ hoàng đã viếng thăm Canada cả thảy 22 lần. Nay Canada vừa có vua mới nhưng chỉ mừng sơ sơ cho đúng phép. Tôi có cảm tưởng là đa số dân Canada không yêu vua Charles, kể từ khi họ thấy tim vua chia làm 2, 1 dành cho công nương Diana mẹ của 2 hoàng tử William và Harry hiện nay, 1 dành cho người tình có từ trước là Camilla và cũng là hoàng hậu hiện nay. Vua đã 73 tuổi, đầu đã sói và tóc đã bạc.
Sự chết của Nữ Hoàng Elizabeth bên Anh làm tôi chợt nhớ tới cái chết của Sa Hoàng Nicolas II bên Nga, sa hoàng này có họ hàng gần xa gì đó với Nữ Hoàng. Nữ hoàng thì chết trong vinh quang, còn Sa hoàng thì chết trong tủi nhục năm 1918, thọ 49, chấm dứt một triều đại vương giả.

Qua các hệ thống truyền thanh truyền hình, tôi được coi hầu hết các nghi lễ uy nghi trang trọng của triều đình bên Anh. Không hề có màu đen hay màu trắng, toàn màu vàng màu đỏ rực rỡ. Không có vòng hoa theo kiểu VN mình mà chỉ có các bó hoa. Khi nữ hoàng vừa nằm xuống thì một rừng hoa vây quanh hoàng cung, có lẽ tới mấy ngàn bó lớn nhỏ. Không có nước mắt khóc thương mà có những tràng pháo tay khi linh cữu nữ hoàng di chuyển qua. Các con và các cháu nữ hoàng theo nghi lễ đứng bên quan tài khi các quan khách và dân chúng nghiêm chỉnh đi ngang cúi đầu chào kính. Các quốc trưởng tới kính viếng có hơn 100 vị, dẫn đầu là vua Biden, nhưng không thấy vua Putin và vua Tập. Nữ hoàng sẽ được chôn bên hòang tế Philips và cha mẹ bà trong đền thờ Vua George.
Và một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, vua Charles đệ Tam đã lên ngôi. Danh sách hoàng cung mới đã được thiết lập. Hòang tử William sẽ là người nối ngôi. Nữ hoàng Elizabeth kế vị tháng 2/1952 mà mãi tháng 6/1953 mới làm lễ đăng quang. Chưa biết Vua Charless sẽ làm lễ đăng quang ngày nào. Hoàng đế Anh sẽ là người đứng đầu trong Khối Thịnh Vượng Chung gồm 56 quốc gia, và là vua của 14 nước trong Khối Liên Hiệp Anh. Nữ Hoàng Elizabeth có cái thú mê ngựa và mê cỡi ngựa, chưa ai biết tân vương sẽ mê thứ gì.
Nghe đến đây bà cụ B.95 trong làng tôi lên tiếng xin thôi chuyện chính trị, bà xin anh John là thần tượng của bà cho nghe chuyện cười để bớt nhức đầu. Anh kể ngay : lúc nãy trước khi đến đây cháu có đọc được một mẩu chuyện nói về lý do tại sao các đấng liền ông ưa bị rụng răng, sớm hơn các vị liền bà. Theo các cuộc nghiên cứu thì đây là lý do đau răng rồi rụng răng : Rằng trước khi cưới thì anh nào cũng thấy người yêu của mình thật là toàn vẹn. Nhưng lấy nhau được ít lâu thì bao nhiêu cái xấu của vợ mới hiện ra, nhưng mọi sự đã trễ, gạo đã nấu thành cơm, gỗ đã đóng thành thuyền, nên anh nào cũng cắn răng chịu đựng. Tháng tháng đi làm thì mọi đồng lương phải nộp hết cho vợ, có muốn chi tiêu cái gì cũng phải nghiến răng xin vợ. Nếu may mắn có thêm chút bổng lộc từ quỹ đen trong sở cũng phải nghiến răng nộp hết cho vợ. Vợ có nói hay làm gì trái ý thì cũng phải nghiến răng mà chịu. Do suốt đời nghiến răng như vậy nên anh liền ông nào cũng vậy, chưa đến tuổi già mà răng lợi đã về già hết trọi.

Nghe đến đây thì cả làng, nhất là phe các nhà quân tử liền ông đều gật gù khen rằng đúng quá, đúng quá. Ông Từ Hòe nghe đến đây thì cười hà hà rồi bảo : Ở miền này có nha sĩ Tám nổi tiếng đông khách. Tôi có quen ông nha sĩ này. Ông có bảo tôi rằng anh John đây là khách hàng thường xuyên của ổng. Cả làng nhìn anh John rồi phá ra cười ầm lên. Phe các bà vừa nhìn Chị Ba Biên Hòa vừa cười hắc hắc rồi đấm nhau thùm thụp, làm chị đỏ mặt.

Anh John để cả làng cười cho thỏa chí, khi họ cười xong liền chuyển đề tài, anh nói với Cụ B.95 : Xưa nay toàn bác bắt cháu kể chuyện cười, bữa nay xin cho cháu được hỏi bác một câu : Thế sau 1954 bác ở lại ngoài Bắc với cụ Hồ, bác cũng gặp nhiều chuyện cười chứ? Bà cụ B.95 gật đầu rồi kể ngay : Bữa đó khu xóm tôi được cán bộ tập họp để học tập về gương sáng bác Hồ. Có một bà già đến trễ trong khi anh cán bộ đang thao thao. Mãi bà mới kiếm được chỗ ngồi. Ngồi xuống một chút thì bà kêu to lên : chỗ này thối quá ngửi không được! Anh cán bộ tưởng bà chê chuyện bác Hồ, anh bèn hỏi ai dám bảo bác Hồ thối. Bà già lên tiếng ngay: Lão già này nói chỗ này thối là vì có con chuột chết, chứ không dám chê Bác Hồ ạ, không tin mời cán bộ xuống đây ngửi coi. Cán bộ tiếp tục ca tụng Bác Hồ. Một phút sau bà già lại nói to : Chỗ này còn thối hơn nữa, có cả con cóc chết. Dân xóm đều phá ra cười, mãi mới thôi. Về sau họ mới biết chuyện con chuột con cóc chết là chuyện bà già phịa ra vì nhà của bà già, nhà của dòng họ tổ tiên mới bị bọn chúng tịch thu, nên bà chả còn nể sợ gì ai nữa.

Thấy dân làng đã cười hả hê và ai cũng vui vẻ, cụ chánh tiên chỉ làng mới lên tiếng : Lần trước họp nhau chúng ta đã nói về chữ ‘ anh hùng’ và đã trưng dẫn nhiều tấm gương sáng láng. Đêm ấy về ngủ, lão suy nghĩ mãi về chữ anh hùng, và tự nhiên nghĩ tới các anh hùng người VN. Quê hương ta có bao nhiêu anh hùng trong các lãnh vực. Và tự nhiên có 2 vị mà lão cho là anh hùng trổi vượt trong việc chống lại cộng sản VN. Lão xin kể :

