Ngày 07-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 07/10/2019

52. Nếu chúng ta muốn lên đỉnh cao của đức khiêm tốn và mau chóng đạt tới nó, thì chỉ có nhờ sự khiêm tốn ở đời này mới có thể đạt tới vị trí cao ở thiên đàng.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:19 07/10/2019
52. RUỒI BAY VÔ NHÀ

Có một gia đình trong nhà có rất nhiều ruồi, vu vu vo vo, đâm vào xô ra, quấy rầy, bám đầy người làm cho người trong nhà không tghoải mái.

Chủ nhân rất giận dữ đem người giữ nhà đánh cho một trận và chất vấn nó:

- “Tại sao mày tự tung tự tác đem ruồi bỏ vào trong nhà hử ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 32:

Người ta nói “tức hóa cuồng” “giận mất khôn” là vậy.

Ruồi bay vào nhà thì có nhiều lý do, nhưng lý do “thuyết phục” nhất là trong nhà không sạch sẽ vệ sinh cho lắm, nên có nhiều ruồi bay vào kiếm ăn…

Ruồi nhặng làm cho con người ta mất đi niềm vui khi ăn cơm, nó cũng làm con người ta bực mình khi nghỉ ngơi giải trí…

Tâm hồn sạch tội trọng thì ruồi nhặng cám dỗ khó mà bu đến được, nhưng một tâm hồn tội lỗi thì ruồi nhặng bu đến nhiều hơn: ruồi nhặng cám dỗ xác thịt, ruồi nhặng kiêu căng, ruồi nhặng ghét ghen, ruồi nhặng nói xấu người khác, ruồi nhặng dâm ô.v.v… tất cả những thứ ruồi nhặng này chỉ thích bu đến nơi những tâm hồn sống trong tội lỗi, bởi vì một tâm hồn tội lỗi thì giống như một hầm rác dơ bẩn mà ma quỷ rất thích đến cư ngụ…

Đừng giận dữ chửi mắng ma quỷ đã dùng ruồi nhặng đam mê, ruồi nhặng tham lam, ruồi nhặng xác thịt để cám dỗ mình, nhưng hãy buồn phiền trách mình là không quyết tâm dọn dẹp tâm hồn mình cho sạch sẽ để trở nên cung điện cho Thiên Chúa Ba Ngôi đến ngự trị…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cập nhật chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thái Lan
Đặng Tự Do
00:29 07/10/2019
Hôm 2 tháng 10, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thái Lan từ ngày thứ Tư 20 tháng 11 đến sáng thứ Bẩy 23 tháng 11.

Ủy ban truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan cũng vừa cho biết thêm các chi tiết cập nhật sau.

Lúc 7g tối thứ Ba 19 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok.

Lúc 12:30 trưa thứ Tư 20 tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha sẽ đến Terminal 2 của sân bay Bangkok là nơi dành để đón tiếp các nhân vật quốc tế đến thăm và dành cho quân đội nước này.

Lễ nghi chào mừng chính thức sẽ diễn ra tại đây.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ đi xe về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Bangkok.

Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2019

Lễ nghi chào đón chính thức sẽ diễn ra tại vườn trong tòa nhà chính phủ.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ Thủ tướng tại phòng “Cẩn ngà voi” của Tòa nhà Chính phủ.

Kế đó ngài có cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường “Santi Maitri” của Tòa nhà Chính phủ.

Sau cuộc gặp gỡ này Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Thái Lan tại chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram.

Liền đó, Đức Thánh Cha đến thăm các nhân viên y tế tại bệnh viện Công Giáo Thánh Louis.

Ngài cũng viếng thăm những bệnh nhân đau yếu và tàn tật đang được chăm sóc tại Bệnh viện Thánh Louis trước khi dùng bữa trưa tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Sau buổi ăn trưa, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với vua Maha Vajirusongkorn “Rama thứ 10” tại Cung điện Hoàng gia Amphorn

Sinh hoạt cuối cùng là thánh lễ bên trong sân vận động quốc gia của thủ đô Bangkok.

Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019

Ban sáng ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại giáo xứ Thánh Phêrô

Kế đến, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các Giám mục Thái Lan và các Giám Mục thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Đền thờ Chân phước Nicholas Boonkerd Kitbamrung.

Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha là cuộc gặp riêng với các thành viên của Dòng Tên trong một hội trường của Đền thờ này.

Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, ban chiều Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các hệ phái Kitô và các tôn giáo bạn tại Đại học Chulalongkorn

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày là thánh lễ với những người trẻ tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Đức Cha Wissanu Thanya-anan, phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Thái Lan nói trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 4 tháng 10 tại Bangkok là “Đức Thánh Cha có một trái tim dành cho giới trẻ và là người nhìn về phía trước” nên ngài muốn dành hết thời gian buổi tối ngày thứ Sáu 22 tháng 11 cho giới trẻ tại quốc gia này.

Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2019

Lúc 9g sáng sẽ có nghi thức từ biệt tại Terminal 2 của sân bay Bangkok

9:30 máy bay sẽ cất cánh đưa ngài sang Tokyo.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Hoàng Gia Thái Lan được ghi là một cuộc tiếp kiến riêng chứ không phải là một cuộc tiếp kiến chính thức. Nhiều ký giả bày tỏ âu lo là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không được hưởng cùng một mức độ danh dự ngoại giao như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm 35 năm trước trước đó.

Đức Cha Wissanu giải thích rằng:

“Đức Thánh Cha là người duy nhất trên thế giới có vị thế rất đặc. Ngài vừa là người đứng đầu của cả Giáo Hội Công Giáo và đồng thời là người đứng đầu nhà nước Vatican. Vì vậy, có một sự chồng chéo ở đây. Vì vậy, chúng tôi gọi nó chuyến viếng thăm này là chuyến tông du, nghĩa là muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thứ hai.”

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm vương quốc Thái Lan vào năm 1984, ngài được xem là quốc khách của Đức vua Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit.

Chainarong Montheinvicheinchai, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, nói rằng người Công Giáo ở Thái chỉ có thể mô tả Đức Giáo Hoàng là quốc khách nếu chính quyền Thái dùng từ ngữ này trước. Có vẻ như chính quyền Thái Lan chưa đề cập đến vấn đề này kể từ chuyến viếng thăm này được công bố vào một tháng trước.

Ủy ban truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan cho biết các thánh lễ sẽ được cử hành bằng tiếng Tây Ban Nha, và được dịch ra tiếng Thái. Sân vận động quốc gia dự kiến sẽ có thể đón nhận con số 25,000 người. Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời chỉ có thể đón tiếp 1,500 người.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha trùng với kỷ niệm 350 năm thành lập “Miền Truyền Giáo Xiêm La”, được thành lập dưới triều đại Ayutthaya.

Người Công Giáo chỉ chiếm 0.58% dân số, tức là 388.468 người sinh hoạt trong 524 nhà thờ.
 
Emily Zamourka, người nữ không nhà, hát Opera, mặc Áo Đức Bà
Nguyễn Thế Trung
10:20 07/10/2019
Chỉ qua một đêm Emily Zamourka bỗng được “đổi đời”. Từ 3 năm nay, chị chỉ là một homeless vô danh, ngày ngày hát opera nhạc của Giacomo Puccini kiếm sống dưới đường xe điện ngầm Los Angeles

30 năm trước, mới vào tuổi đôi mươi, như rất nhiều người khác trên khắp thế giới, Emily bỏ lại sau lưng nước Nga để đến Mỹ. Nhưng American Dream có khi rất nghiệt ngã.

Sau một cơn bạo bệnh, Emily bị bankruptcy. Tài sản duy nhất còn lại là cây đàn violin trị giá 10 ngàn dollars. Nhờ nó chị tạm kiếm sống qua ngày. Bất hạnh thay, vào ba năm trước, nó bị kẻ trộm cuỗm mất. Mất việc làm, chị không còn đủ tiền để thuê phòng, phải ra ngủ tại một parking lot và xuống đường xe điện ngầm hát opera kiếm sống.

Một đêm kia Emily vẫn đứng đó hát, lặng lẽ cô đơn, không còn chút hy vọng gì cho tương lai, thì có một anh cảnh sát cảm kích trước giọng hát thiên thần của chị, xin phép được quay phim. Chị từ chối, nhưng anh vẫn năn nỉ nên Emily ra điều kiện là không được post online. Nhưng anh cảnh sát vẫn post lên Twitter của Sở cảnh sát LOS. Cho đến 6-10-2019 đã được trên 1 triệu lượt vào xem.

Ngày 6-10-2019 quỹ GoFundMe đã quyên được 68 ngàn dollars để giúp chị làm lại cuộc đời.

Ngày 5-10-2019, chị được vinh dự khai mạc buổi hoà nhạc New Little Italy tại Los Angeles giữa vòng vây người hâm mộ mộ. Có người viết comment: Chị vẫn mặc cái áo cũ giống như trong các lần trước. Nên tìm cho chị một bộ trang phục mới. Chị cũng nên trang điểm lại. She's been wearing the same clothes in her past interviews. C'mon folks, get her new clothes. She should have had a makeover by now.

Cái áo cũ kỹ xấu xí của chị có gì đặc biệt khiến chị vẫn muốn mặc?

Áo Đức Bà Mầu Nâu phát sinh từ chiếc áo mà các tu sĩ trong các dòng tu mặc hàng ngày, bắt đầu với dòng tu Benedictines, rồi sau lan đến những dòng tu khác. Áo Đức Bà là một miếng vải mặc làm hai mảnh ở trước ngực và sau lưng. Đầu tiên, Áo Đức Bà trông giống như một cái yếm để làm bếp, hay làm việc ở nông trại. Sau thế kỷ thứ 9, mỗi tu sĩ khi tuyên hứa thì được mặc Áo Đức Bà tượng trưng cho “ách của Chúa Kitô” và là khiên thuẫn của Chúa Kitô. Sau đó người ta biến đổi tuỳ theo cộng đoàn dòng tu nên có nhiều loại Áo Đức Bà khác nhau. Từ đó, những giáo dân ngoan đạo cũng được mặc những Áo Đức Bà nhỏ hơn gồm có hai mảnh vải nối liền bằng sợi dây đeo và được mặc nơi cổ. Rồi Áo Đức Bà trở thành một dấu hiệu của những thành viên tông đồ và tu sĩ. Dần dần, những Áo Đức Bà trở nên thông dụng trong giáo dân. Hiện nay có khoảng 18 loại Áo Đức Bà gồm nhiều mầu sắc khác nhau, tượng trưng cho các việc sùng kính khác nhau. Đa số các Áo Đức Bà có liên quan đến một dòng tu nào đó. (Nguồn: Đài Vatican)

Áo Đức Bà của chị Emily ở bên ngực phải và phía sau có hình Đức Mẹ Guadalupe.

Đức Mẹ vẫn luôn là nguồn chở che cho chị trong mọi bước đường thăng trầm. Không khi nào chị mất lòng phó thác nơi Mẹ.

Nhiều người khác có lẽ không nhận được ơn tỏ tường to tát của Mẹ như thế. Nhưng nhờ có Mẹ, ai cũng được mặc vào Áo Đức Bà là ơn Cứu Độ của Giêsu Con Lòng Bà Gồm Phúc Lạ. Nhờ thế ta luôn bình an và hạnh phúc, không phải chỉ ở trong cuộc đời vắn vỏi này, mà còn đến thiên thu vô tận.

https://www.youtube.com/watch?v=6CLQsFxdZxs

https://twitter.com/LAPDHQ/status/1177423181679755264?ref_src=twsrc%5Etfw

https://people.com/human-interest/homeless-opera-singer-subway-los-angeles-identified/

https://www.cnn.com/videos/us/2019/10/03/the-goods-subway-opera-singer-acfc-vpx.cnn

https://www.cbsnews.com/news/opera-subway-singer-los-angeles-homelessness-emily-zamourka/





 
Phiên thứ nhất của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon. Diễn từ của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
16:51 07/10/2019
John Allen, chủ biên của tờ Crux, ký giả kỳ cựu về Vatican, có bài tường thuật sau: Pope opens synod urging bishops ‘not to kick the Holy Spirit out of the hall’ - Đức Giáo Hoàng khai mạc Thượng Hội Đồng thúc giục các Giám Mục đừng ‘đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi phòng họp’.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


ROME - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh có nhiều căng thẳng cao độ về Amazon vào hôm thứ Hai, mở tung mọi thứ khi chỉ trích những ý thức hệ không tôn trọng các nền văn hóa địa phương và bản địa và kêu gọi các Giám Mục cũng như các tham dự viên khác đừng đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi hội trường trong khóa họp kéo dài từ 6 đến 27 tháng 10.

“Ý thức hệ là một vũ khí nguy hiểm,” Đức Giáo Hoàng nói, khi khai mạc phiên đầu tiên của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

“Nó giản lược chúng ta và khiến chúng ta phóng đại định kiến của mình thành một nhận thức trí tuệ [về một nền văn hóa], trong khi không hề ngưỡng mộ hoặc tự mình xem xét [nền văn hóa ấy]”, ngài nói. Những “khẩu hiệu như vậy chỉ nhằm gây chia rẽ, hủy diệt và phá hoại”, và nhấn mạnh rằng những hậu quả độc hại của các ý thức hệ có thể được nhìn thấy “nơi sự tận diệt khối đa số những thổ dân Amazon”.

Nó cũng tạo ra sự thiếu tôn trọng đối với những gì gắn bó với quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Ngài lưu ý rằng mới hôm qua, ngài đã nghe một lời phàn nàn nửa đùa nửa thật từ ai đó về cái mũ lông mà một trong những người bản địa đã đội bên trong Vatican.

“Có gì khác nhau giữa cái mũ đó và những chiếc mũ biretta mà một số Hồng Y của chúng ta đang đội?”. Câu hỏi của Đức Thánh Cha gây ra nhiều tiếng cười lớn trong hội trường.

Đức Phanxicô đã bài bác cái mà ngài gọi là khuynh hướng coi một số nền văn hóa là những nền văn minh hạng hai, mà theo ngài, nó “khiến chúng ta tách biệt khỏi thực tế của một dân tộc và làm chúng ta xa cách với họ, thực chất là thiếu tôn trọng họ.”

Đức Thánh Cha cũng đã dành một chút thời gian để đưa ra quan điểm của ngài đối với một Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài nói rằng đó không phải là chuyện “ai có quyền lực hơn để áp đặt các kế hoạch và ý tưởng của riêng họ” lên những người khác.

“Thượng Hội Đồng là cùng đi với nhau, trong khi dõi theo hơi thở của Chúa Thánh Thần,” Đức Phanxicô nói. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của Thượng Hội Đồng, vì vậy, chúng ta đừng đuổi Ngài ra khỏi phòng họp”.

Theo tinh thần đó, Đức Phanxicô dường như đã muốn yêu cầu khoảng 185 Giám Mục và hơn 100 tham dự viên khác phải thận trọng khi nói chuyện với các phóng viên trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

“Nó có thể gây tổn hại nếu tôi rời khỏi hội trường này và nói bất cứ điều gì tôi nghĩ mà không suy tư về điều đó,” ngài nói. “Chúng ta đã từng thấy điều này ở các Thượng Hội Đồng Giám Mục khác”. Đức Thánh Cha yêu cầu những tham dự viên vận dụng “sự khôn ngoan thận trọng” và một “sự tiếp cận nhẹ nhàng”. Ngài nói rằng trong quá khứ, đôi khi người ta có một ấn tượng về một Thượng Hội Đồng bên trong hội trường và một Thượng Hội Đồng khác bên ngoài hội trường này.

