Ngày 12-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Học Và Dậy Giáo Lý
Đỗ Hữu Nghiêm
11:13 12/11/2008
Năm Mươi Năm Học và Dậy Giáo Lý
Trong Giáo Hội Việt Nam (1958-2008)


Chương Một:
Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Học Và Dậy Giáo Lý.


Chắc chắn có nhiều tài liệu của Toà Thánh Trung Ương nói về việc học và dậy giáo lý, đề cập nhiều khía cạnh khác nhau của việc quan trọng này, nhưng có lẽ ta chi nên tập trung vào những tài liệu từ sau Công Đồng Vatican II thì thực tế hơn, trừ khi văn kiện trước kia có tầm quan trọng không thể bỏ qua.

I. Trung Ương Tòa Thánh Nói Về Dậy, Học Giáo Lý Và Đào Luyện Giáo Lý Viên

1/ Công Đồng Vatican II (1962-1965) Về Huấn Luyện Giáo Lý Viên.

“Có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giáo lý viên, nam cũng như nữ. Họ là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ. Họ vất vả rất nhiều để mang lại việc trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết để mở rộng đức tin và Giáo Hội.

“Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giáo lý viên rất quan trọng vì số giáo sĩ ít ỏi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc, cũng như để thi hành mục vụ. Vì thế, việc huấn luyện những giáo l ý viên này phải kiện toàn và thích nghi với tiến bộ văn hóa. Với tư cách những cộng tác viên đắc lực của chức vụ linh mục, họ nên hoàn thành tối đa nhiệm vụ của họ. Đó là nhiệm vụ đang đặt trên vai họ những trọng trách mới mẻ và rộng lớn hơn.

“Bởi vậy phải tăng thêm nhiều trường học thuộc giáo phận và miền, để các giáo lý viên tương lai vừa được học về giáo lý công giáo, nhất là môn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vừa được học hỏi về phương pháp dạy Giáo lý và thực hành mục vụ, lại được tự luyện theo luân lý Kitô giáo (Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trang 855), trong khi không ngừng cố gắng trau dồi đời sống đạo đức và thánh thiện.

Ngoài ra còn phải có những buổi hội thảo hay những khóa học tập định kỳ, để các giáo lý viên được cải tiến trong những môn học hay nghệ thuật hữu ích cho thừa tác vụ cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của mình nữa. Thêm vào đó, đối với những ai hoàn toàn tận hiến cho công cuộc này, phải cung cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng để họ có một mức sống xứng đáng và được bảo đảm về mặt xã hội (Ở đây nói các giáo lý viên toàn thời gian "catéchistes à plein temps", "full time catechists").

“Chớ chi Bộ Truyền Bá Ðức Tin đặc biệt trợ cấp thích đáng cho công cuộc đào tạo và nâng đỡ các giáo lý viên. Nếu thấy cần và thích hợp, phải thành lập một Tổ Chức giúp các giảo lý viên này.

“Ngoài ra các Giáo Hội cũng nên biết ơn nhìn nhận công việc quảng đại của các giáo lý viên trợ tá mà Giáo Hội đang cần họ giúp đỡ. Chính các giáo lý viên chủ sự các buổi đọc kinh chung trong cộng đoàn và giảng dạy giáo lý. Cũng phải đặc biệt lo cho họ được huấn luyện về giáo lý và đường thiêng liêng. Hơn nữa, ước mong rằng nơi nào thấy thuận lợi, nên công khai cử hành một nghi lễ phụng vụ để ủy thác sứ mệnh pháp lý (Sứ mệnh pháp lý theo giáo luật là quyền do Giáo Quyền hữu quan ban cho, như dạy dỗ, cử hành các nghi thức phục vụ Giáo Hội) cho các giảng viên giáo lý đã được huấn luyện đầy đủ, ngõ hầu họ có thêm uy tín với dân chúng mà phục vụ đức tin” ( Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Truyền Giáo, số 17)

2/ Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) Về Dậy Và Học Giáo Lý.

"Không thể xem nhẹ một cách truyền giáo (loan báo Tin Mừng) là dậy và học giáo lý. Trí khôn, nhất là của trẻ em và thanh niên, cần được học hỏi - qua việc dạy và học có hệ thống - những giáo huấn căn bản. Đó là nội dung sống động của chân lý mà Thiên Chúa đã muốn đem đến cho chúng ta, và Giáo Hội đã diễn tả phong phú trong suốt dòng lịch sử. Không ai chối cãi được rằng việc dậy và học này cần được tổ chức bằng những hình thái cụ thể của đời sống Kitô hữu và không chỉ ở trong ý niệm mà thôi.

Thật ra nỗ lực truyền giáo sẽ được có rất nhiều ích lợi trong các lớp giáo lý ở nhà thờ, hay ở trường học (những nơi có thể thực hiện được) và trong mọi trường hợp là ở trong gia đình người Kitô hữu. Nhưng các giáo lý viên phải có được những bản văn thích hợp và cập nhật một cách khôn ngoan và chuyên môn, dưới quyền giảng dạy của các Giám Mục.

Các phương pháp phải được thích nghi với từng lứa tuổi, từng nền văn hóa và thái độ của những người liên hệ. Các phương pháp luôn phải tìm cách ghi sâu vào trí nhớ, trí hiểu và tâm hồn những chân lý cơ bản là những chân lý phải thâm nhập vào toàn bộ cuộc sống. Trước hết cần phải chuẩn bị cho có những nhà giáo dục tốt- là điều hết sức cần thiết và đòi hỏi phải có học hỏi về tôn giáo. Các giáo lý viên của giáo xứ, thày cô giáo, các người làm cha mẹ là những người chính họ phải muốn trở nên hoàn thiện trong nghệ thuật cao trọng này.

Hơn nữa không được xem thường bất kỳ phương pháp huấn luyện trẻ thơ nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay là lúc việc giảng dậy giáo lý đã trở nên cấp bách, dưới hình thái các lớp giáo lý, cho rất nhiều người trẻ và người trưởng thành, là những người một khi được tác động bởi ơn thánh, sẽ dần dần khám phá ra dung mạo của Chúa Kitô và cảm thấy nhu cầu phải hiến thân cho Người” (Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 44).

3/ Tông Huấn “Catechesi Tradendae” (16/10/1979)

Mấy Lời Giới Thiệu

Ngày 16/10/1979 Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Tông Huấn CATECHESI TRADENDAE chuyên nói về DẠY GIÁO LÝ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Đây là Tông Huấn quan trọng nhất về việc Dạy Giáo Lý trong thời hiện đại. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tóm tắt tất cả những bài góp ý của Thượng Hội Đồng Giám Mục trong Đại Hội lần thứ Tư về Dạy Giáo Lý, và đưa ra những nguyên tắc căn bản làm chỉ nam cho việc dạy Giáo Lý hôm nay. Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỷ đã mạnh dạn phiên dịch từ hai bản Anh Ngữ và Pháp Ngữ, và phổ biến trên website ngày 15/06/2007 (Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ (Tham chiếu cả bản Anh Ngữ và Pháp Ngữ). – Mùa Hè 2007, để giúp các Giáo Lý viên có một tài liệu tham khảo và học tập trong việc dạy Giáo Lý.

Tông Huấn CATECHESI TRADENDAE về DẠY GIÁO LÝ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Theo Tông Huấn, thì Giáo Hội đã thông truyền “Mệnh Lệnh Cuối Cùng của Đức Kitô”:

“1. Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy Giáo Lý là một trong những công tác chính của mình, bởi vì trước khi lên cùng Cha Người sau khi phục sinh, Đức Kitô đã ban cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng, là hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Người đã truyền [1]. Như thế Người trao phó cho các ông sứ vụ và quyền năng để công bố cho nhân loại những gì các ông đã nghe, những gì các ông đã thấy tận mắt, điều các ông đã chiêm ngưỡng và đụng chạm đến bằng tay, về Lời Hằng Sống [2]. Người cũng trao cho các ông sứ vụ và quyền giải thích cách chính thức những gì Người đã dạy các ông, các lời nói và việc làm của Người, các dấu lạ và các mệnh lệnh của Người. Và Người ban Chúa Thánh Thần cho các ông để chu toàn sứ vụ này.

Danh từ dạy Giáo Lý được dùng rất sớm để chỉ toàn thể cố gắng trong Hội Thánh để làm cho người ta thành môn đệ, để giúp người ta tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, để nhờ tin mà họ có thể có sự sống nhờ Danh Người [3], và để dạy dỗ cùng giáo huấn họ ở đời này và như thế xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô. Hội Thánh không ngừng dốc hết tâm lực để thi hành công tác này.

Bố Cục Đại Cương

Bản dịch Việt ngữ Tông Huấn CATECHESI TRADENDAE về DẠY GIÁO LÝ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA gồm hai Phần 1 và Phần 2 [13 - 06 - 2007 05:23
Phần thứ hai nói về các phương tiện và phương pháp dạy Giáo Lý cũng như nhiệm vụ của các phần tử của Giáo Hội trong sứ vụ cao cả này.
Tông Huấn có Bố Cục như sau:

MỞ ĐẦU

Mệnh Lệnh Cuối Cùng của Đức Kitô
Quan Tâm của Đức Thánh Cha Phalô VI
Một Thượng Hội Đồng Có Kết Quả
Mục Đích của Tông Huấn Này

I. CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT THẦY, LÀ ĐỨC GIÊSU KITÔ
Đưa Đến sự Hiệp Thông với Con Người Đức Kitô
Truyền Thụ Giáo Huấn của Đức Kitô
Đức Kitô là Thầy
“Vị Thầy” Duy Nhất
Giảng Dạy qua Toàn Thể Cuộc Đời của Người

II. MỘT KINH NGHIỆM XƯA NHƯ HỘI THÁNH
Sứ Vụ của Các Thánh Tông Đồ
Việc Dạy Giáo Lý trong Thời Các Tông Đồ
Các Giáo Phụ
Các Công Đồng và Hoạt Động Truyền Giáo
Dạy Giáo Lý là Quyền Lợi và Bổn Phận của Hội Thánh
Ưu Tiên của Công Tác Này
Chia Sẻ, nhưng Các Nhiệm Vụ Khác Nhau
Canh Tân Liên Tục và Quân Bình

III. VIỆC DẠY GIÁO LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH
Việc Dạy Giáo Lý như Một Giai Đoạn của Phúc Âm Hoá
Việc Dạy Giáo Lý và Việc Rao Giảng Tin Mừng Lần Đầu
Mục Đích Đặc Biệt của Việc Dạy Giáo Lý
Cần Phải Dạy Giáo Lý cho Có Hệ Thống
Dạy Giáo Lý và Kinh Nghiệm Sống
Dạy Giáo Lý và Các Bí Tích
Việc Dạy Giáo Lý và Cộng Đồng Hội Thánh
Việc Dạy Giáo Lý theo Nghĩa Rộng Cần Thiết cho Việc Trưởng Thành và Củng Cố Đức Tin

IV. TOÀN THỂ TIN MỪNG ĐƯỢC MÚC TỪ MỘT NGUỒN MẠCH
Nội Dung của Sứ Điệp
Nguốn Mạch
Kinh Tin Kính, Một Cách Diễn Tả Đức Tin Quan Trọng Đặc Biệt
Những Yếu Tố Không Được Bỏ Qua
Sự Toàn Vẹn của Nội Dung
Dùng Những Phương Pháp Sư Phạm Thích Hợp
Khía Cạnh Đại Kết của Việc Dạy Giáo Lý
Việc Hợp Tác Đại Kết trong Lãnh Vực Giáo Lý
Vấn Đề Sách Giáo Khoa Viết về Các Tôn Giáo Khác Nhau

V. MỌI NGƯỜI ĐỀU CẦN ĐƯỢC HỌC GIÁO LÝ
Tầm Quan Trọng của Việc Dạy Giáo Lý cho Trẻ Em và Người Trẻ
Các Ấu Nhi
Các Trẻ Em
Các Thanh Thiếu Niên
Người Trẻ
Thích Nghi Việc dạy Giáo cho Người Trẻ
Các Người Khuyết Tật
Các Người Trẻ Không Được Nâng Đỡ về Tôn Giáo
Các Người Trưởng Thành
Các Người Hầu Như Tân Tòng
Các Hình Thức Dạy Giáo Lý Khác Nhau nhưng Bổ Túc Cho Nhau 1

VI. MỘT VÀI CÁCH THẾ VÀ PHƯƠNG TIỆN ĐỂ DẠY GIÁO LÝ
Các Phương Tiện Truyền Thông
Sử Dụng Nhiều Địa Điểm, Cơ Hội và Các Buổi Hội Họp
Bài Giảng
Các Tác Phẩm về Dạy Giáo Lý
Các Sách Giáo Lý

VII. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRUYỀN DẠY GIÁO LÝ
Các Phương Pháp Khác Nhau
Để Phục Vụ Mặc Khải và Việc Hoán Cải
Sứ Điệp Lồng trong Văn Hoá
Sự Đóng Góp của Các Việc Sùng Kính Phổ Thông
Học Thuộc Lòng

VIII. NIỀM VUI CỦA ĐỨC TIN TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐẦY KHÓ KHĂN
Xác Quyết Đặc Tính Kitô
Trong Một Thế Giới Khác
Sư Phạm Đức Tin Nguyên Thủy
Ngôn Ngữ Thích Hợp Cho việc Phục Vụ Đức Tin
Nghiên Cứu và Sự Chắc Chắn của Đức Tin
Dạy Giáo Lý và Thần Học

IX. NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN TẤT CẢ CHÚNG TA
Sự Khích Lệ cho Tất Cả Những Ai Có Trách Nhiệm về việc Dạy Giáo Lý
Các Giám Mục
Các Linh Mục
Các Tu Sĩ Nam Nữ
Các Giáo Lý Viên Giáo Dân
Trong Giáo Xứ
Trong Gia Đình
Ở Trường Học
Trong các Tổ Chức
Các Cơ Sở Đào Luyện

KẾT LUẬN
Chúa Thánh Thần là Thầy Dạy Nội Tâm
Đức Mẹ Maria, Mẹ và Mẫu Gương của Môn Đệ

(http://giaoly.org/vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=152)

4/ Tông Thư “Rosarium Virginis Mariae”

Ngày 26/10/2002 Giáo Hoàng GIO-AN PHAO-LÔ II

Ban hành TÔNG THƯ: ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

GỞI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ CÁC TÍN HỮU VỀ KINH RẤT THÁNH MÂN CÔI.

Tông thư đó nói tinh tinh thần màu nhiệm mân Côi với cốt lõi giáo lý tin Mừng. Theo đó, thì “1. Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích. Đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Nó dễ dàng hoà nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống Kitô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ sâu (duc in altum!) để một lần nữa loan báo, và cả đến hô to lên, trước thế gian rằng Đức Giê-su Kitô là Chúa và Đấng Cứu độ, là đường, sự thật và sự sống (Ga 14,6), mục tiêu của lịch sử nhân loại và đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về [1].

Kinh Mân Côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Ma-ri-a, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Ma-ri-a, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh Mân Côi, Dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Ma-ri-a và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế [2]”.

Trong việc ban hành Tông Thư này, Kinh Mân Côi truyền thống hay tràng chuỗi mân côi xưa kia chi gồm có ba màu nhiệm Vui, Thương, Mừng. Nay có thêm Màu Nhiệm Sự Sáng. Như thế Tràng chuỗi ngày nay đời GH Gioan Phaolô II, có tất cả 200 kinh, suy niệm về những màu nhiệm căn bản của Tin Mừng

Bố cục Tông Thư Rosarium Virginis Mariae gồm phần Dẫn Nhập, Ba Chương I, II và II tiếp theo và phần Kết Luận

DẪN NHẬP
CHƯƠNG I: CHIÊM NGƯỠNG ĐỨC KITÔ cùng VỚI ĐỨC MA-RI-A
CHƯƠNG II: CÁC MẦU NHIỆM CỦA ĐỨC KITÔ - CÁC MẦU NHIỆM CỦA MẸ NGƯỜI
CHƯƠNG III: ĐỐI VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KITÔ
KẾT LUẬN

II. Giáo Huấn Của GIÁO HỘI VIỆT NAM

Giáo Hội Việt Nam có quan tâm đến việc dậy và học giáo lý:

Ở thành phố cũng như ở nông thôn Việt Nam, hoạt động nổi bật nhất của các giáo xứ, sau việc cử hành Các Bí Tích, là việc dậy và học Giáo Lý. Sau Thánh Đường, thì Nhà Giáo Lý cũng là mối quan tâm thứ hai trong kế hoạch xây cất cơ sở ở đại đa số các giáo xứ.

Đó là hai sự việc nói lên sự quan tâm đến vấn đề huấn giáo của Giáo Hội Việt Nam. Nhưng hai sự kiện đó chưa thể nói hết được tất cả mối quan tâm của Giáo Hội Việt Nam về công tác mục vụ quan trọng này như chúng ta sẽ thầy dưới đây.

Nói chung, tín đồ khi trưởng thành đều hiều giáo lý là nội dung cơ bản của Tin Mừng tóm tắt những điều phải tin theo truyền thống Công giáo trong Kinh Tin Kính mà Chúa muốn truyền cho con người và Giáo Hội Toàn Cầu tóm kết để giúp mọi tín đồ sống đạo của mình và những vấn đề con người có thể đặt ra trong quá trình cuộc đời và môi trường mình sống và cố gắng giải thích theo trình độ học vấn và nhận thức của mình. Việc nghiên cứu về giáo lý giúp chúng ta ý thức vấn đề lõi cốt của Tin Mừng là chương trình thần học ở cấp sơ đẳng.

Như vậy vấn đề học giáo lý chung qui có thể đặt ra những vấn đề cơ bản sau đây:

Ai dậy giáo lý? Người ấy nên như thế nào?
Giáo lý dậy và học những đề tài gì?
Giáo trình nào giúp người muốn học giáo lý?
Phương pháp dùng để dậy và học giáo lý?
Thái độ tinh thần của người dậy và người học giáo lý.

Mấy giáo phận và Hội Dòng hiện nay có các websites phân tích và nói khá đầy dủ về việc học và dậy giáo lý trong giáo hội. Nhưng hầu hết đều nói về khía cạnh khác mà không nói về diễn tiền lịch sử của công cuộc quan trọng này trong giáo hội, hay giao hạt, giáo xứ,

(còn tiếp...)
 
Hạt Kinh trong Lệ Nến
Tú Nạc
11:16 12/11/2008
HẠT KINH TRONG LỆ NẾN

Từ hạt kinh Mân Côi,
Đôi bàn tay ấp ủ,
Những đêm trường không ngủ,
Lòng xao xuyến bồi hồi.

Những hạt kinh Mân Côi,
Hòa theo dòng lệ nến,
Chứa chan muôn tình Mến,
Cho hồn thôi đơn côi.

Ngàn hạt kinh Mân Côi,
Lung linh bao lệ nến,
Lan tỏa giữa trời đêm,
Thắp niềm Tin sáng ngời

Vạn hạt kinh Mân Côi,
Sa đầy vơi lệ nến,
Tha thiết Cậy- trông- mong,
Hồng ân đổ xuống đời.

Triệu hạt kinh Mân Côi,
Xuôi theo hàng lệ nến,
Trải khắp bốn phương trời,
Hiệp thông nơi xa xôi.

Những lời kinh Mân Côi,
Thì thầm trong đêm lặng,
Xin thức tỉnh hồn mê,
Biết nẻo lối tìm về.

Lệ nến nào lung linh,
Qua đêm dài thổn thức,
Xin thắp sáng tim người
Còn vô cảm lênh đênh.

Hạt kinh trong lệ nến,
Vang tiếng hát nguỵện cầu,
Cùng lời ca hiệp nhất,
Cho nước Việt xinh tươi,
Cho trời Nam sáng ngời.
 
Suy gẫm về sự Chết
LM Thái Nguyên
11:28 12/11/2008
SUY GẪM VỀ SỰ CHẾT
Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi”. (Pl 1, 21)

Ngay khi còn sống, con người đã mang trong mình sự chết, vì thế mà con người sẽ phải chết. Chết là một kết thúc của ta trong cuộc sống này, và mọi cái ta sở hữu cũng đều chấm dứt. Thật là một tư tưởng cay đắng cho những ai chỉ biết vui hưởng của cải trần gian, nhưng lại là một viễn tượng đáng khát vọng cho những người sống cơ cực (x. Hc 41, 1). Sự chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắt khe đó, người ta dễ có một nhận định sầu thảm đôi khi sinh ra một thất vọng chán chường (x. Sm 12, 23). Tuy nhiên sự khôn ngoan chân thực thì vượt xa nhận định ấy khi nhận biết thân phận mình nằm trong vòng tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

1. Những quan niệm về sự chết ngoài Kitô giáo

Về phương diện triết lý, mỗi trường phái triết học có một ý niệm về sự chết khác nhau tùy theo nhân loại học của họ:

- Các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là việc tiêu tan các yếu tố lý hóa đã khiến cho thân thể sống động.

- Lập trường của các sinh-hoạt-thuyết (Vitalisme) chấp nhận một nguyên tắc sinh hoạt không có bản ngã. Họ cho rằng, chết là cái nguyên tắc đó trở về với nguyên tắc sinh hoạt của vũ trụ. Chẳng hạn, Bà-la-môn giáo cho rằng, chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. Mạnh Tử cũng cho rằng, chết là hợp nhất với vũ trụ. Còn Hégel cho rằng, chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối.

- Theo Nhị nguyên thuyết xuất phát từ Platon, cho rằng chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác.

- Triết hiện sinh vô thần thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy (J. Sartre).

- Có những chủ thuyết khác tránh né vấn đề sự chết, chỉ lo sống thôi. Tránh né cũng là hình thức lo sợ, không dám tìm hiểu, không dám đả động đến. Riêng Trang Tử coi cái sống và cái chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên ra vào cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”. Đối với ông, sống chết cũng giống như chuyện Được Mất, mà Được là thời, Mất là thuận. “Thuận Thiên giả tồn”, cứ theo ý Trời thì chẳng phải lo sợ gì.

- Trong Phật giáo, chết được dùng để chỉ sự sinh diệt, thăng trầm của tất cả các hiện tượng, các Pháp. Trong bộ luận Thanh tịnh đạo, vị Đại luận sư Phật Âm (buddhaghosa) diễn tả như sau:

“Theo chân lý tuyệt đối thì chúng sinh chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, Sát-na). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất. Như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi thì chúng sinh đó chết”.

2. Kinh nghiệm cận tử

- Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14

Vị này thường thuyết giảng về khoảng thời gian cận tử và nêu rất rõ những hiện tượng mà các Du-già sư uyên thâm đều tự chứng được. Chính Sư cũng bảo rằng, trong khi thiền định (khoảng 3-4 tiếng), Sư bước qua lại ngưỡng cửa sinh tử 6-7 lần với mục đích trau dồi kinh nghiệm để chinh phục được cửa ải quan trọng này. Sư trình bày như sau:

“Con người chết với một trong ba tâm trạng: thiện, ác và trung tính. Trong trường hợp đầu thì người chết chú tâm đến một đối tượng thiện tính... và vì thế tự tạo cho mình một tâm trạng đầy niềm tin sâu thẳm, khiến người ấy phát lòng từ, bi, hỉ, xả vô lượng. Người này chỉ có thể thực hiện những đức hạnh nêu trên khi họ đã từng trau dồi chúng trong lúc còn sống. Nếu trước khi chết mà người ta có thể phát khởi những tâm trạng thiện trên thì một sự tái sinh hạnh phúc hơn được xem như là chắc chắn.

Nhưng cũng có lúc thân quyến làm xao động tâm trạng của người sắp chết và vô tình làm cho người ấy khởi tâm sân hận. Có khi thân quyến hội họp xung quanh, khóc lóc than thở làm cho người ấy quyến luyến, tham ái. Nếu người ấy chết với một trong hai tâm trạng trên, thì đó là một mối nguy lớn.

Cũng có người chết với một tâm trạng trung tính, nghĩa là không thiện không ác. Trong mọi trường hợp thì tâm trạng trước khi chết rất quan trọng. Ngay cả một người đã có chút ít tiến triển trên con đường tu tập cũng có thể không tự chủ, để tâm tán loạn trước khi chết, khiến cho tham, sân, si nổi lên. Nguyên nhân là những Nghiệp (karma), những Chủng tử (bīja) đã được tích luỹ từ lâu; chúng chỉ chờ đợi những điều kiện thuận lợi để phát hỏa.. Như vậy người chết sẽ bị tái sinh trong ba ác đạo: Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục... Tuy vậy, người nào bình thường chỉ biết làm những việc ác nhưng chết với một tâm trạng thiện lành không còn mê chấp nữa, thì có thể tái sinh trong một môi trường hạnh phúc hơn...

Cứ bình thường thì các tâm trạng và lối sống của một người là yếu tố quyết định trong giờ phút chết. Vì thế mà trước khi chết, những tư tưởng đã đi sâu vào cốt tuỷ của con người là tâm trạng chính, là yếu tố chính quyết định sự tái sinh như thế nào...”.

- Các nhà nghiên cứu về kinh nghiệm cận tử

Nhà nghiên cứu có hệ thống đầu tiên là William Barrett (1925), vừa là giáo sư vật lý vừa chuyên về đời sống tâm linh. Vài thập niên sau có Karlis Osis và Hội nghiên cứu tâm linh Mỹ (1959-1973), phối hợp với Haraldson ở Ấn Độ. Họ đã thu thập dữ liệu của hàng vạn người về kinh nghiệm cận tử. Họ cho thấy rằng, hầu hết các trường hợp đều có những đặc điểm chung, chẳng hạn như thấy ánh sáng tỏa ra, cảnh quang tuyệt mỹ, trạng thái nhẹ nhàng, cảm giác vô cùng thanh thản, và gặp lại những người thân yêu. Riêng trường hợp những người tin vào Đức Kitô, thì được gặp Đức Mẹ, các Thánh, khiến họ vui mừng, hạnh phúc, không còn cảm giác đau khổ. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số người phản ứng với vẻ sợ hãi hoặc từ chối.

Cách chung, đối với những người có cuộc sống tốt lành, thì nhãn giới phút cuối như được chuyển ra ngoài cơ thể để nhìn thấy trước kiếp sau (xảy ra trong khoảng 1/3 nhãn giới phút cuối). Thường là họ thấy những vườn hoa xinh đẹp cách kỳ lạ, trải dài bất tận. Cảnh giới đó đi kèm với thiên sứ hay hồn ma người chết, và trong một số trường hợp, có thể nghe tiếng nhạc từ trời cao vọng xuống. Trong thanh âm và màu sắc rất sinh động như vậy, người hấp hối cảm thấy mình được nhấc bỗng lên. Từ trên cao nhìn xuống, họ có một cảm giác an bình và hạnh phúc, rồi đi vào một đường hầm tối đen, hướng về phía ánh sáng cuối đường hầm. Ánh sáng ấy giúp cho họ ôn lại toàn thể cuộc đời, và không có đánh giá tiêu cực nào về hoạt động đã qua. Cuối cùng, họ miễn cưỡng phải trở về với sự sống này.

Trong cuộc thăm dò ý kiến vào năm 1982 của Gallup, cho thấy khoảng 8 triệu người lớn ở Mỹ quả quyết mình đã trải qua kinh nghiệm cận tử như thế, mặc dù cảm giác mỗi người có khác nhau. Đương nhiên, những cảm giác đó không thể chứng minh một cách khoa học. Tất cả những gì được biết về hiện tượng đó đều dựa trên tài liệu mang tính giai thoại.

Có giả thuyết cho rằng nhãn giới phút cuối chỉ là ảo giác, có thể do thuốc, sốt, bệnh, hoặc thiếu oxy, hoặc mất cá tính gây ra. Tuy nhiên, những ảo giác phát sinh từ những yếu tố đó thường liên quan đến hiện tại, chứ không liên quan đến kiếp sau. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã cho làm tất cả cuộc thí nghiệm như thế, đều xảy ra cách khác chứ không xảy ra giống như vậy. Ngoài ra, những người sau khi chết đi sống lại như vậy, phần lớn họ đều hướng về sự phát triển tinh thần hay một đức tin mạnh mẽ, vì biết kiếp sau có thật. Hầu hết những người đó đều khám phá ra mục đích mới và tích cực đối với cuộc sống của mình, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống mà trước đây họ không thấy, hoặc xem thường.

Nhãn giới giới phút cuối rất quan trọng đối với môn nghiên cứu cái chết, vì chúng chứng minh rằng, cái chết không phải là sự hủy diệt mà là sự chuyển tiếp tuyệt vời cho những ai đã tích cực sống thiện hảo. Cái chết như vậy là một nghi thức quá hải được trải qua trong ý thức và chân giá trị.

3. Nguồn gốc sự chết và sự sống lại trong Kitô giáo

Công đồng Vat. II đã nói lên tình trạng của con người trước cái chết như sau: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời... Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được Mạc khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết; sự chết này sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vị tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Ngài trong sự hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa” (GS 18).

Thật vậy, để giải thoát ta khỏi quyền lực Thần chết, trước tiên Đức Kitô đã đến để nhận lấy cho mình số phận tử vong của chúng ta. Ngài thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Ngài đã chết “vì chúng ta” (1 Tx 5, 10), “cho tội chúng ta” (1Cr 15, 3) để làm hy tế xá tội (x. Dt 9). Nhờ cái chết của Ngài, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa x. Rm 5, 10), hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời (x. Dt 9, 15). Ngài đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển (x. 1Cr 15, 4), nên quyền lực của Thần chết từ đó đã bị vô hiệu hóa (x. Rm 6, 9). Kể từ giây phút đó, tương quan của con người với sự chết đã thay đổi, vì từ nay Đức Kitô chiến thắng sẽ luôn chiếu soi “những người ngồi trong bóng sự chết” (Lc 1, 79).

Qua việc phục sinh, Ngài trở nên thủ lãnh của một nhân loại mới (x.1Cr 15, 45), vì Ngài đã mang tất cả chúng ta đi vào cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, cái chết để được phục sinh này của chúng ta còn phải là một thực tại hiện hữu cho mỗi cá nhân, vì không ai có thể bước vào cõi sống mà không chết đi cho chính mình từng ngày trong cái chết của Đức Kitô để được sống lại như Ngài (x. 2Tm 2, 11).

4. Bài học sâu xa từ sự chết

Không có một đức tin sâu xa, thì cái chết quả là điều kinh khủng, đáng lo sợ, vì không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu, về đâu? Do đó, nhiều người muốn tránh né, không muốn nghe hoặc không muốn nói đến sự chết. Léo Buscaglia, một chuyên viên dạy về tình yêu và cuộc sống, chia sẻ tâm trạng của ông khi nghĩ về sự chết như sau:

“Chúng ta phải bắt tay làm hòa với sự chết để chọn lấy sự sống, vì sự chết là một người bạn thân thiết với chúng ta. Nó cho biết những gì chúng ta không thể giữ lại được mãi cho mình. Và nếu bạn muốn sống, thì nên sống trọn vẹn ngay từ bây giờ...

Nếu bạn đã sống mọi khoảnh khắc mà Chúa ban cho bạn, thì bạn sẽ không than van khóc lóc khi cái chết đến... Những người đã chết một cách hạnh phúc là những người từng nỗ lực để sống.

Sự chết là một thách đố. Nó nhắc nhở chúng ta đừng bỏ phí thời giờ. Nó chỉ cho chúng ta phải lớn lên và phải trở nên như thế nào. Nó dạy cho chúng ta biết yêu thương nhau, và phải biết dâng hiến chính mình ngay từ bây giờ...Dầu chúng ta không hiểu gì về sự chết, nhưng điều đó cũng chẳng cần thiết gì. Điều thiết yếu là phải sống bức thông điệp mà sự chết nhắn gởi cho chúng ta”.

Thật vậy, suy gẫm về sự chết là điều cần thiết, giúp ta biết quan tâm hơn đến cuộc sống: làm thế nào để yêu, để tha thứ và để chấp nhận; làm thế nào để tránh những tội lỗi, những vấp phạm, và chỉ còn muốn sống cho Chúa cách trọn vẹn để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân; làm thế nào để khẳng định về chính mình như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Vì thế, “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 39). Chỉ có chết trong tội mới tách rời chúng ta ra khỏi Chúa, còn chết trong Chúa là một giải thoát, đưa chúng ta vào sự sống viên mãn của Ngài.

5. Tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống

Theo tiếng Latinh, người chết = defungi: là người đã vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53).

Chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng chúng ta cũng biết rằng, Ngài không chiến thắng cái sự dữ gây ra ở trong ta. Nhờ Đức Kitô, trong hy vọng thì tất cả đã thành đạt, nhưng trong thực tế, ta vẫn phải chịu đựng những bất hạnh. Niềm tin và hy vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận bình thản và an vui: “Tôi chết vui cũng như đã sống vui”. Trong tâm tình đó R. Tagore đã cất lên:

Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối. ..
Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong,
những gì ta yêu thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi.
Chỉ một ánh nhìn từ mắt ngươi lần cuối là đời ta vĩnh viễn thuộc về ngươi.
Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang.
Sau tiệc cưới, giai nhân sẽ rời nhà,
một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh hiu
”.

Trong một đoạn thơ khác, Tagore lại cảm nhận như sau:

Ban mai, ngước mắt nhìn ánh sáng, trong phút giây, tôi cảm thấy mình không phải khách lạ ở thế gian,
Và Người xa lạ không tên gọi, không hình thù, với dáng dấp mẹ tôi hiền từ, đã giang tay ôm tôi vào lòng.
Lúc lâm chung cũng vậy, Người lạ mặt ấy lại hiện ra như đã từng quen thuộc với tôi từ lâu.
Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết.
Khi mẹ giằng con ra khỏi bầu vú bên này, con òa khóc, nhưng liền đó lại thấy nguồn an ủi ở bầu vú bên kia.
Ôi Thượng Đế, kính lạy Người lần cuối.
Như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao,
xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu
”.

Quả thật, một cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng, một sự cảm nhận thâm sâu về thực tại vĩnh cửu ngay bên cạnh giờ phút lâm chung: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết”.

Chúng ta tin rằng: “Trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15,52). Tuy nhiên, phải tin trong sự chờ mong từ cơn đau quằn quại để sinh hạ chính mình, cũng như toàn thể tạo vật đang rên siết để chờ ngày cứu độ (x. Rm 8, 22). Những đau khổ ở đời này chẳng là gì so với vinh quang sẽ dành cho ta trong cõi vĩnh hằng (x. Rm 8, 18), và đó là một tiến trình tối cần để khai sinh sự sống. Tiếp nhận cái chết như một điều tự nhiên nhất để làm nẩy sinh điều siêu nhiên nhất: đó là sự phục sinh đời sống vốn đã được khắc họa trong ta qua Phép Rửa: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Dưới cái nhìn đó, người Kitô hữu được định nghĩa cách đơn giản là người “tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống” (Pierre Talec).

Chính vì thế mà không ai có thể đón nhận cái chết thể lý trong niềm hy vọng phục sinh mà lại không cất cao đầu và mở rộng con tim để vượt qua cái chết cho chính mình vốn đã hàm ngụ nơi cuộc sống như thất bại, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị loại trừ và khinh thị... Hơn nữa, cần phải giải phóng mình khỏi những gì biến mình thành tù nhân của chính mình, ngõ hầu có thể yêu mến cuộc sống một cách thân thiết ngay bây giờ. Yêu mến cuộc sống là điều không dễ dàng khi cuộc sống đầy bi đát, tàn bạo, xung khắc... Khi đó người ta dễ nhìn vào những bất tất của đời thường như một cái gì phi lý, vô nghĩa, không còn đáng sống. Nhưng nếu chết để mà chết thì chẳng bao giờ là giải thoát.

Sự sống không đơn độc như ta tưởng, vì sự sống đã kết hôn với sự chết. Chết và sống là cặp bài trùng của cuộc hiện hữu nhân sinh. Cặp bài trùng này buộc ta phải thường xuyên chiến đấu để đạt tới con người trưởng thành, con người mới trong Đức Kitô (x. Cl 4, 12). Con người mới không chỉ là con người nội tâm vươn tới chiều kích linh thánh, mà cả con người bên ngoài, trong mọi quan hệ với xã hội. Phải biết nương tựa vào sự soi sáng và sức mạnh của Thánh Linh để chống lại sức bành trướng của sự chết đang ngự trị trong thế giới dưới nhiều hình thức.

Kết luận

Khi sinh ra, con người là một bản thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản thể con người khi tạo dựng. Tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô: “Ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 26).

Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính chết chóc, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta “chết cho Chúa” cũng như đã sống cho Ngài (x. Rm 14, 7). Nhờ cái chết, chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21, 19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (x. Kh 2, 10). Từ nỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc: “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh 14, 13), vì nhờ đó Chúa đưa chúng ta đến nơi an nghỉ muôn đời, đến miền ánh sáng vô tận.

Đó là lý do tại sao chết là một mối lợi, vì Chúa Kitô chính là sự sống của chúng ta (x. Pl 1, 21). Trong niềm vui lớn lao đó, thánh Têrêsa hài đồng đã xác quyết: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”. Đức Giêsu đã trả lại cho cái chết sự vô tội của vườn địa đàng cho những ai tin vào Ngài. Đó là cánh cửa đưa tới hạnh phúc ngàn thu cho chúng ta là những con cái của Thiên Chúa.


Lạy Cha là Thiên Chúa, Đấng tác tạo con người và mọi loài, và là sự sống muôn đời của con! Con hạnh phúc biết bao vì được kêu gọi nhận biết, tin tưởng, và sống thuộc về Chúa.
Dù biết mình phải chết, nhưng chết trong sự nhận biết, tin tưởng và yêu mến Chúa, thì cái chết lại là cơ hội diễm phúc để con được sống với Chúa mãi mãi, là Đấng con hằng khao khát khôn nguôi.
Để đón nhận cái chết cuối cùng trong niềm hân hoan, con biết mình phải đón nhận cái chết từng ngày con người cũ của mình, để học biết sống con người mới trong Đức Kitô, Con Cha, là Đấng đã chết và sống lại vì con.
Đức Kitô là hy vọng duy nhất của đời con trên con đường về nhà Cha. Ngài đang ở với con, sâu thẳm trong lòng con, thân thiết hơn chính bản thân con, và đang dùng Thánh Thần của Ngài để biến đổi đời con.
Ôi! Lạ lùng quá, tình yêu bao la vô cùng của Chúa trên cuộc đời đầy hư nát của con. Con chẳng có gì đánh đổi trước mầu nhiệm ân sủng lớn lao này, chỉ biết ca ngợi lòng thương xót Chúa trong từng giây phút đời con.
Con chỉ biết chìm sâu trong Chúa mỗi ngày, để được thanh tẩy mọi bợn nhơ và loang lỗ trong tâm hồn.
Xin dẫn bước nhân loại chúng con về miền ánh sáng vô tận, nơi Chúa ngự trị và vinh hiển muôn đời. Amen.
 
Sống Tnh Thức # 33: Mọi Lỗi Lầm Đều Được Tha Thứ
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
13:54 12/11/2008
Song Tinh Thuc # 33:

MỌI LỖI LẦM ĐỀU ĐƯỢC THA THỨ

Tại một thành phố nhỏ ở Tây ban Nha có một ngày đàn ông tên Jorge, một hôm ông rầy la đức con tên là Paco, vì nó đã có một số lầm lỗi.

Sáng hôm sau ông phát hiện giường của Paco trống không, nó đã bỏ nhà trốn đi bụi đời. Mặc dù rất buồn giận về con trai mình; nhưng tình thương của ông dành cho con vẫn không phai đi. Sau khi tìm kiếm khắp nơi, ông đi đến một siêu thị quen thuộc treo một tấm bảng nhỏ với dòng chữ: “Paco, mọi lỗi lầm đều được tha thứ. Gặp bố tại đây vào sáng mai: Thứ hai – lúc 10 giờ.

Sáng hôm sau Jorge đi đến siêu thị, và tại đó, thật bất ngờ, ông gặp …7 đứa bé tên Paco, đều là những đứa đã bỏ nhà ra đi. Tất cả đều đáp lại tiếng gọi của tình thương, và mỗi đứa bé đều hy vọng sẽ gặp lại được người cha của nó với cánh tay dang rộng thứ tha. !!

Một phút hồi tâm: Ngay từ buổi ban đầu, sau khi sa ngãy, Adam đã thích chốn chạy..Mặc ảm tội lỗi sự cứng lòng khiến tôi khoác lên bề ngoài một lớp vỏ bất cần! Đôi lúc kẻ phạm lỗi tỏ vẻ như rất cứng rắn và tự ái: “Mặc kệ tôi, đừng ai đụng đến tôi…”thế nhưng bên trong, họ cũng như những đứa bé cùng tên “Paco” kia - ẩn chứa một niềm khát khao được tha thứ và trở về. Ai cũng vậy, khi mềm lòng lại, luôn cảm biết mình sợ sự đơn độc và cần sự nâng đỡ.

Hãy có tinh thần hối lỗi, hãy mạnh dạn trở lại con đường của sự phục thiện. Đừng để lớp vỏ ngoài của sự cố chấp và tự phụ ngăn cản khát vọng trở về của bạn. Thiên Chúa là Đấng tìm kiếm đứa con bỏ nhà đi hoang, bằng tất cả tình yêu, sự nhân từ và thông cảm.

Vòng tay ấy luôn mở rộng đón chờ những bước chân sa ngã và cố chấp tự phụ. Bạn hãy lắng lòng, để Lời Chúa là kim chỉ nam hướng dẫn với sự dẫn dắt của Thánh Linh, sẽ thấy rõ lòng thương xót của Ngài đang chờ đợi sự khiêm nhường và quyết tâm của bạn.

Hãy khiêm nhu, vui vẻ và hoà hợp, người xưa có câu: Thà làm con chó cho người ta mến hơn là làm con cọp cho người ta ghét.” Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương. (Giô-en 2, 13)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tháng Các Linh Hồn, nhớ tới Cha thân yêu
Maria Vũ Loan
14:04 12/11/2008
Tháng Các Linh Hồn, nhớ tới Cha thân yêu

Tháng cầu cho các linh hồn, tôi nhớ đến người cha thân yêu của mình. Còn hơn một tháng nữa là đến ngày giỗ đầu của ông. Khi còn sống, phần lớn niềm vui và nỗi buồn của ông gắn với nhà thờ nên tôi cứ tự hỏi: không biết ba tôi có phải là một Kitô hữu nhiệt thành hay không?

Ba tôi là một ông trùm một xứ đạo nhưng cũng là người đàn ông bình thường như bao người khác với những ưu điểm, khuyết điểm trong cuộc đời. Song chặng đường dài bốn mươi năm cộng tác với các cha xứ tại giáo xứ Vinh Sơn, cứ đặt trong tâm tư tôi về thái độ của một người cần yêu mến Chúa và phục vụ như thế nào trong vị trí giáo dân của mình.

Mấy chục năm về trước, ba tôi là một cậu bé giúp lễ ở nhà thờ chánh tòa Bùi Chu, là một đội viên trong “nghĩa binh”(thiếu nhi Thánh Thể); những sinh hoạt nhà thờ nơi vùng quê thanh bình đó chắc là có dấu ấn đậm đà trong lòng đạo của ba tôi nên ông rất thích những công việc gì liên quan đến nhà thờ. Vì thế, di cư vào nam được một hai năm, ông lại làm việc nọ việc kia ở ngôi nhà thờ trong vùng toàn những người theo đạo Công giáo. Môi trường này làm cho tinh thần của ba tôi được vui tươi và sự sốt sắng của ông được no thỏa

Nhờ gắn bó và hay hỏi ý kiến linh mục, ba tôi đã tránh được nhiều chuyện không hay khi ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Mỹ. Chắc là vì thế ông có lòng kính trọng các linh mục khá đặc biệt. Mỗi khi có quí cha đến thăm nhà, ông rất thích được chụp hình với linh mục ấy. Ba tôi không biết Đức cha Trần Xuân Tiếu là ai, nhưng ông cầm tấm hình Đức cha tặng cho tôi, giơ lên trước ngực rồi cười rất tươi để chụp hình! Những lần đi dạo quanh nhà thờ mà gặp được cha xứ nói chuyện gì đó, lúc về ba tôi vui và nói chuyện nhiều trong bữa ăn.

Có lần tôi nói với ba tôi: “Ba là một ông trùm xứ đạo, nếu quí cha có sai sót gì hay nhà thờ có cái gì chưa đúng, ba khéo léo nói nhỏ, góp ý, như thế mới là yêu mến Chúa tích cực.” Ông cười và hóa giải được hết mọi chuyện trong suy nghĩ của mình: “Chúa thông biết mọi sự mà, lại có Chúa Thánh Thần soi sáng cho các cha và điều khiển mọi người, mình cứ im lặng cầu nguyện là tốt nhất.” Tôi muốn bắt chước thái độ của ông nhưng sao thấy khó quá!

Dù nhà thờ là một môi trường tốt lành, thế nhưng vẫn có những chuyện xảy ra làm ba tôi buồn, ông vẫn không bỏ cuộc! Một lần, có lẽ vì ganh tức sao đó, một người trong khu vực cáo gian làm cha xứ và ba tôi phải dắt nhau ra phường. Ông buồn bã rồi ngồi đọc kinh trong lời an ủi của má tôi; sáng hôm sau, không biết ông đã nói gì tại phường mà cha xứ và ba tôi về nhà vui vẻ, còn người kia bị cảnh cáo và xấu hổ ra về. Sau lần ấy ông càng yêu mến Chúa hơn và can đảm hơn trước một số biến cố đặc biệt của giáo xứ Vinh Sơn.

Khi ba tôi được cha xứ Giuse Trần Trung Nghĩa đề bạt làm trưởng hội thừa tác viên, cho rước lễ ở nhà thờ, ông vui vô cùng. Bốn mươi năm cộng tác với các cha xứ, có lẽ việc làm này giúp ông bình an trong tâm hồn và ít va chạm nhất.

Thỉnh thoảng, ba tôi nói với em tôi rằng: “Con không được làm điều gì bất chính”. Tưởng những lời khuyên đó là thừa, vì em trai tôi là một họa sĩ hiền lành, có thẻ phóng viên trong một tòa báo của Nhà Nước; nhưng khi bước vào tuổi trung niên, tôi mới hiểu rằng lời khuyến cáo đó không thừa vì dù hiền lành thì vẫn có những đường dẫn tinh vi của ma quỉ làm cho người ta biến chất, bổ nhào rất nhanh trong công việc của mình.

Còn tôi, với cách giữ đạo khá thoáng, ăn ngủ không nề nếp, làm ba tôi phải nhắc nhở thường xuyên. Ông rất khó chịu khi tôi không giữ chay trước khi đi lễ, còn tôi thì nghĩ rằng, ăn một chút gì đó cho êm cái bụng thì tỉnh táo dâng lễ vẫn tốt hơn. Những lúc như vậy, tôi chỉ cười trừ.

Có lần đi công tác xã hội về, tôi mệt và uống nửa lon bia cho dễ ngủ, ông mắng: “Mẹ Têrêsa đi giúp người nghèo về thì ăn chay cầu nguyện, còn đây (ý nói tôi) có đi làm xã hội xong thì về “nhậu”! Tôi cười khúc khích rồi “lý sự cùn”: “Trên thiên đàng, có mẹ Têrêsa Calcutta thánh thiện, chưa có bà thánh nào vừa thương người nghèo vừa “nhậu” vui vẻ cả, con phấn đấu chọn chỗ ấy ba ạ!” Thế là cả nhà cùng cười, ba tôi cũng cười.

Khi má tôi qua đời, gia đình tôi đọc kinh tối; chẳng hiểu sao cứ đọc được ngắm thứ hai là chị em tôi cười khúc khích, còn ba cứ ngồi im lặng chờ chúng tôi cười xong lại đọc kinh tiếp, không la mắng mà cũng chẳng cười cùng. Ông rất sốt sắng khi đọc kinh, chẳng bù cho tôi, ngọ ngoạy liên tục.

Ba tôi thương con quí cháu. Tiền bạc có được, ông để dành, khi có dịp sẽ đóng góp vào nhà thờ. Ông ao ước trúng số với ý định là một nửa sẽ cùng quí cha làm một việc gì đó, còn một nửa sẽ xin lễ… từ từ!

Những việc rất đời thường ấy, làm cho tôi nghĩ rằng có một người cha mang lòng đạo sốt sắng cũng thật là vui. Những lời giảng của cha chánh xứ dành cho ba tôi trong thánh lễ tại gia, hẳn là làm ba tôi thật hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn Chúa đã tín nhiệm ba tôi trong vị trí người giáo dân cho đến khi ông qua đời.

Khi ba tôi qua đời, người con gái đầu lòng mà ông rất yêu quí và hợp tánh tình không thể có mặt. Nhìn bộ áo tang, khăn sô vắt ngang qua quan tài của ông, tôi cứ chảy nước mắt mà nghĩ rằng: tục lệ của người Việt Nam trong tang chế làm như thế là để diễn tả nỗi khắc khoải của người cha chờ mong con, hay là tấm lòng oằn oại đau xót của người con vắt ngang tình cha?

Cuộc sống của tôi bây giờ không còn ý nghĩa gia đình khi tôi thức dậy bằng điện thoại di động, buổi trưa đi mua cơm ăn một mình; chiều tối đi làm và đi lễ về, tôi cùng em gái mỗi người ôm lấy cái ti vi cho đến hết ngày; không còn tâm sự với ba tôi về việc này việc nọ.

Sau này về với Chúa, nếu không được gặp lại ba má thì tôi thất vọng biết bao. Hay gặp lại cha mẹ ở một “trạng thái” mà tôi không được thốt lên tiếng “ba” “má” thì tôi sẽ buồn nản biết bao! Không! Tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ cho những người Kitô hữu được gặp lại người thân trong tình trạng hạnh phúc, trọn vẹn hơn khi còn ở trần gian này.

Tháng cầu cho các linh hồn, cầu nguyện cho người cha của mình, tôi thầm mong có nhiều người biết chung tay vui đắp cho Giáo hội, qua bàn tay nhỏ bé bậc giáo dân, để khi chiếc ghe nhỏ đời mình trôi qua bao sóng gió, linh hồn được ngả vào lòng Chúa một cách êm ả, vì đã yêu mến Hội Thánh của Người.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 12/11/2008
CHUYỂN BIẾN

N2T


Một đám đệ tử hào hứng sôi nổi xuất hành đi hành hương, sư phụ nói: “Đem bên mình trái mướp đắng (khổ qua) này, nhớ đem nó ngâm vào tất cả mỗi con sông thánh mà các người đi qua, cũng mang nó vào trong thánh điện mà các người đến thờ lạy.”

Khi đệ tử trở về thì đem trái khổ qua ấy nấu chín, làm bữa ăn thánh.

Sư phụ nếm một miếng thì lòng thành ý khẩn sâu xa nói: “Kỳ lạ, nước thánh và thánh điện sao không đem mướp đắng biến thành ngọt.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có nhiều người Ki-tô hữu coi nước thánh như một thứ bùa phép rảy lung tung để trừ ma đuổi quỷ, để uống chữa bệnh, nhưng bệnh không khỏi và ma quỷ không sợ, thì lại đâm ra oán trách Thiên Chúa. Họ quên mất lời dạy của Chúa Giê-su: phải cầu nguyện và ăn chay mới trừ được ma quỷ.

Nước thánh dùng để đuổi ma quỷ, làm phép các đồ dùng và chúc lành cho con người, nhưng nếu không có lòng thành tâm thiện chí, không có đức tin, không có hiểu biết về...nước thánh, thì đúng là nước thánh chỉ như thứ nước bùa phép mà thôi.

Trái mướp đắng dù ngâm trong nước thánh thì vẫn cứ là trái mướp đắng không thể thành mướp ngọt được, nhưng cái ngọt chính là tấm lòng thành mà các đệ tử đã vâng lời thầy ngâm trong nước của mỗi con sông thánh.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu có lòng thành nghe lời Chúa dạy, thì tất cả những khổ đau sẽ biến thành niềm vui, mọi cay đắng sẽ biến thành dịu ngọt do tình yêu Chúa và yêu tha nhân, bởi vì nước thánh –dù cho đức giáo hoàng làm phép- thì cũng chỉ là nước lã thường mà thôi, nếu chúng ta không có đức tin và lòng yêu mến.

Đó chính là sự chuyển biến của tâm hồn vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 12/11/2008
Chương 16:

TU ĐỨC



“Vì vậy, Anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi sự độc ác còn lan tràn, hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào long an hem, lời ấy có sức cứu độ linh hồn an hem.” (Gc 1, 21)


N2T


1. Con phải biết nguyên nhân cao quý của đạo đức chính là tu đức, không thể vì cao quý của đạo đức, nó chỉ là ơn khen ngợi mà thôi.

(Thánh Bernard)
 
Thật, không thể tưởng tượng được...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 12/11/2008
THẬT

KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG ĐƯỢC


1. Một trăm đồng bạc khi dâng cúng cho nhà thờ thì giá trị sao mà lớn, nhưng khi đi mua sắm đồ trên phố thì sao mà nhỏ như thế này ?

2. Hai tiếng đồng hồ lễ nghi của Giáo Hội sao mà lâu thế, nhưng xem một vở tuồng hay sao mà qua mau quá vậy ?

3. Khi cầu nguyện muốn tìm một chữ thì đều cảm thấy khó, nhưng khi trò chuyện với bạn bè thì miệng như tép nhảy (liến thoắng).

4. Có người cảm thấy đọc một chương Thánh Kinh vừa khó vừa chán, nhưng lại rất dễ dàng xem xong quyển tiểu thuyết một trăm trang ?

5. Con người ta thường muốn ngồi hàng ghế trước khi đi xem hát hay diễn tuồng, nhưng bất luận như thế nào họ cũng đều muốn ngồi hàng sau trong nhà thờ.

6. Chúng ta muốn những sinh hoạt của giáo xứ được thông báo trước hai ba tuần lễ, thì mới có thể tham dự được, nhưng chúng ta chỉ cần dùng hai đến ba phút thì sắp xếp xong khi tham gia các sinh hoạt khác.

7. Chúng ta rất khó khăn khi chia sẻ từ thần học đến chân lý cùng với con người, thế nhưng học rất dễ những lời nói tào lao.

8. Chúng ta tin tưởng mỗi sự việc đăng trên báo chỉ hoặc tạp chí, nhưng thường hồ nghi từng con chữ của Thánh Kinh.

9. Mọi người đều muốn lên thiên đàng, nhưng không muốn vì vào thiên đàng mà tin tưởng, hoặc làm hoặc truyền bất cứ thứ gì.

10. Chúng ta thường đem lời cười nói truyền qua truyền lại trong máy điện thoại, nhưng khi chúng ta muốn đem tin tức của Chúa truyền cho người khác thì lại phải suy đi nghĩ lại nhiều lần.

11. Bây giờ anh (chị) đã xem xong bản tin này rồi, thì truyền đến cho bất cứ ai mà anh (chị) cho rằng họ là bạn của anh chị.

12. Giả như anh không làm như thế, thì anh không những đoạt đi cơ hội mình được chúc phúc, đồng thời cũng cướp đi cơ hội của người khác được chúc phúc ! Có thể trong cuộc sống của họ đang cần Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(sưu tầm từ tiếng Hoa)


---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Bài Giáo Lý mới XII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Ngày Quang Lâm của Đức Kitô trong Giáo Huấn của Thánh Phaolô
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
20:30 12/11/2008
Ngày Quang Lâm của Đức Kitô trong Giáo Huấn của Thánh Phaolô

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi Triều Yết Chung ngày 12/11/2008 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục Chu Kỳ Giáo Lý về Thánh Phaolô, và ngài đặt trọng tâm vào lời giảng dạy của Thánh Nhân về Ngày Trở Lại của Chúa. Vì bản Anh Văn chưa có nên bản này dịch theo Tiếng Ý và tham khảo bản Tiếng Pháp của Zenit.org.

* * * * *

Anh chị em thân mến,

Đề tài về sự Phục Sinh, mà chúng ta nói đến tuần trước, mở ra cho chúng ta một viễn cảnh mới, đó là việc mong đợi ngày trở lại của Chúa, và như thế đưa chúng ta đến việc suy niệm về liên hệ giữa thời gian hiện tại, thời gian của Hội Thánh, của Nước Đức Kitô, và của tương lai (cánh chung) đang chờ đợi chúng ta khi Đức Kitô sẽ trao Vương Quyền lại cho Chúa Cha (x. 1 Cor 15:24). Mỗi bàn luận của Kitô giáo về những điều sau hết, gọi là cánh chung, luôn luôn đi sau biến cố Phục Sinh: trong biến cố này các sự việc đã bắt đầu, theo một nghĩa nào đó, đã hiện diện rồi.

Có lẽ vào năm 52, Thánh Phaolô viết Thư đầu tiên của ngài, Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Thêxalônica, trong đó ngài nói về việc Chúa Giêsu trở lại, gọi là ngày Quang Lâm, ngày Người đến, một sự hiện diện mới, cuối cùng và rõ ràng (x. 1 Th 4:13-18). Với các tín hữu Thêxalônica, là những người có những nghi ngờ và vấn nạn riêng của họ, Thánh Tông Đồ viết như thế này: Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì ngay cả những người đã an giấc trong Chúa Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đem về cùng với Người” (1 Th 4:14). Ngài tiếp: “Những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, sẽ được đem lên trên đám mây cùng với họ, để gặp Chúa trên không trung; và như vậy chúng ta sẽ được muôn đời ở cùng Chúa” (1 Th 4:16-17). Thánh Phaolô diễn tả việc Quang Lâm của Đức Kitô bằng một giọng rất sống động và những hình ảnh biểu tượng, nhưng chuyển đạt một sứ điệp đơn sơ và sâu sắc: cuối cùng chúng ta sẽ muôn đời được ở với Chúa. Điều này vượt trên các hình ảnh, một sứ điệp căn bản: Tương Lai của chúng ta là “ở với Chúa”, với tư cách là các tín hữu, chúng ta đang ở với Chúa trong cuộc đời mình rồi. Tương lai của chúng ta, là đời sống vĩnh cửu, đã được bắt đầu.

Trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô đổi viễn cảnh, ngài nói về những biến cố tiêu cực, là những biến cố phải xảy ra trước ngày sau hết và chung cuộc. Ngài nói rằng đừng khờ dại nghĩ rằng Ngày của Chúa đến nơi rồi, theo ngày tháng người ta tính toán: “Về ngày Ðức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta trở lại, và việc chúng ta tập họp với nhau để về với Người, thế này, là anh em đừng vội để cho tinh thần rung động, hay bối rối, dù bởi thần khí, hay qua lời nói, hay bằng thư từ, nói là đến từ chúng tôi, như là ngày của Chúa đã gần đến. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào!” (2 Cor 2:1-3). Những đoạn văn tiếp theo loan báo rằng trước khi Chúa đến, sẽ có việc bỏ đạo, và có sự xuất hiện của ‘tên loạn tặc’, là ‘đứa con của sự hư mất’ (1 Th 2:3), đó là điều mà truyền thống cũng gọi là “Tên Phản Kitô”. Nhưng chủ ý của Thư này của Thánh Phaolô trước hết có tính cách thực hành, ngài viết: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền cho anh em rằng nếu ai không chịu làm việc, thì đừng có ăn! Vì chúng tôi nghe rằng trong anh em có một số kẻ ăn không ngồi rồi, không làm lụng gì cả, mà lại can thiệp vào mọi chuyện. Ðối với những kẻ như thế, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ rằng, họ hãy làm việc trong yên lặng, để tự mình có bánh mà ăn” (2 Cor 3:10-12). Nói cách khác, việc Quang Lâm Chúa Giêsu không miễn trừ chúng ta khỏi tham gia vào thế gian này, nhưng trái lại tạo ra cho chúng ta những trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa, để Ngài phán đoán về việc làm của chúng ta trên thế gian này. Cũng như gia tăng nhiệm vụ của chúng ta phải làm trong thế gian. Chúng ta sẽ thấy cùng một điều này trong Bài Tin Mừng Chúa Nhật tới về các nén bạc, ở đó Chúa nói cho chúng ta rằng nén bạc được trao cho mọi người và vị Thẩm Phán sẽ hỏi họ như sau: Bạn đã sinh hoa trái chưa? Cho nên việc mong được tiền lời ám chỉ nhiệm vụ đối với thế gian này.

Cùng một điều này và cùng một sự liên hệ giữa việc Quang Lâm - việc trở lại của vị Thẩm Phán/Đấng Cứu Độ - và quyết tâm của chúng ta trong đời sống được bày tỏ trong một phạm vi khác cùng những bình diện khác trong Thư gửi cộng đoàn Philipphê, là cộng đoàn cần cha của họ, là Thánh Phaolô, ngài viết: “Đối với tôi, sống là Ðức Kitô, và chết là một điều ích lợi. Nếu tôi sống trong thân xác mà công việc của tôi có kết quả, thì tôi không biết sẽ phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng. Mong ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Kitô, điều này tốt hơn nhiều. Nhưng ở lại trong thân xác thì cần thiết hơn cho anh em. Và tôi tin chắc điều này là, tôi biết rằng tôi sẽ ở lại và tiếp tục ở với tất cả anh em, vì sự tiến triển và niềm vui trong đức tin của anh em; để vì tôi mà sự vui mừng của anh em được thêm phong phú trong Ðức Giêsu Kitô, qua việc tôi lại đến với anh em” (Pl 1: 21-26). Thánh Phaolô không sợ chết, trái lại: chết có nghĩa là được sống cách trọn vẹn với Đức Kitô. Nhưng Thánh Phaolô cũng chia sẽ những tình của Đức Kitô, là Đấng không còn sống cho chính mình, nhưng sống cho chúng ta. Sống cho tha nhân trở thành chương trình của cuộc đời của Thánh Nhân, và cũng chứng tỏ việc hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, để Thiên Chúa định đoạt. Trên hết là ngài sẵn sàng, cả trong tương lai, để sống trên đời này cho người khác, cho Đức Kitô, sống trong sự hiện diện sống động của Người, và như thế sống để canh tân thế gian. Chúng ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô tạo ra một sự tự do nội tâm lớn lao: tự do trước sự đe dọa của cái chết, nhưng cũng là tự do trước mọi dấn thân và đau khổ trong đời. Điều này chỉ có thể có được với Thiên Chúa và sự tự do chân chính.

Giờ đây sau khi đã xem xét một số bình diện khác nhau của việc mong đợi ngày Đức Kitô Quang Lâm, chúng ta hãy tự hỏi: Những thái độ căn bản của Kitô hữu về những điều cuối cùng: chết và tận thế, là những thái độ nào?

Thái độ thứ nhất là việc xác tín rằng Chúa Giêsu đã sống lại, và ở cùng chúng ta luôn mãi. Không có ai có quyền năng bằng Đức Kitô, bởi vì Người ở cùng Chúa Cha và ở cùng chúng ta. Cho nên chúng ta được an toàn, không phải sợ hãi. Đây là một phần chính yếu của lời giảng dạy của Kitô giáo. Việc sợ các tà thần và các thần minh đã lan tràn trong thế giới cổ. Ngay cả ngày nay, lẫn lộn với nhiều yếu tố tốt lành của các tôn giáo tự nhiên, các nhà truyền giáo cũng tìm thấy sự sợ hãi tà thần, những quyền lực tiêu cực ngăm nghe làm hại chúng ta. Đức Kitô đang sống, đã chiến thằng sự chết và tất cả các quyền lực ấy. Chúng ta được sống trong xác tín này, trong tự do này, trong niềm vui này. Đó là bình diện thứ nhất của đời sống chúng ta đối với tương lai.

Thứ nhì, việc xác tín rằng Đức Kitô đang ở với tôi. Và trong Đức Kitô thế giới tương lai đã bắt đầu, điều này cũng cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn. Tương lai không phải là một vùng tối tăm mà ở đó không có ai chỉ đường. Không phải như thế. Nếu không có Đức kitô, ngay cả tương lai của thế giới hôm nay cũng đen tối. Có quá nhiều sợ hãi về tương lai. Các Kitô hữu biết rằng ánh sáng của Đức Kitô mạnh hơn và như thế họ không sống trong một hy vọng mơ hồ, nhưng trong một niềm hy vọng mang lại sự chắc chắn và can đảm cho bộ mặt tương lai.

Cuối cùng, thái độ thứ ba. Vị Thẩm Phán trở lại - Người vừa là Thẩm Phán vừa là Đấng Cứu Độ - là Đấng đã để lại cho chúng ta quyết tâm sống trong thế gian theo cách sống của Người. Người đã ban cho chúng ta các nén vàng (các tài năng) của Người. Vậy thái độ thứ ba của chúng ta là có trách nhiệm đối với thế gian, đối với anh em trước mặt Đức Kitô, và đồng thời xác tín về lòng thương xót của Người. Cả hai điều đều quan trọng. Chúng ta không sống như là sự lành và sự dữ đều như nhau, bởi vì chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Thương Xót. Nói như thế là một sự lừa dối. Thực ra, chúng ta sống với một trách nhiệm lớn lao. Chúng ta có những nén vàng (tài năng) của mình, chúng ta có nhiệm vụ làm việc để cho thế giới này được mở ra cho Đức Kitô, được canh tân. Nhưng trong khi làm nhiệm việc và biết rằng trong trách nhiệm của chúng ta, Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán thật, chúng ta cũng tin tưởng rằng vị Thẩm Phán này là một thẩm phán tốt lành, chúng ta biết dung ngàn Người, dung nhan của Đức Kitô Phục Sinh, của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh vì chúng ta. Cho nên chúng ta có thể tin tưởng vào sự tốt lành của Người và tiến bước với lòng can đảm phi thường.

Một yếu tố khác của cánh chung theo Thánh Phaolô là tính phổ quát của lời mời gọi Đức Tin, là điều liên kết người Do Thái và Dân Ngoại lại với nhau, như dấu chỉ và tiền dự vào thực tại trong tương lai, là điều cho phép chúng ta nói rằng chúng ta đã được ngồi trên Thiên Đàng với Đức Chúa Giêsu Kitô, nhưng để tỏ ra trong các kỷ nguyên tương lai sự phong phú của ân sủng (x. Eph 2:6 tt): điều sau này đã được thấy trước, để  chứng tỏ tình trạng thành đạt đầu tiên mà trong đó chúng ta sống. Điều này làm cho chúng ta chịu được những đau khổ ở đời này, là điều không thể so sánh được với vinh quang trong tương lai (x. Rm 8:18). Chúng ta bước đi nhờ Đức Tin chứ không phải nhờ nhãn quan. Ngay cả thà xa lìa thân xác này mà được ở cùng Chúa còn hơn, là điều đáng kể sau cùng, dù đang ở trong thân xác hoặc xa lìa nó, thì chỉ là điều làm đẹp lòng Người (x. 2 Cor 5:7-9).

Sau cùng là một điểm cuối cùng có thể hơi khó đối với chúng ta. Trong khi kết luận Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô nhắc lại và đọc một kinh nguyện phát sinh từ những cộng đồng Kitô hữu tiên khởi trong vùng Palestine: “Maranà, thà!” có nghĩa đen là: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” (2 Cor 16:22). Đó là kinh nguyện của các Kitô hữu tiên khởi và cũng là lời cầu nguyện trong cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, là Sách Khải Huyền, được kết thúc bằng lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin hãy đến!”.

Chúng ta cũng có thể cầu nguyện như thế không? Đối với tôi xem ra trong đời sống chúng ta trên thế giới này, thật khó mà chân thành cầu xin cho thế giới này bị tiêu hủy đi, để Thành Giêrsalem mới đến, khi cuộc chung phán và vị Thẩm Phán, Đức Kitô đến.

Tôi thành thật tin rằng nếu chúng ta không dám cùng nhau cầu nguyện vì nhiều lý do, thì chúng ta cũng có thể cùng với các Kitô hữu đầu tiên nói một cách hợp lý và chính đáng: “Lạy Chúa Giêsu, Xin hãy đến!”. Dĩ nhiên là chúng ta không muốn ngày tận thế đến. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng muốn chấm dứt cái thế giới bất công này. Chúng ta muốn thế giới được thay đổi tận gốc, để bắt đầu nền văn minh tình thương, một thế giới công bằng, hòa bình, không có bạo lực và nghèo đói.

Chúng ta muốn điều này, và nó làm sao xảy ra được nếu không có sự hiện diện của Đức Kitô? Thiếu sự hiện diện của Đức Kitô thì không bao giờ có được một thế giới thật sự công bằng và canh tân. Ngay cả bằng một cách khác, cách đầy đủ và hoàn hảo, chúng ta cũng có thể và phải nói, với sự cấp bách khẩn thiết trong những hoàn cảnh của thời đại chúng ta: Lạy Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến theo cách thức của Chúa! Tùy theo cách Chúa biết. Xin hãy đến những nơi có bất công và bạo lực! Xin hãy đến các trại tị nạn, ở Darfur, ở Bắc Kivu, ở  quá nhiều nơi trên thế giới. Xin hãy đến những nơi mà dịch ma túy đang hoành hành. Xin hãy đến giữa những người giầu có nhưng đã quên Chúa, và chỉ biết sống cho mình. Xin hãy đến những nơi mà người ta chưa biết đến Chúa. Xin hãy đến theo cách của Chúa và canh tân thế giới hôm nay. Xin hãy đến trong lòng chúng con, xin hãy đến và canh tân đời sống chúng con, xin hãy đến trong lòng chúng con để chính chúng con có thể trở thành ánh sáng của Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện của Chúa. Maranà, thà!  “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”.

Và chúng ta hãy cầu xin để Đức Kitô thật sự hiện diện trong thế giới của chúng ta hôm nay và canh tân nó.

+ĐTC Bênêđictô XVI

 
Lời than thở của linh hồn luyện tội
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
20:42 12/11/2008
LỜI THAN THỞ CỦA LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Câu chuyện do thánh nữ Brigitte Thụy Điển (1303-1373) kể lại cho họ hàng người quá cố. Đó lời than thở của một Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục.

THIÊN CHÚA Nhân Lành cứu Em thoát khỏi Hỏa Ngục nhờ ơn Em chết lành. Thế nhưng Em bị rơi xuống đáy Luyện Ngục nơi Em phải chịu hình khổ thật dữ dằn khủng khiếp.

Cái đầu Em lúc trước thích trang điểm bằng các thứ phù hoa, giờ đây bị ngọn lửa diêm sinh thiêu đốt cả bên trong lẫn bên ngoài.

Đôi vai và hai cánh tay Em lúc trước cởi trần để phô bày cho thiên hạ chiêm ngắm giờ đây phải mang giây xích khổng lồ nóng bỏng nhức buốt!

Đôi chân Em ngày trước trang điểm để nhảy nhót, giờ đây chúng bị các con rắn độc bao quanh và không ngừng cắn hút. Toàn thể các phần thân thể Em ngày xưa mang các thứ đồ trang sức vòng vàng xuyến ngọc kim cương đủ loại thì giờ đây vừa bị thiêu đốt bởi ngọn lửa nóng tột cùng vừa bị cóng lạnh giá buốt thật khủng khiếp.

Sau khi nghe thánh nữ Brigitte Thụy-Điển kể lại lời than thở của Linh Hồn họ hàng quá cố - xưa từng sống xa-hoa đài-các, hưởng nếm đủ mọi thứ phù vân giả tạo - người bà con còn sống hồi tâm thống hối. Bà dứt khoát từ bỏ ngay cuộc sống nhung-lụa phù phiếm. Bà bắt đầu sống chay tịnh hãm mình và dùng thời giờ để liên lĩ cầu nguyện. Bà khẩn nài THIÊN CHÚA Nhân Lành tha thứ tội lỗi cho bà, cùng lúc, bà xin đền tội thay cho Linh Hồn người bà con quá cố đang phải chịu hình khổ đau đớn tột cùng nơi Lửa Luyện Ngục.