- Người thứ nhất là Cha Nguyễn Văn Vinh. Cha sinh năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngay từ bé cậu Vinh đã tỏ ra thông minh và ngoan ngoãn. Cậu được cha xứ cho đi tu. Năm 1930, vì tu và học hành xuất sắc nên cậu Vinh được học bổng du
học vào tu viện nổi tiếng St.Sulpice bên Pháp. Năm 1940 ngài thụ phong linh mục. Vì thế chiến thứ nhất vừa xảy ra nên Cha Vinh được giữ lại ở Pháp, và được đi học tiếp tại đại học lừng danh Sorbonne,. Ngài vừa học Triết vừa học nhạc. Sau 17 năm du học, năm 1947 Cha Vinh về nước, và được cử làm cha chính xứ nhà thờ lớn Hà Nội. Ngài học lâu năm ở Pháp nhưng không hề thích Pháp. Năm 1951, con trai tướng De Lattre de Tassigni là Bernard tử trận ở VN, lễ an táng được cử hành tại nhà thờ lớn Hà Nội. Tướng De Tassigni đòi ngồi trên gian cung thánh, ngài đã từ chối. Tướng De Tassigni giận tím mặt. Năm 1954 ngài dẫn chủng sinh Hà Nội di cư vào Nam rồi lại trở ra tiếp tục làm cha xứ ở Hà Nội. Năm 1956 dịp lễ Giáng Sinh, để tỏ ra miền Bắc có tự do tôn giáo, CSVN cho người đến chăng đèn kết hoa Nhà Thờ Lớn, sau lể họ đòi ngài một số tiền lớn. Năm sau cũng mùa Giáng sinh CS lại đưa người đến dự định chăng đèn kết hoa nữa, ngài không cho và kéo chuông báo động giáo dân. Giáo dân và cán bộ đã cãi nhau rồi đánh nhau. Cha Vinh bị bắt bỏ tù 18 tháng. Vì ngài giảng đạo trong tù dù bị cấm nên đã bị CSVN đổi đi nhiều nhà tù nhưng vẫn bướng với cai tù. Cuối cùng ngài bị đày lên trại Cổng Nhà Trời là trại giam tàn ác nhất, ai vào đây thì coi như sẽ chết. Ngài vẫn sống đạo, bác ái với các bạn tù và giảng đạo. Ngài luôn tình nguyện liệm xác các tù nhân chết. Liệm xong thì ngài ôm xác bạn tù mà khóc như khóc anh em ruột thịt. Cùng bị tù với ngài có tù nhân tên là Tuân. Về sau, khi ra tù, anh Tuân đã kể một chuyện rất độc đáo về Cha Vinh cho nhà văn Phùng Quán. Trong tù không ai biết cái gốc thông thái của ngài. Bữa dó anh Tuân và Cha Vinh cùng đi chăn trâu. Giữa trưa hè đổ lửa, hai anh tù ngồi núp dưới gốc cây, bày trâu thì ngâm mình dưới sông. Ngài hỏi anh bạn tù thèm cái gì nhất, bạn Tuân liền trả lời là thèm đọc sách. Ngài hỏi tiếp là sách gì, anh Tuân trả lời là sách Candide của Voltaire. Ngài liền bảo bây giờ anh không phải đọc mà ngồi yên nghe tôi đọc. Và tù nhân Vinh mắt sáng lên và đã cất giọng đọc nguyên bản văn Candide. Khi đọc đến câu cuối cùng thì kẻng trại cũng vang lên, báo giờ lùa trâu về trại. Trên đường về, tù nhân Tuân vô cùng sửng sốt đã hỏi tù nhân Vinh : Anh là ai vậy? Tù nhân Vinh trả lời ngay : Tôi là cái xà ngang trên cây thập giá của Chúa Giêsu, rồi ngài xin anh Tuân đừng nói với ai về chuyện vừa qua. Về tới trại thì mặt tù nhân Vinh lại biến ra ngu ngơ đờ đẫn như thường ngày. Rồi mùa đông đó tù nhân giúm gió này ngã bệnh nặng. Nghe tin này, tù nhân Tuân xin được ghé thăm. Và tù nhân Vinh đã lấy hết sức viết vào tay tù nhân Tuân chữ NHẪN như lời trối cuối cùng, rồi nhắm mắt lìa đời tại Trại giam Cổng Nhà Trời năm 1971.
Bản tin của Hội Đồng Giám Mục VN viết :

- Năm 1971 khi ngài từ trần, không ai được biết. Một năm sau chính quyền mới báo tin cho Đức Cha Khuê : Ông Vinh đã chết, không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh (linh mục làm lễ mặc áo lễ đỏ là để kính các thánh tử đạo)
- Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam anh hùng, hậu thế kính tôn và ghi ơn Ngài.

- Người anh hùng thứ hai là ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện. Ai cũng ca ngợi ông, gọi ông là ngục sĩ vì bị CSVN bỏ tù 3 lần trong 28 năm, bị cùm, hành hạ mà ông không hề bỏ việc chống CS và Bác Hồ. Bao nhiêu cái xấu, cái ác, cái gian dối được ông cô đọng lại trong
tập thơ ‘Hoa Địa Ngục’. Tháng 7 năm 1979 ông lẻn vào được tòa đại sứ Anh ở Hà Nội nhờ họ chuyển tập thơ này ra hải ngoại. Ông bị VC bắt ngay và bị giam tù 12 năm. Tòa đại sứ Anh đã chuyển tập thơ viết tay này cho giáo sư Patrick Honey đang dạy học ở London. GS Honey thấy tập thơ hay quá đã cho phổ biến trên báo chí hải ngoại. Tập thơ được dịch sang tiếng Anh rồi tiếng Pháp. Năm 1985 tập thơ được giải thưởng quốc tế tại Rotterdam. Từ năm 1981 Tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty International và Tổ Chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch và Tổ chức nhân quyền Quê Mẹ cùng phát động chiến dịch kêu gọi quốc tế can thiệp cho ông. Năm 1995, ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua sự vận động đặc biệt của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noburu Masuoka.Tại đây, ông viết tiếp tập Hoa Địa Ngục thứ hai, tập này được GS Nguyễn Ngọc Bích dịch sang Anh Văn ngay và phổ biến khắp nơi. Năm 1998, ông được giải thưởng của Hội Nhà Văn Quốc Tế. Ông đã sang Pháp 3 năm và viết cuốn ‘ Hỏa Lò Tập Truyện’. Ông trở lại Hoa Kỳ và ở tại Quận Cam California. Ông là người độc thân sống khắc khổ, ít nói, thâm trầm. Trong mấy lần tôi ra mắt sách ở Cali, tôi có vinh hạnh được ông tới tham dự. Nhà văn Trần Phong Vũ, bạn thân của ông, đã viết một bài rất dài về nếp sống, tâm tư, và ước nguyện của ông. Sức khỏe của ông mỗi ngày mỗi mong manh vì gần 30 năm bị CSVN hành hạ trong tù, dù có sự chăm sóc của ban điều hành nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân. Đầu tháng 10 năm 2012, ông nhập đạo Công Giáo trên giường bệnh và nhắm mắt ra đi trong bằng an ngày mồng 2, cách đây vừa đúng 10 năm. Báo DĐGD ở Cali đã giao tiếp thường xuyên với ông,và đặc biệt giúp đỡ ông rất nhiều trong những ngày cuối cùng này.
Thơ văn của ông có rất nhiều, tôi thích nhất hai bài, Nguyễn Chí Thiện viết từ năm 1968. Bài thứ nhất viết về Bác Hồ, ông đã gọi Bác là NÓ.

Tôi biết nó.
Không có gì quý hơn độc lập tự do
Tôi biết nó thằng nói câu đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu
Lúc rụi vào Tầu, lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tầu Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho anh
Ôi độc lập tự do !
Xưa cũng vì quý hai thứ đó
Đất Bắc mắc lừa mất vào tay nó
Và nay mà vẫn còn có người mơ hồ nghe nó
Nó mới vạn lần cần nguyền rủa thật to!


Một bài khác tôi thấy ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện rất lạc quan, tin vào tương lai VN sẽ hết CS. Xin trích mấy dòng mà ông tỏ ra lạc quan tin vào tương lai tươi sáng, trong bài ‘ Sẽ có một ngày’:

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng vất cờ vất Đảng
Đội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thay cờ hồng
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay thế Tiến Quân Ca và Quốc Tế Ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la…


Tác giả cả đời là môt chiến sĩ chống Cộng, dù trong những hoàn cảnh tù tội vô cùng hung ác ở đất Bắc, hay trong nhiều cảnh chụp mũ chia rẽ ở hải ngoại, người chiến sĩ ấy vẫn lạc quan, tin vào tương lai huy hoàng của đất nước. Ông là bậc anh hùng ái quốc rõ ràng, phải không các cụ?
Nguyện xin hồn thiêng Cha Chính Vinh và Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện trên chốn trời cao phù hộ cho tất cả chúng ta.
TRÀ LŨ
 
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain
Vu Van An
21:00 01/10/2022

Về Giáo Hội của Chúa Kitô,



Ngôi vị của Giáo Hội và Nhân sự của Giáo Hội

Như bài trước đã nhắc đến, năm 1970, giữa lúc có cuộc khủng hoảng đặc biệt về giáo hội học sau Công đồng Vatican II, Jacques Maritain, người tham gia nhiều phiên họp của Công đồng Vatican II, dù không phải là một thần học gia, cũng đã suy tư và góp tiếng nói "của một triết gia già" vào cố gắng phần nào gỡ người ta ra khỏi cuộc khủng hoảng giáo hội học, qua tác phẩm De L'Église du Christ" do Nhà xuất bản Dsclée de Brouwer, Paris, phát hành. Chúng tôi dựa vào ấn bản tiếng Pháp này để chuyển sang tiếng Việt, có tham khảo bản tiếng Anh, "On the Church of Christ, The Person of the Church and Her Personnel' của Joseph W. Evans, do Nhà xuất bản University of Notre Dame Press phát hành năm 1973, năm Triết gia qua đời.



Lời nói đầu của Jacques Maritain

Một giáo dân, vốn không có thẩm quyền bàn luận những vấn đề như thế này (vì không phải là nhà thần học), lấy quyền gì mà dám mạo hiểm viết những trang này về Giáo hội của Chúa Kitô, một điều vốn là mầu nhiệm đức tin? Tôi xin trả lời rằng thẩm quyền duy nhất mà người ta có thể tận dụng để nói với người khác là thẩm quyền sự thật; và trong một thời điểm lịch sử vô cùng rắc rối, chắc chắn một nhà triết học Kitô giáo già, người đã suy nghĩ về mầu nhiệm Giáo hội trong sáu mươi năm, được phép mang đến cho nó chứng từ đức tin và các suy tư của mình.

Tuy nhiên, có một câu trả lời tốt hơn và có ý nghĩa lớn hơn: đó là triết học, ngay trong tư cách ancilla [tớ gái] của thần học, vẫn chưa bao giờ mang thân phận tôi đòi (đúng hơn là một "trợ lực" - về phía lý trí tự nhiên đơn thuần – hơn là một "đầy tớ" của thần học), không những cung cấp cho thần học một nền siêu hình học (ý tôi là một siêu hình học được thành lập trong chân lý); ngoài ra, nếu ít nhất nhà triết học nghĩ rằng nó được đức tin củng cố, thì nó còn có nhiệm vụ phải đi vào, vâng, đi vào lãnh địa riêng của sacra doctrina [học thuyết thánh thiêng] để ở đó, nó thực hành các nỗ lực của lý trí và cuối cùng đề xuất cho các tiến sĩ có năng quyền những quan điểm mới, tôi nói với chức danh một nhân viên nghiên cứu, và là một nhân viên nghiên cứu tự do hơn một nhà thần học: vì lúc đó, chỉ cần nhà triết học được thông tri một cách thích đáng các vấn đề thần học và các tranh cãi thần học, nhưng không có nhiệm vụ phải bận tâm, như nhà thần học, đến các soi sáng mà khoa chú giải lịch sử các bản văn Kinh thánh có thể cung cấp, và đến tầm quan trọng của cả một truyền thống giáo phụ và công đồng lâu đời cần được biết đến một cách chi tiết, cần được truy cứu và thảo luận, sao cho có thể sắp xếp một cách hữu cơ và làm cho kho tàng chân lý mà nó đã truyền lại cho chúng ta được tiến bộ (tôi không nói về số lượng đáng kể các nhà thần học giả mạo ngày nay đang cố gắng phá hủy nó).

Nhà triết học nhường cho hiểu biết riêng của nhà thần học công việc giải thích và xây dựng vĩ đại đang bàn. Ông được hưởng thành quả của hiểu biết này. Nhưng theo lối suy nghĩ của riêng ông, tinh thần với những yêu cầu của nó và hữu thể với những bí mật của nó một mình đối diện với nhau; lý trí của nhà triết học Kitô giáo một mình, đứng trước sự hiện diện của những thực tại cao cả vốn được nhà thần học trình bày cho ông, để suy tư về chúng. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng trong công việc nghiên cứu, ông tự do hơn nhà thần học, người mà ông đề xuất những quan điểm mà chính thần học có nhiệm vụ phải phán đoán dứt khoát.

Liên quan tới tác phẩm này, chúng tôi xin nói thêm rằng cách tiếp cận triết học đòi người ta phải coi mầu nhiệm Giáo hội như một đối tượng được đặt ra cho tinh thần và là điều người ta có nhiệm vụ phải mô tả. Để đảm nhiệm việc thực hiện bức chân dung như thế về một mầu nhiệm, cần phải là một nhà triết học già biết chống lại sự hấp dẫn của rủi ro (của những rủi ro đẹp đẽ). Ít nhất, ông không nên có quá nhiều ảo tưởng về chính mình. Nói cho ngay, cuốn sách này do một kẻ ngu dốt viết cho những kẻ ngu dốt như mình, nhưng cũng như hắn, họ rất muốn hiểu càng nhiều càng tốt, hiểu được phần nào.

Cuốn sách đang bàn không liên quan gì đến khoa hộ giáo. Nó giả định đức tin Công Giáo và ngỏ lời trước hết với người Công Giáo, với những người anh em không ly khai với chúng tôi vốn đọc kinh Tin Kính vào mỗi Chúa nhật và họ đọc: Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Nó ngỏ lời với những người khác, - với những người anh em ly khai với chúng tôi, với những người bạn không theo Kitô giáo của chúng tôi, với những người bạn theo thuyết bất khả tri hoặc vô thần của chúng tôi, - miễn là họ đối thoại với người Công Giáo và mong muốn biết những gì người Công Giáo tin, ngay cả đôi khi những người Công Giáo này có vẻ như đã quên khuấy mất nó.

Cuốn sách này không liên quan gì đến một khảo luận về giáo hội học. Nó là một loại suy niệm tự do khai triển theo đà các vấn đề nảy ra trong tâm trí, đến mức có được một ý tưởng chính xác về điều mà tác giả cho rằng cần phải theo đến cuối con đường nó muốn mô tả.

Sau đó, cần phải lưu ý (các tác giả tốt không khuyên người ta phải nhấn mạnh vào điều hiển nhiên) rằng trong phụ đề của tác phẩm và trong sự phân biệt giữa ngôi vị của Giáo hội và nhân sự của Giáo hội, chữ "nhân sự", tự chính nó và trong suy nghĩ của tôi, hoàn toàn không có gì miệt thị cả. Tôi nói "nhân sự của Giáo hội" giống như người ta nói "nhân viên giảng huấn" hoặc "nhân viên ngoại giao." Nếu ai đó hài lòng muốn hiểu chữ này theo nghĩa bị coi là sỉ nhục tức nghĩa "những người phục dịch" (một thuật ngữ mà trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng phải xấu hổ khi sử dụng với thái độ khinh thường), thì tôi cũng sẽ cho họ thấy rằng không có gì ở trên đời này vinh dự hơn là được Thiên Chúa mời gọi dấn thân phục dịch Người và phục dịch Giáo hội của Người, - kẻ giữ ngựa của vua các vua hay người hầu cận của cô dâu Người, - và thuộc về "nhân sự" của Giáo hội theo nghĩa này (nghĩa, đàng khác, còn hạn chế không phải của chính tôi) là một điều vĩ đại không gì sánh được, đến nỗi, thay vì bị sỉ nhục, nó yêu cầu phải đi đôi với nhau một cách khiêm tốn không gì sánh được.

Cuối cùng tôi xin lưu ý rằng (và vì điều này, tôi xin lỗi vì những gì liên quan đến việc trình bày tập sách) có một số chương rất ngắn và một số chương khác rất dài. Điều này không phải là do tầm quan trọng của đối tượng được bàn tới, mà chỉ vì mức độ phức tạp ít nhiều lớn lao của cuộc thảo luận được yêu cầu.

11 tháng 6 năm 1970

J.M.

Lời Nhà Xuất bản Desclée de Brouwer

Nhà xuất bản Desclée de Brouwer phát hành ấn bản đầu tiên của De L’Église du Christ năm 1970, với lời giới thiệu sau đây trên tờ bìa sau:

Cuốn sách này không có chi thuộc loại khảo luận giáo khoa, nó là một loại suy tư tự do trong đó Jacques Maritain không tin là mình bị cấm phát biểu tư duy của mình về một mầu nhiệm đức tin mà tầm quan trọng rất chủ yếu đối với đời sống của mọi người Công Giáo, trong viễn tượng riêng của một triết gia và một giáo dân. Ông coi triết lý Kitô giáo như một công trình nghiên cứu cùng một lúc vừa lệ thuộc thần học và được thần học yêu cầu, vừa phải tiến tới mà không sợ phải tuân phục, do bản nhiên, phán đoán của một sự khôn ngoan cao hơn.

Tác giả nhấn mạnh tới ngôi vị của Giáo hội nhiều hơn người ta thường làm. Thực vậy, ông nghĩ rằng chỉ sau khi đã đưa ra ánh sáng tư cách ngôi vị siêu nhiên của Hiền Thê Chúa Kitô, người ta mới có thể thực hiện được sự phân biệt phải có giữa Giáo hội và nhân viên của Giáo Hội, cũng như sự phân biệt không kém cần thiết giữa nhân viên khi hành động như nguyên nhân chính và cũng nhân viên này như là dụng cụ nhờ đó chính ngôi vị của Giáo Hội hành động.

Kỳ sau: Chương một:Dữ kiện được mạc khải liên quan đến Giáo Hội
 
VietCatholic TV
Đại Tá tình báo Nga trúng HIMARS, tử trận. Putin cướp đất, TT Zelenskiy nộp đơn xin gia nhập NATO
VietCatholic Media
03:12 01/10/2022


1. Đại Tá tình báo Nga trúng HIMARS thiệt mạng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian-Installed Official Killed in Pinpoint HIMARS Strike by Ukraine”, nghĩa là “Quan chức do Nga cài đặt bị giết trong cuộc tấn công chính xác bằng HIMARS của người Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức địa phương do Nga cài đặt ở vùng Kherson phía nam Ukraine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công chính xác của Ukraine bằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp, các quan chức địa phương cho biết.

Đại Tá Alexei Katerinichev, phó chủ tịch nội vụ của chính quyền do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm ở khu vực Kherson, đã bị giết hôm thứ Sáu. Kirill Stremousov, phó chủ tịch khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát, cho biết như trên.

“Đại Tá Alexei Katerinichev chết do một cuộc tấn công chính xác từ HIMARS. Hai quả hỏa tiễn đã bắn trúng ngôi nhà mà anh ấy đang ở”, Stremousov nói như trên với hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga.

Alexander Malkevich, thành viên của Cục Hành chính Liên bang Nga, cũng xác nhận cái chết của Katerinichev trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình.

“Đêm nay, do hậu quả của một cuộc tấn công khủng bố bằng hỏa tiễn dẫn đường của Lực lượng vũ trang Ukraine ở trung tâm Kherson, Alexei Katerinichev, phó chủ tịch thứ nhất phụ trach an ninh quân sự khu vực Kherson, đã thiệt mạng”, Malkevich viết

Malkevich lưu ý rằng Katerinichev chỉ mới giữ chức vụ này ở Kherson bị chiếm đóng trong một tháng rưỡi qua. Người quá cố là một Đại Tá của Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga, gọi tắt là FSB, và đã phục vụ trong FSB 25 năm.

