Ngày 21-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 22/11: Lòng nhân hậu đối vời người đau khổ – Thầy Phanxicô Xavie Cao Văn Trí, CP
Giáo Hội Năm Châu
01:34 21/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giê-su, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

“Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ Ông đáp lại: ‘Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

‘Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”

Đức Giê-su nói những lời ấy xong, thì dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

Đó là lời Chúa
 
Tình yêu phán xử chúng ta
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
03:10 21/11/2023

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM A.
LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ : MT 25,31-46

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han’. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’.

Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu hay ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng’. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.




TÌNH YÊU PHÁN XỬ CHÚNG TA

Cách đây nhiều năm, chính quyền thủ đô nước Ý đã quyết định tặng mẹ Têrêxa Calcutta, vị tông đồ tình thương của thời đại, danh hiệu “Công dân danh dự thành phố Rô-ma” vì bao hoạt động cứu giúp kẻ nghèo thành phố của các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ sáng lập. Trong nghi lễ trao bằng chứng nhận, ông thị trưởng thành phố đại ý đã nói: “Chúng tôi xin hết lòng cảm ơn Mẹ và chị em vì công việc từ thiện vĩ đại và hữu hiệu đã thực hiện. Công việc của quý Dòng đã làm lợi cho thành phố Rô-ma mỗi năm 45 triệu đô-la, nghĩa là chúng tôi phải tốn một số tiền như thế mới đạt được hiệu quả cứu trợ mà chị em đang làm một cách miễn phí và với tất cả tấm lòng”. Đáp lại mẹ Têrêxa nói : “Ông thị trưởng cám ơn chúng tôi, nhưng chúng tôi thì phải cám ơn những người nghèo. Vì chính khi họ vui lòng nhận sự giúp đỡ của chúng tôi, họ đã cho chúng tôi trở thành hữu ích cho người khác và được nên con cái đích thực của Cha trên trời”. Nếu đúng như lời một danh ngôn: “Dưới đất, người có của giúp người nghèo khó. Trên trời, người nghèo khó giúp người có của”, thì Mẹ Têrêxa còn chưa nói đến 1 điểm : kẻ nghèo không chỉ tạo cho ta cơ hội nên tốt lành hữu ích mà còn có điều kiện để vào trong Vương quốc của tình yêu, như bài Tin Mừng hôm nay mặc khải.

1. Một tình yêu mang tính chất đơn sơ, cụ thể.

Trong đại diễn từ sau hết đây, “người thợ mộc nhỏ bé” làng Na-da-rét rốt cục bày tỏ ý thức kỳ lạ của mình về vai trò mình. Hôm nay, chúng ta có lời khẳng định mạnh mẽ nhất về thần tính Đức Giê-su theo nghĩa chặt. Trong vài ngày nữa, Người sẽ đi vào cuộc Khổ nạn (x. Mt 26,1-5) và trở thành “ông vua” bị nhạo báng, bị đội mão gai, bị giết chết như một tên nô lệ tầm thường. Nhưng Người biết mình là ai. Ngày nào đó Người “sẽ đến trong vinh quang để xét xử thế giới”, một đặc quyền mà Cựu Ước đã chỉ dành cho Đức Chúa (Gia-vê). Thành thử Đức Giê-su lấy lại ở đây danh hiệu “Con Người” mà Người đã không ngừng sử dụng để điểm xuyết diễn từ Thời cùng tận. Kể từ sách Đa-ni-en (7,13), “Con Người” là nhân vật bí ẩn, tự trời mà đến, được văn chương khải huyền Do-thái mô tả như Đại phán quan của Thời cùng tận.

Lúc đó, “các dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê”. Thỉnh thoảng ta nên nghĩ tới “Ngày” này, ngày mà ai cũng sẽ gặp. Lúc ấy, mọi chuyện dưới trần sẽ mặc những kích thước mới. Hãy xin Chúa giúp mình phán đoán mọi sự ngay từ bây giờ dưới quan điểm vĩnh cửu, phân biệt cái tầm phào với cái quan trọng. Ngày ấy, tôi cũng sẽ có mặt ở đó. Một đám đông lớn lao chen vai thích cánh chờ đợi cuộc Phán xử. Cũng sẽ có mặt tại đó những người tôi yêu, những người tôi biết, những người tôi đã mang trách nhiệm. Nhưng cũng có bao người khác nữa : Do-thái và phi Do-thái, Ki-tô hữu và phi Ki-tô hữu, kẻ tin và kẻ không tin, đạo hữu Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Vật linh giáo… các nhà thần nghiệm đã cầu nguyện suốt cuộc sống và những kẻ vô thần suốt cuộc sống đã không hề cầu nguyện… tất cả, trước nhan Đức Giê-su, Vua Mục tử, tước hiệu mà văn chương ngôn sứ thường vẫn gán cho Đức Chúa Gia-vê (x. Ed 34,11-22).

Trong vài ngày nữa, ông “Vua” ấy, “Con Thiên Chúa” ấy sẽ bị đóng đinh. Tuy nhiên, Người ý thức mình biết “dự tính Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa” : Người nói Thiên Chúa đã tạo dựng phàm nhân… để một ngày kia sẽ ban cho nó chính Vương quốc thần linh của Người làm gia sản. Nhưng đâu là tiêu chuẩn của cuộc phán xét ấy? Việc lựa lọc dựa trên những quy tắc nào? Thưa chính trên tình yêu, hoàn toàn trên tình yêu, mà chúng ta sẽ bị phán xét. Và là một tình yêu đơn sơ : cho ăn, cho uống, cho mặc, đón tiếp, thăm viếng, chăm nom. Như thế, các hành vi yêu thương khiêm tốn và chân thật nhất của chúng ta có một giá trị vô biên, một giá trị vĩnh cửu. Danh sách các cử chỉ tình yêu được kể ra này không có tính cách giới hạn. Đó chỉ là những ví dụ mà ta có thể kéo dài khi nhìn cuộc sống của mình. Con tôi khóc đêm, và tôi đã thức dậy để chăm sóc an ủi. Mẹ già của tôi không ngồi lên được nữa, và tôi đã nâng bà khỏi giường để đặt trên ghế. Láng giềng chúng ta cần bạn bè, và chúng ta đã lấy tình bằng hữu đối xử với họ. Trong Giáo xứ, Linh mục cần những ông cha bà mẹ làm giảng viên giáo lý, và tôi đã chấp nhận trách nhiệm chiếm nhiều thì giờ này. Đồng nghiệp của tôi cần được bênh vực chở che, và tôi đã nhận lấy những trách nhiệm nghiệp đoàn lẫn trách nhiệm chính trị… Một người bị sách nhiễu tù tội vì dám tố cáo cường quyền, bảo vệ công lý, đòi hỏi tự do, và tôi đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư hay viết một bài đăng mạng để đòi nhân quyền cho đương sự… Nhiều vùng trong nước đang bị lụt lội, và tôi đã tham gia vào các chiến dịch lạc quyên cứu đói…

Và Đức Vua phán : bản thân Người đã được hưởng những việc thiện ấy, khiến các chính nhân hết sức kinh ngạc. Sự ngạc nhiên này của những “người được cứu” là một trong những yếu tố kỳ dị của quang cảnh. Hình như không một ai trong những kẻ “được Cha chúc phúc” thật sự ý thức cái đã âm thầm diễn ra trong đời thường của mình : ý nghĩa cuối cùng của các hành vi họ chỉ được “mạc khải” cho họ vào giờ sau hết. Như thế, cuộc Chung thẩm này, mà chúng ta nghĩ rằng thuộc tương lai, còn lâu mới tới, thật ra là một biến cố thường trực : Ngày Phán xét chính là hôm nay ! Thiên Chúa sẽ chẳng phải “phán xét” con người, họ sẽ “tự phán xét” suốt đời họ. Thiên Chúa sẽ chẳng làm gì hơn là tỏ lộ cho họ thấy cái đã được “ẩn giấu” trong mỗi một ngày sống của họ ở trần gian. Cuộc sống vĩnh cửu đã khởi sự rồi. Nhưng cái gì được “ẩn giấu” cách vô thức thể ấy?

2. Một tình yêu có đối tượng cao cả khôn lường.

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Cái được “tỏ lộ”, thành thử là một sự hiện diện không ngờ của Đức Giê-su ! Khi tất cả lịch sử kết thúc, Đức Giê-su sẽ chỉ nói về “mình” như thể trong muôn tỷ người nam nữ, chỉ duy “mình Người” đã hiện hữu, cách bao la và bí mật : “Ta từng đói… Ta từng khát… Ta từng ở tù… Ta từng ngụ cư… Ta từng đau yếu…”. Như thế, việc “đến” trong vinh quang, lần sau hết và cách chớp nhoáng của Người trên mây trời sẽ là bằng chứng cho một việc “đến” khác, kín đáo và che giấu, nhưng triền miên bất tận. Sự hiện diện huy hoàng của Người vào ngày Cánh chung sẽ rõ ràng và hiển nhiên cho thấy Người đã không ngừng đến và không ngừng hiện diện… trong mỗi một anh em đang cần đến ta.

“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”. Lạy Chúa Giê-su, Mạc khải tình yêu của Chúa Cha, chính Chúa đã nói lên câu kinh khủng nầy. Con nghe rõ lắm, nhưng không thể loại bỏ cái gây phiền nhiễu cho con như vậy. Thật thế, Tin Mừng đâu phải là một ý thức hệ mơ hồ và tình cảm, song là một lời mời gọi có tính chất đòi hỏi hết sức. Từ chối yêu mến… đâu có giống mến yêu ! Ích kỷ ghen ghét không thể có chỗ bên Thiên Chúa tình yêu được. Giáo lý về hỏa ngục như thế đã không được Giáo hội phát minh song do chính miệng Đức Giê-su công bố. Nhưng phải hiểu giáo lý đó như thế này : Thiên Chúa quá cao cả trong tình yêu nên đã ban cho thiên thần và loài người một tự do đích thực, kể cả tự do nói “không” với Người ngay trước mặt Người. Dĩ nhiên Thiên Chúa đâu muốn có hỏa ngục. Vì nếu sự hiện hữu của một kẻ trầm luân duy nhất có thể khiến chúng ta công phẫn, thì đối với Thiên Chúa còn đáng công phẫn hơn nhiều. Giữa Hỏa ngục “có thể” và Hỏa ngục thật sự, Thiên Chúa luôn đứng với tất cả sức mạnh của Tình yêu Người, và đó là nơi dựng lên cây Thập giá của Đức Giê-su. Thiên Chúa đã làm tất cả để chẳng có ai trong cái nơi mà nhiều tạo vật tự do sẽ nói “không” với Người mãi mãi. “Thiên Chúa đã không sai Con đến trong thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người Con ấy mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Ta đến kêu gọi không phải người công chính nhưng là người tội lỗi” (Mt 9,13). “Chính khi chúng ta còn là tội nhân mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,9). “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Thành thử hỏa ngục, xét như việc tuyệt đối từ chối Tình yêu, bao giờ cũng chỉ hiện hữu từ một phía… phía của kẻ tự tạo nó cho mình. Nhưng chắc chắn Thiên Chúa không thể tự tay cộng tác vào sự lệch lạc ấy chút nào cả. Nếu ngày nào đó chỉ có một người ở trong nơi chối từ ấy, thì Thiên Chúa thấy mình như thể bị dí một dấu sắt nung đỏ, và ta đã đoán được, dấu sắt đó có hình thập giá !

Hai cảnh của cuộc Phán xét vậy là hoàn toàn tương đồng và đối nghịch : cái mà một bên đã làm thì bên kia bỏ quên. Mọi con người, có đạo hay không có đạo, biết Đức Giê-su hay không biết Đức Giê-su, sẽ bị phán xét trên cùng một tiêu chuẩn : không phải trên số lần cầu nguyện hay số buổi cử hành phụng vụ, nhưng trên tình yêu cụ thể đối với anh em. Thành ra tránh ác đâu có đủ. Còn phải hành thiện. Ai nấy đều bị phán xét ngay hôm nay bởi sự thiện mình không làm cho người cần. Vậy hôm nay, ai chờ tôi cái gì đó?

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:30 21/11/2023

17. Một người hèn mọn, trước Thiên Chúa tôn uy, thì sau khi ThiênChúa của các đạo quân vì yêu họ mà trở thành người nghèo khó, mà họ còn muốn làm một người giàu có thì thật là điều vô lý.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:33 21/11/2023
6. GIẤM NGÂM TÀO CÔNG

Người nước Ngô phần nhiều thích người ta gọi là “mai tử” hơn là gọi “tào công”, té ra là trước đây có câu chuyện Tào Tháo “uống rượu đợi mai”.

Họ lại thích dùng “ngỗng” thay cho “hữu vận”, cũng vì Vương Hữu Vận (Vương Nghĩa Chi) thích ngỗng.

Có người lúc viết thiệp mời cũng đem cách nói quen miệng này mà viết lên thiệp:

- “Giấm tào công một chum, canh hữu vận hai con”.

Có người nghe thấy thì cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 6:

Địa phương nào cũng có thói quen lâu đời người ta gọi đó là tục lệ, một cá nhân có thói quen không đẹp thì người ta gọi đó là tật xấu.

“Mai tử” quen gọi là “tào công” thì không có gì lạ, bởi vì trên thế gian này còn có người gọi cha mình là “thằng già”, “ngỗng” gọi là “hữu vận” thì có chi là hay, bởi vì thời nay vẫn có người gọi con cái mình là “thằng chó đẻ”...

Gọi cha mình là thằng già thì chỉ có những đứa con mất dạy từ thuở nhỏ vì quá được cưng chiều, gọi con mình là thằng chó đẻ bởi vì người làm này cha có một quả tim như chó sói, cả ngày chỉ biết rượu là con. Những người cha và những đứa con như thế thì chắc chắn không phải là người Ki-tô hữu, mà nếu là người Ki-tô hữu thì sẽ không thấy họ tham dự các bí tích, bởi vì người Ki-tô hữu luôn biết rằng: cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa sinh thành dưỡng dục con cái, và con cái chính là những món quà rất đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho cha mẹ.

Thói quen tốt nào cũng rất là dễ thương, mà thói quen dễ thương nhất chính là cha mẹ biết hy sinh cho con cái, và con cái biết thảo kính cha mẹ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lửa tông đồ
Lm. Minh Anh
15:45 21/11/2023

LỬA TÔNG ĐỒ
“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”.

Elton Trueblood từng so sánh việc tông đồ với việc truyền lửa, “Rất dễ xác định khi một thứ gì đó bốc cháy; nó đốt các vật chung quanh. Ngọn lửa nào không cháy lan, cuối cùng, sẽ tắt. Về mặt nào đó, một Kitô hữu không có ‘lửa tông đồ’ là một mâu thuẫn. Lửa không cháy cũng là một mâu thuẫn! Hãy xem lại việc kết hiệp của họ với Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến ‘lửa tông đồ’, biểu hiện ở ba hạng người, tượng trưng cho ba thái độ trước nén bạc ân sủng Chúa trao. Họ được trao một nén như nhau, cùng nhận một mệnh lệnh như nhau, “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”.

Đối tượng đầu tiên là những người đã “sinh lợi” theo lệnh chủ, người “sinh lợi” mười nén, kẻ “sinh lợi” năm nén. Hạng thứ hai, “bọc khăn giữ kỹ” nén bạc. Và hạng thứ ba, những người “ghét” ông chủ; ở đây là ghét Thiên Chúa, không muốn Ngài làm Vua của họ.

Khi nhà Vua trở lại, hạng đầu tiên phúc trình những kết quả đáng mừng. Đây là những môn đệ đầy lửa. Thiên Chúa không trao ân sủng để ai đó cất giữ cho riêng mình, nhưng sử dụng nó để mở rộng Vương Quốc. Ngài kỳ vọng mỗi người sẽ tạo nên ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của những người khác. Với họ, việc tông đồ không là một gánh nặng nhưng là niềm vui, một niềm vui tiếp thêm sức mạnh cho ‘lửa tông đồ’. Kết quả của sự nhiệt thành nơi họ sẽ tác động, như lửa cháy lan, theo cấp số nhân đối với Vương Quốc.

Bà mẹ ngoan cường trong bài đọc Macabê hôm nay là một mẫu gương ngời sáng trong việc “sinh lợi” cho Vương Quốc. Để bảo vệ lề luật, bà chứng kiến cái chết của bảy người con trong một ngày vì bà tin rằng, “Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người... Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống”.

Hạng thứ hai, những người đã “bọc khăn giữ kỹ”. Đó là những tôi tớ không có ‘lửa tông đồ’. Họ sợ hãi; sợ hãi làm họ tê liệt. Phụng sự Chúa đòi hỏi lòng can đảm, đòi hỏi bạn và tôi ra khỏi vùng an toàn. Đầy tớ trong dụ ngôn đã linh cảm chủ sẽ không chấp nhận sự sợ hãi như một cái cớ có thể chấp nhận được để không nhiệt tâm sinh lợi.

Hạng thứ ba, đây là những người ra sức phá hoại Vương Quốc. Thế giới tràn ngập hạng này. Điều cần nói về họ chính là điều Chúa Giêsu đã nói, “Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua… hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi!”.

Anh Chị em,
“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”. Ước gì bạn và tôi thuộc hạng “sinh lợi” cho Chủ! Hãy vui mừng nếu chúng ta là những tôi tớ thuộc hạng này; nhưng nếu là người đang đấu tranh với sự sợ hãi, hoặc sợ phải sống đức tin một cách ngoan cường… chúng ta cần nhiều thời gian hơn cho dụ ngôn này. Hãy dấn thân và xác tín rằng, sẽ không bao giờ hối hận khi chúng ta đặt cả trái tim, linh hồn vào việc phụng sự Chúa. Để là những con người có thể ‘cháy lan’, như Elton Trueblood lưu ý, bạn và tôi hãy ra sức “kết hiệp với Chúa Kitô”, đêm ngày tìm kiếm Ngài. Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật đáng ao ước, “Lạy Chúa, khi thức giấc, con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để thời gian, sức khoẻ và những nhọc nhằn khiến ‘lửa tông đồ’ trong con mai một! Con sẽ ‘cháy lan’ mãi, cháy cho các thế hệ, cả sau khi con hoá thành tro!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thủy chung 75 năm chồng vợ của Tổng Thống Jimmy và Rosalynn Carter
Thanh Quảng sdb
00:51 21/11/2023
Thủy chung 75 năm chồng vợ của Tổng Thống Jimmy và Rosalynn Carter



(Aleteia - Cerith Gardiner)

Ông bà nguyên Tổng Thống Hoa Kỳ, Jimmy Carters vừa kỷ niệm 75 năm ngày cưới và là cặp vợ chồng tổng thống có cuộc hôn nhân lâu nhất từ trước đến nay. Bí quyết đằng sau sự trường thọ thủy chung của họ đến từ mối liên kết mà họ đã chia sẻ kể từ ngày gặp nhau - gần một thế kỷ trước đây.

Mẹ của Carter, bà Bessie là một y tá đã đỡ đẻ cho bà hàng xóm, người con gái bà sinh ra tên là Rosalynn và Jimmy con của bà Bessie lúc đó được 3 tuổi. Hôm sau ngày sinh của bé Rosalynn, cậu bé Jimmy đã ghé qua và gặp bé “Rosie” và lần đầu tiên họ gặp nhau...

Cách nhau ba tuổi đã để lại một dấu ấn trong những ngày đầu gặp gỡ của họ. Jimmy không để ý nhiều đến người hàng xóm trẻ tuổi hơn mình. Chỉ sau Thế chiến thứ hai, khi trở về quê là vùng Plains, Georgia, anh mới phát hiện ra Rosie.



Khi đó 17 tuổi, cô đang đứng trước nhà thờ Tin Lành United Methodist, một cô gái rất khác so với cô gái mà anh đã quên khi gia nhập Học viện Hải quân. Sau một chút ngỡ ngàng, Jimmy đã mời cô đi chơi... Cặp đôi đi xem phim và Jimmy tuyên bố với mẹ rằng anh sẽ kết hôn với cô bé mà bà đã giúp đưa vào đời.

Cặp đôi có với nhau 4 người con và cùng với vợ, Jimmy trở thành tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ.

Mặc dù bạn không đồng ý quan điểm chính trị của Tổng thống Carter, nhưng có điều gì đó đáng nói về người đàn ông này là ông quyết tâm kết hôn với người phụ nữ trẻ mà ông đã gặp khi mới sinh và ông đã cùng với cô ấy vui buồn, song đồng hành cùng nhau điều hành gia đình nhỏ bé của mình và điều hành cả thế giới.

Dù ngày nay có một cuộc hôn nhân lâu bền như ông bà là điều hiếm quí nhưng cặp đôi này đã hỗ trợ lẫn nhau vượt qua nhiều thăng trầm khác nhau để giữ gìn cho cuộc hôn nhân bền vững, được xây dựng trên sự cam kết, tình bạn và sự đơn thuần...

Trên thực tế, sự đơn thuần này vẫn tiếp diễn trong suốt cuộc hôn nhân của họ. Trong những năm tháng hoàng kim của mình, cặp đôi vẫn duy trì lối sống rất khiêm hạ, sống trong ngôi nhà hai phòng ngủ mà Jimmy xây vào năm 1961 ở Plains, nơi chuyện tình của ông bà được khởi đầu vào năm 1927.
 
Nhóm giám sát cho biết Tội ác căm thù chống Kitô giáo ở Âu Châu tăng 44% trong năm qua
Đặng Tự Do
04:39 21/11/2023


Theo một nhóm giám sát sự phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu, Âu Châu đã chứng kiến sự gia tăng 44% về tội ác căm thù chống Kitô giáo ở hơn 20 quốc gia Âu Châu trong năm qua.

Đài quan sát về sự bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở Âu Châu, gọi tắt là OIDAC Europe, có trụ sở tại Vienna hôm thứ Năm đã công bố báo cáo thường niên nêu chi tiết sự gia tăng các vụ việc chống Kitô giáo, mà họ cho rằng “có liên quan đến sự gia tăng động cơ cực đoan và sự chấp nhận cao hơn đối với chính sách chống Kitô giáo, cụ thể là việc tấn công vào các nhà thờ.”

OIDAC Âu Châu cho biết trên trang web của mình rằng họ nghiên cứu, phân tích, ghi chép và báo cáo “các trường hợp bất khoan dung và phân biệt đối xử đối với các Kitô hữu ở Âu Châu”.

Các cuộc khảo sát của nhóm về “sự không khoan dung và phân biệt đối xử” đối với các Kitô hữu đã báo cáo “các cuộc tấn công và đe dọa thể chất chống lại các cá nhân Kitô hữu hoặc cộng đồng Kitô giáo, sự xúc phạm và phá hoại các địa điểm Kitô giáo” và “vi phạm quyền tự do tôn giáo, biểu đạt, hiệp hội và lương tâm cùng các sự việc khác.”

Trong bản phát hành hôm thứ Năm, OIDAC Âu Châu cho biết “các cuộc tấn công đốt phá nhà thờ” đã tăng 75% từ năm 2021 đến năm 2022. Báo cáo cũng tiết lộ “sự phân biệt đối xử về mặt pháp lý đối với những Kitô hữu thể hiện thế giới quan Kitô giáo truyền thống”.

Báo cáo cho biết, năm quốc gia hàng đầu về tội ác căm thù chống Kitô giáo là Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan. Vương quốc Anh và Áo cũng đứng đầu danh sách.

Nhìn chung, “vào năm 2022, OIDAC Âu Châu đã ghi nhận 748 tội ác căm thù chống Kitô giáo ở 30 quốc gia khác nhau, từ các cuộc tấn công đốt phá, vẽ bậy, mạo phạm và trộm cắp cho đến các cuộc tấn công thể chất, lăng mạ và đe dọa,” thông cáo cho biết.

Nhóm lưu ý rằng những con số đó phù hợp chặt chẽ với những con số được báo cáo bởi Tổ chức liên chính phủ về An ninh và Hợp tác ở Âu Châu, gọi tắt là OSCE. OSCE “đã phát hiện 792 tội ác căm thù chống Kitô giáo ở 34 quốc gia Âu Châu, khiến Kitô hữu trở thành nhóm tôn giáo bị tấn công nhiều nhất sau các tín hữu Do Thái”.

Báo cáo cũng xem xét các trường hợp Kitô hữu được cho là “bị mất việc làm, bị đình chỉ hoặc bị đưa ra tòa hình sự vì bày tỏ quan điểm tôn giáo bất bạo động ở nơi công cộng” cũng như “vi phạm quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái theo niềm tin tôn giáo của mình”.

Đáng chú ý, bản thông cáo cho biết năm ngoái có nhiều tội ác thù hận hơn “do các thành viên cực đoan của các nhóm ý thức hệ, chính trị hoặc tôn giáo theo quan điểm chống Kitô giáo gây ra”.

Regina Polak, giáo sư và trưởng Khoa Thần học Thực hành tại Khoa Thần học-Công Giáo tại Đại học Vienna, người cũng làm việc với OSCE, cho biết trong thông cáo báo chí hôm thứ Năm rằng “số lượng tội ác căm thù chống Kitô giáo ngày càng gia tăng ở Âu Châu” được nêu chi tiết trong báo cáo là “đáng lo ngại sâu sắc”.

Polak cho biết trong thông cáo: “Cực kỳ cần thiết phải nâng cao nhận thức của cả chính phủ và xã hội về vấn đề này, đồng thời thực hiện các biện pháp chính trị để giải quyết và chống lại nó một cách quyết liệt”.


Source:Catholic News Agency
 
Các Giám mục Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với đề xuất phong Đức Hồng Y Newman làm Tiến sĩ Hội Thánh
Đặng Tự Do
04:40 21/11/2023


Đức Cha Robert Barron của Winona-Rochester, Minnesota, là một trong số các giám mục Hoa Kỳ đã nhiệt tình phát biểu ủng hộ đề xuất tôn vinh vị Hồng Y người Anh thế kỷ 19 là Thánh John Henry Newman là “tiến sĩ của Giáo hội”.

Ủy ban Giáo lý đã hỏi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 11, trong cuộc họp mùa thu thường niên ở Baltimore, liệu các Giám Mục có ủng hộ bản kiến nghị do Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales đưa ra yêu cầu Vatican tuyên bố Đức Hồng Y Newman làm Tiến sĩ Hội Thánh hay không.

