Ngày 12-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:07 12/10/2022

5. Khi con ưa thích làm việc thiện thì không nên để người khác biết, kẻo bị người họ làm cho hư không.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:14 12/10/2022
21. XỬ PHẠT ĐẬU PHỤ

Tư mã Uông vì sợ nên không nói, mà hể mở miệng thì nhất định ra vẻ khép nép.

Một hôm, đứa con dâu vì ghét chồng sủng ái người phụ nữ khác, nên tức khí cầm dao cắt mất sinh thực khí của chồng, người nhà vội vàng đến báo cáo cho tư mã Uông.

Lúc ấy, khách khứa đang ngồi chật cả phòng khách đều kinh hãi hỏi duyên cớ, tư mã Uông lên tiếng trả lời:

- “Đây là con dâu tôi xử phạt đậu phụ (1) của con trai tôi đó mà !”

(Thanh ngôn)

Suy tư 21:

Ghen và đánh ghen thì thời nào cũng có, có loại ghen khôn và loại ghen ngu: ghen khôn là làm cho chồng (vợ) lương tâm áy náy ăn không ngon ngủ không yên; ghen ngu là sau khi thỏa mãn cơn ghen xong thì bản thân cũng vào nhà tù mà ở, tình mất mà họa thì mang.

Yêu nên mới ghen, đó là lý do để tạt át xít vào tình địch; yêu nên bảo vệ tình yêu, đó là lý do để rạch mặt bồ nhí của chồng; yêu là phải bảo vệ gia đình, đó là lý do để cắt sinh thực khí của chồng.v.v...tất cả kiểu đánh ghen trên đều mang một sự thù hận, là ngọn cuồng phong thổi tắt ngọn lửa tình yêu leo lét giữa chồng vợ...

Con người ta khi yêu thì ai cũng ghen cả, nhưng cách ghen của người Ki-tô hữu thì không như người khác, họ cầu nguyện, nhẫn nại, yêu thương và hết lòng tha thứ lỗi lầm cho chồng (vợ).

Đó là ghen để được chứ không phải ghen để mất, ghen để yêu thêm chứ không phải ghen để thù hận xa cách, ghen để hàn gắn chứ không phải ghen để đổ vỡ...

Đó chính là cái ghen khôn ngoan vậy !

(1) Hình phạt thời xưa, tức là cắt bỏ sinh thực khí của tội phạm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 13/10: Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu – Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:44 12/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mấy nhà thông luật rằng: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.

“Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng : chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.

“Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

Đó là lời Chúa
 
Hoa trái của một tình yêu mãnh liệt
Lm. Minh Anh
05:43 12/10/2022

HOA TRÁI CỦA MỘT TÌNH YÊU MÃNH LIỆT
“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái!”.

Nathaniel Hawthorne nói, “Không một người nào, trong một khoảng thời gian đáng kể nào, lại có thể mang một khuôn mặt cho mình, cùng lúc, một khuôn mặt khác cho công chúng, mà cuối cùng không cảm thấy hoang mang về cái nào là thật. Bởi lẽ, những gì là nhân văn, những gì là trung thực và bác ái chỉ có thể là ‘hoa trái của một tình yêu mãnh liệt’ tự bên trong!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Nathaniel Hawthorne sẽ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay, khi chúng ta biết rằng, lời lẽ cứng rắn của Chúa Giêsu dành cho những người biệt phái, “Khốn cho các ngươi!”, “Khốn cho các ngươi!”, chính là ‘hoa trái của một tình yêu mãnh liệt’ và khao khát sự cứu rỗi cho những người mà Ngài đã nặng lời, chứ không phải là một sự cay đắng dữ dội dành cho họ.

Có bao giờ bạn thấy mình bắt nhịp với Chúa Giêsu trong những đoạn Tin Mừng tương tự? “Chúa cứ nguyền rủa đi! Họ xứng với điều này!”. Thử tưởng tượng bạn và tôi đang có mặt ở đó, chúng ta khoanh tay, nghiêm nghị, lắc đầu ngao ngán trước hạng đạo đức giả; sau đó, suy nghĩ của chúng ta chuyển sang một người quen biết vốn cũng nên nhận được “sự chì chiết tốt lành này!”; có thể là một Linh mục, một Giám mục, đối tượng của sự trách móc tinh thần này.

Tuy nhiên, sẽ sâu sắc và thú vị hơn, nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của những con người mà bấy lâu chúng ta hết sức ngưỡng mộ. Thì ra tôi cũng có một trái tim chai sạn và khô cằn không hơn gì những người biệt phái! Và dẫu có thể cùng Chúa Giêsu kết án họ, nhưng tôi đã không yêu họ như Ngài yêu. Chúng ta quên rằng, Chúa Kitô cũng đã hiến mạng cho những người Pharisêu, vốn là những con người mà Ngài đang tìm kiếm, kêu gọi họ hoán cải; thậm chí, nếu họ là những người duy nhất cần cứu, thì Ngài cũng đến để cứu! Mở lời phê phán thật dễ, nhưng một lời mời biến đổi lại chỉ có thể đến từ một trái tim biết yêu vốn ấp ủ chồi lộc để trổ sinh những ‘hoa trái của một tình yêu mãnh liệt!’. Đó là “hoa trái của Thánh Thần” mà thánh Phaolô đề cập trong thư Galata hôm nay, “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết”.

Suy nghĩ đến đây, chúng ta liên tưởng đến một cụm từ khá ‘thời sự’, “Hiệp Hội Những Người Công Giáo Quạu Cọ”. Ai mà không phát hiện ra ít nhất một điều sai trái trong giáo xứ hoặc giáo phận mình? Một số là nhìn thấy, cầu nguyện và tìm hướng giải quyết khó khăn; số khác là ‘chằm hăm’ đến chúng! Nhóm hai này là “Hiệp Hội” chúng ta đang nói. Với chuỗi Mân Côi, họ suy gẫm “các mầu nhiệm Nguyền Rủa”; Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả; Ngài cầm roi tẩy uế đền thờ; kết án các kinh sư… Tôi có thể là một thành viên ẩn danh; hay ít nữa, một người ủng hộ hiệp hội này. Đừng quên, Chúa Giêsu đã dùng những lời lẽ cứng rắn, nhưng chúng chỉ là ‘hoa trái của một tình yêu mãnh liệt’ và khao khát cứu rỗi các linh hồn. Nếu có điều gì cay đắng trong lòng, tôi cần xin Chúa ban ơn tha thứ và biết tha thứ như Ngài.

Anh Chị em,

“Khốn cho các ngươi!”. Chúa Giêsu, một nhà sư phạm, một nhà giáo dục bậc thầy; Ngài biết cách đưa các linh hồn theo tiến trình ‘từng chút’, từng chút theo tốc độ và mức độ họ lãnh hội. Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để soi sáng lương tâm những người chung quanh bằng ánh sáng Chúa Kitô. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, ai theo Ngài sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”, sự sống cho mình, sự sống cho người! Tuy nhiên, nếu việc soi sáng của chúng ta chỉ đơn thuần là những lời lẽ hoa mỹ để kết án họ ‘càng nghiêm khắc càng tốt’ thì chúng ta cần xem xét, liệu Lời Chúa hôm nay có áp dụng cho chúng ta không, “Chất lên người ta những gánh nặng không thể vác, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim nhu mì, khiêm nhượng như trái tim Chúa; để những lời con nói, những việc con làm, chỉ là ‘hoa trái của một tình yêu mãnh liệt!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Cầu nguyện với một đức tin kiên trì
Lm. Đan Vinh
05:51 12/10/2022

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C
Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8
CẦU NGUYỆN VỚI MỘT ĐỨC TIN KIÊN TRÌ

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Lc 18,1-8
(1) Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (2) Người nói : “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. (3) Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông : “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi”. (4) Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng : “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. (5) Nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. (6) Rồi Chúa nói : “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó ! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? (8) Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

2.Ý CHÍNH : Tin mừng Lu-ca kể ra dụ ngôn của Đức Giê-su về bà góa và ông quan tòa nhằm dạy các môn đệ : “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Một người bất lương như ông quan tòa mà còn phải chịu thua lòng kiên trì nài xin của bà góa nghèo. Phương chi Thiên Chúa là Cha nhân lành lại không mau chóng bênh vực những kẻ hằng kêu xin Người đêm ngày hay sao? Tuy nhiên có nhiều kẻ vì thiếu kiên trì khi gặp phải gian nan thử thách nên đã sớm bị mất đức tin. Vì thế Đức Giê-su đã phải thốt lên lời than phiền như sau : “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.

3.CHÚ THÍCH :
-C 1-3 : + Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn… : Câu dẫn nhập này báo trước ý nghĩa của dụ ngôn : Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến thái độ kiên trì và liên lỉ cầu nguyện để chuẩn bị cho ngày Người tái lâm. +Trong thành kia có một ông quan tòa : Ông này bị coi là bất lương vì ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng nể nang người đời. Những quan tòa như thế có nhiều trong dân Ít-ra-en và nhiều lần đã bị các Ngôn sứ lên án (x. Is 1,23; Gr 5,28; Am 5,7). + Trong thành đó cũng có một bà góa : Bà góa là một mẫu người nghèo thường được đề cập tới trong Thánh kinh. Các bà không có chồng bảo vệ nên dễ bị kẻ xấu chèn ép bóc lột. + “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi” : Bà góa này xin quan tòa giúp minh oan trước kẻ đang kiện cáo mình.
-C 4-5 : + Một thời gian khá lâu, ông không chịu… : Lúc đầu ông quan tòa hành động vì ích kỷ, nhưng cuối cùng ông cũng đành phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa nghèo để đứng ra bênh vực bà, hầu tránh khỏi bị bà quấy rầy mãi.
-C 6-8 : + Rồi Chúa nói : Lu-ca nêu tước hiệu “Chúa” 20 lần trong các bài tường thuật. Qua đó ông muốn người đọc lưu ý đến vương quyền mầu nhiệm của Đức Giê-su. + “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó : Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn…” : Mục đích so sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính là để làm nổi bật sự tương phản giữa lối hành xử bất lương của viên quan tòa với lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Một con người ngang ngược ích kỷ vô tín mà còn biết bênh đỡ người yếu thế để tránh khỏi bị quấy rầy như vậy, phương chi Thiên Chúa nhân từ lại có thể nhẫn tâm từ chối lời cầu xin của những kẻ đầy lòng cậy tin vào Ngài hay sao? + Dù Người có trì hoãn : Chắc chắn Chúa sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Người. Mỗi khi cầu xin mà chờ lâu vẫn không được như ý, chúng ta hãy nhớ lại trường hợp Đức Giê-su trong vườn cây Dầu : đã cầu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng và không được Cha chấp thuận, nhưng nhờ vậy mà loài người chúng ta mới được cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Trong thực tế, có nhiều điều chúng ta cố nài xin Chúa ban, vì tưởng điều đó tốt cho mình, nhưng thực ra nó lại có hại cho phần rỗi đời đời của ta. Nên vì thương ta mà Chúa đã không ban theo ý ta xin, nhưng lại ban ơn khác giúp ta được ơn cứu độ, như lời Đức Giê-su : ”Có ngừoi cha nào đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá?….”. Trật tự thế giới này sẽ ra sao nếu các ước muốn ngông cuồng của mọi người đều được Chúa ban như ý tất cả? + Người sẽ mau chóng bênh vực họ : Ở đây cũng như ở nhiều nơi khác (x. Mt 9,1; 13,30). Đức Giê-su cho biết đến “ngày của Con Người”, những kẻ được tuyển chọn sẽ được Chúa ra tay bênh vực (x. Lc 17,22-37). + Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? : Trong cơn thử thách, những kẻ được tuyển chọn cũng vẫn có thể trở thành vô tín nếu không có sự kiên trì (x. Mc 13,20-22). Vì thế Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải tránh lối sống buông thả, nhưng luôn kiên trì cầu nguyện, giống như bà góa trong dụ ngôn đã vững tâm cầu xin trước sự thờ ơ của quan tòa bất lương. Trong thời gian dài từ khi Đức Ki-tô về trời đến khi Người lại đến vào ngày tận thế, các tín hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

4.CÂU HỎI :
1) Câu nào trong Tin mừng cho thấy bài học Đức Giê-su muốn dạy môn đệ về sự tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa?
2) Phải giải thích thế nào nếu Thiên Chúa trì hõan không nhận lời cầu xin xem ra chính đáng của chúng ta?
3) Câu nào cho thấy vào ngày tận thế nhiều người có thể mất đức tin vì đã không kiên trì cầu nguyện khi gặp gian nan thử thách?
4) Chúa đã hứa :"Hãy xin sẽ được…", vậy tại sao tôi cầu xin hoài mà vẫn không được Chúa ban ơn như ý của mình?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1.LỜI CHÚA : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng đến kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (Lc 18,7).

2.CÂU CHUYỆN :

1) KIÊN TRÌ CẦU XIN SẼ ĐƯỢC CHẤP NHẬN :
Một nhân viên bưu điện phi ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín để phát thư. Ông gõ cửa nhưng không thấy ai ra mở cả. Ông biết trong nhà có người, vì đã thấy bóng họ thấp thóang qua khung cửa sổ. Do đó, ông vừa la lớn vừa đập mạnh vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 5 lần thì một lỗ nhỏ trên cánh cửa được mở ra và có tiếng người trong nhà hỏi : “Ông muốn gì?”. Ông trả lời : “Muốn gì ư? Tôi đã kêu cửa mấy phút rồi mà không thấy ai ra mở cửa để lấy thư cả !” Bấy giờ người trong nhà mới vặn chốt mở rộng cửa ra và giải thích như sau : “Xin ông thông cảm cho. Mỗi ngày chúng tôi phải chịu đựng lũ trẻ hàng xóm đến phá quấy. Chúng cứ tới đập cửa ầm ầm, rồi khi chúng tôi ra mở thì lại chẳng thấy ai cả. Khi nãy lúc đầu chúng tôi cứ tưởng là lũ trẻ đến phá rối như mọi khi, nên không ra mở cửa. Nhưng về sau thấy cửa cứ bị đập hòai, nên chúng tôi biết là có khách đến thăm thực sự”.