Đây không phải là cuộc tấn công HIMARS đầu tiên trong khu vực giết chết một quan chức do Nga cài đặt trong tháng này.

Vào ngày 16 tháng 9, các nhà chức trách cho biết Ukraine đã tấn công các tòa nhà chính phủ ở vùng Kherson bị chiếm đóng ít nhất 5 lần bằng HIMARS, giết chết ít nhất một người và làm bị thương những người khác.

Ekaterina Gubareva, phó chủ tịch chính quyền do Nga thành lập ở Kherson, cho biết vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, một cuộc họp đang được tiến hành giữa những người đứng đầu thành phố và các quận, huyện của thành phố.

Stremousov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti rằng gần đây hơn, Alexei Zhuravko, từng là nghị sĩ trong Quốc Hội của Ukraine, bỏ theo Nga, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công HIMARS vào một khách sạn ở Kherson.

Các nhà chức trách Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về các vụ việc.

Kherson đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ đầu tháng Ba. Tuy nhiên, Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công trong khu vực và đã đạt được thành công lớn trong một cuộc phản công khác ở khu vực Kharkiv ở phía đông bắc đất nước.

Điện Cẩm Linh đã sáp nhập khu vực Kherson vào Nga tại một buổi lễ ở Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Sáu.

Đầu tháng này, một tướng hàng đầu của Mỹ cho biết HIMARS do Mỹ cung cấp đã được sử dụng để tấn công hơn 400 mục tiêu của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra. Cho đến nay, Mỹ đã gửi cho Ukraine 16 hệ thống vũ khí HIMARS được cho là có khả năng lật ngược tình thế chiến tranh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và các nhà chức trách Ukraine để đưa ra bình luận.

2. Zelenskiy nói Ukraine đang nộp đơn xin gia nhập NATO “theo một thủ tục cấp tốc”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết đất nước của ông đang nộp đơn “theo một thủ tục cấp tốc” để trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Ông đã ký đơn của Ukraine cùng với Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk và Thủ tướng Denys Shmygal.

“Chính tại đây, ở Ukraine, các giá trị của cộng đồng Âu Châu-Đại Tây Dương của chúng ta đã có được năng lượng sống thực sự,” Zelenskiy nói trong một thông điệp video. “Sức mạnh của quốc gia chiến đấu cho tự do và sức mạnh của các quốc gia giúp đỡ trong cuộc chiến này.”

Ông nói rằng “trên thực tế”, Ukraine đã “hoàn thành con đường của chúng tôi” với NATO.

“Hôm nay, Ukraine đang nộp đơn để chính thức hóa điều đó. Theo một thủ tục phù hợp với tầm quan trọng của chúng tôi trong việc bảo vệ toàn bộ cộng đồng của chúng ta, theo một thủ tục cấp tốc”

Zelenskiy nói rằng ông hiểu rằng việc gia nhập cần có sự đồng thuận của các thành viên NATO.

“Và do đó, trong khi cuộc chiến này đang diễn ra, chúng tôi đề nghị thực hiện các đề xuất của mình liên quan đến bảo đảm an ninh cho Ukraine và toàn bộ Âu Châu phù hợp với Hiệp ước An ninh Kyiv, đã được phát triển và trình bày cho các đối tác của chúng tôi.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Sáu rằng các quốc gia thành viên của liên minh ủng hộ “quyền lựa chọn con đường” của Ukraine sau khi ông Zelenskiy đưa ra tuyên bố.

Stoltenberg cảnh báo rằng bất kỳ quyết định nào về tư cách thành viên đều phải được thực hiện bởi tất cả 30 thành viên của liên minh.

“Các đồng minh NATO, khi họ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, cũng đã tuyên bố rất rõ ràng rằng chúng tôi ủng hộ quyền lựa chọn con đường của Ukraine, quyết định loại thỏa thuận an ninh mà nước này muốn tham gia”, Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo.

“Mọi nền dân chủ ở Âu Châu đều có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO, và các đồng minh NATO tôn trọng quyền đó và chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng cánh cửa của NATO vẫn rộng mở. Và chúng tôi đã chứng minh điều đó trong vài năm qua.”

3. Các nước Baltic nói rằng họ ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Ukraine

Estonia, Latvia, Lithuania hôm thứ Sáu cho biết họ “hoàn toàn ủng hộ việc chào đón Ukraine gia nhập NATO càng sớm càng tốt.”

Các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia này là Urmas Reinsalu, Edgars Rinkēvičs và Gabrielius Landsbergis - đã chia sẻ những thông điệp tương tự trên tài khoản Twitter của họ.

Tất cả họ đều nói: “Sự dũng cảm đầy cảm hứng của Ukraine sẽ có thể củng cố liên minh của chúng ta.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết đất nước của ông đang nộp đơn “theo một thủ tục cấp tốc” để trở thành thành viên của liên minh quốc phòng.

4. Lãnh sự quán Nga ở New York đã bị phá hoại bằng sơn xịt màu đỏ vào đầu ngày thứ Sáu, Agence France-Presse đưa tin.

Các nhân viên an ninh Hoa Kỳ cho biết họ đã trả lời một cuộc gọi khẩn cấp chỉ sau 1:30 sáng báo cáo rằng sơn đã phun khắp mặt tiền của lãnh sự quán ở vùng phía Đông của Manhattan.

Phát ngôn nhân của cảnh sát cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành và không có vụ bắt giữ nào được thực hiện.

Rosie Morse, một người về hưu sống trong khu phố gần lãnh sự quán, cho biết bức tranh phun sơn “trông giống như một tác phẩm nghệ thuật”.

“Nhưng ý nghĩa là bày tỏ cảm xúc của chúng tôi về Putin, và tôi không thể nói rằng tôi không đồng ý,” cô nói với AFP.

“Đó là hành động phá hoại nhưng đó là biểu hiện của việc mọi người ở New York đang nhận ra rằng Putin đang giết người,” một người ngoài cuộc khác, Romen Eaulin nói.

Màu sơn đỏ tươi xuất hiện vài giờ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Cảnh quay camera giám sát cho thấy một nhân vật trùm đầu và đeo mặt nạ đang xịt sơn vào tòa nhà vào đầu giờ sáng. Không có bảo vệ nào xuất hiện để ngăn cản.

Thứ Sáu cũng chứng kiến một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất nhằm vào dân thường trong nhiều tháng sau khi các cuộc pháo kích của lực lượng Mạc Tư Khoa giết chết ít nhất 30 người của một phái đoàn trợ giúp nhân đạo ở khu vực phía nam Zaporizhzhia của Ukraine.

5. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho thấy tình trạng y tế cực kỳ khôi hài của quân Nga

Trong bản tin tình báo ngày 30 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Việc cung cấp y tế cho quân đội Nga ở Ukraine có lẽ đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một số lính dự bị của Nga mới bị gọi nhập ngũ đã được lệnh phải tự tìm nguồn cung cấp các đồ sơ cứu chiến đấu, với lời khuyên rằng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ là một giải pháp tiết kiệm chi phí.

Đào tạo y tế và nhận thức về sơ cứu có thể còn kém. Một số lính Nga đã có được các dây băng cầm máu trong chiến đấu hiện đại kiểu phương Tây, của riêng họ nhưng lại cột chặt chúng vào thiết bị của họ bằng dây cáp, chứ không phải bằng dây khóa Velcro được cung cấp - có thể là do những thiết bị như vậy rất khan hiếm và có thể bị đánh cắp. Điều này gần như chắc chắn sẽ cản trở hoặc khiến việc sử dụng băng cầm máu để chăm sóc không thể kịp thời trong trường hợp chảy máu thảm khốc trên chiến trường.

Việc quân đội Nga thiếu tự tin đối với việc cung cấp đủ y tế gần như chắc chắn góp phần vào tình trạng suy giảm tinh thần và thiếu khả năng sẵn sàng thực hiện các chiến dịch tấn công ở nhiều đơn vị ở Ukraine.

Thụy Khanh xin được giải thích thêm: Torniquet là sợi dây băng được dùng để quấn quanh tay hay chân trong trường hợp bị thương để cầm không cho máu chảy xuống. Đó là một thiết bị quan trọng trong chiến đấu. Nếu không có thiết bị này, người bị thương có thể chết vì mất máu.

6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi những thành công trong cuộc phản công của Ukraine ở phía đông khi lực lượng của Kyiv chiếm lại thành phố then chốt Lyman

“Chúng tôi có những kết quả đáng kể ở phía đông của đất nước chúng tôi. Đã có đủ thông tin công khai về điều này. Mọi người đều đã nghe những gì đang xảy ra ở vùng Lyman, Donetsk. Những bước này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm trước quốc dân đồng bào.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải giải phóng toàn bộ đất đai của mình và đây sẽ là bằng chứng tốt nhất cho thấy luật pháp quốc tế và các giá trị nhân văn không thể bị phá vỡ bởi bất kỳ quốc gia khủng bố nào, kể cả một kẻ xấc xược như Nga”.

