Ngày 25-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua 26/11/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:49 25/11/2017
Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17


"Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.

"Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

"Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực".

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.

Xướng: Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.

Xướng: Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28

"Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 31-46

"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta".

"Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta".

"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!"

"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ Chúa Kitô Vua
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:16 25/11/2017
Chúa Nhật XXXIV TN A – Mt 25,31-46

Tin Mừng thánh Matthêu chương 25 mẹ Hội Thánh đưa vào trong Thánh Lễ cuối năm Phụng vụ, hình như hơi gai chướng. Sự gai chướng này không nguyên chỉ vì tước hiệu Vua vũ trụ mà Hội Thánh suy tôn Thầy Chí Thánh và còn cả nơi nội dung lời giảng dạy của Người qua dụ ngôn “cuộc phán xét chung”.

Hình ảnh của một minh quân trong lịch sử quá hiếm hơi so với nhiều ông vua gian ác, độc tài, chuyên chế. Nghĩ đến thể chế phong kiến người ta dễ có tâm tình không mấy thiện cảm. Đã là quân chủ với một ông vua cai trị kiểu cha truyền con nối thì sự chuyên chế hà khắc thường xảy ra. Thế mà Hội Thánh vẫn không ngần ngại suy tôn Chúa Kitô với danh hiệu Vua vũ trụ. Qua danh hiệu này Hội Thánh không chỉ nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Kitô trên mọi vật mọi loài thọ tạo, hữu hình và vô hình, mà còn tuyên bố với mọi người về niềm hạnh phúc và vinh dự của mọi loài thọ tạo khi có Đức Kitô làm vua của mình.

Đã là loài thọ tạo thì phải thần phục Đấng dựng nên mình. Tuy nhiên chúng ta không sống tâm tình thần phục như nguời nô lệ. Đấng xứng đáng là Vua, là chủ tể chúng ta đã tự nguyện làm anh cả giữa loài người. Đấng tạo thành đã tự nguyện trở nên con của loài người. Và đặc biệt Người đã chọn hạnh phúc của con người, của từng người làm vinh quang của chính Người. Có thể nói không ngoa ngữ chút nào: Người tự nhận số phận của con người, của từng người, nhất là những người yếu thế, kém phận, làm số phận của chính Người.

Chúa Kitô làm vua của một vương quốc mà trong đó mọi người từ cổ chí kim đều là con dân của Người. Chúng ta hãnh diện và vui mừng vì vương quốc mà Chúa Kitô thống trị là một vương quốc mà trong đó “dân vi quý, dân vạn đại”. Chúng ta vui mừng và hãnh diện trong vương quốc này vì vị Vua cai trị chúng ta là Đấng có thể nói theo kiểu phàm nhân rằng “luôn lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”. Chúng ta lại càng hãnh diện và vui mừng vì vương quốc Chúa Kitô thiết lập là một vương quốc mà trong đó không một ai là đáng bỏ đi, không một ai là thành phần hạ đẳng.

Khi các người làm hay không làm điều tốt cho một trong những kẻ bé mọn này là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta (x.Mt 25,31-46). Hiến pháp, luật lệ của vương quốc này thật đơn giản. Đó là phải sống cho có lòng, có tâm với nhau, đặc biệt với người anh chị em yếu thế, kém may mắn cận kề chúng ta.

“Thầy bảo thật cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Và Chúa Giêsu đã quảng diễn sự phải “công chính hơn” là không được phép loại bỏ bất cứ một ai dù chỉ là trong cung cách hành xử, trong tâm trí. Không loại bỏ tha nhân chưa đủ, Người còn đòi hỏi phải biết liên đới với tha nhân trong hạnh phúc của họ. “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Dĩ nhiên, nếu vì lỗi của ta thì việc bỏ của lễ lại để đi làm hòa trước đã, là điều dễ hiểu. Còn nếu không phải do lỗi của ta mà do lỗi của người anh em, thì ta cũng phải làm như thế. Nếu không, ta sẽ mắc phải món nợ tình yêu, khi ta thờ ơ với số phận của người anh em mình. Người có lỗi, người có tội là một trong những bé mọn mà ta cần quan tâm nâng đỡ. Mẹ Hội Thánh đã hiểu chân lý này khi dạy chúng ta những mối thương người: “Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dạy kẻ mê muội; An ủi kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội…”

Không ai có thể lên trời “một mình”. Không ai có thể làm con dân Nước trời với sự ích kỷ, với thái độ bàng quan, hững hờ trước người anh em. Mặc dù vẫn có đó sự gai chướng của hình ảnh Vị Quân Vương do quá khứ lịch sử nhân loại. Thế nhưng đã đón nhận chân lý trong niềm tin thì chúng ta cùng với toàn thể thụ tạo phải thần phục tuyệt đối Đấng tạo thành nên mình. Đã con thần dân của vương quốc tình yêu thì ta phải sống theo thể chế và luật lệ của vương quốc mà thôi. Luật lệ và thể chế ấy không gì hơn là sự hiệp thông liên đới huynh đệ trong tình yêu của Vị Vua trên các vua đã yêu thương chúng ta. Đã có biết bao người xưa lẫn nay đã đón nhận sự gai chướng ấy và rồi họ đã cảm nghiệm nó thật là “êm ái và nhẹ nhàng”(x.Mt 11,28-30).

Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Chờ Chúa đến
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:01 25/11/2017
Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B
Mc 13,33-37

Năm Phụng vụ lại bắt đầu bằng Chúa Nhật I Mùa vọng. Vâng, năm Phụng vụ lại tiếp tục bằng việc mời gọi con người, kêu gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện để đón chờ Chúa đến trong này cùng tận. Mong đợi làm cho con người mỏi mòn bởi vì chờ đợi không biết lúc nào Chúa đến.Tuy nhiên càng mong mỏi, càng mỏi mòn sẽ hứa hẹn một cuộc gặp gỡ hoàn toàn nồng thắm.

Chúa đã cảnh tỉnh con người, thức tỉnh chúng ta phải luôn tỉnh thức. Bởi vì, Chúa đến luôn bất ngờ, không ai biết giờ nào, lúc nào, không ai biết trước thời gian Chúa đến. Do đó, con người luôn phải có thái độ mau mắn, khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn ,à lại mang theo cả dầu.Thánh Luca đã viết “ Tỉnh thức và cầu nguyện “ để nhận biết thời gian Chúa đến viếng thăm. Chúa đã nhiều lần thức tỉnh con người :” Tỉnh thức vì không biết giờ nào, ngày nào chủ về “. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cũng dặn dò chúng ta :” Hãy sống thật tốt gây phút hiện tại “. Ngài cũng nhắn nhủ mọi người chúng ta luôn phải hoán cải, luôn đổi mới cuộc đời…Cha Charles de Foucauld khuyên chúng ta :” Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay “. Đây là những lời khuyên và nhắn nhủ đầy khôn ngoan của những Đấng bậc khôn ngoan. Những lời khôn ngoan này giúp chúng ta đi vào cốt lõi của Bài Tin mừng của thánh Marcô nhắc nhở nhân loại, nhắn nhủ chúng ta hôm nay :” Hãy dọn mình tốt,hãy mau mắn khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan, như người quản lý biết chớp thời cơ tốt để tạo cho mình cơ hội tốt hầu đón nhận ơn Chúa trong mỗi phút giây hiện tại, trong giờ Chúa mời gọi ra đi về với Ngài, trong ngày tận thế vv…”. Chúa đến viếng thăm con người, viếng thăm nhân loại, thăm gặp gỡ chúng ta để đem đến tặng ban cho chúng ta những hồng ân quý báu, giá trị… Chúng ta đừng để lỡ đánh mất những ân huệ quý giá, những quà tặng tuyệt vời của Chúa do thái độ ơ hờ, không chuẩn bị, lơ là của chúng ta. Thực tế, chúng ta luôn có quyền uo1c mơ, dự phóng xây dựng cuộc đời, xây dựng tương lai, nhưng chúng ta đừng quá bám víu vào những thực tại chóng qua, bám víu vào danh vọng, địa vị, của cải mau tàn, mau lụi của trần gian này bởi vì ngay cả mạng sống của chúng ta cũng chỉ là tạm bợ ở đời này.