Lời khuyên cuối cùng của ngài dành cho các tham dự viên là đừng đánh mất đi cảm thức hài hước, chính Đức Thánh Cha đã thể hiện phẩm chất đó vào sáng thứ Hai. Tại một thời điểm, ngài lưu ý rằng theo quy định cứ sau bốn bài phát biểu trong hội nghị, sẽ có bốn phút tạm dừng để im lặng; và nói rằng một số người đã cảnh báo ngài rằng việc nghỉ giữa chừng như vậy nguy hiểm lắm vì mọi người có thể sẽ đi ngủ.

“Tại Thượng Hội Đồng dành cho giới trẻ, chúng ta thấy điều ngược lại mới là đúng.” Ngài giải thích một cách bông đùa rằng “Họ đã ngủ trong các bài phát biểu, ít nhất là trong một số bài phát biểu và giật mình thức dậy vì sự im lặng.”

Đức Phanxicô đã nói bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ được nhiều người dùng nhất trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

Buổi sáng ngày thứ Hai 7 tháng 10 đã bắt đầu với một đoàn rước trong đó Đức Giáo Hoàng và khoảng 300 tham dự viên đã rời khỏi Đền Thờ Thánh Phêrô sau một buổi cầu nguyện. Các vị đã tiến ra quảng trường Thánh Phêrô, lúc đó đã được phong tỏa trong dịp này, và từ từ tiến đến hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục của Vatican. Những người bản địa hát những bài thánh ca bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Tây Ban Nha, mang theo những tặng vật tượng trưng và một bức ảnh Đức Maria được vẽ theo phong cách của người bản địa. Bức ảnh được đặt trong một chiếc xuồng nhỏ, trong đó còn có một chiếc lưới đánh cá nhiều màu sắc và hình ảnh các vị tử đạo trong vùng Amazon, và Thánh Oscar Romero của El Salvador, cũng như các bích chương kêu gọi một “hệ sinh thái tích hợp”.

Những vị tử đạo được nhắc đến bao gồm Cha Rodolfo Lunkenbein, một nhà truyền giáo người Đức ở Brazil bị bắn chết khi đang thi hành sứ vụ truyền giáo của dòng Salêsiêng năm 1976, và Galdin Pataxo, một nhà hoạt động bản địa bị sát hại ở thủ đô Brazil năm 1997.

Các Giám Mục và những tham dự viên khác cũng được tặng một chiếc túi nhỏ màu trắng có logo của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, được làm hoàn toàn bằng sợi tự nhiên như một dấu chỉ “xanh” tiêu biểu cho hội nghị thượng đỉnh này. Nhìn rộng hơn, Vatican có kế hoạch trồng lại một dải trong khu rừng nhiệt đới Amazon đủ để bù đắp toàn bộ lượng carbon gây ra từ hội nghị này.

Sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Loriano Baldisseri, tổng thư ký Hội đồng Giám mục, đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về cuộc họp, trong khi Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, là Tổng Tường Trình Viên, thảo luận về các chủ đề và các kỳ vọng chính của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.


Source:Crux
 
Đức Thánh Cha lên tiếng đầu ngày làm việc đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon
Vũ Văn An
17:00 07/10/2019
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon đã tổ chức phiên khoáng đại đầu tiên vào sáng ngày 7 tháng 10 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Các nghị phụ đã được nghe diễn từ của Đức Phanxicô.



Đức Giáo Hoàng đề cập ngay đến bản chất “tử đạo” của Tài Liệu Làm Việc, hóa giải phần nào các ưu tư lo lắng của một số người thuộc phe duy truyền thống xưa nay vốn chỉ trích nó. Thực vậy, theo ngài, Tài Liệu Làm Việc là bản văn soạn ra để “bị hủy bỏ”, dù sau nhiều tham khảo cùng khắp. Vì nó chỉ là khởi điểm để Chúa Thánh Thần hoạt động: Người mới là Đấng hành động chính của Thượng Hội Đồng.

Đức Giáo Hoàng tha thiết: “Nay chúng ta phải để Chúa Thánh Thần tự phát biểu trong cuộc tụ họp này, tự phát biểu giữa chúng ta, tự phát biểu với chúng ta, qua chúng ta, và tự phát biểu bất kể chúng ta”.

Cụ thể, ngài xin các nghị phụ “suy tư, đối thoại, lắng nghe một cách khiêm nhường...”.

Ngài nhận định rằng ta phải chăm sóc diễn trình Thượng Hội Đồng như chăm sóc một đứa bé sơ sinh, vì cả hai đều “cần sự ấm áp của cộng đồng; cả hai đều cần sự ấm áp của Mẹ Giáo Hội”.

Ngài cho hay nó cần một bầu khí huynh đệ và tôn trọng cũng như “bầu khí thân mật...”. Điều này đòi một sự “tế nhị và thận trọng khôn ngoan trong thông đạt”, nhưng không thân mật kiểu “bí mật” của các hội tam điểm mà là bí nhiệm của cộng đồng Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cho hay sẽ có những buổi họp báo và các dịch vụ khác dành cho các nhà báo, những người có nhiệm vụ thông tin, nhưng nhấn mạnh rằng diễn trình Thượng Hội Đồng “có thể bị hủy hoại đôi chút” nếu người ta phát biểu ý kiến bên ngoài phòng Thượng Hội Đồng.

Ngài phê phán điều ngài gọi là “Thượng Hội Đồng bên trong và Thượng Hội Đồng bên ngoài” từng diễn ra trong một số Thượng Hội Đồng mới đây.

“Thượng Hội bên trong theo con đường của Mẹ Giáo Hội, biết chăm sóc diễn trình. Còn Thượng Hội Đồng bên ngoài, vì thông tin một cách cẩu thả, thiếu thận trọng khôn ngoan, khiến những người đưa tin chính thức sa vào lầm lỗi”.

Ngài cho biết mục đích của Thượng Hội Đồng không phải là sáng chế ra các chương trình xã hội hay hoạt động mục vụ “theo cùng một lối không chiêm niệm”.

Bởi thế, cũng như tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, ngài yêu cầu cứ sau 4 bài phát biểu, sẽ có 4 phút im lặng để suy nghĩ nội tâm.

Ngài khuyên mọi người có một trái tim mục vụ đối với những người sống trong vùng Amazon: “tiếp cận rón rén, tôn kính lịch sử của họ, các nền văn hóa của họ, lối sống buen vivir, theo nguyên nghĩa của hạn từ, không theo nghĩa xã hội mà chúng ta vốn gán cho nó”.

Ngài lên án “chủ nghĩa thực dân ý thức hệ” và ước muốn của một số người muốn “thuần hóa các dân tộc bản địa”: “Việc đồng nhất hóa và chủ nghĩa tập trung đồng nhất hóa không để tính chân thực của nền văn hóa các dân tộc xuất đầu lộ diện. Các ý thức hệ đều là một vũ khí nguy hiểm. Chúng ta luôn có khuynh hướng bám lấy một ý thức hệ để giải thích một dân tộc. Các ý thức hệ luôn có tính giản lược và dẫn chúng ta tới chỗ cường điệu trong chù trương của mình chỉ để hiểu về phương diện trí thức, mà không chịu tiếp nhận. Hiểu mà không chịu tán thưởng”.

Ngài bảo ngài buồn khi người ta nhạo báng người dâng của lễ trong Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng vì ông ta đội chiếc nón lông thú. Ngài hỏi: “Hãy cho tôi hay: đâu là chỗ khác nhau giữa việc đội nón lông thú trên đầu và chiếc nón ba múi do một số viên chức trong các bộ sở của chúng ta đội?”

Bởi thế, ngài xin các nghị phụ đi quá hơn việc đề ra “các biện pháp thực tiễn” để có được các “viễn tượng có tính mô hình”.

Hiểu và phục vụ người dân diễn ra tốt hơn khi bước theo con đường đồng nghị, chứ không bàn tròn hoặc hội nghị: “Vì Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện, nó không phải là một trung tâm nhận gọi vào (call center), nó không nhằm chứng tỏ ai có quyền lực hơn đối với các phương tiện truyền thông hay ai có quyền lực trong các mạng lưới có thể áp đặt bất cứ ý nghĩ hay kế hoạch nào”.

Ngài bảo: Giáo Hội không phải là một “đa số” hay có tính “gây xúc động” (sensationalist).
 
Chủ tịch Thượng Hội Đồng thẳng thắn đặt ngay vấn đề phong chức linh mục cho người đã kết hôn trong ngày đầu tiên
Đặng Tự Do
19:12 07/10/2019
John Allen, chủ biên của tờ Crux, ký giả kỳ cựu về Vatican, có bài tường thuật về phát biểu có tính cách chỉ đạo của Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm trong tư cách Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


Chair of pope’s Amazon summit puts married priests, women squarely on the table

John Allen

Chủ tịch thượng đỉnh về Amazon của Đức Giáo Hoàng đặt thẳng thắn lên bàn thảo luận vấn đề phong chức linh mục cho người có gia đình, và vấn đề phụ nữ


Rôma- Không lãng phí thời gian, Chủ tịch Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi động mọi thứ vào sáng thứ Hai bằng cách đặt thẳng thắn trên bàn họp các vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất, đó là vấn đề phong chức linh mục cho người đã kết hôn và vai trò của phụ nữ.

“Một vấn đề khác là việc thiếu linh mục để phục vụ các cộng đồng địa phương trong khu vực, với hậu quả là sự thiếu vắng Bí Tích Thánh Thể, ít nhất là vào ngày Chúa Nhật, cũng như các bí tích khác,” Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm trong tư cách Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10.

“Điều này có nghĩa việc chăm sóc mục vụ chỉ được hình thành từ các viếng thăm lẻ tẻ thay cho việc chăm sóc mục vụ đầy đủ hàng ngày,” Đức Hồng Y Hummes nói.

Trong khi người Mỹ và người châu Âu thường phàn nàn về sự thiếu hụt linh mục, số liệu thống kê của Giáo Hội cho thấy có một linh mục cho mỗi 1,300 người Công Giáo được rửa tội ở cả hai khu vực này. Trong khi đó, ở Mỹ châu Latinh, tỷ lệ đó là 1 linh mục cho 7,800 người Công Giáo, và ở một số vùng của Amazon, nó có thể tăng vọt lên 1 linh mục cho 15,000 hay cao hơn nữa.

Đức Hồng Y Hummes nhận xét rằng: “Việc tham dự Thánh Lễ, ít là vào ngày Chúa Nhật, là điều cần thiết cho sự phát triển đầy đủ và tiến bộ của các cộng đồng Kitô giáo, và là một trải nghiệm thực sự về Lời Chúa trong đời sống người dân. Vì thế, cần thiết là phải xác định hướng đi mới cho tương lai.”

Đức Hồng Y Hummes sau đó đã đề cập cụ thể về những gì “con đường mới” này có thể là. Ngài nói:

“Trong các giai đoạn tư vấn, các cộng đồng địa phương, các nhà truyền giáo và những người dân bản địa, những người phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết mà hầu hết các cộng đồng Công Giáo ở Amazon gặp phải, đã yêu cầu rằng một con đường cần phải được mở ra cho việc truyền chức cho những người đàn ông trong vùng đã lập gia đình đang sống trong cộng đồng của họ, mặc dù xác nhận lớn tầm quan trọng của đặc sủng cuộc sống độc thân trong Giáo Hội.”

Kế đó, Đức Hồng Y Hummes cho rằng suy tư về vấn đề này không nên dừng lại ở những người đàn ông đã có gia đình.

“Đối diện với thực tế là một số lượng lớn phụ nữ ngày nay đang dẫn dắt các cộng đồng ở Amazon, có một yêu cầu rằng sứ vụ này phải được công nhận và nên có một nỗ lực để củng cố sứ vụ ấy với một thừa tác vụ thích hợp cho những phụ nữ sống trong các cộng đồng này”, ngài cho biết như trên nhưng không nói cụ thể “thừa tác vụ thích hợp” này có thể là gì.

Việc nhắc đến những người phụ nữ đã nhận được những tràng pháo tay trong hội trường.

Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ. Ủy ban đã trình bày một báo cáo trong đó không đạt được sự đồng thuận rõ ràng, và vào tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi không sợ nghiên cứu, nhưng đến thời điểm này chưa có tiến triển.”

Trước thềm Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, vấn đề về phong chức linh mục cho những người đã kết hôn – thường được gọi là viri probati - là một trong những điểm gây tranh cãi nhất. Các nhà phê bình coi những đề xuất như thế là một con ngựa thành Troia có thể dẫn đến việc xóa bỏ tình trạng luật độc thân linh mục ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong khi những người ủng hộ có xu hướng xem điều này như một phản ứng thực tế đối với các nhu cầu mục vụ trong khu vực.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, Đức Phanxicô cho biết ngài cởi mở với ý tưởng về việc phong chức viri probati để phục vụ các cộng đồng nông thôn bị cô lập, và cũng đã đề cập đến khả năng nhân rộng điều này ra không chỉ ở Amazon mà còn trên các đảo trong khu vực Thái Bình Dương.

Nhận được những tràng pháo tay từ hội trường, Đức Hồng Y Hummes bắt đầu bằng cách tuyên bố rằng ngài sẽ nói tiếng Bồ Đào Nha, ngôn ngữ của Brazil. Nhìn chung, ngài thúc giục những tham dự viên Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon đừng bị sa lầy bởi “chủ nghĩa truyền thống.”

“Chủ nghĩa truyền thống, trong đó vẫn giữ liên kết với quá khứ, là một chuyện, nhưng truyền thống đích thực, nghĩa là lịch sử sống động của Giáo Hội, là một chuyện khác.” Theo Đức Hồng Y, mỗi thế hệ trong Giáo Hội “làm phong phú thêm truyền thống này vào các thời điểm hiện tại với kinh nghiệm riêng của họ và sự hiểu biết về đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.”

“Thiên Chúa luôn luôn mang lại sự mới mẻ, và đòi hỏi sự tín thác hoàn toàn của chúng ta” ngài nói, trích dẫn một bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Hummes cũng kêu gọi Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon công bố một sự bảo vệ mạnh mẽ đối với khoảng 400 cộng đồng địa phương và thổ dân trong vùng Amazon.

Đức Hồng Y nói rằng: “Điều cần thiết là quyền của những người bản địa được là các nhân tố chủ yếu trong lịch sử của mình phải được trao trả lại cho họ và phải được bảo đảm cho họ như các chủ thể chứ không phải như đối tượng của tinh thần hoặc các nạn nhân của chủ nghĩa thực dân từ bất kỳ ai”.

Để phù hợp với đặc tính “xanh” của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Hummes thúc giục một lập trường sinh thái mạnh mẽ. Theo Đức Hồng Y, “Giáo Hội của chúng ta là một Giáo Hội nhận thức được rằng sứ vụ tôn giáo của mình, nếu muốn phù hợp với đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, chắc chắn phải bao gồm ‘việc chăm sóc ngôi nhà chung’. Mối liên kết này cũng chứng minh rằng tiếng kêu của đất và cuả những người nghèo trong khu vực này là một và giống nhau.”