Phát biểu của Zelenskiy được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu chính thức sáp nhập bốn khu vực do Mạc Tư Khoa chiếm được của Ukraine, sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vội vã mà phương Tây đã lên án là một “trò giả tạo”.

“Con đường của kẻ thù của chúng ta hoàn toàn rõ ràng, đó là thất bại, xấu hổ và bị lên án,” Zelenskiy nói.

Hôm thứ Sáu, nhà lãnh đạo Donetsk do Nga hậu thuẫn nói rằng quân đội Nga và các đồng minh của họ đang chống trả tại Lyman bằng “sức mạnh cuối cùng của họ” và lực lượng của Mạc Tư Khoa tại thị trấn đã bị “bao vây một phần”, AFP đưa tin. Trong khi đó, phía Ukraine cho rằng chỉ còn vài ổ kháng cự cuối cùng và quân Nga không có cách nào thoát ra khỏi khu vực.

7. Các ngoại trưởng G7 cho biết họ sẽ áp đặt thêm các trừng phạt kinh tế đối với Nga

Các ngoại trưởng G7 của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Đại diện cấp cao của Liên minh Âu Châu hôm thứ Sáu cho biết họ sẽ áp đặt thêm các trừng phạt kinh tế đối với Nga về việc sáp nhập các lãnh thổ Ukraine.

Các ngoại trưởng G7 lên án “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine và việc nước này tiếp tục vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Ukraine”.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận những cuộc thôn tính có mục đích này, cũng như 'cuộc trưng cầu dân ý' giả tạo được tiến hành bằng súng đạn.

“Chúng tôi sẽ áp đặt thêm các trừng phạt kinh tế đối với Nga, và đối với các cá nhân và thực thể - bên trong và bên ngoài nước Nga - hỗ trợ chính trị hoặc kinh tế cho những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế này.”

Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết trước đó vào thứ Sáu rằng họ sẽ công bố các lệnh trừng phạt phối hợp với các đồng minh G7.

Một quan chức chính quyền Biden cho biết Mỹ đang “tấn công bổ sung vào các quan chức và lãnh đạo chính phủ Nga, thành viên gia đình của họ, các quan chức quân sự Nga và Belarus, và mạng lưới mua sắm quốc phòng, bao gồm các nhà cung cấp quốc tế hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga” thông qua các thông báo từ Bộ Tài chính, Thương mại và Nhà nước.

8. Ukraine cho biết ít nhất 30 người thiệt mạng sau khi hỏa tiễn của Nga bắn trúng đoàn xe nhân đạo dân sự ở Zaporizhzhia

Các quan chức Ukraine cho biết ít nhất 30 người đã thiệt mạng và 88 người bị thương trong một cuộc tấn công của lực lượng Nga vào một đoàn xe dân sự đang rời thành phố Zaporizhzhia.

“Kẻ thù đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một đoàn xe nhân đạo dân sự trên đường rời Zaporizhzhia”, Oleksandr Starukh, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Zaporizhzhia, cho biết trên Telegram:

“Mọi người xếp hàng để lên đường đến vùng đất bị tạm chiếm, để đón người thân của họ, để chuyển viện trợ.”

Trong số những người thiệt mạng có một bé gái 11 tuổi và một cậu bé 14 tuổi, theo Ihor Klymenko, người đứng đầu Cảnh sát Quốc gia Ukraine.

Ivan Fedorov, thị trưởng của thành phố bị chiếm đóng Melitopol, cho biết trên Telegram: “Mọi người rời Zaporizhzhia mỗi ngày để hỗ trợ người thân của họ, cung cấp các loại thuốc quan trọng cho dân thường và quay trở lại.

Đến bây giờ không thể đếm được số người chết và bị thương “.

Kyrylo Tymoshenko, phó văn phòng tổng thống, nói rằng tổng cộng 16 hỏa tiễn đã được lực lượng Nga phóng vào khu vực nơi đoàn xe dân sự bị tấn công.

Tymoshenko cho biết trên Telegram: “Theo thông tin sơ bộ, 16 hỏa tiễn đã được phóng bằng hệ thống hỏa tiễn S-300. 23 người chết và 28 người bị thương”.

“Bốn cuộc tấn công hỏa tiễn đã được thực hiện tại khu vực chợ, cũng như tại điểm tập trung các phương tiện và những người dân khởi hành đến lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng tạm thời. Có một đoàn xe chở dân thường đang trên đường đến vùng lãnh thổ bị tạm chiếm để đón người thân của họ”, Tymoshenko nói.

Lực lượng Nga thường xuyên sử dụng hỏa tiễn S-300 trong cuộc xung đột Ukraine.
 
Liên Hiệp Quốc: Có quá nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga trong cuộc xâm lược ở Ukraine
VietCatholic Media
05:19 01/10/2022


1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Shalom

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi đoàn sủng của Cộng đoàn Công Giáo Shalom và khích lệ các thành viên tiếp tục ngoan ngoãn vâng phục sự chỉ dẫn của Thánh Linh, gắn bó với các vị chủ chăn của Giáo hội và các vị lãnh đạo cần tôn trọng tự do lương tâm của các thành viên.

Cộng đoàn Công Giáo Shalom được thành lập cách đây 40 năm, ngày 09 tháng Bảy năm 1982, tại Giáo phận Fortaleza bên Brazil, do sáng kiến của ông Moysles Louro de Azevedo. Ông hiến dâng cuộc sống để góp phần vào việc loan báo Tin mừng cho người trẻ và những người xa lìa Giáo hội. Năm 1985, có bốn người trẻ đầu tiên gia nhập cộng đoàn sự sống. Năm sau đó, chị Maria Emmir Nogueira gia nhập và sau đó trở thành đồng sáng lập viên. Giáo quyền địa phương chính thức nhìn nhận cộng đoàn này và năm 2007, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân cũng ban sắc lệnh công nhận cộng đoàn như một Hiệp hội quốc tế các giáo dân.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Kevin Farrell, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cùng với Đức Hồng Y Odilio Scherer, Tổng giám mục Giáo phận São Paulo, Brazil.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha trả lời một số câu hỏi do các bạn trẻ nêu lên, và ngài ca ngợi cộng đoàn này, ngay từ đầu đã tỏ ra có tinh thần can đảm sáng tạo, cởi mở đón tiếp và có một đà tiến truyền giáo mạnh mẽ. Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em đã đặt việc cử hành thánh lễ, Chầu Mình Thánh Chúa, xưng tội ở trung tâm cuộc sống. Anh chị em đã đề cao việc giảng thuyết, âm nhạc, kinh nguyện chiêm niệm cá nhân và cộng đoàn. Đó thực là một sự phong phú theo tinh thần Công Giáo.”

“Cộng đoàn của anh chị em là Công Giáo, vì luôn tiến bước với các vị mục tử của Giáo hội, vâng phục, yêu mến và gần gũi các mục tử của mình. Đừng xa lìa các mục tử, vì nơi nào có mục tử thì có Chúa Giêsu. Đúng hơn, chúng ta như những mục tử của Chúa Giêsu”.

Nhắc đến sự tận hiến cuộc sống của các thành viên, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Sự dâng hiến bản thân, không từ bỏ vẻ đẹp của ơn gọi làm môn đệ Chúa, phải luôn tôn trọng tự do của con người, biết chờ đợi những thời điểm tăng trưởng khác nhau của mỗi người và đồng hành trong sự tế nhị và phân định trong việc chọn lựa bậc sống cần theo, trong sự chọn lựa đời sống cộng đoàn. Sự ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, kinh nghiệm và lắng nghe Giáo hội là Mẹ, sẽ dạy anh chị em luôn tránh bất kỳ hình thức xen mình nào vào lương tâm cá nhân của các thành viên.”

2. Quan chức Liên Hiệp Quốc: Có “quá nhiều bằng chứng” về vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine

Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo cho biết hiếm khi cộng đồng quốc tế thu thập được nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền như khi điều tra việc Nga xâm lược Ukraine.

“Chúng tôi vô cùng lo ngại trước các cáo buộc vi phạm ở các vùng phía đông bắc Ukraine, bao gồm cả sau khi trục vớt hơn 400 thi thể từ các ngôi mộ ở Izium. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang làm việc với chính quyền địa phương để điều tra vụ việc này và các cáo buộc khác về vi phạm và lạm dụng nhân quyền tại các khu vực thuộc Kharkiv gần đây nằm dưới sự kiểm soát của Nga”, DiCarlo cho biết trong một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba.

Bà nói thêm rằng sau khi điều tra ở các khu vực Kyiv, Chernihiv, Kharkiv và Sumy, Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Ukraine (do Hội đồng Nhân quyền ủy nhiệm) đã kết luận rằng “tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine. Trong số các phát hiện khác, ủy ban đã choáng ngợp bởi số lượng lớn các vụ hành quyết và các vi phạm khác do các lực lượng Nga thực hiện.

“Hiếm có khi nào, cộng đồng quốc tế thu thập được nhiều bằng chứng về vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh và các hành động tàn bạo khác như chúng đang xảy ra. Thật là bi thảm là chúng ta đã không thể ngăn chặn chúng. Nhưng sẽ thật đáng xấu hổ nếu chúng ta không bảo đảm được công lý cho nạn nhân và những người thân yêu của họ. Những người chịu trách nhiệm về sự xúc phạm đã xảy ra ở Ukraine, bất cứ họ đang ở đâu, họ vẫn phải có trách nhiệm giải trình.”