Cuộc đời là một cuộc đợi chờ liên lỉ, con người luôn phải mong chờ : lúc nhỏ mong mau lớn, mong thành công, có công ăn việc làm, có địa vị trong xã hội. Có gia đình, có con cái, cháu chắt. Mong được đời sống ổn định, mong có sức khỏe để sống, để phục vụ, để làm việc vv… Đời người luôn là một cuộc đợi chờ liên lỉ.Tuy nhiên, có một thực tế này là nếu chúng ta không sống lời Chúa dạy :” Mỗi lần các ngươi cho một người đói ăn, người khát uống, người rách rưới ăn mặc… Mỗi lần các người thăm viếng kẻ tù tội, an ủi kẻ âu lo, gặp thử thách khó khăn là các ngươi làm cho chính Ta “. Tám mối phúc Chúa dạy dân chúng trên núi cũng chính là tám nấc thang dẫn chúng ta tới Chúa. Vâng, nếu chúng ta đã không thực hiện các mối phúc, không thi hành lời Chúa dạy là gặp gỡ Chúa hằng ngày nơi những kẻ nghèo, thì khó lòng chúng ta sẽ gặp được Chúa trong giờ sau hết.

Lời Chúa luôn vang vọng bên tai mọi người, bên tai chúng ta :” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện “. Thái độ con người luôn phải có là mau mắn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa như người khôn ngoan tỉnh thức để không cho kẻ trộm đào ngách, khoét tường vv… Giáo Hội cũng luôn dạy chúng ta, dạy nhân loại:” Hãy sám hối, cải thiện đời sống và mau quay trở về với Thiên Chúa là Đấng dựng nên Đất Trời, tạo nên chúng ta “.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm gặp Chúa nơi cuộc đời, nơi những biến cố chúng con gặp hằng ngày, nơi những dấu chỉ Chúa cho xẩy tới trong từng phút giây, trong các bí tích, trong những việc lành phúc đức, trong những tha nhân chúng con gặp gỡ để rồi như lời Chúa hứa, chúng con sẽ gặp được Chúa trong ngày Chúa đến viếng thăm chúng con.Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Mùa vọng là gì ?
2.Giờ Chúa đến viếng thăm là giờ nào ?
3.Ngày tận thế là ngày nào ?
4.Thái độ chúng ta phải có trong Mùa vọng ?
5.Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa ở đâu ?
 
Canh thức Giáng Sinh năm 2017
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:12 25/11/2017
Chủ đề :” ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ “

Kính thưa Cộng đoàn,

Khi đề ra ba năm dành cho các Gia đình, các Đức Giám Mục Việt Nam cho mọi người thấy tầm quan trọng của Gia đình như thế nào. Năm 2017, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam định hướng :” Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân “. Kết quả là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục vụ năm 2017 đã viết:” Việc học giáo lý hôn nhân được chú trọng hơn tại các giáo xứ; nhiều sáng kiến được áp dụng để giúp các bạn trẻ khám phá vẻ đẹp, sự cao quý và tầm quan trọng của hôn nhân Kitô giáo; mục vụ hôn nhân cũng là đề tài của các cuộc thường huấn linh mục, các tu sĩ, giáo lý viên và các bạn trẻ trong lãnh vực này. Hy vọng những nỗ lực đó sẽ được tiếp tục, hầu giúp các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân cách vững vàng hơn “.

Vì vậy, kính thưa cộng đoàn. Gia đình là nền tảng của xã hội, là nền tảng của Giáo Hội.Gia đình là Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được triển nở và tỏa sáng. Chính vì thế, trong năm 2018, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị tất cả mọi Kitô hữu tiếp tục quan tâm đến Mục vụ gia đình, với điểm nhấn là đồng hành với các gia đình trẻ.

Vậy giờ đây, bước vào giờ canh thức mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng nhau suy niệm về gia đình.

HOẠT CẢNH

* Các em thiếu nhi múa vũ khúc màn đêm lung linh nhộn nhịp: tay cầm bong bóng và múa những vũ điệu nhẹ nhàng, nhộn nhịp nhưng mờ ảo đưa con người vào cảnh địa đàng khi xưa.

Dẫn: Thiên Chúa tạo dựng ông Ađam, ngày nào Thiên Chúa cũng hiện ra trò chuyện với Ađam trong vườn địa đàng với phong cảnh đẹp tuyệt vời…Tuy nhiên, Ađam vẫn buồn. Hiểu được điều đó, Thiên Chúa đã rút một chiếc xương sườn, dựng nên người nữ là Eva và Thiên Chúa trao người nữ cho Ađam : “ Đó là gia đình đầu tiên “.

* Diễn tả cảnh gia đình hạnh phúc trong vườn địa đàng khi hai ông bà chưa phạm tội ( Múa tưng bừng khi con người trung tín với Thiên Chúa ).

II. Thiên Chúa yêu thương con người luôn muốn con người và mọi gia đình sống khiêm nhường, đạo đức, thánh thiện.

Dẫn: Kính thưa cộng đoàn, ngay từ trang đầu của Sách Khởi Nguyên cho đến hôm nay luôn cho thấy :” Hôn nhân và gia đình không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết nó nằm trong chương trình của Chúa. Ngài dựng nên con người có nam có nữ , và mời gọi họ “Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó “ ( St 1,28 ). Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài phục hồi kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài nâng hôn nhân lên hàng bí tích và phán :” Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly “( Mc 10,9 ).Cho nên, gia đình rất quan trọng đối với con người.Chính Chúa cũng đã sống trong một gia đình.Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, khi về quê hương Ba Lan, việc đầu tiên, Ngài đi thăm mộ song thân để nói lên lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và đề cao vai trò của gia đình, đồng thời Ngài cử hành các lể kỷ niệm Kim Khánh, Ngân Khánh hôn phối và chứng hôn cho những cặp vợ chồng trẻ. Ngài gióng lên tiếng nói : “Hãy bảo vệ gia đình “. Cây tốt thì sinh trái tốt. Con cái là hoa quả của tình yêu vợ chồng. Gia đình khiêm nhượng, đạo đức, thánh thiện luôn được Chúa yêu thương chẳng hạn như gia đình ông Abraham, Samson, Ruth vv…gia đình của Giacaria, của Đức Mẹ và thánh Giuse…và rất nhiều gia đình đạo đức, thánh thiện khác.

Do đó, đồng hành với các gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ để cùng khuyến khích, thúc giục nhau lắng nghe Lời Chúa, thực hành Lời Chúa để tất cả cùng nên thánh và trở thành những sứ giả của niềm hy vọng. Thư Mục Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định :” Chính vì thế, đồng hành với các gia đình trẻ là yếu tố quan trọng trong mục vụ gia đình. Mục vụ Hôn nhân không chỉ dừng lại ở khóa chuẩn bị, nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ trong những năm tiếp theo, bằng cách giúp họ hiểu rằng:

( 1 ) Hôn nhân là một cuộc hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày;

( 2 ) Hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại ;

( 3 ) Hành trình đó giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống hôn nhân ( Niềm Vui của Tình Yêu, số 223 ).


*Múa về Hạnh Phúc gia đình ( nhạc nhẹ êm…cảnh lung linh huy hoàng )


HOẠT CẢNH CHÚA SINH RA


Dẫn : Kính thưa Cộng đoàn đêm nay cách đây 2.000 năm, Chúa Giáng sinh làm người nơi Hang đá máng lừa Bêlem. Con Thiên Chúa làm người đã nhập thể trong cung lòng thanh khiết của Đức Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, Ngài đã được gọi là “Emmanuen “, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta “. Hài Đồng Giêsu đem hạnh phúc, tình thương và ơn cứu độ đến cho con người.

Lời hát của các thiên thần trên không trung xưa, vẫn còn vang dội khắp nơi : ” Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

* Vũ khúc : Tiếng Hát Thiên Thần

Dẫn : Giờ đây đại diện một số gia trưởng và hiền mẫu cùng với Chủ tế, các chú giúp lễ rước Chúa Hài Đồng đặt vào Hang Đá.

Hát : Đêm Thánh Vô Cùng ( ca nhập lễ ).

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bổ sung vào chương trình tông du cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo quân đội Miến Điện
Đặng Tự Do
04:36 25/11/2017
Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Charles Bo, Đức Thánh Cha đã bổ sung thêm hai cuộc họp vào chuyến thăm viếng đất nước này. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các nhóm tôn giáo thiểu số; và thứ hai là cuộc gặp gỡ với tư lệnh quân đội Miến Điện, người nắm giữ quyền lực chính trị rất lớn tại quốc gia này.

Ông Greg Burke, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các đại diện của các tôn giáo tại Miến Điện vào ngày 28 tháng Mười Một và gặp Tướng Min Aung Hlaing vào ngày hôm sau. Ông Burke cũng cho biết Thánh lễ dành cho công chúng ở Yangon vào ngày 29 tháng 11 sẽ bắt đầu sớm hơn một giờ so với kế hoạch ban đầu vì thời tiết quá nóng.

Khoảng 90 phần trăm dân số của Miến Điện theo Phật giáo Theravada, và theo dự kiến Đức Thánh Cha sẽ có một cuộc họp với hội đồng tối cao Phật Giáo Miến Điện gọi tắt là Sangha vào lúc 16:15 chiều thứ Tư 30 tháng 11 tại chùa Kaba Aye. Nhưng Miến Điện cũng là quê hương của người Hồi giáo, người Ấn Giáo và những người theo các truyền thống Phật giáo khác, cũng như những người Tin Lành, là nhóm Kitô hữu vượt xa số người Công Giáo trong nước.

Quân đội ở Miến Điện, đặc biệt là tướng Min Aung Hlaing, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt trong những chiến dịch chống lại người Rohingya. Quân đội Miến Điện luôn tuyên bố cuộc đàn áp của họ là một phản ứng đối với bạo động Hồi Giáo, nhưng Liên Hiệp Quốc nói rằng những cuộc đàn áp này là các phản ứng không cân xứng và chủ yếu là để thanh lọc sắc tộc.

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, người đề nghị Đức Giáo Hoàng gặp gỡ tướng Min Aung Hlaing, nói rằng ngài đề nghị Đức Thánh Cha không sử dụng từ “Rohingya” vì sợ sẽ có những căng thẳng từ phía những người Phật Giáo và những người theo chủ nghĩa dân tộc, cũng như từ quân đội Miến Điện.

Ông Burke nói với các phóng viên rằng họ sẽ phải lắng nghe những bài phát biểu của Đức Thánh Cha để xem ngài có chấp nhận đề nghị đó hay không.

Ông Burke nói thêm là đại diện của hàng trăm nghìn người tị nạn Rohingya đang sống ở Bangladesh sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 1 tháng 12 tại Dhaka trong một cuộc họp liên tôn và đại kết vì hòa bình.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Latvia, Lithuania và Estonia
Đặng Tự Do
04:46 25/11/2017
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Latvia, Lithuania và Estonia trong năm tới, khi ba quốc gia Baltic này kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Janis Siksnis, cố vấn của Tổng thống Latvia, khẳng định như trên với hãng thông tấn AP hôm thứ Năm nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào.

Phát ngôn viên của Tổng thống Litva, Dalia Grybauskaite, là Daiva Ulbinaite, trước đó cũng đã nói với hãng tin Baltic News rằng chuyến tông du này được dự kiến diễn ra vào mùa thu năm 2018. Baltic News cho biết Vatican sẽ sớm công bố chính xác ngày giờ cụ thể cho chuyến đi.

Đây sẽ là lần thứ hai một vị Giáo Hoàng thăm viếng các nước Baltic. Tháng 9 năm 1993, Đức Gioan Phaolô II đã đến vùng này. Ngài bắt đầu chuyến tông du tại Lithuania, nơi có cộng đồng Công Giáo lớn nhất ở vùng Baltic. Hơn 75 phần trăm trong số gần ba triệu cư dân của quốc gia này là người Công Giáo.

Ba nước Baltic tuyên bố độc lập khỏi Nga vào năm 1918 nhưng đã bị sáp nhập vào Nga vào năm 1940 và đã bị xem là một phần của Liên Xô cho đến năm 1991.

Trong năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một chuyến đi được xác nhận là chuyến tông du từ ngày 15 đến 22 tháng Giêng tại Chile và Peru. Ngài cũng sẽ thăm Ái Nhĩ Lan vào tháng Tám năm tới trong khuôn khổ Đại hội Thế giới Các Gia đình.

 
Khủng bố Hồi Giáo tung bích chương xúc phạm Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
09:41 25/11/2017
Trong một hành động đáng bị lên án mạnh mẽ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung ra một tấm bích chương mô tả Đức Giáo Hoàng bị chúng chặt đầu.

Hình ảnh mà chúng tôi quyết định không đưa lên, mô tả một tên thánh chiến Hồi Giáo. Y đứng đắc thắng trên thân thể của một tù nhân trong bộ quần áo màu da cam, trong khi vẫn giữ đầu của Đức Giáo Hoàng.

Tên khủng bố, đội một chiếc khăn màu trắng, đang đứng trước một số tòa nhà bị cháy rụi và phá hủy. Bên cạnh đầu của Đức Giáo Hoàng với hàng chữ "Jorge Mario Bergoglio".

Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, gọi tắt là MEMRI, báo cáo rằng nhóm truyền thông Wafa, một cơ quan tuyên truyền có liên kết với bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đã tung ra hình ảnh này. Tấm hình xuất hiện chỉ vài ngày sau khi bọn chúng tung ra một tấm bích chương mô tả một tên khủng bố đang lái xe lao vào Đền Thờ Thánh Phêrô, với những lời lẽ đe dọa một cuộc tấn công khủng bố tại Vatican vào dịp Giáng sinh năm nay.

Các nhà phân tích MEMRI cảnh báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS này có thể đang cố thúc đẩy các cuộc tấn công vào dịp Giáng Sinh của những "con sói đơn độc" ở châu Âu khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nhìn nhận sự sụp đổ của chúng ở Iraq và Syria.

Tháng 12 năm ngoái, một tên khủng bố ISIS đã lái xe một tải tông vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin, giết chết 11 người và làm bị thương 56 người khác.

Vào ngày lễ các Thánh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công gần đây trên khắp thế giới. Ngài nói rằng: "Chúng ta cầu xin Chúa hóa cải con tim của những kẻ khủng bố và giải thoát thế giới khỏi hận thù và sự điên rồ giết người lạm dụng danh Chúa, đang gây ra tử vong tràn lan trên thế giới."
 
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và những thị kiến về cuộc xâm lược của Hồi Giáo tại Âu Châu
Đặng Tự Do
10:13 25/11/2017
Đức Gioan Phaolô II nổi tiếng là vị Giáo Hoàng thúc đẩy mạnh các cuộc đối thoại liên tôn giữa người Công Giáo và người Hồi giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân vào một đền thờ Hồi giáo vào năm 2001.

Tuy nhiên, trong thông điệp Ecclesia in Europa (Giáo Hội tại Âu Châu), vào năm 2003, vị thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã viết rằng đối thoại với Hồi giáo “cần được tiến hành thận trọng, với những ý tưởng rõ ràng về những khả thể và những giới hạn, trong khi tin tưởng vững chắc vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả con cái của Người”.

Ngài cũng cho biết thêm: “Cần phải tính đến những dị biệt đáng kể giữa văn hoá châu Âu, nguồn gốc Kitô giáo sâu xa, và tư tưởng Hồi giáo.”

Trong bài St John Paul II ‘had vision of an Islamist invasion of Europe’ (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có một thị kiến về một cuộc xâm lược của Hồi Giáo tại Âu Châu), tờ Catholic Herald cho biết, Đức Ông Mauro Longhi nói rằng vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã tiên đoán một 'vết thương chết người' cho Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có một cái nhìn tiên tri về “một cuộc xâm lược Hồi giáo vào châu Âu”, Đức Ông Mauro Longhi cả quyết.

Đức Ông Mauro Longhi, thường đi cùng với vị Giáo Hoàng Ba Lan trong những chuyến đi nghỉ hè trên các miền núi, nói rằng Thánh Gioan Phaolô là người có đặc sủng được thị kiến và “đàm thoại” với Đức Mẹ.

Đức Ông Mauro Longhi, linh mục Opus Dei, đã nhận xét như trên trong bài thuyết trình tại Tu Viện hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ ở Bienno, miền bắc nước Ý. Bài thuyết trình của ngài đã được đăng trên YouTube.

Trong một chuyến nghỉ hè vào năm 1992, vị Đức Ông Longhi nói, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có về một thị kiến bi quan về tương lai của Châu Âu.

“Đức Giáo Hoàng đã nói với tôi: ‘Tôi thấy Giáo Hội bị tổn thương bởi một vết thương chết người. Sâu sắc hơn, đau đớn hơn những gì đã xảy ra thiên niên kỷ này’, ám chỉ đến chế độ Cộng sản và Đức Quốc xã. Nó được gọi là Hồi Giáo hóa. Họ sẽ xâm chiếm châu Âu. Tôi đã nhìn thấy những đám đám đông đến từ phương Tây và phương Đông.”

Theo Đức Ông Mauro Longhi, vị Giáo Hoàng Ba Lan nói thêm: rằng “Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba, phải ngăn chặn cuộc xâm lăng này. Không phải với quân đội, vì quân đội không ăn thua gì, nhưng với đức tin, và một cuộc sống liêm chính”

Đức Ông Longhi đã đi cùng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong các chuyến đi bộ và trượt tuyết từ năm 1985. Ngài nói vị Giáo Hoàng Ba Lan thường rời khỏi Rôma trong một chiếc xe rẻ tiền, để không thu hút sự chú ý của công chúng, và ngài thường cư trú trong một nhà của Opus Dei ở vùng núi Abruzzo.

Vào ban đêm, Đức Giáo Hoàng thường quỳ gối trước nhà tạm bên trong nhà nguyện, nói chuyện “đôi khi rất sống động” với Chúa.

Đức Ông Longhi cũng nói rằng Đức Hồng Y Andrzej Deskur, một trong những người bạn thân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cho biết vị giáo hoàng có “đặc sủng được thị kiến với Chúa Giêsu và Mẹ Người”
 
Tuyên bố của chính quyền Ai Cập về cuộc tấn công vào một đền thờ Hồi giáo ở Sinai
Đặng Tự Do
10:52 25/11/2017
Hôm thứ Bảy 25 tháng 11, chính quyền Ai Cập cho biết cuộc tấn công vào một đền thờ Hồi giáo do các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo ở miền Bắc Sinai gây ra đã giết chết 305 tín hữu Hồi, trong đó có 27 trẻ em. Số người chết như thế đã tăng lên 235 người so với báo cáo sơ khởi ban đầu.

Một tuyên bố của chánh công tố Nabil Sadeq cho biết cuộc tấn công hôm thứ Sáu 24 tháng 11 đã khiến 128 người khác bị thương.

Theo các chuyên gia, những kẻ tấn công, ước tính từ 25 đến 30 tên, đã tới nhà thờ Hồi giáo gần thị trấn Bir al-Abd trên năm chiếc xe hơi và án ngữ ở cửa chính và 12 cửa sổ trước khi nổ súng. Chúng cũng đốt cháy bảy chiếc xe đậu bên ngoài nhà thờ Hồi giáo của những người thờ phượng bên trong.

Trích dẫn lời khai của các nhà điều tra từ những người sống sót, tuyên bố nói một số kẻ tấn công đã che mặt. Nhưng những tên khác thì để râu và tóc dài. Chúng mặc áo khoác và áo thun đen, biểu tượng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chúng luôn miệng hét lên “Allahu Akbar” (Thiên Chúa thật cao cả) trong khi bắn giết các tín hữu Hồi Giáo.

Cũng trong ngày thứ Sáu, các máy bay chiến đấu của Ai Cập đã tấn công vào vùng núi Sinai, tiêu hủy một số loại xe, được tin là thuộc về bọn bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Tất cả những người đi trên xe đều bị bị giết.

Lời tuyên bố của chánh công tố Ai Cập là tuyên bố chi tiết nhất của các nhà chức trách về cuộc tấn công này, là biến cố bi thảm nhất do các phần tử cực đoan Hồi giáo gây ra trong lịch sử hiện đại của Ai Cập.

Tuyên bố cũng mô tả về những cảnh kinh khủng trong khoảng 20 phút khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắn giết các tín hữu. Một số người đã nhảy ra khỏi cửa sổ, trong khi một cuộc tắm máu diễn ra trong đền thờ và trẻ em la hét kinh hoàng. Một số người nói bọn khủng bố chực sẵn bên ngoài đã bắn chết những ai bỏ chạy khỏi đền thờ.

Một nhân chứng, tên là Ebid Salem Mansour, cho biết, vị imam giảng thuyết hôm đó vừa mới bắt đầu bài thuyết pháp thì tiếng súng nổ vang lên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thường Huấn Ban Thường vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Giáo Phận Đà Nẵng 2017 .
Toma Trương Văn Ân
09:23 25/11/2017
Lễ Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hằng năm- Bổn mạng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, theo thông lệ là ngày tĩnh tâm các Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ giáo xứ - Giáo phận Đà Nẵng.

Lúc 8 giờ sáng 24 / 11 / 2017, Tại nhà thờ Chính Tòa giáo phận Đà Nẵng, 275 Vị trong Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ ( Tham dự viên) của 50 Giáo xứ và 4 Giáo họ biệt lập trong Giáo phận Đà Nẵng đã gặp gỡ , chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, Tĩnh tâm và được huấn giáo theo tinh thần : “ Người Quản gia trung tín của Thiên Chúa”.

Xem Hình

Trong bài tĩnh tâm khai mạc, Cha Phao–lô Nguyễn Hữu Trường Sơn, đặc trách gia đình, đã khai mở cho các Tham dự viên, cần có những đức tính để chu toàn trách vụ trong cộng đoàn , khi được Cha Quản xứ và cộng đoàn tín nhiệm. Mỗi người cần có tương quan mật thiết với Chúa trong cầu nguyện và thực thi ý Chúa , có mối tương quan yêu thương với anh chị em trong môi trường đang sống và làm việc. Mỗi Thành viên nhận được những Đặc sửng khác nhau tùy theo Ân sủng và có những khả năng riêng phù hợp với Chức vụ lãnh nhận , Thành viên Hội đồng mục vụ được mời gọi cách đặc biệt cộng tác với hàng Giáo phẩm , mà trực tiếp là Cha Quản xứ, để cố gắng chu toàn, kiên nhẫn trong thử thách, đừng để mất Ân sủng Chúa ban !

Người Tông đồ giáo dân có những thuận lợi : đến được mọi ngóc ngách của xã hội và cuộc đời, làm việc vì yêu mến Chúa và Giáo Hội , Người Giáo dân dấn thân trở nên nhân chứng , là tác nhân và là công cụ loan báo Tin Mừng trong những môi trường Giáo Sĩ không thể đến được.

Trong dịp này , Cha FX Nguyễn Văn Thịnh , đặc trách Giáo dân, thông tin cho các Tham dự viên biết sẽ có :

+ Chương trình huấn giáo và tập huấn Thành viên Hội đồng mục vụ các giáo xứ trong Giáo phận, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2018.

+ Ủy Ban Giáo dân Giáo phận sẽ phát hành các tập tài liệu về đề tài Tông đồ giáo dân , và sẽ gởi đến các Hội đồng mục vụ Giáo xứ , mỗi tháng 1 lần.

+ Những chuẩn bị của Giáo Hội Việt Nam , mỗi Giáo phận , Giáo xứ , mỗi Giáo dân trong dịp kỷ niệm 30 năm ,Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tôn phong Hiển Thánh 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam ( 19 / 6 / 1988 – 19 / 6 / 2018) .

Lúc 9 giờ 30 , Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã đến trong lời ca chào mừng và những tràng vỗ tay rất nồng nhiệt,vui mừng và yêu mến Đức Cha của đoàn con .

Đức Cha huấn giáo các Tham dự viên , Ngài xoáy vào chủ đề : “ Chân dung người quản gia của Thiên Chúa” . với đoạn Tin Mừng:” Người Quản Gia Trung Tín”. Đức Cha mời gọi mỗi thành viên trung tín , tỉnh thức , sẵn sàng, cư xử tình nghĩa với anh chị em xung quanh…. Mời gọi mỗi người loại bỏ những cản trở đời sống Thiêng liêng là đam mê , tật xấu…. làm mỗi người mất tự do thuộc về Chúa… Người Quản gia trung tín bảo vệ được “Phần rỗi” chính bản thân mình , bảo vệ gia đình mình và cộng đoàn. Mỗi thành viên biết sử dụng khả năng , ý chí để cộng tác xây dựng Giáo Hội , phục vụ cộng đoàn. Là Thành viên được tuyển chọn để kết nối yêu thương, để trở nên cầu nối Đức tin cho sự hiệp nhất , là nhân chứng sống động trong việc loan báo Tin Mừng.

Đức Cha nêu mẫu gương Thánh Cả Giuse Là mẫu gương của Người Quản Gia Trung Tín : Ngài xin vâng trong thinh lặng., thực thi ý muốn của Thiên Chúa cách mau mắn, ước muốn Thánh thiện … để Chúa biến đổi đời mình. Người Tông Đồ của Thiên Chúa có thể không giàu có về của cải vật chất , nhưng giàu có về dấn thân , về phục vụ… giàu có bình an , ân sủng , yêu thương, chấp nhận hy sinh trong yêu thương và chu toàn trách vụ…ra đi khỏi cái Tôi , khiêm hạ trong phuc vụ, đó là những giá trị không mua được bằng tiền.

Đức Cha minh xác với các Thành viên Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ : “ Giáo Hội của người nghèo” cho người nghèo và người nghèo có tiếng nói , có chổ đứng , có vị trí quan trọng trong đời sống mục vụ của Giáo Hội. Các Thành viên được mời gọi đồng hành với Cha Quản xứ để viếng thăm , sẻ chia yêu thương với người nghèo.

Đức Cha cũng nhắc đến lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô “ mỗi người đi đến vùng ven , vùng ngoại biên” . Vùng ven đó có thể là chính trong các thành viên của gia đình , là vợ là chồng , là chính trong mỗi giáo xứ , cộng đoàn …. Nhiều khi mỗi người có những cư xử thiếu tế nhị … dẫn đến loại trừ anh chị em , đó là những vùng ven , vùng ngoại biên.

Sau hơn 1 giờ Giáo huấn , Đức Cha đã Chủ sự Thánh lễ Kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam , Bổn mạng Hội đồng mục vụ các giáo xứ. Quý Cha Đặc trách gia đình , Đặc trách Giáo Dân , Cha Quản xứ và Phó xứ Chính Tòa và Quý Cha đồng hành đã đồng tế với Đức Giám Mục.

Trong bài giảng , Đức Cha sơ lược đời sống nhân chứng của Thánh Tử Đạo Anre Nguyễn Kim Thông , mẫu mực cả trong đời sống nhân bản và Đức tin mà rất nhiều Ban Thường vụ Giáo xứ , đã chọn Ngài làm bổn mạng. Các Thánh Tử Đạo chết không phải vì chống đối Chính quyền đương thời , nhưng chết cho tình yêu Thiên Chúa và chết cho anh chị em.

Cuối Thánh lễ , một Vị Đại diện các Tham dự viên đã đại diện cám ơn Đức Cha. Mặc dù Đức Cha phải đi công vụ ở xa , nhưng đã thu xếp để về hiện diện và huấn giáo các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ. Cám ơn Quý Cha Đặc trách đã chia sẻ giúp tĩnh tâm , Cha Quản xứ , Phó xứ Chính Tòa và Quý Cha đồng hành. Ông cũng nói đến những khó khăn…. Đòi hỏi nhiều nổ lực và hy sinh, dấn thân và quảng đại…. nhưng tin tưởng nhờ ơn Chúa , nhờ sự quan tâm của Đức Cha và sự đồng hành tin tưởng của Quý Cha Quản xứ , gia đình và cộng đoàn nâng đỡ.

Trong dịp này , cộng đoàn phụng vụ hân hoan với Đức Cha, mừng Đức Cha 10 năm thụ phong Giám mục trong ngày 3 / 12 / 2017 sắp đến. một bó hoa và chút quà của các vị Đại diện , bày tỏ niềm vui của đoàn con luôn cầu nguyện cho Vị Cha chung của Giáo phận.

Đáp từ , Đức Cha xin mọi người cầu nguyện, nâng đỡ , cảm thông sự bất toàn và yêu thương … sẽ trở thành hành trang để bước đi trong ơn Chúa. Cuối cùng Đức Cha đã xin phép lành của Thiên Chúa , qua các Thánh Tử Đạo lời chúc an bình , can đảm . hy vọng , phục vụ …. loan báo Tin Mừng , và những cầu chúc tốt đẹp nhất.

Sau Thánh lễ , Đức Cha , quý Cha và các Thành viên tham dự , cùng chung chia buổi cơm thắm tình gia đình Giáo phận tại hội trường nhà xứ Chính Tòa.

Toma Trương Văn Ân

 
Nhân ngày thành lập giáo xứ Bình Hải: Bông hồng vẫn nở giữa mùa Đông
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:33 25/11/2017
Kính tặng giáo xứ Bình Hải nhân ngày thành lập giáo xứ - 24.11.2017

          Ngày lễ trọng mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm nay, 24.11.2017, tôi được diễm phúc về đồng tế Thánh lễ tại nhà thờ Bình Hải với Đức Cha giáo phận, Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cùng với đông đảo anh em linh mục trong giáo hạt Quảng Ngãi và một số thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

          Nhưng có lẽ cộng đoàn dân Chúa Bình Hải còn hạnh phúc hơn tôi bội phần. Vì chính hôm nay, cộng đoàn giáo họ biệt lập xa xôi hẻo lánh của vùng duyên hải Quảng Ngãi nầy, chính thức trở thành giáo xứ  thứ 56 của giáo phận Qui Nhơn, và có linh mục Gioakim Nguyễn Quang Minh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế được bổ nhiệm làm cha sở chăm sóc đoàn chiên.

          Như vậy, sau 395 năm (1622-2017), gần bằng với chặng đường đón nhận Tin Mừng của giáo phận-400 năm (1618-2018), cộng đoàn Bình Hải được khai sinh với những “hạt cải” đầu tiên như “văn sĩ Gioan Thanh Minh”[1], giờ đây đã trở thành “đại thụ” để 363 gia đình và khoảng 1.339 giáo dân “về núp bóng”[2].

          Con đường trở thành một “cộng đoàn giáo xứ” của Bình Hải đã đi qua cái “nẻo Thập Giá” như bao cộng đoàn khác của Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt của giáo phận Qui Nhơn. Chính vì thế, sự kiện mục vụ “thành lập giáo xứ và bổ nhiệm cha sở” được lồng trong khung cảnh Phụng Vụ của đại lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam thật là thích hợp và đầy ý nghĩa. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Giám Mục giáo phận đã nêu bật 4 mẫu gương nhân chứng tử đạo, cũng là 4 Vị Thánh của giáo phận : Á Thánh Anrê Phú Yên, Thánh linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính, Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, và Thánh Stêphanô Cuénot Thể, với 16 vị Tôi Tớ Chúa cùng với trên hàng vạn chứng nhân tử đạo vô danh khác trải qua các thời kỳ bách hại. Đó là những đại diện và là những đóng góp hào hùng, quý giá của giáo phận Qui Nhơn dành cho Giáo Hội mẹ Việt Nam.

          Chắc chắn những anh chị em tín hữu Bình Hải hôm nay đang soi mình trong cái bóng Tử Đạo oai hùng đó để cùng hân hoan nhịp bước đi lên với tất cả niềm tin yêu và hy vọng, bất chấp muôn nổi khó khăn và thử thách đang chực chờ phía trước.

          Làm sao không thử thách khi nhà thờ giáo xứ hiện nay chỉ là ngôi nhà thờ tạm được làm cách đây 21 năm (1996) với mái tôn vách ván và kèo cột chỉ là những cây bạch đàn tạm bợ, mà chỉ một cơn bão ập vào, chắc chắn sẽ tan thành mây khói !

          Làm sao không khó khăn khi mặt tiền nhà thờ mới vừa được hoán đổi di dời “đất chợ” để không còn cảnh “họp chợ” ngay trước tiền đường khi cộng đoàn “họp dâng Thánh lễ” !

          Làm sao không lo lắng, khi đa phần giáo dân bám biển sinh nhai mà mỗi khi biển động đành “gác mái ngư ông về viễn phố” và bữa cơm gia đình đành “bớt gạo và chỉ có mắm, rau” !

          Làm sao không ưu tư, khi mà rồi đây : việc học hỏi giáo lý, phát triển các phong trào tông đồ, huấn luyện nhân sự truyền giáo…làm sao thực hiện với một cơ sở hạ tầng chỉ là con số không to tướng… !

          Nhưng không sao. Giống như bầu trời hôm nay. Đâu đâu cũng mưa giăng nặng hạt tối đen; chỉ riêng Bình Hải khô rang để rạng rỡ những ánh mắt, long lanh những nụ cười trong niềm vui và hy vọng. Thì ra, giống như câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Ái Nhĩ Lan Oscar Wilde (1854-1900) : Ở giữa mùa đông lạnh vẫn có thể trỗ sinh một bông hồng. Bởi vì đó là “quà tặng tình yêu” mà cây hoa hồng đã hút máu từ trái tim của chú chim họa mi giàu lòng quảng đại. Hy vọng, giáo xứ Bình Hải vẫn trổ sinh nhiều bông hồng tình yêu, theo mẫu gương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cho dù phải đi qua “những mùa đông lạnh” của cuộc đời.


Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Lm. Vox Đình Đệ, Lịch sử giáo xứ Bình Hải đã viết : “Trong thời các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong, tại làng Thanh Minh thuộc xã Bình Thuận ngày nay là một địa bàn được các thừa sai Dòng Tên rửa tội cho một số người, trong đó có ông Gioan Thanh Minh. Ông là người con trong một gia đình quan chức và có tiếng là văn hay chữ tốt. Năm 1622, lúc được 34 tuổi, ông gia nhập Kitô giáo. Ông và bà vợ của ông được một thầy giảng lớn tuổi dạy giáo lý và được cha Manoel Fernandez, thừa sai Dòng Tên, ban Bí tích rửa tội. Sau khi vợ ông qua đời, ông gia nhập đoàn thầy giảng và giúp nhiều người nhận biết Chúa. Ông cũng là người dạy cho các thừa sai về ngôn ngữ Đàng Trong. Năm 1629, cha Fernandez ẩn trú tại nhà ông khoảng sáu tháng để tránh lệnh trục xuất của chúa Sãi. Ông là một thi sĩ Công Giáo, viết nhiều thi phẩm về Chúa và các thánh bằng chữ Nôm, có thể kiểm đếm được 15 thi phẩm. Những thi phẩm của ông đã gợi hứng cho nhiều người trong xứ được ơn nhận biết Chúa. Chính chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cũng khen ngợi khi nghe ngâm những thi phẩm của ông.[1] Trong số các thi phẩm của ông, cha Philipphê Bỉnh cho rằng Tam Phụ là một thi phẩm rất hay. Thi phẩm cuối cùng của ông được viết về sự chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc. Khi đã biết Chúa, ông dùng tài năng của mình để phụng sự Chúa. Ông là một trong những mô hình tông đồ giáo dân nòng cốt đem lại nhiều kết quả trong công cuộc truyền giáo. Ông đã tuẫn đạo cùng với ba Kitô hữu khác vào ngày 02.05.1663.”

[2] Lịch Công Giáo giáo phận Qui Nhơn 2017-2018, trang 152.
 
17 năm Liên Đới Nghề Nghiệp Giáo xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
17:07 25/11/2017
Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp ngày 01.05.2017 : Khoảng 300 người đã đến tham dự. Chương trình xoay quanh ba trục chính : Thánh lễ mừng kính thánh quan thầy Giuse thợ, bữa cơm huynh đệ và một chương trình văn nghệ rất đặc sắc qua chủ đề « Tình Ca » với những bản Tình ca bất hủ của các nhạc sĩ một thời vang bóng : Phạm Duy, Lam Phương, Ngô Thụy Miên và Vũ Thành An ».

Sau thánh lễ Thánh Quan Thầy Giuse thợ, Gs Trần Văn Cảnh đại diện Ban Điều Hành Liên Ngành LĐNN đã làm một báo cáo như sau :

« Phong trào Liên đới Nghề nghiệp đã được thành lập vào ngày 01.05.2000, từ sự thành hình của năm nhóm ngành nghề : Thân Hữu Taxi, Liên Đới Chuyên gia, Liên đới Xây dựng, Liên đới Doanh Thương và Liên đới Dịch Vụ.

Trong ba năm đầu, 2000-2003, sinh hoạt Liên Ngành mỗi năm gồm ba việc chính : 1- Tổ chức thánh lễ mừng kính Thánh Quan Thầy Giuse Thợ, là gương mẫu các người lao động ; 2- Tham dự Đại Hội 01.05 hằng năm, để thẩm lượng những việc đã làm và đưa ra chương trình hành động cho năm tới ; 3- Học hỏi về một đề tài đức tin, đức cậy, đức mến, hay về một khía cạnh cụ thể nghề nghiệp của người lao động.

Từ năm 2003, thêm công việc thứ 4- Tổ chức « Tiệc Truyền Giáo », gây quĩ gửi về giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có thêm phương tiện làm việc Truyền Giáo.

Và từ năm 2012, thêm việc thứ 5- Tổ chức « Bữa Cơm Huynh Đệ » vào ngày đại hội, gây quĩ giúp tu bổ cơ sở giáo xứ. Cũng từ năm 2012 này, sinh hoạt Liên Đới Nghề Nghiệp đã thay đổi và cải tiến thêm : không dành riêng cho các thành viên LĐNN, nhưng mở rộng ra như một sinh hoạt chung cho cả giáo xứ. Các anh em các ngành LĐNN vẫn lãnh trách nhiệm tổ chức, nhưng được sự tham gia tích cực của nhiều Hội Đoàn, ban nhóm khác, như Đạo Binh Đức Mẹ, Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Phong trào Cursillo, Ban Bữa Cơm Chúa Nhật, Ban Du Ca, Giới trẻ, PTTNTT… Mỗi lần đều có khoảng trên dưới 300 người tham dự và cả 100 người góp công.

Tổng cộng theo sổ sách ghi lại, tính đến 30.04.2016 Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã góp vào Quỹ Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 41.096,00 € và vào quỹ Cơ Sở Giáo Xứ 44.140,00 €.

Cho niên khóa 2016-2017, quỹ thâu được của ĐH LĐNN ngày 01.05.2016 là 4459,00€, ngày 30.10.2016 là 20.266,00€, ngày 30.04.2017 (Doanh Thương bán bánh chưng Tết) là 7.769.00€ và ngày 01.05.2017 (bữa cơm huynh đệ) là 5.500,00€. Tổng cộng tất cả 4 khoản thâu trên đây là 37.994,00€ đều đã góp vào việc xây dựng cơ sở Giáo Xứ.

Lễ Truyền Giáo Liên Đới Nghề Nghiệp ngày 29.10.2017. Khoảng gần 300 người đã đến tham dự. Chương trình xoay quanh ba việc : Thánh lễ, Đại tiệc và Văn nghệ Truyền giáo.

Gần một tháng sau đó, ngày 23.11.2017, trong buổi hội tổng kết, các vị đại diện Liên Ngành và đại diện các ngành đều có một nhận định chung rằng ngày Lễ truyền giáo Liên đới nghề nghiệp 2017 đã được thực hiện một cách tốt đẹp. Thánh lễ sốt sắng, Đại tiệc thịnh soạn thân thiện và Văn nghệ vui nhộn. Dưới khía cạnh tài chánh, tiền thâu được trong ngày 29/10/2017 cho Quỹ Truyền Giáo là 7.919,00 €.

Về tương lai, cha Giám Đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang và quí vị đại diện đều đồng ý duy trì hai ngày sinh hoạt liên ngành hằng năm, Đại Hội LĐNN vào 01 tháng 05 và Đại lễ Truyền Giáo vào tháng 10.

Trong phần linh tinh, Gs Trần Văn Cảnh, sau 17 năm sinh hoạt, đã xin từ nhiệm và đề cử anh Nguyễn Đình Chiểu thay thế. Cha Giám đốc và các vị trách nhiệm hiện diện đã chấp nhận sự từ nhiệm của Gs Trần Văn Cảnh và đã nhất chí vui mừng tín nhiệm anh Nguyễn Đình Chiểu làm Đại diện và Trách nhiệm liên ngành LĐNN.

Vị chi Phong Trào LĐNN đã góp vào quỹ truyền giáo Việt Nam tất cả là 49.015,00€ (=41.096,00€+7.919,00 €). Và vào quĩ cơ sở Giáo Xứ Việt Nam Paris tất cả là 82.134,00€. (= 44.140,00€ + 37.994,00€). Tạ Ơn Hồng Ân Chúa. Cám ơn sự tham dự và khuyến khích của các quí ông bà, các bạn trẻ và mọi thành phần trong giáo xứ.

Thêm vào đó, LĐNN GXVN Paris đã được Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh giúp xây dựng được một linh đạo cho mình từ năm 2012 và gợi ý cho nhiều cộng đoàn VN khác, ở VN và ở hải ngoại lập lên những nhóm LĐNN Giáo Chức, Bác Sĩ, Doanh nhân,...

Ý thức Hồng Ân Chúa đã ban, các thành viên Phong Trào LĐNN càng thấy bổn phận phải, cùng với mọi thành phần trong giáo xứ, làm phát triển hồng ân đã lãnh nhận, để mừng sinh nhật thứ 70, 1947-2017, của Giáo Xứ Việt Nam Paris mà cộng đoàn đang tổ chức năm nay, khởi đầu từ tháng 03 và tiếp tục trong suốt năm 2017.

Paris, ngày 23.11.2017

Trần Văn Cảnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bức tranh ngày tận thế
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:52 25/11/2017
Bức tranh ngày tận thế

Khi vào thăm bảo tàng viện Vatican, hầu như tất cả các khách thăm viếng đều đi qua những dẫy phòng, những hành lang trưng bày những bức tượng, bức tranh, kỷ vật lịch sử của nhiều nền văn hóa, của nhiều thời đại trên thế giới suốt khu nhà bảo tàng, và sau cùng đi đến ngôi nhà nguyên nổi tiếng Sixtina ở cuối khu nhà bảo tàng.

Nơi đây không chỉ là địa điểm lịch sử xưa nay các Hồng Y Giáo Hội Công Giáo bầu chọn vị Giáo Hoàng mới, khi Đức Giáo Hoàng cũ qua đời hay từ chức, như đã diễn ra vào năm 2005 và 2013 mới gần đây. Nhưng nơi đây có bức tranh thời danh diễn tả chiều sâu đạo đức vẽ trên tường nhà nguyện: Bức tranh ngày tận thế.

Bức tranh đạo đức lịch sử này được danh họa Michael Angelo vẽ họa cách đây trên bốn thế kỷ vào năm 1540 dựa theo chi tiết những gì Thánh sử Mattheo viết diễn tả trong Phúc âm Chúa Giêsu ( Mt 25,31-46).

Lẽ dĩ nhiên theo dòng thời gian xưa nay đã có nhiều danh họa cũng đã vẽ họa những bức tranh ngày tận thế khác nhau tùy theo sự suy tưởng cùng cách thức bố trí văn hóa kỹ thuật và mỹ thuật ngành hội họa.

Nhưng Bức tranh ngày tận thế của danh họa thiên tài Michael Angelo ở nhà nguyện Sixtina nổi tiếng thời danh nhất, hấp dẫn thu hút mọi người đến chiêm ngắm thưởng ngoạn.

Bức danh họa ngày tận thế này không chỉ hiển thị tài năng của danh họa kiến trúc sư Michael Angelo về phương diện kỹ thuật, mỹ thuật, cách trình bày sống động. Nhưng còn ẩn chứa sứ điệp thần học đạo đức nữa. Vì những gì bức tranh diễn tả đều dựa trên nền tảng như trong phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo về ngày tận thế do chính Chúa Giêsu đã giảng viết thuật lại.

Đoạn kinh Thánh về ngày tận thế trong phúc âm theo Thánh Mattheo có mức độ hấp dẫn rất to lớn về khía cạnh suy niệm đạo đức thần học cùng nhắc nhở kêu gọi lương tâm con người rất khẩn thiết.

Quang cảnh phán xét ngày tận thế, như trong phúc âm thuật lại, được hiểu là cung cách sống và tình yêu Kitô giáo trên trần gian.

Tình yêu, tình bác ái, lòng thương xót trong đời sống giữa con người với nhau là nhân lõi trung điểm cho cán cân sự phán xét thưởng phạt của Thiên Chúa toàn năng đối với con người trong hoàn cảnh nghèo đói, khó khăn.

Ai luôn luôn sống chứng tỏ tình yêu lòng bác ái tình liên đới đối với con người, người đó thi hành trọn vẹn giới luật của Thiên Chúa, bất kể người đó là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho khách lạ đỗ nhà, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ tù rạc, bệnh tật…

Thánh giáo phụ Origines (185-254) giải thích công việc bác ái lòng thương xót với con người không chỉ theo nghĩa đen từng câu chữ, nhưng còn là lương thực thức ăn tinh thần, như cho kẻ rách rưới quần áo ăn mặc là sự khôn ngoan và mang đến sự an ủi tinh thần.

Dụ ngôn ngày phán xét sau cùng vẽ ra hai hình ảnh: tòa án và sự phân xử phán xét.

Tòa án nơi xét xử con người ngày sau cùng ra trước mặt Thiên Chúa theo công việc cụ thể, cung cách sống họ đã sống thực hiện khi xưa lúc còn sinh sống trên trần gian. Chúa Giêsu Kitô xuất hiện là vị thẩm phán tối cao, và chỉ mình Ngài là vị thẩm phán thôi . Ngài nhìn theo hướng trái tim lòng con người.

Thánh sử Mattheo trước khi thuật lại quang cảnh ngày phán xét với Chúa Giêsu, vị thẩm phán, đã thuật lại lịch sử đời Chúa Giêsu là „ Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta“ , Chúa Giêsu là người giúp đỡ là người chữa lành.

Thánh sử Mattheo không vẽ lên bức tranh tòa án ngày tận thế như đe doạ làm cho sợ hãi. Nhưng muốn đạt đến sự qủa quyết dứt khoát, sự cởi mở và tình liên đới với con người.

Hình ảnh thứ hai của dụ ngôn là sự phán quyết phân biệt giữa chiên và dê. Hình ảnh này làm nhiều người lo âu sợ hãi trước tòa Chúa phán xét. Hình ảnh phân biệt phán quyết này không chỉ hướng đến ngày phán xét sau cùng, nhưng còn đến những công việc thi hành bây giờ của con người nữa.

Nơi đây và lúc này Chúa Giêsu Kitô muốn đòi hỏi con người phải quyết định thi hành công việc theo hợp với giới răn lề luật của Thiên Chúa, và một đời sống có tình nghĩa con người.

Ngày sau cùng trước tòa Thiên Chúa, Đấng dựng nên, nuôi sống con người. Ngài thấu suốt tất cả những gì con người suy nghĩ, con người sống. Nghĩ đến đó, ai cũng lo âu sợ hãi.

Nhưng con người là hình ảnh tác phẩm của Thiên Chúa. Vì thế con người có thể cậy trông vào lòng thương xót của Ngài là Cha đời con người chúng ta.

Và một đời sống bác ái lòng thương xót thể hiện giữa con người với nhau ngay ở đời này giúp an tâm ra trước Thiên Chúa toàn năng đầy lòng thương xót, là Vua lòng con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Kết Đoàn
Nguyễn Đức Cung
09:29 25/11/2017
KẾT ĐOÀN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Kết đoàn cùng hướng cùng đi
Khó khăn gian khổ chẳng gì trở ngăn..
(nđc)
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Tôi Không Còn Cô Đơn -Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
05:17 25/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Tôi Không Còn Cô Đơn -pdf

Tôi không còn cô đơn buồn khô héo bên dòng đời

Tôi không còn cô đơn mặc cho năm tháng trôi xuôi

Tôi không còn cô đơn dù rằng bờ vai vất vả

Chuyện lòng ngổn ngang mấy ngả, lênh đênh tìm một mái nhà.

Tôi đã gặp niềm vui từ khi lắng nghe lời Người

Tôi đã gặp niềm vui bừng lên trong đáy tim tôi

Tôi đã gặp niềm vui từ ngày tình yêu sáng tỏ

Mở rộng hồn tôi bé nhỏ, dắt tôi đến miền tôi mơ.

Chúa đã dạy tôi, yêu Chúa yêu người

Chúa đã dạy tôi yêu người như chính thân tôi

Tình yêu chân chính (thiệt hơn không tính)

Vì nghĩa quên mình, (nghĩa trọng lợi khinh)

Còn gì cao quý bằng tình yêu biết hy sinh.

(Nỗi vui thiên đình)

Chúa đã dạy tôi nhân ái công bình

Manh áo hạt cơm vui buồn chia sớt cho nhau

Nhìn nhau không nói (tình không biên giới)

Mà ý khôn vơi (biết bao là vui)

Còn đâu buồn cô đơn nữa người ơi.

Tôi yêu người anh em cùng tôi sống chung hằng ngày

Tôi yêu người chưa quen từ phương nào đến nơi đây

Không quên lời dạy xưa mọi người là con Chúa cả

Thì dù ngược xuôi tất tả những xum họp một mái nhà.

Tôi yêu người nông dân làm bông lúa lên vàng trời

Tôi yêu người công nhân làm cho nếp sống thêm tươi

Noi gương người khi xưa làm thợ mà vui vất vả

Một người hòa chung tất cả nghĩa anh em cùng một cha.