Đức Hồng Y Hummes nhận định rằng:

“Thượng Hội Đồng này được tổ chức trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng khí hậu và sinh thái nghiêm trọng và cấp bách, bao trùm toàn bộ hành tinh của chúng ta. Hành tinh này đang trải qua sự tàn phá phi mã, cướp phá và làm suy thoái tài nguyên trái đất. Tất cả được nuôi dưỡng bởi một mô hình kỹ thuật toàn cầu hóa, cướp bóc và tàn phá.”

“Trái đất không còn có thể chịu đựng hơn nữa”.

Vị Hồng Y người Brazil này là người đã ngồi bên cạnh Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Đình trong cơ mật viện bầu Giáo Hoàng vào năm 2013, và đã gợi ý vị Tân Giáo Hoàng nên chọn lấy danh xưng “Phanxicô”. Ngài đã liệt kê một số mối đe dọa cụ thể mà vùng Amazon ngày nay đang phải đối mặt mà ngài đề nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục cân nhắc thảo luận.

1. Việc hình sự hóa và ám sát các nhà lãnh đạo và những người bảo vệ đất đai trong vùng.

2. Chiếm đoạt và tư nhân hóa các tài nguyên tự nhiên chẳng hạn các nguồn nước.

3. Các nhượng bộ trong việc khai thác gỗ hợp pháp và việc khai thác gỗ bất hợp pháp.

4. Săn mồi và câu cá, chủ yếu ở các con sông.

5. Các nhượng bộ đối với các dự án lớn, như các dự án liên quan đến thủy điện và rừng, phá rừng để lấy đất độc canh, xây dựng đường bộ và đường sắt, hoặc các dự án khai thác mỏ và dầu khí.

6. Ô nhiễm gây ra bởi toàn bộ ngành công nghiệp khai thác đang gây ra các vấn đề và các loại bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

7. Buôn bán ma túy.

8. Hệ quả là các vấn đề xã hội liên quan đến các mối đe dọa này như nghiện rượu, bạo lực đối với phụ nữ, mại dâm, buôn bán người, mất căn cội văn hóa và bản sắc, và gây ra tình trạng nghèo đói.

Trong ánh sáng của tất cả những vấn đề này, Đức Hồng Y Hummes khởi động vài “vấn đề cốt lõi” sau đây cho Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

1. Một Giáo hội hướng ngoại và những con đường mới ở Amazon.

2. Khuôn mặt Amazon của Giáo hội: Hòa nhập và đa văn hóa trong bối cảnh truyền giáo và giáo hội học.

3. Các thừa tác vụ cho Giáo hội ở Amazon: chức linh mục, phó tế, các thừa tác vụ khác và vai trò của phụ nữ.

4. Công việc được thực hiện bởi Giáo Hội trong việc chăm sóc “ngôi nhà chung của chúng ta”; lắng nghe trái đất và người nghèo; hệ sinh thái tích hợp môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa.

5. Giáo hội Amazon trong thực tế đô thị.

6. Các vấn đề liên quan đến nguồn nước.

Trước Đức Hồng Y Hummes, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, người Ý, thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đưa ra một cái nhìn tổng quan dài về lịch sử và các thủ tục trong Thượng Hội Đồng. Đức Hồng Y Baldisseri nói mục đích cuối cùng của hội nghị này là tập trung vào “ngôi vườn giàu có và tài nguyên thiên nhiên bao la này, quê hương của các dân tộc bản địa với một lịch sử và khuôn mặt không thể nhầm lẫn, và một lãnh thổ đang bị đe dọa bởi tham vọng con người chứ không phải là đang được quan tâm chăm sóc”.

Theo lời trình bày của Đức Hồng Y Baldisseri, hội nghị sẽ xen kẽ giữa các phiên họp chung trong đó các Thượng Hội Đồng nói chuyện trước toàn bộ Thượng Hội Đồng; và các nhóm làm việc nhỏ hơn được tổ chức theo ngôn ngữ trong đó các tham dự viên có thể thảo luận tự do hơn. Cuộc họp đầu tiên của các nhóm nhỏ này được dự trù diễn ra vào ngày thứ Tư.

Trong một cử chỉ được xem ngủ gà ngủ gục đối với thế kỷ 21, Đức Hồng Y Baldisseri cũng nói với những các tham dự viên rằng họ được tự do trả lời phỏng vấn và thảo luận về Thượng Hội Đồng này một cách công khai trong thời gian rảnh rỗi, nhưng ngài yêu cầu họ dừng dùng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ ấn tượng trong các buổi làm việc thực tế.


Source:Crux
 
Ngày đầu tiên, Tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng Amazon nhấn mạnh đến các linh mục có gia đình và phụ nữ
Vũ Văn An
19:23 07/10/2019
Sáng ngày 7 tháng 10, tại Đại Sảnh Phaolô VI, sau diễn từ của Đức Phanxicô và của Đức Hồng Y Baldisseri, Tổng tường trình viên là Đức Hồng Y Claudio Hummes đã có bài tường trình với toàn bộ Thượng Hội Đồng đặc biệt về Vùng Amazon.



Linh mục có gia đình và vai trò phụ nữ

Không để mất thì giờ, Đức Hồng Y Hummes trình bầy ngay 2 vấn đề gây sốt nóng trong Giáo Hội hiện nay: các linh mục có gia đình và vai trò phụ nữ.

Về vấn đề thứ nhất, Đức Hồng Y Hummes cho hay bối cảnh là “thiếu các linh mục phục vụ các cộng đoàn địa phương trong vùng, với việc do đó thiếu cử hành Thánh Thể, ít nhất trong các Chúa Nhật, cũng như thiếu các bí tích khác”.

Ngài nhận định rằng “tham dự việc cử hành ThánhThể, ít nhất vào các Chúa Nhật, là điều cốt yếu cho việc phát triển trọn vẹn và tiệm tiến các cộng đồng Kitô hữu và cho cảm nghiệm đích thực Lời Chúa trong đời sống người ta”.

Ngài cho hay bối cảnh trên khiến “trong các giai đoạn tham khảo, các cộng đồng địa phương, các nhà truyền giáo và các dân tộc bản địa... đã thỉnh cầu rằng nên mở ra nẻo đường truyền chức cho các người đàn ông có gia đình vốn là cư dân trong các cộng đồng của họ, mặc dù ta vẫn khẳng nhận tầm quan trọng của đặc sủng sống độc thân trong Giáo Hội”.

Về vấn đề thứ hai, Đức Hồng Y Hummes cho rằng “Đứng trước số lớn các phụ nữ ngày nay đang lãnh đạo các cộng đồng trong vùng Amazon, đã có thỉnh cầu nên công nhận việc phục vụ này và cố gắng củng cố nó bằng một thừa tác vụ thích đáng dành cho phụ nữ sống trong các cộng đồng này", nhưng không chuyên biệt cho hay “thừa tác vụ thích đáng” này là gì.

John Allen cho hay việc nhắc đến phụ nữ như trên đã được Phòng Thượng Hội Đồng hoan hô vang dội. Năm 2016, Đức Phanxicô đã thiết lập một ủy ban để nghiên cứu khả thể truyền chức phó tế cho phụ nữ. Nhưng Ủy ban này không đạt được nhất trí về khả thể ấy. Nên hồi tháng Năm vừa qua, Đức Phanxicô nói rằng “tôi không sợ nghiên cứu, nhưng cho đến nay, vấn đế ấy không tiến hành được”.

Còn về vấn đề thứ nhất, người ta sợ đề xuất này, giống như con ngựa thành Troy, sẽ dẫn đến việc bãi bỏ luật độc thân của linh mục. Nhưng đồng thời nó rõ ràng đáp ứng nhu cầu Amazon, như chính nhận định của Đức Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn năm 2017.

Được sự khích lệ của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Hummes mạnh dạn thúc giục các nghị phụ đừng bị dính cứng vào chủ nghĩa duy truyền thống. Ngài nói “chủ nghĩa duy truyền thống, nằm ỳ trong quá khứ, là một điều nhưng truyền thống đích thực, vốn là lịch sử sống động của Giáo Hội, lại là một điều khác”. Vì mỗi thế hệ trong Giáo Hội "làm giầu truyền thống này trong thời hiện tại bằng kinh nghiệm và cách hiểu đức tin vào Chúa Giêsu Kitô riêng của họ”.

Ngài cho rằng, như Đức Phanxicô từng giảng, “Thiên Chúa luôn đem lại sự mới mẻ, và đòi chúng ta phải tin tưởng hoàn toàn”.

Bảo vệ các cộng đồng bản địa Amazon và sinh thái

Đức Hồng Y Hummes cũng kêu gọi Thượng Hội Đồng mạnh mẽ bảo vệ gần 400 cộng đồng bản địa của Vùng Amazon.

Ngài nói “điều cần thiết là quyền làm những người thủ diễn hàng đầu trong chính lịch sử của họ được trả lại và được bảo đảm cho các dân tộc bản địa, như các chủ thể chứ không phải như đối tượng của tinh thần hay nạn nhân của chủ nghĩa thực dân của bất cứ ai”.

Về triết lý “xanh” của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Hummes thúc giục phải có một lập trường mạnh mẽ về sinh thái. Ngài nói: “Giáo Hội của chúng ta là một Giáo Hội ý thức rằng sứ mệnh tôn giáo của mình, phù hợp với đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhất thiết bao gồm ‘việc chăm sóc ngôi nhà chung’. Sự nối kết này cũng chứng tỏ rằng tiếng kêu của lãnh thổ và của người nghèo tại vùng này là một và cùng như nhau”.

Đức Hồng Y Hummes cho rằng “Thượng Hội Đồng Giám Mục này được tổ chức trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng khí hậu và sinh thái trầm trọng và khẩn trương, liên hệ tới toàn thể hành tinh. Vì hành tinh này đang kinh qua sự tàn phá, cướp bóc và hạ cấp gia tốc các tài nguyên trái đất, tất cả được cổ vũ bởi một mô hình kỹ trị được hoàn cầu hóa, có tính trấn lột và phá phách”.

Ngài kê khai một số đe dọa chuyên biệt đối với vùng Amazon hiện nay và thúc giục các nghị phụ lưu ý:

o Kết tội và ám sát các nhà lãnh đạo và bảo vệ lãnh thổ.
o Chiếm hữu và tư hữu hóa các tài nguyên thiên nhiên như nước chẳng hạn.
o Cả các nhượng quyền đốn gỗ hợp pháp lẫn việc đốn gỗ bất hợp pháp.
o Săn bắn và chài lưới trấn lột, chủ yếu trong các sông ngòi.
o Các dự án vĩ đại, như các nhượng quyền thủy điện và khai thác rừng, đốn cây cho việc sản xuất độc canh, xây đường bộ và đường sắt, hoặc các dự án khai mỏ và dầu khí.
o Ô nhiễm gây ra bởi kỹ nghệ khai khoáng từng gây ra nhiều nan đề và bệnh tật, nhất là nơi trẻ em và người trẻ.
o Buôn bán ma túy.
o Các vấn đề xã hội phát sinh, liên hệ với các đe dọa trên, như rượu chè, bạo lực chống phụ nữ, mãi dâm, buôn bán người, đánh mất văn hóa và bản sắc bản địa, và các điều kiện nghèo đói.

Dưới góc độ các điều dẫn thượng, Đức Hồng Y Hummes kết thúc bằng cách liệt kê một số “vấn đề nòng cốt” để các nghị phụ suy xét.

o Một giáo hội đi ra ngoài và các nẻo đường mới của nó trong vùng Amazon.
o Khuôn mặt Amazon của Giáo Hội: Hội nhập văn hóa và tính liên văn hóa trong bối cảnh truyền giáo và giáo hội.
o Các thừa tác vụ trong Giáo Hội tại Vùng Amazon: linh mục đoàn, phó tế đoàn, các thừa tác vụ và vai trò do phụ nữ thủ diễn.
o Việc do Giáo Hội thực hiện trong việc chăm sóc “ngôi nhà chung”; lắng nghe trái đất và người nghèo; nền sinh thái toàn diện gồm cả môi trường, kinh tế, xã họi và văn hóa.
o Giáo Hội Amazon trong thực tại đô thị.
o Các vấn đề liên quan tới nước.
o Các vấn đề khác.

Trước bài trình bầy của Đức Hồng Y Hummes, Đức Hồng Y Bladisseri, Tổng thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã đưa ra một tổng quán khá dài về lịch sử và các thủ tục của phiên họp. Ngài nói rằng mục đích của cuộc họp là tập chú vào “khu vườn hết sức phong phú và nhiều tài nguyên thiên nhiên này, đất mẹ của các dân tộc bản địa với một lịch sử và khuôn mặt không thể nhầm lẫn với ai khác, và một lãnh thổ đang bị đe dọa bởi tham vọng đào ngũ của con người thay vì được chăm sóc”.

Theo trình bầy của Đức Hồng Y Baldisseri, Thượng Hội Đồng sẽ thay đổi giữa các phiên khoáng đại trong đó các tham dự viên có thể nói với toàn thể Thượng Hội Đồng, và các nhóm làm việc nhỏ hơn được tổ chức theo ngôn ngữ trong đó, các ngài được phát biểu tự do hơn. Phiên họp đầu tiên của các nhóm nhỏ này dự định sẽ diễn ra vào hôm thứ Tư, 9/10.

Nhân dịp này, Đức Hồng Y Baldisseri nói với các tham dự viên họ được tự do trả lời phỏng vấn và thảo luận về Thượng Hội Đồng một cách công khai trong giờ rảnh, nhưng đừng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ ấn tượng trong các buổi làm việc thực sự.
 
Amazonie: những người nữ tu nghe xưng tội nhưng không giải tội được!
Thanh Quảng sdb
19:58 07/10/2019
Amazonie: những người nữ tu "nghe xưng tội" nhưng “không giải tội được!”

Thượng hội đồng Giám mục vùng Amazone đã được khởi đầu bằng một chia sẻ về những kinh nghiệm của các nữ tu tại các ngôi làng xa xôi hẻo lánh, nơi mà các linh mục rất hiếm khi đặt chân đến. VỊ nữ tu ấy chia sẻ: Dù chúng tôi không thể giải tội được, nhưng chúng tôi tin là chúng tôi có thể mang lại sự bình an cho người đó.
Bài viết của tác giả Andrea Tornielli được đăng trên Vatican news 8/10/2019

Người nữ tu chia sẻ: "Chúng tôi có mặt ở nhiều nơi xa xôi hẻo lánh trong vùng Amazone và chúng tôi cố gắng thể hiện và làm những gì mà một người lãnh nhận Bí tích thanh tẩy có thể và phải làm: chúng tôi xả thân sống với người bản địa, những nơi mà không có các linh mục thì chúng tôi hiện diện, cử hành nghi thức rửa tội cho dân chúng... Nếu có người kết hôn, thì chúng tôi hiện diện và làm chứng tá cho mối tình của họ, mặc dầu chúng tôi không thể dâng lễ hay ban các bí tích như các linh mục thừa tác. Tuy nhiên, trong sâu thẳm của trái tim, chúng tôi tin rằng “những người theo Chúa các chân thành này, những người già nua bệnh tật trong những giờ phút lâm tử đã nhận được tình thương bao bọc của Chúa cha nhân từ qua chính những sự hiện diện chân thành của chúng tôi".