Source:CNN

3. Đại hội Lần thứ 13 của Hội đồng Giám mục miền nam Phi châu

Đại hội Lần thứ 13 của các giám mục miền nam Phi châu, gọi tắt là Imbisa, đã khai diễn hôm 24 tháng Chín vừa qua, tại phố Windhoek, thủ đô Namibia, với chủ đề chính: “Tái tạo sự dấn thân của Giáo hội với người trẻ tại các nước miền nam Phi châu, dưới ánh sáng Tông huấn “Christus vivit” của Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Tông huấn Christus vivit, Chúa Kitô đang sống, được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố năm 2019, đúc kết thành quả Thượng Hội đồng Giám mục giới, nhóm hồi tháng Mười năm 2018 trước đó về giới trẻ.

Hiện diện trong buổi khai mạc khóa họp, ngoài gần 60 giám mục đến từ chín nước vùng nam Phi châu, cũng có đại diện giới trẻ tại các nước này.

Đức Cha Lucio Andrice Muandula, Giám mục Giáo phận Xai-Xai bên Mozambique, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Imbisa đặc biệt chào mừng các giám mục trẻ được thụ phong trong ba năm gần đây. Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục Peter Brian Wells, người Mỹ, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam phi đã nhắc đến lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về đồng hành tính và chuyển lời chào mừng nồng nhiệt của Đức Thánh Cha gửi đến các giám mục tại miền nam Phi châu.

Phó Tổng thống Namibia, ông Nangolo Mbumba cũng lên tiếng tại buổi khai mạc và cám ơn Giáo Hội Công Giáo trong vùng vì đã hỗ trợ các nước trong cuộc tranh đấu giải phóng.

Các đại diện của Hội đồng Giám mục Mỹ, của Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam, và đại diện của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, cũng lên tiếng tại khóa họp, sau phần chào mừng.

Giáo sư James Nyawo, người Zimbabwe trình bày những gợi ý đi từ Tông huấn Christus vivit của Đức Thánh Cha cho hai ngày họp, qua đó Đức Thánh Cha mời gọi trẻ trung hóa Giáo hội. Giáo hội cần cùng nhau tiến bước để có thể đi xa.
 
Chỉ huy lính đánh thuê khét tiếng tử trận ở Donbas. Thảm bại Lyman: Các Tướng Nga chê nhau đần độn
VietCatholic Media
16:19 01/10/2022


1. Chỉ huy Wagner của Nga bị giết ở Donbas của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Wagner Commander Killed in Ukraine's Donbas”, nghĩa là “Chỉ huy Wagner của Nga bị giết ở Donbas của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Chỉ huy cấp cao của Tập đoàn Wagner của Nga, một nhà thầu quân sự tư nhân gần gũi với Điện Cẩm Linh, được cho là đã bị quân đội của Kyiv giết ở Ukraine.

Alexei Nagin, 41 tuổi, đã bị giết gần Bakhmut ở tỉnh Donetsk của Ukraine vào ngày 20 tháng 9, theo WhereisRussiaToday, một trang web theo dõi quân đội Nga.

Lính đánh thuê Wagner đã đóng một vai trò ngày càng tăng ở Ukraine trong vài tháng qua, sau khi các đơn vị chính quy của Nga bị thương vong nghiêm trọng.

Trang tin tức Ukraine obozrevatel.com đưa tin Yevgeny Prigozhin, nhà tài phiệt Nga kiểm soát Tập đoàn Wagner, đã có mặt trong đám tang của Nagin ở Volgograd. Prigozhin được biết đến là “đầu bếp của Putin” vì công ty phục vụ của ông đã chuẩn bị bữa tối cho tổng thống Nga.

Nagin trước đây đã chiến đấu với lực lượng Nga hoặc Wagner ở Chechnya, Georgia, Syria và Libya, theo WhereisRussiaToday. Alexei Nagin gần đây đã tham gia vào một bộ phim tài liệu của Nga về Nhóm Wagner, có tựa đề “Điều tuyệt vời nhất trong địa ngục”.

Wagner, công ty đã cung cấp lính đánh thuê để hỗ trợ các chế độ độc tài ở Mali và Cộng hòa Trung Phi, có mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước Nga, theo Samuel Ramani, cộng sự tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh ở London.

Phát biểu với BBC, ông nói: “Nhóm Wagner đã đóng một vai trò tích cực trong việc đánh chiếm các thành phố như Popasna và Severodonetsk ở Luhansk.”

“Ngày nay, nó là một đơn vị không chính thức, không thuộc biên chế của quân đội Nga, không có thương vong nào được báo cáo.”

Vào tháng 8, tình báo Anh ước tính có khoảng 1.000 lính đánh thuê, bao gồm cả các thành viên của Nhóm Wagner, đang chiến đấu bên phía Nga ở Ukraine.

Tập đoàn Wagner được cho là đang tuyển mộ từ các nhà tù của Nga, để bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường ở Ukraine.

Phát biểu với The Insider, nhà vận động nhân quyền Olga Romanova cho biết: “Tất cả các loại tội phạm đều được chấp nhận, nhưng ưu tiên dành cho những kẻ giết người, cướp của và cướp bóc.

“Những người đã vào tù vì gây ra tổn thương cơ thể nghiêm trọng cho người khác cũng được hoan nghênh.”

“Và bây giờ họ đã bắt đầu tuyển dụng cả những tên bị kết án vì tội hiếp dâm, nhưng họ sắp xếp phục vụ trong một đơn vị riêng biệt.”

“Chúng tôi biết hai câu chuyện từ các nhà tù Saratov, những nơi hoàn toàn kinh khủng, có một câu chuyện rất đặc biệt trong số đó.

“Từ nhà tù đó họ đã tuyển dụng một kẻ cuồng ăn thịt người trong danh mục tuyển mộ nhập ngũ của mình. Anh ta cũng đã ra trận “.

Những tuyên bố này chưa được xác minh độc lập bởi Newsweek.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố bốn tỉnh của Ukraine, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng Hai, đã chính thức bị Nga sáp nhập.

Lệnh này được áp dụng cho Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, không có khu vực nào hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.

Mỹ coi các cuộc thôn tính là “bất hợp pháp” và tung ra một vòng trừng phạt mới nhắm vào “khu liên hợp công nghiệp quân sự” của Nga để trả đũa.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói: “Chúng tôi sẽ không đứng nhìn Putin cố gắng thôn tính một cách gian lận các phần của Ukraine.”

Hôm thứ Năm, người dẫn chương trình truyền hình Nga Vladimir Solovyov, có biệt danh là 'Tiếng nói của Putin' vì quan điểm dân tộc chủ nghĩa kiên định của mình, thừa nhận “cả phương Tây đang bắt đầu chế nhạo chúng ta” sau thất bại của quân đội Nga ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga đã được liên hệ để đưa ra bình luận.

2. Các phe phái ở Nga chỉ trích lẫn nhau là đần độn trong thảm bại tại Lyman

Trong những nhận xét gay gắt trên kênh Telegram của mình, một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cựu quan chức quốc phòng tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã chỉ trích “sự thiếu chuyên nghiệp của các cấp chỉ huy” Nga trên chiến trường Ukraine.

Ông Igor Girkin nói rằng việc Ukraine bao vây hiệu quả các lực lượng Nga ở thị trấn Lyman, miền đông Donetsk, có khả năng “biến thành một đòn đánh lớn vào tinh thần đối với quân đội của chúng ta và ngược lại, trở thành một thành tựu to lớn khiến quân Ukraine lên tinh thần”.

Girkin từng là Bộ trưởng Quốc phòng của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk trong cuộc chiến năm 2014 và hiện là một nhà tuyên truyền và nhà phân tích quân sự ủng hộ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

“Với một mức độ chắc chắn còn lớn hơn nữa, tôi cho rằng các cấp chỉ huy thực sự là đần độn và thiếu chuyên nghiệp,” ông ta nói trên kênh Telegram chính thức của mình. “Thảm bại là không thể tránh khỏi trong một môi trường mà không ai chịu trách nhiệm cho tất cả những thất bại cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và thường xuyên, trừ ra phải có những người phải 'bị xử bắn' thẳng thừng.”

Ông nói rằng quân số của quân Ukraine đã đông hơn các lực lượng Nga và thân Nga từ 3 đến 4 lần, và ưu thế về pháo binh và không quân của Nga sẽ không đủ giúp ích gì cho các địa hình nhiều cây cối và hiểm trở.”

“Tại sao cuộc rút quân khỏi Lyman không được bảo đảm trước bằng cách đưa lực lượng vào 'hành lang' đủ để giám sát và bao quát cuộc rút quân - tôi không có câu trả lời cho điều đó,” ông nói thêm.

Ông nói rằng nếu lực lượng Nga không thể rút khỏi Lyman, “một thất bại chiến thuật đáng kể” sẽ trở thành “một thành công lớn về mặt tinh thần” đối với Ukraine.

