Ngày 09-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sứ mạng của Chúa cứu thế
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
00:08 09/12/2022


Bấy giờ, ông Gioan tẩy giả “đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su rằng: “Thầy có thật là Đấng cứu thế được Thiên Chúa sai đến không? Hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Nhân cơ hội nầy, Chúa Giê-su tỏ cho biết Ngài đến trần gian làm cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, cho người què được đi, người phong hủi được sạch, kẻ chết sống lại…

Việc Chúa Giê-su mở mắt cho người mù được thấy là biểu tượng của việc Ngài đến mở mắt tâm hồn cho muôn dân, chủ yếu là khai trí mở lòng cho nhân loại nhận biết nhiều sự thật cao quý, đặc biệt là nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương.

Sự kiện sau đây cho thấy người con nhận biết cha yêu quý của mình là hồng phúc lớn.

Nguyễn Thị Martine mang thân phận một người con lai xấu số, lớn lên trong vất vả nhọc nhằn. Khi Martine còn trong bụng mẹ thì cha cô là một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp đã trở về Trung Phi, thế là cha con chưa từng biết nhau.

Đầu năm 1972, lên 18 tuổi, Martine vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên, cuộc đời lam lũ tăm tối, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.

Thế rồi vào một ngày cuối năm 1972, khi Martine đang bốc vác xi măng, bụi bặm đầy người, thì cậu của cô bất thần chạy đến, la to: “Martine! Đi về thay đồ chuẩn bị lên máy bay, đi gặp ba mầy làm tổng thống!”

Martine bàng hoàng ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Hóa ra, dịp may ngàn năm một thuở đã xảy đến với cô: Cha của Martine là ông Bokassa, người lính da đen thuộc quân đội Pháp tham chiến ở Việt Nam năm xưa, nay đã trở thành tổng thống nước Cộng Hoà Trung Phi, một đất nước nổi tiếng có nhiều kim cương. Ông Bokassa đã cậy nhờ chính phủ Việt Nam Cộng hoà thời đó tìm kiếm đứa con lai của mình tại Việt Nam và rước cô này về Trung Phi.

Đối với Martine, được nhìn thấy người cha thân yêu, được vui sống với cha trong hoàng cung lộng lẫy tại quốc vương Trung Phi là một hạnh phúc tuyệt vời tưởng như chỉ có trong mơ.

Còn chúng ta, chúng ta có thể gặp được diễm phúc khác lớn hơn diễm phúc của Martine. Những ai được Chúa Giê-su “mở mắt” cho thấy mình có Cha là Thiên Chúa, là vua trời cao cả quyền năng, có Chúa Giê-su là Đấng cứu độ hiến thân chịu chết cho mình được sống, có Chúa Thánh Thần là Thầy dạy và là Đấng ban sự sống… thì sẽ được hạnh phúc gấp triệu lần hơn.

Chính vì thế, Chúa Giê-su nói với các môn đệ, là những người được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa, rằng: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem thấy điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe.”

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn tỏ ra hân hoan vui sướng trong Chúa Thánh Thần và thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ” (Lc 10, 21-24).
 
Ngày 10/12: Chuẩn bị tâm hồn đón Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
02:13 09/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?"
Chúa Giêsu trả lời: "Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả

Đó là lời Chúa
 
Ơi Tình Nhân!
Lm Nguyễn Trung Tây
02:25 09/12/2022
□ LM Nguyễn Trung Tây

Ơi Tình Nhân!


Hãy hân hoan bởi vì giây phút linh thiêng

và canh giờ huyền diệu của trời gặp đất

đang gõ canh điểm nhịp.



Tình nhân của muôn muôn thế hệ thích chờ, thích đợi, thích vọng ngóng trông nhau. Không gặp được nhau, cuộc đời bỗng dưng buồn tênh trống vắng; cuộc sống tự nhiên nhạt nhẽo dư thừa.

Nhưng nếu gặp được nhau, cuộc sống tưởng như đang buồn tẻ nhạt thếch bỗng dưng tưng bừng ngàn vạn pháo hoa, bởi người tình sánh vai người tình. Cả hai trước là ghé vào công viên dạo chơi, sau đó dẫn nhau vô nhà hàng, nơi đó có bàn ăn thắp sáng bởi những ngọn nến lung linh màu hồng tươi. Cuộc sống trước ngưỡng cửa hôn nhân, hoặc nói một cách khác, mùa vọng của một đôi tình nhân luôn luôn là những ngọn nến hồng của Gaudete! Vui Lên! Rejoice!, ngọn nến được đốt sáng trong thánh lễ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, bởi vì nàng và chàng đang sống trong mùa của tình nhân.

Mùa Vọng, một cách tương tự, là mùa người Kitô hữu đợi chờ giây phút Hoàng Tử Giêsu ghé vào, mở cửa mời lên xe ngựa dạo chơi trong vườn Thượng Uyển. Mùa Vọng do đó cũng chính là Mùa Tình Nhân.

SUY NIỆM

Bây giờ đang là Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, cây nến hồng Gaudete/Vui Lên đã được đốt sáng để nhắc nhở người tín hữu mùa Tình Nhân đang ngập tràn trên mặt quả địa cầu.

Hãy sẵn sàng để đèn dầu đón chờ Chú Rể Giêsu ngập tràn những dầu.

Hãy vui lên bởi vì Hoàng Tử Bình An đã thấp thoáng cuối đường chân trời.

Hãy hân hoan bởi vì giây phút linh thiêng và canh giờ huyền diệu của trời gặp đất đang gõ canh điểm nhịp.

Hãy bắt chước Hàn Mặc Tử làm thinh chớ nói nhiều “để nghe tơ liễu run trong gió, và để xem Trời giải nghĩa yêu”.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, trong mùa của trông ngóng đợi chờ, xin giúp con chuẩn bị máng cỏ tâm hồn sẵn sàng đón chờ giây phút Hoàng Tử Bình An Giêsu, Đông Cung Thái Tử của Trời Cao giáng lâm.□

(Trích Suy Niệm Người Ra Nương Đồng sẽ xuất bản năm 2023)
 
Thánh Gioan và niềm hãnh diện trong đức tin
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
03:41 09/12/2022


THÁNH GIOAN VÀ NIỀM HÃNH DIỆN TRONG ĐỨC TIN

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A

Thánh Gioan Tẩy giả là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, đã cho thấy nơi cuộc sống, sứ mạng, sự bị thù ghét và bị giết chết của ngài là cả một tấm gương lớn cho chúng ta về niềm hãnh diện trong đức tin. Chính trong niềm hãnh diện này, thánh Gioan trở thành tiên tri vĩ đại của Thiên Chúa.

Hãnh diện trong đức tin thôi thúc thánh Gioan dọn đường cho Chúa Kitô ngự đến tâm hồn người thế bằng cách kêu gọi họ ăn năn tội để đón chờ Chúa trong hy vọng, trong sự sẵn sàng và tỉnh thức.

Sau cùng, chính vì hãnh diện trong đức tin, thánh Gioan dùng chính cái chết của mình để đấu tranh cho công lý.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, cướp vợ của anh ruột là bà Hêrôđiađê. Niềm hãnh diện trong đức tin đi cùng lương tâm ngôn sứ, thúc đẩy thánh Gioan quyết thi hành sứ mạng mà ơn gọi của một ngôn sứ đòi hỏi: Thánh nhân lên tiếng tố cáo sự cấu kết bất chính giữa Hêrôđê với Hêrôđiađê.

Vì lên tiếng bênh vực công lý, thánh Gioan bị vua Hêrôđê chẳng những không lắng nghe, không nhận ra tội lỗi, mà còn bị bắt giam.

Không biết vua có ý định xét xử thế nào đối với thánh Gioan, chỉ biết trong một lần vua tổ chức tiệc mừng sinh nhật của mình, thánh Gioan đã bị sát hại. Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, chẳng mấy chốc biến thành bữa tiệc của sự thảm sát người công chính. Bàn tay cầm thức ăn, ngay sau đó biến thành bàn tay vấy máu vị thánh.

Trước mặt người đời, xem ra thánh Gioan thất bại. Sứ mạng mà thánh nhân đảm nhận xem như không hoàn thành. Thánh nhân bị kẻ ác ghen ghét hãm hại.

Chúa Giêsu thì khác. Chúa có cái nhìn của Đấng mang ơn cứu chuộc. Chúa nói về người dọn đường của mình: "Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả" (Lc 7,28).

Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống. Thái độ sống của thánh Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết. Thái độ sống kiên cường ấy chứng minh cho mọi người, mọi thế hệ tinh thần hãnh diện trong đức tin của một đấng thánh.

Dù cuộc đời có trả cho mình những cú đấm thẳng tay đến đâu, thánh Gioan vẫn vững một niềm hãnh diện trong đức tin vào Chúa để thi hành cho trọn con đường của sứ mạng: trở thành người mang Chúa đến trong lòng người.

Chính niềm hãnh diện trong đức tin, khiến thánh Gioan bất chấp sợ hãi, bất chấp cái chết ập đến, dám đứng ra nói sự thật vì công lý, vì Tin Mừng cứu độ. Thánh Gioan Tẩy giả là tấm gương cho ta sống tinh thần mùa Vọng để chuẩn bị chính lòng mình đón Chúa Cứu Thế.

Chúng ta hãy mặc lấy niềm hãnh diện trong đức tin của thánh Gioan.

Cuộc sống đầy bấp bênh, biết bao lần như quật ngã chúng ta. Hãy mang lấy niềm hãnh diện đức tin, cương quyết trung thành với ơn gọi, với đường lối của Chúa, trung thành với giáo huấn của Tin Mừng mà Chúa Kitô mang đến.

Một khi theo Chúa, không có con đường nào khác ngoài con đường thánh giá Chúa đã đi, thánh Gioan cùng bao nhiêu vị thánh đã bước theo. Chúng ta sẽ cùng tiến bước vì hãnh diện đức tin mà mình đã lãnh nhận và luôn mang lấy.

Nếu niềm hãnh diện đức tin cho thánh Gioan sức mạnh, thì khi mang trong tâm tư hãnh diện ấy, ta cũng trở thành người mạnh mẽ đi hết con đường thánh giá của bản thân, dẫu vượt qua sóng gió, thử thách, kể cả cái chết...

Xin thánh Gioan nâng đỡ để chúng ta quyến sống vì Chúa, vì ơn gọi Kitô hữu, biến mùa Vọng thành mùa thánh ân mang lợi ích thiêng liêng cho bản thân.

Xin thánh Gioan luôn chuyển cầu để chúng ta hoàn thành cuộc đời mình trong hạnh phúc của những người con Chúa.

Từng người hãy nhìn lên thánh Gioan để bắt chước ngài, luôn sống niềm hãnh diện trong đức tin. Nhờ hãnh diện mãnh liệt trong đức tin, ta có thể vững vàng sống cho Chúa.

Nếu cần, ta sẵn sàng chết cho Chúa, cũng trong một niềm hãnh diện ấy như thánh Gioan đã để lại tấm gương là chính sự sống và cái chết của ngài vậy.
 
Đờ đẩn thiêng liêng
Lm Minh Anh
03:49 09/12/2022

ĐỜ ĐẪN THIÊNG LIÊNG
“Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”.

Một nhà thơ cổ viết, “Thiên thần của Niềm Tin đi vào phòng tôi; vừa đi, vừa cất tiếng hát, vừa thổi sáo. Những vị khách khác lần lượt ra đi: Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được hoà bình như vậy? Thiên thần của Niềm Tin thì thầm bảo, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi sống chung!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay cho biết, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng chính Thiên Chúa vẫn đi vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa ‘thổi sáo và hát’ cho chúng ta. Tiếc thay, nhiều lúc không hơn gì những đứa trẻ của Tin Mừng, chúng ta cứ mãi ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.

Bài đọc Isaia tiết lộ những giai điệu yêu thương mà Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Ta là Chúa, Đấng phán dạy ngươi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, công chính của ngươi sẽ như sóng biển”; nhưng xem ra Israel vẫn bỏ ngoài tai những gì Ngài hát. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy làm tiếc vì Ngài cất giọng mà dường như, không ai thèm nghe! Họ gán cho Ngài là một bợm nhậu; gán cho Gioan là người bị quỷ ám.

Với chúng ta, nếu không muốn nghe những gì Chúa nói ngang qua những con người và các biến cố trong cuộc sống, chúng ta thường hợp lý hoá để khéo từ chối sứ điệp và dễ dàng đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’. Phải chăng vì sự yếu đuối của người mang sứ điệp? Nếu như thế, vô tình chúng ta lại từ chối những gì Chúa muốn. Điều này thực ra, khá phi logic! Có người nói, “Một linh mục đã hét vào tôi khi tôi xưng tội; vì vậy, tôi không đến nhà thờ!”; nói như thế khác nào việc một người từ chối dân chủ vì một quan chức được bầu cách dân chủ tham nhũng!

Chúng ta cần phân biệt giữa bản chất sứ điệp và cách thức sứ điệp lưu truyền. Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”, nghĩa là nó dễ vỡ, thường hay rò rỉ. Chiếc bình thực sự không quan trọng, quan trọng là những gì nó mang; cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân thường rất bất ngờ, nhưng là nhận ra rằng, Thiên Chúa có thể đang ‘thổi sáo và đang hát’ cho tôi nghe. Thật đúng khi nói, một số các thánh có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!

Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Chúa, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”; nghĩa là, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết lắng nghe và khiêm tốn nhận ra mình đang ở trong bóng tối. Rất ít người trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không cần phải ‘lọc nó’ qua lịch sử hoặc phong cách của người giảng thuyết. Là một người chia sẻ Lời Chúa, tôi có thể nói, khi tôi viết cho 20 người, có thể sẽ có 20 thông điệp khác nhau được đón nhận; và điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự cố gắng nghe những gì Chúa đang soi rọi cho mình và không để mình rơi vào ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.

Anh Chị em,

“Sao các bạn không múa nhảy?”; “Sao các bạn không khóc lên!”. Chúng ta không múa nhảy cũng không khóc lên, phải chăng vì chúng ta “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm?”. Đúng! Đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn thấy; bên cạnh đó, là thái độ không nóng không lạnh của mỗi người. Tất cả những điều này có thể dẫn bạn và tôi đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng’. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho chúng ta mỗi ngày. Trên các bàn thờ, qua Lời Ngài, qua các Bí Tích, các biến cố và qua những người anh em, Ngài đang làm điều đó một cách kiên nhẫn. Mùa Vọng, mùa ra khỏi những ‘đờ đẫn thiêng liêng’ để có thể nghe được ‘những giai điệu yêu thương’ của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào linh hồn con mỗi ngày, ‘đang hát, đang thổi sáo’ qua những con người, qua các biến cố; xin đừng để con ‘đờ đẫn thiêng liêng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Cứ về thuật lại những điều mắt thấy tai nghe
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
21:41 09/12/2022
Cứ về thuật lại những điều mắt thấy tai nghe

(Suy niệm Chúa nhật 3 Mùa Vọng A)

Câu chuyện minh họa:

Đức Cha Tiamer Toth trong một cuốn sách viết cho giới trẻ có tựa đề là "Chí khí người thanh niên" có nói đến một tấm gương mà ngài ước mong các bạn trẻ hãy nhìn vào đó mà bắt chước. Truyện như thế này: Regulus là một tướng của Lamã bị quân Carthage bắt làm tù binh. Sau một thời gian mệt mỏi vì chiến tranh, người Carthage muốn cầu hòa với người Lamã. Người mà thành Carthage chọn để đứng đầu phái đoàn lại chính tướng Regulus. Trước khi lên đường dân Carthage bắt Regulus phải thề: nếu sứ mạng cầu hòa của họ bị thất bại thì Regulus phải trở về nhà tù trở lại. Regulus đã thề.

Chúng ta có thể tưởng tượng được sự xúc động của tướng Regulus khi về tới La Mã, thành phố quê hương yêu quý của ông như thế nào không! Rất vui mừng nhưng cũng đầy khó khăn. Regulus sẽ phải hành động làm sao đây?

Với tất cả tài lợi khẩu, ông yêu cầu thượng nghị viện cứ tiếp tục chiến tranh; nghị viện yêu cầu ông ở lại La Mã, viện cớ rằng: lời thề vì cưỡng bách không có giá trị. Nhưng ông trả lời:

“Các ngài có muốn để tôi mất danh dự không? Tôi thừa biết rằng những khổ hình và giờ chết đang đợi tôi khi tôi trở lại. Nhưng những cái ấy không thấm thía vào đâu khi so sánh với sự ô nhục của một hành động bất lương với sự tổn thương của tâm hồn do một lời nói dối. Đành rằng tôi sẽ lại là tù binh của dân Cathage nhưng ít ra tôi vẫn giữ được chí khí của tôi mà dân La Mã sẵn có với sự trong sạch của nó. Tôi đã thề hứa sẽ trở về với họ thì tôi giữ lời hứa cho đến cùng. Vì thế các ngài hãy phó mặc mạng sống tôi cho các Thần Thánh”.

Và Regulus đã trở về Cathage, ở đấy tướng công đã chết giữa những cực hình khủng khiếp.

Đó là chí khí và lòng quả cảm của một người công dân Lamã!

Kính thưa,

Trong tuần II Mùa vọng, chúng ta đã cùng nhau giới thiệu về nhân vật điển hình là Gioan Tẩy Giả: một con người khiêm nhường trong cách sống từ việc ăn nết ở để chuẩn bị tâm hồn cho việc gặp gỡ Đấng Thiên Sai.

Trong tuần này, chúng ta lại tiếp tục gặp lại gương mặt nổi trỗi này qua cách thức trả lời của ông đối với những ai chất vấn. Ngay từ đầu bài Tin Mừng hôm nay, Gioan được giới thiệu là một người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Vì làm chứng cho sự thật, cho sự chung thuỷ trong đời sống luân lý gia đình mà Gioan Tẩy Giả đã bị Herode bắt bỏ tù và đương nhiên sau này đã bị chặt đầu bởi vị vua độc ác và loạn luân này.

Là người đã sống hết mình cho sứ vụ rao giảng hay làm chứng của mình cho Đấng Thiên Sai, Gioan Tẩy Giả cũng mong rằng Đấng ấy sẽ đến để giải thoát dân Do Thái khỏi đế quốc Rôma và có thể giải thoát cả chính ông khỏi cảnh tù tội nữa. Tuy nhiên, khi Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su xuất hiện chẳng có gì là mạnh mẽ và rầm rộ để giải cứu mọi người cả nên Gioan Tẩy Giả cảm thấy lo lắng và băn khoăn. Trong trạng huống đó, Gioan Tẩy Giả đã cho các môn đệ của mình đến gặp Đức Giê-su để hỏi cho ra lẽ: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3). u sầu và lo lắng của Gioan Tẩy Giả là âu sầu và lo lắng về mặt chính trị, về hành động giải phóng dân tộc một cách rõ ràng của Đấng Thiên Sai mà ông đã rao giảng. Nhưng xem ra không phải như thế. Sự xuất hiện của Đức Giê-su nhẹ nhàng và yêu thương; hy sinh và phục vụ; gần gũi và thân thiện,…đã làm cho mọi người, nhất là Gioan đâm ra nghi ngờ. Cái âu sầu và lo lắng của Gioan Tẩy Giả ngay lúc này cũng đúng thôi vì chính bản thân ông cũng mong được Đấng Thiên Sai đến cứu mình ngay cảnh tù ngục và cũng như giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ của đế quốc. Đúng là ‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’.

Tuy nhiên, những âu lo của Gioan Tẩy Giả đối với Đức Giê-su đã được đón nhận những câu nói xem ra chưa thoả mãn cái khát vọng của ông và dân Do Thái. Để trả lời cho câu hỏi của Gioan Tẩy Giả chỉ dẫn các môn đệ, Đức Giê-su đã nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe.” Đó là những điều nào vậy? Xin thưa đó là “người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,…” (cc. 4-5). Quả thật, Đức Giê-su, Đấng Thiên Sai đã ‘không giống như’ Người mà các ngôn sứ cũng như Gioan Tẩy Giả loan báo. Nhưng Đức Giê-su hiện diện một cách nhẹ nhàng nhưng đầy yêu thương. Ngài ứng nghiệm lời sấm của Isaia: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.” (Mt 12,19). Sự hiện diện của Đức Giê-su là niềm vui cho hết thảy mọi người. Ngài hiện diện ở đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó. Ngài là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi. Ngài không hiện diện để cai trị và làm vua theo kiểu thế gian, theo nghĩa chính trị nhưng trên hết và trước hết là cứu vớt những gì đã mất (x.Lc 19,10), là tìm người tội lỗi hơn là người công chính (x.Mt 9,13), là bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm cho được con chiên bị lạc mất (x.Mt 18,12-14), là chạnh lòng thương hơn là loại trừ và ghét bỏ (x. Mc 6,34), là cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10), “là đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45),…

Chúa nhật 3 Mùa Vọng gọi là Chúa nhật của niềm vui. Vui vì niềm trông chờ và hy vọng về Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su sắp được trở thành hiện thực. Làm sao không vui khi có Đấng Thiên Sai, Đấng hiện thân Lòng Thương xót của Thiên Chúa ở cùng nhân loại tội lỗi. Làm sao không vui được khi Đấng Thiên Sai sẽ đến cư ngụ không chỉ nơi toàn cầu mà ngay cả trong tâm hồn của mỗi một con người nhỏ bé và bất xứng. Làm sao không vui khi Đấng Thiên Sai là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta để ban hoà bình thịnh trị cho mỗi tâm hồn.

Quả thật, như chàng thanh niên đầy chí khí và chân thật nơi tướng Regulus trong câu chuyện trên, như Gioan Tẩy Giả sẵn sàng dùng cái chết để sống cho lời chứng của mình, và như Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su đến đem yêu thương và ơn cứu độ cho nhân loại, chúng ta cũng được mời gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, của Đức Giê-su ngang qua cách sống đượm tình bác ái yêu thương đối với mọi người, nhất là cho những hoàn cảnh khó khăn và bệnh hoạn tật nguyền. Ngay hôm nay, chúng ta tiếp tục sứ mạng để ra đi thuật lại cho mọi người khắp mọi nơi những gì mắt đã thấy, tai đã nghe nơi Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su Ki-tô không chỉ bằng lời nói suông nhưng bằng những hành động yêu thương cụ thể và thiết thực mà chính Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:40 09/12/2022

20. Muốn biết trong lòng chúng ta có bao nhiêu lửa yêu mến, thì hoàn toàn nên coi chúng ta đối với bản thân mình như thế nào.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:42 09/12/2022
12. DÂNG VUA ÁNH MẶT TRỜI

Nước Tống có một nông dân, kiến thức rất ít, suốt đời chỉ có làm một việc là tước đay để đun vào mùa đông.