2) LỜI CẦU XIN ỨNG NGHIỆM SAU NHIỀU NĂM :
Tạp chí Hướng Đạo có đăng một câu chuyện thú vị về một cô giáo trẻ. Câu chuyện được tóm tắt như sau : Cô giáo Me-ri được điều về dạy ở một trường nọ. Trong lớp cô phụ trách có một học sinh ngỗ nghịch tên là Bill. Em này thường gây cho cô giáo trẻ sự bực bội và làm cho lớp học thành một nơi bát nháo vô trật tự. Một buổi sáng kia, cô Me-ri đến lớp sớm hơn và ngồi ở bàn của thầy giáo hí hoáy viết tốc ký lên một trang giấy, thì bất ngờ Bill xuất hiện. Cậu bé tiến lại gần bàn cô giáo và nói : “Cô đang viết gì vậy?” Me-ri đáp : “Cô viết lời cầu nguyện với Chúa đó”. Bill chế giễu : “Chúa có thể đọc được chữ tốc ký hay sao?” Me-ri đáp : “Người có thể làm được mọi sự. Ngay cả việc nhậm lời cầu xin này của cô ”. Nói xong, cô để mảnh giấy kia vào trong cuốn Kinh thánh, và quay lên viết bài học trên bảng cho cả lớp. Lợi dụng lúc cô giáo loay hoay viết, Bill đã lén lấy cắp mảnh giấy có ghi lời cầu nguyện của cô giáo và bỏ vào trong cuốn tập của cậu. Hai mươi năm sau, Bill đã trở thành giám đốc của một công ty lớn. Một hôm ông ta lục tìm một đồ vật cũ để trên gác xép ngôi nhà xưa của cha mẹ ông. Bill tình cờ cầm lên một cuốn sổ ghi bài học thuở nhỏ và đột nhiên thấy một mảnh giấy vàng ố rơi xuống sàn. Đó là mẩu giấy có ghi chữ tốc ký. Bill không hiểu nội dung những dòng chữ ấy. Ông gấp tờ giấy kia lại, mang đến văn phòng nhờ cô thư ký đọc giúp. Cô ta đã viết lời dịch vào một tờ giấy khác và đưa cho Bill. Ông nhận ra đó là lời cầu nguyện của cô giáo Me-ri năm xưa, nội dung lời cầu ấy như sau : “Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong nghề giáo của con. Con không thể làm cho lớp con đang dạy vào khuôn khổ kỷ luật được, vì có một cậu học trò tên là Bill hay phá bĩnh. Xin Chúa hãy uốn nắn tâm hồn cậu bé này. Vì theo con nhận xét : Cậu bé ấy có thể trở thành một người hoặc rất tốt hoặc rất xấu sau này”. Câu cuối cùng như một nhát búa nện vào đầu Bill, bắt ông phải suy nghĩ. Thật ra chỉ vài giờ trước đó, Bill có dự tính lao vào một vụ làm ăn buôn lậu, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty. Ông cầm tờ giấy kia lên gấp lại cho vào chiếc ví để trong túi quần. Rồi trong suốt tuần kế tiếp, mỗi khi có dịp là ông lại lôi tờ giấy kia ra đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuối cùng thì lời cầu nguyện của cô giáo được viết trước đó hai mươi năm đã phát huy tác dụng và làm thay đổi ý định buôn lậu của Bill. Mấy tuần sau, khi có dịp ngang qua nhà cô giáo cũ, ông đã tìm đến thăm cô và kể cho cô nghe về lời cầu nguyện của cô cách đây 20 năm đã có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời hiện tại của ông ra sao.

3) CHÚA CÓ NHIỀU CÁCH ĐỂ THI ÂN :
Một bà cụ quê mùa nhưng rất có lòng đạo đức. Nhà bà quá nghèo phải ăn đong từng bữa. Một hôm trong hũ gạo nhà bà chẳng còn hạt gạo nào, nhưng bà không biết phải lo liệu cách nào. Bà đứng trước bàn thờ thành tâm cầu xin Chúa ban cho gia đình bà có lương thực hằng ngày. Một chàng thanh niên vô tín nhà kế bên nghe thấy bà cầu nguyện như thế, liền lấy một bịch gạo quẳng sang bếp nhà bà. Khi vừa trông thấy bịch gạo, bà liền dâng lời tạ ơn Chúa đã mau đáp lời bà cầu xin. Thấy vậy, chàng thanh niên liền nói vọng sang : “Bà ơi, không phải Chúa ban cho bà đâu, bịch gạo đó là của cháu đấy. Chẳng có Chúa nào đã ban gạo cho bà đâu”. Nghe vậy, bà cụ lại ngước mắt lên trời nguyện rằng : “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã xui khiến anh chàng Giu-đa này đem gạo đến cho con. Chúa có nhiều cách để thi ân cho con. Con xin tạ ơn Chúa.”

4) CHÚA KHÔNG TRỰC TIẾP NHƯNG THƯỜNG BAN ƠN QUA TRUNG GIAN :
Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ người nhận là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở thư ra đọc. Trong thư viết rằng : "Lạy Chúa. Con tên là Tommy, được sáu tuổi. Ba con đã chết cách đây mấy năm và mẹ con phải chịu vất vả cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho mẹ con số tiền 300 đồng để làm vốn bán hàng nhé”.
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp cùng xem. Rồi họ quyết định quyên góp để giúp đỡ cho gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng được 100 đồng được gởi tới địa chỉ của người gửi là nhà cậu bé Tommy.
Vài tuần sau, nhân viên bưu điện lại nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc bà thấy thư viết như sau : "Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con không? Vì gởi qua bưu điện, họ đã giữ lại của chúng con mất 200 đồng !"
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng chúng ta cũng cảm thấy hổ thẹn vì xem ra mình cũng giống như cậu bé nói trên : Chúng ta thường muốn phải Chúa lập tức đáp lại lời cầu xin của chúng ta. Nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ yêu cầu, thì chúng ta cảm thấy khó chịu, và cũng quên nói lời cám tạ ơn Người.

3.SUY NIỆM :
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã dạy các môn đệ : "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyên và phải cầu nguyện thế nào?

1. Mấy thái độ cầu nguyện? :
Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa nhà của một công ty xây dựng. Bấy giờ văn phòng bị tối thui vì cúp điện và cũng do một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống chắn ngang cửa sổ và cửa ra vào văn phòng. Trước tình huống này, người thứ nhất là trưởng phòng không có đức tin và không đến nhà thờ từ lâu. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công trình tòa nhà này đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng và đà cột, khiến tòa nhà dễ bị sụp đổ khi có động đất mạnh. Anh thứ hai là nhân viên vệ sinh của công ty có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt trong văn phòng liền quỳ gối lần chuỗi kinh mân côi thật sốt sắng để xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp. Anh thứ ba là nhân viên bảo trì máy móc của công ty là người có đức tin trưởng thành đã bình tĩnh khi gặp sự cố. Anh ta âm thầm đối thoại cầu xin Chúa như sau : “Lay Chúa, Chúa muốn con làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh này?” Sau đó anh lấy ra búa và đục trong giỏ đồ nghề luôn mang theo và bắt đầu đục phá khối bê-tông bít lối ra vào kia. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm thĩ thưa chuyện với Chúa : "Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức đục bể khối bê-tông này để cả ba người chúng con sớm thoát được ra bên ngoài". Cuối cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui được ra ngoài an toàn.

2. Tại sao phải cầu nguyện?
Câu chuyện trên cho thấy thái độ cầu nguyện của ba hạng người : người thứ nhất do mất đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề. Người thứ hai có đức tin thụ động : Khi gặp sự cố chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin cho người khác. Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động : tuy tin vào quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức cần phải sử dụng các phương tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự cố kèm theo việc xin Chúa ban ơn trợ giúp. Đây là cách cầu nguyện đúng đắn nhất và đẹp lòng Chúa hơn cả mà các tin hữu chúng ta hôm nay cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.

3. Ích lợi của sự cầu nguyện?
- Hiệu quả của cầu nguyện : Cầu nguyện sẽ giúp các tín hữu thêm lòng mến Chúa yêu người và tâm hồn sẽ được bình an hạnh phúc như có người đã nói : « Hoa trái của cầu nguyện là đức tin; Hoa trái của đức tin là tình yêu; Hoa trái của tình yêu là phục vụ; Và hoa trái của phục vụ là tâm hồn an bình hạnh phúc ».
- Không nên đòi hiệu quả tức thời : Khi cầu nguyện, chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban ngay theo ý ta, mà sẽ ban vào thời gian thích hợp và ban những gì có lợi nhất cho phần rỗi đời đời của chúng ta.

4. Phải cầu nguyện thế nào để được Chúa chấp nhận?
- Cần cầu xin với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần : như lời Thánh Phao-lô: "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
- Cần kiên trì cầu nguyện : Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ : "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu kiên trì cầu nguyện noi gương ông Mô-sê xưa đã quì giang tay suốt cả ngày để xin Chúa cho quân Ít-ra-en được thắng trận (Bài đọc 1); Hay như bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin viên quan toà “không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời”, để nhờ ông ta minh oan. Nhờ sự kiên trì mà cuối cùng bà góa này đã được quan tòa minh oan (Bài Tin Mừng). Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta, như trường hợp một người đàn bà Ca-na-an kiên trì cầu xin Chúa chữa cho đứa con gái khỏi bị quỷ ám, (x Mt 15,21-28). Cầu xin với sự xác tín và cậy trông phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa thì sẽ được chấp nhận, như lời Đức Giê-su : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).
- Cần kèm theo lễ vật hy sinh : Để lời cầu xin xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta cần kèm theo lễ vật, như dân Do thái xưa thời Cựu Ước đã dâng chiên bò làm lễ vật toàn thiêu lên Đức Chúa; Hoặc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa và chuộc lại bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con như Luật dạy (x Lc 2,23-24). Hoặc các đạo sĩ đến thăm Hài Nhi Cứu Thế, đã sấp mình bái lạy kèm theo dâng tiến Chúa lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược (x Mt 2,11).
Nếu quá nghèo không thể mua sắm lễ vật, chúng ta vẫn có thể dâng lễ vật thiêng liêng là lời cầu nguyện chân thành, các việc hy sinh hãm mình đền tội và việc bác ái khiêm nhường phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh.

TÓM LẠI : Cầu nguyện không phải là cầu xin cách vụ lợi cho chúng ta, cũng không phải là nêu ra những nhu cầu để xin Chúa ban theo ý ta muốn mà không cần phải cố gắng thực hiện, nhưng là thưa chuyện với Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng ta vâng theo thánh ý Ngài, noi gương Đức Giê-su trước cuộc khổ nạn : “Cha ơi! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Tuy nhiên vì biết loài người vốn yếu đuối dễ bị nản chí thất vọng buông xuôi, nên Đức Giê-su đã cảnh báo : "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).

4. THẢO LUẬN :
1) Bạn cần đọc kinh dự lễ như thế nào để tránh bị lo ra chia trí và để lời cầu nguyện của bạn xứng đáng được Chúa chấp nhận?
2) Ngoài việc đọc kinh dự lễ, bạn cần làm gì để biến đời bạn trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ?

5.NGUYỆN CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Điều làm cho Chúa đau lòng là có nhiều người đã bị mất đức tin, trong đó có thể có cả con nữa. Nhiều lúc chính con đã không tin vào hiệu lực của lời cầu xin : Khi gặp khổ đau hoạn nạn, con thường than thân trách phận, mà không biết mở miệng cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Cũng có những lúc con chỉ cậy vào sức riêng mình, dựa vào sức mạnh của tiền bạc hay thế lực của những kẻ đang nắm giữ chức quyền… mà không biết cậy dựa vào ơn của Chúa. Nhiều lúc con cảm thấy chán nản và thất vọng khi cầu xin mãi mà vẫn không được Chúa ban theo ý con xin. Xin giúp con biết kiên trì cầu nguyện và đừng bao giờ nản chí. Xin cho con ý thức rằng : Những ai tin cậy vào quyền năng và tình thương của Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng hổ ngươi.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Suy Niệm Khánh Nhật Truyền Giáo: Được sai đi làm chứng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:08 12/10/2022
Suy Niệm Khánh Nhật Truyền Giáo: Được sai đi làm chứng

(Is 1, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Lc 24,44-53)

Tháng 10, tháng truyền giáo

Bước vào tháng Mười, tháng 10 tháng Mân Côi, cầu cho chủng viện và chủng sinh; Chúa nhật thứ ba trong tháng, ngày Truyền giáo.

Ngày Truyền giáo Thế giới, còn được gọi là Khánh nhật Truyền giáo, được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập năm 1926. Ngày này thường được tổ chức vào Chúa nhật thứ ba trong tháng 10. Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những sáng kiến như : phát động Tuần Truyền Giáo từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 10, và cao điềm là Ngày Truyền giáo Thế giới sẽ được cử hành vào ngày 23.

Khi nhấn mạnh rằng mọi thành phần dân Chúa đều có trách nhiệm làm chứng cho Chúa Kitô. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi nhiều nỗ lực mới trong công cuộc truyền rao Tin Mừng, và bày tỏ rằng ngài tiếp tục mơ về một Giáo hội truyền giáo hoàn toàn, một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đồng Kitô giáo.

Truyền giáo là làm chứng

“Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8) là chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu loan báo sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô trong mọi chiều kích của đời sống hàng ngày, nhất là bằng đời sống chứng tá.

“Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8); đây là lời kêu gọi mọi Kitô hữu làm chứng cho Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói rằng “yếu tố này là trung tâm lời giảng dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ”. Ngài nói : “Mọi Kitô hữu được mời gọi trở thành một nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Và Hội Thánh, cộng đồng các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, không có sứ mạng nào khác ngoài sứ mạng đem Tin Mừng đến cho toàn thế giới bằng cách làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Truyền giáo là bản chất của Giáo hội” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Truyền Giáo, 2022).

Nói rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo; mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo. Nếu như Thánh Phaolô kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16). Thì Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mọi thành phần dân Chúa đều có trách nhiệm truyền giáo và làm chứng cho Chúa Kitô, vì họ được Giáo hội sai đi nhân danh Chúa Kitô, như Chúa sai các môn đệ ra đi, từng hai người một. Đồng thời, “các môn đệ được yêu cầu sống cuộc sống cá nhân theo tinh thần truyền giáo: họ được Chúa Giêsu sai đến với thế giới không chỉ để thực hiện, nhưng còn và trên hết, sống sứ vụ được uỷ thác cho họ; không chỉ làm chứng, nhưng còn và trên hết trở thành chứng nhân của Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Trong việc loan báo Tin Mừng, gương mẫu đời sống của Kitô hữu và lời loan báo về Chúa Kitô không thể tách rời. Điều này phục vụ cho điều kia” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Truyền Giáo, 2022).

Như thế, ai đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo, dù nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể hàng ngày.

Truyền giáo là ra đi

Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhắc rằng, các môn đệ đầu tiên mở rộng sứ vụ truyền giáo của họ theo sự hướng dẫn quan phòng của Chúa chứ không với mong muốn chiêu dụ tín đồ. Khi bị bắt bớ, họ mang Tin Mừng đến những miền đất mới. Loan báo Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất”, theo Đức Thánh Cha, đây cũng là thách đố đối với các Kitô hữu ngày nay trong việc loan báo Chúa Kitô cho những người chưa gặp Chúa.

Chúa Thánh Thần hướng dẫn truyền giáo

Thời đại của người kitô hữu quả là thời đại của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn con người và lịch sử tới sự viên mãn, và thành toàn. Chúa Thánh Thần chính là sự sung mãn và phì nhiêu trong đời sống nội tại của Thiên Chúa. Ngài là Đấng kiến tạo sự mới mẻ và sức sống mới. Là ‘Thuyền Trưởng’ lèo lái con thuyền lịch sử và là linh hồn của đời sống kitô hữu (x. Kh 19,1-7). Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể làm chi được. Vì thế, Đức Thánh Cha khuyến khích các môn đệ truyền giáo nhận ra tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong hoạt động truyền giáo, gắn bó với sự hiện diện của Người và đón nhận sức mạnh cũng như sự hướng dẫn không ngừng của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha khuyên : “Thật vậy, chính khi cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối, chúng ta nên nhớ cầu nguyện với Chúa Thánh Thần”, bởi vì cầu nguyện đóng vai trò quan trọng trong đời sống truyền giáo vì nó “cho phép chúng ta được canh tân và củng cố bởi Chúa Thánh Thần” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Truyền Giáo, 2022).

Khi trình bày trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022, Đức Thánh Cha viết : “Anh em sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần”. Ngài muốn nói rằng các Kitô hữu chỉ có thể “làm chứng đầy đủ và chân thực cho Chúa Kitô là Chúa với sự soi dẫn và trợ giúp của Chúa Thánh Thần”. Chúng ta không thể quên Đức Maria, ngôi sao truyền giáo và khẩn xin Mẹ trợ giúp chúng ta.

