Ngày 29-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/10: Ngày Sabbath – Ngày làm việc lành và tôn vinh Thiên Chúa - Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:16 29/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:35 29/10/2023

38. Hôn nhân phải chết và kết thúc, nhưng trinh khiết chính là nên chết và được vương miện của thắng lợi.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:41 29/10/2023
86. ĐẤT KHÔNG THỂ TẢI

Năm thứ nhất thời đông Tấn Nguyên Hưng, Hoàn Huyền từ Giang Lăng đánh vào thủ đô của Tấn là Kiến Đường, giết tư mã Nguyên Hiển, chuyên chế triều chính.

Năm sau bức An đế nhường ngôi, tự lập đời Tấn, quốc hiệu là Sở.

Một hôm, Hoàn Huyền đang ngủ trên giường, đột nhiên giường gãy rớt xuống đất. Thị trung (1) Đoàn Trung Văn đập đít ngựa nói:

- “Thánh đức thâm hậu, ngay cả đất cũng có chút ít gánh chịu không kém”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 86:

Khi nghe bề dưới khen quá cái thực tài của mình thì bề trên nên xét lại và đề phòng, vì đó vừa là lời nịnh vừa là lời “khen khơm”, là con dao hai lưỡi vừa đâm vừa đỡ của người nịnh.

Đã giết người lại còn soán ngôi người ta thì không thể là “thánh đức thâm hậu”, giường bị gãy rơi xuống đất thì chỉ có đau lưng chứ không thể khen đất gánh chịu, người nịnh hót lời lẽ luôn trơn tru như mỡ…heo.

Có một vài giáo dân khen cha sở trước mặt mọi người là “thánh đức thâm hậu”, làm cho cha sở đỏ mặt đỏ mày vì ngài thấy không xứng đáng với lời khen ấy, cho nên lời khen ngợi cũng phải “uốn lưỡi bảy lần” vậy.

Chúng ta chưa là thánh nên không thể là “thánh đức đầy mình”, nhưng chúng ta đang tập làm thánh ngay tại trần gian này, cho nên ngôn hành của chúng ta phải sao cho đúng với con người của mình là Ki-tô hữu.

Người ta thường vỗ tay khen hay chứ không vỗ đít ngựa khen hay, bởi vì đó là sự chế giễu; người Ki-tô hữu không cần vỗ tay khen hay nhưng vỗ ngực ăn năn sám hối khi người khác khen mình…

(1) Tên quan phục vụ bên cạnh nhà vua, được coi như là tiểu thừa tướng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đứng thẳng lên
Lm. Minh Anh
15:46 29/10/2023
ĐỨNG THẲNG LÊN

“Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa!”.

“Bán chó con”. Một cậu bé gõ cửa, “Cháu muốn một con!”. Chủ đáp, “25 đô la!”. Cậu bé bị nghiền nát, “Cháu chỉ có hai đô la rưỡi. Cháu có thể xem?”. “Tất nhiên!”. Mắt cậu bé rực sáng khi nhìn năm ‘quả bóng’ tuyệt vời. “Cháu nghe, có một con bị tật”; “Đúng, ‘cô ấy’ chắc tàn tật suốt đời!”; “Ôi, cháu muốn nó. Cháu trả góp!”. Im lặng. “Nhưng ‘cô ấy’ sẽ luôn đi khập khiễng”. Dũng cảm, cậu bé kéo ống chân lên, một cái nẹp, “Cháu cũng vậy!”. Trìu mến nhìn con vật, cậu nói, “Cô ấy cần nhiều tình yêu. Không dễ tàn tật như thế, ‘cô ấy’ sẽ đứng thẳng!”. “Đây, đưa đi! Tôi biết ‘cô ấy’ sẽ có một người bạn tốt. Quên tiền đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cô ấy sẽ đứng thẳng!”, nhưng không phải ‘cô cún’ tật nguyền của cậu bé tật nguyền, mà là một phụ nữ được Chúa Giêsu chữa lành qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Ngài chạm vào cô, khác nào chạm vào sự sống của cô; và cô đã có thể ‘đứng thẳng lên’.

Hẳn chắc, mỗi phép lạ Chúa Giêsu làm đều là một hành động của lòng thương xót; thế nhưng, câu chuyện “người con gái Abraham” còng lưng 18 năm này sẽ còn nhiều điều thú vị hơn thế. Nó mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc hơn chúng ta tưởng!

Với phép lạ này, dường như người phụ nữ đã không tìm kiếm một sự chữa lành nào. Thấy cô, trái tim Chúa Giêsu xem ra ngừng đập và Ngài nhất định ra tay dẫu đó là ngày Sabbat! Gần như tất cả các cuộc chữa lành của Ngài đều mang một ý nghĩa biểu tượng cho những đau khổ sâu sắc hơn mà cùng lúc con người phải chịu! Điếc, không thể nghe Lời và tiếng Thánh Thần; mù, không thể thấy sự hiện diện của Chúa; câm, không thể nói về Ngài và sứ điệp của Ngài; liệt, không thể làm những gì ân sủng thúc giục; hủi, bị cắt đứt hoặc tự cắt đứt các mối quan hệ; và quỷ ám, bị kìm kẹp bởi tội lỗi, nghiện ngập… Tất cả những thiểu năng thương tật ấy không cho chúng ta có khả năng ‘đứng thẳng lên!’.

Thông điệp thứ hai, sau khi được chạm đến, phụ nữ này đã ‘đứng thẳng lên’. Đây cũng là hình ảnh biểu tượng cho những gì được ân sủng chạm tới! Khi Thiên Chúa chạm ai, người ấy có thể đứng thẳng; họ tự tin bước đi như con trai, con gái của Ngài. Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác tín, “Chúng ta có thể kêu lên, ‘Abba, Cha ơi’. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng, chúng ta là con cái Thiên Chúa”; và mỗi người có thể nói, “Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ!”, như Thánh Vịnh đáp ca chúc khen.

Anh Chị em,

“Cô ấy sẽ đứng thẳng!”. Có một biểu tượng nhất định trong việc cô ấy phải còng lưng và không thể đứng thẳng. Về mặt tâm linh, đó không phải là vấn đề của bạn và tôi sao? Rất nhiều người trong chúng ta có thể đang co quắp với những gánh nặng triền miên trong cuộc sống. Một vết thương lòng, một tiếc xót, một tội lỗi của quá khứ… tất cả những điều đó có thể khiến chúng ta dị tật và không ‘đứng thẳng’. Chúa Giêsu không chỉ chạm đến, Ngài còn hôn lấy nó; không chỉ hôn lấy nó, Ngài còn ôm ấp; không chỉ ôm ấp, Ngài còn rước lấy thương tật của chúng ta đến nỗi chết trên thập giá. Hãy sấn tới Ngài, cố chạm vào Ngài; Ngài sẽ nhìn thấy chúng ta và biết chúng ta cần gì. Và hẳn Ngài cũng sẽ chữa lành để bạn và tôi có thể ‘đứng thẳng lên!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chỉ mình Chúa biết ‘tật nguyền’ của con; xin thương chạm đến nó, để con hết ‘còng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 31/10: Nước Thiên Chúa giống với cái gì? – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
23:58 29/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 Tháng Mười
Đặng Tự Do
18:53 29/10/2023
Chúa Nhật 29 Tháng Mười, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 30 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về điều răn lớn nhất (x. Mt 22:34-40). Một tiến sĩ luật hỏi Chúa Giêsu về điều này và Ngài trả lời bằng “điều răn vĩ đại của tình yêu”: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn (…) và (…) người lân cận như chính mình” (câu 37,39). Tình yêu Thiên Chúa và người lân cận không thể tách rời nhau. Vì vậy, chúng ta hãy tạm dừng một chút để suy ngẫm về điều này.

Điều thứ nhất: tình yêu dành cho Chúa đến trước hết nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, Ngài đón tiếp chúng ta bằng sự dịu dàng vô biên của Ngài (x. Ga 4,19), bằng sự gần gũi của Ngài, bằng lòng thương xót của Ngài, vì Ngài luôn ở gần, dịu dàng và nhân hậu. Một đứa bé học cách yêu thương trên đầu gối của mẹ và bố, còn chúng ta học điều đó trong vòng tay của Chúa. Thánh Vịnh nói: “Như đứa trẻ cai sữa trong vòng tay mẹ” (x. 131:2). Đây là cách chúng ta nên cảm thấy trong vòng tay của Chúa. Và ở đó, chúng ta thấm nhuần tình thương của Chúa; ở đó, chúng ta gặp được tình yêu thúc đẩy chúng ta hiến thân một cách quảng đại. Thánh Phaolô nhắc lại điều này khi ngài nói rằng đức ái của Chúa Kitô có một sức mạnh thúc đẩy tình yêu (x. 2 Cor 5:14). Và mọi sự đều bắt nguồn từ Ngài. Bạn không thể thực sự yêu thương người khác nếu bạn không có gốc rễ này, đó là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu dành cho Chúa Giêsu.

Và bây giờ là khía cạnh thứ hai nổi lên từ giới răn yêu thương. Nó kết nối tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân: nó có nghĩa là khi yêu thương anh chị em, chúng ta phản ánh tình yêu của Chúa Cha như những tấm gương. Để phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, đây chính là điểm mấu chốt – yêu mến Đấng mà chúng ta không nhìn thấy qua những anh chị em mà chúng ta nhìn thấy (x. 1 Ga 4:20). Một ngày nọ, Thánh Teresa Calcutta trả lời một nhà báo hỏi vị nữ tu có ảo tưởng về việc thay đổi thế giới mà vị nữ tu đang làm hay không: “Tôi không, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể thay đổi thế giới! Tôi chỉ muốn trở thành một giọt nước trong lành, qua đó tình yêu của Thiên Chúa có thể tỏa sáng” (Gặp gỡ các nhà báo sau khi nhận giải Nobel Hòa bình, Rôma, 1979). Đây là cách mà vị nữ tu, một người rất nhỏ bé, đã có thể làm được rất nhiều điều tốt lành – bằng cách phản ánh tình yêu của Thiên Chúa như một giọt nước. Và nếu đôi khi nhìn Mẹ và các vị thánh khác, chúng ta cảm động nghĩ rằng các ngài là những anh hùng không thể bắt chước, chúng ta hãy nghĩ lại về giọt nước nhỏ đó: tình yêu là một giọt nước có thể thay đổi nhiều thứ. Và làm thế nào điều này có thể được thực hiện? Thưa: Luôn luôn thực hiện bước đầu tiên. Đôi khi không dễ để thực hiện bước đầu tiên, quên đi mọi thứ…, hãy thực hiện bước đầu tiên – hãy làm điều đó. Đây là giọt nước – hãy thực hiện bước đầu tiên.

Vì vậy, anh chị em thân mến, khi nghĩ về tình yêu Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có biết ơn Chúa vì Người đã yêu thương tôi trước không? Tôi có cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và tôi có biết ơn Người không? Và tôi có cố gắng phản ảnh tình yêu của Ngài không? Tôi có cố gắng yêu thương anh chị em mình và thực hiện bước thứ hai này không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống giới răn cao cả về tình yêu thương trong cuộc sống hằng ngày: yêu thương và để Thiên Chúa yêu thương chúng ta, cũng như yêu thương anh chị em chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn tất cả những người – ở nhiều nơi và bằng nhiều cách khác nhau – đã hiệp nhất với ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối mà chúng ta đã trải qua vào Thứ Sáu tuần trước, cầu xin hòa bình cho thế giới. Chúng ta đừng dừng lại. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine, cũng như cho tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel, cũng như cho các khu vực đang có chiến tranh khác. Đặc biệt, ở Gaza, cầu mong không gian được mở ra để bảo đảm viện trợ nhân đạo, và cầu mong các con tin được thả ngay lập tức. Đừng ai từ bỏ khả năng vũ khí có thể bị im lặng - hãy có một lệnh ngừng bắn. Cha Ibrahim Faltas, người mà tôi đã nghe gần đây trên chương trình A Sua Immagine, Cha Ibrahim đã nói: “Hãy ngừng vũ khí! Hãy dừng tay lại! Cha ấy là một mục tử của Thánh Địa. Cùng với Cha Ibrahim, chúng ta cũng hãy nói: hãy chấm dứt vũ khí. Dừng lại đi các anh chị em! chiến tranh luôn là một thất bại - luôn luôn!

Tôi ở gần người dân ở khu vực Acapulco, Mễ Tây Cơ, bị một cơn bão rất mạnh tấn công. Tôi đang cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình họ và cho những người bị tổn hại nghiêm trọng. Xin Đức Trinh Nữ Guadalupe nâng đỡ con cái Mẹ trong cơn khó khăn này.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi xin chào cha mẹ của các “đứa trẻ trên Thiên Đàng” từ Torano Nuovo, các tín hữu đến từ Campana, nhóm ơn gọi “Talità Kum” từ giáo xứ Thánh Gioan Florentines ở Rôma, các bé trai và bé gái vừa được Thêm sức đến từ Slovenia và những người đến từ Gandosso, cũng như chuyến hành hương của các Con cháu Thánh Camillus và các Thừa tác viên Bệnh nhân.

Tôi hy vọng tất cả anh chị em tận hưởng ngày Chúa Nhật của mình. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
 
10 điều cần biết về chính sách tôn giáo của Trung Quốc
J.B. Đặng Minh An dịch
04:55 29/10/2023


Pew Research Center có bài tường trình nhan đề “10 things to know about China’s policies on religion”, nghĩa là “10 điều cần biết về chính sách tôn giáo của Trung Quốc”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã ban hành các quy định mới về hoạt động tôn giáo nhằm thắt chặt việc giám sát các giáo sĩ và giáo đoàn.

Các quy định này là một phần trong chiến lược lâu dài của bọn cầm quyền Trung Quốc nhằm gắn kết tôn giáo với chủ nghĩa cộng sản và bảo đảm lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tổ chức tán thành và thúc đẩy chủ nghĩa vô thần. Gần đây hơn, những quy định như vậy còn nhằm mục đích đưa tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc và với “Tư tưởng Tập Cận Bình”, và sự pha trộn giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hiến pháp Trung Quốc quy định người dân bình thường được hưởng “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” và bọn cầm quyền chính thức công nhận 5 tôn giáo: Phật giáo, Công Giáo, Hồi giáo, Tin lành và Đạo giáo (còn gọi là Lão giáo). Nhưng chính quyền kiểm soát chặt chẽ hoạt động tôn giáo. Trung Quốc được xếp hạng trong số các chính phủ hạn chế tôn giáo nhất thế giới hàng năm kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu theo dõi các hạn chế về tôn giáo vào năm 2007.

Dưới đây là 10 điều cần biết về cách bọn cầm quyền Trung Quốc quản lý tôn giáo, từ báo cáo gần đây của chúng tôi, “Chính sách tôn giáo ở Trung Quốc”.

Thứ nhất: Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Hán hóa” đòi hỏi các nhóm tôn giáo phải điều chỉnh học thuyết, phong tục và đạo đức của họ phù hợp với văn hóa Trung Quốc. Chiến dịch này đặc biệt ảnh hưởng đến cái gọi là tôn giáo “nước ngoài” – bao gồm Hồi giáo cũng như Công Giáo và Tin lành – là những tôn giáo được cho là cần phải ưu tiên các truyền thống Trung Quốc và thể hiện lòng trung thành với bọn cầm quyền.

Thứ hai: Hán hóa có nhiều hình thức khác nhau. Chính quyền đã dỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ Kitô Giáo và phá hủy mái vòm và tháp của các đền thờ Hồi giáo để khiến chúng trông giống Trung Quốc hơn. Các linh mục, mục sư Kitô Giáo và giáo sĩ Hồi Giáo được tường trình đã được yêu cầu tập trung vào các giáo lý tôn giáo phản ánh các giá trị xã hội chủ nghĩa. Bọn cầm quyền cũng có kế hoạch phát hành một phiên bản Kinh Qur'an có chú thích mới nhằm giúp các giáo lý Hồi giáo phù hợp với “văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Thứ ba: Các chính sách hạn chế của Trung Quốc đối với người Hồi giáo - đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương - đã được ghi nhận rộng rãi trong thập kỷ qua. Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc bắt người Duy Ngô Nhĩ phải chịu sự giam giữ, giám sát và tra tấn hàng loạt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mô tả các sự kiện ở Tân Cương là tội diệt chủng, cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Trung Quốc trong các trại giam được xây dựng đặc biệt. Người Duy Ngô Nhĩ chiếm 43% người Hồi giáo Trung Quốc.

Bọn cầm quyền Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc và nói rằng việc di dời, tập trung trong các trại và các biện pháp cưỡng bức khác là nhằm cải thiện cuộc sống của người Hồi giáo. Ví dụ, các quan chức Trung Quốc cho biết các trại ở Tân Cương cung cấp việc dạy nghề và chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Thứ tư: Kitô giáo ở Trung Quốc bị chi phối bởi một số bộ quy tắc. Người theo Kitô giáo được phép thờ phượng trong “các nhà thờ chính thức” đã ghi danh với các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giám sát đạo Tin lành và Công Giáo. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu từ chối sự giám sát này và muốn thờ phượng trong các nhà thờ hầm trú.

Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2013, bọn cầm quyền đã cấm truyền giáo trực tuyến, thắt chặt kiểm soát các hoạt động Kitô giáo bên ngoài các địa điểm đã ghi danh và đóng cửa các nhà thờ từ chối ghi danh. Nhà chức trách cũng đã bắt giữ các lãnh đạo giáo hội nổi tiếng và một số Kitô hữu được cho là đã bị giam giữ trong các trại tập trung.

Năm 2018, Vatican và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục nhằm giúp giảm bớt căng thẳng đối với người Công Giáo Trung Quốc – một thỏa thuận bị nhiều người chỉ trích. Kể từ đó, bọn cầm quyền Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực đưa các nhà thờ Công Giáo vào hệ thống chính thức và tăng cường áp lực đối với những người từ chối tham gia.

Thứ năm: Trung Quốc đối xử với Phật giáo - đặc biệt là Phật giáo Hán, nhánh phổ biến nhất trong nước - một cách khoan dung hơn so với Kitô giáo hay Hồi giáo. Tập thường xuyên ca ngợi Phật tử Hán vì đã tích hợp Nho giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng và thực hành truyền thống khác của Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc đã đàn áp Phật tử Tây Tạng. Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch “cải tạo chính trị” nhằm củng cố lòng trung thành với Tập Cận Bình và ngăn cản lòng trung thành với Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong. Hơn nữa, bọn cầm quyền Trung Quốc đã bị chỉ trích vì phá bỏ các di tích Phật giáo Tây Tạng, bao gồm các tu viện và tượng.

Thứ sáu: Tôn giáo dân gian và truyền thống tâm linh cổ xưa đóng một vai trò lớn ở Trung Quốc. Bọn cầm quyền khuyến khích một số hoạt động được coi là một phần di sản văn hóa của Trung Quốc và đã tài trợ cho việc trùng tu một số ngôi chùa tôn giáo dân gian. Người dân ở Trung Quốc được phép tôn kính nhà triết học Trung Quốc Khổng Tử và tham gia các lễ hội đền thờ nơi các vị thần dân gian được thờ phượng - ví dụ như Mazu, nữ thần biển cả. Chính quyền cũng đưa lễ hội Mazu đến với những tín hữu Đài Loan như một cách để đạt được lợi ích chính trị.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương quản lý các hoạt động tôn giáo dân gian để bảo đảm chúng phản ánh di sản văn hóa và được hướng dẫn bởi các giá trị xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 2015, chính quyền địa phương đã ghi danh các ngôi chùa có tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa, đồng thời nỗ lực đưa nhân viên và hoạt động của họ dưới sự giám sát của nhà nước. Ở một số tỉnh, những ngôi chùa mà chính quyền địa phương cho là không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa và xã hội đã bị phá bỏ hoặc đóng cửa hoặc chuyển thành cơ sở vật chất thế tục.

Thứ bẩy: Hoạt động tôn giáo nằm ngoài năm tôn giáo được chính thức công nhận và không được bọn cầm quyền chấp thuận như một hình thức di sản văn hóa thường bị chính quyền xếp vào loại “mê tín” hoặc “tà giáo”. Ví dụ, luật pháp Trung Quốc cấm phép thuật và ma thuật, và bọn cầm quyền phản đối các hoạt động tôn giáo dân gian bao gồm yếu tố mê tín như đốt pháo để xua đuổi tà ma.

Một số nhóm, bao gồm Pháp Luân Công, Giáo hội Thống nhất và Những đứa con của Chúa, bị coi là giáo phái và bị cấm. Bọn cầm quyền đã bị buộc tội bắt giữ các học viên Pháp Luân Công và tra tấn họ một cách có hệ thống, chẳng hạn như thu hoạch nội tạng.

Thứ tám: Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền khuyến khích chủ nghĩa vô thần và ngăn cản người dân thực hành tôn giáo. 281 triệu người Trung Quốc thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc các tổ chức thanh niên trực thuộc của nó chính thức bị cấm tham gia vào một loạt các hoạt động tâm linh.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn dung túng cho việc thỉnh thoảng tham gia vào các phong tục văn hóa. Ví dụ, việc thỉnh thoảng đi thăm chùa là điều có thể chấp nhận được. Nhưng việc viếng thăm các ngôi chùa trong tất cả các ngày tôn giáo quan trọng hoặc thường xuyên đi hỏi thầy bói có thể dẫn đến việc bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định có theo một tôn giáo hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo, mặc dù nhìn chung tỷ lệ này thấp hơn so với những người không phải đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ chín: Trẻ em dưới 18 tuổi bị hiến pháp cấm có bất kỳ liên kết tôn giáo chính thức nào ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có lệnh cấm giáo dục tôn giáo, bao gồm các trường học Chúa Nhật, trại hè tôn giáo và các hình thức nhóm tôn giáo thanh thiếu niên khác. Các trường học tập trung vào việc thúc đẩy việc phi tôn giáo và chủ nghĩa vô thần, và nhiều trẻ em tham gia các nhóm thanh niên trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi các em phải cam kết theo chủ nghĩa vô thần.

Thứ mười: Thái độ của Trung Quốc đối với tôn giáo bắt nguồn từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu đã lên án tôn giáo có liên quan đến “chủ nghĩa đế quốc văn hóa nước ngoài”, “chế độ phong kiến” và “mê tín”, đồng thời đàn áp các nhóm tôn giáo trên diện rộng. Trong Cách mạng Văn hóa (1966-76), Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông thề sẽ loại bỏ “mọi thứ cũ bao gồm tư tưởng cũ, phong tục cũ và thói quen cũ”, và Hồng vệ binh đã tấn công hoặc phá hủy nhiều đền chùa, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo.


Source:pewresearch.org
 
Bài Giảng Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh lễ Kết Thúc Phiên họp Đầu Tiên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị
Vũ Văn An
14:23 29/10/2023

Lúc 10 giờ, Chúa Nhật 29 tháng 10 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ Chúa Nhật XXX Thường Niên, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, để kết thúc Phiên Họp thứ nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng Nghị.

Theo CNA, có khoảng 5,000 người tham dự Thánh Lễ này. Trong bài giảng, Đức Phanxicô cám ơn các Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ, và giáo dân khắp thế giới đã du hành tới Rôma để tham dự Thượng Hội Đồng: “Khi bày tỏ lòng cảm ơn của tôi, tôi cũng muốn dâng lên lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta: Xin cho chúng ta lớn lên trong việc thờ phượng Thiên Chúa và trong việc phục vụ người lân cận của chúng ta. Thờ phượng và phục vụ. Xin Chúa đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy tiến lên một cách hân hoan”.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:



Một luật sĩ đến gặp Chúa Giêsu với lý do để thử Người. Tuy nhiên, câu hỏi ông đặt ra là một câu hỏi quan trọng và lâu dài, đôi khi nảy sinh trong tâm hồn chúng ta và trong đời sống của Giáo hội: “Điều răn nào trong luật là lớn nhất?” (Mt 22:36). Cả chúng ta nữa, khi đắm mình trong dòng chảy sống động của Truyền Thống, cũng có thể hỏi: “Điều quan trọng nhất là gì? Đâu là động lực?” Điều gì quan trọng đến mức trở thành nguyên tắc chỉ đạo mọi sự? Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đây là điều răn lớn nhất và đầu tiên. Và điều thứ hai cũng giống như vậy: Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Mt 22:37-39).

Thưa các Hồng Y, Giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ, anh chị em thân mến, khi kết thúc giai đoạn này của cuộc hành trình, điều quan trọng là phải nhìn vào “nguyên tắc và nền tảng” từ đó mọi sự bắt đầu lại: bằng tình yêu. Mến Chúa bằng cả cuộc đời và yêu người lân cận như chính mình. Không phải những chiến lược của chúng ta, những toan tính của con người, những đường lối của thế giới, nhưng là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân: đó là tâm điểm của mọi sự. Và làm thế nào chúng ta có thể truyền tải động lực yêu thương này? Tôi xin đề nghị hai động từ, hai chuyển động của con tim mà tôi muốn suy gẫm: tôn thờ phục vụ. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa qua việc tôn thờ và phục vụ.

Động từ đầu tiên, tôn thờ. Yêu mến là tôn thờ. Tôn thờ là phản ứng đầu tiên chúng ta có thể dâng lên cho tình yêu nhưng không và đáng thán phục của Thiên Chúa. Sự thán phục của việc tôn thờ, sự kỳ diệu của việc tôn thờ, là điều thiết yếu trong đời sống Giáo hội, đặc biệt trong thời đại chúng ta, khi chúng ta đã từ bỏ việc thực hành tôn thờ. Thờ phượng Thiên Chúa có nghĩa là thừa nhận trong đức tin rằng chỉ một mình Người là Chúa và cuộc sống cá nhân của chúng ta, con đường lữ hành của Giáo hội và kết quả cuối cùng của lịch sử, tất cả đều phụ thuộc vào sự dịu dàng của tình yêu của Người. Người ban ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Khi thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta được tự do. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh thường xuyên liên kết tình yêu Chúa với cuộc chiến chống lại mọi hình thức thờ ngẫu tượng. Những người thờ phượng Chúa từ chối ngẫu tượng vì trong khi Chúa giải phóng thì ngẫu tượng lại nô dịch. Các ngẫu tượng lừa dối chúng ta và không bao giờ thực hiện được những gì chúng hứa hẹn, bởi vì chúng là “công việc của bàn tay loài người” (Tv 115:4). Kinh thánh không kho-an nhượng đối với việc thờ ngẫu tượng, bởi vì các ngẫu tượng được con người tạo ra và thao túng, trong khi Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống, thì hiện diện và siêu việt; Người là Đấng “không phải như những gì tôi tưởng tượng về Người, Đấng không phụ thuộc vào những gì tôi mong đợi ở Người và do đó có thể làm đảo lộn những kỳ vọng của tôi, chính vì Người sống động. Bằng chứng cho thấy không phải lúc nào chúng ta cũng có quan niệm đúng về Thiên Chúa là đôi khi chúng ta thất vọng: Chúng ta nghĩ: ‘Tôi đã mong đợi một điều, tôi đã tưởng tượng rằng Chúa sẽ hành xử như thế này, nhưng thay vào đó tôi đã sai’. Nhưng bằng cách này, chúng ta quay trở lại con đường thờ ngẫu tượng, muốn Chúa hành động theo hình ảnh mà chúng ta có về Người” (C.M. Martini, I grandi della Bibbia. Esercizi Spirituali con l'Antico Testamento, Florence, 2022, 826 -827). Chúng ta luôn có nguy cơ nghĩ rằng chúng ta có thể “kiểm soát Thiên Chúa”, chúng ta có thể giới hạn tình yêu của Người trong nghị trình riêng của chúng ta. Thay vào đó, cách Người hành động luôn không thể đoán trước được, nó vượt quá suy nghĩ của chúng ta, và do đó, cách hành động của Thiên Chúa đòi hỏi sự thán phục và tôn thờ. Sự thán phục là điều rất quan trọng!

Chúng ta phải liên tục đấu tranh chống lại mọi hình thức thờ ngẫu tượng; không chỉ những thứ trần tục, vốn thường xuất phát từ thói kiêu ngạo, chẳng hạn như ham muốn thành công, ích kỷ, tham tiền – chúng ta đừng quên rằng ma quỷ xâm nhập “qua các chiếc túi”, những quyến rũ của chủ nghĩa duy nghiệp; nhưng cũng có những hình thức thờ ngẫu tượng được ngụy trang dưới dạng linh đạo - linh đạo của chính tôi: các ý tưởng tôn giáo của riêng tôi, các kỹ năng mục vụ của chính tôi... Chúng ta hãy cảnh giác, kẻo chúng ta thấy chúng ta đang đặt mình vào trung tâm hơn là Người. Và chúng ta hãy trở lại việc thờ phượng. Chớ gì việc thờ phượng là trọng tâm đối với những mục tử trong chúng ta: chúng ta hãy dành thời gian mỗi ngày để thân mật với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, tôn thờ Người trong Nhà Tạm. Mong sao Giáo Hội tôn thờ: trong mọi giáo phận, mọi giáo xứ, mọi cộng đoàn, chúng ta hãy tôn thờ Chúa! Chỉ bằng cách này chúng ta mới hướng về Chúa Giêsu chứ không hướng về chính mình. Vì chỉ qua việc tôn thờ thầm lặng, Lời Chúa mới sống động trong lời nói của chúng ta; chỉ trước sự hiện diện của Người, chúng ta mới được thanh tẩy, biến đổi và đổi mới bởi ngọn lửa Thánh Thần của Người. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu!

Động từ thứ hai là phục vụ. Yêu mến là phục vụ. Trong giới răn lớn, Chúa Kitô gắn kết Thiên Chúa và tha nhân với nhau để họ không bao giờ bị tách rời. Không thể có kinh nghiệm tôn giáo thực sự nào mà lại điếc tai trước tiếng kêu của thế giới. Không có tình yêu Thiên Chúa nếu không quan tâm và chăm sóc người lân cận; nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành người Pharisiêu. Chúng ta có thể có rất nhiều ý tưởng hay về cách cải cách Giáo hội, nhưng chúng ta hãy nhớ: tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta bằng tình yêu của Người, đó là một cuộc cải cách vĩ đại và lâu dài. Trở thành một Giáo hội thờ phượng và một Giáo hội phục vụ, rửa chân cho nhân loại bị thương tích, đồng hành với những người yếu ớt, yếu đuối và bị gạt sang một bên, ra đi trong yêu thương để gặp gỡ người nghèo. Chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa đã truyền lệnh này như thế nào.

Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến các nạn nhân của sự tàn bạo của chiến tranh; những đau khổ của những người di cư, nỗi đau giấu ẩn của những người sống một mình và trong cảnh nghèo khó; những người bị đè bẹp bởi những gánh nặng của cuộc sống; những người không còn nước mắt để rơi, những người không có tiếng nói. Và tôi cũng nghĩ đến việc thường xuyên, đằng sau những lời nói hoa mỹ và những lời hứa hấp dẫn, người ta bị lợi dụng hoặc không làm gì để ngăn chặn điều đó xảy ra. Khai thác những người dễ bị tổn thương là một tội nặng, một tội nặng làm xói mòn tình huynh đệ và tàn phá xã hội. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta mong muốn mang đến cho thế giới một loại men khác, đó là men Tin Mừng. Đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và cùng với Người, những người được Người đặc biệt yêu thương: những người nghèo và người yếu đuối.

Thưa anh chị em, đây chính là Giáo Hội mà chúng ta được mời gọi “ước mơ”: một Giáo Hội phục vụ mọi người, phục vụ những người hèn mọn nhất trong số anh chị em của chúng ta. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi phải chứng thực “hành vi tốt”, nhưng luôn chào đón, phục vụ, yêu thương và tha thứ. Một Giáo Hội với những cánh cửa rộng mở là nơi trú ẩn của lòng thương xót. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Người có lòng thương xót là bến đỗ cho những người đang cần giúp đỡ; và bến cảng tiếp nhận tất cả những người đang thoát khỏi vụ đắm tàu, và giải thoát họ khỏi nguy hiểm, dù họ là người xấu hay người tốt; bất kể họ là loại người nào đang gặp nguy hiểm, nó sẽ tiếp nhận họ vào nơi trú ẩn của nó. Bạn cũng vậy, khi bạn nhìn thấy một người đàn ông bị đắm tàu trên đất liền vì nghèo khó, đừng ngồi phán xét anh ta, cũng không yêu cầu giải thích, mà hãy xoa dịu nỗi đau khổ của anh ta. (Trong Pauperem Lazarum, II, 5).

Thưa anh chị em, Phiên họp Toàn Thể của Thượng Hội đồng đã kết thúc. Trong “cuộc đàm luận của Thánh Thần” này, chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Chúa và khám phá ra vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và trên hết, trong những nền tảng và mối quan tâm phong phú khác nhau, chúng ta đã lắng nghe Chúa Thánh Thần. Ngày nay chúng ta không nhìn thấy thành quả đầy đủ của quá trình này, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, chúng ta nhìn về chân trời mở ra trước mắt. Chúa sẽ hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta trở thành một Giáo hội có tính đồng nghị và truyền giáo hơn, một Giáo hội tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ những người nữ cũng như nam trong thời đại chúng ta, tiến bước để mang đến cho mọi người niềm vui an ủi của Tin Mừng.

Thưa anh chị em, tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã làm trong Thượng Hội đồng và vì tất cả những gì anh chị em tiếp tục làm. Cảm ơn anh chị em vì cuộc hành trình chúng ta đã cùng nhau thực hiện, vì sự lắng nghe và đối thoại của anh chị em. Để bày tỏ lòng biết ơn của tôi, tôi cũng muốn dâng lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta: chớ gì chúng ta lớn lên trong việc thờ phượng Thiên Chúa và trong việc phục vụ tha nhân. Để tôn thờ và phục vụ. Xin Chúa đồng hành cùng chúng ta. Chúng ta hãy tiến lên một cách hân hoan!
 
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ngừng bắn ở Thánh địa
Thanh Quảng sdb
15:50 29/10/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ngừng bắn ở Thánh địa

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho việc chấm dứt bạo lực ở Thánh địa, đặc biệt là ở giải Gaza, nơi một thảm họa nhân đạo đã và đang xảy ra, cũng như việc giải phóng các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Phát biểu trong buổi triều yết đọc kinh “Truyển Tin” vào trưa Chúa nhật 29/10/2023 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người “tiếp tục cầu nguyện… cho tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel”. Đặc biệt, ngài yêu cầu cho viện trợ nhân đạo được phép vào giải Gaza và tất cả các con tin đều được giải thoát! Ngài cũng kêu gọi một cuộc ngừng bắn ngay lập tức ở Thánh địa.

Cha Faltas tại Thánh địa cho hay: Đức Thánh Cha Phanxicô, là nhà lãnh đạo duy nhất kêu gọi ngừng bắn. Tình hình ở giải Gaza đã trở nên căng thẳng trong vài ngày qua. Hơn 7.200 người được xác nhận đã chết kể từ ngày 7 tháng 10, sau khi Hamas thực hiện một cuộc tấn công đẫm máu vào Israel, quốc gia này đáp trả bằng các cuộc ném bom và càn quyét trên bộ.

Đức Thánh Cha dẫn lời Cha Ibrahim Faltas, cha sở dòng Phanxicô người Ai Cập đang làm việc tại Thánh địa ở Jerusalem, người gần đây đã phát biểu trên chương trình truyền hình Ý A Sua Immagine. Tôi lắng nghe ĐTC và ngài hô lớn “Hãy ngừng bắn, ngừng bắn tức khắc”.

“Chúng ta cũng vậy, giống như Cha Ibrahim, hãy giống lên tiếng nói ngừng bắn”, Đức Thánh Cha còn nói “hãy dừng lại đi, anh chị em: chiến tranh luôn là một thảm bại - luôn luôn và luôn luôn!”
 
Văn Hóa
Một Trăm Lẻ Một Câu Hỏi Về Chúa Giêsu, Các Câu 96-101
Vũ Văn An
17:55 29/10/2023



Câu hỏi 96: Tại sao hiện có quá nhiều chia rẽ bên trong Kitô giáo?

Cũng như với các quan điểm khác nhau về Chúa Giêsu, chắc chắn có chỗ bên trong Kitô giáo cho tính đa nguyên hợp pháp (xem câu hỏi 7). Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa tính đa nguyên lành mạnh và các khác biệt không thể nào hòa giải. Ngay từ lúc bắt đầu của thời đại Kinh Thánh, đã có các cộng đồng khác nhau với các viễn ảnh văn hóa, ngôn ngữ, và thần học đa dạng. Cùng một lúc, người ta thấy Giáo Hội tiên khởi chật vật với vấn đề tự định nghĩa về chính mình nghĩa là điều gì hôp nhất chúng ta như một cộng đồng đức tin và điều gì phân cách hay cắt rời một ai đó khỏi cộng đồng này. Thánh Phaolô nói một cách nhấn mạnh: “Như tôi đã nói, và nay tôi xin nói lại: nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 1:9). Tác giả thư 1 Gioan, khi cố gắng cứu Tin Mừng Gioan cho Giáo Hội chính thống, đã kêu gọi cộng đồng “cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không... Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi” (1Ga 4:1-3). Mátthêu khẳng định quyền lực của cộng đồng đức tin được buộc hay tha trong các vấn đề cả tín lý lẫn kỷ luật.

Việc giải thích của cộng đồng về đức tin là một diễn trình liên tục như toàn bộ lịch sử của Giáo Hội đã chứng thực. Bi thảm thay, thường vì các lý do chính trị và kinh tế nhiều hơn là vì các lý do thần học đúng nghĩa, các chia rẽ làm tan nát cõi lòng vẫn đã xẩy ra. Các chia rẽ chính là giữa người Chính Thống Giáo Đông Phương và người Công Giáo Rôma năm 1054 và giữa người Công Giáo Rôma và người Thệ Phản năm 1517. Công đồng Vatican II (1962-1965) cuối cùng đã nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều có tội và xa lìa vinh quang Thiên Chúa, chúng ta phải tìm lại sự hợp nhất mọi Kitô hữu, điều mà Chúa Giêsu vốn đã cầu xin cho có (Ga 17:20-21). Nhiệm vụ của phong trào đại kết không phải là giả vờ coi như lịch sử này chưa bao giờ diễn ra và đơn sơ hy vọng rằng chúng ta có thể trở về với một hoàng kim thời đại trước đây. Mọi Kitô hữu phải thừa nhận và tôn trọng lịch sử và truyền thống đặc thù của mỗi tín phái. Cùng một lúc, chúng ta phải thắng vượt tính hay chia rẽ của quá khứ (thường dựa vào các thiên kiến cho thấy chúng ta dễ xúc cảm và nói năng hoa mỹ hơn trong sự kiện) và tìm kiếm sự hợp nhất cao hơn trong Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta vốn có do phép rửa của chúng ta (Gl 3:28).

Câu hỏi 97: Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, khoa học. Chúa Giêsu có điều gì để nói với thời đại khao học không?

Khoa học tìm cách giải thích vũ trụ vật lý của chúng ta qua các mô hình giả thiết và, nếu có tính thực tế, áp dụng kiến thức đó một cách có thể khai thác năng lực và sức mạnh của vật chất phục vụ thiện ích của con người. Các thiện ích của khoa học thì mênh mông và tôn giáo chỉ có thể ca ngợi thiên tài sáng tạo của các khoa học gia như là ơn phúc từ Thiên Chúa. Bất chấp các tranh chấp quá khứ, thường dựa trên ngu dốt và sợ hãi, không nên có bất cứ thù nghịch nào giữa khoa học và tôn giáo. Chúng đơn giản chỉ chuyển dịch trên các bình diện khác nhau mà thôi, nhưng cả hai đều nhằm làm cho thế giới nên nhân bản hơn.

Một quan tâm chung của cả khoa học lẫn tôn giáo ngày nay là sinh thái. Tưởng tượng trái đất như mẹ và bầu trời như cha là một ẩn dụ tôn giáo có thể lội cuốn hay không đối với tâm trí con người hiện đạiNhưng, không giống như quan điểm máy móc về vũ trụ do Newton đề xướng, Các khoa học gia ngày nay ngày càng thừa nhận hơn rằng vũ trụ là một cơ thể sinh động và sôi nổi trong đó mọi thành phần đều nối kết với nhau và do đó gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi mọi thành phần khác. Phong trào duy nữ và sinh thái, cả hai phát xuất từ các quan tâm tôn giáo, nhấn mạnh tới tính nối kết, các mối tương quan, việc chăm sóc và quan tâm nuôi dưỡng người khác, cảm thức trách nhiệm xã hội, những điều ngày càng lên đặc điểm cho thời đại ta.

Chúa Giêsu là một con người của thời đại Người và do đó bị giới hạn bởi kiến thức khoa học của thời đại của Người. Nhưng Người quả mang vào ý thức nhân bản một cảm thức về mầu nhiệm thần linh tại tâm điểm vạn vật, một mầu nhiệm thần linh vốn có tính tương quan và yêu thương, khẳng định và lên sinh lực mà không hề có tính cạnh tranh hay cưỡng chế. Điều Chúa Giêsu muốn nói với các khoa học gia chỉ là thế này: đừng trở thành tác nhân của tha hóa, thống trị, cưỡng chế và cạnh tranh. Một phương thức như thế có thể đem lại cho các anh các chiến thắng ngắn hạn trong nghệ thuật thao túng nhưng nó sẽ không bao giờ dẫn các anh vào việc hiểu biết và đánh giá cao mầu nhiệm là vũ trụ vật lý của chúng ta.

Câu hỏi 98: Mỗi Chúa nhật, chúng ta đều đọc: “Chúng tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Điều này có nghĩa gì?

Câu này lấy từ “Kinh Tin kính Nixêa”, vốn thực sự được lên công thức tại Công đồng Constantinốp lần thứ nhất năm 381. Công đồng sử dụng ngôn ngữ khải huyền của Kinh Thánh. Việc phục sinh của Chúa Giêsu là một biến cố khải huyền (xem câu hỏi 71). Trong tư cách ấy, nó biểu thị tận cùng của lịch sử và phán xét cuối cùng; thế nhưng lịch sử vẫn tiếp tục. Người Biệt phái, và nhiều người khác, có chung một loại trông đợi nào đó về sự phục sinh phổ quát vào ngày tận cùng thời gian. Điều độc đáo đối với đức tin Kitô giáo là chủ trương cho rằng con người Giêsu này đã trỗi dậy một cách dự ứng trước ngày tận cùng. Nơi Chúa Giêsu, dự định thần linh đã được mạc khải, thế nhưng niềm hy vọng của chúng ta là cả chúng ta nữa cũng sẽ được trỗi dậy trong Người (Rm 6:5-11). Như thế, “kẻ chết sống lại” như biến đổi sau cùng của mọi sự trong Chúa Kitô vẫn còn cần phải diễn ra. Bao hàm toàn bộ lịch sử, nó sẽ thực sự là tận cùng của lịch sử như chúng ta biết nó.

Nên lưu ý rằng việc biến đổi này trải dài toàn bộ sáng thế. Như J. Moltmann từng chỉ rõ, không những lịch sử nhân bản mà cả biến hóa cũng có các nạn nhân của nó. Điều này có nghĩa: việc Chúa Giêsu đến vào ngày tận thế sẽ biểu thị ơn cứu chuộc không những cho con người mà còn cho cả biến hóa nữa. Đó là lý do tại sao, ẩn dụ phục sinh hết sức quan trọng. Hình ảnh này vươn xa để bao gồm toàn bộ vũ trụ vật lý trong mọi biểu hiện của nó từ viên đá đơn giản nhất tới những thuần thần tinh tế nhất. “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:22-23). Hình ảnh sinh nở thích đáng xiết bao. “Sự sống đời sau” sẽ bao gồm mọi con cái từ mẹ đất sinh ra: “Hoa trái đầu mùa” là Chúa Giêsu Kitô, rồi đếnnnhững kẻ thuộc về Người (1Cr 15:23), những kẻ có “hoa trái đầu mùa của Thần Khí”, rồi đến toàn bộ sáng thế để cuối cùng “Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (1Cr 15:28). Chúng ta phải tưởng tượng đời sau này ra sao? Chắc chắn không như một nơi hoàn toàn khác, thuộc thế giới khác, xa lạ, không một chút nối kết nào với trái đất này! Đúng hơn, nó sẽ là thế giới này, cũng một thế giới này, nhưng đã được biến đổi bởi quyền năng đầy sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa thành hợp nhất với sự sống thân linh, một toàn bộ toàn vẹn, thành sự sống đời đời nơi sự chết không còn bất cứ quyền lực nào nữa. Đó chính là điều phục sinh muốn nói (xem câu hỏi 68).

Câu hỏi 99: Còn về hoả ngục? Há Chúa Giêsu chẳng nói rằng những kẻ làm điều dữ sẽ bị ném vào lửa nơi khóc lóc và nghiến răng sao?

Đã có một ám chỉ như thế trong giải thích của Mátthêu về dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13:36-43). Lửa là một hình ảnh quen thuộc của Kinh Thánh về phán xét (thí dự Mc 9:42-48; Mt 3:10-12; 7:19). Hình ảnh này phát xuất từ lửa phán xét bừng cháy trong thung lũng Hinnom (Grm 7:32; 19:6; Is 66:24) được gọi là “Gehenna” trong Tân Ước. Cựu ước cũng nhắc đến “sheol”, thế giới tối tăm của người chết. Điều mà các tiên tri, thánh Gioan Tẩy giả, và Chúa Giêsu muốn truyền tải bằng hình ảnh này là: tầm quan trọng tối cao của quyết định nhân bản cả cho đời này lẫn cho đời sau. Nó không phải là vấn đề Thiên Chúa trả thù hay trừng phạt võ đoán. Đúng hơn, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta có ý chí tự do và tôn trọng các hậu quả của các chọn lựa của chúng ta, dù cho các lựa chọn này bao gồm việc chúng ta quay lưng khỏi vị Thiên Chúa vốn là nguồn sống duy nhất này.

Giáo Hội vốn định tín rằng có hỏa ngục, nhưng quả là vô ích khi suy đoán nó ra sao hay nó ở đâu và liệu có ai ở trong nó hay không. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện các phán đoán này. Tuy nhiên, để tưởng tượng hỏa ngục, ta chỉ cần nhìn các thứ hỏa ngục do con người tạo ra qua chiến tranh, hận thù sắc tộc, tra tấn, tàn sát, bỏ đói hàng loạt v.v... trong thế giới ngày nay. Điều quan trọng trong tín lý của Giáo Hội về hỏa ngục không phải là khả năng của chúng ta tưởng tượng ra các hành khổ cực kỳ về thể lý kéo dài mãi mãi, nhưng là cảm thức được sự mất mát khôn tả sẽ xẩy ra nếu chúng ta tự làm cho mình, qua các lựa chọn của mình, thành đời đời mất khả năng trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Chính sự nồng ấm sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa và việc chúng ta mất khả năng đáp ứng tình yêu này sẽ đời đời hành hạ chúng ta. Tất cả những điều này muốn nói: Thiên Chúa coi trọng những điều chúng ta làm, việc chúng ta đáp ứng ra sao đối với các sáng kiến thần linh có tạo ra sự khác biệt đối với việc tạo hình dạng cho đời sau. Đây là một vị Thiên Chúa đối thoại, Đấng muốn chúng ta trở thành các hữu thể nhân bản trọn vẹn và tự do mãi mãi sống bên trong vòng tình yêu thần linh, nhưng là Đấng tôn trọng tự do bản vị của chúng ta coi nó như thánh thiêng và bất khả xâm phạm.

Câu hỏi 100: Việc tái lâm của Chúa Giêsu sẽ ra sao?

Điều xem ra rõ ràng là các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi có một trông đợi rất mạnh Chúa Giêsu sẽ trở lại bất cứ lúc nào như Con Người. Thánh Phaolô thậm chí xem ra còn iả định rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong sinh thời của một số người ngài viết thư cho (1Tx 4:13-5:11; 1Cr 15:50-52). Thế nhưng, Người cũng sẽ trở lại khi người ta ít ngờ nhất “như một tên trộm vào ban đêm” (1Tx 5:2; Mt 24:43-44), nên điều tốt hơn hết mà chúng ta có thể làm là sẵn sàng. Đây là điểm chính trong các diễn từ khải huyền của các Tin Mừng nhất lãm (Mc 13:1-37 các song hành). Gioan cho thấy ít cảm thức khẩn trương hơn, vì những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô thì đã đang trải nghiệm được sự sống đời đời rồi. Thế nhưng, Sách Khải huyền, vốn phát xuất từ cộng đồng Gioan, kết thúc với hoài mong của mọi Kitô hữu: “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22:20).

Hình ảnh Con Người đến trong đám mây đầy quyền năng và vinh quang (Mc 13:26 song hành) nhằm mục đích nói rằng khi thời khắc cuối cùng tới không ai không thấy hay tránh khỏi nó. Đó là thời khắc phán xét cuối cùng và dứt khoát. Nhưng chúng ta có thể làm gì đối với sự kiện cả hai ngàn năm sau, chúng ta vẫn còn phải chờ thời khắc đó? Người ta chỉ có thể suy đoán. Nhưng nếu chúng ta coi trọng sự kiện Chúa Giêsu đã thất bại trong sứ mệnh trần thế của Người và do đó, chúng ta tiếp tục sống dưới dấu thập gía, thì có lẽ ý định sáng tạo của Thiên Chúa để biến đổi thế giới bao gồm việc hủy diệt “mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần”, “mọi kẻ thù của Người”, mà kẻ thù cuối cùng là sự chết, đơn giản chỉ cần nhiều thời gian và không gian hơn mà thôi. Luca xem ra cảm thức được sự kiện chúng ta đang ở trong trạng huốn này lâu dài hơn tưởng tượng lúc ban đầu: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:7). Chúng ta vẫn phải tín thác vào sựquan phòng của Thiên Chúa (xem câu hỏi 64). Niềm hy vọng của chúng ta vẫn còn đó như đã được thánh Phaolô mô tả cách đẹp đẽ: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3:20-21). Amen, Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!

Câu hỏi 101: Cha nghĩ điều gì sẽ diễn ra nếu Chúa Giêsu tái lâm ngày hôm nay?

Tôi nghĩ Người có thể hỏi cùng câu hỏi Người đã hỏi các môn đệ đầu tiên của Người ở Xêdarê Philípphê “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8:29 song hành). Phân tích đến cùng, không phải nhiều câu hỏi chúng ta hỏi Chúa Giêsu quan trọng cho bằng câu hỏi chủ yếu Người hỏi chúng ta. Và chúng ta trả lời ra sao? Thậm chí chúng ta bắt đầu trả lời ra sao nếu chúng ta không vác lấy thập giá của chúng ta và lên đường theo chân Người? Điều Máccô dạy chúng ta là: sẽ không thể có câu trả lời cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai cũng như chúng ta là ai trong tư cách môn đệ, nếu chúng ta không cảm nghiệm được việc Người chết ra sao (Mc 15:39). Phêrô từng tuyên bố rằng ngài thà chết còn hơn bác bỏ Người (Mc 14:27-31), nhưng ngài đã bác bỏ Người. Thế nhưng, nghịch lý và mầu nhiệm sự sống là những người chết lại là những người mang lại nhiều hoa trái (Ga 12:24-26). Sau cùng, điều đáng kể là làm theo thánh ý Chúa Cha bằng cách lên đường theo chân Chúa Giêsu trong quyền năng Chúa Thánh Thần của sự thật và sự sống.

Giải thích một số từ ngữ

Xin lưu ý: Các ngoặc đơn chỉ nơi từ ngữ xuất hiện lần đầu tiên

Các công đồng (Dẫn nhập): dựa trên mô hình cuộc gặp gỡ của Phêrô và Phaolô với các nhà lãnh đạo cộng đồng Giêrusalem ở Cv 15 và vào nhu cầu ngày càng lớn của các cộng đồng địa phương do các Giám Mục dẫn dắt phải khai triển các mối liên kết với các cộng địa phương khác, các tham khảo của các Giám Mục tụ họp với nhau và bao gồm sự tham dự của giáo dân đã bắt đầu vào năm 175 và phát triển thành các công đồng “chung” hay toàn thế giới thời Constantinô năm 325. Các công đồng chung được các hoàng đế triệu tập và các sắc lệnh của chúng, cả tín lý lẫn kỷ luật, có hiệu lực phổ quát. Bẩy công đồng đầu tiên từ Nixêa I (325) tới Nixêa II (787) thẩy đều bàn tới các vấn đề chính của Kitô học.

Các Giáo phụ (Dẫn nhập): thường được nhắc đến như là thời kỳ “giáo phụ”, bao gồm các trước tác của các tác giả Kitô giáo hậu Tân Ước từ thời Thánh Inhaxiô thành Antôkia (qua đời năm 110) đến Thánh Gioan Đamátcô (qua đời năm 749).Đây cũng là thời kỳ của bẩy công đồng chung đầu tiên (xem trên).

Các kinh tin kính (Dẫn nhập): các công thức được chính thức công nhận về đức tin Kitô giáo. Chúng có thể ngắn như công thức của Tân Ước: “Đức Giêsu là Chúa!” hoặc dài như Kinh Tin Kính Nixêa đọc hàng tuần trong các nhà thờ.

Cánh chung học (câu hỏi 70): phát xuất từ chữ Hy Lạp, chỉ chung cuộc (eschaton) và học hỏi (logos), đây là môn học về ý định cuối cùng của Thiên Chúa đối với toàn bộ sáng thế và nhất là đối với con người. Phục sinh đôi khi được gọi là biến cố “cánh chung” hay “khải huyền” do việc dự ứng sự tái lâm của Chúa Kitô và việc xử lý sau cùng đối với mọi sự.

Cứu thế học (câu hỏi 77): từ chữ Hy Lạp chỉ sự cứu rỗi (sōteria) và học hỏi (logos), đây là việc nghiên cứu ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi hay giải phóng sáng thế. Việc này chủ yếu được mạc khải trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (câu hỏi 75), dù không hoàn toàn như vậy. Kitô học và cứu thế học, tức là việc Chúa Giêsu là ai và Người đã hoàn tất những gì, có liên hệ hết sức gắn bó với nhau.

Khải huyền (Câu hỏi 33) do chữ Hy Lạp chỉ mạc khải (apocalypsis), thường để chỉ loại văn chương phổ biến nơi cả người Do Thái lẫn Kitô hữu trong khoảng từ năm 200 TCN tới năm 200 CN. Cuốn cuối cùng của Tân Ước, vốn đặc trưng cho loại văn chương này, có tên là Khải Huyền hay Mạc Khải cho Gioan. Viết trong thời bách hại, loại văn chương này dùng ngôn từ và hình ảnh che đậy hay có tính biểu tượng để mang lại niềm hy vọng cộng đồng vào một chiến thắng sau cùng và niềm khích lệ để họ kiên tâm. Hình thức cực đoan của khải huyền trông đợi “các dấu lạ” để tiên đoán chính xác ngày tận thế diễn ra khi nào, ở đâu, và cách nào, nhưng khải huyền của Kinh Thánh là loại văn chương có tính phản kháng từ nền tảng, dựa vào Thiên Chúa để thể hiện các niềm hy vọng của cộng đồng. Đối với các Kitô hữu, “biến cố khải huyền” sau cùng và dứt khoát diễn ra trong biến cố phục sinh của Chúa Giêsu (xem các câu hỏi 68,71,98).

Khoa phê bình Kinh Thánh (Dẫn nhập): áp dụng lý trí nhân bản (do đó, “khoa phê bình”) vào các bản văn của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Lý lẽ này có thể là lịch sử, triết học, kinh nghiệm, văn chương v.v...Các phương pháp đã được khai triển để tương ứng với các loại câu hỏi được nêu ra. Việc khai triển khoa phê bình Kinh Thánh “hiện đại” thường được địnhniên biểu từ thời phong trào Ánh Sáng thế kỷ 18.

Mạc khải (Câu hỏi 12): Việc tự thông đạt của Thiên Chúa như qua trung gian thiên nhiên, lịch sử, kinh nghiệm bản thân v.v... Đối với các Kitô hữu, việc Thiên Chúa tự thông đạt chủ yếu phát xuất qua Chúa Giêsu, Đấng mạc khải tực tại thần linh một cách sau cùng và dứt khoát trong biến cố phục sinh. Mọi điều cho là mạc khải khác phải nhất quán với mạc khải một lần vĩnh viễn này (xem các câu hỏi 67-75).

Tin mừng nhất lãm (Dẫn nhập): Các Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca, gọi thế vì có thể đặt chúng vào những cột song hành để thấy chúng có bao nhiêu tư liệu chung với nhau. Trong khi Tin Mừng Gioan tuy có một số tư liệu chung với ba Tin Mừng này, nhưng nó rất khác cả về đề cương lẫn về nội dung.

Thư Mục

Đề nghị để đọc thêm

Marcus J. Borg, Jesus: A New Vision, Spirit, Culture, and the Life of Discipleship [Chúa Giêsu: Viễn kiến, Tinh thần, Văn hóa mới, và đời sống làm Môn đệ]. San Francisco: HarperCollins, 1987.

Raymond e. Brown, Responses to 101 Questions on the Bible [Trả lời 101 Câu hỏi về Kinh Thánh]. Mahwah: Paulist Press, 1990.

Michael L. Cook, Guidelines for Contemporary Catholics: The Historical Jesus [Các Hướng dẫn dành cho Người Công Giáo: Chúa Giêsu Lịch sử]. Chicago: The Thomas More Press, 1986.

Bernard J. Cooke, God’s Beloved: Jesus’ Experience of the Transcendent [Người được Thiên Chúa Yêu thương: Trải nghiệm Đấng Siêu việt của Chúa Giêsu]. Philadelphia: Trinity Press International, 1992.

James W. Douglass, The Nonviolent Coming of God [Việc Xuất hiện Bất Bạo động của Thiên Chúa]. Maryknoll:Orbis Books, 1991.

Joseph A. Fitzmyer, A Christological Catechism. New Testament Answers [Sách Giáo lý Kitô học. Các Câu Trả lời của Tân ước]. Ramsey: Paulist Press, 1982.

Andrew M. Greeley, The Jesus Myth. New Insights into the Person and Message of Jesus [Huyền thoại Giêsu. Những Tầm nhìn thông sáng mới vào Con người và các Sứ điệp của Chúa Giêsu], New York: Doubleday Image Books, 1973.

Monika K. Hellwig, Understanding Catholicism [Hiểu Đạo Công Giáo]. Ramsey: Paulist Press, 1981.

Monika K. Hellwig, Jesus, The Compassion of God [Chúa Giêsu, Lòng Cảm thương của Thiên Chúa]. Wilmington: Michael Glazier, 1983.

Elizabeth A. Johnson, Consider Jesus. Waves of Renewal in Christology [Hãy Xem xét Chúa Giêsu. Các đợt Canh tân trong Kitô học]. New York: Crossroad, 1990.

John P. Meier, A Marginal Jew. Rethinking the Historical Jesus [Một Người Do thái Bên lề. Suy nghĩ lại về Chúa Giêsu Lịch sử]. New York: Doubleday, 1991.

Juergen Moltmann, The Way of Jesus Christ, Christology in Messianic Dimensions [Con đường Chúa Giêsu Kitô, Kitô học trong các Chiều kích Thiên sai của nó]. San Francisco: HarperCollins, 1990.

Albert Nolan, Jesus Before Christianity [Chúa Giêsu trước Kitô giáo]. Revised Edition. Maryknoll: Orbis Books, 1992.

Janoslav Pelikan, Jesus Through the Centuries: His Place in the History of Culture [Chúa Giêsu qua các Thế kỷ: Vị trí của Người trong Lịch sử Văn hóa]. New Haven: Yale University Press, 1985.

Sandra M. Schneiders, Women and the Word. The Gender of God in the New Testament and the Spirituality of Women [Phụ nữ và Ngôi Lời. Phái tính của Thiên Chúa trong Tân Ước và Linh đạo Phụ nữ]. Mahwah: Paulist Press, 1986.

Gerard S. Sloyan, Jesus in Focus. A Life in its Setting [Chúa Giêsu trong tập chú. Một Cuộc đời trong Khung cảnh của nó]. Mystic: Twenty-Third Publications, 1983.

Gerard S. Sloyan, The Jesus Tradition. Images of Jesus in the West [Truyền thống Giêsu. Các Hình ảnh của CHúa Giêsu ở Phương Tây]. Mystic: Twenty-Third Publications, 1986.
 
VietCatholic TV
Một đàn UAV phá tung nhà máy lọc dầu Afipsky. Tướng Nga nói Putin đã qua đời. Israel đụng độ Musk
VietCatholic Media
17:16 29/10/2023


1. Diễn biến những lời đồn đãi rằng Putin đã ra người thiên cổ

Ký giả Georgie English của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “VLAD'S ALIVE Putin is NOT dead, Kremlin insists in extraordinary denial after claims Russian President, 71, died at Valdai palace”, nghĩa là “Putin còn sống chưa chết, Điện Cẩm Linh nhất quyết phủ nhận sau khi có tin Tổng thống Nga, 71 tuổi, qua đời tại cung điện Valdai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Điện Cẩm Linh đã đưa ra thông điệp đặc biệt phủ nhận việc Vladimir Putin đã chết.

Thông tin cho rằng bạo chúa đã chết xuất hiện trên một kênh Telegram vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Mười, nói rằng ông ta chết tại cung điện Valdai, ngay phía bắc Mạc Tư Khoa.

Báo cáo đầy đủ của Kênh General SVR, do một Trung Tướng Nga hồi hưu điều hành, khẳng định: “Chú ý! Hiện đang có một toan tính đảo chính ở Nga!”

“Tổng thống Nga Vladimir Putin qua đời vào tối nay tại tư dinh ở Valdai lúc 20h42 theo giờ Mạc Tư Khoa, các bác sĩ đã ngừng hồi sức và tuyên bố tử vong.”

“Bây giờ các bác sĩ bị giam giữ trong phòng có thi thể của Putin, họ đang bị các thành viên của cơ quan an ninh tổng thống giam giữ theo lệnh cá nhân của Dmitry Kochnev, người liên lạc và nhận chỉ thị từ Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev.”

Tuyên bố đáng kinh ngạc tiếp tục nói về những gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu người lãnh đạo thực sự chết.

Kênh này viết: “An ninh cho những người thế thân của tổng thống đã được tăng cường.”

“Các cuộc đàm phán tích cực đang được tiến hành.”

“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm mạo danh tổng thống sau cái chết của Putin đều là một cuộc đảo chính.”

Tuy nhiên, trong một lời phủ nhận phi thường, phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov, nói với truyền thông nhà nước RIA Novosti rằng báo cáo này là một “thông tin vô lý”.

Đầu tuần này, Peskov cũng đã phải phủ nhận mạnh mẽ tin đồn Putin bị ngừng tim, đồng thời khẳng định mọi báo cáo về việc Putin sử dụng thế thân đều là sai sự thật.

Mọi người bắt đầu đưa ra giả thuyết rằng những báo cáo giả mạo này là bằng chứng nữa về một cuộc tranh giành quyền lực gay gắt ở Nga khi nước này đang vật lộn trong cuộc chiến với Ukraine.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh cho biết: “Những loại câu chuyện này thuộc thể loại tin giả, được một số cơ quan truyền thông thảo luận với sự kiên trì đáng kinh ngạc”.

“Điều này không mang lại gì ngoài nụ cười ở Điện Cẩm Linh.”

Kênh General SVR đã từng tuyên bố nhà độc tài bị ung thư và bị bệnh nan y.

Họ cũng là một trong những người đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng Putin sử dụng thế thân.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Trung tướng Kyrylo Budanov đã gây sốc khi cáo buộc Putin thực sự đã không được nhìn thấy kể từ tháng 6 năm 2022.

Ông nói vào tháng trước: “Người mà mọi người từng biết, được nhìn thấy lần cuối vào khoảng ngày 26 tháng 6 năm 2022.”

Một phóng sự gần đây của truyền hình Nhật Bản đã khéo léo sử dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để phân tích khuôn mặt, dáng đi và giọng nói của Putin trong nhiều lần xuất hiện gần đây.

Họ phát hiện ra rằng ông ta sử dụng ít nhất một thế thân và có thể có đến hai thế thân.

Vào tháng 4, Peskov thừa nhận rằng có rất nhiều báo cáo về những người thế thân của Putin nhưng khẳng định nhà độc tài này vẫn là người “rất năng động và tích cực”.

Anh ta nói: “Có lẽ bạn đã nghe nói rằng Putin có nhiều thế thân, những người làm việc thay ông ấy khi ông ấy đang ngồi trong boongke.”

“Đây là một lời nói dối khác. Đây là một lời nói dối nữa. Bạn đã thấy Tổng thống của chúng ta. Ông ấy vẫn như xưa - rất năng động.”

Kênh gây tranh cãi này được cho là do cựu trung tướng của Điện Cẩm Linh điều hành, được biết đến với bí danh Viktor Mikhailovich.

Nó tuyên bố những nhà lãnh đạo của Putin và tay sai an ninh kiểm soát các hoạt động của các thế thân khác nhau.

Kênh này bị hầu hết các nhà phân tích chính trị bỏ qua vì nó được điều hành bởi những người theo thuyết âm mưu.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng ông Putin đang chuẩn bị tuyên bố vào tuần tới rằng ông sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới để tìm kiếm một nhiệm kỳ 6 năm mới.

Trong khi đó, một phái đoàn cao cấp của Hamas đã tới Mạc Tư Khoa trong tuần này để gặp các quan chức Bộ Ngoại giao Nga trong chuyến thăm quốc tế cao cấp đầu tiên của Hamas kể từ sau vụ tấn công tàn bạo vào Isreal vào ngày 7 tháng 10 khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng và 220 người khác bị bắt làm con tin.

Cuộc gặp được xác nhận khi ba quan chức được chụp ảnh cùng nhau tại Bộ Ngoại giao Nga ở Mạc Tư Khoa

2. Nhà máy lọc dầu Afipsky ở vùng Krasnodar của Nga nổ tung sau khi bị một đoàn máy bay không người lái tấn công

Sáng sớm Chúa Nhật 29 Tháng Mười, theo giờ địa phương, Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, cho biết một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy lọc dầu Afipsky ở vùng Krasnodar của Nga, sau khi các cơ quan truyền thông xã hội đưa tin về các vụ nổ mạnh rung chuyển nhà cửa và làm bể các cửa kính.

Baza và Shot, hai cơ quan truyền thông của Nga có nguồn tin an ninh, cho biết vụ cháy xảy ra tại nhà máy lọc dầu, nằm cách cảng Novorossiisk ở Hắc Hải, một trong những cửa ngõ xuất khẩu dầu quan trọng nhất của Nga, 80 km về phía đông. Đó là một đám cháy lớn nhất gây ra bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ hơn 30 máy bay không người lái của Ukraine trên Hắc Hải và bán đảo Crimea vào rạng sáng Chúa Nhật 29 Tháng Mười.

“Các hệ thống phòng không tại chỗ đã phá hủy 36 máy bay không người lái của Ukraine trên Hắc Hải và khu vực phía tây bắc bán đảo Crimea”, Konashenkov nói.

Vùng Krasnodar được kết nối với Crimea – nơi Mạc Tư Khoa sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 – thông qua cây cầu Kerch do Nga xây dựng trái phép. Cây cầu đã bị đóng cửa nhiều lần bởi các cuộc tấn công của Ukraine.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo kích vào khu vực biên giới Nga và Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập là chuyện thường xuyên xảy ra.

Tại Ukraine, lực lượng không quân nước này hôm Chúa Nhật cho biết họ đã bắn hạ 5 máy bay không người lái tân công Shahed do Iran sản xuất do Nga phóng trong đêm.

3. Khoa học gia hỏa tiễn siêu thanh hàng đầu thế giới bị Putin bỏ tù

Cho đến nay, ít nhất 4 khoa học gia Nga đã bị Putin bỏ tù. Chính thức, họ bị buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia. Tuy nhiên, cũng có các tin tức cho rằng họ chẳng tiết lộ bí mật nào hết cả vì chẳng có bí mật nào để mà tiết lộ.

Sau khi quân Ukraine dùng Patriot bắn hạ hỏa tiễn Kinzhal của Nga. Hoa Kỳ rất kinh ngạc vì Kinzhal có thể bay với vận tốc Mach 10, tức là 10 lần tốc độ âm thanh. Bay nhanh cỡ đó Patriot không thể bắn hạ. Sau khi các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ xác nhận đúng là hỏa tiễn Kinzhal đã bị quân Ukraine bắn hạ, Putin tin rằng ông ta đã bị lừa. Kinzhal cùng lắm là bay với vận tốc cận âm, tức là gần bằng tốc độ âm thanh. Nổi giận vì bị lừa, bạo chúa bỏ tù các khoa học gia nhưng không phải với lý do họ lừa ông ta, nhưng vì họ tiết lộ bí mật quốc gia.

Hai ký giả Henry Holloway và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “'TRAITOR' CAGED Putin jails top hypersonic missile scientist for HIGH TREASON after accusing him ‘leaking Russian secrets to the West’”, nghĩa là “'Kẻ phản bội' Putin bỏ tù khoa học gia hỏa tiễn siêu thanh hàng đầu vì tội phản quốc sau khi cáo buộc ông 'tiết lộ bí mật của Nga cho phương Tây'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

VLADIMIR Putin đã bỏ tù một trong những khoa học gia hỏa tiễn siêu thanh hàng đầu thế giới vì tội phản quốc sau khi ông này bị cáo buộc tiết lộ bí mật của Nga cho phương Tây.

Giáo sư Anatoly Gubanov, 66 tuổi, là học giả hàng đầu mới nhất bị chế độ áp bức Nga bỏ tù – sau khi bị kết án 12 năm tù.

Ông đã tham gia vào việc phát triển hỏa tiễn siêu thanh - chẳng hạn như Kinzhal

Nhà vật lý này là một chuyên gia về công nghệ siêu thanh – là thứ mà nhiều siêu vũ khí được đánh giá cao của Putin dựa vào để di chuyển với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ âm thanh.

Vũ khí siêu thanh là cuộc chạy đua vũ trang lớn giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc khi mỗi nước tìm cách phát triển hỏa tiễn nhanh hơn và mạnh hơn.

Vũ khí thuộc loại siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ hơn 4.000 dặm/giờ - hay Mach 5.

Gubanov là nhà lãnh đạo Khoa Khí động lực học máy bay và hỏa tiễn bí mật tại Viện Khí động lực học Trung ương ở Zhukovsky, Mạc Tư Khoa.

Ông bố 5 con đã ba lần được phép chia sẻ thông tin chi tiết về nghiên cứu của Nga với một dự án do Cơ quan Vũ trụ Âu Châu điều phối có tên Hexafly-INT.

Liên doanh này bao gồm các chuyên gia đến từ Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ý và Úc.

Một trong những người bạn của ông, Valery Golubkin, 70 tuổi, bị kết án 12 năm tù vào tháng 6.

Nga cáo buộc những người này chia sẻ bí mật với một quốc gia NATO - khiến Putin nổi giận.

Vụ việc được coi là bằng chứng cho thấy chế độ Putin ngày càng hoang tưởng về việc hợp tác khoa học với nước ngoài.

Ba khoa học gia hỏa tiễn siêu thanh có trụ sở tại một viện ở Siberia hiện cũng đang bị xét xử với tội danh phản quốc.

Dự án nhân quyền Perviy Otdel cho biết vật liệu liên quan đến máy bay chở khách tốc độ cao chạy bằng nhiên liệu hydro chỉ được chia sẻ với các khoa học gia phương Tây sau khi được ba ủy ban chuyên môn của Nga cho phép trước khi nộp.

Không có ủy ban nào trong số này - do cơ quan an ninh FSB giám sát - tìm thấy bí mật nhà nước trong các báo cáo.

Các khoa học gia cao cấp đã cảnh báo rằng các vụ án phản quốc chống lại các khoa học gia sẽ gây ra tác động ớn lạnh đối với các nhà nghiên cứu trẻ.

Gubanov, bị FSB bắt giữ vào năm 2020, được biết đến như một chuyên gia về động cơ hỏa tiễn rắn siêu thanh.

Gubanov xuất thân từ một triều đại các khoa học gia, trong đó có bố vợ ông là Giáo sư Leonid Shkadov, một nhà thiết kế hàng không hàng đầu của Liên Xô.

Hai con gái và một con trai của ông - đều là nhà vật lý - cũng làm việc tại Viện Khí động lực học Trung ương.

Interfax cho biết giáo sư này bị nghi ngờ chuyển “thông tin bí mật nhà nước ra nước ngoài” hoặc thực hiện “các hành động khác nhằm chống lại an ninh của Nga vì lợi ích của một quốc gia, tổ chức hoặc đại diện nước ngoài”.

Khi anh ta bị giữ, các đồng nghiệp nói với Interfax rằng họ “ngạc nhiên” trước việc bắt giữ một người đàn ông “được sinh viên kính trọng”.

Một khoa học gia siêu thanh khác là Alexander Shiplyuk, 56 tuổi, đã bị cơ quan phản gián FSB bắt giữ ở Novosibirsk, Siberia, nơi ông đứng đầu Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich.

Giáo sư Anatoly Maslov, 75 tuổi, người tiên phong về công nghệ siêu thanh, cũng bị bắt vì tình nghi phản quốc.

Khoa học gia laser nổi tiếng, Tiến sĩ Dmitry Kolker, 54 tuổi, qua đời năm ngoái hai ngày sau khi ông bị bắt khỏi giường bệnh ung thư và bị nhốt tại một trong những nhà tù khét tiếng nhất nước Nga và bị cáo buộc là một “gián điệp”.

Ilya Sachkov, 37 tuổi, người sáng lập Group-IB tiên phong, từng được Putin trao tặng, bị bỏ tù 14 năm vì 'chuyển bí mật cho gián điệp nước ngoài'.

4. Tên được Putin bổ nhiệm làm Tổng thống Ukraine lâm thời đã ngồi xe tăng Nga định vào tiếp thu Phủ Tổng Thống Kyiv

Một vụ ám sát nhằm vào một chính trị gia Ukraine thân Nga, người được tường trình là Tổng thống Ukraine lâm thời nếu Nga chiếm được Kyiv, đã được dàn dựng bởi Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU.

Oleg Tsaryov, một cựu thành viên Quốc Hội và là người theo chủ nghĩa ly khai chống Kyiv được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng sau khi bị bắn ở Crimea vào khuya thứ Sáu rạng sáng ngày thứ Bẩy tại bán đảo Crimea.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, khẳng định hôm Chúa Nhật là vụ này do SBU ra tay và tên phản bội Oleg Tsaryov là một mục tiêu hợp pháp.

“Anh ta từ lâu đã nằm trong danh sách những kẻ phản bội phải trả giá cho tội ác của mình. Tsarev là mục tiêu hoàn toàn chính đáng”.

“Đây không chỉ là một người cuồng tín 'thế giới Nga' mà còn là một người đã đích thân ngồi trên xe tăng Nga với mưu đồ tiếp thu Kyiv hôm 24 Tháng Hai, 2022.”

Tsaryov, 53 tuổi, là một nhà lập pháp thân Nga trong quốc hội Ukraine trước khi cuộc cách mạng 2013-2014 đưa chính phủ thân Âu Châu lên nắm quyền ở Kyiv.

Sau khi Nga đáp trả bằng việc chiếm Crimea và nội chiến nổ ra, hắn ta trở thành nhà lãnh đạo ly khai ở miền đông Ukraine.

Theo một số báo cáo, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng Điện Cẩm Linh đã chọn Tsaryov là Tổng thống Ukraine lâm thời thay thế cho Tổng thống Zelenskiy; nếu Nga chiếm được Thủ đô Kyiv.

Ukraine, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã trừng phạt Tsaryov.

“Kyiv sẽ không còn phát xít… Chiến thắng là điều tất yếu”, hắn ta viết trên trang Telegram của mình vào ngày 24/2/2022, trước khi ngồi lên xe tăng Nga tấn công Ukraine.

Một phong trào du kích Ukraine ngày càng tích cực có trụ sở tại Crimea bị tạm chiếm tuyên bố rằng Nga đang phân tán thiết bị của mình vì lo ngại sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công vào sâu trong chiến tuyến.

5. Bộ trưởng truyền thông Israel, Shlomo Karhi, cho biết văn phòng của ông “sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Starlink” của Elon Musk

Đường dây liên lạc trong dải Gaza đã bị cắt đứt từ tối Thứ Sáu, báo hiệu Lực Lượng Phòng Vệ Israel chuẩn bị tấn công vào dải Gaza.

Việc phá hủy kết nối điện thoại và internet đã khiến Gaza rơi vào tình trạng mất liên lạc và tạo ra khoảng trống thông tin trong bối cảnh cuộc oanh tạc từ trên không nặng nề nhất trong cuộc chiến cho đến nay.

Một số báo cáo xuất hiện từ khu vực hôm thứ Bảy mô tả sự hỗn loạn và đau khổ khi các đội y tế và cơ quan viện trợ phải vật lộn để phối hợp các nỗ lực cấp cứu và cứu trợ cũng như các gia đình tìm kiếm tin tức về người thân.

Rushdi Abualouf, một nhà báo làm việc cho BBC ở Gaza, cho biết kể từ khi liên lạc bị cắt vào tối thứ Sáu, các tài xế xe cứu thương không thể nhận được chỉ dẫn nên họ chỉ lái xe về phía nơi xảy ra vụ nổ.

Ông viết: “Sự hoảng loạn ở khắp mọi nơi, ngay cả ở đây tại Khan Younis, nơi ít xảy ra vụ đánh bom hơn, khi mọi người cố gắng liên lạc với các thành viên gia đình ở các khu vực khác để kiểm tra xem họ có an toàn hay không, nhưng điện thoại đã bị cắt”. 'Đó là sự hỗn loạn hoàn toàn.'“

Một phát ngôn viên của quân đội Israel từ chối xác nhận liệu Israel có đứng sau vụ mất liên lạc ở Gaza bắt đầu từ thứ Sáu hay không.

Khi được hỏi liệu Israel có đứng sau vụ mất viễn thông hay không, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói: “Chúng tôi làm những gì phải làm để bảo vệ cho lực lượng của mình trong thời gian cần thiết, tạm thời hoặc vĩnh viễn, trong chừng mực chúng tôi cần và chúng tôi sẽ không nói bất cứ điều gì thêm về điều đó.”

Sự việc mất liên lạc đã khiến lãnh thổ gần như bị cắt đứt khi Israel tăng cường bao vây.

Trong bối cảnh đó, Elon Musk đã tuyên bố cung cấp internet miễn phí cho các tổ chức quốc tế ở Gaza. Tuy nhiên, trong thực tế các chuyên gia cho rằng về mặt kỹ thuật là không có cách nào để cung cấp internet một cách chọn lọc như thế.

Bộ trưởng truyền thông Israel, Shlomo Karhi, cho biết “Israel sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để chống lại kế hoạch của Elon Musk. Hamas sẽ sử dụng nó cho các hoạt động khủng bố. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi biết điều đó và Musk cũng biết điều đó. Hamas là ISIS. Văn phòng của tôi sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Starlink.”

6. Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko nói 'tình hình hiện đang bế tắc nghiêm trọng'

Nga và Ukraine đang rơi vào bế tắc trên tuyến đầu của cuộc chiến và hai bên cần ngồi lại và đàm phán để chấm dứt xung đột, nhà lãnh đạo độc tài của Belarus cho biết.

Alexander Lukashenko, đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã mô tả tình trạng xung đột hiện tại là “đối đầu, cho đến chết, cố thủ. Mọi người đang chết dần”.

Ông nói: “Có đủ vấn đề ở cả hai bên và nhìn chung, tình hình hiện đang bế tắc nghiêm trọng: không ai có thể làm bất cứ điều gì và củng cố hoặc nâng cao vị thế của mình một cách đáng kể”.

Lukashenko, người đã cho Nga dùng lãnh thổ của đất nước mình làm bệ phóng cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin vào năm 2022, nói rằng yêu cầu của Ukraine về việc Nga rời khỏi lãnh thổ của mình cần phải được giải quyết tại bàn đàm phán “để không ai chết”.

“Chúng ta cần ngồi vào bàn đàm phán và đi đến thỏa thuận”, ông Lukashenko nói trong video hỏi đáp được đăng trên trang web của hãng thông tấn nhà nước Belarus BelTA. “Như tôi đã từng nói: không cần điều kiện tiên quyết. Điều quan trọng là một lệnh 'ngừng bắn' được đưa ra.”

Bình luận về tuyên bố của nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko, Mykhailo Podolyak, cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga đang kiệt quệ sau cuộc thảm bại tại thị trấn Avdiivka. Tuyên bố của Lukashenko chỉ là mưu toan đóng băng cuộc xung đột để Nga có thời gian nghỉ ngơi, tái phối trí các lực lượng và sau đó tấn công tàn bạo hơn.

Tòa Bạch Ốc Mỹ cho biết lực lượng Nga tuần này đã tiếp tục tiến công gần thành phố Avdiivka đổ nát của Donetsk và chịu tổn thất nặng nề, nhưng chiến tuyến rộng lớn ở Ukraine hầu như không di chuyển trong năm qua bất chấp cuộc tấn công mệt mỏi kéo dài nhiều tháng của Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm qua đã nhắc lại tại cuộc họp gồm hơn 60 cố vấn an ninh quốc gia rằng kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông, trong đó bao gồm lời kêu gọi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh.

7. 'Đây là thời điểm của sự thật. Lịch sử sẽ phán xét tất cả chúng ta”, nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết hôm thứ Bảy, Reuters đưa tin.

Sau khi Gaza mất liên lạc trên phạm vi rộng lớn và sau một đêm ném bom dữ dội, Tổng Thư Ký Guterres nói rằng tình hình đang diễn ra “phải được đảo ngược” và lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn.

Ông nói thêm rằng ông cực kỳ lo ngại về các nhân viên Liên Hiệp Quốc tại Gaza do quân đội Israel phong tỏa liên lạc và ông rất ngạc nhiên trước việc Israel leo thang các cuộc bắn phá chưa từng có ở Gaza.

Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nói thêm rằng ông được khuyến khích bởi sự đồng thuận quốc tế ngày càng tăng về việc tạm dừng nhân đạo ở dải đất này, nơi hàng nghìn người đã thiệt mạng kể từ ngày 7 tháng 10.

8. Hamas yêu cầu Israel trả tự do cho tất cả tù nhân Palestine để đổi lấy con tin

Cánh vũ trang của Hamas tuyên bố sẵn sàng thả các con tin bị bắt trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 để đổi lấy tất cả các tù nhân Palestine hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.

Phát ngôn nhân của Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, Abu Obeida, cho biết trong một tuyên bố được đài Al-Aqsa do Hamas điều hành: “Cái giá phải trả cho số lượng lớn con tin của đối phương trong tay chúng tôi là phải trả tự do cho tất cả tù nhân Palestine trong các nhà tù Israel”.

“Nếu đối phương muốn đón nhận lại ngay một lúc tất cả những người bị giam giữ này, chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Nếu họ muốn thực hiện từng bước một, chúng tôi cũng sẵn sàng thực hiện điều đó”, ông nói thêm.

Israel báo cáo rằng khoảng 229 con tin hiện đang bị giam giữ ở Gaza.

9. Ukraine ca ngợi thành quả của cuộc họp tại Malta

Phiên họp đầu tiên tại Malta đã kết thúc - và Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, đã nói rằng Nga “sẽ phải nhượng bộ cộng đồng quốc tế” và đồng ý với các yêu cầu giải quyết hòa bình của Ukraine.

Yermak ca ngợi sự tham gia của Qatar hồi đầu tháng này đã tạo điều kiện cho 4 đứa trẻ Ukraine bị Nga bắt trở về xum họp với gia đình.

“Hàng nghìn người khác vẫn là con tin của Nga, nhưng thành công này cho thấy rằng cùng nhau chúng ta có thể làm được điều đó”, Yermak nói.

Kyiv cho biết khoảng 20.000 trẻ em đã bị đưa từ Ukraine sang Nga hoặc lãnh thổ do Nga nắm giữ mà không có sự đồng ý của gia đình hoặc người giám hộ.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc đàn áp các cuộc thảo luận về tình hình chính trị trong các trường Đại Học ở Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Vào giữa tháng 10 năm 2023, Bộ Giáo dục và Khoa học Nga được cho là đã chỉ đạo các trường đại học tránh thảo luận cởi mở về bất kỳ “xu hướng chính trị, kinh tế và xã hội tiêu cực” nào ở Nga trong các hoạt động học thuật.

Điều này tạo ra sự hạn chế hơn nữa đối với không gian thông tin ở nước Nga thời chiến, khiến việc thảo luận cởi mở các vấn đề chính sách trở nên khó khăn hơn.

Về lâu dài, điều này có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng hoạch định chính sách của Nga diễn ra trong một môi trường đóng kín chỉ vang dội những quan điểm ủng hộ Điện Cẩm Linh, được chấp nhận về mặt chính trị.

Rất có khả năng Điện Cẩm Linh mong muốn ngăn chặn hơn nữa những quan điểm tiêu cực về “chiến dịch quân sự đặc biệt” trước thời điểm Tổng thống Vladimir Putin dự kiến tái tranh cử vào tháng 3 năm 2024.

11. Ukraine đã bắn hạ 3 trong số 4 hỏa tiễn hành trình Iskander mà Nga phóng qua đêm tại tỉnh Dnipropetrovsk ở đông nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật, 29 Tháng Mười, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết các vụ phóng được thực hiện từ quận Dzhankoi của Crimea bị Nga tạm chiếm; và 3 trong số 4 hỏa tiễn đã không chạm tới mục tiêu. Người ta nghe thấy tiếng nổ vào khoảng 1 giờ sáng.

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết không có thương vong nào được báo cáo.

12. Ukrenergo báo cáo các thiệt hại do cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong năm ngoái

Nhà lãnh đạo công ty điều hành lưới điện nhà nước Ukrenergo cho biết, chiến dịch tấn công của Nga nhằm vào hệ thống năng lượng của Ukraine đã làm hư hại khoảng 70 cơ sở lớn vào mùa thu và mùa đông năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Volodymyr Kudrytskyi cho biết khoảng một nửa hệ thống điện của Ukraine đã bị hư hại trong chiến dịch này, với nhiều cơ sở bị ảnh hưởng.

“Nếu chúng ta chỉ tính những cơ sở vật chất lớn, thì tôi nghĩ 70 cơ sở đã bị hư hại. … Nhiều cơ sở cấp dưới bị hư hại ở khu vực tiền tuyến do pháo kích, như các điểm biến áp nhỏ hoặc các trạm biến áp khu vực. Có lẽ có hàng trăm, hàng nghìn các điểm như vậy”, Kudrytskyi nói trong cuộc phỏng vấn.

Kudrytskyi cho biết, để bảo vệ các cơ sở năng lượng quan trọng của mình khỏi các cuộc tấn công tiếp theo vào mùa đông này, Ukraine đã khôi phục công suất phát điện của các nhà máy của mình, cũng như hưởng lợi từ những gì ông mô tả là do lực lượng phòng không và không quân được tăng cường.

13. Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia sẽ thăm Mỹ vào hôm thứ Hai

Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi Khalid bin Salman dự kiến sẽ đến thăm Washington vào hôm thứ Hai, ba nguồn tin quen thuộc nói với Axios.

Theo các nguồn tin, chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng sẽ diễn ra vài ngày sau khi Israel mở rộng hoạt động trên bộ ở Gaza.

Các nguồn tin cho biết, theo dự kiến, Bin Salman sẽ gặp cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Tony Blinken và một số thượng nghị sĩ.

Trước đó vào thứ hôm Bảy, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi đã lên án các hoạt động trên bộ của Israel, nói rằng:

“ Vương quốc lên án và tố cáo bất kỳ hoạt động trên bộ nào do Israel thực hiện nhằm đe dọa tính mạng của thường dân Palestine và gây ra những nguy hiểm vô nhân đạo.

Vương quốc cảnh báo về nguy cơ tiếp tục thực hiện những vi phạm trắng trợn và phi lý này, trái với luật pháp quốc tế đối với người dân Palestine và những hậu quả nghiêm trọng mà chúng sẽ gây ra đối với hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.”
 
Háo thắng Gerasimov gây ra thảm họa Avdiivka, quân Nga kiệt lực. Zelenskiy vinh danh Lữ đoàn Dù 95
VietCatholic Media
02:30 29/10/2023


1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Lữ đoàn Dù biệt lập số 95

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Lữ đoàn Dù biệt lập số 95 đang chiến đấu theo hướng Lyman.

“Lữ đoàn Dù số 95 mạnh mẽ và nổi tiếng của chúng tôi. Những chiến binh dũng cảm, những người Ukraine mạnh mẽ. Một chặng đường quân sự lâu dài và lịch sử chiến công phong phú mà các chiến sĩ lữ đoàn 95 đã và đang cống hiến cho Ukraine”, nguyên thủ quốc gia cho biết như trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Bẩy, 28 tháng 10.

Tổng thống lưu ý rằng các binh sĩ của Lữ đoàn Dù số 95 đã chiến đấu cho Ukraine ở những khu vực nóng nhất kể từ năm 2014.

“Những tuần này, họ tiếp tục tiêu diệt quân xâm lược của Nga gần Lyman. Và đối với tôi, thật vinh dự khi được cảm ơn các chiến binh! Tôi tự hào về các bạn! Tôi tự hào về tất cả những người đang chiến đấu vì Ukraine và đưa chiến thắng của chúng ta đến gần hơn!” Zelenskiy nhấn mạnh.

Như đã đưa tin, Nga đã tập trung khoảng 100.000 binh sĩ theo hướng Lyman-Kupyansk.

2. Putin đang cần một chiến thắng, nên muốn biến Avdiivka thành Bakhmut mới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Is Turning Avdiivka Into the New Bakhmut”, nghĩa là “Nga đang biến Avdiivka thành Bakhmut mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Lịch sử đau buồn của Âu Châu đang bị kéo trở lại ở Ukraine. Đất đai màu mỡ và các khu định cư cổ xưa của Ukraine vẫn còn sót lại những tàn tích của những trận chiến khổng lồ mà gần tám thập kỷ trước đã tiêu diệt Đức Quốc xã và báo trước sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu sẽ kéo dài đến những năm 1990.

Những lời nhắc nhở về cuộc xung đột đã qua là không đổi. Những người lính đào chiến hào ở mặt trận phía Nam đã khai quật được hài cốt của lính Đức Quốc xã. Dân thường đang tìm nơi trú ẩn khỏi máy bay không người lái và hỏa tiễn của Nga đã dọn dẹp các hầm trú bom từ thời Thế chiến thứ hai, và chính quyền đã tình cờ phát hiện ra những chiến đấu cơ Hurricane do Anh sản xuất bị chôn vùi ở ngoại ô Kyiv.

Trong khi đó, mạng lưới tuyên truyền của Nga đang coi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa là một chiến dịch chống lại chủ nghĩa Quốc xã đang trỗi dậy ở phương Tây – “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” của chính Tổng thống Vladimir Putin.

Giờ đây, trong cuộc tấn công dồn dập của Nga xung quanh thành phố Avdiivka kiên cố của Ukraine, lịch sử – lần này gần đây hơn – có thể một lần nữa đang lặp lại. Mạc Tư Khoa đã chuẩn bị tiền đề cho một cuộc đối đầu đẫm máu khác ở Donbas, gợi nhớ đến cuộc tấn công tuyệt vọng của họ ở Bakhmut, một thành phố bị san bằng hiện đồng nghĩa với học thuyết phá sạch, giết sạch của Nga.

Oleksandr Merezhko, một thành viên quốc hội Ukraine và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc Hội, nói với Newsweek rằng Mạc Tư Khoa “có thể đang cố gắng lặp lại tình huống với Bakhmut và họ sẵn sàng hy sinh rất nhiều mạng sống của mình”.

Merezhko nói về Putin: “Là một nhà độc tài, ông ấy rất cần thể hiện bất kỳ 'thành công' nào trên mặt trận trước người dân Nga trước cuộc bầu cử tổng thống”.

Động thái mở màn của Nga ở Avdiivka vào đầu tháng 10 – một khu định cư kiên cố ở ngoại ô Donetsk, nơi kể từ năm 2014 đã trở thành trung tâm của cuộc nổi dậy ly khai do Mạc Tư Khoa chỉ đạo chống lại Kyiv – có vẻ là một thất bại đắt giá, khi lực lượng Ukraine được cho là đã tuyên bố rằng hàng nghìn binh sĩ Nga đã thiệt mạng, và hàng trăm thiết bị quân sự bị phá hủy.

Quân đội Mạc Tư Khoa đã tiếp tục tấn công trong những tuần kể từ đó, tấn công xuyên qua hỏa lực đang suy yếu của Ukraine và chiếm lãnh thổ xung quanh sườn phía bắc và phía nam của Avdiivka, cũng như tiến về phía các tuyến đường bộ và đường sắt huyết mạch cung cấp cho khu định cư chiến lược.

Mối nguy hiểm không phải là mới. Avdiivka đã trở thành tâm điểm chiến đấu trong suốt cuộc xâm lược toàn diện, và thực tế là kể từ khi quân đội Mạc Tư Khoa lần đầu tiên tiến vào lãnh thổ Ukraine ở Crimea và Donbas vào năm 2014.

Vào tháng 3, Oleksiy Dmytrashkivskyi—phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự Tavria của Ukraine—đã lặp lại cảnh báo của Bộ Quốc phòng Anh về vị trí bấp bênh của Avdiivka, nói với các phóng viên: “Đối phương không ngừng cố gắng bao vây thị trấn Avdiivka. Tôi rất đồng ý với các đồng nghiệp ở Anh rằng Avdiivka có thể sớm trở thành Bakhmut thứ hai.”

Bản cập nhật hôm thứ Tư của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết cuộc tấn công Avdiivka của Nga đang diễn ra và đã “có các bước tiến được xác nhận” về phía tây bắc thành phố. Các blogger người Nga cũng tuyên bố đã chiếm được một sở rác ở phía tây bắc thành phố, nơi có thể cung cấp khả năng kiểm soát hỏa lực trên một khu vực rộng lớn bên dưới. Các quan chức Ukraine cho biết sở rác này vẫn còn là địa điểm giao tranh.

ISW đã mô tả cuộc tấn công của Nga là một “chiến dịch được dàn dựng” nhằm thu hút sự chú ý và nguồn lực khỏi cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực đông nam Zaporizhzhia và Donetsk. Tổ chức nghiên cứu này cũng cho biết lực lượng hiện tại của Nga xung quanh Avdiivka khó có thể bao vây thành phố.

Pavel Luzin, một nhà phân tích chính trị người Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek rằng bất chấp các nguồn lực được cam kết cho nỗ lực Avdiivka, các lực lượng Nga có rất ít dấu hiệu tiến triển.

Ông nói: “Không có điều gì mới, không có khả năng mới nào cả. “Chỉ là sự tập trung hỏa lực cục bộ và tổn thất lớn.”

Luzin nói thêm: “Lý do duy nhất ở đây: Nga muốn cải thiện vị thế đàm phán của mình bằng bất cứ giá nào”.

Bakhmut nắm giữ một số giá trị chiến lược, mặc dù điều này cuối cùng đã bị lu mờ bởi tầm quan trọng chính trị của nó. Việc thành phố cuối cùng rơi vào tay lực lượng Nga do lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner chỉ huy đã khiến cả Điện Cẩm Linh và nhà tài chính quá cố của Wagner, Yevgeny Prigozhin, có điều gì đó để ăn mừng. Đối với Ukraine, việc tiêu diệt lực lượng tấn công của Nga và việc chứng minh cam kết giữ vững vị trí của Kyiv cũng quan trọng không kém.

Avdiivka được cho là có giá trị chiến lược rõ ràng hơn Bakhmut. Việc giữ vững khu định cư sẽ đặt người Ukraine ở rìa Donetsk, một mục tiêu chính trị và hậu cần quan trọng của cả hai bên.

Nếu người Nga có thể chiếm được Avdiivka, điều đó sẽ xóa bỏ điểm nổi bật rắc rối của Ukraine ở tiền tuyến và có khả năng mở ra một tuyến đường đến thành phố Kramatorsk của Ukraine—nơi đã trở thành thủ đô hành chính của vùng Donetsk do Ukraine kiểm soát—khoảng 43 dặm về phía bắc..

Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đều dường như đang hạ thấp hoạt động đang diễn ra, mô tả cuộc tấn công lớn là một “phòng thủ tích cực”. Nhưng cũng như ở Bakhmut, kết quả của cuộc tấn công mới có thể chứng tỏ có ảnh hưởng trong việc định hình phần còn lại của cuộc chiến.

“Trong khi cuộc phản công của Ukraine cho đến nay vẫn không chọc thủng được hệ thống phòng thủ phức tạp của Nga ở mặt trận phía Nam, việc phá hủy tiềm năng tấn công của Nga ở mặt trận Avdiivka ít nhất sẽ làm giảm khả năng xảy ra bất kỳ bước đột phá lớn nào của Nga trong những tháng mùa đông tới”. Olivia Yanchik của Hội đồng Đại Tây Dương đã viết trong tuần này.

“Đồng thời, việc Điện Cẩm Linh sẵn sàng hy sinh rất nhiều binh sĩ vì những mục tiêu hạn chế là một lời nhắc nhở rằng Putin vẫn không nản lòng và hoàn toàn quyết tâm giành chiến thắng ở Ukraine.”

3. Vương quốc Anh cho biết tổn thất của Nga xung quanh Avdiivka có lẽ là tồi tệ nhất năm 2023

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 28 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov tuyên bố rằng Nga đã mất 298.420 binh sĩ ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm ngoái. Ông cho biết Nga đã chịu 740 thương vong trong ngày qua.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến con số thương vong của Nga ở thị trấn Avdiivka.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong tuần qua, giao tranh ác liệt nhưng bất phân thắng bại vẫn tiếp diễn xung quanh thị trấn Avdiivka của tỉnh Donetsk, nơi Nga khởi xướng một nỗ lực tấn công lớn vào giữa tháng 10 năm 2023.

Nga có lẽ đã điều động tới 8 lữ đoàn tới khu vực này. Cho đến nay, những thành phần này có thể đã phải chịu một số tỷ lệ thương vong cao nhất của Nga trong năm 2023.

Những 'mil blogger' hay blogger quân sự Nga theo chủ nghĩa dân tộc đã chỉ trích gay gắt chiến thuật của quân đội trong chiến dịch này. Bản chất của hoạt động này cho thấy thách thức quân sự-chính trị cốt lõi của Nga vẫn như cũ trong hầu hết cuộc chiến.

Các nhà lãnh đạo chính trị yêu cầu chiếm giữ nhiều lãnh thổ hơn nhưng quân đội không thể đưa ra các hành động tấn công ở cấp độ tác chiến hiệu quả.

4. Chiến dịch của Nga tại thành phố Avdiivka sẽ không thành công. Tại sao?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “One Exhausted Ukrainian Brigade In Avdiivka Reportedly Blew Up 200 Russian Vehicles And Killed 800 Russian Troops”, nghĩa là “Một lữ đoàn Ukraine kiệt sức ở Avdiivka được cho là đã cho nổ tung 200 xe Nga và giết chết 800 lính Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào ngày 10 tháng 10, ba lữ đoàn Nga đã tấn công vào Avdiivka, một cứ điểm quan trọng của Ukraine ngay phía tây bắc Donetsk ở vùng Donbas phía đông Ukraine.

Cuộc tấn công, diễn ra theo sau một cuộc oanh tạc bằng pháo binh hạng nặng, rõ ràng là một chiến dịch được dàn dựng nhằm thu hút các lữ đoàn Ukraine từ khắp mặt trận dài 600 dặm trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Nga với Ukraine, để chốt họ tại chỗ... để họ không thể chiến đấu ở nơi khác.

Nó không hoạt động. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, DC lưu ý chỉ một ngày sau cuộc tấn công của Nga: “Các quan chức Ukraine đã xác định việc tấm công Avdiivka là một hoạt động dàn dựng của Nga và họ khó có thể đưa nhân lực Ukraine quá mức vào trục này”.

Thật vậy, lực lượng tiếp viện lớn duy nhất mà chúng tôi có thể xác nhận rằng Kyiv đã tái triển khai tới Avdiivka bao gồm một hoặc hai tiểu đoàn từ Lữ đoàn cơ giới 47 kỳ cựu, đơn vị cho đến gần đây vẫn đang dẫn đầu cuộc tấn công của Ukraine vào Melitopol bị Nga tạm chiếm ở miền nam Ukraine.

Điều đó có nghĩa là các lữ đoàn Ukraine có mặt ở Avdiivka đã phải phòng thủ trước các cuộc tấn công rầm rộ của một lực lượng lớn hơn gấp bội của Nga. Một trong những lữ đoàn đó là Lữ đoàn cơ giới 110 đóng quân ở phía bắc Avdiivka.

Lữ đoàn 110 gồm 2.000 người không phải là lữ đoàn giàu kinh nghiệm nhất cũng như không được trang bị tốt nhất của Ukraine. Nhưng hiện tại, được cho là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng nhất trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine: đó là giữ Avdiivka mà không yêu cầu Kyiv rút lực lượng ở nơi khác tiếp cứu - và có khả năng ngăn chặn cuộc phản công kéo dài 4 tháng ở miền nam và miền đông Ukraine.

Nhà báo Ukraine Yury Butusov viết: “Không có từ ngữ nào có thể diễn tả được khí phách anh hùng của các chiến sĩ Lữ đoàn cơ giới 110”.

Điều động chiến hào, bắn hỏa tiễn chống tăng, phòng không và điều hành máy bay không người lái suốt ngày đêm để thả bom và gọi pháo từ Lữ đoàn pháo binh 55 gần đó, Lữ đoàn 110 đã tiêu diệt 200 xe Nga và giết chết 800 người Nga trong 13 ngày chiến đấu đầu tiên, theo Butusov.

“Những con số phi thường”, nhà báo viết. “Hàng trăm xác chết nằm trên các đồn điền và cánh đồng.”

Vũ khí đa dạng của Lữ Đoàn 110 khiến chiến công của Lữ Đoàn càng gây ấn tượng mạnh hơn. Các phương tiện của họ - sự kết hợp của các mẫu xe Liên Xô, Tiệp và Hà Lan - nhìn chung khá cũ. Lữ Đoàn vận hành các xe thiết giáp chở quân YPR-765 cũ của Hà Lan được bảo vệ mỏng, các phương tiện chiến đấu bộ binh BMP-1 nhẹ không kém mà Lữ Đoàn thừa hưởng từ quân đội Liên Xô cùng với pháo binh—lựu pháo di động DANA và bệ phóng hỏa tiễn RM-70—từ kho dự trữ dư thừa của Cộng hòa Tiệp.

Tuy nhiên, lữ đoàn đã sử dụng một cách sáng tạo các phương tiện hạng trung của mình. Một đoạn video do người lính Lữ Đoàn 110 quay vào tháng 3 mô tả YPR của lữ đoàn đang thực hiện một điệu nhảy có vẻ kỳ quặc — tiến rồi lùi rồi lại tiến trong khi tấn công qua một cánh đồng lầy lội, bắn súng máy hạng nặng của họ vào các vị trí gần đó của Nga.

Điệu nhảy của YPR có thể khiến việc tấn công của đối phương trở nên phức tạp, và có khả năng bảo vệ các xe thiết giáp với lớp thép mỏng khỏi bị bắn trả.

Nhưng trang bị và chiến thuật không giải thích được tại sao Lữ đoàn cơ giới 110 lại cầm cự được. Thực sự là không. Trong một cuộc chiến căng thẳng như thế này, tinh thần quan trọng hơn phương pháp và trang thiết bị.

“Lữ đoàn này đã bảo vệ Avdiivka mà không có bất kỳ đợt luân chuyển nào trong một năm rưỡi!” Butusov đã viết. “Một số lượng đáng kể các đơn vị liên tục cố định tại vị trí của mình mà không có lối thoát nào khỏi Avdiivka, nơi bị mọi loại vũ khí bắn vào.”

“Thật khó để tưởng tượng,” nhà báo nói thêm. “Những người đàn ông thép này chiến đấu trong những điều kiện mà không quân đội nào trên thế giới có thể chịu được; người Nga chỉ đơn giản là bỏ chạy trong điều kiện như vậy.”

Đào sâu và quay số dọc theo các làn đường tấn công dễ xảy ra nhất của quân Nga, Lữ Đoàn 110 có khả năng sẽ chỉ thua khi họ rút lui. Butusov viết: “Những người lính của chúng tôi mệt mỏi vì những trận chiến kéo dài. “Người Nga cũng hy vọng rằng người Ukraine sẽ chán việc giết họ”.

5. Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng Nga có thể tiến hành thêm nhiều nỗ lực tấn công ở Ukraine

Bất chấp thương vong đáng kể và mất mát thiết bị quân sự mà lực lượng xâm lược Nga phải hứng chịu trong cuộc tấn công đang diễn ra vào Avdiivka, cũng như tinh thần của quân Nga xuống thấp, khả năng thực hiện nhiều nỗ lực tấn công hơn trong tương lai gần vẫn còn tồn tại.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Mười.

Quan chức Tòa Bạch Ốc lưu ý: “Người Ukraine đã có thể giữ vững và phòng thủ trước cuộc tấn công lớn nhất hiện nay, đẩy lùi thành công các đoàn xe tăng Nga đang tiến vào Avdiivka kể từ ngày 10 tháng 10”.

Ông nói thêm rằng kể từ khi phát động nỗ lực tấn công, Nga đã phải chịu tổn thất đáng kể, bao gồm hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm xe tăng và xe thiết giáp giáp, cũng như trang thiết bị đủ để trang bị cho một sư đoàn.

“Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều cuộc tấn công của Nga hơn nữa. Đây là một cuộc xung đột năng động. Và chúng ta cần nhớ rằng Nga vẫn duy trì một số khả năng tấn công và có thể đạt được một số lợi ích chiến thuật trong những tháng tới. Họ sẽ theo đuổi kết quả đó ở Avdiivka và những nơi khác trên chiến trường”, Kirby nói.

Về vấn đề này, ông nhấn mạnh rằng bộ chỉ huy Nga không quan tâm đến mạng sống của binh lính vì mục đích đạt được lợi ích trên chiến trường.

“Chúng tôi có thông tin rằng quân đội Nga đã thực sự hành quyết những binh sĩ không chịu tuân theo mệnh lệnh. Chúng tôi cũng có thông tin rằng các chỉ huy Nga đang đe dọa hành quyết toàn bộ các đơn vị nếu họ tìm cách rút lui trước hỏa lực pháo binh Ukraine”, Kirby nhấn mạnh. Binh lính cũng là người, cũng có nhân phẩm. Nếu họ không chấp hành, hay mệnh lệnh chiến đấu, họ có thể bị xét xử trước tòa án quân sự mặt trận. Sĩ quan chỉ huy không có quyền hành quyết họ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các lực lượng mới được huy động của Nga vẫn chưa được huấn luyện, trang bị đầy đủ và không được chuẩn bị cho các nhiệm vụ chiến đấu. Với suy nghĩ này, Tướng Kirby bày tỏ quan điểm rằng người Nga đang sử dụng “chiến thuật làn sóng con người”, ném những người lính không được huấn luyện và trang bị kém vào cỗ máy chiến tranh. Vì vậy, theo ông, “không có gì ngạc nhiên khi các lực lượng Nga đang có tinh thần kém”.

Và trong khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công tàn bạo, Mỹ phải tiếp tục hỗ trợ cho người dân Ukraine và tiềm năng phòng thủ của họ, Tướng Kirby nhấn mạnh. Về vấn đề này, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà lập pháp Mỹ phải đẩy mạnh và thông qua yêu cầu tài trợ bổ sung mà Tổng thống Biden đã đệ trình lên Quốc hội vào tuần trước.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, hôm thứ Năm, Ngũ Giác Đài đã công bố gói hỗ trợ quốc phòng mới cho Ukraine với số tiền 150 triệu Mỹ Kim.

6. Nam Hàn và Mỹ tiến hành tập trận chung trên không quy mô lớn, có sự tham gia của chiến đấu cơ tàng hình

Lực lượng Không quân Hán Thành hôm thứ Sáu cho biết Nam Hàn và Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung trên không quy mô lớn với sự tham gia của các chiến binh tàng hình vào tuần tới để tăng cường khả năng tác chiến chung.

Tổng cộng có khoảng 130 máy bay từ Nam Hàn và Mỹ sẽ tham gia, bao gồm chiến đấu cơ F-35A của Nam Hàn, cũng như chiến đấu cơ F-35A và F-35B của Mỹ cùng các chiến đấu cơ khác.

Tuyên bố viết: “Các chương trình huấn luyện bay kết hợp như Vigilant Defense 24 hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, không liên quan đến bất kỳ mối đe dọa hoặc tình huống nào trong thế giới thực hiện tại và không nhằm mục đích đe dọa hoặc khiêu khích bất kỳ quốc gia nào khác”.

Bắc Hàn từ lâu đã cáo buộc các cuộc tập trận quân sự chung của đồng minh là diễn tập cho một cuộc xâm lược.

Như đã đưa tin, Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản lần đầu tiên tiến hành các cuộc tập trận chung trên không gần Bán đảo Triều Tiên.

7. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên NATO

Ký giả CHARLIE DUXBURY của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “ ‘The time has come.’ Sweden gets ready for NATO membership”, nghĩa là “Thời điểm đã đến. Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên NATO”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong một diễn biến được đánh giá là một sự tái tổ chức chiến lược chấn động nhất kể từ cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine, Thụy Điển dường như đã sẵn sàng gia nhập vào NATO ngay trong tháng tới, liên kết vũ khí với các nước láng giềng trong một cuộc phòng thủ ngày càng chung sức ở phía đông bắc Âu Châu.

Jens Stoltenberg, tổng thư ký của liên minh quân sự gồm 31 quốc gia, nói với các phóng viên ở Stockholm: “Thụy Điển hoàn toàn sẵn sàng gia nhập NATO, tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ làm cho NATO mạnh mẽ hơn”. “Thời giờ đã đến.”

Bên ngoài các văn phòng chính phủ, nửa tá nhà hoạt động phản đối sự xuất hiện của Stoltenberg nhưng những nỗ lực của họ nhằm miêu tả NATO như một kẻ báo hiệu chiến tranh đã gặp khó khăn trong việc thu hút người qua đường. Kể từ khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập liên minh vào năm ngoái, sự ủng hộ của người Thụy Điển đối với động thái này đã tăng từ khoảng 48% lên gần 70% bất chấp nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phá vỡ quá trình này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã yêu cầu Stockholm phải trấn áp những gì ông gọi là những kẻ khủng bố người Kurd hoạt động ở Thụy Điển, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với việc Thụy Điển bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ông bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập.

Stoltenberg cho biết cuộc đàm phán của ông với Erdoğan trong tháng này đã mang tính xây dựng và hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông đã ký và chuyển các văn bản tới quốc hội ở Ankara để quốc hội có thể bỏ phiếu về việc Thụy Điển gia nhập.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström mô tả động thái này là một bước tiến quan trọng và cho biết nước ông có thể trở thành thành viên chính thức vào thời điểm diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO vào cuối tháng 11, miễn là nước thứ hai - Hung Gia Lợi - cũng ký kết, là điều người ta dự kiến sẽ thực hiện trong những tuần tới.

Billström nói: “Điều đó cho chúng tôi khung thời gian cho quá trình này.”

Đối với NATO, việc gia nhập của Thụy Điển sẽ dọn đường cho việc hội nhập hơn nữa các tài sản phòng thủ của nước này ở khu vực Biển Baltic.

Thụy Điển và Phần Lan tạo nên bờ biển phía bắc của Biển Baltic, và hòn đảo Gotland rộng lớn và nằm ở trung tâm của Thụy Điển được coi là căn cứ quan trọng cho an ninh hàng không khu vực. Lãnh thổ của Thụy Điển và Phần Lan cũng mở rộng đến tận Bắc Cực, nơi Nga và phương Tây cũng đang tranh giành quyền thống trị về chính trị và kinh tế.

Mặc dù Thụy Điển là đối tác thân thiết của NATO trong nhiều năm, nhưng việc gia nhập đầy đủ của nước này sẽ mang lại một mức độ phối hợp mới, khi các quan chức Thụy Điển tham gia vào các cơ quan ra quyết định của liên minh và quân đội Thụy Điển có khả năng đóng góp cho các nhiệm vụ của NATO ở các quốc gia như Estonia. Trong khi các thỏa thuận trước đó cho phép quân đội NATO nhanh chóng triển khai tới Thụy Điển trong trường hợp xảy ra xung đột, thì khả năng hiện nay là quân đội Mỹ và các đồng minh khác sẽ có nhiều quyền tự do hơn để hoạt động ở Thụy Điển trong thời bình.

Trước thời điểm Thụy Điển dự kiến gia nhập NATO, các hoạt động huấn luyện chung giữa lực lượng Thụy Điển và đồng minh đã được tăng cường.

Trong tháng này, tàu phi trường HMS Queen Elizabeth của Anh đã đến thăm thành phố cảng Gothenburg của Thụy Điển trong khi lực lượng thủy quân lục chiến Phần Lan và Anh gia nhập lực lượng Thụy Điển tại quần đảo Stockholm.

Đứng cạnh Stoltenberg ở Stockholm, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết đất nước của ông đã theo dõi chặt chẽ quá trình gia nhập của Phần Lan “để rút ra bài học cho sự hội nhập của chính chúng ta”. Phần Lan gia nhập NATO vào tháng Tư.

Ông nói: “Không cần phải nói Phần Lan, tôi không nghĩ có bất kỳ điều gì bất ngờ đối với Phần Lan, họ biết họ đang dấn thân vào điều gì, nhưng đó là rất nhiều thứ”. “Có rất nhiều thứ cần được thiết lập lại, cần được tích hợp.”

Đối với Stoltenberg, người gốc Na Uy gần đó, ý tưởng về việc Thụy Điển hoặc Phần Lan gia nhập NATO dường như là một viễn cảnh xa vời khi ông đảm nhận chức tổng thư ký vào cuối năm 2014.

Việc Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm đó đã khiến khu vực Biển Baltic ớn lạnh nhưng hai quốc gia Bắc Âu này dường như có ý định không tham gia liên minh.

Tuy nhiên, Stoltenberg đã giúp thúc đẩy sự hội nhập giữa các lực lượng Phần Lan, Thụy Điển và NATO thông qua các thỏa thuận chi tiết như Quan hệ đối tác và Hỗ trợ nước chủ nhà.

Stoltenberg thường xuyên đến Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở khán giả rằng cánh cửa gia nhập NATO vẫn mở.

Ông nói tại một hội nghị quốc phòng ở khu nghỉ dưỡng miền núi Sälen của Thụy Điển vào năm 2018: “Nếu Thụy Điển ghi danh tham gia, tôi nghĩ NATO sẽ ủng hộ mạnh mẽ điều đó”.

Nhưng phải đến cuối tháng 2 năm 2022, khi xe tăng Nga bắt đầu tiến về phía Kyiv, dư luận ở Thụy Điển và Phần Lan mới bắt đầu chuyển hướng dứt khoát ủng hộ việc gia nhập.

Đảng Ôn hòa của Kristersson đã ủng hộ việc gia nhập, nhưng đảng lớn nhất trong quốc hội Thụy Điển - Đảng Dân chủ Xã hội - từ lâu đã ngăn cản ý tưởng này, cũng như đảng chị em của nó ở Phần Lan.

Nhưng vào tháng 5 năm 2022, Đảng Dân chủ Xã hội đã xoay trục và Stoltenberg – cùng các quan chức Thụy Điển – bắt đầu nhiều tháng ngoại giao con thoi, thường xuyên tiếp cận Washington và ngày càng nhiều với Ankara khi sự phản kháng của Erdoğan nổi lên.

Vào tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết phê chuẩn, cuối cùng trong tuần này Erdoğan đã ký các văn bản. Quá trình này vẫn có thể gặp trở ngại, đặc biệt nếu nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục một lần nữa và gây áp lực buộc quốc hội không phê chuẩn việc gia nhập, nhưng hiện tại, Stoltenberg và Kristersson tỏ ra tự tin.

Stoltenberg nói: “Tôi đang trông đợi vào sự phê chuẩn nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kristersson nhân cơ hội này để cảm ơn những nỗ lực của tổng thư ký và nhìn về phía trước.

Ông nói: “Tôi muốn công khai bày tỏ lòng biết ơn của mình tới Jens Stoltenberg vì sự làm việc cực kỳ chăm chỉ cũng như sự ủng hộ và cam kết của ông đối với tư cách thành viên NATO của Thụy Điển”.

“Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là thành viên NATO và đóng góp vào khả năng răn đe và phòng thủ của NATO.”

8. Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mykola Tochytskyi cáo buộc Nga có lịch sử “kích động” và “thúc đẩy” các cuộc xung đột trên khắp thế giới

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mykola Tochytskyi, người đang có mặt tại hội nghị thượng đỉnh ở Malta, kêu gọi các nước đoàn kết và “xây dựng một trật tự thế giới an toàn mới”.

“Chúng tôi cảnh báo rằng việc nhắm mắt làm ngơ trước hành vi vi phạm hòa bình và an ninh quốc tế của Nga sẽ gây ra xung đột trên thế giới”, ông nói và nhấn mạnh rằng “Nga có một lịch sử dài kích động và thúc đẩy các cuộc xung đột trên khắp thế giới”.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine nói rất chính xác. Thật thế, chúng ta đừng quên 21 năm nội chiến tương tàn trên quê hương Việt Nam là do người Nga xúi giục. Chỉ những kẻ vong bản, hay vô tri, thiếu hiểu biết mới có thể phủ nhận thực tại lịch sử là người Nga, và sau đó là người Tầu là những nhân tố chính gây ra cái chết của hàng triệu thanh niên hai miền Nam, Bắc.

9. Zelenskiy nêu ba điều quan trọng mà Công thức Hòa bình Ukraine có thể làm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh rằng Công thức Hòa bình do ông đề xuất năm ngoái đang dần trở nên toàn cầu khi nhiều người ủng hộ hoặc bày tỏ sự quan tâm thực sự khi hợp tác với nó.

Ông nói điều này trong khi phát biểu tại cuộc họp lần thứ ba của các cố vấn về việc thực hiện Công thức Hòa bình ở Malta.

Nhà lãnh đạo Nhà nước lưu ý rằng Công thức Hòa bình của Ukraine có 10 điểm bao gồm tất cả các khía cạnh trong hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được thế giới thông qua.

“Những điều chính mà Công thức Hòa bình có thể làm là gì? Đó là những điều rất quan trọng. Thứ nhất, Công thức Hòa bình bảo đảm đầy đủ hiệu lực của Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn hành vi xâm lược nước ta và xóa bỏ mọi hậu quả do nó gây ra, và sau này có thể trở thành mô hình khi toàn bộ sức mạnh của luật pháp quốc tế có thể ngăn chặn các hành vi xâm lược khác, không chỉ ở Ukraine mà còn trên toàn thế giới. Thứ hai, Công thức Hòa bình cho phép mỗi quốc gia trở thành người đi đầu trong việc khôi phục hòa bình và đóng vai trò độc lập trong việc kiến tạo hòa bình. Và thứ ba, những nỗ lực chung của chúng ta đang đặt nền tảng cho truyền thống đoàn kết toàn cầu mới - khi giúp một quốc gia chấm dứt chiến tranh, điều đó giúp chúng ta học cách kết thúc mọi cuộc chiến tranh”, ông Zelenskiy nói.

Theo ông, mặc dù không có hai cuộc chiến tranh nào giống nhau, nhưng Công thức Hòa bình có thể và nên được phổ biến rộng rãi.

“Kế hoạch thực hiện nó cần phải có tính phổ quát – để phản ảnh không phải một vị thế quốc gia cụ thể mà là vị trí của con người, của toàn thể nhân loại. Chúng ta sẽ chuẩn bị một kế hoạch hành động chung, sau đó trình lên Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu - ở cấp lãnh đạo - để thông qua và thực hiện vì hòa bình, vì bảo vệ mọi quốc gia khỏi chiến tranh”, Tổng thống nhấn mạnh.

Ông cảm ơn mọi quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham gia cuộc họp ở Malta. Nhìn chung, như Zelenskiy đã lưu ý, gần 70 chủ thể toàn cầu đã tham gia vào tiến trình Công thức Hòa bình.

Thay mặt Tổng thống Zelenskiy, Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak đã bắt đầu tham vấn với Hà Lan về việc ký kết thỏa thuận song phương về bảo đảm an ninh theo Tuyên bố chung ủng hộ Ukraine bên lề cuộc họp cao cấp quốc gia lần thứ ba về an ninh và chính sách đối ngoại ở Malta.

10. Ba người đã thiệt mạng trong một cơn bão ở Ukraine, khiến hàng trăm nghìn người mất điện trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về an ninh năng lượng của đất nước khi mùa đông đến gần.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 29 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết: “Ba người đã thiệt mạng do thời tiết xấu – hai người ở Thủ đô Kyiv và một người ở vùng Kyiv”.

Cô cho biết khoảng 300.000 người ở 14 khu vực không có điện, trong đó khu vực phía Tây Khmelnytskyi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Năm ngoái, lực lượng Nga đã liên tục tấn công mạng lưới năng lượng của Ukraine, khiến hàng triệu người không có điện, sưởi ấm và nước trong thời gian dài.

Kyiv đã cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với một chiến dịch khác của Nga nhằm vào mạng lưới năng lượng của nước này vào mùa đông này.

11. Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi các chính phủ khác lên án Kyiv sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy hạt nhân Kursk

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ lên án mạnh mẽ các hành động man rợ của Kyiv, cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục”.

Zakharova cho biết một máy bay không người lái chứa chất nổ đã làm hư hại các bức tường của cơ sở giải quyết chất thải hạt nhân trong khi hai chiếc khác đã tấn công một khu phức hợp tòa nhà hành chính.

Bà nói: “Theo dữ liệu sơ bộ, máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân đã sử dụng các phụ tùng do các nước phương Tây cung cấp”, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc tấn công như vậy phải có sự cho phép hoặc có thể của các đồng minh của Ukraine hoặc có thể được họ ra lệnh.

Nhà máy Kursk cho biết sau vụ tấn công rằng không có thương vong và mức độ phóng xạ cũng như hoạt động vẫn bình thường. Reuters cho biết họ không thể xác nhận độc lập các cáo buộc của Mạc Tư Khoa.

Vụ việc xảy ra vào tối thứ Năm một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga ở khu vực Khmelnytskyi phía tây Ukraine có thể đã nhằm vào nhà máy điện hạt nhân của khu vực.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết vụ tấn công đã phá hủy “nhiều cửa sổ” tại địa điểm này nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy Ukraine cũng như kết nối của nhà máy với lưới điện.
 
10 điểm trong chính sách tôn giáo nham hiểm của TQ. GM Côte d’Ivoire than phiền các LM ở lại Âu Châu
VietCatholic Media
04:53 29/10/2023


1. Một giám mục Côte d’Ivoire than phiền các linh mục Phi châu ở lại Tây phương

Một giám mục nước Côte d’Ivoire, Đức Cha Ignace Bessi, Tổng giám mục Giáo phận Korhogo, kêu gọi cầu nguyện cho các linh mục Phi châu đến Tây phương làm việc rồi không chịu về nước, dù đã hết hạn thời gian làm việc.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo La Croix Phi châu, truyền đi ngày 20 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Bessi than rằng trong khi các linh mục Tây phương từ bỏ mọi sự để sống tại Phi châu, thì nhiều linh mục Phi châu cứ muốn ở lại Tây phương, không chịu trở lại giáo phận gốc.

Đức Cha cũng nói rằng sự cộng tác giữa các giáo phận Phi châu và Tây phương được ấn định theo các hợp đồng giữa hai giám mục giáo phận liên hệ. Theo những trường hợp được biết, Đức Tổng Giám Mục đề nghị ký hợp đồng cộng tác dài ba năm và có thể gia hạn một lần mà thôi. Hợp đồng được ba người ký kết, là hai giám mục hai giáo phận và linh mục do Đức Giám Mục chọn. Theo hợp đồng cộng tác truyền giáo này, linh mục Phi châu nhận lương bổng tại giáo phận ở Tây phương, giống như các linh mục khác trong giáo phận ấy. Cũng có những trường hợp các giáo phận đón nhận linh mục ấy, cung cấp cho giáo phận gốc của linh mục liên hệ ở Phi châu các ý lễ hoặc hỗ trợ việc mục vụ giáo phận. Đôi khi giáo phận đón nhận đó cũng yêu cầu linh mục đến giúp, đóng một tỷ lệ nào đó cho quỹ tương trợ bình đẳng của giáo phận.

Đức Tổng Giám Mục Bessi cho biết có một số linh mục Phi châu được gửi sang Tây phương không muốn trở về giáo phận gốc và tìm nhiều lý do để biện minh cho lối cư xử đáng trách của mình. “Trong thực tế, sự tiếp xúc với Tây phương, với hàng ngàn tiện nghi tài chánh, có thể làm cho tâm hồn của những linh mục thiếu đời sống cầu nguyện vững chắc, rốt cuộc rơi vào chước cám dỗ của thần “Mamone” xấu xa. Chúng ta biết rất rõ không ai có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc. Sự tôn thờ ấy làm cho linh mục xa lìa sứ mạng họ được gửi đi để thi hành. Hoàn cảnh sống khó khăn ở Phi châu, về một số phương diện nào đó, giải thích tại sao một số linh mục Phi châu từ chối trở về giáo phận của họ. Rất tiếc là hiện tượng này ngày càng lan rộng nơi nhiều linh mục, từ năm này qua năm khác.”

Đức Tổng Giám Mục Bessi nói thêm rằng chính các giám mục có nhiệm vụ làm việc để chấm dứt hiện tượng này. Hai giám mục đối tác trong sự cộng tác truyền giáo phải thỏa thuận với nhau quanh hợp đồng đã ký kết. Các vị phải cảnh giác để đừng hành động sai trệch hợp đồng đã ký kết.

2. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Caccia trước Ủy ban Đầu tiên về Vũ khí Thông thường

Vào ngày 24 tháng 10 năm 2023, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra tuyên bố trong cuộc thảo luận chuyên đề về vũ khí thông thường tại Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến giải trừ quân bị và các vấn đề an ninh quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục Caccia bắt đầu bằng cách nhắc lại rằng tất cả các Quốc gia thành viên của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân chia sẻ nghĩa vụ theo đuổi các cuộc đàm phán “về một hiệp ước nhằm giải trừ vũ khí tổng quát và hoàn toàn”. Ngài nhấn mạnh rằng, việc tái khẳng định mục tiêu này là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh vũ khí gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đồng thời lưu ý đến việc sử dụng rộng rãi vũ khí bừa bãi ở Ukraine.

Ngài lặp lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng vũ khí thông thường chỉ nên được sử dụng cho mục đích phòng thủ và không nhằm vào các mục tiêu dân sự. Khi làm việc vì những mục tiêu như vậy, Đức Tổng Giám Mục Caccia kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đặt phẩm giá vốn có của con người làm trung tâm. Về vấn đề này, Tòa Thánh lặp lại sự hỗ trợ cho Chương trình Hành động nhằm ngăn chặn, chống lại và xóa bỏ việc buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ cũng như lời kêu gọi đàm phán của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý để cấm việc lan tràn các hệ thống vũ khí gây chết người.

3. 10 điều cần biết về chính sách tôn giáo của Trung Quốc

Pew Research Center có bài tường trình nhan đề “10 things to know about China’s policies on religion”, nghĩa là “10 điều cần biết về chính sách tôn giáo của Trung Quốc”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã ban hành các quy định mới về hoạt động tôn giáo nhằm thắt chặt việc giám sát các giáo sĩ và giáo đoàn.

Các quy định này là một phần trong chiến lược lâu dài của bọn cầm quyền Trung Quốc nhằm gắn kết tôn giáo với chủ nghĩa cộng sản và bảo đảm lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tổ chức tán thành và thúc đẩy chủ nghĩa vô thần. Gần đây hơn, những quy định như vậy còn nhằm mục đích đưa tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc và với “Tư tưởng Tập Cận Bình”, và sự pha trộn giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hiến pháp Trung Quốc quy định người dân bình thường được hưởng “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” và bọn cầm quyền chính thức công nhận 5 tôn giáo: Phật giáo, Công Giáo, Hồi giáo, Tin lành và Đạo giáo (còn gọi là Lão giáo). Nhưng chính quyền kiểm soát chặt chẽ hoạt động tôn giáo. Trung Quốc được xếp hạng trong số các chính phủ hạn chế tôn giáo nhất thế giới hàng năm kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu theo dõi các hạn chế về tôn giáo vào năm 2007.

Dưới đây là 10 điều cần biết về cách bọn cầm quyền Trung Quốc quản lý tôn giáo, từ báo cáo gần đây của chúng tôi, “Chính sách tôn giáo ở Trung Quốc”.

Thứ nhất: Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Hán hóa” đòi hỏi các nhóm tôn giáo phải điều chỉnh học thuyết, phong tục và đạo đức của họ phù hợp với văn hóa Trung Quốc. Chiến dịch này đặc biệt ảnh hưởng đến cái gọi là tôn giáo “nước ngoài” – bao gồm Hồi giáo cũng như Công Giáo và Tin lành – là những tôn giáo được cho là cần phải ưu tiên các truyền thống Trung Quốc và thể hiện lòng trung thành với bọn cầm quyền.

Thứ hai: Hán hóa có nhiều hình thức khác nhau. Chính quyền đã dỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ Kitô Giáo và phá hủy mái vòm và tháp của các đền thờ Hồi giáo để khiến chúng trông giống Trung Quốc hơn. Các linh mục, mục sư Kitô Giáo và giáo sĩ Hồi Giáo được tường trình đã được yêu cầu tập trung vào các giáo lý tôn giáo phản ánh các giá trị xã hội chủ nghĩa. Bọn cầm quyền cũng có kế hoạch phát hành một phiên bản Kinh Qur'an có chú thích mới nhằm giúp các giáo lý Hồi giáo phù hợp với “văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Thứ ba: Các chính sách hạn chế của Trung Quốc đối với người Hồi giáo - đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương - đã được ghi nhận rộng rãi trong thập kỷ qua. Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc bắt người Duy Ngô Nhĩ phải chịu sự giam giữ, giám sát và tra tấn hàng loạt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mô tả các sự kiện ở Tân Cương là tội diệt chủng, cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Trung Quốc trong các trại giam được xây dựng đặc biệt. Người Duy Ngô Nhĩ chiếm 43% người Hồi giáo Trung Quốc.

Bọn cầm quyền Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc và nói rằng việc di dời, tập trung trong các trại và các biện pháp cưỡng bức khác là nhằm cải thiện cuộc sống của người Hồi giáo. Ví dụ, các quan chức Trung Quốc cho biết các trại ở Tân Cương cung cấp việc dạy nghề và chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Thứ tư: Kitô giáo ở Trung Quốc bị chi phối bởi một số bộ quy tắc. Người theo Kitô giáo được phép thờ phượng trong “các nhà thờ chính thức” đã ghi danh với các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giám sát đạo Tin lành và Công Giáo. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu từ chối sự giám sát này và muốn thờ phượng trong các nhà thờ hầm trú.

Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2013, bọn cầm quyền đã cấm truyền giáo trực tuyến, thắt chặt kiểm soát các hoạt động Kitô giáo bên ngoài các địa điểm đã ghi danh và đóng cửa các nhà thờ từ chối ghi danh. Nhà chức trách cũng đã bắt giữ các lãnh đạo giáo hội nổi tiếng và một số Kitô hữu được cho là đã bị giam giữ trong các trại tập trung.

Năm 2018, Vatican và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục nhằm giúp giảm bớt căng thẳng đối với người Công Giáo Trung Quốc – một thỏa thuận bị nhiều người chỉ trích. Kể từ đó, bọn cầm quyền Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực đưa các nhà thờ Công Giáo vào hệ thống chính thức và tăng cường áp lực đối với những người từ chối tham gia.

Thứ năm: Trung Quốc đối xử với Phật giáo - đặc biệt là Phật giáo Hán, nhánh phổ biến nhất trong nước - một cách khoan dung hơn so với Kitô giáo hay Hồi giáo. Tập thường xuyên ca ngợi Phật tử Hán vì đã tích hợp Nho giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng và thực hành truyền thống khác của Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc đã đàn áp Phật tử Tây Tạng. Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch “cải tạo chính trị” nhằm củng cố lòng trung thành với Tập Cận Bình và ngăn cản lòng trung thành với Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong. Hơn nữa, bọn cầm quyền Trung Quốc đã bị chỉ trích vì phá bỏ các di tích Phật giáo Tây Tạng, bao gồm các tu viện và tượng.

Thứ sáu: Tôn giáo dân gian và truyền thống tâm linh cổ xưa đóng một vai trò lớn ở Trung Quốc. Bọn cầm quyền khuyến khích một số hoạt động được coi là một phần di sản văn hóa của Trung Quốc và đã tài trợ cho việc trùng tu một số ngôi chùa tôn giáo dân gian. Người dân ở Trung Quốc được phép tôn kính nhà triết học Trung Quốc Khổng Tử và tham gia các lễ hội đền thờ nơi các vị thần dân gian được thờ phượng - ví dụ như Mazu, nữ thần biển cả. Chính quyền cũng đưa lễ hội Mazu đến với những tín hữu Đài Loan như một cách để đạt được lợi ích chính trị.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương quản lý các hoạt động tôn giáo dân gian để bảo đảm chúng phản ánh di sản văn hóa và được hướng dẫn bởi các giá trị xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 2015, chính quyền địa phương đã ghi danh các ngôi chùa có tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa, đồng thời nỗ lực đưa nhân viên và hoạt động của họ dưới sự giám sát của nhà nước. Ở một số tỉnh, những ngôi chùa mà chính quyền địa phương cho là không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa và xã hội đã bị phá bỏ hoặc đóng cửa hoặc chuyển thành cơ sở vật chất thế tục.

Thứ bẩy: Hoạt động tôn giáo nằm ngoài năm tôn giáo được chính thức công nhận và không được bọn cầm quyền chấp thuận như một hình thức di sản văn hóa thường bị chính quyền xếp vào loại “mê tín” hoặc “tà giáo”. Ví dụ, luật pháp Trung Quốc cấm phép thuật và ma thuật, và bọn cầm quyền phản đối các hoạt động tôn giáo dân gian bao gồm yếu tố mê tín như đốt pháo để xua đuổi tà ma.

Một số nhóm, bao gồm Pháp Luân Công, Giáo hội Thống nhất và Những đứa con của Chúa, bị coi là giáo phái và bị cấm. Bọn cầm quyền đã bị buộc tội bắt giữ các học viên Pháp Luân Công và tra tấn họ một cách có hệ thống, chẳng hạn như thu hoạch nội tạng.

Thứ tám: Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền khuyến khích chủ nghĩa vô thần và ngăn cản người dân thực hành tôn giáo. 281 triệu người Trung Quốc thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc các tổ chức thanh niên trực thuộc của nó chính thức bị cấm tham gia vào một loạt các hoạt động tâm linh.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn dung túng cho việc thỉnh thoảng tham gia vào các phong tục văn hóa. Ví dụ, việc thỉnh thoảng đi thăm chùa là điều có thể chấp nhận được. Nhưng việc viếng thăm các ngôi chùa trong tất cả các ngày tôn giáo quan trọng hoặc thường xuyên đi hỏi thầy bói có thể dẫn đến việc bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định có theo một tôn giáo hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo, mặc dù nhìn chung tỷ lệ này thấp hơn so với những người không phải đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ chín: Trẻ em dưới 18 tuổi bị hiến pháp cấm có bất kỳ liên kết tôn giáo chính thức nào ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có lệnh cấm giáo dục tôn giáo, bao gồm các trường học Chúa Nhật, trại hè tôn giáo và các hình thức nhóm tôn giáo thanh thiếu niên khác. Các trường học tập trung vào việc thúc đẩy việc phi tôn giáo và chủ nghĩa vô thần, và nhiều trẻ em tham gia các nhóm thanh niên trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi các em phải cam kết theo chủ nghĩa vô thần.

Thứ mười: Thái độ của Trung Quốc đối với tôn giáo bắt nguồn từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu đã lên án tôn giáo có liên quan đến “chủ nghĩa đế quốc văn hóa nước ngoài”, “chế độ phong kiến” và “mê tín”, đồng thời đàn áp các nhóm tôn giáo trên diện rộng. Trong Cách mạng Văn hóa (1966-76), Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông thề sẽ loại bỏ “mọi thứ cũ bao gồm tư tưởng cũ, phong tục cũ và thói quen cũ”, và Hồng vệ binh đã tấn công hoặc phá hủy nhiều đền chùa, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo.


Source:pewresearch.org
 
Thánh Ca
TV 130
Lm. Thái Nguyên
23:25 29/10/2023

 
Là anh em với nhau
Lm. Thái Nguyên
23:26 29/10/2023