Có một năm vào mùa xuân, anh ta đến thôn đông để làm ăn sinh sống, một mình phơi nắng dưới ánh mặt trời, thì cảm thấy rất làm ấm áp.

Sau khi trở về nhà thì nói với vợ là ánh mặt trời chiếu trên người thật là ấm áp, người khác có lẽ không biết, nếu đem dâng cho nhà vua, thì chắc chắn sẽ được thưởng lớn.

( Liệt tử )

Suy tư 12:

Mặt trời ngày nào cũng có, và trên cả địa cầu này ngày nào cũng có ánh sáng mặt trời, mây mù chỉ tạm thời che lấp nó, bóng đêm cũng tạm thời che lấp nó, nhưng nó vẫn hiện hữu, đó là chân lý.

Ân sủng của Thiên Chúa từng giây phút đổ xuống trong tâm hồn chúng ta, nhưng tội lỗi như bóng đêm, như mây mù che lấp ân sủng của Chúa, và có khi ngăn cản không cho ơn Chúa xuống trên chúng ta.

Chúng ta sống trong tình thương của Chúa mà chúng ta không biết, không khí để chúng ta thở, gió mát để chúng ta vui tươi, mưa để tưới đất thêm màu mỡ, mặt trời để ta hân hoan.v.v...và còn biết bao là ơn lành khác mà Thiên Chúa đã ban cho mà chúng ta không biết, chẳng hạn như anh nông dân vừa ít học đã tình cờ khám phá ra ánh mặt trời rất là ấm áp, có thể lấy để dâng tặng vua, thật là đơn sơ.

Tôi cũng có thể dùng ân sủng của Thiên Chúa như một món quà để dâng lại cho Chúa: kính mến Ngài và yêu thương anh chị em, đó chính là lòng biết ơn của tôi đối với Thiên Chúa vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:44 09/12/2022
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 11, 2-11

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”


Bạn thân mến,

Mặc dù bị ngồi tù, nhưng thánh Gioan Tiền Hô vẫn cứ ngong ngóng mong đợi –mong đợi trong hy vọng- Đấng mà ngài đã từng loan báo phải đến để giải thoát nhân loại thoát khỏi bóng đêm tội lỗi. Đó là ý nghĩa của chủ nhật tuần thứ ba mùa vọng này: chúa nhật của niềm vui.

Đấng ấy đã đến rồi, và Ngài đang làm cho những lời loan báo của thánh Gioan Tiền Hô được hiệu nghiệm: Ngài chữa lành bệnh tật, làm cho người mù thấy được, người què đi được và làm cho người chết được sống lại. Đấng ấy chính là Đức Chúa Giê-su –Đấng Mê-si-a- mà muôn dân trông đợi, Đấng mà bạn và tôi từng giây phút đợi chờ, dù Ngài mỗi ngày đều đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể và qua những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận.

Có rất nhiều người thời nay vẫn còn hỏi chúng ta: “Đấng Mê-si-a của các anh đã đến chưa, sao cuộc sống của các anh không chứng tỏ gì là Ngài đến cả vậy?” Câu hỏi của họ thật chính đáng, bởi vì họ chưa nhìn thấy người Ki-tô hữu chúng ta sống như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy: “yêu người thân cận như chính mình”, cho nên họ thấy chúng ta sống như không có niềm hy vọng mai sau.

Bạn thân mến,

Khi con người ta ngày càng bế tắc trong cuộc sống vì chiến tranh, đói khát, hận thù, chia rẽ, bè phái, và ngày càng bi quan với những nạn phá thai, an tử, hưởng thụ, thì người ta càng mong đợi Đấng Chân Lý đến để giải thoát thế giới khỏi bóng đêm tội lỗi mờ ám ấy.

Bạn và tôi, hoặc bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều có thể trở thành một Đức Chúa Giê-su thứ hai, nếu chúng ta thực hành những điều mà Ngài đã dạy chúng ta, đó là chia sẻ cơm áo với người nghèo khó, chia sẻ niềm vui với người vui, và đồng cảm với những người bất hạnh. Như thế, người ta sẽ không hỏi chúng ta là khi nào thì Đấng Mê-si-a đến, nhưng họ sẽ thấy Đức Chúa Giê-su đang đến và đang hoạt động trong con người của chúng ta, những con người sống và làm việc vì hy vọng vào ngày trở lại Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa cứu chúng con
Lm. Nguyễn Xuân Trường
23:19 09/12/2022

CHÚA CỨU CHÚNG CON

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng nhấn mạnh niềm vui vì Chúa đến cứu chúng ta. Nhưng Chúa cứu thế nào? Cách Chúa cứu nhiều khi khác cách chúng ta nghĩ.

1. Con cần Chúa cứu. Con người phạm tội, con người lầm lỗi, nên cần được Chúa cứu. Loài người ngập chìm trong biển đời tội lỗi như người chơi vơi ngoi ngóp giữa dòng nước xoáy, không thể tự cứu lấy mình, cần có bàn tay Chúa cứu vớt.

2. Chúa cứu chữa lành. Khi loan báo Đấng Cứu Thế sắp đến, Gioan dùng những hình ảnh để giới thiệu về một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng và sức mạnh, ra tay trừng phạt kẻ tội lỗi như cái rìu chặt cây không sinh quả tốt. Thế mới đáng đời. Nhưng cách Chúa cứu lại không như vậy. Chúa không trừng phạt tiêu diệt, mà Chúa cứu bằng cách chữa lành cứu sống: “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.”

3. Chúa biến đổi đời. Ơn cứu độ của Chúa không đợi đến khi ta chết rồi Chúa cứu lên thiên đàng, mà ơn cứu độ biến đổi đời sống con người ngay ngày hôm nay. Bài đọc 1 diễn tả ơn cứu độ biến đổi lòng người đang như sa mạc cằn khô thành vườn hoa rực rỡ, lòng người đang héo hắt úa tàn thành hân hoan nhảy múa, sức người đang rã rời bủn rủn trở nên mạnh mẽ vững vàng, tinh thần đang nhát gan lo sợ thành can đảm mạnh mẽ.

Giải vô địch bóng đá thế giới đang diễn ra. Nhiều trận phải phân thắng thua bằng những loạt sút luân lưu. Khi thủ thành nào cứu được bàn thua đem lại chiến thắng thì cả đội, cả nước, cả rừng fans hâm mộ nhảy lên reo hò sung sướng. Cứu một bàn thua bóng đá thôi đã vui sướng đến thế, vậy Chúa cứu sống cả đời người, Chúa cứu vớt cả thế giới, thì chúng ta phải vui tột độ, vui vô cùng. Amen.
 
Khuất phục trước Lời
Lm. Minh Anh
23:23 09/12/2022

KHUẤT PHỤC TRƯỚC LỜI
“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”.

Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Ôi tôi yêu mến Lời Ngài biết bao, lạy Chúa! Nó hướng dẫn tôi trên con đường bình yên; tôi gẫm suy về nó suốt ngày! Các mỏ đá quý của sự giàu sang toả sáng có là gì, sắc đẹp của tuổi trẻ có là gì, và tất cả niềm vui có là gì so với Lời Ngài! Mặc dù nhiều điều đã xuyên qua trái tim yếu ớt của tôi, nhiều điều đã khiến lòng tôi se lại, nước mắt tôi nhiều lần chảy ra; nhưng Lời Ngài đã cứu tôi khỏi sự khốn khổ đời đời. ‘Khuất phục trước Lời’; từ lâu, tôi không bị ảnh hưởng, không mất tinh thần!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Khuất phục trước Lời’; từ lâu, tôi không bị ảnh hưởng, không mất tinh thần!”. Ý tưởng của William Cowper được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cho thấy một điều gì đó đáng tiếc vì người đương thời không nhận ra Gioan trong quyền năng của Êlia, nên họ đã không nhận ra Ngài trong phẩm tính của một vị Thiên Sai, Đấng Gioan loan báo; Ngài nói, “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Tại sao? Bởi lẽ, họ không ‘khuất phục trước Lời’, lời Thánh Kinh đã được tiên báo!

Bài đọc Huấn Ca gợi nhớ Êlia như một “sứ giả” dọn đường cho Đấng Messia, chính Malachia, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước đã nói đến vị sứ giả này. Nhiều người không hiểu lời của Malachia và thậm chí không biết về nó; vì thế, các thầy thông giáo đã dùng lời này để gây nhầm lẫn cho nhiều người khi họ tuyên bố rằng, vì “Êlia” đã không đến, nên “Giêsu” rõ ràng không phải là Đấng Messia. Chúa Giêsu đã làm rõ điều này, rằng, “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”; Ngài muốn nói về Gioan Tẩy Giả. Khi làm sáng tỏ điều này, Ngài cho thấy, các thầy thông giáo đã không chính xác trong nỗ lực giải thích Thánh Kinh, họ không ‘khuất phục trước Lời’ và chủ động lấy Lời để lừa dối người khác với những sai lầm của họ.

Khiêm tốn trước Lời Chúa là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu đúng không chỉ những lời Cựu Ước mà còn cả những lời của chính Chúa Giêsu. Không khiêm nhượng trước Lời, tất cả chúng ta có thể dễ dàng hiểu sai những lời đẹp đẽ và thánh thiện, sâu sắc và chân thật; vì nhờ Lời, chúng ta đến gặp chính Thiên Chúa. Vì một khi để cho tính kiêu ngạo xâm nhập, chúng ta có thể thấy mình đang bắt chước các thầy thông giáo vốn hiểu sai Lời. Kết quả sẽ là một hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa, và điều này là một trở ngại cho cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Ngài. Vậy nếu có thể luôn khiêm tốn trước tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải; nói cách khác, nếu ‘khuất phục trước Lời’, chúng ta sẽ dễ dàng mở lòng đón nhận những chân lý sâu xa và đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa muốn nói với linh hồn mình.

Anh Chị em,

“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Các luật sĩ không đủ khiêm tốn để nhận ra Êlia trong Gioan; vì thế, họ không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Gioan dọn đường! Không nhận ra Chúa Giêsu Thiên Sai, họ vuột mất ơn cứu độ! Hôm nay, hãy suy gẫm, bạn thấy mình bối rối trước Lời Chúa; hãy cố gắng khiêm tốn mở rộng trái tim của bạn hơn nữa để đón nhận điều Chúa muốn nói. Hãy nhớ Lời Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu; vì thế, hãy lắng nghe Chúa Giêsu với một tâm trí và trái tim rộng mở khi biết ‘khuất phục trước Lời’ Ngài; hãy để cho quà tặng đức tin thanh khiết này trở thành người hướng dẫn bạn hầu bạn được dẫn dắt đến những chân lý sâu xa nhất của đức tin. Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con; xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin cho con biết ‘khuất phục trước Lời’ để can đảm làm điều Chúa muốn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nên bám sát chữ nghĩa của Vatican II
Vu Van An
16:45 09/12/2022

Russell Shaw là tác giả của hơn 20 cuốn sách về đạo đức học và thần học luân lý, giáo dân, chủ nghĩa giáo sĩ trị và việc lạm dụng bí mật trong Đạo Công Giáo. Ông cũng từng viết cho các tờ The Wall Street Journal, The Washington Times, L’Osservatore Romano, America, Crisis, Catholic World Report, The National Catholic Reporter, và nhiều tờ báo khác. Từ năm 1967 tới năm 1987, ông là giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và từ 1987 tới 1997, là giám đốc thông tin của Hội Hiệp Sĩ Columbus. Theo ông, thay vì bám sát “tinh thần” Vatican II, ta nên bám sát “chữ nghĩa” của Công Đồng này.

Trên trang mạng của CNA, ngày 22 tháng 9 năm 2022, ông đặt câu hỏi “Công đồng Vatican II nói về điều gì?” Trả lời câu hỏi này, ông cho hay
:



Thay vì tham khảo “tinh thần” của Công đồng Vatican II để tìm câu trả lời, tôi đề nghị chúng ta nên xem chữ nghĩa của nó. Và ở đây chắc chắn nguồn đáng tin cậy nhất là người đã triệu tập Công đồng Vatican II, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.

Trong bài diễn văn khai mạc trước các giám mục quy tụ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 10 năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan đã tuyên bố mục tiêu như thế này: “Giáo hội phải một lần nữa khẳng định lại thẩm quyền giảng dạy của mình”. Và để không còn nghi ngờ gì nữa: “Đó là lý do chúng tôi triệu tập cuộc hội họp có thẩm quyền nhất này”.

Sáu mươi năm sau, ai có thể nghi ngờ rằng mục tiêu đáng ngưỡng mộ này vẫn còn đó—một mục tiêu đáng ngưỡng mộ? Và lý do không kém phần quan trọng là sự đối kháng liên tục của những người ủng hộ “tinh thần Vatican II”, những người muốn giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo mãi mãi trồi sụt.

Những người nghĩ theo cách đó thường trích dẫn câu nói nổi tiếng của Thánh John Henry Newman, trong Tiểu luận về Sự Phát triển Học thuyết Kitô giáo, rằng “sống là thay đổi, và để trở nên hoàn hảo phải thường xuyên thay đổi”. Họ bỏ qua tuyên bố của ngài trong cùng một tác phẩm rằng một việc phát triển tín lý “muốn trung thành, phải giữ nguyên cả tín lý lẫn nguyên tắc mà với nó, nó đã bắt đầu”.

Tuy nhiên, còn rất nhiều công việc chưa hoàn tất từ Công đồng Vatican II—những điều mà Công đồng nói cần phải hoàn thành nhưng chúng ta vẫn chưa bắt tay vào làm. Một trường hợp điển hình là những gì công đồng đã nói—trong Lumen Gentium, hiến chế tín lý về Giáo hội—về việc tạo ra một phương tiện để những người giáo dân đủ điều kiện bày tỏ ý kiến: “Do kiến thức, năng lực hoặc ưu thế mà họ có, giáo dân được trao quyền—đôi khi thực sự bắt buộc— phải bày tỏ ý kiến của họ về những điều liên quan đến lợi ích của Giáo hội. Nếu có cơ hội, điều này nên được thực hiện thông qua các định chế được Giáo hội thiết lập cho mục đích đó” (Lumen Gentium 37).

“Kiến thức, năng lực hoặc ưu thế” có thể đặt tiêu chuẩn cao hơn một số người mong muốn, nhưng sẽ hợp lý khi nhấn mạnh rằng những người bày tỏ quan điểm biết họ đang nói về điều gì. Vấn đề thực sự là với những “định chế do Giáo hội thiết lập” và nó dẫn đến điều này: “Các định chế nào?" Có lẽ chúng ta sẽ tìm ra trong một Giáo hội đồng nghị, nhưng hơn 60 năm là một thời gian dài để chờ đợi.

Ở một mức độ sâu xa hơn, có một giáo huấn bị lãng quên của Công đồng dạy rằng ơn gọi phổ quát nên thánh mở rộng tới giáo dân. Trong trường hợp bạn quên, xin nhắc lại:

“Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất... Do đó, rõ ràng là tất cả các Kitô hữu ở bất cứ bậc hay lối sống nào đều được mời gọi đạt tới sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và tới sự hoàn hảo của tình yêu, và nhờ sự thánh thiện này mà một lối sống nhân bản hơn cũng được nuôi dưỡng trong xã hội trần thế” (LG 40).

Người ta thường nói rằng thiên hạ rời bỏ Giáo hội vì Giáo hội đòi hỏi họ quá nhiều. (Điều này thường mở đầu cho lời kêu gọi nới lỏng tín lý này hay tín lý nọ). Nhưng tôi nghi ngờ nhiều người bỏ đi vì Giáo hội yêu cầu quá ít. Phải làm gì đây? Hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhắc nhở những người do dự và yếu đuối rằng ơn gọi nên thánh bao gồm cả họ. Và, khi thời gian trôi qua, hãy làm sáng tỏ điều này: Giáo Hội Đồng nghị không phải chỉ là một cửa hàng nói chuyện trong Giáo hội mà là một Giáo hội của những kẻ tội lỗi, tất cả đều được kêu gọi nên thánh.
 
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Malta khi quốc hội tranh luận về sửa đổi phá thai
Đặng Tự Do
17:17 09/12/2022


Một bức ảnh lớn của một em bé chưa chào đời đã được đặt bên ngoài văn phòng của thủ tướng Malta vào hôm Chúa Nhật khi những người biểu tình kêu gọi chính phủ hãy dừng kế hoạch sửa đổi luật chống phá thai nghiêm ngặt của đất nước.

Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm đã thu hút hàng nghìn người bao gồm cả giám mục Công Giáo hàng đầu của Malta và lãnh đạo phe đối lập bảo thủ, và được lãnh đạo bởi một cựu tổng thống trung tả, Marie Louise Coleiro Preca.

Maria Formosa, sinh viên đại học 19 tuổi, một trong những diễn giả tại cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi ở đây để trở thành tiếng nói của thai nhi. Khi phá thai, sự sống luôn bị mất đi.”

Một số người có mặt mang theo những tấm bảng ghi những khẩu hiệu như “Hãy ngăn chặn việc phá thai ở Malta” và “Hãy bảo vệ con cái của chúng ta”. Họ cũng hô vang “Không phá thai, đồng ý với sự sống”.

Tuân giữ truyền thống Công Giáo, Malta là thành viên duy nhất của Liên minh Âu Châu cấm phá thai trong mọi trường hợp, ngay cả khi tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ bị đe dọa do mang thai.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Chris Fearne đã trình bày một sửa đổi trước quốc hội, theo đó sẽ khiến các bác sĩ không còn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tù 4 năm nếu sự can thiệp của họ để giúp đỡ những phụ nữ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dẫn đến việc phá thai.

Cho đến nay, không có bác sĩ nào bị truy tố về tội danh này.

Phe đối lập trung hữu, Giáo Hội Công Giáo hùng mạnh và một số tổ chức phi chính phủ đã mô tả việc sửa đổi là không cần thiết và mở đường cho việc tự do hóa hoàn toàn việc phá thai. Đảng Lao động trung tả cầm quyền đã bác bỏ cáo buộc này.

Chính phủ của Thủ tướng Robert Abela chiếm đa số và không có bất đồng nào xuất hiện trong hàng ngũ của họ, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số phản đối việc phá thai, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Không ai trong chính phủ đưa ra bất kỳ bình luận nào để đáp lại cuộc biểu tình vào Chúa Nhật.

Động thái thay đổi các quy định về phá thai được đưa ra sau khi một du khách người Mỹ, Andrea Prudente, hồi tháng 6 bị từ chối yêu cầu chấm dứt thai kỳ không thể sống được sau khi cô bắt đầu ra máu nhiều.

Các bác sĩ của cô ấy nói rằng tính mạng của cô ấy đang gặp nguy hiểm và cuối cùng cô ấy đã được chuyển đến Tây Ban Nha để phá thai. Sau đó, cô đã kiện chính phủ Malta, kêu gọi tòa án tuyên bố rằng việc cấm phá thai trong mọi trường hợp là vi phạm nhân quyền.

Vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Source:Reuters
 
Đức Hồng Y Charles Bo khẩn cầu chính quyền quân sự đối thoại với phe đối lập
Đặng Tự Do
17:18 09/12/2022


Đức Hồng Y Charles Maung Bo, tổng giám mục Yangon, đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dân sự ở Miến Điện sau một cuộc tấn công của quân đội vào ngôi làng quê hương của ngài ở khu vực miền trung Sagaing.

Đức Hồng Y nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ngài 'rất buồn' trước cuộc tấn công vào làng Mon Hla tỉnh Khin-U vào ngày 23 tháng 11 và giết chết một số thường dân, trong đó có một cậu bé bảy tuổi.

Trong số những người bị thiệt mạng cũng có 6 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, là cánh vũ trang của Chính phủ Thống nhất Quốc gia bao gồm các đại biểu của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia, bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2 năm 2021.

Quân đội đã san bằng khoảng 200 tòa nhà, trong đó có một trường học và một nhà thờ được xây dựng bằng tiền quyên góp của Đức Hồng Y.

Các Kitô Hữu sống ở Mon Hla và các làng Chaung Yoe và Chan Thar gần đó được gọi là Bayingyi và là người gốc Bồ Đào Nha: họ đã sống dọc theo sông Chindwin và Mu từ đầu thế kỷ 17.

Cuộc tấn công vào thành phố Khin-U bắt đầu vào giữa tháng 11: ba cánh quân tiến vào từ phía tây và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà với sự hỗ trợ của các cuộc không kích.

Sau trận ném bom vào ngày 23 tháng 11, quân đội tiếp tục hành quân về phía nam, chiếm hết làng này đến làng khác. Tại ngôi làng Myin Daung, nơi bị binh lính xâm lược trong ba ngày, thi thể cháy thành than của một số thường dân được tìm thấy bên trong một cửa hàng sau khi binh lính rời đi.

Theo người dân, quân đội đã thiêu sống họ vì các thi thể được tìm thấy với hai tay bị trói sau lưng.

Trong khi đó, tại bang miền tây Rakhine, các tướng lĩnh đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng dân quân sắc tộc chính của khu vực, là Quân đội Arakan, trong những tuần gần đây. Các lực lượng dân quân sắc tộc, những người đã chống lại nhà nước Miến Điện kể từ khi đất nước giành được độc lập từ Đế quốc Anh, đã liên minh với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân chống lại quân đội.

Lệnh ngừng bắn đã được ký kết để cho phép viện trợ và thuốc men được gửi đến người dân. Nó được môi giới bởi chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật Bản, Yohei Sasakawa, một nhà ngoại giao có liên hệ với người đứng đầu chính quyền quân sự là Tướng Min Aung Hlaing, và là người đã tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn giữa Quân đội Arakan và quân đội Miến Điện vào tháng 11 năm 2020, trước cuộc cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, theo một số nhân vật kháng chiến, việc tạm dừng giao tranh sẽ giúp quân đội của chính quyền tái định vị ở Bang Chin và các khu vực Magwe và Sagaing, nơi giao tranh chưa bao giờ ngừng.

Tuần trước, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, Tổng thống Duwa Lashi La, phát biểu tại hội nghị Reuters Next, đã so sánh tình hình ở Miến Điện với tình hình ở Ukraine, nói rằng cần phải có vũ khí phòng không để buộc quân đội phải ngồi yên tại bàn đàm phán.

Chế độ Miến Điện cho đến nay đã từ chối tham gia đối thoại với Chính phủ Thống nhất Quốc gia và Lực lượng Kháng chiến Nhân dân, mà họ coi là các tổ chức khủng bố.
Source:Asia News
 
Vị Tổng Giám Mục được Đức Thánh Cha bổ nhiệm ở Ấn Độ phải nhờ cảnh sát bảo vệ
Đặng Tự Do
17:19 09/12/2022


Tòa án đã chấp nhận lời yêu cầu xin được bảo vệ của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath vì tranh chấp phụng vụ trong tổng giáo phận thuộc Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar đã trở nên trầm trọng hơn

Một tòa án hàng đầu ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ đã ra lệnh cảnh sát bảo vệ vị giám quản tông tòa của một tổng giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar theo nghi thức Đông phương, đang vướng vào một vụ tranh chấp gay gắt về nghi thức phụng vụ.

Tòa án Tối cao Kerala đã chấp thuận yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath trong đơn thỉnh cầu của ngài vào ngày 5 tháng 12.

Tòa cũng chỉ đạo công an dẹp bỏ các linh mục và giáo dân biểu tình cản đường ngài vào Tòa Tổng Giám mục.

Vatican đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Thazhath làm giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly vào ngày 30 tháng 7 để giải quyết tranh chấp phụng vụ kéo dài hơn 5 thập kỷ về việc cử hành Thánh lễ theo lệnh của Thượng hội đồng.

Tuy nhiên, một nhóm linh mục và giáo dân trong tổng giáo phận đã nắm quyền kiểm soát Tòa Tổng Giám mục kể từ ngày 21 tháng 11 và từ chối không cho ngài vào Tòa Tổng Giám Mục.

Thẩm phán Anu Sivaraman trong một phán quyết ngắn gọn đã gọi những người đang chặn lối vào Tòa tổng giám mục là “những kẻ bất lương hoặc người ngoài cuộc”.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath trong đơn thỉnh cầu của mình đã đề cập đến Cha Sebastian Thalian, người triệu tập Ủy ban Bảo vệ Tổng Giáo phận, và Riju Davis, thư ký của Phong trào Minh bạch Tổng Giáo phận, gọi tắt là ATM, với tư cách là những người phải ra tòa trả lời về những chống đối của họ.

Tranh chấp phụng vụ đang diễn ra trở nên xấu đi khi Đức Tổng Giám Mục Thazhath bị từ chối cho vào bên trong nhà thờ chính tòa Đức Bà để dâng Thánh lễ vào ngày 27 tháng 11.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath đến nhà thờ chính tòa phớt lờ lời cảnh báo của linh mục quản xứ và các nhân viên Tòa Giám Mục rằng mọi người đang bị kích động, các linh mục trong tổng giáo phận nói.

Sau đó, Đức Cha đi đến Tòa Tổng Giám mục, nơi một đám đông ủng hộ ngài đã phá cổng chính và dẹp bỏ các chướng ngại vật như đồ nội thất, chân dung và các đồ vật khác.

“Ngay cả bây giờ, không có bất kỳ thẩm quyền nào, một số người vẫn cư trú trong Tòa Tổng Giám mục với ý định cản trở việc đi lại tự do của cá nhân tôi,” Đức Tổng Giám Mục Thazhath nêu trong đơn thỉnh nguyện của mình.

Vị Tổng Giám Mục cho biết một đơn khiếu nại đã được gửi đến cảnh sát để tìm kiếm sự bảo vệ để có thể “ra vào nhà thờ chính tòa và Tòa Tổng Giám mục được diễn ra suôn sẻ”.

Ngài còn cáo buộc trong đơn rằng cảnh sát đã không đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo vệ của ngài vì họ chịu ảnh hưởng của Cha Thalian và Davis.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath cho biết ngài không thể thực hiện các nhiệm vụ được Vatican giao phó và do đó, phần lớn các tín hữu “hoàn toàn chìm trong bóng tối”.

Trong khi đó, ATM đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát chống lại Đức Tổng Giám Mục Thazhath và 30 người khác cáo buộc rằng họ đã cố gắng dùng vũ lực để vào Tòa Tổng Giám mục vào ngày 27 tháng 11.

Đám đông ngang ngược chỉ rời khỏi địa điểm sau khi cảnh sát bước vào và đuổi họ đi.

Trong quá khứ, nhiều giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar đã tuân theo các phương thức cử hành Thánh lễ khác nhau. Một điểm khác biệt rõ ràng là các linh mục khi cử hành thánh lễ đối diện với cộng đoàn ở một số giáo phận, trong khi ở một số giáo phận khác, các linh mục đối diện với bàn thờ.

Cách thức hợp nhất là sự kết hợp của cả hai và nó được ấn định có hiệu lực từ Lễ Phục sinh 2022 trên toàn Giáo hội. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, các linh mục sẽ quay xuống cộng đoàn. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, các linh mục sẽ quay lên bàn thờ. Từ Kinh Lạy Cha sẽ lại quay xuống cộng đoàn.

Tất cả 32 giáo phận khác của Giáo hội này có trụ sở tại Kerala đã tuân thủ các hướng dẫn của thượng hội đồng để có Phụng Vụ Thánh lễ thống nhất

Tuy nhiên, phần lớn các linh mục và giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly nhất quyết tiếp tục với một Thánh lễ cũ, trong đó linh mục phải đối mặt với cộng đoàn trong suốt thánh lễ như người Công Giáo Latinh.

Cha Sebastian Thalian và nhóm ATM đã đe dọa cắt đứt quan hệ với Giáo Hội Công Giáo nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Những người bênh vực Đức Tổng Giám Mục Thazhath và Thượng Hội Đồng Giáo Hội Syro-Malabar cáo buộc Cha Thalian là bất tuân phục và đe dọa sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Tuy nhiên, những người bênh vực ngài thì cho rằng với Tự Sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha khuyến khích Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican 2, nhóm của họ cũng chỉ muốn cử hành thánh lễ như bao nhiêu người Công Giáo khác trên thế giới, chứ không hề muốn gì khác hơn.
Source:UCANews
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ 2: Cửa Đức Cậy – Niềm hy vọng đời đời
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:26 09/12/2022


Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 9 tháng 12, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng tĩnh tâm thứ hai cho Mùa Vọng 2022 trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.

Trong bài thuyết giảng có chủ đề: “Cửa Đức Cậy – Niềm hy vọng đời đời”, Đức Hồng Y đã nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm hy vọng Kitô giáo, và khuyến khích Giáo hội mang đến cho thế giới món quà hy vọng này có chân trời là sự sống vĩnh cửu, và có người bảo lãnh, là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài.

Ngài lưu ý rằng Đền Thờ Giêrusalem có một cánh cửa được gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2) và đền thờ của Thiên Chúa, là trái tim của chúng ta, cũng có một “cửa đẹp” là cánh cửa của hy vọng – cánh cửa của chúng ta mở ra chào đón Chúa Kitô đến.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,

cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,

để Đức Vua vinh hiển ngự vào (Tv 24:7)

Chúng ta đã lấy câu thánh vịnh này làm kim chỉ nam cho các bài suy niệm Mùa Vọng, nghĩa là như những cánh cửa mở ra các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đền thờ Giêrusalem – chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ – có một cánh cửa gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2). Đền thờ của Thiên Chúa là trái tim của chúng ta cũng có một “cửa đẹp”, và đó là cánh cửa của niềm hy vọng. Đây là cánh cửa mà hôm nay chúng ta muốn cố gắng mở ra để đón Chúa Kitô, Đấng đang ngự đến.

Chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc

Đâu là đối tượng thích hợp của “niềm hy vọng hồng phúc”, mà chúng ta tuyên bố là “đang trông đợi” trong mỗi Thánh Lễ? Để nhận ra sự mới lạ tuyệt đối do Chúa Kitô mang lại trong lĩnh vực này, chúng ta cần đặt sự mặc khải của Phúc âm trên nền tảng của niềm tin cổ xưa về đời sau.

Về điểm này, ngay cả Cựu Ước cũng không có câu trả lời. Ai cũng biết rằng chỉ ở phần cuối của Cựu Ước, ta mới có thể tìm thấy một số tuyên bố rõ ràng về cuộc sống sau khi chết. Trước đó, niềm tin của Israel không khác với niềm tin của các dân tộc láng giềng bao nhiêu, đặc biệt là niềm tin của người Lưỡng Hà (Mesopotamia). Cái chết kết thúc cuộc sống mãi mãi; tất cả chúng ta, dù tốt hay xấu, đều kết thúc trong một loại “ngôi mộ chung” ảm đạm mà ở những nơi khác người ta gọi là Arallu và trong Kinh thánh là Sheol. Không có gì khác biệt là niềm tin thống trị trong thế giới Hy Lạp-Rôma trong thời Tân Ước. Người ta gọi nơi bóng tối buồn bã đó là Inferi, hay Hades, nghĩa là a tì địa phủ.

Điều tuyệt vời phân biệt Israel với tất cả các dân tộc khác là, bất chấp mọi thứ, họ vẫn tiếp tục tin vào lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa. Người Babylon cho rằng cái chết là do sự ghen tị của các thần minh chỉ muốn dành sự bất tử cho riêng mình, dân Israel không nghĩ như thế nhưng quy cái chết là là tội lỗi của con người (St 3), hoặc đơn giản là do bản chất có sinh có tử của con người. Đúng là đôi khi, con người Kinh Thánh đã không giữ im lặng trước một số phận dường như không phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, dân Israel chưa bao giờ nổi loạn. Trong một số lời cầu nguyện theo Kinh thánh, dường như dân Israel đã đi xa đến mức ước muốn và thoáng thấy khả năng có một mối quan hệ với Thiên Chúa sau cái chết: một hữu thể “được lôi ra khỏi địa ngục” (Tv 49:16), “được ở bên Thiên Chúa luôn mãi” (Tv 73, 23 ) và “thỏa lòng hân hoan trước mặt Người” (Tv 16, 11).

Vào cuối Cựu Ước, khi kỳ vọng này, đã chín muồi trong lòng đất của linh hồn Kinh thánh, cuối cùng được đưa ra ánh sáng, thì nó không diễn đạt mình, theo cách của các triết gia Hy Lạp, như là sự sống còn của một linh hồn bất tử, mà, khi thoát khỏi thể xác, thì quay trở về với thế giới siêu phàm của mình. Phù hợp với quan niệm Kinh Thánh về con người, như một thể thống nhất không thể tách rời giữa linh hồn và thể xác, sự sống còn bao gồm trong sự sống lại của cả thân xác và linh hồn từ trong cõi chết (Dn 12: 2-3; 2 Mac 7: 9).

Chúa Giêsu đột nhiên đưa xác tín này đến mức tỏ tường nhất và – điều quan trọng nhất là – Ngài đưa ra bằng chứng không thể chối cãi bằng cách sống lại từ trong cõi chết. Sau Ngài, đối với một tín hữu, cái chết không còn là một cuộc hạ cánh, mà là một cuộc cất cánh!

Món quà đẹp nhất và di sản quý giá nhất mà Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc để lại cho quốc gia và thế giới sau 70 năm trị vì, là niềm hy vọng Kitô giáo của bà vào sự sống lại của người chết. Trong nghi thức tang lễ, được theo dõi trực tiếp bởi hầu hết những người có quyền lực trên trái đất và qua truyền hình, bởi hàng trăm triệu người, trong bài đọc đầu tiên, những lời sau đây của Thánh Phaolô đã được công bố, theo ý muốn rõ ràng của bà:

Tử thần đã bị chôn vùi.

Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?

Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?

Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.

Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (1Cr 15: 54-57).

Và trong bài Tin Mừng, vẫn theo di nguyện của bà, những lời sau của Chúa Giêsu đã được cất lên:

Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14:2-3).

Đức Cậy, một nhân đức tích cực

Chính vì chúng ta vẫn còn đắm chìm trong thời gian và không gian, nên chúng ta thiếu những phạm trù cần thiết để trình bày cho chính chúng ta về những gì bao gồm trong “cuộc sống vĩnh cửu” với Thiên Chúa. Nó giống như cố gắng giải thích ánh sáng là gì cho một người mù bẩm sinh. Thánh Phaolô chỉ nói đơn giản:

Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang.

Gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ

Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. (1 Cr 15,43-44).

Một số nhà thần bí, ngay trong cuộc sống đời này, đã được ban cho cảm nghiệm vài giọt trong đại dương hân hoan vô tận mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho dân Người, nhưng tất cả đều nhất trí khẳng định rằng không lời nào có thể diễn đạt được điều đó bằng lời nói của con người. Người đầu tiên trong số họ là Tông đồ Phaolô. Thánh nhân tâm sự với các tín hữu thành Côrintô rằng, mười bốn năm trước, ngài đã được đưa đến “thiên đường thứ ba”, trên trời cao, và đã nghe “những lời không thể diễn tả được mà không ai được phép nói lại”. (2 Cr 12: 2-4). Ký ức mà trải nghiệm đó để lại trong ngài có thể cảm nhận được trong những gì ngài viết vào một dịp khác:

Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. (1 Cr 2:9).

Nhưng hãy bỏ qua những gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia (là điều mà chúng ta có thể nói rất ít) mà thay vào đó hãy đến với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Suy tư về niềm hy vọng Kitô giáo có nghĩa là suy tư về ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu của chúng ta. Về vấn đề này, có một điểm chung cho tất cả mọi người: đó là niềm khao khát được sống “tốt”, được “hạnh phúc”. Tuy nhiên, ngay khi bạn cố gắng hiểu từ “tốt” nghĩa là gì, thì lập tức nảy sinh hai hạng người: hạng người thứ nhất là những người chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất và cá nhân; và hạng người thứ hai là những người cũng nghĩ đến lợi ích đạo đức của tất cả mọi người, đến điều được gọi là “thiện ích chung”.

Đối với hạng người thứ nhất, thế giới đã không thay đổi bao nhiêu kể từ thời tiên tri Isaia và thời của Thánh Phaolô. Cả hai đều đưa ra câu nói đã từng thịnh hành vào thời của các ngài: “Chúng ta hãy ăn uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (Is 22, 13; 1 Cr 15, 32). Thú vị hơn là hãy cố gắng hiểu những người đề xuất – ít nhất như một lý tưởng – để “sống tốt” không chỉ về vật chất và cá nhân, mà còn về mặt đạo đức và cùng với những người khác. Có những trang web trên internet phỏng vấn những người cao tuổi về việc họ đánh giá cuộc sống mà họ đã sống khi đến thời xế bóng như thế nào. Nói chung, họ là những người đàn ông và phụ nữ đã sống một cuộc sống giàu có và đàng hoàng, phục vụ gia đình, văn hóa và xã hội, nhưng không có bất kỳ liên quan nào đến tôn giáo. Thật thảm hại khi thấy họ cố gắng khiến mọi người tin rằng một người hạnh phúc khi được sống như vậy. Nỗi buồn vì đã sống – và chẳng bao lâu nữa không còn sống nữa! – bị che giấu bởi lời nói của họ, đã hét lên từ đôi mắt của họ.

Thánh Augustinô đã diễn tả cốt lõi của vấn đề: “Sống tốt có ích gì, nếu không được sống luôn mãi?”. Trước ngài, Chúa Giêsu đã nói: “Người nào được cả thiên hạ mà mất mạng sống, thì có ích gì?”. (Lc 9:25). Đây là lời đáp thích đáng cho niềm hy vọng thần học – và nó khác biết bao. Lời đáp này bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để sống chứ không phải để chết; rằng Chúa Giêsu đến để bày tỏ sự sống đời đời cho chúng ta và để bảo đảm với chúng ta qua sự sống lại của Ngài.

Cần phải nhấn mạnh một điều để không rơi vào một sự hiểu lầm nguy hiểm. Sống không “luôn luôn” đối lập với sống “tốt”. Hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu là điều làm cho cuộc sống hiện tại trở nên tươi đẹp, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được. Mọi người trong cuộc đời này đều có phần của mình trên thập tự giá, kể cả các tín hữu lẫn những người không tin. Nhưng đau khổ mà không biết vì mục đích gì là một chuyện, còn đau khổ vì biết rằng “những đau khổ hiện tại chẳng sánh được với vinh quang mai sau sẽ tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8:18) lại là một chuyện khác.

Niềm hy vọng thần học có một vai trò quan trọng liên quan đến việc phúc âm hóa. Một trong những yếu tố quyết định sự lan truyền nhanh chóng của đức tin, trong những ngày đầu của Kitô giáo, là lời loan báo về một cuộc sống mai hậu sau khi chết vô cùng viên mãn và hân hoan hơn cuộc sống trần gian.

Hoàng đế Hadrian đã xây dựng những biệt thự ngoạn mục cho mình ở nhiều nơi trên thế giới và đã chuẩn bị khu vực ngày nay là Castel Sant'Angelo hay Lâu đài Thiên Thần, cách đây không xa, để làm lăng mộ của ông. Gần chết, ông đã viết một loại văn bia cho ngôi mộ của mình. Nói với linh hồn của mình, ông ấy khuyên nó hãy nhìn lại lần cuối những vẻ đẹp và thú vui của thế giới này, bởi vì - ông ấy nói - bạn sắp đi xuống “những nơi không màu, gian khổ và trần trụi”. Hades – A tì địa phủ! Trong một bầu không khí như thế, người ta có thể tưởng tượng cú sốc tinh thần chắc hẳn đã gây ra bởi lời hứa về một cuộc sống viên mãn và tươi sáng hơn nhiều so với cuộc sống bị bỏ lại bởi cái chết. Điều này giải thích tại sao ý tưởng và biểu tượng về cuộc sống vĩnh cửu lại xuất hiện thường xuyên trong các lễ chôn cất của các tín hữu Kitô trong hầm mộ.

Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, hoạt động bề ngoài của Giáo Hội, nghĩa là truyền bá Tin Mừng, được trình bày như là “việc mang lại lý do cho niềm hy vọng”: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.” (1Pr 3:15-16). Đọc những gì đã xảy ra sau lễ Phục sinh, người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng Giáo hội được sinh ra từ sự trào dâng “một niềm hy vọng sống động” (1Pr 1:3) và với niềm hy vọng này, các Tông đồ lên đường chinh phục thế giới. Ngay cả ngày nay chúng ta cần tái sinh niềm hy vọng nếu chúng ta muốn thực hiện một cuộc tân phúc âm hóa. Không có gì được thực hiện mà không có hy vọng. Con người đi đến những nơi có không khí hy vọng và trốn chạy khỏi những nơi họ không cảm thấy sự hiện diện của nó. Hy vọng là điều mang lại cho những người trẻ can đảm để lập gia đình hoặc theo ơn gọi tu trì và linh mục, là điều giúp họ tránh xa ma túy và những thứ tương tự khác đầu hàng trước sự tuyệt vọng.

Thư gửi tín hữu Do Thái so sánh niềm hy vọng với một cái mỏ neo: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Dt 6: 18-19). Chắc chắn và vững chắc vì được ném vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng ta có một hình ảnh khác của hy vọng, theo một nghĩa nào đó ngược lại: đó là cánh buồm. Nếu mỏ neo là thứ mang lại cho con thuyền sự an toàn và giữ cho con thuyền vững vàng giữa sóng biển dập dềnh thì cánh buồm là thứ đưa con thuyền ra đi và tiến trên biển cả. Hy vọng với con thuyền Giáo Hội liên quan đến cả hai hình ảnh này.

So với quá khứ, ngày nay chúng ta ở trong một hoàn cảnh tốt hơn về mặt hy vọng. Chúng ta không còn phải mất thì giờ bảo vệ niềm hy vọng Kitô giáo khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài; do đó, chúng ta có thể làm điều hữu ích và hiệu quả nhất, đó là công bố niềm hy vọng của chúng ta, cống hiến nó và chiếu tỏa nó trên thế giới. Không đưa ra nhiều lời hộ giáo cho bằng các diễn từ về niềm hy vọng.

Chúng ta hãy xem điều gì đã xảy ra liên quan đến niềm hy vọng của Kitô hữu trong hơn một thế kỷ nay. Lúc đầu, có cuộc tấn công trực diện vào niềm hy vọng Kitô bởi những người như Feuerbach, Marx, Nietzsche. Trong nhiều trường hợp, niềm hy vọng của Kitô giáo là mục tiêu trực tiếp cho sự chỉ trích của họ. Cuộc sống vĩnh cửu, mai hậu, thiên đường: tất cả những điều này được coi là sự phóng chiếu hão huyền của những mong muốn và nhu cầu không được thỏa mãn của con người trên thế giới này, như một sự “lãng phí những kho báu trên trời dành cho trái đất”. Các tín hữu đã phải cố gắng bảo vệ nội dung của niềm hy vọng Kitô, thường với sự khó chịu không che giấu được. Niềm hy vọng Kitô giáo là “thiểu số”. Cuộc sống vĩnh cửu hiếm khi được nói đến và rao giảng.

Tuy nhiên, sau khi phá hủy niềm hy vọng Kitô giáo, nền văn hóa Mác-xít đã không chậm trễ nhận ra rằng con người không thể sống nổi nếu không có hy vọng. Và họ đã phát minh ra “Nguyên tắc Hy vọng”. Với nó, nền văn hóa Mác-xít không tuyên bố đã phá hủy niềm hy vọng của Kitô giáo, mà tệ hơn, nó cho rằng đã vượt ra ngoài niềm hy vọng Kitô và trở thành người thừa kế hợp pháp của niềm hy vọng ấy. Đối với tác giả của “Nguyên tắc hy vọng” (xin lưu ý các bạn nguyên tắc chứ không phải nhân đức) thì chắc chắn rằng hy vọng rất quan trọng đối với con người. Nó có thật và có một lối thoát là “sự xuất hiện của con người ẩn giấu”, tức là những khả năng vẫn còn tiềm ẩn của con người. Biểu hiện của Con Người, là Chúa Kitô, được thay thế bằng biểu hiện của con người ẩn giấu, parousia hay sự quang lâm lần thứ hai của Chúa Kitô được thay thế bằng utopia, một xã hội hoàn chỉnh không tưởng.

Tôi nhớ, trong vài thập kỷ, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về chủ đề này trong các trường đại học và đối với nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo, điều xem ra rất đáng khích lệ là có những người nào đó ở phía bên kia đã chấp nhận coi trọng hy vọng và thiết lập một cuộc đối thoại về điều đó. Đặc biệt là vì sự đảo ngược quá tinh tế và ngôn ngữ thường giống nhau. Quê hương trên trời trở thành “quê hương của bản sắc”; không phải là nơi mà cuối cùng con người nhìn thấy Chúa, mặt đối mặt, mà là nơi anh ta nhìn thấy con người thực, nơi có sự đồng nhất hoàn hảo giữa những gì con người có thể trở thành và những gì con người đạt được. Cái gọi là “thần học về hy vọng” đã ra đời để đáp lại thách thức này, nhưng thật không may, đôi khi lại chấp nhận đường lối của cộng sản. Điều ít được nhận thấy nhất trong tất cả các bài viết này chính là điều mà Thánh Phêrô gọi là “niềm hy vọng sống động” (1 Pt 1:3), sự hào hứng của niềm hy vọng, nghĩa là cuộc sống chứ không phải ý thức hệ.

Bây giờ, tôi đã nói, tình hình đã thay đổi một phần. Nhiệm vụ mà chúng ta có trước mắt, liên quan đến niềm hy vọng, không còn là bảo vệ nó và biện minh cho nó về mặt triết học và thần học, mà là loan báo nó, bày tỏ nó và trao nó cho một thế giới đã đánh mất niềm hy vọng và đang ngày càng chìm sâu vào chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa hư vô, vào “hố đen” thực sự của vũ trụ.

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes)

Một cách làm cho niềm hy vọng trở nên sống động và lan tỏa là cách được Thánh Phaolô trình bày khi ngài nói rằng “đức ái hy vọng tất cả” (1Cr 13:7). Điều này không chỉ đúng với cá nhân, mà còn đúng với toàn thể Giáo hội. Giáo Hội hy vọng mọi sự, tin tưởng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Giáo Hội không thể tự giới hạn trong việc tố cáo những khả năng của cái ác đang tồn tại trong thế giới và trong xã hội. Chắc chắn chúng ta không được bỏ qua nỗi sợ bị trừng phạt và địa ngục; và chúng ta cũng không được ngừng cảnh báo mọi người về khả năng gây hại mà một hành động hoặc một tình huống có thể gây ra, chẳng hạn như những vết thương gây ra cho môi trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta đạt được nhiều hơn một cách tích cực, khi nhấn mạnh vào những khả năng tốt đẹp; theo thuật ngữ Phúc Âm, bằng cách rao giảng lòng thương xót. Có lẽ thế giới hiện đại chưa bao giờ tỏ ra thiện cảm với Giáo hội và quan tâm đến sứ điệp của Giáo hội như trong những năm của Công đồng Vatican. Và lý do chính là Công đồng đã trao ban hy vọng.

Một số người sẽ nói rằng nhưng làm theo cách này há chẳng phải chúng ta tự đưa mình đến chỗ thất vọng và tỏ ra ngây thơ hay sao? Đây là cám dỗ lớn lao chống lại niềm hy vọng, do sự thận trọng của con người gợi ra, hoặc do sợ bị chứng minh là sai bởi các sự kiện và đó là điều đang xảy ra một phần đối với Công đồng. Dám nói về “niềm vui và hy vọng” (gaudium et spes) được xem là một sự ngây thơ mà chúng ta thậm chí phải hơi xấu hổ về điều đó. Đây là điều mà nhiều người đã nghĩ về Đức Gioan 23 khi ngài công bố Công đồng.

Chúng ta phải khởi động lại phong trào hy vọng do Công đồng khởi xướng. Sự sống đời đời là một chiều kích rất lớn; nó cho phép chúng ta hy vọng vào tất cả mọi người, không bỏ rơi bất cứ ai trong vô vọng. Tông đồ Phaolô đã ra lệnh cho các Kitô hữu ở Rôma phải tràn đầy hy vọng. Ngài viết: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15:13).

Giáo hội không thể trao tặng cho thế giới một món quà nào tốt hơn là mang lại cho nó niềm hy vọng; không phải là những hy vọng thế tục, phù du, kinh tế hay chính trị, mà Giáo hội không có năng lực cụ thể, nhưng là niềm hy vọng thuần khiết và đơn sơ, niềm hy vọng mà dù không biết đi chăng nữa, vẫn có vĩnh cửu là chân trời và có người bảo đảm cho niềm hy vọng ấy là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Người. Sau đó, chính niềm hy vọng thần học này sẽ hỗ trợ tất cả những hy vọng chính đáng khác của con người. Bất cứ ai đã từng gặp bác sĩ thăm một người bệnh nặng đều biết rằng cách hỗ trợ lớn nhất mà bác sĩ có thể cung cấp, tốt nhất hơn tất cả các loại thuốc, là nói với anh ta: “Bác sĩ tin tưởng tràn trề; bác sĩ có những hy vọng tốt cho anh!”.

Hy vọng, được hiểu theo cách này, biến đổi mọi thứ mà nó tiếp xúc. Hiệu quả của nó được mô tả rất hay trong đoạn văn này từ tiên tri Isaia:

Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,

trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.

Nhưng những người cậy trông Thiên Chúa

thì được thêm sức mạnh.

Như thể chim bằng, họ tung cánh.

Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,

và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:30-31)

Thiên Chúa không hứa loại bỏ những lý do khiến chúng ta mệt mỏi và kiệt sức, nhưng Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Hoàn cảnh tự nó vẫn như cũ, nhưng niềm hy vọng mang lại sức mạnh để vượt lên trên nó. Trong Sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng

Khi con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà (Kh 12:13-14).

Hình ảnh đôi cánh của đại bàng rõ ràng được lấy cảm hứng từ bản văn của ngôn sứ Isaia. Do đó, người ta nói rằng toàn thể Giáo hội đã được ban cho những đôi cánh hy vọng to lớn, để nhờ đó, Giáo hội luôn luôn có thể thoát khỏi những tấn công của sự dữ, vượt qua những khó khăn một cách hăng hái.

“Hãy đứng dậy và bước đi!”

Cánh cửa của ngôi đền được gọi là “Cổng Đẹp” được biết đến với phép lạ xảy ra gần đó. Một người què nằm trước cổng để xin bố thí. Một ngày nọ, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đi ngang qua và chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Người què, được chữa lành, nhảy dựng lên và cuối cùng, sau nhiều năm nằm đó bị bỏ rơi, anh ta cũng đi qua cửa đó và vào đền thờ “nhảy múa và ngợi khen Thiên Chúa” (Cv 3:1-9).

Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta đối với niềm hy vọng. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng thường thấy mình ở vị trí của một người què quặt trước ngưỡng cửa đền thờ: bất động, thờ ơ, như thể bị tê liệt trước những khó khăn. Nhưng ở đây, niềm hy vọng thiêng liêng lướt qua chúng ta, được Lời Chúa mang đến, và cũng nói với chúng ta, giống như Thánh Phêrô nói với người què: “Hãy đứng dậy và bước đi!” Và chúng ta đứng dậy và cuối cùng bước vào trung tâm của Giáo hội, sẵn sàng đảm nhận, một lần nữa và vui vẻ, các nhiệm vụ và trách nhiệm. Chúng là những phép lạ hằng ngày phát sinh từ đức cậy. Đức cậy thực sự là một người làm phép lạ tuyệt vời; đức cậy đã giúp hàng ngàn người tàn tật đứng dậy hàng ngàn lần.

Ngoài việc rao giảng Tin Mừng, đức cậy giúp chúng ta trên hành trình nên thánh cá nhân. Đối với những người thực hành đức cậy, nó trở thành nguyên tắc của sự tiến bộ tâm linh. Đức cậy cho phép bạn luôn khám phá ra “những khả năng tốt đẹp” mới, luôn là điều có thể làm được. Đức cậy không để chúng ta an nhàn trong sự thờ ơ và lạnh nhạt. Khi bạn muốn nói với chính mình: “Không còn gì để làm nữa”, đức cậy sẽ đến và nói với bạn: “Hãy cầu nguyện!”. Bạn trả lời: “Nhưng tôi đã cầu nguyện rồi!” và đức cậy nói: “Hãy cầu nguyện một lần nữa!”. Và ngay cả khi hoàn cảnh trở nên cực kỳ khó khăn và dường như không thể làm gì hơn nữa, thì đức cậy vẫn chỉ cho bạn một nhiệm vụ: hãy kiên trì cho đến cùng và đừng mất kiên nhẫn, hãy kết hợp bản thân với Chúa Kitô trên thập giá. Như chúng ta đã nghe, vị Tông đồ khuyến khích “hãy tràn đầy hy vọng”, nhưng ngài ngay lập tức thêm vào cách thức điều này có thể thực hiện được: “nhờ Chúa Thánh Thần”. Không phải bởi những nỗ lực của chúng ta.

Giáng Sinh có thể là dịp cho một bước nhảy vọt của hy vọng. Nhà thơ vĩ đại đương thời với chúng ta về các nhân đức thần học, Charles Péguy, đã viết rằng Đức tin, Đức cậy và Đức ái là ba chị em, hai người lớn và một bé gái. Họ nắm tay nhau đi xuống phố: hai cô lớn Đức tin và Đức ái ở hai bên và cô bé Đức cậy ở giữa. Mọi người khi nhìn thấy họ đều nghĩ rằng chính hai cô lớn đang kéo cô bé ở giữa. Họ sai! Chính cô ấy là người kéo theo mọi thứ. Bởi vì nếu hy vọng không thành, mọi thứ sẽ dừng lại.

Muốn đặt một cái tên đàng hoàng cho cô gái bé nhỏ này, chúng ta chỉ có thể gọi cô là Maria, một người dưới thế này – Dante Alighieri, một nhà thơ vĩ đại về các nhân đức thần học khác đã nói – “đối với loài người trần thế nguồn hy vọng là nguồn sống”.

1.Augustine, On the Gospel of John, 45, 2 (Quid prodest bene vivere si non datur semper vivere?).

2.Cit. in Marguerite Yourcenar, Memoirs of Hadrian.

3.Ernst Bloch, Das Prinzip Hoffnung, 3 vol. Berlin 1954–1959.

4.Ch. Péguy, Le porche de la deuxième vertu.

5.Paradise, XXXIII.
Source:cantalamessa.org
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thiên Chúa mùa vọng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:28 09/12/2022
Hình ảnh Thiên Chúa mùa vọng

Chúa nhật 3. Mùa Vọng là mốc điểm giữa mùa vọng và mùa mừng lễ Chúa giáng sinh ngày 25. tháng mười hai. Vì chỉ còn hai tuần lễ nữa đến ngày lễ mừng trọng thể sinh nhật hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế.

Vào những ngày trong mùa vọng phẩm phục phụng vụ mang mầu tím, mầu ăn năn thống hối. Nhưng ngày chúa nhật thứ 3. giữa mùa vọng phẩm phục phụng vụ mang mầu hồng, mầu nói lên sự vui mừng hân hoan. Vì thế chúa nhật có tên Gaudete- mừng vui.

Điều này diễn tả hình ảnh gì trong mùa vọng?

Theo tập tục nếp sống văn hóa lồng khung vào lối sống đạo đức, cây nến thứ ba vòng mùa vọng được đốt thắp lên. Cũng theo tập tục nếp sống văn hóa đạo đức xưa nay, ở thánh đường cũng như nhà tư nhân, hang đá Chúa giáng sinh, những cây thông giáng sinh bắt đầu được xây dựng, nến đèn điện cũng bắt đầu được treo trưng bày, có những gia đình sửa soạn nướng bánh tỏa hương thơm mùi quế, mùi Vanille, mùi cam…dón dẹp nhà cửa sắm sửa quần áo, đồ đạc vật dụng mới…

Như thế mốc điểm giữa mùa vọng có hình ảnh dấu chỉ tai nghe, mắt xem thấy và mũi ngửi thấy niềm vui đang từ từ xuất hiện rộn ràng dậy vang lên.

Mùa vọng theo ý nghĩa đạo đức thần học là mùa sửa soạn tâm hồn đón mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh. Điều này rất đúng, rất chuẩn. Nhưng mùa Vọng còn có ý nghĩa khác nữa: Sự đến của nhân vật trọng đại!

Ngày xưa trước đây hai ngàn năm, nơi các đất nước thuộc vùng biển Địa trung hải, dân chúng có tập tục đón rước vị khách qúi cao cả long trọng hân hoan. Khi có tin thông báo vị uy quyền trong lãnh vực chính quyền, như Vua, hay lãnh chúa tỉnh vùng nào...đến thành phố thăm viếng, dân chúng nơi đó quét dọn đường xá sơn phết tô điểm cho đẹp và sạch sẽ, cờ quạt, bông hoa đèn được trưng bày nơi mặt tiền các nhà khắp dọc đường phố, để nói lên sự hân hoan vui mừng chào đón Vị khách cao qúi đến thăm viếng.

Khi Vị khách cao qúi tiến vào thành, dân chúng vui mừng kéo nhau ra đường tung hô vạn tuế. Họ hô vang: Kyrie eleison - Xin Chúa thượng thương xót chúng tôi!”.

Câu tung hô này, ngày nay trong thánh lễ Misa, người tín hữu Chúa Kitô cũng đọc hay hát lên kêu cầu: Xin Chúa thương xót chúng con!

Nhưng có sự khác biệt giữa vị khách chính quyền cai trị thời cổ xa xưa trong dân chúng và Thiên Chúa chúng ta mừng trong mùa Vọng hằng năm.

Vị hoàng đế lãnh chúa thời cổ xa xưa dùng quyền hành, sự quyền qúi sang trọng, sức mạnh của vũ khí, của luật lệ thống trị dân chúng. Người dân trong xã hội là những người phải sống tuân theo phục vụ cho nhà vua, cho vị lãnh chúa của vùng miền đất nước. Đời sống của họ trong nhung lụa lâu đài cung điện, lúc qua đời được an táng trong lăng tẩm dành riêng cùng có sử sách ghi công tôn vinh thần thánh hóa.

Nhưng (Thiên) Chúa chúng ta, hiện thân nơi hài nhi Giêsu, thì không vậy.

Hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh trong chuồng xúc vật ngoài cánh đồng Bethlehem. Điều này nói lên đời sống đơn giản nghèo hèn của một người không cửa nhà ngay từ lúc đầu đời.

Rồi trong suốt dọc đời sống ba mươi năc trên trần gian Vị Chúa Giêsu sống cũng không nhà cửa, nay đây mai đó dọc đường đất nước Do Thái rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa cho con người.

Và sau cùng chết tức tưởi cô đơn bị đóng đinh trên thập gía. Nấm mồ an táng của Ngài cũng là ngôi mộ của Giuse Arimathia nhường lại cho.

Tình yêu là bản vị căn bản sứ điệp đời sống của chính Ngài cùng cho con người.

Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".( Mt 11, 4-6)

Chính vì thế, người tín hữu Chúa Kitô trong mùa Vọng mừng sự đến của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trong trần gian cùng với sự chuẩn bị sửa soạn trong niềm vui mừng tai nghe, mắt thấy và mũi ngửi được mùi vị hương thơm.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Mùa Hoảng Loạn
Nguyễn Trung Tây
16:50 09/12/2022
Nguyễn Trung Tây

Mùa Hoảng Loạn


Thật ra mùa Vọng và mùa Giáng Sinh đầu tiên là một mùa của những điều không bình thường, không ai ngờ. Những câu chuyện của mùa Vọng và mùa Giáng Sinh thiên niên kỷ thứ nhất đậm màu nghi ngờ, phạt câm, hốt hoảng, có “vấn đề,” toan tính, giết hại trẻ thơ, lên đường tỵ nạn!

TƯ TẾ ZACHARIAH

Tin Mừng Giáng Sinh đến với thầy tư tế Zechariah nơi cực thánh của ngôi đền thờ Jerusalem.

Zechariah và vợ không có con từ bao lâu nay. Tủi hổ xuất hiện trên khuôn mặt của vợ và của chồng. Đàn bà không con trong một xã hội trọng danh dự như kính trọng linh hồn tổ tiên là một điều không ai muốn xảy đến với mình. Thế đấy, vợ chồng họ từ những ngày cưới nhau vẫn không con.

Nơi cực thánh, sứ thần Gabriel hiện ra, báo tin vợ ông, bà Elizabeth sẽ mang thai. Tư tế Zechariah với bộ óc suy luận không tin vào những điều như thế. Bởi thế ông phản ứng ngay, chuyện đó làm sao có thể xảy ra cho được bởi tôi đã già và vợ tôi cũng đã qua một thời có khả năng.

Thật bất ngờ! Bởi nghi ngờ, ông bị phạt, ông trở thành người câm ngay tại nơi cung thánh.

Trong con mắt ngỡ ngàng của bao nhiêu người, Zechariah từ trong cung thánh bước ra. Ông ú ớ, không nói năng chi được nữa. Những âm thanh vô nghĩa xuất hiện từ cổ họng một vị tư tế có chức danh trong xã hội. Thiên hạ có thể lại đồn thổi những “tin” nhà ông bà Zechariah lại một lần nữa…bị Adonai phạt. Nhìn kìa! Bà (bị phạt) không có con. Ông giờ này tự nhiên hóa ra người câm!

Mùa Vọng đầu tiên do đó là một mùa của nghi ngờ, phạt câm, và hốt hoảng!

MARIA & GIUSE

Tin Mừng Giáng Sinh đến với cô thôn nữ từ sứ thần Gabriel.

Xin đừng thầm nghĩ cả thôn nhỏ Nazareth khoảng 300 cư dân vào thời đó ít hay nhiều đều hiểu và cảm nghiệm được mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể vừa xảy ra tại nhà của ông bà Joachim-Anna. Xin đừng nói người trong xóm nhỏ hiểu và biết cô thôn nữ của tuổi 16 mang thai bởi sự can thiệp của Chúa Thánh Linh.

Câu trả lời quá rõ ràng. Bởi thế hôn phu Joseph dự tính yên lặng bỏ đi, để lại hôn thê với bào thai mà riêng Joseph biết mình không phải là bố.

GIA PHẢ ĐỨC KITÔ

Gia phả của gia đình Thánh gia ngay trong những hàng chữ đầu tiên của Tin Mừng Matthew đã được giới thiệu như là một gia tộc có “vấn đề.”

Gia phả của Đức Giêsu Kitô có bà tổ Tamar (Matt 1:3), đã từng gạt gẫm bố chồng Judah (Gen 38). Bà tổ Rahab cư dân thành phố Jericho, người đã giúp lính dọ thám Do Thái ẩn nấp trong nhà là một người làm việc ở “khu phố đèn đỏ” (Matt 1:5, Joshua 2, 6). Bà tổ Ruth là người dân ngoại cũng có những dự tính rất riêng tư với ông Boaz (Matt 1:5, Ruth 3). Bà tổ Bathsheba sinh ra Salomon đã bị vua David gọi vào cung điện, để rồi chiếm đoạt bất hợp pháp vợ của Uriah, sĩ quan đóng đồn mặt trận tiền tuyến (Matt 1:6, 2Sam 11). Bản gia phả nhắc tới tên Maria (Matt 1:16), mẹ của Hài Nhi thánh, với những dòng chữ xác định hôn phu Joseph nghi ngờ lòng chung thủy của hôn thê Maria.

Có “vấn đề,” nghi ngờ, và toan tính là những nét của Tin Mừng Mùa Vọng, cả trong Tin Mừng thánh sử Matthew và thánh sử Luke.

THIÊN THẦN & NGƯỜI CHĂN CHIÊN

Tin Mừng Giáng Sinh nối tiếp với lệnh kiểm tra dân số thật bất ngờ. Gia đình thánh gia lặn lội từ phương bắc Galile xuống phương nam Judea.

Nơi đó, ngày sinh đã tới, Hài Nhi hạ sinh. Và Mẹ của Ngài đặt Hài Nhi thánh nằm trong máng cỏ.

Giây phút Ngôi Lời hạ sinh, không ai biết, chẳng ai hay, ngoại trừ những người chăn chiên thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Nhận được Tin Mừng Giáng Sinh từ sứ thần thiên quốc cao vời vợi, những người chăn chiên thấp nhất trong bậc thang xã hội cũng nghi ngờ, không dám chắc. Ai biết đâu, tất cả chúng ta đều đang mơ ngủ (Luke 2:15-16).

Họ vội vã nhanh nhanh lên đường, tìm kiếm, xem coi nếu đây là sự thật.

Mùa Giáng Sinh đầu tiên với những người chăn chiên cũng đậm nét nghi ngờ, vội vã lên đường.

BA VUA & HOÀNG ĐẾ & TỴ NẠN

Tin Mừng Giáng Sinh quay những vòng tròn nối tiếp với câu truyện Ba Vua lên đường tìm kiếm kính viếng Đông Cung Thái Tử mới hạ sinh.

Họ lạc đường. Họ ghé vào cung điện, hỏi đường từ vua Herod, vị vua đương nhiệm ngồi trên ngai vàng tại kinh thành Jerusalem. Herod, người nổi tiếng ác vương, bởi đã từng hạ lệnh sát hại chính những người con trai của mình để bảo vệ ngôi vương báu.

Bởi thế, cũng không là một điều lạ nếu vua Herod ra lệnh tàn sát tất cả Hài Nhi dưới 2 tuổi của phố Bethlehem và vùng lân cận.

Máu đổ thịt rơi! Những máu và thịt của những thân xác ngây thơ chưa hề biết chi trong đời ngoài việc ăn ngủ ngon lành. Những khuôn mặt mập mạp dễ thương, như những thiên thần đập đập đôi cánh gắn trên hang đá Việt Nam.

Bởi ác vương Herod, gia đình Hài Nhi thánh vội vã trỗi dậy trong đêm, bỏ quê hương ra đi như người Việt Nam một thời đã bỏ quê cha đất tổ đi tìm tự do. Gia đình thánh đã tỵ nạn bên đất Ai Cập, người láng giềng một thời tổ tiên Do Thái làm nghề nô lệ!

Gia đình thánh vội vã bỏ đi tỵ nạn nhắc nhở một thời những thuyền gỗ mong manh lao mình rời quê cha đất tổ, bởi biến cố 75. Người Việt Nam hải ngoại, ai có thể quên một khoảng thời gian họ cũng đã vội vã rời bỏ quê hương nửa đêm về sáng.

Đức Giêsu, thân mẫu của Ngài, thánh Giuse và Mẹ Maria và người Việt tỵ nạn có những mẫu số chung của nửa đêm vội vã bỏ đi tỵ nạn.

SUY NIỆM

Mùa Giáng Sinh đầu tiên là một chuỗi dài của những bất ngờ, hoảng loạn, hiểu lầm, dự tính bỏ nhau, âm mưu, sát hại trẻ thơ, hốt hoảng lên đường bỏ trốn trong đêm.

Nhưng đêm đó, đêm cực thánh, thiên đường vẫn hát vang vang bài ca thiên quốc,

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế tới người Chúa thương.”

Ngôi sao Bethlehem vẫn hiện ra rực rỡ trên bầu trời đêm đen tội lỗi.

Trên tất cả, trong đêm cực trọng, Hài Nhi thánh hạ sinh, bật tiếng khóc vang vang, mở đầu một kỷ nguyên cứu rỗi tới nhân loại.

Dù bóng đêm tử thần, chiến tranh, hận thù, gian dối vẫn bao trùm nhân loại. Dù nghi ngờ, hoảng loạn, hốt hoảng, dự tính, âm mưu, vội vã lên đường bỏ đi lánh nạn, Ánh sáng Mùa Giáng Sinh từ những ngày Giáng Sinh đầu tiên vẫn chiếu sáng đêm đen bóng tối của Mùa Giáng Sinh năm 2022.



Đêm đen tử thần vẫn không chiến thắng được Hào Quang Ngôi Lời Nhập Thể.

(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam - Tập 3 sẽ xuất bản)
 
VietCatholic TV
Căng thẳng: ĐTC so sánh Nga với Đức Quốc Xã. TT Zelenskiy được TIME vinh danh nhân vật của 2022
Giáo Hội Năm Châu
03:26 09/12/2022


1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được TIME vinh danh là Nhân vật của năm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã được tạp chí TIME vinh danh là Nhân vật của năm. Người đàn ông 44 tuổi, cựu diễn viên hài, diễn viên, nhà văn và nhà sản xuất này đã giữ chức tổng thống từ năm 2019.

Tạp chí Time cho biết đã vinh danh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là nhân vật của năm, trao cho ông giải thưởng “vì đã chứng minh rằng lòng can đảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi”.

Tổng biên tập Edward Felsenthal cho biết sự lựa chọn của Zelenskiy - cùng với “tinh thần của Ukraine” - là “ký ức nổi bật nhất”.

Ông nói: “Cho dù cuộc chiến giành Ukraine khiến người ta tràn đầy hy vọng hay sợ hãi, thì thế giới đã hành quân theo nhịp trống của Volodymyr Zelenskiy vào năm 2022”.

Là một diễn viên hài trở thành chính trị gia được bầu làm lãnh đạo Ukraine vào năm 2019, Zelenskiy đã làm việc không ngừng nghỉ kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 để truyền cảm hứng cho sự phản kháng của đất nước ông và huy động sự ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine.

Felsenthal cho biết quyết định của Zelensky khi chiến tranh bắt đầu “không chạy khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ là định mệnh”.

“Vì đã chứng minh rằng lòng dũng cảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi, vì đã khuyến khích mọi người và các quốc gia cùng nhau bảo vệ tự do, vì đã nhắc nhở thế giới về sự mong manh của nền dân chủ - và hòa bình - Volodymyr Zelenskiy và tinh thần của Ukraine là Nhân vật của năm 2022 của TIME,” anh nói.

Tạp chí cũng nhấn mạnh những người được cho là hiện thân của tinh thần Ukraine. Họ bao gồm kỹ sư Oleg Kutkov, người đã giúp Ukraine kết nối; Olga Rudenko, biên tập viên của Kyiv Independent; và bác sĩ phẫu thuật chiến đấu người Anh David Nott.

Để có nhận thức đầy đủ về sự can đảm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, có lẽ chúng ta phải biết điều này: Các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds giải thích trong một nghiên cứu mới của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London rằng cuộc xâm lược Ukraine của Putin không phải là một quyết định bất chợt của ông ta. Nó đã được hình thành và chuẩn bị từ rất lâu. Một trong những chuẩn bị quan trọng là một chiến dịch phá hoại có hệ thống của Nga nhắm vào các kho chứa vũ khí của Ukraine. Chiến dịch này đã phá hủy một tỷ lệ đáng kể các kho đạn 122 và 152 ly cũng như hỏa tiễn 122 và 300 ly của quân đội Ukraine.

Các tác giả Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London cho biết đã có sáu vụ nổ như vậy, phá hủy hơn 210,000 tấn đạn dược, một phần lớn trong số đó là đạn pháo 152 ly và hỏa tiễn cho hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Để so sánh, trong 5 năm chiến tranh ở Donbas, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu tốn tổng cộng khoảng 70,000 tấn đạn dược, tức là chỉ 1 phần ba số bị phá hoại.

Tình hình bi đát đến mức, trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, quân Nga kéo từ Belarus sang tiến đánh Kyiv trong một đoàn xe dài đến 64km. Nga có gan làm như thế vì biết chắc pháo binh Ukraine đã kiệt quệ, không đủ sức tấn công họ.

Trong bối cảnh bi đát như thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải hết sức can đảm mới dám quyết định không chạy khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ của thế giới.

2. Thị trưởng Lviv được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi và người đứng đầu Hiệp hội Y tế sơ cứu của Lviv đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Vợ của thị trưởng cũng có mặt tại cuộc họp.

“Tôi rất bất ngờ khi nhận được lời đề nghị này. Cùng với Kateryna, Oleh Samchuk và Serhiy Kiral, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc họp. Chỉ vài phút để nói mọi điều cần thiết, mọi điều quan trọng,” ông nói.

Sadovyi đã đăng một bức ảnh cây thánh giá bằng gỗ - biểu tượng chiến thắng của cái thiện và sự thật đối với quyền năng của sự ác và bóng tối - bị một mảnh hỏa tiễn của Nga “làm bị thương” theo nghĩa bóng. Mảnh đạn này được lấy ra từ một bé gái 13 tuổi bị thương.

“Bị thương, nhưng KHÔNG GẪY, giống như tất cả người Ukraine. Mảnh vỡ được lấy ra khỏi cơ thể cô bé 13 tuổi Nastia. Đức Giáo Hoàng biết về câu chuyện này. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu biểu tượng này rất rõ ràng,” Sadovyi nói.

Đức Giáo Hoàng đã làm phép cây thánh giá. Thánh giá sẽ đi đến các nhà thờ trên thế giới để khuyến khích tất cả các tín hữu cầu nguyện cho Ukraine. Một cây thánh giá khác như vậy sẽ ở lại với Đức Giáo Hoàng để nhắc nhở ngài mỗi ngày về cái giá mà người Ukraine phải trả cho sự thật và tự do.

Sadovyi cũng nói thêm rằng các chủ đề của cuộc gặp gỡ bao gồm hậu quả của sự xâm lược của Nga và dự án #UNBROKEN, được khởi động ở Lviv để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện, bao gồm cả chân tay giả và các loại phục hồi chức năng khác nhau, cho những người Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

3. Đức Thánh Cha so sánh cuộc chiến của Nga chống Ukraine với 'Chiến dịch Reinhardt' của Đức quốc xã

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine với “Chiến dịch Reinhardt,” là kế hoạch hủy diệt do Đức quốc xã thực hiện chống lại người Do Thái Ba Lan trong Thế chiến II.

“Hôm thứ Hai, Trung tâm Quan hệ Công Giáo-Do Thái của Đại học Công Giáo Lublin đã tổ chức lễ tưởng niệm Chiến dịch Reinhardt. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, điều này đã dẫn đến việc tiêu diệt gần hai triệu nạn nhân, hầu hết là người gốc Do Thái. Cầu mong ký ức về sự kiện khủng khiếp này khơi dậy những quyết tâm và hành động vì hòa bình trong tất cả chúng ta. Lịch sử đang lặp lại. Bây giờ chúng ta thấy những gì đang xảy ra ở Ukraine. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung với các tín hữu hôm thứ Tư 7 tháng 12.

Đề cập đến Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm thứ Năm, ngài kêu gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Thiên Chúa an ủi tất cả những người bị thử thách bởi “sự tàn khốc của chiến tranh,” và đặc biệt là cho “Ukraine bị dày vò”

4. Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Xác nhận quyết định tốt

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong tiến trình biện phân, điều quan trọng là phải luôn chú ý đến giai đoạn ngay sau khi quyết định được đưa ra, để nắm vững các dấu hiệu xác nhận quyết định đó hoặc những dấu hiệu bác bỏ quyết định đó. Tôi phải đưa ra quyết định, [vì vậy] tôi thực hiện việc biện phân, ủng hộ hay phản đối, cảm xúc của tôi ra sao, tôi cầu nguyện... sau đó tiến trình này kết thúc và tôi đưa ra quyết định, rồi đến phần mà chúng ta phải cẩn thận, anh chị em thấy không? Bởi vì trong cuộc sống, một số quyết định không tốt và có những dấu hiệu bác bỏ chúng, trong khi mặt khác, những quyết định tốt được xác nhận.

Thật vậy, chúng ta đã thấy thời gian là tiêu chuẩn căn bản để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa rất nhiều tiếng nói khác. Chỉ một mình Người là Chúa tể của thời gian: đó là dấu hiệu cho thấy sự độc đáo của Người, giúp phân biệt Người với những giả mạo nhân danh Người mà không thực sự như vậy. Một trong những dấu hiệu đặc biệt của tinh thần tốt là nó truyền đạt một sự bình an kéo dài với thời gian. Nếu anh chị em cân nhắc sâu sắc hơn, rồi đưa ra quyết định thì điều này mang lại cho anh chị em sự bình an kéo dài theo thời gian, đây là một dấu hiệu tốt và cho thấy con đường của anh chị em tốt đẹp. Một sự bình an mang lại sự hài hòa, hiệp nhất, nhiệt thành, sốt sắng. Anh chị em ra khỏi tiến trình “đào sâu” tốt hơn so với khi anh chị em bước vào.

Thí dụ, nếu tôi quyết định dành thêm nửa giờ để cầu nguyện, và rồi tôi thấy rằng tôi sống những khoảnh khắc khác trong ngày tốt hơn, tôi thanh thản hơn, bớt lo lắng hơn, tôi làm việc cẩn thận và hăng hái hơn, ngay cả mối tương quan với một số người khó tính cũng trở nên suông sẻ hơn... Đây đều là những dấu hiệu quan trọng cho thấy quyết định được đưa ra là tốt lành. Đời sống thiêng liêng là một vòng tuần hoàn: sự tốt lành của một lựa chọn mang lại lợi ích cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Vì đó là việc tham gia vào óc sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nhận ra một số khía cạnh quan trọng giúp chúng ta thấy thời gian sau quyết định như một xác nhận khả dĩ về tính tốt lành của nó, bởi vì khoảng thời gian tiếp theo xác nhận tính tốt lành của quyết định. Một cách nào đó, chúng ta đã gặp những khía cạnh quan trọng này trong tiến trình dạy giáo lý nhưng bây giờ chúng ta thấy một áp dụng nữa của chúng.

Khía cạnh đầu tiên là liệu quyết định đó có được coi là một dấu hiệu khả hữu của việc đáp lại tình yêu thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với tôi hay không. Nó không phát sinh từ lòng sợ hãi, không phát sinh từ sự tống tiền hay ép buộc về mặt cảm xúc, nhưng phát sinh từ lòng biết ơn đối với điều tốt lành đã nhận được, điều này thúc đẩy trái tim sống tự do thoải mái trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Một yếu tố quan trọng khác là có cảm thức về vị trí của mình trong cuộc sống – sự thanh thản đó, “Tôi đang ở vị trí của tôi” – và cảm thấy anh chị em là một phần của kế hoạch lớn hơn mà anh chị em mong muốn được đóng góp. Tại Quảng trường Thánh Phêrô có hai điểm chính xác – các tiêu điểm của hình bầu dục – từ đó người ta có thể nhìn thấy các cột Bernini thẳng hàng một cách hoàn hảo. Tương tự như vậy, một người có thể nhận ra họ đã tìm thấy điều họ tìm kiếm khi ngày sống của họ trở nên trật tự hơn, khi họ cảm thấy các mối quan tâm của họ hòa nhập với nhau nhiều hơn, khi họ thiết lập được một hệ thống thứ bậc đúng đắn về tầm quan trọng và khi họ có thể trải nghiệm điều này một cách thoải mái, đối diện với những khó khăn mới phát sinh một cách đầy năng lực và dũng cảm mới. Đây là những dấu hiệu cho thấy anh chị em đã có một quyết định tốt đẹp.

Chẳng hạn, một dấu hiệu xác nhận tốt khác là việc luôn được tự do đối với những gì đã được quyết định, sẵn sàng đặt câu hỏi về nó, thậm chí từ bỏ nó khi đối diện với những bác bỏ có thể xảy ra, cố gắng tìm thấy ở chúng một bài học có thể có từ Thiên Chúa. Điều này không phải vì Người muốn tước đoạt những gì chúng ta yêu quý, mà là để sống nó một cách tự do, không bị ràng buộc. Chỉ có Thiên Chúa mới biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta. Tính chiếm hữu là kẻ thù của điều tốt và nó giết chết tình âu yếm. Hãy chú ý đến điều này: chiếm hữu là kẻ thù của điều tốt, nó giết chết tình cảm. Nhiều trường hợp bạo lực trong lĩnh vực gia đình, mà chúng ta không may được đưa tin thường xuyên, hầu như luôn luôn phát sinh từ việc đòi quyền sở hữu tình cảm của người khác, từ việc tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối, một điều giết chết tự do và bóp nghẹt cuộc sống, biến nó thành địa ngục.

Chúng ta chỉ có thể yêu trong tự do, đó là lý do tại sao Thiên Chúa tạo dựng chúng ta tự do, tự do ngay cả khi nói không với Người. Dâng lên Người những gì chúng ta yêu quý nhất là vì lợi ích tốt nhất của chúng ta, giúp chúng ta sống điều đó theo cách tốt nhất có thể có và trong sự thật, như một hồng phúc mà Người đã ban cho chúng ta, như một dấu chỉ lòng nhân từ nhưng không của Người, vì biết rằng cuộc sống của chúng ta, cũng như toàn bộ lịch sử, đều nằm trong bàn tay nhân từ của Người. Đó là điều Kinh Thánh gọi là kính sợ Thiên Chúa, nghĩa là tôn kính Thiên Chúa – không phải Thiên Chúa làm tôi sợ hãi, nhưng là một sự kính trọng, một điều kiện không thể thiếu để đón nhận hồng ân Khôn Ngoan (x. Hc 1:1-18). Nó là sự sợ hãi loại bỏ mọi nỗi sợ hãi khác, bởi vì nó hướng về Đấng là Chúa tể của mọi sự. Trước nhan thánh Người, không gì có thể làm chúng ta lo lắng. Đó là kinh nghiệm kỳ diệu của Thánh Phaolô, được ngài diễn tả như sau: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:12-13). Đây là người tự do, người đã chúc tụng Thiên Chúa cả khi điều tốt lành xẩy đến lẫn khi điều không tốt lành xẩy đến: Xin ngợi khen Người, và chúng ta hãy tiến về phía trước!

Nhận thức được điều này là rất quan trọng để đưa ra quyết định tốt và nó trấn an chúng ta về những điều chúng ta không thể kiểm soát hoặc dự đoán: sức khỏe, tương lai, những người thân yêu, kế hoạch của chúng ta. Điều quan trọng là niềm tin của chúng ta được đặt vào Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng và biết rằng chúng ta có thể cùng Người xây dựng một điều gì đó tuyệt vời, một điều gì đó vĩnh cửu. Cuộc đời của các thánh cho chúng ta thấy điều này một cách đẹp đẽ nhất. Chúng ta hãy tiến lên, luôn cố gắng đưa ra quyết định theo cách này, trong lời cầu nguyện và cảm nhận những gì đang diễn ra trong lòng mình, và tiến lên một cách từ từ. Anh chị em hãy can đảm lên!
 
Putin choáng váng: Nổ long trời chưa từng thấy ở Crimea. Moscow cáo buộc biệt kích Ukraine tấn công
VietCatholic Media
03:52 09/12/2022


1. Điện Cẩm Linh cáo buộc Ukraine tấn công Crimea

Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev trong cái gọi là chính quyền dân sự do Nga dựng lên, được Mạc Tư Khoa bổ nhiệm từ ngày 2 tháng 10, 2020 cho biết trong một chương trình truyền hình đột xuất rằng Ukraine đã vừa tấn công bán đảo Crimea vào sáng thứ Năm 8 tháng 12.

Sevastopol là thành phố lớn nhất của bán đảo Crimea. Razvozhayev cho biết hạm đội của Nga đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine trên Hắc Hải. Razvozhayev đã đưa ra mức độ đe dọa khủng bố cao, “màu vàng” ở Crimea.

Các hãng tin địa phương đưa tin một trăm vụ nổ điện xảy ra ở khu vực trung tâm của Sevastopol, khiến các cửa kính rung chuyển. Kênh Crimean Wind Telegram, trích dẫn người dân địa phương, báo cáo rằng ở một số khu vực “còi báo động đã vang lên sau các vụ nổ” và nhiều khu vực đã bị phong tỏa.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin gần đây có chuyến thăm tới cây cầu Kerch, là cầu nối quan trọng nối giữa bán đảo Crimea và lục địa Nga đã bị phá hủy một phần trong một vụ nổ hồi tháng 10.

Điện Cẩm Linh cho biết bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014, rất dễ bị lực lượng Ukraine tấn công sau các báo cáo của các quan chức ở đó cho biết họ đã bắn hạ một máy bay không người lái gần một căn cứ hải quân quan trọng.

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ của mình, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết:

Chắc chắn có những rủi ro vì phía Ukraine tiếp tục chính sách tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, mặt khác, thông tin chúng tôi nhận được cho thấy các biện pháp đối phó hiệu quả đang được thực hiện.

Peskov kháo rằng người đứng đầu Crimea, Sergei Aksyonov, tháng trước cho biết ông đã ra lệnh xây dựng “các công trình kiên cố để bảo đảm an toàn cho người dân Crimea” trên bán đảo sau các cuộc tấn công gần đây.

2. Cú bất ngờ vào Lyman đã thất bại, Nga tập trung lực lượng chủ yếu vào hai mặt trận Bakhmut và Avdiivka

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 9 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, ghi nhận rằng sau khi nhận thấy cú bất ngờ vào Lyman đã thất bại, Nga tập trung lực lượng chủ yếu vào hai mặt trận Bakhmut và Avdiivka.

Hôm thứ Ba 6 tháng 12, quân Nga đã bất ngờ tấn công vào thành phố Lyman sau khi các cuộc tấn công bị khựng lại ở Bakhmut và Avdiivka. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho rằng người Nga đang cố gắng giành cho được một chiến thắng, bất kể chiến thắng nào và bất kể giá phải trả.

Trong giờ đầu tiên của cuộc giao tranh, xung quanh các làng Zelena Dolyna, và làng Lypnove, phía bắc Lyman, Lữ Đoàn 3 Cận Vệ Spetsnaz của Nga đã thất bại, bỏ chạy để lại lại hơn 200 xác đồng đội cùng với 2 xe tăng và 4 thiết giáp. Các cuộc tấn công lẻ tẻ sau đó đều bị chặn đứng. Người Nga đã rút hết quân khỏi vùng này để tăng cường cho 2 mặt trận Bakhmut và Avdiivka.

Trong ngày thứ Năm 8 tháng 12, quân xâm lược đã thực hiện hai cuộc tấn công hỏa tiễn và ba cuộc không kích, cũng như hơn 20 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của Lực lượng Vũ trang và các khu định cư dọc theo giới tuyến. Các cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố Kupiansk, Zolochiv và Ochakiv đã bị tấn công trở lại sau một thời gian lắng đọng.

Theo Bộ Tổng tham mưu, vẫn có mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của kẻ thù vào các cơ sở của hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết cường độ giao tranh tại Bakhmut và Avdiivka có giảm bớt so với những ngày trước đó, nhưng đang bùng lên trong vùng Kherson khi quân Ukraine cố gắng tràn qua bờ phía Đông sông Dnipro để truy kích quân Nga, giải phóng phần còn lại của Kherson. Quân Ukraine đã vượt sông Dnipro và giao tranh đang diễn ra tại Nova Kakhovka. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết để bảo vệ bí mật hành quân.

Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 340 lính Nga, bắn cháy 2 xe tăng và 2 xe thiết giáp, tịch thu 2 trọng pháo do quân Nga bỏ chạy ở ngoại ô thành phố Bakhmut.

Tính chung từ ngày 24 tháng Hai đến ngày 8 tháng 12, 93,080 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược cũng bao gồm 2,937 xe tăng, 5,911 xe thiết giáp, 1,925 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống phòng không, 281 máy bay chiến đấu, 264 máy bay trực thăng, 1,603 máy bay không người lái tác chiến và chiến thuật, 592 hỏa tiễn hành trình, 4,528 xe chuyển quân và nhiên liệu, 16 tàu chiến và 164 thiết bị đặc biệt.

3. Liên Hiệp Quốc ghi nhận 441 vụ hạ sát thường dân miền bắc Ukraine

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo hôm thứ Tư liên quan đến 441 vụ sát hại dân thường ở các vùng Kyiv, Chernihiv và Sumy phía bắc Ukraine.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk cho biết báo cáo nêu chi tiết vụ sát hại thường dân đang làm những việc thường ngày của họ như đang “chặt củi hay mua hàng tạp hóa” ở các khu vực trước đây lực lượng Nga đã chiếm được trước khi rút lui trước các cuộc phản công của quân Ukraine.

Các khu vực Kyiv, Chernihiv và Sumy đã được lấy lại sau khi Nga rút quân vào cuối tháng Ba.

Ông Volker Türk vừa kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới thủ đô Ukraine.

“Chúng tôi đang làm việc để chứng thực các cáo buộc về các vụ giết người bổ sung ở những khu vực này, cũng như ở các khu vực Kharkiv và Kherson gần đây đã được lực lượng Ukraine chiếm lại,” ông nói trong một tuyên bố, chỉ ra rằng con số có thể tăng hơn nữa.

Ông nói thêm: “Có những dấu hiệu mạnh mẽ rằng các vụ hành quyết hàng loạt được ghi lại trong báo cáo cấu thành tội ác chiến tranh giết người có chủ ý”.

Trong tuyên bố của mình, Türk đã liệt kê các mức hỗ trợ cần thiết cho người dân Ukraine, bao gồm 17.7 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo và 9.3 triệu người cần hỗ trợ lương thực và sinh kế.

Theo tuyên bố của ông, một phần ba dân số đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong khi 7.89 triệu người đã rời khỏi đất nước và 6.5 triệu người phải di dời trong nước.

Türk cũng cho biết trong tuyên bố rằng ông đã dành một số thời gian trong chuyến thăm của mình trong một hầm tránh bom vào thứ Hai khi Nga tiến hành một đợt tấn công hỏa tiễn khác. Anh ấy cũng đã đến thăm các thị trấn Bucha và Izium.

Türk cũng lưu ý tác động mà các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ để lại cho người dân Ukraine.

“Tôi e rằng Ukraine sẽ phải trải qua một mùa đông dài và lạnh giá. Hậu quả của cuộc chiến đối với việc thụ hưởng nhân quyền của người dân trong nước đã rất tàn khốc và tiên lượng rất đáng lo ngại,” ông nói.

4. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được TIME vinh danh là Nhân vật của năm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã được tạp chí TIME vinh danh là Nhân vật của năm. Người đàn ông 44 tuổi, cựu diễn viên hài, diễn viên, nhà văn và nhà sản xuất này đã giữ chức tổng thống từ năm 2019.

Tạp chí Time cho biết đã vinh danh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là nhân vật của năm, trao cho ông giải thưởng “vì đã chứng minh rằng lòng can đảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi”.

Tổng biên tập Edward Felsenthal cho biết sự lựa chọn của Zelenskiy - cùng với “tinh thần của Ukraine” - là “ký ức nổi bật nhất”.

Ông nói: “Cho dù cuộc chiến giành Ukraine khiến người ta tràn đầy hy vọng hay sợ hãi, thì thế giới đã hành quân theo nhịp trống của Volodymyr Zelenskiy vào năm 2022”.

Là một diễn viên hài trở thành chính trị gia được bầu làm lãnh đạo Ukraine vào năm 2019, Zelenskiy đã làm việc không ngừng nghỉ kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 để truyền cảm hứng cho sự phản kháng của đất nước ông và huy động sự ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine.

Felsenthal cho biết quyết định của Zelensky khi chiến tranh bắt đầu “không chạy khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ là định mệnh”.

“Vì đã chứng minh rằng lòng dũng cảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi, vì đã khuyến khích mọi người và các quốc gia cùng nhau bảo vệ tự do, vì đã nhắc nhở thế giới về sự mong manh của nền dân chủ - và hòa bình - Volodymyr Zelenskiy và tinh thần của Ukraine là Nhân vật của năm 2022 của TIME,” anh nói.

Tạp chí cũng nhấn mạnh những người được cho là hiện thân của tinh thần Ukraine. Họ bao gồm kỹ sư Oleg Kutkov, người đã giúp Ukraine kết nối; Olga Rudenko, biên tập viên của Kyiv Independent; và bác sĩ phẫu thuật chiến đấu người Anh David Nott.

Để có nhận thức đầy đủ về sự can đảm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, có lẽ chúng ta phải biết điều này: Các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds giải thích trong một nghiên cứu mới của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London rằng cuộc xâm lược Ukraine của Putin không phải là một quyết định bất chợt của ông ta. Nó đã được hình thành và chuẩn bị từ rất lâu. Một trong những chuẩn bị quan trọng là một chiến dịch phá hoại có hệ thống của Nga nhắm vào các kho chứa vũ khí của Ukraine. Chiến dịch này đã phá hủy một tỷ lệ đáng kể các kho đạn 122 và 152 ly cũng như hỏa tiễn 122 và 300 ly của quân đội Ukraine.

Các tác giả Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London cho biết đã có sáu vụ nổ như vậy, phá hủy hơn 210,000 tấn đạn dược, một phần lớn trong số đó là đạn pháo 152 ly và hỏa tiễn cho hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Để so sánh, trong 5 năm chiến tranh ở Donbas, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu tốn tổng cộng khoảng 70,000 tấn đạn dược, tức là chỉ 1 phần ba số bị phá hoại.

Tình hình bi đát đến mức, trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, quân Nga kéo từ Belarus sang tiến đánh Kyiv trong một đoàn xe dài đến 64km. Nga có gan làm như thế vì biết chắc pháo binh Ukraine đã kiệt quệ, không đủ sức tấn công họ.

Trong bối cảnh bi đát như thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải hết sức can đảm mới dám quyết định không chạy khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ của thế giới.

5. Chiến binh Mỹ được Tổng thống Zelenskiy vinh danh

Eric Stretch, một chiến binh người Mỹ phục vụ trong Quân đoàn Quốc tế của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vinh danh vì những đóng góp của anh cho Ukraine.

Trong một đoạn video do văn phòng của Zelenskiy công bố, nhà lãnh đạo Ukraine được nhìn thấy đang thăm các binh sĩ trong một bệnh viện quân sự ở Kyiv vào tối thứ Ba. Đoạn phim cho thấy tổng thống trao huy chương cho những người lính, bao gồm cả Eric.

Tổng thống nói: “Eric, cảm ơn rất nhiều vì sự dũng cảm của bạn” và Eric trả lời: “Đó là vinh dự của tôi. Cảm ơn tổng thống.”

Một tuyên bố từ Quân đoàn Quốc tế cho biết: Eric Stretch “đã nhận được huy chương từ Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, để ghi nhận những nỗ lực anh hùng của anh ấy trên tiền tuyến Ukraine. Chiến thắng không hề rẻ. Họ không đến dễ dàng. Nhưng những nỗ lực của người lính của chúng tôi được đánh giá cao và được chính thức công nhận.”

6. Ukraine cho biết họ đang làm việc với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc về phi quân sự hóa nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chính phủ của ông đang làm việc với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc để tạo ra một vùng an toàn xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ.

Kyiv vẫn “liên hệ chặt chẽ” với Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, ông cho biết tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Slovakia, Rastislav Káčer, ở Kyiv.

Kuleba nói:

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc bảo đảm rằng tất cả các nhà máy điện hạt nhân, không chỉ Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đều an toàn. Điều này cực kỳ khó đạt được nếu không ngăn chặn các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào lãnh thổ Ukraine, nhưng chúng tôi đang tiến lên từng bước với sự hiểu biết lẫn nhau với IAEA.

Có một quy tắc trong ngoại giao là chúng ta chẳng thể đạt được thỏa thuận nào cho đến khi mọi thứ được thống nhất.

Công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom hôm nay lặp lại tuyên bố của Kyiv rằng Nga đang sử dụng địa điểm này như một kho vũ khí trên thực tế.

Energoatom cho biết Nga đã mang nhiều bệ phóng hỏa tiễn đến địa điểm và đặt chúng gần tổ máy số 6 của nhà máy.

Công ty tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã lên kế hoạch sử dụng chúng để tiến hành các cuộc tấn công vào các vị trí và cây cầu của Ukraine ở bờ tây sông Dnipro.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã nhiều lần bị pháo kích kể từ khi Mạc Tư Khoa chiếm giữ nó ngay sau khi tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2, khiến IAEA kêu gọi thiết lập một khu vực an toàn phi quân sự xung quanh nhà máy.

7. Ngoại trưởng Estonia nhận định: Đã đến lúc NATO cung cấp cho Ukraine xe tăng, hỏa tiễn tầm xa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “It's Time for NATO to Give Ukraine Tanks, Long-Range Missiles: Estonia FM”, nghĩa là “Ngoại trưởng Estonia nhận định: Đã đến lúc NATO cung cấp cho Ukraine xe tăng, hỏa tiễn tầm xa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ngoại trưởng Estonia đã kêu gọi các đồng minh NATO tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine để mang lại chiến thắng toàn diện cho Kyiv.

Urmas Reinsalu nói với Newsweek rằng chỉ những hệ thống do NATO sản xuất như xe tăng chiến đấu chủ lực và hỏa tiễn chính xác mới có thể “tạo ra sự khác biệt chiến lược trong tiến trình chiến tranh”.

Ngoại trưởng kêu gọi các đồng minh cung cấp “xe tăng, cung cấp hệ thống phòng không, và cũng cung cấp hỏa tiễn tầm xa – không giới hạn”.

Reinsalu nói: “Chúng ta cần thay đổi tiến trình của cuộc chiến này. “Cách duy nhất trong bối cảnh hiện tại mà chúng ta có thể quản lý để làm điều đó là tăng đáng kể, không có bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn của tất cả các loại vũ khí thông thường.”

Việc cung cấp hỏa tiễn tầm xa do NATO sản xuất là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức đều đã cung cấp các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt — ví dụ như HIMARS của Mỹ rất được ca ngợi — để cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu chiến lược ở xa phía sau phòng tuyến của Nga.

Nhưng cho đến nay, Washington đã từ chối gửi vũ khí HIMARS tầm xa nhất – chẳng hạn như hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Quân đội MGM-140, hay ATACMS - vì lo ngại rằng các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine vào các mục tiêu trong biên giới Nga sẽ khiến Mạc Tư Khoa leo thang căng thẳng.

Ukraine đã tấn công một số mục tiêu nhạy cảm bên trong Nga kể từ tháng 2 bằng các phương tiện khác, gần đây nhất là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa được báo cáo nhắm vào hai căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Nga ở Saratov và Ryazan, cả hai đều cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát hơn 370 dặm.

Cả hai căn cứ đều là trung tâm của chiến dịch ném bom của Nga vào các thành phố của Ukraine trong những tháng gần đây, được sử dụng để phóng các máy bay ném bom chiến lược mang hỏa tiễn hành trình tầm xa.

Ông Reinsalu cho biết giả thuyết Ukraine sử dụng các hỏa tiễn tầm xa do NATO sản xuất sẽ là một phản ứng “hợp lý” đối với cuộc tấn công cơ sở hạ tầng của Mạc Tư Khoa, vốn tìm cách đánh sập mạng lưới năng lượng Ukraine và đóng băng đất nước — cũng như nền kinh tế — để buộc Ukraine phải khuất phục.

Khi được hỏi liệu các lực lượng Ukraine có được phép sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong biên giới Nga hay không, ông Reinsalu cho biết: “Tôi không đưa ra bất kỳ giải pháp quân sự nào về cách sử dụng những vũ khí này.”

“Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đang nói về các cơ hội của Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự của họ và tránh Ukraine rơi vào tình trạng mất điện, thì chắc chắn cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất sẽ là có cơ hội tấn công vào tất cả những nơi hỏa tiễn đã được phóng ra.”

Cuộc tranh luận về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cũng đang nổ ra. Các quốc gia NATO cho đến nay đã thất bại trong việc cung cấp các hệ thống hiện đại do phương Tây sản xuất, chẳng hạn như Leopard 2 do Đức sản xuất, mặc dù một số đồng minh đã gửi hàng trăm xe tăng do Liên Xô sản xuất tới Ukraine.

Ấn phẩm FAZ của Đức tuần này đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã nói rõ với những người đồng cấp Đức rằng Tòa Bạch Ốc sẽ hỗ trợ Berlin gửi Leopard 2 tới Ukraine, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz vẫn chưa hành động. Reinsalu gợi ý rằng các quốc gia NATO có thể sẽ chuyển sang cung cấp xe thiết giáp hạng nặng khi chiến tranh tiếp diễn.

Reinsalu nhớ lại: “Chúng tôi muốn nhắc lại chuyển biến, trong những cuộc thảo luận đầu mùa hè các nước phương Tây đã do dự trong việc cung cấp pháo binh phương Tây cho Ukraine, vì điều đó có thể được hiểu là một bước leo thang”.

“Nhưng sau đó, có vẻ như người Ukraine thực sự không thể tồn tại nếu không có loại pháo này vì không có đủ loại đạn kiểu Liên Xô cho pháo của họ. Sau đó, đột nhiên một quyết định được đưa ra rằng chúng tôi sẽ không để Ukraine thất vọng, và những vũ khí này đã được chuyển giao. Bây giờ dường như có một tình huống tương tự với xe tăng. “

Estonia đã đi đầu trong phản ứng của NATO trước cuộc xâm lược của Nga và đã đóng góp viện trợ quân sự nhiều nhất so với bất kỳ thành viên liên minh nào xét về GDP bình quân đầu người. Estonia cũng là một trong những quốc gia NATO đầu tiên bắt đầu cung cấp vũ khí cho Kyiv, cung cấp hàng loạt hệ thống chống tăng Javelin đầu tiên chưa đầy một tuần trước khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng Hai.

Reinsalu cho biết ông hy vọng các quốc gia NATO sẽ làm theo và mở rộng đóng góp quân sự của họ cho Ukraine, lưu ý rằng gần đây ông đã đề xuất một “thỏa thuận của các nước NATO để đưa viện trợ quân sự vào khoảng 1% GDP. Đến nay, chỉ có Estonia và Latvia đạt được ngưỡng này.

Các lực lượng Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể giành lại những vùng lãnh thổ bị xâm lược. Các lực lượng vũ trang kiệt quệ và mất phương hướng của Nga đang ở thế khó khăn, trong bối cảnh Điện Cẩm Linh hy vọng rằng bùn lầy và cái lạnh mùa đông sẽ làm chậm các hoạt động của Ukraine đủ để các lực lượng của Mạc Tư Khoa chui sâu, lặn kỹ và ổn định tiền tuyến ở phía nam và phía đông của đất nước.

Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu của ông đã cho thấy rất ít dấu hiệu từ bỏ các mục tiêu chiến tranh tối đa của họ. Ukraine, đã sống sót sau cuộc tấn công dữ dội ban đầu, giờ coi cuộc xung đột là cơ hội để giành lại các vùng lãnh thổ ở Donbas và Crimea đã mất vào tay Nga năm 2014, cũng như bảo đảm tư cách thành viên NATO.

Các cuộc đàm phán hòa bình còn lâu mới đạt được, bất kể những lời kêu gọi thiếu chân thành của Điện Cẩm Linh hay sự can thiệp của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Emmanuel Macron, người cuối tuần này đã kêu gọi các quốc gia phương Tây xem xét “các bảo đảm an ninh” để đưa Nga trở lại bàn đàm phán.

“Tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia láng giềng của Nga cần nâng cấp an ninh,” Reinsalu nói khi được hỏi về nhận xét gần đây nhất của Macron. “Tầm nhìn của chúng tôi về kiến trúc an ninh Âu Châu mới phải là tầm nhìn của Nga, vốn không phải là yếu tố quyết định lối sống hay các lựa chọn an ninh của các nước láng giềng”.

“Đối thoại với chế độ của Putin về các nguyên tắc an ninh của Âu Châu, theo đánh giá của tôi, không phải là cách để ủng hộ chiến thắng của Ukraine...Putin và những người đồng lõa của ông ta phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo của cuộc chiến mà họ đã phát động.”

Reinsalu thừa nhận rằng một số kênh ngoại giao phải luôn mở, ngay cả trong thời chiến. Tuy nhiên, ông nói thêm, “nếu chúng ta đang nói về việc đưa ra các tín hiệu cấp cao nhất bằng cách liên lạc với Putin, tôi thực sự sẽ nói rằng có nguy cơ bị hiểu sai”.

“Tôi nghĩ rằng ở Điện Cẩm Linh và ở Nga, điều đó sẽ được hiểu là một điểm yếu nhất định của phương Tây. Điều quan trọng nhất là chúng ta giữ được sự thống nhất giữa các quốc gia trong thế giới tự do.”

Thay vì các cuộc đàm phán mới, “công thức rút ngắn cuộc chiến này” bao gồm tiếp tục hỗ trợ Ukraine, làm suy giảm năng lực quân sự của Nga và tiếp tục cô lập Mạc Tư Khoa về chính trị, kinh tế và pháp lý, Reinsalu nói.

Các thành phần chính sẽ là các biện pháp trừng phạt tiếp theo — các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu hiện đang xem xét gói biện pháp thứ chín có thể bao gồm các bước ngăn chặn Nga tiếp cận máy bay không người lái — và việc giám sát liên tục mức giá cao nhất vừa mới được G7 áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Nga, được đặt ở mức 60 đô la một thùng vào tuần trước sau các cuộc đàm phán kéo dài.

Mức giá cao nhất này sẽ được xem xét hai tháng một lần và phải được đặt thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường trung bình đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

“Đánh giá tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng Giêng,” Reinsalu nói. “Mục đích của việc xem xét thực sự là để giảm mức giá cao nhất.” Bộ trưởng ngoại giao cho biết giới hạn mong muốn cuối cùng của Estonia là 30 USD/thùng.

“Nga đang phạm tội diệt chủng và điều này cần một phản ứng thích đáng từ các nước phương Tây,” Bộ trưởng nói. “Nếu chúng ta đã làm điều gì đó – ít nhất là một phần – trước ngày 24 tháng 2 để hỗ trợ Ukraine, và nếu chúng ta làm vào mùa xuân những gì chúng ta đã làm vào mùa thu, thì điều này sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể.”

“Mất thời gian không phải là giải pháp. Kéo dài chiến tranh, kèm theo cả mùa đông, là một chiến lược của Nga nhằm gây tổn hại và làm suy yếu Ukraine”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đang hướng tới chiến thắng vào một thời điểm nào đó vào năm 2023, theo nhận xét được đưa ra vào hôm thứ Tư. Ông và các quan chức hàng đầu của mình đã nhiều lần nói rằng điều này có nghĩa là giải phóng hoàn toàn tất cả các lãnh thổ Ukraine bị xâm lược kể từ năm 2014. Kyiv đang lạc quan, mặc dù các đồng minh bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley đã ám chỉ rằng Ukraine có thể đấu tranh để đạt được tất cả các mục tiêu chiến tranh của mình.

Reinsalu cho biết chiến thắng hoàn toàn của Kyiv vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ông giải thích: “Một yếu tố cơ bản của cấu trúc an ninh Âu Châu là tôn trọng biên giới của một quốc gia. Ông nói, điều này có nghĩa là “giải phóng hoàn toàn Ukraine”.
 
Biến cố ĐTC bật khóc khi cầu cho hòa bình ở Ukraine Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Phản ứng từ Putin
VietCatholic Media
04:03 09/12/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc động nghẹn ngào và bật khóc khi cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine trong chuyến thăm truyền thống tới quảng trường Tây Ban Nha ở Rôma.

Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bên cạnh quảng trường Tây Ban Nha, nằm trên đỉnh một cột cao khoảng 12m. Tượng đài này đã được thánh hiến vào ngày 8 tháng 12 năm 1857, ba năm sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX ban hành sắc lệnh công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Kể từ năm 1953, đã có một phong tục là các vị Giáo Hoàng đến đây vào ngày 8 tháng 12 để tôn kính bức tượng và cầu nguyện cho thành phố Rôma. Đức Giáo Hoàng Piô XII là người đầu tiên làm như vậy, và ngài gây xúc động mạnh khi đi bộ gần 3.2 km từ Vatican đến đó.

Các binh sĩ cứu hỏa của Rôma thường có mặt trong buổi cầu nguyện, để vinh danh vai trò của họ trong lễ khánh thành bức tượng năm 1857. Thị trưởng Rôma và các quan chức khác cũng tham dự.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường mang những vòng hoa đến kính Đức Mẹ. Lính cứu hỏa sau đó sẽ đưa một vòng hoa lên cánh tay dang rộng của bức tượng. Theo truyền thống, các vị Giáo Hoàng cũng đưa ra một lời cầu nguyện ban đầu trong buổi lễ.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ nghỉ trên toàn quốc của Ý và đám đông thường tụ tập tại quảng trường để chứng kiến nghi thức tôn kính Đức Mẹ. Trong hai năm đại dịch coronavirus 2000 và 2021, Đức Thánh Cha đã đến đây vào lúc sáng sớm, khi mọi người con đang ngủ để tránh việc tụ tập đông người lây lan virus.

Năm nay, đại dịch coronavirus đã lui, một cuộc tụ họp đông đảo đã diễn ra như thường lệ khi Đức Giáo Hoàng đến viếng Đức Mẹ vào lúc gần 4 giờ chiều.

Đến quảng trường Tây Ban Nha lúc 15:47, Đức Thánh Cha Phanxicô, được thị trưởng Rôma Roberto Gualtieri và Đức Hồng Y Tổng đại diện Angelo De Donatis, chào đón. Ngài đã chống gậy bước đến khu vực tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Sau khi làm phép lẵng hoa hồng trắng lớn, lắng nghe các bài kinh cầu Đức Trinh Nữ do ca đoàn của Giáo phận Rôma xướng lên, ngài nhớ lại rằng rất nhiều vòng hoa, được nhiều người dân đặt “ bày tỏ tình yêu và lòng tôn kính Đức Mẹ, Đấng luôn dõi theo tất cả chúng con”, và là Đấng “thấy và chào đón cả những bông hoa vô hình, là biết bao lời khẩn cầu, biết bao lời van xin thầm lặng, đôi khi nnức nở, lặng lẽ dành cho Mẹ.

“Sau hai năm con đến để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ một mình vào lúc bình minh, hôm nay con trở lại với Mẹ cùng với dân Thánh Chúa và những người của Thành phố này. Và con mang đến với Mẹ lời cảm ơn và lời cầu xin của tất cả con cái của Mẹ, gần xa”.

Rồi giọng của Đức Thánh Cha bắt đầu run lên khi ngài đề cập đến sự đau khổ của người Ukraine. Ngài nói:

“Con muốn mang đến cho Mẹ lời cảm ơn của người dân Ukraine …”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tiếp tục trong khoảng 30 giây, và bắt đầu run rẩy.

Người ta thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đã khóc. Đám đông, trong đó có thị trưởng Rome, Roberto Gualtieri, đã vỗ tay khi họ nhận ra ngài không thể nói và thấy ngài khóc.

Khi có thể tiếp tục cầu nguyện trở lại, giọng Đức Thánh Cha khàn đi.

Ngài nói tiếp:

Người dân Ukraine tiếp tục cầu xin cho hòa bình mà chúng con đã cầu xin Chúa từ lâu. Con muốn trình bày với Mẹ những lời cầu xin của trẻ em, người già, cha mẹ và những người trẻ tuổi của vùng đất tử đạo đó, nơi đang chịu đựng rất nhiều đau khổ.

Vài giờ sau biến cố này, Putin tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng điện của Ukraine bất chấp sự chỉ trích toàn cầu về các cuộc tấn công khiến hàng triệu người không có điện và nước vào đầu mùa đông.

“Có rất nhiều ồn ào về các cuộc tấn công của chúng ta vào cơ sở hạ tầng năng lượng của một quốc gia láng giềng. Vâng, chúng ta làm điều đó. Nhưng ai đã bắt đầu nó?” Putin phát biểu tại một lễ trao giải ở Điện Cẩm Linh, theo AFP, nói thêm rằng những lời chỉ trích sẽ “không có tác dụng gì đối với các nhiệm vụ chiến đấu của chúng ta”.

Ông trình bày các cuộc tấn công như một phản ứng đối với một vụ nổ trên cây cầu của Mạc Tư Khoa tới Crimea bị sáp nhập và các cuộc tấn công khác, cáo buộc Kyiv cho nổ tung đường dây điện từ nhà máy điện hạt nhân Kursk và không cung cấp nước cho Donetsk ở miền đông Ukraine.

Putin nói: “Không cung cấp nước cho một thành phố hơn một triệu dân là một hành động diệt chủng.”

Ông cáo buộc phương Tây “hoàn toàn im lặng” về vấn đề này và có thành kiến với Nga.

“Cáo buộc mà Putin đưa ra thật quá sức trơ trẽn. Thực tế, là Ukraine không thể cung cấp nước cho vùng này vì Nga đã tấn công các các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine,” phụ tá Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Kyrylo Tymoshenko, nói.

“Không cung cấp nước cho một thành phố hơn một triệu dân là một hành động diệt chủng. Đúng thế, nhưng chính Nga là kẻ diệt chủng, không phải người Ukraine,” ông nói thêm.

Putin nhấn mạnh với đám đông rằng : “Ngay khi chúng ta di chuyển và làm điều gì đó để đáp lại, có sự náo động và ồn ào lan rộng khắp vũ trụ.”

Nga đã phải đối mặt với cáo buộc rằng các cuộc tấn công của họ vào các hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ukraine là tội ác chiến tranh.

2. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ nghỉ trên toàn quốc Italia. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin trong ngày lễ này, Đức Thánh Cha nói:

Chúc anh chị em ngày lễ vui vẻ và hạnh phúc!

Tin Mừng Lễ Trọng hôm nay giới thiệu chúng ta ngôi nhà của Đức Maria để kể lại biến cố Truyền Tin (x. Lc 1:26-38). Thiên thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ như thế này: “Kính mừng Bà đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà” (c. 28). Người không gọi tên Mẹ là Maria, nhưng bằng một tên mới mà Mẹ không biết: đầy ơn phúc. Đầy ân sủng và do đó không có tội lỗi, đó là tên Thiên Chúa ban cho Mẹ và chúng ta mừng lễ hôm nay.

Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến sự ngạc nhiên của Đức Maria: chỉ khi đó Mẹ mới khám phá ra danh tính thực sự của mình. Thật vậy, bằng cách gọi Mẹ bằng cái tên đó, Chúa tiết lộ cho Đức Mẹ bí mật lớn nhất của Mẹ, là điều mà trước đây Mẹ chưa hay biết. Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Theo nghĩa nào? Thưa: Theo nghĩa là chúng ta, những người tội lỗi, cũng đã nhận được một ân sủng ban đầu đã lấp đầy cuộc sống của chúng ta, một ân sủng lớn hơn bất cứ điều gì khác: chúng ta đã nhận được một ân sủng nguyên thủy. Chúng ta nói nhiều về tội nguyên tổ, nhưng chúng ta cũng đã nhận được một ân sủng nguyên thủy mà chúng ta thường không ý thức được.

Ân sủng nguyên thủy ấy là gì? Thưa: Đó là những gì chúng ta đã lãnh nhận vào ngày chịu phép Rửa tội, đó là lý do tại sao chúng ta nên nhớ và phải cử hành biến cố ấy! Tôi sẽ hỏi anh chị em một câu: ân sủng này nhận được vào ngày Rửa Tội, thật là quan trọng. Nhưng có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày rửa tội của mình, ngày rửa tội của chính mình là ngày nào? Hãy suy nghĩ về điều đó. Và nếu anh chị em không nhớ, khi về nhà, hãy hỏi cha đỡ đầu, mẹ đỡ đầu, cha mẹ của anh chị em: “Con được rửa tội khi nào?”, vì ngày đó là ngày hồng phúc trọng đại, khi một cuộc sống mới bắt đầu, ngày của một ân sủng ban đầu mà chúng ta có. Thiên Chúa đã đến với cuộc đời chúng ta vào ngày hôm đó, và chúng ta mãi mãi trở thành những đứa con yêu dấu của Người. Đây là vẻ đẹp ban đầu của chúng ta, hãy vui mừng! Hôm nay, Mẹ Maria, ngạc nhiên trước ân sủng đã làm cho Mẹ tuyệt vời ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, khiến chúng ta phải kinh ngạc trước vẻ tuyệt vời của mình. Chúng ta có thể nắm bắt được điều này qua hình ảnh chiếc áo trắng lễ rửa tội; nó nhắc nhở chúng ta rằng, ngoài những điều xấu xa mà chúng ta đã tự làm vấy bẩn mình trong nhiều năm, còn có một điều tốt đẹp trong chúng ta lớn hơn tất cả những điều xấu xa đã xảy ra. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng vọng, chúng ta hãy nghe Chúa nói với chúng ta: “Hỡi con, hỡi con trai con gái của Ta, Cha yêu con và Cha luôn ở bên con, con rất quan trọng đối với Cha, mạng sống của con thật quý giá”. Đó là sứ điệp của Chúa cho chúng ta. Khi mọi việc không suôn sẻ và chúng ta nản lòng, khi chúng ta chán nản và có nguy cơ cảm thấy mình vô dụng hoặc sai lầm, chúng ta hãy nghĩ về điều này, về ân sủng nguyên thủy này. Và Chúa ở cùng chúng ta, Chúa ở cùng anh chị em từ ngày ấy. Chúng ta hãy nghĩ về điều đó một lần nữa.

Hôm nay Lời Chúa dạy chúng ta một điều quan trọng khác: đó là để bảo vệ vẻ đẹp của chúng ta cần phải trả giá, cần phải đấu tranh. Thật vậy, Tin Mừng cho chúng ta thấy lòng can đảm của Đức Maria, người đã thưa “Xin vâng” với Thiên Chúa, người đã chọn sự mạo hiểm của Thiên Chúa; và đoạn sách Sáng Thế về tội nguyên tổ nói với chúng ta về cuộc chiến chống lại tên cám dỗ và những cám dỗ của hắn (x. St 3,15). Chúng ta cũng biết điều này từ kinh nghiệm, tất cả chúng ta: phải nỗ lực để chọn điều tốt, chúng ta phải trả giá; cần phải nỗ lực để bảo vệ những điều tốt đẹp trong chúng ta. Hãy nghĩ xem bao nhiêu lần chúng ta đã phung phí bằng cách chiều theo sự cám dỗ của điều ác, của xảo quyệt vì lợi ích riêng của chúng ta hoặc làm điều gì đó có thể làm ô uế tâm hồn chúng ta; hoặc thậm chí lãng phí thời gian vào những việc vô ích hoặc có hại, chẳng hạn như trì hoãn việc cầu nguyện và nói “Hôm nay tôi không thể”, hoặc nói “Tôi không thể” với những người cần đến chúng ta, trong khi lẽ ra chúng ta có thể làm được.

Hôm nay, đối mặt với tất cả những điều này, chúng ta có một tin vui: Mẹ Maria, con người duy nhất trong lịch sử không có tội lỗi, đang ở cùng chúng ta trong trận chiến, Mẹ là chị em của chúng ta và trên hết là Mẹ của chúng ta. Và chúng ta, những người đấu tranh để chọn điều tốt, có thể phó thác mình cho Mẹ. Bằng cách phó thác, tận hiến cho Mẹ Maria, chúng ta thưa với Mẹ: “Lạy Mẹ, xin cầm tay con, dẫn dắt con: cùng với Mẹ, con sẽ có thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống lại sự dữ; với Mẹ, con sẽ tìm lại vẻ đẹp ban đầu của mình”. Hôm nay chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria mỗi ngày, lặp lại với Mẹ rằng: “Lạy Mẹ Maria, con xin phó thác cuộc đời con cho Mẹ, con xin phó thác gia đình, công việc của con, con phó thác trái tim và những vất vả của con. Con dâng mình cho Chúa”. Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm giúp chúng ta bảo vệ vẻ đẹp của chúng ta khỏi sự dữ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương. Đặc biệt, tôi chào những người trong Phong trào Công nhân Kitô và đại diện từ Rocca di Papa với ngọn đuốc sẽ thắp sáng Ngôi sao Giáng Sinh trên đỉnh thị trấn.

Nhân Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Công Giáo Tiến Hành Ý đang sống cuộc đổi mới tư cách thành viên của mình. Tôi bày tỏ suy nghĩ của mình với các hiệp hội giáo phận và giáo xứ, khuyến khích mọi người tiến bước với niềm vui trong việc phục vụ Tin Mừng và Giáo hội.

Chiều nay, tôi sẽ đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ Là Phần Rỗi Dân Thành Rôma, và ngay sau đó đến quảng trường Tây Ban Nha để thực hiện nghi thức tôn kính và cầu nguyện truyền thống dưới chân tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tôi xin anh chị em hiệp thông thiêng liêng với tôi trong cử chỉ này, một cử chỉ bày tỏ lòng hiếu thảo đối với Mẹ của chúng ta, người mà chúng ta phó thác cho sự chuyển cầu của Mẹ cho ước vọng hòa bình của toàn thế giới, đặc biệt là cho Ukraine tử đạo, đang chịu nhiều đau khổ. Tôi nghĩ đến lời Thiên thần nói với Đức Maria: “Với Chúa không có gì là không thể”. Với sự giúp đỡ của Chúa, hòa bình là có thể; giải trừ quân bị là có thể. Nhưng Chúa muốn thiện chí của chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hoán cải theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một ngày lễ hồng phúc và một hành trình Mùa Vọng tốt đẹp, cho tất cả những người đang ở đây: cho những người trẻ của Immacolata, hôm nay là ngày lễ của họ! Xin Đức Mẹ giúp chúng ta. Thiên Chúa muốn thiện chí của chúng ta: xin Đức Mẹ giúp chúng ta hoán cải theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chúc mừng ngày lễ, và một hành trình Mùa Vọng vui vẻ, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Putin ê ẩm: Ukraine tấn công sân bay Berdiansk, và Belgorod. Đào binh quay lại Nga lùng bắn cảnh sát
VietCatholic Media
15:18 09/12/2022


1. Giao tranh gia tăng ở miền nam Kherson

Người dân Nova Kakhovka ở bờ đông sông Dnipro đã quen với việc pháo kích liên tục, nhưng trong những ngày gần đây, họ đã nghe thấy tiếng súng máy khi chiến tranh tiến gần hơn đến nơi có thể là chiến trường lớn tiếp theo.

Bất chấp những dự đoán rằng xung đột sẽ chậm lại trong những tháng mùa đông, những thường dân đến Zaporizhzhia qua điểm giao cắt cuối cùng vẫn còn được mở ở tiền tuyến nói rằng giao tranh đang leo thang ở khu vực phía nam Kherson khi các lực lượng Ukraine tìm cách ngăn chặn quân Nga rút lui về phía Crimea và xa hơn nữa.

“Gần đây là tiếng súng máy chứ không phải tiếng pháo kích,” bà Anna, 78 tuổi đến từ Nova Khakovka, cho biết sau khi đến một trạm kiểm soát của cảnh sát ở Zaporizhzhia. “Cửa sổ rung chuyển, ngôi nhà rung chuyển. Chúng tôi sợ mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 9 tháng 12, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết giao tranh đang bùng lên trong vùng Kherson khi quân Ukraine cố gắng tràn qua bờ phía Đông sông Dnipro để truy kích quân Nga, giải phóng phần còn lại của Kherson. Quân Ukraine đã vượt sông Dnipro và giao tranh đang diễn ra tại Nova Kakhovka. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết để bảo vệ bí mật hành quân.

2. Các vụ nổ đã được nghe thấy tại căn cứ không quân Berdiansk ở vùng Zaporizhzhia.

Ba vụ nổ lớn đã được nghe thấy, cũng như những vụ nổ nhỏ hơn, trong căn cứ không quân Berdiansk do Nga chiếm giữ gần thành phố trên bờ biển Azov.

Theo các nguồn thạo tin, vụ tấn công vào sân bay Berdiansk tiên báo rằng quân Ukraine sắp đánh lớn tại Zaporizhzhia trong bối cảnh quân Putin đã phải rút lui khỏi hàng loạt các khu định cư trong các ngày qua.

Yevgeny Balitsky, tên phản bội, hiện đang giữ chức vụ quyền thống đốc của cái gọi là cái gọi là chính quyền dân sự-quân sự do Nga dựng lên cho biết “Các dịch vụ khẩn cấp đã được báo cáo là đang trên đường đến hiện trường. Không có thương vong nào được báo cáo.”

Trong cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, phần phía nam của Tỉnh Zaporizhzhia đã bị Nga chiếm ngay từ những ngày đầu. Vào ngày 26 tháng 2, thành phố Berdiansk nằm dưới sự kiểm soát của Nga, sau đó là chiến thắng của Nga tại Melitopol vào ngày 1 tháng 3. Các lực lượng Nga cũng đã bao vây và chiếm được thành phố Enerhodar, nơi có Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, vào ngày 4 tháng 3. Thủ phủ của khu vực Zaporizhzhia, là thành phố Zaporizhzhia, chưa bị quân đội Nga chiếm giữ và vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Ngày 26 tháng 2, quân đội Nga chiếm được Cảng Berdiansk và Sân bay Berdiansk. Đến ngày hôm sau, quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn thành phố.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 3, cảng được người Nga sử dụng làm trung tâm hậu cần để hỗ trợ cuộc tấn công của họ ở miền nam Ukraine và đặc biệt là cuộc bao vây Mariupol. Vào ngày 21 tháng 3, phương tiện truyền thông Zvezda của Nga đã đưa tin về sự xuất hiện của các tàu vận tải đổ bộ ở Berdiansk. Một sĩ quan hải quân Nga mô tả đây là “một sự kiện mang tính bước ngoặt sẽ mở ra khả năng hậu cần cho Hải quân Hắc Hải”.

Vào ngày 24 tháng 3, các lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc không kích nhằm vào tàu đổ bộ lớp Alligator Saratov, chiếc này bị phá hủy và đánh chìm, và một trong hai tàu đổ bộ lớp Ropucha bị hư hại nhưng vẫn có thể rời cảng. Vào thời điểm đó, đây là tổn thất hải quân nặng nề nhất mà Nga phải gánh chịu trong cuộc xâm lược và là một trong những thành công quan trọng nhất của Ukraine.

Yevgeny Balitsky cho biết một nỗ lực ám sát đã được thực hiện nhằm lấy mạng một nhà lãnh đạo do Điện Cẩm Linh cài đặt tại thành phố Melitopol bị chiếm đóng trong khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine

Nikolai Volyk, phó chủ tịch thành phố Melitopol, đang rời khỏi nhà thì một thiết bị nổ tự chế phát nổ.

“Vụ ám sát diễn ra vào sáng sớm hôm thứ Ba, khi Volyk đang rời khỏi nhà”.

Yevgeny Balitsky cho biết các cuộc điều tra cho thấy đó là một quả bom nặng 2.5kg và được điều khiển từ xa. Ông ta tỏ ra hào hứng cho biết quả bom lớn như thế mà Volyk không bị hề hấn gì cả.

3. Điện Cẩm Linh tuyên bố Nga 'vẫn cần giải phóng' đông và nam Ukraine

Phát biểu trong cuộc họp báo với các phóng viên, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết Nga vẫn đang tiếp tục chiếm giữ các khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine mà Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là của mình.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine - Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk - sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả để biện min cho các yêu sách lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa không có toàn quyền kiểm soát bất kỳ tỉnh nào trong số 4 tỉnh của Ukraine mà họ nói rằng họ đã sáp nhập và Peskov dường như đặt ra những giới hạn đối với lãnh thổ Ukraine mà Nga hiện đang tìm cách tuyên bố chủ quyền.

Khi được hỏi liệu Nga có kế hoạch sáp nhập thêm bất kỳ vùng lãnh thổ nào ngoài bốn khu vực hay không, ông trả lời:

Không có câu hỏi về điều đó. Ít nhất, đã không có tuyên bố về vấn đề này. Nhưng vẫn còn rất nhiều công việc phía trước để giải phóng các vùng lãnh thổ; ở một số vùng mới của Liên bang Nga có những vùng lãnh thổ bị xâm lược cần được giải phóng.

Ý tôi là một phần của Cộng hòa Donetsk, cũng như những gì đã trở thành một phần của Liên bang Nga, và sau đó bị quân đội Ukraine tái chiếm.

4. Các vụ nổ ở Crimea, Belgorod, khi Điện Cẩm Linh thừa nhận Nga dễ bị tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Explosions in Crimea, Belgorod, as Kremlin Says It's Vulnerable to Attacks”, nghĩa là “Các vụ nổ ở Crimea, Belgorod, khi Điện Cẩm Linh thừa nhận Nga dễ bị tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các vụ nổ đã được nghe thấy vào sáng thứ Năm tại Crimea, bán đảo ở Hắc Hải đã bị Vladimir Putin sáp nhập và ở Belgorod, gần biên giới Nga với Ukraine, khi Điện Cẩm Linh cho biết khu vực này rất dễ bị Ukraine tấn công.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã phát biểu trước các phóng viên ngay sau khi Nga cho biết họ đã bắn hạ một máy bay không người lái hôm thứ Năm trên Hắc Hải ở vùng biển Sevastopol, thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea.

“Chắc chắn có những rủi ro vì phía Ukraine tiếp tục chính sách tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Nhưng mặt khác, thông tin chúng tôi nhận được cho thấy các biện pháp đối phó hiệu quả đang được thực hiện”, ông Peskov nói.

Thống đốc Sevastopol, nơi có căn cứ hải quân của Nga, cho biết một tàu của Hạm đội Hắc Hải đã bắn hạ một máy bay không người lái trên biển, gây ra một vụ nổ. Ông nói trên kênh Telegram của mình rằng quân đội Nga đã “làm việc tốt” trong việc phá hủy máy bay không người lái.

Đáp lại, chính quyền khu vực đã đưa ra mức độ đe dọa khủng bố cao, “màu vàng” ở Crimea, bị Putin sáp nhập vào năm 2014.

Các hãng tin địa phương đưa tin một trăm vụ nổ điện xảy ra ở khu vực trung tâm của Sevastopol, khiến các cửa kính rung chuyển. Kênh Crimean Wind Telegram, trích dẫn người dân địa phương, báo cáo rằng ở một số khu vực chấn động mạnh đến mức “còi báo động chống trộm cắp được gắn trong xe hơi đã bị kích hoạt sau vụ nổ”.

Cách đó rất xa, tại khu vực Belgorod, nằm gần biên giới Nga với Ukraine, truyền thông địa phương đưa tin về các vụ nổ vào sáng thứ Năm.

Hãng tin Ukraine 24tv.ua đưa tin người dân địa phương nghe thấy một tiếng nổ và sau đó, một đám cháy lớn bùng phát ở quận Yakovlevsky thuộc vùng Belgorod. Tờ báo này đã công bố một đoạn video cho thấy một cột khói đen dày đặc bốc lên bầu trời.

Các quan chức địa phương vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.

Nhận xét của ông Peskov hôm thứ Năm được đưa ra trong bối cảnh có các báo cáo rằng người Nga đang chạy trốn khỏi Crimea để đến vùng Krasnodar lân cận của Nga vì họ sợ Ukraine cuối cùng sẽ giải phóng bán đảo Hắc Hải.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẽ giành lại Crimea trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 29 tháng 8, nói rằng quân đội Ukraine kiên trì “giữ mục tiêu” là tái chiếm Crimea kể từ khi bán đảo này bị sáp nhập.

Refat Chubarov, một nhà lãnh đạo người Tatar ở Crimea, nói với Đài phát thanh New Voice của Ukraine trong một video được công bố vào tháng trước rằng ông tin rằng Điện Cẩm Linh sẽ bắt đầu tan rã nếu Ukraine chiếm lại được Crimea.

Bộ Quốc phòng Anh ngày 18 tháng 11 đánh giá rằng Nga đang tập hợp lại lực lượng để chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công có khả năng xảy ra của Ukraine vào bán đảo. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết các đơn vị Nga đã xây dựng hệ thống chiến hào mới gần biên giới Crimea.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

5. Nga cảnh báo nguy cơ xung đột với NATO 'tăng vọt'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Warns Risk of Conflict With NATO 'Soaring'“, nghĩa là “Nga cảnh báo nguy cơ xung đột với NATO đang tăng vọt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm thứ Năm đã cảnh báo về những rủi ro “tăng vọt” khi NATO can dự vào cuộc chiến đang diễn ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.

“Các thành viên NATO đang tham gia ngày càng nhiều và trực tiếp vào cuộc xung đột này. Sự ủng hộ của họ dành cho Kyiv giờ đây đã đa dạng hơn nhiều so với vài tháng trước. Điều này phản ánh chính sách có chủ ý của Washington, được người Âu Châu ngoan ngoãn theo đuổi, nhằm leo thang xung đột. Họ đang chơi với lửa. Rủi ro đang tăng vọt”, ông Ryabkov nói trên kênh truyền hình Rossiya-24, theo hãng thông tấn Nga TASS.

Thứ trưởng ngoại giao nói tiếp rằng: “Người phương Tây đang đẩy mạnh việc mở rộng phạm vi chuyển giao vũ khí hạng nặng hơn, tầm xa hơn”.

Thủ tướng Ingrida Šimonytė của Lithuania, một thành viên NATO, nói với Nhật báo NatSec rằng Hoa Kỳ hoặc một quốc gia Âu Châu nào đó nên cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine.

Politico đưa tin Šimonytė đang ở Hoa Kỳ để gặp Phó Tổng thống Kamala Harris, các nhà lập pháp và kiều bào Lithuania ở Pennsylvania. Cô muốn Mỹ giữ bình tĩnh và tiếp tục ủng hộ Ukraine. Các quan sát viên ghi nhận Hoa Kỳ đã tỏ ra lo lắng sau cuộc tấn công đồng loạt hôm thứ Hai của Ukraine vào 3 sân bay quân sự sâu bên trong Nga, có nơi cách biên giới hai nước này đến gần 1,000km.

Cô tuyên bố rằng người Ukraine “cần loại vũ khí này” và nói thêm rằng ATACMS do Mỹ sản xuất, hệ thống hỏa tiễn chiến thuật hoặc vũ khí tương tự của Âu Châu sẽ giúp quân đội Ukraine, mà bà cho rằng có khả năng sử dụng các hệ thống đó, tấn công hiệu quả hơn vào các lực lượng Nga bên trong Ukraine. “Tôi nghĩ chúng ta nên tin tưởng vào năng lực của họ,” cô nói.

Trong khi đó, Ryabkov cho biết hôm thứ Năm rằng phương Tây “nói chung là ranh mãnh và dối trá, cố gắng tạo ra ấn tượng rằng có một dạng đường biên giới nào đó, một dạng tự kiềm chế nào đó trong vấn đề này. Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì như thế.”

Ông cũng nói rằng các quan chức Nga đang tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao song phương với các nước phương Tây về cuộc chiến với Ukraine, theo TASS, đồng thời cảnh báo họ về “hậu quả của những bước đi này”.

“Tất cả các công cụ ngoại giao — tuần hành, phản đối,tuyên bố, kháng cáo trên các nền tảng chuyên biệt, và các cuộc đụng độ ngoại giao ở Vienna và New York, nơi có cơ hội đưa thông điệp về nhà và cảnh báo đối thủ của chúng ta — đang được sử dụng ở mức độ tối đa,” ông ta nói thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết, trong cuộc họp của các ngoại trưởng NATO vào ngày 29 tháng 11, rằng Ukraine có thể tấn công quân sự bên trong biên giới Nga để ngăn chặn Nga tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Rinkēvičs nói với Bloomberg vào thời điểm đó: “Chúng ta nên cho phép người Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công vào các địa điểm hỏa tiễn hoặc sân bay từ nơi các hoạt động đó đang được triển khai.

Vì những hành động như vậy được một thành viên NATO khuyến khích, Ukraine hôm thứ Ba tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bên trong lãnh thổ Nga. Một trong những cuộc tấn công mới nhất đã đánh trúng một kho xăng máy bay ở một sân bay ở Kursk

Các quan chức Nga cho biết đã có hai vụ nổ hôm thứ Hai—một tại sân bay Engels ở vùng Saratov, cách Ukraine khoảng 573 dặm hay 922km, và một vụ khác liên quan đến một xe tải chở nhiên liệu bị nhấn chìm tại sân bay Dyagilevo gần thành phố Ryazan, nằm ở phía đông nam Mạc Tư Khoa. Một cơ sở ở vùng Bryansk, cách biên giới Nga với Ukraine khoảng 50 dặm hay 80km, cũng là mục tiêu tấn công.

Mặc dù các thành viên NATO khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine chống lại Nga, các cựu quan chức khác đã cảnh báo về việc NATO tham gia vào cuộc chiến. Tướng Sir Richard Shirreff, cựu tướng NATO, đã cảnh báo vào tháng 9 rằng NATO chưa sẵn sàng cho cuộc chiến trực tiếp với Nga trong trường hợp cuộc xâm lược của Putin leo thang thành một kịch bản “tồi tệ nhất”.

Shirreff, người từng là phó chỉ huy tối cao của đồng minh Âu Châu từ năm 2011 đến 2014, cho biết cuộc phản công thành công của Ukraine là một “sự minh chứng” cho sự hỗ trợ quân sự cho Kyiv, đặc biệt là từ Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại về sự thiếu sẵn sàng của NATO trong khả năng xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.

“Cách để quản lý nguy cơ leo thang là NATO phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất và điều đó vẫn chưa xảy ra,” ông nói với Newsweek vào thời điểm đó. “Ý tôi muốn nói đến trường hợp xấu nhất, là NATO có chiến tranh với Nga.”

Tuy nhiên, theo Politico, Thủ tướng Šimonytė nói hôm thứ Năm rằng những nỗ lực của NATO nhằm giảm leo thang căng thẳng và thúc đẩy chấm dứt chiến tranh ở Ukraine đã không hiệu quả.

Cô nói: “Putin không quan tâm đến hòa bình. Tôi không thể hiểu Putin muốn bảo đảm điều gì cho an ninh của một đất nước chưa bao giờ có nguy cơ bị tấn công.”

Newsweek đã liên hệ với văn phòng truyền thông của NATO để bình luận.

6. Đào binh quay trở lại Nga thanh toán cảnh sát

Một thành viên trong lực lượng quân sự tư nhân của Tập đoàn Wagner đã đào ngũ khỏi chiến trường Ukraine, quay trở lại Nga và dùng súng máy thanh toán cảnh sát.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Group Slams Police For Holding Deserter, Tells Cops to Fight Instead”, nghĩa là “Tập đoàn Wagner chỉ trích cảnh sát vì giam giữ kẻ đào ngũ, thay vào đó yêu cầu cảnh sát ra đi chiến đấu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Yevgeny Prigozhin, người sáng lập lực lượng quân sự tư nhân khét tiếng là Tập đoàn Wagner, đã chỉ trích các viên chức cảnh sát Nga sau khi họ bắt giữ một người đàn ông được cho là đã đào ngũ khỏi chiến tuyến ở Ukraine.

Dịch vụ báo chí của công ty “Concord”, thuộc sở hữu của Prigozhin, đã đưa ra một tuyên bố sau khi cảnh sát bắt giữ một kẻ đào ngũ bị tình nghi đã nổ súng vào các viên chức cảnh sát ở thành phố Novoshakhtinsk thuộc vùng Rostov, gần biên giới Ukraine.

Anh ta đã nổ súng vào các viên chức cảnh sát bằng súng máy, khiến một người bị thương trước khi bỏ trốn.

Baza, một kênh Telegram của Nga thường xuyên đăng thông tin về các vấn đề an ninh trong nước, đã xác định tay súng là Pavel Nikolin, một tù nhân được đội lính đánh thuê tuyển dụng cho cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine.

Theo Baza, người đàn ông này từng ngồi tù vì tội trộm cắp và cướp giật trong một nhà tù ở Nga. Từ đó, anh được Tập đoàn Wagner tuyển dụng, nhưng vào ngày 24 tháng 11, Nikolin thay đổi ý định tham gia cuộc chiến ở Ukraine và bỏ trốn.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, trích dẫn Bộ Nội vụ nước này, xác định người đàn ông này là một người đàn ông 38 tuổi. Người đàn ông này đã bị giam giữ vì tình nghi tấn công cảnh sát ở Novoshakhtinsk.

Prigozhin đã phản ứng lại tin tức về việc người đàn ông bị giam giữ bằng cách chỉ trích những người liên quan đến vụ bắt giữ anh ta. Ông ta nói rằng lực lượng lính đánh thuê đang điều tra xem người bị bắt có phải là thành viên hay không.

“Nếu cảnh sát có thời gian để chụp ảnh và rò rỉ thông tin cho các nhà báo, thì tại sao họ không ra tiền tuyến và hãy để cảnh sát chết trên chiến trường với vũ khí trong tay, thay vì kẻ bị kết án trong vụ này,” Prigozhin nói.

Vẫn còn quá sớm để nói liệu anh ta đã chạy trốn khỏi chiến tuyến ở Ukraine hay anh ta đơn giản là “phát điên”.

“Có lẽ anh tabị thương, bị chấn động nặng, hậu quả là anh ấy phát điên hoặc mất phương hướng - anh ấy không hiểu mình đang ở đâu. Và trong đôi mắt đầy máu của anh ấy, các cảnh sát trông giống như binh lính địch, thần lùn giữ cửa hay phi hành gia,” Prigozhin nói.

Ông ta cũng đặt câu hỏi về việc biên giới của Nga với Ukraine được bảo vệ tốt như thế nào.

“Câu hỏi chính là... làm thế nào mà một chiến binh nào đó của Wagner PMC trong số các cựu tù nhân lại có vũ khí trong tay trên lãnh thổ Liên bang Nga. Làm thế nào anh ta vượt qua biên giới?”

Theo bộ phận biên giới của FSB cho khu vực Rostov, Novoshakhtinsk là một trạm kiểm soát quan trọng giữa khu vực Rostov và Luhansk, ở khu vực Donbas phía đông Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
 
Đại nghịch bất đạo: ĐTGM do ĐTC bổ nhiệm phải nhờ đến cảnh sát bảo vệ. Làng của ĐHY Bo bị đốt phá
VietCatholic Media
17:16 09/12/2022


1. Các cuộc biểu tình nổ ra ở Malta khi quốc hội tranh luận về sửa đổi phá thai

Một bức ảnh lớn của một em bé chưa chào đời đã được đặt bên ngoài văn phòng của thủ tướng Malta vào hôm Chúa Nhật khi những người biểu tình kêu gọi chính phủ hãy dừng kế hoạch sửa đổi luật chống phá thai nghiêm ngặt của đất nước.

Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm đã thu hút hàng nghìn người bao gồm cả giám mục Công Giáo hàng đầu của Malta và lãnh đạo phe đối lập bảo thủ, và được lãnh đạo bởi một cựu tổng thống trung tả, Marie Louise Coleiro Preca.

Maria Formosa, sinh viên đại học 19 tuổi, một trong những diễn giả tại cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi ở đây để trở thành tiếng nói của thai nhi. Khi phá thai, sự sống luôn bị mất đi.”

Một số người có mặt mang theo những tấm bảng ghi những khẩu hiệu như “Hãy ngăn chặn việc phá thai ở Malta” và “Hãy bảo vệ con cái của chúng ta”. Họ cũng hô vang “Không phá thai, đồng ý với sự sống”.

Tuân giữ truyền thống Công Giáo, Malta là thành viên duy nhất của Liên minh Âu Châu cấm phá thai trong mọi trường hợp, ngay cả khi tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ bị đe dọa do mang thai.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Chris Fearne đã trình bày một sửa đổi trước quốc hội, theo đó sẽ khiến các bác sĩ không còn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tù 4 năm nếu sự can thiệp của họ để giúp đỡ những phụ nữ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dẫn đến việc phá thai.

Cho đến nay, không có bác sĩ nào bị truy tố về tội danh này.

Phe đối lập trung hữu, Giáo Hội Công Giáo hùng mạnh và một số tổ chức phi chính phủ đã mô tả việc sửa đổi là không cần thiết và mở đường cho việc tự do hóa hoàn toàn việc phá thai. Đảng Lao động trung tả cầm quyền đã bác bỏ cáo buộc này.

Chính phủ của Thủ tướng Robert Abela chiếm đa số và không có bất đồng nào xuất hiện trong hàng ngũ của họ, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số phản đối việc phá thai, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Không ai trong chính phủ đưa ra bất kỳ bình luận nào để đáp lại cuộc biểu tình vào Chúa Nhật.

Động thái thay đổi các quy định về phá thai được đưa ra sau khi một du khách người Mỹ, Andrea Prudente, hồi tháng 6 bị từ chối yêu cầu chấm dứt thai kỳ không thể sống được sau khi cô bắt đầu ra máu nhiều.

Các bác sĩ của cô ấy nói rằng tính mạng của cô ấy đang gặp nguy hiểm và cuối cùng cô ấy đã được chuyển đến Tây Ban Nha để phá thai. Sau đó, cô đã kiện chính phủ Malta, kêu gọi tòa án tuyên bố rằng việc cấm phá thai trong mọi trường hợp là vi phạm nhân quyền.

Vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Source:Reuters

2. Đức Hồng Y Charles Bo khẩn cầu chính quyền quân sự đối thoại với phe đối lập

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, tổng giám mục Yangon, đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dân sự ở Miến Điện sau một cuộc tấn công của quân đội vào ngôi làng quê hương của ngài ở khu vực miền trung Sagaing.

Đức Hồng Y nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ngài 'rất buồn' trước cuộc tấn công vào làng Mon Hla tỉnh Khin-U vào ngày 23 tháng 11 và giết chết một số thường dân, trong đó có một cậu bé bảy tuổi.

Trong số những người bị thiệt mạng cũng có 6 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, là cánh vũ trang của Chính phủ Thống nhất Quốc gia bao gồm các đại biểu của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia, bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2 năm 2021.

Quân đội đã san bằng khoảng 200 tòa nhà, trong đó có một trường học và một nhà thờ được xây dựng bằng tiền quyên góp của Đức Hồng Y.

Các Kitô Hữu sống ở Mon Hla và các làng Chaung Yoe và Chan Thar gần đó được gọi là Bayingyi và là người gốc Bồ Đào Nha: họ đã sống dọc theo sông Chindwin và Mu từ đầu thế kỷ 17.

Cuộc tấn công vào thành phố Khin-U bắt đầu vào giữa tháng 11: ba cánh quân tiến vào từ phía tây và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà với sự hỗ trợ của các cuộc không kích.

Sau trận ném bom vào ngày 23 tháng 11, quân đội tiếp tục hành quân về phía nam, chiếm hết làng này đến làng khác. Tại ngôi làng Myin Daung, nơi bị binh lính xâm lược trong ba ngày, thi thể cháy thành than của một số thường dân được tìm thấy bên trong một cửa hàng sau khi binh lính rời đi.

Theo người dân, quân đội đã thiêu sống họ vì các thi thể được tìm thấy với hai tay bị trói sau lưng.

Trong khi đó, tại bang miền tây Rakhine, các tướng lĩnh đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng dân quân sắc tộc chính của khu vực, là Quân đội Arakan, trong những tuần gần đây. Các lực lượng dân quân sắc tộc, những người đã chống lại nhà nước Miến Điện kể từ khi đất nước giành được độc lập từ Đế quốc Anh, đã liên minh với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân chống lại quân đội.

Lệnh ngừng bắn đã được ký kết để cho phép viện trợ và thuốc men được gửi đến người dân. Nó được môi giới bởi chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật Bản, Yohei Sasakawa, một nhà ngoại giao có liên hệ với người đứng đầu chính quyền quân sự là Tướng Min Aung Hlaing, và là người đã tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn giữa Quân đội Arakan và quân đội Miến Điện vào tháng 11 năm 2020, trước cuộc cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, theo một số nhân vật kháng chiến, việc tạm dừng giao tranh sẽ giúp quân đội của chính quyền tái định vị ở Bang Chin và các khu vực Magwe và Sagaing, nơi giao tranh chưa bao giờ ngừng.

Tuần trước, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, Tổng thống Duwa Lashi La, phát biểu tại hội nghị Reuters Next, đã so sánh tình hình ở Miến Điện với tình hình ở Ukraine, nói rằng cần phải có vũ khí phòng không để buộc quân đội phải ngồi yên tại bàn đàm phán.

Chế độ Miến Điện cho đến nay đã từ chối tham gia đối thoại với Chính phủ Thống nhất Quốc gia và Lực lượng Kháng chiến Nhân dân, mà họ coi là các tổ chức khủng bố.
Source:Asia News

3. Vị Tổng Giám Mục được Đức Thánh Cha bổ nhiệm ở Ấn Độ phải nhờ cảnh sát bảo vệ

Tòa án đã chấp nhận lời yêu cầu xin được bảo vệ của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath vì tranh chấp phụng vụ trong tổng giáo phận thuộc Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar đã trở nên trầm trọng hơn

Một tòa án hàng đầu ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ đã ra lệnh cảnh sát bảo vệ vị giám quản tông tòa của một tổng giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar theo nghi thức Đông phương, đang vướng vào một vụ tranh chấp gay gắt về nghi thức phụng vụ.

Tòa án Tối cao Kerala đã chấp thuận yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath trong đơn thỉnh cầu của ngài vào ngày 5 tháng 12.

Tòa cũng chỉ đạo công an dẹp bỏ các linh mục và giáo dân biểu tình cản đường ngài vào Tòa Tổng Giám mục.

Vatican đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Thazhath làm giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly vào ngày 30 tháng 7 để giải quyết tranh chấp phụng vụ kéo dài hơn 5 thập kỷ về việc cử hành Thánh lễ theo lệnh của Thượng hội đồng.

Tuy nhiên, một nhóm linh mục và giáo dân trong tổng giáo phận đã nắm quyền kiểm soát Tòa Tổng Giám mục kể từ ngày 21 tháng 11 và từ chối không cho ngài vào Tòa Tổng Giám Mục.

Thẩm phán Anu Sivaraman trong một phán quyết ngắn gọn đã gọi những người đang chặn lối vào Tòa tổng giám mục là “những kẻ bất lương hoặc người ngoài cuộc”.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath trong đơn thỉnh cầu của mình đã đề cập đến Cha Sebastian Thalian, người triệu tập Ủy ban Bảo vệ Tổng Giáo phận, và Riju Davis, thư ký của Phong trào Minh bạch Tổng Giáo phận, gọi tắt là ATM, với tư cách là những người phải ra tòa trả lời về những chống đối của họ.

Tranh chấp phụng vụ đang diễn ra trở nên xấu đi khi Đức Tổng Giám Mục Thazhath bị từ chối cho vào bên trong nhà thờ chính tòa Đức Bà để dâng Thánh lễ vào ngày 27 tháng 11.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath đến nhà thờ chính tòa phớt lờ lời cảnh báo của linh mục quản xứ và các nhân viên Tòa Giám Mục rằng mọi người đang bị kích động, các linh mục trong tổng giáo phận nói.

Sau đó, Đức Cha đi đến Tòa Tổng Giám mục, nơi một đám đông ủng hộ ngài đã phá cổng chính và dẹp bỏ các chướng ngại vật như đồ nội thất, chân dung và các đồ vật khác.

“Ngay cả bây giờ, không có bất kỳ thẩm quyền nào, một số người vẫn cư trú trong Tòa Tổng Giám mục với ý định cản trở việc đi lại tự do của cá nhân tôi,” Đức Tổng Giám Mục Thazhath nêu trong đơn thỉnh nguyện của mình.

Vị Tổng Giám Mục cho biết một đơn khiếu nại đã được gửi đến cảnh sát để tìm kiếm sự bảo vệ để có thể “ra vào nhà thờ chính tòa và Tòa Tổng Giám mục được diễn ra suôn sẻ”.

Ngài còn cáo buộc trong đơn rằng cảnh sát đã không đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo vệ của ngài vì họ chịu ảnh hưởng của Cha Thalian và Davis.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath cho biết ngài không thể thực hiện các nhiệm vụ được Vatican giao phó và do đó, phần lớn các tín hữu “hoàn toàn chìm trong bóng tối”.

Trong khi đó, ATM đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát chống lại Đức Tổng Giám Mục Thazhath và 30 người khác cáo buộc rằng họ đã cố gắng dùng vũ lực để vào Tòa Tổng Giám mục vào ngày 27 tháng 11.

Đám đông ngang ngược chỉ rời khỏi địa điểm sau khi cảnh sát bước vào và đuổi họ đi.

Trong quá khứ, nhiều giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar đã tuân theo các phương thức cử hành Thánh lễ khác nhau. Một điểm khác biệt rõ ràng là các linh mục khi cử hành thánh lễ đối diện với cộng đoàn ở một số giáo phận, trong khi ở một số giáo phận khác, các linh mục đối diện với bàn thờ.

Cách thức hợp nhất là sự kết hợp của cả hai và nó được ấn định có hiệu lực từ Lễ Phục sinh 2022 trên toàn Giáo hội. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, các linh mục sẽ quay xuống cộng đoàn. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, các linh mục sẽ quay lên bàn thờ. Từ Kinh Lạy Cha sẽ lại quay xuống cộng đoàn.

Tất cả 32 giáo phận khác của Giáo hội này có trụ sở tại Kerala đã tuân thủ các hướng dẫn của thượng hội đồng để có Phụng Vụ Thánh lễ thống nhất

Tuy nhiên, phần lớn các linh mục và giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly nhất quyết tiếp tục với một Thánh lễ cũ, trong đó linh mục phải đối mặt với cộng đoàn trong suốt thánh lễ như người Công Giáo Latinh.

Cha Sebastian Thalian và nhóm ATM đã đe dọa cắt đứt quan hệ với Giáo Hội Công Giáo nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Những người bênh vực Đức Tổng Giám Mục Thazhath và Thượng Hội Đồng Giáo Hội Syro-Malabar cáo buộc Cha Thalian là bất tuân phục và đe dọa sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Tuy nhiên, những người bênh vực ngài thì cho rằng với Tự Sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha khuyến khích Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican 2, nhóm của họ cũng chỉ muốn cử hành thánh lễ như bao nhiêu người Công Giáo khác trên thế giới, chứ không hề muốn gì khác hơn.
Source:UCANews