Ngày 23-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Kitô Vua Thánh giá Thương yêu
Lm Nguyễn Xuân Trường
00:39 23/11/2019

Lạ lùng quá, vua các nước mặc long bào ngồi uy nghi trên ngai vàng, còn Vua Giêsu lại mặc mỗi cái khố chết treo trên thánh giá! Cảnh lạ lùng này cho thấy Vua Giêsu Kitô khác biệt các vua chúa trần gian.

Tại sao lễ Chúa Kitô Vua Giáo hội cho đọc bài Phúc Âm Chúa chịu chết trên thánh giá? Bởi vì ngai thánh giá đã chứng tỏ cho thấy tình yêu nhân loại của Vua Giêsu lớn đến độ dám sẵn lòng hiến dâng mạng sống, dám chết vì người mình yêu. Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu. Vì thế, muốn làm công dân trong vương quốc Vua Giêsu, ta chỉ còn cách luôn sống yêu thương như Ngài.

Thêm vào đó, ngay giữa lúc đớn đau tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần vì bị người ta cười nhạo, chế giễu, nhục mạ, đóng đinh vào thập giá, thì Chúa Giêsu vẫn không một chút oán thù giận ghét, ngược lại còn cầu xin tha tha thứ cho kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã thiết lập một vương quốc mới: một vương quốc chỉ có tình thương chứ không có oán thù, chỉ có lòng bao dung tha thứ chứ không còn lên án kết tội. Một vương quốc mới quá tuyệt vời khiến cho anh trộm phải nài xin: “Ông Giêsu ơi, khi Ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi”. Chúa đã cho anh vào thiên đàng. Ôi, tay trộm này quá siêu. Cả đời đi ăn trộm đủ thứ, và cuối cùng, lại ăn trộm được luôn cả nước Thiên Đàng! Vua Tình Thương cứu vua ăn trộm!

Chúng ta tin nhận Chúa là Vua, vậy hãy vâng theo lệnh yêu thương tha thứ Vua đã ban, hãy đi theo tháp tùng Vua Giêsu trên con đường loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúng ta là con Chúa Kitô Vua vũ trụ - hãy ghi nhớ và hãy sống sao cho xứng với phẩm giá cao cả này!

CON VUA HAY LÀ CON GÌ?

Hai vợ chồng giận dữ cãi nhau. Chồng điên tiết quát: “Cô có im ngay cái miệng lại không. Sao cứ gầm lên như con cọp cái vậy?”

Cô vợ chẳng vừa đốp lại: “Tôi không im được. Ai mà chịu nổi anh cứ lăng nhăng như con dê xồm ấy.”

Thằng con ôm đầu nhăn mặt kêu lên: “Trời ơi! Nếu bố là con dê xồm, mẹ là con cọp cái, rồi đẻ ra con, thì con là thứ con gì!?”

..... Chẳng lẽ là con lạc loài!?

..... Giá mà chồng khen ngợi vợ: “Ôi công chúa của anh!” Và vợ cũng thỏ thẻ với chồng: “Ôi hoàng tử của em!” Thì chắc thằng con sẽ sung sướng thốt lên: “Ôi hoàng tử bố và công chúa mẹ đúng là con của Chúa Kitô Vua!”
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 34 Mùa Thường Niên 24/11/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:44 23/11/2019
Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3

"Họ xức dầu phong Ðavít làm vua Israel".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: "Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: 'Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'".

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20

"Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ chúng ta đã đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ Chúa Kitô Vua : Và Mặt Trời Vẫn Sẽ Toả Nắng
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
09:17 23/11/2019
Chúa Nhật Chúa Kitô Vua 2019

Sau những tàn phá khủng khiếp về vật chất cũng như tinh thần của cuộc thế giới đại chiến lần thứ nhất (1914-1918), thế giới, đặc biệt là u Châu, một lục địa gần như có chung cội nguồn và văn hoá Kitô giáo, gần như đang rơi vào một toàn cảnh xã hội đầy rạn nứt, phân rẽ, hận thù, mất niềm hy vọng…

Trước một thế giới đầy ảm đạm đó, ĐGH Piô XI, qua Thư luân lưu QUAS PRIMAS ngày 11.12.1925, đã quyết định thiết lập lễ Đức Kitô Vua vũ trụ và năm 1970 được xác định cử hành vào Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ với chủ ý: qui hướng toàn nhân loại trong Vương quốc tình yêu của Đức Kitô và Chúa Giê-su Ki-tô làm Vua chính là đĩnh cao, là điểm đến của một chặng đường sống đức tin của dân Chúa.

Chúng ta cùng dừng lại suy niệm đôi điều về sứ điệp của ngày đại lễ đặc biệt nầy.

Đó là chuyện của 2000 năm trước….

Theo lịch sử của dân tộc Ít-ra-en, nhất là qua các “chuyện kể” của 4 cuốn sách đặc biệt mang tên “Tin Mừng” xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ thứ nhất, trong một đất nước Do Thái đang bị xâu xé dưới gót giày của đế quốc Rôma cùng với một bạo vương Hêrôđê bù nhìn và thất đức, đã dậy sóng tưng bừng từ bắc chí nam với sự xuất hiện đầy quyền năng “từ lời nói đến hành động” của một anh chàng thợ mộc đến từ làng quê Na-da-rét: Đức Giêsu.

Với phong cách mã thượng đượm chút phong trần của một “anh hùng áo vải” đến từ giới “bần dân” vô danh tiểu tốt, cùng với những thành công vang dội qua những dấu lạ chiến thắng lẫy lừng trên quỉ ma và bệnh tật…, phần nào sự xuất hiện của Giêsu Nadarét gần như tương đồng với sự xuất hiện của một vị đế vương lừng danh của dân tộc Ít-ra-en trước đó 10 thế kỷ: Thánh vương Đavit; đến đổi có nhiều người đã gọi tên Người bằng danh hiệu “Con Vua Đavít”!

Vâng, Đavit, một chàng trai chăn cừu, đã chiến thắng ngoạn mục trước người hùng Goliat chỉ bằng vai viên đá cuội, trở thành tướng quân dưới trướng vua Saolê và rồi bị săn đuổi như một tên tướng cướp. Đứng trước một It-ra-en rệu rã, yếu hèn trước các thế lực lân bang hùng mạnh, trước một vua Saolê đang hồi mất uy tín, dân It-ra-en đã nhìn thấy bóng dáng oai hùng của một Đavít, một vị vua xứng đáng chấp chính vương triều It-ra-en để quy tụ lòng dân và xây dựng một It-ra-en hùng cường vĩ đại… Và họ đã tập trung tại Hébron để tôn nhận tân vương Đavít sau khi các kỳ mục của dân đã hoàn tất nghi thức xức dầu tấn phong và tân vương ký kết giao ước, như chúng ta vừa nghe sách Samuel thuật lại trong Bài đọc 1.

Thế nhưng, nếu niềm hy vọng vào “vương triều Đavít” của dân Ít-ra-en đã thực sự được đáp ứng với tài kinh bang tế thế của Đavít cùng với độ cường thịnh ngút ngàn của vương quốc Ít-ra-en (1 Sb 18,1-14; 2 Sm 8,15-18), thì trái lại, niềm hy vọng “vương quốc của của Giêsu”, của Con người được mệnh danh là “Con Vua Đavít”, một niềm hy vọng được đồng hoá với “niềm hy vọng vào một Đấng Đước Xức Dầu – Kitô” vẫn hằng cháy bỏng suốt cả ngàn năm trong lịch sử, gần như đã bị sụp đổ hoàn toàn sau cái “bản tin động trời” của ngày Thứ Sáu trước lễ Vượt Qua”: Giêsu đã bị môn đồ phản bội, bị bắt trong vườn cây Dầu, bị Hội đồng cộng tọa kết án, bị trao cho tổng trấn Philatô tuyên án tử hình thập giá và bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp !

Phải chăng cũng vì thế, mà đã có không ít người trước đó mấy hôm, tay còn quay tít cành lá ô-liu miệng hô vang lời “vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô Con vua Đa-vít”, trong khí thế của những thần dân tháp tùng một đấng Quân vương hiển hách, thì vào “ngày thứ Sáu định mệnh” nầy, đã hậm hực trở cờ: “đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”! Và cho dù “bản án trên thập giá có được viết bằng 3 thứ tiếng Hy lạp, Do Thái, La Tinh với hàng chữ lớn “GIÊ-SU NA-DA-RÉT, VUA D N DO THÁI”, thì cũng chẳng thuyết phục được ai còn chút hy vọng cỏn con rằng đằng sau cái thân xác bê bết máu, cái thân hình tàn tạ rách nát bị treo trên thập giá kia là một Vua Giêsu uy quyền và chiến thắng ! Quả thật, với không gian thê thảm của Đồi Sọ chiều hôm ấy, không ai có đủ tầm nhìn xa hơn nữa để nhớ lại và hiểu chính lời của Đức Giêsu đã tuyên cáo trước tòa Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian nầy…Chính Ngài nói rằng tôi là vua. Tôi sinh ra và đã đến thế gian nầy vì điều nầy: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía của sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 19,36-37).

Nhưng lạ lùng thay ! Chính trong lúc tưởng như cả rừng người trên Đồi Sọ hôm ấy đã thất vọng hoàn toàn về “tên tử tội Giêsu cứ lặng thinh trên thập giá”, mặc bao lời thách thức và lăng nhục: “Nếu ông là vua dân Do thái, thì hãy cứu lấy mình đi”, thì vẫn còn có, ít là một người, hướng về phía “Người tử tội đáng thương” kia để nhận ra “đó chính là Vị Vua đích thật và Vương Quốc của Ngài đang thực sự mở ra”. Vâng, người trộm bên hữu, sau khi trách mắng “tên đồng đảng xấc xược”, anh ta đã quay về phía Người tử tội đang hấp hối Giêsu và thưa lên những lời mà có lẽ đức tin của chúng ta hôm nay cũng chỉ là cuộc phấn đấu để được hiện thực chính lời thân thưa đó: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và anh đã không thất vọng khi nhận được hồi đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Quả thật, nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu trong tư thế của một đấng làm câm miệng tiếng thét gào của cuồng phong bão tố, hay khi khuất phục cả thần chết để phục sinh thân xác của một Lazarô đã 4 ngày trong huyệt mộ, hoặc đường hoàng làm chắc bụng cả mấy ngàn người chỉ bằng 5 chiếc bánh và 2 con cá…thì quả thật không khó; cũng vậy, với một Giêsu vinh quang sáng láng trong sự kiện “Biến hình trên núi Tabo” thì quá dễ để thuyết phục Phêrô tin Thầy mình là Đấng Mêsia ; và chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ có cuộc quay đầu trở lại “tâm phục vua Giêsu và Vương quốc của Ngài” của một Phaolô thù địch cứng đầu nếu anh ta không bị khuất phục bởi quyền năng của một Giêsu vô hình đánh cho “ngã ngựa và mù mắt” trên đường Đa-mat; một sự “tin phục” mà hôm nay chúng ta có thể nhận ra cách tỏ tường trong bài “tuyên tín Côlôsê” của ngài vừa được công bố qua Bài đọc II: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi…”.

Nhưng ở đây, trong trường hợp của một tên trộm bị đóng đinh như Tin Mừng Luca vừa tường thuật, dám liều mình để tin vào một “Vương Quốc” đến từ một tội đồ thân tàn ma dại, sắp lìa đời trong cái chết thảm thương tủi nhục thì quả là một đức tin phi thường mà nếu không có ân sủng chắc chắn sức tự nhiên con người không thể vươn tới!

Cùng với hồng ân của Thiên Chúa, phải chăng chính lòng khiêm hạ của trái tim ăn năn sám hối đã làm cho đôi mắt tâm hồn của tên trộm mở ra để nhìn thấy một điều kỳ diệu mà biết bao người không thể thấy được, để tin vào một nhiệm mầu mà không phải ai cũng có thể tin! Và đó chính là cách thế, là con đường, là sự chọn lựa căn bản để con người có thể đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, để khám phá được Vương quyền của Đức Kitô, và để được đi vào Vương quốc thần linh của Ngài: phải ăn năn sám hối, phải khó nghèo khiêm hạ, phải trở nên bé nhỏ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

Và hôm nay, với Phụng vụ lễ Chúa Kitô làm Vua, Hội Thánh còn muốn nói với chúng ta rằng: Vua Kitô vẫn còn đang tiếp tục đăng quang trong thế giới và Vương Quốc của Ngài đang từng ngày mở rộng đến mọi biên cương.

Nếu ngày xưa, Đức Kitô đã lựa chọn khoảnh khắc của “cái giờ” bi đát trước tòa án Philatô để long trọng tuyên cáo “Ông nói đúng. Tôi là Vua” trong tấm thân thảm thương rách nát của một tên tội đồ bị xử án ; thì hôm nay Ngài cũng đăng quang như thế trong thân phận của bao nhiêu những người công chính bị bách hại vì Tin Mừng, những thừa sai truyền giáo và phục vụ yêu thương, những ngôn sứ của tự do, dân chủ, công bằng xã hội... bị kết án bất công, bị đọa đầy bách hại đang cần sự liên đới, hỗ trợ, cảm thông để có thể đương đầu và trụ vững.

Và nếu ngày xưa, Đức Kitô đã lựa chọn khoảnh khắc cô đơn sầu thảm khi bị đóng đinh trên cây khổ giá để mở mắt tâm hồn và đón nhận niềm tin của tên tử tội khi ngước mắt van xin: “Khi Ngài vào Nước Ngài xin nhớ đến tôi” ; thì hôm nay, Ngài cũng đăng quang như thế khi tái diễn Hy tế Thập Giá trên bàn thờ để những ai chấp nhận thuộc về Ngài dám hy sinh tất cả, dám chết đi cho chính mình để thuyết phục nhiều người gia nhập vào Vương quốc của Đấng Phục Sinh, Vương quốc của tình yêu và sự sống.

Vâng , trong thế giới nầy đang hiện hữu một Vị Vua và Vương Quốc như thế. Cho dù có một đôi lúc, chúng ta bị cám dỗ rằng Thiên Chúa đã vắng bóng, Vua Kitô đã thua cuộc.

Vua Kitô và Vương quốc của Ngài ở đâu khi một đất nước Syria, và còn nhiều nơi trên địa cầu đang ngập tràn bom đạn, máu đổ, đầu rơi…?

Vua Kitô và Vương quốc của Ngài ở đâu khi các bạn trẻ, học sinh và sinh viên Hồng Kông bị chính những người cùng dân tộc, quê hương đối xử bạo tàn bằng lựu đạn cay, dùi cui, bạo lực, hảm hiếp…?

Ngài vẫn ở đó và Vương quốc của Ngài vẫn đang hiện diện; đang hiện diện trong cô bé Malala Yousafzai tại vùng thung lũng Swat tại Tây Bắc Pakistan mới 15 tuổi đã can đảm lên tiếng cho quyền tự do được học hành để trả giá bằng viên đạn thù ghét của Taliban, nhưng vẫn được cứu thoát để năm 2014, được lãnh giải Nobel Hoà Bình khi mới vừa 17 tuổi.

Ngài vẫn ở đó và Vương quốc của Ngài vẫn đang hiện diện trong một người trẻ khác, cô Sophie Scholl mà khi toà án của chế độ Phát xít Đức kết án tử hình năm 1943 cũng chỉ mới vừa tròn 20 tuổi, với tội danh tham gia nhóm “Hoa Hồng Trắng” chống lại chế độc độc tài của Hitler. Cô đã rời phiên toà để bị chém đầu với mấy lời nhắn lại: “Và mặt trời vẫn sẽ tỏa nắng"

Ngài vẫn ở đó trong những bạn trẻ tiêu biểu của Hồng Kông hôm nay như Joshua Wong, Agnes Chow “đang đi khắp các nước tiến bộ để diễn thuyết, nói về đất nước mình để tìm kiếm sự hậu thuẫn, ủng hộ về chính trị cho một nền dân chủ đang bị đe dọa, hủy hoại bởi mẫu quốc. Họ sẵn sàng từ bỏ quốc tịch mà hàng triệu người mơ ước ở các nước tư bản có đầy đủ sự tự do dân chủ để ở lại với Hk, để đấu tranh và cháy hết mình cho tuổi trẻ dù cái giá là những lần vào tù sau song sắt.”

Vâng, Vua Kitô và Vương quốc của Ngài vẫn ở đó trong hàng vạn mái nhà ấm cúng thân thương đang vang lên bao tiếng khóc oa oa chào đời của bao nhiêu em bé trong vòng tay yêu thương của những người cha, người mẹ đạo đức thánh thiện ; ở giữa trăm ngàn công xưởng trên thế giới có hàng triệu bàn tay những người công nhân liêm chính, tốt lành, ở giữa hàng hàng lớp lớp thanh niên nam nữ với bao nhiêu tâm hồn quảng đại anh hùng hiến thân cho lý tưởng phục vụ anh chị em trong cuộc sống tu trì hay trong những tổ chức thiện nguyện… Vâng, vương quốc của tình yêu và sự sống, của ân sủng và bình an vẫn đang từng ngày lớn lên như “hạt cải”, như mầm non giữa lòng đất để chờ ngày kết trái đâm bông, như vừa đơm bông dạt dào trên sân vận động quốc gia thủ đô Bangkok của Thái Lan trong Thánh lễ đại trào chiều thứ Năm ngày 21.11.2019 vừa qua, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành cùng với hàng trăm ngàn tín hữu Thái Lan và Châu Á…

Tóm lại, lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, vừa mời gọi chúng ta tái khẳng định niềm tin vào Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ, là Đấng qui tụ chúng ta và đang dẫn chúng ta vào Vương quốc tình yêu và sự sống của Ngài. Đồng thời cũng gọi mời chúng ta kiểm tra cuộc sống theo Chúa Ki-tô mỗi ngày, biết nhìn thấy Chúa Kitô nơi những người khổ đau bất hạnh để yêu thương và phục vụ, biết can đảm dấn thân đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, tự do, dân chủ, sự thật, biết không ngừng hoán cải để trở nên bé nhỏ khiêm nhu, biết ăn năn sám hối và vững lòng trông cậy hầu khi kết thúc thời gian, chúng ta sẽ được Vua Kitô nói với ta bằng chính lời khi xưa Ngài đã dành cho người kẻ trộm bên hữu: “Hôm nay con sẽ trên thiên đàng với Ta”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Tổng Giám Mục Tokyo của hãng tin Zenit: sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết là điều vô giá
Vũ Văn An
00:27 23/11/2019
Trong một cuộc phỏng vấn của Hãng tin Zenit trên chuyến máy bay chở Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua thăm hai nước Thái Lan và Nhật Bản, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi của Tokyo, người tháp tùng Đức Thánh Cha suốt chuyến viếng thăm, đã nói lên mối quan tâm của ngài đối với việc tôn trọng sự sống, đồng thời cho biết nhiều điều về hiện tình người Công Giáo và xã hội Nhật Bản.



Ít ai biết Đức Thánh Cha

Về không khí tại Nhật trước chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho biết: Người Công Giáo, hay thậm chí cả toàn bộ cộng đồng Kitô giáo, chỉ là một thiểu số tí hon ở Nhật Bản, nên, Đức Thánh Cha không được công chúng biết nhiều. , Đức Tổng Giám Mục họa hiếm mới thấy hoặc nghe các phương tiện truyền thông Nhật nhắc đến Đức Thánh Cha. Ngay trong các viên chức chính phủ hay các chính trị gia, tầm quan trọng của Đức Thánh Cha trong các liên hệ quốc tế như một thế giá tinh thần cũng không được hiểu biết sâu sắc lắm. Đối với nhiều người, chuyến viếng thăm chỉ được coi như một chuyến viếng thăm nữa của một trong các nhà lãnh đạo tôn giáo “nổi tiếng”. Nên, việc Giáo Hội Công Giáo ở Nhật làm là cố gắng hết mình để phổ biến tin tức về Đức Thánh Cha, vai trò của Tòa Thánh trong các liên hệ quốc tế và, dĩ nhiên, về Giáo Hội Công Giáo nói chung. Ngài hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ để lại một ấn tượng sâu xa trong lòng nhiều người qua sứ điệp yêu thương, bình an và hy vọng để nhiều người tìm thấy chìa khóa chọn đường lối tốt hơn để có được hy vọng vào tương lai.



Bảo vệ sự sống

Được hỏi tại sao khẩu hiệu của chuyến viếng thăm nói về sự sống, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi nói rằng ngày nay, “tin Mừng Sự Sống”, một khẩu hiệu của Đức Gioan Phaolô II, là điều thực sự cần thiết đối với xã hội Nhật Bản nơi sự sống con người không được tôn trọng, các con người nhân bản được định giá bằng việc họ góp phần bao nhiêu vào việc phát triển xã hội. Và người khuyết tật bị đẩy qua bên lề, đôi khi quyền sống của họ không được bảo vệ. Ở Nhật hiện nay, rất nhiều người rối trí khi đi tìm hy vọng cho tương lai, cảm thấy bị cô lập hay bị đẩy qua bên lề. Việc phát triển kinh tế là câu truyện của quá khứ. Với rất ít ngoại lệ, đại đa số người trẻ không tìm được việc làm ổn định dù đã nhiều năm học đại học hay cao đẳng. Trẻ già đều bị cô lập trong xã hội vì không ai săn sóc họ. Truyền thống tốt đẹp như cộng đồng trợ giúp cũng đang trở thành những câu truyện của quá khứ, nhất là ở các đô thị lớn nơi dân số gia tăng nhanh chóng. Ở các khu vực nông thôn, dân số già đi và các cộng đồng đang có nguy cơ bị tận diệt. Cô lập, nghèo khó, không tôn trọng sự sống và không thể tìm được hy vọng cho tương lai đang giết dần con người trong xã hội hiện đại Nhật Bản. Đó là lý do Giáo Hội Nhật phải cổ vũ và bảo vệ sự sống.

Quá khứ bách hại và hiện tình cộng đồng Công Giáo Nhật

Đáp lại một câu hỏi, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho hay: gần đây, Giáo Hội Nhật cổ vũ việc tôn kính các vị tử đạo thời bách hại, bắt đầu với 188 vị tử đạo được phong chân phước năm 2008 và một mình Ukon Takayama được phong chân phước năm 2017; ngài là một người Công Giáo “kirishitan daimyo” (đại danh Kitô hữu) và “samurai” (dũng sĩ) vốn sống và lưu vong tại Phi Luật Tân thế kỷ 17. Người Công Giáo Nhật muốn học hỏi từ các vị tử đạo thánh thiện này không chỉ vì các ngài đã can đảm tuyên xưng đức tin mà còn vì cách các ngài đã sống làm chứng tá cho Tin Mừng ra sao giữa đa số người không phải là Kitô hữu. Các ngài không rao giảng Tin Mừng chỉ bằng lời mà bằng cách sống và tương tác với người khác nhất là với những người cần được giúp đỡ. Nhờ hành động từ nhân của các ngài, 53 vị tử đạo ở Yonezawa được nhiều người thừa nhận ngay thời bách hại. Người Công Giáo Nhật muốn noi gương các vị này. Họ hiện là thiểu số, nhưng họ muốn chứng tỏ cho người khác thấy họ sống ra sao như con cái Thiên Chúa, sống tốt lành bằng lời nói và hành động, qua các mối liên hệ với người khác.

Đức Tổng Giám Mục thuật lại một số điển hình sống đạo của người Công Giáo Nhật hiện nay: sau thảm họa ngày 11 tháng Ba năm 2011 ở khu vực Tohoku, Caritas Nhật Bản cùng với toàn thể Cộng Đồng Công Giáo ở Nhật đã lập 4 trung tâm thiện nguyện ở vùng duyên hải để trợ giúp các nạn nhân và góp phần phục hồi các cộng đồng địa phương. Hiện họ vẫn duy trì 5 căn cứ và được dân địa phương đánh giá cao; một số gọi các tình nguyện viên là “Ông Caritas” hay “Bà Caritas”. Đó là lối truyền giảng tin mừng của người Công Giáo Nhật, qua việc đóng góp cho xã hội bằng cách giúp một tay cho những ai gặp khó khăn trong cuộc sống và cũng tái tạo nhiều mối liên hệ giữa con người để cứu họ ra khỏi cảnh cô lập.

Các thách đố lớn nhất của xã hội Nhật

Về các thách đố của xã hội Nhật, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho hay tháng 7 năm 2016, việc sát hại 19 người khuyết tật tại Tsukui Yamayurien cho thấy xã hội Nhật không tôn trọng sự sống. Người thanh niên sát hại họ nói rằng họ không có gì để đóng góp cho xã hội và do đó, không đáng sống. Điều đáng nói là nhiều người Nhật ủng hộ hành động của anh ta trên internet. Rõ ràng sự sống con người đang gặp nguy hiểm trong xã hội Nhật. Nó phải được bảo vệ từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc tự nhiên. Sứ điệp này hiện đang thiếu bóng trong xã hội Nhật.

Ngài cũng kể thêm các nguy hiểm cận kề sự sống con người. Kể từ năm 1998 cho tới nay, hơn 20,000, có khi hơn 30,000 người tự tử ở Nhật. Trong xã hội hiện đại và tiên tiến này, dư đầy của cải vật chất, người ta bị dồn vào chân tường đành phải kết liễu mạng sống.
Một khía cạnh khác của xã hội Nhật là vấn đề di dân. Một số khó hội nhập xã hội Nhật và do đó bị cô lập. Một số bị chủ nhân xử tệ. Nói chung, người tị nạn không được cả chính phủ lẫn công chúng hoan nghinh. Miễn cưỡng lắm chính phủ Nhật mới chịu cấp tư cách tị nạn cho những người tới đất nước họ để tìm an toàn. Tất cả những vấn đề này đều được xếp vào loại de dọa đối với sự sống. Sự sống con người quả đang đương đầu với thách thức lớn tại đất nước này và che chở sự sống con người phải được coi là một ưu tiên.

Đạo Công Giáo và người Nhật

Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho rằng người Nhật ít biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng đạo Công Giáo thì được nhiều người Nhật biết đến, nhờ sự hiện hữu của các định chế giáo dục Công Giáo từ Mẫu giáo tới Đại học. Có khá nhiều các định chế như thế khắp nước Nhật. Nên khá nhiều người có dịp gặp gỡ Chúa Kitô ít nhất trong thời gian đến trường.

Ý nghĩa việc đến thăm Hiroshima và Nagasaki

Nhắc đến hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho hay: gửi thông điệp hòa bình từ 2 thành phố bị bỏ bom nguyên tử có tác động rất sâu xa đối với mọi người trên thế giới và công chúng Nhật. Đức Tổng Giám Mục cho rằng chính phủ Nhật cũng muốn một vị như Đức Thánh Cha với tiếng nói tinh thần mạnh mẽ đưa ra lập trường rõ ràng chống lại vũ khí hạch nhân và lên tiếng từ đó. Nên việc viếng thăm Hiroshima và Nagasaki của Đức Thánh Cha có ý nghĩa lớn đối với chuyến đi. Đức Tổng Giám Mục hy vọng rằng sứ điệp của Đức Thánh Cha sẽ gây cảm hứng cho cả chính phủ lẫn công chúng Nhật một lần nữa nghiêm túc cam kết không phổ biến lan tràn hạch nhân và hoàn toàn loại bỏ vũ khí hạch nhân lúc các căng thẳng quốc tế tại các nước láng giềng lên đến mức báo động.

Ý nghĩa chuyến viếng thăm

Về chuyến viếng thăm, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi tin rằng Đức Thánh Cha đến Nhật để chỉ cho người Công Giáo Nhật cách nên truyền giảng tin mừng ra sao tại Nhật. Là người kế nhiệm Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cố gắng chu toàn sứ mệnh hàng đầu của ngài là công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, công bố bằng lời và bằng hành động. Ngài làm như thế trong thời gian ở Nhật.

Về ý nghĩa đối với toàn bộ Á Châu, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho rằng có nhiều Lãnh thổ Truyền giáo trên thế giới, nhưng Kitô hữu là thiểu số tí hon ở hầu hết các quốc gia Á Châu. “Chúng tôi lao đao không phải chỉ vì sự sống còn của chính mình mà còn để làm nhân chứng cho Tin Mừng. Chúng tôi đánh giá cao tình yêu của Đức Thánh Cha đối với Á Châu và nhất là tình yêu của ngài đối với Nhật Bản. Đây quả là một khích lệ lớn đối với tất cả chúng tôi ở Á Châu. Tại đây, chúng tôi luôn cố gắng đối thoại với văn hóa, tôn giáo và người ta, nhất là người nghèo, và cuộc đối thoại tay ba này nhất định là điều cần thiết trong các cố gắng truyền giáo của chúng tôi. Nên chúng tôi sung sướng nghinh đón Đức Thánh Cha, người vốn tôn trọng các nền văn hóa và tôn giáo khác và là người biểu lộ lòng cảm thương sâu xa đối với người túng thiếu”.
 
Đức Thánh Cha đã đến Tokyo trong một buổi chiều mưa gió
Đặng Tự Do
05:13 23/11/2019
Như chúng tôi đã đưa tin lúc 9g sáng Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2019, đã có nghi thức từ biệt tại Terminal 2 của sân bay Bangkok và lúc 9:30 máy bay đã cất cánh đưa ngài sang Tokyo.

Sau 6 giờ 10 phút bay, lúc 17:40, Đức Thánh Cha đã đến sân bay Haneda của thủ đô Tokyo. Sân bay này được kể là gần nhất nhưng cũng cách trung tâm thành phố Tokyo đến 29km. Một sân bây quốc tế khác của thủ đô Tokyo là Narita nằm cách trung tâm thành phố Tokyo đến 71km.

Đức Thánh Cha đã đến nơi trong một buổi chiều mưa gió. Trước khi ngài đến đã có mưa lớn, nhiệt độ xuống thấp đến 14oC, gió mạnh thổi từ phía Bắc giật từng cơn lên đến 39km một giờ.

Khi Đức Thánh Cha đến nơi mưa tạnh được một lúc. Dự báo thời tiết cho biết buổi tối sẽ có mưa lớn.

Các quan chức Nhật Bản ra tận chân thang máy bay để đón Đức Thánh Cha. Có khoảng 20 Giám Mục ra đón Đức Thánh Cha. Đức Tổng Giám Mục Mitsuaki Takami, Tổng Giám Mục Nagasaki, và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã thay mặt cho 29 Giám Mục nước này chào mừng Đức Thánh Cha.

Vì gió lớn nên các lễ nghi được diễn ra bên trong phòng khánh tiết của sân bay.

Với chuyến tông du này, Đức Thánh Cha đã đạt được nguyện vọng từ lâu của ngài là đến miền đất mặt trời mọc này để truyền giáo. Cũng với chuyến tông du này ngài đã trở thành vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Nhật Bản.

Vị tiền nhiệm của ngài, là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã đến đây 38 năm trước, cụ thể là vào năm 1981; và để lại những dấu ấn lâu dài cho Giáo Hội Công Giáo địa phương.

Chuyến thăm đó đã giúp người dân Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Giáo hội trong xã hội. Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã đến thăm Hiroshima, Nagasaki và cả Tokyo Dome lẫn Đại học Sophia trong chuyến thăm lịch sử của ngài.

Như thế, sau 38 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có một hành trình phản ánh chặt chẽ chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài sẽ đến Nagasaki và Hiroshima vào ngày Chúa Nhật, và dành ngày thứ Hai và thứ Ba tại Tokyo, nơi ngài sẽ đến thăm cùng một trường đại học do Dòng Tên điều hành và cử hành Thánh lễ tại Tokyo Dome.

Căn cứ trên các nhận định của các phương tiện truyền thông Nhật Bản, hầu hết người Công Giáo tại Nhật đều chắc chắn rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có tác động lâu dài đến cả đất nước và Giáo hội địa phương.

Nếu như tại Thái Lan, người đảm trách phiên dịch cho ngài là người em gái họ của ngài, sơ Ana Rosa Sivori, thì tại Nhật Bản, người phụ trách công việc này là cha Renzo De Luca, một linh mục dòng Tên, từng là học trò của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nhật Bản là một đảo quốc nằm trên Thái Bình Dương, ở vùng Đông Á gồm khoảng 6,852 đảo, chủ yếu nằm trong khu vực ôn đới với bốn mùa rõ rệt, nhưng có khí hậu khác biệt dọc theo chiều dài đất nước. Năm hòn đảo chính yếu là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và Okinawa, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền của nước này, nhưng phần nhiều chỉ là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản rất hạn chế.

Với tổng diện tích 377,915 km2, Nhật Bản đứng thứ 63 trên thế giới về mặt diện tích. Dân số khoảng là 127,700,000 người, xếp thứ 10 trên thế giới.

Người Nhật chiếm khoảng 98.1% tổng dân số. Năm 2015, viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất. Trong khi đó, Trung Quốc, Hương Cảng, Nhật Bản là những nước có tỷ lệ cao nhất những người xưng mình là vô thần.

Xét về chỉ số thu nhập quốc dân GDP, quốc gia này có nền kinh tế đứng hạng ba thế giới và đứng hạng tư hành tinh cả về kim ngạch nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Mặc dù không có quyền tuyên chiến, Nhật Bản có một lực lượng quân đội hiện đại với ngân sách cao thứ tám thế giới. Nhật Bản là một nước phát triển với mức sống và chỉ số phát triển nhân văn rất cao, trong đó người dân được hưởng tuổi thọ cao nhất thế giới, đứng hạng ba trong số những quốc gia có tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới, và vinh dự có số người đoạt giải Nobel nhiều nhất Á châu.

Sau lễ nghi chào đón chính thức tại đây, Đức Thánh Cha đã về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Tokyo để gặp gỡ các Giám Mục nước này.


Source:Vatican News
 
Giới thiệu Tổng giáo phận Nagasaki
Đặng Tự Do
17:02 23/11/2019
Phần lớn các sinh hoạt trong ngày hôm nay của Đức Thánh Cha diễn ra tại Nagasaki. Do đó, chúng tôi xin được trình bày vài nét về tổng giáo phận này.

Nagasaki là Tổng giáo phận lớn thứ hai tại Nhật với 62,265 người Công Giáo trong tổng số 1.3 triệu dân. Tức là chiếm 4.5% dân số. Tổng giáo phận có 132 linh mục, 60 nam tu sĩ không có chức linh mục và 704 nữ tu. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 72 giáo xứ.

Giáo phận Nagasaki có từ năm 1866 khi Đức Giám Mục Bernard Petitjean, thuộc Hội Thừa Sai Paris, được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Nhật Bản, đã chuyển nơi cư trú của ngài từ Yokohama đến Nagasaki. Mười năm sau đó, tức là vào năm 1876, khi Miền Phủ Doãn Tông Tòa Nhật Bản được chia thành hai miền Bắc và Nam, Đức Cha Petitjean đã được bổ nhiệm là Giám Quản Tông Tòa của Miền Phủ Doãn Tông Tòa Nam Nhật Bản, và có quyền tài phán đối với các vùng Kinki, Chugoku, Shikoku và Kyushu. Vào năm 1888, khi Miền Phủ Doãn Tông Tòa Trung Nhật Bản được thành lập, ba vùng Kinki, Chugoku và Shikoku đã được sát nhập vào cơ chế mới này. Quyền tài phán của Miền Phủ Doãn Tông Tòa Nam Nhật Bản chỉ còn giới hạn trong khu vực Kyushu và được nâng thành Miền Giám Quản Tông Tòa. Vào ngày 15 tháng 6 năm 1891, Miền Giám Quản Tông Tòa Nam Nhật Bản đã được nâng lên vị thế của một Giáo phận và gọi là Giáo phận Nagasaki.

Vào ngày 18 tháng 3 năm 1927, hai quận Kagoshima và Okinawa được sáp nhập vào Miền Phủ Doãn Tông Tòa Kagoshima mới được thành lập. Vào ngày 16 tháng 7 cùng năm, tách ra khỏi Hội Thừa Sai Paris, Giáo phận Nagasaki trở thành giáo phận đầu tiên dưới quyền lãnh đạo của Giáo Hội địa phương Nhật Bản và có quyền tài phán tại Nagasaki mà thôi. Biến cố này diễn ra sau khi 5 quận Fukuoka, Saga, Kumamoto, Miyazaki và Oita được hợp nhất vào giáo phận Fukuoka mới được thành lập. Cha Kyunosuke Hayasaka được bổ nhiệm làm đấng bản quyền và vào ngày 30 tháng Giêng cùng năm đã trở thành người Nhật Bản đầu tiên được tấn phong Giám Mục. Khi Đức Cha Hayasaka về hưu vào năm 1937, Cha Aijiro Yamaguchi được bổ nhiệm làm Giám Mục thay cho ngài.

Vào ngày 14 tháng 5 năm 1959, Giáo phận Nagasaki được nâng lên thành Tổng giáo phận, và Đức Cha Yamaguchi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục đầu tiên của Nagasaki.

Khi Đức Tổng Giám Mục Yamaguchi về hưu, Đức Giám Mục Asajiro Satowaki của Kagoshima đã được bổ nhiệm kế vị ngài vào ngày 19 tháng Giêng năm 1968. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Nagasaki vào ngày 16 tháng 3 năm sau.

Năm 1978, cha Hisajiro Matsunaga được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá. Vào ngày 30 tháng 6 năm 1979, Đức Tổng Giám Mục Satowaki được tấn phong Hồng Y Nhật Bản và là vị Hồng Y Nhật Bản thứ ba.

Vào ngày 8 tháng 2 năm 1990, khi Đức Hồng Y Satowaki về hưu và Đức Giám Mục Kaname Shimamoto, Giám mục Urawa, được bổ nhiệm làm người kế vị. Ngài đã tấn phong Tổng Giám Mục vào ngày 8 tháng 5 cùng năm.

Cha Mitsuaki Takami, hiện nay là Tổng Giám Mục Nagasaki, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận vào ngày 23 tháng Giêng năm 2002 và thụ phong Giám Mục vào ngày 29 tháng 4 cùng năm.

Đức Tổng Giám Mục Shimamoto qua đời vào ngày 31 tháng 8 năm 2002 và tổng giáo phận bị trống tòa trong một thời gian. Vào ngày 4 tháng Giêng năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Cha Takami làm Tổng Giám mục Nagasaki và được tấn phong vào ngày 14 tháng Giêng năm 2003.


Source:Archdiocse of Nagasaki
 
Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám Mục Nhật Bản
Vũ Văn An
18:22 23/11/2019
Đức Phanxicô đã tới Nhật Bản trong một buổi tối trời mưa gió nặng nề. Theo Vatican News, thời tiết này quả là thích hợp để nhắc lại niềm khao khát tuổi trẻ của Bergoglio mong muốn được đi Nhật truyền giáo, nhưng bị từ chối vì lý do sức khỏe: Lúc 21 tuổi, ngài bị chứng lao phổi phải cắt bỏ một buồng phổi. Nhật không thích hợp cho một người yếu ớt như Bergoglio. Nay thì khác, không ai có thể ngăn cản ngài tới vùng đất không thân thiện về sức khỏe này. Không ngờ nó không buông tha ngài. Không hệ chi, ngài biết con đường truyền giáo tại Nhật không khác gì thời tiết ngài đang lao vào. Không những là dịp ngài cương định ý nguyện truyền giáo mà ngài còn có nhiệm vụ cương định ý nguyện truyền giáo của anh em mình, những người, ngài vội đến gặp ngay sau buổi tiếp đón ở phi trường Haneda.



Trong bài nói chuyện với “chư huynh”, Đức Phanxicô nói với các Giám Mục chủ đề chuyến viếng thăm của ngài là “Hãy bảo vệ mọi sự sống”. Ngài cũng chia sẻ với các ngài giấc mơ tuổi trẻ của ngài được đến Nhật truyền giáo. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài.

Chư huynh thân mến,

Trước hết, tôi cần cáo lỗi và xin lỗi vì đã vào mà không chào hỏi ai cả. Người Argentina chúng tôi thật thô lỗ làm sao! Tôi xin lỗi vì điều đó. Quả là một niềm vui được ở đây với chư huynh. Người Nhật nổi tiếng là người có phương pháp và làm việc chăm chỉ, và đây là bằng chứng: Giáo hoàng xuống máy bay và họ đưa ngài đi làm việc ngay lập tức! Cảm ơn nhiều.

Tôi rất biết ơn về quà phúc được đến thăm Nhật Bản và vì sự nghinh đón mà chư huynh đã dành cho tôi. Tôi đặc biệt cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Takami vì những lời nói của ngài thay mặt cho toàn thể cộng đồng Công Giáo ở đất nước này. Tại đây, trước sự hiện diện của chư huynh, trong cuộc họp chính thức đầu tiên này, tôi muốn chào hỏi từng thành viên trong các cộng đồng của chư huynh: giáo dân, giáo lý viên, linh mục, tu sĩ, người thánh hiến, chủng sinh. Tôi cũng muốn mở rộng vòng tay và cầu nguyện cho tất cả người dân Nhật Bản vào thời điểm được đánh dấu bằng việc đăng quang của tân Hoàng đế và sự khởi đầu của kỷ nguyên Reiwa.

Tôi không biết chư huynh có biết điều này không, nhưng từ khi còn nhỏ tôi đã cảm thấy thích và yêu mến những vùng đất này. Đã nhiều năm trôi qua kể từ đà thúc đẩy truyền giáo đó, mà sự thể hiện phải rất lâu mới diễn ra. Hôm nay, Chúa cho tôi cơ hội được đến giữa chư huynh với tư cách là một người hành hương truyền giáo theo bước chân của các nhân chứng vĩ đại của đức tin. Bốn trăm bảy mươi năm đã trôi qua kể từ khi Thánh Phanxicô Xavier đến Nhật Bản, môt biến cố đánh dấu sự khởi đầu của việc truyền bá Kitô giáo ở vùng đất này. Để tưởng nhớ ngài, tôi muốn cùng chư huynh cảm ơn Chúa vì tất cả những người, trong nhiều thế kỷ, đã tận tụy hiến thân cho việc cấy trồng Tin Mừng và phục vụ người dân Nhật Bản một cách rất dịu dàng và đầy yêu thương. Sự tận tụy hiến thân này đã mang lại cho Giáo hội Nhật Bản một khuôn mặt độc đáo. Tôi nghĩ đến các vị tử đạo, Thánh Phaolô Miki và các đồng bạn của ngài, và của Chân phước Justo Takayama Ukon, người ở giữa nhiều thử thách đã làm chứng cho tới lúc chết. Một việc tự hy sinh như vậy để giữ cho đức tin được sống động trong bối cảnh bách hại đã giúp cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé phát triển, lớn mạnh và sinh hoa trái. Chúng ta cũng có thể nghĩ tới “những Kitô hữu ẩn núp” của vùng Nagasaki, những người đã duy trì đức tin cho nhiều thế hệ, nhờ bí tích rửa tội, cầu nguyện và dạy giáo lý. Các Giáo hội tại gia chân chính từng tỏa sáng trên vùng đất này, như những phản ảnh của Thánh gia Nadarét dù chính họ có lẽ không biết điều này.

Con đường Chúa đã đi qua chỉ cho chúng ta thấy sự hiện diện của Người “đã diễn ra” như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của các tín hữu của Người, những người tìm cách giữ cho hoài niệm về Người luôn sống động. Sự hiện diện của Người là một sự hiện diện thầm lặng, một hoài niệm sống động khiến chúng ta nhận ra rằng bất cứ nơi nào hai người hoặc nhiều hơn tụ họp nhân danh Người, thì Người ở đó, bằng sức mạnh và sự dịu dàng của Thần Khí Người (x. Mt 18:20). DNA của các cộng đồng chư huynh được đánh dấu bởi chứng tá này, một thuốc giải độc chống lại sự tuyệt vọng, chỉ đường cho họ đi theo. Chư huynh là một Giáo hội sống động được bảo tồn bằng cách kêu cầu danh Chúa và suy ngẫm việc Người đã hướng dẫn chư huynh vượt qua cuộc bách hại ra sao.

Trung thành gieo hạt, chứng tá của các vị tử đạo và kiên nhẫn kỳ vọng các thành quả mà Chúa ban cho vào thời điểm của Người, đã là đặc điểm của lối tiếp cận tông đồ của chư huynh đối với nền văn hóa Nhật Bản. Kết quả là, trong nhiều năm qua, chư huynh đã khai triển được một hình thức hiện diện giáo hội mà phần lớn được xã hội Nhật Bản đánh giá cao, nhờ nhiều đóng góp của chư huynh cho lợi ích chung. Chương quan trọng này trong lịch sử của đất nước chư huynh và của Giáo hội hoàn vũ nay được công nhận với sự chỉ định các nhà thờ và làng xóm ở Nagasaki và Amakusa như là Di sản Văn hóa Thế giới. Nhưng trên hết, là niềm hy vọng sinh hoa trái cho mọi hình thức truyền giáo, như những đài tưởng niệm sống động của linh hồn các cộng đồng chư huynh.

Phương châm cuộc Tông Du của tôi là : “Hãy bảo vệ mọi sự sống”. Điều này có thể tượng trưng rất hay cho thừa tác vụ giám mục của chúng ta. Một giám mục được Chúa kêu gọi giữa dân của Người, và sau đó được trao lại cho họ như một mục tử, được kêu gọi bảo vệ mọi sự sống. Điều này xác định phần lớn các mục tiêu và đích nhắm của chúng ta phải là gì.

Truyền giáo ở những vùng đất này được đánh dấu bằng một cuộc tìm kiếm mạnh mẽ việc hội nhập văn hóa và đối thoại, một việc cho phép tạo nên các mô hình mới, độc lập với những mô hình được khai triển ở châu Âu. Chúng ta biết rằng, ngay từ đầu, văn chương, kịch nghệ, âm nhạc và nhiều loại nhạc cụ đã được sử dụng, phần lớn bằng tiếng Nhật. Đây là một dấu hiệu của tình yêu mà những nhà truyền giáo đầu tiên cảm nhận đối với những vùng đất này. Bảo vệ mọi sự sống, trước hết, có nghĩa có một ánh mắt chiêm niệm có khả năng yêu thương sự sống của mọi người được trao phó cho chư huynh, và nhìn nhận ra nó, trên hết, như quà phúc của Chúa. “Chỉ những gì được yêu thương mới được cứu vớt. Chỉ những gì được chấp nhận mới được biến đổi” (Diễn từ tại Buổi Canh thức với người trẻ, Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019). Một nguyên lý nhập thể có thể giúp chúng ta nhìn mỗi sự sống như một quà phúc nhưng không, ngoài những xem xét giá trị nhưng thứ yếu khác. Bảo vệ mọi sự sống và loan báo Tin Mừng không tách biệt hay chống đối nhau; đúng hơn, mỗi điều kêu gọi, và đòi hỏi, lẫn nhau. Cả hai đều ngụ hàm việc phải cẩn thận và cảnh giác đối với bất cứ điều gì, ở những vùng đất này, gây trở ngại cho việc phát triển toàn diện những con người được giao phó cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Chúng ta biết rằng Giáo hội tại Nhật Bản nhỏ bé và người Công Giáo chiếm thiểu số, nhưng điều này không nên làm giảm bớt cam kết của chư huynh đối với việc truyền giảng tin mừng. Trong tình huống đặc thù của chư huynh, lời lẽ mạnh mẽ và rõ ràng nhất chư huynh có thể nói là lời lẽ của một chứng nhân khiêm tốn, hàng ngày và cởi mở để đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác. Lòng hiếu khách và chăm sóc mà chư huynh bày tỏ với nhiều công nhân ngoại quốc đại diện cho hơn một nửa số người Công Giáo Nhật Bản, không chỉ làm chứng cho Tin mừng trong xã hội Nhật Bản, mà còn chứng thực cho tính phổ quát của Giáo hội. Điều này chứng tỏ rằng sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô mạnh hơn bất cứ sự ràng buộc hay thẻ căn cước nào khác, và có thể tham gia và trở thành một phần của mọi tình huống.

Một Giáo hội biết làm chứng có thể nói chuyện một cách tự do hơn, nhất là khi giải quyết các vấn đề cấp bách về hòa bình và công lý trong thế giới của chúng ta. Ngày mai tôi sẽ viếng Nagasaki và Hiroshima, nơi tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ dội bom thảm khốc ở hai thành phố này, và lặp lại lời kêu gọi tiên tri của chư huynh về giải trừ hạch nhân. Tôi ước ao được gặp những người vẫn còn mang vết thương của giai đọan bi thảm này trong lịch sử loài người, cũng như những nạn nhân của thảm họa ba mặt này. Những đau khổ tiếp diễn của họ là một lời nhắc nhở hùng hồn về bổn phận nhân bản và Kitô hữu của chúng ta phải hỗ trợ những người gặp khó khăn về thể xác và tinh thần, và cung hiến cho mọi người thông điệp Tin Mừng về hy vọng, chữa lành và hòa giải. Chúng ta hãy nhớ rằng sự ác không có sở thích thiên vị; nó không quan tâm đến hậu cảnh hay danh tính của người ta. Nó chỉ đơn giản xông vào bằng sức tàn phá của nó, như trường hợp gần đây với cơn bão tàn khốc từng gây ra rất nhiều thương vong và thiệt hại vật chất. Chúng ta hãy giao phó cho lòng Chúa thương xót những người đã chết, các gia đình của họ và tất cả những ai đã mất nhà cửa và của cải vật chất. Ước mong chúng ta đừng bao giờ sợ theo đuổi, ở đây và trên toàn thế giới, một việc truyền giáo có khả năng nói lên và bảo vệ mọi sự sống như quà phúc quý giá của Chúa.

Vì lý do này, tôi khuyến khích các nỗ lực của chư huynh trong việc bảo đảm rằng cộng đồng Công Giáo ở Nhật Bản cung cấp một chứng nhân rõ ràng cho Tin mừng ở giữa lòng xã hội lớn hơn. Việc tông đồ trong ngành giáo dục rất được kính trọng của Giáo hội đại diện cho một nguồn lực lớn để truyền giảng tin mừng và tiếp xúc với các trào lưu văn hóa và trí tuệ lớn hơn; phẩm chất đóng góp của nó đương nhiên tùy thuộc vào việc phát huy bản sắc và sứ mệnh Công Giáo rõ ràng khác biệt của nó.

Tất cả chúng ta đều nhận thức được các vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến mọi người trong các cộng đồng của chư huynh; cuộc sống của họ, vì nhiều lý do, được đánh dấu bằng sự cô đơn, tuyệt vọng và cô lập. Sự gia tăng tỷ lệ tự tử ở các thành phố của chư huynh, cũng như nạn dọa nạt (ijime) và các loại nhu cầu khác nhau, đang tạo ra các hình thức tha hóa và mất phương hướng tâm linh mới. Vì những điều này ảnh hưởng đến giới trẻ nói riêng, tôi yêu cầu chư huynh đặc biệt chú ý đến họ và các nhu cầu của họ. Chư huynh hãy cố gắng tạo ra các không gian trong đó nền văn hóa vụ hiệu năng, vụ hiệu suất và thành công có thể mở lòng ra đón nhận nền văn hóa yêu thương quảng đại và vị tha, có khả năng cống hiến cho mọi người, chứ không phải chỉ những người đã “thành công”, một khả thể sống hạnh phúc và thành công. Với lòng nhiệt huyết, các ý tưởng và năng lực của họ, những người trẻ tuổi - khi được đào tạo và đồng hành tốt - có thể là nguồn hy vọng sâu sắc cho những người cùng thời với họ và làm chứng quan trọng cho đức bác ái Kitô giáo. Một việc tìm kiếm sáng tạo, hội nhập văn hóa và giàu trí tưởng tượng để sống thông điệp Tin Mừng có thể có tác động mạnh mẽ đến rất nhiều cuộc đời hằng khao khát được cảm thương.

Tôi nhận ra rằng mùa gặt hiện rất lớn lao mà thợ gặt thì rất ít. Tôi khuyến khích chư huynh tìm cách và khai triển một công cuộc truyền giáo có khả năng bao gồm các gia đình và cổ vũ một nền đào tạo có thể với tới mọi người ở ngay nơi họ sinh sống, luôn luôn tính đến các chi tiết chuyên biệt của từng tình huống. Điểm khởi đầu cho mọi hoạt động tông đồ là nơi cụ thể trong đó mọi người tìm thấy chính họ, với những thói thường và công việc hàng ngày, chứ không phải ở những nơi giả tạo. Chính ở đó, chúng ta phải vươn tới linh hồn các thành phố của chúng ta, các nơi làm việc và các trường đại học, để đồng hành với các tín hữu được trao phó cho chúng ta với Tin Mừng cảm thương và thương xót.

Tôi cảm ơn chư huynh một lần nữa vì cơ hội chư huynh đã cung ứng để tôi đến thăm các Giáo Hội địa phương của chư huynh và để cùng nhau cử hành mừng vui với họ. Phêrô muốn củng cố chư huynh trong đức tin, nhưng Phêrô cũng đến để bước theo, và được đổi mới bởi, các bước chân của rất nhiều vị tử đạo và nhân chứng của đức tin. Xin chư huynh cầu nguyện để Chúa có thể ban cho tôi ân sủng đó.
Và tôi xin Chúa chúc lành cho chư huynh và, cùng với chư huynh, chúc lành cho các cộng đồng của chư huynh. Cảm ơn chư huynh rất nhiều.
 
Chương trình ngày thứ nhất của Đức Thánh Cha phanxicô tại Nhật Bản
Thanh Quảng sdb
18:38 23/11/2019
Chương trình ngày thứ nhất của Đức Thánh Cha phanxicô tại Nhật Bản

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Nhật Bản vào một buổi tối cuối tuần, vào thứ Bảy trời vừa gió lại vừa mưa. Khi còn là một tu sĩ trẻ dòng Tên, ngài đã ước mơ trở thành một nhà truyền giáo đem Tin mừng Chúa đến cho Vùng đất mặt trời này. Bây giờ giấc mơ năm xưa đó đã thành hiện thực, nhưng có lẽ không như ngài mường tượng của thưở ban đầu ấy! Trong cơn gió lộng, ngài cẩn thận từng bước, bước xuống từ chiếc cầu thang ra khỏ máy bay Thái để thăm viếng đất nước Phù tang này. Dù mệt mỏi nhưng ĐTC tươi cười rạng rỡ khi đến được đất nước này.

Giấc mơ truyền giáo
Đức Thánh Cha Phanxicô phải vượt qua nhiều chặng đường để thực hiện ước mơ năm xưa của mình. Năm xưa vì sức khỏe không cho phép nên ngài bị từ khước giấc mơ truyền giáo! Năm đó lúc ngài 21 tuổi, ngài bị bệnh viêm phổi nặng và phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần của lá phổi phải. May mắn thay Ngài đã phục hồi sau cơn giải phẫu nguy kịch này và phải từ bỏ giấc mơ bước theo dấu chân của Thánh Phanxicô Xavier năm xưa, một vị thánh Dòng Tên lừng lẫy, là người đầu tiên đã mang đức tin Kitô giáo đến cho vùng đất mặt trời mọc này vào năm 1549.

Từ pháp luật đến giảng dạy
Tuần trước khi ĐTC tới thăm, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một quyết định lịch sử liên quan đến danh từ “Đức Thánh Cha” (Pope) vào tiếng Nhật.
Trong một thời gian dài, danh từ ĐTC chính thức - được phiên âm là Hōou - có nghĩa là “Hoàng đế của Luật pháp”. Một thuật ngữ được sử dụng để chỉ định quan chức cấp cao nhất trong Phật giáo.
Nhưng Giáo Hội Công Giáo ở Nhật Bản luôn sử dụng một danh từ khác.
Danh từ - Kyō-kō - giống như “Hoàng đế của Luân lý” và Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã xin chính phủ công nhận thuật ngữ này trong suốt 40 năm qua.
Động thái này có thể được gọi là một dấu hiệu thiện chí cho việc chào đón ĐTC tại quốc gia Đông Nam Á này.
Đối với sĩ số người Công Giáo quá ít ỏi ở đây, nên việc thừa nhận này nói lên việc chính phủ thừa nhận sự hiện diện và vai trò của Giáo hội trong xã hội rộng lớn tại Nhật bản.
Vì vậy, cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đầu tiên này sẽ là dấu ấn quan trọng cho việc loan truyền đức tin và những đóng góp của Giáo hội cho Nhật bản.
 
Các vị Giáo hoàng và cuộc nổi dậy đạo đức chống lại vũ khí hạch nhân
Vũ Văn An
23:29 23/11/2019
Các vị Giáo hoàng và cuộc nổi dậy đạo đức chống lại vũ khí hạch nhân.

Hay sự phát triển của Huấn quyền Giáo Hội Công Giáo về thực tại bi thảm của chiến tranh, dưới ánh sáng tàn phá của các cuộc tấn công hạch nhân trên Hiroshima và Nagasaki.

Bài nhận định của Alessandro Gisotti, cựu Giám Đốc lâm thời Phòng Báo Chí Tòa Thánh:



Có một việc trước và sau Hiroshima và Nagasaki trong lịch sử nhân loại.

Cũng có một việc trước và sau liên quan đến cách Giáo hội nhìn trải nghiệm bi thảm của chiến tranh qua Huấn quyền của các vị Giáo hoàng. Sự tàn phá gây ra bởi vũ khí hạch nhân buộc Giáo hội phải xem xét lại chủ đề chiến tranh một cách mới mẻ. Chưa bao giờ trong lịch sử, loài người lại bị ám ảnh bởi một thứ vũ khí có khả năng xóa sạch mọi dấu vết của con người trên bề mặt trái đất.

Đức Giáo Hoàng Piô XII

Một tình huống chưa từng có như vậy đè nặng lên trái tim Đức Giáo Hoàng Piô XII đến nỗi, trong Thông điệp vô tuyến ngày 24 tháng 8 năm 1939, ngài đã đưa ra một lời cảnh báo tiên tri: “Không có mất mát gì với hòa bình. Mọi sự đều có thể bị mất với chiến tranh”. Sáu năm sau, những lời đó mang một ý nghĩa mới đầy bi thảm. Như đã được chứng minh bằng vụ đánh bom hạch nhân ở Hiroshima và Nagasaki, mọi sự thực sự có thể “bị mất với chiến tranh”.

Vào ngày 8 tháng 2 năm 1948, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tiếp các thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học. Qua họ, ngài đã nêu một câu hỏi với các nhà khoa học trên toàn thế giới: “Loài người mong đợi các bất hạnh nào từ một cuộc xung đột trong tương lai, nếu họ chứng tỏ không thể bắt ngưng hoặc hạn chế việc sử dụng các phát minh khoa học ngày một mới hơn và gây ngạc nhiên hơn?”

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII

Vào tháng 10 năm 1962, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Moscow và Washington dường như tránh xa việc sử dụng bom nguyên tử. Phải mất 13 ngày rất dài, khiến nhân loại nghẹt thở, để tìm ra giải pháp thương lượng. Tổng thống Mỹ Kennedy và đối tác Nga Khrushchev của ông dừng lại ngay trước vực thẳm. Sở dĩ họ làm được như thế, một phần cũng nhờ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã sử dụng mọi phương tiện hiện có, từ cầu nguyện đến ngoại giao, để mở ra các không gian mới để đối thoại. Vị thánh tương lai đã sử dụng Đài phát thanh Vatican để bảo đảm rằng thông điệp hòa bình của ngài vuơn xa đến mức có thể, bao gồm cả Nhà Trắng lẫn Điện Cẩm Linh. Trong Thông điệp vô tuyến ngày 25 tháng 10 năm 1962, ngài khuyến khích các nhà lãnh đạo quốc gia tránh “các kinh hoàng của chiến tranh”; ngài nói rằng “không ai có thể dự đoán được các hậu quả khủng khiếp” của cuộc xung đột bao gồm vũ khí hạch nhân.

Hòa bình dưới thế

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã có một tác động mạnh mẽ đối với Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Càng ngày ngài càng tin chắc việc phải đào sâu và phát triển học thuyết Công Giáo về chủ đề chiến tranh và hòa bình. Vào tháng 4 năm 1963, Đức Giáo Hoàng đã công bố thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình dưới thế), không chỉ ngỏ với các tín hữu mà, như chúng ta đọc trong trang tiêu đề của bản văn, với “tất cả những ai có thiện chí”. Sức mạnh của tài liệu nằm chính ở khả năng có thể tranh luận mà ngay cả một người không tin cũng có thể thừa nhận và tiếp nhận. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhận xét, trong thời đại nguyên tử, quả là “ngoại lý” khi nghĩ rằng chiến tranh có thể được sử dụng “như một công cụ của công lý”. Đó là lý do tại sao ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang và cổ vũ việc giải trừ vũ khí toàn diện là những mục tiêu được “lý trí đúng đắn” đòi hỏi.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tiếp nối chứng tá của vị tiền nhiệm. Ngài kết thúc Công đồng Vatican II và đưa ra cam kết của riêng ngài rằng nhân loại sẽ không bao giờ phải chịu đựng sự hủy diệt của Hiroshima và Nagasaki nữa. Văn kiện của Công đồng, Gaudium et spes, nhận định rằng các hành động quân sự được thực hiện bằng vũ khí hạch nhân vượt quá “giới hạn việc phòng thủ hợp pháp”, và nếu kho vũ khí nguyên tử do các Đại Cường sở hữu được sử dụng hoàn toàn, thì “sẽ có sự phá hủy gần như toàn diện các bên tranh chấp". Do đó, câu định nghĩa của Đức Giáo Hoàng và các nghị phụ Công đồng coi bất cứ cuộc chiến tranh nào “nhắm một cách bừa bãi việc phá hủy toàn bộ các thành phố hoặc khu vực rộng lớn và cư dân của chúng” đều là “một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính loài người”.

Tại Liên Hiệp Quốc

Bài diễn văn của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 4 tháng 10 năm 1965, đã lặp lại thông điệp trên. Đức Giáo Hoàng nói rằng, nếu qúy vị muốn trở thành anh chị em, “hãy để vũ khí rơi khỏi tay qúy vị... nhất là những vũ khí khủng khiếp mà khoa học hiện đại đã cung cấp cho qúy vị, gây ra những giấc mơ xấu, nuôi dưỡng tình cảm xấu xa, tạo ra các cơn ác mộng, các thù nghịch và giải pháp đen tối ngay cả trước khi chúng gây ra bất cứ nạn nhân và phế tích nào”. Như ngài từng làm khi đến Ấn Độ vào năm trước, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới “vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển, hãy dành ít nhất một phần tiền có thể được tiết kiệm qua việc giảm số lượng vũ khí” .

Nền Ngoại giao Vatican

Giống Đức Gioan XXIII trước ngài, Đức Phaolô VI cũng đặt nền ngoại giao của Vatican vào việc phục vụ chính nghĩa hòa bình và giải trừ hạch nhân. Vai trò của Hồng Y Agostino Casaroli đặc biệt quan trọng. Năm 1971, ngài bay tới Moscow để chuyển văn kiện xác nhận sự cam kết của Tòa Thánh đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạch nhân. Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tương lai cũng ngỏ lời với Phiên họp Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về giải trừ binh bị năm 1978, bằng cách đọc bức thông điệp của Đức Phaolô VI. Đức Giáo Hoàng viết, “vấn đề chiến tranh và hòa bình ngày nay được nêu ra bằng những từ ngữ mới”, vì lần đầu tiên loài người có trong tay “một tiềm năng có đầy đủ khả năng tiêu diệt mọi sự sống trên hành tinh”. Vì lý do này, giải trừ binh bị hiện nay là một mệnh lệnh đạo đức.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Giống vị tiền nhiệm của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã nói chuyện với các nhà khoa học một cách đặc biệt chăm chú; ngài nhắc nhở họ về tính ưu việt của tinh thần so với vật chất, giá trị của tiến bộ kỹ thuật biết gây lợi cho loài người. Tại trụ sở của UNESCO ở Paris ngày 2 tháng 6 năm 1980, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi các nhà khoa học chứng minh rằng họ mạnh hơn những người mạnh của trái đất và yêu cầu họ dùng mọi thế giá tinh thần của họ để cứu nhân loại khỏi sự hủy diệt hạch nhân. Năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Viễn Đông. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1981, ngài có mặt tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima. Ở đây, ngài nhấn mạnh rằng nếu tưởng niệm quá khứ có nghĩa là đưa ra một cam kết cho tương lai, thì việc tưởng niệm Hiroshima có nghĩa là bị kinh hoàng bởi ý niệm chiến tranh hạch nhân.

Tại Hiroshima

Khi ở Hiroshima, Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ những người “Hibakusha”, tức những người sống sót vụ nổ nguyên tử, và một lần nữa, ngài ngỏ lời với các nhà khoa học, nhấn mạnh vấn đề luân lý được đặt ra bởi chính sự hiện hữu của các vũ khí có khả năng hủy diệt loài người. Ngài nói tới “một cuộc khủng hoảng luân lý” sau các vụ đánh bom nguyên tử và tố cáo cuộc chạy đua vũ trang. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau đó đã phát động “một thách thức lớn” cho các bộ óc và lãnh đạo lỗi lạc nhất thế giới. Một thách thức mà theo lời ngài, “hệ ở việc hài hòa các giá trị của khoa học và các giá trị của lương tâm”. Ngài cảnh báo “tương lai của chúng ta trên hành tinh này, đang chường mặt cho nguy cơ hủy diệt hạch nhân”, tùy thuộc vào một nhân tố duy nhất: “Nhân loại phải thực hiện một chuyển biến luân lý”. Trong triều giáo hoàng dài của ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường tố cáo sự kinh hoàng và vô cảm của một cuộc chiến được tiến hành bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngài không ngừng khuyến khích các nỗ lực giải trừ vũ khí, và đóng một vai trò được lịch sử công nhận trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và chủ trương “cân bằng bằng khiếp đảm” dựa trên chính sách gián chỉ hạch nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng nhắc nhớ vết thương sâu hoắm gây ra cho toàn nhân loại bởi các vụ đánh bom nguyên tử. Ngài ủng hộ cam kết của Liên Hợp Quốc về giải trừ vũ khí tiến bộ và việc tạo ra các khu vực không có vũ khí hạch nhân. Trong Thông điệp của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2006, ngài định nghĩa như là “tai họa” và ‘trá ngụy” bất cứ quan điểm nào được các chính phủ chấp nhận, nhưng “dựa vào vũ khí hạch nhân làm phương thế bảo đảm an ninh cho các quốc gia của họ”. Ngài nhận định “trong một cuộc chiến tranh hạch nhân, sẽ không có người chiến thắng, mà chỉ có các nạn nhân”. Bốn năm sau, khi tiếp nhận đại sứ mới của Nhật Bản tại Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng lại nhắc nhớ vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki: Ngài nói “Thảm kịch này nhắc nhở chúng ta sự cần thiết phải kiên trì trong các nỗ lực của chúng ta nhằm ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạch nhân và giải giáp vũ khí”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục và tăng cường các nỗ lực nhằm tránh điều ngài gọi là “vụ tự tử” của nhân loại. Đức Giáo Hoàng đã tổ chức Hội nghị tháng 11 năm 2017 tại Vatican, quy tụ các chính trị gia, các vị đoạt giải thưởng Nobel và các nhà khoa học, mong tìm kiếm những cách thức mới để giải phóng thế giới khỏi vũ khí hạch nhân. Việc định thời biểu cho biến cố này cũng quan trọng không kém vào thời điểm các căng thẳng đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Ngỏ lời lúc khai mạc Hội nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Các vũ khí hạch nhân không chỉ vô luân mà còn phải bị coi là một phương tiện chiến tranh bất hợp pháp”.

Một tháng sau Hội nghị đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến vấn đề đó một lần nữa trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Bangladesh. Ngài nói, “Chúng ta đang ở những giới hạn cuối cùng về tính hợp pháp của việc sở hữu và sử dụng các vũ khí hạch nhân. Với một kho vũ khí hạch nhân tinh vi như vậy, chúng ta có nguy cơ hủy diệt loài người, hoặc ít nhất là một phần lớn loài người”.

Hiroshima và Nagasaki

Trong khi chờ đợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima và Nagasaki, hình ảnh kích thích nhất cho thấy cam kết giải trừ vũ khí của ngài chắc chắn là hình ảnh đứa trẻ bế em trai đã chết của em trong vụ đánh bom hạch nhân. Bức ảnh này đánh động trái tim ngài đến nỗi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tái tạo và phân phối cho các nhà báo tháp tùng ngài đến Chile vào tháng 1 năm ngoái. Ngài nói với họ, “Một hình ảnh như thế này gây xúc động cho chúng ta hơn một ngàn lời nói”.

Hơn một ngàn lời nói, một hình ảnh như thế này tra vấn lương tâm chúng ta và đưa ra một cảnh báo khẩn cấp: không bao giờ nữa, nhân loại phải trải nghiệm sự tàn phá của một cuộc tấn công nguyên tử.

Không bao giờ nữa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Trang, giáo phận Sàigòn: Ca đoàn Cêcilia mừng 46 năm thành lập.
Martino Lê Hoàng Vũ
08:59 23/11/2019
Chiều nay ngày 22.11.2019,tại Giáo xứ Tân Trang, hạt Phú Thọ, TGP. Sài Gòn, ca đoàn Cêcila đã hân hoan mừng bổn mạng và tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp 46 năm thành lập.

Vào lúc 17g 45phút,Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng -Cha giáo Đại Chủng viện Thánh Giuse SG chủ tế thánh lễ,ngài cũng là một người con của giáo xứ Tân Trang.Bầu khí thánh lễ thật gần gũi thân thương, nhưng cũng trang trọng giúp cho các thành viên ca đoàn cầu nguyện với Chúa và noi gương theo đời sống gương mẫu của Thánh nữ Cêcilia.

Xem Hình

Các bài đọc Phụng vụ hôm nay lấy từ lễ kính các thánh trinh nữ tử đạo,riêng bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 25.1-13) câu chuyện dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng,Linh mục Phaolô mời gọi cộng đoàn suy tư qua câu từ chối của chàng rể với các cô khờ dại: “Tôi bảo thật các cô,tôi không biết các cô là ai cả! “Những lời này có thể làm cho chúng ta bất ngờ và giật minh.Tai họa là chúng ta cứ tưởng mình biết Chúa,nhưng chúng ta biết một ai khác theo mình vẽ ra.Chúng ta không biết một Đức Kitô đã chết và sống lại,luôn yêu thương nhân loại.Chúng ta đi dự lễ,nghe giảng,tham gia sinh hoạt hội đoàn Gx mà không sống Lời Chúa,thực thi thánh ý Thiên Chúa.Như thế Chúa Giêsu cũng không biết chúng ta.Chúng ta cần xem lại động lực của những việc mình làm,có làm vì Chúa hay chỉ thỏa mãn cái tôi ích kỷ hẹp hòi của mình.

Anh chị em ca đoàn nên nhớ,ca hát không phải là phô diễn tài năng,nhưng là hát với tinh thần phục vụ,đồng tâm hiệp ý với nhau cầu nguyện.Chúng ta hát không phải chạy theo tiếng khen, tiếng chê,cũng không theo ý cá nhân,nhưng theo đường lối giáo huấn của Giáo hội.Chúng ta có thực sự hát để ca tụng Chúa,làm vì Chúa trong sự khiêm tốn phục vụ.Đừng để hát lễ mới cầu nguyên mà phải cầu nguyện ngay khi tập hát.Nhờ đó,các thành viên ca đoàn sống yêu thương hiệp nhất với nhau hơn và luôn trong tư thế sẵn sàng tỉnh thức chờ đón Chúa đến.

Sau phần lời nguyện hiệp lễ,chị Têrêsa Avila Nguyễn Thị Dung Hạnh- Ca trưởng ca đoàn Cêcilia có những tâm tình tri ân cha chánh xứ,cha chủ tế và cộng đoàn phụng vụ.

Được biết,ca đoàn Cêcilia là một ca đoàn có từ những ngày đầu hình thành giáo xứ Tân Trang,được Linh mục Giuse Pham Du Vịnh,nguyên chánh xứ thành lập vào năm 1973.Hiện nay ca đoàn có khoảng hơn 30 ca viên,phụ trách hát lễ vào các buổi chiều thứ ba,thứ bảy thánh lễ lúc 17g 45,và thánh lễ Chúa Nhật lúc 16g.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Quan hệ VN-Vatican nhiều hứa hẹn mà chưa tiến bước nào.
BBC
09:32 23/11/2019
Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: "Quan hệ VN-Vatican nhiều hứa hẹn mà chưa tiến bước nào."

Cuộc phỏng vấn được BBC News Tiếng Việt thực hiện ngay tại sân bay Survanabumi, Thái Lan khuya 20/11, khi Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận Hà Tĩnh, vừa tới từ Việt Nam để tham dự Thánh Lễ do Giáo Hoàng Francis làm chủ tế vào hôm sau tại sân vận động quốc gia ở Bangkok.

BBC: Việc Đức Giáo Hoàng Francis đến thăm Thái Lan, một nước láng giềng của Việt Nam tạo cho ông cảm xúc gì?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Đây là Đức Giáo Hoàng thứ hai tới thăm Thái Lan sau 35 năm, lần đầu là Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II vào năm 1984. Một số người ngậm ngùi tại sao Thái Lan có tỷ lệ người Công Giáo ít hơn nhiều so với Việt Nam mà đã hai lần Giáo Hoàng tới. Trong khi Việt Nam có tỷ lệ người Công Giáo cao hơn nhiều, giáo hội Việt Nam hoạt động rất năng động, mà Ngài vẫn chưa ghé thăm.

Không phải do Giáo Hoàng hay Vatican không muốn, mà vì lý do xã hội và chính trị chưa cho phép.

BBC: Vậy theo ông để sự kiện Giáo Hoàng thăm Việt Nam được xảy ra, điều gì cần được thực hiện?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Để Giáo Hoàng ghé thăm Việt Nam trong tương lai, việc này không phải chỉ do Giáo hội Việt Nam mà còn do về phía nhà nước sẽ làm gì. Giáo hội Việt Nam đã đề nghị được phép mời Giáo Hoàng, nhưng lời mời chính thức phải về phía nhà nước.

BBC: Nếu ông có cơ hội gặp trực tiếp Giáo Hoàng, ông muốn chuyển tới ngài thông điệp gì?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Thông điệp mà tôi muốn gửi sẽ luôn là về tình hình Việt Nam, tình hình xã hội. Vừa rồi Đức Giáo Hoàng có lá thư rất hay gửi cho giới trẻ Công Giáo Việt Nam, trong đó Ngài nói đến vấn đề người di dân và thảm trạng của người di dân. Ngài mong ước họ trở về với đât nước, với giáo hội, mong chấm dứt những sự kiện bất ổn, bất an và thảm trạng của di dân trẻ Việt Nam.

BBC: Những cuộc thảo luận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam đã được khởi động từ năm 2009, nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ. Theo ông thì tại sao?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Tương quan quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam được coi là ở hạng thấp nhất, đó là hạng đại diện không thường trú. Đó là hạng thấp nhất trong ngoại giao, và từ 10 năm nay chưa tiến lên một bước nào, sau bao nhiêu lần hứa hẹn nhưng chưa lần nào thực hiện những hứa hẹn đó. Không hiểu trong tương lai gần có tiến thêm một bước nữa chăng.

BBC: Việc Vatican và Hà Nội đạt thỏa thuận thiết lập đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam vào cuối tháng Tám vừa qua được đánh giá là bước tiến đáng kể trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Vậy theo ông hai bên cần làm gì để một ngày nào đó Việt Nam có thể có một tòa Đại sứ tại Rome, cùng với 88 quốc gia khác?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi vẫn mong ước Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, có quan hệ ngoại giao với các nước và với Tòa thánh Vatican. Việc Việt Nam có đặt thường trú ở Vatican không đã được nói nhiều lần rồi, hi vọng lần này không còn tiếp tục lời hứa nữa. Việt Nam cũng đã định địa điểm, đang soạn thảo quy chế liên hệ ngoại giao thường trú và văn phòng như thế nào, chúng tôi đã đọc những cái đó, nhưng vẫn ước mong là điều này sẽ được thực hiện trong một ngày sớm hơn.

Cần làm gì nữa thì phải hỏi nhà cầm quyền và tòa đại sứ. Họ phải làm cái gì? Hai bên đã đối thoại suốt 10 năm nay rồi, có những cái không vượt qua được. Có người nói bao giờ Trung Quốc vượt qua được thì Việt Nam mới vượt qua. Có thể hỏi thêm chính quyền Việt Nam về điều này.

BBC: Chuyến thăm Thái Lan của Đức Giáo Hoàng, theo ông có ý nghĩa, tầm quan trọng gì đối với cộng đồng Công Giáo Việt Nam?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Giáo dân Việt Nam rất yêu mến Giáo Hoàng và ước mong một ngày nào đó được đón tiếp Ngài tại quê hương mình. Nên lần này Giáo Hoàng đến nước lân cận nên nhiều giáo dân Việt Nam đến đây. Đi sang Thái Lan dễ nên số người đi rất đông, người ta nói ít ra có tới 5000-6000 người đi dịp này. Nhưng sân vận động của Bangkok quá nhỏ nên đó là cản trở. Nhiều người muốn đi mà không có vé để vào sân vận động, hoặc có vé thì chỉ được vào sân phụ vì sân chính đã dành cho người Thái rồi.

BBC: Hai trong số các chủ đề mà Giáo Hoàng Francis nêu bật trong chuyến thăm Thái Lan lần này là sứ mệnh, bảo vệ môi trường và hòa bình. Theo ông những chủ đề này có liên quan đến Việt Nam như thế nào?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Có liên hệ rất quan trọng với Việt Nam vì nói đến môi trường chúng ta không thể nói tới thảm họa kinh hoàng Formosa. Bây giờ khủng hoảng môi trường vẫn tiếp tục. Lúc đầu người ta còn che dấu, chính vì thế mà họ không giải quyết kịp thời. Lẽ ra họ phải xử lý thảm họa đó bằng những phương tiện hiện đại chứ không phải bằng chính trị. Chính vì thế mà thảm họa không chỉ dừng lại ở Formosa mà nay đã lan ra đồng bằng sông hồng, sông Cửu Long, cá chết, nước bẩn, môi trường ô nhiễm đã là hiện tượng chung ở Việt Nam

Cách đây 10 năm khi chúng tôi tổ chức hội thảo về vấn đề biển đảo, lãnh hải Việt Nam. Khi đó tôi còn là linh mục. Có người hỏi tôi: "Nghe nói tàu lạ tấn công hải phận và ngư dân Việt Nam, linh mục có biết tàu đó là tàu gì không?"

Lúc đó tôi nói: Chuyện đó các ông phải hỏi bộ đội biên phòng và hải quân. Nhưng rồi tôi nghĩ, tàu lớn, nhỏ, cũ mới đều là tàu cả. Sau này cũng chính nhà nước Việt Nam nói đó là tàu Trung Quốc đã đến xâm lấn Việt Nam. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi các hội nghị vừa rồi, nhà cầm quyền Việt Nam nói có tàu lạ đến xâm lẫn lãnh thổ, vùng kinh tế Việt Nam mà không dám nói là tàu nước nào. Trong khi ai cũng biết đó là tàu Trung Quốc. Thì tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần đặt vấn đề rõ rệt hơn theo công pháp quốc tế.

BBC: Trong một số sự việc được cho là 'nhạy cảm' gần đây tại Việt Nam, như vụ Formosa, hay vụ Trung Quốc đưa giàn khoan tới Việt Nam, hay việc lên tiếng bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến, một số cộng đồng Công Giáo đã lên tiếng mạnh mẽ. Ông nghĩ gì về những chuyện này?

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Có lẽ cộng đồng Công Giáo Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ nhất vì họ có tổ chức hơn, và vì thảm họa Formosa xảy ra ngay gần cộng đồng của họ. Nhưng trên thực tế, không chỉ cộng đồng giáo dân mà nhiều người từ các vùng miền khác, từ Hà Nội tới Phan Thiết, đã đứng lên chống lại Formosa. Nhiều người đã biểu tình, hiện nhiều người còn bị tù mười mấy năm.

Tôi tự hỏi vì sao nhà cầm quyền lại hờ hững với quyền lợi của đất nước tới độ không bảo vệ những người đứng lên bảo vệ chủ quyền của dân tộc mà đánh đập họ, tàn nhẫn với họ, và bắt tù đầy lâu như vậy. Chính vì thế tôi muốn nhác lại tuyên bố của Hội đồng Giám mục Việt Nam cách đây rất lâu rồi, khi nói về sửa đổi Hiến pháp: Chúng tôi chính thức yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp, yêu cầu không lấy ý thức hệ Mác-Lê làm định hướng phát triển dân tộc và tương lai, mà nên trở về truyền thống, văn hóa của dân tộc để nối kết tất cả người Việt Nam, để phát triển tâm linh, đạo đức và kinh tế.
 
VietCatholic TV
LIVE- Tuyên ngôn chống vũ khí hạt nhân của Đức Thánh Cha tại Nagasaki
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:55 23/11/2019
 
LIVE- Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ tại Sân Vận Động Nagasaki
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:01 23/11/2019