Nữ Vương truyền giáo. Cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Cầu Nguyện Trong Tin Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:10 12/10/2022
Cầu Nguyện Trong Tin Yêu

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIX Năm – C

(Lc 18, 1-8)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta ông Môisen chứng nhân sống động về sự cầu nguyện và bà góa đi kêu vị thẩm phán xử cho trong dụ ngôn do Chúa Giêsu kể, đồng thời nghe lời khuyên của thánh Phaolô cầu nguyện bằng Kinh Thánh, để lời cầu xin của chúng ta dễ được kết quả hơn.

Gương của ông Môisê

Môisen đã cầu cùng Thiên Chúa cho dân Israel trong trận chiến với người Amalec dòng giống Cain, là kẻ thù cha truyền con nối đối với con cái cháu Abel. Môisen cứ giơ tay lên cầu nguyện, thì dân Israel thắng trận, còn nếu mỏi mệt, ông hạ tay xuống, thì Israel thua trận (x. Xh 17, 12). Thực tế cho thấy sức mạnh và sự kiên trì cầu nguyện là chìa khóa để chiến thắng. Nhưng Israel chiến thắng là do tác động của Thiên Chúa chứ không chỉ bằng vũ lực của các chiến binh. Môisen đã thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa công bình, khi giơ cao tay cầu nguyện, và dân chúng thấy sức mạnh của lời cầu nguyện. Sự kiên trì cầu nguyện của con người và sự đáp trả từ từ của Thiên Chúa không phải là mâu thuẫn. Ông Môisen chứng tỏ cho thấy cầu nguyện với niềm tin vào Thiên Chúa có thể đảo ngược những tình huống tuyệt vọng nhất.

Cầu nguyện trong tin yêu

Thiên Chúa không giống vị thẩm phán vô tâm; Ngài nhân hậu đối với mọi người. Chúng ta cũng không giống như một góa phụ, ít có giá trị trước mặt xã hội. Chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương.

Bà góa trong dụ ngôn có đủ lý do để khiếu kiện và tin chắc vào vụ kiện của mình, vì các thẩm phán hành động không theo công lý, “họ không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta” (Lc 18, 3). Chúa Giêsu không ngại gọi ông là “vị thẩm phán bất lương” (Lc 18, 7), vị này không có ý định xử vụ bà góa kiện, ông chẳng thèm để ý đến vụ kiện của bà. May thay, câu chuyện kết thúc tốt đẹp : từ chối mãi, cuối cùng ông mất kiên nhận vì sự quấy rầy của bà, nên xét xử cho bà, để ông khỏi nhức óc.

Và Chúa Giêsu phán : “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói” (Lc 18,6). Vị ấy nói : “ Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ ” (Lc 18,4). Nguy cơ chán nản thất vọng, khiến chúng ta ngã lòng là vì Thiên Chúa nhân lành không nhận lời chúng ta ngay, nghĩa là Thiên Chúa có thể trì hoãn đáp lời chúng ta.

Khi kể dụ ngôn bà góa đi thưa kiện cùng vị Thẩm phán bất lương mà được xử kiện. Chúa Giêsu muốn chúng ta kêu cầu cùng Chúa trong tin yêu và đừng có ngã lòng. Điều đáng ngạc nhiên nhất Chúa Giêsu bảo chúng ta “phải luôn luôn cầu nguyện không ngừng”, cần phải kiên trì. Nếu quan hệ giữa người góa phụ và vị thẩm phán có tiếng là bất lương cuối cùng còn như xử như vậy, huống hồ chúng ta là con cái Chúa, chắc chắn sẽ được bội phần, miễn là chúng ta phải kiên tâm cầu nguyện trong tín thác vào Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã kết thúc bài giáo huấn hôm nay bằng một câu hỏi có vẻ não nuột nhưng rất chân thành: "Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không?" (Lc 18, 8). Tức là những con người ưu tuyển có luôn giữ mãi lòng tín nhiệm với Thiên Chúa không? Thái độ nhàm chán của họ khi cầu nguyện không phải là dấu chỉ lòng trung tín của họ đã suy giảm rồi sao? Thế nên chúng ta phải tập kiên tâm cầu nguyện để nuôi dưỡng lòng tin yêu, hầu luôn nhận được lòng Chúa xót thương.

Cầu nguyện bằng Sách Thánh

Con cái Israel gặp thử thách về niềm tin khi giao chiến với Amalek. Khi ông Môi sen giơ tay lên thì quân Israel chiến thắng. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa vẫn hằng ở với với họ và bênh vực họ. Ấy vậy mà họ còn hỏi nhau : Thiên Chúa có còn ở giữa chúng ta nữa hay không? Niềm tin bị thử thách. Những kẻ thất tín sẽ rơi vào tay địch. Và ở trong tay họ có tin tưởng cầu nguyện mới được cứu thoát.

Timôthê thấy Phaolô thầy mình bị xiềng xích và giải sang Rôma. Thầy mà như vậy, thì trò sẽ thế nào? Timôthê cảm thấy chán nản rã rời. Thầy bị xiềng xích rồi, việc rao giảng Tin Mừng như thầy đã dạy bảo sẽ đi đến đâu? Niềm tin bị thử thách. Phaolô gửi thư ngay cho Timôthê và khuyên : “Con hãy bền vững trong các điều con đã học... và hãy cứ rao giảng Lời Chúa!” (2 Tin Mừng 3,14).

Cả con cái Israel và Timôthê đều gặp thử thách về niềm tin và lòng trung thành. Chúng ta cũng không tránh khỏi đôi lúc cảm thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện. Như Môsê đã đặt cây gậy tin tưởng vào quyền phép mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông giơ tay lên, mệt thị có người đỡ tay cho. Timôthê thì đọc lời Chúa. Để chống lại sự nhàm chán trong cầu nguyện, hãy nghe lời thánh Phaolô khuyên : “Hãy cầm lấy sách Thánh…Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2 Tin Mừng 3,16-17).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trì cầu nguyện với Chúa không ngừng, và xin dạy chúng con cầu nguyện, để linh hồn, thể xác, trí khôn chúng con luôn hướng về Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tiếng Lương Tâm
Lm Vũđình Tường
15:44 12/10/2022
Dụ ngôn nói về người goá phụ đến xin ông thẩm phán bất lương trả lại công bình cho chính bà. Người thẩm phán bất lương biết ông ta xử án bất công nhưng ông quyết tâm làm điều đ ó vì nó mang lại cho ông niềm vui. Ông cầm luật trong tay và muốn làm gì tuỳ theo sở thích. Ông không sợ Thiên Chúa và coi thường mọi người. Đối với ông niềm vui riêng của ông là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả phép làng, luật nước. Người quả phụ biết nhược điểm của ông, coi trọng niềm vui, bà liên tục đến kêu nài. Chính điểm này làm cho ông thẩm phán mất vui. Đối với bà công bằng là quan trọng, đối với ông thẩm phán, vui thú là quan trọng. Công lí và bình an luôn chung vai, sát cánh, như cây liền cành. Người quả phụ đòi công bằng để bà được bình an. Nơi đâu có công chính, nơi đó có bình an, nơi đâu có bình an, nơi đó có công chính. Người phẩm phán bất lương xác nhận, nếu ông không trả lại công lí cho người quả phụ, ông sẽ không có niềm vui. Để ông có được niềm vui, ông trả lại công lí cho người quả phụ.

Người thẩm phán biết luật, thi hành luật, đúng ra ông phải là mẫu mực cho luật pháp, đàng này ông lại coi thường luật; trái lại người dân thường, người quả phụ biết rất ít luật lại coi trọng luật và trọng công bằng, chân lí. Đức kitô nói với đám đông đừng học từ người thẩm phán bất lương. Học từ người quả phụ, kiên tâm trong việc tranh đấu cho công bằng, công lí. Công lí của Chúa áp dụng chung cho toàn thể vũ trụ. Công lí Chúa ngàn đời không thay đổi; công lí con người rất bất thường, thay đổi theo hoàn cảnh chính trị và tuỳ thuộc địa phương.

Dụ ngôn kêu gọi Kitô hữu kiên tâm trong cầu nguyện. Cầu nguyện để nghe được tiếng nói lương tâm mình. Tiến nói này nhỏ, nhẹ nhàng nhưng giai giẳng. Thiên Chúa biết ta cần gì ngay cả trước khi ta xin vì thế trước tiên cần cầu cho í Chúa được thể hiện trong cuộc sống mình và cho toàn thế giới. Kinh Lậy Cha cho biết í Chúa chung cho toàn thể vũ trụ, nhưng í Chúa cho riêng từng cá nhân, cần liên tục cầu nguyện để biết Chúa kêu gọi ta làm gì, và ở thời điểm nào. Chúg ta cần đáp lại với lòng yêu mến. Kiên tâm trong cầu nguyện bộc lộ tâm tình yêu mến, ước ao của tâm hồn. Cầu nguyện giúp ta trung thành trong ơn gọi, yêu mến điều công chính. Thiếu cầu nguyện Kitô hữu đi theo thói đời, là thói của người thẩm phán bất lương. Đức tin thể hiện qua hành động.

Vui vẻ, kiên trì trong cầu nguyện chính là hành động của đức tin, bởi cầu nguyện chính là tỏ lộ tâm tình thầm kín của ta đối với Chúa. Mất kiên trì trong cầu nguyện xảy ra bởi ta chú trọng quá nhiều vào kết quả điều ta xin. Mục đích chính của cầu nguyện không phải là xin ơn này, ơn kia mà chính là dâng lời tạ ơn, cảm tạ. Đức Kitô dậy: Cầu cho Nước Cha trị đến, í Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đây là trọng tâm trong lời cầu.

Áp dụng dụ ngôn vào đời sống cá nhân. Mỗi người trong chúng ta đều có vị thẩm bất lương và người quả phụ. Người thẩm phán bất lương hành động khi ta không tôn trọng điều ngay lành, không thực hành đời sống công chính, thiên tư trong phán đoán và thiên lệch khi phải làm quyết định. Tiếng nói của người quả phụ trong ta chính là tiếng nói lương tâm, kêu gọi ta tránh làm điều xấu. Lương tâm cắn rứt kêu gọi ta giao hoà, ân hận, chính là tiếng nói người quả phụ trong ta. Tiếng nói đó kêu gọi ta hoán cải, sống thánh thiện, bước theo con đường Chúa gọi ta làm nhân chứng Tin Mừng. Làm những điều trên ta sẽ có bình an, yên tâm, vui sống, yêu Chúa, mến tha nhân. Người thẩm phán thú nhận tiếng nói người quả phụ làm ông mất vui, bởi tiếng nói đó thức tỉnh tâm hồn ông, kêu gọi ông hối cải, tôn trọng công lí.
Từ chối theo đường lối Chúa là chối bỏ ơn Chúa trong tâm hồn.

TiengChuong.org

Inner Voice

The parable is about a poor widow who persists in pleading with the corrupt judge to give her justice. The powerful corrupt judge knows what he does for her is wrong and corrupt, and yet he follows that path because it pleases him. He is lord of his own. Because he has neither fear of God nor respect for man; he places personal interest above justice. The poor widow knows the unjust judge cares for nothing else, except his own interest. She continues coming to him pleading for her justice. The unjust judge has everything: power and wealth, prestige; while the poor widow has nothing. What she holds dear is justice which the unjust judge took away from her. He himself cares for his own interest and is free to exercise it. The poor widow disturbs the judge's happiness by regularly coming to him. Justice and peace are inseparable, the poor widow demands justice so she can have peace. Her pleading to the corrupt judge makes him feel that he will not have happiness unless he gives her justice. There is no peace for unjust dealing because peace and happiness go hand in hand. Where there is happiness; there is peace, and where there is peace; happiness follows. The corrupt judge confesses that he has no fear for anyone but that he is lacking happiness. For his own sake, he grants the widow justice. The judge should uphold the law and have respect for justice but he doesn't; the poor widow who knows little about the laws and yet she holds justice dearly. Jesus asks His audience not to follow the unjust path of the judge, but to imitate the poor widow- persistence in demanding for justice.

God's justice is universal and permanent; while human justice is temporary, indifferent and confined to an area. Human justice depends on individuals and the political system of each country.

The parable begins with the call to pray continually. We need to pray to listen to the voice of our conscience. This voice is soft and constant. God knows what we need but we need to pray to know God's will. The Lord's Prayer tells the universal God's will for mankind, but God calls us as an individual, and prayer helps us to respond to that call with love. The persistence of our prayer speaks of the depth of our heart's desire for God's love. It helps us to be faithful to God's will and God's justice. Lacking prayer, we fall into our human path and that leads us to follow the way of the unjust judge. Faith manifests itself through actions and praying is an act of faith because we open our true selves to God to receive God's grace which purifies our soul. Jesus told us to pray always and never lose heart. Losing heart happens when we think our prayer is unanswered which is not the purpose of prayer. Jesus teaches His disciples to pray for God's will be done, not ours.

We can personify the parable, acknowledging that there is an unjust judge in each one of us. We are biased and often in favour of what benefits us in our judgments. We tend to be easy and relaxed in what we love, and are hard or critical in what we dislike. The poor widow is the personification of our inner voice, our conscience. It works like the poor widow in the parable. It persists in demanding we to follow God's justice. We are happy and have peace when we do things right and just; we worry and are even shaken when our dealing is evil and corrupt. Our conscience continues to remind us to reconcile any unjust dealing, and this restores peace, and strengthens our relationships with God and others. The corrupt judge in the parable confesses that the widow's voice continues to upset him. Her voice awakens his inner voice and that troubles him greatly. Refusing to follow God's justice means having no faith in Jesus.
 
Chìa khóa của sự hiểu biết
Lm. Minh Anh
22:14 12/10/2022

CHÌA KHOÁ CỦA SỰ HIỂU BIẾT
“Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết; các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản!”.

Nói đến các thứ sẽ huỷ diệt con người, một nhà hiền triết viết, “Chính trị không có nguyên tắc; niềm vui không có lương tâm; kiến thức không có phẩm cách; kinh doanh không có đạo đức; khoa học không có nhân văn; và phụng thờ không có tế phẩm! Tắt một lời, không có ‘chìa khoá của sự hiểu biết’, con người sẽ tự huỷ diệt! Hiểu biết ở đây là sự hiểu biết chính Thiên Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ, ý tưởng của nhà hiền triết trên được Chúa Giêsu mở rộng trong Tin Mừng hôm nay. Ngài quở trách những người Pharisêu và giới thông luật “đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết”; ngăn cản người khác khỏi sự khôn ngoan mà Thiên Chúa muốn họ có. Lời buộc tội mạnh mẽ này tiết lộ rằng, họ đã làm tổn hại đến đức tin của dân Chúa.

Chúa Giêsu trách cứ giới thông luật không chỉ vì lợi ích của họ, mà còn vì lợi ích của chúng ta, hầu chúng ta không đi theo các tiên tri giả, những người chỉ quan tâm đến bản thân và danh tiếng hơn là sự thật. Không chỉ lên án tội lỗi này; quan trọng hơn, Ngài còn nêu lên một quan niệm sâu sắc và đẹp đẽ về ‘chìa khoá của sự hiểu biết’. Chìa khoá của sự hiểu biết là gì? Là đức tin, vốn chỉ có thể có bằng cách lắng nghe “tiếng nói” của Thiên Chúa; ở đây là để Thiên Chúa nói, tiết lộ những lẽ thật sâu sắc nhất và ý nghĩa nhất của Ngài; những lẽ thật này chỉ có thể được tiếp nhận và xác tín qua cầu nguyện, qua gặp gỡ trực tiếp giữa bạn và Ngài.

