Ngày 21-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:26 21/10/2015
43. NGHI THỨC TRUY ĐIỆU.
N2T

Có mấy người muốn đi tham gia lễ truy điệu của người bạn, nhưng không hiểu nghi thức truy điệu phải như thế nào.
Có ông Giáp nọ nói với họ:
- “Tôi hiểu, các anh cứ theo tôi mà làm là được”. Mấy người ấy theo Giáp đến trước linh đường.
Giáp phục trên chiếu cỏ hướng về phía người chết khấu đầu, mấy người ấy chen chen lấn lấn người này sau lưng người nọ, cũng khấu đầu.
Giáp dùng chân đá lui phía sau một chút, chửi nho nhỏ:
- “Đồ ngớ ngẩn !”
Kết quả mấy người ấy cũng người này tiếp người nọ đá lui phía sau một chút, chửi nho nhỏ:
- “Đồ ngớ ngẩn !”
(Tiếu lâm)

Suy tư 43:
Khổng tử rất coi trọng lễ nghĩa, ông nói: “Người mà chẳng có lòng nhân thì làm sao mà thi hành lễ tiết ?” – Vậy muốn thi hành lễ tiết thì trước hết phải có lòng nhân. Người có lòng nhân là người biết phải biết trái, biết kính trên nhường dưới, biết đem hòa thuận đến cho mọi người.
Trong đời sống tâm linh, mỗi một tôn giáo đều có cung cách thờ tự khác nhau, niềm tin khác nhau, màu sắc khác nhau, nhưng chung quy vẫn là phải có lễ tiết bên ngoài để bày tỏ tấm lòng thành bên trong của mỗi người đối với vị thần mà mình tin.
Người Ki-tô hữu không những chỉ lấy lòng tin để thờ lạy Thiên Chúa mà thôi, nhưng cần phải dùng lễ nghĩa là những cử chỉ bên ngoài để tỏ lòng cung kính với Thiên Chúa, nhất là qua thánh lễ và các lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo. Có các Ki-tô hữu hiểu sai về việc phụng tự của Giáo Hội, nên đã đơn giản hóa đến mức coi thường việc tham dự thánh lễ, họ giải thích rằng: đạo tại tâm, đi lễ làm gì khi bụng đói meo !
Bởi vì suy nghĩ như thế, nên chúng ta không lạ gì khi họ thờ ơ với thánh lễ, và cũng không ngạc nhiên gì khi họ trở thành những người khích bác hàng giáo phẩm, chê bai lễ nghi này, nghi thức nọ, và cuối cùng thì mất đức tin.
Lý do, là bởi vì họ không có lòng nhân để nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa đang trãi dài trong vũ trụ, họ cũng không tiếp xúc được với ân sủng, vì họ không tham dự các bí tích, mà các bí tích là những lễ nghi cần thiết bên ngoài để được hưởng ơn cứu độ bên trong của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:31 21/10/2015
N2T

28. Đầy tớ của Thiên Chúa là gì ? Đầy tớ của Thiên Chúa không chỉ là thi nhân hát ca trên phố. Nhiệm vụ duy nhất của thi nhân là ở tại làm phấn chấn lòng người, thúc đầy lòng người, cổ võ lòng người, làm cho lòng người hướng về những sự vui vẻ cao siêu ở trên trời.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng, ngày mười bốn, 21 tháng Mười, 2015
Vũ Văn An
13:56 21/10/2015
Tại cuộc họp báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm nay, Đức Hồng Y Reinhard Marx của Đức đã nói rằng: “Tôi hy vọng Thượng Hội Đồng này sẽ là một Thượng Hội Đồng để lại cho chúng ta những cánh cửa mở rộng, chứ không phải những cánh cửa khép kín”. Đức Hồng Y Marx cùng hiện diện trong buổi họp báo này với Đức Hồng Y Daniel Sturla Berhouet của Uruguay, và Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Ái Nhĩ Lan.

Đức Hồng Y Berhouet giải thích rằng đây là Thượng Hội Đồng đầu tiên đối với ngài nên ngài “học hỏi được nhiều điều mới mẻ”. Ngài cho biết ngài rất ngạc nhiên trước cường độ của công việc và các ý kiến đa dạng của các đại biểu. Ngài nghĩ rằng các đại biểu đã làm tất cả những gì các ngài có thể làm để trợ giúp Đức Thánh Cha quyết định tiến về phía trước. Đức Hồng Y giải thích thêm: theo ngài, điều quan trọng là Giáo Hội tìm ra những phương cách để đồng hành với người ta lúc họ rơi vào các tình huống bấp bênh, mỏng dòn.

Đức Tổng Giám Mục Martin cho biết: đây cũng là Thượng Hội Đồng đầu tiên đối với ngài và ngài thấy nó quả là một “trải nghiệm tuyệt vời”. Ngài nghĩ rằng các đại biểu đã tìm được điểm đồng qui thực sự, xây dựng trên các hy vọng và tranh đấu chung. Ngài nói tới sự quan trọng của việc đồng hành với ơn gọi của gia đình giống như Giáo Hội vốn đang đồng hành với các ơn gọi làm linh mục và tu dòng. Đức Tổng Giám Mục Martin nói rằng có hai điều ngài cho là quan trọng hơn cả đối với Thượng Hội Đồng này. Thứ nhất, chúng ta cầu nguyện cho các gia đình và thứ hai, Giáo Hội đưa ra sự hướng dẫn tích cực và rõ ràng trong giáo huấn của mình về gia đình.

Đức Hồng Y Marx cho biết: trong nhóm nhỏ của ngài, các thành viên đã dành nhiều thời gian để bàn luận kỹ càng vấn đề tìm ra cách tiến bộ để những người ly dị và tái hôn dân sự có thể được hoà giải với Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh rằng các đề nghị của nhóm ngài đã được nhất trí chấp thuận, cả Đức Hồng Y Kasper lẫn Đức Hồng Y Gerhard Muller, bộ trưởng Tín Lý, đều thuộc nhóm này. Đức Hồng Y Marx nói tại cuộc họp báo rằng nhóm đã cố gắng rất nhiều để đưa ra một thần học tốt đẹp. Ngài nói: “bạn có thể nói tôi có ý kiến nhưng bạn phải rất rõ ràng trong kiến thức của bạn để bạn có thể giải thích được nó”. Theo ngài, đây là một công việc khó khăn nhưng các thành viên buộc phải thảo luận các vấn đề khó khăn và tìm ra phương cách chung “có thể được mọi người chấp thuận”. Ngài nói rằng Giáo Hội đã bắt đầu một cuộc thảo luận khắp thế giới về tầm quan trọng của đời sống gia đình đối với xã hội và nhân sinh. Đức Hồng Y Marx nói thêm: các ngài cũng thảo luận về phái tính và lên án bất cứ hình thức kỳ thị nào đối với phụ nữ.

Trong phần câu hỏi, Đức Hồng Y Berhouet được hỏi tại sao nhóm nói tiếng Tây Ban Nha của ngài xem ra cởi mở hơn đối với các phương thức tiến bộ mới mẻ. Nhóm bắt đầu bản tường trình của mình bằng câu “chúng ta phải lắng nghe tiếng kêu của những người muốn được lãnh nhận các bí tích”. Ngài trả lời rằng có nhiều lớp lang trong cuộc sống gia đình khiến sự việc ra phức tạp. Ngài nói: “các phụ nữ trẻ có con từ nhiều người cha khác nhau trong các khu nghèo nàn vì nhiều lý do; vì các tình huống khác nhau ấy, chúng ta phải nhậy cảm hơn”.

Đức Hồng Y Marx được hỏi nhiều câu hỏi về việc tìm ra cách tiến bộ để những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ. Ngài cho biết đây là một vấn đề phức tạp và nhóm của ngài đã nói tới một số sự việc. Ngài liệt kê một số tiêu chuẩn có thể giúp vào việc xem xét một phương cách tiến bộ: nhìn vào các hoàn cảnh cá biệt, biện phân các hoàn cảnh, giúp họ nhận ra họ đã làm gì trong cuộc hôn nhân thứ nhất, xem xét các trách nhiệm có thể họ vẫn còn có trong mối liên hệ đó, đối với con cái, đối với những người khác và đối với cộng đồng Giáo Hội. Theo ngài, điều tốt đẹp là giúp người ta nhận ra bất cứ ai khác họ có thể đã xúc phạm.

Đức Hồng Y Marx tiếp tục cho hay: tín lý là truyền thống sống động của Giáo Hội: “sống động chứ không kép kín”. Theo ngài, sự thật không thay đổi nhưng càng lớn lên ta càng có được cái hiểu lớn hơn về sự thật. Ngài bảo: “chúng ta không sở hữu sự thật”. Ngài cũng cho rằng thần học, tín lý và thực hành mục vụ luôn đi đôi với nhau, chúng không thể tách rời được. “Chúng ta không thể nói chúng ta đang có một Thượng Hội Đồng mục vụ nên không nên nói về thần học và tín lý… Chúng ta phải sống tín lý, nó không phải là một cuốn sách”.

Đức Tổng Giám Mục Martin nói rằng đặc điểm rõ rệt nhất của Thượng Hội Đồng là “mở ra một không gian, đôi khi không thoải mái” nhưng cho phép ta đào sâu cái hiểu của ta về giáo huấn của Giáo Hội. “Chúng ta chịu ảnh hưởng và được lên khuôn nhờ những người ta lắng nghe và họ lắng nghe ta”.

Đức Tổng Giám Mục Martin được hỏi về vai trò phụ nữ trong các cuộc thảo luận của các nhóm nhỏ. Có người nói rằng trong một nhóm nhỏ kia, một nhóm nữ tu đã bị cư xử một cách rất kẻ cả. Ngài cho biết: ngài rất buồn nghe được chuyện này nhưng trong nhóm của ngài, có một sự phong phú và đa dạng do các phụ nữ đem tới. Ngài nói rằng các phụ nữ tham dự trọn vẹn và thành thật, và không có sự phân biệt giữa các đóng góp của họ và các đóng góp khác.

Cuối cuộc họp báo, Đức Hồng Y Marx trích dẫn Người Lái Buôn Thành Venice của Shakespeare làm lời kết luận: “phẩm tính của lòng thương xót là không miễn cưỡng, nó như cơn mưa êm dịu từ trời rơi xuống phía dưới. Nó chúc phúc hai chiều: nó chúc tụng Đấng ban phát và chúc phúc kẻ nhận lãnh”.
 
Thượng Hội Đồng, phúc trình phần hai của các nhóm C và D nói tiếng Anh
Vũ Văn An
14:22 21/10/2015
I. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict Coleridge


Sau công việc của tuần lễ đầu, chúng tôi quyết định theo một cách tiếp cận khác đối với Phần II của Tài Liệu Làm Việc và đọc nó nhanh hơn là đối với Phần I. Nhờ biết rõ trách vụ của mình, cách tiến hành của chúng tôi đã khá hơn, và điều này đáng khích lệ khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu Phần III, dài và phức tạp hơn.

Nay tôi xin trình bầy các vấn đề thuộc Phần II được coi là những vấn đề chính trong các cuộc thảo luận của chúng tôi.

1) Cần nói lời đánh giá cao và khích lệ tự đáy lòng đối với các cặp vợ chồng, nhờ ơn Chúa, đang sống cuộc hôn nhân Kitô Giáo của họ như một ơn gọi chân chính, vì điều này quả là một việc phục vụ Giáo Hội và thế giới cách độc đáo.

2) Cần khai triển cho các cặp vợ chồng và các gia đình một chương trình giáo lý phù hợp với các nền văn hóa khác nhau, định kỳ duyệt xét lại các chương trình này và thích ứng Các Chỉ Thị Giáo Lý Toàn Quốc dưới ánh sáng các chương trình này khi có thể.

3) Cần khai triển các tài nguyên trong lãnh vực cầu nguyện của gia đình, cả chính thức lẫn không chính thức, cả có tính phụng vụ lẫn chỉ là sùng kính. Các tài nguyên này tất nhiên cũng phải nhậy cảm đối với văn hóa.

4) Cần thăm dò thêm khả năng các cặp hiện đang kết hôn dân sự hoặc đang sống với nhau có cơ khởi đầu cuộc hành trình tiến tới hôn nhân bí tích, để khuyến khích và đồng hành với họ trong hành trình này.

5) Cần trình bầy tính bất khả tiêu của hôn nhân như một ơn phúc Chúa ban hơn là một gánh nặng và tìm ra cách tích cực để nói về nó, sao cho người ta lượng giá được trọn vẹn ơn phúc này. Điều này liên quan tới vấn đề rộng lớn hơn về ngôn ngữ, vì Thượng Hội Đồng đang tìm cách lên khuôn một ngôn ngữ được Tài Liệu Làm Việc mô tả là “có tính biểu tượng”, “có tính cảm nghiệm”, “mang nhiều ý nghĩa”, “rõ ràng”, “cởi mở”, “vui tươi”, “lạc quan” và “đầy hy vọng”.

6) Cần rút tỉa sâu xa hơn và phong phú hơn từ Thánh Kinh, không phải chỉ trích dẫn các bản văn Thánh Kinh mà còn trình bầy Thánh Kinh như một dạ con (matrix) cho cuộc sống hôn nhân và gia đình Kitô hữu. Giống như tại Vatican II, Thánh Kinh phải là tài nguyên hàng đầu đối với việc lên khuôn một ngôn ngữ mới để nói về hôn nhân và gia đình; và có thể dùng Tông Huấn Verbum Domini làm một tài nguyên để rút ra các gợi ý thực tiễn.

7) Khi nói về niềm vui của đời sống hôn nhân và gia đình, ta cũng cần nói tới những hy sinh và thậm chí cả đau khổ mà đời sống này bao hàm, và do đó, cần phải đặt niềm vui vào đúng bối cảnh của nó là mầu nhiệm Vượt Qua.

8) Cần nhìn rõ ràng hơn việc qua các thời đại, làm thế nào Giáo Hội đã tiến tới chỗ hiểu sâu sắc hơn và và trình bầy chắc chắn hơn giáo huấn về hôn nhân và gia đình, một giáo huấn vốn có gốc rễ nơi chính Chúa Kitô. Giáo huấn này luôn không thay đổi nhưng việc phát biểu nó ra và việc thực hành dựa trên việc phát biểu này thì không như thế.

9) Cần hiểu với nhiều sắc thái hơn lý do tại sao giới trẻ ngày nay lại quyết định không kết hôn hay hoãn việc kết hôn, thường là khá lâu. Tài Liệu Làm Việc trình bầy sự sợ sệt như là động lực chủ chốt. Nhưng điều cũng đúng sự thật là đôi khi giới trẻ không thấy trọng điểm của hôn nhân hoặc coi nó chỉ là việc hoàn toàn có tính bản thân hay riêng tư khiến cho nghi thức công cộng trở thành không liên hệ gì với họ. Trong nhiều cách, họ còn chịu tác động bởi một nền văn hóa lựa chọn chuyên lùi bước trước việc phải đóng cửa, và thích thử nghiệm bất cứ mối liên hệ nào trước khi thực hiện cam kết cuối cùng. Các nhân tố kinh tế mạnh mẽ cũng tác động trên họ. Cho nên ta nên ý tứ đối với cách đọc quá đơn giản một hiện tượng phức tạp.

10) Một điều mà Thượng Hội Đồng cần xem xét là đưa ra một bảng liệt kê các sáng kiến hay chiến thuật thực tiễn để nâng đỡ các gia đình và giúp đỡ những gia đình nào đang gặp khó khăn. Bảng liệt kê này phải cụ thể và phải phù hợp với đặc tính chủ yếu thực tiễn của Thượng Hội Đồng thứ hai này về hôn nhân và gia đình.

