Ngày 15-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Truyền giáo là Ra đi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:35 15/10/2014
Lời mở đầu của “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền Giáo 2014”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô Giáo là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra là để “đi ra”.

Thiên Chúa hỏi ngôn sứ Isaia : “Ta sẽ sai ai đi ? Và ai sẽ đi cho chúng ta ?”. Isaia đã đáp: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Isaia ca tụng : “Đẹp thay bước chân người đi khắp vùng đồi núi loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ..." (Is 52,7).

Truyền giáo là ra đi, đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân.

Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha “Như Cha đã sai Thầy,Thầy cũng sai anh em”. Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ bằng việc ra đi.

Suốt mấy năm ra mặt với đời để hành đạo, Chúa Giêsu không ngừng đi, rày đây mai đó. Ngài luôn ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước của Ngài để truyền đạo.Từ hội đường này đến hội đường khác (Mt 4,23), hay ở ngoài trời, ở ngoài đường.Trên một sườn núi cũng có (Mt 5,1), bên một bờ hồ hiu quạnh cũng có (Mc 6,30-34). Có khi “mệt mỏi vì đường sá”, một mình ngồi trên thành giếng nói chuyện với người phụ nữ đến kín nước (Ga 4,6). Có lúc vì dân chúng chen lấn xung quanh đông đảo quá thì “Ngài mới lên một chiếc thuyền,thuyền của Simon và xin ông ấy chèo ra xa bờ một tí.Ngài ngồi xuống rồi từ ngoài thuyền nói vào mà giảng dạy dân chúng” (Lc 5,3).

Chúa Giêsu thực hiện những cuộc hành trình liên miên.Theo ngôn ngữ của Phúc âm Maccô chương 1: Ngài bỏ Nazareth để đến gặp Gioan bên sông Giođan,rồi đến Galilê,dọc theo bờ biển Galilê,và Ngài đi rao giảng trong các hội đường khắp xứ Galilê. Trong chương 2 : Ít lâu sau, Ngài lại về Capharnaum…Ngài ngang qua đồng lúa …Cứ đi và đi như vậy mãi.

Chính giữa khung cảnh đường dài trời rộng thênh thang ấy mà lời giảng dạy của Ngài bao giờ cũng khởi hứng từ một hoàn cảnh của cuộc sống.Các hình ảnh đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng: Cánh huệ mọc ngoài đồng; Đàn chim sẻ đang bay; Một đám ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời; Một mẻ cá lớn bên biển hồ; Những hạt giống người nông phu gieo vương vãi trên đường mòn,giữa bụi gai, trên sỏi đá; Một đàn cừu, dê, người chăn lùa về buổi chiều tối; Từng tảng đá,từng hạt sạn người ta nhặt từ một đống muối rồi vất đi; Từng con còng người đánh cá nhặt ra bỏ lại bên bờ sau một mẻ cá…

Việc thu thập môn đệ, Ngài cũng vừa đi, vừa gọi, vừa nhận…Như các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20).Chúa Giêsu không dừng lại, yên nghĩ, hưởng thụ hay cũng cố vị trí người ta dành sẵn cho.Sau một ngày thành công rực rỡ ở Capharnaum chẳng hạn “Sáng đến,Ngài ra đi vào nơi hoang vắng. Dân chúng đi tìm Ngài và đến nơi Ngài, họ cố giữ Ngài lại, không để Ngài đi khỏi chỗ họ. Nhưng Ngài bảo họ: Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,42-43).

Như thế, quả là suốt đời Chúa Giêsu đã không hề có trụ sở, không hề có chỗ trụ trì, không hề có nhà thờ. Ngài đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới Ngài sống.

Chúa Giêsu bị bắt lúc đang cầu nguyện giữa vườn Giệtsêmani hoang vắng.Bị điệu đến Hanna rồi Caipha.Từ toà đạo qua toà đời. Hết bị điệu đến dinh Philatô lại bị gửi qua dinh Hêrôđê, rồi bị đưa trả về cho Philatô. Không đầy một ngày một đêm mà kẻ tử tù đã phải đi không biết bao nhiêu dặm trên con đường “công lý” của loài người.

Bị kết án thập hình. Hai tay dang rộng, bị đóng đinh thập giá.Tảng đá lấp cửa mồ (Mc 14,32 -15,47). “Lính canh phòng cẩn mật,niêm phong tảng đá lại” (Mt 27,62-66). Thế nhưng, Đức Giêsu đã không dừng chân cả trong cái chết. Ngày thứ ba, Ngài sống lại, vượt cái chết qua sự sống bất diệt.

Sau khi Phục sinh, Ngài cũng đi nhiều nơi, đến với với các môn đệ, cũng cố lòng tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng. Hoàn thành sứ mạng “Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16,19) và luôn đồng hành cùng Giáo Hội “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu lập nên Nhóm Mười Hai. Họ được Ngài sai đi rao giảng (Mc 6,7). Giáo Hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, ra đi đến với muôn dân.

Hai động từ Gọi - Sai Đi diễn tả rõ rệt ơn gọi của Nhóm Mười Hai.Các Tông Đồ là những người được sai đi.

Chúa căn dặn rằng: người được sai đi phải có tinh thần nghèo khó và từ bỏ.

- Nghèo khó về hành trang đi đường : 1 cây gậy, 1 đôi dép,không mang 2 áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.

- Nghèo khó về phương diện sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tuỳ thuộc. Không vướng víu, không “mọc rễ” bất cứ nơi đâu để nhẹ nhàng ra đi nơi nào Chúa muốn.

Chúa Giêsu cũng không dấu giếm họ điều gì cả.Con đường truyền giáo là con đường đầy chông gai, lắm gian khó. Cũng như Ngài, họ đón nhận sự rủi ro bị từ chối, bị xua đuổi. Cần phải hy sinh bản thân. Đó là thân phận kẻ được gọi, được sai đi. Ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi.Thành công cũng không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Bởi lẽ người được sai đi luôn xác tín rằng: “Tôi trồng, Apollô tưới, còn Chúa cho mọc lên”.

Người truyền giáo luôn bị cám dỗ định cư, tìm an toàn bảo đảm bản thân, an nghĩ trong những thành công tạm bợ…và không muốn ra đi. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu.Vì vậy, Chúa muốn các môn đệ luôn sẵn sàng ra đi, lên đường bao giờ cũng đẹp, hạnh phúc chỉ dành cho ai dám lên đường tìm kiếm.

Cuộc đời người Kitô hữu cứ phải ra đi không ngơi nghĩ.Ra khỏi cái cũ và đi tới cái mới. Ra khỏi cái đang có để đi tới cái chưa có. Ra khỏi cái mình đang là để đi tới cái mình phải là. Như thế, hành trình xa xăm nhất lại chính là hành trình của con tim “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi. Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người ra đi mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo. Đức Maria còn là người công bố Tin Mừng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình nên lời công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy nên chan chưa niềm vui.

Xuyên suốt Sứ điệp Truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói đến niềm vui Tin Mừng: “Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em…Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác” (Sứ điệp Truyền giáo 2014).

Để trở thành người loan Tin Mừng, Đức Maria đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3,51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình. Đối với Đức Maria, truyền giáo là đem chính Chúa Giêsu cho nhân loại. Chúa Giêsu là lẽ sống, là hạnh phúc, là niềm vui của cuộc đời mỗi kitô hữu. Chúng ta phải xác tín như Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui có Chúa Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria reo ca: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Đức Maria đã cưu mang chính Chúa Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ra đi từ trời cao xuống đất thấp, mang Tin mừng chiếu soi nhân trần. Xin sai chúng con ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin giúp chúng con chỉ biết cậy dựa vào Chúa.Chỉ mình Chúa là đủ cho chúng con.Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha lưu ý: đức tin không chỉ có ở bề ngoài
Bùi Hữu Thư
07:34 15/10/2014
Ngài yêu cầu các tín hữu tránh "lối sống đạo được trang điểm” cho đẹp đẽ bên ngoài

Vatican 14,tháng 10, 2014 (Zenit.org)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đức tin không phải là vấn đề “tô điểm”, mà là đức ái sống động.

Radio Vatican cho hay: hôm nay, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng buổi sáng trong Thánh Lễ tại Nhà Nguyện Thánh Mác-ta. Ngài trích dẫn từ bài Phúc Âm hôm nay (Lc. 11:37-41), trong đó Thánh Sử Luca kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu dùng bữa tối tại nhà một người Pharisêu, nơi Ngài làm cho chủ nhà ngạc nhiên khi Ngài không làm nghi thức rửa tay truyền thống.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh về phản ứng nghiêm khắc của Chúa Kitô:

“Chúa Giêsu lên án lối sống thiêng liêng được tô điểm này [vì cố gắng] làm cho có vẻ đẹp đẽ - nhưng sự thật bên trong lại khác hẳn. Chúa Giêsu lên án những người có vẻ lịch lãm nhưng lại có những lề thói xấu, những lề thói này không để lộ ra ngoài, nhưng được che dấu. Tất cả mọi sự có vẻ như đâu vào đấy: những người này thích đi dạo trên đường phố, thích được mọi người thấy mình đang cầu nguyện. ..

"Các bạn có thấy là Chúa đã dùng hai tĩnh từ ở đây [khác biệt] nhưng có liên quan với nhau: tham lam và nham hiểm.”

Chúa Giêsu sẽ gọi những người Pharisêu này là những “nấm mồ được quét vôi trắng” trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu. Ở đây, Chúa mời gọi họ bố thí, theo truyền thống Phúc Âm – cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước – là một thử nghiệm và một gương mẫu về công lý. Ngài giải thích: những công trình bác ái như vậy là điều thiết yếu, và quan trọng đến mức nào, “riêng lề luật không thể cứu vớt”:

“Điều còn tồn tại là đức tin – đức tin nào? Đó là đức tin được nuôi dưỡng bởi tình yêu – [đây cũng là] điều Chúa Giêsu nói với người Pharisêu: một đức tin không chỉ là đọc kinh Tin Kính – tất cả chúng ta đều tin vào Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, và sự sống đời đời. Tất cả chúng ta đều tin! Nhưng đức tin này chỉ là một đức tin [thụ động] một đức tin không ‘hoạt động’. Điều Chúa Giêsu nhấn mạnh là công trình khó khăn đức tin đòi hỏi, hay là đức tin hoạt động qua đức ái – nghĩa là, đức ái trở về với việc bố thí – bố thí là ý nghĩa bao quát của từ ngữ này: của việc thoát ly ra khỏi sự độc tài của tiền bạc, khỏi sự tôn thờ của cải. Tất cả mọi ham muốn vô trật tự đều làm cho chúng ta tách xa Chúa Giêsu Kitô.”

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp lời bằng việc nhắc lại một giai đoạn trong cuộc đời của cố linh mục bạn ngài là cha Arrupe, Bề Trên Cả Dòng Tên từ thập niên 60 đến thập niên 80.

Đức Thánh Cha giải thích, một ngày kia, một bà nhà giầu đến thăm cha để dâng cúng tiền cho các xứ điểm truyền giáo tại Nhật Bản, nơi cha Arrupe đang phụ trách. Bà đã trao cha một phong thư trên ngưỡng cửa của một tòa nhà, ngay trên đường phố, trước các phóng viên báo chí và nhiếp ảnh gia, và cha Arrupe nói ngài đã chịu đựng một sự “nhục nhã lớn lao”, nhưng ngài đã nhận số tiền, “cho người dân Nhật nghèo khó.” Khi ngài mở bao thư ra thì chỉ có 10 đồng đô la.