Đây là những chứng từ được sơ Alba Teresa Cediel Castillo, một nữ tu của Dòng truyền giáo Đức Mẹ Vô nhiễm do Thánh Catherina thành Siena thành lập, sơ Castillo sống và làm việc ở Colombia giữa các cộng đồng bản địa vùng Amazone. Sơ trình bày tình hình và những khó khăn để tiếp cận được các ngôi làng xa xôi hẻo lánh trong vùng Amazone, và thực tế là: nhiều cặp vợ chồng đã thề hứa yêu nhau trước sự hiện diện của các sơ, vì không có linh mục. Rồi vào những giây phút cuối cuộc đời họ không gặp được linh mục để hòa giải và sửa soạn để ra đi bình an, thì với lòng thành và trong tâm tình cầu nguyện, các sơ hiện diện nâng đỡ họ!

Vài năm trước đây, khi đề cập đến việc xưng tội trong một cuộc phỏng vấn về lòng thương xót của Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích: "Chính Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ rằng: 'Những gì mà các con tha thứ dưới đất, trên trời cũng thứ tha, những gì mà các con cầm giữ dưới đất trên trời cũng cầm giữ!”
Do đó, các Tông đồ và những người kế vị các ngài - Giám mục và linh mục cộng sự viên của các ngài - trở thành khí cụ của lòng thương xót của Chúa. Họ thứ tha 'nhân danh Chúa Kitô (persona Christi)'. Điều này thật tuyệt vời và có một ý nghĩa sâu sắc, bởi vì chúng ta là những hữu thể xã hội. Chúng ta liên đới với nhau và được Thiên Chúa thứ tha…

Đức Thánh Cha cho hay “việc xưng thú lỗi lầm trước một người linh mục, đại diện Chúa Giêsu là một thái độ khiêm nhừng nhìn nhận những lỗi lầm của ta có những liên đới với người khác cần được vòng tay yêu thương tha thứ của Chúa!” Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại câu chuyện của Thánh Ignatius: trước khi được hoán cải, ngài đã nhìn thấu được con người của mình. Để trở thành một người lính cho Chúa Kitô, Ignatius cũng đã chiến đấu trong trận chiến ở Pamplona. Ngài phục vụ trong quân ngũ của Quốc vương Tây Ban Nha, Vua Charles thứ V và phải chiến đấu với quân đội Pháp. Trong trận chiến đó, Ngài bị thương nặng và tưởng rằng mình chết. Vì trong quân đội lúc đó không có cha tuyên úy, nên Ignatius đã tâm sự với một người bạn... dù vậy, Ignatius đạt được một cảm nghiệm tuyệt vời... Đó là một bài học rất đắt giá cho Ignatius.
 
Ngày đầu tiên tại Thượng Hội Đồng Amazon: Nữ tu đánh giá cao sự can dự từng bước cao hơn của phụ nữ
Vũ Văn An
21:11 07/10/2019
Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Thượng Hội Đồng Amazon ngày 7 tháng 10, Nữ tu Alba Teresa Cediel Castillo, người Ba Tây, chứng minh các nữ tu đang ở tuyến đầu tại Amazon.



Theo tường thuật của Deborah Castellani Lubov của Zenit, vị nữ tu này nói “sự tham dự của chúng tôi trong tư cách phụ nữ, như người ta nói trong tiếng Ý, là piano, piano . . . Chúng tôi bước 'từng bước một' hướng về một Giáo Hội biết nhìn nhận chúng tôi, vì sự hiện diện của phụ nữ tại vùng Amazon thực sự rất lớn”.

Bà hết lòng cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã lưu tâm tới vùng này, cả việc ngài từng bước, nhưng luôn lớn hơn, đem các phụ nữ vào diễn trình Thượng Hội Đồng Giám Mục và lưu tâm đến thực tại nữ tu ở Amazon.

Nhưng bà cho hay “điều đáng lưu ý nhất là việc tham gia của các dân tộc bản địa. Mọi người bản địa: trẻ em, người trẻ, người trưởng thành bất cứ chúng tôi đi đâu, đều lắng nghe một cách thanh thản, cảm nhận mình là chủ thể của việc tiến bước theo tinh thần đồng nghị, một điều được chính Đức Giáo Hoàng mong muốn”.

Bà tường thuật như sau về chính các hoạt động của các nữ tu tại vùng Amazon: “Tôi xin nói với qúy vị từ kinh nghiệm của chính tôi: có nhiều nữ tu trong Hội Dòng đã sống ở vùng Amazon, và chúng tôi thực hiện được nhiều công trình đáng lưu ý tại Anazon. Từ các nữ tu trẻ, tới các nữ tu cao niên hơn và bệnh hoạn, tất cả đều góp ý kiến và chúng tôi trung thành trong việc thu lượm mọi thứ thông tin thuộc loại này và gửi về Thượng hội đồng”.

Bà cho hay có rất ít linh mục trong vùng và các ngài thường phải đi từ nơi này đến nơi khác, trong khi các nữ tu đóng trụ thường xuyên tại một địa điểm. Họ hiện diện trong các dự án giáo dục, y tế và phát triển của các cộng đồng địa phương.
Bà nói: “Chúng tôi làm gì? Thì làm điều một phụ nữ có thể làm nhờ Phép Rửa của mình, trong tư cách linh mục phụ nữ, nữ hoàng và tiên tri. Chúng tôi đồng hành với người bản địa ở đó trong nhiều biến cố khác nhau, khi một vị linh mục không thể hiện diện được và một Phép Rưả cần đến, thì chúng tôi làm Phép Rửa. Nếu có khả thể một ai đó muốn kết hôn, chúng tôi cũng ở đó và làm chứng cho tình yêu của đôi lứa này. Và nhiều lần, chúng tôi còn phải nghe cả việc xưng tội nữa...

“Chúng tôi không ban ơn tha tội, nhưng, trong tận đáy lòng, chúng tôi khiêm cung cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho những người đàn ông và đàn bà đến với chúng tôi trong các tình huống bệnh tật, gần chết. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa Cha cũng hành động ở đấy”.

Vì thế, bà tóm tắt cho rằng, “sự hiện diện của phụ nữ tại Amazon rất lớn lao và mang lại hoa trái”, việc tham gia của họ vào đời sống Giáo Hội, theo ý kiến bà, phải lớn lao hơn nữa.

Nhưng cũng theo ý kiến bà, cần phải tiến từng bước, “chúng tôi sẽ tiến tới đó từng bước một”. Bà nói thêm “Chúng tôi không thể gây áp lực; chúng tôi không thể đấu tranh, không. Tôi nghĩ chúng tôi có thể làm thế qua việc đối thoại. Trong đối thoại, trong gặp gỡ, tôi tin từng bước chúng tôi sẽ đem lại câu trả lời cho điều Giáo Hội và thế giới đang yêu cầu chúng tôi”.

Bà nhắc lại “Nhưng chắc chắn chúng tôi quan trọng trong rừng Amazon, và chúng tôi đang ở đó”. Đối với các linh mục và giám mục, bà cho rằng, rất khó để tích cực hoạt động như thế “vì các ngài phải chăm sóc cho một đô thị rấr rộng lớn và các ngài phải đi đó đi đây, khắp khu vực Amazon mênh mông, nơi khoảng cách rất lớn và chi phí di chuyển rất cao”.
 
Đức Cha Tony Randazzo bác bỏ tin thất thiệt cho rằng các Giám Mục sắp giải thể các chủng viện tại Úc
Đặng Tự Do
22:03 07/10/2019
Một giám mục Công Giáo Úc đã bác bỏ các báo cáo được loan truyền trên các phương tiện truyền thông rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội đang xem xét một cuộc cách mạng triệt để trong việc đào tạo linh mục bắt đầu bằng việc xóa bỏ tất cả các chủng viện hiện nay.

Tuần trước, đã có các báo cáo xuất hiện trên một số tờ báo phát hành toàn quốc cho rằng các giám mục Úc đang xem xét một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với hệ thống đào tạo linh mục truyền thống để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Tờ The Age, trong báo cáo đưa ra hôm 26 tháng Chín, tung ra một tin hoàn toàn thất thiệt là các giám mục Úc đang “thảo luận về việc bãi bỏ hoàn toàn hệ thống chủng viện và thay bằng một mô hình học nghề linh mục rộng lớn hơn với những tương tác nhiều hơn với cộng đồng.”

Trong số báo được xuất bản vào ngày 8 tháng Mười, tờ Catholic Weekly, là tờ tuần báo chính thức của Tổng giáo phận Sydney, Đức Cha Tony Randazzo cho biết báo cáo này “không chỉ là không đúng sự thật, mà còn dựa trên những hiểu lầm nguy hiểm” về việc chuẩn bị cho chức tư tế ở Úc.

Đức Cha Randazzo, hiện là Giám Mục Phụ Tá của Sydney. Ngài từng là là cựu Giám Đốc chủng viện tổng giáo phận Adelaide. Ngài đang phục vụ trong một ủy ban được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cập nhật của Vatican trong việc đào tạo linh mục cho tám chủng viện của Australia.

Các báo cáo trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện sau cái gọi là một “cuộc điều tra” của tờ The Age và tờ Sydney Morning Herald về vai trò của các chủng viện trong tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ. Báo cáo này cho rằng “điều tra thân thế của các chủng sinh sơ sài, những bài học không đầy đủ về luật độc thân linh mục, và thừa tác vụ linh mục và một nền văn hóa coi rẻ phụ nữ” đã góp phần vào cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Đáp lại, Đức Cha Randazzo nói rằng “nhiều lời bình luận về tình trạng đào tạo tại các chủng viện” đã được đưa ra cùng với những hiểu lầm lớn dựa trên tình trạng ở nhiều thập kỷ trước. Hiện nay, “các chủng sinh đang tham gia vào phụng vụ ở các giáo xứ, các lớp dạy giáo lý và trong các trường học, trong những chuyến viếng thăm người bệnh và các nhà tù. Họ được tháp tùng bởi những nhà đào tạo, các tín hữu nam nữ, các linh mục”. Đức Cha lưu ý rằng đó là một phần trong tiến trình đào tạo các linh mục diễn ra trên toàn thế giới, hoàn toàn không có chuyện triệt hạ các chủng viện đi để thay thế bằng phương thức đào tạo này.

Đức Cha Randazzo nói với tờ Catholic Weekly rằng: “Tôi cảm thấy sởn gai ốc đối với những ai mô tả cuộc sống của các chủng sinh của chúng ta quá xa thực tế như vậy”.

“Khó khăn là có những người quan trọng đang đưa ra ý kiến từ bên lề, và ảnh hưởng đến dư luận và chính sách công cộng đối với việc đào tạo những người nam cho chức tư tế.”

Đức Cha nói tiếp rằng việc đào tạo tại các chủng viện, giống như tất cả mọi phần trong đời sống Giáo Hội, phải không ngừng được cải cách nhằm thanh lọc tinh thần và canh tân chính mình, nhưng “việc từ bỏ hoàn toàn một mô hình đã được thiết định của Giáo Hội sẽ không giải quyết được vấn đề gì.”

“Chúng ta không chuẩn bị mình để ngồi trong các định chế, nhưng là để trở thành các tuần canh loan báo Tin Mừng, được đào tạo với những con tim dành cho Chúa Kitô, cho việc chăm sóc cho những người nghèo, người cô đơn, bệnh tật, bị ruồng bỏ và những người bị thiệt thòi.”


Source:Catholic Weekly

 
Phiên họp toàn thể thứ hai của Thượng Hội Đồng Amazon
Vũ Văn An
22:56 07/10/2019
Theo tin Vatican News, chiều thứ Hai, Thượng Hội Đồng Amazon đã tổ chức phiên khoáng đại thứ hai để các nghị phụ thảo luận một số chủ đề chính. Nhân dịp này, các thành viên của Ủy Ban soạn thảo Tài Liệu Sau Cùng và Ủy Ban Thông Tin đã được bầu.



Bốn thành viên được bầu cho Ủy Ban và Đức Giáo Hoàng sẽ thêm 3 thành viên nữa trong những ngày sắp đến.

Các nghị phụ sau đó đã lần lượt đề cập đến các chủ đề:

Khí hậu

Các ngài suy tư về tầm quan trọng của người trẻ như những người chủ đạo trong cuộc đấu tranh chống lại việc thay đổi khí hậu, lấy nhà tranh đấu trẻ người Thụy Điển, Greta Thunberg, làm điển hình.

Các nghị phụ quả quyết rằng khí hậu là thiện ích chung cần được bảo vệ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Các ngài đề nghị chúng ta ngưng việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels), nhất là ở các nước đã kỹ nghệ hóa cao, vốn là những quốc gia gây ô nhiễm hơn cả.

Nước

Một diểm khác được các nghị phụ bàn thảo là cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước dưới đất khỏi bị ô nhiễm hóa chất do việc sản xuất của các công ty đa quốc. Các ngài đặc biệt nhắc đến kỹ nghệ khai mỏ hiện đang tác động lên các dân tộc bản địa. Các ngài cho rằng việc cứu nguồn nước này có thể giúp họ tiếp tục sống còn.

Quyền có nghi lễ riêng

Nói đến các nghi lễ bản địa, các nghị phụ nhắc đến việc Giáo Hội có thái độ khoan dung đối với mọi điều không liên hệ với dị đoan, miễn là nó có thể hoà hợp với tinh thần phụng vụ đích thực.

Các Bí tích

Cuối cùng, các nghị phụ thảo luận một trong các đề nghị trong Tài Liệu Làm Việc liên quan đến việc có sẵn các Bí tích ở những nơi rõ ràng thiếu linh mục.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Thêm Sức & Khai giảng năm học giáo lý
Văn Minh
08:11 07/10/2019
“Ra khơi cùng Đức Mẹ Lộ Đức” , là chủ đề năm học giáo lý 2019-2020 của đoàn thiếu nhi giáo xứ Vĩnh Hòa, được khai giảng vào lúc 7g00 sáng Chúa Nhật, ngày 06.10.2019, tại nhà thờ đá Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ.

Nghi thức khai giảng:

Mở đầu là nghi thức chào cờ, bài hát: “Tân hành ca” được các anh chị huynh trưởng giáo lý viên (GLV) cùng các em cất lên một cách mạnh mẽ và sốt sắng. Tiếp theo, các anh chị huynh trưởng mời gọi các em lập lại 10 điều luật của đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT).

Xem Hình

Sau nghi thức chào cờ, thay mặt cộng đoàn và các em thiến nhi, linh mục (LM) chánh xứ Gioakim Lê Hậu Hán ngỏ lời chào mừng Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn (ĐGM) - Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn - nhân dịp ngài về thăm mục vụ và ban bí tích Thêm Sức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ Vĩnh Hòa. Sau đó, LM Gioakimđánh một hồi trống vang lên như thúc giục các em bước vào năm học giáo lý mới với hòa khí vui tươi cùng với ước mong có được mộtkết quả tốt đẹp.

Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức:

Đúng 7g10, ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn đã chủ sự Thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi và khai mạc tháng Mân Côi. Đồng tế với ngài có LM Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa, LM Antôn Nguyễn Thanh Hà, Dòng Ngôi Lời, LM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, và LM Gioakim Trần Văn Ngọc, Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đến tham dự Thánh lễ có gần 400 em thiếu nhi trong các lớp giáo lý, bố mẹ đỡ đầu cùng quí vị phụ huynh và cộng đoàn giáo xứ ngồi kín trong và ngoài sân nhà thờ.

Trước Thánh lễ, đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) và các em sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức trong trang phục mới trắng tinh với nến sáng trên tay, đã rước đoàn đồng tế từ dưới hội trường lên thánh đường trong sự hân hoan chào đón của các bậc phụ huynh và cộng đoàn.

Đầu lễ, LM Gioakim một lần nữa ngỏ lời chào mừng ĐGM Louis, quý LM đồng tế, cùng cộng đoàn đã qui tụ về ngôi nhà thờ đá Vĩnh Hòa thân thương nhỏ bé để cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Nhân dịp này, ngài cũng giới thiệu đôi nét về giáo xứ Vĩnh Hòa lên ĐGM cùng cộng đoàn.

Giáo xứ được thành lập vào tháng 06 năm 1991, do LM Giuse Trần Văn Nghị, chánh xứ tiên khởi, có 4 giáo họ, 18 hội đoàn tông đồ đạo đức, 360 em thiếu nhi, cùng với số giáo dân là 3700 nhân khẩu.

Sau bài Tin Mừng, LM chánh xứ giới thiệu danh sách 51 em (18 nam và 33 nữ), lên ĐGM Louis sau thời gian học giáo lý đã đạt kết quả tốt và xin ngài ban bí tích Thêm Sức cho các em.

Trong phần giảng lễ, ĐGM Louis đã chia sẻ cho các em thiếu nhi cùng cộng đoàn: “Hôm nay các con được lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần một cách dồi dào, vậy các con hãy sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để các con cùng nhau ra đi làm chứng nhân cho Đức Kitô giữa môi trường sống của mình”. Đặc biệt hôm nay, giáo xứ chúng ta khai mạc năm học giáo lý với chủ đề “Ra khơi cùng Đức Mẹ Lộ Đức”, đây cũng là lời Mẹ Maria mời gọi chúng ta hãy siêng năng lần hạt kinh Mân Côi mỗi ngày qua Mầu Nhiệm Năm sự Vui, Năm sự Sáng, Năm sự Thương, và Năm sự Mừng. Thật vậy,tràng chuỗi kinh Mân Côi chính là phương thế giúp người tín hữu vượt qua những thử thách, cám dỗ trong cuộc sống, và đó cũng là sự biểu hiện đức tin và cùng nhau ra đi truyền giáo với Mẹ giữa lòng thế giới hôm nay.

Sau bài giảng, các em được lãnh nhận bí tích Thêm Sức với nến sáng trên tay lập lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội; ĐGM đọc lời nguyện ban bí tích Thêm Sức cho các em. Sau đó, lần lượt từng em cùng cha mẹ đỡ đầu tiến đến trước mặt ĐGM để ngài xức dầu Thánh trên trán và chúc ban bình an cho các em.

Kế đó, ĐGM trao Bằng Bổ nhiệmcho anh Vicente Nguyễn Sĩ Huy, Đoàn trưởng, chị Cêcilia Trần Thị Hòa, Đoàn phó, anh Gioan Baotixita Nguyễn Vĩnh Huy, Đoàn phó, anh Martinô Phạm Nguyễn Công Danh, Đoàn phó, chị Têrêsa Nguyễn Thị Hồng Vân, Thư ký, và chị Maria Nguyễn Thị Cát, Thủ quỹ Đoàn TNTT nhiệm kỳ 2020 – 2024.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An, thay mặt HĐMVGX và quý vị phụ huynh lên cảm ơn ĐGM, các LM, quý chức HĐMVGX và cộng đoàn đã cùng nhau tổ chức cho Thánh lễ được diễn ra trang nghiêm và sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, bó hoa tươi thắm được các em thiếu nhi dâng lên ĐGM cùng các LM trong tiếng pháo tay giòn giã của các em và cộng đoàn.

Đáp từ, ĐGM bày tỏ niềm vui khi về thăm giáo xứ Vĩnh Hòa, và chúc cho các em thiếu nhi trong năm học giáo lý được vui tươi thánh thiện, chúc các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức được thêm đức tin thêm nhân đức, chúc cho cộng đoàn luôn hiệp nhất yêu thương, và cộng tác với LM chánh xứ trong mọi công việc để đưa giáo xứ ngày một phát triểnnhư lòng Chúa ước mong.

Thánh lễ khép lại lúc 8g30. Sau Thánh lễ, ĐGM, các LM, cùng các em chụp chung tấm hình kỷ niệm ngay trước thềm cung thánh.

Trước khi ra về, các anh chị huynh trưởng trao cho mỗi em lãnh nhận bí tích Thêm Sức một phần quà của giáo xứ.
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi Úc Châu, tại Brunswick, Australia
Tô Tịnh
22:06 07/10/2019
Trong nắng ấm của mùa Xuân mới về với nước Úc, một châu lục phía nam bán cầu mà thời tiết bốn mùa đảo ngược với các nước ở bắc bán cầu… Trong khi các nước bắc bán cầu vào Đông thì Úc châu bước vào mùa Xuân với hoa nở cỏ cây xanh lá nắng ấm… Hội Mân Côi tại giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick sửa soạn tâm hồn trong hai ngày tĩnh tâm vừa qua 4 và 5/10 do linh mục Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb giảng thuyết cho ngày mừng lễ Mẹ Mân Côi vào Chúa Nhật 6/10/2019 hôm nay.

Hội đã long trọng cử hành lễ Mân côi với giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ chiều và 5 giờ cung nghinh kiệu Mẹ Mân côi từ Trung tâm Thiên Ân vào thánh đường…

Trước thánh lễ tất cả được mời gọi lên dâng hoa và dâng mình tận hiến cho Mẹ, và các em dâng tràng chuỗi lên Mẹ hầu đáp lại lời mời gọi khi Mẹ hiện ra tại Fatima “Hãy tận hiến và siêng năng lần hạt Mân Côi… Cầu nguyện cho Hòa bình thế giới”… Sự hiện diện trong thánh lễ hôm nay có những linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb, Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb, Vincent Lê Thành Nhân, Phêrô Phăm Văn Ái SJ, Phạm Đình Lĩnh SVD, Năng Kim Luân, Lazarus Phạm văn Tạo, Nguyễn Đức Linh SVD, Lm Sebatian (East keilor) và Phó tế Simon SVD.

Sau thánh lễ tất cả được mời qua Hội trường giáo xứ để chia sẻ đồ ăn thức uống và hàn huyên tâm sự.
 
Văn Hóa
Câu chuyện truyền giáo : Hoà Lan : Sức mạnh chuỗi Mân Côi
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
08:39 07/10/2019
Câu chuyện truyền giáo : Hoà Lan : Sức mạnh chuỗi Mân Côi

Tháng 10 lại về với những cơn mưa nặng hạt ở Âu châu vì buớc vào mùa Thu và vài cơn bão xảy ra ở châu Á và Việt Nam khiến đến bây giờ nhiều nơi vẫn còn ngập lụt vì triều cuờng lên như ở Sài Gòn Việt Nam làm nhiều nguời cảm thấy khó khăn trong cuộc sống.

Với nhiều nguời Công Giáo, tháng 10 còn được gọi là tháng Mân Côi, tháng kính Đức Mẹ và cao điểm đó là ngày 13.10- kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima nuớc Bồ Đào Nha. Tuy nhiên rất ít người biết đến nguồn gốc của chuỗi Mân Côi và nhiều khi nhầm lẫn giữa Mân Côi, Môi Khôi, Mai Khôi hay Vân Côi thì từ nào là đúng dù họ vẫn hiểu man mán là đọc kinh hay lần hạt. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lệ thuộc vào từ ngữ mà điều quan trọng chúng ta cần biết là khi chúng ta lần hạt, chúng ta đang cùng với Mẹ Maria ca tụng Thiên Chúa và cầu nguyện cho thế giới. Bởi thế, chuỗi Mân Côi rất quan trọng trong đời sống của các tin hữu. Thánh Đaminh, vị sáng lập của Dòng giảng thuyết đã từng nói: Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân côi.

Tháng Mười còn có một sự kiện đáng lưu ý nữa, đó là ngày cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, quen gọi là “Khánh Nhật Truyền Giáo”, được cử hành vào Chúa Nhật thứ III trong tháng, năm nay là Chúa Nhật 20 tháng 10. Cùng với việc cầu nguyện và lạc quyên cho quỹ loan báo Tin Mừng của Tòa Thánh, chúng ta được mời gọi suy tư về sứ mạng loan báo Tin Mừng, sứ mạng diễn tả bản tính của Giáo Hội.

Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud (được Đức Thánh Cha Biển Đức XV ban hành năm 1919) là Tông Thư bàn về sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô và Bộ Phúc m Hóa Các Dân Tộc đã đề nghị dành tháng Mười để suy tư, cầu nguyện đặc biệt (hay ngoại thường) cho sứ mạng này, nhằm thúc đẩy dân Chúa ý thức hơn về việc canh tân đời sống và quy hướng hoạt động mục vụ của Giáo Hội về sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Sứ điệp Truyền giáo năm nay mang chủ đề: “Được rửa tội và được sai đi – Người tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng”. Sứ điệp nhắc nhở chúng ta rằng mọi Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy đều được sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (x. Mc 16,15). Không ai được viện bất cứ lý do nào để miễn chuẩn sứ mạng này.

Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu thi hành trước, rồi trao cho các Tông đồ và Giáo Hội qua lệnh truyền: “Các con hãy đi khắp muôn dân, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15). Đức thánh giáo hoàng Phaolo VI đã từng nói trong Tông Huấn Loan Báo Tin mừng rằng Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúng ta phải rất hãnh diện được cộng tác vào sứ mạng cao quý này. Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết: “Mỗi người là một sứ mạng” (EG 273). Ngài muốn nói lên sự gắn bó mật thiết của mỗi Kitô hữu với Chúa và sứ mạng này.

Nhìn vào thực tế, sứ mạng loan báo Tin Mừng xem ra chưa được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta chỉ mới giữ Đạo cho mình. Có những người vì hoàn cảnh thời cuộc đã lơ là, xa rời việc giữ Đạo, mà chúng ta vẫn dửng dưng, không chút quan tâm. Nhiều nuớc u châu, nguời ta không còn xem việc bỏ lễ ngày Chúa Nhật là tội trọng vì nguời ta đâu còn đi xưng tội nữa. Nhiều nguời Việt sống ở hải ngoại lúc đầu còn áy náy vì không đi lễ Chúa Nhật do không có phuơng tiện hay do thời tiết. Nhưng dần dần họ xem việc bỏ lễ Chúa Nhật cũng là chuyện bình thuờng vì họ cũng bị nhiễm cách sống của nguời châu u. Như thế, bản thân mình chưa sống đạo thì làm sao có thể nói cho nguời khác biết về Chúa, về đạo mà chúng ta tin thờ! Thánh Giêrônimô mà chúng ta mừng lễ ngày 30 tháng 9 vừa qua đã từng nói: "Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô". Có những người chưa hề biết Đức Giêsu và Tin Mừng của Người, vì họ không được ai giới thiệu. Nếu chúng ta là nguời Công Giáo mà không biết Ngài vì chúng ta không đọc Kinh Thánh để hiều về Ngài, về Tin Mừng của Ngài thì làm sao chúng ta có thể nói cho nguời khác được.

Bản thân chúng tôi từ ngày đặt chân và làm việc ở xứ sở văn minh này như một linh mục truyền giáo, trong lòng không cảm thấy bình an vì mọi thứ duờng như đều được lập trình sẵn và làm gì cũng cần phải báo cáo, xin phép. Làm việc truyền giáo mà thiếu đi sự tự do thì không thú vị chút nào. Lắm lúc mình muốn làm điều gì đó đem lại ích lợi cho mọi nguời nơi mình làm việc nhưng lại sợ mắc lòng đấng bề trên, và nhiều khi trong hàng giáo sĩ cũng còn có sự nghi kỵ, ganh đua. Có những nguời ngoài mặt thì họ tỏ ra vui vẻ, lịch thiệp nhưng trong lòng lại đầy thù hận, dối lòng. Chúng tôi cảm thấy rất thấy vọng khi gặp truờng hợp đó đã xảy ra với mình và mình muốn làm rõ mọi chuyện nhưng họ cứ tránh né. Thôi thì cứ chôn chặt vào lòng và sẽ cố gắng không làm phiền họ nữa. Nhiều lúc mình muốn quên đi cho thanh thoát cõi lòng nhưng sao mà khó quá. Chúa nói với Phêrô là tha thứ đến bảy muơi lần bảy, và khi mọi nguời gặp chuyện tâm sự với mình, thì mình khuyên nhủ nguời ta rất dễ dàng. Nhưng đến lượt mình thì lại bế tắc. Phải chăng mình còn quá hẹp hòi và cái tôi của mình quá lớn nên chỉ thấy cái rác trong mắt nguời khác trong khi cái xà to tuớng trong mắt mình thì lại làm ngơ! Nhiều đêm trằn trọc không ngủ vì nghĩ đến những chuyện đâu đâu và quên mất Lời Chúa dạy mình.

Nguời đời cứ nghĩ mấy ông đi tu thì suớng chẳng phải lo chuyện gì ngoài dâng lễ và kinh nguyện. Nhưng họ quên mất một điều là đi tu không hề dễ dàng tý nào vì ngoài việc chu toàn kinh nguyện và các bí tích, còn phải sống đời sống cộng đoàn như là một gia đình, nhưng gia đình này mình không có quyền lựa chọn mà bề trên sai mình sống ở đâu phải theo đó. Sống với nguời đồng huơng đã là khó, sống với người khác văn hoá, khác chủng tộc, khác ngôn ngữ thì khó hơn bội phần. Cuộc đời chúng tôi từ ngày đi truyền giáo đến giờ chỉ toàn sống với nguời ngoại quốc nên mỗi ngày phải học thêm văn hoá và luôn phải sống tôn trọng nguời khác vì lỡ nếu có điều gì sai sót sẽ làm ảnh huởng đến dân tộc mình. Nhiều lúc cũng cảm thấy buồn vì hình như hai phía không được hiểu nhau lắm khiến cộng đoàn giống như một ngôi nhà hoang vì chẳng ai nói gì. Nguời ở trong chăn mới biết chăn có rận nên chúng tôi rất cảm phục những gia đình sống hạnh phúc mấy chục năm dù biết rằng họ cũng chịu đựng nhau rất nhiều. Lâu lâu cũng có những tranh luận gay gắt nhưng vì chí huớng đời tu nên mỗi nguời đều nhuờng nhau một tý cho vui cửa vui nhà, vì nếu không những lời giảng của mình sẽ trở nên vô ích.

Là những nhà truyền giáo nên có những lúc chúng tôi được mọi nguời biếu tặng cái này cái kia cho cá nhân hay cho cộng đoàn qua những công việc chúng tôi giúp họ. Những vật phẩm nhỏ thuờng thì chúng tôi được phép sử dụng riêng nhưng cái gì lớn và quý giá chnúg tôi phải thông báo cho nhà Dòng. Chúng tôi rất thích bộ phim dài tập Bao Công Xử Án dù có nhiều hư cấu nhưng điều đó cũng muốn nói lên rằng từ ngàn xưa người ta cũng mong muốn có một vị thẩm phán công minh để diệt trừ bọn gian ác ăn trên ngồi chốc không coi ai ra gì. Bao Công với biệt danh là Thanh Thiên đã làm cho triều Tống nở mặt nở mày khi đã dám xét xứ ngay cả những hoàng thân, quốc thích của triều đình cũng như những tên quan lại độc ác, ức hiếp dân lành để làm cho quốc thái dân an. Và khi được triều đình tặng thuởng những báu vật do công trạng, nhưng ông đã nói với nguời cố vấn mình là Công Tôn tiên sinh hãy cất giữ những báu vặt ấy trong ngân khố vì ông cho rằng tặng phẩm có được nhờ chức vụ mà xem như của mình chính là điểm cuồng vọng tự đại công tư bất phân của quan viên bây giờ.

Ngày đầu tháng 10 chúng tôi lại nhận được tin một anh em linh mục trẻ cùng Dòng qua đời khi vừa tròn 43 tuổi, cái tuổi sung mãn và đầy hăng say của đời linh mục nhưng phải tạm dừng cuộc chơi. Người anh em này từng làm việc ở Papua New Guinea (PNG) được 1 năm nhưng do không hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên trở về Việt Nam. Tiếc thay cho nguời anh em này khi ông bà cố và họ hàng phải khóc cho người vắn số như em. Hiện diện trong thánh lễ an táng tại Nhà Chính ở Nha Trang có rất đông nguời, nhất là anh em linh mục đồng môn, trong khi đó ở Hoà Lan chúng tôi cũng đưa tiễn một anh em linh mục lão thành từng làm việc truyền giáo ở Congo 40 năm nhưng nguời tham dự chỉ khoảng 150 nguời. Cũng một kiếp nguời mà sống chết có sự khác biệt nhau nhưng không quan trọng về số luợng mà về chất luợng. Chắc chẳn một điều là trong ngày phán xét Chúa sẽ không hỏi chúng ta là làm đến chức gì và sống trên đời bao nhiêu năm, nhưng Ngài sẽ hỏi chúng ta là chúng ta đã làm gì cho Ngài với những nén bạc Ngài đã trao cho chúng ta.

Chúa Nhật XXVII thuờng niên vừa qua gia đình Lòng Chúa Thuơng Xót tại Hoà Lan tổ chức thánh lễ mừng kính thánh nữ Faustina- tông đồ của Lòng Chúa Thuơng Xót với sự hiện diện của đông đảo anh chị em từ khắp nuớc Hoà Lan và 5 linh mục đồng tế. Cha giảng lễ là một linh mục trẻ nguời Việt từng học hành ở đây trên 10 năm và có lối chia sẻ rất thực tế và dí dỏm. Ngài cũng nói về cuộc đời của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận cách say mê qua sự yêu mến và tin tuởng, tín thác tuyệt đối vào Chúa truớc những bất công, tàn bạo của nhà tù cộng sản như thánh nữ Faustina đã gặp phải trong cuộc sống chiêm niệm của ngài. Tin và tín thác là hai khía cạnh của cuộc sống nguời Kitô hữu trước bao sóng gió của cuộc đời và chính vì thế các tông đồ dù ở với Chúa và chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm nhưng vẫn phải thốt lên “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5tt).

Hôm nay là ngày lễ Mẹ Mân Côi và cũng là tháng truyền giáo. Lễ Mân côi và tháng truyền giáo tuy cách xa nhau lịch sử của ngày lễ, nhưng gắn liền với nhau về nội dung đó là lòng yêu mến Chúa của Mẹ Maria và sứ vụ ra đi đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần.

Nhớ lại những năm tháng khi còn làm việc ở Nam Mỹ, mọi nguời từ già đến trẻ rất thích ruớc kiệu và lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo khi chia các em thành 5 đội với 5 màu sắc khác nhau tuợng trưng cho năm châu lục. Ai cũng luyến tiếc quá khứ, nhất là quá khứ với những khoảng khắc đẹp. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy nhớ về những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm ở một xứ truyền giáo nghèo về vật chất nhưng tình nguời luôn tràn đầy và mình làm việc mà không hề bị bất kỳ áp lực nào.

Thánh Anphong- Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế từng nói: “Nhờ kinh Mân côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người nhờ kinh Mân côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh”. Chính chuỗi Mân Côi là vũ khí sắc bén để cứu bao linh hồn và hoà giải biết bao gia đình bên bờ vực thẳm, cũng như giúp công việc truyền giáo của Giáo Hội ngày càng tốt hơn. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng luôn xin chúng ta cầu nguyện cho ngài với lời kinh Mân Côi.

Chuỗi Mân Côi là mối dây liên kiết với Mẹ vì Mẹ luôn nhắn nhủ con cái Mẹ siêng năng lần hạt Mân Côi để cứu rỗi thế giới. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Mân Côi để qua lời cầu nguyện từ mẫu của Mẹ, Mẹ sẽ giúp cho Giáo Hội trở nên một nhà cho nhiều người, một người Mẹ cho tất cả các dân tộc vì ai cũng gọi Mẹ là Mẹ. Xin Mẹ luôn phù hộ cho chúng con đang gặp buớc lầm than trên chốn đời tạm này được vuợt qua mọi khó khăn thử thách để về đến nơi bình an. Nữ Vuơng rất thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.

Hòa Lan, 07 tháng 10 năm 2019- lễ Đức Mẹ Mân Côi,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang
 
Lá thư Canada : Lễ Tạ Ơn 2019
Trà Lũ
16:42 07/10/2019
Tin thời sự quan trọng nhất trong tháng là kỳ bầu cử liên bang Canada lần thứ 43 sẽ diễn ra ngày 21 tháng 10 này. Bây giờ đang là thời gian vận động bận rộn nhất của 5 chính đảng : Đảng Tự Do, Đảng Bảo Thủ, Đảng Tân Dân Chủ, Đảng Người Quebec và Đảng Xanh. Hiện nay Đảng Tự Do (Liberal) đang nắm chính quyền với 177 ghế quốc hội, Đảng đối lập là Đảng Bao Thủ (Conservative) với 95 ghế. Sau ngày bầu cử đảng nào nhiều phiếu nhất sẽ nắm chính quyền và đảng trưởng sẽ là thủ tướng. Xưa nay vẫn hai đảng Tự Do và Bảo Thủ dành nhau lập chính phủ. Theo báo chí thì Đảng Xanh (Green) tức là đảng chú trọng về trồng cây xanh cho môi trường có thể sẽ lên tới hạng 3. Hiện nay chính quyền liên bang đang phát triển hệ thống dẫn dầu Trans Mountain từ Alberta sang miền British Columbia ở phiá tây để bán dầu cho các hãng ngoại quốc nhất là Hoa Kỳ, nhưng dự án này bị nhiều người phản đối vì làm hại môi trường. Để giải quyết vấn đề môi trường, bịt miệng đảng đối lập, cũng như vận động cho cuộc bầu cử sắp diễn ra, đảng cầm quyền hiện nay vừa ra thông cáo : Nếu tái đắc cử thì chính quyền đảng Tự Do sẽ cho trồng thêm 21 tỷ cây xanh trong thập niên sắp tới cộng với 600 triệu cây xanh trồng hàng năm. Thủ tuớng Trudeau đưa ra lời tuyên bố trồng nhiều cây này sau khi gặp cô Thụy Điển Greta Thumberg. Các cụ biết cô bé 16 tuổi này chứ. Cô bé tuy bệnh tật về thể xác nhưng tâm trí không hề bệnh. Cô thấy hầu như thế giới người lớn toàn cầu không mấy quan tâm tới việc biến đổi khí hậu, cho nên cô cất tiếng nói. Lời phát biểu của cô như có phép thần khiến cả thế giới đã lắng nghe . Cô đã được mời nói ở LHQ ngày 23 tháng Chín vừa qua, đã được Đức Giáo Hoàng chào đón ở Roma, đã được tuần báo Time số tháng 5 chọn đăng hình trên bià báo, đã được thủ tướng Canada chào mừng ở Montreal trong cuộc diễn hành vì khí hậu. Vì cuộc gặp gỡ tuần hành này mà thủ tướng Canada làm dự án trồng 21 tỷ cây xanh. Xưa nay Canada vốn qúy cây xanh, nhà ai có cây cao trên 20 thước mà muốn chặt thì phải xin phép chính quyền, các cụ có thấy nước nào mà bảo tồn cây xanh kỹ như vậy không ? Chỉ tội cho quê hương VN, nghe nói ở VN bây giờ, CSVN cho chặt cây xanh không tiếc tay , nhiều người thấy những cây cao bóng mát bên đường bị chặt thì đều tiếc ngẩn ngơ. Chính vì chặt nhiều cây như vậy mà đầu tháng 10 này thành phố Hà Nội đã bị chìm trong bầu không khí mù mịt ô nhiễm, và mưa lụt làm Hà Nội biến ra Hà Lội.

Nhân nói tới Cô gái trẻ 16 tuổi Greta đang làm nên lịch sử, tôi liền nhớ tới anh Joshua Wong của Hong Kong. Tôi cho đây là một anh hùng kiệt xuất, anh dám lãnh đạo triệu người biểu tình đòi Tàu Cộng phải tôn trọng tự do dân chủ của người dân, anh đã được quốc hội Hoa Kỳ và nhiều yếu nhân thế giới đón tiếp trọng thể và lắng nghe. Thế nhưng CSVN vì bênh TC nên đã lên tiếng miệt thị Anh. Tờ báo Quân Đội của VC gọi Anh là ‘ tên nhãi ranh mặt dơi mõm chuột không lo học hành mà đã bị bọn phản động nước ngoài giật giây, huyễn hoặc mình là anh hùng dân tộc...’ Thật là hết ý. Không ngờ VC hèn đến như vậy.

Cuối tháng 9, Toronto đã có mấy ngày xuống đường ủng hộ anh Joshua Wong và chống TC . Điều làm tôi giât mình nhất là ngày 28 tháng 9, ngày TC xin được kéo cờ trước toà nhà quốc hội Ontario. Đây là cột cờ danh dự, chỉ dành cho các ngày lễ đặc biệt. Bữa đó, TC kéo cờ Tàu lên nhưng lá cờ đỏ bị vướng ở giữa không kéo lên cao được, lá cờ ủ rũ như lá cờ tang ! Tháo lên tháo xuống mãi mới xong. Ai cũng bảo đây là điềm gở. Rồi ngày 30 tháng 9, áp ngày quốc khánh TC, Tàu xin đưọc kéo cờ trước toà đô chính, nhưng ông đô trưởng không tới dự lễ chào cờ vì ông ủng hộ dân biểu tình ở Hong Kong của Joshua Wong. Cộng đồng VN với cờ vàng cũng đã tham dự với những đoàn người chống TC khác đứng đối diện với nhóm cờ đỏ.

Joshua Wong của Hong Kong và Greata Thunberg của Thụy Điển làm tôi nhớ tới lớp trẻ VN đang lên, cũng là những ngôi sao sáng hiện nay, như nhà văn trẻ mới 30 tuổi đoạt giải ‘Thiên Tài về Văn Chương Mỹ 2019’. Đó là Anh Vương Quốc Vinh tên Mỹ là Ocean Vuong. Anh là dân VN tỵ nạn chứ không phải sinh đẻ ở Mỹ. Anh lãnh giải thưởng 625.000 mỹ kim của Quỹ MacArthur.

Các bạn tôi cho biết hiện nay giới trẻ VN ở Mỹ học hành rất xuất sắc, được rất nhiều giải thưởng và lời ca ngợi. Chẳng hạn chỉ riêng hệ thống Đai Học California, California State University, có 3 ngôi sao này : Hickry Nguyen ở East Bay, Jennifer Phan ở Fresno, Amy Vu ở Fullerton. Các bạn trẻ này làm chúng ta hãnh diện và sung sướng qúa. Đó mới chỉ là ở California thôi, chứ các nơi khác còn nhiều tinh hoa Việt lắm. Hãy cố nữa lên các em. Hãy là những Greta của Thụy Đển và Joshua của Hong Kong.

Xin trở về phần thời sự. Tin số 2 là số người ở Mỹ vượt biên giới phía bắc sang Canada tỵ nạn gia tăng đáng kể. Từ đầu năm tới nay con số vượt biên này lên tới 39,705 người. Họ lên Canada phần lớn là những di dân đã trốn lậu vào Mỹ , hoặc làm ăn ở Mỹ không thành công nên sang Canada để thử thời vận mới. Nơi họ đến nhiều nhất là Toronto, và Vancouver ở miền tây. Theo báo ‘The Economist’ uy tín quốc tế công bố kết quả điều tra năm nay thì Toronto là thành phố an toàn nhất thế giới vừa về an ninh xã hội vừa về y tế bảo hiểm sức khoẻ.

Tin thời sự tiếp theo vẫn là tin Cụ Trump bên Mỹ và cuộc bầu cử sắp diễn ra sang năm. Để vận động bầu cử, đảng Dân Chủ đang cố gắng đánh ngã Cụ Trump với chiêu bài luận tội và truất phế. Bạn bè tôi ai cũng thắc mắc : quốc gia Mỹ hiện có bao nhiêu vấn đề cần phải bàn cãi như văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng mà họ không đem ra tranh luận mà chỉ nghe Đảng Dân Chủ chửi Cụ Trump trong khi Cụ làm được bao nhiêu kỳ công. Nhiều lắm, chỉ xin nói việc gần nhất là việc Cụ đọc diễn văn tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng Chín vừa qua. Thật tuyệt vời. Đây là một bài giá trị, đầy tính thuyết phục và hùng biện. Hội đồng đã vỗ tay bao nhiêu lần vì cụ nói có sách mách có chứng, ngôn từ trí thức và đầy chất văn hóa. Cụ kết bài với lời công khai ca ngợi Thiên Chúa và xin Thiên Chúa phù hộ nước Mỹ, God bless America.

Phe Dân Chủ nín thinh về bài diễn từ sáng giá này. Họ muốn tìm những điều sai để chỉ trích và để truất phế mà không tìm được.

Cũng trong dịp này, ngài ngoại trưởng ngoại giao kiêm phó thủ tướng VN Phạm Bình Minh có bài phát biểu. Ông nói tới Biển Đông, tới những rắc rối, có ý tố cáo Trung Cộng nhưng không dám nói rõ tên vì sợ. CSVN cũng không dám kiện TC nơi toà án quốc tế, cũng vì sợ. Sao mà hèn thế ! Có tin nói rằng VC đang lấy lòng Ấn Độ để mong kéo Ấn Độ vào phe mình.

Nghe đến đây thì ông H.O. trong làng giơ tay xin phát biểu : Tuần qua khi đọc tin này trên báo, tôi căm giận giặc Tàu quá. Mà mỗi lần căm giận Tàu Cộng, máu trên đầu bốc lên hừng hực, tôi thường bị mất ngủ. Giận và hận quá. Ông bồ chữ ODP bèn lên tiếng : Mỗi lần thấy VC hèn với giặc như vậy, ai cũng giận, giận VC và hận TC. Để tránh mất ngủ , tôi xin mách anh một toa thuốc : Anh hãy lên mạng tìm các cuộc đấu võ của Cung Lê với các võ sĩ Tàu. Anh biết ông võ sĩ người Mỹ gốc Việt này chứ. Ông này nổi tiếng gần như Mike Tyson. Trên mạng có những cuộc tỉ thí giữa nhiều võ sĩ quốc tế, Cung Lê có nhiều trận đấu rất đẹp mắt. Xem những trận Cung Lê hạ đo ván anh võ sĩ Tàu, mình thấy sướng và vui vô cùng. Sau Cung Lê còn Martin Nguyen, cũng nổi tiếng. Gần đây nhất, ngày 11.9.2019, trong giải Asia Championship, Võ Sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất đã hạ đo ván ngay ở hiệp nhì anh võ sĩ vô địch cuả Tàu tên Huang Guang Wan. Thấy anh võ sĩ Tầu nổi tiếng này bị võ sĩ VN đánh bại, nằm bẹp trên sàn xuội lơ, cả đấu trường đã vỗ tay ca ngợi rất to và rất lâu, còn tôi thì vui mừng hết sức, bao nhiêu mệt nhọc tan biến ngay tức thì. Tôi có ghi vào CD, mỗi lần ghét và giận Tàu là tôi mở đĩa ra coi, các võ sĩ VN đánh gục Tàu đã mang lại niềm vui lớn và giấc ngủ rất ngon cho tôi. Xin mách các bạn toa thuốc ngủ thần diệu này nha.

Tới đây thì bà cụ B.95 trong làng lên tiếng xin làng đừng kể chuyện VC và TC nữa vì bà cụ xưa nay bị dị ứng về đề tài này. Theo thói quen đã thành lệ, bà cụ cầu cứu anh John. Anh John bao giờ cũng chiều cụ, bao giờ anh cũng mang tiếng cười ra để làm tan đi những chuyện về cộng sản. Anh bèn khoe : Cháu vừa học được hai tiếng VN mới, nghe rất buồn cười. Tiếng thứ nhất là tiếng ‘ca nô’. Xưa nay tiếng ca nô, gốc tiếng Pháp canot, dùng để chỉ cái tàu máy nhỏ chạy trên sông. Thế mà báo chí khi nói về anh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từ trong nước ra hải ngoại hát, đã gọi anh ta là ca nô Đàm Vĩnh Hưng. Cháu tìm hiểu thì được biết đây là hai tiếng gọi tắt, từ ‘ ca sĩ gia nô ‘, ý nói anh này là gia nô VC . Lấy chữ đầu và chữ cuối ghép lại. Vui ha.

Tiếng thứ hai là ‘tổng tịch’ để gọi ngài Tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Báo chí lấy chức Tổng bí thư ghép với chức chủ tịch, tiếng đầu ghép với tiếng cuối thành Tổng Tịch, giống như từ ca nô trên . Cái tên tổng tịch này nghe buồn cười và hỗn láo qúa vì dám xúc phạm tới nhân vật số 1 . Xưa nay tại VN chỉ có 2 người kiêm nhiệm vừa chức tổng bí thư vừa chức chủ tịch là Bác Hồ Chí Minh và Bác Nguyễn Phú Trọng. Nay có tên mới là Tổng tịch Hồ và Tổng tịch Trọng. Báo chí láo qúa sức.

Ông bồ chữ ODP trong làng liền lên tiếng, hai tiếng ca nô và tổng tịch vừa gặp đây không có gì là mới mẻ cả. Cứ xem cái tên Việt Minh của đảng CSVN thì rõ, vì ngay ban đầu, trong ngày thành lập đảng 19-5-1945, tên đảng là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh . Chính các đảng viên đã chọn tên tắt là Việt Minh, lấy chữ đầu và chữ cuối ghép lại. Họ có thói quen nói tắt mà.

Cụ B.95 lại lên tiếng : Tôi kỵ nghe kỵ nói về CS, anh vẫn còn kể chuyện cười về CS. Anh sang đề tài khác đi. Anh John xin vâng và kể ngay : Nhân đang nói về sự nói tắt, cháu xin kể chuyện này không dính gì tới ca nô hay tổng tịch. Đó là trong tiếng Miền Nam của vợ cháu, khi nói về ngôi thứ ba, như ‘ông ấy’ thì người Nam nói ‘ổng’, ‘bà ấy’ thì nói ‘bả’, ‘anh ấy’ thì nói ‘ảnh’, ‘chị ấy’ thì nói ‘chỉ’... thế nhưng không ai nói ‘em ấy’ là ‘ẻm’, ‘cậu ấy’ là cẩu ; ‘con ấy’ là ‘cỏn’ ! Lạ ha.

Cả làng tôi đã phá ra cười về cái láu lỉnh của anh John. Thấy đưọc khen nên anh John sinh hứng bèn nói tiếp : Lần trước khi bàn về lịch sử Việt Nam tôi có nói là ngày xưa ban đầu thì người đàn bà VN là vua đất nước, như bà u Cơ hay bà Trưng bà Triệu, và trong gia đình, đàn bà chỉ huy hết mọi sự, cho nên tên đồ vật đều có chữ CÁI chỉ phái nữ chứ không phải chữ CON (chỉ phái nam) như cái nhà, cái bàn cái ghế, cái đứa con... Ngay tên anh con trai thì không phải chỉ đơn thuần gọi là ‘con trai’ mà là ‘cái anh con trai’. Hôm nay tôi xin tiếp nối cái ý đó, bàn về đàn bà làm chủ, để bàn về mấy tiếng có chữ MẸ.

Khi bàn về ngôn ngữ chính của một nước, ta nói ‘ tiếng MẸ đẻ’,

Khi bàn về lãnh thổ quê hương, ta nói ‘Đất MẸ’ ,

Khi bàn về sự giáo dục trong gia đình, ta nói ‘ Lời MẸ dặn,

Trong ngôn ngữ bình dân, tiếng MẸ lúc nào cũng nói lên một điều êm ái, đáng yêu, như : Mẹ tròn con vuông, Mẹ hát con khen, Mẹ già như chuối chín cây, Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể...

Cũng trong ngôn ngữ bình dân, khi nói về cái gì qúa sức, ta nói ‘thấy MẸ’ như ngon thấy mẹ, đẹp thấy mẹ, hay thấy mẹ, vui thấy mẹ...

Nói xong về tiếng MẸ, anh John xin kể chuyện cuối cùng : Cháu vừa đọc trên báo tháng Chín vừa qua tin này cũng nói về sức mạnh của đàn bà. Đó là chuyện ở Saigon, quận 8, có cặp vợ chồng sồn sồn kia đang ăn cơm thì một anh công an đến nhà đọc lệnh bắt chồng lên quận. Bà vợ là Nguyễn thị Hồng nghe xong thì tức qúa, bảo anh công an là không lịch sự, không kính trọng bữa ăn của nhân dân. Hai bên lời qua tiếng lại chửi nhau. Bà Hồng tức quá, liền tiến lại gần anh công an, thấy anh không có khí giới, bà liền đưa tay bóp dế anh này, tức là bóp cụ Hồ của anh ta nói theo kiểu mấy dân Bắc Kỳ Ri Cư hồi 1954. Anh này bị bóp đau quá đã thét lên rồi chạy ra xe. Chuyện chỉ có vậy, nhưng đây là kinh nghiệm về tự vệ cho phe các bà nha. Mình không có súng thì mình có 2 bàn tay, nhớ bóp cụ Hồ cho mạnh cho nhanh nha. Cam đoan thành công.

Phe các bà nghe xong thì cười rú lên. Phe liền ông trong làng không có ý kiến gì. Chị Ba Biên Hòa cười xong thì xin cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng. Cụ nói ngay: Thôi, xin chấm hết chuyện bóp Cụ Hồ. Tháng 10 này Canada có Lễ Tạ Ơn, chúng ta nhớ đội ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta đến được xứ sở thần tiên này, và chúng ta nhớ nhắc cho con cháu biết ơn đất nước Canada đã tiếp rước và giúp đỡ chúng ta. Việc này làm lão nhớ tới chuyện người Da Đỏ. Họ chính là chủ nhân miền đất này. Theo sử, người da trắng từ phương xa đến đây đã được người Da Đỏ đón tiếp và giúp đỡ định cư. Sách còn ghi chuyện ông tây Jacques Cartier và đoàn tùy tùng đến thám hiểm đất Canada ở thượng lưu sông St-Laurent miền Quebec năm 1534. Ông gặp một nhóm người da đỏ tộc Iroquois thổ dân ở đây, ông liền cất tiếng hỏi, nhưng hai bên không hiểu nhau. Người da dỏ tưởng mấy ông da trắng này hỏi nhà mình ở đâu nên đã chỉ mấy túp lều của họ và trả lời ‘Kanata’. Kanata có nghĩa rằng cái nhà chúng tôi ở kia. Ông Cartier lại nghĩ miền này tên là Kanata, nhưng vì tai ông nghễnh ngãng ông đã ghi vào sổ là Canada. Tên quốc gia Canada có gốc từ đây.

Kể đến đây xong thì Cụ Chánh chỉ vào tôi , cụ vừa cười vừa nói : xưa nay nhóm của bác Trà Lũ này vẫn chủ trương người da đỏ có gốc VN, tổ tiên ngày xưa của họ chính là một số trong nhóm 50 con của Mẹ u Cơ . Mẹ dẫn các con lên núi, rồi tạt sang phía tây, khi đến eo biển Bering thì gặp đất Canada ngày nay. Tiếng Kanata mà họ vừa nói là tiếng Việt cổ, Kanata = cái nhà ta.

Chuyện này dài lắm, bao giờ có dịp, tôi sẽ xin kể và chứng minh hầu các cụ . Canada là đất của người Da Đỏ, là người anh em trong gia tộc Việt Nam chúng ta nha.

Toronto, mùa Lễ Tạ Ơn

TRÀ LŨ

 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô: Người Mỹ rơi lệ trước những lời tha thứ của một thanh niên da đen
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:34 07/10/2019
1. Những lời tha thứ làm rúng động nước Mỹ

Hôm 3 tháng Mười, một thanh niên da đen 18 tuổi đã làm rúng động nước Mỹ, và có thể còn xa hơn nữa, với thông điệp tha thứ của anh. Tất cả các kênh truyền hình lớn tại Hoa Kỳ đã ngưng các chương trình thường lệ để truyền đi diễn biến cảm động này.

Biến cố này đã diễn ra trong phiên tòa xét xử cô Amber Guyger, 31 tuổi, cảnh sát viên người da trắng, tùng sự tại sở Cảnh Sát thành phố Dallas. Ngày 6 tháng 9 năm ngoái, 2018, sau một ca trực kéo dài tới 15 giờ liên tiếp, cô mệt mỏi trở về căn nhà của mình ở lầu 4 một chung cư.

Vì lo nói chuyện điện thoại cho nên cô đã đậu xe ở garage của tầng thứ 3 và lầm lũi đi vào phòng của anh Botham Jean, là một căn phòng ngay dưới căn phòng của cô ở lầu 4.

Cửa không khoá cho nên cô Amber đã đi vào phòng dễ dàng và ngạc nhiên khi thấy anh Botham đang ngồi ăn kem trong phòng khách, cô liền rút súng ra.

Vì vừa mới đi từ ngoài sáng vào trong tối nên cô nhìn không rõ và phán đoán sai lầm phản ứng của anh Botham nên đã bắn hai phát súng trúng vào tim anh.

Botham Jean, 26 tuổi, người da đen, nhập cư từ đảo St. Lucia, là một nhân viên kế toán đã chết trong căn phòng của mình một cách bất ngờ, ngỡ ngàng không hiểu tại sao mình phải chết!

Trong bối cảnh căng thẳng vì vấn đề mầu da và vì tình trạng bạo hành của cảnh sát, phiên tòa xử cô Amber Guyger đã diễn ra hết sức căng thẳng.

Thoạt đầu công tố viện Dallas dự định đưa cô ra toà về tội ngộ sát. Nhưng các cuộc biểu tình phản đối dữ dội đã nổ ra. Vì thế, tội danh chính thức của cô là tội sát nhân với khung hình phạt có thể là chung thân.

Trước toà, cô Amber đã khai rằng cô hối hận và xin lỗi về sự lầm lẫn của mình và cho biết không một ngày nào cô tìm được bình yên được trong suốt cuộc đời cô. Tuy nhiên khi bị vặn hỏi là khi bắn một người như vậy thì lúc đó cô có ý gì, cô đã trả lời là bắn để giết.

Kết thúc 4 ngày xét xử, bồi thẩm đoàn đã nhất trí kết tội cô là ‘sát nhân’. Công tố viện đã đề nghị 28 năm tù nhưng bổi thẩm đoàn đã ân giảm xuống còn 10 năm tù.

Những gì xảy ra bên ngoài phòng xử án sau phán quyết chung thẩm rất căng thẳng. Nhiều nhóm bất mãn đã lên tiếng tố cáo là bất công, quá nhẹ, và nhiều người bà con của nạn nhân cũng lên tiếng là công lý chưa được thực hiện. Cảnh sát chống bạo động được tăng cường trước tòa và tại các vị trí trọng yếu trong thành phố để chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nhưng bên trong toà án thì một cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn đã xảy ra. Đây là một diễn biến mà những phóng viên kỳ cựu đã mô tả là chưa từng chứng kiến một sự việc cảm động như thế bao giờ.

Người em trai của Botham tên là Brandt Jean, 18 tuổi, khi được cho phép nói lên lời cuối với tội nhân, đã sử dụng thời gian đó tại tòa án để đưa ra một thông điệp tha thứ.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý:

Tôi không muốn nói hai lần hoặc hàng trăm lần cô đã lấy đi những gì, và bao nhiêu từ chúng tôi.

Tôi nghĩ rằng cô biết điều đó.

Nhưng tôi chỉ hy vọng rằng cô đến với Chúa với tất cả mọi tội lỗi và tất cả những gì tôi nghĩ là xấu xa mà cô đã từng làm trong quá khứ.

Ai trong chúng ta cũng có thể đã làm một cái gì đó chúng ta không nên làm.

Nếu cô thực sự hối hận. Tôi biết tôi có thể nói về phần tôi là tôi tha thứ cho cô.

Và tôi biết nếu cô đến với Chúa và xin Ngài tha thứ thì Ngài sẽ tha thứ cho cô.

Và tôi không nghĩ không ai có thể nhắc lại chuyện này nữa.

Một lần nữa tôi đã nói về phần mình bất kể những điều tệ hại đối với gia đình tôi, tôi yêu mến bạn như bất cứ ai khác.

Tôi không hy vọng cô sẽ khổ đau và chết như anh tôi nhưng cá nhân tôi cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho cô.

Tôi chưa từng nói điều này trước mặt gia đình tôi hoặc bất cứ ai nhưng thực tâm tôi không muốn cô phải ngồi tù.

Tôi muốn những điều tốt nhất cho cô bởi vì tôi biết đó là những gì chính xác anh Botham của tôi cũng muốn cho cô.

Và điều tốt nhất là dành cuộc sống của cô cho Chúa Kitô. Tôi không biết nói gì hơn.

Tôi nghĩ rằng dành cuộc sống của cô cho Chúa Kitô là là điều tốt nhất mà anh Botham của tôi cũng mong muốn nơi cô.

Một lần nữa tôi yêu mến cô như một con người

Tôi không muốn bất cứ điều gì xấu cho cô.

Ngập ngừng một lúc, anh quay sang phía chánh án hỏi:

Tôi không biết tôi có thể dành cho cô ấy một cái ôm không.

Xin vui lòng cho phép tôi.

Xin vui lòng.

Bà chánh án Tammy Kemp rất bối rối trước đề nghị này. Sau một lúc suy nghĩ bà nói “Được”.

Chứng kiến cảnh này bà chánh án Tammy Kemp đã rơi lệ.

Bà cũng đích thân bước xuống ôm chầm lấy các thành viên trong gia đình nạn nhân, trước khi ôm cô Amber Guyger và trao cho cô một cuốn Kinh Thánh.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Cha Edward Burns, Giám Mục Dallas nói ngài rơi lệ trước cảnh này, và lên tiếng ca ngợi tinh thần Kitô giáo của anh Brandt Jean, em trai của nạn nhân Botham Jean.

Ngài nói: “Thật là một tấm gương đáng kinh ngạc về tình yêu và sự tha thứ Kitô giáo, chúng ta đã chứng kiến cảnh anh Brandt, em trai của nạn nhân Botham Jean tuyên bố tha thứ cho cô Amber Guyger, khuyến khích cô ấy hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa Kitô và đã ôm cô ấy.”

Đức Giám Mục nói thêm: “Tôi cầu mong rằng tất cả chúng ta hãy noi gương người thanh niên xuất chúng này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trong cộng đồng của chúng ta và cho toàn thế giới.”

2. Hãy chú ý lắng nghe và để con tim mình đón nhận Lời Chúa

Gặp gỡ Lời Chúa khiến lòng chúng ta ngập tràn niềm vui và niềm vui ấy là sức mạnh của chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 3 tháng Mười tại nhà nguyện Santa Marta

Hãy mở con tim mình để gặp gỡ Lời Chúa và hãy chú ý lắng nghe, đừng để Lời ấy đi vào tai này, rồi lại ra tai khác. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như thế trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta khi suy niệm về Bài đọc Một trích sách Nơ-khe-mi-a. Đó là câu chuyện của cuộc gặp gỡ giữa dân Thiên Chúa và Lời của Ngài, một câu chuyện về việc tái thiết Giê-ru-sa-lem.

Bối cảnh trong bản văn Kinh Thánh là việc hồi hương sau thời lưu đày và việc tái thiết Đền thờ. Tổng đốc Nơ-khe-mi-a nói với ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư: “hãy đặt Lời Chúa lên hàng đầu”. Tất cả dân chúng tập trung tại quảng trường trước Cổng Nước. Tư tế Ét-ra mở Sách Thánh trước sự chứng kiến ​​của tất cả mọi người, vì ông đứng cao hơn tất cả; Khi ông mở sách, tất cả mọi người đứng dậy”. Sau đó, các thầy Lê-vi giảng giải Luật Chúa cho dân chúng. Nói về điều này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Đây là một điều rất đẹp. Chúng ta quen với cuốn sách này, cuốn sách ghi lại Lời của Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại dùng cuốn sách ấy rất tệ. Dân chúng đứng lên khi nhìn thấy cuốn sách ấy vì họ khao khát Lời Chúa, họ thấy thiếu vắng Lời Chúa. Nhưng anh chị em thử nghĩ xem, nhiều thập kỷ qua, điều này đã không diễn ra – cuộc gặp gỡ của dân chúng với Thiên Chúa của mình, cuộc gặp gỡ với Lời của Chúa.”

Tổng đốc Nơ-khe-mi-a, tư tế kiêm kinh sư Ét-ra, các thầy Lê-vi nói với tất cả mọi người: “Hôm nay là ngày được thánh hiến cho Thiên Chúa”. Đối với chúng ta, đó chính là ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa Nhật là ngày mọi người gặp gỡ Thiên Chúa, ngày gia đình tôi gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Nhật là ngày của gặp gỡ. Ngày ấy là ngày được thánh hiến cho Thiên Chúa.

Vì thế, tổng đốc Nơ-khe-mi-a, tư tế kiêm kinh sư Ét-ra và các thầy Lê-vi kêu gọi dân chúng đừng sầu thương khóc lóc. Bài đọc thứ nhất thuật lại cho chúng ta rằng, toàn dân đều khóc khi nghe lời trong sách Luật. Họ khóc vì xúc động, họ khóc vì vui sướng.

Chúng ta tự hỏi: khi nghe Lời Chúa, điều gì xảy ra nơi tâm hồn tôi vậy? Tôi có chú ý lắng nghe Lời của Thiên Chúa không? Tôi có để lời ấy chạm đến con tim tôi hay tôi nhìn lên trần nhà và nghĩ ngợi điều khác, còn Lời của Thiên Chúa đi vào tai này rồi ra tai kia? Liệu rằng Lời Chúa có đến được với trái tim tôi không? Tôi phải chuẩn bị mình thế nào để Lời ấy đụng chạm đến con tim mình?

Và một khi Lời Chúa đến được với con tim, người ta sẽ hò reo vui mừng, khi ấy sẽ có lễ hội. Người ta không thể hiểu về lễ Chúa Nhật nếu không có Lời của Thiên Chúa. Vì thế, ông Nơ-khe-mi-a nói với dân chúng: “Anh em hãy tổ chức lễ hội, hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon, và gửi phần ăn cho những người không sẵn của ăn – những người nghèo. Những người nghèo luôn là những người phục vụ bàn ăn trong các bữa tiệc, họ là những người nghèo. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.”

Lời của Đức Chúa làm cho chúng ta vui mừng. Tiếp xúc với Lời của Người làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Chính niềm vui ấy là sức mạnh của tôi và của chúng ta. Những Kitô hữu là những người vui tươi bởi họ đón nhận Lời của Thiên Chúa nơi con tim mình. Họ không ngừng gặp gỡ và tìm kiếm Lời của Đấng Tối Cao. Đây chính là sứ điệp của ngày hôm nay cho tất cả chúng ta.

Chúng ta có thể làm một cuộc xét mình ngắn thế này: Cách thức tôi lắng nghe Lời Chúa thế nào? Hay đơn giản là tôi không nghe? Làm thế nào để tôi gặp gỡ Thiên Chúa trong Lời của Người là Kinh Thánh? Tôi có tin rằng niềm vui của Thiên Chúa là sức mạnh của tôi không? Nhưng nên nhớ rằng nỗi buồn không phải là sức mạnh của chúng ta.

Nơi những con tim buồn chán, ma quỷ lập tức kìm giữ xuống, còn niềm vui của Thiên Chúa làm cho ta đứng dậy, nhìn ngắm, ca hát và hò reo vui mừng. Một trong những Thánh vịnh nói về khoảnh khắc được giải phóng khỏi Babilon thế này: Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Người ta không thể tin vào điều đó. Kinh nghiệm ấy cũng diễn ra khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong Lời của Người. Khi ấy, chúng ta nghĩ: nhưng điều này chỉ là một giấc mơ… và chúng ta không thể tin vào nhiều điều tốt đẹp.

Và Đức Thánh Cha kết luận: xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để mở con tim mình ra cho cuộc gặp gỡ với Lời Thiên Chúa và không sợ sống niềm vui, không sợ sống lễ hội của niềm vui. Niềm vui ấy chỉ có thể phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời của Thiên Chúa mà thôi.

3. Chăm sóc người già và trẻ em là sống văn hoá hy vọng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Câu chuyện một người chồng và một con đã ghì chặt một người đàn bà 74 tuổi, bị chứng mất trí nhớ, xuống giường để bác sĩ chích một liều thuốc độc cho chết tại Hà Lam gây xúc động cho nhiều người trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng trước câu chuyện thương tâm này và kêu gọi chúng ta quan tâm đến trẻ em và người già, trong gia đình và xã hội nói chung. Ngài đã bày tỏ lập trường trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong Bài đọc thứ nhất, “những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa” với dân Ngài rất rõ ràng. Chúng được minh chứng bằng sự hiện diện phong phú của người già và trẻ em, cả trong gia đình và ngoài xã hội: tại các quảng trường, những người già ra ngồi nghỉ, trẻ em nô đùa và cuộc đời tràn đầy sức sống.

Nơi nào có sự tôn trọng, quan tâm và yêu mến sự sống, nơi ấy cho thấy dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đoàn. Sự hiện diện của người già là một dấu chỉ của sự trưởng thành. Thật là đẹp khi người già có vị trí của mình trong gia đình và xã hội. “Trên những quảng trường và đường phố Giê-ru-sa-lem, các cụ ông cụ bà ra ngồi nghỉ. Ai nấy tay chống gậy vì tuổi đã cao”. Cũng có rất nhiều trẻ em nữa. Tác giả sách Thánh sử dụng một từ biểu cảm thật đẹp, 'chúng sẽ râm ran nô đùa'.

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Một dân tộc có sự phong phú của người già và trẻ em là một dấu hiệu cho thấy một dân tộc biết quan tâm, chăm sóc và coi họ như một báu vật, một kho tàng. Đó chính là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, hứa hẹn một tương lai xán lạn.

Đức Thánh Cha nhớ lại lời tiên tri của ngôn sứ Giô-en: “người già sẽ có những giấc mơ, và người trẻ sẽ có những thị kiến”. Điều này nghĩa là có sự trao đổi giữa họ. Điều này chẳng thể xảy ra khi văn hoá vứt bỏ lên ngôi. Đó là thứ văn hoá “gửi trẻ em trở lại với người gửi”, nhốt người già trong các viện dưỡng lão chỉ vì họ không tạo ra sản phẩm, và bởi họ cản trở cuộc sống thường ngày. Đó thực sự là một sự huỷ hoại và đổ vỡ.

Và Đức Thánh Cha kể lại một câu chuyện mà chính bà ngoại của ngài thường kể. Ở một gia đình nọ, người cha quyết định chuyển ông nội vào nhà bếp trong giờ ăn, vì ông làm đổ súp và làm bẩn quần áo. Rồi một ngày nọ, khi trở về nhà, người cha thấy con trai của mình tự làm một cái bàn nhỏ vì cậu bé nghĩ rằng sớm muộn gì cậu cũng sẽ là nạn nhân tiếp theo bị cô lập như thế. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Khi bạn loại bỏ trẻ em và người già, thì sau cùng, bạn sẽ trở thành một phần của xã hội hiện đại, một xã hội đã đưa cuộc sống vào mùa đông nhân khẩu. Khi một quốc gia có nhiều người già đi mà không có trẻ em, khi bạn không nhìn thấy trẻ em vui đùa trên đường phố và không còn thấy những phụ nữ mang bầu, khi bạn nhận ra rằng ở quốc gia đó số nhiều người nghỉ hưu nhiều hơn số người làm việc, thì cuộc đời thật là bi thảm!

Thật là bi thảm khi đánh mất những truyền thống được các thế hệ trước truyền lại. Truyền thống không phải là bảo tàng, mà là bài học cho tương lai, là thứ nhựa sống từ rễ làm cho cây phát triển và sinh hoa kết trái.

Đâu là tâm điểm sứ điệp của Thiên Chúa? Đó chính là văn hoá hy vọng, văn hoá có sự hiện diện của người già và người trẻ. Chính sự hiện diện của người trẻ và người già cùng nhau là điều bảo đảm cho sự sống còn của đất nước và của Giáo hội.

Và để kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nhớ lại một hình ảnh đẹp trong rất nhiều chuyến tông du của ngài khắp thế giới. Khi ngài băng qua đám đông, rất nhiều các ông bố bà mẹ đã xin Đức Thánh Cha chúc lành cho các em bé. Họ cho thấy đâu thực sự là kho tàng, là niềm vui và là thành tựu của cuộc đời mình.

Tôi không bao giờ quên một bà cụ ở quảng trường trung tâm Iași, tại Rumani. Khi bà nhìn thấy tôi, bà đưa cháu trai mà bà đang ẵm trên tay cho tôi xem như thể muốn nói: “Đây là thành tựu của tôi, là chiến thắng của tôi.” Hình ảnh ấy có ở khắp nơi trên thế giới. Nó nói với chúng ta nhiều điều hơn cả bài giảng này.

Do vậy, tình yêu của Thiên Chúa là luôn gieo rắc tình yêu và làm cho dân ngài tăng tiến. Đừng sống văn hoá vứt bỏ. Xin lỗi anh em, các cha xứ, vào mỗi buổi tối, khi các cha làm phút hồi tâm hay xét mình, xin hãy tự hỏi mình câu hỏi này: hôm nay tôi đã cư xử thế nào với người già và với trẻ em? Nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều.
 
Đức Thánh Cha phó dâng lên Chúa Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:06 07/10/2019
Trưa ngày 4/10, ngày lễ thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành một nghi thức với các lời nguyện, các bài đọc và suy tư về môi trường để phó dâng lên Chúa Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

Chín quốc gia là Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru, Venezuela, Suriname, Guiana và French Guiana có những phần lãnh thổ thuộc vùng rừng Amazon. Đây là một khu vực là nguồn cung cấp oxy quan trọng cho toàn trái đất, nơi hơn một phần ba trữ lượng rừng nguyên sinh của thế giới được tìm thấy. Đây là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất trên hành tinh, chứa 20% lượng nước ngọt không bị đóng băng.

Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, cũng có một suy tư ngắn về lời mời của Đức Thánh Cha trong việc cử hành “Thời gian của thụ tạo”. Ngài nhắc đến sứ điệp Ngày Cầu nguyện cho Thụ tạo của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 01/09 vừa qua, và nhấn mạnh rằng rằng trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, và đây là thời gian để thay đổi, nhân loại đang chuyển mình lật sang một trang mới để cứu hành tinh này.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng đến thăm lãnh thổ vùng Amazon (ở Peru) vào ngày 19 tháng một năm 2018, ngài bày tỏ mối quan tâm của mình đối với người dân bản địa và khẳng định rằng “Người dân bản địa Amazonia có lẽ chưa bao giờ bị đe dọa ngay trên chính mảnh đất của họ như hiện nay. Amazon đang bị tranh chấp trên nhiều mặt trận khác nhau.” Nhân dịp đó ngài chính thức khai mạc việc chuẩn bị cho sự kiện mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Dân số của lãnh thổ rộng lớn này là khoảng 34 triệu dân, trong đó hơn ba triệu người bản địa, thuộc hơn 390 dân tộc. Các dân tộc và nền văn hóa thuộc mọi loại hình như con cháu người Afro, các nông dân, những người định cư, sống trong mối quan hệ sống còn với thảm thực vật và vùng nước của các con sông.

Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Tổng giám mục của São Paulo (Brazil) là Tổng tường trình viên trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon cũng có một vài suy tư về vai trò của thánh Phanxicô như một mẫu gương và đấng bảo trợ cho Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

Đức Hồng Y nói: “khi dâng Thượng Hội Đồng này cho thánh Phanxicô, chúng ta đặc biệt nhớ đến Bài ca Thụ tạo của ngài, trong đó ngài hát vang và ca ngợi tình huynh đệ đại đồng của mọi thụ tạo khi tán dương Thiên Chúa và khích lệ nhân loại sống tình huynh đệ đại đồng và yêu thương chăm sóc mọi tạo vật, ngôi nhà chung của chúng ta.”