Ngày 15-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trở nên dụng cụ của Chúa
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
07:22 15/12/2011
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG B
+++

A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng bất cứ cách nào Ngài muốn , theo sự khôn ngoan thượng trí của Ngài. Nhưng trong công cuộc cứu độ này, Ngài không muốn hành động một mình mà muốn có sự cộng tác của con người. Chính vì vậy mà Ngài đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Đức Maria trong việc làm Mẹ Đấng Cứu thế. Ngài tôn trọng tự do của con người. Ngài không áp đặt mà chỉ đề nghị. Ngài muốn sự đáp trả sáng suốt và tự nguyện của con người. Sau khi Đức Maria đã thưa Xin Vâng, Ngôi Hai Thiên Chúa lập tức đầu thai trong lòng Trinh nữ Maria và Maria đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria để trở nên dụng cụ cho Thiên Chúa. Ngày xưa Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, ngày nay Chúa vẫn còn muốn nhập thể nơi chúng ta, vì vậy chúng ta phải trở nên dụng cụ ngoan ngoãn để Chúa nhập thể nơi ta, để ban ân sủng cho ta và ta sẽ đem ban phát cho nhiều người khác.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : 2 Sm 7,1.8b-11-16

Sau khi chiến thắng được mọi quân thù, chiếm lĩnh được thành Giêrusalem, yên vị trong hoàng cung rồi, vua Đavít nhờ tiên tri Nathan thỉnh ý Chúa về việc xây cho Chúa một ngôi nhà để làm nơi cho “Khám Giao ước” trú ngụ.

Thiên Chúa đã nhờ Nathan thông báo cho Đavít biết là Ngài không cần ở trong những ngôi nhà vật chất cho dù sang trọng và vững chắc bao nhiêu đi nữa. Đáp lại tấm lòng thơm thảo của vua, Thiên Chúa muốn xây cho ông một ngôi nhà, nghĩa là sẽ làm cho triều đại ông bền vững và vinh quang muôn đời.

+ Bài đọc 2 : Rm 16,25-27

Đây là đoạn thư cuối cùng gửi cho tín hữu Rôma, trong đó thánh Phaolô dâng lời ca tụng Thiên Chúa về ơn cứu độ và nhất là đã mạc khải mầu nhiệm này, đã được giấu kín từ đời đời mà nay đã nhờ Đức Giêsu mà tỏ bầy cho muôn dân.

Thánh Phaolô còn ca tụng Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí đã sắp đặt để muôn dân được hưởng ơn cứu độ :”Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Kitô”.

+ Bài Tin mừng : Lc 1,26-38

Thiên Chúa có thể hành động bằng mọi cách để đạt tới mục đích. Trong việc Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã muốn cho con người cộng tác : Ngài đã chọn Đức Maria để đầu thai Con Một Thiên Chúa. Tuy Thiên Chúa là Đấng vô cùng thượng trí, có thể làm mọi sự theo ý của mình, nhưng thay vì đặt Đức Maria trước một quyết định độc đoán, Chúa đã gợi cho Mẹ biết trước điều Ngài đang chờ đợi nơi Mẹ.

Qua cuộc đối thoại diễn ra giữa Đức Maria và sứ thần thiên quốc, chúng ta được biết Đức Maria đã hoàn toàn hiến thân để thi hành thánh ý Chúa. Mặc dù đã trông thấy trước những khó khăn trong việc thực hiện này, nhưng Đức Maria đã dấn thân và tự nguyện chấp nhận đề nghị này trong tiếng “Xin Vâng”. Qua tiếng Xin Vâng này, Ngôi Hai đã nhập thể trong lòng Đức Maria và chờ ngày giáng sinh.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Xin vâng theo thánh ý Chúa

I. ĐỨC MARIA ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHỌN

1. Con người Đức Maria

Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và vĩ đại, nhiều khi đã dùng những phương tiện nhỏ bé, yếu đuối, hèn mọn mà làm những việc vĩ đại. Công cuộc cứu chuộc loài người là một công cuộc hết sức lớn lao mà Thiên Chúa đã dùng một phương tiện nhỏ bé thấp hèn để thực hiện, đó là Trinh Nữ Maria.

Đây là một Trinh nữ khiêm tốn, bình dân, sống trong một làng nghèo nàn xứ Galilêa gọi là Nazareth với khoảng 20 nóc nhà và 150 nhân danh. Xét theo tiêu chuẩn thông thường của người đời, nghĩa là xét theo tài năng, thông minh, học vấn, sắc đẹp, địa vị xã hội... chắc hẳn Maria không có gì đặc biệt hơn những thiếu nữ khác cùng trang lứa với mình. Trên đời chắc còn những thiếu nữ đặc biệt hơn Maria nhiều. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, Maria là người “đầy ơn phúc”, được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế để cộng tác với Ngài trong công cuộc lớn lao vô tiền khoáng hậu này.

Thiên Chúa chọn Maria không vì lý do nào khác ngoài ý muốn riêng và theo sự tự do của Ngài (x.Rm 9,12) và cũng “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Và Ngài đã thành công trong việc chọn Maria, trong khi có những người khác được Ngài chọn đã làm “hỏng việc” của Ngài, hay đã làm Ngài không hài lòng, chẳng hạn trường hợp vua Saul (x.1Sm 9,17 ; 13, 13,40), hay tông đồ Giuđa (Mt 26,47-50)

2. Đức Maria được hỏi ý kiến

Thánh Augustinô viết :”Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần ta. Nhưng khi cứu độ ta, Ngài không thể thiếu ta”. Thiên Chúa chủ động về phía Ngài, nhưng khi cứu độ, Ngài cần đến sự cộng tác của ta. Trong công cuộc cứu độ này, Thiên Chúa muốn Maria cộng tác. Đó là lời mời gọi mà sứ thần đã trao gửi nơi Maria theo chương trình của Thiên Chúa, Mẹ phải tạo điều kiện cho Ngài làm người trong thân phận của Con Ngài.

Ngài không áp đặt điều gì : Ngài chỉ đề nghị. Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Maria về việc làm Mẹ Chúa Cứu thế mà vẫn còn đồng trinh : “Maria sẽ thụ thai một con trai và đặt tên là Giêsu”. Đứa con đó “sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu vua Đavít, tôi tớ Người. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”.

Maria thấy mình tầm thường mà được Thiên Chúa ban cho vinh dự ấy, làm Mẹ Con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh. Làm Mẹ mà vẫn còn đồng trinh ! Điều ấy làm cho Maria thắc mắc. Nhưng sứ thần đã trấn an Maria :”Không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được”. Tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, Maria đã khiêm tốn thưa với sứ thần :”Này tôi là tôi tá Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền”. Maria đã đáp trả bằng lời mời gọi của Thiên Chúa một cách quyết đáp và khiêm tốn. Sau tiếng “Xin Vâng” này, Maria đã trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.

II. TIẾNG XIN VÂNG CỦA CHÚNG TA

1. Xin Vâng nơi Mẹ và nơi ta

Từ khi thưa “Xin Vâng”, Đức Maria đã hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Nơi Đức Maria cũng như nơi chúng ta, một trong những yếu tố quan trọng nhất để Thiên Chúa có thể thành công nơi ta, đó là biết xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ ý riêng mình trước thánh ý Chúa, xóa bỏ dự định hay kế hoạch của mình trước dự định hay kế hoạch của Thiên Chúa. Đó chính là tinh thần tự hủy (kenosis)mà Đức Giêsu là gương mẫu hoàn hảo nhất, và kế đó là Đức Maria.

Theo gương Đức Maria, khi được Thiên Chúa chọn, ta hãy toàn tâm toàn ý cho việc của Ngài. Nếu Thiên Chúa chọn ta là để ta thực hiện công việc của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo thánh ý Ngài chứ không phải ý ta. Nên nếu ta được chọn, ta hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài mà trong đó ta chỉ là công cụ của Ngài dùng mà thôi.

Công cụ thì không hiện hữu cho mình mà cho công việc hay ý muốn của người xử dụng. Công cụ tốt là công cụ hoàn toàn làm đúng ý người xử dụng. Vậy, ta hãy toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của Ngài, đừng nghĩ gì đến công việc hay mục đích của ta. Nếu công việc hay mục đích của Ngài thành tựu thì công việc hay mục đích của ta cũng sẽ tự động thành tựu tốt đẹp, có khi gấp trăm lần ta tự lo cho công việc hay mục đích của mình.

Người được chọn thường gặp nhiều thử thách, đau khổ. Đó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai Ngài đặc biệt yêu thương và tuyển chọn để tinh luyện người ấy xứng đáng với ơn gọi. Hãy coi những thử thách mà Đức Giêsu và Đức Maria - là những người được Thiên Chúa đặc biệt ưu đãi – phải chịu trong cuộc đời các Ngài thì rõ.

Đây là kế hoạch của Ngài dành cho những người được Ngài chọn :”Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi ; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang”(Rm 8,30)…

Cách thức “làm cho nên công chính “ của Ngài chính là thử thách, cho trải qua đau khổ :

”Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn”(Dt 2,10) ,
“Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ”(1Tm 3,10) ,
“Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội”(1Pr 1,7).

Bù lại, vinh quang của những người được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn cũng rất lớn lao :”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta”(Rm 8,18).



2. Chúa mời gọi ta cộng tác với Ngài

Thiên Chúa không chỉ thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài nơi chúng ta và cho chúng ta, mà còn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài, tham gia vào việc thực hiện kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài, nơi chúng ta và nơi những người có liên hệ với chúng ta nữa. Đó chính là niềm vinh hạnh và cũng là trách nhiệm nặng nề nơi chúng ta. Vậy mỗi lần chúng ta làm bất cứ việc gì đó để kế hoạch yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn và cuộc sống của mình là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Cũng thế, mỗi lần chúng ta làm một việc gì đó giúp người khác hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa hoặc giúp người khác yêu thương phục vụ tha nhân là chúng ta cộng tác với Ngài trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài. Công việc ấy thật bề bộn và cấp bách ; vì một đàng chung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa đón nhận Tin Mừng, chưa đón nhận bí tích Thánh tẩy ; đàng khác, nơi những người đã biết và đón nhận Chúa cũng còn rất nhiều người chưa hiểu biết cho sâu sắc, chưa biết sống gắn bó mật thiết với Chúa. Đó là cánh đồng truyền giáo mênh mông đang chờ đợi chúng ta.

Ngày nay Chúa vẫn còn muốn đầu thai trong lòng Đức Maria và chúng ta. Dĩ nhiên Ngài không còn đầu thai nữa như xưa ở trong lòng trinh nữ Maria, nhưng Ngài vẫn còn muốn đầu thai cách mầu nhiệm trong bí tích bàn thờ này, để được đầu thai trong tâm hồn chúng ta qua việc rước lễ, để đầu thai nữa trong nếp sống hằng ngày của chúng ta, hầu ai thấy đời sống tốt đẹp của chúng ta, cũng nhận ra vinh quang của Chúa mà ca tụng Ngài. Mầu nhiệm đầu thai qua Bí tích Thánh Thể đã làm cho chúng ta trở nên cao qúi trong việc cộng tác với Ngài.

Nhưng còn một cách nữa Chúa vẫn dùng để đầu thai nơi ta giữa thời buổi này, chính là Lời Chúa khi đến với ta trong sức mạnh của Thánh Thần. Lời Chúa mà ta nghe và đọc trong Thánh kinh có thể trổ sinh trong lòng ta một cuộc sống mới, thánh thiện và tốt đẹp, Ta sẽ trở thành con cái Chúa một cách trung thực hơn và dần dần dòng dõi những người con Chúa trở thành một thực tại có thể cảm nghiệm được. Ngay đến những biến cố xẩy ra hằng ngày cũng có thể mang theo nhiều ân sủng, khiến ai đón nhận như thánh ý Chúa, sẽ làm cho nước Ngài được lan rộng ; và như vậy, Thiên Chúa lại nhập thể ở giữa chúng ta.

3. Hãy trở nên dụng cụ của Chúa

Khi nói đến dụng cụ là nói đến một đồ vật để con người xử dụng theo ý mình. Dụng cụ chỉ biết phục tùng theo ý muốn người xử dụng. Không bao giờ dụng cụ có thể nói với người xử dụng tại sao lại dùng vào việc nọ việc kia, mà chỉ biết hoàn toàn vâng theo người xử dụng, có khi người xử dụng phế thải cả dụng cụ , thì chính dụng cụ ấy cũng không có quyền phản đối.

Chúng ta là dụng cụ của Chúa, một thứ dụng cụ bất toàn hoặc vô dụng, cũng như người đầy tớ nghèo hèn (x. Lc 17,7-10) không thể tự mình làm được việc gì như Chúa phán :”Sine me nihil potestis facere” : Không có Thầy các con không thể làm gì được, nhưng sẽ trở nên hữu dụng dưới bàn tay khôn khéo của Chúa.

Chúng ta cũng có thể tìm được hình ảnh này ngay trong văn chương bình dân của nước ta, trong ca dao tục ngữ, một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân quê :

Ai làm cho cải tôi ngồng,
Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê.
Chồng chê thì mặc chồng chê,
Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ.
(Ca dao)

Ở miền quê, ai mà không biết ăn dưa cải chua ? Đây là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người bình dân, một món ăn hợp với khẩu vị, nhất là khi ăn với thịt mỡ. Món dưa cải chua ngon là phải có màu vàng, dòn và thơm. Nhưng một khi dưa bị “khú” thì không ăn được nữa. Dưa khú có màu đen xám, không chua và nhạt , đôi khi có hương vị ung ủng. Người ta không ăn dưa khú, chỉ còn cách bỏ đi. Tuy thế, người dân quê lại biết biến “dưa khú” đó thành một món ăn khác, ăn vào vẫn ngon miệng, đó là nấu với cá trê. Vì thế, người ta mới mách bảo kinh nghiệm cho người khác trong việc nấu ăn :”dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ”.

Chúng ta hãy trở nên dụng cụ ngoan ngoãn của Chúa để lúc nào cũng chỉ biết “Xin Vâng”. Theo gương Mẹ Maria, trước khi nói lời Xin Vâng, Mẹ đã trải qua một hành trình đức tin. Xin Vâng không có nghĩa là thấy rõ con đường trước mặt mà Chúa muốn mình đi. Xin Vâng là mềm mại, buông mình cho Thiên Chúa dẫn đi, yên tâm không phải mình làm chủ tương lai, nhưng vì tương lai của mình nằm trong tay Chúa. Xin Vâng không phải vì mọi sự đều sáng sủa và trơn tru, nhưng Xin Vâng ngay giữa đêm tối gập ghềnh, là chấp nhận để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.

Truyện : Thánh Gioan Vianney.
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Linh mục. Ngày kia, thừa lệnh Giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học, đã đến khảo sát Vianney, tội nghiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn :
- Vianney, anh dốt như lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì ?
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời :
- Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng có một cái hàm của một con lừa, để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được gì sao (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, tr 42).

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Ngài. Ngài chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta , Ngài quyền năng đến độ có thể biến đổi những con người hèn mọn thành những bậc siêu phàm. Điều quan trọng là chính sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Ngài, ngay cả bằng với sự dốt nát, ngu dại của mình.

Ngày xưa Thiên Chúa đã nhập thể nơi cung lòng Trinh nữ Maria, ngày nay Thiên Chúa vẫn còn muốn nhập thể nơi chúng ta, hãy trở nên dụng cụ ngoan ngoãn cho Chúa nhập thể. Ngài dùng Lời Thánh kinh và Bánh Thánh Thể để đi vào trong tâm hồn ta, biến ta nên con người sống như Chúa : và như vậy, Ngài đang muốn nhập thể để tiếp nối cuộc đời của Ngài ở nơi ta. Ngài dùng mọi biến cố xẩy đến hằng ngày, kêu gọi ta đón nhận như thánh ý Ngài gửi đến, để ta hợp tác thi hành trong tinh thần xã hội Kitô giáo, hầu ơn Ngài có thể tràn lan trong thế gian, khiến Chúa ở trong mọi sự và mầu nhiệm nhập thể được kiện toàn.

Điều cần hơn hết là chúng ta phải tin vững vàng rằng : Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Ngài muốn sống giữa trần gian. Ngài kêu gọi ta nhìn vào cuộc sống và muốn nhập thế với Ngài. Ta hãy sẵn sàng đem tinh thần Phúc âm vào thế giới để đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Lạy Chúa, này con đây, với tất cả những yếu hèn, khiếm khuyết của con, nhưng con tin rằng trong bàn tay nhào nặn của Chúa, tất cả đều có giá trị. Xin cho con luôn biết cởi mở đón nhận ơn Chúa, và phó thác cho chương trình của Chúa, như Mẹ Maria đã thưa lời “Xin Vâng”, đáp trả lại tình yêu của Chúa và phó thác hoàn toàn cho chương trình của Ngài. Amen.


 
Mẹ Maria, một kiệt tác của Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:21 15/12/2011
Chúa nhật 4 mùa vọng B

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”.

Thiên Chúa muốn Con của Ngài xuống thế làm người, để cứu độ nhân loại. Ngài đã muốn người Con ấy là con người giữa nhân loại. Thiên Chúa đã chuần bị cho Con của Ngài một người mẹ trần thế. Người mẹ ấy là Đức Maria, người làng Nadarét, vùng Galilê, nước Paléttin.

Cô Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn vàn phụ nữ trên địa cầu. Ngài chọn Cô chẳng phải vì Cô thánh thiện hơn người khác. Ngài chọn Cô từ khi Cô còn trong lòng mẹ. Ngài tuôn đổ trên Cô tràn trề ân sủng: "Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Cô" (Lc 1,28). Được tràn trề ân sủng là được Thiên Chúa mến thương, được đẹp lòng Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho Cô Maria. Ngài đã tạo dựng Cô như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn Cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa, dù bề ngoài Cô chỉ là một thôn nữ của một ngôi làng nhỏ bé vô danh.Thiên Chúa không ép buộc Cô Maria làm mẹ của Con Một Ngài, dù Ngài đã chuẩn bị cho Cô một cách đặc biệt để đón nhận trọng trách cao cả đó. Ngài tôn trọng tự do của Cô, tự do mà chính Ngài đã ban cho Cô trong tư cách là người. Ngài không đặt Cô trước một sự đã rồi. Ngài muốn hỏi ý Cô, và chờ Cô ngỏ lời ưng thuận.

Phúc Âm Chúa nhật hôm nay kể câu chuyện Truyền tin.

Truyền tin là một Tin mừng muôn thuở. Tin mừng này đã được thực hiện qua một cuộc hòa đàm chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Cuộc hòa đàm diễn ra giữa hai nhân vật, đại diện Thiên Chúa và loài người. Đại diện Thiên Chúa là Sứ Thần Gabriel, đại diện loài người là trinh nữ Maria.

Khung cảnh cuộc hòa đàm, không phải trong cung điện vua chúa, lầu các sang trọng. Nơi đó, trong căn nhà thanh bạch nghèo nàn thuộc vùng sâu thôn dã vô danh Nadarét. Khung cảnh thật giản dị, quê mùa, thô sơ, nhưng Thiên Chúa đã chọn làm khởi điểm lịch sử cứu độ vĩ đại.

Maria dù là nữ tỳ nhưng Sứ Thần đến mở đầu cuộc hòa đàm, không phải với thái độ ông chủ truyền lệnh. Ở đây, Sứ Thần hết sức khiêm cung, kính cẩn, lễ phép với lời chào : “Kính mừng Đấng đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Khác xa lời cậu thanh niên chào cô thanh nữ. Tử tế lắm, cậu chỉ nói : Chào cô, chào em.

Sứ thần rất trân trọng thôn nữ Maria : vừa chúc tụng kính phục con người thánh thiện khả ái, vừa tôn vinh chức vụ cao sang của Bà được Thiên Chúa ở cùng.

Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì ? Quả là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu, thùy mị.

Sứ thần đã nhận ra ý từ đó và giải thích thật rõ ràng cặn kẽ, trong suốt : “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, Bà rất đẹp lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa ban cho Bà sinh con, đặt tên là Giêsu, Người là Con Đấng tối cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít …”.

Nhưng, đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria đã tận hiến suốt đời đồng trinh cho Thiên Chúa, nên Maria từ tốn đáp lễ : Làm sao có chuyện ấy được, thưa Ngài, vì tôi đã khấn trọn đời đồng trinh.

Sứ thần liền minh giải : “Việc đó rất chí thánh, do Chúa Thánh Thần với quyền phép Đấng tối cao, sẽ soi bóng trên Bà, nên Hài nhi khi Bà sinh ra là Đấng thánh, là Con Thiên Chúa ..”

Nhận ra đó là thánh ý Thiên Chúa, Maria đã sấp mình tôn thờ Thiên Chúa : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hết lòng vâng theo thánh ý Chúa như lời sứ thần truyền dạy”.

Sứ thần đã thành công trong sứ mạng vô cùng trọng đại. Maria đã hoàn toàn làm đẹp lòng Thiên Chúa, trọn vẹn hiến dâng đồng trinh với chức vụ thiên mẫu lạ lùng.

Đây thật là một cuộc hòa đàm gương mẫu cho muôn đời. Gương mẫu vì cuộc hòa đàm đã diễn ra đúng tinh thần đối thoại và hòa giải.

Đối thoại cần thiết phải có ba tính chất đặc biệt :

- Thứ nhất, hai bên rất khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau.

- Thứ hai, hai bên thưa đáp trình bày ý tứ của mình rất trong sáng, rất đơn sơ và chân thành, mình nghĩ thế nào, lập trường làm sao, cần những điều gì mới đưa đến thành công.

- Thứ ba, hai bên đã nhận ra những ân huệ rất ích chung, rất thánh thiện mà Thiên Chúa muốn thực hiện.

Đây cũng là một cuộc hòa giải hoàn hảo :

- Vì đã giải quyết được những nỗi khó khăn vô cùng phức tạp, loài người không thể gỡ mối tơ vò, chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới giải quyết được vấn đề : vừa đồng trinh, vừa sinh con, con Bà vừa là người, vừa là Thiên Chúa.

- Vì đã giải quyết được chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã bao lần hòa giải thất bại với bao nhiêu nhân vật từ Ađam Evà cho đến nay. Nay Thiên Chúa mới thực hiện được chương trình thương yêu của Người nơi Đức Trinh nữ Maria.

Thiên Chúa đã giao ước với Ađam Evà, nhưng Nguyễn tổ đã trở mặt theo con rắn satan. Thiên Chúa đã giao ước với Noe, nhưng con cháu đã xây tháp Babel kiêu căng. Thiên Chúa đã giao ước chọn lựa Abraham làm tổ phụ dân Người, nhưng con cái Giacob hằn thù chia rẽ, bán Giuse làm nô lệ cho con buôn Ai cập. Thiên Chúa đã giao ước với Môisen đưa dân về quê cha đất tổ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng dân Israel đã chiều theo lối sống thờ thần Babylon. Giờ đây, Thiên Chúa chỉ còn cách duy nhất là ký kết với Đức Maria, một đầy tớ trung tín và khôn ngoan, luôn luôn làm theo ý chủ mình là Thiên Chúa, một tôi tớ dâng hiến trọn vẹn toàn diện đời mình từ trong bào thai cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã toàn quyền sử dụng Maria theo thánh ý Người. Và Con Thiên Chúa đã xuống cung lòng Maria để ở cùng loài người cho đến tận thế.

Bài Tin Mừng hôm nay thường gọi dưới tựa đề là " Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ". Nhưng Sứ Thần và Đức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Đức Giêsu. Trang Tin Mừng này giới thiệu căn tính của Đức Giêsu. Đó là nội dung chính của Truyền Tin. Qua lời của Sứ Thần mà chúng ta biết Giêsu là “Con Đấng Tối Cao", là “Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”.

Đức Maria sẽ nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ sẽ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần "Thánh Thần sẽ ngự trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.". Vì thế Đấng Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đòi hỏi một phép lạ, thì việc thụ thai Đức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều, đó là Ngài được thụ thai bởi một Trinh Nữ. Đức Giêsu không phải chỉ là Đấng Mêsia mà dân Do thái hằng mong đợi. Ngài còn là Đấng cao cả, thánh thiện hơn nhiều. Ngài là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.

Sau tiếng Xin Vâng đầu tiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm nhập thể đã bắt đầu ngay từ giây phút này.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ cao cả, thánh thiện, đáng yêu, đáng mến. Mẹ cầu bàu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa.

Xin Chúa cho chúng con được trở nên con ngoan thảo của Mẹ, để Mẹ dễ dàng tỏ cho chúng con thánh ý Chúa và hướng dẫn chúng con biết sống đẹp lòng Chúa hàng ngày.Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý của ĐTC Biển Đức XVI: ''Người trao ban thì quý hơn quà tặng”
Nguyễn Trọng Đa
08:33 15/12/2011
ROMA - "Đối với tôi điều sau đây là rất quan trọng: trước khi quà tặng được trao, hãy bám lấy người trao ban; người trao ban thì quý hơn quà tặng. Vì vậy, chúng ta cũng vậy, vượt quá những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta cầu khẩn Ngài, món quà lớn nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chính Chúa là kho tàng quý giá cần phải xin và luôn duy trì”, ĐTC Biển Đức XVI giải thích.

Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 14-12, lúc 10g30 trong Sảnh Đường Phaolô VI, với sự hiện diện của hàng ngàn du khách từ Ý và nhiều nơi trên thế giới.

ĐTC Biển Đức XVI tiếp tục bài giáo lý của Ngài về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, trong khuôn khổ của "trường học cầu nguyện" của Ngài - như người ta có thể gọi tên loạt bài giáo lý này -, khi Ngài bình giải việc Chúa chữa lành người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7,32-37) và việc Chúa cho anh Ladarô sống lại (Ga 11,1-44).

Bài Giáo Lý của ĐTC Biển Đức XVI bằng tiếng Ý:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn suy tư về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu liên quan đến công tác phi thường của Ngài về chữa lành bệnh. Trong các sách Tin Mừng, người ta trình bày các tình huống khác nhau, trong đó Chúa Giêsu cầu nguyện trước công tác từ nhân chữa lành của Chúa Cha, khi Chúa Cha hành động qua Ngài. Một lần nữa, đây là một việc cầu nguyện chứng tỏ mối quan hệ độc đáo về nhận biết và hiệp thông với Chúa Cha, trong khi Chúa Giêsu tự mình liên quan với sự tham gia lớn lao vào nỗi khổ của bạn bè Ngài, chẳng hạn anh Ladarô và gia đình anh, hoặc nhiều người nghèo và người bệnh mà Ngài muốn giúp đỡ một cách cụ thể.

Một trường hợp đáng kể là người vừa điếc vừa ngọng (x. Mc 7,32-37). Trình thuật của thánh sử Máccô mà chúng ta vừa nghe, cho thấy rằng công việc chữa lành của Chúa Giêsu có liên quan đến mối quan hệ mạnh mẽ của Ngài với người lân cận - bệnh nhân - và với Chúa Cha. Quang cảnh của phép lạ được mô tả cẩn thận như sau: "Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra” (7, 33-34). Chúa Giêsu muốn rằng việc chữa lành diễn ra “tách biệt, xa cách đám đông”.

Điều này dường như không chỉ do thực tế là phép lạ phải được giữ bí mật đối với các người khác, để tránh cho người ta không đưa ra các giải thích hạn chế hoặc méo mó về con người Giêsu. Việc lựa chọn đưa người bệnh ra xa đám đông vào thời điểm chữa bệnh, Chúa Giêsu và người vừa điếc vừa ngọng đứng một mình, đến gần nhau bằng một mối tương quan đặc biệt. Bằng một cử chỉ, Chúa chạm vào tai và lưỡi của bệnh nhân, nghĩa là chạm vào nơi thương tật của ông ấy. Cường độ sự quan tâm của Chúa Giêsu cũng được biểu hiện bằng các tính năng khác thường của việc chữa bệnh: Ngài sử dụng ngón tay và thậm chí nước bọt của Ngài. Và sự việc thánh sử nêu ra lời độc đáo của Chúa Giêsu - "Ép-pha-tha" nghĩa là: “Hãy mở ra” - cũng nhấn mạnh tính cách đặc biệt của cảnh này.

Nhưng tâm điểm của trình thuật này, chính là sự việc rằng Chúa Giêsu, tại thời điểm thực hiện sự chữa lành, tìm kiếm trực tiếp mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha. Quả thế, trình thuật nói rằng “Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng" (câu 34). Sự quan tâm đối với người bệnh, sự lo lắng của Ngài đối với người bệnh, được liên kết với một thái độ sâu sắc về việc cầu nguyện với Chúa Cha. Và sự phát ra tiếng rên được mô tả bằng một động từ, vốn cho thấy, trong Tân ước, sự khát vọng về một cái gì tốt đang còn thiếu (x. Rm 8,23). Toàn bộ trình thuật sau đó cho thấy rằng sự tham gia của con người Giêsu với bệnh nhân đã dẫn Ngài đến việc cầu nguyện.

Một lần nữa, mối quan hệ duy nhất của Ngài với Chúa Cha tuôn ra căn tính Người Con duy nhất của Chúa Cha. Trong Ngài, bởi chính Ngài, chính công việc chữa lành nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện. Không phải ngẫu nhiên mà lời bình luận kết luận của nhiều người sau phép lạ nhắc việc sự đánh giá của khởi đầu việc Tạo dựng ở đầu sách Sáng thế (St): "Ông ấy (Chúa Giêsu) làm việc gì cũng tốt đẹp cả”. Việc cầu nguyện đi một cách rõ ràng vào công việc chữa lành của Chúa Giêsu, bởi cái nhìn của Ngài hướng về Trời cao. Sức mạnh chữa lành người vừa điếc vừa ngọng chắc chắn được tạo ra bởi lòng từ bi của Ngài cho người ấy, nhưng nó xuất phát từ sự giúp đỡ của Chúa Cha. Hai mối quan hệ này gặp nhau: mối quan hệ nhân bản của lòng từ bi đối với con người đi vào mối quan hệ với Thiên Chúa, và trở thành một sự chữa lành.

Trong trình thuật của thánh Gioan (Ga) về anh Ladarô sống lại, năng động này được làm chứng với một sự rõ ràng lớn hơn nữa (x. Ga 11, 1-44). Ở đây cũng gắn bó với nhau, một bên là mối tương quan của Chúa Giêsu với một người bạn và sự đau khổ của người ấy, và một bên là mối quan hệ con thảo của Ngài với Chúa Cha. Sự tham gia nhân tính của Chúa Giêsu trong trình thuật về anh Ladarô có những đặc điểm riêng. Trong suốt trình thuật, người ta nhắc lại nhiều lần tình bạn của Ngài cho anh Ladarô, cũng như cho hai chị em Mácta và Maria. Chính Chúa Giêsu khẳng định: "Ladarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây" (Ga 11,11).

Tình cảm chân thành của Ngài đối với một người bạn cũng được nhấn mạnh bởi hai chị em của anh Ladarô, cũng như của các người Do Thái (x. Ga 11,3; 11,36); tình cảm này được biểu lộ trong sự xúc động sâu xa của Chúa Giêsu trước nỗi đau buồn của Mácta và Maria, và tất cả các bạn bè của Ladarô, và nó làm cho Ngài thổn thức trong lòng và khóc – một cách rất là con người - khi Ngài đến gần ngôi mộ, "Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: ”Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: ”Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,33-35).

Quan hệ bạn bè này, sự tham gia và cảm xúc của Chúa Giêsu trước nỗi đau của người thân và sự hiểu biết về anh Ladarô, được nối kết trong suốt trình thuật với một mối quan hệ liên tục và mãnh liệt với Chúa Cha. Ngay từ đầu, sự kiện này được đọc bởi Chúa Giêsu trong tương quan với căn tính và sứ mạng của Ngài, và với sự vinh quang đang chờ đợi Ngài. Khi biết tin anh Ladarô bị bệnh, Ngài đã bình luận: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4 ). Việc loan báo cái chết của người bạn cũng được Chúa Giêsu đón nhận với một đau khổ sâu sắc của con người, nhưng luôn rõ ràng qui chiếu với mối quan hệ với Thiên Chúa và với sứ mệnh được giao phó cho Ngài. Ngài nói: "Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy” (Ga 11,14-15).

Thời điểm Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trước ngôi mộ là kết quả tự nhiên của toàn bộ trình thuật, được căng ra giữa tình bạn đối với anh Ladarô và mối quan hệ con thảo với Chúa Cha. Ở đây, một lần nữa, hai mối quan hệ đi chung với nhau: "Sau đó Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: ”Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11,41)": đó là hiến lễ tạ ơn. Câu này cho thấy rằng Chúa Giêsu đã không từ bỏ một giây cầu nguyện để xin cho anh Ladarô sống lại. Lời cầu nguyện liên tục đã tăng cường sự liên kết với một người bạn, và đồng thời, nó khẳng định quyết định của Chúa Giêsu ở lại trong sự hiệp thông với ý Chúa Cha, với kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, trong đó bệnh tật và cái chết của anh Ladarô phải được coi là địa điểm tỏ lộ sự vinh hiển của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, khi đọc trình thuật này, mỗi người chúng ta được mời gọi hiểu rằng, trong lời cầu nguyện xin Chúa, chúng ta không nên mong đợi một sự thực hiện trực tiếp của những gì chúng ta cầu xin, của ý muốn chúng ta, nhưng tốt hơn chúng ta nên phó thác cho ý Chúa, bằng cách đọc mỗi sự kiện trong viễn tượng vinh quang của Chúa, kế hoạch tình yêu của Chúa, vốn thường là bí mật với chúng ta. Vì vậy, trong việc cầu nguyện của chúng ta, lời cầu xin, lời tạ ơn và lời cảm tạ phải tan chảy vào nhau, cả khi hình như Chúa không đáp trả các mong chờ cụ thể của chúng ta. Phó thác cho tình yêu Chúa, vốn đi trước và luôn đồng hành với ta, là một trong các thái độ cơ bản của cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa.

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhận xét như sau về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong trình thuật anh Ladarô sống lại: "Lời cầu nguyện đầy tâm tình tạ ơn của Ðức Giêsu dạy ta cách cầu xin: trước khi được nhận ơn, Ðức Giêsu đã gắn bó với Ðấng ban ơn, cũng là Ðấng ban chính mình qua các hồng ân. Ðấng ban ơn thì quý trọng hơn ơn được ban. Người là "kho báu" đích thực và lòng Chúa Con luôn hướng về Người. Hồng ân chỉ là điều "được ban thêm" (x. Mt 6, 21. 33) "(2604). Đối với tôi điều sau đây là rất quan trọng: trước khi quà tặng được trao, hãy bám lấy người trao ban; người trao ban thì quý hơn quà tặng. Vì vậy, chúng ta cũng vậy, vượt quá những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta cầu khẩn Ngài, món quà lớn nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chính Chúa là kho tàng quý giá cần phải xin và luôn duy trì.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vào lúc người ta lấy đi phiến đá đậy hang mộ anh Ladarô, trình bày sau đó một sự phát triển đặc biệt và bất ngờ. Thật vậy, sau khi cảm tạ Chúa Cha, Ngài nói thêm: " Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11, 42). Qua lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu muốn dẫn đến đức tin, sự tin cậy hoàn toàn vào Chúa, vào ý Chúa, và Ngài muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế giới và con người đến nỗi đã sai Con một của Chúa (x. Ga 3, 16), là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa mang niềm hy vọng, và có thể đảo ngược các tình hình bất khả của con người. Như thế, lời cầu nguyện tin tưởng của một tín hữu là một chứng tá sống động của việc Chúa hiện hiện trong thế giới, quan tâm chăm sóc cho con người, hành động để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa.

Hai lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa suy niệm, đi kèm sự chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng, và cho anh Ladarô sống lại, cho thấy sự liên kết sâu xa giữa mến Chúa và yêu người phải đi vào việc cầu nguyện của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật, sự quan tâm đến người khác - đặc biệt là nếu người ấy đang thiếu thốn và đau khổ -, sự việc xúc động trước nỗi đau đớn của một gia đình người bạn, dẫn chúng ta cầu xin với Chúa Cha, trong mối quan hệ cơ bản hướng dẫn cuộc sống của mình. Nhưng ngược lại: sự hiệp thông với Chúa Cha, sự đối thoại liên lỉ với Ngài, thúc đẩy Chúa Giêsu quan tâm, một cách độc đáo, các hoàn cảnh cụ thể của con người, để mang lại cho con người sự ủi an và tình yêu của Thiên Chúa. Mối quan hệ với người khác dẫn chúng ta đến mối quan hệ với Thiên Chúa, và mối quan hệ với Thiên Chúa dẫn chúng ta trở lại với mối quan hệ với tha nhân.

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện của chúng ta mở cửa cho Thiên Chúa, Đấng dạy chúng ta phải liên tục đi ra khỏi chính mình để có thể gần gũi với người khác, đặc biệt là trong thời gian thử thách và đau khổ, để mang lại cho họ sự ủi an, hy vọng và ánh sáng. Xin Chúa ban cho chúng ta có khả năng cầu nguyện liên tục mạnh mẽ, để tăng cường mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Chúa Cha, mở lòng chúng ta cho nhu cầu của người bên cạnh chúng ta, và cảm nhận được vẻ đẹp của "các người con trong Người Con”, cùng với vô số anh em. Cám ơn anh chị em.

Tổng hợp giáo lý của ĐTC Biển Đức XVI bằng tiếng Pháp:

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta suy niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong mối quan hệ của Ngài với việc chữa lành. Lời cầu nguyện này thực sự thể hiện mối quan hệ hiệp thông duy nhất của Ngài với Chúa Cha, trong khi Ngài bị đánh động bởi sự đau khổ của bạn bè, người nghèo và người bệnh, mà Ngài muốn giúp đỡ thực sự. Trong Tin Mừng theo thánh Máccô, trình tuật chữa lành người vừa điếc vừa ngọng là có ý nghĩa theo cách nhìn này. Chúa Giêsu đưa bệnh nhân ra khỏi đám đông và, với sự quan tâm lớn lao, Ngài dùng các ngón tay và nước bọt của mình, rồi Ngài nói: ""Ép-pha-tha" nghĩa là: “Hãy mở ra”. Đồng thời Ngài cầu xin Chúa Cha, chứng tỏ rằng sức mạnh chữa lành đến từ sự trợ giúp của Chúa Cha. Đó là tâm điểm của trình thuật này.

Cũng thế, trong Tin mừng theo thánh Gioan (Ga), trong sự sống lại của Ladarô, vừa có sự hiện diện của sự cảm thông sâu sắc của Chúa Giêsu đối với sự đau khổ của một người bạn, và sự hiệp thông con thảo của Ngài với Chúa Cha. Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để xin cho anh Ladarô sống lại, trong khi xác nhận quyết định của Ngài sống trong sự hiệp thông với ý Chúa Cha, cũng tăng cường mối quan hệ với người bạn của Ngài. Các trình thuật giúp chúng ta hiểu rằng trong lời cầu xin của chúng ta, chúng ta không nên chờ đợi sự thực hiện ý của ta, nhưng phải phó thác cho ý Chúa Cha. Ngay cả khi ý này thường là bí mật đối với chúng ta, chúng ta chắc chắn có tình yêu của Ngài cho chúng ta. Món quà lớn nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chính Chúa là kho tàng quý giá cần phải xin và luôn duy trì.

Tôi chào các người hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là phái đoàn đến từ New Caledonia, nhóm ở Nice và nhóm Thiên Chúa Ba Ngôi. Có một tương quan sâu xa giữa lòng mến Chúa và yêu người. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy quan tâm đến những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là những người đau khổ. Hãy mang lại cho họ sự an ủi và niềm hy vọng, mà chúng ta tìm thấy trong Thiên Chúa. Chúc anh chị em chuẩn bị tốt cho lễ Giáng sinh! Tôi ban Phép lành Toà thánh cho anh chị em. (ZENIT.org 14-12-2011)
 
ĐTC chủ sự kinh chiều trọng thể với các sinh viên đại học Roma
LM Trần Đức Anh OP
12:13 15/12/2011
VATICAN - Lúc 17 giờ rưỡi 15-12-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự kinh chiều trọng thể với các sinh viên đại học Roma nhân dịp chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

Phần thánh ca trong buổi hát kinh do ca đoàn đại học gồm 180 ca viên và ban nhạc do nhạc viên thánh Cecilia gầm 50 nhạc công đảm trách. Trong số 10 ngàn người hiện diện tại buổi cầu nguyện, đặc biệt có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, đông đảo các vị LM tuyên úy sinh viên, và các giáo sư viện trưởng các đại học ở Roma.
Trước khi ĐTC tiến vào Đền thờ thánh Phêrô, các sinh viên đã có một giờ chuẩn bị. Mở đầu là cuộc rước Ảnh Đức Mẹ là Tòa Đấng Khôn Ngoan do phái đoàn sinh viên đại học Tây Ban Nha mang lên cạnh bàn thờ chính của Đền Thờ.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC diễn giải lời thư thánh Giacôbê tông đồ mời gọi các tín hữu hãy ”kiên trì cho đến khi Chúa đến” (Gc 5,7) và ngài mời gọi mọi người chống lại cám dỗ muốn đặt trọn hy vọng nơi những gì nhất thời trước mắt, trong viễn tượng hoàn toàn phàm nhân, trong những dự án tuyệt hảo về kỹ thuật, nhưng lại xa vời thực tại sâu thẳm nhất, thực tại mang lại phẩm giá cao cả nhất cho con người, đó là chiều kích siêu việt, là thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, và mang trong tâm hồn ước muốn nâng lên cùng Chúa.”
ĐTC cũng cảnh giác chống lại toan tính tự mình xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa hoặc chống lại Thiên Chúa! Kết quả được ghi đậm bằng thảm trạng các ý thức hệ chống lại con người và phẩm giá sâu xa của con người.

Sau cùng ĐTC mời gọi các sinh viên và giáo sư ”hãy cộng tác vào công trình xây dựng xã hội của con người, liên kết đức tin với văn hóa một cách nghiêm túc. Để được vậy, cần luôn kiên trì tìm kiếm Tôn Nhan Thiên Chúa”.
Cuối buổi hát kinh chiều, đoàn sinh viên Tây Ban Nha, nơi diễn ra Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay, đã trao Ảnh Đức Mẹ là Tòa Đấng Khôn ngoan, cho đoàn sinh viên đại học La Sapienza ở Roma để lần lượt rước tới các Nhà nguyện đại học thuộc đại học này (SD 15-12-2011)
 
11 Tân Đại Sứ cạnh Tòa Thánh trình quốc thư lên Đức Thánh Cha
LM Trần Đức Anh OP
12:13 15/12/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các dân nước đừng coi sự lệ thuộc lẫn nhau như một đe dọa, nhưng như một lợi điểm, đồng thời ngài kêu gọi mang lại cho giới trẻ những nền tảng luân lý đạo đức cơ bản.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 15-12-2011, dành cho các vị tân đại sứ của 11 nước cạnh Tòa Thánh, đến trình quốc thư. Đó là các nước Trinidad y Tobago, Cộng hòa Guinea Bissau, Liên bang Thụy Sĩ, Burundi, Thái Lan, Pakistan, Mozambic, Kirghizstan, Andorra, Sri Lanka và Burkina Faso. Đây là các vị đại sứ không thường trú ở Roma, nên theo thông lệ, ĐTC tiếp kiến chung theo nhóm.

Trong diễn văn chào mừng, ĐTC nhắc đến ”sự đơn nhất của gia đình nhân loại ngày nay được sống như một sự kiện, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, giao thông dễ dàng, và các liên hệ thương mại, những thách đố trong việc bảo vệ môi sinh, và làn sóng di dân, khiến cho con người ngày càng hiểu mình có một vận mệnh chung. Ngoài các khía cạnh tích cực, ý thức ấy đôi khi bị coi như một gánh nặng, theo nghĩa nó nới rộng trách nhiệm của mỗi người..”

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Cái nhìn của nhân loại về chính mình phải được tiến triển để khám phá trong sự lệ thuộc hỗ tương không phải như một đe dọa, nhưng như một lợi điểm: con người có thể hoạt động chung với nhau và cho nhau. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau và điều quan trọng là có một ý niệm tích cực về tình liên đới. Nó là một đòn bẩy cụ thể cho sự phát triển con người toàn diện, giúp nhân loại tiến đến sự thành đạt của mình”.

Cũng trong diễn văn chào mừng 11 vị tân đại sứ, ĐTC khuyến khích mỗi người trong nhân loại, ”mỗi người theo mức độ trách nhiệm của mình, và đặc biệt là các vị cầm quyền cai quản, hãy tỏ ra có tinh thần sáng tạo, sử dụng và đầu tư các phương thế cần thiết để mang lại cho giới trẻ những nền tảng cơ bản về luân lý đạo đức, nhất là giúp người trẻ tự huấn luyện, và chiến đấu chống lại những tai ương xã hội như nạn thất nghiệp, ma túy, nạn tội phạm và sự không tôn trọng con người. Việc quan tâm lo lắng cho các thế hệ tương lai sẽ đưa tới một tiến bộ quan trọng trong nhận thức về sự hiệp nhất của nhân loại”.

ĐTC cũng nhận xét rằng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo trong nhân loại không làm cho trách nhiệm chung như thế bị ngăn cản và bế tắc. Ngài nói: ”Sự đa nguyên văn hóa và tôn giáo không chống lại sự cùng nhau tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Được ánh sáng của Mạc Khải soi sáng và nâng đỡ, Giáo Hội khích lệ con người tin tưởng nơi lý trí, lý trí này, nếu được đức tin thanh tẩy, sẽ giúp con người mở rộng không gian của mình để đi vào một lãnh vực tìm kiếm khôn lường, như chính mầu nhiệm” (Diễn văn nhân dịp kỷ niệm 10 năm Thông điệp Fides et ratio, 16-10-2008).

Khác với những lần trước đây, khi tiếp kiến các vị đại sứ Tòa Thánh lần này, ĐTC không trao cho mỗi vị một diễn văn riêng về tình hình quốc gia liên hệ nữa, và cũng không có diễn văn của vị tân đại sứ.
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, giải thích rằng thói quen trao đổi diễn văn như thế chỉ có từ thời ĐGH Phaolô 6 và trước đó không có, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt. Cũng cần để ý rằng vào cuối triều đại của Đức Phaolô 6 chỉ có 90 vị đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh, nhưng nay con số ấy tăng gần gấp đôi với khoảng 180 vị.

Tại các nước khác trên thế giới thường không có thói quen trao đổi diễn văn khi trình quốc thư. Vì thế việc trao đổi diễn văn cho đến nay là một đặc điểm riêng của Tòa Thánh.
Điều thiết yếu là vị Tân Đại Sứ đích thân trình thư ủy nhiệm lên vị Quốc trưởng hay ĐTC, và có thể đích thân gặp ngài, để được nhìn nhận và biết ngài.

Từ nay trở đi, Tòa Thánh dự kiến sẽ không còn sự trao đổi diễn văn khi vị tân đại sứ trình quốc thư lên ĐTC, để có sự đơn gian và phù hợp với thói quen ngoại giao hiện nay.

Cha Lombardi cũng cho biết dĩ nhiên cuộc gặp gỡ riêng của vị tân đại sứ thường trú ở Roma với ĐTC có thể dài hơn và diễn ra trong một buổi tiếp kiến riêng, chứ không phải trong một buổi tiếp kiến tập thể.
11 vị đại sứ mới được ĐTC tiếp kiến chung sáng 15-12-2011 là những vị thường trú tại Đức, Pháp và Thụy sĩ nơi các vị cũng làm đại sứ tại quốc gia liên hệ (SD 15-12-2011)
 
Gặp Đức Thánh Cha, thầy rabbi tìm kiếm nỗ lực để đem các giá trị đạo đức vào nền kinh tế
Bùi Hữu Thư
12:58 15/12/2011
VATICAN (CNS) – Rabbi thượng thẩm của nước Anh nói: Thị trường tự do là kiểu mẫu kinh tế có vẻ phù hợp với giáo huấn của Phúc Âm, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ chứng tỏ rằng, nếu không có các giá trị luân lý, nền kinh tế thị trường có thể sụp đổ.

Ông Jonathan Sacks, thầy cả thượng thẩm của cộng đoàn Do Thái Hiệp Nhất của Anh quốc, đã đến Vatican ngày 12 tháng 12 để thảo luận với Đức Thánh Cha Benedict XVI về các nỗ lực hiệp nhất để đem luân lý trở lại với thị trường và để giảng một bài thuyết trình quan trọng tại Đại Học Giáo Hoàng Grêgoriô (Pontifical Gregorian University.)

Nói với các phóng viên về các biến cố này, thầy cả Sacks cho hay ông và Đức Thánh Cha đã chú trong đến “các nguyên tắc cùng chia sẻ về nhu cầu phải có các thị trường đạo đức và một đường lối tiếp cận các nền kinh tế đặt con người làm căn bản mà Đức Thánh Cha đã đề ra hai năm về trước trong tài liệu “Bác ái trong sự thật” (Caritas in Veritate) và cộng đồng Do Thái cũng chia sẻ.

Ông nói: "Ưu tư chính của tôi là phải có một tiếng nói rõ ràng được mỗi người đều nghe’ giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ, “một tiếng nói tôn giáo mạnh mẽ và đạo đức.”

Được hỏi xem ông và Đức Thánh Cha có thảo luận về những căng thẳng triền miên giữa người Do Thái và Palétin tại Đất Thánh, ông Rabbi trả lời: “Tôi chỉ tin vào việc giải quyết từng vấn đề khó khăn một lúc.”

Rabbi Sacks bất đầu trình bầy tại Đại Học Grêgoria bằng câu nói đùa bên Anh là nếu một thầy cả rabbi đến bệnh viện thăm bạn, thì bạn biết rằng bạn đang bệnh nặng, và tiếp là, ”nếu một rabbi giảng thuyết về vần đề kinh tế tại Âu Châu, thì nền kinh tế này đang cần được hồi sinh nhanh chóng."

Ông nói các nguyên tắc và giá trị Do Thái-Kitô đã làm nẩy sinh ra hệ thống thị trường tự do, cũng như các dự liệu về an sinh xã hội nhắm làm cho thăng bằng những thiếu sót, ngày nay đang bị đe doạ bởi một cảm nghĩ là nền kinh tế phải được thoát khỏi những ràng buộc của mọi hạn chế và bổn phận về luân lý và pháp lý.

Ông nói, khi hoạt động tốt đẹp, thị trường là cách biểu lộ toàn hảo nhất về kinh tế để phản ảnh sự tôn trọng của Phúc Âm đối với phẩm giá con người, đối với quyền tư hữu, đối với lao công, cho việc tạo dựng sự phồn thịnh và giảm thiểu nạn đói nghèo.

Ông nói, đồng thời, trong khi thị trường khá tốt đẹp trong việc tạo nên sự phồn thịnh, nó lại thiếu sót trong việc phân phối sự giầu có này. Chính vì thế mà người Do Thái đã có những ngày nghỉ và những năm thánh, và tại sao người Do Thái và Kitô hữu tại Âu Châu đã khởi sự các chương trình trợ cấp xã hội.

Ông nói: Vấn đề là thị trường tự do “có khuynh hướng làm suy sụp những nền tảng luân lý trên đó được xây dựng,” thúc đẩy tính vị kỷ đến độ bỏ qua ích lợi chung và làm cho mọi người nghĩ rằng các giá trị luân lý chỉ là một tiện ích khác có thể đổi chác cho một cái gì to lớn hơn và bóng bẩy hơn.

Nền kinh tế thị trưòng chỉ có thể hoạt động khi người ta tin cẩn lẫn nhau và biết thận trọng, ông nói.

Ông nói: "Cuối cùng, chúng ta không dựa vào niềm tin nơi hệ thống, nhưng vào những người chịu trách nhiệm về hệ thống, và nếu không có luân lý, trách nhiệm, trong sạch, chân thật và công chính, thì hệ thống sẽ thất bại. Và đã xẩy ra như vậy.

Rabbi Sacks nói người Do Thái và Kitô hữu phải tăng cường việc bảo vệ các lãnh vực của đời sống của họ không trực thuộc vào nền kinh tế thị trường, nhưng lại quan trọng cho phẩm giá con người, cho sự sáng tạo và một tương lai đầy hy vọng.

Ông nói: Việc đầu tiên là ngày Sa Bát hay ngày của Chúa, một ngày để "chú tâm vào những gì có giá trị, thay vì có một giá tiền." Kế đến là hôn nhân và gia đình, giáo dục và "quan niệm về quyền tư hữu," để thấy rằng những gì chúng ta có là quà tặng Chúa ban cho phải gìn giữ cẩn thận.

Ông nói: Gìn giữ các giá trị này, người Do Thái và Kitô giáo phải tự nhắc nhở và loan truyền cho thế giới chân lý là giá trị của mọi sự không thể luôn luôn chỉ được định giá bởi thị trường.

Ông nói: Kitô hữu và người Do Thái cần phải đem các giá trị này trở lại với thị trường, và thuyết phục người khác -- vì tiện ích chung -- là "lương tâm không phải dành cho những người yếu đuối hèn nhát, nhưng là căn bản của sự trông vậy và tin tưởng trên đó tất cả các doanh thương, các cơ quan tài chánh và thị trường phải tuỳ thuộc."
 
Tạp chí danh tiếng TIME vinh danh Người Biểu Tình thành ''Person Of The Year''
Hà Long
20:54 15/12/2011
Tạp chí danh tiếng TIME vinh danh Người Biểu Tình thành "Person Of The Year"

Một cuộc bình chọn cá nhân rất lạ thường và thật hứng thú vào thứ tư, 14/12 của tạp chí TIME tại New York: chẳng phải ông, chẳng phải bà, chẳng phải anh, chẳng phải chị. Một tấm hình của người che mặt biểu tượng cho một nhân vật vô danh. Tuy nhiên cứ hễ ai đã xuống đường biểu tình bầy tỏ sự phản đối từ Syrien, Lybia, Ai Cập, Tunesia, Yemen, Moskau, New York, Thái Lan, Trung Hoa, Tây Tạng, Miến Điện và cả Việt Nam tại Hà Nội, Sàigòn, giáo xứ Thái Hà, Vinh là cảm thấy TIME đang vinh danh chính mình.

Đúng ra TIME đang tôn vinh không chỉ Một Người Biểu Tình là Nhân Vật của 2011, nhưng đồng nghĩa cho hàng triệu người vô danh xuống đường biểu tình.

Trong thế giới tự do, cộng sản, độc tài đang chuyển động bằng những cuộc xuống đường cả trong ôn hòa lẫn bạo động. Nhiều nơi đã thành công và thay đổi diện mạo của các quốc gia độc tài đảng trị. Người dân được tiếp sức mạnh mẽ và lan tỏa ra khỏi vùng, lãnh thổ như những cơn mưa rào tạo ra một mùa xuân cách mạng.

2011 là năm của các cuộc biểu tình, cuộc nổi dậy, những người đấu tranh dũng cảm cho dân chủ. Hàng triệu người biểu tình đã ra quân xung trận trên khắp thế giới.

Cách đây một năm, người thanh niên bán rau cải của Tunesia, anh Mohammed Bouazizisau đã tự thiêu để phản đối tình hình chính trị tại nước mình, từ đó "Phong trào biểu tình lan truyền nhanh chóng trên khắp Trung Đông và kéo đến Châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này đang thay đổi chính sách toàn cầu và xác định mới lại về quyền lực của người dân", Tạp chí TIME nói về của quyết định lựa chọn vinh danh Nhân Vật của năm 2011.

Tạp chí TIME bình luận tiếp theo: "Điều đáng chú ý nhận ra nhiều lãnh đạo của các phong trào phản đối có cùng quan điểm chung. Ở khắp mọi nơi họ chủ yếu là thành phần thanh niên, thuộc giới trung lưu và học thức". Hầu như tất cả các phong trào phản đối trong năm 2011 đã bắt đầu hiện hữu độc lập, không bị ảnh hưởng của các đảng phái hoặc nhóm đối lập.

Tạp chí TIME nhìn BẠN là Người Biểu Tình: "Ở khắp mọi nơi trên thế giới tin vào những người biểu tình năm 201: hệ thống chính trị và kinh tế trong nước của họ không còn làm việc và tham nhũng. Chính phủ nhào nặn ra một nền dân chủ giả tạo để phục vụ kẻ giàu có và quyền lực. Và chính họ ngăn cản sự thay đổi đất nước".

Tổng biên tập tạp chí TIME, ông Rick Stengel nhận định rằng: "Có một lúc đạt tới đích điểm của sự thất vọng toàn cầu. Mọi người dường như ở khắp mọi nơi muốn nói rằng bây giờ nó đã đủ cho họ. Những người biểu tình tổ chức đối kháng, họ đòi hỏi nhưng không nhân nhượng, cho dù được đáp trả lại bằng hơi cay hoặc viên đạn đồng".

Một tương quan đồng tình, tổng thống Nga, ông Dimitry A. Medvedev mới đây bày tỏ sự đồng cảm trong Facebook hôm 11/12 khi nhìn thấy hàng ngàn người biểu tình tại thủ đô Moskau để tố cáo gian lận trong bầu cử quốc hội Nga: "Mọi người có quyền bày tỏ sự phản đối và đó là những gì họ đã làm hôm 10/12".

Tổng luận cho Mùa Xuân Ả Rập, cựu Tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập, ông Amr Moussa tóm gọn tại "Hội nghị Chính sách Thế giới" vừa qua ở thủ đô Áo Vienna như sau: "Thời đại của những kẻ độc tài đã qua đi, giai đoạn cải cách chính trị đã đuợc bắt đầu." Và "Chúng tôi trải qua một sự thay đổi lịch sử quan trọng… Các sự kiện thời sự đang mở đường cho một trật tự mới" tại Ai Cập và vùng Bắc Phi.

Tạp chí TIME trong việc bình chọn nhân vật của năm 2011 làm cho nhiều dự đoán sai lệch: chẳng phải vị bất đồng chính kiến của Trung Cộng, ông Ai Weiwei và Đô đốc Mỹ William McCrave, vị chỉ huy nhóm Biệt Hải Navy Seals đã tiêu diệt Osama bin Laden tại Pakistan, hoặc công nương của Anh quốc, Kate Middleton cũng như Dân biểu Mỹ Paul Ryan nhận được giải thưởng.

Giải thưởng được trao cho Người Biểu Tình tại Quốc Hội Âu Châu

Tại Strasbourg, Quốc Hội Âu Châu hôm 13/12 vừa qua cũng vinh danh cho 5 đại diện của Mùa Xuân Ả Rập.

Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu, ông Jerzy Buzek ca ngợi lòng can đảm của 5 nhà hoạt động nổi bật trong nước của họ. Các nhà họat động nay đã áp dụng cho dân chủ và làm thay đổi nền tảng chính trị tại Ai Cập, Syria, Libya và Tunisia. Hai người đoạt giải từ Syria không thể đến Strasbourg vì bị nhà nước ngăn cấm.

Để tưởng niệm người anh hùng bán rau cải của Tunesia, anh Mohammed Bouazizisau đã tự thiêu để phản đối tình hình chính trị tại nước mình, Quốc Hội Âu Châu đã dành một phút mặc niệm tôn vinh cho anh Mohammed Bouazizisau và cho tất cả những người đã hy sinh trong những cuộc biểu tình của Mùa Xuân Ả Rập. Ông Jerzy Buzek vinh danh họ vì "cuộc đấu tranh cho tự do trong thế giới Ả Rập đã phải hy sinh cuộc sống của họ".

"Đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Châu Âu và thế giới Ả Rập để đạt tới được một sự hiểu biết lẫn nhau", blogger Asmaa Mahfouz, 26 tuổi của Ai Cập, cho biết trong bài phát biểu của mình. Cô Mahfouz lúc ấy đã hiệu triệu kêu gọi trên Internet người Ai Cập đến quảng trường Tahrir để biểu tình phản đối nhà nước Ai Cập.

Nghĩ về Việt Nam

Tạp chí danh tiếng TIME vinh danh Người Biểu Tình có thể mang lại một luồng gió cách mạng đến Hà Nội hoặc Sàigòn là hai nơi đã có phát xuất những cuộc biểu tình của những Người Yêu Nước. "Biểu tình có cái gì đó dễ lây lan," Tổng biên tập tạp chí TIME, ông Rick Stengel cho biết ngắn gọn nhưng rất rõ ràng trong ngày bình chọn nhân vật của năm 2011. Đúng như thế, Lòng Yêu Nước phải được "lây lan" trên toàn lãnh thổ Việt Nam và phải lan rộng đến tận ngoài khơi vùng Biển Đông. Ông Rick Stengel nói tiếp theo vai trò quan trọng của người biểu tình trong thời đại mới: "Đây là những người đã làm nên lịch sử và sẽ tiếp tục viết lịch sử".

Những người Việt Nam đang bị tù đày vì đi biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, những người bị công an đánh đập giày xéo, những người biểu tình đòi tôn trọng sự thật và công bằng tại Việt Nam đang tiếp nối cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập và đang viết tiếp theo những trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những Người Biểu Tình của Năm 2011 từ Việt Nam có thể vạch rõ ra bộ mặt thật của chính quyền csVN như báo TIME đã nhận định: "Hệ thống chính trị và kinh tế trong nước của họ (có cả Việt Nam) không còn làm việc và tham nhũng. Chính phủ nhào nặn ra một nền dân chủ giả tạo để phục vụ kẻ giàu có và quyền lực. Và chính họ ngăn cản sự thay đổi đất nước".

Hà Long
 
Top Stories
Vietnam: Rédemptoristes à Saigon refuse la visite d’une délégation des Affaires religieuses venant présenter ses vœux à l’occasion de Noël et du nouvel an
Eglises d'Asie
09:46 15/12/2011
Le secrétariat provincial de la congrégation des rédemptoristes vient d’envoyer, le 13 décembre 2011, une lettre officielle au Bureau des Affaires religieuses et des Minorités ethniques de Hô Chi Minh-Ville. Les responsables de la province vietnamienne des rédemptoristes y annoncent que, cette année, ils ne recevront pas la délégation des Affaires religieuses chargée de présenter...

... les vœux du gouvernement à l’occasion des fêtes de Noël et du nouvel an. La lettre énumère ensuite les raisons conjoncturelles de ce refus.

C’est une coutume bien établie depuis les débuts de la République démocratique du Vietnam en 1954 : chaque année, quelques jours avant les fêtes de Noël, des délégations des diverses instances gouvernementales se déplacent et vont présenter leurs vœux aux principaux établissements religieux de la région. Cette visite annuelle, qui n’avait rien de très exceptionnel, avait été annoncée aux rédemptoristes par une lettre du Bureau des Affaires religieuses dès le 7 décembre. Elle aurait lieu le 14 décembre, à 15h30. La lettre spécifiait que la délégation serait conduite par le vice-directeur des Affaires religieuses de Saigon. Le programme du déroulement de cette visite était joint à la lettre.

La veille du jour prévu pour cette visite, le 13 décembre 2011, le secrétariat provincial de la congrégation envoyait aux Affaires religieuses de Saigon, une lettre annonçant que les responsables rédemptoristes refusaient de recevoir la délégation prévue. Ce refus était ainsi motivé : « Au cours de l’année écoulée, nous avons envoyé de nombreuses missives au Bureau des Affaires religieuses et des Minorités ethniques de la ville ; elles concernaient l’interdiction de quitter le pays pour un voyage à l’étranger signifiée à notre supérieur provincial, le P. Pham Trung Thanh, et au chancelier de la congrégation, le P. Dinh Huu Thoai, ainsi que les constructions entreprises sans autorisation dans des propriétés religieuses appartenant à la congrégation des rédemptoristes (l’une est située au quartier phô 1, district de Minh Trung, arrondissement de Thu Duc ; l’autre au 86 de la rue Ba Huyen Quang, 3ème arrondissement). Jusqu’à présent, nous n’avons reçu aucune réponse de votre bureau. Celui-ci n’a donc pas accompli ce qui était le moindre de ses devoirs. Nous pensons donc que votre visite et la présentation de vos vœux à l’occasion des fêtes de Noël et du nouvel an ne feraient que rendre moins joyeuse notre célébration des fêtes. (…) » (1).

Les trois affaires mentionnées par la lettre des rédemptoristes sont bien connues. Le 10 juillet 2011, les agents de la Sécurité publique de Hô Chi Minh-Ville ont empêché le P. Vincent Pham Trung Thanh de prendre l’avion à destination de Singapour où l’appelaient les devoirs de sa charge. La même interdiction avait été signifiée plus tard au chancelier (2). Les deux autres affaires concernent des propriétés de la congrégation à Saigon, confisquées par l’Etat après le changement de régime de 1975, sur lesquels les autorités ont entamé des travaux sans consultation préalable des responsables religieux.

(1) On trouvera un fac-similé des deux lettres dans une dépêche de l’agence VRNs du 13 décembre : http://www.chuacuuthe.com/redemptorists/dcct-vn-t%e1%bb%ab-ch%e1%bb%91i-ti%e1%ba%bfp-ban-ton-giao-dan-t%e1%bb%99c-d%e1%ba%bfn-m%e1%bb%abng-l%e1%bb%85-giang-sinh/
(2) Voir les dépêches d’EDA du 13 juillet 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/vietnam/la-securite-publique-interdit-au-superieur-provincial-des-redemptoristes-au-vietnam-de-voyager-hors-du-pays et du 18 juillet 2011 http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/vietnam/les-redemptoristes-de-l2019asie-orientale-protestent-contre-l2019interdiction-de-quitter-le-pays-signifiee-au-superieur-provincial-du-vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, 14 décembre 2011)
 
Japon: Des lettres de créances présentées en grand équipage
Eglises d'Asie
09:36 15/12/2011
Le 14 décembre, Mgr Joseph Chennoth, nonce apostolique au Japon, a présenté ses lettres de créances à l’empereur Akihito, chef de l’Etat japonais. La cérémonie a pris place au palais impérial. Comme il est de coutume dans ce pays, le nouvel ambassadeur est arrivé au palais à bord d’une magnifique voiture à cheval (voir photo ci-jointe).

Nommé le 15 août 2011, arrivé au Japon le 20 octobre, Mgr Chennoth est de nationalité indienne, issu de l’Eglise de rite syro-malabar. Membre du service diplomatique du Saint-Siège, il était précédemment nonce en Tanzanie et a pris la succession de Mgr Alberto Bottari de Castello, qui après un séjour de six ans au Japon a été nommé en Hongrie.

Le Japon est l’un des rares pays de la planète où les nouveaux ambassadeurs sont accueillis après un trajet en voiture attelée. Les ambassadeurs ont le choix entre un classique convoi motorisé ou un anachronique mais magnifique attelage hippomobile. Dans ce dernier cas, l’ambassadeur monte à bord de la voiture à la gare de Tokyo, réminiscence du temps où les diplomates posaient le pied sur la terre japonaise à Yokohama avant de parcourir en train la distance qui sépare le port de Tokyo du centre de la capitale du Japon. Pour Mgr Chennoth, le trajet en carriole à cheval fut plus court, des travaux de rénovation empêchant l’accès à la gare de Tokyo ; le nouveau nonce au Japon est donc monté dans sa voiture à quelque distance du palais impérial.

Depuis le tremblement de terre du 11 mars dernier, c’était la première fois que les voitures attelées reprenaient du service, la porte principale du palais impérial ayant été due être réparée après avoir subie des dommages du fait de la secousse tellurique.

(Source: Eglises d'Asie, 15 décembre 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáng Sinh về trên 'đỉnh mái nhà' của Đông Dương: Sapa
Trần Mạnh Trác
09:55 15/12/2011
Giáng Sinh về trên 'đỉnh mái nhà' của Đông Dương.

Sách giáo khoa ngày xưa đề cập đến hiện tượng tuyết rơi ở Việt Nam bằng một câu ngắn ngủi: "Việt Nam ta không có tuyết, ngoại trừ thỉnh thoảng ở Sapa."

Ngày nay khí hậu biến đổi toàn cầu, người ta cho biết hầu như hiện tượng tuyết rơi xảy ra thường xuyên ở đây.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, khi đoàn lữ hành chúng tôi lên thăm Sapa, thì tuyết chưa rơi, nhưng bầu trời không có nắng, sương mù sa xuống mỗi ngày hai ba lần.

Xem hình bấm vào đây

Lạnh! Nhiệt độ chỉ vào khoảng khoảng 5 độ C (41F) bình thường cho vùng Bắc Mỹ, nhưng cái cảm giác có vẻ giống như lạnh dưới không độ. Cái lạnh sương muối ngấm qua nhiều lần áo len áo dạ, tái tê. Các đầu ngón tay nhưng nhức như thể bị kim châm. Người hướng dẫn viên cho biết với cái lạnh kéo dài như thế này thêm ba bốn ngày nữa thì những lỗ chân lông tên mu bàn tay sẽ nứt ra và súc vật sẽ chết hàng loạt. Ngày xưa khi chưa có thuốc thoa, người ta lấy tro trộn với nước tiểu mà xức.

Vậy mà thổ dân ở đây, các em bé chỉ mới 7, 8 tuổi, đeo sau lưng các em 1, 2 tuổi khác, vẫn để chân trần.

Các em bé này bị cha mẹ bắt cõng em đi lang thang trên các con đường chợ phiên gió lùa nhỏ hẹp, chúng len lỏi tìm du khách để dụ bán các mảng vải thêu (giữ chìa khóa) giá khoảng vài xu (dollar). Tuổi thơ còn vô tư ham chơi, bị xua đuổi không cho vào hàng quán, chúng run rẩy đứng nép bên cửa, xem trộm chương trình TV.

Các thổ dân H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó làm nghề nông bằng cách canh tác các thửa ruộng bậc thang trên các sườn đồi. Đất ít, không phương tiện bơm nước, chỉ trông nhờ vào giòng nước thượng nguốn chảy xuống khi trời mưa. Mỗi năm trồng được một mùa. Đất núi còn sỏi đá, không phân bón, thu hoạch kém. Đời sống nghèo, con người sống an phận, xã hội bình đẳng trong cái khổ, không tranh đua, không cơ hội để cố gắng.

Người Kinh (Việt) biết đến Sapa nhờ người Pháp. Người Pháp đã nghiên cứu khí hậu của vùng cao nhất Đông Dương này vào đầu thế kỷ trước và quyết định mở một khu Nghỉ Mát ở đây. Họ du nhập các giống thông loại tùng bách (samu) từ 'Mẫu quốc' sang, ngày nay các cây hằng trăm tuổi này vẩn còn mọc rải rác hai bên ven đường. Thành phố được đặt tên là Chapa, rồi Sapa.

Trong thời chiến tranh 1947, Sapa bị 'tiêu thổ kháng chiến'. Rồi trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979, lại một lần 'tiêu thổ kháng chiến' thứ hai. Hằng trăm căn villa của người Pháp xây dựng trở thành phế tích, ngoại trừ ngôi nhà thờ cổ bằng đá ở giữa thị trấn.

Bên ngôi nhà thờ cổ này vẫn còn ngôi mộ của vị linh mục người Pháp cuối cùng. Ngài bị chặt đầu ngay trong nhà thờ vào năm 1948. Không rõ ai là thủ phạm. Giáo dân tìm lại được đầu của ngài vài ngày sau đó và họ chôn ngài sau nhà thờ. Từ đó, đã không còn bóng dáng một linh mục nào trong gần 60 năm dài.

Thời gian 60 năm của một xã hội mà tuổi thọ trung bình chỉ có 30 tới 40 thì là quá dài. Hầu như những người đã từng thấy một chiếc áo chùng thâm thì đã chết cả, thế hệ con cái của họ cũng chết nhiếu rồi, vậy mà...

Khi Sapa được tái thiết để trở thành một khu du lịch, người Việt cũng bắt đầu di dân lên đây, chủ yếu là buôn bán các mặt hàng lưu niệm ở ngoài phố. Giáo phận Hưng Hóa đã gửi một linh mục về lại ngôi nhà thờ cổ để tái lập giáo xứ và lo việc mục vụ cho các bản xa xôi của thổ dân ở các vùng Điện Biên và Lai Châu. Các linh mục Việt Nam đã tìm lại được những giáo dân H'Mông còn giữ đạo và... vẫn còn đọc kinh gia đình sáng tối, ngày Chúa Nhật vẫn ôn lại các bài 'kinh nghĩa đức tin'.

Ngày trước, các câu kinh bằng tiếng Việt của Địa Phận Hanoi đã được dịch sang tiếng H'Mông, và họ đã ba bốn đời truyền khẩu cho nhau để giữ đạo trung thành.

Chúa Nhật vừa qua, họ đi lễ đông hơn bình thường, đứng chật nhà thờ và chen lấn bên ngoài gác chuông. Trang phục mầu sắc của người H'Mông làm rực rỡ khung cảnh buổi lễ. Nhiều gương mặt du khách ngoại quốc lộ vẻ sững sờ.

Cha xứ Phêrô Phạm Thanh Bình cho biết không phải Chúa Nhật nào cũng đông như vậy, hôm nay là ngày đặc biệt vì giáo xứ phát giầy và áo lạnh cho các em nhỏ.

Giáo xừ Sapa không giàu để có thể tự lực mua hàng trăm đôi giầy và áo lạnh như thế. 90 phần trăm là người dân tộc. Số thu hàng tuần không đủ chi tiêu. Mùa Noel sắp tới rồi, cha xứ khuyến khích giáo dân ai có năng lực nên trang hoàng một cây Noel trong nhà cho thêm phần trang trọng, nhưng chính trong nhà thờ, ngài không đủ 'năng lực' để có một cây Noel, kể chi đến đốt đèn màu. Bề mặt nhà thờ nguội tanh, một biểu ngữ chào mừng Đức Khâm Sứ Tòa Thánh trong dịp viếng thăm vào tháng 11 vẫn còn giữ lại cho thêm phần long trọng. Nhìn xa, cửa đóng, không có vẻ là một nhà thờ đang hoạt động. Phải tới gần, người ta mới thấy một tấm biển ghi trên cánh cửa: " xin cứ mở cửa".

Trong nhà thờ ban ngày không đốt điện nhưng ánh sáng từ các cửa sổ màu cũng đủ làm lung linh phong cảnh bàn thờ.

Giáo xứ cũng có 2 phương cách kinh tài: thứ nhất là giữ xe trong khuôn viên nhà thờ, thứ hai là trồng rau quanh nhà thờ (thay vì trồng hoa.) Tất cả là để bồi dưỡng cho chương trình khuyến học. Con em người dân tộc không muốn đi học. Học làm gì khi mà công việc cuối cùng vẫn chỉ là làm ruộng. Vậy học làm ruộng thì thiết thực hơn. Có 35 em người dân tộc đang 'nội trú' trong căn nhà tôn của giáo xứ, cửa ra vào chỉ là một tấm màn vải phất phơ theo gió. Các em từ các bản xa xôi được khyến khích ở tạm nơi đây để có thể đi học hàng ngày tại trường của Sapa.

Chương trình khuyến học hầu như đã đem lại một kết quả. Năm vừa qua một thanh niên H'Mông mới tốt nghiệp đại học đã nhập Đại Chủng Viện Hà nội, trở thành chủng sinh người H'mông đầu tiên của giáo phận Hưng Hóa cũng như của Giáo Hội VN. Ngoài ra cũng có 2 em nữ đang là đệ tử dòng MTG Hưng Hóa và một số thanh niên khác đang học đại học, cao đẳng hoặc đang tìm hiểu ơn gọi dâng hiến.

Ngoài căn nhà tôn không cửa của chương trình khuyến học, tài sản của nhà xứ còn có một phòng của cha xứ nằm ở đầu một dãy nhà xây. Đây là những phòng ốc của giáo xứ nhưng lâu ngày đã bị chiêm mất gần hết. Phần đất bên hông của nhà thờ cũng đã bị lấy đi. Chính quyền đồng ý cho giáo xứ lấy lại hết, nhưng phải bồi thường một nửa cho những người đang cư ngụ ở đó. Số tiền cần có là 1 triệu đô la. Một giáo xứ nghèo như thế này thì làm sao xoay sở cho ra một số tiền lớn như thế?. ..thôi thì đành phải đợi một phép lạ vậy, đợi năm này qua năm khác...

Nhưng phép lạ thì vẫn không thiếu. Giáo dân còn giữ đạo qua 60 năm thử thách đã là một phép lạ rõ ràng. Mới đây, một Sơ Đại Hàn quen biết đã vận động các người Hàn Quốc đang làm việc tại Viết Nam hổ trợ cho một chương trình mua giày và áo lạnh cho các em bé nghèo. Hôm nay là ngày phân phát, vừa đúng lúc cho mùa lạnh đang tới.

Số giày không đủ phát,nhiều em quá nhỏ không có giầy đúng cỡ. Cha xứ hứa sẽ mua thêm và yêu cầu các em trả lại những đôi giầy lớn quá. Những tâm hồn thơ ngây trong trắng không chút tham lam đã sẵng sàng chờ đợi một cách vui vẻ, tin tưởng vào lời của vị linh mục đáng kính.

Chiều về, chợ thưa dần. Có những em bé mặc áo lạnh mới toanh nhưng chân vẫn còn đi đất.

Ngày Chúa Nhật qua đi, ngôi nhà thờ đá lại an phận ngủ yên trong cảnh sương mù.

Web site giáo xứ Sapa: http://sapachurch.org/

Trần Mạnh Trác
 
Lá Thư Ngỏ Của Ba Giám Mục Việt Nam Hải Ngoại gửi Dân Chúa VN Hải Ngoại
GM Dominic Mai Thanh Lương
12:14 15/12/2011
LÁ THƯ NGỎ GỞI CÁC LINH MỤC, TU SĨ, VÀ CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA TẠI HẢI NGOẠI

Kính thưa qúy Đức Ông, Linh Mục, Tu Sĩ và anh chị em tín hữu,

Trong tuần vừa qua từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12, ba anh em chúng tôi là Dominic Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Hoa Kỳ, Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada và Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Australia, đã có dịp gặp gỡ và chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ cũng như những thao thức của các Cộng Đồng Dân Chúa nơi chúng tôi đang sống và làm việc. Chúng tôi cũng có dịp lắng nghe những quan tâm, ưu tư của các linh mục, tu sĩ và giáo dân qua những cuộc đối thoại trong tinh thần đoàn kết và xây dựng. Mặc dù đây chỉ là buổi gặp gỡ hữu nghị, chúng tôi nhận thấy cũng cần chia sẻ với anh chị em một số điều như sau:

1. Chúng tôi chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đã thương dìu dắt khối người Việt Công Giáo hải ngoại. Sau những năm tháng nhiều đau thương, vất vả và khốn khổ, chúng ta đã ổn định và trở thành một trong những phần tử năng động nhất trong các Giáo Hội địa phưong, nơi chúng ta sinh sống. Lực lượng các linh mục, tu sĩ, giáo dân đông đảo và nhất là đời sống đạo nhiệt thành đã làm rạng rỡ cho truyền thống và di sản đức tin mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đổ máu đào minh chứng.

2. Chúng tôi cũng cảm tạ Thiên Chúa vì tấm gương trung kiên anh dũng của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Quá trình phong thánh đã được xúc tiến cho vị “Tôi Tớ Chúa” này với nhiều cuộc lắng nghe các nhân chứng ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi anh chị em tiếp tục cầu nguyện và hợp tác khi có thể, ngõ hầu Ngài sớm được tôn phong vào hàng hiển thánh, làm vinh danh Giáo Hội và dân tộc Việt Nam.

3. Chúng tôi cảm thấy cần phát huy tinh thần đoàn kết và liên đới trong các thành phần Dân Chúa, hầu tạo sức mạnh và hữu hiệu hóa các sinh hoạt của chúng ta từ trong các giáo đoàn đến giáo phận, quốc gia và quốc tế. Chúng tôi rất hoan nghênh và khuyến khích các sinh hoạt nhằm tạo tình liên đới, giúp nhau thăng tiến trong công việc mục vụ và sống đạo.

4. Chúng tôi cũng nhận thấy cần đáp ứng với các nhu cầu mới trong hoàn cảnh mục vụ mới: các anh em linh mục tu sĩ thế hệ trẻ, giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba tại hải ngoại, các cháu thiếu nhi… Nỗi ưu tư chung của chúng ta là làm sao duy trì gia sản đức tin và văn hóa đặc thù Việt Nam cho các thế hệ nối tiếp trong môi trường tục hóa đang đe dọa đến đời sống siêu nhiên của người tín hữu.

5. Sau cùng, chúng tôi biểu lộ sự liên đới với Giáo Hội quê mẹ Việt Nam trong cuộc hành trình tiến về tương lai tươi sáng hơn cho Giáo Hội và cho đất nước. Nhất là, chúng tôi đặc biệt biểu tỏ sự liên đới với giáo xứ Thái Hà hiện đang chịu nhiều thử thách trong khi đòi hỏi những điều chính đáng. Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền hãy tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền, để người dân được sống đúng với nhân phẩm theo hiến chư ơng của Liên Hiệp Quốc và có đủ điều kiện để phát huy một đất nước thật sự tự do, độc lập và thịnh vượng.

Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa đã quan phòng cho chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và lắng nghe. Chúng tôi cũng nhận ra sự hạn hẹp trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên này trước nhiều kỳ vọng của nhiều tổ chức, đoàn thể cũng như cá nhân trong khối người Việt Công Giáo hải ngoại. Ước mong của chúng tôi là tiếp tục lắng nghe và cầu nguyen để dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, chúng tôi sẽ phục vụ anh chị em một cách hữu hiệu hơn và mang lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội.

Trong Chúa Giêsu Kitô,

Các Đức Cha đồng ký tên

+Dominic Mai Thanh Lương

+Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu

+Vincent Nguyễn Văn Long

Viết tại Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam

Orange County, ngày 2 tháng 12 năm 2011
 
Tĩnh Tâm Giới Trẻ Mùa Vọng tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, VA
Bùi Hữu Thư
08:45 15/12/2011
Arlington, VA, 15, tháng 12, 2011: Năm nay là lần đầu tiên Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tại Arlington, VA đã mời được nhạc sĩ Angotti và ban nhạc của anh tới giáo xứ ngày 17/12/2011 từ lúc 4 giờ chiều để trình diễn cho giới trẻ trong giáo xứ những bài thánh ca đưa dẫn tâm hồn các em về với Chúa Kitô. Chương trình tĩnh tâm này sẽ được phát hình trực tiếp.

Kính mời quý vị muốn theo dõi xin vào gia trang giáo xứ CTTĐVN tại www.cttdva.com mục Đức Tin Bất Khuất

http://www.cttdva.com/dtbk/index.html

vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ bẩy 17/12.

Sơ lược tiểu sử của nhạc sĩ Angotti:

John Angotti là một nhạc sĩ truyền giáo toàn thời, đã đi khắp thế giới để trình diễn âm nhạc gợi cảm xúc và làm nhân chứng cho thính giả đủ mọi lứa tuổi qua các buổi hòa nhạc, hội thảo, tĩnh tâm, hội nghị và thờ phượng. Anh quê ở Clarksburg, WV, và hiên nay sống tại Memphis, TN với vợ và hai con. Anh tốt nghiệp Đại Học West Virginia, và Trường Quân Nhạc Hoa Kỳ, nơi đây ành là một thành viên của ban nhạc Hải Quân Hoa Kỳ và là một ca sĩ chính.

Sứ điệp của anh John rất rõ ràng: Có niềm hy vọng, sự chữa lành, và chân lý trong tình yêu Thiên Chúa. Sứ điệp này không chỉ được gửi đến cho những người đi nhà thờ, mà còn cho những người trên thế giới chưa hề được nghe nhạc Thánh Ca hay tham dự các buổi cầu nguyện Kitô giáo. Dùng thể loại nhạc ngày nay và sự thật của nhạc cổ điển, Angotti bầy tỏ niềm hy vọng và tình yêu cho những ai ao ước có được một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa.

Anh nói: "Đam mê của tôi hiện nay không những chỉ là cung ứng âm nhạc cho phụng tự, nhưng âm nhạc hát cho nhân chứng chân thực của kinh nghiệm của tôi với Chúa Kitô trong đời sống, đã đưa dẫn tôi đến bàn tiệc thánh trong đức tin. Tôi thấy rằng người ta có sự nhậy cảm qua âm nhạc và nhân chứng. Tất cả chúng ta đều mang một thập giá, mặc dù chúng ta cố gắng che dấu. Nhưng không có chỗ nào để che dấu Thiên Chúa vì Người luôn ở bên chúng ta."

Vào tháng 7 năm 2009 và năm 2011, John đã là một nghệ sĩ trình diễn chính tại Sydney, Úc và Madrid, Tây Ban Nha trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, trước hàng trăm ngàn khán giả. Anh tiếp tục chu du khắp thế giới để đem nhân chứng và hy vọng vào Chúa Kitô.

John đã phát hành một điã nhạc mới vào mùa Thu năm 2009 mang tên "Chào đón bạn về nhà trong Mùa Giáng Sinh" (Welcome Home for Christmas.) Điã hát cuối cùng được phổ biến năm 2010 mang tên "Tình Yêu Cao Cả" (Extraordinary Love.) Anh đã có tất cả chín điã hát được ghi âm. Sau đây là một đoạn của điã hát Welcome Home for Christmas:

 
Caritas Phan Thiết: Ngày Hội Giáng Sinh cho người có hoàn cảnh đặc biệt
Hồng Hương
09:33 15/12/2011
Sáng Chúa Nhật 11.12.2011, khuôn viên nhà thờ Kim Ngọc rộn rã trong niềm vui gặp gỡ của khoảng 1500 anh chị em tham dự viên và thiện nguyện về dự Ngày Hội Người Khuyết Tật Giáo phận Phan Thiết lần I do Caritas Phan Thiết tổ chức.

Xem hình ảnh

Sau bao ngày náo nức chuẩn bị cho ngày hội từ Caritas Giáo phận đến Caritas các giáo xứ, niềm vui được đón tiếp Anh Chị Em có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp Giáo phận Phan Thiết thực sự để lại ấn tượng khó phai trong lòng tất cả mọi người.

Các đoàn ở xa như hạt Đức Tánh, Hàm Tân, Bắc Tuy phải xuất phát sớm để kịp giờ khai mạc. Các đoàn ở Hàm Thuận Nam và Phan Thiết thong thả hơn với những tuyến xe bus của Ban Tổ chức đưa đón. Khuôn viên nhà thờ Kim Ngọc rực lên trong màu sắc của băng rôn chào đón. Không khí Giáng Sinh tràn ngập trong tiếng nhạc vui.

Bước xuống từ những bậc xe, thoáng ngần ngại của các tham dự viên chợt tan biến bởi sự đón tiếp nồng nhiệt của Ban Tổ Chức và sự ân cần của các tình nguyện viên. Mọi người chào mừng nhau bằng nụ cười hay cái bắt tay, sự yêu thương tràn ngập khắp nơi trong tình gia đình Giáo phận không phân biệt tôn giáo.

Thánh đường Kim Ngọc muốn vỡ tung trong tiếng pháo tay khi từng đơn vị tham dự được giới thiệu. Cùng với anh chị em đến từ 50 giáo xứ trên khắp giáo phận còn có sự góp mặt của 4 cơ sở Khuyết tật do các nữ tu MTG Phan Thiết và MTG Nha Trang phụ trách (là Tổ Ấm Huynh Đệ, Khiếm Thị Ánh Sáng, Khiếm Thính Hừng Đông, Khiếm Thính Tân Lập) và Hội Người Mù Thành Phố Phan Thiết. Bầu khí nóng lên với phần sinh hoạt khởi động của Quý thầy CV Thánh Nicôla Phan Thiết.

Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết long trọng khai mạc Ngày Hội Người Khuyết Tật Giáo Phận Phan Thiết lần I. Thay mặt Ban BAXH - Caritas Phan Thiết, cha Giám đốc cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Ân Nhân xa gần đã tạo điều kiện để có ngày hội hôm nay. Tiếp đến, cha bày tỏ lòng cảm kích trước việc Anh Chị Em tham dự viên đã vượt qua trở ngại bản thân để đến ngày hội; Sự nhiệt tình của các thiện nguyện viên trong từng khâu tổ chức và chúc mọi người tham dự một ngày hội thật vui. Sau lời chào mừng là vũ khúc sôi động của thiếu nhi Kim Ngọc.

8g30, Thánh lễ đồng tế do Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống chủ sự. Gợi ý từ màu hồng của phẩm phục trong thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn ý nghĩa của niềm vui, niềm hạnh phúc của dân Chúa và niềm vui hạnh ngộ của Anh Chị Em có hoàn cảnh đặc biệt hiện diện hôm nay. Cách riêng với tham dự viên, Ngài nhấn mạnh, dù trước cái nhìn của xã hội thì Anh Chị Em bị khiếm khuyết một phần nào đó của cơ thể, nhưng trước mặt Thiên Chúa, tất cả Anh Chị Em đều toàn vẹn và xinh đẹp bởi đã được sinh ra trong tình thương của Chúa, và tất cả chúng ta đều phải được tôn trọng như nhau và cùng nhau phát triển tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người. Thoáng những bàn tay lau vội nước mắt khi cảm nghiệm được sự cao quý trong ơn gọi của riêng mình. Sau thánh lễ, đại diện Tham dự viên dâng lời tri ân.

Sau vài phút giải lao, Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải thuyết trình chuyên đề “Giá trị của người khuyết tật”. Mọi người chăm chú lắng nghe và được khích lệ khi biết cộng đồng luôn quan tâm đến người có hoàn cảnh như mình.

Đúng 11g00, chương trình chuyển qua phần vui chơi gồm Hội chợ ẩm thực do các bà Mẹ Công Giáo giáo xứ Kim Ngọc đảm nhiệm và các gian hàng trò chơi, làm hoa giấy – đồ trang sức v.v.v do nhóm của Cha Tiến Lộc, nhóm Hoa Nhân Ái, nhóm Gió Việt liên kết phụ trách. Các anh chị thiện nguyện lúc này trổ hết mọi tài năng của mình để có thể giúp tham dự viên của nhóm mình tham gia vào các gian hàng. Những tiếng cười sung sướng khi ném trúng banh, những lời động viên không ngừng của mọi người. Quà đầy tay, cười thoải mái dù trên xe lăn hay chống nạng. Rưng rưng trên ánh mắt của các phụ huynh đi theo khi thấy con em mình thoát khỏi cuộc sống hàng ngày, tất cả hoà mình trong bầu khí vui tươi của ngày hội.

Ngày hội còn là dịp mọi người chia sẻ cho nhau những năng khiếu của mình qua phần trình diễn văn nghệ. Đại hội được thưởng thức các bạn Tổ Ấm Huynh Đệ sôi động trong những bước nhảy; Giọng hát của trường Khiếm Thị Ánh Sáng và đại diện Hội Người Mù TP Phan Thiết vừa trong trẻo, vừa mượt mà; Tiết mục múa của Trường Khiếm thính Hừng Đông và Tân Lập thì dịu dàng uyển chuyển; Chương trình Văn nghệ phong phú với sự đóng góp tiết mục của Quý thầy CV Nicôla và các nghệ sĩ Công giáo đến từ Sài Gòn như Anh Quân, Đông Nghi, Xuân Trường, Tuyết Mai Ly .v.v.

Cũng trong dịp này, Caritas Phan Thiết đã trao học bổng cho 8 em học sinh khuyết tật đang theo học tại các trường và 5 chiếc xe lăn. Ngày Hội khép lại sau lời cám ơn của Cha Giuse Nguyễn Hữu An, Phó Giám Đốc Caritas Phan Thiết, đến tất cả Quý Ân Nhân, tập thể đã góp phần làm nên niềm vui của ngày hội và cầu chúc mọi người Mùa Giáng Sinh An Lành và Năm Mới hạnh phúc trong Tình Yêu của Thiên Chúa.

Trở về lại gia đình sau một ngày hoà trong niềm vui gặp gỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình, những người quan tâm đến mình, mỗi tham dự viên mang một cảm xúc khác nhau. Nhưng niềm vui trong ánh mắt, trên gương mặt và câu hỏi bao giờ lại tổ chức nữa để được đi tham dự đã là phần thưởng cho Ban Tổ Chức. Bước chân của mọi người như lưu luyến mãi không muốn chia tay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngày Quốc Tế Nhân Quyền tại Little Saigòn, Nam Cali
Quốc Hương - Vũ Phương Dung
08:31 15/12/2011
LITTLE SAIGON - Trong không gian tĩnh lặng, hàng ngàn ngọn nến bừng sáng như soi thấu màn đêm, như ngàn tia hy vọng từ những tấm lòng Nam California gửi đến những người Việt Nam thuộc mọi tín ngưỡng đang bị đàn áp, giam cầm bởi chế độ Cộng Sản. Giữa rừng nến, hàng ngàn người cùng cất tiếng hát:

Lửa cháy từ Thái Hà, lửa lan đến Tam Tòa
Lửa về đến Sài Gòn, lửa bừng sáng Thủ Thiêm
Ôi, ngọn lửa thiêng, lửa ba miền Nam Trung Bắc
Lửa đang cháy bùng để soi sáng lương tri
Ngọn lửa yêu thương đang kết hợp mọi người
Thề quyết hy sinh theo bước chân tiền nhân

(Ngọn Lửa Thiêng - Xuân Điềm)

Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, 10-12-2011, tại Little Saigon, nơi được mệnh danh là thủ đô tị nạn cộng sản của người Việt Quốc Gia, đã diễn ra hai sinh hoạt mang ý nghĩa đấu tranh chống CSVN liên tục chà đạp nhân phẩm, nhân quyền, cách riêng đối với các tín đồ thuộc các tôn giáo, mà gần đây nhất là những vụ đàn áp ở miền Trung và miền Bắc đối với giáo dân và tu sĩ Công Giáo.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Viễn Đông, Hiền Tài Phạm Văn Khảm, Quyền Khâm Châu, Châu Đạo Cao Đài Nam California, chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn, cho biết:

“Theo tinh thần của Hội Đồng Liên Tôn, bất cứ một tôn giáo nào bị pháp nạn thì cũng coi như chính tôn giáo mình bị pháp nạn, do dó tất cả đều chung lo, chia xẻ, cầu nguyện với nhau.... Đối với cộng sản là chủ nghĩa vô thần, họ luôn luôn tìm mọi cách ngăn chặn sự phát triển của tôn giáo. Về vấn đề tiến lên xã hội chủ nghĩa, tôn giáo là một trở ngại rất lớn nên họ phải tìm cách chận đứng hoặc tiêu diệt”.

Chiều Thứ Bảy, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Công Viên Tự Do, thành phố Westminster, các đoàn thể thanh niên trong cộng đồng đã tổ chức Đêm Nhân Quyền Cho Việt Nam 2011. Các đoàn thể gồm có Đại Đạo Thanh Niên Cao Đài, Đoàn Thanh Niên Hòa Hảo, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Đoàn Thanh Niên Việt Mỹ, Đoàn Thanh Thiếu Niên Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, Gia Đình Phật Tử Miền Quảng Đức, Gia Đình Phật Tử Điều Ngự, Gia Đình Phật Tử Thiền Quang, Liên Hội Học Sinh Trung Học Việt Nam, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California.

Trưởng ban tổ chức Lý Vĩnh Phong thay mặt các đoàn thể nói về mục đích của buổi sinh hoạt

“Đêm Nhân Quyền Cho Việt Nam là một sinh hoạt truyền thống mỗi năm do nhiều đoàn thể trẻ trong cộng đồng người Việt tại miền Nam Cali cùng đứng ra tổ chức nhân dịp ngày Quốc Tế Nhân Quyền, 10 tháng 12. Mục đích của Đêm Nhân Quyền là nhằm đánh dấu ngày Liên Hiệp Quốc thông qua Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế vào ngày 10-12-1948; kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng và quốc tế về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam; trau dồi kiến thức và kỹ năng đến với giới trẻ về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam”.

Phó trưởng ban tổ chức James Trương (chủ tịch Đoàn Thanh Niên Việt Mỹ) giải thích về khái niệm Nhân Quyền:

“Chúng ta đã nghe nói nhiều về Nhân Quyền. Vậy Nhân Quyền là gì? Nhân Quyền là những quyền tự do và những quyền căn bản khác của một con người. Như quyền tự do tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do phát biểu. Nhân Quyền là những quyền mà mọi người sinh ra đă có và đều có. Không ai có quyền tước đoạt nhân quyền của chúng ta. Sự đàn áp của nhà cầm quyền CSVN đối với Giáo Xứ Thái Hà và đồng bào trong nước sau 36 năm là bằng chứng Việt Nam vẫn thật sự chưa có nhân quyền. Nhân quyền vẫn bị chà đạp. Vì thế, là một người trẻ trưởng thành tại hải ngoại, chúng tôi đã phối hợp và đoàn kết trong tinh thần dấn thân của giới trẻ để nói lên sức mạnh của tập thể người Việt tị nạn cộng sản chống lại bạo quyền CSVN”.

Điều hợp chương trình là MC Billy Lê (chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam Cali) và Giao Trần (phó ngoại vụ Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu). Mở đầu chương trình có chào cờ, hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, và phút mặc niệm. Chương trình Đêm Nhân Quyền Cho Việt Nam có chiếu phim về Nhân Quyền, tường trình về vi phạm nhân quyền trên toàn cầu và tại Việt Nam (do Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu phụ trách), phúc trình về các vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam (do Đại Đạo Thanh Niên Cao Đài và Tổng Hội Sinh Viên phụ trách) và những lời phát biểu được thâu âm và phát lại của các bạn trẻ từ Việt Nam cũng như Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt có phần phát biểu của cô Hương Giang từ Hà Nội, là người từng đi thăm 15 thanh niên Công Giáo bị bắt. Ngoài ra, chương trình còn có một vở kịch ngắn và văn nghệ đấu tranh.

Thắp nến cầu nguyện cho tự do tôn giáo

Ngay sau sinh hoạt của các đoàn thể thanh niên, hàng ngàn người đã đến với buổi thắp nến cầu nguyện cho Giáo Xứ Thái Hà và tự do tôn giáo tại Việt Nam do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây-Nam Hoa Kỳ hợp tác với các đoàn thể và tổ chức trong cộng đồng cùng tổ chức trong khuôn viên trường trung học Bolsa Grande, thành phố Garden Grove. Trong thành phần tham dự, có đầy đủ tín hữu và các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo.

Linh Mục Micae Mai Khải Hoàn, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây-Nam Hoa Kỳ kiêm trưởng ban tổ chức, chào mừng và tuyên bố lý do thắp nến: “Kính thưa quý vị, biến cố Thái Hà đã âm ỉ khởi xướng từ năm 2008, nhưng sau đó vì những phản đối mạnh mẽ của giáo dân Thái Hà và của cộng đồng quốc tế, nên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ngưng việc đàn áp giáo xứ Thái Hà. Nhưng, vào ngày 3 tháng 11 mới đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cho hơn 100 du đãng và côn đồ đến giáo xứ Thái Hà để nhục mạ, đe doạ tính mạng các linh mục, giáo dân. Sau đó, những người này còn dùng búa lớn để đập phá khu vực thờ phượng linh thiêng. Thế mà, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, còn ‘vừa ăn cướp vừa la làng’ qua các phương tiện truyền thông của họ. Vào ngày 20 tháng 11 vừa qua, tại Nhà Thờ Giáo Xứ Thái Hà trong lúc đang dâng Thánh Lễ Công Giáo, một tên công an dân phòng mặc quân phục, đeo dùi cui, tay cầm điếu thuốc lá xông vào trong Nhà Thờ, ngang nhiên tiến lên cung thánh, tuôn ra những lời lăng mạ các linh mục và giáo dân. Và, gần đây nhất là vào ngày 2 tháng 12 vừa qua, bọn công an đã đánh đập và bắt giam Cha chánh xứ Thái Hà Giuse Nguyễn Văn Phượng, Cha Giuse Lương Văn Long, và một số tu sĩ và giáo dân, khi họ lên Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội để nộp đơn khiếu nại việc nhà nước chiếm khu nhà đất thuộc quyền sở hữu của giáo xứ.

“Kính thưa quý vị,
Thái Hà là một biểu tượng của chí khí anh dũng của dân tộc ta, quyết không khuất phục trước bạo quyền. Tiếp sức cho Thái Hà chính là tiếp sức cho những đồng bào quốc nội đang mong mỏi và đấu tranh cho một Việt Nam thực sự có tự do, công bằng, văn minh và dân chủ. Hôm nay chúng ta đến đây, là những người con của Tổ Quốc ở hải ngoại, cùng nghe tiếng chuông Thái Hà báo động tổ quốc lâm nguy, cùng nhau thắp lên ngọn nến hiệp thông với Thái Hà, với đồng bào tại quốc nội và cùng với cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, để cùng cầu nguyện cho tự do tôn giáo, cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Xin quý vị hãy cùng với chúng tôi đốt lên ngọn nến để cầu nguyện cho Tổ Quốc được vẹn toàn, cho một Việt Nam thực sự có tự do, công bằng và dân chủ”.

Buổi lễ mở đầu với nghi thức chào cờ, hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, cùng một phút mặc niệm do ông Nguyễn Phục Hưng phụ trách. Chương trình có phần phát biểu của Giám Mục Vincente Nguyễn Văn Long từ Melbourne, Úc Đại Lợi; Giám Mục Vincente Nguyễn Mạnh Hiếu từ Toronto, Canada; Linh Mục Chánh Xứ Nguyễn Văn Phương từ Giáo Xứ Thái Hà, Hà Nội; tuyên ngôn “Công Lý và Nhân Quyền” của ban tổ chức Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam; bài thuyết trình tựa đề “Tiếng Chuông Thái Hà và Tự Do Tôn Giáo” do Linh Mục Nguyễn Tất Hải, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế - Long Beach, phụ trách. Xen kẽ là những bài hợp ca hun đúc tinh thần đấu tranh do các ca đoàn nhà thờ cùng hàng ngàn người tham dự cất giọng xướng vang, như “Bài Ca Ngàn Trùng”, “Hướng Về Thái Hà”, “Tiếng Nhạc Oai Hùng”....

Trả lời phỏng vấn Viễn Đông, LM. Mai Khải Hoàn nhấn mạnh: “Vì tất cả những người Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội tự do để nói lên những nguyện vọng chính đáng của mình thay cho chính đồng bào Việt Nam tại quê nhà không có cơ hội, không được tự do để phát biểu những lý do chính đáng, thì chúng ta có bổn phận để nói tiếng nói thay cho đồng bào của mình, tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của người Việt Nam chúng ta”.

Lễ chào cờ Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ trong buổi thắp nến cầu nguyện cho tự do tôn giáo
tại Việt Nam đêm 10-12-2011 tại Garden Grove - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Các tôn giáo cùng bị đàn áp trong chế độ vô thần

Nhận xét về tình hình đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, nói với Viễn Đông:

“Như mọi người đều biết hiện tình của Việt Nam bây giờ, như chúng ta thấy hiện tượng những cuộc họp của quốc tế, của Đông Nam Á, có sự hiện diện của Hoa Kỳ đều thấy tình hình sôi động ở Việt Nam. Tiếp theo là những cuộc viếng thăm của những nhà lãnh đạo Việt Nam như ông Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, hay một số giới chức khác đặc biệt qua lời phát biểu của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc Hội Việt Nam thì nhiều người nghĩ rằng cộng sản họ đang thức tỉnh hay có sự thay đổi nào đó. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời nói suông. Nhìn lại thực trạng của Việt Nam thì thấy có thay đổi hay không? Cụ thể nhất là những việc họ hành xử với các tôn giáo.

“Trước hết là bên Phật giáo, họ lúc nào cũng đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hệ chính thống do Hòa Thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo. Bên Tin Lành, họ bắt giữ không nương tay những tín đồ và ngay cả các Mục Sư, nhiều vị cũng đã bị bắt và đánh đập. Rồi ở miền Tây, Phật Giáo Hòa Hảo liên tục từ trước tới giờ: những tổ chức Giáo Hội quốc doanh do cộng sản lập ra họ cho sinh hoạt, còn những anh em không muốn đi vào vòng kiểm soát, vào tổ chức thì họ làm khó dễ. Ngay cả những người nói lên ý kiến, tư tưởng rất ôn hòa, đòi hỏi những điều chỉ trong vấn đề tu hành cũng bị đánh đập, bắt bớ, bị tàn tật, có những người đã tự thiêu. Mới đây, đồng đạo Nguyễn Văn Lía là một tu sĩ chân chính nên khi phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ có tiếp xúc và được hỏi thăm về tình trạng của Phật Giáo Hòa Hảo bên nhà, sau đó cộng sản đã dùng mọi mưu mô để bắt ông Lía. Phía bên Công Giáo, gần đây họ đã thẳng tay đàn áp ở Tòa Khâm Sứ Thái Hà, đưa tới sự việc biết bao người bị đánh đập, ngay cả Linh Mục cũng bị bắt”.

Ông nói tiếp: “Theo nội quy của Hội Đồng Liên Tôn, mỗi khi có pháp nạn của bất cứ một tôn giáo nào trong Hội Đồng Liên Tôn, mà Công Giáo là một thành viên trong đó, thì là pháp nạn chung của các tôn giáo. Và hành động của các vị tu sĩ chỉ là gióng lên tiếng nói để quốc tế thấy sự đàn áp của nhà cầm quyền CSVN, đồng thời theo mỗi đức tin của tôn giáo thì mình cầu nguyện để cho tín hữu được an lành, cùng có một sức thiêng liêng nào đó để chuyển hóa cái tâm của những người lãnh đạo CSVN về con đường chánh. Tôi tin rằng về phương diện tâm linh thì như vậy, về phương diện tác dụng thì tôi nghĩ rằng tất cả các tôn giáo nếu cùng lên tiếng thì ảnh hưởng sẽ không nhỏ. Từ đó, mọi người đều thấy tôn giáo của mình về phương diện tinh thần bị đàn áp, xâm phạm thì cùng nắm tay nhau đòi hỏi những điều gì họ có quyền hưởng”.

Nhìn về phương diện đàn áp tôn giáo của CSVN, trả lời phỏng vấn Viễn Đông, Hòa Thượng Thích Viên Lý, Tổng Thư Ký của Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, nói:

“Dưới chế độ độc tài của cộng sản, hầu như các tôn giáo đều bị đàn áp vì cộng sản là vô thần. Nhưng một cách nào đó họ lại là những người hữu thần bởi thần của họ là thần Các Mác, Lênin, Hồ Chí Minh. Thần của họ là thần tài, chỉ tin vào quyền lực và tiền bạc, chứ không tôn trọng đời sống tâm linh của dân chúng. Đó là sự thật đến nay cả thế giới ai cũng đều biết rất cụ thể.... Tôi xin cầu nguyện để tất cả chướng nạn sẽ qua đi. Nói chung, tôn giáo nào mà bị cộng sản đàn áp đều là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, bởi vì chúng ta đang chống lại sự độc tài toàn trị của nhà nước CSVN. Trước sự kiện của Giáo Xứ Thái Hà, chúng tôi xin cầu nguyện để mọi sự được tốt đẹp và không có sự việc đáng tiếc xảy ra”.

Riêng về những vụ đàn áp tại Thái Hà, ông Nguyễn Văn Liêm, chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, nói với Viễn Đông: “Tôi nghĩ rằng, tiếng nói của giáo dân Việt Nam hải ngoại rất cần thiết đối với công việc của Giáo Hội và quê hương Việt Nam. Sự việc ở Thái Hà đã xảy ra khi nhà cầm quyền đã bắt đi các giáo dân và linh mục. Những người trong nước còn có can đảm nói lên tiếng nói của họ, mà sự cất lên tiếng nói rất khó khăn bởi vì họ phải trả bằng máu và nước mắt. Còn người Việt hải ngoại thì việc đó thật dễ dàng, chỉ cần bỏ chút thì giờ và quan tâm đến quê hương đất nước một chút thì tiếng nói rất hữu hiệu đối với quốc tế. Khi quốc tế đã biết đến sự việc xảy ra ở Việt Nam như vậy, họ sẽ là người giúp cho chúng ta trong việc tranh đấu trong công lý, công bằng. Tiếng nói của người Việt hải ngoại nói chung và người Công Giáo hải ngoại nói riêng rất cần thiết cho sự việc tại Thái Hà bây giờ”.

Buổi thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà và tự do tôn giáo tại Việt Nam đã tạo được sự chú ý mạnh mẽ nơi giới truyền thông, cả Việt lẫn Mỹ, với các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí tại địa phương đồng loạt đưa tin.

Các vị dân cử địa phương cũng đã đích thân đến tham dự hoặc cử người đại diện tới một trong hai hoặc cả hai sinh hoạt trong Ngày Nhân Quyền nêu trên, như Phó Thị Trưởng Tyler Diệp Miên Trường, Nghị Viên Frank Fry, Nghị Viên Tạ Đức Trí (Hội Đồng Thành Phố Westminster), Ủy Viên Nguyễn Quốc Lân, Phó Chủ Tịch Nguyễn Quốc Bảo (Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove), Ủy Viên Phạm Kim Long (Hội Đồng Giáo Dục Quận Cam), đại diện Thượng Nghị Sĩ Lou Correa (bà Quyên Trần), đại diện Giám Sát Viên Janet Nguyễn (ông Nguyễn Đình Thức)....

Trên đường ra về, ông Trần Vinh, giáo dân thuộc cộng đoàn nhà thờ St. Columban, thành phố Garden Grove, nói với phóng viên Viễn Đông:

“Chương trình thắp nến hôm nay rất hay, tôi nghĩ sẽ tạo được tiếng vang do sự đoàn kết từ khắp nơi, không chỉ riêng Hoa Kỳ mà còn có Canada, Úc Châu, cũng như sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Đụng tới Thái Hà cũng sẽ như đụng tới Phát Diệm thời xưa”.

(Nguồn: VienDongDaily.Com - 12/12/2011)
 
Thư Hiệp Thông của Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long
GM. Vincent Nguyễn Văn Long
21:10 15/12/2011
Thư Hiệp Thông của Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long
Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Australia.



Kính Gừi:

Cộng Đồng Công Giáo và Qúy đồng hương tại Houston, Texas.

Tôi, Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long từ Melbourne Úc Châu, xin bày tỏ sự hiệp thông của tôi cùng với đồng bào tại đây trong đêm thắp nến tại Houston, Texas.

Ngọn lửa của chân lý đang lan tràn rộng từ Úc Châu tới Mỹ Châu, từ hải ngoại đến quốc nội. Nơi đâu có người con dân nước Việt, nơi đó có ý chí quật khởi quyết chấm dứt quốc nạn là chũ nghĩa độc tài đảng trị đang làm băng hoại toàn diện quê hương thân yêu.

Cầu chúc qúy ông bà, anh chị một đêm thành công. Ngọn lửa sẽ thắp sáng bầu trời Houston và hợp với muôn vàn ngọn lửa của người Việt khắp nơi để đuổi đi bóng đêm của gian trá bạo tàn và một tương lai tươi sáng được mở ra cho toàn dân tộc.

Trong niềm tin của Mùa Vọng, chúng ta cùng tỉnh thức, trông chờ và hướng về một “ trời mới đất mới”, một mùa xuân mới cho đất nước.


+GM Vincent Nguyễn Văn Long
Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Australia.
 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy Tư Lời Chúa qua cuộc sống
Trần Ngọc Mười Hai
08:21 15/12/2011
“Em yêu nhất đôi vai chàng.”
yêu anh dáng hiên ngang
em yêu lúc anh tươi cười
khẽ nói yêu em nhiều.”
(Văn Phụng – Yêu Và Mơ)
(Rm 5: 18)
Cứ tưởng tượng, rằng thì là: câu hát có lời âu yếm rất nên thơ ở bên trên, là: của người nữ đầu đời nói với người đàn ông duy nhất mình đang yêu, thì chắc chắn, cuộc đời con cháu của cụ ông Adong và cụ bà Evà, cứ thế mà đẹp mãi. Đẹp dài lâu. Miên trường. Trong sương khói.
Không tin ư?
Nếu thế thì, mời bạn và mời tôi, ta nghe người nghệ sĩ từng yêu rất nhiều, nay hát thêm:

“Yêu em biết bao đêm dài
Yêu em lúc ban mai
Yêu em thiết tha bao tình
Mãi mãi không phai nhoà.”
(Văn Phụng – bđd)

Yêu miệt mài. Yêu mãi mãi. Không phai nhoà. Câu hát ấy, là của Adong rất đàn ông chỉ hát cho vợ mình là Evà -người tình rút từ khúc sườn cụt của Adong- là tình lòng dài lâu. Không chỉ một sáng một chiều, đã đến hồi chấm dứt sau khi ăn trái cấm, mà thôi. Câu hát ấy, vẫn cứ là tình đẹp dù dang dở? Về tình dở dang hay không, vẫn được nhiều người viết luận bình/bình luận từ muôn thuở, làm sao biết. Viết, là viết lời bình về đời của người tình đầu tiên như câu truyện ở bên dưới:

“Truyện rằng:
Bàn về tình tự nam nữ có bình luận, là bàn về hình dáng lẫn tuổi tác đến mà ghê, như sau:
Adong ngày nay thoạt nhìn thấy ai đó một nữ phụ, hẳn sẽ luận bàn rằng:
-Ở tuổi 18 đến 22, người phụ nữ giống như châu Phi. Một nửa được khám phá ra rồi. Phân nửa còn lại vẫn cứ hoang vu biền biệt thật khó biết. Bởi thế nên, nhiều đấng phiêu bạt giang hồ hẳn vẫn muốn tìm cho được đâu là Chân, Thiện, Mỹ, rất tuyệt diễm…
-Sang lứa tuổi 23-30, thì cũng giống như Bắc Mỹ, đã khám phá toàn bộ hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn còn là mơ ước của nhiều gã như Adong đang tìm việc, để an phận…
-Ở tuổi từ 31 đến 40, thì như vùng nhiệt đới nóng bỏng. Tuy đẹp đấy, nhưng đầy huyền bí khiến bao nhà thông thái đến ngã ngửa vì không giải thích nổi.
-Bước sang lứa tuổi 41-50, lại giống như châu Âu, một nửa đã bị tàn phá sau thế chiến. Nhưng, nửa còn lại vẫn thu hút và không kém phần hấp dẫn/khuyến dụ để rồi bao nhà thám hiểm vẫn muốn đến một lần cho biết… thân biết phận, nghèo mà ham!
-Ở tuổi từ 51 đến 60 thì lại như Úc châu. Trông thì rộng rãi, quyến rũ đấy; nhưng đa phần toàn là sa mạc. Chắc chắn sẽ yên tĩnh. Nhưng, phần đông sống an phận, chịu sự bảo hộ của Anh quốc, thứ “Miệt dưới” ít kẻ muốn quấy rầy.
-Ở tuổi ngoài 60 lại sẽ như Nam Cực, ai cũng thừa hiểu là một khi đặt chân tới nơi này rồi, sẽ chẳng còn ai thèm bén mảng tới nữa.

Nghe bình loạn thế rồi, Evà ngày nay cũng góp giọng thành tiếng mà liến thoắng như sau:
-Đàn ông 20 tuổi: như con gà trống. Sáng nào cũng gáy liên hồi chẳng cần ai nhắc.
-Ở tuổi 30, Adong ta như xe hơi mùa lạnh nổ máy hơi khó nhưng chạy lại khá tốt!
-Đến cỡ 40, Adong như bóng đèn, lúc cháy lúc ngủm, khó đoán trước hôm này ra sao.
-Kịp đến tuổi 50 tròn, Adong ta y như xe tăng thiết giáp, nổ thì rất chậm, di chuyển lại ì ạch chẳng như trước.
-Lục thập tuổi 60, lại như cái đồng hồ quả lắc nếu không dùng tay mà lắc, chắc chắn sẽ không chạy và chưa chạy đã hết xăng.
-Tuổi 70 trở lên, thì thôi Adong ôi! Không thấy có ý kiến nào khác hơn ngoài việc cứ để cụ ông mình cụ bị hậu sự “nhân sinh thất thập cổ lai hy” đi là vừa rồi đó, hỡi Tám nó…”

Ấy đấy! Cuộc đời của các “nam thanh nữ tú” là như thế. Nhưng sao hôm nay, nghệ sĩ nhà mình lại cứ vui hát:

“Chiều chiều bên nhau nhìn trăng vàng
Tay cầm tay ta cùng mơ màng
Xây đắp mộng đẹp cho tương lai
Thương yêu nhau mãi mãi…”
(Văn Phụng – Yêu Và Mơ)

Phải thế không, đấy? Khi nói chữ “yêu”, đương nhiên là “yêu nhau mãi mãi”, nhất định rồi! “Mãi mãi” đây, là thời gian của “lúc ấy”, đấy thôi?
Nói về tình yêu chân chất, tưởng rằng “dài lâu”, “miên trường”, như tình mình thuở đầu đời rất nhiều nơi, cũng là tình rất đẹp. Đẹp, ở ngoài đời. Đẹp, trong nhà Đạo. Cả ở Lời Chúa, rất Cựu Ước. Đẹp là thế, mà sao nhiều vị vẫn cứ là thắc mắc với hỏi han/gạn hỏi dài dài như bên dưới:

“Đọc trình thuật viết về Adong người nam khởi đầu ở Cựu Ước, nhiều lúc tôi nghĩ: đó có thể là chuyện thật do người thật viết về quyền năng của Giavê Thiên Chúa, theo hiểu biết của người xưa. Người xưa có viết cũng để bảo rằng: nam thanh nữ tú thuở đầu đời khi Giavê Thiên Chúa dựng nên trời đất, là tạo vật do từ Chúa mà nên. Hiển nhiên là thế. Nhưng sao, dạo gần đây, tôi lại được nghe nhiều người lại cứ nói đi rồi thì nói lại rằng: ta phải đồng ý chấp nhận mà bảo rằng thuỷ tổ loài người xuất tự giống vượn, thì truyện kể về Ađam - Evà là huyền thoại sao? Là linh mục Công giáo, ngài nghĩ thế nào về chuyện này, xin cho biết. (Người hỏi hôm nay cũng chẳng chịu ghi tên ghi tuổi, nên không rõ người đó là đàn ông hay đàn bà? Còn trẻ hay đã già, thật không rõ)

Hỏi, vị đó là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, để làm gì! Bởi, có tìm ra câu trả lời đi nữa, đã nào giúp được điều gì cho ai! Chi bằng, ta cứ tập trung vào câu trả lời của đấng bậc chuyên trách mục giáo lý với sách phần, mới phải lẽ. Lẽ Đạo và lẽ đời, như lời suy tư, từ từ rồi ra ta cũng sẽ thưởng lãm cốt truyện dân gian, rất người phàm đặc sệt chất Adong nay dính dự vào niềm tin đi Đạo, bạo dữ lắm!
Hỏi về chuyện Đạo đời mà lại hỏi đấng bậc phụ trách từng viết lách cho báo/đài ở Sydney, thì dù gì đi nữa cũng có được giòng chảy lan man giải đáp, rất thần học rồi chọc thần, như sau:

“Để bắt đầu, tôi nghĩ: ta nên nói ngay rằng: ta không dựa vào Sách Thánh cũng sẽ thấy được là lẽ thông thường của người phàm vẫn dạy cho ta biết rằng: là người, ai cũng có điểm khởi đầu, khi lọt lòng. Nói thế có nghĩa là: người phàm như ta thật ra vẫn hiện hữu như mọi loài, từ nhiều thiên niên kỷ trước. Thế nên, ở giai đoạn nào đó rất khởi đầu, bao giờ cũng phải có một nam và một nữ ngay buổi đầu đời, thoạt kỳ thuỷ.

Vấn đề nên hỏi là: phải chăng ta xuất thân tự cặp tiền nhân nam nữ đầu đời, như Sách Thánh nói chăng? Hoặc, ta sinh ra từ nhiều cặp rất sống động từ động vật? Nếu bảo: ta tiến hoá từ nhiều hữu thể sống động này khác -cứ cho đi là từ loài khỉ hay loài gì đi nữa- là từ các cặp dã nhân đầu đời, để rồi trở thành người phàm rất nhân tính, sau đó mới lan tràn/nở rộ thành nhiều giống người khác biệt. Dù sao, Hội thánh cũng có đôi điều dạy dỗ con dân về chuyện này, khi các ngài phán bảo.

Thoạt vào năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII, có viết một thông điệp với tựa đề “giòng giống con người” đề cập đến vấn đề tiến hoá của con người. May, mà các tổ phụ trong Hội thánh không loại bỏ thuyết ấy và còn cho rằng con người đến từ các động vật sinh động khác. Thay vào đó, các ngài chủ trương: thuyết tiến hoá là vấn đề để ngỏ cho đến khi nó chế ngự mọi suy tư nhận xét về sự tiến triển nơi thân xác của người phàm từ động vật. Đức cố Giáo Hoàng Piô XII còn khẳng định: ở trường hợp nào đi nữa, Thiên Chúa là Đấng đem linh hồn nhập vào với người phàm, ngay từ khi xảy đến sự sống.

Về số lượng phàm nhân ban đầu sống có cặp, Đức Piô XII còn tỏ cho biết: ta phải tin là ngay từ buổi đầu, vẫn duy nhất chỉ mỗi cặp nam nữ đầu tiên là hiện hữu, thôi. Lý do ngài đưa ra, là vì: nếu ta tin rằng có nhiều cặp nam nữ xuất hiện từ thuở tạo thiên lập địa, thì ta không thể nhất trí mà hoà giải cho được tín điều về tội nguyên tổ mà Sách thánh và Thánh truyền vẫn dạy bảo, coi đó như sự kiện lịch sử, tội đó là do cặp nam nữ đầu tiên mắc phải, và từ đó mới truyền xuống nhân loại, từ hai người đầu tiên. (x. Rm 5: 12-19)

Theo các tài liệu do Uỷ Ban Kinh Thánh thuộc Giáo triều từ năm 1909 nhận định, thì: sự nhất thống giống giòng người phàm cần được coi như sự kiện có thật trong các sự kiện dẫn vào nền tảng Đạo Chúa. Từ đó, người người phải nhìn nhận việc ấy mang tính lịch sử, rất khách quan.

Ngày nay, dù các sử gia diễn giải sự việc theo dữ liệu khoa học khác nhau đi nữa, thì khoa học tiên tiến chính đáng vẫn công nhận những gì Kinh thánh và thánh truyền từng nói đến. Các nhà khoa học cũng xác chứng cho thấy: nghiên cứu nhiễm sắc thể “Y” được lưu truyền từ đời cha xuống con trai, chứng tỏ là mọi đàn ông sống đến hôm nay đều có cùng tổ tiên, đôi khi nhiễm sắc thể “Y” của Ađam lồng vào đó, và có lẽ đã hiện diện ở châu Phi khoảng 600,000 năm trước.

Cũng thế, công cuộc nghiên cứu DNA có tế-bào-tương chuyển tải từ người mẹ xuống con gái, chứng tỏ cho thấy mọi nữ phụ sống đến hôm nay đều do tự người nữ là Evà có nhiều nhiễm-sắc-thể “X” lồng vào với mình. Mọi người đều tin là: người nữ đầu tiên tên Evà có lẽ đã sống ở châu Phi từ 140,000 năm nay. Sự thể có ra sao và cơ thể con người có tiến hoá tự động vật sinh động cách nào đi nữa, thì đó vẫn là vấn đề để ngỏ. Rõ ràng, Kinh thánh vẫn xác quyết rằng: từ buổi đầu, đã thấy xuất hiện cặp nam/nữ tiên khởi mà tác giả sách Sáng Thế Ký đặt tên cho họ là Adong và Evà. Và, mọi giống giòng người phàm mới từ đó phát xuất rồi nhân rộng thêm lên.

Thế nên, ta có thể kết luận là: đúng, Adong – Evà đã hiện hữu, ngay từ buổi đầu đời. Họ là người phàm trần đầu tiên xuất hiện trên trái đất.” (x. John Flader, Question Time, Oconnorcourt Publishing 2008, tr. 8-9)

Trích dẫn gì thì cứ trích và cứ dẫn. Dẫn giải và biện luận gì thì cứ biện và cứ giải. Hãy biện và giải như nghệ sĩ trên từng liên tưởng đến cảnh đầu đời thời tiên khởi của loài người, nên mới hát:

“Anh yêu nhất đôi môi hồng
Yêu đôi mắt say mơ
Anh yêu tóc em buông dài
Yêu em tình ngất ngây…”
(Văn Phụng – Yêu Và Mơ)

Cũng chẳng biết, khi viết nhạc, nghệ sĩ Văn Phụng có liên tưởng đến nữ phụ đầu đời tên Eva chăng? Nếu không, sao ông lại cứ hát những là: “tóc em buông dài”, “đôi mắt say mơ”, “môi hồng”, ”tình ngất ngây”, như thế để làm gì. Và, khi hát bài “yêu và mơ” này, nghệ sĩ nhà ta có tưởng có nghĩ đến Ađam thời đại mình chợt thấy “tóc em buông dài” của Evà cũng từng “yêu và mơ” đến độ lơ mơ lờ mờ đầy tưởng nhớ người yêu có “đôi môi hồng”, có “mắt say mơ” không lờ đờ, đấy chứ? Mơ hay không, vẫn là “tình ngất ngây” hôm rày vào buổi sớm ban mai đấy chứ?
Ngất và ngây, đến độ cả chàng trai đầu đời thời nguyên thuỷ lẫn trai thời nay vẫn hay hát:

“Anh yêu mãi đôi tay mềm,
Yêu em lúc em đan.
Anh yêu tiếng ca êm đềm,
Khẽ hát câu dịu dàng…”
(Văn Phụng – bđd)

Dịu dàng thay, câu hát ấy! Dịu dàng là thế, mà khi sự việc đổ bể, nữ phụ đầu đời vẫn cứ là đổ lỗi những là: “Con rắn đã phỉnh tôi nên tôi đã ăn…” Ôi, khi còn yêu thì bảo: “Yêu em nhất” rồi lại: “Yêu em mãi đôi tay mềm”, “yêu tiếng ca êm đềm”, thế mà khi bị Bề Trên hạch hỏi thì lại bảo: “Người đàn bà mà Ngài đặt bên tôi, chính y thị đã… đã…” Vâng! đích thị là y thị hay y chang nam nhân đầu đời vẫn cứ nói rồi lại chối. Chối bay chối biến, để rồi thánh nhân hiền lành đời sau, đã thốt lên một lời:

“Thật vậy,
cũng như vì một người duy nhất
đã không vâng lời Thiên Chúa,
mà muôn người thành tội nhân,
thì nhờ Một Người Duy Nhất
đã vâng lời Thiên Chúa,
muôn người cũng sẽ thành
người công chính. “
(Rm 5: 18)

Thành thử, với Cựu ước và Tân Ước, phàm nhân thuở đầu đời có làm chuyện chẳng lành, thì người cùng thời hôm nay lại vẫn cứ phải làm điều phải chăng/phải lẽ, thế mới đúng. Đúng, là làm y hệt như thánh nhân hiền lành từng khuyên nhủ, ở Tin Mừng, rằng:

“Chúng tôi đã quý mến anh em,
đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em,
không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà cả mạng sống của chúng tôi nữa,
vì anh em đã trở nên
những người thân yêu của chúng tôi.”
(1Th 2: 8)

À thì ra, một khi đã “Yêu và Mơ” rồi, thì vẫn cứ nên “sẵn sàng cống hiến cả mạng sống” cho người mình yêu nữa. Thế đó là chân lý. Thế đó mới thật chí lý. Sự thật rất chí lý, như bao chuyện ta từng nghe biết, vẫn ở đời.
“Yêu và mơ”, như bài thơ để đời, mà bầu bạn thời nay vẫn chuyển cho nhau vào những tháng ngày rất “sáng nắng chiều mưa, trưa xìu xìu ển ển” vì con người. Con người, là người xuất tự xương sườn cụt có vần thơ âu yếm như thơ 10 thương mà tình nhân đầu đời, thời nguyên thuỷ vẫn ngâm nga ca hát, rằng:

“Một thương đôi má của nàng,
Xài toàn mỹ phẩm anh tàn tháng lương.
Hai thương giọng ngọt như đường,
Nàng xin một tiếng vua nhường mất ngôi.
Ba thương đo đỏ đôi môi,
Anh không chạm được sợ trôi son nàng.
Bốn thương mười ngón thiên đàng,
Liếc tình cọp cũng biến thành nai tơ.
Sáu thương cái nết ngây thơ,
Quen nàng một tháng anh khờ ba năm.
Bảy thương mái tóc buông xuôi,
Làm anh điêu đứng bởi mùi dầu thơm.
Chín thương nàng biết nấu cơm,
Ba năm một món anh ròm như ma.
Muời thương ăn nói mặn mà,
Em la một tiếng cả nhà điếc tai.”
(Trích từ bài thơ “con cóc” (?) xuất tự bạn bè trên mạng)

Nghĩ cho cùng, dân gian truyền tụng từ thời Adong - Evà có làm thơ hoặc viết nhạc, thậm chí viết cả bản văn khoa học bình dân hay văn chương uyên bác đều vẫn ca tụng nhau y như thế. Như thế là như thể nói đến “yêu và mơ” mà lại toàn những lơ tơ mơ, rất lờ mờ như người ngoài phố chợ.
Dầu gì đi nữa, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ yêu và cứ mơ, để rồi tiếp tục hát lên lời thi ca rất thẫn thờ, mà rằng:

“Chiều chiều bên nhau nhìn trăng vàng,
Tay cầm tay ta cũng mơ màng.
Xây đắp mộng đẹp cho tương lai,
Thương yêu nhau mãi mãi.”
(Văn Phụng – bđd)

Mộng và mơ, tuổi còn thơ hay chợt đến bến bờ ở buổi xế. Xế bóng tà dương hay chiều rất xế. Hoặc xế gì đi nữa, hãy cứ hát tiếng “yêu nhau mãi mãi”. Bởi, thế đó là tương lai/mai ngày. Của mọi người. Ở huyện.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn gửi đến bạn
và đến tôi
lời thơ dạt dào yêu mến.
Rất diễm tuyệt.




Suy niệm Chúa Nhật thứ Tư mùa Vọng năm B 18.12.2011

“Nghe trong cõi nhớ, niềm xa xót,”
“Chợt thoáng hiện về, dấu yêu ơi.”
(dẫn từ thơ Miên Thuỵ)
Lc 1: 26-38

“Chợt thoáng hiện về”, là lời thơ cho thấy một “hiện về” cũng rất thoáng như sứ thần Gabriel đã hiện về với Đức Maria để báo cho Mẹ biết tin vui ngày Chúa đến. Với mọi người.

Tin vui ngày Chúa về đến, là tin rất sớm về ơn cứu độ đã mạc khải cho Maria, người nữ trẻ ở Trung Đông, để Mẹ sẵn sàng mà nhận lãnh. Là thiếu nữ Trung Đông còn rất trẻ, nên trông Mẹ không giống hình hài mà mọi người Công giáo có trong đầu, từ thơ ấu. Hình hài ấy, là hình rất tưởng tượng về một Maria có dáng dấp của thiếu nữ rất Châu Âu. Thành thử ra, phần đông giáo dân ở trời Tây lâu nay không mấy thích khi thấy Mẹ chẳng giống họ, về hình hài. Tuy là thế, Mẹ vẫn mang bản chất Trung Đông chân phương, hiền hoà, dễ mến.

Tính chân chất hài hoà của thiếu nữ Trung Đông trong đó có Maria rất thiếu nữ, là sự rất thật về tính khiêm nhu, độ lượng của dân làng Nadarét. Mẹ không thuộc hoàng phái hoặc giòng dõi quý tộc nhưng Mẹ vẫn nhu mì, hiền dịu quyết chấp nhận bất cứ điều gì Chúa bảo ban. Bằng vào tính ngoan hiền và kiên định, Mẹ có khả năng thực hiện điều mình chọn để sẽ sống hết mình, với lựa chọn ấy.

Mang thai Đức Giêsu, vào lúc có thể Mẹ chỉ mới 13 tuổi đời, tức ở tuổi còn rất trẻ, lại nhỏ bé nhưng Maria vẫn có dáng dấp dẻo dai, bước đi thoăn thoắt theo tư thái của người cao ráo biết học cách bưng vại nước hoặc các bó đồ ở trên đầu. Mẹ phục sức tựa các thiếu nữ khác, cũng áo thụng đen vào buổi đầu, sau đổi sang thành mầu xám nhẹ. Tên của Mẹ theo tiếng Aram, là Maryam. Nhưng lại chuyển sang thành Myriam theo tiếng Hipri Do thái, là quốc ngữ mà Mẹ không hề sử dụng. Maryam còn là tên của một trong ba nữ phụ ở trong toàn làng, người người đều biết đến.

Tin Mừng, nay thánh sử vẽ lên bối cảnh của sứ vụ “truyền tin”. Ở đây, thấy rõ văn phong sáng tạo của thánh Luca rất thi sĩ khi thánh nhân viết đối thoại giữa Đức Maryam và thần sứ Gabriel qua đó khi Mẹ đáp trả sứ mệnh Chúa giao phó. Bối cảnh “truyền tin”, tuy không xác thực như sử học nhất là khi thần sứ dùng ngôn từ khá lạ kỳ đối với Mẹ. Thần sứ Gabriel cũng đâu có mang tính xác thực một bản thể, để có thể nói tiếng Aram như ai khác. Thế nên, ngôn từ ở trình thuật là ngôn và từ của thánh sử. Và, kinh nghiệm ở trình thuật, là kinh nghiệm từng trải của Maria, rất thiếu nữ.

Lời nói đầu của thần sứ chỉ mỗi chữ: “Mừng vui lên!” bên tiếng Hy Lạp, người ta chào hỏi nhau bằng chữ “chaire”. Trong khi đó, người Do thái chào nhau lại dùng cụm từ “rani” hoặc “gili” rút từ lời ngôn sứ Sôphônia khi nói với dân con Israel: “Vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi”(Sô 3: 14). Cụm từ “Vui lên” không giống lời chào buổi sáng ở tiếng Anh/tiếng Pháp, nhưng tiếng Hip-ri mang ý nghĩa: “Hãy vui mừng trổi dậy mà nhẩy múa”. Đây là lời chúc bất thường. Bởi, đó là lời Chúa mời Maria hãy cùng Ngài múa nhảy vũ điệu trọng đại.

“Hỡi Đầy ơn phúc!” tiếng Hy Lạp là “checharitomene”, đại ý chỉ người nữ duyên dáng và đầy phúc lành vì được quà tặng biến đổi mà Chúa đặc biệt phú ban cho riêng Maria. Hiểu theo ý chữ thì điều này có nghĩa là: Maria được Chúa công nhận là người khiêu vũ có duyên, và rất diễm tuyệt. Duyên dáng và diễm tuyệt, là bởi Maria biết chuyển động nhanh vòng quanh với niềm vui cao độ của Chúa, Đấng từng nhẩy múa với Mẹ. Và, Mẹ biết thêm thắt vào với vẻ đẹp của vũ điệu mà Chúa nhảy múa bằng cung cách Mẹ đảm trách khi cùng nhảy điệu vũ của công cuộc cứu rỗi.

“Chúa ở cùng người”, là chỉ về bạn nhảy hiện diện nơi bản ngã rất xác thể mà ngôn sứ Sôphônia diễn tả qua cụm từ “nức lòng”. Lúc ấy, là lúc Đức Maria được đề nghị nên có động thái của ngôn sứ, như lời khuyên: “Maria đừng sợ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa.” Thật ra, Maria là Mẹ đâu có gì phải hãi sợ khi đón nhận thông điệp do thần sứ mang đến, bởi đó chính là niềm vui trọn vẹn. Và, Mẹ vui với niềm vui của thiếu nữ đoan trang, mạnh mẽ, tự do. Tự do, biết rằng mình sẽ có em bé, là Con Chúa.

Và tiếp đến, là câu hỏi mang dáng vẻ trần thế: “Điều ấy sẽ làm sao được?” Tức: làm sao có thể ra như thế? Bởi, tôi đây đâu tính chuyện xác thịt. Hoặc, nói như bản dịch kinh thánh nào khác: “Tôi nào biết đến nam nhân”, tức có nghĩa: “tôi, một thiếu nữ trinh trong”. Câu này không thấy ghi ở bản Kinh thánh gốc Aram, mà chỉ là thuật ngữ để nói lên rằng: Maria chưa từng nghĩ chuyện ăn nằm xác thịt, vì tuổi của Mẹ còn quá nhỏ để được phép. Kinh thánh không ám chỉ việc Mẹ quyết ở độc thân, mà chỉ mô tả cảnh tình của Mẹ vào lúc đó, thôi.

Sử học Do thái cũng không đưa ra nền tảng nào để ta có thể nghĩ rằng Đức Nữ Trinh Maria đã thành thân với thánh Giuse với ý định sẽ lập “con đàn cháu đống”, tức: cũng sẽ ăn nằm xác thịt hầu có con, như mọi gia đình ở Do thái. Độc thân, theo người Do thái, là chuyện hãn hữu chẳng bao giờ được đề cao, ngoại trừ trường hợp rất hi hữu. Chí ít, là với thiếu nữ trẻ sống ở thôn làng thuộc đất miền rất Galilê.

“Thánh Thần sẽ đến trên người”, điều này cốt ý nói sự việc sẽ nên hiện thực. Thánh Thần nói ở đây, khi ấy không hẳn là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa, mà chỉ là nhiệm tích thánh thiêng của “Thần Khí” (Ruah). “Và, Quyền năng (dynamis) Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên người. Và, trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa”. Lời đối đáp ở đây mang tính cách mật thiết với Chúa.

Đáp lại, là câu nói của Maria rất thiếu nữ: “Này đây!” Với Kinh thánh, cụm từ “Này đây!” cho người đọc thấy: ta sắp được Chúa mạc khải một điều hệ trọng. Mạc khải, là công thức biểu lộ điều gì đó ta chưa hề biết đến. “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài.” (Lc 1: 38). Câu nói của Maria thiếu nữ nghe vừa nhu mì, hiền dịu, lại rất ngoan. Vừa cung kính, dễ bảo, lại mang tính thụ động như ở phần đông các bản dịch ta nghe biết. Như từ lâu, truyền thống tu đức Giáo hội vẫn hiểu theo nghĩa này. Để rồi sẽ cho rằng: điều Maria nói có nghĩa: Mẹ là thiếu nữ trinh trong, hiểu theo nghĩa thụ động, thuần thục. Không hề biết đến “dục vọng”.

Nhưng bản Kinh Hy Lạp lại khác. Bản này không bao hàm ý nghĩa như thế. “Xin hãy thành sự cho tôi”, là dịch từ tiếng Hy Lạp “genoito”, như chọn lựa sâu sắc. Thánh Luca là người rất giỏi tiếng Hy Lạp, nên khi thánh nhân dùng cụm từ “genoito” là có ý bảo: “Vâng! Xin vâng. Vì đây là ý tưởng tuyệt vời mà mọi người đợi mong”. Tuyệt vời, còn là ngôn từ chỉ sự mừng vui trên mức trọn hảo. Và như thế, thần sứ chúc mừng Maria thiếu nữ bằng cách mời Mẹ “hãy đứng lên mà múa nhảy và ăn mừng” với Chúa. Và, lời Mẹ đáp trả cho thấy là Mẹ đang làm điều đó.

Các nhà chú giải kinh thánh, chuyên gia Hy ngữ, như Ignace de la Potterie năm 1988 và Christopher Evans năm 1990 suy tư nhiều về sắc thái này nên cho rằng các nhà chú giải xưa như thánh Bernard thành Clairvaus cũng đã hiểu điều đó.

Quả thật cũng buồn, khi một số các dịch giả đã thay đổi ý nghĩa của điều mà Đức Maria từng nói đến. Các vị vẫn nghĩ rằng lời đáp trả của Mẹ đượm tính cách từ tốn và nguyện cầu nên đã chấp nhận sự việc xảy đến, như cụm từ “fiat” tiếng La-tinh có nghĩa là: “Cứ để việc ấy xảy đến với tôi, nếu như thế”. Giả như người đọc sách thánh là giáo dân nữ có lòng đạo hạnh từng coi Đức Maria như thần tượng của mình, chắc chắn sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi được biết là thánh Luca viết ra trình thuật này là để diễn tả kinh nghiệm riêng của Đức Mẹ “xin vâng” trong tình huống xảy đến vào lúc ấy.

Hiểu đúng nghĩa câu Mẹ nói, hẳn rằng người người sẽ thấy bản năng mình cảm nhận về nỗi mừng vui cũng đúng và thực tiễn. Với Hội thánh, có lẽ cũng nên tìm hiểu và liên tưởng đến các hành xử khác biệt. Hiểu theo nghĩa đích thực của lời Mẹ đáp thay cho thánh hội, thì Hội thánh ắt sẽ tung tăng mừng vui mà nhảy múa với mọi người.

Trong tinh thần mừng vui cảm kích, cũng nên ngâm tiếp cũng một lời thơ, mà rằng:

“Con đường Phượng tím chiều nay đổ,
Bóng là che nghiêng một góc đời.
Nghe trong cõi nhớ niềm xa xót,
Chợt thoáng hiện về, “dấu yêu ơi”.
(Miên Thuỵ - Con Đường Phượng Tím)

Phượng tím, có là con đường của đợi chờ cũng vẫn là “cõi nhớ”, nhiều yêu dấu. Nhưng dấu yêu chợt về chào mời mọi người hãy vui lên mà nhảy múa. Nhảy và múa, hầu chào đón Đấng Cứu Tinh nay lại về. Ngài về đến trong mừng vui hoan lạc, đầy nhung nhớ. Ở mọi thời. Rất con người.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch.
 
Bờ đá xanh tạ tội
Lm Vũđình Tường
06:18 15/12/2011
Cơm chiều xong, người cha loan báo một tin vui: Nội viết thơ báo tuần tới nội sẽ tới thăm gia đình ta. Tin vui loan ra, cả gia đình vui vẻ nhận tin như một ơn mà nội dành cho gia đình. Mấy đứa nhỏ vỗ tay reo hò ầm ĩ, chúng ước đoán nội sẽ mang gì đến, chúng sẽ tặng cho nội thứ gì, sẽ hỏi nội những câu gì và thích nhất là nghe nói về chuyện cổ tích dân tộc. Cái bầu không khí vui nhộn đó kéo dài dường như triền miên, bất tận. Suốt trong tuần, đứa nào cũng hồi hộp mong mỏi, chờ ngày nội đến, ngày qua đi, ngày khác đến, chúng đếm từng ngày một. Bao hứa hẹn trở về, bao ước mong diễn ra. Cả gia đình sống trong chờ đợi, chuẩn bị để cái ngày nội đến được đưa đón cẩn thận, chăm sóc đàng hoàng làm cho nội vui lòng. Cái bầu khí tưng bừng chào đón nội tạo cho gia đình một bầu khí riêng khác hẳn những ngày khác. Chắc chắn rồi đây nội sẽ mang đến những tin vui, những quà bánh nội cho các cháu và chúng nhận như những phúc lộc nội ban. Bao mong chờ nay biến thành sự thật, chiều nay nội đã đến. Các cháu bu lấy nội như không muốn rời xa nội lấy nửa bước, người nào cũng tay bắt mặt mừng, cười nói huyên thuyên, trên mặt để lộ rõ niềm vui, hớn hở.

Toàn thể Giáo Hội cũng đang chuẩn bị đón tin vui. Gioan Tiền Hô đã loan báo Tin Mừng đó: “Chúa Cứu Thế sẽ sinh ra cho chúng ta, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó”. Tin Mừng đã được loan báo, cái ngày đó cũng gần kề. Bao nhiêu gia đình cũng đang chuẩn bị đón mừng Ngài, người ta đã thấy xuất hiện trên đường phố, trong các tiệm bán hàng, trong hang cùng ngõ hẻm, những ánh đèn xanh đỏ xuất hiện về đêm, những ánh đèn khêu gợi đang đá lông nheo để mời mọc khách hàng chiếu cố. Những màu xanh đỏ của giấy màu được treo trước gió, những giấy bóng kiếng màu sặc sỡ đang chờ đón những ngọn gió để được tung bay thỏa thích. Những bàn tay khéo léo đầy kinh nghiệm tạo nên những chiếc lồng đèn đủ kiểu, đủ màu thấy xuất hiện. Vài ngôi sao chổi thật lớn đang được sơn phết chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh. Đâu đó, người ta thấy bóng dáng của những hang đá, những mô hình chuồng bò được dựng lên theo phong tục xưa của người Do thái. Gần hơn nữa, hình dáng những cây thông xanh um được bày bán trên vỉa hè. Đây là dấu hiệu của mừng lễ Noel.

Khung cảnh xã hội quanh ta là khung cảnh chuẩn bị đón mừng Chúa Cứu Thế ra đời. Cái bầu khí tươi mát đã xuất hiện, vài ngọn gió mát đại diện cho mùa Đông không lạnh ở xứ ta đã sang, tiết trời dịu lại như chuẩn bị đón chào Đấng tạo dựng nó. Còn chúng ta, những người con của Thiên Chúa, mặt ngoài chúng ta chuẩn bị chu đáo để đón Ngài. Vấn đề nội tâm thì sao ? Chúa Giê-su đến như nguồn tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đến trong thế gian để rao giảng Tin Mừng và cũng trong thể thức đó Ngài đến trong tâm hồn của chúng ta. Việc chuẩn bị đón Chúa đầy đủ nếu chúng ta chuẩn bị đón Ngài bằng hai cách. Chưng đèn kết hoa để cùng chung vui với láng giềng, lối xóm. Chưng đèn kết hoa trong tâm hồn, quét dọn căn nhà nội tâm, mặc cho nó một cái áo mới, treo lên đó một ngôi đèn lồng, thiết lập trong đó một hang đá thật đơn sơ, giản dị và ngoài ra có thể để một vài câu ca tụng Đấng đang đến để ban ơn cho ta. Tất cả những công việc đó cần được chuẩn bị để đón mừng Chúa Giê-su Hài Đồng sẽ đến.

Hồn tôi ơi, nếu hồn tôi đang phiêu bạt nơi nao, xin hãy quay trở về, xin hãy dừng chân, xin đừng dong duổi bước giang hồ. Hãy trở lại mái nhà xưa, mái nhà mà một thời, hồn tôi đã sống trong hoan lạc. Đời tôi dù có du thủ du thực, có xa lìa anh em, có sống xa hoa theo con đường phù du, thì cái cuộc đời đó cũng vẫn còn biết đến tình người, khi gặp người thân cũng vẫn còn biết bắt tay xã giao, biết thăm hỏi hay biết mềm lòng trước những lời nói đầy yêu thương. Cuộc đời nào cũng cần những liên hệ tình người, cũng cần có tình thương, cũng cần biểu lộ tình cảm của mình. Noel đến, như một cơ hội để tất cả mọi tâm hồn có dịp gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài đến không như vua chúa nhưng như một bạn thân. Người bạn Hài Đồng Giê-su đến để đi thăm viếng từng người, Ngài sẽ an ủi vỗ về những tâm hồn đau khổ. Dù tôi ở xa cách mấy, dù đường đi có ngăn trở cách mấy, dù đời tôi có sầu cách mấy, dù người thân có xua đuổi tôi cách mấy. Người bạn Giê-su của tôi cũng sẽ đến thăm tôi, yên ủi tôi.

Tôi xin ơn tự tin để đón nhận Ngài. Xin Ngài ban cho tôi tình thương. Xin ơn nhận thức để khi Ngài đến tôi nhận ra Ngài ngay từ phút đầu gặp gỡ. Xin ơn mạnh dạn để khi Ngài đến tôi dám nói thật lòng mình, để nói được những điều tôi sẽ nói thì tôi xin ơn chuẩn bị để đón Ngài. Để đời tôi vơi đi nỗi sầu, tim tôi đầy tin tưởng, tương lai tôi đầy hy vọng. Tất cả những điều đó nằm trọn trong câu “Xin ơn chuẩn bị đón Ngài.”

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Mùa sao sáng
Trầm Thiên Thu
09:50 15/12/2011
Chúa Giêsu giáng thế
Tự nguyện mặc xác phàm
Ngài là Con Thiên Chúa
Đến để cứu muôn dân

Chúabảo vệ công lý
Vàduy trì hòa bình
Muốnmọi người triệt để
Yêuthương nhau chân thành

Chúa sinh ra nghèo khó
Là “Đệ nhất Hàn vương”
Ngài dạy bài học lạ
Hãy yêu nhau nguyên thường

Giêsulà Nguồn Sáng
ChiếuÁnh sáng Yêu thương
ChiếuÁnh sáng Cứu độ
Ánhsáng Đức tin luôn

Giáng sinh – Mùa Sao Sáng
Sáng Tình Chúa, tình người
Giáng sinh – Mùa Ân Thánh
Nhân phẩm được lên ngôi.
 
Khắc khoải mong chờ
Trầm Hương Thơ
09:52 15/12/2011
Mỗi người có một linh hồn
Linh hồn sẽ mãi trường tồn thế thôi
Xác phàm chết sẽ thối hôi
Trở về cát bụi nơi tôi tạo thành

Cuộc đời trôi cũng rất nhanh
Mới còn thơ ấu chạy quanh ngày nào
Thời gian thấm thoát vẫy chào
Nửa đời đã mất tan vào hư không

Trải bao trái đắng vườn hồng
Thu qua sẽ bước vào đông mấy hồi
Tôi nay lại hỏi hồn tôi ?
Bao giờ tôi sẽ là tôi chính mình?

Hằng ngày tôi có hy sinh?
Như lời kinh lúc bình minh mỗi ngày?
Tâm như "vỏ đỗ" hay ngay?
Hồn ơi! chớ dại, mà say "bạc tiền"

"Say tiền" sẽ bị đảo điên
"Say tiền" sẽ biến người hiền dữ lên
"Say tiền" sẽ phải trả đền
Giuđa xưa cũng "say tiền" bán ai?

Cầm tiền rồi mới biết sai
Lao vào bóng tối tuyền đài mãi thôi.
Lời Ngài nhắc nhở hồn tôi
Năm cùng tháng tận trong nôi cuộc đời

Mùa vọng đang đến nơi nơi
Dọn lòng để đón Ngôi Lời Giáng Sinh
Đời con kiếp sống điêu linh
Ngài ơi! hãy đến! thương tình thứ tha

Tình Ngài như giọt mưa sa
Hồn con nắng hạn đã qua bao ngày
Khô khan đã bấy lâu nay
Chờ mong khắc khoải từng ngày ngóng trông

Lời Ngài như ánh hừng đông
Toả ra ấm áp nhưng không cho đời
Tình Ngài luôn mãi tuyệt vời
Ngôi Hai Ngài đến cứu đời vì con.
 
Món quà Giáng Sinh không bao giờ tôi quên
Jos. Tú Nạc, NMS
09:53 15/12/2011
Nó đã đi vào đời tôi cách đây hai mươi năm, đưng tựa sát khung cửa phòng 202, nơi tôi dạy học. Nó đi đôi giày vải lớn hơn chân nó đến ba cỡ và mặc chiếc quần ca-rô bị rách toạc ở đầu gối.

Daniel, như tôi sẽ gọi nó, mặc dù đó không phải là tên thật của nó, với dáng vẻ không gì là đặc biệt này đã bước vào ngôi trường của một ngôi làng kỳ lạ nằm trên bờ hồ được biết đến về cái tên cũ kỹ của nó., những ngôi nhà hợp thời trang và những hộp thư bằng đồng. Nó nói với tôi trường nó học trước đây ở hạt kế bên. Nó nói với một vẻ thản nhiên: “Gia đình con làm nghề hái trái cây.”

Tôi nghi cậu bé tươi cười, nhếch nhác, thân thiện này thuộc một gia đình di cư không hề biết rằng mình đã bị ném vào sào huyệt của những đứa trẻ độ mười tuổi, những đứa trẻ mà trước đây chưa từng thấy ai mặc quần áo rách bao giờ.. Nếu nó để ý đến những tiếng cười khúc khích, chắc nó đã không giả vờ, nó chẳng có vẻ gì là phiền lòng cả.

Hai mươi lăm đứa trẻ với cặp mắt nghi ngờ cho đến buổi chiều đấu bóng chày hôm đó. Khi đó nó đánh đầu tiên trong lượt chơi thứ nhất của đội với cú đánh cho phép người đánh bóng chạy quanh tất cả các điểm qui định phải đến trên sân và về đến đích mà không dừng lại. Cú đánh đó đã tạo ra phần nào thán phục từ các nhóm phê bình trong phòng thay đồ của phòng 202.

Tiếp theo tới lượt Charles đánh bóng. Charles là đứa bé có kỹ năng thể thao kém nhất và mập nhất lớp. Sauk hi Charles đánh hụt cú thứ hai, giữa những ánh mắt long lên và những tiếng xuýt xoa vì thất vọng của lớp, Daniel lách đến gần và nói nhỏ sau lưng đứa bé đang chán nản này: “Quên những cú đánh vừa rồi đi, nhỏ. Rồi mày sẽ đánh trúng mà.”

Charles cảm thấy ấm lòng, mỉm cười, đứng thẳng người hơn, và làm thế nào đi chăng nữa nó lại đánh hụt lần thứ ba. Nhưng ngay lúc đó, bất chấp cái trật tự của một xã hội lộn xộn, Daniel bắt đầu làm thay đổi mọi sự việc một cách nhẹ nhàng – và cả chúng.

Vào cuối thu, chúng tôi ai nấy đều bị thu hút về phía nó. Nó đã dạy chúng tôi mọi thứ bài học. Cách gọi một con gà rừng như thế nào. Làm thế nào để biết trái có chín hay không trước khi cắn miếng đầu tiên. Ứng xử với người khác như thế nào, ngay cả với Charles. Đặc biệt là Charles. Nó không bao giờ gọi tên chúng tôi, mà gọi là “cô” và gọi các học sinh khác là ‘nhỏ.”

Ngày hôm trước kỳ nghỉ giáng Sinh, những học sinh thường mang quà tặng thầy cô. Nghi thức cho buổi tặng quà là – thầy cô mở từng hộp được bán ở cửa hàng bách hóa, ngắm nghía thứ nước hoa đắt tiền hoặc chiếc khăn quàng, hoặc cái ví da, và cảm ơn đứa bé tặng quà.

Chiều hôm ấy, Daniel bước đến bàn của tôi và cúi sát bên tai tôi. Nó nói không có vẻ gì là bị xúc động cả. “Những hộp đóng gói của gia đình con đã được đem ra khỏi nhà đêm qua, chúng con sẽ ra đi vào ngày mai.”

Khi nghe được tin này, nước mắt tôi dàn dụa. Nó phá vỡ sự im lặng bối rối của tôi bằng cách kể cho tôi nghe về chuyện dọn nhà này. Rồi, khi tôi lấy lại được sự điềm tĩnh, nó lấy từ trong túi áo ra một hòn đá màu xám. Với vẻ thận trọng và một cách rất điệu nghệ, nó đẩy nhẹ hòn đá ngang qua bàn của tôi.

Tôi cảm thấy đây là một điều gì rất đặc biệt, nhưng tất cả trải nghiệm của tôi với nước hoa và lụa là, thật tội nghiệp cho tôi là vì tôi đã không sẵn sàng để đáp lại món quà này. Nó nói, mắt nó nhìn vào mắt tôi, “Con tặng cô. Con đã mài nhẵn nó một cách đặc biệt.”

Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày đó. Mỗi dịp Giáng Sinh con gái tôi đều yêu cầu tôi kể cho nó nghe câu chuyện này. Việc này luôn được bắt đầu sau khi con gái tôi cầm lấy hòn đá nhỏ nhẵn thin trên bàn của tôi và ấp mình vào lòng tôi. Lời đầu tiên bắt đầu cho câu chuyện này không bao giờ tôi thay đổi. “Lần cuối cùng mẹ gặp Daniel, anh ấy đã biếu mẹ một món quà, đó là hòn đá này và nói với mẹ về những cái hộp của anh ấy. Việc này xảy ra cách đây đã lâu, trước khi con ra đời.”

Tôi kết thúc câu chuyện: “Bây giờ anh ấy đã trưởng thành rồi.” Chúng tôi cũng tự hỏi không biết bây giờ nó ở đâu và nó đã trở nên một người như thế nào.

Con gái tôi nói: “Con đánh cuộc với mẹ, anh ấy là một người tốt.” Rồi nó nói thêm: “Mẹ kể phần cuối câu chuyện cho con nghe đi.”

Tôi biết nó muốn nghe điều gì – bài học về tình yêu và sự quan tâm mà một nhà giáo học được ở cậu bé chẳng có gì – và có mọi thứ - để cho. Một đứa bé trai sống về những cái hộp. Tôi sờ hòn đá, ký ức tìm về.

Tôi nói nhẹ nhàng: “Chào con. Cô đây con. Cô hy vọng con không cần đến những cái hộp đóng gói đó nữa. Và dù con ở nơi nào, cô chúc con một Giáng Sinh vui vẻ.”

(Nguồn: “A Christmas Grief I’ll Never Forget” – Linda Demers Hummel)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vũ Khúc Mùa Giáng Sinh – Dancing In The Sky
Nguyễn Đức Cung
22:16 15/12/2011
VŨ KHÚC MÙA GIÁNG SINH – Dancing In The Sky
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Bỗng dưng đồng vắng hoan ca,
Bỗng dưng trần thế hoá ra thiên đàng,
Chói ngời ngàn vạn hào quang.
(Trích thơ của Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền