Ngày 12-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 33 Mùa Thường Niên 13/11 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
03:10 12/11/2022


BÀI ĐỌC 1

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma

Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mc 11:9-10

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ

Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Đó là Lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:42 12/11/2022

32. Cái gọi là đầy tớ trung thành của Thiên Chúa chính là ở trong việc yêu người như yêu chính mình; có một ý chí cương quyết không lay động, liên tục đi theo thánh ý của Thiên Chúa, nắm giữ tâm hồn khiêm tốn mộc mạc và trông cậy vào Thiên Chúa.

(Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:43 12/11/2022
49. SAU CƠN MƯA

Sau cơn mưa dầm, trong sân bằng xi măng mọc rất nhiều rêu, đậm nhạt không giống nhau, hình dạng mỗi nơi mỗi khác, đặc biệt là những mảng mà vết chân người chưa giẫm lên thật là sặc sỡ.

Bởi vì xi măng đã cũ nên nứt nẻ, thành những vết nứt không đều đặn, nước mưa thấm vào, in thành mẫu hoa văn, giống như dùng bút vẽ phác thảo những đường nét. Đứng xa xa mà nhìn thì xi măng sâu cạn loang lỗ, rêu xanh hoặc thưa hoặc dày, lại thêm những vết nứt đá thành hoa văn tỉ mỉ, toàn bộ trên mặt đất giống như một bức tranh in hoa bằng nến, lộ ra vẻ mênh mông cổ kính mà trang nhã mỹ cảm, lại còn những vết đen vẫn tồn tại, nước trong chưa cạn.

Đột nhiên có cảm giác rằng cuộc sống chỗ nào mà không có thể viết thành thơ, nhân gian chỗ nào mà không thể vẽ thành bức tranh? Anh thấu hiểu tâm linh như thế nào, thì vẻ mặt thế giới càng hiện ra như thế đấy !

Suy tư 49:

Sau trận mưa đầu mùa thi đất tơi xốp cây cối nẩy mầm nẩy lộc; sau trận mưa đá thì ruộng vườn tiêu điều xác xơ; sau trận mưa giông thì đường đi trơn trợt…

Sau những trận mưa cải cọ thì tâm hồn mọc lên những rêu xanh nghi kỵ và xa lánh; sau những trận mưa chửi rủa thì tâm hồn nứt nẻ những vết đen thù hận; sau những trận mưa mắng mỏ phủ đầu thì tâm hồn trở nên mảnh đất hoang, biến thành nơi cỏ dại và cây gai mọc um tùm.

Sau những trận mưa thù hận và ghét ghen do ngọn gió kiêu ngạo thổi đến, thì tâm hồn con người ta trở thành nơi dung túng của ma quỷ và tội lỗi.

Sau cơn mưa trời lại sáng, sáng là vì có mặt trời chiếu sáng vạn vật.

Cũng vậy, sau trận mưa thù hận và ghét ghen của người khác dành cho mình, thì tâm hồn của người Ki-tô hữu bừng sáng lên vì có Lời Chúa chiếu soi, làm cho tâm hồn họ trưởng thành hơn, biết tha thứ hơn và biết thông cảm hơn. Bởi vì Lời Chúa làm cho họ nhìn thấu những yếu hèn của người khác cũng là những yếu hèn của mình, những khuyết điểm của người khác cũng là những khuyết điểm của mình.

Ai hiểu được thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 33 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:45 12/11/2022
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 21, 5-19.

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”


Anh chị em thân mến,

Lời của Đức Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay đã ứng nghiệm và đang xảy ra trên thế giới, trong những năm gần đây thiên tai đã xảy ra nhiều nơi trên địa cầu này như động đất, chiến tranh, ôn dịch và thù hận, dân chúng lầm than khổ sở, nhiều tai ương ập đến cho con người mà không báo trước, nhưng thật ra hơn hai ngàn năm trước, nhân loại đã được Đức Chúa Giê-su báo trước những tai nạn bởi thiên nhiên và bởi con người mà ra...

Đức tin mở mắt tâm hồn làm cho chúng ta thấy được ý muốn của Thiên Chúa qua mọi hoàn cảnh. Khi động đất xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết giờ Thiên Chúa sắp đến để mà hối cải, khi ôn dịch đã xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết được ngày giờ của Thiên Chúa sắp đến; khi chiến tranh liên tục dồn dập xảy đến nơi này nơi nọ, đức tin dạy chúng ta biết Thiên Chúa đang tính từng ngày từng giờ sự tồn tại của thế gian này và của mỗi người chúng ta.

Và những gì ngoài ý muốn xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống, thì đức tin đã dạy chúng ta biết nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa đối với mỗi một người.

Có những lúc đức tin của chúng ta nhận ra được ý của Thiên Chúa và lương tâm đánh động chúng ta, nhưng vì mãi mê trong những đam mê trần thế mà chúng ta phớt lờ ý của Ngài; có những lúc ý Thiên Chúa rất rõ ràng và tiếng lương tâm thúc giục chúng ta thực hành ý Thiên Chúa, từ bỏ những gì không phải là của Ngài để trở nên người con thảo của Ngài, nhưng vì danh lợi, vì những lợi ích cá nhân mà chúng ta bịt tai bịt mắt không nghe không thấy ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Anh chị em thân mến,

Năm phụng vụ của Giáo Hội sắp kết thúc, cũng có nghĩa là cuộc sống của chúng ta được rút ngắn lại, sự tồn tại của thế gian cũng ngắn lại từng ngày, và ngày quang lâm vinh quang của Đức Chúa Giê-su sắp đến, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa giữ vững đức tin của mình cách kiên trì, cho dù có rất nhiều cám dỗ xảy đến cho chúng ta, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hứa: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.

Gợi ý:

1. Năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi đã sửa được một khuyết điểm nào chưa?

2. Có lúc nào tôi nghĩ đến ngày cuối cùng của mình để sám hối chưa?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đừng sợ
Lm. Vũ Xuân Hạnh
05:23 12/11/2022

ĐỪNG SỢ
KÍNH NHỚ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

«Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn» (Mt 28, 33). Nếu có ai giết được linh hồn thì Đấng đó phải là Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ làm như vậy. Người chỉ cứu rỗi chứ không bao giờ hành hạ con người. Chỉ có con người mới tàn sát nhau thôi. Mà con người dẫu có hành hạ nhau dã man cách mấy, vẫn chỉ là hành hạ nhau trên thân xác.

Lời Chúa dạy «Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn», trở thành lời an ủi, động viên niềm tin, niềm hy vọng của ta vào Chúa Giêsu: Người là Thiên Chúa, đến trần gian cứu chuộc và loan báo cho họ biết chính Người là Đấng Cứu Thế Thiên Chúa ban cho họ, vậy mà loài người còn không tha, thì huống hồ là loài người với nhau. Người Do thái nghĩ rằng, khi giết Chúa Giêsu, họ đã khử trừ được một thứ tôn giáo mới. Và do cái chết thê thảm đó, sẽ làm cho các môn đệ thoái chí, buộc lòng phải giải tán. Nhưng họ lầm. Họ lầm vì họ không biết rằng, họ chỉ có thể giết được thân xác của Giêsu, chứ không giết được linh hồn Người. Họ lầm vì họ chỉ có thể giết được thân xác Giêsu, nhưng chính Thiên Chúa nơi con người Giêsu ấy, làm sao giết được! Họ lầm vì họ không ngờ rằng, cái thân xác mà họ treo trên cây thập giá đó đã sống lại chỉ trong một thời gian ngắn: trên dưới 40 tiếng đồng hồ. Bởi loài người không thể giết Thiên Chúa, nên Kitô giáo vẫn tồn tại, đạo Chúa Kitô vẫn không ngừng phát triển.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam cũng vậy. Một lòng trung kiên kính thờ Thiên Chúa. Sợ Thiên Chúa chứ không sợ «những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn». Trước mặt vua quan, các ngài đã khẳng khái tuyên xưng đức tin của mình, sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi, quyết không để đức tin bị khinh miệt, bị xúc phạm. Các thánh Tử Đạo biết rõ mất mạng sống là không còn có mặt trong cuộc đời nữa, nhưng vì đức tin: tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, các thánh không sợ chết, quyết tâm dâng hiến mạng sống để tôn thờ Chúa đến cùng.

Còn vua quan, cũng giống những người Do thái trước kia: tưởng giết Chúa Giêsu là xong chuyện. Vua quan tưởng rằng bách hại và giết chết người có đạo là xóa được một tôn giáo mới, nhưng họ cũng lầm y như những người Do thái vậy: Vì họ chỉ có thể giết được thân xác chứ không giết được linh hồn người có đạo. Họ chỉ có thể giết được người có đạo chứ không thể giết chính Thiên Chúa của người có đạo. Các vua, các quan càng ra sức bách hại và cấm đạo triệt để bao nhiêu, thì trong hoàn cảnh trốn tránh hết sức khó khăn, đức tin của người tín hữu càng mạnh mẽ, càng kiên vững bấy nhiêu.

Gần 3 thế kỷ bắt đạo, có lúc gay gắt, có lúc nới lỏng, thì 3 thế kỷ hãi hùng ấy đã giết chết khoảng từ 130 ngàn đến trên dưới 250 ngàn người Việt Nam Công Giáo. Điều đó chứng tỏ trong khó khăn, đức tin không lùi bước mà sẵn sàng đương đầu với khó khăn đó. Con số 118 vị tử đạo được tuyên phong trên bàn thờ chỉ là một phần nhỏ, chỉ là con số tượng trưng. Ba thế kỷ bắt đạo, đạo Công Giáo không mất mà vẫn tồn tại, và đang phát triển. Cho nên Lời Chúa nói: «Anh em đừng sợ» đúng vô cùng, bởi lời ấy trở nên lời hy vọng, niềm tin tưởng, sức mạnh và tình yêu để mỗi người Việt Nam nói chung và người Công Giáo Việt Nam trong hiện tại nói riêng hãnh diện bước tới và trung kiên gìn giữ đức tin, cũng như sống đức tin của mình.

Mừng lễ các thánh tử đạo hôm nay, bạn và tôi tự hào vì mình là con cháu các thánh, các thánh là tổ tiên của mình. Tự hào là con cháu các thánh, bạn và tôi càng phải sống đức tin trung kiên như lời Chúa dạy: «Anh em đừng sợ». Cái «đừng sợ» của chúng ta hôm nay đó là ý thức đức tin từ những việc làm hết sức nhỏ nhặt hằng ngày. Ví dụ làm dấu thánh giá trang nghiêm. Tôi thử hỏi một câu hỏi nhỏ để mọi người suy nghĩ: mỗi khi vào tiệm ăn, mình có dám tuyên xưng đức tin bằng dấu thánh giá trước khi bưng một tô phở hay cầm một dĩa cơm không? Từ những việc xem ra rất nhỏ nhặt ấy lại là hành động tuyên xưng đức tin rất quí giá! Tại sao có những việc lớn lao ta lại làm được, còn những việc rất nhỏ bé như thế lại không thể được? Bao hàm trong cái không thể đó, là sự sợ hãi: sợ người khác thấy, sợ người khác biết mình có đạo, sợ bị chê cười… Những cái sợ không đáng sợ lại là thực tế của người Công Giáo hôm nay. Ngày xưa tuyên xưng đức tin như thế, các thánh Tử Đạo đã trả bằng giá máu, nhưng các ngài vẫn kiên tâm, không sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ngày nay có ai giết ta đâu tại sao ta lại không giữ nổi những điều căn bản nhất mà cha ông đã làm?

Ví dụ về dấu Thánh giá chỉ là một ví dụ đại diện cho biết bao nhiêu lời nói, việc làm, suy tư, hình thức biểu lộ đức tin của từng người Công Giáo hôm nay. Qua tất cả những gì ta có thể thể hiện đức tin từ việc nhỏ nhất như hành vi tuyên xưng đức tin bằng dấu Thánh giá, đến việc sống đức tin trong suốt cuộc đời của mình, bạn và tôi đã làm được điều mà các thánh Tử Đạo đã từng làm: chọn đức tin làm lẽ sống và chọn Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình. Bởi chọn lựa ấy là chọn lựa quan trọng và cần thiết. Vì giữa bao nhiêu cạm bẫy và cám dỗ trong cuộc đời, ta sẽ dễ mất phương hướng, nghi nan, chao đảo, có khi còn mất cả đức tin, nếu mình không có một chọn lựa dứt khoát đứng về phía đức tin chẳng những để bảo vệ mình khỏi ngã nhào mà còn đứng vững trong đức tin của mình.

Đặc biệt sống đức tin của hôm nay còn là chuyển tải đức tin cho anh chị em xung quanh. Với ý thức này, người Công Giáo Việt Nam vô cùng ao ước được đồng hành với dân tộc mình. Họ mong muốn sống giữa lòng dân tộc để phục vụ, để yêu thương và được đón nhận, được yêu thương như tất cả mọi anh chị em không có hoặc không cùng lòng tin của mình. Niềm khắc khoải này được Hội Đồng Giám mục Việt Nam trình bày trong quyển «Giáo Hội Công Giáo Việt Nam - Niên Giám 2004»: «Ý thức được điều này, người Công Giáo Việt Nam càng muốn hòa nhập vào lòng dân tộc để thể hiện sứ mạng đã được Cha trên trời trao phó: xây dựng dựng tình huynh đệ chân thành nơi địa phương mình sống. Trong đại gia đình dân tộc hiện nay có nhiều nền văn hóa khác nhau nên người tín hữu cần tìm hiểu và đối thoại với anh em để cùng xây dựng một nền văn minh tình thương và hòa bình» (Lm.Ant. Nguyễn Ngọc Sơn - Lược Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam - trang 202). Đó là ước nguyện lớn lao, tha thiết, cháy bỏng của người Công Giáo Việt Nam hôm nay. Đó cũng chính là tương lai của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Vì nếu giáo Hội không ra khỏi chính mình, đến với anh chị em, Giáo Hội đánh mất căn tính của mình.