Nhiều điểm trên đây nhận được sự đồng thuận, một số điểm được thỏa thuận lớn nếu không muốn nói là gần như toàn thể, chỉ một số nhỏ các điều ấy là có bất đồng đáng kể mà thôi.

Một sự phong phú lớn và cũng là thách đố lớn trong các cuộc thảo luận của chúng tôi là các cách lên mô thức khác nhau cho hôn nhân và gia đình trong các nền văn hóa khác nhau có đại diện trong nhóm. Chắc chắn có những điểm gặp nhau, nhờ chúng tôi có cùng một cảm thức về kế hoạch của Thiên Chúa vốn được ghi khắc trong sang thế và đạt tới viên mãn trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, như Giáo Hội từng tuyên xưng. Nhưng những cách khác nhau qua đó mầu nhiệm này lên xương thịt tại các phần khác nhau trên thế giới khiến việc quân bình hóa giữa địa phương và hoàn vũ trở thành một thách đố. Đây vẫn là trách vụ bao trùm của Thượng Hội Đồng này.

II. Nhóm D

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Thomas Christopher Collins
Tường trình viên: Đ ức Tổng Giám Mục Charles Joseph Chaput, O.F.M. Cap.


Các thành viên của Nhóm D nói tiếng Anh duyệt lại Phần II nhanh hơn Phần I. Chất liệu cũng đơn giản hơn. Việc làm việc với nhau và đưa ra các nhận định và sửa đổi cũng thế.

Về gia đình và sư phạm Thiên Chúa, các thành viên nghĩ rằng các suy nghĩ trong bản văn về việc đọc Sách Thánh nên được tăng cường hơn nữa. Các ngài nhấn mạnh rằng khi lắng nghe Lời Chúa, ta cần gặp gỡ nó trong ngữ cảnh Giáo Hội, thánh truyền và thẩm quyền giáo huấn của các vị giám mục. Nhiều tập quán đọc Sách Thánh vốn đã hiện diện trong nhiều nền văn hóa khác nhau của nhóm nói tiếng Anh chúng tôi. Một số nên được lồng vào bản văn. Nhiều thành viên của nhóm cổ vũ Lectio Divina, ngay cả khi nó được đọc trong bối cảnh liên tôn. Các vị khác cho rằng diễn trình Lectio Divina quá ư phức tạp đối với người thời nay. Một số vị giám mục cảm thấy cần hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa tính mới mẻ của bí tích hôn nhân Kitô Giáo và cơ cấu tự nhiên của hôn nhân từng được đưa vào kế hoạch của Thiên Chúa ngay từ đầu. Hôn nhân tự nhiên của cha ông nguyên thủy của ta cũng có trật tự ơn thánh riêng của nó.

Tài Liệu Làm Việc không định nghĩa hôn nhân ở chỗ nào cả. Đây là một thiếu sót nghiêm trọng. Nó tạo nên mơ hồ suốt cả bản văn. Phần lớn các giám mục lý luận rằng để sửa chữa, tài liệu này nên viết thêm câu định nghĩa về hôn nhân lấy từ hiến chế Gaudium et Spes số 48 của Vatican II: “Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau 1; những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19: 6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly”.

Xét như một toàn bộ, bản văn trên có nhiều tầm nhìn thấu suốt về hôn nhân. Nhưng tín lý Công Giáo về hôn nhân trải dài quá nhiều đoạn. Nó cần được tóm lược một cách súc tích và thuyết phục hơn. Một vị cảm thấy rằng việc nắm bắt Thánh Kinh của bản văn sẽ được cải thiện hơn nếu theo một nền uyên bác mới mẻ hơn. Vị này cho rằng nhiều người trong chúng ta đọc Thánh Kinh với thái độ quá ư cực đoan (fundamentalist), nên các cách giải thích Thánh Kinh khác có thể hữu ích hơn. Nhiều vị khác không đồng ý và nghĩ rằng cái hiểu Thánh Kinh trong bản văn là thỏa đáng.

Một số vị cho rằng bản văn cần phát biểu ý niệm “bất khả tiêu” một cách tích cực hơn, hơn là coi nó như một gánh nặng. Nhiều vị khác cho là nguy hiểm khi nói đến giáo huấn Công Giáo chỉ như một “lý tưởng” để theo đuổi và tôn kính chứ không thực tiễn đối với cuộc sống hàng ngày. Các ngài mô tả quan điểm này như một phương thức hàm ý rằng chỉ những người “tinh sạch” mới sống Tin Mừng được, chứ người bình thường thì không thể sống được. Nhiều vị nhấn mạnh rằng ta nên luôn nói tới các nhân đức chứ không phải các giá trị. Chúng không y như nhau.

Trong chất liệu nói về gia đình và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, bản văn thiếu sót ở chỗ đã không đặt cơ sở trên sách Tôbia và Diễm Ca, vốn có tính sinh tử đối với việc trình bầy hôn nhân theo Thánh Kinh. Các vị giám mục tỏ ý quan ngại rằng tài liệu hình như muốn trình bầy việc Môsê cho phép ly dị như là một trong các giai đoạn của kế hoạch Thiên Chúa, ấy thế nhưng, ta biết chắc rằng ly dị không bao giờ là thành phần trong ý muốn của Thiên Chúa đối với nhân loại cả, mà là một hậu quả của tội nguyên tổ.

Đối với một vài đoạn mơ hồ trong bản văn, ta thấy nếu có một bản dịch tốt hơn của nguyên bản tiếng Ý, thì mọi sự sẽ được sáng tỏ hơn. Một vài vị giám mục tập chú vào ý niệm “hạt giống lời Chúa” hay “hạt giống của Lời” trong thế giới quanh ta. Trong truyền thống Giáo Hội, suy tư đã có từ Thánh Giustinô Tử Đạo này luôn tập chú vào các vấn đề văn hóa hơn là vào cuộc sống bản thân của người ta. Bản văn có khuynh hướng coi các mối liên hệ bất hợp lệ cũng chứa đựng phần nào “các hạt giống của Lời”. Một số vị giám mục cảm thấy điều này không thích đáng và lầm lẫn.

Một số cuộc thảo luận diễn ra liên quan tới ý nghĩa của các cuộc hôn nhân sắp xếp vì tập tục này hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Các cuộc hôn nhân này đôi khi xem ra thiếu sự thuận tình của những người lấy nhau. Nhưng điều mà tập tục này muốn cho hiểu một cách đặc trưng hơn là thế này: trọn cả gia đình can dự vào toàn diện diễn trình hôn nhân và đời sống gia đình. Nhiều nền văn hóa khác cho rằng “các gia đình kết hôn với nhau”, chứ không phải chỉ các cá nhân mới thề hứa kết hôn mà thôi. Một số vị giám mục coi đây là một ý niệm phong phú. Nó nên được đánh giá tốt hơn.

Nhiều vị giám mục đặt câu hỏi liên quan tới việc dùng kiểu nói “Tin Mừng Gia Đình”. Điều này thực ra có nghĩa gì? Bản văn không cung cấp câu trả lời nào cả. Kiểu nói này phát xuất từ Lá Thư Gửi Các Gia Đình năm 1994, số 23, của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Liên quan tới số 48 của bản văn, phần lớn cuộc thảo luận bàn đến các hình thức khác nhau của việc gia đình làm chứng cho việc sống hiệp thông của họ như một Giáo Hội tại gia. Ngoài những điều đã được liệt kê trong Tài Liệu Làm Việc, đây là một số gợi ý:

Làm chứng cho sự thánh thiện trong việc cầu nguyện.
Làm chứng cho việc không tự qui chiếu vào chính mình.
Làm chứng cho việc mẫn cảm đối với các vấn đề môi sinh.
Làm chứng cho việc cùng nhau sống bác ái, trong cuộc sống chung hàng ngày.

Các giám mục cảm thấy rằng các hành động trên nên được coi như hoa trái của phép rửa và phép thêm sức. Nhiều vị trong nhóm chúng tôi nói tới việc bản văn cần liệt kê các hình thức sùng kính vừa thăng tiến vừa nói lên cuộc sống và linh đạo gia đình. Chuỗi mân côi đã chiếm trọng điểm trong cuộc thảo luận; cả sự quan trọng của việc cha mẹ đọc Sách Thánh cho con cái nghe, và anh chị em đọc Sách Thánh cho nhau nghe cũng thế. Các giám mục nhấn mạnh giá trị của việc gia đình cùng nhau tham dự Phép Thánh Thể Chúa Nhật và các cử hành phụng vụ khác, và ngạc nhiên khi thấy bản văn không tập chú vào việc này một cách chi tiết hơn. Một số vị đề nghị: các thực hành lòng đạo đức bình dân khác nhau cần được liệt kê như là các biểu thức nói lên các việc sùng kính của gia đình. Một số vị giám mục ghi nhận sự quan trọng của phụ nữ trong đời sống Giáo Hội và việc cần tập chú hơn nữa vào việc dành cho họ các vai trò lãnh đạo thích đáng. Một số vị cảm thấy bản văn nên nhậy cảm hơn đối với các phụ nữ bị lạm dụng bởi người chồng hay bên trong gia đình và do đó trĩu thêm gánh nặng. Một vị cảm thấy: đôi khi rất khó cho các người hiện sống trong các hoàn cảnh đau lòng coi các gia đình gương mẫu là tích cực được. Các gia đình gương mẫu có thể làm họ sợ hơn là giúp họ thấy ra khả thể chính họ sống được cách đó. Các vị giám mục cho biết: bản văn nên trình bầy các lý do giáo luật của việc vợ chồng ly thân với nhau và lý do cho việc họ xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Chúng ta cần thực tiễn trước các vấn đề hôn nhân hơn là chỉ đơn giản khuyến khích người ta ở lại với nhau. Một lần nữa, bạo hành chống các phụ nữ đã là phần chủ yếu của cuộc thảo luận.

Một vị giám mục nhấn mạnh rằng các linh mục không được đào tạo để làm huấn đạo viên về hôn nhân. Nếu tự trình bầy mình như thế, các ngài có nguy cơ tạo rắc rối về luật pháp cho các Giáo Hội địa phương của mình. Các linh mục nên tránh việc huấn đạo hôn nhân, thay vào đó, chỉ chú tâm vào việc hướng dẫn thiêng liêng mà thôi. Về vấn đề tại sao giới trẻ sợ kết hôn, nhiều vị giám mục nhận xét rằng giới trẻ sợ thất bại trong bất cứ phạm vi sống nào. Thừa tác vụ giới trẻ tại các giáo xứ và các giáo phận nên giúp các cặp trẻ tuổi hiểu giá trị của hôn nhân. Chúng ta cần tập chú vào lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là đừng sợ và cũng phải ý thức rằng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu từng chăm sóc các cặp vợ chồng trẻ mà cuộc cử hành hôn nhân của họ sắp hết rượu. Chúa luôn chăm sóc những cặp vợ chồng trẻ biết tín thác nơi Người trên đường đời.

Nhóm D nhất trí chấp thuận bản tường trình này. Nhóm chúng tôi có đặc điểm là hết sức đa dạng và có nhiều tầm nhìn khác nhau: 29 người, trong đó có 21 người là giám mục, phát xuất từ 20 quốc gia. Các vị giám mục đưa ra nhiều đề nghị thay đổi trong bản văn. Các ngài sẽ đem những đề nghị vào nhiều sửa đổi khác nhau.
 
Tuyên bố của Tòa Thánh về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
22:14 21/10/2015
Ngày 21 tháng 10, 2015, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã mạnh mẽ phủ nhận tin tức một tờ báo Ý theo đó Đức Thánh Cha Phanxicô có một khối u nhỏ trong não bộ có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật.

Trích dẫn "các nguồn đáng tin cậy" tờ Quotidiano Nazionale nói Đức Giáo Hoàng đã và đang được bác sĩ Takanori Fukushima thuộc trung tâm điều trị San Rossore ở Pisa chăm sóc.

Fukushima cũng là một giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Đại học Duke ở North Carolina, Hoa Kỳ và là giám đốc của Viện Khoa học thần kinh ở Raleigh, North Carolina.

Trong thông cáo do Đại học Duke đưa ra hôm thứ Tư 21/10, giáo sư Takanori Fukushima cho biết:

"Tôi chưa bao giờ khám bệnh cho Đức Giáo Hoàng. Câu chuyện này là hoàn toàn bịa đặt."

Mặc dù giáo sư bác sĩ Takanori Fukushima đã nói như thế, Andrea Cangini, chủ biên của tờ Quotidiano Nazionale vẫn cứ cho rằng ông ta không "chút nghi ngờ nhỏ nào" về tính xác thực của câu chuyện.

Sáng thứ Tư, cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra thông cáo sau đây:

"Sự loan truyền hoàn toàn vô căn cứ về sức khỏe của Đức Thánh Cha bởi một tờ báo Ý là vô trách nhiệm một cách nghiêm trọng và không đáng chú ý. Hơn nữa, điều hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng đang thực hiện hoạt động bận rộn của ngài một cách hoàn toàn bình thường.”

Sau đó, sau khi đã trao đổi ý kiến với Đức Thánh Cha, trong một cuộc họp báo về Thượng Hội Đồng vào buổi trưa cùng ngày, cha Federico nói thêm như sau:

"Tôi hoàn toàn xác nhận tuyên bố trước đây của tôi, sau khi xác minh sự thật với các nguồn tin có thẩm quyền, kể cả với Đức Thánh Cha.

Không có bác sĩ Nhật Bản nào đã tới thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican và cũng chẳng có những cuộc kiểm tra sức khoẻ nào như trong bài viết. Các cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận rằng không có vị khách nào bên ngoài đến thăm Vatican bằng trực thăng; cũng vậy, chẳng có vị khách nào như thế vào tháng Giêng vừa qua.

Tôi có thể xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng có sức khỏe tốt.

Tôi lặp lại rằng việc công bố thông tin sai lạc này là một hành động nghiêm trọng vô trách nhiệm, tuyệt đối không thể tha thứ và vô lương tâm. Cũng không thể biện minh cho việc tiếp tục đổ thêm vào những thông tin vô căn cứ tương tự như vậy. Vì vậy, hy vọng vấn đề này được đóng lại ngay lập tức".
 
Thượng Hội Đồng, tường trình phần hai của nhóm nói tiếng Đức
Vũ Văn An
17:13 21/10/2015
Điều hợp viên: Đức Hồng Y Christof Schonborn
Tường Trình Viên: Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch


Ngày 14 tháng Mười, Tòa Thánh đã bắt đầu cho công bố các bản tường trình các cuộc thảo luận về phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc do 13 Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Đồng về Gia Đình đệ trình, trong đó, có tường trình của nhóm nói tiếng Đức. Sau đây là bản dịch của bản tường trình vừa nói, dựa trên bản tiếng Anh của hãng tin CNA.

Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng các ý niệm, vẫn luôn được coi như chống chọi nhau, là thương xót và sự thật, ơn thánh và công lý, và mối tương quan thần học giữa chúng với nhau. Nơi Thiên Chúa, chúng không hề chống chọi nhau: vì Thiên Chúa là tình yêu, nơi Người công bình và thương xót chỉ là một. Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự thật nền tảng của mạc khải của Người, không hề chống chọi đối với các sự thật khác của mạc khải. Đúng hơn, nó vén mở cho ta nền tảng sâu xa nhất của mạc khải, vì nó cho ta hay tại sao Thiên Chúa lại tự đổ mình ra nơi Con một của Người và tại sao Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và bằng các bí tích của Người, đang hiện diện và ở lại để cứu chuộc ta trong Giáo Hội của Người. Qua việc này, lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ cho ta thấy lý do và mục đích của toàn bộ công trình cứu chuộc. Công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Người, với nó, Người đã làm ta ra công chính.
Chúng tôi cũng xét xem việc đi sâu vào nhau này đem lại những hậu quả nào cho việc chúng ta đồng hành với hôn nhân và gia đình. Nó đòi phải loại bỏ việc giải thích một chiều, theo lối diễn dịch, là lối rút các tình huống cụ thể từ một nguyên tắc tổng quát. Theo chiều hướng của Thánh Tôm Aquinô và cũng là của Công Đồng Trent, người ta mong áp dụng các nguyên tắc nền tảng vào từng tình huống chuyên biệt, thường là phức tạp, một cách thận trọng và khôn ngoan. Ở đây, người ta không nói tới các ngoại lệ, mà Lời Thiên Chúa vốn không áp dụng, mà là nói tới việc áp dụng công bình và thích đáng lời lẽ của Chúa Giêsu một cách thận trọng và khôn ngoan, thí dụ, lời Người nói về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Thánh Tôma Aquinô minh họa sự cần thiết của việc áp dụng cụ thể như sau: “việc tùy thuộc sự thận trọng không chỉ có nghĩa phải xem xét lý do, mà cả việc áp dụng vào hành động nữa, một việc vốn là cùng đích của lý trí thực tiễn” (STh II-II 47.3: “ad prudentiam pertinet non solum consideratio rationis, sed etiam applicatio ad opus, quae est finis practicae rationis”).

Một khía cạnh khác được chúng tôi thảo luận là chủ đề tiệm tiến dẫn người ta tới bí tích hôn nhân như nhiều lần được nhắc đến trong chương ba của phần thứ hai Tài Liệu Làm Việc, từ các mối liên hệ không chính thức tới những cặp sống chung không cheo cưới tới những cặp kết hôn dân sự và sau cùng tới cuộc hôn nhân bí tích và có tính bí tíc theo Giáo Hội. Đồng hành với những người này trên những bước khác nhau về mục vụ là một trách nhiệm mục vụ lớn lao, nhưng cũng là một niềm vui.

Điều cũng đã trở nên rõ ràng đối với chúng tôi là trong nhiều cuộc thảo luận và nhận xét, chúng tôi suy nghĩ một cách quá tĩnh, không đủ tính lịch sử và đời người (biographically-historically). Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân đã theo lịch sử mà phát triển và được thâm hậu hóa. Khởi đầu, nó tìm cách nhân bản hóa hôn nhân, nhờ thế mà có xác tín về đơn hôn. Dưới ánh sáng đức tin Kitô Giáo, phẩm giá bản thân của các người phối ngẫu được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn và hình ảnh Thiên Chúa nơi con người được nhận thức qua mối tương quan đàn ông đàn bà. Bước tiếp theo, một Giáo Hội học về hôn nhân đã được đào sâu, và hôn nhân được hiểu như một Giáo Hội tại gia.
Cuối cùng, bản chất bí tích của hôn nhân được Giáo Hội hoàn toàn ý thức. Ngày nay, con đường thâm hậu hóa có tính lịch sử này cũng đang được phản ảnh trong tiểu sử nhiều con người. Thoạt đầu, họ được đánh động bởi chiều kích nhân bản của hôn nhân, sau đó, họ được thuyết phục bởi viễn kiến Kitô Giáo về hôn nhân trong đời sống Giáo Hội, và từ đó, họ tìm ra đường cử hành hôn nhân bí tích. Việc phát triển có tính lịch sử của giáo huấn Giáo Hội cần tới thời gian như thế nào, thì phương thức mục vụ cũng phải dành thời gian cho người ta chín mùi trên đường tiến tới cuộc hôn nhân bí tích của họ như thế, chứ không thể hành động theo nguyên tắc “tất cả hay không gì cả”.

Chính ở đây, người ta thấy ý niệm về một “diễn trình năng động” (FC số 9) đang khai triển phải được thăng tiến, một ý niệm từng được Đức Gioan Phaolô II trình bầy trong Familiaris consortio: “Quan tâm mục vụ của Giáo Hội sẽ không chỉ tự giới hạn vào các gia đình Kitô hữu hiện nay; nó sẽ kéo dài tới tận chân trời của nó, phù hợp với Trái Tim Chúa Giêsu, và sẽ tự chứng tỏ là sống động hơn nữa đối với các gia đình nói chung và cách riêng đối với các gia đình đang rơi vào các tình huống khó khăn hay bất hợp lệ” (FC số 65). Giáo Hội không tránh khỏi thấy mình rơi vào một căng thẳng ở đây, giữa một đàng là giáo huấn nhất thiết rõ ràng về hôn nhân và gia đình, và đàng kia là trách nhiệm mục vụ cụ thể phải đồng hành với người ta và thuyết phục họ, khi lối sống của họ chỉ một phần phù hợp với các nguyên tắc căn bản của Giáo Hội. Với họ, Giáo Hội phải bước theo con đường dẫn tới một cuộc sống hôn nhân và gia đình viên mãn như là tin mừng các lời hứa gia đình.

Để đạt được điều trên, ta cần phải có một nền chăm sóc mục vụ nhắm vào con người, và bao gồm như nhau tính qui phạm của giáo huấn Giáo Hội và tính nhân vị của con người nhân bản, lưu ý tới khả năng của con người có thể đào tạo được lương tâm và củng cố trách nhiệm của mình. “Vì, trong trái tim họ, con người có một luật lệ được Thiên Chúa viết sẵn ở đó; vâng phục luật lệ này chính là phẩm giá của họ; họ sẽ được phán xét theo đó. Lương tâm là cốt lõi bí nhiệm nhất và là cung thánh của con người. Ở đó, họ một mình với Thiên Chúa; tiếng Người vang vọng tận thẳm sâu nhất của họ” (GS số 16).

Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu bản cuối cùng của văn kiện này nên xem xét hai khía cạnh:

Không nên có bất cứ ấn tượng nào rằng Thánh Kinh chỉ được dùng như một nguồn trích dẫn cho các xác tín thuộc tín điều, luật lệ hay đạo đức học mà thôi. Lề luật của Tân Ước là công trình của Chúa Thánh Thần nơi trái tim tín hữu (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, các số 1965-1966). Lời viết phải được tích nhập vào Lời Hằng Sống vốn ngự cư nơi Chúa Thánh Thần trong trái tim con người. Điều này đem lại cho Thánh Kinh một sức mạnh thiêng liêng sâu rộng.

Sau cùng, chúng tôi vật lộn với ý niệm hôn nhân tự nhiên. Trong lịch sử nhân loại, hôn nhân tự nhiên này luôn được văn hóa lên khuôn. Ý niệm hôn nhân tự nhiên có thể bao hàm điều này: có một hình thức sống tự nhiên cho nhân loại mà không cần bất cứ ảnh hưởng sâu rộng nào của văn hóa. Do đó, chúng tôi đề nghị nên viết thế này: “hôn nhân, như được đặt căn bản trên Tạo Dựng”.
 
Đức Tổng Giám Mục Cupich và vấn đề lương tâm
Vũ Văn An
22:10 21/10/2015
Báo chí mấy ngày gần đây bàn tán xôn xao về “ngôi sao đang lên” của phe cấp tiến trong Giáo Hội Hoa Kỳ và tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình, nhân lời tuyên bố về lương tâm của vị này là Đức Tổng Giám Mục Blasé Cupich. Tờ Chicago Tribune cho chạy hàng tít lớn: “Cupich xuất hiện như tiếng nói mạnh tại Thượng Hội Đồng”.

Số là ngày 16 tháng Mười vừa qua, trong một cuộc họp báo, không phải của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mà của riêng ngài tại một căn phòng cạnh Phòng Báo Chí, Đức Tổng Giám Mục Cupich, người dự khuyết trong danh sách đại biểu dự Thượng Hội Đồng của Giáo Hội Hoa Kỳ nhưng sau đó, được chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời làm đại biểu chính thức, đã cho hay: Thượng Hội Đồng nên cho phép có sự linh động mục vụ về hai vấn đề nóng bỏng đang được thảo luận là cho người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ dù cuộc hôn nhân trước của họ không được tuyên bố vô hiệu, và tìm phương cách để có thái độ chào đón hơn đối với người đồng tính.

Sở dĩ chủ trương như trên, là vì Đức Tổng Giám Mục Cupich nhấn mnạh tới tính tối thượng của lương tâm cá nhân khi quyết định có nên rước lễ hay không.

Ngài cho hay: ngài thường đi thăm những người bị hất hủi ở Chicago, trong đó có người ly dị và tái hôn cũng như người đồng tính. Ngài bảo: “chúng ta phải tìm cách biết cuộc sống họ ra sao nếu ta muốn đồng hành với họ. Tôi luôn cố gắng giúp người ta theo chiều hướng này. Và rồi người ta tiến tới một quyết định với một lương tâm tốt thì việc của chúng ta cùng với Giáo Hội là giúp họ tiến tới và tôn trọng điều đó. Lương tâm là điều bất khả vi phạm. Và ta phải tôn trọng khi họ đưa ra các quyết định, tôi luôn luôn làm điều này”.

“Vai trò mục tử của tôi là giúp họ biện phân đâu là vai trò của Thiên Chúa bằng cách nhìn vào giáo huấn luân lý khách quan của Giáo Hội nhưng đồng thời giúp họ qua một thời kỳ biện phân để hiểu Thiên Chúa kêu gọi họ tới đâu vào lúc này”.

Nếu chỉ nói tới lương tâm mà thôi thì dường như Đức Tổng Giám Mục Cupich không nói điều gì đáng làm ta ngỡ ngàng cả, bởi vì ngài nói tới “một lương tâm tốt”, mà đã là một lương tâm tốt thì chắc chắn lương tâm này vốn đã được huấn luyện, hay như trong trường hợp này, “đã được giúp qua một thời kỳ biện phân” dựa trên “giáo huấn luân lý khách quan của Giáo Hội”.

Nhưng khi Đức Tổng Giám Mục liên kết quyết định “lương tâm” này với việc tự ý lên rước lễ của những người ly dị tái hôn dù cuộc hôn nhân trước của họ không được tuyên bố vô hiệu, thì khó có thể nói đây là một lương tâm tốt được.

Nhân cơ hội này, tưởng nên đọc lại Chân Phúc Hồng Y John Henry Newman, người vốn được coi là một trong các vị cha già trí thức của Vatican II, nói về lương tâm trong tác phẩm cổ điển Thư Gửi Quận Công Norfolk Nhân Bài Phê Bình Nhận Xét Gần Đây Của Ông Gladstone.

“Lương tâm không phải là lòng vị kỷ nhìn xa, cũng không phải ước muốn nhất quán với chính mình; nhưng là một sứ giả của Đấng, cả trong tự nhiên lẫn trong ơn thánh, nói với chúng ta đàng sau một tấm màn, và dạy cũng như thống trị ta bằng các vị đại diện của Người. Lương tâm là vị Đại Diện thổ địa của Chúa Kitô, một vị tiên tri trong các hiểu biết của nó, một quân vương trong các quyết đoán của nó, một linh mục trong các chúc phúc và chúc dữ của nó, và cho dù chức linh mục đời đời trên khắp thế giới có kết thúc, thì tự bên trong nó, nguyên lý linh mục vẫn còn và vẫn thống trị…”.

Sau đó, Chân Phúc so sánh cái hiểu Công Giáo trên về lương tâm với cái hiểu thế tục của thời ngài, và cũng là của thời ta, coi lương tâm như “một sáng tạo của con người cách này hay cách khác”. Ngài viết:

“Lương tâm là một người giám sát nghiêm nghị, nhưng ở thế kỷ này nó đã bị thay thế bằng một đồ giả hiệu, mà thế kỷ 18 trước nó chưa bao giờ nghe thấy... Nó là quyền của ý chí bản thân… quyền được suy nghĩ, nói năng, viết lách và hành động tùy theo phán đoán của mình hay tính khí của mình, không cần nghĩ gì tới Thiên Chúa… [đến nỗi nó chính là] quyền và tự do của lương tâm vứt bỏ lương tâm”.

Đức Hồng Y Newman cũng thảo luận điều ta có thể gọi là các cơn cám dỗ của lương tâm:

“[Lương tâm là] thầy dậy cao nhất, nhưng lại ít sáng suống nhất… [vì] cảm thức đúng sai, vốn là yếu tố đầu tiên trong tôn giáo, là điều… hết sức dễ bị lúng túng, làm cho lu mờ, đồi bại… quá lệch lạc vì kiêu căng và đam mê, quá loạng choạng trong đường đi của nó”.

Lương tâm ấy, trong thập niên 1960 và sau đó thường được các nhà thần học cấp tiến dùng để biện minh cho việc họ bất đồng với giáo huấn Giáo Hội. Không kể nó bị sử dụng sai bởi những người trích dẫn tuyên ngôn Dignitatis Humanae của Vatican II nói về vấn đề tự do tôn giáo, “lương tâm” cũng còn được dùng để hợp lý hóa việc ngừa thai, trái với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo trong Humanae Vitae.

Hội Đồng Giám Mục Gia Nã Đại, chẳng hạn, đã nại tới “lương tâm” trong Tuyên Bố Winnipeg năm 1968 của họ để chính thức bất đồng với Humanae Vitae. Đoạn 26 của bản Tuyên Bố nói về các cặp vợ chồng quyết định ngừa thai rằng “bất cứ ai trung thực chọn con đường xem ra đúng đắn này là làm thế với một lương tâm tốt”.

Có người cho hay Đức Tổng Giám Mục Cupich có một lịch sử sẵn sàng ban Thánh Thể cho những người không hiệp thông với Giáo Hội. Tháng 11 năm 2014, khi được chương trình Face The Nation của Đài CBS hỏi liệu ngài có cho các chính trị gia phò phá thai rước lễ hay không, ngài đã trả lời: “tôi sẽ không dùng Phép Thánh Thể hay, như ông nói, bàn rước lễ làm nơi cho các cuộc thảo luận này hay làm cách để người ta bị… loại ra ngoài đời sống Giáo Hội”, dù điều này mâu thuẫn với Điều 915 của Bộ Giáo Luật là điều nói rằng những ai “ương ngạnh trì chí trong tội nặng tỏ tường không được phép rước lễ”!

Và khi được hỏi về việc cho thống đốc Illinois, một người Thệ Phản, rước lễ, ngài cho hay “khi một người tự mình lên rước lễ, thừa tác viên Thánh Thể đều giả thiết là người này có thể được rước lễ”.

Sự thật và lương tâm

Cũng được hỏi về lương tâm bản thân, Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., của Philadelphia, đã có câu trả lời khác hẳn.

Ngày 15 tháng Mười, 2015, ngài được tờ Famille Chrétienne phỏng vấn. Tờ này hỏi rằng: "một số người nghĩ Giáo Hội nên để chỗ rộng hơn cho lương tâm bản thân. Việc này sẽ giúp các tín hữu vượt qua được 'các trở ngại', người ta nói thế, mà Giáo Hội đã tạo ra cho họ về vấn đề kiểm soát sinh đẻ hay các bí tích (Hòa Giải và Thánh Thể) đối với các cặp ly dị và tái hôn. Đức Hồng Y có ý kiến gì?"