Các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu áp đảo - chỉ có hai giám mục bỏ phiếu không - để gửi một lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự ủng hộ của các ngài đối với đề xuất của các giám mục Vương quốc Anh. Đức Hồng Y Newman, sinh năm 1801, nổi tiếng là một người chuyển từ Anh giáo sang Công Giáo và phải đối mặt với phản ứng dữ dội cũng như thành kiến từ cộng đồng và gia đình mình.

“Chúng ta thực sự nên tận dụng cơ hội này để nghiên cứu sâu các tác phẩm của ngài. Tôi nghĩ nó có thể giúp hàn gắn một số chia rẽ trong Giáo hội của chúng ta,” Đức Cha Barron nói khi nói chuyện với các anh em giám mục của mình trước cuộc bỏ phiếu.

Các giám mục khác bao gồm Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng Giáo phận Công Giáo Ukraine ở Philadelphia và Đức Hồng Y Seán O'Malley của Boston cũng đứng lên bày tỏ sự ủng hộ của các ngài.

Trước khi cải đạo, Newman đã tự khẳng định mình là một học giả, nhà thuyết giáo và trí thức của công chúng Oxford nổi tiếng và được kính trọng rộng rãi. Việc ngài chuyển sang Công Giáo vào năm 1845 đã khiến ngài mất nhiều người bạn - kể cả chị gái của ngài, là người không bao giờ nói chuyện với ngài nữa.

Ngài trở thành linh mục năm 1847 và thành lập Nhà Nguyện Thánh Philip Neri ở Anh. Ngài đặc biệt cống hiến cho giáo dục, thành lập hai trường học dành cho nam sinh và Đại học Công Giáo Ái Nhĩ Lan. “Ý tưởng về một trường đại học” của Cha Newman đã trở thành một văn bản nền tảng về giáo dục đại học Công Giáo. Là một tác giả và người viết thư nhiều, ngài qua đời ở Birmingham năm 1890, thọ 89 tuổi.

Đức Hồng Y Newman sẽ gia nhập hàng ngũ hơn ba chục vị thánh - bao gồm Anthony thành Padua, Jerome và Thérèse thành Lisieux - nếu cuối cùng ngài được vinh danh là Tiến sĩ Hội Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho ngài vào năm 2019.

Theo truyền thống, danh hiệu tiến sĩ Giáo hội được ban dựa trên ba yêu cầu: sự thánh thiện hiển nhiên của một ứng viên được khẳng định bằng việc phong thánh; sự xuất sắc của con người về mặt giáo lý được thể hiện bằng việc để lại một khối giáo lý có những đóng góp đáng kể và lâu dài cho đời sống của Giáo hội; và một tuyên bố chính thức của Giáo hội, thường là của một giáo hoàng.

Matthew Bunson, giám đốc biên tập của EWTN News, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “EWTN News Nightly” rằng sự hỗ trợ của các giám mục có thể có tác dụng.

“Các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra lời kêu gọi với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về Thánh Gioan Avila, và ngài được phong làm Tiến sĩ Hội Thánh. Vào năm 2019, các ngài đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phong Thánh Irênaô thành Lyon làm Tiến sĩ Hội Thánh, và điều đó đã xảy ra chỉ vài năm sau đó”, Bunson lưu ý.

“Vì vậy, nó có thể có hiệu lực, và các giám mục rõ ràng muốn nó xảy ra càng sớm càng tốt”.


Source:Catholic News Agency
 
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ: Dẫn nhập mới vào tài liệu Đào tạo các Lương tâm cho một nền Công dân Tín trung 2
Vũ Văn An
13:46 21/11/2023

Bản tin Phụ trang 3 trong 6 bản tin – Phẩm giá con người



Mặt 1:

Trong tuyên bố về việc Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ xác định bốn nguyên tắc chính trong giáo huấn xã hội của Giáo hội và áp dụng chúng vào một số vấn đề cụ thể. Đây không phải là bảo các tín hữu bầu cho ai hay chống ai, mà thay vào đó, giúp họ đào tạo lương tâm phù hợp với sự thật của Thiên Chúa khi họ tiếp cận quyết định thường đầy thử thách này. Bốn nguyên tắc chính là Nhân phẩm con người, Ích chung, Liên đới và Phụ trợ. Tất cả đều có liên quan với nhau. Bản tin này tập trung vào phẩm giá con người và ba nguyên tắc còn lại được đề cập trong ba bản tin khác trong loạt bản tin này.

Vì mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nên mỗi người chúng ta có nhân phẩm bẩm sinh và bất khả xâm phạm. Phẩm giá này hiện diện nơi mỗi người từ thời điểm thụ thai và trong suốt cuộc đời của họ. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh, nhân phẩm là trọng tâm để xây dựng một xã hội trong đó chúng ta đều là “anh chị em” (1):

“Mọi người đều có quyền sống một cách xứng đáng và được phát triển toàn diện; quyền căn bản này không thể bị bác bỏ bởi bất cứ quốc gia nào. Mọi người có quyền này ngay cả khi họ không có năng suất, hoặc sinh ra đã có hoặc phát triển những hạn chế. Điều này không làm giảm đi phẩm giá cao quý của họ với tư cách là con người, một phẩm giá không dựa trên hoàn cảnh mà dựa trên giá trị nội tại của hữu thể họ. Trừ khi nguyên tắc cơ bản này được duy trì, sẽ không có tương lai cho tình huynh đệ hoặc cho sự sống còn của nhân loại.” (2)

Phẩm giá của con người là nền tảng cho một viễn kiến đạo đức của xã hội. Khi chúng ta tìm cách bắt chước người Samaritanô nhân hậu và trở thành người lân cận với tất cả mọi người, chúng ta phải nỗ lực bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Chú thích:

(1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội), số 8.
(2) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số 107. Xem thêm: Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in veritate (Bác ái trong sự thật), số 45.

Mặt 2:

Khi chúng ta tham gia vào diễn đàn công cộng với một lương tâm được đào tạo tốt:

Chúng ta làm việc để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất—những đứa trẻ còn trong bụng mẹ có nguy cơ bị phá thai— đồng thời đứng trong tình đoàn kết triệt để với các bà mẹ. (3) Xây dựng trên mối liên kết xác thịt và họ hàng và trên mạng lưới các mối quan hệ gia đình, hàng xóm và cộng đồng trong đó, họ được định vị, Giáo hội tích cực hỗ trợ các bà mẹ và con cái họ để có một tương lai tươi sáng hơn.

Chúng ta tiếp tục bảo vệ phẩm giá của anh chị em mình là người già, người khuyết tật hoặc bệnh tật bằng cách phản đối mạnh mẽ việc an tử và hỗ trợ tự tử. Những thực hành này là triệu chứng của một “nền văn hóa vứt bỏ”, trong đó những đứa con của Chúa có giá trị vô giá bị gạt sang một bên như những kẻ vô giá trị. (4)

Tương tự như vậy, chúng ta phải thừa nhận phẩm giá vốn có của người di cư và người tị nạn. Trong đất nước của chúng ta bây giờ, điều đó có nghĩa là việc cải cách nhập cư toàn diện mang lại một nẻo đường để trở thành công dân, đối xử công bằng cho người lao động nhập cư, ngăn chặn sự chia cắt gia đình, duy trì sự toàn vẹn các biên giới của chúng ta, tôn trọng pháp quyền và giải quyết các nhân tố buộc mọi người phải rời bỏ chính quê hương xứ sở của họ.

Chúng ta ủng hộ phẩm giá của con người, dù là nam hay nữ; do đó, chúng ta phản đối ý thức hệ phái tính vốn không thừa nhận sự dị biệt và hỗ tương giữa nam và nữ. (5)

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tấn công phẩm giá con người bằng cách phủ nhận rằng tất cả chúng ta đều được tạo ra bình đẳng giống hình ảnh của Thiên Chúa, vì vậy chúng ta phải vượt qua sự phân biệt chủng tộc trong trái tim cũng như trong hệ thống và định chế của chúng ta. (6)

Chúng ta tiếp tục tìm cách cải cách hệ thống tư pháp hình sự và chấm dứt việc sử dụng hình thức tử hình. Chúng ta ủng hộ các biện pháp thường thức để giảm bạo lực súng đạn. (7)

Cuối cùng, chúng ta tìm cách ngăn chặn và khắc phục mọi khía cạnh của “nền kinh tế loại trừ” (8) vốn “không ngần ngại khai thác, loại bỏ, thậm chí giết hại con người” (9), và thay vào đó là lao động hướng tới một “nền kinh tế hiệp thông” bắt nguồn từ mối quan tâm đạo đức. (10)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết “Tình bạn xã hội và tình huynh đệ phổ quát, nhất thiết phải kêu gọi một sự thừa nhận giá trị của mỗi con người, luôn luôn và ở mọi nơi.” (11) Qua sự tham gia chính trị của chúng ta, sự đồng hành của chúng ta với những người cần giúp đỡ, và chứng tá của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mong sao chúng ta ủng hộ giá trị của mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Chú thích:

(3) Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Thư và các Khuyến nghị Chính sách Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em,” 26 tháng 10 năm 2022.
(4) Thánh Gioan Phaolô II, Evangelium vitae (Tin Mừng Sự Sống), các số 8, 15, 18, 23, 94. Xem thêm: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti các số 18-21.
(5) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), số 56.
(6) Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Hãy mở rộng trái tim chúng ta: Lời kêu gọi lâu dài Yêu thương, 3-8.
(7) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, các số 263-270. Xem thêm: Đào tạo các Lương tâm cho cho Nền Công dân Tín trung số 84.
(8) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), số 53.
(9) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số. 22.
(10) Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in veritate, các số 45-47.
(11) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số 107.

Bản tin Phụ trang số 4 trong 6 bản tin– Ích chung

Mặt 1:

Trong tuyên bố về việc Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ xác định bốn nguyên tắc chính trong giáo huấn xã hội của Giáo hội và áp dụng chúng vào một số vấn đề cụ thể. Đây không phải là bảo các tín hữu bầu cho ai hay chống ai, mà thay vào đó, giúp họ đào tạo lương tâm phù hợp với sự thật của Thiên Chúa khi họ tiếp cận quyết định thường đầy thử thách này. Bốn nguyên tắc chính là Nhân phẩm con người, Ích chung, Liên đới và Phụ trợ. Tất cả đều có liên quan với nhau. Bản tin này tập trung vào Ích chung và ba nguyên tắc khác được đề cập trong ba bản tin khác trong loạt bản tin này

Ích chung là “tổng thể các điều kiện xã hội cho phép người ta, trong tư cách nhóm hoặc trong tư cách cá nhân, có thể đạt được sự nên trọn đầy đủ hơn và dễ dàng hơn của họ.” (1) Nhân phẩm chỉ được tôn trọng và ích chung chỉ được cổ vũ nếu các quyền con người được bảo vệ và các trách nhiệm căn bản được thỏa mãn. Mọi con người đều có quyền sống, quyền tự do tôn giáo và quyền được tiếp cận những thứ cần thiết cho sự đứng đắn nhân bản. Tương ứng với các quyền này là những nghĩa vụ và trách nhiệm – với bản thân chúng ta, với gia đình chúng ta, với xã hội rộng lớn hơn và với trái đất. (2) Tóm lại, chúng ta nên tìm cách “xây dựng một loại xã hội nơi mọi người dễ dàng trở nên tốt lành”. (3)

Giữa một “thế giới vứt bỏ” trong đó một số thành viên trong gia đình nhân loại “có thể sẵn sàng bị hy sinh vì lợi ích của những người khác được coi là xứng đáng với một cuộc sống vô tư,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục chúng ta xây dựng một “nền văn hóa gặp gỡ” trong đó những người cần giúp đỡ nhất nhận được sự quan tâm và chú ý tốt đẹp nhất của chúng ta. Chúng ta phải “đặt nhân vị ở trung tâm của mọi hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế, họ phải được hưởng phẩm giá cao nhất và sự tôn trọng vì lợi ích chung”. (4)

Chú thích:

(1) Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1906, trích dẫn Gaudium et spes (Giáo Hội trong Thế giới hiện đại), số 26.
(2) Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đào tạo các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung các số 49, 51.
(3) Peter Maurin, được Dorothy Day trích dẫn. Xem Tất Cả Đường Lên Thiên Đường: Những Bức Thư Tuyển Chọn Của Dorothy Day, (New York: Random House, 2010), 457.
(4) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội), các số 18 và 232.

Mặt 2:

Khi chúng ta tìm cách noi gương Người Samaritan nhân hậu, người lân cận với tất cả mọi người, chúng ta theo đuổi Ích chung để mỗi cá nhân và mọi người đều có thể triển nở. (5)

Hôn nhân và gia đình là những định chế trung tâm của đời sống xã hội – trường tiểu học dạy nhân đức, nơi lần đầu tiên chúng ta trải nghiệm được các lợi ích chung chứ không chỉ đơn thuần là lợi ích cá nhân - và vì thế những định chế này cần được hỗ trợ và được tăng cường.

Tương tự như vậy, với tư cách gia đình nhân loại đang sống trong ngôi nhà chung của mình, chúng ta phải nghe “cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo” và ứng phó với việc biến đổi khí hậu bằng các hành động nhằm bảo vệ sáng thế tốt hơn cho anh chị em chúng ta bây giờ và các thế hệ mai sau. (6)

Chấp nhận toàn bộ thế giới như một hồng ân từ Chúa Cha, và như ngôi nhà chung của chúng ta bao gồm chấp nhận thân thể của chúng ta như hồng ân của Thiên Chúa, trong khi nghĩ rằng chúng ta có quyền lực tuyệt đối đối với cơ thể của mình thường tinh vi chuyển thành suy nghĩ cho rằng chúng ta có quyền lực tuyệt đối đối với sáng thế. (7)

Chúng ta công nhận và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, quyền tự do đầu tiên và trân quý nhất của chúng ta. Việc bảo vệ lương tâm và tự do tôn giáo là một yếu tố không thể thiếu của ích chung – một nhân quyền căn bản không có ranh giới địa lý. (số 8)

Trong khi ích chung bao trùm tất cả mọi người, thì những người yếu đuối, dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất đều xứng đáng được nhận mối quan tâm đặc biệt, điều mà Giáo hội mô tả là sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo. (9) Luật và các chính sách phải dành ưu tiên cho những người đấu tranh để kiếm sống và phải bảo vệ lưới an toàn xã hội và thúc đẩy việc làm bền vững, nhà ở giá rẻ và dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Đức Bênêđíctô XVI viết trong Caritas in veritate (Bác ái trong sự thật): “Mong muốn ích chung và phấn đấu hướng tới nó là một đòi hỏi của công bằng và bác ái.” Chúng ta phải chú ý đến ích chung “về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa” trong đời sống xã hội. Ngài viết, “Chúng ta càng cố gắng bảo đảm lợi ích chung tương ứng với nhu cầu thực sự của những người xung quanh chúng ta, chúng ta càng yêu họ hữu hiệu hơn.” (10)

Chú thích:

(5) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội), số 66.
(6) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Laudato si’ (Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta), số 49. Xem thêm: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Caritas in veritate (Bác ái trong sự thật), các số 48-52, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Laudate Deum, các số 58 và 60.
(7) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Laudato si’ (Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta), số 155.
(8) Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Dignitatis humanae (Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo), số 6; Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1907, trích dẫn Gaudium et Spes (Giáo hội trong thế giới hiện đại), số 26.
(9) Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, số 53.
(10) Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in veritate, số 7.

Bản tin Phụ trang số 5 trong 6 bản tin - Liên đới

Mặt 1:

Trong tuyên bố về việc Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ xác định bốn nguyên tắc chính trong giáo huấn xã hội của Giáo hội và áp dụng chúng vào một số vấn đề cụ thể. Đây không phải là bảo các tín hữu bầu cho ai hay chống ai, mà thay vào đó, giúp họ đào tạo lương tâm phù hợp với sự thật của Thiên Chúa khi họ tiếp cận quyết định thường đầy thử thách này. Bốn nguyên tắc chính là Nhân phẩm con người, Ích chung, Liên đới và Phụ trợ. Tất cả đều có liên quan với nhau. Bản tin này tập chú vào Liên đới và ba nguyên tắc còn lại được đề cập trong ba bản tin khác trong loạt bản tin này.

Liên đới là “một quyết tâm vững chắc và kiên trì để cam kết thực hiện... thiện ích của tất cả và của mỗi cá nhân, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với tất cả mọi người.” (1) Chúng ta là một gia đình nhân bản, bất kể sự khác biệt về quốc gia, chủng tộc, sắc tộc, kinh tế và ý thức hệ của chúng ta. Con người có tính xã hội trong bản chất của họ; chúng ta phát triển và thịnh vượng trong một cộng đồng. Là thành viên đã được rửa tội của cộng đồng Giáo Hội, chúng ta là một phần của một thân thể trong Chúa Kitô và chúng ta cũng là một phần của gia đình nhân bản hoàn cầu. (2)

Trong Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt tình liên đới ở trung tâm của ý nghĩa việc vun đắp tình bạn xã hội như một gia đình:

“Liên đới có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ thực hiện những hành động quảng đại lẻ tẻ. Nó có nghĩa là suy nghĩ và hành động vì cộng đồng. Nó có nghĩa là cuộc sống của mọi người có trước việc chiếm đoạt của cải của một số ít người. Nó cũng có nghĩa là đấu tranh chống lại những nguyên nhân mang tính cấu trúc của nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, đất đai và nhà ở, sự khước từ các quyền lợi xã hội và lao động.” (3)

Như vậy, liên đới không những ảnh hưởng đến mục tiêu chúng ta theo đuổi trong đời sống công cộng mà còn ảnh hưởng đến cách chúng ta theo đuổi chúng—luôn luôn ý thức rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, đều là con cái Thiên Chúa.

Chú thích:

(1) Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 193, trích dẫn Thánh Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis (Về các mối quan tâm xã hội), số 38. (Xem Mt 10:40-42, 20:25; Mc 10:42-45; Lc 22:25-27).
(2) Đức Bênêđíctô XVI, Deus caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), số 25b. Xem thêm: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, các số 52-54.
(3) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội), số 116, trích dẫn Diễn văn với những người tham gia Cuộc họp của các phong trào bình dân (28/10/2014).

Mặt 2:

Tình liên đới đòi hỏi điều này: trong lời cầu nguyện và trong sự dấn thân chính trị của chúng ta, những người yếu đuối, dễ bị tổn thương, và có nhu cầu nhất phải nhận được sự quan tâm ưu tiên.

Noi gương người Samaritanô nhân hậu, chúng ta tìm cách trở thành người lân cận với tất cả mọi người. (4) Chúng ta được kêu gọi thực hành "tình liên đới triệt để" bằng cách đồng hành cùng phụ nữ mang thai trong việc lựa chọn sự sống và bằng cách hỗ trợ những bà mẹ mới sinh và con cái của họ. (5) Là hàng xóm của tất cả mọi người, chúng ta cũng ủng hộ những gia đình bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, thất nghiệp hoặc bệnh tật, những cá nhân đang vật lộn với bệnh tâm thần hoặc nghiện ngập, người già và người khuyết tật, cũng như tất cả những người mà sinh kế và nhà cửa đang bị đe dọa bởi khí hậu thay đổi. (6)

Ở những quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Ukraine, Tây Phi và Trung Đông, chúng ta phải “chạm vào thân xác bị thương của các nạn nhân” và hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và hòa bình, (7) đồng thời làm việc hợp tác để giảm thiểu và loại bỏ vũ khí hạt nhân. (số 8)

Chúng ta tìm kiếm các chính sách “chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hòa nhập” những người di cư và tị nạn đến biên giới của chúng ta và hỗ trợ sự phát triển ở các nước xuất xứ. (9)

Phân biệt chủng tộc là một trở ngại cho tình liên đới và chúng ta cố gắng loại bỏ nó không những bằng cách kiểm tra tâm hồn mình một cách cá nhân mà còn bằng cách xem xét có phê phán các chính sách và định chế của chúng ta. (10)

Trong một nền văn hóa quá đề cao việc tích lũy của cải, chúng ta không được quên “nghĩa vụ bảo đảm để mọi người đều được sống có phẩm giá và có đủ cơ hội cho việc phát triển mình một cách toàn diện.” (11)

Khi chúng ta tìm cách thúc đẩy tình liên đới trong trái tim và các chính sách, chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Fratelli tutti: “Lạy Chúa, là Cha của gia đình nhân loại chúng con... Xin Chúa thúc đẩy chúng con tạo ra những xã hội lành mạnh hơn và một thế giới xứng đáng hơn, một thế giới không có đói nghèo, bạo lực và chiến tranh.” Amen. (12)

Chú thích:

(4) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số 80.
(5) Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Thư và các Khuyến nghị Chính sách Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em,” Ngày 26 tháng 10 năm 2022.
(6) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Laudato si’ (Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta), các số 25, 48-49. Xem thêm: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Caritas in Veritate (Bác ái trong sự thật), các số 48-52, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Laudate Deum, số 31.
(7) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số. 261.
(8) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số. 262. Xem thêm: Thánh Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis, các số 23-24.
(9) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, các số 129 và 132. Xem thêm: Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in veritate, số 62.
(10) Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Hãy mở rộng trái tim chúng ta: Lời kêu gọi lâu dài Hướng tới Tình yêu, Thư mục vụ chống phân biệt chủng tộc, 2018. Xem thêm: Fratelli tutti, các số 20, 41 và 97.
(11) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số 118.
(12) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, số 287.

Bản tin Phụ trang số 6 trong 6 bản tin – Phụ trợ (subsidiarity)

Mặt 1:

Trong tuyên bố về việc Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ xác định bốn nguyên tắc chính trong giáo huấn xã hội của Giáo hội và áp dụng chúng vào một số vấn đề cụ thể. Đây không phải là bảo các tín hữu bầu cho ai hay chống ai, mà thay vào đó, giúp họ đào tạo lương tâm phù hợp với sự thật của Thiên Chúa khi họ tiếp cận quyết định thường đầy thử thách này. Bốn nguyên tắc chính là Nhân phẩm con người, Ích chung, Liên đới và Phụ trợ. Tất cả đều có liên quan với nhau. Bản tin này tập chú vào Tính phụ trợ và ba nguyên tắc còn lại được đề cập trong ba bản tin khác trong loạt bản tin này.

Nguyên tắc phụ trợ nhắc nhở chúng ta rằng các định chế lớn hơn trong xã hội (chẳng hạn như nhà nước hoặc chính phủ liên bang) không nên áp đảo hoặc can thiệp vào các định chế nhỏ hơn hoặc địa phương (chẳng hạn như gia đình, trường học địa phương hoặc cộng đồng Giáo Hội). Tuy nhiên, các định chế lớn hơn có các trách nhiệm thiết yếu khi các tổ chức địa phương không thể bảo vệ đầy đủ nhân phẩm, đáp ứng nhu cầu nhân bản hoặc thúc đẩy ích chung. (1) Tính phụ trợ phản ảnh sự tự do thiết yếu và nhân phẩm bẩm sinh của mỗi người đồng thời nhìn nhận vai trò của các cơ quan cao hơn như chính phủ, có thể đảm nhiệm để bảo đảm tất cả mọi người đều có thể phát triển.

Tôn trọng nguyên tắc này cổ vũ sự phát triển của mỗi cá nhân và hiện thực hóa ích chung. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích, nguyên tắc Phụ trợ “cho phép mọi người đảm nhận vai trò của mình trong việc chữa lành và vận mệnh của xã hội.” (2) Nhờ tham gia vào đời sống công cộng ở địa phương, mỗi người và các hiệp hội tự nguyện của xã hội dân sự mà họ thuộc về có thể là “men”, mang lại “sự phong phú” cho hàng xóm, cho cộng đồng và cho xã hội như một tổng thể. (3)

Chú thích:

(1) Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, các số 47-48. Xem thêm: Centesimus annus (Năm thứ một trăm), số 48; Dignitatis humanae (Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo), các số 4-6, và Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 185.
(2) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tiếp kiến chung, “Giáo lý ‘Chữa lành thế giới’: 8. Tính phụ trợ và Nhân đức Hy vọng,” ngày 23 tháng 9 năm 2020. Xem thêm: Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in veritate (Bác ái trong Sự thật), số 57.
(3) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội), số 42.

Mặt 2:

Khi hỗ trợ các tín hữu đón nhận lời mời gọi trở thành “men” trong xã hội, chúng ta tìm kiếm những chính sách cho phép cá nhân và cộng đồng nở rộ.

Như các giám mục dạy trong Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, “Gia đình—dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ - là đơn vị đầu tiên và căn bản nhất của xã hội: một đền thánh cho sự tạo ra và nuôi dưỡng con cái. Nó cần được bảo vệ và củng cố, chứ không phải được định nghĩa lại, làm suy yếu hoặc bị bóp méo thêm." (4)

Điều quan trọng là phải đề cao quyền và trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái, bao gồm cả quyền định hướng việc giáo dục con cái theo niềm tin của họ, với sự hỗ trợ chứ không phải sự can thiệp của nhà nước. (5) Những quyền này bao gồm quyền của cha mẹ gửi con mình vào trường mà họ lựa chọn và để bảo vệ con mình khỏi “ý thức hệ phái tính” ở trường.

Hơn nữa, luật pháp, chương trình và sáng kiến cần tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và cải thiện sự ổn định của gia đình. Ví dụ, cha mẹ cần nhận được sự hỗ trợ thông qua việc làm, huấn luyện, hỗ trợ với việc chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và phương tiện đi lại. (6) Tín dụng thuế thu nhập kiếm được và Tín dụng thuế dành cho trẻ em tiếp tục là phương tiện quan trọng giúp các gia đình có thu nhập thấp thoát nghèo.

Mối quan tâm đặc biệt của Giáo hội đối với người nghèo đòi phải theo đuổi các chính sách kinh tế và xã hội biết cổ vũ việc làm với các điều kiện làm việc đứng đắn và mức lương công bằng, đồng thời hỗ trợ quyền lợi người lao động, bao gồm khả năng tổ chức và thương lượng tập thể mà không bị trả thù. (7)

Khi theo đuổi nguyên tắc Phụ trợ trong các chính sách công của mình, chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình và cho những người nghèo, và chúng ta ủng hộ các nỗ lực của họ trong việc thực hiện các quyền lợi và trách nhiệm của họ trong xã hội.

Chú thích:

(4) Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đào tạo Các Lương tâm cho nền Công dân Tín trung, số 46.
(5) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), số 84.
(6) Xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Amoris laetitia, các số 25, 44, về nhu cầu hỗ trợ của gia đình thông qua việc làm, giáo dục, y tế và nhà ở xứng đáng.
(7) Thánh Gioan Phaolô II, Centesimus annus, các số 7-8, 35. Xem thêm: Tóm lược xã hội Học thuyết của Giáo hội, các số 301-309.

Kịch bản Video: “Đào tạo các Lương tâm cho một nền Công dân Tín trung”

Trở thành một công dân tín trung có nghĩa là gì?

“Chúng ta hãy nhìn vào gương của người Samaritanô nhân hậu. Dụ ngôn của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khám phá lại chính ơn gọi của chúng ta như các công dân của các quốc gia tương ứng và của toàn thế giới, những người xây dựng mối liên kết xã hội mới.”

—Đức Thánh Cha Phanxicô, Fratelli tutti, số 66

“Là người Mỹ, nhân đức yêu nước kêu gọi chúng ta bỏ phiếu. Các cuộc bầu cử phải chứa đựng cảm thức về lòng biết ơn và hy vọng. Càng ngày, dường như đó là thời điểm lo lắng, chia rẽ và thử thách tâm linh.

Được truyền cảm hứng từ Người Samaritanô nhân hậu, anh chị em hãy tham gia giúp băng bó những vết thương này và chữa lành những chia rẽ cay đắng này.”

“Không biết chắc phải làm thế nào ư? Hãy truy cập FaithfulCitizenship.org để suy gẫm về vai trò của chúng ta như những người Công Giáo trong cuộc sống công cộng và ơn gọi của chúng ta như các công dân. Hãy cho phép mình đi theo con đường của Chúa Kitô mời gọi lòng thương xót cho các anh chị em đang cần giúp đỡ của chúng ta.”

“Trách nhiệm chính của chúng ta là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các bà mẹ và con của họ trong bụng mẹ. Ngoài ra còn có rất nhiều thách thức khác: an tử, bạo lực súng đạn và tử hình, sự suy yếu của hôn nhân và phái tính, các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo quốc nội và quốc ngoại, công lý cho người nghèo, nỗi đau khổ của người di cư và người tị nạn, chiến tranh và nạn đói trên khắp thế giới thế giới, phân biệt chủng tộc, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chăm sóc môi trường, v.v.

“Làm sao chúng ta có thể là những công dân tín trung? Hãy suy nghĩ bằng tâm trí của Chúa Kitô, như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta. Đừng dành thì giờ có các phương tiện truyền thông xã hội và hãy dành thì giờ cho Kinh Thánh và Bí tích Thánh Thể. Tắt TV và podcast và lắng nghe trong im lặng. Tình nguyện tại một bếp nấu cháo từ thiện, tại nơi tạm trú cho người vô gia cư, tại trung tâm mang thai khủng hoảng. Phục vụ người nghèo, người thiếu thốn, người bị ruồng bỏ. Hãy cầu nguyện thường xuyên.”

“Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, hãy loại bỏ mọi cay đắng, mọi đam mê và giận dữ. Sau đó, chúng ta sẽ sẵn sàng sống và bầu cử như những công dân tín trung. Xin Chúa ban phước lành cho anh chị em với sự khôn ngoan, bình an và lòng thương xót.”

Muốn biết thêm thông tin, hãy truy cập FaithfulCitizenship.org
 
Nhật Ký Trừ Tà số 267: Ác Quỷ Quấy Rối Thành Viên Nhóm Trừ Tà
Đặng Tự Do
17:34 21/11/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #267: Demons Harass Lay Team Member”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 267: Ác Quỷ Quấy Rối Thành Viên Nhóm Trừ Tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi nhận được một tin nhắn có phần hoảng loạn từ một trong những thành viên nhóm trừ tà giáo dân của chúng tôi.

Cô nhắn tin: “Vừa nhận được cuộc gọi từ nhà, nhà vệ sinh bỗng dưng tràn nước, cả nhà ngập nước. Con gái con đã tắt vòi nước dẫn vào nhà, nước vẫn chảy. Họ không tìm được lời giải thích…Chồng con muốn biết có bảo hiểm chống lại sự quấy rối của ma quỷ không.”

Tôi đã phản hồi:

“Tôi nghiêm chỉnh đấy: tạt một ít nước thánh vào những nơi đó.”

Con gái của cô ấy đã vẩy nước thánh khắp nhà. Mọi sự đã dừng lại. Thợ sửa ống nước đến ngay sau đó và không tìm thấy gì sai.

Điều này thú vị ở nhiều cấp độ. Thứ nhất: ma quỷ chỉ quấy nhiễu những vụ án lớn. Linh mục-trừ tà và thành viên giáo dân thực sự đang ở giữa một vụ án có giá trị cao đối với thế giới ma quỷ. Vì vậy, Satan sẽ đầu tư thêm nguồn lực bao gồm cả việc quấy rối các thành viên trong nhóm.

Thứ hai: điều quan trọng cần lưu ý là công việc đen tối đã quấy rối một thành viên trong nhóm giáo dân. Ma quỷ không làm điều ngẫu nhiên - thế giới đen tối luôn có động cơ và mục tiêu cho hành động của chúng. Trong các lễ trừ tà, chúng thường nhắm vào những người chủ chốt có mặt mà họ tin rằng đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trừ tà một cách đáng kể.

Người phụ nữ giáo dân đặc biệt này không chỉ tổ chức các buổi học mà còn là linh hướng cho một số người đau khổ, là người hiện diện cầu nguyện trong các buổi học và cũng là một người nhạy cảm về mặt tâm linh. Sự hiện diện của cô ấy là một mối đe dọa. Ma quỷ muốn thoát khỏi cô ấy. Làm tắc nghẽn nhà vệ sinh của cô ấy là điều tốt nhất họ có thể làm vào thời điểm này. Ma quỷ bị Chúa xiềng xích và giới hạn những việc chúng có thể làm.

Tôi ngay lập tức nghĩ đến việc vẩy nước thánh khắp nhà vì đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Cách đây vài năm, trong một vụ án có giá trị rất cao khác, một linh mục phàn nàn rằng nhà vệ sinh của giáo xứ bị tắc một cách khó hiểu và thợ sửa ống nước sau hai tuần làm việc cũng không thể khắc phục được vụ việc. Tôi đề nghị dùng nước thánh và sau khi được vảy nước thánh, nhà vệ sinh ngay lập tức hoạt động trở lại. Ma quỷ có xu hướng bị thu hút bởi những gì bẩn thỉu, hôi hám và xấu xí.

Trong khi mục vụ trừ quỷ được chỉ định bởi một linh mục được giáo phận bổ nhiệm, thì sự hiện diện của giáo dân không phải là ngẫu nhiên. Đúng hơn, họ là một phần quan trọng của quá trình. Sự quấy rối này của Ma quỷ là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của anh chị em giáo dân.

Xin cảm ơn cô ấy và tất cả các giáo dân và chiến binh cầu nguyện tận tụy của chúng ta, những người đã chiến đấu anh dũng chống lại Thế giới Hắc ám! Và như tôi đã lưu ý trong sự việc trước, “Đôi khi trong cuộc sống bạn cần một thợ sửa ống nước, nhưng những lúc khác, bạn cần một chút nước thánh.”*


Source:Catholic Exorcism
 
Người Công Giáo Đông Phương Ukraine kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat Kuncewycz
Đặng Tự Do
17:35 21/11/2023


Các thành viên của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 11 để kỷ niệm kết thúc Năm Thánh đánh dấu 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat Kuncewycz.

Thánh Josaphat sinh vào khoảng năm 1580 tại làng Volodymyr (nay là một phần của Ukraine) thuộc vùng Volhynia thuộc Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania trong thời kỳ căng thẳng giữa người Công Giáo và Giáo hội Chính thống.

Năm 1595, một số giám mục trong Khối thịnh vượng chung đã ký Liên minh Brest, đặt mình dưới quyền tài phán của Tòa thánh - và thành lập Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine.

Được thụ phong linh mục Công Giáo vào năm 1609, Josaphat đã cống hiến sứ vụ của mình để phục vụ và nỗ lực đưa người dân địa phương trở lại hiệp thông với Rôma.

Tuy nhiên, Liên minh Brest tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trong khu vực và gây ra cuộc đấu tranh chính trị và tôn giáo căng thẳng. Josaphat bị một đám đông giết chết vào ngày 12 tháng 11 năm 1623 trong chuyến thăm Vitebsk, một thành phố ở Belarus hiện đại. Ngài bị chém chết và xác bị vứt xuống sông, sau đó mới được vớt lên.

Ngài được phong chân phước năm 1643 và được Đức Piô XI phong thánh năm 1867. Nhân kỷ niệm 300 năm tử đạo, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố Thánh Josaphat là đấng bảo trợ cho sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống.

Phản ánh mong muốn rộng lớn hơn của mình về sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa Đông và Tây, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã ra lệnh chuyển thi hài của vị thánh đến Đền Thờ Thánh Phêrô, việc này được thực hiện vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Sự kiện từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 11 bao gồm việc cử hành kinh chiều tại mộ của vị thánh, nằm bên dưới bàn thờ trong Nhà nguyện Thánh Basiliô, vào hôm Thứ Bảy và lên đến đỉnh điểm với việc cử hành Phụng vụ Thánh hôm vào Chúa Nhật.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã chủ trì buổi kinh chiều vào thứ Bảy và đồng tế phụng vụ thánh với Đức Tổng Giám Mục nghi lễ Latinh Gintaras Grušas của Vilnius, chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu.

Trong giờ kinh tối thứ Bảy, Cha Robert Lyseyko, bề trên của Dòng Thánh Josaphat, đã suy ngẫm về vai trò của vị thánh này trong việc củng cố sự hiệp nhất giữa Đông và Tây.

“Chúng ta gọi ngài là 'Tông đồ của sự hiệp nhất' là có lý do. Ngài là tông đồ của sự hiệp nhất ngay từ lúc ngài bắt đầu tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa trong một cuộc sống được đánh dấu bằng sự cầu nguyện sâu sắc và sự từ bỏ, không tìm kiếm ý riêng mình mà là thánh ý của Thiên Chúa”, Cha Lyseyko nói.

Cha Lyseyko cũng nói về tầm quan trọng của cuộc đời vị thánh, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến không suy giảm ở Ukraine


Source:Catholic News Agency
 
Lại một bí ẩn khác về điều Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói
J.B. Đặng Minh An dịch
20:00 21/11/2023
Ký giả kỳ cựu John Allen của tờ Crux có bài tường trình nhan đề “Yet another mystery emerges about what the Pope actually said”, nghĩa là “Lại một bí ẩn khác về điều Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.Dưới mọi thước đo, sứ vụ giáo hoàng là một trong những chức vụ dễ thấy nhất trên bề mặt hành tinh này.

Chẳng hạn, trên nền tảng truyền thông xã hội trước đây gọi là Twitter, tổng số người theo dõi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là 53 triệu, trải rộng trên 9 tài khoản bằng những ngôn ngữ khác nhau, hiện đặt ngài ở vị trí thứ ba trong số các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay, chỉ sau Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ.

Với sự chú ý kinh niên thường hằng trên một giáo hoàng, bạn có thể nghĩ rằng sẽ không bao giờ có bất kỳ nghi ngờ nào về việc liệu ngài có thực sự nói điều gì đó hay không, vì mọi người đang luôn lắng nghe ngài… và dù sao đi nữa, nếu một dòng thông tin nào đó bị gán nhầm cho một vị giáo hoàng, thì Vatican có nhiều kênh thông tin liên lạc trong tay sẽ nhanh chóng làm rõ mọi chuyện.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, một đặc điểm thường xuyên xảy ra trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô là một sự bí ẩn thường xuyên – là điều mà người Ý gọi là giallo, nghĩa là “màu vàng”, theo màu giấy mà các truyện trinh thám ở đây thường được in – về những gì mà Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói.

Chẳng hạn, ngay sau cuộc bầu cử của ngài vào tháng 3 năm 2013, một tin đồn đã bắt đầu lan truyền rằng khi ngài được người điều hành nghi lễ của Vatican tiếp cận để mặc mozzetta, một bộ lễ phục nhung đỏ có viền lông chồn ermine thường được mặc bởi các giáo hoàng trước đây, thì ngài từ chối một cách gay gắt và gắt gỏng “Lễ hội hóa trang đã kết thúc!”

Điều đó được coi là một cái tát có chủ ý vào kiểu phụng vụ dưới thời người tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, và mặc dù các nguồn tin thân cận với vị tân giáo hoàng nhanh chóng khẳng định rằng ngài chưa bao giờ nói bất kỳ điều gì như vậy, ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy các tài liệu tham khảo trên Internet về tình tiết được tường thuật này.

Lấy một ví dụ khác, có một loạt “cuộc phỏng vấn” khét tiếng mà Đức Phanxicô đã thực hiện với nhà báo huyền thoại người Ý Eugenio Scalfari, là người đã qua đời vào tháng 7 năm 2022 ở tuổi 98 đáng kính.

Từ năm 2013 đến năm 2018, Scalfari, một người tự xưng là vô thần, đã có ít nhất bốn cuộc trò chuyện quan trọng với Đức Phanxicô. Sau mỗi lần phỏng vấn như thế, ông đều xuất bản một bài tiểu luận trích dẫn giáo hoàng đã nói đủ thứ, từ ý tưởng cho rằng chân lý không phải là “tuyệt đối” cho đến tuyên bố đáng kinh ngạc rằng Hỏa ngục không hề tồn tại.

Trong mỗi trường hợp như thế, một phát ngôn viên của Vatican sẽ nói rằng đây là những bản dựng lại của Scalfari, không nhất thiết là những trích dẫn trực tiếp, nhưng cũng không ai phủ nhận những trích dẫn bị cáo buộc, thành ra người ta có ấn tượng rằng Đức Phanxicô thực sự có thể đã nói những điều gì đó theo chiều hướng được tường trình, ngay cả khi khó có thể phân định suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng kết thúc ở đâu và suy nghĩ của Scalfari bắt đầu từ đâu.

Tất cả những điều này hiện lên trong tâm trí tôi dưới góc nhìn về một mini-giallo mới xuất hiện trong tuần này liên quan đến nội dung của cuộc gặp gần đây giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và khoảng 40 linh mục của Giáo phận Rôma, diễn ra vào ngày 12/11, tại một giáo xứ ở khu phố Villa Verde ở vùng ngoại ô phía đông của thành phố.

Về lý thuyết, đây là một cuộc họp riêng, không có bản ghi âm hoặc ghi chép chính thức, nhưng ngày hôm sau, một blog có ảnh hưởng của Ý có tên Silere non Possum, nghĩa là “Tôi không thể im lặng” đã đăng tải một bài tường thuật dài về buổi họp, hoàn chỉnh với những trích dẫn dài được cho là trích dẫn trực tiếp.

Đặc biệt có ba dòng nổi bật về mặt tin tức được quan tâm.

“Bạn sẽ nói giáo hoàng là người theo đạo Tin lành Lutheran”: Đức Phanxicô được cho là đã nói điều như thế trong bối cảnh thảo luận về cách tiếp cận mục vụ của ngài đối với sự hiệp thông dành cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn dân sự, khi kể một câu chuyện về một phụ nữ Ý 60 tuổi đã viết cho ngài một lá thư giải thích rằng bà ấy đang kết hôn lần thứ hai và có con với người chồng sau, nhưng không thể rước lễ. Theo blog này, Đức Phanxicô cho biết ngài đã khuyên người phụ nữ đi xưng tội rồi lặng lẽ đến một giáo xứ khác và rước lễ.

“Một số người có thể nói rằng giáo hoàng là người theo thuyết tương đối. Cũng không sao, nó là một thuyết tương đối hiệu quả.” Dòng này được cho là được đưa ra trong cùng bối cảnh, liên quan đến người ly dị và tái hôn dân sự.

“Văn hóa Anglo-Saxon. Chúng ta là những người Latinh, chúng ta gần gũi với mọi người. Chủ nghĩa giáo quyền là một thái độ xa cách với người dân.” Dòng này, được cho là xuất hiện trong bối cảnh thảo luận về những yêu cầu khác nhau mà các linh mục thường phải đối mặt từ giáo đoàn của các ngài, dường như gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng coi chủ nghĩa giáo quyền là một cám dỗ đặc biệt của các giáo sĩ Anglo-Saxon.

Nếu Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói những điều này, nó sẽ làm sáng tỏ một số khía cạnh thú vị về triều đại giáo hoàng của ngài. Tuy nhiên, liệu ngài có thực sự nói như vậy hay không là câu hỏi trị giá 64.000 Mỹ Kim.

Theo hồ sơ, Silere non Possum tự nhận mình là một blog được thành lập bởi một luật sư giáo luật người Ý và chuyên gia về hệ thống hình sự của Vatican tên là Marco Felipe Perfetti. Nó rõ ràng có nguồn tốt. Chẳng hạn, các cơ quan báo chí lớn như Associated Press đã trích dẫn các báo cáo của ông về các vụ bê bối lạm dụng xung quanh cựu linh mục Dòng Tên Marko Rupnik.

Nhưng, chỉ cần đọc ngẫu nhiên trang web cũng cho thấy một đường lối xã luận chống Đức Phanxicô khá mạnh mẽ. Hơn nữa, vì Silere non Possum là một blog chứ không phải một hãng thông tấn nên nó thường không trích dẫn tên nguồn hoặc cung cấp ý nghĩa rõ ràng về thông tin đến từ đâu, khiến việc đánh giá độ tin cậy của nó trở nên khó khăn.

Khi trình bày báo cáo mới của mình, Silere non Possum đã xen kẽ những câu trích dẫn được cho là của Đức Giáo Hoàng với những lời bình luận mang tính chế nhạo của riêng mình - được trình bày một cách nhấn mạnh trong từng trường hợp bằng kiểu in đậm, để độc giả không thể bỏ lỡ lời tuyên bố của xã luận.

Chẳng hạn, liên quan đến giai thoại Đức Thánh Cha gọi điện cho người phụ nữ đã ly dị và tái hôn, blog này nói thêm: “Một lời khuyên dành cho các mục tử: Từ đây trở đi, hãy lấy số điện thoại di động của Đức Phanxicô và đăng lên bảng thông báo rằng ngài sẽ giải quyết mọi vấn đề.”

Khó có thể thoát khỏi ấn tượng rằng mục tiêu của blog này là cung cấp những lý do mới khiến độc giả khó chịu với Đức Phanxicô, mà không nhất thiết phải quá thận trọng về tính chính xác của nguyên văn.

Nhưng, nếu Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ nói bất cứ điều gì thậm chí một cách bóng gió như những gì blog này trích dẫn, thì thật khó để biết tại sao Vatican lại không quyết liệt phản đối. Một phát ngôn viên có thể chỉ cần tuyên bố: “Mặc dù nội dung của cuộc họp là riêng tư, nhưng tôi có thể xác nhận rằng những bình luận được cho là của Đức Thánh Cha là sai sự thật”.

Thay vào đó, tất cả những gì chúng ta nhận được vào lúc này là một phiên bản tiêu chuẩn “không có bình luận”, khiến không rõ chính xác điều gì đã xảy ra.

Trên thực tế, một người hoài nghi có thể có xu hướng kết luận rằng Đức Phanxicô hoặc các cố vấn của ngài đủ vui khi có những dòng đó lan truyền khắp nơi, tạo nên ấn tượng của công chúng về những gì giáo hoàng thực sự nghĩ, mà không cần phải trực tiếp sở hữu chúng.

Trong bất kỳ trường hợp nào, và cho đến khi chúng ta nhận được sự xác nhận hoặc phủ nhận chính thức, “Đức Giáo Hoàng là người theo đạo Tin lành Lutheran” và “văn hóa Anglo-Saxon” sánh vai với chủ nghĩa giáo quyền giờ đây đã chiếm được vị trí của chúng bên cạnh những câu nói như “lễ hội hóa trang đã kết thúc” và “Hỏa ngục không hề tồn tại” như những câu trích dẫn nổi tiếng dù không nguyên văn, từ một trong những vị giáo hoàng giàu tính biểu tượng nhất mọi thời đại - trên thực tế, giàu đến mức ngay cả những điều ngài có thể chưa bao giờ nói cũng đang trên đường đi đến sự bất tử.


Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Bổn Mạng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - TGP Sydney
Khanh Lai
15:32 21/11/2023
Đại Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Bổn Mạng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - TGP Sydney


Lúc 7.30pm, thứ bảy ngày 18 tháng 11 năm 2023. Thánh Lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng là bổn mạng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – TGP Sydney được tổ chức tại Mt St Joseph Catholic College Milperra, 273 Horsley Rd, Milperra NSW 2212 để tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam. Cộng Đồng kính nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã anh hùng để bảo vệ đức tin. Các ngài cũng là tín hữu Công Giáo Việt Nam hay là Giáo Sĩ ngoại quốc đến truyền giáo tại Việt Nam trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã được Giáo Hội Công Giáo Rôma phong Thánh với lý do chết vì Chúa tại Việt Nam. Đặc biệt trước khán đài cờ của các Giáo Đoàn, Phong Trào, Đoàn Thể được dựng trước Lễ Đài.

“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Lúc ra đi khóc than, vất vả gieo hạt mầm.

Ngày về miệng ca vang, ôm bó lúa chín vàng.” (TV. 126: 5-6).



Người hướng dẫy tuyên đọc Thiên Hùng Sử của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam khởi đầu vào năm 1533, khi hạt giống Phúc Âm được rao giảng trên Quê Hương Việt Nam bởi Giáo Sĩ Inêkhu. Thăng trầm với những thử thách và gian lao trong giai đoạn phôi thai. Phát triển và lớn mạnh trong gian khổ. Trưởng thành trong máu đào tô thắm của 130.000 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, hy sinh mạng sống vì niềm tin kiêu hùng và bất khuất. Trong hoàn cảnh Tử Đạo bi hùng này, Mẹ La Vang đã hiện ra năm 1798 để phù hộ Giáo Hội và con dân Việt Nam của Mẹ. Thiên Hùng Sử vinh quang của Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam được vinh quang hơn, khi 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam được Tôn Vinh lên Bậc Hiển Thánh vào ngày 19.6.1988, và Thánh Trẻ Việt Nam Andrê Phú Yên được Tôn Vinh vào năm 2000. Hôm nay, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam chúng ta tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn Mạng của Cộng Đồng. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam một trang sử hào hùng. Trước Bàn Thờ của Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam anh dũng, Chúng ta cùng nhau tha thiết nguyện cầu cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam, vẫn còn chịu đựng những đau khổ, được mau tới ngày bình an tươi sáng, được hạnh phúc và vui hưởng tự do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội Mẹ, và những người đang bị giam cầm, bách hại vì Đức Tin, vì tranh đấu cho Công Lý và Hòa Bình. Chúng ta cũng quyết tâm sống xứng đáng với truyền thống hào hùng và gia tài vinh quang của Tiền Nhân để lại. Quyết tâm sống can trường tiếp nối Thiên Hùng Sử vinh quang Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam đã tô thắm, để xứng đáng là con cháu của các Ngài. Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Các Ngài là vinh quang của quá khứ, là vinh dự của hiện tại, là kỳ vọng cho tương lai của chúng con. Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, chúc lành cho Cộng Đồng chúng con.






Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Xin cho chúng con hiểu rằng theo Chúa là bước đi trên nẻo đường chật hẹp trong ánh sáng, ngược dòng với đại lộ thênh thang của bóng tối. Và những thập giá là gian khổ hy sinh của thế ông bà cha mẹ chúng con trong kiếp nầy xưa kia, đã được sống vinh quang với Chúa trong hạnh phúc vinh quang.







Lúc 7pm tối, MC Mai Phước Thành đọc lời dẫn nhập: Thiên Hùng Sử của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và mời mọi người hướng về cuối khán đài để cùng cung nghinh Linh Hài Các Thánh Tử Đạo, khi 3 hồi 9 tiếng chiêng trống khai mạc. Cha Chủ Tế dâng hương Linh Hài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong tiếng hát của các anh chị trong Liên Ca Đoàn cùng hợp ca bài Lòng Trung Nghĩa.

Đoàn rước tiến lên lễ đài, đi đầu là Bình Hương, Thánh Giá nến cao, 3 lá quốc kỳ, Việt Nam, Úc Đại Lợi và cờ Giáo Hội, các em Thiếu Nhi Cung Thánh, Các Thừa Tác Viên Thánh Thể, các Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn, các trưởng Hội Đoàn, và phong trào, tất cả trên tay cầm nến cháy, kế tiếp là Phụng Vụ Lời Chúa và lời Nguyện Giáo Dân, đoàn cung nghinh Linh Hài Các Thánh Tử Đạo do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách, sau cùng là Quý Cha Đồng Tế và Cha Chủ Tế. Kiệu Linh Hài các Thánh được An Vị bên lễ đài.

Trong Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, quý Trưởng Ban Mục Vụ, Đại Diện PTĐT, đại diện Cộng Đồng dâng lên những ngọn nến trên bàn thờ, để tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn Mạng của CĐCGVN chúng ta. Ban Tuyên Úy dâng hương, chào bàn thờ rồi dâng hương trước bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cộng đoàn cùng đứng lên để tham dự Thánh Lễ cùng Nghi Thức Dâng Hương và dâng nến cầu nguyện đặc biệt cho Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam.







Thánh lễ tiếp tục. Liên Ca Đoàn hát Ca Nhập Lễ. “Bài Ca Ngàn Trùng”. Cha chủ tế dâng Hương bàn thờ, làm Dấu Thánh Giá và hát Kinh Vinh Danh. Thánh Lễ đồng tế hôm nay gồm có Lm. Remy Bùi Sơn Lâm, Tuyên Úy Trưởng, Lm.Paul Văn Chi Tuyên Úy cộng đồng và điều hợp chương trình, Lm.Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết Tuyên Úy, Lm.Phêrô Trần Văn Trợ Tuyên Úy và Cha Trần Tuấn hiện đăng tuyên úy cho nhà dưỡng lão Fairfield.

Sau bài đọc do em Huynh Trưởng TNTT đọc, sau đó bài “Người Đi” với giọng hát của Liên Ca Đoàn phục vụ Thánh Ca. Bài đọc 2 đại diện một ca viên, phần Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay do Lm. Trần Văn Trợ đọc và Lm. Paul Văn Chi giảng thuyết, mở đầu bằng câu: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Nói lên giòng máu anh Hùng, dân tộc Việt Nam của chúng ta, với 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, và Thánh Anrê Phú Yên trong tổng số khoảng 130,000 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã phong Thánh cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19/6/1988 tại Roma. Trong bài giảng, ngài đã công bố: “Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thập Tự Giá.”



Thánh Lễ hôm nay 18/11/2023, tuần trước Lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc năm Phụng Vụ, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - TGP Sydney hân hoan mừng Bổn Mạng cùng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Tôn Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Khoảng 3000 ngàn người đã tới tham dự Thánh Lễ tối nay. Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Khanh Lai tường trình
 
Văn Hóa
Tục lệ Giáng Sinh
Pt Phạm Bá Nha
17:30 21/11/2023

TỤC LỆ GIÁNG SINH

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu một số nơi còn giữ tục lệ Giáng Sinh

1.Nước Anh
Ngày nhỏ mình rất mê những câu chuyện, bộ phim về Đất Nước Anh. Bạn có biết tại Anh trẻ em thường viết những lá thư cho ông già Noel rồi ném chúng vào lò sưởi. Bọn trẻ tin rằng, những lá thư này sẽ bay qua ống khói và đến Bắc Cực - nơi ở của ông già Noel. Và món không thể thiếu trên bàn tiệc Giáng sinh của người Anh là chiếc bánh pudding với những “điều đặc biệt” ẩn giấu trong nhân bánh, có khi là hạt đậu, lúc lại là một đồng xu, được cho là sẽ mang lại may mắn cho người nhận được nó. Giáng sinh tại Anh diễn ra trong ba ngày: Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12) và Boxing Day (26/12); trong đó, người ta không ăn lễ nửa đêm ngày 24 mà vào chiều 25/12. Ðêm 24/12, họ đi dự lễ, khi về là ngủ ngay. Ðối với họ, lễ sáng 25 mới là buổi lễ quan trọng. Thông thường, các thành viên gia đình gặp gỡ, tặng quà, chúc mừng nhau và có buổi ăn chính. Từ chiều ngày 24, cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, trường học, công sở đều đóng cửa… Anh là quốc gia đầu tiên dùng cây tầm gửi (biểu tượng cho hòa bình và hạnh phúc) trong dịp Giáng sinh.

2. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ
Mỹ là châu lục mới, nơi có nền văn hóa đa dạng và nhiều tập tục, do đó thật khó nói về một lễ Giáng sinh chỉ của riêng người Mỹ. Các hoạt động trong lễ hội này sẽ tùy thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi gia đình. Lễ mừng Giáng sinh ở Mỹ có pha trộn hương sắc của Ireland, Australia, Ba Lan và Bỉ.Lễ Giáng sinh tại Mỹ được kỷ niệm theo nhiều cách, mỗi cách phản ánh một truyền thống riêng. Những đứa trẻ của đảo Hawaii tin rằng ông già Noel đến từ một chiếc thuyền. Những đứa trẻ ở Alaska mang theo những ngôi sao rất lớn trong khi chúng vừa đi vừa hát mừng Noel. Ở New Mexico, các gia đình trang trí những ngôi sao và đèn lồng giấy ở bên ngoài ngôi nhà của mình, còn ở Texas những đứa trẻ tham gia vào lễ hội Posadas giống như được tổ chức ở Mexico. Thật tuyệt khi đón Noel tại một nước mở với nhiều sự kiện khác nhau phải không bạn?

3.Tại Ý (Italy)
Ý, đất nước có những người đàn ông điển trai, phong độ nhất thế giới. Họ đón Noel thế nào bạn có từng tìm hiểu? Theo mình biết bữa tối 24/12 của người Italy thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm một món ăn với cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Những ngọn nến được thắp sáng lung linh, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ''em bé thần thánh''. Các món quà thường được trao tặng sau lễ Mixa lúc nửa đêm. Theo tục lệ truyền thống, không phải ông già mà là bà già Noel tên Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em.Wow, thật tuyệt khi ông già Noel của chúng ta không hề cô đơn mà vẫn có đôi. Một bà già Noel là điều kỳ diệu nhất của lễ Giáng sinh, bạn có nghĩ và mong được gặp bà một lần như mình không?

4. Tại Pháp
Pháp đất nước trong lành, lịch thiệp đáng sống nhất thế giới với những quý bà trang nhã, xinh đẹp. Bạn nghĩ sao về Giáng sinh nơi đất Pháp khi trẻ em để những đôi giầy của mình gần đống lửa vào đêm trước Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel. Trong khi đó, những trẻ em lớn hơn sẽ đi với người lớn tới nhà thờ lúc nửa đêm rồi mới quay về nhà dùng bữa ăn nhẹ gọi là “lere’veillon.” Người Pháp còn tổ chức những màn biểu diễn con rối vào đêm Noel, phổ biến nhất là ở Paris và Lyons. Những thành phố hoa lệ bậc nhất từ thời Trung cổ. Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ Pháp sẽ mua cho con mình một tấm lịch “Calendrier de I’Vvent.” Bên trong tấm lịch đặc biệt này là những viên kẹo socola vuông, mỗi viên kẹo ứng với một cửa sổ, có đánh số ngày, từ mùng 1 đến 24, sắp xếp lộn xộn. Mỗi sáng, trẻ em phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt này chỉ dành cho tháng Noel. Với một mùa Giáng sinh lạnh thì những viên kẹo Socola quả thật quá hấp dẫn bạn nhỉ?

5.Tại Đức
“Alle Jahre wieder” tức là “Đến hẹn lại lên” - câu thành ngữ ấy luôn nảy ra trong tâm trí người Đức mỗi mùa Giáng sinh về. Từ đầu tháng 12, khắp nước Đức đều xuất hiện những phiên chợ đặc biệt, từ những phiên chợ chỉ vài ba gian hàng ở những thị trấn nhỏ trang trí bằng lồng đèn với cành thông đơn giản, cho đến những hội chợ lớn ở các đô thị tràn ngập không khí thương mại và tưng bừng niềm vui đại lễ Đi chơi chợ Giáng sinh là truyền thống của người Đức. Loại hàng hóa nổi tiếng nhất của chợ là bánh "Dresdner Christstollen.” Thuở xưa, còn có tên là bánh Striezel - nổi tiếng đến mức chợ cũng mang tên loại bánh này. Hiếm có ai, nhất là khách du lịch đến chợ lại không thưởng thức loại bánh này và mua về làm quà tặng cho người thân.Trung bình mỗi năm, những phiên chợ mùa Giáng Sinh này đã mang về cho ngành du lịch nước Đức gần 8 tỷ USD. Ở Đức, người lớn thường kê một chiếc bàn gần cửa sổ, với nhiều bát đĩa. Trẻ em vẽ những bức tranh để trên cửa sổ suốt đêm để ông già Noel không quên trút đầy kẹo bánh, quà thưởng vào bát đĩa cho chúng. Người Đức yêu thích một loài hoa gọi là hoa Giáng sinh vì những cánh hoa vẫn nở tươi giữa trời tuyết lạnh giá.

6.Ở Nga
Theo phong tục xưa, Giáng sinh thường được người Nga tổ chức trong ba ngày là mùng 7-8-9 tháng 1. Do từ xa xưa cả Chính thống giáo và Công giáo đều tổ chức đón Giáng sinh vào chung một ngày. Nhưng từ năm 1582 tại châu Âu xuất hiện lịch Grigori (lịch mới), còn ở Nga vẫn sử dụng lịch Julian (lịch cũ) cho tới thời Xô-viết mới đổi, do vậy mà đạo Chính Thống phương Đông bao gồm có Nga và các nước đông Âu tổ chức đón Giáng sinh vào ngày mùng 7 tháng 1 hàng năm, tức là muộn hơn 13 ngày so với Giáng sinh của Công giáo (25/12) tại châu Mỹ, châu Úc, tây Âu và một số nước ở châu Phi.Trước Giáng sinh người ta thường ăn chay 40 ngày với những quy định rất nghiêm ngặt. Trong những ngày này không được phép ăn thịt, trứng, sữa, mỡ động vật. Trong các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu không được ăn cá và uống rượu. Các ngày còn lại trong tuần thì được phép ăn thức ăn với dầu thực vật. Ngày mùng 6 tháng 1 là ngày cuối cùng của lễ ăn chay, tuy nhiên chỉ được phép ăn các món thịt, cá sau khi ngôi sao đầu tiên mọc lên. Trong buổi tối này mọi người thường quay quần xung quanh những đống lửa lớn vì họ cho nằm lửa sẽ xua đi bóng tối để bắt đầu một năm mùa màng bội thu và giúp cho linh hồn của những người đã khuất không bị lạnh lẽo.Thức ăn trong bữa tiệc Giáng sinh thường khác nhau trên từng vùng miền, nhưng truyền thống nhất vẫn làm theo 12 món, tượng trưng cho 12 tông đồ của Chúa. Toàn bộ gia đình quây quần bên mâm cỗ, và ở một số gia đình, còn dọn thêm cả vị trí dành cho các thành viên trong gia đình đã qua đời.


7.Đan Mạch
Vào đêm Giáng sinh, 24 tháng Mười Hai, tại Đan Mạch gia đình tụ họp lại, cùng ăn bữa tối Giáng sinh và trao nhau những món quà. Phần lớn mọi người nhảy múa quanh cây Giáng Sinh, một cây thông được trang trí, và cùng hát những bài ca Giáng sinh. Còn lại khá nhiều người dự lễ Giáng sinh tại nhà thờ. Giáng sinh bắt đầu vào tháng Mười Một trên những đường phố và trong những cửa hàng, nơi được trang hoàng với những cây vân sam, những trái tim Giáng sinh, những thiên thần và những vị tiên. Vào tháng Mười Hai, nhiều công sở tổ chức tiệc trưa Giáng sinh, và trẻ em làm những món quà và những đồ trang trí Giáng sinh tại trường mẫu giáo, câu lạc bộ sau giờ lên lớp và ở trường. Nhiều trẻ em có lịch chờ Giáng sinh, và nhiều kênh truyền hình phát các chương trình chờ Giáng sinh mỗi ngày từ ngày 1 đến 24 tháng Mười Hai. Vào 25 và 26 tháng Mười Hai, ngày thứ nhất và thứ hai của lễ Giáng sinh, nhiều gia đình cùng dùng bữa trưa với nhau.

8.Ireland
Đối với đa phần các nước trên thế giới, Noel là lúc gia đình, người thân sum họp bên bếp lửa với những bữa tiệc thịnh soạn vui vẻ thì người Ireland thắp nến trên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc những người qua đường mệt mỏi đang tìm nơi dừng chân vào trong nhà của họ trong ngày lễ Noel. Theo truyền thống, bất cứ người qua đường nào đã dừng chân tại một ngôi nhà có thắp nến trên cửa sổ đều được chủ nhà mời ăn tối và một chỗ để nghỉ đêm.Một ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày quốc lễ của Ireland, các chàng trai trẻ, được coi là các con chim hồng tước đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi. Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen.

9. Phần Lan
Bạn có tưởng tượng nổi không khi giữa ngày Giáng sinh lạnh giá, chúng ta quyết định đi tắm. Không phải là một ý tưởng thú vị phải không ạ? Tuy nhiên người dân ở đất nước Phần Lan có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel đến. Trong đêm Noel, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối với các món ăn truyền thống gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. “Joulupukki”, ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính.Vào dịp này, hầu hết mọi người đều đến nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình để tưởng nhớ những người đã khuất.

10.Ba Lan
Là một đất nước theo Thiên chúa giáo, người Ba Lan luôn chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời ngày Giáng sinh. Ai nhìn thấy nó đầu tiên có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối. Bữa ăn này thường có đến 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và thường bắt đầu với món súp củ cải đỏ hoặc rau bắp cải, sau đó là cá hoặc gà tây.Gia đình người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng số đĩa được dọn trên bàn. Chủ nhà sẽ bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa ra đời chia cho tất cả mọi người trên bàn ăn.

11.Tại Áo
Không như trẻ em các nước khác phải chờ đợi tới đúng đêm Giáng sinh mới được nhận quà. Từ ngày 6/12, ông già Noel của Áo đã đi phát kẹo, hạt dẻ và táo cho trẻ em. Còn đến ngày 24/12, một nhân vật tí hon có cánh tên là Kristkindl mang quà và cây thông Noel tới. Bọn trẻ sẽ chờ đợi tới khi nào nghe tiếng chuông leng keng mới được mở cửa bước vào phòng, nơi có cây thông Noel được trang trí những ngọn nến và kẹo mứt đang chờ đợi

12. Nhật
Mình thích màu đỏ bởi màu đỏ mang đến cảm giác ấm áp nhất là trong màn tuyết trắng, lạnh buốt thì màu đỏ càng thu hút quý giá trong khi đó người Nhật lại kiêng kị việc tặng hay gửi cho nhau bằng những tấm thiệp đỏ vì quan niệm rằng, chỉ những tờ cáo phó mới mang màu sắc đấy.Do đó, thay vì tấm thiệp màu đỏ như nhiều nước khác, họ sẽ tặng nhau tấm thiệp màu trắng như những bông tuyết, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sạch.

13.Tây Ban Nha
Trước Giáng sinh, người dân tại Catalonia (Tây Ban Nha) sẽ trang trí một khúc gỗ nhỏ như một nhân vật hoạt hình với chiếc mũ xinh xắn và miệng cười thật tươi. “Khúc gỗ” sinh động này xuất hiện trong mỗi gia đình vào khoảng hai tuần trước lễ Giáng sinh và được chăm sóc một cách đặc biệt với khẩu phần ăn hàng ngày, gồm bánh kẹo và hoa quả. Vào đêm Giáng sinh, các thành viên trong gia đình sẽ dùng chiếc gậy đánh vào nhân vật bằng gỗ này và cùng nhau ngân nga bài hát mừng Giáng sinh truyền thống.

14. Mexico
Khác với những em bé Áo được nhận quà từ rất sớm 6/12 tại Mexico hầu hết gia đình tham gia buổi lễ Mixa trong đêm Noel. Trẻ con thì mong đợi những món quà mà thánh "El Ni-o Dios" để trong giày của chúng vào ngày 6/1. Thay vì trang trí cây thông Noel, người Mexico dùng cây trạng nguyên để trang trí nhà.Vào những ngày lễ này, nụ cười luôn nở trên môi người dân Mexico cùng với tiếng nhạc sôi động, những điệu nhảy và nhiều trò chơi. Người lớn và trẻ em cùng hoá trang thành những nhân vật trong câu chuyện đêm Giáng sinh, diễu hành diễn tả lại cảnh Thánh Giêsu và Đức Mẹ đi tìm nơi trú chân tại Bethlehem. Đoàn diễu hành tiến đến ngôi nhà được chọn trong đêm đó, những người hành hương hỏi xin một chỗ nghỉ rồi bắt đầu buổi lễ với nhạc và thưởng thức món ăn.Ở thủ đô, người dân đón mừng Giáng sinh bằng cách cùng nhau dựng một cây Noel cao đến 45m. Còn theo phong tục, vào đêm trước lễ Giáng sinh, nhiều ca sỹ Mexico mang chuông và nến đi khắp các ngả đường trước khi đến nhà thờ.Sau đêm Giáng sinh là một ngày yên tĩnh kỳ lạ, các con đường luôn vắng vẻ vì người Mexico còn ngủ để lấy lại sức

15 Bồ Đào Nha
Lễ Giáng sinh là dịp lễ để người dân toàn tụ và sum họp, nhưng ở Bồ Đào Nha thì đây lại là dịp để tưởng nhớ các thành viên đã quá cố. Mỗi gia đình tại Bồ Đào Nha luôn dành một chỗ trống trên bàn ăn với hàm ý để cho người thân với mong muốn những người thân yêu của họ sẽ mang lại may mắn cho gia đình.Thật giống những người Việt Nam chúng ta bạn nhỉ, luôn dành những ngày nghỉ lễ nhất là dịp cuối năm và đầu năm để đi Tảo mộ, thanh minh.

16.Thụy Điển
Làm ra một món đồ gì đó rất to lớn, kỳ công rồi lại tự tay đốt bỏ. Cảm giác đó sẽ như thế nào nhỉ? Bạn biết không, ở thị trấn Gavle, Thụy Điển, sau khi đêm Noel kết thúc, mọi người sẽ đốt một con dê bằng rơm khổng lồ (biểu tượng Giáng sinh của người Scandinavia từ nhiều thế kỷ qua) để ăn mừng.Giống như chúng ta đốt pháo, một đám lửa lớn giữa trời đêm buốt giá cũng rất tuyệt, phải không bạn?

17.Ukraine
Khác với cách trang trí ở các quốc gia khác, người Ukraine thường gắn thêm một con nhện và mạng nhện giả lên cây thông Noel. Người ta tin rằng, tấm mạng nhện xuất hiện vào buổi sáng ngày Giáng sinh sẽ mang lại may mắn.Ngày Giáng sinh chính thống của đất nước này là 7/1 và ông già Noel đến thăm trẻ em bằng chiếc xe trượt tuyết được kéo bởi ba con tuần lộc chứ không phải bằng sáu con như thường lệ. Ông già Noel đi cùng một cô bé tên là “Cô bé bông tuyết” vì cô mặc y phục màu xanh bạc và đội một chiếc mũ bông tuyết trắng.

18. Na Uy
Trong truyện "Harry Potter" và bộ phim "Phép Thuật" thì những phù thủy thật đáng ngưỡng mộ và được ưa chuộng. Thậm chí tại Ý, trẻ con cũng mong đợi những phù thủy tốt ghé thăm thì tại Nauy lại có một phong tục khá kì lạ trong ngày Noel là tất cả những chiếc chổi trong các gia đình đều bị giấu đi. Người Na Uy tin rằng, phù thủy và những linh hồn xấu xa sẽ thoát ra trong lễ Giáng sinh, lấy cắp những chiếc chổi để bay lên trời.

19 Latvia
Đến với Latvia trong khoảng thời gian lễ Giáng Sinh, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác vô cùng thú vị khi được tham gia lễ hội này ngay trên đường phố. Người dân Latvia có một phong tục kỳ lạ là những diễn viên kịch câm sẽ đeo mặt nạ theo thứ hạng được sắp xếp, thường gặp nhất là: mặt nạ gấu, ngựa, dê, dân gipxi, buồn cười hơn nữa là mặt nạ giả thây ma để đi dạo và diễn “kịch câm”. Theo người dân nơi đây, truyền thống này giúp xua đuổi tà ma và là lời chúc lành cho vụ mùa năm mới.

20.Tại New Zealand
Tại New Zealand, Giáng sinh ở đây bắt đầu vào giữa mùa Hè. Thay vì uống nước nóng, ông già Noel thường nhận được một cốc bia mát lạnh. Nhiều gia đình đi picnic hay tắm biển vào chiều Giáng sinh.Theo truyền thống, họ thường thích dùng thịt xông khói hơn ăn một con gà tây. Ồ, một Giáng sinh nóng. Điều mà ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta cũng có thể cảm nhận được khi di chuyển từ Bắc vào Nam. Không biết bạn thấy sao chứ mình vẫn thích một Giáng Sinh thật lạnh.

21.Australia
Cỗ xe của ông già Noel luôn luôn được biết đến bởi những chú tuần lộc kéo. Còn tại nước Úc thì sao nhỉ? Mình nhớ có một quảng cáo: Kiểu Úc... Kiểu Úc có rất nhiều điều khác lạ và xe trượt tuyết của ông già Noel được kéo bởi tám con kangguru trắng (loài vật đặc trưng, biểu tượng được biết đến nhiều nhất khi nhắc tới nước Úc. Một trong những sự kiện nổi bật không thể thiếu trong những ngày này là “Đêm đốt nến hát Thánh Ca mùa Giáng sinh” (Carols By Candlelight). Sự kiện này bắt nguồn từ thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngàn người tụ tập cùng hát vang những bài Thánh Ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp “hòa bình trên khắp trái đất và niềm vui đến mọi nhà.”Ngày Giáng sinh ở Australia còn là ngày truyền thống của việc tặng quà và các sự kiện thể thao diễn ra như thi bóng chày và đua thuyền buồm. Giáng sinh kiểu Úc thật thú vị bạn nhỉ!

22 Thụy Sỹ
Nếu nước Úc gây ấn tượng cho ông già Noel bằng cỗ xe tám Kangguru kéo thì tại Zurich của Thụy Sỹ, ông già Noel ở đất nước này không cưỡi những con tuần lộc với chiếc mũi đỏ mà đi trên một chiếc xe buýt huyền thoại, chở trẻ em đi chơi vòng quanh khắp thành phố, hát hò với chúng và cho chúng một giỏ đầy kẹo.Phương tiện giao thông công cộng, thật là một ý tưởng di chuyển rất đặc biệt của các ông già Noel chỉ có tại Thụy sỹ.

23 Tại vương quốc Bỉ
Vào ngày mùng 6 tháng 12 hàng năm, người dân Bỉ tổ chức ngày kỉ niệm Saint-Nicholas, là một hoạt động khác với Giáng sinh. Tại Bỉ, Santa Clause được gọi là de Kerstman hoặc le Père Noël, là người sẽ mang tặng những đứa trẻ háo hức những món quà trong ngày Giáng sinh. Bỉ là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, vùng phía Bắc là Vlaanderen sử dụng tiếng Hà Lan, phần phía Nam là Wallonie sử dụng tiếng Pháp và phía Đông sử dụng tiếng Đức. Mỗi gia đình ở Bỉ cũng thường tặng nhau quà Giáng sinh được dấu ở dưới cây, trong tất treo bên lò sưởi trong đêm tối. Bữa sáng ngày Giáng sinh là món bánh mì ngọt đặc biệt gọi là “cougnou” hoặc “cougnolle” có hình dáng giống như Chúa Giêsu ngày bé. Một số gia đình cũng tổ chức những bữa ăn lớn vào đúng ngày Giáng sinh.

24.Brazil
Dù giàu hay nghèo thì người Brazil đều sắm sửa một cây thông Noel, kể cả những cây thông nhựa rẻ tiền. Ở Brazil không có tuyết trong dịp Noel, và họ thường dùng những bông trắng đặt lên cành cây Noel giống như tuyết còn vương lại. Thời gian đón Noel cũng thay đổi từ Nam tới Bắc.Ông già Noel tại Brazil có tên là "Papai Noel". Tại đây, phong tục đón Giáng sinh cũng gần giống với phong tục tại Mỹ và Anh quốc. Đối với những người có nhiều tiền, họ sẽ chuẩn bị một bữa ăn với gà tây, thịt, gạo, đậu, tất nhiên là không thể thiếu hoa quả tươi và khô… và cả bia nữa chứ. Với những người nghèo hơn, họ sẽ ăn gà, gạo và cũng có bia kèm coke. Món tráng miệng được ưa thích của người Brazil là kẹo Brigadeiro được làm từ sữa và sô cô la.

25 Hà Lan
Nếu như trẻ em ở những nước có truyền thống đón Giáng sinh vẫn háo hức đợi chờ sáng ngày 25/12, thì với trẻ em Hà Lan ngày này đã qua. Ngày lễ được trẻ em háo hức mong chờ nhất là ngày 5/12, ngày mà ông già Noel Sinterklaas sẽ mang quà đến.Cứ vào ngày thứ 7 thứ 2 của tháng 11 (ngày thứ 7 đầu tiên sau 11/11), Sinterklaas sẽ du hành đến các thành phố tại Hà Lan. Câu chuyện về ông già Noel của xứ sở cối xay gió khá là hiện đại. Người ta cho rằng, St. Nicholas (Sinterklaas) sống tại Madrid, Tây Ban Nha và mỗi năm ông già Noel lại đến một cảng khác nhau ở Hà Lan để các bạn nhỏ đều cơ cơ hội được nhìn ngắm và chào đón.Sinterklaas sẽ đến với những người tùy tùng tên là ”Zwarte Pieten” (Hay còn gọi là Black Peters – Peter mặt đen). Khi Sinterklass và Zwarte Pieten cập cảng bằng tàu thủy, các nhà thờ địa phương sẽ đồng loạt rung chuông. Ông già Noel sẽ mặc bộ lễ phục màu đỏ cưỡi ngựa trắng dẫn đầu một đám tuần hành qua thành phố. Mỗi một thành phố sẽ có những người giúp đỡ Sinterklass, ăn vận giống như ông và phát quà cho trẻ em.

26 Việt Nam
Tại Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung và thường được tổ chức vào đêm 24 và kéo sang rạng sáng ngày 25/12. Không chỉ riêng gì người Công Giáo cả những người không theo Đạo cũng rất nô nức hòa vào dòng người rước lễ, im lặng hoặc du dương theo những giai điệu trầm bổng do chính những ca sỹ không chuyên của các ca đoàn thánh.Trong những ngày này, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi có thể là cây thật (thường là thông ba lá hoặc thông mã vĩ) hoặc cây bằng nhựa (ở các nước phương tây thường là họ Bách tán). Trên cây, người Việt Nam thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường là những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây. Sự du nhập và trung hòa các ngày lễ lớn, mang lại khá nhiều niềm vui cho những người dân chúng ta bạn nhỉ?

Không khí của mùa Giáng Sinh đã ngập tràn khắp nơi trên thế giới, đối với mỗi người chúng ta đều có những kỷ niệm đặc biệt riêng theo từng năm trong ngày lễ trọng này phải không các bạn? Hãy cùng Toplist chia sẻ những điều đặc biệt nhé! Chúc các bạn một mùa Noel An Bình và một năm mới Bình An.
 
Church Documents
Lan Vy - News 22 Nov, 2023
News
23:33 21/11/2023
BRK4LV-News23Nov2023

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vycám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Căng thẳng dâng cao khi Trung Quốc làm bị thương người nhái hải quân Úc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Denies Injuring Australian Navy Divers With Sonar”, nghĩa là “Trung Quốc phủ nhận việc làm bị thương người nhái hải quân Úc bằng sóng siêu âm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Trung Quốc bác bỏ khiếu nại của chính phủ Australia hôm thứ Tư sau một báo cáo chính thức cho biết các thợ lặn của Hải quân Hoàng gia Australia đã bị thương do sóng siêu âm của tàu khu trục Trung Quốc trong một sự việc gần đây gần Nhật Bản.

Khinh hạm HMAS Toowoomba của Australia ngày 14/11 đã chạm trán khu trục hạm của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là PLA, ở vùng biển quốc tế trên Biển Hoa Đông trong lúc tàu Australia đang thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn.

Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng ở Canberra, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng người nhái trên tàu Toowoomba đã được triển khai để dọn lưới đánh cá khỏi chân vịt của tàu khi tàu chiến Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm và kích hoạt sóng siêu âm cực mạnh, khiến thủy thủ đoàn bị thương nhẹ.

Marles cho biết tàu khu trục Australia đã thiết lập liên lạc với tàu Trung Quốc và gửi cảnh báo về sự hiện diện của người nhái.

Mao Ning, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết PLA có kỷ luật, chuyên nghiệp và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bà nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ ngừng gây rắc rối trước ngưỡng cửa Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để duy trì động lực cải thiện và phát triển mối quan hệ Trung Quốc-Australia”.

Hoàn cầu Thời báo, tờ báo lá cải diều hâu do Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản, cho biết hôm Chúa Nhật rằng Australia đang tìm cách “cường điệu hóa lý thuyết 'mối đe dọa Trung Quốc'“.

Tờ báo dẫn lời một nhà phân tích giấu tên cho biết thủy thủ đoàn của tàu khu trục “rất có thể” đã đưa ra cảnh báo bằng lời nói về sự hiện diện của tàu Australia. Nhà phân tích cho biết, tàu Trung Quốc đã buộc phải đưa ra “cảnh báo thông qua sóng siêu âm”.

Mary Jardine-Clarke, một nhà phân tích quốc phòng Australia thuộc công ty tư vấn Greenwich House, chỉ trích phản ứng của Trung Quốc là lảng tránh và thù địch, theo một bài đăng trên LinkedIn. Bà nói, việc Trung Quốc coi thường các chuẩn mực quốc tế sẽ đặt ra câu hỏi về tính liêm chính của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Australia và hợp tác khu vực rộng hơn.

Bà nói: “Điều họ thực sự đang nói ở đây là Úc đang gây rắc rối ngay trước cửa nhà Trung Quốc, ngầm ý nói rằng toàn bộ Biển Hoa Đông cũng là lãnh thổ của họ”. “Úc có thể xác nhận một cách an toàn từ phản ứng kinh hoàng và có tính toán này rằng Trung Quốc là đối phương của họ và Trung Quốc không có ý định tôn trọng bất cứ điều gì họ nói.”

Trung Quốc tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình và đang có tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy đây là nơi Toowoomba hoạt động vào thời điểm xảy ra sự việc tuần trước.

Tiết lộ của Canberra được đưa ra ngay sau khi Anthony Albanese trở thành thủ tướng Australia đầu tiên đến thăm Bắc Kinh kể từ năm 2016. Chuyến đi của ông được coi là thành công; Albanese lưu ý việc dỡ bỏ các hạn chế hải quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Australia – một hình phạt không chính thức sau khi người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Scott Morrison, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19.

“Tại sao chúng ta lại ủng hộ quốc gia đối phương ngoài vòng pháp luật này? Đây không phải là một trò chơi ngoại giao có thể thắng. Thương mại quốc tế và an toàn sinh mạng trên biển phải được bảo vệ trong bối cảnh luật pháp quốc tế mà không bị can thiệp”, Jardine-Clarke viết hôm thứ Ba.

Tình tiết mới nhất này tiếp nối một sự việc trước đó vào tháng 6 năm ngoái, khi một chiến đấu cơ của Trung Quốc được cho là đã thực hiện một động tác nguy hiểm gần một tàu tuần tra của Úc trên Biển Đông, làm rơi ra bụi có chứa kim loại bị hút vào động cơ của máy bay kia.

Hoa Kỳ đã báo cáo hơn 180 vụ máy bay Trung Quốc chặn máy bay quân sự Mỹ một cách thiếu chuyên nghiệp trong hai năm qua. Những sự việc này, cùng với những sự việc khác được Canada và Phi Luật Tân ghi nhận, làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng về tương tác quân sự với lực lượng Trung Quốc trong khu vực và khả năng xảy ra một tính toán sai lầm chết người.

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Paparo, gần đây cho biết những sự kiện như vậy cho thấy Trung Quốc đang “hoạt động theo logic của sức mạnh quân sự”.

Paparo nói: “Họ muốn tạo ra những tình huống căng thẳng, không thoải mái với hy vọng rằng các lực lượng của Mỹ và đối tác sẽ rời khỏi không gian mà mọi lực lượng đều có quyền ở đó”.

BRK4LV-NewsUK24Nov2023

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vycám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

2. Truyền hình Nhà nước Nga công khai đe dọa Phần Lan

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Sends Ominous Warning to NATO Nation”, nghĩa là “Truyền hình Nhà nước Nga gửi cảnh báo đáng lo ngại tới quốc gia NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Truyền hình Nhà nước Nga gửi cảnh báo đáng lo ngại tới một quốc gia NATO

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Sergey Mardan cảnh báo Nga sẽ “bắt đầu tập trung” vào Phần Lan vì quốc gia Bắc Âu này đã đóng cửa một số cửa khẩu biên giới giữa hai nước.

Mardan nói trên chương trình Mardan Live của mình rằng Phần Lan “rất quan trọng” đối với “giới tinh hoa từ St. Petersburg” và cáo buộc quốc gia này đang dựng lên một Bức màn sắt mới, theo bản dịch tiếng Anh do cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko, đăng lên X.

Phần Lan là thành viên của Liên minh Âu Châu và gia nhập liên minh quân sự NATO vào tháng 4. Động thái này khiến Nga tức giận và dẫn đến tuyên bố của Điện Cẩm Linh nhằm “tăng cường năng lực quân sự”.

Căng thẳng leo thang hơn nữa sau khi Phần Lan đóng cửa bốn cửa khẩu trên biên giới với Nga vào hôm thứ Bảy.

Các đồn Vaalimaa, Nuijamaa, Imatra và Niirala ở phía đông nam Phần Lan đều bị Lực lượng Biên phòng Phần Lan đóng cửa sau khi Helsinki cáo buộc Nga cố tình đưa người di cư bất hợp pháp không có giấy tờ tới các cửa khẩu để trả đũa việc nước này gia nhập liên minh NATO.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng những tuyên bố này là không đúng sự thật. Ông nói với báo chí: “Điều này không gây ra điều gì ngoài sự tiếc nuối sâu sắc vì chúng tôi có mối quan hệ lâu đời, rất tốt đẹp với Phần Lan, thực dụng, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

“Và tất nhiên, chúng tôi rất tiếc rằng những mối quan hệ này đã bị thay thế bằng quan điểm cực kỳ bài Nga, là điều mà các nhà lãnh đạo Phần Lan bắt đầu tán thành.”

Trong bài đăng của mình gửi X, Gerashchenko cho biết các quan chức Nga đã cố tình khơi dậy vấn đề này.

Ông viết: “Nga đang tạo ra tình huống này không phải để làm xấu đi rõ ràng mối quan hệ với Phần Lan và tạo ra vấn đề cho nước này, mà là để tạo lại Bức màn sắt cho chính công dân của mình. Chế độ của Putin muốn khôi phục tình hình Liên Xô và Chiến tranh Lạnh.”

Mardan cũng nói trên truyền hình nhà nước rằng “biên giới đóng cửa trên thực tế là Bức màn sắt”. Anh ta nói thêm: “Điều này cho bạn biết loại cuộc sống mà chúng tôi đã bước vào tốt hơn bất cứ điều gì khác...đối với giới thượng lưu St. Petersburg, Phần Lan là một vấn đề lớn. Chính xác là từ đây trở đi, tôi cho rằng, Nga sẽ bắt đầu tập trung.”

Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng với những quan điểm gây tranh cãi và trước đây đã so sánh việc là người Ukraine với việc thề với quỷ dữ.

Vào tháng 10 trên Mardan Live, ông cho biết việc có quốc tịch Ukraine là một “sự lựa chọn chính trị” và “hoàn toàn có chủ ý”.

“Đó chỉ là một nghi lễ,” Mardan nói. “Nó giống như lời thề với quỷ vậy. Bạn tố cáo Chúa Kitô và nói, 'Bây giờ tôi là người Ukraine.'“

BRK4LV-News26Nov2023

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Nữ tu Pennsylvania qua đời trong tai nạn xe hơi thương tâm

Đức Tổng Giám Mục Leonard: Tây phương đang rời xa nòng cốt đức tin

Chủ tịch Giáo hội Tin lành Đức từ chức

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Nữ tu Pennsylvania qua đời trong tai nạn xe hơi thương tâm

Một nữ tu ở Pennsylvania đã qua đời vào cuối tuần qua sau khi va chạm trực diện với một phương tiện khác trên đường, khi đang đi đến một cuộc hội ngộ của những nữ tu tham gia khóa tĩnh tâm hàng năm được gọi là Fiat.

Sơ Augustinô Marie Molnar, 43 tuổi, thành viên của Dòng Nữ Tôi Tớ Thánh Tâm Chúa Giêsu, là giáo viên dạy tôn giáo bậc trung học tại Trường Công Giáo All Saints ở Cresson, Pennsylvania.

Đôi khi sơ hỗ trợ công việc ơn gọi và đến Reading, Pennsylvania, thuộc Giáo phận Allentown, để chia sẻ câu chuyện ơn gọi của chính mình.

“Sơ ấy đến đó để cổ võ ơn gọi tu trì. Bạn có thể nói rằng sơ đã chết để cổ vũ ơn gọi,” Mẹ Mary Joseph Calore, SSCJ, bề trên tỉnh của dòng tại Hoa Kỳ, nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Mẹ bề trên Calore cho biết Sơ Augustinô Marie cũng làm việc tại nhà chăm sóc cá nhân dành cho người già của cộng đồng, trong Trang viên Đức Gioan Phaolô II, với tư cách là nhà trị liệu vật lý.

Sơ Calore cho biết Sơ Augustinô Marie rất tài năng, đặc biệt là một nhạc sĩ, chơi piano, organ và kèn. Sơ Calore cho biết, Sơ Augustinô Marie đã sử dụng tài năng âm nhạc đó trong công việc ơn gọi của mình là lãnh đạo mục vụ âm nhạc tại các sự kiện của Fiat.

Calore cho biết, Sơ Augustinô Marie cũng có kỹ năng giúp đỡ người trẻ khi tổ chức một nhóm các cô gái trẻ giúp phục vụ tại Trang viên Đức Gioan Phaolô II.

“Sơ ấy là một linh hồn ẩn giấu. Sơ được ẩn giấu trong cuộc sống, nhưng trong cái chết, mọi người đều tôn vinh Thánh Tâm vì mọi việc sơ ấy đã làm.”

Sơ Calore cho biết Sơ Augustinô Marie vừa kết thúc khóa tĩnh tâm bốn ngày trước khi qua đời và nói rằng “sơ đang ở một nơi rất bình yên và tốt đẹp về mặt tâm linh”.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng Chúa đã đưa sơ ấy đi vào một thời điểm trong đời sống tâm linh khi sơ ấy rất sẵn sàng gặp Ngài,”

Hai hành khách trên chiếc xe kia sống sót và chỉ bị thương nhẹ, George Holmes, phó điều tra viên trưởng của Quận Berks, nói với CNA hôm thứ Hai.

Sinh ra ở Harrisburg, Pennsylvania, vào ngày 12 tháng 5 năm 1980, Sơ Augustinô Marie gia nhập Dòng Tôi Tớ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày 8 tháng 9 năm 2013.

Sơ tuyên khấn lần đầu tiên vào năm 2017 tại Nhà thờ Thánh Francis Xavier ở Cresson, Pennsylvania.

Sơ phục vụ trong cộng đồng địa phương của các nữ tu Thánh Maximilian Kolbe, tọa lạc tại trụ sở tỉnh dòng ở Cresson.

BRK4LV-News25Nov2023

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Tổ chức Adveniat lo ngại sau cuộc bầu cử tổng thống Á Căn Đình. Ứng cử viên thường xuyên tấn công Đức Thánh Cha được bầu làm Tổng thống

Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng tổng thống đắc cử Milei của Á Căn Đình qua điện thoại

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát hành cuốn sách mới “Giáng Sinh bên máng cỏ”

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Ứng cử viên thường xuyên tấn công Đức Thánh Cha được bầu làm Tổng thống Á Căn Đình.

Giám đốc điều hành tổ chức bác ái Adveniat của Hội đồng Giám mục Đức, cha Partin Maier, Dòng Tên, bày tỏ lo ngại sau cuộc bầu cử tổng thống tại Á Căn Đình, với kết quả là ông Javier Milei, một chính trị gia dân túy (populist) hữu phái, thắng cử với 56% số phiếu.

Tổ chức Adveniat của các giám mục Đức chuyên trợ giúp Giáo hội tại Mỹ châu Latinh.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 20 tháng Mười Một dành cho đài phát thanh Dom-Radio của Tổng giáo phận Koeln, cha Martin Meier gọi đó là một cuộc bầu cử phản kháng và tuyệt vọng. Đó là một sự phản đối chính quyền Á Căn Đình cho đến nay, trong đó có ứng cử viên Sergio Massa là bộ trưởng bộ kinh tế trong chính phủ cũ. Đó là một sự tuyệt vọng trước tình trạng kinh tế xã hội của Á Căn Đình: 40% dân chúng sống dưới mức nghèo đói. 10% sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực. Có thể đó là giải thích phần nào cho kết quả cuộc bầu cử hiện nay.

Cha Martin Meier cũng giải thích rằng: “Trong thời kỳ khó khăn về kinh tế và địa chính trị, người ta có xu hướng chạy theo những người hứa hẹn các biện pháp dễ dàng và ông Milei hứa hẹn những giải pháp đơn giản: ông muốn sử dụng đôla Mỹ ở Á Căn Đình, bãi bỏ ngân hàng trung ương và muốn cắt giảm các chi phí xã hội trong một chính sách kinh tế tự do tối đa. Ông cho rằng đây là phương pháp để đưa Á Căn Đình tái trở thành một nước vĩ đại.

Theo cha Giám đốc điều hành tổ chức Adveniat, đời sống của dân chúng ở Á Căn Đình sẽ trở nên bấp bênh hơn, và nay người ta đã bắt đầu thảo luận về tình trạng bất ổn xã hội có thể xảy ra. Tại nước này các công đoàn rất mạnh. Chắc chắn họ sẽ phản đối việc cắt giảm chi phí xã hội.

Ký giả đài phát thanh Nhà thờ chính tòa Koeln nhận xét rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác những người “thổi sáo chiêu dụ”, thôi miên, trước cuộc bầu cử, và ông Milei đã lăng mạ Đức Giáo Hoàng trong chiến dịch tranh cử, gọi Đức Giáo Hoàng là kẻ tả phái xấu xa và là cộng sản. Như vậy, phải chăng kết quả cuộc bầu cử này có ảnh hưởng tới dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha tại quê hương của ngài?

Cha Martin Maier nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần cho biết ngài muốn thăm quê hương trong năm 2024 và trong cuộc tranh luận trên đài truyền hình, ông Milei đã nói là nếu đắc cử, chắc chắn ông sẽ đón tiếp Đức Giáo Hoàng trong tư cách ngài là Quốc trưởng Vatican. Tôi không nghĩ Đức Giáo Hoàng sẽ bình luận trực tiếp về kết quả cuộc bầu cử. Ngài đã cảnh giác rõ ràng chống lại những lời hứa mị dân và chống lại những người chủ trương có những giải pháp đơn giản hóa vấn đề. Nhưng theo ý tôi, Đức Giáo Hoàng không ấn định những dự án tông du của ngài theo kết quả các cuộc bầu cử”.

BRK4LV-News24Nov2023

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Linh mục đỡ đẻ cho cặp song sinh bên ngoài nhà thờ ở tiểu bang Washington

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “mối quan ngại” về Đường lối Thượng hội đồng ở Đức, nói rằng nó đe dọa sự hiệp nhất của Giáo hội

Toàn văn: Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mối quan ngại về Đường lối Thượng hội đồng Đức

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Linh mục đỡ đẻ cho cặp song sinh bên ngoài nhà thờ ở tiểu bang Washington

Một linh mục trẻ gần đây đã giúp đỡ một phụ nữ vô gia cư đau khổ mang hai đứa trẻ đến với thế giới. Ngài đã chia sẻ câu chuyện đáng chú ý này với Catholic Extension và hiện đang tự hỏi Chúa đang muốn nói gì với ngài qua trải nghiệm phi thường này.

Cha Jesús Mariscal là cha sở giáo xứ tại Nhà thờ St. Paul ở Yakima, Washington. Ngài rời khỏi nhà xứ vào 9h sáng vì điều mà ngài nghĩ sẽ là một chuyến đi nhanh chóng để mua bánh rán cho buổi họp chuẩn bị kết hôn với một cặp vợ chồng đã đính hôn.

Khi đi ngang qua tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nằm trong khuôn viên nhà thờ, ngài nhận thấy một người phụ nữ vô gia cư đang đứng gần đó đang gặp nạn.

Cô ấy hét lên điên cuồng: “Tôi cần được giúp đỡ! Tôi sắp có con rồi!”

Cha Mariscal ban đầu không thể tin được. Nhưng ngài nhìn kỹ và thấy máu ở chân cô. Cô ấy kêu lên: “Tôi đang có nó ngay bây giờ! Tôi đang có nó ngay bây giờ!”

Ngài gọi 911 và giúp người phụ nữ nằm xuống. Ngài bật loa rồi đặt điện thoại xuống đất để làm theo hướng dẫn của nhân viên trực 911. Chỉ trong vài giây, người phụ nữ đã sinh ra một bé trai. Mariscal đưa cậu bé đang khóc cho người phụ nữ.

“Tôi đang còn một đứa nữa!” cô hét lên với vị linh mục đang bị sốc.

Mariscal đã đỡ đẻ cho cậu bé thứ hai. Ngài ta nói với người điều hành 911 rằng đứa trẻ vẫn còn trong túi ối, màng bảo vệ bao quanh đứa trẻ trong bụng mẹ. Mariscal nhìn thấy đứa bé cử động bên trong.

Người điều hành 911 bảo ngài mở nó ra. Điều này tỏ ra khó khăn hơn dự kiến. Với thời gian quý giá đang bốc hơi và không có dụng cụ nào, vị linh mục cuối cùng đã có thể dùng tay đập vỡ chiếc túi và phát hiện ra đứa trẻ sơ sinh nhỏ bé không còn thở.

Dây rốn của đứa bé đã quấn quanh cổ nó. Người điều hành bảo Mariscal đặt đứa trẻ nằm nghiêng và vỗ nhẹ vào lưng nó.

Sau một vài khoảnh khắc kinh hoàng, đứa bé bắt đầu khóc, báo hiệu mình đã chào đời. Mariscal đặt đứa trẻ thứ hai vào cánh tay còn lại của người phụ nữ.

Không khí buổi sáng se lạnh nên ngài chạy vào nhà lấy khăn tắm. Cuối cùng, nhân viên y tế đã đến.

Mariscal đã nhắn tin cho hai người mà ngài định gặp để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân. “Tôi xin lỗi vì đã trễ cuộc hẹn của chúng ta. Tôi đang giúp một người phụ nữ đỡ đẻ cho cặp song sinh”, ngài viết.

Cho rằng đó là một trò đùa để bào chữa cho sự chậm trễ của ngài, họ trả lời: “Buồn cười thật, cha không cần phải nói dối.”

Người phụ nữ và cặp song sinh bé trai đã được đưa đến bệnh viện. Các em bé được sinh non, ở tuần thứ 30.

Vị linh mục đã đến thăm họ trong bệnh viện và sức khỏe của họ vẫn ổn. Ngài không biết chính xác hoàn cảnh của người mẹ trong cuộc sống. Cô ấy bỏ trốn khỏi bệnh viện vài giờ sau khi vào bệnh viện và theo như các nhân viên y tế cho biết thì cô ấy vẫn chưa trở lại.

Vị linh mục có người mẹ thân yêu đã qua đời hồi đầu năm cho biết: “Một mặt đây là một câu chuyện đẹp nhưng mặt khác lại đau lòng”.

“Đó là một trải nghiệm siêu thực,” ngài nói. “Nó giống như thứ gì đó trong phim vậy.”

“Tôi đã ở đó ôm một đứa bé với đôi bàn tay đầy máu, đứa bé cũng đẫm máu, và tôi đang mặc đồ giáo sĩ. Và tôi là linh mục trước đền thánh Đức Mẹ. Và tôi đang nghĩ, 'Chúa đang muốn nói với tôi điều gì? Ngài đang muốn nói gì với tôi vậy, Chúa ơi?”

Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm trong Thánh lễ ngày hôm sau với giáo dân, những người cũng nghĩ rằng vị linh mục đang kể một câu chuyện “ngụy thư” không có cơ sở thực tế.

Nhưng sự thật là có hai em bé mới bước vào thế giới này nhờ sự suy nghĩ và hành động nhanh nhạy của ngài. Và, mặc dù các em bước vào thế giới trong hoàn cảnh bất lợi, như Chúa Giêsu, “không có chỗ tựa đầu”, vẫn có hy vọng rằng những đứa trẻ này sẽ được lớn lên trong tình yêu thương.

Vậy, Chúa có thể đã nói gì với Cha Mariscal qua trải nghiệm này?

Có lẽ sự sống đó thật quý giá và mong manh, và một Giáo hội tập hợp xung quanh những người thiệt thòi, những người vô gia cư, những người trần trụi, những người không có khả năng tự vệ và những người dễ bị tổn thương chính là kiểu Giáo hội mà Chúa Kitô dự định xây dựng.

Cha Mariscal được thụ phong vào năm 2018, cho biết câu chuyện này nên “về người mẹ và những đứa trẻ cũng như cuộc sống của họ. Cặp song sinh và người phụ nữ là những nhân vật chính trong tình yêu của Thiên Chúa. Họ và những người giống như họ ở vùng ngoại vi cộng đồng của chúng ta là những người mà Chúa đang kêu gọi chúng ta đón nhận bằng sự phục vụ và tình yêu thương dành cho những người lân cận của chúng ta.”
 
VietCatholic TV
Ukraine tiếp tục thắng lớn ở Kherson. Putin tung Pantsir 15 triệu USD tiếp cứu, chưa đến đã nổ tung
VietCatholic Media
02:12 21/11/2023


1. Hệ thống phòng không 'sát thủ không người lái' trị giá 15 triệu Mỹ Kim của Nga bị nổ tung ở Kherson: Video

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's $15m 'Drone Killer' Air Defense System Blown Up in Kherson: Video”, nghĩa là “Video cho thấy hệ thống phòng không được Nga gọi là 'sát thủ máy bay không người lái' trị giá 15 triệu Mỹ Kim của Nga đã bị nổ tung ở Kherson.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy, các lực lượng Ukraine đã phá hủy một hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở khu vực miền nam Kherson đang tranh chấp.

Trong một đoạn clip được quân đội Kyiv chia sẻ ở miền nam Ukraine và được công bố rộng rãi trên các tài khoản tình báo nguồn mở, hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga đã bị hỏa lực Ukraine tấn công ở khu vực Kherson vẫn còn bị Nga tạm chiếm.

Hệ thống hỏa tiễn và pháo phòng không tự hành Pantsir-S1 của Điện Cẩm Linh đã được triển khai ở Ukraine trong suốt nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa, tính đến nay đã gần tháng thứ 21. Hệ thống phòng không di động tầm ngắn này có giá khoảng 15 triệu Mỹ Kim, được thiết kế để chống lại máy bay, hỏa tiễn hành trình, đạn dẫn đường chính xác và hỗ trợ các đơn vị phòng không khác chống lại các cuộc tấn công lớn hơn.

“Hệ thống Pantsir đã bị phá hủy gần làng Chaplynka, của Kherson” một tài khoản tình báo nguồn mở nổi tiếng cho biết, đồng thời gọi hệ thống này là “sát thủ máy bay không người lái”. Khu định cư Chaplynka nằm xa chiến tuyến hiện tại trên lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Vùng Kherson của Nga là một trong bốn vùng đất liền của Ukraine bị Putin sáp nhập vào mùa thu năm 2022. Sông Dnipro chảy qua khu vực này được coi là giới tuyến chia cắt hai bên trong một năm qua, cho đến khi một cuộc phản công sâu rộng của Ukraine đã đẩy quân đội Nga xa hơn về phía đông con sông.

Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Mỹ cho biết lực lượng Ukraine đã tiến hành các hoạt động ở phía đông hoặc tả ngạn sông Dnipro, và hoạt động này vẫn tiếp tục ngày càng rầm rộ.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng phòng vệ Ukraine “duy trì các vị trí trấn giữ ở tả ngạn sông” và cho biết thêm quân đội của họ “tiếp tục tiến hành các cuộc phản công khi họ tấn công vào phía sau phòng tuyến của đối phương”.

ISW cho biết thêm sau các tiến triển chậm chạp trong cuộc phản công mùa hè của Kyiv, hoạt động di chuyển dọc theo tiền tuyến phần lớn đã bị đình trệ, mặc dù các lực lượng Ukraine và Nga tiếp tục hoạt động ở phía nam và phía đông, lượng mưa lớn sẽ cản trở các hoạt động.

Theo cơ quan tình báo nguồn mở Hà Lan, Oryx, từ tháng 2 năm 2022 đến đầu tháng 10 năm 2023, Nga đã mất 21 hệ thống Pantsir-S1 được xác nhận ở Ukraine. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn vì con số này chỉ bao gồm những tổn thất được xác minh bằng mắt.

2. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ lo ngại trước sự can thiệp đầy ác ý vào khu vực Balkan

NATO ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Bosnia và lo ngại trước “sự can thiệp ác ý của nước ngoài”, bao gồm cả Nga, vào khu vực Balkan đầy biến động từng trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc vào những năm 1990. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra lập trường trên trong chuyến viếng thăm Sarajevo.

Sarajevo là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Stoltenberg tới các nước Tây Balkan, trong đó cũng sẽ bao gồm Kosovo, Serbia và Bắc Macedonia.