Các thánh là ví dụ điển hình nhất về những con người đã được ơn thâm nhập vào các mầu nhiệm sâu xa trong bản vị Thiên Chúa. Qua đời sống cầu nguyện và đức tin, các ngài nhận biết Thiên Chúa ở một mức độ sâu sắc. Nhiều vị đã để lại cho chúng ta những tác phẩm tuyệt đẹp như là bằng chứng của một chứng nhân hùng hồn về các mầu nhiệm vốn đã vén mở đời sống bên trong của Thiên Chúa. Qua thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến sự hiểu biết ân sủng của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, “Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Ngài cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu; thiên ý này là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước trong Đức Kitô”. Nhờ ân sủng Chúa Kitô, mọi người nhận biết ơn cứu độ. Thật ý tứ, Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!”.

Anh Chị em,

“Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết!”. Thú vị thay, ‘chìa khoá của sự hiểu biết’ Phaolô hé mở chính là Chúa Giêsu! Chúa Giêsu là ‘chìa khoá’ mở ra “mỏ mọi ơn phước”, là “tiếng nói” của Thiên Chúa; Ngài là “Lời của Thiên Chúa”. Ngài còn là Đấng ban tặng Thánh Thần, Đấng sẽ hoàn thiện và kiện toàn đức tin cùng các nhân đức nơi chúng ta. Chính Thánh Thần làm cho các tín hữu lớn lên trong niềm tin vào Chúa Giêsu. Tin yêu Chúa Giêsu là tin yêu Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu là hiểu biết chính Thiên Chúa; Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn vâng phục và luôn làm điều đẹp lòng Chúa Cha. Giới kinh sư biệt phái từ chối Chúa Giêsu, ‘chìa khoá sự hiểu biết’, họ từ chối chính Thiên Chúa, từ chối Thánh Thần. Chúng ta không cần phạm phải sai lầm của họ. Có Hội Thánh Chúa Kitô, chúng ta toàn quyền tiếp cận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Mong sao Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn bạn và tôi trong việc tự vấn lương tâm; rằng, tôi có trung thành với Chúa Giêsu qua việc trung thành với Hội Thánh của Ngài không? Tôi có yêu mến Hội Thánh và Thánh Thần được ban cho Hội Thánh không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin lôi kéo con ngày một hơn vào mối quan hệ sâu sắc với Chúa, tiết lộ cho con tất cả những gì Chúa là, tất cả những gì con là! Một tội nhân trước một Đấng xót thương!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Các yếu tố của sự biện phân. Lòng ước muốn
Vu Van An
13:45 12/10/2022

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 12 tháng 10, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến yếu tố thứ ba của nó là lòng ước muốn. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong các bài giáo lý về sự biện phân này, chúng ta đang xem xét các yếu tố của sự biện phân. Sau việc cầu nguyện, một yếu tố, và việc biết mình, một yếu tố khác, nghĩa là cầu nguyện và biết mình, hôm nay tôi muốn nói về một điều không thể thiếu khác, có thể nói là “thành tố”: hôm nay tôi muốn nói về lòng ước muốn. Thực thế, biện phân là một hình thức tìm kiếm, và việc tìm kiếm luôn bắt nguồn từ một điều chúng ta thiếu nhưng cách nào đó chúng ta biết, chúng ta trực giác thấy.

Đây là loại kiến thức gì? Các bậc thầy tâm linh gọi nó bằng thuật ngữ “lòng ước muốn”, một điều tận gốc rễ của nó vốn là nỗi luyến nhớ sự sung mãn không bao giờ được nên trọn, và đó chính là dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta. Lòng ước muốn không phải là khao khát nhất thời, không phải vậy. Chữ tiếng Ý, desiderio, xuất phát từ một thuật ngữ tiếng Latinh rất đẹp, thoạt nghe rất lạ: de-sidus, nghĩa đen là “thiếu ngôi sao”. Lòng ước muốn là thiếu sao bắc đẩu, thiếu điểm quy chiếu định hướng đường đời; nó gợi lên sự đau khổ, thiếu thốn, đồng thời là sự căng thẳng để vươn tới những điều tốt đẹp mà chúng ta bỏ lỡ. Như thế, lòng ước muốn là chiếc la bàn để hiểu tôi đang ở đâu và tôi đang đi đâu, hay đúng hơn nó là chiếc la bàn để hiểu tôi có đứng yên hay tôi đang di chuyển; một người không bao giờ ước muốn là một người tĩnh tụ, có lẽ mắc bệnh, gần như chết. Nó là chiếc la bàn để biết tôi đang di chuyển hay tôi đang đứng yên. Và làm thế nào để có thể nhận ra nó?

Chúng ta hãy nghĩ xem sao, một ước muốn chân thành biết cách đánh đúng những sợi dây đàn sâu thẳm của con người chúng ta, đó là lý do tại sao nó không bị dập tắt khi đối diện với các khó khăn hoặc thất bại. Nó giống như khi chúng ta khát: nếu chúng ta không tìm được thứ gì để uống, chúng ta không bỏ cuộc; trái lại, khao khát ngày càng chiếm trọn suy nghĩ và hành động của chúng ta gần như thể bị ám ảnh, cho đến khi chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để hết khát. Những trở ngại và thất bại không làm thui chột lòng ước muốn, không; trái lại, chúng càng làm cho nó sống động hơn trong chúng ta.

Không giống như ham muốn hay cảm xúc nhất thời, lòng ước muốn tồn tại qua thời gian, thậm chí rất lâu và có xu hướng hiện thực hóa. Thí dụ, nếu một người trẻ muốn trở thành một bác sĩ, họ sẽ phải bắt tay vào một quá trình học tập và làm việc nhiều năm trong cuộc đời của họ, và do đó sẽ phải đặt ra các giới hạn, tạm nói là “không” đi, phải nói “không”, trước tiên đối với các khóa học khác, nhưng cũng có thể đối với những chuyển hướng và phân tâm có thể xảy ra, đặc biệt trong những giai đoạn học tập căng thẳng nhất. Tuy nhiên, lòng ước muốn đem lại cho đời sống một định hướng và đạt được mục tiêu đó - trở thành một bác sĩ chẳng hạn - sẽ giúp họ vượt qua các khó khăn này. Lòng ước muốn làm cho anh chị em mạnh mẽ, nó làm cho anh chị em can đảm, nó khiến anh chị em tiếp tục tiến về phía trước, bởi vì anh chị em muốn đạt được điều đó: “Tôi ước muốn điều đó”.

Thực thế, một giá trị trở nên đẹp và dễ đạt được hơn khi nó hấp dẫn. Như một ai đó đã nói, "điều quan trọng hơn sống tốt là có lòng ước muốn trở nên tốt". Trở nên tốt là một điều gì đó hấp dẫn, tất cả chúng ta đều muốn sống tốt, nhưng liệu chúng ta có mong muốn trở nên tốt không?

Điều đáng chú ý là trước khi thực hiện một phép lạ, Chúa Giêsu thường hỏi người đó về lòng ước muốn của họ: “Con có muốn được chữa lành không?”. Và có lúc câu hỏi này có vẻ lạc lõng, rõ ràng là người ta đang mắc bệnh mà! Chẳng hạn, khi gặp người bại liệt trong hồ tắm ở Bethesda, người đã ở đó nhiều năm và không bao giờ nắm được thời điểm thích hợp để xuống nước, Chúa Giêsu hỏi anh ta: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5: 6). Hỏi chi lạ? Trên thực tế, câu trả lời của người bại liệt cho thấy một loạt các kháng cự kỳ lạ đối với việc chữa bệnh, những đối kháng không chỉ liên quan đến anh ta. Câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi làm sáng tỏ tâm hồn anh ta, chào đón một bước nhảy vọt có thể có: không còn coi bản thân và mạng sống của mình “như một kẻ bại liệt”, được người khác vận chuyển. Nhưng người đàn ông trên giường dường như không tin vào điều này cho lắm. Bằng cách tham gia đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu điều chúng ta thực sự ước muốn từ đời sống. Người bại liệt này là thí dụ điển hình của những người nói "Vâng, vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn", nhưng sau đó "Tôi không muốn, tôi không muốn, tôi không muốn, tôi sẽ không làm bất cứ điều gì". Muốn làm điều gì đó giống như một ảo tưởng và người ta không thực hiện bất cứ biện pháp nào để làm nó. Những người này quả vừa muốn vừa không muốn. Điều này tệ hại, và người đàn ông mắc bệnh đó, đã ở đó ba mươi tám năm, nhưng luôn luôn càu nhàu; “Không, lạy Chúa, Chúa biết đấy, nhưng Chúa biết đấy khi nước khuấy động - nghĩa là thời điểm của phép lạ - Chúa biết đấy, một ai đó mạnh hơn tôi đã tiến tới, họ nhẩy xuống, và tôi đến đó quá muộn”, anh ta cứ thế phàn nàn và than thở. Nhưng anh chị em hãy cẩn thận, bởi vì những lời phàn nàn là một liều thuốc độc, một chất độc cho linh hồn, một chất độc cho đời sống, bởi vì chúng ngăn cản lòng ước muốn tiếp tục lớn mạnh. Anh chị em hãy cẩn thận với những lời phàn nàn. Khi chúng ta phàn nàn trong gia đình, các cặp vợ chồng phàn nàn, người này phàn nàn về người kia, con cái phàn nàn về cha của chúng, linh mục phàn nàn về giám mục, hoặc giám mục phàn nàn về nhiều điều khác… Không, nếu thấy mình cằn nhằn, anh chị em hãy coi chừng, đó gần như là một tội lỗi, bởi vì nó ngăn chặn lòng ước muốn lớn mạnh.

Thường thì quả thực chính lòng ước muốn tạo nên sự khác biệt giữa một dự án thành công, mạch lạc và lâu dài, với hàng ngàn mong muốn và ý định tốt, như người ta nói, “địa ngục được lát bằng” những lời như: “Vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn… ”, Nhưng anh chị em không làm gì cả. Thời đại mà chúng ta đang sống dường như cổ vũ quyền tự do lựa chọn tối đa, nhưng đồng thời nó cũng làm hao mòn lòng ước muốn, anh chị em muốn được thỏa mãn liên tục, điều này hầu hết chỉ còn là lòng ham muốn nhất thời. Và chúng ta phải cẩn thận để không làm hao mòn lòng ước muốn. Chúng ta bị tấn công bởi hàng nghìn đề xuất, dự án, khả thể có nguy cơ khiến chúng ta mất tập trung và không cho phép chúng ta bình tĩnh đánh giá những gì chúng ta thực sự ước muốn. Rất nhiều lần, rất nhiều lần, chúng ta thấy những người, anh chị em hãy nghĩ tới những người trẻ tuổi chẳng hạn, với chiếc điện thoại trên tay, nhìn vào nó… “Nhưng bạn có dừng lại để suy nghĩ không?” - "Không". Luôn luôn hướng ra bên ngoài, hướng tới những điều khác. Lòng ước muốn không thể phát triển theo cách này, anh chị em sống trong khoảnh khắc, thỏa mãn trong khoảnh khắc, và lòng ước muốn không lớn lên nổi.

Nhiều người đau khổ vì họ không biết họ muốn gì từ cuộc sống của mình, nhiều lắm; có lẽ họ chưa bao giờ tiếp xúc với lòng ước muốn sâu sắc nhất của họ, họ chưa bao giờ biết: "Bạn muốn gì từ cuộc sống của mình?" - "Tôi không biết". Do đó, rủi ro sống qua sự hiện hữu của mình giữa những mưu toan và mưu chước nhiều loại khác nhau, không bao giờ đi đến đâu và lãng phí những cơ hội quý giá. Và do đó, một vài thay đổi, mặc dù được mong muốn trên lý thuyết, nhưng khi cơ hội xuất hiện không bao giờ được thực hiện, thiếu lòng ước muốn mạnh mẽ để theo đuổi một điều gì đó.

Chẳng hạn, nếu hôm nay Chúa hỏi bất cứ ai trong chúng ta, câu hỏi mà Người đã hỏi người mù ở Giêricô: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Mc 10:51) - chúng ta hãy nghĩ rằng hôm nay Chúa hỏi mỗi người chúng ta điều này: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" - chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ cuối cùng chúng ta cũng có thể cầu xin Người giúp chúng ta biết được ước muốn sâu xa nhất của mình, mà chính Chúa đã đặt trong lòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin cho con biết những ước muốn của con, xin cho con trở thành một người phụ nữ, một người đàn ông có nhiều ước muốn”; có lẽ Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để biến điều đó thành sự thật. Đó là một ân sủng bao la, là nền tảng của tất cả những ân sủng khác: như trong Tin Mừng, để Chúa làm phép lạ cho chúng ta: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng ước muốn và làm cho nó lớn lên”.

Bởi vì Người cũng có một lòng ước muốn lớn đối với chúng ta: làm cho chúng ta chia sẻ cuộc sống viên mãn của Người. Cảm ơn anh chị em.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:59 12/10/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân lễ kính thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II. Đồng tế với Đức Thánh Cha, có gần 100 Hồng Y và giám mục, hơn 300 linh mục, trước sự tham dự của 5.000 tín hữu.

Do những khó khăn trong việc đi đứng của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã giúp ngài cử hành thánh lễ.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha quảng diễn lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô tông đồ: “Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”.

“Con có yêu mến Thầy không?” Đây là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với Phêrô trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (Ga 21:15). Những lời cuối cùng của Ngài là: “Hãy chăm sóc các chiên của Thầy” (câu 17). Vào ngày kỷ niệm khai mạc Công Đồng Vatican II, chúng ta có thể cảm nhận rằng chính những lời đó của Chúa cũng được gửi đến chúng ta, ngỏ với chúng ta với tư cách là Giáo Hội: Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăm sóc các chiên của Thầy.

Thứ nhất: Con có yêu mến Thầy không? Đó là một câu hỏi, vì phong cách của Chúa Giêsu không chú trọng đưa ra câu trả lời cho bằng đặt ra những câu hỏi, những câu hỏi thách thức cuộc sống của chúng ta. Chúa, Đấng “từ tình yêu viên mãn của Ngài, coi những người nam và người nữ là bạn của mình và sống giữa họ” (Dei Verbum, 2), tiếp tục hỏi Giáo Hội, Hiền Thê của Ngài: “Con có yêu mến Thầy không?” Công đồng Vatican II là một trong những câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi này. Để khơi dậy tình yêu của mình đối với Chúa, lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội đã dành ra một Công Đồng để kiểm tra bản thân và suy ngẫm về bản chất và sứ mệnh của mình. Giáo Hội thấy mình một lần nữa như một mầu nhiệm của ân sủng được tạo ra bởi tình yêu; một lần nữa Giáo Hội thấy mình là Dân Thiên Chúa, Thân thể Chúa Kitô, đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần!

Cách đầu tiên để nhìn vào Giáo Hội là từ trên cao. Thật vậy, trước hết, Giáo Hội cần được nhìn từ trên cao, với đôi mắt của Thiên Chúa, đôi mắt đầy tình yêu thương. Chúng ta hãy tự hỏi xem liệu chúng ta, trong Hội Thánh, có bắt đầu với Thiên Chúa và ánh mắt yêu thương của Người dành cho chúng ta hay không. Chúng ta luôn bị cám dỗ để bắt đầu từ chính chúng ta hơn là từ Thiên Chúa, đặt các chương trình nghị sự của chúng ta trước Tin Mừng, để bản thân bị cuốn theo những luồng gió của thế gian, chạy theo những trào lưu nhất thời hoặc quay lưng lại với thời gian mà Chúa Quan Phòng đã ban cho chúng ta, để lần ngược trở lại các bước chân của mình. Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận: cả “chủ nghĩa cấp tiến” chạy theo đuôi thế gian lẫn “chủ nghĩa truyền thống” - hay “nhìn ngược lại” - khao khát về một thế giới đã qua không phải là bằng chứng của tình yêu, mà là của sự bất trung. Chúng là những hình thức ích kỷ của người theo thuyết Pêlagiô đặt sở thích và kế hoạch của chúng ta lên trên tình yêu đẹp lòng Thiên Chúa, tình yêu đơn sơ, khiêm tốn và trung thành mà Chúa Giêsu yêu cầu nơi Thánh Phêrô.

Con có yêu mến Thầy không? Chúng ta hãy tái khám phá Công đồng để khôi phục quyền ưu tiên đối với Thiên Chúa, đối với những điều cốt yếu: đối với một Giáo Hội yêu mến Chúa của mình một cách điên cuồng và với tất cả những người nam và người nữ mà mình yêu mến; ưu tiên đối với một Hội Thánh giàu có về Chúa Giêsu và nghèo về tài sản; một Giáo Hội tự do và giải phóng. Đây là con đường mà Công đồng đã vạch ra cho Giáo Hội. Con đường ấy đã dẫn Giáo Hội trở lại, giống như Thánh Phêrô trong Phúc âm, khi ngài quay về Galilê, về với cội nguồn của tình yêu đầu tiên của mình; để tái khám phá sự thánh khiết của Thiên Chúa trong sự nghèo khó của chính mình (xem Lumen Gentium, 8c; chương 5). Mỗi người trong chúng ta cũng có Galilê của riêng mình, Galilê của tình yêu đầu tiên của chúng ta, và chắc chắn ngày nay tất cả chúng ta đều được mời gọi trở về với chính Galilê của mình để nghe tiếng Chúa: “Hãy theo Thầy”. Và ở đó, chúng ta tìm thấy một lần nữa trong ánh mắt của Chúa bị đóng đinh và phục sinh, một niềm vui đã phai mờ; để chúng ta có thể tập trung vào Chúa Giêsu, và tái khám phá niềm vui của chúng ta, cho một Giáo Hội đã đánh mất đi niềm vui, và tình yêu của mình. Về cuối đời, Thánh Giáo Hoàng Gioan đã viết: “Cuộc đời này của tôi, giờ đã gần hoàng hôn, không thể tìm thấy kết cục nào tốt đẹp hơn cho bằng tập trung mọi suy nghĩ của tôi vào Chúa Giêsu, Con của Mẹ Maria… một tình bạn tuyệt vời và bền vững với Chúa Giêsu, được chiêm ngưỡng như một Hài Nhi và trên Thập giá, và được tôn thờ trong Thánh Thể “(Nhật ký của một tâm hồn). Đây là cái nhìn của chúng ta từ trên cao; đây là nguồn sống mãi của chúng ta: Chúa Giêsu, Galilê của tình yêu, Chúa Giêsu gọi chúng ta, Chúa Giêsu hỏi chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?”.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy trở về với nguồn tình yêu trong sáng của Công đồng. Chúng ta hãy khám phá lại niềm đam mê của Công Đồng và làm mới lại niềm đam mê của chính chúng ta đối với Công Đồng! Hãy đắm mình trong mầu nhiệm của Giáo Hội, Mẹ và Hiền Thê, chúng ta cũng hãy nói với Thánh Gioan 23: Gaudet Mater Ecclesia! (Diễn văn Khai mạc Công đồng, ngày 11 tháng 10 năm 1962). Cầu xin cho Hội Thánh tràn ngập niềm vui. Nếu không vui mừng, Giáo Hội sẽ phủ nhận chính bản thân mình, vì Giáo Hội sẽ quên đi tình yêu đã sinh ra mình. Tuy nhiên, có bao nhiêu người trong chúng ta không thể sống đức tin một cách vui vẻ, không có những phàn nàn và chỉ trích? Một Hội Thánh yêu mến Chúa Giêsu không có thời gian cho những cuộc cãi vã, buôn chuyện và tranh chấp. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự chỉ trích và bất khoan dung, khắc nghiệt và tức giận! Đây không phải là vấn đề của phong cách mà là tình yêu. Đối với những người yêu thương, như Tông đồ Phaolô dạy, hãy làm mọi việc mà đừng càm ràm (xem Philíp 2:14). Lạy Chúa, xin dạy chúng con cái nhìn cao cả của chính Ngài; xin dạy chúng con nhìn Giáo Hội như Chúa nhìn Giáo Hội. Và khi chúng ta bị chỉ trích và bất bình, chúng ta hãy nhớ rằng trở thành Giáo Hội có nghĩa là làm chứng cho vẻ đẹp của tình yêu, sống cuộc đời của chúng ta như một câu trả lời cho câu hỏi của Chúa: Con có yêu mến Thầy không? Chứ không phải hành động như thể chúng ta đang canh thức trong một đám tang.

Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăm sóc các chiên của Thầy. Với động từ thứ hai, hãy chăm sóc, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương mà Ngài mong muốn từ Thánh Phêrô. Vì vậy, bây giờ chúng ta hãy suy ngẫm về Thánh Phêrô. Ngài là một người đánh cá mà Chúa Giêsu đã biến thành một Tông đồ chài lưới người (x. Lc 5,10). Chúa Giêsu giao cho ngài một vai trò mới, đó là một người mục tử, một việc hoàn toàn mới đối với ngài. Thực tế đây là một bước ngoặt trong cuộc đời của Thánh Phêrô, vì trong khi những người đánh cá lo đánh bắt cho mình thì những người chăn chiên lại quan tâm đến người khác và cho người khác ăn. Những người chăn chiên sống với bầy chiên của họ; họ cho chiên ăn và yêu thương chúng. Người chăn chiên không ở “trên” lưới - giống như người đánh cá - mà là “ở giữa” bầy chiên của mình. Người chăn đứng trước mặt dân chúng để vạch đường, đứng giữa dân chúng như một người trong số họ, và đứng sau dân chúng để gần gũi với những người đi lạc. Một người chăn chiên không ở trên, giống như một người đánh cá, nhưng ở giữa.

Đây là cách nhìn thứ hai về Giáo Hội mà chúng ta học được từ Công đồng: nhìn xung quanh. Nói cách khác, ở trong thế giới với người khác mà không bao giờ cảm thấy mình vượt trội hơn người khác, là tôi tớ của thực tại cao hơn là Nước Thiên Chúa (xem Lumen Gentium, 5); đưa tin mừng của Phúc âm vào đời sống và ngôn ngữ của mọi người (xem Sacrosanctum Concilium, 36), chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ (xem Gaudium et Spes, 1). Ở giữa dân chúng, không đứng trên mọi người, vì đứng trên mọi người là tội lỗi tồi tệ của chủ nghĩa giáo sĩ giết các con chiên hơn là hướng dẫn chúng hoặc giúp chúng phát triển. Công đồng kịp thời làm sao! Công đồng giúp chúng ta từ chối cám dỗ nhốt mình trong giới hạn của những tiện nghi và niềm tin của chính chúng ta. Công đồng giúp chúng ta bắt chước đường lối của Thiên Chúa, mà tiên tri Êdêkien đã mô tả cho chúng ta ngày nay: “con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (xem Ed 34:16).

Hãy chăm sóc: Giáo Hội không tổ chức Công đồng để tự ngưỡng mộ mình, nhưng để hiến thân cho người khác. Thật vậy, Mẹ Giáo Hội thánh khiết và cao trọng của chúng ta, phát xuất từ trái tim của Thiên Chúa Ba Ngôi, hiện hữu vì thiện ích của tình yêu. Giáo Hội là một dân tộc tư tế (xem Lumen Gentium, 10ff.), nghĩa là không phải để nổi bật trong mắt thế giới, nhưng để phục vụ thế giới. Chúng ta đừng quên rằng Dân Thiên Chúa được sinh ra để “hướng ngoại” và đổi mới tuổi trẻ của mình bằng cách tự hiến, vì đó là bí tích tình yêu, “dấu chỉ và khí cụ hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Lumen Gentium, 1). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy quay trở lại Công đồng, nơi đã khám phá lại dòng sông sống động của Truyền thống mà không sa lầy trong các truyền thống. Công đồng đã khám phá lại cội nguồn của tình yêu, không phải ở trên những đỉnh núi cao, nhưng để đổ xuống như một kênh thương xót cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy quay trở lại Công đồng và vượt lên trên chính mình, chống lại cám dỗ tự hấp thụ, là một cách sống của thế gian. Một lần nữa, Chúa nói với Giáo Hội của Ngài: hãy chăm sóc! Và khi chăm sóc, Giáo Hội bỏ lại sau lưng những hoài niệm về quá khứ, bỏ lại những nuối tiếc về sự qua đi của ảnh hưởng cũ và những gắn bó với quyền lực. Vì anh chị em, Dân thánh của Thiên Chúa, là một dân mục vụ. Anh chị em ở đây không phải để chăn dắt chính mình, hay leo lên cao, mà là để chăn dắt những người khác - tất cả những người khác - với tình yêu thương. Và nếu cần thể hiện một mối quan tâm đặc biệt, thì quan tâm ấy nên dành cho những người mà Thiên Chúa yêu thương nhất: là người nghèo và người bị ruồng bỏ (xem Lumen Gentium, 8; Gaudium et Spes, 1). Giáo Hội có nghĩa là, như Đức Giáo Hoàng Gioan đã nói, “Giáo Hội của tất cả mọi người, và đặc biệt là Giáo Hội của người nghèo “ (Thông điệp phát thanh gửi các tín hữu trên toàn thế giới một tháng trước Công đồng chung Vatican II, ngày 11 tháng 9 năm 1962).

Con có yêu mến Thầy không? Sau đó, Chúa nói: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Ngài không có ý chỉ một số con chiên, nhưng tất cả đàn chiên, vì Ngài yêu tất cả, trìu mến gọi họ là “của Thầy”. Vị Mục Tử Nhân Lành nhìn ra và muốn đàn chiên của mình được đoàn kết, dưới sự hướng dẫn của các Mục Tử mà Ngài đã ban cho họ. Ngài muốn chúng ta - và đây là cách thứ ba để nhìn vào Giáo Hội - nhìn thấy toàn thể, tất cả chúng ta cùng nhau. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội là sự hiệp thông theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Lumen Gentium, 4,13). Trái lại, ma quỷ muốn gieo rắc sự chia rẽ. Chúng ta đừng nhượng bộ trước những lời dụ dỗ của ma quỷ hoặc trước sự cám dỗ của sự phân cực. Quá thường là khi đề cập đến Công đồng, các Kitô hữu thích chọn đứng về một phe trong Giáo Hội, mà không nhận ra rằng họ đang làm tan nát trái tim Mẹ của họ! Đã bao nhiêu lần họ thích cổ vũ cho phe phái của mình hơn là trở thành đầy tớ của tất cả mọi người? Thích là tiến bộ hay bảo thủ hơn là anh chị em với nhau? Ở bên “phải” hay “bên trái”, thay vì ở với Chúa Giêsu? Tự thể hiện mình là “người bảo vệ sự thật” hay “người tiên phong đổi mới” thay vì coi mình là những đứa con khiêm tốn và biết ơn của Mẹ Hội Thánh. Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, tất cả là anh chị em trong Hội Thánh, tất cả chúng ta tạo nên Hội Thánh, tất cả chúng ta. Đó là cách Chúa muốn chúng ta trở thành. Chúng ta là chiên của Ngài, là đàn chiên của Ngài, và chúng ta chỉ có thể ở bên nhau và nên một. Chúng ta hãy vượt qua mọi phân cực và giữ gìn sự hiệp thông của chúng ta. Xin cho tất cả chúng ta ngày càng “nên một”, như Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi hy sinh mạng sống vì chúng ta (x. Ga 17:21). Và xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội, giúp chúng ta trong việc này. Xin cho lòng khao khát hiệp nhất lớn lên trong chúng ta, ước muốn dấn thân để hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả những ai tin vào Chúa Kitô. Chúng ta hãy bỏ qua một bên những “chủ nghĩa”, vì dân của Thiên Chúa không thích sự phân cực. dân Chúa là những người trung thành thánh thiện của Chúa: đó là Hội thánh. Thật tốt là hôm nay, cũng như trong thời gian diễn ra Công đồng, các đại diện của các cộng đồng Kitô khác cũng có mặt với chúng ta. Cảm ơn các bạn! Cảm ơn các bạn đã ở đây, cảm ơn sự hiện diện của các bạn!

Chúng con cảm tạ Chúa về món quà của Công đồng. Những người yêu mến chúng ta, hãy giải thoát chúng ta khỏi sự tự phụ và tinh thần chỉ trích thế gian. Xin Chúa ngăn chúng con loại trừ chính mình khỏi sự hiệp nhất. Chúa, Đấng yêu thương nuôi dưỡng chúng con, xin dẫn chúng con ra khỏi bóng tối của sự tự hấp thụ. Lạy Chúa, Đấng mong muốn chúng con là một đàn chiên hiệp nhất, xin hãy cứu chúng con khỏi những hình thức phân cực và “chủ nghĩa” là công việc của ma quỷ. Và chúng con, Hội Thánh của Chúa, cùng với Thánh Phêrô và cũng như Thánh Phêrô, giờ đây thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi điều; Chúa biết chúng con yêu mến Chúa” (x. Ga 21:17).
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
VietCatholic TV
Nga nói tìm thấy căn cước người nổ bom cầu Crimea, nhưng có ai chụp hình thẻ căn cước ở trần không?
VietCatholic Media
01:25 12/10/2022


1. Các cơ quan an ninh của Ukraine cho biết họ đã tìm thấy thêm bằng chứng tra tấn ở các khu vực trước đây do Nga chiếm đóng

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng mới về các trung tâm giam giữ, nơi đã sử dụng tra tấn ở những nơi từng bị quân Nga chiếm đóng.

SBU cho biết các sĩ quan của họ đã phát hiện ra một nơi giam giữ bất hợp pháp ở Sviatohirsk thuộc vùng Donetsk, nơi bao gồm một phòng tra tấn trong một trung tâm giải trí.

“Các thám tử và điều tra viên của SBU đã tìm thấy các vật dụng trực tiếp chỉ ra dấu hiệu tra tấn”

Văn phòng tổng công tố cho biết các thanh tra viên của họ đã đến thăm cả Sviatohirsk và Lyman, nơi vừa được giải phóng vào tháng trước.

Ở Sviatohirsk, “các nhân viên thực thi pháp luật đã khai quật thi thể của 34 người, một số người trong số họ có dấu hiệu của cái chết dữ dội. Ngoài ra, thi thể bị cháy của hai công dân đã được tìm thấy trong một chiếc xe hơi, danh tính của họ hiện đang được xác lập,” văn phòng tổng công tố cho biết.

Ở Lyman, “khoảng 110 đường hào đã được tìm thấy tại nghĩa trang Nova Masliakivka, bao gồm cả mộ của trẻ em. Tổng cộng, 44 thi thể đã được khai quật trong quá trình kiểm tra.”

2. Các quan chức Mỹ cảnh giác trước làn sóng tấn công trong không gian mạng

Gần 8 tháng sau cuộc chiến ở Ukraine, các quan chức Mỹ đang cảnh giác cao độ với các chiến dịch tấn công trả đũa của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, một quan chức mạng cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết hôm thứ Ba.

Jen Easterly, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ cho biết: “Tôi nghĩ rằng có một số lo ngại về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang leo thang, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi.

Các quan chức Mỹ trong nhiều tháng đã cảnh báo về khả năng tội phạm mạng có trụ sở tại Nga hoặc tin tặc do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn nhằm vào các tổ chức của Mỹ sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cảnh báo rằng việc Nga tấn công các mục tiêu ở Ukraine có thể gây ra thiệt hại về tài sản cho các tổ chức Mỹ có chuỗi cung ứng trong khu vực.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang ở trong một thời điểm rất nhạy cảm,” cô ấy nói trong một hội nghị do Hiệp hội các Giám đốc Doanh nghiệp Quốc gia tổ chức.

Một số thông tin cơ bản: Các tin tặc nói tiếng Nga tuần trước đã nhận trách nhiệm đánh sập các trang web ngoại tuyến của chính quyền bang ở Colorado, Kentucky và Mississippi, cùng các bang khác. Cùng một nhóm này cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc đánh sập một trang web của Quốc hội Mỹ vào tháng 7 và các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức ở Lithuania sau khi quốc gia Baltic này ngăn chặn việc vận chuyển một số hàng hóa đến vùng Kaliningrad của Nga vào tháng 6.

Hôm thứ Hai, cùng một nhóm, được gọi là Killnet, bao gồm những tin tặc có động cơ chính trị ủng hộ Điện Cẩm Linh nhưng không rõ mối quan hệ với chính phủ đó - tuyên bố tấn công vào hơn một chục trang web sân bay. Không có dấu hiệu ảnh hưởng ngay lập tức đến việc di chuyển bằng đường hàng không trên thực tế.

3. Kiểm tra sự thật: Có phải một thẻ căn cước Ukraine đã được tìm thấy tại Cầu Kerch của Nga ở Crimea?

Các blogger quân sự Nga ủng hộ Điện Cẩm Linh đã tung ra tấm hình một thẻ căn cước của một người Ukraine được cho là nghi phạm trong vụ nổ cầu Kerch hay cầu Crimea, nối liền lục địa Nga với bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “ “, nghĩa là “Kiểm tra sự thật: Có phải một thẻ căn cước Ukraine đã được tìm thấy tại Cầu Kerch của Nga ở Crimea?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hậu quả đầy đủ của vụ nổ Cầu Kerch ở Crimea vẫn chưa diễn ra, bất chấp một loạt vụ tấn công bằng hỏa tiễn tàn khốc của Nga ở các thành phố trên khắp Ukraine, được coi là hành động trả đũa.

Vụ nổ dọc eo biển Kerch nối đất liền của Nga với bán đảo bị sáp nhập bất hợp pháp là một yếu tố khác khiến Putin nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát ở Ukraine, mặc dù chính quyền Ukraine chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ việc.

Khi những đồn đoán tiếp tục xoay quanh sự kiện này, một tin đồn xuất hiện trên mạng cho thấy rằng một nghi phạm đã được tìm thấy.

Các bài đăng trên Twitter và Telegram, được công bố vào ngày 8 tháng 10 năm 2022, cho rằng một thẻ căn cước Ukraine đã được tìm thấy tại địa điểm xảy ra vụ tấn công cầu Kerch.

Những sự kiện về vụ tấn công cầu Kerch vẫn đang được tập hợp lại.

Phản ứng của Nga nhằm vào nhiều thành phố của Ukraine, khiến 11 người thiệt mạng và 82 người bị thương trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, bằng không quân và pháo binh, phản ánh quan điểm của Nga cho rằng Kyiv phải chịu trách nhiệm cho vụ nổ cầu Kerch.

Nhiều tháng trước khi vụ nổ xảy ra, Ukraine đã bày tỏ ý định phá hủy cây cầu, mặc dù các chuyên gia quân sự vào thời điểm đó vẫn nghi ngờ liệu nước này có khả năng thực sự để tấn công cây cầu hay không.

Trong khi đó, hôm thứ Hai, Kyiv tuyên bố rằng cuộc pháo kích hàng loạt vào các thành phố của Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước và Crimea chỉ đơn giản là một cái cớ. Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak thậm chí còn cho rằng chính Nga đứng sau vụ nổ, có lẽ do xung đột nội bộ giữa các cơ quan an ninh khác nhau.

Phiên bản của các sự kiện do hai bên đưa ra vẫn chưa được xác nhận, và cũng chẳng có bằng chứng xác thực và các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, trong bối cảnh các suy đoán về ai là người chịu trách nhiệm tiếp tục lan rộng.

Một ví dụ về điều này là tuyên bố gần đây rằng căn cước của một công dân Ukraine đã được tìm thấy tại địa điểm xảy ra vụ nổ. Đây là một mô típ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong những “lời giải thích” của Nga về những vụ việc tương tự. Mô típ này thậm chí đã trở thành một xu hướng thời thượng trên internet.

Căn cước này là một sự bịa đặt và đã được chia sẻ trực tuyến trước đây để lan truyền thông tin sai lệch về cuộc xung đột ở Ukraine. Ít nhất là tháng 2 năm 2022, căn cước này được liên kết với một “thủ lĩnh Azov đã thất thủ”, ám chỉ tiểu đoàn Azov của Ukraine.

Bức ảnh được cho là của Sam Hyde, một nhà vẽ truyện tranh cánh hữu, là người đã trở thành mục tiêu thường xuyên của những tuyên bố không có thật trên mạng xã hội trong sáu năm qua.

Người đàn ông trong căn cước ở trần. Có ai trên thế gian này chụp hình thẻ căn cước mà ở trần không? Bên cạnh đó, còn có những manh mối khác về tính không xác thực của nó. Số thẻ căn cước đều là số 0 và tên trên hộ chiếu là “Semen Hydenko”, có vẻ như ám chỉ Hyde (và phiên âm không chính xác của họ gốc Cyrillic).

Nó dường như cũng sử dụng hầu hết các số hồ sơ, ngày tháng và chữ ký giống như ảnh đính trong Wikipedia về “Chứng minh nhân dân Ukraine”.

Một cuộc điều tra của Snopes vào tháng 3 năm 2022 về các hình thức lạm dụng tài liệu đã lần ra ảnh căn cước của Hyde trong các mục trên 4Chan từ ngày 22 tháng 2 năm 2022, mô tả sai sự thật về anh ta là “tên đồ tể của Luhansk”.

Newsweek đã tìm thấy một tweet từ ngày 21 tháng 2 năm 2022, với cùng một bức ảnh và thông điệp: “Căn cước của kẻ phá hoại Ukraine bị phát nổ khi cố gắng đặt một quả bom tự chế ở Cộng hòa Nhân Dân Donetsk ngày hôm nay.”

Việc không có thêm thông tin sau vụ nổ cầu Crimea đã tạo ra một khoảng trống cho thông tin sai lệch lấp đầy.

Newsweek phát hiện ra rằng một số video được chia sẻ trên mạng xã hội về những gì có mục đích cho thấy cây cầu bị trúng hỏa tiễn dường như được tạo ra bởi một người làm video nghiệp dư trên YouTube vài giờ sau khi vụ việc xảy ra.

Newsweek đã liên hệ với các bộ quốc phòng Ukraine và Nga để đưa ra bình luận.

Kết luận cuối cùng: Thẻ căn cước này là không xác thực và đã được sử dụng nhiều lần trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine để phát tán thông tin sai lệch. Người đàn ông trong bức ảnh được cho là Sam Hyde, một nhà vẽ tranh biếm họa, mà hình ảnh của anh đã bị lạm dụng trong một số trường hợp lừa bịp.
 
Putin tuyệt vọng: Pháo kích bừa bãi là một sai lầm tai hại, không chặn nổi đà tiến của quân Ukraine
VietCatholic Media
03:15 12/10/2022


1. Quân Ukraine tiếp tục cuộc phản công bất kể các cuộc pháo kích của Putin

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 12 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày thứ Tư 11 tháng 10, quân Nga đã bắn 30 hỏa tiễn hành trình vào các cơ sở hạ tầng và khu dân cư quan trọng ở các thành phố của Ukraine. 21 hỏa tiễn đã bị bắn rơi trước khi chúng có thể gây thương vong cho dân thường và các thiệt hại cho cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, quân Ukraine cũng đã bắn hạ 11 máy bay không người lái, hầu hết là các máy bay không người lái do Iran sản xuất.

Hai cuộc tấn công hỏa tiễn và máy bay không người lái cường tập của Nga trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng tại hơn 10 khu định cư ở các khu vực như Lviv, Vinnytsia, Dnipropetrovsk, Zaporizhzhia và Donetsk.

Tại thành phố Bakhmut, trong cố gắng chiếm thành phố này, đối phương đã thực hiện bảy cuộc không kích và nổ súng bằng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt khoảng 25 lần. Quân Nga đã thực hiện 7 cuộc tấn công, tất cả đều bị bẻ gãy.

Những kẻ xâm lược Nga đêm qua đã sử dụng 8 máy bay không người lái tấn công do Iran sản xuất, cố gắng gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực Mykolaiv. Tất cả 8 máy bay không người lái tấn công do đối phương phóng lên đều bị các đơn vị phòng không Ukraine tiêu diệt.

Ở hướng Nam Bug, quân Nga tiếp tục nổ súng vào các vị trí của Ukraine nhằm kìm hãm cuộc phản công của quân đội Ukraine trên toàn giới tuyến.

“Việc huy động và chuyển quân dự bị không cho phép kẻ thù phá vỡ sự kháng cự của quân trú phòng Ukraine. Tổn thất nghiêm trọng đã dẫn đến bạo loạn giữa những người bị huy động.”

Một cụm quân nhân và thiết bị quân sự của đối phương đã được xác nhận bị loại khỏi vòng chiến ở khu vực Kherson. Hơn 100 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến và khoảng 30 thiết bị quân sự và đạn dược bị phá hủy.

Quân đội Ukraine cũng đã đánh trúng hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 của Nga, 10 thiết giáp và khoảng 60 quân xâm lược Nga bị loại khỏi vòng chiến ở khu vực Zaporizhzhia.

Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành hai cuộc không kích vào các cụm kho đạn và thiết bị quân sự của đối phương. Ngoài ra, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã tấn công 1 sở chỉ huy của Nga, 9 cụm tập trung quân, đạn dược và thiết bị quân sự, 5 hệ thống phòng không và 4 kho đạn.

Trong khu vực miền Đông Ukraine, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Ukraine đã pháo kích dữ dội vào các vị trí phòng thủ của quân Nga trong thành phố Kreminna, nơi quân Nga đang tử thủ sau khi rút chạy khỏi thành phố Lyman. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết vì còn nhiều người dân trong thành phố này nên không thể đánh nhanh hơn. Người Nga không bị bao vây. Họ vẫn còn có thể rút lui và hầu chắc họ sẽ làm như vậy sau khi hứng chịu các cuộc pháo kích liên tục. Các cuộc đánh chặn điện đàm cho thấy quân Nga trong thành phố nao núng muốn rút lui nhưng bị buộc phải cầm cự vì các lý do chính trị. Nói cho dễ hiểu, là để giữ thể diện cho tên độc tài Putin.

2. Tổng thống Zelenskiy cho biết hơn một nửa số hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga bắn vào Ukraine hôm thứ Ba đã bị bắn hạ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hơn một nửa số hỏa tiễn và máy bay không người lái mà Nga bắn vào hôm thứ Ba đã bị hạ gục.

Trong bài phát biểu video hàng ngày của mình, Zelenskiy lưu ý rằng 20 trong số 28 hỏa tiễn do Nga bắn vào Ukraine sáng thứ Ba đã bị bắn hạ.

Ông đã bày tỏ sự tôn vinh đối với một người lính, Dmytro Shumskyi, vì đã hạ được hai hỏa tiễn hành trình của Nga hôm thứ Hai bằng một hỏa tiễn phòng không vác vai.

“Nếu không có các cuộc tấn công hôm nay, chúng ta đã khôi phục lại nguồn điện, cấp nước và thông tin liên lạc, những thứ mà bọn khủng bố đã làm hỏng ngày hôm qua. Và ngày nay Nga sẽ chỉ đạt được một điều nữa: trì hoãn việc khôi phục lại một chút,” Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine cho biết nguồn cung cấp điện và thông tin liên lạc đã được khôi phục ở hầu hết các thị trấn và làng mạc bị ảnh hưởng.

Ông nói: “Ở một số thành phố và thị trấn, các công trình vẫn đang được tiến hành và lưu ý rằng có một số hạn chế trong việc cung cấp điện ở một số khu vực nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống điện.

Zelenskiy nói rằng Ukraine sẽ gặp các đối tác của mình tại Đức vào thứ Tư để giải quyết các nhu cầu quân sự của Ukraine.

Ông nói: “Tôi kỳ vọng các đối tác của chúng ta sẽ đạt được tiến bộ trong vấn đề phòng không và hỏa tiễn, các thỏa thuận về việc cung cấp vũ khí và đạn dược khác mà chúng ta cần.

3. Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ nhận định rằng vụ tấn công hỏa tiễn vào Ukraine chỉ 'lãng phí' vũ khí của Nga, và 'có thể tước mất các lựa chọn của Putin'

Các vụ tấn công cường tập bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga nhằm vào Ukraine có tác dụng như thế nào? Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Strikes 'Wasted' Russia's Weapons, 'May Deprive Putin of Options': ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ nhận định rằng vụ tấn công hỏa tiễn vào Ukraine chỉ 'lãng phí' vũ khí của Nga, và 'có thể tước mất các lựa chọn của Putin'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, chiến dịch không kích của Nga vào đầu ngày thứ Hai có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin mất đi những lựa chọn do cạn kiệt vũ khí.

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga nhằm vào hơn 20 thành phố ở Ukraine, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, gần 100 người khác bị thương và làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng ở nhiều khu vực. Các cuộc tấn công diễn ra sau một vụ nổ lớn hôm thứ Bảy làm hư hỏng Cầu Eo biển Kerch, là cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập và đóng vai trò như một tuyến cung cấp quan trọng cho quân đội Nga. Trong khi Ukraine không nhận trách nhiệm, Putin nói rằng các cuộc không kích là để trả đũa vụ tấn công rõ ràng vào cây cầu.

Một đánh giá hôm thứ Hai của ISW về cuộc tấn công của Nga cho thấy rằng các cuộc tấn công trả đũa có thể là một tính toán sai lầm mới của Putin. Báo cáo cho rằng quân đội Nga đã “lãng phí” vũ khí quan trọng vào các mục tiêu dân sự thay vì sử dụng chúng cho các mục tiêu quân sự quan trọng hơn về mặt chiến lược, và các cuộc tấn công như thế có khả năng khiến quân Nga mất đi các công cụ cần thiết để phòng thủ trước các cuộc phản công đang diễn ra ở phía nam và phía đông của Ukraine.

Đánh giá của ISW cho biết: “Các cuộc tấn công của Nga đã làm lãng phí một số vũ khí chính xác đang ngày càng cạn kiệt của Nga nhằm vào các mục tiêu dân sự, trái ngược với các mục tiêu quan trọng về mặt quân sự. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tấn công các trung tâm chỉ huy quân sự, cơ sở hạ tầng liên lạc và hệ thống năng lượng của Ukraine. Các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy người Nga thực ra chỉ tấn công sân chơi trẻ em, công viên, lãnh sự quán Đức và trung tâm thương mại trong số các mục tiêu phi quân sự khác”.

“Lực lượng phòng không của Ukraine cũng đã bắn hạ hơn một nửa số máy bay không người lái và hỏa tiễn hành trình của Nga. Các cuộc tấn công của Nga vào lưới năng lượng của Ukraine có thể sẽ không phá vỡ ý chí chiến đấu của Ukraine, nhưng việc Nga sử dụng nguồn cung vũ khí chính xác hạn chế của mình trong trò này có thể tước đi các lựa chọn của Putin trong việc ngăn chặn các cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine ở Kherson và Luhansk.”

Hơn một nửa số vũ khí mà quân đội Nga sử dụng trong các cuộc tấn công có thể đã bị Ukraine phá hủy mà không bao giờ đạt được mục tiêu của họ. Theo ước tính của Forbes, số vũ khí đã được sử dụng có giá từ 400 triệu đến 700 triệu USD.

Nga đã phóng hơn 84 hỏa tiễn hành trình trong cuộc không kích hôm thứ Hai và 30 hỏa tiễn khác vào hôm thứ Ba. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 63 hỏa tiễn trong số đó. Ngoài ra, 44 máy bay không người lái đã được sử dụng trong các cuộc tấn công, chủ yếu là máy bay không người lái “Shahed-136” do Iran sản xuất. ISW cho biết Ukraine đã bắn hạ thành công 22 chiếc máy bay không người lái do Iran sản xuất và 3 chiếc khác chưa được xác định.

Các vũ khí tiếp cận thành công mục tiêu của chúng đã gây ra thiệt hại đáng kể. Hơn 1.300 khu định cư trên khắp các khu vực Kyiv, Lviv, Sumy, Ternopil và Khmelnytsky vẫn bị mất điện vào đêm thứ Hai do các cuộc không kích, theo Cơ quan Tình trạng khẩn cấp của Ukraine. Hơn 1.000 nhân viên khẩn cấp được tường trình đã tham gia vào các hoạt động cứu cấp và chữa cháy sau vụ tấn công.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cáo buộc Nga tham gia vào “khủng bố” bằng cách phát động các cuộc tấn công, đồng thời thề sẽ sửa chữa thiệt hại, tăng cường các lực lượng phản công và khiến cuộc chiến càng “khốc liệt hơn” đối với binh lính Nga.

“Chúng ta đang làm mọi thứ để củng cố lực lượng vũ trang của mình,” Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Hai. “Và bây giờ quân xâm lược Nga đã không thể chống lại chúng ta trên chiến trường, đó là lý do tại sao họ phải dùng đến sự khủng bố này. Chúng ta sẽ làm cho chiến trường tàn khốc hơn đối với kẻ thù. Và chúng ta sẽ khôi phục mọi thứ đã bị phá hủy”.

Newsweek đã liên hệ với ISW và chính phủ Nga để đưa ra bình luận.

4. Theo Reuters, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã bị các quan chức an ninh Ukraine đưa vào danh sách truy nã.

Tuyên bố cho biết Thủ tướng Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch An ninh Nga, bị truy nã theo một phần của bộ luật hình sự liên quan đến các nỗ lực phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sự bất khả xâm phạm của biên giới nước này. Hầu hết các thành viên của Hội đồng An ninh Nga đều có tên trong danh sách.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao nhà chức trách Ukraine không công bố thông tin sớm hơn hoặc tại sao họ lại công khai thông tin này.

Tuyên bố cho biết những người Nga nổi bật khác nằm trong danh sách truy nã, bao gồm Sergei Shoigu, bộ trưởng quốc phòng, Vyacheslav Volodin, chủ tịch hạ viện, Valentina Matviyenko, chủ tịch thượng viện, và Nikolai Patrushev, thư ký của Hội đồng An ninh.

“Cơ quan An ninh Ukraine xác nhận rằng Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là cựu chủ tịch nước xâm lược, bị tuyên bố là đối tượng bị truy nã”, SBU cho biết trong một tuyên bố.

Medvedev được coi là một người ôn hòa khi ông giữ chức tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012, khi ông hoán đổi công việc với Vladimir Putin, người đã trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông ta đã lên tiếng bày tỏ một số quan điểm cứng rắn nhất của Nga đối với Ukraine.

5. Các nhà lãnh đạo G7 cảnh báo về 'hậu quả nặng nề' nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân

Các nhà lãnh đạo của G7 đã lên án các cuộc tấn công hỏa tiễn gần đây nhất của Nga ở Ukraine “với những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể”, và thề sẽ ủng hộ Kyiv một cách “kiên định” “bao lâu cần thiết”.

Họ nói trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, “các cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào những người dân vô tội đã cấu thành tội ác chiến tranh”.

Họ tuyên bố sẽ buộc Tổng thống Vladimir Putin và những người ra lệnh cho các cuộc tấn công vào Ukraine phải chịu trách nhiệm.

Họ cũng nói rằng họ sẽ “không bao giờ công nhận” việc Nga “sáp nhập bất hợp pháp” các lãnh thổ của Ukraine hoặc “các cuộc trưng cầu dân ý tào lao mà Nga sử dụng để biện minh cho điều đó”.

Tuyên bố tiếp tục:

Không quốc gia nào muốn hòa bình hơn Ukraine, nơi mà người dân đã phải chịu đựng cái chết, sự di dời và vô số hành động tàn bạo do hậu quả của sự xâm lược của Nga.

Các nhà lãnh đạo “phản đối các bước leo thang có chủ ý của Nga”, bao gồm cả việc huy động một phần lực lượng dự bị và những luận điệu “vô trách nhiệm” về hạt nhân.

Chúng tôi tái khẳng định rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nào của Nga đều sẽ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng.

Tuyên bố chung kết luận rằng:

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý và sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến cùng.

6. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, hôm nay lên án cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, gọi đây là “vấn đề đạo đức sâu sắc”.

Blinken nói rằng các cuộc tấn công là “không thể chấp nhận được” và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Ukraine:

Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải làm rõ rằng hành động của Tổng thống Putin là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Bây giờ là lúc để lên tiếng ủng hộ Ukraine; đây không phải là lúc cho những lời nói vô thưởng vô phạt, những lời xoa dịu, hoặc những lời ngụy biện dưới những tuyên bố liên quan đến tính trung lập. Các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hiệp Quốc đang bị đe dọa.

Một số quan sát viên cho rằng cuộc tấn công hôm thứ Hai đã được dàn dựng như một thử nghiệm của Mạc Tư Khoa liên quan đến phản ứng quốc tế. Không lên án quyết liệt, không phản ứng quyết liệt là cách ủng hộ Mạc Tư Khoa tung ra đòn hạt nhân chiến thuật nhằm xoay chuyển tình thế chiến trường đang rất bất lợi đối với họ.

7. Ukraine cho biết 30% cơ sở hạ tầng năng lượng bị trúng hỏa tiễn của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 12 tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, Herman Halushchenko, cho biết hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước kể từ hôm thứ Hai.

Halushchenko nói:

Chúng tôi gửi thông điệp này đến các đối tác của chúng tôi: chúng tôi cần bảo vệ bầu trời. Người Nga không hề tuân thủ luật pháp quốc tế. Họ không quan tâm đến bất kỳ loại hiệp định hay công ước quốc tế nào”.

Ông nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Nga đã “tấn công đáng kể” vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Vì thế, Ukraine đang nỗ lực để kết nối lại nhanh chóng từ các nguồn khác.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó xác nhận rằng quân đội nước này đang tiếp tục các cuộc không kích tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine. Các báo cáo cho rằng 6 người đã bị thương trong cuộc tấn công thứ hai của Nga tại nhà máy nhiệt điện Ladyzhyn ở vùng Vinnytsia của Ukraine.

Bình luận của Halushchenko được đưa ra sau khi một số nước NATO và Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng Nga đang phạm tội ác chiến tranh với cuộc tấn công liên tục vào các mục tiêu dân sự.

Khi hàng triệu người ở Ukraine đang phải đối mặt với mất điện do các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng, chính phủ đã kêu gọi dân thường cắt giảm sử dụng điện và không sử dụng các thiết bị gia dụng như lò nướng và máy giặt.

Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết người dân Ukraine đã tự nguyện cắt giảm mức tiêu thụ điện trung bình 10% vào hôm thứ Hai sau các cuộc tấn công của Nga, đồng thời kêu gọi họ hạn chế sử dụng từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối theo giờ địa phương vào thứ Ba.

Ông viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Chúng ta đoàn kết và sẽ giữ vững lập trường”.

“Vui lòng không bật các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng: bếp điện, ấm điện, dụng cụ điện, lò sưởi và máy điều hòa không khí, lò nướng và bàn ủi, lò vi sóng hay microwave, máy pha cà phê, máy giặt và máy rửa chén dĩa.”

8. Người Ukraine ở Praha tập hợp phản đối các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga

Những người biểu tình cầm những cây thánh giá màu xanh và vàng với tên của các thành phố bị hỏa tiễn Nga bắn trúng.

Anastasiia Sihnaievska nói với đám đông: “Ukraine cần có hệ thống phòng không để có thể ngăn chặn các cuộc tàn sát dân thường và phá hủy các thành phố của chúng tôi.

“Chúng tôi đang bảo vệ quyền được sống của mình,” Sihnaievska, người đã chạy trốn khỏi thị trấn Zhytomyr của mình vì bị Nga xâm lược, nói. Mọi người hô vang “Nước Nga khủng bố!” và “Hãy thêm vũ khí cho Ukraine!”

Họ cầm một lá cờ Ukraine khổng lồ và trưng bày các biểu ngữ có nội dung “Hệ thống phòng không cho Ukraine”, “Chúng tôi sẽ không quên, Chúng tôi sẽ không tha thứ” và “Nga phải ngừng ném bom Ukraine.”

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra cùng ngày mà các tổng thống của Tiệp, Bulgaria, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia và Montenegro cho biết các cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào dân thường Ukraine “tạo thành tội ác chiến tranh theo luật quốc tế”.
 
Putin sửng sốt trước đề nghị táo bạo từ cố vấn an ninh TT Trump. Vụ cầu Crimea: Tiết lộ mới của Nga
VietCatholic Media
15:31 12/10/2022


1. Cố vấn an ninh dưới thời tổng thống Trump cho biết Mỹ có thể khử Putin như đã khử Qassem Soleimani nếu ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân

Hoa Kỳ và NATO sẽ phản ứng thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xâm lược Ukraine đang là một trong những đề tài được bàn tán rộng rãi trên thế giới. Tổng thống Joe Biden cho rằng trong trường hợp như thế, “Tôi không nghĩ rằng có khả năng dễ dàng là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật không kết thúc bằng Armageddon” (hay sự hủy diệt nhân loại). Tuy nhiên, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Trump, tin rằng Hoa Kỳ có khả năng loại cá nhân Putin khỏi vòng chiến như đã làm với tướng Qassem Soleimani của Iran, và như thế dự đoán của tổng thống Biden không nhất thiết xảy ra.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “John Bolton Suggests U.S. Could Take Out Putin if He Uses Nuclear Weapons”, nghĩa là “John Bolton gợi ý Mỹ có thể hạ gục Putin nếu ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hôm thứ Ba, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã gợi ý rằng Mỹ có thể hạ gục Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông này sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục bước sang tháng thứ bảy, lo ngại về một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra đã gia tăng. Putin gần đây đã tăng cường luận điệu của mình về một cuộc tấn công hạt nhân, sau khi quân đội của ông ta đã chứng kiến những tổn thất đáng kể ở Ukraine kể từ khi khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” do ông ta phát động vào cuối tháng Hai.

Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, đã nói về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân trong một lần xuất hiện trên chương trình phát thanh LBC của Anh hôm thứ Ba. Ông kêu gọi Mỹ tăng cường những nỗ lực ngăn cản Putin sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bolton nói: “Chúng ta cần làm rõ nếu Putin ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật thì ông ấy sẽ ký một bức thư tuyệt mệnh. Tôi nghĩ đó là những gì có thể cần để ngăn chặn ông ta nếu ông ta rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt.”

Bolton cho biết ông tin rằng “việc nói rõ rằng chúng ta sẽ quy trách nhiệm” đối với Putin nếu ông ta ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng cơ hội ngăn cản ông ta làm như vậy. Ông nói thêm rằng ông tin rằng Mỹ có khả năng tấn công vào cá nhân Tổng thống Nga”.

“Bạn có thể hỏi Qassem Soleimani ở Iran điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi quyết định ai đó là mối đe dọa đối với Mỹ,” ông nói, đề cập đến chỉ huy quân đội Iran, người đã thiệt mạng vào năm 2020 bởi một cuộc không kích của Mỹ ở Iraq.

Ông nói rằng ông tin rằng các mối đe dọa hạt nhân hiện tại là một “trò lừa bịp”, nhưng ông sẽ không loại trừ khả năng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lực lượng Nga ở Ukraine “sụp đổ” hoặc nếu Putin ở trong tình trạng chính trị “thực sự thảm khốc” ở quê nhà.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo về “Armageddon” hạt nhân, một trong những lời thừa nhận trực tiếp nhất của chính quyền ông về mối đe dọa hạt nhân của Nga.

“Ông ấy không nói đùa khi nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học và hóa học, bởi vì quân đội của ông ấy, có thể nói được, là đang hoạt động kém cỏi đáng kể,” Biden nói hôm thứ Năm. “Tôi không nghĩ rằng có khả năng dễ dàng là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật không kết thúc bằng sự hủy diệt nhân loại.”

Putin cảnh báo ông sẽ “sử dụng tất cả các phương tiện theo ý của chúng tôi” để “bảo vệ nước Nga và người dân Nga” trong một bài phát biểu quốc gia vào tháng trước.

Ông nói: “Các công dân của Nga có thể yên tâm rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nền độc lập và tự do của chúng ta sẽ được bảo vệ — tôi nhắc lại — bằng tất cả các hệ thống có sẵn cho chúng tôi”. “Những ai đang tống tiền hạt nhân chống lại chúng ta nên biết rằng gió có thể đổi chiều.”

Những lo ngại về hạt nhân xuất hiện khi Nga đang phải vật lộn để đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào ở Ukraine. Cuộc chiến đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội của Putin, bao gồm cả những khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì những binh lính có động cơ. Trong khi đó, phương Tây đã tập hợp xung quanh Ukraine và viện trợ quân sự cho nước này, giúp nước này khởi động các chiến dịch phản công để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng.

Cuối tuần qua, Cầu Kerch - nối Nga với Crimea, lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 - đã bị nổ tung. Nga coi vụ nổ là một cuộc tấn công “khủng bố” từ Ukraine và đáp trả bằng các cuộc tấn công phi hạt nhân vào các thành phố của Ukraine, bao gồm cả Kyiv, dẫn đến cái chết của ít nhất 11 người.

2. Truyền thông nhà nước Nga cho biết cơ quan an ninh đã bắt giữ 8 người vì vụ tấn công cầu Crimea

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin hôm thứ Tư rằng nhà chức trách Nga đã bắt giữ 8 người liên quan đến vụ nổ chết người làm hư hỏng cây cầu duy nhất giữa Crimea bị tám chiếm và lục địa Nga hôm thứ Bảy

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, tuyên bố “cuộc tấn công khủng bố” được tổ chức bởi Cục tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, người đứng đầu cơ quan này Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, cùng các nhân viên và đặc vụ của họ.

“Hiện tại, 5 công dân Nga, 3 công dân Ukraine và Armenia, những người tham gia vào việc chuẩn bị cho vụ tấn công, đã bị giam giữ như một phần của vụ án hình sự,” RIA dẫn báo cáo của FSB và Ủy ban điều tra của Nga..

Báo cáo không tiết lộ nơi các nghi phạm đã bị giam giữ.