Đức Tổng Giám Mục Chaput trả lời: “mỗi người chúng ta có nhiệm vụ phải theo lương tâm của mình. Nhưng lương tâm không hiện hữu trong khoảng không, và nó không phải chỉ là chuyện ý kiến hay ý thích bản thân. Giáo Hội không phải là một sự góp nhặt các cá nhân tự lập. Chúng ta là một cộng đồng, một gia đình, được tổ chức quanh con người Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Chúng ta có nghĩa vụ phải huấn luyện lương tâm mình trong sự thật. Điều này có nghĩa ta cần để mình được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan và giáo huấn của Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập.

"Nếu lương tâm tôi bất đồng với sự hướng dẫn của Giáo Hội về các vấn đề có thực chất luân lý, thì đây không hẳn là Giáo Hội sai. Con người nhân bản, nghĩa là tất cả chúng ta, đều rất khôn khéo trong việc bào chữa cho những điều ta muốn làm, bất luận điều đó có tội hay không”.

Trong một bài chia sẻ với tổng giáo phận Philadelphia của ngài, Đức Tổng Giám Mục Chaput nói thêm rằng các vị tử đạo Anh Quốc thời Henry VIII và Elizabeth I đã không hiến mạng sống mình để bảo vệ “lương tâm bản thân”. Ý niệm này xa lạ đối với họ. Họ chết vì họ hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo dạy sự thật, và họ không thể từ bỏ Giáo Hội hay sự thật do Giáo Hội dạy mà không hủy diệt sự chính trực của mình.

Vấn đề đối với họ là sự thật, chứ không phải ý muốn bản thân, sự thật của Thiên Chúa, một sự thật trói buộc và giải thoát mọi người, ở mọi nơi; chứ không phải ý niệm hiện đại về cái hiểu bản thân, tự tạo cho mình ấn bản riêng về đúng sai.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng hương Trung Lao Bùi Chu đang ở miền Nam họp mặt, mừng bổn mạng
Vũ Đỗ Hoàng Tuấn
18:17 21/10/2015
ĐỒNG HƯƠNG TRUNG LAO MIỀN NAM HỌP MẶT, MỪNG BỔN MẠNG

Sáng Chúa Nhật 11.10.2015, bà con đồng hương Trung Lao miền Nam đã đến nhà thờ Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, giáo phận TP.HCM) để cùng nhau mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cảm tạ Đức Mẹ và cầu bình an cho quê hương được linh mục đồng hương Antôn Phạm Gia Thuấn - cựu hạt trưởng Hóc Môn giáo phận TP.HCM - chủ tế. Cùng đồng tế là linh mục đồng hương Gioan Baotixita Đào Quốc Chung và linh mục Giuse Nguyễn Đức Dũng. Trong thánh lễ, cộng đoàn đã cầu nguyện cho 54 linh hồn là đồng hương ở miền Bắc, miền Nam và hải ngoại đã qua đời trong năm qua.

Xem Hình

Chia sẻ sau bài Phúc Âm, linh mục Gioan Baotixita Đào Quốc Chung bày tỏ niềm vui mừng khi thấy đồng hương về họp mặt từ nhiều nơi. Theo ngài, buổi hội ngộ không chỉ có vẻ bề ngoài với đội kèn đồng, trang phục ca đoàn giới trẻ mà còn biểu lộ tâm tình đạo đức của dân làng trong thánh lễ tạ ơn. Đây cũng là dịp để những người họ tộc, hàng xóm cũ gặp gỡ nhau, trò chuyện tâm tình trong tinh thần “Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp, bao là sướng vui” từ Thánh vịnh 133.

Linh mục giảng thuyết cũng mời gọi đồng hương dành thời gian lần chuỗi Mân Côi trong tháng 10 với ước mong được Đức Mẹ ban ơn thánh hóa cho gia đình và bản thân, đồng thời cũng giúp gia tăng lòng đạo đức trong gia đình, trong khu xóm, trong đồng hương... Với tràng chuỗi Mân Côi cũng giúp mỗi người từ bỏ ý riêng, từ bỏ đam mê xấu, để có thể đón nhận Thánh ý Chúa, giúp đỡ anh chị em chung quanh, làm lợi cho gia đình, cho xã hội...

Sau thánh lễ, khoảng 500 người đã dự phần họp mặt liên hoan thân mật và xem trình diễn một số tiết mục văn nghệ do đồng hương và thân hữu thực hiện.

Suốt 59 năm qua, cứ vào đầu tháng 10, đông đảo các thành phần dân làng quy tụ về một nhà thờ ở phương Nam để nhớ về cố hương và mừng bổn mạng của giáo xứ gốc Trung Lao (thuộc giáo phận Bùi Chu, miền Bắc Việt Nam). Kèm với thư mời dự lễ và họp mặt, trong 24 năm qua, đồng hương còn gửi đến từng gia đình bản thông tin, để hiệp thông với tin tức từ quê nhà cũng như các sinh hoạt của dân làng khắp các miền. Một trang tin điện tử cũng được thực hiện để nối kết tình đồng hương xa gần.

Hướng đến 60 năm thành lập đồng hương Trung Lao miền Nam (1956 - 2016), Ban Đại diện và bà con dân làng đang chuẩn bị ra mắt bộ đĩa DVD với các sáng tác thơ, nhạc về tinh thần, nét đẹp xưa và nay của quê nhà; lên kế hoạch cho chuyến hành hương về thăm quê mẹ Trung Lao và giao lưu gặp gỡ hai miền Nam - Bắc.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
 
Văn Hóa
Thánh Ca Tin Mừng
Đinh Văn Tiến Hùng
09:28 21/10/2015
Thánh Ca Tin Mừng

“Hãy dùng những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca do Thần Khí linh hứng mà đối đáp với nhau và ca tụng Chúa hết lòng anh em. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự hãy nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.”’
( Ep.5: 19- 20 )

Trong rừng Thánh Ca, biết bao bài ca tụng Thiên Chúa và Mẹ Maria bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nào là Thánh Vịnh, Thánh Thi gồm những bài trích trong Sách Thánh Vịnh Cựu Ước hay những bài được các tu sĩ Đan Viện đọc trong các buổi kinh sáng, trưa, chiều, tối- gọi là Kinh Thần Vụ-
Những bài Thánh Ca huyền nhiệm giới thiệu sau đây lấy nguồn hứng từ Thánh Kinh- cũng gọi là Thánh Ca Tin Mừng hay Thánh Ca Phúc Âm.
Người viết không phải là nhạc sĩ nên không am tường cấu trúc và giai điệu âm nhạc, nên chỉ trình bày về nguồn gốc và ý nghĩa, một số bài Thánh Ca tiêu biểu nổi tiếng. Với mục đích để cùng nhau cảm nghiệm hiệp thông với Giáo Hội, tăng thêm niềm tin yêu cảm tạ Thiên Chúa nhân lành và mẹ Maria từ ái.
Mong thông cảm những điều thiếu sót.

*Magnificat : Hồn Tôi Tôn Vinh Chúa !
- Bài Thánh Ca cảm hứng theo câu truyện Đức Mẹ đi thăm bà Elisabeth. Sau khi nghe lời Bà chị họ chúc mừng, Mẹ Maria đã cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa :
“ Hồn tôi tôn vinh Chúa,
Và thần trí tôi vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi,
Vì Người đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ của Người.
Này từ đây, mọi đời sẽ khen tôi có phúc.
Vì Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả.
Danh Người là Thánh !
Và lòng nhân nghĩa của Người, suốt đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Người.
Người đã biểu dương sức mạnh cánh tay Người, làm cho tan tác lũ kiêu căng lòng trí.
Hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu và suy tôn những ai khiêm nhường.
Đói khó Người cho no phỉ sự lành,
Giàu sang Người xua đuổi về không.
Người đã đáp cứu Israel tôi tớ Người, bởi nhớ lại tình nhân từ Người.
Như người đã phán với tổ tiên chúng ta, hứa cho Abraham và dòng dõi cho đến muôn đời. “
( Lc.1: 46- 55 )

-Magnificat là bài ca tuyệt vời biểu hiệu biến cố lịch sử cứu độ giữa Truyền tin và Giáng trần của Chúa Giêsu. Bài ca trở thành lời cầu nguyện của Giáo Hội nơi mọi dân tộc qua mọi thời đại, là nhịp cầu nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa Israel và Hội Thánh. Và vạch trần cùng vô hiệu hóa những âm mưu thâm độc của kẻ quyền thế, giàu có, ác độc…
Bài ca cũng làm sáng tỏ chân lý về Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài
Bài Thánh Ca cho chúng ta bài học ‘khiêm nhường, đơn sơ’của Mẹ Maria khi xưng mình là
“Phận nữ tì hèn mọn” và niềm hân hoan tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi”.
Hãy nhìn vào dòng đời mỗi người chúng ta, Chúa đã làm biết bao điều cao cả, nhưng tâm hồn chúng ta khép kín không nhận ra. Xin Mẹ hãy giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận biết bao hồng ân Chúa ban xuống và cất tiếng ca tụng cảm tạ Ngài như xưa Mẹ đã ca lên lời cảm tạ tuyệt vời dâng lên Thiên Chúa trong Thánh Thi Magnificat.

‘ Lạy Mẹ yêu mến đời con,
Nương nhờ bên Mẹ con còn sợ chi.
Phúc âm đời Mẹ còn ghi,
Vâng theo ý Chúa quên đi thân mình,
Cuộc đời khiêm hạ hy sinh,
Ngợi ca Tình Chúa, tôn vinh danh Ngài. ‘

*Benedictus : Chúc Tụng Chúa !
- Khi Gioan sinh ra, thân phụ của em là Zacarya được đầy Thánh Thần dâng lời chúc tụng Thiên Chúa và nói tiên tri :
“ Chúc tụng Chúa ! Thiên Chúa của Israel,
Vì Người đã thăm viếng và cứu chuộc dân Người.
Người đã dấy lên cho ta uy cứu độ, trong nhà Đa-vít tôi tới Người.
Như Người đã phán nhờ miệng Chư Thánh, các tiên tri từ muôn thuở,
nguồn cứu độ khỏi quân thù ta, khỏi tay mọi kẻ ghét ta.
Trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên chúng ta và nhớ lại giao ước thánh của Người.
Lời nguyền đã thề với Abraham cha chúng ta,
để cho ta hết khiếp sợ, thoát tay địch thù, được thờ phượng Người trong thánh thiện và công minh, trước mặt Người và mọi ngày đời ta.
Hài Nhi con ơi ! con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao, vì con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn lối cho dân Người, để ban cho dân Người biết ơn cứu độ, bởi ơn tha thứ các tội khiên.
Nhờ lòng Thiên Chúa chúng ta, chạnh tình nhân hậu, làm cho thái dương từ cao xanh viếng
thăm ta, sáng soi những kẻ ngồi trong bóng tối sự chết và hướng chân ta thẳng đường bình an.
Còn Hài Nhi thì lớn dần, nên dũng mãnh về thần khí và trong nơi hoang tịch, cho đến ngày thụ mệnh đến với Israel “
( Lc.1 : 67- 80 )

-Bài Thánh ca Zacaria là lời tiên tri vang vọng lại Sứ điệp của các ngôn sứ trong quá khứ loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Ông cất lời ngợi khen Thiên Chúa với tâm tình hạnh phúc, vì Ngài đã ban cho nhân loại vị Tiền Hô- chính là con trẻ Gioan- công bố Sứ điệp mới : Hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban xuống cho lịch sử mới của loài người.
Lạy Chúa từ nhân ! Luôn yêu thương và trung thành với tình yêu hải hà, đã ban chính Con Một của Ngài xuống trần thế, để cứu vớt chúng con khỏi giáng phạt trong đêm tối kể từ khi nguyên tổ bất tuân lệnh truyền của Chúa.
Lạy Chúa là Vua Hòa bình ! Xin cho nhân lọai biết thành tâm thiện chí, thương yêu nhau, đừng
gây chiến tranh tàn khốc sát hại nhau, đừng vô cảm trước đau thương của tha nhân.
Lạy Chúa xin dạy con : Biết lấy ơn trả oán, lấy yêu thương trả hận thù, lấy ca tụng trả lăng nhục và lấy chúc phúc trả nguyền rủa.
Xin cho con biết ăn năn thống hối dọn tâm hồn trong sạch đón Chúa đến. Xin ban bình an trong tâm hồn chúng con, dù phải gặp bao khó khăn của đời sống thế trần.

-Ôi tình yêu Chúa cao vời,
Trước khi Ngài đến Tiền Hô mở đường,
Lại ban Từ Mẫu yêu thương,
Để con vững mạnh cậy nương tháng ngày,
Con xin dâng Chúa từ đây,
Tâm hồn xám hối tràn đầy tin yêu.

*Nunc Dimittis : Lạy Chúa Giờ Đây !
- Bài Thánh Ca lấy nguồn cảm hứng từ truyện ông Simêon, một người công chính đạo đức nhờ Thánh Thần linh báo ông sẽ được trông thấy Chúa Kitô trước khi chết. Ông lên đền thờ gặp cha mẹ bồng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ, làm theo luật dạy. Simêon ẵm lấy Chúa chúc tụng và kêu lên lời cảm tạ Thiên Chúa :
“ Giờ đây lạy Chúa, xin để tôi tớ Người về, chiếu theo lời Người trong bình an.
Bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ.
Người đã dọn sẵn trước mắt muôn dân, ánh sáng mạc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Ngài. Và Simêon chúc lành cho ông bà, rồi nói cùng Maria Mẹ Ngài : Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel và làm dấu gợi lên chống đối- còn hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu- ngõ hầu ý nghĩa của nhiều tâm hồn phải bày ra. “
( Lc.2 : 29- 35 )

-Bằng đời sống cầu nguyện, khiêm nhường, trung tín, tôn thờ và trông đợi Chúa đến. Simeon
đã được toại nguyện nhìn thấy Chúa trước khi chết. Bồng Hài Nhi trên tay, ông nhận ra Đấng Cứu Thế và mừng rỡ để sẵn sàng ra đi bình an. Lời chúc tụng ao ước của ông trở thành bài ca tuyệt diệu của Hội Thánh.
Simêon cũng nêu lên thái độ và hành động của con người đối với Thiên Chúa : không có trung lập, một là tuân phục hay chống đối Ngài, khi nói cùng Mẹ Maria : “…Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel và làm dấu gợi lên chống đối..”
Còn về Đức Mẹ đã hiểu lời ông và chấp nhận khổ đau cùng với Con yêu dấu ngay từ lúc đáp lời
‘Xin Vâng’ khi Thiên Sứ Truyền Tin.
Nếu Thánh Ca Benedictus diễn tả ‘ Vầng đông từ chốn trời cao viếng thăm dân Người ’ thì Thánh Ca Nunc Dimittis biểu tỏ ‘ Ánh sáng soi đường cho nhân loại ‘
Xin mượn lời bài ‘ Giờ đây xin để ‘ của Linh mục nhạc sĩ Kim Long tóm kết ý nghĩa bài ca Nunc
Dimittis :
“ Thân lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
Xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
Là vinh quang của Israel dân Ngài.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
Từ muôn đời và chính hiện nay luôn mãi đến thiên thu vạn đại- Amen. “


*Stabat Mater : Mẹ Dưới Chân Thánh Giá.
- “ Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Mẹ Ngài và người chị em của Mẹ, Maria vợ của Klopa và Maria người Magdala. Vậy Đức Giê-su thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : Hỡi Bà, này là con Bà! Đoạn lại nói với môn đồ: Này là Mẹ con! Và từ đó môn đồ đã lãnh lấy Bà về nhà mình. “
( Yn.19 : 25- 27 )

- Bài ‘Mẹ Dưới Chân Thánh Giá’ cũng gọi là ‘Mẹ Sầu Bi’, diễn tả đau thương của Mẹ trong suốt 33 năm cuộc đời Chúa Giê-su từ lúc Chúa sinh ra cho tới khi Chúa chết, nổi bật qua tiến trình 7 sự thương khó của Mẹ :
1)-Lời tiên tri của Simêon.
2)-Đem Chúa trốn sang Ai-Cập.
3)-Lạc mất Chúa ba ngày.
4)-Theo chân Chúa trên đường lên đồi Can-ve.
5)-Chúa bị đóng đinh và chết trên thập giá.
6)-Tháo xác Chúa xuống.
7)-Táng xác Chúa trong mồ.
Xúc cảm cùng đau thương với Mẹ Maria, tu sĩ dòng Phanxicô là Giacopone da Todi đã sáng tác nhạc phẩm Stabat Mater được chính thức hát trong Lễ Mẹ Sầu Bi ngày 15/9 hàng năm sau Lễ Suy tôn Thánh Giá 14/9. Và danh họa Michelangelo đã điêu khắc pho tượng Pieta nổi
tiếng hiện đặt tại Đại Giáo đường Thánh Phêrô La-Mã.
Một đoạn trong Thánh thi Stabat Mater diễn tả rất xúc động khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá:

“ Mẹ Sầu bi tầm tã giọt châu,
Đang đứng bên cây thập giá,
Nơi Con Người đã bị treo lên.
Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua,
Tâm hồn Bà đang rên xiết,
Đang sầu khổ và đớn đau…
Ai là người không tuôn châu lệ,
Khi nhìn thấy Mẹ Chúa Ki-tô,
trong cảnh cực hình như thế ?
Ai có thể không buồn bã nhìn xem,
Mẹ Chúa Ki-tô đang đau khổ cùng với con Người ?

Lạy Mẹ mến yêu, con muốn chia đau đớn của Chúa, để cùng khóc thương với Mẹ.
Bao lâu còn sống trên trần thế, con ao ước đứng dưới chân Thánh Giá , để nhờ Mẹ khóc thay cho tội lỗi con, khiến cho Chúa phải chịu cực hình.
Vì con hiểu rằng : đau khổ là giá cần thiết để mua sắm vinh quang đời đời.
Con sung sướng và cảm tạ tình Chúa thương con vô bờ, trước khi giã từ trần thế đã ban cho con một Người Mẹ quyền uy và từ ái để bênh vực an ủi con trong cuộc sống khổ ải thế trần.

“Ôi lạy Mẹ là niềm mến yêu,
Xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
Xin cho con cháy lửa mến yêu,
Để cho con có thể làm đẹp ý Người. “
( Trích Thánh thi Stabat Mater )

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Cúc Mùa Thu
Thérésa Nguyễn
21:07 21/10/2015
HOA CÚC MÙA THU
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Bây giờ là tháng mười
Sao anh không là rượu
Em là hoa cúc vàng
Cho anh Hoàng Hoa Tửu..
(Trích thơ của Trần Mộng Tú)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 15 – 21/10/2015: Câu chuyện cặp vợ chồng đầu tiên cùng được tuyên thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:10 21/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thói đạo đức giả là một loại vi khuẩn ẩn núp trong bóng tối chúng ta chỉ có thể chiến thắng bằng lời cầu nguyện

“Chúng ta cần phải cầu nguyện liên lỉ để đừng bị lây nhiễm những ‘vi khuẩn’ giả hình. Thói đạo đức giả ấy mê hoặc người khác với những lời dối trá luôn ẩn núp trong bóng tối.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha mô tả lại bối cảnh trong bài Tin Mừng theo thánh Luca: “Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở giữa một đám đông có đến hàng vạn người, đông đến nỗi họ giẫm lên nhau. Và Đức Giêsu bắt đầu cảnh giác các môn đệ bằng những lời rất thẳng thắn: ‘Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu.’ Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Men là một thứ rất nhỏ bé. Nhưng với Đức Giêsu, men Pha-ri-sêu giống như ‘vi khuẩn’. Và như một vị lương y, Đức Giêsu đã khuyên nhủ những cộng sự viên của Ngài là các môn đệ cần phải cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm thứ vi khuẩn đó. Thói đạo đức giả không hề có màu sắc rõ rệt để nhận biết, nhưng cứ thích chơi đùa theo kiểu lấp lửng, nửa thật nửa giả. Kẻ giả hình thường luồn lách và dụ dỗ người khác trong trạng thái ‘tranh tối tranh sáng’ không rõ ràng, với ‘sự quyến rũ của những lời dối trá’.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Giả hình cũng là một cách sống, một cách hành xử và một cách để nói những điều không rõ ràng. Cứ nửa đùa, nửa thật… Không sáng, cũng chẳng tối. Cách thức hành động của người giả hình dường như chẳng đe họa hay gây thiệt hại gì đến ai, giống như con rắn trườn bò, luồn lách. Nhưng anh ta lại có cái vẻ đẹp quyến rũ của cái trạng thái nửa sáng nửa tối, của những thứ không rõ ràng, của nhưng lời nói không minh bạch; và nhất là sự mê hoặc của những lời đường mật dối trá hay của dáng mạo bề ngoài. Đối với những người Pha-ri-sêu giả hình, tâm hồn họ bị lấp đầy bởi lòng tự kiêu và sự hư danh. Họ thích đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ làm tất cả những điều ấy vì muốn chứng tỏ họ là người quan trọng và có học thức.

Đứng trước thứ men giả hình, Đức Giêsu khích lệ dân chúng: ‘Anh em đừng sợ vì không có gì che giấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.’ Từ đó, Đức Thánh Cha nói: “Men Pha-ri-sêu như một thứ vi khuẩn khiến anh chị em bị nhiễm bệnh và dẫn đến cái chết. Hãy cẩn thận! Thứ men này sẽ đẩy anh chị em vào bóng tối. Hãy cẩn thận. Nhưng có một Đấng còn mạnh hơn chất men này. Đó chính là Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. ‘Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.’ Như vậy, trước tất cả những nỗi sợ hãi mà chúng ta phải đối diện ở khắp mọi nơi hay nỗi sợ trước sự lây nhiễm của men Pha-ri-sêu, Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng: Có Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta và hết lòng quan tâm chăm sóc chúng ta.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói: “Chỉ có một cách để tránh không bị lây nhiễm. Cách thức mà Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta: Hãy cầu nguyện. Đó là giải pháp duy nhất để không rơi vào thói đạo đức giả. Nếu không cầu nguyện, chúng ta mãi chơi vơi giữa cuộc hành trình và chẳng bao giờ tiến tới được ánh sáng của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha dâng một lời nguyện để kết thúc bài giảng: “Lạy Chúa Giêsu xin bảo vệ Hội Thánh Chúa, một Hội Thánh đang ôm ấp tất cả chúng con trong mình. Xin canh giữ đoàn dân Chúa, những người đang tụ họp bên Chúa ‘như muốn giẫm lên nhau vì đông đúc’.

Xin bảo vệ đoàn dân Chúa, bởi vì Chúa yêu thích sự sáng và sự sáng lại đến từ Chúa Cha; và từ Cha mà Chúa đã đến để cứu chuộc chúng con. Xin che chở dân Chúa để họ đừng trở nên những kẻ giả hình, để họ đừng rơi vào một kiểu sống lãnh đạm, dửng dưng. Xin chăm sóc đoàn dân Chúa vì họ là những người đang vui mừng khôn tả khi nhận biết rằng có một Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương họ vô cùng”

2. Không ai có thể kiểm soát ơn cứu độ, vì tình yêu của Thiên Chúa được ban tặng cách nhưng không

“Hãy cảnh giác trước những thàu thông luật vì họ đang thu hẹp chân trời ân sủng và tình yêu thương hải hà của Thiên Chúa. Họ chỉ tập trung đến giới luật mà lãng quên tình mến, và muốn trở thành những người kiểm soát ơn sủng.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Khởi đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Một trong những điều khó hiểu đối với tất cả những người Kitô hữu chúng ta là chúng ta được ban tặng hồng ân cứu độ cách nhưng không nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính những người trong thời đại của thánh Phao-lô cũng cảm thấy khó khăn để hiểu giáo lý này: ‘Ân huệ của Thiên Chúa được ban cách nhưng không’. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Vì yêu thương, Ngài đã đến thế gian để cứu chuộc và đã chết vì chúng ta. Ta đã nghe những điều ấy rất nhiều lần đến nỗi cảm thấy quen thuộc. Nhưng khi chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm ‘Thiên Chúa tình yêu không ranh giới’, chúng ta sẽ cảm thấy kinh ngạc và thậm chí là không thể hiểu nổi.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Chúng ta bắt buộc phải thực thi những điều mà Đức Giêsu chỉ dạy là đúng đắn và nên làm. Nhưng sự đáp trả của chúng ta trước hồng ân cứu độ lại là một hành động tự do, vì hồng ân ấy xuất phát từ tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói: “Đức Giêsu tỏ ra gay gắt với những thày thông luật, vì Ngài đã nói với họ những lời rất mạnh và cứng rắn: ‘Khốn cho các ngươi hỡi những thày thông luật! Các ngươi đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản.’ Chìa khóa ấy chính là chìa khóa của ân sủng, của sự hiểu biết.

Những thày thông luật nghĩ rằng chỉ cần tuân giữ tất cả những giới răn là có thể đảm bảo cho ơn cứu độ. Nhưng chính những vị ấy lại không thực thi những gì giới luật đòi buộc. Vì quá tập trung vào giới răn, nên những thày thông luật đã thu hẹp khung trời ân thiêng và làm cho tình yêu của Thiên Chúa hóa ra nhỏ bé, tầm trường trước con mắt phàm nhân. Thu hẹp hay kiểm soát ân sủng chính là một thách đố mà cả Đức Giêsu và thánh Phao-lô đã cố gắng hết sức để loại bỏ.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đúng là chúng ta có những giới luật phải giữ nhưng tất cả những giới luật ấy chỉ tóm thành một điều là ‘mến Chúa và yêu người’. Chính giới luật duy nhất này đưa ta đến cao điểm của một thứ ân sủng được trao ban cách nhưng không, vì chính đặc tính của tình yêu là vô vị lợi. Thật vậy, nếu tôi nói tôi yêu bạn, nhưng đằng sau lời nói đó lại ẩn chứa một suy tính vị lợi, chắc chắn đó không phải là tình yêu nhưng chỉ là một mưu toan ích kỷ mà thôi.

Do đó, đối với Đức Giêsu, giới luật cao trọng hơn hết phải là: ‘Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và phải yêu người thân cận như chính mình’. Đây chính là giới luật duy nhất và giới luật ấy đã diễn tả được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Trong giới luật này, rõ ràng là có những người thân cận. Bởi thế, ta phải làm những điều tốt lành cho những người thân cận ấy. Nhưng nguồn gốc của những gì ta làm chính là tình yêu, là khung trời tình mến. Nếu một người muốn đóng kín cửa và cất dấu đi chiếc chìa khóa tình yêu, người ấy sẽ chẳng bao giờ tiến tới được cao điểm của hồng ân cứu độ đã được ban tặng cách nhưng không. ‘Đóng kín cửa và cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết’ chính là thách đố muốn kiểm soát ân sủng. Đức Giêsu và thánh Phao-lô đã kịch liệt phê phán thái độ này.”

Đức Thánh Cha nói thêm: “Năm nay chúng ta sẽ kỉ niệm 500 năm sinh nhật của của thánh Tê-rê-sa Avila, vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Mẹ là một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm thần bí và đã được Thiên Chúa ban tặng ơn thấu hiểu những cung bậc tình yêu. Nhưng ngay trong thời đại của mẹ, mẹ cũng đã bị những tiến sĩ hay những thày thông luật phán xử về tình yêu ấy. Và quả thật, đã có rất nhiều vị thánh bị bách hại khi cố gắng bảo vệ là làm chứng cho tình yêu, một tình yêu nhưng không vô vị lợi. Chúng ta cũng có thể nói rằng: Tất cả các thánh đều bị phán xử như thế. Và một cách đặc biệt, chúng ta nhớ đến thánh Jeanne D’Arc của nước Pháp.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thách đố muốn kiểm soát ân sủng chưa kết thúc, và nó vẫn đang diễn ra bên trong mỗi người chúng ta. Bởi thế, ngày hôm nay, thật là thích đáng nếu chúng ta tự tra vấn mình rằng: Tôi có tin Thiên Chúa cứu chuộc tôi bằng một tình yêu vô vị lợi không? Tôi có nghĩ rằng tôi chẳng hề xứng đáng với hồng ân cứu chuộc ấy không? Và tôi có nghĩ rằng giả như có điều gì xứng đáng thì cũng là nhờ Đức Giêsu Kitô và tất cả những gì Ngài đã làm cho tôi?”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta hãy xác tín vào tình yêu xót thương của Thiên Chúa. Tình yêu ấy giống như tình yêu của một người bố, người mẹ dành cho con cái; vì chính Thiên Chúa đã nói rằng Ngài thương yêu chúng ta bằng một tình yêu phụ tử. Đó là một tình yêu với khung trời bao la rộng mở, không hề có giới hạn, không hề có biên giới chia cắt. Chúng ta đừng để những thày thông luật che mắt dối lừa, vì họ là những người muốn thu hẹp tình yêu của Thiên Chúa”

3. Câu chuyện cặp vợ chồng đầu tiên cùng được tuyên thánh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tuần cuối cùng của Thượng Hội Đồng về gia đình được đánh dấu bởi một sự kiện rất có ý nghĩa. Đó là lễ tuyên thánh cho một đôi vợ chồng. Đôi vợ chồng ấy không ai khác hơn là cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các nhà truyền giáo và là tiến sĩ Hội Thánh.

Cả hai ông bà Louis và Zélie Martin đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên phong Chân Phước cách đây 7 năm vào ngày 19 tháng 10 năm 2008. Giờ đây 2 ông bà là đôi vợ chồng đầu tiên cùng được tuyên thánh trong cùng một buổi lễ.

Quý vị và anh chị em đang chứng kiến Đức Thánh Cha Phanxicô đọc công thức tuyên thánh cho cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Phép lạ dẫn đến việc tuyên thánh thánh cho hai ông bà Martin là việc chữa lành không thể giải thích được về mặt y khoa cho một bé gái người Tây Ban Nha tên là Carmen vào năm 2008.

Bé gái này sinh non sau thời gian thai kỳ khó khăn. Cháu đau đớn vì nhiều bệnh tật, bắt đầu là căn bệnh xuất huyết não rất nặng, và các bác sĩ đã tuyên bố hoàn toàn bó tay vì các loại thuốc đã không còn tác dụng. Trong tình cảnh ngặt nghèo ấy gia đình cháu đã chạy đến cầu khẩn cùng song thân Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Sơ Maria Giêsu Cremadesc, một nữ tu phụ trách gác cửa tu viện Portress ở Valencia, Tây Ban Nha cho biết câu chuyện diễn ra vào ngày 19 tháng 10 năm 2008 như sau:

“Nghe tiếng chuông ở ngoài cổng vang lên, tôi ra để trả lời. Tôi nghe thấy một giọng nói trong đau đớn bảo tôi rằng: ‘Sơ ơi, con đến để cầu nguyện cho con gái của con’”

Rồi họ đề nghị sơ cùng van xin lời chuyển cầu của đôi vợ chồng mới được phong chân phước cùng ngày. Trong khi họ cầu nguyện, cháu bé hồi phục dần và cuối cùng khoẻ mạnh hoàn toàn trước sự kinh ngạc của các bác sĩ và y tá. Không thể có bất kỳ lời giải thích nào từ góc độ y khoa. Carmen hiện nay đã được 7 tuổi.