.. Câu chuyện thứ hai xảy ra nơi miền Trung nước Đức. Dân làng sống ở vùng Worms kể lại rằng. Cứ sau nửa đêm, người ta trông thấy đông đảo binh lính cầm khí giới chạy rảo qua đồi cao và thung lũng, người thì đi bộ, kẻ thì cỡi ngựa, giống y như thể một trận chiến khủng khiếp sắp diễn ra.

Lời kể của dân làng được các tu sĩ đan viện Limbourg ở gần đó, xác nhận. Bởi lẽ, hàng đêm đan viện bị khuấy động bởi các tiếng ồn ào do các binh lính gây ra, nhưng chỉ gây ra vào ban đêm còn ban ngày thì biến đâu mất.

Sau cùng, Cha Bề Trên đề nghị các đan sĩ hiệp ý cầu nguyện để chuẩn bị một biến cố quan trọng. Thật vậy, một hôm vào chính giữa đêm, Cha Bề Trên tay cầm Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ giơ thật cao, dẫn đầu đoàn rước các đan sĩ tiến ra nơi các binh lính thường xuất trận vào ban đêm. Khi hai bên đối diện nhau, Cha Bề Trên trịnh trọng cất tiếng hỏi:

- Nhân danh THIÊN CHÚA Ba Ngôi, xin nói cho chúng tôi biết quí vị là ai và làm gì lúc sinh thời ở nơi đây.

Một người trong nhóm trả lời:

- Chúng con là Linh Hồn của vô số binh lính tử trận nơi chiến trường trong khi phục vụ dưới quân kỳ của hai triều vua. Thân xác chúng con được chôn tại đây và Linh Hồn chúng con đang làm việc đền tội nơi chúng con đã phạm nhiều lỗi lầm thiếu sót. Tiếng động của khí giới và tiếng ngựa chạy - lúc trước từng là dịp cho chúng con phạm tội - thì nay trở thành dụng cụ gây khổ hình cho chúng con. Nhưng THIÊN CHÚA Nhân Lành cho phép các ngài nghe thấy, hầu các ngài giúp làm giảm bớt hình phạt cho chúng con. . Mắt trần của các ngài không trông thấy Lửa Luyện Hình đang vây bọc và thiêu đốt chúng con, nhưng ngọn Lửa này quả thật là khủng khiếp, vượt ngoài mọi sức tưởng tượng của các ngài. . THIÊN CHÚA Nhân Lành cho phép các ngài nhìn thấy chúng con để các ngài giúp đỡ chúng con. Các việc ăn chay hãm mình phạt xác của các ngài và kinh nguyện của các ngài, nhưng nhất là các Thánh Lễ các ngài tham dự và rước lễ, là những việc lành đạo đức có sức mạnh giải thoát chúng con khỏi ngọn lửa khủng khiếp đang thiêu đốt chúng con.

Sau lời nói của người đại diện, toàn thể Linh Hồn các binh lính đồng loạt kêu lớn tiếng:

- Xin tất cả cầu nguyện cho chúng con, xin Cha Bề Trên hãy cầu nguyện cho chúng con!

Ngay lúc ấy, đoàn người đông đảo biến mất. . chỉ còn lại các ngọn đồi như có lửa đốt, cháy sáng rực! Trong khi đó các đan sĩ kinh hoàng và xúc động lặng lẽ trở về đan viện cùng với Cha Bề Trên.

... ”Ông Giuđa thu quân và đến thành Ađulam. Ngày hôm sau, vào lúc phải làm, quân ông Giuđa đi thu các tử thi những người bị giết chết và đưa về chôn cất với những người thân trong phần mộ tổ tiên. Nhưng bên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy lá bùa của tượng thần ở Giamnia: đó là điều Luật cấm; vì thế ai cũng thấy rõ bởi lý do nào những người ấy đã bị giết chết. Vậy mọi người chúc tụng THIÊN CHÚA, vì Ngài là Thẩm Phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn. Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin THIÊN CHÚA tẩy sạch tội lỗi đã phạm. . Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội. Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (Sách II Macabê 12,38-46).

(Jacques Lefèvre, ”Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Éditions Résiac, 1995, trang 77-78)
 
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
22:06 12/11/2008

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

NIỀM TIN PHỤC SINH



Sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 năm. Nước Văn Lang của các Vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt nam. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là bộ chính sử đầu tiên của nước ta ghi chép về nước Văn Lang và theo đó thì nước Văn lang “Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn”. Nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng 300 năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử. Tiếp đến là nước Âu Lạc của An Dương Vương, rồi đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn…

Lãnh thổ Việt Nam nhỏ bé chỉ đến Châu Cực nam là Hoan châu, Hà Tĩnh ngày nay. Biên giới phía nam của An Nam là núi Hoành Sơn. Từ Đèo Ngang, Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận là đất nước Chiêm Thành với kinh đô Trà Kiệu. Miền Nam, Miền Tây thuộc vương quốc Phù Nam, Stiêng, Chu Nại, Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp.

Việt Nam thực hiện Cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thời Lê Đại Hành mở mang bờ cõi về phía nam. Thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 3 châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế). Thời nhà Hồ tiến vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vượt biên giới núi Thạch Bi tiến về phía Nam, cho đến năm 1697 đặt phủ Bình Thuận. Năm 1757, tháp nhập Hà Tiên vào Đại Việt, chấm dứt Cuộc Nam Tiến. Việt Nam với bản đồ chữ S đã hình thành. Như thế chỉ dài chừng nửa đầu thế kỷ 18, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc từ Bình Thuận chiếm trọn Nam kỳ ( theo Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập I, 1994)

Trong bối cảnh lịch sử xã hội đó, Thiên Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến để gieo trồng hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Lịch sử Giáo hội Việt Nam gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Các Họ Đạo phát triển cùng với Cuộc Nam Tiến và các cuộc bách hại. Từ khi vị thừa sai Phanxicô Buzômi có công thiết lập cơ cấu Giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam năm 1615 cho tới khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập 1960, thời gian đó kéo dài 300 năm. Hơn 3 thế kỷ phát triển cùng với các cuộc bách hại dưới các thời đại Vua Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Hạt giống Nước Trời cứ phát triển khi được gieo xuống đất. Chúng ta thấy được hồng ân Thiên Chúa tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên nước Việt thân yêu.

Giữa những bách hại tàn khốc, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Như một Linh mục Giáo sư đã nói: Giáo hội Công giáo ngoài bốn đặc tính Duy nhất Thánh thiện Công giáo Tông truyền còn có thêm một đặc tính thứ năm, đó là bách hại, càng bị bách hại càng lớn lên. Các bậc Tổ tiên đã gieo trong nước mắt và đau thương nhưng hào hùng và can trường. “Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi” (Is 52,7) để hôm nay Giáo hội Việt Nam vững mạnh sánh vai cùng các Giáo hội trên hoàn vũ. Nhìn những thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, là con cháu các Thánh Tử Đạo, người Công giáo Việt nam không bao giờ quên ơn những Bậc Tiền Bối đã xây đắp nên Giáo hội yêu dấu của mình.

Chúng ta có thể khẳng định: Lịch sử của các Giáo hội cũng là lịch sử những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại luôn đi liền với những kẻ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, những người tin vào Thiên Chúa Giavê cũng đã phải trải qua những cơn gian nan thử thách vì niềm tin.

Tại sao người tín hữu thường bị bắt bớ và bị bách hại? Lịch sử cho thấy người tín hữu bị bắt bớ và bị bách hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do là: bị người đời hiểu lầm và ghen ghét. Chính Đức Giêsu là một minh hoạ tuyệt vời về sự kiện ấy. Đức Giêsu bị nhà cầm quyền Do thái và Rôma kết án loại trừ, vì họ cho rằng Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chức quyền của họ. Thế nhưng, qua cuộc khổ nạn và thập giá mà Đức Giêsu bày tỏ lòng hiếu thảo, vâng phục, yêu mến Chúa Cha và tình thương đối với loài người. Cuộc Khổ nạn là con đường dẫn tới Phục sinh.

Các Thánh Tử Đạo của Giáo hội, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và hàng ngàn hàng vạn vị Tiền Bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì Đạo mà nguyên nhân chính là do hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng chứng minh lòng tin của mình đối với Đức Giêsu Kitô, bất chấp gông cùm, tù tội, bá đao hay tùng xẻo, trảm quyết hay lăng trì.

Vì thế, ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là dịp để Giáo hội hoàn vũ chiêm ngắm suy tôn 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, các chứng nhân trung kiên của Đức Kitô. Đặc biệt là dịp mà mỗi tín hữu Công Giáo Việt Nam ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên quê hương mình. Mừng kính trọng thể các Ngài để cùng nhau chiêm ngưỡng, tự hào, học hỏi nơi những chứng nhân đức tin trung kiên, ý chí quật cường của các chiến sĩ Đức Kitô. Từ đó giúp nhau phát huy truyền thống hào hùng bất khuất, dám hy sinh mạng sống cao quý để giữ vững đức tin nơi các thế hệ con cháu Các Thánh Tử Đạo.

Chính trong ánh sáng của Đức Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm: Đầy tớ không lớn hơn chủ(Ga 15,20); Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con...Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu độ. (Mt 10,16 -25)

Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ tìm cách nên giống Thầy, giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.

Các Thánh Tử Đạo là những vĩ nhân của nhân loại. Các Ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô như chính Đức Kitô đã chết cho các Ngài.

Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Đức Kitô. Các Ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các Ngài chết tử đạo là chết vì Đức Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu.

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát: theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét, nhưng nét đẹp nhất trong chân dung các Ngài là Niềm Tin Phục Sinh. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta: mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng và đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.( x. Thiên Hùng Sử, trang 495).

Niềm Tin Phục Sinh mãi mãi là ánh sáng soi dẫn từng suy nghĩ từng lời nói từng việc làm của người tín hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Vài tư liệu.

1. Thời gian và con số:

+ Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, kéo dài gần 3 thế kỷ.

+ Có khoảng 400.000 người bị lưu đầy, phát lưu và phân sáp. 130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988.

2. Về các hình khổ: Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như:

- Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.
- Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv.
- Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết - tức là bị chặt đầu- bị xử giảo - tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống. - Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì - phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao.

3. Quá trình Giáo Hội phong thánh

* Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lêo XIII phong 64 vị lên hàng chân phước.
* Ngày 20-5-1906 Đức Thánh Cha Pio X phong thêm 8 vị.
* Ngày 02-5-1909 cũng Đức Thánh Cha Piô X phong thêm 20 vị nữa.
* Ngày 29-4-1951 Đức Thánh Cha Pio XII phong 25 vị. Trong 117 vị được phong chân phước có: - 8 Giám mục ( Giám mục thuộc dòng Đaminh và 2 Giám mục thuọc Hội thừa sai Paris) - 50 Linh mục (Gồm 37 là người Việt Nam, 8 thuọc Hội thừa sai Paris và 5 thuộc dòng Đaminh) - 15 thầy giảng -44 giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v..v.

4. Theo loại hình phạt

* 79 vị bị trảm quyết tức là bị chặt đầu. Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất.
* 18 vị bị xử giảo tức là bị thắt cổ.
* 8 vị chết rũ tù
* 6 bị thiêu sinh
* 4 bị lăng trì - tức là phân thây ra từng mảnh
* 1 bị tử thương và
* 1 bị bá đao

5. Về thời gian

* 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Doanh
* 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Sâm
* 2 vị chịu tử đạo thời Cảnh Thịnh.
* 57 vị chịu tử đạo thời Minh Mạng
* 3 vị chịu tử đạo thời Thiệu Trị
* 51 vị chịu tử đạo thời Tự Đức
 
CN 33 A: Hãy dùng thời gian để yêu thương
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
22:08 12/11/2008

Hãy Dùng Thời Gian Để Yêu Thương


CN 33 A

Thiên Chúa là Alpha và Omega, Ngài là Khởi Nguyên và là Tận Cùng. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian. Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Ngài là chủ thời gian. Thiên Chúa hiện hữu không phải trong thời gian mà là siêu thời gian vì ngàn năm đối với Chúa như một ngày.

Chỉ còn 2 tuần lễ nữa là kết thúc thời gian Năm Phụng Vụ để rồi khởi đầu một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới. Các bài đọc của các tuần Chúa Nhật này đều nói về việc trở lại của Chúa Giê-su trong ngày quang lâm. Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo.

Ngay từ ban đầu khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã muốn cứu chuộc loài. Ngài đã can thiệp nhiều lần vào lịch sử bằng những biến cố kỳ diệu, độc đáo được ghi trong Thánh Kinh. Thiên Chúa dùng lịch sử làm phương thế cứu chuộc, biến lịch sử loài người thành một Lịch Sử Thánh, một Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch Sử Cứu Rỗi gồm ba giai đoạn chính. Cựu Ước chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi, Tân Ước thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thời Giáo Hội nối dài và phân phát ơn cứu rỗi. Sau ngày Quang Lâm của Chúa Ki-tô lịch sử sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Trời.

Đức Giê-su là trung tâm của Lịch Sử Cứu Rỗi, nơi Ngài, Ơn Cứu Rỗi không còn là lời hứa mà đã trở thành hiện thực. Đức Giê-su còn là tận đích của Lịch Sử Cứu Rỗi, vì tất cả lịch sử quy hướng về Ngài. Ngài là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trong Ngài loài người đạt tới sự sống viên mãn.

Như vậy có hai lịch sử song hành: lịch sử trần thế và Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các tiến bộ kỹ thuật. Đây là mặt nổi có thể quan sát được.

Lịch Sử Cứu Rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần. Lịch sử này đang khai diễn âm thầm dưới chiều sâu trong các tâm hồn theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ có Đức Tin mới nhận ra. Như vậy Đức Tin giúp chúng ta nhận ra có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế, bao trùm thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có một ý nghĩa. Từ đỉnh cao của vĩnh cửu, Thiên Chúa đang từng bước hướng dẫn loài người đến Ơn Cứu Rỗi chung cuộc.

Khi lịch sử chấm dứt là lúc Đức Giê-su trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.

Ngày Đức Giê-su trở lại, ngày quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều tên: Ngày cuối cùng (Ga 6, 39; 11, 24; 12, 48), Ngày của Chúa (1 Cr 3, 13; 5, 5), Ngày Chúa đến (1 Cr 1, 8), Ngày của Đức Ki-tô (Pr 1, 10; 2, 16), Ngày viếng thăm (1 Pr 2, 12), Ngày xét xử (1 Ga 4, 17). Chính Đức Giê-su đã nhiều lần nói đến Ngày Tái Lâm này (Mt 24, 30; 25, 31; 26, 64; Mc 8, 38; 14, 62; Lc 17, 24; Ga 6, 39-40).

Không ai biết Ngày Quang Lâm bao giờ sẽ đến, kể cả Đức Giê-su về mặt nhân tính (Mt 24, 36). Ngày đó đến bất ngờ "như kẻ trộm trong đêm tối" (1 Tx 5, 1-3). Theo nhiều dụ ngôn, Chúa đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại (Mt 24, 37; 37, 44; Mc 13, 33-37; Lc 17, 22-37; 21, 35)

Ngày tận cùng của thời gian, Đức Giê-su tái lâm biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Sẽ có một cuộc phán xét chung. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ám chỉ ngày phán xét chung này: cỏ lùng trong ruộng lúa (Mt 13, 37-43), phân loại cá sau mẻ lưới (Mt 15, 39-49), chủ đòi gia nhân tính sổ (Mt 18, 23-35), thợ làm vườn nho cuối ngày trả công (Mt 20, 1-16), mười trinh nữ đi dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13). Ngày ấy các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Ngài hết thảy. Tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... đều được triệu tập trước mặt Người. Lúc ấy Người sẽ phân biệt kẻ lành kẻ dữ. Cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ không diễn ra theo cách thức của các tòa án trần gian: tố cáo, biện minh, đối chiếu, bằng chứng... Nhưng đây là một sự soi sáng từ bên trong. Trong ánh sáng của Thiên Chúa mỗi người sẽ thấy rõ những giá trị các hành vi của mình, cách mình đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gio-an còn định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế thời gian và tình yêu song hành là một.

Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó những người đang yêu là những người đang sống trong thời gian với đầy ắp niếm vui hạnh phúc. Những người biết yêu là biết nhìn thời gian như vàng ngọc. Ai sống trong Thiên Chúa là người phải biết yêu quí thời gian Chúa ban.

Các bài đọc Chúa Nhật 33 Thường Niên kêu mời chúng ta suy niệm về giá trị của thời gian và lao động. Sách Châm Ngôn mô tả người đàn bà lý tưởng. Bà ăn ở được lòng chồng con, xây dựng gia đình bằng đôi tay cần mẫn, tháo vát và chăm chỉ. Thánh Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã đề cập đến giá trị của thời giờ. Trong giáo đoàn có người lo sợ là ngày tận thế sắp đến, họ sợ hãi đến độ không muốn làm gì cả. Thánh nhân đã cảnh tỉnh: Hãy làm việc, đừng ngũ mê. Hãy biết trân trọng thời gian Chúa ban. Với bài phúc âm, Chúa Giê-su nói đến giá trị của thời giờ, công việc và tài năng. Thiên Chúa khi ban sự sống thì đồng thời cũng ban phương tiện sinh sống như thời giờ, tài năng, như "nén bạc Chúa trao".
Thiên Chúa ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ được gọi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ chăm chỉ làm việc, sinh lợi các nén bạc thì được gọi là lương hảo. Tiêu chuẩn căn bản mà Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa đó là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.

Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.
Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoa.n
Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.
Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.
Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai
Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.
Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.
Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Thời Gian, là Vua của Tình Yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Sử dụng nén bạc đức tin
Lm Jude Siciliano OP
23:00 12/11/2008
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A

Mt 25, 14-30

Thưa quí vị.

Tôi rất ngạc nhiên không hiểu làm thế nào những cuộc cạnh tranh cờ bạc trên truyền hình lại phổ thông đến như vậy? Có tin đồn người ta sắp thiết lập một kênh truyền hình mới dành riêng cho các con bạc đỏ đen. Nếu đúng như vậy thì quả là tôi lạc hậu thông tin. Có lẽ kênh đó đã được thực hiện rồi. Vì tuần vừa qua tôi ngồi bên một người đàn ông trên máy bay và ông ta chơi video game suốt mấy tiếng đồng hồ ở chiếc vi tính sách tay, rà lại mấy ván bài đã phát tuyến trên ti vi. Ông ta có vẻ hài lòng và đầy nhiệt huyết. Một lần tôi nghe ông hô to “Yeah” (trúng rồi), lúc ông thắng ván bài. Tôi tự nhận đôi lúc cũng chú ý đến các cao điểm của ông. Một lần tôi định bụng xúi ông chơi ba lá bài thay vì hai. Thực tế, có khối lượng khổng lồ khán giả coi các pha trình diễn và trò chơi đen đỏ ấy. Tại sao vậy ? Điều gì hấp dẫn họ ?

Tôi biết một buổi tối mình đã bị cuốn hút vào trò chơi ở một lần phát sóng. Tôi phải nán lại vài phút vì một người đã đặt cọc tới 30.000 đôla, cho một lần rút bài. Tôi nghĩ mình đã run lắm thì phải. Nhưng ông ta lại chẳng tỏ dấu gì sợ hãi, và tôi hiểu ra ý nghĩa của cụm từ “poker-face” (mặt lạnh như tiền). Vì những liều lĩnh nào mà người đàn ông dám chấp nhận rủi ro? Tôi chẳng muốn lấy gương các trò chơi đỏ đen hay các con bạc làm mẫu mực cho nếp sống của chúng ta, các tín hữu Chúa Kitô. Bởi lẽ quá nhiều người hoang phí tiền bạc có hạn của mình vào các trò chơi vô bổ. Lại còn nhiều người khác trở thành các con nghiện của thần đỏ đen. Chắc chắn cuộc đời họ, gia đình họ sẽ tan hoang vì con bài hoặc bánh xe may rủi. Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay có chút dính dáng đến nội dung liều lĩnh: “Nước Trời giống người kia sắp đi xa, gọi đầy tới đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi”. Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn dùng dụ ngôn song song với câu chuyện bài bạc của thế giới đời thường để mạc khải một chân lý nào đó cho chúng ta. Đức tin Ngài để lại trần gian phải được các tín hữu sử dụng sao cho hợp thánh ý Ngài?

Trong câu truyện Tin mừng, số tiền ông chủ đã giao mỗi gia nhân rất lớn, nếu tính giá hiện kim thì một yến tương đương với mười lăm năm lao động của một công nhân nghèo. Hai yến là ba mươi năm lao động. Vậy thì số vốn quá dồi dào để các đầy tớ sinh lợi. Và sự thật ông chủ trông đợi họ buôn bán làm ăn cho đến khi ông trở lại. Câu truyện không phải là về ăn chay, hãm mình, phạt xác, bác ái, từ bỏ hay những chi giống như vậy. Chúa Giê-su đã nói về các vấn đề này ở nhiều đoạn Phúc âm khác. Ở đây ý tưởng của Chúa nhắm là nội dung sinh hoạt kinh tế, buôn bán, lợi lộc và khích lệ các môn đệ tăng trưởng về đàng thiêng liêng, sẵn sàng liều lĩnh đảm nhận những nguy hiểm vì Danh Ngài. Nếu như Ngài sống ở thời điểm chúng ta, có lẽ Ngài cũng dùng thí dụ về chuyện bài bạc trong truyền hình mà dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta là các môn đệ Ngài phải biết điều hành “việc làm ăn, sinh sống” khi Ngài vắng mặt.

Dụ ngôn nhắc nhở rằng đức tin chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không phải là cái bong bóng dễ vỡ, nó có nguồn gốc siêu nhiên, chắc chắn như nén bạc, chẳng dễ gì mà bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh của xã hội, của những nơi tầm thường. Ngược lại, Chúa bảo chúng ta phải đầu tư vào đó: Gia đình, trường học, sở làm, chợ búa, vui chơi, ngay cả những chỗ sa đoạ, trác táng, những nơi tội ác có tổ chức, những bè đảng ăn cướp, giết người. Nói cách khác, Chúa ban cho chúng ta những ân huệ, những giá trị có thể đứng vững ngay cả khi thế giới tấn công với những thử thách độc ác nhất. Dụ ngôn khuyến khích chúng ta dám đảm nhận các liều lĩnh và đem theo đức tin vào các sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta phải dám đứng ra làm nhân chứng cho những điều mình tin. Than ôi, lý thuyết thì mạnh mẽ lắm, tưởng như Nước Trời đã rõ ràng khắp nơi. Nhưng thực tế thì lại tối tăm, ảm đạm vì nếp sống kẻ rao giảng thường khi đi ngược với lời nói. Họ tìm kiếm những chi mà thế gian ưa chuộng, hưởng thụ những chi mà thế gian tìm kiếm. Họ không thiếu một sung sướng nào mà thế gian khao khát: Nhà lầu, xe hơi sang trọng, vợ đẹp con khôn, cho nên Lời Chúa dạy hai ngàn năm xưa vẫn có tính thời sự cho chúng ta hôm nay. Xin đừng nghĩ Tin mừng dạy dỗ người khác, nhưng mỗi linh hồn sa đoạ của chúng ta. Không cải tổ nếp sống, thì không xứng đáng đọc Tin mừng; Vì ngược đời, khó nghe.

Thực sự là như thế. Mấy tuần lễ vừa qua, Phụng vụ của Hội thánh cho tín hữu nghe các bài đọc có tính chất cảnh giác để sẵn sàng đón Chúa tới, và sửa soạn cho năm Phụng vụ mới. Chắc chắn năm cũ đang đến hồi kết thúc. Cứ như ý tưởng các bài đọc thì việc Chúa đến bị trì hoãn và có nguy cơ các môn đệ ngủ quên, đãng trí, bận rộn vì các công việc trần thế. Năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan, chàng rể đến muộn. Ông chủ về trễ. vv Dụ ngôn hôm nay không về vấn đề tỉnh thức và sẵn sàng nữa mà phải thi hành các công việc Chúa giao phó. Chúng ta phải dồn hết tâm lực chu toàn các bổn phận trong khi chờ đợi Chúa trở lại. Chúng ta phải dấn thân vào thế giới với lòng tin cậy, tự tin và ngay cả dám liều nếu hoàn cảnh đòi hỏi.

Điều khá lạ lùng là ông chủ hoàn toàn tín nhiệm vào các đầy tớ. Khi trao tài sản to lớn vào tay họ, ông không có những chỉ dẫn tỉ mỉ phải sử dụng chúng ra sa, khi nào, bao giờ, làm sao họ buôn bán với số tiền khổng lồ đó. Mỗi yến cân nặng ba mươi lăm ký lô vàng bạc chứ có ít đâu? Cũng vậy, ơn thánh và việc phục vụ của chúng ta rất đa dạng và phong phú, chúng ta được trao cho cả Nước Trời để làm sinh sôi nảy nở. Chẳng có sứ vụ nào, hình thức tông đồ nào là nhỏ bé, hèn kém. Người ta phân chia cấp bậc, giá trị việc làm trong Nước Chúa. Nhưng thực sự Chúa Giê-su tín nhiệm chúng ta trong bất cứ công việc nào, bất cứ đường lối nào mà chúng ta đầu tư sức lực, tiền tài, thời gian nhân Danh Ngài. Ông chủ giàu có trong dụ ngôn chắc chắn biết rõ các cơ nguy trong công việc làm ăn. Ở thương trường đầy dẫy âm mưu, thủ đoạn. Tài sản của ông có thể mất trắng. Vậy mà ông vẫn trao tiền cho các đầy tớ, trông đợi nhiều lợi nhuận, bất chấp các nguy hiểm. Vốn liếng ông trao không phải là ít. Một yến tương đương với sáu ngàn ngày công. Một năm chỉ có 365 ngày. Ông cũng rõ gia nhân thứ ba không có khả năng như hai người kia vì đã từng phục vụ trong nhà ông. Tuy nhiên, ông vẫn giao một yến, tức ba mươi lăm ký vàng bạc. Quả là mạo hiểm. Đối chiếu với cách Chúa tín nhiệm chúng ta, những ơn lành Chúa trao trong suốt cuộc đời thì lòng hào hiệp của ông chủ vẫn còn thua xa. Người đầy tớ thứ ba sợ hãi và bất kính với chủ, không nhiệt thành yêu mến chủ, nên đã đào lỗ chôn dấu yến bạc và đã bị chủ đuổi ra khỏi nhà, không được hưởng yến tiệc mừng chủ trở về. Cũng không được trao phó các trách nhiệm to lớn hơn. Trái lại bị ném ra ngoài khóc lóc, nghiến răng. Anh ta mất hết mọi sự trong nhà chủ chỉ vì không dám chấp nhận liều lĩnh. Số phận các linh mục, tu sĩ, giáo dân cũng vậy. Nếu chúng ta không dám mạo hiểm vì Nước trời, không dám dấn thân phục vụ Ngài thì sẽ cùng chung số phận. Do đó, chẳng ai dám vỗ ngực kiêu căng, ngồi mát ăn bát vàng, rồi chỉ tay năm ngón, sai bảo thiên hạ. Nhưng khiêm nhường phục vụ việc nhà Chúa, tự thân chấp nhận trách nhiệm và chu toàn hoàn hảo với hết khả năng, tâm tình, lòng mến như hai người gia nhân còn lại. Phần thưởng chắc chắn là bội hậu.

Nhân đề cập đến vấn đề chờ đợi Chúa trở lại, chúng ta thường lầm tưởng là tiêu cực, bất động, mai phục chờ sẵn, đứng ngoài các rắc rối. Phải công nhận nhiều khi sự rao giảng của các chủ chăn, thậm chí của Giáo hội nhắm hướng ấy. Nhưng chúng ta phải dám chấp nhận những thách thức mà dụ ngôn hôm nay dạy bảo. Ăn ở lười biếng sẽ chuốc lấy án phạt. Cậy vào hơn hai ngàn năm tồn tại chẳng chứng minh được gì. Nó không phải là thước đo thành công. Ngược lại, thất bại cũng không luôn là thê thảm nếu chúng ta dám mạo hiểm vì Danh Chúa Kitô. Dụ ngôn hôm nay không tính đến lòng sợ hãi, và cũng không có chỗ cho lười biếng. Thờ ơ những sinh hoạt trần gian mà nhiều tu sĩ nam nữ cho là “đầy dẫy cạm bẫy”. Có thể là như vậy. Nhưng dụ ngôn thúc đẩy chúng ta dấn thân và thực hành đức tin của mình. Một số ít được gọi vào đời sống chiêm niệm trong các nhà Dòng. Còn phần đông tín hữu phải sống giữa thế gian, chịu đựng thử thách của nó, có khi rất khốc liệt. Chúng ta được mời gọi sử dụng những kho tàng, những nén bạc Chúa trao, để thay đổi hoàn cảnh thế gian, cải tạo sai lầm, ngõ hầu triều đại Thiên Chúa mau xuất hiện trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta phải hoạt động để được hạnh phúc đó, chứ không phải bất động ngồi chờ nó đến. Xin đừng nghĩ đức tin của tín hữu mỏng dòn, bởi không phải do bàn tay con người làm ra. Nó là ân huệ vững bền Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó là kho tàng sung mãn và hữu hiệu nếu chúng ta biết sử dụng cho chính đáng. Nó sẽ phát huy hiệu quả nếu chúng ta thực sự trình bày cho thế gian bằng lời nói, việc làm chân thật. Nếu chúng ta từ chối mạo hiểm đưa đức tin vào thế gian, vì sợ sệt hay ươn lười, thì làm thế nào nói được mình có đức tin ?

Tôi suy niệm Tin mừng hôm nay với một tờ nhật trình. Tôi vừa đọc Phúc âm xong, thì tờ báo loan tin một biến cố lớn cho đất nước: Bà Rosa Parks chết đêm hôm qua. Bà là một khuôn mặt lớn của dân chúng Hoa Kỳ. Người ta gọi bà là “Mẹ của phong trào quyền dân sự”. Trong những năm năm mươi của thế kỷ trước, bà hoạt động mạnh mẽ ở thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama và trong đại hội NAACP ( National Association for Advancement of Colored People = Hiệp hội quốc gia vì sự thăng tiến dân da màu). Khi được yêu cầu nhường chỗ trên xe buýt cho một người da trắng, bà đã từ chối. Sau này bà cho biết, bà quá mệt mỏi vì bị hạ nhục và quấy nhiễu chỉ vì màu da của mình và chịu đựng chế độ phân biệt chủng tộc quá nhiều. Sự phản kháng của bà đã thắp lửa cho phong trào người Mỹ gốc Phi Châu ở Montgomery. Họ đứng lên tẩy chay xe buýt 381 ngày, kết thúc vào 13 tháng 11 năm 1956 khi Toà Án Tối Cao (Browder chống Gayle) quyết định bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc trên các xe chuyên chở công cộng thành phố. Sự chống đối của bà và tiếp theo là bắt giữ, tù tội, đã biến đổi người thanh niên da đen 26 tuổi tên là Martin Luther King, Jn trở thành lãnh tụ phong trào giải phóng dân da đen, gọi là quyền dân sự quốc gia. Nhưng trước khi có Marin Luther King, Jn thì đã có Rosa Parks.

Lúc này, hành động ngạo mạn pháp luật của bà Rosa Parks xem ra đơn giản. Nhiều người trong chúng ta đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối hình thức này hay hình thức khác, và đa phần là an toàn. Nhưng ở thập niên 1950 tại Alabama là điều rất liều lĩnh và nguy hiểm. Bà ta liều mình gặp luật pháp trừng trị, dân da trắng ghét bỏ, thậm chí bị bạo lực trả thù. Bà ta chỉ là khuôn mặt bình thường của một công dân, không có chức, không có quyền, không có hậu thuẫn. Nhưng tính nết lại gây nhiều chú ý. Tôi có một tấm ảnh của bà lúc cầu nguyện. Bà đứng ở dãy ghế nhà thờ, nét mặt già dặn, hai tay đặt lên thanh dựa của chiếc ghế dài trước mặt bà. Tôi không hay mình đóan có trúng không, nhưng tấm ảnh gợi ý đức tin của bà mạnh mẽ, làm điểm tựa cho các hoạt động của bà, nó trợ giúp bà tranh đấu cho lẽ phải. Thục vậy, các nhà thờ của người Mỹ gốc da đen Phi châu đã nuôi dưỡng, trợ giúp, gây hứng cho phong trào quyền dân sự khắp nước Hoa Kỳ. Ngày nay chúng ta được hưởng ân huệ của phong trào ấy. Nhưng nó khởi sự từ đức tin của người đàn bà nhỏ bé da màu.

Vậy thì bà Rosa Parks có bao nhiêu yến bạc ? Bà ta là thần tượng của rất nhiều người Mỹ. Nhưng trong lòng khiêm tốn của mình, bà trả lời: “Một nén”. Tuy nhiên với nén ấy bà đã làm nổ tung dư luận Mỹ, bắt họ suy nghĩ và trở về đường ngay, lẽ phải. Bà đã dám chấp nhận rủi ro, đầu tư yến bạc vào xã hội phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ. Nếu như các tín hữu biết noi gương bà, sử dụng đức tin của mình cho đúng mức, hẳn toàn thể thế giới trắng vàng đen đỏ đều được hưởng lợi lớn lao biết mấy. Ước chi được như vậy. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đối thoại liên tôn, sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo
Vũ Văn An
02:13 12/11/2008
Đối thoại liên tôn, sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo

Vấn đề liên tôn chắc chắn là một vấn đề then chốt trong các xã hội ngày nay. Các biên giới truyền thống vốn hạn chế các phạm vi phát triển văn hóa khác nhau đã và đang dần biến đi. Ngày nay, người thuộc các nền văn hóa, truyền thống và tôn giáo khác nhau buộc phải sống bên cạnh nhau. Hiện tượng này tiếp tục lớn mạnh do việc người ta đi tìm các điều kiện sống tốt đẹp hơn và việc cần phải chia sẻ tín liệu mới phát triển được các dân tộc nói chung.

Trong bối cảnh biến hóa không ngừng ấy, nhiều vấn đề đáng lưu ý đã được đặt ra cả trong lãnh vực kinh tế, xã hội lẫn chính trị, nhất là tôn giáo. Về lãnh vực cuối cùng vừa kể, não trạng hiện nay coi chiều kích tôn giáo nơi con người như một điều gì cần phải giới hạn vào phạm vi cá nhân, tư riêng, không dính dáng gì tới chiều kích công cộng. Nhưng thực ra, nói tới các vấn đề tôn giáo chủ yếu là nói tới phương cách con người liên hệ với Hữu Thể cao hơn mình ngõ hầu nhận ra cách thế đặc thù mà nhìn thực tại cho đúng đắn: tôn giáo là ý niệm của ta về cuộc đời, về các mối tương quan liên bản ngã, về lòng kính trọng sáng thế, về việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, về lao động của con người v.v…Theo quan điểm này, bất cứ cố gắng nào nhằm thu gọn kinh nghiệm tôn giáo vào phạm vi hoàn toàn cá nhân, riêng tư mà thôi là đã không xét tới các dữ kiện có tính cơ cấu vốn lên đặc điểm cho hữu thể nhân bản.

