Ngày 23-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đất của linh hồn
Lm. Minh Anh
00:59 23/10/2021

ĐẤT CỦA LINH HỒN
“Đã ba năm nay, tôi đến tìm quả cây vả này mà không thấy. Hãy chặt nó đi, để choán đất làm gì!”.

“Các mục đích của Thiên Chúa thường lộ ra một cách chậm chạp, vì những thiết kế vĩ đại của Ngài không bao giờ vội vã!”. Nhà thuyết giáo vĩ đại Phillips Brooks có một phong thái đĩnh đạc và trầm lắng lạ lùng. Ngày kia, một người bạn thấy ông đi đi lại lại nôn nao ngoài hành lang như một con sư tử trong lồng, “Có chuyện gì rắc rối vậy, Mr. Brooks?”, người ấy hỏi. “Rắc rối là tôi đang vội, nhưng Chúa thì không!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa thì không!”. Tin Mừng hôm nay cho thấy Thiên Chúa không bao giờ vội, Ngài luôn kiên nhẫn đợi chờ! Hình ảnh cây vả của dụ ngôn hẳn đã phản chiếu linh hồn chúng ta rất nhiều lần. Cuộc sống của chúng ta có thể đã rơi vào tình trạng rối bời; quan hệ với Chúa, với tha nhân trở nên xung khắc. Kết quả là ‘đất của linh hồn’ chúng ta sản sinh quá ít hoặc không có hoa trái tốt.

Hy vọng ở thời điểm hiện tại, không ai trong chúng ta rơi vào tình trạng này; nhưng cũng có thể như thế, khi chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu quả vậy, thì hãy thử xem, chúng ta chính là cây vả may mắn đó; và nhất là, thử xem, người cam kết vun xới “sẽ đào đất chung quanh và bón phân nó” là chính Chúa Giêsu! Điều quan trọng cần lưu ý là Chúa Giêsu không nhìn cây vả này và vứt bỏ nó như một thứ vô giá trị; Ngài là Thiên Chúa của những cơ hội thứ hai, cam kết chăm sóc cây vả theo cách làm sao để cung cấp cho đất của nó những gì cần thiết hầu nó có thể kết trái. Cũng thế, với ‘đất của linh hồn’ chúng ta! Chúa Giêsu không bao giờ ném chúng ta đi, bất kể chúng ta lạc xa Ngài đến mấy; Ngài luôn nôn nả và sẵn sàng đến với chúng ta theo cách chúng ta cần, để một lần nữa, chúng ta có thể đơm hoa kết quả.

Cây vả thật tốt phước. Trong thế giới ngày nay, một năm đã chậm, nói gì ba năm! Vậy mà cây vả có đến năm thứ tư! Chúa Giêsu luôn cho chúng ta cơ hội; không chỉ thời gian, Ngài còn chăm sóc dịu dàng dưới dạng ‘bón phân ân sủng’; Ngài không nổi giận cả khi không có một dấu hiệu nào được coi là hứa hẹn. Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng, ‘đất của linh hồn’ chúng ta nhất định sẽ sinh hoa trái, hoa trái Thánh Thần. Và dù Thiên Chúa không thể hoạt động trong chúng ta mà lại bất chấp chúng ta, dụ ngôn vẫn bảo đảm rằng, nỗ lực của Ngài sẽ luôn vượt xa mọi nỗ lực mà chúng ta có thể thực hiện. Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô nói, “Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống!”. Họ sẽ trổ sinh hoa trái vì có Thánh Thần, Đấng thúc giục họ tìm kiếm Chúa; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài!”.

Anh Chị em,

“Hãy chặt nó đi, để choán đất làm gì!”. Lời buộc tội thật khủng khiếp! Áp dụng dụ ngôn vào cuộc sống, chúng ta sẽ kinh hãi khi nghĩ rằng, cuộc sống mình hoặc cuộc sống của những người khác có thể cũng vô ích như vậy. Chặt nó đi! Cất nó đi! Chỉ vô tích sự! Bản án thật rõ ràng. Thế nhưng, bản án đó sẽ sớm được dỡ bỏ; cả với cây vả, lẫn linh hồn tôi! Tôi có biết ơn đủ về lòng thương xót triền miên của Thiên Chúa đối với ‘đất của linh hồn’ tôi, gia đình tôi, cộng đoàn của tôi không? Ôi, chiếc rìu không chặt vào tôi, gia đình, cộng đoàn tôi; nhưng Người Làm Vườn tốt bụng Giêsu sẽ lo liệu mọi việc! Ngài liệu thế nào? Ngài liệu chịu rìu chặt thay cho chúng ta một cách đẫm máu, chịu cả việc đóng chặt thân mình Ngài vào cây thập giá. Khi nói về đau khổ, một biểu hiện của tình yêu, trong cuốn “Bí Mật Cuộc Sống Nội Tâm”, Giám mục Luis Martínez đã có một hình ảnh rất đẹp khi viết, “Cây một dược chỉ cho phép nhựa thơm của nó tươm ra khi nó bị thâm tím; nước hoa rỉ ra từng giọt qua các vết rách của vỏ bọc chúng!”. Đúng, chính tôi sẽ là hoa trái tốt lành đầu tiên của Người Làm Vườn Giêsu cho linh hồn tôi, gia đình tôi và cộng đoàn tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con trung thành cầu nguyện, sám hối; xin ân sủng Thánh Thần Chúa cải tạo ‘đất của linh hồn’ con, hầu con có thể sinh trái tốt lành như Chúa đang mỏi mắt trông đợi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 23/10/2021

42. Phàm người lưu luyến thế tục thì không thể kết hợp với Thiên Chúa, bởi vì lưu luyến cái gì thì biến thành cái đó.

(Thánh John of the Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:48 23/10/2021
90. HẠ MỒM NỂ NANG

Dưới ánh trăng, một đám người uống rượu quanh bàn, có tên sâu rượu nọ mỗi khi đưa thức ăn lên, người ta chưa cầm đũa thì hắn ta đã gắp mấy miếng rồi.

Có người cố ý hỏi:

- “Ở quê của các ông nếu gặp nguyệt thực, thì làm sao đối phó?”

Tên sâu rượu trả lời:

- “Quan địa phương mặc áo quan vào, dẫn mọi người lập đàn đánh trống cho đến khi mặt trăng xuất hiện mới thôi”.

Nói xong, thì cũng hỏi lại đối phương có phải làm như thế không, đối phương đáp:

- “Không, chúng tôi chỉ cầu khẩn”.

Hỏi:

- “Phương pháp cầu khẩn như thế nào?”

Đáp:

- “Mọi người chấp tay cúi đầu, cầu cứu với thiên cẩu (1): A di đà phật, lão gia, ngài ăn cũng quá trời, xin hạ mồm nể nang, lưu lại chút xíu để mọi người xem với chứ !”

(Hi đàm lục)

Suy tư 90:

Ăn nhiều, ăn ít, ăn ngồm ngoàm, ăn miệng kêu chép chép hoặc ăn nhóp nhép.v.v...thì người ta không sợ, nhưng con người ta sợ nhất là ăn hối lộ hay là ăn bẩn cũng thế thôi.

Ăn nhiều, ăn ít thì cũng chỉ trong phạm vi cái bao tử mà thôi, nhưng ăn hối lộ thì không còn trong phạm vi của bao tử nữa, mà lây lan ảnh hưởng to lớn đến xã hội và làm hại nặng nề đến sĩ diện quốc gia dân tộc, làm hại đến thế hệ con người mai sau, và nhất là tội nghiệp cho người nghèo...

Tham ăn thì ví như con chó nuôi trong nhà, nhưng ăn hối lộ thì ví như thiên cẩu (chó trời), bởi vì chỉ có thiên cẩu mới ăn ghê gớm như vậy.

Người Ki-tô hữu biết rằng, ăn hối lộ thì phạm đến giới răn thứ bảy và thứ mười của Thiên Chúa: thứ bảy chớ lấy của người, và thứ mười chớ tham của người, mà lấy của người và tham của người chính là ăn hối lộ, mà ăn hối lộ tức là nhận đồng tiền bất chính nên cũng gọi là ăn bẩn vậy.

(1) Theo truyền thuyết mê tín: nguyên do nguyệt thực là măt trăng bị thiên cẩu nuốt.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:51 23/10/2021
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 10, 46-52

“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.


Bạn thân mến,

Tuần này, Giáo Hội đưa ra một vấn đề cho mỗi người trong chúng ta tự trả lời, đó là Đức Tin của mình và lòng thương xót của Chúa có phù hợp ăn khớp với nhau trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta không –những người Ki-tô hữu? Chúng ta cùng nhau chia sẻ hai vấn đề này:

1. Đức tin là điều kiện để nhận ơn lành của Chúa.

Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật dễ như chúng ta lấy đồ vật trong túi ra, nhưng quan trọng hơn đó chính là đức tin của người mù, cũng như đức tin của những người đến xin Chúa chữa lành bệnh cho họ. Nếu họ không có đức tin, hoặc là họ không tin Đức Chúa Giê-su sẽ làm được, thì việc chữa lành khó khăn gấp nhiều lần, do đó, đức tin là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Đức tin làm cho bạn và tôi thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình cũng như trong cuộc sống của anh chị em khác, và nhờ đức tin mà lời cầu nguyện của chúng ta có một “sức mạnh” trước mặt Thiên Chúa.

Con người ta có thấy mới tin, nhưng người mù thành Giêricô đã nghe (chứ không thấy) và đã tin, ông ta đã nghe bằng hai lỗ tai xác thịt, nhưng ông đã “thấy” bằng con mắt đức tin, và cái “thấy” này đã làm cho ông ta mạnh dạn tin tưởng rằng Đức Chúa Giê-su có thể làm cho ông được sáng mắt, và do đó bất chấp sự can ngăn của mọi người, bất chấp lời quở mắng của đám đông dân chúng, ông vẫn cứ kêu xin Đức Chúa Giê-su dủ lòng thương xót ông, và rồi đức tin của ông đã chữa ông như lời của Đức Chúa Giê-su nói.

2. Lòng thương xót của Chúa và đức tin của chúng ta.

Trong toàn bộ các sách Phúc Âm bạn và tôi đều thấy được tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su trãi dài trên các chặng đường mà Ngài đã đi qua, nơi các địa phương mà Ngài đã đến, nơi đâu Ngài cũng bày tỏ một tâm tình yêu mến và xót thương dân chúng, bởi vì họ như đàn chiên không người dẫn dắt. Nhưng không phải vì thế mà Đức Chúa Giê-su dễ dãi làm phép lạ cho họ, bằng chứng là Ngài đã không làm một phép lạ nào ở quê nhà, bởi vì họ không có lòng tin, hay nói cách khác, họ đã coi thường khinh dễ Đức Chúa Giê-su khi họ cùng nhau bàn luận: “Ông này không phải là con của bác thợ mộc Giu-se sao...?”

Bệnh tật phần xác có liên quan đến phần hồn, bệnh phần xác là ngọn, bệnh phần hồn là gốc, chữa gốc thì ngọn cũng lành, cho nên khi nói với người mù: “Anh hãy về đi, đức tin của anh đã cứu anh”, thì Đức Chúa Giê-su cũng mặc khải cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng: lòng thương xót của Ngài vốn đã có trên con người chúng ta, bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta tin, thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Bởi vì đức tin thuộc về hồn và chữa lành thuộc về xác, khi chúng ta tin là lúc chúng ta được chữa lành. Muốn thì được.

Bạn thân mến,

Có những người tin nhưng vẫn còn hồ nghi vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; có những người tin nhưng đức tin của họ được đo bằng vật chất, bởi vì khi cầu xin mà không được thì oán trách và bỏ cuộc; có những người tin nhưng lòng tin “chập chờn” trước những thử thách mà có lúc họ cho rằng Thiên Chúa không tồn tại...

Thánh lễ Mi-sa là nơi mà Đức Chúa Giê-su tỏ lộ lòng thương yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, và là nơi mà đức tin của mỗi người trong chúng ta được củng cố kiện toàn nhất, bởi vì nơi đây –thánh lễ- bạn và tôi được ăn và uống Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và nơi thân xác của con người.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa nhật Truyển Giáo (B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:54 23/10/2021
CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng: Mt 28, 16-20.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.”


Bạn thân mến,

Mỗi năm một lần, Giáo Hội –trong ngày lễ truyền giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta vậy.

Truyền giáo ở đâu? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì ở đó chính là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà bạn và tôi cũng như những người Ki-tô hữu khác cần phải làm chứng cho Tin Mừng.

1. Gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, có người sẽ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: cha thì cả ngày say lè nhè, mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau; hoặc là cha mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo
là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của Thiên Chúa và của Giáo Hội !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội, nhưng cuộc sống của họ thì giống như họ không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng để cho bạn và tôi quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào cách sống của các linh mục để bắt chước các ngài; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương tha nhân...

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của bạn và tôi hoặc người Ki-tô hữu.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà bạn và tôi đến để làm việc, học hành, buôn bán, trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su nơi chúng ta rồi vậy.

Bạn thân mến,

Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội trở thành con cái của Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay bạn và tôi nên tự hỏi mình: cuộc đời tôi có bao nhiêu lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm Khánh nhật truyền giáo
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:23 23/10/2021
Suy niệm Khánh nhật truyền giáo

Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20)

Truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Vì là bản chất, là bổn phận, là trách nhiệm nên Giáo hội không thể không loan báo Tin mừng, không thể truyền giáo, không thể không là chứng nhân giữa đời bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Vì thế, những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đều phải mang sứ mạng loan báo Tin mừng trong mọi nơi mọi lúc cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai chưa nhận biết Đức Giê-su, Đấng cứu độ duy nhất. Tuy nhiên, làm sao trở nên người loan báo Tin mừng cho người khác nếu bản thân mỗi người chưa đủ hiểu biết và thấm nhuần giới răn của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày? Làm sao là chứng nhân nếu cách sống, lời nói và hành vi cử chỉ của chúng ta chưa thật tốt, chưa thật sự xứng đáng và trở nên gương sáng?

Thật vậy, để trở nên người loan báo Tin mừng đúng nghĩa, chúng ta được mời gọi trước tiên phải bén rễ sâu vào Đức Giê-su Ki-tô để gắn bó, thấu hiểu và thuộc trọn về Ngài. Thứ đến, chúng ta sẵn sàng ra đi để làm chứng cho tất cả những gì chúng ta đã nghe, đã biết về Đức Giê-su Ki-tô bằng cuộc sống. Điều này, chính Đức Thánh Cha đã chọn câu chủ đề cho sứ điệp truyền giáo năm 2021: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20)”.

Tại sao Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề này vậy?

Đứng trước những thách đố của thời đại này, cách riêng là đại dịch Covid 19 đang hoành hành, con người đang phải đối diện với những thử thách về đời sống hằng ngày, đặc biệt là đời sống đức tin. Đức Thánh Cha muốn mời gọi mỗi người Kitô hữu, những người đã được cảm nghiệm, đụng chạm và sống với Đức Kitô qua tương quan đời sống cộng đoàn hay cá nhân. Họ hãy can đảm dấn thân, ra đi và loan truyền về tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Mặt khác, Đức Thánh Cha đã dựa vào lời chứng của các Tông Đồ, những người đã cùng ăn, cùng uống và cùng sống với Đức Giê-su. Các ông đã cảm nghiệm tình cha con, nghĩa thiết, các ông cũng đã chứng kiến những nghĩa cử mà Đức Giêsu đã thực thi, đặc biệt là tình yêu của Thiên Chúa dành cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Từ lời chứng các Tông đồ, Đức Thánh Cha mời gọi người Kitô hữu can đảm ra đi loan báo Tin mừng cho tất thảy mọi người. Không ai tự cho phép mình trốn tránh trách nhiệm cao cả này.

Không ai cho người khác mình không có

Một tín hữu Công Giáo làm sao trở nên một chứng nhân đích thực nếu trước đó người ấy không có đời sống cầu nguyện thâm sâu, nếu không có sự gặp gỡ liên lỉ và đón nhận những sứ điệp, lời nói và cách sống của Chúa Giê-su Ki-tô. Chỉ trở nên người truyền giáo đúng nghĩa cho thời đại hôm nay là sống như Chúa Giê-su đã sống, yêu như Chúa Giê-su đã yêu, hành động như Chúa Giê-su đã hành động, gặp gỡ như Chúa Giê-su đã gặp gỡ, nói như Chúa Giê-su đã nói,…Ngược lại, nếu sống loại trừ, vô cảm, ích kỷ, tham lam, hận thù, ghen ghét, nói hành nói xấu, buôn gian bán lẫn, lừa dối, trộm cắp, lộn vợ lộn chồng, chửi tục nói thề, say sưa rượu chè, cờ bạc lô đề,…thì chúng ta vô tình hay hữu ý đã trở nên bức tường ngăn cách hay trở nên phản chứng Tin mừng cho anh chị em chung quanh, nhất là đối với những người chưa nhận biết Chúa.

Để sống chứng nhân cách hữu hiệu và có sức lan toả rộng cũng như sâu, Chúa Thánh Thần là tác nhân đóng vai trò chính yếu và tối quan trọng để dẫn dắt, hướng dẫn, đồng hành và đưa mỗi người đến với Ngôi Hai Thiên Chúa cũng như sinh hoa kết quả dồi dào cho hết thảy mọi người, đặc biệt cho những anh chị em lương dân đang sống kề cạnh chúng ta. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đang hoành hành, trong sứ điệp truyền giáo 2021, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyến cáo người Kitô hữu không được thoái lui, sợ hãi hay thỏa hiệp trước những ru ngủ của thế gian. Trái lại, Ngài lên án, vạch mặt những cám dỗ của thời cuộc. Hơn thế nữa, theo Ngài, niềm hy vọng Kitô giáo sẽ dẫn nhân loại đến bến bình an. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình hãy khiêm tốn trở nên khí cụ, cánh tay nối dài để chuyển trao, rao giảng về một Đấng Kitô Phục sinh. Chính Ngài sẽ xua tan mọi bóng đêm của ma quỷ, tội lỗi và dẫn đưa mọi người đến chân lý vẹn toàn, ánh sáng của Đức tin đặc biệt cho những người bị bỏ rơi. Một Đức Kitô gần gũi, thân thiện, và đầy lòng xót thương.

Truyền giáo ngày nay?

Đứng trước ‘giông tố hiện tại’, là đại dịch, hơn ai hết, ki-tô hữu được mời gọi hãy sống mối tình liên đới, tình huynh đệ, tình tương thân tương ái, mà không phân biệt lương hay giáo, sắc tộc, vì tất cả là anh chị em trong gia đình nhân loại. Quả thật, ‘Vi-rus Co-ro-na’ xuất hiện cũng như lan toả thì ai cũng sợ và không muốn nó lây lan, lây nhiễm rộng, nhưng chúng ta cần lây lan và làm cho lây nhiễm càng rộng càng tốt con “vi-rút bác ái, vi-rút yêu thương, vi-rút quan tâm và bao dung”. Đây là cách thức truyền giáo, loan báo Tin mừng mà Chúa và Mẹ Giáo hội mong muốn.

Bên cạnh biết ơn những mẫu gương, những nhà thừa sai đã có những chứng ta sống động trong công cuộc loan báo Tin mừng, thì có một điều mà chúng ta không nên từ chối với nhau rằng là càng ngày càng ít người trẻ dấn thân hơn cho sứ vụ loan báo Tin mừng, ngay cả những người được thánh hiến và được chọn gọi qua thừa tác vụ linh mục. Hình như nói đến việc dấn thân, hy sinh và đi đến những vùng xa xôi, héo lánh, hoang sơ, nơi giáo lương lẫn lộn, là một điều gì đó xa xôi và không dễ gì được đón nhận khi ai đó được sai đến chưa nói đến là tinh thần tự nguyện xung phong lên đường truyền giáo.

Tóm lại, lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi về trời mà Tin mừng của Thánh Mác-cô hôm nay trình thuật: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” vẫn còn tiếp tục vang vọng và rất thời sự với tất cả mỗi người chúng ta ngày nay. Quả thật, khánh nhật truyền giáo hôm nay như một lời thức tỉnh và mời gọi chúng ta ý thức bổn phận cần thiết truyền giáo của mỗi người để sẵn sàng lên đường dấn thân làm chứng trong mọi ngõ ngách cho mọi người, nhất là cho những đồng bào chưa cùng niềm tin với chúng ta bằng cuộc sống bác ái, yêu thương và hiệp nhất.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Giáo Hội Và Nước Thiên Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:25 23/10/2021
Giáo Hội Và Nước Thiên Chúa

(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXX TN - Lc 13,18-21)

Không phải vô cớ mà Alfred Firmin Loisy (1857-1940), một cựu linh mục và là nhà phê bình, thường chỉ trích Giáo Hội đã nói: “Chúa Giêsu loan báo Nước Trời thì Giáo Hội đã đến”. Không có lữa thì làm sao có khói. Dù rằng Alfred Firmin Loisy có lý do nào đó để phê phán Giáo hội, tuy nhiên ông đã lầm khi quan niệm hai thực tại Giáo hội và Nước Trời là một. Sự sai lầm này đã từng có không chỉ khởi đi từ thời các giáo phụ khi có nhiều vị như Inhaxiô thành Antiôkia, Grêgôri thành Nysse, Âugustinô… khẳng định rằng: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” mà còn kéo dài đến gần cuối thế kỷ XX.

Những ngày gần đây có nhều trăn trở và suy tư của một vài bậc vị vọng và nhiều thần học gia về tương lai của Giáo Hội. Thi thoảng có vài nỗi lo âu xuất hiện, nhưng vẫn có đó nhiều xác tín về sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội, tuy nhiên hình thức hiện hữu có thể đổi thay. Bài Tin Mừng được trích đọc trong ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXX TN tường thuật những lời của Chúa Giêsu về sự tăng trưởng cách diệu kỳ của Nước Thiên Chúa qua hai dụ ngôn ngắn gọn: “hạt cải” và “nắm men trong bột”. Xin có cái nhìn về Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu và chân lý, của tự do và trách nhiệm để thoáng nhận ra sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Nước Trời như lời Chúa Giêsu khẳng định.

Sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô khi vào trần gian này là loan báo và xây đựng Nước Thiên Chúa. Người thực thi điều này bằng lời rao giảng, các hoạt động cứu nhân độ thế, nhất là bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Và phải xác tín rằng chính Người là Nước Thiên Chúa như lời Người khẳng định: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi” (Lc 17,21).

Ròng rã ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không ngừng loan truyền chân lý, dẫu cho có khi đụng chạm đến nhiều người quyền cao chức trọng. Người miệt mài thi ân giáng phúc cho nhân trần đến nỗi không còn thời giờ ăn uống nghỉ ngơi. Người truyền dạy phải biết yêu thương nhau cách đủ đầy các mặt trong tình liên đới đến cùng. Thậm chi khi đang dâng của lễ mà chợt thấy có người anh em đang có điều gì bất hòa với mình thì hãy để của lễ lại đó, trở về làm hòa với người anh em trước đã (x.Mt 5,20-26).

Vương quốc tình yêu và chân lý đang triển nở hầu khắp trên hành tinh xanh này. Ngày nay người ta trên thế giới, kể cả đám đông dân chúng và những người kém phận đều khao khát và tìm nhiều cách để đòi hỏi quyền tiếp cận sự thật. Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm 2021 cho hai nhà báo là Maria Ressa và Dmitry Muratov vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận là một đan cử. Dù cho mức độ thực hiện thì còn phải xem xét, nhưng tại quê hương nhà Việt Nam, khẩu hiểu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng nói lên xu thế tất yếu của thời đại. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách kìm giữ của satan (x.Ga 8,31-42).

Việc liên đới với nhau trong tình yêu ngày càng tăng trưởng mọi mặt. Hoàn cảnh dịch bệnh đang hoành hành càng làm nổi rõ sự tương thân tương ái cách rõ nét. Tình yêu liên đới này như đang dần vượt qua tình trạng “bầu bí chung giàn”, giới hạn, cục bộ. Đã và đang có đó nhiều con tim, khối óc, bàn tay, hầu bao mở ra vì tha nhân chỉ trên nền tảng là đồng loại, bất phân màu da, sắc tộc hay biên giới.

Hai phạm trù tình yêu và chân lý phải luôn song hành. Sự thật mà vắng tình yêu thì dễ trở thành sự kết án, xét đoán, loại trừ. Tình yêu mà thiếu sự thật thì dễ trở thành hình thức và nhiều khi chỉ là sự giả dối, thậm chí là cách thế để lọc lừa.

Nước Trời là vương quốc của tự do và trách nhiệm đang phát triển như nắm men trong thúng bột. Đến thế gian này sứ mạng chính của Chúa Kitô là giải thoát con người khỏi ách nô lệ của thần dữ và dẫn đưa loài người trở về tình trạng con cái tự do của Cha trên trời. Là đoàn con cái tự do thì chúng ta phải có trách nhiệm với Cha trên trời và với nhau. Việc nỗ lực làm sáng Danh Cha, làm cho Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện là một vịnh dự và cũng là bổn phận của đoàn con cái. Sự tự do trong đời con cái đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với hạnh phúc và phần rỗi của tha nhân vì là anh chị em của mình (x.Mt 6,7-15).

Nước Trời đang tăng trưởng cách đáng kinh ngạc trước mắt chúng ta. Ngày nay nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới quyết tâm đòi hỏi món quà vô giá mà Thượng đế ban cho đó là sự tự do. Họ sẵn sàng trả nhiều giá đắt để được hít thở bầu khí tự do, vì vẫn còn có đó nhiều người không chỉ muốn mà còn tìm đủ cách thế bắt kẻ khác làm nô lệ dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó các hình thức sống có trách nhiệm hơn với xã hội, với các tập thể lớn nhỏ mình thuộc về, nhất là với những người nghèo hèn, kém phận, xem ra ngày càng nở rộ đó đây. Văn hóa từ chức là một hình thái biết sống có trách nhiệm khi bản thân không thể chu toàn bổn phận hoặc để xảy ra lỗi lầm nào đó di hại cho xã hội.

Hai phạm trù tự do và trách nhiệm cũng cần phải sánh đôi. Đã tự do thì phải có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với cả tha nhân và xã hội. Khi biết sống có trách nhiệm thì chúng ta sẽ giúp nhau ngày càng được tự do hơn như những người anh chị em trưởng thành.

Giáo Hội là dấu chỉ của Nước Trời. Dấu chỉ không hiện hữu cho chính nó mà là cho thực tại nó hướng về, chỉ về. Như thế sự hiện hữu của Giáo hội là để phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Dù cho cách thế hiện hữu của Giáo Hội hữu hình có đổi thay ra sao thì trong đức tin chúng ta tin nhận rằng Nước Thiên Chúa mãi đang triển nở vì chính Thiên Chúa là Đấng dựng xây Nước của Người.

Theo cái nhìn của cha Karl Rahner thì chúng ta luôn giữ vững niềm hy vọng vì có đó nhiều người ngoài Công Giáo, ngoài Kitô giáo, thậm chí là vô thần đang góp phần làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị. Họ là những người hâm mộ chân lý, hăng say loan truyền sự thật trong tình yêu liên đới. Họ là những người biết thật lòng xả thân vì đồng loại cách bất vụ lợi. Họ là những người không chỉ muốn sống trong tự do mà còn sẵn sàng đòi hỏi sự tự do cho bản thân và tha nhân. Đây chính là một cách thể biểu hiện tinh thần trách nhiệm của họ. Nếu họ là người ngoài Kitô giáo thì họ cũng là Kitô hữu,“Kitô hữu vô danh”.

Giáo Hội Công Giáo thế nào cũng phải đổi thay nhiều mặt. Phải đổi thay về cơ chế luật lệ, về cả lề lối sống đức tin. Xin đừng quá băn khoăn lo lắng rằng Giáo hội sẽ ra sao về hình thức bên ngoài hay về số lượng tín hữu có lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy có thể giảm sút. Điều đáng băn khoăn là Giáo hội canh tân như thế nào để có thể sống đúng căn tính của mình là một khí cụ phục vụ Nước Thiên Chúa, hầu cho vương quốc của tình yêu và chân lý, của tự do và trách nhiệm tăng trưởng đúng đẹp thánh ý Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Như Một Giấc Mơ
L.m. Giuse Trương Đình Hiền
09:27 23/10/2021
NHƯ MỘT GIẤC MƠ

(Khánh Nhật Truyền Giáo 2021)

Sáng nay, thứ Bảy 24 tháng 10 của năm 2021, lên bàn phím, vô Google gõ thử hai từ “Truyền Giáo” thì lập tức, chưa đầy 6 giây, được thông báo có khoảng 195 triệu kết quả. Mình chắc mẫm: Ồ “Truyền giáo” cũng quan trọng đấy chứ ! Nhưng “bé cái lầm” ! Sau đó gõ tiếp chữ “Sex”, thì chưa đầy 3 giây, đã cho kết quả 6 tỷ chín trăm triệu ! Và lần lượt gõ thêm mấy từ khác như “tiền bạc”, “kinh tế”, “tài chánh”… từ nào cũng cho kết quả vượt trội hai từ “truyền giáo”. Riêng mấy từ như “Thiên Chúa”, “đạo đức”, “thánh thiện”, “ơn cứu độ”… thì ít ỏi đến thảm hại !

Thì ra, câu chuyện “truyền giáo” hay những gì liên quan đến “Thiên Chúa”, “ơn cứu độ”, “lòng đạo đức”, “sự thánh thiện”… xem ra không là điều đáng quan tâm của loài người hôm nay. Và như thế, xem ra cái viễn tượng huy hoàng của ơn cứu độ mà ngôn sứ Isaia đã được khải thị từ mấy ngàn năm trước e còn xa xăm tít tắp: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi”. (Bđ 1).

Nói thì nói vậy, chứ nếu đem so sánh “195 triệu bản tin liên quan đến truyền giáo” trong vòng mấy giây của mạng Google lan toả trên khắp thế giới hôm nay với bản “tin vui Phục Sinh” theo bước chân âm thầm lặng lẽ của mỗi mình cô Maria từ Mồ Trống trở về, thì quả thật, sau hai ngàn năm, công cuộc loan báo Tin Mừng đã được nhân lên gấp trăm, gấp triệu. Và như thế, có thể khẳng định rằng: mệnh lệnh “các con hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19) hay “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) mà Chúa Giêsu trao cho các Tông Đồ, cho Hội Thánh đã được thực hiện nghiêm túc, cho dù chưa đạt được kết quả “trăm phần trăm”.

Phải chăng cũng vì cái kết quả “chưa được trăm phần trăm” đó mà, như thư mục vụ về truyền giáo năm nay của Đức Giám Mục giáo phận nêu bật, “Tháng 10 hằng năm được Giáo hội chọn làm Tháng Truyền giáo, mở đầu với lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là Bổn mạng các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Cao điểm của Tháng Truyền giáo là Khánh nhật Truyền giáo được cử hành vào Chúa nhật áp chót của tháng 10” (số 1).

Cùng với mục tiêu của “tháng mười truyền giáo” và của ngày “Khánh nhật truyền giáo”, Đức Cha cũng nhắc đến những công việc, hành động cần thực hiện trong thời điểm đặc biệt nầy: “Trong ngày này, toàn thể Giáo hội hiệp thông trong lời cầu nguyện cùng với những hy sinh để cầu cho công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới cũng như tại các địa phương. Đây cũng là dịp để mỗi Kitô hữu suy nghĩ về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà mình đã lãnh nhận trong bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, về cách thực hiện nhiệm vụ ấy trong những hoàn cảnh khác nhau và về nhiệt tình truyền giáo của mình, để cải thiện và ngày càng gia tăng hiệu quả của công cuộc truyền giáo” (số 1).

Theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu hay như lời Đức Cha vừa nhắn gởi: nhiệm vụ loan báo Tin Mừng gắn liền với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức nên không một Kitô hữu nào được miễn trừ; hơn nữa, trong chiều kích đức tin, “ân sủng và tình yêu” một khi đã được nhận lãnh và cảm nhận thì không được “giữ bo bo” cho riêng mình mà cần phải sẻ chia và loan báo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điều này trong sứ điệp Truyền giáo năm nay: “Một khi đã được trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ điều chúng ta đã thấy và đã nghe” (SĐTG 2021).

Vã lại, cái thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới ngập tràn ánh sáng của văn minh kỹ thuật, của sự giàu sang vật chất…, nhưng cũng chất chứa đầy dẫy bóng tối của đói khát lầm than, của hận thù chia rẽ, của tội lỗi dục vọng…, thứ bóng tối mà chỉ có “ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa” toả rạng trên thân mình Giáo Hội, trên đoàn Dân mới, mới đủ sức xua tan, đẩy lùi, như ngôn sứ Isaia đã từng được khải thị trước mấy ngàn năm: “Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, và vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi”. Vâng, Giáo Hội Chúa Kitô chính ánh sáng, mỗi một người Kitô hữu chính là ánh sáng: “các con là ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,14) và “ánh sáng đó cần phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp của các con mà tôn vinh Cha Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Thế nhưng, công việc “chiếu giãi ánh sáng vào trong đêm tối của thế gian” lại là chuyện “đội đá vá trời” xét theo phương diện loài người. Thật vậy, Đức Thánh Cha đã nhắc lại kinh nghiệm đầy khó khăn và thách đố của buổi đầu truyền giáo của Giáo Hội sơ khai: “Các Kitô hữu sơ thời bắt đầu cuộc sống đức tin của họ giữa sự thù nghịch và khó khăn. Các kinh nghiệm về tình trạng bị loại trừ và giam cầm, cộng với các cuộc đấu tranh bên trong và bên ngoài, có vẻ như nói ngược lại và thậm chí phủ nhận những điều họ đã thấy và đã nghe” (SĐTG 2021). Thế nhưng, đây là cách mà họ đã thể hiện: “Nhưng, những trải nghiệm ấy, thay vì là một khó khăn hay một trở ngại khiến họ lui bước hay khép kín trong nội bộ, trái lại, chúng thúc đẩy họ biến những vấn đề, những mâu thuẫn và những khó khăn thành những cơ hội cho sứ mạng. Những giới hạn và những trở ngại trở thành một cơ hội ưu việt để xức dầu Thần Khí Chúa cho mọi sự và mọi người” (SĐTG 2021). Đó chính là chứng từ được ghi đậm nơi từng trang sách Công vụ Tông Đồ mà Đức Thánh Cha, trong sứ điệp Truyền Giáo 2021, đã nêu ra như một bằng chứng đầy thuyết phục về công cuộc truyền giáo buổi sơ thời của Hội Thánh: “Sách Công Vụ dạy chúng ta chịu đựng những khổ cực bằng cách bám chặt vào Đức Kitô, để lớn lên trong “niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hành động trong mọi hoàn cảnh, thậm chí cả giữa những cái có vẻ là thất bại” và chắc chắn rằng “tất cả những ai phó thác mình cho Thiên Chúa thì sẽ sinh hoa kết quả dồi dào” (Evangelii Gaudium số 279) (SĐTG 2021).

“Tháng Mười Truyền giáo” và ngày “Khánh Nhật Truyền giáo” năm nay, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến trong sứ điệp truyền giáo, đã diễn ra trong bối cảnh cả thế giới vẫn còn chìm ngập trong bóng tối của cơn đại dịch Covid-19 mà những hệ luỵ đau thương và đầy thách đố tiêu cực đang tác dụng trên đời sống Giáo Hội cũng như mọi người. Tuy nhiên, ngài mời gọi dân Chúa hãy học kinh nghiệm của thời Công vụ tông đồ bám chặt vào Đức Kitô và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ra đi loan báo và làm chứng về sứ điệp Phục Sinh, về niềm hy vọng: “Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và bây giờ là Đấng toàn năng. Đức Giêsu Kitô đang sống thực sự” (Evangelii Gaudium, 275) và muốn chúng ta sống, đầy tình huynh đệ, và có khả năng yêu quí và chia sẻ thông điệp hy vọng này. Trong các hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, nhu cầu cấp bách là phải có những người thừa sai của niềm hy vọng, những người được Chúa xức dầu để có thể cống hiến một lời nhắc nhở tiên tri rằng không ai được cứu rỗi một mình” (SĐTG 2021).

Riêng Đức Giám Mục giáo phận chúng ta lại nhắc đến hiệu quả thần diệu của Kinh Lạy Cha được Đức cố Giám Mục Phaolô Huỳnh Đông Các phát động cầu nguyện cho công cuộc tái truyền giáo cho vùng Bắc Bình Định sau “biến cố 75”; và dĩ nhiên, phương thức “cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo với Kinh Lạy Cha” chắc chắn không bao giờ lỗi thời.

Từ “khải thị” xem ra đầy huyển tưởng của ngôn sứ Isaia về một Giêruslem bừng sáng, đến những bước chân vội vã đầy hoảng sợ lo âu mang tin mừng Phục sinh của người thiếu phụ Maria Mađalêna của buổi bình minh ngày Thứ Nhất trong tuần, rồi cuộc tử đạo của thủ lãnh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo thời bạo chúa Nêrô… cho đến hôm nay, với hơn hai tỉ người tin vào Chúa Kitô, trong đó có hơn một tỉ người thuộc Giáo Hội Công Giáo…, chuyện truyền giáo ôi thật lạ lùng !; và với giáo phận Qui Nhơn chúng ta, vùng Bắc Bịnh Định, từ một giáo hạt bị chiến tranh tàn phá hết chỉ còn lại một cộng đoàn duy nhất sau 75, đến nay đã có 7 giáo xứ và 3 giáo họ biệt lập…! Quả thật, công cuộc loan báo Tin Mừng “cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý” (Bđ 2) chẳng khác nào như một “giấc mơ”, một giấc mơ đã, đang và sẽ trở thành hiện thực. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

 
Chúng tôi không thể không nói
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
17:16 23/10/2021

CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ KHÔNG NÓI

Hàng năm cứ vào tháng 10 chúng ta biết đây là tháng Mân Côi, Giáo hội kêu gọi chúng ta siêng năng lần hạt để ca tụng Đức Trinh nữ Maria và xin Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta. Tuy nhiên, tháng 10 cũng được gọi là tháng truyền giáo, là tháng Giáo hội dành đặc biệt để mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như thực hiện sứ vụ truyền rao Tin Mừng cho mọi người mà họ đã lãnh nhận khi chịu Bí tích Rửa tội.

Chính vì thế, vào Chúa Nhật áp chót của tháng này, Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo. Năm nay Chúa Nhật Truyền Giáo đúng vào ngày 24 tháng 10, khi mừng ngày này hãy cùng nhau suy gẫm chủ đề được Đức Thánh Cha viết trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4, 20).

Truyền giáo là một sứ mệnh cần thiết của Giáo hội. Hay nói cách khác, căn tính của Giáo hội là truyền giáo, trách nhiệm của các tín hữu là giới thiệu Chúa cho mọi người, làm cho họ trở nên con cái của Chúa và trở thành những thành viên trong gia đình Giáo hội. Lịch sử loan báo Tin Mừng bắt đầu với mong muốn thiết tha của Chúa, Đấng kêu gọi và muốn đối thoại thân thiện với mỗi người. Thiên Chúa luôn chủ động chia sẻ tình yêu của Ngài với hết thảy mọi người.

Khi được mời gọi theo Chúa, các Tông đồ là những người đầu tiên cho chúng ta biết điều này. Họ kể cho chúng ta biết kinh nghiệm về việc họ được gặp Chúa và theo chân Ngài. Mọi chi tiết của cuộc gặp họ đều nhớ rất rõ. Họ nhớ ngay cả ngày và giờ lúc sự gặp gỡ được bắt đầu: “Lúc đó vào giờ thứ mười” (Ga 1, 39), tức là khoảng bốn giờ chiều. Lần đầu tiên được tiếp xúc với Chúa Giê-su, là lúc đánh dấu một điểm mốc rất quan trọng trong cuộc đời của họ. Và rồi họ đã ở lại, đi theo Người và được huấn luyện thành những môn đệ nhiệt thành để lãnh trách vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ.

Sau khi lãnh nhận trọng trách từ Thầy của mình họ đã bắt đầu đi khắp mọi miền thiên hạ để loan báo về Đức Ki-tô, về Con Người họ đã nhận biết, “để ai tin vào Người thì sẽ được ơn cứu sống” (Ga 3, 15). Dĩ nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng ngược lại các môn đệ đã khởi đầu công việc truyền giáo với nhiều gian nan và khốn khó.

Sau những cố gắng của các ngài, các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đã được thiết lập và các tín hữu bắt đầu đời sống đức tin của mình. Điều đáng chú ý là mặc dầu họ phải sống trong bầu khí thù địch và bị ghét bỏ bởi những người xung quanh, nhưng họ vẫn luôn kiên cường giữ vững đức tin và nỗ lực làm cho các cộng đoàn được lớn lên về tinh thần và phạm vi. Cụ thể, trong thông điệp của Đức Thánh Cha về Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, có đoạn ngài viết:

Những kinh nghiệm bị gạt ra ngoài lề và tù đày đan xen với những cuộc đấu tranh nội tâm và bên ngoài dường như mâu thuẫn và thậm chí phủ nhận những gì họ đã thấy và đã nghe. Tuy nhiên, thay vì là một khó khăn hay trở ngại khiến họ lùi bước hoặc co cụm, những trải nghiệm đó thôi thúc họ biến những vấn đề, xung đột và khó khăn thành cơ hội để thực hiện sứ mạng.”

Vậy, bạn thân mến, là những thành viên trong gia đình Giáo hội, chúng ta đặc biệt được mời gọi thánh hóa môi trường mình đang sống, nỗ lực làm cho môi trường này trở thành môi trường Ki-tô giáo. Nói rõ hơn, chúng ta được giao cho sứ vụ kể về kinh nghiệm chúng ta được gặp và tin vào Chúa cho những người sống xung quanh chúng ta, để họ cũng được nghe và tin nhận Ngài, nhằm để hết thảy mọi người chúng ta được hưởng sự sống đời đời.

Quả vậy, “những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Đây là lập trường của các Tông đồ sau khi được nhận biết Đức Ki-tô, họ nhất quyết phải thuật lại cho những người chưa nhận biết Ngài. Lập trường này cũng đã trở thành thái độ sống của mọi Ki-tô hữu chúng ta. Vì thế, để sống tinh thần của Chúa nhật Truyền Giáo năm nay, ngoài việc cầu nguyện và đóng góp vật chất giúp việc truyền giáo của Giáo hội, chúng ta cũng tìm cách nói cho người khác biết về Chúa, về Đấng mà chúng ta tin thờ. Không đâu xa, chúng ta tiếp tục giới thiệu Chúa cho người thân trong gia đình và cho bạn bạn bè chúng ta.

Đây là một việc làm hết sức khó khăn, nhiều lúc chúng ta cảm thấy như là “impossible mission,” là điều không bao giờ thực hiện được. Nhưng hãy nhận biết rằng, những hạn chế và trở ngại này là cơ hội đặc biệt để chúng ta cầu xin Thần Khí của Chúa hướng dẫn chúng ta. Chúng ta cũng xin Ngài luôn chúc lành và thánh hóa cho những người chống đối chúng ta.

Không việc gì mà Thiên Chúa không làm được, cũng như không thể để cho một ai trong gia đình chúng ta, trong người thân và bạn bè chúng ta bị loại khỏi vòng tay yêu thương của Chúa. Vì thế chúng ta cần nỗ lực hơn và luôn kiên nhẫn trong sứ vụ truyền giáo của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị và xin kính chúc mọi người có một Ngày Thế giới Truyền giáo đầy ý nghĩa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 23/10/2021

43. Chúng ta nên bắt chước Đức Chúa Giê-su trong máng cỏ coi nhẹ giá trị vật chất thế gian.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:34 23/10/2021
91. KHÔNG DÁM DÀI DÒNG

Người nọ viết thư, ngôn ngữ dài dòng, có người bạn khuyên anh ta:

- “Bút pháp của lão huynh còn có thể được, nhưng mấy lời dài dòng đó bỏ đi.”

Người nọ liền tán thành.

Sau đó, anh ta viết thư cho người bạn ấy như sau:

- “Lúc trước đây được ngài chỉ giáo chính xác, tôi rất cảm kích và bội phục. Từ đó đến nay, tôi tuyệt đối không dám dùng lời dài dòng rườm rà để làm phiền ngài nữa”.

Viết thư xong, anh ta viết bên cạnh chữ “tuyệt đối” mấy hàng chú giải:

- “Chữ “tuyệt đối” này là viết chữ chân phương phía trên không có dấu, chính là chữ “tuyệt đối” viết tắt. Đáng lẽ tôi phải viết hoa chữ “tuyệt đối” để tỏ lòng cung kính, nhưng vì chữ nhiều nét quá nên viết tắt vậy. Tóm lại, thư viết sơ sài bất kính, xin vui lòng bỏ qua, hân hạnh”.

(Hi đàm lục)

Suy tư 91:

Ở đời, có người viết sách hay nhưng giảng bài lại không hay, và ngược lại, có người giảng hay nhưng không biết viết sách, nhưng cũng có người viết sách hoặc giảng bài đều hay cả, thế mới biết con người ta không ai giống ai cả...

Có một vài linh mục khi giảng thì dài dòng, có một vài giáo dân “can đảm” góp ý thì lắng nghe và hứa sẽ không giảng dài dòng nữa, nhưng hễ cứ lên tòa giảng thì ngài lại giảng dài dòng, cứ đem bài đọc một ra phân tích câu này như thế này, câu kia như thế nọ.v.v...hết bài đọc một rồi đến phân tích bài đọc hai, phân tích xong hai bài đọc thì đã qua hai mươi phút, rồi diễn giải câu đáp ca, cuối cùng thì đem bài Phúc Âm ra phân tích theo đúng bài bản đã học trong chủng viện thì cũng gần bốn mươi lăm phút, đến khi ngài đưa ra câu ý lực sống, thì giáo dân cặp mắt đã lờ đờ vì hôm qua thức coi đá banh, hoặc đứng ngồi không yên vì trể giờ đi làm, trể giờ đến lớp...

Con người thời nay không thích giảng dài dòng, nhưng chỉ thích ngắn gọn đầy ý nghĩa và thực tế, bởi vì bài giảng trong thánh lễ không phải là một lớp thần học thánh kinh của các tu sĩ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sau đại dịch coronavirus, luân lý trong xã hội càng xuống thấp hơn. Vụ án giết vợ cướp của tại Ấn Độ
Đặng Tự Do
05:23 23/10/2021


Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunka, Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara, từng làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ trong nhiệm kỳ 2014 đến 2018 bày tỏ quan ngại rằng đại dịch coronavirus đang gây ra một sự suy thoái nghiêm trọng trong xã hội Ấn. Sau một thời gian dài lockdown, nhiều người rơi vào những khó khăn tài chính và xoay sở mọi cách, bạt chấp cả các thủ đoạn, để thoát ra.

Nhận xét của ngài được minh họa bằng một bản án chung thân hai đời, cụ thể là án tù chung thân kéo dài trong 200 năm cho một người đàn ông giết vợ bằng một thủ đoạn vô cùng tàn độc.

Hôm thứ Tư 13 tháng 10, một người đàn ông ở Ấn Độ đã bị tuyên án chung thân hai lần vì giết vợ bằng một vũ khí rất là bất thường: đó là dùng một con rắn hổ mang có nọc độc cực cao.

Các chi tiết kinh hoàng của vụ án đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Trong phán quyết, Tòa án Tối cao của Ấn Độ cảnh báo rằng vụ án này thể hiện một xu hướng ngày càng tăng ở quốc gia đông dân nhất hành tinh, nơi những kẻ giết người sử dụng rắn độc để cố gắng tạo hiện trường giả như cái chết đã xảy ra một cách tình cờ.

Sooraj Kumar đã bị kết án hôm thứ Tư sau khi bị một tòa án cấp dưới ở bang Kerala kết tội giết người vào hôm thứ Hai.

Tại Ấn Độ, trong một cuộc hôn nhân, nhà gái phải trả cho chú rể một khoản tiền hồi môn lớn đến mức nhiều cô gái đành phải sống một mình suốt đời vì không có của hồi môn.

Theo các công tố viên, Kumar cưới vợ vì của hồi môn, và tài chính của gia đình vợ, nhưng nhanh chóng không hài lòng với cuộc hôn nhân và bắt đầu âm mưu giết cô.

Hariram Shankar, trợ lý giám đốc cảnh sát ở Kerala, nói với NBC News: “Nếu ly hôn với cô ấy, anh ta sẽ phải nhả ra tất cả tài sản của cô ấy”.

“Nếu anh ta giết cô ấy thông qua một vũ khí giết người rõ ràng, thì của cải cũng sẽ phải được trả lại”.

“Vì thế, anh ta muốn loại bỏ cô ấy thông qua một cái gì đó giống như một vụ tai nạn”.

“Nhưng trong quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy rằng đây là một vụ giết người được lên kế hoạch kỹ lưỡng.”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trường hợp tử vong do rắn cắn rất phổ biến ở Ấn Độ, với 1.2 triệu ca tử vong từ năm 2000 đến năm 2019.

Lợi dụng điều này, Kumar đã mua một con rắn hổ mang bỏ vào trong nhà bếp để cắn vợ anh ta. Cô ta may mắn thoát chết nhưng đã phải nhập viện, nơi cô phải phẫu thuật thẩm mỹ để sửa chữa những tổn thương do vết cắn của con rắn.

Các công tố viên cho biết, sau nỗ lực không thành công này, hai tháng sau đó, Kumar đã mua một con rắn hổ mang cực độc khác từ một người thổi kèn cho rắn nhảy múa. Anh ta bỏ đói nó trong một tuần để khiến nó trở nên hung dữ hơn.

Shankar cho biết: “Từ việc khám nghiệm tử thi của con rắn, chúng tôi phát hiện ra rằng phần bụng của nó trống rỗng”.

Một con rắn trong môi trường sống tự nhiên của nó kiếm ăn hàng ngày và bữa ăn được tiêu hóa trong suốt bảy ngày.

Cảnh sát điều tra Shankar khai trước tòa rằng:

“Rắn hổ mang là một loài rắn sống hoàn toàn trên mặt đất, nó không leo lên cao. Nhưng con rắn hổ mang đã được tìm thấy trong phòng ngủ ở tầng hai của nhà họ”.

Theo India Matters, người vợ xấu số là một người Công Giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara, trong khi người chồng hung thủ là một người Ấn Giáo.


Source:7 News Australia
 
Bạn có biết Mẹ Têrêxa đã trải qua những thị kiến về Chúa Giêsu không?
Đặng Tự Do
05:25 23/10/2021


Ngay cả người bạn hơn 30 năm của Mẹ Têrêxa, là Cha Sebastian Vazhakala, cũng không biết Mẹ Têrêxa đã từng nhìn thấy Chúa Giêsu và trò chuyện với ngài trước khi thành lập Dòng Thừa sai Bác ái.

Cho đến khi Mẹ Têrêxa qua đời, đối với đại đa số mọi người, phần này trong đời sống tinh thần của Mẹ Teresa mới được hé lộ. “Đó là một khám phá lớn,” Cha Vazhakala, linh mục Thừa sai Bác ái, nói với CNA.

Khi án tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa được mở ra, chỉ hai năm sau khi Mẹ qua đời vào năm 1997, các tài liệu đã được tìm thấy trong kho lưu trữ của Dòng Tên ở Calcutta. Các tài liệu này, đang được lưu trữ trong Tòa Giám Mục Calcutta, đề cập đến vị linh hướng và một người bạn linh mục thân thiết khác của Mẹ Têrêxa, và mô tả những lời đối thoại của Mẹ Têrêxa với Chúa Giêsu.

Cha Vazhakala, người đồng sáng lập chi nhánh chiêm niệm của Hội Thừa sai Bác ái cùng với Mẹ Têrêxa, cho biết ngài có một tài liệu do Mẹ Têrêxa viết tay, trong đó nhắc đến những gì Chúa Giêsu đã nói với Mẹ trong thị kiến.

Trong khoảng thời gian kéo dài từ ngày 10 tháng 9 năm 1946 đến ngày 3 tháng 12 năm 1947, Mẹ Têrêxa đã liên tục giao tiếp với Chúa Giêsu qua lời nói và thị kiến. Tất cả điều này xảy ra khi Mẹ còn là một nữ tu của Dòng Nữ tu Loreto, Ái Nhĩ Lan, đang giảng dạy tại trường St. Mary ở Calcutta.

Mẹ Têrêxa đã viết rằng một ngày nọ tại buổi lễ Rước Lễ, bà đã nghe Chúa Giêsu nói, “Ta muốn các nữ tu Ấn Độ, những người sẽ là Maria và Martha, những người sẽ kết hợp với Ta để tỏa sáng tình yêu của Ta trên các linh hồn.”

Chính nhờ những thông tin này của Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ Têrêsa đã nhận được sự chỉ dẫn của Mẹ để thành lập giáo đoàn Thừa Sai Bác Ái.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định nhà lãnh đạo Ủy ban Tân Phúc Âm Hóa của USCCB làm tân giám mục của giáo phận Crookston
Đặng Tự Do
05:25 23/10/2021


Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha chủ tịch Ủy ban Tân Phúc Âm Hóa của các giám mục Hoa Kỳ làm tân giám mục của Crookston, Minnesota.

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha Andrew H. Cozzens, 53 tuổi, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Saint Paul và Minneapolis, vào vị trí vẫn bị bỏ trống kể từ khi Giám mục Michael Hoeppner từ chức vào ngày 13 tháng 4.

Đức Cha Hoeppner, người đã lãnh đạo giáo phận Crookston từ năm 2007, là giám mục Hoa Kỳ đầu tiên bị điều tra theo Tự Sắc Vos estis lux mundi, năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc điều tra các giám mục bị cáo buộc không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Đức Cha Cozzens nói: “Tôi khiêm tốn và vinh dự được Đức Thánh Cha yêu cầu làm Vị Mục tử tiếp theo của Giáo phận Crookston. Tôi rất mong được làm quen với các linh mục, phó tế, các tu sĩ thánh hiến và nhiều giáo dân tín hữu của giáo phận”.

“Tôi cầu nguyện rằng cùng nhau chúng ta có thể trở thành những môn đệ trung thành của Chúa Kitô, những người thể hiện tình yêu của Ngài ở Tây Bắc Minnesota.”

Đức Cha Andrew Harmon Cozzens sinh tại Denver, Colorado, vào ngày 3 tháng 8 năm 1968, là con út trong một gia đình có ba người con. Ngài đã lấy bằng cử nhân về văn học Anh và triết học tại Đại học Biển Đức ở Atchison, Kansas, nơi ông gặp phải cuộc Canh tân Đặc sủng Công Giáo.

Theo một tiểu sử chính thức, sau đó ngài đã đi khắp Hoa Kỳ để phục vụ những người trẻ tuổi qua các chương trình Mục vụ NET, được thành lập tại Tổng giáo phận St. Paul và Minneapolis vào năm 1981.

Ngài tham gia Hội những bạn đồng hành của Chúa Kitô, một hội huynh đệ của các linh mục và chủng sinh trong tổng giáo phận, và hướng dẫn các nghiên cứu Kinh thánh đại học cho phong trào Công Giáo Saint Paul's Outreach.

Ngài được nhận vào Chủng viện Saint Paul và thụ phong linh mục ngày 31 tháng 5 năm 1997.

Ngài từng là phó xứ của Nhà thờ Saint Paul từ năm 1997 đến năm 2000 và Cộng đồng Công Giáo Faribault (nay là cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót) từ năm 2000 đến năm 2002.

Sau khi học tiến sĩ tại Rôma, ngài làm việc tại Chủng viện Saint Paul từ năm 2006 đến năm 2013.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận vào ngày 11 tháng 10 năm 2013. Lễ tấn phong giám mục của ngài diễn ra vào ngày 9 tháng 12 năm đó tại Nhà thờ Saint Paul.

Ngài được bầu làm chủ tịch Ủy ban Tân Phúc Âm Hóa và Giáo lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, vào năm 2019, kế nhiệm Đức Cha Robert Barron, người sáng lập chương trình truyền thông toàn cầu Word on Fire.

Vào tháng 6 năm nay, Cozzens đã trình bày kế hoạch “phục hưng Thánh Thể” cho các giám mục anh em của mình.

Ngài nói với CNA rằng sáng kiến này nhằm khởi động “giai đoạn ba năm phục hưng” trên toàn quốc, với sự quan tâm đặc biệt đến cấp địa phương, đưa trọng tâm sự phục hưng Thánh Thể đến “bất kỳ giáo xứ nào mong muốn điều đó”.

Giáo phận Crookston có diện tích 17,210 dặm vuông ở Bang Minnesota, phục vụ 34,875 người Công Giáo trên tổng số 227,689 người.

Đức Cha Richard Edmund Pates đã lãnh đạo giáo phận với tư cách là giám quản tông tòa kể từ khi Đức Cha Hoeppner từ chức.
Source:Catholic News Agency
 
Thủ lĩnh Isis chủ mưu vụ thảm sát Karrada năm 2016 bị bắt
Đặng Tự Do
16:53 23/10/2021


Trong bản tin hôm 19 tháng 10, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết trong một diễn biến đáng phấn khởi, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ một tên nguy hiểm hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo, được coi là chủ mưu của vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Baghdad năm 2016 khiến khoảng 300 người thiệt mạng.

Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã phá vỡ sự im lặng sau các báo cáo cho rằng Ghazwan al-Zawbaee đã bị bắt trong những ngày gần đây “trong một hoạt động tình báo” được thực hiện “bên ngoài đất nước.” Thủ tướng đã xác nhận tin này và cho biết tên bị bắt là “thủ phạm nguy hiểm nhất” của những hành động tàn bạo ở Karrada “và nhiều nơi khác.”

Cuộc tấn công năm 2016 ở trung tâm thủ đô là cuộc tấn công đẫm máu nhất kể từ cuộc xâm lược năm 2003 của Hoa Kỳ. Một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đã nổ tung gần đám đông tụ tập tại một trung tâm mua sắm để ăn mừng kết thúc thời gian nhịn ăn hàng ngày trong tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Nhiều nạn nhân thiệt mạng do ngọn lửa bùng phát bên trong tòa nhà ngay sau khi quả bom phát nổ. “Đưa ra trước công lý những kẻ đồng lõa trong việc đổ máu đồng bào chúng ta là một nghĩa vụ quốc gia”. Người đứng đầu chính phủ không muốn làm rõ vụ bắt giữ diễn ra ở đâu, nhưng hai quan chức tình báo giấu tên giải thích với AP rằng hoạt động này được thực hiện bởi các lực lượng Iraq “với sự hợp tác của một chuyên gia tình báo nước ngoài” và ông ta đã đến Iraq “ ba ngày trước.”

Ngoài vụ thảm sát ở Karrada, Zawbaee phải chịu trách nhiệm cho một loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô và các tỉnh khác của Iraq từ năm 2016 đến năm 2017. Chúng bao gồm vụ nổ một quả bom trên xe hơi cũng ở Karrada vào ngày 30 tháng 5 năm 2017, và vụ tấn công vào một nhóm người Shiite hành hương có ý định đi qua một cây cầu ở khu vực Shawaka, khiến 26 người chết.

Tuần trước, các quan chức tình báo đã bắt giữ người đứng đầu tài chính của Nhà nước Hồi giáo, Sami Jasim al-Jaburi, trong một hoạt động tương tự bên ngoài biên giới của nó. Các nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng Jasim, cũng được coi là phó của thủ lĩnh thánh chiến Abu Bakr al-Baghdadi, đang ẩn náu ở tây bắc Syria và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp trong việc bắt giữ hắn.

Bất chấp thất bại quân sự, ngày nay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn có những tên nằm vùng hoạt động biệt lập và những con sói đơn độc tiếp tục các cuộc tấn công ở Iraq. Chúng hoạt động trên tất cả các vùng nông thôn và thực hiện các cuộc tấn công nhanh chóng và bất ngờ chống lại Lực lượng An ninh và phá hủy các cơ sở hạ tầng.
Source:Asia News
 
Dưới áp lực của bọn cầm quyền Bắc Kinh, các ứng dụng Kinh thánh, Kinh Quran bị xóa khỏi Apple Store dành cho Trung Quốc
Đặng Tự Do
16:54 23/10/2021


Dưới áp lực của luật pháp Trung Quốc, một công ty Kinh thánh kỹ thuật số đã xóa ứng dụng của mình khỏi các dịch vụ trên cửa hàng ứng dụng của Apple tại Trung Quốc trong khi bản thân Apple cũng xóa ứng dụng Kinh Qur'an khỏi cửa hàng Trung Quốc theo yêu cầu của các quan chức Trung Quốc.

Công ty nói với BBC News: “Trong tiến trình tái xét của Apple Store, Olive Tree Bible Software đã bị buộc phải cung cấp giấy phép chứng minh quyền phân phối một ứng dụng có nội dung từ sách hoặc tạp chí ở Trung Quốc đại lục”.

“Vì chúng tôi không có giấy phép và chúng tôi cần phải làm sao để bản cập nhật ứng dụng của mình được phê duyệt và cung cấp cho khách hàng, nên chúng tôi đành chấp nhận giải pháp xóa ứng dụng Kinh thánh khỏi Apple Store ở Trung Quốc”.

Công việc của Olive Tree Bible Software trên các phiên bản kỹ thuật số của Kinh thánh đã có từ nhiều thập kỷ trước. Người sáng lập Drew Haninger đã phát triển các chương trình Kinh thánh cho Palm Pilot và các thiết bị di động đầu tiên khác vào cuối những năm 1990. Nó cũng cung cấp nhiều bản dịch Kinh thánh. Trang web của công ty có trụ sở tại Spokane liệt kê một số ấn bản Công Giáo bằng tiếng Anh của Kinh thánh, mặc dù công ty nói thêm là một số phiên bản vẫn chưa hoàn tất.

Những khó khăn tương tự cũng đã ảnh hưởng đến một công ty sản xuất phiên bản kỹ thuật số của Kinh Qur'an.

Quran Majeed, do Pakistan Data Management Services sản xuất, có hơn 35 triệu người dùng và 1 triệu người dùng ở Trung Quốc. Công ty cho biết theo Apple, ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc của Apple “vì nó bao gồm các nội dung đòi hỏi các giấy phép bổ sung từ các cơ quan chức năng Trung Quốc”. Công ty cho biết họ đang làm việc để liên hệ với Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc có liên quan để giải quyết vấn đề.

Apple từ chối bình luận với BBC, lưu ý rằng: “Chúng tôi buộc phải tuân thủ luật pháp địa phương và đôi khi có những vấn đề phức tạp mà chúng tôi có thể không đồng ý với các chính phủ nhưng vẫn phải chấp nhận.”

Audible, một dịch vụ sách nói và podcast do Amazon sở hữu cũng vấp phải vấn đề tương tự. Audible đã xóa ứng dụng của mình khỏi cửa hàng Apple ở Trung Quốc đại lục vào tháng 9.

Microsoft gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa mạng xã hội tập trung vào nghề nghiệp LinkedIn ở Trung Quốc vì những thách đố trong việc tuân thủ các quy tắc của Trung Quốc. LinkedIn bị chỉ trích vì chặn hồ sơ của một số nhà báo.

BBC News đưa tin rằng: các ứng dụng bị cấm ở Trung Quốc bao gồm các ứng dụng liên quan đến các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, phong trào tôn giáo Pháp Luân Công, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các hoạt động đòi độc lập cho Tây Tạng và Đài Loan.
Source:Catholic News Agency
 
Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá các tôn giáo có tổ chức như thế nào
Đặng Tự Do
16:54 23/10/2021


Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xem các tôn giáo có tổ chức như một mối đe dọa – vì thế chúng đang tìm cách “thay đổi” hoặc “chuyển hóa” các tôn giáo thành một bộ máy trung thành với đảng. Một nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết như trên hôm thứ Hai 18 tháng 10.

Đảng, vốn “quản lý các tôn giáo một cách hà khắc trong lịch sử” Trung Quốc, hiện đang thực hiện một đường lối khắc nghiệt hơn nhiều và “cố gắng thay đổi hoặc phá hủy các tôn giáo”, Nury Turkel, Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết tại một phiên khoáng đại của Viện Hudson. Turkel, một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, đã chào đời trong một trại cải tạo ở Trung Quốc.

Đối với đảng, bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào cũng “đều bị coi là một mối đe dọa”, Turkel nói và nhấn mạnh rằng đảng đang cố gắng “tạo ra một loại tôn giáo mới”. Các thành viên Viện Hudson lưu ý rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “vô hiệu hóa tôn giáo” trong một bài phát biểu năm 2016, và cảnh báo rằng đảng của ông ta đang tích cực tìm cách thay đổi các thực hành tôn giáo để thúc đẩy lợi ích xã hội chủ nghĩa của mình.

Các diễn giả tham dự phiên khoáng đại đã đề cập đến những diễn biến quan yếu như việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc của đất nước, cũng như các cáo buộc cưỡng bức mổ cướp nội tạng các nhóm dân tộc thiểu số và những người có niềm tin tôn giáo, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô Giáo.

Turkel nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải chú ý đến những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nói về Tân Cương. Trích dẫn các nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình, Turkel nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc “hoàn toàn không thể hiện chút lòng thương xót nào” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương Trần Quang Thành là một thí dụ, y đã ra lệnh “bắt đi cải tạo tất cả những ai cần được cải tạo”.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại lao động, trong khi hai triệu người khác phải chịu “cải tạo” vào ban ngày.

Nina Shea, thành viên cấp cao và là giám đốc của Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, cho biết trong khi đảng không giam giữ hàng loạt các tín hữu Kitô như người Duy Ngô Nhĩ, nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo đã bị bắt giam mà không cần xét xử vì không tuân theo các yêu cầu của đảng.
Source:Catholic News Agency
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Đến muôn đời con là Thượng Tế theo phẩm hàm Melchisedek.
L.m. Daminh Nguyễn Ngọc Long
15:28 23/10/2021
Hình ảnh "Đến muôn đời con là Thượng Tế theo phẩm hàm Melchisedek".

Sách Kinh thánh cả Cựu và Tân ước nói đến Thượng Tế Melchisedek. ( Sáng Thế 14,18-20. Thánh Vịnh 110,4. Thư gửi Do Thái 5,1-14).

Melchisedek là ai, nguồn gốc xuất xứ của ngài từ đâu, và là hình ảnh hiện thân nói chỉ về ai?

Trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế ký ( St 14,18-20) bỗng nhiên thuật lại Thầy cả thượng phẩm Melchisedek xuất hiện, có tên của vị “vua sự công chính”, là vua thành Salem ( thành Jerusalem). Ông xuất hiện rồi lại biến đi cách huyền bí mầu nhiệm.

Thầy cả thượng phẩm Melchisedek xuất hiện đến gặp gỡ, chúc phúc cho Tổ phụ Abraham sau khi ông thắng trận đánh bại vua Codolameo, cùng mang bánh rượu, như dấu chỉ hình ảnh tình hữu nghị thân ái.

Melchisedek chúc lành cho Abraham nhân danh Thiên Chúa:

“Xin Thiên Chúa tối cao, Đấng dựng nên trời đất chúc phúc cho Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa tối cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông.” ( St 14, 19-20).

Để tỏ lòng kính trọng cùng biết ơn, Tổ phụ Abraham đã biếu tặng Thầy cả thượng phẩm Melchised một phần mười tất cả chiến lợi phẩm đã thu về. Qua cử chỉ này Abraham muốn tôn vinh công nhận Melchisedek là Thầy cả thượng phẩm thuộc phẩm hàm tôn giáo cao cả.

Thánh Vịnh (110,4), nói về Đấng Messia và chức vị Thượng Tế, cùng trong Phúc âm Thánh Mattheo (22,43-4), đã trình bày nói về Melchisedek là một mẫu hình Chúa Kitô Giesu.

“Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm hàm Melchisedek.”

Chủ đề này được thư gửi tín hữu Do Thái trong Tân ước viết đề cập rộng rãi: Melchisedek và Chúa Kitô Giêsu với danh hiệu là những vị Vua sự công chính và hòa bình.

Qua việc nêu tên Melchisedek và phẩm hàm Tư Tế của Ông nói lên mẫu hình ảnh, chức vị phẩm hàm Tư Tế mới của Chúa Kitô Giesu vượt lên trên lề luật cũ thời các Thầy cả Levi, cùng cả chức tư tế của Aaron.( Do Thái 7,1-14).

Trong dòng thời gian thỉnh thoảng có suy tư cho rằng có thể Melchisedek là hình ảnh của một tiền nhập thể của (trước) Chúa Kitô Giêsu. Suy tư lý thuyết này dựa trên tường thuật Ông Abraham đã được Thiên Chúa trước đó thăm viếng, mà Ông đã nhìn thấy và nói chuyện với Thiên Chúa ( El Shadda) qua hình dạng một người đàn ông.

Thư gửi tín hữu Do Thái ( 6,20) cũng viết : “ Đức Kitô Giesu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thầy cả thượng phẩm theo phẩm trật Melchisedek.”.

Như thế có thể suy hiểu ra rằng Melchisedek và Chúa Kitô Giesu là cùng một nhân vật.

Cũng trong thư Do Thái ( 7,3) trình bày Thượng Tế Melchisedek ” không có cha mẹ, không có gốc gác gia phả, cuộc đời không có khởi đầu và không có kết thúc. Như thế ông phải là Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế đến muôn đời.”

Theo nguyên ngữ chữ đen, hình ảnh này khó hiểu khó cắt nghĩa. Vì không có vua trần thế nào “ là tư tế đến muôn đời”, không có con người nào “ không có cha, không có mẹ”.

Sách Sáng Thế ký ( 14, 17-19) thuật lại một cảnh xuất hiện thần thánh, Con Thiên Chúa là vị Vua sự công chính, vua hòa bình, là trung gian giữa Thiên Chúa và con người ( Thư 1. Timotheo 1,5), đã chúc phúc lành cho Abraham.

Như thế, trình thuật diễn tả theo hình ảnh nhấn mạnh đề cao đến sự huyền nhiệm bí ẩn của một con người không có gia phả khởi đầu và cùng tận, một vị có chức tư tế vĩnh viễn muôn đời, mà đã đến gặp gỡ tổ phụ Abraham. Trong trường hợp này những đến chi tiết về đời sống của Melchisedek không được nói đến là nhằm mục đích so sánh giữa Melchisedek với Chúa Kitô Giêsu.

Như vậy phải chăng Melchisedek và Chúa Kitô Giêsu là một nhân vật? Điều này có thể suy diễn theo nhiều khía cạnh, cùng tâm tư lòng mộ mến.

Nhưng thiết nghĩ sau cùng Melchisedek là một mẫu hình như Chúa Kitô Giêsu, tiên báo sứ mạng truyền giáo cho Thiên Chúa.

Và cũng có thể Tổ phụ Abraham, sau trận chiến mệt mỏi trở về, đã gặp gỡ chính Chúa Kitô Giêsu. Và đã tôn vinh trao tặng Người danh hiệu là Thầy cả thượng phẩm, cùng dâng những lễ vật cho Ngài để tạ ơn chăng?

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Nhân tháng Mân Côi, đọc khảo luận duy nhất về Đức Mẹ, Thiếu Nữ Sion, của Ratzinger
Vũ Văn An
18:35 23/10/2021

Thiếu Nữ Sion


Các Suy tư liên quan đến Niềm tin
vào Đức Mẹ của Giáo Hội


Hồng Y Joseph Ratzinger

Bản tiếng Anh của John M. McDermott, S.J.
Tựa đề nguyên bản tiếng Đức: Die Tochter Zion © 1977 Johannes Verlag, Einsiedeln
Với sự chấp thuận của giáo quyền © 1983 Ignatius Press, San Francisco


Nội dung

Lời nói đầu
Chương I: Vị trí Thánh mẫu học trong Kinh Thánh
Chương II: Niềm tin Thánh Mẫu của Giáo Hội

1. Tín điều hàng đầu về Đức Mẹ: Đồng trinh và là Mẹ
a. Các bản văn Tân Ước
b. Ý nghĩa Thần học

2. Không mắc tội Ađam

3. Hồn xác lên trời




Lời nói đầu

Cuốn sách nhỏ này, mà tôi hiện đang cung cấp cho công chúng, lấy lại ba bài giảng được trình bày vào mùa xuân năm 1975 tại Puchberg bei Linz.

Sau khi yếu tố Đức Mẹ đã đóng một vai trò giảm thiểu trong đời sống của Giáo Hội trong nhiều năm, người ta muốn, một cách hết sức chừng mực, được nghe những gì lúc này thực sự còn lại trong niềm tin về Đức Mẹ, và những gì nên tiếp tục duy trì. Do đó, tôi tự giới hạn vào việc cung cấp một dẫn nhập không cần phải đầy đủ về chi tiết, nhưng phải cho thấy một cách chính xác viễn ảnh mà từ đó chi tiết và toàn bộ những điều tương tự có thể được hiểu đúng đắn.

Do đó, ý định và giới hạn của ấn phẩm này đã được chỉ rõ cùng một lúc. Trong lần tái duyệt, tôi đã cố tình tránh thay đổi đặc tính tổng thể của nó. Cuốn sách này chắc chắn không có ý thay thế một khảo luận toàn diện, mà chỉ đơn thuần mở ra trước mắt người đọc lớp lang ý nghĩa để sau đó có thể làm cho việc tiếp cận các tác phẩm lớn hơn khả hữu.

Để tránh làm mờ đi những hạn chế của bài tiểu luận này, tôi đã cố ý không thay đổi những đặc điểm ngẫu hứng, xuề xòa hơn vốn là đặc điểm của văn phong nói chuyện. Cả việc hoàn tất thích đáng nội dung bài giảng, như qua việc nghiên cứu chứng từ của Thánh Mátthêu về việc hạ sinh đồng trinh, đối với tôi, dường như cũng không cần đối với mục tiêu khách quan tổng thể của công trình này.

Tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này, theo cách riêng của nó, có thể giúp hướng tới một sự hiểu biết và nắm bắt mới những điều không nên để mất trong niềm tin về Đức Mẹ của Giáo hội. Cuối cùng, tôi không muốn bỏ qua việc gửi lời cảm ơn chân thành đến người bạn đáng kính của tôi, Hans Urs von Balthasar, vì đã kiên nhẫn giựt bản thảo này từ tay tôi và đã một lần nữa lo cho nó đến lúc nó đến nhà in, sau khi tôi được ơn gọi trở thành tổng giám mục của Munich và Freising, một việc, được công bố công khai vào Lễ Truyền Tin, khiến tôi choáng ngợp với những nhiệm vụ mới.

Vong Lễ Thăng thiên, 1977

Joseph Ratzinger

Chương I: Vị trí Thánh mẫu học trong Kinh thánh

Một người quan sát biết biện phân đời sống của Giáo hội ngày nay sẽ khám phá ra một sự lưỡng phân đặc biệt trong niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ của Giáo hội. Một mặt, người ta có cảm tưởng Thánh mẫu học là một bản sao thu nhỏ của Kitô học mà phần nào đã nảy sinh trên những cơ sở phi lý; hoặc còn hơn thế nữa, nó dường như chỉ là tiếng vọng của những mô hình cổ xưa được tìm thấy trong lịch sử các tôn giáo, vốn dĩ nhất định sẽ trở lại để khẳng định vị trí và giá trị của nó ngay trong Kitô giáo, mặc dù việc xem xét kỹ hơn cho thấy không có cơ sở lịch sử và thần học nào hỗ trợ nó.

Thiếu sự hỗ trợ lịch sử vì rõ ràng Đức Maria hầu như không đóng bất cứ vai trò nào trong sự nghiệp của Chúa Giêsu; ngài xuất hiện, đúng hơn, dưới dấu hiệu hiểu lầm. Thiếu sự hỗ trợ thần học vì Mẹ-Đồng Trinh không có chỗ trong cấu trúc của tín điều Tân Ước. Thật vậy, nhiều người không cảm thấy bối rối khi xác định nguồn gốc không phải là Kitô giáo của niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ: từ thần thoại Ai Cập, từ sự sùng bái Mẹ Vĩ đại, từ Diana của Êphêsô, đấng chỉ có ngài trở thành "Mẹ Thiên Chúa" (Θεοτόκος) tại Công đồng được triệu tập ở Êphêsô...

Mặt khác, có những người kêu gọi lòng khoan dung đối với các loại lòng sùng đạo đa dạng: loại bỏ các khuynh hướng khắt khe, chúng ta nên để mặc người La Mã với các đức bà (madonnas) của họ. Đằng sau sự khoan dung này ta có thể thấy một thái độ đang trở nên mạnh mẽ hơn một cách đáng kể do xu hướng hợp lý hóa Kitô giáo: tức là, niềm khao khát, trong lĩnh vực tôn giáo, muốn được đáp ứng các đòi hỏi của cảm xúc; và sau đó, niềm khao khát muốn thấy hình ảnh người phụ nữ như đồng trinh và làm mẹ cũng có một vị trí trong tôn giáo.

Tất nhiên, sự khoan dung trước các phong tục đa dạng mà thôi sẽ không đủ để biện minh cho lòng tôn sùng Đức Mẹ. Nếu cơ sở của nó dường như không đáng kể căn cứ vào các xem xét vừa đề cập, thì việc tiếp tục vun xới lòng tôn sùng Đức Mẹ sẽ không là gì khác ngoài một phong tục đi ngược lại sự thật. Những phong tục như vậy hoặc héo tàn đi vì gốc rễ của chúng, tức chân lý, đã cạn kiệt, hoặc chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở trái với sự xác tín, và do đó phá hủy mối tương quan giữa sự thật và sự sống.

Do đó, chúng dẫn ta đến việc đầu độc sinh vật có trí hiểu-tâm linh, một việc chúng ta không lường được hậu quả. Vì vậy, cần có sự suy tư sâu sắc hơn. Trước khi đi vào việc khảo sát các bản văn riêng rẽ, chúng ta phải lưu ý đến toàn bộ bức tranh, đó là vấn đề cấu trúc. Chỉ bằng cách này, mới có thể có được sự sắp xếp có ý nghĩa các yếu tố cá thể. Trong Kinh Thánh, trong khuôn mẫu tổng thể của đức tin và lời cầu nguyện của nó có chỗ nào cho một điều gì đó giống như Thánh Mẫu Học không?

