Ngày 23-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 24/10: Làm nô lệ Lề Luật – Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:36 23/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

Đó là lời Chúa
 
So sánh với Đấng không thể so
Lm. Minh Anh
05:29 23/10/2022

SO SÁNH VỚI ĐẤNG KHÔNG THỂ SO
“Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác; hay là như tên thu thuế kia!”; “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”.

Một nhà giáo dục nói, “Trong tiếng Anh có 5 chữ “C” khiến bạn dễ va vấp: “Criticizing, chỉ trích”; “Comparing, so sánh”; “Complaining, càu nhàu”; “Competing, cạnh tranh”; “Correcting, chỉnh sửa”. Hãy thay chúng với “Complimenting, khen ngợi!”. Và nếu phải so sánh, thì hãy so với một chữ “C” khác, “Christ, Chúa Kitô”; nói cách khác, bạn hãy ‘so sánh với Đấng không thể so!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, chúng ta gặp lại đề nghị của nhà giáo dục qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Người biệt phái trong Tin Mừng là một mẫu người cụ thể thích so sánh. Không thể tin được, chỉ vỏn vẹn vài phút trước mặt Chúa, nhưng anh đã phạm một loạt sai lầm khi đem mình so với người khác, với người thu thuế; lẽ ra, anh phải ‘so sánh với Đấng không thể so’, Chúa Kitô!

Trước hết, người biệt phái đã chu toàn mọi sự với một quan niệm sai lầm rằng, anh ta có thể tậu được thiên đàng; một sai lầm khác là anh nghĩ rằng, anh có thể ghi điểm cho những gì anh đã làm. Mặc dù anh đã mở đầu lời cầu bằng cách tỏ vẻ nhìn nhận Thiên Chúa, nhưng khi kết thúc, anh lại hành động như thể anh là người thực sự đáng được khen lao; và thật trớ trêu, anh xem Thiên Chúa như ‘con nợ’ của anh. Và một sai lầm khác là anh đem mình so sánh với những người khác; cụ thể với người thu thuế đang đứng xa xa tận cuối đền thờ. Lẽ ra anh phải đặt mình ‘so sánh với Đấng không thể so’, chính Thiên Chúa là Chúa của anh!

Chưa hết, anh cầu nguyện như thể là ‘anh em sinh đôi’ với Đức Mẹ, “Đấng Đầy Ân Sủng”, bởi anh đánh giá thấp cái xấu tồn tại trong cuộc sống mình; và dường như anh không biết về bất kỳ tội lỗi nào mà anh đã phạm - vì ít nhất, anh không đề cập đến bất cứ tội lỗi nào với Chúa trong khổ độc thoại của mình. Chúa Giêsu từng cho biết, một người bình thường có thể phạm tội bảy lần một ngày, vì vậy anh phải có một điều gì đó để đặt trước mặt Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài. Lương tâm anh tựa hồ một cái sàng sưa, một cái sàng ‘khá dễ dãi’ nên hầu hết tội lỗi của anh đều lọt qua nó mà không cần phải nhặt chúng lên. Thật không may, dường như anh không nhận thức được bất cứ điều gì; và điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa không biết nó là gì. Nếu anh cầu xin tha thứ, Chúa sẽ ban cho, nhưng vì anh hành động như thể anh vô tội, nên tội của anh vẫn còn.

Thái độ của người thu thuế lại hoàn toàn khác. Có lẽ, ông đã đem mình ‘so sánh với Đấng không thể so’, nên thay vì tập trung vào điều tốt ít ỏi của mình, ông chú ý vào tội lỗi của chính ông. Ông xin Chúa tha thứ nó, xin Ngài bỏ qua nó; và đây là thái độ đúng đắn chúng ta cần có trước mặt Chúa. Bài đọc Huấn Ca hôm nay nói, “Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”. Trong bài đọc hai, Phaolô cũng tỏ ra thật khiêm tốn; biết giờ ra đi của mình đã gần kề, Phaolô chỉ cậy trông vào Chúa; ngài tâm sự với Timôthê, “Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha”. Thánh Vịnh đáp ca cũng có chung một tâm tình, “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”. Bạn và tôi hãy biến lời này thành lời cầu nguyện của mình. Hãy thừa nhận tội lỗi; thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với lòng thương xót của Thiên Chúa và để lòng thương xót đó nâng chúng ta lên trong sự công bình của Chúa. Hãy nhớ, những người vẽ ra một hình ảnh sai lệch về bản thân có thể tự đánh lừa mình và thậm chí, có thể đánh lừa người khác; nhưng họ sẽ không bao giờ lừa được Thiên Chúa và không bao giờ bình yên thực sự trong tâm hồn. Mỗi người chúng ta phải nhận ra sự thật khiêm tốn về tội lỗi và sự yếu đuối của mình, và trong nhận thức đó, cầu xin một phương thuốc duy nhất - lòng thương xót Chúa; và nếu phải so sánh thì hãy đem chính mình so với Chúa Giêsu. Hãy cứ thường xuyên ‘so sánh với Đấng không thể so’, bạn và tôi sẽ nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con ý thức thực sự tội lỗi của con. Nếu có điều gì con không biết, giúp con xem nó là gì; và nếu muốn so sánh, xin dạy con ‘so sánh với Đấng không thể so!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Nỗi sợ phải ra khỏi vùng an tòan
Lm. Minh Anh
23:23 23/10/2022

NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
“Viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat!”.

Paul Powell nói, “Thiên Chúa quan tâm đến các nhân đức của con cái Ngài hơn là sự thoải mái của họ. Điều Ngài nhắm không phải là nuông chiều thể chất, nhưng là hoàn thiện họ về mặt tinh thần. Vì thế, đôi khi, Ngài ném chúng ta vào một hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng như tuyệt vọng, để chúng ta cậy trông hơn; Ngài buộc mỗi người vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài buộc mỗi người vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đề nghị viên trưởng hội đường và cả chúng ta hôm nay. Ngài đã chữa cho một phụ nữ còng lưng những mười tám năm ‘có thể đứng thẳng’ khiến mọi người hân hoan; “nhưng viên trưởng hội đường thì tức giận, vì Ngài chữa bệnh trong ngày Sabbat!”. Tại sao? Phải chăng nơi ông, có một nỗi sợ nào đó, nỗi sợ sự thật, ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn?’. Đúng thế! Với ông, việc giữ luật khiến ông cảm thấy an toàn; ông quan tâm luật hơn là ý nghĩa của luật.

“Lạy Chúa, xin cứ giữ con lại trong sự tầm thường của con!”. Giả như có một lời cầu nguyện như thế, thì chủ nhân của nó thực sự không có gì để khó chịu hay phản đối. Đàng này, phản ứng của viên trưởng hội đường, cách nào đó, cho thấy dường như lời cầu nguyện trên là của chính ông. Ông những muốn ở lại trong sự tầm thường của mình; bởi lẽ, nơi ông, có một nỗi sợ sự thật. Ông không muốn tin Chúa Giêsu; những gì Ngài nói, những việc Ngài làm xem ra đang đe doạ ông. Bởi lẽ, từ Ngài, những gì ông nghe, ông thấy… chỉ có thể xuất phát từ một Đấng Messia; và nếu quả Ngài là Đấng Messia, thì nhất định ông phải thay đổi cách nhìn, thay đổi cách sống. Không! Ông không muốn như thế!

Và điều đó có thể cũng đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta. Bạn và tôi không muốn chấp nhận một điều gì đó Chúa Giêsu dạy qua Giáo Hội của Ngài; vì lẽ, nghe theo giáo huấn đó có nghĩa là phải thay đổi cách sống và chúng ta không muốn điều đó. Chúng ta muốn ở lại trong sự tầm thường của mình; đang khi Chúa Giêsu lại luôn cung cấp cho những ai theo Ngài một điều gì đó khác biệt. Bạn và tôi chỉ muốn ở lại trong đường lối mình; chúng ta được bao quanh với những chân trời hạn chế và dĩ nhiên, sợ phải mở rộng chúng, ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’.

Vậy mà Phaolô cho biết, chính cái vùng an toàn giả tạo mà chúng ta muốn yên thân trong đó lại là quá khứ vốn được gọi là bóng tối. Thiên Chúa muốn đưa chúng ta ra khỏi vùng tối hạn hẹp này; Ngài muốn chúng ta bước ra. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay lấy lại lời của Phaolô, “Chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái được Người yêu thương”. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô viết, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng!”.

Anh Chị em,

“Đôi giày cũ thì luôn luôn dễ chịu hơn đôi giày mới!”. Vậy mà, Chúa Giêsu muốn chúng ta bước đi với ‘đôi giày mới’ mỗi ngày. Bản thân Ngài cũng đã ra khỏi vùng an toàn của mình; Ngài đã can đảm bước ra khỏi ngôi vị Thiên Chúa “vinh quang ngàn vinh quang, cao sang ngàn cao sang” để không ngừng bước từng ngày trên sự bất ổn của kiếp người; và Ngài đã bước xuống tận chỗ rốt hết đến nỗi chết cái chết của một ‘tội phạm tội đồ’ nhất. Vậy mà, chính nhờ cái chết đó, cả nhân loại ‘có thể đứng thẳng lên’; cũng như ngày Sabbat hôm ấy, dù biết kẻ thù đang rình rập, Ngài vẫn ra khỏi vùng an toàn để nâng một phụ nữ mười tám năm còng lưng ‘có thể đứng thẳng lên’. Hôm nay, Ngài cũng sẵn sàng trợ giúp để mỗi người ‘có thể đứng thẳng lên’. Nhưng trước hết, Ngài muốn bạn và tôi vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn’ của mình; một tính hư nết xấu, một lối sống mà Ngài gọi là “giả hình” như Ngài đã gọi trưởng hội đường.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, có lẽ, về mặt tâm linh, con đã già đi, xin trẻ hoá con. Cho con cứng cáp mà ra khỏi những chân trời hạn hẹp, nhất là giúp con vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 10
J.B. Đặng Minh An dịch
16:08 23/10/2022


Chúa Nhật 23 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 30 Mùa Thường Niên, cũng là Khánh Nhật Truyền Giáo.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn có hai nhân vật chính, một người Pharisêu và một người thu thuế (Lc 18:9-14), tức là một người sùng đạo và một kẻ tội lỗi. Cả hai người đều lên Đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế mới thực sự nâng mình lên với Thiên Chúa, bởi vì anh ta khiêm tốn cúi xuống trong sự khiêm nhường của chính mình và anh ta thể hiện thực tại của mình, không đeo mặt nạ, trong sự khốn cùng của mình. Do đó, chúng ta có thể nói rằng dụ ngôn nằm giữa hai chuyển động, được diễn tả bằng hai động từ: nâng lên và hạ xuống.

Chuyển động đầu tiên là nâng lên. Thật vậy, bản văn bắt đầu bằng câu: “Hai người lên đền thờ cầu nguyện” (câu 10). Khía cạnh này gợi lại nhiều tình tiết trong Kinh thánh, trong đó để gặp Chúa, một người đi lên núi có sự hiện diện của Ngài: Ápraham lên núi để dâng của lễ; Môise lên Núi Sinai để nhận các Điều Răn; Chúa Giêsu lên núi nơi Ngài được biến hình. Do đó, vươn lên thể hiện nhu cầu của trái tim tách mình ra khỏi cuộc sống bằng phẳng để hướng về Chúa; vươn lên từ bình nguyên của bản ngã của chúng ta để tiến về phía Thiên Chúa, giải phóng bản thân khỏi cái “tôi” của chính mình; gom góp những gì chúng ta sống trong thung lũng để mang ra trước mặt Chúa. Đây là “sự trỗi dậy”, và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ đứng dậy.

Nhưng để sống cuộc gặp gỡ với Người và được biến đổi bằng lời cầu nguyện, để vươn lên với Thiên Chúa, cần phải có một động tác thứ hai: hạ xuống. Làm thế nào để hạ xuống? Điều đó có nghĩa là gì? Để vươn lên đối với Người, chúng ta phải hạ xuống trong chính mình: trau dồi sự chân thành và khiêm tốn của trái tim, cho chúng ta một cái nhìn trung thực về sự yếu đuối và nghèo khó bên trong của chúng ta. Thật vậy, với sự khiêm nhường, chúng ta có khả năng đem những thực tại của chúng ta đến với Thiên Chúa, mà không cần giả vờ: những vết thương, tội lỗi và những đau khổ đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta, và cầu xin lòng thương xót của Ngài để Ngài chữa lành chúng ta, phục hồi chúng ta và nâng chúng ta lên. Chính Người sẽ nâng chúng ta lên, chứ không phải chúng ta. Chúng ta càng hạ mình với sự khiêm nhường, thì Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên.

Thật vậy, người thu thuế trong dụ ngôn khiêm nhường dừng lại ở khoảng cách xa (xem câu 13) - anh ta không đến gần, anh ta xấu hổ - anh ta cầu xin sự tha thứ, và Chúa nâng anh ta lên. Trái lại, người Pharisêu tự đề cao bản thân, tự tin, tin chắc rằng mình tốt lành: đứng thẳng lên, anh ta bắt đầu chỉ nói với Chúa về mình, tự ca ngợi mình, liệt kê tất cả những việc làm đạo đức tốt lành mà anh ta thực hiện, và khinh thường người khác: “con không như bao kẻ khác …” Đây là những gì gây ra bởi sự kiêu ngạo tâm linh làm. “Nhưng thưa cha, tại sao cha lại nói với chúng tôi về sự kiêu ngạo thuộc linh?” Thưa, bởi vì tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào cái bẫy này. Nó khiến anh chị em tin rằng mình đúng và đánh giá người khác. Đây là sự kiêu ngạo về tâm linh: “Tôi tốt lành, tôi giỏi hơn những người khác: người này làm thế này, người kia làm thế kia…”. Và theo cách này, trong vô thức, anh chị em tôn thờ cái tôi của chính mình và phủ nhận Chúa của anh chị em. Nó xoay quanh bản thân mỗi người. Đây là lời cầu nguyện không có sự khiêm tốn.

Anh chị em, người Pharisêu và người thu thuế có liên quan chặt chẽ đến chúng ta. Hãy nghĩ đến họ, chúng ta hãy nhìn lại chính mình: chúng ta hãy xác nhận xem trong chúng ta có hay không sự xác tín của người Pharisêu về sự công chính của chính mình (xem câu 9) khiến chúng ta khinh thường người khác. Chẳng hạn, điều đó xảy ra khi chúng ta tìm kiếm những lời khen ngợi và luôn lập danh sách những công lao và việc làm tốt của mình, khi chúng ta quan tâm đến vẻ bề ngoài của chúng ta hơn là thực chất của chúng ta, khi chúng ta để mình bị mắc kẹt bởi lòng tự ái và chủ nghĩa phô trương. Chúng ta hãy cẩn thận với chủ nghĩa tự ái và chủ nghĩa phô trương, dựa trên vinh hoa phù phiếm, khiến ngay cả chúng ta là những Kitô hữu, linh mục và giám mục, cũng luôn có một lời nói trên môi. Lời nào? Thưa: đó là từ “Tôi”: “Tôi đã làm điều này, tôi đã viết điều đó, tôi đã nói điều đó, tôi hiểu điều đó trước bạn”, vân vân. Ở đâu có quá nhiều “tôi”, ở đó có quá ít Chúa. Ở đất nước tôi, những người như thế được gọi là “Tôi, với tôi, cho tôi, chỉ mình tôi”, đây là tên của những người đó. Và ngày xưa họ thường nói về một linh mục như thế, tự cho mình là trung tâm, và người ta nói đùa rằng, “Khi cha ấy xông hương, cha ấy xông ngược, ngài tự xông hương chính mình”. Nó là như vậy đó; nó thậm chí làm cho anh chị em có vẻ lố bịch.

Chúng ta hãy cầu xin lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, tôi tớ khiêm nhường của Chúa, là hình ảnh sống động của những gì Chúa yêu thích hoàn thành, lật đổ kẻ quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ khiêm nhường (x. Lc 1,52).

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Khánh Nhật Truyền Giáo Thế giới, với chủ đề: “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy”. Đây là một cơ hội quan trọng để khơi dậy trong tất cả những người đã được rửa tội ước muốn tham gia vào sứ mệnh phổ quát của Giáo hội, qua việc làm chứng và loan báo Tin Mừng. Tôi khuyến khích mọi người ủng hộ những nhà truyền giáo bằng lời cầu nguyện và tình liên đới cụ thể, để họ có thể tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng và thăng tiến nhân loại trên khắp thế giới.

Hôm nay ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023, bắt đầu nhận ghi danh. Tôi đã mời hai thanh niên Bồ Đào Nha đến đây với tôi trong khi tôi cũng ghi danh, với tư cách là một người hành hương. Tôi sẽ làm điều đó ngay bây giờ. Vâng, tôi đã ghi danh. Còn anh chị em, anh chị em đã ghi danh chưa? Hãy làm điều đó… Còn bạn, bạn đã ghi danh chưa? Làm đi…. Các bạn trẻ thân mến, tôi mời các bạn ghi danh tham gia buổi họp mặt này, để sau một thời gian dài lưu lạc, chúng ta sẽ khám phá lại niềm vui của tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa các thế hệ, là điều mà chúng ta rất cần!

Hôm qua, Vicente Nicasio Renuncio Toribio và 11 bạn đồng hành của Dòng Chúa Cứu Thế Chí Thánh, bị giết vì hận thù đức tin ở Tây Ban Nha vào năm 1936, đã được tuyên chân phước tại Madrid. Gương của những nhân chứng này của Chúa Kitô, những người thậm chí đã đổ máu ra để làm chứng cho Chúa Kitô, khích lệ chúng ta kiên định và can đảm; Nguyện cho lời cầu bầu của các ngài nâng đỡ những ai ngày nay nỗ lực gieo Tin Mừng trên thế giới. Chúng ta hãy hoan nghênh các Chân Phước mới!

Tôi theo dõi tình hình xung đột dai dẳng ở Ethiopia với sự lo lắng. Một lần nữa, tôi nhắc lại với sự quan tâm chân thành rằng bạo lực không giải quyết được sự bất hòa mà chỉ làm tăng thêm những hậu quả bi thảm. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị chấm dứt sự đau khổ của những người dân không có khả năng tự vệ và tìm ra các giải pháp công bằng cho hòa bình lâu dài trên khắp đất nước. Cầu mong những nỗ lực của các bên trong việc đối thoại và tìm kiếm lợi ích chung sẽ dẫn đến một con đường hòa giải thực sự. Mong những lời cầu nguyện của chúng ta, sự đoàn kết của chúng ta và những viện trợ nhân đạo cần thiết nâng đỡ các anh chị em Ethiopia của chúng ta, những người đang rất cố gắng.

Tôi rất đau buồn vì lũ lụt đang ảnh hưởng đến các quốc gia khác nhau ở Phi Châu và đã gây ra chết chóc và tàn phá. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gần hàng triệu người phải di dời, và tôi hy vọng sẽ có một nỗ lực phối hợp nhiều hơn nữa để ngăn chặn những thảm họa này.

Tôi chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào các giáo sĩ Indonesia và tu sĩ đang sống tại Rome; cộng đồng Peru đang tổ chức lễ kỷ niệm Señor de los Milagros, Trung tâm Học thuật Roman Fundación và nhóm từ giáo phận Tarnow của Ba Lan. Tôi chào các tín hữu từ San Donà di Piave, Padua, Pontedera và Molfetta, các ứng cử viên cho Bí tích Thêm sức từ Piacenza, nhóm “TIberiade” từ Carrobbio degli Angeli và Phong trào Bất bạo động từ Verona. Và hôm nay, khi thành lập chính phủ mới, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự thống nhất và hòa bình ở Ý.

Ngày mốt, Thứ Ba ngày 25 tháng 10, tôi sẽ đến Đấu trường Rôma để cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên thế giới, cùng với đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo và các tôn giáo trên thế giới, tụ họp tại Rôma cho cuộc họp “Lời kêu gào hòa bình”.. Tôi mời anh chị em hiệp thông tham gia trong lời khẩn cầu lớn lao này với Chúa: cầu nguyện là sức mạnh của hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine tử đạo.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Quan tài treo lơ lửng trên không sau khi nghĩa trang thứ hai ở Naples sụp đổ trong năm nay
Đặng Tự Do
17:30 23/10/2022


Ít nhất một chục chiếc quan tài đã bị bỏ lại lơ lửng trên không sau vụ sập tòa nhà bốn tầng chứa các hốc chôn cất tại nghĩa trang lâu đời nhất ở Naples.

Đây là sự việc thứ hai xảy ra tại địa điểm này trong năm nay, trong bối cảnh các nhà phê bình đổ lỗi cho việc quản lý kém các nghĩa trang ở thành phố miền nam nước Ý.

Các nhà chức trách đã phong tỏa nghĩa trang Poggioreale – là nghĩa trang lớn nhất ở Naples - khi cuộc điều tra về sự sụp đổ của tòa nhà bằng đá cẩm thạch, được gọi là Phục sinh, ở khu vực Porta Balestrieri của nghĩa trang, đang được tiến hành. Không có du khách nào có mặt tại nghĩa trang vào thời điểm xảy ra vụ sụp đổ vào chiều thứ Hai vì nó đã đóng cửa trong ngày.

Vincenzo Santagada, ủy viên hội đồng Naples chịu trách nhiệm về các nghĩa trang cho biết: “Vụ sập tòa nhà xảy ra trước một tiếng nổ và một đám mây bụi dày đặc. Với tư cách là chính quyền, chúng tôi đang lo liệu tất cả các thủ tục cần thiết.”

Một cuộc điều tra riêng biệt đang tiếp tục sau khi khoảng 300 hốc chôn cất bị phá hủy trong vụ sập một tòa nhà ở khu vực khác của nghĩa trang vào tháng Giêng.

Gia đình của những người chết đã tổ chức một cuộc biểu tình vào thứ Ba.

Maurizio Boddi, người có vợ, và cha mẹ được chôn cất trong các hốc trong tòa nhà, nói với tờ báo Dire của Ý: “Điều may mắn duy nhất là quan tài của họ không bị rơi ra ngoài, vì họ được chôn sâu hơn bên trong tòa nhà.”

Các chính trị gia ở Campania, khu vực xung quanh Naples, nói rằng các nghĩa trang của thành phố đã không được chăm sóc trong nhiều năm. “Đã có một sự sụp đổ mới tại nghĩa trang Poggioreale,” Francesco Emilio Borelli, ủy viên hội đồng khu vực thuộc đảng Europa Verde, viết trên Facebook. “Đây là một tình huống nguy cấp và không thể chấp nhận được. Trong quá nhiều năm, các nghĩa trang ở Naples đã bị quản lý tồi tệ và để cho người thân tự lo liệu, trở thành mồi ngon cho những kẻ lừa đảo và trục lợi”.

Vào tháng 2 năm ngoái, 200 chiếc quan tài đã rơi xuống biển ngoài khơi thị trấn ven biển Camogli thuộc vùng Ligurian, miền bắc nước Ý sau khi một phần nghĩa trang bị sập trong trận lở đất, đồng thời phá hủy hai nhà nguyện.
Source:The Guardian
 
Những lý do mà Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra để thêm các Mầu Nhiệm Sự Sáng vào chuỗi Mân Côi
Đặng Tự Do
17:31 23/10/2022


Hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã công bố tông thư Rosarium Virginis Mariae, tức là Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria, bổ sung năm Mầu nhiệm Sự Sáng vào 15 Mầu nhiệm truyền thống được suy niệm trong chuỗi Mân Côi.

Các Mầu Nhiệm Sự Sáng nói đến cuộc đời công khai của Chúa Kitô, bao gồm Phép Rửa của Ngài tại sông Jordan; Chúa làm phép lạ trong tiệc cưới Cana; lời công bố Nước Thiên Chúa, với lời kêu gọi hoán cải; Chúa biến hình; và việc Người thiết lập Bí tích Thánh Thể,” như một cách diễn tả Mầu nhiệm Vượt qua”

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng “Kinh Mân Côi, mặc dù có đặc điểm rõ ràng là Đức Mẹ, nhưng cốt lõi là một lời cầu nguyện hướng về Chúa Kitô” và nó có “một vị trí quan trọng” trong đời sống thiêng liêng của Đức Gioan Phaolô II trong thời niên thiếu.

Hai tuần sau khi được bổ nhiệm làm mục tử toàn thể Hội Thánh, Thánh Gioan Phaolô II đã cho biết: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi”.

Đức Giáo Hoàng đã đề xuất các Mầu nhiệm Sáng để “làm nổi bật đặc tính Kitô học của chuỗi hạt Mân Côi.” Những mầu nhiệm này đề cập đến “sứ vụ công khai của Chúa Kitô từ Phép Rửa cho đến Cuộc Khổ Nạn của Người”.

Do đó, trong những mầu nhiệm này “chúng ta chiêm ngưỡng những khía cạnh quan trọng của con người Chúa Kitô như là sự mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha nói, vì chính Ngài đã “tuyên bố Con yêu dấu của Chúa Cha trong Phép Rửa ở sông Giođan, Chúa Kitô là Đấng loan báo Nước Trời sắp đến, làm chứng cho Nước Trời trong các công việc của Người và công bố những đòi hỏi của Nước Trời”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng ghi nhận trong tông thư của ngài rằng “chính trong những năm thi hành sứ vụ công khai của Ngài, mầu nhiệm của Chúa Kitô rõ ràng là mầu nhiệm ánh sáng: ‘Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.’ (Ga 9: 5).” Do đó, để Kinh Mân Côi “trở thành một 'bản tóm tắt của Phúc Âm' ', Đức Thánh Cha cho rằng cần phải có” sự suy niệm về những khoảnh khắc đặc biệt quan trọng nhất định trong sứ vụ công khai của Chúa Kitô, sau khi suy tư về Sự Nhập Thể và cuộc đời chưa công kahi của Chúa Kitô trong Năm Sự Vui, và trước khi tập trung vào những đau khổ trong cuộc Khổ nạn của Người trong Năm Sư Thươnh, và sự khải hoàn Phục sinh của Người trong Năm Sự Mừng.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng việc thêm các Mầu nhiệm Sự Sáng được thực hiện “không ảnh hưởng đến bất kỳ khía cạnh thiết yếu nào trong hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi, nhưng mang lại cho nó cuộc sống tươi mới và khơi dậy sự quan tâm mới đến vị trí của Kinh Mân Côi trong linh đạo Kitô giáo như một cánh cửa thực sự dẫn đến chiều sâu của Trái tim của Chúa Kitô, đại dương của niềm vui và ánh sáng, đau khổ và vinh quang. “

Những mầu nhiệm mạc khải ánh sáng của Nước Trời

Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng mỗi mầu nhiệm ánh sáng “là một mạc khải về Nước Trời hiện đang hiện diện trong chính con người Chúa Giêsu.”

Sự hiện diện này được thể hiện theo một cách cụ thể trong mỗi một trong những mầu nhiệm sự sáng.

Trong phép Rửa tại sông Jordan, Chúa Kitô “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. (x. 2Cr 5,21),” Chúa Cha công bố Người là Con Yêu dấu và Chúa Thánh Thần “ngự xuống trên Người để đầu tư cho Người sứ mệnh mà Người sẽ thực hiện.. “

Tại tiệc cưới Cana, bằng cách biến nước thành rượu, Đức Kitô đã “mở lòng các môn đệ đến với đức tin, nhờ sự can thiệp của Đức Maria, người đầu tiên trong số các tín hữu”.

Với việc rao giảng về vương quốc và lời kêu gọi hoán cải, Chúa Kitô khởi xướng “sứ vụ của lòng thương xót,” tiếp tục qua “Bí tích Hòa giải mà Người đã ủy thác cho Giáo hội của Người”.

Đối với Thánh Gioan Phaolô II, cuộc Biến hình là “mầu nhiệm của ánh sáng xuất sắc” vì “vinh quang của Thiên Chúa tỏa ra từ khuôn mặt của Chúa Kitô khi Chúa Cha ra lệnh cho các Tông đồ đang kinh ngạc hãy lắng nghe Người”.

Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể cũng là một mầu nhiệm ánh sáng vì “Đức Kitô đã hiến dâng mình và máu Người làm lương thực dưới dấu chỉ bánh và rượu, và làm chứng 'cho đến cùng' tình yêu của Người dành cho nhân loại (Ga 13:1).

Đức Maria trong những mầu nhiệm sự sáng

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “ngoài phép lạ ở Cana, sự hiện diện của Đức Maria vẫn còn trong hậu cảnh.” Tuy nhiên, “một cách nào đó, vai trò mà Đức Mẹ đảm nhận tại Cana đồng hành với Chúa Kitô trong suốt sứ vụ của Người,” với lời khuyên từ mẫu của Đức Mẹ: “Hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các anh” (Ga 2: 5).

Thánh Gioan Phaolô II coi lời khuyên này là “lời giới thiệu thích hợp cho những lời và dấu chỉ về sứ vụ công khai của Chúa Kitô và nó tạo nên nền tảng của Đức Mẹ cho tất cả các 'mầu nhiệm ánh sáng'.”

Sau đó, giáo hoàng đề xuất rằng những mầu nhiệm sự sáng này được chiêm ngưỡng vào các ngày thứ Năm.

Những lý do mà Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra để thêm các Mầu Nhiệm Sáng vào chuỗi Mân Côi
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hương thơm của Chúa
Maria Vũ Loan
08:19 23/10/2022
Hương thơm của Chúa

Buổi sáng thứ bảy, chúng tôi đến nhà thờ chánh tòa giáo phận Phú Cường để dự lễ phong chức linh mục và phó tế. Sự kiện này thường diễn ra nhưng đối với chúng tôi, hôm nay là ngày đặc biệt vì một thành viên Bông Hồng Xanh (lớp bạn trẻ thứ 2) được là linh mục của Chúa Kitô. Quần áo chỉnh tề, chúng tôi không tường thuật sự kiện như một phóng viên mà ghi lại cảm xúc của một trưởng nhóm, có thành viên "được Chúa chọn” trong niềm vui thân tình.

Quang cảnh nhà thờ chánh tòa hôm nay có “cái view” bên ngoài khác thường. Điều đó, chúng tôi không chú ý cho bằng quang cảnh bên trong nhà thờ. Thánh lễ truyền chức diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, rất trật tự và đẹp như “ở cung điện Vatican”. Hoa trên bàn thờ, hoa ở dưới ghế, hoa sặc sỡ trên trang phục các bà, các chị... tất cả để diễn tả niềm vui. Nếu ngày Chúa đến mà mọi người gặp nhau như thế thì tuyệt vời biết bao! Cái chết có đáng sợ đâu! Mười lăm tân linh mục & phó tế cùng gia đình, thân hữu đã diễn tả niềm vui chung của Giáo Hội và dân Chúa.

Nhớ lại những ngày đầu còn dự tu nhà dòng, bạn trẻ này vẫn còn đi công tác lai rai với chúng tôi, nhưng khi vào sống chung với các anh em, bạn không còn đi chung công việc nhưng tình thân thiết vẫn gắn bó. Ngày mẹ chúng tôi qua đời, em âm thầm dự lễ và cầu nguyện cho chúng tôi không khóc nhiều trong thánh lễ. Mừng Nhóm 25 năm thành lập, em không dự lễ được, rồi sáng hôm sau cố dành thời gian đến chia vui với Nhóm chúng tôi và từ chối không ăn một miếng bánh kem nào.

Suốt chặng đường dự tu đến ngày hôm nay, tôi thấy em vất vả, gian nan qua nhiều thử thách: nào sức khỏe, nào tài chánh, nào nỗi nhớ xa cha mẹ... Có lần đã làm thầy, em nói với chúng tôi về việc tắm ghẻ cho mấy cháu mồ côi; rồi nỗi buồn khi bệnh. Nhà ở mãi tận miền trung xa xôi nên gia đình chúng tôi, được em coi là một trong những địa điểm ấm áp.

Có lần đi công tác ở tỉnh, chúng tôi ghé vào nhà thăm ông bà cố. Cả nhà xúc động. Ông cố nói nhiều, rất vui vẻ, mà giọng nói vùng miền trung chúng tôi chỉ hiểu sơ sơ; em gái thầy đi làm ở xa biết chúng tôi đến thăm cũng livestream góp câu chuyện; còn bà cố thì cứ có một chút bối rối khi trả lời câu chuyện.... Nhiều kỷ niệm, trôi qua theo dòng thời gian. Trong gia đình hay họ hàng thân hữu, ai bước đến mốc quan trọng của cuộc đời, chúng tôi cũng thầm mừng vui cho người ấy.

Tiệc mừng hôm nay chúng tôi thấy thâm tình, vì còn có một em thân quen cùng gia đình, hôm nay lãnh chức phó tế. Mẹ thầy ghé tai tôi: “Nhà sửa lại rộng rãi và đẹp rồi. Hôm nào đến thăm nhé!”. Chúng tôi gật đầu vì nhà thầy cách sân bay vùng ấy 60 km thôi. Thầy ở Kontum hôm trước ghé thăm nhà, da đen ngăm vì trồng cây, coi nhà nội trú dân tộc thì hôm nay cũng “được làm cha”, vui mừng bắt tay chúng tôi, khoe: “Cha T, tiến sĩ Kinh Thánh hôm nay trao áo lễ cho em đó! Tôi xúc động, hứa với lòng sẽ ngắt quỹ ra mà chú ý đến nhà nội trú của cha.

Có lần, chúng tôi tặng thuốc cho quí thầy, thế là biết được một thầy có chuyên môn về ngành y, học vị thạc sĩ, hôm nay cũng “bước lên bàn thánh”. Kẻ được chọn thì thật là vui! Những người theo con đường này, không được chọn "theo phẩm hàm Men-ki-xê- đê”, thôi thì biết sống theo ý Chúa là cũng vẫn vui rồi.