“Chúa Giêsu khuyên chúng ta: ‘Đừng đánh trống thổi kèn’. Lời khuyên thứ hai là: ‘Đừng chỉ cho đi những gì dư thừa’ – và Ngài đang nói với chúng ta về bà già đã cho đi tất cả những gì bà ta có, và Ngài khen ngợi bà già này vì đã làm như thế - và bà ấy đã làm một cách kín đáo, vì bà cảm thấy xấu hổ đã không có khả năng cho đi nhiều hơn.”
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình, buổi họp báo 15 tháng Mười: cần khởi đi từ “nơi người ta hiện hữu”
Vũ Văn An
18:59 15/10/2014
Trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh chiều 15 tháng Mười, Cha Federico Lombardi và Đức Cha chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, Đức TGM Joseph Kurtz, đã cho biết các chi tiết sau đây về các cuộc thảo luận mới nhất của THĐ:

Đức TGM Kurtz nói rằng: “Trước nhất, sáng nay, chúng tôi đã hoàn tất công việc và đây là lý do khiến tôi có nụ cười trên gương mặt”.

Lên tiếng nhân danh các nhóm nói tiếng Anh, ngài nhắc lại cảm thức cộng đồng trong các nhóm. Đơn cử một thí dụ, ngài cho biết: sau lời nguyện kết thúc, có người đã yêu cầu chụp chung bức hình mọi người; theo ngài đây là “một dấu chỉ tình hợp nhất, kính trọng nhau và đến với nhau, không những giữa các vị đại biểu, mà giữa nhiều gia đình đến từ nhiều lục địa khác nhau”.

Ngài cho biết tiếp: “Chúng tôi quả đã làm việc. Trong công việc mình làm, chúng tôi coi trọng sự kiện này là chúng tôi đã được cung hiến một tài liệu làm việc tuyệt vời”.

Vị đứng đầu các giám mục Hoa Kỳ này nhận định rằng các ngài đã cố gắng “phối hợp sự khôn ngoan tập thể mà chúng tôi có được” và cho rằng các ngài sẽ đề xuất một số tu chính.

Ngài cho biết: “nói một cách chủ yếu, phương thức của chúng tôi là: giống như trong Giáo Hội của chúng ta, cung cách chúng tôi cầu nguyện và cung cách chúng tôi tin đều có tính toàn diện (integral). Nên cách chúng tôi tin và cách chúng tôi áp dụng niềm tin vào thực tế trong việc chăm sóc mục vụ cũng có tính toàn diện”.

Ngài nói tiếp: “nên, nhiều suy nghĩ cũng như tu chính của chúng tôi đều phản ảnh nguyên tắc trên”.

Vị chủ tịch của các giám mục HK nói rằng ngài tin người ta sẽ nhận ra rằng các ngài rất có chủ ý trong việc bảo đảm rằng “sứ điệp hy vọng” và “niềm tin phục hồi” sẽ có đó.

Trong cái nhìn có tính truyền giáo đã được đề xuất này, ngài cho biết các nghị phụ đã lưu tâm mạnh mẽ tới việc “không đợi người ta đến với chúng ta, mà Giáo Hội phải vươn tay ra và đồng hành với họ”.

Nghĩa là phải “khởi đi từ chỗ người ta đang hiện hữu và giúp đỡ họ để cùng nhau chúng ta tiến gần lại Chúa Kitô hơn. Đây là một chủ đề hết sức nổi bật”.

Dù có nhiều trải nghiệm và dị biệt đa dạng giữa các gia đình thuộc các vùng và lục địa khác nhau, Đức TGM Kurtz vẫn nhấn mạnh rằng: có một tính cách chung, một tính cách giúp các ngài “có được sự nhất trí lớn khi một đề xuất được đưa ra”.

Ngài cho biết thêm “Chúng tôi làm việc rất hăng hái để soạn thảo và chấp thuận các tu chính được đóng góp bằng cách viết. Nên đã có sự tham dự lớn lao của nhiều đại biểu” trong đó có cả sự đóng góp của các dự thính viên.

Dù cho rằng đây là “một diễn trình và một trải nghiệm rất tốt”, nhưng ngài nói các nghị phụ vẫn hy vọng rằng “việc làm hiện nay của các ngài sẽ góp phần vào một văn kiện mục vụ sâu sắc hơn và được cải tiến hơn”.

Trong phần phỏng vấn, đáp lời một câu hỏi, Đức TGM Kurtz đưa ra ba đặc tính của các tu chính: thứ nhất chúng làm nổi bật sự quan trọng của tình yêu hy sinh trong hôn nhân và gia đình, thứ hai mọi ngôn từ phải xuất phát từ tận đáy lòng, và thứ ba mọi vươn tay có tính mục vụ phải diễn ra trong ngữ cảnh giáo huấn của Giáo Hội và của Thánh Kinh.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng lời lẽ cũng có tính “mài dũa” (refined) và “được soi sáng”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cầu nguyện cho Nina Phạm và Amber Joy Vinson: một nghiã cử không biên giới
Trần Mạnh Trác
22:18 15/10/2014




(Theo tin CNA 15/10/2014) Những người Công Giáo ở Bắc Texas, không phân biệt chúng tộc, đang tổ chức cầu nguyện cho 2 cô y tá bị lây nhiễm vi khuẩn Ebola trong khi thi hành công vụ, cô Nina Phạm, 26 tuổi, người Việt Nam, và cô Amber Joy Vinson, 29 tuổi, người da màu gốc ở Ohio.

Cô Nina Phạm là một thiếu nữ con nhà mộ đạo ở giaó xứ Fatima, giáo phận Fort Worth, đã được tiếp xúc với một linh mục cuả giáo phận Dallas tại bệnh viện nơi cô đang được điều trị trong một khu vực cách ly.



"Thật là một nỗi buồn sâu sắc khi nhận được tin hai cô Nina Phạm và Amber Joy Vinson, làm y tá tại Dallas, đã bị lây nhiễm vi khuẩn Ebola trong lúc chăm sóc cho ông Thomas Eric Duncan," là lời cuả Đức Giám Mục Kevin Farrell, địa phận Dallas. "Chúng tôi cầu nguyện cho họ chóng phục hồi, và hơn nữa cho gia đình cuả họ và những người thân yêu."

Nina Phạm, y tá bệnh viện Presbyterian ở Dallas, đã bị nhiễm bệnh trong khi chăm sóc cho ông Thomas Duncan, người Liberia, từ khi ông được nhập viện cho đến khi ông qua đời ngày 8 Tháng Mười.

Cô Vinson, cũng từng chăm sóc cho ông Duncan, đã đến bệnh viện ngày 14 tháng 10 vừa qua để báo cáo rằng cô cũng có triệu chứng lây bệnh.

"Tình trạng lây nhiễm này nhắc nhở cho chúng ta rằng có nhiều y tá, bác sĩ, và chuyên gia y tế, với tấm lòng vị tha quảng đại, đã bỏ ra những thời gian dài vô tận để bảo vệ chúng ta và cộng đồng cuả chúng ta" Đức Giám Mục Farrell nói. "Đây là lúc mà cộng đồng chúng ta đáp trả với tinh thần từ bi bác ái và một thái độ bình tĩnh."

Cô Nina Phạm, từ bệnh viện Dallas đã giao tiếp được với gia đình ở Fort Worth nhiều lần qua mạng lưới Skype (điện thoại trên mạng).

Cô cũng đã được tiếp xúc với một linh mục, theo lời bà giám đốc truyền thông cuả địa phận Dallas là Annette Gonzalez Taylor.

"Cha ấy không được phép vào trong khu vực cách ly, nhưng Ngài đã giao tiếp được với cô ấy", bà nói thêm, "sức mạnh của lời cầu nguyện thì không có ranh giới."

Trở về Địa Phận Fort Worth nơi gia đình cô Nina Phạm cư ngụ, Lm Jim Ngô Hoàng Khôi, dòng Đồng Công, chánh xứ Gx Fatima, đã dâng lễ hằng ngày cầu nguyện cho cô ấy.

Cha Khôi, dẫn lời cuả bà mẹ cô Nina, đã nói với tờ Dallas Morning News rằng cô Nina đang cảm thấy "rất thoải mái" và "đang được hỗ trợ rất nhiều."

"Cô ấy biết rằng mọi người đang cầu nguyện cho cô ấy, đặc biệt là trong thời gian khó khăn này."

Hôm thứ ba vừa qua cô Nina đã nhờ Bệnh viện Presbyterian viết một thông báo như sau: "Tôi đang cảm thấy khoẻ và xin cảm ơn tất cả mọi người về những lời chúc tốt đẹp và những lời cầu nguyện."

"Tôi may mắn có được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc bởi một đội gồm các bác sĩ và y tá tốt nhất trên thế giới."

Cô Nina đang được truyền máu cuả bác sĩ Kent Brantly, là một người đã sống sót qua cơn dịch Ebola, với hy vọng rằng máu đó chứa các kháng thể có thể giúp chống lại virus.

Trường Công Giáo Nolan Catholic High School ở Fort Worth, nơi cô Nina tốt nghiệp năm 2006, sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện riêng cho cô vào ngày 16.

Trường hợp lây nhiễm cuả Nina Phạm và Amber Joy Vinson đã nêu ra một số lo ngại về việc có thể có nguy cơ truyền nhiễm trong Thánh Lễ hay ở những nơi công cộng khác.

Bà Taylor, giám đốc truyền thông cuả địa phận Dallas, nói rằng giáo phận Dallas đã ra thông cáo cho các linh mục là bắt đầu cử hành các việc phụng vụ theo nghi thức cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ áp dụng trong mùa cảm cúm, nhưng bà nói thêm rằng sự việc này không chỉ là để đáp ứng với Ebola.

"Thông cáo đã được gửi ra để đáp ứng nhu cầu cuả đầu mùa cảm cúm và cuả cơn dịch enterovirus (D68) rất dễ lây lan, đang xảy ra ở Dallas và trên toàn quốc."

"Những người có triệu chứng cảm cúm thì không nên đến tham dự thánh lễ", Bà Taylor nói. "Không đi lễ khi có bệnh thì không có tội," bà giải thích thêm.

Bà cũng lưu ý rằng đối với những nơi có cho rước Máu Thánh, thì người Công Giáo phải có trách nhiệm để quyết định rằng mình có nên rước Máu Thánh không. (vì việc dùng chung một chén thánh)

Đức Giám Mục Farrell ca ngợi các quan chức ở Dallas đã có phản ứng trước cơn dịch Ebola. Ngài tin tưởng rằng họ "sẽ thực hiện các bước cần thiết để chăm sóc cho các bệnh nhân và bảo vệ cộng đồng."