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên: “Liên minh NATO ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Bosnia-Herzegovina”. “Chúng tôi lo ngại trước những lời lẽ ly khai và gây chia rẽ cũng như sự can thiệp ác ý của nước ngoài, bao gồm cả Nga.”

Có những lo ngại lan rộng rằng Nga đang cố gắng gây bất ổn cho Bosnia và phần còn lại của khu vực nhằm chuyển sự chú ý của thế giới khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ bất ngờ thăm Kyiv, trấn an Ukraine về việc Mỹ tiếp tục viện trợ

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài trấn an Ukraine về việc Mỹ tiếp tục viện trợ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv vào hôm thứ Hai, 20 Tháng Mười Một, nơi ông trấn an chính phủ Ukraine rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp họ chống lại cuộc xâm lược của Nga – một cam kết dường như đang chao đảo khi viện trợ cho Ukraine bị lôi kéo vào trận chiến chính trị ở Washington.

Austin cho biết trong một tuyên bố khi đến nơi: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong cuộc đấu tranh vì tự do chống lại sự xâm lược của Nga, cả hiện tại và trong tương lai”.

Austin đến chỉ hai ngày trước cuộc họp lần thứ 17 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, còn được gọi là cuộc họp Rammstein, dự kiến diễn ra vào hôm thứ Tư. Ông sẽ chủ trì cuộc họp thông qua hội nghị video với khoảng 50 quốc gia để điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tại Kyiv, Austin tập trung vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ukraine, bao gồm việc bảo đảm rằng các lực lượng vũ trang Ukraine có những khả năng chiến trường mà họ cần cho mùa đông này và để bảo vệ đất nước của họ trước các mối đe dọa từ Nga trong tương lai, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố..

Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, nhưng viện trợ cho Kyiv đã bị các bộ phận của Quốc hội chỉ trích và không được đưa vào dự luật chi tiêu bổ sung tạm thời.

Austin đã kêu gọi Quốc hội phê duyệt viện trợ cho Ukraine và Israel, đồng thời khẳng định Mỹ - nhà tài trợ trang thiết bị quân sự lớn nhất thế giới cho Ukraine - sẽ không lơ là.

“Yêu cầu bổ sung của chúng tôi hỗ trợ trực tiếp cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Israel và Ukraine, trong giai đoạn quan trọng này; và thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta trên khắp đất nước. Những khoản đầu tư này sẽ mang lại sự thịnh vượng hơn trong nước và an ninh tốt hơn ở nước ngoài”, ông Austin nói.

Ukraine hy vọng sẽ nhận được nhiều đạn dược hơn từ các đối tác của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm với Austin vào tuần trước.

Ông cảm ơn Hoa Kỳ vì các hệ thống phòng không hiện đang bảo vệ bầu trời Ukraine.

Umerov nói: “Tôi cũng nhấn mạnh nhu cầu hiện tại của Ukraine: có thêm đạn dược cho binh lính của chúng tôi”.

4. Nga phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 21 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết hai người đã thiệt mạng ở Kherson do pháo kích của Nga bằng hỏa tiễn.

“Vào buổi sáng, quân đội Nga pháo kích vào bãi đậu xe của một công ty vận tải tư nhân ở Kherson. Hậu quả của cuộc tấn công là 2 tài xế tử vong, và một người khác bị thương. Xe hơi và một tòa nhà dân cư bị hư hại,” cô nói.

Alyona lưu ý rằng các cuộc tấn công vào thành phố Kherson đã giảm bớt do quân Nga bị đẩy lui từ 3 đến 8 km tính từ tả ngạn sông Dnipro. Quân xâm lược không còn khả năng tấn công bằng súng cối vào thành phố Kherson. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng quân Nga vẫn có thể bắn hỏa tiễn vào thành phố.

5. Quan chức an ninh cao cấp cho biết Nga có thể bắt đầu tổng động viên toàn lực sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024

Nga có thể bắt đầu tổng động viên toàn lực sau cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024 vào ngày 17 tháng 3, thư ký hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, Oleksii Danilov, cho biết như trên.

Theo ông, Nga đã tìm cách thích nghi và liên tục bơm vốn vào lĩnh vực quốc phòng. Đúng như dự đoán, Nga đã tỏ ra kiên cường hơn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga đang ngày càng đặt nền kinh tế của mình vào tình thế chiến tranh. Một lệnh tổng động viên có thể diễn ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Một số nguồn tin nói với Reuters rằng Putin đã quyết định tranh cử tổng thống vào tháng 3, một động thái sẽ giúp ông nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030.

Vào tháng 9, quân đội Ukraine cho biết Nga có thể sớm phát động một chiến dịch huy động lớn nhằm cố gắng chiêu mộ hàng trăm nghìn binh sĩ từ bên trong lãnh thổ Nga và vùng Ukraine bị tạm chiếm.

6. Phái đoàn Nhật Bản đến Kyiv để bàn về việc tái thiết sau chiến tranh

Một phái đoàn Nhật Bản do các quan chức cao cấp của ngành công nghiệp và bộ ngoại giao dẫn đầu, cùng với các đại diện doanh nghiệp, đã đến thăm Ukraine vào hôm thứ Hai để đàm phán trước hội nghị tái thiết mà Nhật Bản sẽ đăng cai. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã cho biết như trên hôm thứ Ba 21 Tháng Mười Một.

Nhật Bản, quốc gia đã hỗ trợ Ukraine bằng tiền và tiếp nhận người tị nạn kể từ khi Nga xâm chiếm vào tháng 2 năm 2022, cũng đang thúc đẩy hỗ trợ cho Ukraine ở cấp độ G7 mà Nhật Bản làm chủ tịch trong năm nay.

Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết các ông Kazuchika Iwata, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ trưởng Ngoại giao Kiyoto Tsuji, đang đến thăm cùng với đại diện các công ty Nhật Bản.

Tại Kyiv, phái đoàn, bao gồm các thành viên của Keidanren, tổ chức vận động hành lang kinh doanh lớn nhất Nhật Bản, phụ trách ủy ban tái thiết Ukraine, đã có cuộc hội đàm với thủ tướng Denys Shmyhal, các quan chức chính phủ và các công ty.

Shmyhal cho biết trong tháng này Ukraine sẽ cần hỗ trợ ngân sách khoảng 42 tỷ Mỹ Kim trong năm nay và năm tới để bù đắp thâm hụt lớn và viện trợ tái thiết sau sự tàn phá do cuộc xâm lược của Nga gây ra.

Phái đoàn Nhật Bản cho biết chuyến thăm là cơ hội để tìm hiểu nhu cầu của Ukraine và thảo luận về các dự án cụ thể cũng như thúc đẩy các nỗ lực giúp đỡ của khu vực công và tư nhân.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy – người đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 5 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7 – và thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, đã đồng ý trong tháng này sẽ tổ chức Hội nghị Nhật Bản-Ukraine để thúc đẩy Tái thiết kinh tế tại Tokyo vào ngày 19 tháng 2.

7. Bộ Quốc phòng Anh cho biết ít nhất 11.000 trẻ em Ukraine đang bị giam giữ tại 43 trại cải tạo trên khắp nước Nga

Bộ Quốc phòng Anh cho biết ít nhất 11.000 trẻ em Ukraine đang bị giam giữ tại 43 trại cải tạo trên khắp nước Nga, cách cố hương của các em hàng nghìn km.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trẻ em từ 4 tháng tuổi sống trong các khu vực bị tạm chiếm đã được đưa đến 43 trại trên khắp nước Nga, bao gồm cả ở Crimea và Siberia do Mạc Tư Khoa sáp nhập, để “giáo dục lòng yêu nước và các vấn đề liên quan đến quân sự thân Nga”. Báo cáo của Phòng thí nghiệm nghiên cứu nhân đạo của Yale, được tài trợ bởi bộ ngoại giao Hoa Kỳ, trước đó đã phát hiện ra.

Tòa án hình sự quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ vào tháng 3 đối với Vladimir Putin và ủy viên trẻ em của ông, Maria Lvova-Belova, cáo buộc họ bắt cóc trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine – và khẳng định đó là một tội ác chiến tranh.

8. Điện Cẩm Linh trước tin Igor Girkin dám tranh cử với Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “New Election Rival Spells Bad News for the Kremlin”, nghĩa là “Đối thủ mới trong cuộc tranh cử mang đến tin xấu cho Điện Cẩm Linh” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các chuyên gia, cựu chỉ huy Nga bị bắt giữ Igor Girkin đã tuyên bố ý định tranh cử tổng thống Nga vào năm 2024, một động thái có thể gây ra những tin xấu cho Vladimir Putin và Điện Cẩm Linh.

Girkin, một người theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng, người đã công khai chỉ trích cách Putin lãnh đạo đất nước và cách giải quyết cuộc chiến ở Ukraine của giới lãnh đạo quân sự, đang bị giam chờ xét xử, sau khi kháng cáo thất bại vào tháng 8 chống lại việc ông bị giam giữ trước khi xét xử với cáo buộc kích động chủ nghĩa cực đoan.

Cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, đã trở nên nổi tiếng sau khi hỗ trợ Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở Hắc Hải từ Ukraine vào năm 2014. Ông bị Tòa án The Hague ở Hà Lan kết án vắng mặt án tù chung thân vì vai trò của ông trong vụ nổ súng rơi máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia Airlines vào ngày 17 tháng 7 năm 2014 ở khu vực Donetsk của Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng.

Việc bắt giữ Girkin vào tháng 7 xảy ra sau khi ông công khai đăng bài bình luận chỉ trích chiến lược quân sự của Nga và những thất bại trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine. Vài ngày trước khi bị bắt, Girkin gọi tổng thống Nga là “kẻ tầm thường hèn nhát” và nói rằng Nga sẽ không thể tồn tại thêm một nhiệm kỳ tổng thống nào khác của Putin.

Girkin đã yêu cầu các đồng minh của mình chuẩn bị chiến dịch tranh cử tổng thống Nga sẽ được tổ chức vào ngày 17 tháng 3 năm sau. Oleg Nelzin, nhà lãnh đạo một nhóm chính trị ủng hộ Girkin, cho biết trong một video do hãng truyền thông Nga Sota công bố vào ngày 18/11.

Girkin nói trong một bức thư được đăng trên kênh Telegram của mình: “Tôi hiểu rất rõ rằng trong tình hình hiện tại ở Nga, việc tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống cũng giống như ngồi vào bàn chơi xì phé.”

Ông cho biết ông hy vọng rằng thông báo của mình sẽ đoàn kết các lực lượng yêu nước và sẽ phá vỡ nỗ lực của Điện Cẩm Linh trong một “cuộc bầu cử giả tạo” trong đó “người chiến thắng duy nhất đã được biết trước”.

Girkin nói: “Đây là cơ hội để chúng ta đoàn kết trước các mối đe dọa bên ngoài và bên trong”.

Tin tức về việc ông tranh cử tổng thống tập trung vào những lời chỉ trích trước đây của ông về cách giải quyết cuộc chiến và sự lãnh đạo của Putin, gây ra tin xấu cho Điện Cẩm Linh.

Vlad Mykhnenko, một chuyên gia tại Đại học Oxford về quá trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ, nói với Newsweek rằng “giọng điệu cay đắng và mỉa mai” trong tuyên ngôn bầu cử của Girkin cho thấy ông ta tin rằng thủ tục bầu cử tổng thống sắp tới của Nga sẽ khó khăn, đầy rẫy những thủ đoạn; và rằng Điện Cẩm Linh sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn tên ông xuất hiện trên lá phiếu.

“Thực chất, mục đích của Girkin là kích động 10% đến 15% cử tri theo chủ nghĩa phát xít thực sự, những người đổ lỗi cho Bộ Quốc Phòng Nga 'bất tài' và 'tham nhũng' vì đã không thể đánh chiếm Ukraine, chiếm Kyiv và tiến về Warsaw, “ Mykhnenko nói.

Mykhnenko cho biết ông tin rằng mục đích thực sự của Girkin khi tuyên bố tranh cử tổng thống là “để cứu lấy mạng sống của chính ông ta”. Thoả thuận với Điện Cẩm Linh sẽ là “bạn hãy im lặng cho đến khi Putin tái đắc cử, trong khi chúng tôi sẽ bỏ tất cả những cáo buộc bịa đặt chống lại bạn.”

“Gần đây, Girkin đã phàn nàn về tình trạng sức khỏe sa sút nhanh chóng của mình khi bị giam giữ, trong khi vào cuối tháng 9, một bức ảnh cận cảnh rất nhục nhã về Girkin, bị đánh đập dã man, đẫm máu, mắt đen, mũi sưng hoặc gãy, đã bị rò rỉ từ cơ sở giam giữ đến các kênh truyền thông tuyên truyền của Nga”, ông nói thêm. “Do đó, Girkin có mọi lý do để lo lắng về việc sống sót sau khi bị bắt và do đó, việc tuyên bố tham vọng tổng thống của mình chính xác là sự công khai mà ông ấy cần bây giờ để ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra.”

Trong một tuyên bố đăng trên Telegram vào tháng 8, Girkin đã liệt kê 6 lý do khiến ông là ứng cử viên sáng giá hơn Putin, là người mà ông cho là “quá nhẹ dạ” và quá “dễ tin” để có thể lãnh đạo đất nước. Vào thời điểm đó, ông nói: “Tôi tự coi mình có năng lực hơn trong các vấn đề quân sự so với tổng thống hiện tại”.

Lời phê bình cởi mở của ông về cuộc chiến có nét tương đồng với Yevgeny Prigozhin, nhà lãnh đạo quá cố của lực lượng bán quân sự Nga, Tập đoàn Wagner. Ông bị giết trong một vụ tai nạn máy bay tư nhân vào tháng 8, vài tuần sau cuộc binh biến thất bại do ông lãnh đạo chống lại những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh vào ngày 24 tháng 6. Lính đánh thuê của ông hành quân về phía Mạc Tư Khoa sau khi nắm quyền kiểm soát thành phố phía nam Rostov-on-Don, sau đó quay trở lại chưa đầy 24 giờ sau khi cuộc binh biến bắt đầu.

Điều đó diễn ra sau nhiều tháng chỉ trích giới lãnh đạo hàng đầu của Điện Cẩm Linh và cách họ giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.

Nguyên nhân của vụ tai nạn chưa rõ ràng ngay lập tức. Ukraine, nơi lính đánh thuê Wagner đã tham gia rất nhiều vào cuộc chiến, đã phủ nhận trách nhiệm trong tai nạn. Điện Cẩm Linh cho biết suy đoán rằng Prigozhin bị giết theo lệnh của Putin là “hoàn toàn dối trá”.

Keir Giles, một nhà tư vấn cao cấp của chương trình Nga và Á-Âu tại tổ chức tư vấn Chatham House ở Luân Đôn, nói với Newsweek rằng nếu Girkin thực sự là một đối thủ của Putin, thì việc ông ấy được phép tranh cử là điều khó xảy ra. Cuộc bầu cử—và việc ông ấy có được phép hay không sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của Putin.”

“Vì vậy, nếu anh ta thực sự xuất hiện trên các lá phiếu, điều đó có nghĩa là một trong hai điều. Hoặc anh ta lại là một đại diện khác của phe đối lập giả tạo, được đưa ra để tạo ra vẻ ngoài trong màn kịch dân chủ đồi trụy của Nga. Hoặc, hệ thống của Nga đang dựa vào khả năng thao túng của mình để bảo đảm tỷ lệ bỏ phiếu thấp một cách đáng xấu hổ cho Girkin nhằm làm mất uy tín của ông ấy,” Giles nói.

Nhưng Giles cho biết rất khó có khả năng Girkin sẽ được phép quay trở lại vị trí trong đó ông ta có thể nuôi dưỡng những quan điểm chỉ trích Putin, và có thể tiếp cận với sự hỗ trợ vũ trang có tổ chức.

Giles nói thêm: “Putin sẽ không cho phép rủi ro về một Prigozhin khác.

9. Xe tăng T-90M tiên tiến của Nga lại vừa biến mất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Destruction of Russia's Advanced T-90 Tank: 'Just Disappeared'“, nghĩa là “Video Phá hủy xe tăng T-90 tiên tiến của Nga: 'Vừa biến mất'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Ukraine đã phá hủy một xe tăng T-90M tiên tiến của Nga dọc chiến tuyến, những đoạn phim mới xuất hiện cho thấy điều đó, khi cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều đang chờ đợi điều kiện băng giá của những tháng mùa đông sắp tới.

Đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, ghi lại cảnh xe tăng Nga bị phá hủy ở Ukraine. Trong video được quay bởi một máy bay không người lái chiếc xe tăng bất ngờ bị tấn công và chìm trong biển lửa.

Các video chiếu cảnh tấn công vào xe tăng T-90 của Nga trước đây đã được lan truyền trên mạng. Vào giữa tháng 8, Lữ Đoàn Dù 80 của Ukraine đã đăng một đoạn clip cho thấy một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một chiếc xe tăng T-90 đã rơi xuống một vách đá ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Vào cuối tháng 10, Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố một đoạn video cho thấy một máy bay không người lái có chất nổ tấn công, sau đó đánh vào xe tăng T-90 của Nga.

Nga đã ca ngợi xe tăng T-90M, còn được gọi là “Proryv-3” hay “Đột phá-3”. Cuối tháng 12/2022, truyền thông nhà nước Nga đưa tin T-90M đã được triển khai tới Ukraine lần đầu tiên.

Hãng tin Tass viết về Proryv-3: “Đây là phương tiện bọc thép tiên tiến nhất trong dòng xe tăng T-90 và hầu hết phù hợp cho các hoạt động trên chiến trường ngày nay”. Hãng thông tấn nhà nước đưa tin, nó có một khẩu pháo 125ly “có thể bắn các loại đạn mới mạnh mẽ” và một số hỏa tiễn, cũng như hoạt động vào ban đêm và có hệ thống liên lạc nâng cao với các phương tiện chiến đấu khác.

Theo Tass, lớp giáp của nó tương tự như lớp giáp của xe tăng T-14 Armata của Nga. Từng được coi là một phương tiện đáng gờm, T-14 đã tỏ ra mờ nhạt đối với Mạc Tư Khoa và gặp phải nhiều rắc rối cũng như sự chậm trễ trong quá trình phát triển.

Chuyên gia quốc phòng và công nghệ quân sự Michael Peck nói với Newsweek vào tháng 3 năm 2023 rằng T-90M “có vẻ ấn tượng, nhưng xe tăng Nga luôn trông đẹp cho đến khi chúng thực sự được sử dụng trong chiến đấu”.

Tổn thất xe tăng của Nga ở Ukraine được cho là rất đáng kể. Theo cơ quan tình báo nguồn mở Hà Lan, Oryx, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến đầu tháng 10 năm 2023, Nga đã mất ít nhất 2.472 xe tăng ở Ukraine. Trong số này, 50 chiếc là T-90M, với 34 chiếc T-90A bị phá hủy, hư hỏng, bị bắt hoặc bị bỏ rơi. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn vì con số này chỉ bao gồm những tổn thất được xác minh bằng mắt.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến cuộc biểu tình của vợ những người lính Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào ngày 7 tháng 11 năm 2023, vợ của những người lính Nga được triển khai đã tiến hành cuộc biểu tình có lẽ là cuộc biểu tình công khai đầu tiên trên đường phố ở Mạc Tư Khoa kể từ cuộc xâm lược Ukraine.

Những người biểu tình tập trung tại Quảng trường Teatralnya trung tâm và giăng biểu ngữ yêu cầu luân chuyển người phố ngẫu của họ ra khỏi tiền tuyến.

Kể từ tháng 2 năm 2022, mạng xã hội đã cung cấp những ví dụ hàng ngày về những người vợ và bà mẹ Nga đưa ra lời kêu gọi trực tuyến phản đối điều kiện phục vụ của người thân của họ.

Tuy nhiên, luật pháp hà khắc của Nga cho đến nay đã ngăn cản người thân của quân đội liên kết thành một lực lượng vận động hành lang có ảnh hưởng, như những người mẹ của các binh lính đã làm trong Chiến tranh Afghanistan-Liên Xô những năm 1980.

Cảnh sát đã giải tán cuộc biểu tình ở Quảng trường Teatralnya trong vòng vài phút. Tuy nhiên, yêu cầu ngay lập tức của người biểu tình là đáng chú ý.

Việc triển khai nhân sự chiến đấu dường như kéo dài vô thời hạn mà không luân phiên ngày càng được coi là không bền vững đối với cả quân đội và người thân của họ.

11. Ấn Độ mời Putin tham dự G20 trực tuyến

Điện Cẩm Linh hôm thứ Hai cho biết Vladimir Putin sẽ đưa ra quan điểm của Nga về điều mà họ coi là “tình hình thế giới vô cùng bất ổn” khi ông phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến sắp tới.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết đây sẽ là “sự kiện đầu tiên sau một thời gian dài” có sự tham gia của cả Putin và các nhà lãnh đạo phương Tây.

Theo hãng thông tấn nhà nước RIA, hội nghị thượng đỉnh ảo G20 sẽ được tổ chức vào thứ Tư 22 Tháng Mười Một.
 
Bắt tại trận người phụ nữ phá hoại nhà thờ. HĐGM Hoa Kỳ xin tuyên Thánh Newman là Tiến sĩ Hội Thánh
VietCatholic Media
04:37 21/11/2023


1. Đức Hồng Y Parolin kêu gọi trả tự do cho các con tin Israel

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận định rằng: “Việc trả tự do cho các con tin Israel và ngưng bắn là những điểm cơ bản để giải quyết vấn đề chiến tranh hiện nay ở Trung Đông”. Đồng thời ngài cũng lên án việc sử dụng các nhà thương vào các hoạt động chiến tranh.

Đức Hồng Y bày tỏ lập trường trên đây với giới báo chí bên lề cuộc thảo luận về nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, tổ chức tại Đại sứ quán Ý cạnh Tòa Thánh, hôm 17 tháng Mười Một vừa qua. Cuộc thảo luận này do cơ quan tên là “Điện thoại Xanh” (Telefono Azzuro) tổ chức, về chủ đề: “Chúng ta hãy phá vỡ im lặng”.

Trả lời phỏng vấn, Đức Hồng Y cho biết Tòa Thánh tiếp tục rất lo âu về tình hình ở Trung Đông, đồng thời nói rằng: “Sự tôn trọng các nhà thương và các nơi thờ phượng là một khía cạnh cơ bản trong công pháp quốc tế về nhân đạo. Không có lý do gì để dùng nhà thương vào các hoạt động chiến tranh. Cần phải hoàn toàn lên án việc làm này”.

Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định rằng Tòa Thánh đang thu xếp để có cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và thân nhân của các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ.

Theo báo chí, có thể cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra vào cuối buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha, sáng thứ Tư, ngày 22 tháng Mười Một tới đây.

Về vấn đề ngưng chiến, cũng như chở đồ cứu trợ nhân đạo và săn sóc những người bị thương ở Gaza, Đức Hồng Y Parolin nói đây cũng là những yếu tố chính trong việc giải quyết vấn đề. Đức Hồng Y chia sẻ mối quan tâm của Đức Hồng Y Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đối với cộng đoàn Công Giáo rất nhỏ bé ở Gaza, chỉ có 150 người, đang tị nạn trong khuôn viên nhà xứ Thánh Gia, tại đó đã có rất nhiều người khác đến tị nạn.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cũng bày tỏ e ngại rằng cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas lan rộng sang các nước khác ở Trung Đông, làm gia tăng sự xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi miền này, “họ ra đi để tìm an ninh và hòa bình tại các nơi khác”. Theo Đức Hồng Y, Ai Cập và Qatar đang hoạt động trong lãnh vực này, và Tòa Thánh cũng tìm cách tiếp xúc với những nước khác để tìm giải pháp cho vấn đề.

Giới báo chí cũng hỏi Đức Hồng Y Parolin về tình trạng chiến tranh ở Ukraine. Ngài nhận xét rằng người ta ngày càng ít nói về Ukraine. “Điều này cũng tùy thuộc các bạn ký giả. Các bạn chú ý tới chiến tranh ở Trung Đông, nhưng ít nói về Ukraine. Trái lại, tất cả các cuộc xung đột đều hiện phải hiện diện và được nhắc đến, nhất là trường hợp Ukraine, là một cuộc xung đột rất đẫm máu.” Đức Hồng Y bày tỏ đau lòng vì sự chết chóc ở cả hai phía và nói thêm rằng: “Ở Ukraine, người ta không thấy có những viễn tượng lớn trong việc giải quyết. Dầu vậy cần tìm ra một con đường để ra khỏi thảm kịch này.”

2. Nhóm giám sát cho biết 'Tội ác căm thù chống Kitô giáo' ở Âu Châu tăng 44% trong năm qua

Theo một nhóm giám sát sự phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu, Âu Châu đã chứng kiến sự gia tăng 44% về tội ác căm thù chống Kitô giáo ở hơn 20 quốc gia Âu Châu trong năm qua.

Đài quan sát về sự bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở Âu Châu, gọi tắt là OIDAC Europe, có trụ sở tại Vienna hôm thứ Năm đã công bố báo cáo thường niên nêu chi tiết sự gia tăng các vụ việc chống Kitô giáo, mà họ cho rằng “có liên quan đến sự gia tăng động cơ cực đoan và sự chấp nhận cao hơn đối với chính sách chống Kitô giáo, cụ thể là việc tấn công vào các nhà thờ.”

OIDAC Âu Châu cho biết trên trang web của mình rằng họ nghiên cứu, phân tích, ghi chép và báo cáo “các trường hợp bất khoan dung và phân biệt đối xử đối với các Kitô hữu ở Âu Châu”.

Các cuộc khảo sát của nhóm về “sự không khoan dung và phân biệt đối xử” đối với các Kitô hữu đã báo cáo “các cuộc tấn công và đe dọa thể chất chống lại các cá nhân Kitô hữu hoặc cộng đồng Kitô giáo, sự xúc phạm và phá hoại các địa điểm Kitô giáo” và “vi phạm quyền tự do tôn giáo, biểu đạt, hiệp hội và lương tâm cùng các sự việc khác.”