Chúng tôi cũng muốn cùng tân linh mục về quê nhà dự tiệc mừng nhưng chắc là không được. Chúng tôi lại hứa với thầy phó tế: “Sau này Thầy làm Cha, coi xứ nào thì cô cho quà xứ đấy nhé!”. Thầy cười tít mắt; còn mẹ của Thầy cầm tay tôi nói nhiều câu mà tôi không hiểu hết vì bà ở Đăk Nông, nhưng gốc ở Nghệ An, tôi đành vâng vâng, dạ dạ.

Một thầy còn “hé lộ” cho chúng tôi biết: “Khi Đức Cha Giuse, GP Phú Cường, đi du học, cha bề trên dòng chúng con yêu thương, nâng đỡ “du học sinh Giuse” (?) Sau này Ngài làm Giám mục, Ngài cũng quan tâm đến hội dòng chúng con”. Nghe kể như vậy, chúng tôi đưa đẩy: “Đó, một người chỉ cần thực thi lòng mến mà nảy sinh ra biết bao hoa quả tốt lành cho Giáo Hội đấy!”

Tiệc mừng kết thúc, lòng chúng tôi nhẹ bớt sự lo lắng tự nhiên khi đi xa vì tài xế taxi đang đợi ở bên kia đường.

TÌNH CỘNG ĐOÀN

Một buổi sáng, đang thong thả điểm tâm, có tiếng gọi to: “Cô Loan ơi, cho gặp một chút!”. Thì ra, một ông cố trong giáo xứ mang xôi, giò gửi tặng chị em chúng tôi nhân ngày bà Cố mất 100 ngày. Chúng tôi xúc động. Từ sự quen biết do là bạn hàng trong việc buôn bán, em tôi quen bà Cố và hay kể về chuyện thường ngày. Tôi chú ý và nhận ra Bà là một trong những bà cố có tính khiêm nhường. Em tôi vẫn quen miệng gọi bà cố là “Chị K.” Tôi trách và muốn cô em gọi là “bà cố” cho trân trọng. Nhưng bà trả lời: “Gọi sao cũng được mà!”.

Hôm cùng đi Campuchia vào mùa Chay, thấy tôi không chịu ăn, bà Cố nói: “Hai chị em ăn đi, người ta đã tính tiền cả rồi!”. Lúc đợi xe chở về Việt Nam, bà nhìn chúng tôi: “Hai chị em độc thân thích nhỉ, đi đâu cũng được! Có gia đình thì phải chịu đựng, hy sinh đủ thứ!”. Tôi cười: “Thưa vâng, độc thân cũng thú vị; nhưng bà cố có được con trai “chịu học, chịu tu” là tốt lắm ạ! Khối người có trai mà nước mắt cứ tuôn thành dòng đấy ạ!”. Chỉ nói chuyện ít thôi mà hôm nay giỗ ngắn ngày, câu chuyện hôm ấy trở thành ký ức.

Trong thánh lễ buổi chiều, tôi cầu nguyện sốt sắng cho gia đình Ông Bà cố này từ việc quí mến cách sống khiêm nhu của Bà. Tôi lan man suy nghĩ: Sự khiêm tốn là cách sống của người khôn ngoan hay là ơn Chúa ban? Nhiều người khi chưa thành danh, còn là “ẩn số” thì khiêm nhu, đến khi Chúa ban cho một đời sống trọn vẹn tinh thần và vật chất thì “thay đổi tính cách”, hoặc tự mãn, tự tách mình thành một “đẳng cấp” khác. Nhiều bài học người đời dạy về cách tránh xa sự cao ngạo nhưng có lẽ phải xin ơn mới có được một nhân đức đẹp là khiêm nhường mà Đức Mẹ thực hiện, ở góc độ nào cũng mang một gam màu sáng.

Tôi cũng nhớ lại khi ba tôi qua đời, Ông cố đến nhà nhiều lần đọc kinh cầu nguyện cùng Huynh đoàn Đa Minh. Tôi dự tiệc mừng khi con Ông cố là linh mục; khi tôi mừng công việc bác ái xã hội, gia đình cũng mừng Nhóm chúng tôi.... Đặc biệt, Bà cố từ trần ở tuổi 73, dù trông dáng người khỏe mạnh, làm tôi bớt phàn nàn với Chúa. Nhiều lần, tôi cứ khó chịu, chất vấn Chúa rằng: Tại sao má tôi lại qua đời ở tuổi thực là 72, trong khi họ ngoại ai cũng thọ đến tám chín chục tuổi? Bây giờ tôi mới chấp nhận rằng, chặng đường trần gian dài hay ngắn là do ý Chúa, không phải đủ “điều kiện tốt” thì sống lâu mà “vất vả” thì kết thúc sớm.

Sau thánh lễ, tôi ra về mà lòng lan man về “cái tình cái nghĩa” trong một cộng đoàn dân Chúa cũng thâm sâu biết bao!

NHỮNG TẤM HÌNH

Làm công việc bác ái xã hội qua chặng đường dài, tôi có cả một tủ nhỏ hình ảnh. Vừa qua, khi sơn phết lại nhà cửa, tôi bất ngờ thấy một tấm hình tôi chụp chung với quí Sơ dòng của Mẹ thánh Têrêsa, màu hình hơi úa vàng. Tôi ngạc nhiên và không thể nhớ hôm đó tôi dự sự kiện gì. Chỉ nhớ nơi chụp hình là giáo xứ Mai Khôi, quận 3.

Ngày xưa, tấm hình cũ thường làm người ta dâng trào cảm xúc, còn ngày nay, công nghệ tiến bộ, người ta “tiểu xảo” hình ảnh trên mạng làm mức độ thật của ảnh đôi khi đáng ngờ. Nghĩ vui một chút, ngày đó tôi thấy mình “non, xanh và mỏng” trong công việc, còn ngày nay, qua dòng thời gian, nếu đứng chung với các chị như thế, tôi có phần yên lòng hơn và tâm tư trong lòng tôi khác hẳn thời điểm đó. Các chị và tôi có một điểm chung là đến với người cùng khổ, nhưng chỉ có Chúa mới hiểu được tâm tư sâu thẳm và gam màu cuộc đời của từng người trong tấm ảnh cũ này. Chắc chắn các chị phải can đảm rẽ lối để chọn cho mình một lý tưởng. Kìa là chị da trắng, tôi là người da vàng, còn chị khác da đen... Không ai hiểu tôi phải cố gắng cứng cáp như thế nào trong môi trường giáo dục của đất nước xã hội chủ nghĩa hơn 32 năm; phải vã mồ hôi và đối phó khi đến với người khốn cùng 30 năm. Tôi cố sống theo ý Chúa trong tự do của mình, tự nguyện mà không ràng buộc. Còn các chị sống theo ý Chúa lồng trong ý bề trên và cộng đoàn, thật quí biết bao! Dù cách nào thì từng người cũng phải "ắt có và đủ” lòng mến mới có thể bước đi trong hân hoan, như quí tân linh mục và các thầy phó tế mà chúng tôi vừa chúc mừng.

Tấm hình thứ hai. Đó là tân linh mục trong Nhóm chúng tôi trong một chuyến đi công tác. Trên một chiếc ghe, tôi và các bạn trẻ đều ngồi, mỗi người nhìn một hướng khác nhau, riêng chỉ có bạn trẻ là đứng giữa ghe. Có phải là một dấu hiệu khác thường chăng, khi mười lăm năm sau, bạn trẻ ấy trở thành linh mục Chúa Kitô. Có nhiều cha kể rằng, khi còn bé em cứ lấy khăn quàng trên vai rồi bắt chước các Cha làm lễ; cha khác thì hay lấy chuối xắt ra thành miếng tròn đưa vào miệng mấy đứa trong xóm nếu chúng xếp hàng thẳng đàng hoàng.... Không ai biết trước đời mình. Các bạn trên chiếc ghe ấy cũng có cuộc đời khác nhau, nhưng chắc chắn, tâm điểm vẫn là Chúa Kitô.

Dòng đời vẫn trôi qua, thuyền đời của tôi sẽ cập bến như bao người từng sống trên trần gian. Chỉ mong việc làm của chúng tôi tỏa chút hương thơm, quyện cuốn được bao mối liên hệ tốt đẹp quanh đời sống, như mối thâm tình với gia đình quí cha quí thầy và quí linh mục đang liên kết với chúng tôi trong công việc bác ái, xã hội.

ấm hình thứ hai. Đó là tân linh mục trong Nhóm chúng tôi trong một chuyến đi công tác. Trên một chiếc ghe, tôi và các bạn trẻ đều ngồi, mỗi người nhìn một hướng khác nhau, riêng chỉ có bạn trẻ là đứng giữa ghe. Có phải là một dấu hiệu khác thường chăng, khi mười lăm năm sau, bạn trẻ ấy trở thành linh mục Chúa Kitô. Có nhiều cha kể rằng, khi còn bé em cứ lấy khăn quàng trên vai rồi bắt chước các Cha làm lễ; cha khác thì hay lấy chuối xắt ra thành miếng tròn đưa vào miệng mấy đứa trong xóm nếu chúng xếp hàng thẳng đàng hoàng.... Không ai biết trước đời mình. Các bạn trên chiếc ghe ấy cũng có cuộc đời khác nhau, nhưng chắc chắn, tâm điểm vẫn là Chúa Kitô.

Dòng đời vẫn trôi qua, thuyền đời của tôi sẽ cập bến như bao người từng sống trên trần gian. Chỉ mong việc làm của chúng tôi tỏa chút hương thơm, quyện cuốn được bao mối liên hệ tốt đẹp quanh đời sống, như mối thâm tình với gia đình quí cha quí thầy và quí linh mục đang liên kết với chúng tôi trong công việc bác ái, xã hội.
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương năm
Vu Van An
18:12 23/10/2022

Chương năm: Giáo hội, sự Viên mãn của Chúa Kitô



Sự Viên mãn

1. Khái niệm viên mãn (plentitude), như người ta thấy trong Thánh Phaolô và các Giáo phụ Hy Lạp, đã làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu. Tôi tự hài lòng với việc lưu ý ở đây rằng, ngay từ khi nó còn là một vấn đề viên mãn tâm linh, lúc chữ này được nhà siêu hình học hoặc nhà thần học sử dụng, viên mãn đã dư tràn rồi.

Đó thực là điều Thánh Phaolô nói với chúng ta. Chúa Kitô là sự viên mãn của mọi sự{1}. Và sự viên mãn của Người tràn ngập trên Giáo hội. Giáo Hội là sự viên mãn của Chúa Kitô{2}.

"Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ, nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô,” εἰς μέτρου ἡλικίας τοῦ πληρώματος τοῦ Xριστοῦ [eis metron hê likias tou plerômatos tou Christou] {3}.

Và như thế Con Người Hoàn Hảo này, tức Giáo Hội, sẽ trở về với sự viên mãn của Thiên Chúa, nó "sẽ đạt tới sự viên mãn của chính Thiên Chúa {4}," sự viên mãn mà, trên thực tế, hoàn toàn dư tràn trong "toàn thể" sáng thế (thiên nhiên, ân sủng và vinh quang) mà Chúa Kitô vốn là sự sung mãn. Đó là chu kỳ đáng ngưỡng mộ của những viên mãn dư tràn.

2. Giáo Hội là sự viên mãn của Chúa Kitô. Không thể đánh dấu mạnh mẽ hơn nữa đặc tính của mầu nhiệm siêu nhiên, mầu nhiệm đức tin, mà Giáo hội mang trong chính hữu thể của mình.

Sự kiện nhiều Kitô hữu không lưu ý đến điều này, và tự trình bầy cho mình một Giáo hội chỉ như một cộng đồng tự nhiên, một gia đình tôn giáo đơn thuần được cấu thành, giống như các gia đình tôn giáo khác ở đây trên trái đất này, do sự kiện nó tập hợp những con người tuyên xưng các niềm tin giống hệt như nhau, cùng thực hành các nghi thức như nhau và sống trong cùng một bầu không khí đạo đức như nhau, đây là dấu hiệu cho thấy họ đã được dạy dỗ cách rất tồi tệ, và khi nói "Giáo hội", họ hoàn toàn đi bên cạnh đối tượng được họ nói tới.

Giáo Hội Đầy Ân Sủng

1. Tôi đã nói, ở cuối chương đầu tiên: có ba vị thánh thiện và vô nhiễm, mặc dù mỗi vị một cách khác nhau và bằng một danh hiệu khác nhau: Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ và Giáo hội. Cũng cần phải nói giống như vậy rằng: do việc tuôn trào sự viên mãn của Thiên Chúa vào lòng vũ trụ tạo dựng, có ba ngôi vị, với những danh hiệu rất khác nhau, đều đầy ân sủng:

Chúa Kitô, mà bản chất nhân loại của Người được tạo dựng, nhưng Ngôi vị của Người là Ngôi Lời bất tạo, là Chúa Con vĩnh viễn được sinh ra từ Chúa Cha trong sự hiệp nhất ba ngôi hoàn hảo;

Đức Trinh Nữ Diễm phúc, mà ngôi vị hoàn toàn nhân bản được vô nhiễm ngay từ khi thụ thai, do công phúc dự phòng của Đấng Diễm phúc mà Trinh nữ sẽ mang vào thế gian;

Giáo Hội, mà ngôi vị tập thể hay đa nhân [multitudinaire] có sự tồn hữu siêu nhiên từ Thiên Chúa nhờ là hình ảnh của Chúa Kitô, hình ảnh được Giáo hội mang trong mình, và linh hồn và sự sống là ân sủng và đức ái.

Giữa ba ngôi vị này không có thước đo chung. Ngôi vị đầu tiên là thần linh; ngôi vị thứ hai là nhân bản; ngôi vị thứ ba không phải là ngôi vị cá nhân; ngôi vị này bao trùm trong mình vô số hữu thể nhân bản, những hữu thể tồn hữu và vốn đã hiện hữu bằng sự tồn hữu cá nhân và sự hiện hữu cá nhân của riêng họ, trong tính thống nhất của một sự tồn hữu tạo dựng đơn nhất và y như nhau được tiếp nhận một cách siêu nhiên.

Nhưng há người ta không nói rằng trong ba ngôi vị có mức độ hiện hữu rất khác nhau này, tức Chúa Con nhập thể, Đức Maria, Mẹ của Người, Giáo hội Cô dâu của Người, - Thiên Chúa đã muốn nhìn thấy, trong lòng vũ trụ tạo dựng, một loại bản sao mầu nhiệm và cao siêu của Thiên Chúa Ba Ngôi thánh thiện và không thể nào tiếp cận được, Ba Ngôi, nhưng trong trường hợp này, trong sự đồng nhất tuyệt đối của bản chất bất tạo và của sự sống bất tạo, là chính Người trong Sự Hiệp nhất hoàn hảo và vô cùng siêu việt của Người đó sao?

Khi Chúa Giêsu sống trên mặt đất, ân sủng mà Người đầy rẫy, và vô hạn trong bầu trời siêu ý thức của linh hồn Người, không ngừng tăng trưởng ở đây dưới thế này của linh hồn Người{5}, tương ứng với tuổi của Người, với các thử thách của Người và với các hành vi của tình yêu anh hùng của Người.

Nơi Đức Maria, bao lâu ngài còn sống trên mặt đất, ân sủng mà ngài được tràn đầy cũng không ngừng tăng lên, cho đến giây phút Đức Trinh Nữ được dẫn cả hồn lẫn xác tới gần Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để trở thành Nữ vương của các Thiên thần và của Giáo hội Thiên đàng và Trái đất.

Và nơi Giáo Hội còn đang lữ thứ trên mặt đất trong khi vác thập giá của Chúa Giêsu, ân sủng mà Giáo Hội tràn đầy sẽ không ngừng lớn lên cho đến những thử thách cuối cùng và cho đến ngày tận thế; lúc đó, khi thời gian không còn nữa, Giáo Hội sẽ hoàn toàn được quy tụ trong vũ trụ của những người diễm phúc (nơi mà từ năm này qua năm khác, theo tỷ lệ như thời gian ở đây dưới thế này trôi qua, vô số thành viên của Giáo Hội bước vào vinh quang tăng lên không ngừng). Và chính từ đó, Giêrusalem trên trời sẽ xuống dưới vũ trụ vật chất đã được biến đổi{6}.

2. Tôi đã viết một vài dòng trên đây rằng ngôi vị của Giáo Hội bao trùm trong mình vô số các hữu thể nhân bản. Để chính xác hơn, cần phải nói rằng Giáo Hội ôm ấp trong mình, - trong sự hợp nhất của cùng một tồn hữu thụ tạo đơn nhất được tiếp nhận một cách siêu nhiên (cùng một sự tồn hữu siêu nhiên trên trái đất và trên thiên đàng), - vô số hữu thể không chỉ là con người, các chi thể của Giáo Hội ở đây trên trái đất này, mà còn là những linh hồn vinh quang đã lìa xác, và các thiên thần thánh thiện (tôi đã lưu ý rằng họ cũng là một phần của Giáo hội). Vì chính cùng một ngôi vị đơn nhất của Giáo Hội hiện hữu trong trạng thái vinh quang, nơi Giáo Hội thấy, và trong trạng thái "đi đường" hoặc đang lữ hành trên trần thế, nơi Giáo Hội tin tưởng.

Sự viên mãn của Chúa Kitô, làm thế nào Giáo Hội lại không tràn đầy ân sủng cho được? Thánh thiện, vô nhiễm, chói lọi, như Thánh Phaolô đã nhìn thấy Giáo Hội, "thánh thiện bất khả khuyết", như Công đồng Vatican II đã nói. Điều này đúng với Giáo hội trong trạng thái lữ hành trên trần thế cũng như Giáo hội trong trạng thái vinh quang vĩnh cửu.

Nhưng trong trạng thái lữ hành trên trần thế của Giáo Hội, - cuộc lữ hành đang làm chúng ta bận tâm vào lúc này, - chính trong các thành viên (ngoại trừ Trinh Nữ Diễm Phúc khi ngài còn sống giữa chúng ta) những tội nhân đáng thương mà ngôi vị của Giáo hội được đầy ân sủng. Điều đó đúng như thế, như chúng ta đã thấy trong Chương II, vì linh hồn của Giáo Hội chính là ơn thánh hóa, sự sống của Giáo Hội chính là đức ái; tư cách ngôi vị của Giáo Hội là tư cách ngôi vị siêu nhiên, một ngôi vị được ban cho Giáo Hội vì là hình ảnh của Chúa Kitô được in sâu trong Giáo Hội, và niêm ấn cả linh hồn Giáo Hội lẫn sinh vật gồm nhiều khớp nối được chỉ định cho cơ thể Giáo Hội bằng tính hiệp nhất hoàn hảo như thể tạo thành một bản thể cá nhân đơn nhất, và là ngôi vị vốn đem lại cho mỗi thành viên của mình cùng một mức ân sủng mà Chúa Kitô vốn làm sinh động hữu thể và hành động của họ, trong khi tất cả những gì liên quan đến sự dữ và tội lỗi đều tự rút lui khỏi tư cách ngôi vị siêu nhiên này. Biên giới của tư cách ngôi vị của Giáo hội băng qua trái tim của mỗi người. Nơi nào Chúa Cha không thấy hình ảnh Con của Người, ơn thánh hóa và đức ái, ở đó không thể có tư cách ngôi vị của Giáo Hội; một trong những thành viên của Giáo hội đánh mất ân sủng và đức ái đến mức nào, thì cũng đến mức ấy, họ đã xa lìa tư cách ngôi vị của Giáo hội.

Điều trên có nghĩa các thành viên "đã chết" của Giáo Hội vẫn còn là chi thể của thân thể Giáo Hội bởi Bí Tích Rửa Tội của họ, bởi đức tin của họ (đức tin "đã chết"), Bí Tích Thêm Sức của họ, và Bí Tích Truyền Chức Thánh nếu họ đã lãnh nhận nó, và vẫn còn hoạt động, mặc dù chỉ từ bên ngoài, bởi những ảnh hưởng, những lời kêu gọi, những kích thích và sự soi sáng mà với chúng ngôi vị của Giáo hội vẫn ôm ấp họ; nhưng, chừng nào họ còn “chết”, thì hữu thể bên trong của họ, vì đã lìa xa ân sủng của Chúa Kitô, nên không còn được tư cách ngôi vị của Giáo hội chiếm hữu nữa. Nếu một Giáo hoàng sống trong tình trạng tội trọng, vị đó vẫn có thể được ngôi vị của Giáo hội khích động như một dụng cụ trong các hành vi trong đó vị này thực thi sứ mệnh Giáo hoàng của mình, và lúc đó đã làm một công việc xuất sắc. Nhưng chừng nào còn sống trong tội lỗi, vị này, trong chính hữu thể thâm sâu nhất của ngài, không được ân sủng của Chúa Kitô làm cho sinh động cũng không được tư cách ngôi vị của Giáo Hội chiếm hữu.

Trong kiểu suy tư vòng tròn trong đó chúng ta đang tham gia, chúng ta sẽ được dẫn dắt, trong chương sau, để, trong cố gắng mở rộng chúng thêm một chút, lặp lại các suy nghĩ của chúng ta về mầu nhiệm của chính ngôi vị thì vô nhiễm nhưng nơi các thành viên thì có chuyện tranh luận về ân sủng và tội lỗi. Đây là mầu nhiệm riêng của Giáo hội trên mặt đất. Điều quan trọng đối với tôi ở đây là nhấn mạnh vào tư cách ngôi vị được Giáo hội đón nhận một cách siêu nhiên và vốn là tư cách ngôi vị của ân sủng.

Một nỗ lực mô tả bằng ảnh tượng

Các hình ảnh về Giáo hội có nhiều trong Sách Thánh, như Công đồng Vatican thứ hai đã lưu ý, vừa đa dạng vừa tản mạn, - điều này nhất quán với thiên tài biểu tượng vốn là đặc điểm của ngôn ngữ Cựu ước, cũng như ngôn ngữ của Thánh Phaolô và của Thánh Gioan. Và sẽ hoàn toàn vô ích nếu tìm cách dung hòa trong cùng một cách trình bầy các hình ảnh như Cánh đồng của Chúa, Vườn nho của Người, Đền thờ của Người, Mẹ sự sống, Đoàn chiên, thành Giêrusalem trên trời, Thân thể mà Chúa Kitô là Đầu. Nàng dâu mà Người đã chọn cho chính Người, - những hình ảnh có sự khác biệt minh chứng cho sự phong phú vô tận của đối tượng được minh họa.

Tuy nhiên, tác giả của cuốn sách này, tiếc thay, không phải là thiên tài của Israel. Ông là một nhà triết học sinh ra trong bầu khí La Hy, và là người, để nắm vững hơn tính khả niệm của các khái niệm mà ông tập hợp, luôn cảm thấy cần phải so sánh chúng, trong trí tưởng tượng của mình, với một số trình bầy có tính tượng trưng phần nào thỏa mãn được đôi mắt. Do đó, ông cố gắng kết hợp trong cùng một hình ảnh hai biểu tượng vĩ đại mà Thánh Phaolô dùng để nói về Giáo hội, đó là Thân thể mầu nhiệm và Nàng dâu, và ông đã yêu cầu, để có thể trình bày một cách xứng đáng hình ảnh này, sự giúp đỡ của người bạn mình là Jean Hugo.

Do đó, người ta sẽ thấy, trên trang sau, một hình minh họa mà tôi muốn có màu sắc, và trong đó người phụ nữ với cánh tay mở rộng đại diện cho Giáo hội được bao quanh hoàn toàn bằng một hào quang vĩ đại (mà tôi tưởng tượng bằng vàng) được hình thành bởi khuôn mặt của Chúa Giêsu; điều này nhắc cho tâm trí nhớ rằng Chúa Kitô là Đầu nhân thần của ngôi vị nhân bản Giáo Hội, caput supra omnem Ecclesiam [đầu trên toàn thể Giáo Hội]{7}, như Thánh Phaolô từng nói trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, - Người là Đầu hoặc Người lãnh đạo của Giáo hội, nhưng "ở trên Giáo Hội."



Và đó là Giáo hội ở đây dưới thế này, Giáo hội trong tình trạng lữ hành trên trần gian, được trình bầy như vậy. Người phụ nữ tượng trưng cho Giáo Hội được đội vương miện gai, để chứng tỏ rằng qua mọi thời đại và cho đến ngày tận thế ngài "hoàn tất" (trong ứng dụng, chứ không phải trong công phúc) "điều còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Cứu thế." Và đôi mắt của bà rơi lệ, - bà tắm trong nước mắt, - điều này cho thấy Nàng Dâu vô nhiễm nguyên tội, noi gương Chúa Kitô, nhận lấy cho mình các vi phạm của vô số chi thể của mình, và đền tội cho họ.

Đầu của bà là biểu tượng của thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội trên trần gian, thẩm quyền của Vị Đại diện của Chúa Kitô, giám mục Rôma, với, ngay bên dưới ngài, là giám mục đoàn thế giới.

Đôi chân trần của bà vì bà nghèo, đẫm máu vì gai nhọn giữa lúc tiến bước trên trái đất này, tuy nhiên, mạnh mẽ vì Chúa trợ giúp bà và bảo vệ bà trên đường đi.

Tính phổ quát của Giáo hội là một mầu nhiệm, cũng như Giáo Hội là một mầu nhiệm

1. Như chúng ta đã thấy trong Chương III, Giáo hội có sự tồn hữu kép: một mặt là sự tồn hữu tự nhiên của vô số tín hữu của Giáo hội xét từng người một; mặt khác, một sự tồn hữu mầu nhiệm, và là sự tồn hữu độc nhất trong loại này, cùng trương độ với ân sủng lan tỏa khắp các chi thể của mình, - điều mà Giáo Hội nhận được một cách siêu nhiên từ Thiên Chúa vì Giáo Hội đã mang hình ảnh cực kỳ độc nhất và cá thể của Ngôi Lời Nhập Thể in sâu trong mình. Chính sự tồn hữu này, - sự tồn hữu của ân sủng, cùng một lúc là tập thể và được phú cho một sự hiệp nhất hữu thể học phát xuất từ chính Chúa Kitô, - một sự hiệp nhất làm cho Giáo hội, không giống như mọi cộng đồng khác, thành một ngôi vị đúng với tên gọi, được cấu thành một cách siêu nhiên, Thân thể của Chúa Kitô và Nàng dâu của Chúa Kitô.

Liên quan đến tính phổ quát của Giáo hội, - và tới mức độ (và điều này xem ra hợp pháp đối với tôi) khiến người ta phải quy từ ngữ “tính phổ quát” cho quần thể các ngôi vị cá nhân tạo nên tập thể bao la này (chính đức tin chung của họ là đức tin của Giáo Hội), - cũng cần phải nói rằng đối với Giáo hội có một tính phổ quát kép: một mặt là tính phổ quát về số lượng hoặc thống kê, mà lòng nhiệt thành tông đồ muốn thấy bao trùm tất cả mọi người, nhưng thực tế, bỏ ra ngoài phần cực kỳ lớn của dân số trên trái đất. Theo một nghĩa khác, Giáo hội đón nhận tất cả mọi người, khi Giáo hội bảo bọc họ trong lời cầu nguyện và trong tình yêu của mình, và như chúng ta sẽ thấy, theo mức độ người ta có thể tin, khi Giáo Hội hiện diện một cách tiềm ẩn và vô hình [virtuellement et invisiblement] trong tất cả mọi người. Trên thực tế, tính phổ quát về số lượng hoặc thống kê của Giáo Hội chỉ mở rộng tới tất cả những người được rửa tội vốn là thành viên của cơ cấu hữu cơ của Giáo Hội hoặc của cơ thể có nhiều khớp của Giáo Hội. Loại phổ quát như vậy là loại phổ quát mà hệ thống máy tính có khả năng đếm mọi thành viên thuộc bất cứ cộng đồng con người rộng lớn nào sẽ tiết lộ. Người ta có thể gọi nó là "tính phổ quát về số lượng." Nó không đáng ta quan tâm, nó không phải là tính phổ quát của Giáo hội theo nghĩa nền tảng của từ ngữ này.

Chúng ta hãy nhớ lại rằng Giáo hội không thể sai lầm trong vấn đề đức tin, bao lâu Giáo hội được xem xét trong tính hiệp nhất và phổ quát của mình. Nếu tính phổ quát của Giáo hội được hiểu theo nghĩa phổ quát của số lượng, thì đó là suy nghĩ, được biểu nhờ tôi không biết là cuộc thăm dò phổ quát nào của Gallup, về các cộng đồng được phân bổ trong tổng thể các giáo hội địa phương, những Giáo Hội sẽ cung cấp tiêu chuẩn cho điều gì thuộc đức tin. Nhưng những gì Giáo hội cho là đúng và được Thiên Chúa mạc khải hệ ở chính những điều được tin, ở hạ tầng, bởi sự nhất trí hoặc bởi số lượng lớn nhất các thành viên của các cộng đồng này trên toàn thế giới. Để thấy được sự phi lý của một quan niệm như vậy, người ta chỉ cần nghĩ đến cuộc khủng hoảng do phái Ariô gây ra, và nhận xét của Thánh Giêrônimô về tình trạng u mê của thế giới khi nhận thấy rằng nó gần như đã đánh thức phái này. Trong cơn sóng gió tôn giáo lớn lao của thế kỷ thứ tư, nhiều giáo hội địa phương, lúc này hay lúc khác, đã chạy sang phái Ariô hoặc bán Ariô, và đức tin của Giáo hội chỉ được cứu thoát bởi những vị thánh có tầm vóc vĩ đại đáng ngưỡng mộ và của một sự kiên định bất khả chiến bại, - một Athanasiô, một Hilariô thành Poitiers.

2. Tính phổ quát của Giáo Hội theo nghĩa nền tảng của từ ngữ này là tính phổ quát của tất cả những chi thể của Giáo Hội nào vẫn sống trong ân sủng của Chúa Kitô, và không cản trở sự trợ giúp của Thánh Thần Người được ngôi vị của Giáo Hội tiếp nhận, - và trong đó mỗi người có thể tham gia hoặc trực tiếp nếu bản thân họ được soi sáng nội tâm bởi sensus fidei [cảm thức đức tin] vốn của riêng "dân thánh Thiên Chúa", {8} hoặc thông qua giáo huấn và các quyết định của Giáo hội nếu họ sẵn lòng tuân theo chúng. Tính phổ quát như vậy là tính phổ quát của ân sủng, trong tư cách ấy, nó vô hình đối với con mắt chúng ta. Nhưng nó trở nên hiển nhiên đối với chúng ta mỗi khi từ trên cao, huấn quyền bình thường hoặc phi thường khiến tai chúng ta nghe thấy tiếng nói của ngôi vị Giáo hội, - điều này do Đức Giáo Hoàng nói ex cathedra [từ ngai tòa], hoặc bởi các Công đồng chung tập hợp giám mục đoàn khắp thế giới lại với nhau trong cùng một chứng từ đơn nhất, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, hoặc bởi sự thống nhất và liên tục qua nhiều thế kỷ của giáo huấn ở khắp mọi nơi do các giám mục đưa ra. Trong mỗi trường hợp mà tôi vừa đề cập này, tính hiệp nhất và tính phổ quát của ngôi vị Giáo hội được biểu lộ một cách khả giác, và Giáo hội được xem xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát của mình tự biểu lộ cho chúng ta.

Do đó, tính phổ quát của Giáo hội cũng mầu nhiệm như chính Giáo hội. Chỉ một mình Thiên Chúa biết trương độ của nó, chỉ một mình Thiên Chúa biết ai là những người được Giáo Hội bảo bọc trong hành động vào từng thời điểm của lịch sử. Đối với những người khác chúng ta, nó chỉ trở nên hiển nhiên, như tôi vừa nói, khi tiếng nói của Giáo hội tự làm cho nó được chúng ta nghe thấy, trong sự hiệp nhất được biểu lộ một cách khả giác trong giáo huấn tông truyền, - hoặc bởi huấn quyền bình thường trong suốt nhiều thế kỷ, hoặc theo các sắc lệnh và định nghĩa của các Công đồng chung, hoặc theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng ex cathedra [từ ngai toà]. Như thế, chính Giáo hội được xem xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát của mình, là người nói với chúng ta, và là người nói với chúng ta một cách không thể sai lầm.

3. Tuy nhiên, há tôi đã không nhắc lại ngay lúc này rằng vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng lớn sau Công đồng Nixêa, được tổ chức năm 325 (sau các Công đồng lớn, thường diễn ra các cuộc khủng hoảng lớn), đa số các giám mục đã nhận thấy mình, ngày nọ hay ngày kia, đứng về phía phái Ariô hay nửa Ariô đó sao? Do đó, điều gì sẽ xảy ra nếu ngay giữa cuộc khủng hoảng, Đức Giáo Hoàng Libêriô đã tìm ra cách triệu tập cùng số giám mục đó (có lẽ chiếm đa số) tham dự một Công đồng chung?

Theo ý kiến của tôi, câu trả lời rất đơn giản: đó là giữa sự hồ đồ tồi tệ nhất, và một sự hỗn loạn của các biến cố trong đó các ganh đua, các hèn nhát, các liên minh quyền lợi và những trò nịnh bợ ở triều đình Giáo Hội hòa lẫn với những âm mưu của triều đình đế quốc, những quyết định không được khiếu nại, những đe dọa và bạo lực của Hoàng đế, và với một làn sóng bách hại, và chính do sự yếu đuối, sợ hãi hoặc tham vọng mà các giám mục được đề cập đã sa vào sai lầm. Vâng, giả sử ngay giữa cuộc khủng hoảng, mọi người được tập hợp lại trong một Công đồng chung, thì sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần được hứa ban cho ngôi vị của Giáo hội đã quét sạch khỏi họ những điều khốn cùng của Ađam cũ rồi; và cùng các giám mục đó, được Thần Khí Chúa Kitô soi sáng, đã long trọng lên án phái Ariô và phái nửa Ariô, như sau này, vào năm 381, Công đồng Constantinople đã làm.

__________________________________________________________________________________________________

{1} Eph. 1: 23. - "... sự viên mãn của Người lấp đầy vũ trụ trong mọi thành phần của nó." Xem thêm Ch. I, tr. 3 và ghi chú 3.

{2} Đã dẫn. - "Et ipsum decit caput supra omnem Ecclesiam, quae est Corpus ejus, et Plenitudo ejus" [và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người].

{3} Eph. 4: 11-13.

{4} Đã dẫn, 3:19.

{5} Xem cuốn sách của tôi De la Grâce et de l'Humanité de Jésus [Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu], Paris, Desclée De Brouwe, 1965, các tr.49-91

{6} Kh. 21: 1 tt. - x. Lumen Gentium, I, 6. Hình ảnh này của Sách Khải huyền đã được áp dụng vào Giáo hội lữ hành, vì tư cách ngôi vị của Giáo hội thuộc về trật tự siêu nhiên.

{7} Eph. 1: 23. - Ở đây, chúng ta hãy theo bản Phổ thông (Vulgate); chính Thánh Giêrônimô là người đã dịch đoạn văn này một cách trung thực nhất.

{8} Xem Lumen Gentium, Ch. II, số 12.

{9} Công đồng Tyre, mà năm 335 đã lên án và phế truất Thánh Athanasiô, và Công đồng Rimini, mà năm 359, dưới áp lực của triều đình, cuối cùng đã chấp nhận một công thức không thể chấp nhận được nhằm thỏa hiệp và hòa giải với phái Ariô, là những Công Đồng không có giá trị chung hoặc thẩm quyền đích thực, đã át đi tiếng nói của Giáo hội thay vì giúp nó được lắng nghe. Giả thuyết hoàn toàn nhưng không đề ra ở đây có ý nói đến một công đồng phát biểu tư tưởng của toàn thể hàng giám mục và được ban cho một thẩm quyền đích thực, có ý nói đến một công đồng chung (theo nghĩa trong đó khái niệm đã được sống và thực hành ngay từ đầu và được định nghĩa sau này).
 
VietCatholic TV
Kherson: Thành phố ma. Nga bỏ chạy, chỉ một ngày Ukraine tái chiếm 2 thị trấn. Số phận tân binh Nga
VietCatholic Media
03:16 23/10/2022


1. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết đã tái chiếm các hai thị trấn quan trọng trong khu vực Kherson. Tân binh Nga bọc hậu cho tàn quân tháo chạy

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 23 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết lệnh cấm thông tin liên quan đến cuộc phản công ở khu vực Kherson vẫn còn hiệu lực, nhưng ông có thể nói ngắn gọn rằng quân Ukraine đã tái chiếm được hai thị trấn Charivne và Chkalove.

Các tin tình báo cho biết Putin đã ném 2000 tân binh bị gọi nhập ngũ vào chiến trường Kherson. Một tân binh Nga đầu hàng chỉ sau 9 ngày từ khi bị đưa đến Ukraine than thở rằng các tân binh Nga đã bị “ném ra ngoài như những con chó” trên các cánh đồng của Ukraine mà không có thông tin, không có lệnh và không có thiết bị gì cả.

Người lính nói rằng các tân binh đã được vận chuyển qua lại, trước khi được thả xuống “một nơi nào đó trên các cánh đồng của Ukraine”, nơi họ sống trong những cái hố được đào trên mặt đất bằng tay không, vì họ không có xẻng. Nhiệt độ hiện tại giảm xuống dưới không độ vào ban đêm.

Các quan sát viên nhận định rằng các tân binh được ném vào chiến trường Kherson để lót đường cho các đơn vị chuyên nghiệp hơn của Nga rút lui. Các tân binh này ra đầu hàng có thể là một điều đỡ tồi tệ hơn các lực lượng thiện chiến của Nga.

Các lực lượng Ukraine đã bắn phá các vị trí của Nga trong khu vực Kherson bị chiếm đóng, nhắm vào các tuyến đường tiếp tế qua một con sông lớn trong khi nhích gần hơn vào vị thế tấn công toàn diện vào thành phố quan trọng này.

Associated Press đưa tin rằng các quan chức do Nga cài đặt được cho là đang cố gắng tuyệt vọng biến thành phố Kherson - mục tiêu hàng đầu của cả hai bên vì các ngành công nghiệp chủ chốt và cảng sông biển lớn - thành một “pháo đài” trong khi cố gắng di tản hàng chục nghìn cư dân. Tuy nhiên, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng Tướng Sergei Surovikin đã để lộ ý tưởng rút lui chứ chẳng có “pháo đài” gì cả. Bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh viết như sau:

Vào ngày 18 tháng 10 năm 2022, chỉ huy các lực lượng Nga tại Ukraine vừa được bổ nhiệm, Tướng Sergei Surovikin, nói với truyền thông Nga rằng “một tình huống khó khăn đã xuất hiện” ở khu vực Kherson. Ông tán thành các kế hoạch đã được công bố trước đó của chính quyền chiếm đóng là di tản dân thường.

Với tư cách là người chỉ huy chiến dịch tổng thể, thông báo của Surovikin nêu bật một tin tức tiêu cực như thế về “hoạt động quân sự đặc biệt” là điều rất bất thường. Nhiều khả năng chính quyền Nga đang xem xét nghiêm chỉnh việc rút các lực lượng của họ khỏi khu vực phía tây sông Dnipro.

Một thách thức quan trọng của bất kỳ hoạt động rút quân nào của Nga là đưa quân và thiết bị của họ qua con sông rộng 1000m một cách có trật tự. Tất cả các cây cầu cố định bị hư hại nghiêm trọng, Nga rất có thể sẽ phụ thuộc nặng nề vào một cây cầu xà lan tạm thời mà nước này đã hoàn thành gần Kherson trong những ngày gần đây và các đơn vị phà phao quân sự, đang tiếp tục hoạt động tại một số địa điểm.

2. Cư dân Kherson mô tả một thị trấn ma của những người kiệt sức

Một cư dân của thành phố Kherson do Nga chiếm đóng nói với CNN rằng tình hình ở đó rất căng thẳng, với người dân “kiệt quệ về mặt cảm xúc” và đường phố vắng tanh vào giữa buổi chiều.

CNN đã liên lạc với người phụ nữ thông qua một bên thứ ba và nói chuyện với cô ấy ngay trước khi chính quyền do Nga bổ nhiệm ở thành phố ra lệnh cho dân thường phải ra đi – đó là thông báo di tản mới nhất về cuộc phản công sắp tới của Ukraine.

Trước đây chính quyền bù nhìn, do Nga dựng nên, khuyến cáo người dân nên rời đi. Thông báo hôm thứ Bảy dường như vượt xa hơn thế.

“Thật không may, nhiều cư dân của Kherson đã phải cân nhắc việc rời khỏi thành phố,” người phụ nữ mà CNN không xác định danh tính vì lý do an ninh, cho biết hôm thứ Sáu. Mỗi người đều có lý do riêng, lo lắng và sợ hãi. Nhưng tôi chắc chắn 100% rằng không ai muốn đi.”

Cô ấy nói Kherson đã trở thành một thị trấn ma. Hàng chục nghìn cư dân của nó đã di tản kể từ khi Nga chiếm được thành phố vào đầu tháng Ba.

Người phụ nữ nói với CNN: “Vào buổi tối, bạn có thể nhìn thấy một số lượng lớn các tòa nhà cao tầng với tối đa hai hoặc ba cửa sổ được thắp sáng. Vào ban ngày, bạn có thể gặp những người chủ yếu ở gần chợ. Nhưng 3, 4 giờ chiều đường phố vắng tanh và chẳng có ai cả”.

Người phụ nữ nói rằng cô ấy không tính đến chuyện ra đi.

“Thành thật mà nói, câu hỏi này làm tôi tức điên lên… Đây là đất của tôi. Kherson là nhà của tôi. Chúng tôi đã tham gia các cuộc biểu tình chống lại quân chiếm đóng từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến; chúng tôi đã chiến đấu hết sức mình. Cuộc đấu tranh này vẫn đang diễn ra”.

Người phụ nữ này cũng nhấn mạnh rằng hầu hết những người còn lại trong thành phố đều hiểu quân đội Ukraine “sẽ không bao giờ làm tổn hại đến người dân và sẽ không có các cuộc pháo kích vào dân thường”.

Chính phủ Ukraine đã cáo buộc Nga tạo ra “sự cuồng loạn” để buộc người dân rời đi.

3. Nga đã tiến hành 40 cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine vào ngày 22 tháng 10

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 23 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã phóng 40 hỏa tiễn hành trình và 16 máy bay không người lái tấn công Shahed-136 vào các mục tiêu ở Ukraine vào ngày 22 tháng 10. Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã bắn hạ 20 hỏa tiễn và 11 máy bay Shahed-136.

Quân xâm lược đã tấn công năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng ở chín khu vực, đặc biệt là các khu vực Volyn, Rivne, Kharkiv, Khmelnytskyi, Kirovohrad, Cherkasy, Zaporizhzhia, Odesa và Mykolaiv.

Bộ Tổng tham mưu cũng cho biết, các lực lượng Nga đã bắn súng cối và xe tăng vào một số khu định cư ở miền đông bắc nước này. Trong khi đó, trên các hướng Novopavlivka và Zaporizhzhia, quân Nga đã nã pháo bên ngoài các khu định cư của Vremivka ở vùng Donetsk, Dorozhnianka, Stepnohirsk, và Orikhiv ở vùng Zaporizhia, và Dobra Nadiia ở vùng Dnipropetrovsk. Quân Nga cũng tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Nikopol.

Các đơn vị riêng biệt của quân đội Nga tiếp tục bỏ chạy khỏi vùng Kherson, kéo theo các vụ cướp bóc cư dân địa phương.

4. Máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga bị bắn rơi ở vùng Kherson

Tại khu vực Kherson hôm thứ Bảy, các xạ thủ phòng không Ukraine đã bắn hạ một trực thăng tấn công Ka-52 của Nga.

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 23 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Vào khoảng 12 giờ ngày 22 tháng 10, tại quận Berislav của vùng Kherson, một đơn vị của lữ đoàn hỏa tiễn phòng không Odesa của Bộ Tư lệnh Không quân miền Nam đã bắn hạ một máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của quân chiếm đóng được điều động bay đến hỗ trợ cho tàn quân rút lui.”

Vào đêm thứ Bảy, ngày 22 tháng 10, lực lượng phòng không đã bắn hạ 11 máy bay không người lái kamikaze trên lãnh thổ Ukraine: 10 chiếc ở khu vực Mykolaiv và một chiếc khác ở khu vực Kirovohrad.

5. Quân đội Ukraine: Cướp bóc gia tăng ở Kherson khi quân Nga bỏ chạy

Quân đội Ukraine đã nhận được các báo cáo ngày càng nhiều về tình trạng cướp bóc và hôi của tại thành phố Kherson.

“Số lượng các trường hợp cướp bóc và các hành động bất hợp pháp ở Kherson đã tăng lên”, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố. “Quân Nga cướp xe hơi của người dân địa phương và cố gắng rời khỏi thành phố bằng cách đi qua phà gần cầu Antonivskyi.”

Trước đó vào hôm thứ Bảy, chính quyền dân sự - quân sự do Nga dựng nên đã yêu cầu dân thường di tản đến bờ phía đông của sông Dnipro. Cuộc phản công của Ukraine đang đến gần, mặc dù chính phủ Kyiv bác bỏ những tuyên bố của Nga về sự nguy hiểm đối với người dân là những tuyên truyền gây “hoảng loạn” vô căn cứ.

Quân đội Ukraine cũng tuyên bố các lực lượng Nga đang rút lui khỏi khu vực Kherson, để lại hai khu định cư cách thành phố khoảng 100 km về phía đông bắc là Charivne và Chkalove. Các nhân viên y tế cũng đã di tản khỏi Beryslav, phía đông thành phố Kherson.

6. Zelenskiy cho biết ông không có niềm tin nơi hàng lãnh đạo Iran vì họ bắn rơi máy bay Ukraine không bồi thường rồi lại bán máy bay không người lái cho Nga

Không có sự tin tưởng vào giới lãnh đạo của Iran, vì nước này đã không trả khoản bồi thường đã hứa cho gia đình các hành khách thiệt mạng trong vụ máy bay chở khách Ukraine bị hỏa tiễn Iran bắn rơi vào năm 2020; trái lại họ còn đang bán vũ khí cho Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình Canada CTV và CBC.

“Cá nhân tôi không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Iran. Tại sao? Bạn có nhớ thảm kịch của Hãng hàng không Ukraine, chuyến bay 752, bị bắn hạ khi một hỏa tiễn của Iran bắn trúng, và có rất nhiều công dân Canada trên máy bay. Ban lãnh đạo Iran nói, 'Đó không phải là chúng tôi.' Khi các chuyên gia và đối tác của chúng tôi, bao gồm cả người Canada, tìm thấy các chi tiết chứng minh Iran gây ra vụ tấn công, họ thừa nhận đó là tình cờ và gọi đây là một thảm kịch lịch sử, đồng thời nói ở cấp lãnh đạo rằng sẽ có sự hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân. Và họ đã làm gì? Không. Họ không giúp gì cả, một cắc cũng không có,” ông nói.

Chuyến bay PS752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine, trên đường từ Tehran đến Kyiv, đã bị rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế của thủ đô Iran vào sáng sớm ngày 8 tháng 1 năm 2020. Tất cả 176 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng - 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Trong số những người thiệt mạng có 11 công dân Ukraine. Theo báo cáo, chiếc máy bay đã bị phòng không Iran bắn hạ.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao và lãnh đạo Iran liên tục bác bỏ dữ liệu từ tình báo Ukraine liên quan đến việc bán máy bay không người lái Shahed-136 cho Nga, gọi đây là hành động khiêu khích nhằm phá hỏng quan hệ giữa các nước. Hiện tại, lời nói dối này, theo tổng thống, đã gây ra hậu quả thảm khốc cho Ukraine.

“Nhiều lần - cả ở cấp đại sứ, cấp lãnh đạo nhà nước và cấp Bộ Ngoại giao - họ đã công khai phủ nhận tất cả những điều này. Bây giờ chúng ta thấy hàng trăm cuộc tấn công vào Ukraine: vào thủ đô, vào cơ sở hạ tầng dân sự, vào trường học, trường đại học và vào các cơ sở năng lượng. Chỉ để bảo đảm rằng mọi người không thể sống sót trong mùa đông này,” ông nói.

“Iran tiếp tục giao máy bay không người lái cho Nga - không phải một, không phải hai, không phải năm: đây không phải là điều tình cờ. Chúng tôi biết rằng có hàng nghìn đơn đặt hàng. Hàng trăm chiếc chắc chắn đã được chuyển giao”.

Verkhovna Rada, Quốc hội Ukraine, trước đó đã lên án việc Iran hỗ trợ Nga có vũ trang chống lại Ukraine.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết ông đã nói chuyện với các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu từ một hầm trú bom vì các vụ tấn công vào thủ đô Ukraine và đã đệ trình tổng thống một đề nghị cắt đứt quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Iran.

7. Đây là lý do tại sao việc Putin mất Kherson sẽ tiêu tan nỗ lực chiến tranh của ông ta

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Here's Why Putin Losing Kherson Would Devastate His War Effort”, nghĩa là “Đây là lý do tại sao việc Putin mất Kherson sẽ tiêu tan nỗ lực chiến tranh của ông ta.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo các chuyên gia, nếu các lực lượng Ukraine có thể chiếm lại thành phố Kherson ở phía nam, nó có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể về chính trị và quân sự đối với nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kherson, trung tâm hành chính của khu vực phía nam Kherson, là một trong những thành phố lớn đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau khi Putin tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2. Hơn bảy tháng sau, các lực lượng Ukraine hiện đang bao vây thành phố, dẫn đến dự đoán rằng Nga sẽ sớm thất thủ thành phố này.

Dan Soller, cựu đại tá tình báo của quân đội Mỹ, nói với Newsweek rằng thành phố Kherson có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga vì một số lý do. Trong số những lý do đó, theo Soller, là thành phố đã cung cấp một con đường để vượt qua sông Dnepro.

“Bạn không thể nghĩ về thành phố bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của miền Na, Ukraine,” anh nói. “Khu vực Kherson được ngăn cách bởi một con sông, có nghĩa là nó nằm ở cả hai bên sông. Về cơ bản, nó là vùng đất lớn nhất ở phía tây bắc của Crimea. Vì vậy, nó thực sự là cửa ngõ vào Crimea và cũng là cửa ngõ vào Zaporizhzhia.”

Crimea đã bị Nga sáp nhập và chiếm đóng từ năm 2014, nhưng Ukraine đã tuyên bố sẽ giành lại bán đảo này trong cuộc chiến hiện nay. Soller nói thêm rằng việc ngăn chặn người Nga băng qua sông Dnepro ở phía bắc hoặc bờ tây của nó là “cực kỳ quan trọng”. Bây giờ, người Ukraine có mục tiêu bảo đảm Kherson vì đây là thủ phủ của khu vực, và cũng bởi vì họ muốn sử dụng thành phố và khu vực này “làm bệ phóng để tấn công về phía nam nhằm bảo đảm cơ bản cho các lối đi vào Crimea”.

Trong khi việc tái chiếm Kherson là quan trọng, nó cũng có thể là một nỗ lực hỗ trợ để chiếm một thứ mà Soller tin rằng còn quan trọng hơn: đó là đập Nova Kakhovka trên sông Dnepro.

“Con đập cực kỳ quan trọng đối với họ. Rõ ràng, họ muốn nó vì đây là một đập thủy điện. Nó cung cấp năng lượng và tài nguyên cho khu vực đó của Ukraine... Họ muốn bảo vệ con đập và sau đó sử dụng nó như một điểm từ đó có thể cắt đứt mọi miền người Nga tạm chiếm ở Kherson với Crimea; và sau đó tiến xa hơn về phía nam.

Soller nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ rất tàn khốc đối với nỗ lực của Nga ở phía nam. Tuy người Nga vẫn có thể tự vệ ở eo đất Perekop để ngăn chặn người Ukraine tấn công vào Crimea. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi người Ukraine có thể bảo đảm về cơ bản toàn bộ miền nam Kherson và người Nga sẽ buộc phải di tản và phòng thủ ở Crimea hoặc Melitopol.”

Jonathan Katz, giám đốc Sáng kiến Dân chủ và là thành viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức, nói với Newsweek rằng việc mất thành phố Kherson có thể có tác động chính trị “rất lớn” đối với bản thân Putin.

Katz nói: “Chúng tôi đã thấy những người Nga quan tâm công khai hơn về bản thân cuộc chiến và kết quả của cuộc chiến. Putin nói rằng ông ấy sẽ chiếm Ukraine trong thời gian 3 ngày như một phần của hoạt động này. Và Kherson là một trong những thành phố lớn nhất bị Nga chiếm, vì vậy một tổn thất ở đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng lập luận rằng cuộc chiến này đang được tiến hành một cách thành công”.

Việc mất Kherson cũng có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc huy động thêm ở Nga, thúc đẩy nhiều người dân cố gắng chạy trốn, trong khi nhà lãnh đạo Nga có thể bị “suy yếu ở Mạc Tư Khoa”.

“Và quan trọng hơn, có khả năng Nga sẽ thiệt hại to lớn về nhân mạng và trang thiết bị dựa trên những gì chúng tôi đã thấy ở các khu vực đã được giải phóng khác của Ukraine. Vì vậy, đó là một cảnh tồi tệ đối với ông Putin vì ông ấy đang thua trong cuộc chiến này”, Katz nói thêm.

Sau khi Putin tuyên bố điều động một phần vào tháng trước, 370,000 công dân đã rời Nga trong thời gian hai tuần. Đối với Ukraine, quốc gia luôn dựa vào sự hỗ trợ và tiếp tế của nước ngoài trong cuộc chiến chống lại Mạc Tư Khoa, việc giành lại Kherson có thể là một chiến thắng chính trị.

Katz nói: “Nó nhấn mạnh một lần nữa rằng người Ukraine có khả năng làm được những điều phi thường”.

Ông cũng nói thêm rằng ông tin rằng “toàn thế giới và đặc biệt là các đối tác của Ukraine hiện đang xem xét những gì đang diễn ra” xung quanh thành phố và người dân Ukraine cần được tiếp tục hỗ trợ kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ cơ sở hạ tầng” để vượt qua mùa đông sắp tới.

“Kherson rất quan trọng đối với người Ukraine. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng người Ukraine khá tỉnh táo về những gì phía trước, cũng như các đồng minh và đối tác của họ,” Katz nói.
 
George Weigel: Tại sao Vatican II lại cần thiết? ĐTGM đau lòng vì những biện minh cho cuộc xâm lược
VietCatholic Media
05:09 23/10/2022


1. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đau lòng khi có người biện minh cho chiến tranh Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, bày tỏ đau lòng khi nghe ai đó dùng lý lẽ Kitô để biện minh cho chiến tranh tại Ukraine hiện nay.

Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên trong bài diễn văn trực tuyến qua Video tại buổi khai mạc năm học mới tại Đại học Giáo hoàng thánh Tômasô Aquino, cũng gọi là Angelicum ở Roma, nơi ngài là cựu sinh viên.

Ngày 19 tháng Mười vừa qua, những ngày mà tình hình tại Ukraine lại trở nên nguy kịch, thủ đô Kiev bị Nga tấn công bằng hỏa tiễn. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk giải thích rằng “ngày 11 tháng Mười vừa qua, xảy ra là từ đầu cuộc xâm lăng của Liên bang Nga tại Ukraine, có 422 trẻ em chết và 805 em bị thương. Theo tổ chức Nhi đồng Quốc tế Unicef, tại Ukraine có khoảng một triệu 600.000 trẻ em có nguy cơ bị đói vì thực phẩm khan hiếm”.

Hiện nay, có một triệu 400,000 người không có nước, vì những cuộc tấn công hạ tầng cơ cấu và hệ thống dẫn nước, trong khi 4.6 triệu người khác chỉ có nước bị giới hạn. Hơn nữa, tính đến hôm nay, theo các dữ kiện của phái bộ theo dõi nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, có 6,221 người bị giết và 9,371 thường dân bị thương.

Những dữ kiện khác của Liên Hiệp Quốc: vì chiến tranh có 14 triệu 300,000 người Ukraine phải di tản vì lý do an ninh. Từ tháng Hai đến tháng Mười năm nay, hơn 13 triệu 700,000 người đã ra khỏi biên giới Ukraine. Theo bộ xã hội, tại Ukraine có bốn triệu 700,000 người di tản nội địa.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng nói rằng: “Ông Putin thông báo đã hoàn toàn thanh lọc các trẻ em tại vùng tạm thời chiếm đóng ở Zaporizhzhia, Kherson, Donetsk và Luhansk, và điều này cần được hiểu là một cuộc diệt chủng các trẻ em Ukraine”.

Đức Tổng Giám Mục cũng cho biết là đã viếng thăm các thành phố trước khi bị quân Nga chiếm đóng và sau đó được giải phóng: “Tôi đã thấy thảm trạng các hố chôn tập thể các thường dân, tôi đã nghe nhiều chứng từ về các nạn nhân bị quân Nga hãm hiếp, chúng tôi xúc động vì chứng tá thương tâm của các thi hài bị hành quyết và bỏ rơi ngoài đường trong các thành phố của chúng tôi”. Trong tình trạng đó, “tìm ra câu trả lời thích hợp cho tiếng kêu đau đớn này của trái tim con người trở thành một thách đố và là một nghĩa vụ”, vì sự ác này có nguy cơ làm bùng nổ một thế chiến mới, có một cơ cấu rõ ràng là ý thức hệ “thế giới Nga”.

Ngoài ý thức hệ diệt chủng của chiến tranh, đối với Đức Tổng Giám Mục Trưởng, “sự đau lòng nhất là nghe những lời biện minh dựa vào Kitô giáo cho cuộc chiến của Nga chống Ukraine, có nghĩa là sự hỗ trợ và hoàn toàn thỏa thuận của Giáo hội Chính thống Nga với ý thức hệ “thế giới Nga”.

Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục Trưởng của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương xin cộng đồng các đại học đừng im lặng vì cuộc diệt chủng dân tộc Ukraine, do tay của Nga nếu không bị tố giác và lên án ngày nay thì ngày mai sẽ là nguyên nhân gây ra vô số các nạn nhân, như đã xảy ra với chế độ Đức quốc xã và cộng sản trong thế kỷ trước đây.

2. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc chống du nhập các thứ “nhân quyền” mới

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, kêu gọi bảo vệ sự sống của các thai nhi và chống lại việc du nhập những điều gọi là “nhân quyền mới”.

Trong bài tham luận hôm 19 tháng Mười vừa qua, tại Ủy ban thứ ba thuộc Đại hội đồng thứ 77 của Liên Hiệp Quốc về vấn đề áp dụng các Văn kiện về nhân quyền, Đức Tổng Giám Mục Caccia nhìn nhận có những tiến bộ quan trọng trong việc thăng tiến và bảo vệ các quyền con người trong những thập niên vừa qua, tuy nhiên các thách đố vẫn còn. Ngài nhắc lại rằng nhân phẩm là điều gắn liền với bản tính con người chứ không phải cho nhà nước hay tác nhân nào khác cấp phát.

Đức Tổng Giám Mục Caccia nhấn mạnh rằng “điều này thấy rõ nhất qua những vụ vi phạm quyền sống, đặc biệt là của các thai nhi, người bệnh hoặc những người khuyết tật và già yếu. Các văn kiện về nhân quyền, khi được áp dụng đúng, tái khẳng định rằng nhân quyền xuất phát từ phẩm giá nội tại của con người, và ngài cũng nhận xét rằng tự do và tình liên đới là những yếu tố cần thiết và bổ túc cho nhau của an sinh con người. Hai yếu tố này là nguồn mạch các nghĩa vụ mà mỗi người chúng ta chia sẻ đối với nhau. “Liên đới mà gây thiệt hại cho tự do thì có nguy cơ làm cho cá nhân bị mất hút trong các nhóm và không để ý gì đến thiện ích cả nhân của họ. Tự do mà tách khỏi liên đới thì nó đưa tới sự hiểu sai trái về các quyền như mục đích, thay vì là những phương thế thiết yếu để bảo đảm cho sự triển nở của con người. Nó dẫn tới lối cư xử tự tham chiếu, phân hóa đời sống cộng đoàn và sự liên đới giữa các thế hệ với nhau.”

“Các nhân quyền phải được hiểu như không thể phân chia và có liên hệ với nhau, cũng như để phục vụ công ích. Những toan tính cổ võ các ý niệm mới, gây tranh luận, như những nhân quyền không được sự thỏa thuận, và như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét, nó bao gồm các những vấn đề, tự bản chất chúng không thuộc về mục đích của Tổ chức Liên Hiệp Quốc này, thì cần phải tránh. Những cố gắng ấy, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói, đó là sự thực dân ý thức hệ.”

Đức Tổng Giám Mục Caccia ám chỉ tới những nước cổ võ phá thai, hôn nhân đồng tính như nhân quyền, và muốn du nhập vào Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

3. Tiến Sĩ George Weigel: Tại sao Vatican II lại cần thiết

Biến cố lớn trong tuần qua là Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân lễ kính thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân dịp này, trên Denver Catholic, George Weigel đặt câu hỏi: Tại sao Vatican II lại cần thiết” và sau đó, ông trình bầy khá nhiều lý do nhưng lý do chính vẫn là sự thánh thiện lấy Chúa Kitô làm tâm điểm để hoán cải thế giới.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết.

Viết cuốn sách mới của tôi, To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II do Basic Books xuất bản, mang lại cho tôi cơ hội đáng hoan nghênh để tìm hiểu 16 bản văn của Công đồng và nhiều bài bình luận hay về chúng. Nó cũng giúp tôi suy gẫm tại sao Công đồng lại cần thiết. Câu hỏi đó ngày nay thường được đặt ra bởi những người Công Giáo trẻ tuổi, những người vì bất an bởi không khí hỗn loạn quá mức của Giáo hội trong thập niên qua và nói chung là thiếu thông tin về Giáo hội trước Công đồng, đã tưởng tượng rằng mọi thứ trong đạo Công Giáo đều làm cho người ta hết sức hài lòng cho đến khi Đức Gioan 23 mắc sai lầm chết người là triệu tập một công đồng chung. Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của một số nhà lãnh đạo Công Giáo khá chính thống trong thập niên trước Công đồng Vatican II.

Đức Cha Giuseppe De Luca là một giáo phẩm có uy tín, người đã soạn thảo sắc lệnh của Văn phòng Tòa thánh về việc xếp các cuốn sách của André Gide đoạt giải Nobel năm 1947 vào Danh mục Sách Cấm. Tuy nhiên, vào năm 1953, ngài nhận thấy bầu không khí trong Văn phòng Thánh, cơ quan Tối Cao giữa các văn phòng giáo triều, không thể chịu đựng được. Vì vậy, ngài đã trút sự bực bội của mình cho Đức Cha Giovanni Battista Montini, tức là Đức Giáo Hoàng tương lai Phaolô Đệ Lục, dùng những thuật ngữ không hề vô nghĩa này: “Trong bầu không khí ngột ngạt của sự ngu đần giả dối và kiêu căng này, có lẽ một tiếng la hét - hỗn loạn nhưng có tính Kitô giáo - sẽ có đôi chút ích lợi nào đó”.

Sau đó là nhà thần học thông thái người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar. Năm 1952, ngài xuất bản một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Đức, Razing the Bastions: On the Church in This Age, trong đó ngài tỏ ý lo lắng rằng truyền thống Công Giáo vĩ đại đã hóa đá và “trượt ra khỏi trung tâm sống thánh thiện của Giáo hội.” Balthasar lập luận rằng “chiến dịch cứu vãn vĩ đại” của Phong trào Phản Cải Cách là điều cần thiết, nhưng nó đã qua đi, và Giáo hội phải thoát ra khỏi vòng vây phòng thủ của mình và tiếp tục cung cấp cho nhân loại chân lý của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Trong những năm ngay sau Công đồng, Joseph Ratzinger, tức là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tương lai, một trong ba nhà thần học có ảnh hưởng nhất tại Vatican II, biết rằng sự tiếp nhận của Công đồng là không hoàn hảo và việc thực hiện nó thậm chí còn thiếu hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, ngài xác định thêm các lý do tại sao Công đồng Vatican II lại cần thiết và tại sao giáo huấn của Công đồng này lại cần thiết cho bước tiến của Giáo hội từ nay về sau:

“Công Đồng đưa trở lại Giáo hội toàn bộ một học thuyết về quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng vốn bị cô lập một cách nguy hiểm; nó hội nhập vào mầu nhiệm duy nhất của Thân thể Chúa Kitô, một quan niệm quá bị tách biệt về phẩm trật; nó khôi phục lại sự thống nhất có trật tự của đức tin một Thánh mẫu học biệt lập; nó đã đem lại cho lời Kinh thánh giá trị đầy đủ của nó; nó làm cho phụng vụ một lần nữa dễ tiếp cận hơn; và, ngoài ra, nó đã thực hiện một bước tiến can đảm hướng tới sự hợp nhất của tất cả các Kitô hữu”.

Vì vậy, Công đồng đã có nhiều thành tựu thần học và tín lý cho tính khả tín của nó. Những điều này rất quan trọng để khơi lại đức tin triệt để, lấy Chúa Kitô làm trung tâm, vốn sẽ là nguồn gốc của một sứ mệnh Công Giáo hồi sinh để hoán cải thế giới hiện đại. Tương tự, việc Công đồng từ chối chủ nghĩa đắc thắng của Công Giáo tự nó là điều tốt và cần thiết cho sứ mệnh của nó: “Công đồng vừa cần thiết vừa tốt đẹp để chấm dứt những hình thức sai lầm về việc Giáo hội tự tôn vinh mình trên thế gian, và loại bỏ sự biện minh sai lầm về mình, bằng cách dẹp bỏ xu hướng cưỡng bách trong việc bảo vệ lịch sử quá khứ của mình”.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện điều đó, Ratzinger tin rằng việc tự đánh mình một cách liên tục, ám ảnh, sẽ gây ra một trở ngại khác trên con đường truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo. Mở khóa hứa hẹn của Công đồng Vaticanô II có nghĩa là làm mới lại đức tin của chúng ta vào lời cam kết của Chúa “luôn ở cùng anh em” (Mt 28:20). Vì vậy, vị giáo hoàng tương lai kết luận, “đã đến lúc… đánh thức lại niềm vui của chúng ta trong thực tại của một cộng đồng đức tin không bị gián đoạn vào Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải khám phá lại tia sáng đó vốn là lịch sử của các thánh và của cái đẹp - một lịch sử trong đó niềm vui Tin Mừng đã được thể hiện một cách không thể chối cãi trong suốt nhiều thế kỷ.”

Việc đề cập đến “các thánh và cái đẹp” giúp chúng ta hiểu một lý do khác tại sao Công đồng Vatican II lại cần thiết. Việc công bố và nền hộ giáo trước Công đồng của Giáo hội rất mạnh về luận lý. Nhưng một thế giới trở nên phi tôn giáo - không phải ngoại giáo, vì chủ nghĩa ngoại giáo có ý thức về việc bao hàm thế giới này vào một thực tại lớn hơn, nhưng phi tôn giáo, không nghe lời đồn đại về các thiên thần – trong căn bản, sẽ không chịu hoán cải bằng các chứng minh hợp luận lý. Nó sẽ chịu hoán cải bởi sự thánh thiện, tỏ hiện trong cuộc sống của những người đã trở thành bạn của Chúa Giêsu Kitô và tham gia vào chính nghĩa của Người. Nó sẽ chịu hoán cải bởi một Giáo Hội biết cung cấp nhiều vẻ đẹp hơn là thế giới có thể tạo ra.

Nơi mà Đạo Công Giáo sống động ngày nay, và Công đồng Vatican II được đón nhận và thực hiện một cách tốt đẹp, đó là vì các Giáo hội địa phương đã coi sự thánh thiện và vẻ đẹp như những con đường truyền giảng Tin Mừng và dạy Giáo lý hướng tới một tương lai lấy Chúa Kitô làm trung tâm.
 
Máy bay SU-30 Nga đâm vào nhà dân nổ long trời. Hà Lan muốn Ukraine bắt sống cho họ một chỉ huy Nga
VietCatholic Media
15:15 23/10/2022


1. Máy bay chiến đấu phản lực của Nga lại đâm thẳng vào tòa nhà dân cư làm bùng lên ngọn lửa kinh hoàng, cả hai phi công đều tử nạn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Fighter Jet Crashes Into Building as Videos Show Large Flames”, nghĩa là “Video cho thấy những ngọn lửa lớn bùng lên khi chiếc máy bay phản lực của Nga đâm vào tòa nhà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Máy bay chiến đấu của Nga đã đâm vào một tòa nhà dân cư ở thành phố Irkutsk của Siberia, dẫn đến cái chết của ít nhất hai người.

Thống đốc Irkutsk Igor Kobzev cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm Chúa Nhật rằng máy bay đã đâm vào một ngôi nhà hai tầng ở thành phố, nơi sinh sống của hơn 600,000 người.

Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết hai phi công trên máy bay chiến đấu SU-30 đã thiệt mạng, nhưng không có đề cập nào khác về bất kỳ thương vong nào khác.

Theo Kyiv Independent, một cơ quan ngôn ngữ tiếng Anh có trụ sở tại Ukraine, Thống đốc Irkutsk Igor Kobzev cho biết ông hiện không có thông tin về bất kỳ thương vong nào khác.

Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin chiếc máy bay đã rơi trong một ngôi nhà bằng gỗ ở Sovetsky Lane. Cơ quan này nói thêm rằng hai phi công đang bay thử nghiệm khi vụ tai nạn xảy ra.

Ủy ban Điều tra kể từ đó đã mở một vụ án về vụ tai nạn và văn phòng công tố đã mở một cuộc điều tra.

Nhiều video về vụ tai nạn và hậu quả của nó đã được chia sẻ trên mạng xã hội và cho thấy một tòa nhà chìm trong biển lửa.

Đoạn phim được chia sẻ trên Twitter, cho thấy một video camera hành trình ghi lại cảnh chiếc máy bay chiến đấu đang lao nhanh chúc đầu xuống đất trước khi lao vào một khu dân cư.

Một đoạn clip cho thấy hàng chục người đang đứng nhìn hoặc đi về phía nơi xảy ra vụ tai nạn trong khi một chiếc trực thăng vần vũ trên đầu.

Đoạn video thứ ba, được quay từ một căn hộ gần đó, cho thấy ngọn lửa đã lan ra ngoài ngôi nhà và có thể nhìn thấy nhiều đám cháy nhỏ hơn.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi một máy bay chiến đấu khác của Nga đâm vào một tòa nhà chung cư ở thành phố Yeysk, gần biên giới Ukraine-Nga. TASS xác nhận máy bay liên quan đến vụ tai nạn là máy bay chiến đấu SU-34.

Irkutsk gần đây là địa điểm mà một người đàn ông đã thực hiện vụ xả súng vào văn phòng tuyển mộ nhập ngũ của quân đội. Kobzev cho biết người đàn ông đã bị bắt “ngay lập tức”.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để đưa ra bình luận.

Vào tháng 9, Bộ Quốc phòng Anh đã cung cấp một bản cập nhật cho biết Lực lượng Không quân Nga đã gánh chịu rủi ro lớn hơn trong cuộc chiến ở Ukraine và đã phải chịu thiệt hại vì điều đó.

Phát ngôn nhân của Bộ Quốc Phòng Anh cho biết trong một tweet ngày 19 tháng 9: “Rất có thể Nga đã mất ít nhất 4 máy bay chiến đấu ở Ukraine trong vòng 10 ngày qua với mức tiêu hao khoảng 55 chiếc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.”

Có khả năng thực tế là sự gia tăng tổn thất này một phần là do Không quân Nga gánh chịu rủi ro lớn hơn khi họ cố gắng cung cấp hỗ trợ trên không cho các lực lượng bộ binh của Nga dưới áp lực từ các cuộc tiến công của Ukraine.

Nhận thức về tình huống của phi công Nga thường kém. Có khả năng thực tế là một số máy bay đã đi lạc trên lãnh thổ đối phương và vào các khu vực phòng không dày đặc hơn khi giới tuyến đang di chuyển nhanh chóng.

Việc Nga tiếp tục thiếu ưu thế trên không vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất gây ra sự mong manh trong thiết kế tác chiến của nước này ở Ukraine.

2. Hà Lan hy vọng Ukraine bắt được Igor Girkin để đưa ra trước công lý

Igor Girkin, hay còn gọi là Igor Strelkov, trước đây đã nói rằng anh ta cảm thấy “có trách nhiệm đạo đức” đối với cái chết của 298 người trên máy bay, nhưng từ chối thừa nhận đã bắn rơi chiếc máy bay chở khách này.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, Girkin được cho là tiếng nói nổi bật nhất trong một nhóm các blogger ủng hộ chiến tranh, những người đã công khai chỉ trích Điện Cẩm Linh vì những thất bại quân sự ở Ukraine, thu hút hơn 750,000 người theo dõi trên ứng dụng nhắn tin.

Vào thứ Bảy tuần trước, vợ của anh, Myroslava Reginska, đã chia sẻ một bức ảnh trên kênh Telegram của Girkin cho thấy anh ta trong trang phục quân sự.

“Để trả lời câu hỏi, Igor ở đâu, tôi có thể nói rằng: Tất cả đều ổn! Sẽ sớm liên lạc lại”.

Bản thân Girkin đã đăng một tin nhắn với nội dung “Kể từ ngày 14 tháng 10 năm 2022, tôi đang trong quân đội tại ngũ.”

Người Ukraine kể từ đó đã phát động một chiến dịch gây quỹ cộng đồng cho việc bắt giữ anh ta, thu được hơn 150,000 Mỹ Kim. Các nhà tài trợ bao gồm các chính trị gia địa phương và các vận động viên chuyên nghiệp.

Việc Kyiv háo hức bắt giữ Girkin, người từng khoe khoang rằng anh ta đã “châm ngòi chiến tranh” ở Ukraine, một phần xuất phát từ những bằng chứng cho thấy anh ta phạm tội ác chiến tranh trong thời gian làm chỉ huy lực lượng ly khai do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn vào năm 2014.

Theo một cuộc điều tra của Đài Âu Châu Tự do, Girkin chịu trách nhiệm ra lệnh hành quyết bằng cách xử bắn ít nhất ba người đàn ông ở miền đông Ukraine. Trong một số cuộc phỏng vấn, chính Girkin thừa nhận đã ra lệnh hành quyết, và khoe rằng chính anh ta đã giết một trong những người đàn ông này.

Hôm thứ Tư, một bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy Girkin trong quân phục Nga. Một nhóm các nhà hoạt động trên Twitter đã xác định vị trí địa lý của bức ảnh, cho rằng nó được chụp gần thành phố Rostov của Nga, giáp biên giới với Ukraine.

Sjoerd Sjoerdsma, một nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ Hà Lan cho biết trong trường hợp Ukraine bắt giữ được Girkin, Hà Lan sẽ yêu cầu Ukraine cho dẫn độ anh ta về Hà Lan.

“Khi tôi nghe nói về chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng của Ukraine, tôi đã yêu cầu chính phủ Hà Lan của chúng tôi tăng gấp đôi số tiền quyên góp được,” Sjoerdsma nói.

Hà Lan muốn ngăn chặn sự lặp lại của một tình huống vào năm 2019. Lúc đó, Ukraine đã bắt được Volodymyr Tsemakh, một nghi phạm khác trong vụ bắn hạ MH17. Nhưng Ukraine lại đành phải giao cho Nga để cứu người của họ trong vụ hoán đổi tù nhân lớn, khiến hắn ta ngoài tầm với của các công tố viên Hà Lan.

“Ukraine luôn cực kỳ hữu ích trong cuộc điều tra MH17 nhưng trước đây chúng tôi đã từng có trường hợp họ phải trao đổi một nghi phạm quan trọng,” Sjoerdsma nói, đề cập đến Tsemakh. “Tôi hy vọng chính phủ của chúng tôi đã đạt được các thỏa thuận cụ thể với Ukraine về những gì sẽ xảy ra nếu họ bắt được Girkin.”

Tháng 11 tới đây, tòa án Hà Lan sẽ xét xử tiếp tục vụ bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia đang trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì bị quân Nga bắn rơi.

Nhà lập pháp Hà Lan cho biết: “Sẽ là một kịch bản trong mơ nếu hắn ta phải ra hầu tòa ở Hà Lan vào tháng 11 này”.

3. Các thời điểm quan trọng trong cuộc đua vào chức vụ Thủ tướng Anh.

Cựu Thủ tướng Boris Johnson và ông Rishi Sunak đang cạnh tranh để thay thế cô Liz Truss sau khi cô ấy từ chức sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi chỉ có 45 ngày.

Boris Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 - và theo hiến pháp của Anh, đảng cầm quyền có thể thay đổi lãnh đạo mà không cần một cuộc tổng tuyển cử khác.

Theo BBC, đã có hơn 100 thành viên Quốc Hội của Đảng Bảo Thủ Anh lên tiếng ủng hộ ông Rishi Sunak đồng nghĩa với việc ông có thể chính thức tham gia tranh cử vị trí lãnh đạo. Sunak là người đầu tiên đạt đến ngưỡng này sau khi vượt lên trước cả Boris Johnson và Penny Mordaunt.

Hiện có 357 thành viên Quốc Hội của Đảng Bảo Thủ và Boris Johnson có lẽ đã giành được hơn 100 đề cử để có thể tham gia cuộc đua.

Theo BBC, Boris Johnson và Rishi Sunak đã có các cuộc đàm phán khi họ gần đến thời hạn đề cử trong cuộc tranh cử thay thế Liz Truss.

Hai nguồn tin riêng biệt nói với BBC rằng cuộc họp đã diễn ra, nhưng không tiết lộ những gì họ đã thảo luận, mặc dù nhiều người tin rằng Boris Johnson đang thuyết phục Rishi Sunak rút lui và sẽ trao cho ông chức tổng trưởng Ngân Khố.

Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Boris Johnson đã nhận được một khích lệ lớn khi Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace tuyên bố “nghiêng về phía” ủng hộ cựu Thủ tướng.

Bộ trưởng Quốc phòng đã loại mình ra khỏi cuộc đua, mặc dù rất được ưa chuộng với các đảng viên Đảng Bảo Thủ.

Ông Wallace nói: “Vào lúc này, tôi sẽ nghiêng về Boris Johnson. Tôi biết khi tôi còn là Bộ trưởng Quốc phòng, ông ấy đã đầu tư vào quốc phòng, ông ấy ủng hộ tôi và những hành động mà đất nước này đã thực hiện để giữ an toàn cho chúng ta”.

Các ứng viên tranh cử cần sự ủng hộ của ít nhất 100 thành viên Quốc Hội của Đảng Bảo Thủ trước 2 giờ chiều thứ Hai.

Sau đây là các thời điểm quan trọng trong cuộc đua vào chức vụ Thủ tướng Anh.

Thứ Hai, ngày 24 tháng 10

Lúc 2 giờ chiều: Kết thúc đề cử.

Lúc 2 giờ 30 chiều: Nếu chỉ có một người trên 100 đề cử, người ấy trở thành lãnh đạo Đảng Bảo Thủ và thủ tướng Anh. Cuộc đua chấm dứt, Thủ tướng mới được công bố. Cả cựu Thủ tướng Boris Johnson và ông Rishi Sunak được cho là đã có hơn 100 người ủng hộ nên khả năng này khó xảy ra, trừ trường hợp ông Sunak rút lui. Trong trường hợp cuộc đua vẫn tiếp tục, các ứng viên sẽ có cơ hội nói chuyện với các cử tri.

3 giờ 30 chiều: Cuộc bỏ phiếu đầu tiên của các thành viên Quốc Hội của Đảng Bảo Thủ diễn ra. Người ít phiếu nhất bị loại cho đến khi chỉ còn hai ứng cử viên.

9 giờ tối: Công bố hai ứng cử viên hàng đầu

Thứ Ba, ngày 25 tháng 10: Tất cả các đảng viên Đảng Bảo Thủ Anh sẽ bỏ phiếu. Nếu đi đến giai đoạn này, cựu Thủ tướng Boris Johnson có nhiều khả năng thắng cử vì ông được ưa chuộng hơn trong số các đảng viên Bảo Thủ không phải là thành viên Quốc Hội.

Thứ Sáu, ngày 28 tháng 10, Thủ tướng mới được công bố.

4. Theo AFP, Tây Ban Nha hỗ trợ sườn phía đông của NATO với 14 máy bay phản lực.

Tây Ban Nha hôm thứ Bảy cho biết họ sẽ gửi 14 máy bay chiến đấu đến Bulgaria và Romania để củng cố sườn phía đông của NATO khi liên minh quốc phòng tăng cường năng lực răn đe sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết Madrid sẽ cử sáu máy bay phản lực Eurofighter và 130 binh sĩ đến Bulgaria từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 để huấn luyện các lực lượng địa phương.

Bộ Quốc phòng nói thêm rằng một đợt triển khai nữa sẽ bao gồm 8 máy bay chiến đấu F18M và 130 nhân viên không quân được cử đến Romania từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau như một phần trong chiến lược “phản ứng và răn đe” của NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảm ơn Tây Ban Nha vì đã “phản ứng rất nhanh” trước yêu cầu mới nhất của Ukraine về việc tăng cường thêm hệ thống phòng không.

5. Nga đang phá lưới điện của Ukraine trước mùa đông. Các chuyên gia ở Kyiv nói rằng chiến lược này rất rõ ràng

Trong những tuần gần đây, quân xâm lược Nga ít tấn công vào các căn cứ quân sự hoặc trung tâm giao thông, nhưng đã tập trung bắn phá các mạng lưới phân phối điện và sưởi ấm của Ukraine. Phó Văn phòng Tổng thống, Kyrylo Tymoshenko, đã cho biết như trên trong một cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Kyiv sau khi Nga mở cuộc tấn công cường tập vào sáng thứ Bẩy 22 tháng 10.

Chỉ còn vài tuần nữa là mùa đông ập tới, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga đang tấn công các nhà máy nhiệt điện, trạm biến áp điện, máy biến áp và đường dây điện. Kết quả là: cắt điện hàng loạt, các trạm bơm nước bị vô hiệu hóa và mất mạng internet trên diện rộng.

“Đây là một hành động khủng bố được lên kế hoạch với sự trợ giúp của các chuyên gia năng lượng có thẩm quyền của Nga, nhằm mục đích đóng cửa hệ thống năng lượng của Ukraine. Chúng muốn gây ra tình trạng mất điện hoàn toàn trong cả nước,” Kyrylo Tymoshenko nói trích dẫn một báo cáo của Oleksandr Kharchenko, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng ở Kyiv.

Khi các lực lượng Nga chịu tổn thất vào tháng 9 và sang tháng này, các chuyên gia đã thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga hô hào rằng Ukraine phải chìm vào một mùa đông băng giá đen tối để trả thù. Đó bây giờ dường như là mục tiêu.

Thương vong tương đối ít nhưng thiệt hại không nhỏ. Cơ sở hạ tầng điện là một mục tiêu tĩnh, hiển nhiên khó có thể bảo vệ được nếu không có hệ thống phòng thủ khu vực đặc biệt, là điều mà Ukraine đang cầu xin từ các đồng minh phương Tây.

Theo ông Maksym Timchenko, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng DTEK, Nga đã rất chọn lọc trong việc tấn công của họ. Ông nói với Ekonomichna Pravda rằng các cuộc tấn công không nhắm vào các máy biến áp, và các thiết bị đầu ra tại các nhà máy nhiệt điện.

Ông nói: “Tôi nghĩ quân đội Nga được tư vấn bởi các kỹ sư điện của họ và họ giải thích cách gây ra thiệt hại tối đa cho hệ thống điện.”

Các nhà chức trách Ukraine rõ ràng đang phải vật lộn để cập nhật danh sách dài hơn những công việc cần sửa chữa trong tháng này, và một số cơ sở hạ tầng không thể sửa chữa.

6. Iran một lần nữa phủ nhận cung cấp máy bay không người lái cho Nga khi Ukraine theo đuổi cáo buộc hình sự

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian bác bỏ cáo buộc của Mỹ và phương Tây rằng Iran đang cung cấp máy bay không người lái cho Nga, lặp lại lời phủ nhận từ các quan chức khác ở Tehran và ở Mạc Tư Khoa.

“Chúng tôi lên án cáo buộc đưa máy bay không người lái cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Abdollahian cho biết hôm thứ Bảy, theo Hãng thông tấn Tasnim bán chính thức của Iran.

Phát biểu của Ngoại trưởng Iran được đưa ra khi Cơ quan An ninh Ukraine công bố thủ tục tố tụng hình sự để xác định bất kỳ ai liên quan đến việc cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn của Iran cho Nga.

Cơ quan an ninh cho biết: “Những người giúp Nga tiến hành các cuộc tấn công vào các thị trấn và làng mạc yên bình của Ukraine cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của Nga. Bởi vì bạn không thể cố ý bán một con dao đã mài sẵn sắc nhọn cho một kẻ điên cuồng và sau đó ngạc nhiên rằng anh ta đã dùng nó để giết người.”

Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm ngụy trang Shaheds của Iran thành Gerans, một thương hiệu máy bay không người lái của Nga, chúng tôi sẽ chứng minh nguồn gốc Iran của chúng”, tổng công tố Ukraine nói. “Chúng tôi đang làm việc để xé bỏ mặt nạ của tất cả tội phạm chiến tranh và trừng phạt chúng.”

Ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên án sự phối hợp của Iran đối với Nga trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Đầu tuần này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Mỹ có “bằng chứng rất phong phú” cho thấy Nga đang sử dụng máy bay không người lái của Iran, đặc biệt là nhằm vào dân thường Ukraine và các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Tòa Bạch Ốc nói thêm rằng quân đội Iran đã huấn luyện cho người Nga thực hành về vũ khí này.

Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nhà sản xuất máy bay không người lái của Iran. Tòa Bạch Ốc nói rõ họ coi Iran là một bên tham chiến trực tiếp trong cuộc xâm lược Ukraine. Điều đó có nghĩa là sau khi chiến tranh kết thúc, Iran phải bồi thường như một bên thua cuộc.

7. Thủ tướng Nhật Bản nói rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là 'hành động thù địch chống lại nhân loại'

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, hôm nay cảnh báo rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ bị coi là “hành động thù địch chống lại loài người”.

Kishida, người lãnh đạo quốc gia duy nhất từng bị ném bom hạt nhân, mô tả thanh kiếm vũ khí hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin là “vô cùng đáng lo ngại”.

Trong các bình luận được AFP đưa tin, ông nói:

Hành động đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Kishida sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo của các nước G7 vào tháng 5 năm sau tại Hiroshima, nơi một quả bom hạt nhân được quân đội Mỹ thả vào tháng 8 năm 1945. Thành phố Nagasaki bị ném bom 3 ngày sau đó.

8. Blinken nói Putin không quan tâm đến việc ngừng chiến tranh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục liên hệ với Nga nhưng mọi chính sách ngoại giao rộng lớn hơn đều phải phụ thuộc vào việc Tổng thống Vladimir Putin có thể hiện sự quan tâm “trong việc dừng các hành động gây hấn” hay không.

Agence France-Presse đưa tin rằng Blinken đã nói trong một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna, tại Washington vào hôm thứ Sáu rằng:

Chúng tôi đã không thấy bằng chứng nào về điều đó trong thời điểm này. Ngược lại, chúng ta thấy Nga tăng gấp đôi và gấp ba sự hung hăng của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, hôm thứ Sáu. Một vài chi tiết của cuộc trò chuyện đã xuất hiện nhưng cả hai bên đều xác nhận họ đã thảo luận về Ukraine.

Ngũ Giác Đài từ chối cung cấp chi tiết cụ thể ngoài việc nói rằng Austin, người khởi xướng cuộc trò chuyện, nhấn mạnh sự cần thiết của các đường dây liên lạc trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Blinken chỉ ra các cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào các trạm điện và các cơ sở hạ tầng dân sự khác ở Ukraine và việc huy động quân đội mà ông gọi là “khủng khiếp, bia đỡ đạn mà Putin đang cố gắng ném vào cuộc chiến”.

Blinken nói:

Sự khác biệt cơ bản là người Ukraine đang chiến đấu cho đất nước của họ, đất đai của họ, tương lai của họ. Nga thì không và Tổng thống Putin hiểu điều đó và đi đến kết luận càng sớm thì chúng ta càng có thể sớm kết thúc cuộc chiến này.
 
Napoli: Quan tài lơ lửng giữa trời bao la. Tại sao Thánh Gioan Phaolô II thêm các Mầu Nhiệm Sự Sáng?
VietCatholic Media
17:29 23/10/2022


1. Quan tài treo lơ lửng trên không sau khi nghĩa trang thứ hai ở Naples sụp đổ trong năm nay

Ít nhất một chục chiếc quan tài đã bị bỏ lại lơ lửng trên không sau vụ sập tòa nhà bốn tầng chứa các hốc chôn cất tại nghĩa trang lâu đời nhất ở Naples.

Đây là sự việc thứ hai xảy ra tại địa điểm này trong năm nay, trong bối cảnh các nhà phê bình đổ lỗi cho việc quản lý kém các nghĩa trang ở thành phố miền nam nước Ý.

Các nhà chức trách đã phong tỏa nghĩa trang Poggioreale – là nghĩa trang lớn nhất ở Naples - khi cuộc điều tra về sự sụp đổ của tòa nhà bằng đá cẩm thạch, được gọi là Phục sinh, ở khu vực Porta Balestrieri của nghĩa trang, đang được tiến hành. Không có du khách nào có mặt tại nghĩa trang vào thời điểm xảy ra vụ sụp đổ vào chiều thứ Hai vì nó đã đóng cửa trong ngày.

Vincenzo Santagada, ủy viên hội đồng Naples chịu trách nhiệm về các nghĩa trang cho biết: “Vụ sập tòa nhà xảy ra trước một tiếng nổ và một đám mây bụi dày đặc. Với tư cách là chính quyền, chúng tôi đang lo liệu tất cả các thủ tục cần thiết.”

Một cuộc điều tra riêng biệt đang tiếp tục sau khi khoảng 300 hốc chôn cất bị phá hủy trong vụ sập một tòa nhà ở khu vực khác của nghĩa trang vào tháng Giêng.

Gia đình của những người chết đã tổ chức một cuộc biểu tình vào thứ Ba.

Maurizio Boddi, người có vợ, và cha mẹ được chôn cất trong các hốc trong tòa nhà, nói với tờ báo Dire của Ý: “Điều may mắn duy nhất là quan tài của họ không bị rơi ra ngoài, vì họ được chôn sâu hơn bên trong tòa nhà.”

Các chính trị gia ở Campania, khu vực xung quanh Naples, nói rằng các nghĩa trang của thành phố đã không được chăm sóc trong nhiều năm. “Đã có một sự sụp đổ mới tại nghĩa trang Poggioreale,” Francesco Emilio Borelli, ủy viên hội đồng khu vực thuộc đảng Europa Verde, viết trên Facebook. “Đây là một tình huống nguy cấp và không thể chấp nhận được. Trong quá nhiều năm, các nghĩa trang ở Naples đã bị quản lý tồi tệ và để cho người thân tự lo liệu, trở thành mồi ngon cho những kẻ lừa đảo và trục lợi”.

Vào tháng 2 năm ngoái, 200 chiếc quan tài đã rơi xuống biển ngoài khơi thị trấn ven biển Camogli thuộc vùng Ligurian, miền bắc nước Ý sau khi một phần nghĩa trang bị sập trong trận lở đất, đồng thời phá hủy hai nhà nguyện.
Source:The Guardian

2. Lễ tuyên Chân phước cho 12 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế bị sát hại vì lòng thù hận đức tin

Lúc 11 giờ sáng thứ Bảy, ngày 22 tháng Mười tới đây, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, sẽ đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ tuyên Chân phước cho 12 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế bị sát hại do sự oán ghét đức tin hồi năm 1936 trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha.

Buổi lễ sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Santa María La Real de la Almueda ở thủ đô Madrid. Trong số các vị đồng tế với Đức Hồng Y Tổng trưởng, có Đức Hồng Y Carlos Osoro, Tổng giám mục sở tại, cha Rogério Gomes, Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế, và cha Giám tỉnh địa phương. Cũng có sự hiện diện của các thân nhân cũng như nguyên quán của các vị tử đạo.

12 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được tôn vinh trên bàn thờ, gồm 6 linh mục và 6 tu huynh, thuộc hai cộng đoàn của dòng: một tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp ở Chamberi, và một tại Vương cung thánh đường thánh Miguel ở Latina, cả hai đều thuộc Tổng giáo phận thủ đô Madrid.

Các vị bị sát hại trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng Bảy đến ngày 7 tháng Mười Một năm 1936.

Đứng đầu danh sách các linh mục được tôn phong là cha Vicente Renuncio Toribio sinh năm 1876, thụ phong linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế năm 1901, khi được 25 tuổi, tận tụy thi hành công tác loan báo Tin mừng và giáo dục. Cha quản đốc Đền thánh Đức Mẹ Hằng cứu giúp ở Madrid và bị bắt năm 1936. Cha bị giam trong tù từ ngày 17 tháng Chín đến ngày 07 tháng Mười Một thì bị sát hại. Khi ra khỏi phòng giam để bị hành quyết, cha nói: “Tôi hiến dâng mạng sống tôi cho các anh em dòng tại Tây Ban Nha, cho toàn dòng, và cho Tây Ban Nha bất hạnh”.

Trong số 6 tu huynh tử đạo, có thầy Nicesio Perez del Palomar Quincoces, sinh năm 1859 và gia nhập dòng Chúa Cứu Thế năm 32 tuổi. Tính tình cương quyết và có niềm tin vững chắc, thầy sống trong nhiều cộng đoàn của dòng, làm nhiều công tác, như thợ mộc, làm vườn, nuôi ong, thợ nề, và giám đốc xưởng mộc. Ngày 14 tháng Tám năm 1936, khi đã 77 tuổi và gần bị mù lòa, thầy và tu huynh Gregorio Zugasti bị dân quân bắt và sát hại hai ngày sau đó.

3. Những lý do mà Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra để thêm các Mầu Nhiệm Sự Sáng vào chuỗi Mân Côi

Hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã công bố tông thư Rosarium Virginis Mariae, tức là Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria, bổ sung năm Mầu nhiệm Sự Sáng vào 15 Mầu nhiệm truyền thống được suy niệm trong chuỗi Mân Côi.

Các Mầu Nhiệm Sự Sáng nói đến cuộc đời công khai của Chúa Kitô, bao gồm Phép Rửa của Ngài tại sông Jordan; Chúa làm phép lạ trong tiệc cưới Cana; lời công bố Nước Thiên Chúa, với lời kêu gọi hoán cải; Chúa biến hình; và việc Người thiết lập Bí tích Thánh Thể,” như một cách diễn tả Mầu nhiệm Vượt qua”

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng “Kinh Mân Côi, mặc dù có đặc điểm rõ ràng là Đức Mẹ, nhưng cốt lõi là một lời cầu nguyện hướng về Chúa Kitô” và nó có “một vị trí quan trọng” trong đời sống thiêng liêng của Đức Gioan Phaolô II trong thời niên thiếu.

Hai tuần sau khi được bổ nhiệm làm mục tử toàn thể Hội Thánh, Thánh Gioan Phaolô II đã cho biết: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi”.

Đức Giáo Hoàng đã đề xuất các Mầu nhiệm Sáng để “làm nổi bật đặc tính Kitô học của chuỗi hạt Mân Côi.” Những mầu nhiệm này đề cập đến “sứ vụ công khai của Chúa Kitô từ Phép Rửa cho đến Cuộc Khổ Nạn của Người”.

Do đó, trong những mầu nhiệm này “chúng ta chiêm ngưỡng những khía cạnh quan trọng của con người Chúa Kitô như là sự mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha nói, vì chính Ngài đã “tuyên bố Con yêu dấu của Chúa Cha trong Phép Rửa ở sông Giođan, Chúa Kitô là Đấng loan báo Nước Trời sắp đến, làm chứng cho Nước Trời trong các công việc của Người và công bố những đòi hỏi của Nước Trời”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng ghi nhận trong tông thư của ngài rằng “chính trong những năm thi hành sứ vụ công khai của Ngài, mầu nhiệm của Chúa Kitô rõ ràng là mầu nhiệm ánh sáng: ‘Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.’ (Ga 9: 5).” Do đó, để Kinh Mân Côi “trở thành một 'bản tóm tắt của Phúc Âm' ', Đức Thánh Cha cho rằng cần phải có” sự suy niệm về những khoảnh khắc đặc biệt quan trọng nhất định trong sứ vụ công khai của Chúa Kitô, sau khi suy tư về Sự Nhập Thể và cuộc đời chưa công kahi của Chúa Kitô trong Năm Sự Vui, và trước khi tập trung vào những đau khổ trong cuộc Khổ nạn của Người trong Năm Sư Thươnh, và sự khải hoàn Phục sinh của Người trong Năm Sự Mừng.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng việc thêm các Mầu nhiệm Sự Sáng được thực hiện “không ảnh hưởng đến bất kỳ khía cạnh thiết yếu nào trong hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi, nhưng mang lại cho nó cuộc sống tươi mới và khơi dậy sự quan tâm mới đến vị trí của Kinh Mân Côi trong linh đạo Kitô giáo như một cánh cửa thực sự dẫn đến chiều sâu của Trái tim của Chúa Kitô, đại dương của niềm vui và ánh sáng, đau khổ và vinh quang. “

Những mầu nhiệm mạc khải ánh sáng của Nước Trời

Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng mỗi mầu nhiệm ánh sáng “là một mạc khải về Nước Trời hiện đang hiện diện trong chính con người Chúa Giêsu.”

Sự hiện diện này được thể hiện theo một cách cụ thể trong mỗi một trong những mầu nhiệm sự sáng.

Trong phép Rửa tại sông Jordan, Chúa Kitô “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. (x. 2Cr 5,21),” Chúa Cha công bố Người là Con Yêu dấu và Chúa Thánh Thần “ngự xuống trên Người để đầu tư cho Người sứ mệnh mà Người sẽ thực hiện.. “

Tại tiệc cưới Cana, bằng cách biến nước thành rượu, Đức Kitô đã “mở lòng các môn đệ đến với đức tin, nhờ sự can thiệp của Đức Maria, người đầu tiên trong số các tín hữu”.

Với việc rao giảng về vương quốc và lời kêu gọi hoán cải, Chúa Kitô khởi xướng “sứ vụ của lòng thương xót,” tiếp tục qua “Bí tích Hòa giải mà Người đã ủy thác cho Giáo hội của Người”.

Đối với Thánh Gioan Phaolô II, cuộc Biến hình là “mầu nhiệm của ánh sáng xuất sắc” vì “vinh quang của Thiên Chúa tỏa ra từ khuôn mặt của Chúa Kitô khi Chúa Cha ra lệnh cho các Tông đồ đang kinh ngạc hãy lắng nghe Người”.

Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể cũng là một mầu nhiệm ánh sáng vì “Đức Kitô đã hiến dâng mình và máu Người làm lương thực dưới dấu chỉ bánh và rượu, và làm chứng 'cho đến cùng' tình yêu của Người dành cho nhân loại (Ga 13:1).

Đức Maria trong những mầu nhiệm sự sáng

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “ngoài phép lạ ở Cana, sự hiện diện của Đức Maria vẫn còn trong hậu cảnh.” Tuy nhiên, “một cách nào đó, vai trò mà Đức Mẹ đảm nhận tại Cana đồng hành với Chúa Kitô trong suốt sứ vụ của Người,” với lời khuyên từ mẫu của Đức Mẹ: “Hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các anh” (Ga 2: 5).

Thánh Gioan Phaolô II coi lời khuyên này là “lời giới thiệu thích hợp cho những lời và dấu chỉ về sứ vụ công khai của Chúa Kitô và nó tạo nên nền tảng của Đức Mẹ cho tất cả các 'mầu nhiệm ánh sáng'.”

Sau đó, giáo hoàng đề xuất rằng những mầu nhiệm sự sáng này được chiêm ngưỡng vào các ngày thứ Năm.

Những lý do mà Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra để thêm các Mầu Nhiệm Sáng vào chuỗi Mân Côi
Source:Catholic News Agency