Ông Pat Svacina, giám đốc truyền thông của Giáo phận Fort Worth, cho biết rằng giáo phận đã có nhiều chuyên gia y tế và nhân viên đang theo dõi mọi hướng dẫn mới nhất của CDC (Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh) về căn bệnh này và đang phân phối mọi thông tin đến các cán bộ gồm có y tá trường học và các vị mục tử. Điều này đã được thực hiện trước khi có tin cô Nina bị bệnh, ông nói, lưu ý rằng nơi cô Nina nhiễm bệnh không phải là ở trong khu vực Fort Worth. (Fort Worth là một thành phố cách Dallas 45 miles, 72 km)

"Giáo Phận Fort Worth và các giáo dân đang cầu nguyện cho các y tá đã bị ảnh hưởng vì dịch Ebola và cho gia đình cuả họ, cho tất cả thân nhân cuả họ và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi nạn dịch Ebola này," ông Svacina nói "Chúng tôi nguyện xin Chúa, Chúa Giêsu Kitô, ở với họ trong thời gian khó khăn này. "

Ông nói thêm, "Đức Giám Mục Michael Olson đã yêu cầu mọi người Công Giáo cầu nguyện cho Nina và gia đình. Đồng thời Giáo phận cũng dâng lời cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân Ebola".
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiện tượng Mass Mob trở thành một phong trào trên miền 'RỈ SÉT' cuả Hoa Kỳ.
Trần Mạnh Trác
14:15 15/10/2014


Nguồn gốc

Cách đây không bao lâu, chúng tôi đã tường trình trên VietCatholic là một hiện tượng xã hội mới đang xảy ra trong cuộc sống Tôn Giáo ở Hoa Kỳ, đó là hiện tượng Mass Mob.

Nhắc lại, hiện tượng Mass Mob là một hiện tượng đột phát từ giáo dân, họ liên lạc với nhau qua hệ thống thông tin hiên đại, thường là dùng các hệ thống xã hội trên điện thoại di động, để rủ nhau đi dự lễ tại một nhà thờ cổ, hoang phế và thường là nghèo.

Khởi đầu nhờ vào sáng kiến cuả anh Christopher Byrd, 47 tuổi, ở Buffalo, New York. Anh bắt chước những chương trình gọi là Cash Mob (thu tiền chớp nhoáng), là những tổ chức gây quỹ giúp các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương bằng cách thu hút thật nhiều khách quen cuả họ 'đổ xô' đến tiệm cùng một lúc. Mass Mob cũng tìm cách thu hút một đám đông lớn, qui tụ về một nhà thờ duy nhất, để tạo ra một bầu không khí hăng hái giống như là một cuộc biểu tình hổ trợ vậy.

Mục đích là làm sống lại cái khung cảnh giữ đạo cuả tiền nhân trong những nhà thờ cổ đẹp đẽ nghiêm trang. Và nhờ vào cái khí thế cuả sự tập hợp đó, những sinh hoạt tôn giáo điạ phương được cổ võ, đồng thời ngân quĩ cuả giáo xứ cũng được trợ giúp phần nào. (Xin coi note*)

"Sau khi vùng nội thành cuả các thành phố bị bỏ bê, thì những thế hệ sinh ra sau cũng đánh mất đi mối liên hệ với truyền thống của chính mình. Ngày nay thì có nhiều người đang muốn khám phá lại cái nguồn gốc cuả họ" anh Byrd cho biết khi tổ chức buổi Mass Mob đầu tiên ở Buffalo vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Sự phát triển lây lan

Thế rồi sau một bài báo cuả hãng AP mô tả sự kiện ở Buffalo ấy, thì những Mass Mobs đã được bắt chước ở nhiều vùng khác như Chicago; Columbus, Ohio; Covington, Ky.; Fairfield County ở Connecticut; Kansas City, Mo.; Manchester, N.H; New Orleans; New York; Philadelphia; Pittsburgh; Rochester; và Wilmington, Del.

Mức độ thành công được đo lường trên số người tham gia, thường thì ít ỏi lúc ban đầu nhưng, nhờ kiên trì, số tham gia dần dần tăng lên.

Bà Elizabeth Davis, 47 tuổi, ở Harmony, Pa., sau khi nghe tin về nhóm Buffalo, đã quyết định tổ chức một Mass Mob ở Pittsburgh. Bà dùng mạng Meetup.com và chỉ tụ tập được có 25 người, lần sau ở Acerca tăng lên được 50 ngưởi. Ngày nay, bà đổi kỹ thuật, tìm cách tiếp cận với nhiều nhóm thanh niên Công Giáo và các thành viên của một hội bảo tồn lịch sử. Bà hy vọng sẽ đạt được 150 người tham gia buổi Mass Mob kế tiếp.

Mức thành công lớn nhỏ thì tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan mà người ta chưa phân tích hết được, tuy nhiên có một nhận xét chung là những thành công lớn nhất đã xảy ra ở những thành phố miền Bắc có nạn thất nghiệp cao vì công xưởng đóng cửa và dân cư di dời ra xa thành phố. Người ta gọi những nơi này là vùng Rust Belt (vòng đai rỉ sét).

Ở Michigan, buổi Mass Mob đầu tiên tại nhà thờ St. Hyacinth church chỉ qui tụ được có 150 người mà thôi. Nhưng sau đó đã bùng lên theo 'cấp số nhân', được 400 người ở nhà thờ St. Charles Borromeo, được 900 người ở nhà thờ St. Joseph, 1,800 người ở nhà thờ Sweetest Heart of Mary và hơn 2,000 ở nhà thờ St. Albertus.

Nhà thờ St Florian ở Hamtramck (vùng Detroit), có sức chứa 1500 người, đã có 2000 'bộ mặt lạ' tới thăm.

Không đủ ghế ngồi, người ta đứng xen nhau xung quanh các ven tường.

Anh Anthony Battaglia, một thành viên trong ban tổ chức ở Michigan, đã thốt lên rằng một con số tham dự như thế là "ngoài sức hy vọng ngông cuồng của tôi" ("beyond my wildest expectations.")

St Florian từng là một nhà thờ chính toà cuả những người di cư gốc Ái Nhĩ Lan, xây năm 1908, và từng là một trung tâm văn hoá bản sắc cuả dân tộc Ái Nhĩ Lan. Những năm gần đây thì chỉ còn khoảng 200 người đi lễ mỗi Chuá Nhật mà thôi.

"Người ta cứ kêu ca rằng Giáo Hội đóng cửa nhiều nhà thờ quá, nhưng lý do dễ hiểu là, người ta không chịu đi lễ" Anh Tom Mann, một người khác trong ban tổ chức nói. "khi mà chúng ta có một nhà thờ rộng tới 1500 chỗ ngồi mà chỉ có trên dưới 100 người đi lễ, thì làm sao mà chúng ta có thể giữ nhà thờ đó cho được?"

Những lý do và hy vọng

Lời cuà anh Mann vô tình nhắc lại một thực tế đau lòng mà Giáo Hội Hoa Kỳ đang phải vật lộn khó nhọc với nó. Lý do cuả một nhà thờ trong nội thành bị bỏ phế thì có nhiều lắm: thí dụ như hiện tượng dời cư ra các vùng ngoại ô giaù có hơn, hoặc hiện tượng người Mỹ di cư về các vùng 'vòng đai mặt trời' có nhiều công việc hơn, nhưng có một lý do quan trọng hơn cả là:

Tỷ số dân Công Giáo đi lễ ngày Chuá Nhật suy giảm.

Lý do là trong ngày Chuá Nhật, càng ngày càng có nhiều hấp dẫn ở bên ngoài nhà thờ.

Thống kê cuả Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng các công việc Mục Vụ (The Center for Applied Research in the Apostolate) cho thấy vào những năm 1960, tỷ số người Công Giáo đi lễ Chuá Nhật thường xuyên là 55%, ngày nay chỉ còn có 24%.

Cho nên khuyến khích người ta đi dự lễ thật nhiều là mục đích của Mass Mob.

"Tham dự vào một thánh lễ đứng chật người, chứ không phải trong một khung cảnh thưa thớt lạnh lẽo. Thì giống như là có một dòng điện phi thường lan tràn qua khắp mọi người." anh Mann nói.

Cái luồng điện đó cũng lây tới linh mục Mirek Frankowski cuả nhà thờ Sweetest Heart of Mary, một giáo xứ có truyền thống Ba Lan.

Đây này, người ta nhộn nhịp kéo nhau đến, bận rộn đi tìm ghế ngồi...rồi thì Thánh Lễ truyền thống Công Giáo La Mã bắt đầu với những bản thánh ca bằng tiếng Ba Lan...Linh mục chủ tế, Cha Mirek Frankowski, đồng thời cũng đóng vai nhạc trưởng cuả giáo xứ, cho biết số đông đã làm cho Ngài không cầm được mước mắt.

"Bởi vì, bạn biết không, một đám đông như vậy, không thể tìm thấy ở bất kỳ nhà thờ nào," Ngài nói. "Nhờ có Mass Mob mà chúng tôi được sống trở lại những tình cảm cuả những năm tháng xa xưa, khi mà nhà thờ có đầy người tham dự."

Bà Nancy Tash, một giáo dân siêng năng ở đây, cũng cho biết bà rất quí mến tổ chức Mass Mob này, và hy vọng người Công Giáo bắt đầu đi nhà thờ trở lại. " Nếu họ không đi lễ, thì ít ra cũng nên gửi tiền về cho giáo xứ," Bà Tash nói thêm. "để cái giáo xứ già nua này có thể sống được."

"Tôi đã thấy người ta đi lễ trở lại" anh Mann cho biết. "ở nhà thờ St. Charles Borromeo cuả tôi, sau biến cố Mass Mob thì đã có sự gia tăng, tuy là không cao đến 400 người như chúng tôi mong đợi, nhưng thay vì chỉ có 100 người như hồi trước thì nay đã đếm được 150 người mỗi Chuá Nhật".

Những biến dạng

Phần đông các nhà thờ được Mass Mob tổ chức là những giáo xứ vẫn còn hoạt động, tuy nhiên cũng có những nơi đã đóng cửa được giáo phận cho phép đặc biệt để dâng Thánh Lễ. Trong số đó có nhà thờ Chuá Thánh Linh (Holy Ghost) ở Cleveland, là một nhà thờ dành cho những người di dân từ vùng núi Carpathian cuả xứ Romania, ngày nay nhà thờ đã trở thành một trung tâm văn hoá cuả những người Công Giáo theo nghi lễ đông Phương (Byzantine).

Vào đúng ngày Mass Mob thì sân vận động ở gần đó có cuộc chơi cuả đội foot ball nổi tiếng Cleveland Browns. Các quán bar ở gần đều mở âm thanh TV tối đa để thu hút khách.

Nhưng trong nhà thờ, mọi người vẫn dồn mắt vào một tấm hình cổ bằng gỗ, cao 8 thước, trạm trổ vàng, mới được tân trang. Đằng sau bức hình cổ (cuả Đức Mẹ ) là nhiều linh mục với bộ lễ triều lộng lẫy Đông Phương, gồm áo lễ mầu đỏ chỉ vàng (phelonion) mũ đội triều thiên màu đen (kalimavkion) và hát lễ theo cung điệu Slavonic.