Girkin cũng suy đoán rằng “rất có thể xảy ra” là sau khi chiếm được Lyman, quân Ukraine sẽ tấn công một thị trấn gần đó như một chiến thuật nghi binh, nhằm che đậy một cuộc tấn công lớn ở mặt trận phía nam, trong khu vực Zaporizhzhia, và cuối cùng sẽ đến các hậu quả khó lường.

“Sau Lyman, một cuộc đột phá của kẻ thù ở đâu đó gần Polahy hoặc phía nam Ugledar sẽ đe dọa phá hủy mặt trận và bao vây toàn bộ nhóm Kherson của chúng ta, sẽ dẫn kẻ thù đến bán đảo Crimea và - kết quả là - thất bại chiến lược của Liên bang Nga, Lực lượng vũ trang với những hậu quả to lớn khó lường.”

3. Tổng Thư Ký NATO nhận xét rằng các hành động mới nhất của Nga là những 'leo thang nghiêm trọng nhất' kể từ khi bắt đầu chiến tranh

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin kích động “sự leo thang nghiêm trọng nhất” của cuộc chiến ở Ukraine kể từ khi nó bắt đầu với những hành động mới nhất của ông.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Stoltenberg nói:

Putin đã huy động thêm hàng trăm nghìn quân, hô hào các cuộc bắn phá hạt nhân vô trách nhiệm và giờ đây đã sáp nhập bất hợp pháp thêm lãnh thổ Ukraine. Tất cả những điều này thể hiện sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Stoltenberg nói, động thái của Nga là “nỗ lực sáp nhập lãnh thổ Âu Châu bằng vũ lực lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai”, đồng thời cho biết thêm rằng một khu vực có diện tích gần bằng Bồ Đào Nha đã bị Nga “chiếm giữ bất hợp pháp bằng súng đạn”.

Các cuộc trưng cầu dân ý giả được tổ chức ở Mạc Tư Khoa và áp đặt lên Ukraine hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế. Việc chiếm đất này là vô lý và bất hợp pháp.

Các đồng minh của NATO không và sẽ không công nhận bất kỳ vùng lãnh thổ này là một phần của Nga.

Nato không phải là một bên trong cuộc xung đột nhưng tái khẳng định “sự ủng hộ vững chắc” đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ông nói.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bác bỏ những nỗ lực trắng trợn của Nga trong việc xâm chiếm lãnh thổ. Những vùng đất này là của Ukraine.

4. Nga phủ quyết một quyết nghị của Liên Hiệp Quốc chống lại việc sáp nhập Ukraine

Hôm thứ Sáu, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của phương Tây tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để lên án việc họ sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Mỹ đã đồng ý một nghị quyết liên quan đến Ukraine được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa sẽ sáp nhập các khu vực Ukraine bị chiếm giữ trong cuộc xâm lược sau các cuộc trưng cầu dân ý do Điện Cẩm Linh tổ chức.

“Đây chính xác là những gì Hội đồng Bảo an được trao nhiệm vụ. Đó là bảo vệ chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hòa bình và an ninh”, Đại sứ Liên Hiệp Quốc Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield phát biểu khi bắt đầu cuộc họp.

Bà nói: “Liên Hiệp Quốc được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng không bao giờ một quốc gia nào nữa được phép chiếm lãnh thổ của quốc gia khác bằng vũ lực.”

Đại sứ Nga, Vassily Nebenzia, đã chống lại những lời chỉ trích, nói:

“Bạn có nghiêm túc mong đợi Nga xem xét và ủng hộ một dự thảo như vậy không? Và nếu không, thì hóa ra bạn đang cố tình thúc đẩy chúng tôi sử dụng quyền phủ quyết để sau đó ngụy biện về sự thật rằng Nga lạm dụng quyền này,” Nebenzia nói.

Nghị quyết lên án các cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp” được tổ chức tại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng và kêu gọi tất cả các quốc gia không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với biên giới của Ukraine.

Nghị quyết cũng kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.

Nga là quốc gia duy nhất phản đối nghị quyết này.

Mười quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ: Albania, Pháp, Ghana, Ireland, Kenya, Mexico, Na Uy, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Trung Quốc và Ấn Độ bỏ phiếu trắng, cùng với Brazil và Gabon.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trước đó hôm vào thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng.

Blinken nói với các phóng viên ở Washington: “Nếu Nga ngăn cản Hội đồng Bảo an thực hiện trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ yêu cầu Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mọi quốc gia bỏ phiếu, làm rõ rằng việc vẽ lại biên giới bằng vũ lực là không thể chấp nhận được.

Ông nói: “Mọi quốc gia đều có vai trò trong việc lên án những bước đi này.”

5. Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt khoản viện trợ 12.3 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine

Quốc hội đã thông qua khoản viện trợ 12.3 tỷ đô la vào thứ Sáu cho Ukraine như một phần của dự luật chi tiêu ngắn hạn.

Gói này được phê duyệt chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập 4 khu vực Ukraine do Nga chiếm đóng, bao gồm 3 tỷ Mỹ Kim cho vũ khí, thiết bị và tiền lương cho quân đội Ukraine và ủy quyền cho Tổng thống Joe Biden chỉ đạo Ngũ Giác Đài chuyển 3.7 tỷ Mỹ Kim vũ khí và các thứ khác cho Ukraine.

Khoản viện trợ này nâng tổng số tiền Hoa Kỳ đóng góp lên 65 tỷ đô la.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: “Khoản viện trợ không hoàn lại mới này là một minh chứng cho sự tin tưởng của Hoa Kỳ đối với Ukraine và sẽ hỗ trợ các hoạt động quan trọng của chính phủ và cứu trợ người dân Ukraine đang phải chịu đựng cuộc chiến tàn khốc của Nga”

“Quan trọng là khoản tài trợ này cũng sẽ giúp củng cố sức đề kháng dũng cảm của Ukraine trước cuộc chiến tranh xâm lược phi pháp của Putin. Chúng tôi kêu gọi các nhà tài trợ không chỉ đẩy nhanh các khoản giải ngân hiện có của họ cho Ukraine mà còn tăng quy mô hỗ trợ của họ”.

6. Putin ký sắc lệnh về việc nhập ngũ thường lệ vào mùa thu

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu đã ký một sắc lệnh về việc gọi nhập ngũ thường lệ vào mùa thu - trong trường hợp này là 120,000 công dân Nga từ 18 đến 27 tuổi.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin rằng lệnh nhập ngũ mùa thu không liên quan gì đến cái mà Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Theo TASS, những lính nghĩa vụ sau khi thực hiện nghĩa vụ bắt buộc sẽ được đưa về nơi cư trú của họ. Cố nhiên là với điều kiện họ còn sống và không bị bắt làm tù binh.

7. Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các máy bay không người lái của Iran mà Nga có được đã gặp nhiều thất bại trong trận chiến

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Chính sách Sasha Baker nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng Mỹ đã có các bằng chứng cho thấy các máy bay không người lái của Iran mà Nga đang sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã gặp “nhiều thất bại” trên chiến trường.

“Chúng tôi đã thấy một số bằng chứng cho thấy các máy bay không người lái được Iran chuyển giao cho Nga đã trải qua nhiều thất bại trên chiến trường ở Ukraine,” Baker nói.

Baker cho biết những chiếc máy bay không người lái này không tiêu biểu cho một bước tiến công nghệ lớn của Nga trong cuộc xung đột.

Vào cuối tháng 8, Mỹ đánh giá Nga đang sở hữu các máy bay không người lái của Iran có khả năng mang vũ khí, các quan chức chính quyền Biden nói với CNN. Hồi tháng 7, Iran đã huấn luyện các binh sĩ Nga sử dụng các loại máy bay không người lái của họ và từ tháng 8, các máy bay không người lái của Iran đã được đưa về Nga để tham gia cuộc xâm lược Ukraine.

8. Biden nhận định rằng vụ rò rỉ trong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream là một “hành động phá hoại có chủ ý”

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng những rò rỉ được tìm thấy trong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream là một “hành động phá hoại có chủ ý”.

Ông cũng cáo buộc người Nga truyền bá “thông tin sai lệch và dối trá.”

“Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra. Và theo chỉ đạo của tôi, Hoa Kỳ đã bắt đầu giúp các đồng minh của chúng tôi tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng này, “ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.

Ông Joe Biden cũng cam kết điều tra những gì đã xảy ra.

“Vào thời điểm thích hợp, khi mọi thứ lắng xuống, chúng tôi sẽ cử thợ lặn xuống để tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi chưa biết chính xác đâu là nguyên nhân”, ông nói và nhấn mạnh rằng ông sẽ không lắng nghe những gì Putin đang nói.

“Những gì ông ta đang nói, chúng tôi biết là không đúng,”

Cuối ngày thứ Sáu, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói rằng Hoa Kỳ không tin rằng bất kỳ đồng minh NATO nào đứng sau vụ rò rỉ đường ống dẫn dầu.

