Ngày 08-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:04 08/11/2014
BINH SĨ ĐI MỘT CÂY SỐ
N2T

Trong thời đệ nhị thế chiến, vì máy bay có sự cố nên có mấy người lính nhảy dù bất đắc dĩ phải cấp tốc nhảy ra khỏi máy bay để tìm đường sống. Họ nhảy dù xuống một khu đất rất rộng trong rừng sâu nguyên thủy, đương nhiên họ phải vất vả lội bội một quảng đường rất dài rất dài, thậm chí phải đi mất cả tuần mới có thể đi đến nơi trận địa của liên quân.
Mới đi không bao lâu thì có anh lính bị cành cây đâm vào chân, có người bị cành gai châm vào mình gây thương tích, mỗi người đều uống hết một bao nước lớn, và tự hỏi nhau không biết ngày mai sẽ như thế nào ?
Có một binh sĩ động viên mọi người:
- “Chúng ta chỉ chuyên tâm nghĩ rằng đường đi nhất định chỉ còn một cây số nữa mà thôi, đừng nghĩ đến sau con đường này là gì, tôi tin chắc là chúng ta sẽ đạt đến mục đích của mình”.
Đoàn binh sĩ này dùng cách ấy để động viên nhau, chỉ chú ý đoạn đường đi trước mắt và dùng tâm để đi hết đoạn đường ấy.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Quê hương thật của chúng ta là ở trên trời, nơi có các thiên thần và các thánh nam nữ đang hưởng hạnh phúc viên mãn cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a.
Đường đi về quê trời của mỗi người Ki-tô hữu dài ngắn bao nhiêu chúng ta không biết, nhưng hể là người có đức tin và ân sủng của Chúa thì chuyện đường dài đường ngắn không quan trọng, bởi vì có rất nhiều đường để về quê trời: đường làm linh mục, đường làm tu sĩ, đường lập gia đình, đường nghề nghiệp, đường đau khổ, đường hạnh phúc.v.v...cho nên cái quan trọng là họ biết sống giây phút hiện tại thật tốt như ý muốn của Thiên Chúa mà thôi, mà sống giây phút hiện tại tức là chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình với tất cả lòng yêu mến.
Chúng ta là những người Ki-tô hữu đi...một cây số, nên đừng nghĩ mình còn rất lâu mới chết, nhưng hãy nghĩ đường về quê trời của mình chỉ còn một cây số nữa mà thôi, để luôn luôn chuẩn bị tốt hành trang thiêng liêng của mình, đó chính là người có sự khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 32 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:08 08/11/2014
Chúa Nhật 32 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 25, 1-13.
“Chú rể kia rồi, ra đón đi !”


Anh chị em thân mến,
Khôn ngoan là báu vật mà Thiên Chúa ban cho con người, nói cách khác, Ngài ban cho những ai thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo với lòng khiêm tốn.

Mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang là một ví dụ điển hình mà Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta phải chuẩn bị đợi chờ ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đợi chờ cách khôn ngoan như năm cô khôn ngoan, tức là đem đèn và đem luôn cả dầu, nghĩa là các cô đã chờ đợi trong sự khôn ngoan của mình.

Khôn ngoan của người đời là biết lo liệu, biết dự tính và biết “thấy” trước tình huống sẽ xảy ra để có kế hoạch đối phó, nhưng sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu là để chờ đợi ngày đến bất thình lình của Thiên Chúa, trong khi vẫn cứ chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.

Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là thực hành đức tin ngay trong cuộc sống của mình, vì đức tin chính là ngọn đèn được đốt lên trong cuộc đời của người Ki-tô hữu, ngọn đèn đức tin này cần phải đổ đầy bằng dầu đức ái, bằng việc lành phúc đức, bằng không thì nó sẽ tàn lụi và cuối cùng thì tắt ngúm và trở nên lạnh lẽo.

Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là sự tỉnh thức và cầu nguyện khi người khác mãi ngủ trong đam mê tội lỗi, bởi vì họ không muốn Con Người đến khi họ đang sống trong tình trạng tội lỗi mà chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Anh chị em thân mến,
Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành người khôn ngoan thông minh để lời nói mình được đám đông nể mặt, để người khác phải bái phục khi những kế hoạch mình đưa ra đều thành công vang dội.v.v…nhưng, sự khôn ngoan ấy chỉ là khôn ngoan tạm bợ của người đời mà thôi, bởi vì có rất nhiều người khôn ngoan như thế, thông minh như thế, nhưng không giành được Nước Trời.

Năm cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể đã không làm cho chàng rể bẻ mặt trong ngày vui trọng đại, vì họ đã khôn ngoan chuẩn bị chu đáo đèn và dầu cho ngày dự tiệc cưới với chàng rể là chủ nhân của họ.

Chúng ta được Đức Chúa Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức luôn, mà người biết tỉnh thức cũng có nghĩa là người khôn ngoan biết đợi chờ ngày đến bất chợt như kẻ trộm của Chúa, đó mới chính là sự khôn ngoan mà chúng ta phải tìm kiếm trong cuộc sống ở trần gian này vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:14 08/11/2014
LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ
N2T

Tin mừng : Ga 2, 13-22
“Đền thờ Đức Chúa Giê-su muốn nói là chính thân thể Ngài.”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô là đền thờ chính của Đức Giáo Hoàng với tư cách là Giám Mục Rôma, chúng ta cùng nhau suy niệm về lời giảng dạy của thánh Phao-lô tông đồ: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?”

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa” là câu nói mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, tâm hồn của chúng ta đã được Máu Thánh Đức Chúa Giê-su rửa sạch và được Đức Chúa Thánh Thần thánh hoá trong bí tích Rửa tội, để trở nên đền thờ của Thiên Chúa, và không có nơi nào mà Thiên Chúa yêu thích ở lại cho bằng tâm hồn của mỗi người trong chúng ta.

“Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em”, Ngài ngự trong tâm hồn của chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Tin Mừng ngay trong cuộc sống của mình, bởi vì tất cả những gì chúng ta làm vì Thiên Chúa nơi tha nhân đều được Thánh Thần thúc đẩy và thánh hoá, nhờ đó mà nhân loại nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ qua những hành động bác ái yêu thương của chúng ta.

Đền thờ tâm hồn của chúng ta không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, hay bằng những loại gỗ quý giá, nhưng trước hết là nó được xây bằng các bí tích, và sau đó là các việc lành thánh thiện, những hy sinh mà chúng ta đã làm vì yêu mến Thiên Chúa, do đó khi mà chúng ta thờ ơ với tất cả các bí tích, các việc lành và những hy sinh là chúng ta đã biến tâm hồn của mình thành thị trường buôn bán, đổi chác và mánh mung của ma quỷ với những âm mưu đen tối, với những kiêu căng hợm hỉnh, với những ý tưởng buông tuồng mất nết do ma quỷ thống trị trong tâm hồn của chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Có nhiều giáo hữu xây đền thờ của mình bằng áo quần đẹp đẽ, xe cộ bóng láng bên ngoài khi đến nhà thờ dâng lễ, nhưng tâm hồn thì bẩn thỉu với những ghét ghen và ích kỷ; có những giáo hữu xây dựng đền thờ tâm hồn của mình bằng những việc từ thiện bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn thì đã mục nát vì những kiêu ngạo và tham lam.

Đức Chúa Giê-su đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác, chúng ta cũng cầu xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn của mình, để tâm hồn chúng ta xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:16 08/11/2014
N2T

22. Phương pháp để được ái mộ tình yêu của Thiên Chúa chính là quyết định: trong tất cả mọi hoàn cảnh và cơ hội thường là vì Thiên Chúa mà làm việc, vì Thiên Chúa mà chịu đau khổ. Tóm lại là không làm những công việc mà Thiên Chúa không ưa thích, người có thói quen làm tốt những việc nhỏ, thì mới có thể làm tốt những việc lớn hơn.

(Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:21 08/11/2014
THỰC THI BÁC ÁI
N2T

Thư ký văn phòng giáo xứ nói với cha sở: có một số giáo dân nghèo muốn xin lễ cho người thân đã qua đời trong tháng các linh hồn mà không có tiền để xin lễ, cha sở liền nói với thư ký:
- “Cám ơn anh đã nhắc tôi, trong bản tin đầu tháng 11 này, anh viết thông báo là những giáo dân nào có hoàn cảnh khó khăn muốn xin lễ cầu nguyện cho người thân đã qua đời, thì cứ đến văn phòng ghi ý lễ, tôi và các cha phụ tá sẽ dâng lễ theo ý như họ xin bất cứ ngày nào trong tuần.”
Cha sở thầm cám ơn Chúa vì có cơ hội làm việc bác ái trong tháng các linh hồn.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Phá để xây lại: Kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
09:26 08/11/2014
PHÁ ĐỂ XÂY LẠI

KỶ NIỆM CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ

Kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô là kỷ niệm cung hiến đền thờ Mẹ và là đền thờ trước hết của mọi đền đền thờ trong Hội Thánh Công Giáo, đển thờ có ngai tòa của Giáo hoàng.

I. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH.

Thật ngỡ ngàng: Phụng vụ Lời Chúa, thành phần quang yếu để có thể làm rõ nét nhất cho việc mừng lễ và giúp người tín hữu hiểu nhiều nhất về ý nghĩa của việc mừng lễ, lại không có một lời nào ca tụng bất cứ một ngôi đền thờ vật chất nào, để ta lấy đó làm kiểu mẫu cho việc nhấn mạnh đến kiến trúc, sự hoành tráng, sự uy nghi của nhiều đền thờ thời nay của chúng ta.