Điều tệ hơn nữa là những người đang cố gắng trung lập hóa khía cạnh xã hội của tôn giáo kia sớm muộn gì rồi cũng sẽ phá hủy luôn khía cạnh tư riêng của nó. Trong quá khứ đã có quá nhiều thí dụ điển hình. Thực vậy, các nền văn hóa nói chung, kể cả những nền văn hóa bán khai, lúc nào cũng lấy tính tôn giáo tự nhiên nơi con người làm cách thế đánh dấu các giai đoạn đời họ trong xã hội. Chỉ cần đơn cử các nghi lễ khai tâm trong nhiều nền văn hóa thời xưa là thấy. Các nghi lễ ấy được dùng như hành trang (viaticum) để lên đường làm một thành viên trọn vẹn của xã hội; hay các nghi lễ chuộc tội (expiation) với sự tham dự của cả thẩm quyền đạo lẫn thẩm quyền đời. Tuy nhiên, chính trong nền văn hóa Tây Phương một phần lớn, mà hai lãnh vực kia đã bị phân cách và sự phân cách này đạt tới cao điểm với phong trào Ánh Sáng (Enlightenment), tiền thân Cách mạng Pháp. Dựa vào các tiến bộ lớn lao của khoa học và kỹ thuật, con người nhấn mạnh tới giá trị của lý trí. Điều ấy đúng thôi. Nhưng họ đi quá đà bằng cách loại bỏ Thiên Chúa, và tự biến mình thành quan án duy nhất và tối hậu cho chính mình. Trong thế giới tự nhận là phát triển, vấn đề tôn giáo nói chung và cuộc đối thoại liên tôn nói riêng, phần lớn đang bị quan điểm trên làm cho ô nhiễm.

Tuy thế, Giáo Hội Công Giáo, một tôn giáo với chủ trương duy thực (realism) lành mạnh từng đánh dấu bước đi của mình trong lịch sử, không bỏ chạy trước thách đố do trạng huống trên đem lại. Khi cố gắng đề nghị ra các phương tiện và phương cách để cổ vũ đối thoại và hòa hợp giữa mọi người, giữa người tin lẫn người không tin, giữa Kitô hữu lẫn người không phải là Kitô hữu, Giáo Hội Công Giáo quả đang đi tiên phong trong việc cổ vũ thảo luận. Thực vậy, nhờ Giáo Hội Công Giáo, ngày nay ta mới có các cuộc đối thoại, thảo luận và hợp tác giữa những người có tôn giáo khác nhau. Các văn kiện của Công Đồng Vatican II như “Nostra Aetate” (Thời Đại Ta), “Gaudium et Spe” (Vui Mừng và Hy Vọng), “Dignitatis Humanae” (Nhân Phẩm) là những đóng góp lớn cho những cuộc đối thoại, thảo luận và hợp tác nói trên. Ngoài ra, còn rất nhiều các buổi gặp gỡ giữa các vị Giáo Hoàng gần đây với các nhà lãnh đạo một số tôn giáo lớn có tính hoàn cầu nhưng không phải là Kitô Giáo.

Tuy nhiên, các cố gắng cổ vũ đối thoại của Giáo Hội đã phát sinh ra nhiều hiểu lầm nơi dân Chúa, nhất là trong 40 năm qua, liên quan tới việc thích đáng có nên phúc âm hóa hay không, như thể ta đang bước vào một thời kỳ trong đó lệnh truyền của Chúa Kitô đòi ta phải ra đi và rửa tội cho muôn dân nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi đã không còn giá trị nữa, không những thế, có khi còn phá hoại việc chung sống hòa bình giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau nữa. Sự mâu thuẫn biểu kiến giữa bản sắc và đối thoại khiến người ta nghiêng về khía cạnh thứ hai vừa kể ở trên. Đã đành các tổ chức không phải là Công Giáo kia đang thực hiện được nhiều công trình đáng ca ngợi trong việc giúp đỡ người nghèo và làm trung gian hòa giải cho nhiều cuộc tranh chấp trên thế giới, nhưng ta đừng quên tính đặc thù trong đức tin Kitô giáo so với các tôn giáo hoàn cầu khác.

Việc cổ vũ một số sáng kiến, dù có nhiều khía cạnh tích cực đi song song với nó, song nhiều khi cũng gây mù mờ về các dị biệt giữa các tôn giáo với nhau. Đồng văn hóa (contextualisation) một cách thiếu chính xác các biến cố hay sáng kiến này từng phát sinh ra nhiều hiểu lầm lạ lẫm nơi dân Chúa. Không những một số trí thức Công Giáo mà cả một số giáo sĩ nữa đang bắt đầu hoài nghi chính bản chất độc hữu của ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu đem lại. Họ coi bất cứ ai còn trì chí loan báo ơn cứu rỗi và việc trở lại là lỗi thời, thiển cận. Rất may, một trong những thánh bộ chủ yếu của Giáo Hội Công Giáo là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã thấy ra nhu cầu cần phải làm sáng tỏ tính duy nhất trong ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, đến độ phải làm một hành động long trọng là cho công bố tài liệu “Chúa Giêsu” (Dominus Iesus, tháng Tám năm 2000), và ít năm sau một tài liệu khác tựa là Doctrinal Note on some aspects of evangelisation (Ghi chú Tín lý về một số khía cạnh của việc phúc âm hóa, Rome, 2007)

Giờ đây, ta phải tự hỏi chính mình: nếu cuộc đối thoại và thảo luận liên tôn dưới hình thức như hiện nay không đem lại kết quả, thì đâu là phương thức thay thế? Có nên cứng ngắc bám vào quan điểm của mình dù kết quả chỉ là tranh chấp? Các bản sắc khác nhau phải chăng không bao giờ gặp nhau? Ta hãy cùng nhau cố gắng trả lời những câu hỏi ấy bằng lời Đức Gioan Phaolô II từng nói trong một buổi đọc Kinh Truyền Tin rằng: “Đức tin của ta rằng Chúa Kitô là Người Con duy nhất nhờ Người ta thấy các sự kiện về Chúa Cha (xem Ga 14:8) không phải là một thái độ ngạo mạn coi thường mọi tôn giáo khác, nhưng chỉ là lòng hân hoan biết ơn Chúa Kitô đã tỏ mình ra với ta dù ta chẳng đáng công chút nào”.

Lời trên đặt ta vào quan điểm đúng đắn: đức tin Kitô giáo là một hồng phúc ta không đáng được mà cũng không có công trạng chi để mà đòi hỏi; nó là của châu báu mà ta không được phép giữ làm của riêng nhưng có nhiệm vụ phải chia sẻ với người khác.

Tôn giáo: một câu hỏi, nhiều giải đáp

Trong Công Đồng Vatican II

Trong sắc chỉ triệu tập Công đồng Vatican II tựa là “Sự cứu rỗi con người” (Humanae Salutis), Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII buồn rầu nói tới thế giới đang gặp khủng hoảng “một thế giới đang tự hiển dương mình vì các chiến thắng trong phạm vi khoa học và kỹ thuật nhưng cũng đang mang lại các hậu quả của một trật tự chóng qua mà một số người muốn dùng để tái tổ chức bất cần Thiên Chúa. Đó chính là lý do tại sao thế giới hiện đại tuy được đánh dấu bằng tiến bộ vĩ đại về vật chất nhưng song song với tiến bộ này lại không có được sự tiến bộ tương xứng nào trong lãnh vực luân lý”…

Trong diễn văn khai mạc Công Đồng ngày 11 tháng Mười năm 1962, Ngài còn nói: “vấn đề lớn đang thách thức thế giới luôn luôn vẫn như nhau: đi với Thiên Chúa hay chống lại Thiên Chúa. Sẽ dễ dàng nhận ra tình huống này nếu ta chịu khó quan sát thế giới ngày nay một cách cẩn thận, thế giới ấy chỉ biết quan tâm tới chính trị và tranh chấp kinh tế đến độ không còn thì giờ nào để lắng nghe bất cứ thúc đẩy thiêng liêng nào”

Khi mở lại Công Đồng, Đức Phaolô VI cũng bắt đầu với cùng một quan tâm như vị tiền nhiệm. Ngài cho hay cần phải làm sống dậy trong con người một cảm thức về tôn giáo và về việc thờ phượng Thiên Chúa và Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy biết đánh giá điều tốt và điều đúng nơi các tôn giáo khác. Ngài thúc giục họ nhận trách nhiệm đối với toàn thể nhân loại vì, như thông điệp “Pacem in Terris” từng nói, “thế giới ngày nay còn xa chân lý, công bình, tự do và yêu thương, nghĩa là xa hoà bình xiết bao” (Paul VI, diễn văn khai mạc Khóa 4 CĐ Vatican II)

Từ những điều vừa nói, ta thấy Giáo Hội quan tâm tới nhân loại và số mệnh của họ. Các công bố của Giáo Hội đều nhằm vào việc cứu rỗi cả con người lẫn xã hội. Giáo Hội đồng hóa nỗi khó khăn chính của con người với việc đi tìm ý nghĩa mang lại hình ảnh chân thực nhất cho họ.

Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” về Giáo Hội trong thế giới ngày nay quả quyết rằng: “Tuy thế, trước sự phát triển hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người hoặc đặt vấn đề hoặc nhận thức một cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề hết sức căn bản như: con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, của sự ác, của sự chết, những vấn đề cứ tiếp tục hiện hữu bất chấp rất nhiều tiến bộ?” (Vui Mừng và Hy Vọng, số 10).

Trong lịch sử nhân loại, nhiều tài liệu cho thấy sự hiện hữu của các câu hỏi như trên, những câu hỏi hết sức sâu sắc, có ý nghĩa tôn giáo. Chống lại các câu hỏi ấy lúc nào cũng là cái trật tự mau qua nhằm bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hoặc nếu không bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì con người vẫn thường đòi quyền được tự phán quyết về các hành động của mình và do đó tiếm đoạt địa vị của Thiên Chúa.

“Vui Mừng và Hy Vọng” (VMHV) tiếp tục cho hay: “Trong khi một số người minh nhiên bác bỏ Thiên Chúa, thì nhiều người khác tin rằng con người tuyệt nhiên không thể quyết đoán được điều gì về Thiên Chúa (…) Nhiều người đã vượt quá cả các giới hạn của khoa học thực nghiệm để chủ trương rằng mọi sự đều có thể giải thích được bằng một mình lý luận khoa học mà thôi, hay ngược lại, họ cùng nhất trí bác bỏ việc có những chân lý tuyệt đối” (VMHV, số 19)

Hình thức vô thần thịnh hành và có tính đe doạ hơn cả chính là hình thức vô thần không hẳn bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà chối bỏ khả năng thay đổi lịch sử của Người. Tính trầm trọng của ý niệm này là ở chỗ nó thường trở thành một thứ ngẫu thần, vì bản tính con người không thể không có lòng sùng kính đối với Đấng Tuyệt Đối.

Khởi đầu lại từ phẩm giá con người

Tuy nhiên, Giáo hội ý thức rằng ta không thể giải quyết các vấn đề bằng cách tránh né chúng, trái lại phải đối diện với chúng và các thách đố của chúng. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng quả quyết rằng: “bên dưới mọi thay đổi, ta thấy nhiều thực tại không đổi thay và các thực tại ấy có nền tảng tối hậu trong Chúa Kitô, Đấng vẫn là một vào ngày hôm qua, vào ngày hôm nay và mãi mãi về sau”. Dưới ánh sáng ý thức này, Giáo Hội “mong muốn nói với mọi người hầu có thể dõi sáng cho mầu nhiệm con người và có thể hợp tác với họ tìm giải pháp cho các vấn đề hệ trọng của thời đại ta” (10).

Vì các vấn đề phải giải quyết có rất nhiều nên phạm vi hợp tác giữa các dân tôc, các nền văn hóa và tôn giáo hết sức bao la. Phương pháp được Giáo Hội đề nghị là phải trân trọng mọi cố gắng của tín hữu cũng như người bất tín trong việc làm cho đời sống bớt khó khăn: “Theo ý kiến gần như nhất trí của người tin lẫn người không tin, thì ta phải liên hệ mọi việc trong thế gian với con người, lấy con người làm trung tâm và đỉnh cao” (12). Nhưng hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng ý thức rằng câu trên rất có thể hàm hồ. Nếu không biết mình đang nói về con người nào, ta sẽ khó tránh được việc rơi vào cái bẫy ý thức hệ mà nếu phân tích cho tới cùng sẽ chỉ xác nhận được loại người ít nhiều có tính chức năng đối với các dự án của họ. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng giải thích: “Dù được tạo nên có xác có hồn, con người vẫn là một thực thể duy nhất. Qua cấu trúc xác thân, con người gom lại trong mình các yếu tố của thế giới vật chất; như thế, qua con người, các yếu này đạt tới đỉnh cao của chúng và cũng nhờ con người chúng cất được tiếng hát ngợi ca Đấng Hóa Công” (14)

Tâm điểm cuộc thảo luận về tôn giáo phải là khía cạnh tạo nên nhân vị mà đặc điểm căn bản chính là lý trí. Lý trí cởi mở, với khả năng nắm bắt những điều bao quanh, không thể là sản phẩm của tính sáng tạo nơi ta; mà là phản ảnh của một Hữu Thể sáng tạo, Đấng lên khuôn và đổi mới. Loại bỏ hay biên tế hóa chiều kích siêu việt nơi con người là hạ thấp nhân vị con người xuống hàng cơ chế tự động của thiên nhiên.

Tự do tôn giáo

Cổ vũ một bầu khí văn hóa biết đặt nặng tầm quan trọng của chiều kích linh thiêng nơi con người là đặt để được các tiền đề cho cuộc đối thoại chân chính giữa các tín hữu của nhiều tôn giáo khác nhau. Tự do tôn giáo chắc chắn có liên hệ đến khía cạnh này. Cộng đồng tôn giáo nào không sẵn sàng hay không có khả năng tự lượng giá mình theo cái nhân quyền đệ nhất hạng ấy chẳng chóng thì chầy cũng sẽ tự biến mất. Điều thường được gọi là “nguyên tắc Gamaliel” (Cv 5:34-39), từng được Thượng Hội Đồng Do Thái Giáo áp dụng cho Giáo Hội sơ khai, vẫn còn giá trị sau nhiều ngàn năm.

Ngoài việc là một trắc nghiệm để đánh giá cảm nghiệm đức tin ra, nguyên tắc tự do tôn giáo còn được dùng để chứng thực khả năng của một quốc gia trong việc tổ chức hệ thống tài phán của họ nữa, tức mức độ hệ thống này sẵn sàng xem sét việc để cho công dân của mình cảm nghiệm tôn giáo, chịu nhìn nhận các cộng đồng tôn giáo khác nhau đang hiện diện trên xứ sở của mình, biết cổ vũ quyền tự do phát biểu.

Theo tuyên bố “Dignitatis Humanae” của Công Đồng Vatican II, tự do tôn giáo đặt nền tảng trên phẩm giá nhân vị và do đó, phải được quyền tài phán nhìn nhận và bảo đảm “Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó, có quyền tìm kiếm chân lý trong lãnh vực tôn giáo, để họ dùng những phương tiện thích đáng mà phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan (Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo “Dignitatis Humanae” số 3). Mỗi người chúng ta đều được đặt để trong một môi trường cộng đoàn. Chính bản nhiên sự vật đã cho thấy điều ấy: ta sinh ra trong một cộng đồng, được giáo dục trong một cộng đồng, ta sống phần lớn cuộc đời ta với người khác. “Tự do hay sự miễn chước khỏi cưỡng bức trong các vấn đề tôn giáo, tự nó vốn là một quyền lợi của con người trong tư cách cá nhân, cũng phải được nhìn nhận là quyền lợi của họ khi họ hành động trong cộng đồng”. Và câu này nữa: “Các cộng đồng tôn giáo cũng có quyền không bị cản trở trong việc giảng dậy công khai và làm chứng cho đức tin của mình, bất kể dưới hình thức nói hay chữ viết” (“Dignitatis Humanae” số 4).

Phương pháp được kinh nghiệm tôn giáo sử dụng nói lên tính chân chính của nó: biết mở cửa thế giới cho Thiên Chúa và đem thế giới tới cho Thiên Chúa; biết tôn trọng tự do trong đề nghị và chấp nhận. Công đồng Vatican II chủ trương rằng “đáp ứng của con người đối với Thiên Chúa bằng đức tin phải là một đáp ứng tự do: do đó, không ai bị cưỡng bức phải chấp nhận đức tin Kitô giáo ngược với ý chí của họ” (tài liệu đã dẫn, số 10).

Dù nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vấn đề đi với Người hay chống lại Người, Chúa Giêsu Kitô vẫn đã thi hành sứ mệnh công bố và đề nghị con đường cứu rỗi của mình mà không đưa ra bất cứ hình thức cưỡng chế nào. Tuy nhiên, tuyên bố của Công Đồng khẳng định rằng Giáo Hội “từng bảo tồn và truyền lại học lý mình đã tiếp nhận được từ Thầy Chí Thánh và các tông đồ. Trong cuộc sống của Dân Chúa, nghĩa là lúc Giáo Hội còn đang trên đường lữ hành vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhân loại, có những lúc, xem ra phương thức hành động (của Giáo Hội) không phù hợp bao nhiêu với tinh thần Phúc Âm, nhiều khi còn chống đối lại cả tinh thần ấy nữa. Tuy nhiên, học lý của Giáo Hội cho rằng không ai bị cưỡng bức phải chấp nhận đức tin thì luôn luôn đứng vững” (tài liệu đã dẫn, số 12).

Tuyên bố “Dignitatitis Humanae” coi tự do tôn giáo là chìa khóa giải quyết vấn đề phát triển văn minh. Thay vì dùng nó như một chiêu bài để gia tăng bá quyền của mình, Giáo Hội chỉ dựa vào nguyên tắc trên để đòi hỏi tự do cho mọi nhóm người, kể cả những nhóm thiểu số nhỏ nhoi nhất. Bất cứ xã hội nào, bất cứ quốc gia nào, bất cứ nhà nước nào cũng phải tôn trọng các dị biệt và các nhóm thiểu số đến độ phải xem sét tới quyền căn để này. Không lạ gì, các chế độ toàn trị, dù trong quá khứ hay trong hiện tại, đều cố gắng làm cho ý thức hệ của nó bén rễ sâu nơi công chúng, cố gắng bóp nghẹt nơi con người sự cần thiết của tôn giáo, tìm cách ngăn cản không cho họ công khai tuyên xưng đức tin của họ.

Sự liên lập giữa các dân tộc

Một tài liệu đáng lưu ý khác của Công Đồng giúp ta nắm được cách tiếp cận của Giáo Hội đối với các tôn giáo không phải là Kitô giáo chính là Tuyên Bố “Nostra Aetate” về “Các mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không phải là Kitô giáo”. Tài liệu ấy cho thấy khuôn mặt của một Giáo Hội hằng chăm chú theo dõi phong trào thống nhất và liên lập của loài người ngày nay. Giống như các tài liệu khác của Công Đồng, tài liệu này có tính tiên tri liên quan tới điều ngày nay đã trở thành phổ quát.

Đặc điểm tiên tri của “Nostra Aetate” được chứng tỏ qua việc nhấn mạnh tới hai khát vọng căn bản của con người thuộc mọi thời đại: tìm kiếm Thiên Chúa để bước vào giao hảo với Người; tìm trả lời cho các vấn nạn căn bản của đời người. Mục đích của tôn giáo là gì nếu không phải là để trả lời cho các vấn nạn sâu sắc nhất của trái tim con người? Chúng ta đọc thấy “những bí ẩn trong thân phận con người ngày nay, những bí ẩn khiến trái tim con người hết sức âu lo giống như trong quá khứ”; nhờ tài liệu trên, ta hiểu rõ các bí ẩn này: “Con người là gì? Đời ta có ý nghĩa và mục đích nào? Sự thiện luân lý là gì? Tội là gì? Đau khổ do đâu mà có và nó có mục đích gì? Đâu là đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Chết là gì, phán xét và thưởng phạt ra sao sau khi chết? Cuối cùng, mầu nhiệm tối hậu không diễn tả nổi có tính trùm phủ trọn hiện sinh ta là: ta từ đâu tới và đang đi về đâu?” (Nostra Aetate, số 1).

Có thể dùng các điểm vừa liệt kê ở trên làm tiêu chuẩn để so sánh các tôn giáo với nhau. Ta có thể “tra vấn” các tôn giáo khác nhau căn cứ vào từng điểm một ở trên để đánh giá sự hữu lý trong các giải đáp của từng tôn giáo này. Một cách rõ ràng, việc so sánh này cần phải xem sét tới bối cảnh lịch sử, địa dư và văn hóa trong đó các tín ngưỡng liên hệ đã phát sinh và phát triển. Vì mặc dù kinh nghiệm tôn giáo quả đúng là có thể được “xuất khẩu” đi bất cứ nơi nào và có thể tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hết sức khác biệt với nền văn hóa gốc của nó, nhưng không ai chối cãi được sự kiện này: có những khía cạnh tôn giáo hay triết lý về cuộc đời chỉ có thể áp dụng được trong bối cảnh văn hóa nơi chúng phát sinh mà thôi.

Về phương diện này, ta không thể quên rằng Kitô giáo, nhất là trong thời kỳ phôi thai của nó, trước nhất đã phải đương đầu với loại khó khăn trên trong tương quan đối với Do Thái Giáo và các nghi lễ của tôn giáo này.

Theo tuyên bố trên của Công Đồng, cũng như mọi khía cạnh khác của đời người, tâm thức tôn giáo, yếu tố chung đối với mọi dân tộc, hiển nhiên cần được giáo dục, nuôi dưỡng, phát triển và liên tục mở rộng. Đó là thái độ sẽ giúp Giáo Hội cởi mở đối với mọi điều chân thực trong các tôn giáo khác.

“Nostra Aetate” dành hai đoạn cho các tôn giáo độc thần là Do Thái Giáo và Hồi Giáo.

(a) Với người Do Thái giáo

Đặc biệt trong tài liệu này là đoạn 4, là đoạn nhấn mạnh tới mối dây liên kết đặc biệt giữa Kitô hữu và người theo Do Thái Giáo, vốn liên kết với nhau qua một truyền thống tâm linh chung lâu đời “Giáo Hội Chúa Kitô nhìn nhận rằng, theo kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, nguyên khởi đức tin của mình cũng như việc mình được tuyển chọn đã được tìm thấy nơi các Tổ Phụ, nơi Môsen và nơi các tiên tri. Giáo Hội tuyên xưng rằng mọi người tin vào Chúa Kitô, tức con cái Abraham trong đức tin, đều được bao gồm trong cùng một ơn gọi của Abraham…” (Tài liệu đã dẫn, số 4). Chúa Giêsu, Mẹ của Người, các tông đồ, nhiều môn đệ đầu tiên từng công bố Phúc Âm của Chúa Kitô tất cả đều là người Do Thái.

Tài liệu trên còn viết: “Vì cha ông họ, Thiên Chúa luôn thương mến người Do Thái; Người không ân hận các hồng ân Người đã thực hiện hay những ơn gọi Người đã ngỏ (cùng dân Do Thái), đó là lời chứng của Thánh Phaolô. Cùng với các tiên tri và Thánh Phaolô, Giáo Hội chờ đón cái ngày, chỉ có Chúa mới biết, lúc mọi dân tộc đều cùng một cung giọng ca ngợi Thiên Chúa và “vai chen vai phụng sự Người”. Trên căn bản “gia tài thiêng liêng vĩ đại chung”, Giáo Hội thúc giục mọi Kitô hữu và người Do Thái cổ vũ sự hiểu biết hỗ tương qua việc học hỏi thánh kinh và thần học, tuy không quên các tương phản từng xẩy ra giữa người Do Thái và môn đệ Chúa Giêsu thành Nadarét từ ngày có Kitô giáo.

b) Với người Hồi Giáo

Đoạn dành cho người Hồi Giáo bắt đầu với lời đánh giá cao coi các tín hữu của Mohammed như những người tôn thờ một Thiên Chúa chân thật, hằng sống, vô cùng nhân hậu và quyền năng, Đấng tạo dựng trời và đất. Kinh Kôrăng từng viết rằng “Thiên Chúa duy nhất hằng sống, vô cùng nhân hậu và quyền năng, Đấng tạo dựng trời và đất, từng nói truyện với nhân loại…vốn giữ chìa khóa mọi mầu nhiệm mà chỉ có Người mới hiểu biết trọn vẹn”

Có những khía cạnh, dù được hiểu khác nhau vẫn có thể dùng để thảo luận được. Bản tuyên bố nhấn mạnh tới lòng trân qúy của người Hồi Giáo đối với Chúa Giêsu; tuy nhiên, vì muốn nhấn mạnh tới sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, Kinh Kôrăng đã đặt vào miệng Chúa Giêsu câu như sau: “Chúa biết mọi điều ở trong con, nhưng con không biết điều gì ở trong Chúa. Chúa biết một cách hoàn toàn mọi điều bí ẩn vô hình”; Kinh Kôrăng và Đạo Hồi dành cho Chúa Giêsu một vị thế hết sức cao trọng trong hàng ngũ tiên tri, Người là đầy tớ mẫu mực, minh nhiên từ khước mọi phẩm tính mà người Kitô giáo vốn dành cho Người: Người không phải là Thiên Chúa, cũng chẳng phải là Chúa Tể, Con Thiên Chúa, hay Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi, cũng chẳng phải người Do Thái đã đóng đinh và giết Người. Kinh Kôrăng coi đức Maria như một phụ nữ được chúc phúc đặc biệt, một trinh nữ ưu tuyệt, một phụ nữ có đức tin và lòng sùng kính vĩ đại, tiếp nhận lời thông báo sinh con, sinh ra mà không cần có sự can thiệp của con người; thêm vào đó, kinh Kôrăng cũng tuyên xưng niềm tin vào Tổ Phụ Abraham, vị tổ phụ mà cả ba tín ngưỡng đều nhìn nhận. Người Hồi Giáo cũng tin rằng có một số người được Thiên Chúa, vì lòng yêu thương nhân từ, sai xuống với loài người trong một lịch sử được nhắc đi nhắc lại nhiều lần; họ phân biệt hai thứ tiên tri: tiên tri lớn và tiên tri nhỏ. Trong số các tiên tri lớn, ta thấy có Abraham, “bạn hữu của Thiên Chúa”, vị sáng lập ra tôn giáo trong tinh thần và chân lý, và Môsen, “người trò truyện với Thiên Chúa”, nhà làm luật cho con cái Israel.

Tuy nhiên, dù biết có nhiều bất đồng và thù nghịch từng xẩy ra trong nhiều thế kỷ qua giữa Kitô hữu và người Hồn Giáo, Công Đồng vẫn “khuyến khích hai bên quên đi quá khứ và thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau cách thành thực” để cổ vũ “công bằng xã hội, các giá trị luân lý, hòa bình và tự do” (Tài liệu đã dẫn, số 3).

Bản chất tiên tri của các dòng trên ai cũng thấy. Một lãnh vực mà người Kitô giáo lẫn người Hồi Giáo có thể hợp tác với nhau chắc chắn là lãnh vực cổ vũ phát triển, chiến thắng các bất công đang hiện diện nơi các xứ Hồi Giáo và mọi đất nước khác. Cho nên, nếu có một số khía cạnh nào đó dị biệt hóa phương cách người Kitô giáo và người Hồi Giáo hiểu về Thiên Chúa, thì bất cứ hoạt động nào nhằm bảo vệ phẩm giá con người đều có giá trị: dù vẫn có những khác biệt về điểm này, nhưng nó là một giải pháp thích đáng nhất để giải quyết các khó khăn có tính thời đại thực sự đang thách thức toàn thể nhân loại ngày nay.

Trong huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II

Đức Giaon Phaolô II tiếp nhận khá nhiều khuyến cáo của Công Đồng và can đảm đem chúng ra thi hành. Trong các cố gắng đáng chú ý của Ngài, ta phải kể đến cuộc gặp gỡ với cộng đồng Hồi Giáo tại Casablanca ở Morocco, cuộc viếng thăm Đại Hội Đường tại Rôma để gặp gỡ cộng đồng Do Thái của thủ đô, ngày Cầu Nguyện lần thứ nhất và lần thứ hai cho Hòa Bình tại Assisi với đại diện các tôn giáo chính trên thế giới.

Ngày 19 tháng Tám 1985, gặp gỡ cộng đồng Hồi Giáo tại Casablanca.

Đây quả là một gặp gỡ có ý nghĩa thiêng liêng rất cao như chính Đức Giáo Hoàng đã quả quyết: “Hôm nay tôi tới với qúy bạn với tư cách một tín hữu. Một cách đơn giản, tại đây, tôi chỉ muốn làm chứng cho điều mình tin, làm chứng cho điều mình mong muốn đối với phúc lợi của người ta, những người vốn là anh chị em tôi, làm chứng cho điều tôi coi là hữu ích cho mọi người theo kinh nghiệm của mình. Đó là tin vào Thiên Chúa” (Gặp gỡ các bạn trẻ Hồi Giáo tại Casablanca, 19/8/1985).

Ngài cũng đã nói với họ: “Tuy nhiên, tín hữu hẳn không quên: trong quá khứ, từng đã có nhiều hiểu lầm, khó khăn, và đôi khi gây hấn, nhưng ta không nên thực hiện những điều ấy nhân danh Thiên Chúa, Đấng chúng ta cùng tin. Đức vâng lời đối với Thiên Chúa và tình yêu thương đối với đồng loại phải dẫn ta tới việc tôn trọng quyền lợi người khác. Những quyền lợi này vốn là biểu thức của Thiên Ý và là đòi hỏi của bản nhiên con người, một bản nhiên vốn do Thiên Chúa tạo thành (…). Cho nên, tôn trọng và đối thoại đòi có sự hỗ tương qua lại trong mọi phạm vi, nhất là trong các quyền tự do căn bản nhất, và đặc biệt là quyền tự do tôn giáo” (tài liệu vừa dẫn).

Ngày 13 tháng Tư 1986, thăm viếng Đại Hội Đường Rôma và gặp gỡ Elio Toaff, Đại Giáo Trưởng của cộng đồng Do Thái địa phương.

Đức Giáo Hoàng thực hiện nghĩa cử này để tiếp nối các tiến triển của các vị tiền nhiệm. Ngài tuyên bố: “Một số qúy vị từng đến thăm Vatican nhiều lần, trong các dịp tôi gặp gỡ các đại diện Do Thái Giáo của Ý và của các nước khác trên thế giới, và ngay cả trước đó nữa, vào thời các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI, Đức Gioan XXIII và Đức Piô XII (Gặp gỡ cộng đồng Do Thái Rôma ngày 13 tháng Tư 1986). Ngài nói thêm: “Sau triều đại giáo hoàng của Đức Gioan XXIII và Công Đồng Vatican II, cuộc gặp gỡ này đã kết thúc một thời kỳ lâu dài mà ta cần phải suy nghĩ để rút tỉa được những bài học thích hợp” (cùng tài liệu)

Ngày 27 tháng Mười 1986, tại Assisi, gặp gỡ các nhà lãnh đạo các tôn giáo chính trên thế giới

Lý do khiến Đức Gioan Phaolô II mời các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn của thế giới tới Assisi vào tháng Mười năm 1986 là để mỗi vị, trong cương vị của mình, cầu nguyện cho hòa bình. Vào dịp này, Đức Giáo Hoàng nói rằng mặc dù có “nhiều khác biệt rõ rệt”, ta cần phải tìm ra “một căn bản chung để cùng nhau kiếm tìm giải pháp cho thách thức hết sức nghiêm trọng của thời đại ta: hòa bình chân thực hay chiến tranh đại họa?” ( Gặp gỡ Liên Tôn tại Assisi, 27101986). Vào dịp này, các tham dự viên không được yêu cầu từ bỏ các truyền thống riêng biệt của mình hay phương thức cầu nguyện của họ. Nhưng tất cả cùng mở lòng ra với Thiên Chúa theo phương thức riêng của mình, ngỏ cùng Người những hoài mong thâm hậu nhất của mình.

Ngày 24 tháng Giêng 2002, tại Assisi, lần gặp gỡ liên tôn lần thứ hai.

Ngày 18 tháng Mười Một năm 2001, Đức Gioan Phaolô II công bố ý định cho mời thành viên các tôn giáo hoàn cầu trở lại Assisi một lần nữa để cầu xin cho các mâu thuẫn được vượt qua và cho nền hòa bình chân thực được cổ vũ nơi mọi dân tộc. Ngài lấy ngày 24 tháng Giêng năm 2004 làm ngày gặp gỡ. Nhân dịp công bố này, Ngài cho hay: đây là cuộc gặp gỡ nhằm loại bỏ bất cứ việc sử dụng căn bản tôn giáo nào để biện minh cho bạo lực, chiến tranh hay khủng bố. Ta cần nhớ rằng Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình lần thứ hai này xẩy ra sau biến cố bi thảm 11 tháng Chín năm 2001, trong đó toà Tháp Đôi của New York bị tấn công và sau đó là cuộc chiến tranh tại Afghanistan.

Sau đây xin trích đoạn chủ yếu trong diễn văn của Đức Giáo Hoàng: “Một lần nữa cùng gặp mặt tại đây, chúng ta tuyên bố rằng bất cứ ai sử dụng tôn giáo để gieo rắc bạo lực là đi ngược lại khát vọng sâu sắc và chân thực nhất của tôn giáo. Cho nên, điều chủ yếu là con người và các cộng đồng tôn giáo phải từ bỏ bạo lực một cách minh nhiên và căn để nhất, bất cứ hình thức bạo lực nào, bắt đầu là thứ bạo lực đội lốt tôn giáo, dám nại tới danh thánh Thiên Chúa mà xúc phạm tới con người. Điều chắc chắn hết sức là khi chống lại con người, người ta cũng chống lại Thiên Chúa. Không có mục tiêu tôn giáo nào lại có thể biện minh cho việc con người dùng bạo lực chống lại con người” (Ngày 24 tháng Giêng 2002, tại Assisi, cuộc gặp gỡ Liên Tôn lần thứ hai)

Việc tổ chức những ngày cầu nguyện này, vì loại bỏ được cố gắng có tính ý thức hệ muốn truyền bá niềm tin Kitô giáo, nên đã chứng tỏ được tính lịch sử của nó, tính lịch sử trong đó những nhà lãnh đạo có thẩm quyền của các tôn giáo đã nhất trí làm chứng rằng: chân tình cởi mở với Thiên Chúa sẽ giúp người ta cởi mở với tha nhân. Mọi tôn giáo đều có chung một phương pháp đó là cầu nguyện. Về điểm vừa nói, Đức Gioan Phaolô cho rằng “cầu nguyện không trốn chạy khỏi lịch sử và các vấn đề do lịch ấy đem lại. Trái lại, cầu nguyện là chọn đối diện với thực tại không nhờ sức mạnh riêng mình mà nhờ sức mạnh từ trên cao, sức mạnh của chân lý và yêu thương mà nguồn gốc tối hậu là chính Thiên Chúa. Đối diện với sự ác đầy lừa lọc, con người tôn giáo có thể trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối chỉ muốn điều thiện. Họ có thể cầu nguyện với Người để được can đảm đương đầu với những khó khăn lớn lao nhất với một ý thức trách nhiệm bản thân, không bao giờ khoan dung bất cứ hình thức định mịnh thuyết hay phản ứng thiếu suy nghĩ nào” (24 tháng Giêng 2002, tại Assisi, cuộc gặp gỡ liên tôn lần thứ hai).

Những ngày tại Assisi có hiệu quả gì chăng? Đây là một trong các câu hỏi không phải chỉ có chúng ta mới đặt ra, mà chính các tham dự viên có lẽ cũng đã từng đặt ra. Câu hỏi ấy khó mà trả lời cho chníh xác được. Tuy nhiên, hình ảnh hột giống khiến ta chỉ biết khiêm cung thưa lại rằng nhiệm vụ ta là gieo vãi, hột giống lớn lên và mang hoa trái lúc nào và ra sao còn tùy thuộc Chúa quyết định.
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ nói đây là thời điểm mất hay còn
Bùi Hữu Thư
07:47 12/11/2008

Các Giám Mục Hoa Kỳ nói đây là thời điểm mất hay còn



Phổ biến bản tuyên ngôn về nạn khủng hoảng tiền tệ tại Hoa Kỳ

BALTIMORE, Maryland, ngày 11 tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tuyên bố, nạn khủng hoảng về kinh tế có thể giúp xây dựng hay gây nguy hại cho quốc gia.