Các đường ống được tạo ra để dẫn khí đốt từ Nga vào Liên minh Âu Châu và đã gây tranh cãi rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến tranh với Ukraine, phần lớn là do lo ngại về việc Âu Châu phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hôm thứ Hai, rò rỉ đã được phát hiện, thúc đẩy các cuộc điều tra của các nhà chức trách Âu Châu xác định rằng các vụ nổ mạnh dưới nước đã xảy ra ngay trước khi các đường ống bị vỡ ở một số nơi.
 
Tiến Sĩ George Weigel: Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?
VietCatholic Media
17:05 01/10/2022

Trong khi ca ngợi khả năng của đại hội trong việc “thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trên thế giới,” Đức Cha Athanasius Schneider, 61 tuổi, Giám Mục Phụ Tá Astana, Kazakhstan đã phàn nàn về “Siêu thị các tôn giáo”, nói rằng ngài tin rằng đại hội có “nguy cơ” khi đặt Công Giáo lên cùng bình diện với các tôn giáo khác và tạo ra ấn tượng đạo nào cũng như đạo nào.

Đức Cha Schneider nói với các phóng viên tại nhà thờ chính tòa của Astana: “Nó có thể tạo ấn tượng về một siêu thị của các tôn giáo, và điều đó là không chính xác, bởi vì chỉ có một tôn giáo thực sự, đó là Giáo Hội Công Giáo do chính Chúa thành lập”.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Evangelization: What And When?”, nghĩa là “Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?” nhằm đóng góp thêm ý kiến sau những phàn nàn của Đức Cha Schneider.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tại “cuộc họp thông tin” của Hồng Y Đoàn trong hai ngày 29 và 30 tháng 8 vừa qua, đã có sự đồng ý đáng kể rằng việc truyền giáo là mệnh lệnh hàng đầu của Công Giáo trong thế kỷ 21 — một sự đồng thuận có thể thấy dễ dàng là sẽ làm hài lòng tác giả của cuốn sách gây bối rối vào năm 2013 với tiêu đề thật khiêu khích Evangelical Catholicism - Đạo Công Giáo Tin lành. Tuy nhiên, cho dù có sự đồng thuận đó rồi, những câu hỏi nghiêm trọng vẫn cần được giải quyết. Khảo sát bối cảnh Công Giáo thế giới ngày nay, và xem xét bầu không khí hỗn loạn của Giáo hội trong thập kỷ vừa qua, có bốn câu hỏi “what - những gì” và một câu hỏi “when-khi nào” cần được đặt ra và giải quyết, nếu sự đồng thuận về sự cần thiết của việc truyền giáo muốn có kết quả là lôi kéo những người khác đến với Chúa, hoặc quay lại với Chúa.

Câu hỏi “what - những gì” đầu tiên thuộc về Kitô học: Liệu Giáo hội có thể truyền giáo không nếu Giáo Hội không đề xuất Chúa Giêsu Kitô là biểu hiện chính xác của sự tự mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại và là Đấng Cứu Tinh duy nhất của thế giới? Đó là lời dạy rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo từ bài giảng của Thánh Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ 4:12 thông qua tuyên ngôn Dominus Iesus hay Chúa Giêsu, do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành với sự chấp thuận có thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Đại Năm Thánh 2000. Niềm xác tín đó có còn là nền tảng của việc truyền giảng và dạy giáo lý Công Giáo ngày nay hay không? Nếu trả lời vẫn còn, thì làm thế nào để Giáo hội có thể hiểu được Tuyên Ngôn Abu Dhabi năm 2019, do Đức Thánh Cha Phanxicô ký, trong đó khẳng định rằng sự “đa nguyên” và sự “đa dạng” của các tôn giáo trên thế giới là do “ý muốn của Thiên Chúa”? Có sự căng thẳng ở đây, thậm chí có thể là mâu thuẫn, cần phải được làm rõ?

Câu hỏi “what - những gì” thứ hai thuộc về giáo hội học: Giáo Hội Công Giáo có phải là Giáo hội phổ quát với các biểu hiện giáo hội địa phương hay Giáo Hội Công Giáo chỉ đơn thuần là một liên đoàn lỏng lẻo của các giáo hội địa phương, mỗi giáo hội có “con đường” giáo lý và đạo đức riêng – chữ ‘con đường’ này tôi mượn một thuật ngữ từ các Giám Mục Đức - weg?

Anh giáo thế giới là một ví dụ về thứ liên đoàn lỏng lẻo này; và tình trạng đáng tiếc của Khối Hiệp Thông Anh giáo, vốn gây khó khăn cho việc triệu tập một cuộc họp của các thành viên, là một câu chuyện đáng cảnh giác. Hơn nữa, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức hơn đối với việc truyền bá Tin Mừng trong thế kỷ 21, nhiều vấn đề lớn hơn, thậm chí nhiều vấn đề trầm trọng hơn, khi các giáo hội địa phương công bố các phúc âm khác nhau và các cách sống khác nhau, không phải như thế sao? Công Giáo Đức mang đậm sắc mầu thể chế, dường như quyết tâm tự tái tạo lại mình với tên gọi là Giáo hội Của Những Con Người Nhạy Bén - the Church of Woke, sẽ có gì để cung cấp cho các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội ở Phi Châu và Á Châu? Làm thế nào mà một Đạo Công Giáo theo mẫu mới của Đức, mà hầu như không thể phân biệt được với chủ nghĩa thế tục cấp tiến, lại có thể tái truyền giáo cho những khu vực hậu Kitô giáo của thế giới Bắc Đại Tây Dương? Điều gì sẽ xảy ra cho việc truyền bá Tin Mừng khi Giáo hội mất mối liên kết với “một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Êphêsô 4: 5)?

Câu hỏi “what -những gì” thứ ba liên quan đến cấu trúc của đời sống luân lý: Thông điệp Veritatis Splendor hay Chân Lý Huy Hoàng năm 1993, khẳng định rằng một số hành vi trong chính nó và liên quan đến chính nó “tự bản chất là tội lỗi”, có còn được xem là xác định đúng đắn nền tảng Kinh thánh và thần học mà giáo huấn luân lý Công Giáo phải dựa trên nữa không? Hay giờ đây Giáo Hội Công Giáo chấp nhận lý thuyết luân lý-thần học được gọi là “thuyết tương xứng”, trong đó người ta hiểu đời sống luân lý như một cuộc thương lượng liên tục, mà lương tâm cá nhân phải tự hài hòa giữa các chuẩn mực đạo đức không ổn định, các tiêu chuẩn xã hội thay đổi và ý định cá nhân? Giáo hội có thể truyền giáo được không nếu không dám nói, với lòng trắc ẩn và với xác tín Tin Mừng, rằng đây mới là cách sống công chính, SỐNG KHÁC THẾ NÀY LÀ KHÔNG ĐƯỢC, bởi vì hành động khác đi chỉ đơn thuần là lầm lạc, CHẤM HẾT?

Câu hỏi “what - những gì” thứ tư liên quan đến chính sách ngoại giao của Vatican: Làm thế nào Giáo hội có thể truyền giáo được, đặc biệt là trong các nền văn hóa và trong các chính thể thù địch với Kitô giáo, nếu Vatican dường như không muốn bảo vệ chính mình? Con đường “đối thoại” được thực hiện ở Hương Cảng và Trung Quốc, với Nga, và với các cuộc đàn áp tàn bạo chống Công Giáo ở Cuba, Venezuela và Nicaragua, đã tạo ra rất ít kết quả tích cực, nếu không muốn nói là chẳng được ơn ích gì. Tác động của việc truyền bá Tin Mừng trong tương lai là gì khi Vatican miễn cưỡng bảo vệ công khai cả cá nhân những người Công Giáo như Jimmy Lai bị giam cầm ở Hương Cảng và Đức Cha Rolando Álvarez bị giam cầm ở Nicaragua và quyền tự do thể chế của Giáo hội, chẳng hạn như trong việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc? Liệu việc truyền giáo có thể thành công hay không nếu những nỗ lực “đối thoại” với những kẻ bắt bớ chung cuộc lại bóp nghẹt chính tiếng nói tiên tri của Giáo hội trong việc nói lên chân lý trước quyền lực thế gian?

Đối với câu hỏi “when - khi nào”, tháng trước, hơn một Hồng Y ở Rôma đã hỏi làm thế nào để tiến hành một chương trình truyền bá Tin Mừng mạnh mẽ nếu Giáo hội cứ liên tục họp – hết cuộc họp này đến cuộc họp khác từ Thượng Hội Đồng giáo phận, đến Thượng Hội Đồng quốc gia, Thượng Hội Đồng lục địa cho đến Thượng Hội Đồng toàn cầu. Việc trở thành Giáo hội “vĩnh viễn trong sứ mệnh truyền giáo” của Đức Thánh Cha Phanxicô không dễ gì tương hợp với việc trở thành một Giáo hội vĩnh viễn trong các cuộc họp. Và vấn đề quản lý thời gian thận trọng đó càng trở nên phức tạp khi các cuộc họp được đề cập được tiến hành trên tiền đề rằng có rất ít hoặc chẳng có gì ổn định trong một Đạo Công Giáo với những “thay đổi tận căn”.

Truyền bá Tin Mừng, chắc chắn là điều phải làm: Nhưng truyền bá thông điệp nào và bằng phương tiện gì?
Source:First Things