Ngày 20-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
04:13 20/12/2011
LỄ CHÚA GIÁNG SINH B
+++
A. DẪN NHẬP

EMMANUEL hay NOEL có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hôm nay cả thế giới hân hoan mừng lễ Noel, là kỷ niệm ngày Thiên Chúa xuống thế làm người, là việc kỷ niệm Thiên Chúa hạ cố làm người để nâng con người lên làm Thiên Chúa. Hôm nay trời đất gặp nhau, hôn nhau âu yếm, tạo nên một chữ đồng. Chúa giáng trần để cứu rỗi loài người, đem con người trở lại làm con Thiên Chúa và ban cho con người tràn trề hy vọng trong cuộc sống mai hậu. Ta hãy hợp cùng Giáo hội long trọng mừng lễ đêm nay để cảm tạ Chúa về hồng ân Giáng sinh này, và xin Chúa ban cho mọi người được sự bình an hồn xác như các thiên thần ca hát :

Thượng vinh ư Thiên Chúa
Hạ hòa ư thiện nhân.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 9,1-6

Vì bất trung với Giao ước, dân Israel đã kéo cơn thịnh nộ của Chúa xuống trên mình : quân đội Assyria đã xâm chiếm vương quốc Israel và bắt một phần dân xứ đó đi lưu đầy ở Babylon. Họ trở thành “dân tộc bước đi trong u tối”, bị quân thù áp bức đủ bề.

Nhưng tiên tri Isaia đã tiên báo là họ sẽ được giải thoát :”Dân tộc bước đi trong u tối sẽ được thấy ánh sáng chứa chan”. Đó là một hài nhi sẽ sinh ra cho họ. Trước mắt, hài nhi này thời đó, là vua Ezechias, nhưng thực ra vua Ezechias không thực hiện được tất cả nội dung của lời tiên tri này. Nội dung đầy đủ của lời tiên tri này sẽ chỉ được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô mà thôi. Đây là Tin mừng mà tiên tri Isaia loan báo cho dân Israel khi họ còn sống trong “miền âm u của sự chết”.

+ Bài đọc 2 : Tt 2,11-14

Thánh Phaolô viết thư này cho ông Titô có lẽ vào khoảng năm 65 trước khi thánh nhân chịu tử đạo tại Rôma. Ngài nhấn mạnh về tính chất nhưng không của ân sủng mà Thiên Chúa ban cho ta qua Đức Giêsu Kitô. Kitô hữu hãy hướng lòng tới cuộc xuất hiện vinh quang của Đức Giêsu Kitô sau này. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của chúng ta không dựa trên những công việc tốt lành mà chúng ta thực hiện được, nhưng dựa vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.

Trong lúc chờ đợi, Kitô hữu phải cố gắng từ bỏ sự gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức.

3. Bài Tin mừng : Lc 2, 1-14

Thánh Luca thuật lại cho chúng ta bối cảnh ngày Chúa Giáng sinh. Bối cảnh này có thể chia thành hai phần đối chọi nhau :
* Phần đen tối : Lúc đó người Rôma đặt ách cai trị trên dân tộc Israel, dân chúng phải sống trong cảnh áp bức, đời sống tinh thần và vật chất gặp nhiều khó khăn, phải tuân hành mệnh lệnh của nhà cầm quyền đô hộ... Gia đình Thánh gia cũng là một gia đình nghèo nàn như nhiều gia đình khác, không tìm được chỗ trọ trong hàng quán nên phải sinh Đức Giêsu nơi hang đá Be lem, nằm trong máng cỏ.

* Phần sáng chói : Chính trong sự đơn sơ khó nghèo này mà quyền năng và nhất là lòng nhân từ của Thiên Chúa được tỏ rạng. Hài sinh mới sinh này là Con Thiên Chúa. Do đó, quang cảnh ngày Giáng sinh rất rực rỡ : đoàn thiên sứ báo tin vui, ánh hào quang của Thiên Chúa chiếu tỏa, tiếng ca hát của muôn thiên thần vang lên trên không trung :
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Việc Đức Giêsu sinh ra đã làm đảo lộn cục diện thế giới : đen tối trở thành ánh sáng, tội lỗi sẽ được thay thế bằng ân sủng, buồn sầu sẽ trở thành mừng vui vì Đấng Cứu thể đã sinh ra.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thiên Chúa ở cùng chúng ta

I. CHÚNG TA MỪNG LỄ GIÁNG SINH

1. Ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh

Hôm nay khắp nơi trên thế giới hoan hỉ mừng lễ Chúa Giáng sinh, đó là ngày lễ quốc tế chứ không phải của một dân tộc nào ; đối với Kitô hữu , hôm nay được gọi là lễ Chúa Giáng sinh. Nhiều người không muốn dùng từ lễ Giáng sinh mà chỉ dùng chữ Noel trên các tấm thiệp cũng như trong các đèn ông sao và nơi hang đá.

Tại sao gọi là Noel ? Chính ra phải gọi là lễ Nuel mới đúng, vì từ Nuel được rút ra từ chữ Emmanuel, có nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Sau này người ta đổi chữ Nuel thành Noel. Như vậy mừng lễ Noel là mừng ngày Thiên Chúa giáng trần và ở cùng chúng ta.

Ngược dòng lịch sử : khi Adong và Evà phạm tội bất trung, Thiên Chúa đã ra án phạt cho ông bà, nhưng đồng thời cũng hứa ban Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc nhân loại bằng cách cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta , và sẽ dùng cái chết của mình trên thập giá để xóa bỏ tội lỗi cho con người. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngôi Hai Thiên Chúa đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria và đã được sinh ra tại hang đá Belem trong một đêm đông lạnh lẽo.

Hôm nay khắp thế giới kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng trần để ở cùng loài người. Loài người chúng ta hân hạnh quá vì được đồng hành với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hoá thân làm người như chúng ta, nhận lấy kiếp sống phàm trần như ta để chia sẻ buồn vui với loài người và nâng cao thân phận con người lên để xứng đáng làm con Thiên Chúa.

2. Mừng ngày Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Hôm nay Con trẻ Giêsu được sinh ra tại hang đá Belem, mọi người đều hướng về Ngài. Vậy Ngài là ai mà quan trọng thế ? Ngài vừa là Con Thiên Chúa vừa là con của loài người. Ngài đến nối kết trời và đất, Ngài là Đấng Trung hòa. Trong Ngài trời và đất không còn xa nhau, không còn khoảng cách. Tất cả đều nên một cho nên phải nói :Ngài thực sự là Đấng “Chí Trung Hoà”, là Đấng “Thái Hoà” thực hiện đúng lý tưởng của văn hóa Đông phương hằng mong ước.

Ngài là Con Thiên Chúa , cho nên Ngài nên một với Thiên Chúa. Ngài là con người nên hoà đồng với con người, nhận lấy thân phận khốn khổ của loài người. Chính thánh Phaolô đã giải thích mầu nhiệm này :”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần gian. Người lại còn hạ mình vâng lời bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2,1-8).

Người đồng hóa như vậy đó :”Cho loài người tham dự với Người vào các mầu nhiệm Thiên Chúa. Biến đổi loài người nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Cầu bầu cho nhân loại, và cứu rỗi họ bằng sự chết của mình” (Thân văn Tường, Kitô học, tr 136).

Theo Đông phương, Đức Giêsu Kitô là Đấng “Chí Trung Hoà”. Chữ Trung O gồm nét sổ thẳng chính giữa tâm hình tròn. Hình tròn biểu tượng thái cực là Trời, là Thiên Chúa. Hình tròn viết thành chữ thì biến thành hình vuông . Vuông chỉ đất là người. Nét sổ thẳng chính trung tâm vuông tròn không xê dịch, sai lệch một chút nào, đó là Chí Trung, dấu chỉ Đức Giêsu là trung tâm trời đất. Còn Chí Hoà, chữ Hoà gồm chữ hoà là lúa và chữ khẩu là miệng : *P* cơm bánh là thực phẩm hợp khẩu vị nhất, là đồ ăn hoà đến cùng cực để trở nên sự sống của loài người. Đức Kitô đã biến bánh miến và rượu nho trở nên Thịt Máu mình để trở nên của ăn của uống ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Một sự hoà đồng cùng cực :Chí Hoà”. Thật Người là Đấng Chí Trung Chí Hoà để cho tất cả nên một. Thiên Chúa và con người không còn xa cách, không còn không gian, thời gian nào phân ly được nữa...(Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 22).

Truyện : Hoàng tử và cậu bé nghèo.
Văn hào Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.

Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình một mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.

Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.

Giữa lúc Tom cậu bé nghèo sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giầu lòng thương người (Lẽ sống,447).

Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Người mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước hiệu làm con Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.

3. Những Đấng Kitô ngày nay !

Chúa Giêsu đã xuống thế lần thứ nhất vào ngày Ngài giáng sinh. Ngài hứa sẽ trở lại lần thứ hai trong vinh quang của Ngài để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Trong khi chờ đợi Ngài đến lần thứ hai, ngày nay ta thấy xuất hiện nhiều người tự xưng là Đấng Kitô, Chúa Cứu thế. Cho đến nay, đã xuất hiện 18 tân Kitô tại Ấn độ, Nga, Mỹ và Pháp và tự xưng mình là Chúa, trong đó có một nữ Chúa Cứu thế với 15 triệu tín đồ. Điên khùng hay bịp bợm, các nhà tiên tri ấy hứa hẹn với các tín đồ một thiên đàng dưới đất chăng ?

Cách đây 1000 năm, loan báo ngày tận thế sẽ vào năm 1000, phải chăng nay lại tái diễn? Trong số các Đấng Cứu thế này có Sathya Sai Baba là nổi tiếng nhất trong số các Messie hiện tại. Ông ở tuổi 68, ông Kitô Ấn độ này với kiểu tóc bờm ngựa, đã chiêu tập được 10 triệu tín đồ. Xuất hiện trước công chúng, ông ta luôn mặc cái áo dài màu cam, ngồi trên ngai và để chân lên đệm. Ông cũng làm được một vài điều lạ như đẻ ra trứng trước mặt nhiều người, chữa bệnh bằng thần giao cách cảm. Có một cặp vợ chồng người Tây phương hỏi ông có phải là Đấng Kitô đăng quang lần thứ hai không, ông ta chỉ mỉm cười.

Còn Đấng Kitô đáng chú ý nữa là Mary Davy Christ, Kitô đàn bà, người Do thái. Theo truyền thống Do thái, lại không nhận có Kitô đàn bà. Nhưng các đệ tử của Mary Davy Christ lại lý giải thật đơn giản : đăng quang lần đầu tiên Kitô là đàn ông, thì lần thứ hai để loan báo ngày tận thế, Kitô sẽ là đàn bà : chuyện đó rất đơn giản.

Đấng Cứu thế đã đến rồi và Ngài sẽ trở lại mà chưa biết ngày nào, chúng ta hãy chờ đợi. Còn những Kitô giả hiệu không được có chỗ đứng trong suy nghĩ của chúng ta : Chúng ta chỉ có một Chúa Kitô là Đức Giêsu.