Sau khi đã suy niệm về tấm gương anh dũng của các thánh Tử Đạo và ý thức bổn phận của người Kitô hữu hôm nay, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam,
Các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
Trong một hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
Cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
Và chết là cửa mở vào cuộc sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
Nhưng nhờ ơn Chúa nâng đỡ,
Các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
Biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
Trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
Biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
Bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin
Mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết,
Được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài
Thấm vào mảnh đất quê hương
Để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
 
Tử đạo nêu cao Lòng Tin Cậy Mến
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:28 12/11/2022

TỬ ĐẠO NÊU CAO LÒNG TIN CẬY MẾN

Ai cũng ham sống sợ chết. Vậy tại sao người ta lại dám tử đạo? Thưa vì lòng Tin Cậy Mến.

1. Tin. Niềm tin tạo sức mạnh tinh thần. Bài Sách Thánh kể chuyện bà mẹ can đảm khuyên 7 đứa con sẵn lòng chịu chết chứ không chịu phạm Luật Chúa vì bà tin vào Chúa là Đấng Tối Cao tạo dựng vũ trụ muôn loài, Chúa là Đấng Ban Sự Sống. Bài Phúc Âm Chúa Giêsu khẳng định: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Niềm tin vào Chúa hằng sống giúp người ta dám chết vì Đạo, bởi qua cái chết họ bước vào cõi hằng sống.

2. Cậy. Niềm hy vọng một tương lai tốt đẹp giúp người ta dám sống chết cho lý tưởng, cho sự nghiệp, cho quê hương đất nước. Cũng thế, niềm hy vọng vào Giáo hội trổ sinh hoa trái, vào thiên đàng vinh quang giúp người ta dám chết vì Đạo. Hình ảnh hạt giống và người gieo giống nơi Thánh Vịnh Đáp Ca diễn tả tuyệt vời niềm hy vọng này: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.”

3. Mến. Tình yêu khiến người ta sẵn lòng hy sinh cho điều, cho người mình yêu. Yêu nhiều sẽ hy sinh nhiều như Chúa Giêsu khẳng định: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu. Và thánh Phaolô cũng quả quyết: Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Các Thánh Tử Đạo vì yêu dám liều mạng sống.

Cái chết của Các Thánh Tử Đạo dạy chúng ta một bài học khắc cốt ghi tâm, đó là: Hội Thánh Chúa phát triển là nhờ những tín hữu dám sống chết cho lòng Tin Cậy Mến của mình. Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con tiếp bước noi gương hy sinh của các ngài trong đời sống Đạo của chúng con. Amen.
 
Chúng Ta Không Hạ Vũ Khí
LM. GiuseTrương Đình Hiền.
16:31 12/11/2022
Chúng Ta Không Hạ Vũ Khí

(Chúa Nhật 33 TN C 2022)

Với Chúa Nhật 33 TN, có thể nói được: cuộc hành trình của “Năm Phụng Vụ 2022” đã chạm đến chặng áp chót, trước khi “vào bến cuối cùng” với Chúa Nhật tuần tới mừng kính Chúa Kitô Vua. Và theo một truyền thống đã gần như cố định, Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay luôn gióng lên sứ điệp gọi mời cộng đoàn Dân Chúa sống tâm tình tỉnh thức và hy vọng, trông cậy và bình tâm trước mọi biến động của thế cuộc, ngay cả trước những kinh hoàng của “ngày tận thế”.

Thật ra, “ngày tận thế” chẳng phải là chuyện xa xôi gì. Riêng đối với dân tộc và đất nước Ukraina bên Đông u, thì kể từ ngày 24.2.2022, khi Tổng thống Putin của Liên bang Nga xua quân mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” xâm lăng đất nước nầy, thì gần như cảnh “tận thế” xảy ra hằng ngày. Thật vậy, mỗi ngày có hàng trăm người chết, hàng trăm thành phố bị tàn phá, hàng vạn công trình và cơ sở vật chất bị phá hủy tan tành… Nào chẳng phải là “tận thế” đang xảy ra mỗi ngày đó sao?

Thế nhưng, “sứ điệp tận thế” mà Lời Chúa muốn nhấn mạnh đầu tiên đó chính là cái kết quả chung cuộc hay “cán cân công lý” dành cho mỗi người khi thời gian kết thúc, khi mọi sự bước vào thời điểm “cánh chung”. Nói cách khác, đức tin vào một Thượng Đế toàn năng không dẫn con người tới một chân trời hư vô, trống rỗng, nhưng là tới một đích điểm mà ở đó sự công bằng và lòng thương xót của Đấng Tối Cao sẽ chứng thực. Đây chính là điều đã được tiên báo từ thuở xa xưa trong Cựu ước mà Lời Chúa qua sách ngôn sứ Malakhi trích đọc hôm nay là một trong những chứng từ cụ thể: “Đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.

Đối với những kẻ “coi trời bằng vung”, “coi cái bụng là chúa tể”… thì những lời cảnh báo trên chỉ là chuyện hoang đường mê tín; nhưng với chúng ta, những kẻ xác tín về cùng đích cuộc đời đó là “xác loài người ngày sau sống lại, hằng sống…” thì Lời Chúa phán dạy trên lại là một “kim chỉ nam” để điều chỉnh cuộc sống và một niềm hy vọng để bước đi và bình tâm trước mọi thách đố và biến động của cuộc đời. Và đó cũng chính là lời dạy của Chúa Giêsu, như một tiếp nối liền lạc và cắt nghĩa rõ ràng hơn về sứ điệp cánh chung mà các ngôn sứ đã từng tiên báo.

Thật vậy, với trình thuật Tin Mừng Luca vừa được công bố, Chúa Giêsu vừa diễn tả thực tại cánh chung bằng ngôn ngữ “khải huyền” vừa đề nghị một chọn lựa sống niềm tin, một thái độ tỉnh thức và can đảm để bình tâm đối diện với những kẻ bách hại: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng…”.

Những lời Phúc m trên được viết từ kinh nghiệm “bị bách hại” của các Tông Đồ vào thuở khai sinh Giáo Hội; khi mà các cộng đoàn Kitô hữu bị vùi dập te tua trước quyền lực của Đế quốc La Mã cùng với những bạo chúa hung tàn, quyết dẹp tan cái Tin Mừng mang tên Đức Kitô phục sinh và ném vào sọt rác của lịch sử.

Phần các Kitô hữu, đứng trước những đau thương bách hại đó, cùng những biến động và bấp bênh của xã hội con người, họ biết lấy gì để bám víu, để đặt niềm tin và trông cậy, ngoài điều mà Chúa Thánh Thần đã khơi gợi: Chúa đến. Vâng, Đấng Phục Sinh sẽ đến, sẽ đồng hành, sẽ dạy họ mọi điều…; và thái độ duy nhất họ cần phải có: kiên vững: “Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Để minh họa phần nào cho bối cảnh Tin Mừng trên, đặc biệt, cho thời bách hại Kitô hữu dưới thời bạo chúa Nêrô, văn hào người Ba Lan Henryk Sienkiewicz đã viết cuốn tiểu thuyết “Quo Vadis” mà trong đó có một chi tiết đáng nhớ: cuộc “đọ nhãn” giữa Hoàng đế Nêrô bạo chúa và Phêrô Tông Đồ trên con đường Rôma đi Anxium: “Trong chớp mắt hai con người ấy nhìn nhau, song không một ai – cả kẻ đang ở trong đám rước tuyệt vời kia lẫn người đang ở trong đám đông đảo nọ – lại nghĩ rằng đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia – chính cụ già mặc chiếc áo thô kệch nọ – sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn cái thành đô nầy”.

Vâng, người Kitô hữu chúng ta không ảo tưởng hay mê tín về một ngày “Chúa Đến”, “ngày tận thế” vu vơ, huyễn hoặc… mà là một niềm tin, một xác tín mãnh liệt Chúa đang đến từng phút giây và “ngày tận thế” đang diễn ra từng ngày, với mọi biến cố. Và thái độ đúng đắn để sống niềm tin đó, chân lý đó lại chính là thanh thản và bình tâm thực hành công chính, thiện lương; là nỗ lực xây dựng trái đất nầy, cuộc đời nầy bằng tất cả mồ hôi và nước mắt, tình yêu và và lòng quảng đại. Đó là tư thế của người “đầy tớ tín trung đang đợi chủ về” (Lc 12, 35-40), là sự sắp sẵn chỉn chu của “năm cô trinh nữ khôn ngoan” (Mt 25, 1-13); hay, như lời của Thánh Phaolô nhắn gởi cộng đoàn Thêxalônica trong Bài đọc 2 hôm nay: chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”.

Trong những ngày nầy, người dân Ukraina đang vui mừng vì quân đội của họ vừa chiếm lại được thành phố chiến lược Kherson, sau hơn 8 tháng bị quân Nga chiếm giữ. Sở dĩ có được thành quả nầy vì dân Ukraina, quân đội Ukraina đã quyết tuân theo lời thề mà vị Tổng Thống của họ, Volodymyr Zelenski đã tuyên bố, không chỉ cho riêng họ mà cho toàn thế giới: “Chúng tôi không hạ vũ khí”.

Vâng, sứ điệp phụng vụ của những ngày cuối năm nầy cũng muốn nói với những người Kitô hữu chúng ta: Chúng ta không hạ vũ khí; và dĩ nhiên, vũ khí của chúng ta đó chính là niềm tin, tình yêu và hy vọng. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Huế, Đất thánh
Lm. Minh Anh
22:31 12/11/2022

HUẾ, ĐẤT THÁNH

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam; từ Bắc chí Nam, các Giáo phận đều vui mừng vì hầu hết các Giáo tỉnh đều có các Đấng Tử Đạo tinh hoa của mình. Phần tôi, tôi cũng muốn chia sẻ một đôi nét về những hạt giống tinh hoa tử đạo trên đất mẹ quê tôi, Huế, với một nguyện ước nhỏ rằng, dẫu đang sống ở Huế, đã đến Huế, hay sẽ đến Huế, Anh Chị em đang nói đến một vùng đất còn có tên là ‘Huế, Đất Thánh’.

Tôi mạo muội mời Anh Chị em cùng nhìn lại đôi nét tiêu biểu của tử đạo Huế; bởi lẽ, Huế, vốn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, đang sở hữu đó đây những thánh tích sừng sững… thế nhưng, nếu vô tình, hoặc không biết, chúng ta sẽ đến Huế hay cả khi đang ở trên Huế, Huế vẫn mãi chỉ là một cố đô văn vật không hơn không kém như bao nơi khác mà không mang một ý nghĩa thiêng liêng nào khác, đang khi Huế thực sự là một ‘Huế, Đất Thánh’.

Nói đến Huế là nói đến sông Hương núi Ngự; nói đến Huế là nói đến lăng tẩm chùa chiền; nhưng đối với người Công Giáo và với một số đông du khách Âu Châu, nói đến Huế là nói đến một vùng Đất Thánh; ở đó, máu các thánh tử đạo đã nhỏ giọt trên các nẻo đường, ‘đường vào Thành Nội, đường xuống Gia Hội, đường về Bao Vinh...’.

Với Huế, cha J.B. Roux, một vị thừa sai Paris, một nhà viết sử, trong cuốn sách tiếng Pháp của ngài, “Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Hue”, vốn đã được người viết dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời”, có những vần thơ giới thiệu về Huế thế này:

“Tang thương tràn cả đất thiêng,
Nơi tình chỉ để cho duyên đạo lành,
Dõi nhìn với cả lòng thành,
Mới hay tro bụi long lanh phúc trời,
Mới hay dưới những rụng rơi,
Hồn thiêng tử đạo, làn hơi sinh thành”.

Với tác giả, đất Huế là đất mà phúc trời long lanh trong mùn cát, trong bụi đường; đất mà hồn thiêng các vị tử đạo của Huế đã trở thành làn khí hà hơi sự sống đức tin cho bao thế hệ cháu con. Vì thế, một lần đến Huế là một lần hành hương ‘Huế, Đất Thánh’; một lần trở lại xứ Thần Kinh, là một lần kính viếng thánh địa bao đấng anh hùng.

Trước hết, Phu Văn Lâu duyên dáng, hình ảnh đầu tiên trên con đường cạnh dòng Sông Hương đập vào mắt chúng ta, mấy ai biết, đó là Nhà Niêm Sắc Chỉ, nơi liệt kê danh sách các tội danh với những hình án dành cho các đấng tử đạo.

Tác giả viết tiếp, “Ở Rôma, nơi mà ngày ngày, bao khách hành hương mắt nhoà lệ, chân run run, kính cẩn chạm môi hôn lấy bụi đường, chỉ vì nơi đó, xưa kia, các tông đồ và các vị tử đạo đã đi qua; thì ở đây, nhờ những khổ đau và máu của cha ông các bạn, cả một đạo quân vinh thắng của Đức Kitô đã rảo bước, Huế của các bạn được biết đến với những địa danh rành rành lại càng đáng được trân quý biết bao!”. Tác giả nói đến các toà án, nơi các vị tử đạo vừa bị hỏi cung vừa chịu tra tấn, nổi tiếng là Toà Tam Pháp ngay dưới chân tường thành nội ở cửa Thượng Tứ và cửa Thể Nhơn, nay là nhà lưu niệm một nghệ sĩ.

Tác giả nói đến nhà tù Trấn Phủ dọc đường Xuân 68, cạnh cửa Đông Ba; tác giả nói đến Khám Đường, một ngục thất nổi tiếng nhất của xứ An Nam lúc bấy giờ dưới triều Nguyễn, nơi mà ai đã một lần qua cửa thì chỉ đi ra với một tên đao phủ dẫn đến pháp trường hoặc đã co quắp trong một chiếc quan tài gỗ tạp. Khám Đường đó giờ đây là trường Tiểu Học Tây Lộc ở 117 đường Trần Quốc Toản.