"Giống như là được sống lại một lịch sử cổ xưa" theo anh Steven Kalas, 55 tuổi, ở Cleveland." Lễ nghi như thế này thì đep hơn những lễ nghi ngày nay nhiều lắm" Bà Koch, 50 tuổi, ở Mediam Ohio nói vào. Và bà Marguerite Tetkowski, 56 tuổi, ở Cleveland nói thêm, "ít ra thì nhà thờ cũng chưa phải bán đi cho một quán bar"

Nhà thờ St. Albertus Church ở Detroit, nay không còn là một họ đạo nữa và chỉ còn được phép dâng lễ vài lần mỗi năm mà thôi vì đã bán cho hội Bảo toàn lịch sử cuả người Ba Lan (Polish American Historic Site Association) từ năm 1991. Mới đây họ tổ chức Mass Mob để gây quĩ bảo toàn các cửa kính mầu và tranh vẽ.

Cha Eduardo Montemayor, dòng Chuá Ba Ngôi, nhân dịp này cho biết chính Chuá Thánh Linh đã hoạt động trên những người tổ chức và những người tham gia.

"Chuá Giêsu đặt kỳ vọng vào chúng ta để hoán chuyển vùng Detroit," ngài nói. "Chúng ta có thể tái tạo hội thánh Chuá ở Detroit."

Ủng hộ từ giáo quyền

Nhiều giáo phận bắt đầu ủng hộ các nỗ lực Mass Mob cuả giáo dân bằng nhiều cách, như đưa thông tin trên báo chí cuả Địa Phận, hoặc do chính các vị giám mục công khai hoan nghênh các nỗ lực đó.

Đức Tổng Giám Mục Allen H. Vigneron của Detroit đã cho làm một video khuyến khích hiện tượng này.

"Đây là một sự pha trộn thú vị giữa nhiều cái cũ và cái mới", Đức Tổng Giám mục Vigneron nói. "Sự thúc đẩy được thực hiện bằng những phương pháp mới nhất, là những phương tiện truyền thông xã hội tân tiến, nhưng sản phẩm đạt được thì là một lợi ích đã có từ lâu đời ( trước phương tiện truyền thông.)"

Ngài nói thêm: "Tôi không lấy làm phiền vì đã có những vấn đề du lịch tò mò xen lẫn trong chương trình ấy (Mass Mob), bởi vì do đó mà người ta được dẫn đưa tới Thiên Chúa và tới với nhau".

...

Sự ủng hộ cuả giáo quyền thúc đẩy sự tham gia. Thí dụ anh Anthony Battaglia, làm việc truyền thông ở một hãng, cho biết anh đã nẩy sinh ra cái ý tưởng tổ chức Mass Mob nhờ đọc một bài báo cuả địa phận Detroit và đã quyết định tham gia.

Bài báo viết rằng " Chúng ta cần có một tổ chức giống như Buffalo ở Detroit này, điều chúng ta cần là có một ai đó dám đứng ra tổ chức mà thôi".

Anh Battaglia đã tự nghĩ "ừ mình có căn bản làm truyền thông mà. Tại sao mình không là con người đó?"

Note*: về mặt tài chính, số tiền thu được qua những buổi Mass Mob là đáng kể, thí dụ nhà thờ Sweetest Heart of Mary nói trên thu được $23,000, một số tiền lớn bằng 11 tuần. Còn nhà thờ St. Florian thì thu được $19,000, bằng 10 tuần.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Kinh Hòa Bình
Trà Lũ
08:06 15/10/2014
Lá thư Canada: KINH HÒA BÌNH

Ở ngã tư gần nhà tôi có tiệm bán hoa của người Đại Hàn. Sáng nay đi qua thì tôi giật mình vì những chậu hoa cúc đẹp quá. Xưa rày hễ nói tới cúc là tôi nghĩ ngay tới màu vàng, bây giờ thì không đúng như vậy nữa. Các chậu cúc bày trên kệ cho tôi thấy trăm màu : vàng, xanh, đỏ, tím, hồng, và bao nhiêu màu biến thể. Năm ngoái tôi chú ý tới cúc mầu tím, tím đậm tím lợt, năm nay tôi thấy một màu tím mới là tím đỏ hồng. Tôi chỉ nói tới màu tím thôi đó nha. Bây giờ màu nào cũng biến hóa. Tôi đã đứng ngắm các chậu hoa cúc trăm sắc này rất lâu mà không chán mắt. Rồi tôi tự hỏi các mầu hoa cúc tươi đẹp này từ đâu đến. Ngày xưa quê tôi chỉ có cúc trắng và cúc vàng thôi mà. Tôi đang ngẩn ngơ như vậy thì bất chợt có một bà sơ đi qua. Bà sơ này tôi quen. Tôi đem thắc mắc này hỏi bà sơ. Bà liền cười rồi bảo : Thiên Chúa đã cho bộ óc con người mở mang thêm, con người đã biết trộn màu pha vào hạt giống. Những chậu cúc muôn sắc này nhắc ta quyền năng của Thiên Chúa, nhất là trong ngày lễ lớn đang đến : Lễ Tạ Ơn Thanksgiving Day ! Nói xong thì bà sơ vui vẻ chào tôi rồi đi.

Bà sơ nói đúng qúa. Mấy bông hoa cúc này nhắc nhở mọi người lễ Tạ Ơn đang đến. Bà sơ về nhà dòng còn tôi tất tả đến nhà Cụ Chánh tiên chỉ. Mấy kệ hoa cúc đã làm tôi tới trễ. Làng An Lạc chúng tôi đang họp về ngày lễ Tạ Ơn . Năm nào Cụ Chánh cũng nói : Tôi đã thề rằng bao lâu còn thở là tôi còn mừng lễ này trọng thể dể bày tỏ lòng biết ơn vị đại ân nhân của gia đình chúng tôi mà.

Vị đại ân nhân của Cụ Chánh là ai, các bạn còn nhớ không? Thưa đó chính là Cha Paolo. Hồi thập niên 1980 dân Miền Nam bùng lên việc vượt biên trốn chạy thiên đường CS và Canada bùng lên phong trào cứu các thuyền nhân VN. Gia đình Cụ Chánh, ông Từ Hòe, ông ODP cùng ở trại tỵ nạn bên Thái Lan và cùng được nhà thờ Cha Paolo bảo trợ. Anh John và Chị Ba Biên Hòa ở trong giáo xứ của Cha Paolo nên anh chị đã tiếp tay với giáo xứ lo cho Cụ và các bằng hữu. Chúng tôi quen nhau từ những ngày lịch sử này. Mỗi năm, cứ ngày lễ Tạ Ơn thì cả làng tôi đến nhà thờ Cha Paolo xem lễ và bày tỏ lòng biết ơn các ân nhân đã bảo trợ năm xưa. Năm nay cụ Chánh đã làm cả nhà thờ xúc động. Cụ đem tới 2 mâm lễ vật, một mâm xôi và một mâm bánh Tiramisu. Giáo dân Canada lần đầu tiên được ăn xôi VN thì thích lắm, và nỗi vui này đã tăng lên gấp bội khi được ăn bánh Tiramisu và nghe cụ Chánh nói về đồng bánh này. Cụ đã trọng tuổi, nhưng còn nói được tiếng Anh rất chuẩn. Cụ thưa với Cha Paolo : Vì cha có gốc Ý nên làng chúng tôi làm một đồng bánh có gốc Ý, tên nó là Tiramisu. Cái tên Ý này có nghĩa là ‘ kéo chúng tôi lên’, tira=kéo, mi=tôi, su=lên. Mấy chục năm xưa, khi chúng tôi đang nheo nhóc khổ cực trong trại tỵ nạn, Cha đã kéo nhóm chúng tôi lên khỏi vũng bùn tỵ nạn và đưa chúng tôi đến thiên đàng Canada này. Nói đến đây rồi cụ già 90 tuổi nức nở, nước mắt giàn giụa. Thấy Cụ khóc ai cũng xúc động. Cha Paolo vội chạy tới ôm lấy cụ. Cha vừa vỗ vai vừa nói : Cụ ơi, nào có chi, tất cả chúng ta đều là con của Chúa, là anh em với nhau mà.

Mãi rồi cơn xúc động mới hết, rồi Chị Ba Biên Hòa mới cắt bánh mời mọi người.

Cụ Chánh đã chọn làm đồng bánh gốc Ý đúng lúc và ý nghĩa tên đồng bánh hay qúa, phải không các bạn ?

Mà các bạn đã ăn bánh này bao giờ chưa? Xưa nay tôi ít ăn bánh ngọt, mà bữa nay tôi đã đòi ăn một miếng lớn vì không thể cầm lòng được. Thật là ngon hết sức vậy đó. Bánh này do Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế làm. Ba tiên nữ này đã học làm bánh này với người Ý, đã làm thử nhiều lần, và đã thành công mỹ mãn. Hôm nay các nàng mới khoe tài. Nó gồm có bột, bơ, phó mát, trứng, cream, cà phê, rượu cognac, rượu Kalua… Cha Paolo ăn xong liền nói : Xin bái phục, bánh các bạn VN làm ngon hơn bánh mẹ tôi là người Ý làm khi xưa.

Sau buổi lễ và tiếp tân ở nhà thờ thì cả làng kéo về nhà cụ tiên chỉ, phe các bà thì kéo vào bếp làm cơm chiều còn phe các nhà quân tử chúng tôi thì kéo vào phòng khách bàn các chuyện quốc sự. Chắc các cụ thắc mắc về các chuyện quốc sự này, phải không cơ? Thưa chúng tôi bàn nhiều chuyện lắm, chẳng hạn chúng ta có nên tham dự vào binh đoàn LHQ đi đánh nhóm ISIS quá khích không, hoặc có nên tấn công dàn khoan hỗn láo 891 ở gần đảo Hải Nam không, hoặc có nên tham gia các cuộc biểu tình ở Hong Kong không.

Rồi bữa ăn chiều được dọn ra. Nhà bếp của làng giỏi thật. Chị Ba Biên Hòa là đầu bếp chính. Bữa nay là lể Tạ Ơn của Canada, chúng tôi đã có bữa ăn truyền thống, thực đơn gồm gà tây bỏ lò ăn với các món bí ngô và khoai tây. Bên cạnh thì có thêm chút xíu thức ăn truyền thống VN : các món xôi. Cụ Chánh cười hà hà rồi kể : sáng nay các chị ấy làm hai mâm xôi, một mâm mang đến nhà thờ Cha Paolo cho dân Canada ăn, còn mâm thứ hai thì bây giờ cho phe ta ăn. Mâm xôi này có sự góp sức của Cụ. B.95. Các cụ có biết mâm xôi này gồm mấy thứ không? Thưa những bốn : Xôi đậu xanh, xôi đậu đỏ, xôi gấc, xôi đậu phọng. Ăn gà tây Canada với xôi VN, hai thứ hợp nhau lắm các cụ ạ. Và món tráng miệng là bánh Tiramisu. Các người đẹp trong làng cũng đã làm hai đồng bự, một mang đến nhà thờ, một để cả làng ăn lúc này. Cụ B.95 lần đầu tiên ăn món bánh Ý nên khen hết lời. Xưa nay lão chưa hề bao giờ được ăn bánh ngon đến thế. Miếng bánh mềm như bánh kem, có hương vị rượu cognac nhè nhẹ. Và bánh này phải đi với cà phê. Hôm nay là ngày lễ trọng, ai cũng uống cà phê, có mất ngủ chút xíu cũng không sao.