Thêm vào câu chuyện này còn có 18 bằng chứng khác trong tiến trình xét tuyên thánh cho hai ông bà.

4. Lời hứa với các trẻ em.

Trong bài huấn dụ hôm thứ Tư 14 thámg 10, Đức Thánh Cha đã nói về đề tài: “Lời hứa với các trẻ em.” Đây là bài thứ 29 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay chúng ta suy tư về một đề tài rất quan trọng: những lời chúng ta hứa với các trẻ em. Tôi không nói về những lời hứa mà thỉnh thoảng trong ngày chúng ta nói với các trẻ em, để làm cho các em hài lòng hoặc làm cho các em ở yên - có khi với vài mưu kế vô tội-, để các em dấn thân chăm chỉ học hành hoặc để ngăn cản các em đừng làm điều gì đó. Tôi nói về những lời hứa quan trọng hơn, có tính chất quyết định đối với những mong đợi của các em đối với cuộc sống, niềm tín nhiệm của các em đối với con người, đối với khả năng của các em ý thức về danh Thiên Chúa như một phúc lành.

“Người lớn chúng ta sẵn sàng nói về các em như một lời hứa, một triển vọng của cuộc sống. Và chúng ta cũng dễ cảm động, khi bảo các trẻ em là tương lai của chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi, nhiều khi chúng ta có nghiêm túc như vậy đối với tương lai các em hay không! Một cầu hỏi mà chúng ta thường phải đặt ra cho mình là: “chúng ta thành thực thế nào đối với những lời chúng ta hứa với các trẻ em, làm cho các em đi vào thế giới của chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Tiếp đón và săn sóc, gần gũi và quan tâm, tin tưởng và hy vọng, đó là những lời hứa căn bản, có thể được tóm trong một lời hứa duy nhất, đó là thương yêu. Đây là cách thức tốt nhất để đón nhận một con người sinh ra trong trần thế và tất cả chúng ta đều học điều đó, trước khi ý thức về điều ấy. Đó là một lời hứa mà người nam và người nữ hứa với mỗi người con: ngay từ khi người con được thụ thai trong tư tướng. Các trẻ em đến trần thế và mong đợi có sự khẳng định lời hứa này: các em mong đợi điều ấy một cách hoàn toàn, tín thác và tin tưởng trọn vẹn. Chỉ cần nhìn các em: trong mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống! Khi xảy ra điều trái ngược, thì các em bị thương tổn vì một “gương mù” không thể chịu đựng được; tình trạng ấy càng trầm trọng hơn, xét vì các em không có phương tiện để hiểu rõ gương mù ấy. Thiên Chúa giám sát lời hứa ấy ngay từ lúc đầu tiên. Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu nói gì không? Các thiên thần của các em phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ quên nhìn các em (Xc Mt 18,10). Khốn cho những kẻ phản bội lòng tín nhiệm của các em, khốn cho những kẻ ấy! Lòng tín thác tin tưởng của các em nơi lời hứa của chúng ta, đòi chúng ta phải dấn thân ngay từ lúc đầu tiên, niềm tín thác ấy xét xử chúng ta.

“Tôi muốn thêm một điều khác nữa, với lòng tôn trọng tất cả mọi người, nhưng cũng rất thẳng thắn. Không bao giờ được làm thương tổn lòng tín thác tự nhiên của các em nơi Thiên Chúa, nhất là khi điều ấy xảy ra vì một sự tự mãn nào đó, hơn kém ý thức, muốn thay thế Chúa. Tương quan dịu dàng và huyền nhiệm của Thiên Chúa với tâm hồn các trẻ em không bao giờ được vi phạm. Trẻ em sẵn sàng ngay từ lúc mới sinh để cảm thấy được Thiên Chúa yêu mến. Vừa khi có khả năng cảm thấy mình được yêu thương vì chính mình, thì một người con cũng cảm thấy rằng có một Thiên Chúa yêu thương các trẻ em.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

“Vừa mới sinh ra, các trẻ em đã bắt đầu nhận được như hồng ân, cùng với sự nuôi dưỡng chăm sóc, sự xác nhận chất lượng tinh thần của tình thương. Những cử chỉ yêu thương diễn ra qua sự đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những ý hướng qua cái nhìn, những nụ cười rạng ngời. Qua đó, các em học thấy vẻ đẹp của tình người chiếu vào tâm hồn chúng ta, tìm tự do, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng tha nhân như người đối thoại. Một phép lạ thứ hai một lời hứa thứ hai: ba má là cha mẹ, hiến thân cho con, để ban con cho chính con! Và đó là tình yêu, đưa lại một tia sáng tình thương của Thiên Chúa!

“Chỉ khi nào chúng ta nhìn các trẻ em với đôi mắt của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự hiểu rằng khi bảo vệ gia đình, tức là chúng ta bảo vệ nhân loại! Quan điểm của các trẻ em là quan điểm của Con Thiên Chúa. Chính Giáo Hội, trong phép rửa tội, dành cho các em những lời hứa long trọng, qua đó Giáo Hội yêu cầu sự dấn thân của cha mẹ và cộng đoàn Kitô.

Xin Mẹ thánh thiện của Chúa Giêsu - qua đó Con Thiên Chúa đến với chúng ta, được yêu thương và sinh ra như một hài nhi, - làm cho Giáo Hội có khả năng tiến bước trên con đường mẫu tử và đức tin của Mẹ. Và xin Thánh Giuse - là một người công chính, đã đón nhận và bảo vệ Chúa, cản đảm tôn trọng phúc lành và lời hứa của Thiên Chúa - làm cho chúng ta đáng được đón nhận Chúa Giêsu nơi mỗi hài như mà Thiên Chúa gửi tới trái đất này.

5. Đừng biến tôn giáo thành một thứ công ty bảo hiểm

“Tham lam là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng. Nó làm suy giảm khả năng chia sẻ và trao ban của con người với tha nhân. Đức Giêsu không kết án sự giàu có nhưng ngài mạnh mẽ phâ phán tâm lý bo thiết với của cải, là điều gây ra những chia rẽ trong gia đình và là nguyên nhân làm phát sinh chiến tranh.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 19 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Trình bày những suy niệm về các bài đọc trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: “Việc quá gắn bó với sự giàu sang, tiền của cũng giống như thờ ngẫu tượng. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc là phục vụ Thiên Chúa hoặc là làm tôi tớ cho tiền của. Chúng ta cần biết rằng Chúa Giêsu không hề lên án của cải. Nhưng Ngài khuyến cáo chúng ta trước thái độ đặt sự an toàn của bản thân vào tiền của và biến tôn giáo thành một thứ ‘công ty bảo hiểm’. Tức là, một mặt ta chỉ lo tìm kiếm tiền bạc để bảo đảm an toàn cho cuộc sống, nhưng mặt khác ta chạy đến với tôn giáo để khỏi phải sa hỏa ngục. Điều này là không thể được.

Thêm vào đó, việc gắn bó với của cải gây ra chia rẽ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hai anh em ruột thịt đã tranh cãi với nhau về việc chia gia tài. Đây cũng chính là điều vẫn thường xảy ra trong xã hội ngày hôm nay. Thử nghĩ xem chúng ta đã gặp biết bao gia đình: Họ cãi vã, tranh chấp, thậm chí ghét bỏ và không thèm nhìn mặt nhau chỉ vì gia tài, của cải. Điều ấy cho thấy rằng tình yêu trong gia đình không còn quan trọng nữa. Tình yêu của con cái đối với cha mẹ, của anh chị em đối với nhau và của cha mẹ dành cho con cái không còn quan trọng bằng sức mạnh của đồng tiền. Đây là một sự hủy hoại. Tất cả chúng ta, ít là một lần trong đời, đã bắt gặp những gia đình rơi vào thảm trạng bi thương như thế.

Sự tham lam của cải còn dẫn đến chiến tranh. Người ta thường bắt đầu với một lý tưởng cao đẹp, nhưng đằng sau lý tưởng ấy lại là tiền bạc: tiền của những kẻ buôn bán vũ khí, tiền của những kẻ thu lợi nhuận từ chiến tranh. Bởi vậy, Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng: ‘Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi sự tham lam.’ Tham lam thực sự rất nguy hiểm. Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu. Tiền của chỉ mang đến cho chúng ta một sự bảo đảm tạm bợ. Nếu chúng ta vừa đi đến nhà thờ để đọc kinh, cầu nguyện vừa mang trong mình một con tim quá gắn bó với của cải; chắc chắn, chúng ta sẽ không có một kết cục tốt đẹp.”

Quay trở lại câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha mô tả hình ảnh của một người phú hộ giàu có: “Ông phú hộ là người rất giỏi làm ăn, kiếm tiền. Ông biết cách làm sao để ruộng nương sinh nhiều hoa lợi. Những kho lẫm của ông được tích trữ đầy ứ hoa mầu và của cải. Thay vì suy nghĩ: ‘À, hoa màu nhiều như vậy, ta nên chia sẻ chúng với những người làm công cho ta. Nhờ vậy, họ có thêm chút thu nhập để chăm lo cho gia đình của họ’. Nhưng ông lại tự nhủ: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu để tích trữ hoa mầu! À, mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.’ Chúng ta nhận thấy rằng, luôn luôn có chữ ‘hơn’. Thật vậy, sự gắn bó với của cải chẳng bao giờ có giới hạn. Một khi đã gắn bó với của cải; mặc dù đã có dư thừa rồi, chúng ta lại cứ muốn hơn nữa, hơn nữa và hơn nữa. Thế nên, của cải chính là chúa tể của những ai có lòng gắn bó với giàu sang, tiền bạc.

Đức Giêsu đã mời gọi mỗi người chúng ta phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Và, thật ngạc nhiên khi Ngài giới thiệu cho chúng ta con đường cứu độ chính là con đường của Tám mối Phúc. Mối Phúc đầu tiên: ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ’. Điều này có nghĩa là đừng để lòng mình gắn bó với của cải vật chất. Nếu có nhiều của cải, ta hãy biến chúng thành phương tiện để phục vụ người khác, để chia sẻ và để đến với tha nhân.”

Đức Thánh Cha nói thêm: “Có người sẽ hỏi rằng: ‘Vậy bây giờ chúng con phải làm gì? Đâu là dấu chỉ cho biết chúng con không tôn thờ ngẫu tượng, không bị gắn bó với của cải vật chất?’ Câu trả lời rất đơn giản và ở ngay trong Tin Mừng. Thật vậy, ngay từ hồi Giáo Hội sơ khai đã có dấu chỉ này, đó là hãy làm việc bố thí. Như thế, dấu chỉ cho biết chúng ta không ‘tôn thờ ngẫu tượng’ là khi chúng ta biết bố thí, biết chia sẻ với những người đang túng thiếu. Không phải chỉ sẻ chia những của dư thừa mà còn tất cả những gì khiến chúng ta phải trả ‘một cái giá thật đắt’. Tức là chia sẻ cả những gì đang rất cần thiết đối với chúng ta. Đó là một dấu chỉ hết sức đẹp. Dấu chỉ ấy có nghĩa là: Tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại hơn việc gắn bó với của cải vật chất.”

Và để đúc kết, Đức Thánh Cha nói: “Có ba câu hỏi chúng ta cần phải tra vấn mình. Câu hỏi trước hết: Tôi có dám sẻ chia không? Câu hỏi thứ hai: Tôi chia sẻ bao nhiêu? Và câu hỏi thứ ba: Tôi chia sẻ như thế nào? Giống như Đức Giêsu, tôi sẻ chia cho người khác bằng lòng quan tâm và tình yêu mến hay tôi chỉ thực hiện hành vi ấy giống như một người làm công ăn lương? Khi giúp đỡ người khác, tôi có nhìn vào đôi mắt của họ? Tôi có dám tiếp chạm vào đôi tay của họ không? Họ chính là thân xác của Đức Kitô, là anh em của tôi, là chị em của tôi. Trong giờ khắc tuyệt vời của sự sẻ chia chân thành, chúng ta thực sự được trở nên giống Thiên Chúa Cha, Đấng chẳng hề bỏ rơi và luôn ban phát của ăn nuôi dưỡng chim trời. Đấy chính là tình yêu trao ban của Thiên Chúa.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tôn thờ ngẫu tượng; đó chính là lòng gắn bó với tiền tài, của cải. Chúng ta cũng xin ơn để biết chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng rất mực giàu có nơi con tim, trong sự quảng đại và trong tình xót thương. Chúng ta xin ơn để biết giúp đỡ tha nhân bằng việc thực hành bố thí như chính Chúa đã làm. Nhưng có người sẽ nói: ‘Thưa cha, khi Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, Ngài chẳng mất mát gì cả...’. Thực ra, Đức Giêsu Kitô, Đấng có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đã ban tặng cho chúng ta tất cả. Ngài đã tự hạ mình xuống, đã hủy mình đi để trao cho chúng ta trọn vẹn con người của Ngài”
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15 – 21/10/2015: Tóm lược tuần 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:57 21/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo Hội có thêm 4 vị thánh mới

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật đã có hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu để tham dự thánh lễ tuyên phong 4 vị Chân Phước lên hàng hiển thánh là cha Vincenzo Grossi, người Ý, Nữ tu Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Tây Ban Nha, và Ông Bà Louis Martin và Zélie Guérin, người Pháp, song thân của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng Y và Giám Mục tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục, cùng với các Hồng Y, Giám Mục và linh mục liên hệ với 4 vị thánh được tôn phong, trong số này có hơn 100 linh mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô đảm nhận việc cho các tín hữu rước lễ. Tổng cộng có 90 Hồng Y hiện diện trong thánh lễ.

Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, và nghi thức phong hiển thánh bắt đầu: Đức Hồng Y Angelo Amato, dòng Don Bosco, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin Đức Thánh Cha ghi tên 4 chân phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Louis Martin và Marie Azélie Guérin, đôi vợ chồng, vào sổ bộ các thánh. Rồi Đức Hồng Y trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị, trước khi Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể các tín hữu cùng đọc kinh cầu các thánh để cầu xin ơn phù trợ của các ngài trước quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức tuyên thánh cho 4 vị Chân Phước:

“Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và thăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, Louis Martin và Marie Zélie Guérin là hiển thánh và chúng tôi truyền ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

Đức Thánh Cha vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho Đức Thánh Cha hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

2. Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo chỉ trích tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về tình hình tại Syria

Hôm thứ Tư 30 tháng 9, không quân Nga đã bất ngờ mở các cuộc không kích mà họ cho là nhắm vào các lực lượng của quân khủng bố Hồi Giáo IS. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Chính Thống Nga là Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria.

Ngài nói:

“Liên bang Nga đã thực hiện một quyết định có trách nhiệm về việc sử dụng các lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ người dân Syria khỏi những thống khổ gây ra bởi sự tùy tiện của những kẻ khủng bố. Chúng tôi tin rằng quyết định này sẽ sớm mang lại hòa bình và công lý cho vùng đất cổ xưa này.”

“Chúng tôi cầu nguyện cho cuộc xung đột địa phương thê thảm này không phát triển thành một cuộc chiến tranh lớn hơn nữa, xin cho việc sử dụng vũ lực này không dẫn đến cái chết của thường dân vô tội, và cho tất cả quân nhân Nga trở về an toàn”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 2 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo của tổng giáo phận Hassaké, Syria cũng lên tiếng ủng hộ can thiệp của người Nga.

Ngài nói: “Các cuộc tấn công của không quân Nga gần đây đã buộc các lực lượng Hồi giáo phải rút lui. Can thiệp của Mạc Tư Khoa đang đem lại những hệ quả rất tích cực”

Tuy nhiên, trước tuyên bố hồi đầu tuần này, trong đó các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng cuộc chiến của Nga tại Syria là một cuộc “thánh chiến”, Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng “thật là ngu xuẩn khi mô tả can thiệp quân sự của Nga là một cuộc thánh chiến”.

Ngài nói thêm với Fides rằng khái niệm về một “cuộc thánh chiến” là một trong những khái niệm nguy hiểm chết người, được đưa ra bởi các giáo sĩ “không hề sống ở Trung Đông.” Ngài cảnh báo chống lại việc khai thác có tính cách ý thức hệ những đau khổ các Kitô hữu phải chịu đựng của trong khu vực.

Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng những kẻ cực đoan Hồi giáo thường xuyên rêu rao rằng họ đang tham gia vào một cuộc “thánh chiến”. “Khi chúng ta cũng dùng một diễn đạt tương tự như thế, chúng ta mặc nhiên xác nhận ý thức hệ đẫm máu của họ: nếu thực sự đang có một cuộc thánh chiến đang diễn ra, bọn khủng bố có thể biện minh mạnh hơn cho mỗi tội ác chúng gây ra cho các Kitô hữu ở đây.”

Quan hệ thân mật giữa Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và chính quyền dân sự Nga đã gây nên nhiều chỉ trích trong thế giới Chính Thống Giáo.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, là Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo, đã thường xuyên tranh cãi trong những năm gần đây với các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về mối quan hệ quá khắn khít với nhà cầm quyền Điện Cẩm Linh.

Một đoạn trong diễn từ của ngài hôm 29 tháng 8 vừa qua trước 140 Giám Mục Chính Thống tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng là nhằm chỉ trích các lãnh đạo Chính thống Nga khi ngài phê phán rằng trong Giáo Hội Chính Thống có các thể chế “duy trì một mối quan hệ mật thiết với nhà nước nhằm tận hưởng những hỗ trợ tài chính dồi dào,” và thúc đẩy các lợi ích chính trị của quốc gia mình.

3. Đức Tổng Giám Mục Paul-André Durocher của tổng giáo phận Gatineau, Canada giải thích về đề nghị phong chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ

Một trong các phát biểu gây ra nhiều bàn cãi bên trong cũng như bên ngoài Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình là đề nghị nghiên cứu việc phong chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ của Đức Tổng Giám Mục Paul-André Durocher của tổng giáo phận Gatineau, Canada.

Khi được hỏi tại sao ngài đưa ra một đề nghị chuyên biệt như vậy trong khuôn khổ của một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Đức Cha Paul-André Durocher cho biết như sau:

Thực ra, đó không phải là vấn đề chuyên biệt mà tôi trình bày. Tôi đã đề cập vấn đề bạo hành đối với phụ nữ và những điểm đầu tiên trong bài phát biểu của tôi là nhắc nhở các nghị phụ Thượng Hội Đồng về số liệu thống kê gần đây của một tổ chức quốc tế y tế là Tổ chức Sức khỏe Thế giới theo đó gần một phần ba phụ nữ bị bạo hành bởi người phối ngẫu của mình. Làm sao chúng ta là Thượng Hội Đồng về gia đình lại có thể không màng đến thực tế khủng khiếp như thế và vì vậy tôi đề nghị và tôi nhắc nhở các nghị phụ Thượng Hội Đồng rằng tôi đã quen thuộc với vấn đề này 30 năm trước khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chỉ trích điều này và yêu cầu phải có những hành động rất cụ thể về phía tất cả các cơ quan của Giáo Hội để chống lại tai ương này. Tôi chỉ gợi lại cho anh em mình, tôi chỉ nhắc lại lại lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị và tôi đề nghị với Giáo Hội điều trước nhất và tối thiểu nhất chúng ta có thể làm là khẳng định rằng chúng ta không thể, và không ai có thể lý giải cho sự thống trị phụ nữ bởi nam giới bằng cách biện minh về mặt chính trị cho hành động này.

Anh biết rằng thật là một diễn dịch sai về Kinh Thánh khi cho rằng đàn ông cao trọng hơn phụ nữ, tôi muốn tham chiếu đoạn Kinh Thánh trong thư của Thánh Phaolô, trong đó ngài nói người đàn bà phải phục tùng chồng mình. Văn bản đó không biện minh cho sự thống trị và bạo lực của nam giới đối với phụ nữ và chúng ta nên nói điều này thật to và rõ ràng. Đó là điểm thứ nhất trong phát biểu của tôi, nhưng sau đó Tài Liệu Làm Việc còn nữa, vì những gì tôi đang làm là trả lời số 29 trong Tài Liệu Làm Việc trong đó đề cập đến vấn đề này. Tài Liệu Làm Việc tiếp tục nói đến sự liên kết giữa vai trò lớn hơn của phụ nữ trong Giáo Hội và một phương thế nào đó, Giáo Hội thể hiện sự bình đẳng của phụ nữ và nam giới và vì vậy tôi nghĩ là tôi muốn đưa ra ba đề xuất về lãnh vực này. Trước hết là xem xét những vị trí hiện có trong Giáo triều Rôma và các giáo phận của chúng ta, những vị trí có thẩm quyền, những vị trí có thể đưa ra các quyết định mà chúng ta có thể mở rộng cho phụ nữ trong một nỗ lực thực sự có phối hợp để chỉ định những vị trí như thế cho phụ nữ. Đó sẽ là một trong những điều chúng ta có thể làm. Điều thứ hai, có lẽ là chúng ta có thể cho phép các cặp vợ chồng, những người nam nữ được đào tạo kỹ lưỡng và được tháp tùng chặt chẽ để có thể nói chuyện trong khuôn khổ những bài giảng Chúa Nhật để họ có thể nói về sự liên kết, sự liên hệ giữa Lời Chúa và những kinh nghiệm sống như những cặp vợ chồng và như những bậc cha mẹ. Đó sẽ là một cách khác để làm nổi bật phẩm giá của phụ nữ trong Giáo Hội và điều thứ 3 mà tôi cho rằng có lẽ bây giờ là thời gian để nghiên cứu nghiêm túc các khả năng mở rộng chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ. Bởi vì vấn đề đó chưa có kết luận. Nó vẫn là một vấn đề được để ngỏ. Đó là 3 gợi ý, mà tôi thực sự muốn nói là cách nào đó chúng ta có thể cho thấy Giáo Hội như một định chế đề cao sự bình đẳng của phụ nữ. Đây sẽ là một dấu chỉ rất mạnh mẽ đến tất cả các cặp vợ chồng đó là những phụ nữ không thể, và không bao giờ có thể bị ngược đãi, bị đối xử bằng bạo lực, bị chà đạp giữa các cặp vợ chồng hay trong gia đình.

Cho đến nay chúng ta có thể nói Đức Cha không phải là người duy nhất đề cập đến chủ đề này trong Thượng Hội Đồng. Có những nghị phụ Thượng Hội Đồng khác cũng đặt nặng vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới ở một số nơi trên thế giới. Nhưng dựa trên 3 gợi ý do Đức Cha đưa ra một số người e sợ là nếu chúng ta xem xét một số vấn đề như thế, thì điều này sẽ tự động mở ra cánh cửa cho việc phong chức cho phụ nữ. Chúng ta đều biết rằng phong chức linh mục cho phụ nữ là một cái gì đó Giáo Hội không thể thực hiện được. Đức Cha đáp lại như thế nào trước những suy diễn như thế về đề nghị của Đức Cha?

Vâng, tôi sẽ nói là chúng ta hãy xem xét các đề nghị này đúng với bản chất của chúng và đừng xem chúng như một âm mưu nhằm đạt được các mục tiêu khác. Tôi đang suy tư về những gì có thể nhằm mang lại cho phụ nữ một vai trò lớn hơn trong Giáo Hội để Hội Thánh được phong phú với những tài năng của phụ nữ và đồng thời để Giáo Hội như một định chế có thể thể hiện trước thế giới một thái độ cần phải được noi theo bởi tất cả các tổ chức trên thế giới và bởi tất cả các cặp vợ chồng. Tôi sẽ thấy buồn nếu những đề nghị này bị gạt sang một bên vì sự sợ hãi những vấn đề khác. Vì vậy, tôi hy vọng chúng sẽ được xem xét đúng thực chất, và được nghiên cứu dưới ánh sáng này.

4. Người Palestine trong cơn cuồng nộ đốt phá ngôi mộ ông Giuse con tổ phụ Giacóp

Căng thẳng giữa Do Thái và Palestine tiếp tục dâng cao sau gần một tháng bạo động. Hôm thứ Sáu 16 tháng 10, những người biểu tình đã đốt cháy một đền thờ Do Thái ở Tây Ngạn. Trong khi đó, tại Hebron, một kẻ tấn công giả mạo như là một nhà báo đã đâm một người lính Israel trước khi bị bắn chết.

Quân đội Israel cho biết khoảng 100 người đã đổ về đền thờ có ngôi mộ của ông Giuse, con của tổ phụ Giacóp tại thành phố Nablus trong khu vực do người Palestine kiểm soát và đốt phá đền thờ này trước khi lực lượng an ninh Palestine đến và đẩy lui những kẻ phá hoại.

Sách Sáng Thế Ký, từ chương 37 đến chương cuối cùng là chương 50, đã thuật lại câu chuyện của ông Giuse từ khi bị các anh em bán sang Ai cập cho đến cuối đời.

Ngôi mộ ông Giuse đã được tôn kính trong nhiều thế kỷ qua bởi người Do Thái, người Samaritanô, các Kitô hữu và cả người Hồi giáo.

Một tuyên bố của quân đội Do Thái về các cuộc tấn công đền thờ này cho biết: “Chúng tôi xem vụ việc này là rất nghiêm trọng và mạnh mẽ lên án bất kỳ cuộc tấn công vào các đền thờ. Chúng tôi sẽ tìm và bắt giữ những ai đốt phá”.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên án vụ tấn công. Ông ra lệnh cho sửa chữa ngay các thiệt hại và mở một cuộc điều tra vụ đốt phá này.

Một tuyên bố từ văn phòng của ông Abbas nói: “Tổng thống mạnh mẽ lên án hành vi này và tất cả mọi hành động vi phạm pháp luật và trật tự, xuyên tạc nền văn hóa, đạo đức và tôn giáo của chúng ta.”

Vài giờ sau đó, một kẻ tấn công người Palestine giả làm nhà báo đã dùng dao đâm bị thương một người lính Israel trước khi bị bắn chết gần thị trấn Hebron.

Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Israel và các vùng lãnh thổ Palestine lên án vụ tấn công và kêu gọi các tổ chức truyền thông Palestine kiểm soát chặt chẽ tất cả thông tín viên của mình.

Những bất ổn đã nổ ra chủ yếu ở Giêrusalem và Tây Ngạn trước khi lan sang dải Gaza. Đây là những vụ bạo động nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua năm, đến nay đã cướp đi mạng sống của 35 người Palestine và 7 người Israel. Trong số những người Palestine bị thiệt mạng có 11 kẻ đã dùng dao tấn công ngẫu nhiên vào người Do Thái trên đường phố hay trên xe buýt.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về tình hình nghiêm trọng trong khu vực. Trong khi đó, lực lượng Hamas, đang kiểm soát dải Gaza, tiếp tục kêu gọi “các cuộc biểu tình cuồng nộ” trong tất cả các thành phố ở Tây Ngạn.

5. Đức Thánh Cha bất ngờ thăm nhà trọ dành cho người vô gia cư

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ đến nhà trọ dành cho người vô gia cư mới được Tòa Thánh khánh thành ngay bên ngoài thành phố Vatican. Đây là động thái mới nhất của vị giáo hoàng nhằm kêu gọi sự chú ý tới tình cảnh nghèo nàn trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã thực hiện một chuyến đi ngắn từ Vatican đến trung tâm Rôma, gần sông Tiber, vào khoảng 7 giờ tối ngày thứ Năm 15 tháng 10.

Khoảng 30 người đàn ông vô gia cư đang cư ngụ tại đây đã hết sức vui mừng. Nhiều người đã có thể nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, kể lại câu chuyện của họ và yêu cầu ngài ban phép lành cho mình. Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đã kéo dài khoảng 20 phút.

Cùng đi với Đức Thánh Cha còn có quan phát chẩn của Tòa Thánh là Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski và cha Adolfo Nicolas, là bề trên Tổng Quyền Dòng Tên; và ba nữ tu làm việc tại nhà trọ này.

Nhà trọ Dono di Misericordia, nghĩa là “Món quà của lòng Từ Bi”, đã được khánh thành vào đầu tháng này và có thể cung cấp chỗ nghỉ đêm cho 34 người. Tòa nhà này đã được các tu sĩ Dòng Tên hiến tặng theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc giúp đỡ người nghèo.

Có những tin đồn rằng Đức Thánh Cha thỉnh thoảng vẫn ra khỏi Vatican để gặp gỡ những người vô gia cư và các nhân viên giúp đỡ họ.

Trong các nỗ lực kêu gọi sự chú ý đến người nghèo đặc biệt là những người vô gia cư, Tòa Thánh đã lần lượt khánh thành nhà tắm miễn phí, cũng như nơi cắt tóc và cạo râu miễn phí. Một nhóm người vô gia cư đã được mời tham gia một chuyến du lịch bảo tàng viện Vatican, bao gồm cả nhà nguyện Sistina.

Trong chuyến thăm gần đây của Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ, ngài đã đến thăm một cư xá dành cho người vô gia cư ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi ngài nói rằng “không thể biện minh cho việc thiếu nhà ở.”

6. Vòng đàm phán thứ hai Trung Quốc-Vatican tại Bắc Kinh

Vòng đàm phán thứ hai Trung Quốc-Vatican đã được tổ chức từ 11 tháng 10 tại Bắc Kinh. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh một cuộc đàn áp tôn giáo quy mô lớn đang diễn ra ở Trung Quốc, trong đó nhà cầm quyền trung ương tìm cách thúc đẩy chính sách “Trung Hoa hóa” về tôn giáo ở nước này. Nhà nước tìm cách hạn chế, nếu không thể loại bỏ hoàn toàn, những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Các báo cáo từ tỉnh Tứ Xuyên cho biết nhà cầm quyền Trung quốc đã buộc các linh mục phải viết một “bản tự kiểm” giải thích về sự hiểu biết của các ngài đối với chính sách Trung Hoa hóa và làm thế nào để vận dụng chính sách này trong các hoạt động mục vụ của họ.

Phái đoàn Vatican đã rời Trung Quốc hôm 14 tháng 10. Không có thông tin chính thức về những gì đã được thảo luận và những người tham gia trong vòng đàm phán này. Tuy nhiên, báo chí tại Hương Cảng cho biết phiá Trung quốc có các giới chức ngoại giao và cục tôn giáo vụ Trung quốc.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã từng tham dự cuộc đàm phán vòng thứ nhất tại Trung Quốc vào năm 2009 khi ngài còn là thứ trưởng ngoại giao của Vatican.

7. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput nói không thể theo Chúa nửa vời

Trong khi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình thu hút “sự chú ý đông đảo của giới truyền thông với những diễn giải rất khác nhau”, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia nói trên tờ báo hàng tuần của tổng giáo phận Philadelphia rằng “Giáo Hội không thể đánh đổi tính trung thực của mình để được tiếng là thương xót.”

“Nhiệm vụ của chúng tôi trong tư cách là các giám mục tại thượng hội đồng trong tháng này, và nói thẳng ra là nhiệm vụ mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi Kitô hữu ở mọi thời đại, là nói lên sự thật với sự kiên nhẫn, khiêm nhường và tình yêu. Chân lý mà không có lòng từ bi gây ra những vết thương và làm nản chí; nhưng lòng thương xót mà không có sự thật chỉ là một hình thức nói dối thoải mái”.

Ngài nói thêm:

“Nếu việc trở thành một người Kitô hữu chỉ đơn giản là gia nhập một tổ chức, thì tư cách thành viên có thể dễ dàng thay đổi theo ý chúng ta muốn. Nhưng nếu là một Kitô hữu nghĩa là thuộc về Chúa Giêsu Kitô, thì những lời của Chúa Giêsu không thể bị uốn nắn hay bỏ qua, vì cái Người đòi hỏi nơi chúng ta là một tình yêu thể hiện sự trao ban tổng thể cho Chúa như Người đã trao ban cho chúng ta. Chúng ta không thể thương lượng chỉ muốn được một phần của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ có thể có Chúa khi chúng ta trao cho Người tất cả mọi thứ. Nếu chúng ta chỉ muốn trao cho Người một phần của chính mình, chúng ta sẽ chẳng nhận được gì - chẳng được sự thật, và chẳng được Chúa Giêsu đâu.

Chúng ta đều cảm nhận được sự tiến thoái lưỡng nan của những người tốt đã ly dị và tái hôn dân sự nhưng muốn có sự an ủi của bí tích Thánh Thể, và cả những người khác đang đối mặt với những hấp lực đồng giới. Không ai có thể phủ nhận những khó khăn mà những người này đôi khi phải đối mặt. Nhưng chúng ta cần Tin Mừng để hướng dẫn chúng ta trong lý luận của mình. Vấn đề trọng tâm là: chúng ta và họ muốn đón nhận Chúa Giêsu Kitô trên các điều kiện của Ngài hoặc trên các điều kiện của chúng ta? Nếu trên nguyên tắc chúng ta không thể chấp nhận cảm giác khó chịu, đau khổ và cả sự tử đạo nữa, thì chúng ta không thể là môn đệ Ngài. Chúng ta không thể viết lại hoặc bỏ qua những gì Chúa Giêsu đòi hỏi để theo Ngài.

Chúng ta có thể chọn để bao gồm hoặc loại trừ bản thân mình trên con đường theo Chúa Giêsu. Ngài sẽ không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta, bất cứ chúng ta lựa chọn con đường nào. Nhưng trong tất cả các vấn đề luân lý khó khăn hiện nay, các điều khoản trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu không đến lượt chúng ta quyết định.

8. Cha Jacques Mourad đã trốn thoát khỏi quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Cha Jacques Mourad, bề trên tu viện Mar Elian, bị quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt giữ tại Syria ngày 21 tháng Năm 2015, đã trốn thoát vào hôm thứ Bảy 10 tháng Mười năm 2015.

Trong một cuộc trao đổi phát trên Ðài Truyền hình Công Giáo Italia TV2000, cha Mourad thuộc Giáo Hội Công Giáo Syria, kể lại: “Tôi đã giả dạng làm một tín đồ Hồi giáo và nhờ sự giúp đỡ của một người bạn Hồi giáo, tôi dùng xe môtô trốn khỏi nơi giam giữ và chạy tới tận Zeydal, gần Homs”.

Cha cũng cho biết về những ngày bị giam giữ: “Hầu như ngày nào cũng có người vào phòng giam và hỏi tôi: 'Mi là ai ?' Tôi trả lời : 'Tôi là người Nazareth, tức là Kitô hữu'. - 'Như vậy mi là một người ngoại, mi phải cải đạo, bằng không sẽ bị cắt cổ' - 'Không bao giờ tôi ký vào giấy bỏ đạo Kitô giáo!”. Khi bị bắt đi, cha Mourad đang trông coi tu viện Mar Elian gần Qaryatayn, cách Palmyra khoảng 100 kilômét.

Trong hai năm 2013 và 2014, tu viện này đã tiếp nhận hàng mấy trăm người tị nạn Hồi giáo và Kitô giáo chạy trốn khỏi các làng lân cận. Cha Mourad bị bắt khi ngài đang làm công việc tổ chức tiếp nhận các người tị nạn ở Palmyra. Hai tháng sau, thành phố và tu viện bị quân Hồi giáo tấn công, tu viện bị xe ủi san bằng, và 230 người bị bắt, trong số này có 60 người Kitô hữu.

Cha Mourad kể, sau khi bắt cha, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã nhốt cha bốn ngày trong một chiếc xe giữa vùng núi trước khi chuyển tới Raqqa và giam cha tại đây ba tháng, sau đó vào ngày 11 tháng Tám năm 2015 lại chuyển tới một nơi gần Palmyra, “nơi có 250 Kitô hữu khác cũng bị giam giữ”.

Cha cho biết cha không hề sợ chết: “Ðó là phép lạ của Chúa: bị giam giữ và chờ ngày chết mà vẫn cứ cảm thấy rất bình an trong sâu thẳm lòng mình... Tôi chẳng ngại khi phải chết vì danh Chúa, tôi không phải là người đầu tiên mà cũng chẳng phải là người cuối cùng, tôi chỉ là một trong hàng ngàn người tử đạo chết vì Ðức Kitô”.

Hiện nay, cùng với một linh mục Chính Thống giáo và mấy người bạn Bedouin và Hồi giáo, cha đang tìm cách giải cứu cho 200 người Kitô hữu khác đang còn bị giam giữ. Bốn mươi người trong số này có thể đã chạy thoát, theo tin của TV2000.


9. Tóm lược các diễn biến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình tuần thứ hai

Sau một ngày nghỉ ngơi, hôm thứ Hai 12 tháng 10, các nghị phụ và các tham dự viên khác đã tái nhóm và thảo luận trong 13 nhóm nhỏ trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba trước khi nhóm phiên khoáng đại vào sáng thứ Tư để nghe các nhóm tường trình. Chiều thứ Tư và trọn ngày thứ Năm, các nghị phụ đã tiếp tục trình bày những ý kiến của các ngài trong các phiên khoáng đại. 93 vị đã phát biểu trong hai phiên chiều thứ Tư và sáng thứ Năm. Sáng thứ Sáu, 16/10, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhóm phiên khoáng đại để nghe ý kiến của các dự thính viên và đại diện của các Giáo Hội anh em. Các tham dự viên đã trở lại thảo luận trong 13 nhóm nhỏ vào chiều thứ Sáu và sẽ tiếp tục thảo luận trong nhóm cho tới sáng thứ Ba 20 tháng 10.

Tài liệu làm việc dự kiến chia làm ba phần rõ rệt trong đó mỗi tuần các nghị phụ sẽ trình bày và thảo luận về một chủ đề nhất định. Tuy nhiên, cuối tuần thứ nhất đã có những nghị phụ phát biểu về phần thứ ba. Trong tuần thứ hai, nhiều nghị phụ đã trình bày các chia sẻ của các ngài về phần cuối cùng này.

Nhiều nghị phụ đã nhấn mạnh sự cần thiết là Giáo Hội phải nói với một giọng tích cực, rõ ràng, đơn giản, và kiên trì khẳng định cuộc sống gia đình theo lý tưởng Kitô là có thể đạt được. Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Ái Nhĩ Lan nói rằng “lặp đi lặp lại các công thức giáo lý sẽ không mang ánh sáng Phúc Âm và tin mừng gia đình vào một xã hội đối kháng. Chúng ta phải tìm một thứ ngôn ngữ giúp những người trẻ đánh giá cao sự mới mẻ và những thách đố của Tin Mừng”. Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia đồng ý, và nói rằng cách đọc “hời hợt và ảm đạm” về xã hội hiện đại không giúp được gì. Một nhóm đề nghị thảo luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân như một ân sủng chứ không phải là một gánh nặng.

Theo Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, sự chính xác trong ngôn ngữ có một tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt là khi nói về “sự bao gồm hay loại trừ” và “sự thống nhất trong đa dạng”. Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin cảnh giác rằng chiến dịch hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Ái Nhĩ Lan thành công được là do sử dụng “những ngôn ngữ truyền thống của chúng ta như bình đẳng, từ bi, tôn trọng và khoan dung”. Ngài nói thêm là Giáo Hội cần “tìm ra một ngôn ngữ bắt được một nhịp cầu với thực tế ngày qua ngày của hôn nhân - một thực tại của con người, không chỉ gồm những điều lý tưởng, nhưng có cả các cuộc đấu tranh và thất bại, có cả nước mắt lẫn niềm vui”. Tổng giám mục Eamon Martin, cũng của Ái Nhĩ Lan, cho biết Hội Thánh cần loại trừ mọi hình thái bạo lực gia đình và chăm sóc cho những ai là nạn nhân của bạo lực, là những người mà việc công bố những gì chúng ta gọi là “tin mừng của gia đình” có thể chẳng có mấy ý nghĩa hoặc thậm chí là vô nghĩa đối với họ.

Nhiều nghị phụ lưu ý rằng ở các vùng khác nhau trên thế giới các gia đình phải đối mặt với các vấn đề khác nhau. Một số khu vực có nhiều cặp vợ chồng ly dị và tái hôn dân sự, trong khi những người khác phải đối mặt với các nền văn hóa cho phép chế độ đa thê. Một số xã hội khác nữa, như tại Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, lại xảy ra tình trạng dân số Công Giáo giảm dần vì hôn nhân khác đạo.

Bên cạnh những vấn đề khác như việc đào tạo các linh mục để tháp tùng với các gia đình, các gia đình tháp tùng lẫn nhau, các khóa hôn nhân và gia đình, việc giáo dục tính dục trong gia đình, tình trạng nghèo đói và bị bách hại của các gia đình Kitô ngày nay; vấn đề khả thể cho người đã ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ trong những trường hợp và những điều kiện nhất định nào đó theo đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper đã là một trong những đề tài chủ yếu được thảo luận sôi nổi.

Philippa Hitchen của Radio Vatican tường thuật có nghị phụ cay đắng đặt đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper đối lập triệt để với giáo huấn Chúa Giêsu đã truyền lại cho Giáo Hội qua cụm từ “Con đường của Chúa Giêsu, hoặc con đường của Walter Kasper” và bày tỏ lo âu về ảnh hưởng của vị Hồng Y người Đức đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì ngài đã trích dẫn cuốn sách của vị Hồng Y trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên của mình, và đã mời vị Hồng Y nói chuyện ngay buổi khai mạc công nghị ngoại thường về gia đình hôm 20 tháng Hai năm ngoái 2014.

Trong một bài phát biểu hôm 10 tháng 10, nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Kazakhstan nói mạnh đến mức là “Trong Thượng Hội Đồng năm ngoái, khói của Satan đã cố gắng để lẻn vào hội trường Phaolô Đệ Lục”

Đức Tổng Giám mục Thomas Peta của thủ đô Astana đã đồng hóa với khói của Satan “đề nghị cho những người đã ly dị và sống trong các kết hiệp dân sự mới được rước Mình Thánh Chúa; khẳng định việc chung sống tự nó có thể có một số giá trị nào đó; và kêu gọi coi đồng tính luyến ái là một cái gì đó bình thường.”

Trong buổi họp báo hôm 15 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói với các phóng viên rằng “Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ.”

Ngài nhìn nhận rằng những người ly dị và tái hôn không bị vạ tuyệt thông và nhiều khi họ là những người có ước muốn được rước lễ, mạnh hơn những ai có thể rước lễ. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng những người ly dị và tái hôn có quyền tham dự vào đời sống Giáo Hội mà không cần rước Mình Thánh Chúa.

Chung quanh những nỗ lực chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper và một số Giám Mục Đức, còn phải kể đến chuyện lá thư gởi Đức Thánh Cha của 13 vị Hồng Y.

Hôm thứ Hai 12 tháng 10, Sandro Magister, là ký giả đã từng bị rút giấy phép vì tung ra thông điệp Laudeto Sí trước cả Tòa Thánh, lại đưa ra trên tờ L'Espresso, một lá thư được cho là của 13 Hồng Y viết cho Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại về cách thức Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình được tổ chức.

Bốn vị Hồng Y được cho là có tên trong danh sách các vị ký tên là các Đức Hồng Y Erdo, Scola, Piacenza, and Vingt-Trois lên tiếng phủ nhận.

Nhưng chỉ một ngày sau đó, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết rằng Đức Hồng Y George Pell nhìn nhận đã viết thư cho Đức Thánh Cha nhưng nội dung và danh sách các Đức Hồng Y ký tên đều không đúng. Ngài lên án việc tiết lộ lá thư riêng gởi cho Đức Thánh Cha là quấy rối Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Dolan cũng xác nhận mình ký tên trong lá thư theo sáng kiến của Đức Hồng Y George Pell với các quan ngại bao gồm: Liệu tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng, (Instrumentum laboris) có nên là trọng tâm duy nhất của các cuộc thảo luận của các giám mục hay không; liệu quá trình thảo luận có cho phép tranh luận công bằng và cởi mở không; và liệu các giám mục tham gia trong Thượng Hội Đồng có nên được cho một cơ hội để ảnh hưởng đến việc lựa chọn các giám mục viết các văn bản chính thức sau cùng hay không.

Sandro Magister lên tiếng đính chính ông ta không phải là người có “tay trong” tiết lộ cả những lá thư riêng của Đức Giáo Hoàng và chỉ ra Andrea Tornielli của tờ La Stampa mới là người đầu tiên tung ra lá thư đó từ ngày 8 tháng 10. Tuy nhiên, ông ghi nhận rằng bài viết của ông bày tỏ sự đồng cảm đối với mối quan tâm của các vị Hồng Y nên được chú ý hơn, trong khi bài của Tornielli với nhiều nhận định tiêu cực thu hút ít sự chú ý của công chúng.

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 14/10, trước khi bắt đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha ứng khẩu nói:

“Trước khi bắt đầu bài giáo lý, nhân danh Giáo Hội, tôi muốn xin lỗi anh chị em vì những gương mù đã xảy ra gần đây tại Roma và Vatican. Tôi xin lỗi anh chị em”.

Ngài dừng lại ở đó nên không ai biết chính xác là ngài muốn đề cập đến những vấn đề gì. Tuy nhiên, câu chuyện lá thư lọt ra ngoài có lẽ đứng đầu trong danh sách các nghi vấn.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia ước tính ít nhất 65% các giám mục sẽ phản đối việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Tuy nhiên, như vậy vẫn còn 35% các nghị phụ ủng hộ đề nghị của Đức Hồng Y Kasper.

Một số nghị phụ tiếp tục kiên trì khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh: vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế hệ quả tất nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.

Nhiều vị không lý luận nhưng khơi gợi tình cảm như đọc những lá thư của những người trong hoàn cảnh ly dị tái hôn và những người đang sống trong những quan hệ đồng tính; hay kể những câu chuyện chẳng hạn như chuyện một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn.

Có cả một đề nghị phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý như việc rước Mình Thánh Chúa của những người ly dị và tái hôn cho các Hội Đồng Giám Mục địa phương quyết định. Đây là một trong những đề nghị đã được Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức lặp đi lặp lại nhiều lần ngay cả trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nhưng bị nhiều Giám Mục và Hồng Y Hoa Kỳ phản đối là sẽ làm mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội.