Ngày 25-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:30 25/10/2014
CHUYỀN HẠNH PHÚC
N2T

Có một người làm ăn buôn bán thất bại, lúc ông ta thật nghèo túng thì có người bạn gởi đến tặng cho một chiếc nhẫn vàng rất đắt giá, nhờ chiếc nhẫn này mà anh ta tạm thời qua khỏi cơn khốn đốn.
Qua một thời gian cố gắng phấn đấu, anh ta lại khôi phục lại được tài sản như trước, anh ta muốn cảm ơn người bạn đã giúp đỡ cho mình nên đi mua một chiếc nhẫn bằng vàng khác lớn hơn đem tặng để báo ân.
Nhưng người bạn ấy từ chối và nói với anh ta:
- “Trước đây tôi rất chán nản và thất vọng, nên có nhận một chiếc nhẫn vàng của một người khác giúp cho. Khi cuộc sống của tôi được cải thiện tốt, thì tôi cũng mua một chiếc nhẫn bằng vàng khác đem tặng lại người ấy, nhưng người ấy nói: “Anh đem tặng cho người cần đến nó”. Bây giờ anh cũng nên đem chiếc nhẫn này đi tặng cho người cần đến nó vậy.”
Hôm nay chiếc nhẫn bằng vàng vẫn được chuyền đi mà không ngừng lại, để tiếp tục giúp đỡ những người cần đến nó
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Chia sẻ vật chất với người khác, nhất là với những người nghèo khó bất hạnh và những người đang cần đến sự giúp đỡ là bổn phận của những con người có lương tri, và tấm lòng vàng chính là chiếc nhẫn hạnh phúc mà người nghèo, người bất hạnh đang trông đợi nơi chúng ta.
Có một vài người lên án việc giúp đỡ người khác của giáo dân, và lên án nặng nề có khi sỉ nhục những người xin giúp đỡ cho Giáo Hội và cho người nghèo. Vì kiêu ngạo và tham vọng cá nhân mà họ đã đánh mất cốt lõi của thiên chức làm người Ki-tô hữu là phục vụ, làm linh mục là yêu thương, và việc làm cốt yếu của phó tế là bác ái. Mà nếu Linh Mục không có tâm hồn yêu thương, Phó Tế không có tâm hồn yêu mến làm việc bác ái, người Ki-tô hữu không có tâm tình phục vụ, thì họ chỉ là những tay sai của ma quỷ đội lốt đánh phá Giáo Hội của Chúa mà thôi.
Chiếc nhẫn vàng được chuyền đi để đem hạnh phúc đến cho một người nghèo khổ nào đó mà thôi, nhưng chuyền đi tấm lòng vàng của mọi người thì sẽ có rất nhiều người bất hạnh và nghèo khó tìm được hạnh phúc.
Sao lại cản trở tấm những lòng vàng đang di chuyển đến với những tâm hồn của tha nhân ? Nếu chúng ta không có tấm lòng vàng thì cũng đừng làm tảng đá cản đường những tấm lòng vàng khác đang tìm cách tiếp cận với người nghèo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 25/10/2014
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 22, 34-40.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.”


Anh chị em thân mến,
Đạo Công Giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại cũng chỉ thực hành điều ấy mà thôi đó là yêu thương, và chính Ngài cũng đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận là hai giới luật lớn nhất của người Ki-tô hữu, cho nên không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, cũng như không thể nói yêu mến tha nhân nhưng lại chối từ Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ cho như thế là kẻ gian dối , giới luật ấy tuy là hai nhưng chỉ là một.

Nhưng trong thực tế, có rất nhiều lần chúng ta tách hai giới răn này làm đôi để đối xử với tha nhân, nghĩa là chúng ta chăm chăm chú chú coi ngày coi giờ để đi lễ nhà thờ, nhưng chúng ta chưa bày tỏ được nội dung thánh lễ sau khi trở về nhà đó là yêu thương, nghĩa là chúng ta vẫn cứ hằng ngày đi lễ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, nhưng hằng ngày vẫn cứ chửi rủa, ghen ghét, kiêu căng hợm hĩnh với người hàng xóm, vẫn lăm le cái chức vụ quyền cao để đè đầu đè cổ anh em chị em trong cộng đoàn, hoặc trong công ty của mình.

Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không thấy, nhưng nhờ đức tin mà chúng ta thấy Ngài trong vũ trụ vạn vật nên yêu mến Ngài; còn người anh em chị em thì mỗi ngày chúng ta đều thấy, nhưng chúng ta lại không dùng đức tin để nhìn thấy Thiên Chúa trong họ, đó là một thiếu sót lớn lao của chúng ta, là bức tranh không thuận mắt nơi người Ki-tô hữu khi người khác nhìn vào.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã kéo giới răn trọng nhất là kính mến Thiên Chúa xuống, và đưa giới răn thứ hai là yêu người lên cho cả hai giới răn bằng nhau, là để cho chúng ta thấy tình liên đới giữa con người với nhau cũng quan trọng như liên kết với Thiên Chúa vậy, cho nên có thể nói rằng bác ái, yêu thương là cái hồn sống của người Ki-tô hữu, bởi vì sống mà không biết xúc động trước cảnh nghèo khó của tha nhân, thì cũng không thể biết được Thiên Chúa là tình yêu để mà kính mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho chúng ta, để mỗi người trong chúng ta hiểu rằng, khi làm việc thờ phượng để kính mến Thiên Chúa, thì đồng thời cũng biết yêu thương và phục vụ tha nhân như chính mình vậy, để như lời thánh Phao-lô đã nói chúng ta là con cái của sự sáng, là những người đi trong ánh sáng, cho nên chúng ta phải trở nên gương sáng cho mọi người bằng cách sống chân thành yêu thương và bằng sự phục vụ khiêm tốn của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 25/10/2014
N2T

14. Yêu là một kho tàng quý báu rất lớn.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:47 25/10/2014
ĐỪNG LÀM GÌ KHÁC
Vì để cho thánh lễ giới trẻ của giáo xứ có bầu khí vui nhộn náo nhiệt, ban điều hành giới trẻ đề nghị cha sở nên cho các bạn thanh niên cầm tay múa hát kinh Lạy Cha và xin cha rời bàn thờ xuống bắt tay các bạn trẻ khi chúc bình an.
Cha sở nghiêm khắc nói:
- “Thánh lễ là đỉnh cao của việc tế lễ, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa nên nó phải được cử hành trang nghiêm và long trọng, chúng ta đừng làm gì khác ngoài quy định phụng vụ của Giáo Hội, đem tâm hồn vui vẻ và tri ân đến dâng thánh lễ đó chính là sự ngợi khen Thiên Chúa rồi vậy. Lễ xong các con múa hát nhảy nhót gì cũng được vì đó là niềm vui được kéo dài của chúng con.”
--------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dân số Công Giáo trên thế giới
Đặng Tự Do
07:20 25/10/2014
Nhân ngày Khánh nhật truyền giáo, các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo đã đưa ra những số liệu thống kê về tình hình truyền giáo của Giáo Hội trên toàn thế giới.

Báo cáo này dựa trên dữ liệu thu thập được cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, theo đó trong 7 tỷ người trên thế giới có hơn 1.2 tỷ là người Công Giáo. Những con số này cho thấy dân số Công Giáo có thêm 15 triệu người so với năm trước đó, với mức tăng cao nhất là ở châu Mỹ với 6.5 triệu người Công Giáo.

Tuy có gia tăng về tổng số người Công Giáo, các con số thống kê cho thấy mức tăng dân số Công Giáo không bằng mức tăng dân số. Thành ra, nếu tính theo tỷ lệ bách phân thì dân số Công Giáo giảm nhẹ ở mức 0.01% trên toàn thế giới. Riêng tỷ lệ người Công Giáo ở Mỹ và Châu Á đã tăng 0.12% và 0.01%.

Những con số thống kê của các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo cho thấy đã có sự sụt giảm con số các nữ tu và nam tu. Số linh mục thì tăng 895. Như vậy, có 414,313 linh mục trên toàn thế giới.

Giáo Hội tiếp tục phát triển mạnh trong lĩnh vực giáo dục với hơn 60 triệu học sinh tiểu học, trung học và đại học. Giáo Hội Công Giáo cũng điều hành hơn 115,000 tổ chức bác ái và y tế.
 
Laudate: Chương trình ứng dụng điện thoại dành cho người Công Giáo thành công nhất hiện nay
Đặng Tự Do
15:27 25/10/2014
Với hơn nửa triệu người trên thế giới cài đặt chương trình này trên điện thoại di động Android và trên Ipad, Laudate, nghĩa là Ngợi Khen, có thể được coi là chương trình ứng dụng thành công nhất dành cho người Công Giáo trên thị trường.

Muốn download trên Ipad xin nhấn vào đây. Muốn download cho điện thoại di động Android thì nhấn vào đây.

Chương trình được ghi nhận là thành công đặc biệt với những người phải di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng và những người phải lái xe đi làm hàng ngày.

Chương trình cung cấp tất cả mọi thứ bạn cần biết trong đời sống người Công Giáo: cầu nguyện, giáo lý, học hỏi Tin Mừng, chuẩn bị tích cực cho các Thánh Lễ. Các ứng dụng được cập nhật hàng ngày với các bài đọc và các bài suy niệm.

Người dùng cũng có thể lần chuỗi Mân Côi một mình hay tương tác với những người khác podacast.

"Lời cầu nguyện của tôi" là một phần đặc biệt trong đó người dùng có thể lưu lại những lời cầu nguyện của riêng mình và những ý mà họ cầu nguyện nhiều nhất.

Laudate có cả giao diện bằng tiếng Việt – chỉ giao diện thôi – nghĩa là các menu, các lệnh đơn giản có thể được hiển thị bằng tiếng Việt nhưng các bài đọc vẫn bằng tiếng Anh, và người đọc cho ta nghe các bài suy niệm vẫn đọc bằng tiếng Anh.

Với những tiện ích mà Laudate có thể mang lại, rõ ràng sẽ là một thất bại khó giải thích nổi trước mặt Chúa nếu người Việt chúng ta không làm được một chương trình tương tự như thế này hoàn toàn bằng Việt ngữ.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp các thành viên đội bóng đá lâu đời nhất của Tây Ban Nha
Đặng Tự Do
15:44 25/10/2014
Nhân kỷ niệm 125 năm ngày thành lập, hôm thứ Bẩy 25 tháng 10, đội bóng Recreativo Huelva của Tây Ban Nha đã đến thăm Kinh Thành Muôn Thuở và được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến.
Giám đốc đội bóng là ông Pablo Comas-Mata nói với các ký giả là ông đã xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các thành viên trong đội bóng và cho những chiến thắng trong tương lai của họ.

"Chúng tôi rất tự tin vì Đức Giáo Hoàng luôn hỗ trợ cho các đội bóng ngài ban phép lành. Một ví dụ là đội San Lorenzo của Amargo, mà trên thực tế đã đi từ địa ngục lên thiên đàng, giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác."
Tuyên úy của đội bóng là Cha Antonio Bueno, không muốn bỏ lỡ dịp đặc biệt này. Mặc dù đã trên 80 tuổi, ngài đã tháp tùng đội bóng đến Rôma để gặp Đức Giáo Hoàng.
Cha nói:
"Nếu đã đến đây để cảm tạ Chúa vì 125 năm qua của chúng tôi, tại sao không xin Ngài ban cho thêm 125 năm khác nữa? Chúng tôi hy vọng đội bóng của chúng tôi có thể chơi trong bảng các đội ngoại hạng mùa tới. Bằng cách đó chúng ta có thể chơi ở Cup châu Âu và trở thành nhà vô địch. "
Đội bóng đã tặng Đức Thánh Cha chiếc áo truyền thống của đội Recreativo Huelva và một chiếc thuyền làm bằng bạc là biểu tượng của họ. Đức Giáo Hoàng đã cho mỗi người một chuỗi Mân Côi và ban phép lành cho họ.
 
Đức Giáo Hoàng tiếp đội tuyển bóng đá Đức, Bayern Munich
Đặng Tự Do
15:58 25/10/2014
Các cầu thủ của đội tuyển bóng đá Đức, Bayern Munich đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến sau chiến thắng vang dội 7-1 trước đội chủ nhà La Roma.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói:

"Tôi nghe nói về trận đấu ngày hôm qua. Miễn bình luận."

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến chiến thắng của đội vào năm 1986 với Karl-Heinz Rummenigge chơi trên hàng tiền đạo. Hiện nay, ông là người quản lý đội bóng.

Ngài nói: "Tôi nhớ trận đấu năm 86 bởi vì lúc đó tôi đang học tại Frankfurt."

Sau đó, Đức Thánh Cha đã nói chuyện về sức mạnh của thể thao và tại sao chúng đặc biệt quan trọng cho trẻ em.

"Thể thao có một chiều kích giáo dục rất quan trọng đối với trẻ em."

Đội tuyển Đức đã tặng cho Đức Giáo Hoàng hai món quà. Một chiếc áo của đội tuyển ghi tên ngài với chữ ký của tất cả các cầu thủ và sau đó là một quả bóng có một ý nghĩa đặc biệt.

"Năm tới, chúng con sẽ có một trận đấu từ thiện để vinh danh Đức Thánh Cha. Chúng con muốn tặng một triệu euro cho các dự án bác ái và những dự án mà Đức Thánh Cha thấy cần.”

Đội tuyển Đức đến Rôma để tham gia vào các trận đấu của Liên Đoàn Túc Cầu Châu Âu.
 
Bà Mẹ của Thủ tướng Grenada được gặp Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
16:06 25/10/2014
Hôm thứ Năm 23 tháng 10, bà Mẹ của Thủ tướng nước Grenada đã hoàn thành được tâm nguyện của mình là được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thủ tướng Keith Mitchel của nước Grenada đã đưa mẹ, vợ và con trai ông đến Rôma để triều yết Đức Thánh Cha.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng và thủ tướng Keith Mitchel đã nói về sự trợ giúp mà Giáo Hội Công Giáo mang đến cho hòn đảo vùng Caribbê này, nhất là về giáo dục và các dịch vụ xã hội.

Đức Giáo Hoàng đã tặng cho thủ tướng một bản sao của Tông Huấn của "Evangelii Gaudium.

Sau đó, ngài đã đưa ra tặng cho mỗi người một chuỗi tràng hạt.

Đảo Grenada có dân số là 110,000 người. Khoảng một nửa là người Công Giáo.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng chống lại án tử hình
Đặng Tự Do
16:27 25/10/2014
Hôm thứ Năm 23 tháng 10, trong buổi tiếp kiến dành cho Hiệp hội quốc tế về Luật hình sự, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng tố cáo những băng hoại chính trị. Ngài so sánh nó với một người bị bệnh hôi miệng. Ngài giải thích rằng trong khi người đó không nhận ra, những người xung quanh nhận ra nó ngay lập tức.

Đức Giáo Hoàng mạnh mẽ chống lại thói đồng lõa chính trị, đặc biệt khi tất cả các quyền lực được tập trung vào một nguồn. Ngài nghiêm khắc phê bình những người sử dụng chính trị và các phương tiện truyền thông để tô son trét phấn cho chế độ, hay kích động bạo lực và đổ mọi trách nhiệm lên đầu người khác.

Đức Thánh Cha nói:

"Thực tế cho thấy sự tồn tại của phương tiện pháp luật và những chính sách cần thiết để đương đầu và giải quyết các xung đột, không cung cấp đủ những đảm bảo có thể ngăn chặn những người lãnh đạo đổ mọi trách nhiệm về các vấn đề lên đầu người khác."

Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ lên tiếng chống lại án tử hình. Đặc biệt, ngài lên án một số chính phủ kết án tử hình những thành phần đối lập một cách mờ ám. Ngài mô tả những hành động này là "những vụ giết người có chủ ý."

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã nói về nhà tù. Ngài nói rằng trong một số quốc gia, điều kiện giam cầm trong các nhà tù thật là tồi tệ, không thể chấp nhận được. Theo Đức Thánh Cha, trong một số trường hợp, điều này là hệ quả của việc "thực thi quyền lực độc đoán và tàn nhẫn."
 
Bất chấp thỏa thuận ngưng bắn, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc thêm 60 thiếu nữ Kitô
Đặng Tự Do
19:00 25/10/2014
Bất chấp thỏa thuận ngưng bắn theo đó 276 nữ sinh bị bắt cóc hồi tháng Tư vừa qua sẽ được trả tự do, thêm 60 thiếu nữ Kitô khác lại vừa bị bắt cóc hôm thứ Năm 23 tháng 10 tại các làng Kitô giáo ở phía đông bắc Nigeria.

Các vụ bắt cóc mới nhất xảy ra tại hai làng Wagga và Gwarta khiến cho nhiều người lo âu không biết liệu quân khủng bố Hồi Giáo cuối cùng cho chịu trả tự do cho 276 nữ sinh bị bắt cóc trước đó hay không.

Như tin chúng tôi đã loan gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.

Dân chúng tại hai làng Wagga và Gwarta cho biết bọn khủng bố đã để lại cho mỗi gia đình các nạn nhân một số tiền là 1,500 naira, hay khoảng $ 9, và những hạt kola. Theo truyền thống của người Nigeria, số phẩm vật đó gọi là “tiền cưới”. Nó tiên báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo có ý định bắt những cô gái này làm nô lệ tình dục cho chúng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Gioan Phaolô II giáo phận Vinh mừng lễ Bổn Mạng
Huy Hoàng
09:51 25/10/2014
Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Gioan Phaolô II giáo phận Vinh mừng lễ Bổn Mạng

Sáng nay, 22.10.2014, gần 500 Huynh trưởng của 28 Xứ đoàn thuộc Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Gioan Phaolô II giáo phận Vinh đã quy tụ về thánh đường giáo Xứ Bùi Ngõa mừng Bổn mạng lần thứ nhất. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ tế Thánh lễ; cùng hiệp dâng Thánh lễ với ngài có quý cha Tuyên úy, quý Trợ úy, quý Trợ tá, quý Huynh trưởng và đông đảo bà con giáo dân xứ Bùi Ngõa.

Xem Hình

Mang tên của vị thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và được thành lập vào ngày 21.04.2014 theo quyết định số 07/14 – QĐ.TGM của Tòa Giám mục giáo phận Vinh, Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Gioan Phaolô II là một tổ chức Công Giáo tiến hành nhằm xúc tiến việc đào tạo đội ngũ các huynh trưởng để lo chăm sóc, hướng dẫn các thiếu nhi tại các giáo xứ.

Đúng 9 giờ, trước sự hiện diện của Đức Giám Mục Phaolô, nghi thức thượng cờ được cử hành cách trang trọng. Đức Cha Phaolô chúc mừng và chia sẻ niềm vui của ngày lễ Bổn mạng với các huynh trưởng. Ngài cũng dặn dò và ban huấn thị: “Liên đoàn của chúng ta được thành lập vào đúng ngày cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II được tôn phong hiển thánh (21.04.2014). Chúng ta được mang danh của vị Giáo hoàng kiệt xuất và rất gần gũi với chúng ta. Ngài cũng là vị Giáo hoàng đặc biệt quan tâm và lo lắng cho giới trẻ, cho thiếu nhi. Thiết tưởng, dưới sự bảo trợ của Ngài, tất cả chúng ta sẽ ngày càng lớn lên trong Đức tin, và phát triển mọi mặt, hầu đưa khả năng đó mà hướng dẫn và giúp đỡ các em nhỏ.”

Sau nghi thức thượng cờ, các huynh trưởng đã long trọng rước kiệu tượng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và đoàn đồng tế vào thánh đường để cử hành Thánh lễ mừng Bổn mạng lần thứ nhất của Liên đoàn.

Đây cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau khi được ĐTC Phanxicô thiết lập và Đức Hồng Y Antonio Cañizares Llovera, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích ký Sắc lệnh ngày 26-05-2014. Do đó, đây là Thánh lễ đánh dấu những mốc son đặc biệt ý nghĩa của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giáo phận nhà. Thánh lễ cũng đánh dấu sự ra mắt chính thức của Liên đoàn, giới thiệu Ban điều hành Liên đoàn nhiệm kỳ 2014-2016 (gồm 23 thành viên), phong cấp 27 thành viên lên Huynh trưởng cấp III với các nghi thức tuyên thệ, trao cờ, trao khăn và bổ nhiệm thư. Sau đó là chỉ thị sai đi của Đức Giám Mục Giáo phận.

Trong phần quảng diễn Lời Chúa, Đức Cha Phaolô một lần nữa kêu gọi mỗi huynh trưởng hãy biết noi gương thánh Gioan Phaolô II mà toàn tâm toàn ý lo cho thiếu nhi. Ngài nói: “Đa số các huynh trưởng đều đang thuộc lứa tuổi học sinh, cho nên điều quan trọng trước hết, mỗi huynh trưởng phải luôn biết hoàn thiện mình trong Đức tin cũng như kiến thức văn hóa; phải biết gắng công học hành và chăm ngoan trong gia đình, lối xóm, trường học… Để nhờ đó, với gương sáng và sự gần gũi với các em thiếu nhi tại giáo xứ mình sống mà làm cho các em cũng được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, thấm nhuần Lời Chúa và lớn lên trong tình yêu, trong lý tưởng đạo đức Kitô giáo.”

Sau Thánh lễ, Đức Cha đã ở lại dùng bữa cơm thân mật với Liên đoàn. Những món ăn từ khắp các xứ đoàn của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã được đưa đến chia sẻ tạo nên ấn tượng khó quên đối với những người tham dự.

Dưới sự hướng dẫn của cha Tuyên úy Fx. Phan Khánh Dư, Ban chấp hành Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Gioan Phaolô II Giáo phận Vinh cũng sẽ họp kỳ họp đầu tiên trong buổi chiều cùng ngày.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thánh Karol Wojtyla khuyên mời người Việt Nam
Hà Minh Thảo
15:03 25/10/2014
THÁNH KAROL WOJTYLA KHUYÊN MỜI NGƯỜI VIỆT NAM

Ngày 22.10.2014, nhân dịp Giáo Hội Công Giáo cử hành lần đầu tiên Thánh Lễ kính nhớ Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, tức Karol Wojtyla, vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô phong Hiển Thánh ngày 27.04.2014, cùng với Đức Gioan XXIII, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. Tham dự Thánh Lễ, chúng tôi đã, kính nhờ sự bầu cử của tân Thánh Giáo hoàng, khẩn nguyện Ngôi Ba Thiên Chúa mở lòng trí người Công Giáo Việt Nam để nhận sự Chân Thật vì Sự Thật cứu chúng ta và đồng bào.

Là công dân Ba Lan, Thánh nhân không chỉ nghe mà đã sống dồi dào kinh nghiệm trong một chế độ phi nhân (vô tôn giáo, vô gia đình và vô Tổ quốc), nên câu nói đầu tiên triều đại Giáo hoàng của mình là : « Đừng sợ. » (x. Mat. 14 :27). Đức Gioan-Phaolô II, người kế nhiệm Thánh Phêrô duy nhất đến từ một quốc gia cộng sản và, từ Vatican, vị Giám mục Rôma đã góp phần cùng nhìn thấy Quê hương thoát nạn độc tài đỏ gian ác. Với tâm tình Cha Chung Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ, ngày 22.01.2002, Đức Thánh Cha đã tiếp các Đức Giám Mục Việt Nam nhân một dịp Ad Limina.

Sau khi chào mừng Đức Thánh Cha, cám ơn Tiền Nhân từ gần năm thế kỷ đã gieo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Đất Việt, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám mục Nha trang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói: « Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh tế thị trường, từ chủ thuyết cô lập tiến vào việc hội nhập với cộng đồng thế giới tự do… Thế nhưng, trong tiến trình đổi mới nầy Giáo Hội vẫn chưa được hưởng những tự do cần thiết ».

Đức Thánh Cha mở đầu Huấn từ bằng bày tỏ sự sung sướng được gặp gỡ hầu hết các Giám mục Việt Nam trong diễm phúc hiệp thông đầy tình huynh đệ và nhờ các Ngài chuyển đến toàn thể các thành phần Dân Chúa Việt Nam là Người cầu nguyện và khuyến khích chúng ta sống Phúc Âm bằng noi gương Tiền Nhân Tử đạo. Sau khi nhắc lại những hoạt động mà các Giám mục đã thực hiện từ sau lần ‘ad limina’ trước, Người mời: Giáo Hội Việt Nam Ra Khơi.

Nguyện xin một hơi thở từ Chúa Thánh Thần để có niềm phấn khởi mới trong việc giáo huấn, đào tạo, kinh nguyện cũng như công tác tông đồ mà các Giám mục thực hiện. Các dự án mục vụ cần vừa thích hợp với hoàn cảnh và nhu cầu khả hữu vừa lưu ý đến môi trường đang sống, trong đó, phải lưu ý yếu tố con người được vun bồi bởi nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Việc thành lập Ủy ban Bác ái Xã hội cho phép mọi người có thể hình dung một hệ thống Tương trợ và Cứu tế hữu hiệu. Thật vậy, với cơ sở dù thô sơ hiện có, nhưng kinh nghiệm đã tích lũy từ lâu và nhân sự tại chỗ, chỉ cần sự đồng thuận của thẩm quyền chính trị, phương tiện sẽ có và công tác bắt đầu.

Ủy ban Văn hóa giúp chúng ta hiểu biết thêm các nền văn hóa khác và làm tăng sự tốt đẹp mối liên hệ với các Tôn giáo khác. Trong tường trình ngũ niên, các Giám mục đề cập đến sự phát triển huấn dạy giáo lý cơ bản lẫn đào luyện liên tục cho linh mục, tu sĩ và giáo dân để xây dựng và sống Đức Tin. Điều cần là cung cấp cho mọi người một giáo huấn vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Giáo Hội Công Giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt Nam. Đoạn 76 Gaudium et Spes viết ‘Giáo Hội, vì sứ mạng và chức năng mình, không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào’. Bởi thế ‘cộng đồng chánh trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu ‘cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Giáo Hội không muốn thay người trách nhiệm Nhà nước, công việc của cá nhân hay tập thể. Để thực hiện sự ‘hợp tác lành mạnh’ nầy, Giáo Hội mong đợi nơi chánh quyền tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự trị của Giáo Hội mà quyền Tự do Tôn giáo quí giá đã được khẳng định trong Công đồng Vatican II và trong những Tuyên ngôn và Quy ước quốc tế, cho từng cá nhân và những cộng đồng tôn giáo.

Vì sự Đổi Mới của Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên báo chí các quốc gia công nghiệp tiền tiến, nên cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các Giám mục Việt Nam được giới truyền thông quốc tế, đặc biệt Công Giáo, đã đăng truyền Huấn từ này.

Nhật báo ‘La Croix’ (Thánh Giá), phát hành tại Pháp ngày 23.01.2002, dưới tựa đề « Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu’il juge ‘exemplaires’ » (Gioan-Phaolô Đệ Nhị khích lệ các Giám mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘mẫu mực’), đặc phái viên tờ báo tại Rôma đã nhắc lại cuộc thăm viếng ‘ad limina’ các Giám mục Việt Nam tại Vatican. Nhân dịp nầy, ‘La Croix’ mời đọc giả nhìn về hiện tình một Giáo Hội sinh động, nơi các bạn trẻ đến gõ cửa các chủng viện với một con số vượt hẳn con số Nhà nước cho phép. Ơn Gọi nữ tu thật là một sự triển nở mạnh mẽ (véritable exploision). Giáo Hội ở đây đã gặp những khó khăn như chính xã hội Việt Nam phải sống trong nghèo khó, thiếu thốn phương tiện học hành và trị liệu y tế.

Tuần báo ‘Famille Chrétienne’ (Gia đình Kytô giáo) số 1254, từ 26.01 đến 01.02.2002, có tiêu đề: ‘L'Eglise en liberté surveillée’ (Giáo Hội trong tự do canh chừng), nhân dịp các Giám mục Việt Nam thực hiện ‘ad limina’ và gặp Đức Thánh Cha. Các Giám mục chỉ nói công khai rất ít, do đó, chúng ta cần nhớ rằng Giáo Hội quốc gia nầy đang chịu đựng một tình trạng khó khăn. Ký giả Louis Naigre thuật: « Từ nhiều tuần nay, giáo dân sôi nổi vì, hôm 11.11, trong nhà thờ khắp thành phố, các Linh mục đọc bức thư mà Đức Tổng Giám mục Hà nội đã gởi Thủ tướng. Bằng những từ ngữ lịch sự nhưng quả quyết, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng phản đối sự chiếm dụng một thửa đất, thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội từ năm 1933, trước kia là Tòa Khâm sứ Tòa Thánh, bởi nhà cầm quyền Hà nội. Họ bắt đầu xây dựng trên đó một ‘trung tâm văn hóa’ lấn sang Tòa Tổng Giám mục và Đại chủng viện… ‘Việc đọc một bức thư phản đối có thể là một điều không đáng kể cho chúng ta, những người Tây phương, đã quen với những hình thức biểu tình đầy bạo động. Nhưng, ở Việt Nam, là việc đáng ngại'. « Tự do chúng tôi bị hạn chế rất nhiều. », một linh mục nói với ký giả. Một lần trú ngụ ngắn hạn có thể gây nên ảo giác. Sau 15 năm ‘đổi mới và canh tân’, quốc gia đã có nhiều thay đổi. Nhưng kết quả thì tương phản nhau: kinh tế có phát triển nhưng Đảng thì không bỏ dịp để can thiệp vào xã hội, tham nhũng ngày càng tệ hơn và gánh nặng hành chánh cũng không nhẹ hơn. Dù ở Hà nội, ở Huế (nơi phần lớn lãnh địa Dòng Biển Đức Thiên An bị tịch biên) hay ở Sài gòn (nơi nhiều giáo xứ đang xin trả lại đất mà người Công Giáo cho nhà cầm quyền ‘mượn’ năm 1976), vấn đề điền thổ vẫn có những khó khăn trọng yếu cần giải quyết.

Thời gian trôi nhanh : 12 năm và 9 tháng đã lần lượt đi vào quá khứ… Đức Gioan Phaolô II đã được Thiên Chúa gọi về Nhà Cha ngày 02.04.2005, lúc 9 giờ 47 (giờ Rôma) khi 84 tuổi. Ngày 01.05.2011, Người được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 phong Chân Phước. Trong thời gian này, Học thuyết Xã hội Công Giáo đã có những bước tiến bộ dài để phù hợp với hiện trạng xã hội, nhưng huấn giáo của Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, vẫn không thay đổi.

Đáp ứng yêu cầu từ các Đức Giám Mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo HộiỪ. Khi đó, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang phục vụ Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và, từ ngày 24.06.1998, được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng này. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đức Cha Thuận đã ký ban hành ‘Sưu tập những Bản văn Huấn quyền về Học thuyết xã hội Công Giáo’ (thường được gọi là ‘Agenda Social Vatican 2000’). Trong bản Sưu tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn xã hội Giáo Hội từ thời Đức Léon XIII đến Đức đương kiêm Giáo hoàng và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công Giáo, Con người, Gia đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà nước, Kinh tế, Lao động và Tiền lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ hiện hành. Đức Cha tiếp tục viết văn kiện này. Tháng 07.2000, Đức Thánh Cha đã mời ông Michel Camdessus, vừa rời chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 14.02.2000 để trợ giúp chuyên môn cho Người. Ngày 04.04.2004, Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino và Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, đã ấn ký ban hành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ (bảng tiếng Việt : http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_vi.html )

Xin trở lại Huấn từ của Đức Thánh Cha trao cho các Giám mục Việt Nam ngày 22.01.2002. Trong đó, Thánh Giáo hoàng đã mời ‘Giáo Hội Việt Nam Ra Khơi’ bằng học hỏi vững chắc Giáo lý xã hội Công Giáo và thực hiện ‘Sự Hợp tác lành mạnh’ tôn trọng nguyên tắc ‘cộng đồng chánh trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu hơn’ để cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng’. Huấn dụ của Cha Thánh, đến nay, chúng ta đã thi hành đến đâu ?

Ngày 27.05.2011, Ủy ban Công lý và Hoà bình Hội đồng Giám mục Việt Nam được tái lập năm 2010 và chính thức ra mắt tại Hội trường G.B. Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài gòn. Luật sư Lê Quốc Quân đã thuyết trình đề tài ‘Công lý và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam’ (thật hay về lịch sử và giáo lý… xin mời xem và nghe tại : https://www.youtube.com/watch?v=eY4g3KX1UQU . Hiện nay, Luật sư đang phải thụ án vì tội trốn thuế mà nhiều báo chí trên thế giới hoài nghi và xác tín rằng ông là một người yêu nước, chống ngoại xâm và can đảm.)

Nhân khóa học về Giáo huấn xã hội Công Giáo cho Giáo tỉnh Hà nội ngày 13 và 14.02.2012 tại Thanh Hóa, Đức Cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phát biểu : « Giáo huấn xã hội Công Giáo tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, công bằng… nhưng đó không phải là cách thế để Giáo Hội đi đến lấn át hay thay thế chính quyền dân sự, nhưng muốn cùng với cộng đồng chính trị tham gia vào việc làm thăng tiến đời sống con người qua việc đối thoại thẳng thắn chân thành và cộng tác lành mạnh. Vì thế Giáo Hội muốn đối thoại thẳng thắn với cộng đồng chính trị để góp phần tìm ra những giải pháp làm thăng tiến con người, giúp phát triển con người toàn diện cả về đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Sứ vụ này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, quảng bá và có cả những chấp nhận trả giá. Tuy nhiên, do bối cảnh ra đời Uỷ ban Công lý và Hòa bình khiến nhiều người hiểu nhầm mục đích hoạt động của tổ chức, thường đồng nhất những hoạt động đòi Công lý và Hòa bình với việc làm mang tính chính trị. »

Chúng ta nối bước theo Đức Kitô vì ‘Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống’ (x. Ga 14,6) để ‘Sự Thật sẽ giải thoát anh em’ (x. Ga 8,32).

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Làm sao download một video trên YouTube?
Đặng Tự Do
16:59 25/10/2014
Quý vị và anh chị em có thể download bất cứ một video nào trên YouTube với phẩm chất hình ảnh và âm thanh cao nhất có thể được bằng một chương trình gọi là ClipGrab.

Bước 1: Download chương trình ClipGrab tại đây (21.5MB). Lưu ý là nếu Google ta có thể tìm thấy chương trình ClipGrab tại nhiều chỗ khác nữa nhưng nó sẽ bắt mình cài đặt (install). Khi cài đặt nó thường cài thêm những chương trình khác rất là phiền và rất khó gỡ ra (uninstall).

Bước 2: Sau khi download, unzip vào một folder – không cài đặt gì cả - là dùng được ngay. Chương trình này rất dễ dùng: chỉ cần nhìn hình bên dưới là biết làm ngay khỏi cần nói gì thêm.

 
Văn Hóa
Khánh nhật truyền giáo: Loan truyền niềm vui cho đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:48 25/10/2014
Loan truyền niềm vui cho đời sống

Ai cũng mong muốn có niềm vui cho đời sống. Niềm vui giúp cho sức khoẻ tinh thần lẫn thể xác được mạnh mẽ hăng say vươn lên. Kinh nghiệm này ai cũng đều có.

Nếu phân tích ra, trong đời sống có nhiều niềm vui tùy theo hoàn cảnh không gian, địa lý, thời gian tuổi tác cùng tâm lý, văn hóa và tâm tính con người nữa.

Niềm tin tôn giáo là một niềm vui cho tinh thần con người. Vì niềm tin tôn giáo chỉ hướng đi cùng là điểm tựa tinh thần cho tâm hồn trong đời sống.

Đức tin đạo Công Giáo được loan truyền từ hơn hai ngàn năm nay trên khắp hoàn cầu. Có những xã hội, nền văn hóa, như bên Âu châu, nơi đức tin Kitô giáo đã bén rễ sâu từ hơn ngàn năm nay. Cây đời sống đức tin đã phát triển lớn lên thành cây cổ thụ.

Thân cây đã cao lớn có nhiều nhánh cành đâm tủa vươn ra. Nhưng trải qua thời gian thay đổi biến chuyển, như thấy lúc này, gốc cây gìa cỗi trở nên khô, lá đang biến dạng vàng úa rụng dần, nhiều cành cây mục nát trơ trọi gẫy đổ rơi xuống đất lìa khỏi thân cây. Đó là hiện tượng cây đời sống đức tin Kito giáo bên xã hội Âu châu.

Những gía trị tinh thần đạo giáo, nếp sống kỷ luật tu thân theo khuôn thước đạo giáo bị đặt thành vấn nạn có còn hợp thời nữa hay không? Và như thế việc truyền giáo loan truyền phúc âm của Chúa Giêsu có còn cần thiết, còn ý nghĩa thời sự nữa không?

Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedictô XVI. trong bức thư gửi cho đại học Urbaniana, nhân dịp đại học khánh thành đại giảng đường sửa sang đổi lại mang tên Benedickt XVI., để vinh danh ngài, hôm 21.10.2014, đã đề cập đến viễn tượng này, như câu trả lời cho thắc mắc trên:

„ Những cố gắng suy nghĩ ngày hôm nay trong một thế giới thay đổi sâu xa, nhiệm vụ loan truyền phúc âm của Chúa cho người khác vẫn còn có ý nghĩa đầy đủ trọn vẹn.

Ngoài ra có cách thế nữa cùng đơn giản nêu ra lý do cho nhiệm vụ này. Trong đời sống niềm vui cần được chia sẻ. Tình yêu cũng vậy. Sự chân thật cũng thế. Người nào nhận được niềm vui lớn, họ không thể đơn giản giữ lại riêng cho mình, họ phải tiếp tục cho đi. Cũng thế đối với qùa tặng của tình yêu, với qùa tặng sự nhìn nhận ra điều chân thật.

Khi Tông đồ Andre gặp Chúa Giêsu, ông không thể làm gì hơn khác là nói với Philippus, anh của mình: Chúng ta đã tìm gặp được đấng Cứu Thế (Ga 1,41). Và Tông đồ Philippus sau khi được gặp Chúa Giêsu, cũng đã xử sự như vậy nói với Natanael rằng mình đã tìm gặp được Đấng mà Maisen và các Tiên Tri trước đây đã nói đến ( Ga 1,45).

Chúng ta loan truyền Chúa Giêsu không phải để thu gom nhiều bao nhiêu có thể cho Cộng đoàn chúng ta, và cũng không phải cách thế nào đó để bảo vệ giữ lại quyền lực. Chúng ta nói về Chúa Giêsu, vì chúng ta phải tiếp tục cho đi niềm vui, mà mình đã nhận được như món qùa tặng.

Người có sứ mạng loan truyền Chúa Giêsu với lòng xác tín chính là chúng ta, khi chúng ta trong sâu thẳm gặp gỡ được căn tính của chính bản thân mình, khi chúng ta gặp được Đấng trao chúng ta cảm nghiệm được món qùa tặng của sự chân thật, của tình yêu và niềm vui.“ ( Bene-dict XVI.)

Cha mẹ giáo dục dạy dỗ và rao truyền tiếp nối đức tin vào Chúa cho con cái mình trong gia đình, vì họ đã nhận được món qùa tặng niềm vui, tình yêu và sự chân thật từ Thiên Chúa. Đó là sự sống, hình thể thân xác của người con mình.

Họ làm công việc truyền nối tiếp lửa đức tin vào Chúa cho con cháu chính là loan truyền niềm vui tinh thần cho đời sống con cháu mình hôm nay và ngày mai.

Lễ khánh nhật truyền giáo Tháng 10.2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Chuỗi Mân Côi và đời con
Đinh Văn Tiến Hùng
09:59 25/10/2014
CHUỖI MÂN CÔI & Đời Con

Chuỗi Mân Côi : Chìa Khóa Mở Cửa Thiên Đàng

*Đầu con dù phủ tuyết sương,
Suốt đời Từ Mẫu vẫn thường bên con.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Lòng con yêu Mẹ sắt son đêm ngày.

Ngay từ lúc mớí sinh,
Trong đêm vắng một mình,
Ngồi bên con an giấc,
Mẹ nhè nhẹ lời Kinh.

Ngày tháng nằm trong nôi,
Con chưa hiểu được lời,
Tiếng Kinh ru ngày ấy,
Đem dấu ấn vào đời.

Tới khi con lớn lên,
Vọng tiếng chuông êm đềm,
Đôi chân chim nhỏ bé,
Theo mẹ buổi Kinh chiều.

Bước vào tuổi trưởng thành,
Theo đời để mưu sinh,
Con lên đường vội vã,
Trong lời Kinh độc hành.

Khi đến tuổi biết yêu,
Tâm hồn thấy cô liêu,
‘ Kính Mừng..’ nghe cô quạnh,
‘ Thánh Ma-ria-a ..’ ấm cúng nhiều.

Con khoác áo chiến chinh,
Giã từ tuổi thư sinh,
Quê Hương trùm khói lửa,
Vang dậy tiếng cầu Kinh.

Đeo ba-lô lên đàng,
Trong gói nhẹ hành trang,
Con mang theo ‘Hộ mệnh’,
Mân Côi Chuỗi Ngọc Vàng.

Ôi ! Cuộc sống đao binh !
Cận kề với tử sinh,
Con nguyện Kinh cầu khẩn,
Cho Đất Nước thanh bình.

Hạnh phúc đợi bấy lâu,
Năm tháng còn đọng sầu,
Cuộc đời còn gian khổ,
Giọt lệ nhỏ Kinh cầu.

Hoàng hôn gác đầu non,
Thân con đã mỏi mòn,
Dâng Lời Kinh ước nguyện,
Tổ Quốc và Hồn con.

*Đêm đêm ngồi lặng bên đèn,
Phù du cuộc sống bon chen với người,
Bao năm trôi nổi một đời,
Câu Kinh xám hối,nghẹn lời ăn năn .

Đinh văn Tiến Hùng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Độc Ẩm Thu
Nguyễn Đức Cung
14:53 25/10/2014
ĐỘC ẨM THU
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Áng thu sắc thắm nắng sau thềm
Trà sen một tách ngát hương thu.
(nđc)