Về phương pháp luận, người ta có thể tiếp cận vấn đề này theo một trong hai cách, ngược hoặc xuôi, có thể nói như thế: người ta có thể đọc ngược từ Tân ước sang Cựu ước hoặc ngược lại, từ từ đi từ Cựu ước sang Tân ước. Lý tưởng là hai cách này nên trùng khớp vào nhau, thẩm thấu vào nhau, để tạo ra hình ảnh chính xác nhất có thể có.

Nếu người ta bắt đầu bằng cách đọc ngược hay chính xác hơn là từ phần kết đến phần đầu, thì họ sẽ hiểu rõ hình ảnh của Đức Maria trong Tân Ước được dệt hoàn toàn bằng những sợi chỉ của Cựu Ước. Trong cách đọc này, có thể phân biệt rõ ràng hai hoặc thậm chí ba dải truyền thống chính được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Đức Maria.

Đầu tiên, chân dung của Đức Maria cho thấy sự tương đồng với những bà mẹ vĩ đại trong Cựu ước: Sara và đặc biệt là Hanna, mẹ của Samuen. Thứ hai, dệt vào bức chân dung ấy là toàn bộ nền thần học về Thiếu nữ Sion, trong đó, trên hết, các tiên tri đã công bố mầu nhiệm tuyển chọn và giao ước, mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với Israel. Có lẽ có thể nhận diện được dải thứ ba trong Tin Mừng Gioan: hình ảnh của Evà, “người phụ nữ” đệ nhất, được mượn để diễn giải về Đức Maria.

Những quan sát đầu tiên này, mà chúng ta sẽ phải theo đuổi sau này, cung cấp cho chúng ta một hướng dẫn để bước vào Cựu Ước; chúng cho biết những yếu tố đó hệ ở chỗ nào khiến chúng có tầm quan trọng đối với tương lai. Tất cả lòng sùng kính và thần học sau đó về Đức Mẹ, trong căn bản, đều dựa trên nền tảng thần học sâu xa về phụ nữ của Cựu Ước, một nền thần học không thể thiếu đối với toàn bộ cơ cấu của nó.

Trái với định kiến phổ biến, hình tượng người phụ nữ chiếm một vị trí không thể thay thế trong kết cấu tổng thể của đức tin và lòng sùng kính trong Cựu Ước. Sự kiện này hiếm khi được xem xét đầy đủ. Do đó, việc đọc Cựu Ước một chiều không thể mở ra cánh cửa nào để hiểu về yếu tố Đức Mẹ trong Giáo Hội của Tân Ước.

Thông thường người ta chỉ xem xét một mặt: các nhà tiên tri đã tiến hành một cuộc chiến liên tục để bảo vệ tính độc nhất của Thiên Chúa chống lại cơn cám dỗ muốn ngả về chủ nghĩa đa thần, và như vấn đề được hiểu lúc đó, đây là một trận chiến chống lại nữ thần trên trời, một trận chiến chống lại tôn giáo sinh sản, vốn tưởng tượng Thiên Chúa như là người nam và người nữ. Trên thực tế, đây là một trận chiến kiên quyết chống lại việc trình bầy có tính phụng tự người phụ nữ thần linh trong thực hành mãi dâm ở đền thờ, một trận chiến chống lại một thứ phụng tự vinh danh khả năng sinh sản bằng cách bắt chước nó trong nghi thức tà dâm.

Từ quan điểm này, việc thờ ngẫu thần thường bị văn chương Cựu Ước coi là "tà dâm". Việc bác bỏ những kiểu trình bầy này rõ ràng đã dẫn đến kết quả là việc phụng tự của Israel chủ yếu là chuyện của đàn ông, vì phụ nữ chắc chắn phải ở ngoài tiền đình của đền thờ.

Từ những xem xét trên, người ta kết luận rằng phụ nữ không có vai trò gì trong đức tin của Cựu ước, và không có và không thể có nền thần học nào về phụ nữ vì mối quan tâm chính của Cựu ước hoàn toàn đi ngược lại: loại trừ phụ nữ khỏi thần học, khỏi ngôn từ về Thiên Chúa. Do đó, điều này có nghĩa là Thánh mẫu học trên thực tế chỉ có thể được coi là sự xâm nhập của một mô hình phi Kinh thánh.

Nhất quán với quan điểm trên sẽ là luận điểm cho rằng tại Công đồng Êphêsô (431), nơi đã xác nhận và bảo vệ danh hiệu Đức Maria như "Mẹ Thiên Chúa", lòng sùng kính ngoại giáo đối với "Người mẹ vĩ đại", trước đây vốn bị bác bỏ, trên thực tế đã chiếm được một vị trí cho ngài trong Giáo Hội. Tuy nhiên, những giả định của quan điểm này về Cựu Ước là điều sai lầm. Vì mặc dù đức tin tiên tri bác bỏ mô hình các vị thần được đặt thành các "syzygies", tức các cặp, và biểu thức phụng tự của mô hình này trong thực hành mãi dâm thánh thiêng, nhưng đức tin này, theo cách riêng của nó, vẫn mang lại cho người phụ nữ một vị trí không thể thiếu trong mô hình niềm tin và cuộc sống của chính nó, tương ứng với hôn nhân ở bình diện nhân bản.

Thậm chí, người ta có thể nói nếu các tín ngưỡng thờ khả năng sinh sản trên toàn thế giới cung cấp cơ sở thần học trực tiếp cho mãi dâm, thì niềm tin của Israel đưa đến hậu quả coi mối liên quan của Thiên Chúa với con người nam nữ như là một cuộc hôn nhân. Ở đây, hôn nhân là “bản dịch” trực tiếp của thần học, là hệ quả của một hình ảnh về Thiên Chúa; ở đây và chỉ ở đây mới hiện hữu một nền thần học về hôn nhân đúng nghĩa, y như trong các tín ngưỡng thờ sinh sản hiện hữu nền thần học về mãi dâm.

Điều trên chắc chắn bị che khuất trong Cựu Ước bởi rất nhiều dàn xếp sai lạc, nhưng những gì Chúa Giêsu chủ trương trong Tin Mừng Máccô 10: 1-12 và những gì Thư Êphêsô 5 sau đó giải thích thêm về mặt thần học hoàn toàn là hệ quả của nền thần học Cựu Ước. Cùng với hệ quả này, ý niệm và thực tại đồng trinh cũng đã xuất hiện. Vì đức đồng trinh được nối kết mật thiết nhất với nền tảng thần học về hôn nhân; nó không đối lập với hôn nhân, nhưng đúng hơn, biểu thị kết quả của nó và xác nhận nó.

Nhưng, cuối cùng, chúng ta hãy cố gắng đi vào chi tiết. Bằng cách truy ngược lại Cựu ước các yếu tố mà nhờ chúng, Tân ước giải thích hình ảnh của Đức Maria về mặt thần học, chúng ta đã bắt gặp ba dải tư duy của nền thần học về người phụ nữ.

1. Đầu tiên chúng ta phải nói đến hình ảnh Evà. Bà được mô tả như cực đối lập cần thiết của người đàn ông, Ađam. Con người ông nếu không có bà sẽ "không tốt" (St 2:18). Bà phát xuất, không phải từ trái đất, mà từ chính ông: "huyền thoại" hay "truyền thuyết" chiếc xương sườn nói lên mối liên quan thân mật nhất giữa người đàn ông và người đàn bà. Trong mối liên quan hỗ tương đó, tính toàn vẹn của nhân loại lần đầu tiên được thể hiện. Điều kiện cần thiết cho việc tạo ra loài người, được hoàn tất trong sự nên một của người nam và người nữ, trở nên rõ ràng ở đây, giống như trước đó Sáng thế 1:27 đã mô tả loài người ngay từ đầu là nam và nữ giống họa ảnh Thiên Chúa, và, một cách mầu nhiệm, bí ẩn, đã liên kết sự giống nhau của họ với Thiên Chúa bằng sự liên quan hỗ tương của các giới tính với nhau.

Phải thừa nhận rằng bản văn cũng giúp tính hàm hồ của mối liên quan này trở nên hiển nhiên: người phụ nữ có thể trở thành cơn cám dỗ đối với người đàn ông, nhưng đồng thời họ là mẹ của mọi sự sống, mà do đó, họ nhận được tên của mình. Theo ý kiến của tôi, điều quan trọng là tên của họ được ban cho trong Sáng thế 3:20 sau cuộc sa ngã, sau những lời phán xét của Thiên Chúa. Nhờ cách này, phẩm giá và sự uy nghiêm không bị hủy hoại của người phụ nữ được phát biểu. Họ bảo tồn mầu nhiệm sự sống, một sức mạnh đối lập với cái chết; vì sự chết giống như quyền lực của hư vô, phản đề của Giêhôva, Đấng tạo dựng sự sống và là Thiên Chúa của người sống.

Người đàn bà, người cung cấp trái cây dẫn đến cái chết, người có nhiệm vụ biểu lộ mối liên hệ mầu nhiệm với cái chết, nhưng, tuy nhiên, từ nay trở đi, họ là người giữ con dấu sự sống và là phản đề của sự chết. Người phụ nữ, người mang chìa khóa sự sống, do đó trực tiếp chạm tới mầu nhiệm hiện hữu, Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà từ Người, nếu phân tích đến cùng, mọi sự sống đều bắt nguồn và là Đấng, vì lý do đó, được gọi là "sự sống", "đấng hằng sống". Chúng ta sẽ xem xem các mối liên hệ này được tiếp nhận ra sao trong tín điều Mông triệu.



2. Trong lịch sử các lời hứa của Cựu Ước, đúng là các tổ phụ đứng ở tuyến đầu như những người thực sự mang lịch sử đó. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng đóng một vai trò chuyên biệt. Trong lịch sử tổ phụ, Sara-Haga, Raken-Lêa và Hanna-Penina là những cặp phụ nữ trong đó yếu tố phi thường nổi bật trong con đường hứa hẹn. Trong mỗi trường hợp, người mắn con và người hiếm muộn đứng đối nghịch với nhau, và trong diễn trình này, có sự đảo ngược đáng kể về phương diện giá trị.

Trong các phương thức tư duy cổ xưa, mắn con là một chúc phúc, hiếm muộn là một nguyền rủa. Tuy nhiên, ở đây tất cả đã bị đảo ngược: người hiếm muộn cuối cùng hóa ra là người thực sự được chúc phúc, trong khi người mắn con trở thành người tầm thường hoặc thậm chí phải đấu tranh chống lại tai họa bị bác bỏ, không được yêu thương. Hệ luận thần học của việc đảo ngược các giá trị này chỉ trở nên rõ ràng một cách từ từ; từ đó, Thánh Phaolô đã phát triển nền thần học của ngài về sự sinh hạ thiêng liêng: con cái đích thực của Ápraham không phải là người có gốc rễ thể lý với ông, nhưng là người, một cách mới mẻ vượt ra ngoài việc sinh hạ thể lý, đã được tượng thai nhờ quyền năng sáng tạo của lời Thiên Chúa hứa. Sự sống thể lý như vậy không thực sự là sự phong phú; Lời hứa này, kéo dài quá bên kia sự sống, mới là điều đầu tiên làm cho sự sống trở nên trọn vẹn là chính nó (x. Rm 4; Gl 3: 1-14; 4: 21-31).

Ở giai đoạn đầu tiên của sự biến hóa của Cựu ước, một nền thần học về ân sủng đã được phát triển từ sự đảo ngược các giá trị này trong bài hát của Hanna, có âm vang trong bài Magnificat [kinh ngợi khen] của Đức Maria: Chúa nâng người khiêm nhường lên khỏi bụi đất, Người nâng người nghèo lên khỏi đống tro tàn (1 Sm 2: 8). Thiên Chúa cúi xuống những kẻ hèn mọn, vô quyền, bị từ khước, và trong sự hạ mình này, tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thực sự cứu rỗi, tỏa sáng đối với cả Hanna lẫn Đức Maria, trong hiện tượng đáng chú ý của những người phụ nữ không được chúc phúc và được chúc phúc. Mầu nhiệm chỗ cuối hết (Lc 14:10), sự trao đổi giữa chỗ hàng đầu và chỗ cuối hết (Mc 10:31), sự đảo ngược các giá trị trong Bài giảng trên núi, sự đảo ngược các giá trị trần thế dựa trên kiêu căng, tất cả những điều này đều đã được loan báo. Cả ở đây, nền thần học về đức đồng trinh cũng tìm thấy công thức đầu tiên, vẫn còn ẩn giấu của nó: sự hiếm muộn trần gian trở thành sự mắn con thực sự...

3. Gần cuối qui điển Cựu ước, trong các trước tác cuối cùng của nó, một loại thần học mới và hoàn toàn độc đáo về phụ nữ đã được khai triển. Các hình ảnh cứu rỗi vĩ đại của Étte và Giuđít xuất hiện trong hình ảnh của thủ lãnh Đơvôra, tiếp nối truyền thống cổ xưa nhất. Cả hai người phụ nữ đều có một đặc điểm chủ yếu chung với các bà mẹ vĩ đại: một người là góa phụ, người kia là vợ hậu cung tại triều đình Ba Tư, và do đó cả hai đều nằm trong trạng thái bị áp bức, theo những cách khác nhau. Cả hai đều là hiện thân của Israel bại trận: Israel đã trở thành góa phụ và sống mòn mỏi trong đau khổ, Israel đã bị bắt cóc và bị sỉ nhục giữa các quốc gia, làm nô lệ cho các ham muốn độc đoán của họ.

Nhưng, đồng thời, cả hai đã nhân cách hóa sức mạnh tinh thần vô song của Israel, không hề huênh hoang như những kẻ quyền thế của thế gian nhưng chính vì thế mà biết cách khinh miệt và chiến thắng kẻ hùng mạnh. Người phụ nữ như một vị cứu tinh, hiện thân niềm hy vọng của Israel, do đó, nàng đã chiếm được vị thế bên cạnh những người mẹ được chúc phúc và không được chúc phúc. Điều có ý nghĩa ở đây là trong suy nghĩ và niềm tin của Israel, người phụ nữ luôn mang khuôn mạo không phải như một nữ tư tế, mà như nữ tiên tri và thủ lãnh cứu tinh.

Điều chuyên biệt của nàng, vị thế được chỉ định cho nàng, phát xuất từ điều này. Yếu tính của điều ta đã thấy trước đây được lặp lại và củng cố: kẻ hiếm muộn, kẻ vô quyền trở thành vị cứu tinh bởi vì chính ở đó, người ta tìm thấy địa cứ [locus] của việc mặc khải về quyền năng Thiên Chúa. Sau mỗi lần sa phạm tội lỗi, người phụ nữ vẫn là “mẹ của sự sống”.

4. Trong thể loại truyện ngắn thần học về người phụ nữ cứu tinh, người ta thấy đã có giả thiết và phát biểu mới mẻ về điều mà lời rao giảng tiên tri đã khai triển một cách sâu sắc về phương diện thần học từ hình ảnh những người phụ nữ mẫu thân và được coi là trung tâm thích hợp của nền thần học Cựu Ước về người phụ nữ: Chính Israel, dân được tuyển chọn, đã được giải thích đồng thời là phụ nữ, là trinh nữ, là người yêu, là vợ và là mẹ.

Những người phụ nữ vĩ đại của Israel đại diện cho điều chính dân tộc này vốn là. Lịch sử của những người phụ nữ này trở thành nền thần học về dân Chúa và, cùng một lúc, nền thần học về giao ước. Nhờ làm cho phạm trù giao ước trở nên dễ hiểu và nhờ dành cho nó ý nghĩa và định hướng tâm linh, hình tượng người phụ nữ đã đi vào tầm với cao nhất của lòng đạo đức Cựu ước, của mối quan hệ giữa Cựu ước với Thiên Chúa.

Có lẽ lúc đầu ý niệm giao ước phần lớn được mô phỏng theo mô hình khế ước chư hầu phương Đông cổ xưa, trong đó vua có chủ quyền phân bổ các quyền lợi và nhiệm vụ. Tuy nhiên, ý niệm chính trị và pháp lý của giao ước này liên tục được thâm hậu hóa và vượt qua trong nền thần học của các nhà tiên tri: mối liên hệ giao ước của Giêhôva với Israel là một giao ước của tình yêu vợ chồng, một giao ước - như trong thị kiến tuyệt vời của Hôsê – làm chính Giêhôva xúc động và khích động tận cõi lòng của Người.

Người đã yêu thiếu nữ Israel bằng một tình yêu chứng tỏ là bất diệt, vĩnh cửu. Người có thể tức giận với người vợ thời xuân xanh của mình khi nàng ngoại tình. Người có thể trừng phạt nàng, nhưng tất cả những điều này đồng thời nhằm chống lại chính Người và làm Người đau đớn, vì Người vốn là người yêu với một "ruột gan rối bời". Người không thể rẫy bỏ nàng mà không đưa ra phán quyết chống lại chính Người.

Chính trên điều này, trên sự hoang mang tận cùng của bản thân Người trong tư cách người yêu này, mà đặc tính vĩnh cửu và không thể thay đổi của giao ước đã được xây dựng. "Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi ! Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành !... Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm, là Đấng Thánh Ở giữa ngươi. Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11: 8 tt).

Thần tính của Thiên Chúa không còn được mạc khải trong khả năng trừng phạt của Người mà ở sự bất khả hủy tiêu và bền vững của tình yêu nơi Người. Điều này có nghĩa là mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel không chỉ bao gồm Thiên Chúa mà cả Israel như người đàn bà, người trong mối liên hệ này với Thiên Chúa cùng một lúc vừa là đồng trinh vừa là mẹ.

Vì lý do này, giao ước, vốn tạo nền tảng cho sự hiện hữu của Israel như một quốc gia và sự hiện hữu của mỗi cá nhân như một người Israel, được phát biểu một cách liên ngã trong lòng trung thành với giao ước hôn nhân chứ không hề theo cách nào khác. Hôn nhân là hình thức của mối liên hệ hỗ tương giữa vợ và chồng vốn là kết quả của giao ước, mối liên hệ căn bản của con người mà trên đó trọn bộ lịch sử nhân loại đặt cơ sở.

Nó mang một nền thần học trong chính nó, và quả thực, nó chỉ khả hữu và có thể hiểu được về mặt thần học. Nhưng trên hết, điều này cũng có nghĩa là kết hợp với Thiên Chúa, Đấng duy nhất, không phải là một nữ thần, nhưng, như trong mặc khải lịch sử của Người, là tạo vật được tuyển chọn, là Israel, là thiếu nữ Sion, người đàn bà. Bỏ người đàn bà ra khỏi toàn bộ thần học sẽ là phủ nhận sự sáng tạo và sự tuyển chọn (lịch sử cứu độ) và do đó làm vô hiệu sự mặc khải.

Nơi các phụ nữ của Israel, những người mẹ và những vị cứu tinh, nơi sự hiếm muộn phong phú của họ, việc sáng thế là chi và việc tuyển chọn là gì, việc “Israel” là gì trong tư cách dân Thiên Chúa đã được phát biểu một cách thuần túy và sâu sắc nhất. Và bởi vì việc tuyển chọn và mặc khải là một, điều cuối cùng trở nên rõ ràng trong việc này lần đầu tiên là Thiên Chúa là ai và là gì.

Tất nhiên dòng phát triển này trong Cựu ước vẫn chưa đầy đủ và cởi mở như tất cả các dòng khác của Cựu ước. Nó có được ý nghĩa dứt khoát lần đầu tiên trong Tân Ước: nơi người phụ nữ được mô tả như người số sống thoát thánh thiện đích thực, là thiếu nữ Sion đích thực, và do đó là mẹ của đấng Cứu thế, vâng, mẹ của Thiên Chúa. Nhân tiện, người ta có thể nói rằng việc chấp nhận Diễm Ca vào quy điển Kinh thánh sẽ bất khả nếu nền thần học về tình yêu và phụ nữ này không hề có. Về mặt kỹ thuật, Diễm Ca chắc chắn là một bộ sưu tập các bản tình ca phàm tục có màu sắc gợi dục nặng nề. Nhưng một khi các bài hát này đã đi vào qui điển, chúng được dùng như một biểu thức của cuộc đối thoại của Thiên Chúa với Israel, và đến mức đó, cách giải thích về chúng chỉ là một phúng dụ.

5. Trong các lớp lang cuối cùng của Cựu ước, một đường phát triển đáng chú ý nữa được đem ra ánh sáng, một đường phát triển cũng không tự để nó được giải thích duy nhất trong bối cảnh Cựu ước. Hình tượng khôn ngoan (Sophia) đã đạt tới ý nghĩa trung tâm. Có lẽ nó đã được tiếp nhận từ nguyên mẫu Ai Cập và sau đó được thích ứng vào niềm tin của Israel.

"Khôn ngoan" xuất hiện như trung gian của lịch sử sáng thế và cứu thế, như tạo vật đầu tiên của Thiên Chúa, trong đó cả hình thức thuần túy, nguyên thủy của ý chí sáng tạo của Người lẫn đáp ứng thuần túy, được Người khám phá, tìm được cách phát biểu của chúng; thực vậy, người ta có thể nói rằng chính khái niệm đáp ứng này có tính cách đào tạo đối với ý niệm khôn ngoan trong Cựu Ước.

Sáng thế đáp ứng, và đáp ứng này gần gũi với Thiên Chúa như người cùng thủ diễn, như người tình. Trước đây chúng ta đã nhận định rằng để giải thích về Đức Maria, Tân ước tham khảo trở lại các bà mẹ của Cựu ước, trở lại nền thần học về thiếu nữ Sion, và có lẽ cả Evà nữa, và sau đó liên kết ba dòng phát triển này lại với nhau.

Bây giờ chúng ta phải nói thêm rằng phụng vụ của Giáo Hội mở rộng nền thần học Cựu Ước này về phụ nữ trong chừng mực nó giải thích các vị phụ nữ cứu tinh, Étte và Giuđít, theo Đức Maria và nối kết các bản văn Khôn ngoan vào Đức Maria. Điều này từng bị chỉ trích mạnh mẽ bởi phong trào phụng vụ của thế kỷ này dựa vào quan điểm thần học qui Kitô của nó; người ta đã lập luận rằng các bản văn này chỉ có thể và chỉ nên cho phép lối giải thích qui Kitô mà thôi.

Sau nhiều năm hoàn toàn đồng ý với quan điểm vừa kể, tôi càng thấy rõ ràng rằng nó thực sự đã đánh giá sai những gì có tính đặc trưng nhất trong những bản văn Khôn ngoan đó. Mặc dù đúng khi nhận định rằng Kitô học đã đồng hóa các yếu tố thiết yếu của ý niệm khôn ngoan, đến nỗi người ta phải nói đến mạch phát triển Kitô học trong việc Tân Ước tiếp nối ý niệm khôn ngoan, tuy nhiên, nhiều người khác chống lại việc tích nhập hoàn toàn vào Kitô học.

Trong cả tiếng Do Thái lẫn tiếng Hy Lạp, "khôn ngoan" là một danh từ giống cái, và đây không phải là hiện tượng văn phạm trống rỗng trong ý thức sống động của thời cổ xưa về ngôn ngữ. "Sophia", một danh từ giống cái, đứng ở phía đó của thực tại được đại diện bởi người phụ nữ, bởi những gì thuần túy và đơn giản là nữ giới.

Nó biểu thị câu trả lời vốn gióng lên từ lời kêu gọi thần linh của sáng thế và tuyển chọn. Nó diễn tả chính xác điều này: có một câu trả lời thuần túy và tình yêu của Thiên Chúa tìm thấy nơi cư ngụ không thể thu hồi ở bên trong nó. Để đối phó với tính phức tạp trọn vẹn của các sự kiện trong vụ này, người ta chắc chắn phải xem xét điều này là hạn từ "Spirit" trong tiếng Do Thái (tuy nhiên, không phải trong tiếng Hy Lạp) cũng ở giống cái. Về khía cạnh này, vì giáo huấn về Chúa Thánh Thần, người ta, gần như thực tế, có thể linh cảm thấy một loại nữ tính nguyên thủy nào đó, một cách mầu nhiệm, ẩn khuất, bên trong chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, tín lý về Chúa Thánh Thần và tín lý về khôn ngoan đại diện cho những dải truyền thống riêng biệt. Theo quan điểm của Tân Ước, một đàng, khôn ngoan chỉ Chúa Con như Ngôi Lời, mà trong Người, Thiên Chúa tạo dựng, nhưng đàng khác chỉ thụ tạo, chỉ dân Israel đích thực, người được nhân cách hóa trong nữ tỳ hèn mọn mà trọn vẹn cuộc hiện sinh được đánh dấu bằng thái độ của Fiat mihi secundum verbum tuum (xin làm cho tôi theo lời ngài dạy).

Sophia chỉ Logos, Ngôi Lời, Đấng thiết lập ra khôn ngoan, và cũng chỉ câu trả lời của người phụ nữ nhận được khôn ngoan và đưa nó tới chỗ sinh hoa trái. Việc xóa bỏ lối giải thích thần học minh triết (sophiology) về Đức Mẹ cuối cùng đã loại bỏ toàn bộ chiều kích mầu nhiệm Kinh thánh và Kitô giáo.

Vì vậy, giờ đây, chúng ta có thể nói hình ảnh người phụ nữ không thể thiếu đối với cấu trúc của đức tin Kinh thánh. Hình ảnh này phát biểu thực tại sáng thế cũng như tính sinh hoa kết trái của ân sủng. Nét phác thảo trừu tượng của niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ hướng về phía dân của Người sẽ nhận được, trong Tân Ước, một cái tên cụ thể, có tính bản vị nơi con người Chúa Giêsu Kitô.

Cùng lúc đó, hình ảnh người phụ nữ, cho đến nay chỉ được nhìn theo loại hình (typologically) ở Israel, mặc dù được nhân cách hoá bởi những phụ nữ vĩ đại của họ, cũng xuất hiện với một cái tên: Maria. Ngài xuất hiện như một mẫu mực bản vị của nguyên tắc nữ tính một cách đến nỗi nguyên tắc chỉ đúng trong bản vị này, nhưng bản vị trong tư cách cá thể này luôn hướng quá bản thân mình tới thực tại bao trùm mọi sự, thực tại ngài mang và đại diện.

Việc phủ nhận hay bác bỏ khía cạnh nữ tính trong niềm tin, hay cụ thể hơn, khía cạnh Maria, cuối cùng sẽ dẫn đến việc phủ nhận tạo thế và làm mất hiệu lực của ân sủng. Nó dẫn đến hình ảnh Thiên Chúa toàn năng khiến tạo vật chỉ còn là một giả trang không hơn không kém và hình ảnh này cũng hoàn toàn thất bại trong việc hiểu được Thiên Chúa trong Kinh thánh, Đấng vốn được coi là Đấng tạo dựng và là Thiên Chúa của giao ước, Đấng Thiên Chúa mà đối với Người việc trừng phạt và bác bỏ người yêu đã trở thành thống khổ của tình yêu, tức thập giá. Không phải vô cớ mà các Giáo phụ đã giải thích cuộc khổ nạn và thập giá như là hôn nhân, như nỗi đau khổ trong đó Thiên Chúa tự gánh lấy nỗi đau của người vợ không chung thủy để lôi kéo nàng đến với chính Người trong tình yêu vĩnh cửu.

Kỳ tới: Chương II: Niềm tin Đức Mẹ của Giáo hội
 
VietCatholic TV
Đừng nhẹ dạ: Mất mạng bi thảm vì lấy chồng khác đạo. 200 năm tù cho người chồng quá dã man.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:22 23/10/2021


1. Sau đại dịch coronavirus, luân lý trong xã hội càng xuống thấp hơn. Vụ án giết vợ cướp của tại Ấn Độ

Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunka, Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara, từng làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ trong nhiệm kỳ 2014 đến 2018 bày tỏ quan ngại rằng đại dịch coronavirus đang gây ra một sự suy thoái nghiêm trọng trong xã hội Ấn. Sau một thời gian dài lockdown, nhiều người rơi vào những khó khăn tài chính và xoay sở mọi cách, bạt chấp cả các thủ đoạn, để thoát ra.

Nhận xét của ngài được minh họa bằng một bản án chung thân hai đời, cụ thể là án tù chung thân kéo dài trong 200 năm cho một người đàn ông giết vợ bằng một thủ đoạn vô cùng tàn độc.

Hôm thứ Tư 13 tháng 10, một người đàn ông ở Ấn Độ đã bị tuyên án chung thân hai lần vì giết vợ bằng một vũ khí rất là bất thường: đó là dùng một con rắn hổ mang có nọc độc cực cao.

Các chi tiết kinh hoàng của vụ án đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Trong phán quyết, Tòa án Tối cao của Ấn Độ cảnh báo rằng vụ án này thể hiện một xu hướng ngày càng tăng ở quốc gia đông dân nhất hành tinh, nơi những kẻ giết người sử dụng rắn độc để cố gắng tạo hiện trường giả như cái chết đã xảy ra một cách tình cờ.

Sooraj Kumar đã bị kết án hôm thứ Tư sau khi bị một tòa án cấp dưới ở bang Kerala kết tội giết người vào hôm thứ Hai.

Tại Ấn Độ, trong một cuộc hôn nhân, nhà gái phải trả cho chú rể một khoản tiền hồi môn lớn đến mức nhiều cô gái đành phải sống một mình suốt đời vì không có của hồi môn.

Theo các công tố viên, Kumar cưới vợ vì của hồi môn, và tài chính của gia đình vợ, nhưng nhanh chóng không hài lòng với cuộc hôn nhân và bắt đầu âm mưu giết cô.

Hariram Shankar, trợ lý giám đốc cảnh sát ở Kerala, nói với NBC News: “Nếu ly hôn với cô ấy, anh ta sẽ phải nhả ra tất cả tài sản của cô ấy”.

“Nếu anh ta giết cô ấy thông qua một vũ khí giết người rõ ràng, thì của cải cũng sẽ phải được trả lại”.

“Vì thế, anh ta muốn loại bỏ cô ấy thông qua một cái gì đó giống như một vụ tai nạn”.

“Nhưng trong quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy rằng đây là một vụ giết người được lên kế hoạch kỹ lưỡng.”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trường hợp tử vong do rắn cắn rất phổ biến ở Ấn Độ, với 1.2 triệu ca tử vong từ năm 2000 đến năm 2019.

Lợi dụng điều này, Kumar đã mua một con rắn hổ mang bỏ vào trong nhà bếp để cắn vợ anh ta. Cô ta may mắn thoát chết nhưng đã phải nhập viện, nơi cô phải phẫu thuật thẩm mỹ để sửa chữa những tổn thương do vết cắn của con rắn.

Các công tố viên cho biết, sau nỗ lực không thành công này, hai tháng sau đó, Kumar đã mua một con rắn hổ mang cực độc khác từ một người thổi kèn cho rắn nhảy múa. Anh ta bỏ đói nó trong một tuần để khiến nó trở nên hung dữ hơn.

Shankar cho biết: “Từ việc khám nghiệm tử thi của con rắn, chúng tôi phát hiện ra rằng phần bụng của nó trống rỗng”.

Một con rắn trong môi trường sống tự nhiên của nó kiếm ăn hàng ngày và bữa ăn được tiêu hóa trong suốt bảy ngày.

Cảnh sát điều tra Shankar khai trước tòa rằng:

“Rắn hổ mang là một loài rắn sống hoàn toàn trên mặt đất, nó không leo lên cao. Nhưng con rắn hổ mang đã được tìm thấy trong phòng ngủ ở tầng hai của nhà họ”.

Theo India Matters, người vợ xấu số là một người Công Giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara, trong khi người chồng hung thủ là một người Ấn Giáo.


Source:7 News Australia

2. Bạn có biết Mẹ Têrêxa đã trải qua những thị kiến về Chúa Giêsu không?

Ngay cả người bạn hơn 30 năm của Mẹ Têrêxa, là Cha Sebastian Vazhakala, cũng không biết Mẹ Têrêxa đã từng nhìn thấy Chúa Giêsu và trò chuyện với ngài trước khi thành lập Dòng Thừa sai Bác ái.

Cho đến khi Mẹ Têrêxa qua đời, đối với đại đa số mọi người, phần này trong đời sống tinh thần của Mẹ Teresa mới được hé lộ. “Đó là một khám phá lớn,” Cha Vazhakala, linh mục Thừa sai Bác ái, nói với CNA.

Khi án tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa được mở ra, chỉ hai năm sau khi Mẹ qua đời vào năm 1997, các tài liệu đã được tìm thấy trong kho lưu trữ của Dòng Tên ở Calcutta. Các tài liệu này, đang được lưu trữ trong Tòa Giám Mục Calcutta, đề cập đến vị linh hướng và một người bạn linh mục thân thiết khác của Mẹ Têrêxa, và mô tả những lời đối thoại của Mẹ Têrêxa với Chúa Giêsu.

Cha Vazhakala, người đồng sáng lập chi nhánh chiêm niệm của Hội Thừa sai Bác ái cùng với Mẹ Têrêxa, cho biết ngài có một tài liệu do Mẹ Têrêxa viết tay, trong đó nhắc đến những gì Chúa Giêsu đã nói với Mẹ trong thị kiến.

Trong khoảng thời gian kéo dài từ ngày 10 tháng 9 năm 1946 đến ngày 3 tháng 12 năm 1947, Mẹ Têrêxa đã liên tục giao tiếp với Chúa Giêsu qua lời nói và thị kiến. Tất cả điều này xảy ra khi Mẹ còn là một nữ tu của Dòng Nữ tu Loreto, Ái Nhĩ Lan, đang giảng dạy tại trường St. Mary ở Calcutta.

Mẹ Têrêxa đã viết rằng một ngày nọ tại buổi lễ Rước Lễ, bà đã nghe Chúa Giêsu nói, “Ta muốn các nữ tu Ấn Độ, những người sẽ là Maria và Martha, những người sẽ kết hợp với Ta để tỏa sáng tình yêu của Ta trên các linh hồn.”

Chính nhờ những thông tin này của Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ Têrêsa đã nhận được sự chỉ dẫn của Mẹ để thành lập giáo đoàn Thừa Sai Bác Ái.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định nhà lãnh đạo Ủy ban Tân Phúc Âm Hóa của USCCB làm tân giám mục của giáo phận Crookston

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha chủ tịch Ủy ban Tân Phúc Âm Hóa của các giám mục Hoa Kỳ làm tân giám mục của Crookston, Minnesota.

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha Andrew H. Cozzens, 53 tuổi, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Saint Paul và Minneapolis, vào vị trí vẫn bị bỏ trống kể từ khi Giám mục Michael Hoeppner từ chức vào ngày 13 tháng 4.

Đức Cha Hoeppner, người đã lãnh đạo giáo phận Crookston từ năm 2007, là giám mục Hoa Kỳ đầu tiên bị điều tra theo Tự Sắc Vos estis lux mundi, năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc điều tra các giám mục bị cáo buộc không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Đức Cha Cozzens nói: “Tôi khiêm tốn và vinh dự được Đức Thánh Cha yêu cầu làm Vị Mục tử tiếp theo của Giáo phận Crookston. Tôi rất mong được làm quen với các linh mục, phó tế, các tu sĩ thánh hiến và nhiều giáo dân tín hữu của giáo phận”.

“Tôi cầu nguyện rằng cùng nhau chúng ta có thể trở thành những môn đệ trung thành của Chúa Kitô, những người thể hiện tình yêu của Ngài ở Tây Bắc Minnesota.”

Đức Cha Andrew Harmon Cozzens sinh tại Denver, Colorado, vào ngày 3 tháng 8 năm 1968, là con út trong một gia đình có ba người con. Ngài đã lấy bằng cử nhân về văn học Anh và triết học tại Đại học Biển Đức ở Atchison, Kansas, nơi ông gặp phải cuộc Canh tân Đặc sủng Công Giáo.

Theo một tiểu sử chính thức, sau đó ngài đã đi khắp Hoa Kỳ để phục vụ những người trẻ tuổi qua các chương trình Mục vụ NET, được thành lập tại Tổng giáo phận St. Paul và Minneapolis vào năm 1981.

Ngài tham gia Hội những bạn đồng hành của Chúa Kitô, một hội huynh đệ của các linh mục và chủng sinh trong tổng giáo phận, và hướng dẫn các nghiên cứu Kinh thánh đại học cho phong trào Công Giáo Saint Paul's Outreach.

Ngài được nhận vào Chủng viện Saint Paul và thụ phong linh mục ngày 31 tháng 5 năm 1997.

Ngài từng là phó xứ của Nhà thờ Saint Paul từ năm 1997 đến năm 2000 và Cộng đồng Công Giáo Faribault (nay là cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót) từ năm 2000 đến năm 2002.

Sau khi học tiến sĩ tại Rôma, ngài làm việc tại Chủng viện Saint Paul từ năm 2006 đến năm 2013.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận vào ngày 11 tháng 10 năm 2013. Lễ tấn phong giám mục của ngài diễn ra vào ngày 9 tháng 12 năm đó tại Nhà thờ Saint Paul.

Ngài được bầu làm chủ tịch Ủy ban Tân Phúc Âm Hóa và Giáo lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, vào năm 2019, kế nhiệm Đức Cha Robert Barron, người sáng lập chương trình truyền thông toàn cầu Word on Fire.

Vào tháng 6 năm nay, Cozzens đã trình bày kế hoạch “phục hưng Thánh Thể” cho các giám mục anh em của mình.

Ngài nói với CNA rằng sáng kiến này nhằm khởi động “giai đoạn ba năm phục hưng” trên toàn quốc, với sự quan tâm đặc biệt đến cấp địa phương, đưa trọng tâm sự phục hưng Thánh Thể đến “bất kỳ giáo xứ nào mong muốn điều đó”.

Giáo phận Crookston có diện tích 17,210 dặm vuông ở Bang Minnesota, phục vụ 34,875 người Công Giáo trên tổng số 227,689 người.

Đức Cha Richard Edmund Pates đã lãnh đạo giáo phận với tư cách là giám quản tông tòa kể từ khi Đức Cha Hoeppner từ chức.
Source:Catholic News Agency
 
Bắt được tên trùm IS tại Iraq. Gia tăng bách hại, Bắc Kinh buộc Apple xóa các ứng dụng Kinh Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:52 23/10/2021


1. Thủ lĩnh Isis 'chủ mưu' vụ thảm sát Karrada năm 2016 bị bắt

Trong bản tin hôm 19 tháng 10, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết trong một diễn biến đáng phấn khởi, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ một tên nguy hiểm hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo, được coi là chủ mưu của vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Baghdad năm 2016 khiến khoảng 300 người thiệt mạng.

Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã phá vỡ sự im lặng sau các báo cáo cho rằng Ghazwan al-Zawbaee đã bị bắt trong những ngày gần đây “trong một hoạt động tình báo” được thực hiện “bên ngoài đất nước.” Thủ tướng đã xác nhận tin này và cho biết tên bị bắt là “thủ phạm nguy hiểm nhất” của những hành động tàn bạo ở Karrada “và nhiều nơi khác.”

Cuộc tấn công năm 2016 ở trung tâm thủ đô là cuộc tấn công đẫm máu nhất kể từ cuộc xâm lược năm 2003 của Hoa Kỳ. Một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đã nổ tung gần đám đông tụ tập tại một trung tâm mua sắm để ăn mừng kết thúc thời gian nhịn ăn hàng ngày trong tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Nhiều nạn nhân thiệt mạng do ngọn lửa bùng phát bên trong tòa nhà ngay sau khi quả bom phát nổ. “Đưa ra trước công lý những kẻ đồng lõa trong việc đổ máu đồng bào chúng ta là một nghĩa vụ quốc gia”. Người đứng đầu chính phủ không muốn làm rõ vụ bắt giữ diễn ra ở đâu, nhưng hai quan chức tình báo giấu tên giải thích với AP rằng hoạt động này được thực hiện bởi các lực lượng Iraq “với sự hợp tác của một chuyên gia tình báo nước ngoài” và ông ta đã đến Iraq “ ba ngày trước.”

Ngoài vụ thảm sát ở Karrada, Zawbaee phải chịu trách nhiệm cho một loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô và các tỉnh khác của Iraq từ năm 2016 đến năm 2017. Chúng bao gồm vụ nổ một quả bom trên xe hơi cũng ở Karrada vào ngày 30 tháng 5 năm 2017, và vụ tấn công vào một nhóm người Shiite hành hương có ý định đi qua một cây cầu ở khu vực Shawaka, khiến 26 người chết.

Tuần trước, các quan chức tình báo đã bắt giữ người đứng đầu tài chính của Nhà nước Hồi giáo, Sami Jasim al-Jaburi, trong một hoạt động tương tự bên ngoài biên giới của nó. Các nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng Jasim, cũng được coi là phó của thủ lĩnh thánh chiến Abu Bakr al-Baghdadi, đang ẩn náu ở tây bắc Syria và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp trong việc bắt giữ hắn.

Bất chấp thất bại quân sự, ngày nay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn có những tên nằm vùng hoạt động biệt lập và những con sói đơn độc tiếp tục các cuộc tấn công ở Iraq. Chúng hoạt động trên tất cả các vùng nông thôn và thực hiện các cuộc tấn công nhanh chóng và bất ngờ chống lại Lực lượng An ninh và phá hủy các cơ sở hạ tầng.
Source:Asia News

2. Dưới áp lực của bọn cầm quyền Bắc Kinh, các ứng dụng Kinh thánh, Kinh Qur'an bị xóa khỏi Apple Store dành cho Trung Quốc

Dưới áp lực của luật pháp Trung Quốc, một công ty Kinh thánh kỹ thuật số đã xóa ứng dụng của mình khỏi các dịch vụ trên cửa hàng ứng dụng của Apple tại Trung Quốc trong khi bản thân Apple cũng xóa ứng dụng Kinh Qur'an khỏi cửa hàng Trung Quốc theo yêu cầu của các quan chức Trung Quốc.

Công ty nói với BBC News: “Trong tiến trình tái xét của Apple Store, Olive Tree Bible Software đã bị buộc phải cung cấp giấy phép chứng minh quyền phân phối một ứng dụng có nội dung từ sách hoặc tạp chí ở Trung Quốc đại lục”.

“Vì chúng tôi không có giấy phép và chúng tôi cần phải làm sao để bản cập nhật ứng dụng của mình được phê duyệt và cung cấp cho khách hàng, nên chúng tôi đành chấp nhận giải pháp xóa ứng dụng Kinh thánh khỏi Apple Store ở Trung Quốc”.

Công việc của Olive Tree Bible Software trên các phiên bản kỹ thuật số của Kinh thánh đã có từ nhiều thập kỷ trước. Người sáng lập Drew Haninger đã phát triển các chương trình Kinh thánh cho Palm Pilot và các thiết bị di động đầu tiên khác vào cuối những năm 1990. Nó cũng cung cấp nhiều bản dịch Kinh thánh. Trang web của công ty có trụ sở tại Spokane liệt kê một số ấn bản Công Giáo bằng tiếng Anh của Kinh thánh, mặc dù công ty nói thêm là một số phiên bản vẫn chưa hoàn tất.

Những khó khăn tương tự cũng đã ảnh hưởng đến một công ty sản xuất phiên bản kỹ thuật số của Kinh Qur'an.

Quran Majeed, do Pakistan Data Management Services sản xuất, có hơn 35 triệu người dùng và 1 triệu người dùng ở Trung Quốc. Công ty cho biết theo Apple, ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc của Apple “vì nó bao gồm các nội dung đòi hỏi các giấy phép bổ sung từ các cơ quan chức năng Trung Quốc”. Công ty cho biết họ đang làm việc để liên hệ với Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc có liên quan để giải quyết vấn đề.

Apple từ chối bình luận với BBC, lưu ý rằng: “Chúng tôi buộc phải tuân thủ luật pháp địa phương và đôi khi có những vấn đề phức tạp mà chúng tôi có thể không đồng ý với các chính phủ nhưng vẫn phải chấp nhận.”

Audible, một dịch vụ sách nói và podcast do Amazon sở hữu cũng vấp phải vấn đề tương tự. Audible đã xóa ứng dụng của mình khỏi cửa hàng Apple ở Trung Quốc đại lục vào tháng 9.

Microsoft gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa mạng xã hội tập trung vào nghề nghiệp LinkedIn ở Trung Quốc vì những thách đố trong việc tuân thủ các quy tắc của Trung Quốc. LinkedIn bị chỉ trích vì chặn hồ sơ của một số nhà báo.

BBC News đưa tin rằng: các ứng dụng bị cấm ở Trung Quốc bao gồm các ứng dụng liên quan đến các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, phong trào tôn giáo Pháp Luân Công, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các hoạt động đòi độc lập cho Tây Tạng và Đài Loan.
Source:Catholic News Agency

3. Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá các tôn giáo có tổ chức như thế nào

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xem các tôn giáo có tổ chức như một mối đe dọa – vì thế chúng đang tìm cách “thay đổi” hoặc “chuyển hóa” các tôn giáo thành một bộ máy trung thành với đảng. Một nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết như trên hôm thứ Hai 18 tháng 10.

Đảng, vốn “quản lý các tôn giáo một cách hà khắc trong lịch sử” Trung Quốc, hiện đang thực hiện một đường lối khắc nghiệt hơn nhiều và “cố gắng thay đổi hoặc phá hủy các tôn giáo”, Nury Turkel, Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết tại một phiên khoáng đại của Viện Hudson. Turkel, một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, đã chào đời trong một trại cải tạo ở Trung Quốc.

Đối với đảng, bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào cũng “đều bị coi là một mối đe dọa”, Turkel nói và nhấn mạnh rằng đảng đang cố gắng “tạo ra một loại tôn giáo mới”. Các thành viên Viện Hudson lưu ý rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “vô hiệu hóa tôn giáo” trong một bài phát biểu năm 2016, và cảnh báo rằng đảng của ông ta đang tích cực tìm cách thay đổi các thực hành tôn giáo để thúc đẩy lợi ích xã hội chủ nghĩa của mình.

Các diễn giả tham dự phiên khoáng đại đã đề cập đến những diễn biến quan yếu như việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc của đất nước, cũng như các cáo buộc cưỡng bức mổ cướp nội tạng các nhóm dân tộc thiểu số và những người có niềm tin tôn giáo, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô Giáo.

Turkel nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải chú ý đến những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nói về Tân Cương. Trích dẫn các nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình, Turkel nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc “hoàn toàn không thể hiện chút lòng thương xót nào” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương Trần Quang Thành là một thí dụ, y đã ra lệnh “bắt đi cải tạo tất cả những ai cần được cải tạo”.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại lao động, trong khi hai triệu người khác phải chịu “cải tạo” vào ban ngày.

Nina Shea, thành viên cấp cao và là giám đốc của Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, cho biết trong khi đảng không giam giữ hàng loạt các tín hữu Kitô như người Duy Ngô Nhĩ, nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo đã bị bắt giam mà không cần xét xử vì không tuân theo các yêu cầu của đảng.
Source:Catholic News Agency