II. CẢM NGHĨ VỀ LỄ GIÁNG SINH

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con yêu qúi của Ngài là Đức Giêsu. Trong ngày kỷ niệm ngày Ngài giáng sinh, chúng ta phải có những tâm tình nào đây ? Không lẽ chúng ta chỉ coi lễ Giáng sinh như là một ngày vui chơi sao ? Như thế lễ Giáng sinh không còn có ý nghĩa thiêng liêng nữa.

1. Ngày lễ của Tình yêu

Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Đức Giêsu ra đời. Ngày đáng ghi nhớ. Ngày trời đất gặp nhau hôn nhau âu yếm. Ngày trời đất se chữ đồng. Ngày Thiên Chúa hạ xuống làm người để con người được làm Thiên Chúa. Lễ hôm nay phải được gọi là lễ của Tình yêu, tình yêu cao vời của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa đã bỏ mọi vinh quang trên trời, hạ mình xuống làm con người hèn hạ. Nhìn vào hang đá, ta thấy một hài nhi bé bỏng nằm trong nôi, ngoài Đức Maria và thánh Giuse chỉ có mấy con bò lừa thở hơi ấm cho Chúa Hài nhi, và trên không trung chỉ có tiếng ca hát của các thiên thần. Sau đó, các thiên thần báo tin cho mục đồng đến chiêm bái Chúa Hài đồng.

Người ta ai cũng có quan niệm rằng : Đấng Cứu thế phải là con vua con chúa, phải sinh ra nơi lầu son gác tía, được mọi người tung hô chúc tụng ; nhưng thực tế lại khác hẳn, Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát : không nhà không cửa, không giường không chiếu, không lấy một mảnh chăn êm, không ai đến thăm hỏi. Thật là cám cảnh. Có ai trong chúng ta đi lễ đây đã bao giờ sinh con trong hoàn cảnh như vậy chưa ? Chắc chắn là không. Thế mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh ra trong hoàn cảnh như vậy đó. Vậy lý do nào đã khiến Thiên Chúa hành động như vậy ? Không còn lý do nào khác ngoài tình yêu đối với chúng ta, vì đã yêu thì không có tính toán hơn thiệt.

Truyện : Hoàng đế Sabat.
Hồi đó, Hoàng đế Sabat cai trị vương quốc Ba tư và rất được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để dễ tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một công nhân nghèo khổ lần mò các bậc thang để xuống tận hầm tối của lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ là đống tro tàn và lương thực hằng ngày là mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ già và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng thấm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.

Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua nhiều lần cải trang để đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả cử chỉ nhân đạo của nhà vua. Sau cùng, nhà vua tự nhủ : ta sẽ tỏ lộ cho cụ già này biết ta là ai, để xem ông ta sẽ xin ta sự gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói :
- Bấy lâu nay có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân nghèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua, ta rất mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban cho.
Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng ông chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm :
- Có lẽ ông chưa hiểu rằng ta là vua, ta có thể làm cho ông nên giầu sang, danh vọng.
Cụ già cúi đầu đáp :
- Tâu Hoàng thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao qúi nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa, con chỉ xin một điều là Hoàng thượng đừng bao giờ lấy lại món quà quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.

2. Tâm tình trong ngày lễ

Hôm nay mọi người đều nô nức đi dự lễ, kể cả những người ngoài công giáo. Mỗi người có một cái nhìn về lễ Giáng sinh : họ cũng mừng lễ, chúng ta cũng mừng lễ, nhưng tâm tình về ngày lễ thì khác nhau. Vậy chúng ta có tâm tình nào ? Với ý tưởng gì ? Ta có những ý tưởng tốt đẹp và cao qúi trong ngày lễ Giáng sinh không ? Hay chỉ nghĩ rằng hôm nay là ngày lễ để vui chơi, để có dịp gặp gỡ nhau hoặc có dịp khoe thời trang ?
Truyện : Ý tưởng về Lễ Giáng sinh.
Một giáo sư tâm lý của trường đại học tại Hoa kỳ ra một bài thi để dò xem ý tưởng của 40 sinh viên trong lớp của mình. Trước hết ông bảo họ lấy giấy bút ra viết chữ “Lễ Giáng sinh”, rồi ông nói :”Bây giờ các anh chị hãy viết vào sau chữ ấy ý nghĩ đầu tiên mà các anh chị liên tưởng đến về ngày lễ ấy”.
Khi họ nộp quyển, ông coi lại thì thấy có những chữ sau đây : cây giáng sinh, dây kim tuyến, tặng phẩm, gà tây, bài ca giáng sinh và ông già Noel, không có một ai viết “Ngày Chúa Giêsu ra đời”.

Ngày này lễ Giáng sinh không còn ý nghĩa cao qúi ấy nữa, người ta đã tục hóa lễ Giáng sinh, người ta chỉ coi lễ Giáng sinh là một ngày vui chơi cho mọi người, thậm chí có những người lợi dụng lễ Giáng sinh để kinh doanh.

Tôi xin nhắc lại câu hỏi : hôm nay anh chị em nghĩ gì về lễ Giáng sinh ? Nếu anh chị em quên hay không biết, tôi xin được phép nhắc lại : Hôm nay chúng ta mừng lễ Giáng sinh là có ý kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng trần, ngày Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Anh chị em hãy nhìn vào chữ Emmanuel hay chữ Noel để nhớ đến ý nghĩa của ngày lễ. Emmanuel hay Noel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa.

Trong dịp lễ Giáng sinh hôm nay, tôi xin gửi đến mỗi người một tấm thiệp Noel với hàng chữ ghi trong tấm thiệp mà tôi mới nhận được từ bên Mỹ :

Every day is Christmas for me
because I love you.
 
Lịch Phụng Vụ Tháng 1/2012
LM. Anphong Trần Đức Phương
12:49 20/12/2011
Lịch Phụng Vụ Tháng 1/2012

Chúng ta bắt đầu Lịch Phụng Vụ tháng 1/2012 (và bắt đầu năm mới 2012) với Chúa Nhật trong tuần bát nhật lễ Giáng Sinh, và vì là ngày đầu năm mới dương lịch, nên cũng là Lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Tiếp theo, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lễ Chúa Nhật 2, 3, 4 Mùa Thường Niên (Chu kỳ năm B).

LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA (Chúa Nhật ngày 1/1/2012): Thánh lễ hôm nay kính Mầu Nhiệm Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Lời Nguyện Tiến Lễ), Mẹ Chúa Giêsu, và Mẹ Giáo Hội (Lời Nguyện Hiệp Lễ). Hôm nay chúng ta vui mừng với Mẹ Maria vì Mẹ đã được diễm phúc sinh ra Ngôi Hai Thiên Chúa, khi Ngôi Hai xuống thế làm người để chuộc tội nhân loại. Mẹ đã chịu thai Ngôi Lời Thiên Chúa qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, và vì thế mà vẫn còn đồng trinh trọn vẹn suốt đời.

Hôm nay cũng là ngày Đầu Năm Dương Lịch, nên cũng là ngày cầu nguyện đặc biệt cho Hòa Bình Thế Giới. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban hòa bình cho toàn thế giới, cho các Dân Tộc, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Các Bài đọc Sách Thánh: Bài đọc 1 (Sách Dân Số 6:22-27) ghi lại những lời Chúa chúc phúc và sự bình an cho Aaron và dòng dõi của ông. Bài đọc 2 (Galat 4:4-7): Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã cho Con Một sinh xuống trần gian qua một người phụ nữ, để cứu chuộc chúng ta và cho chúng ta được diễm phúc làm con Thiên Chúa và thưa với Chúa là Cha. Bài Phúc Âm (Luca 2: 16-21) ghi lại đọan các Mục Đồng được Thiên Thần báo tin và đến kính thờ Chúa Hài Nhi mới sinh ra tại Belem, và họ cũng đã được thấy Đức Maria và Thánh Giuse đang ở đó.

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH (Ngày 8/1): Thánh Lễ hôm nay kính nhớ việc Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc ngoài Do Thái qua việc các nhà Đạo Sĩ từ Đông Phương, được Thiên Chúa soi sáng và dẫn đường đến thờ lạy Chúa Hài Nhi mới giáng sinh ở Belem và dâng kính các Lễ Vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Lễ này ngày xưa gọi là Lễ Ba Vua, vì người ta lầm tưởng đó là ba vua. Nhưng đó là các Đạo Sĩ, những người đại diện các dân tộc ngoài Do Thái đang thành tâm tìm Thiên Chúa chân thật. Bài đọc 1 (Isaia 60:1-6): Đây là những lời tiên tri Isaia ca tụng thời đại huy hòang khi Đấng Messia xuất hiện và các dân tộc được loan báo Tin Mừng. Bài đọc 2 (Thơ Ephêsô 3:2-3,5-6): Thánh Phaolô nói đến ân huệ Chúa thương ban cho Ngài để đem Tin Mừng đến cho các dân ngoài Do Thái (Dân Ngọai), và các dân tộc được hưởng lời hứa ơn cứu độ. Bài Phúc Âm ( Matthêu 2:1-12) ghi lại đọan các nhà Đạo sĩ từ Đông Phương (đại diện cho các Dân tộc ngoài Do Thái) được Thiên Chúa soi sáng, dẫn đường đến thờ lạy Chúa Hài Nhi mới sinh tại Belem và dâng kính Lễ Vật.

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (NGÀY 9/1): Thánh lễ hôm nay kỷ niệm việc Chúa Giêsu đến dòng sông Giorđan để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Ngài. Đây không phải là Bí Tích Rửa Tội, nhưng là phép rửa để tỏ lòng thống hối và chuẫn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến, do Thánh Gioan Tẩy gỉa ban. Chúa Giêsu xin Gioan ban phép rửa không phải để được thanh tẩy, vì Ngài là Thiên Chúa chí thánh; nhưng qua dịp này, Chúa Giêsu xuất hiện và mở đầu cuộc sống công khai ra đi rao giảng Tin Mừng. Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài, và Chúa Cha đã phán “Này là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” Bài Đọc 1 (Isaia 42: 1-4,6-7): Tiên tri Isaia được Thiên Chúa soi sáng cho biết về Đấng Cứu Thế đến và những đức tính đặc biệt của Ngài.

Bài đọc 2 (Tông Đồ Công Vụ 10: 34-38) ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô về việc Chúa Cứu Thế đã đến và đã rao giảng Tin mừng cứu độ cho Dân Do Thái và qua các Tông Đồ, cho các Dân tộc ngoài Do Thái. Bài Phúc Âm (Matcô 1:7-11): ghi lại phép rửa thống hối của Thánh Gioan Tẩy Giả tại dòng sông Giođan và Chúa Giêsu đã khởi đầu cuộc sống công khai rao giảng của Ngài bằng việc cùng đến dòng sông Giođan để lãnh phép rửa.

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN (Ngày 15/1): Mùa Thường Niên là thời gian để chúng ta suy niệm và sống lại cuộc đời công khai rao giảng của Chúa Giêsu. Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay nói về việc Thiên Chúa chọn một số vị làm Tiên Tri trong thời gian Cựu Ước và việc Chúa Giêsu bắt đầu chọn các vị mà sau này sẽ là các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên Trời. Bài đọc 1 (1Samuel 3:3-10,19) nói đến việc Thiên Chúa gọi và chọn Samuel để làm tiên tri của Chúa, và Samuel đã lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa gọi, rồi ra đi làm tiên tri cho Chúa. Bài đọc 2 (1Côrintô 6:13-15,17-20): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải xa tránh những tội xác thịt làm ố nhơ thân xác chúng ta, vì “thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần… Chúng ta phải tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta.” Bài Phúc Âm (Gioan 1:35-42) ghi lại việc Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu môn đệ của Ngài với Chúa Giêsu, và sau đó hai môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu, trong đó có Anrê, anh ông Simon Phêrô. Sau đó Anrê đã nói với em mình, và Simon Phêrô cùng đến gặp Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã đổi tên ông Simon là Kêpha có nghĩa là tảng đá.

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN (Ngày 22/1) nói về việc Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho dân chúng và tiếp tục gọi thêm một số người để huấn luyện sau này nên các Tông Đồ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng tình thương cho các dân tộc. Bài Đọc 1 (Giona 3:1-5,10) ghi lại việc Thiên Chúa gọi ông Giona đi làm tiên tri cho Chúa để kêu gọi thành Ninivê ăn năn thống hối, và cả thành Ninivê, từ vua quan đến dân chúng, đã ăn chay, sám hối lỗi lầm và đã được Chúa thương tha thứ. Bài đọc 2 (1Côrintô 7: 29-31): Thánh Phaolo nhắc nhở chúng ta hãy nhớ cuộc đời này đi qua rất mau, chúng ta hãy sống đơn giản và siêu thóat để đón chờ Chúa đến với chúng ta bất cứ lúc nào, giờ nào mà chúng ta không ngờ. Bài Phúc Âm(Matcô 1:14-20) ghi lại việc Chúa Giêsu đi Galilêa để rao giảng Tin Mừng và tiếp tục gọi thêm các tông đồ theo Chúa, như Anrê và em là Simon Phêrô, Giacôbê và em là Gioan.

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN (29/1): Trong khi rao giảng Tin Mừng tình thương, Chúa Giêsu còn làm các phép lạ đi kèm để chữa lành các bịnh nhân, giúp đỡ những ai đến cầu xin Chúa giúp đỡ cách này hay cách khác. Bài đọc 1 (Sách Đệ Nhị Luật 18:15-20) ghi lại đọan ông Môisê, theo lời yêu cầu của dân chúng, đã xin với Chúa chọn các vị đại diện để dạy bảo họ, và Chúa đã chọn các vị gọi là các Tiên Tri để đến với họ mà cảnh tỉnh và sửa đổi những lỗi lầm của họ. Các vị tiên tri phải được chính Chúa chọn và phải trung thành với nhiệm vụ. Bài đọc 2 (1Corinto 7:32-35): Trong đọan này Thánh Phaolô nói đến nhiệm vụ giáo dân phải sống xứng đáng và chu tòan nhiệm vụ của mình tùy theo hòan cảnh; dù có gia đình hay sống độc thân, mọi người đều có nhiệm vụ riêng Chúa trao ban và phải lo chu tòan xứng đáng. Bài Phúc Âm (Matcô 1:21-28) ghi lại đọan Chúa Giêsu giảng dạy tại Caparnaum như Đấng có uy quyền, và Chúa Giêsu đã chữa lành người bị quỷ ô uế ám; dân chúng rất thán phục và loan tin vui đi các nơi.

Tháng Giêng là tháng đầu năm dương lịch 2012, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã cho chúng ta sống qua năm 2011 bình an, với muôn ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta, gia đình chúng ta trong suốt năm 2011. Xin Chúa cũng thương tha thứ những lỗi lầm trong quá khứ, và cũng dâng năm mới 2012 lên Chúa, xin Chúa luôn gìn giữ chúng ta, gia đình chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống xứng đáng như những tín hữu của Chúa trong mỗi môi trường chúng ta sống hằng ngày: trong gia đình, nơi khu xóm, và sở làm. Xin Mẹ Maria , Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói với các tù nhân: Công lý của Thiên Chúa không giống của con người
Bùi Hữu Thư
11:08 20/12/2011
Ngài mời gọi họ hãy xa rời lao tù của tội lỗi

VATICAN, ngày 19 tháng 12, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói là công lý của Thiên Chúa và của con người khác nhau rất nhiều, vì đối với nhân loại, hai thực tại này được phân biệt, trong khi đối với Thiên Chúa, chúng trùng hợp.

Đức Thánh Cha nói như vậy ngày Chúa Nhật vừa qua khi ngài đi thăm nhà tù Rebbibia ở phía bắc Rôma.

"Chắc chắn là con người không thể nào áp dụng công lý của Thiên Chúa, nhưng cần phải nhìn vào đó, và cố gắng tìm kiếm thần trí sâu xa làm cho sống động, để cho thần trí này cũng có thể soi sáng cho công lý của con người nữa, để tránh những tình trạng trong đó tù nhân trở nên những người bị loại bỏ, và tiếc thay, điều này hay xẩy ra. Thực vậy, Thiên Chúa là đấng rao truyền công lý thật mạnh mẽ, nhưng đồng thời, cũng là đấng chăm sóc những vết thương bằng dược liệu xót thương của Người," Đức Thánh Cha đã nói như vậy trong thời gian một giờ ngài đến thăm các tù nhân, ngài cũng trả lời các câu hỏi trong thời gian này.

Đức Thánh Cha giải thích, "Công lý và lòng xót thương, công lý và bác ái, là hai nền tảng học thuyết xã hội của Giáo Hội phải dựa vào. Đây chỉ là hai thực tại khác nhau đối với con người, vì họ phân biệt rất cẩn thận một hành động công chính với một hành động của tình yêu."

"Đối với chúng ta, công lý là 'cái gì chúng ta mắc nợ người khác' và lòng xót thương là những gì được cho đi vì lòng thiện hảo. Và hai điều này dường như không đi đôi với nhau được. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác: trong Người: công lý và xót thường trùng hợp; không có một hành động công chính nào lại không phải là một hành động xót thương và tha thứ, đồng thời, không có hành động xót thương nào lại công chính hoàn toàn."

Như thế, Đức Thánh Cha khẳng định, "Luận lý của Thiên Chúa khác xa chúng ta thật nhiều! Và Người hành động thật khác xa chúng ta!"

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nói đến "lao tù" đang có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

Ngài nói,"Hài Nhi Bê Lem sẽ rất vui mừng khi tất cả mọi người đều trở về với Thiên Chúa với một tấm lòng được đổi mới. Chúng ta hãy cầu xin ngài trong thinh lặng để được giải phóng khỏi lao tù của tội lỗi, của kiêu căng, hách dịch. Thật vậy, tất cả mọi người cần phải ra khỏi lao tù nội tâm này để thật sự được thoát khỏi sự dữ, âu lo và cái chết. Chỉ có Hài Nhi này, đấng đã sanh ra trong máng cỏ mới có thể giúp cho chúng ta được giải phóng cách toàn vẹn này!"
 
Hàn Quốc: Các Giám mục nói cái chết của ông Kim sẽ mở ra một con đường đối thoại một cách thận trọng
Nguyễn Trọng Đa
09:33 20/12/2011
Hàn Quốc: Các Giám mục nói cái chết của ông Kim sẽ mở ra một con đường đối thoại một cách thận trọng

Daejeon - Cái chết của nhà độc tài Kim Jong-il của CHDCND Triều Tiên "mở đường dẫn đến một giai đoạn của sự lộn xộn lớn. Bên trong chế độ, có cuộc đụng độ giữa đảng và quân đội. Tuổi trẻ của người thừa kế sẽ không giúp một quá trình chuyển đổi thoải mái. Bây giờ chúng ta phải cầu nguyện cho hòa bình tại Triều Tiên và thế giới, và dùng mùa Giáng Sinh để sống tỉnh thức, nhưng với một bàn tay mở rộng với anh chị em ở Bắc Triều Tiên",- Giám mục Lazarus You Heung-sik, giáo phận Daejeon và là Chủ tịch Ủy ban Giám mục về chăm sóc người di cư, nói.

Giám mục You, người chịu trách nhiệm cho các chương trình giúp đỡ người tị nạn Bắc Triều Tiên hội nhập, nói: “Sẽ có rất nhiều sự xáo trộn ở phần bắc Bán đảo Triều Tiên. Con trai nhà độc tài và là nhân vật thừa kế được chỉ định chỉ mới 28 tuổi và thiếu kinh nghiệm để dẫn dắt đất nước trong mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Tôi hy vọng và cầu nguyện để không ai có liên quan hành động cách vội vã. Hiện nay chúng tôi cần phải tập trung vào đối thoại khi một cửa sổ của cơ hội đã mở ra".

Về vấn đề này, vị Giám mục nói về một vụ tranh luận đã nổ ra ở Hàn Quốc. Ngài cho biết: “Chúng tôi đã nhận được tin tức chỉ cách đây tám giờ, nhưng phe đối lập ở Hàn Quốc kêu gọi chính phủ gửi một đoàn chính thức dự tang lễ của Chủ tịch Kim Jong-il. Chính phủ đã có thái độ chờ xem sao. Tôi nghĩ rằng việc này nên được thực hiện để cho Bình Nhưỡng hiểu rằng chúng tôi muốn hòa bình và đối thoại. Chúng tôi có thể chờ đợi câu trả lời của họ, bởi vì ít nhất chúng tôi đã cố gắng thử. Tất nhiên, việc này không nên được thực hiện một cách không sinh lợi ích. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều lần trước đây và đã bị chế giễu".

Đối với Đức Cha You, vấn đề "là một cuộc xung đột khắc nghiệt có thể sẽ nổ ra giữa đảng, vốn nằm trong tay của người chú của người thừa kế, và quân đội dưới quyền của Kim Jong-un, nhân vật thừa kế. Trong tình hình như vậy, người dân thường sẽ trả giá và nhiều người tiếp tục chết đói. Chúng tôi cố hết sức mình để bắt đầu gửi thêm viện trợ nhân đạo, và ngăn ngừa có thêm nhiều người chết vì tình hình này. Còn quá sớm để nói những gì có thể sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng tôi phải cầu nguyện và làm việc cho hòa bình chiến thắng".

Trong khi đó, đại sứ Hàn Quốc tại Roma bên cạnh Tòa Thánh, Thomas Hongsoon Han, đã bày tỏ suy nghĩ cá nhân của ông về cái chết của chủ tịch Kim Jong-il. Ông nói với hãng tin AsiaNews: "Tôi hy vọng rằng cái chết này sẽ cho hòa bình một cơ hội. Miền Nam và miền Bắc đang trải qua một thời điểm quan trọng về quan điểm kinh tế. Chúng tôi cần một thời kỳ hòa bình. Tôi hy vọng rằng cái chết này sẽ mang lại các khả năng tốt hơn so với quá khứ”. (AsiaNews 19-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC: quan hệ toàn cầu và bổn phận chia sẻ của chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
09:38 20/12/2011
VATICAN – “Chúng ta ngày nay cần phải hướng về mục tiêu của sự phát triển toàn bộ thuộc con người” ĐTC Benedict đã phát biểu khi chào đón 12 tân đại sứ hôn thứ Ba 13/ 12 tới Tòa Thánh. Cùng sự hiện diện với ủy nhiệm thư của họ, những người đại diện từ Trinidad và Tobago, Cộng hòa Guinea-Bissau, Lien minh Thuỵ Sĩ, Burundi, Thái Lan, Pakistan, Mozambique, Kyrgyzstan, Chính phủ Andorra, Sri Lanka và Burkina Faso.

Sự khai phá lần đầu tiên được thiết lập bởi Đức Paul II, Đức Thánh Cha trình bày một luận bàn khái quát trước sự hiện diện của các đại sứ, tập trung vào những đề tài nhiệt tâm của ngài, sự phụ thuộc lẫn nhau đang phát triển trong kỷ nguyên của mối quan hệ toàn cầu và trong sự song hành trách nhiệm chia sẻ của chúng ta cho nhân loại và sự sáng tạo.

Ngài nói ngày nay chúng ta cần phải ý thức rằng “chúng ta ai nấy đều có trách nhiệm trước mọi sự việc” và rằng chúng ta phải mưu cầu lợi ích chung bằng việc thúc đẩy sự đoàn kết giữa các thế hệ, bảo vệ phẩm cách của sự sống con người và bảo vệ tự nhiên. Và đừng sợ hãi rằng trách nhiệm chung này xung đột với tôn giáo và những dị biệt về văn hóa.

ĐTC Benedict nói giờ đây chúng ta hiểu rằng “sự hiệp nhất của gia đình con người là một sự kiện hàng ngày. “ Điều này ngài bổ sung – có những khía cạnh tích cực, mà “đôi khi nó phải trải qua như một nhiệm vụ nặng nề,” muốn nói rằng sự hiệp nhất này “mở rộng một cách ý nghĩa phạm vi trách nhiệm chia sẻ của chúng ta,” trong cùng lúc nó trợ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề “phức tạp một cách thỏa đáng đối với một số vấn đề đi tới giải quyết.”

Thay vào đó, ngài nói rằng, sự hỗ tương không cho phép sống “vì sợ hãi, mà vì lợi điểm mà con người phải làm việc với nhau, cho nhau.” Ở điểm này, Đức Thánh Cha nói bằng những thuật ngữ về sự phát triển tích cực của sự tương tác đoàn kết các thế hệ, điều mà Ngài nói “hãy tìm những căn nguyên của nó trong bản chất gia đình, điều mà phải được ủng hộ để nó có thể tiếp tục thực hiện sự vụ thiết yếu của nó trong xã hội.”

Đồng thời, Đức Thánh Cha nói việc giáo dục giới trẻ vẫn mãi là đường lối đặc quyền để mở rộng tầm mức nhận thức của sự đoàn kết và bảo đảm sự thăng tiến bền vững của nó.” Ngài cổ vũ tất những người chức trách, nhất là những lãnh đạo chính quyền, “Đưa ra sự sáng tạo của mình trong việc tìm kiếm và đầu tư những biện pháp tiến hành cần thiết để tạo cho giới trẻ những nền tảng đạo đức căn bản, đặc biệt bằng cách giúp đỡ họ trong việc hình thành bản thân và bằng cách chiến đấu với nững bệnh tật xã hội như nạn thất nghiệp, nghiện hút, tôi phạm và vô lễ cá nhân.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận rằng “không cần phải sợ hãi vì rằng trách nhiệm chung và chia sẻ cho cái thiện của toàn nhân loại sẽ tìm thấy một cội nguồn bất diệt tron những dị biệt văn hóa và tôn giáo.”

Ngài nói chủ nghĩa đa nguyên của những nền văn hóa và những tôn giáo không đối lập với sự truy tìm của chúng ta cho những gì là chân, thiện, mỹ. Lý do con người, hãy thanh tẩy bằng đức tin, đề cao con người và “là khả năng chiến thắng những đàn áp hoặc chia rẽ bè phái, nhận thức được lợi ích toàn thể của cái mà mọi người đang cần thiết. Trong số những điều này, hòa bình mà xã hội khao khát biết bao cùng với sự hòa đồng tôn giáo được liên kết không chỉ là một hệ thống căn bản có tính lập pháp và đúng đắn, mà còn là phẩm chất đạo đức của mọi công dân.”
 
Mã Lai: Hát thánh ca Giáng Sinh phải có giấy phép
Nguyễn Long Thao
11:15 20/12/2011
Mã Lai: Hát thánh ca Giáng Sinh phải có giấy phép

Kuala Lumpur, Mã Lai 19/12/11 Giáo dân thuộc hai giáo xứ ở Mã Lai đã bác bỏ một yêu cầu của cảnh sát nói rằng họ phải có giấy để được hát thánh ca mừng Chúa Giáng sinh tại tư gia hay nhà thờ giáo xứ

Đức Giám Mục Paul Tan Chee Ing, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Mã Lai, tuyên bố với thông tấn xã Fides của Vatican rằng đất nước Mã Lai sẽ sớm trở thành "một nhà nước cảnh sát" nếu chính quyền cứ đưa ra những "yêu cầu hành chính" như vậy.

Hai nhà thờ ở Klang bên ngoài thành phố Kuala Lumpur đã nhận được thông báo từ cảnh sát nói rằng giáo xứ phải cung cấp tên và địa chỉ của những người muốn hát mừng Chúa Giáng sinh tại tư gia hay tại nhà thờ của họ. Cảnh sát cho biết giáo dân buộc phải có giấy phép này.

Cha Lawrence Andrew, chủ nhiệm tờ báo Herald của giáo phận Kuala Lumpur gọi hành động của cảnh sát là sự “giải thích chặt chẽ” của những luật lệ về tự do tôn giáo và thờ phượng ở Mã Lai

Linh Mục chủ nhiệm cũng cho biết các giáo dân ở hai giáo xứ đã biểu tình chống đòi hỏi của cảnh sát và đại diện chính quyền địa phương đã ngay lập tức lên tiếng nói rằng các giáo xứ không cần giấy phép để được hát thánh ca Giáng Sinh.

Tưởng cũng nên nói thêm, Mã Lai là nước đa số dân chúng theo Hồi Giáo nên luật lệ nước này ban hành ra thường giới hạn hoạt động của các tôn giáo khác. Do vậy, quốc tế vẫn xếp Mã Lai vào danh sách các nước không tôn trọng tự do tôn giáo.

Nguyễn Long Thao
 
Giới Trẻ Công Giáo Và Công Lý Hoà Bình
Gioan Lê Quang Vinh
12:45 20/12/2011
Giới Trẻ Công Giáo Và Công Lý Hoà Bình

Mới đây, khi một vài bạn sinh viên Công giáo ở Sàigòn được hỏi có quan tâm gì đến xã hội và các vấn đề mà Giáo Hội đang phải đương đầu không, họ bình thản trả lời: “Tôi đi lễ các ngày Chúa nhật, và thỉnh thoảng làm việc bác ái giúp trẻ em nghèo. Vậy là đủ rồi”.

Tôi đùa với các bạn ấy: “Các bạn có suy nghĩ giống các bà cụ đạo đức ở nhà quê cuối thế kỷ 19” và mọi người cùng cười. Riêng tôi, cái cười vẫn có nhiều xót xa, vì tôi nhận thấy trong câu trả lời của các bạn ấy thiếu một điều cực kỳ quan trọng: đó là thực hành Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo. Điều này cũng giống như trường hợp một trang Facebook mang danh Giới Trẻ Công Giáo mà luôn xoá các lời kêu gọi cầu nguyện cho Công Lý.

Nếu xem Giáo huấn Xã Hội là việc Giáo Hội nhìn vào các vấn đề cụ thể của thời đại để khuyên dạy con cái mình suy tư và hành động cho thích hợp, thì rõ ràng người Công Giáo ngày hôm nay không thể dễ dãi chọn lựa cách sống xa lạ với anh em mình, nhất là những anh em nghèo đói hay đang bị đối xử bất công.

Còn nếu nhìn sâu xa hơn để thấy Giáo huấn Xã Hội bắt nguồn từ ngày Đức Kytô rao giảng Tin Mừng, khi Người quan tâm đến từng phận người, khi Người truyền dạy các môn đệ chăm lo cho những kẻ đi theo nghe Người giảng, thì người Công giáo càng cần phải tích cực quan tâm đến mọi ngóc ngách của cuộc đời và của người đời.

Khi các bạn trẻ Công giáo học giáo lý về Hội Thánh, chắc chắn các bạn gặp chân lý này: Hội Thánh vừa có đặc tính trần thế vừa có đặc tính thần linh. Mang thân phận lữ hành giữa thế gian, Hội Thánh không đi ra ngoài vận mạng con người thời đại. Hội Thánh quan tâm và hội nhập vào trong văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật và mọi khía cạnh khác liên quan đến con người.

Bản tóm lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (sáng kiến của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) đã trình bày đầy đủ và rõ ràng bổn phận người Kitô hữu trong những lãnh vực cụ thề ấy, để dẫn đến kết luận: vì một nền văn minh tình yêu.

Điều ấy có nghĩa là gì nếu không phải là nền văn minh tình yêu của Kitô giáo phải khởi đầu và kết thúc nơi chính phận người cùng mọi vấn đề liên quan đến phận người ấy, mà trên hết là nhân vị và phẩm giá của con người là hình ảnh Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên mình.

Do vậy mà chúng ta không thể nói rằng mình chỉ cần đi Lễ và làm việc bác ái theo nghĩa cho người nghèo ít tiền vào dịp đặc biệt nào đó. Thời đại này cùng những vấn nạn của nó, trong đó có khoa học kỹ thuật và những hệ luỵ, lao động và bất công, phải là niềm thao thức của người tìn hữu giáo dân, nhất là người trẻ.

Đức Thánh Cha là người Cha chung của Hội Thánh đã nhận thấy sự thụ động và lẩn tránh của những người con của mình, nhất là giới trẻ, nên ngài đã chọn chủ đề cho Sứ điệp ngày Hoà Bình thế giới 01/01/2012 sắp tới là “Giáo dục người trẻ về Công Lý và Hoà Bình”.

Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh những giá trị mà người trẻ cần được đào luyện: Sự Thật, Tự Do, Công Lý và Hoà Bình.

Để đạt được những giá trị ấy, nhân vị và phẩm giá con người cần phải được nhận ra và tôn trọng. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhà giáo dục phải “quan tâm sao cho phẩm giá mỗi người luôn luôn được tôn trọng và đề cao”. Vấn đề là ngày nay trong nền giáo dục này, người ta mấy khi nói đến phẩm giá, nhân vị, cho nên sinh viên học sinh thờ ơ với vấn đề con người là điều khó tránh khỏi.

Giữa lúc nhiều người lớn không còn là gương mẫu về việc đi tìm kiếm những nguyên tắc và giá trị của Giáo huấn Xã Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha đòi hỏi các bạn trẻ phải là tấm gương cho người lớn. Ngài viết: “Hãy ý thức rằng chính các con là tấm gương và niềm cảm hứng cho người lớn, và hễ các con càng cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các con càng là những tấm gương cho người lớn.”

Để giúp phổ biến Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh, một nhóm tín hữu giáo dân ở Sàigòn đang âm thầm cộng tác để “đơn giản hoá” nội dung của Giáo Huấn này. Xin cùng cầu nguyện cho công cuộc có kết quả tốt đẹp, giúp mọi người cùng thực hiện lời Cha chung: “Thông truyền cho người trẻ sự quí chuộng giá trị tích cực của cuộc sống, khơi lên nơi họ ước muốn dành cuộc sống để phục vụ Sự Thiện. Đây là một nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải đích thân dấn thân.”

Trong một lần lắng nghe Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Vinh sơn Phạm Trung Thành, tôi được ngài nhắc nhở đại ý: Chỉ có lời cầu nguyện mới có sức mạnh biến đổi thế giới và Giáo Hội. Thánh Têrêsa đã cầu nguyện và đã có kết quả tốt đẹp.

Đức Thánh Cha trong Sứ điệp này nhắn nhủ chúng ta: ”Không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng là nhờ qui hướng về Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta, người bảo đảm những gì thực là tốt và chân thực.”

Khi đã nghe tiếng người Cha chung trong vấn đề hệ trọng này, hẳn là sẽ không ai trong chúng ta còn nói: đi Lễ và bố thí là đủ. Hội Thánh còn đòi chúng ta dấn thân để Sự Thật, Tự Do, Công Lý và Hoà Bình được xuất hiện để con người được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.

Và như thế, sẽ không còn có chuyện lên tiếng hay không lên tiếng, mà phải nói như Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng tại Công Nghị tổng giáo phận Sàigòn: “Vấn đề không phải là “ lên tiếng hay không lên tiếng” mà là “phải lên tiếng, lên tiếng như thế nào, và sống Tin Mừng như thế nào”

Gioan Lê Quang Vinh
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ mừng 40 năm Linh mục của anh em khoá 6 Giáo hoàng Học viện
Nguyêễn Trọng Đa
09:54 20/12/2011
SAIGÒN - Hôm nay chủ nhật 18-12, lúc 9g45, tại Nhà thờ Hoà Hưng, Giáo hạt Phú Thọ, Sài Gòn, diễn ra thánh lễ mừng 65 năm ngày thành lập giáo xứ Hoà Hưng, và lễ Hồng Ngọc Khánh (40 năm) Linh mục của cha sở Hoà Hưng, Giuse Phạm Bá Lãm.

Xem hình ảnh

Tham dự thánh lễ có Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, GM Đà Lạt, khoá 6 GHHV, khoảng 90 linh mục triều (2 Đức Ông Khả và Tài) và Dòng (trong đó có Giám tỉnh Dòng Tên và Dòng Đa Minh), anh em cựu học viên GHHV (khoảng 20 ) và đông đảo giáo dân Hoà Hưng.

Các cha khoá 6 đồng tế với Đức Cha Chương là:

-Cha Giuse Nguyễn Tiến Khẩu, nhà hưu Hà Nội, Sài Gòn
-Cha Giuse Phạm Bá Lãm, cha xứ Hoà Hưng, Hạt trưởng hạt Phú Thọ.
-Cha Đa Minh Nguyễn Thành Tính, cha xứ Chánh Toà Cần Thơ kiêm Hạt trưởng
-Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, cha sở Hội An
-Cha Irênê Nguyễn Thanh Minh, OFM, bề trên Tu viện Phanxicô Đakao, Sài Gòn
-Cha Giuse Maria Nguyễn Xuân Quý, OFM, Cố vấn Tỉnh Dòng, Bề trên Tu viện Phanxicô Vĩnh Phước, Nha Trang.

Thánh lễ diễn ra trang trọng, kéo dài 1g30. Cha xứ Hoà Hưng giảng lễ: Ngài nói về ơn gọi của Mẹ Maria là Fiat, Magnificat và Stabat; kể sơ lịch sử phát triển của giáo xứ Hoà Hưng; ngày truyền chức linh mục 18-12 tại Nhà thờ DCCT Sài gòn của năm anh em khoá 6, trong đó có ĐC Chương, cha Vệ (Huế) và cha Lãm, do tay ĐC Nguyễn Văn Thuận (nay là Tôi tớ Chúa); nói sơ về ơn gọi linh mục của chính bản thân cha Lãm: tất cả là do Chúa dìu dắt dẫn đi; và cuối cùng là cảm tạ hồng ân Chúa ban cho anh em khoá 6 trong 40 năm qua.

Cuối lễ, cha Lãm cám ơn mọi người, không bỏ sót ai. Giáo xứ tặng hoa và quà cho ĐC chủ tế và 6 linh mục khoá 6. Cách riêng, các ban ngành đoàn thể của Giáo xứ Hoà Hưng lần lượt tặng quà cho cha xứ.

Sau lời cám ơn và ban phép lành của ĐC chủ tế, đại diện của Giáo xứ Hoà hưng cùng chụp ảnh kỷ niệm với ĐC Chương và 6 cha khoá 6.

Ngay trong nhà thờ, mỗi người được phát hộp bánh bồi dưỡng và nước uống. Tiếp đến là phần phát phần thưởng thi Giáo lý của Giáo xứ Hoà Hưng. Phần thưởng cũng khá xôm tụ, với nhiều xe đạp, máy móc đắt tiền...

Mọi sự diễn ra tốt đẹp, nhờ sự đóng góp của rất nhiều người của Giáo xứ Hoà Hưng, và ca đoàn hôm nay hát cũng thật hay nữa. Cám ơn cha Lãm, cha phó, và giáo dân tổ chức một cuộc lễ thật có ý nghĩa, trang trọng và thánh thiện.

Cầu xin Chúa ban nhiều hồng ân hồn xác cho anh em khoá 6 để còn vững bước phục vụ Chúa và tha nhân, và chuẩn bị cho lễ mừng Kim khánh (50 năm), chỉ còn 10 năm nữa thôi mà.
 
Nhóm phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ kỷ niệm tròn 40 tuổi
Alf. Hoàng Gia Bảo
14:52 20/12/2011
SAIGÒN - Vào một chiều tối trung tuần tháng 12... như muốn tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của Sàigòn đang chuẩn bị đón Noel và Tết Tây, sâu bên trong khu du lịch Văn Thánh bốn bề khá vắng lặng là nơi đã diễn ra buổi gặp gỡ của khoảng hơn 100 người, gồm các Quí Cha, các Sơ cùng các cộng tác viên khắp nơi hội tụ về đây mừng sự hiện diện 40 năm (1971-2011) của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (PD-CGKPV).

Xem hình ảnh

Được bắt đầu khá sớm từ 17g30, linh mục Trần Ngọc Thao CSsR trưởng nhóm PD-CGKPV đã gởi lời chào mừng đến các quý bề trên giám tỉnh và tổng quyền của các dòng, quý giám đốc học viện và bề trên các tu viện có anh chị em đang sinh hoạt trong nhóm. Các quý mục sư, linh mục, tu sĩ, quý đại diện Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, quý lãnh đạo Công Ty In Đà Nẵng và Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, quý đại diện các nhà sách cùng các thân hữu và ân nhân.

Ngài nói “Trong cuộc hành trình 40 năm, anh chị em Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ đã nhận được nơi quý vị sự đồng cảm, sự trợ giúp vật chất hay tinh thần. Và hôm nay để khích lệ anh chị em, quý vị đã hy sinh thì giờ, nhiều vị không quản ngại đường sá xa xôi, có trường hợp vượt nhiều ngàn cây số băng qua đại dương, đến đây tỏ bày tình liên đới, diễn tả lòng ưu ái dành cho anh chị em từ nhiều năm qua.”

Tiếp đến, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm thay mặt thường trực Ban Điều Hành nhóm PD-CGKPV đã nêu bật ý nghĩa về sự ra đời và hiện diện suốt 40 năm qua của nhóm. Đó là hoài bão muốn hiện thực hóa Công Đồng Vaticano II của một số anh chị em linh mục và tu sĩ từng theo học ở Âu Châu trở về nước vào thập niên 70 thế kỷ trước qua việc Việt hóa lời Chúa, từ các bộ lễ cho đến Thánh Kinh sao cho chúng trở nên gần gũi dễ hiểu hơn với mọi người Việt Nam. Chính vì lý do này mà “…một số anh chị em linh mục và tu sĩ ngồi lại với nhau tại đan viện các nữ tu Biển Đức Thủ Đức ngày 01 tháng 11 năm 1971, từ đó được xem như ngày sinh nhật của Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ. Mang một cái tên vừa dài, vừa chẳng có gì độc đáo, nhóm anh chị em này không hề có tham vọng nào khác hơn là phiên dịch cuốn sách kinh bằng La ngữ, trước kia vốn dành cho giáo sĩ, nay theo lệnh Công Đồng, được canh tân, và gửi đến mọi thành phần Dân Chúa, cuốn sách đó mang tên Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Rồi sau khi hoàn tất công trình phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ vào năm 1983, với kinh nghiệm sẵn có, anh chị em mở rộng phạm vi công việc, đó là phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh

Nay nhìn lại điểm khởi đầu, thấm thoát đã tròn 40 năm. Kết quả của 40 năm miệt mài làm việc với nhau, bất chấp mọi khó khăn đến từ nhiều phía, có khi xuất phát từ nội bộ, cuối cùng anh chị em đã có thể cống hiến cho cộng đồng Dân Chúa Việt Nam hai công trình phiên dịch, đó là cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cuốn Kinh Thánh.

Sau phát biểu của Cha Pascal, chặng đường dài 40 năm đã qua lần lượt tái hiện trên màn chiếu bằng những tư liệu hình ảnh cũ một cách sống động, giúp cử tọa hiểu rõ hơn về ý nghĩa của buổi gặp gỡ hôm nay. Những tư liệu lịch sử phong phú này cũng được nhóm phát hành vào dịp này bằng quyển kỷ yếu, để nhớ về một chặng đường dài nhóm đã đi qua.

Cha Vinh-Sơn Phạm Trung Thành Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế phát biểu ngắn gọn nhưng nhận xét của Ngài rất xác đáng. Đó là “sự thủy chung” đang mất dần trong xã hội VN hôm nay, mà con số 40 năm hiện diện của nhóm đã nói với chúng ta.

Bởi không được như người Nhật, một trong nhược điểm cố hữu của người Việt chúng ta là tinh thần làm việc tập thể thường luôn rất kém. Chính lý do này đã khiến không ít bao hợp tác giữa người với người trong xã hội VN bị đổ vỡ, khiến cho công việc bị dở dang v.v…

Tiếp theo, một trong số người đồng hành lâu năm của nhóm là tiến sĩ David Thorne, Tổng Thư ký Liên hiệp Thánh Kinh hội vùng Indo-Pacific, cũng đã có những chia sẻ khá dài về những kỷ niệm khó quên với nhóm khi lần đầu tiên ông được gặp gỡ vào năm 1993. Khi ấy, giữa trăm bề thiếu thốn do bị ảnh hưởng bởi biến cố 30/4/1975 đã làm đảo lộn nhiều hoạt động của giáo hội. Việc tất cả các dòng tu trường công giáo bị đóng cửa khiến nhiều linh mục tu sĩ du học từ Châu Âu trở về, do không còn người học đã lâm vào tình cảnh ‘thất nghiệp’ đành phải tự tìm công việc gì đó mà làm, và dịch thuật được ông cho là phù hợp đối với các Ngài. Nhờ vậy mà việc phiên dịch sách đạo được tiến triển mạnh hơn
Phát biểu của tiến sĩ David đã khép lại phần chính của buổi gặp gỡ. Sau ban phép của ăn của Cha Giám Tỉnh DCCT, Lm Trần Ngọc Thao khách mời đã cùng nhóm dùng cơm tối thân mật và thưởng thức vài tiết mục văn nghệ ‘cây nhà lá vườn’ do các cộng tác viên cùng trình diễn với sự sôi nổi của cha Tiến Lộc.

Trước khi chia tay nhau vào khoảng 19g30 khách mời được nhóm PD-CGKPV tặng món quà hết sức có ý nghĩa là quyển kinh thánh phiên bản 2011 vừa được nhà xuất bản tôn giáo in ra cũng trong năm nay, cùng quyển kỷ yếu về nhóm nói trên.

40 năm chặng thời gian không là gì so với lịch sử giáo hội nhưng lại khá dài với cuộc đời ngắn ngủi của mỗi chúng ta.

Có dịp tham dự mới người viết nhận thấy một số trụ cột của nhóm hiện diện trong buổi họp diện mạo đã khác đi nhiều so với chân dung chính họ khi xưa, lúc tái hiện trên màn chiếu.

Những mái tóc đen năm xưa giờ đây đã bạc trắng. Những làn da căng tròn, nụ cuời tươi tắn, vóc dáng nhanh nhẹn ngày nào giờ chỉ còn những nếp nhăn, bước đi chậm chạp v.v...

Với quyển Kinh Thánh ấn bản 2011 cùng nhiều tài liệu phụng vụ được xuất bản trước kia (xin xem phụ lục bên dưới) hoài bão Việt hóa lời Chúa năm xưa của nhóm có thể nói đã trở thành hiện thực và góp phần không nhỏ vào công cuộc rao giảng đạo chung của giáo hội.

Mặc dù vậy, buổi lễ được tổ chức chỉ để đánh dấu chặng đường 40 năm đã qua, trên thực tế nhóm sẽ vẫn tiếp tục công việc phiên dịch tài liệu, sách đạo cho giáo hội, công việc mà nói như lời cha Cha Vinh-Sơn Phạm Trung Thành Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại buổi gặp gỡ, là “không biết đến bao giờ mới kết thúc!”

Việc chọn lựa nơi vắng vẻ này để tổ chức buổi gặp gỡ một cách ngắn gọn, không chút ồn ào, không đông khách mời, phần nào cũng nói lên tính cách làm việc thầm lặng của nhóm. Nếu tinh ý chút mọi người cũng còn nhận ra điều này qua hình ảnh cây thông một mình chơi vơi giữa đất trời, được chọn làm hình bìa của quyển kỷ yếu 40 năm hiện diện của nhóm.

DANH MỤC ẤN BẢN ĐÃ DỊCH THUẬT TRONG 40 NĂM QUA

1. Dưới dạng sách in

1972 Các giờ kinh: Phần Thường Niên Tuần I
1973 Tuần II
1975 Tuần I, II, III và IV

2. Dưới dạng sách quay ronéo

1975 Mùa Vọng & Mùa Giáng Sinh
1976 Nghi Thức Thánh Lễ Mùa Chay & Mùa Phục Sinh
1977 Phần chung & Lễ riêng nghi thức Tuần Thánh
1979 Các bài đọc trong Thánh Lễ: Chúa Nhật & Đại Lễ
1980 Nghi thức Hôn Phối
1982 Các lời nguyện sau Thánh vịnh
1983 Nghi thức an táng
1985 Tân Ước
1986 Ngũ Thư
1987 Lịch sử I

3. Dưới dạng sách in (được phép kể từ sau 1975)

1990 Các giờ kinh phụng vụ - Đọc Tin Mừng Chúa Nhật theo Lectio Divina năm B - Các bài đọc giờ kinh sách
1996 Các sách Ngôn Sứ
1988 Các sách Giáo Huấn – Ngũ Thư – Kinh Thánh trọn bộ với dẫn nhập và chú thích đơn giản
1999-2000 Các bài đọc trong Thánh Lễ dưới dạng photo (mãi đến năm 2009 mới in 2 màu)
2002 Lời Chúa trong Thánh lễ
2003 Lời Chúa cho người khiếm thị: Bốn sách tin mừng, sách Công Vụ Tông Đồ, các Thánh Vịnh, Lời Chúa trong Thánh Lễ
2004 Đối chiếu bốn sách Tin Mừng
2005 Lời Chúa cho mọi người: Tân Ước
2006 Lời Chúa cho mọi người: Kinh Thánh trọn bộ
2007 Kể chuyện Kinh Thánh cho trẻ em (từ 6-9 tuổi) và cho thiếu niên (từ 10-15 tuổi)
2008 Đọc Tin Mừng Chúa Nhật theo Lectio Divina năm B
2009 Tân ước hiệu đính (bản dịch để học hỏi) - Đọc Tin Mừng Chúa Nhật theo Lectio Divina năm C
2010 Đọc Tin Mừng Chúa Nhật theo Lectio Divina năm A – Ngũ Thư (bản dịch để học hỏi)
01-11-2011 Kinh Thánh ấn bản 2011
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sự lạ chưa từng có: Cộng Sản tổ chức mừng Chúa Giáng Sinh và mời sinh viên Công giáo tham dự!
Peter Dũng
09:38 20/12/2011
NGHỆ AN - Như thông tin nhận được 19h30 tối ngày 20/12/2012, Đoàn trưởng CĐKT Nghệ An tổ chức Chương trình Đêm giao lưu văn nghệ "Mừng Giáng Sinh - Đón năm mới" cho tập thể cán bộ công nhân viên chức trong trường và anh chị em sinh viên. Theo như được biết từ anh chị em BĐH SVCG tổ Kinh Tế, đoàn trường CĐKT Nghệ An đã có lời mời đến các bạn SVCG tham gia chương trình này. Một số câu hỏi được đặt ra trước dự định rất "tốt đẹp" này của đoàn trường CĐKT Nghệ An.

Chắc hẳn các bạn sẽ rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi rằng: việc diễn ra trước vấn đề rất "tốt đẹp" đó có việc gì phài bàn cãi cữ tham gia đi chừ còn đặt vấn đề gì nữa. Nhưng trước những sự việc diễn ra theo lộ trình đã định sẵn của BCH Đoàn trường CĐKT Nghệ An mỗi chúng ta không thể suy nghĩ. Có một số vấn đề mà anh chị em SVCG thắc mắc như sau.

- Có mâu thuẫn không khi một tổ chức với quan điểm "vô thần" mà lại tổ chức mừng lễ con Thiên Chúa Giáng Sinh với ý định ban đầu là cho anh chị em SVCG Vinh ?
- Tại sao một chương trình với âm hưởng Giáng Sinh lại bắt buộc phải dựng tượng Hồ Chí Minh và treo cờ đảng "mặc dù anh em SVCG đã có ý kiến" ?
- Nói là tổ chức chương trình mừng Giáng Sinh thể hiện sự quan tâm của đoàn trường của BLĐ nhà trường đến anh chị em SVCG mà lại bắt buộc anh chị em phài thi vào ngày 25/12 đúng vào ngày lễ nghỉ của những người theo đạo ?

Không biết rằng sau chương trình đêm nay các trang mạng truyền thông của TW đoàn, xã hội sẽ nói gì, viết gì để ca ngợi nghĩa cử "tôt đẹp" của trường CĐKT Nghệ An. Nhưng những câu hỏi đặt ra đó cũng không phải biết trả lời như thế nào cho phù hợp. Anh chị em SVCG trong dịp Giáng Sinh này cũng bận rất nhiều việc nào là học hành thi cử, chương trình bác ái cho trẻ mồ côi khuyết tật, ngườ nghèo mừng Giáng Sinh, chương trình "Đêm Anh Sáng"...Nhưng mà chường trình của đoàn trường rất ý nghĩa anh em cần phải tham gia. VÌ rằng không tham gia thì lại nói là "phân biệt lương giáo", lại nói là không đó nhận thịnh tình của "Đảng"... như một số báo đài đã đưa tin, rồi thì anh chị em SVCG học trong trường lài có thẻ bị xét đoán "thế này thế nọ". Phải làm thế nào cho hợp lý đây ?

DƯỚI ĐÂY LÀ CHƯƠNG TRÌNH CỤ THỂ VÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH SÂN KHẤU MÀ ĐOÀN TRƯỜNG CHUẨN BỊ CHO ĐÊM GIAO LƯU

CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM GIAO LƯU VĂN NGHỆ
“MỪNG GIÁNG SINH_ĐÓN NĂM MỚI”

Thời gian vào lúc 19h30-22h00 ngày 20/12/2011
Địa điểm tại hội trường A trường CĐKTKTNA

Nội dung chương trình:
1, Phát biểu khai mạc của đoàn trường CĐKTKTNA
Thầy Lê Viết Vinh bí thư đoàn trường
2, Phát biểu của đại diện đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường
Thầy: Nguyễn Xuân Tạo bí thư đảng ủy, phó hiệu trưởng nhà trường
3, Phát biểu của đại diện ban điều hành SVCG Vinh
4, Văn nghệ (khoảng 6 tiết mục)
5, Bắt thăm và trả lời câu hỏi (khoảng 6 câu hỏi)
6, Văn nghệ (khoảng 4 tiết mục)
7, Bắt thăm và trả lời câu hỏi (nếu còn thời gian,khoảng 4 câu hỏi)
8, Văn nghệ (khoảng 3 tiết mục)
9, Trao quà cho những sinh viên học giỏi,có hoàn cảnh khó khăn và vượt khó trong học tập
Thầy: Nguyễn Xuân Tạo bí thư đảng ủy, phó hiệu trưởng nhà trường
Thầy: Dương Xuân Thao phó bí thư đảng ủy,hiệu trưởng nhà trường
10, Bế mạc.
 
Thông Báo
Thông báo về cuộc Họp Mặt Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh VN Du Học tại Hoa Kỳ 2012
Hương Quê
11:16 20/12/2011
Theo truyền thống tốt đẹp hàng năm và cũng trong bầu khí hân hoan đón mừng Năm Mới. Nhóm Tu Sĩ đang du học tại Hoa Kỳ sẽ về hợp mặt từ ngày 31/12 đến ngày 1/5/ 2012 để gặp gở, trao đổi với nhau tại Houston, TX với gần 100 Nam Nữ tu sĩ đến từ Ba Miền của đất nước Việt Nam, Bắc Trung Nam sum hợp một nhà trong tinh thần anh em huynh đệ tương thân tương ái. Đây là một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa, mỗi người mang một nỗi niềm và một tâm trạng khác nhau, nhưng cách chung họ đã trở về mái ấm với một con tim đầy nhiệt huyết và một hoài bảo muốn xây dựng gia đình tu sĩ Việt Nam nơi đất khách quê người. Chính nơi đây không những giúp cho nhóm tu sĩ thư giản sau những ngày bận rộn với việc học hành mà còn giúp cho họ được học hỏi và đào sâu hơn về đời sống Thánh Hiến. Ngoài ra họ còn được chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước, được cổ vủ tinh thần để phấn đấu hơn.

Những anh chị em tu sĩ này là những người con thân yêu của Giáo Hội Việt Nam được sai đi trong tinh thần vâng lời và phó thác vào tình yêu thương của Chúa quan phòng. Dẩu biết rằng trên bước đường học vấn sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội Việt Nam đó chính là nguồn động lực tinh thần giúp họ không ngừng cố gắng va trau dồi kiến thức với hy vọng sau này về phục vụ Giáo Hội Việt Nam một cách hữu hiệu hơn.

Trong tinh thần chia sẻ và gắn bó, nhóm tu sĩ có tổ chức hai buổi diễn Văn Nghệ vào tối ngày 27/12 tại New Orleans và tối 31/12 tại Houston. Mỗi Miền điều có những nét văn hóa khác nhau, chung cùng với nhau dâng lên những điệu múa dịu dàng, những bài hát thánh ca du dương, những làn điệu Dân Ca thiết tha và lời ca vọng cổ ngọt ngào với mục đích tạ ơn Chúa và nói lên tâm tình tri ân đến Qúy ân nhân đã luôn cầu nguyện, nâng đỡ, động viên cho nhóm tu sĩ. Đây cũng là dịp để giới thiệu nhóm đến Quý Khách gần xa để biết thêm về nhóm và tiếp tục cầu nguyện cho nhóm tu sĩ .

Nguyện xin Chúa chúc lành cho buổi hợp mặt của nhóm tu sĩ được diển ra tốt đẹp, đồng thời dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần họ kính múc được nhiều ơn lành của Chúa, và thu lượm được nhiều bài học qúy giá, để sau đó khi họ trở về nơi học tập của mình họ có thể áp dụng và thực hành những điều mà mình đã học hỏi trong đời sống thiêng liêng cũng như trong cách sống thường ngày và việc học tập.

Này anh, này chị, này em.
Gia đình Hội Ngộ ấm êm tình người.
Nhớ về đoàn tụ chung vui,
Cuộc đời diễn xứ xa nơi quê nhà.
 
Văn Hóa
Chuồng bò
Lm Vũđình Tường
07:10 20/12/2011
Nói đến chuồng bò là nói đến đồng hoang. Chuồng bò có kiến trúc thô sơ, vật liệu tạm bợ. Thứ nào cũng quí, không bắt buộc phải hảo hạng. Hư thì thay. Đơn giản lắm. Chuồng dựng nên bảo vệ bò tránh thú dữ ăn thịt, giúp bò tránh mưa đêm. Bò không chết lạnh gây nên bởi bão tuyết. Tránh muỗi xơi tái làm hại sức khoẻ gia súc.

Xét thế chuồng bò không có chi nổi tiếng. Chuồng bò nổi tiếng không phải vì cách cấu trúc của nó, cũng không phải vì vị thế thiên nhiên của nó, cũng không phải vì các con bò và những chú chăn bò. Chuồng bò nổi tiếng vì người khách trọ qua đêm. Người khách trọ đó đem đến cho chuồng bò một vị thế đặc biệt trong lịch sử cứu độ nhân loại. Vị khách đó đến biến chuồng bò vô danh thành lừng danh. Đồng hoang thành nơi đô hộ, chỗ không người thành nơi tụ họp chung của mọi người. Vị khách đó lôi kéo đến chuồng bò ngoài những mục đồng còn quy tụ nhiều quí tộc, vua chúa, quan quyền. Vị khách đó dẫn đến cả một đoàn thiên thần ngày đêm mừng hát, chúc tụng ngợi khen. Vị khách đó quy tụ cả sao trời dẫn đường đưa lối cho những tâm hồn thiện tâm.

Vị khách đó không sợ bẩn thỉu vật chất, không sợ mùi thum thủm hơi bò thở, không ngại mùi khai của nước tiểu, không quan tâm đến mùi xú uế, đại tiện. Vị khách đó sợ bẩn thỉu tâm linh, sợ ngoa ngôn, vu vạ, cáo gian. Vị khách sợ hằn thù ghen ghét, sợ lập mưu, bày kế hại người, sợ thập giá con người trao tặng, sợ chén đắng con người ép nhau uống. Vị khách quý đến hoán cải tâm linh con người, thay đổi những điều chua ngoa, thiếu thành thật, sửa đường mở lối dẫn con người đi trên đường công chính. Ban bình an cho những tâm hồn thiện tâm. Mừng Chúa Giáng Sinh chính là mời vị khách quí vào trong tâm hồn, đón Ngài vào căn nhà nội tâm và cộng tác với Ngài để biến chuồng bò vô danh lòng ta thành chuồng bò lừng danh mang bình an, hoan lạc lại cho chính mình và người chung quanh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Nhạc phẩm ''Lời Kinh Đêm Noel'' của Phạm Trung
Phạm Trung
14:40 20/12/2011
Xin giới thiệu bản nhạc Giáng Sinh của Phạm Trung "Lời Kinh Đêm Noel"

 
Giáng Sinh dâng gì cho Chúa?
Tuyết Mai
14:53 20/12/2011
Lậy Chúa Hài Đồng Giêsu! Giáng Sinh về chúng con toàn thể nhân loại biết lấy gì để dâng tiến Chúa đây?. Người giầu có thì món quà của họ dâng cho Chúa chắc không ngoài sự khao khát nào hơn là họ biết thương yêu chia sẻ cho tất cả những người khốn cùng, đang cần sự chia sẻ của họ, đánh động từ trái tim biết yêu thương Chúa nhỉ, mà không là đồng tiền dư của họ để họ bố thí. Thiết nghĩ họ làm là vì họ cũng muốn làm quà cho chính họ vì không gì hạnh phúc cho bằng mình có quà đi cho người khác. Mà nhất là những món quà ấy rất được sự hưởng ứng của mọi người và nhất là không ai có thể trả lại được những món quà ấy!. Vì cái ăn cái mặc của những anh chị em khốn cùng này mà họ còn không có thì lấy gì để trả lễ phải không thưa Chúa?.

Chúng con rất ao ước được nhìn thấy những tấm lòng vàng từ những con người giầu có này Chúa ạ!. Vì cái có của họ mới thật quan trọng làm sao!. Vì cái có của họ cũng sưởi ấm được biết bao nhiêu con người ta đang bị tai ương và đang gần cái chết ở tất cả mọi nơi. Đó là lý do tại sao mà giờ này những người giầu có (sống trong tội lỗi) họ vẫn còn tồn tại trước Nhan Thánh Chúa!. Vì Chúa cũng biết rằng họ cũng có trái tim biết nhỏ máu trước cảnh màn trời chiếu đất của tất cả anh chị em khốn cùng đang phải gặp, nhất là trong mùa đông lạnh buốt rất cay nghiệt này.

Vâng, người nghèo thì cần được những bữa cơm nóng!. Cần mền để đắp, áo ấm để che thân, cần thuốc men để chống lại cái lạnh dễ cảm bệnh, và nhất là họ cần tình người. Họ cũng cần được quà cáp từ những tấm lòng nhất là các trẻ em trên toàn khắp thế giới. Chúng cũng cần có một nơi thật ấm áp để tề tựu, để nhóm họp để chào đón Chúa Giêsu chào đời. Ôi, không gì ấm áp cho bằng chúng chứng kiến tận mắt một Con Thiên Chúa, Đấng rất tối cao giáng trần trong hang lừa và nằm trong máng cỏ, sao giống chúng quá!. Đấy là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cho toàn thể con trẻ vì chúng có một Thiên Chúa đến trần gian để an ủi chúng. Cho chúng một món quà tinh thần sẽ làm chúng hạnh phúc suốt cuộc đời còn lại của chúng. Vì chỉ có Chúa Giêsu Hài Đồng mới có thể ban cho chúng niềm hạnh phúc ấy mà thôi!.

Chúa Giáng Sinh thật sự sẽ đem lại món quà quá lớn cho toàn thể nhân loại chúng con Chúa ạ!. Còn món quà nào quý hơn bằng Chính Chúa đến trong thế gian của chúng con. Niềm khao khát ấy đã trải qua bao nhiêu thế kỷ mà từ thời cha ông của chúng con đã trông đợi và Ngài sẽ ở lại với chúng con cho đến muôn đời. Vâng, niềm hạnh phúc cao dâng mà mỗi Mùa Giáng Sinh đến chúng con vui mừng khấp khởi trong lòng vì Niềm Vui từ Trời mà đến. Như Mưa Hồng Ân là những giọt Hạnh Phúc đổ tuôn trong lòng từng người chúng con Chúa Giêsu ạ!. Hạnh phúc ấy lan tỏa ở khắp mọi nơi mà chúng con đến. Hạnh phúc ấy không tìm thấy có được trên thế trần này. Hạnh phúc ấy chỉ tìm được khi chính mắt chúng con được nhìn thấy Một Chúa Hài Đồng nằm đơn lạnh trong máng cỏ trong hang lừa.

Chúa đến trong thế gian, Ngài dậy chúng con có lòng thương cảm. Ngài dậy chúng con phải sống rất khiêm nhường. Ngài dậy chúng con phải biết chia sẻ. Ngài dậy chúng con phải biết cúi mình thấp hơn nữa, vì chúng con là ai so với Một Thiên Chúa, Đấng rất tối cao, mà còn sinh hạ trong chốn hôi hám, không gì sưởi ấm cho Ngài ngoài những con vật dơ bẩn sống trong ấy!.

Thế trong ngày Sinh Nhật của Chúa, Chúa mong mỏi và chờ đợi những gì nơi chúng con?. Có phải là những tấm lòng rất chân thật?. Có phải là những món quà mà chúng con trao cho nhau mà anh chị em của chúng con không có thể đáp trả?. Có phải là sự yêu thương đi đến nhà của nhau, đến cùng khắp mọi nơi để thăm hỏi những ai đang cần tình thương của chúng con?. Nơi mà họ không còn ai là người thân thương. Nơi mà tất cả mọi thứ chỉ là tấm thân trần truồng và đầy bệnh tật. Nơi mà trẻ em sống như là loài súc vật. Nơi những núi rác bẩn thỉu thối tha, cầu cống, hầm cầu, nghĩa trang, hoặc bất cứ nơi đâu chúng có thể trú thân, và v.v.v…..

Vâng thưa lậy Chúa Giêsu Hài Đồng! Chúng con tất cả sẽ cố gắng dâng tiến Chúa món quà từ Trái Tim rách nát, rất bệnh hoạn, và yếu hèn của chúng con. Không có của thì chúng con sẽ góp công, góp sức khỏe, thời giờ, và khả năng Chúa ban cho từng người chúng con. Đến với người như thể chúng con tìm đến với Chúa. Gặp gỡ người như thể chúng con gặp gỡ Chúa. Đút cơm cho người ăn như thể chúng con cho Chúa ăn. Thăm viếng người như thể chính chúng con đến thăm viếng Chúa. Cho người niềm vui là chính chúng con cho Chúa niềm vui. Và ngược lại chúng con được gì trong niềm chia sẻ ấy?. Cảm tạ Chúa Giêsu! Chúng con nhận được món quà còn lớn hơn sự gì trần gian có thể trao ban. Món Quà mà chúng con sẽ nhận được Đó chình là Sự Bình An, Tình Yêu Thương, Hạnh Phúc ngút ngàn do chính Chúa làm quà cho chúng con. Amen.

Vinh Danh Thiên Chúa trên khắp tầng trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
 
Giáng Sinh Năm Ấy!
Giuse Thẩm Nguyễn
17:49 20/12/2011
Giáng Sinh Năm Ấy!

Sau 30 tháng 4 năm 1975 khi Miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay Cộng Sản thì tôi và những anh chị em Sĩ Quan phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa phải đi tù cải tạo. Tôi bị nhốt ở Hốc Môn, một căn cứ Công Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong khu ngoại ô Sài Gòn.

Chúng tôi bị lừa bởi chính sách cà-lăm của chính quyền Cộng Sản Việt Nam khi họ kêu gọi mang thức ăn đủ cho mười, mười, mười…. ngày. Chúng tôi phải ngồi nghe những anh cán bộ chính trị lên lớp mỗi ngày. Những anh cán bộ này có cùng một giọng điệu ngớ ngẩn giống nhau, như những cái loa tuyên truyền. Họ học thuộc lòng như con vẹt: nào là chính sách nhà nước, nào là chủ nghĩa xã hội, nào là Kác-Mác, nào là Lê-nin… Nếu đặt câu hỏi là họ bị bí liền, và khi bí thì họ chụp ngay cho người hỏi một cái mũ phản động. Sau ở lâu, chúng tôi còn khám phá ra một điều là nữa là anh cán bộ nào khi vào lớp cũng có một cái cặp đeo ngang vai, mà trong cặp thì chẳng có gì. Đúng là cái cặp Xã Hội Chủ Nghĩa. Thêm nữa mỗi anh lại phải sắm cho mình một cây viết, gài lên túi áo để chứng tỏ là mình cũng biết chữ.

Từ ngày bị nhốt vào đây, sau bao nhiêu cái “mười ngày” qua đi, tôi không còn hy vọng gì được thả về nữa rồi.Trong cái tâm trạng vô vọng, rối bời như thế thì Giáng Sinh lại về .

Tôi và các bạn tù đã đón mừng Chúa Giáng Sinh dưới gầm những chiếc xe nhà binh cũ ở trại Hốc Môn. Mùa Giáng Sinh năm ấy thời tiết thay đổi bất thường. Sài Gòn trở lên lạnh hơn mọi năm. Lạnh ở ngoài trời và lạnh cả trong lòng. Cái lạnh đêm đông lại buốt gía hơn khi phải xa nhà trong cảnh tù tội, đói rách, nằm ngủ dưới đất không chăn chiếu.

Nỗi nhớ nhà làm cho lòng người chùn xuống. Những người Công Giáo lặng lẽ nhìn lên trời cao, ước ao được đi xưng tội để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa, được đến nhà thờ bái lạy Chúa. Những người khác thì gục đầu nhớ về những cuộc vui Giáng Sinh năm xưa. Tất cả những ước mơ, kỷ niệm đó bây giờ đang bị chôn vùi dưới gầm những chiếc xe nhà binh cũ này.

Nghĩ lại và thấy hối hận vô cùng vì bao năm được sống trong tự do tôi đã không chuẩn bị đón Chúa một cách có ý thức và chu đáo. Đã có những năm tôi bỏ xưng tội rước lễ, tôi bỏ lễ Giáng Sinh để dành hết thời gian cho những cuộc vui, những cuộc truy hoan, những đam mê tuổi trẻ. Tôi hối hận vì đã không dùng thời gian và hoàn cảnh Chúa ban cho mình để thờ phụng Chúa. Tôi hối hận vì đã đánh mất bao nhiêu mùa Giáng Sinh, hối hận vì đã đánh mất tuổi trẻ vào những cuộc vui vô bổ.

Mọi người, kẻ ngồi buồn so ôm đầu, kẻ nằm co co run rẩy vì lạnh gía chờ đợi những giây phút linh thiêng của đêm Mừng Chúa Giáng Sinh. Không gian u tịch, tăm tối vì thiếu ánh điện, vì lòng người hoang mang trống vắng. Thế rồi tiếng chuông nhà thờ quanh vùng Sài Gòn vang lên. Ôi! Tiếng chuông thân quen kỳ diệu, tiếng chuông bay vút lên cao, tiếng chuông ngân nga thánh thót. Không gian bao la mà tiếng chuông như bị ngăn cách bởi hàng rào kẽm gai, tiếng chuông đã trở thành nhửng lưỡi gươm đâm thâu những tâm hồn tù nhân giữa đêm khuya. Tiếng chuông làm tắc nghẹn tiếng nấc ai oán của bác tù gìa, với chòm râu rung rung đang ôm cái bánh xe máy cày trong đêm sương rơi lạnh buốt.

Tiếng chuông đã dứt từ lâu mà những người tù vẫn còn thao thức. Một anh bạn tù, là một nhạc sĩ có tài, đã gõ nhẹ vào những cái đinh ốc được treo dưới gầm xe tạo nên âm thanh của bản nhạc Đêm Thánh Vô Cùng. Silent night, Holy Night. All is calm, All is bright…. Âm thanh ấy như xoáy vào tâm hồn chúng tôi, rồi vài người lại sụt sùi, nức nở khóc.

Chính giây phút cô đơn và lạnh lẽo này tôi lại nghĩ đến Chúa. Tôi cảm được cái lạnh của Chúa trong hang Belem vào đêm Giáng Sinh năm xưa. Tôi nghĩ đến cảnh Thánh Giuse và Mẹ Maria bị từ chối, bị hất hủi nơi các quán trọ. Tôi nghĩ đến cuộc hành trình vô định của Gia Đình Thánh vào đêm đông ấy. Tôi nghĩ đến những bước chân lầm lũi trong gió đông giá buốt mà không biết là đi đâu và cuối cùng thì đành tạt vào hang đá lạnh dành cho thú vật ngoài đồng. Ôi! Chúa Hài Đồng đã sinh ra trong thế gian như thế sao? Tôi thấy thương Chúa quá. Chính đêm ấy tôi đã đón Chúa vào lòng tôi và Chúa đã chia xẻ với tôi thân phận của một người tù. Chúa đem cho tôi niềm tin trong lúc tuyệt vọng. Chúa đã đồng hành với mọi người, nhất là những người khốn khổ như chúng tôi.

Chúa đến thế gian để làm người, không phải là người giàu có cao sang, không ở trong cung đình gác ngọc vì thế nếu tôi tìm Chúa ở những nơi đó tôi sẽ không gặp Người. Chúa đến để đem bình an xuống những tâm hồn ngay thẳng đơn sơ, những người nhỏ bé, những em bé ngây thơ, những người cô đơn nghèo khó, những cụ gìa bị con cái hất hủi, những kẻ không nhà, những người bị tù đày và những người tội lỗi đang ăn năn hối cải.

Đêm Giáng Sinh năm 1975 ấy, mặc dù tôi không được đến nhà thờ, không được hát Thánh Ca Giáng Sinh, không được ăn tối chung với gia đình nhưng tôi lại cảm nhận Chúa đã đến với tôi, Chúa đã thực sự an ủi tôi. Tôi đã khóc với Chúa và lúc đó chỉ có một mình Chúa chia sẻ nỗi buồn của tôi mà thôi. Tôi tìm ra một điều là không có gì có thể ngăn cản được Chúa đến với tôi nếu tôi thực sự mở tâm hồn ra và ao ước đón Chúa. Trong đời sống, tôi cần có những giây phút yên tĩnh, giữ cho tâm hồn lắng đọng để cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa.

Từ Giáng Sinh năm ấy tôi bắt đầu nhận ra Chúa trong cuộc sống của tôi. Chúa đã an ủi và cùng đi với tôi trong bao năm dài trong trại tù cải tạo. Tôi đã biết lần hạt Mân Côi, biết đọc Kinh Thánh, biết nhìn lên trời để tôn vinh, cảm tạ những hồng ân Chúa đã và đang ban cho tôi.

Biết bao anh em tù đã tự tử vì thất vọng. Biết bao nhiêu người đã chết dần chết mòn, đã trở nên điên khùng vì mất niềm tin. Đi tù cải tạo, gia đình tan nát và ngày về lại vô định thì tìm cái chết là cách giải quyết mà họ nghĩ là tốt nhất. Nhưng may mắn cho tôi, tôi thì không thất vọng vì niềm tin của tôi là Chúa. Tôi đã có Chúa trong lúc khó khăn ấy và Chúa chính là niềm hy vọng duy nhất của tôi. Chúa đã thực sự nâng đỡ tôi qua bàn tay quyền năng của Ngài.

Chính Chúa đã thêm sức cho tôi để tôi vượt qua những năm tháng tù đày. Chúa lại thương gìn giữ gia đình tôi, vợ tôi và các con của tôi, để khi tôi được ra khỏi tù, Chúa lại cho chúng tôi đoàn tụ trong một đất nước tự do. Chúa ban cho chúng tôi dư đầy. Ôi, Lạy Chúa, con biết lấy gì để cảm tạ Chúa về bao hồng ân Ngài đã ban cho chúng con đây!

Bây giờ mỗi lần lễ Giáng Sinh về tôi lại được dịp nhớ lại đêm Giáng Sinh kỳ diệu ấy. Đêm Giáng Sinh mà tôi thực sự đã có Chúa. Tôi muốn dành cho Chúa một món quà sinh nhật thật tuyệt vời. Quà sinh nhật tôi dâng lên Chúa là một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, thánh thiện và một cuộc sống dấn thân làm chứng nhân tình yêu của Chúa nơi anh em mình. Không thể đón Chúa mà lại làm ngơ trước những khổ đau của anh em vì Chúa đang sống và chia se nỗi đau của những người cùng khổ.

Lạy Chúa, con vui mừng và chúc tụng Chúa trong ngày kỷ niệm Giáng Sinh của Chúa. Xin Chúa luôn ở cùng con và hướng dẫn con tiến bước theo lối bước của Ngài .

Chúa ơi, con yêu mến Chúa.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đêm Mưa Vọng Giáng Sinh
Nguyễn Bá Khanh
23:10 20/12/2011
ĐÊM MƯA VỌNG GIÁNG SINH
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Bây giờ đã thấy ánh sao
Đưa đường tìm Đấng Tối Cao muôn đời
Con quỳ lạy Chúa Ngôi Lời
Cho con biết sống trọn đời "xin vâng".
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền