Ngày 31-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Các Thánh Nam Nữ 1 tháng 11 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:46 31/10/2022


BÀI ĐỌC 1 Kh 7:2-4,9-14

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

Tôi là Gio-an, tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả. Thiên thần ấy nói: “Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”.

Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en.

Sau đó, tôi thấy: một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.”

Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta, lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! A-men!”

Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?”

Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó.”

Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Ga 3:1-3

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 11:28

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Alleluia. 

TIN MỪNG Mt 5:1-12a

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.

Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả,

bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Đó là Lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:20 31/10/2022

22. Đức Chúa Giê-su là mục tử dễ thương nhất của chúng ta, chúng ta không nên rời xa Ngài, càng không nên để Ngài nhìn không thấy chúng ta.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:23 31/10/2022
39. DÒNG CHẢY CỦA CHÍNH MÌNH

Đêm xuống, dòng sông giống như một giải tơ tằm màu đen, trong ánh sáng nhè nhẹ lấp lánh phát sáng, rất nhu mì yên tịnh và rất tinh tế, tựa hồ như nhìn không thấy vết tích dòng chảy của nó, nhưng bạn biết quỹ đạo của cuộc sống chính là đi cùng dòng chảy thư thả của nó, chảy qua rất nhiều thay đổi của buồn vui, rất nhiều luân hồi của sống chết. Hoặc là sóng lặng gió yên hay là sóng gầm ngất trời, hoặc là tuôn trào ngàn dặm hay là gập gềnh khúc khuỷu.

Chúng ta rồi cũng thành quá khứ, không tránh khỏi có nhiều đau thương, nhiều nước mắt, nhiều vui sướng và tán thán.

Chúng ta vượt qua núi non, đi khắp đồng ruộng, có lúc một mình bôn ba, có lúc cùng với các dòng sông khác tập họp lại, dọc đường nhìn không hết những phong cảnh tự nhiên, hoặc là đẹp hay là xấu, hoặc là sạch sẽ hay là bụi bám, có một sợi dây tình ái, có chút ít thương xót, có chút ít điềm tĩnh hoặc không điềm tĩnh, chúng ta không thể tuyển chọn, bởi vì đó là dòng chảy của chính mình, trong quá trình lưu chảy thư thả của nó, chúng ta học tập cách tiếp thu nó và thử yêu nó…

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 39:

Trần gian là một lưu vực chảy xiết, mạnh bạo và nhẹ nhàng, cuồng phong và êm đềm, hiền hoà và giận dữ cho những con ngừơi đang bơi trong ấy, mà chúng ta gọi là dòng chảy cuộc đời.

Trong dòng chảy ấy, có ngừơi chửi rủa thựơng đế vì cho họ làm ngừơi, có ngừơi ca ngợi thượng đế vì ban tặng cho họ cuộc đời hạnh phúc, có ngừơi hân hoan vui vẻ hát ca, có ngừơi buồn tủi đau thương...

Dòng chảy cuộc đời vẫn cứ chảy, hiền hoà hay giận dữ không do nó, nhưng do chính chúng ta buồn vui giận ghét mà có, và do chúng ta vì không nhìn thấy cuộc đời chính là quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Dòng chảy của chính mình là dòng chảy nhỏ trong dòng chảy cuộc đời thế gian, ngừơi Ki-tô hữu rất biết điều đó, không phải để ta thán, không phải để oán trách Thiên Chúa, nhưng là để mãi mãi ca ngợi tình yêu của Ngài ban cho chúng ta. Tại sao vậy? Thưa vì Đức Chúa Giê-su đã làm người và cũng đã “chảy “trong dòng đời ấy, để nâng cao giá trị của con ngừơi, và để hướng dòng chảy của mỗi ngừơi chúng ta chảy hứơng về Thiên Chúa chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm lễ Các Thánh 1/11/2022
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:52 31/10/2022
Ông kia bà nọ làm được (thánh) tại sao tôi lại không?

Suy niệm lễ Các Thánh 1/11/2022

Đó là câu nói của Thánh Augustino. Là ki-tô hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong Giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sứ tóm lược của Thánh Augustino Hippo, một tội nhân trở thành thánh nhân.

Như vậy, để trở thành một thánh nhân không phải không trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Là con người, ngay từ đầu Thiên Chúa sáng tạo rất là tốt đẹp hay nói như Mạnh Tử: ‘nhân chi sơ tính bản thiện’ (con người sinh ra bản tính là thiện). Tuy nhiên, vì tội nguyên tổ, là Adong và Eva, con người phải mang lấy sự đau khổ và sự chết. Chính Thánh Phaolô đã khẳng định: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5,12). Vì thế, thánh nhân cũng nhận chân rằng “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

Tại sao phải nên thánh? Chúng ta làm sao nên thánh được?

Trước khi là thánh nhân, chúng ta là những con người tội lỗi cần được thứ tha và cần được Thiên Chúa xót thương. Quả thật, Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật, đặc biệt con người chúng ta là nhằm để chúng ta được hưởng ơn cứu độ, hay nói cách khác để chúng ta nên thánh. Chính Chúa đã phán: “Các người hãy Thánh, vì Ta là Thánh” (Lv 19,2). Cũng vậy, Đức Giê-su đã mời gọi:“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt5,48). Thánh Công Ðồng Vatican II cũng khẳng định là ‘ơn gọi của mọi người tín hữu là nên thánh.’ Chính vì thế, tại sao ta phải nên thánh vì chính Thiên Chúa mời gọi ta nên thánh. Ngài không chỉ mời gọi một lần cho muôn lần, nhưng lời mời gọi đó âm vang mãi từng giây từng phút trong cuộc đời của chúng ta.

Tại sao là những người bị xem như là tội lỗi và bất toàn, các vị tiền nhân đã trở nên những vị thánh lỗi lạc và thánh thiện?

Phải chăng các ngài đã nghe được tiếng mời gọi của Chúa và mau mắn lên đường đi theo tiếng mời gọi đó dầu có nhiều chông gai, thử thách và khó khăn gian khổ. Các ngài đã sống triệt để Mười Lời (10 điều răn) và Tám Mối Phúc mà chính Đức Giê-su đã mời gọi. Chúng ta thử xem lại hành trình nên thánh của các vị thánh trong Giáo Hội, là chúng ta biết rõ ràng cách nên thánh của các ngài. Chẳng hạn, hành trình nên thánh của Thánh An tôn tu rừng như sau: vào khoảng năm 271 một thanh niên giàu có, tới nhà thờ vào một buổi sáng Chúa nhật. Hôm đó, người thanh niên giàu có được nghe bài Phúc Âm được trích trong Matthêu 19,16-22: “Xảy ra là có một người thanh niên đến thưa với Chúa rằng: Lạy Thầy, tôi phải làm gì tốt để được sống đời đời? – Chúa đáp: Nếu ngươi muốn vào cõi hằng sống, hãy giữ các giới răn. – Người đó thưa: Những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ, tôi còn thiếu xót gì nữa chăng? – Chúa nói tiếp: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Đó là một trong những lời mời gọi của Chúa. Người thanh niên đó bắt đầu suy nghĩ nhưng anh chưa thấy được con đường mà Chúa muốn cho anh đi là con đường nào. Chúa nhật sau cũng trong khung cảnh của ngôi thánh đường quen thuộc đó, Lời Chúa lại vang lên: “Các người đừng lo cho ngày mai. Việc ngày mai để cho ngày mai lo. Khó khăn ngày nào có đủ cho ngày đó.” (Mt 6,34). Thế là con đường đã rõ, anh về bán tất cả tài sản do bố mẹ để lại, chia phần của cô em nhờ ông bác quản lý để lo cho em, còn của anh, anh bán tất cả và làm như lời Chúa dạy rồi anh vào trong rừng vắng sống cuộc đời tu trì ở trong đó. Đó là Thánh Antôn tu rừng, ông tổ của dòng tu chiêm niệm.

Nên thánh là đi theo con đường hẹp.

Theo Chúa là phải từ bỏ cái tôi, cái ý riêng, cái tội lỗi, cái danh lợi dục nơi con người để theo sát chân Đức Giê-su, con người của sự hi sinh, dấn thân, yêu thương và phục vụ. Nên thánh là đi trên con đường hẹp, đó là con đường Chúa đã đi qua: con đường thập giá và hy sinh; con đường yêu thương và phục vụ; con đường vui vẻ và hân hoan dẫu có đắng cay và nghiệt ngã trên đường đời.

Nên thánh là chấp nhận chịu thiệt thòi bây giờ và hôm nay, để ngày mai Chúa sẽ định liệu và thưởng công xứng đáng cho những ai kiên trì đến cùng. “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ.” (Mt 10, 22). Chẳng hạn, Thánh Antôn tu rừng mà chúng ta vừa kể trên. Sau khi bán hết mọi sự để theo tiếng Chúa gọi là một việc làm khó khăn, nhưng để sống theo Chúa cách sát sao lại con khó khăn hơn rất nhiều. Quả thật, sau khi đã bán mọi sự, Antôn đi vào trong rừng vắng. Ma quỉ đã không để anh được yên. Chúng thi nhau tấn công anh, tấn công bằng mọi thủ đoạn kể cả những thủ đoạn tầm thường nhất. Chúng dùng đến cả những hình ảnh bẩn thỉu nhất để cám dỗ anh. Anh đã phải chiến đấu liên lỉ. Và nhờ sự nỗ lục kiên trì chiến đấu không mệt mỏi cộng với ơn Chúa, anh Antôn đã đã chiến thắng.

Thêm vào đó, chúng ta bắt gặp một trong những bà thánh nổi tiếng về đời sống kiên trì theo Chúa không mệt mỏi, đó bà thánh Monica. Chúng ta tưởng là bà đã nên thánh một cách đễ dàng sao? Không, hoàn toàn không! Không dễ dàng chút nào cả mà là đầy những cố gắng chất chứa những hy sinh chịu đựng. Trong suốt 30 năm ròng rã cầu nguyện, hãm mình hi sinh, thánh nhân mới thành công đem được người con của bà về với Chúa, đó là Thánh Augustino mà chúng ta đã nhắc ở trên. Nhờ lòng bền độ trong âm thầm lặng lẽ với lòng tín thác cậy trông vào Chúa, gia đình bà đã sum họp trong sự thánh thiện và hạnh phúc. Quả thật, chỉ có những ai biết nhẫn nại kiên trì, những người ấy mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.”(Mt 11,12).

Ông kia bà nọ làm được (thánh) tại sao tôi không?

Một chàng thanh niên thuở xưa có tên là Salésio. Anh có tên thánh là Phanxicô. Một lần kia anh đọc lịch sử Giáo Hội, anh thấy trong Giáo Hội đã có 3 người mang tên Phanxicô đã làm thánh: Đó là thánh Phanxicô khó khăn, thánh Phanxicô đệ Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, tự nhiên anh cảm thấy mình cũng phải làm gì để được nên thánh. Thế là anh đi tới một quyết định: Tôi sẽ là Phanxicô thứ 4. Anh đã giữ được quyết định đó và anh đã làm thánh. Đó là thánh Phanxicô Salésio.

Gần đây chúng ta hay nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi chắc chắn Mẹ đã biết trong lịch sử của Giáo Hội đã có hai vị thánh mang tên Têrêsa: Đó là thánh Têrêsa Avila, Têrêsa Hài đồng Giêsu. Tuy không nói ra nhưng tôi tin Mẹ cũng đã nguyện ước Mẹ cũng là một thánh Têrêsa khác. Và hôm nay, mẹ đã thành công. Giáo Hội đã tôn phong mẹ lên hàng chân phước.

Thật vậy, các thánh cũng là những con người bình thường như chúng ta, thậm chí còn có những quá khứ không mấy tốt đẹp hơn chúng ta, nhưng tại sao các ngài lại vượt qua được tất cả và đã trở nên những người được Thiên Chúa chọn lựa và chúc phúc. Sách Khải Huyền đã định nghĩa các thánh: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. (Kh 7,14). Chính các ngài đã ý thức thân phận bất tài, mỏng giòn của mình để không cậy vào mình nhưng Tin – Cây – Yêu và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Quả thật, ai đó đã nói “không thánh nhân nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào mà không có tương lai”. Vì thế, mỗi chúng ta có thể se là những thánh nhân trong tương lai dù quá khứ chúng ta không mấy sáng sủa và tốt lành, nhưng chúng ta hãy cố gắng, nỗ lực sống thật tốt ngang qua Tám Mối Phúc Thật và các điều răn của Chúa dạy. Các ông này bà nọ làm được thánh, chẳng lẽ chúng ta lại không? Chúng ta hãy cố gắng và phấn đấu nên thánh mỗi ngày như Chúa Giê-su luôn luôn mời gọi chúng ta: :“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt5,48).

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Khôn Ngoan Trong Hành Động - Kiên Trì Trong Cầu Nguyện Và Hiền Lành Trong Phục Vụ.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:54 31/10/2022
Khôn Ngoan Trong Hành Động - Kiên Trì Trong Cầu Nguyện Và Hiền Lành Trong Phục Vụ.

Lời tổng nguyện trong Thánh Lễ truyền chức Phó Tế có những dòng cuối như sau: xin cho các thầy biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ. Lời cầu xin thật hàm súc và ý vị. Xin được chia sẻ đôi tâm tình cùng các “thầy sáu” và hẳn nhiên cũng là những lời tự kiểm cho bản thân.

Khôn ngoan trong hành động: Người khôn ngoan trước hết là người biết phân biệt các sự vật hiện tượng và nhận biết một vài mối tương quan giữa chúng, cách riêng mối tương quan nhân quả. Họ biết phân biệt cái gì tốt cái gì xấu, cái gì đúng cái gì sai; biết phân biệt điều hơn điều kém, điểm chính, điểm phụ, đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, đâu là bản chất đâu là hiện tượng… Có lẽ môn toán mà ta học ở nhà trường là một trong những môn học góp phần rất lớn trong việc rèn luyện trí khôn. Từ bậc tiểu học đến bậc trung học qua các phép tính “cộng trừ nhân chia”, các dấu hiệu “bằng, hơn, kém, suy ra, ắt có và đủ…” tất thảy đều giúp ta biết phân biệt. Biết phân biệt chính là tiền đề của sự khôn ngoan.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa phải là khôn ngoan. Người khôn ngoan không chỉ biết phân biệt cái gì tốt cái gì xấu, nhưng còn biết chọn lựa. Họ biết chọn điều tốt hơn điều xấu, biết chọn điều tốt nhiều hơn là tốt ít và dĩ nhiên luôn ưu tiên chọn điều tốt nhất. Để đạt mục tiêu nào đó thì trong hành động, người khôn ngoan luôn chọn phương án tối ưu và luôn sẵn sàng phương án kém hơn để dự phòng một khi phương án tối ưu bị ngăn trở không thể thực thi. Trong các mục tiêu đề ra, người khôn ngoan thường chọn lựa mục tiêu tốt nhất và khả thi nhất. Và tương tự như thế, trong các nguyên nhân làm nên một kết quả thì người khôn ngoan xem trọng những nguyên nhân chính, trong các điều kiện để hình thành một sự kiện hay hiện tượng thì người khôn ngoan lưu tâm đặc biệt đến những điều kiện tất yếu phải có.

Vấn đề đặt ra ở đây không phải là trình bày thế nào là khôn ngoan, nhưng lướt qua một đôi nét khái niệm về khôn ngoan để tự kiểm xem mình có thực sự khôn ngoan hay là chỉ khôn lanh thậm chí có khi chỉ là khôn ranh. Quả thật xét lại bản thân, rất nhiều khi tôi những tưởng mình đã khôn nhưng chỉ là khôn lanh mà thôi. Đó là mặc dù có biết phân biệt điều gì tốt và điều gì là tốt hơn, thậm chí điều gì tốt nhất, thế mà tôi thường chọn lựa điều tốt “xoàng xỉnh”, điều tốt ít hơn để khỏi “bán đi tất cả gia tài để tậu cho được kho báu” (x.Mt 13,44-46), khỏi phải hy sinh hoặc để khỏi phải đụng chạm ai, nhất là khỏi phải làm mất lòng kẻ có thế, có quyền. Biết đó là điều tốt hơn mà bản thân không dám chọn lựa, quả là vẫn còn khôn ngoan theo “kiểu thế gian”, nếu không muốn nói là khôn lanh, khôn lỏi.

Người ta thường gắn sự khôn ngoan với đức cẩn trọng. Dĩ nhiên người khôn ngoan thì biết thận trọng nhưng không phải cứ hễ biết thận trọng là đã khôn ngoan. Một điều cần lưu ý đó là rất nhiều khi cái vỏ bọc thận trọng lại đang che đậy cái sự khôn lanh của chúng ta. Bên ngoài xem ra là thận trọng nhưng bên trong là sự toan tính thiệt hơn, sợ bị mang tiếng, sợ bị khó dễ, sợ bị mất lòng…Phải chăng đã và đang có đó những người ngoài đời lẫn trong đạo rất “thận trọng” nên không làm gì, không nói gì, vì thế chẳng đụng đến ai, chẳng làm mất lòng ai và mỗi khi có bầu cử chọn lựa nhân sự vào trách vụ lớn nào đó họ đều được rất nhiều phiếu. Và rồi sau đó trong chức vụ đảm nhận họ cũng chẳng làm gì vì quá thận trọng. Rất có thể chẳng làm được gì nhiều cho tha nhân khi mà họ chỉ biết lo cho sự an toàn của bản thân. Đây là khôn ngoan Chúa muốn hay là khôn ngoan của thế gian này? Bản thân cũng đã từng khuyên nhủ các thầy phó tế về giúp xứ rằng: đang thời kỳ chuyển tiếp, đừng có làm gì, nói gì đụng đến ai. Hãy cứ nói và làm kiểu chung chung không mất lòng ai cả. Cứ đợi cờ đến tay tức là thụ phong linh mục, rồi hãy phất. Quả thật, với kiểu khuyên nhủ ấy thì không khác gì bày mưu tính kế cho các vị ấy sống khôn lanh. Và rồi khi cờ đến tay thì các vị ấy cũng có phất nhưng thường là phất “theo chiều gió”!

Kiên trì trong cầu nguyện: Là Kitô hữu, hẳn chúng ta không thể quên lời dạy của Chúa Giêsu là hãy kiên trì cầu nguyện (x.Lc 11,1-13). Thế nhưng Chúa Giêsu lại còn căn dặn chúng ta khi cầu nguyện chớ có dài lời như anh em lương dân vì Cha trên trời thừa biết chúng ta cần những gì (x.Mt 6,7-8). Chính vì thế mà chúng ta cần xác định rõ nội hàm của việc cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và rồi sau đó thực thi thánh ý Người. Để tiếp xúc, gặp gỡ Chúa thì có nhiều cách thế và hình thái khác nhau. Nhưng dù là tâm nguyện hay khẩu nguyện, dù là cách cộng đoàn công khai, chính thức trong các buổi cử hành Phụng vụ hay âm thầm cá nhân riêng tư, dù là suy niệm hay chiêm niệm, dù là chi chi nữa thì cái đích nhắm cũng là để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và rồi để thực thi thánh ý Người.

Quả thật không một ai dám to gan khẳng định mình có thể trong một sớm một chiều mà hiểu biết được Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn khác mọi loài thụ tạo. Tư tưởng của Thiên Chúa thì vượt quá mọi luận lý hay nghĩ suy của con người và đường lối của Người cũng vượt xa lối đường của phàm trần (x.Is 55,8). Ngay cả với những thực tại trần thế này, những dữ kiện, những con người cụ thể quanh mình mà chúng ta nhiều khi cũng khó có thể hiểu nổi và chắc chắn không thể nào hiểu biết cách tường tận. Với chính bản thân, chúng ta cũng nhiều khi không thực sự hiểu con người của mình. Trước giờ chịu tử nạn Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô…” (Ga 17,3 tt). Sự hiểu biết ở đây không dừng lại ở sự nhận thức của lý trí mà gồm cả sự gắn bó của ý chí. Nếu chỉ xét nguyên về khía cạnh nhận thức của trí khôn thì để biết được Thiên Chúa một cách nào đó, một mức độ nào đó thôi thì quả là một quá trình tìm kiếm học hỏi không ngừng. Xin đừng hài lòng với việc thuộc nằm lòng một số tín điều hay một số vốn liếng thần học cho dù có cao siêu hay chặt chẽ. “Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh” (Lão Tử). Rất có thể chúng ta vô tình thờ ngẫu tượng do chính những khái niệm hoàn toàn mang tính nhân loại. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng xưa đã tỏ bày cho Môsê là Đấng không ai có thể nắm được khi tự giới thiệu danh tính: “Ta là Ta” ( Xh 3,13-15 ) thì nay chúng ta có thể tiếp cận qua Chúa Giêsu Kitô. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Để ngày càng hiểu biết Chúa Giêsu Kitô thì có nhiều phương thế, tuy nhiên các bản văn Tin mừng vẫn là những phương thế không thể thay thế vì chúng trực tiếp giới thiệu cho chúng ta chân dung của Đấng Cứu Thế. Hội Thánh khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (MK 25). Cái biết ở đây mới chỉ dừng lại ở phạm trù lý trí. Nhưng dẫu sao nó cũng là cánh cửa để lòng mến đi vào. “Vô tri bất mộ”; “Vô mộ bất hành”; “Vô hành bất thành sự”.

Đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh là một quá trình bền bỉ của bất cứ Kitô hữu nào, cách riêng với những người có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cách công khai và chính thức là hàng giáo sĩ (phó tế, linh mục, giám mục). Thời lượng 6-7 năm ở Chủng viện, các ứng sinh được giảng dạy về Thánh Kinh có lẽ chưa thực sự đủ đầy, vì chương trình giảng dạy có quá nhiều môn học khác, cho dù đa phần các môn học ấy đều có Lời Chúa. Có đấng bậc còn ví von rằng thời gian ở Chủng viện, ở Học viện chỉ là thời gian học biết cách lật sách. Mà xem ra sự thật thì không khác là bao. Đã biết cách lật sách mà sau đó không mở thì phỏng có ích gì. Nói rằng không mở thì quả là hàm hồ. Thế nhưng với cái thị hiếu “mì ăn liền” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thì chúng ta cũng dễ bị cám dỗ mở những trang sách “đã xào nấu sẵn”, và cứ thế mà nhai nuốt hay dọn cho người khác dùng mà có khi chính bản thân chưa thực sự cảm nhận hương vị của “món ăn Lời Chúa”.

Điều này thật dễ nhận ra. Bà con tín hữu thỉnh thoảng than phiền đấng bậc này, đấng bậc nọ giảng lễ nhạt nhẽo, nếu không muốn nói là cách vô hồn hay thiếu xác tín. Chập chững bước vào hàng giáo sĩ, được chính thức giảng Lời Chúa trong Thánh Lễ, cái tâm lý dễ có nơi chúng ta đó là muốn chứng tỏ mình. Tài giảng dạy của mình không thua các bậc đàn anh, mà phải qua mặt các vị ấy chứ. Cái tâm lý này tự nó không xấu. Xét trên bình diện tự nhiên thì rất tốt là đàng khác vì “hậu sinh khả úy”, và “con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên một điều không thể thiếu là cần có một chút xác tín nào đó, một chút cảm nhận nào đó về những gì mình giảng dạy. Và sẽ không có điều này nếu thiếu một đời sống cầu nguyện chuyên chăm, thiếu gắn bó với Lời Chúa cách bền bỉ. Những gì thánh tiến sĩ Tôma Aquinô để lại cho chúng ta thường là kết quả của những giờ chầu Thánh Thể và những lần lật giở các trang Thánh Kinh. Với những người đã lâu năm trong bổn phận giảng dạy thì rất có thể bị cám dỗ “liếc qua” các bài đọc Lời Chúa, có khi chỉ liếc sơ bài Tin Mừng vì chỉ cần liếc sơ sơ là biết rõ nội dung. Chính vì thế mà các vị không còn đọc Lời Chúa cách kỹ lưỡng và dường như đánh mất thói quen cầu nguyện với bản văn Lời Chúa như thuở nào. Trong nghi thức truyền chức, Đức Giám Mục có nhắn nhủ các tiến chức: “Hãy tin điều con đọc; Hãy dạy điều con tin; Hãy thi hành điều con dạy”.

Hiền lành trong phục vụ: Một lời cầu xin và cũng là một lời khẳng định. Đã là người phục vụ thì phải hiền lành không thể khác hơn. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Hạn từ phục vụ xem ra thanh nhã nhưng cũng có thể làm ta khó sâu sát cái ý nghĩa của nó. Có bản dịch Thánh Kinh dùng hạn từ “hầu hạ”. Dù dịch là hầu hạ hay phục vụ thì từ nguyên nghĩa của chúng là làm công việc của người hầu, người nô lệ (servus). Phục dịch hay làm dịch vụ là phải hiền lành. Vì đó là một trong những điều kiện tất yếu có tính sống còn của người hầu, người nô lệ. Ngay cả với những người làm dịch vụ trong kinh doanh thì không thể nào giữ mãi thái độ hống hách như thời kinh tế bao cấp của nước ta thuở nào. Hội nhập vào nền kinh tế thị trường, người làm dịch vụ không những phải hiền lành mà còn phải tận tụy và dễ thương thì mong có và giữ chân khách hàng.

Trách vụ chính của hàng phó tế là phục vụ bắt nguồn từ thời các tông đồ, cách riêng phục vụ việc ăn uống (x.Cvtđ 6,1-7). Tuy nhiên mọi Kitô hữu, đặc biệt hàng tư tế thừa tác đều là những người phục vụ. Người càng được trao phó nhiệm vụ càng cao thì trọng trách phục vụ càng lớn. Nhận thức điều này, có nhiều Đức Giáo Hoàng mà có lẽ khởi đầu từ Đức Grêgôriô Cả đã tự xưng là “tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa” (Servus servorum Dei). Đã là tôi tớ thì phải đặt lợi ích của chủ lên hàng đầu. Thế mà khi một ngài tôi tớ nào đó được sai đi phục vụ như linh mục hay phó tế thì “người ta” đòi hỏi nào là có nhà ở, nào là có các tiện nghi này nọ, nào là phải lo bảo đảm đời sống nọ kia… Có thể người ta nại đến câu nói của Chúa rằng “thợ thì đáng được lĩnh công” hay câu nói truyền thống: “chăn chiên thì uống sữa chiên”. Chuyện là đương nhiên dễ hiểu nhưng trước hết những người chăn chiên, những người thợ ấy phải là những tôi tớ thực sự. Tôi đã từng mạn bàn về chủ đề: “Tìm việc cho người hay tìm người cho việc?” Các đấng bậc có trách nhiệm khi bố trí nhân sự cũng dễ bị cám dỗ xem trọng các “đầy tớ” hơn là lợi ích của những ông chủ là tập thể đoàn tín hữu. Đúng là một giải pháp giải quyết nhân sự chứ không phải là một chiến lược phục vụ đoàn chiên.

Trở lại với các thầy phó tế. Bản thân tôi đã từng gặp gỡ nhiều phó tế vĩnh viễn ở nước ngoài. Phải chăng vì đã chọn một bậc sống, một thừa tác vụ thánh cách vĩnh viễn nên các vị phó tế vĩnh viễn xem ra khá hiền hòa và tận tụy trong cung cách phục vụ? Trong khi đó, các phó tế “chuyển tiếp”, tức là các thầy sáu đang chờ đợi tiến lên chức linh mục, rất có thể sống ơn gọi phục vụ kiểu qua ngày. Chắc hẳn khi chúng ta làm một việc gì đó kiểu chiếu lệ, qua ngày thì có nhiều hạn chế khó tránh cho dù bản thân nhiều khi không có chủ ý. Chưa kể đến chuyện đã từng có, đó là các vị hữu trách khi sai các thầy đi thực tập mục vụ ở đâu thường căn dặn các linh mục sở tại là đừng để các phó tế “bị sứt mẻ” điều gì khiến khó chịu chức linh mục sau này. Thực tiễn cho thấy các thầy sáu thường được o bế từ linh mục đến đoàn tín hữu, kiểu o bế cô dâu chờ ngày lên xe hoa. Thế là mục đích phục vụ, làm tôi tớ dường như chỉ còn trên danh nghĩa hay chỉ còn trên các buổi lễ đại trào. Một sự thật đáng để chúng ta ngẫm suy. Đã được o bế, cưng chiều một thời gian, rồi sau đó lại được đưa lên tận mây xanh khi lãnh chức linh mục thì mục tiêu phục vụ thật khó thực thi cách hữu hiệu.

Một vài tâm tình gửi đến các thầy phó tế cũng là những ý tưởng để bản thân xét mình về lý tưởng sống trong đời tu trì tận hiến qua tác vụ thánh đã lãnh nhận. Khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ quả là lời cầu thiết thực cho bất cứ ai, đặc biệt cho những người làm tông đồ trong hàng giáo sĩ. Ước gì lời cầu ấy không dừng lại trong thánh lễ truyền chức phó tế nhưng được cụ thể hóa bằng nỗ lực thực hiện hằng ngày trong đời sống của các đấng bậc đã lãnh nhận thánh chức.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Những Người Thợ Khiêm Tốn Của Vườn Nho
LM. GiuseTrương Đình Hiền.
09:46 31/10/2022
Những Người Thợ Khiêm Tốn Của Vườn Nho

(Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11.2022)

Trong suốt nhiều năm trở lại đây, đặc tính thứ hai trong bốn đặc tính cơ bản thuộc tín điều Giáo Hội: Giáo Hội Thánh Thiện, đã trở thành “con dê tế thần” trên “bàn thờ truyền thông” của thế giới cuồng chống Giáo Hội. Điển hình là sau khi xuất hiện bản cáo trạng 14.8.2018 của Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania về các tội phạm lạm dụng tình dục của hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ tại sáu giáo phận, tờ báo New Yorrk Times đã đăng một xã luận mang tựa đề: “Vết Nhơ Bất Thánh Thiện của Giáo Hội Công Giáo”.

Có một sự thật chúng ta không thể chối cải, đó là đời sống hiện thực của Giáo Hội Công Giáo trong những năm tháng vừa qua, và cả ngay hôm nay, đang diễn ra biết bao nhiêu gương mù, gương xấu, tội lỗi, khiếm khuyết…, ngay nơi hàng ngũ cấp cao của Giáo Hội tại Vatican hay tại những cộng đoàn giáo xứ xa xôi đó đây trên khắp thế giới. Nếu nhìn Hội Thánh Chúa Kitô chỉ với một “góc nhìn” mang tính trần tục và tự nhiên đó, thì quả thật, như cách ví von đầy ý nghĩa và thuyết phục của cố mục sư Tin Lành Lutheran người Rumani, thì Hội Thánh chỉ là một “nhà thương bốc mùi tanh tưởi của máu mủ”; đơn giản, vì đó là nơi “cưu mang những bệnh nhân” để mang đến sự chữa lành.

Thế nhưng, trong chính ngày đầu tiên của tháng 11 nầy, Phụng vụ của Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một “góc nhìn về Hội Thánh” khác, đúng hơn, “một thành phần” không thể thiếu trong 3 thành phần làm nên một “Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền”; thành phần đó, cộng đoàn đông đảo đó được gọi là “Các Thánh Nam Nữ ở trên trời”, hay còn được gọi là “Giáo Hội chiến thắng”, “Hội thánh khải hoàn”.

Thế nhưng, Hội Thánh khải hoàn, hay Các Thánh Nam nữ đó thực sự là những ai?

Theo định nghĩa của chính sách Khải huyền vừa được công bố qua Bài đọc 1 hôm nay thì Hội Thánh đó, cộng đoàn các Thánh Nam nữ đó là “những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Trong khi đó, Thánh Gioan trong thư thứ 1 (Bđ 2), lại định nghĩa cách đơn giản hơn: Các Thánh chính là những người “nhờ tình yêu được gọi là “con Thiên Chúa” và “khi được tỏ ra” thì “sẽ giống như Người”.

Qua hai cách định nghĩa đó, chúng ta có thể nhận ra hai chiều kích cơ bản của sự “thánh thiện Kitô giáo: Thập giá và tình yêu. Không thể là “Thánh” nếu không “giặt áo mình trong máu Con Chiên”; và cũng không thể “Thánh”, nếu không “yêu thương” để nên giống Thiên Chúa…

Thế nhưng, gần như cả hai định nghĩa nầy đều phát xuất, hay đúng hơn, đều hiện diện nơi định nghĩa thứ ba của chính Đức Kitô trong Bài Giảng Tám Mối Phúc Thật: Các Thánh chính là những người “được phúc Nước Trời”; mà “được phúc Nước Trời” thì phải chứng thực cuộc sống qua 8 nẻo sau:

- Thánh vì được Nước Trời nhờ sống tinh thần nghèo khó.

- Thánh vì được cơ nghiệp Nước Trời vì sống hiền lành.

- Thánh vì được Thiên Chúa an ủi khi đón nhận khổ đau.

- Thánh vì được Thiên Chúa ban tràn đầy khi khát khao công chính.

- Thánh vì được Thiên Chúa xót thương khi biết thương người.

- Thánh vì được trực diện Thiên Chúa khi mang trái tim trong sạch.

- Thánh vì được làm con cái Thiên Chúa khi sống thuận hoà.

- Thánh vì được vào Nước Trời khi chấp nhận thương đau bách hại.

Tuy nhiên, nếu nói về các Thánh mà chỉ dừng lại ở “ba” định nghĩa trên: Thập Giá, Tình Yêu, Phúc Nước Trời, thì chắc sẽ có nhiều người cho rằng con đường nên thánh vẫn là quá khó hay vẫn xa xôi dịu vợi làm sao ấy !

Hoàn toàn không phải thế ! Với “trực giác nên thánh từ thân phận của một công nhân đã từng lăn lộn vất vả giữa đám thợ nghèo”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, lại định nghĩa Các Thánh là những “người thợ khiêm tốn nhưng vĩ đại”: “những con người nam nữ qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử”.

Và cái nhìn và quan niệm về sự thánh thiện đó lại được đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn Gaudete et Exsultate, phát hiện ngay chính nơi cuộc đời của rất nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta; và ngài không ngần ngại gọi họ chính là “những vị thánh” ở giữa đời thường: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa.” (GE số 7).

Thời đại 4.0 nầy liệu có được những vị Thánh như các ĐGH tuyên bố đó không? Thưa có. Đó chính là Á Thánh CARLO ACUTIS đã được Giáo Hội tuyên phong chân phước ngày 10/10/2020 tại Assisi, nước Ý. Ngài là một vị thánh đầu tiên có email, một game thủ và một lập trình viên hay gọi tắt là IT của thời công nghệ 4.0. Con đường nên thánh của ngài dựa vào lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể. Ngài biết vận dụng công nghệ Internet để quảng bá về tình thương của Chúa Giê-su qua các phép lạ từ bí tích Thánh Thể… Quả thật, Ngài chính là một sự minh họa rõ nét nhất, một bằng chứng hùng hồn nhất cho lối sống thánh thiện rất gần gũi và hiện đại, rất đời thường và phổ thông mà ai ai cũng có thể đạt được.

Như vậy, cuộc cử hành lễ các Thánh Nam Nữ hôm nay lại là cuộc “cử hành của chính niềm hy vọng, cùng đích và cuộc chiến đấu mỗi ngày” của mỗi cuộc đời người Kitô hữu chúng ta. Vâng, đó là cuộc chiến đấu để “giặt áo mình trong máu Con Chiên” bằng những hy sinh, từ bỏ và sẵn sàng chấp nhận thương đau thập giá vì tình yêu. Đó là noi gương Đức Trinh Nữ Maria, “Nữ vương Các Thánh Nam Nữ ở trên trời” từng ngày lắng nghe và thực hành Lời Chúa; nhất là thực thi con đường Tám Mối Phúc Thật. Và đó cũng là cuộc sống biết tận dụng mọi phương tiện truyền thông hiện đại Chúa ban để mang Chúa đến với mọi người như Á Thánh Acutis…

Nói cách khác, nên thánh chính là mỗi ngày, như Thánh Gioan, “sống và thực hành yêu thương để nên giống Thiên Chúa”, hay ít ra, trở thành “bà con với Thượng Đế” (như câu chuyện em bé nghèo và lòng tốt của một thiếu nữ: “Cô có phải là Thượng Đế không”…), để cuối cùng được nghe chính Chúa mách bảo: “Hỡi người bà con tốt bụng của Ta ! Những gì ngươi đã làm cho những kẻ bé nhỏ nhất là đã làm cho chính Ta. Hãy vào nhập đoàn cùng các thánh trên thiên đàng”. Amen.

Lm. Trương Đình Hiền
 
Các Thánh là những ai ?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
13:51 31/10/2022

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
01/11
CÁC THÁNH LÀ NHỮNG AI?
Kh 7,2-4,9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

Ngày hôm nay, các nhà khoa học đã phóng những tín hiệu vào trong vũ trụ, với hy vọng có thể nhận được những tín hiệu từ một số sinh vật thông minh trên những hành tinh đã mất tích. Giáo Hội luôn liên lạc với những dân cư thuộc thế giới khác – đó là các Thánh Nam Nữ trên trời, điều mà chúng ta tuyên xưng khi nói rằng: “Tôi tin Các Thánh thông công.” Nếu có những dân cư ngoài hệ mặt trời đã hiện hữu, sự hiệp thông với họ có lẽ là không thể, bởi vì giữa câu hỏi và câu trả lời là khoảng cách hàng triệu năm qua rồi. Tuy nhiên, ở đây, đối với chúng ta, câu trả lời là trực tiếp bởi vì có một trung tâm chung cho sự truyền thông và gặp gỡ này, đó là Đức Kitô Phục Sinh.

Có lẽ vì ngày lễ Các Thánh được cử hành vào một thời điểm đặc biệt gần cuối năm phụng vụ, nên có điều gì đó đặc biệt diễn tả ý nghĩa cuộc đời. Chính vì thế, người tín hữu rất yêu thích tham dự thánh lễ này. Đó chính là điều mà Thánh Gioan nói trong bài đọc II: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,1-3). Chúng ta giống như phôi thai trong dạ mẹ mong được sinh ra. Các thánh đã được “sinh ra.” Vì thế, phụng vụ coi ngày từ trần của Các Thánh là “ngày sinh nhật” của các ngài (dies natalis). Chiêm ngắm Các Thánh là chiêm ngắm vận mệnh chúng ta. Mọi sự xung quanh chúng ta, thiên nhiên như tàn lụi và lá cây rụng xuống, nhưng lễ các thánh mời gọi chúng ta nhìn cao hơn. Nó nhắc nhở mỗi người ý thức rằng, chúng ta không được tiền định để mãi mãi tàn lụi ở trên trái đất này, giống như lá rụng, nhưng là để sống vĩnh cửu với Thiên Chúa như Các Thánh.

Bài Tin Mừng là các mối phúc. Một mối phúc đặc biệt gợi hứng cho chọn lựa sống của Các Thánh, đó là: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,10). Các Thánh là những người đã đói khát sự công chính. Theo nghĩa Kinh Thánh, công chính là đói khát sự thánh thiện. Họ không chấp nhận sống tầm thường và không hài lòng với kiểu nửa vời.

Bài đọc I của ngày lễ giúp chúng ta hiểu Các Thánh là ai. Họ “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Sự thánh thiện được đón nhận từ Chúa Kitô; nó không phải là sản phẩm của chúng ta. Trong Cựu Ước, nên thánh có nghĩa là ‘được tách riêng’ khỏi mọi sự ô uế; theo truyền thống Kitô giáo, nên thánh nó ngược lại, nghĩa là được “kết hợp với Chúa Kitô.”

Các Thánh là những người được cứu độ, được kết hợp với Chúa Kitô. Họ không chỉ là những người được đề cập trong lịch phụng vụ hoặc trong sách hạnh Các Thánh. Nhưng còn rất nhiều vị Thánh mà chúng ta không biết đến, có vô số những người đã sống cuộc sống trần thế một cách tốt lành và thánh thiện, đã được Thiên Chúa vinh thăng. Có rất nhiều người âm thầm hy sinh cuộc đời của mình vì tha nhân, có người phải tử đạo vì công lý và tự do, có người một đời tận tụy chu toàn bổn phận của mình trong âm thầm, khiêm tốn phục vụ người khác nơi bệnh viện, nơi học đường, nơi các gia đình và các tổ chức Giáo Hội… Dầu không ai biết đến, nhưng họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên, vì họ sống theo tiếng nói lương tâm và luôn lo lắng vì thiện ích của tha nhân.

Một câu hỏi tự nhiên đặt ra: Các Thánh trên trời làm gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở đây trong bài đọc I: “Họ sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (Kh 7,11-12). Ơn gọi đích thực của con người được thành toàn trong họ, đó là được “ca ngợi vinh quang Thiên Chúa (Ep 1,14). Ca đoàn các thánh được hướng dẫn bởi Đức Maria, Đấng tiếp tục Thánh Thi Tạ Ơn của mình trên thiên đàng: “Linh hồn tôi tung hô Chúa.” Trong lời ca ngợi này mà các thánh tìm thấy hạnh phúc và niềm vui. “Linh hồn tôi hớn hở trong Thiên Chúa.” Một người đang yêu, là người luôn biết ngưỡng mộ và ca ngợi. Khi yêu mến và ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa, tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Người.

Một ngày nọ, một vị thánh có tên là Saint Simon The New Theologian, có một kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa rất mãnh liệt, ngài kêu lên rằng: “Thiên đàng không hơn điều này, nó đủ cho con rồi.” Nhưng ngài nghe Chúa Kitô nói: “Con là người rất nghèo nàn nếu con bằng lòng với điều đó. Vì niềm vui con đang trải nghiệm khi so sánh với thiên đàng giống như bầu trời được vẽ trên giấy so với bầu trời thật.”

Như thế, lễ Các Thánh là ngày cử hành niềm vui của chúng ta, bởi vì Các Thánh là những thành viên trong gia đình, giáo xứ của chúng ta đã được vinh thăng, đồng thời ngày lễ này nhắc nhở và củng cố niềm hy vọng lớn lao về định mệnh cao cả nhất của mỗi người là được kết hợp với Đức Kitô. Nguyện xin Các Thánh Nam Nữ trên trời cầu bầu cho chúng ta. Amen.
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Khi thần chết lên tiếng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
13:54 31/10/2022

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
02/11
KHI THẦN CHẾT LÊN TIẾNG
Rm 6,3-9; Ga 6,51-59 (Kn 3,1-9; Lc 23,33.39-43; Rm 5,4-11; Ga 17,24-26)

Cử hành lễ các Đẳng Linh Hồn là dịp rất thuận tiện để chúng ta suy tư về cái chết.

Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những lời quả quyết khá rõ ràng trong sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian (Kn 1,13.24).

Từ trích đoạn này, chúng ta hiểu tại sao khi thần chết đến, mọi sự phải kết thúc, mọi sự bị hủy diệt. Theo đó, sự chết xem ra không phải là một điều “tự nhiên” đối với chúng ta. Bởi vì, nó không đến từ Thiên Chúa, nó không nằm trong trật tự tạo thành. Cái chết là kết quả “sự ganh tị của quỷ dữ.” Bởi đó, chúng ta phải chiến đấu chống lại cái chết với tất cả sức mạnh của mình. Khát vọng triền miên của con người là “tham sống sợ chết.” Đó là bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý con người không được tạo dựng để diệt vong, nhưng để được sống. Chết không phải là hạn từ cuối cùng của cuộc sống. Bài đọc I của thánh lễ này khẳng định lại với chúng ta điều đó: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào đụng tới được nữa” (Kn 3,1).

Tham sống sợ chết là bản năng sinh tồn được khắc sâu trong xương tủy mỗi con người. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng mọi hoạt động của con người đều chịu ảnh hưởng và tác động bởi bản năng tính dục. Từ đó, họ giải thích mọi sự theo cái nhìn này, cả trong nghệ thuật và tôn giáo. Nhưng nỗi lo sợ chết còn mạnh hơn cả bản năng tính dục. Chết là điều xảy ra sau cùng, nhưng nó lại tác động trên mọi việc ta làm trước đó. Tất cả mọi người đều kêu lên rằng: “Tôi không muốn chết.”

Như thế, tại sao chúng ta lại được mời gọi hãy suy nghĩ về cái chết khi biết rằng ai cũng phải chết? Câu trả lời rất đơn giản: Bởi vì chúng ta thường trốn tránh nó, không muốn nghĩ về nó, vì mỗi lần như thế làm chúng ta sợ. Chúng ta cũng thường cho rằng chắc mình chưa chết đâu, cái chết chỉ đến với người khác, chứ không đến với mình.

Nhưng việc suy nghĩ về sự chết không cho phép chúng ta gạt nó sang một bên cách dễ dàng. Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để ngăn cản nó hoặc là chấp nhận nó. Con người không ngừng tìm kiếm những biện pháp, những phương thuốc để được trường sinh. Một trong số những bài thuốc này được gọi là sinh sản con cái: một người tiếp tục kéo dài sự sống mình bằng cách sinh ra một đứa con. Người khác thì tìm kiếm sự nổi tiếng, để được lưu danh hậu thế. Trong thời đại chúng ta, nhiều người hôm nay lại chạy theo thuyết luân hồi.

Chúng ta phải nói rằng thuyết luân hồi là không thể phù hợp với Đức tin Kitô giáo. Nó cho rằng người chết tiếp tục đầu thai và sống một kiếp mới trong một con vật nào đó để tu luyện chờ được giải thoát. Theo niềm tin Kitô giáo, được Kinh Thánh mạc khải: “Phận con người chỉ chết một lần rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Thuyết luân hồi cũng dạy rằng hình thức đầu thai luân hồi là kết quả của một sự sai lầm. Xét cho cùng, luân hồi không thêm gì cho sự sống, nhưng thêm đau khổ; nó không phải là nguồn mang lại sự an ủi, nhưng mang lại sợ hãi. Thuyết luân hồi như một cảnh báo cho mọi người: “Hãy cẩn trọng không làm điều dữ, bởi vì bạn sẽ phải đầu thai để đền tội!” Điều này giống như nói người nào đó trong tù đang gần hoàn tất thời gian giam cầm của mình rằng hình phạt của anh đã được nới rộng, anh phải vượt qua tất cả.

Kitô giáo có cái gì đó rất khác để trình bày liên quan đến vấn đề sự chết. Người Kitô hữu tuyên xưng rằng “một Người đã chết vì mọi người,” nhờ đó cái chết đã bị tiêu diệt; nó không có là một vách tường mà từ đó mọi sự phải lao xuống, nhưng đúng hơn là một chiếc cầu để đi sang bến bờ bên kia – là sự trường tồn, là hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Tuy nhiên, suy niệm về cái chết là điều rất có ích cho các tín hữu. Bởi vì đặc biệt nó giúp chúng ta sống tốt hơn.

Bạn có bị lo lắng bởi những vấn đề, những khó khăn và những xung đột khi nghĩ về cái chết không? Hãy nghĩ rằng những điều này sẽ xuất hiện lúc chết, nhưng với cái nhìn của đức tin, bạn sẽ thấy chúng có một ý nghĩa khác như thế nào? Chúng ta không phải là cam chịu và thụ động chờ chết. Ngược lại, chúng ta sẽ làm nhiều điều hơn và làm tốt hơn bởi vì chúng ta bình tâm hơn và thanh thoát hơn trước cái chết. Như Thánh Vịnh nói: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 89,12). Chúng ta hãy nhớ đến các linh hồn là những người thân của chúng ta và cầu nguyện cho họ để họ sớm hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ý định cầu nguyện tháng 11 của Đức Thánh Cha : Cho những trẻ em đau khổ
Thanh Quảng sdb
16:34 31/10/2022
Ý định cầu nguyện tháng 11 của Đức Thánh Cha : 'Cho những trẻ em đau khổ'

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ý cầu nguyện tháng 11, Ngài mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho hàng triệu trẻ em đang bị đau khổ, bơ vơ trên khắp thế giới, đặc biệt cho những trẻ em vô gia cư, mồ côi và nạn nhân của chiến tranh.

(Tin Vatican)

ĐTC nói “Một trẻ bị bỏ rơi là lỗi của chúng ta”. Trong video ý cầu nguyện tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những người Công Giáo cầu nguyện cho các trẻ em đau khổ vì bị từ chối, phẫn nộ, nghèo đói và xung đột trên khắp thế giới.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Vẫn còn hàng triệu trẻ em bất kể trai hay gái phải chịu đựng và sống trong những điều kiện như nô lệ,” những em này không phải là “những con số” mà là “những con người có tên và danh tính mà Chúa đã ban cho chúng”.

Đức Thánh Cha nói tiếp, mọi trẻ em bị thiệt thòi, không được đi học, không có gia đình, không được chăm sóc sức khỏe là “một tiếng khóc;” một tiếng kêu thống thiết" lên Chúa và làm ô danh hệ thống mà người lớn chúng ta xây dựng."

Mọi trẻ em đều có quyền được hưởng các nhu cầu cơ bản

Đức Thánh Cha cho hay mọi trẻ em phải có quyền thừa hưởng các dịch vụ cơ bản và cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu thương của gia đình: “Chúng ta không được cho phép các em bị bỏ rơi, cô đơn - chúng được quyền giáo dục và cảm nhận tình yêu của một gia đình mà Thiên Chúa quan tâm chở che”.

Một tỷ trẻ em đang sống trong cảnh nghèo đói

Theo UNICEF, một tỷ trẻ em hiện đang sống trong tình trạng “nghèo khó về nhiều hình thức” - không được tiếp cận các quyền cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nơi ở, thực phẩm, vệ sinh hoặc nước dùng; cơ quan này cũng ước tính có 153 triệu trẻ em mồ côi.

The Linh mục Frédéric Fornos, S.J., Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô “mở rộng tầm mắt, đôi tai và trái tim chúng ta tới hàng triệu trẻ em bị lãng quên đang lặng lẽ sống ở các đường phố, trong các chỗ lao động, là nạn nhân của bạo lực và chiến tranh, là người di cư và tị nạn. Trước mọi nỗi thờ ơ và bất lực này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các em”.

ĐGH kết luận trong video là trách nhiệm của chúng ta không cho phép một em nào bị bỏ rơi - "chúng phải được hưởng một nền giáo dục và được cảm nhận tình yêu thương của mái ấm gia đình mà Thiên Chúa hằng quan tâm đến chúng."
 
Phiên tòa xét xử Hồng Y Đức Hồng Y Quân mở lại ở Hương Cảng ngay sau khi gia hạn thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc
Đặng Tự Do
16:49 31/10/2022


Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã tiếp tục tại Hương Cảng vào hôm thứ Tư, vài ngày sau khi Tòa thánh tuyên bố gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh.

Công tố viên Anthony Châu Thiên Khanh (Chau Tin-hang, 周天坑) đã khai mạc phiên tòa vào ngày 26 tháng 10 tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long, nơi Đức Hồng Y Quân và 5 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác bị buộc tội vì không ghi danh Quỹ cứu trợ nhân đạo 612 từ năm 2019 và năm 2021.

Phía công tố lập luận rằng Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 cần phải được ghi danh với cảnh sát vì quy mô “to lớn” và phương thức hoạt động “có hệ thống”, theo South China Morning Post.

Quỹ đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ thanh toán các khoản phí pháp lý của họ cho đến khi nó tự giải thể vào tháng 10 năm 2021. Châu lập luận rằng quỹ này có bản chất chính trị và do đó không đủ điều kiện để được miễn trừ trong Sắc lệnh về xã hội của Hương Cảng đối với các tổ chức được thành lập “vì tôn giáo, bác ái, mục đích xã hội hoặc giải trí.”

Người bào chữa sẽ đưa ra lập luận của mình trước Thẩm phán chính Ada Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) vào ngày 31 tháng 10.

Theo các luật sư bào chữa, Sắc lệnh về xã hội là vi hiến, đưa ra một định nghĩa mơ hồ về “xã hội” và có những yêu cầu vượt quá những gì cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, Asia News đưa tin.

Ban đầu bị bắt vì tội “âm mưu cấu kết với lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020, sáu bị cáo vẫn chưa bị buộc tội về tội danh đó.

Một ngày sau khi vị Hồng Y bị bắt, Tòa thánh bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho biết họ đang theo dõi “rất chặt chẽ diễn biến của tình hình”.

Nhận định về cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Quân, Đức Hồng Y Charles Bo, của Miến Điện, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, nói:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc chỉ vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố chi trả án phí là một quyền phù hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, đại diện hợp pháp thì làm sao có thể có thể coi là một tội phạm được?”

Nhiều tín hữu Công Giáo Hương Cảng cảm thấy cay đắng vì kẻ ký lệnh bắt giữ Đức Hồng Y Quân là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥), một người Công Giáo. Bà ta cũng chọn đúng ngày 24 tháng 5, là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, cũng là ngày lễ của Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, để đưa ngài ra tòa lần thứ nhất.
Source:National Catholic Register
 
Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói rằng ngài đang cầu nguyện cho Paul và Nancy Pelosi sau cuộc tấn công
Đặng Tự Do
16:50 31/10/2022


Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đang kêu gọi những lời cầu nguyện cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và chồng bà Paul Pelosi, là những người đã bị hành hung tại nhà của cặp vợ chồng ở San Francisco vào sáng sớm ngày 28 tháng 10.

Phát ngôn nhân của Nancy cho biết trong một tuyên bố rằng Paul, 82 tuổi, đã được đưa đến bệnh viện với những vết thương sau vụ tấn công và dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn. Phát ngôn nhân cho biết Chủ tịch Hạ viện không ở San Francisco vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

“Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hồi phục nhanh chóng của Paul Pelosi cũng như sự an ủi cho vợ và gia đình của ông ấy,” Đức Cha Cordileone, tổng giám mục của San Francisco, cho biết trong một tuyên bố. “Xin Mẹ Maria nghe lời cầu nguyện của chúng con.”

Đức Cha Cordileone và Chủ tịch Hạ viện đã có một cuộc tranh luận kéo dài về quan điểm ủng hộ việc phá thai của cô ấy. Hồi tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã cấm Nancy, một người Công Giáo, không được rước lễ trong tổng giáo phận của ngài. Một số các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục khác cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự.

Cuối ngày, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã lặp lại lời kêu gọi cầu nguyện của Đức Cha Cordileone.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Tôi vô cùng đau buồn vì bạo lực này không có chỗ đứng trong cộng đồng, tiến trình chính trị hay quốc gia vĩ đại của chúng ta. Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chuyển cầu cho chúng ta, chữa lành và hướng dẫn chúng ta đến những con đường bình an.”

Cảnh sát trưởng San Francisco William Scott cho biết tại một cuộc họp báo ngày 28 tháng 10 rằng các nhân viên cảnh sát San Francisco đã được điều động đến nhà Pelosi vào khoảng 2:27 sáng để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Khi các cảnh sát đến nơi, họ quan sát thấy cả nghi phạm và ông Paul mỗi người đều đang cầm một chiếc búa, trước khi “nghi phạm dùng nó tấn công dữ dội” các nhân viên thực thi pháp luật.

Các cảnh sát sau đó đã bắt được nghi phạm, được xác định là David Depape, 42 tuổi. Anh ta cũng đã được đưa đến một bệnh viện địa phương để điều trị. Scott cho biết động cơ của vụ tấn công là không rõ ràng.

Cuộc điều tra về vụ tấn công đang diễn ra và do bộ phận điều tra đặc biệt của Sở cảnh sát San Francisco, kết hợp với FBI, Văn phòng luật sư Hoa Kỳ, Cảnh sát Capitol Hoa Kỳ và luật sư quận San Francisco.

Depape sẽ được giữ tại Nhà tù Hạt San Francisco sau khi các cáo buộc được đưa ra bao gồm cố gắng giết người, tấn công bằng vũ khí chết người, ngược đãi người cao tuổi, ăn trộm và một số trọng tội khác.

Nhiều báo cáo khác nhau về vụ tấn công nói rằng Depape đang muốn tấn công vào Chủ tịch Hạ viện chứ không phải có ý ăn trộm.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói rằng Tổng thống Joe Biden đã liên lạc với Nancy sau vụ tấn công.

“Tổng thống đang cầu nguyện cho Paul Pelosi và cho cả gia đình của Chủ tịch Hạ Viện Pelosi,” Jean-Pierre nói vào ngày 28 tháng 10. “Sáng nay, ông ấy đã gọi cho Chủ tịch Hạ Viện Pelosi để bày tỏ sự ủng hộ sau cuộc tấn công khủng khiếp này. Tổng thống cũng rất vui mừng vì ông Paul dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn. Tổng thống tiếp tục lên án mọi hành vi bạo lực, và yêu cầu quyền riêng tư của gia đình phải được tôn trọng”.
Source:Crux
 
Đức Bênêđíctô XVI đau buồn trước tình trạng hiện nay của Giáo Hội
Đặng Tự Do
16:51 31/10/2022


“Đức Bênêđíctô XVI là vị giáo hoàng sống lâu nhất. Hai tuần trước, tôi đã ở với ngài và tôi có ấn tượng rằng ngài đang phải chịu đựng rất nhiều vì tình hình hiện tại của Giáo hội. Ngài đã thú nhận với tôi rằng có lẽ Chúa vẫn giữ ngài ở đây để làm chứng cho thế giới”, Peter Seewald, nhà báo, nhà văn và người viết tiểu sử về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, cho biết như trên hôm 26 tháng 10 là sinh nhật của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Ông cũng giải thích rằng Đức Bênêđíctô XVI cho rằng nếu Giáo hội không làm những gì cần làm, thì điều đó sẽ gây ra hậu quả ngay trong thời hiện đại mà chúng ta đang sống.

“Ngài là một người đã phải chịu đựng rất nhiều, và chúng ta sẽ thấy ngài sẽ đi vào lịch sử như thế nào trong những năm tới,” nhà văn, người hiểu rõ Đức Joseph Ratzinger, cho biết sau khi phỏng vấn ngài khi ngài vẫn còn là người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin.

Ban đầu, Seewald có thành kiến khá tiêu cực về vị Hồng Y người Đức, nhưng đã bị cá tính của ngài chinh phục, và thấy không công bằng khi giới truyền thông vẫn coi Đức Giáo Hoàng người Đức như là một “kẻ chống lại tiến bộ”.

Đối với Seewald, Đức Bênêđíctô XVI là một người đàn ông đích thực, bởi vì ngài nói và làm những gì mình nghĩ. “Rất dễ dàng để tham gia vào một cuộc đối thoại với ngài. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là một người rất khiêm tốn và hoàn toàn không phải là một kẻ dò xét. Bạn có thể chỉ trích ngài, nhưng sẽ thú vị hơn khi lắng nghe những gì ngài nói,” người viết tiểu sử Đức Bênêđíctô cho biết.

Seewald cho biết một yếu tố đáng ngạc nhiên khác là tất cả các phân tích của Đức Bênêđíctô XVI về Giáo hội đã trở thành sự thật. Lặp lại những lời của Đức Giáo Hoàng Danh dự, người viết tiểu sử nói: “Khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, xã hội sẽ đau khổ, và phong trào tục hóa mạnh mẽ đang làm rung chuyển các xã hội phương Tây”.
Source:religion.elconfidencialdigital.com
 
Giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI về Phán xét và Luyện ngục
Vu Van An
18:30 31/10/2022

Tháng 11 thường được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Nhưng thực ra nó dành để chúng ta không những tưởng nhớ những người đã ra đi trước chúng ta về cõi vĩnh hằng, nhưng cũng để chúng ta nhớ đến thân phận đời người với các sự thật liên quan tới tứ chung của nó. Nhân dịp này, chúng tôi mời qúy độc giả đọc lại Thông điệp Spe Salvi của Đức Bênêđíctô XVI nói về hy vọng, trong đó, có 8 đoạn nói về việc phán xét, “như một khung cảnh để học hỏi và thực hành đức cậy”. Ngài viết: “phán xét của Thiên Chúa là đức cậy, bởi vì nó vừa là công lý vừa là ân sủng của Người”.



Sau đây là 8 đoạn đó, theo bản dịch của Bùi Hữu Thư đăng trên Vietcatholic ngày 6 tháng 12 năm 2007 (https://vietcatholic.net/News/Home/Article/49607)

III. Ngày Phán Xét Như Bối Cảnh Cho Việc Học Hỏi và Thực Hành Hy Vọng.

41. Vào phần cuối của đoạn giữa của Kinh Tin Kính của Giáo Hội - đoạn kể lại mầu nhiệm Chúa Kitô, từ lúc sinh ra hằng hữu từ Chúa Cha và lúc sinh ra hữu hạn từ Đức Maria Đồng Trinh, qua Thập Giá và Phục Sinh đến khi trở lại lần thứ hai - chúng ta thấy câu: “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Từ thời xa xưa, viễn ảnh của sự Phán Xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong đời sống hàng ngày như một tiêu chuẩn để sắp xếp trật tự cho đời sống hiện tại của họ, như một sự thức tỉnh lương tâm của họ, và đồng thời như niềm hy vọng vào công lý của Thiên Chúa. Đức tin vào Chúa Kitô không bao giờ chỉ nhìn lui lại phía sau hay nhìn lên trên, mà cũng luôn luôn nhìn về phía trước về cái giờ phán xét mà Chúa luôn luôn tuyên phán. Việc nhìn về phía trước làm cho K itô hữu thấy được tầm quan trọng của hiện tại. Trong việc thiêt kế các nơi thờ tự của Giáo Hội, với mục đích làm biểu hiệu tính cách lịch sử và vũ trụ của đức tin nơi Đức Kitô, thông thường người ta muốn trình bầy Chúa Kitô trở lại như một vị vua - một biểu tượng của hy vọng - ở đầu phía đông; trong khi bức tường phía tây thường trình bầy cuộc Chung Thẩm như một biểu tượng của trách nhiệm của chúng ta đối với đời sống mỗi người - một hình ảnh đi theo và đi cùng tín hữu trong khi họ rời thánh đường để tiếp tục công việc hàng ngày. Tuy nhiên, khi hình ảnh của cuộc Chung Thẩm được phát triển, càng ngày sắc thái ghê tởm và kinh hoàng càng trở nên quan trọng hơn, điều này hiển nhiên khiến cho các họa sĩ bị thu hút hơn là vẻ huy hoàng của hy vọng, thường bị chôn dấu bên dưới những sự kinh hoàng.

42, Trong thời đại mới, ý tưởng Chung Thẩm đã bị lu mờ và bị đẩy vào hậu trường: đức tin Kitô đã được cá nhân hóa và hướng nhiều về sự cứu rỗi của chính linh hồn người tín hữu, trong khi sự suy tư về lịch sử thế giới lại bị lấn át bởi ý tưởng của thuyết tiến bộ. Tuy nhiên, nội dung căn bản của việc chờ đợi ngày Chung Thẩm vẫn chưa mất đi: nó chỉ đơn thuần nhận lấy một hình thức khác. Thuyết vô thần của thế kỷ 19 và 20 - trong nguồn gốc và mục đích - là một học thuyết luân lý: một sự phản đối chống lại những bất công của thế giới và của lịch sử thế giới. Một thế giới đầy rẫy những bất công, những đau khổ của người vô tội, và quyền lực bạo tàn, không thể nào là công trình của một Thiên Chúa tốt lành. Một Thiên Chúa chịu trách nhiệm về một thế giới như vậy không thể là một Thiên Chúa công chính, và càng không phải là một Thiên Chúa tốt lành. Vì vấn đề luân lý, Thiên Chúa này cần được thách đố. Vì không có một Thiên Chúa để tạo ra công lý, nên dường như con người bây giờ được mời gọi để thiết lập công lý. Trước những đau khổ của thế giới này, sự thách đố Thiên Chúa có thể hiểu được; điều cho rằng nhân loại có thể và phải làm việc không có Chúa nào đã làm hay có thể làm, là quá tự cao và hiển nhiên sai lầm. Không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng này đã đưa đến những hình thức ghê gớm nhất của sự bạo tàn và chà đạp công lý; trái lại nó đã được đặt căn bản trên sự sai lầm của điều con người tự cho phép mình làm. Một thế giới phải tự tạo ra công lý là một thế giới không có hy vọng. Không ai và không có gì có thể trả lời cho bao nhiêu thế kỷ đau thương. Không ai và không có gì có thể bảo đảm rằng sự hoài nghi các quyền lực - bất kể nó mang mặt nạ lý tưởng giả mạo nào - sẽ không còn tiềm tàng trong thế giới này. Chính vì vậy mà những tư tưởng gia nổi tiếng của Trường Phái Frankfurt, như Max Horkheimer và Theodore Adorno đã chỉ trích cả thuyết vô thần lẫn hữu thần. Horkheimer loại trừ thẳng tay việc khả dĩ tìm được một cái gì trong trần thế có thể thay thế được Thiên Chúa, trong khi cũng chối bỏ hình ảnh của một Thiên Chúa tốt lành và công chính. Đề cập đến việc Cựu Ước kêu gọi loại trừ triệt để những ngẫu tượng, ông ta đã coi “sự khao khát một Đấng toàn năng khác” dù không tiếp cận được – như một tiếng kêu đòi hướng đến lịch sử thế giới. Adorno cũng cam đoan duy trì sự chối bỏ hoàn toàn những ảnh tượng, dĩ nhiên có nghĩa là có sự loại trừ bất cứ “hình ảnh” nào của một Thiên Chúa nhân lành. Mặt khác, ông cũng thường xuyên nhấn mạnh cái biện chứng “tiêu cực” này và cho rằng công lý - một công lý chân chính - đòi hỏi một thế giới trong đó, “không những các đau khổ hiện tại phải được tiêu tan, mà cả quá khứ bất khả biến cũng phải được phục hồi.” (30) Tuy nhiên, điều này có nghĩa là - để trình bầy một cách tích cực, nhưng đối với ông lại không đủ các biểu tượng - là không thể nào có công lý khi không có sự sống lại của kẻ chết. Tuy nhiên, điều này phải liên quan đến “sự sống lại của thân xác, một điều hoàn toàn xa lạ đối với thuyết duy tâm và lãnh vực của sự tinh thầnTuyệt Đối.” (31)

43. Kitô hữu cũng thế, có thể và phải thường xuyên học hỏi từ sự từ bỏ hoàn toàn những ảnh tượng chứa đựng trong điều răn thứ nhất của Thiên Chúa (xem Xh 20:4). Sự thật của thần học tiêu cực được nhấn mạnh trong Công Đồng Latêranô thứ Tư, và nói rõ rằng dù cho có sự giống nhau đến đâu đã được thiết lập giữa Tạo Hóa và tạo vật, sự dị biệt luôn luôn lớn hơn (32). Dù sao chăng nữa, đối với tín hữu, sự từ bỏ các ảnh tượng không thể được quá độ khiến cho người ta phải trở nên giống như Horkheimer và Adorno, là chối bỏ cả hai học thuyết - hữu thần và vô thần. Chúa đã tự cho mình một “hình ảnh” trong Đức Kitô xuống thế làm người. Trong Người, Đấng bị đóng đinh vào thập giá, sự chối bỏ những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa đã bị đưa đến chỗ quá đáng. Chúa ngày nay mạc khải bộ mặt thật của Người trong hình ảnh của những kẻ khổ đau đang chia sẻ thân phận bị Thiên Chúa chối bỏ của con người bằng cách tự gánh chịu lấy nó. Kẻ vô tôi chịu đau khổ này đã đạt được niềm hy vọng chắc chắn là có một Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể tạo dựng công lý theo cách thức chúng ta không thể hình dung ra được, nhưng lại có thể bắt đầu hiểu được qua đức tin. Phải, có sự sống lại của thân xác (33). Có công lý (34). Có một sự “giải trừ” các đau khổ trong quá khứ, một sự sửa sai giúp cho mọi sự được đúng trở lại. Vì lý do này, đức tin vào cuộc Chung Thẩm là niềm hy vọng trước hết và trên hết - nhu cầu phải có hy vọng đã được biểu hiệu rõ ràng qua các cuộc nổi loạn trong các thế kỷ gần đây. Tôi tin rằng vấn đề công lý là luận cứ thiết yếu, hay trong bất cứ trường hợp nào cũng là luận cứ mạnh mẽ nhất, thiên về đức tin vào đời sống vĩnh cửu. Nhu cầu hoàn toàn cá nhân của chúng ta là đạt được sự viên mãn bị chối từ trong đời này, nhu cầu có một tình yêu vĩnh cửu mà chúng ta hằng mong chờ, chắc chắn là một thúc đẩy quan trọng để chúng ta tin rằng con người được sinh ra cho thế giới vĩnh hằng; nhưng, chỉ khi chúng ta không cho rằng những bất công của lịch sử, phải là quan yếu, thì sự cần thiết cho việc Đức Kitô trở lại và sự cần thiết có một đời sống mới, mới trở nên hoàn toàn đáng tin tưởng.

44. Chống lại Thiên Chúa dưới danh nghĩa của công lý không ích lợi gì. Một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không có hy vọng (xem Ep 2:12). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tạo ra công lý. Và đức tin cho chúng ta biết chắc là Người đã làm như vậy. Hình ảnh của Cuộc Chung Thẩm không phải là một hình ảnh của sự khiếp sợ, nhưng là hình ảnh của hy vọng: đối với chúng ta có thể chính là hình ảnh chắc chắn của sự hy vọng. Đó không phải là một hình ảnh đáng khiếp sợ sao? Tôi phải nói: đây là một hình ảnh gợi ra trách nhiệm, do đó, một hình ảnh của sự hãi sợ mà Thánh Hilary đã đề cập đến khi ngài nói là tất cả mọi sự sợ hãi của chúng ta đều có chỗ trong tình yêu (35). Thiên Chúa là công lý và tạo ra công lý. Đây là niềm an ủi và niềm hy vọng của chúng ta. Và trong công lý của Chúa cũng có ân sủng. Điều này chúng ta biết được bằng cách ngắm nhìn Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Cả hai điều này - công lý và ân sủng - phải được xem xét trong mối tương quan nội tại đúng đắn của chúng. Ân sủng không xóa bỏ công lý. Ân sủng không biến sự sai trái thành phải. Đó không phải là một miếng bọt biển để tẩy xóa mọi sự, khiến cho bất kể điều gì một cá nhân làm dưới thế đều có cùng một giá trị như nhau. Chẳng hạn, Dostoevsky hành động đúng khi ông chống thể loại thiên đàng này, và loại ân sủng này trong tập truyện Anh Em Karamazov. Các kẻ dữ, cuối cùng, không được ngồi vào bàn của bữa tiệc vĩnh cửu bên cạnh những nạn nhân, như là không có gì đã xẩy ra. Ở đây, tôi muốn trích một đoạn của Platông trình bầy một tiên đoán về sự phán quyết công bình mà trong nhiều khía cạnh vẫn trung thực và tốt đẹp đối với các Kitô hữu. Dù không dùng đến các hình ảnh huyền thoại, ông trình bầy sự thật với một sáng suốt vững chắc; ông nói rằng cuối cùng các linh hồn sẽ phải trần truồng đứng trước vị thẩm phán. Bất kể đến trong lịch sử người đó đã làm gì, nhưng chỉ kể đến việc họ là ai trong chân lý: “Thông thường, khi một vị thẩm phán phải xử tội một nhà vua hay một vị nguyên thủ quốc gia nào khác, ngài không thấy linh hồn này có một cái gì tốt lành cả; chỉ thấy linh hồn này hằn lên những vết sẹo bởi những hành động gian trá và sai trái”; linh hồn ấy bị méo mó vì những lừa dối và kiêu căng, và không có gì ngay thẳng, vì sự thật không có chỗ trong sự phát triển của linh hồn ấy. Quyền hành, xa hoa, kiêu ngạo, và trụy lạc khiến cho linh hồn ấy đầy những sự bất cân xứng và ghê gớm đến nổi khi vị thẩm phán xem xét nó phải tống nó ngay vào ngục, nơi nó đến để chịu những hình phạt tương xứng”. Nhưng, đôi khi, mắt vị thẩm phán dừng lại trên một linh hồn khác đã sống trong sạch và chân thật, “thì ngài kính phục và cho gửi ngay đến những hòn đảo của những linh hồn được chúc phúc” (36). Trong dụ ngôn người giầu có và Lazarô (xem Lk 16: 19-31), Chúa Giêsu răn dậy chúng ta qua hình ảnh của một linh hồn bị thiêu hủy bởi sự cao ngạo và giầu có; người này đã tạo nên một hố sâu không vượt qua được giữa hắn và người nghèo khó; hố sâu của việc tự giam mình trong những thú vui vật chất; hố sâu của việc làm ngơ người khác, của việc thiếu khả năng yêu thương, nó đã trở nên một nỗi khát khao thiêu đốt và không thể nào thỏa mãn. Chúng ta phải ghi nhận rằng trong dụ ngôn này Chúa Giêsu không đề cập đến định mệnh cuối cùng sau cuộc Chung Thẩm, nhưng lại đưa ra một quan niệm mới, inter alia[giữa những điều khác], được thấy trong Do Thái giáo xưa cổ, đó là một trạng thái trung gian giữa cái chết và sự sống lại, một trạng thái trong đó phán quyết cuối cùng chưa được ban hành.

45. Ý tưởng xưa cổ của Do Thái giáo này về một trạng thái trung gian bao gồm quan niệm các linh hồn không chỉ đang bị tạm giam, nhưng theo dụ ngôn của người giầu có trình bầy, đã bị trừng phạt hay đang được hưởng một hạnh phúc tạm thời. Cũng có ý tưởng cho rằng trạng thái này có thể bao gồm sự thanh tẩy và chữa lành làm cho linh hồn trưởng thành để có thể hiệp thông với Thiên Chúa. Giáo Hội sơ khai tiếp nhận các quan điểm này, và trong Giáo Hội Tây Phương chúng dần dần phát triển thành học thuyết về Luyện Ngục. Chúng ta không cần xem xét ở đây đường lối lịch sử của sự phát triển ấy; mà chỉ muốn hỏi xem nó có ý nghĩa gì. Với cái chết, sự chọn lựa cuộc đời của chúng ta trở thành bất biến - đó là đời sống chúng ta đứng trước vị thẩm phán. Sự chọn lựa của chúng ta, trong suốt cuộc đời có một hình thức nào đó và có thể có nhiều dạng thức khác nhau. Có thể có những người đã hoàn toàn hủy diệt ước muốn về sự thật và sẵn sàng yêu thương, những người đối với họ mọi sự trở nên một dối trá, những người chỉ sống cho thù hận và đã dập tắt mọi tình yêu bên trong họ. Đây là một ý tưởng ghê sợ, nhưng nhiều hình ảnh báo động về loại người này có thể được thấy trong một số nhân vật trong lịch sử chúng ta. Trong những người này mọi sự đã hết thuốc chữa và sự tiêu hủy những gì tốt lành không thể nào được phục hồi: đây là ý nghĩa của Hỏa Ngục (37). Về mặt khác, có thể có những người hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn thấm nhuần bởi Thiên Chúa, và do đó hoàn toàn cởi mở cho tha nhân- những người mà sự hiệp thông với Thiên Chúa giúp cho họ có hướng đi cho mình và hành trình của họ đến với Chúa chỉ mang lại sự viên mãn họ đã có sẵn (38).

46. Vậy mà chúng ta, qua kinh nghiệm, được biết là cả hai trường hợp đều không bình thường trong đời sống nhân loại. Vì đa số người ta - chúng ta giả dụ - hãy còn có trong đáy sâu của con người họ, một sự cởi mở tối hậu cho chân lý, cho tình yêu, cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, những lựa chọn cụ thể của đời sống đều bị bao phủ bởi những mưu toan mới với sự dữ - có nhiều dơ bẩn bao trùm sự trong sạch, nhưng sự khát khao được trong sạch vẫn còn đó và vẫn thường xuyên tái xuất hiện từ tất cả những gì là căn bản và vẫn hiện diện trong linh hồn. Cái gì sẽ xẩy ra cho các linh hồn này khi họ đến trước vị thẩm phán? Liệu tất cả những dơ bẩn họ thâu lượm trong suốt cuộc đời có bỗng nhiên trở nên không quan trọng không? Còn điều gì khác có thể xẩy ra? Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi Côrintô, cho chúng ta một ý niệm về ảnh hưởng của sự phán quyết của Thiên Chúa tùy theo trường hợp riêng biệt của mỗi người. Ngài không dùng những hình ảnh này bằng cách nào đó để cố gắng diễn tả sự vô hình, mà không cho chúng ta hình dung ra được những hình ảnh ấy - chỉ vì chúng ta không thể nhìn được thế giới bên kia sự chết, và cũng không thể có kinh nghiệm về thế giới đó. Thánh Phaolô bắt đầu bằng cách nói rằng đời sống Kitô hữu được xây dựng trên một nền tảng chung: là Đức Giêsu Kitô. Nền tảng này tồn tại. Nếu chúng ta đã đứng vững trên nền tảng này và xây dựng đời sống chúng ta trên đó, chúng ta biết rằng nó không thể nào bị cất đi khỏi chúng ta ngay cả trong cái chết. Rồi ngài tiếp: “Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Cor 3:12-15). Trong bản văn này, hiển nhiên trong bất cứ trường hợp nào, sự cứu rỗi của chúng ta có thể có nhiều hình thức khác nhau, một số những gì đã được xây lên có thể bị thiêu hủy, để cho được cứu chuộc chính chúng ta phải đi qua “lửa” hầu được trở nên hoàn toàn cởi mở để tiếp nhận Thiên Chúa và có thể ngồi vào chỗ của chúng ta tại bàn tiệc cưới vĩnh cửu.

47. Một vài nhà thần học mới đây có ý kiến là lửa vừa thiêu đốt vừa cứu chuộc là chính Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế. Sự gặp gỡ Người là hành động phán xết quyết định. Trước ánh mắt người tất cả những gì là giả trá sẽ tan biến. Sự gặp gỡ Người trong khi thiêu đốt chúng ta, lại cải biến chúng ta, giải thoát chúng ta, khiến cho chúng ta trở nên con người chính thật của mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong đời có thể chỉ là rơm rạ, rỗng tuếch và sụp đổ. Vậy mà trong cái đau đớn của cuộc gặp gỡ này, khi những dơ bẩn, và bệnh hoạn của đời sống chúng ta trở nên hiện thực đối với chúng ta, thì sự cứu rỗi nằm ngay ở đó. Cái nhìn của Chúa, sự va chạm của trái tim Người chữa lành chúng ta qua một một biến cải chắc chắn là đau đớn “như bị lửa thiêu đốt”. Nhưng đó là một sự đau đớn được chúc lành, trong đó quyền lực cực thánh của tình yêu Người đốt cháy như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn thành chính mình và nhờ đó thuộc hoàn toàn về Chúa. Bằng cách này sự tương quan giữa công lý và ân sủng cũng trở nên rõ ràng; cách thức chúng ta sống đời sống không phải là không quan trọng, nhưng sự xấu xa của chúng ta không gây tì ố trên chúng ta mãi mãi nếu chúng ta ít ra đã tiếp tục vươn ra để đến với Chúa Kitô, đến với sự thật và tình yêu. Thật vậy, những xấu xa của chúng ta đã bị thiêu hủy qua cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Vào lúc chung thẩm chúng ta cảm nhận và hấp thụ quyền lực vô biên của tình yêu Người trên tất cả sự dữ trong thế gian và trong chúng ta. Nỗi đau của tình yêu trở nên sự cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể đo lường “thời gian” của sự thiêu đốt biến cải bằng những phương tiện của thế gian này. “Giờ phút” biến cải của sự gặp gỡ này không thể được đo bằng các đơn vị dùng nơi trần thế - đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của sự “đi qua”, để hiệp thông với Thiên Chúa qua Mình Thánh Chúa Kitô (39). Phán quyết của Chúa là niềm hy vọng, vì đó vừa là công lý, vừa là ân sủng. Nếu chỉ có ân sủng mà thôi, khiến cho tất cả mọi sự thế gian không còn quan hệ, Thiên Chúa vẫn mắc nợ chúng ta một câu trả lời về công lý - câu hỏi thiết yếu chúng ta đặt với lịch sử và với Thiên Chúa. Nếu chỉ là công lý, thì cuối cùng chỉ có thể đem lại cho chúng ta sự sợ hãi. Việc Chúa nhập thể trong Đức Kitô đã nối kết công lý và ân sủng với nhau - cho công lý được thiết lập vững chắc: chúng ta đều phải lo liệu cho sự cứu rỗi của chúng ta “trong lo âu và run sợ” (Pl 2:12). Tuy nhiên ân sủng cho phép tất cả chúng ta hy vọng, và để vững tin đi gặp vị Thẩm Phán chúng ta được biết là “đấng bào chữa” chúng ta hay đấng parakletos (xem 1 Ga 2:1).

48. Cần đề cập thêm một điều nữa ở đây, vì quan trọng cho việc thực hành niềm hy vọng Kitô giáo. Các tư tưởng Do Thái thời xưa bao gồm điều cho rằng người ta có thể giúp đỡ người quá cố trong trạng thái trung gian bằng lời cầu nguyện (chẳng hạn xem 2 Mcb 12: 38-45; thế kỷ thứ nhất trước Thiên Chúa). Sự thực hành tương đồng được các kitô hữu tiếp nhận và được áp dụng trong giáo hội Đông Phương và Tây Phương. Đông Phương không công nhận sự thanh tẩy và chuộc lỗi qua sự đau khổ của các linh hồn ở đời sau, nhưng có công nhận một vài trình độ hạnh phúc và đau khổ trong trạng thái trung gian. Tuy nhiên, linh hồn của người chết có thể nhận được “sự an ủi và ấm áp” qua việc rước Mình Thánh, cầu nguyện và bố thí. Người ta tin rằng tình yêu có thể vươn tới đời sống mai sau, và có thể có sự ban cho và nhận lãnh, trong đó tình yêu dành cho nhau tiếp tục bên kia ranh giới của sự chết - điều này đã trở nên một xác tín của Kitô Giáo qua nhiều thời đại và ngày nay vẫn còn là một nguồn suối ủi an. Ai mà không cảm thấy cần thiết phải bầy tỏ cho người thân yêu đã ra đi một dấu chỉ của tình thương, một cử chỉ biết ơn hay ngay cả một lời cầu xin tha thứ? Đến đây, một câu hỏi khác được đặt ra: nếu “Luyện Ngục” chỉ là sự thanh tẩy trong lửa qua việc gặp gỡ Chúa Kitô, đấng Phán Xét và Cứu Chuộc, thì làm sao một người ngoài lại có thể can thiệp, dù cho người ấy có thân cận đến đâu? Khi chúng ta đặt câu hỏi này, chúng ta phải nhớ rằng không một ai là một ốc đảo sống hoàn toàn độc lập. Đời sống chúng ta có liên quan đến người khác, qua biết bao nhiêu lần giao tiếp, các đời sống được nối kết với nhau. Đời sống của người khác tiếp tục lan sang đời sống của tôi: dù tốt hay xấu. Do đó, lời cầu nguyện tôi dâng cho người khác không phải là một cái gì không dính líu đến người ấy, một cái gì ở bên ngoài, dù cho cả sau cái chết. Trong sự liên kết của các đời sống, lòng biết ơn đối với người khác - lời kinh dâng cho họ - có thể đóng một vai trò nhỏ trong sự thanh tẩy họ. Và do đó không cần phải hoán đổi thời giờ thế gian thành thời giờ của Chúa: trong sự hiệp thông của các linh hồn thời giờ trần thế bị thay thế. Không bao giờ được coi là quá trễ để chạm đến trái tim của người khác, và cũng không bao giờ vô ích. Bằng cách này chúng ta giải thích thêm một yếu tố quan trọng của quan niệm Kitô Giáo về hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta luôn luôn thiết yếu là niềm hy vọng của người khác: chỉ như thế nó mới thật sự là niềm hy vọng của cả tôi nữa (40). Là Kitô hữu chúng ta không bao giờ được tự giới hạn mình để chỉ biết hỏi: làm sao để tôi được cứu rỗi? Chúng ta cũng phải hỏi: tôi phải làm gì để cho người khác có thể được cứu chuộc, và để cho đối với họ ngôi sao hy vọng có thể tỏa sáng trên trời? Như thế tôi cũng đã làm hết sức mình cho việc cứu rỗi của chính tôi.
________________________________________________________________________________________

Ghi chú

[30] Negative Dialektik (1966), Phần III, 11, trong Gesammelte Schriften VI, Frankfurt am Main 1973, tr.395.

[31] Sđd., Phần II, tr.207.

[32] DS 806.

[33] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 988-1004.

[34] Xem Sđd., 1040.

[35] Xem Tractatus super Psalmos, Ps 127, 1-3: CSEL 22, 628-630.

[36] Gorgias 525a-526c.

[37] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1033-1037.

[38] Xem Sđd., 1023-1029.

[39] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1030-1032.

[40] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1032.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đêm Hội Ngộ Những Tấm Lòng Nhân Ái Melbourne, gây quỹ để giúp quý vị mục tử Châu Phi.
Trần Văn Minh
00:32 31/10/2022
Melbourne, vào lúc 7giò 45 tối Thứ Bảy Ngày 29/10/2022. Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne. Đã tổ chức một bữa tiệc gây quỹ có tên là: Đêm Hội Ngộ Những Tấm Lòng Nhân Ái, quy tụ mọi người về dự để chung tay đóng góp giúp cho Các Mục Tử Việt Nam đang truyền giáo tại Châu Phi.

Xem hình

Ban tổ chức trên thiệp mời ghi bao gồm: Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Giuse Nguyễn Đạt, bà Quách Thị Sáng, Cô Ngô Tuyết Hằng, Cô Huỳnh Thị Thanh.

Nhưng trong buổi lễ do sức khỏe kém, Linh mục Nguyễn Hữu Quảng không đến dự, và ban tổ chức hiện diện có Bác sỹ Liên On, Bác sỹ Thiện, Bà cố Liên, Cô Tuyết Hằng và Cô Huỳnh Thị Thanh.

Đêm Hội Ngộ thu hút được rất nhiều những tấm lòng nhân ái về dự. Trước giờ khai mạc, khách đến rất nhiều. Trong các vị khách, chúng tôi nhận thấy có hai Cha Tuyên úy Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Phạm Minh Ước và Phạm Văn Ái, Cha Giuse Nguyễn Đạt, Cha Nguyễn Công Trứ, Cha Quốc Dòng Thánh Thể, Cha Hiếu Dòng Chúa Cứu Thế vv.

Riêng khách mời của cộng đoàn các nhóm đông nhất là các Ca đoàn Cecilia và Vô Nhiễm, đến tham dự và góp vui phần văn nghệ, họ còn giúp tiếp tân và xếp chỗ ngồi cho khách, các đội Legio trẻ. Dù cũng là khách nhưng ai cũng coi như việc nhà. Có cả đoàn vũ Âu Cơ trong trang phục đồng bào thiểu số rất đẹp sẵn sàng phục vụ.

Ngoài tiền sảnh, các anh chị giúp bán những vật phẩm, kể cả ảnh tượng, cây cảnh, đủ mọi thứ của các ân nhân tặng làm quà, với mục đích bán để càng thu được nhiều tiền càng tốt cho buổi gây quỹ với mục đích truyền giáo.

Trước buổi tiệc, các chị em trong ban ẩm thực và các chị trong Ban Giáo Lý Viên cộng đoàn đến giúp phụ từ sáng sớm, rồi quý anh em trong Legio trẻ kê bàn ghế, rồi ban âm thanh, ánh sáng cộng đoàn chuẩn bị sẵn sàng cho đêm hội ngộ.

Đúng 7 giờ 48 phút, cô MC Nguyễn Thơm đã lên giới thiệu Cha Tuyên úy Phạm Minh Ước chào mừng và nói lên ý nghĩa của buổi lễ. Cha cũng đã nói về “của cho không bằng cách cho.” Để cả người cho và người nhận đều cảm thấy vui mà cùng đẹp lòng nhau. Và như thường lệ, cha ban phép của ăn như một lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa.

Để mở đầu phần văn nghệ giúp vui, Ca đoàn Cecilia đã xuất hiện trên sân khấu bằng trang phục của sắc tộc Ê Đê, trên miền rừng núi trung phần Việt Nam, bài ca rất nhộn nhịp và mang ý nghĩa cho việc truyền giáo tại những vùng xa xôi hẻo lánh, đang cần bước chân của các vị thừa sai.

Sau khi cả hội trường lắng đọng, MC mới giới thiệu và mời ban tổ chức bước lên sân khấu để ra mắt khán giả. Bà Bác sỹ Liên On đã đại diện ban tổ chức cảm ơn đến quý cha, quý mạnh thương quân, cộng đoàn, ban mục vụ, các ban ngành đoàn thể, và cuối cùng, bà không quên cảm ơn một người luôn sát cánh và ủng hộ việc làm của bà, đó là đức lang quân của bà.

Buổi tiệc Đêm Hội Ngộ rất thành công, Linh mục Nguyễn Tài SVD từ Madagascar đã nối được đường giây qua mạng để đại diện cảm ơn quý cha, ban tổ chức và quý ân nhân đã đóng góp giúp đỡ cho quý vị mục tử đang làm việc mục vụ tại những miền xa xôi trên đất Châu Phi để rao giảng tin mừng trên cánh đồng truyền giáo.
 
Linh Mục Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ, Tân Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam
Truyền Thông Dòng Tên
19:41 31/10/2022
Linh Mục Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ, Tân Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam

Cha Arturo Sosa, SJ, Bề Trên Cả Dòng Tên, trong văn thư ký ngày 18/10/2022 tại Rôma, đã bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ, hiện đang là Viện Trưởng Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên, làm Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê – Dòng Tên Việt Nam.

Cha Bề Trên Cả gửi lời cám ơn và động viên đến Cha Tân Giám Tỉnh vì đã sẵn sàng phục vụ Dòng, anh em trong Tỉnh Dòng, cũng như các cộng tác viên trong sứ mạng của Tỉnh Dòng.

Cha Bề Trên Cả cũng gửi lời cám ơn sâu xa đến Cha Vinh Sơn Phạm Văn Mầm vì sự phục vụ đầy dấn thân và quảng đại của ngài trong suốt hơn 5 năm qua trong cương vị Giám Tỉnh.

Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa sẽ chính thức khởi đầu sứ vụ vào ngày 21/11/2022, nhằm dịp Lễ Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong đền thờ.

* * *

Tiểu sử Cha Tân Giám Tỉnh Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ

Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ sinh ngày 08/08/1973 tại Thủ Đức, Gia Định (Sài Gòn); gia đình thuộc Giáo xứ Từ Đức, Tổng Giáo Phận Sài Gòn-TP.HCM.

– Ngày 09/09/1996: Vào Nhà Tập Dòng Tên.

– Ngày 13/11/1998: Khấn đầu.

– Từ năm 1998-2000: Học Triết học tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam.

– Từ năm 2000-2004: Học Thần học tại Loyola School of Theology, Ateneo de Manila University, Quezon, Philippines. Nhận bằng Cử nhân Thần học (STB) và Thạc sĩ Thần học Mục vụ, chuyên ngành Linh Hướng và Hướng dẫn Linh Thao (MA)

– Từ năm 2004 – 2006: Thực tập tông đồ với vai trò phụ tá cha Giám Đốc Nhà Ứng Sinh Dòng Tên Việt Nam.

– Ngày 10/06/2006: Chịu chức linh mục tại Thủ Đức, Sài Gòn.

– Từ năm 2006-2010: Học chuyên ngành Thánh Kinh tại Giáo Hoàng Thánh Kinh Viện (Biblicum, Roma, Ý). Nhận bằng Thạc sĩ Thánh Kinh Chú Giải (SSL).

– Từ năm 2010-2014: Học tại Phân Khoa Thần Học Công Giáo, Đại Học Innsbruck, Áo Quốc. Nhận bằng tiến sĩ Thần học (Dr.theol.), chuyên ngành Thánh Kinh (Bibelwissenschaft).

– Từ năm 2014 đến tháng 08/2016: Giám học Thần học tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam.

– Từ tháng 08/2016 đến tháng 02/2017: Làm Năm Tập Ba tại Sri-Lanka.

– Ngày 19/10/2017: Khấn cuối.

– Từ ngày 19/03/2017 đến nay: Viện Trưởng Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam.

– Ngày 18/10/2022: Cha Bề Trên Cả Dòng Tên bổ nhiệm ngài làm Tân Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam

Ngoài công việc Quản trị tại Học Viện Dòng Tên, cha còn đảm nhận các sứ vụ khác:

Giáo sư Thánh Kinh tại Học viện Dòng Tên, Học viện Công Giáo Việt Nam, Đại Chủng Viện Thánh Giuse (Saigon), Học viện Liên Dòng Nữ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Học Viện Liên Tỉnh Dòng Thánh Phaolô, Học Viện Liên Dòng Mến Thánh Giá (Chợ Quán), Học Viện Nữ Đa-minh, Học Viện MTG. Quy Nhơn.

Thành viên Ban Tông Đồ Trí Thức của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam. Tư vấn Tỉnh Dòng.

Thành viên Ủy Ban Thánh Kinh thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Truyền Thông Dòng Tên

Nguồn: dongten.net
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh các vị Thánh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:56 31/10/2022
Hình ảnh các vị Thánh

Trong nếp sống phụng vụ đạo đức của Hội Thánh có hàng ngàn vị Thánh với tên tuổi gốc tính niên đại thời gian, cùng không gian họ đã sinh sống khi xưa trên trần gian.

Ngay nơi quảng trường đền thờ Thánh Phero bên Vatican có 140 tượng các vị Thánh được dựng trên đầu hàng cột hình vòng cung hai bên chung quanh sân đền thờ.

Trong các thánh đường khắp nơi đều có những bức hình vẽ, những tượng khắc chạm các vị Thánh hoặc đặt trên một bàn thờ nhỏ, hoặc treo trên tường hay nơi các cây cột…

Hầu như quốc gia đất nước nào trên thế giới, mà đức tin Công Giáo loan truyền nơi đó, cũng đều có những tín hữu Chúa Kitô được tôn phong lên hàng các Thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Hội Thánh Công Giáo Việt Nam có 117 Vị được tôn phong lên hàng các Thánh trong Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ năm 1988.

Đâu là hình ảnh vị Thánh?

Các vị được tôn phong là Thánh, vì họ có đời sống thánh thiện sống trong tương quan hướng lên Thiên Chúa trời cao, Đấng là nguồn sự sống, nguồn tình yêu thương. Và đồng thời họ duy trì mối tương quan chiều ngang đường chân trời với xã hội con người cũng là con Thiên Chúa với cung cách nếp sống công bình bác ái với nhau, cùng kính trọng gìn giữ thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng ban cho.

Sự thánh thiện không là một công thức trừu tượng cao vời khó hiểu, hay một đặc ân dành cho những người được tuyển chọn. Nhưng là ơn kêu gọi của mỗi người đã lãnh nhận làn nước bí tích rửa tội.

Các vị Thánh, khi xưa lúc còn sinh tiền, là những người không chỉ nghe tìm hiểu tin mừng của Chúa Giêsu đã loan truyền, nhưng họ đã đưa những lời của Chúa vào thực hành trong nếp sống hằng ngày.

Các vị Thánh, khi còn chung sống trên trần gian, là những người có nếp sống với tầm nhìn và trái tim rộng mở lan rộng tới những người cùng chung sống trong xã hội về tình trạng đời sống của họ. Các vị dấn thân bằng lời nói và hành động chú ý đến sự khó khăn hoàn cảnh hiểm nghèo cần được giúp đỡ, đến sự đau khổ vì bị khinh miệt bỏ rơi, về bệnh tật, sự cô đơn nghèo khổ của người khác.

Các vị Thánh, khi xưa sống trong lòng xã hội, không là những người khách dửng dưng qua đường đứng nhìn quan sát, hay những người hồ nghi do dự. Nhưng là những người có nếp sống tin tưởng dựa trên căn bản tình yêu thương với Thiên Chúa và với con người. Họ mong muốn qua hành động tốt hữu ích mang đến sự an ủi giúp đỡ, niềm vui, niềm hy vọng cho người khác.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có suy tư “ Các vị Thánh Nam hay phụ Nữ trong mọi thời đại, mà chúng ta mừng kính chung hằng năm vào ngày lễ mừng kính các Thánh không là hình ảnh biểu tượng của những người cao cả xa vời và không thể với đạt tới được.

Trái lại, họ là những con người với hai chân đứng vững trên nền đất. Họ đã phải sống trải qua trong cố gắng hy sinh hằng ngày với thành công và cả với thất bại. Họ luôn đi tìm sức mạnh của Thiên Chúa giúp đứng dậy đi tiếp.

Đích điểm thánh thiện không tự họ đạt được tới. Nhưng là kết qủa của ân đức Thiên Chúa giúp cho. Vì thế, sự thánh thiện là ơn ân đức và ơn kêu gọi từ Thiên Chúa. Phải, sự thánh thiện có thể nói được là tế bào gốc của người Kitô hữu.”

Có những Kitô hữu Chúa được Hội Thánh chính thức tôn phong lên hàng bậc Thánh, vì đời sống đức tin anh hùng vào Thiên Chúa của họ. Và cũng còn biết bao nhiêu người lúc sinh thời đã sống thánh thiện trung thành âm thầm chịu đựng hướng theo tôn chỉ tinh thần Tám mối phúc thật của Chúa, nhưng chưa hay không được chính thức tôn phong là Thánh.

Trước mặt Thiên Chúa họ cũng là những Vị Thánh, mà phụng vụ đạo đức của Giáo Hội Công Giáo mừng kính chung hằng năm vào ngày 01.11., trong số đó có thể có cả những vị tổ tiên gia đình chúng ta nữa, mà các ngài đã mãn phần con đường đời sống trên trần gian. Chúng ta tin tưởng họ được về sống gần bên Thiên Chúa.

Nhớ đến các ngài với lòng kính trọng cảm phục biết ơn sâu xa, cùng xin các ngài cầu bầu cho trước tòa Thiên Chúa hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1/11/2022: Lương Sư Hưng Quốc
Trà Lũ
21:17 31/10/2022
Lá thư Canada 1/11/2022: Lương Sư Hưng Quốc

Canada đã cuối thu, hàng cây xanh bên đường đã bắt đầu vàng lá, trời đã bắt đầu se lạnh vào buổi sáng, bước ra khỏi nhà là phải chòang thêm áo ấm. À, đã tháng 11 rồi. Làng An Lạc của tôi không còn họp ngoài trời nữa. Bây giờ gặp nhau chúng tôi không còn nói về dịch Cô Vít, không còn nói về Ông Tập, Ông Putin, cũng không nói về chiến tranh Nga-Ukraine, cũng không bàn chuyện hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bên Mỹ đả nhau, mà toàn những chuyện rất cá nhân. Các bà trong làng thì bàn chuyện nấu ăn, chuyện mùa táo mùa bí ngô đang tới, và lan sang chuyện các chậu hoa cúc vàng đang bày bán la liệt ngoài các ngã tư.

Cụ Chánh tiên chỉ làng thì nói chuyện về thời gian năm tháng. Cụ bảo xưa nay cụ sợ con số 11 lắm. Này nha, cha ông ta ngày xưa không nói ‘tháng 11’ cuối năm mà gọi nó là tháng Một, còn tháng thứ nhất trong năm thì gọi là tháng Giêng. Hình như con số 11 là con số xui. Tổng Thống Ngô Đình Diệm chết vào ngày 2/11. Tổng thống John Kennedy chết vào ngày 22/11. Khi nói về Ông Diệm thì tiếng cụ trầm hẳn xuống, trầm như tiếng chuông chiêu hồn tử sĩ. Cụ bảo xưa nay chưa có gia đình nào bi đát như gia đình ông Diệm. May mà tất cả chúng ta đều biết và nghĩ rằng cụ bị bức tử. Chết chưa phải là hết, mà còn đời sau. Thấy cả làng im lặng lắng nghe, cụ Chánh như được dịp mở cõi lòng. Ngày xưa tôi có đọc một cuốn sách tên là ‘Người đàn bà hạnh phúc’, trong đó nhân vật chính là một thiếu phụ cực kỳ đau khổ. Bà than với Chúa khi chồng con vừa chết : Chúa ơi, con mất hết cả rồi, chồng, con cái và gia tài ! Bà than xong thì bà nghe có tiếng Chúa trong lòng : Con nói con mất tất cả sao? Khi con vừa sinh ra thì con đã có các thứ đó ư mà con bảo con mất? Có lần tôi kể chuyện này cho Cha Paolo là người bảo lãnh chúng tôi từ trại tỵ nạn năm xưa, nghe xong thì ngài bảo : lời bà Đại Hàn này giống y như lời ông Job lúc sắp chết trong Kinh Thánh Cựu Ước : Tôi trần trụi khi ra khỏi lòng mẹ thì bây giờ tôi cũng trần trụi khi ra đi về cõi vĩnh hằng…

Nghe đên đây thì tự nhiên cả làng thưa Amen vì thấy ý ấy hay và đúng quá. Cụ Chánh xin dứt bài giảng đầu tháng các Linh Hồn. Cụ xin hết lời rồi xin anh John mang không khí vui tươi về cho cả làng, vì cả làng đã quá nghiêm trang khi nghe lời cụ nói.

Anh John liền cười ha ha, nhưng chưa kịp lên tiếng thì Ông Từ Hòe nói ngay : tôi vừa đọc được một bài báo rất hay cũng bàn về cái chết, tức là bàn về chữ Tử, tức là tiếp nối bài giảng của cụ Chánh. Bài đó định nghĩa chử TỬ rất tếu như thế này :

Bị điện giật mà chết gọi là điện tử

Bị ngã ngựa mà chết thì gọi là mã tử

Đang thái thịt mà chết gọi là thái tử

Chết vì bệnh cảm cúm thì gọi là cảm tử

Chết vì yêu nhiều quá thì gọi là ái tử

Chết vì tò mò thì gọi là thám tử

Chết trong rừng gọi là lâm tử

Quân lính chết gọi là quân tử…

Các bạn nghe có tếu không, bài viết còn dài nhưng vì tôi đã cướp lời anh John để kể cho làng nghe cho vui khi chuyện còn nóng. Xin trả lại diễn đàn cho anh John. Anh John nói ngay : Khi tôi học tiếng Việt, tôi để ý đến từ chết, tức là chữ Tử vừa nghe. Và tôi thấy tiếng Việt có rất nhiều cách nói về chữ chết. Phải tùy từng trường hợp mà xử dụng cho trúng. Nói xong anh móc túi lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ, rồi anh bảo đây là những từ chỉ cái chết, tôi ghi lung tung không theo thứ tự nào : qua đời, từ trần, mất, rồi đời, đi đứt, đã khuất, nhắm mắt, tắt thở, đi rồi, khuất núi, xuôi tay, đi bán muối, chầu trời, về chầu Chúa, về cõi Phật, theo ông bà, băng hà, lìa đời, về Tây phương cực lạc, ra đi ngàn thu…

Đọc xong tài liệu này rồi anh xin bàn tiếp về con số 11. Theo anh thì con số này nhiều chuyện lắm:

- Con số 911 là con số điện thoại cầu cứu khi gặp nạn.

- Con cố 911 là con số nhắc ta về biến cố hai tòa tháp đôi ở New York bị tan vì bọn khủng bố năm 2001, nay đã 21 năm…

- Hai siêu cao ốc ở New YORK trước khi bị sập trông giống như con số 11

- New York là tiểu bang thứ 11xin gia nhập liên bang,

- New York City gồm 11 chữ

- Ngũ Giác Đài ‘ The Pentagon’ bị quân khủng bố tấn công cũng gồm 11 chữ

- Máy bay American Airlines chuyến 11 đâm vào cao ốc phía bắc có 92 hành khách cộng 2 số lại cũng mang con cố 11.

- Máy bay United Airlaines đâm vào cao ốc phía nam có 65 hành khách, 65 cộng lại cũng là con số 11.

Nghe đến đây thì ông Từ Hòe xin góp lời, ông bảo đó là số mệnh, vậy ông xin bàn tiếp về số mệnh. Báo chí cho biết người đẹp Barbara Olson bình luận gia của đài CNN, đáng lẽ đi máy bay ngày mồng 10, nhưng bà đổi ý đi ngày 11 để về kịp ăn mừng sinh nhật của chồng nên bà đã gặp tử thần. Ông Nguyễn Quốc Dũng làm việc cho một đại công ty ở lầu 66 của cao ốc New York, vì nán lại nhà thêm 15 phút đề ăn sáng với vợ mà thoát chết…

Chị Ba Biên Hòa và Cụ B.95 vì toàn nghe chuyện con số xui 11 bèn lên tiếng kêu nhức đầu, xin làng chuyển đề. Bèn có ngay, Anh John xin kể chuyện số mệnh ở Canada, chuyện ca sĩ Paul Anka. Anh này gốc Trung Đông xứ Liban. Vì nhà nghèo nên gia đình anh di cư đến Canada và làm việc rất cực nhọc. Mãi rồi cha mẹ anh mới đủ tiền mua được một tiệm chạp phô ở gần thủ đô Ottawa. Vừa dọn vào nhà mới xong thì anh bỗng nhìn thấy cô hàng xóm tóc vàng mắt xanh đẹp quá. Tình yêu nổi lên ngay, anh mê cô hàng xóm tức thì. Cô tên là Diana. Cô nhiều tuổi hơn anh, nhưng anh nghĩ tình yêu không kể tuổi như thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết ‘Yêu nhau ai kể tuổi bao giờ’, nên suốt ngày đêm anh mơ tưởng đến Diana. Bài ca Diana đã ra đời từ trái tim anh và bài ca này đã trở thành bất hủ ngay tức thì. Khắp năm châu đều vang lên ‘ Oh, sit by me, Diana’. Tôi nhớ đầu thập niên 1960, mỗi chiều thứ bảy đài phát thanh Saigon có chương trình ‘nhạc yêu cầu’ thì bao giờ bài Diana cũng đứng đầu danh sách. Paul Anka bỗng trở thành nổi tiếng. Và được hứng khởi, anh làm thêm những bài Crazy Love, Put your head on my shoulder, You are my destiny… Tôi tự hỏi nếu không có đất tạm dung Canada và cô Diana ở đất Canada thì liệu Paul Anka có biến thành thiên tài như vậy không, và chúng ta có được những bài ca về tính ái hay như vậy không. Ngàn năm tạ ơn đất Canada.

Xin hết chuyện Paul Anka mà xin bàn sang chuyện thông minh của người Việt mình. Cụ Chánh là người nấu phở ngon nhất trong làng. Có lần cụ kể cho tôi chuyện riêng tư này : khi mới tới Canada thì cụ dạy nghề nấu phở cho một thằng cháu. Thằng này rất thông minh, học một biết mười. Nó lấy vợ rồi mở tiệm phở. Ngày khai trương thì khách đông nghẹt, cả ta cả tây. Hôm đó đang lúc mọi người xì xụp húp phở và hít hà khen ngon thì bỗng một bà da trắng kêu to tiếng : Ối, lạy Chúa tôi, có một con ruồi trong bát phở của tôi nè, úi úi. Ai cũng ngưng ăn và nhìn về phía bà. Thằng cháu tôi, tức chủ quán, bèn chạy đến ngay, bà đầm chỉ con ruồi nằm giữa bát phở, nó liền bình thản lấy cái muỗm múc con ruồi rồi bỏ vào miệng, rồi nó giả vờ nhai rồi giả vờ suy nghĩ một chút, rồi nó nuốt cái ực. Nuốt xong nó mỉm cười nhìn bà đầm và nói tỉnh bơ : thưa bà đó không phải là con ruồi mà là hạt tiêu sọ, phở chúng tôi thơm ngon là nhờ hạt tiêu sọ này. Tôi sẽ lấy cái muỗm khác để bà xơi tiếp tô phở còn đang nóng. Thực khách chung quanh ai cũng thở cái ào rồi vui vẻ cúi xuống ăn phở tiếp. Nó tiến vào bếp nói nhỏ với vợ : Hú vía, tôi mà không nhanh trí thủ tiêu con ruồi thì coi như dẹp tiệm từ hôm nay. Kể đến đây rồi cụ Chánh kết luận : Đó là một tai nạn, nhờ thằng cháu thông minh nhanh trí mà thoát nạn, hiệu của nó hiện vẫn nổi tiếng về phở ngon và sạch sẽ trong nhiều năm qua.

Cụ Chánh xin hết chuyện, ông Từ Hòe liền tiếp sức ngay. Ông định kéo anh John vào cho vui, nhưng khi thấy Chị Ba Biên Hòa ngồi bên chồng, ông liền trêu Chị Ba : Tại Biên Hòa quê của Chị Ba có ngọn núi nổi tiếng là Núi Chứa Chan. Tôi thấy có người ra một câu thách đối mà chưa có ai đối lại được, vậy xin hỏi Chị Ba về việc này. Chị Ba lắc đầu ngay và xin ông Từ Hòe cho biết chuyện. Ông Kể rằng : xưa tôi có nghe câu thách đối như thế này : ‘ Leo núi Chứa Chan, chán chưa, chưa chán’, và tôi chưa hề nghe có ai đối lại được. Câu này đơn sơ dễ hiểu, rằng bạn đang leo núi Chứa Chan, xin hỏi bạn đã chán leo chưa, và bạn đáp ngay là chưa chán. Ôi, cái tiếng Chứa Chan sao mà nghe dễ thương làm vậy. Nếu các cụ phương xa đối được câu này, nhớ cho tôi biết để tôi báo Chị Ba tặng phần thưởng nha.

Rồi nhân chuyện địa phương Biên Hòa ông Từ Hòe lan sang một chuyện địa phương lớn ở Saigon, đó là Lăng Ông Bà Chiểu. Bạn bè ông về thăm Saigon, ai sang đây cũng kể chuyện đi viếng Lăng Ông Bà Chiểu. Tôi xin mở ngoặc : Ba Chiểu không phải là tên vợ của Ngài Lê Văn Duyệt, Bà Chiểu chỉ là tên một địa phương như Bà Hom, Bà Rịa, Bà Quẹo. Theo sử thì Ngài Tả Quân dáng người thon nhỏ và có dạng ẩn cung hình, dáng một hoạn quan, nhưng có tài, ông được vua Gia Long tuyển vào cung lãnh đạo ban cận vệ. Ông dũng cảm, cầm quân rất giỏi, đánh trăm trận trăm thắng. Ông được vua Gia Long tin tưởng, giao ông làm Phó Vương tổng trấn thành Gia Định. Ông được mọi người yêu mến. Gia Định thời đó chính là miềm Nam ngày nay. Ông được lòng hầu như toàn dân : tự do kinh tế thị trường, doanh nhân Tây Tàu tự do buốn bán, truyền giáo tự do. Sau vua Gia Long, vua Minh Mạng bất đồng chánh kiến với Lê Văn Duyệt nhưng không làm gì được vì ảnh hưởng của ông lớn quá, vì ông là phó vương mà. Khi ông vừa qua đời, Minh Mạng đã phá mọi thế lực của ông và đặt quan cai trị mới, và cho các quan từ Huế vào cai trị dân trực tiếp, và lập tòa án xét xử công tội Lê Văn Duyệt. Lúc đó, người Tàu minh hương, người Công Giáo, các điền chủ, người dân và các quan chức thời Lê Văn Duyệt rất bất bình. Không chịu được nữa, ngày 18-5-1833 con nuôi của Lê Văn Duyệt đã nổi loạn chống triều đình Huế, dân miền Nam ai cũng ủng hộ. Nhưng vì không có tài chiến lược, Lê Văn Khôi đã thua và đã bị diệt. Mộ tả quân Lê Văn Duyệt đã bị san bằng và bị hạ nhục. Mãi đến đời Vua Tự Đức năm 1818 mới cho xét lại vụ án và trả lại sự công bằng và vinh danh Tả Quân. Ông biến thành vị thấn linh thiêng. Nơi an táng ông biến thành một cái lăng như lăng các vua chúa. Bây giờ hàng ngày dân Saigon và du khách ai cũng đến viếng Lăng Ông để xin ông phù hộ, ai cũng dâng của lễ và thắp hương coi ông như một vị đại thần, khách đông hơn các chùa miếu chung quanh.

Ông Từ Hòe vừa hết lời thì Chị Ba lên tiếng: Bác thật là thông thái, cái gì cũng biết. Riêng tôi gốc là nhà giáo, tháng trước bác bàn về hai tiếng anh hùng trong lịch sử thật hay, bữa nay xin bác cho biết trong lịch sử ngành giáo dục VN, ai là những vị thày giáo anh hùng nổi tiếng.

Ông Từ Hòe biết mình bị hỏi khó, nhắm mắt suy nghĩ một chút rồi nói ngay: Theo tôi, tôi coi 3 danh nhân sau đây là 3 thày giáo đáng trọng nhất :

1. Thày giáo Chu Văn An ( 1292-1370 ). Thày Chu Văn An là người có công lớn trong việc xây Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở VN. Thày là người dạy Vua Trần Hiền Tôn và đào tạo ra những vị quan có tài đời nhà Trần, hoàn thiện chương trình dạy Nho giáo. Thày là người đầu tiên được đưa vào thờ tại Văn Miếu.

Thày Chu Văn An tuy thi đỗ Thái Học Sinh tức tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Thày nổi tiếng về học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, không cầu danh lợi, nổi tiếng khắp nơi, học trò khắp chốn. Thày được tôn là Vạn Thế Sư, người thày của muôn đời.

2. Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491- 1585 ). Thày được coi là một cây đại thụ, môt danh nhân văn hóa, một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri đại tài, một nhà giáo vĩ đại.

Thày Khiêm đỗ giải nguyên đời nhà Mạc, làm quan được 8 năm, thày dâng sớ xin hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe, nên xin cáo quan về Bạch Vân quê nhà mở trường dạy học. Qua 40 năm dạy học, thày đã đào tạo ra nhiều danh nhân như Phùng Khắc Khoan,, Lý Hữu Khánh, Nguyễn Duyên… Danh tiếng trường Bạch Vân bên dòng Tuyết Giang của thày vang dội khắp nơi. Thày được tôn vinh là ‘ Tuyết Giang Phu Tử’. Thày đã dùng tài lý số của mình mà cứu vãn nhà Mạc tồn tại khá lâu. Thày cũng đưa ra lời sấm cho Nhà Nguyễn, nhờ đó nhà Nguyễn mới tiến vào phương Nam, làm chúng ta có bờ cõi rộng như ngày nay.

3. Thày Lê Quý Đôn ( 1726-1784 ). Thày sinh trong một gia đình khoa bảng, thông minh ngay từ nhỏ. Năm 14 tuổi theo cha lên Thăng Long và thày đã học xong hầu như toàn bộ các sách của nho gia. Năm 18 tuổi đi thi Hương đậu Giải nguyên, năm 27 tuổi đỗ Hội Nguyên rồi đỗ Đình Nguyên bảng Nhãn. Thày được bổ nhiệm nhiều chức quan lớn trong triều Lê-Trịnh. Thày thông hiểu nhiều lãnh vực như địa lý, khoa học, xã hội, văn chương, sử học, vua quan và dân chúng ai cũng kính nể. Thày phụ trách các kỳ thi, chấm thi, tuyển dụng nhân tài. Thày thường khuyên các môn sinh học trò : Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà phải tìm đến chỗ gốc bên trong… Sách không hết lời, lời không hết ý, phải hiểu cho rõ ngầm ý của thánh nhân. Thày luôn bảo biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ…

Và ông Từ Hoè xin hết ý. Cả làng vỗ tao râm ran ca ngợi sự thông thái của bồ chữ niên trưởng này, và ca ngợi Chị Ba đã theo ngành nhà giáo. Ông ODP nói với Chị Ba : chị theo ngành sư phạm để dạy học là đúng lắm, khai tâm trí lớp trẻ là xây dựng quốc gia đúng nhất. Rồi ông kể trước 1975 ông thích nhất tấm bảng ở cổng trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Mặt trước đề tên trường, mặt sau viết 4 chữ lớn ‘ Lương Sư Hưng Quốc’ có nghĩa là thày giáo giỏi sẽ làm hưng thịnh quốc gia, nghĩa rộng là tương lai quốc gia ở trong tay giới trẻ, tương lai giới trẻ ở trong tay nhà giáo. Các bạn nghĩ sao về câu nói này cơ?

Trà Lũ
 
VietCatholic TV
Cuộc tấn công Crimea rầm rộ nhất: Tiết lộ từ hai phía về thiệt hại của Nga. Soái hạm Makarov bị nặng
VietCatholic Media
03:12 31/10/2022


1. Soái hạm của Hạm Đội Hắc Hải của Nga bị hư hại trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Crimea

Chiến hạm Đô đốc Makarov của Nga đã bị hư hại và có thể bị vô hiệu hóa trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái táo bạo của Ukraine vào cuối tuần qua tại cảng Sevastopol của Crimea.

Các nhà điều tra nguồn mở cho biết chiếc tàu khu trục được dùng làm soái hạm của Hạm Đội Hắc Hải, thay cho chiếc Moskva đã bị đánh chìm hồi tháng Tư, là một trong ba chiếc tàu của Nga bị bắn trúng hôm thứ Bảy. Một đàn máy bay không người lái - một số bay trên không, một số khác lướt nhanh trên mặt nước - đã tấn công hải quân Nga lúc 4 giờ 30 phút sáng và đánh liên tục trong 5 giờ đồng hồ. Video từ một trong những máy bay không người lái trên biển cho thấy phương tiện không người lái len lỏi giữa các tàu thuyền của đối phương.

Các quan chức Ukraine cho biết hiện vẫn chưa rõ tàu Đô đốc Makarov bị hư hỏng nặng hay đã thoát được mà chỉ bị hư hại nhẹ. Các báo cáo chưa được xác nhận cho biết thân tàu của nó đã bị thủng và hệ thống radar bị phá hủy. Các phương tiện truyền thông xã hội đã ghi lại những vụ nổ lớn ở phần phía nam của Sevastopol, trong một khu vực được gọi là Vịnh Riflemen. Một trường hải quân của Nga nằm gần đó.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Ukraine đã sử dụng 9 máy bay không người lái trên không và 7 máy bay không người lái trên biển, một số máy bay đã bị đánh trúng, bao gồm cả một trực thăng của Nga. Konashenkov đã không đề cập đến soái hạm Đô đốc Makarov. Ông thừa nhận có “thiệt hại nhỏ” đối với một tàu quét mìn, tên là Ivan Golubets.

Hôm Chúa Nhật, Mạc Tư Khoa cho biết các máy bay không người lái bị bắn hạ đã được thu hồi và đang được phân tích. Konashenkov cho biết các máy bay này được trang bị các bộ phận điều hướng do Canada sản xuất. Họ đổ lỗi cho Vương quốc Anh về vụ tấn công và cho biết một đơn vị Hải quân Hoàng gia chỉ huy các hoạt động từ cảng Ochakiv, miền nam Ukraine. Chính phủ Anh đã bác bỏ điều này.

Một nhà báo Ukraine, Andriy Tsaplienko, đã chia sẻ cảnh quay ấn tượng được quay bởi một máy bay không người lái đang tham gia cuộc tấn công từ ngoài khơi bờ biển Crimea, trong đó nó dường như né tránh những viên đạn chạm mặt nước trên đường tới một con tàu mục tiêu. Anh ta cho biết tàu Đô đốc Makarov đã bị hư hại cùng với ít nhất hai tàu khác mang hỏa tiễn hành trình Kalibr, trong đó có một tàu vận tải - Chamois hoặc Lightning. Anh viết: “Có nhiều khả năng một số tàu không chỉ bị hư hại mà còn bị chìm.”

Hôm Chúa Nhật GeoConfirm, một nhóm tình nguyện, cho biết một “khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich” là nạn nhân của vụ tấn công. Sau khi xem xét các bức ảnh tĩnh, nó kết luận: “Chỉ có Đô đốc Makarov phù hợp với lớp này trong Hạm đội Hắc Hải.” Video dừng lại khi chiếc tàu không người lái tiếp cận thuyền của Nga, và “có khả năng” nó đã nổ tung khi va chạm.

2. Nhận định từ phía Ukraine về cuộc tấn công Crimea

Các trợ lý của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã ám chỉ rằng đất nước đứng sau cuộc đột kích được dàn dựng rất tốt vào thứ Bảy. Chính phủ của ông đã không nhận trách nhiệm. Đây là lần thứ hai Kyiv dường như đã đục những lỗ thủng rất to trên các tàu hải quân Nga uy tín, trong một hoạt động được lên kế hoạch cẩn thận khiến Điện Cẩm Linh mất cảnh giác.

Nó diễn ra sau vụ đắm tàu chiến Moskva vào tháng 4, một bệ pháo do Liên Xô chế tạo với thủy thủ đoàn 510 người. Nhiều người đã thiệt mạng. Đó là lần đầu tiên Nga mất một soái hạm kể từ sau cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905. Tàu Moskva là chiến hạm lớn nhất bị đánh chìm trong cuộc xung đột kể từ năm 1945. Toàn bộ hạm đội Hắc Hải của Nga hiện có vẻ dễ bị đánh từ xa.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, mô tả cuộc tấn công hôm thứ Bảy là “một diễn biến thú vị”. “Bất cứ ai làm điều đó đã sử dụng một cuộc tấn công theo nhóm. Nó không giống như một hỏa tiễn duy nhất bắn trúng mục tiêu. Nó được điều phối. Một số máy bay không người lái trên không và trên biển gây quá tải cho hệ thống phòng thủ của Nga. Nếu bạn bắn hạ một hoặc hai quả, những chiếc khác sẽ vượt qua được,” ông nói với Guardian. “Đây là một chiến thuật bầy đàn rất tuyệt vời.”

Zagorodnyuk cho biết ông rất ngạc nhiên bởi thực tế là máy bay không người lái có “kết nối video trực tiếp khá mạnh mẽ”. Họ có thể ghi lại cuộc tấn công, mặc dù thực tế là họ đang hoạt động cách bờ biển Ukraine hơn 100 dặm. “Điều này có thể được thực hiện trong khoảng cách này là đáng chú ý,” ông nhận xét. Ngược lại, các máy bay không người lái kamikaze của Iran đã tấn công Kyiv hai tuần trước thì thô sơ hơn và “bay lạng quạng”.

Ukraine đã cho thấy họ có thể tấn công các mục tiêu tầm xa như ở Crimea, mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Người ta cho rằng họ đã tấn công cây cầu nối bán đảo với Nga, sân bay Saky, và - hai tháng trước - tòa nhà trụ sở hải quân ở Sevastopol. Zelenskiy đã thề sẽ giải phóng Crimea, cùng với toàn bộ miền nam và đông Ukraine bị chiếm đóng.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania cho biết nước này sẽ sửa chữa thêm 12 tăng pháo PzH2000 của Đức cho Ukraine

Đầu tháng 9, bất chấp những hăm dọa của Nga, Bộ Quốc phòng Lithuania thông báo nước này sẽ đảm nhận việc sửa chữa các loại pháo bị hư hỏng trên chiến trường Ukraine. Hôm thứ Bẩy, 29 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anušauskas cho biết thêm 12 tăng pháo PzH2000 của Đức sẽ được sửa chữa tại Lithuania cho Ukraine.

“Việc sửa chữa pháo PzH2000 bị hư hỏng ở Ukraine sẽ tiếp tục được tổ chức tại Lithuania. Hai chiếc sau khi sửa chữa đang trên đường về Ukraine và hai chiếc nữa hiện đang được đưa tới Lithuania.”

Theo Anušauskas, ít nhất 12 trong số các tăng pháo dự kiến sẽ được sửa chữa ở Lithuania.

4. Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc vì “an ninh lương thực” toàn cầu

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã thúc giục Nga và Ukraine gia hạn thỏa thuận với hơn 8 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine để làm giảm giá lương thực toàn cầu.

Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi các quốc gia khác, chủ yếu ở phía Tây, xúc tiến việc dỡ bỏ các chướng ngại cản trở xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, Agence France-Presse đưa tin.

Phát ngôn nhân của người đứng đầu Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cho biết Guterres nhấn mạnh sự cấp bách của việc gia hạn thỏa thuận để “đóng góp vào an ninh lương thực trên toàn thế giới”.

Thỏa thuận giữa Ukraine và Nga - những nhà cung cấp ngũ cốc lớn trên toàn cầu - đã được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 và sẽ hết hạn vào ngày 19 tháng 11.

Đại sứ Liên Hiệp Quốc của Nga hôm thứ Tư cho biết trước khi Mạc Tư Khoa thảo luận về việc gia hạn, “Nga cần thấy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của mình trên thị trường thế giới được thực hiện, điều chưa từng xảy ra kể từ khi bắt đầu thỏa thuận”.

Ông cho biết những trở ngại mà hàng hóa xuất khẩu của Nga phải đối mặt bao gồm việc mua bảo hiểm cho tàu thuyền, thực hiện các giao dịch tài chính, tìm kiếm các bến cảng cho tàu Nga và giải phóng phân bón trên các tàu bị giam giữ tại các cảng Âu Châu.

Ông Guterres cho biết việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ ba cảng Hắc Hải “đã góp phần đáng kể vào việc hạ giá lúa mì và các mặt hàng khác”.

5. Phản ứng của Ngũ Giác Đài đối với cáo buộc của Nga về vũ khí hạt nhân chiến thuật B61

Nga đã cho biết Hoa Kỳ tăng tốc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật B61 hiện đại hóa của Mỹ tại các căn cứ của NATO ở Âu Châu. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho rằng điều này sẽ làm giảm “ngưỡng hạt nhân” và nước này sẽ tính đến động thái này trong kế hoạch quân sự của mình.

Theo Reuters, Ngũ Giác Đài cho biết họ sẽ không thảo luận chi tiết về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Mỹ đã lên kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân B61 từ lâu rồi.

“Hiện đại hóa vũ khí hạt nhân B61 của Mỹ đã được tiến hành trong nhiều năm và kế hoạch hoán đổi vũ khí cũ một cách an toàn và có trách nhiệm cho các phiên bản B61-12 nâng cấp là một phần của nỗ lực hiện đại hóa đã được lên kế hoạch dài hạn”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Oscar Seara cho biết.

“Nó hoàn toàn không liên quan đến các sự kiện hiện tại ở Ukraine và không được tăng tốc theo bất kỳ cách nào.”

6. Zelenskiy: Nga đang “cố tình làm việc để bảo đảm nạn đói” với việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi quyết định của Nga đình chỉ tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine là “có chủ ý” và là “một tuyên bố khá dễ đoán” trong bài phát biểu tối thứ Bảy.

“Đây không phải là quyết định mà họ đưa ra ngày hôm nay,” Zelenskiy nói. “Nga bắt đầu cố tình làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vào tháng 9, khi nước này chặn đường di chuyển của các tàu chở lương thực của chúng tôi.”

Điều đó lặp lại những cáo buộc trước đây mà ông đưa ra về việc Nga can thiệp vào chương trình trước khi Mạc Tư Khoa chính thức rút lui.

“Làm sao Nga có thể nằm trong số những nước khác trong G20 nếu nước này cố tình làm việc để bảo đảm nạn đói ở một số châu lục? Thật vô nghĩa. Zelenskiy nói thêm rằng Nga không có chỗ đứng trong thế kỷ 20.

Zelenskiy kêu gọi “phản ứng quốc tế mạnh mẽ” đối với việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, đặc biệt là từ Liên Hiệp Quốc và G20.

7. Nga có thể bắt đầu gọi nhập ngũ phụ nữ tham gia chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Could Start Conscripting Women to Join Ukraine War”, nghĩa là “Nga có thể bắt đầu gọi nhập ngũ phụ nữ tham gia chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo cựu Tổng tư lệnh Lục quân Nga, Mạc Tư Khoa có thể bắt đầu gọi phụ nữ nhập ngũ tham gia cuộc chiến chống Ukraine như một phần của các nỗ lực động viên đang diễn ra.

Tướng quân đội Vladimir Boldyrev, người lãnh đạo lực lượng lục quân Nga từ năm 2008 đến năm 2010, đã đưa ra nhận xét vào ngày 21 tháng 10 để đáp lại lời kêu gọi của một chính trị gia về việc mở rộng nghĩa vụ quân sự cho phụ nữ.

Tuần này, Alexey Chepa, một thành viên của Duma Quốc gia Nga, đã đề xuất bắt đầu gọi nhập ngũ phụ nữ vào quân đội, theo gương của Israel. Đề xuất này nhanh chóng bị Điện Cẩm Linh chấm dứt.

Tuy nhiên, Boldyrev, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin địa phương URA.ru, cho biết phụ nữ có thể được gọi nhập ngũ ở Nga và tham gia vào cuộc chiến Ukraine, làm bác sĩ và ở những vị trí không nhất thiết phải ở tuyến đầu.

“Nếu phụ nữ được gọi nhập ngũ, thì có nhiều nơi họ có thể được sử dụng. Trước hết, họ có thể là bác sĩ. Thứ hai là các trung tâm liên lạc ở hậu phương. Ngoài ra các đơn vị hậu phương, ví dụ, thực phẩm, quần áo, sửa chữa, tiệm giặt ủi và các cơ xưởng. Đây là địa điểm chính của họ trong thời chiến,” Boldyrev nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết, cho đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận nào về khả năng gọi phụ nữ nhập ngũ trong quân đội Nga.

Một Phó Chủ Tịch Duma Quốc gia khác, Tatyana Butskaya, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Duma Quốc gia về Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em, cũng đã cân nhắc về vấn đề này, nói rằng bà không tin rằng phụ nữ ở Nga nên được gọi nhập ngũ.

“Không có chuyện phụ nữ nhập ngũ,” bà nói với URA.ru và nói thêm rằng bà tin rằng phụ nữ Nga nên bảo vệ đất nước không phải trên chiến trường.

“Đây hoàn toàn không đúng đối với lịch sử của chúng ta... luôn có một nam chiến binh và một người phụ nữ chờ đợi anh ta, canh giữ lò sưởi. Phụ nữ luôn có cách bảo vệ quốc gia khác,” bà nói.

“Chúng ta hãy nhớ về cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại trong Thế chiến II. Tất nhiên, có những chuyên ngành có thể giúp đỡ, họ có thể cứu sống, có những khoa quân sự ở các trường y, trong số những thứ khác. Ở đây cần sự giúp đỡ của phụ nữ,” Butskaya nói thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều động một phần vào ngày 21 tháng 9 và các quan chức quốc phòng cho biết có tới 300,000 quân dự bị đã được điều động để tham chiến ở Ukraine.

Vladimir Budaev của Tổ chức Free Buryatia, một nhóm ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với Newsweek rằng ông tin rằng cuối cùng Điện Cẩm Linh sẽ cử nhiều người Nga chiến đấu hơn con số 300,000 mà các quan chức quốc phòng đưa ra.

“Thực ra lệnh động viên của Putin không dừng lại. Chúng tôi không biết khi nào thì việc huy động sẽ dừng lại — có lẽ là không bao giờ. Putin chắc chắn cần hơn 300,000 binh sĩ. Quân đội Nga đã bị tổn thất rất nhiều từ những người mới bị gọi nhập ngũ rồi,” ông nói.

Newsweek đã liên hệ với các nhà chức trách Nga để đưa ra bình luận.
 
Nam Hàn quốc tang sau vụ giẫm đạp lên nhau kinh hoàng tại Hán Thành. Ơn toàn xá tháng các linh hồn
VietCatholic Media
05:02 31/10/2022


1. Vụ giẫm đạp lên nhau tại Hán Thành

Sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 10, Đức Thánh Cha nói “Chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đã chết ở Hán Thành, do hậu quả bi thảm của một đám đông đột ngột có quá nhiều người.”

Các nhà chức trách Hàn Quốc hôm Chúa Nhật đã điều tra vụ gia tăng đám đông quá nhanh giết chết ít nhất 154 người tham gia các bữa tiệc Halloween ở Hán Thành, khi quốc gia này đang cố gắng đối mặt với một trong những thảm họa tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Đất nước đã bắt đầu một thời gian tang tóc kéo dài một tuần trong khi các quan chức cố gắng tìm hiểu xem cơn bão tàn khốc đã diễn ra như thế nào.

Ít nhất 26 công dân nước ngoài, bao gồm cả hai công dân Hoa Kỳ, nằm trong số những người thiệt mạng. Hơn một chục đại sứ quán trên toàn cầu đã xác nhận nạn nhân từ đất nước của họ.

Điều gì đã gây ra sự gia tăng hôm thứ Bảy là không rõ ràng, nhưng các nhân chứng cho biết những người tham gia tiệc tùng đã chật cứng trong các con phố hẹp ở khu giải trí về đêm Itaewon của thủ đô, khi mọi người tận hưởng ngày cuối tuần Halloween đầu tiên kể từ khi các quy định của Covid-19 được dỡ bỏ.

Gần như tất cả các nạn nhân - ít nhất 153 người - đã được xác định danh tính. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, con số này bao gồm 56 nam giới và 97 phụ nữ.

Bộ cho biết, tính đến 4 giờ sáng ngày thứ Hai 31 tháng 10, theo giờ địa phương, số người bị thương đã lên đến 133 người, trong đó 37 người bị thương nặng.

Emily Farmer, một giáo viên tiếng Anh 27 tuổi ở Hán Thành, người đang đi ngang qua Itaewon, nói với CNN: “Có những hàng dài người chết được phủ bằng những tấm bạt trên đường phố.”

Farmer và những người bạn của cô đã bị “choáng ngợp” bởi đám đông trên đường phố và quyết định bước vào một quán bar. Ngay sau đó, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng ai đó đã chết và những người khách được yêu cầu đừng ra ngoài. Farmer cho biết cô đã nhận được một tin nhắn khẩn cấp từ chính phủ cảnh báo họ về “một tình huống nguy hiểm trong khu vực”.

“Nó thật kinh khủng,” cô nói. “Không phải tất cả mọi người đều chết ngay lập tức.” Nhiều người đã khóc, cô ấy nói thêm. Nhiều nạn nhân đang được hô hấp nhân tạo và cởi bỏ trang phục để cho phép các bác sĩ tại hiện trường hồi sức cho họ. “Họ vẫn kéo mọi người ra ngoài vì quá đông,” cô nói thêm.

Một nhân chứng khác, Sung Sehyun, nói với CNN rằng không gian đường phố giống như một “tàu điện ngầm kẹt cứng” vào tối thứ Bảy, với những người tham gia tiệc Halloween chật cứng đến mức rất khó di chuyển.

Suah Cho nói thêm rằng mọi người đã bắt đầu xô đẩy và có rất nhiều tiếng la hét. Cuối cùng cô xoay sở để đi đường vòng và chạy trốn đến nơi an toàn nhưng đã nhìn thấy mọi người leo lên các tòa nhà để sống sót. Cô ấy nói thêm rằng trang phục mọi người đang mặc làm tăng thêm sự nhầm lẫn; “Cũng có một sĩ quan cảnh sát hét lên nhưng chúng tôi không thể thực sự biết là cảnh sát thực sự vì có rất nhiều người đang mặc trang phục.”

Các nhân chứng nói với CNN rằng có rất ít - nếu có - những nhân viên cảnh sát kiểm soát đám đông trước khi hàng loạt người bị giẫm đạp đến chết.

Các video và hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy mọi người chen chúc nhau, kề vai sát cánh trong con phố chật hẹp.

Đám đông không phải là bất thường đối với khu vực đó, hoặc đối với người dân Hán Thành, những người đã quen với những con đường và tàu điện ngầm chật cứng trong một thành phố gần 10 triệu dân.

Sau khi các cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên đến vào khoảng 10:24 tối, các nhà chức trách đã nhanh chóng đến hiện trường - nhưng lượng người đông đúc khiến việc tiếp cận những người cần giúp đỡ rất khó khăn.

Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Iran, Thái Lan, Sri Lanka, Nhật Bản, Australia, Na Uy và Pháp, đã xác nhận rằng công dân của họ là một trong số các nạn nhân.

Một sinh viên y tá của Đại học Kentucky nằm trong số những người thiệt mạng, theo một tuyên bố từ hiệu trưởng trường đại học Eli Capilouto. Anne Gieske, một học sinh lớp 12 đến từ Bắc Kentucky, đã đi du học ở Hán Thành trong học kỳ này, Capilouto nói.

Ba quân nhân Hàn Quốc cũng nằm trong số những người thiệt mạng, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với CNN.

Chính phủ Hàn Quốc đã ấn định thời gian quốc tang bắt đầu ngay cho đến hết ngày 5 tháng 11, Thủ tướng Hàn Đức Chu (Han Duck-soo, 한덕수) cho biết như trên trong một cuộc họp báo.

Trong thời gian diễn ra quốc tang, tất cả các cơ quan công quyền và cơ quan ngoại giao sẽ treo cờ rủ, ông Hàn cho biết thêm rằng tất cả các sự kiện không khẩn cấp sẽ bị hoãn lại.

Các công chức, viên chức của các cơ quan công quyền sẽ đeo dải băng để chia buồn trong thời gian diễn ra quốc tang

2. Vụ thảm sát tại Mogadishu

Sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 10, Đức Thánh Cha nói “Trong khi ăn mừng chiến thắng của Chúa Kitô đối với cái ác và sự chết, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Mogadishu, giết chết hơn một trăm người, trong đó có nhiều trẻ em. Xin Chúa hoán cải trái tim của những kẻ bạo lực!”

Hai vụ nổ bom xe tại Bộ giáo dục Somalia đã làm rung chuyển thủ đô Mogadishu vào hôm thứ Bẩy 29 tháng 10, thổi bay cửa sổ của các tòa nhà gần đó.

Nhóm cực đoan Al-Shabab có liên hệ với al-Qaida, thường nhắm vào thủ đô và kiểm soát nhiều vùng của đất nước, đã lên tiếng nhận trách nhiệm, đồng thời cho biết họ nhắm vào Bộ giáo dục.

Nó tuyên bố Bộ này là một “căn cứ của kẻ thù” nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia không theo đạo Hồi và “cam kết loại bỏ trẻ em Somali khỏi đức tin Hồi giáo”.

Vụ nổ đầu tiên tấn công Bộ Giáo Dục gần một ngã ba đông đúc ở Mogadishu.

Vụ thứ hai xảy ra khi xe cấp cứu đến và mọi người tập trung để giúp đỡ các nạn nhân.

Sóng nổ đã đập vỡ các cửa sổ ở khu vực lân cận. Máu phủ đầy đường băng ngay bên ngoài tòa nhà.

Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud cho biết: “Rất nhiều người bị thảm sát bao gồm những người mẹ đang ôm con trong tay, những người cha mắc bệnh, những sinh viên được gửi đi học, những doanh nhân đang phải vật lộn với cuộc sống của gia đình họ”

“Chúng tôi yêu cầu các đối tác quốc tế và người Hồi giáo trên khắp thế giới cử bác sĩ của họ đến đây vì chúng tôi không thể đưa tất cả nạn nhân ra nước ngoài điều trị,” ông nói.

Vụ tấn công diễn ra cùng địa điểm với vụ đánh bom lớn nhất Somalia, khiến hơn 500 người thiệt mạng, vào tháng 10 năm 2017.

Mogadishu là thủ đô chính thức của Somalia và là một thành phố thương mại lớn trên bờ biển Phi Châu. Mogadishu là một chiến trường lớn trong cuộc nội chiến Somali, tàn phá đất nước từ năm 1991 đến năm 2012. Kể từ đó, thành phố đã trải qua một thời kỳ tái thiết nhanh chóng, bao gồm một sân bay quốc tế hoàn toàn mới, đường trải nhựa, khách sạn mới và đại sứ quán được tài trợ bởi cộng đồng Somalia hải ngoại và cộng đồng quốc tế.

Một cuộc nội chiến tàn khốc đã hủy hoại thành phố xinh đẹp một thời này, chỉ để lại chút tàn tích. Bắt đầu từ năm 1991, các lực lượng Hồi giáo, gia tộc hoặc lãnh chúa liên kết với nhau đã kiểm soát các khu vực khác nhau của thành phố. Năm 2006, Liên minh các Tòa án Hồi giáo, gọi tắt là UIC, đã nắm toàn quyền kiểm soát, thực hiện phiên bản khắc nghiệt của luật Hồi giáo. Cùng năm đó, Ethiopia đã gửi quân đến giải phóng đất nước, với sự giúp đỡ của các chiến binh địa phương, UIC đã bị lật đổ và sau đó là sự phục hồi của Chính phủ Liên bang chuyển tiếp do phương Tây hậu thuẫn. Khi các lực lượng Ethiopia rút lui vào năm 2009, nhóm Hồi giáo cứng rắn al-Shabaab, được thành lập từ lực lượng dân quân UIC, đã nhìn thấy cơ hội. Al-Shabaab bắt đầu dần dần nắm quyền kiểm soát Mogadishu, khiến chính phủ chỉ còn kiểm soát được một vài khu vực nhỏ bé. Một cuộc phản công, được sự hỗ trợ của quân đội Liên minh Phi Châu và Kenya, đã xóa sổ thành phố của các chiến binh vào tháng 8 năm 2011. Các vụ đánh bom và xả súng vẫn còn phổ biến, nhưng chiến tranh công khai đã không còn nữa. Tình trạng thiếu lương thực lớn và hàng nghìn người tị nạn đã gây căng thẳng lớn.

3. Cần biết: Mỗi ngày trong 8 ngày đầu của tháng 11, các tín hữu có thể nhận được ơn toàn xá nhường cho các linh hồn

Người Công Giáo có thể nhận được ơn toàn xá và nhường lại cho các tín hữu đã qua đời trong tám ngày đầu tiên của tháng Mười Một.

Ấn bản mới nhất của Enchiridion Indulgentiarum (Cẩm nang về ơn xá) cho chúng ta biết cách thức như sau:

Khoản 29:

1. Một ơn toàn xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho các tín hữu nào:

a) Thăm viếng một nghĩa trang và cầu nguyện với lòng mộ mến, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố vào mỗi ngày, bất kỳ ngày nào từ mùng 1 đến mùng 8 tháng 11.

b) Viếng một nhà thờ hoặc một nhà nguyện và đọc một kinh Lạy Cha, và một Kinh Tin Kính vào ngày lễ các linh hồn (hoặc, theo quyết định của đấng bản quyền, vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ trọng kính các thánh nam nữ.)

Người Công Giáo cũng có thể được hưởng ơn xá trong suốt thời gian còn lại của một năm trong các trường hợp sau:

2. Một ơn tiểu xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho những tín hữu

a) Thăm viếng một nghĩa trang với lòng mộ mến và cầu nguyện, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố,

b) Sốt sắng đọc kinh sáng hay kinh tối từ sách Nghi thức cho kẻ Chết hoặc lời cầu nguyện An nghỉ Muôn đời

Lời cầu nguyện “An nghỉ Muôn đời”, hay “Requiem aeternam” là:

“Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.”

Các điều kiện để được hưởng ân xá là:

- Làm các việc đã dạy ở trên trong khi ở trạng thái có ân nghĩa với Chúa

- Xưng tội trong vòng 20 ngày

- Rước lễ

- Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng

- Không vướng mắc tội lỗi, dù là tội nhẹ, dục lòng yêu mến Chúa và xa lánh tội lỗi.

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 10

Chúa Nhật 30 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 31 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu vào Giêrikhô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.

Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, trong phần Phụng vụ, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, là người đứng đầu những người thu thuế ở thành Giêricô (Lc 19:1-10). Ở trung tâm của trình thuật này là động từ tìm kiếm. Anh chị em hãy chú ý động từ này: tìm kiếm. Dakêu “đang tìm kiếm xem Chúa Giêsu là ai” (câu 3), và sau khi gặp ông Dakêu, Chúa Giêsu nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (câu 10). Chúng ta hãy tập trung một chút vào hai ánh mắt tìm kiếm này: ánh mắt của ông Dakêu đang tìm kiếm Chúa Giêsu, và ánh mắt của Chúa Giêsu đang tìm ông Dakêu.

Ánh mắt của Dakêu. Ông ta là một người thu thuế, tức là một trong những người Do Thái đã thu thuế thay mặt cho những người cai trị Rôma, một kẻ phản bội quê hương và lợi dụng địa vị của mình. Vì vậy, Dakêu đã trở nên giàu có, bị ghét bỏ - bị thù hận! - bởi tất cả những điều này và bị coi là một người tội lỗi. Bản văn nói rằng “ông ta thấp bé về tầm vóc” (câu 3), và điều này có lẽ cũng ám chỉ đến nền tảng bên trong của ông ta, đến cuộc sống tầm thường, không trung thực của ông ta, với cái nhìn luôn hướng xuống phía dưới. Nhưng điều quan trọng là ông ấy thấp bé. Chưa hết, Dakêu muốn gặp Chúa Giêsu. Có điều gì đó đã thúc đẩy ông ta đến gặp Ngài. Phúc Âm nói: “Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó” (câu 4). Ông trèo lên một cây sung: Dakêu, kẻ thống trị mọi người, tự biến mình thành lố bịch và làm một việc thật khôi hài - để gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng hạn, một bộ trưởng kinh tế trèo lên cây để xem xét một điều gì đó: ông ta có thể sẽ bị chế giễu. Và Dakêu đã liều mình cho thiên hạ chê cười để gặp Chúa Giêsu, ông tự làm cho mình trông thật lố bịch. Dakêu, bất chấp sự thấp hèn của mình, cảm thấy cần phải tìm kiếm một cách nhìn khác, đó là cách nhìn của Chúa Kitô. Ông vẫn chưa biết Ngài, nhưng ông đang chờ một ai đó giải thoát ông khỏi tình trạng của mình – là thấp hèn về mặt đạo đức - để đưa ông ra khỏi vũng lầy của mình. Đây là điều cơ bản: Dakêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống, không bao giờ có chuyện tuyệt vọng hoàn toàn. Không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ. Chúng ta luôn có thể tìm thấy không gian cho mong muốn bắt đầu lại, khởi đầu lại, hoán cải. Thay đổi, bắt đầu lại, hãy bắt đầu lại. Và đây là những gì Dakêu làm.

Về phương diện này, khía cạnh thứ hai có ý nghĩa quyết định: cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài được Chúa Cha sai đến để tìm kiếm những kẻ hư mất; và khi đến Giêricô, Chúa Giêsu đi ngang qua cây nơi Dakêu đang đứng. Tin Mừng thuật lại rằng “Chúa Giêsu nhìn lên và nói với ông: Ông Dakêu, mau xuống đi, vì hôm nay tôi phải ở nhà ông” (câu 5). Đó là một hình ảnh thực sự đẹp, bởi vì nếu Chúa Giêsu phải nhìn lên, có nghĩa là Ngài đang nhìn Dakêu từ bên dưới. Đây là lịch sử của ơn cứu rỗi: Thiên Chúa chưa bao giờ coi thường chúng ta – chưa bao giờ; Thiên Chúa chưa bao giờ làm nhục chúng ta – chưa bao giờ; Thiên Chúa chưa bao giờ đánh giá chúng ta – chưa bao giờ; ngược lại, Người hạ mình đến mức rửa chân cho chúng ta, từ dưới nhìn lên chúng ta và khôi phục nhân phẩm cho chúng ta. Theo cách này, cuộc gặp gỡ bằng ánh mắt giữa ông Dakêu và Chúa Giêsu dường như gói gọn toàn bộ lịch sử cứu độ: nhân loại, với những đau khổ của mình, tìm kiếm ơn cứu chuộc, nhưng trước hết, Thiên Chúa, với lòng thương xót, tìm kiếm tạo vật để cứu nó.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ điều này: ánh mắt của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở quá khứ đầy lỗi lầm của chúng ta, nhưng nhìn với niềm tin tưởng vô hạn vào những gì chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người “thấp bé”, không đối phó nổi với những thử thách của cuộc sống và kém xa so với những đòi buộc của Tin Mừng, sa lầy vào những vấn đề và phạm tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn nhìn chúng ta với tình yêu thương, Người nhìn chúng ta như nhìn Dakêu, Chúa Giêsu đến với chúng ta, Người gọi tên chúng ta và nếu chúng ta chào đón Ngài, Chúa Giêsu sẽ đến nhà của chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta nhìn lại chính mình? Chúng ta có cảm thấy bất toàn và cam chịu không, hay chính xác là lúc đó, lúc cảm thấy thất vọng, chúng ta có tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không? Và sau đó chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã sai lầm, và những người đang đấu tranh để vực dậy từ lớp bụi của những tội lỗi của họ? Đó có phải là một cái nhìn từ trên cao, đánh giá, coi thường, và loại trừ? Hãy nhớ rằng nhìn xuống ai đó chỉ có thể là chính đáng nếu chúng ta nhìn xuống để giúp họ đứng dậy: chỉ trong trường hợp đó mà thôi. Chỉ trong trường hợp như thế mới là chính đáng khi nhìn từ trên cao xuống. Nhưng chúng ta, những người Kitô hữu phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng nhìn từ bên dưới, Người tìm kiếm những người hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây là, và phải là, cái nhìn của Giáo Hội, luôn luôn là cái nhìn của Chúa Kitô, không phải cái nhìn lên án.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, người mà Chúa đã nhìn vào lòng khiêm nhường, và chúng ta hãy xin Mẹ ban cho ân sủng là có một cái nhìn mới về bản thân và người khác.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong khi ăn mừng chiến thắng của Chúa Kitô đối với cái ác và sự chết, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Mogadishu, giết chết hơn một trăm người, trong đó có nhiều trẻ em. Xin Chúa hoán cải trái tim của những kẻ bạo lực!

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đã chết ở Hán Thành, do hậu quả bi thảm của một đám đông đột ngột có quá nhiều người.

Hôm qua, tại Medellín, Colombia, Chân phước María Berenice Duque Hencker, người sáng lập Dòng Nữ tu Truyền tin, đã được phong chân phước. Sơ ấy đã dành tất cả cuộc đời dài của mình, kết thúc vào năm 1993, để phục vụ Thiên Chúa và các anh chị em của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và bị loại trừ. Xin cho lòng nhiệt thành tông đồ của sơ, đã thúc đẩy sơ mang sứ điệp của Chúa Giêsu vượt ra ngoài biên giới của đất nước mình, củng cố trong mọi người lòng khao khát tham gia, với lời cầu nguyện và lòng bác ái, vào việc phổ biến Tin Mừng trên khắp thế giới. Xin mọi người một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Tôi chào anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội, các cá nhân tín hữu. Đặc biệt tôi xin chào anh chị em từ Tây Ban Nha, các tín hữu từ Córdoba, và dàn hợp xướng Orfeón Donostiarra từ San Sebastián, nơi đang kỷ niệm 125 năm hoạt động; các cô gái và chàng trai của Phong trào Hakuna; nhóm São Paulo, Brazil; và các giáo sĩ Indonesia và các tu sĩ nam nữ cư trú tại Rôma. Tôi chào các thành viên tham gia hội nghị được tổ chức bởi mạng lưới “Uniservitate” trên toàn thế giới và bởi LUMSA; cũng như các trẻ em từ Napoli chuẩn bị Rước lễ lần đầu và các nhóm tín hữu từ Magreta, Nocera Inferiore và Nardò. Và những người trẻ tuổi của phong trào Immacolata.

Chúng ta đừng quên đất nước Ukraine tử vì đạo trong lời cầu nguyện của chúng ta và trong đau khổ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, đừng bao giờ mệt mỏi khi làm như vậy!

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt, và chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày Lễ Các Thánh.
 
Sợ bị bắt, Putin dùng đến 3 thế thân. Ukraine tấn công mạnh, 24 giờ phá hủy 65 xe tăng và thiết giáp
VietCatholic Media
15:00 31/10/2022


1. Trong lúc Mạc Tư Khoa bối rối với vụ tấn công bán đảo Crimea, Ukraine tấn công mạnh ở Kherson

Trong bản báo cáo hôm thứ Hai 31 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày Chúa Nhật 30 tháng 10, 950 người lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Đây là con số kinh khủng cho thấy các hoạt động ráo riết của quân Ukraine ở miền Nam.

Trong cuộc tổng phản công Kharkiv, số thương vong của quân Nga là khoảng 600 người một ngày cao gấp ba lần con số thương vong bình thường trong thời gian trước đó. Con số 950 thật quá sức kinh khủng. Nó cho thấy quy mô của cuộc tổng phản công tại Kherson, nơi các thông tin đang bị chặn lại để bảo mật kế hoạch hành quân.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, nhấn mạnh rằng đó là chưa kể những con số chưa thể kiểm đếm được, chẳng hạn thương vong của quân Nga trong các cuộc không kích. Chỉ trong ngày Chúa Nhật mà thôi, quân Ukraine đã mở 26 cuộc không kích và 140 cuộc pháo kích vào các vị trí của quân Nga, phá hủy 13 xe tăng, và 52 xe thiết giáp, san bằng 2 sở chỉ huy và 6 kho đạn.

Ông cho biết từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 30 tháng 10, các lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 71,200 binh sĩ Nga.

Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 2,672 xe tăng của đối phương 5,453 xe thiết giáp, 1,724 hệ thống pháo, 383 hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, 197 hệ thống phòng không hệ thống, 274 máy bay chiến đấu, 252 trực thăng, 1,412 máy bay không người lái cấp tác chiến-chiến thuật, 352 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,120 xe chở quân và nhiên liệu, và 154 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

Một kho đạn của đối phương được ghi nhận đã bị phá hủy ở quận Skadovsk của vùng Kherson. Tiếng nổ rất lớn diễn ra trong nhiều giờ liền.

“Một kho đạn của địch bị phá hủy khác. Quận Skadovsk của vùng Kherson. Tám kho vũ khí trong hai ngày qua. Làm tốt lắm các Lực lượng vũ trang!” Thống đốc khu vực Kherson cho biết như trên.

2. Tổng thống Ukraine tổ chức một cuộc họp khác với các tư lệnh mặt trận

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp khác với các tư lệnh quân đội vào hôm Chúa Nhật.

Trong bài nói chuyện gởi quốc dân đồng bào, Tổng thống Zelenskiy nói:

“Chúng tôi đang làm việc vì chiến thắng mà không có ngày nghỉ. Tôi đã tổ chức một cuộc họp khác của các tư lệnh tối cao. Các vấn đề chính. Chúng tôi thảo luận về tình hình hành quân ở mặt trận. Chúng tôi đã nghe thông tin về những hành động có thể xảy ra của đối phương trong tương lai gần. Chúng tôi tập trung chi tiết vào vấn đề cung cấp đạn dược cho quân đội và sửa chữa thiết bị quân sự.”

Ngoài ra, theo ông, các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng và cơ sở năng lượng đã được phân tích chi tiết trong cuộc họp. “Chúng ta sẽ chịu đựng được. Chúng ta sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy rằng chúng ta là bất khả chiến bại.”

Theo các quan sát viên, người Ukraine đang chờ xem phản ứng của phía Nga sau vụ tấn công vào bán đảo Crimea. Có thể có những đợt tấn công bằng hỏa tiễn hay các máy bay không người lái của Iran.

3. Putin phóng hỏa tiễn trả thù vụ tấn công Crimea nhưng thất bại, quân Ukraine bắn hạ 88% số hỏa tiễn của Nga

Trong bản báo cáo chiều thứ Hai 31 tháng 10, theo giờ địa phương Kyiv, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 44 trong tổng số 50 hỏa tiễn hành trình do Nga bắn

Phát ngôn nhân cho biết: “Vào lúc 07:00 sáng ngày 31 tháng 10, quân xâm lược Nga đã tiến hành nhiều đợt tấn công hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine”.

Khoảng 50 hỏa tiễn hành trình Kh-101 và Kh-555 đã được bắn từ máy bay chiến lược Tu-95 và Tu-160 xuất phát từ phía bắc Biển Caspi và từ khu vực Volgodonsk vùng Rostov.

Bộ Tư lệnh Phòng không đã bắn hạ được 18 hỏa tiễn, Bộ Tư lệnh Phòng không Nam 12 hỏa tiễn, Bộ Tư lệnh Phòng không Miền Đông 9 hỏa tiễn và Bộ Tư lệnh Phòng không Miền Tây – 5 hỏa tiễn.

4. Ukraine nhận 28 xe tăng M-55S từ Slovenia

Bộ trưởng Quốc phòng Marjan ŠAREC của Slovenia cho biết chính phủ nước này đã trao cho Ukraine 28 xe tăng M-55S còn mới nguyên trong kho dự bị của quân đội từ Slovenia. Đổi lại, nước này sẽ nhận 40 xe tăng khác từ Đức.

Ông Marjan ŠAREC xác nhận rằng các xe tăng đã được chuyển giao thành công cho Ukraine.

Xe tăng M-55S là phiên bản hiện đại hóa của xe tăng T-55 của Liên Xô.

Trước đó, nước này đã gửi hơn 35 xe chiến đấu bộ binh BVP M80A tới Ukraine.

5. Khôi hài: Putin bắt lính đưa ra chiến trường lại không có đủ vũ khí cho họ

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Nga đã triển khai vài nghìn quân dự bị mới được huy động tới tiền tuyến ở Ukraine kể từ giữa tháng 10. Trong nhiều trường hợp họ được trang bị kém. Vào tháng 9, các sĩ quan Nga lo ngại rằng một số lính dự bị được điều động gần đây đã đến Ukraine mà không có vũ khí.

Các hình ảnh nguồn mở cho thấy rằng những khẩu súng trường được cấp cho quân dự bị bị gọi nhập ngũ thường là AKM, một loại vũ khí được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1959. Nhiều khẩu có khả năng đã rơi vào tình trạng gần như không sử dụng được do bảo quản kém. AKM bắn đạn 7,62 ly trong khi các đơn vị chiến đấu thông thường của Nga hầu hết được trang bị súng trường 5,45 ly AK-74M hoặc AK-12.

Việc tích hợp lực lượng dự bị với các binh sĩ hợp đồng và binh sĩ có kinh nghiệm ở Ukraine sẽ có nghĩa là các nhà hậu cần Nga sẽ phải đẩy hai loại đạn dược cỡ nhỏ đến các vị trí tiền tuyến, thay vì một loại. Điều này có thể sẽ làm phức tạp thêm hệ thống hậu cần vốn đã căng thẳng của Nga.

6. NATO kêu gọi Nga khẩn trương gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian với Ukraine

Tổng Thư Ký NATO đã kêu gọi Nga gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian với Ukraine.

Điều này diễn ra một ngày sau khi Nga quyết định đình chỉ tham gia thỏa thuận với Ukraine sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố Sevastopol của Crimea hôm thứ Bảy, mà nước này đổ lỗi cho Kyiv.

“Tất cả các nước Đồng minh NATO hoan nghênh thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giúp việc nối lại xuất khẩu nông sản của Ukraine qua Hắc Hải có thể thực hiện được. Những mặt hàng xuất khẩu này đã giúp giảm giá lương thực trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Phi Châu,” ông nói.

“Chúng tôi kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình và gia hạn thỏa thuận khẩn cấp, tạo điều kiện cho thực phẩm đến tay những người cần nó nhất. Tổng thống Putin phải ngừng vũ khí hóa lương thực và chấm dứt cuộc chiến bất hợp pháp với Ukraine.”

7. Putin lo sợ bị ám sát đã dùng đến ba người giả làm ông ta

Tổng thống Vladimir Putin đang sử dụng ít nhất ba người đã được phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống ông ta. Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết như trên và nhấn mạnh rằng họ đang được sử dụng để đối phó với sự mất kiểm soát của ông ta trong Điện Cẩm Linh.

Thiếu tướng Kyrylo Budanov cho biết chính phủ Ukraine lấy làm lạ trước các chiến lược xâm lược tai hại của Nga, họ tự hỏi liệu Putin có còn đưa ra các quyết định quan trọng hay không.

Ông nói rằng 'dù Putin có tồi tệ đến mức nào trong quá khứ,' ông ấy không phải là một tên ngốc ', nhưng người ta đang thấy rằng cuộc chiến của Nga' không tuân theo bất kỳ logic nào '.

Đề xuất bất thường của Thiếu tướng Kyrylo Budanov được đưa ra giữa những tin đồn liên tục về sức khỏe của Putin. Thiếu tướng Kyrylo Budanov được coi là kẻ thù công khai số 1 của Mạc Tư Khoa sau một loạt các cuộc tấn công tàn khốc vào các lợi ích của Nga.

Budanov cho biết trước đây họ đã phát hiện thấy Putin luôn dùng người thay thế ông ta trong 'những dịp đặc biệt', nhưng bây giờ đó là 'thông lệ'. Ông nói: “Chúng tôi biết cụ thể về ba người liên tục xuất hiện, nhưng có bao nhiêu người thì chúng tôi không biết. Tất cả họ đều đã phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống như Putin”.

'Một điều họ không làm được là vấn đề chiều cao. Nó hiển thị trong video và hình ảnh. Ngoài ra cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể và dái tai cũng khác, vì chúng là duy nhất đối với mỗi người. ' Budanov phủ nhận các tin đồn cho rằng Putin đã biến mất, vì bệnh tật hay sau một cuộc tranh giành quyền lực. Ông tiết lộ Điện Cẩm Linh sắp hết hỏa tiễn dẫn đường và tin rằng nếu Ukraine chiếm lại thành phố Kherson ở miền nam nước này, điều đó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chế độ Nga.

Ông nói rằng 'thay đổi là không thể tránh khỏi' ở Mạc Tư Khoa, và cho rằng sự xuất hiện của một trật tự chính trị mới ở Nga là vì lợi ích của 'toàn bộ thế giới văn minh' và kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Vương Quốc Anh, giúp làm mọi thứ 'để đẩy nhanh các sự kiện này bằng mọi cách'.

Budanov nói: “Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ mà chính phủ Anh đang cung cấp. Chúng tôi hy vọng Vương quốc Anh sẽ không chỉ tiếp tục hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự mà còn tăng cường hỗ trợ về nhiều mặt khác. Chúng tôi đang rất cần các hệ thống phòng không.”

Ông thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Ukraine sẽ có các cuộc thảo luận về việc có nên tiếp tục tấn công xuyên biên giới Nga hay không. Ông nói: “Quyết định này sẽ do người đứng đầu nhà nước đưa ra khi chúng tôi lấy lại được toàn bộ đất đai của mình.”

Budanov là một cựu đặc nhiệm của lực lượng đặc biệt, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội hai năm trước, chỉ mới 34 tuổi - sau đó được thăng chức ngay trước chiến tranh để giám sát tất cả các hoạt động tình báo. Anh ta đã bị thương nhiều lần trong chiến đấu.

Truyền thông Nga cáo buộc Budanov chỉ đạo các hoạt động bí mật ở Crimea, cùng với một sĩ quan khác sau đó đã chết trong một vụ đánh bom xe hơi, trong khi ở Ukraine có báo cáo rằng Budanov là mục tiêu trong một vụ ám sát vào năm 2019.

Tuần trước, một nhà phân tích hàng đầu của Nga đã ca ngợi tính hiệu quả của Budanov và kêu gọi loại bỏ anh ta. “Vâng, họ chính thức gọi tôi là Kẻ thù công khai số 1,” Budanov cười.

Danh tiếng của ông nổi lên trước chiến tranh khi là nhân vật hàng đầu duy nhất của Ukraine công khai ủng hộ cảnh báo của tình báo Anh và Mỹ rằng Putin đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược toàn diện khi quân đội Nga tập trung đông đảo ở biên giới.

Bây giờ Budanov coi việc tái chiếm Crimea của Ukraine là một nhiệm vụ 'cá nhân', vì khi còn nhỏ, ông đã dành mùa hè ở Sevastopol, cảng mà Nga được phép giữ lại sau khi Ukraine độc lập để làm căn cứ cho Hạm đội Hắc Hải của họ. Ông kiên quyết kêu gọi chiếm lại bán đảo, bị Putin sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, bất kể bị một số người bác bỏ cho rằng Ukraine không nên khiêu khích Nga vì sợ leo thang chiến tranh.

Còn về nguy cơ vũ khí hạt nhân? “Đó là sự hù dọa,” anh ấy nói.

'Vũ khí hạt nhân không phải là vũ khí - chúng là phương tiện răn đe. Và Nga hoàn toàn biết rõ rằng họ không thể sử dụng chúng.”

“Nếu bạn nghiên cứu thời điểm họ bắt đầu tung ra những đe dọa vũ khí hạt nhân, bạn sẽ thấy mối tương quan rõ ràng: khi mọi thứ trở nên tồi tệ với họ, họ bắt đầu la hét, ‘Chúng ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân’.”'

Budanov là người bị Nga đổ lỗi cho vụ nổ hồi tháng này trên cây cầu dẫn đến Crimea, tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng của Putin ở miền nam Ukraine.

Budanov từ chối bình luận về điều đó hoặc các cuộc tấn công trước đó vào các mục tiêu quân sự ở Crimea, nhưng nói thêm: 'Điều gì đến, sẽ đến. Chúng tôi đang có chiến tranh với Liên bang Nga. Chúng tôi đang sử dụng mọi cách để làm nước này phải thất bại.”

8. Không quân Ukraine chọn phi công huấn luyện máy bay chiến đấu loại phương Tây

Hàng chục phi công đã được Không quân Ukraine lựa chọn để huấn luyện lái các máy bay chiến đấu của phương Tây.

Phát ngôn viên của Lực lượng Không quân, Yuriy Ihnat, cho biết như trên hôm thứ Hai.

Báo cáo cho biết đây là những phi công trẻ có kiến thức về tiếng Anh và kinh nghiệm chiến đấu mạnh mẽ.

Ihnat lưu ý rằng vấn đề cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu loại phương Tây, có thể là F15 và F16, rất cấp bách. Các phi công Ukraine đã sẵn sàng lên đường huấn luyện ngay trong ngày mai. Các đối tác phương Tây cuối cùng sẽ quyết định loại máy bay nào có thể được cung cấp cho quốc gia đang gặp khó khăn này.

“Thật không may, không quân của chúng ta ngày nay chỉ có các máy bay MiG và Sukhoi của Liên Xô - không đáp ứng được các mối đe dọa quân sự do cường quốc Nga gây ra khi họ bắn phá Ukraine bằng các hỏa tiễn hành trình mạnh mẽ”.

Ông cho biết giới lãnh đạo quân sự-chính trị và ngoại giao đang làm việc theo mọi hướng để đẩy nhanh tiến độ giao hàng như vậy.

Hơn 300 máy bay không người lái tấn công Kamikaze Shahed-136 đã bị bắn hạ kể từ ngày 13/9.

9. Giá lương thực sẽ tăng mạnh

Sau vụ tấn công Sevastopol, Điện Cẩm Linh cho biết họ đang rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép các tàu dân sự xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ các cảng Hắc Hải. Tuy nhiên, Zelenskiy cho biết Mạc Tư Khoa đang tìm cớ để chấm dứt sáng kiến này. Ông nói trong một video trước quốc dân đồng bào rằng Nga đã “cố tình làm trầm trọng thêm” cuộc khủng hoảng lương thực kể từ tháng 9.

Ông nói thêm, hành động của Nga đã ngăn chặn một cách hiệu quả sự qua lại của các tàu, với 176 tàu bị mắc kẹt trong hành lang ngũ cốc đã thỏa thuận, một số phải chờ “hơn ba tuần”. Ông nói, họ không thể vận chuyển hàng hóa của mình đến các nước như Algeria, Ai Cập, Yemen, Bangladesh và Việt Nam.

Zelenskiy nhấn mạnh: “Cần có phản ứng quốc tế mạnh mẽ ngay từ bây giờ. Cả ở cấp độ Liên Hiệp Quốc và các cấp độ khác. Đặc biệt, ở cấp độ G20. Ukraine đã, đang và có thể tiếp tục là một trong những nước bảo đảm cho an ninh lương thực toàn cầu. Sự khủng bố và tống tiền của Nga phải thua cuộc. Nhân loại nhất định phải chiến thắng “.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, cho biết Mạc Tư Khoa đã đưa ra quyết định “nối lại các trò chơi tạo ra nạn đói từ lâu và bây giờ đang cố gắng biện minh cho điều đó”. Ông nhấn mạnh rằng: “Bằng cách đình chỉ tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc với lý do giả là các vụ nổ cách hành lang ngũ cốc 220 km, Nga đã chặn được 2 triệu tấn ngũ cốc - đủ để nuôi sống hơn 7 triệu người”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về sự kết thúc của thỏa thuận. Phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết ông đã hoãn chuyến đi đến Algiers để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập một ngày để tập trung vào vấn đề này. Guterres đã tham gia vào “các cuộc tiếp xúc căng thẳng” để lấy lại thỏa thuận và nói chuyện với nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell.

10. Phản ứng của Bộ Trưởng Ngoại Giao Ba Lan Zbigniew Rau

Bộ Trưởng Ngoại Giao Ba Lan Zbigniew Rau cho biết Ba Lan và các đối tác Liên minh Âu Châu sẵn sàng cung cấp cho Ukraine sự trợ giúp thêm trong việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Ông Rau cho rằng quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Hắc Hải đã cung cấp thêm “bằng chứng cho thấy Mạc Tư Khoa không sẵn sàng tôn trọng bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào mà họ đã ký kết”.

“Trước tình hình này, Ba Lan, cùng với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu, sẵn sàng làm việc hơn nữa để giúp Ukraine và những người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu.”
 
Dùng búa tấn công gia đình Pelosi. Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân. Nỗi buồn của Đức Bênêđíctô XVI
VietCatholic Media
16:47 31/10/2022


1. Phiên tòa xét xử Hồng Y Đức Hồng Y Quân mở lại ở Hương Cảng ngay sau khi gia hạn thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc

Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã tiếp tục tại Hương Cảng vào hôm thứ Tư, vài ngày sau khi Tòa thánh tuyên bố gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh.

Công tố viên Anthony Châu Thiên Khanh (Chau Tin-hang, 周天坑) đã khai mạc phiên tòa vào ngày 26 tháng 10 tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long, nơi Đức Hồng Y Quân và 5 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác bị buộc tội vì không ghi danh Quỹ cứu trợ nhân đạo 612 từ năm 2019 và năm 2021.

Phía công tố lập luận rằng Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 cần phải được ghi danh với cảnh sát vì quy mô “to lớn” và phương thức hoạt động “có hệ thống”, theo South China Morning Post.

Quỹ đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ thanh toán các khoản phí pháp lý của họ cho đến khi nó tự giải thể vào tháng 10 năm 2021. Châu lập luận rằng quỹ này có bản chất chính trị và do đó không đủ điều kiện để được miễn trừ trong Sắc lệnh về xã hội của Hương Cảng đối với các tổ chức được thành lập “vì tôn giáo, bác ái, mục đích xã hội hoặc giải trí.”

Người bào chữa sẽ đưa ra lập luận của mình trước Thẩm phán chính Ada Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) vào ngày 31 tháng 10.

Theo các luật sư bào chữa, Sắc lệnh về xã hội là vi hiến, đưa ra một định nghĩa mơ hồ về “xã hội” và có những yêu cầu vượt quá những gì cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, Asia News đưa tin.

Ban đầu bị bắt vì tội “âm mưu cấu kết với lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020, sáu bị cáo vẫn chưa bị buộc tội về tội danh đó.

Một ngày sau khi vị Hồng Y bị bắt, Tòa thánh bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho biết họ đang theo dõi “rất chặt chẽ diễn biến của tình hình”.

Nhận định về cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Quân, Đức Hồng Y Charles Bo, của Miến Điện, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, nói:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc chỉ vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố chi trả án phí là một quyền phù hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, đại diện hợp pháp thì làm sao có thể có thể coi là một tội phạm được?”

Nhiều tín hữu Công Giáo Hương Cảng cảm thấy cay đắng vì kẻ ký lệnh bắt giữ Đức Hồng Y Quân là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥), một người Công Giáo. Bà ta cũng chọn đúng ngày 24 tháng 5, là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, cũng là ngày lễ của Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, để đưa ngài ra tòa lần thứ nhất.
Source:National Catholic Register

2. Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói rằng ngài đang cầu nguyện cho Paul và Nancy Pelosi sau cuộc tấn công

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đang kêu gọi những lời cầu nguyện cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và chồng bà Paul Pelosi, là những người đã bị hành hung tại nhà của cặp vợ chồng ở San Francisco vào sáng sớm ngày 28 tháng 10.

Phát ngôn nhân của Nancy cho biết trong một tuyên bố rằng Paul, 82 tuổi, đã được đưa đến bệnh viện với những vết thương sau vụ tấn công và dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn. Phát ngôn nhân cho biết Chủ tịch Hạ viện không ở San Francisco vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

“Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hồi phục nhanh chóng của Paul Pelosi cũng như sự an ủi cho vợ và gia đình của ông ấy,” Đức Cha Cordileone, tổng giám mục của San Francisco, cho biết trong một tuyên bố. “Xin Mẹ Maria nghe lời cầu nguyện của chúng con.”

Đức Cha Cordileone và Chủ tịch Hạ viện đã có một cuộc tranh luận kéo dài về quan điểm ủng hộ việc phá thai của cô ấy. Hồi tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã cấm Nancy, một người Công Giáo, không được rước lễ trong tổng giáo phận của ngài. Một số các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục khác cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự.

Cuối ngày, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã lặp lại lời kêu gọi cầu nguyện của Đức Cha Cordileone.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Tôi vô cùng đau buồn vì bạo lực này không có chỗ đứng trong cộng đồng, tiến trình chính trị hay quốc gia vĩ đại của chúng ta. Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chuyển cầu cho chúng ta, chữa lành và hướng dẫn chúng ta đến những con đường bình an.”

Cảnh sát trưởng San Francisco William Scott cho biết tại một cuộc họp báo ngày 28 tháng 10 rằng các nhân viên cảnh sát San Francisco đã được điều động đến nhà Pelosi vào khoảng 2:27 sáng để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Khi các cảnh sát đến nơi, họ quan sát thấy cả nghi phạm và ông Paul mỗi người đều đang cầm một chiếc búa, trước khi “nghi phạm dùng nó tấn công dữ dội” các nhân viên thực thi pháp luật.

Các cảnh sát sau đó đã bắt được nghi phạm, được xác định là David Depape, 42 tuổi. Anh ta cũng đã được đưa đến một bệnh viện địa phương để điều trị. Scott cho biết động cơ của vụ tấn công là không rõ ràng.

Cuộc điều tra về vụ tấn công đang diễn ra và do bộ phận điều tra đặc biệt của Sở cảnh sát San Francisco, kết hợp với FBI, Văn phòng luật sư Hoa Kỳ, Cảnh sát Capitol Hoa Kỳ và luật sư quận San Francisco.

Depape sẽ được giữ tại Nhà tù Hạt San Francisco sau khi các cáo buộc được đưa ra bao gồm cố gắng giết người, tấn công bằng vũ khí chết người, ngược đãi người cao tuổi, ăn trộm và một số trọng tội khác.

Nhiều báo cáo khác nhau về vụ tấn công nói rằng Depape đang muốn tấn công vào Chủ tịch Hạ viện chứ không phải có ý ăn trộm.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói rằng Tổng thống Joe Biden đã liên lạc với Nancy sau vụ tấn công.

“Tổng thống đang cầu nguyện cho Paul Pelosi và cho cả gia đình của Chủ tịch Hạ Viện Pelosi,” Jean-Pierre nói vào ngày 28 tháng 10. “Sáng nay, ông ấy đã gọi cho Chủ tịch Hạ Viện Pelosi để bày tỏ sự ủng hộ sau cuộc tấn công khủng khiếp này. Tổng thống cũng rất vui mừng vì ông Paul dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn. Tổng thống tiếp tục lên án mọi hành vi bạo lực, và yêu cầu quyền riêng tư của gia đình phải được tôn trọng”.


Source:Crux

3. Đức Bênêđíctô XVI đau buồn trước tình trạng hiện nay của Giáo Hội

“Đức Bênêđíctô XVI là vị giáo hoàng sống lâu nhất. Hai tuần trước, tôi đã ở với ngài và tôi có ấn tượng rằng ngài đang phải chịu đựng rất nhiều vì tình hình hiện tại của Giáo hội. Ngài đã thú nhận với tôi rằng có lẽ Chúa vẫn giữ ngài ở đây để làm chứng cho thế giới”, Peter Seewald, nhà báo, nhà văn và người viết tiểu sử về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, cho biết như trên hôm 26 tháng 10 là sinh nhật của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Ông cũng giải thích rằng Đức Bênêđíctô XVI cho rằng nếu Giáo hội không làm những gì cần làm, thì điều đó sẽ gây ra hậu quả ngay trong thời hiện đại mà chúng ta đang sống.

“Ngài là một người đã phải chịu đựng rất nhiều, và chúng ta sẽ thấy ngài sẽ đi vào lịch sử như thế nào trong những năm tới,” nhà văn, người hiểu rõ Đức Joseph Ratzinger, cho biết sau khi phỏng vấn ngài khi ngài vẫn còn là người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin.

Ban đầu, Seewald có thành kiến khá tiêu cực về vị Hồng Y người Đức, nhưng đã bị cá tính của ngài chinh phục, và thấy không công bằng khi giới truyền thông vẫn coi Đức Giáo Hoàng người Đức như là một “kẻ chống lại tiến bộ”.

Đối với Seewald, Đức Bênêđíctô XVI là một người đàn ông đích thực, bởi vì ngài nói và làm những gì mình nghĩ. “Rất dễ dàng để tham gia vào một cuộc đối thoại với ngài. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là một người rất khiêm tốn và hoàn toàn không phải là một kẻ dò xét. Bạn có thể chỉ trích ngài, nhưng sẽ thú vị hơn khi lắng nghe những gì ngài nói,” người viết tiểu sử Đức Bênêđíctô cho biết.

Seewald cho biết một yếu tố đáng ngạc nhiên khác là tất cả các phân tích của Đức Bênêđíctô XVI về Giáo hội đã trở thành sự thật. Lặp lại những lời của Đức Giáo Hoàng Danh dự, người viết tiểu sử nói: “Khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, xã hội sẽ đau khổ, và phong trào tục hóa mạnh mẽ đang làm rung chuyển các xã hội phương Tây”.
Source:religion.elconfidencialdigital.com