Vừa nhâm nhi cà phê, vừa nói chuyện đời, ôi sung sướng hết biết. Bao giờ Cụ B.95 cũng lên tiếng hỏi thần tượng của cụ là anh John đầu tiên. Cụ hỏi nguồn gốc lễ Tạ Ơn. Anh John vui vẻ đáp ngay, vì nó là môn lịch sử phải học ở nhà trường từ bé. Rằng chuyên này dài, cháu xin tóm lược. Là ngày xưa, vào năm 1620, có một nhóm người Anh theo đạo Thanh Giáo bị vua nước Anh cầm tù chán rồi đuổi đi. Họ lên con tàu mang tên Mayflower đi tìm đất sống. Họ vượt Đại Tây Dương và đã đến được miền đất Hoa Kỳ, bang Massechusetts . Đoàn của họ gồm 102 người đã được một bộ lạc Da Đỏ tiếp rước cho ăn cho ở. Nhưng vì mùa đông ban đầu khắc nghiệt qúa nên họ chết mất 46 người. Số người sống sót may thay đã được người Da Đỏ chỉ dẫn cách trồng cây, hái trái. Năm sau, 1621, những người này đã trúng mùa. Họ đã làm lễ cám ơn Thượng Đế và cám ơn người Da Đỏ, và từ đó lễ này thành truyền thống. Hai trăm năm sau, năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln đã nâng ngày lể Thanksgiving này lên hàng quốc lễ. Dân Canada là dân ngoan đạo, thấy lễ này mang đầy ý nghĩa, nên đã noi gương Hoa Kỳ. Lễ Tạ Ơn không mang màu sắc tôn giáo, chỉ là ngày nhắc ta phải biết ơn, trên hết là biết ơn Đấng Tạo Hóa đã tạo ra thực phẩm, rồi biết ơn cha mẹ, rồi xã hội. Đây là ngày lễ của gia đình, dân chúng đi lại thăm viếng nhau nhiều nhất. Vì nó kéo dài những 4 ngày nên nhiều người có đủ thời gian đi thăm họ hàng và bạn bè, nay nhà này, mai nhà khác, mốt nhà khác nữa…Món ăn truyền thống của ngày lễ là gà tây nhồi bỏ lò ( deep fried turkey ) ăn với khoai tây và các món làm từ bí ngô, món tráng miệng là bánh bí đỏ, pumkin pie, ăn với kem.

Có một chuyện liên hệ tới lễ này là lễ ‘phóng sinh’ 2 con gà. Vì dịp này toàn quốc Mỹ giết hàng triệu con gà tây, nên tổng thống Mỹ thường chủ lễ phóng sinh tại Tòa Bạch Ốc. Tổng thống thả tượng trưng 2 con gà tây ra ngoài miền đất hoang, với ý là xin lỗi loài gà tây đã bị loài người chúng tôi sát hại nhiều qúa trong lễ này.

Rồi sang phần thời sự, Anh John xin kể những chuyện bên lề, vì những chuyện chính như dịch Ebola, bọn ISIS Hồi Giáo qúa khích thì ai cũng biết rồi.

Chuyện đầu tiên là việc thủ tướng Harper của Canada tuyên bố nhóm 7 nước giàu nhất thế giới G7 sẽ dứt khoát không nhận Nga của Putin vào nhóm nữa. Từ nay chỉ có G7 chứ không có G8. Nga tức lắm và đang hăm dọa sẽ trả thù Canada. Canada không sợ. Nhớ năm ngoái Nga đe dọa cắt khí đốt và dầu lửa ở Ukraine và Âu Châu, Canada và Mỹ đã nhảy vào tiếp cứu liền.

Tin thứ hai là công ty Burger King của Mỹ đã mua đứt công ty Tim Hortons của Canada, và dự định sẽ mang trụ sở chính từ Hoa Kỳ sang đặt tại Canada. Báo chí tìm hiểu thì được công ty Burger King trả lời là đất Canada có nhiều ưu điểm cho việc đầu tư và bành trướng. Rõ ràng đất lành chim đậu nha.

Tin thứ ba là thành phố Toronto ở ngay bên hồ Ontario nên có rất nhiều bãi tắm về mùa hè. Nhóm nghiên cứu Forum Research đã làm một cuộc phỏng vấn dân chúng và cho biết đa số dân Toronto ủng hộ ý kiến cho phép phụ nữ được cởi trần trên bãi tắm.

Xin các bà có chồng nhiều máu xấu lưu ý : nếu qúy vị đến du lịch Toronto mà ông xã cứ đòi đi bãi tắm thì nên ngăn cấm ngay nha.

Anh John kể tin tiếp theo mà cười hề hề : Rằng đầu năm 2014 này, nhiều khu dân cư Toronto mất điện mấy ngày liền. Bây giờ 9 tháng sau tự nhiên số trẻ sinh ra tăng vọt. Chẳng hạn chỉ một ngày 19.9.2014 vừa qua có 10 em bé chào đời. Việc này chưa từng xảy ra bao giờ. Các nhà xã hội đang đi tìm hiểu lý do. Bạn nào biết lý do tại sao có hiện tượng đẻ nhiều như thế này xin vui lòng mách cho họ với.

Tin tiếp theo là tin sinh viên Hong Kong biểu tình chống cộng sản Tàu độc tài toàn trị, bắt dân bầu cho người bọn chúng chọn sẵn, y như ở lục địa và y như ở VN. Xưa nay chưa bao giờ tôi thấy có cuộc biểu tình nào trên thế giới trật tự, ôn hòa, và lịch sự như cuộc biểu tình này. Báo chí vừa cho đăng 2 tấm hình làm cả thế giới kinh ngạc, tấm thứ nhất chụp một anh cảnh sát đang dùng chai nước uống của mình mà rửa mắt cho một sinh viên biểu tình bị hơi cay, bức thứ hai chụp một cô sinh viên che dù chống mưa cho một anh cảnh sát đang canh biểu tình. Nào ai có thể ngờ dân trí Hong Kong cao như vậy.

Đang viết những dòng này thì tôi được nhà văn TU DINH gủi cho một bản tin cũng liên quan tới việc biểu tình. Theo ông Tu Dinh thì sở dĩ dân trí Hong Kong cao như vậy là do văn hóa của nước nước Anh bảo hộ ngày xưa để lại. Chính sách thưộc địa là xấu nhưng đem văn minh và văn hóa chính quốc mà rải trên đất thuộc địa Hong Kong này thì qúa tốt và tuyệt vời. Ấn Độ xưa kia cũng được hưởng nên văn hóa này, nên tuy nghèo mà Ấn Độ nhất định không theo cộng sản. Bài ông Tú Dinh gửi cho tôi là bài trích trong cuốn sách ‘Lang Thang trên đất Mỹ’ mà ông sắp xuất bản. Xin cám ơn bạn Tu Dinh. Chúng ta cầu xin cho các bạn trẻ Hong Kong thành công trong việc đòi dân chủ này. Xin đừng có một Thiên An Môn thứ hai. Cầu mong ngọn lửa biểu tình này mau lan đến Việt Nam là nơi xưa nay dân vẫn phải đi bầu theo lối đảng CS chỉ định.

Tin cuối cùng là cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai của dân Tô Cách Lan tháng trước. Đa số đã không muốn ly khai. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nếu dân Tô Cách Lan mà ủng hộ việc ly khai thì Canada gặp rắc rối to. Tại sao ư? Thưa vì tỉnh bang Quebec ở Canada mấy chục năm trước đã 2 lần trưng cầu dân ý về việc này và tuy nhóm đòi ly khai đã thất bại, nhưng ngọn lửa ly khai ở Quebec vẫn còn âm ỷ. Nếu Tô Cách Lan mà nói YES cho việc ly khai thì chắc chắn ngọn lửa đòi ly khai âm ỷ ở Quebec sẽ bùng lên ngay. Thật may cho Canada. Và may cho cả Hoa Kỳ nữa vì nghe nói Texas cũng lăm le đòi ra riêng. Xin cám ơn các bạn Tô Cách Lan.

Kể đến đây xong thì anh John tuyên bố hết phần thời sự, rồi anh xin Ông ODP tiếp sức. Ông ODP gật đấu rồi nói ngay với cụ B.95 : Mỗi lần nhắc tới VC là cụ kêu nhức đầu, bữa nay xin cụ đại xá vì tôi thấy mấy chuyện VC ngứa mắt ngứa tai vô cùng, không nói ra thì không chịu được. Câu nhập đề này khiến cả làng chú ý lắng nghe.

Ông kể chuyện cuốn Tự Điển Tiếng Việt mới in ở Hà Nội. Ông chưa có cuốn này trong tay nhưng nghe bài trích dẫn sơ sơ của BS Nguyễn Hy Vọng mà đã thấy lộn ruột. Chẳng hạn cuốn tự điển này định nghĩa cái miệng là ‘ một bộ phận hình lỗ ở phía dưới của mặt’. Các bạn nghe xong thấy câu định nghĩa này thế nào ? Không ai được chê nha vì tự điển này do các nhà trí thức ở Hà Nội biên soạn dấy. Hà Nội là trái tim của VC. VC đã từng vô ngực xưng mình là ‘đỉnh cao trí tuệ loài người’, đã là đỉnh cao thì làm sao mà sai được.

Cụ Chánh lên tiếng ngay : Hà Nội cái gì! Hà Nội của tôi thời trước 1954 đâu có ngu dốt thế. Hà Nội ngàn năm văn vật của tôi năm 1954 đã di cư vào Miền nam hết rồi ! Bây giờ phải gọi bọn chúng là ‘Hà Lội’ mới đúng. Để chứng minh thêm về sự dốt nát của Hà Nội hiện nay, cụ Chánh kể luôn sang chuyện ‘Giáo Sư Tiến Sĩ’ Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nhân hiện nay là một nhân vật cao cấp của CSVN. Ông được xưng tụng là giáo sư tiến sĩ, là bộ trưởng giáo dục, là chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, là một trong 16 ủy viên Bộ Chính Trị Trung Ương. Ông khai đậu tiến sĩ năm 1993 tại Đại Học Magdeburg bên Đức. Chỉ có một điều hơi kẹt cho ông là Đại học Magdeburg thành lập năm 1993, chả lẽ đại học này vừa thành lập thì ông đã đậu tiến sĩ ngay sao. Ha ha.

Cũng chưa hết chuyện ngôn ngữ Hà Nội. Trên đây nói về bằng tiến sĩ của ông bộ trưởng giáo dục, sau đây là lời phát biểu của một vị phó tiến sĩ nói về chuyện nạo vét Hô Gươm, Giáo sư phó tiến sĩ Hà Đình Đức đã phát biểu, xin các cụ lắng nghe cho kỹ ngôn ngữ mới của Hà Lội nha : ‘… Sau khi vét thí điểm kết quả sẽ được quan trắc đánh giá để có phương án xử lý tiếp theo. Khu vực xử lý thí điểm chưa tới 1% diện tích hồ, lượng nước hao hụt không đáng kể nên không cần bổ cập…’

Các cụ có hiểu ‘quan trắc, phương án, xử lý, bổ cập’ là gì không? Đây không phải là tiếng Việt, đây là tiếng Tàu. Các cụ ơi, rõ ràng CSVN đang đưa đất nước chúng ta từng bước vào lộ trình sát nhập mất rồi, theo đúng chỉ thị của Trung Cộng trong hội nghị Thành Đô đã vẽ ra.

Trước đây tôi có đọc Wikileaks nói về viêc CSVN dâng nước cho Tàu, trong lòng vẫn còn hoài nghi, nay vừa đọc thêm tài liệu của viên chức cao cấp của CSVN là Thiếu Tướng Hà Thanh Châu, chính ủy Tổng Cục Công Nghiệp Quốc Phòng. Tướng Châu vừa đào tẩu và xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ông Châu đã trao cho Hoa Kỳ một tập tài liệu tối mật. Tạp Chí Foreign Policy của Hoa Kỳ đã cho công bố một số tin tức về việc ngày 10-8-1987 Nguyễn Văn Linh từ VN đã sang Trùng Khánh gặp Hồ Diệu Bang và Đặng Tiểu Bình theo lệnh gọi để bàn việc sát nhập Việt Nam vào dất Tàu. Tàu ra hạn thời gian là 60 năm, qua 3 giai đoạn sau đây :

- Đợt 1 : tháng 7-2020 : VN là quốc gia tự trị

- Đợt 2 : tháng 7-2040 : VN là quốc gia thuộc trị

- Đợt 3 : tháng 7-2060 : VN thành tỉnh Âu Lạc thuộc địa phận Quảng Châu.

Tàu Cộng đã dặn Việt Cộng phải dùng chiến thuật hòa bình, hữu nghị, chầm chậm, êm ả, kín đáo, lặng lẽ, như tằm ăn dâu. Tiếng Tàu từ từ sẽ là ngôn ngữ chính, tiếng Việt là ngôn ngữ phụ. Vấn đề còn lại sẽ bàn về sau là khi VN đã sát nhập vào Quảng Châu thì VN sẽ là một tỉnh hay là một khu tự trị.

Nghe tới việc Đảng CSVN dâng nước cho Tàu Cộng thì mặt ông ODP tái đi. Ông bảo đã đến lúc tất cả chúng ta không thể ngồi yên được nữa. Phải cầm súng mà đánh quân Tàu và quân phản quốc. Bây giờ ở VN có 2 đoàn thể mang súng, một là công an, hai là quân đội. Sức mạnh của CSVN là lực lượng công an. Mục đích của công an không phải là bảo vệ lãnh thổ mà chỉ là để bảo vệ Đảng Công Sản mà thôi. Bây giờ chỉ còn quân đội. Chúng ta phải làm sao khơi dậy lòng yêu nước của quân đội.

Đồng bào ơi, khơi dậy nha, nổi lửa lòng yêu nước lên nha. Tôi mới đọc được một bài phú của thi sĩ Kha Tiệm Ly khá hay. Bài phú chửi quân Tàu xâm lăng đảo Trường Sa và lấn chiếm hải phận của chúng ta. Nghe xong mà thấy lửa bốc lên trong lòng. Tôi xin trích vài câu gần cuối bài nha :

………………

… Bọn ngươi quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn

Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược

Nói cho ngươi biết dân tộc ta :

Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài

Từng đuổi bọn ngươi bằng thanh kiếm bạc

Đâu quản thây phơi trận mạc.



Bọn ngươi hãy liệu bảo nhau

Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua

Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước

Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm

Chớ để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác…



Ông H.O. từ đầu bữa tới giờ vẫn ngồi im nghe, nay mới mở miệng : Tôi thương đất nước Việt Nam của tôi quá. Không biết quê hương tôi qua thời chó đẻ, thời chó chết, rồi sẽ sang thời kỳ gì nữa đây.

Cô Cao Xuân bèn lên tiếng hỏi : Anh vừa nói tới ‘thời chó đẻ và thời chó chết’ là ý làm sao? Tôi sống ngoài Huế chưa hề nghe hai câu này. Ông H.O. cười hà hà. Đây là kiểu nói của dân Saigon sau 1975. Khi nói về thời trước 1975, tuy giặc giã triền miên nhưng dân còn có cơm ăn áo mặc, con chó cũng được ăn no. Vì nó dược ăn no và phây phả như vậy nên chó ở Miền Nam đẻ con dài dài. Sau 1975, khi các đỉnh cao Hà Lội vào thì cả Miền Nam đói rách, người cũng chả đủ cơm mà ăn, nói gì đến chó. Do đó, sau 1975, chó ở Miền Nam chết dài dài.

Nãy giờ nghe chuyện CSVN bán nước nên cả làng nín thở, nay nghe câu chuyện pha trò của ông H.O. thì cả làng cười ồ lên. Cụ B.95 bảo không ngờ người Miền Nam thâm thúy như vậy. Anh John xin kể một câu chuyện liên quan tới thời kỳ đói khổ ‘chó chết’. Tôi có đọc ở đâu đó một câu chuyện, nghe thoáng qua thì chả có gì hay, nhưng nghe rồi nghĩ một chút thì mới thấy cái thê thảm của thời sau 1975, thời CSVN cai trị. Chuyện kể về các thày giáo dạy học ở nhà trường, các thày được trả lương bằng khẩu phần gạo. Bữa đó có một ông giáo đến lãnh gạo, ông nói với cô cán bộ đang xúc gạo cho ông :

- Cán bộ ơi, cán bộ vui lòng để riêng hột cỏ và cát sạn ra một bên, xin đừng trộn vào gạo, vì lâu nay tôi lựa cả ngày mệt qúa.

Vì câu này, ông giáo Miền Nam bị mang ra hội đồng kỷ luật vì dám nói xấu chế độ.

Cũng ông giáo này một hôm đi xe đạp ở Saigon đụng phải một ông cán bộ vừa từ Hà Nội vào Nam. Ông cán bộ quắc mắt la : Mắt anh để đâu mà sao không tránh cán bộ? Ông giáo này có máu tếu bèn thưa : Xin lỗi cán bộ, chúng tôi đã hết sức tránh mà không nổi, chúng tôi tránh từ năm 1954 dến 1975, mà vẫn không kịp.

Cụ B.95 lên tiếng xin làng thôi nói về đề tài VC kẻo đêm nay cụ mất ngủ. Rồi chính cụ làm gương về việc chuyển đề tài. Cụ lên tiếng ca ngợi Cụ Chánh nói tiếng Anh nghe ngon lành qúa, lúc cụ cám ơn Cha Paolo và giáo xứ ở nhà thờ : Chả bù cho tôi. Tôi sang đây từ năm 1995 mà cho tới giờ tôi nghe tiếng Anh vẫn như vịt nghe sấm. Rồi cụ kể chuyện cụ học tiếng Anh năm xưa:

- Tôi đâu có đến trường. Mấy đứa cháu chúng nó dậy tôi ở nhà. Lão học trước quên sau. Tên 7 ngày trong tuần, học mãi mới thuộc, nghe lão nói mà lũ cháu bò ra cười. Lão đọc thế này : Mâm đây ( Monday), Tiêu đây ( Tuesday), Quét đây (Wednesday ), Thớt đây ( Thursday), Phay đây ( Friday), Xả tiêu đây ( Saturday ), Xương đây ( Sunday ).

Cả làng ầm lên tiếng cười vì lần đầu tiên nghe cụ B.95 nói tiếng Anh. Thấy mọi người có vẻ thích chuyện học tiếng Anh, cụ được hứng kể tiếp chuyện con heo và đứa cháu bé. Rằng bữa đó không biết làm sao mà con chó nó rượt con bé. Con bé vừa chạy vừa kêu ‘heo, heo’. Nghe nó kêu vậy lão liền bảo : Đó là con chó chứ không phải con heo. Con chị nó cười rồi bảo lão : Em cháu nó nói tiếng Anh ‘help help’ là cầu cứu mọi người giúp nó, chứ không phải nó kêu tên con heo!

Các bạn đã thấy cụ già B.95 hôm nay vui chưa. Không ngờ cụ già lây cái bệnh tếu của bọn chúng tôi từ lúc nào.

Ông ODP là người cười to tiếng và lâu nhất bữa nay. Rồi ông góp ý : Lúc nãy Cụ B.95 bảo khi nghe các chuyện về VC thì nhức đầu khó chịu, tôi xin mách một phương pháp chữa bệnh này. Là mỗi khi bị nhức đầu, thần kinh căng thẳng, thì bạn hãy mở đài xem chương trình văn nghệ của André Rieu. Bạn mở YouTube hay Google là có liền. Các bạn biết anh chàng nhạc sĩ đẹp trai người Hà Lan này chứ. Anh ta đã 63 tuổi mà vẫn tràn đầy sức sống và tài ba. Anh ta vừa kéo đàn vĩ cầm, vừa điều khiển dàn nhạc. Anh mang ban nhạc đi vòng quanh thế giới. Các xuất hát của anh bao giờ cũng đầy nghẹt người và ai cũng đắm chìm trong một bầu không khí hòa bình hạnh phúc, ai cũng vui vẻ, tươi cười, vừa vỗ tay, vừa lắc lư, vừa hát theo. Anh André vừa chơi đàn, vừa điều khiển ban nhạc hàng trăm người, lại kiêm luôn việc giới thiệu chương trình. Anh nói được rất nhiều thứ tiếng, và nói rất có duyên, rất trang trọng, lịch sự, thân ái. Hội trường ở đây thường là những công viên lớn. Một xuất hát của André Rieu thường dài 3 giờ. Bạn có mệt mỏi và nhức dầu cách mấy, xem xong chương trình, cam đoan bạn sẽ hết bệnh.

Cô Tôn Nữ ngồi bên Chị Ba Biên Hòa lên tiếng hỏi : Nhưng tôi không giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp thì làm sao mà thưởng thức chương trình được? Ông ODP đáp ngay : Cô lầm lớn rồi, âm nhạc là một ngôn ngữ quốc tế. Tiếng cười và âm nhạc là hai ngôn ngữ không cần ai thông dịch cả. Nghe là hiểu liền.

Cụ Chánh góp thêm ý : bác nói tới tiếng cười làm lão nhớ Đức Đạt Lai Lat Ma. Ông là bậc đại thánh, thần tượng của lão. Nét mặt ông bao giờ cũng tươi và luôn có nụ cười. Tết năm ngoái một người bạn phương xa gửi cho lão một tấm thiệp, trên tấm thiệp này không in lời chúc tết mà in lời Ngài Đạt Lai Lạt Ma, lời như sau:

… Thế giới ngày nay chỉ chú trọng tới việc phát triển trí khôn mà quên phát triển trái tim. Chúng ta hãy phát triển trái tim, phát triển tấm lòng yêu thương. Hãy yêu và thương những người nghèo khổ và bệnh tật, hãy yêu và đem bình an tới cho mọi người…

Lời của Ngài sao giống lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô mà người Công Giáo hay đọc và hát trong nhà thờ. Lời kinh đầy ắp tình người. Nhạc sĩ Kim Long đã phổ nhạc bài kinh này hay hết sức. Nhạc và lời có thần. Mai này Ngài Lạt Ma mà viên tịch thì chắc chắn ngài sẽ lên níết bàn rồi sang thiên đàng ngồi bên Thánh Phan Xi Cô.

Các cụ có biết bài ca ‘Kinh Hòa Bình’ này không cơ ?

TRÀ LŨ
 
Xin Chúa chữa lành Nina Phạm
Trúc Nguyễn
11:38 15/10/2014
Sao tâm con cứ mãi hoài lo sợ
Sợ bất an trong đời sống dương trần
Sợ bao lần hoạn nạn sẽ trào dâng
Sợ tiền của tan bay theo làn gió

Ebola cơn bịnh dịch quái gỡ
Đã cướp đi ngàn mạng sống con người
Tai họa đến có ai đâu mà ngờ
Kẻ than khóc thân nhân trong tức tưởi

Nina Phạm cô y tá người Việt
Đời chuyên tâm tận tụy với hy sinh
Chăm sóc kỹ bệnh nhân lòng tha thiết
Là chứng nhân cho Chúa quên thân mình

Ebola đến với Nina Phạm
Con hiểu sao về thân phận mỏng dòn?
Trách cứ Chúa con đây làm sao dám?
Phận con người nhiều khi thấy mõi mòn

Sao tâm con u buồn về sự dữ?
Yếu niềm tin vào lòng Chúa nhân từ
Con làm sao bước trọn đường lữ thứ?
Khi sóng đời làm thân con ngất ngư

Xin cho con vững tin vào tình Chúa
Dù đời con ngập thử thách gian truân
Xin cho con tâm tư không sầu úa
Dù đời con bão táp biết bao lần

Xin Chúa cho Nina mau bình phục
Tiếp tục là nhân chứng giữa trần đời
Say tình Chúa với muôn ngàn ân phúc
Tâm bình an theo tiếng Chúa gọi mời

Nina Phạm hãy vững tâm tin Chúa
Cuộc đời ta trong hoạch định của Ngài
Dù sóng gió thuyền đời ta nghiêng ngã
Vẫn một lòng cậy trông Chúa quan phòng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khiêu Vũ Dưới Trăng
Đặng Đức Cương
21:10 15/10/2014
KHIÊU VŨ DƯỚI TRĂNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Người về đêm trăng sáng
Mênh mang giấc êm đềm ..
Siết vòng tay êm ấm
Lạc bước vào thiên thai.
(Trích thơ của L.T Quỳnh Hương)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 09-15/10/2014 - Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm bị quỷ ám.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:56 15/10/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Một hồng ân vĩ đại mà lòng chúng ta không dám ước mong

Khi cầu nguyện, chúng ta xin nhiều thứ, nhưng ơn lớn nhất mà Thiên Chúa ban chính là Thánh Thần. Đó là ý chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa vào bài Tin Mừng trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 09 tháng 10 tại nguyện đường Santa Marta. Bài Tin Mừng kể lại dụ ngôn về một người sẽ nhận được những gì anh ta cần nếu anh ta kiên trì cầu xin.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Đức Thánh Cha rút ra kinh nghiệm này là khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và những gì chúng ta nhận được “nhờ lời cầu xin vượt quá những gì chúng ta ước mong”.

“Điều này khiến tôi suy nghĩ: đó chính là lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài không chỉ tha thứ nhưng còn quảng đại trao ban cho chúng ta vô vàn. Chúng ta cầu xin và những gì chúng ta nhận được nhiều hơn chúng ta ước mong. Khi cầu nguyện, chúng ta xin điều này, điều nọ và Ngài luôn ban cho chúng ta nhiều và thật nhiều!”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh ba từ chủ yếu trong Tin Mừng hôm nay là: “Bạn bè, Thiên Chúa và hồng ân”. Chúa Giêsu cho các môn đệ hiểu cầu nguyện là như thế nào. Điều này giống như một người đến nhà bạn mình vào nửa đêm để xin cái gì đó. Trong cuộc sống, chúng ta “có những người bạn thân” những người thực sự sẽ cho ta tất cả. Một số bạn khác thì “ít thân hơn hoặc là thường thường”. Và khi chúng ta xin và buộc bạn điều gì thì “vì mối dây bạn bè họ sẽ đáp ứng những gì chúng ta cần”.

Chúa Giêsu đi xa hơn để nói về Chúa Cha. “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”

Không chỉ như là người bạn đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống, để trợ giúp chúng ta và ban cho chúng ta những gì chúng ta xin, mà Cha còn ở trên trời”, Đấng yêu thương chúng ta vô vàn, như Chúa Giêsu nói rằng Cha còn quan tâm không để cho một con chim thiếu ăn. Ở điểm này, Chúa Giêsu muốn chúng ta tin tưởng vào lời cầu nguyện. Ngài nói: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. “Hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa trái tim của Thiên Chúa! Cha sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Ngài.”

“Thánh Thần chính là hồng ân vĩ đại nhất. Khi bạn xin Chúa, Thiên Chúa sẽ cho bạn một món quà mà không quên gói nó lại, làm cho quà tặng đẹp hơn. Đó chính là Thánh Thần mà Cha ban cho chúng ta. Nhờ lời cầu nguyện, Cha ban cho chúng ta hơn điều chúng ta ước mong. “Con xin Cha ban cho con ân sủng này, con xin điều này, con hy vọng rằng Ngài sẽ ban cho con.” Ngài là Cha chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta. Ngài sẽ ban Thánh Thần.

“Anh chị em xin với một người Bạn, người đồng hành cùng anh chị em trong cuộc sống, anh chị em cầu xin với Cha và anh chị em cầu xin trong Chúa Thánh Thần. Người bạn ấy chính là Chúa Giêsu.”

“Chúa Giêsu đồng hành cùng chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện. Và lời cầu nguyện của chúng ở trong Ba Ngôi. Có người sẽ đặt vấn đề với chúng ta “Anh có tin không? Ta trả lời “Vâng! Tôi tin!” “Anh tin vào điều gì? ‘Thiên Chúa’; “Nhưng Thiên Chúa là gì đối với anh?’ “Là Chúa”; “Nhưng Thiên Chúa đâu có hiện hữu!” Anh chị em đừng có sốc! Thiên Chúa là Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngài là những Ngôi vị. Thiên Chúa không phải là ý tưởng mơ mộng trên mây. Ngài là những Ngôi vị đang hiện hữu. Chúa Giêsu là bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình, Đấng ban tặng cho chúng ta những gì chúng ta xin; Chúa Cha là Đấng chăm sóc và yêu thương chúng ta; Chúa Thánh Thần là quà tặng, là hồng ân đến từ Chúa Cha, một hồng ân vĩ đại mà lòng chúng ta không dám ước mong.”

2. Gợi nhớ lịch sử đời mình là cơ hội tốt để cầu nguyện

Thiên Chúa đã chọn lựa một dân tộc và Ngài dõi bước theo họ trong suốt cuộc hành trình sa mạc, ngang qua cuộc đời của họ. Những gì Thiên Chúa đã thực hiện với dân riêng của Ngài thì Ngài cũng đang làm điều đó cho mỗi người chúng ta là những người đã được chọn không phải vì sự tốt lành của chúng ta nhưng bởi tình yêu của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô là một người hăng say bắt bớ Hội thánh đã nhớ lại những gì mình đã làm. Thánh nhân không nói rằng “do tôi tốt, tôi là con của gia đình này, tôi thuộc hàng quý tộc kia …” Không phải vậy! Thánh Phaolô thú nhận: “Tôi là một kẻ bách hại, tôi đã làm chuyện xấu xa”. Phaolô nhớ lại cuộc hành trình ban đầu của mình.

Việc nhớ lại hành trình cuộc đời không phải là một thói quen phổ biến. Nhưng chúng ta đừng quên quá khứ, chúng ta đang sống trong thời hiện tại nhưng đừng quên đi quá khứ. Và mỗi chúng ta có một câu chuyện riêng… một câu chuyện của ân sủng, một câu chuyện tội lỗi, một câu chuyện về cuộc hành trình, rất nhiều điều … Việc gợi nhớ lịch sử đời mình là cơ hội tốt để cầu nguyện. Một lời cầu nguyện tương tự như Phaolô, như khi ngài thốt lên: “Thiên Chúa chọn tôi. Chính Ngài gọi tôi! Ngài đã cứu tôi! Ngài là bạn đồng hành của tôi trong cuộc hành trình ….”

Việc nhớ lại hành trình đời mình là để tôn vinh Thiên Chúa. Nhớ lại tội lỗi của chúng ta và qua đó Chúa đã cứu chúng ta là để tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rằng, ngài chỉ biết có hai điều thôi: tội lỗi của mình và ân sủng nơi Đấng chịu đóng đinh, ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô tự hào về những tội lỗi của mình. Tôi là một kẻ tội lỗi, nhưng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cứu tôi và ngài tự hào về Chúa Kitô.

Khi Chúa Giêsu nói với Martha:… Con lo lắng và bối rối nhiều chuyện quá, chỉ cần một điều thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất. Chúa muốn nói điều gì? Lắng nghe Lời Chúa và ghi nhớ. Anh chị em không thể cầu nguyện nếu như không thể nhớ đến câu chuyện đời mình. Mỗi người chúng ta đều có một góc riêng nào đó. Và với câu chuyện từ trái tim, chúng ta đi dần đến với cầu nguyện. Thường thì chúng ta hay bị phân tâm, giống như Martha, vì công việc, vì quá nhiều vấn đề trong ngày, vì những điều mà chúng ta phải làm và chúng ta quên câu chuyện đời mình.

Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa không phải bắt đầu vào ngày rửa tội. Mối liên hệ này đã có từ muôn thuở. Khi Thiên Chúa nhìn đến chúng ta và chọn chúng ta. Mọi chuyện khởi đi từ trái tim của Thiên Chúa.

Luôn nhớ rằng, chúng ta đã được tuyển chọn, được Thiên Chúa chọn. Hãy nhớ lại hành trình của giao ước. Chúng ta có tôn trọng giao ước này hay không? Chúng ta là những tội nhân và chúng ta đừng quên điều đó và chúng ta nhớ lời hứa của Thiên Chúa đối với chúng ta để không bao giờ thất vọng, nhưng tràn đầy hy vọng. Đó là lời cầu nguyện đích thực.

Kết luận bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện với Thánh Vịnh 138: “Chúa dò thấu con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi, con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa”. Đó là lời cầu nguyện để nhớ đến sự hiện diện của Thiên Chúa bởi vì câu chuyện của chúng ta là câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm bị quỷ ám.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm đã diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ và đã được chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican đưa tin trong mấy tuần qua.

Bất chấp những phản đối của hơn 100,000 người trong một bản kiến nghị trực tuyến, các quan chức Mỹ ở thành phố Oklahoma vẫn quyết tâm tiến hành cho kỳ được Lễ Đen thờ Satan hôm 21 tháng 9 tại Trung tâm hành chính của thành phố.

Lễ Đen thờ phượng Satan đã được thực hiện tại một hội trường nhỏ ở tầng hầm trung tâm hành chính của thành phố Oklahoma trước sự bảo vệ của một lực lượng cảnh sát đông đảo.

Ma quỷ lộng hành trong lòng các quan chức thành phố khiến họ hành động mù quáng lấy tiền đóng thuế của dân để công kích tất cả mọi thứ mà chúng ta cho là thiêng liêng và mang lại ơn cứu chuộc; và đưa ra những mối nguy hiểm tinh thần cho mọi người. Để rồi sau đó, chính những kẻ ấy chỉ một ngày sau đó đã phải thỉnh cầu Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Oklahoma City đến trừ tà cho họ vì các nhân viên làm việc tại đây cảm thấy khó chịu và không an tâm khi làm việc tại tòa nhà này.

Ma quỷ là chuyện có thật chứ không phải chỉ là chuyện tưởng tượng của các nhà văn hay các nhà đạo diễn điện ảnh như nhiều người tưởng. Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một câu chuyện đã được nêu trong Phúc Âm, đó là câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm bị quỷ ám.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người vào nhà một người câm bị quỷ ám.

Khi đã được Chúa Giêsu trừ quỷ cho, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”.

Nhưng các người biệt phái nói rằng: “Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”. Họ buộc tội Chúa có liên hệ với quỷ vương để khỏi phải tin và giữ những gì Chúa dạy; hơn nữa, họ không muốn toàn dân tin theo Chúa vì họ sẽ mất uy quyền, thế lực, và những lợi nhuận vật chất.

Chúa Giêsu chẳng quan tâm đến những lời phê bình của họ, nhưng thấy đoàn lũ dân chúng, thì Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn dắt.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ma quỷ vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta công khai như trong nghi lễ tôn thờ Satan tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ, ngấm ngầm và tinh vi hơn trong các ý thức hệ kích động sa đọa, trụy lạc, sống thác loạn vô trách nhiệm, và trong những cố gắng đạp đổ định chế hôn nhân và gia đình.

Ma quỷ cũng có thể tồn tại ngay trong lòng chúng ta khi chúng ta mất dần ý thức tội lỗi và dành mọi cố gắng và năng lực để tôn thờ những ngẫu tượng như tiền tài, danh vọng và quyền lực thay vì thờ phượng Thiên Chúa là Đấng chúng ta phải kính mến hết lòng hết sức và hết trí khôn.

4. Cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất

Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ Tư 8 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố giác sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và mời gọi mọi người cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến

Trong các bài huấn giáo gần đây, chúng ta đã tìm cách làm nổi bật bản chất và vẻ đẹp của Giáo Hội, và chúng ta tự hỏi sự kiện chúng ta được thuộc về Dân của Giáo Hội bao hàm điều gì. Và chúng ta không quên rằng có bao nhiêu anh chị em cùng chia sẻ với chúng ta niềm tin nơi Chúa Kitô, nhưng họ thuộc các hệ phái khác hoặc thuộc các truyền thống khác với chúng ta. Nhiều người cam chịu sự chia rẽ này, sự chia rẽ qua dòng lịch sử thường là nguyên nhân gây ra những xung đột và đau khổ, cả chiến tranh nữa và đây thực là ô nhục. Cả ngày nay, các quan hệ cũng không luôn luôn đượm tinh thần tôn trọng và thân mật... Còn chúng ta, chúng ta có thái độ nào đứng trước tình trạng đó? Phải chăng chúng ta cũng cam chịu, và thậm chí có thái độ dửng dưng? Hoặc chúng ta mạnh mẽ xác tín rằng ta có thể và phải tiến bước theo chiều hướng hòa giải và hiệp thông trọn vẹn.

Nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu xin cho các môn đệ Ngài hiệp nhất, Đức Thánh Cha nói:

Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, khi làm thương tổn Giáo Hội thì cũng gây thương tổn cho Chúa Kitô: thực vậy, Giáo Hội là thân mình mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta biết rõ điều Chúa Kitô rất mong muốn, đó là các môn đệ của Ngài hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những lời Chúa được thuật lại trong chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, lời nguyện Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha liền trước cuộc khổ nạn. “Lạy Cha thánh, xin giữ gìn họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Sự hiệp nhất này đã bị đe dọa trong khi Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ: thực vậy, trong Tin Mừng, chúng ta nhớ vụ các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (Xc Lc 9,46). Nhưng Chúa đã nhấn mạnh rất nhiều về sự hiệp nhất trong danh Chúa Cha, cho chúng ta hiểu rằng việc loan báo và làm chứng tá của chúng ta càng đáng tin cậy nếu trước đó chúng ta càng có khả năng sống hiệp thông và yêu thương nhau. Đó là điều mà các tông đồ của Chúa, với ơn của Chúa Thánh Linh, đã hiểu sâu xa sau đó và quan tâm, đến độ thánh Phaolô đi tới độ tha thiết xin Cộng đoàn Corinto với những lời như sau: “Vì thế, anh chị em, tôi xin anh chị em nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hãy hiệp nhất trong lời nói, để đừng có chia rẽ giữa anh chị em, nhưng anh chị em hãy hiệp nhất trong tư tưởng và cảm thông” (1 Cr 1,10).

Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội bị ma quỉ cám dỗ, hắn tìm cách chia rẽ Giáo Hội, và rất tiếc là Giáo Hội bị những phân rẽ trầm trọng và đau thương. Đó là những chia rẽ nhiều khi kéo dài trong thời gian, cho đến ngày nay, vì thế thật khó nêu rõ tất cả những lý do và nhất là tìm ra những giải pháp có thể. Những lý do đã đưa tới những rạn nứt và phân rẽ có thể rất khác nhau: từ sự khác biệt về những nguyên tắc tín lý và luân lý, và về những quan niệm thần học và mục vụ khác nhau, tới những động lực chính trị và xu thời, cho đến những cuộc đụng độ vì sự ác cảm và tham vọng cá nhân.. Điều chắc chắn là, cách này hay cách khác, đàng sau những xâu xé ấy luôn có sự kiêu ngạo và ích kỷ, là nguyên nhân gây ra mọi bất thuận và làm cho chúng ta trở nên bất bao dung, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có quan điểm và lập trường khác với chúng ta.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:

“Giờ đây, phải chăng đứng trước tất cả những điều ấy, có một cái gì đó mà mỗi người chúng ta, trong tư cách là phần tử của Giáo Hội là Mẹ Thánh, có thể và phải làm? Chắc chắn là không thể thiếu lời cầu nguyện, nối tiếp và hiệp thông với lời cầu của Chúa Giêsu. Và cùng với lời cầu nguyện, Chúa cũng yêu cầu chúng ta tái cởi mở: Chúa yêu cầu chúng ta đừng khép kín không đối thoại và gặp gỡ, trái lại đón nhận tất cả những gì có giá trị và tích cực mà những người nghĩ khác chúng ta hoặc có những lập trường khác, cống hiến. Chúa yêu cầu chúng ta đừng nhìn những gì chia rẽ chúng ta, nhưng đúng hơn, hãy ngắm nhìn những gì liên kết chúng ta, tìm cách biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và chia sẻ sự phong phú của tình yêu Chúa. Và điều này bao hàm một cách cụ thể thái độ gắn bó với chân lý, cùng với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy mình là thành phần của cùng một gia đình, coi nhau như một món quà và cùng nhau làm bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu công việc bác ái!

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Thật là đau lòng vì có những chia rẽ, các tín hữu Kitô chia rẽ. Nhưng tất cả chúng ta đều có một điều chung: tất cả đều tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Tất cả chúng ta đều tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng nhau tiến bước. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau.. Trong tất cả các cộng đoàn Giáo Hội đều có những nhà thần học giỏi: họ hãy thảo luận, tìm kiếm chân lý thần học, vì đó là một nghĩa vụ, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và làm việc bác ái. Và như thế chúng ta hiệp thông trong hành trình, điều này gọi là phong trào đại kết tinh thần: cùng nhau đồng hành trong đức tin, trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô”.

5. Chống lại hay để ma quỷ tự do tung hoành trong lòng chúng ta?

Để ngăn chặn tội lỗi xâm nhập vào lòng chúng ta, một thực hành cổ xưa, nhưng rất tốt đó là: Kiểm điểm lương tâm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 10 tháng 10 tại nguyện đường Santa Marta.

Tin Mừng hôm nay (x. Lc 11:15-26) nhắc chúng ta nhớ rằng ma quỷ luôn quay lại chống chúng ta; nó không bao giờ thôi cám dỗ con người. “Ma quỷ là tên lì lợm”. “Hắn không bao giờ rời bỏ điều hắn muốn là tâm hồn chúng ta”.

“Trong Tin Mừng thánh Luca kể lại: Ma quỷ bỏ đi sau khi cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc nhưng trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, hắn quay lại nhiều lần như: khi hắn đưa Ngài vào những thử thách, khi hắn tìm cách cài bẫy Ngài, rồi trong cuộc khổ nạn và cuối cùng là trên thập giá. ‘Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy bước xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin.’ Và chúng ta đều biết rằng những lời khiêu khích dễ làm ta vấp phạm như những lời sau: ‘Anh có thể làm điều đó được mà? Hãy chứng tỏ cho tôi thấy đi! Dở vậy sao, không được rồi! Anh không thể rồi’. Đó là cách ma quỷ đã dùng với Chúa Giêsu và bây giờ hắn lại làm như thế với chúng ta.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Chúng ta cần phải bảo vệ tâm hồn mình, nơi Chúa Thánh Thần ngự, để sự dữ không đột nhập vào được. Hãy bảo vệ tâm hồn, như dùng chìa khóa để khóa cửa nhà. Và sau đó canh giữ tâm hồn giống như như một người lính gác.”

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi như sau: “Chúng ta có thường để cho những ý nghĩ xấu xa, độc ác, ghen tị lẻn vào hồn không? Có để cho nhiều thứ xấu xa như vậy đi vào hồn không? Chúng đi vào từ đâu? Nếu tôi không kiểm điểm lương tâm thì tâm hồn tôi như một cái chợ, nơi mà tất cả mọi thứ đều có thể đến và đi. Một tâm hồn mà không có sự thân mật với Chúa, thì không thể nói chuyện với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài được.”

“Chúa Giêsu muốn nói điều gì với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay? Nghe có vẻ hơi lạ: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán”. Ngài sử dụng từ “thu góp”. Để có một tâm hồn thu góp, một tâm hồn mà chúng ta biết những gì sẽ xảy ra, và nơi này nơi kia, anh chị em có thể thực hành như Giáo Hội từ xưa đã dạy đó là: kiểm điểm lương tâm. Ai trong chúng ta, vào cuối ngày đã tự chất vấn tâm hồn mình chưa: Hôm nay đã diễn ra điều gì trong tâm hồn tôi? Hôm nay điều gì đã ùa vào tâm hồn tôi? Nếu chúng ta không chất vấn điều này, thực sự chúng ta không biết cách canh phòng và bảo vệ tâm hồn mình cho tốt.”

Kiểm điểm lương tâm “là một ân sủng, bởi vì để bảo vệ tâm hồn mình chính là bảo vệ Chúa Thánh Thần, Đấng đang ngự trong tâm hồn chúng ta”.

“Chúa Giêsu đã nói rõ ràng ma quỷ luôn quay lại. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một ví dụ về điều đó, nó quay lại ngay cả vào lúc cuối đời của Ngài. Và để bảo vệ, để canh chừng, để ma quỷ không nhập vào tâm hồn, chúng ta phải có khả năng “thu góp”, nghĩa là, vào cuối ngày, trong thinh lặng đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta tự chất vấn: “Hôm nay điều gì diễn ra trong tâm hồn tôi? Có điều xấu nào ùa vào tâm hồn tôi mà tôi không hay không? Tôi có làm một chìa khóa canh giữ cánh cửa tâm hồn không? Và chính những điều đó sẽ giúp chúng ta bảo vệ bản thân mình khỏi tội lỗi, thậm chí chống lại được ma quỷ, vốn là tên rất mưu mô và luôn tìm dịp đi vào tâm hồn ta, thậm chí hắn sẽ quay lại vào cuối đời của ta .”