Trong bản phát hành hôm thứ Năm, OIDAC Âu Châu cho biết “các cuộc tấn công đốt phá nhà thờ” đã tăng 75% từ năm 2021 đến năm 2022. Báo cáo cũng tiết lộ “sự phân biệt đối xử về mặt pháp lý đối với những Kitô hữu thể hiện thế giới quan Kitô giáo truyền thống”.

Báo cáo cho biết, năm quốc gia hàng đầu về tội ác căm thù chống Kitô giáo là Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan. Vương quốc Anh và Áo cũng đứng đầu danh sách.

Nhìn chung, “vào năm 2022, OIDAC Âu Châu đã ghi nhận 748 tội ác căm thù chống Kitô giáo ở 30 quốc gia khác nhau, từ các cuộc tấn công đốt phá, vẽ bậy, mạo phạm và trộm cắp cho đến các cuộc tấn công thể chất, lăng mạ và đe dọa,” thông cáo cho biết.

Nhóm lưu ý rằng những con số đó phù hợp chặt chẽ với những con số được báo cáo bởi Tổ chức liên chính phủ về An ninh và Hợp tác ở Âu Châu, gọi tắt là OSCE. OSCE “đã phát hiện 792 tội ác căm thù chống Kitô giáo ở 34 quốc gia Âu Châu, khiến Kitô hữu trở thành nhóm tôn giáo bị tấn công nhiều nhất sau các tín hữu Do Thái”.

Báo cáo cũng xem xét các trường hợp Kitô hữu được cho là “bị mất việc làm, bị đình chỉ hoặc bị đưa ra tòa hình sự vì bày tỏ quan điểm tôn giáo bất bạo động ở nơi công cộng” cũng như “vi phạm quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái theo niềm tin tôn giáo của mình”.

Đáng chú ý, bản thông cáo cho biết năm ngoái có nhiều tội ác thù hận hơn “do các thành viên cực đoan của các nhóm ý thức hệ, chính trị hoặc tôn giáo theo quan điểm chống Kitô giáo gây ra”.

Regina Polak, giáo sư và trưởng Khoa Thần học Thực hành tại Khoa Thần học-Công Giáo tại Đại học Vienna, người cũng làm việc với OSCE, cho biết trong thông cáo báo chí hôm thứ Năm rằng “số lượng tội ác căm thù chống Kitô giáo ngày càng gia tăng ở Âu Châu” được nêu chi tiết trong báo cáo là “đáng lo ngại sâu sắc”.

Polak cho biết trong thông cáo: “Cực kỳ cần thiết phải nâng cao nhận thức của cả chính phủ và xã hội về vấn đề này, đồng thời thực hiện các biện pháp chính trị để giải quyết và chống lại nó một cách quyết liệt”.


Source:Catholic News Agency

3. Các Giám mục Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với đề xuất phong Đức Hồng Y Newman làm tiến sĩ Giáo hội

Đức Cha Robert Barron của Winona-Rochester, Minnesota, là một trong số các giám mục Hoa Kỳ đã nhiệt tình phát biểu ủng hộ đề xuất tôn vinh vị Hồng Y người Anh thế kỷ 19 là Thánh John Henry Newman là “tiến sĩ của Giáo hội”.

Ủy ban Giáo lý đã hỏi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 11, trong cuộc họp mùa thu thường niên ở Baltimore, liệu các Giám Mục có ủng hộ bản kiến nghị do Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales đưa ra yêu cầu Vatican tuyên bố Đức Hồng Y Newman làm Tiến sĩ Hội Thánh hay không.

Các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu áp đảo - chỉ có hai giám mục bỏ phiếu không - để gửi một lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự ủng hộ của các ngài đối với đề xuất của các giám mục Vương quốc Anh. Đức Hồng Y Newman, sinh năm 1801, nổi tiếng là một người chuyển từ Anh giáo sang Công Giáo và phải đối mặt với phản ứng dữ dội cũng như thành kiến từ cộng đồng và gia đình mình.

“Chúng ta thực sự nên tận dụng cơ hội này để nghiên cứu sâu các tác phẩm của ngài. Tôi nghĩ nó có thể giúp hàn gắn một số chia rẽ trong Giáo hội của chúng ta,” Đức Cha Barron nói khi nói chuyện với các anh em giám mục của mình trước cuộc bỏ phiếu.

Các giám mục khác bao gồm Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng Giáo phận Công Giáo Ukraine ở Philadelphia và Đức Hồng Y Seán O'Malley của Boston cũng đứng lên bày tỏ sự ủng hộ của các ngài.

Trước khi cải đạo, Newman đã tự khẳng định mình là một học giả, nhà thuyết giáo và trí thức của công chúng Oxford nổi tiếng và được kính trọng rộng rãi. Việc ngài chuyển sang Công Giáo vào năm 1845 đã khiến ngài mất nhiều người bạn - kể cả chị gái của ngài, là người không bao giờ nói chuyện với ngài nữa.

Ngài trở thành linh mục năm 1847 và thành lập Nhà Nguyện Thánh Philip Neri ở Anh. Ngài đặc biệt cống hiến cho giáo dục, thành lập hai trường học dành cho nam sinh và Đại học Công Giáo Ái Nhĩ Lan. “Ý tưởng về một trường đại học” của Cha Newman đã trở thành một văn bản nền tảng về giáo dục đại học Công Giáo. Là một tác giả và người viết thư nhiều, ngài qua đời ở Birmingham năm 1890, thọ 89 tuổi.

Đức Hồng Y Newman sẽ gia nhập hàng ngũ hơn ba chục vị thánh - bao gồm Anthony thành Padua, Jerome và Thérèse thành Lisieux - nếu cuối cùng ngài được vinh danh là Tiến sĩ Hội Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho ngài vào năm 2019.

Theo truyền thống, danh hiệu tiến sĩ Giáo hội được ban dựa trên ba yêu cầu: sự thánh thiện hiển nhiên của một ứng viên được khẳng định bằng việc phong thánh; sự xuất sắc của con người về mặt giáo lý được thể hiện bằng việc để lại một khối giáo lý có những đóng góp đáng kể và lâu dài cho đời sống của Giáo hội; và một tuyên bố chính thức của Giáo hội, thường là của một giáo hoàng.

Matthew Bunson, giám đốc biên tập của EWTN News, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “EWTN News Nightly” rằng sự hỗ trợ của các giám mục có thể có tác dụng.

“Các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra lời kêu gọi với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về Thánh Gioan Avila, và ngài được phong làm Tiến sĩ Hội Thánh. Vào năm 2019, các ngài đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phong Thánh Irênaô thành Lyon làm Tiến sĩ Hội Thánh, và điều đó đã xảy ra chỉ vài năm sau đó”, Bunson lưu ý.

“Vì vậy, nó có thể có hiệu lực, và các giám mục rõ ràng muốn nó xảy ra càng sớm càng tốt”.


Source:Catholic News Agency
 
Ukraine tấn công xuyên biên giới phá tan 2 radar. Tướng Nga nướng quân, 7.500 tử sĩ trong tuần qua
VietCatholic Media
15:23 21/11/2023


1. Lần đầu tiên Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine xác nhận đã phá hủy vũ khí Nga ngay trên đất Nga trong cuộc tấn công xuyên biên giới

Hôm thứ Ba, 21 Tháng Mười Một, Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, đã cáo buộc quân Ukraine tấn công xuyên biên giới phá hoại hai radar của quân Nga tại thị trấn Dmitriyev của vùng Kursk. Cuộc tấn công được tin là đã diễn ra vào sáng thứ Bẩy, 18 Tháng Mười Một. Báo cáo này mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông ta cho rằng cuộc tấn công không gây thiệt hại gì về vật chất và nhân mạng.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 21 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, xác nhận Ukraine quả có tấn công vào hai radar của Nga ở khu vực Kursk.

“Tại khu vực Kursk của Nga, lực lượng Ukraine đã tấn công hai radar của đối phương là Nebo 55Zh6 và Gamma-S1E.”

“Vào sáng sớm ngày 18 tháng 11, gần Dmitriyev của vùng Kursk, chúng tôi đã phát hiện một vị trí radar của đối phương vừa được triển khia. Hai trạm radar đắt tiền của Nga, Nebo 55Zh6 và có lẽ là Gamma-S1E, đã bị tấn công và bị phá hủy”,

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã từng xác nhận các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Ukraine xác nhận một cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Hôm 30 Tháng Tám, Thống đốc khu vực Pskov của Nga, Mikhail Vedernikov, đã cáo buộc Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái phá hủy 4 máy bay Ilyushin 76. Đáp lại cáo buộc này Yusov nói “Chúng tôi không xác nhận cũng không phủ nhận.”

2. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Nga có thể gây rối tại Balkan

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang xem xét việc tăng quân thường xuyên hơn ở phía Tây Balkan để kiểm soát căng thẳng trong khu vực.

Ông nói với các phóng viên trong chuyến thăm Kosovo: “Chúng tôi hiện đang xem xét liệu có nên tăng quân thường xuyên hơn hay không để bảo đảm rằng điều này không vượt khỏi tầm kiểm soát và tạo ra một cuộc xung đột bạo lực mới ở Kosovo hoặc khu vực rộng lớn hơn”.

Sau bạo lực mới xảy ra giữa các nhóm sắc tộc ở Kosovo hồi tháng 9, NATO đã triệu tập lực lượng dự bị. Phái đoàn KFOR khu vực của NATO, hoạt động từ năm 1999, bao gồm hơn 4.500 binh sĩ từ 27 quốc gia.

3. Báo cáo cho thấy chiến tranh giữa Nga và NATO là không thể tránh khỏi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO in 'Race Against Time' to Prepare for Russia War: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy NATO 'Chạy đua với thời gian' để chuẩn bị cho chiến tranh với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một báo cáo mới cảnh báo NATO phải có đủ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh lớn với Nga trong vòng 5 đến 9 năm tới để ngăn chặn Mạc Tư Khoa “có cơ hội” mở rộng cuộc chiến không có hồi kết với Ukraine, thành một cuộc đối đầu rộng hơn với liên minh phương Tây.

Theo báo cáo, vừa được công bố, do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, gọi tắt là DGAP, soạn thảo, NATO có nguy cơ “tụt hậu” so với Nga, bất chấp cuộc xâm lược vào Ukraine đã và đang gây ra những hậu quả thảm khốc cho Mạc Tư Khoa. Các tác giả Christian Mölling và Torben Schütz nhấn mạnh rằng Nga “là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO”.

Báo cáo cho biết liên minh này đang trong một “cuộc chạy đua với thời gian”.

“Một khi giao tranh khốc liệt ở Ukraine kết thúc, chế độ ở Mạc Tư Khoa có thể cần ít nhất từ 6 đến 10 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Trong khung thời gian đó, Đức và NATO phải cho phép lực lượng vũ trang của họ có khả năng ngăn chặn và, nếu cần thiết, trực tiếp chiến đấu chống lại Nga. Chỉ khi đó họ mới có thể giảm nguy cơ một cuộc chiến khác nổ ra ở Âu Châu.”

“Nếu Mạc Tư Khoa chuẩn bị sẵn sàng lực lượng vũ trang chỉ sau 6 năm, NATO sẽ ngày càng khó có thể bắt kịp”.

Putin và các quan chức hàng đầu của ông ta đã nhiều lần coi cuộc xâm lược Ukraine của họ là một cuộc chiến chống lại “tập thể phương Tây”, một cuộc tấn công phủ đầu vào một khối do Mỹ đứng đầu có ý định đàn áp và chia cắt Nga.

Cho đến nay, nền hòa bình không dễ dàng giữa NATO và Nga vẫn được duy trì. Ngay cả khi vũ khí của NATO nghiền nát các đơn vị của Nga ở Ukraine, Mạc Tư Khoa không tham gia vào các hoạt động nào khác ngoài việc đe dọa hạt nhân. Với sự giúp đỡ của Liên minh Âu Châu, NATO đang mở rộng tới nhiều biên giới hơn với Nga, và hạn chế dần các lựa chọn chiến lược của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, cả hai bên cho đến nay vẫn chỉ tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh, thay vì nóng.

Oleg Ignatov, nhà phân tích cao cấp của tổ chức nghiên cứu về Nga tại Crisis Group, nói với Newsweek: “Bất kể người Nga nói gì, họ không thực sự nghĩ rằng đây là một cuộc chiến chống lại NATO”. “Họ không muốn cuộc xung đột này. Họ chỉ muốn chiếm Ukraine trong 3 ngày. Và tôi tin rằng tất cả các mối đe dọa hạt nhân của họ đều là tín hiệu để NATO không can thiệp trực tiếp”.

Nói về một cuộc đụng độ tiềm tàng giữa Nga và khối phương Tây, Ignatov nói: “Đó sẽ là một cơn ác mộng. Cả NATO và Nga đều đã làm mọi cách để ngăn chặn xung đột trực tiếp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này.”

Nga cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu ở Ukraine. Những gì được cho là một chiến dịch chớp nhoáng thể hiện sự tàn nhẫn và ưu thế chiến lược của Mạc Tư Khoa đã chứng tỏ là một bãi lầy tốn kém. Cuộc chiến không hồi kết đã gây ra thương vong cho hàng trăm nghìn người Nga, cô lập Điện Cẩm Linh về kinh tế và chính trị, đồng thời khiến các đối phương phương Tây của Mạc Tư Khoa bừng tỉnh sau nhiều thập kỷ thờ ơ.

Quân đội Nga đã bị tổn thất nặng nề và những hạn chế trong nỗ lực hiện đại hóa kéo dài hàng thập kỷ của Mạc Tư Khoa đã được phơi bày rõ ràng với thế giới. Tuy nhiên, các tác giả của DGAP cho biết, loài gấu Nga vẫn chưa bị cắt móng.

Họ viết: “Ngay cả sau gần hai năm tham chiến ở Ukraine, khả năng chiến tranh của Nga vẫn lớn hơn những gì ấn tượng hiện tại cho thấy”. “Lực lượng trên bộ của Nga chịu tổn thất lớn nhất về nhân lực và trang thiết bị; lực lượng này sẽ tiêu biểu cho nỗ lực phục hồi chính. Lực lượng không quân cũng mất đi nhân sự có trình độ. Nhưng, tổn thất về vật chất là tương đối nhỏ (khoảng 10 đến 15%). Đồng thời, cả hai lực lượng này đều đã chứng tỏ được khả năng thích ứng của mình.”

“Hải quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề đối với Hạm đội Hắc Hải, nhưng các hạm đội Baltic, Thái Bình Dương và phương Bắc vẫn tiếp tục sẵn sàng được sử dụng. Cả lực lượng hỏa tiễn chiến lược cũng như lực lượng mạng và không gian có thể vẫn còn nguyên vẹn.”

Những người sống sót sau cuộc tàn sát trên chiến trường Ukraine sẽ tỏ ra có giá trị đối với lực lượng tái thiết của Nga. Andrus Merilo, chỉ huy Lữ đoàn 1 Estonia, nói với Newsweek hồi đầu năm nay rằng các chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn tương lai của Nga sẽ “có nhiều kinh nghiệm hơn chúng tôi. Họ đã học được cách kết thúc cuộc chiến bằng nỗi đau, máu và đau khổ. Nhưng họ đã học được.”

Putin không có dấu hiệu rút lui khỏi canh bạc Ukraine của mình, và hai thập kỷ cầm quyền độc tài của ông đã để lại rất ít sự phản đối chính trị hợp pháp trong biên giới Nga. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt đã không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga.

Báo cáo của DGAP cho biết: “Nga đang sử dụng doanh thu từ xuất khẩu dầu khí để biến ngành công nghiệp vũ khí của mình thành ngành công nghiệp chiến tranh”. “Nó đã thúc đẩy sản lượng ở một số phần và giữ chân những người lao động quan trọng ở lại sản xuất. Đồng thời, nước này đã tìm cách lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các thành phần được coi là quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh. Ngoài ra, Nga còn nhập khẩu vũ khí và đạn dược từ các nước đồng minh như Iran và Bắc Hàn”.

“Nga phải đối mặt với ít thách thức lớn hơn phương Tây về khả năng phục hồi của xã hội. Chế độ đàn áp một cách thô bạo mọi sự xuất hiện của xã hội dân sự. Sự sẵn lòng của xã hội chấp nhận sự mất mát về nhân mạng rõ ràng là rất lớn, vì cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga thiệt mạng hơn 300.000 người, chưa kể những người bị thương.”

Ukraine và các đối tác phương Tây đang ở trong một cuộc chiến lâu dài, và – theo các tác giả của báo cáo GDAP – công việc chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo nên bắt đầu ngay bây giờ.

Các tác giả viết: “Lịch trình thực hiện các kế hoạch này có thể được thiết lập rõ ràng: Nó được xác định theo thời gian mà các lực lượng vũ trang Nga cần để phục hồi, nghĩa là từ 6 đến 10 năm sau khi kết thúc giao tranh cường độ cao ở Ukraine”.

“NATO phải hoàn thành việc tái định vị của mình ít nhất một năm trước khi Nga đạt được năng lực chiến tranh. Điều này sẽ mang lại cho Điện Cẩm Linh cơ hội kịp thời nhận ra rằng cơ hội để Nga tấn công thành công NATO vẫn chưa mở ra. Với thời gian phục hồi của Nga, NATO do đó phải đạt được khả năng chiến tranh trong vòng 5 đến 9 năm để có thể ngăn chặn Nga tham chiến.”

Báo cáo lập luận rằng tốc độ là điều cốt yếu, đồng thời gợi ý rằng khả năng răn đe là chìa khóa cho tư duy chiến lược của Nga. Các tác giả viết: “Trước khi Nga bắt tay vào quá trình tái thiết, NATO cần phải có khả năng răn đe. Bất kỳ đội quân hoặc hệ thống nào mà các nước NATO triển khai sau khi Nga đã bắt đầu tái thiết lực lượng sẽ không ảnh hưởng đến những cân nhắc của Mạc Tư Khoa. Nga sẽ đánh giá thấp khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO và có thể bị cám dỗ để bắt đầu một cuộc chiến khác”.

NATO đã được huy động để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng mới từ Nga kể từ khi quân đội Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Xe tăng, pháo và thậm chí cả chiến đấu cơ do NATO tài trợ đã sẵn sàng hoạt động chống lại lực lượng Nga, điều này được cho là không thể trong những năm tháng dẫn đến cuộc xâm lược đang diễn ra.

Phần Lan đã gia nhập liên minh, bổ sung thêm 833 dặm nữa vào biên giới liên minh với Nga, trong khi Thụy Điển cũng đang trong tiến trình gia nhập. Theo nhận định của một số nhà lãnh đạo đồng minh, Biển Baltic – qua đó nhiều hạm đội hải quân và thương mại quan trọng nhất của Nga tiếp cận thế giới giờ đây giống như một “Hồ NATO”

Nhưng liên minh này cũng chậm chạp trong việc đồng ý gửi vũ khí tiên tiến nhất của mình tới Ukraine và đang nỗ lực mở rộng cơ sở công nghiệp-quân sự để cạnh tranh với cỗ máy chiến tranh của Nga. Đặc biệt, việc sản xuất đạn pháo đã nổi lên như một điểm yếu tiềm tàng của phương Tây, khi các quốc gia đồng minh không thể đáp ứng nhu cầu pháo binh của Ukraine.

Nhìn chung, hầu hết các quốc gia NATO vẫn không đạt được mục tiêu đã thống nhất vào năm 2014 là chi 2% GDP cho quân đội của họ trong vòng 10 năm. Trong số những quốc gia vẫn đang nỗ lực để đạt được ngưỡng này có các quốc gia chủ chốt như Đức, Pháp và Ý.

Mặc dù viện trợ dành cho Ukraine vẫn được công chúng ủng hộ trên toàn NATO, nhưng tất cả các quốc gia đang phải vật lộn với những căng thẳng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khiến việc mở rộng chi tiêu quân sự lớn trở nên nhạy cảm về mặt chính trị.

Báo cáo của DGAP cho rằng thuốc giải độc là lập kế hoạch dài hạn. Các tác giả cho biết: “Nếu giả định rằng NATO vẫn còn một thập kỷ nữa để có thể ngăn chặn Nga, thì nỗ lực cần thiết sẽ trở nên dễ hiểu hơn về mặt chính trị”.

“Gánh nặng đối với ngân sách công được dàn trải theo các điều khoản của một số chính phủ. Việc xây dựng cơ cấu lực lượng và mua sắm có thể được tiếp tục theo kế hoạch. Ngành công nghiệp quốc phòng có thể duy trì kế hoạch sản xuất của mình. Các nước NATO cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để xây dựng hệ thống phòng thủ tổng thể của mình.”

Các tác giả đề nghị NATO nên “kiếm thời gian” bằng cách thúc đẩy Ukraine giành chiến thắng và làm suy thoái quân đội Nga ở mức tối đa, đồng thời tích hợp Ukraine vào các cơ cấu và ngành công nghiệp phòng thủ của Liên Hiệp Âu Châu-NATO.

Họ nói thêm rằng Âu Châu phải đảm nhận vai trò “cân bằng” hơn trong nỗ lực của Mỹ đối với Ukraine, đồng thời thắt chặt các biện pháp trừng phạt để “cản trở hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế chiến tranh của Nga”.

4. Phản ứng của Điện Cẩm Linh trước nguy cơ lệnh cấm nhập khẩu kim cương vào Liên Hiệp Âu Châu

Hôm thứ Hai, đối mặt với nguy cơ bị Liên minh Âu Châu cấm nhập khẩu kim cương từ Nga, Điện Cẩm Linh cho biết các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu có xu hướng tạo ra “hiệu ứng boomerang” đối với những người áp dụng chúng.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã bình luận về đề xuất cấm nhập khẩu kim cương của Liên Hiệp Âu Châu từ Nga như một phần của gói trừng phạt mới chống lại Mạc Tư Khoa liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới tính theo khối lượng. Peskov nói với các phóng viên rằng động thái này đã được dự đoán từ lâu nhưng có khả năng phản tác dụng.

“Theo quy luật, hóa ra hiệu ứng boomerang được kích hoạt một phần: lợi ích của chính người Âu Châu bị ảnh hưởng. Cho đến nay, chúng tôi đã tìm được cách giảm thiểu hậu quả tiêu cực của các lệnh trừng phạt”, ông ta nói.

Các nguồn tin ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu cho biết tuần trước đề xuất đang được thảo luận là cấm nhập khẩu kim cương trực tiếp từ Nga từ ngày 1 Tháng Giêng và từ tháng 3 sẽ thực hiện cơ chế truy nguyên nguồn gốc nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu đá quý của Nga được chế biến ở nước thứ ba.

5. Nga mất 7.500 quân trong một tuần do xung đột quân sự

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 7,500 Troops in One Week as Military Struggles”, nghĩa là “Nga mất 7.500 quân trong một tuần khi quân đội nước này cố gắng chống đỡ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Số tử sĩ của Nga ở Ukraine được tường trình đã vượt qua con số 319.000 khi cuộc chiến ở Ukraine sắp chạm mốc 21 tháng.

Kherson đã trở thành tâm điểm trong cuộc phản công của Ukraine khi các chiến binh của nước này đã đóng quân ở bờ đông sông Dnipro bị Nga tạm chiếm.

Tỉnh Kherson là một trong bốn vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập vào tháng 9 năm 2022 sau cái mà phương Tây gọi là cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. Ukraine coi cuộc tấn công ở các vùng của Kherson bị Nga tạm chiếm là cơ hội để tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga và có khả năng biến Crimea trở thành một trò chơi chiến lược lớn hơn trong tình thế bế tắc hiện nay.

Những tiến bộ tích cực là rất ít trong cuộc phản công hiện nay ở các khu vực như Donetsk và Zaporizhzhia, hai trong số các vùng lãnh thổ khác cùng với Luhansk đã bị Nga sáp nhập vào năm ngoái.

Ngày 17/11, Thủy quân lục chiến Ukraine đăng trên Facebook rằng lực lượng Nga đã mất gần 3.500 binh sĩ, trong đó có hơn 1.200 người thiệt mạng cùng hàng chục khí tài quân sự, trong các trận chiến trên sông Dnipro.

“Là kết quả của các hành động được lên kế hoạch trước nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược vũ trang quy mô lớn của Liên bang Nga, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện một loạt hành động thành công ở tả ngạn sông Dnipro theo hướng Kherson.” họ nói.

Tính chung các tổn thất ở thị trấn Avdiivka, khu vực chung quanh thành phố Bakhmut, và phía bắc thành phố Melitopol, quân Nga đã có thêm 7.500 tử sĩ chỉ riêng trong tuần qua.

Nhưng khi mùa đông sắp đến gần và thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ có tác động tương tự đến các cuộc giao tranh trên mặt đất của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo rằng Nga sẽ tăng cường nỗ lực quân sự để tận dụng lợi thế của Ukraine “đã mệt mỏi”.

“Khi mùa đông đến gần, Nga sẽ có nhiều nỗ lực hơn nhằm thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn”, ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu buổi tối hôm thứ Bảy.

Ông nói thêm: “Điều quan trọng là tất cả chúng ta ở Ukraine phải hoạt động hiệu quả 100%. “Bất chấp mọi khó khăn. Bất chấp mọi mệt mỏi. Bất chấp mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu Ukraine.”

6. Nga chỉ trích Phần Lan về quyết định đóng cửa biên giới

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai cho biết họ đã gửi khiếu nại chính thức tới đại sứ Phần Lan tại Mạc Tư Khoa về việc Helsinki đóng cửa bốn cửa khẩu biên giới rất nhộn nhịp với Nga, một bước đi mà họ cho rằng đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người ở cả hai nước.

Phần Lan hôm thứ Bảy đã đóng cửa các cửa khẩu khi nước này tìm cách ngăn chặn dòng người xin tị nạn mà họ cho là do Mạc Tư Khoa gây ra, đó là một cáo buộc mà Nga đã bác bỏ.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng quyết định của Phần Lan là “vội vàng” và vi phạm quyền và lợi ích của hàng chục nghìn người dân ở cả hai bên biên giới chung của hai nước.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, cũng bác bỏ cáo buộc của Phần Lan rằng Nga đang cố tình đẩy người di cư bất hợp pháp về phía biên giới và nói rằng lực lượng biên phòng Nga đang tuân theo mọi chỉ dẫn.

7. Nga ra lệnh truy nã Jamala, ca sĩ đoạt giải Eurovision của Ukraine

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Russia puts Ukrainian Eurovision winner Jamala on wanted list”, nghĩa là “Nga đưa Jamala, ca sĩ đoạt giải Eurovision của Ukraine vào danh sách truy nã”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Susana Jamaladinova, một người Ukraine gốc Crimea Tatar, được biết đến với nghệ danh là Jamala, hiện nằm trong danh sách truy nã của Nga, các hãng thông tấn nhà nước RIA và TASS đưa tin hôm thứ Hai.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Nga đưa tin Bộ Nội vụ cáo buộc nữ ca sĩ đoạt giải Eurovision 40 tuổi đã làm mất uy tín của quân đội Mạc Tư Khoa. Trang này cho biết Mạc Tư Khoa đã đưa Jamala vào danh sách truy nã từ tháng 10 và đến tháng 11, ca sĩ này đã bị tòa án Nga bắt giữ vắng mặt.

Jamala, một nhà phê bình lớn tiếng về việc Nga xâm lược bán đảo Crimea quê hương của cô vào năm 2014 và cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, đã giành chiến thắng trong Cuộc thi Eurovision năm 2016 với bài hát “1944”, nói về việc trục xuất và thanh lọc sắc tộc khoảng 200.000 người Tatars ở Crimea do bọn cầm quyền Liên Xô thực hiện vào tháng 5 năm 1944.

Jamala, người hiện đang tham gia chuyến lưu diễn gây quỹ và nâng cao nhận thức về tình hình Ukraine ở Úc, đã phản ứng với tin tức này bằng cách đăng một câu chuyện trên Instagram về cô ấy đang hát bên ngoài Nhà hát Opera Sydney, kèm theo biểu tượng cảm xúc ở lòng bàn tay.

Báo chí tại Úc đã bày tỏ sự kinh ngạc tột độ trước diễn biến này. Nga lấy tư cách gì để truy nã một người không phải là người Nga về tội nói xấu làm mất uy tín của quân đội Mạc Tư Khoa. Luật đó cùng lắm chỉ có thể áp dụng cho người Nga. Phải chăng Putin hoang tưởng đang xem tất cả thế giới này đều là lãnh thổ của cái gọi là thế giới Nga.

8. Ukraine sa thải hai quan chức phòng thủ mạng cao cấp

Hôm thứ Hai, Ukraine đã sa thải hai quan chức phòng thủ mạng cao cấp, một quan chức chính phủ cho biết, khi các công tố viên công bố một cuộc điều tra về cáo buộc tham ô trong cơ quan an ninh mạng của chính phủ.

Quan chức cao cấp nội các Taras Melnychuk cho biết rằng ông Yuuri Shchyhol, nhà lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt Nhà nước Ukraine, và cấp phó của ông, Viktor Zhora, đã bị chính phủ sa thải.

Shchyhol viết trên Facebook rằng anh tin tưởng mình có thể chứng minh mình vô tội, Interfax Ukraine đưa tin. Không có bình luận ngay lập tức từ Zhora.

Ukraine đã tăng cường nỗ lực hạn chế tham nhũng khi theo đuổi việc trở thành thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, điều này khiến cuộc chiến chống tham nhũng trở thành điều kiện tiên quyết để bắt đầu các cuộc đàm phán.

9. Phòng không phương Tây đang biến Kyiv thành một nơi an toàn hiếm hoi ở Ukraine

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Western air defenses turn Kyiv into a rare safe spot in war-torn Ukraine”, nghĩa là “Phòng không phương Tây biến Kyiv thành nơi an toàn hiếm hoi ở Ukraine bị chiến tranh tàn phá”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Inna Kozich, một chuyên gia truyền thông đến từ Kyiv, vẫn khóc khi nhớ lại những tuần đầu tiên khi Nga bao vây thủ đô Ukraine vào năm ngoái.

“Có lúc tôi và các con phải ngủ ngoài hành lang suốt ba tuần. Tôi chuẩn bị đi ngủ, không chắc ngày hôm sau tất cả chúng tôi có thức dậy hay không”, Kozich nói.

Nhưng lực lượng phòng không hiện đang bảo vệ thủ đô khiến cô cảm thấy ở Kyiv an toàn hơn bất kỳ nơi nào khác ở Ukraine - đến mức cô sợ phải mạo hiểm ra ngoài thành phố.

“Tôi thậm chí còn ngại đưa các con đi nghỉ hè vì tôi biết các vùng khác không có lực lượng phòng không mạnh như chúng tôi hiện nay. Và tôi cảm thấy vô cùng đau đớn cho người Ukraine ở các khu vực khác, những người vẫn bị buộc phải sống dưới sự bắn phá hàng ngày của Nga”, Kozich nói.

Khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyệt vọng đã kêu gọi phương Tây đóng cửa bầu trời Ukraine đối với hàng không và hỏa tiễn của Nga. Điều đó đã không xảy ra, nhưng các đồng minh của Ukraine đã đều đặn gửi một số hệ thống phòng không tốt nhất của họ tới để giúp bảo vệ các thành phố của đất nước, và đặc biệt là Kyiv.

Khi chiến tranh nổ ra, Kyiv dựa vào các hệ thống chống hỏa tiễn tầm trung S-300 và Buk M1 từ thời Liên Xô – đó là một vấn đề vì hỏa tiễn thay thế phần lớn do Nga sản xuất.

Những lực lượng phòng thủ đó hiện đã được tăng cường bởi các hệ thống Gepard tầm ngắn của Đức và Phòng không tầm ngắn Avenger của Mỹ để hạ gục máy bay không người lái và hỏa tiễn hành trình. Ở tầm trung, Ukraine đang sử dụng máy bay MIM-23 Hawk của Mỹ do Raytheon sản xuất; NASAMS, được phát triển bởi Raytheon và Kongsberg của Na Uy; và IRIS-T SLM của Đức. Hệ thống phòng thủ tầm xa được cung cấp bởi Patriot PAC-3 của Mỹ và Eurosam SAMP/T do Pháp và Ý cung cấp.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, nói với POLITICO rằng lực lượng phòng không Ukraine đã cho thấy họ có khả năng tích hợp các hệ thống hiện đại với hệ thống của Liên Xô.

“Chúng tôi tiếp tục mong đợi sự hỗ trợ từ các đồng minh và đối tác. Chúng tôi cần phòng không nhiều hơn. Phong phú hơn. Và không chỉ đối với thủ đô mà còn đối với mọi thành phố của Ukraine. Mỗi tổ hợp hỏa tiễn phòng không đều quý như vàng”, Popko nói.

Sau khi Ukraine lần đầu tiên đưa Patriot vào thử nghiệm, các cuộc tấn công thủ đô không thành công của Nga trong hơn 20 ngày vào tháng 5, đã khiến người dân Kyiv lần đầu tiên cảm thấy tương đối an toàn.

Kozich nói: “Chúng tôi đang chờ đợi những khẩu đội patriot như manna từ thiên đường. “Thật là nhẹ nhõm biết bao.”

Chẳng bao lâu, người dân từ các khu vực khác, nơi phòng không chưa được mạnh bằng, bắt đầu di chuyển đến Kyiv và khu vực xung quanh, mặc dù nơi đây vẫn thường xuyên bị tấn công. Cuối tuần này, Nga đã tung ra hàng loạt máy bay không người lái tấn công Kyiv, hầu hết đều bị bắn hạ.

“Các bạn, sự chính xác của các bạn, theo đúng nghĩa đen là sự sống cho Ukraine,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu trước công chúng vào cuối tuần. “Khi mùa đông đến gần, Nga sẽ có nhiều nỗ lực hơn nhằm thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là tất cả chúng ta ở Ukraine phải hoạt động hiệu quả một trăm phần trăm.”

Các thành phố của Ukraine đã trở thành xuồng cứu sinh cho những người chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của Nga. Kyiv và khu vực xung quanh hiện có gần 600.000 người phải di dời từ các vùng khác của Ukraine, Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hiệp Quốc ước tính vào tháng 9. Các thành phố lớn khác cũng đang chứng kiến làn sóng người tị nạn nội địa, với khoảng nửa triệu người hiện đang trú ẩn ở các khu vực Dnipropetrovsk và Kharkiv.

“Giai đoạn di cư nội địa tích cực đầu tiên bắt đầu ngay sau khi vùng Kyiv được giải phóng. Những người từ các thành phố nơi đang diễn ra các hoạt động thù địch đang đến vào thời điểm đó. Sau đó, khi các khẩu đội phòng không Patriot đến, người dân từ Dnipro, Zaporizhzhia bắt đầu tích cực di chuyển và tìm kiếm nhà ở trong khu vực Kyiv, giải thích điều này là do Kyiv được bảo vệ và có ít hỏa tiễn bay đến đây hơn so với thành phố của họ”, Oleksandr Zhytiuk, một nhà môi giới bất động sản địa phương cho biết..

“Người Ukraine từ nước ngoài cũng bắt đầu quay trở lại sau tháng 5 này, khi người Nga pháo kích vào chúng tôi gần như hàng ngày, chứng tỏ tính hiệu quả của phòng không. Ngày nay mọi người tin rằng ở Kyiv đã bình yên hơn”, ông nói thêm.

Điều đó đã khiến giá bất động sản ở địa phương tăng vọt sau khi sụp đổ trong những tháng đầu chiến tranh.

Trước cuộc xâm lược toàn diện, khoảng 3,9 triệu người sống ở thủ đô Ukraine. Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 2022, 1,9 triệu người đã bỏ trốn, Denys Sudilkovsky, giám đốc thương hiệu và kinh doanh của LUN, một nền tảng bất động sản trực tuyến, cho biết. Hầu hết bây giờ đã trở lại.

Sudilkovsky nói: “Hồi đó không có gì lạ khi tìm thấy những lời đề nghị cho thuê căn nhà ở Kyiv với chi phí gần như không đáng bao nhiêu”.

Theo dữ liệu của LUN, giá cho thuê gần như đã trở lại mức trước khi xảy ra cuộc xâm lược vào năm 2022.

“Việc quay trở lại của người dân chậm lại khi người Nga bắt đầu pháo kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, mùa đông năm 2022-2023 cho thấy Kyiv có khả năng bảo vệ bầu trời của mình bằng các hệ thống phòng không hiện đại của phương Tây, và từ mùa xuân năm 2023, chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhu cầu về nhà cho thuê dài hạn ở Kyiv tăng thêm.” Sudilkovsky nói.

Nhưng thủ đô không hoàn toàn an toàn - như các cuộc tấn công cuối tuần này đã cho thấy. Popko cho biết còi báo động không kích vẫn hú gần như hàng ngày và các quan chức Ukraine kêu gọi người dân thận trọng.

“Với việc bổ sung các hệ thống phòng không, mức độ bảo vệ thủ đô khỏi các cuộc tấn công trên không đã trở nên tốt hơn. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi nhắc lại rằng cách phòng thủ tốt nhất là đi đến nơi trú ẩn khi có cảnh báo trên không. Kinh nghiệm cay đắng chứng minh rằng ngay cả những hỏa tiễn bị bắn hạ cũng mang theo mối đe dọa chết người do có nhiều mảnh vỡ”, ông nói.

Trong khi người dân ở Kyiv cảm thấy an toàn hơn thì người dân ở các khu vực phía đông và phía nam Ukraine vẫn đang phải hứng chịu các đợt pháo kích hàng ngày. Người Nga đang tấn công Odesa và cảng chiến lược của nó, cũng như các khu vực Kherson, Donetsk và Zaporizhzhia.

“Tôi vẫn nhớ âm thanh tôi nghe thấy khi chiếc Patriot của chúng tôi bắn hạ hỏa tiễn Kinzhal siêu thanh đầu tiên của Nga vào mùa hè này. Sau đó tôi biết người Nga bắn gì vào chúng tôi thì lực lượng phòng không của chúng tôi sẽ bắn hạ nó. Tuy nhiên, các thành phố khác vẫn không thể cho phép có cảm giác xa hoa như tôi”, Kozich nói và cho biết thêm cô vẫn sợ phải rời thành phố để về quê.

Chính phủ Ukraine đã kêu gọi các đồng minh của mình cung cấp thêm lực lượng phòng không để bảo vệ các thành phố khác.

“Bầu trời Ukraine, các thành phố và làng mạc của Ukraine càng được bảo vệ bao nhiêu thì người dân của chúng tôi càng có nhiều cơ hội tham gia hoạt động kinh tế, sản xuất, cùng những thứ khác, cho các ngành công nghiệp quốc phòng”, Tổng thống Zelenskiy nói trong một tuyên bố video.

Tổng thống Ukraine cũng cho biết Kyiv muốn hợp tác sản xuất vũ khí với các đối tác và hy vọng các đồng minh sẽ gửi thêm hệ thống phòng không vào cuối năm nay để chống lại các cuộc tấn công dự kiến vào mùa đông của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

“Người Nga rất quỷ quyệt và đe dọa dân thường bằng hỏa tiễn khủng bố là một trong những chiến lược của họ. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ việc pháo kích vào dân thường và cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chúng tôi phải chắc chắn rằng mình có thứ gì đó để bảo vệ người dân của mình”, Kozich nói.

10. Thảm họa nhân khẩu học của Nga vì cuộc xâm lược của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Desperate Scramble To Stave Off Demographic Catastrophe”, nghĩa là “Cố gắng hốt hoảng tuyệt vọng của Nga để ngăn chặn thảm họa nhân khẩu học.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong những tuần gần đây, Nga đã có những động thái thúc đẩy áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng do cuộc chiến của Putin ở Ukraine gây ra.

Valery Seleznyov, một thành viên của Duma Quốc gia Nga, tuần trước đã đề xuất thả những phụ nữ bị kết án về tội nhẹ ra khỏi nhà tù để họ có thể thụ thai. Gần đây cũng có những nỗ lực nhằm hạn chế việc phá thai, hiện nay phá thai là hợp pháp và được phổ biến rộng rãi ở Nga.

“ Nga thực sự có vấn đề về nhân khẩu học”, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, cho biết vào ngày 12 tháng 11 khi ông kêu gọi lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.

“Nga là một đất nước rộng lớn nhưng lại không có đủ người. Thậm chí đó là chưa kể đến nền kinh tế…Chúng ta thực sự cần nhiều người hơn, điều này là hiển nhiên, mọi người đều thừa nhận điều đó,” Thượng Phụ Kirill nói.

Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên nội các của ông vào ngày 3 tháng 11, Putin cho biết Nga đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về phá thai.

Theo các nhà chức trách, trong những tháng gần đây, các phòng khám tư nhân ở các vùng của Nga - bao gồm vùng Chelyabinsk ở vùng núi Ural và ở Tatarstan ở miền trung nước Nga - đã ngừng cung cấp dịch vụ phá thai. Động thái này cũng đang được xem xét ở khu vực Kaliningrad của Nga.

Các nhà chức trách cũng bắt đầu hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai và thuốc tránh thai khẩn cấp trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Theo Nikolay Bespalov, giám đốc phát triển của công ty phân tích RNC Pharma, vào năm 2022, doanh số bán thuốc phá thai đã tăng 60%.

Nga trong nhiều thập kỷ đã trải qua tình trạng suy giảm dân số và điều này dường như trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra, với tỷ lệ thương vong cao và đàn ông chạy trốn khỏi đất nước để tránh bị bắt đi chiến đấu.

Theo Statista, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2023, ước tính có 146,45 triệu người đang cư trú trên lãnh thổ Nga, giảm khoảng 530.000 người so với năm trước.

Người ta ước tính dân số Nga sẽ giảm xuống còn khoảng 132 triệu người trong hai thập kỷ tới. Liên Hiệp Quốc đã dự đoán rằng trong trường hợp xấu nhất, vào đầu thế kỷ tới, dân số Nga có thể giảm gần một nửa xuống còn 83 triệu người.

Thành viên Duma Quốc gia Sultan Khamzaev đã đề xuất trong một kháng cáo hồi đầu tháng này với Tatyana Golikova, phó thủ tướng Nga về chính sách xã hội, lao động, y tế và lương hưu, rằng chính quyền nên đưa ra các khoản thanh toán cho những phụ nữ Nga từ chối phá thai.

Khamzaev nói: “Nhà nước phải có chức năng bảo vệ bà mẹ và nếu một phụ nữ đã quyết định phá thai, thì cách hiệu quả nhất để cứu đứa trẻ là giao nó cho nhà nước chăm sóc”.

[
 
Cha Rossetti: Ma quỷ trả thù các Nhà Trừ Tà ra sao? Kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của vị thánh Ukraine
VietCatholic Media
17:32 21/11/2023


1. Người Ukraine than thở “Chúng tôi bị quên lãng”

Đức Giám Mục Phụ Tá tại thủ đô Kyiv tuyên bố với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý rằng: “Chúng tôi có cảm tưởng đang bị quên lãng. Chúng tôi thiếu hòa bình và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho hòa bình. Mùa đông đang đến gần và trời bắt đầu lạnh. Chúng tôi sống trong một tình trạng liên tục sợ hãi vì những gì có thể xảy ra đột ngột”.

Nhắc đến sáng kiến cầu nguyện cho Ukraine nhân dịp Hội đồng Giám mục Ý nhóm khóa họp bất thường, tại Assisi từ 13 đến 16-11 vừa qua, Đức Cha Oleksandr Yazlovetskyi, Giám Mục Phụ Tá giáo phận thủ đô Kyiv, nói: “Vì cảm tưởng bị quên lãng như thế, nên mỗi sáng kiến cầu nguyện đối với chúng tôi đều là quý giá, vì nó không để cho im lặng che đậy đau khổ của dân tộc chúng tôi. Rồi nếu chính các Giám Mục hiệp nhau để cầu xin ơn hòa bình, họp nhau tại thành của thánh Phanxicô Assisi, thì kinh nguyện của các vị càng quan trọng”.

Đức Cha Oleksandr nói thêm rằng: “Đêm qua, cũng có những hỏa tiễn đã được phóng vào Ukraine, nhưng tất cả ở Kyiv này đều nói: một cuộc rất tấn công mạnh mẽ sẽ xảy ra trong thời gian tới. Vì thế, chúng tôi sống trong cái lạnh của mùa đông và trong tình trạng sợ hãi vì những gì có thể bất chợt xảy đến”.

Đức Cha nói thêm rằng: “Những người nghèo vì chiến tranh rất đông đảo ở đây. Những người đầu tiên chắc chắn là những người đã bị mất thân nhân trong chiến tranh. Hồi đầu chiến tranh, người ta còn nói về những bạn hữu và người quen biết bị thiệt mạng. Ngày nay, không có gia đình nào ở Ukraine mà không trực tiếp hay gián tiếp phải chịu tang tóc. Họ khóc thương chồng, anh em, con cái, và những mất mát ấy để lại các vết thương sâu đậm. Một khía cạnh khác của nghèo đói cũng là cái nghèo của người đã mất mọi sự trong chiến tranh. Trước đây, Ukraine không phải là một nước nghèo. Dân chúng có nhà cửa, và việc làm. Với chiến tranh, họ mất mọi sự. Một số đã phải trốn chạy khỏi gia cư, chỉ mang theo một vali nhỏ. Rồi có tới 8 triệu người Ukraine tị nạn ra nước ngoài. Rất nhiều người Ukraine đã được đón tiếp tại Ý và chúng tôi rất biết ơn”. Nhưng tương lai vẫn còn bất định. “Chúng tôi cần được giúp đỡ. Nếu không có sự bảo vệ của Âu Châu và Mỹ, chúng tôi sẽ tồn tại nữa”.

2. Nhật Ký Trừ Tà số 267: Ác Quỷ Quấy Rối Thành Viên Nhóm Trừ Tà

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #267: Demons Harass Lay Team Member”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 267: Ác Quỷ Quấy Rối Thành Viên Nhóm Trừ Tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi nhận được một tin nhắn có phần hoảng loạn từ một trong những thành viên nhóm trừ tà giáo dân của chúng tôi.

Cô nhắn tin: “Vừa nhận được cuộc gọi từ nhà, nhà vệ sinh bỗng dưng tràn nước, cả nhà ngập nước. Con gái con đã tắt vòi nước dẫn vào nhà, nước vẫn chảy. Họ không tìm được lời giải thích…Chồng con muốn biết có bảo hiểm chống lại sự quấy rối của ma quỷ không.”

Tôi đã phản hồi:

“Tôi nghiêm chỉnh đấy: tạt một ít nước thánh vào những nơi đó.”

Con gái của cô ấy đã vẩy nước thánh khắp nhà. Mọi sự đã dừng lại. Thợ sửa ống nước đến ngay sau đó và không tìm thấy gì sai.

Điều này thú vị ở nhiều cấp độ. Thứ nhất: ma quỷ chỉ quấy nhiễu những vụ án lớn. Linh mục-trừ tà và thành viên giáo dân thực sự đang ở giữa một vụ án có giá trị cao đối với thế giới ma quỷ. Vì vậy, Satan sẽ đầu tư thêm nguồn lực bao gồm cả việc quấy rối các thành viên trong nhóm.

Thứ hai: điều quan trọng cần lưu ý là công việc đen tối đã quấy rối một thành viên trong nhóm giáo dân. Ma quỷ không làm điều ngẫu nhiên - thế giới đen tối luôn có động cơ và mục tiêu cho hành động của chúng. Trong các lễ trừ tà, chúng thường nhắm vào những người chủ chốt có mặt mà họ tin rằng đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trừ tà một cách đáng kể.

Người phụ nữ giáo dân đặc biệt này không chỉ tổ chức các buổi học mà còn là linh hướng cho một số người đau khổ, là người hiện diện cầu nguyện trong các buổi học và cũng là một người nhạy cảm về mặt tâm linh. Sự hiện diện của cô ấy là một mối đe dọa. Ma quỷ muốn thoát khỏi cô ấy. Làm tắc nghẽn nhà vệ sinh của cô ấy là điều tốt nhất họ có thể làm vào thời điểm này. Ma quỷ bị Chúa xiềng xích và giới hạn những việc chúng có thể làm.

Tôi ngay lập tức nghĩ đến việc vẩy nước thánh khắp nhà vì đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Cách đây vài năm, trong một vụ án có giá trị rất cao khác, một linh mục phàn nàn rằng nhà vệ sinh của giáo xứ bị tắc một cách khó hiểu và thợ sửa ống nước sau hai tuần làm việc cũng không thể khắc phục được vụ việc. Tôi đề nghị dùng nước thánh và sau khi được vảy nước thánh, nhà vệ sinh ngay lập tức hoạt động trở lại. Ma quỷ có xu hướng bị thu hút bởi những gì bẩn thỉu, hôi hám và xấu xí.

Trong khi mục vụ trừ quỷ được chỉ định bởi một linh mục được giáo phận bổ nhiệm, thì sự hiện diện của giáo dân không phải là ngẫu nhiên. Đúng hơn, họ là một phần quan trọng của quá trình. Sự quấy rối này của Ma quỷ là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của anh chị em giáo dân.

Xin cảm ơn cô ấy và tất cả các giáo dân và chiến binh cầu nguyện tận tụy của chúng ta, những người đã chiến đấu anh dũng chống lại Thế giới Hắc ám! Và như tôi đã lưu ý trong sự việc trước, “Đôi khi trong cuộc sống bạn cần một thợ sửa ống nước, nhưng những lúc khác, bạn cần một chút nước thánh.”*


Source:Catholic Exorcism

3. Người Công Giáo Đông Phương Ukraine kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat Kuncewycz

Các thành viên của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 11 để kỷ niệm kết thúc Năm Thánh đánh dấu 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat Kuncewycz.

Thánh Josaphat sinh vào khoảng năm 1580 tại làng Volodymyr (nay là một phần của Ukraine) thuộc vùng Volhynia thuộc Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania trong thời kỳ căng thẳng giữa người Công Giáo và Giáo hội Chính thống.

Năm 1595, một số giám mục trong Khối thịnh vượng chung đã ký Liên minh Brest, đặt mình dưới quyền tài phán của Tòa thánh - và thành lập Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine.

Được thụ phong linh mục Công Giáo vào năm 1609, Josaphat đã cống hiến sứ vụ của mình để phục vụ và nỗ lực đưa người dân địa phương trở lại hiệp thông với Rôma.

Tuy nhiên, Liên minh Brest tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trong khu vực và gây ra cuộc đấu tranh chính trị và tôn giáo căng thẳng. Josaphat bị một đám đông giết chết vào ngày 12 tháng 11 năm 1623 trong chuyến thăm Vitebsk, một thành phố ở Belarus hiện đại. Ngài bị chém chết và xác bị vứt xuống sông, sau đó mới được vớt lên.

Ngài được phong chân phước năm 1643 và được Đức Piô XI phong thánh năm 1867. Nhân kỷ niệm 300 năm tử đạo, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố Thánh Josaphat là đấng bảo trợ cho sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống.

Phản ánh mong muốn rộng lớn hơn của mình về sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa Đông và Tây, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã ra lệnh chuyển thi hài của vị thánh đến Đền Thờ Thánh Phêrô, việc này được thực hiện vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Sự kiện từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 11 bao gồm việc cử hành kinh chiều tại mộ của vị thánh, nằm bên dưới bàn thờ trong Nhà nguyện Thánh Basiliô, vào hôm Thứ Bảy và lên đến đỉnh điểm với việc cử hành Phụng vụ Thánh hôm vào Chúa Nhật.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã chủ trì buổi kinh chiều vào thứ Bảy và đồng tế phụng vụ thánh với Đức Tổng Giám Mục nghi lễ Latinh Gintaras Grušas của Vilnius, chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu.

Trong giờ kinh tối thứ Bảy, Cha Robert Lyseyko, bề trên của Dòng Thánh Josaphat, đã suy ngẫm về vai trò của vị thánh này trong việc củng cố sự hiệp nhất giữa Đông và Tây.

“Chúng ta gọi ngài là 'Tông đồ của sự hiệp nhất' là có lý do. Ngài là tông đồ của sự hiệp nhất ngay từ lúc ngài bắt đầu tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa trong một cuộc sống được đánh dấu bằng sự cầu nguyện sâu sắc và sự từ bỏ, không tìm kiếm ý riêng mình mà là thánh ý của Thiên Chúa”, Cha Lyseyko nói.

Cha Lyseyko cũng nói về tầm quan trọng của cuộc đời vị thánh, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến không suy giảm ở Ukraine


Source:Catholic News Agency
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News