Tác giả nói đến các pháp trường, đó là Cống Chém An Hòa, nay vẫn còn bảng địa danh nằm cạnh cây xăng An Hoà; một pháp trường nổi tiếng khác là Chợ An Hòa, nay là trường Tiểu Học Hương Sơ. Tác giả còn nói đến Bãi Dâu, đồi đá Thợ Đúc và những nẻo đường thành nội, nơi các các đấng anh hùng cổ mang gông, chân mang xiềng bị kéo lê đi.

Vị thừa sai còn nói đến cái chết ghê rợn của cha Marchand Du, ngài đã phải co ro trong chiếc cũi dài 0,7m, rộng 0,5m được gánh bộ từ Gia Định ra Kinh Đô mất hết 6 tuần, để rồi rạng ngày 30 tháng 11 năm 1835, trước Cửa Ngọ Môn, bảy phát súng thần công được bắn ra nhằm quy tụ dân chúng đến chứng kiến; và từ trên vọng lâu, vua Minh Mạng ném cờ tuyên án bá đao dành cho ngài; người ta tùng xẻo ngài từ mảnh thịt này đến mảnh thịt kia cho đến chết.

Tác giả nói đến cái chết cảm động của Phaolô Tống Viết Bường, người con của làng Phước Quả, Giáo xứ Chính Toà Phủ Cam, bị chém ngay trước cổng nhà con gái mình vốn là nàng dâu của làng Phường Đúc; mắt ngài hướng về nền nhà thờ Thợ Đúc vốn đã bị tàn phá theo lệnh vua, ngài ước ao được chết trên đó. Nay đền miếu dành cho ngài, nơi đánh dấu ngài bị chém vẫn nằm bên con đường làng Thợ Đúc mà người lương kẻ giáo đều kính viếng, khói hương.

Tác giả nói đến cái chết điềm tĩnh của quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy cạnh cầu An Hoà, cụ chuẩn bị chết với một dáng vẻ quắc thước, áo xống đĩnh đạc, môi ngậm ống điếu.

Tác giả nói đến cái chết não nùng của người lính trẻ Anrê Trần Văn Trông thảo hiếu:

“Mẹ sao trí con sao trung bấy,
Ôi thanh phong lưu lại muôn đời,
Tôi vì Chúa phải đầu rơi,
Rơi vào tay mẹ, con thời toàn quy”.

Ngày xưa, chết không con cũng như chết không toàn thây là bất hiếu; Anrê Trông chịu chém tại chợ An Hoà, mẹ ngài đưa ngay vạt áo đón lấy chiếc đầu lấm đất và máu của con. Anrê Trông trả hiếu rồi vậy; người thanh niên 21 tuổi đó trả toàn thây cho mẹ, không lỗi bất hiếu. Những vần thơ này cho đến nay vẫn còn được đọc trên văn bia trước mặt nhà thờ Giáo xứ Kim Long. Và còn bao nhiêu vị khác nữa tại các vùng lân cận.

Anh Chị em,

Mừng kính Các Đấng Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, chúng ta biết nói gì đây, một hãy cảm tạ Chúa đã ban cho quê hương chúng ta bao đấng anh hùng như những hạt giống tinh tuý của mỗi miền, mỗi Giáo phận; cách riêng, ‘Huế, Đất Thánh’, mảnh đất Thần Kinh thân yêu này, với những hạt giống tốt gieo vào lòng đời, trong đó có các vị thừa sai và cả các bậc tổ tiên chúng ta. Chính nhờ công phúc và máu của các ngài, đồng lúa Giáo Hội Việt Nam ngào ngạt hương thơm đang trổ đòng ngậm sữa trên dải đất chữ ‘S’ này. Sống vì đạo hôm nay cũng khó không kém như chết vì đạo năm xưa; vì thế, để trung thành với Chúa, với Tin Mừng, chúng ta phải chọn lựa quyết liệt mỗi ngày. Những chọn lựa đó cũng đau đớn không kém những khổ hình cha ông chúng ta đã chịu, những hy sinh vì Tin Mừng đó cũng khiến tim chúng ta rỉ máu không kém bá đao.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, Đấng Anh Hùng Tử Đạo, mẫu mực của bao đấng anh hùng, Các Thánh Tử Đạo chỉ chọn lựa một lần; xin cho con can đảm chọn Chúa mỗi ngày, hầu trở nên thánh thiện và xứng danh với người con của ‘Huế, Đất Thánh’; lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con”, Amen.

Kính mời Anh Chị em đọc tác phẩm HUẾ CỔ, VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI, với hai bản đồ Huế Cổ và những hình ảnh của các địa danh khác đã được Google Map định vị; đây là bản được cập nhất cho lần in thứ 6, năm 2018.
http://tonggiaophanhue.net/muc-vu/van-hoa/toan-bo-tap-sach-hue-co-vet-tich-dao-va-doi/

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô Tông Du Mục Vụ Bahrain Từ 3 Đến 6.11. 2022
Phó tế Phạm Bá Nha
09:44 12/11/2022
Đức Phanxicô Tông Du Mục Vụ Bahrain Từ 3 Đến 6.11. 2022

Tổng hợp tin của Vietcatholic

Tháp tùng ĐGH có Đức HY Quốc Vụ Khanh Pietro Porolin chuẩn bị cho chuyến đi, tổ chức, hậu cần, diễn văn, người phiên dịch…Một khối lượng người phụ trách công việc phải làm.

17g, 4.11.2022, ĐTC được đón tiếp theo phong cách ngoại giao, với 21 phát súng đại bác, trẻ em quàng vòng hoa. Ra đón tại phi trường, có Quốc Vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa, chính-giáo quyền và ngoại giao đoàn. Xe quân nhạc cỡi ngựa biểu diễn, đẹp mắt. Hai bên chào mừng chính thức tại dinh vua.

Mục đích, trên máy bay tới Bahrain, ĐGH nói với ký giả : Đây là chuyến đi đáng lưu ý vì nó giúp chúng ta cải thiện hiểu biết hơn tình hình Hồi Giáo Sunni và Shia tại Bahrain. Trong khi Hồi Giáo nắm đa số dân số. Hoàng gia thuộc phe Sunni. Dẫn tới căng thẳng phe phái kéo dài trong xứ. Các nhóm tranh đấu nhân quyền từng tố cáo chính phủ vi phạm nhiều lạm dụng chống cả Hồi Giáo Shia lẫn di dân lao động và cầm tù bất công. (Vu Van An, vietcatholic net 3.11.2022)

Logo: Nền trắng có cành lá chia hai nhánh: bên trái là quốc kỳ Bahrain, giữa có cành lá olive, bên phải là quốc kỳ Vatican. Dưới là hàng chữ :POPE FRANCIS, Kingdom of Bahrain, 3-6 Novembre 2022.

Tìm hiểu Đảo quốc

Lần đầu tiên ĐGH thăm một quốc gia sa mạc trên đảo thuộc vịnh Ba Tư, trong khối Ả Rập. Tên Bahrain có nghĩa là “Hai Biển Khơi”

Quốc kỳ: hai màu Trắng (chiếm 1/3) và Đỏ (2/3) cắt răng cưa, nằm ngang.

Địa dư: sa mạc, khô cằn, đồi núi, vách đá lởm chởm, đá vôi xen lẫn cát mặn. Nhiều cây chà là. Khí hậu trung bình 28° C và 8° C, mưa 38mm. Không có sông ngòi.

Dân số: 1.234 567 dân (2010) trong đó 666.172 là ngoại quốc. Diện tích 780 Km2.

Kinh tế: nổi tiếng nghề kiếm sản phẩm ngọc trai. Tốt nhất thế giới. Hải cảng chính là Dilmun. Nhiều cơ sở lọc dầu.

Chính trị : Năm 1800 thuộc Anh. Năm 1971, Bahrain độc lập. Nay là Quân Chủ lập Hiến : Vua cai trị hoàng gia Al-Khalifa là Shailkh Hamad bin Isa Al Khalifa, có quyền bổ nhiệm Thủ Tướng, cá bộ trưởng, chỉ huy quân đội, HĐ Cố Vấn các Nghị Viện. Chủ tọa Hội Đồng Tư Pháp Tối Cao. Giải tán Hội Đồng Đại Diện. Bahrain có Lưỡng Viện (40 ghế) nhiệm kỳ 4 năm.

Tôn giáo: Hồi giáo chiếm 70%, Cơ Đốc 4. 5 %, Ấn Độ 9, 9%, Do Thái 0, 6%, Tôn giáo khác 0, 4%, Không liên kết 1, 9%.

Công Giáo: cả nước có 2 nhà thờ và 20 linh mục và 161.000 Công Giáo (Vatican, 2020).

Những Ngày Tông Du

Ngày 4. 11. 2022

18g, tại cung điện Hoàng gia Sakhir (Awali), có nhiều thiếu nữ rải hoa, ĐGH được chính thức chào đón, trước mặt mọi thành phần hoàng tộc, dân-chính-giáo quyền và ngoại giao đoàn… Ngài đọc diễn từ, ngoài biết ơn về đón tiếp, đã phát biểu : 1) Đây là đất nước có thực tại rất khác nhau (giàu nghèo), cổ xưa và hiện đại giao nhau, pha trộn truyền thống và tiến bộ…Tất cả là biểu tượng và tạo ra bức tranh tuyệt đẹp.2) Đây là ‘vùng đất của sự sống’ hấp dẫn, trải dài hơn 4.500 năm, con người liên tục của lịch sử. Là ngã ba làm giàu và gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau. Một nguồn ban tặng của Tạo Hóa cần tiếp tục nuôi dưỡng.3) Chúng ta đánh giá cao khả năng sự gặp gỡ, tôn trọng, khoan dung và tự do mà Vương quốc đang thúc đẩy, được hiến pháp công nhận. Tự hào vì đất nước đang vươn lên trong sa mạc. Đáp lời, nhà vua tuyên bố: Đức tin tôn giáo là phúc lành cho nhân loại và là nền tản cho hòa bình thế giới

Ngay sau, tại phòng bên cạnh trong dinh, ĐGH gặp riêng Hội Đồng Trưởng Lão Hồi Giáo. ĐGH ngỏ lời chào thân ái, kêu gọi xây dựng, hòa giải chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm đang manh nha trong cộng đồng. Các thành viên là gương mẫu cần cam kết xóa bỏ hằn thù, sai lầm, hiểu lầm…gây bạo lực nguy hại.

19g30, ĐTC có buổi cầu nguyện đại kết hòa bình tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập. ĐTC đọc diễn từ : 1) Chúng ta là những người thuộc nhiều tôn giáo và sắc dân khác nhau. 2) “Nhờ Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta thành một thân thể” (1Cr 12,13). Nhưng, tiếc là chia rẽ làm tổn thương nhiệm thể thánh thiện này. 3) Làm thế nào để tụ họp hiệp nhất phát triển để ngợi khen Thiên Chúa, cho khỏi cô lập. Trở thành anh em với nhau.

21g tại quảng trường Al-Fida, ĐTC dự buổi bế mạc “diễn đàn đối thoại giữa phương Đông và phương Tây”. ĐTC đọc diễn văn : 1) Kêu gọi đoàn kết xây dựng đất nước “Hai biển khơi”, ra khơi như người dân thường làm. 2) Kiên trì chịu đựng những khó khăn thực phẩm, sinh thái hay đại dịch xảy đến. 3) Phục hồi những gì lỗi thời. Thiết kế lại những gì đổ nát hư hại.

Ngày 5.11.2022

10g tại sân vận động quốc gia, ĐTC cử hành và giảng lễ thánh lễ đại trào. Khoảng 30.000 người tham dự. Trong đám đông có 2.900 người đến từ Riyadhi, Ả Rập Saudi, bên cạnh. Xe buýt chở công nhân nước ngoài đến tham dự. Giảng lễ, ĐGH nêu lên: 1) Đức Giêsu đau khổ khi nhìn thấy thời đại, có nhiều nơi áp dụng quyền-bạo lực, vì thù địch hận thù, còn tồn tại. 2) Tin Mừng kêu gọi “hãy yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù”. 3) Đừng để bị điều ác khuất phục, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác (Rm 12,21). 4) Hôm nay, tôi đem tình âu yếm và gần gũi của Giáo Hội hoàn vũ, vốn dõi nhìn, ôm ấp, yêu thương và khuyến khích anh chị em. Xin Đức Mẹ đồng hành, gìn giữ không ngừng anh chị trong tình yêu đối với mọi người.

Ngày 6.11.2022

8g30, Cũng tại đây, ĐTC gặp giới trẻ, khuyến khích: 1) Các con hãy đem dòng nước tình huynh đệ đến cho sa mạc cuộc đời. 2) Bahrain là nơi qui tụ các dân tộc khác nhau. Vùng đất hội tụ “cổ xưa và hiện đại”. Truyền thống và tiến bộ hòa trộn. Nhiều người từ những nguồn gốc khác nhau tạo nên bức tranh sống tươi đẹp. 3) Bahrain là hình ảnh “cây sự sống”, biểu tượng sự sống của đất nước này. “Cây leo kiêu hung” đang vươn lên giữa sa mạc khô cằn cát bỏng. Nhờ những nhánh rễ bám sâu dưới những bụm cát. 4) Nguồn gốc đảo quốc tỏa sáng trong đa dạng về sắc tộc, văn hóa cũng như chung sống hòa bình và lòng hiếu khách của người dân. 5) Ở đây, tôi như người gieo, qua những lần gặp gỡ và tham dự diễn đàn đối thoại vì lợi ích chung hòa bình vun đắp tới mục tiêu lý tưởng.

10g, tại đền thờ Thánh Tâm, hoạt động cuối. ĐGH gặp các Giám mục Linh mục Tu sỹ, Giáo Lý viên và Hội Đồng Mục vụ, huấn dụ : 1) Cộng đồng dân Chúa ở đây là bộ mặt phổ quát đến từ nhiều nơi trên thế giới cùng nhau tuyên xưng đức tin. Chủ chăn và đoàn chiên phục vụ tận tình. 2) Chúa Thánh Thần là nguồn suối, sức sống, lửa cháy trong sa mạc trần thế yếu đuối của nhân loại. Ai đón nhận Chúa Thánh Thần đem lại niềm vui cho chúng ta. 3) Hãy khao khát những ân sủng thiêng liêng như sức mạnh rao giảng Tin Mừng (x. 1Cr 14, 1)

12g30, tại phi trường Sakhir, nghi thức tiễn biệt trong lưu luyến và cám ơn, ĐTC trở về Roma. Vì đau đầu gối, ĐGH ngồi yên một chỗ, trên máy bay về Roma, ĐTC họp báo, đề cập tới các vấn đề.

1)Kết quả tông du : Sau khi lắng nghe ba bài phát biểu của Đại Iman, ĐTC sẵn sàng đối thoại và làm việc với các tôn giáo. Hiện giờ các cộng đồng đại kết cởi mở đang xích lại gần nhau. Chúng tôi làm việc theo tài liệu “Abu Dhabi” đã soạn giữa hai bên.

2) Những quyền căn bản cho phụ nữ phải giữ và tôn trọng khắp nơi, không riêng tại đây. ĐTC khuyên người trẻ nghĩ đến công bằng công ích xã hội hơn.

3) Chính quyền phải nghĩ tới quyền lợi dân. Những người đấu tranh cho nhân quyền, cho đất nước hơn đảng phái, quyền lợi cá nhân.

5) Chiến tranh còn và có thể lan rộng. Ai gây ra tang tóc, chết chóc và chia lìa. Rộng tay với người tỵ nạn di dân. Chẳng qua vì chiến cuộc, tự do mà họ nghèo và cơ cực. Ngồi lại gặp nhau đàm phán thì mới có hòa bình

Nhận Định Chuyến Tông Du

Thứ Tư, 9.11.2022, trong buổi triều yết chung tại thính đường Phaolô VI chính ĐGH Phanxico đánh giá chuyến tông du vừa qua tại Bahrain. Sau 3 ngày tông du Vương quốc Bahrain về, chúng ta đã khám phá ra và tìm cách cách hiểu được “vùng đất sự sống” nhỏ bé này :

- Đối thoại: Cơ hội do hành trình mơ ước từ lâu nay mới thực hiện do lời mời của nhà vua, đến dự “diễn đàn đối thoại giữa phương Đông và phương Tây”, nhằm khám phá phong phú các dân tộc truyền thống và tín ngưỡng khác.

- Gặp gỡ : Có nhiều cuộc gặp gỡ tại quốc đảo. Nhiều lần nghe thấy giữa tín hữu Kitô giáo, Hồi giáo…Tạo ra mối liên hệ bền chặt. Cử chỉ đặt tay trên trái tim khi thăm chào nhau là nét đẹp nền văn hóa cổ truyền. Bảo đảm cho các cuộc đối thoại trên có hiệu quả.

- Hành trình: Đến Bahrain là một bước tiến nhìn vẻ đẹp của họ. Tôi kêu gọi có trái tim, mở rộng chân trời bác ái yêu thương. Làm ơn đừng khép kín, cứng cỏi. Tất cả là anh em, quan tâm đến nhau.

Bên ngoài có 2 cuộc biểu nhỏ, đòi bỏ án tử hình (tái áp dụng từ 2017) và xét xử theo luật quốc tế các chính trị phạm trong cuộc nổi dậy, năm 2011.

 
Đối với người cựu Anh giáo, Con đường Đồng nghị Đức chỉ là nội dung Mácxít trong tấm chăn thiêng liêng
Vu Van An
17:36 12/11/2022

Gavin Ashenden, trên Catholic Herald ngày 9 tháng 11 năm 2022, viết rằng những người cựu Anh giáo đã thấy những trò gian xảo này đối với Giáo Hội trước đây.



Trong một bài báo gần đây của một ấn phẩm Công Giáo khác, nhà trí thức Công Giáo nổi tiếng và là người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Austin Ivereigh, đã bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng của những người cựu Anh giáo khi họ đưa ra lời khuyên về tiến trình đồng nghị cho nhà báo Christopher Lamb.

Bản thân Austin Ivereigh đã đầu tư nhiều vào Con đường Đồng nghị. Ông là một trong những tác giả đã tổng hợp các quan điểm về kinh nghiệm của đất nước này. Ông lo lắng về những đóng góp cho báo cáo của những người cựu Anh giáo, những người đã cảnh cáo về mối nguy hiểm của việc tham khảo ý kiến những người không biết hoặc không thực hành đức tin.

Khi trình bày và biện minh cho mối quan tâm của Ivereigh, Lamb cho rằng những người đầu tư vào việc thành công của Con đường Đồng nghị đã hành động dưới sự hiện diện và linh hứng trực tiếp của Chúa Thánh Thần:

“Báo cáo không phải là một thăm dò ý kiến hay một thao tác xã hội học mà là một thao tác lắng nghe Chúa Thánh Thần thôi thúc dân Chúa - giáo dân, giáo sĩ và giám mục - tiếp tục 'cùng nhau bước đi' theo con đường đồng nghị, bất chấp các cạm bẫy”.

Điều đó đặt ra cho tất cả chúng ta câu hỏi liệu chúng ta có thể phân biệt được sự khác biệt giữa thao tác lắng nghe và thao tác “lắng nghe Chúa Thánh Thần” không?

Chủ yếu cho việc phát triển niềm tin vào diễn trình này, những người đề xuất phương pháp này không giải thích làm cách nào họ có thể chắc chắn rằng các cuộc trò chuyện và thao tác lắng nghe được đề xuất có thể được sự hiện diện và linh hứng của Chúa Thánh Thần bảo đảm.

Thật vậy, đó là nơi các người cựu Anh giáo tin rằng họ có thể giúp đỡ. Vì trong thế giới Anh giáo, một phần chủ yếu trong việc các nhà xã hội cánh tả tiếp quản Giáo Hội hầu như luôn đi kèm với lời hứa rằng Chúa Thánh Thần là một phần rất quan trọng trong dự án của họ. Nhưng hóa ra, ở phần cuối của diễn trình, phe cấp tiến đã thực sự nhầm lẫn tinh thần của thời đại với Chúa Thánh Thần. Sau khi chứng kiến mưu đồ này được sử dụng một lần nữa để gây chia rẽ và phá hoại, các cựu Anh giáo hy vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm của họ về mối nguy hiểm mà điều này tạo nên đối với tính toàn vẹn của Giáo hội.

Vấn đề dường như bắt nguồn từ sự kiện này là Con đường Đồng nghị đã tiếp nhận một thế giới quan thần học thuộc một loại đặc thù. Trong lĩnh vực linh đạo lịch sử, chúng ta có thể phân biệt nhiều khía cạnh khác nhau của cộng đồng giáo hội; giáo sĩ và giáo dân, tu trì và thế tục; vâng lời và bất tuân; chung thủy và bất trung; giữ đạo và chỉ có danh; đạo đức và phi luân; những người duy sùng kính và những người duy hoạt động, v.v.

Nhưng Con đường Đồng nghị, nếu bạn là người ủng hộ, đã hình dung trước (hoặc nếu bạn là người phê phán, đã dựng đứng) cuộc đàm luận bằng cách áp đặt các phạm trù “bị loại trừ” và “được bao gồm”. Đây có ý chỉ những người có quyền lực và những người không có quyền lực. Quan điểm trung thành hơn với các truyền thống của Giáo hội sẽ bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn đến những người có hoặc không có đức tin hơn là những người có hoặc không có quyền lực.

Chúng ta đã bị đẩy ra khỏi lĩnh vực linh đạo Kitô giáo để bước sang trò chơi quyền lực của chủ nghĩa Mácxít. Con đường Đồng nghị đã trở thành một nghiên cứu về "vong thân". Chúng ta đang quay trở lại thế giới chính trị bản sắc, nơi nhóm mà bạn thuộc về được ưu tiên hơn nhân đức bản thân của bạn (hoặc sự thiếu sót nó). Nếu bạn bị gạt ra ngoài lề, bị tha hóa hay vong thân, bị loại trừ, thì đây là cuộc đàm luận dành cho bạn.

Thủ bản hoặc sổ tay (vademecum) của tiến trình đồng nghị ghi như thế này:

“Sự tham gia rộng rãi là một phần quan trọng của tiến trình giáo phận, không ai bị loại trừ. ‘chúng ta phải đích thân tiếp cận với các vùng ngoại vi, những người đã rời bỏ nhà thờ, những người hiếm khi hoặc không bao giờ thực hành đức tin của họ, những người trải qua cảnh nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người tị nạn, những người bị loại trừ, những người không có tiếng nói, v.v.”

Điều này, đúng hơn, đã từ bỏ trò chơi. Đây là những phạm trù xã hội học, không phải là những phạm trù thần học hay tâm linh. Làm thế nào một người cố tình quay lưng lại với Giáo Hội, hoặc từ chối thực hành đức tin lại có thể cấu thành Giáo Hội? Há họ không có năng lực, không có ý chí, không có trách nhiệm đó sao?

Nhưng trong thế giới xã hội học bị chủ nghĩa Mác thâm nhập, trách nhiệm và sự lựa chọn ít quan trọng hơn là tư cách nạn nhân. Và tinh thần xã hội học đòi hỏi họ phải được bao gồm để khắc phục sự vong thân và vô quyền lực của họ. Và do đó, các phạm trù được quan tâm là “người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người tị nạn, người bị loại trừ và không có tiếng nói”. Đây là Mác hơn là Chúa Giêsu, hệ tư tưởng của thời đại hơn là Chúa Thánh Thần.

Vấn đề liệu quỹ đạo của những người bị loại trừ có vượt quá giới hạn của Giáo hội hay không? Các tác giả của Con đường Đồng nghị không nghĩ rằng nó vượt quá. Nó chỉ mô tả những tham vọng của diễn trình lắng nghe để bao gồm “Cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt những người sống bên lề xã hội, là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu”.

Đây là một nhân tố quan trọng. Bởi vì Austin Ivereigh khẳng định rằng vấn đề với những người cựu Anh giáo là họ không hiểu rằng đạo Công Giáo liên quan đến cuộc đàm luận nơi những người tạo thành sensus fidelium [cảm thức các tín hữu].

“Tiến trình đồng nghị ở Anh và xứ Wales đã cho thấy rằng nhiều cựu tín hữu Anh giáo gặp khó khăn trong việc nắm bắt bản chất của tính đồng nghị Công Giáo, vốn giống với các diễn trình biện phân của giáo hội hơn là việc quản trị Giáo hội Anh, vốn được Quốc hội Vương quốc Anh ủy quyền”.

“Trong khi các thượng hội đồng của Giáo hội Anh “có tính biểu quyết”, thì trong truyền thống Công Giáo, các thượng hội đồng có tính tham vấn, với các quyết định do các giám mục cùng và dưới quyền Đức Giáo Hoàng đưa ra sau khi cẩn thận lắng nghe Chúa Thánh Thần nói qua sensus fidelium”.

Tất nhiên ông ta đúng. Không có diễn trình lập pháp nào liên quan đến Thượng hội đồng này. Nhưng những người Anh giáo, bất chấp sự lo lắng của ông Ivereigh, có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tham vấn và lập pháp. Nó không khó lắm.

Trên thực tế, họ đang hỏi những câu hỏi liên quan rất nhiều đến sensus fidelium.

Rất may, nó đã được định nghĩa trong Sách Giáo lý:

“Sự đánh giá siêu nhiên đức tin của toàn thể dân chúng, khi, từ các giám mục cho đến những tín hữu cuối cùng, biểu lộ sự đồng ý phổ quát trong các vấn đề đức tin và luân lý” [1]

Điều mà ông Ivereigh vẫn chưa giải thích được là làm thế nào những người không thực hành, những người đã rời bỏ Giáo hội, và thực sự là những người không phải là Kitô hữu, lại tạo nên sensus fidelium mà Sách Giáo lý đang đề cập đến?

Sự kiện là những người cựu Anh giáo trước đây đã thấy trò lừa đảo này được thực hiện đối với Giáo Hội. Nó là một phần trong linh đạo của phái cấp tiến. Nói một cách rất đơn giản, họ bọc nội dung gần như Mácxít trong một tấm chăn êm ái thiêng liêng, và sau đó nói rất nhiều về Chúa Thánh Thần.

Đây là cách mà Đức Hồng Y Grech, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đang làm. Ngài giải thích các mục tiêu và đặc điểm chính của diễn trình thượng hội đồng, mô tả nó là “một diễn trình thiêng liêng” đòi hỏi phải lắng nghe Chúa Thánh Thần cũng như lắng nghe lẫn nhau”.

Nổi bật trong số những người đưa ra lời cảnh cáo là Đức ông Nazir-Ali. Với chính sensus fidelium trong tâm trí, ngài đã phát biểu trước Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á vào ngày 28 tháng 10 tại Bangkok, Thái Lan. Ngài gợi ý rằng các cuộc tham vấn đồng nghị có giới hạn của chúng, nhấn mạnh rằng những người được tham vấn “cần được dạy giáo lý, thậm chí cần được truyền giảng Tin Mừng”, nếu không, làm thế nào họ có thể tạo thành Sensus Fidelium?

Một thao tác công bằng xã hội gần như có tính trị liệu, bao trùm, kêu gọi những người theo hệ tư tưởng thời đại bằng cách trao quyền và hòa nhập cho những người hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề và không có tiếng nói sẽ là một thao tác mạch lạc về mặt xã hội học tuyệt vời về sự liên quan chính trị và tìm kiếm công lý. Con đường Đồng nghị đề nghị đặt nền móng chỉ cho một quá trình như vậy mà thôi.

Những người cựu Anh giáo muốn trấn an ông Ivereigh rằng họ không những có thể cho biết sự khác nhau giữa lập pháp và tham vấn, mà còn muốn đưa ra một lời cảnh cáo khiêm tốn nữa.

Sau khi chứng kiến một diễn trình tương tự 'cùng đi với nhau trong phương thức tham vấn được đóng khung trong một trình thuật xã hội học' đã được thử trước đó trong bối cảnh trước đó, kết quả là chia rẽ, phá hoại đạo đức, nghèo nàn thiêng liêng, thiếu mạch lạc thần học, giảm sút đức tin, bội giáo và suy yếu nghiêm trọng cho Giáo hội. Và yêu mến Giáo Hội Công Giáo như họ yêu, và trung thành với sự toàn vẹn của Giáo hội như họ vốn trung thành, họ sẽ không làm nó phải chịu cùng một kết cục nữa.
________________________________________________
[1] Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 92.
 
Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II
J.B. Đặng Minh An dịch
23:13 12/11/2022


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Three pontificates and Vatican II”, nghĩa là “Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào sáng ngày 17 tháng 10 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị mới được bầu đã đồng tế thánh lễ với Hồng Y Đoàn và cam kết rằng chương trình giáo hoàng của ngài sẽ là việc thực hiện đầy đủ Công Đồng Vatican II. Đó là “nhiệm vụ tối hậu của ngài”, vì Công đồng là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất” trong hai thiên niên kỷ của lịch sử Kitô giáo. Như tôi giải thích trong cuốn “To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II” nghĩa là “Để Thánh Hóa Thế Giới: Di quản quan yếu của Vatican II” do nhà xuất bản Basic Books in, 26 năm rưỡi tiếp theo chứng kiến Đức Gioan Phaolô II thực hiện lời cam kết đó, vì triều đại giáo hoàng của ngài là một bản hùng ca về giáo huấn và chứng tá đã giúp cung cấp cho Công Đồng các diễn giải chủ yếu mà chính Công Đồng đã không đưa ra.

Không giống như 20 công đồng chung trước đây, Công đồng Vatican II đã không trình bày rõ ràng hoặc xác định một chìa khóa cuối cùng để giải thích đúng đắn Công Đồng: một điều gì đó làm rõ rằng “Đây là ý của chúng tôi”. Các Công Đồng khác đã viết các tín điều, xác định tín điều, lên án dị giáo, lập pháp thành luật Giáo hội và xác lập các giáo lý. Công đồng Vatican II đã không làm những điều đó, đó là một lý do tại sao một tình huống mơ hồ liên quan đến ý định và ý nghĩa của Công đồng đã xảy ra sau đó.

Trong tông huấn năm 1975 Evangelii Nuntiandi (Công bố Tin Mừng), Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bắt đầu quá trình trao cho Công đồng không-có-chìa-khoá một cách giải thích có thẩm quyền bằng cách nhắc lại ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng: Công đồng Vatican II là để khởi động Giáo hội trên một sự hồi sinh sứ mệnh truyền giáo lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Đức Gioan Phaolô II đã điền vào chỗ trống về những gì mà nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa sẽ liên quan đến huấn quyền rộng lớn của ngài - và bằng chuyến thăm mục vụ của ngài đến Thánh Địa vào tháng 3 năm 2000, điều này nhắc nhở Giáo hội rằng Kitô giáo bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Phục sinh, Đấng phải luôn luôn là trung tâm của mọi đề xuất và công bố của Giáo hội cho thế giới.

Ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II trong công việc vĩ đại nhằm cung cấp các chìa khóa diễn giải cho Công đồng là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người sẽ kế vị Đức Giáo Hoàng người Ba Lan với tư cách là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16. Giống như vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Hồng Y Ratzinger là người của Công đồng; trên thực tế, nhà thần học trẻ người Bavaria đã từng là một trong ba cố vấn thần học có ảnh hưởng nhất đối với các giám mục trong công đồng. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong bài diễn văn Giáng Sinh đầu tiên của mình trước Giáo triều Rôma năm 2005, Đức Bênêđictô XVI đã thẳng thắn đề cập đến câu hỏi về cách giải thích đúng đắn Công đồng Vatican II.

Giống như người đã triệu tập Công Đồng, là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Bênêđíctô biết rằng Công đồng không được triệu tập để tái tạo Công Giáo; đó không phải là những gì các Công Đồng Chung thực hiện. Đúng hơn, Công Đồng nhằm mục đích khơi lại niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô và đổi mới kinh nghiệm của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần, để, giống như các môn đệ sau Lễ Hiện Xuống Kitô đầu tiên, Giáo hội sẽ được khích lệ cho việc truyền giáo triệt để. Thành ra, ngài dạy rằng Công đồng Vatican II, nên được hiểu như một Công đồng đã phát triển truyền thống của Giáo hội một cách hữu cơ. Công đồng Vatican II không phải là một sự đoạn tuyệt với truyền thống, mà là sự đào sâu sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội trong sự liên tục sự mặc khải của Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao, trong cuốn “Để Thánh Hóa Thế Giới”, tôi đề nghị rằng các triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI nên được hiểu như một cung đường diễn giải liên tục, kéo dài 35 năm, cung cấp những chìa khóa mở ra giáo huấn có thẩm quyền và sức mạnh truyền bá Phúc âm của Vatican II.

Còn triều đại giáo hoàng hiện nay thì sao?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên sự tôn trọng của ngài đối với Công đồng. Và lời kêu gọi của ngài về một Giáo hội “truyền giáo vĩnh viễn” chắc chắn phản ánh ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II, mà Đức Giáo Hoàng Gioan đã tóm tắt trong một câu ngắn gọn vào tháng 9 năm 1962: “Mục đích của Công đồng là…. Phúc âm hóa”. Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng hiện nay đã khác xa với giáo huấn của Công đồng về một số phương diện.

Chính sách hiện tại liên quan đến Trung Quốc của Vatican mâu thuẫn với giáo huấn của Công đồng rằng không có quyền lực nào hoặc đặc quyền nào được trao cho các chính phủ trong việc bổ nhiệm giám mục - một giáo huấn hiện được thể hiện hợp pháp trong Giáo luật 337 triệt 5. Việc Tòa Thánh tuân thủ Tuyên bố Abu Dhabi năm 2019 và tuyên bố rằng sự đa dạng của các tôn giáo là sự thể hiện thánh ý của Thiên Chúa không dễ dàng tương hợp với tuyên bố của Công đồng về Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc độc tôn, và duy nhất của nhân loại: Chúa là trung tâm của lịch sử và vũ trụ. Một trong những thành tựu đáng chú ý của Công đồng Vatican II là sự khẳng định mạnh mẽ về thẩm quyền cai quản được trao bằng bí tích truyền chức cho hàng giám mục; những cải cách gần đây của Giáo triều Rôma, việc phế truất các giám mục mà không theo thủ tục hợp pháp và các quy định của giáo triều về việc cử hành Thánh lễ đúng cách (và thậm chí cả nội dung của các bản tin giáo xứ!) đã cắt xén thẩm quyền đó. Và cách giải thích hạn hẹp đặc biệt của Đức Giáo Hoàng đối với giáo huấn của Công đồng về phụng vụ đã làm cho việc thực hiện Công đồng Vatican II thậm chí còn gây tranh cãi hơn nữa.

Những khác biệt này sẽ là trọng tâm của mật nghị giáo hoàng tiếp theo.
Source:First Things
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video và Hình ảnh của buổi Khánh thành và làm phép Tượng đài Đức Mẹ Lộ đức tại Giáo xứ St Margaret Mary’s Brunwswick – Australia ngày 2/10/2022
Cộng đồng Công giáo Việt Nam Melbourne
03:57 12/11/2022
Video và Hình ảnh của buổi Khánh thành và làm phép Tượng đài Đức Mẹ Lộ đức tại Giáo xứ St Margaret Mary’s Brunwswick – Australia ngày 2/10/2022

Inauguration of the Statue of Our Lady at St Margaret Mary's Brunswick



Coi Video ngắn gọn

https://youtu.be/NBCy9PbCOZI

Coi Hình ảnh

https://flic.kr/s/aHBqjA9JgF

Coi Video dài của cả buổi lễ

https://youtu.be/SLwWnMV1vhg
 
Ban Caritas hạt Sài Gòn Chợ Quán: Bữa cơm nhân ái ngày 12-11-2022
Gx. Chợ Quán, 12-11-2022
11:01 12/11/2022
Ban Caritas hạt Sài Gòn Chợ Quán: Bữa cơm nhân ái ngày 12-11-2022

TGPSG - Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là Vị Giáo Hoàng của người nghèo. Ngài đã kêu gọi nhiều lần ở nhiều nơi trên thế giới “Hãy biết quan tâm chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt ”, cụ thể Ngài đã phát động “Ngày thế giới người nghèo vào chúa nhật 13-11-2022”

Đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha và của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng, Ban Caritas Hạt Chợ Quán đã tổ chức Bữa cơm nhân ái cho những người có hoàn cảnh khó khăn của 17 giáo xứ Hạt Sài Gòn - Chợ Quán. Mỗi giáo xứ cử 10 người tham dự tại sân nhà giáo lý Họ Chợ Quán từ 10g30 ngày thứ Bảy ngày 12-11-2022.

Ban Caritas Giáo Hạt được sự ủng hộ tích cực của Linh mục Gabriel Trịnh Công Chánh, Hạt trưởng Hạt Saigon- Chợ Quán, cha phó Chợ Quán Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa, các hội viên Caritas của các giáo xứ trong giáo hạt, quý sơ và quý tu sĩ cũng là những người đồng hành trong công tác phục vụ bác ái của giáo phận.

Mở đầu ngày vui là tiết mục múa của các sơ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán tạ ơn Chúa và chào mừng quý khách tham dự. Tiếp đến, cha Hạt trưởng phát biểu khai mạc. Cha chia sẽ: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô được thế giới cho là Vị Giáo Hoàng của người nghèo. Ngài đã kêu gọi nhiều lần tại nhiều nơi trên thế giới “ Hãy biết quan tâm chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt ”. Riêng Giáo hội Việt Nam và tại Tổng Giáo phận Sài gòn, được sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Giuse, tất cả các giáo hạt trong giáo phận sẽ tổ chức những bữa cơm nhân ái dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt trong các giáo xứ. Hôm nay giáo xứ Chợ Quán hân hoan chào đón những thành viên của 17 giáo xứ trong giáo hạt Saigon- Chợ Quán đến để dự bữa cơm nhân ái. Tôi chân thành cám ơn tất cả những ai đã giúp công sức, thời gian, kinh phí vật chất và tinh thần để tổ chức bữa cơm nhân ái này. Kính chúc mọi người ăn uống vui vẻ ngon miệng.”

Trong lúc mọi người thưởng thức các món ăn nóng sốt, cha phó giới thiệu các tiết mục văn nghệ giúp vui do các tu sĩ nam nữ và hội viên Caritas trình diễn. Bữa cơm kết thúc với lời cám ơn của đại diện Caritas. Mọi người hân hoan ra về với chiếc phong bì trên tay như chút tình chia sẻ những khó khăn trong cuộc mưu sinh hằng ngày.

Đâu đó có những giọt nước mắt của chị bán vé số đã được mua hết vé ngay tại sân bàn tiệc, những nụ cười và lời cám ơn gửi tới các anh chị đã bồng bế người khuyết tật vào bàn ăn, gởi lời cám ơn đến cha sở Gabriel trước lúc chia tay sau bữa cơm ấm áp tình người để tiếp tục trở về lăn lộn với bao khó khăn của cuộc sống. “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời!”

Gx. Chợ Quán, 12-11-2022

Giuse Phạm Văn Hân K1 (TGPSG)
 
VietCatholic TV
Hoan hô Mykolaiv giải phóng. Ukraine vây bắt Đại Tá Dù. Nga phá hủy 7 cầu, hàng ngàn quân mắc kẹt
VietCatholic Media
03:12 12/11/2022


1. Ít nhất 7 cây cầu Kherson bị phá hủy trong 24 giờ qua, ảnh vệ tinh và ảnh chụp cho thấy

Ít nhất bảy cây cầu - bốn trong số đó bắc qua sông Dnipro - đã bị phá hủy trong 24 giờ qua, theo hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies và các hệ thống không ảnh khác.

Hai cây cầu, một chiếc xe và một cầu đường sắt nằm trên đỉnh một con đập ở Nova Kakhovka đã bị phá hủy.

Trong những tháng gần đây, các cuộc tấn công của Ukraine vào và gần cây cầu đã làm hư hỏng nặng cây cầu xe Antonivskyi, nằm ngay phía đông nam thành phố Kherson, nhưng họ chỉ bắn thủng mặt cầu. Thiệt hại mới nhất đã phá hủy hoàn toàn một số đoạn đường. Ngoài ra, cây cầu đường sắt Antonivskyi, nằm ngay phía đông của cầu xe, cũng đã bị đổ nát.

Một cây cầu khác bắc qua sông Inhulets tại Darivka cũng bị phá hủy.

Cuối cùng, hai cây cầu - một đường cao tốc và một cầu dành cho người đi bộ - đã bị đánh đắm ở làng Tyahinka. Ngôi làng đó nằm cách con đập Nova Kakhovka chỉ 14 dặm về phía đông.