Ngược lại, bài đọc I, tiên tri Êzêkiel (47, 1-2.8-9.12), trong thị kiến của mình, đã nhìn thấy dòng nước chảy từ đền thờ. Càng chảy, dòng nước càng mạnh, càng phát sinh sự sống. Chảy xa bao nhiêu, nó biến thành dòng sông lớn bấy nhiêu.

Như vậy, đền thờ không chỉ là nơi cầu nguyện, nơi tôn thờ như nó chỉ có bấy nhiêu sứ mạng.

Nhưng từ đền thờ, từ mọi hình thức tôn thờ, từ việc nguyện cầu, kinh kệ, lễ lạy, nó phải là nơi làm cho sống, nơi trao ban sự sống, nơi sức sống dâng trào của một tình yêu, của một niềm tin, của tình hiệp thông, của ơn gọi tiến về vĩnh cửu, của sức sống hôm nay vươn tới sự sống đời đời, của niềm hy vọng bước vào Đền Thờ trên trời, nơi Thiên Chúa Hằng Sống cư ngụ.

Đến bài đọc II (1Cr 3, 9c-11.16-17), thánh Phaolô dứt khoát khẳng định: “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”, để rồi trong suốt bài đọc, thánh nhân không hề nhắc một lời nào về vẻ đẹp của đền thờ Giêrusalem, hay bất cứ một hội đường nào trong đất Dothái, mà chỉ nhấn mạnh: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em”. Và bởi “đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em”, nên “ai phá hủy đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ phá hủy kẻ ấy”.

Như vậy, theo giáo huấn của thánh Phaolô, ta hãy luôn tích đức, đền tội, sống công chính. Bởi tội là sự phá hủy mà người tín hữu phải tránh xa. Phạm tội là cộng tác với sự dữ “phá hủy đền thờ của Thiên Chúa”. Vì thế, phạm tội là việc làm nguy hiểm khôn lường, vì “Thiên Chúa sẽ phá hủy kẻ ấy”.

Một lần nữa, thánh Phaolô cho ta thấy, đền thờ có là quý, nhưng không quang trọng bằng linh hồn của ta, đời sống của ta, tâm tư của ta, gương lành của ta, và trọn con người của ta. Hãy xây dựng nó thành đền thờ như Chúa muốn.

Còn trong bài Tin Mừng (Ga 2, 13-22), thánh Gioan cho thấy, hơn tất cả mọi lời nói, hơn tất cả mọi cử chỉ giảng dạy, hơn tất cả mọi hành động biểu lộ cảm xúc, Chúa Giêsu đã tỏ thái độ vô cùng cương quyết, rắn rỏi, một thái độ chưa từng thấy trong suốt cuộc đời trần thế của Người:

Người “lấy dây làm roi mà xua đuổi” tất cả những người “bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền”. “Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Còn trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, Chúa nói mạnh hơn: “Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” (Mt 21,12-13).

Đến khi bị chất vấn về hành động dữ dội ấy, Chúa lại còn nói một lời thật “sốc”: “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu đền thờ Giêrusalem bị lạm dụng, bị biến thành nơi buôn bán, thành cái chợ, thành hang trộm cướp, thì Chúa cứ việc thanh tẩy.

Nhưng tại sao, sau khi thanh tẩy, Chúa lại thách thức: “Phá huỷ Đền Thờ này đi”? Hóa ra, Chúa không dừng lại ở ngôi nhà thờ vật chất, nhưng hành động thanh tẩy nhà thờ vật chất, ngoài việc thanh tẩy chính nó, Chúa còn đòi tất cả những ai nghe lời Chúa nói hôm nay, phải thanh tẩy chính mình, phải chỉnh trang lại chính tâm hồn mình.

Suy tư từ phụng vụ Lời Chúa trong lễ kỷ niệm Cung hiến đền thờ Latêranô, chúng ta nhận thấy:

II. PHẢI TRỌNG KÍNH NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ.

1. Nhà thờ là nơi thờ phượng,
cầu nguyện của các Kitô hữu. Chính nơi đó, họ có thể chuyện trò, gặp gỡ Đấng mà họ tôn thờ tận thâm tâm của cõi lòng họ.

Nhà thờ cũng là biểu tượng của sự hiện diện, của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người. Bởi vậy, bất cứ thời gian nào, bất cứ ở đâu, người tín hữu nhìn thấy nhà thờ, họ biết rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, vẫn tiếp tục bảo vệ, chở che và chúc phúc cho họ.

Vẫn biết, Thiên Chúa, Đấng toàn năng, hiện diện khắp muôn nơi, muôn thuở, chẳng nơi nào, chẳng thời gian nào mà chẳng có sự hiện diện của Người, và cũng chẳng có bất cứ cái gì có thể giới hạn sự hiện diện thánh thiêng và phi thường ấy.

Nhưng quyền năng của Thiên Chúa thường biểu lộ cho chúng ta bằng chính ngôn ngữ của chúng ta. Và sự linh thiêng vô hình của Người cũng được diễn tả bằng những phương cách hữu hình.

Vì thề, nếu nhà thờ biểu trưng cho tình yêu và sự hiện diện thần linh ấy, thì mỗi ngôi nhà thờ có một sứ mạng trọng đại: Trở thành nhà của Thiên Chúa, nơi Chúa dùng để thi ân giáng phúc cho con người. Bởi vậy, nhà thờ có chủ quyền là chính Thiên Chúa.

Hơn thế, nơi mỗi ngôi nhà thờ, cứ bình thường, luôn luôn có Thánh Thể Chúa hiện diện. Thánh Thể là sự hiến mình của Thiên Chúa nơi Con của Người cho nhân trần. Thánh Thể là nguồn tình yêu vô giá mà Thiên Chúa ân ban, để mọi người có thể hiệp thông trong chính sự sống thần linh của Thiên Chúa.

2. Do đó, ta cần tôn kính nhà thờ cách đặc biệt. Mỗi lần đến nhà thờ, mọi người phải có thái độ xứng hợp: nghiêm trang, cung kính, ăn mặc trang nhã, lịch sự, nói năng lễ độ…

Chúng ta phải cúi mình mỗi khi đi ngang nhà tạm, thánh giá, bàn thờ. Khi tham dự các nghi thức phụng vụ, nhất là tham dự thánh lễ và các bí tích, từng người phải để tâm, đặt trọn cả con người vào từng lễ nghi, không tham dự thờ ơ.

Chúng ta chỉ được phép ở ngoài nhà thờ trong giờ cử hành các nghi lễ, khi trong nhà thờ không còn chỗ cho mình. Cần loại trừ thái độ đến muộn về sớm, ở ngoài nhà thờ hóng gió, hút thuốc, trò chuyện riêng tư… Mọi hình thức bất kính, mọi thái độ xấc xược đối với nhà của Thiên Chúa, đều là thái độ rẻ rúng chính Đấng mà mọi người phải tôn thờ.

3. Ngoài ra, chúng ta cũng phải gìn giữ, tôn tạo cho nhà thờ luôn đẹp, luôn mới, luôn sạch. Phải lo sửa chữa khi thấy nhà thờ có sự hư hao. Phải trang hoàng để nhà thờ xứng hợp là nhà của Chúa và nhà cầu nguyện của chúng ta.

Phải thực hành mọi công tác đạo đức bằng tất cả tâm hồn mình, xuất phát từ tận đáy lòng, chứ không chỉ là hình thức hay môi miệng bên ngoài.

Hãy luôn giữ cho lời kinh ta đọc, thánh lễ ta tham dự, tâm tình cầu nguyện, tiếng ca hát, lòng cảm tạ, chúc tụng… của ta không giới hạn trong ngôi nhà hữu hình, nhưng sẽ luôn vươn ra đời sống thường nhật.

III. PHẢI XÂY DỰNG LẠI ĐỀN THỜ TÂM HỒN.

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” là ý thức mà thánh Phaolô đòi ta luôn khắc ghi, để nhờ sống ý thức này, ta luôn làm mới, làm đẹp, làm sạch tâm hồn, xứng là đền thờ Chúa ngự.

Ai đó từng nói: Chúa có giáng sinh cả trăm lần ở Belem cũng vô ích cho bạn, nếu Người không sinh ra được ở trong tâm hồn của bạn.

Phải luôn làm lại cho mới tâm hồn. Căn nhà cần bảo trì, gìn giữ, tôn tạo để đứng vững và lâu bền. Tâm hồn cũng cần chỉnh trang, tôn tạo lại, xây dựng lại cho mới, cho hợp. Có mấy cách làm cho đền thờ tâm hồn luôn đẹp và mới:

1. Hãy giữ tâm hồn sạch sẽ. Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Giữ tâm hồn thanh sạch, là giữ tâm hồn khỏi những ảnh hưởng của tội lỗi: “Gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian, vu khống”, vì “đó là những cái làm cho tâm hồn ra nhơ uế” (Mt 15, 19-20). Loại trừ mọi ảnh hưởng xấu, giữ tâm hồn thanh sạch là biến tâm hồn thành đền thờ, xứng là nơi hiện diện của Thiên Chúa.

2. Để đền thờ luôn tươi, đầy sức sống, rực rỡ, cần hoa khoe sắc, nến lung linh. Thánh Phaolô mô tả tâm hồn thánh thiện là tâm hồn được trang hoàng bằng hoa quả ơn Chúa Thánh Thần. Đó là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Gal 5, 22-23).

3. Luôn ý thức đời sống cầu nguyện, chúc tụng, cảm tạ, xin lỗi Chúa. Đó chính là điều kiện trên hết mọi điều kiện, để đền thờ tâm hồn chứa đầy niềm bình an, hạnh phúc, sự diệu ngọt.

4. Nếu cần một tương quan giữa tâm hồn đền thờ và nhà thờ vật chất, ta phải có hành động triệt để của Chúa Giêsu: Chúa đã triệt để thanh tẩy đền thờ. Noi gương Chúa, ta càng phải loại trừ mọi hình thức lạm dụng để sinh lợi vật chất cho mình, cho phe nhóm mình.

Chúng ta không được biến nhà thờ thành nơi chia rẻ, nơi loại trừ anh chị em, khi phân biệt giàu nghèo, đạo đức hay không đạo đức, tội lỗi hay thánh thiện, người hợp với mình hay không hợp với mình…

Câu chuyện về ông Ganhdhi, nhà lãnh đạo cao cấp của Ấn Độ, vẫn là bài học cần thiết cho từng Kitô hữu.

Thế giới ngưỡng mộ tinh thần bất bạo động của ông. Với lòng hiếu hòa của mình, Ganhdhi chẳng xa cách tinh thần của Chúa Kitô.

Gandhi suy tư nhiều về Kitô giáo. Nhưng có một lần ông buồn lòng vì Kitô giáo. Đó là lần Gandhi đến nhà thờ. Khi ông đến cửa nhà thờ, người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen. Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa.

Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì những người thờ Chúa, những người ở nơi nhà thờ.

Lẽ ra nhà thờ là nơi chan chứa tình đồng loại, nơi tràn ngập nỗi yêu thương, thì chính vì chúng ta, nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán, loại trừ, nghi kỵ, gian dối, giả tạo, sống đạo “bình phông”, “vải thưa che mắt thánh”

Chính người Kitô hữu, chứ không phải ai khác, nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ.

Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, để khoe mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội. Biết đâu trong nhóm người đến nhà thờ ấy, có người hàm chứa sự chọc tức, sự lên mặt, sự háu thắng…, vì trong thâm tâm, tự nghĩ rằng, “đến nhà thờ gặp nó, xem nó làm gì được tao”…

Hãy thanh tẩy đền thờ. Hãy loại trừ tất cả mọi hình thức bất xứng ra khỏi nhà của Thiên Chúa. Hãy nhìn cho kỹ hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem của Chúa Giêsu. Hãy học và ghi nhớ cho kỹ lời của Người: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” và:“Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp”. Hãy phá hủy đền thờ bất xứng này đi, để Chúa có thể xây lại ngôi nhà của Người xứng hợp hơn, tươi đẹp hơn.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô.
Đặng Tự Do
02:56 08/11/2014
Ngay cả ngày nay cũng có "những Kitô hữu ngoại giáo", những người "hành xử như kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô", Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định như trên trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 7 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, và cảnh báo rằng chúng ta phải cảnh giác chống lại những cám dỗ của một xã hội thế tục đang dẫn chúng ta đến chỗ hư hỏng.

Đức Thánh Cha đã lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Philipphê nói về hai nhóm Kitô hữu, mà đến nay vẫn còn tồn tại như tại thời điểm của vị Tông Đồ Dân Ngoại. Đó là nhóm Kitô hữu thăng tiến trong đức tin và nhóm những Kitô hữu "sống như những kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô".

"Cả hai nhóm đều ở trong Giáo Hội với nhau, cùng nhau đi lễ ngày Chúa Nhật, cùng ca ngợi Chúa, và tự gọi mình là Kitô hữu". Nhưng khác biệt ở đây là gì? Nhóm thứ hai "hành động như kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô! Đúng thế, có những Kitô hữu là kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô".

Đức Giáo Hoàng nói đây là những "Kitô hữu thế tục, các Kitô hữu trên danh nghĩa, với hai ba điều về Kitô giáo, ngoài ra không có gì hơn. Đó là thứ Kitô hữu ngoại giáo". "Chỉ có danh là Kitô hữu, nhưng sống một cuộc sống như dân ngoại". Hay nói một cách khác: "Kitô hữu dân ngoại với một vài hai nét sơn bên ngoài, để có bề ngoài như các Kitô hữu, nhưng dù sao họ vẫn là những người ngoại đạo".

"Thậm chí ngày nay hạng người ấy nhan nhãn trong Giáo Hội! Chúng ta phải cẩn thận không để mình trượt về phía con đường của những Kitô hữu ngoại giáo, các Kitô hữu bề ngoài. Bị cám dỗ để trở nên quen thuộc với những điều xoàng xỉnh, những Kitô hữu tầm thường này chẳng làm gì hết vì trái tim của họ đã nguội lạnh, họ trở nên thờ ơ. Và Chúa đã có những lời rất mạnh mẽ dành cho những Kitô hữu thờ ơ này: 'bởi vì ngươi quá thờ ơ, ta chỉ muốn nhổ ngươi ra khỏi miệng ta ". Đây là những lời rất mạnh mẽ dành cho những người là kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô. Họ chỉ mang danh Kitô hữu, nhưng không tuân theo các đòi buộc của Tin Mừng".

Thánh Phaolô đã nói về tư cách "công dân" của các Kitô hữu. Ngài nhấn mạnh rằng, "Chúng ta là công dân nước Trời. Họ là công dân của trái đất này. Họ là những công dân của thế giới, không phải trên trời. Hãy coi chừng." Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng tất cả mọi người, bao gồm cả bản thân ngài cần phải tự hỏi: "Tôi có những thứ trần tục ấy trong tôi không? Có những thứ ngoại giáo không?".

"Tôi có thích khoe khoang không? Có ham tiền không? Có niềm tự hào, kiêu ngạo không? Đâu là những căn cội của tôi, nghĩa là tôi là công dân của nước Trời? hay thế gian? Tôi sống trong thế giới này hay tôi đã mặc lấy tinh thần thế gian? Chúng ta là công dân nước Trời, và chúng ta mong đợi Thiên Đàng và Đấng Cứu Độ của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô. Còn họ thì sao? Số phận cuối cùng của họ là sự hủy diệt! Lớp sơn Kitô hữu của họ sẽ kết thúc tồi tệ Nhưng hãy hướng đến cùng đích: tư cách công dân trong anh chị em sẽ dẫn đưa anh chị em đến đâu? Cái tư cách công dân thế gian chỉ đưa đến hủy diệt, còn tư cách công dân trong Thánh Giá của Chúa Kitô sẽ đưa ta đến một cuộc gặp gỡ với Ngài ".

Đức Thánh Cha sau đó đã đưa ra một vài chỉ dấu "của trái tim" cho thấy chúng ta "đang trượt về phía thế gian". "Nếu anh chị em yêu thích và gắn bó với tiền bạc, phù hoa và niềm tự hào -anh chị em đang hướng tới con đường xấu". Nếu, thay vào đó,"anh chị em cố gắng yêu mến Thiên Chúa, phục vụ người khác, nếu anh chị em hiền lành và khiêm nhường, nếu anh chị em là người đầy tớ của người khác, anh chị em đang đi đúng đường. Căn cước công dân của anh chị em là tốt. Nó thuộc về nước Trời. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha cứu các môn đệ Ngài khỏi "tinh thần thế gian, những sự thế gian, là những điều chỉ dẫn đến hủy diệt ".

Đức Giáo Hoàng cũng đã đề cập đến dụ ngôn người quản lý bất lương là người đã lừa dối chủ mình, được nêu ra trong bài Tin Mừng trong ngày. Ngài tự hỏi:

"Làm thế nào mà người quản lý được đề cập đến trong Tin Mừng lại ra đến nông nỗi là gian lận, ăn cắp của chủ mình? Làm thế nào mà ông đã đi đến tình trạng ấy từ ngày này sang ngày khác? Từng chút một. Ngày này thì một chút tiền thưởng, ngày kia thì một chút hối lộ, và đây là con đường anh chị em tiến dần đến đến tham ô. Con đường thế gian của những kẻ thù với Thánh Giá Chúa Kitô cũng như thế, nó dẫn anh chị em đến băng hoại từng chút một! và sau đó anh chị em kết thúc với việc ăn cắp công khai như người quản lý này, phải không?”

Đức Thánh Cha quay trở lại những lời của Thánh Phaolô, người đã yêu cầu chúng ta hãy "kiên vững trong Chúa" và đừng để cho con tim mình bị suy yếu và kết thúc trong "hư vô, và băng hoại". "Đây là một ân sủng mà chúng ta phải tìm kiếm: đó là ân sủng được lưu lại trong Chúa. Trong Ngài là ơn cứu rỗi, là sự biến hình trong vinh quang. Hãy kiên vững trong Chúa và làm theo gương của Thánh Giá Chúa Kitô: khiêm nhường, nghèo hèn, hiền lành, phục vụ người khác, tôn thờ, và cầu nguyện"
 
Các linh mục than thở: Mỗi ngày đều nghe có người qua đời vì bệnh Ebola ở Liberia
Lã Thụ Nhân
06:09 08/11/2014
Kể từ tháng Ba năm 2014, hơn 5,000 người đã bị nhiễm Ebola ở Liberia. Gần một nửa trong số họ đã qua đời. Đức Ông Robert Vitillo đã lưu lại đất nước này trong hai tháng qua. Ngài đã chứng kiến tận mắt những ảnh hưởng của căn bệnh quái ác này lên các cộng đồng, các gia đình và trẻ em.

Đức Ông Robert J. Vitillo, Cố vấn y khoa của Caritas Quốc tế cho biết: "Tôi đang trú ngụ tại một trường đại học Công Giáo địa phương và hầu như mỗi ngày một nhân viên khác nhau đều đến nói với tôi: ‘Em gái tôi đã qua đời đêm qua, dì của tôi đã chết hôm qua, chú tôi qua đời...’ Và vì thế, những mất mát này cứ nhân lên, đây thực sự là một chấn thương tâm lý".

Giờ đây, nỗi sợ hãi đó đang bao trùm lên đất nước 4 triệu dân này. Bị lây nhiễm hay không, đó là sự lo lắng khi có bất kỳ tiếp xúc về thể lý với người khác. Ngoài ra còn có sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử, đối với những người đã được chữa khỏi căn bệnh này.

Đức Ông Robert J. Vitillo nói thêm: "Một linh mục nói với tôi rằng ngài sẽ đến thăm các bệnh nhân Ebola, bạn biết đấy, thăm từ xa, không chạm vào người. Nhưng giáo dân của ngài nói ngài đừng làm điều đó vì họ sợ ngài sẽ bị lây bệnh và sau đó truyền nhiễm cho họ".

Những tác động của Ebola đang ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe của người dân, mà còn đến nền kinh tế của các nước vốn đã nghèo khổ trong khu vực. Giờ đây các tổ chức phi chính phủ, Liên Hiệp Quốc và Caritas, đang nỗ lực giúp đỡ các quốc gia khắc phục những khó khăn kinh tế do căn bệnh này gây ra.

Đức Ông Robert J. Vitillo cho biết thêm: "Tất cả các trường học đóng cửa, nhiều bệnh viện và các phòng khám đóng cửa. Nhân viên chính phủ ở các bộ phận không thiết yếu không còn làm việc nữa, vì vậy họ không làm ra đồng lương, và người dân không có đủ tiền để mua thức ăn cho gia đình và giúp họ sống sót".

Giáo Hội Công Giáo đã quản lý 18 trung tâm y tế ở Liberia. Đức Ông Vitillo nói rằng giáo dục và phòng ngừa cũng nên là một ưu tiên ở Sierra Leone và Ghana. Cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ hơn nữa để ngăn chặn mối đe dọa chết người này dễ dàng hơn.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước khăn liệm thành Turin
Lã Thụ Nhân
06:13 08/11/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô dự định sẽ tông du đến thành Turin của nước Ý vào tháng Sáu năm 2015. Ngài đã công bố điều này trong buổi triều yết chung hàng tuần hôm thứ Tư 05 tháng 11.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: "Tôi vui mừng thông báo rằng, theo thánh ý Chúa, ngày 21 tháng 6 năm tới, tôi sẽ hành hương đến Turin, để tôn kính khăn liệm thánh và vinh danh Thánh Gioan Bosco, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ngài".

Từ 19 tháng Tư đến 24 tháng Sáu năm 2015, Khăn tiệm Thánh sẽ được trưng bày trong một cuộc triển lãm. Theo truyền thống, đây là khăn vải đã quấn thi hài của Chúa Giêsu sau khi Ngài bị đóng đinh. Lần cuối cùng khăn liệm được trưng bày cho công chúng là vào năm 2010, khi Đức Bênêđictô XVI cầu nguyện trước khăn liệm này. Trong nhiều năm nay, khăn liệm thành Turin đã gây ra sự tò mò trên khắp thế giới.

Đức Tổng Giám mục Cesare Nosiglia của Turin cho biết: "Mọi người đến trước khăn liệm để cầu nguyện hay ngắm chân dung khuôn mặt và thi thể bị tra tấn đã hằn lên khăn liệm".

Trong nhiều tháng nay, Giáo phận Turin đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trọng đại, vì theo dự kiến sẽ có hàng trăm ngàn khách hành hương đến xem triển lãm và cũng để tỏ lòng kính trọng vị sáng lập dòng Don Bosco, Thánh Gioan Bosco. Cuộc triển lãm sẽ tập trung vào giới trẻ và bệnh nhân.

Đức Tổng Giám mục Cesare Nosiglia cho hay thêm: "Chúng tôi muốn gây sự chú ý cho giới trẻ, vì sự kiện này đánh dấu 200 năm sinh nhật Thánh Gioan Bosco. Chúng tôi cũng muốn tỏa ánh sáng đến với người nghèo, người bệnh, và người tàn tật, những người trực tiếp chịu đau đớn về thân xác. Họ mang những vết thương trong da thịt, là dấu chỉ Cuộc Khổ Nạn của Chúa".

Tại Turin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ giới trẻ Ý, tương tự như các cuộc gặp của Ngày Giới trẻ Thế giới.

Thông tin về việc viếng Khăn liệm Thánh có thể được tìm thấy ở hai trang web: www.sindone.orgwww.turinforyoung.it
 
Đức Thánh Cha: việc tuyên bố hôn ước vô hiệu không phải là việc để kiếm tiền
Lã Thụ Nhân
06:27 08/11/2014
Đảm bảo công bằng chính là cốt lõi của thủ tục tuyên bố khế ước hôn nhân vô hiệu. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh khi ngài nói chuyện với các tham dự viên khóa học về hôn ước vô hiệu do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Rôma tổ chức hôm 6 tháng 11. Việc phán quyết phải công bằng, kịp thời và không tốn kém.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Công lý, để anh em có thể công bình và công thẳng cho những người chờ đợi. Công lý nhưng cũng phải có bác ái, bởi vì có rất nhiều người cần một phán quyết từ Giáo Hội về tình trạng hôn nhân của họ. Họ cần câu trả lời thành sự hay bất thành, nhưng câu trả lời cần phải công bằng. Một số trường hợp kết thúc hồ sơ quá lâu và nặng nề làm họ không chịu được khiến họ phải bỏ cuộc".

Đức Thánh Cha nói rằng ngài lo ngại về mức chi phí quá cao trong việc thực hiện các vụ án này, cho dù đó là các chi phí cho luật sư hay cho toà án. Ngài cảnh báo: "Chúng ta phải cẩn trọng, để không thực hiện các thủ tục này lợi ích kinh tế. Tôi không đưa ra các trường hợp giả định đâu. Thực sự, đã có những vụ bê bối công khai. Trước đây, tôi đã sa thải một nhân viên khỏi Tòa án, bởi vì anh ấy nói với người ta rằng ‘Hãy đưa tôi 10,000 Mỹ kim và tôi sẽ lo liệu cả các thủ tục dân sự và Giáo Hội’. Xin hãy ngăn chặn đừng để điều này xảy ra nữa".

Thượng Hội đồng Giám mục cũng đã thảo luận về khả năng miễn phí trong các thủ tục tuyên bố hôn ước vô hiệu. Đức Thánh Cha nói về sự chọn lựa này: "Trong Thượng Hội đồng Giám mục cũng đã có những đề nghị miễn phí thủ tục này. Chúng ta phải nghiên cứu điều này. Nhưng chúng ta không thể gắn lợi ích thiêng liêng với lợi ích kinh tế, Điều này không thuộc về Thiên Chúa!"

Giáo Hội Mẹ đủ quảng đại để có thể mang lại công lý một cách nhưng không, như chúng ta được Chúa Giêsu Kitô bào chữa một cách nhưng không. Đây là điểm quan trọng. Hai vấn đề này phải được tách bạch".

Thông thường, một vụ án tuyên bố khế ước hôn nhân vô hiệu kéo dài khoảng một năm rưỡi. Chi phí tùy thuộc vào mỗi nước.

Tại Hoa Kỳ, tùy thuộc vào giáo phận, chi phí thường giao động khoảng từ 300 đến 600 Mỹ kim.

Trong trường hợp của Tây Ban Nha, chi phí được phân chia giữa lệ phí tòa án và luật sư. Tòa án nhận khoảng từ 600 đến 1200 euro, nhưng đưng sự có thể bị yêu cầu đóng một chi phí cao hơn. Ngoài ra, chi phí luật sư mất thêm khoảng 1,200 đôla.

Đức Thánh Cha nói rằng trong số các bản án này, chi phí cao làm nản lòng người Công Giáo theo đuổi các thủ tục.
 
Lòng bác ái Công giáo: Hãy bảo trợ một gia đình Iraq
Lã Thụ Nhân
06:43 08/11/2014
Hàng ngàn gia đình Iraq đã bị buộc phải rời khỏi nhà cửa bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan. Trong bối cảnh bất ổn, có hai câu hỏi chính những người tị nạn thường nhắc đi nhắc lại.

Ông Silvio Tessari, giám đốc bộ phận Trung Đông của Caritas Ý cho hay: "Họ nói rằng, nếu chúng tôi đã tham gia vào chính trị, hoặc nếu chúng tôi là thành phần của một đảng đối lập, chúng tôi có thể hiểu được tại sao, nhưng không... Chúng tôi là những người bình thường, những người làm việc và sống tử tế. Tại sao điều này lại xảy đến với chúng tôi? Câu hỏi thứ hai họ thường hỏi là tương lai của họ sẽ đi về đâu?"

Ông Silvio Tessari là chủ tịch bộ phận Trung Đông của Caritas Ý. Gần đây ông đã gặp gỡ người tị nạn Iraq ở Kurdistan. Một số người đã nhận được sự giúp đỡ, nhưng nhiều người vẫn không có một mái nhà che mưa nắng gió sương. Vì thế một sáng kiến mới mang tên Dự án Gia Cư đã được đưa ra.

Ông Silvio Tessari nói thêm: "Có khả năng là chúng tôi sẽ cung cấp cho các gia đình này một loại container hoặc một nhà lưu động được thiết kế cho một gia đình. Vì thế, ngoài những thứ khác, chúng tôi sẽ lắp đặt vòi nước và một cái bếp".

Caritas hy vọng sẽ mua 150 container cho các hộ gia đình, với chi phí khoảng 3,100 euro một cái. Họ đang hy vọng sẽ có người quyên tặng. Họ cũng hy vọng sẽ mua xe buýt học sinh cho những người tị nạn.

Ông Silvio Tessari cho biết: "Những đứa trẻ không có gì để làm. Người ta có thể đối phó với tình trạng này một, hai hoặc ba tháng, nhưng cuối cùng tình trạng thiếu hoạt động này gây ra căng thẳng cho chúng và gia đình chúng. Chúng cần phải đi học. Các trại tỵ nạn cách xa các trại khác nhiều dặm, chúng ta cần xe buýt để đón chúng và đưa chúng đến trường".

Trong thời điểm hiện nay, các gia đình tị nạn buộc phải chờ đợi. Họ biết mọi chuyện sẽ không giống như cũ, nhưng họ hy vọng một ngày nào đó có thể trở về nhà một cách an toàn.

Để biết thêm thông tin xin vào: www.caritas.it
 
Đức Thánh Cha tiếp các Giám mục Malawi tại Vatican
Lã Thụ Nhân
06:50 08/11/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các Giám mục từ Malawi đang viếng thăm Rôma trong chương trình ‘ad limina’ viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh mỗi 5 năm một lần.

Ngài đích thân chào từng vị và gửi cho họ một bản bài huấn từ của ngài.

Malawi là một nước nghèo. Theo Liên Hiệp Quốc, khi nói đến mức phát triển, đất nước này đứng ở vị trí thứ 166 trong số 187 quốc gia.

Đức Thánh Cha mô tả mức độ nghèo khổ cùng với tuổi thọ thấp như là một thảm kịch. Ngài cũng cám ơn các giám mục vì công việc các ngài đã thực hiện trong lĩnh vực y tế, nhất là việc giúp những người bị AIDS. Malawi là một trong số 10 nước đứng đầu về số người nhiễm HIV.

Khi nói đến ơn gọi linh mục, Đức Thánh Cha mời gọi các Giám mục đưa ra chương trình đào tạo tốt nhất cho các chủng sinh. Cuối cùng, một sự nhầm lẫn nhỏ làm một số vị phá ra cười trước khi nói lời chia tay Đức Thánh Cha.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đưa vào danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Lã Thụ Nhân
07:09 08/11/2014
Tạp chí Forbes đã công bố danh sách hàng năm về những người có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trong số danh sách 5 người cao nhất có Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Thực vậy, Đức Giáo Hoàng là nhân vật phi chính trị duy nhất ở thứ hạng hàng đầu. Ngài đứng ở vị trí số 4, ngay trước Thủ tướng Đức Angela Merkel. Là vị lãnh đạo tinh thần của một phần sáu dân số thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dẫn dắt Giáo Hội với hơn 1 tỷ người.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng ở vị trí số một, tiếp theo là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đứng ở vị trí thứ ba.

Các quyết định được đưa ra dựa trên tiền bạc, ảnh hưởng và tác động của các quyết định của nhân vật được bầu chọn.

Đáng chú ý là trong danh sách cũng có kẻ sáng lập Nhà nước Hồi giáo, Abu Baker al-Baghdadi, người được xếp hạng ở vị trí thứ 54.

Người lớn tuổi nhất trong danh sách là quốc vương Ả Rập Saudi, Abdullah bin Abdulaziz, ở tuổi 90, ông đứng ở vị trí số 11. Người trẻ nhất, là Mark Zuckerberg 30 tuổi, người sáng lập Facebook.

Trong danh sách 72 người, có 9 phụ nữ. Ngoài bà Angela Merkel, có bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp bề trên các dòng tu và thúc giục các cộng đoàn dòng tu sống tình huynh đệ
Lã Thụ Nhân
08:03 08/11/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp rõ ràng đến các bề trên của các dòng tu Ý khi các vị gặp nhau tại Vatican.

Ngài nói với các vị rằng điều quan trọng là các cộng đoàn phải sống tình huynh đệ và không được nói xấu nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Một dấu chỉ rõ ràng mà đời sống tu trì phải thể hiện hôm nay chính là đời sống huynh đệ. Hãy vui lòng đừng để cho sự khủng bố của thói nói xấu xảy ra giữa anh em! Hãy ném nó đi! Mong cho ở giữa anh em là tình huynh đệ. Và nếu anh em có bất cứ điều gì bất bình người anh em mình, anh em hãy nói thẳng điều đó trước mặt nhau...".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tu sĩ rằng để sống tình huynh đệ này trong cộng đoàn của họ, điều quan trọng là hoàn toàn tin tưởng nhau. Ngài nói: "Đôi khi anh em có thể đi đến chỗ bùng nổ nhưng đó không phải là vấn đề. Điều đó tốt hơn so với sự khủng bố của thói nói xấu. Điều đó không luôn luôn được nhận thấy, anh em biết rõ như vậy. Nhiều lần chúng ta thất bại vì chúng ta đều là những người tội lỗi nhưng nếu chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình, hãy xin sự tha thứ và mang lại sự tha thứ".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các tu sĩ có thể dạy cho Giáo Hội và xã hội biết được tình huynh đệ là gì. Bởi vì trong cộng đoàn, giống như trong một gia đình, họ không thể lựa chọn anh em của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay: "Đời sống thánh hiến có thể giúp Giáo Hội và toàn thể xã hội bằng việc làm chứng cho tình huynh đệ, nó có khả năng làm cho người ta sống với nhau như anh em trong sự đa dạng. Điều này là rất quan trọng! Bởi vì trong cộng đoàn anh em không được lựa chọn, nhưng thấy mình giữa những người có những khác biệt về tính cách, tuổi tác, học vấn, tình cảm... Và ngay cả trong tình huống như vậy, anh em hãy cố gắng sống với nhau như anh em mình".

Cuộc tiếp kiến bề trên các dòng tu của Đức Thánh Cha Phanxicô được tổ chức trước thềm của Năm dành riêng cho đời sống tu trì. Thật vậy, Năm Đời sống thánh hiến sẽ bắt đầu vào 30/11/2014 và kết thúc vào ngày 02/02/2016.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Chúng ta hãy cùng nhau chấm dứt đàn áp tôn giáo
Lã Thụ Nhân
08:10 08/11/2014
Trong lời ca tiếng hát làm nền, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các vị lãnh đạo Công Giáo và không Công Giáo của Phong trào Focolare đến Vatican tham dự hội nghị đại kết với chủ đề ‘Thánh Thể: Mầu nhiệm hiệp thông’

Đức Thánh Cha yêu cầu họ cùng nhau làm việc để vượt thắng nền văn hóa của sự thờ ơ và bất khoan dung tôn giáo. Nhiều tham dự viên hội nghị đến từ các Giáo Hội Trung Đông khác nhau:

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Ở nhiều nước, người ta không có quyền bày tỏ đức tin của mình một cách công khai, hoặc thậm chí không được sống niềm tin tôn giáo của mình theo giáo lý Kitô giáo. Ngoài ra còn có sự bách hại Kitô hữu và những người thiểu số".

Hơn 40 giám mục đến từ 24 quốc gia đã tham dự hội nghị, trong đó các đại diện của Giáo Hội Chính thống Syria và Giáo Hội Chính thống Armenia.

Một trong những diễn giả xin Đức Thánh Cha lên án các vụ bắt cóc Giám mục của họ ở Trung Đông trong chuyến tông du sắp tới của ngài đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Thánh Cha cũng nói về sự cần thiết phải cùng nhau làm việc trong bối cảnh rất nhiều bất ổn toàn cầu. Ngài nói: "Thật buồn khi chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của chủ nghĩa khủng bố, hoàn cảnh của những người tị nạn do chiến tranh và các lý do khác, những thách đố của chủ nghĩa quá khích và cực đoan khác, của chủ nghĩa thế tục bị thổi phồng, tất cả những điều này thực sự thách đố lương tâm Kitô hữu và mục tử của chúng ta".

Hội nghị kéo dài bốn ngày bắt đầu vào ngày 03/11 và đánh dấu Cuộc họp Đại kết lần thứ 33 của các Giám Mục và Bạn hữu của Phong trào Focolare.
 
Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh
LM. Trần Đức Anh OP
14:52 08/11/2014
VATICAN. Hôm 8-11-2014, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, làm Tân Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh thay thế ĐHY Raymond Burke 66 tuổi, được bổ làm người Bảo Trợ Hội hiệp sĩ Malta.

Đức TGM Mamberti người Pháp, năm nay 62 tuổi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan trước khi được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng cách đây 8 năm.

Ngoài ra, ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Paul Richard Gallagher làm tân ngoại trưởng của Tòa Thánh. Đức TGM người Anh, 60 tuổi (1954) cho đến nay là Sứ thần Tòa Thánh tại Australia. Trước đó ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Guatemala từ 2009 đến 2012.

Hội hiệp sĩ Malta, gọi tắt là SMOM, là một ”dòng hiệp sĩ” hiện nay chuyên hoạt động từ thiện bác ái, với 13 ngàn thành viên và 80 ngàn người thiện nguyện tại 120 nước trên thế giới và có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với hơn 104 quốc gia.

Với sự thuyên chuyển ĐHY Burke, hiện nay không còn vị người Mỹ nào đứng đầu một cơ quan trung ương Tòa Thánh. (SD 8-11-2014)
 
Đức Thánh Cha tiếp 40 Giám Mục bạn của Phong trào Focolari
LM. Trần Đức Anh OP
14:53 08/11/2014
VATICAN. Sáng 7-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 40 GM bạn của Phong trào Focolari, Tổ Ấm, và ngài mời gọi các vị tiếp tục làm chứng tá về sự hiệp nhất trước các thách đố trong thế giới ngày nay.

Các GM thuộc 8 cộng đoàn Kitô ở 29 nước, gồm Công Giáo, Chính Thống, Chính Thống Siri, Anh giáo, Tin lành Methodist, Luther, vừa kết thúc khóa họp thường niên thứ 33 kéo dài 4 ngày tại trung tâm Mariapoli, ở Castel Gandolfo, cách Roma khoảng 30 cây số, với chủ đề là ”Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông”.

ĐTC ghi nhận sự kiện các GM thuộc các cộng đoàn Giáo Hội khác nhau gặp gỡ và chia sẻ huynh đệ là một sự biểu hiện, là kết quả của điều mà lòng yêu mến đối với Lời Chúa tạo nên, và ý chí sống theo Tin Mừng.. Ngài nói: ”Tôi khích lệ anh em hãy bảo tồn kinh nghiệm phong phú này và can đảm tiếp tục như thế, luôn chú ý đến những dấu chỉ thời đời, và cầu xin Chúa ơn lắng nghe nhau, và ngoan ngoãn đối với thánh ý Chúa”.

ĐTC cũng đề cao giá trị chứng tá sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô, quí chuộng và sống huynh đệ với nhau giữa một thế giới đang bị chao đảo. Ngài nói: ”tình huynh đệ này là một dấu chỉ rạng ngời và có sức thu hút về niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô phục sinh”.

ĐTC nhắc đến tình trạng nhiều quốc gia thiếu tự do công khai biểu lộ tôn giáo và sống công khai theo những đòi hỏi của luân lý Kitô: những cuộc bách hại chống các tín hữu Kitô và các nhóm thiểu số khác, hiện tượng khủng bố đau thương, thảm trạng những người tị nạn vì chiến tranh và vì những lý do khác, thách đố do trào lưu cực đoan và tục hóa thái quá. Tất cả những điều đó đang gọi hỏi lương tâm các tín hữu Kitô và các vị chủ chăn. Ngài nói: “Những thách đố đó càng thúc đẩy chúng ta tái nỗ lực tìm kiếm những con đường dẫn đến sự hiệp nhất, để thế gian tin (Xc Ga 17,21) và để chúng ta là những người đầu tiên có thể được tràn đầy niềm tín thác và can đảm. (SD 7-11-2014)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia
LM. Trần Đức Anh OP
14:54 08/11/2014
VATICAN. Sáng ngày 8-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn tráng sinh thuộc Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành này ở Italia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC phân tích nguyên ngữ của phong trào ”Scoutisme” là ”hướng đạo” và ngài khuyến khích các thành viên phong trào này hướng đạo trong gia đình, trong thiên nhiên và trong thành thị. Ví dụ về việc hướng đạo trong thiên nhiên, ngài nói:

”Thời đại chúng ta ngày nay không thể không chú ý đến vấn đề môi sinh, là điều sinh tử đối với sự sống còn của con người, và không thể thu hẹp vấn đề này như một vấn đề hoàn toàn chính trị mà thôi. Môi sinh học có một chiều kích luân lý liên hệ tơi mọi người, vì thế không ai được phép lơ là. Trong tư cách là môn đệ Chúa Kitô, chúng có có thêm một lý do nữa để liên kết với mọi người thiện chí trong việc bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, môi trường. Thực vậy, thiên nhiên là một món quà Đấng Tạo Hóa đã ủy thác vào tay chúng ta. Toàn thể thiên nhiên xung quanh cũng là điều đã được Thiên Chúa dựng nên như chúng ta, cùng với chúng ta, và trong một vận mệnh chung, hướng đến việc tìm thấy nơi Thiên Chúa sự viên mãn và cùng đích.. Sống gần gũi với thiên nhiên, như anh chị em đang làm, không những bao hàm sự tôn trọng thiên nhiên, nhưng còn dấn thân cụ thể để loại trừ những phung phí của một xã hội có xu hướng gạt bỏ những vật dùng còn dùng được và có thể tặng cho người đang cần”.

Sau cùng, ĐTC khuyến khích các tráng sinh hướng đạo Công Giáo sống giữa lòng xã hội như men làm dậy bột, đóng góp chân thành cho việc thực thi công ích và vui mừng đề nghị cho tha nhân các giá trị Tin Mừng (SD 8-11-2014)
 
Trừ tà là một nhu cầu mục vụ khẩn cấp
Đặng Tự Do
16:49 08/11/2014
Các chuyên gia Công Giáo nói sự suy giảm đức tin tại phương Tây, sự gia tăng các hoạt động huyền bí đã dẫn đến nhu cầu cấp thiết ngày càng gia tăng của việc trừ tà. Kết luận này đã được đưa ra sau hội nghị khoáng đại lần thứ 12 của International Association of Exorcists (AIE) – Hiệp hội quốc tế các nhà trừ tà – nhóm tại Rôma từ 20 đến 25 tháng 10 vừa qua.

Phát ngôn viên của AIE là tiến sĩ Valter Cascioli cho biết một số lượng các giám mục và Hồng Y đã yêu cầu tham gia hội nghị do sự gia tăng hoạt động của ma quỷ trong giáo phận của các ngài.

Ông Cascioli nói với thông tấn xã CNA: "Trừ tà đã trở thành một trường hợp mục vụ khẩn cấp. Tại thời điểm này số lượng những hoạt động ngoại thường của ma quỷ đang gia tăng."

Sự gia tăng hoạt động ma quỷ bắt nguồn từ suy giảm đức tin cá nhân, cùng với sự gia tăng quảng bá sự tò mò và sự tham gia vào các hoạt động huyền bí như cầu cơ và những trò liên lạc với linh hồn người chết.

Cha Stephen Doktorczyk, một linh mục của Giáo Phận Orange, đã tham gia hội thảo chữa bệnh và đã nhiều lần cầu nguyện trên những người bị cho là quỷ ám, cho biết người trẻ ngày nay thường bị dụ dỗ dần vào các hoạt động thần bí mà thoạt đầu xem ra vô hại.

Ngài nói: “Các bậc cha mẹ phải cảnh giác vì như Thánh Phêrô nói: ‘Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.’ 1 Pr 5:8-9”.

Ngài nhắc lại rằng theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu Công Giáo phải loại bỏ mọi hình thức bói toán, cậy nhờ Satan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai.

Ngài nhắc lại rằng đoạn 2116 và 2117 Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng:

Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Ðiều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa.

Ai muốn dùng ma thuật hay pháp thuật để chế ngự các thế lực huyền bí, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác dù là để chữa bệnh, cũng lỗi nặng nhân đức thờ phượng. Các việc nầy càng đáng lên án hơn nữa khi có dụng ý hại người, hay nhờ đến sự can thiệp của ma quỉ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường đi kèm cả bói toán hay ma thuật. Hội Thánh cảnh giác các tín hữu phải xa lánh các điều ấy. Khi dùng các phương thuốc gia truyền, không được kêu cầu các thế lực ma quỉ cũng như lợi dụng sự nhẹ dạ của người khác.
 
Nga trục xuất tất cả các linh mục Công Giáo khỏi Crimea
Đặng Tự Do
17:07 08/11/2014
Tất cả các linh mục Công Giáo sẽ bị buộc phải rời khỏi Crimea vào cuối năm 2014 theo các quy định mới được thành lập bởi chính phủ Nga.

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát của Nga Crimea, nhà chức trách Nga đã áp dụng luật đòi hỏi các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký để được phê duyệt cho chính thức hoạt động. Thực tế là cho đến nay, không có cộng đồng tôn giáo nào trong khu vực đã được phê duyệt.

Theo quy định của Nga, chỉ có các cộng đồng tôn giáo được chính thức phê duyệt mới được mời các thừa tác viên từ các nước khác. Nga viện vào lý do này để đưa ra quyết định trục xuất tất cả các linh mục Công Giáo khỏi Crimea.

Khi được các ký giả hỏi về những khó khăn các quy tắc này sẽ gây ra cho người Công Giáo và các cộng đồng khác ở Crimea, viên chức di trú Nga trả lời trong cuộc họp báo: "Tôi không biết. Đó không phải là vấn đề của tôi”.
 
Thành tích vang dội của Caritas tại Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
17:19 08/11/2014
Trận bão Hải Yến (Haiyan) là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từ trước đến nay, đã tàn phá nhiều phần của Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, vào ngày 08 tháng 11, năm 2013. Đây là cơn bão nguy hiểm nhất trong lịch sử Philippines, giết chết ít nhất 6,300 người tại Phi.

Hải Yến cũng là cơn bão mạnh nhất khi đánh vào đất liền. Nó là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận về tốc độ gió đến mức đã gây ra thiệt hại kinh hoàng cho đất nước này với hơn 2,8 tỷ Mỹ Kim thiệt hại về tài sản.

Caritas, liên minh các cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo Hội, đã hỗ trợ gần 800,000 người ở Philippines trong năm qua.

Tổ chức bác ái Công Giáo này báo cáo rằng đã xây dựng trên 3,700 nhà ở thường trú và trên 35,000 công trình nước sạch trong năm qua.
 
Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland bách hại công khai một tiệm bánh của người Công Giáo
Đặng Tự Do
18:59 08/11/2014
Ashers Baking Company, một tiệm bánh có quy mô của một thương nghiệp gia đình đã là nạn nhân mới nhất của Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland.

Tháng Năm vừa qua, QueerSpace, một tổ chức vận động đồng tính luyến ái ở Bắc Ireland, nơi hôn nhân đồng tính không được công nhận đã đến cửa hàng bánh này để đặt một số bánh trong đó có ghi hàng chữ “Support gay marriage” - "Ủng hộ hôn nhân đồng tính".

Gia đình người chủ tiệm bánh đã từ chối không làm số bánh này vì những hàng chữ trên đi ngược lại niềm tin của họ. Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland của chính phủ Bắc Ái Nhĩ Lan đã lập tức vào cuộc. Sau khi gửi nhiều thư hăm dọa, ủy ban đã chính thức tuyên bố sẽ truy tố tiệm bánh này vì “phân biệt đối xử” và vì “những thương tổn tâm lý trầm trọng gây ra cho những người đồng tính”

Daniel McArthur, quản lý tiệm bánh nói:

“Gia đình chúng tôi rất hoang mang và chịu một áp lực rất nặng nề. Chúng tôi chỉ là một thương nghiệp nhỏ với quy mô gia đình làm sao lấy đâu ra tiền để tranh cãi, kiện tụng với một cơ quan nhà nước được hỗ trợ dồi dào với nguồn tài chính bất tận từ tiền thuế của người dân.

Hàng ngày chúng tôi còn chịu những kẻ khiêu khích đến đây chửi rủa và lăng mạ nhưng nhà nước không quan tâm bảo vệ chúng tôi.

Asher Baking sẵn sàng phục vụ bất cứ khách hàng nào mặc kệ lối sống tình dục của họ nhưng chúng tôi không muốn bị buộc phải đề cao một chủ trương chống lại niềm tin Kinh Thánh của chúng tôi. Trong hoàn cảnh hiện nay chúng tôi chỉ biết cầu nguyện xin Thiên Chúa chỉ bảo đàng lành cho chúng tôi”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Linh Mục dâng lễ tạ ơn tại Giáo xứ Bắc Hải
Giuse Khổng Hữu Nguồn
10:45 08/11/2014
HỐ NAI - Sáng thứ Sáu 07/11/2014, tại nhà thờ giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc, tân linh mục Micae Maria Phạm Hữu Tâm (Phạm Đức Sinh, CMC) thuộc Dòng Đồng Công đã về quê nhà dâng lễ Tạ Ơn Chúa và cầu nguyện cho giáo xứ, giáo họ và gia đình. Cùng dâng lễ với tân linh mục, có cha xứ Đaminh Bắc Hải, kiêm Quản Hạt Hố Nai. Cha Bề Trên Dòng Đồng Công. Cha cố Giuse nghĩa phụ. Quý cha đồng tế và tám cha mới chịu chức. Tham dự thánh lễ, có đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý chức ban hành giáo: Bắc Hải, Chợ Cầu, Túc Trưng, gia đình tận hiến, quý thầy cô giáo, quý khách, quý thân nhân, ân nhân và họ hàng nội ngoại gia đình của tân linh mục.

Hình ảnh

Đoàn rước từ xứ đường tiến về cung thánh giữa cộng đoàn, giữa tiếng trống giáo họ Nam Am, tiếng kèn đồng, tiếng hát ca đoàn vang vang bài ca “Từ ngàn xưa cha đã yêu con, cha gọi con giữa muôn người, giờ đây con hân hoan bước lên bàn thánh, dâng hiến cha xác cha hồn trắng tinh như ánh quang rạng ngời, đưa bước tung reo lời chân lý hầu cứu thoát muôn dân muôn người…”

Mở đầu thánh lễ, cha xứ Đaminh thay mặt cộng đoàn giáo xứ Bắc Hải dâng lời chào mừng quý cha, quý tu sĩ, quý cộng đoàn phụng vụ. Và ngài vui mừng dâng lời chào mừng quý cha mới, đồng thời giới thiệu cha mới Miacae là người trong giáo xứ, đã được Chúa chọn gọi lên hàng linh mục của Chúa.

Ngài hân hoan mời cộng đoàn sốt sắng dâng lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Hội Thánh có thêm nhiều thợ gặt như lòng Chúa mong muốn.

Trong bài giảng lễ, cha Giuse, chánh xứ Chợ Cầu thuộc giáo phận Sài Gòn, chia sẻ với cộng đoàn về thân phận người linh mục của Chúa ví tựa như chiếc bình sành, dễ vỡ. Linh mục là "con người" nên cũng mang thân phận của con người với một thân xác nặng nề, yếu hèn, dễ vấp ngã như mọi người, mặc dù đã được Thiên Chúa tuyển chọn.

Trong dịp mừng lễ tạ ơn của tân linh mục hôm nay, ngài mời gọi mọi người hãy cùng nhau tích cực hỗ trợ giúp các linh mục mỗi ngày một hoàn hảo, thánh thiện. Đặc biệt cầu nguyện với các linh mục và cho các linh mục, hầu mang lại nhiều ơn ích trong sứ vụ thánh hoá dân Thiên Chúa.

Sau phần hiệp lễ, 9 tân linh mục ra quỳ trước cung thánh, và cùng cộng đoàn đọc kinh cầu nguyện cho các linh mục.

Tiếp đến là phần chúc mừng của cha xứ Đaminh, của Ban Hành Giáo Bắc Hải, và lời cảm ơn của cha mới Miacae đến với quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn và quý khách. Ngài nói: “trước những ân tình sâu đậm, sự hy sinh vất vả, và lời cầu nguyện của quý cha, quý thầy, quý sơ và mọi người dành cho con quá lớn, sức con không thể đền đáp nổi, con chỉ biết nài xin Thiên Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho quý cha, quý thầy, quý sơ và tất cả mọi người”.

Cha mới Micae Maria Phạm Hữu Tâm (Phạm Đức Sinh) thuộc Dòng Đồng Công. Được Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn truyền chức linh mục cùng với 8 thầy phó tế tại Nhà Nguyện Dòng Đồng Công, Thủ Đức ngày 25/10/2014.

Cha mới Micae sinh ra và lớn lên ở giáo họ Nam Am, xứ Bắc Hải, trong một gia đình 07 anh chị em, có hoàn cảnh nghèo, cha mẹ mất sớm.

Ngày 24/11/2012, cha mới có người anh ruột Micae Phạm Hữu Trung, thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn, chịu chức linh mục tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Đà Lạt, bởi tay Đức Cha Anton Vũ Huy Chương.

Hòa trong niềm vui Mừng Kim Khánh Thành Lập Giáo Phận Xuân Lộc và Mừng Ngọc Khánh – 60 Năm Thành Lập Giáo Xứ Bắc Hải. Trong năm 2014, gia đình giáo xứ Bắc Hải hân hoan vui mừng dâng lễ tạ ơn Chúa với các tân linh mục: ngày 28/6/2014 lễ tạ ơn của tân linh mục Phero Phan Khắc Sùng, Hội Thừa Sai Việt Nam, thuộc gia đình giáo họ Hội Am. ngày 29/8/2014 lễ tạ ơn của tân linh mục Giuse Nguyễn Trí Dũng, Dòng Saledieng Don Cosco, thuộc gia đình giáo họ Đỗ Thượng. và ngày mồng 07 tháng 11vừa qua là cha mới Micae Phạm Hữu Trung, Dòng Đồng Công, thuộc giáo họ Nam Am.

“Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người”. ‘Tv 89(88)’

Lạy Chúa, xin ban cho giáo xứ chúng con có thêm nhiều thợ gặt mới để Vinh Danh Chúa và Cứu Rỗi các Linh Hồn.
 
Tĩnh tâm linh mục đoàn Giáo Phận Hưng Hóa năm 2014
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
10:51 08/11/2014
“Thành công việc mở nước Chúa không hệ tại ở tài khéo hay nhiệt tình của nhà truyền giáo mà thôi, nhưng trước hết do niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, tràn đổ trên chúng ta qua Chúa Thánh Thần”. Đó là lời Đức viện phụ Đaminh Phạm Văn Hiền, dòng Sitô Phước Sơn, chia sẻ cho Linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa trong buổi tĩnh tâm ngày 03.11.2014 tại Trung tâm Mục vụ Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, thuộc giáo Phận Hưng Hóa.

Hình ảnh

Tham dự tuần tĩnh tâm từ ngày 03-08.11.2014 có Đức cha Gioan Maria Vũ Tất – Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa, hơn 80 linh mục triều và dòng đang phục vụ tại giáo phận cùng 8 Thầy đã mãn trường đang làm việc mục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận.

Đúng 14g cùng ngày, tuần tĩnh tâm được khai mạc tại nhà nguyện của Trung Tâm Mục Vụ Hà Thạch. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn để quí cha kín múc được nhiều hoa trái thiêng. Đây là dịp rất tốt để quí cha tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban trong năm qua và xem xét bản thân về tương quan với Chúa, với bản thân và với giáo dân, nhất là cung cách truyền giáo.

Đức viện phụ đã lấy Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangilii Gaudium) của Đức Thánh Cha Phanxicô để làm đề tài cho tuần tĩnh tâm. Đây là Tông huấn đầu tay của Đức Thánh Cha kể từ ngày lên kế vị thánh Phêrô. Tông huấn này được đánh giá rất cao về chiều sâu và tầm nhìn của vị giáo hoàng người Argentina. Tông huấn đề cập đến nhiều vấn đề nhưng Đức viện phụ chia sẻ chủ yếu về khía cạnh truyền giáo trong chương 5. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Duy trì nhiệt tình truyền giáo sống động đòi hỏi chúng ta vững vàng tin cậy vào Chúa Thánh Thần vì Người là Đấng cứu giúp những nỗi yếu hèn của chúng ta” (EG 259).

Ngoài phần mở đầu và kết thúc, Đức viện phụ chia làm 7 bài. Mỗi ngày chia sẻ hai bài vào buổi sáng và chiều. Mỗi bài kéo dài khoảng từ 50 – 60 phút. Thời gian vừa đủ để người nghe suy nghĩ, cảm nghiệm và xét mình.

Bài thứ nhất: giới thiệu tổng quát về Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangilii Gaudium) của Đức Thánh Cha Phanxicô; Bài thứ hai: trở thành những con người đầy Thần Khí; Bài thứ ba: labora (một sự vươn tới tha nhân sau khi đã thực hiện một cuộc đi ra); Bài thứ tư: vươn tới tha nhân với tình huynh đệ; Bài thứ năm: xin cho chúng nên một... để thế gian tin rằng Cha đã sai con (17,23); Bài thứ sáu: Thiên Chúa dẫn chúng ta đi vào nội tâm; Bài thứ bảy: hoạt động nhiệm mầu của Đức Kitô Phục Sinh trong chiến sỹ Tin Mừng đầy Thần Khí.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và làm bề trên, Đức viện phụ đã chia sẻ một cách hết sức thuyết phục. Với sự thâm thúy của một người sống đời sống chiệm niệm, ngài cho linh mục đoàn giáo phận nhận thấy tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa là người Cha đích thực trong cuộc đời mỗi người. Với sự khôi hài dí dỏm, ngài cho mọi người thoải mái và say mê lắng nghe. Với sự hiểu biết sâu sắc, ngài cho mọi người nhận thấy nhiệt huyết và linh đạo truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô qua Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng.

Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta phải suy niệm Tin Mừng với tình yêu, dừng lại ở mỗi trang và đọc bằng trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta đến với Tin Mừng bằng cách này, vẻ đẹp của Tin Mừng làm chúng ta kinh ngạc và không ngừng khích lệ chúng ta” (EG 264).

Ngày cuối cùng, Đức cha giáo phận muốn chia sẻ cùng quí cha những thông tin liên quan đến Giáo hội toàn cầu và Giáo hội địa phương để cùng nhau sống và liên kết trong một sự hiệp nhất yêu thương. Ngài nói: “Linh mục là linh mục của Chúa, của Giáo Hội thì mình cần phải liên kết với Chúa, với Giáo Hội, nhất là với giáo phận của mình. Nếu người nào không suy nghĩ và thực hành như vậy thì không khác nào cành nho không gắn liền với thân nho”.

Vào lúc 17g00, giờ Chầu Chúa Giêsu Thánh Thể và hát Kinh Te Deum đã kết thúc tuần tĩnh tâm của linh mục đoàn giáo phận. Quí cha ra phòng với con người mới. Tạ ơn Chúa. Cám ơn bề trên giáo phận và Đức viện phụ giảng phòng. Tuy thời gian không dài nhưng cũng đủ để từng người cảm nhận được tình thương vô bờ của Thiên Chúa.

Sau bữa cơm tối thân mật, thứ Sáu ngày 07.11, quí cha tùy nghi di tản hoặc nghỉ lại tại Trung Tâm Mục Vụ. Ai cũng vui vẻ và tự tin hơn. Hi vọng với sự nhiệt tình vốn có nơi quí cha cộng với tinh tinh thần phục vụ mới, cánh đồng truyền giáo tại miền thập tỉnh Tây Bắc sẽ hứa hẹn một mùa “bội thu”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngôi thánh đường, dòng nước từ đền thờ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:28 08/11/2014
Ngôi thánh đường, dòng nước từ đền thờ

Khắp nơi và tôn giáo nào cũng xây dựng đền thờ, chùa chiền, thánh thất cho việc thờ kính Thiên Chúa, Thần Thánh, Đấng tối cao của đạo mình.

Nơi thờ phượng đó cũng là nơi người tín hữu tụ họp lại cùng nhau đọc kinh cầu nguyện, cử hành các nghi lễ thờ kính Thiên Chúa, Thần Thánh của họ.

Nơi thờ phượng đó cũng là dấu hiệu nói lên rõ nét về tôn chỉ của đạo. Vì mỗi Đạo mỗi tôn giáo có có lối kiến trúc xây dựng đền thờ khác nhau từ mái nhà, những hàng cột, không gian bên trong thánh đường…

Nơi thờ phượng đó, người tín hữu tìm gặp, cảm nhận được nguồn ơn bình an cho tâm hồn mình.

Ngôn sứ Ezechiel ngày xưa thuộc hàng Tư Tế đạo Do Thái, vào năm 597 trước Chúa Giáng sinh thời Vua Nabukonodoza bên xứ Babylon nước Irak đã chiếm Gierusalem, cùng với dân Do Thái bị đưa đi lưu đày sang Babylon. Nơi xứ lưu đầy Babylon Ông nhớ đến đền thờ xứ sở quê hương Gierusalem bị tàn phá. Bây giờ không còn đền thờ để tụ tập lại thờ kính Thiên Chúa Giavê nữa, không còn nơi để đọc kinh cầu nguyện tìm sự bình an cho tâm hồn, đền thờ Giêrusalem biểu tượng cho đạo mình đã mất.

Nhưng Ngôn sứ mơ ước trông mong về một đền thờ mới, từ nơi đền thờ này mạch nước sự sống tuôn chảy ra mang sức sống đến khắp mọi nơi.

Hình ảnh một đền thờ mới của Ngôn sứ Ezechiel, nơi nguồn mạch nước sự sống tuôn chảy ra cũng là mô hình của thánh đường thời Tân Ước bắt đầu với Chúa Giêsu.

Từ khi Chúa Giêsu thành lập Hội Thánh Công Giáo ở trần gian, những ngôi Thánh đường to nhỏ được xây dựng khắp nơi thờ phượng Thiên Chúa.

Những ngôi thánh đường này được xây dựng theo nền văn hóa thời đại xưa nay. Chúng mang mầu sắc nói lên nét đặc trưng của đạo Công Giáo với cây Thánh Gía Chúa Giêsu trên đỉnh nóc thánh đường. Những cây tháp nhọn to nhỏ trên mái thánh đường như chỉ hướng lên trừi cao, nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là sự sống ngự trên đó, và nơi đó cũng là quê hương của con người, và tiếng chuông giáo đường phát tỏa từ cây tháp nhà thờ truyền đi sứ điệp nhắc nhở mời gọi : nào hãy cùng đến với Thiên Chúa. Tiếng chuông giáo đường cũng là lời vọng lên tới Thiên Chúa phát tỏa âm thanh trầm bổng giữa đời sống con người.

Rồi ngoài ra, từ nơi Thánh đường các Bí Tích, nguồn mạch ân đức của Thiên Chúa, được mừng kính cử hành: Bí tích Rửa Tội, bí tích Hòa giải, Bí tích Mình Thánh Chúa, Bí tích Thên Sức, Bí Tích Hôn phối, Bí Tích Truyền chức Phó Tế, Linh mục và Giám mục.

Có ý kiến suy tư cho rằng cần phải có dòng nước sự sống tươi mát chảy vào trong đời sống Hội Thánh Chúa. Có thế, đời sống đức tin mới không bị khô cằn khát nước.

Ngôn sứ Ezechiel nói đến dòng nước chảy ra từ cửa đền thờ và chảy về phía Đông là hình ảnh nói đến dòng nước đến ơn cứu độ, ơn phúc lành của Thiên Chúa xuống cho con người. và dòng nước đó chảy vào trong lòng Hội Thánh, trong tâm hồn con người.

Dòng nước sự sống cho tâm hồn đức tin là dòng nước có nguồn mạch từ nơi Thiên Chúa.

Người đã qua đời cũng như người còn đang sống trên trần gian, ai cũng câần dòng nước sự sống cho tâm hồn mình.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long