Báo cáo của FSB cho biết thiết bị nổ, nặng gần 23 tấn, được giấu trong màn xây dựng bằng polyethylene. Các quan chức Nga trước đó tuyên bố vụ nổ là do một chiếc xe tải nổ tung trên cầu đường bộ.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, báo cáo của FSB cho biết thiết bị nổ đã được gửi từ cảng Odesa của Ukraine vào đầu tháng 8 qua các nước bao gồm Bulgaria, Georgia và Armenia

Ukraine vẫn chưa công khai bình luận về các tuyên bố mới của FSB và Ủy ban điều tra của Nga.

Một số bối cảnh: Một vụ nổ vào đầu ngày thứ Bảy đã giết chết ba người và làm hư hỏng nặng các bộ phận của cây cầu Crimea. Kyiv chưa nhận trách nhiệm về vụ nổ trên tuyến đường sắt và đường bộ dài 19 km, được Tổng thống Nga Vladimir Putin khai trương vào năm 2018.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hơn một nửa số hỏa tiễn và máy bay không người lái mà Nga bắn vào hôm thứ Ba đã bị hạ gục. Hầu hết các máy bay không người lái là do Iran sản xuất. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh hôm thứ Tư 12 tháng 10 đã đưa ra những nhận định sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Nga đã triển khai các máy bay không người lái do Iran sản xuất ít nhất kể từ tháng 8 năm 2022, bao gồm cả các biến thể tấn công một chiều Shahed-136.

Nga đã đưa các biến thể Shahed vào trong làn sóng không kích rộng lớn mà nước này tiến hành vào ngày 10 tháng 10 năm 2022. Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng Nga đã phóng tổng cộng 86 chiếc Shahed-136 và tuyên bố rằng 60% đã bị phá hủy trên không.

Những chiếc UAV này bay chậm và bay ở độ cao thấp khiến máy bay đơn độc dễ dàng bị hạ gục bằng hệ thống phòng không thông thường. Có khả năng thực tế là Nga đã đạt được một số thành công khi tấn công bằng nhiều máy bay không người lái cùng lúc.

Mặc dù có tầm bắn 2.500 km, Shahed-136 chỉ có thể mang một khối chất nổ trọng tải nhỏ. Nó không có khả năng hoàn thành tốt chức năng tấn công sâu mà Nga có thể mong muốn khi sử dụng nó.

Với việc các máy bay chiến đấu chiến thuật của Nga vẫn đạt được hiệu quả hạn chế trên lãnh thổ Ukraine, việc thiếu khả năng tấn công cấp độ tác chiến đáng tin cậy, bền vững và chính xác có thể là một trong những lỗ hổng năng lực đáng kể nhất của Nga ở Ukraine.

4. Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ đang đẩy nhanh việc vận chuyển hai Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia tới Ukraine.

Tổng thống Joe Biden đã cam kết hỗ trợ hệ thống phòng không của Kyiv trong cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai, sau làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn tàn khốc của Nga vào các thành phố trên khắp Ukraine.

Cho đến nay, Mỹ đã chấp thuận gửi cho Ukraine tổng cộng 8 hệ thống phòng không NASAMS, dự kiến sẽ chuyển giao 2 chiếc và 6 chiếc nữa sẽ được gửi trong thời gian tới.

Phát biểu với báo giới, phát ngôn nhân hội đồng an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết:

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đi đúng hướng để có được hai chiếc đầu tiên đó trong tương lai rất gần. Chúng tôi chắc chắn quan tâm đến việc xúc tiến việc cung cấp NASAMS cho Ukraine càng sớm càng tốt.

5. Zelenskiy kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tạo “lá chắn trên không” cho Ukraine và đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 rằng “các nỗ lực chung để tạo lá chắn trên không cho Ukraine” phải được tăng cường sau hàng loạt các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái của Nga.

Tại cuộc họp ảo của các nguyên thủ G7 vào hôm thứ Ba, Zelenskiy cho biết người Nga đã sử dụng hơn 100 hỏa tiễn hành trình chống lại Ukraine kể từ thứ Hai và rằng “cứ mỗi 10 phút, tôi lại nhận được một tin nhắn về việc kẻ thù sử dụng” máy bay không người lái Shaheds của Iran.

Zelenskiy tuyên bố Nga đã đặt hàng 2,400 máy bay không người lái “Shaheds” từ Iran.

“Nga muốn kích động sự hỗn loạn ở Ukraine và trong toàn bộ thế giới dân chủ, và do đó sử dụng mọi thứ - từ các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đến việc chiếm giữ một nhà máy hạt nhân, để tung ra các mối đe dọa về thảm họa phóng xạ, từ việc phá hoại cơ sở hạ tầng ở Âu Châu đến một nỗ lực có chủ ý nhằm phá hủy Ukraine” Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine cho biết nhà lãnh đạo Nga “vẫn còn khả năng để leo thang thêm.”

Zelenskiy kêu gọi một “lá chắn trên không cho Ukraine”, nói rằng “khi Ukraine nhận được đủ số lượng hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả, yếu tố then chốt của khủng bố Nga – là các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn - sẽ ngừng hoạt động.”

Zelenskiy cảm ơn Đức và Mỹ về các hệ thống đang được chuyển giao và hy vọng cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng tại Đức vào thứ Tư sẽ thảo luận về việc tích hợp các hệ thống này với Ukraine.

Thông tin chi tiết từ cuộc họp: Zelenskiy cũng nhắc lại yêu cầu của ông đối với việc tuyên bố Nga là một quốc gia khủng bố và các biện pháp trừng phạt hơn nữa. “Chúng ta phải phong tỏa lĩnh vực năng lượng của Nga bằng các biện pháp trừng phạt, phá vỡ sự ổn định nguồn thu của Nga từ thương mại dầu khí.”

Zelenskiy nói rằng “không thể có đối thoại với nhà lãnh đạo này của Nga, người không có tương lai.”

Ông cũng cho rằng Nga đang cố lôi kéo Belarus vào cuộc xung đột.

“Lãnh thổ của Belarus đã được sử dụng cho các cuộc tấn công chống lại Ukraine. Và bây giờ chúng ta thấy một mối đe dọa lớn hơn. Nga đang cố lôi kéo trực tiếp Belarus vào cuộc chiến này, giở trò khiêu khích khi cáo buộc chúng tôi đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào đất nước này”.

Ông cho biết Ukraine không có kế hoạch nào như vậy và đề nghị phái đoàn quan sát viên quốc tế đóng tại biên giới Ukraine và Belarus để theo dõi tình hình an ninh.

6. Liên minh Âu Châu “nên và có thể làm nhiều hơn nữa” để giúp Ukraine

Liên minh Âu Châu “nên và có thể làm nhiều hơn nữa” để giúp Ukraine bằng cách cung cấp nhiều thiết bị quân sự hơn trong bối cảnh Nga leo thang xâm lược gần đây, chủ tịch nghị viện Âu Châu, Roberta Metsola, cho biết như trên.

Cô Roberta Metsola nhấn mạnh rằng:

“Những gì chúng ta thấy hôm nay cho thấy Nga sẽ tiếp tục leo thang hơn nữa… Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Nếu phản ứng của chúng ta không tương xứng với sự leo thang, thì chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ông ta giết nhiều người hơn.

Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu rõ ràng là chưa đủ, đồng thời vụ tấn công kinh hoàng này phải là lời mời gọi các quốc gia thành viên xích lại gần nhau và cung cấp thêm vũ khí, đặc biệt là xe tăng, mà Ukraine đã yêu cầu.

Ukraine đang yêu cầu thêm vũ khí, và Liên minh Âu Châu có cơ sở để điều phối những gì họ cung cấp cho Ukraine. Tôi biết các đại diện cấp cao đang làm việc rất nhiều về vấn đề này. Tôi biết từ góc độ quân sự, chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế”.

7. Các nhà chức trách Ba Lan đang kiểm tra tình trạng của các hầm trú bom của nước này để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Các máy bay Ba Lan và NATO đã tăng cường thêm các hoạt động tuần tra sau khi Putin ra lệnh tấn công vào 12 thành phố của Ukraine hôm thứ Hai 10 tháng 10. Ba Lan cũng yêu cầu công dân của mình rời khỏi Belarus NGAY BÂY GIỜ và tiến hành kiểm tra các hầm trú bom của họ.

Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan, Maciej Wąsik, phát biểu trên đài truyền hình Polsat News rằng:

“Chúng ta có 62.000 hầm trú bom như vậy trên khắp đất nước. Nhân viên cứu hỏa đang kiểm tra tình trạng của chúng, xem chúng có được trang bị hay không và chúng có phù hợp để sử dụng hay không. Nếu không, chúng tôi sẽ thực hiện các bước để điều chỉnh”.

Quyết định yêu cầu công dân rời Belarus và tiến hành kiểm tra các hầm trú bom của nước này diễn ra sau khi nhà độc tài Alexander Lukashenko tuyên bố thành lập 'lực lượng đặc nhiệm quân sự chung' với Nga trong bối cảnh các cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine hôm nay.

Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố các đơn vị của Nga sẽ kết hợp với lực lượng của ông ta và triển khai tới biên giới Ukraine, trong khi cáo buộc Kyiv lên kế hoạch tấn công với sự trợ giúp từ các đồng minh Ba Lan và Lithuania.

Warsaw cho biết các công dân Ba Lan ở Belarus nên rời khỏi đất nước khi quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng, một phần do cuộc chiến ở Ukraine.

“Chúng tôi khuyến nghị công dân Ba Lan lưu trú trên lãnh thổ của Cộng hòa Belarus rời khỏi lãnh thổ này bằng các phương tiện thương mại và tư nhân có sẵn”
 
Tin Vui: Bất chấp đại dịch, Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được mở cửa lại vào năm 2024 như dự định
VietCatholic Media
17:11 12/10/2022


1. Cuộc gặp gỡ các vị Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Trung Âu

Cuộc gặp gỡ lần thứ VI các vị Tổng thư ký của sáu Hội đồng Giám mục Trung Âu đã tiến hành tại thành phố Scutari miền bắc Albani trong hai ngày 03 và 04 tháng Mười vừa qua, về chủ đề: “Là Kitô hữu trong các xã hội Trung Âu”.

Tham dự khóa họp, có các vị Tổng thư ký Hội đồng Giám mục các nước Albani, Bosni-Erzegovina, Croatia, Slovak, Tiệp và Áo, theo lời mời của Đức Cha Gjergj Meta, Giám mục giáo phận Rreshen, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Albani.

Đức Cha Angelo Massafra, Tổng giám mục giáo phận Scutari sở tại và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Albani, đã khai mạc cuộc gặp gỡ.

Cha Peter Schipka, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Áo, nói với hãng tin Công Giáo Áo Kathpress, sau cuộc gặp gỡ rằng: “Thăng tiến và củng cố những gì liên kết sự khác biệt của vùng văn hóa Trung Âu, trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, là một công tác đối với Giáo Hội Công Giáo và sự phục vụ của Giáo hội đối với tương lai chung của Âu châu”.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của các vị Tổng thư ký các Hội đồng Giám mục Trung Âu diễn ra hồi năm 2017 tại Vienne, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Áo.

2. Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được mở lại năm 2024 như dự định

Công trình tái thiết nhà thờ Chính tòa Đức Bà Paris được tiến hành theo chương trình và sẽ được mở lại vào năm 2024, theo phúc trình của tòa kiểm toán ở Paris, công bố hôm ngày 06 tháng Mười vừa qua.

Phúc trình xác nhận có đủ ngân khoản để hoàn tất công trình tái thiết và cho đến nay số tiền quyên góp được nhiều hơn số chi và phí tổn dự trù.

Nhà thờ chính tòa Paris bị hỏa hoạn trầm trọng hồi tháng Tư năm 2019. Phí tổn giữ cho thánh đường này khỏi sụp là 151 triệu Euro. Việc canh tân thánh đường để có thể hoàn thành và mở cửa lại nhà thờ trong vòng hai năm tới đây có phí tổn là 552 triệu Euro. Tính đến cuối năm ngoái, ngân khoản quyên góp được để tu bổ thánh đường là hơn 841 triệu Euro.

Tòa kiểm toán ở Paris đề nghị rằng ngân sách thặng dư có thể được sử dụng, sau khi tham khảo ý kiến các đại ân nhân, để sửa chữa những thiệt hại khác do hỏa hoạn gây ra. Thực tế, trước khi xảy ra hỏa hoạn, nhà thờ chính tòa Đức Bà đã ở trong tình trạng nguy kịch. Người ta dự đoán sau khi được mở lại vào năm 2024, số khách viếng thăm sẽ gia tăng thêm hai triệu người và có thể lên tới 14 triệu người mỗi năm. Vì thế, tòa kiểm toán đề nghị cứu xét vấn đề làm sao đáp ứng số khách viếng thăm đông đảo như vậy.

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến Gia đình dòng Don Bosco

Trong buổi tiếp kiến đại Gia đình dòng Salésien Don Bosco, sáng ngày 08 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt đề cao tầm quan trọng của ơn gọi tu huynh và mời gọi noi gương bác ái của tu huynh Artemide Zatti, được tôn phong hiển thánh sáng Chúa nhật mùng 09 tháng Mười này.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô VI, có cha Bề trên Tổng quyền cùng với ban Tổng cố vấn, ba Hồng Y và mười giám mục Don Bosco, hàng ngàn tu sĩ nam nữ các nước, trong đó có hơn 30 tu huynh người Việt về Roma tham dự lễ phong thánh cho chân phước tu huynh Zatti.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha gợi lại những nét nổi bật trong cuộc sống và hoạt động của thánh tu huynh Zatti, như một di dân từ Ý sang Argentina lập nghiệp, rồi quen biết các cha dòng Don Bosco, bị bệnh và được lành nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, xin nhập dòng Don Bosco như một tu huynh, phục vụ các bệnh nhân và những người nghèo, tận tụy xả thân phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh điểm này: thánh Zatti là người chuyển cầu cho ơn gọi. “Tôi có một kinh nghiệm bản thân về điều này. Khi còn là Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina, tôi đã biết tiểu sử Artemide Zatti, tôi đã đọc tiểu sử thánh nhân và phó thác cho người lời nguyện xin Chúa ban cho dòng Tên những ơn gọi thánh thiện trong đời thánh hiến tu huynh. Từ khi chúng tôi bắt đầu cầu xin thánh nhân cứu giúp, thì con số các tu huynh trẻ gia tăng đáng kể; và họ là những người kiên trì, rất dấn thân. Tôi làm chứng về ơn mà chúng tôi đã nhận được.”

“Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của ơn gọi tu huynh. Tôi đã thấy điều đó trong dòng Tên và tôi biết là cũng có thể nói như vậy về dòng Salesien. Các tu huynh có một đoàn sủng đặc biệt được nuôi dưỡng trong kinh nguyện và công việc làm. Các thầy mưu ích tốt đẹp cho toàn dòng. Các thầy là những người đạo đức, vui tươi, chăm chỉ làm việc. Nơi các thầy, người ta không thấy mặc cảm tự ti vì mình không phải là linh mục, và không ao ước trở thành phó tế. Các thầy ý thức về ơn gọi của mình và muốn như vậy”.

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Các tu huynh trợ sĩ thân mến, cả các thầy cũng có thể luôn luôn biết ơn vì hồng ân ơn gọi này, làm chứng tá đặc thù về đời sống thánh hiến và đề nghị ơn gọi ấy với những người trẻ như một hình thức của đời sống theo Tin mừng, phục vụ những người nghèo hèn và bé nhỏ”.