2. Đại Tá Dù của Nga sắp lọt vào tay quân Ukraine. Toàn bộ khu vực Mykolaiv được giải phóng – quan trọng nhất là hệ thống dẫn nước đã trong tầm kiểm soát của quân Ukraine

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 12 tháng 11, Thống Đốc Mykolaiv là ông Vitaliy Kim cho biết toàn bộ khu vực Mykolaiv đã được giải phóng và đặc biệt là hệ thống ống dẫn nước từ sông Dnipro nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine.

“Bây giờ là chính thức: toàn bộ khu vực Mykolaiv đã được giải phóng, trừ ra làng Kinburn, nơi chúng ta đang bao vây một đại đội Dù của Lữ Đoàn Dù 247 thuộc Sư Đoàn Dù số 7 có trụ sở tại Stavropol.”

Theo các nguồn tin, Đại Tá Dù của Nga Aleksandr Kornev dẫn một đại đội của Tiểu Đoàn Trinh Sát 162 Dù chạy vào làng Kinburn và đang tử thủ trong đó.

Ông Kim cho biết tinh thần của quân Nga trong vùng Mykolaiv là đặc biệt thấp. Họ cảm thấy bị lừa và bị cố ý bỏ lại làm bia đỡ đạn cho các đơn vị tại Kherson bỏ chạy.

Đề cập đến biến cố giải phóng khu vực Kherson lân cận, ông Kim nói “Tôi thực sự hạnh phúc và tự hào về người dân Kherson.”

Trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược Ukraine, và trong những tình huống chưa được làm rõ ngay lập tức, Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, chỉ huy Sư Đoàn Dù số 7 đã bị một tay súng bắn tỉa Ukraine giết chết gần Mariupol vào ngày 28 tháng 2.

3. Lực lượng Ukraine truy kích quân Nga đến sông Dnepro ở một số khu vực nhất định của vùng Kherson

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 12 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết kết quả của các cuộc tấn công thành công theo hướng Kherson là Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiến đến hữu ngạn của Dnepr ở một số khu vực nhất định.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Lực lượng Phòng vệ tiếp tục giải phóng các phần đất Ukraine theo hướng Kherson. Là một phần của các hành động tấn công thành công, các đơn vị tiền phương của lực lượng chúng tôi đã tiến đến bờ phải của Dnepr ở một số khu vực nhất định “

Tại một số khu định cư, các biện pháp đang được thực hiện để phát hiện và vô hiệu hóa các đơn vị của đối phương. Vì lý do bảo mật, thông tin chi tiết sẽ được cung cấp chính thức sau.

Theo Bộ Tổng tham mưu, hiện tại quân đội Nga đang tập trung nỗ lực kiềm chế các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Ukraine tại một số khu vực nhất định, cải thiện các công sự trong tuyến phòng thủ ở phía Tây Dnepro và phía bắc bán đảo Crimea tạm thời bị chiếm đóng.

Đồng thời, quân xâm lược Nga đang tiến hành các hành động tấn công trên các hướng Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka.

Trong ngày qua, địch đã thực hiện 3 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 9 cuộc không kích, đồng thời nổ súng bằng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt trên 10 lần. Các khu định cư ở các vùng như Kharkiv, Donetsk, Vinnytsia, Kherson và Mykolaiv đã bị đối phương tấn công.

Việc hình thành nhóm quân Nga-Belarus đang được tiến hành ở Belarus. Mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và không kích từ lãnh thổ Belarus vẫn đang tồn tại.

Một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga đã bị phá hủy gần Dniprovka của vùng Zaporizhzhia.

Gần Enerhodar, các lực lượng Ukraine đã đánh trúng một sở chỉ huy của đối phương. Quân đội Nga mất hơn 50 binh sĩ và hơn 40 người bị thương. Ngoài ra, một máy bay trực thăng Ka-52 của Nga đã bị phá hủy.

Sau các cuộc không kích của Lực lượng Phòng vệ Ukraine nhằm vào một trụ sở của quân đội Nga ở Chervonyi Maiak, vùng Kherson, hơn 30 kẻ xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Hai xe tăng và bốn xe vận tải của địch bị phá hủy.

Trong ngày qua, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 5 cuộc không kích vào các cụm quân nhân, đạn dược và thiết bị quân sự của đối phương.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã tấn công một sở chỉ huy của Nga, hai cụm quân nhân, đạn dược và thiết bị quân sự, hai kho đạn và ba mục tiêu quan trọng khác của đối phương.

4. Quân đội Ukraine kêu gọi binh sĩ Nga, và Belarus đầu hàng

Sau thất bại thảm hại của quân Nga tại Kherson, có một nguy cơ rất cao là các lực lượng kết hợp của Cộng hòa Belarus và Liên bang Nga sẽ tấn công vào phía Bắc Ukraine.

Trong bối cảnh này, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã kêu gọi binh sĩ của các lực lượng kết hợp của Cộng hòa Belarus và Liên bang Nga đầu hàng ngay khi họ tiến vào Ukraine.

Quân đội Ukraine yêu cầu người dân Belarus không tuân theo mệnh lệnh tội phạm của các chỉ huy, kêu gọi họ tắt động cơ của các phương tiện chiến đấu, buông vũ khí và giương cao cờ trắng. Đổi lại, quân đội Belarus sẽ nhận được sự bảo đảm về một kỳ nghỉ trang trọng trong các căn cứ quân sự được trang bị đặc biệt, trong khi thiết bị và vũ khí của họ sẽ được bảo quản trong điều kiện thích hợp và những người lính sẽ có thể trở về nhà, nhận lại vũ khí của họ sau khi chiến tranh kết thúc.

Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu nhắc lại rằng các lực lượng Nga đang chiến đấu chống lại Ukraine có hai lựa chọn: đầu hàng, sẽ cứu sống họ, hoặc chết trên chiến trường.

Đặc biệt, có thể an toàn đầu hàng sau khi các điều kiện được giải quyết trước với các quan chức có thẩm quyền từ Bộ chỉ huy Ukraine bằng cách liên hệ với đường dây nóng của dự án do chính phủ điều hành “Khochu Zhyty” nghĩa là Tôi muốn sống qua số 38 066-580-34-98, hay 38 093-119-29-84 gọi lúc nào cũng được hoặc sử dụng chatbot “Tôi muốn sống”.

5. Kyrylenko: Người Nga tiếp tục cố gắng vào Bakhmut bất chấp tổn thất lớn

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 12 tháng 11, Thống Đốc Donetsk là ông Pavlo Kyrylenko cho biết quân xâm lược Nga cố gắng tiến vào Bakhmut hoặc vượt qua thị trấn này để tấn công xa hơn, bất kể phải chịu tổn thất lớn.

“Các hướng Bakhmut, Avdiivka, Novopavlivka vẫn là những hướng nóng nhất. Ở hướng Bakhmut, kẻ thù không ngừng cố gắng xuyên thủng hàng phòng thủ của Lực lượng vũ trang Ukraine hoặc tiến vào thị trấn hoặc vượt qua nó để tiến xa hơn trong cuộc tấn công của mình. Thật vậy, kẻ thù đang bố trí lại những lực lượng đáng kể theo các hướng đã chỉ định, phân tán các nhóm quân để đạt được thành công ít nhất là ở một nơi nào đó. Họ muốn lập thành tích. Do đó, kẻ thù bị tổn thất rất lớn bất kể không ngừng nỗ lực”

Theo ông, nếu không thành công và phải rút lui về các vị trí trước đó, kẻ thù phá hủy các khu định cư ở tiền tuyến không nương tay.

“Toàn bộ tiền tuyến từ nam đến bắc - Marinka, Krasnohorivka, hướng Vuhledar, Avdiivka, Toretsk, Bakhmut, Soledar, một phần là cộng đồng Siversk - đang bị pháo kích liên tục. Cơ sở hạ tầng trong khu vực bị phá hủy rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi có thể nói rằng hơn 60% cơ sở hạ tầng ở Bakhmut đã bị phá hủy.”

Kyrylenko nhấn mạnh, kẻ thù phá hủy bừa bãi mọi thứ không liên quan đến các cơ sở quân sự và bắn cháy toàn bộ tuyến đầu, từ các công trình quốc phòng đến cơ sở hạ tầng của thành phố.

Như đã báo cáo, khu vực Donetsk đang chịu hoả lực liên tục của Nga và gặp phải các vấn đề về điện, nhiệt và cấp nước.

Hơn 1.2 triệu người đã rời khỏi khu vực, nơi có 1,670,000 người sống trước cuộc xâm lược toàn diện. Vào mùa đông này, có lẽ không quá 235,000 sẽ ở lại.

6. Dấu tích của những thường dân bị đập vỡ sọ được phát hiện ở vùng Kherson vừa được giải phóng

Tại một ngôi làng của vùng Kherson được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga, các nhân viên thực thi pháp luật đã phát hiện ra hài cốt của ba thường dân bị nứt hộp sọ.

“Là một phần của các nhóm điều tra và hoạt động chuyên trách liên ngành, các công tố viên tiếp tục ghi nhận tội ác chiến tranh của các thành viên quân đội Nga đối với dân thường tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của vùng Kherson. Trong một lần kiểm tra khu vực khác ở một ngôi làng của quận Beryslav, các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy phần còn lại của các thi thể người trong một căn hầm,” Văn phòng Tổng công tố báo cáo.

Theo dữ liệu sơ bộ, những phần còn lại được tìm thấy thuộc về ba cư dân địa phương thiệt mạng trong quá trình quân Nga chiếm giữ khu định cư.

Trong quá trình khám nghiệm sơ khởi, các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy những vết thương dưới dạng vỡ hộp sọ.

Các bộ hài cốt đã được gửi đi kiểm tra, bao gồm cả giám định ADN. Nhân viên thực thi pháp luật thực hiện các biện pháp để thiết lập hoàn cảnh, nhân chứng và các bối cảnh khác của tội phạm.

Một cuộc điều tra trước khi xét xử đang diễn ra trong quá trình tố tụng hình sự về việc vi phạm luật lệ và phong tục chiến tranh kết hợp với tội cố ý giết người (Phần 2 Điều 438 Bộ luật Hình sự Ukraine).

Như đã đưa tin, các nhân viên thực thi pháp luật đã khai quật thi thể của 4 người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở quận Kupyansk, vùng Kharkiv.

7. 1,183 người Ukraine đã trở về sau sự giam cầm của Nga kể từ khi chiến tranh toàn diện bắt đầu

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 12 tháng 11, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết:

Hôm nay, 45 lính bảo vệ Ukraine đã trở về nhà sau sự giam cầm của Nga trong một cuộc hoán đổi tù nhân khác. Tổng cộng, 1,183 người Ukraine đã trở về nhà kể từ khi Nga bắt đầu hành động gây hấn toàn diện đối với Ukraine.

“Một cuộc hoán đổi khác vừa kết thúc và 45 hậu vệ Ukraine đã trở về nhà, có nghĩa là tổng cộng 1,183 người Ukraine đã trở về nhà trong các đợt hoán đổi kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, và chúng tôi tiếp tục chuẩn bị các cuộc hoán đổi tiếp theo,” Andriy Yusov, một đại diện của dịch vụ báo chí của Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết trong cuộc họp báo.

Đặc biệt, các quân nhân của Lữ đoàn bộ binh cơ giới biệt lập Hetman Vyhovsky số 58, Lữ đoàn cơ giới hóa biệt lập số 53, Lữ đoàn cơ giới hóa biệt động số 30, Tiểu đoàn bộ binh cơ giới biệt động Polissia và Lữ đoàn cơ giới hóa riêng lẻ Ivan Bohun đã được về nước. Tất cả các quân nhân này cần một quá trình phục hồi lâu dài, có những người bị thương trong số họ, Yusov lưu ý. Đại diện của cơ quan tình báo lưu ý rằng những người lính này đã bị bắt ở phía đông Ukraine.

Ông Yusov cũng nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ nỗ lực giải thoát tất cả các hậu vệ hiện đang bị đối phương giam giữ. Ngoài ra, Ông Yusov hóm hỉnh tuyên bố rằng quỹ trao đổi đang được bổ sung tích cực bởi quân đội Nga, những người mà Bộ chỉ huy Nga đã phó mặc số phận của họ tại các vùng lãnh thổ phía Nam nơi vừa chứng kiến một con số đông đảo lính Nga ra đầu hàng.

Trả lời câu hỏi về việc hợp tác với đại diện các tổ chức quốc tế trong vấn đề trao đổi, Yusov nói: “Nếu chúng ta nói về quá trình trao đổi, thì đó chủ yếu là những nỗ lực của Ukraine”.

Như đã báo cáo, 107 quân nhân Ukraine đã trở về nhà trong một cuộc hoán đổi tù nhân vào ngày 3 tháng 11.

8. Các lực lượng Ukraine đang tiến về phía trước ở một số khu vực của vùng Luhansk, quan chức địa phương cho biết

Theo một quan chức Ukraine, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở khu vực Luhansk, miền đông Ukraine, nơi có đông đảo các quân nhân Nga mới được huy động.

Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, nói với truyền hình Ukraine rằng có ba chiến tuyến chính chạy theo hướng Bắc-Nam ở Luhansk.

Vlasenko nói rằng các lực lượng Ukraine đang đạt được một số tiến bộ xung quanh thị trấn Svatove và xa hơn về phía bắc.

Ông nói rằng “các hành động thù địch tích cực” đang diễn ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến trong khu vực Luhansk.

Các lực lượng Ukraine đang tiến về phía tây và phía nam của Svatove và các kho đạn của Nga đang bị phá hủy.

Ông cho biết thêm đã có sự tập trung cao độ các tân binh mới bị gọi nhập ngũ của quân đội Nga tại các thị trấn Kreminna, Rubizhne, Severodonetsk và Lysychansk.

Tất cả bốn thị trấn và thành phố đều nằm ở phía nam Svatove và bị quân Nga đánh chiếm vào mùa xuân và mùa hè sau các cuộc đụng độ dữ dội và sự tàn phá trên diện rộng.

Các lực lượng Ukraine hiện đang ở trong phạm vi vài dặm của cả bốn địa điểm trên, ông nói.

9. Ukraine chuẩn bị đưa dịch vụ đến các thành phố miền nam vừa được giải phóng

Các nhà chức trách Ukraine đang bắt đầu công việc khó khăn trong việc tái thiết ở các vùng lãnh thổ vừa được giải phóng trong cuộc phản công ở phía nam của họ.

Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Mykolaiv, láng giềng của Kherson, đã đến thăm thành phố nhỏ Snihurivka hôm thứ Sáu để thảo luận về “việc khôi phục cuộc sống ở các vùng lãnh thổ được giải phóng trong khu vực”.

“Chúng tôi đang làm việc để cung cấp điện và thông tin liên lạc cho các cộng đồng được giải phóng và khôi phục tín hiệu TV. Ngày mai, chúng tôi dự kiến sẽ bổ sung các kho hàng với viện trợ nhân đạo cho người dân,” nhà lãnh đạo, Vitalii Kim, cho biết.

Ông khen ngợi các nhân viên bệnh viện trong thành phố đã làm việc trong quá trình Nga chiếm đóng.

Ông cũng kêu gọi người dân địa phương hãy cẩn thận với bất kỳ chất nổ nào do người Nga bỏ lại.

“Mặc dù thực tế là các dịch vụ gỡ mìn đã bắt đầu các vùng lãnh thổ được giải phóng, tôi cảnh báo cư dân địa phương hãy cẩn thận,” Kim nói thêm.
 
Họa vô đơn chí: Bộ Tư Lệnh tiền phương Nga chạy thoát khỏi Kherson, vừa bị trúng HIMARS, tử trận
VietCatholic Media
15:59 12/11/2022


1. Quan chức Kherson xác nhận một số lớn quân Nga tử trận khi cố gắng vượt sông Dnipro.

Một quan chức Ukraine lần đầu tiên thừa nhận rằng thành phố Kherson “hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng vũ trang Ukraine”, nhưng cảnh báo rằng một số quân đội Nga có thể đã ở lại trong trang phục dân sự.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 12 tháng 11, Serhii Khlan, một thành viên của hội đồng khu vực Kherson của Ukraine, nói rằng “việc giải phóng thành phố Kherson và bờ tây Dnipro đang ở giai đoạn cuối”.

Ông cảnh báo rằng nhiều quân Nga đã “vứt bỏ quân phục của họ và hiện đang ẩn náu với trang phục dân sự”.

“Họ sẽ âm mưu khiêu khích, hoạt động cờ giả trong thành phố,” ông nói. “Còn rất nhiều việc phía trước trong việc khử mìn và dọn sạch thành phố.”

Cư dân của thành phố Kherson mà CNN đã nói chuyện trong những tuần gần đây xác nhận rằng nhiều binh sĩ Nga đang sử dụng trang phục dân sự.

Khlan cũng nói rằng một số lượng lớn quân đội Nga đã chết đuối khi cố gắng chạy trốn khỏi thành phố. Ông nói:

“Lực lượng vũ trang của chúng tôi, trong các cuộc tấn công dữ dội, đã tiêu diệt hầu hết những người Nga đang chạy trốn như lũ chuột đến bờ phía đông của Dnipro. Họ đang chạy trốn bằng những chiếc phà phao mà họ đã đặt ngay bên dưới cầu Antonivskyi, sau khi bỏ lại thiết bị của họ. Thật đáng tiếc rằng nhiều người Nga đã chết đuối. Chúng tôi đã cho họ cơ hội đầu hàng”.

Trong khi rút lui, ông nói rằng các lực lượng Nga đã kích nổ chất nổ tại nhà máy điện Kherson và phá hủy một phần ăng-ten TV. Các bức ảnh về ăng-ten TV bị phá hủy đã được đăng tải sáng nay trên Telegram.

Ông nói thêm rằng thông tin liên lạc trong thành phố vẫn vô cùng khó khăn, và cả nhiên liệu và điện đều khan hiếm.

“Quốc kỳ Ukraine được kéo lên ở thành phố Kherson. Kể từ bây giờ, quốc kỳ Ukraine sẽ xuất hiện trên tất cả các tòa nhà ở Kherson. Đây là điều chúng tôi đã mơ ước từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến” ông nói thêm.

2. Bộ Tư Lệnh tiền phương của quân Nga sau khi rút lui khỏi Kherson bị trúng hỏa tiễn

Trong bản báo cáo chiều thứ Bẩy 12 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết sau khi quân Nga rút lui khỏi Kherson sang bờ phía Đông của sông Dnipro, khả năng rất cao là quân xâm lược sẽ bắn phá vào thành phố Kherson vừa được giải phóng.

Khả năng này chưa xảy ra vì họ cần thời gian để nắm vững bọn nằm vùng cải trang thành dân thường hiện nay đang ở đâu. Khả năng này cũng có thể chưa xảy ra vì Lực lượng Ukraine đã tấn công vào Bộ chỉ huy Nga ở vùng Kherson, tiêu diệt hơn 30 kẻ xâm lược, phá hủy hai xe tăng, và 4 xe tải chuyển quân.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine Valeria Podkich cho biết:

“Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào trụ sở mới được thành lập của quân xâm lược Nga ở làng Chervonyi Maiak, vùng Kherson, loại khỏi vòng chiến hơn 30 quân xâm lược, trong đó có các sĩ quan cao cấp, và phá hủy hai xe tăng và bốn xe tải.”

“Tình hình trong khu vực hoạt động của Tavriisk đang căng thẳng, nhưng trong tầm kiểm soát. Địch đang bố phòng dọc tả ngạn sông Dnipro. Nhưng các biện pháp đối phó của quân ta cũng đang được tiếp tục ở bờ Tây. Kẻ thù, sau khi các đơn vị chủ lực của chúng rút khỏi hữu ngạn, đã cho nổ tung các cây cầu đường bộ và đường sắt Antonivka nhằm gây phức tạp cho việc di chuyển tiếp theo của quân đội chúng ta.”

Cô cho biết, ít nhất quân Nga đã phá hủy 7 cây cầu quan trọng của Ukraine. Theo nhận xét của cô, cuộc rút lui này là một cuộc tháo chạy tán loạn không phải là một cuộc di tản có trật tự như Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov mô tả.

Để giải thích cho luận điểm của mình cô cho biết: “Do quá sợ hãi, hay do thông tin liên lạc hoảng loạn, quân Nga nổ tung các cây cầu trong khi các đơn vị khác của họ vẫn còn ở phía sau. Hơn thế nữa, quân xâm lược đã bỏ lại đến 12 hệ thống pháo trong tình trạng hoàn hảo. Họ không có thời gian kéo đi, cũng chẳng kịp phá hủy.”

Theo báo cáo, Lực lượng Phòng vệ Ukraine tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giải tỏa các khu định cư theo hướng Kherson ở cả hai bên bờ của sông Dnipro. Do các hoạt động tấn công thành công, các đơn vị tiền phương của quân đội Ukraine đã đến được hữu ngạn sông Dnipro. Các biện pháp xác định và tiêu diệt kẻ thù ở một số khu định cư đang được tiến hành. Công việc cũng đã bắt đầu ở trung tâm khu vực.

Máy bay Ukraine đã mở nhiều cuộc tấn công các điểm tập trung thiết bị của kẻ thù sau khi quân xâm lược rút lui khỏi Kherson. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công 34 lần vào các khu vực tập trung nhân lực và thiết bị của quân xâm lược.

Tại mặt trận vùng Đông Bắc, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân xâm lược Nga trong khu vực 14 khu định cư ở các vùng Kharkiv, Luhansk và Donetsk.

Chỉ tính riêng trong 24h qua, và chưa kể con số lính Nga bị chìm dưới dòng sông Dnipro, đã có tới 810 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 24 xe tăng, và 34 xe thiết giáp.

Tính chung, lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 80.210 binh sĩ Nga tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 12 tháng 11.

Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược cũng bao gồm 2.838 xe tăng, 5.730 xe chiến đấu bọc thép, 1.829 hệ thống pháo, 393 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 205 hệ thống phòng không, 278 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1.506 máy bay không người lái, 399 tên lửa hành trình, 16 tàu chiến, 4.279 xe chuyển quân và nhiên liệu, 160 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Các bloggers quân sự Nga chỉ trích tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Nga là không đúng sự thật.

Một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga nhắc lại rằng tất cả quân đội Nga đã được rút khỏi bờ tây của khu vực Kherson kể từ đầu ngày thứ Sáu.

“Tất cả nhân viên, vũ khí và thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Nga đã được rút sang bờ phía đông. Tổng cộng, hơn 30 nghìn quân nhân Nga, khoảng 5 nghìn vũ khí và thiết bị quân sự, cũng như tài sản vật chất đã được di tản.” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết như trên.

“Tất cả các thiết bị quân sự của Nga cần được sửa chữa cũng đã được đưa đến bờ Tây của Dnipro”. Ông nhấn mạnh rằng “không một phần thiết bị quân sự hoặc vũ khí nào bị bỏ lại ở bờ Tây”.

Nhưng video trên các mạng xã hội của các blogger quân sự Nga lại cho thấy một cảnh tượng khác, xe tăng, xe bọc thép nằm dọc theo những con đường hướng đến sông Dnipro. Trong nhiều trường hợp chúng bị bắn cháy nhưng cũng không thiếu các trường hợp những thiết bị này không bị hư hại gì, tổ lái đơn giản là nhảy khỏi xe chạy bộ để tránh chết chung với xe dưới làn mưa pháo của quân Ukraine.

Các bloggers quân sự Nga đã tấn công Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Đại Tướng Sergei Surovikin, là người mà gần đây họ vẫn coi là một ngọn hải đăng của hy vọng. Một số bloggers đi xa đến mức kêu gọi bắn chết hai người này vì kế hoạch rút lui khỏi Kherson mà họ cho là ngu xuẩn và chết chóc,

Ukraine cũng kêu gọi bất kỳ binh sĩ Nga nào còn lại ở bờ Tây đầu hàng ngay lập tức. Và các quan chức cảnh báo một số binh sĩ Nga có thể đã ở lại trong trang phục dân sự.

Ukraine đã khẳng định rằng họ đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các điểm tập trung binh lính Nga đang rút lui, nhưng Bộ Quốc phòng Nga cho biết “bất chấp những nỗ lực của kẻ thù nhằm làm gián đoạn việc chuyển quân của Nga, không có tổn thất nào về nhân sự, vũ khí, trang thiết bị quân sự và vật chất. Hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga đã đẩy lùi mọi nỗ lực tấn công hỏa tiễn.”

Bộ Quốc Phòng Nga cũng tuyên bố rằng cuộc tiến công của Ukraine đã bị kìm hãm trong vài ngày. Nó cho biết: “Các cuộc tấn công bằng pháo binh, các cuộc không kích và sử dụng bãi mìn của Nga đã ngăn chặn các đơn vị của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở khoảng cách 30 - 40 km tính từ khu vực giao nhau trên sông Dnipro.

4. Ukraine lần đầu tiên thừa nhận rằng họ đã thực hiện cuộc tấn công vào tàu Nga ở Sevastopol

Ukraine đã thừa nhận rằng các lực lượng của họ đã thực hiện các cuộc tấn công vào hạm đội Nga và bến cảng tại Sevastopol ở Crimea vào cuối tháng trước.

Một nền tảng huy động vốn cộng đồng của chính phủ cho biết “vào ngày 29 tháng 10 năm 2022, máy bay không người lái của hải quân đã tấn công tàu Nga, trong một hoạt động được thực hiện hoàn toàn bởi các thiết bị không người lái trên không và dưới nước.”

Nền tảng nói rằng các máy bay không người lái “nhỏ và nhanh” đã làm hư hại ba tàu của Nga, bao gồm Đô đốc Makarov, một khinh hạm cũng là soái hạm của Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Các nhà chức trách Nga thừa nhận thiệt hại cho một tàu quét mìn nhưng không đề cập đến bất kỳ tàu hải quân nào khác. Không có xác nhận độc lập nào về việc Makarov bị hư hại nghiêm trọng.

Trang web huy động vốn cộng đồng cho biết mục tiêu của họ là “tập hợp một đội tàu gồm 100 chiếc như vậy. Họ sẽ bảo vệ vùng biển của chúng ta, ngăn chặn các tàu Nga mang hỏa tiễn, bảo vệ các tàu buôn và thực hiện các nhiệm vụ bí mật “.

Nền tảng ước tính chi phí của mỗi máy bay không người lái hải quân là 250,000 USD.

5. Các lực lượng Ukraine đã kiểm soát phần lớn khu vực Kherson.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói rằng tất cả quân đội Nga đã được rút khỏi bờ tây của khu vực Kherson kể từ đầu ngày thứ Sáu

Konashenkov tuyên bố rằng “không có một phần thiết bị quân sự hoặc vũ khí nào được để lại ở hữu ngạn.” Tuy nhiên, phóng viên CNN cho biết họ chứng kiến tận mắt xe tăng, xe thiết giáp và các thùng đạn dược của Nga bị bỏ lại hai bên đường như trong trường hợp quân Nga rút lui khỏi Kharkiv hai tháng trước đây.

Các quan chức Ukraine cho biết một con số đông đảo lính Nga đã đầu hàng, một số khác bị bắt tại mặt trận, và có cả một số binh sĩ Nga có thể mặc quần áo dân sự ở lại trong thành phố Kherson. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói rằng bất kỳ binh sĩ Nga nào còn lại ở bờ tây nên đầu hàng ngay lập tức để “tránh cái chết”.

Theo các ước tính của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, chỉ trong vòng vài ngày, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga ra lệnh rút về bờ đông của sông Dnipro vào hôm thứ Tư, các lực lượng Nga đã mất khoảng 40% diện tích mà họ đã chiếm được trước đó trong khu vực Kherson.

Nhìn chung, Ukraine đã giành lại khoảng 10,000 km vuông lãnh thổ ở khu vực Kherson.

“Của chúng tôi. Kherson là của chúng tôi.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bình luận về cuộc rút lui của Nga bằng một đoạn video về lễ kỷ niệm ở thành phố Kherson.

Trong một diễn biến mới nhất, lực lượng vũ trang Ukraine đã chiếm lại một phần khác của vùng Kherson là thị trấn Tyahinka, gần thị trấn chiến lược Nova Kakhovka - bất chấp việc quân Nga phá hủy các cây cầu trên đường rút lui. Một số bức ảnh, cũng được CNN xác thực và định vị địa lý, cho thấy các lực lượng Ukraine đã có thể tiến vào thị trấn mặc dù cây cầu của đường cao tốc chính và một cây cầu dành cho người đi bộ đã bị quân Nga phá hủy khi họ rút đi.

6. Quan chức do Nga cài đặt ở Melitopol của Ukraine sống sót sau nỗ lực ám sát

Một quan chức do Nga cài đặt tại thành phố Melitopol bị Nga chiếm đóng ở vùng Zaporizhzhya đã sống sót sau một vụ ám sát. Giám đốc Sở Thể thao của thành phố Andrei Boiko đã phải nhập viện với vết bầm tím và vết thương nhẹ sau khi một thiết bị nổ phát nổ khi ông đang rời khỏi khu chung cư của mình. Truyền thông Nga cho biết như trên vào ngày 11 tháng 11. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine vào tháng 2, một số quan chức do Nga chỉ định trong các vùng lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm đóng đã bị giết hoặc bị thương trong các cuộc tấn công ám sát.

7. “Khóc vì hạnh phúc”: Thành viên quốc hội Ukraine bày tỏ niềm vui về cuộc rút lui “lịch sử” của Nga khỏi Kherson

Kira Rudik, một thành viên của Quốc hội Ukraine, nói với CNN rằng sự rút lui của các lực lượng Nga khỏi thành phố Kherson ở phía nam đã thúc đẩy “quá nhiều tiếng khóc vì hạnh phúc.”

“Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng tôi sẽ nhớ nó vì chúng tôi đang giải phóng trung tâm khu vực Kherson đã bị chiếm vào đầu cuộc xâm lược. Và... không có quá nhiều người tin rằng điều này sẽ được thực hiện.... Mọi người đang rất hạnh phúc, họ đang đọc kinh, và tôi có thể nói với bạn rằng có rất nhiều tiếng khóc vì hạnh phúc. Bởi vì khi không ai tin rằng chúng tôi có thể làm được điều đó, Kherson vẫn là của Ukraine, và nó đã được giải phóng ngày hôm nay,” cô nói với Jim Sciutto của CNN.

Rudik cảnh báo rằng việc quân Nga rút lui khỏi Kherson nên được gọi là một cuộc tháo chạy tán loạn chứ không phải là di tản chiến thuật.

Đó là “kết quả của các cuộc chiến đấu dữ dội và các hành động chiến lược của quân đội Ukraine và sự hỗ trợ của các đồng minh của chúng tôi. Không có gì được Nga trao ra trong cuộc chiến này. Nó luôn là kết quả của nỗi đau, cái chết và sự quyết tâm và nỗ lực đáng kinh ngạc của những người lính Ukraine.”

Khi được hỏi về khả năng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, Rudik cho biết Ukraine yêu cầu bảo đảm an ninh.

“Câu hỏi vẫn như cũ: Làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng rằng Putin sẽ không tấn công chúng tôi vào ngày mai, hoặc trong một năm hoặc năm năm nữa? Bởi vì điều chính mà chúng tôi nợ con cái của chúng tôi, nợ thế hệ tiếp theo, là chúng sẽ không phải chiến đấu hết lần này đến lần khác,” Rudik nói.
 
Thánh tích lưu lạc đến 500 năm vừa trở lại nhà thờ xưa. Sau bầu cử, tình hình Israel vẫn như trước
VietCatholic Media
17:20 12/11/2022

1. Thánh tích trở lại nhà thờ sau 500 năm sau

Tờ Times đưa tin, Nhà thờ Lichfield ở Vương quốc Anh đang chuẩn bị đón một di tích đặc biệt quan trọng trở lại sau 500 năm lưu lạc. Nhật báo Anh kể lại câu chuyện bắt đầu từ cuộc đời của Thánh Chad sinh năm 634 và qua đời năm 672, một tu sĩ đến từ vương quốc Northumbria ở Anh thời trung cổ. Cuộc đời của ngài được biết đến là nhờ vào biên niên sử nổi tiếng của Bậc Đáng Kính Bede.

Thánh Chad là viện trưởng của một số tu viện và sau đó cũng trở thành giám mục. Sau đó ngài qua đời ở Lichfield và ngay lập tức được dân chúng tôn vinh là một vị thánh. Thi thể của ngài được bảo quản trong một hòm bia bằng gỗ và sau đó được chuyển đến một hòm bia bằng kim loại được trang trí lộng lẫy.

Vào thời kỳ Cải cách nước Anh, Vua Henry VIII đã cử người của mình đi chiếm giữ các của cải của Giáo Hội, nhưng trước khi họ đến nhà thờ Lichfield, một giáo sĩ đã mang di tích của Thánh Chad trốn đi. Các di tích được cất giấu trong nhiều thế kỷ và cuối cùng bị chia cắt, một số phần được gửi đến Pháp và những phần khác được gửi đến nhà thờ Công Giáo Thánh Chad ở Birmingham.

Ngày 7 tháng 11, di tích của Thánh Chad đã được đưa trở lại trong một hòm bia bằng bạc mới tinh.


Source:Aleteia

2. Đức Thượng phụ Pizzaballa: Sau bầu cử, Israel vẫn như thường

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Giáo Hội Công Giáo Latinh Jerusalem nhận định rằng kết quả cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Israel hầu như chưa có ảnh hưởng gì đáng kể đối với các tín hữu Kitô tại Thánh địa.

Với cuộc bầu cử mới đây, cựu Thủ tướng Netanyahu sẽ trở lại nắm chính quyền, liên minh với phe cực hữu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức, hôm ngày 07 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói: tôi thấy sẽ không có thay đổi nào lớn. Kết quả cuộc bầu cử này sẽ không có ảnh hưởng đối với ngành du lịch và các hoạt động đón tiếp các tín hữu hành hương hoặc công việc của các nhóm xã hội và nhân quyền. Đời sống tiếp tục như mọi khi, trừ khi có điều gì lớn xảy ra như tại Iran hay Ucraina. Hiện nay vẫn còn quá sớm, chưa thể đưa ra những tuyên bố cụ thể về kết quả cuộc bầu cử, vì người ta vẫn chưa được biết về đội hình của chính phủ mới.

Tuy nhiên, Đức Thượng phụ tỏ ra bi quan về viễn tượng hòa bình giữa Israel và Palestine. “Từ nhiều năm nay không còn tiến trình hòa bình và cũng không còn những cuộc thương thảo giữa hai bên, và trong những năm tới đây chắc chắn là cũng chẳng có việc mở lại các cuộc thương thuyết.”

Trong khi đó, chính phủ Giordani cảnh giác Israel đừng thay đổi tại Núi Đền Thờ, nơi có Đền thờ Hồi giáo, và cổ thành Jerusalem. Báo chí Israel ra ngày 07 tháng Mười Một đưa tin: Giordani nói rằng mọi toan tính thay đổi nguyên trạng của Núi Đền thờ sẽ làm thương tổn vĩnh viễn quan hệ giữa Giordani và Israel”.

Lời cảnh giác này phản ánh quan tâm của Giordani trước sự thắng cử của lãnh tụ phe đối lập Benjamin Netanyahu, trong cuộc bầu cử quốc hội và có thể liên minh với đảng tôn giáo cực hữu theo chủ nghĩa Sion, để trở lại chính quyền. Từ lâu ông Itamar Ben-Gvir, thủ lãnh đảng này, vẫn chủ trương Israel phải nắm chủ quyền các nơi thánh, và đòi quyền cho người Do thái được cầu nguyện trên núi Đền thờ, nơi có Đền thờ của Hồi giáo được coi là nơi thánh thiêng đứng thứ ba của Hồi giáo, sau La Mecca và Medina.

Nếu đảng này liên minh với đảng của ông Netanyahu để lập chính phủ, thì ông Ben-Gvir đòi làm bộ trưởng an ninh, cơ quan có trách nhiệm duy trì an bình và trật tự tại các nơi thánh.

Ngay trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 01 tháng Mười Một vừa qua, ông Netanyahu tuyên bố rằng ông sẽ không động chạm đến Thoả ước Nguyên Trạng, duy trì hiện trạng của các nơi thánh. Cho đến nay, Núi Đền thờ được mở ra cho những người không Hồi giáo được viếng thăm, nhưng không có quyền cầu nguyện tại nơi được dành cho người Hồi giáo.

Núi Đền thờ là nơi thánh quan trọng đối với người Do thái, Hồi giáo và Kitô. Trước khi bị người La Mã phá hủy hồi năm 70, nơi này là Đền thờ của người Do thái. Theo nhiều truyền thống Kinh thánh và tôn giáo, đây là nơi ông Adam và bà Eva được Chúa dựng nên, là nơi Abraham định sát tế Isaac, còn Hồi giáo tin rằng đây là nơi Ngôn sứ Mohammad lên trời.

Nhiều lần người Do thái đòi cầu nguyện tại Núi Đền thờ này, và những cuộc biểu tình bạo động phản đối của người Palestine và cuộc đàn áp của cảnh sát Israel là cho nhiều người chết và bị thương.

3. Đại hội thứ 35 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ

Đại hội lần thứ 35 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ đang tiến hành tại Đại học Y khoa thánh Gioan ở thành phố Bangalore, Nam Ấn, từ ngày 07 đến ngày 11 tháng Mười Một này, với sự tham dự của hơn 200 giám mục toàn quốc còn hoạt động và 64 giám mục về hưu thuộc 174 giáo phận.

Giáo Hội Công Giáo tại Ấn có ba nghi lễ: Latinh, Syro Malabar và Syro Malankara, mỗi nghỉ lễ có Hội đồng Giám mục riêng và cứ hai năm một lần các giám mục thuộc cả ba nghi lễ nhóm họp chung. Nhưng lần trước đây, đại hội đã không tiến hành được vì đại dịch Covid-19. Vì thế đây là khóa họp chung lần đầu tiên kể từ bốn năm nay, tính từ tháng Hai năm 2018.

Đại hội lần này thảo luận về đề tài: “Đồng hành tính: lời kêu gọi trở thành một Giáo hội đồng hành”. Do đề tài này, tại đại hội cũng có sự hiện diện của Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.

Trong thời gian qua, tất cả các giáo phận ở Ấn Độ đã tham dự hành trình do Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu để việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới kỳ thứ 16 sẽ tiến hành vào tháng Mười năm tới, 2023, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Đức Thánh Cha đã kéo dài thêm Công nghị này với khóa thứ hai vào tháng Mười năm 2024. Tại các giáo phận có thảo luận về những cách thức mới để toàn thể dân Chúa can dự vào hành trình của Giáo hội. Trong những ngày qua, công cuộc chuẩn bị đã tiến sang giai đoạn đại lục và tài liệu làm việc cho giai đoạn này đã được Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục công bố.

Nhân Đại hội của các giám mục toàn Ấn Độ hiện nay, Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ấn, đã phổ biến vài con số đáng chú ý, đó là hiện nay có khoảng 22 triệu tín hữu Công Giáo ở Ấn, với hơn 60.000 linh mục và tu huynh, 125.000 nữ tu. Giáo Hội Công Giáo tại nước này đảm trách 54.000 cơ sở giáo dục, phục vụ toàn dân Ấn, với 60 triệu học sinh các cấp, 20.000 bệnh viện và bệnh xá.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục giáo phận Mumbai, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, trong cuộc họp báo chiều ngày 06 tháng Mười vừa qua, đã nói rằng “Đối thoại không phải là một chọn lựa tùy ý, nhưng là một nhu cầu đối với Giáo hội tại Ấn Độ. Giáo hội muốn là người xây dựng hòa bình và liên kết mọi người. Giáo hội gần gũi với những người di dân, các cộng đoàn những người LGBT, đồng tính luyến ái, lưỡng tính, đổi giống, những người ở ngoài lề xã hội, những người đã rời bỏ Giáo hội, người trẻ và phụ nữ. Trong bối cảnh đó, mỗi thành phần của Giáo hội được kêu gọi giữ một vai trò tích cực”.

Sáng thứ Hai, ngày 07 tháng Mười Một vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ khai mạc với các giám mục Ấn. Trong bài giảng, ngài mời gọi các giám mục hiệp với ý nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị cho tháng Mười Một này, cầu cho các trẻ em đang chịu đau khổ vì chiến tranh. Ngoài ra, Đức Sứ thần trích dẫn thư thánh Phaolô gửi môn đệ Titô, như đọc trong phụng vụ, nhắc đến một số đức tính của giám mục, được kêu gọi hãy trở thành những người quản trị của Thiên Chúa, đáng tín nhiệm và không có gì đáng trách, hiếu khách, yêu chuộng lòng từ nhân, hữu lý, công chính, sùng mộ, tự chủ, có khả năng giữa lời hứa và trung thành với giáo huấn của Giáo hội”. Và Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc lại lời thánh Phaolô VI Giáo hoàng nói rằng: “Loan báo Tin mừng cho con người ngày nay là một việc phục vụ cộng đoàn Kitô và cho cả toàn thể nhân loại”.