Đức Hồng Y Chicago, Francis George nói như vậy hôm nay trong một bản tuyên ngôn được phổ biến nhân danh tất cả các giám mục. Bản văn mang tựa đề “Hợp quần trong thời điểm có khủng hoảng kinh tế,” được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chấp thuận sau ba ngày nhóm họp vào mùa Thu, và đang tiếp diễn tại Baltimore cho tới Thứ Năm.

Bản tuyên ngôn bắt đầu như sau, “Chúng tôi muốn bầy tỏ sự yểm trợ tích cực và hợp quần với tất cả những ai đang bị thiệt thòi vì nạn khủng hoảng kinh tế hiện thời. Là mục tử và giám mục, chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều hậu quả về phương diện nhân bản và luân lý do nạn khủng hoảng này gây ra."

Các giám mục ghi nhận rằng trong khi tình hình có ảnh hưởng đến một số người nhiều hơn người khác, “trên khắp quốc gia nhiều gia đình mất nhà cửa; các chương mục tiết kiệm bị đe dọa hao hụt; nhiều công nhân đang thất nghiệp và mất bảo hiểm sức khỏe; và nhiều người đang mất đi cảm nghĩ về hy vọng và an toàn. "

Bản văn tiếp, “Tình hình bối rối và phức tạp này đem lại một chân lý hoàn vũ: chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta là những kẻ phải chăm sóc cho anh chị em chúng ta. Tất cả chúng ta đang cùng chung sống với nhau.

"Thời đại khó khăn có thể cô lập hay kết hợp chúng ta. Cộng đồng Công Giáo sẽ tiếp tục đến với những ai thiếu thốn, nâng đỡ những ai chịu đau khổ, và hoạt động để tìm các phương sách đem lại sự cảm thương, ý thức trách nhiệm và công lý cho đời sống kinh tế.”

Các giám mục tiếp, “Chúng ta cầu nguyện để cho trong khi hợp tác làm việc, chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm, trí khôn ngoan và các phương cách để xây dựng một nền kinh tế phồn thịnh và công bằng hơn cho tất cả mọi ngư
Đức Hồng Y Francis George, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Ông David Malloy,Tổng Thư Ký tại Hội Đồng Giám Mục ngày Thứ Hai vừa qua
ời."
 
Bài học ký ức về một Âu Châu tự do
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:38 12/11/2008
Vatican (VIS) – Hôm 06/11, Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Brugues, OP, Thư ký Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, với tư cách là đại diện Tòa Thánh đã tham dự Hội nghị chuyên đề lần thứ tư các bộ trưởng Giáo dục Hội đồng Châu Âu (EC) của các nước đã ký vào Hiệp ước Văn hóa Âu Châu (European Cultural Convention). Hội nghị với chủ đề “Bài học ký ức: sống trong một Âu Châu của tự do và pháp luật” và được tổ chức từ ngày 5 đến 7 tháng Mười Một ở thành phố Nuremberg-Dachau, Đức quốc.

Đức Tổng Giám Mục cho biết vị trí được chọn cho hội nghị đầy ắp những ký ức vốn đánh dấu lịch sử Âu Châu: “những cuộc tập hợp Quốc xã to lớn, nhưng cũng là những phiên xét xử những người dính vào các tội ác đáng sợ chống lại loài người. Những sự kiện mà thành phố này chứng kiến nói với chúng ta về bi kịch của một thời đại trong đó tự do và công lý đã bị từ chối và phẩm giá của con người đã bị chà đạp dưới chân”.

Đức Tổng Giám Mục nhắc nhở: “Nhắc lại bi kịch của các nạn nhân và tỏ lòng kính trọng trong ký ức về họ mời gọi tất cả mọi người nhận thức rằng những sự kiện đen tối là một lời kêu gọi để xây dựng lục địa của chúng ta trong hiện tại và tương lai để những tấn thảm kịch như thế sẽ không bao giờ lặp lại ở Âu Châu hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Về vấn đề này, Toà Thánh đánh giá cao cam kết của các nước ký vào Hiệp ước Văn hoá Âu Châu để bảo đảm rằng, bằng bài học ký ức, có thể góp phần tạo ra không chỉ là sự am hiểu về quá khứ, mà còn là sự hiểu biết lẫn nhau, để đối thoại, để ngăn chặn những tội ác chống loài người, và để củng cố một Âu Châu của tự do và pháp luật”

Ngài nói thêm: “Pháp luật và tự do là cần thiết, nếu chúng ta tránh rơi vào chính quyền chuyên chế”. Tuy nhiên, pháp luật phải “dựa trên ý thức đề cao phẩm giá và công lý... Chúng ta có nguy cơ lại một lần nữa bị rơi vào tình trạng man rợ nếu chúng ta không có niềm say mê công lý và tự do, nếu chúng ta tùy theo khả năng của mỗi người không hành động để đảm bảo rằng điều ác không thắng thế điều tốt, như đã xảy ra cho hàng triệu trẻ em người Do thái”.

Đức Tổng Giám Mục Brugues cũng nói đến vấn đề cấp bách: “chúng ta cần phải gia tăng gấp bội nỗ lực của mình để giải thoát con người khỏi những ám ảnh của nạn phân biệt chủng tộc, loại trừ, gạt bỏ bên lề xã hội, khuất phục và bài ngoại, cũng như đào tận gốc rễ những tội ác này, vốn lén lút ngấm vào xã hội hiện đại và làm tổn hại đến những nền tảng của sự chung sống hòa bình của con người”

Ngài đi đến kết luận: “Vì vậy, trách nhiệm của ký ức tiếp tục lay chuyển con tim và tâm trí chúng ta, làm cho lý trí nhận ra điều ác và từ chối nó, để đánh thức dũng khí trong chúng ta về lòng tốt và chống lại điều ác... Thời gian trôi qua đã làm nhanh chóng mất dần những những nhân chứng trực tiếp thảm kịch đó. Điều này làm cho chúng ta nỗ lực hơn nữa để bảo tồn ký ức và truyền nó sang các thế hệ kế tiếp. Kế đến, chúng ta phải khuyến khích các sáng kiến như ‘Ngày tưởng nhớ và ngăn chặn tội ác chống loài người', nhằm góp phần gìn giữ ký ức về những tấn thảm kịch vẫn còn sống động”
 
Hôn nhân giữa hai người cùng phái tính được hợp thức hóa tại bang Connecticut
Bùi Hữu Thư
13:37 12/11/2008

Hôn nhân giữa hai người cùng phái tính được hợp thức hóa tại bang Connecticut



NEW HAVEN, Conn., ngày 12 tháng 11, 2008
(AP) – Hôn nhân giữa hai người cùng phái tính tại bang Connecticut được hợp thức hóa sau khi được tòa án cho phép.

Chánh án tòa Thượng thẩm New Haven Jonathan Silbert tuyên án tại một phiên họp ngắn ngày Thứ Tư là các cặp đồng tính luyến ái nam và nữ bây giờ có thể đến lấy các chứng chỉ hôn thú tại các văn phòng thư ký hành chánh tại các thành phố trên khắp tiểu bang.

Rất nhiều cặp đồng tính luyến ái đang chuẩn bị làm lễ thành hôn ngày thứ tư.

Chánh án Solbert đã tuyên án sau một quyết định lịch sử của Tòa Thượng Thẩm Bang Connecticut.

Tòa án tối cao này đã quyết định như vậy sau cuộc bỏ phiếu với 4 phiếu thuận và 3 phiếu chống. Từ đây các cặp cùng phái có quyền làm lễ thành hôn thay vì chấp nhận một đạo luật kết hợp dân sự, cho họ được hưởng cùng quyền lợi như các cặp hôn phối khác.

Cũng nên nhắc lại là trong cuộc bầu cử quốc gia vừa qua các cử tri của ba tiểu bang California, Arizona, và Florida đã bỏ phiếu thuận cho một tu chính Hiến Pháp nhằm hủy bỏ các hôn nhân đồng tính.

Baltimore, MD (AP) - Tại Baltimore, Maryland, ngày thứ ba vừa qua, các giám mục Hoa Kỳ đã hứa sẽ đối chất với chính phủ Obama về chính sách ủ
Các cặp đồng tính đang vui mừng tiến đến tòa thượng thẩm Connecticut ngày 12/11
ng hộ quyền phá thai, và nói rằng giáo hội và quyền tự do tôn giáo có thể bị đe dọa dưới chính quyền của tân tổng thống.

Đức Giám Mục Dale J. Melczek of Gary, Ind., (phải), và Tổng Giám Mục John C. Nienstedt, St. Paul-Minneapolis, (trái), cầu nguyện trong buổi họp ngày thứ ba của HĐGM Hoa Kỳ tại Baltimore
 
Diễn đàn công giáo hồi giáo tại Roma
Linh Tiến Khải
20:39 12/11/2008
Diễn đàn công giáo hồi giáo tại Roma

Phỏng vấn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn về Diễn đàn công giáo hồi giáo tại Roma

Trong các ngày từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 11 vừa qua, Diễn đàn công giáo hồi giáo đã được tổ chức tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma về đề tài ”Mến Chúa yêu người: phẩm giá con người và sự tôn trọng nhau”. Tham dự diễn đàn có 29 chuyên gia công giáo và 29 chuyên gia hồi giáo. Ngày đầu tiên của diễn đàn xoay quanh tiểu đề ”Những nền tảng thần học và linh đạo”, và ngày thứ hai về tiểu đề ”Phẩm giá con người và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Diễn đàn lần này do Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn đứng ra tổ chức dưới quyền điều khiển của Đức Hồng Y Chủ tịch Jean Louis Tauran. Đức Hồng Y cho biết: ”Hiện thời cuộc đối thoại thần học đúng nghĩa giữa Công Giáo và Hồi giáo chưa bắt đầu. Chúng tôi sẽ xem sự việc thế nào với diễn đàn này, khi chúng tôi nói về lòng mến Chúa và xem chúng tôi có thể cùng nhau đi xa đến mức độ nào”.

Trong buổi tiếp kiến các tham dự viên Diễn đàn tại Vaticăng sáng ngày mùng 6-11-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi các tín hữu công giáo và hồi giáo hãy coi nhau như thành phần của cùng một gia đình, tôn trọng tự do tôn giáo và hợp tác để xây dựng một thế giới công bình hơn. Đức Thánh Cha khẳng định rằng: ”Tôi biết rõ các tín hữu hồi giáo và kitô có phương thức đề cập khác nhau về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có thể và phải là những người tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tạo dựng và quan tâm chăm sóc mỗi người chúng ta tại mọi nơi trên thế giới. Qua sự tôn trọng và liên đới với nhau, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta coi nhau như thành phần của cùng một gia đình: gia đình mà Thiên Chúa yêu thương và tập hợp lại từ khi tạo dựng thế giới cho đến khi chấm dứt lịch sử nhân loại”.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ hài lòng vì Diễn đàn công giáo và hồi giáo ở Roma đã đạt tới một lập trường chung về sự cần thiết phải thờ lạy Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân một cách vô vị lợi, nhất là đối với những người cùng khốn và túng thiếu. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau cộng tác để trợ giúp các nạn nhân của bệnh tật, nghèo đói, bất công và bạo lực. Đối với tín hữu Kitô, tình yêu đối với Thiên Chúa gắn liền với tình yêu đối với các anh chị em khác, không phân biệt chủng tộc và văn hóa.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến qui luật ”khuôn vàng thước ngọc” mà Hồi giáo cũng giảng dạy và thực thi, đó là ”bạn hãy làm cho tha nhân điều mà bạn muốn họ làm cho bạn” và ngài nói rằng: ”Chúng ta phải cùng nhau làm việc để thăng tiến sự tôn trọng đối với phẩm giá của mỗi người và các quyền căn bản, dù rằng điều này được chứng minh theo những thể thức khác nhau, theo nhân sinh quan và thần học của chúng ta”.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha xác quyết rằng: ”Các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo có nghĩa vụ bảo đảm việc tự do thực thi các quyền con người, trong niềm tôn trọng hoàn toàn đối với tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người. Sự kỳ thị và bạo lực mà tín đồ các tôn giáo ngày nay vẫn còn phải chịu trên thế giới, và những cuộc bách hại dữ dội mà họ phải chịu, là những hành vi không thể chấp nhận và biện minh được. Những hành động ấy càng trầm trọng và đáng trách hơn nữa, khi chúng được thi hành nhân danh Thiên Chúa. Danh của Thiên Chúa chỉ có thể là một danh xưng của hòa bình và tình huynh đệ, công lý và tình thương. Chúng ta bị thách thức, bằng lời nói và nhất là bằng hành động, minh chứng rằng sứ điệp tôn giáo của chúng ta hoàn toàn là một sứ điệp hòa hợp và cảm thông lẫn nhau. Đó là điều thiết yếu phải làm, nếu không thì sẽ giảm uy tín và hiệu năng của việc đối thoại và cả tôn giáo của chúng ta nữa”.

Trong tuyên ngôn chung gồm 15 điểm, công bố chiều ngày 6-11 tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, sau 3 ngày hội luận ở Roma, các tham dự viên Diễn đàn công giáo và hồi giáo kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo và các quyền con người, đồng thời cổ võ xây dựng một xã hội hòa hợp và huynh đệ. Tuyên ngôn đưa ra những hệ luận thực hành liên quan tới sự tôn trọng phẩm giá và các quyền tự do của con người, sự bình quyền nam nữ và tôn trọng lương tâm và tôn giáo.

Tuyên ngôn chung khẳng định rằng: ”Các nhóm tôn giáo thiểu số có quyền được tôn trọng trong các xác tín và thực hành tôn giáo của họ. Họ có quyền có nơi thờ phượng riêng, và các vị sáng lập cũng như các biểu tượng mà họ coi là thánh thiêng không thể trở thành đối tượng cho bất kỳ sự chế nhạo nào” (n.6). Tuyên ngôn xác quyết ”không thể gạt bỏ tôn giáo và các tín hữu ra khỏi xã hội. Mỗi tín hữu phải có thể đóng góp phần không thể thiếu được cho công ích của xã hội, nhất là trong việc phục vụ những người túng thiếu nhất” (n.8).

Cũng trong tuyên ngôn, Diễn đàn công giáo và hồi giáo ”tuyên xưng rằng các tín hữu Công Giáo và Hồi giáo được mời gọi trở thành dụng cụ tình thương và hòa hợp nơi các tín hữu, và cho toàn thể nhân loại nói chung, từ bỏ mọi áp bức, bạo lực gây hấn và khủng bố, nhất là những hành vi khủng bố nhân danh tôn giáo, đồng thời duy trì nguyên tắc công bằng cho tất cả mọi người” (n.11).

Tuyên ngôn kêu gọi ”các tín hữu hoạt động để kiến tạo một hệ thống tài chánh hợp luân lý, trong đó cơ cấu điều hành để ý tới tình cảnh của người nghèo và kém may mắn, dù đó là cá nhân hay các quốc gia bị nợ nần. Những người được may mắn trên thế giới cũng được mời gọi để ý tới số phận của những người bị thương tổn nặng nề nhất vì cuộc khủng hoảng hiện nay trong việc sản xuất và phân phối lương thực...” (n.12)

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn về Diễn đàn nói trên.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Diễn đàn công giáo hồi giáo này đã bắt nguồn từ đâu?

Đáp: Cuộc gặp gỡ này là kết qủa lá thư 138 nhân vật hồi giáo đã gửi cho các vị lãnh đạo Kitô giáo và đặc biệt là Đức Thánh Cha hồi năm 2007. Nghĩa là nó đã được dự định trước. Nhưng điều quan trọng đó là nó cho phép trước hết đọc hiểu Hồi giáo qua hai giới răn chính là mến Chúa và yêu người. Đây là điều chưa từng có. Tuy nhiên không cần coi lá thư hay Diễn đàn này như là một điều ngoại thường, làm như thể là hai bên đã chỉ bắt đầu đối thoại từ lá thư của 138 nhân vật nói trên: chúng tôi đã bắt đầu đối thoại với Hồi giáo từ hơn 1.400 năm nay. Thế rồi kể từ Công Đồng Chung Vaticăng II chúng tôi đã có tài liệu ”Nostra aetate”, là tài liệu đã vạch ra một con đường chính xác hơn nữa cho cuộc đối thoại này. Vì thế cuộc gặp gỡ lần này là một chương mới của một lịch sử dài.

Hỏi: Các đề tài suy tư đã do ai lựa chọn và lựa chọn như thế nào thưa Đức Hồng Y? Đâu là cung cách khai triển chúng và có thể rút tỉa ra kết luận nào?

Đáp: Các đề tài đã được chọn trong một cuộc họp tại Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn hồi tháng 3 năm nay, giữa chúng tôi với một phái đoàn đại diện cho 138 nhân vật hồi giáo nói trên. Hai phái đoàn tham dự cuộc họp đã cùng nhau chọn đề tài. Còn cung cách khai triển là cung cách bình thường: nghĩa là phía công giáo trình bầy quan điểm của mình, rồi tới phía hồi giáo và tiếp theo đó là cuộc thảo luận trao đổi ý kiến và đối thoại. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời giờ cho cuộc đối thoại để cả hai bên đều có thể hiểu biết và giải thích các quan điểm một cách sâu rộng. Và kết qủa của phiên họp là thông cáo chung kết.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và hồi giáo đã bắt đầu từ nhiều thập niên qua. Đâu đã là các đề tài được thảo luận?

Đáp: Chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, mỗi vấn đề một chút. Nhưng thật ra chưa có thể nói tới một cuộc đối thoại thần học một cách đúng nghĩa. Cuộc đối thoại thần học đã được hiểu ngầm, nhưng không được định nghĩa một cách có kỹ thuật vã cũng chưa được thực hiện. Trái lại, trên bình diện luân lý đạo đức và tinh thần, hiện nay hai bên có các hoạt động chung, chẳng hạn như trong việc cứu trợ nhân đạo khi xảy ra các tai ương lớn. Nói một cách thực tế, mặc dù có mọi khó khăn và mặc dù có các cuộc khủng hoảng, điều thực sự quan trọng đó là chúng tôi nói chuyện với nhau. Các cây cầu nối đã không gẫy, và tôi tin đó là điều quan trọng.

Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ sao khi có người khẳng định rằng các tương quan với tín hữu hồi vẫn căng thẳng?

Đáp: Các tương quan giữa tín hữu công giáo và hồi giáo tùy thuộc rất nhiều nơi các tình trạng chính trị của các quốc gia, trong đó Hồi giáo là tôn giáo của đa số dân chúng. Tôi tin rằng điều tạo ra sự căng trong các tương quan đó là trong thế giới hồi giáo người ta gắn liền Kitô giáo với Tây Phương. Việc gán ghép này rất là nguy hiểm, vì khi các giới hữu trách của các xã hội tây phương đưa ra các quyết định chính trị mà người hồi coi là đi ngược lại các lợi lộc của họ, thì họ nói: ”Đó là các người Kitô tấn công chúng ta, đó là các người Kitô khiêu khích chúng ta”. Và đây là điều tạo ra căng thẳng trong các tương quan giữa hai bên.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại một vài quốc gia hồi giáo, các tín hữu Kitô phải sống trong một tình trạng khó khăn. Sự tự do của họ bị hạn chế, khi nó không bị khước từ. Tòa Thánh có thể can thiệp thế nào để cải tiền số phận của họ không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tòa Thánh có nhiệm vụ bênh vực các quyền căn bản, khi chúng bị đe dọa hay khước từ. Tòa Thánh can thiệp làm sao? Trước hết bằng cách nhắc nhớ cho phía đối tác các quyền căn bản của con người như: quyền sống, quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo, và tất cả các quyền gắn liền với chúng. Thế rồi dĩ nhiên còn có ngã ngoại giao nữa. Tòa Thánh có liên lạc ngoại giao với nhiều quốc gia a rập. Và đây là đường lối ưu tiên. Ngoài ra còn có cuộc đối thoại liên tôn của chúng tôi cho phép đề cao các quyền lợi và các khát vọng chính đáng của các anh chị em Kitô, khi họ trở thành mục tiêu của các vụ bách hại hay bạo lực. Dầu sao đi nữa, như tôi vẫn thường nói, tôi tin rằng chúng ta ”bị kết án” phải đối thoại với nhau. Chúng ta không có lựa chọn nào khác hơn là cùng tiến bước dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều tiến bước về Chân Lý. Khi chúng ta ở trong các tình trạng khó khăn, chúng ta không được sợ hãi nói lên điều chúng ta tin, tuyên xưng Đấng chúng ta tin. Không được sợ hãi tố cáo các vi phạm các quyền con người, cho dù các vi phạm đó thuộc loại nào đi nữa, và phải làm thế nào để sự thật có thể chiến thắng, chứ không phải bạo lực, làm thế nào để cho sức mạnh của quyền lợi chiến thắng quyền lợi của sức mạnh. (RG 4-11-2008)
 
Tín hữu Kitô không muốn ngày tàn của thế giới, nhưng muốn thế giới bất công này chấm dứt
Linh Tiến Khải
20:40 12/11/2008
Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha thứ tư 12-11-2008

”Khi kêu cầu ”Lạy Chúa, xin hãy đến”, Kitô hữu không muốn ngày tàn của thế giới, nhưng muốn thế giới bất công này chấm dứt, muốn thế giới này được biến đổi một cách triệt để và bắt đầu sống nền văn minh tình thương, bắt đầu một thế giới công bằng, hòa bình không bạo lực và không đói khát. Nhưng nếu không có sự hiện diện của Chúa Kitô, thì sẽ không bao giờ có một thế giới thực sự công bằng và được canh tân”.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 15.000 tín hữu và du khánh hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hằng tuần 12-11-2008 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ”Sự chờ đợi Chúa trở lại trong tư tưởng của thánh Phaolô”. Đây là đề tài gắn liền với sự phục sinh của Chúa Kitô, và nó giúp chúng ta suy tư về tương quan giữa thời gian hiện tại, thời gian của Giáo Hội và của Nước Chúa Kitô. Mọi diễn văn về ngày cánh chung đều luôn luôn khởi hành từ biến cố phục sinh: trong biến cố này các sự cuối cùng đã bắt đầu, và trong một nghĩa nào đó, đã hiện diện. Đề cập tới bối cảnh tư tưởng về ngày cánh chung Đức Thánh Cha nói:

Chắc hẳn vào năm 52 thánh Phaolô đã viết bức thư đầu tiên trong các thư của người: đó là thư thứ I gửi tín hữu Thexalonica, trong đó thánh nhân nói tới ngày Chúa Giêsu trở lại, gọi là ngày cánh chung, ngày Chúa đến, sự hiện diện tỏ tường và vĩnh viễn (x. 4,13-18). Thánh Phaolô miêu tả ngày Chúa Kitô đến với các sắc thái sống động và hình ảnh biểu tượng, nhưng chuyển đạt một sứ điệp đơn sơ và sâu sắc: sau cùng chúng ta sẽ luôn ở với Chúa. Bên kia các hình ảnh, đây là sứ điệp nòng cốt: tương lai của chúng ta là ”ở với Chúa”; trong nghĩa là tín hữu, trong cuộc sống của mình chúng ta đã ở với Chúa; tương lai của chúng ta, cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu rồi.

Tiếp tục bài huấn đụ Đức Thánh Cha nói trong thư thứ II gửi tín hữu Thexalonica, thánh Phaolô thay đổi viễn tượng: thánh nhân đề cập tới các biến cố tiêu cực phải xảy ra trước biến cố sau cùng chung cục đó. Thánh nhân khuyên tín hữu đừng để mình bị lừa, làm như thể biến cố đó đang gần kề theo thứ tự thời gian (2 Tx 2,1-3). Vì trước khi Chúa đến, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện ”kẻ gian ác”, ”đứa con của sự hư mất” (2,3), mà truyền thống sẽ gọi là ”Tên phản Kitô”. Nhưng trước hết thư của thánh Phaolô có mục đích cụ thể. Thánh nhân phiền trách một số tín hữu có cuộc sống vô kỷ luật, không làm gì cả, luôn luôn giao động và khuyên họ nên yên ổn làm việc để nuôi thân (3,10-12). Nói cách khác, việc chờ đợi Chúa Giêsu đến không miễn trừ cho tín hữu bổn phận dấn thân trong thế giới này. Trái lại nó gia tăng trách nhiệm của chúng ta phải làm việc trong và cho thế giới này. Đó cũng là ý nghĩa dụ ngôn mười nén bạc trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần tới đây.

Thư gửi tín hữu Philiphê cho chúng ta thấy cùng mối dây nối kết sự trở lại của Chúa Cứu Thế-Thẩm Phán và dấn thân của chúng ta trong cuộc sống, nhưng trong một bối cảnh khác. Thánh Phaolô đang bị tù và chờ bị kết án tử hình. Trong hoàn cảnh này thánh nhân nghĩ tới cuộc sống trong tương lai với Chúa, nhưng cũng nghĩ tới cộng đoàn Philiphê đang cần một người cha. Đối với thánh nhân ”sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi... ước ao của tôi là ra đi để được ở với Chúa Kitô điều này tốt hơn bội phần nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh chị em” (1,21-26). Thánh Phaolô không sợ chết, trái lại cái chết ám chỉ việc được hoàn toàn ở với Chúa Kitô. Nhưng thánh nhân cũng chia sẻ các tâm tình của Chúa Kitô, là Đấng không sống cho chính mình mà sống cho chúng ta. Sống cho người khác trở thành chương trình cuộc đời thánh nhân, và vì thế ngài chứng minh cho thấy sự hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa muốn và điều Chúa định đoạt. Nhất là thánh nhân sẵn sàng sống trên trần gian này cho người khác cả trong tương lai, sống cho Chúa Kitô, sống cho sự hiện diện sinh động của Chúa và như thế để canh tân thế giới. Chúng ta thấy việc ở với Chúa Kitô tạo ra một sự tự do nội tại lớn lao: tự do trước sự đe dọa của cái chết, mà cũng tự do trước tất cả mọi dấn thân và các khổ đau của cuộc sống.

Trong phần thứ hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha duyệt xét các khía cạnh khác nhau của việc chờ đợi Chúa Kitô đến, hay các thái độ nền tảng mà tín hữu Kitô phải có đối với cái chết và ngày tận thế. Đức Thánh Cha nói:

Thái độ thứ nhất là xác tín chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã sống lại, đang ở với Chúa Cha và vì thế cũng ở với chúng ta luôn mãi. Không có ai mạnh mẽ hơn Chúa Kitô, bởi vì Ngài ở với Thiên Chúa Cha và với chúng ta. Vì thế chúng ta chắc chắn, chúng ta được giải thoát khỏi sự sợ hãi. Đây là hiệu qủa nòng cốt của lời rao giảng Kitô. Sự sợ hãi các thần linh đã rất là phổ biến trong toàn thế giới cổ xưa. Cả ngày nay nữa, bên cạnh biết bao nhiêu yếu tố tốt lành các các thừa sai cũng tìm thấy sự sơ hãi các thần linh, các quyền lực đen tối đe dọa chúng ta. Chúa Kitô sống, Ngài đã chiến thắng tất cả mọi quyền lực đó. Chúng ta sống trong xác tín ấy, trong sự tự do đó và trong niềm vui.

Thái độ thứ hai của Kitô hữu là xác tín rằng Chúa Kitô ở với tôi. Và với Chúa Kitô thế giới tương lai đã bắt đầu, điều này trao ban niềm hy vọng chắc chắn. Tương lai không phải là tăm tối, trong đó không ai định hướng được. Không phải thế. Nếu không có Chúa Kitô, cả ngày nay nữa đối với thế giới tương lai là tăm tối, và người ta sợ hãi tương lai biết bao nhiêu. Tín hữu Kitô biết rằng ánh sáng của Chúa Kitô mạnh mẽ hơn, và vì thế họ sống trong một niềm hy vọng chắc chắn không mơ hồ, và có can đảm đương đầu với tương lai.

Thái độ thứ ba của Kitô hữu là tinh thần trách nhiệm đối với thế giới này và đối với các anh chị em khác, và xác tín về lòng xót thương của Chúa. Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Độ đã giao phó cho chúng ta các nén bạc, các tài năng cần phải đầu tư.

Chúng ta không sống như thể là sự thiện và sự ác đều như nhau, vì Thiên Chúa xót thương. Thật ra chúng ta có trách nhiệm rất lớn. Chúng ta có các tài khéo và có nhiệm vụ phải làm việc để cho thế giới này rộng mở cho Chúa Kitô và được canh tân. Tuy làm việc và ý thức rằng Thiên Chúa là thẩm phán đích thật, nhưng chúng ta cũng xác tín rằng vị thẩm phán đó tốt lành. Chúng ta biết gương mặt của Người, gương mặt của Chúa Kitô phục sinh, của Chúa Kitô chịu đóng đanh vì chúng ta. Vì thế chúng ta chắc chắn về lòng lành của Người, và can đảm tiến bước.

Giáo huấn sau cùng của thánh Phaolo liên quan tới ngày cánh chung là lời mời gọi đại đồng của lòng tin hiệp nhất người Do thái và Dân ngoại, như dấu chỉ và việc thực hiện trước thực tại mai sau. Vì thế chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã ngự trên trời với Chúa Giêsu Kitô, nhưng là để cho thấy ơn thánh phong phú trong tương lai (x. Ep 2,6 tt.): điều xảy ra sau này đã được cho thấy trước, để minh nhiên tình trạng thực hiện khởi đầu mà chúng ta đang sống. Điều này khiến cho chúng ta chịu đựng được các khổ đau hiện tại không thể nào so sánh được với vinh quang mai sau (x. Rm 8,18).

Thánh Phaolô kết thúc thư thứ II gửi tín hữu Côrintô với lời khẩn cầu ”Maranà, thà” ”Lậy Chúa chúng con, xin hãy đến”. Đây là lời cầu của các cộng đoàn Kitô tiên khởi, và cũng là lời cầu kết thúc sách Khải Huyền.

Trong cuộc sống và trong thế giới ngày nay chúng ta khó mà cầu nguyện thực sự cho thế giới này chết đi, cho thành Giêrusalem mới, cho sự phán xét và Chúa Kitô thẩm phán đến. Nhưng chúng ta có thể cầu nguyện cho thế giới bất công này chấm dứt, cho thế giới bắt đầu sống nền văn minh tình thương, cho một thế giới công bằng, hòa bình, không bạo lực và nghèo đói, cho một thế giới được canh tân. Trong các hoàn cảnh cấp thiết thời nay chúng ta có thể và phải nói lên lời khẩn cầu ấy một cách sâu xa: Lậy Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến theo cách thức của Chúa! Xin hãy đến trong những nơi có bất công và bạo lực! Xin hãy đến trong các trại tị nạn, tại Darfur, tại miền bắc Kivu, tại biết bao nhiêu vùng đất của thế giới này. Xin hãy đến ở những nơi ma túy thống trị. Xin hãy đến cả với những người giầu có đã quên Chúa, và chỉ sống cho chính mình. Xin hãy đến ở những nơi Chúa chưa đươc biết tới. Xin hãy đến theo kiểu cách của Chúa và canh tân thế giới ngày nay. Xin hãy đến trong con tim chúng con, xin hãy đến và đổi mới cuộc sống chúng con, xin hãy đến trong con tim chúng con để chúng con có thể trở thành ánh sáng của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa. Maranà, thà! Lậy Chúa, xin hãy đến!

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Obama Gọi điện thoại cho Đức Thánh Cha
Bùi Hữu Thư
21:58 12/11/2008

Obama Gọi điện thoại cho Đức Thánh Cha



VATICAN CITY, ngày 12 tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Một phát ngôn viên của Tòa Thánh tuyên bố là tổng thống đắc cử Barack Obama đã gọi điện thoại cho ĐTC Benedict XVI để cám ơn ngài đã gửi điện tín chúc mừng.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, chánh văn phòng truyền thông Vatican cho hay ông Obama đã gọi điện thoại cho ĐTC ngày thứ ba để đáp lại điện tín ĐTC gửi cho ông sau khi ông đắc cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ tuần vừa qua.

Trong điện tín của ĐTC, ngài hứa cầu nguyện cho ông Obama để Thiên Chúa sẽ trợ giúp ông trong “trách vụ nặng nề để phục vụ cho quốc gia của ông và cộng đồng thế giới.” Ngài bầy tỏ ước mong là sự chúc lành của Thiên Chúa sẽ trợ giúp cho ông Obama và mọi người dân Hoa Kỳ, "cùng với tất cả mọi người nam và nữ có thiện tâm, [trong nỗ lực] xây dựng một thế giới hòa bình, tương thân trương trợ và công lý.”
 
Cổ bản Kinh Thánh Cựu Ước mới được tìm thấy
LM. Anphong Trần Đức Phương
22:45 12/11/2008
CỔ BẢN KINH THÁNH CỰU ƯỚC MỚI ĐƯỢC TÌM THẤY

(Trên Yahoo news ngày 30-10-2008 đã đăng bài của Ari Rabinovitch về Cổ Bản Kinh Thánh Cựu Ước mới được tìm thấy. Chúng tôi xin lược dịch sau đây.)

Giêrusalem (Reuters): Các nhà khảo cổ Israel nói là hôm thứ năm, 30-10-2008, họ đã đào lên được một bản Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ, cổ nhất trong các bản đã khám phá ra được từ trước tới nay. Nơi tìm thấy bản Kinh Thánh này là một cổ Thành nhìn sang thung lũng mà theo Kinh Thánh, là nơi David đã hạ sát được Gôliát (người khổng lồ).

Địa điểm các nhà khảo cổ đang đào bới để tìm tòi về quá khứ là một vùng ngày xưa là một chiến trường nằm trong thung lũng Elah (The Valley of Elah). Bây giờ là nơi trồng nho và nhà máy làm rượu. Khám phá này ảnh hưởng lớn đến cuộc bàn cãi gay go hiện nay về số phận thành Giêrusalem trong tương lai. Địa điểm này cách Giêrusalem khoảng 20 cây số (12 miles).

Các nhà khảo cổ từ Đại học Do Thái (Hebrew University) nói là ‘cổ bản đó gồm 5 câu Kinh Thánh viết bằng mực đen trên một mảnh vỡ của một chiếc bình sành, đào được nơi một vùng rộng 2 mẫu đất, có tên gọi là Elah Fortress hoặc Qeiyafa.

Các nhà chuyên môn chưa thể giải mã được các chữ trong cổ bản đó, nhưng các nhà khảo cổ nói là nhờ phương pháp ‘phân tích carbon’ những cổ vật chung quanh cho thấy cổ bản Kinh Thánh này đã được viết vào khoảng 3000 năm trước đây, cổ hơn bản Dead Sea Scroll hơn 1000 năm (Bản Dead Sea Scroll cũng được gọi là Cổ Bản Qumran, tìm thấy vào giữa những năm 1946 va 1956 trong những hang động trên bờ Biển Chết, gần địa điểm có tên là Qumran – chú thích của dịch giả).

Cho đến bây giờ, các nhà chuyên môn có thể nhận dạng được một số chữ, như: “Quan án”, “Nô lệ” và “Vua”. Các nhà chuyên môn cũng nói họ hy vọng việc tìm hiểu Cổ bản này có thể giúp tìm ra được chữ viết tiếng Do thái cổ đã được phát triển như thế nào.

Các nhà khảo cổ nói rằng, đối với người Do Thái, cuộc khám phá này có một giá trị đặc biệt, nói lên rằng có thể đã có một vương quyền trung ương mạnh mẽ ở Giêrusalem vào thời kỳ mà các nhà học giả cho là Vua David đang cai trị thành Thánh Giêrusalem và nước Do Thái.

Người Do Thái thời nay thường dẫn chứng sự liên hệ của Vua David với thành Giêrusalem để nhất quyết rằng Giêrusalem là một “Kinh Thành muôn thuở và bất khả phân ly!”, dù điều này không được Quốc tế công nhận.

Người Palestine thì nói là những dẫn chứng về Kinh Thánh cũng không thể chối cãi được sự kiện người dân Ảrập đã có mặt từ lâu đời tại Giêrusalem, và đòi hỏi rằng phía đông của thành Giêrusalem, nơi người Do Thái đã chiếm đóng từ cuộc chiến vào năm 1946, phải được coi là thủ đô của nước Palestine mà họ hy vọng sẽ thiết lập được trên vùng Tây Ngạn (West Bank) và Giải Gaza (The Gaza Strip).

Riêng ông Yosef Garfinkel, người cầm đầu đoàn khảo cổ tại nơi cổ Thành, nói rằng: Những niên đại và địa chí của Qeiyafa tạo được một mối liên hệ thống nhất được những gì được coi là huyền thoại, những gì được coi là sự kiện lịch sử, cùng với những nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ về Vua David.
 
Top Stories
Vietnam: Décès d’un écrivain vietnamien francophone, haut responsable du scoutisme
Eglises d'Asie
10:52 12/11/2008
Vietnam: Décès d’un écrivain vietnamien francophone, haut responsable du scoutisme

La plupart des 12 prêtres qui concélébraient la messe de funérailles de l’écrivain Cung Giu Nguyên dans la cathédrale de Nha Trang, le 10 novembre dernier, avaient été formés au scoutisme par le défunt ou avaient suivi ses cours (1). Le scoutisme était en effet l’un des multiples champs d’activités de cette personnalité de la culture vietnamienne qui vient de s’éteindre, à quelques jours d’être centenaire, le 7 novembre 2008. Ses talents se sont exercés en de multiples domaines. Il aura été un écrivain fécond (près de 100 ouvrages, écrits en vietnamien, français et anglais). Dans les divers établissements où il a dispensé son enseignement, avant de devenir le proviseur du lycée principal de Nha Trang, il a initié ses élèves à la littérature vietnamienne et chinoise, au latin, aux lettres françaises, à l’anglais, l’histoire, la géographie, l’économie et même la philosophie.

Il était né le 20 novembre 1909 à Huê, dans une famille d’origine chinoise émigrée du Fou Kiên (Fujian) au XIXème siècle. Après des études secondaires au célèbre collège de Quôc Hoc de Huê, où furent formés un certain nombre d’artisans de l’indépendance vietnamienne, il est obligé de renoncer à des études supérieures de peinture pour gagner sa vie. En 1928, il débute dans l’enseignement à Nha Trang. Pour des raisons politiques, il est licencié de son poste en 1930 et mène alors pendant plus de dix ans une carrière de journaliste. Il collabore à diverses revues et, en 1939, est nommé rédacteur en chef de la revue Soir d’Asie, publiée à Saigon. Il est réintégré dans l’Education nationale en 1945. Il ne quittera plus Nha Trang jusqu’à sa mort, sauf pour différents séjours en France, en Angleterre et dans d’autres pays étrangers. Depuis les années 1970, l’écrivain donnait également des cours à l’université de Nha Trang. Il était officier de l’académie et membre sociétaire de l’Association des écrivains de langue française.

Il a été l’un des grands écrivains francophones du Vietnam. L’une de ses premières œuvres, Volontés d’existence, fut publiée en 1954 sur la célèbre revue France-Asie. Le plus remarquable de ses ouvrages est un roman, Le Fils de la baleine, paru chez Fayard en 1956, un livre que Daniel Rops contribua à faire connaître et qui reçut un très bon accueil de la critique littéraire de la métropole. L’intrigue romanesque du livre intègre une description très précise d’un village de pêcheurs traditionnel et de ses coutumes religieuses. Celle qui fournit le sujet du livre impose au découvreur du cadavre d’une baleine échouée sur la côte le devoir de présider ses funérailles grandioses, comme s’il était son fils. C’est le héros du livre qui joue ce rôle. Cung Giu Nguyên fera encore paraître chez le même éditeur, Le Domaine maudit (1961) et Le Boujoul (1980). Son œuvre en langue vietnamienne n’est pas moins importante.

L’écrivain était un fidèle catholique et a montré durant toute sa vie des signes de son attachement à son Eglise. Il a été l’un des hauts responsables du mouvement scout au Vietnam. C’est lui qui, de 1958 à 1963, avait été chargé du camp de formation des chefs scouts sur le plan national. Lors des funérailles à la cathédrale de Nha Trang, se côtoyaient les diverses générations d’élèves l’ayant eu comme professeur, de très nombreux responsables du mouvement scout, venus de tout le pays et même de l’étranger. Ce sont eux qui, après la messe de funérailles, ont accompagné son cercueil jusqu’au cimetière de Hon Chuông, où il repose désormais.

(1) Voir VietCatholic News, 11 novembre 2008. Le décès a été annoncé, le 7 novembre 2008, par le journal Tuôi Tre (‘Jeunesse’), qui a publié une notice biographique. Le reste de la presse officielle a, semble-t-il, passé l’événement sous silence. On peut lire un essai d’Alain Guillemin sur cet auteur à l’adresse http://newvietart.com/index4.256.html

(Source: Eglises d'Asie, 12 novembre 2008)
 
Coree du Nord: un prêtre catholique sud-coréen en mission au Nord
Eglises d'Asie
11:03 12/11/2008
Pour la première fois, un prêtre catholique se rendra en Corée du Nord en tant que travailleur social

C’est un événement: pour la première fois depuis 60 ans, et malgré le récent durcissement des relations entre Séoul et Pyongyang, un prêtre catholique devrait se rendre en Corée du Nord pour se mettre au service des ouvriers. Le P. Paul Kim Kwon-soon, prêtre franciscain, a déclaré à l’agence Ucanews début novembre (1) qu’il se rendrait à Pyongyang, dans le courant du mois probablement, afin d’y diriger un centre social, bien « qu’ils savent que je suis un prêtre catholique ». Ce centre, qui, selon l’agence Fides, devrait porter le nom de « Centre de services pour la paix » (2), proposera à la population ouvrière des repas, des soins médicaux, des infrastructures sanitaires (bains publics) et d’autres aides dans un cadre social et humanitaire. C’est la première institution officielle de l’Eglise catholique de Corée du Sud à être implantée en Corée du Nord, depuis la division de la Corée après la guerre de 1950-1953. N’ayant cependant qu’un statut de « touriste », le P. Kim devra renouveler son visa tous les deux mois.

Ce projet social s’inscrit dans une entreprise plus vaste de collaboration commerciale entre les deux Corées. Il existait déjà le complexe industriel de Kaesong, situé à 10 km de la frontière, en Corée du Nord, une zone franche financée par la Corée du Sud et exploitée par les deux pays. Quatre-vingt entreprises sud-coréennes y emploient environ 30 000 personnes et Kaesong était devenu le symbole du rapprochement économique entre les deux Etats. Le centre social où œuvrera le P. Kim Kwon-soon sera rattaché à une usine implantée en-dehors de Kaesong et fruit de la première joint-venture entre une société sud-coréenne (Andong Hemp Textile) et une compagnie nord-coréenne (Saebyol General).

Selon l’agence Fides, c’est en février dernier que Saebyol General, qui travaille sous l’égide de la Fédération gouvernementale pour la coopération économique en Corée du Nord, a accepté d’établir le « Centre de services pour la paix », après trois ans de « grands efforts » de la part des frères franciscains et le soutien actif de Caritas Corea.

Selon le P. Kim, le centre social de trois étages qu’il dirigera sera établi à l’intérieur des locaux de la nouvelle usine créée dans le cadre du partenariat intercoréen. « Je peux dire que ce centre sera une étape marquante de l’aide humanitaire dans le Nord », souligne le prêtre, qui rappelle que, dans le passé, la Corée du Sud ne « pouvait qu’envoyer de l’aide matérielle ».

La cérémonie d’ouverture du centre a été présidée par Mgr Lazzaro You Heung-sik, évêque de Daejeon, diocèse de Corée du Sud (3), le 30 octobre dernier, en présence d’autorités civiles de Pyongyang. « J’ai l’espoir que le Centre représentera une [étape] dans l’œuvre de charité, de réconciliation, de partage et de coopération, afin que les populations du Nord et du Sud de la Corée puissent recommencer à vivre ensemble dans l'aide mutuelle », a déclaré Mgr You, dont les propos ont été rapportés par l'agence Fides.

Le 1er novembre, Mgr You a célébré une messe d’action de grâces à l’église de Changchung à Pyongyang, l’unique église catholique de Corée du Nord, à laquelle assistaient environ 50 Sud-Coréens catholiques, mais aucun Nord-Coréen. De manière habituelle, il est estimé que 3 000 catholiques nord-coréens pratiqueraient leur foi chez eux mais aucune statistique fiable n’existe; aucun prêtre ni religieuse n’exercent officiellement de ministère pastoral en Corée du Nord (4).

La mise en place finale de ce projet pourrait toutefois être compromise par l’évolution des relations entre les deux Corées: le 12 novembre, par l’intermédiaire de son agence officielle KCNA, la Corée du Nord a annoncé qu’elle « fermerait tous les points de passage à travers la ligne de démarcation militaire (frontière) » avec la Corée du Sud dès le 1er décembre. Alors que son dirigeant Kim Jong-il aurait connu, selon les services de renseignements américains, deux attaques cérébrales en octobre dernier, la Corée du Nord accuse le gouvernement de Séoul d’avoir mené leurs relations « au-delà du niveau de danger ». Cette décision, qualifiée par les autorités de Pyongyang elles-mêmes de « première étape », est une réponse aux déclarations de Séoul exigeant l’arrêt du programme d’armement nucléaire de la Corée du Nord. Le communiqué ne précise pas cependant s’il s’agit d’une fermeture totale de la frontière ni si cela provoquera, de fait, la fermeture du complexe industriel de Kaesong. Au pouvoir à Séoul depuis février dernier, le président Lee Myung-bak prône une politique de fermeté envers le Nord, se démarquant de la politique de conciliation menée par son prédécesseur (5).

(1) Ucanews, 6 novembre 2008.
(2) Fides, 10 novembre 2008.
(3) Voir EDA 494.
(4) Depuis 1950, date à laquelle tous les prêtres et religieuses qui étaient restés dans le Nord furent exécutés ou portés disparus, il n’y a pratiquement aucune information sur l’Eglise de Corée du Nord. Officiellement, les activités religieuses sont autorisées, mais aucun prêtre ou religieux n’est cependant recensé dans le pays. Voir EDA 471.
(5) Selon le ministère sud-coréen de l'Unification, le total des aides sud-coréennes à la Corée du Nord, aides publiques et privées confondues, a été de 304,6 millions de dollars en 2007. Pour la période janvier-septembre 2008, ce chiffre est tombé à 63,6 millions de dollars.

(Source: Eglises d'Asie, 12 novembre 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ an táng cho Nhà giáo và Trưởng Hướng Đạo Việt Nam: Cung Giũ Nguyên
JM Phạm Cảnh Đáng
00:03 12/11/2008
NHA TRANG, Việt Nam.- Giáo sư Cung Giữ Nguyên đã qua đời vào sáng sớm ngày 7.11.2008 tại Nha Trang, Việt Nam.

Cụ Gioan Cung Giũ Nguyên là nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn, nhà văn hoá, là một học giả với gần 100 tác phẩm đã và chưa xuất bản, trong đó có những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh có giá trị. Đặc biệt Cụ là một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam và đảm nhận trách vụ Trại trưởng huấn luyện Quốc gia của phong trào Hướng Đạo Việt Nam từ 1958 đến 1963.

Ông sinh ngày 20 -11-1909 tại Huế (theo tuổi ta năm ngay được tròn trăm tuổi. Họ thật là họ Hồng, do có gốc gác là người Phúc Kiến, đã qua lập nghiệp tại Việt Nam từ giữa thế kỷ 19. Thân phụ của ông là Cung Quảng Bào, một đốc học. Thân mẫu là bà Nguyễn Phước Thị Bút, trưởng nữ của quận công Hồng Ngọc và cháu nội của An Thành Vương Nguyễn Phước Miên Lịch (con út của Vua Minh Mạng).

Ông Cung Giữ Nguyên học xong trung học tại trường Quốc Học Huế những năm 1922-1927, nhưng ông phải từ bỏ giấc mộng học trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội, để đi làm việc. Năm 1928, ông được bổ nhậm làm giáo sư tập sự tại trường trung học Nha Trang, nhưng đến đầu năm 1930 thì bị bãi chức, vì lý do chính trị. Sau đó ông tìm đường vào Sài Gòn, Ðà Lạt, Huế... nhưng rồi lại trở về Nha Trang vào năm 1941, sau khi thân phụ ông qua đời, để lãnh trách nhiệm với gia đình, bằng cách trở lại nghề dạy học.

Ông đã dạy các môn Việt Văn, Hán Văn, La Tinh, Pháp Văn, Anh Văn, Sử Ðịa, Kinh Tế Học, Triết Học, Văn Học... ở các trường Kim Yến, Trường Dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô, Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Ðôn... Về tiếng Pháp: Volontés d' existence (NXB France-Asie, 1954), Le Fils de la Baleine (NXB Arthene Fayard, Paris, 1956 - dịch sang tiếng Việt là Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải, NXB Văn Học, Hà Nội, 1995), Le domaine maudit (NXB Arthene Fayard, Paris, 1961), Le Boujoum (1980)...

Thánh lễ an táng Cụ được cử hành trang trọng tại Thánh đường Giáo xứ Chính toà Nha Trang, lúc 8h sáng ngày 10-11-2008.

Là một giáo dân Công giáo, suốt đời của Ông Cũng giũ Nguyên đã có nhiều đóng góp cho Xã hội, cho Gíáo hội, nên được Đức Giám Mục GP Nha Trang cho phép cử hành Thánh lễ đồng tế do LM Giuse Nguyễn Thế Thoại chủ tế với 12 Linh mục đồng tế. Hầu hết các Linh mục đồng tế đều là Huynh trưởng Hướng Đạo, là học trò của Cụ như LM Tiến Lộc. .. Về tham dự Thánh lễ an táng, ngoài tang quyến và bà con xa gần, còn có các thế hệ học trò của cụ, ở trong nước và ở nước ngoài (như Trung tâm Cung Giũ Nguyên hải ngoại), và rất đông các Trưởng HĐ Việt Nam từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cao Nguyên, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Cam Ranh, Bình Thuận,Khánh Hoà. ..

Sau Thánh lễ an táng, linh cữu Cụ được các Trưởng và Hướng Đạo Sinh, cùng tang quyến đưa tiễn về an nghĩ tại nghĩa trang Hòn Chuông, Vĩnh Trung, Thành phố Nha Trang.

Cuộc đời Cụ đã "sắp sẵn" để sống an vui và chết hạnh phúc.
 
Thánh lễ cho người dân tộc Bahnar không như ý người
Phước Nguyên
00:38 12/11/2008
GIALAI - Ngày 09 /11 /2008 - Nhận được tin có thánh lễ động thổ tại làng Krét Krót, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gialai. Nhóm phóng viên Giáo phận Kontum tức tốc lên đường.

Xem hình ảnh buổi lễ

Theo chương trình cho biết, thì Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh sẽ chủ sự thánh lễ này, nhưng đến nơi, Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên, tổng đại diện thay ngài chủ lễ. Được biết, vì lý do “kỹ thuật” Đức Cha Micae không về chủ sự thánh lễ được.

Lý do “kỹ thuật” là gì? Hỏi ra mới biết là do Chính Quyền “chưa tạo điều kiện để có thánh lễ “động thổ” “đầu tiên” tại làng Krét Krót”, sau khi trưởng cộng đoàn Krét Krót và Cha phó Gx. Châu Khê, đặc trách nơi đây làm đơn xin phép để có thánh lễ tại làng, trong nhà dân, thì không được chấp thuận, vì thế dân chúng phải cuốc bộ hơn 2 km để đến “ngôi vương cung thánh đường”, như thường lệ họ dự lễ Chúa Nhật, bên quốc lộ 19. Nói là vương cung thánh đường, vì nó nhỏ nhất, đẹp nhất, đặc biệt nhất của Giáo phận Kontum, khoảng 60 m2(xem hình).

Số tín hữu ở vùng này hơn 2.500 người, trong đó hơn 200 người Kinh, gần 2.400 người Bahnar; nhưng ngôi nhà thờ đơn sơ này có sức chứa khoảng 100 người. Mà nó lại dành riêng cho người Kinh sống tại đây, còn gần 2.400 tín hữu Bahnar tại làng Krét Krót cách đó hơn 2 km thì chưa có nơi thờ phượng, mỗi Chúa Nhật họ đứng ngoài sân ngôi nhà thờ này để đi lễ ké, lễ nhờ.

Tuy không được như ý, làm lễ động thổ đầu tiên tại làng Krét Krót, thì dân chúng vẫn quây quần về bên nhau tại “vườn” của ngôi nhà thờ 60 m2 này.

Hơn 08g00, Đoàn rước gồm Cha Tổng Đại Diện và 3 linh mục bước ra “vườn”, tiến đến bàn thờ “dã chiến” trước đoàn dân Chúa hơn 800 tín hữu đứng giữa ánh nắng ban mai chói chang.

Sau khi Cha Chủ tế làm dấu thánh giá, cha Phaolô Nguyễn Văn Công, chính xứ đã đọc lại đôi nét hình thành cộng đoàn Krét Krót này(*).

Sau khi nghe xong đôi nét tiểu sử, nhóm chúng tôi tiếp tục dự lễ với bà con Bahnar tại đây, nhưng không khỏi bùi ngùi, xúc động vì niềm tin mãnh liệt của gần 2.400 con người rừng núi này. Không nhà thờ, không linh mục, nhưng 54 năm vẫn kiên vững trong đức tin.

Ước gì họ có nơi thờ phượng, có “người” coi sóc; Ước gì “Đầy Tớ Nhân Dân” hiểu được lòng họ, và “tạo điều kiện” “xin cho” cho họ có được thánh lễ giữa làng, cho dù là chưa có nhà thờ, thì cái sân nhà giáo dân nào đó cũng được.

Nhóm phóng viên Giáo phận Kontum, Krét Krót 09.11.2008

ĐÔI NÉT TIỂU SỬ ĐÓN NHẬN TIN MỪNG KRET KROT MANG YANG.

Nguồn gốc truyền Đạo và lãnh nhận Tin Mừng ở vùng này.

Từ xa xưa không biết từ đâu cái tên Mang Yang ai đặt ai gọi mà sao tự nhiên như đi vào lòng người ở đây, cũng như cuốn hút con người gần với Đấng Tạo hóa, địa danh Mang Yang có nghĩa là Cổng Trời. Từ năm 1954 có cha MARTY (Cố Tý sinh 1910 lãnh sứ vụ Linh mục năm 1933, về nhà Chúa ngày 24/10/1986) xuống truyền giáo, cùng đi với ngài có hai chú Yao Phu tên là chú Nheng và chú Phyuêh đi vào làng PơChăk. Các ngài đến và vào nhà ông Yơih là già làng của làng PơChăk và ông cũng là người theo Đạo đầu tiên. Năm 1955, dân làng hồ hởi bắt đầu làm Nhà Nguyện và trường học, nhưng dân trong làng chưa có ai lãnh nhận Bí Tích Rửa tội cả.

Đến đầu năm 1956, cha MARTY đến dạy đạo ở làng Kret Krot nhưng già làng chưa chấp thuận. Lý do là cách mạng đang hoạt động tại vùng này. Đến năm 1960 tất cả dân làng Kret Krot, làng Pơchăk kéo nhau vào rừng Hơ Ông núi Rơpang để làm cách mạng. Đến năm 1967 dân làng đói khổ quá mới xin trở về làng cũ để làm ruộng, làm rẫy sinh sống.

Cũng năm 1967 đại diện các già làng kéo nhau lên KonTum xin Đức Cha PAUL LÉON SEITZ (Kim) để học đạo. Đức Cha cho 3 ch: cha RENNAUD, cha MARTY và cha DEH đến lo lắng cho dân làng bà con tại ĐăkLăk. Các ngài tuyển chọn 12 người được đi học trường Cuenot Kontum (Lúc đó chưa có ai rửa tội cả).

Đến năm 1968, Đức Cha lại sai cha Gioan Chế Nguyên KHOA (Sinh 1919, Lãnh sứ vụ Linh mục 1953; và về nhà Chúa 5/7/1970) và 2 chú Yao Phu khác đó là chú NHIL và chú NHENG đến giảng đạo. Trong làng bắt đầu lập nhóm nòng cốt gồm các ông: ông Bêch, ông Byơih, ông Ôl làng Kret Krot. Ông Bon, ông Drâp, ông Nger, ông Byit ở làng Pơ Chăk. Cha Khoa làm nhà nguyện tại Đak Lac mà hiện nay đang là trường tiểu học H’Ra 1.

Đến năm 1970 cha KHOA chết thì cha PAUL RENAUD (sinh năm 1909, lãnh sứ vụ Linh mục 1934, về nhà Chúa 27.8.1981) thay thế. Năm 1972 do chiến tranh bùng nổ nhà nguyện bị phá tan tành. Cũng năm 1972 ông đại diện xã đã gom dân làng đến ở cùng với dân làng Kon Chrăh (chính sách lập ấp chiến lược). Từ đó chia làm hai xóm đạo: 1 ở Phú Yên, 1 ở Kret Krot. Cha RENAUD làm nhà nguyện cho làng Kret Krot 1973. Cũng năm đó, tháng 12 năm 1973 chúng tôi có những người được lãnh nhận phép Rửa Tội lần đầu tiên. Gồm có ông MYKEL BYƯK, ông PÔLÊ JỚNH, ông ANDRE PRÍ và ông MYKEL PRÉNG.

Đến ngày lễ Phục Sinh (tháng 4 năm 1974) thì rửa tội thêm gần 100 người nữa. Cũng năm 1974 cha Phêrô Trần Thanh Chung (Sinh ngày 10.11.1926; lãnh sứ vụ Linh mục 1955; Giám Mục phó kế vị 22.11. 1981; Giám Mục Chính Tòa 13.4. 1995 và nghỉ hưu 28.8.2003) đến coi sóc làng Kret Krot.

Năm 1975 giải phóng đất nước. Vì chiến tranh bom đạn nhà nguyện lại bị phá tan tành, từ đó đến nay chúng tôi không có nhà nguyện nữa. Chúng tôi được chia thành nhiều nhóm nhỏ phải tập trung cầu nguyện tại các hầm trú ẩn do các chú Yao phu được đào tạo từ trường Cuenot Kon Tum về hướng dẫn cầu nguyện và sống đạo. (1 hầm tại nhà ông Ôl, 1 hầm tại nhà ông Byơih, 1 hầm tại nhà ông Byit…). Dân làng vẫn tiếp tục theo đạo và một số do các chú Yao phu rửa tội, một số do các cha ở Pleiku rửa tội.

  • Đến năm 1979 chúng tôi làm đơn xin phép làm nhà nguyện nhưng không được chấp thuận.
  • Năm 1986 một số dân làng Kơ Dung I Và Kơ Dung II theo đạo.
  • Đến năm 1998 chúng tôi gặp cha Antôn Đinh Bạt Huỳnh (sinh năm 1942, lãnh sứ vụ Linh mục 1972, về nhà Chúa 24.5.2007), cha xứ Phú Thọ, An Mỹ đến với chúng tôi và cùng với Giáo Họ Phú Yên, chúng tôi bắt đầu có thánh lễ Chủ Nhật (vào lúc 9 giờ sáng). Từ đó được Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong các làng xung quanh nữa và họ bắt đầu theo đạo:
  • Năm 1999 làng Kon Chrăh, làng Đe Chrơng theo đạo.
  • Năm 2000 làng Jơ Long và lang De Đak theo đạo.
  • Năm 2004 có thêm làng Đak Hoa, làng Đe Kop, làng Đe Kông, làng Đe Alao và làng Đe Tơ Drăh theo đạo.
  • Năm 2004 Cha Giuse Phạm Minh Kông coi sóc.
  • Năm 2006 cha Phaolô Nguyễn Văn Công coi sóc.
  • Đến ngày 12 tháng 5 năm 2008 cha Phaolô Nguyễn Đình Thi coi sóc cho đến nay.


Từ khi dân làng bắt đầu theo đạo cho đến nay là 54 năm.

Người ghi lại tóm tắt lịch sử theo đạo tại vùng Mang Yang.

(Trung tâm Kret Krot)


Các Chú Yao Phu

* HIỆN NAY: Tổng số Giáo dân: 447 hộ, với 2.397 tín hữu, trong đó:

Plei Kret Krot: 120 hộ, với 679 tín hữu.

Plei KonChrăh: 30 hộ, với 146 tín hữu.

Plei KonHoa: 47 hộ, với 154 tín hữu.

Plei Kơ Dung I: 48 hộ, với 279 tín hữu

Plei Kơ Dung II:73 hộ, với 467 tín hữu.

Plei YơLong: 58 hộ, với 278 tín hữu.

Plei DeĐak: 32 hộ, với 177 tín hữu.

Plei PơChăk: 37 hộ, với 227 tín hữu.
 
Tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận Vinh
Giuse Văn Học
10:26 12/11/2008
VINH - Hằng năm cứ đến hẹn lại về, vào thượng tuần tháng Cầu Cho Các Linh Hồn, linh mục đoàn trong giáo phận Vinh tề tựu về bên vị Cha chung để lắng nghe tiếng Thầy nhắc bảo và thầm thì với Thầy trong bầu khí thinh lặng của cõi lòng, lắng sâu vào trong một không gian tâm hồn của cảm nghiệm sâu xa tình Thầy Chí Ái.

Sau những tháng ngày bận rộn giành thời gian lo cho phần rỗi của con chiên, nay đến lượt mình, các Linh mục trong Giáo phận được một tuần chìm trong bầu khí thinh lặng để kiểm thảo, để chỉnh huấn và để có điều kiện lắng nghe tiếng Chúa một cách rõ nét hơn. Cũng như công việc thường nhật của bao người lao công, họ cũng cần giành thời giờ cho những việc tinh thần sau chuỗi ngày lăn xả vào dòng đời hối hảtất bật lo toan cho cuộc sống mưu sinh. Người linh mục cũng cần có những giờ phút đi vào "sa mạc tâm hồn" để được nhìn ngắm bức chân dung của mình, chiêm ngắm tôn nhan của Thầy Chí Ái.

Tuần lễ đặc biệt này khởi đầu vào 14h 30 chiều thứ Hai 10/11 đến sáng thứ Sáu 14/11/2008. Hầu hết các linh mục trong giáo phận đều có mặt đông đủ, khoảng 150 linh mục, kể cả những cha đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Xã Đoài cũng tham dự một cách nhiệt tình, sốt sắng.

Tuần tĩnh tâm được mở đầu với buổi gặp mặt và cùng nhau kiểm thảo về những mặt được và chưa được trong công tác mục vụ của các linh mục trong tư cách chủ chăn nơi nhiệm sở của mình, mối tương quan với anh em trong linh mục đoàn và với giáo phận nói chung.

Năm nay, giáo phận vui mừng và vinh dự đón tiếp Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục giáo phận Mỹ Tho đến giảng phòng cho các linh mục về đề tài "Linh mục là nhà giáo dục đời sống Đạo của dân Chúa", dựa trên Sứ Điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa kỳ thứ 12. Một đề tài rất thích hợp cho đời sống linh mục, những người trực tiếp giáo dục Đức Tin cho con người hôm nay. Chủ đề chia sẻ được phân ra các tiểu mục cho từng bài giảng:

Linh mục là Thầy dạy Đức Tin

Linh mục là Thầy dạy yêu thương

Linh mục là Thầy dạy hy vọng

Linh mục là Thầy dạy cầu nguyện

Linh mục là Thầy dạy thờ phượng Thiên Chúa

Linh mục vừa là Thầy dạy vừa là môn sinh.

Đức tin Công giáo được hình thành trên 2 nguồn chính yếu: Thánh Kinh và Thánh Truyền. Vì là Lời đã biến thành nhục thể, nên Đức Tin của chúng ta không chỉ hệ tại bởi Lời mà còn được cụ thể hóa một cách sống động qua dòng lịch sử cứu độ, nơi một nhân vật cụ thể và nối dài lan tỏa mở rộng cương giới phạm vi ra khắp mọi nơi, mọi thời và cho khắp muôn dân. Phần rỗi của con người không chỉ hệ ở Đức Tin mà còn phải được cụ thể hóa trong hành động, bởi "Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết" (Giacôbê) - Một sự khác biệt sâu xa nhất giữa Công giáo và Thệ phản giáo: "Kinh Thánh là 'chứng từ' của Lời Chúa dưới hình thức chữ viết, là văn kiện tưởng niệm theo qui luật, lịch sử và văn chương, làm chứng biến cố mạc khải sáng tạo và cứu độ. Vì thế, Lời Chúa đi trước và đi xa hơn Kinh Thánh, Kinh Thánh cũng được Thiên Chúa linh hứng, và chứa đựng Lời Chúa hiệu năng (cf 2 Tm 3,16). Chính vì thế, đức tin của chúng ta không có trọng tâm là cuốn Kinh Thánh mà thôi, nhưng là lịch sử cứu độ và một nhân vật là Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và là lịch sử". Vì Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người nên nó bị khúc xạ qua nhãn quan của con người, qua xã hội và lịch sử của con người, vì thế đòi buộc Giáo hội phải luôn có quá trình tân Phúc Âm hóa và tái Phúc Âm hóa để chính Lời trở thành tiếng yêu thương - lá thư tình của Thiên Chúa gửi cho con người, và làm phong phú thêm kho tàng của Lời chứ không phải giảm thiểu tính linh thiêng, sự quy chuẩn và đặc tính bất biến vĩnh hằng của Lời căn cứ vào câu Kinh Thánh: " …trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành" (Mt 5,18) để phủ nhận công việc tân Phúc Âm hóa và tái Phúc Âm hóa.

Mỗi ngày Đức Cha chia sẻ với các linh mục hai bài, với một lối diễn tả đơn sơ nhưng rất thực tế và sinh động, Đức Cha đã giúp cho các linh mục có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện, rõ nét và thực tế hơn về vai trò và sứ mệnh của một "Nhà giáo dục đời sống Đạo cho dân Chúa", thông qua "Bức thư tình" - Kinh Thánh - gói trọn những tâm sự chân thành trìu mến của Thiên Chúa tình yêu trao gửi cho con người, một lá thư không chỉ được viết bằng nét chữ của con người với "những cây cọ phàm trần" mà còn bằng máu của Con Chiên.
 
Giáo phận Lạng Sơn chia sẻ và hiệp thông với Tổng giáo phận Hà Nội
+GM Giuse Đặng Đức Ngân
10:37 12/11/2008

Lạng sơn, ngày 11 tháng 11 năm 2008

Kính gửi: Đức Cha Giuse NGÔ QUANG KIỆT
Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà-Nội

Trọng kính Đức Tổng,

Trong những ngày vừa qua, qua các phương tiện truyền thông thấy lũ lụt, ngập nước tại nhiều tỉnh miền Bắc (cả một số vùng tại Lạng sơn), đặc biệt tại Thủ đô Hà-Nội và các vùng phụ cận: đã gây nhiều mất mát về người, về tài sản, sinh hoạt cuộc sống gặp biết bao khó khăn và thử thách.

Qua thư của Đức Tổng gửi Cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận Hà-Nội, chúng con biết tin chị Mađalêna Hân, 33 tuổi, giáo dân của giáo xứ Đồng Chiêm, huyện Mỹ đức (thuộc Tổng Giáo phận Hà-Nội) đã thiệt mạng do trận mưa lũ lụt này.

Xin hiệp ý cùng Tổng Giáo phận, giáo xứ Đổng Chiêm để phân ưu cùng gia quyến chị Madalêna, cầu xin Chúa thương đón nhận linh hồn chị vào hưởng Tôn Nhan Chúa; xin bày tỏ cùng các gia đình bị thiệt hại về người, về tài sản, hoa mầu sự cảm thông và sẻ chia của chúng con. Giáo phận chúng con nhiều gia đình ở một số giáo xứ bị ngập lụt lần thứ hai sau trận ngập lụt cuối tháng 9 trước, nhưng lần này nước dâng thấp hơn và sự thiệt hại về tài sản hoa mầu cũng hạn chế hơn lần trước.

Tuần tới, chúng con kêu gọi Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Lạng sơn-Cao Bằng, với Đức ái Kitô giáo để có thể chia sẻ với khả năng nhỏ bé của mình trong tinh thần Hiệp thông với Giáo phận Hà-Nội thân yêu. Xin Đức Tổng đón nhận sự sẻ chia rất nhỏ bé của Giáo phận chúng con gửi tới hôm nay, như một tâm tình hiệp thông, nguyện cầu và đồng hành với Đức Tin và nghĩa cử tình người.

Một lần nữa, chúng con xin bày tỏ tâm tình huynh đệ và đức ái với Đức Tổng, với quý Cha, quý Tu sĩ, quý Chủng sinh và quý Ông và Anh chị em giáo dân Tổng Giáo phận Hà-Nội; đặc biệt lời thăm hỏi chân thành và đồng cảm tới tất cả những gia đình Công giáo và lương dân bị thiệt hại về tinh thần và tài sản tại các vùng ngập lụt vừa qua.

Chúng con kính chúc Đức Tổng luôn tràn đầy Ơn thánh Chúa, sức khỏe và bình an.

Kính thư,


+ Giuse Đặng Đức Ngân
Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn
 
Phòng Khám Kim Long Huế mừng kỷ niệm 16 năm phục vụ người nghèo
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
11:00 12/11/2008
Huế, Việt Nam (12-11-2008). Nằm dọc theo bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 3 cây số về hướng Tây Bắc. Hôm 11 -11-2008, các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 16 thành lập Phòng khám từ thiện Kim Long Huế.

Nữ tu Nguyễn Thị Luyến, băng bó vết thưong
Được thành lập từ năm 1992, nhằm khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS, do nữ tu bác sĩ Benedictine Nguyễn Thị Điền phụ trách. Thánh Lễ do cha Alphong Nguyễn Hữu Long, giáo sư đại chủng viện Huế chủ tế, với sự tham dự của hơn 100 nữ tu và 15 tình nguyện viên giáo dân, đang phục vụ HIV/AIDS tại Tổng giáo phận Huế.

Cách đây đúng 16 năm, chỉ với hai phòng khám nhỏ, đến nay dòng đã có cơ sở hai tầng với những trang thiết bị máy móc hiện đại như X quang, Siêu âm, đo điện tâm đồ, phòng Răng, phòng Đông y, phòng khám với đội ngũ gần 30 Y Bác sĩ và Kỹ thuật viên để phục vụ cho trên 1000 bệnh nhân trong và ngoại viện, mỗi tuần 3 ngày: thứ Ba, Năm, Bảy.

Cha Nguyễn Hữu Long chủ tế Thánh lễ
Lễ kỷ niệm thứ 16 năm nay 2008, đúng vào ngày lễ thánh Mác-ti-nô Giám mục, vị thánh được Chúa gọi từ một Kỵ binh La Mã, khi đang cởi ngựa, ngài thấy một người hành khất tả tơi rét run vì lạnh giá bên vệ đường, ngài chạnh lòng thương nhưng tiền không có, Mactinô liền tuốt gươm cắt áo choàng cho người hành khất một nửa. Đêm sau, lúc đang ngủ, Mactinô thấy Chúa Giêsu hiện ra, mặc nửa chiếc áo khoác mà ngài đã cho người hành khất hôm trước.

Ngoài việc khám phát thuốc, việc chăm sóc những anh chị em lây nhiễm HIV, được các nữ tu giúp vốn cho gia đình và tạo điều kiện cho con em họ được đến trường, đối với người ốm đau tại viện, qua từng bát cháo được các nữ tu và tình nguyện viên Kim Long mang đến cho từng bệnh nhân AIDS tại bệnh viện với thái độ ân cần, việc làm đó không phải ai cũng có thể làm được, chỉ những ai biết chạnh lòng thương.

Thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em HIV/AIDS
Trong nguyệt san Thắp Sáng Niềm Tin của phòng khám, một người ngoài Công giáo có nhiễm HIV/AIDS, chia sẻ:’’ có những bệnh nhân, trước lúc qua đời, thèm ăn một chén chè, hoặc một tô bún. Các Sơ nấu và đem đến đút cho từng bệnh nhân ăn, Chính các Sơ là mẹ thứ hai của chúng tôi’’.

Cha Long, giáo sư Đại chủng viện Huế, nói trong Thánh lễ kỷ niệm 16 năm,: ’’ Chúa Giêsu yêu thương phục vụ chúng ta để chúng ta phục vụ vô vị lợi anh chị em đồng loại. ngài nhắc lại Lời Chúa:’’ Vì mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các con làm cho chính Ta vậy’’.(Mathêu 24,40).
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Một vài kỷ niệm với Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền
Trần Ðông Phong
12:42 12/11/2008
Một vài kỷ niệm với Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền

Vào khoảng đầu thập niên 1970, nhân một dịp ra thăm Huế, tôi được mời đến tham dự một buổi lễ điạ phương tổ chức tại Toà Ðại Biểu Chính Phủ bên bờ sông Hương. Sau buổi lễ, trong phần tiếp tân, ông Tỉnh Trưởng dẫn tôi đến trước mặt Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền, Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế và giới thiệu tôi với Ngài. Trước sự ngạc nhiên của ông Tỉnh Trưởng, Ðức Tổng Giám Mục vồn vã nắm chặt lấy tay tôi và nói:

Đức TGM Nguyễn Kim Điền
-Chào anh giáo sư. Ðã hơn mười năm rồi mới được gặp lại anh!

Rồi ông quay sang ông Tỉnh Trưởng nói tiếp:

-Tôi quen với ông giáo sư này từ trước khi tôi làm Giám mục Ðiạ phận Cần Thơ, cách đây mười mấy năm rồi. Hôm nay nhờ ông Tỉnh Trưởng mà tôi lại được gặp lại một người bạn cũ, tôi cám ơn ông Tỉnh nhiều lắm!

Ðại Tá Lê Văn Thân cũng cười nói với Ngài:

-Thưa Ðức Tổng, con quen biết ông này cũng lâu rồi, bây giờ nhờ Ðức Tổng mới biết ông ấy ngày xưa làm giáo sư.

Sau một hồi hàn huyên, Ðức Cha hỏi tôi chừng nào trở về Sài Gòn và sau khi tôi thưa rằng tôi còn ở lại Huế vài ba hôm nưã thì Ngài hỏi tôi:

-Ngài mai anh đến thăm tôi nhé! Tôi muốn gặp riêng anh để hỏi thăm chuyện cũ hồi ở Cần Thơ. À này, anh nhớ đến ăn cơm trưa với tôi nghe!

Hồi cuối thập niên 1950, tôi dạy học tại trường Trung Học Phan Thanh Giản, một trường công lập tại Tây Ðô. Tiếng là thủ đô của miền Tây nhưng Cần Thơ chỉ là một thành phố nhỏ bên dòng sông Hậu Giang, không có nhiều môn giải trí cho nên bọn chúng tôi, một nhóm độc thân đa số là luật sư, bác sĩ, kỹ sư, công chức và giáo sư sau giờ làm việc thường tụ họp với nhau ở qúan Ngọc Lợi tại sân quần vợt để đấu láo, ăn tục nói phét và nói chuyện trên trời dưới đất...

Chuyện trên trời dưới đất đối với chúng tôi hồi đó, ngoài những chuyện liên quan đến văn chương, lịch sử, kinh tế, xã hội và cả những chuyện về chính trị bên Tây, bên Tàu, bên Nga, bên Mỹ và dĩ nhiên là cũng có nhiều chuyện xảy ra ngay trong đất nước. Ða số chúng tôi đều là những người trẻ tuổi, chẳng biết sợ trời sợ đất gì cả cho nên chẳng cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, ưa thích ai thì khen người đó mà không thích ai thì chỉ trích thẳng thừng chẳng nể nang gì, mỗi người một ý kiến và do đó mà những buổi gặp gỡ hàng ngày đều vô cùng thú vị, nhất là những lần nói chuyện về tình hình đất nước.

Có một buổi chiều, Luật sư Nguyễn Văn Anh đưa một người bạn của anh đến chơi và giới thiệu với chúng tôi:

“Ðây là anh Ðiền, ở bên Tây mới về!”

Khi được hỏi anh đang làm việc ở đâu thì anh Ðiền chỉ cho biết anh đang làm cho một chương trình xã hội và lao động. Anh nói với chúng tôi nưả đùa nửa thật:

-Sự thật thì tôi làm lao động nhưng mà nói như vậy thì chắc rằng các anh không tin đâu!

Dĩ nhiên là chúng tôi không thể nào tin được chuyện đó vì một người “ở bên Tây về” thì không thể nào lại đi làm công việc lao động ở cái xứ Việt Nam vừa mới dành được độc lập cách đấy chỉ có mới hơn ba năm. Về sau nhiều lần chúng tôi hỏi Luật sư Anh về nghề nghiệp của anh Ðiền thì anh chàng này chỉ nói quanh nói quất rằng anh Ðiền đang làm công việc có liên quan đến ngành lao động. Tuy vậy bọn chúng tôi cũng không thể nào tin rằng một người từng đi du học Pháp trở về, nhất làcó vóc dáng và gương mặt trí thức như anh Ðiền mà lại làm nghề có liên quan đến giới lao động.

Sau lần đó, anh Ðiền trở lại tham dự vào những buổi chuyện phiếm của chúng tôi nhiều lần và được chúng tôi qúy mến vô cùng.

Anh Ðiền là người khôi ngô, cao ráo, đẹp trai, mũi cao, đôi mắt hiền hoà với nụ cười khả ái, tuy ăn mặc giàn dị và ít nói nhưng không dấu được nét thông minh với vầng trán rộng. Anh vào trạc trên ba mươi mấy tuổi, so với chúng tôi thì anh Ðiền lớn hơn chúng tôi khoảng trên mười mấy tuổi, cho nên chúng tôi coi anh như là một bậc đàn anh. Nếu chúng tôi ăn to nói lớn, ăn tục nói phét thì anh Ðiền là người điềm đạm và ăn nói năng từ tốn, chững chạc, nếu chúng tôi thường chỉ trích những người trong chính quyền thì anh Ðiền thường chỉ ngồi nghe chứ ít khi phát biểu ý kiến. Có nhiều khi chúng tôi yêu cầu anh phát biểu ý kiến thì anh viện cớ là ở ngoại quốc mới về Việt Nam cho nên anh muốn nghe để học hỏi thêm về chuyện quê hương đất nước chứ không dám có ý kiến.

Anh Ðiền thường né tránh như vậy mỗi khi chúng tôi nói chuyện về chính trị, tuy nhiên khi thảo luận về những vấn đề văn hoá và xã hội thì anh cũng đóng góp nhiều ý kiến, nhất là nói về những kinh nghiệm của anh ở Pháp và Bắc Phi. Khi nghe anh nói về Bắc Phi, chúng tôi vô cùng thích thú vì đó là một vùng đất mà chúng tôi chỉ nghe nói qua sách vở, qua những bài học về điạ lý đơn sơ, về những con người mà chúng tôi không hề có cảm tình vì dưới thời thực dân Pháp, không có một người Việt Nam nào mà lại không sợ mấy ông Tây Ma-rốc, Sénégalais “rạch mặt” v.v... Anh kể cho chúng tôi nghe về sa mạc Sahara mà anh đã có nhiều dịp du hành vào vùng đó và nhất là nói về ý nghiã của danh từ “ốc đảo” (oassis) mà chúng tôi chỉ nghe nói chứ không có một khái niệm nào.

Tôi còn nhớ anh Ðiền nói với chúng tôi: “Các anh không thể nào hiểu được “ốc đảo” nếu mà các anh chưa vào sa mạc Sahara, chưa chịu đựng qua cái nóng cháy người của ánh mặt trời và những cơn bão cát trong sa mạc, chưa chịu đựng qua cái khát kinh người sau một ngày ngất ngư trong sa mạc... Chỉ có sau những sự chịu đựng đó thì các anh mới hiểu được hai chữ “ốc đảo” vì ốc đảo là tất cả những cái gì con người mơ ước trong sa mạc, những cái gì trái ngược với những sự chịu đựng tột cùng đó của thể xác con người...”

Có lẽ tôi là một trong những ngưòi lấy làm thích thú nhất về ốc đảo do anh Ðiền mô tả cho nên khoảng hai mươi năm sau, trong thời gian làm việc tại Bắc Phi, tôi đã lần mò đi vào sa mạc Sahara tận vùng cực nam nước Tunisie và tôi đã biết ơn anh Ðiền, vì nhờ anh tôi đã lãnh hội được ý nghiã của danh từ “ốc đảo” mà anh đã nói với chúng tôi ở Cần Thơ hồi trước.

Hồi cuối thập niên 1950, năm sáu năm sau Hiệp định Genève, đất nước đang được sống trong cảnh thanh bình thịnh trị và về chính trị thì người dân nói chung và giới trí thức nói riêng đều được hưởng một cuộc sống tự do và cởi mở rất nhiều so với thời đất nước còn bị người Pháp cai trị. Chúng tôi biết ơn nền Ðệ Nhất Cộng Hoà, tuy nhiên không vì thế mà nhắm mắt ca ngợi chế độ vì chế độ này vẫn còn non trẻ và do đó vẫn còn có rất nhiều sai lầm cũng như là khuyết điểm. Những bậc lão thành thì dù có bất mãn họ cũng không nói ra một cách công khai, tuy nhiên là những người còn trẻ tuổi, mới ngoài đôi mươi, chúng tôi chẳng cần giữ gìn, chẳng cần ý tứ dè dặt gì cả, hễ nghe hay thấy “chuyện bất bình thì chẳng tha.” Chẳng tha đây là chẳng tha chỉ trích những sai lầm của chế độ còn có ai nghe hay không thì chuyện đó cũng chẳng có gì quan trọng. Chúng tôi chỉ trích từ “ông Cậu” tức là ông Ngô Ðình Cẩn ở miền Trung, chỉ trích “bà Cố” tức là bà Cố Vấn Ngô Ðình Nhu ở Sài Gòn và đặc biệt là chỉ trích “Ðức Cha” tức là Giám Mục Ngô Ðình Thục, Giám mục điạ phận Vĩnh Long, chỉ cách Cần Thơ có một dòng sông Hậu Giang.

Ông Cậu thì ở tận ngoài Huế nên chúng tôi ít nói về ông, tuy nhiên Bà Cố thì ngoài những chuyện đồn đại ở Sài Gòn liên quan đến bộ Luật Gia Ðình, mà chúng tôi không chống đối, bà lại bị chúng tôi chỉ trích về việc ông Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống và Bà Ðệ Nhất Phu Nhân lại không cho con cái đi học trường của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mà tất cả đều đi học trường... Tây, và tệ hơn nưã, ông bà cùng con cái luôn luôn chỉ nói tiếng... Tây với nhau trong gia đình.

Riêng về Ðức Cha Thục thì tôi là người thường chỉ trích ông nhiều nhất vì chuyện ông chỉ là một vị giám mục mà gần như hầu hết các nhân vật cao cấp trong chính quyền hồi đó đều phải về Vĩnh Long “triều kiến” ông, còn đối với những cấp chỉ huy hành chánh cũng như là quân sự ở miền Tây thì khỏi nói, người ta đồn rằng nếu người nào làm điều gì ông không hài lòng thì thế nào cũng bị mất chức. Về chuyện này, tôi còn nhớ trong giới trí thức hồi đó, người ta đã sưả một câu vè nổi tiếng lại như sau: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế... Vĩnh Long!”

Dạo ấy, ông có làm một cái lễ kỷ niệm gì đó, hình như là kỷ niệm mấy chục năm làm giám mục điạ phận Vĩnh Long chứ chưa phải là lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục vào năm 1963. Cái việc làm lễ kỷ niệm đó chỉ là chuyện riêng của ông, gia đình của ông và giáo dân của ông, vậy mà Bộ Giáo Dục lại ra lệnh trừ một ngày lương của tất cả giáo sư, giáo viên và công chức trên toàn quốc để đóng góp vào ngân qũy làm lễ này. Sở dĩ tôi bất mãn như vậy không phải là bị trừ đi một ngày lương mà vì vấn đề nguyên tắc: Ðức Cha Ngô Ðình Thục tuy là anh ruột của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nhưng có ăn nhằm gì đến đám giáo sư và giáo viên trên toàn quốc mà ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế, một đàn em thân tín của Ðức Cha Thục, lại bắt chúng tôi phải góp tiền để làm lễ kỷ niệm cho ông Giám Mục? Ông lấy tư cách gì mà ra lệnh cho ông Bộ Trưởng Giáo Dục ký chỉ thị trừ một ngày lương của tất cả nhân viên trong bộ trên toàn quốc? Chuyện này ông Tổng Thống có biết hay không và nếu ông Tổng Thống có biết mà không ra lệnh ngưng việc đó hay khiển trách ông Bộ Trưởng thì đó là một sự vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc “séparation de l’état et de l’église” (phân quyền giưã nhà nước và giáo hội), một nguyên tắc mà giới trí thức trẻ chúng tôi nhiệt thành ủng hộ.

Những lần như vậy thì anh Ðiền chỉ lẳng lặng ngồi nghe, không hề bày tỏ một ý kiến gì tuy nhiên khi nhìn vào khuôn mặt anh, tôi thấy anh không dấu được nét đăm chiêu trong ánh mắt. Tuy không biết rõ anh làm nghề gì nhưng chúng tôi, và riêng tôi, bao giờ cũng bày tỏ sự kính mến đối với con người lớn tuổi đầy kinh nghiệm, hiểu nhiều biết rộng nhưng lại vô cùng khiêm tốn này và tất cả chúng tôi ai ai cũng đều dành cho anh Ðiền sự kính trọng và cảm tình vô cùng nồng hậu. Có nhiều khi năm ba ngày không thấy anh ghé đến chơi, chúng tôi hỏi Luật sư Anh thì anh chàng này cho biết rằng anh Ðiền ở tận trong Bình Thủy, cách thành phố Cần Thơ lối chừng chưa đến mười cây số, do đó chỉ khi nào anh Ðiền nhắn thì anh ấy mới vô Bình Thủy đón anh ra Cần Thơ chơi.

Ðến khoảng cuối năm 1960 thì anh Ðiền gần như không đến gặp chúng tôi nưã và sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11 tháng 11 năm 1960 thì chúng tôi cũng trở nên dè dặt trong lời ăn tiếng nói hơn trước. Riêng tôi thì lại càng dè dặt hơn sau khi bị Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung “hỏi thăm sức khoẻ,” do đó những buổi nói chuyện trên trời dưới đất của bọn chúng tôi lại quay sang đề tài vô thưởng vô phạt, chẳng hạn như là nói về... chuyện chưởng.

Chúng tôi gần như quên anh Ðiền thì vào khoảng tháng 3 năm 1961, nhà trường chỉ thị cho một số giáo sư, trong đó có tôi, phải đến tham dự buổi thánh lễ do vị tân Giám Mục Ðiạ phận Cần Thơ làm chủ tế lần đầu tiên sau khi được thụ phong tại Sài Gòn cách đó chừng hơn một tháng.

Tôi không phải là người theo Thiên Chúa giáo, lại không thích lễ ở nhà thờ vì hồi mới vào trung học, tôi sống nội trú trong một trường Thánh La Salle và ngày nào cũng phải dậy sớm để dự thánh lễ từ năm giờ sáng. Do đó khi đến dự lễ tại nhà thờ chánh toà Cần Thơ thì tôi tìm cách đứng sau tận cùng nhà thờ, thỉnh thoảng lại còn lén ra ngoài hút thuốc lá, do đó cũng không để ý gì nhiều đến vị tân giám mục. Tuy nhiên khi vị chủ tế đưa thánh giá lên và nghe tiếng chuông leng keng thì tôi thật mừng vì biết rằng buổi lễ sắp kết thúc, từ cuối nhà thờ, tôi nhìn lên phiá bàn thờ và ngạc nhiên khi thấy vị tân giám mục trông có vài nét quen thuộc, tuy nhiên sau buổi lễ, tôi ra về nhưng cũng không để ý gì đến chuyện đó vì tôi không hề quen biết với một vị linh mục hay giám mục nào trong vùng Hậu Giang này cả.

Ít lâu sau đó, một vài người trong đó có tôi nhận được thư mời của Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đến dự một bưã cơm thân mật tại Toà Giám Mục. Tôi rất ngạc nhiên vì tôi không hề quen biết với ông tân giám mục này, khi tôi hỏi Luật sư Anh thì hắn ta chỉ cười cười nói với tôi rằng: “Thì lát nưã toa gặp ông ấy rồi sẽ biết!” Tuy hắn nói như vậy nhưng tôi bỗng chợt nghĩ ra: “Không lẽ ông tân giám mục lại là... anh Ðiền?

Khi Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền ra tiếp đón chúng tôi thì tôi chưng hửng, vưà ngạc nhiên vưà thích thú vì đúng như sự tiên đoán của tôi, Ðức Giám Mục chính là... anh Ðiền!

Ngay lúc đó, dù rằng có sự quen biết nhưng giưã vị tân giám mục và chúng tôi thì đã có một khoảng cách thật xa vì đối với chúng tôi thì ông không còn là anh Ðiền khi xưa nưã mà đã trở thành người lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn tại miền Tây. Tuy nhiên, khi gặp lại chúng tôi, Ðức Cha Ðiền tiếp đãi chúng tôi vô cùng cởi mở và thân thiện, từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, ông vẫn đối xử với chúng tôi như xưa.

Tôi vô cùng cảm động và nói với ông: -Thưa Ðức Cha, con xin thành thật xin lỗi là trong thời gian qua, chúng con không hề được biết Ðức Cha là linh mục cho nên đôi khi đã có nhiều điều thất lễ đối với Ðức Cha. Kính xin Ðức Cha niệm tình tha thứ cho tất cả chúng con.”

Ðức Cha cười lớn rồi nói với chúng tôi: -Thưa các anh, đáng lý ra thì tôi phải mời các anh đến nói chuyện ở Qúan Ngọc Lợi như chúng ta vẫn thường nói chuyện trước kia, tuy nhiên chuyện đó bây giờ không thích hợp với điạ vị giám mục của tôi và tôi lấy làm tiếc là đã không được cùng các anh ngồi nói chuyện trong khung cảnh thân mật hơn đó. Hôm nay tôi mời các anh đến đây, trước hết là xin ngỏ lời cám ơn các anh đã dành cho tôi thật nhiều cảm tình trước đây và nhất là cám ơn các anh đã cho tôi biết được nhiều chuyện ở ngoài đời mà với cuộc sống của một người linh mục phục vụ trong giới người lao động nghèo khó thì tôi khó mà biết được. Chính vì lẽ đó mà tôi đã căn dặn anh Luật sư Anh nhiều lần là không bao giờ cho các anh biết tôi là linh mục vì nếu các anh biết tôi là linh mục thì các anh sẽ trở nên dè dặt với tôi và những buổi nói chuyện của chúng ta sẽ mất đi phần hứng thú rất nhiều. Thú thật với các anh là từ ngày ở ngoại quốc trở về Việt Nam, chưa bao giờ tôi được sống những giờ phút đầy thú vị, cả về phương diện tinh thần lẫn dân tộc vì tôi được sống giưã những người Việt Nam, được nghe thảo luận về những vấn đề của Việt Nam và nhất là được biết những người Việt Nam có lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào và yêu xã hội... của giới trẻ như các anh. Tôi rất vui mừng vì các anh cũng có cùng chí hướng như tôi, vì các anh cũng muốn cải thiện đời sống của người dân, các anh cũng muốn nâng cao dân trí, cũng muốn sưả đổi những sai lầm, những khuyết điểm trong xã hội để xây dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn cho người dân Miền Nam nói chung và vùng Hậu Giang nói riêng. Thú thật với các anh là cũng chính vì chí hướng đó mà tôi đã xin tình nguyện gia nhập Dòng Tiểu Ðệ, một dòng “hèn mọn”với lý tưởng phục vụ cho dân lao động, đã sang phục vụ tại Phi Châu và khi về Việt Nam, tôi cũng đã làm những công việc lao động để phục vụ cho người dân nghèo từ Sài Gòn và sau này về Cần Thơ và được gặp các anh...

"Tôi xin cám ơn các anh rất nhiều...”

Trong buổi gặp gỡ đó, Ðức Cha Ðiền cho chúng tôi biết một vài chi tiết về cuộc đời của Ngài: vào chủng viện năm 1930, thụ phong linh mục năm 1947, sau đó làm giáo sư tại chủng viện Sài Gòn và trở thành giám đốc chủng viện vào năm 1949. Năm 1955, Ðức Cha xin tình nguyện gia nhập Dòng Tiểu Ðệ tức là dòng Little Brothers of Jesus hay là dòng Foucauld do Linh mục Charles de Foucauld khai sáng.

Tử Tước Vicomte Charles Eugène de Foucauld (1858-1916) là con nhà thế gia vọng tộc, tốt nghiệp trường Võ Bị Saint Cyr của Pháp vào năm 1876 rồi phục vụ trong quân đội Pháp tại Algérie. Khi còn trẻ ông sống một cuộc đời ăn chơi phóng đãng, nhưng đến năm 1882 thì ông rời khỏi quân đội sang khảo cứu tại nước Maroc (Morocco). Năm 1890, ông vào tu theo dòng Trappist (một dòng tu theo khổ hạnh) nhưng 7 năm sau thì bỏ dòng tu này, sang Algérie sống như một nhà ẩn sĩ tại vùng Tamanghasset thuộc miền Nam nước Algérie, trong vùng sa mạc Sahara. Ông được thụ phong linh mục vào năm 1901, lúc bấy giờ đã 43 tuổi. Charles de Foucauld xem tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc và giai cấp đều là anh em (brothers), chị em (sisters). Foucauld đưa ra những tư tưởng căn bản để thành lập một dòng tu mới nhằm mục đích phục vụ cho người nghèo khổ, tuy nhiên ước vọng này của ông bất thành vì vào năm 1916 thì ông lại bị người Ả Rập Hồi giáo giết chết.

Tư tưởng của ông về sau được Louis Massignon thu thập lại và in thành cuốn sách “Directory” và đến năm 1933 thì một dòng tu mới dựa vào đường lối và tư tưởng của Linh Mục Foucauld được 5 vị chủng sinh thành lập tại Giáo đường Thánh Tâm (Sacre-Coeurs) ở Montmartre, Paris. Dòng tu mới này mang tên là Little Brothers of Jesus (Tiểu Ðệ) dành cho phái nam và Little Sisters of Jesus (Tiểu Muội) dành cho phái nữ, tuy nhiên nhiều người đã gọi là Dòng Foucauld.

Ba quy luật căn bản của dòng tu này là sự nghèo khổ (poverty), sự thanh khiết (chastity) và sự vâng lời (obedience) mà tất cả mọi người gia nhập dòng này đều phải tuyệt đối tuân phục.

Gần một thế kỷ sau khi ông bị người Ả Rập giết chết, Linh mục Charles de Foucauld đã được Toà Thánh Vatican xem như là một vị tử đạo và ông đã được Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI phong thánh vào ngày 13 tháng 11 năm 2005.

Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền đã là một linh mục từ năm 1947 nhưng đến năm 1955 thì ông lại xin gia nhập vào Dòng Tiểu Ðệ. Ông đã sang tu học tại Bắc Phi, sống tập thể cùng với các tu sĩ dòng Tiểu Ðệ ở El-Abiodh và Saint Maximin ở Algérie và phục vụ cho những người nghèo khổ trong vùng sa mạc Sahara ở phiá nam nước Algérie. Tháng 11 năm 1956, ông đã nhận áo dòng Tiểu Ðệ trước mặt Ðức Cha De Provenchère, Linh mục Voillaume và một số các Soeurs dòng Tiểu Muội.

Ðến năm 1957, ông trở về Việt Nam phục vụ cho người nghèo với nghề lao động chân tay như đạp xích lô, thợ mộc, thợ hồ v.v. tại Sài Gòn, Lâm Ðồng và cuối cùng về Cần Thơ sống tại Bình Thủy. Cuối tháng 11 năm 1960, ông được Toà Thánh Vatican bổ nhiệm làm Giám Mục Ðiạ Phận Cần Thơ dù rằng ông đã cố gắng từ chối vinh dự này, chỉ muốn được ở lại làm một người “Tiểu Ðệ” mà thôi. Trong bút ký ghi ngày 8 tháng 12 năm 1960, Linh mục Nguyễn Kim Ðiền viết như sau: “Chân thành mà nói, tôi khổ tâm mà không thể hiểu nổi. Ðại diện Toà Thánh nói rằng tôi không có thể khước từ. Tôi xin chấp nhận sứ mệnh này như lời mời đón nhận Thánh Giá...”

Giám mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Ðiền là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Dòng Tiểu Ðệ và ông cũng là vị linh mục đầu tiên của dòng này trên toàn thế giới đã được thụ phong Giám mục và sau đó là Tổng Giám Mục.

Sau lần đó, lâu lâu Ðức Cha lại cho mời tôi đến Toà Giám mục nói chuyện. Có lần tôi hỏi Ngài: -Thưa Ðức Cha, tại sao đang là một vị linh mục, làm giáo sư và giám đốc một đại chủng viện lớn ở Sài Gòn mà Ðức Cha lại bỏ tất cả để tình nguyện gia nhập một dòng tu khổ hạnh tương đối là mới mẻ, ở mãi tận bên Phi Châu và Việt Nam rất ít người biết đến?

Ngài nhìn tôi mỉm cười rồi trả lời: -Tôi có hoài bão được phục vụ cho Thiên Chúa nhưng mà cũng có tâm nguyện được phục vụ cho những người nghèo khổ và được chia xẻ với họ những sự khốn khó trên đời. Khi đọc được những tư tưởng của Cha de Foucauld thì tôi nhận chân ra rằng đây là con đường mà Thiên Chúa đã chọn cho tôi, do đó mà tôi đã tình nguyện sang Phi Châu để gia nhập dòng Tiểu Ðệ. Tôi muốn phục vụ cho người nghèo khổ...

Rồi Ðức Cha hỏi lại tôi: -Anh không phải là người miền Nam, tại sao anh lại về dạy học ở tận xứ Cần Thơ này?

Tôi trả lời: -Thưa Ðức Cha, do một sự tình cờ mà vào mùa Xuân năm 1953, con theo một người bạn về thăm Tây Ðô và do đó mà rất có cảm tình với miền Tây. Khi đi dạy học, con nghĩ rằng trước đó, cả miền Tây tức là toàn miền Hậu Giang chỉ có mỗi một trường trung học mà thôi và như vậy thì những người trẻ tuổi ở vùng này cần đến giáo sư nhiều hơn là những nơi khác. Con nghĩ rằng sau mười năm chiến tranh, người nông dân có nhu cầu phải cho con cái của họ có được một nền học vấn mà họ chưa hề được hưởng, con nghĩ rằng một trong những con đường giúp cho người dân thoát được cảnh nghèo đói là học vấn, có học thì mới được mở mang trí tuệ để tìm cho cá nhân của họ và giúp cho đồng bào của họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất, về kinh tế, về xã hội cũng như là tinh thần... Do đó mà con đã chọn nơi này với ý nguyện giúp cho những người trẻ tuổi xuất thân từ những gia đình nông dân chân lấm tay bùn...

Ðức Cha nhìn tôi rồi nói với một giọng đầy cảm tình: -Tôi cũng nhận thấy điều đó qua những lời phát biểu của anh trong thời gian được gần gũi các anh và do đó mà tôi rất có cảm tình với anh. Tôi thấy rằng dù không cùng đi theo một con đường nhưng chúng ta đều cũng có cùng chung một mục đích, đó là phục vụ cho những người nghèo khổ, phục vụ cho những người thiếu học vấn, phục vụ cho những ngưòi kém may mắn...

Lần sau cùng tôi được gặp Ðức Cha là lần tôi đến thăm để từ biệt Ngài trước khi lên đường nhập ngũ. Lúc đó vào khoảng năm 1963, vụ Phật giáo vưà bùng nổ tại miền Trung và đang lan ra tại Sài Gòn, tuy nhiên tại miền Tây thì vẫn còn yên tĩnh. Ðức Cha hỏi ý kiến tôi về vụ này thì tôi thưa rằng tôn giáo là một lãnh vực mà chính quyền bất cứ tại quốc gia nào cũng đều không nên xâm phạm đến vì trong lãnh vực tôn giáo, chính quyền bao giời cũng sẽ gặp nhiều điều bất lợi hơn là có lợi.

Ðức Cha hỏi tôi: -Anh có nghĩ rằng trong cương vị một giám mục cai qủan điạ phận Cần Thơ, tôi đã có hành động nào chống lại hoặc làm mất cảm tình với bên Phật giáo hay không?

Tôi trả lời: -Thưa Ðức Cha, với người khác thì con không rõ, tuy nhiên đối với con, một người đã từng từ bỏ chức vụ giám đốc chủng viện tại Sài Gòn để tình nguyện sang Phi Châu xin gia nhập vào Dòng Tiểu Ðệ như Ðức Cha thì không thể nào lại có tư tưởng kỳ thị tôn giáo cả.. Hơn nưã trong mấy năm nay, Ðức Cha chỉ biết đóng vai trò của một vị chủ chiên tại miền Hậu Giang, Ðức Cha tránh không hề giao thiệp với chính quyền từ trung ương đến điạ phương, Ðức Cha luôn luôn hoà đồng với các tôn giáo khác do đó đã chiếm được cảm tình của mọi người, mọi tôn giáo ở vùng này. Miền Tây là điạ bàn của Phật Giáo Hoà Hảo nhưng con không nghe họ chỉ trích gì về Ðức Cha, trái lại là đằng khác.

Ðức Cha nhìn tôi mỉm cười, ông không nói gì tuy nhiên tôi cũng nhìn thấy trên gương mặt của ông thoáng hiện vẻ ưu tư. Khi tôi xin kiếu từ, Ðức Cha ân cần dặn dò tôi: -Sau này khi nào có dịp thì anh phải nhớ đến thăm tôi nghe!

Tôi vào quân đội rồi sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, Ðức Cha cũng rời Cần Thơ ra Huế nhận chức Giám Qủan Tổng Giáo Phận Huế thay cho Tổng Giám mục Ngô Ðình Thục. Huế thuộc Vùng I Chiến Thuật nhưng trong suốt thời gian tại ngũ, tôi chưa hề có dịp được phục vụ tại Vùng I, do đó chưa từng có dịp gặp lại Ðức Cha Ðiền cho đến ngày hôm đó.

Ngày hôm sau, y như lời hẹn, tôi đến Toà Tổng Giám Mục Huế thăm Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền. Ngài đón tiếp tôi với một sự chân tình, với sự thân mật mà Ngài đã dành cho tôi như trên mười năm về trước. Ngài trách tôi đã không tìm đến thăm Ngài thì tôi viện cớ rằng tôi ít có dịp ra miền Trung, vả lại mỗi lần ra Huế, tôi chỉ ở lại có vài ngày và không dám đến thăm vì sợ làm phiền Ðức Cha. Ông nhìn tôi rồi nghiêm mặt nói: -Này ông giáo sư! Ðối với ông thì bao giờ tôi cũng là Anh Ðiền ở Cần Thơ như ngày xưa. Ðừng có bao giờ nghĩ như vậy vì bao giờ tôi cũng nhớ đến Cần Thơ, bao giờ tôi cũng nhớ đến các anh, bao giờ tôi cũng muốn gặp lại các anh...

Ðức Cha hỏi tôi về cuộc đời của tôi trong quân đội thì tôi thưa với Ngài rằng tôi được giải ngũ vào năm 1967 rồi lại bị tái ngũ sau Tết Mậu Thân và hiện giờ đang phục vụ tại một cơ quan ở Sài Gòn. Ông hỏi thăm tôi về Cần Thơ, về những người bạn cũ của tôi thì tôi thưa rằng từ ngày đi lính tôi cũng ít có dịp trở về Tây Ðô và cũng ít có dịp gặp lại những người bạn cũ, chỉ nghe nói mà thôi. Ông hỏi về những người ông còn nhớ như Luật sư Nguyễn Văn Anh thì tôi cho biết Luật sư Anh lúc đó đang làm đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Thụy Sĩ, ông hỏi về anh Ðàm Quang Ðôn thì tôi cho biết anh Ðôn đắc cử vào Quốc Hội Lập Hiến và hiện đang hành nghề luật sư ở Cần Thơ, ông hỏi về Bác sĩ Ngô Văn Hiếu thì tôi cho biết Bác Sĩ Hiếu cũng đã đắc cử vào Quốc Hội...

Ðột nhiên Ðức Cha hỏi tôi: -Hôm qua sau khi anh đi rồi thì tôi gặp Ôn Thích Mật Nguyện và được Ôn cho biết anh là Phật tử và là đệ tử của một vị cao tăng ở Huế. Vậy mà lâu nay anh không hề cho tôi biết anh là Phật tử cả.

Tôi thưa với Ðức Cha: -Thưa Ðức Tổng, mẹ con là một Phật tử vì khi còn trẻ, bà tình nguyện đến hầu hạ săn sóc cho Cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, kế cạnh chùa Từ Ðàm, do đó bà có dịp được quen biết với nhiều vị tăng ni lui tới viếng thăm, đàm luận với Cụ Phan. Sau này mẹ con xin quy y và cả gia đình đã được một vị hoà thượng bạn của Cụ Phan đỡ đầu. Tuy cả gia đình theo đạo Phật nhưng riêng con thì chỉ là loại non-practiquant mà thôi. Vì con trưởng thành tại miền Nam cho nên có quan niệm rất cởi mở, bạn bè của con có người theo Công Giáo, có người theo Phật giáo, có người theo Tin Lành, có người theo Cao Ðài và cũng có người theo Hoà Hảo v.v., tuy nhiên chúng con không bao giờ phê bình hay thảo luận về bất cứ một tôn giáo nào.

Rồi Ðức Cha quay sang chuyện khác: -À, hôm qua Ôn Mật Nguyện cũng còn cho tôi biết chính anh là người đã khuyên Ðại Tá S. không nên ra làm tỉnh trưởng Thưà Thiên. Tôi nghe nói ông S. là người rất tốt, ngoài này cả hai bên Phật giáo và Công giáo đều rất có cảm tình, nhất là phiá bên Công giáo, tại sao anh lại khuyên ông ta như vậy?

Tôi cười khổ, phân trần: -Thưa Ðức Tổng, chuyện ông Ðại Tá S. từ chối không nhận ra Huế làm tỉnh trưởng là quyết định của ông ấy chứ con có trách nhiệm gì đâu? Sự thật thì khi nghe tin sẽ được chỉ định làm tỉnh trưởng, ông ấy có hỏi ý kiến con và con đã phân tách những yếu tố lợi và hại để ông ấy quyết định: tuy ông là người Công giáo nhưng ông nội của ông là Phật tử, lại là bạn rất thân với Hoà Thượng Thích Ðôn Hậu, do đó mà bên Phật giáo rất có cảm tình với ông; người ông thay thế là Ðại Tá Lê Văn Thân, một sĩ quan theo Thiên Chúa giáo và là người miền Bắc nhưng lại vô cùng khôn khéo cho nên rất được lòng bên Phật giáo và giới sinh viên trẻ; vợ của Ðại Tá S. lại có liên hệ họ hàng rất gần với gia đình cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và nhất là yếu tố khi Ðại Tá S. từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam vào cuối tháng 10 năm 1963, ông ra Huế thăm gia đình đúng vào lúc cuộc đảo chánh xẩy ra, chính ông là người đã đưa ông Ngô Ðình Cẩn từ Phủ Cam đến Dòng Chúa Cứu Thế để tỵ nạn...

Sau khi đưa ra những yếu tố đó, con có nói với Ðại Tá S. rằng khi bình yên vô sự thì chẳng có sao, nhưng khi có một vài sự trục trặc nào đó, liệu sinh viên Huế có để yên cho Ðại Tá S. về liên hệ của ông với gia đình Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hay không? Liệu ông có tránh khỏi việc bị lên án là “Cần Lao ác ôn” hay không? Ngoài ra, Huế là điạ bàn hoạt động của nhiều đảng phái chính trị, liệu ông có đủ khả năng và kinh nghiệm để làm vưà lòng tất cả các đảng phái đó hay không?

Về phương diện binh nghiệp, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tốt nghiệp khoá 1 trường Sĩ Quan Huế, Ðại Tá S. tốt nghiệp khoá 2; khi Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu làm Chỉ Huy Trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt thì Thiếu Tá S. làm Chỉ Huy Phó; khi sang Hoa Kỳ thay thế cho Trung Tá Cao Văn Viên làm Tùy Viên Quân Lực thì ông S. cũng đã mang cấp bậc Trung Tá, bây giờ ông Cao Văn Viên làm Ðại Tướng còn ông S. thì chỉ mới có Ðại Tá, như vậy thì đi giữ chức vụ tỉnh trưởng có lợi gì hay không cho cuộc đời binh nghiệp, nhất là ông biết rất rõ rằng ông sẽ không bao giờ được cử vào chức vụ tư lệnh sư đoàn để lên tướng?

Thưa Ðức Tổng, sự thật thì con chỉ có đưa ra những yếu tố như vậy và từ chối không đi làm tỉnh trưởng là quyết định của Ðại Tá S. Cách đây hai hôm, con có được Ôn Thích Mật Nguyện kêu lên chùa để hỏi về chuyện này và bị Ôn la cho một trận. Ôn nói rằng con là người Phật giáo mà lại đi “hại” Phật giáo vì đã khuyên Ðại Tá S. không nên đi làm tỉnh trưởng Huế. Con cũng đã giải thích mọi sự như vậy cho Ôn nghe và sau đó thì Ôn đã thông cảm rồi.

Bây giờ Ðức Tổng lại hỏi thì con cũng xin trình bày như vậy, quyết định từ chối không đi làm tỉnh trưởng hoàn toàn là do Ðại Tá S. quyết định.

Ðức Cha suy nghĩ một hồi rồi nói với tôi: -Thật ra thì ở ngoài này ai nấy cũng đều rầt mừng khi nghe tin Ðại Tá S. được đề cử thay thế Ðại tá Thân làm tỉnh trưởng vì ông S. là người nổi tiếng là đạo đức và trong sạch, do đó khi nghe tin ông từ chối thì ai cũng thất vọng cả. Bây giờ nghe anh nói thì tôi mới biết có những nguyên nhân bên trong như vậy và tôi cũng thông cảm với ông Ðại tá S. vì quyết định như vậy thật là sáng suốt. (Sau khi từ chối không nhận chức tỉnh trưởng Thưà Thiên, Ðại Tá S. được bổ nhiệm làm Tùy Viên Quân Lực tại London và hiện nay đang làm Thầy Sáu tức là Phó Tế tại London, Anh Quốc.)

Sau một hồi chuyện vãn, bỗng Ðức Cha quay sang hỏi tôi về một vấn đề khác: -Anh ở Sài Gòn chắc là biết nhiều về tình hình chính trị. Ở đây rất gần giới tuyến, điều người dân ở đây lo ngại nhất là liệu Cộng sản có xua quân tấn công vào miền Nam qua vĩ tuyến 17 hay không?

Tôi thưa với Ngài rằng hiện nay cả bốn phe Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam đang tham gia hoà đàm tại Paris. Cộng sản nắm được một lợi điểm chiến lược, đó là ai cũng biết Hoa Kỳ đã quyết định rút quân từ năm 1969 và quân số Hoa Kỳ tại miền Nam càng ngày càng giảm, họ đang giao hết gánh nặng chiến tranh cho Việt Nam qua chương trình Việt Nam hoá chiến tranh. Chỉ trong vòng hai năm, Nixon đã rút từ trên nưả triệu quân xuống còn có khoảng 150,000 và như vậy thì Cộng sản Bắc Việt đã thấy rõ là Hoa Kỳ đang thay đổi chính sách, từ đương đầu trực tiếp trên chiến trường với Cộng sản, họ đã để cho VNCH thay thế vai trò đó và họ chỉ còn chú trọng đến giải pháp thương thuyết tại Paris mà thôi, điều đó có nghiã là rất có thể các lực lượng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp nếu Cộng sản mở các cuộc tấn công tại miền Nam.

Nếu Cộng sản tin tưởng vào sự tính toán đó thì rất có thể họ sẽ mở một cuộc tấn công đại quy mô qua vỹ tuyến thứ 17 và trong trường hợp đó, nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ thì lực lượng Việt Nam Cộng Hoà tại vùng giới tuyến khó mà đương đầu nổi với sự tấn công của Cộng sản.

Ðức Cha Ðiền hỏi tôi rằng nếu giả thử Cộng sản chiếm được Huế thì họ sẽ đối xử với người Công giáo, với những người lãnh đạo Công giáo như thế nào? Tôi trả lời rằng đối với Cộng sản thì tất cả mọi tổ chức tôn giáo tại miền Nam, bất cứ là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Ðài hay Hoà Hảo, tất cả đều bị họ xem như là những thành phần thù nghịch và phản động, họ sẽ tìm mọi biện pháp để kiểm soát rất gắt gao. Bản chất của chủ nghiã Cộng sản là không chấp nhận tín ngưỡng cho nên họ sẽ tìm cách tiêu diệt mọi tín ngưỡng và nếu chưa làm được thì họ để cho những tổ chức ngoại vi như là Mặt Trận Tổ Quốc cũng như là đưa cán bộ vào để nắm quyền kiểm soát những tín ngưỡng này và đồng thời họ cũng sẽ tìm cách thanh toán những nhà lãnh đạo tôn giáo có uy tín.

Riêng đối với Thiên Chúa giáo La Mã thì Cộng sản đã có nhiều kinh nghiệm tại các nước Ðông Âu sau Ðệ Nhị Thế chiến: lúc ban đầu, họ đàn áp Thiên Chúa giáo, nhất là các vị lãnh đạo nhưng sau một thời gian thì họ không đối đầu với cá nhân các vị giám mục và linh mục nưã mà nói chuyện trực tiếp với Vatican. Tôi nêu ra với Ðức Cha trường hợp hai vị hồng y: Hồng Y Stephan Wyszynski, Tổng Giám Mục Varsovie, Ba Lan, bị Cộng sản bắt giam từ năm 1953 đến năm 1956 và Hồng Y Joseph Mindszenty, Tổng Giám Mục Giáo Hội Hung Gia Lợi (Archbishop of Esztergom) đã bị Cộng sản bắt giam vào năm 1948 và bị đưa ra toà về những tội như phản quốc, âm mưu chống nhà nước Hung Gia Lợi. Trong phiên toà này, Hồng Y Mindszenty đã tuyên bố hoàn toàn phủ nhận tội trạng và yêu cầu giáo dân không nên tin vào những lời khai trong bản cáo trạng vì những lời khai này đã bị công an mật vụ Cộng sản ép buộc phải ký trong những cuộc tra tấn dã man. Sau cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1956, nghe theo lời khuyên của Thủ Tướng Imre Nagy, trước khi ông bị mật vụ Liên Xô xử tử, Ðức Hồng Y Mindszenty xin vào tỵ nạn trong toà đại sứ Hoa Kỳ ở Budapest trong 15 năm trời. (Ðến năm 1971, Ðức Hồng Y mới được chính phủ Cộng sản Hung cho phép sang sống tại Vienna, thủ đô nước Áo.)

Ðó là chính sách của Cộng sản đối với Giáo Hội Công Giáo thời Stalin và sau này thì có phần cởi mở hơn, tuy nhiên không rõ những người Cộng sản Việt Nam sẽ theo chiều hướng nào.

Ðức Cha ngạc nhiên hỏi tôi: “Sao anh không phải là người Công Giáo mà lại biết nhiều như vậy về hai vị hồng y này?” Tôi thưa với Ðức Cha rằng tôi đang làm công việc về nghiên cứu cho nên mới được biết một vài chuyện ở bên Ðông Âu như vậy.

Ðức Cha Ðiền lặng lẽ nhìn tôi rồi nói bằng một giọng kiên quyết: -Là người được Ðức Thánh Cha trao cho nhiệm vụ Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, trong trường hợp Cộng sản chiếm được thành phố này thì tôi sẽ ở lại với giáo dân vì tôi là “người chủ chăn” của họ. Một trong ba châm ngôn của Dòng Tiểu Ðệ là ‘Vâng Lời’ và tôi sẽ vâng theo những lời dạy của Toà Thánh, đó là phải sống bên cạnh giáo dân để hướng dẫn giáo dân trong những cơn nguy biến.

Trong bưã cơm trưa thân mật sau hơn mười năm cách biệt, Ðức Cha đã dành cho tôi sự ưu ái và cảm tình như thưở nào ở Cần Thơ và khi từ biệt Ngài bắt tôi phải cho Ngài điạ chỉ cùng số điện thoại để Ngài liên lạc mỗi khi vào Sài Gòn. Ngài cũng bắt tôi phải hưá là khi nào có dịp ra Huế thì phải đến thăm Ngài.

Vào khoảng năm 1974, một hôm tôi nhận được điện thoại của Ngài mời tôi ngày hôm sau đến gặp Ngài ở Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn trên đường Phan Ðình Phùng. Sau khi chào hỏi, thấy tôi cứ nhìn Ngài chăm chú, Ðức Cha bèn hỏi tôi: -Tôi có gì lạ mà anh cứ nhìn chăm chú như vậy?

Tôi thưa với Ngài: -Thưa Ðức Tổng, con muốn xem Ðức Tổng “đỏ” cỡ nào?

Ngài cười lớn hỏi lại tôi: -À! Vậy là anh cũng có nghe mấy ông nhà báo ở bên Rô-ma gọi tôi là vị “Giám mục Ðỏ” phải không?

Năm đó Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền sang La Mã tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới và khi được một số ký giả ngoại quốc hỏi rằng “Có dư luận nói rằng Cộng sản Bắc Việt sẽ chiếm trọn miền Nam, Ngài nghĩ sao về Cộng sản Việt Nam?” thì Ngài trả lời rằng: “Là giám mục Công giáo, tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghiã Cộng sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng là người anh em của tôi.” Vì trả lời như vậy cho nên có một số ký giả ở Rô-ma đã gọi Ngài là “Vị Tổng Giám mục Ðỏ.”

Tôi không nhớ báo chí Sài Gòn có đăng tin đó hay không nhưng tôi có được đọc tin đó do hãng thông tấn Reuters đăng trên télétype (viễn ấn) cho nên được biết chuyện này.

Ðức Cha Ðiền hỏi tôi: -Anh nghĩ sao khi tôi nói rằng “...người Cộng sản Việt Nam cũng là anh em của tôi”?

Tôi trả lời: -Thưa Ðức Tổng, người dân miền Nam chúng ta tuy chống lại Cộng sản nhưng chúng ta vẫn xem những người miền Bắc, kể cả những người Cộng sản, đều là người Việt Nam, tức là đều là anh em với nhau cả. Ðức Tổng nói như vậy thì chẳng có gì là không đúng. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ người Cộng sản miền Bắc có xem người miền Nam chúng ta, nhất là những người Công giáo miền Nam, là anh em của họ hay không? Vào năm 1946, gần một năm sau khi Cộng sản Việt Minh giết nhà cách mạng Tạ Thu Thâu tại Qủang Ngãi, khi bị những người trí thức Pháp và Việt Nam chất vấn tại Paris về việc Tạ Thu Thâu bị thủ tiêu thì ông Hồ Chí Minh đã trả lời như thế này: “Tạ Thu Thâu là một người yêu nước, tôi đã khóc về cái chết của ông ta. Tuy nhiên, tất cả những ai không đi theo đường lối do chúng tôi đã hoạch định thì chúng tôi cần phải tiêu diệt.” Vậy thì đối với người Cộng sản, họ không có anh em với những người không đứng chung một hàng ngũ với họ, do đó khi Ðức Tổng nói rằng “là giám mục Công giáo, tôi không chấp nhận chủ nghiã Cộng sản”tức là không theo đường lối của họ thì làm sao mà họ lại xem Ðức Tổng và những tín đồ Công giáo là anh em của họ được?

Ðức Cha Ðiền suy nghĩ một hồi rồi nói với tôi: -Anh còn nhớ cách đây mấy năm tôi có nói với anh rằng nếu Việt Cộng chiếm thành phố Huế thì tôi sẽ ở lại với giáo dân vì sứ mạng của tôi là bảo vệ cho giáo dân, là chia xẻ mọi nổi đau thương khổ hận của họ. Toà Thánh đã ra lệnh cho các linh mục và giám mục là phải luôn luôn làm nhiệm vụ chăn dắt con chiên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tôi luôn luôn vâng lệnh của Toà Thánh, tôi sẽ ở lại với giáo dân, dù họ có xem tôi không phải là anh em thì tôi vẫn sẽ ở lại để thi hành nhiệm vụ và trách nhiệm do giáo hội giao phó. À, nhân tiện tôi cũng cám ơn anh đã đề cập đến hai vị Hồng Y Stephan Wyszynski, Tổng Giám Mục Varsovie, và Hồng Y Joseph Mindszenty, Tổng Giám Mục Giáo Hội Hung Gia Lợi. Trong thời gian ở Rô-ma, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời của hai ngài và nhờ đó đã có được một khái niệm về chính sách của Cộng sản đối với giáo hội Công Giáo tại Ðông Âu.

Sau một hồi chuyện vãn, Ðức Cha nói với tôi: -Này anh giáo sư, sao anh lại dấu tôi hai chuyện: một là anh không cho tôi biết anh đang làm việc ở đâu, hai là anh không nói cho tôi biết anh là bạn của Linh Mục Raymond de Jaegher!

Tôi thưa với Ðức Cha: -Thưa Ðức Tổng, về chuyện công việc thì con quan niệm rằng là một quân nhân, con không có quyền chọn lưạ, con phải phục vụ bất cứ đơn vị hay cơ quan nào mà quân đội chỉ định mà thôi. Sở dĩ con không trình với Ðức Tổng nơi con làm việc là vì con biết Ðức Tổng không có mấy cảm tình với ông “sếp” của con, do đó muốn giữ cho mối liên hệ với Ðức Tổng thân tình và tốt đẹp mãi mãi như xưa cho nên con đã không nói, không nói vì Ðức Tổng không hỏi đến chứ không phải là dấu Ðức Tổng. Còn chuyện Cha De Jaegher thì con không nói vì nếu tự dưng nói ra thì chẳng hoá ra rằng con khoe với Ðức Tổng về sự quen biết này hay sao?

Ðức Cha Ðiền nói với tôi: -Tôi rất thích bản tính khiêm tốn của anh, nếu Ðức Tổng Sài Gòn không nói ra thì tôi có biết gì đâu! Ðức Tổng Sài Gòn nói với tôi rằng Cha De Jaegher rất thích anh và khen ngợi anh nhiều lắm. Ðức Tổng Sài Gòn cũng rất có cảm tình với anh. Kể ra thì cũng thật là lạ lùng, một người không phải là Công giáo như anh mà lại quen biết thân tình với cả hai vị tổng giám mục Huế và Sài Gòn cùng với một linh mục nổi tiếng người Mỹ nưã! Sao anh lại quen Cha De Jaegher?

Tôi thưa với Ngài: -Cha Raymond de Jaegher là một nhân vật nổi tiếng, tác giả nhiều cuốn sách trong đó có hai cuốn rất nổi tiếng tại Việt Nam, đó là “Kẻ Nội Thù” (The Ennemy Within) và cuốn “Vệ Binh Ðỏ” (Red Guards). Truớc năm 1963, Ngài là cố vấn về Cộng sản cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, một người nổi tiếng như vậy thì làm sao mà con có tham vọng được quen biết? Nhân dịp tham dự một hội nghị ở Ðài Bắc, con được giới thiệu với Cha Jaegher rồi sau đó, Việt Nam Cộng Hoà được ủy nhiệm phụ trách một nguyệt san bằng Anh ngữ mà hồi Ðệ Nhất Cộng Hoà do chính Cha Jaegher làm chủ nhiệm. Con là người được chỉ định phụ trách phần bài vở của nguyệt san đó, cho nên về sau, mỗi lần Cha Jaegher sang Sài Gòn, Ngài thường trú ngụ tại Toà Tổng Giám Mục và liên lạc với con về công việc, do đó mà trở nên thân tình. Con được may mắn quen biết với Ðức Tổng Sài Gòn cũng là nhờ sự giới thiệu của Cha de Jaegher. <.i>

Ðức Cha Ðiền quay sang hỏi tôi về chuyện khác: -Anh đến thăm tôi như thế này, nếu “ông sếp” của anh mà biết được thì anh có ngại gì không?

Tôi không ngần ngại trả lời: -Thưa Ðức Tổng, con được quen biết với Ðức Tổng cả chục năm trước khi về làm việc dưới quyền “ông sếp”, bởi vậy nếu ngại thì con đã không đến và nay con đã đến thì chẳng có e ngại gì cả.

Vào thời gian đó có một bản tuyên ngôn chống tham nhũng do một số linh mục ký tên được phổ biến tại Sài Gòn và nhân dịp gặp Ðức Tổng Giám Mục, tôi mạo muội hỏi Ngài: -Nhân tiện con xin được phép hỏi Ðức Tổng về một vấn đề thời sự có liên quan đến Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Con đã được đọc Bản Tuyên Ngôn Chống Tham Nhũng Và Tệ Ðoan Xã Hội của Hàng Linh Mục Việt Nam công bố tại nhà thờ Tân Sa Châu ngày 18 tháng 6 năm 1974, do 301 vị linh mục ký tên. Con không thấy tên của hai Ðức Tổng trên bản tuyên ngôn này, tuy nhiên nhân dịp được gặp Ðức Tổng, con xin phép hỏi: Ðức Tổng có được hỏi ý kiến về Bản Tuyên Ngôn này hay không?

Sau một hồi trầm ngâm, Ðức Cha hỏi lại tôi: -Anh có nghĩ rằng tôi ủng hộ Bản Tuyên ngôn này?

Tôi trả lời: -Thưa Ðức Tổng, trong bản tuyên ngôn này không có tên hai vị Tổng Giám Mục Sài Gòn và Huế, tuy nhiên theo chỗ con biết thì các vị linh mục này đã dưạ vào tinh thần của Lá Thư Chung Của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ngày 29 tháng 9 năm 1973 và Bản Tuyên Ngôn Của Hội Ðồng Giám Mục ngày 10 tháng 1 năm 1974. Cả hai vị Tổng Giám Mục cùng với tất cả các vị giám mục khác đều có ký tên vào trong hai bản văn này. Như vậy thì một cách gián tiếp, các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam coi như là đã đồng ý với tinh thần của bản tuyên ngôn của 301 vị linh mục?

Ðức Tổng hỏi lại tôi: -Bây giờ tôi hỏi anh: Lá Thư Chung và Bản Tuyên Ngôn của Hội Ðồng Giám Mục có mang lại ảnh hưởng nào không?

Tôi trả lời: -Thưa Ðức Tổng, cả hai bản văn này được phổ biến rất là hạn chế vì ít được báo chí đăng tãi, do đó có rất ít người biết đến, kể cả một số linh mục nổi tiếng như L.M. Hùynh Văn Nghi (sau này là giám mục) cũng không hề được biết. Tuy nhiên, có dư luận nói rằng việc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cải tổ chính phủ, thay thế bốn vị tổng trưởng cũng như là giáng cấp một số sĩ quan cao cấp trong đó có cả hai vị tướng tư lệnh Vùng 4 và Vùng 2 gần đây, một phần là do hậu qủa của hai bản bản tuyên ngôn này. Như vậy thì hai bản tuyên ngôn của Hội Ðồng Giám Mục cũng đã mang lại kết qủa tốt vì cuộc cải tổ của Tổng Thống Thiệu, tuy chỉ là cải tổ nhỏ giọt, nhưng cũng được nhiều giới hoan nghênh.

Ðức Tổng hỏi tôi: -Tôi biết anh rất tôn trọng nguyên tắc “phân quyền giưã nhà nước và giáo hội” nhưng trong trường hợp hai bản tuyên ngôn này, anh có nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trong đó có tôi, đã vi phạm vào nguyên tắc này hay không?

Tôi thưa: -Thưa Ðức Tổng, ngày xưa con vẫn lớn tiếng chỉ trích Giám Mục Ngô Ðình Thục vì ông đã lạm dụng vị thế quốc trưởng của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm để làm những điều có lợi cho riêng cá nhân của ông. Ðức Tổng cũng biết người xưa thường nói “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Sau Hiệp Ðịnh Paris, tình trạng chính trị, kinh tế và nhất là quân sự càng ngày càng suy sụp tại miền Nam và do đó, tất cả mọi công dân đều phải có trách nhiệm nói lên tiếng nói của mình để chính quyền phải sưả sai những sai lầm, khuyết điểm ngõ hầu cải thiện chế độ để giữ nước và cứu nước. Con nghĩ rằng những bậc tu hành, dù thuộc bất cứ tôn giáo nào, trước hết họ cũng là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà và do đó họ có bổn phận phải nói lên tiếng nói của họ để cứu nước. Họ lên tiếng vì quyền lợi của đất nước, vì quyền lợi của toàn dân chứ không phải vì quyền lợi của cá nhân họ, do đó con không nghĩ rằng các vị giám mục và linh mục đã vi phạm vào nguyên tắc “phân quyền giưã nhà nước và giáo hội.”

Ðức Tổng Giám Mục kết luận: -Tôi nghĩ rằng anh cũng cùng một chí hướng với tôi và rất cám ơn anh đã thông cảm với tôi trong hoàn cảnh khó xử này: dù là Tổng Giám Mục nhưng trước hết tôi là một người công dân Việt Nam. Tôi xin anh đọc lại đoạn kết lụân trong Lời Tuyên Bố trong buổi họp báo hồi tháng 6 năm 1974 để hiểu rõ hơn về lập trường của cá nhân tôi.”

Về sau tôi tìm đọc lại Bản Tuyên Ngôn của 301 vị linh mục ngày 18 tháng 6 năm 1974 tại Nhà Thờ Tân Sa Châu thì đoạn kết nguyên văn như sau:

“...Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà đã long trọng công nhận khi ghi vào Ðiều I Khoản 2 như sau: “Chủ quyền Quốc gia thuộc về toàn dân.”

“Mặc dầu thế, chúng tôi không muốn gây xáo trộn, bởi quốc gia đã chịu qúa nhiều xáo trộn. Chúng tôi chỉ muốn lên tiếng cảnh tỉnh vì sự sống còn của dân tộc để chính quyền kịp thời sưả sai, thay đổi hoàn toàn chính sách và nhân sự hầu tránh sụp đổ trước khi qúa muộn. Nếu không chịu sưả sai để cho đất nước này lâm vào cảnh mạt vong thì chắc chắn Quân Dân không chịu cúi đầu cam chịu làm vật hy sinh mãi mãi cho một thiểu số tham nhũng không còn biết đến Dân Tộc và Tổ Quốc là gì nưã. Khi ấy, cùng tất biến, những gì phải xẩy ra sẽ xẩy ra, ngoài ý muốn của chúng tôi, bởi lẽ như Thánh Thomas d’Aquin đã nói:

“Chính Quyền Ðã Phản Nghịch!”


Sau lần đó, đến khoảng tháng 3 năm 1975, chỉ vài ngày sau khi Cộng sản tấn công Ban Mê Thuột, tôi nhận được điện thoại của Ðức Tổng Giám Mục mời tôi đến gặp ông. Ngài nói với tôi: -Tôi muốn gặp anh vì tôi đang tìm mọi cách trở về Huế ngay. Ai cũng biết là chẳng sớm thì muộn, Cộng sản Bắc Việt sẽ tấn công vào Vùng I và trong trường hợp đó, chính anh trước đây cũng đã nói với tôi rằng chúng ta không đủ sức giữ Huế. Tôi phải trở về Huế trước khi thành phố này bị thất thủ vì như tôi đã nói với anh trước đây, tôi muốn cho giáo dân thấy rằng giáo hội luôn luôn ở bên cạnh họ, luôn luôn bảo vệ đời sống tinh thần của họ và luôn luôn chia xẻ với họ mọi nổi thống khổ của họ... Là người chủ chăn, tôi có nhiệm vụ phải thi hành sứ mạng mà Giáo Hội giao phó cho tôi, đó là sống chết với con chiên. Tôi muốn gặp anh là để từ giã một người bạn cũ đã từng quen biết nhau hơn mười mấy năm trời, người mà tôi đã dành nhiều cảm tình và sự qúy mến từ ngày còn ở Cần Thơ...

Tôi nhìn Ðức Cha Ðiền, nghẹn ngào vì xúc động. Một lúc sau, tôi ngập ngừng thưa với Ngài: -Thưa Ðức Tổng, con muốn xin Ðức Tổng ban cho con một đặc ân.

Ngài nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên rồi hỏi lại: -Xưa nay có bao giờ anh xin tôi một ân huệ nào đâu?

Tôi nhìn Ngài rồi nói: -Con là người ngoại đạo nhưng muốn xin Ðức Tổng ban cho một ân huệ, đó là cho con được phép hôn nhẫn của Ðức Tổng!

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền nhìn tôi thật lâu rồi đưa tay ra, tôi qùy xuống hôn lên chiếc nhẫn giám mục của Ngài lần đầu tiên trong đời. Tôi cố dằn cơn xúc động nhưng tự dưng mắt tôi rưng rưng và nghẹn ngào nói với Ngài: -Thưa Ðức Tổng, được Ðức Tổng dành cho nhiều sự ưu ái trong bao nhiêu năm qua là một điều vô cùng vinh dự cho một người thầy giáo nhỏ bé ở xứ Cần Thơ xa xưa và con xin Ðức Tổng nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của con. Con chỉ biết cầu chúc cho Ðức Tổng được nhiều sức khoẻ và hồng ân của Thiên Chúa để hoàn thành sứ mạng của Giáo Hội giao phó trong những ngày khó khăn sắp tới...

Ðó là lần cuối tôi gặp Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền. Tôi viết bài này theo lời yêu cầu của một số bạn bè và cựu học sinh của tôi ở Cần Thơ vì tất cả chúng tôi, mọi người ai ai cũng đều kính mến vị giám mục tiên khởi của giáo phận Cần Thơ, một con người mà tất cả mọi người dân Cần Thơ không phân biệt tôn giáo đều yêu mến và kính trọng.

Tôi viết bài này với những hoài niệm vô cùng trân qúy về một thời xưa cũ cách đây đúng nưả thế kỷ, tình cờ may mắn được quen biết với một người “lao động” đạp xe ba bánh, một người “lao động” làm thợ hồ ở Tây Ðô rồi sau đó trở thành một vị giám mục, rồi tổng giám mục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ông đã sống trọn với châm ngôn của Dòng Tiểu Ðệ mà ông gọi là “Dòng hèn mọn”, đó là sự nghèo khó, sự thanh khiết và sự vâng lời.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã sống trọn cuộc đời với sự nghèo khó, sống với sự thanh khiết và sống với sự vâng lời đối với Giáo Hội.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã từ giã cõi đời trong sự nghèo khó, từ giã cõi đời trong sự thanh khiết của một bậc chân tu và đã từ giã cõi đời trong sự vâng lời và đã hoàn thành sứ mạng mà Giáo Hội đã giao phó: vị Chủ Chăn phải sống chết với Con Chiên.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã từng tuyên bố rằng “Là giám mục Công giáo, tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghiã Cộng sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng là người anh em của tôi,” nhưng Cộng sản Việt Nam sau năm 1975 lại không xem Ngài là anh em, họ xem Ngài là kẻ “phản động” và hậu qủa là Ngài đã bị họ đầu độc chết tại Sài Gòn vào ngày 8 tháng 6 năm 1988.

Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng John Paul II phong tặng danh hiệu “Vị Giám Mục Uy Dũng.”

Ðối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Ðức Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền không những chỉ là một vị Giám Mục Uy Dũng mà còn là một vị Thánh Tử Ðạo.

Ðối với người Miền Nam, Ðức Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền lại là một vị Anh Hùng vì với tư cách là một công dân Việt Nam, Ngài đã không kể đến sự an nguy của bản thân khi dám công khai đứng lên chống lại bạo quyền Cộng sản để đòi hỏi cho toàn thể nhân dân Miền Nam Việt Nam có được quyền Tự Do Tín Ngưỡng và Quyền Làm Người.

California, Mùa Thu 2008
 
Vương Quốc Bỉ: Đêm Thắp Nến để hiệp thông với Giáo Sứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội
Đức Hồ Nguyễn
16:37 12/11/2008
BRUXELLES - Ngày 8-11-2008 Cộng Đồng việt Nam Tự Do tại Vương Quốc Bỉ vừa tổ chức Đêm Thắp Nến để hiệp thông với Giáo Sứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội.

Những ngọn nến của niềm hy vọng đã được thắp lên tại hai địa danh trên vừa mới nhen lên một chút hơi ấm của Dân Chủ và một chút ánh sáng Công Lý, thi đã bị chính quyền CS cố tình dập tắt bằng bạo lực, nhưng cũng từ đó hằng trăm hằng vạn những ngọn nến khác được liên tục thắp lên khắp nơi trong nước cũng như hải ngoại và trên toàn thế giới. Cũng chính những khát vọng Công Lý và Dân Chủ đã khởi điểm từ quê nhà, mà Cộng Đồng Việt Nam Tự Do tại Vương Quốc Bỉ tiếp nối ngọn nến để được bùng sáng mãi.

Sự hiện diện của mọi người trong Đêm Thắp Nến, để biểu lộ tình hiệp thông với những Đồng Bào trong nước, vừa nói lên sự khát vọng Công Lý và Dân Chủ của Đất Nước và Dân Tộc Niệt Nam.

Đêm Thắp Nến trước nhà thờ Carmes Bruxelles (Photo: Nguyễn Lộc Quan)
 
Tin Đáng Chú Ý
Bệnh mùa lạnh: Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Em
Bs Tâm Đoan
10:28 12/11/2008
Bệnh mùa lạnh: Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Em

Mùa đông đang tới gần, phụ huynh nên đề phòng bệnh “Viêm Tiểu Phế Quản” ở các trẻ em, nhất là các trẻ sơ sinh. Viêm Tiểu Phế Quản là một bệnh cấp tính, thường xuất hiện vào mùa thu hoặc mùa đông, từ tháng 11 tới tháng 3. Bệnh lây lan rất mau, giống như một bệnh dịch.
Bệnh Viêm Tiểu Phế Quản (VTPQ) thường thấy ở các trẻ em, từ sơ sinh đến 2 tuổi. Tuy nhiên nhiều nhất ở các trẻ em dưới 6 tháng. Các em bé trai bị nhiều hơn các em bé gái. Các em bị nhiễm bệnh là các em ở trong môi trường có người hút thuốc, các em không được bú sữa mẹ (thiếu chất đề kháng), và các em được gửi ở nhà trẻ (dễ bị lây bệnh)

VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN:
Viêm Tiểu Phế Quản là một bệnh nhiễm trùng của hệ thống hô hấp gây ra bởi các loại vi khuẩn như: Syncytal virus, rhinovirus, adenovirus, parainfluenza virus. Đôi khi, một vài loại vi trùng như mycoplasma pneumonia, Chlamydia pneumonia cũng gây ra bệnh VTPQ ở trẻ em.
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp: bắt đầu từ mũi, thanh quản, rồi tới phế quản. Tại đây vi khuẩn sẽ hủy hoại màng nhày của Tiểu phế quản, giết các tế bào của phế nang, và gây ra sự bài tiết chất dịch trong phế nang. Kết quả là phế nang sẽ ứ đọng các chất bài tiết và làm nghẹt các Tiểu phế quản. Bệnh nhân sẽ bị nghẹt thở. Để phản ứng lại, cơ thể sẽ cố sức hít thở sâu hơn để lấy oxygen vào phổi. Lồng ngực bệnh nhân sẽ phình ra.

TRIỆU CHỨNG:
- Khởi đầu bằng ho, sổ mũi. Ho càng ngày càng nặng, kéo dài từng cơn như ho gà, có nhiều đờm dải.
- Triệu chứng nghẹt thở, hơi thở dồn dập, hai cánh mũi phập phồng, cơ sườn cố kéo mỗi khi bệnh nhân cố sức hít vào.
- Sốt trung bình, ói mửa, da xanh xao vì thiếu dưỡng khí, bứt rứt, ngủ không được, không chịu bú.
- Lòng ngực to phình ra, có tiếng khò khè khi bệnh nhân hít thở.
Khi trẻ em có triệu chứng khó thở, cần đưa vào bệnh viện ngay, nếu không sẽ bị tử vong vì nghẹt thở. Trong trường hợp khó thở nặng, cần làm tiểu giải phẫu thanh quản, để ống vào thanh quản, và cho thở dưỡng khí qua ống.

CHẨN BỊNH:
Thông thường, bệnh rất dễ chẩn đoán do diễn tiến bệnh lý và khám bệnh. Trong trường hợp muốn phân biệt với các bệnh khác như xưng phổi (pneumonia) hay suyển (asthma). Ta có thể:
1. Chụp X-rays: Phổi có nhiều đám trắng do thiếu dưỡng khí.
2. Thử máu: Lượng CO2 trong máu lên cao.
3. Pulse oxymetric: Lượng dưỡng khí trong máu xuống thấp vì phổi không làm việc hữu hiệu.
4. Quét màng nhày vùng mũi & cuống họng để tìm virus gây bệnh.

ĐIỀU TRỊ:
1. Bệnh nhân bị khó thở: Trợ hô hấp bằng cách cho thở dưỡng khí (Oxygen)
2. Vật lý trị liệu: Vỗ nhẹ hai bên lưng bệnh nhân để giúp các đàm dải đưọc tróc ra
3. Hút đàm dải bằng cách đặt ống hút qua mũi hoặc miệng bệnh nhân.
4. Cho bệnh nhân uống nước nhiều (khi tình trạng đã ổn định)
5. Dùng thuốc làm nở phế quản.
6. Nếu bệnh nhân có viêm tai, nhiễm trùng phổi: cho them kháng sinh (ampicillin), cycloporin)

DIỄN BIẾN:
Điều trị cấp thời, bệnh nhân sẽ bình phục sau từ 8 tới 10 ngày, không để lại biến chứng.
Trong một số trường hợp nặng, sau khi phục hồi, bệnh nhân còn lại dư chứng như ho dai dẵng, lồng ngực nở, còn đờm dãi trong phổi và mũi. Hậu quả có thể đưa đến bệnh suyễn.
Chừng 1% trường hợp VTPQ nang cho biến chứng suy thoái hô hấp mãn tính. Các em này cần được trợ hô hấp bằng cách cho ngửi dưỡng khí. Hậu quả là chậm tăng trưởng (thiếu cân nặng, người nhỏ bé)

ĐỀ PHÒNG:
Giữ vệ sinh, cách ly trẻ bệnh, không nên cho trẻ tới nhà trẻ vì sẽ gây lây lan sang các trẻ em khoẻ mạnh khác.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bắt Bóng
Trầm Tĩnh Nguyện
00:25 12/11/2008

BẮT BÓNG



Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện, Việt Nam

Thôi rồi cơn cuồng mê

Tâm thần đau tái tê,

Vươn tay ra nắm lấy

Chỉ trống không thu về!

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền